Tại buổi làm việc với Chính quyền tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra vào chiều 24 tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận dù công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2019 có kết quả tốt tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong những hạn chế, thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp…
Báo chí tại Đức với thông tin về hồ sơ Panama hôm 7/4/2016. AFP
Ông cho rằng các cơ quan chức năng cần quản lý các dòng tiền, nhất là tiền ‘bẩn’ do tham nhũng mà có : "Tiền bẩn vào ngân hàng là chuyển sang đất đai, tài sản ; chuyển từ cá nhân này sang cá nhân kia, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia. Nếu quản lý tốt dòng tiền này thì các đối tượng dù có tham nhũng cũng không tiêu tiền được", trích nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Tô Lâm trên báo quốc nội.
Người đứng đầu Bộ Công an Việt Nam tuyên bố như vừa nêu trong bối cảnh Tổ chức Liêm chính Tài chính Tòan cầu (Global Financial Integrity-GFI), có trụ sở ở Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nhận được dòng tiền bất hợp pháp từ hình thức rửa tiền dựa trên thương mại.
Nghiên cứu của GFI được thực hiện trong 10 năm từ năm 2006 đến 2015, dựa theo các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc). GFI ghi nhận chỉ riêng trong năm 2015, Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ đô la Mỹ (USD).
Đài RFA nêu vấn đề trên với Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, rằng có phải Chính phính phủ Hà Nội đang quyết tâm một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc chống tham nhũng và rửa tiền, nhất là qua lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Tô Lâm hay không ? Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh vào ngày 26 tháng 9 nêu lên nhận xét của ông :
"Việt Nam thực sự ra từ năm 2005 cũng đã có một đạo luật về phòng, chống tham nhũng và thậm chí từ năm 1994 của thế kỷ trước thì các lãnh đạo của Việt Nam mà đặc biệt là ông Nông Đức Mạnh từng nói rằng tham nhũng là quốc nạn và Chính phủ cũng như Nhà nước Việt Nam cần có những quốc sách để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến những giờ phút hiện tại thì vẫn cũng chỉ là những lời tuyên bố. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tham nhũng đã là quốc nạn của Việt Nam 25 năm rồi, mà trong 25 năm qua thì tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn nữa. Có lẽ họ có quyết tâm, nhưng họ có làm được hay không thì còn cần phải xét lại".
Luật sư Vũ Đức Khanh còn cho rằng không loại trừ yếu tố lời tuyên bố của Bộ trưởng Công an Tô Lâm được cố tình đưa ra trong thời điểm đang chuẩn bị cho Đại hỏi Đảng lần thứ XIII và trong công cuộc "đốt lò" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là mục đích nhằm đấu đá nội bộ để tranh giành chức quyền trong thời gian tới ở Việt Nam.
Trong khi đó, từ trong nước, nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Tô Lâm liên quan đến một vấn đề rất trừu tượng vì quá thiếu các dẫn chứng thực tế cũng như những báo cáo cụ thể. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định :
"Tình hình rửa tiền ở Việt Nam, là một trong những nước rửa tiền ghê gớm nhất thế giới, mà những báo cáo về rửa tiền, quản lý về công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam là rất mờ nhạt, rất trừu tượng, rất mơ hồ và nói chung là công tác quản lý, điều hành về phòng, chống rửa tiền, tiền bẩn ở Việt Nam thì tôi cho là cực kỳ yếu kém".
Hồi trung tuần tháng 5 năm 2019, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam. Theo đó, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia ở mức ‘thấp’, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam ở mức ‘trung bình’ và rủi ro rửa tiền quốc gia là ‘trung bình cao’.
Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguy cơ rửa tiền, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức ‘cao’ và mảng kinh doanh kiều hối được xếp mức ‘trung bình cao’. Đáng chú ý, nguy cơ rửa tiền liên quan tội phạm tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản…là rất lớn.
Ông Phạm Gia Bảo còn nêu lên mặc dù nhiều vụ án tham ô tài sản được đưa ra xét xử và qua đó các khoản tiền tham nhũng là rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng ; tuy nhiên Việt Nam chỉ mới khởi tố và xét xử duy nhất một vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham ô, là vụ ông Giang Kim Đạt đã tham ô 260 tỷ đồng ở Công ty Vinashin.
Trước các số liệu nêu trên, tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra thêm các dẫn chứng cho thấy thực trạng hiện tại trong công tác xử lý tiền ‘bẩn’ do tham nhũng tại Việt Nam không đạt được kết quả :
"Tôi từng nghe một quan chức nói cách đây chừng hơn 1 năm thôi rằng bây giờ chỉ có ai ngu thì mới dùng tiền (tham nhũng) để xây lâu đài và sắm xe hơi đắt tiền. Còn biết khôn thì hãy chuyển sang của "chìm" hết đi, đừng có làm của "nổi"".
Theo ghi nhận của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, thì có một sự chuyển đổi tỷ lệ tài sản tham nhũng "của nổi-của chìm" trong giới quan chức tham nhũng tại Việt Nam tính từ mốc năm 2016, tức là thời điểm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói rằng trước thời điểm "đốt lò" thì thường là 50-50 phần trăm cho "của nổi và của chìm" (như đổi ra ngoại tệ, mua vàng và tuồn ra gửi ở ngân hàng nước ngoài..) và sau này thì tỷ lệ thay đổi là 20-80% "của nổi-của chìm", thậm chí của "chìm" chiếm tới 90%.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhắc lại hồ sơ Panama được công bố trong cùng năm 2016 từng gây chấn động trong dư luận thế giới :
"Tôi muốn dẫn lại một minh họa khác là vào Hồ sơ Panama đã công bố hồi năm 2016 và gây ra một chấn động lớn. Trong công bố này, cho thấy chỉ riêng trong năm 2015 đã có 19 tỷ đô la Mỹ (USD) chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Sau đó, một số chuyên gia độc lập trong và ngoài nước đánh giá sở dĩ có số tiền nhiều như vậy thì có thể nói tiền đầu tư ra nước ngoài là ít mà tiền bẩn mang ra rửa là nhiều và sẽ có ít nhất 1/3 trong số 19 tỷ USD đó là tiền được rửa và sau đó quay trở lại Việt Nam dưới dạng tiền sạch. Tiền ở Việt Nam là tiền tham nhũng, đổi ra ngoại tệ và tuồn ra nước ngoài và quay trở lại Việt Nam dưới dạng đầu tư, kiều hối…dưới dạng tiền sạch".
Một chuyên gia tài chính độc lập ở trong nước, không muốn nêu tên, qua email còn cho RFA biết tại Việt Nam có muôn hình vạn trạng cách quan chức tham nhũng có thể "hợp thức hóa" tài sản mà họ tham nhũng, đơn giản từ một món quà tết là một chậu mai kiểng của một công ty tặng cho một vị cán bộ và sau đó vị cán bộ này tuyên bố bán chậu mai kiểng "nhà trồng" trong nhiều năm với giá mấy tỷ đồng.
Từ chuyện hợp thức hóa này có thể liên tưởng đến vụ cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG. Và, khi đó ông Nguyễn Bắc Son đã khai báo đưa số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền. Tuy nhiên, con gái vị cựu bộ trưởng này được báo giới dẫn lời lên tiếng rằng không nhận bất cứ khoản tiền nào từ bố mình. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là số tiền tham nhũng 3 triệu USD của ông cựu Bộ trưởng đang được tẩu tán ở đâu ?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn khẳng định số tiền tham nhũng của ông Nguyễn Bắc Son trong thương vụ đó còn lớn hơn nhiều, với lập luận :
"Thật ra mà nói số tiền tham nhũng của Nguyễn Bắc Son có thể gấp 10 đến 15 lần so với con số 3 triệu USD. Tại vì theo luật bất thành văn trong các giao dịch thương mại, như phi vụ ở Tập đoàn AVG là phải chi từ 10% đến 15% cho quan chức. Ví dụ như trong vụ Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa bị bắt là cũng được đám đánh bạc công nghệ cao chi 10%. Vậy thì Nguyễn Bắc Son cũng phải được chi như vậy chứ. Số tiền 3 triệu USD chỉ là số nhỏ thôi vì số tiền tham nhũng của Bắc Son là khủng khiếp. Như vậy vấn đề là số còn lại đi đâu ?"
Cả Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Luật sư Vũ Đức Khanh cùng khẳng định Việt Nam gần như đầy đủ về mặt cơ chế và luật pháp trong quốc nội cũng như tham gia ký kết công ước, hiệp định phòng, chống rửa tiền quốc tế. Nhưng :
"Về mặt khung pháp lý, tức là đạo luật tôi vừa nhắc đến và tất cả những nghị định kèm theo cùng các văn bản hướng dẫn…Nếu nói về khung pháp lý đó thì quả thực Việt Nam có đầy đủ hết và đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề về quyết tâm chính trị như tôi đã đề cập thì tôi nghĩ là không có và về nguồn nhân lực để thực hiện thì nếu nói về số lượng là có nhưng nếu nói về chất lượng của đội ngũ quan chức thanh tra trong vấn đề phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thì tôi không tin là họ có đạo đức thực sự để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi có thể nhìn thấy thanh tra ở Việt Nam còn tham nhũng hơn cả. Tôi tạm thời gọi là "siêu tham nhũng", tức là họ lạm dụng quyền kiểm tra các vấn đề tham nhũng để tham nhũng nhiều hơn những người tham nhũng bị kiểm tra".
Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định như vừa nêu trong khi vị chuyên gia tài chính độc lập ẩn danh cũng xác nhận với RFA về giới thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ kiểm tra và báo cáo theo mức "thù lao" nhiều hay ít mà họ nhận được từ những đối tượng tham nhũng bị điều tra.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng điều quan trọng nhất mà Việt Nam muốn đạt được quyết tâm chống tham nhũng cũng như thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế trong chống rửa tiền là phải làm cho được 3 điều chính yếu ; bao gồm đổi mới cơ chế, có tự do truyền thông và nâng chế độ tiền lương cho công chức.
Còn nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng ông không nhìn thấy một dấu hiệu lạc quan nào qua tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Công an Tô lâm :
"Tôi đã nghe ít nhất 3 lần Tô Lâm nêu quyết tâm chống rửa tiền đó rồi. Nhưng mà sau đó tình hình càng ngày càng tồi tệ. Cho nên tôi thấy tất cả những quyết tâm của Tô Lâm nói riêng và của giới quan chức Việt Nam nói chung là chẳng có ý nghĩa gì cả".
**************
Xử VN Pharma : Viện Kiểm sát và Bộ Y tế bất đồng (BBC, 27/09/2019)
Viện kiểm sát tỏ ra không đồng ý khi Bộ Y tế Việt Nam cố chứng minh thuốc ung thư giả chỉ là thuốc 'kém chất lượng'.
Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma, trong phiên sơ thẩm năm 2018
Phiên xử sơ thẩm lần hai với 12 bị cáo bắt đầu hôm 24/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án.
Vào hôm 27/09, phiên xử được cho là đi vào phần cuối cùng trước khi tòa nghị án thì có những diễn biến gây tranh cãi.
Đại diện Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ những thông tin của Bộ Y tế đưa ra khẳng định thuốc H-Capita (chữa ung thư) "đạt chuẩn và chỉ bị giả mạo về nguồn gốc xuất xứ".
Trước đó Cục Quản lý Dược gửi "công văn khẩn" tới Hội đồng Xét xử về việc cục này cử đoàn sang Ấn Độ để xác minh thuốc (hồi tháng 11/2017).
Công văn này nói "về bản chất lô thuốc H-Capita đạt tất cả tiêu chuẩn khi xuất xưởng" nhưng vì vì thời hạn xuất xưởng quá lâu, do vận chuyển lòng vòng, nên có việc "thay đổi nhãn mác nhằm thay đổi xuất xứ của lô thuốc".
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã bác bỏ những thông tin của Bộ Y tế đưa ra với lý do tài liệu mà đoàn công tác của Bộ Y tế cung cấp "không đảm bảo tính pháp lý, khách quan, không xuất phát từ yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, và không có người của cơ quan điều tra đi cùng đoàn... nên không được sử dụng để làm căn cứ xác định nguồn gốc lô thuốc ung thư".
Phía Viện kiểm sát cũng cho rằng chính Cục Quản lý dược Bộ Y tế cũng đang bị cơ quan điều tra đang khởi tố vụ án, xem xét hành vi sai trái nên thông tin cục này đưa không đảm bảo tính pháp lý và rằng hành vi các bị cáo gây ra có trách nhiệm của Cục Quản lý dược nên không loại trừ cục này có nỗ lực "bao che".
Trong khi đó quan điểm của các luật sư bào chữa cho 12 bị cáo là các chuyên gia của Bộ Y tế tham gia phiên tòa (và kết quả kiểm định) cũng khẳng định thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả.
VN Pharma từng cung cấp thuốc cho nhiều bệnh viện công tại Việt Nam
Cục Quản lý dược cho rằng về bản chất thì hành vi của các bị cáo trong vụ án là "giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc để trục lợi".
Phiên xử vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'' xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan liên quan diễn sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án ngày 18/09/2019.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, người ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu số thuốc chữa ung thư, vắng mặt dù được triệu tập.
Thuốc H-Capita 500mg được VN Pharma nhập khẩu vào Việt Nam tháng 4/2014, và đến 1/8/2014 thì bị Cục Quản lý dược Bộ Y tế có văn bản yêu cầu tạm ngừng lưu hành vì có chất "không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người".
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Các bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (Phó phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma), cùng 6 bị cáo khác.
Khung hình phạt của tội danh này là từ 20 năm tù tới chung thân hoặc tử hình.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có ý kiến chính thức về vụ việc này hôm 20/9, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế liên quan việc cục này cấp phép cho 10 thuốc nhập khẩu từ 'công ty ma' Helix Canada .
Bà Kim Tiến đã nói với báo chí rằng vụ việc cần được xử "đúng người đúng tội, đúng sự việc, không oan sai và không bỏ sót tội".
