Một trong những phiên tòa xét xử giới chức lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam trong năm 2020, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhiều có thể nói là trường hợp cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung. Ông Chung bị đưa ra xử theo cáo buộc "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Ông Trương Việt Toàn, thẩm phán và là chủ tọa phiên tòa, xuống tận ghế dành cho bị cáo để bắt tay, vỗ vai thân mật với ông Nguyễn Đức Chung trong phiên xử kín hôm 12/12
Cựu Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung bị khởi tố và bắt giam hồi cuối tháng 8 và phiên xử được tiến hành vào trung tuần tháng 12.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung đã liên lạc với một cán bộ thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an, tên Phạm Quang Dũng, để tiếp cận tài liệu mật về vụ án Nhật Cường.
Vụ án này liên quan đến buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Trong phiên tòa ngày 11/12, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên án 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước". Sau phiên tòa kết thúc, chủ tọa Trương Việt Toàn vẫn trong trang phục xét xử của thẩm phán đến bắt tay, vỗ vai bị cáo Nguyễn Đức Chung và động viên ông Chung cải tạo tốt trong thời gian 5 năm.
Động thái an ủi bị cáo Nguyễn Đức Chung của thẩm phán Trương Việt Toàn bị giới luật sư chỉ trích là không khách quan khi tiến hành tố trụng ; trong khi dư luận cho rằng đó là hành vi gây phản cảm.
Sau khi phiên tòa diễn ra, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào ngày 14/12, lên tiếng với RFA :
"Sự thân mật của ông Toàn với ông Chung là hành vi chưa từng thấy. Tôi cũng chưa đọc văn bản nào nghiêm cấm sự thân mật giữa Hội đồng xét xử đối với bị cáo.
Nhưng có nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia Hội đồng xét xử không được phép tiếp xúc, trò chuyện với bị can, bị cáo tại tòa. Hành vi đó rất chướng và khiến công chúng đặt ngay dấu hỏi và nghi ngờ tính công tâm của Hội Đồng xét xử".
Trong khi đó, dưới góc độ luật pháp, luật sư Phạm Công Út nhận định rằng đối với ông Nguyễn Đức Chung thì đây mới là vụ án đầu tiên và chưa xem xét tới những vụ án tiếp theo.
Qua kinh nghiệm cá nhân, luật sư Phạm Công Út cho rằng thông thường nếu như ông Nguyễn Đức Chung "ngoan ngoãn" thì hồ sơ có thể được xếp lại chỉ với một tội. Còn như chống cự lại thì hồ sơ sẽ bị mở rộng điều tra.
Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh rằng cũng có những trường hợp dù không chống cự lại cơ quan tố tụng nhưng vẫn mở rộng điều tra theo chỉ đạo từ Bộ Chính trị đối với các quan chức cấp cao. Và như thế, sẽ có những tội danh tiếp theo đối với ông Nguyễn Đức Chung.
"Tại vì, đối với một quan chức khi ‘tay đã nhúng chàm’ thì không phải nhúng 1 lần trong cả cuộc đời của họ, mà có thể nhúng nhiều lần. Đây chỉ là vụ án mới mở màn thôi.
Ông Nguyễn Đức Chung còn dính líu hai vụ án nữa và người ta đang điều tra. Tổng hợp hình phạt đối với Nguyễn Đức Chung nếu án số, tối đa thì 30 năm. Vụ án mở màn 5 năm tù thì thấy là nhẹ. Nhưng những vụ sau chưa chắc sẽ là nhẹ".
Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị truy nã đỏ
Một nhân vật lãnh đạo cấp bộ, cựu Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa, bị cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) truy nã đỏ. Đây là thông tin được Bộ Công An đưa ra và gây chú ý trong đầu tháng 12/2020.
Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện đang bị truy nã đỏ
Bà Hồ Thị Kim Thoa bị cáo buộc có liên quan trong vụ án cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm.
Tất cả bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát tài sản xảy ra tại Bộ Công Thương và Sabeco Sài Gòn. Vụ án này dự kiến sẽ được xét xử vào tháng 1/2021.
Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối ngày 2/12, cho biết bà Hồ Thị Kim Thoa bị cáo buộc có những sai phạm trong việc để lô đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát Điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã tòan quốc đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, hồi đầu tháng 9 và sau đó Interpol cũng đã truy nã đỏ đối với bà Kim Thoa.
Tại buổi họp báo ngày 2/12, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết thêm rằng bà Hồ Thị Kim Thoa đã xuất cảnh vào đầu tháng 9 và Bộ Công an chưa nhận được thông tin nào về việc bà Kim Thoa bị bắt giữ ở nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Công an đã đề nghị gia đình vận động cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về nước đầu thú để hưởng khoan hồng.
Đài RFA ghi nhận thông tin vừa nêu khiến cho không ít người quan tâm đặt câu hỏi liệu rằng số phận của bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ có thể tương tự như kịch bản cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh trước đây.
Ông Trịnh Xuân Thanh đang ở Berlin Đức xin tỵ nạn, bỗng nhiên xuất hiện tại Hà nội trên VTV với thông tin tự ra đầu thú
Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là là đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Đức hồi tháng 7/2017 và sau đó xuất hiện trên hệ thống truyền hình Nhà nước Việt Nam, khai báo rằng ông tự ra đầu thú.
Trong khi tung tích bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chưa biết thế nào, thì nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ thoibao.de, từng cập nhật vụ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức, từ Berlin nhận định rằng sẽ còn các quan chức khác ở Việt Nam tiếp tục chạy ra nước ngoài để thoát thân khỏi các cáo buộc tham nhũng.
"Theo tôi nghĩ, những vấn đề như kiểu Việt Nam chống tham nhũng thì việc này vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Bởi vì trong thực tế, việc chống tham nhũng ở Việt Nam không được xử lý một cách rốt ráo và tận gốc của vấn đề. Đó là cơ chế của độc quyền, độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam làm sinh ra tham nhũng tại vì chỉ có những cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam từ cấp thấp đến cấp cao mới có thể tham nhũng ; chức vị càng lớn thì tham nhũng càng nhiều.
Và việc này sẽ tiếp tục diễn tiến trong thời gian tới, kể cả sau Đại hội Đảng XIII và kể cả sau khi ông Nguyễn Phú Trọng không còn làm tổng bí thư nữa.
Tình trạng tham nhũng sẽ càng diễn ra một cách kín đáo hơn và càng khó khăn hơn trong việc chống tham nhũng sau này. Cho nên, việc các quan chức tiếp tục chạy ra nước ngoài để bảo toàn tính mạng của mình và để chuẩn bị cho việc hạ cánh".
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết qua quan sát chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, do Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, ông ghi nhận quá trình "đốt lò" tuy rằng được hô hào mạnh mẽ, nhưng số lượng và hiệu quả không được bao nhiêu. Nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng số người bị đưa ra tòa xét xử thì đa số thuộc phe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và đó là một cuộc "thanh trừng nội bộ".
"Rõ ràng là các quan chức cấp cao mà những án lệ và cáo buộc mà tòa án đưa ra thì nhiều cáo buộc rất mơ hồ, như ‘lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn’…
Nhưng nhiều người lại không có bằng chứng cho thấy họ tham nhũng hay họ lấy tiền như ông Đinh La Thăng, đã nói thẳng trong phiên tòa xét xử tại Sài Gòn vừa qua".
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng khẳng định vô tội
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 18/12 đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị và cựu Bộ trưởng Giao thông-Vận tải mức án 10 đến 11 năm tù về tội "i".
Hôm 18/12, ông Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ toàn bộ nội dung bản cáo trạng bởi cho rằng "đó là những cáo buộc trên trời, hoàn toàn không có căn cứ và hết sức vô cảm". "Hằng ngày tôi phải chịu tù đày, tra tay vào còng, phơi mặt trên báo. Vì vậy, theo quyền và luật, Hội đồng xét xử hãy cho tôi được nói và được nói sự thật", bị cáo nghẹn giọng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 18/12, cho hay ông Đinh La Thăng khẳng định mình không có tội và nói Viện kiểm sát áp dụng luật pháp không đúng. Ông Đinh La Thăng kêu gọi hãy đối xử công bằng với ông. Đến ngày 21/12, báo giới Nhà nước Việt Nam cập nhật thông tin cho biết ông Đinh La Thăng tuyên bố không có chứng cứ buộc tội ông và các bị cáo và vụ án không có thiệt hại. Ông Đinh La Thăng hoàn toàn bác bỏ cáo buộc của Viện Kiểm sát.
Nhà báo Lê Trung Khoa lý giải về hiện tượng phản kháng của ông Đinh La Thăng trong lần bị cáo buộc tội này :
"Ở Việt Nam, như chúng ta biết là không có tam quyền phân lập cho nên những án đã tuyên thường là những án ‘bỏ túi’ hết. Tức là Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt sẵn những bản án cho các cán bộ của họ rồi và cứ như thế khi đưa ra xét xử.
Như trường hợp ông Đinh La Thăng, họ sẽ xử đi xử lại và tiếp tục xử nữa. Hay ngay cả ông Nguyễn Đức Chung, tôi cho rằng họ cũng sẽ tiếp tục xử".
Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến được giảm án tù
Trong khi cựu Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng phản kháng tại tòa, chống lại cáo trạng dành cho ông thì tại phiên tòa phúc thẩm, diễn ra ngày 11/12, Tòa án Quân sự Trung ương tuyên giảm 6 tháng tù giam cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Ngày 18/5, ông Nguyễn Văn Hiến (Đô đốc Tư lệnh Hải quân, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng 7 người bị xét xử sơ thẩm tại Tòa án Quân sự Thủ đô.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi hạ tuần tháng 5, cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến bị tuyên án 4 năm tù giam về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án Đinh Ngọc Hệ, bị cho là liên quan sai phạm tại các khu đất thuộc quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời câu hỏi của RFA về trường hợp cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến được giảm án, luật sư Phạm Công Út nói rằng ông không thể trả lời chính xác liên quan vụ việc này. Tuy nhiên, có thể bản án được "sắp xếp" theo cách thức mà ông gọi là "nằm ngoài phiên tòa".
"Qua quá trình nhiều năm, tôi biết những cách nằm ngoài phiên tòa đều mang tính tiêu cực thì mới được xử nhẹ. Đối với người dân, đi trộm 1 con vịt bị tuyên 7 năm tù, trong khi trộm bí mật nhà nước bị tuyên 5 năm tù. Tội nào nghiêm trọng hơn tội nào ? Điều đó, dư luận cũng nhìn thấy được. Nhưng người ta không thể lý giải được vì sao quan chức thì lãnh án 5 năm tù, còn người dân thấp cổ bé họng thì bị tuyên 7 năm tù".
Báo cáo của Chính phủ Hà Nội về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2020 cho thấy có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm dẫn đến tham nhũng. Trong số này có 69 người bị xử lý kỷ luật và 12 người bị xử lý hình sự.
Một cư dân ở Sài Gòn, không muốn nêu tên, vào tối ngày 23/12 chia sẻ với RFA về cảm nghĩ của bà khi theo dõi các phiên tòa xét xử quan chức và cán bộ tham nhũng trong năm 2020 :
"Nói chung, hiện tại tình hình gọi là chống tham nhũng hay cán cân công lý, người dân coi những phiên tòa và cảm thấy nực cười. Tại vì chẳng hạn một người kinh doanh, vay tiền ngân hàng và làm ăn thua lỗ thì bị ghép tội về kinh tế và bị bắt bỏ tù, có thể bị chung thân hay tử hình. Lật lại vụ án như của Nguyễn Văn Mười Hai hay Tăng Minh Phụng. Họ bị mất đất đai, tài sản… và mất luôn mạng sống. Nhưng đối với quan chức đứng đầu thành phố như vụ án Nguyễn Đức Chung, ‘ăn cắp tài liệu mật của nhà nước’. Đó là tội chính trị, mà lại bị tuyên án 5 năm tù. Trong khi đó, có những youtuber nói lên chính kiến của họ, phản kháng những bất công trong xã hội thì ghép vào tội lạm dụng quyền tự do cá nhân để chống đối nhà nước. Tôi coi các phiên tòa mà thấy có thể nói đó là phần nổi của tảng băng thôi, còn phần chìm thì không ai biết. Người ta gọi là quan bênh quan, huyện bênh huyện. Một trò hề cho vui thôi".
