Biến thể Delta cướp đi hơn 2 điểm GDP của Việt Nam trong năm 2021. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới tháng 10/2021 giảm dự phóng tăng trưởng của Việt Nam đang từ 4,8 % xuống còn từ 2 đến 2,5 % do "những bất cập và sự chậm trễ trong biện pháp chống dịch".
Khách hàng đi mua sắm đồ tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/10/2021. Reuters - Sringer
Việt Nam vấp phải hai trở ngại để có thể nhanh chóng bình phục như mùa xuân 2020, song Covid-19 cũng là một cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này trở thành một nền kinh tế "phát triển hơn". Trên đây là phân tích của kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới tại Hà Nội, Jacques Morisset trong bài trả lời phỏng vấn qua điện thoại dành cho RFI tiếng Việt.
RFI : Công tác tại Hà Nội từ hai năm nay, thưa ông Jacques Morisset, câu hỏi đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới đánh giá thế nào về mức độ sụt giảm đột ngột của kinh tế Việt Nam năm nay, đến nỗi mà lần đầu tiên, định chế tài chính đa quốc gia này giảm dự phóng tăng trưởng đến hơn hai điểm trong chưa đầy hai tháng ?
Jacques Morisset : Để hiểu được tình hình hiện tại ở thời điểm cuối 2021, chúng ta cần nhìn lại 2020 : Tăng trưởng của Việt Nam năm ngoái là 2,9 %. Đó là một trong những thành tích cao nhất so với tất cả các quốc gia khác. Phải nói là năm ngoái, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chận dịch lây lan với những quyết định y tế vừa sớm, vừa thích hợp. Nhờ vậy đã nhanh chóng phục hồi. Bước sang đầu năm nay, tại sao kinh tế lại lao đao ? Thống kê của quý ba 2021 cho thấy GDP giảm 6,17 %. Từ 40 năm qua, chưa khi nào tăng trưởng của Việt Nam lại tệ như vậy. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này ở số âm và cũng chưa bao giờ các hoạt động kinh tế lại giảm mạnh đến mức độ này. Tất cả mọi người, kể cả Ngân Hàng Thế Giới đều đã ngỡ ngàng.
RFI : Vì sao kinh tế Việt Nam đổ dốc mạnh trong 9 tháng đầu 2021 ?
Jacques Morisset : Thứ nhất là do y tế và thứ hai là kinh tế. Về y tế, cuối tháng Tư năm nay, biến thể Delta lan mạnh, dịch Covid-19 bùng phát vào lúc mà Việt Nam không sẵn sàng để đối phó. Có nghĩa là khi đó, tỷ lệ tiêm ngừa của Việt Nam rất thấp, nếu không muốn nói là con số không. Thêm vào đó là thái độ thả lỏng trước tình hình dịch tễ. Đầu 2020 Việt Nam cho xét nghiệm đại trà nhưng do có rất ít trường hợp dương tính nên đã lơ là vì cho rằng Covid-19 đã thuộc về quá khứ. Chẳng ngờ lại phải đối mặt với biến thể Delta. Nguyên nhân thứ hai là kinh tế : năm nay chính quyền đã không sẵn sàng đưa ra những quyết định để ngăn chận hậu quả khủng hoảng y tế gây nên. Thí dụ về ngân sách : Việt Nam vẫn dư thừa ngân sách vào thời điểm mà nhẽ ra phải nới lỏng chi tiêu để giới hạn những hệ quả về kinh tế, về xã hội Covid-19 gây nên. Trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam bội thu ngân sách : Việt Nam vẫn cứ tiết kiệm chi tiêu và để dành.
RFI : Giới phân tích đã nhấn mạnh nhiều đến những biện pháp chống dịch không phù hợp và thậm chí là đã được chính phủ Việt Nam ban hành quá trễ ?
Jacques Morisset : Cuối tháng Tư vừa qua, phản ứng của chính phủ không dứt khoát như ở vào hồi đầu năm 2020. Thí dụ như trong miền nam, các biện pháp cách ly, giới hạn đi lại không được ban hành ngay lập tức. Phải đợi nhiều tuần lễ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận mới bị phong tỏa. Trong khi đó thì virus lây lan : cuối tháng 5 –đầu tháng 6 số ca dương tính với virus corona đã rộ lên. Kế tới về mặt kinh tế, cũng đã có những bất cập : nhẽ ra là phải nhanh chóng hỗ trợ những thành phần bị tác động qua các chương trình xã hội. Nhưng mãi đến đầu tháng 7, những biện pháp giúp đỡ đó mới đến tay người dân, tức la có một sự chậm trễ từ hai đến ba tháng kể từ đầu khủng hoảng.
RFI : Sau ba tháng phong tỏa chặt chẽ, Việt Nam đang bắt đầu mở cửa lại, chính vì nhờ có vac-xin. Nhìn lại giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021 mọi sinh hoạt gần như ngừng lại hoàn toàn nhất lai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Các cửa hàng, hàng quán, công sở đóng cửa tòa bộ.. Giờ đây Việt Nam có hy vọng nhanh chóng bật dậy như năm 2020 ?
Jacques Morisset : Đà phục hồi vấp phải hai trở ngại : Rất nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian khủng hoảng với các sinh hoạt kinh tế hoàn toàn bị tê liệt như vừa nói trong gần ba tháng. Những hộ gia đình nghèo, không có tiền tiết kiệm thì họ không có phương tiện để chi tiêu trong những tháng tới. hệ quả kềm theo, là tiêu thụ nội địa không chóng phục hồi, đơn giản là vì một phần dân dư không có tiền. Thêm vào đó là tâm lý lo âu, không biết dịch sẽ kéo dài tới khi nào, kinh tế có chóng phục hồi hay không … thành thử người dân không dám mạnh dạn chi tiêu. Khuynh hướng chung là người ta để dành tiền tiết kiệm. Trong khi đó, từ nhiều thập niên qua, tiêu thụ nội địa là một trong những cột trụ của tăng trưởng Việt Nam. Do vậy Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi trong ngắn hạn đà phục hồi sẽ ở mức trung bình.
Trở ngại thứ nhì, như đã biết, xuất khẩu là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, vậy mà từ đầu năm đến nay, hoạt động trong ngành bị khựng lại, thậm chí là sụt giảm đôi chút vì những lý do như sau : dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy công nghiệp phải đóng cửa ; tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng chịu tác động do các phí tổn chuyên chở hàng hóa tiên tục tăng lên từ nhiều tháng qua. Với hai trở ngại này, theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam lần này không được tốt như hồi năm 2020.
RFI : Vậy Việt Nam phải làm gì để vượt qua được hai trở ngại đó ?
Jacques Morisset : Như vừa nói, động lực tăng trưởng của Việt Nam từ nhiều năm qua, không phải là Nhà nước, mà là do lĩnh vực kinh tế tư nhân, do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tăng trưởng của Việt Nam có thể trông cậy nhiều hơn vào chính phủ. It ra là trong ngắn hạn. Có điều Việt Nam chưa sẵn sàng. Lĩnh vực công vẫn còn bị kẹt vì một số yếu tố, thí dụ như là về hành chính, thiếu một sự phối hợp giữa cấp trung ương và các địa phương. Trong trường hợp cụ thể của chính sách trợ cấp xã hội chẳng hạn, chính phủ thiếu những thống kê đầy đủ để xác định ai là những thành phần cần được giúp đỡ, để viện trợ nhanh chóng đến tay những người này.
RFI : Sau kinh nghiệm những tháng qua, Ngân Hàng Thế Giới đánh giá như thế nào về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới ?
Jacques Morisset : Đây là một cuộc khủng hoảng nhất thời, như với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Câu hỏi còn lại là dịch bệnh này sẽ kéo dài bao lâu. Không riêng gì Việt Nam, mọi người đều mong mỏi đẩy lùi được Covid-19, tình hình sáng sủa hơn. Các dự báo cho năm 2022 có khuynh hướng khả quan hơn trước viễn cảnh phần nào kiểm soát được virus corona. Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6 % cho năm 2022.
Chúng tôi lạc quan bởi vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại. Những yếu tố đó là ổn định về đối nội, Việt Nam kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua… Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc. Tuy nhiên bênh cạnh đó tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để chính phủ tiến hành những biện pháp cải tổ cần thiết về mặt cơ cấu để Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong những năm sắp tới. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đẩy mạnh những phát minh về công nghệ, nâng cao đầu tư vào công việc đào tạo nhân sự".
RFI : Xin một câu hỏi chót, trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu chuyển hướng, di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc- một phần do tác động từ xung khắc thương mại Mỹ- Trung. Nhật Bản chẳng hạn đã khuyến khích các tập đoàn đi tìm những bãi đáp mới, mà Việt Nam là một điểm đến được quan tâm. Covid-19 có nguy cơ làm mất đi sức thu hút đó của Việt Nam hay không ?
Jacques Morisset : Chúng ta cần phân biệt xu hướng chung với những khó khăn nhất thời. Từ trước đại dịch, một phần do căng thẳng Mỹ-Trung, nhiều công ty đã di dời cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng đó sẽ tiếp tục bởi vì Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh tương đối chẳng hạn như là nhân công rẻ … và những yếu tố đó vẫn tồn tại. Điều này giải thích vì sao đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó thì có yếu tố ngắn hạn cũng khá tiêu biểu. Năm ngoái, Việt Nam hưởng lợi nhưng năm nay tình huống đang bất lợi cho Việt Nam : Năm 2020 khi nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa, Việt Nam với những biện pháp ít nghiêm ngặt hơn đã thúc hối nhiều doanh nghiệp đưa một số hoạt động sang Việt Nam. Ngành dệt may chẳng hạn đã chuyển một phần khâu sản xuất từ Bangladesh hay Mêhicô qua Việt Nam. Ngược lại năm, do Việt Nam bị nặng về mặt y tế, nhiều khu vực công nghiệp phải tạm đóng cửa, thậm chí là một số hải cảng cũng đã ngừng hoạt động hồi tháng Tư vừa qua … Địa bàn sản xuất có phần dời Việt Nam sang những khu vực khác. Nhưng đó chỉ là những thay đổi trong ngắn hạn.
RFI : RFI Việt ngữ thành thật cảm ơn ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 19/10/2021
Sau 2 năm vật lộn với dịch Covid-19, tình hình kinh tế Việt Nam đang đứng trước viễn ảnh u tối nhất kể từ khi Đổi mới 35 năm trước đây (1986).
Tình hình kinh tế Việt Nam đang đứng trước viễn ảnh u tối nhất kể từ khi Đổi mới 35 năm trước đây (1986). Ảnh minh họa Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ Khánh Hội
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam thì : "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04% ; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02% ; khu vực dịch vụ giảm 9,28%".
Tin xấu lan nhanh
Suy ra từ tin xấu này, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 7/10/2021 :
"Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay ; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).
Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn ; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao ; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề ; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021".
Bức tranh kinh tế-xã hội ảm đạm này là bằng chứng cho thấy đã có ít nhất 50 triệu người ở tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên đang lâm vào cảnh thất nghiệp ngắn hoặc dài hạn, theo ước tính của các chuyên gia kinh tế. Tình hình này sẽ không thay đổi, hoặc tồi tệ hơn trong năm 2022, vì Việt Nam đã chậm ưu tiên chích ngừa lực lượng lao động và khối công nhân tại các trung tâm công nghiệp, nhất là ở vùng thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Trước mắt có ít nhất 1,3 triệu công nhân mất việc ở Sài Gòn và các tỉnh ở trong Nam do bỏ chạy về quê lánh nạn từ ngày tháng 7 đến ngày 15/9/2021, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Chi tiết phổ biến cho biết :
"Khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam".
Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.
Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm ; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh" (VnExpress, 12/10/2021).
Nhưng sau khi đã hồi cư rồi, số công nhân thất nghiệp sẽ sống ra sao, trong khi ngày Tết đã gần và các doanh nghiệp lại thiếu công nhân là bài toán sản xuất nan giải của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Bằng chứng tại phiên họp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết :
"Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu, trong đó có GDP ước chỉ đạt 3,5-4% (mục tiêu là khoảng 6%).
Tuy năng lực và khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Trong khi đó, còn tiềm ẩn nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, khu vực ; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục là nguy cơ thường trực" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 12/10/2021).
Tiếng nói từ trong nước
Vì vậy, theo Ngân hàng phát triển Á Châu (Asian Development Bank-ADB) thì mức phát triển kinh tế của Việt Nam hết năm 2021 sẽ giảm dưới 5% thay vì tăng 5,8% như dự kiến hồi tháng 7/2021.
Theo tin của Chính phủ Việt Nam thì việc tháo gỡ giãn cách để từng bước phục hồi phát triển kinh tế sẽ được thực hiện từ tháng 10/2021. Tuy nhiên các doanh nghiệp không hy vọng có thể phục sức nhanh chóng vì thiếu công nhân, từ sau các đợt công nhân bỏ chạy về quê lánh dịch.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ Sài Gòn) cho biết :
"Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong quý III là 43.600-56.800 người. Con số này trong thời gian tới ở Bình Dương là khoảng 40.000-50.000 người.
Còn Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết có 28 doanh nghiệp đã tham gia sàn giao dịch trực tuyến với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động. Nhu cầu lao động phổ thông lên đến hơn 4.500 người" (Zing.vn, 8/10/2021)
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo Việt Nam phải thận trọng trong quyết định này để tránh rủi ro không lường trước được.
Do đó, theo báo VietTimes thì : "Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh và có lộ trình rõ ràng để mở cửa lại nền kinh tế thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được".
Quốc hội Việt Nam dự trù họp vào ngày 20/10/2021 để thảo luận các biện pháp cứu nguy kinh tế.
Những tin không sáng về tình hình bệnh dịch còn lây lan ở nhiều nơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch và giao thông. Bằng chứng này đã phản ảnh khá đấy đủ trên các báo ở Việt Nam trong thời gian hai tháng 8 và 9 (2021) như sau :
Thời báo Kinh tế Việt Nam viết ngày 22/09/2021 :
"Bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều gam màu trầm, nhiều chỉ số vĩ mô bị kéo tụt bởi dịch Covid-19. Trong đó, lần đầu tiên GDP hàng quý ghi nhận mức tăng trưởng âm ; nhập siêu hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng ; ngành du lịch bị đóng băng hoàn toàn.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ tính từ đầu năm đến hết 15/9/2021 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 455 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 225,198 tỷ USD ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 229,384 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 4,186 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9/2021 (từ 01/09 – 15/09) đạt 11,57 tỷ USD, giảm 27,1% so với kỳ 2 tháng 8/2021".
Đến ngày 25/09/2021, Thời báo Kinh tế Việt Nam chạy tựa bài "Doanh nghiệp đối mặt với thách thức duy trì sản xuất, giữ chân lao động". Giải thích thêm, báo này tiết lộ : "70,6% doanh nghiệp gặp khó khăn trong "đảm bảo khả năng cạnh tranh", 39,9% doanh nghiệp khó "tuyển dụng lao động", 34% chật vật "thực hiện các hợp đồng đã ký kết", 28,8% doanh nghiệp lo duy trì được sản xuất kinh doanh...".
Tình trạng này còn được phản ảnh ngày 21/09/2021 trên Tạp chí Nông Nghiệp : "Không chỉ các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp còn khốn đốn duy trì sản xuất "3 tại chỗ" hiện đã gần như kiệt sức vì chi phí sản xuất quá lớn".
Biện pháp "3 tại chỗ" gồm : ăn, ngủ và làm việc ngay tại cơ sở đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải chi phí cho đầu vào quá lớn so với khi chưa có bệnh dịch. Thêm vào đó, do phải ở tại chỗ lâu dài nên có nhiều công nhân lâm cảnh "tâm thần" gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Báo VietTimes viết :
"Sự bùng phát của biến chủng Delta từ cuối tháng 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã đảo ngược hoàn toàn bức tranh kinh tế lạc quan của Việt Nam nửa đầu 2021.
Hàng loạt các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay về mức dưới 5%.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh và có lộ trình rõ ràng để mở cửa lại nền kinh tế thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được".
Xuất khẩu đã giảm 5,8% trong tháng 8 do tác động của các đợt giãn cách xã hội khiến các nhà máy phải đóng cửa, ngừng sản xuất.
Dù tính chung tám tháng đầu năm vẫn tăng hơn 20% nhưng khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu đến hơn 20 tỉ USD, trong khi khối doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 16,7 tỉ USD. Ngược với năm 2020, cán cân thương mại đang bị thâm hụt hơn 3,71 tỉ USD".
Kinh tế đóng băng ?
Trong khi đó, tình hình kinh tế ở miền Bắc Việt Nam cũng không sáng sủa gì, dù lây nhiễm bệnh dịch ít hơn trong Nam.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 20/09/2021 thì :
"Chỉ tính riêng trong tháng 8, Thành phố Hà Nội có 1.077 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 244 doanh nghiệp giải thể ; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trung bình mỗi ngày trong tháng có hơn 33 doanh nghiệp rút lui gây ra hệ lụy là có hàng nghìn lao động phải đối mặt với nguy cơ ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập".
Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã gửi đến Chính phủ, các cơ quan Bộ, Ban, Ngành trung ương lời cảnh giác "Giãn cách cứng nhắc : Đứt gãy sản xuất, đe dọa an sinh xã hội" :
"Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình "ba tại chỗ" và "một cung đường – hai điểm đến" một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng "ăn" và "nghỉ" không được thiết kế từ đầu. Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… nơi bị phong tỏa bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động. Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm "hàng thiết yếu" ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa, cụ thể : Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy cung lao động và nguyên vật liệu. Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển. Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, chi phí đáp ứng điều kiện sản xuất quá cao".