***************
Chính quyền Đồng Nai tiếp tục cưỡng chế đất ở Long Hưng (RFA, 27/09/2019)
Dự án khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai bị người dân phản đối và khiếu kiện lâu nay nhưng vẫn chưa giải quyết được. Trong khi người dân chờ đợi thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra thì chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện cưỡng chế dân. Chúng tôi ghi nhận những phản ánh của người dân trong phóng sự sau, mời quý vị theo dõi.
Một mặt thì lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói đã có kết luận thanh tra chính phủ, nhưng không chịu công bố, khiến người dân Long Hưng cứ ngóng chờ kết luận của thanh tra, một mặc thì vẫn ra tay cưỡng chế nhà dân Photo : RFA
Dân chờ kết luận thanh tra
Lần cưỡng chế gần đây nhất xảy ra tại xã Long Hưng là vào ngày 28 tháng 06 năm 2019.
Lúc chúng tôi đến đây, nhiều căn nhà của người dân nơi đây bị cưỡng chế, phá dỡ chỉ còn lại nền đất trống. Trong đó có gia đình ông Đỗ Hoàng Dũng. Ông Dũng cho chúng tôi biết, gia đình ông nhận được thông báo cưỡng chế hôm trước thì hôm sau lực lượng cưỡng chế đến phá dỡ nhà khiến cả nhà không kịp xoay sở.
- Đưa ngày trước ngày sau nó cưỡng chế á
- Nó gởi quá sát mình đâu có dọn kịp. Hăm sáu gởi hăm bảy nó cưỡng mà
Ông nói tiếp :
Xuống khoảng 200 người á, đủ các ban ngành…rồi nó vô, chú đốt xăng ‘zụt’ ra, đi vô nhà cái ngoài đây nó cắt hàng rào B40... nó đem xe cuốc vô nó cuốc…ghế đá, giường… nói chung nát hết.
Công an với cảnh sát cơ động có vũ khí có bảng che, nói chung lấy được nhà đất của dân là thành công lớn nhất là do cái sức mạnh của công an với cảnh sát cơ động.
Bà Trịnh Thị Nhàn, cũng là một trong những nạn nhân của cuộc cưỡng chế tại Long Hưng trong quá khứ, cho biết :
Xin được nhắc lại rằng dự án hơn 1000 hecta này do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư.
Người dân tố cáo chính quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án không đúng cấp thẩm quyền và nhiều sai phạm khác. Ròng rã nhiều năm trời đưa đơn tố cáo thì đến năm 2013, thanh tra chính phủ đã vào cuộc thế nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa công bố kết luận thanh tra.
Chính quyền nói làm theo chỉ đạo
Người dân cho rằng những lần tiếp xúc và làm việc trước kia của đoàn thanh tra với người dân là thiếu khách quan, bà Nhàn kể lại :
Khi làm việc thì chả hỏi nội dung tố cáo của tụi chị gì hết, mà cứ giống như chất vấn để đe dọa tụi chị, như ai là người đứng chủ mưu cái nội dung đơn, rồi ai là người xúi dục ?
Ông Nguyễn Văn Nhuần cho rằng có sự bao che hoặc dung túng cho những sai phạm của chính quyền trong dự án này. Sở dĩ nói như vậy, vì tháng 6 vừa rồi phía chính quyền vẫn tiếp tục cưỡng chế mặc cho người dân nói dự án sai phạm.
Thông báo cưỡng chế đất do chính quyền Long Hưng gửi, được người dân cung cấp Photo : RFA
Đoàn công tác thanh tra chính phủ vô gặp chúng tôi hỏi sơ mang tính chất làm thủ tục hành chánh, hỏi sơ là ai đứng đại diện nội dung tố cáo, ai là ủy quyền chứ hoàn toàn không có tham khảo những tài liệu chứng cứ cũng như là nội dung tố cáo của chúng tôi do đó chúng tôi thấy việc làm của đoàn công tác thanh tra CP có dấu hiệu…bao che dung túng cho sai phạm của chính quyền tỉnh Đồng Nai.
Chính vì như vậy, người dân càng nóng lòng hơn khi không nhân được câu trả lời mà phía chính quyền cứ tiếp tục cưỡng chế làm người dân rơi vào cảnh hoang mang, uất ức. Bà Nhàn cho biết tiếp :
Buổi tiếp xúc cử tri tại phường (xã) Tân Hạnh, tụi chị có lên đó gặp ông Võ Văn Thưởng cũng có những ý kiến yêu cầu công bố kết luận thanh tra, tiếp theo yêu cầu ngăn chặn cái hành vi cưỡng chế trái pháp luật nhưng mà sau đó…cưỡng chế vẫn là cưỡng chế.
Sau cuộc cưỡng chế ngày 28 tháng 06, thì hôm sau báo trong nước dẫn lời lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói rằng, ‘UBND tỉnh đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật trong thực hiện phê duyệt quy hoạch, bồi thường, thu hồi đất đối với Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng. Dự án triển khai thực hiện theo đúng quy trình của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã có kết luận đây là dự án triển khai đúng quy định.’ 8402, 8403, 8404.
Rõ ràng, một mặt thì lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói đã có kết luận thanh tra chính phủ, nhưng không chịu công bố, khiến người dân Long Hưng cứ ngóng chờ kết luận của thanh tra, một mặc thì vẫn ra tay cưỡng chế nhà dân. Có gì khuất tất trong cách hành xử của chính quyền địa phương ? Một người dân cho biết vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra nào :
Đến nay vẫn chưa có công bố kết luận thanh tra. Việc mà chúng tôi tố cáo khiếu nại, kết thúc cuối cùng chúng tôi yêu cầu công bố kết quả giải quyết cho tụi tui, yêu cầu là đảm bảo khách quan trung thực, đúng với quy định pháp luật. Công khai cái kết luận đó.
Thanh tra sớm kết luận để coi cái dự án này nó đúng sai cỡ nào để người dân ta được yên tâm, không lẽ thanh tra lại kết luận sai hay sao ? Mình hy vọng là thanh tra sao nó đúng pháp luật cho dân được nhờ.
Sự việc này kéo dài quá lâu, người dân Long Hưng hơn 10 năm sống vất vưởng trong khu tạm cư, thiếu thốn đủ bề. Phần đông những người chúng tôi gặp đều mong mỏi công lý được thực thi để trả lại cho họ những gì đáng ra là của họ.
Những người dân tố cáo ông Ao Văn Thinh với Đinh Quốc Thái nay cũng 10 năm rồi. Thì quan điểm tất cả anh em trong đoàn luôn mong muốn được thanh tra chính phủ đã làm việc hai lần rồi thì yêu cầu thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra, còn kế theo nữa nếu vô làm việc với người dân thì có thể làm việc đối chất đi. Nếu người dân chúng tôi tố cáo thì chúng tôi cung cấp những cơ sở pháp lý để nói cái sai.
Chính phủ mà cứ để 10 năm 20 năm ví dụ như Long Hưng, Thủ Thiêm, Sơn Tiên, mà kéo dài như vậy thì đời người của người dân sống được bao năm.
Với tư cách là Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ngày 20/8/2019 đã gửi công văn đến Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị sớm có kết luận thanh tra dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng, Biên Hòa. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở Biên Hòa, ông Thưởng đã nghe người dân phản ánh về dự án trên và ông cũng đã từng gửi công văn cho Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ sớm chỉ đạo để có kết luận thanh tra dự án…
*********************
Theo thông tin của tỉnh Sóc Trăng, kinh phí gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tư gia của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng tỉnh Ủy.
Hệ thống camera giám sát. (Ảnh minh họa) AFP
Thông tin từ Zing.vn đăng ngày 27/9, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, phó giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã từng kiến nghị lắp camera tại trụ sở các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an. Nhưng xem ra, việc lắp đặt camera tại nhà các quan chức quan trọng hơn…. !
Nhiều bạn đọc ngay khi biết thông tin này đã bình luận tại sao không dùng số tiền đó đầu tư vào những việc có ích khác như xây trường học, đường xá hoặc cầu đường giúp dân (bạn đọc Jennie Nguyễn) hoặc như bạn đọc khác cho rằng tại sao không lắp camera tại các cơ quan công quyền để phát hiện tham nhũng, cán bộ nhũng nhiễu khi tiếp dân như tỉnh Quảng Ngãi đã từng làm mà lại lắp cho cá nhân các quan chức lãnh đạo ?
Kỹ sư Trần Bang từ Sài Gòn nhận định với RFA vào ngày 27/9 khi chúng tôi nêu vấn đề này với ông : "Tôi không rõ mục đích của họ theo dõi cái gì mà họ lấy ngân sách ra để họ theo dõi những người lãnh đạo như vậy thì tôi thấy lãng phí ngân sách của người dân. Dùng tiền của dân theo dõi cán bộ của Đảng như vậy là sai và tốn thuế của dân. Nếu tôi là các ông tỉnh ủy viên như vậy thì tôi cởi áo bỏ đảng về quê làm ruộng, coi sóc như thế chắc gì bình đẳng, ví dụ theo dõi 100 người, thiên vị 10 người còn 90 người còn lại mang ra tố cáo để 10 người này trúng cử thì sao nên chỉ có người dân, người ta mới phản ánh đúng tư cách của cán bộ".
Ngoài ra, ông Bang còn cho hay với chi phí 1 tỷ đầu tư vào việc lắp đặt hệ thống như vậy thì phải trừ đi 50% chi phí để dành được đấu thầu này tức là việc lại quả, đút lót 50%, không bằng tiền thì cũng bằng cách này hay cách khác nhưng ông đảm bảo việc đi mua sắm công tại Việt Nam chắc chắn sẽ mất 50%.
Nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội nhận định về vụ việc cho rằng các quan chức Việt Nam lo ngại việc một số người dân không đồng tình với cách lãnh đạo của họ sẽ tìm cách hành hung, ném gạch, ném chất bẩn… vào tư gia quan chức nhằm gây sức ép nên việc lắp đặt hệ thống giám sát để bảo vệ các quan chức này.
"Nếu đúng như thế thì thật ra phơi bày bộ mặt lãnh đạo, cho dân vì dân nhưng lại sợ bị trả thù của lớp cán bộ, vì cán bộ tử tế thì cần lắp camera để làm gì. Tất nhiên dùng tiền công lắp đặt như thế nhằm bảo vệ cá nhân tại tư gia thì nó không đúng vì không có luật nào quy định cả. Mấy ông là người có chức có quyền thì họ cứ lấy tiền ngân sách trang bị cho cá nhân mà thôi, chẳng có luật pháp gì các ông có chức có quyền thì làm thôi".
Với quyết tâm giảm tham nhũng trong bộ máy công quyền, vào ngày 3/7/2019 chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng yêu cầu các cơ quan địa phương đưa ra giải pháp nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Trong đó, giải pháp lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các địa điểm có cán bộ, công chức, tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp được nhiều người đồng tình.
Vị Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng "Hệ thống camera giám sát ngăn chặn tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn vòi vĩnh, sách nhiễu trong thực thi công vụ. Tỉnh kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất" (trích từ zing.vn đăng 3/7/2019).
Vào tháng 5/2019 trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Phú Yên cũng cho biết vừa lắp đặt 6 camera ghi lại tất cả bộ phận trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân. Mọi hình ảnh từ trung tâm sẽ được truyền trực tiếp về lãnh đạo trung tâm và lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác cũng bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống giám sát tại các cơ quan công quyền nhằm kiểm soát cán bộ cũng như các hoạt động tại đây.
Cài đặt camera được lãnh đạo các địa phương đặt nhiều kỳ vọng nhằm giảm thiểu hoặc chí ít phát hiện tham nhũng đã bị Kỹ sư Trần Bang phản bác, ông cho rằng việc phòng ngừa cán bộ tham nhũng, tiêu cực không chỉ qua việc lắp đặt camera giám sát ; điều đó chỉ phản ánh được một phần của sự vụ :
"Để quản lý cán bộ tốt thì trả lại quyền cho nhân dân lựa chọn cán bộ, lựa chọn người làm chính sách và làm chính sách công, cái gì dính đến công thì do người dân lựa chọn, vì người dân có trăm tay nghìn mắt chứ bây giờ đưa về trung tâm nào đó phân tích như bộ phận an ninh chẳng hạn, ban tuyên giáo hay ủy ban kiểm tra trung ương đảng thì nó vẫn là độc quyền. Bản thân người kiểm tra cho qua chuyện đó, thậm chí xóa những hình ảnh xấu đi, đút lót, hối lộ, hoặc thiếu tư cách chẳng hạn…thì người dân đâu được biết".
Đứng ở góc độ khác phân tích, nhà báo Phạm Thành cho rằng, việc sử dụng ngân sách quốc gia để lắp đặt hệ thống camera nhằm chống tham nhũng, tiêu cực, là trò hề. Nhà báo giải thích :
"…vì chống tham nhũng dựa trên nền tảng xã hội mà nền tảng đó đủ để chống và ngăn tham nhũng phát sinh, phát triển. Chứ tham nhũng không phải từ chỗ có camera thì tôi không có tham nhũng, lắp camera ngăn chặn được hành vi tham nhũng, xin thưa không vì tham nhũng ở đây nó ở trong phòng kín, trong một không gian khác chứ không phải lắp ở đó là có thể chống được tham nhũng. Nó rất là buồn cười và trẻ con…".
Còn đối với Luật sư Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh thì lại có cách nhìn nhận tích cực hơn, ông nói : "Có camera ghi hình tại trụ sở thì tôi thấy nó dễ làm rõ mọi chuyện hơn, cũng như có tác dụng cảnh báo ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của cả hai phía. Việc lắp camera tại nơi tiếp dân ở các cơ quan công quyền thì đây là một chương trình cải cách hành chính mà nhiều nơi đã thực hiện lắp đặt. Nó thể hiện sự công khai minh bạch tức là qua hệ thống camera tôi có thể kiểm soát được hoạt động của cơ quan công quyền và chính vì điều đó để có thể kiểm soát được công việc".
