Đảng khẳng định tham nhũng là quốc nạn, tuyên bố sẽ dốc toàn lực của toàn bộ hệ thống chính trị để bài trừ tham nhũng nhưng cũng chính Đảng lặng lẽ bảo vệ tham nhũng.
Nhà của nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.
Bảo vệ tham nhũng là một trong những “chủ trương lớn” dẫu không công bố nhưng chẳng khó để nhận diện…
***
Tháng 10 năm 2003, Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC).
Để nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng, UNCAC đặt định các qui ước và chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát. UNCAC còn có tham vọng tạo lập sự hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi 3/4 thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn UNCAC, tháng 7 năm 2009 Việt Nam mới làm điều này. Tuy nhiên Việt Nam giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAC mà Việt Nam cho là… chưa phù hợp. Trong đó có : Đề nghị hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Thực hiện thủ tục dẫn độ…
Nhìn một cách tổng quát, dù phê chuẩn UNCAC, Việt Nam vẫn đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT.
***
Sở dĩ Liên Hiệp Quốc khuyến khích và UNCAC “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính” là vì cộng đồng quốc tế không chấp nhận hiện tượng cá nhân đột nhiên giàu tới mức “nứt đố, đổ vách” sau khi đương sự trở thành viên chức.
Tại Việt Nam, hồi tháng 11 năm 2013 đã từng xảy ra một cuộc tranh luận “nảy lửa”về cách xử lý những viên chức giàu bất chính.
Trong hội thảo bàn về việc sửa Luật Hình sự Việt Nam theo tinh thần UNCAC do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức vào hai ngày 28 và 29 tháng 11 năm 2013, nhóm nghiên cứu việc “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính” đề nghị, nếu viên chức không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc tài sản, viên chức đó có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.
Nhóm này nhận định, pháp luật Việt Nam chưa xem giàu bất thường là tội phạm. Sau khi nghiên cứu cách thức xử lý của một số quốc gia và đánh giá thực trạng ở Việt Nam, họ đề nghị một trong ba cách điều chỉnh.
Cách thứ nhất, đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam theo hướng : “Bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên của họ thì có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu họ không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ”. Hình phạt có thể tăng nặng theo giá trị tài sản tăng thêm, hoặc phát giác được nguồn gốc phần tài sản tăng thêm có liên quan đến hành vi phạm tội khác…
Cách thứ hai là đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam và xác định tội “làm giàu bất chính” qua việc vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. Việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Cách thứ ba là nếu chưa đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam thì xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu chọn cách này thì khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng phải đưa thêm vào luật này một số quy định. Chẳng hạn, nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của tòa án.
Những đề nghị vừa kể đã bị… phản đối gay gắt với lý do luật đã định rằng “chứng minh tội phạm” là nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, rằng phải tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, rằng khi nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác thì phải xem xét Việt Nam đã có đủ điều kiện cần thiết để áp dụng hay chưa.
Nhóm nghiên cứu giải thích, đề nghị của họ chỉ nhắm vào các viên chức, chứ không nhắm vào thường dân. Bởi có chức vụ, quyền hạn nên viên chức có nghĩa vụ tự giải trình về nguồn gốc khối tài sản tăng thêm. Thay vì phải chứng minh đương sự đã thủ đắc khối tài sản tăng thêm một cách bất hợp pháp mà vì nhiều lý do trở thành chuyện gần như bất khả thi, nếu Đảng chấp nhận “làm giàu bất chính” là tội phạm hình sự, hệ thống tư pháp chỉ cần chứng minh khối tài sản tăng thêm nằm ngoài thu nhập hợp pháp là đã có thể kết án đương sự và sung công phần tài sản tăng thêm một cách bất minh...
Bất kể UNCAC, bất kể khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế như UNDP, Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI),… đến nay, Đảng vẫn cương quyết bảo lưu (không thực hiện) Điều 20 của UNCAC - Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính và tất nhiên còn khuya Luật Hình sự của Việt Nam mới có tội “làm giàu bất chính”.
***
Hệ thống truyền thông Việt Nam đang vào… mùa triển lãm thông tin, hình ảnh liên quan đến tư gia, tài sản của các viên chức.
Dù sôi động, mùa triển lãm này vẫn thiếu yếu tố… mới. Nội dung triển lãm vẫn chỉ loanh quanh ở các viên chức cấp tỉnh và những viên chức đã nghỉ hưu.
Theo kết quả cuộc khảo sát chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016 do TI công bố hồi đầu năm thì Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, đứng hạng 113/176 và vì vậy vẫn thuộc nhóm các quốc gia mà tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng.
Còn theo báo cáo về họat động chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ - cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng tại Việt Nam - trong sáu tháng đầu năm nay, chỉ có một cá nhân bị xác định là đã “thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng.
Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, hệ thống thanh tra trải rộng từ trung ương đến các địa phương đã kiểm tra 1.800 cơ quan và chỉ phát giác 22 cơ quan vi phạm các qui định về phòng chống tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có 46 vụ, liên quan đến 66 viên chức.
Báo cáo không đề cập đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức trong sáu tháng đầu năm 2017 mà chỉ công bố một số số liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức hồi năm ngoái. Theo đó đã có hơn một triệu viên chức kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỉ lệ 99,8%. Công việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ thực hiện với 77 cá nhân bị báo chí, dân chúng tố cáo nhưng không phát giác trường hợp nào “thiếu trung thực”.
Tại sao tham nhũng tràn lan mà báo cáo thường kỳ, thường niên nào cũng na ná như báo cáo vừa kể ?
Tại sao chống tham nhũng là chủ trương lớn mà xa hoa vẫn trở thành đặc điểm phổ biến của các viên chức tại Việt Nam ?
Tại sao các viên chức Việt Nam thi nhau phô bày sự giàu có của họ thông qua cả tư gia lẫn kính, bút viết, đồng hồ, điện thoại di động, giày dép, quần áo, xe hơi,… ?
Nếu không hiểu tường tận hệ thống mà mình phục vụ, không tin rằng mình vô sự, có viên chức nào dám phô bày sự giàu có hoặc ngang nhiên kê khai số tài sản đã thâu tóm được như bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công Thương, người đang cùng mẹ, con, anh, em nắm giữ hàng ngàn tỉ đồng là vốn của Điện Quang, Rạng Đông – những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hồi giữa thập niên 2009) như vậy không ?
Chuyện bị soi vì đeo đồng hồ Patek Philippe, xài điện thoại Vertu - trị giá mỗi món chừng một tỉ, khi vung tay ra lệnh đập phá vỉa hè ở trung tâm thành phố Sài Gòn như ông Đoàn Ngọc Hải là ngoại lệ. Đương sự chỉ là Phó Chủ tịch quận 1 ở Sài Gòn.Cứ thử soi riêng kính, bút viết, đồng hồ, điện thoại di động, giày dép, quần áo, xe hơi của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo chính phủ thôi sẽ thấy những cá nhân như ông Hải chỉ là… muỗi.
Thiên hạ cũng đã hỏi tại sao hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp bó tay trước những kiểu biện bạch cho việc thủ đắc khối tài sản cả trăm tỉ của ông Trần Văn Truyền (cựu Tổng Thanh tra Chính phủ), ông Nguyễn Sỹ Kỷ (cựu Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk), ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái) là nhờ “làm vườn đến thối cả móng tay”, “chạy xe ôm hồi còn trai trẻ”, “để dành từ bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá,…” ?
Nếu Đảng không chủ trương bảo lưu (không thực hiện) nhiều điểm cốt lõi của UNCAC, nếu Đảng chấp nhận hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, đưa “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự thì hiện trạng tham nhũng ở Việt Nam có chuyển biến nào tích cực không ? Chắc chắn là có ! Làm gì còn chuyện hệ thống tư pháp loay hoay với các viên chức hùng hồn biện bạch tiền xây tư dinh, lập trang trại, sở hữu hết tỉ này cổ phiếu đến tỉ kia tiền tiết kiệm lànhờ “nuôi gà, nuôi heo”.
Tuy nhiên phải nhắc bạn rằng, lúc đó không chỉ những viên chức đương nhiệm như ông Quý, bà Thoa mà cả những viên chức đã nghỉ hưu như ông Truyền, ông Kỷ cũng mất sạch mọi thứ.
Dẫu có bất khả xâm phạm khi đương nhiệm như lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ thì rồi cũng tới lúc họ phải nghỉ hưu. Thực hiện đúng tinh thần UNCAC, thẳng tay với những người như ông Quý, bà Thoa, ông Truyền, ông Kỷ,… có khác gì lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ tạo “tiền lệ” cho thiên hạ xúm vào “chặt đầu, lột da” sau khi phải rời sân khấu về “làm người tử tế”. Đã “tài tình, sáng suốt” thì phải vì mình đến cùng, đời nào lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ lại dại dột làm chuyện… đắc nhân tâm như thế !
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 18/07/2017
Ngày 23/5 Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1000 cán bộ và cơ quan giám sát chính là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương. Chuyện kê khai tài sản công chức đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng đa số ý kiến cho rằng chưa hiệu quả.
Ảnh minh họa. AFP photo
Không chỉ là chống tham nhũng
Ngay sau khi quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1000 cán bộ được Bộ chính trị đưa ra, một số nhà quan sát đã nhận thấy chiến dịch năm nay khác với các năm khác ở chỗ không chỉ chú trọng đến chống tham nhũng mà còn là kiểm soát quyền lực.