Trong cùng ngày 23/12, Bí thư thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng của thủ đô từ năm 2013 đến năm 2020, triển khai nhiệm vụ trong tâm năm 2021, tuyên bố rằng "công tác phòng, chống tham nhũng có thể coi là đặc sản của Hà Nội".
Khi đề cập đến thông tin này, cư dân ẩn danh ở Sài Gòn chắc lưỡi buông lời rằng món phở trứ danh ở Hà Nội bây giờ phải nhường cho "đặc sản chống tham nhũng của Việt Nam".
Hải Yến (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 27/12/2020
Một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam vừa công bố báo cáo của Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm tra cổ phần hóa 30 doanh nghiệp nhà nước. Những thông tin mà các cơ quan truyền thông tại Việt Nam trích dẫn từ báo cáo này cho thấy, nhiều cá nhân đang chuyển từ trộm cắp sang công nhiên cướp giật công sản…
Sản xuất bia tại công ty Sabeco. Hình minh họa.
***
Trong báo cáo vừa kể, Kiểm toán nhà nước lưu ý : Thứ nhất, tiến trình cổ phần hóa quá chậm (từ 2016 đến nay, chỉ có 38/177 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch cần tiến hành cổ phần hóa đã được giải tư - chuyển từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân. Thứ hai, việc xác định giá trị tài sản của nhà nước để cổ phần hóa có rất nhiều điểm đáng ngờ. Chẳng hạn, việc lựa chọn phương pháp định giá tài sản khiến chênh lệch giữa giá trị thực với giá thẩm định để giải tư – đổi chủ, lên tới 236… tỉ !
Từ kết quả kiểm tra 30 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, Kiểm toán nhà nước cảnh báo, trong và sau cổ phần hóa có đủ loại sai phạm, tiêu cực liên quan đến đất đai, tài sản vô hình, làm thất thoát tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau khi đã cổ phần hóa… Ít nhất, giá trị vốn thực tế của nhà nước tại 30 doanh nghiệp cổ phần hóa đã sụt giảm tới 30.000 tỉ đồng. Cần lưu ý, vốn hay tài sản của nhà nước chính là vốn, tài sản của toàn dân, nhà nước chỉ là phía nhận ủy quyền !
***
Trò chuyện với Dân Trí về thực trạng vừa đề cập, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế, cho rằng :Những kẽ hở trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ làm thất thoát công sản mà còn gây hệ lụy tiêu cực về công bằng xã hội. Lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước đã lạm dụng quyền lực để khống chế doanh nghiệp nhà nước và sau khi cổ phần hóa, biến doanh nghiệp nhà nước thành sở hữu tư nhân, hình thành "gia đình trị". Ông Phong ước tính,có hàng ngàn tỉ đồng bị thất thoát và nhà nước bị thất thu vì các loại giá trị không được tính đúng, tính đủ (1)…
Chẳng riêng chuyên gia, báo giới, từ lâu, công chúng đã bàn ra, tán vào về tình trạng cổ phần hóa nhưng để sót giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền thuê đất khi tính giá trị doanh nghiệp. Định giá những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Định giá nhưng quên không cộng các tài sản vô hình khác như thương hiệu, lợi thế kinh doanh. Chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước nhưng không tổ chức đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán và không thực hiện nghĩa vụ tài chính…
***
Nhờkinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp nhà nước có quyền vắt sạch tất cả nguồn lực quốc gia bằng vô số dự án không cần sinh lợi ! Dẫu là nguyên nhân chính khiến nội lực quốc gia suy kiệt, nợ nần gia tăng, kinh tế liên tục suy thoái nhưng vì định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước vẫn liên tục được tiếp sức bằng "xóa nợ", "khoanh nợ", "giãn nợ", "ưu đãi thuế", "chính phủ bảo lãnh", "cơ chế đặc thù" và vì vậy thua lỗ, thất thoát càng ngày càng làm thiên hạ choáng váng.
Giữa thập niên 2010, chỉ riêng Bộ Công thương đã có 12 "đại dự án" ngốn của quốc gia khoảng 63.610 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ. Tổng Kiểm toán nhà nước lúc ấy là ông Hồ Đức Phớc, tiết lộ, con số "đại dự án" mất vốn, thua lỗ kiểu đó không phải 12 mà là… hơn 40 (2). Cũng vì vậy, một số người như ông Võ Trí Hảo – giảng viên đại học, mới cảnh báo :Cứu doanh nghiệp nhà nước là xén bớt miếng bánh phúc lợi của người nghèo (3) !
Năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước đã vọt lên mức 324 tỉ Mỹ kim, tương đương 158% GDP (4). Đến lúc đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mới thật sự nới tay, buông các doanh nghiệp nhà nước để đẩy mạnh giải tư nhưng các chuyên gia kinh tế tiếp tục thất vọng bởi thay vì dùng nguồn tiền thu được từ giải tư để hỗ trợ tăng trưởng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam lại rót nguồn tiền ấy vào các doanh nghiệp nhà nước khác !
***
Giờ, mục tiêu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xác định cách nay năm năm :Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả, đến 2020, sắp xếp 240 doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước, thu về cho ngân sách 296 ngàn tỉ đồng để tạo tác dụng tích cực cho tăng trưởng (5) không chỉ phá sản mà còn khai mở một vấn nạn khác : Sau giai đoạn "hà hơi, tiếp sức", giúp cả viên chức đảm nhận vai trò giám sát lẫn viên chức quản trị, điều hành doanh nghiệp nhà nước cùng nhau trộm cắp công quỹ qua việc soạn thảo, phê duyệt, thực thi đủ loại dự án - ý tưởngthay đổi chức năng cơ bản và dài hạn của doanh nghiệp nhà nước, thôi sử dụng doanh nghiệp nhà nước như công cụ để nhà nước dẫn dắt nền kinh tế và các doanh nghiệp, nên cần bố trí nguồn lực, cách thức vận hành và cơ cấu sở hữu doanh nghiệp nhà nước đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân cướp giật công sản, biến các doanh nghiệp nhà nước trở thành tài sản hợp pháp của mình.
Chuyện ông Phạm Phú Quốc, chỉ quản trị, điều hành các doanh nghiệp nhà nước nhưng dư giả tới mức có thể chi 2,5 triệu Mỹ kim để đổi quốc tịch của Cyprus, hay chuyện bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, tuy cùng thân nhân tận dụng cổ phần hóa thâu tóm cả Công ty Bóng đèn Điện Quang lẫn Công ty Nhựa Rạng Đông – hai doanh nghiệp nhà nước trị giá hàng ngàn tỉ đồng - nhưng vẫn được cất nhắc, làm Thứ trưởng Công thương gần tám năm là hai ví dụ trong vô số trường hợp mà thiên hạ đã biết ! Cho đến giờ này, trộm cắp rồi cướp giật công sản qua cổ phần hóa dẫu công nhiên, thiệt hại dẫu được xác định là đang tăng rất nhanh từ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ rồi hàng chục ngàn tỉ nhưng cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thế, vẫn chỉ cảnh báo và khuyến cáo chứ không làm gì khác !
Định hướng xã hội chủ nghĩa đã cũng như đang gom công sản – mồ hôi, nước mắt, hiện tại, tương lai của nhiều thế hệ người Việt – đúc thành những tảng bê tông để nhiều cá nhân xây dựng sự nghiệp cho gia đình, gia tộc của họ (6). Còn người Việt tiếp tục được khuyến khíchthắt lưng, buộc bụng,được nhắc nhở phải biếtchia sẻ khó khănđể xây dựng chủ nghĩa xã hội.Đảng và nhà nước chẳng để sót giới nào, kể cả bần cùng như những người chạy xe ôm cho nên mới có chủ trương nâng thuế thu nhập cá nhân từ 3% lên 10% !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/12/2020
Chú thích :
(3) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cuu-dnnn-la-xen-bot-cua-nguoi-ngheo-305140.html
(4) https://www.thesaigontimes.vn/156693/No-tra-no-va-khung-hoang.html
(5) http://www.mpi.gov.vn/_layouts/MPIPortalCMS/InChiTietTin.aspx?idTin=37539
Bung’, ‘toang’ và… trách nhiệm
Trân Văn, VOA, 04/12/2020
Đầu tuần này, dư luận dậy sóng khi một nam tiếp viên của Vietnam Airlines vi phạm qui định về cách ly khiến ít nhất ba người bị nhiễm Covid-19. Sự kiện vừa kể khiến công chúng phẫn nộ vì nhiều cơ sở từ giáo dục đến kinh doanh phải đóng cửa, xáo trộn sinh hoạt của hàng chục ngàn người ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể đó còn là lý do làm nhiều triệu người lo âu vì sự bất cẩn ấy có thể dẫn đến đợt dịch thứ ba, cả xã hội lại lao đao, khốn khổ, gánh chịu đủ loại hậu quả phát sinh từ các biện pháp ngăn chặn...
Ông Chu Ngọc Anh : "Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm…" (Hình : Trích xuất từ most.gov.vn)
Đến cuối tuần, lần đầu tiên, hệ thống công quyền Việt Nam loan báo quyết định khởi tố vụ án "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" để điều tra – xác định bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân có liên quan (1)… Trong bối cảnh như thế, ông Chu Ngọc Anh – tân Chủ tịch thành phố Hà Nội - đột nhiên nổi như cồn, sau khi yêu cầu các cơ quan hữu trách của Hà Nội : Kiên quyết không để xảy ra làn sóng thứ ba. Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm…
Nhìn một cách tổng quát, tuyên bố của tân Chủ tịch thành phố Hà Nội đã giúp… pha loãng căng thẳng về khả năng Covid-19 bùng phát thành đợt dịch thứ ba ở Việt Nam. Có hai lý do khiến công chúng dành sự chú ý của họ cho tân Chủ tịch thành phố Hà Nội nhiều hơn… Covid-19 : Thứ nhất, đó là việc sử dụng Việt ngữ của Tiến sĩ Chu Ngọc Anh. Thứ hai là nhận thức về phạm vi trách nhiệm cũng như khả năng chịu trách nhiệm của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam...
***
Giống như nhiều người sử dụng mạng xã hội, không ít thân hữu của facebooker Nguyễn Xuân Diện như Nguyễn Khôi cũng tỏ ra hết sức bất ngờ và bất bình về giọng điệu của Tiến sĩ Chu Ngọc Anh vì… ‘Bung’ với ‘toang’ là lối ăn nói kiểu chợ búa. Dat Nguyen Quoc nhận xét :Thị trưởng Hà Nội mà giọng điệu rất… đầu đường xó chợ ! Đặng Hữu Phúc cho rằng đấy là bằng chứng của… Hạ đẳng về đầu óc. Ăn nói như mấy thằng lêu lổng xăm trổ đầy người. Trần Kiên than :Rõ chán chủ tịch thủ đô (2) !..
Tuy nhiên việc tân Chủ tịch thành phố Hà Nội ăn nói kiểu… trẻ trâu chỉ là vấn đế thứ yếu ! Vấn đề chính yếu – trách nhiệm - mới là điều mà công chúng bận tâm nhiều nhất, bàn luận sôi nổi nhất. Đọc xong tường thuật của tờ Thanh Niên về cuộc họp giữa ông Anh với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19, Trần Nhộng, một độc giả của tờ báo này nêu thắc mắc :Thế nào là bung, thế nào là toang ? Rồi chịu trách nhiệm bằng cách nào ? NVH – một độc giả khác sửa lưng ông Chu Ngọc Anh :Không phải Thành phố Hồ Chí Minh mà là Vietnam Airlines đề xuất và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đồng ý cho phi công, tiếp viên cách ly tập trung trong bốn ngày rồi cho tự cách ly tại nhà (3) !