Đồng thời, luật sư Hậu còn nói :
"Lấy tiền từ ngân sách để làm những việc này còn hơn là để xảy ra những việc tiêu cực, tham nhũng mà mình không kiểm soát được, người dân thấy nó minh bạch hơn, tôi thấy nếu trích ra một ít ngân sách như vậy mà tiết kiệm được nhiều tiền hơn nữa và người dân giám sát dễ dàng hơn nữa".
*********************
2 cựu công an đánh chết người bị bắt ngay tại tòa (RFA, 27/09/2019)
Tăng án, bắt giam tại tòa đối với 2 cựu công an đánh chết người.
Tòa Phúc thẩm Thành phố Cần Thơ hôm 27/9 đã không chấp nhận kháng cáo của 2 cựu công an đánh chết người, đồng thời tăng án phạt, bắt giam tại tòa. Courtesy cantho.com.vn
Tòa Phúc thẩm Thành phố Cần Thơ hôm 27/9 đã không chấp nhận kháng cáo của 2 cựu công an đánh chết người, đồng thời tăng án phạt, bắt giam tại tòa.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết bị cáo Bùi Đức Nghĩa, 32 tuổi và Nguyễn Tuấn Anh, 30 tuổi, là cựu công an thuộc Công an quận Ô Môn, Cần Thơ, bị xét xử cùng tội danh ‘cố ý gây thương tích’.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 9/8/2018, khi xử lý người vi phạm giao thông là anh Nguyễn Chí Hiếu, 30 tuổi, ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, 2 cựu công an Bùi Đức Nghĩa và Nguyễn Tuấn Anh đã đánh gây thương tích cho anh Hiếu. Đến ngày 13/8/2018 anh Hiếu đã chết tại bệnh viện.
Trong phiên tòa phúc thẩm, cả 2 bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì đã chủ động bồi thường cho gia đình bị hại. Nhưng phía bị hại lại yêu cầu tăng số tiền bồi thường, tăng án đối với 2 cựu công an này, với lý do các bị cáo quanh co chối tội.
Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm nhận định, hành vi của 2 bị cáo có tính chất côn đồ, nên đã chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện bị hại, tăng hình phạt đối với bị cáo Nghĩa. Riêng bị cáo Tuấn Anh đã thành khẩn khai báo nên tòa xem xét không tăng hình phạt.
Nhưng tòa cho rằng đề nghị tăng mức bồi thường của phía bị hại là không phù hợp với quy định của pháp luật vì các bị cáo đã khắc phục hậu quả, bồi thường cho bị hại.
"Thực hiện chủ trương chống tiêu cực gian lận thương mại của lãnh đạo tòa án, kính mời anh tham gia cộng tác với cơ quan báo chí của tòa án…".
Dùng ông kẹ chống tham nhũng. Sáng 14/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức sơ kết 7 năm thực hiện Kết luận 29-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Mua và đọc báo, tạp chí của Đảng" trên địa bàn tỉnh.
Có một nền báo chí ‘ký sinh’…
Nhà báo C.M.T kể rằng vào chiều hôm 14/6, ông nhận cuộc điện thoại di động từ số máy 0911341534 của một người tự xưng là ‘báo tòa án ở Hà Nội’ (người này phát âm là "Hà Lội"), nói rằng thực hiện chủ trương phòng chống tiêu cực gian lận thương mại của Nhà nước, báo tòa án có mở chuyên trang về ‘phòng chống tiêu cực’, và muốn được doanh nghiệp tham gia ủng hộ quảng cáo nhân ngày lễ lớn Nhà báo Việt Nam… (lược thuật từ thoại được ghi âm).
Cớ sự ở đây là nhà báo C.M.T còn đứng tên thành lập một doanh nghiệp mã ngành truyền hình, giấy phép hoạt động được cấp theo Luật Doanh nghiệp. Lẽ đó nên không ít lần nhân viên/cộng tác viên quảng cáo ở nhiều tòa soạn báo chí tại Hà Nội nhầm lẫn khi chào mời thương mại.
"Lần này họ lại trương luôn tấm biểu ngữ nhân danh tòa án trong chống tiêu cực gian lận thương mại, hù dọa doanh nghiệp để bán trang quảng cáo, nhằm hưởng lợi từ phần hoa hồng từ 40 đến 50% sau thuế trích ở hợp đồng quảng cáo này. Có lẽ họ muốn dùng ông kẹ tham nhũng để vòi vĩnh tiền bạc, kiểu như vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc !". Nhà báo C.M.T nói thêm rằng ông đã ghi âm lưu toàn bộ lời thoại ở cuộc điện ‘nhát ma’ đó.
Nhà báo C.M.T vốn có thời gian dài làm việc ở một cơ quan báo chí trong ngành pháp luật. Ông cũng từng tham gia công việc điều hành tòa soạn, nên ông chia sẻ với người viết rằng rất thông cảm với áp lực cơm gạo của những tờ báo ở nền báo chí cách mạng ‘kiểu như vậy’.
"Cái gốc ở đây là báo chí cần phải có độc giả thực sự. Khi ấy, doanh nghiệp tự khắc tham gia cùng tòa soạn, vì chỉ đến lúc đó việc quảng cáo thương mại mới có giá trị về tiếp thị nhận diện sản phẩm". Nhà báo C.M.T nhận xét.
Khát khao tự do chứ không phải là cái loa của ai đó !
"Mặc dù phải chịu sức ép chỉ đạo từ các cấp, nhưng đã có một thời tờ Tuổi Trẻ trong suy nghĩ của chúng tôi, chính là ngôi nhà hạnh phúc của người làm báo tự do về mặt tư duy đề tài, về nội dung. Đó chính là sức hấp dẫn không giới hạn của Tuổi Trẻ - với người này người nọ là một thời – nhưng khát khao của người viết – đó là cái mãi mãi – bởi vì báo chí không thể thiếu tự do.
Đó là một thời để tự hào, để kiêu hãnh của tờ báo Tuổi Trẻ, của những cây viết có cá tính, của những tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng, phó ban luôn hiểu rõ khi không biết khát khao tự do ở nền báo chí gọi là cách mạng, thì tờ báo ấy sẽ... thoi thóp, vì chẳng còn mấy độc giả. Khi lượng phát hành tuột dốc, đồng nghĩa các trang quảng cáo sẽ nghèo nàn đi và nhiều tòa soạn đành chọn giải pháp ‘hù dọa’ để kiếm quảng cáo". Nhà báo C.M.T chia sẻ, và nhớ lại một thuở mới chập chững vào nghề ở báo Tuổi Trẻ thập niên 80, thế kỷ trước.
Theo nhà báo C.M.T, với báo chí in vẫn có thể ổn định theo hướng tăng dần số lượng phát hành, cạnh tranh một cách tử tế với báo điện tử, mạng xã hội…, nếu như tự do thông tin luôn được thượng tôn, tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng, bị cường quyền áp bức… luôn được các báo ghi nhận đa chiều, đăng tải mà không ngại bất kỳ sức ép nào.
Có những sự thật nhìn qua ‘lăng kính định hướng’
"Ngay cả trong chuyện họp hành công khai của chính quyền, báo chí cũng không tường thuật đầy đủ. Như hôm cuối buổi sáng ngày 04-6, hàng loạt báo điện tử đưa tin về vụ bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, để đến đầu giờ chiều thì báo đồng loạt đưa tin ông Hải gửi đơn từ chức.
Số là bữa phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thực hiện nghi thức trao quyết định về nhân sự cho ông Đoàn Ngọc Hải, chỉ có 2 tờ báo được phép cử phóng viên đến để chụp hình đưa tin. Làng báo Sài Gòn lâu nay vẫn có truyền thống rủ rê nhau kiểu ‘đồng hội – đồng thuyền’ khi nhận được những nguồn tin dự báo sẽ làm nên tuyến bài nóng.
Các nhà báo có thẻ tác nghiệp ở trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đường hoàng đi cùng đồng nghiệp có ‘giấy mời’ là Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên tham dự. Vào hội trường được chừng 5 phút, lập tức có một viên chức tên Dũ đến gặp nhóm nhà báo có ‘thẻ tác nghiệp ở UBND Thành phố’ và ‘thẻ Nhà báo’, nhưng không có ‘giấy mời’ buộc phải rời khỏi trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dũ nói đây là lệnh của phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến…
Rõ ràng thái độ trịch thượng kiểu đó của các quan chức, nếu được đăng tải công khai trên báo giấy, báo điện tử thì chắc hẳn sẽ thu hút độc giả…". Nhà báo C.M.T kể về một trường hợp nhũng nhiễu quyền lực mà báo chí nếu đăng, sẽ dễ phải đối mặt với vô số ‘kiếm chuyện’ cho ‘đánh nguội’ trả đũa từ các quan chức trong bộ máy công quyền.
Một dẫn chứng tiếp theo được nhà báo C.M.T đưa ra, là các bản tin tường thuật trên báo chí vụ giang hồ đe dọa nhóm cán bộ công an ở Biên Hòa.
Trong vụ việc này, báo chí đưa tin từ ‘các thể loại báo cáo’ của Công an tỉnh Đồng Nai. Đại khái là, sau khoảng 30 phút có mặt, lực lượng công an đã giải tán được đám đông hiếu kỳ vây quanh hiện trường. Công an cũng đưa một số người và phương tiện có liên quan về trụ sở để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra. Những người ngồi trong xe 4 chỗ cũng đã được đưa về trụ sở công an để làm việc. Công an tỉnh hiện đang chỉ đạo Công an thành phố Biên Hòa tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm của những người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật [*].
"Nhà báo Nguyễn Hồng Lam của báo Công an Nhân dân, quan sát :
"Gây tắc đường, làm chủ tình hình suốt 2 giờ đồng hồ, buộc cơ quan công thực thi pháp luật phải thương thuyết, điều đình... sau đó bỏ đi tỉnh bơ, đó chính là điều mà nhóm giang hồ - dưới sự chỉ đạo của ai đó - muốn xảy ra, muốn dư luận, công luận, thậm chí cả báo giới chứng kiến, ghi nhận và đề cập.
Vì thế, chúng chỉ xì bánh xe để không thể rời đi, gây áp lực chứ không động thủ, đập phá hay hành hung. Những gì xảy ra chứng tỏ vụ việc không hề manh động mà hoàn toàn có chủ đích, có đạo diễn. Hành động thể hiện đám xăm trổ hoàn toàn chủ động, kiểu ‘diễn’ đầy chất điện ảnh của mèo vờn chuột, của kẻ mạnh, của kẻ đang chi phối mọi diễn biến...".
Dĩ nhiên đoạn trích nói trên, cho đến nay vẫn chưa được duyệt đăng trên chính báo ngành của lực lượng công an. Với nền báo chí như vậy, thử hỏi người dân tìm đọc sự thật gì trên báo chí hôm nay ? Ế ẩm và đành sống mòn bằng hù dọa doanh nghiệp để bán trang quảng cáo là thực tế ở nhiều tờ báo…". Nhà báo C.M.T biện giải.
Hệ lụy của "nền báo chí Cách mạng Việt Nam" ?
Trở lại với cuộc điện thoại từ số máy 0911341534. Mục đích của cuộc gọi là các nhân viên/cộng tác viên ở bộ phận Phát hành – Quảng cáo ở tờ báo tự giới thiệu là "báo tòa án" (trên thực tế, cơ quan Tòa án Nhân dân tối cao chỉ có báo Công Lý – tên trước đây là báo Người bảo vệ công lý ; cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có báo Bảo vệ pháp luật), nhằm thực hiện việc hiếu hỉ của ngày được Nhà nước tôn vinh là "Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam 21 tháng 6".
"Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam" được lấy mốc phát hành số đầu tiên của báo Thanh Niên, ra số 1 vào ngày 21/6/1925, trụ sở báo ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc vừa là Tổng biên tập, vừa là phóng viên. Măng-sét (manchette, tên tờ báo) viết hai chữ Thanh Niên bằng Hán văn và Việt văn.
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam".
Như vậy, nền báo chí hiện tại buộc phải răm rắp nghe theo những định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Đảng là chuyện đương nhiên. Hệ lụy của nền báo chí cách mạng là một khi sự thật được nhìn qua lăng kính tuyên giáo, tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn mà những sự thật được ghi nhận và diễn thuật khác nhau.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Gia Định báo được cho là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910. Các báo tư nhân khác có Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910)...
Gia Định báo được ghi nhận công lao cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.
Hy vọng rằng mai này nếu có ngày để vinh danh cho quyền tự do báo chí Việt Nam, thì đó sẽ là ngày 15 tháng tư – ngày kỷ niệm số phát hành đầu tiên của tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ : Gia Định báo.
Minh Châu
Nguồn : VNTB, 16/06/2019
Chú thích :
[*] Ngày 12/6, tại nhà hàng Lam Viên ở xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa có 2 nhóm ngồi ăn uống rồi xảy ra mâu thuẫn. Tại phòng VIP 8, ông Nguyễn Tấn Lương (ngụ Thành phố Biên Hòa), ông Lê Võ Trường Hải (còn gọi là "Hải bất cần đời", ngụ tỉnh Đắk Lắk) cùng 8 người. Nhóm thứ hai ngồi ở phòng VIP 2 (trong giờ hành chánh), gồm ông Phạm Văn Hiền (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai), trung tá Nguyễn Quang Trường (đội phó Đội cảnh sát 113), trung tá Đinh Tú Anh (đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Công an Đồng Nai) và đại tá Huỳnh Bảo Hùng - nguyên trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Đồng Nai.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, vừa nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thành phố này phải… "nghiêm".
Ông Lê Tấn Hùng, em ruột ông Lê Thanh Hải, bị cảnh cáo vì chi tiêu khống hơn 13 tỷ đồng. Ảnh Vietnamnet
Tại buổi tổng kết hoạt động của lực lượng Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái và triển khai nhiệm vụ năm nay, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, than rằng, lực lượng này phát giác sai phạm là mười thì khi tổ chức kiểm điểm chỉ còn bốn hay năm !