Nói với đài RFA, Nhà báo Phạm Chí Dũng - Tiến sĩ Kinh tế ở Sài Gòn cho rằng những chiến dịch kiểm tra tài sản trước đây được nói là nhằm chống tham nhũng nhưng chỉ mang tính hình thức vì số vụ bị phanh phui thiếu trung thực rất nhỏ nhoi. Ông phân tích yếu tố kiểm soát quyền lực trong chiến dịch lần này :
Sau đại hôi XII, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật số 1 của Việt Nam và vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt lên gần như hàng đầu và cực kỳ quan trọng. Vừa rồi chuyện ông Nguyễn Phú Trọng loại ông Đinh La Thăng ra khỏi bộ Chính trị đã cho thấy ông Trọng tiến được một bước không nhỏ trong việc kiểm soát quyền lực. Mà kiểm soát quyền lực của phe đối trọng có nghĩa là gia tăng quyền lực về phe mình.
Đầu tháng 5 vừa rồi, ông Đinh La Thăng, nguyên bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã bị kỷ luật và cho thôi chức ủy viên bộ Chính trị vì những sai phạm ông này mắc phải khi còn lãnh đạo PVN, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước.
Truyền thông trong nước ngày 29/5 trích dẫn lời bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ nói rằng việc kê khai tài sản cán bộ từ trước đến nay chưa được làm đầy đủ, bài bản. Bà khẳng định rằng quy định mới của Bộ Chính trị sẽ được làm một cách nghiêm túc, không ngoại trừ ai.
Quy định mới này đưa ra 3 căn cứ để kiểm tra đó là khi cơ quan có thẩm quyền yều cầu, khi có phản ánh đơn thư tố cáo và khi có dấu hiệu vi pham quy định về kê khai tài sản.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định thêm một số điểm khác biệt trong chiến dịch kiểm tra kê khai tài sản lần này so với những lần trước :
Lần này chiến dịch kê khai kiểm tra tài sản cán bộ được tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng, ủy viên bộ Chính trị. Thứ hai là có con số cụ thể. Theo bà Lê Thị Thủy, phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương Đảng thì con số đó lên tới khoảng 1000 quan chức. Tôi hiểu số này bao gồm 200 ủy viên trung ương, gồm cả bộ Chính trị và ban bí thư. 800 còn lại là ủy viên thường vụ các tỉnh ủy và thành ủy. Một điểm quan trọng nữa đó là sau khi kiểm tra xong phát hiện sai phạm thì sẽ công khai lên báo đài. Chuyện này trước đây không có.
Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia phân tích chính sách của Bộ kế hoạch và đầu tư, những chiến dịch kê khai tài sản lần trước chưa thành công là do các vấn đề về khủng hoảng kinh tế :
Đặc biệt là nhiệm kỳ trước của Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đối phó với những khó khăn như lạm phát, nợ xấu, doanh nghiệp phá sản nên người ta tập trung vào làm chuyện đó nhiều hơn. Gần đây người ta cho rằng kinh tế dần đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên những sai lầm về kinh tế giai đoạn trước để lại hậu quả nghiêm trọng trong đó có sự suy thoái của nhiều cán bộ. Cho nên việc này là một giải pháp để kiểm tra sự minh bạch tài sản của các cán bộ.
Đồng tình với quan điểm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Phạm Quý Thọ cũng cho rằng đây là một giải pháp kiểm soát quyền lực đang được dư luận đề xuất là một trong những biện pháp chủ yếu để tiến tới cải cách thể chế thực chất hơn.
Từ nói đến làm…
Việc kê khai tài sản, thu nhập được chính thức thực hiện từ tháng 12/2013 theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ, nhưng nhiều ý kiến nói rằng việc thực hiện chưa hiệu quả, dẫn đến những lo ngại về chiến dịch lần này. Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định :
Tất nhiên khi nhìn vào quá khứ người ta vẫn nghi ngờ tính khả thi của giải pháp này. Tuy nhiên công chúng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại những chuyển biến về thể chế. Thậm chí người ta cho rằng việc này phải làm và làm từ trên xuống dưới, phải làm từ cấp cao nhất xuống.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghĩ rằng không ai có thể nói trước là chiến dịch lần này có khả thi hay không. Theo ông, muốn làm được trước hết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải huy động được lực lượng lớn người làm công tác nghiệp vụ kiểm tra kê khai, đặc biệt những người trong hệ thống điều tra pháp luật.
Bây giờ trong tay ông Nguyễn Phú Trọng có Uỷ ban kiểm tra trung ương. Nhưng ông ấy nên nhớ là ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc muốn làm được thành công chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ thì Tập Cận Bình đã phải nắm được cả hai Bộ quốc phòng và Bộ Công an. Còn ông Trọng, mặc dù ông ấy phụ trách quân ủy trung ương và ông ấy nằm trong thường vụ đảng ủy công an trung ương nhưng nhiều ý kiến nói rằng ông Trọng chưa nắm được cả hai bộ quốc phòng và công an, đặc biệt là bộ công an. Nếu chưa nắm được bộ Công an thì lấy đâu hồ sơ để kiểm tra cán bộ.
Một thách thức khác Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu ra đó là việc các quan chức liên kết với nhau chống đối lại chiến dịch này để bảo vệ tài sản của họ. Ông cho rằng đây sẽ là một trở ngại lớn cho ông Nguyễn Phú Trọng vì quân số cán bộ rất đông.
Mới hôm 16/3 vừa qua, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng nói tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng rằng thời gian qua nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và không xử lý trường hợp nào về tham nhũng.
Còn theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.
Trong khi đó báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ cho thấy trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Việt Nam đã bắt đầu thực thi Luật phòng chống tham nhũng từ năm 2006 và Nghị định 78 của Chính phủ về minh bạch, tài sản thu nhập từ năm 2013. Tuy nhiên, Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi đầu năm nay cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong châu Á về tỷ lệ tham nhũng, chỉ sau Ấn Độ, và đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu về tham nhũng.
Lan Hương, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 31/05/2017
LTS : Tiếp theo hai kỳ trước, Ban biên tập Thông Luận giới thiệu tiếp những tài liệu liên quan đến những vụ mua bán và chiếm đoạt những vùng đất tốt để xây cơ ngơi, dinh thự hay cao ốc để bán lại với gia cao cho… người "lạ". Lần này chúng tôi phổ biến tiếp những vụ mau bán mờ ám khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng nên biết, những vùng đất mà người "lạ" đến từ phương Bắc muốn đến ở phải là những vùng "địa linh", nghĩa là phải có đầy đủ phong thủy mà tại nơi quê hương xứ sở của họ không có, hoặc có nhưng không với tay tới vì quá đắt (và phần lớn không ở được vì bị ô nhiễm nặng).
Cảnh quang Ngũ Hành Sơn, vùng địa linh hân kiệt
Không phải tình cờ khách "lạ" đến từ phương Bắc ồ ạt tìm đến Đà Nẵng và vùng phụ cận mua nhà sắm cửa, hay ở lậu. Đà Nẵng là một vùng địa linh nhân kiệt, nơi làm ăn phát đạt và con người phát tướng. Đó là nơi ở ẩn của rồng (long mạch) chờ thời phát lộc hay phát tướng. Trước mặt là biển (thủy), sau lưng là núi (phong), chung quanh là sông suối, núi rừng trùng điệp với những loại thú hiếm và cây thuốc quý. Nếu không phải là địa linh thì gọi là gì ?
Cái may mắn của khách "lạ" là Đà Nẵng được một tập đoàn lãnh đạo yếu kém, nói thẳng ra là không có trình độ quản trị một thành phố lớn đông dân và hiện đại, do đó dễ bị khống chế bởi những lời cố vấn vừa thuận lỗ tai giúp phát triển thành phố vừa mang lại nhiều lợi lộc. Ở đây nhóm Công Lý chỉ lôi ra ánh sáng những vụ lem nhem của công ty Novaland do hai đại gia mafia bất động sản AV75 và NQ82 quản lý. Nói thẳng ra đây chỉ là hai đại gia nhỏ, nghĩa là tép riu, tuy nhỏ nhưng người đọc đã phát giác được những chuyện động trời về việc chuyển nhượng đất liên quan đến những cấp cao trong đảng và công an, từ trung ương đến địa phương. Trong thực tế, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đang khống chế các chương trình quy hoạch của Đã Nẵng : Sun Group, VNG… Sau lưng những công ty này là cả một hệ thống quyền lực và quyền lợi đan quyện với nhau, rất khó tháo gỡ hay giải mã : đảng cộng sản, quân đội, công an, tài phiệt Trung Hoa… Tư bản tư nhân bản địa hoàn toàn vắng mặt và chỉ làm gia công cho những tập đoàn lớn.
Cái may mắn thứ hai của những khách "lạ" này là Việt Nam đang bị cai trị bởi đảng cộng sản, một tập đoàn độc tài và tham nhũng nhưng bất tài và kém kiến thức, do đó dễ bị mua chuộc và không cần phải thương lượng với thành phần dân chúng. Tại khắp mọi nơi trên đất nước, khi phát hiện và muốn chiếm vùng đất nào đó có đầy đủ "phong thủy", những khách "lạ" chỉ cần tìm một trung gian làm môi giới hay một tập đoàn bất động sản nội địa để ủy quyền thương lượng thẳng với những đại diện của chính quyền, thật ra là với những cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ trung ương đến địa phương, cả quân đội lẫn công an. Số tiền lại quả không đặt ra, vì quá nhỏ so với những gì sẽ thu lại được cho nên hoàn toàn do những trung gian định đoạt.