Bằng chứng đã được báo Người Đưa Tin ngày 26/09/2021 cho biết :
"Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp ngành du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng mà chỉ có khách trong nước không có khách quốc tế. Khách quốc tế đóng cửa từ tháng 3/2020 đến giờ, nếu có thì chủ yếu là chuyên gia. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, hầu như là dừng hết, đóng cửa 100%.
Nhiều hệ thống trung tâm du lịch, giải trí từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa thì đến tháng 6/2021 tất cả chỉ là con số 0, hàng vạn lao động doanh nghiệp và lao động thất nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho hay, tình hình du lịch đến cuối năm còn khó nữa, dự báo du lịch mất hết năm 2021 này và bắt đầu từ tháng 1/2022 mới hồi phục được. Và đây là dự báo rất xấu".
Nông lâm điêu đứng
Bước sang lĩnh vực nông, lâm nghiệp, những ách tắc trong giãn cách cứng nhắc cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho sản phẩm nông và lâm nghiệp. Bằng chứng đã xuất hiện trên trang báo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam : "Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người ta lại lao vào "giải cứu" nông sản, nhưng có lẽ người nông dân cần là một giải pháp bền vững cho thị trường này".
Báo này nêu tỷ dụ : "Những ngày này, về huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím (xuất khẩu) ở đây đã xuống giá ở mức kỷ lục chỉ còn khoảng 650 đồng/kg, với mức giá này, người nông dân trồng khoai thua lỗ nặng nề.
Nỗi xót xa của người trồng khoai ở huyện Bình Tân càng nhân lên gấp bội khi họ phải chứng kiến những ruộng khoai đã quá kỳ thu hoạch, nhưng đồng ruộng vẫn vắng bóng người, các chủ ruộng để mặc khoai ngoài đồng vì có thu hoạch lại mất thêm tiền công thuê người".
Đến ngày 18/07/2021, báo Đồng Tháp online loan tin :
"Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đúng vào thời điểm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch nông sản, nông dân gặp nhiều trở ngại, khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu nông sản thu hẹp, thị trường tiêu thụ trong nước chật vật do chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy...
Lúa gạo được xem là mặt hàng "miễn nhiễm" trước 3 đợt dịch Covid-19. Vậy nhưng, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, giá lúa giảm mạnh khiến nông dân vô cùng lo lắng".
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thì : "Vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh xuống giống trên 187.200ha. Hiện các diện tích giai đoạn thu hoạch rộ tập trung tại các huyện : Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình với giá lúa chất lượng cao tại ruộng là 6.000 đồng/kg, lúa IR50404 giá 5.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước".
Nhưng không chỉ có lúa xuống giá mà nhiều loại trái cây cũng chịu chung số phận. Nhiều thương lái đã bỏ cả tiền cọc không đến mua khiến nông dân điêu đứng.
Đó không chỉ là nỗi xót xa riêng của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà của cả nền kinh tế. Bởi vì chừng nào Nhà nước chưa biết sống chung hiệu quả với dịch Covid 19 như các nước khác thì doanh nghiêp không thể ngóc đầu lên được.
Phạm Trần
(12/10/2021)
Việt Nam chống dịch hỗn loạn : Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy !
Bình Phương, SaigonnhoNews, 01/10/2021
Nhiều công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường thế giới đang tìm cách di chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam, sang Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng vì những thiệt hại to lớn mà họ phải gánh chịu do chính sách phong tỏa kéo dài để chống dịch của nhà cầm quyền Hà Nội.
Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất giày thể thao Nike ở Sài Gòn. Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm cho Nike mất đi 10 tuần sản xuất, tương đương 100 triệu đôi giày và công ty đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc (Ảnh : Peter Charlesworth/LightRocket/Getty Images)
Trong thời gian thương chiến Mỹ – Trung, các nhà sản xuất đã tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và dồn tới Việt Nam do bị thu hút bởi mức lương thấp và tiếng đồn chính phủ thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các lệnh cấm nghiêm ngặt của chính phủ Hà Nội để ngăn chặn làn sóng truyền nhiễm của Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất kể từ Tháng Bảy. Cuộc "phong tỏa" kéo dài đã buộc các công ty như Nike Inc. và Lululemon Athletica Inc. phải chuyển sản xuất sang các quốc gia khác và khiến một số doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở Việt Nam, tờ báo kinh doanh The Wall Street Journal cho biết.
Công ty Nike sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại Việt Nam, tuần trước cho biết họ đã mất 10 tuần sản xuất ở đó vì nhà máy ngừng hoạt động. Theo BTIG Llc, một công ty môi giới của Mỹ, mất 10 tuần sản xuất có nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày Nike không được xuất xưởng. Hiện Nike dự đoán nhu cầu các sản phẩm của Nike sẽ vượt quá nguồn cung trong tám tháng tới.
"Kinh nghiệm của chúng tôi về việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid cho thấy việc mở cửa trở lại và tăng trở lại quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian", ông Matt Friend, Giám đốc tài chính của Nike, cho biết vào tuần trước. Công ty cho biết họ đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam thực hiện hồi cuối Tháng Tám với gần 100 đại diện của các công ty trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một phần năm đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác.
Ông Jonathan Moreno, trưởng nhóm phụ trách mảng sản xuất và dây chuyền cung ứng của AmCham, cho biết : "Mọi người đang nhận ra rằng, cho dù là Trung Quốc hay Việt Nam, bạn không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Từ quan điểm chuỗi cung ứng, bạn không nên để dễ bị tổn thương bởi một quốc gia".
Các doanh nghiệp phương Tây vẫn đang đoán già đoán non về việc khi nào Việt Nam sẽ dỡ bỏ các quy định hạn chế sản xuất, bao gồm cả việc buộc các nhà máy phải cho công nhân của họ sống bên trong cổng để cách ly với xã hội, hoặc trong một số trường hợp, đóng cửa hoàn toàn nhà máy. Trong các tuyên bố công khai, một số quan chức nói rằng các hạn chế sẽ kéo dài đến Tháng Tám hoặc giữa Tháng Chín, nhưng rồi những thời hạn đó trôi qua mà không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách phong tỏa.
Chính phủ Việt Nam – năm ngoái khá yên tâm với thành công trong việc điều trị Covid-19 cho khoảng 1,500 trường hợp nhờ phong tỏa một phần xã hội – đã rất chậm trễ trong việc đặt mua vaccine, chậm hơn nhiều quốc gia khác. Gần đây Bộ Y tế Việt Nam dường như đã thừa nhận sai lầm về chính sách vaccine, đã làm chậm việc mua vaccine. Ngày nay, mới chỉ có khoảng 9% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ so với 65% người Cambodia, theo dữ liệu của Our World in Data.
Năm nay, nhà chức trách Việt Nam, mất cảnh giác trước sự bùng phát dữ dội của các đợt dịch mới, đã quay trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa và ngăn chặn. Vào Tháng Sáu và Tháng Bảy, khi có thông tin rõ ràng rằng biến thể Delta của coronavirus đang lây lan rộng trong cộng đồng dân cư nơi có ít hơn 1% dân chúng được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ Hà Nội đã áp đặt các hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn trước, gây khó khăn hơn nhiều so với một số quốc gia có lĩnh vực sản xuất lớn khác.
Ở phía Nam của đất nước, nơi tập trung nhiều nhà máy công nghiệp, các công ty muốn tiếp tục hoạt động thì phải thực hiện các quy trình phức tạp, chẳng hạn như thường xuyên xét nghiệm tìm virus trong công nhân hoặc áp dụng biện pháp "ba tại chỗ", theo đó người lao động phải ăn, ngủ và làm việc ngay trong nhà máy. Các nhà máy sản xuất giày và may mặc lớn với hàng chục nghìn công nhân nhận thấy họ không thể thường xuyên tổ chức xét nghiệm cho mọi người hoặc chu cấp cho quá nhiều người trong nhà máy hoặc trong các ký túc xá. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với số ít nhân viên.
Một số công ty đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Việt Nam.
Ông Jeremy Hoff, Giám đốc điều hành của Hooker Furniture Corp, công ty sản xuất một phần đáng kể sản phẩm của mình tại Việt Nam cho biết : "Chúng tôi thực sự đã đa dạng hóa khá nhiều ra bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi thậm chí còn quay trở lại Trung Quốc khi cần thiết".
Ông Andrew Rees, Giám đốc điều hành của công ty giày Crocs Inc., cho biết vào giữa Tháng Chín, họ đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang các khu vực khác trên thế giới. Ông nói công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam và đang bổ sung thêm các cơ sở ở Indonesia và Ấn Độ. "Sự đa dạng hóa đang diễn ra", ông Rees nói.
Gần đây, các ca bệnh và tử vong do Covid-19 đã bắt đầu giảm ở Việt Nam, mà chính phủ cho rằng đó là kết quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của họ. Các ca nhiễm hàng ngày của Việt Nam đạt đỉnh vào khoảng đầu Tháng Chín, với khoảng 13,000 ca nhiễm mới hàng ngày, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 9,000 ca. Tiêm phòng đang được tăng tốc. Khoảng một phần ba dân số hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhà chức trách cho biết thành phố Sài Gòn một trung tâm sản xuất, sẽ giảm bớt các hạn chế vào Thứ Sáu, ngày 1 Tháng Mười.
Nhưng các công ty và nhóm kinh doanh cảnh báo rằng ngay cả khi họ được cho phép khởi động lại hoạt động, cũng phải mất nhiều tháng mới phục hồi lại được toàn bộ hoạt động sản xuất. Rất nhiều người lao động đã trở về quê và có thể không muốn quay lại thành thị nếu họ chưa được tiêm phòng. Các công ty cho biết, các hạn chế đi lại liên tỉnh, cấm di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể tạo ra những trở ngại trầm trọng hơn nữa cho việc bổ sung lực lượng lao động.
Một số nhà phân tích kinh doanh cho biết biện pháp cứng rắn của Việt Nam trong việc đóng cửa nhà máy có thể làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tại Indonesia, một số nhà máy xuất khẩu vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất trong đợt Covid-19 năm nay và việc ngừng hoạt động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà chức trách Trung Quốc đã ngăn chặn sự bùng phát dịch từ trong trứng nước bằng cách xét nghiệm hàng loạt và đóng cửa có mục tiêu các cảng và các nhà máy cụ thể mà không cần thực hiện các đợt đóng cửa kéo dài hàng tháng tại các khu vực sản xuất giống như Việt Nam đã làm.
Những người khác vẫn lạc quan về Việt Nam. Ông Peter Mumford, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Eurasia Group, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị, cho biết bất chấp những khó khăn hiện tại, Việt Nam có những lợi thế dài hạn – bao gồm sự ổn định chính trị tương đối, cởi mở với đầu tư nước ngoài và có biên giới trên bộ với Trung Quốc – điều đó sẽ tiếp tục thu hút các nhà sản xuất.
Tuy nhiên việc phong tỏa kéo dài ở Việt Nam đã bắt đầu làm thay đổi nhận thức về nguồn cung cấp hàng hóa ổn định ở Châu Á. "Khi bạn nghĩ về nỗ lực mà mọi người đã bỏ ra để thoát khỏi Trung Quốc để rồi bây giờ một trong những nơi có thể cung cấp hàng hóa cho bạn lại là Trung Quốc – tôi có nghĩa đó là điều thực sự điên rồ", ông Roger Rawlins, Giám đốc điều hành của Designer Brands Inc., một nhà bán lẻ giày dép ở Bắc Mỹ, nói tại một hội nghị hồi đầu Tháng Chín.
Bình Phương
Nguồn : SaigonnhoNews, 01/10/2021
*********************
Con người không phải robot
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 01/10/2021
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Sai lầm sau tệ hơn sai lầm trước. Mỗi bước đi của họ lại là một sai lầm không thể cứu vãn. Tôi không biết nên dùng chữ gì để diễn đạt giản dị nhứt, ngoài chữ : SA LẦY. Sa lầy quá sâu.
Lực lượng bảo vệ làm việc nghiêm túc, không cho người ngoài vào cổng khu chế xuất và giải thích chưa mở cửa đón công nhân vào nhà máy làm việc...
Lãnh vực quan trọng nhứt, mang tính chi phối lớn nhứt của toàn xã hội : Kinh tế - Nó đang chịu đựng quá nhiều cú sốc, khó gượng dậy từ đại dịch có một không hai trong 100 năm qua.
Báo Dân Trí [1] ra ngày 01 tháng Mười năm 2021, cho biết : (trích) "...ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ : Bất kỳ người dân nào đến thành phố từ học tập, làm việc, du lịch... thành phố đều trân trọng đón tiếp và chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất. Đối với việc người dân tụ tập về quê tự phát đêm qua, thành phố cảm thấy có trách nhiệm và sự chăm lo chưa thật sự chu đáo. Thành phố xin trân trọng mời bà con ở lại để tiếp tục đóng góp…" (hết trích).
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cố gắng tối đa ngăn cản hàng ngàn công nhân nghèo đủ mọi ngành nghề về quê. Những con người bình thường đó đang mang tâm trạng vô cùng khát khao mà có người đã thốt lên : "Có chết em cũng phải chết bên gia đình !". Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang nhìn những người công nhân nghèo khổ cùng bầy trẻ nheo nhóc, thậm chí có người đang mang bầu sắp tới ngày sanh nở ; những khuôn mặt hốc hác, đen nhẻm, bơ phờ sau nhiều tháng sống vật vờ cùng với tâm trí rối bời, áo não và tận cùng nỗi bi ai như là những con robot. Tang thương là chỗ đó. Hàng chục ngàn công nhân nghèo đó vẫn là và mãi là những con người bình thường với "thất tình lục dục" đầy đủ chứ ko phải con robot, chỉ cần "on là chạy", off là nghỉ" với chương trình cài đặt sẵn cho nó.
Báo Pháp Luật ngày 01 tháng Mười năm 2021 đưa tin [2] : "...sáng 1-10, các tuyến đường đến các khu chế xuất - khu công nghiệp tại thành phố Thủ Đức, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh khá thông thoáng. Nhiều nhân viên văn phòng đi làm trở lại, tuy nhiên lực lượng công nhân vẫn chưa đi làm nên không khí tại các khu công nghiệp khá trầm lắng. Lực lượng bảo vệ làm việc nghiêm túc, không cho người ngoài vào cổng khu chế xuất và giải thích chưa mở cửa đón công nhân vào nhà máy làm việc...".
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngoài những lời sáo rỗng như thượng dẫn, có lẽ họ mang trong mình dòng máu lạnh tanh, nên không có khả năng nhìn những con người bình thường đó khác hẳn những con robot. Sự thất bại cay đắng sẽ nhanh chóng xảy ra, một khi ép uổng những người cùng khổ cùng với tâm trạng ủ ê, rã rời, chán chường, đầu óc mệt mỏi dẫn đến thân xác rời rã v.v. họ không còn tâm trí và sự tha thiết trong công việc. Sản phẩm làm ra không đạt chất lượng theo yêu cầu, năng suất tụt giảm thảm hại, mất đơn hàng, ảnh hưởng nặng nề xuất nhập khẩu. Từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, đồng lương nhân công, thuế các loại sẽ hụt hẫng, hàng hóa không còn nhiều nhặn so với nhu cầu, tất nhiên sẽ dẫn đến chênh lệch cung - cầu. Từ đó, dễ dàng làm cho giá cả hàng hóa gia tăng với kết cuộc lạm phát. Trong khi "thanh gươm" thao túng tiền tệ vừa được Hoa Kỳ tạm gỡ bỏ vẫn chưa đáng được an tâm cho nền kinh tế èo uột bấy lâu nay.
Điều ghê gớm nữa, hàng trăm ngàn người với tâm trạng như vậy thì tan nát hết các khu công nghiệp, khu chế xuất từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đây là 4 nơi mạnh nhứt về thu nhập quốc dân của các tỉnh phía Nam.
Khó khăn chưa dừng lại đó [3], ngày 01 tháng Mười năm 2021, RFA cho biết : (trích) "Các công ty tại Việt Nam đến nay vẫn chưa báo cáo về các vấn đề liên quan thu mua nguyên liệu thô hoặc các nguyên liệu đầu vào khác trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng kéo dài ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ tại đất nước hình chữ S. Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Bộ Công thương Việt Nam đưa tin ngày 1/10. Tin cho biết, Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện trong bối cảnh nguồn cung than thắt chặt, tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn và nhu cầu sản xuất mạnh mẽ..." (hết trích).
Doanh nghiệp trong nước cũng đang lao đao [4] vì thiếu hụt nguồn nhân lực như báo VnExpress đưa tin hôm 01 tháng Mười năm 2021.
Siêu thị hiu hắt [5] vì muốn vô mua hàng phải chứng minh đã chích ngừa, trong khi quy định phạt vạ người dân nếu ra đường không có lý do chính đáng vẫn tiếp tục đe dọa người dân (!).
Những nghịch lý vừa bi thương vừa khôi hài đến mức người dân cứ phải thốt lên : Mình đang sống ở đâu vậy ? Mình đang sống trong thời đại nào đây ?
Sơ phác vài nét trong ngày đầu mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gọi là trở lại tình trạng "bình thường mới" đang gieo vào tâm trạng người dân một cảm giác ngược lại bằng ý nghĩa "bất thường cũ" cùng những ngôn từ mơ hồ, chập chờn từ quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đầy ý nghĩa giả dối và đe dọa người dân tiếp tục diễn ra...