Muốn biết thực trạng làm ông Tuyền phải than thở công khai nghiêm trọng đến mức nào thì cần phải nhớ, Thanh tra là lực lượng đang đảm nhận vai trò phòng – chống tham nhũng !
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì ông Phong rất đồng cảm với ông Tuyền nói riêng và lực lượng Thanh tra nói chung. Ông Phong cho rằng, chuyện Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nhưng khi xem xét, kỷ luật chỉ phê bình, khiển trách là không nghiêm (1).
Bởi ông Phong phê phán, xử lý các sai phạm do Thanh tra phát giác mà chỉ phê bình, khiển trách là không nghiêm, thành ra nên thử xét xem ông Phong và hệ thống chính trị (mà ông là Phó Bí thư), hệ thống công quyền (mà ông là Chủ tịch) có khả năng "nghiêm" hay không ?
***
Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước phát giác Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) – một doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, vi phạm hàng loạt qui định về quản lý đất đai, công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới.
Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI hứa hẹn. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (2).
Cũng năm ngoái, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch, làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi "tham quan – học tập kinh nghiệm" ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (3).
Giống như Kiểm toán Nhà nước, sau khi thanh tra SAGRI, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, công thổ, điều hành SAGRI. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất.
Cả Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.
Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, bào đệ của ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt tử hình hay chung thân do "tham ô tài sản"...
Tuy nhiên tháng 3 năm 2018, dù cho biết là dựa trên kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kết luận thanh tra của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh như vừa lược thuật, song ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ quyết định "khiển trách" ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.
Quyết định "khiển trách" vừa kể tất nhiên là bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng không ăn thua. Mãi tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi "khiển trách", UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ "khiển trách" lên… "cảnh cáo" (3).
Lúc đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh có biện bạch rằng, xét thấy "khiển trách" chưa đúng với mức độ sai phạm của ông Hùng, bà Thúy nên UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập một hội đồng kỷ luật mới để xem lại hình thức kỷ luật. Tuy nhiên nếu để ý một chút, ắt sẽ thấy, việc xem lại hình thức kỷ luật chỉ được tiến hành lúc bào huynh của ông Hùng đã bớt "thiêng" vì liên tục bị cáo buộc là chính phạm gây ra thảm nạn Thủ Thiêm.
Trung tuần tháng này – ba tháng sau khi UBND Thành phố Hồ Chí Minh "cảnh cáo" ông Hùng và bà Thúy, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí "cảnh cáo" đồng chí Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng ủy SAGRI và đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Đảng ủy viên SAGRI. Nói cách khác, xử lý sai phạm của ông Hùng, bà Thúy đã xong.
***
Đem đối chiếu việc Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh xử lý ông Lê Tấn Hùng với tuyên bố, chỉ đạo mới đây của chính ông khi tham dự tổng kết hoạt động của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy ngay là ông Phong… "giỏi".
Ông không hề đắn đo, cũng chẳng cảm thấy thẹn, chẳng bận tâm chút nào về chuyện thiên hạ nghĩ gì khi ông cao giọng phê bình tình trạng không… nghiêm : Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm nhưng lúc xem xét, kỷ luật chỉ phê bình, khiển trách !
Không may là các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch chính quyền các tỉnh, thành phố như ông Phong đều… "giỏi" như thế !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/01/2019
Chú thích :
(2) https://www.tienphong.vn/dia-oc/kiem-toan-phanh-phui-24-khu-dat-cua-tong-cong-ty-sagri-1329114.tpo
(3) https://tuoitre.vn/sai-pham-tai-sagri-ky-luat-canh-cao-ong-le-tan-hung-20181103085740605.htm
(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-le-tan-hung-bi-canh-cao-ve-mat-dang-1042654.html
Việt Nam bắt giam nhiều người trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực (Người Việt, 11/10/2018)
Hôm 11 tháng Mười, tin cho hay ông Lê Minh Thể, 55 tuổi, là trường hợp mới nhất ở Cần Thơ bị khởi tố, bắt tạm giam vì "kích động biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật an ninh mạng".
Ông Lê Minh Thể (bìa trái) là trường hợp mới nhất ở Cần Thơ bị khởi tố, bắt tạm giam vì "kích động biểu tình". (Hình : Zing)
Báo Zing dẫn nguồn tin cơ quan cảnh sát điều tra Công An quận Bình Thủy cáo buộc ông này "có hành vi xuyên tạc, cấu kết với phần tử phản động".
Ông Thể, một blogger ít người biết đến, bị khép tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước ; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
"Ông Thể lập nhiều tài khoản Facebook để post và comment xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước. Việc làm của ông Thể gây hoài nghi trong người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương", tờ báo viết.
Cũng với tội danh nêu trên, hôm 27 tháng Chín, 2018, Tòa Án Nhân Dân quận Thốt Nốt tuyên phạt blogger Bùi Mạnh Đồng 2 năm rưỡi tù giam. Ông Đồng bị phạt tù vì hành vi "post Facebook nói xấu, chửi đảng, nhà nước, lãnh đạo lực lượng công an, cũng như vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng".
Trước đó, hôm 24 tháng Chín, 2018, ông Đoàn Khánh Vinh Quang (tự Facebooker Quang Đoàn) bị Tòa Án quận Ninh Kiều phạt 2 năm 3 tháng tù, với cùng tội danh do có hành vi "post Facebook xuyên tạc đảng, nhà nước".
Đáng lưu ý, cả ông Quang và ông Đồng được đưa ra xét xử "hết sức khẩn trương" trong chưa đầy một tháng, vì họ cùng bị bắt hôm 1 tháng Chín.
Cũng trong tháng Chín, Tòa Án quận Cái Răng tuyên phạt blogger Nguyễn Hồng Nguyên (tự Facebooker Bồ Công Anh) 2 năm tù và Trương Đình Khang (tự Facebooker Hồ Mai Chi) 1 năm tù cũng vì cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật hình sự.
Việc Cần Thơ bắt, phạt tù liên tiếp 5 người chưa phải là nhân vật đấu tranh có tên tuổi trong vòng một tháng, tất cả cùng một tội danh với những cáo buộc mơ hồ và mang tính áp đặt làm dấy lên quan ngại đây là đòn trấn áp của nhà cầm quyền trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng Giêng, 2019.
Hầu hết trong các bị cáo nêu trên được báo Việt Nam tường thuật là "thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ ra ăn năn hối lỗi và khai báo thành khẩn". Tuy vậy, các bài tường thuật phiên tòa không cho thấy các bị cáo có luật sư bào chữa hay không, và lập luận bảo vệ thân chủ của những người này là gì.
Điều 331 Bộ luật hình sự được hiểu là Điều 258 trong Bộ luật hình sự cũ. Khoản 2 của Điều này ghi "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm". Theo giới luật sư, Điều 331 có "mơ hồ" do khái niệm "gây ảnh hưởng xấu" có thể được áp đặt tùy tiện. (T.K.)
********************
Việt Nam yêu cầu Facebook lưu trữ 'quan điểm chính trị' (BBC, 11/10/2018)
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mà Reuters được tiếp cận cho thấy Google, Facebook sẽ buộc phải lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng ở Việt Nam.
Facebook, Google sẽ phải lưu trữ nhiều thông tin của người dùng Việt Nam, trong đó có quan điểm chính trị
Theo đó, dự thảo nghị định này yêu cầu các công ty hiện đang cung cấp dịch vụ email, mạng xã hội, video, tin nhắn, ngân hàng và thương mại điện tử, phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu họ thu thập, phân tích hoặc xử lý dữ liệu cá nhân.
Các công ty như Facebook, Google cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị.
Dự thảo này cũng cung cấp cho cơ quan an ninh mạng và cơ quan điều tra tội phạm công nghệ cao của Việt Nam quyền yêu cầu cung cấp các dữ liệu để điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia.
Nghị định này cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị để thực thi chặt chẽ Luật An ninh mạng, theo Reuters.
Các nhà lập pháp Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào tháng Sáu, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm nhân quyền quyền và chính phủ phương Tây.
Các ý kiến phản đối cho rằng luật này sẽ làm suy yếu nền kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số và bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.
Trước đó, Google, Facebook và các công ty công nghệ lớn khác đã hy vọng dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng sẽ giảm bớt các điều khoản mà họ thấy khó chấp nhận nhất.
Nhưng tài liệu mà Reuters được tiếp cận cho thấy những hy vọng đó dường như không thể hiện thực hóa.
Thay vì thế, các công ty này bị đặt trước thách thức là tuân thủ luật của Việt Nam hay rút khỏi thị trường nước này.
Việt Nam là thị trường nhiều người tiêu dùng trẻ cho các dịch vụ mạng
Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Facebook và Google đều chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này theo đề nghị của Reuters.
Cả Facebook và Google đều được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các nhà quản lý của hai công ty này đã bày tỏ một các cá nhân rằng họ lo ngại Luật An ninh mạng sẽ giúp giới chức Việt Nam dễ dàng kiểm soát khách hàng của mình và khiến nhân viên người địa phương có nguy cơ bị chính quyền bắt giữ.
Việt Nam là 'trường hợp điển hình'
Việt Nam được coi là trường hợp điển hình ở Châu Á, nơi Facebook và Google phải đối mặt với áp lực khi hoạt động dưới một chính phủ đàn áp, theo Reuters.
Nó cũng cho thấy cách chế độ độc tài đang cố gắng đi theo con đường kiểm soát thông tin trực tuyến và ngăn chặn hoạt động chính trị mà không làm tê liệt nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào.
Giới chỉ trích lo ngại luật mới sẽ khiến kinh tế internet đang phát triển bị suy yếu, nhưng lại gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến online. Việt Nam ngày càng tích cực trong việc truy tố các nhà bất đồng chính kiến đăng bài chống chính phủ trên Facebook.
Các Đại biểu quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật An ninh mạng hồi tháng 6/2018
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt, cho biết hồi tháng Sáu rằng việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam là khả thi, quan trọng đối với an ninh quốc gia, và phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Dự thảo nghị định dự kiến sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới để thăm dò ý kiến người dân. Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Nhưng các quy định đối với các công ty kỹ thuật số về việc mở văn phòng tại Việt Nam và nội địa hóa dữ liệu sẽ chưa có hiệu lực trong một năm nữa.
Trước đó, hôm 13-14/9, phó chủ tịch Facebook Simon Milner đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo báo Vietnamnet.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon Milner đã thảo luận về "sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam".
Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước ngoài như "con dâu về nhà chồng" và Facebook, cần phải "tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng".
Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook "cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại".
Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook và chính quyền Hà Nội.
*****************
Việt Nam sắp thi hành Luật an ninh mạng để gia tăng kiểm soát dân (Người Việt, 10/10/2018)
Các dự thảo quy định chi tiết của Luật an ninh mạng "cơ bản hoàn thành". Đây chính là cái để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng kiểm soát dân từ ngày 1 tháng Giêng, 2019.
Biểu tình phản đối Luật an ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10 tháng Sáu, 2018. (Hình : Facebook Dũng Hoàng)
Hôm 10 tháng Mười, 2018, báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, Bộ Công An được giao xây dựng ba văn bản trình chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng.
Việc Luật an ninh mạng được thông qua hồi tháng Sáu và "cơ bản hoàn thành" dự thảo quy định chi tiết chỉ trong hơn ba tháng sau đó khiến nhiều blogger là chế độ sẽ gia tăng kiểm soát người dân.
Vì tiến độ làm luật này được coi là bất thường, trong khi Luật Biểu Tình – điều luật mà người dân trông đợi bấy lâu nay thì liên tục bị trì hoãn bàn thảo sau các kỳ họp Quốc hội gần đây.
Hành động đẩy nhanh tốc độ ra văn bản quy phạm pháp luật về Luật an ninh mạng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam phớt lờ những lời kêu gọi của giới chuyên gia, học giả, nhà hoạt động về việc cần hoãn thực thi điều luật "bóp nghẹt công luận và ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của người dân".
Cùng lúc với việc ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng, nhà cầm quyền Việt Nam cũng lệnh cho các tòa án địa phương phạt tù hàng chục người tham gia biểu tình phản đối Luật an ninh mạng và Luật Đặc Khu hồi tháng Sáu, với các cáo buộc "kích động, gây rối trật tự công cộng".
Theo Now Campaign – chiến dịch có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế – cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng Sáu để phản đối Luật an ninh mạng và Luật Đặc Khu, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù.
Con số này chắc chắn chưa dừng lại vì còn hàng chục người bị bắt giam sau cuộc biểu tình ở Sài Gòn đến nay vẫn chưa được đem ra xét xử.
Thời điểm Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết hôm 21 tháng Chín, nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang nêu suy đoán trên trang cá nhân rằng ông Quang "nhiều khả năng là tác giả, là người bảo trợ và là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho Luật an ninh mạng".
Suy đoán này có cơ sở vì ông Quang từng làm bộ trưởng công an và từng bao biện trên báo VNExpress hồi tháng Sáu rằng : "Luật an ninh mạng ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân chứ không xâm phạm đời tư của công dân". (T.K.)
*******************
Khó thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn (RFA, 11/10/2018)
Nhiều ngàn tỉ trong các vụ đại án đang gặp nhiều khó khăn để thu hồi.
Những vụ án xử lý tham nhũng lớn - Ảnh minh họa - File photo
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước hôm 11 tháng 10, trích dẫn từ báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9 năm 2018.
Theo báo cáo, có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều rất khó để thu hồi.
Theo Bộ Tư pháp, có 3 nguyên nhân khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.
Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền, tài sản là dự án chưa thực hiện xong.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau, nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.
******************
Việt Nam thừa nhận thực tế khiếu nại - tố cáo phức tạp (RFA, 11/10/2018)
Tình hình khiếu nại - tố cáo trong 5 năm qua phức tạp và cần phải tăng cường để có thể giải quyết thỏa đáng.
Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương - Nguyễn Tường Thụy
Đây là thừa nhận được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 11 tháng 10.