Nhìn kỹ lại những dự án quy hoạch và xây dựng lớn của Việt Nam, tất cả đều nằm trên những địa điểm vừa thuận lợi cho buôn bán (trung tâm thành phố, gần bờ biển, cạnh hải cảng và giang cảng, trục lộ giao thông, vùng sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp…) và tiện nghi (dọc bờ sông, cạnh những địa danh du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng). Riêng tại Việt Nam, khách "lạ" còn quan tâm tới những vị trí có tính chiến lược quốc phòng như dọc của vùng biên giới (Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Tây Nguyên), Hà Tĩnh, Đà Nẵng, đảo Lý Sơn, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Minh Hải, Kiên Giang và Phú Quốc.
Trong một quốc gia dân chủ bình thường, những vụ chuyển nhượng đất đai, thuận mua vừa bán này không có gì là bí mật, tất cả đều công khai (bị bắt buộc phải công khai) và người dân muốn tham khảo hay chất vấn gì cũng được. Qua những tài liệu rò rỉ này, cái gì cũng đóng dấu mật, tuyệt mật. Phải có gì mờ ám và bất chính mới đóng dấu "tuyệt mật". Nếu là những tài liệu quốc phòng hay tài chính, tính bí mật và sự kín đáo cần phải tôn trọng. Ở đây, những tài liệu này chỉ là những trao đổi nội bộ giữa các bên trong cuộc hay giữa các cấp lãnh đạo địa phương và trung ương.
Nếu nhóm Công Lý này tiếp tục rò rỉ những hồ sơ chuyển nhượng đất bất chính trong đảng và chính quyền, người Việt Nam sẽ khám phá thêm nhiều hành vi tham nhũng và bán (rẻ) đất nước khác.
Nguyễn Văn Huy
*******************
Tư liệu "tuyệt mật : Ngoài các ông tướng tình báo, tướng hậu cần, còn những ai nối giáo cho giặc cướp trắng tài nguyên quốc gia ?
Nhóm Phóng viên Công Lý, 10/05/2017
Ngoài các ông tướng tình báo, tướng hậu cần làm hậu thuẫn, các tình báo viên AV75 (Phan Văn Anh Vũ) và NQ82 (Bùi Cao Nhật Quân) cũng bằng mác bình phong cấu kết hoặc đe dọa chính quyền để cướp trắng tài sản quốc gia.
Kỳ này, nhóm Công Lý tiếp tục công khai một số tư liệu mật mà qua đó AV75 và NQ82 cướp được các khu đất vàng, những nhân vật nhúng chàm trong số này gồm : cựu Phó Bí thư thường trực thành ủy Võ Văn Thưởng, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (bị cách chức sau khi nghỉ hưu) và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đào Anh Kiệt (người gây xôn xao dư luận khi bị mất 1,6 tỷ đồng trong két sắt ngay tại phòng làm việc).
Mời độc giả xem và nhận định.
Các tình báo viên AV75 Phan Văn Anh Vũ và NQ82 Bùi Cao Nhật Quân
Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về một khu đất ở Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Công văn của Thủ tướng gửi Bộ công an, Bộ tài chính và UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Công văn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh gửi của Sở, ban ngành để thi hành
Công văn của Bộ công thương và một công ty quốc doanh về việc chuyển nhượng vốn và cơ sở đề chia chác
Công văn của Sở Tài nguyên và môi trường gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc chuyển nhượng mờ ám đất đai
Nhóm Phóng viên Công Lý
Nguồn : Dân Luận, 09/08/2017
Về tấm thẻ vào sân bay của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (BBC, 08/05/2017)
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định việc cán bộ ký công văn đề nghị các cơ quan chức năng cấp thẻ kiểm soát an ninh cho ông Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly sân bay hôm 5/5 là trái thẩm quyền.
Ông Vũ Huy Hoàng là cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương
Báo chí trong nước nói nhiều cơ quan chức năng đã nhận được đề nghị tạo điều kiện cấp thẻ kiểm soát an ninh cho ông Vũ Huy Hoàng, người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương, vào khu vực cách ly sân bay.
Trong số này có các bộ phận an ninh, công an cửa khẩu và hải quan sân bay Nội Bài, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và cả Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Được biết lý do ông Vũ Huy Hoàng muốn vào khu vực cách ly là để 'tiễn người thân đi nước ngoài', theo truyền thông trong nước.
Báo Dân Trí nêu rõ chuyến bay ông Vũ Huy Hoàng vào đưa tiễn người thân mang số hiệu Việt Nam 512 của Vietnam Airlines, đã khởi hành lúc 10 :10 sáng hôm 5/5.
Theo các trang mạng chuyên theo dõi các chuyến bay trên toàn cầu, Việt Nam512 là chuyến bay tuyến Hà Nội - Bắc Kinh.
Ông Vũ Huy Hoàng "chỉ vào phòng cách ly của sân bay để tiễn thân nhân"
'Không phù hợp quy định pháp luật'
Tin tức nói lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc hiện đang yêu cầu các cơ quan cấp dưới rà soát lại.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hôm 8/5 cũng đã yêu cầu kiểm tra việc người của Bộ làm công văn nêu trên.
Theo thông tin từ Bộ Công thương được báo chí trích thuật, ngày 4/5, ông Vũ Huy Hoàng đã liên lạc qua điện thoại với cán bộ phụ trách lễ tân của Văn phòng Bộ Công Thương, và viên chức này đã làm công văn trình lên phó chánh văn phòng Bộ ký "mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền".
Trang Zing.vn nói ông Vũ Huy Hoàng vào hôm 5/5 đã được Cảng vụ Hàng không miền Bắc cấp thẻ để vào khu vực cách ly trong sân bay Nội Bài, và ông đã đi cùng vị cán bộ làm công văn đề xuất.
Không rõ người này có được cấp thẻ như ông Vũ Huy Hoàng hay không.
Ông Vũ Huy Hoàng rất ưa thích rượu Tây và muốn sang Tây định cư - Ảnh minh họa
Nay Bộ Công thương ra thông báo theo đó nói việc phó chánh văn phòng bộ "ký công văn gửi các cơ quan là không phù hợp với các quy định của pháp luật", và "đã yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình sự việc".
Thông báo cũng viết rằng Bộ "đang xem xét hình thức xử lý phù hợp" dựa trên nội dung giải trình.
Lãnh đạo Cục Hàng không xác nhận với báo giới rằng Cảng vụ hàng không là đơn vị có thẩm quyền cấp thẻ kiểm soát an ninh vào khu vực cách ly trong sân bay.
Tuy nhiên, cơ quan này nói thẻ chỉ cấp cho các đối tượng có nhu cầu thực hiện nhiệm vụ công chứ không dành cho các mục đích cá nhân.
Ông Vũ Huy Hoàng mới đây vừa bị Ban Bí thư Trung ương Đảng kỷ luật, theo đó ông bị cách chức bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông.
*******************
Ông Thăng và chiếc ghế bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (BBC, 08/05/2017)
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị 5, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhóm họp
Ông Đinh La Thăng, 57 tuổi, đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, một trong các quan chức cao cấp hàng đầu trong nền chính trị Việt Nam, vừa bị án kỷ luật cảnh cáo và phải ra khỏi trong Bộ Chính trị.
Quyết định được đưa ra hôm Chủ Nhật 7/5/2017, trong ngày họp thứ tư của Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị phế truất khỏi Bộ Chính trị, khiến người ta đặt câu hỏi về việc chiếc ghế lãnh đạo đảng ở thành phố lớn nhất nước sắp tới sẽ ra sao.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn với BBC, được thực hiện ngay sau khi có quyết định kỷ luật ông Thăng, một khách mời bình luận rằng việc bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị đồng nghĩa với việc ông Thăng "sẽ không còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nữa".
"Với việc mất chức ủy viên Bộ Chính trị, đương nhiên ông Thăng sẽ không còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vì trong cơ cấu cứng của Bộ Chính trị Việt Nam thì người giữ vị trí này luôn luôn phải là ủy viên Bộ Chính trị", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam từ Sài Gòn nói.
Ai sẽ thay ông Thăng ?
"Tôi cho rằng việc điều chuyển một nhân vật khác trong Bộ Chính trị vào thay thế cho ông Đinh La Thăng và quá trình chuyển giao ban bí thư ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong vòng từ hai đến ba tuần, sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 5", ông Phạm Chí Dũng nhận xét.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc, được blogger Nguyễn An Dân cho là hội đủ 'hai tố chất' để vào vị trí bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
"Việc này Đảng sẽ muốn làm rất nhanh. Một trong những minh chứng gần nhất là việc phân công các ủy viên Bộ Chính trị nhậm chức sau Đại hội 12 cũng chỉ diễn ra trong vòng từ hai đến ba tuần lễ mà thôi, chậm nhất là một tháng".
Trước câu hỏi ai sẽ là người có thể thay ông Đinh La Thăng, một blogger từ Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc trao đổi với BBC hôm 3/5, trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 5, cho rằng việc lựa chọn gương mặt mới sẽ phải 'căn cứ vào đặc điểm của Sài Gòn'.
"Dù sao thành phố cũng có đặc điểm dân chủ kế thừa từ thời Việt Nam Cộng Hòa", blogger Nguyễn An Dân nói. "Tư duy Đảng bộ Sài Gòn cũng tiến bộ hơn các địa phương khác".
"Bí thư Thành ủy phải mang tư duy đổi mới, nhưng không được làm 'vỡ bình'", ông Nguyễn An Dân bình luận. "Nhân sự sẽ được chọn theo hai tố chất đó, ví dụ ông Nguyễn Văn Bình hay Nguyễn Thiện Nhân".