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 01/10/2021 (nguyenngocgia's blog)
Chú thích :
[1] https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-len-tieng-viec-hang-nghin-nguoi-do-ra...
[2] https://plo.vn/kinh-te/ngay-dau-mo-cua-khu-cong-nghiep-vang-lang-vi-cho-...
[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-says-companies-n...
[4] https://vnexpress.net/doanh-nghiep-tp-hcm-dau-dau-voi-bai-toan-thieu-lao...
[5] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/sieu-thi-hat-hiu-vi-quy-dinh-khach-da-t...
***********************
Trọng Nghĩa, Lê Hồng Phước, RFI, 01/10/2021
Vào hôm 01/10/2021, thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam, bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa, vốn dĩ được ban hành từ cách nay 3 tháng để đối phó với dịch Covid-19. Khoảng 9 triệu cư dân thành phố đã bắt đầu được tự do ra khỏi nhà và đi lại, trong lúc nhiều sinh hoạt kinh tế đã được tái lập.
Ngay khi có thông báo gỡ phong tỏa ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn dân ùn ùn đổ về chốt kiểm soát để đi về quê. © AFP - CHI PI
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, quân đội đã bắt đầu tháo dỡ các rào cản dựng lên trên các tuyến đường, cũng như hàng trăm trạm kiểm soát ngăn cách các quận trong thành phố. Chủ nhân một cửa hàng bán trái cây, rau quả và thịt không che giấu thái độ vui mừng và giải thích : "Trong thời gian ngừng hoạt động vừa qua, công ty của chúng tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều ... Chúng tôi không có đủ nhân viên giao hàng vì họ phải xét nghiệm hai ngày một lần và điều đó rất tốn kém cho công ty".
Các con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đông đúc trở lại, lần đầu tiên trong nhiều tháng : hầu hết các doanh nghiệp được cho phép mở cửa trở lại và những người đã tiêm chủng được phép di chuyển tự do trong thành phố. Mặc dù chính quyền vẫn duy trì lệnh cấm đi qua các tỉnh thành khác, hàng nghìn người đi xe máy vẫn tập trung tại một chốt kiểm tra trên đường ra khỏi thành phố với hy vọng được phép về quê.
Theo AFP, trong 3 tháng qua, để hạn chế đà lây lan cực mạnh của dịch Covid-19, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân đã không được rời khỏi nhà, ngay cả khi đi ăn, và hầu như mọi di chuyển vào khu vực đều bị đình chỉ. Tính đến hết tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 50% trong tổng số gần 800.000 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam.
Điều bi thảm nhất chính là con số 14.850 ca tử vong vì dịch bệnh, chiếm khoảng 3/4 số 19.301 ca tử vong của cả nước được chính thức ghi nhận tính đến hết ngày hôm qua. Hiện chưa đến 10% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã được phân bổ số liều vac-xin nhiều nhất và hầu hết người lớn đều đã được tiêm chủng.
Việt Nam từng được ca ngợi là hình mẫu về ngăn chặn virus, nhưng đã phải vật lộn để chống lại làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 4 tại các khu công nghiệp phía Bắc và nhanh chóng tiến xuống phía Nam. Tác hại kinh tế của đợt phong tỏa rất nặng nề. Theo số liệu được công bố ngày 29/09, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức suy giảm nặng nề nhất trong quý 3/2021 vừa kết thúc.
Trả lời ban Tiếng Việt đài RFI, Tiến sĩ Lê Hồng Phước, giảng viên Khoa Ngữ văn Pháp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết cảm xúc và không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau ba tháng bị phong tỏa.
Lê Hồng Phước : Bữa nay là ngày đầu tiên đi ra đường, cũng giống như mọi người, sau bốn tháng cảm giác lạ lắm. Tôi chạy xe ngoài đường mà tôi cứ lẩm bẩm một mình "Ôi sự sống ! Sự sống !" Bà con ra đường đông lắm. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Hiệu ăn được mở bán đem về. Tiệm hớt tóc cũng thấy có mở cửa. Rồi chợ truyền thống cũng mở.
Siêu thị hôm nay đều mở cửa hết. Bà con đi siêu thị cũng đông hơn bình thường, nhưng không có chen lấn, xếp hàng đàng hoàng. Rồi cũng có kiểm tra nữa. Ai đã tiêm hai mũi thì được vào, một mũi mà trên 14 ngày cũng được phép, có kiểm tra nhiệt độ và phải trình giấy chứng nhận tiêm ngừa, khi vào rồi cũng phải giữ khoảng cách.
Người dân Sài Gòn sáng nay có rất nhiều người nói với nhau : Sài Gòn nó quen quen mà nó lạ lạ, mà nó lạ lạ, nó quen quen !
Tại Sài Gòn tuyệt đại đa số, trên 90% đã được tiêm ngừa, có những địa phương là 100% mũi một, còn lại khoảng 50% là được hai liều. Với độ phủ vac-xin như vậy, cũng yên tâm phần nào. Đương nhiên khi ra đường ai cũng phải đeo khẩu trang cả !
RFI : Là giảng viên đại học, chắc anh cũng hồi hộp mong được quay lại trường, gặp lại sinh viên của mình ?
Theo tôi, tất cả đều phụ thuộc vào độ phủ vac-xin. Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược mấy lần vì còn lệ thuộc vào độ phủ này. Hiện tại, Sài Gòn đã phủ được trên 90% cho mũi một, và được gần 50% cho mũi hai, như vậy là cũng tương đối, vì cũng không thể nào đóng cửa hoài được, ảnh hưởng đến kinh tế rất nặng nề, do vậy cần phải mở lại.
Nhưng chính quyền thành phố rất rõ ràng : Mở cửa nhưng phải có lộ trình, sẽ có một kế hoạch đi từng bước một sao cho vừa mở lại, hoạt động kinh tế được nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch. Tính mạng con người là quan trọng.
Tôi thấy là các trường học cũng vậy. Việc mở cửa trường học lại là chưa gấp. Chính quyền phải đảm bảo sao cho học sinh – sinh viên được tiêm đủ hai liều, thì như vậy mới đủ điều kiện trở lại trường. Đặc biệt là ở trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa phần các sinh viên là từ các tỉnh lên. Từ hơn một tháng nay, các em phải theo học trực tuyến và đa phần vẫn còn ở dưới các tỉnh, nhất là các tỉnh ở miền Tây, những ngày gần đây tình hình dịch bệnh cũng rất nghiêm trọng.
Các em ở tỉnh muốn trở về thành phố Hồ Chí Minh, trong khi ở Sài Gòn độ phủ vac-xin cao, thì phải cân nhắc như thế nào giữa các tỉnh phải làm sao độ phủ vac-xin càng cao càng tốt. Chỉ khi nào các em học sinh – sinh viên chích đủ hai liều thì mới có thể dần dần tính đến việc quay trở lại lớp học.
RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn Tiến sĩ Lê Hồng Phước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn thoát hiểm dù gặp khó vì Covid-19
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay 06/01/2021 dĩ nhiên rất chú ý đến vấn đề dịch Covid-19 tại Pháp và chiến dịch tiêm chủng Covid-19 mà chính quyền Pháp muốn tăng tốc. Tình hình một số nơi khác cũng được quan tâm từ Mỹ, Cận Đông đến Trung Quốc… Đặc biệt nhất là một bài viết trên Le Figaro về kinh tế Việt Nam năm 2020 mang tựa đề "Việt Nam vươn lên nhờ máy tính".
Theo Le Figaro, trong năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới mặc dù do tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng 7% vào năm 2019 đã bị giảm xuống còn 2,8%. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như đã xóa được tình trạng nghèo cùng cực từ 50% dân số năm 1990 xuống còn 2% ngày nay, và đang hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, với công nghiệp chiếm 39% hoạt động và dịch vụ chiếm 47%.
Tờ báo Pháp cũng nêu bật sự kiện là dù vẫn duy trì "một chế độ cộng sản độc tài", Việt Nam đã mở cửa mạnh mẽ ra quốc tế bằng cách gia nhập nhiều cơ chế thương mại tự do. Một ví dụ gần đây là thỏa thuận ký kết vào tháng 7 năm 2020 với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ xóa bỏ hầu như tất cả các loại thuế quan giữa Việt Nam và EU trong vòng 10 năm.
Thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam, theo Le Figaro, cũng đáng tự hào và đã khá thành công với không đầy 40 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19 trên đất nước có đến 96 triệu dân. Đối với tờ báo Pháp, một loạt các biện pháp nhanh chóng được đưa ra, từ cách ly hàng loạt, truy vết lây nhiễm trên quy mô lớn và kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển, đã cho phép Việt Nam để cho các nhà máy mở cửa thường xuyên hơn và nhanh chóng đưa dân trở lại làm việc.
Khó khăn trong năm qua đối với Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng dệt may và điện thoại thông minh bị đình trệ do thiếu nhu cầu từ các nước lớn phương Tây, trong bối cảnh ngành du lịch sụp đổ như mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, theo nhật báo cảnh hữu Pháp, ngành xuất khẩu của Việt Nam đã kháng cự tốt, đặc biệt là nhờ lĩnh vực máy tính. Ngoài ra, quốc gia này cũng hưởng lợi từ quan hệ buôn bán quan trọng với Trung Quốc, nước láng giềng lớn đã đặc biệt phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.
Hồ sơ Covid-19 đã ngự trị trên trang nhất hầu hết các tờ báo lớn, với những hàng tựa lớn chủ yếu liên quan đến chiến dịch tiêm chủng tại Pháp. Le Monde nêu sự kiện một cách trịnh trọng : "Tiêm chủng : Chính phủ (Pháp) buộc phải tăng tốc", còn Libération cũng nói cùng một ý nhưng với lời lẽ rất bình dân : "Covid, làm thế nào để chích nhanh hơn". Nhật báo kinh tế Les Echos tất nhiên chú ý đến khía cạnh kinh tế và ghi nhận : "Vac-xin : thách thức công nghiệp".
Riêng nhật báo Le Figaro thì mở rộng tầm nhìn ra toàn Châu Âu, nhấn mạnh trong hàng tựa lớn trang nhất : "Nước Anh tái phong tỏa, Châu Âu lo lắng". Đối với tờ báo, biến thể mới của con virus gây Covid-19 là một nguyên nhân khiến cho số ca nhiễm tăng vọt đột ngột tại Anh. Trong lúc đó chính phủ Pháp đang tăng tốc độ tiêm chủng để đuổi kịp các láng giềng Anh, Đức.
Trong bài "Vương Quốc Anh bị phong tỏa lần thứ ba", tờ báo cánh hữu Pháp nhắc lại rằng thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp nghiêm ngặt, với việc đóng cửa các trường học, trong bối cảnh các trường hợp lây nhiễm vì biến thể mới của virus tăng vọt.
Thủ tướng Anh như vậy đã phải nhanh chóng hành động. Để biện minh cho bước ngoặt mới này, ông Johnson đã đưa ra những con số đáng lo ngại. Sau khi nhắc lại rằng biến thể mới của con virus corona "dễ lây hơn từ 50 đến 70%", ông nhắc lại rằng gần 59.000 trường hợp mới đã được phát hiện trong 24 giờ qua. Tại các bệnh viện ở Anh, số bệnh nhân nhiễm virus - gần 27.000 người - đã "tăng gần một phần ba" trong một tuần và cao hơn 40% so với mức đỉnh của đợt đầu tiên.
Lần phong tỏa thứ ba này, theo Le Figaro, rất giống với lần trước hồi tháng Ba năm ngoái, với việc đóng cửa các trường học (ngoại trừ các nhà trẻ và mẫu giáo), người Anh chỉ được ra đường vì những lý do cần thiết, các môn thể thao ngoài trời bị cấm nhưng các cuộc thi đấu chuyên nghiệp như giải bóng đá Ngoại Hạng Anh vẫn được phép. Các doanh nghiệp không thiết yếu sẽ đóng cửa, kể cả các quán rượu và nhà hàng. Các hạn chế mới đối với du lịch quốc tế dự kiến sẽ được ban hành.
Vào tối thứ Hai, thủ tướng Anh cho biết các biện pháp sẽ kéo dài đến giữa tháng Hai, nhưng bộ trưởng quốc vụ Michael Gove cảnh báo vào thứ Ba rằng phong tỏa chưa thể được dỡ bỏ trước tháng Ba. Điều đáng nói, theo Le Figaro, là có đến 79% dân chúng Anh tán thành việc tái phong tỏa này.
Tình hình tại Anh dĩ nhiên khiến Pháp lo ngại. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cố gắng trấn an, cho rằng mới có khoảng 10 ca thực thụ hay tình nghi được ghi nhận trên đất Pháp.
Giới chuyên gia dịch tễ tuy nhiên cảnh giác hơn trước nguy cơ biến thể từ Anh này có thể lây lan ở Pháp như cháy rừng. Theo ông Yazdan Yazdanpanah, thành viên Hội đồng Khoa học Pháp, "con số thực tế người nhiễm bệnh ở Pháp vì biến thể mới có lẽ quan trọng hơn số 10 đến 15 ca được nói đến, và những người mang theo con virus này thực sự hiện diện khắp nước.
Theo chuyên gia Yazdanpanah, dù chưa thấy hiện tượng lưu hành đáng kể của biến thể virus này tại Pháp, nhưng do đặc trưng lây lan rất nhanh của loại siêu vi này, nguy cơ bùng phát mạnh của dịch bệnh không thể loại trừ với hệ quả là làm bão hòa công suất các bệnh viện.
Về chiến dịch tiêm chủng tại Pháp, Le Monde chạy ngay trên trang nhất hàng tựa lớn "Tiêm chủng : Chính phủ (Pháp) bị buộc phải tăng tốc".
Tờ báo ghi nhận là chính phủ đã phải loan báo các biện pháp cải thiện vấn đề tiêm chủng trong bối cảnh đối lập càng lúc càng gia tăng đả kích sự chậm trễ của chiến dịch chích ngừa. Bản thân tổng thống Pháp Macron cũng phê phán dữ dội tính chất phức tạp của chiến dịch : "Hãy đơn giản hóa không thương tiếc. Và hãy thực sự tăng tốc đi!"
Những lời chỉ trích như đã có tác dụng. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã cam đoan rằng kể từ hôm nay, 06/01, nước Pháp sẽ có được 1 triệu liều vac-xin và mục tiêu nhắm tới cho đến cuối tuần sẽ tiêm chủng được 4.000 người mỗi ngày. Khoảng 100 "trung tâm" được trang bị thuốc chủng Covid-19 sẽ được thiết lập "ngoài phố", tức là không phải ở trong các bệnh viện hay cơ sở y tế, chăm sóc chuyên biệt.
Một yếu tố đáng ngại được Le Monde ghi nhận là Bộ Kinh tế Pháp và các doanh nghiệp đang sợ rằng việc khởi động chiến dịch tiêm chủng một cách chậm chạp sẽ đẩy xa khả năng triển vọng hồi phục kinh tế.
Chiến dịch tiêm chủng tại Pháp cũng ngự trị trên trang nhất của nhật báo Libération với hàng tựa lớn rất bình dân : "Covid, làm thế nào để chích nhanh hơn".
Theo Libération, sau một bước khởi động ì ạch của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, chính phủ Pháp sẽ phải làm như thế nào để bắt kịp chậm trễ ? Tờ báo liệt kê một loạt biện pháp từ giảm nhẹ quy trình hành chính, phân quyền cho các hội đồng địa phương cho đến lôi kéo giới dược sĩ tham gia chiến dịch, tái tạo các "sân tiêm chủng" đại trà…
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nói về vac-xin, nhưng dưới khía cạnh công nghiệp, với hàng tựa lớn trang nhất : "Vac-xin : thách thức công nghiệp".
Theo tờ báo, tại Châu Âu, áp lực đang gia tăng trên các chính quyền do việc các chiến dịch tiêm chủng đều diễn tiến chậm chạp. Trước sự mong đợi của mọi người, các viện bào chế đang làm hết sức mình để nâng cao năng lực sản xuất các loại vac-xin dựa trên công nghệ ARN thông tin.
Bên cạnh đó, một làn sóng vac xin dựa trên các công nghệ khác sắp được tung ra trong những tháng tới đây. Les Echos điểm qua khả năng sản xuất và giao hàng của các hãng dược phẩm.
Riêng về Trung Quốc, các báo Pháp tiếp tục chú ý đến sự kiện tỷ phú Trung Quốc Mã Vân bị "mất tích", một điều không hiếm đối với các nhân vật nổi tiếng trong chế độ cộng sản sau khi bị thất sủng.
Trên trang quốc tế của mình, nhật báo công giáo Pháp La Croix đã có một bài viết dài để mô tả chân dung của "Jack Ma (tức Mã Vân), nhà vô địch trong ngành kỹ thuật số Trung Quốc".
La Croix ghi nhận thực tế là người từng được xem là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, lại đang nằm trong tầm ngắm của chế độ Bắc Kinh cho dù tập đoàn lớn của ông đã giúp chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.
Là một lãnh đạo có tầm nhìn nhưng không chịu khép mình vào khuôn pháp, là doanh nhân giàu nhất Trung Quốc, Mã Vân hiện đang bị điều tra vì "lạm dụng tư thế thống trị". Tập đoàn Alibaba mà ông thành lập năm 1999 trong một căn hộ đơn sơ ở Hàng Châu, một thành phố phía nam Thượng Hải, với số vốn tương đương 50.000 euro, nay đã trở thành một kẻ khổng lồ của ngành thương mại điện tử Trung Quốc, với hơn 100.000 nhân viên và đang mở rộng hoạt động ra ngoài nước.