Sau khi trang Tin tức quân sự nêu thắc mắc về tuyên bố của ông Anh :Hứa chịu trách nhiệm nhưng chịu thế nào thì ông không nói. Can Le Duc phỏng đoán :Chắc là ai bệnh thì bác ấy chịu trách nhiệm… đi thăm ! Nguyễn Xuân Sáng tin chịu trách nhiệm là… chịu lủi ! Hùng Lê Việt khẳng định :Chắc chắn sẽ cho vài anh cấp dưới "về vườn" và chủ tịch "rút kinh nghiệm".Còn theo Nghi Dao thì chịu trách nhiệm là : Ở lại thêm vài… nhiệm kỳ nữa để diễn hề cho mọi người xem !..
Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thắc mắc tại sao ông Chu Ngọc Anh không xác định sẽ tự xử như thế nào nếu Hà Nội "bung", "toang". Trên trang Tin tức quân sự, Nam Phan thách ông Chu Ngọc Anh :Từ chức ! Dám không ? Thi Le nhắn hỏi :Chịu trách nhiệm là từ chức hay… tự phê bình nghiêm túc rút kinh nghiệm vậy bố ? Chỉ được cái mồm. Phan Đức thẳng thừng :Nghe nhiều nhàm ! Sau khi xảy ra hậu quả đều hòa cả làng. Không kẻ nào từ chức. Toàn lên chức. Đấy là chịu trách nhiệm(4)…
Giống như nhiều sự kiện khác, tuyên bố của ông Anh khiến nhiều người phải dùng… thơ để… bình cho… nhã. Ví dụ Võ Hồng Ly :Hà Nội đừng sợ ‘bung’, ‘toang’. Đừng lo virus hoang mang suốt ngày. Bác Ngọc Anh hứa hôm nay. "Sẽ chịu trách nhiệm" sau này bung, toang... Chuyên môn dẫu thiếu vững vàng. Nhưng khoản hứa hẹn y chang một nòi !Ngược lại, Thuy Ha Nguyen không dùng thơ mà huỵch toẹt :Bà con đọc cho kỹ nha, ổng hứa với các đồng chí chớ không hứa với nhân dân đâu, đừng tưởng bở (5) !
***
Ai cũng biết, đến giờ, Covid-19 vẫn là bất trị, khó mà có thể đoán định những tổn hại mà loại virus này gây ra đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Lo âu, căng thẳng rất dễ nóng giận, thiếu tỉnh táo nhưng những nhận định, bình phẩm đối với nhận thức về phạm vi trách nhiệm cũng như khả năng chịu trách nhiệm của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam rõ ràng là rất tỉnh táo và nhất quán. Chẳng rõ các viên chức hữu trách có cảm thấy đáng lo và trước nhất là tự thẹn ?
Trân Văn
Nguồn : VOA 04/12/2020
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2455354408100849
(4) https://www.facebook.com/ttqsnews24h/posts/3611994685554683
(5) https://www.facebook.com/hongly.vo.35/posts/10158721013979520
*************************
Báo cáo tham nhũng của Chủ tịch Hà Nội phản ánh tình trạng bao che trong cơ quan công quyền
RFA, 04/12/2020
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới đây đưa ra báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 nhằm phục vụ cho kỳ họp thứ 18, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc họp 2/12/2020. hanoimoi.com.vn
Báo Nhà nước Việt Nam trích nội dung báo cáo cho biết người đứng đầu thành phố Hà Nội nhận định công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng ; tuy nhiên, thanh tra đã phát hiện có 5 vụ án tham nhũng và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ lại nội dung này với câu hỏi đưa ra liệu có điều mâu thuẫn gì trong báo cáo của ông Chu Ngọc Anh hay không ?
Trao đổi với RFA tối 4/12, Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang từ Sài Gòn cho rằng nội dung ông Chủ tịch Hà Nội đưa ra không hề mâu thuẫn mà đang phản ánh sự thật. Ông nói :
"Sự thật là không ai tự đi nói xấu mình hết. Có ai kiểm tra lại bảo tôi tham nhũng, phạm pháp không ? Đấy là tâm lý nói chung, bất cứ ai cũng vậy, trong pháp luật cũng không quy định anh phạm tội mà lại tố cáo chính anh. Vậy thì phải có sự cạnh tranh bên ngoài soi vào, ví dụ như thanh kiểm tra từ cấp trên hoặc đơn vị khác lãnh đạo kiểm tra, hoặc kiểm toán, hoặc người dân tố cáo, tức ở ngoài đơn vị hoặc ở trong đơn vị nhưng những người mâu thuẫn lợi ích, không cùng ekip thì người ta mới tố cáo, mới lòi ra những sai phạm rồi mới đưa ra truy tố hoặc kiểm điểm…"
Đồng quan điểm cho rằng nếu xem xét trong nội bộ thì không bao giờ phát hiện ra tham nhũng bởi vì bao che, che giấu lẫn nhau nhưng nếu có đơn vị bên ngoài thanh tra thì có thể phát hiện ra, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội nói thêm về việc này :
"Đấy là điều rất có ý nghĩa, cho thấy là nếu để các tổ chức xã hội giám sát, báo chí giám sát, người dân giám sát thì còn phát hiện ra nhiều hơn nữa. Thực sự các tổ chức của chính quyền không bị báo chí, các tổ chức xã hội dân sự, người dân – thường phải thông qua tổ chức người dân chứ một người dân không ăn thua gì, là chuyện thực sự hệ trọng".
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 30/11 dẫn thông báo của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết vụ nâng khống giá thiết bị xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh CDC Hà Nội sẽ được đưa ra xét xử từ ngày 10-12/12 tới đây. Theo đó sẽ có 10 người bị đưa ra xét xử trong vụ này.
Trong đó, ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ nâng khống giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 bằng hình thức chỉ định thầu.
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm và 9 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3, Điều 222, Bộ Luật hình sự 2015.
Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước khi giá nhập về Việt Nam chỉ khoảng 2,3 tỉ đồng nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, tức gấp 3 lần giá nhập.
Ngay cả đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ sáng ngày 23/6 cũng gọi đây là trường hợp ‘ăn dày’.
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng cái gốc của tham nhũng là từ tham nhũng quyền lực đẻ ra rất nhiều tham nhũng về chức quyền, tiền bạc, tài sản, đấu thầu…
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ bài học rất đơn giản của Hà Nội, việc ông Chủ tịch phải thú nhận như thế có thể suy ra cả toàn quốc phải làm thế nào trong tình hình hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định việc quản lý tham nhũng phụ thuộc vào việc quản trị đất nước. Trong đó, để quản trị tốt thì cần 4 yếu tố bao gồm luật pháp nghiêm minh, không ai được ngồi trên pháp luật ; đội ngũ công chức làm việc tận tụy và không dính đến chính trị, bộ máy hành chính được đào tạo, hoạt động tốt ; có báo chí độc lập ; tư pháp độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.
"Với bốn yếu tố như thế thì việc quản trị tốt có thể thực hiện được, như thế tham nhũng có thể được giảm bớt, thậm chí có thể khá minh bạch, khá không tham nhũng. Rất đáng tiếc ở Việt Nam bốn tiêu chuẩn tôi vừa nói đều không có hoặc rất kém. Thế thì việc hô hào chống tham nhũng chỉ là hô hào suông mà thôi".
Chị Oanh, một người dân Đồng Tâm cho biết kể từ sau vụ việc lực lượng công quyền ập vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào ngày 9/1 do mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, chị đã không còn tin vào lời nói của bất kỳ lãnh đạo chính phủ Hà Nội nào. Chị giải thích :
"Bác Kình và người dân Đồng Tâm tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng này hoàn toàn tin tưởng vào đảng chứ không phải bất đồng chính kiến hay gì cả. Cho đến ngày 9/1, khi sự việc xảy ra như thế thì cái niềm tin của mình đặt vào đấy hưởng ứng lời kêu gọi chống tham nhũng, để tố cáo sai phạm của chính quyền về quản lý đất đai mà bị quy tội".
Nhận định trong báo cáo của người đứng đầu thành phố Hà Nội cũng ghi rõ nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trong phòng ngừa tham nhũng là do công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế.
Bên cạnh đó, ông Chu Ngọc Anh cũng cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức đã lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vụ lợi.
Do đó, Nhà hoạt động Trần Bang đưa ra đề nghị từ thực tế vừa nêu và từ nội dung trong báo cáo của ông Chu Ngọc Anh như sau :
"Từ cái này suy ra rằng đảng chính trị cũng cần phải cạnh tranh từ bên ngoài, tức phải có đảng khác soi thì đảng này mới lộ tốt, xấu. Còn không có đảng khác, không có lực lượng đối lập thì đảng này không bao giờ nhận ra cái sai, yếu kém cần phải thay thế. Chẳng hạn đảng cộng sản này phải có hai đảng, phải cạnh tranh một mất một còn như ông Trump và ông Biden thì mới hết lòng hết sức vì nhân dân và có thể giảm được tiêu cực trong chính nội bộ đảng chính trị đó".
Vẫn theo ông Trần Bang, nếu đất nước chỉ có một đảng chính trị thì không có cách gì chống tham nhũng được, mọi hoạt động dưới tên gọi chống tham nhũng chỉ mang tính bè phái đánh nhau. Với tư cách một người dân, ông Trần Bang nói rõ nhiều người dân nói là chống tham nhũng giả vờ, đốt lò giả vờ, đốt phe cánh người khác, còn của mình thì không đốt, giả vờ không nhìn ra.
Nguồn : RFA, 04/12/2020
Việt Nam nhập siêu gần 63 tỷ USD hàng hóa từ các thị trường FTA
RFA, 20/10/2020
Bộ Công thương Việt Nam hôm 20/10 thông báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự to (FTA) trong năm 2019 là 123 tỷ đô la, nhập khẩu đạt 186 tỷ đô la, cán cân thương mại Việt Nam vẫn nhập siêu 63 tỷ đô la.
Cảng container xuất nhập hàng hóa - Ảnh minh hoạ. Reuters
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA cụ thể : Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chi Lê 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu 12,4 tỷ USD. Như vậy, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA.
Mức tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi 37,2% phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Con số 37,2% chỉ là tỷ lệ sử dụng trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O với Chi Lê tỷ lệ sử dụng 67,72%, theo thị trường xuất khẩu – Hàn Quốc gần 50% và Nhật Bản gần 39%, theo mặt hàng xuất khẩu – da giày gần 92%, nhựa và các sản phẩm nhựa gần 72%, dệt may gần 67%, thủy sản gần 66%, cà phê và hạt tiêu lần lượt đạt hơn 53% và hơn 90%.
********************
Tham nhũng diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện
RFA, 20/10/2020
Tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Các vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Quang cảnh một cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội vào 21/10/2019 – AFP
Đây là nội dung được Chính phủ Hà Nội nhận định trong báo cáo gửi Quốc hội và được báo chí đưa tin ngày 20/10.
Thực trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương đã được Chính phủ Hà Nội nêu rõ trong báo cáo.
Theo số liệu trong báo cáo về xử lý tham nhũng trong năm 2020, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo. Có 269 vụ, 645 bị cáo bị xử sơ thẩm phạm các tội tham nhũng, trong đó có 8 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, có 158 vụ, 326 bị cáo bị xét xử phúc thẩm.
Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo cho biết đã thi hành xong 3.605 vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung, thu được hơn 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, có 15 vụ việc đã tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.500 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành là gần 55.280 tỷ đồng.
Chính phủ Hà Nội nhận định rằng tham nhũng nhìn chung đã được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm ; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc, hậu quả cho xã hội và mức độ tinh vi như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng – ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công.