Bà Tòng Thị Phóng, đương kim Phó Chủ tịch Quốc hội, có thể sẽ là một lựa chọn thích hợp để thay thế ông Đinh La Thăng, theo phán đoán cá nhân của ông Phạm Chí Dũng
Tuy nhiên, ông Phạm Chí Dũng cho rằng gương mặt thay thế 'hiện vẫn là một ẩn số', và có lẽ 'phải chờ đến hết hội nghị Trung ương 5 mới có thể rút nhân sự, đưa ủy viên Bộ chính trị nào đó có thể về thay ông Thăng'.
Đưa ra phán đoán cá nhân, ông Phạm Chí Dũng cho rằng : "Thuận tiện nhất, đỡ phải nhức đầu nhất, đỡ phải đàm phán nhất và ít tranh chấp nhất trong nội bộ là có lẽ đưa bà Tòng Thị Phóng về làm bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".
"Lý do đơn giản là bởi bà Tòng Thị Phóng hiện đang là Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ chính trị. Mà trong Quốc hội lại có tới hai ủy viên Bộ Chính trị, như vậy một cách nào đó, bà Tòng Thị Phóng là một ủy viên Bộ chính trị có thể nói là "hơi dôi dư".
"Dư ra một ủy viên Bộ chính trị như vậy có vẻ là uổng đối với công tác tổ chức của Trung ương. Thành thử Đảng có thể tính chuyện đưa một ủy viên Bộ Chính trị còn đang dư ở bên Quốc hội chắn luôn vào chỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh thay cho ông Đinh La Thăng".
*********************
Ông Thăng bị kỷ luật, mạng xã hội nói gì ? (BBC, 08/05/2017)
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và thôi chức trong Bộ Chính trị
Sự kiện ông Đinh La Thăng bị Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị được nhiều người bình luận trên mạng xã hội.
Hôm Chủ nhật 7/5, thông cáo chính thức nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, với tỉ lệ phiếu biểu quyết hơn 90%, quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng vì sai phạm giai đoạn 2009.2011 khi ông làm Chủ tịch PetroVietnam.
Dự kiến ông sẽ phải rời khỏi chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên Facebook, nhiều người Việt đã đưa ra bình luận khác nhau.
Doanh nhân Hoàng Khải viết :
"Dù sao chúng tôi cũng phải cảm ơn anh vì những con đường, cầu, cống mà anh đã chỉ đạo thực hiện để làm cho nền kinh tế Việt Nam đã phát triển trong những năm gần đây dưới thời anh còn làm Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải".
Cũng trên Facebook, cây bút Đinh Tịnh, cho biết từng làm việc với ông Thăng bốn năm, và "cảm nhận được sự chân thành, nhiệt huyết, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm".
Người này nói : "Nhiều kẻ mừng thầm nhưng nhiều người tiếc cho anh, trong đó có cá nhân tôi".
Trên Facebook có một trang fan ngưỡng mộ Bí thư Đinh La Thăng bày tỏ sự ủng hộ ông Thăng.
Một 'status' được hơn 3.700 người 'thích', viết rằng : "Cảm ơn ông đã làm nhiều việc cho nhân dân, đất nước Việt Nam thời Bộ trưởng GTVT và Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh".
Tương lai thành phố ?
Trong khi đó, nhà báo Hoàng Linh suy ngẫm về công việc tương lai của người sẽ thay ông Thăng trong vị trí Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh.
"Tôi không dám nghĩ đến những việc to tát như biến Sài Gòn thanh Tân Hòn ngọc Viễn đông hay thành Singapore thứ hai. Chỉ cần bớt ngập nước, bớt kẹt xe, luật lá nới nới cho doanh nghiệp, người làm ăn dễ thở".
"Đừng biến Sài Gòn thành bất cứ cái gì khác, hãy cứ là Sài Gòn nhộn nhịp và đầy tình người, người Sài Gòn dù là bản địa hay nơi khác đến biết phải làm gì đề thành phố thịnh vượng, mọi mô hình áp đặt đều phản tác dụng".
Ông Nguyễn Công Khế, từng là Tổng biên tập báo Thanh Niên, chia sẻ trên Facebook :
"Vị nào lãnh đạo mà tiêu biểu được cho không chỉ cho mấy ông trong Thành ủy mà phải tiêu biểu cho cả hàng chục triệu dân ở đây thì mới là người xứng đáng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần nói với chúng tôi như vậy".
"Chuyện của anh Đinh La Thăng, tôi sẽ viết một dịp khác, ai có lỗi phải chịu, nhưng những vụ "to khủng" này không chỉ mình anh Thăng thôi đâu".
Ông Khế nói : "Việc này phải để cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan Nội chính vào cuộc cho thật khách quan".
"Có một điều tôi tin là, khi anh Thăng bắt đầu được phân công nhiệm vụ ở Thành phố này, anh cũng muốn làm một điều gì đó cho Hòn ngọc Viễn Đông. Nhưng quá khứ vẫn là quá khứ và hiện tại thì vẫn là chuyện của hiện tại. Chỉ tiếc là không ai làm lại được quá khứ".
Cũng có không ít người dùng Facebook nhân đây nêu ra ý kiến chung về hệ thống chính trị Việt Nam :
Ví dụ Tran Minh KC viết :
Cái vòng lẩn quẩn cua một chế độ ! Giao thông thì tai nạn như cơm bữa, tham nhũng vẫn như ngay nào, đấu đá nội bộ tranh quyền đoạt chức, cuối cùng là người dân gánh chịu hếtÝ kiến trên Facebook của Toan Nguyen
"Thịnh quá hóa suy, Đảng cộng sản không đối thủ, giờ những đồng chí của mình mới chính là thế lực thù địch, chứ người dân không tấc sắt thù địch cái gì. Có khi nào đcs tiêu diệt đcs..".
Toan Nguyen viết : "Cái vòng lẩn quẩn của một chế độ ! Giao thông thì tai nạn như cơm bữa, tham nhũng vẫn như ngay nào, đấu đá nội bộ tranh quyền đoạt chức, cuối cùng là người dân gánh chịu hết".
Hai Nguyen : "Tất cả các đời bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ sau giải phóng đều phải có chân trong Bộ Chính trị... bác Thăng nguy rồi, Sài gòn chuẩn bị có chủ mới, đoán thôi nhé không trúng thì thôi".
Thu Nguyen : "Đây mới chỉ là bước kỉ luật đảng thôi, cảnh cáo và ra khỏi Bộ Chính trị như là cách chức, sau đây bóc nốt chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lột hết chức vụ trong đảng vì phải trong Bộ Chính trị mới giữ đc chức bí thư này, tiếp theo là các kết luận thanh tra, để chuyển sang điều tra theo luật hình sự, lúc này sẽ khởi tố điều tra và xử lý theo luật hình sự... như thế mới xác đáng...".
LTS : Tham nhũng tại Việt Nam hiện nay đang là một đe dọa lớn đến sự tồn tại của chế độ cộng sản Việt Nam. Đảng và Chính phủ đã không ngừng ban hành Nghị quyết, Chỉ thị hướng dẫn phòng chống tham nhũng dưới những danh từ hoa mỹ như "chống tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… nhưng cho tới nay đã như công cốc. Phong trào tham nhũng đã không bị ngừng trệ mà còn đang biến thành một khoa học luồn lách tuyệt sảo. Không những báo chí trong nước mà cả giai cấp trí thức quốc doanh đều nhảy vào cuộc để phân tích và bình luận trước sự dửng dưng đồng lõa của chế độ.
Điều đáng ngạc nhiên là cả người cho lẫn người nhận đều cho rằng dịch vụ biếu tặng "siêu xe" là hợp pháp, "đúng quy trình" trước sự bất lực của luật pháp và chính quyền đương nhiệm. Thật ra trị giá của những chiếc xe này chẳng là bao tại những quốc gia phát triển, nhưng đối với Việt Nam đó là những "siêu xe" (như báo chí trong nước đặt tên) vì quá đắt tiền so với lợi tức đầu người hiện nay, mà cả một đời làm việc của công nhân viên chức nhà nước hay người dân khó có thể đắc thụ một cách hợp pháp. Chính vì thế, bằng mọi giá, những cho cũng như người nhận đều tìm cách hợp pháp hóa hành vi cho-nhận của mình.
Người cho, dĩ nhiên, không muốn bị trả lại vì, theo như nhận định của báo chí và trí thức quốc doanh, "không ai cho không cái gì". Người nhận, càng dĩ nhiên hơn, không muốn bị tịch thu hay buộc phải trả lại món quà tặng riêng cho mình, vì đó là cả mơ ước của một gia đình : biểu tượng của thành công và giàu sang. Nhưng những biểu tượng này lại chính là đối tượng ganh tức của những người cùng ao ước nhưng không ước mơ không được toại nguyện. Tố cáo, loại trừ những người giàu có hơn mình đang là phản ứng phổ cập của những người đang ở trong guồng máy đảng và nhà nước không được ăn hay không kiếm được nhiều tiền. Ganh tức và t tiêu diệt lẫn nhau đang là nỗi lo của đảng cộng sản Việt Nam.
Nói tóm lại, cố gắng chống tự diễn biến và tự chuyển hóa trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là những cố gắng bất lực trước thế lực tham nhũng đang hoành hành trên cả nước. Phải thành thực nhìn nhận : còn bao nhiêu đảng viên, cán bộ trong guồng máy đảng và nhà nước quan tâm đến tương lai đất nước ? Chắc chắn là không nhiều.