Không chỉ chuyên việc bán hàng qua mạng, Alibaba còn là nhà vô địch về lưu trữ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và game trực tuyến. Công ty con là Ant Group, thì quản lý hệ thống thanh toán di động, Alipay, được 730 triệu người Trung Quốc sử dụng hàng tháng, đồng thời phân phối các khoản cho vay tiêu dùng và bảo hiểm.
Đối với La Croix, Jack Ma đã có công đưa Trung Quốc bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số hiện đại, nhưng phải chăng là ông đã đi quá xa ? Có thể là như vậy, nhưng điều chắc chắn, theo tờ báo Pháp là các lãnh đạo Trung Quốc đã thấy lo sợ trước con quái vật tài chính mà Ant Group đã trở nên trong mắt họ, đặc biệt là khi tập đoàn này đã có hoạt động cấp phát tín dụng trên mạng theo một cách mà chính quyền trung ương không kiểm soát được.
Trái với các đồng nghiệp đã dành trang nhất cho hồ sơ Covid-19, nhật báo La Croix đã thu hút sự chú ý của độc giả trên một đề tài xã hội qua hàng tựa : "Năm 2020 đã thay đổi đời tôi như thể nào".
Đối với tờ báo đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã khiến cuộc sống của người dân Pháp bị đảo lộn, cho dù họ có bị mắc bệnh hay không. Để hiểu được mức độ của những chấn động, tờ báo công giáo đã mở diễn đàn cho 5 người mà các phóng viên của tờ báo đã gặp khi đi làm phóng sự, để họ cho biết cuộc khủng hoảng này đã thay đổi họ như thế nào.
Từ một hiệu trưởng trường trung học, cho đến một nhà sản xuất rượu nho, tất cả đều giải thích là dịch bệnh đã thay đổi những gì trong cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp hoặc xã hội của họ.
Apple ngừng lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì điều (RFA, 18/08/2020)
Một báo cáo cho biết Apple đang xem xét lại khả năng sản xuất iPhone tại Việt Nam, sau khi công ty Cupertino đến thăm nhà máy thuộc sở hữu của đối tác lắp ráp Luxshare để kiểm tra các điều kiện của cơ sở này.
Một người bán hàng đi qua một cửa hiệu có hình biểu tượng của công ty Apple ở Hà Nội - AFP
Tờ Apple Insider loan tin ngày 17/8, cho biết thêm đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam vào mùa hè vừa qua để kiểm tra quá trình xây dựng và khả năng sản xuất iPhone của cơ sở này.
Bài báo cũng trích dẫn lời Giám đốc đối ngoại Luxshare là Tăng Duệ Bằng khẳng định nhà máy tại Khu công nghiệp Vân Trung đã được kiểm tra để đảm bảo đúng quy mô, có đủ cơ sở vật chất và có đủ vốn đầu tư để bắt đầu lắp ráp iPhone. Đồng thời, ông cũng cho biết Apple đánh giá cao tiềm năng tại tỉnh Bắc Giang và những người lao động chăm chỉ.
Cơ sở này là một trong số các cơ sở tại Việt Nam lắp ráp sản xuất cho Apple.
Tuy nhiên, một phần của cơ sở vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến ký túc xá công nhân.
Apple Insider cho biết không rõ Luxshare đã bỏ qua những yêu cầu nào, nhưng có vẻ như đó là điều chính khiến cơ sở này không được Apple chấp thuận.
Khoản đầu tư của Luxshare vào tỉnh Bắc Giang được cho là đã lên tới 270 triệu USD, và mặc dù đã có 28.000 công nhân, nhưng sẽ cần tăng lên từ 50.000 đến 60.000 công nhân nếu được chấp thuận sản xuất iPhone.
Nhà máy rộng 30 ha được xây dựng trong 5 tháng sau khi Apple yêu cầu mở rộng sản xuất.
Việt Nam không phải là nơi duy nhất Luxshare muốn sử dụng để sản xuất iPhone. Vào tháng 7, họ đã mua một nhà máy iPhone ở Trung Quốc từ Wistron với giá khoảng 472 triệu USD.
*********************
Samsung nói không có việc chuyển sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ (RFA, 18/08/2020)
Samsung Việt Nam lên tiếng phủ nhận tin chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone tại Việt Nam sang Ấn Độ. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ đại diện Samsung và đưa tin hôm 18 tháng 8.
Ảnh minh họa một cửa hàng bán sản phẩm Samsung ở Châu Á. AFP
Tạp chí Kinh tế Việt Nam trích lời đại diện Samsung Việt Nam rằng: "Thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật. Hiện tại, các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ. Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn".
Sở dĩ Samsung Việt Nam phải lên tiếng là do báo giới trong nước đưa tin Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hoá dây chuyền sản xuất smartphone với Chính phủ Ấn Độ, trị giá 40 tỷ USD. Do đó, Samsung có thể sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam và các nước khác sang Ấn Độ.
Samsung bắt đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2008 với mức đầu tư 670 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và những nhà máy ở đây đã trở thành những cứ điểm sản xuất của tập đoàn trên toàn cầu. Hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 17,3 tỉ USD.
Tại buổi tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chiều 11 tháng 8 năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Samsung tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược của Tập đoàn trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP và EVFTA đã có hiệu lực.
***********************
Phá đường dây người Việt lừa hàng nghìn người Mỹ qua mạng lợi dụng đại dịch (VOA, 18/08/2020)
Hơn 7.000 công dân Mỹ đã bị một nhóm người Việt Nam lừa đảo qua mạng, trong đó người mua hàng trực tuyến trên khắp Hoa Kỳ đã trả tổng cộng gần 1 triệu USD để mua các sản phẩm rửa tay khô nhưng không bao giờ nhận được hàng, theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hôm 18/8.
Theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ, ba nghi phạm Việt Nam đã bị bắt sau cuộc điều tra hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
"Việc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ những nghi phạm này rõ ràng cho thấy Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến Covid-19", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói trong thông cáo. "Cuộc điều tra này cho thấy các nạn nhân đã mất mát số tiền rất lớn dù họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn khác do đại dịch COVI19 gây ra".
Theo Đại sứ quán Mỹ, cuộc điều tra bắt nguồn từ thành phố Tampa, bang Florida, vào tháng 3 vừa qua và sau đó văn phòng Cục Điều tra An Ninh Nội địa Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thông tin cho Bộ Công an Việt Nam để tiến hành bắt giữ.
Ông Kritenbrink nói rằng "chúng tôi tự hào khi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang hợp tác với nhau để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia rất phức tạp này".
Ba nghi phạm người Việt – có tên Phan Dinh Thu, Tran Quoc Khanh và Nguyen Duy Toan – được cho là đã tham gia vào một vụ lừa đảo bán sản phẩm sát khuẩn tay cho công dân Mỹ trên cả 50 tiểu bang qua các trang mạng trên internet, theo hồ sơ tòa án từ một đơn kiện dân sự ở Mỹ hôm 3/8.
Nhóm ba người này lập ra hơn 300 trang web mà họ dùng để bán các sản phẩm đang trở nên khan hiếm trong thời gian đại dịch, trong đó có nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn. Những người này được cho là đã lập nên hàng trăm tài khoản email giả mạo để giao dịch và thanh toán.
"Các nạn nhân trả tiền cho các sản phẩm được cho là bán qua các trang mạng này nhưng không bao giờ nhận được các món hàng mà họ đặt mua", thông cáo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.
Các nhà điều tra Mỹ phát hiện ra gần 40.000 giao dịch trị giá tổng cộng khoảng 975.000 USD.
Cuối năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo qua mạng sau 7 năm điều tra, trong đó bốn người Việt Nam, gồm một cựu cán bộ công an, bị kết án hàng chục năm tù. Nhóm tội phạm này sống ở Việt Nam và sử dụng thẻ "Gift card" của trang web mua bán hàng trực tuyến Amazon.com có nguồn gốc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.
Trước đó trong năm, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng phá một đường dây lừa đảo liên quan đến người Việt. Đường dây, do người gốc Việt cầm đầu, dựng ra các vụ kết hôn giả để giúp những người muốn vào Mỹ xin giấy thường trú nhân bằng các chứng từ giả mạo.
*********************
Tránh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, 1.400 công ty Nhật tính chuyển sang Việt Nam (VOA, 17/8/2020)
Hơn 40% trong số 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết họ đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, hãng thông tấn Kyodo dẫn báo cáo mới được công bố của JETRO cho biết hôm 16/8.
Công xưởng của hãng xe Honda ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhiều công ty của Nhật đang xem xét chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.
Báo cáo công bố vào ngày 30/7 cho biết ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản xem xét mở rộng hoạt động tại các quốc gia Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc nhằm tránh các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Báo cáo được thực hiện vào cuối năm 2019 cho thấy điểm đến Việt Nam chiếm 41% lựa chọn của các công ty Nhật tham gia khảo sát, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm ngoái, trong khi Thái Lan nhận được 36%, tăng 1,5 điểm phần trăm.
Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 48,1% lựa chọn của các công ty Nhật tham gia khảo sát mặc dù giảm 7,3 điểm phần trăm so với năm ngoái. Các công ty này cho hay họ sẽ tìm cách thúc đẩy hoạt động tại Trung Quốc.
Theo báo các của tổ chức được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, khoảng cách giữa số lượng đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019 so với 10,2 tỷ yên vào năm 2017.
Hồi tháng 7, JETRO công bố một danh sách 30 công ty Nhật Bản nói họ sẵn sàng nhận trợ cấp từ chính phủ để chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong số này, 15 công ty coi Việt Nam là điểm đến ưa thích.
Khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ Nhật Bản dao động từ 900.000 USD - 46,5 triệu USD để giúp cho các công ty trang trải việc mở rộng hoạt động.
Ngoài những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19 cũng làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào các thị trường nước ngoài. Khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm trong năm 2020 so với năm trước do nhu cầu giảm sau đại dịch virus corona. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào toàn khu vực ASEAN đã giảm 35,5%.
Cuộc khảo sát được JETRO thực hiện trên gần 10.000 công ty Nhật Bản, trong đó hơn 3.500 công ty tham gia trả lời, tương đương 35,7%.
Việt Nam cần làm gì để kinh tế vượt qua dịch Covid-19 ?
Thanh Trúc, RFA, 06/08/2020
Việt Nam cần chuyển hướng mới để thúc đẩy tăng trưởng hầu vượt qua dịch bệnh Covid-19, phải cân bằng việc phòng chống dịch với việc đẩy mạnh tăng trưởng là nội dung bài viết của chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới, ông Jacques Morisset, đăng trên trang mạng của World Bank hôm 4/8 vừa qua.
Việt Nam đang là quốc gia có sức khỏe tốt hơn trong hoạt động vừa chống dịch vừa tìm cách phục hồi kinh tế.
Theo ông Morisset, thực tế đã chứng minh không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều nước khác, thành quả y tế không phải là cái được của kinh tế, và nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương vì đại dịch từ đầu 2020 đến giờ.
Ông nói Việt Nam vẫn giữ được mức GDP 0,4% bước sang Quí 2 năm 2020, được coi là dấu hiệu tốt trong bối cảnh phòng chống dịch, thế nhưng vẫn là mức thấp nhất trong 35 năm qua.
Dưới con mắt quan sát của Ngân Hàng Thế Giới, mức độ chậm lại của nền kinh tế Việt Nam phần nào giống mức độ sụt giảm tại nhiều nước bị tác động bởi Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn theo ông Jacques Morisset, Việt Nam đang là quốc gia có sức khỏe tốt hơn trong hoạt động vừa chống dịch vừa tìm cách phục hồi kinh tế.
Đây không hẳn là những đề xuất mới là nhận xét của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á :
"Chuyện kinh tế Việt Nam thì ông ấy nhìn đúng. Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng là có vẻ đáng tin cậy, còn con số thất nghiệp gần 3 triệu là chính phủ Việt Nam nói ngày hôm qua. Dựa trên những con số đấy thì ông nói rằng Việt Nam có 2 khả năng để thoát khỏi sự nặng nề của kinh tế do Covid-19 gây ra".
"Thứ nhất là nên tiếp tục chính sách tài khóa hiện hành, giữ mức nợ công thấp và chi tiêu công tăng, đấy là cái mà Việt Nam vẫn làm".
Điểm thứ hai mà chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới cho rằng Việt Nam nên nhân tình hình dịch bệnh để phát triển những lãnh vực đa dạng như e-learning học trực tuyến, e-commerce thương mại trực tuyến, e-government chính phủ điện tử, e-payment thanh toán điện tử, telemedicine dịch vụ y tế online vân vân. Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì đây là những chương trình số hóa mà Việt Nam đã và đang thực hiện lâu nay :
"Thứ hai là khuyên Việt Nam nên chuyển đổi, đưa lên mạng một số những hoạt động căn bản như mua bán hàng hóa online, thanh toán trên mạng, cung cấp các dịch vụ xã hội trên mạng… Vừa cách ly xã hội để chống Covid-19 vừa làm kinh tế được. Lời khuyên đó là hoàn toàn xác đáng. Bài báo của ông này chỉ nói đến thế thôi, thì chính phủ Việt Nam cũng nói như thế".
Những số liệu do báo chí trong nước loan tải từ tháng Một, tháng Hai, tháng Ba đến những ngày đầu tháng Tám 2020 cho thấy kinh tế Việt Nam bị tổn hại vì dịch bệnh, ngành du lịch thất thu 97%, sản xuất dưới mức 50%, GDP đình đốn với 0,4% trong lúc số lượng thất nghiệp tăng dần lên.
Lắp ráp hoàn thiện bộ dây điện ô tô tại nhà máy Yazaki Việt Nam tại Quảng Ninh - Ảnh VietnamBiz
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính Việt Nam, cho biết chính phủ đã đề nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm kìm hãm mức độ thất nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất :
"Nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng thì con số thất nghiệp từ nay đến cuối năm có thể tăng từ 3,5 đến 5 triệu. Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ trong thời gian đại dịch này.
Đầu tiên là cho phép các Ngân Hàng Thương Mại kéo dài thời gian trả nợ của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không chuyển sang nhóm nợ xấu. Với những biện pháp như vậy thì việc tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp thuận lợi hơn và tạo điều kiện về vốn. Chúng tôi đề nghị chính phủ nên tiếp tục kéo dài thời hạn cũng như biện pháp để giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là chính phủ đang hỗ trợ cho những thành phần yếu thế trong xã hội. Với những người tàn tật, nghèo, cận nghèo, lao động mất việc thì tìm cách đẩy mạnh giải ngân gói 62.000 tỷ này.
Thứ ba là xem xét, sửa đổi, cho phép doanh nghiệp có thể vay một cách đơn giản hơn và cụ thể hơn đối với lãi suất 0% để trả lương nhằm giữ chân người lao động, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh chưa ổn định hiện nay.
Những biện pháp mà chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh trình bày cũng chính là những điều mà chuyên gia Morisset gọi là "mặt trận đối nội" vừa chống dịch vừa vực dậy nền kinh tế của Việt Nam.
Đối với kinh tế gia, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh, nói thì dễ nhưng :
"Kinh tế số hóa, thương mại điện tử, chính phủ điện tử… là phương hướng cần thiết và thích hợp, có điều phải giúp các doanh nghiệp thiết lập lại mối quan hệ, thiết lập lại chuỗi giá trị của họ. Hiện nay các nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc thì hiện rất khó nhập lại được, còn thị trường tiêu thụ ở Châu Âu cũng như bên Mỹ thì đang giảm sút rất nhiều. Đấy là những điều phải khắc phục và khó có thể thực hiện bằng chỉ chính phủ điện tử hoặc là kinh tế số hóa.
Phải giảm thuế, giảm nợ và các khoản tín dụng, giúp doanh nghiệp chuyển sang thị trường mới. Tôi nghĩ Nhà Nước và doanh nghiệp phải liên kết với nhau, phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp nước ngoài. Đấy là những điều không phải ngày một ngày hai có thể làm được".
Được biết hôm 1/8 vừa qua, Việt Nam thông báo miễn giảm 30% thuế cho những doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ VNĐ. Ông Đinh Trọng Thịnh của Học Viện Tài Chính cho biết đây là gói hỗ trợ thứ tư, được đề nghị nới rộng mức độ miễn giảm cao hơn.
Việt Nam đã khống chế dịch bệnh Covid-19 đợt 1 với 99 ngày liên tiếp không có ca tử vong và lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi bùng phát trở lại từ ngày 25 tháng 7 vừa qua.
Theo ông Morisset, khắc phục được Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài muốn rời bỏ Trung Quốc như 11 công ty Nhật Bản mà báo chí Việt Nam đưa tin lâu nay. Việc này cần được phân tích rõ hơn, là ý kiến của chuyên gia Đông Nam Á Hà Hoàng Hợp :
"Mười một doanh nghiệp đó không phải những doanh nghiệp thật lớn của Nhật Bản ở Trung Quốc đâu. Hàn quốc thì vẫn quyết định chuyển nốt cái sản xuất màn hình TV vào Việt Nam và một số phân xưởng sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện tử của Samsung và LG. Doanh nghiệp vào Việt Nam sẽ tăng lên không nhiều, trong 3 tháng vừa rồi hơn 800 doanh nhân Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ để tiếp tục những gì họ đã và đang làm. Một nghìn doanh nhân Nhật mới vào mà chưa biết họ tìm ra những cơ hội làm ăn gì.