********************
Một số cơ quan bộ, ngành trả lại vốn ODA cho Chính phủ Việt Nam
RFA, 21/10/2020
Chính phủ Việt Nam mặc dù đề ra nhiều biện pháp để giải ngân vốn ODA trong năm 2020, tuy nhiên đến cuối tháng 9 mới giải ngân được gần 25% dự toán và một số cơ quan bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA được giao.
Các công trình đầu tư công, xây dựng lớn đều vay từ nguồn vốn ODA - Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 18/8/2020. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 21/10, dẫn lời của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết thông tin vừa nêu khi trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Tin cho biết, theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt được trong 9 tháng đầu năm 2020 vào khoảng hơn 57%, tương đương hơn 495 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3% so với dự toán.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được ghi nhận là chậm, đặc biệt nguồn vốn ODA chỉ giải ngân được 24,8% trong 9 tháng qua. Đồng thời một số bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA cho Chính phủ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn vay ODA chậm được cho là bởi chịu sự tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, các nhà thầu không thể huy động nhân lực để thi công, máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, một số dự án ODA phải điều chỉnh vì vướng khâu giải phóng mặt bằng hay thủ tục ký hợp đồng vay vốn, mời thầu quốc tế…còn nhiều phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều dự án ODA xin điều chỉnh nguồn vốn sang năm sau và trả lại nguồn vốn cho ngân sách Trung ương có xu hướng tăng.
Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư đều cho rằng, các địa phương cần phải cân nhắc kĩ về quyết định kiến nghị trả lại vốn ODA trong năm 2020, bởi vì việc điều chỉnh giảm vốn giai đoạn này sẽ gây áp lực cho giai đoạn tới và dư địa có dự án mới sẽ bị hẹp lại cũng như kéo dài thời gian giải ngân sẽ khiến áp lực trả nợ tăng lên.
Cả hai Bộ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu các địa phương cần cố gắng thực hiện việc giải ngân 2/3 vốn ODA còn lại trong 3 tháng cuối năm 2020 và tránh tiếp tục xin điều chỉnh giảm.
Một số cơ quan bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA trong năm nay như Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn xin trả hơn 1.800 tỷ đồng do không có khả năng giải ngân ; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển hơn 330 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác ; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến dành cho cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do dự án giải ngân quá chậm...
Nguồn : RFA, 21/10/2020
Phát biểu ‘ăn dày’ là trơ lì với tham nhũng
RFA, 24/06/2020
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ sáng ngày 23/6, một cử tri ở quận này đề nghị xử lý nghiêm vụ nâng khống giá mua máy xét nghiệm Covid-19 ở một số địa phương mà báo chí trong nước đăng tải thời gian gần đây.
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Cái Răng. Nguồn : VTC
Đáp lời yêu cầu của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cập nhật thông tin nhóm nâng giá máy xét nghiệm tại Hà Nội đã bị công an bắt giữ.
Đồng thời nhận định sẽ không giảm nhẹ tội cho những cán bộ này vì đã "ăn quá dày" khi kê khống các máy chỉ 2 tỉ đồng lên đến 6 - 7 tỉ đồng.
Nhận xét phát biểu của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, Nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cho rằng :
"Bà ấy vô tình vô ý nhưng bà ấy nói thật. Bà ấy đã từng làm theo hệ thống nhưng chắc ngày xưa không ‘ăn dày’ như vậy, ăn mỏng nhưng ăn nhiều lần, ăn trong nhiều năm. Từ hồi bà làm cán bộ đến nay chắc ăn mỏng nhiều lắm. Nói lên sự thật của chế độ độc đảng : vào đảng để tham nhũng quyền lực, tham nhũng tài sản. Nếu khôn ngoan, mị dân sẽ ăn từ từ, ăn nhiều đầu mối, nhiều nơi, ăn mỏng thôi, tích tiểu thành đại. Mấy ông kia thì bà ấy cũng nói thật là ăn một quả quá đậm, từ 1,5 tỷ mà kê đến 7 tỷ thì gấp mấy lần, đáng lẽ kê gấp đôi thì không sao".
Dưới góc nhìn chuyên môn về ngôn ngữ học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết cả ông và bạn ông đều ngạc nhiên trước việc dùng từ ‘ăn dày’ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân :
"Ngạc nhiên của anh ấy là người thuộc hàng cao nhất theo thể chế ở Việt Nam mà lại nói bỗ bã theo kiểu dân đen bình thường. Nhưng cả anh lẫn tôi đều thấy là cái bỗ bã ở bên ngoài, còn cái quan trọng hơn là cách nói ‘ăn dày’ quá dường như người cao nhất đất nước dần dần chấp nhận thực tế là ở Việt Nam hết sức phổ biến hiện tượng tham nhũng. Sau một thời gian người ta trơ lì với tham nhũng, trơ lì đối với những người làm hành vi tham nhũng và trơ lì với những người nghe chữ tham nhũng. Có ai ngờ người lãnh đạo cao nhất cũng có dấu hiệu trơ lì như vậy".
Đồng quan điểm cho rằng phát biểu của bà Kim Ngân là sự thật và chính xác tệ nạn tham nhũng trong xã hội Việt Nam hiện nay, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già còn cho rằng về mặt luật học, bà Chủ tịch Quốc hội không được phép sử dụng ‘ăn dày, ăn mỏng’ mà phải căn cứ vào pháp luật.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc già còn đánh giá rằng phát ngôn của bà Kim Ngân còn chứng tỏ bà là một người không hiểu biết gì về nghệ thuật chính trị.
"Trong những quốc gia độc đảng toàn trị, họ không chịu sự giám sát và họ không hề chịu trách nhiệm trước những phát ngôn bất cẩn. Vì vậy họ có quyền tuyệt đối trong tay nên họ không lưu tâm đến chuyện ăn nói trong vai trò là một chính khách. Vì vậy nó cũng góp phần làm rõ cho người dân thấy những phát ngôn của người cộng sản dù ở cấp cao nhất thì họ cũng chứng tỏ trình độ của họ".
Vào ngày 6/5 vừa qua, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho báo giới trong nước biết sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án nâng khống giá mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố và bắt giam ngày 22/04/2020. Courtesy : zing.vn
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong vụ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19, 7 cán bộ có liên quan đã cấu kết, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần.
Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng không chỉ riêng vụ việc mua máy xét nghiệm SARS-CoV-2, mà căn bản là văn hóa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ‘văn hóa phong bì’ đã có từ rất lâu và thậm chí còn được công khai trong thời gian trước. Ông dẫn chứng :
"Đến thời ông Đỗ Mười trở đi ngay cả ông Đỗ Mười tôi đọc một số báo ông hỏi trong hội nghị các nhà báo Lê Phú Khải và một số nhà báo ‘đã lấy phong bì chưa’. Thế phong bì là một kiểu tham nhũng rồi. Đi họp là việc phải đi sao các nhà báo đến lại được phong bì ? Bất cứ ai đến họp được phong bì thì tiền đó ở đâu ? Ở dân ! Nếu có lương, tiêu chuẩn, tất cả mọi thứ rồi tại sao lại có phong bì dày mỏng, có khi mỏng lại bị chê ?"
Còn theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, căn bệnh tham nhũng trong vụ mua máy xét nghiệm virus Vũ Hán và những lãnh vực khác đều không có thuốc chữa. Trong đó, qua phát biểu vừa nêu của bà Kim Ngân lại một lần nữa xác định rõ chế độ cộng sản ở Việt Nam tồn tại là nhờ ở tham nhũng.
"Những cái họ đưa ra theo chủ trương gọi là ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ phản ánh tình hình đấu đá trong nội bộ của người cộng sản với nhau. Nó không mang thực chất chống tham nhũng, tham nhũng xuất phát do chế độ độc đảng toàn trị, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối nên không chống được".
Do đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng nếu diệt tham nhũng tức là diệt chế độ và điều này đã được chính lãnh đạo cao cấp nhất như ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng đưa ra quan điểm cho rằng căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam không thể chữa được. Ông hoài nghi rằng chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra liệu có tác dụng hay không khi người dân thấy được sự trơ lì với tham nhũng qua phát biểu của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 23/6 vừa qua.
Nguồn : RFA, 24/06/2020
**********************
Lời phát biểu ngầm chứa văn hóa tham nhũng
Viết từ Sài Gòn, RFA, 23/06/2020
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào hôm nay, thứ Ba ngày 23 tháng 6, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói "Nâng máy xét nghiệm từ hai tỉ lên bảy tỉ là ăn quá dày, phải làm rõ vấn đề…".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ - Ảnh : vov.vn
Câu nói này, mới nghe thì cử tri sẽ vỗ tay và xem như họ thỏa lòng, giải tỏa được nỗi bức xúc bấy lâu nay. Nhưng thực ra, trong sâu xa vấn đề, cả người nói và người nghe (vỗ tay) đều có vấn đề trầm trọng, vô hình trung nó cho thấy một thứ văn hóa ngấm ngầm theo kiểu tảng băng trôi đang làm kẹt dòng chảy phát triển của Việt Nam – thứ văn hóa tham nhũng. Và một khi tham nhũng đã thành văn hóa của giới quan chức thì đương nhiên, cách nói về nó sẽ thay đổi, sẽ nhìn theo chiều kích đồng thuận, thỏa hiệp. Và sự xuống cấp đạo đức không còn là xa lạ, vấn đề là nó được hiển lộ bao nhiêu phần trăm trước bàn dân thiên hạ mà thôi !
Trong tiến trình phát triển của Nam Hàn, người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Park Chung Hee : "…Tôi sẽ bắn bất kì kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra". Và đất nước Nam Hàn từ một quốc gia có nền kinh tế què quặt, thiếu thốn, chấp nhận đưa lính đi đánh thuê… đã trở thành một cường quốc khu vực, cường quốc Châu Á. Sở dĩ có được ngày hôm nay, Nam Hàn không thể phủ nhận tinh thần và công lao của ông Park, bởi chính cái tinh thần bài trừ tham nhũng, lấy liêm chính làm kim chỉ nam xây dựng quốc gia của ông đã giúp cho đất nước không có đội ngũ quan tham, sâu mọt, đục khoét của dân, chí ít cũng trong thời đoạn ông làm lãnh đạo.
Nhắc tới ông, chỉ để muốn nhấn mạnh rằng vấn đề tham nhũng, hoặc là có, hoặc là không. Nếu có tham nhũng thì đất nước dẫn đến tình trạng bệ rạc, điêu đứng, phe nhóm cát cứ và người dân còng lưng gánh chịu thuế, gánh chịu nợ công, gánh chịu sự bức xúc, bất công. Nếu không có tham nhũng thì người dân cùng chung tay với chính phủ xây dựng, kiến thiết quốc gia, cùng hướng tầm nhìn của mình về một quốc gia tươi sáng, quật cường trong tương lai. Nói như vậy để thấy rằng tham nhũng không thể có chuyện tham nhũng một đồng thì bỏ qua, tham nhũng nhiều đồng thì xét tội. Và nói như vậy để thấy rằng chính sách chống tham nhũng của Việt Nam đã hỏng hóc từ những năm 1990 của thế kỉ trước.