Số liệu được trình bày tại hội nghị cho thấy trong 5 năm qua các cơ quan tiếp dân đã tiếp hơn 72.600 lượt công dân đến trình bày hơn 21.000 vụ việc và có hơn 2.000 lượt đoàn khiếu kiện đông người.
Trong đó 70% các vụ khiếu nại tố cáo do Thanh tra Chính phủ tiếp ; Ban Dân nguyện tiếp 20% ; Văn phòng Chính phủ tiếp 5% ; các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp gần 4%.
Tin cho biết việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương chưa đúng trình tự, thủ tục, tiếp công dân mang tính hình thức. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra chính phủ, được báo giới trích dẫn rằng trong hơn 3 năm qua tình hình khiếu kiện vượt cấp mặc dù có giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ khiếu kiện ngày càng phức tạp. Ông nhấn mạnh các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp đồng bộ để cùng nhau giám sát với số lượng nhiều hơn chứ không làm riêng lẻ như lâu nay.
Ông Khái nhắc đến vụ Thủ Thiêm rằng qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Nếu trước đây đưa đoàn giám sát vào giám sát trước để xem giải quyết lần 1, lần 2 làm có tới nơi, tới chốn hay không, có tiếp công dân có đạt không thì chắc chắc vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.
Hiện nay, nhiều người dân Thủ Thiêm, bị cưỡng chế nhà đất phi pháp phải đi khiếu kiện suốt 20 năm qua, tỏ ra bức xúc hơn ; sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần này, biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Kinh phí được nói rõ hơn 1.500 tỷ đồng.
Trước phản ứng không đồng tình của công luận, vào ngày 11 tháng 10, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng bảo vệ quyết định biểu quyết đồng ý 100% của mọi thành viên trong hội đồng.
Theo lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng là cho cả thế hệ hiện nay và mai sau.
****************
Việt Nam tiếp tục thủ tục để thông qua chủ tịch nước (RFA, 11/10/2018)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam tại phiên họp thứ 28 diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 10 vào tuần tới đây sẽ chuẩn bị nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu.
Chủ tịch Trần Đại Quang (trái) đứng đầu Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) đứng đầu Đảng Cộng sản. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, tháng 1/2016. AFP
Thông tin này được Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho báo giới biết vào ngày 11 tháng 10.
Vào ngày 3 tháng 10 vừa qua, Hội nghị thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 được cho biết 100% đồng ý giới thiệu ông đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước thay cho ông Trần Đại Quang, người qua đời đột ngột vào ngày 21 tháng 9.
Thủ tục tiếp theo là Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 6 dự kiến bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 tới đây sẽ tiến hành bỏ phiếu và phê chuẩn.
Nhiều người cho rằng đây là kế hoạch ‘nhất thể hóa’ mà giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đề cập đến lâu nay ; tuy nhiên chính ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Hội nghị Trung ương 8 nói rằng ‘đó chỉ là biện pháp tình huống’.
Ngoài việc bỏ phiếu và phê chuẩn chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa 6 cũng thực hiện động thái này đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, người hiện đang giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng từ vai trò lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel được cử nắm chức vụ hiện nay sau khi cả hai ông nguyên bộ trưởng Bộ Thông Thông tin và truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chịu kỷ luật trong vụ Mobifone nâng khống giá mua lại 95% Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG.
Nhiều dự án quy hoạch trong nước được đề nghị cần làm rõ (RFA, 24/09/2018)
UBND tỉnh Bình Thuận hôm 24 tháng 9 giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư vận động Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và xây dựng Regina (Hàn Quốc) trả lại dự án khu phức hợp lấn biển Phú Hải (phường Phú Hải, thành phố Phan Thiết).
Khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm - RFA
Báo Pháp Luật đưa tin nêu lý do việc vận động trả lại dự án vốn đã được cấp 10 năm nay là gây tác động môi trường biển. Đây là dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 với tổng diện tích lên đến 442 ha, tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD. Mục tiêu của dự án này là xây dựng tổ hợp khu du lịch lấn biển với nhiều dịch vụ du lịch vui chơi giải trí.
Cũng theo tin cho biết công Regina đã xin thay đổi vị trí ranh giới của dự án, và theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận, dự án này vi phạm Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.
Cũng trong ngày 24 tháng 9, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng tại Hội nghị trực tuyến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 rằng Thành phố Hồ Chí Minh đang bị thiếu đội ngũ giáo sư tiến sĩ làm quy hoạch.
Cụ thể hơn, ông Ngọc Anh cho biết những ngành nghề như karaoke, massage…tuy pháp luật không cấm nhưng chưa có hướng dẫn về quy hoạch và quy định về hàng rào kỹ thuật nên khó quản lý. Theo ông Ngọc Anh, đây là vấn đề lớn của nhà nước, phải cần được tháo gỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn.
Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 135 ngàn tỉ đồng và thông qua kế hoạch huy động thêm 171 ngàn tỷ đồng nhưng vẫn không đủ. Ông Ngọc Anh khẳng định vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải là có chiếc áo quá chật, cần phát triển các vùng ven hiện đại và đúng quy hoạch hơn.
Cùng thời điểm, Bộ Xây dựng lên tiếng về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Hạ Long theo đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh.
Tin cho biết Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ về việc đánh giá hiện trạng sử dụng đất, yếu tố cảnh quan, môi trường tự nhiên của khu vực dự kiến điều chỉnh cục bộ, xác định rõ quy mô sử dụng đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng phát triển đô thị, tình hình thực hiện và quản lý quy hoạch khu vực phía tây Hạ Long.
Trong diễn tiến khác, tại thành phố Đà Nẵng hôm 24 tháng 9 tại trụ sở Chính phủ, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm bài bản quy hoạch dự án cảng Liên Chiểu.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ cho biết Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung. Cảng Đà Nẵng hiện bao gồm 2 khu bến chính là Tiên Sa và Sơn Trà.
Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2022 có tổng mức đầu tư hơn 7,370 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân yêu cầu các bộ và TP Đà Nẵng có văn bản báo cáo làm rõ về vấn đề chủ đầu tư cũng như các thủ tục liên quan.
**********************
Người dân lại dựng lều phản đối bãi rác Khánh Sơn gây ô nhiễm (RFA, 24/09/2018)
Hàng chục người dân hôm 22 và 23 tháng 9 đã dựng lều trước cổng bãi rác Khánh Sơn ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng phản đối bãi rác này gây ô nhiễm.
Bãi rác Khánh Sơn ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh minh họa chụp trước đây. RFA
Theo phản ánh của người dân được truyền thông trong nước trích dẫn, lượng xe chở rác ở khu vực này lưu thông suốt ngày đêm gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, rác tại bãi Khánh Sơn không đượcc che chắn bốc mùi hôi khiến đời sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng, dân chúng kiến nghị chính quyền nhưng cơ quan chức năng cũng không có biện pháp xử lý gì.
Một số người dân cho biết đã chịu đựng ô nhiễm từ bãi rác Khánh Sơn 27 năm qua, chính quyền nhiều lần hứa di dời bãi rác, nhưng không thấy thực hiện.
Theo các nhân viên tổ giám sát bãi rác thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, sở dĩ có mùi hôi là do bãi rác quá rộng không thể xịt thuốc xử lý hết và do người dân đào bới phế liệu dẫn đến mùi hôi phát tán. Ngoài ra, khu vực tiếp nhận bùn hầm cầu và phân loại rác lộ thiên cũng là nguyên nhân gây mùi hôi,
Cho đến chiều ngày 23, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu, đã đến hiện trường ghi nhận ý kiến của người dân. Ông Hưng cho biết quận đã báo cáo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, thành phố sẽ tổ chức đối thoại với người dân về việc có di dời bãi rác hay không và khi nào thì di dời.
Bãi rác Khánh Sơn được quy hoạch hoạt động đến năm 2022, mỗi ngày tiếp nhận hơn 900 tấn rác thải. Đây là bãi rác lớn nhất ở Đà Nẵng và lâu nay luôn trong tình trạng quá tải.
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi quân đội tăng cường chống tham nhũng (VOA, 19/08/2018)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các tướng lĩnh nước này phải chống lại sự "xói mòn" của tham nhũng và tăng cường cuộc chiến chống nạn tham ô.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Reuters dẫn lại truyền thông nhà nước đưa tin như vậy hôm 19/8, và cho rằng đây là cảnh báo mới nhất của ông Tập về một vấn đề ăn sâu trong xã hội.
Ông Tập trước đó đã cảnh báo về mối đe dọa của tham nhũng đối với đất nước cũng như đảng cầm quyền, và từng cam kết sẽ không ngưng cuộc chiến chống lại vấn nạn này.
Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp kéo dài ba ngày của Quân ủy Trung ương, kết thúc hôm 19/8, Chủ tịch Tập nói rằng cuộc chiến chống nạn tham ô "luôn luôn" phải được duy trì và tăng cường thêm nữa.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời ông Tập nói rằng phải "tấn công mạnh", chống lại sự lãng phí cũng như "không đổi hướng" trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Chủ tịch Trung Quốc được trích lời nói rằng quân đội Trung Quốc phải đảm bảo rằng họ và gia đình phải "ngay thẳng và trong sạch", cũng như phải "chống lại sự xói mòn của các xu thế không lành mạnh".
Ông Tập cũng nói thêm rằng cần có các nỗ lực để củng cố sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với quân đội nhằm "đảm bảo sự vững chắc về mặt chính trị để xây dựng một quân đội vững mạnh".
*********************
Trung Quốc phá đường dây đánh bạc tỷ đô (VOA, 19/08/2018)
Cảnh sát ở miền đông Trung Quốc mới phá một đường dây đánh bạc trên mạng có giá trị 7,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,1 tỷ đôla).
Các nghi can đánh bạc bị bắt ở Trung Quốc.
Reuters dẫn lại tin của Tân Hoa Xã nói hôm 19/8 rằng 56 nghi can đã bị bắt.
Tin cho hay, các nghi can bị cáo buộc đã hưởng lợi trái phép khoảng 650 triệu nhân dân tệ từ một trang web đặt trụ sở ở Philippines với hơn 114 nghìn người sử dụng.
Cuộc điều tra trang web đánh bạc bắt đầu tháng Một năm 2016 sau khi nhận được thông tin tố giác.
Theo Tân Hoa Xã, bốn nghi can chính trong vụ này đã bị phát hiện sau khi cảnh sát lần theo thông tin thẻ tín dụng.
Tin cho hay, sáu nghi can đã từ Philippines về "tự thú" ở Trung Quốc.
Việt Nam hồi tháng Sáu thông báo cũng phá vỡ đường dây đánh bạc trực tuyến trị giá khoảng 16 triệu đôla trên một trang web đặt tại Philippines.
Hiện chưa rõ trang web ở Philippines mà báo chí Trung Quốc nói tới có phải là trang các nghi can Việt Nam khai tham gia đánh bạc hay không.
Người Trung Quốc bị cấm đánh bạc tại các sòng bài ở đại lục, nên người dân nước này thường phải tới đặc khu Macau để chơi bạc.
Chống bọn Nội xâm theo đúng định nghĩa như vậy quả là "đang ở giai đoạn quyết liệt" nhưng "giai đoạn" ở đây là giai đoạn mà toàn dân đang phải khẩn trương đoàn kết lại thành sức mạnh để đập tan sự kết hợp giữa bán nước và cướp nước để bảo toàn lãnh thổ và chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải giai đoạn hừng hực đốt lò chống Tham nhũng của ông Tổng bí thư.
Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước !
Câu chuyện về tuổi Thân-Tý-Thìn tam hợp
Xin mở đầu vấn đề rất nghiêm túc và hệ trọng này bằng một mẩu chuyện tầm phào, nửa đùa nửa thật.
Có lần một anh bạn chỉ tận mặt tôi mà khôi hài :
- Bác đáp ứng trúng tiêu chuẩn của ông Tổng bí thư rồi nhá, bác là "người miền Bắc, có ní nuận" mà ! Chỉ có điều người ta thì ní nuận xây dựng đảng, còn bác thì "xây dựng" gì nhỉ, xây dựng con người, xây dựng đất nước… ?
Tôi phì cười :
- Mình là phó thường dân, ông ấy là Cộng sản đệ nhất quyền lực, liên quan làm gì ?
- Liên quan quá đi chứ, giống nhau lắm. Một ông tuổi Thân, một ông tuổi Thìn. Thân Tý Thìn tam hợp. Nhiều cái liên quan bác thấy không ? Năm 2000 bác bị Công an và Viện kiểm sát khởi tố tội phản quốc nhưng không xử được. Còn ông Trọng vừa rồi bị hàng trăm ngàn công dân "đả đảo" cái tội phản quốc vì là người chủ chốt cho kẻ thù chiếm cứ 3 đặc khu, chẳng biết rồi có xử được không ?...
Thân Tý Thìn tam hợp
Tôi vốn không tin chuyện Tử vi, số mệnh do ngày sinh tháng đẻ, nhưng ngẫm ra anh bạn nói sao mà có lý. Thân Tý Thìn liên quan thật. Ngay bây giờ đây, khi trên báo nhà nước vừa trích lời ông Trọng "cuộc chiến chống giặc Nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệt" thì quả thực tôi (HSP) cũng đang muốn nói một câu y như vậy ! Chỉ có điều nội hàm trong câu nói thì khác hẳn nhau, mỗi bên chỉ tay vào mặt một bọn "Nội xâm" khác nhau để nói những điều khác nhau. Cùng nói một câu tiếng Việt giống nhau nhưng "ông nói gà mà bà nói vịt". Thân Tý Thìn vừa tương đồng vừa tương khắc mới đúng, có lẽ thế. Cùng người Việt nói chuyện với nhau mà đôi lúc cứ như hai người ngoại quốc "ngôn ngữ bất đồng" ! Bất đồng trước hết ở nội hàm "Nội xâm" mà tôi xin nói rõ dưới đây.