Bỏ Trung Quốc vào Việt Nam không có nhiều, mà bỏ Trung Quốc vào các nước khác như Indonesia hay Thái Lan cũng không nhiều, cho nên Việt Nam cũng đừng trông mong vào đấy. Căn bản trong hơn 60% người lao động Việt Nam thì con số người có tay nghề công việc của người nước ngoài rất nhỏ. Nếu người ta vào thì mình phải để cho người ta tự tuyển lao động rồi người ta huấn luyện.
Việt Nam phải đi đến chỗ, tức là làm sao để các nước khác người ta đến Việt Nam không phải vì người ta bỏ Trung Quốc, mà người ta đến vì cần thị trường Việt Nam như một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa chọ họ. Trước hết phải là như thế".
Những đánh giá và nhận định của Ngân Hàng Thế Giới, theo ông, có cái đúng mà cũng có những cái không sát với thực tế của Việt Nam. Chuyên gia Hà Hoàng Hợp cho rằng tốt nhất nên dùng để tham khảo, còn làm được hay không tùy thuộc phần lớn vào Việt Nam chứ không phải vào World Bank.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 06/08/2020
Tại Hội nghị trực tuyến vào sáng ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Công thương ví von rằng nếu Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) là con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì "ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó".
Đoàn tàu Việt Nam có thẳng tiến vào hải ảng EVFTA ? Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong Hội nghị, cũng khẳng định rằng "cao tốc" EVFTA sẽ nối gần Việt Nam với Châu Âu (EU).
Vào tối ngày 6/8, tiến sĩ Ngô Trí Long lên tiếng với RFA về sự kiện Hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA", diễn ra trong sáng cùng ngày :
"Tất nhiên đây là cơ hội rất lớn. Đồng thời bên cạnh cơ hội đấy cũng đặt ra nhiều thách thức. Và, thách thức lớn nhất là đối với năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất yếu. Trình độ thì còn thấp hơn họ. Chính vì vậy, hôm nay trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành để triển khai vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, theo quá trình ký kết thì người ta đã xem xét lộ trình rất cụ thể. Tất nhiên để mở ra một cơ hội lớn thì cũng không phải là đơn giản. Tại vì tận dụng được cơ hội thì phải vượt qua được thách thức, mà như thế cũng đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam cũng còn rất nhiều hạn chế".
Khi trao đổi với RFA liên quan về EVFTA có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/8, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng :
"Thật sư với Hiệp định EVFTA thì Hiệp định chỉ là bước khởi đầu để Việt Nam có thể xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, và ngược lại. Thế nhưng, Hiệp định này không phải là cây đũa thần để có thể xoay chuyển được tình thế, đặc biệt là trong lúc này. Điều mà các doanh nghiệp phải làm khi xuất khẩu hàng hóa sang EU thì chất lượng phải tốt, giá cả phải rẻ và tất cả quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…Tất cả những doanh nghiệp đó, các doanh nghiệp Việt phải hội đủ".
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam thực hiện EVFTA thuộc một trong 6 vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên trong Hội nghị trực tuyến hôm nay. Ông Thủ tướng nói đến sản phẩm của Việt Nam còn phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU. Ông Thủ tướng còn khẳng định rằng không thể đóng cửa, dựng hàng rào bảo hộ, mà phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.
Năm vấn đề còn lại được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra bao gồm hoạt động tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế và hiệp định thương mại (FTA) chưa đạt hiệu quả ; chính sách cơ chế còn chưa thông thoáng, tạo ra rào cản vô hình cho doanh nghiệp và doanh nghiệp còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh ; vẫn còn thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao ; phát triển kết cấu hạ tầng như thế nào mới đạt hiệu quả ; và yêu cầu phát triển bền vững là ràng buộc trọng tâm của EVFTA.
Qua 6 vấn đề như thế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đặt câu hỏi rằng "Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì ?"
Đài RFA qua trao đổi với một số doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu, chia sẻ rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, họ gặp khó khăn rất nhiều về xoay vòng đồng vốn, khả năng thanh khoản, đầu vào nguyên vật liệu sản xuất cũng như đầu ra của thành phẩm. Và trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, doanh nghiệp tự thân cầm cự, tuy nhiên họ cho rằng đang rất đuối sức.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định về thủ tục hành chính và hành lang pháp lý tại Việt Nam vẫn đang gây ra rất nhiều trở ngại.
"Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì xin hết giấy phép này rồi xin tới giấy phép khác. Rất là rườm rà. Những thủ tục đó thừa kế từ thời kỳ bao cấp trước kia, có rất nhiều những quy định. Ở Việt Nam nhiều luật lệ lắm. So với Mỹ thì nhiều hơn lắm. Một nước nhỏ mà có rất nhiều luật lệ, thành ra làm trói chân trói tay các doanh nghiệp để họ hoạt động một cách hiệu quả".
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định thị trường xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào EU và Mỹ. Và, không loại trừ trường hợp có thể xảy ra là doanh nghiệp Việt tiếp tục gia công hàng hóa Trung Quốc và gắn mác Việt Nam. Nói một cách khác, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trở thành "phương tiện" cho các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập gián tiếp vào thị trường Mỹ và EU. Do đó, tình trạng này sẽ khiến cho doanh nghiệp Việt càng gặp khó khăn nhiều hơn một khi bị phát hiện.
Không những bị trở ngại trong khâu xuất khẩu hàng hóa theo EVFTA, mà tiến sĩ Ngô Trí Long còn lập luận rằng :
"Các doanh nghiệp Việt mà không cẩn thận thì thua ngay trên sân nhà. Nói thẳng là như vậy !"
Bởi vì theo tiến sĩ Ngô Trí Long, trước mắt khi hàng hóa của EU vào Việt Nam thì đó là một thách thức không nhỏ về sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt.
Tiến sĩ Vũ Quang cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với sự sống còn của doanh nghiệp Việt để họ có thể còn cơ hội hoạt động kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường là thanh toán những món nợ.
Báo mạng Kinh tế Sài Gòn Online, vào ngày 6/8, đăng tải một bài ghi nhận của tiến sĩ Vũ Quang Việt, có nhan đề "Nợ của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng suy thoái trầm trọng vì Covid-19".
Trong bài viết này, tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn số liệu hồi năm 2017, nợ của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 392% GDP. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam là thuộc loại cao nhất thế giới, như năm 2018 chiếm 106% GDP. Cho nên, giảm xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích thêm với RFA liên quan bài ghi nhận của ông :
"Bây giờ tình trạng doanh nghiệp nợ rất nhiều. Khả năng sống còn trong thời gian này là rất khó. Cho tới vừa rồi đây thì Nhà nước cũng bơm tiền cho các doanh nghiệp sống, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân thì khốn khổ hơn, như trong bài viết của tôi đã phân tích rằng tỷ lệ lợi nhuận của họ rất thấp, mà bây giờ lãi suất rất cao. Do đó, các doanh nghiệp nếu bán hàng không được và phải trả lãi với mức lãi suất 12% thì rất khó khăn cho họ".
Giải pháp cấp thiết nhất mà Chính phủ Việt Nam phải tiến hành là giảm lãi suất cho doanh nghiệp, theo đề xuất của tiến sĩ Vũ Quang Việt :
"Làm sao phải giảm lãi suất cho họ, chứ lãi suất cao quá là một vấn đề. Tôi không muốn nói thẳng ra nhưng có thể nhiều nước khi cần thiết là phải đòi hỏi các ngân hàng giảm lãi suất xuống. Như Mỹ muốn giảm lãi suất thì bản thân ngân hàng trung ương đẩy tiền ra cho ngân hàng thương mại vay và ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp hơn".
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng lập đi lập lại đề nghị của ông với Chính phủ Việt Nam là Chính phủ cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ này phải được bổ sung bằng nguồn ngân sách địa phương và Chính phủ phải mạnh dạn bảo lãnh các ngân hàng để cho các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì bấy giờ các doanh nghiệp đó mới có tính thanh khoản.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Vũ Quang Việt lưu ý :
"Vấn đề chính ở Việt Nam khó ở chỗ là khi đẩy tiền ra và doanh nghiệp vay tiền của Nhà nước rồi không trả được thì lại nợ thêm. Đặc biệt nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là nhiều nhất. Thành ra, nếu doanh nghiệp nhà nước không sống được thì lại tiếp tục vòi tiền Nhà nước và tiếp tục… Đấy là vấn đề lớn".
Chủ một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may từng lên tiếng với RFA rằng :
"Người Việt Nam thông minh lắm và sáng tạo lắm luôn. Nhưng Chính phủ Việt Nam không biết tận dụng. Nói thật là phải đi từ Chính phủ đi xuống, phải nhìn thấy mình yếu ở đâu, phải xử lý chỗ nào, phải đi trước và phải mạnh mẽ lên".
Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng Chính phủ Việt Nam phải cổ phần hóa nhanh chóng khối doanh nghiệp nhà nước không hoạt động hiệu quả hoặc cho phá sản ; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn với các giải pháp cụ thể. Bằng không thì "Nếu tình trạng này còn tiếp tục thì nền kinh tế nói chung sẽ khủng hoảng và phá sản. Đó là lẽ đương nhiên".
Nguồn : RFA, 06/08/2020
**************************
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ghép bị áp thuế 'bức tử' 25%
RFA, 07/08/2020
Sự việc bắt đầu được dư luận chú ý khi những ngày cuối tháng 7, nhiều container hàng ván ghép thanh bị ùn ứ tại nhiều cảng xuất khẩu ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) bị đối tác thương mại nước ngoài phạt do chậm giao hàng. Muốn tránh phạt, doanh nghiệp phải chấp nhận mức áp thuế hàng ván ép thanh theo mã hoàn toàn mới, với thuế suất 25%.
Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng. Courtesy of Cát Tường
Nguyên nhân được đại diện các doanh nghiệp cho biết là từ ngày 24/6/2020 khi ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký văn bản số 4250/TB-TCHQ. Văn bản này đã quy định, ván ghép thanh chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 là "gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm"... và bị áp thuế 25%.
Thay vì từ trước đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vẫn được áp mã HS 4418, với thuế suất 0%. Điều này không khác gì, đột nhiên Tổng cục Hải quan tự ý thay đổi thuế suất của mã HS 4418 từ 0% thành 25% (!?).
Trước việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp nói có... nhưng Tổng cục Hải quan vẫn cho rằng không đúng như vậy. Vào ngày 4/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các ban ngành và đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng tham gia đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng.
Đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nói :
"Việc này thì phải xem thế nào, chứ một bên có thuế, một bên không có thuế thì chắc chắn ảnh hưởng rồi, làm sao mà không ảnh hưởng được. Mà thuế đâu có ít, thuế suất 25% đâu phải là chuyện đơn giản".
Vị đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết, thông tư 65 định nghĩa rõ ràng đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả những tấm gỗ, tấm lát sàn lắp ráp. Ngoài ra, có quyết định của Bộ nông nghiệp số 2515, vào năm 2015 quy định rõ ràng hơn mã 4418 là ván ghép và là đồ dùng trong xây dựng. Theo đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường hai văn bản này là bằng chứng rõ ràng không thể áp thuế 25% cho mã 4418. Ông nói tiếp :
"Trong cuộc họp bên Hiệp hội cũng đã phân tích hai mã hàng này khác nhau như thế nào ? Trong thởi gian chờ quyết định chính thức, bản thân tôi thấy cũng khả quan, cho nên hiện tại tôi cũng không muốn nói gì thêm về vấn đề này. Nhưng về cơ bản, vấn đề này phải theo quốc tế và theo pháp luật, trước hết là phải xem những cái mã HS như thế nào trong biểu thuế xuất nhập khẩu, hoặc trên biểu thuế của quốc tế, của EU... như thế nào là 4407, như thế nào là 4418..".
Trong khi đó, Cục hải quan lại quyết định gỗ ghép thanh bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế... thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng tại Việt Nam và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.
Đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết thêm :
"Tôi là doanh nghiệp nhỏ, cái gì cũng phải qua Hiệp hội, doanh nghiệp tôi chỉ chiếm 1% của ngành này, số lượng rất là nhỏ. Muốn thêm chi tiết thì qua Hiệp hội, họ có phân tích. Thật sự bên đó bây giờ cũng cử lung tung, cái này tôi cũng không dám nói nữa".
Gỗ ghép cao su, ảnh minh họa. Courtesy of LD
Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nhiều lần liên lạc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng như Tổng cục Hải quan, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Khi trả lời báo chí trong nước hôm 6/8/2020, Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Viforest cho biết, lâu nay gỗ ghép thanh vẫn xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên từ ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan đã bất ngờ có thông báo về việc áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ ghép thanh lên mức 25%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 7/8 liên quan vấn đề này, nhận định :
"Tôi nghĩ việc này nên rút kinh nghiệm, trước khi các cơ quan hải quan có quyết định, nên có trao đổi với Hiệp hội, doanh nghiệp... vì đó là những đối tượng phải thực hiện quyết định của hải quan. Nếu có sự trao đổi, thảo luận... sẽ bớt được việc có những quyết định mà sau đó lại phải sửa ngay như thế này".
Cũng theo Tổng Thư ký Viforest, ngành chế biến gỗ những năm qua đã có bước phát triển nhảy vọt, đó là nhờ yếu tố rất lớn từ chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế đóng vai trò hàng đầu. Theo đó, hầu hết các sản phẩm gỗ khi xuất khẩu (ngoại trừ gỗ tròn, gỗ xẻ) đều được áp mức thuế suất 0%. Ông cho rằng bây giờ mà tăng thuế để tăng thu ngân sách, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến gỗ.
Một chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói :
"Hồi trước nay thì không hề có chuyện đó. Toàn là lấy gỗ khai thác rừng vô tội vạ rồi làm giấy tờ hợp thức hóa. Hồi xưa chính quyền không có để ý đến ngành gỗ của mình gì hết. Nhưng mấy năm gần đây thì đột nhiên xuất khẩu gỗ của mình lớn từ 3, 4 tỷ đô la lên 9 tỷ nên nhà nước mới để ý và thấy là một nguồn thu ngon lành".
Cho đến ngày 7/8/2020, Tổng cục Hải quan đã cho báo chí trong nước biết, tạm thời đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai trước mắt cho Công ty mộc Cát Tường xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%, để giải tỏa hàng ở cảng, nhưng doanh nghiệp này phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền (!?).
Đây là một quyết định linh hoạt, được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho là hợp tình hợp lý, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên việc bắt buộc doanh nghiệp chế biến gỗ phải chấp nhận quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền, dù chưa biết sẽ như thế nào, thuế suất bao nhiêu, ảnh hưởng ngành chế biến gỗ ra sao, làm nhiều người quan ngại, cho dù với lý do bảo vệ môi trường luôn được mọi người ủng hộ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 7/8/2020, nói :
"Nói chung về xuất khẩu gỗ ở Việt Nam thì nhà nước cũng có lo lắng về việc xuất khẩu như thế nào mà không ảnh hưởng môi trường Việt Nam cũng như các nước mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, cũng như những quy định của nước nhập khẩu. Trong việc xuất khẩu gỗ tăng lên những năm gần đây, nhà nước luôn quan tâm làm sao để Việt Nam vẫn xuất khẩu được mà không gây tai tiếng, ảnh hưởng lâu dài ngành gỗ Việt Nam. Tôi ủng hộ cách làm này của Việt Nam, vì đã từng có trường hợp các nước nghi ngại Việt Nam và tăng cường giám sát lãnh vực này".
Tuy nhiên, về cách điều hành thì theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mỗi khi có thay đổi về chính sách, thì nhà nước Việt Nam cần hết sức tránh những thay đổi đột ngột, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng của họ. Nhất là những hợp đồng đã được ký kết với nước ngoài, nếu đột ngột thay đổi thì doanh nghiệp không thể thực hiện được nữa, hoặc nếu tiếp tục thì doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn rất nhiều. Bà nói tiếp :
"Nói chung việc điều hành bao giờ cũng phải có sự chuẩn bị, dự báo trước, hoặc ít nhất làm cho doanh nghiệp dự liệu được chính sách của nhà nước. Ví dụ đưa ra những cảnh báo, có những việc sẽ ảnh hưởng đến ngành, nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh...thuế hay công cụ. Những việc như vậy cần trao đổi với doanh nghiệp trong lĩnh vực để họ chuẩn bị, để tránh vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như ở các nước liên quan".
Theo bà Phạm Chi Lan, cách làm phải như vậy, chứ nếu tăng thuế đột ngột mà không đưa ra dự báo, không trao đổi trước với doanh nghiệp, thì sẽ gây ra hệ quả xấu cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện hiện nay thị trường đang khó khăn, các doanh nghiệp đang phải bươn chải rất vất vả, thì mới có thể duy trì được thị trường, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Việt Nam được quốc tế xem là câu chuyện thành công của thế giới, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở tốp đầu thế giới trong suốt thập niên qua, theo dữ liệu của World Bank.
Bước chuyển mình của kinh tế Việt Nam sau hơn một thập kỷ gia nhập WTO
Tỉ lệ nghèo cùng cực ở Việt Nam giảm từ mức 53% năm 1992 xuống còn chưa đến 2% vào năm 2017.