Nếu như trước đây, tại điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhận hối lộ trên 300 triệu đồng sẽ bị tử hình thì tại điều 354 bộ luật hình sự đã bổ sung sửa đổi năm 2015, có qui định ‘tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên’. Và đây là cơ hội tốt nhất cho mọi kiểu tham nhũng, hối lộ, con số tham nhũng, hối lộ nếu nhát gan thì sẽ giữ ở chừng mực dưới 1 tỷ hoặc dạn dày một chút thì sẽ hô biến, chẻ nhỏ từ vài tỉ xuống còn vài trăm triệu đồng. Đương nhiên là điều khoản này quá lạc hậu đối với bây giờ bởi đồng tiền Việt mất giá, nếu tử hình với mức tham nhũng, hối lộ 1 tỷ thì có lẽ phải tử hình gần hết hệ thống quan chức Việt Nam. Và điều đáng bàn ở đây chính là ngay trong qui định về tham nhũng từ trước đến nay cũng đã có sự mặc nhiên chấp nhận sự tham nhũng, không có sự rốt ráo, triệt để trong chống tham nhũng. Bởi một khi quyết tâm xây dựng đất nước trong sạch, lành mạnh thì không thể chấp nhận bất cứ mức tham nhũng nào, đặc biệt, xét trên góc độ tiêu chuẩn đảng viên, xây dựng đảng thì việc bất kì đảng viên nào tham nhũng dù chỉ một đồng cũng đã đi lệch tiêu chuẩn/tiêu chí xây dựng đảng. Đó là chưa muốn nói đến vấn đề xây dựng quốc gia, trong lúc đất nước đang xây dựng và phát triển, việc bất kì cán bộ nhà nước nào có dấu hiệu tham nhũng đều cần được loại bỏ khỏi hệ thống.
Tuy nhiên, việc định ra mức giá để xử phạt tội tham nhũng là một cách để ngỏ cho kẻ tham nhũng có cơ hội tính toán và hành sự. Và bằng chứng của vấn đề thất bại này là hàng loạt các công trình đội vốn, đắp chiếu, từ Vinashin, Vinalines, nhà máy lọc dầu Dung Quốc, nhà máy tinh luyện đường, gang thép Thái Nguyên… cho đến dường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sự tham nhũng, ăn chia, bè phái đã làm cho nền kinh tế đứng bên bờ kiệt quệ. Ngay cả những nhóm ngành lấy thiên lương làm kim chỉ nam như giáo dục, y tế cũng nở rộ tham nhũng. Và vấn đề bà Ngân mới nhắc đến chính là vấn đề tham nhũng của ngành y tế, một cái vảy tham nhũng trong một con cá tham nhũng to tướng. Và không riêng gì lĩnh vực y tế, lại thêm một vấn đề đáng bàn khác, ấy là bà Ngân là lãnh đạo của một cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, lẽ ra bà phải có thái độ chống tham nhũng quyết liệt chứ không thể nói theo kiểu ầu ơ thỏa hiệp như vậy được.
Bởi ở đây bà Ngân nói "ăn quá dày" chứng tỏ rằng trong bà đã có khái niệm ăn dày, ăn mỏng và thứ hoạt động tham nhũng đã ăn dằm trong hệ thống. Hơn nữa, vì ăn quá dày nên mới xử lý, chứng tỏ rằng nếu ăn mỏng thì có thể du di, bỏ qua. Và hơn hết, chữ nghĩa, lời nói của một người đại diện cho nhân dân lại mang hơi hướm của người kẻ chợ, lại nói chuyện "dày – mỏng" nghe cứ như dân cá độ bóng đá hay dân anh chị đang bàn luận với nhau về một cú áp phe nào đó. Bởi, với cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà Ngân chỉ được phép bày tỏ và đưa ra quan điểm chống tham nhũng, tuyệt đối không được phép định giá trong vấn đề này. Vì định giá cũng có nghĩa là đã có sự chấp nhận, công nhận hiện tượng. Và một khi đã có định giá thì đương nhiên hiện tượng đó không những không được tiêu trừ mà còn tiếp diễn, thậm chí còn nảy nở tỉ lệ thuận với phát triển kinh tế và hàm chứa rủi ro quốc gia.
Ở đây, cách trả lời cử tri của bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho thấy thái độ hoàn toàn không nghiêm túc của một bà Chủ tịch Quốc hội trước nhân dân, thậm chí nó cho thấy ngay trong bản thân bà đã có sự mặc định về chuyện ăn mỏng, ăn dày, về thứ văn hóa tham nhũng đang tràn lan đất nước. Và, liệu đây có phải là cách bà Ngân lấy lòng đàn em quan chức bên dưới, cách bà bắn tiếng cho họ rằng "với tao, chuyện tham nhũng tao không chấp, nhưng đừng ăn quá dày, ăn dày lộ mặt thì tao buộc lòng phải mất lòng tụi bay" trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng đốt lò chống tham nhũng để làm sạch hệ thống ?
Liệu cách nói của bà Ngân có phù hợp với vị trí Chủ tịch Quốc Hội ? Hay là cách nói của một chị đại đang đi vận động, lấy lòng một đám đàn em ô hợp đang sợ sốt vó trước công cuộc truy tìm kẻ tội phạm (cụ thể ở đây là tội tham nhũng) ? Và đây có phải là cách để thu phục đàn em trước đại hội đảng 13 ? Dường như mọi câu hỏi cũng chỉ là câu hỏi. Vấn đề đáng bàn, đáng buồn ở đây lại là chuyện về cung cách, nhân cách và tư cách của một vị Chủ tịch Quốc hội, vị đại diện nhân dân tối cao lại có gì đó bất ổn, mang giọng điệu chị đại giang hồ. Và một khi giới quan chức lãnh đạo có giọng điệu kiểu như vậy thì đừng trách xã hội trở nên bất ổn và khủng hoảng !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 23/06/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Nếu đã biết người đó tham nhũng, thì trước tiên cần phải đi tố cáo, chứ sao lại giới thiệu hay không giới thiệu người đó ra ứng cử ?
Báo chí đưa tin, Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp dự kiến vào ngày 23/5/2021 yêu cầu không giới thiệu ứng cử Đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… (*).
Thắc mắc đầu tiên, nếu đã biết người đó tham nhũng, thì trước tiên cần phải đi tố cáo, chứ sao lại giới thiệu hay không giới thiệu người đó ra ứng cử ?
Câu hỏi thứ hai, những cơ quan nào được trao cho cái quyền gọi là ‘giới thiệu ứng cử Đại biểu quốc hội’ ?
Vấn đề kế tiếp, thế nào là ‘chạy chức – chạy quyền’ ? Người chọn ‘chạy’, tất nhiên người ấy hiểu rõ có nơi sẽ ‘nhận’ cho chuyện ‘chạy’ đó. Và như vậy thì ở đây cần hiểu chỉ thị nêu trên của Bộ Chính trị ra sao ?
Có thể tạm tìm câu trả lời ngay trong nội dung của Chỉ thị số 45-CT/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 20-6-2020.
"Để cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây (…)". Chỉ thị số 45-CT/TW nêu địa chỉ thực hiện các yêu cầu.
Hai thắc mắc đầu tiên được trả lời như sau vì có chung ‘địa chỉ’ : Đảng ủy các cấp là nơi chịu trách nhiệm ‘giới thiệu ứng cử Đại biểu quốc hội’. Như vậy, một khi đã sàng lọc theo yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là "Kiên quyết không giới thiệu ứng cử Đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước" (trích phần nhiệm vụ được đánh số thứ tự 2, Chỉ thị số 45-CT/TW), thì cần làm rõ tiếp theo là Đảng ủy các cấp ở địa phương đề xuất xử lý ra sao những đảng viên được đánh giá là "sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước" ?
Ở thắc mắc thứ ba, giả dụ trường hợp ‘đích đến’ của "chạy chức, chạy quyền" là Đảng ủy cấp trên, thì liệu Đảng ủy cấp địa phương sẽ ứng xử ra sao trong tình huống đó ?
Một sự việc bên lề nhưng có phần liên quan tới chuyện lựa chọn các đại biểu của nhân dân. Trung tuần tháng 5/2020, chính phủ có tờ trình lên Quốc hội về ý kiến của địa phương Đà Nẵng được bầu Chủ tịch UBND trực tiếp, phổ thông bỏ phiếu để người dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tuy nhiên phán quyết cuối cùng từ Quốc hội là, "Đà Nẵng chưa được thực hiện dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND".
Việc chọn ai là chủ tịch UBND, tiếp tục thuộc thẩm quyền của các cấp ủy Đảng. Và như vậy thì rõ ràng nếu ai đó muốn ‘chạy’, thay vì phải từ lá phiếu tín nhiệm của số đông dân chúng, giờ tiếp tục ‘chạy’ cho sự ‘hài lòng’ của nhóm nhỏ quyền lực nào đó ở cấp ủy Đảng.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 23/06/2020
_________________
Chú thích :
(*)http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=46482
Công trình giống ‘đường lưỡi bò’ ở Hải Phòng của doanh nghiệp Trung Quốc bị phá (RFA, 30/04/2020)
Công viên xây dựng giống "đường lưỡi bò" tại huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng bị nhà chức trách địa phương yêu cầu phá bỏ.
Hình ảnh công viên "đường lưỡi bò" trước khi bị phá dỡ. baotainguyenmoitruong.vn
Theo tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 30 tháng 4, công trình vừa nêu này nằm trước nhà điều hành của Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên hợp đầu tư Thâm Việt, trên phần đất quy hoạch công viên cây xanh với lối đi lát gạch bao quanh một hồ nước nhân tạo. Công ty Thâm Việt thuộc sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc và là chủ đầu tư Khu công nghiệp An Dương.
UBND huyện An Dương sau đó yêu cầu doanh nghiệp phá bỏ hồ nước, đổ đất san lấp để trả lại hiện trạng và giao cho cơ quan chức năng tiếp tục giám sát, nếu phát hiện sai phạm sẽ tiếp tục xử lý.
Trước đó vào tháng 9 năm 2019, Công ty Thâm Việt cũng xây hàng chục nhà trái phép trên đất quy hoạch cây xanh cho công nhân Khu công nghiệp An Dương. Ngoài ra, công ty này còn cho đào hồ với hình bất quái âm dương. UBND Thành phố Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ các công trình này, tuy nhiên cho đến nay, một phần công trình đã phá dỡ nhưng hình bát quái âm dương vẫn thấy rõ.
Bắc Kinh tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn, hay thường được gọi là đường lưỡi bò, trên Biển Đông để tuyên bố đến 90% chủ quyền tại khu vực biển này.
Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA ở La Hay ra phán quyết tuyên đường lưỡi bò đó là phi pháp, không có căn cứ cả về lịch sử và pháp lý.
********************
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 vừa được công bố vào sáng ngày 28/4.
63% người dân Việt Nam khẳng định phải lót tay để để vào làm việc trong khu vực nhà nước, theo Báo cáo PAPI 2019. AFP - Ảnh minh họa.
Theo kết quả khảo sát trong báo cáo này, người dân Việt Nam nhìn nhận tình trạng tham nhũng năm 2019 có xu hướng giảm khoảng 5% so với năm 2018 và sự kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện mạnh mẽ nhất hồi năm ngoái. Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng 20 đến 40% người dân khẳng định tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của lĩnh vực công.
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân tại TP.HCM cho biết bà ghi nhận tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước có chiều hướng giảm bớt. Thế nhưng, tình trạng đó vẫn tồn tại trong lĩnh vực công mà người dân hàng ngày phải thường xuyên đối diện với những hình thức không đến đến mức "trắng trợn" như trước đây.
Bà Ba viện dẫn công ty của bà mỗi khi bán hàng vào khu chế xuất, vẫn phải kèm theo tiền (gọi là "tiền bồi dưỡng") trong hồ sơ làm thủ tục hải quan.
"Nếu muốn bộ tờ khai được nhanh để hàng qua cổng hải quan thì trong tờ khai phải kèm theo 20-30 ngàn đồng, tùy theo giá trị lô hàng. Nhân viên hải quan họ sẽ lấy tiền kèm vô đó. Còn nếu muốn nhanh và không phải ngồi chờ đợi lâu theo thứ tự thì phải mướn (dịch vụ) người làm ‘cò’, chuyên nhận hồ sơ. Họ cũng bắt số thứ tự nhưng họ đưa một lần gồm một xấp nhiều hồ sơ và đưa cho Hải quan làm thủ tục luôn một lần. Người làm cò có thể chia (tiền) với Hải quan bên trong như thế nào thì mình không biết chính xác, nhưng thủ tục là vậy".