Sự ví von giữa Tham nhũng và Nội xâm có mặt trái nguy hiểm
Tham nhũng rất đáng ghét, đáng phải trị tội thật nặng nề, nhưng xin các vị đừng gọi Tham nhũng là Nội xâm nữa ! Nói như vậy bọn Nội xâm nó sướng lắm !
Gọi Tham nhũng là Nội xâm chỉ là sự ví von do cảm xúc, được dùng từ thời Hồ Chí Minh, tuy thể hiện được lòng căm ghét Tham nhũng và nhấn mạnh được tác hại của Tham nhũng, nhưng sự đồng nhất hai khái niệm này khiến người ta quên đi kẻ Nội xâm thật, Nội xâm theo đúng nghĩa. Cứ nói đến "giặc Nội xâm" là chỉ nghĩ đến tội Tham nhũng mà quên rằng có một bọn Nội xâm đúng nghĩa mà tội của của chúng thì to lớn hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Vậy Nội xâm đúng nghĩa là gì ?
Cách đây 11 năm (2007) ba khái niệm Mất nước, Ngoại xâm, Nội xâm lúc nào cũng lởn vởn trong đầu óc tôi. Trong bài Vừa nội xâm vừa ngoại xâm, phải làm gì trước ? tôi đã nêu định nghĩa sự mất nước và nạn Nội xâm như sau :
"Xuất phát từ quan điểm Dân là gốc của nước thì ngày nay phải hiểu "mất nước" là tình trạng nhân dân bị mất quyền làm chủ đất nước của mình. Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước !
…Quyền làm chủ ấy của nhân dân bị mất vào tay người nước ngoài thì gọi là nạn ngoại xâm, mất vào tay kẻ thống trị độc tài trong nước thì đó là nạn nội xâm. Giặc ngoại xâm hay nội xâm đều cướp mất của dân quyền làm chủ đất nước, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền làm chủ đối với đất đai, lãnh thổ. Cả hai trường hợp đều do thiếu dân chủ, thiếu bình đẳng, hoặc là thiếu dân chủ giữa các quốc gia, hoặc do thiếu dân chủ trong nội bộ một nước".
Xem như vậy thì làm sao có thể gọi bọn Tham nhũng là giặc Nội xâm được ?
Tham nhũng là tội ác phải trừng trị nhưng chưa hẳn đã làm cho nhân dân mất quyền làm chủ đất nước. Tham nhũng tiền bạc là tội về đạo đức, tội hình sự về kinh tế, còn tội làm mất quyền làm chủ của nhân dân là tội chính trị, chỉ những kẻ có quyền lực chính trị lớn, bọn "tham quyền lực" đầu sỏ mới mắc được tội Nội xâm tức tội "cướp nước" của dân. Khi đã cướp được nước của dân thì kẻ Nội xâm sẵn sàng "sang nhượng", tức bán nước cho ngoại bang là việc quá dễ dàng mà nhân dân đành cam chịu.
Với một nhân vật chính trị thì "con người cá nhân" không quan trọng bằng "con người chức năng". Chức năng của họ là dẫn dắt, điều hành dân tộc, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn, trong khi có thể hắn không tham nhũng nhiều về kinh tế, và có thể vẫn giữ được tư cách đạo mạo, không mắc những điều đạo đức thông thường hoặc những khiếm khuyết dễ thấy về tác phong ứng xử.
Cho nên, trong khi ông Tổng bí thư nói "cuộc chiến chống giặc Nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệt"thì tôi cũng muốn nói một câu hệt như thế nhưng nội hàm hoàn toàn khác. Nói cách khác, theo tôi, câu nói rất mạnh nói trên của ông Tổng bí thư có 2 sự chệch hướng :
- Bọn Nội xâm là bọn tội phạm chính trị như vừa định nghĩa ở trên, chứ không phải bọn Tham nhũng !
- Chống bọn Nội xâm theo đúng định nghĩa như vậy quả là "đang ở giai đoạn quyết liệt" nhưng "giai đoạn" ở đây là giai đoạn mà toàn dân đang phải khẩn trương đoàn kết lại thành sức mạnh để đập tan sự kết hợp giữa bán nước và cướp nước để bảo toàn lãnh thổ và chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải giai đoạn hừng hực đốt lò chống Tham nhũng của ông Tổng bí thư.
Chống Tham nhũng tuy là việc quan trọng và rất cần thiết nhưng điều quan trọng là phải chống cơ chế chính trị độc quyền là nguyên nhân phát sinh, đồng lõa và bảo vệ cho Tham nhũng (1) và phải tiến hành tại thời điểm thích hợp sao cho không làm lu mờ nhu cầu bức thiết số một là nhu cầu tập trung sức mạnh toàn quốc vào việc chống nạn ngoại xâm kiểu mới của Trung Quốc (mà Luật Đặc khu đang là đòn quyết định trong chiến lược cướp nước và bán nước ấy).
Một khi chủ quyền của Tổ quốc không còn thì kết quả chống Tham nhũng dẫu có "vĩ đại" đến mấy cũng trở thành vô nghĩa !
(Ấy là cứ giả thiết việc "đốt lò" là nhằm chống Tham nhũng thật, chứ không nhằm dọn giẹp nội bộ, tập trung quyền lực để chuẩn bị rất công phu cho việc trao 3 Đặc khu nhượng địa cho Trung Quốc làm "một con đường, một vành đai" xiết chặt Việt Nam được thực hiện suôn sẻ !).
Hà Sĩ Phu
Nguồn : VNTB, 11/07/2018
Chú thích :
(1) Quyền lực tuyệt đối thì Tham nhũng tuyệt đối, đó là nhận thức cơ bản của nền Chính trị hiện đại, và chính ông Tổng bí thư cũng công nhận "Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Một cơ chế quyền lực độc đảng, lãnh đạo một cách "trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối" thì chính là cội nguồn bất tận tuôn ra bạt ngàn những dòng thác trào tham nhũng, tràn ngập khắp chốn thị thành và làng quê xóm ngõ, sức nào mà chống cho hết được ? Trong khi "lò chống tham nhũng" đang cháy rừng rực nơi cung đình thì khắp nơi, tận hang cùng ngõ hẻm tham nhũng vẫn thản nhiên bủa vây cuộc sống.
Sau Tết Nguyên Đán 2018 vài tuần lễ, câu hỏi từng râm ran trong dư luận "Lò của ông Trọng phải chăng đã nguội ?" đã có câu trả lời. Đó chính là quyết định "khẩn trương xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG" được đưa ra sau cuộc họp ngày 8/3/2018 của Ban bí thư dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Truyền hình An Viên (AVG) - Courtesy of truyenhinhavg.org
Vì sao sau gần 2 năm kết thúc việc thanh tra Tổng công ty Mobifone và chưa đưa ra được kết luận, vụ án được chính Tổng bí thư khơi gợi lại và chỉ đạo phải sớm kết thúc ?
Vào tháng 8/2016, truyền thông trong nước đưa tin về quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG (Công ty truyền hình An Viên) theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư trung ương lúc đó là ông Đinh Thế Huynh.
Sau đó, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngoại trừ quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông. Sự im lặng của tất cả cơ quan ban ngành có trách nhiệm liên đới đến MobiFone kéo dài cho đến ngày 8/3/2018.
Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn, cho chúng tôi biết đây là một giai đoạn mới, sẽ có những tình tiết mới. Về phương diện luật pháp, ông nói rằng thanh tra mà chưa công bố là không có giá trị.
"Giá trị chỉ khi nào có một tòa án xử bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trường hợp kể cả ra tòa, mà có tình tiết mới thì đôi khi cũng bị lật lại".
Một trong những cái mới trong vụ MobiFone, theo ông là tất cả những nhân sự trong giai đoạn trước của vụ MobiFone đã được thay đổi, từ Thường trực Ban bí thư cho đến Tổng Thanh tra chính phủ và Phó Tổng thanh tra, ông Ngô Văn Khánh, là người chủ trì trong công cuộc thanh tra lúc đó nghỉ hưu ngày 1/3/2018.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết vào thời điểm 2016, vụ án MobiFone chưa "nổi đình nổi đám" và chưa được hứa hẹn là một đại án quốc gia. Cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang toàn tâm toàn trí vào một vụ khác.
"Lúc đó chưa bộc phát một cách chính thức chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Và lúc đó toàn tâm toàn ý của ông Nguyễn Phú Trọng đặt vào ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus. Từ đó tập kích vào Đinh La Thăng.
Thời điểm hiện nay ông Trọng đang ở thế thượng phong. Đồng thời ông Trần Quốc Vượng kiêm luôn 2 chức, Thường trực Ban bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nên có thể nói là một lợi thế rất lớn để phía ông Trọng đem ra vụ này".
Ngay sau khi ông Tổng bí thư chính thức bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban bí thư, vụ án MobiFone được "mở lại". Không những thế, báo chí thuộc Ban Tuyên giáo của nhà nước loan tin rằng Ban bí thư cho đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Việc mở lại vụ MobiFone một cách ‘đột ngột’ ông Nguyễn Phú Trọng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là ‘một bước ngoặt lớn và quyết liệt".
Đầu năm 2016, dư luận cả nước bàn tán về thương vụ được gọi là ‘bí ẩn nhất’. Bí ẩn không phải vì con số thực MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là bao nhiêu, mà chính vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình cho đến lúc "bán được" cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ.
Cho đến tháng 11/2016, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Mobifone mới hé lộ mức giá của giao dịch là 8.889 tỷ đồng.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong bản báo cáo kết quả thanh tra vào tháng 4/2016, có một nội dung khá đặc biệt.
"Bản kết luận có một cái chữ mà người ta cũng hơi suy nghĩ, đó là đề nghị chính phủ phải công bố, đảm bảo đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh để thu hồi tiền, nhưng đó là vụ án mang tính chất tế nhị. Là vụ án lại có chữ tế nhị. Tôi nghe cũng hơi lạ. Để chờ nó có liên quan đến ai mà lại có 2 chữ tế nhị ?"
Câu hỏi này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra suy luận của ông, cũng là một chi tiết từng được dư luận trong nước nhắc đến.
"Cũng có những lời đồn đoán là trong vụ này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết đó có phải là lý do đặc biệt hay không mà cho đến mãi gần đây vụ này tương đối êm ả. Có những lời thanh minh cho bà Phượng là không dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG".
Không ít những người quan tâm sự việc cũng như chính dư luận trong nước từng biết về thương vụ bí ẩn MobiFone đã đặt nghi vấn, vụ án này là một mục đích ‘loại trừ đối phương’ thay vì là một bước kế tiếp trong chiến dịch chống tham nhũng ?
Trả lời vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết quan điểm của ông :
"Thật sự loại trừ đối phương là một việc nhỏ. Vấn đề bài trừ tham nhũng cho Việt Nam là một việc rất là lớn. Việc đấy là việc nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm tích cực hơn nữa. Những cái hiện giờ đương đưa ra theo nhận xét của tôi chỉ là một chỏm của tảng băng".
Ý kiến của Giáo sư Tương Lai đưa ra cũng cho thấy ông chưa muốn đưa ra kết luận nào về vụ án MobiFone thực chất là cuộc chiến thanh trừng hay chống tham nhũng.
"Hết chuyện này đến chuyện khác thôi. Một truyền hình nhiều tập về chống tham nhũng. Sụ thực nó như thế nào thì đằng sau nó nhiều uẩn khúc lắm. Mà thông tin ở đất nước này rất mập mờ".
Ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận thì cho rằng dư luận khoan phán xét hay đưa ra kết luận gì.
"Bây giờ nó đang ồn ào trong dư luận, trên mạng đủ kiểu, người ta có quyền suy ra. Nhưng từ cái chữ ‘tế nhị’ đó người ta cũng hơi suy nghĩ một chút".
Một điểm đặc biệt đươc ông Phạm Chí Dũng đề cập đến, đó là vài ngày trước khi ông Ngô Văn Khánh từ chức, một bài viết có tiêu đề ‘Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận vụ Mobifone mua AVG trong tháng 3’ ký tên Công Lý đăng trên mạng xã hội cho rằng Nguyễn Thanh Phượng chính là nhân vật chủ mưu trong vụ Mobifone mua AVG.
Theo kinh nghiệm của ông Phạm Chí Dũng, ông cho rằng đây là một bài viết được đề nghị và được cung cấp thông tin.
"Theo kinh nghiệm của tôi, đó là thông tin nội bộ. Tác giả hoặc là gửi trong nội bộ hoặc có dính dáng đến nội bộ hoặc những vấn đề gọi là phe cánh chính trị thì mới có được những thông tin như vậy".
3 ngày sau khi xuất hiện bài báo, cuộc họp của Thường trực Ban bí thư cùng với ông Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra.
Liên đới giữa các sự kiện với nhau, ông Phạm Chí Dũng đưa ra vấn đề :
"Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào ? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không ?"
Theo Giáo sư Tương Lai, nếu thật sự đây là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, thì người cần xử lý đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Thông tin.
"Vụ MobiFone này, người dính đầu tiên là ông Trương Minh Tuấn".
Đưa ra giải thích cụ thể hơn, nhà báo độc lập Nguyễn Chí Dũng cho biết
"Từ năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG".
Do đó, ông Phạm Chí Dũng cho rằng nếu vụ án này trở thành vụ đại án thì ông Nguyễn Bắc Son và cả ông Trương Minh Tuấn sẽ khó thoát khỏi trách nhiệm.
Ông phân tích thêm về những diễn biến có thể xảy ra có thể được xem là điều mà dư luận quan tâm nhất trong vụ án này :
"Nếu quả thực vụ này bà Nguyễn Thanh Phượng có dính dáng và ông Nguyễn Phú Trọng có ý muốn làm rõ vụ này và điều tra đến bà Nguyễn Thanh Phượng, thì đây là lô cốt cuối cùng trong 3 người con của ông Nguyễn Tấn Dũng bị tập kích".
Năm 2016, báo chí trong nước cho rằng có những câu hỏi lớn trong thương vụ MobiFone mua AVG. 2 năm sau, mở lại vụ án, liệu dư luận có được câu trả lời hay không ? Đáp án đang được chờ đợi ở ‘cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng’.