Trong bối cảnh cuộc chuyển giao lãnh đạo 5 năm một lần sắp diễn ra ở Đại hội Đảng 13, đây cũng là dịp nhìn lại nền kinh tế Việt Nam từ 2016 tới nay.
Bà Mai Fujita, chuyên gia từ Viện các nền Kinh tế đang phát triển (Institute of Developing Economies), thành phố Chiba, Nhật Bản, đã dành nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam.
Cơ quan của bà, Institute of Developing Economies, thành lập năm 1960, thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
'Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng'
Trả lời BBC News tiếng Việt, Tiến sĩ Mai Fujita chỉ ra một số ưu tiên kinh tế của chính phủ Việt Nam từ sau Đại hội Đảng 12 năm 2016.
"Đổi mới mô hình tăng trưởng, trước đây chủ yếu dựa vào sức lao động và vốn, chuyển sang mô hình dựa vào cải thiện năng suất, đã tiếp tục là nghị trình chủ yếu kể từ Đại hội Đảng 11 năm 2011.
"Trong nửa đầu thập niên (2011-2015), Việt Nam tập trung vào hồi phục sau bất ổn kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chậm do khủng hoảng tài chính toàn cầu và thất bại của các tập đoàn quốc doanh.
"Nghị trình giai đoạn 2016-2020 bao gồm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho mọi khu vực kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, chú trọng sáng tạo. Giai đoạn này cũng tăng tốc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính và đầu tư công - chậm trễ các việc này đã kéo lùi nền kinh tế Việt Nam".
Tiến sĩ Mai Fujita nói các chỉ số kinh tế của Việt Nam thời gian qua là "ấn tượng".
Việt Nam đã tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động thương mại hội nhập ngày càng sâu rộng với các đối tác chủ yếu ở Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và Châu Âu.
Tài sản của người dân đã tăng theo thời gian. World Bank ước tính tầng lớp "người tiêu dùng", chi tiêu từ 5,50 đô la trở lên mỗi người mỗi ngày, đã tăng từ khoảng 49% trong năm 2010 lên hơn 70% vào năm 2016.
Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019.
Bà Mai Fujita nhận xét : "Tăng trưởng đẩy nhanh nhờ xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và tiêu thụ mạnh trong nước".
"Tình trạng của doanh nghiệp nhà nước, nợ công và khu vực tài chính cũng cải thiện".
Tuy vậy, cải cách những năm vừa qua cũng có những hạn chế.
"Năng suất lao động của Việt Nam có vẻ đi sau các nước trong vùng, cho thấy Việt Nam chỉ mới có tiến bộ hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng".
"Mặc dù có nỗ lực cải cách hành chính để việc kinh doanh thông thoáng hơn, vẫn còn lo ngại không chắc nó đã đủ bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng".
Tiến sĩ Mai Fujita cũng chỉ ra : "Một diễn tiến quan trọng giai đoạn 2016-2020 là sự trỗi dậy của các nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn trong các khu vực mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ".
"Có vẻ các nhóm này khó phát triển nếu không nhận được mức độ hậu thuẫn chính trị nào đó".
Vấn đề nhân sự rất được quan tâm trong lúc Đại hội Đảng 13 sắp diễn ra năm 2021.
Tiến sĩ Mai Fujita cho biết nhận định : "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ khi nhậm chức năm 2006, mạnh mẽ thúc đẩy thành lập các tập đoàn nhà nước lớn".
"Tình hình thay đổi sau khi ông Dũng nghỉ năm 2016. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành bắt giữ, truy tố nhiều quan chức cao cấp và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước".
"Tuy nhiên, cũng cùng giai đoạn này, lại có sự trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân lớn, như tôi nhắc ở trên".
"Có thể nguyên do là vì việc ra chính sách vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của sự liên kết giữa các lợi ích chính trị và thương mại, dù cho có ai nắm các chức vụ cao nhất".
'Ưu tiên trong phát triển'
BBC đề nghị bà Mai Fujita đưa ra dự đoán về các ưu tiên kinh tế cho nội các mới sau Đại hội 13 năm 2021.
Bà trả lời : "Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò chủ chốt cho tính chính danh của chế độ".
"Việt Nam đã rất thành công kiểm soát dịch Covid-19 so với nhiều nước trong vùng".
"Tuy vậy, kinh tế Việt Nam gắn bó với kinh tế toàn cầu và khu vực, nên ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh là không tránh được".
"Vì thế tôi nghĩ ưu tiên của Việt Nam sẽ là làm sao hồi phục kinh tế nhanh chóng. Có thể nói Việt Nam sẵn sàng để đón lợi thế khi các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển, tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu".
"Tuy vậy, Việt Nam cũng rất cần quan tâm làm sao để tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả, và bình đẳng hơn cho người dân", tiến sĩ Mai Fujita nhận định.
Như vậy, có thể nói tiếp tục cải cách để đưa thu nhập người dân tiến gần hơn một số nước trong vùng, và giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường, sẽ là thử thách cho ban lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam.
Nguồn : BBC, 16/06/2020
Sau dịp lễ kỷ niệm 30/4, Việt Nam đã mở cửa lại các trường học và cho phép việc kinh doanh được trở lại bình thường với hy vọng đưa nền kinh tế phục hồi sau 3 tháng bế quan toả cảng như một biện pháp để dập tắt đại dịch virus corona bắt nguồn từ nước láng giềng Trung Quốc.
Chỉ sau hai tháng lây lan, Covid-19 đã làm cho nhiều ngành nghề ở Việt Nam trwor nên điêu đứng - Ảnh minh họa (24h.com)
Với người Việt Nam, đại dịch virus corona gợi nhớ tới dịch cúm SARS đầu những năm 2000. Họ biết rằng nếu không thực hiện bế quan toả cảng một cách nghiêm túc thì dịch bệnh sẽ không được dập tắt.
Vào cuối tháng 2, khi Tổng thống Donald Trump nói với người dân Mỹ rằng cần phải thực hiện việc đóng cửa kinh tế để dập dịch, thì thời điểm đó, Việt Nam đã đóng cửa các đường biên giới và đã bắt đầu phát triển bộ xét nghiệm Covid-19 của riêng họ. Với hơn 96 triệu dân, Việt Nam chỉ ghi nhận 288 ca nhiễm cho tới ngày 8/5 và không có trường hợp tử vong nào.
Tuy nhiên dù với thành công, như quốc tế ca ngợi về sự chống dịch của Việt Nam, nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này, cũng như các nước khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng không thể tránh được tác động tiêu cực của nó. GDP của Việt Nam tụt xuống 3,8% trong quý đầu năm nay, so với 6,8% trong cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong tháng trước rằng GDP của Việt Nam sẽ có mức tăng 2,7% trong năm nay, một mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với con số 7% ấn tượng của năm ngoái.
Để bù đắp cho sự sụt giảm của năm nay, chính phủ Việt Nam gần đây đã đề ra mục tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức 7% từ năm 2021 đến 2025. Nhằm giúp phục hồi kinh tế, chính phủ ở Hà Nội đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD, giảm lãi suất, lùi thời hạn đóng thuế và phí sử dụng đất cho các doanh nghiệp. Chính phủ còn hỗ trợ tài chính cho các công ty và lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Sẵn sàng cho giới đầu tư
Trong lúc mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam đã có được những thuận lợi so với các quốc gia khác trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và những nhà quan sát Việt Nam. Các hoạt động kinh doanh sẽ không còn như trước do sự bùng phát của đại dịch virus corona, nhưng nhờ có sự phục hồi về kinh tế sớm được dự báo của Việt Nam, các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm sự đang dạng trong các chuỗi cung ứng ở Việt Nam.
Dù chưa thoát khỏi nguy hiểm của đại dịch, Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho trường hợp một làn sóng bùng phát dịch thứ 2 nếu xảy ra. Việt Nam giờ đây có thể sản xuất 7 triệu khẩu trang vải và 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày, trong khi Vingroup – tập đoàn giàu nhất ở Việt Nam hiện nay – nói họ có thể sản xuất 55.000 máy trợ thở mỗi tháng. Việt Nam cũng đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết trong các bệnh viện mới trong trường hợp cần đến, theo truyền thông trong nước.
Theo Economist, Covid-19 đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi, như Việt Nam, trong ít nhất 3 lĩnh vực : toàn xã hội phải cách ly, xuất khẩu sụt giảm và vốn đầu tư nước ngoài bị chậm lại. Việt Nam đã vượt qua được trở ngại đầu và đang trên đường giải quyết những khó khăn còn lại.
"Với việc ứng phó nhanh đối với dịch virus corona, chúng tôi cho rằng đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch", Kizuna Joint Development Corp, chuyên xây dựng các nhà máy sẵn sàng cho các nhà đầu tư sử dụng ở Việt Nam, nói với Reuters.
Các chuyên gia tư vấn – những người giúp các công ty nước ngoài chuyển dịch quốc tế, nói rằng sự thành công của Việt Nam trong việc khống chế dịch đã làm tăng sự tự tin ở những nhà đầu tư nước ngoài đối với quốc gia Đông Nam Á.
Theo Michael Sieburg, một quản lý của công ty tư vấn YCP Solidiance chuyên về Châu Á, nói với Reuters, Việt Nam thậm chí sẽ nổi lên hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trên thế giới trong tầm ngắm của các nhà đầu tư vì sự thành công trong cuộc chiến dịch bệnh virus corona.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam cho biết rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ở vị thế tốt để giúp các nhà sản xuất tìm kiếm cơ sở sản xuất mới.
"Những cơ hội này sẽ bao gồm dịch chuyển đầu tư, đặc biệt của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ tới các khu vực khác, bao gồm cả Đông Nam Á", thứ trưởng Trần Quốc Phương nói trong một thông cáo đăng trên trang web chính phủ. "Việt Nam là một trong số các quốc gia đó".
Hôm 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng Mỹ đang hợp tác với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, để đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty của Mỹ đã và đang đưa các dây truyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng như Việt Nam kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung xảy ra trong gần 2 năm qua.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lại dự đoán rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á bất chất tác động của Covid-19. Ngân hàng này cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển trở lại ở mức 6,8% trong năm 2021, nếu trong bối cảnh dịch bệnh được khống chế.
Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo về Đông Á và Thái Bình Dương trong thời đại Covid-19, nhận định rằng kinh tế Việt nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các điều kiện thuận lợi về thị trường lao động.
Việt Nam hiện có 12 FTA với các quốc gia và khối liên minh trên thế giới. Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết với Liên minh Châu Ấu (EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường trị giá 18.000 tỷ USD.
'Giảm sốc' kinh tế Việt Nam sau cú sốc đại dịch
Khánh An, VOA, 22/04/2020
Trong khi các lãnh đạo Việt Nam vẫn tỏ ra dè dặt trong quyết định tái mở cửa nền kinh tế, thì những người trực tiếp làm công tác cứu trợ xã hội lo ngại phần lớn người nghèo, người thu nhập thấp sẽ không gượng nổi nếu các sinh hoạt xã hội, nhà máy, doanh nghiệp… không sớm quay lại bình thường như trước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản, do tác động của tình trạng giãn cách xã hội nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Với số liệu chính thức cho biết đã 6 ngày liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 mới, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Việt Nam công bố kế hoạch phân chia các tỉnh thành theo 3 nhóm nguy cơ nhằm đưa ra các chính sách tái mở cửa kinh tế tương ứng theo từng trường hợp cụ thể.
Theo đó, nhóm nguy cơ cao là Hà Nội được đề nghị tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội thêm 1 tuần nữa, cho đến hết ngày 30/4, nhưng cho phép thành phố này được tự quyết định về việc mở cửa lại các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu và các loại hình kinh doanh đường phố tùy theo tình hình thực tiễn tại địa phương.
Nhóm có nguy cơ, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang, cũng được cho phép tự quyết định về việc tái tục các hoạt động kinh tế tùy theo tình hình địa phương.
Riêng nhóm nguy cơ thấp là các tỉnh thành còn lại được phép khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế không thiết yếu nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
"Khó trụ nổi"
Kế hoạch cho thấy sự dè dặt và đắn đo của các lãnh đạo Việt Nam trong việc đưa ra quyết sách về thời điểm tái mở cửa nền kinh tế, giữa bối cảnh mà một số nhà hoạt động và những người làm công tác xã hội nói rằng đời sống kinh tế của người dân ở nhiều nơi đã ở mức "kiệt quệ".
"Ở Việt Nam, dù người chết chưa có, rồi số lượng dịch bệnh chưa phải là nhiều, nhưng thực ra về kinh tế, phải nói là kiệt quệ. Nhân viên và tất cả những người lao động thấp đang rất khổ", bà Lê Hoài Anh, một nữ doanh nhân đã đứng ra quyên góp và hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong đại dịch Covid-19, đưa ra nhận định với VOA.
Bày tỏ sự thông cảm về "bài toán khó" trong quyết định tái mở cửa nền kinh tế, nhưng bà Lê Hoài Anh cho rằng Việt Nam vẫn phải giải bài toán khó này vì nền kinh tế sẽ "khó trụ nổi" nếu các hoạt động kinh tế không sớm khôi phục.
"Bây giờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà hàng... đã phá sản hết rồi. Tôi thực sự rất lo sợ", bà Anh cho VOA biết.
"Mặc dù tôi hiểu rằng chính phủ Việt Nam, cũng như Mỹ thôi, đang đứng trước bài toán rất khó là bao giờ mở cửa trở lại. Việt Nam lại còn khó hơn trong nền kinh tế mà người dân thì có rất nhiều thành phần mà số lượng, tỷ lệ chạy ăn từng bữa, từng tuần, từng tháng khá là đông".
Theo nữ doanh nhân này, nếu các hoạt động kinh tế không sớm khôi phục, tình trạng phá sản sẽ lan rộng, kéo theo những bất ổn xã hội.
Nhận định với VOA về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới ở Washington DC và hiện là Chủ tịch Công ty EGAT, cho rằng quyết định có nên gia hạn thời gian cách ly xã hội hay không phải tùy thuộc vào tình trạng của nạn dịch đang xảy ra, chứ không đơn thuần vì kinh tế có chịu đựng được hay không.
"Nếu kinh tế chịu đựng không được, phải bỏ cách ly, mà bị Covid-19 hoành hành trở lại thì hậu quả còn nguy hiểm hơn là đừng bỏ cách ly", Tiến sĩ Đinh Trường Hinh nói.
Vì vậy, theo ông, quyết định này "phải dựa theo tình hình virus đã được ngăn chặn như thế nào, có nguy cơ quay trở lại hay không, và phải căn cứ vào số liệu thực tiễn ở tại nơi (data on the ground).
Việt Nam cần làm gì ?
Với "cú sốc đại dịch", nền kinh tế Việt Nam được cho là vừa đứng trước nguy cơ vừa đứng cơ hội. Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế, một số cơ hội cũng đang được bàn đến trong thời gian gần đây là cơ hội "thoát Trung" và cơ hội đón làn sóng đầu tư mới từ những doanh nghiệp quốc tế đang có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc.
Nói về "cơ hội vàng" để kinh tế Việt Nam thoát thoát khỏi ảnh hưởng quá lớn từ Trung Quốc lâu nay, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rằng dù có dịch cúm hay không, Việt Nam cũng cần phải thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc để có "độc lập tự do lâu dài".
Ông nói : "Dịp cúm Covid-19 là một cơ hội bằng vàng để các kinh tế gia Việt Nam có cơ hội phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào, để biết rõ số người lao động tay nghề cao và thấp của Trung Quốc xuất cảng qua Việt Nam hiện là bao nhiêu, ở trong ngành nghề nào, có thể thay được ngay hay không, cũng như ảnh hưởng Trung Quốc về giao thông, du lịch, vận tải, đầu tư, thương mại và tác động đến các đầu vào của các chuỗi cung ứng liên quốc gia".
"Từ đó, chính phủ phải lập ra một chương trình rõ ràng, thiết thực và có thể giám sát để trong một thời gian có thể giảm thiểu các ảnh hưởng từ Trung Quốc nêu trên, nhất là các đầu vào về chất xám cũng như về vật liệu, và thay vào đó các nguồn từ trong nước hoặc từ các nước khác".
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, việc đầu tiên chính phủ Việt Nam nên làm là lập ra một nhóm nghiên cứu để thu thập các tài liệu cần thiết, một mặt để tìm hiểu những ảnh hưởng của dịch cúm đến kinh tế Việt Nam, mặt khác để tìm hiểu rõ thêm ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam, nhất là ở các tỉnh biên giới.
Mặt khác, với tình trạng xuất khẩu Việt Nam đang chịu tác động từ "lỗ hổng" nguồn cầu từ các thị trường lớn như Mỹ trong lĩnh vực dệt may, giày dép, phụ tùng, điện thoại... Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rằng đây là lúc mà Việt Nam cần phải "thắt lưng buộc bụng", dù có phải bán rẻ trước mắt để chiếm thị trường thì cũng phải làm để dành lấy cơ hội xuất khẩu cho tương lai, và cũng nên tận dụng các thị trường khác như Châu Âu thông qua EVFTA vào lúc này.
Ngoài ra, để chuẩn bị "nội lực" đủ mạnh để có thể đón lấy làn sóng di cư công xưởng sắp tới của các doanh nghiệp quốc tế từ Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng, theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, Việt Nam cần rà soát lại những đầu tư nước ngoài, chú trọng hơn về chất lượng và khuyến khích đầu tư vào những lãnh vực mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. "Những lãnh vực này là những nghành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam", ông nói.