Nguyễn Văn Huy
*****************
Tặng siêu xe tiền tỷ cho chính quyền Tỉnh, Thành phố : Có ai cho không ai gì đâu ? (Infonet, 26/02/2017)
"Xét cho đến cùng thì có ai cho không ai cái gì đâu ? Doanh nghiệp người ta bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để mua xe tặng tỉnh, Thành phố thì người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ, chứ đâu chỉ có chuyện lòng tốt mà bỏ ra ngần ấy tiền"
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương : "Doanh nghiệp người ta bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để mua xe tặng tỉnh, Thành phố thì người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ…".
Đây là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương xung quanh câu chuyện các doanh nghiệp tặng xe cho một số tỉnh, thành phố đang gây chú ý dư luận.
Nhiều doanh nghiệp tặng xế sang cho Tỉnh, Thành phố
Mới đây, dư luận tại Cà Mau bàn tán về 2 chiếc xe Lexus trị giá mỗi chiếc trên 3 tỷ đồng do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quản lý. Thông tin cho biết, vào tháng 3/2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng cho Cà Mau 2 "siêu xe" nói trên với giá xuất hóa đơn mỗi chiếc 3,1 tỷ đồng. Theo giải thích của người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau, thời điểm Công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt.
Công ty Công Lý khi tặng xe nêu rõ ràng mục đích tặng xe cho tỉnh là để phục vụ công việc như đi kiểm tra chỉ đạo đê, kè, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng..., không tặng riêng cho người nào.
Tương tự, tại Đà Nẵng, Thành ủy , Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đang quản lý 8 ô tô do doanh nghiệp tặng, hỗ trợ Đà Nẵng từ nhiều năm trước cho đến nay.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, cho biết được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Hoa Lư (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan) tự nguyện tặng cho tỉnh Ninh Bình 3 ôtô tiền tỷ. UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ Tài chính đồng ý cho xác lập quyền sở hữu nhà nước và hướng dẫn việc sử dụng đối với 3 ôtô này để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Ninh Bình đã từ chối "món quà" mà doanh nghiệp này tặng.
Không đến mức thiếu thì không nên nhận
Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, Đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, pháp luật không cấm việc tặng xe với tư cách là quà tặng, biếu đặc biệt trong bối cảnh chính quyền địa phương cũng có thể khó khăn về phương tiện đi lại. Do để giữ cho nợ công không tăng cao, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cũng yêu cầu thắt chặt mua sắm xe công nên nhiều địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, Đại biểu Sỹ Cương cũng nhấn mạnh "việc thiếu phương tiện đi lại đấy có đến mức làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ cũng như thực hiện chỉ đạo điều hành của các tỉnh,thành phố hay không thì cần phải xem xét kỹ. Bởi vì lãnh đạo tỉnh, Thành phố thiếu xe để đi tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo điều hành trong phạm vi địa phương có đến mức phải nhận xe của doanh nghiệp không ? Tôi khẳng định là không. Như vậy không đến mức thiếu mà phải đi mượn hay nhận xe dưới dạng biếu, tặng… thì không nên làm".
Không phủ nhận thiện ý tốt của doanh nghiệp đối với các địa phương trong điều kiện có khó khăn, nhưng Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định : "Thiện ý là một phần. Vấn đề đằng sau phải chăng là để tạo mối quan hệ, tăng cường mức độ ảnh hưởng đối với chính quyền để rồi khi có đề nghị chính quyền phải tạo điều kiện trở lại cho doanh nghiệp".
"Xét cho đến cùng thì có ai cho không ai cái gì đâu ? Doanh nghiệp người ta cũng nghĩ bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ để người ta thu lại được cái gì, ít ra thì cũng được mối quan hệ, chứ đâu chỉ có chuyện lòng tốt không mà bỏ ra ngần ấy tiền. Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính số tiền như thế không phải là nhỏ. Để kiếm được những khoản tiền tỷ đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính không phải dễ dàng"- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Việc chính quyền địa phương nhận xe của doanh nghiệp theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương sẽ tạo ra suy nghĩ cho các doanh nghiệp khác về sự công bằng. Bởi họ nghĩ rằng, cho rằng, những doanh nghiệp lớn, "hữu hảo" với chính quyền tỉnh đó chắc chắn được quan tâm, được tạo điều kiện hơn những doanh nghiệp khác. "Nhất là với những doanh nghiệp nhỏ, khó khăn, không có điều kiện để biếu tặng xe sẽ cho rằng mình bị lép vế, cũng có thể bị chính quyền quản lý chặt chẽ hơn, trong khi những doanh nghiệp kia được giải quyết thóang hơn. Đó là chưa kể dư luận có thể nghĩ rằng doanh nghiệp đó đã được "cái gì" rồi nên họ trích một phần biếu chính quyền là lẽ đương nhiên"- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị Chính phủ cần có văn bản quy định nên cấm các địa phương nhận xe dưới dạng biếu, tặng. Bởi việc nhận xe đắt tiền do được doanh nghiệp tặng để làm nhiệm vụ vẽ nên hình ảnh không đẹp.
"Chính phủ nên có sự chỉ đạo yêu cầu các địa phương không nên làm việc đó. Nếu địa phương thực sự khó khăn về phương tiện đi lại làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ thì Chính phủ cũng có thể lo được. Tôi tin không khó đâu, bởi vì dù nợ công cao nhưng mà để trang bị ở mức tối thiểu nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thì không đến mức mà chúng ta không lo được. Chúng ta không đến mức khó khăn như thế đâu" – Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định.
N. Huyền
*********************
Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ ! (GDVN, 26/02/2017)
Qua hai vụ doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan công quyền bị phát hiện, một câu hỏi lớn được đặt ra : Liệu có kẽ hở pháp luật về vấn đề này không ?
Chuyện doanh nghiệp tặng quà cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,… bấy lâu nay đã thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Nếu chỉ là những món quà biểu thị tình cảm theo kiểu "vừa đi Nha Trang về có chút quà biếu sếp" thì chẳng ai nói làm gì, âu cũng là hợp với cái lẽ trọng tình xưa nay của người Việt mình.
Nhưng việc tặng quà bây giờ đã thay đổi cả về bản chất và giá trị. Nó không còn xuất phát thuần túy từ tình cảm, từ sự quí trọng nhau. Giá trị món quà cũng tăng theo cấp lũy thừa.
Chuyện một doanh nghiệp ở Cà Mau tặng Tỉnh ủy, UBND tỉnh này 2 xe sang trị giá trên 6,2 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao những ngày qua là một minh chứng.
Vụ việc đang tạo ra những ý kiến trái chiều.
Hướng tới chính phủ liêm chính : Cần chế tài nghiêm cấm cơ quan nhà nước nhận quà doanh nghiệp. (Ảnh : Vietnamnet.vn)
Cả người cho (ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, và người nhận (UBND tỉnh Cà Mau) đều khẳng định việc tặng - cho 2 chiếc xe trên là "đúng quy định pháp luật".
Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, giao dịch này không trái với Bộ luật dân sự, không có rào cản với việc một cá nhân hoặc tổ chức tặng tài sản cho một cơ quan cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, theo luật sư Dương Tuấn Lộc (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), việc tặng - cho giữa một bên là chủ thể quản lý nhà nước và chủ thể bị quản lý ngay trong phạm vi địa phương là vấn đề hết sức nhạy cảm.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội) cũng cho rằng : Rất khó để chứng minh việc cho - nhận như vậy có tiêu cực hay không, nhưng dư luận có quyền hoài nghi.
Có lẽ vì thế mà hồi đầu tháng 8/2016, trước sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí và dư luận, UBND tỉnh Ninh Bình trong một hoàn cảnh tương tự đã phải từ chối nhận 3 xe hạng sang có giá gần 7 tỉ được một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tặng
Qua hai vụ doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan công quyền bị phát hiện, một câu hỏi lớn được đặt ra : Liệu có kẽ hở pháp luật về vấn đề này không ?
Bộ luật dân sự, như các chuyên gia pháp lí đã khẳng định, không nghiêm cấm việc một cá nhân hoặc tổ chức tặng tài sản cho một cơ quan cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Điều 228 của bộ luật này ghi : "Tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội !
1. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung và từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội".
Quyết định số 64/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ giới hạn đối tượng cho - tặng quà và nộp lại quà tặng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Phải chăng đang có một khoảng trống pháp luật trong việc doanh nghiệp cho - tặng quà cơ quan nhà nước ?
Khoảng trống này nếu không được khỏa lấp thì hệ lụy sẽ khôn lường. Nhiều câu hỏi đang được dư luận đặt ra trong những ngày qua.
Doanh nghiệp bỏ ra hàng tỉ đồng mua xe tặng cơ quan quyền lực địa phương liệu có phải xuất phát từ nhã ý "đóng góp" cho địa phương và không nhằm mục đích lấy lòng lãnh đạo ?
Nếu vì nhã ý đóng góp cho địa phương sao không tặng những công trình dân sinh khác thiết thực hơn là tặng xe sang khi mà các cơ quan công quyền đã có chế độ sử dụng xe theo qui định
Nếu không lấy lòng lãnh đạo thì tại sao sau khi tặng, doanh nghiệp dễ dàng tạm ứng ngân sách hàng chục tỉ, lại còn được ưu ái các dự án lớn, thậm chí vi phạm pháp luật chỉ bị xử lí nhẹ nhàng ?