Bà Ba còn khẳng định dịch vụ công khác cũng tương tự như vậy.
Báo cáo PAPI 2019 cho thấy 31% người dân phản ảnh phải chi thêm tiền khi đi khám chữa bệnh. 30% người dân cho rằng phụ huynh cũng phải chi thêm tiền cho giáo viên trong việc học hành của con cái. Trong khi đó, 31% người dân nói rằng phải chi thêm tiền trong việc làm giấy tờ về đất đai, như chứng nhận quyền sử dụng đất. Và, 21% người dân khẳng định chi thêm tiền khi làm giấy phép xây dựng.
Điều đáng lưu ý trong Báo cáo PAPI năm 2019, có đến 63% người dân cho rằng cần phải đưa lót tay để vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Đài RFA ghi nhận tình trạng nhờ vả, quen biết, đút lót để xin việc làm tại các cơ quan nhà nước được dân chúng ở Việt Nam cho là một việc hiển nhiên trong xã hội, qua câu nói như "nhất thân, nhì thế !" hay "thủ tục đầu tiên là tiền đâu ?". Điều này chẳng có gì là nghịch lý khi tiền lương không bao nhiêu, thậm chí không đủ sống nhưng là nhân viên, cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước thì còn được những quyền lợi khác, mà trong đó là bổng lộc thậm chí rất nhiều.
Chúng tôi cũng từng được dịp nghe các giáo viên mới tốt nghiệp và xin việc ở các trường học, mà không phải dạy hợp đồng thì tùy theo trường học các cấp huyện, thị xã, thành phố khác nhau mà giá cả cho một suất giáo viên chính thức hưởng lương nhà nước giao động từ vài trăm triệu đồng.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019 ngày 28/04/2020, tại Hà Nội. Courtesy : baoquangbinh.vn
Một bác sĩ ở Hà Nội, cho RFA biết trong ngành y tế cũng tương tự :
"Số tiền chạy việc được phân cấp qua hạng bệnh viện, vì bệnh viện nào có thu nhập cao hơn thì tiền ‘chi’ vào phải cao hơn. Vào bệnh viện hạng 1 như Bạch Mai, Việt Đức thì phải tiền tỷ. Bệnh viện hạng 2 thì phải khoảng từ 300 đến 500 triệu. Còn bệnh viện hạng thấp hơn thì phải 100 đến 200 triệu. Các bệnh viện ở miền núi được ưu đãi nhưng lại ít người về, vì chẳng được ưu đãi bao nhiêu".
Cô Nguyễn Trang Nhung, một người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và theo dõi sát sao các báo cáo Chỉ số PAPI hàng năm, nói với RFA rằng có mối tương quan như là một mắc xích không thể tách rời giữa tình trạng đút lót xin việc trong cơ quan nhà nước và tham nhũng vẫn tồn tại nhiều.
"Theo tôi thì có một mối tương quan rõ rệt giữa hai điều đó. Những người cảm nhận hay trả lời khảo sát có thể không trực tiếp tham gia vào việc đút lót. Nhưng họ có thể thấy qua những người xung quanh họ. Ví dụ nếu như trong gia đình có một người làm việc trong cơ quan nhà nước thì ít nhiều người ta cũng biết được có tình trạng đút lót để có thể vào được trong cơ quan nhà nước. Như tôi vừa nói thì những người xung quanh tôi có thể nghe được những câu chuyện về điều đó. Và với hơn 60% người dân nhìn nhận có đút lót để vào cơ quan nhà nước thì có một tỷ lệ tương ứng với những người cảm nhận vẫn còn tình trạng tham nhũng phổ biến. Theo tôi, tỷ lệ 20% hay 40% đấy thì có lẽ vẫn còn thấp, lẽ ra có thể cao hơn thế".
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam từng nhận định với RFA về tình trạng này :
"Bộ máy hành chính của Đảng và hành chính của Nhà nước thì nhân viên bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong một bài viết liên quan công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, vừa mới phổ biến trong những ngày hạ tuần tháng 4, yêu cầu kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành TW khóa XIII những người tham nhũng, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc…Tuy nhiên, giới quan sát chính trường Việt Nam khẳng định rằng yêu cầu của ông Trọng không phải là quyết tâm chống tham nhũng, mà chỉ là thể hiện sự đấu đá quyền lực, phe phái ngày càng nghiêm trọng hơn trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam.
Cô Nguyễn Trang Nhung nhìn nhận vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam có chiều hướng giảm, dù là tỷ lệ thấp nhưng có sự tham gia của người dân. Theo quan điểm cá nhân, cô Nguyễn Trang Nhung cho rằng sự đấu tranh đẩy lùi tham nhũng của người dân chưa đạt được hiệu quả cao là do một phần họ không ý thức được về các quyền của mình, cũng như thế lực tham nhũng mà họ chống lại rất mạnh và hơn nữa không có cơ quan hay tổ chức nào bảo vệ cho những tiếng nói chống tham nhũng đơn lẻ đó.
Công an Thái Bình điều tra việc đấu giá đất của băng nhóm Đường "Nhuệ" (RFA, 17/04/2020)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang làm việc với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở về hoạt động đấu giá đất có liên quan đến băng nhóm Đường "Nhuệ".
Vợ chồng Đường "nhuệ" khi chưa bị bắt giam - Photo : Nguoilaodong
Truyền thông trong nước loan tin ngày 17/4, trích lời Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Trần Hữu Hiệp. Theo lời ông Hiệp Trung tâm đấu giá đang tập hợp các hồ sơ liên quan tới các phiên đấu giá đất có sự tham gia của vợ chồng Nguyễn Thị Dương - Nguyễn Xuân Đường để cung cấp thông tin tới Công an tỉnh.
Vẫn theo ông Hiệp, việc vợ chồng Dương - Đường đưa đàn em, tay chân đến các cuộc đấu giá gây mất an ninh trật tự địa phương trở thành nỗi ám ảnh, lo ngại đối với chính quyền sở tại trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, ông khẳng định quy trình tổ chức đấu giá vẫn được tiến hành công khai, minh bạch, không có chuyện "quân xanh quân đỏ" mà ai bỏ giá cao nhất sẽ là người trúng đấu giá.
Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng, cho biết việc đưa đàn em, tay chân về các xã để "thị uy" trong các cuộc đấu giá đất là chiêu thức chính của vợ chồng Dương - Đường.
Vì vậy, lãnh đạo huyện Đông Hưng đã chỉ đạo Công an huyện tăng cường lực lượng về phối hợp bảo vệ các cuộc đấu giá. Từ đó trở đi, mỗi cuộc đấu giá có thêm hàng chục công an huyện về giữ an ninh cho các phiên đấu giá. Tại một cuộc đấu giá đất năm 2018 ở xã Đông Hợp, có đến 40 công an huyện về phối hợp.
Hiện Công an tỉnh Thái Bình cũng đang thu thập hồ sơ từ Trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, TP Thái Bình… để phục vụ công tác điều tra.
Sau khi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo mở rộng điều tra vụ án Đường "Nhuệ", nhiều người dân đã tố cáo đích danh những cán bộ tại Thái Bình có dấu hiệu tiếp tay.
Trong đó, theo lời anh Nguyễn Văn Hà, một cán bộ Công an phường Phúc Khánh thành phố Thái Bình thì ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình và ông Nguyễn Hữu Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, hiện là Trưởng Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình có dấu hiệu bao che cho băng nhóm Đường "Nhuệ".
******************
Bộ Công an triệu cập cán bộ Hà Nội bị nghi ngờ tham nhũng việc mua sắm máy xét nghiệm (RFA, 17/04/2020)
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đang gọi một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (COC) trong việc mua sắm máy xét nghiệm.
Một chốt kiểm dịch Covid-19 ở Hà Nội - AFP
Đó là thông tin được ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thủ đô vào sáng 17/4.
Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu Sở Y tế và COC Hà Nội phải rà soát lại toàn bộ việc mua giai đoạn 1 của COC bao gồm các hóa chất phun khử khuẩn, máy phun, quần áo bảo hộ. Ông Chung cũng yêu cầu thông tin minh bạch những gì đã được các bệnh viện sử dụng, những gì đưa vào kho quản lý.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội khẳng định những trang thiết bị mua sắm chỉ được dùng trong khi dịch bệnh, không được khám thông thường.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết quan điểm của thường trực thành uỷ, Bí thư thành uỷ và Ban chỉ đạo là phải điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.
Hôm qua, thành phố Hà Nội cũng đã huỷ các quyết định mua thiết bị y tế và giao cho Sở Y tế rà loại lại và mua tập trung.
Bộ Công an Việt Nam cũng vừa cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 23 vụ chống lại đội phòng chống dịch Covid-19, liên quan đến 32 người, làm bị thương 13 người (trong đó có 12 công an). Hiện các địa phương đã bắt giữ 31 người, 1 người đang bị truy nã.
Việt Nam đã bắt giữ và tuyên phạt tù những người không tuân thủ đội phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian gần đây.
*****************
4 tổ chức Đảng và 23 đảng viên bị đề nghị thi hành kỷ luật (RFA, 17/04/2020)
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật đối với 4 tổ chức Đảng trong hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 ; đồng thời đề nghị thi hành kỷ luật 23 đảng viên.
Đại tướng Lương Cường chủ trì kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra ngày 16/04/2020. Courtesy : qdnd.vn
Đề nghị vừa nêu được thông qua bằng việc bỏ phiếu tại kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra vào hôm 16/4. Kỳ họp này do Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ trì.
Thông qua kết quả bỏ phiếu, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng trong hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 với hình thức cảnh cáo và khiển trách. Bên cạnh đó còn có 23 đảng viên bị đề nghị kỷ luật với các hình thức bao gồm khiển trách 10 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 1 người và khai trừ 2 người.
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương cũng ra quyết định kỷ luật về quân đội đối với 17 quân nhân.
Liên quan đến công tác Đảng, truyền thông trong nước, vào ngày 17/4, dẫn nguồn từ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương cho biết hồi ngày 10/4 đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ba đảng viên vừa bị khởi tố, liên quan vụ án gây thất thoát tài sản nhà nước tại Tổng Công ty 3/2.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, vào ngày 7/4 ra quyết định khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự đối với ông Nguyễn Văn Minh, ông Trần Nguyên Vũ và ông Huỳnh Thanh Hải. Vào ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Minh và ông Trần Nguyên Vũ ; đồng thời ra lệnh khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Thanh Hải.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương cho biết thời hạn đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ba đảng viên Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải được tính theo thời hạn của pháp luật ; kể cả gia hạn nếu có.
Trong cùng ngày 17/4, truyền thông quốc nội còn dẫn thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng (nhiệm kỳ 2015-2020) đối với ông Lưu Văn Thanh, Phó chủ tịch huyện Hớn Quản.
Ông Thanh bị cách hết chức vụ trong Đảng là do đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, không hợp tác đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản. Vụ việc này được nói là lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, vào ngày 13/4 cũng đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Thanh.
Ngày 01/12/2019, Nghị Viện Iraq chấp thuận đơn từ chức của thủ tướng Adel Abdel Medhi, sau hai tháng người dân Iraq nổi dậy chống chính quyền. Hơn 400 người chết và gần 15.000 người bị thương trong các cuộc đối đầu giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Vì sao Iraq lại rơi vào thảm trạng này ?
Biểu tình trước lãnh sự quán Iran ở Kerbala, Iraq, ngày 03/11/2019.REUTERS/Stringer
Trước hết, xin giới thiệu đôi nét về đất nước Iraq. Quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng thức hai trong khối OPEP, có diện tích rộng khoảng 435 ngàn km², dân số khoảng 42 triệu người. Iraq có những láng giềng là Iran (phía đông), Thổ Nhĩ Kỳ (phía bắc), Syria và Jordani (tây), Saudi Arabia (nam và tây nam) và Koweit (nam).