"Cụ thể, Việt Nam phải khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lãnh vực này để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng ; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc ; nâng tỷ lệ nội địa hóa, và ngăn chận đầu tư (hoặc đem các máy móc cũ) có hại hay có ảnh hưởng xấu cho môi trường. Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới".
Theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, để làm được điều này, Việt Nam cần "cải tổ theo chiều sâu", như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp ; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters) ; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ.
Lặp lại những khuyến nghị đã đưa ra trong cuốn sách "Light Manufacturing in Vietnam" (Phát Triển Công Kỹ Nghệ Nhẹ tại Việt Nam) do Ngân hàng Thế giới xuất bản, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là chất xám của người Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên thực hiện các chính sách nhằm tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề để giúp cho nền kinh tế "vươn lên mức cao hơn trên bậc thang giá trị gia tăng", từ đó có thể đón lấy những cơ hội sau đại dịch Covid-19, theo cựu kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới.
Khánh An
Nguồn : VOA, 22/04/2020
***********************
Covid-19, Trung Quốc và những bài học bổ ích cho Việt Nam
Trân Văn, VOA, 22/04/2020
Covid-19 đang làm cục diện thế giới thay đổi. Chắc chắn vai trò, vị trí của Trung Quốc sẽ rất khác so với trước. Ưu thế của Trung Quốc về tầm vóc thị trường, về giá nhân công rẻ, về thu hút đầu tư, về nguồn nguyên liệu, vật liệu đa dạng, dồi dào… từng giúp Trung Quốc gia tăng khả năng chi phối sức cạnh tranh, duy trì sự ổn định từ chính trị tới kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia, kể cả các cường quốc, nay rơi theo phương thẳng đứng !
Nhà báo Trung Quốc đeo khẩu trang xem một thông cáo báo chí của chính quyền trước một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Covid-19 giống như "cạnh" còn lại của "con dao hai lưỡi" - phương thức quản trị, điều hành quốc gia, cung cách hành xử trâng tráo, trịch thượng trong đối ngoại của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc - đã rạch một nhát rất sâu vào nhận thức của cộng đồng quốc tế. Chẳng riêng Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc mà ngay cả Châu Phi cũng đã tỉnh ra, đã hiểu thế nào là "lợi bất cập hại" khi làm ngơ, nhẫn nhịn, thậm chí nương theo Trung Quốc để các bên cùng có lợi.
Hóa ra làm ngơ để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc hành xử độc đoán, vô luân ở Trung Quốc,… hóa ra "nhìn trước, ngó sau", bất kể đạo lý, luôn luôn cân phân lợi - hại trong gìn giữ quan hệ với Trung Quốc lại tai hại đến như thế ! Đã có nhiều triệu người, đặc biệt là chính khách ở nhiều quốc gia ngộ ra : Nếu cộng đồng quốc tế không như thế, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc bị buộc phải ứng xử minh bạch, có trách nhiệm với đồng bào và rộng hơn với nhân loại thì Covid-19 đã bị chặn ngay ở Vũ Hán, không lan rộng trên phạm vi toàn cầu, gây ra đủ loại thiệt hại kinh khủng như đang thấy.
Cho dù tình thế đã khác nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc không nhận ra điều đó. Nỗ lực hóa giải trách nhiệm về Covid-19, thậm chí cố gắng biến Covid-19 thành son, phấn để tô vẽ diện mạo, nâng cao uy tín của Trung Quốc đã tạo ra đủ loại "gậy", giao vào tay thiên hạ cho họ "vụt" chính Trung Quốc. Khống chế xuất cảng hay viện trợ các loại trang bị, thiết bị y tế cho một số quốc gia chỉ khiến thiên hạ thêm khinh bỉ, căm giận.
Nỗ lực của các viên chức ngoại giao Trung Quốc, những cuộc vận động để khen ngợi, cám ơn Trung Quốc ở nơi này, nơi khác hay những lá thư gửi cho Daily Telegraph ở Úc, Bild ở Đức,… từng tạo ra nhiều "tác động tích cực" đối với việc bảo vệ hình ảnh, gia tăng uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc, giờ trở thành lý do thúc thiên hạ tự thấy phải làm gì đó mạnh mẽ hơn là chỉ chỉ trích. Chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc khiến thiên hạ nhận ra họ phải tự thay đổi cả nhận thức lẫn cách hành xử đối với Trung Quốc. Thay đổi đó không đơn thuần là do nghĩa vụ bảo vệ dân chủ, nhân quyền mà vì lợi ích thiết thân của chính họ.
***
Không cần phải rành tiếng Anh mới có thể biết tâm tư, tình cảm của thiên hạ với Trung Quốc và về Trung Quốc đang như thế nào. Cả hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam lẫn mạng xã hội Việt ngữ đã cũng như đang liên tục cập nhập những diễn biến ấy (1). Covid-19 đã làm những người vốn dửng dưng về chính trị cũng có thể cảm nhận tường tận tác hại mà một chính quyền cộng sản có thể gieo rắc trên đầu của họ, đe dọa cả hiện tại lẫn tương lai của họ.
Trong bối cảnh như hiện nay, có tiếp tục tự hào vì bản chất chính thể cũng bất nhân, bất trí, bất tín, bất nghĩa y hệt Trung Quốc hay không là một lựa chọn ! Có nên bô bô phản ứng một cách trâng tráo trước những chỉ trích về xâm hại các tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền của nhân loại như "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh" hay không là một lựa chọn khác, Covid-19 đã vô hiệu hóa lối biện bạch về "đặc điểm riêng, tiêu chí riêng" và xé toạc tấm khiên "chuyện nội bộ của một quốc gia".
Cuối cùng, có nên tiếp tục xem "tuyên truyền" như "nhiệm vụ chính trị trọng tâm" cả trong đối nội lẫn đối ngoại như Trung Quốc, hay "có sao, nói vậy" như thiên hạ ? Vì sao đã chứng kiến thiên hạ khinh bỉ, căm giận Trung quốc như thế nào khi lợi dụng yếu tố "nhân đạo" để "tuyên truyền" mà đến cuối tuần vừa qua, vẫn còn thản nhiên biến chuyến bay do ENI (tập đoàn dầu khí của Ý) thuê để đưa chuyên gia và hàng hóa từ Việt Nam về Ý thành… "Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã phối hợp với Vietnam Airlines ‘điều máy bay đưa người Ý bị kẹt tại Việt Nam về nước’ và đưa một số người Việt bị kẹt tại Ý hồi hương" (2) ?
***
1,3 tỉ người Trung Hoa không chỉ phải trả giá rất đắt cho kiểu nhận thức, lối hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc mà còn bị thiên hạ khinh miệt lây. Không phải tự nhiên mà người Trung Hoa sống ở Đài Loan muốn chính quyền Đài Loan loại bỏ China khỏi quốc hiệu của lãnh thổ này (Republic of China) (3). Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có nhìn thấy giá trị của những bài học mà thiên hạ đang dạy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/04/2020
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10220422073795798&set=pcb.260154871827180
********************
Covid-19 : Trung Quốc bị tố cáo gây họa cho thế giới vì giảm nhẹ số liệu
Trọng Nghĩa, RFI, 21/04/2020
Ngày 20/04/2020, Pháp đã vượt mốc 20.000 ca tử vong vì dịch Covid-19, ghi tên mình vào danh sách các nước có số người chết vì dịch bệnh cao nhất hành tinh, sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha. Những số liệu cực cao tại các quốc gia phương Tây đã nêu bật tính chất khác thường của các số liệu tương đối thấp mà Bắc Kinh đã công bố về dịch bệnh, cho dù Trung Quốc là nơi virus corona xuất phát.
Quốc tế ngày càng đòi Trung Quốc phải nói thật về virus corona. China Daily via Reuters
Vấn đề tính xác thực của số liệu về Covid-19 tại Trung Quốc còn trong vòng bàn cãi, nhưng trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, cho rằng việc Trung Quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến đại họa mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.
Điểm qua các thống kê về diễn biến của dịch Covid-19 từ lúc bùng lên tại Trung Quốc cho đến nay, có một thực tế không thể chối cãi : Số liệu chính thức của Trung Quốc thấp một cách lạ thường.
Căn cứ vào bảng cập nhật cho đến sáng ngày 21/04 của đại học Mỹ Johns Hopkins, Hoa Kỳ là nước có nhiều người nhiễm virus corona nhất trên thế giới, với gần 800.000 ca, theo sau là Tây Ban Nha, hơn 200.000 ca, rồi đến Ý, Pháp, Đức và Anh, đều đã vượt xa mốc 100.000 ca.
Còn Trung Quốc thì sao ? Số ca nhiễm tại nơi xuất phát của dịch bệnh ổn định ở mức hơn 80.000 ca, đứng hàng thứ 8 thế giới về số người bị lây nhiễm.
Số liệu về các ca tử vong cũng cho thấy cách biệt rất lớn giữa Trung Quốc với các nước bị nặng nhất, đa phần là ở phương Tây.
Kể cả sau khi đã điều chỉnh cao hơn gấp rưỡi số tử vong vì Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc vẫn chỉ ghi nhận 4.636 người chết, thua xa các nước đầu bảng như Mỹ đứng đầu thế giới với 42.364 người chết, theo sau là Ý với 24.114 người, Tây Ban Nha 20.852 người, Pháp với 20.265 người, Anh 16.509 người, Bỉ 5.828 người, Iran 5.209 người.
Mặt khác, số liệu bình quân các ca nhiễm hay tử vong theo tổng số dân của từng nước đã làm lộ rõ tính chất quá thấp của thống kê chính thức tại Trung Quốc.
Trường đại học Mỹ Johns Hopkins chẳng hạn, đã dựa trên số liệu tính đến ngày 16/04 để thử so sánh số ca tử vong vì Covid-19 so với dân số của mỗi nước.
Kết quả rất đáng ngạc nhiên vì theo cách tính này, nước Bỉ vốn ít dân (hơn 11 triệu người) lại đứng đầu thế giới về số trường hợp tử vong vì virus corona, với tỷ lệ 425,2 phần triệu, theo sau là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Còn Mỹ, nước có 330 triệu dân, xếp thứ chín với tỷ lệ 106 phần triệu.
Riêng Trung Quốc, với cả tỷ dân, thì đứng gần như là cuối bảng với một tỷ lệ 24 phần 1000.000.
Nhận xét về số liệu này, một nhà bình luận cho đài truyền hình Pháp LCI ngày 17/04 cho rằng nếu các số liệu của Trung Quốc xác thực, thì nước này "gần như là không hề hấn gì !".
Dịch bệnh càng tàn phá dữ dội trên thế giới càng làm tăng nghi vấn về tính xác thực của các số liệu thống kê về Covid-19 mà Trung Quốc đưa ra. Trước các yêu cầu minh bạch hóa càng lúc càng nhiều, Bắc Kinh chỉ có một câu trả lời duy nhất là họ không hề che giấu điều gì.
Đối với giới chuyên gia phân tích, chính việc Trung Quốc không nói thật về quy mô của dịch bệnh khi mới bùng lên đã làm cho hầu như cả thế giới thiếu cảnh giác đối phó, để xẩy ra thảm họa như ngày nay.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo La Croix ngày 17/04 nhà nghiên cứu Philippe Ravaud, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Tễ Học và Thống Kê CRESS tại Pháp đã không ngần ngại cho rằng "Việc số người chết bị giảm thiểu tại Trung Quốc đã tác hại đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch"
Đối với ông Ravaud, cộng đồng khoa học hầu như đều nhất trí cho rằng số ca tử vong vì virus corona mà chính quyền Trung Quốc đưa ra là không chính xác. Bản thân ông cũng "không thể tưởng tượng ra được rằng ở Trung Quốc chỉ có vài ngàn ca tử vong, trong khi nhiều nước Châu Âu thì số người chết cao hơn gấp bội".
Theo chuyên gia Pháp, các thộng tin mà phía Trung Quốc cung cấp về vấn đề này rất thiếu sót, một cách vô tình hay cố ý thì chưa thể biết được, nhưng rõ ràng là hoàn toàn không đầy đủ.
Chuyên gia Ravaud công nhận rằng về mặt các thông tin khoa học, quả là phía Trung Quốc đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cho cộng đồng khoa học quốc tế, dưới hình thức các công bố chính thức, hoặc dưới dạng các bài nghiên cứu ban đầu được thông báo ngay cho giới khoa học để tham khảo trước mà không cần chờ được các đồng nghiệp xét duyệt kỹ lưỡng hay được công bố chính thức.
Thế nhưng, vấn đề là không thể biết được là các dữ liệu đó có bao gồm tất cả các thông tin quan trọng hay không, hay là có một phần đã bị chặn lại. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ được công khai hóa, người ta không thể thực sự ước tính xem mức độ thiếu sót là bao nhiêu, 20%, 30% hay 50%.
Mặt khác, nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại rằng "trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng lớn, như trường hợp ở Vũ Hán, ưu tiên của bác sĩ hoặc nhà khoa học không nhất thiết là phải thông tin hoặc công bố những gì họ phát hiện.
Đối với chuyên gia Ravaud, sai lầm của Trung Quốc là đã cảnh báo quá muộn về dịch bệnh và những nguy cơ đến từ con virus.
Trả lời báo La Croix, nhà nghiên cứu Pháp đã xác định : "Đối với tôi, đây là tội lỗi nguyên thủy của cách giao tiếp của Trung Quốc. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng sẽ có hàng trăm ngàn người chết ở Châu Âu khi mà trên lý thuyết chỉ có vài nghìn ca tử vong ở Trung Quốc, một đất nước có hơn một tỷ dân ? Ngay từ đầu, nhiều chuyên gia đã tin vào số người chết được công bố tại Trung Quốc và căn cứ vào đó để giảm thiểu nguy cơ dự kiến của dịch Covid-19 tại Châu Âu.
Việc ước tính ít đi số lượng người chết ghi nhận ở Trung Quốc đã tác động đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch tại tất cả các quốc gia khác. Trên bình diện đánh giá rủi ro, việc khuyến cáo chính phủ rằng sẽ phải đối phó với một đợt dịch đã khiến 100.000 người chết hoàn toàn khác biệt với khuyến cáo trong trường hợp chỉ có 3.000 người thiệt mạng".
Chuyên gia Ravaud kết luận : "Kinh nghiệm của quốc gia đã bị dịch rất quan trọng đối với các nước mới bị ảnh hưởng, do đó phải được báo cáo một cách hoàn toàn minh bạch. Việc chia sẻ các dữ liệu này trên phạm vi quốc tế rất quan trọng vì nó cho phép quan sát cách dịch bệnh phản ứng với từng chiến lược đối phó và hỗ trợ cho cách hoạch định các chiến lược giảm phong tỏa sau dịch bệnh".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 21/04/2020
Mặt trời đang lịm dần ở Việt Nam
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 19/04/2020
Giờ thì mặt trời đang lịm dần ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6, tăng trưởng GDP quý II dự báo giảm khoảng 2% so với cùng kỳ, thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu.
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước giảm 25% trong quý II và thu hẹp đà giảm về 15% trong các quý sau của năm 2020. Tương tự, giá trị thương mại nội địa cũng sụt giảm 30%. Lĩnh vực du lịch, khách sạn sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi dự kiến giảm 30-40% về lượng khách, doanh thu cũng ước giảm 40%, số lượng việc làm giảm 30-40%. Lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ chứng kiến sự thay đổi khi dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trưởng 25-40%, còn dịch vụ phụ trợ giảm 20-40%.
Mặt trời đang lịm dần còn vì những chủ trương được ghi nhận, là chẳng đâu vào đâu ở mùa dịch đến từ con virus Vũ Hán bên Trung Quốc.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kể câu chuyện nghe cứ như đùa về quyết sách : Để hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, nhà nước đưa ra chính sách cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng trong trường hợp do 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh (theo công văn 860/bảo hiểm xã hội –BT ngày 17/3/2020 của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
"Tính đến nay, hầu hết các doanh nghiệp phản hồi đều không được thực hiện. Lý do : Trong điều kiện khó khăn, không ổn định và doanh thu không có vì hiện tại các đơn hàng xuất khẩu đều bị hoãn và hủy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng và phân chia lịch làm việc của công nhân cho phù hợp để ổn định đời sống người lao. Như vậy, doanh nghiệp không thể đạt được tiêu chí "50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh" để doanh nghiệp được hưởng chính sách về bảo hiểm xã hội theo công văn 860/BHXH-BT". Ông Trương Đình Hòe nói.
Theo đánh giá và ý kiến của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh, thì doanh nghiệp gần như đã "chết lâm sàng". Với nguy cơ này thì gần như doanh nghiệp sẽ cận kề phá sản và không thể có thể vực lại được sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Như vậy, doanh nghiệp không thể xoay sở nguồn vốn để đóng các khoản phí.
"Việc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có 1 tiêu chí hay thước đo cụ thể, hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai, vì hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngưng… đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai. Việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm. Như vậy, có thể thấy tiêu chí trong CV 860/BHXH-BT của bảo hiểm xã hội Việt Nam để cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng là không có tính thực tiễn, khó khả thi áp dụng trong thực tế và cuối cùng là mất đi tính hỗ trợ như mục tiêu mong muốn". Ông Trương Đình Hòe nhận định.