Rõ ràng sự việc không đơn giản như cách giải thích của ông chủ doanh nghiệp rằng, "thấy lãnh đạo tỉnh đi xe "bèo" quá
Đường sá ở Cà Mau nhiều nơi rất xấu nên tôi muốn tặng một "cặp" xe cho Tỉnh ủy một chiếc, UBND tỉnh một chiếc", hay trần tình của lãnh đạo tỉnh
"Cá nhân tôi và lãnh đạo Tỉnh ủy không sử dụng xe này, mà chủ yếu dùng vào việc đi kiểm tra phòng chống lụt bão, cháy rừng, kiểm tra đê điều. Thỉnh thoảng có đoàn công tác của trung ương về thì sử dụng xe này để đưa đón..." [1].
Bởi thế, rất khó để loại bỏ nghi ngờ rằng tặng xe sang cho cơ quan, đơn vị, địa phương đang là "chiêu độc" của các doanh nghiệp "thân hữu" nhằm mưu đồ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lâu dài.
Mới đây nhất, khi lên tiếng phản bác thông tin một tờ báo đăng tải thông tin cho rằng chiếc xe 43A - 299.99 mang biển số giả, Bí thư Đà Nẵng lên tiếng bác bỏ và cho hay đây là tài sản do một doanh nghiệp tặng
Ông nói rằng, từ thời các vị tiền nhiệm trước cũng đã từng nhận một số xe do doanh nghiệp tặng, trong đó có hai chiếc Mercedes do Thành ủy quản lý, Ủy ban thành phố và đoàn Đại biểu Quốc hội mỗi đơn vị sử dụng 1 chiếc [2].
Ông cha ta từ bao đời nay đã có những lời răn thật thâm thúy : "Bánh ít trao đi bánh chì trao lại", "Ông mất chân giò bà thò chai rượu".
Ngẫm ra thật chí lí. Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ !
Nguyễn Duy Xuân
Tài liệu tham khảo :
[1] http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170222/co-quan-nha-nuoc-co-duoc-nhan-xe-doanh-nghiep-tang/1268749.html
[2] http://news.zing.vn/bi-thu-da-nang-bac-thong-tin-di-oto-bien-gia-29999-post722694.html
**************************
Những chiếc xe công đắt tiền và sứ mệnh phụng sự nhân dân (VietnamNet, 25/02/2017)
Nhiều tỉnh, thành đang được doanh nghiệp tặng xe đắt tiền làm xe công. Các vị lãnh đạo địa phương nên ứng xử thế nào ? Nhận hay không ? Xung quanh câu chuyện đang là tâm điểm dư luận này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
PV : Từng làm lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, cơ quan cũng phải mua sắm, sử dụng, điều phối xe công, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về việc nhiều địa phương được doanh nghiệp tặng xe công thời gian qua ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Tôi cho rằng mọi sự tặng cho tạo ra xung đột lợi ích, thì đều không nên.
Địa phương nhận xe của doanh nghiệp thì cũng giống như bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân. Người bác sĩ sẽ phải quan tâm hơn đến bệnh nhân đã biếu phong bì. Thế các bệnh nhân khác thì sao ? Một bệnh nhân tặng phong bì sẽ gây áp lực bắt buộc các bệnh nhân khác cũng sẽ phải tìm cách để tặng. Hiệu ứng tặng quà cũng sẽ như vậy đối với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhận quà thì sẽ dễ bị há miệng mắc quai. Và điều này xung đột với chức năng quản lý của địa phương.
Một trong hai xe Lexus GX460 được Công ty Công lý tặng cho tỉnh Cà Mau - Ảnh : Tuổi trẻ
PV : Theo quy định hiện hành, ai giữ chức vụ gì được sử dụng xe gì... đã rất chặt chẽ. Nếu cán bộ thuộc sử dụng xe do ngân sách Nhà nước mua vượt tiêu chuẩn là vi phạm rõ ràng, nhưng nếu cán bộ nào đó lại sử dụng xe vượt tiêu chuẩn mà xe này lại có từ nguồn gốc là quà được cho, được biếu tặng... thì sao ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Trước hết, xin khẳng định : Không bao giờ nên nhận xe của đối tượng mình đang quản lý.
Nếu xe được tặng không thuộc đối tượng bị quản lý, thì đó vẫn sẽ trở thành tài sản của nhà nước.Tài sản của nhà nước phải được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là vượt tiêu chuẩn thì không được sử dụng.
PV : Còn việc một số cán bộ sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn nhưng lại sử dụng không thường xuyên, tức là có khi họ sử dụng xe đúng tiêu chuẩn, khi khác lại ngồi xe vượt tiêu chuẩn…. những trường hợp này nên được nhìn nhận thế nào cho đúng ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Chúng ta có nhiều xe công nhưng lại để phục vụ riêng cho các quan chức có tiêu chuẩn.
Nếu xe vượt tiêu chuẩn không được bố trí để phục vụ riêng cho một quan chức nào đó thì không có vấn đề gì. Nếu phải đi đón khách quốc tế mà phải ngồi xe vượt tiêu chuẩn thì cũng được chứ sao.
PV : Việc doanh nghiệp tặng xe công cho cơ quan nhà nước gần như chắc chắn là việc làm "đúng quy trình" nhưng người dân thì vẫn băn khoăn tại sao họ tặng xe, phải có mục đích động cơ gì đó, việc này thật sự là rất khó minh định phải không, thưa ông ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Đúng quy trình là một chuyện. Đúng đạo lý, đúng pháp luật lại là chuyện khác.
Người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý. Đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý.
PV : Đó là bên tặng, còn bên nhận món quà biếu tặng đó nữa. Ví dụ, nếu ông ở cương vị Bí thư, Chủ tịch một tỉnh, ông nghĩ gì nếu một doanh nghiệp nào đó gợi ý tặng một chiếc xe công đắt tiền cho tỉnh ủy hay ủy ban ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Sứ mệnh của Bí thư, Chủ tịch tỉnh là phụng sự nhân dân tỉnh. Lợi ích của nhân dân, lợi ích của tỉnh phải là tối thượng. Việc nhận xe, nhận quà có xung đột với sứ mệnh của lãnh đạo tỉnh hay không, có ảnh hưởng đến lợi ích của tỉnh hay không là những câu hỏi cần phải được trả lời một cách trung thực và khách quan nhất ?
Nếu câu trả lời là có thì không bao giờ nên nhận bất cứ một thứ quà gì. Ngoài ra, là người của công chúng, lãnh đạo tỉnh cũng cần cân nhắc xem công chúng đánh giá việc nhận quà đó như thế nào để quyết định có nhận hay không.
PV : Vừa rồi báo chí cũng dẫn lại thông tin về việc một số địa phương đã giải trình với Thủ tướng về việc nhận xe sang. Ví dụ, về 2 chiếc xe Lexus của Công ty Công Lý. Cà Mau giải trình "Việc tặng xe là nhằm mục đích phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng. Họ cũng viện dẫn nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập sở hữu ; Thông tư 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính… và ý kiến đề xuất của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản (tiếp nhận tài sản sung vào tài sản công của tỉnh) đối với 2 xe ô tô được tặng. Là một chuyên gia luật pháp, ông có bình luận gì ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Về mặt pháp lý, chúng ta cần quan tâm đến quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn là Luật phòng, chống tham nhũng. Khoản 3, Điều 40 của luật này quy định như sau : "Nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi".
Mà chúng ta đều biết Công ty Công lý đang phụ thuộc rất nhiều vào tỉnh, nên chứng minh sự bất vụ lợi của hành vi cho và nhận ở đây là rất khó khăn.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh, Luật phòng, chống tham nhũng còn nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của "cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình" (Khoản 2, Điều 40, Luật phòng, chống tham nhũng).
PV : Cà Mau còn nói rằng, tại thời điểm cho và nhận xe Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thời điểm Chính phủ không có chủ trương mua xe công, trong khi tỉnh Cà Mau đang thiếu rất nhiều xe sử dụng. Chính vì vậy, công ty Công Lý đặt vấn đề nhiều lần với tỉnh và sau đó có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ rằng mục đích tặng xe cho tỉnh Cà Mau là để phục vụ tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, cháy rừng… không tặng cho riêng cá nhân nào. Theo ông như vậy có hợp lý không ?
Nguyễn Sĩ Dũng : Tôi cho rằng tỉnh Cà Mau hơi đơn giản ở đây. Cũng có thể đây là việc rất mới mà tỉnh lại chưa có đủ các chuyên gia pháp lý.
PV : Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam
Lan Anh thực hiện
*********************
Cục trưởng chống tham nhũng 'bào chữa' cho việc nhận xe sang ? (VOA, 27/02/2017)
Việc tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. (Ảnh minh hoạ)
Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều trang tin lớn Việt Nam đăng tải trong ngày 26 và 27/2, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói nếu có doanh nghiệp tặng xe sang cho cục của ông, ông "sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng".
Báo chí đã phỏng vấn ông Đạt sau khi trong tuần trước có tin các doanh nghiệp khác nhau đã tặng tổng cộng 10 xe hơi hạng sang cho chính quyền hai tỉnh Cà Mau và Đà Nẵng. Giá trị mỗi chiếc xe dao động từ trên 1 tỷ đến hơn 6 tỷ đồng.
Trước giả định ông sẽ quyết định thế nào nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục chống Tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, vị cục trưởng nói : "Tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng".
Ông Đạt cũng nói rõ thêm rằng điều kiện quan trọng nhất là doanh nghiệp đó "phải không có liên quan gì đến hoạt động công vụ của cục". Ông nhấn mạnh là "doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột lợi ích".