Hệ thống chính trị - tín ngưỡng và ảnh hưởng của Iran
Năm 2003 được cho là một cột mốc quan trọng. Hoa Kỳ, lấy cớ chế độ Saddam Hussein có vũ khí hóa học, đã huy động một liên minh quốc tế gồm 50 nước dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc tiến hành cuộc chiến chống đảng Baas, người Hồi giáo Sunni, lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein.
Hệ quả của cuộc chiến tranh này là một cuộc nội chiến đầu tiên tại Iraq giữa hai hệ phái Sunni và Shia được Iran hậu thuẫn ba năm sau đó, năm 2006. Cuộc nội chiến này kết thúc vào năm 2008, sau chiến thắng của hệ phái Shia.
Dưới sự bảo trợ của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, một hệ thống chính trị mới được thiết lập trên cơ sở tín ngưỡng và sắc tộc. Trong chính phủ hiện nay, thủ tướng vừa từ nhiệm, Adel Abdel Medhi, là thuộc hệ phái Shia (60% dân số Iraq). Tổng thống cộng hòa, Barham Saleh, là người Kurdistan (20%) và chủ tịch Nghị viện, Mohamed al-Habousi, thuộc hệ phái Sunni (20%).
Ngoài ra, còn phải kể đến hai nhân vật khác có tầm ảnh hưởng quan trọng không kém : Giáo chủ Ali al-Sistani, hệ phái Shia và Moqtada al-Sadr, một chính trị gia mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hệ phái Shia.
Giờ đây, hệ thống chính trị này bị một bộ phận lớn người dân Iraq phản đối. Từ đầu tháng 10/2019, các cuộc biểu tình liên tục diễn ra tại thủ đô Baghdad và nhiều thành phố khác ở miền nam. Phần đông những người biểu tình là giới trẻ, ban đầu thuộc các khu phố nghèo, không việc làm. Rồi làn sóng phản kháng lan rộng, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội khác như sinh viên, giới nghệ sĩ, bác sĩ, thậm chí cả giới luật gia.
Họ phản đối tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng, và sự suy sụp của các hệ thống dịch vụ công. Người biểu tình đòi giải thể cả một hệ thống "tín ngưỡng – chính trị" do Mỹ và Iran lập nên sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Husein. Điểm gây ngạc nhiên là làn sóng phản kháng lần này tập hợp đại đa số những người Hồi giáo hệ phái Shia, chống lại một Nhà nước theo hệ phái Shia giống Iran.
Người biểu tình cho rằng mô hình chính trị hiện nay đã làm biến mất "tinh thần dân tộc Iraq". Về điểm này, nhà xã hội học Adel Bakawan, giám đốc Trung tâm Xã hội học tại Iraq (CSI) trường đại học Soran, trả lời kênh truyền hình France 24 khẳng định ảnh hưởng của Iran tại Iraq là rất lớn :
"Đơn giản bởi vì từ năm 2003-2019, Iran không chỉ tác động lên tầng lớp chính trị của Iraq, mà còn hoạt động rất mạnh trong toàn bộ các lĩnh vực xã hội của Iraq. Tôi nói hoạt động mạnh là vì Iran có nhiều dự án trong các mảng kinh tế, giáo dục, văn hóa, chính trị. Iran đâu chỉ muốn thống trị về chính trị hay quân sự. Iran muốn cai trị toàn bộ xã hội Iraq.
Vì sao ư ? Bởi vì Iraq không đơn giản chỉ là một nước láng giềng, mà còn là ʺlằn ranh đỏʺ của Iran. Đất nước Iraq còn là vấn đề an ninh quốc gia đối với Iran. Tehran có thể bỏ rơi việc kiểm soát các nước khác như Lebanon, Yemen, Syria nhưng Iran không thể từ bỏ việc thống trị Iraq, do nước này còn là vấn đề an ninh quốc gia của Iran".
Mức độ bạo lực của các vụ biểu tình ngày càng lớn. Tại thành phố thánh Najaf, người phản đối phóng hỏa tòa lãnh sự của Iran, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong các vụ xung đột. Tại sao người dân Iraq lại xuống đường phản đối ? Iran có ảnh hưởng gì tại Iraq ? Vì sao Mỹ lại vắng bóng trong cuộc xung đột này ? Phải chăng đây là thất bại của Iraq, thậm chí của Mỹ và Iran thời hậu Saddam Hussein ?
Trong chương trình truyền hình do hai kênh France Info và đài truyền hình quốc tế France 24 đồng thực hiện, chuyên gia về Iraq, bà Myriam Benraad cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình hình hỗn loạn hiện nay tại Iraq bắt nguồn từ cuộc chiến do Mỹ gây ra.
Thất bại của Iraq và chính sách can thiệp của Tehran
Đầu tiên hết, khi nhận định về sự ủng hộ của giáo chủ Ali al-Sistani đối với phong trào phản kháng của người dân, chuyên gia Myriam Benraad lưu ý, ông cũng là người góp phần quyết định tạo dựng mô hình chính trị hiện nay tại Iraq.
"Đó là một nhân vật quan trọng, có tính biểu tượng cao, đồng thời, đó cũng là một gương mặt già nua, gần 80 tuổi, ngày càng ít ảnh hưởng trong vai trò mà người ta muốn gắn cho ông ta. Thực ra, nhân vật này chơi trò hai mặt. Bởi vì chúng ta nên nhớ là Sistani không ngừng ủng hộ dân chúng chống lại những kẻ tham nhũng, trộm cắp công quỹ trong cuộc đấu tranh hiện nay, nhưng đồng thời, cũng chính ông ta vào năm 2003, đã đồng thuận với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc thời đó để lập ra cái hệ thống chính trị hiện đang trở nên suy yếu và vô hiệu quả".
Việc các lực lượng an ninh của Iraq trấn áp đẫm máu người dân cũng được cho là có bàn tay của Iran. Hồi cuối tháng 10/2019, dưới sự chủ trì của tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Al-Qods của Vệ binh Cộng hòa ở bên ngoài lãnh thổ, các đảng cầm quyền đã nhất trí duy trì chính phủ của thủ tướng Adel Abdel Medhi và phải dập tắt làn sóng phản đối, kể cả bằng vũ lực. Sự việc hiện nay cho thấy đây là một thất bại của Iran trong kế hoạch thống trị Iraq.
"Liên quan đến Iran, sự kiện đánh dấu thất bại của Iran trong hành động can thiệp này. Bởi vì, vào năm 2003, Iran có thể nói là đã thỏa thuận với các chính đảng cũ, thuộc hệ phái Shia, trước đây chống lại Saddam Hussein, để điều hành Iraq.
Giờ đây, chúng ta thấy là sự can dự đã thất bại bởi vì, người dân Iraq, nhất là những người ở miền nam cuối cùng nhận thấy là sự can thiệp đó đã gây tổn hại đến các lợi ích và cuộc sống ấm no của họ".
Nhắc lại lịch sử, việc Saddam Hussein bị bắt và hành quyết, mở đầu cho một giai đoạn phục thù của người Hồi giáo Shia, từng bị trấn áp dã man dưới thời chính quyền độc tài do hệ phái Sunni lãnh đạo.
"Vào thời điểm hành quyết Saddam Hussein, đó rõ ràng là một sự trả thù của phe Shia chính trị vốn trong một thời gian dài là lực lượng đối lập chính chống lại chế độ Saddam Hussein và bị chế độ của đảng Baas cầm quyền trấn áp tàn bạo.
Tên tuổi Sadr được nói đến. Đó là một gia đình thuộc giới chức sắc. Một số thành viên trong gia đình này bị chế độ của Saddam Hussein giết hại. Như vậy, có một sự trả thù của hệ phái Shia. Nhưng thực ra, sự trả thù này đã bắt đầu từ năm 2003 khi phe đối lập cũ quay lại Iraq. Phe đối lập này đã phải rời khỏi Iraq trước đó 30 năm và họ đã trở về Iraq cùng với xe tăng của Mỹ.
Tâm lý trả thù này vẫn còn thể hiện trong thời gian gần đây, ví dụ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Đây là sợi chỉ xuyên suốt cuộc chiến tranh. Những người đã từng tiến hành và ủng hộ cuộc xung đột giữa các hệ phái tôn giáo, giờ đây quay sang phản đối chế độ, bởi vì họ coi đó là một hành động tự đào mồ chôn nước Iraq mới".
Mỹ : Kẻ đập phá đất nước Iraq ?
Những gì đang diễn ra ngày nay, phải chăng đó còn là thất bại của Nhà nước Iraq mới, hậu Saddam Hussein do Mỹ ủng hộ ?
"Vâng. Đó là một sự thất bại tại Iraq. Thậm chí, tôi có thể nói rằng đó là sự thất bại của thời kỳ hậu Saddam mặc dù được Mỹ hậu thuẫn. Tôi không rõ Mỹ đã ủng hộ đến mức nào nhưng rõ ràng chính Mỹ đã tiến hành phá hủy đất nước này ngay từ năm 2003, thời kỳ hậu Saddam.
Tôi xin nhắc lại là khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, nhà độc tài này chạy trốn và ba năm sau đó, đã bị bắt rồi bị treo cổ. Thế nhưng, khi chế độ này bị lật đổ, không hề có một kế hoạch chuyển tiếp và tái thiết. Lúc đó, phe đối lập cũ quay lại chính trường và lên cầm quyền cho đến hiện nay.
Phe này lãnh đạo đất nước theo phương pháp trả thù, tìm cách tính sổ với phe cầm quyền trước đây. Họ không có dự án chính trị cho người dân và cho đến lúc này, động lực cầm quyền của họ vẫn như vậy. Do đó, có thể nói, ngay từ năm 2003, cả Mỹ và phe đối lập cũ đã từng bước đặt ra những cột mốc đánh dấu tiến trình dẫn đến thảm bại hiện nay".
Năm 2003, dầu hỏa được cho là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến Iraq. Giờ đây, ngành công nghiệp này là tâm điểm chỉ trích nhắm vào mạng lưới tham nhũng đang hoành hành tại Iraq. Tuy nhiên, bà Myriam Benraad cho rằng Hoa Kỳ cũng có một phần trách nhiệm.
"Đúng như vậy. Từ 2003, các quỹ trong chương trình dầu lửa đổi lấy lương thực thực phẩm do Liên Hiệp Quốc quản lý trong giai đoạn cấm vận và sau đó được chuyển cho Hoa Kỳ và chính Hoa Kỳ đã hợp tác với các nhà đối lập cũ, trước đây chống lại chế độ Saddam Hussein, thao túng phung phí các quỹ này.
Trong thời kỳ hậu Saddam Hussein, các nhà đối lập cũ, khi lên cầm quyền, đã lập ra một hệ thống tham nhũng, bè phái xâu xé các quỹ này. Tham nhũng đã gặm nhấm, hủy hoại tất cả các cấp chính quyền trong bộ máy Nhà nước Iraq, từ cấp quản lý thấp nhất ở địa phương cho đến cấp bộ ở trung ương. Tham nhũng đã trở thành một thứ văn hóa và ngăn cản tiến trình tái thiết. Các nạn nhân đầu tiên, đó chính là những người mà chúng ta nhìn thấy đang biểu tình rầm rộ trên đường phố đòi tính sổ với chế độ hiện đang cầm quyền".
Khủng hoảng không có hồi kết ?
Giờ đây, trước tình hình bất ổn của Iraq, Hoa Kỳ, tuy vẫn còn một số căn cứ quân sự tại đây nhưng không lên tiếng ủng hộ một phe nào. Quan hệ giữa Mỹ và Iraq ngày càng xấu đi trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang dần khẳng định thế mạnh tại khu vực Trung Đông. Phải chăng tại Iraq, Hoa Kỳ đang có chính sách co cụm lại ?