Với những chính sách mang tính hỗ trợ kiểu như nói trên, nên không quá ngạc nhiên khi Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo quý II, dù ở kịch bản nào, cũng tăng trưởng âm. Nếu dịch Covid-19 trong nước được khống chế hoàn toàn giữa tháng 5, và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường thì tăng trưởng GDP quý II vẫn âm 3,3%. Ở hai kịch bản còn lại, tác động xấu nhất của Covid-19 với nền kinh tế sẽ xuất hiện trong quý II, III, thì tăng trưởng GDP quý II sẽ âm 4,9-5,1%.
Việt Nam đang chờ một bình minh mới.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 19/04/2020
*******************
Cúm Vũ Hán : Nền kinh tế Việt Nam đang dần suy sụp
Trung Nam, Thoibao.de, 17/04/2020
Việt Nam vừa đang ở trong ngày cuối của 15 ngày cách ly xã hội và hiện đứng trước câu hỏi : cần tiếp tục cách ly nghiêm ngặt hay nới lỏng dần để kích hoạt lại guồng máy kinh tế ?
Hình ảnh thầy giáo John người Anh với tấm bảng "Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn !" khiến nhiều người chạnh lòng. Thầy có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nhưng bị thất nghiệp 3 tháng và lâm vào cảnh khó khăn. Sau khi được người dân Sài Gòn ủng hộ tổng cộng 48,3 triệu đồng, thầy John chỉ giữ lại 12 triệu đồng đủ để đóng 2 tháng tiền trọ còn thiếu ; 36,3 triệu đồng còn lại ông xin gửi cho người khó khăn hơn. Ảnh minh họa
Đầu tuần này, hình ảnh một người ngoại quốc đứng bên lề đường Thành phố Hồ Chí Minh xin tiền mua thức ăn đã trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Bên cạnh lời bình về sĩ diện, về lòng nhân ái, khía cạnh kinh tế của câu chuyện đã châm ngòi cho các trao đổi nghiêm túc.
Cũng trong tuần, người ta đã chứng kiến một số người dân nghèo chen lấn, xô đẩy tại một điểm ATM phát gạo từ thiện ở Hà Nội.
Nếu hình ảnh "ông thầy Tây" minh họa sống động cho viễn cảnh người ta có thể chết đói trước khi chết do nhiễm Cúm Vũ Hán, thì cũng đã lâu rồi người ta mới chứng kiến một sự cố chen lấn như thế tại thủ đô.
Ngày 15/4 là thời điểm kết thúc cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một câu hỏi lớn được đặt ra : tiếp tục cách ly để kiểm soát dịch bệnh hay nới lỏng dần để nền kinh tế vận hành trở lại ?
Dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và nội địa suy giảm, ngưng trệ
Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư, quý 1/2020 có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).
Một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Doanh nghiệp khó khăn, giải thể kéo theo người lao động thất nghiệp. Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tháng 2 có 47.164 người đăng ký nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 59,2% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi Việt Nam áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ 1 đến 15/4, tình hình kinh tế càng trở nên khó khăn hơn.
Trong khi chủ trương "chống dịch như chống giặc" đã mang lại thành công bước đầu trong ngăn chặn dịch bệnh, bài toán kinh tế khó giải hơn nhiều.
Trao đổi với BBC News tiếng Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đưa ra ví dụ minh họa :
"Thành phố Hồ Chí Minh năm nay dự định thu 405.000 tỷ, tương đương mỗi ngày thu 1.100 tỷ đồng, tức 50 triệu USD. Cứ mỗi ngày cách ly là thành phố chẳng những mất khoản thu đó mà còn phải chi biết bao nhiêu tỷ cho việc điều trị, phòng dịch, cứu trợ dân".
Trao đổi với BBC News tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá :
"Cách ly xã hội giúp Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, đảm bảo không bùng phát ngoài tầm kiểm soát, nhưng nó làm đóng băng gần như hoàn toàn sự vận hành của kinh tế".
Trước câu hỏi liệu có nên nới lỏng, kích hoạt dần các hoạt động kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ :
"Đây là một lựa chọn khó. Chắc chắn nếu thấy dịch được kiểm soát thì nên nới lỏng từng phần, từng địa phương theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để tránh tổn thất kinh tế. Lưu ý các doanh nghiệp mà chết có khi còn nguy hiểm hơn".
Bà Vũ Kim Hạnh nhìn nhận việc đảm bảo "mục tiêu kép" là vô cùng khó khăn :
"Hiện các nước chia sẻ nhận thức về hai nhiệm vụ cấp bách là : giữ và cứu tính mạng người dân là quan trọng nhất, thứ nhì là sức khỏe tính mệnh doanh nghiệp, cũng là của nền kinh tế. Trong các giải pháp phòng chống dịch bệnh thì quan trọng nhất là giãn cách xã hội. Và thực hiện giãn cách thì đạt được hiệu quả về y tế nhưng lại phải chịu thiệt hai rất lớn là đóng băng các hoạt đông kinh tế. Tôi tin chính phủ Việt Nam hiểu hơn ai hết là nước mình không có quỹ dự trữ công lớn đến mức có thể an tâm đóng cửa đủ lâu. Nhưng xóa hết giãn cách để bùng phát dịch bệnh thì chắc chắn chính quyền không dám".
Bài toán kinh tế là nội dung trọng tâm gần đây của Chính phủ Việt Nam. Trong các phát biểu chỉ đạo mới nhất, bên cạnh chủ trương "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ngừng nhấn mạnh "mục tiêu kép" và quyết tâm đưa nền kinh tế "bật dậy như lò xo".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 15/4 đã đồng ý với kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương. Ngoài 12 tỉnh, thành nguy cơ cao, thì 16 địa phương có nguy cơ dịch Cúm Vũ hán cũng phải tiếp tục cách ly xã hội đến 22/4
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :
"Không có giải pháp tối ưu và luôn là sự đánh đổi rất khó khăn. Ông Thủ tướng Việt Nam nói phải đạt mục tiêu kép, tức là khống chế bệnh dịch đồng thời phải bảo vệ nền kinh tế. Đó là cách tiếp cận đúng.
Ông ấy cũng bàn nhiều và nghe dư luận để điều chỉnh chính sách (thí dụ xuất gạo). Tôi nghĩ quan trọng nhất là phải nắm rõ tình hình, đưa ra các quyết định chính sách trên cơ sở bằng chứng thì chính sách sẽ tốt hơn".
Để vực dậy nền kinh tế, chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có gói hỗ trợ tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng… Cổng thông tin Chính phủ cho biết :
"Chúng ta có ‘cú đấm thép’ là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay".
Về giải pháp, bà Vũ Kim Hạnh phân tích :
"Việc hỗ trợ doanh nghiệp lần này hoàn toàn khác khái niệm hỗ trợ xưa nay. Nên phải cứu doanh nghiệp để cứu nền kinh tế, đó là điều bắt buộc phải làm nếu không muốn kinh tế sụp đổ. Bây giờ thì tựa vào vận hành kinh tế nội địa trong điều kiện tập trung nhất có thể, đồng thời hết sức tranh thủ cơ hội bên ngoài như các hợp đồng thực hiện khẩu trang, thiết bị y tế nếu có".
Doanh nghiệp phá sản tăng cao, số lượng người thất nghiệp, người nghèo tăng
Bàn về việc các địa phương đề xuất tiếp tục cách ly xã hội (từ 1 tuần cho tới cuối tháng 5), tiến sĩ Quang A đánh giá :
"Các lãnh đạo địa phương khó chủ động trong tình huống này (sợ trách nhiệm, Đại hội 13 đang đến gần...) và họ thường thụ động theo hướng siết chặt. Chính vì thế chính phủ nên có các chỉ dẫn rõ ràng. Tôi nghĩ sau 15/4 tốt nhất là mở từng phần, từng địa phương và theo dõi sát sao và điều chỉnh kịp thời".
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng giãn cách xã hội đã mang lại kết quả tốt trong phong dịch, nhưng đồng thời cũng lưu ý :
"Cấm tất thì dễ, cho hồi phục hoạt động kinh tế một phần thì khó hơn nhiều, mà không thể không làm".
Bà cũng chia sẻ thực tế là khó có thể bỏ giãn cách ngay :
"Tôi tin giãn cách sẽ tiếp tục, không thể nào xóa bỏ, quay trở lại bình thường, nhưng tiếp tục như thế nào ? Nên có những nguyên tắc bất di bất dịch. Giãn cách hiện nay vẫn là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để tránh bùng phát. Việt Nam nghèo hơn các nước, chi tiêu để phòng chống dịch không được như các nước giàu. Cũng vì vậy, phải có những cách để nền kinh tế hồi sức lại, chứ không thì sụp đổ".
"Doanh nghiệp mệt mỏi lắm rồi. Hội chúng tôi gồm những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường nhưng cũng than là cứ đóng cửa thế này 2 tháng nữa là họ dẹp luôn vì hàng tồn nhiều và không còn thanh khoản. Tôi đoán là nhà nước sẽ vẫn phải giản cách với các nguyên tắc nghiêm ngặt nhất nhưng cũng đến lúc phải mở ra một phần cho doanh nghiệp làm ăn", bà Kim Hạnh chia sẻ.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng trong bối cảnh phải thực hiện "mục tiêu kép" thì "chính phủ cứ minh bạch với dân, rằng nhu cầu cứu vãn nền kinh tế cần bao nhiêu tiền, nước mình nghèo thì chỉ có sức chi bao nhiêu, kêu gọi dân đóng góp bao nhiêu, đi vay quốc tế bao nhiêu. Và bù vào chỗ thiếu hụt tiền là niềm tin của dân, là cam kết thực thi thật nghiêm túc, hiệu quả, có kỹ luật và sẵn sàng đặt dưới sự kiểm soát của người dân. Bởi đại dịch lần này, tình thế quá khác, quá nghiệt ngã đến mức sống còn thì phải làm như vậy thôi".
Bà cũng nhận xét chính sách hỗ trợ hiện nay còn bất cập, đòi hỏi nhiều thủ tục làm nản lòng người dân và doanh nghiệp.
"Muốn hỗ trợ cho người lao động mà cơ quan thực thi nhất thiết yêu cầu người lao động phải chứng minh rằng công ty mình làm bị thiệt hại nặng đến phá sản vì dịch bệnh thì làm sao chứng minh được ? Hay vay ngân hàng đã túng ngặt rồi mà còn phải trình thế chấp, trình tài sản thế chấp đầy đủ, trình phương án hay hợp đồng bảo đảm trả nợ thì doanh nghiệp ‘bó tay’ thôi", bà nói.
Bà Vũ Kim Hạnh gợi ý giải pháp chính phủ phải có quỹ bảo trợ rủi ro cho ngân hàng, "bởi ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, bằng không thì hai bên sẽ co kéo không lối thoát hay có lối thoát cho… tiêu cực". Bà cũng lưu ý trong bối cảnh hiện tại, chính phủ cần xem xét chỉ đạo hoãn hay cấm bán công ty Việt Nam cho công ty có yếu tố nước ngoài.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng Việt Nam "đã bắt đầu nếm đòn từ sự biến động khôn lường" của thị trường tài chính toàn cầu hiện nay vì đại dịch Cúm Vũ Hán và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm xuống còn 4,9% cũng như "tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020".
"Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch Cúm Vũ Hán. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020", World Bank nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế có tựa đề "Đông Á và Thái Bình Dương thời Cúm Vũ Hán", ra ngày 31/3.
"Việt Nam đã bắt đầu ‘nếm đòn’ từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm".
Tổ chức tài chính quốc tế này nhận định thêm rằng :
"Với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra", nêu dẫn chứng về việc "trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%".
World Bank cho rằng dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế "có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020".
Ngoài ra, "áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại".
Bóng ma đại dịch Cúm Vũ Hán cũng đang bao trùm kinh tế Việt Nam
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch Cúm Vũ Hán tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu dịch Cúm Vũ Hán kéo dài 6 tháng, thì 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…
Dịch Cúm Vũ Hán còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng "dính đòn".
Ngành hàng không bị mất trắng trên 1 tỷ USD
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020.
Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm thu nhập khoảng 732,8 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, doanh thu của ngành đã bị sụt giảm tới 25.000 tỷ đồng.
Hôm 15/4/2020, tại Phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý 12 tỉnh, thành kéo dài cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4, như vậy với quyết định này thì nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục lao dốc hơn nữa, hàng triệu hộ dân nghèo mặc dù được nhà nước hứa đưa ra ngân sách hỗ trợ, nhưng họ gần như chưa nhận được gì mà cái đói thì đã đến từ lâu.
Trung Nam (Đà Nẵng)
Nguồn : tbe, 18/04/2020
********************
Họ có còn kịp mua cơm không ?
Nguyễn Nam, VNTB, 19/04/2020
Nhiều tổ chức và cá nhân thiện nguyện, họ không phải ban hành nghị quyết và không chờ ai hướng dẫn thực hiện, họ đến với người nghèo bằng tất cả tấm lòng với "nghị quyết" là 2 dòng chữ : "Nếu khó khăn bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác".
Nhà báo Trương Quang Vĩnh kể ngày 10/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19, với số tiền 62.000 tỷ đồng. Được báo, đài thông tin là "Quyết định chưa có trong tiền lệ".
Thế nhưng đã 8 ngày trôi qua, trên báo chí, gói hỗ trợ này vẫn còn là những từ ngữ nghị quyết, tinh thần quyết tâm, vẫn còn là những thắc mắc về tiêu chí, điều kiện… Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì nói cụ thể hơn : Trong tháng 4 này những đối tượng trên sẽ nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ !
"Với những người nghèo, những tấm vé số là những bữa cơm, nên đứt một ngày bán là đứt những bữa cơm trong ngày. Nhiều đối tượng nghèo khác kiếm cơm hàng ngày bằng sức lao động của mình cũng tương tự vậy. Chờ đến tháng 4 này, họ có còn kịp nhận tiền mua cơm không ?" – nhà báo Trương Quang Vĩnh đặt câu hỏi.
Vẫn theo nhà báo Trương Quang Vĩnh, bức xúc trước hoàn cảnh nghèo khó đó, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều tổ chức và cá nhân thiện nguyện, họ không phải ban hành nghị quyết và không chờ ai hướng dẫn thực hiện, họ đến với người nghèo bằng tất cả tấm lòng với "nghị quyết" là 2 dòng chữ : "Nếu khó khăn bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác".
Với "nghị quyết" đó, các cây ‘ATM gạo’ đã nở rộ các tỉnh, thành ; đến ATM thực phẩm (*), đến những bữa cơm, những gói quà, đến siêu thị 0 đồng… Và nhiều người trong số họ đã tổ chức gửi những "bữa cơm di động" đưa đến tận tay những ai không còn đủ sức lực để xếp hàng nhận cơm…
Đáp lại, nhiều tổ chức, cá nhân cũng góp sức mình bằng cách góp gạo cho các cây ‘ATM gạo’. Với họ, không có lời tuyên bố, vì lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, và người mù có thể thấy !
Nhà báo Vương Liễu Hằng không giấu sự ngờ vực bằng văn phong ‘cà khịa’ quen thuộc ở cây bút chuyên trách mảng phóng sự xã hội của báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh : "Điều to bự mà triệu triệu con mắt đang chăm chăm nhìn vào hiện nay, là gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của chính phủ. Gói ấy là gì ? Chừng nào nó mở ra ? Mở ra cho ai hay chỉ là bánh vẽ ?
Nhóm đối tượng hoang mang nhất, là những người không có việc làm cụ thể ở bất kỳ công ty tổ chức nào… Họ sẽ nhận hỗ trợ ra sao và nhận ở đâu ? Trong khi họ mới chính là thành phần cùng khổ nhất ?".
Theo nữ nhà báo Vương Liễu Hằng, câu trả lời thiết thực là cứ bám nơi cư trú, bởi trong quy định, những người thuộc các ngành nghề như : Bán hàng rong, bốc vác, xe ôm, xích lô, bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… đều là đối tượng được hỗ trợ !
Thế nhưng cái ngặt cũng lại là ở chỗ đó. Theo quy định thì những đối tượng trên phải đăng ký thường – tạm trú ít nhất 3 tháng kể từ trước 1/4/2020, trong khi có nhiều người lao động, đặc biệt là người bán hàng rong và bán vé số không đủ thời hạn đăng ký trên (mà thậm chí có người còn không đăng ký). Vậy, họ phải làm sao ?
"Sóc Trăng đã làm khá tốt khi chính công ty xổ số đứng ra rà soát những đối tượng bán vé số trên địa bàn để phối hợp hỗ trợ. Tuy nhiên hoạt động linh động kiểu này vẫn tuỳ thuộc vào từng địa phương lẫn… ông chủ tịch phường.
Cú giật thót nhất trong gói là trong danh sách hỗ trợ thấy thành phần… có công cách mạng ( !) Không phủ định giờ đây vẫn chả ít những "mẹ đào hầm từ thủa tóc còn xanh" vẫn bạc mặt vì đói. Tuy nhiên cũng không thể không thấy một hiện trạng khác : Tất cả các cây củi gộc đã, đang, sẽ và có thể là không bao giờ vào lò, thì đều là hậu duệ gần với những thành phần… có công cách mạng !" – nhà báo Vương Liễu Hằng nhận xét.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 19/04/2020
Chú thích :
(*) ATM thực phẩm nhằm giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong đời sống bởi dịch Covid-19. Điểm ATM tại trụ sở báo Người Lao Động nằm ở góc ngã tư Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Sài Gòn không chỉ tiếp sức người nghèo bằng gạo như các cây ATM thông thường khác, mà còn là nơi cung cấp thực phẩm để giúp người nghèo có được bữa cơm tươm tất trong những ngày cách ly xã hội, không có việc làm.