Phần trích những phát biểu này của ông Đạt đã dẫn đến những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng những lời của ông không phù hợp với những chuẩn mực tối thiểu trong hành xử công vụ. Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét với VOA :
"Tôi nghĩ chắc là ông cũng muốn biện bạch cho mấy cơ quan đang bị kêu là nhận tiền, nhận ô tô của doanh nghiệp. Theo tôi thì nó cũng rất là vô duyên. Trong trường hợp đấy, theo tôi cục trưởng chống tham nhũng không nên nói như vậy. Mọi giao dịch mang tính chất vụ lợi, đối với các công chức và cơ quan nhà nước, cần phải có quyết định rằng là không được phép. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà biếu một quan chức, theo chúng tôi đều là vụ lợi hết. Không có ai lại cho không ai cái gì. Tôi nghĩ là cái lời của ông ý là một cái lời vô trách nhiệm. Thực ra là để gọi là bào chữa cho cái hành vi mà lẽ ra phải xử lý của chính quyền của Cà Mau cũng như Đà Nẵng trong việc nhận ô tô của doanh nghiệp".
Việc tặng và nhận xe vừa qua đã gây sự chú ý lớn trong báo giới và công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Việt Nam, bản thân ông Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng cũng cho rằng "cần phải xem động cơ, mục đích của việc này".
Cụ thể hơn, ông nói cần kiểm tra lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng để xem họ hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, hiệu quả kinh doanh ra sao, mà có thể tặng xe vài tỷ đồng. Ông cũng nói cần làm rõ sau khi tặng xe, doanh nghiệp có được chính quyền địa phương ưu đãi gì không. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chỉ ra rằng việc làm rõ động cơ, mục đích này là "không dễ".
Đây không phải lần đầu có việc doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền địa phương. Bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau và mạng xã hội, công chúng lâu nay cho rằng việc tặng quà có thể thực hiện kín kẽ về luật để "đạt lý" song vẫn "khó thấu tình".
Theo họ, nếu muốn đóng góp, tặng quà cho các địa phương, các doanh nhiệp có nhiều cách ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều, như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, và nhiều hoạt động khác.
Họ lập luận rằng lợi ích từ những chương trình như vậy dễ được mọi người nhìn thấy, trong khi việc tặng xe thì chỉ phục vụ cho rất ít người, do đó, đương nhiên dư luận đặt ra mối nghi vấn.
Tôi rất đồng tình khi Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không được lên "chúc Tết" lãnh đạo. Trong hoàn cảnh chúng ta chưa thực sự tạo ra sự thay đổi, mệnh lệnh của Thủ tướng là rất đáng hoan nghênh.
Trái với quan niệm xưa, thay vì thời gian nhàn hạ bên gia đình, Tết bây giờ là lúc một số người tranh thủ lấy lòng nhau. Có những người khoản tiền biếu xén còn được ưu tiên hơn cả khoản chuẩn bị cho gia đình. Không ít trường hợp tặng quà bị biến thành một nghĩa vụ thay vì hành động xuất phát từ trái tim.
Người có điều kiện thì tặng những bộ quà Tết tốn kém, ít thì chai rượu Tây, cân hoa quả nhập ngoại, hay bèo bọt cũng là hộp mứt Tết loại xịn. Tất nhiên, gói quà phải đi kèm với phong bì mới đủ bộ.
Với một số người hư, mưu lợi thì ai cũng hiểu câu chuyện không chỉ dừng ở lời chúc Tết "suông".
Với một số người hư, mưu lợi thì ai cũng hiểu câu chuyện không chỉ dừng ở lời chúc Tết "suông". Rất nhiều trường hợp, nó trở thành tấm bình phong cho hành động hối lộ để các quan hệ thân hữu phát triển.
Tất nhiên không phải ai đi chúc Tết cũng chỉ vì tư lợi. Nhưng khi câu chuyện gắn liền với công việc, với câu chuyện lợi ích, thì việc kiểm soát đâu là "chúc"thật – giả trở nên khó khăn. Sẽ rất khó để đánh giá liệu một doanh nghiệp A đi chúc Tết một lãnh đạo địa phương, nơi doanh nghiệp đó đang chuẩn bị đầu tư, là "trong sáng" hay không. Hay một công chức đang trong danh sách cân nhắc thăng chức đi chúc Tết người có quyền quyết định vị trí đó. Bởi thế, trong những tình huống như trên, giải pháp tốt nhất đưa ra là ngăn chặn ngay những nguy cơ gây xung đột lợi ích (conflict of interest).
Đó là cách mà các nhà nước, doanh nghiệp, và trường đại học ở nhiều quốc gia phát triển thực hiện. Ở Mỹ, công chức còn không được nhận bất kì món quà nào, từ bất kì ai, có trị giá hơn 20 đô la (0,04% thu nhập hàng tháng). Nếu quy theo tỉ lệ thu nhập Việt Nam, mức tiền đó tương đương 24 nghìn đồng.
Vì thế, không phải tự nhiên mà nhiều nước như Nhật Bản và Mỹ, việc cấp dưới tặng quà có giá trị lớn cho lãnh đạo hầu như không xẩy ra, hay chí ít cũng không công khai như ở ta. Và trong những trường hợp có quà tặng, họ sẽ mở ra ngay để kiểm tra.
Từ chối nhận quà, trước khi là một văn hóa, là nguyên tắc ứng xử trong công việc được quy định nghiêm ngặt. Trải qua thời gian, quy định sẽ điều chỉnh hành vi và biến điều bắt buộc trở thành tự nguyện.
Chính vì vậy, tôi rất đồng tình khi Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không được lên "chúc Tết" lãnh đạo. Trong hoàn cảnh chúng ta chưa thực sự tạo ra sự thay đổi, mệnh lệnh của Thủ tướng là rất đáng hoan nghênh. Nhưng tôi cũng băn khoăn về chuyện liệu mệnh lệnh có được chấp hành nghiêm chỉnh hay không.
Câu chuyện "cấm chúc Tết" hay tặng quà không chỉ diễn ra trong năm nay. Và không phải là chúng ta không có những quy định pháp lý để xử lý vấn đề trên, thậm chí quy định nghiêm không khác gì những nước Âu – Mỹ. Từ năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (hiện đang sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có những quy định cụ thể về việc cấm nhận quà của công chức. Đến năm 2007, chúng ta có Quyết định 64 của Thủ tướng ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Tháng 12/2012, thường trực Ban Bí thư ký chỉ thị 21/CT-TW "nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên".
Các cơ quan Đảng, chính phủ mỗi năm đều ra công văn nhắc nhở các cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu phải thực hiện nghiêm những quy định này mỗi khi Tết đến. Nhưng kết quả có vẻ vẫn chưa như mong đợi.
Trong mấy năm qua, Cục Phòng chống Tham nhũng đã công bố số điện thoại để "nhờ" người dân trợ giúp phát hiện việc tặng quà có dấu hiệu tham nhũng. Nhưng năm nào việc tặng quà cũng đúng quy định. Điển hình là năm ngoái, cục này cho biết có 156 cuộc gọi và tin nhắn tố giác tham nhũng trong dịp Tết Bính thân, nhưng không ai bị điều tra. Sự xuề xòa về mặt luật pháp tất yếu sẽ dẫn đến sự xuề xòa khi chấp hành quy định.
Điều quan trọng, vì thế, cần phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc xử lý cán bộ vi phạm. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi cần nghiêm cấm mọi hành vi nhận quà có giá trị, và khép đó vào tội tham nhũng, nhận hối lộ để xử lý hình sự. Sau khi có chế tài, cần tăng cường sức mạnh và sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, và cơ quan công an để xử lý "điểm" những vi phạm.
Chống tham nhũng không thể hời hợt, và phải bắt đầu ngay từ những việc tưởng chừng nhỏ bé như đi chúc Tết.
Khắc Giang
Vì có đủ căn cứ pháp lý, do đó Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đồng ý thụ lý đơn khởi kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nghe lời tỉnh "rải thảm đỏ"
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc có trụ sở tại phường Bắc Cường (Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã quyết định gửi đơn khởi kiện Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ra tòa.
Lí do khởi kiện được Doanh nghiệp đưa ra vì cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định hành chính trái pháp luật khi thu hồi Dự án và phần diện tích đất đã được bàn giao cho Dự án "Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp Kinh Bắc tại Thành phố Lào Cai" chỉ sau 5 tháng được bàn giao đất tại thực địa.
Cụ thể, cách đây hơn 3 năm, theo lời kêu gọi trải thảm đỏ thu hút đầu tư của tỉnh Lào Cai, Công ty Kinh Bắc đã về Thành phố Lào Cai tìm hiểu và quyết định xin đầu tư vào một khu đất "có tiềm năng" tại phường Cốc Lếu có diện tích hơn 4.000 m2 với mục tiêu xây dựng một khu thương mại và dịch vụ tổng hợp hoành tráng, quy mô lớn nhất tỉnh Lào Cai.
Ngày 16/9/2013, Công ty Kinh Bắc ký Quỹ đầu tư và đến ngày 27/9/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai khi đó là ông Nguyễn Văn Vịnh (nay là Bí thư Tỉnh ủy) đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 12121000396 cho Dự án với tên gọi "Trung tâm thương mại và Dịch vụ tổng hợp Kinh Bắc".
Tuy nhiên, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù Công ty Kinh Bắc đã tích cực làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai để triển khai Dự án nhưng phải đến ngày 24/4/2015, Công ty Kinh Bắc mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ký hợp đồng thuê đất và ngày 05/5/2015, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lào Cai mới bàn giao đất tại thực địa (tức là sau gần 20 tháng kể từ khi được cấp giấy phép đầu tư).