"Vâng. Hoa Kỳ đã chủ trương co cụm, biệt lập ngay từ khi Barack Obama được bầu làm tổng thống. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, Obama đã hứa rút quân ra khỏi Iraq. Cần phải nói rõ, Hoa Kỳ chủ trương biệt lập, co cụm bởi vì họ đã thất bại trong cuộc chiến tranh tại Iraq. Tổn thất nhân mạng rất lớn, một bộ phận công luận và nhiều gia đình Mỹ bị chấn thương tinh thần. Người ta so sánh và nói đến một cuộc chiến tranh Việt Nam thứ hai, một cuộc chiến tranh gây chấn động mạnh về tinh thần đối với người dân Mỹ.
Đúng là Donald Trump giữ khoảng cách khá lớn trong quan hệ với giới lãnh đạo chính trị tại Baghdad. Vả lại, ông không đi theo lô gích tăng cường quan hệ ngoại giao. Nhìn chung, Donald Trum chủ trương rút quân ra khỏi Trung Đông, thế giới Ả Rập. Chính sách này của Donald Trump không chỉ liên quan đến Iraq mà còn được áp dụng rõ ràng tại Syria. Có thể nói, ông không thực sự tìm cách duy trì mối quan hệ này. Thực ra, vấn đề này đã bắt đầu từ thời Obama và Donald Trump chỉ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm".
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Nếu Hoa Kỳ thoái lui khỏi khu vực thật sự, nước nào sẽ được hưởng lợi ?
"Việc rút quân chỉ mang tính tương đối mà thôi bởi vì việc giải trừ binh bị và hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Hiện vẫn còn một số lính Mỹ tại Iraq và vẫn có một số lợi ích kinh tế mà chính quyền Trump quan tâm.
Về phía Iraq, đúng là có một sự đa dạng hóa quan hệ. Chính quyền Baghdad tìm kiếm quan hệ đối tác và liên minh với một số cường quốc, như với Nga và kể cả Trung Quốc. Người ta ít nói đến trường hợp Trung Quốc nhưng nước này có thị phần ngày càng lớn tại Iraq, nhất là trong lĩnh vực bán vũ khí, khí tài, dầu lửa.
Và Iran là nước được hưởng lợi nhiều nhất ngay từ đầu cuộc chiến tranh 2003. Trước khi xẩy ra cuộc chiến tranh này, Saudi Arabia đã lưu ý chính quyền Bush rằng nước sẽ trục lợi nhiều nhất là Iran.
Iran coi Iraq là kẻ thù truyền kiếp. Trong những năm 1980 đã xẩy ra chiến tranh kéo dài giữa hai nước. Do vậy, Iran luôn quan tâm đến việc làm chủ, thao túng được Iraq, thông qua các hoạt động can thiệp rất sâu vào nội tình Iraq. Một mặt, Iran ngăn chặn Iraq trở thành kẻ thù, trở thành một quốc gia hùng mạnh có thể tiến hành chiến tranh như đã xẩy ra dưới thời Saddam Hussein. Mặt khác, Iran cũng quan tâm đến các lợi ích kinh tế tại Iraq và hiện nay, Iran là nhà đầu tư số một tại Iraq".
Làm thế nào để thoát khủng hoảng ? Đa số các chuyên gia Pháp cho rằng đất nước đang rơi vào bế tắc. Liệu còn có thể cải tổ đất nước hay không ? Người ta nói nhiều đến các chương trình cải cách nhưng là những cải cách nào mới được ? Nhà nghiên cứu Myriam Benraad cho rằng trong tình trạng đất nước hiện nay người ta khó có một tham vọng nếu không muốn nói là rất hạn hẹp.
Về phần mình, chuyên gia David Rigoulet-Roze trên đài France 24 cũng có cùng quan điểm khi nghĩ rằng chính phủ Iraq khó có thể lấy lại kiểm soát ngoài trừ dùng vũ lực, một lần nữa nhấn chìm làn sóng phản đối trong biển máu. Người biểu tình đòi cả hệ thống chính trị - tín ngưỡng phải ra đi, chứ không chỉ đơn giản chỉ là những yêu cầu chống tham nhũng hay cải cách luật bầu cử. Từ góc nhìn này, ông David Rigou-Roze kết luận tình hình Iraq hiện nay thật sự nguy hiểm hơn bao giờ hết !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 05/12/2019
Chưa bao giờ nỗi lo Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, văn hóa, kinh tế của Việt Nam bằng lúc này. Hình như đây là thời điểm Bắc Kinh cảm thấy cần ra mặt xác định ý đồ bá quyền của họ đối với một đất nước có truyền thống chống giặc xâm lăng từ phương Bắc hàng ngàn năm qua. Thời điểm vì chưa lúc nào mà chính quyền Hà Nội tỏ ra yếu kém và tê liệt như lúc này khi mà Biển Đông gần như bị mất trọn vào tay Trung Quốc, kinh tế bị lệ thuộc trầm trọng bên cạnh những biểu hiện tiêu cực trong việc lên tiếng bảo vệ đất nước của lãnh đạo cao nhất nước.
Hải Phòng : 'Đại bản doanh' đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất từ trước đến nay đã được đấu tranh triệt phá tại Việt Nam.
Trong một bài viết được xem là can đảm của VTC vừa qua với tựa đề : "Người Trung Quốc mở sào huyệt cờ bạc, công xưởng ma túy ở Việt Nam : An ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa" đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về sự lỏng lẻo, nếu không muốn nói là bao che cho những tiêu cực do người Trung Quốc mang vào đất nước nhưng hầu như các chính quyền địa phương đều mũ ni che tai cho những sai trái có tính hệ thống khiến đất nước chảy máu vừa lực lượng lao động vừa nguồn lợi kinh tế cho đến sự tác hại không thể đoán định về quốc phòng lẫn môi trường sống.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, để các tổ chức tội phạm Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam như vậy cho thấy có sự yếu kém của các cơ quan quản lý, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của nước ta.
Tuy nhiên xét về mặt nghiêm trọng thì có lẽ những biểu hiện mà tờ báo nêu ra không khó để công an giải quyết nếu chủ trương của trung ương nhất quán về việc bảo vệ kinh tế lẫn lãnh thổ. Cái khó nhất làm cho lực lượng bảo vệ chính trị là những cú phone mà người gọi thường được xưng là Anh Tám, Chú Tư hay một người ẩn mặt nào đó nhưng tiếng nói của họ có thể khiến cho cả guồng máy tê liệt, hoăc ít ra cũng lạc mất dấu tội phạm mà lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra.
Những Anh Tám, Chú Tư ấy không những chi phối các vấn đề nho nhỏ xảy ra ở phường xã hay quận huyện, mà những ý kiến ấy càng lên cao càng tỏ ra quyền lực nhất là những vấn đề có yếu tố Trung Quốc.
Việt Nam trong thế kỷ 21 không còn lạc hậu như thời kỳ đổi mới nữa nhưng vẫn còn nhan nhãn hình ảnh khó chấp nhận của những công trình vừa khai trương đã hư hỏng hay sụp đổ toàn bộ. Hàng ngàn kỹ sư tốt nghiệp hay tu nghiệp từ các nước tư bản tỏ ra bất lực trước tệ nạn này khi nghề nghiệp, khả năng của họ không được tận dụng vì tất cả công việc ấy được giao cho những sân sau của nhóm lợi ích mà tiếng nói trực tiếp hay gián tiếp của Anh Tám, Chú Tư không ai dám cãi. Kết quả nhãn tiền cho thấy mọi dự án, chương trình đấu thầu hay công trình xây dựng nếu có sự nhúng tay của Trung Quốc thỉ đều thất bại. Tiền càng lớn thì thất bại càng to, sự thật ấy như một vết thương làm nhức nhối xã hội trong khi người trách nhiệm trực tiếp lại không hề hấn gì, an nhàn làm việc, an nhàn hưởng thụ và an nhàn hạ cánh.
Chỉ nói riêng về cầu đường thì sự phá hoại của đồng tiền Trung Quốc tỏ ra không mệt mỏi khi tấn công kinh tế Việt Nam. Cứ 100 đồng bạc mà ngân hàng Trung Quốc cho Việt Nam vay họ sẽ lấy lại 12 đồng tiền lời, 8 đồng phí bôi trơn và 5 đồng lại quả từ đối tác Việt Nam.
Số tiền còn lại Việt Nam nắm trong tay là 75 đồng sẽ được phân phối cho nhà thầu 50 đồng, các Anh Tám Chú Tư 15 đồng, cò ke nhỏ lẻ 5 đồng và nhóm người vận động cho dự án là 10 đồng. Cứ nhẩm tính như vậy để thấy rằng tại sao bất cứ Bộ trưởng Giao thông và vận tải nào cũng sống chết đòi nhà thầu Trung Quốc cho bằng được bất kể hậu quả trước mắt về lâu về dài hay ngay lập tức họ cũng không quan tâm. Những quan tâm lớn nhất đối với họ là Anh Tám Chú Tư có đồng thuận với họ hay không và khi nhận được một cái gật đầu bạc tỉ thì dự án coi như xong, không còn bàn cãi gì nữa.
Câu chuyện về tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội- Hải Phòng là một thí dụ điển hình nhất cho câu chuyện đường xá tại Việt Nam có liên quan tới Trung Quốc.
Có thể nhiều người lầm tưởng rằng cứ làm ra 1 km đường thì nền kinh tế cũng theo đó mà phát triển. Nhưng làm 388 km đường sắt mà không có luận chứng phương án này sẽ gặt hái thành quả kinh tế vĩ mô thì xem ra chỉ có chính quyền Việt Nam mới có can đảm nghĩ ra một dự án liều lĩnh và đầy nghi ngờ như thế.
Chiều 14/11, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Giao thông và vận tải ASEAN lần thứ 25, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp song phương với Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Trung Quốc Lý Tiểu Bằng. Tại cuộc họp này Thể cho biết Việt Nam đang hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối với Trung Quốc phục vụ cho vận tải hàng xuất nhập khẩu. Và theo Thể thì vận tải đường sắt cũng có nhiều tiềm năng với hai tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Bắc Kinh, Hải Phòng - Hà Nộ - Lào Cai - Côn Minh phát triển cả vận tải hàng hóa, hành khách.
Câu phát biểu của Thể thật ra không phải là của Thể vì trên Thể, Anh Tám Chú Tư đã có ý tưởng này và mớm lời cho Thể để tìm cách kiếm tiền. Thật ra nếu phân tích đến tận cùng thì Anh Tám, Chú Tư cũng chỉ là công cụ của Trung Quốc, muốn phát triển "Một vành đai, một con đường" tại Việt Nam. Trung Quốc muốn có 2 con đường, thứ nhất là Lào Cai - Hải Phòng để kết nối với Quảng Tây, Vân Nam của họ ; thứ 2 là con đường từ Quảng Ninh đi xuống phía Nam.
Ý chí của Trung Quốc đã làm tê liệt guồng máy công quyền Việt Nam, nó vừa đánh vừa xoa, đánh bằng sự hù dọa kinh tế xoa bằng những đồng tiền hối lộ bẩn thỉu khiến cho một bộ trưởng như Nguyễn Văn Thể phải nuốt liêm sỉ vào bụng và nhả ra những lập luận thô thiển đến quái gỡ về lợi ích của con đường sắt mà y cho rằng phải tốn 100.000 tỉ để thực hiện.
Mặc dù nợ công đang đè đầu chính phủ xuống bùn nhưng 100 ngàn tỉ này sẽ do Trung Quốc cho vay nên mọi thứ sẽ thông qua như đã từng thông qua trước đây.
Và rồi như mọi lần nếu có xảy ra điều tiếng gì thì Nguyễn Văn Thể sẽ giơ đầu chịu báng còn Anh Tám Chú Tư kể như không hiện hữu như từ xưa tới nay trong mọi đại án tham nhũng. Anh Tám Chú Tư vĩnh viễn là một ẩn số mặc dù đồng tiền mà anh và chú đã nhận từ tay thuộc hạ là những con số chẵn rất lớn và rất kín.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 26/11/219 (canhco's blog)