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 83 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 20 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng. Thời gian thực hiện Dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Tới ngày 20/12/2013, Phó chủ tịch tỉnh Lào Cai là ông Doãn Văn Hưởng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Kinh Bắc tại lô đất có diện tích hơn 4.000 m2 với 4 mặt tiền có địa chỉ tại đường D1 ; N4 ; D2 ; N5, phường Cốc Lếu, Thành phố Lào Cai.
Mục đích sử dụng để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời hạn sử dụng đến hết 27/9/2063, trả tiền thuê đất hàng năm.
Tuy nhiên, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù Công ty Kinh Bắc đã tích cực làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai để triển khai Dự án nhưng phải đến ngày 24/4/2015, Công ty Kinh Bắc mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ký hợp đồng thuê đất và ngày 05/5/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai mới bàn giao đất tại thực địa (tức là sau gần 20 tháng kể từ khi được cấp giấy phép đầu tư).
Sự chậm trễ này kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án nhưng không vì thế mà Doanh nghiệp nản chí, vẫn quyết tâm thực hiện Dự án cho bằng được bởi đây là uy tín và danh dự của chính bản thân Doanh nghiệp.
Trên trải thảm đỏ, dưới rải… đinh ?
Kể từ khi được bàn giao đất tại thực địa, Công ty Kinh Bắc đã liên tiếp có công văn đề nghị tỉnh Lào Cai cho phép điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thiết kế nhưng không nhận được hồi âm.
Sau 4 tháng được bàn giao đất tại thực địa, tháng 9/2015, Công ty Kinh Bắc có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành đề nghị điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Trong khi chờ đợi phản hồi, Công ty Kinh Bắc đã cho san ủi mặt bằng, làm hàng rào bảo vệ, khoan thăm dò địa chất…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai bị doanh nghiệp khởi kiện.
Vậy nhưng, ngày 23/10/2015, thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bất ngờ ký ban hành Quyết định số 3659/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án với lý do :
"Sau 12 tháng, nhà đầu tư đã không thực hiện Dự án đúng tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đầu tư và không có hồ sơ đề nghị giãn tiến độ thực hiện dự án. Dự án đủ điều kiện chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư 2014 và Điều 10 Giấy chứng nhận đầu tư".
Gần 8 tháng sau, ngày 03/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tiếp tục ban hành Quyết định số 1645/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty Kinh Bắc với lí do "Người sử dụng đất vi phạm quy định tại Điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013".
Như vậy có thể thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn (5 tháng) kể từ khi được bàn giao đất tại thực địa, khi Công ty Kinh Bắc còn chưa kịp xin giấy phép xây dựng thì đã bị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai liên tiếp ban hành hai văn bản thu hồi Dự án và thu hồi đất với những lí do mà theo như lời ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty là hoàn toàn trái với những quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.
Sau nhiều lần gửi Văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xem xét lại việc thu hồi Dự án "Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp Kinh Bắc tại TP Lào Cai" và thu hồi đất đã cấp cho Dự án nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, cuối cùng Công ty Kinh Bắc đã buộc phải gửi đơn khởi kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh ra Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai. Ngày 09/12/2016 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã có thông báo về việc thụ lý vụ án.
Ngày 09/12/2016 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành 2 thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Công ty Kinh Bắc, còn bị đơn là Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.
Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai chấp nhận thụ lý hai vụ án khác nhau liên quan tới cá nhân và tổ chức kể trên. Cụ thể, tại thông báo số 244/TBTL-HC, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Kinh Bắc kiện cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vì đã ban hành Quyết định số 3659/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp Kinh Bắc tại TP Lào Cai.
Còn tại Thông báo số 245/TBTL-HC, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Kinh Bắc kiện tổ chức là Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vì đã ban hành Quyết định số 1645/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 thu hồi GCNQSD đất đã cấp cho Công ty Kinh Bắc.
Cả hai vụ kiện mà Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai thụ lý kể trên, người khởi kiện là Công ty Kinh Bắc đều yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai buộc Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và cá nhân ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Minh Anh
Ông Phúc cảnh báo về "sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia". Ảnh CHINHPHU.VNImage
Thủ tướng Việt Nam nói nguồn lực công trong đó có đất đai chưa được định giá chính xác, gây tham nhũng và lợi ích nhóm.
Thông điệp được đưa ra tại một hội nghị đánh giá kết quả tài chính ngân sách năm 2016 hôm 6/01 tại Hà Nội.
"Nguồn lực công lớn nhất là nguồn lực từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện, là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế," ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hội nghị của Bộ Tài chính cũng được nghe Thủ tướng Phúc yêu cầu công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thóa t, lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản công và xử lý nghiêm các sai phạm.
"Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân.
"Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi", Thủ tướng Phúc nói.
Bàn về thực trạng chi thường xuyên là gánh nặng lớn nhất cho ngân sách, ông Nguyễn Xuân Phúc nói việc "Chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khóa t chứ không phải dự toán rồi cứ chi".
"Xe công cũng chỉ là một hạt ngọc trong kho Châu báu là khối tài sản công khổng lồ đang quản lý rất phân tán, kém hiệu quả của chúng ta".
Nợ công nếu tính đủ, theo Thủ tướng Phúc, đã "vượt trần" và rằng nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp ba lần tốc độ tăng trưởng.
Nói về chiến lược cổ phần hóa, ông Phúc mô tả điều ông gọi là "giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối".
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã thể hiện vai trò vừa tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về định hướng chủ trương xử lý ; vừa tham mưu chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng và người có thẩm quyền ; vừa tham mưu theo dõi, đôn đốc thực hiện đến cùng của các cơ quan chức năng.
Năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa 6 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ra xét xử sơ thẩm trước ngày 31/3/2017 và đưa 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị ra xét xử phúc thẩm trong năm 2016.
Trong đó, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, bức xúc dư luận đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật như : Vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Lê Dũng, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn, vụ án Huỳnh Thị Huỳnh Như...
Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh, trong năm 2017, Ban Nội chính Trung ương sẽ ráo riết theo dõi, tham mưu, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo đúng kế hoạch tại Thông báo số 30 - TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.
Ban tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo kết thúc xác minh, xử lý 4 vụ việc ; điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo ; 1 vụ việc, 4 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc trong năm 2017.
Trọng tâm là giai đoạn 2 của vụ án Phạm Công Danh ; giai đoạn 2 của các vụ án Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo... và các vụ việc, vụ án xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Ban tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo thanh tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được xã hội quan tâm như : Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước ; Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình ; Dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc ; Dự án đạm DAP số 1 Hải Phòng ; Dự án Đạm DAP số 2 Lào Cai ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam ; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 ; Dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa ; Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương tăng cường tham mưu, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ; Chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Theo báo cáo, năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhiều nội dung công việc đã hoàn thành với kết quả cao như : Hoàn thành 2 Đề án lớn do Bộ Chính trị giao là Đề án "Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo" và Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".
Ban chủ trì giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại 14 tỉnh ; Theo dõi sát công tác nội chính và phòng chống tham nhũng của các tỉnh, thành phố, cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương ; Chủ trì xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan chức năng trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng ; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng…
Xuân Tùng (TTXVN)
*******************
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI.
Song, với tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, đạt được nhiều kết quả tốt và toàn diện.
Cụ thể, phát huy tinh thần chủ động, Thành ủy đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, trong tháng 6/2016 đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa, 8 chương trình công tác lớn cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình ; các Ban Chỉ đạo chương trình đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trong đó, chương trình số 01-CTr/TU, ngày 26/4/2016 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016 - 2020" với nhiều giải pháp đổi mới, đột phá có tính khả thi cao, là chương tình cốt lõi, "xương sống" trong các chương trình công tác của Thành ủy. Ban Chỉ đạo Chương trình đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc đã xây dựng và triển khai các đề án, chuyên đề, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Chương trình theo ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, về công tác kiểm tra giám sát trong Đảng, ngay từ đầu năm, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2016 theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Theo đó, Thành ủy Hà Nội thành lập 10 đoàn giám sát ở 20 quận, huyện, thị ủy và 10 sở, ngành của thành phố.Qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội, kết luận 55 tổ chức đảng, 234 đảng viên có vi phạm ; phải thi hành kỷ luật 127 đảng viên, 4 tổ chức đảng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp ; kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn thấp, trong khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng... Nguồn lực của thành phố hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn. Vì thế, TP Hà Nội lựa chọn năm 2017 là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ kỷ cương hành chính, làm cốt lõi để lan tỏa, xây dựng trật tự, kỷ cương xã hội.
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội cũng đã thông báo ban hành Văn bản số 519-CV/TU về thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 20/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả thị trường, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình có công, các đối tượng chính sách, hộ nghèo ; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống ; tập trung chỉ đạo, bảo đảm an toàn giao thông ; phòng, chống cháy, nổ ; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao, quản lý lễ hội ; đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm ; mọi người dân đều được đón Tết trong an lành, hạnh phúc.
Nguyễn Thắng (TTXVN)
Xét xử phúc thẩm vụ Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng. Ảnh : Mạnh Linh/TTXVN
Theo đó, để triển khai các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng ; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là công tác phòng ngừa tham nhũng ; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và Luật tiếp công dân. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất ; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo ; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh ; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng được phát hiện trong thời gian vừa qua ; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sớm đưa ra truy tố, xét xử theo đúng Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các Bộ : Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời phát hiện, khắc phục sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật.
TTXVN/Tin Tức