***************
Kỷ luật em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải (BBC, 09/03/2018)
Ông Lê Tấn Hùng, em trai nguyên Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải bị kỷ luật Đảng vì 'sai phạm tài chính', theo báo Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2006 đến Đại hội Đảng cộng sản 12
Trang VNF hôm 08/03/2018 viết rằng chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách, đối với ông Lê Tấn Hùng.
Là Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), ông bị kỷ luật cùng "nhiều cá nhân khác tại công ty Sagri".
Vẫn theo trang báo này, trích nguồn chính thức, đây là các "sai phạm tài chính tại doanh nghiệp này" liên quan đến Luật Kế toán của Việt Nam.
Hiện các báo Việt Nam chưa đăng các ý kiến phản hồi từ chính ông Lê Tấn Hùng.
Nhưng trong hệ thống của Việt Nam, việc kỷ luật thường do Đảng Cộng sản quyết định và những cán bộ bị nêu tên ít có cơ hội nói với báo chí về quan điểm của họ.
Ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Lần lượt rời chính trường
Bản thân ông Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2006 đến Đại hội Đảng cộng sản 12.
Hồi cuối tháng 1/2016, tại Đại hội 12, ông bị mất chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư đô thị đông dân nhất Việt Nam.
Vào tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 dù ông không trúng cử tại Đại hội Đảng bộ tháng 10 năm trước
Vào tháng 2/2016, báo chí Việt Nam đăng bài nói ông Lê Thanh Hải chúc mừng ông Đinh La Thăng "được Bộ Chính trị tin tưởng, giao trọng trách" làm tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi lễ có mặt ông Đinh Thế Huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải cũng khóc khi chia tay ông Võ Văn Thưởng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội là tân Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.
Con trai ông là Lê Trương Hải Hiếu, được giao chức Chủ tịch UBND kiêm Phó bí thư Quận 12 năm 2015, khi mới 34 tuổi.
Sang tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.
Đây là quyết định gây nhiều chú ý của dư luận vì mới tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ thành phố này, ông Hải Hiếu đã không trúng cử vào Ban chấp hành.
Sang tháng 5/2017, ông Đinh La Thăng bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị và sau bị bắt, xử tù.
Ông Đinh Thế Huynh nay cũng không còn là Thường trực Ban bí thư của trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nữa, và chức này đã do ông Trần Quốc Vượng nắm.
******************
Báo cáo : Việt Nam giàu lên nhanh nhất thế giới (VOA, 09/03/2018)
Việt Nam là quốc gia có tốc độ thịnh vượng tăng nhanh nhất trên thế giới trong một thập niên qua, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth đưa ra đầu năm nay.
Một người lái xích lô ngang qua một chiếc Mercedes Benz trị giá 99.000 USD trong khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Một báo cáo mới cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ giàu lên nhanh nhất thế giới.
Nguyên nhân chính đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng này là vì Việt Nam nổi lên để trở thành ‘công xưởng mới của thế giới’, theo một báo cáo mới được Visual Capitalist công bố sau khi tổng hợp các dữ liệu của New World Wealth.
Mức độ giàu lên của Việt Nam tăng ở mức 210% trong 10 năm qua kể từ 2007, và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ như vậy trong 10 năm tiếp theo.
Việt Nam đứng đầu trong danh sách những nước giàu lên nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua.
Phần lớn sự phát triển này là do con số các cá nhân ‘siêu giàu’ ở Việt Nam tăng nhanh - đây là những người sở hữu giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD, không kể bất động sản dùng làm nơi cư trú.
Trong thập niên qua, số những người siêu giàu ở Việt Nam tăng nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới, và trong thập kỷ tới đây, sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục này, theo các số liệu thống kê của một nghiên cứu quốc tế mới đây.
Báo cáo Wealth Report của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank có trụ sở ở London, Anh, cho thấy Việt Nam có 200 cá nhân thuộc thành phần siêu giàu. Nhóm này tăng gấp 3 lần trong thời gian từ 2000 đến 2016, vượt Ấn Độ với mức 290% ở vị trí thứ 2, và Trung Quốc với 281% ở vị trí thứ 3.
Phân tích của Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự gia tăng số người siêu giàu với mức tăng 170% lên tổng số 540 người vào năm 2026. Sự gia tăng được dự đoán trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế gồm ngân hàng, chế tạo và dịch vụ y tế.
Con số các tỷ phú đô la của Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong năm qua.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới trong đó con số tỷ phú ở Việt Nam tăng từ 2 lên 4 người. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và là chủ nhân của tập đoàn bất động sản Vingroup, đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,3 tỷ USD, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, với khối tài sản 3,1 tỷ USD, Việt Nam đã có thêm 2 tỷ phú lọt vào danh sách này. Đó là Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương và Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.
Cũng theo Wealth Report, số lượng triệu phú USD ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ 14.300 hiện nay lên 38.600 trong 10 năm tới.
Tuy nhiên đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng mạnh và đang đe dọa đến sự ổn định của Việt Nam.
Một báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra cách đây vài năm cho thấy thu nhập gia đình tăng chủ yếu trong nhóm những người giàu có. Những người nghèo nhất Việt Nam chỉ kiếm được 521.000 đồng một tháng (24 USD), trong khi những người khá giả hơn thu nhập khoảng 4.8 triệu đồng (227 USD) vào năm 2014.
Báo cáo này cũng cho thấy sự bất ổn trong xã hội Việt Nam tăng cao với tình trạng tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản bong bóng và nhiều cuộc biểu tình hơn.
Tham nhũng là thủ phạm giết chết Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ thuyết Mác Lênin trên đất Việt
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có bài viết "Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động" (*) công bố vào đúng ngày xét xử 2 đại án tham nhũng hôm 8/1/2018 vừa qua.
Ngay lập tức bài viết đã nhận được nhiều ý kiến, bình luận, phê phán trên nhiều phương diện khác nhau ; có người chê, kẻ khen, và tất cả các người khen hay chê đều có lập luận riêng của mình, khó ai có thể bác bỏ được.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Riêng người viết bài này xin có lời hoan nghênh bài viết của ông Tư Sang, vì đây là một bài viết khá tâm huyết, thể hiện nỗi lo âu của người ít ra còn có suy nghĩ về trách nhiệm với dân, với nước.
Việc ông Tư Sang lo cho sự sụp đổ của Đảng, của chế độ là có cơ sở, rất đúng và nhãn tiền. Nhưng việc ông lo cho sự tồn vong của đất nước, tôi cho là ông đã sai và nhầm lẫn. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam không thể tiêu vong, sẽ luôn trường tồn và chắc chắn sẽ phát triển, hạnh phúc hơn khi "Đảng Cộng sản Việt Nam không còn đồng hành với dân tộc" nữa. Đây là điều hiển nhiên.
Chính ông Tư Sang đã chứng minh điều đó trong bài viết của mình bằng cách trích dẫn lịch sử nước nhà qua các Vương triều Việt Nam. Lịch sử thế giới cuối thế kỷ XX đã chứng minh hùng hồn : Dân tộc Nga cũng như các nước Đông Âu vẫn trường tồn và lớn mạnh, đất nước của họ càng phát triển và hạnh phúc hơn khi các đảng cộng sản ở đây tan rã và sụp đổ. Nguyên nhân vì sao ư ? Đơn giản, bởi thể chế toàn trị mà chế độ độc tài đảng trị đã áp đặt lên các dân tộc và quốc gia này vào nửa sau của thế kỷ XX đã bị người dân đạp đổ không thương tiếc. Đây là một thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận.
Ông Tư Sang là một trong số hiếm hoi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ít có điều tiếng xấu, và sau khi nghỉ hưu còn được ít nhiều người dân quý trọng. Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại một câu nói của ông Tư Sang lúc còn đang chức : "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bấy sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là "chết" cái đất nước này".
Còn đối với các ông "nguyên" khác như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Sinh Hùng… và đặc biệt là 2 ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, tôi cho là không thể và không dám viết như ông Tư Sang. Lý do vì sao ư ? Đơn giản bởi chính các ông này khi còn tại chức đã góp phần và có trách nhiệm không nhỏ làm cho đất nước lụn bại, lâm vào tình cảnh bi đát đến mức mà ông Tư Sang phải thốt lên : "Nếu tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu ?".
Người viết bài này cũng đã nhiều dip bày tỏ chính kiến về quốc nạn tham nhũng ở nước ta. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, ở đâu cũng có, song mức độ thì mỗi nước một khác. Ở nước ta, tham nhũng không chỉ là căn bệnh trầm kha mà nó đang lớn mạnh theo tỷ lệ thuận với chiến dịch chống lại nó. Đây là một nghịch lý kỳ quặc. Tham nhũng là căn bệnh ung thư không chỉ hủy hoại thể chế xã hội mà nó hủy hoại cả ngay chính đảng cầm quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam biết rõ điều này nhưng lại khoanh tay bất lực. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6/1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Nhưng đến nay, đã qua 6 kỳ Đại hội Đảng và 4 đời tổng bí thư, căn bệnh ung thư tham nhũng lại càng lớn mạnh thêm. Càng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chống nó, thì nó lại càng sống khỏe.
Nạn tham nhũng bắt đầu lớn mạnh trong 10 năm khi ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư (2001-2011), và nay nó phát triển lớn mạnh thành đại dịch sau khi ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Mạnh làm Tổng bí thư từ 2011 đến nay. Bọn tham nhũng không chỉ là "bầy sâu" nữa mà đã trở thành "tập đoàn sâu" cả rồi. Hai đại án tham nhũng đang xét xử ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của quốc nạn tham nhũng. Hai đại án trên chỉ là phần nhỏ nhô lên của tảng băng chìm tham nhũng trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Cổ nhân đã cảnh báo chúng ta : "Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục". Câu này có nghĩa là "Chỉ có loài sâu trong thân con sư tử mới ăn được thịt của con sư tử". Vâng, sư tử khỏe mạnh là chúa tể rừng xanh, một tiếng gầm vang lừng của nó làm muôn thú run sợ, nói chi đến việc dám lại gần nó, dám mó vào dái nó hay vật ngã nó. Đó là những con sư tử khỏe mạnh và như thế nó là vô địch. Nhưng một điều không thể tránh khỏi là con sư tử kia sẽ ngã quỵ một khi bầy sâu trong cơ thể nó ngày một sinh sôi và lớn mạnh.
Chúng ta đều thấy, khắp nơi nơi trên đất nước ta nhan nhản những khẩu hiệu oai phong như "Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm", "Chủ nghĩa Mác Lênin vô địch muôn năm"… làm ta liên tưởng đến sự vô địch của con sư tử. Vâng, nó vô địch thật nếu nó không bị lũ sâu bọ kia đục khoét. Nhưng tiếc thay, con sư tử oai hùng đó đang mang trong cơ thể của nó cả một "bầy sâu". Điều đương nhiên không thể tránh khỏi, con sư tử đó sẽ ngã quỵ một ngày. Đây là quy luật tất yếu.
Cách đây 6 năm, tháng 1/2012, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nhị quyết trung ương 4 (Khóa XI). Nghị quyết này nhận định "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp - suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống…". Nhưng 6 năm qua nạn tham nhũng và suy thoái trong nội bộ Đảng ngày càng trầm trọng. Bộ phận không nhỏ kia ngày một lớn mạnh.
Đầu năm 2013, trước khi bị kết án 2 năm tù giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…", nhà báo Trương Duy Nhất có viết : "Hồi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nghe nói "nhà dột từ nóc". Đến giờ, hình như "cái nhà" ấy không những dột từ nóc mà "dột nhiều chỗ khác nữa". "Dột nhiều chỗ khác" là cách nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, chứ thực ra không phải dột mà nhiều chỗ đã thực sự… mục nát rồi" . Rõ ràng là cái nhà đó không chỉ dột từ nóc mà nó dột nhiều nơi, nhiều chỗ khác trong ngôi nhà này rồi. Một ngôi nhà đã dột nát và mục ruỗng khắp nơi như vậy, thử hỏi ai trong chúng ta có thể sống trong ngôi nhà như thế ?
Nay nhà báo Duy Nhất đã ra tù, song tình hình suy thoái và vấn nạn tham nhũng trong Đảng như ông đã đề cập không những không bị đẩy lùi, ngược lại nó càng trầm trọng hơn. Đề cập đến quốc nạn tham nhũng ngày nay, nhiều người cho rằng loại tham nhũng tệ hại và nguy hiểm nhất chính là tham nhũng quyền lực và tham nhũng chính trị.
Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam là cái nôi sản sinh ra tham nhũng, trong khi ta lại chưa có thiết chế kiểm soát quyền lực. Chính bọn sâu bọ tham nhũng lại là những kẻ to mồm nhất trong việc hô hào chống tham nhũng và ra sức bảo vệ cái cơ chế đã sản sinh ra chúng. Nói một cách nôm na, bọn chuột bọ tham nhũng sinh ra và ẩn nấp trong cái BÌNH nào thì chúng tìm mọi cách bảo vệ cái BÌNH ấy, không để bất cứ ai ném vỡ nơi trú ẩn của chúng. Nói như tác giả Xuân Dương của báo GDVN là bọn tham nhũng hiện đã liên kết với nhau và đã trở thành các "nhóm lợi ích bán nước, hại dân", ngang nhiên tồn tại trong nội bộ Đảng và hệ thống chính quyền.
Không thể chống tham nhũng bằng cơ chế độc quyền, độc đảng. Càng không thể tiêu diệt nạn tham nhũng chỉ bằng những văn bản suông như quyết định, nghị quyết, chỉ thị được. Chỉ có thể chống lại nó, ngăn chặn và tiêu diệt được tệ nạn này bằng cơ chế pháp luật nghiêm khắc. Đặc biệt bộ máy nhà nước phải được thiết kế và tổ chức sao cho 3 nhánh quyền lực (gồm tư pháp, hành pháp và tư pháp) phải độc lập thật sự với nhau, phải đối trọng với nhau và có thể kiểm soát và giám sát lẫn nhau, đồng thời phải thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội, nghĩa là phải có xã hội dân sự. Một cơ chế như vậy mới có thể kiềm chế được quyền lực, và mới đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền, chuyên quyền và độc quyền như hiện nay. Đó chính là cơ chế tam quyền phân lập của nhà nước pháp quyền thật sự, chứ không thể là cơ chế tam quyền nhất lập xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của một thiết chế siêu quyền lực là Đảng Cộng sản Việt Nam như hiện nay.
Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động
Trương Tấn Sang, VoV.vn, 08/01/2018
Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai.
Trải qua mấy nghìn năm dựng và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, dân tộc ta cũng từng nếm trải biết bao nỗi cay đắng, gian truân. Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai. Những bài học từ lịch sử còn giúp chúng ta tự nhận thức chính mình...
Ông Trương Tấn Sang - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh : TTXVN
Nhiều năm công tác tại đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôi thường đi ngang qua Hoàng Thành, qua Hồ Tây, khi sáng sớm tinh sương hay lúc chiều nắng tắt. Có lúc tôi dừng lại bên những dấu tích của thời đại vàng son Lý - Trần, hoặc ngắm nhìn Hồ Tây sương khói, ngẫm nghĩ về những thời kỳ thịnh, suy của đất nước, về những lẽ hưng vong của thời cuộc.
Cứ mỗi lần như vậy, trong đầu tôi lại thoáng hiện lên câu thơ "Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong" (Bạch đầu quân sĩ tại, vãng vãng thuyết Nguyên Phong) trong bài thơ Xuân nhật yết Chiêu Lăng (Ngày xuân thăm Chiêu Lăng) của Vua Trần Nhân Tông. Câu chuyện thời Nguyên Phong phá giặc Mông Cổ, trận đánh của người Việt làm kinh động cả thế giới, vẫn luôn được các lão chiến binh kể lại cho con cháu và trở thành điểm tựa sức mạnh để quân dân Ðại Việt tiếp tục thắng cường địch Nguyên - Mông lần hai, lần ba.
Lịch sử luôn có một sức mạnh như thế ! Những giây phút thả mình vào lịch sử cũng đã hình thành trong tôi nhiều suy nghĩ và hành động.
Vừa may, khi có anh bạn vong niên tặng bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tôi đọc và thấy nhiều điều tâm đắc. Tiểu thuyết là sáng tạo của nhà văn nhưng nó phản ánh thực tại đời sống và mang lại những chiêm nghiệm quý giá.
Nhân vật Hoàng tiên sinh trong Bão táp triều Trần nói với Ðức ông Trần Thủ Ðộ : trì quốc chứ không phải trị quốc ; trì quốc khó hơn nhiều, làm được điều đó mới đảm bảo được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông. Giữ nước là công việc của trăm họ, của muôn dân còn trị nước chỉ là công việc của một số ít người.
Triều đình nào cũng thế, vua nào cũng vậy, lập thân, lập quốc bằng nhiều con đường khác nhau nhưng khi đã nắm quyền tất thảy đều phải xây dựng tính chính Danh : khi nhà Trần soán ngôi nhà Lý ấy là bởi nhà Lý lúc ấy đã mạt, không còn điều khiển, kiến thiết được quốc gia, giặc dã nổi lên khắp nơi, ngoại bang nhòm ngó. Nhà Trần lên ngôi định đoạt, cơ đồ vững như bàn thạch ấy là bởi xã hội lấy lại được thế quân bình, dân chúng an cư, lạc nghiệp, triều đình tựa được vào lòng dân. Cứ đem lòng dân mà đo vận nước thì luôn chính xác.
Năm 1258, sau hơn 30 năm xác lập vương triều, Trần Thái Tông, Hoàng đế đầu tiên của nhà Trần đã cùng với tôn thất vực dậy được một dân tộc vốn ốm yếu, loạn lạc giai đoạn cuối đời Lý Huệ Tông, trở thành một cường quốc được lân bang nể trọng, đủ sức lãnh đạo toàn dân đánh bại đạo quân Mông Cổ hùng mạnh. Kỳ tích đánh bại đế quốc Nguyên - Mông dưới triều Trần không dừng lại ở đó. Năm 1285 và 1288, đội quân bách chiến bách thắng, vó ngựa giẫm nát khắp Á-Âu Nguyên - Mông đã phải dừng lại và thảm bại trước quân và dân nhà Trần.
Thắng lợi của Ðại Việt trước đại quân của một đế chế hùng mạnh vào bậc nhất thế giới thời bấy giờ đã cho thấy sức mạnh vô địch của nhân dân ta và chỉ ra một chân lý của lịch sử dân tộc là một khi đã trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức (lời Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn) thì không kẻ thù nào có thể khuất phục được dân tộc ta.
Dù là nhân vật lịch sử đem đến nhiều tranh cãi, nhưng Trần Thủ Ðộ cũng nổi tiếng đức độ, công tư phân minh, biết nghe lời phải trái, cương trực. Khi là Thái sư thống quốc, trụ cột triều đình, ông đã lệnh chặt ngón chân để phân biệt cháu của vợ mình là Linh Từ Quốc mẫu với những tiểu quan nhỏ khác, vì kẻ này nhờ Quốc mẫu xin một chân Câu đương, một chức dịch nhỏ ở làng xã, khiến kẻ này kêu van mãi mới được tha. Ðây là người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, không đan xen tình riêng vào việc công. Cũng vẫn nhân vật Hoàng tiên sinh trong Bão táp triều Trần đã khuyên Trần Thủ Ðộ trước khi chia tay rằng việc tối kỵ là chỉ san định những điều có lợi riêng cho các người cầm quyền, mà thiệt hại cho dân chúng, thì đấy sẽ là đầu mối của sự loạn.
Tránh được việc tối kỵ đó đã giúp cho nhà Trần kéo dài 175 năm, nhưng hỡi ôi, cũng vì không làm được điều răn dạy đó mà Trần triều rốt cục cũng bị sụp đổ... Âu cũng là bài học cho hậu thế.
Hơn 100 năm kể từ vị Hoàng đế đầu tiên của Trần triều, vào buổi sáng sớm cái ngày mà quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An (Chu Văn An), bậc quốc sư dạy dỗ cho hai Hoàng đế Hiến Tông và Dụ Tông, phải chấm tay áo gạt nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học, kinh thành Thăng Long vẫn vắng lặng. Tờ sớ mà ông liều thân xin chém đầu 7 tên gian thần đầu triều vẫn nằm im đâu đó trong mật viện hay trên long án... Ðó cũng là cái ngày báo hiệu cho sự lung lay và sụp đổ của vương triều Trần từng một thời rực rỡ.
Ðại Việt sử ký toàn thư chép : Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là Thất trảm sớ. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
Ðại Việt sử ký cũng ghi nhận dù không làm quan nữa nhưng Chu Văn An vẫn nặng lòng với vận nước, mỗi khi có triều hội lớn ông lại về kinh sư ; những dịp ấy vua thường muốn trao cho ông tham gia chính sự song ông nhất quyết không nhận, vật phẩm ban tặng thì thường đem cho lại người khác. Tiền nhân đã dạy qua câu đối Tết : Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao (biết là đủ, không tham lam thì tâm lúc nào cũng tĩnh tại, không xin xỏ thì phẩm giá tự nó đã cao trọng) là vậy.
Cơ đồ mà Thái sư Trần Thủ Ðộ đã dày công khai môn dựng nghiệp, trải các đời vua Trần thống lĩnh toàn dân đoàn kết 3 lần đánh bại Nguyên - Mông, tiếc thay, lại rơi vào tay Dụ Tông, bậc quân vương mà hoang dâm xa xỉ. Dẫu cho tôi có làm đúng phận tôi trung, nhưng vua không còn thực hiện phận làm vua sáng, ghét bỏ người hiền, không ưa lời nói thẳng, trọng dụng kẻ bất tài, để gian thần lộng hành, tham nhũng tràn lan... thì cái Danh đã không còn Chính nữa. Mạt lộ không còn xa.
Nhìn lại lịch sử, các triều đại trị quốc tuy có khác nhau nhưng sự suy vong nói như Chu An, đều có nguyên nhân giống nhau như khuôn đúc, từ chỗ "không ưa lời nói thẳng, ghét người hiền, bỏ người tài, khinh dân, nghi ngờ kẻ sĩ, trọng dụng kẻ bất tài, vô đạo". Dụ Tông chết (năm 1369) để lại di họa, nhà Trần còn tồn tại thêm 31 năm với 5 đời vua, đến năm 1400 mất vào tay nhà Hồ. Nhà Hồ sau khi giành ngôi báu đã làm được không ít việc, nhưng được Nước mà không được Dân nên cũng chẳng giữ được bao lâu, chỉ vỏn vẹn 7 năm rồi lại để đất nước rơi vào tay giặc Minh.
Ở giai đoạn lịch sử đất nước tiếp theo, không giống với nhà Trần và nhà Hồ, nhà Lê bước lên vũ đài chính trị trên cơ sở thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Các lãnh tụ nghĩa quân được xem như những vị cứu tinh đưa dân tộc thoát khỏi họa làm nô lệ cho ngoại bang.
Như một lẽ đương nhiên, triều đại do những người anh hùng lập ra được nhân dân tôn thờ như những giá trị thiêng liêng. Triều Lê với những vị hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tông, người lệnh cho danh sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia với câu "hiền tài là nguyên khí quốc gia", đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị văn hiến truyền lại cho đời sau, đưa Ðại Việt lên hàng cường quốc trong khu vực.
Vậy nhưng chính triều đại ấy rồi cũng sụp đổ hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII. Con đường đi tới quyền lực và đưa đất nước lên tới đỉnh cao hưng thịnh của các triều đại rất khác nhau, nhưng nguyên nhân suy vong thì chẳng khác nhau là mấy. Ðó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền.
Vào thời Lê Trung Hưng, nhà bác học Lê Quý Ðôn (1726 - 1784) có tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến quốc gia suy vong là : Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt. Cả năm điều ấy đều là những yếu tố bên trong. Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ.
Tìm hiểu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông ta đã đúc kết bằng cả mồ hôi và xương máu.
Hôm nay chúng ta bước sang một năm mới với một tâm trạng tươi tắn, niềm tin trong nhân dân đã trở lại, sức khỏe nền kinh tế có phần hồi phục, vị thế đất nước được lan tỏa rộng rãi. Nhìn lại năm ngoái, phải khẳng định một điều, những gì Ðảng ta đã làm trong công tác cán bộ và xây dựng Ðảng là đúng với mong muốn và nguyện vọng của toàn dân.
Cũng cần khẳng định rằng việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy, cả đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm. Chẳng phải trong nhân dân, trong mỗi đảng viên đã luôn bất bình và phẫn nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái ? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở ?
Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu ? Người chép sử không bao giờ viết chữ "nếu". Chính vì vậy mà ngay lúc này, Ðảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động.
Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng, đồng lòng đi theo Ðảng bằng cả lý trí và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này. Mỗi chúng ta rồi đây đều phải đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử, của dân tộc. Với niềm tin đó chúng ta cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018./.
Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2017
Trương Tấn Sang
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(Tiêu đề do VOV.VN đặt)
Đã đành, tham nhũng là bản chất của chế độ độc tài nhưng có những vụ tham nhũng mà những người chủ trò vô tình hay hữu ý "gài thế" để kẻ đi sau muốn giải quyết nhằm "gỡ gạc" chút lợi cho dân, uy tín cho đảng,củng cố quyền lực, bảo vệ chế độ cũng không thể nào gỡ nổi.
Quả "gài" ở sân bay
Năm 2007 khi có thông tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nghe theo yêu cầu của ngành hàng không, nhượng bộ quân đội không dám dùng 30 ha đất nhàn rỗi bên quân sự triển khai 30 chỗ đỗ máy bay (lúc đầu đã đồng ý) ở sân bay Tân Sơn Nhất (đang thiếu chỗ đỗ, nhiều chuyến bay phải bay vòng chờ hàng giờ trên không) nhưng lại âm thầm cho đại gia quân đội làm sân gollf, nhà hàng,khách sạn ở đây nhiều cán bộ nhân viên ngành hàng không phẫn nộ với hành vi này. Thế nhưng với những người am hiểu chút chính trị và hầu hết lãnh đạo ngành này thì hiểu và đến nay thì chắc mọi người đã hiểu. Đó là một trong những quả "gài" chí mạng với "hậu thế" nhất là những sếp như ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, v.v...
Thế lực quân đội bao giờ cũng quan trọng nhất không chỉ là lực lượng vũ trang mạnh nhất mà còn có nhiều ủy viên Trung ương ở đó
Năm 2007 là nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng nên ông cần nhiều sự ủng hộ trong đó thế lực trong quân đội bao giờ cũng quan trọng nhất không chỉ là lực lượng vũ trang mạnh nhất mà còn có nhiều ủy viên Trung ương ở đó. Việc ông Nguyễn Tấn Dũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ lúc này bảo đảm thế lực của ông vững trãi ngay từ buổi đầu và nguồn "sinh lực" ấy còn theo mãi ông cho đến sát Đại hội 12. Món quà lớn tặng cho các đại gia quân đội cộng với những nguồn lợi kếch xù từ việc cướp đất của dân, khai thác khoáng sản, phá rừng lấy gỗ bừa bãi, các dự án công nghiệp, thủy điện,… béo bở mang lại cho hầu hết những cán bộ cỡ ủy viên trung ương giàu sụ đã đưa thủ tướng đến địa vị "bất khả xâm phạm".
Đã "5 lần, 7 lượt", Bộ chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng không thể vì những lá phiếu giàu sụ cần sự "đồng lòng", che chở của thủ tướng. Nếu tại Đại hội 12, Bộ chính trị và ông Nguyễn Phú Trọng không "xé rào" nguyên tắc, điều lệ của Đảng thì có thể đến nay ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn tồn ở cái ghế thực quyền cao nhất và đất nước vẫn "khởi sắc", theo hướng : GDP vẫn cao, nợ xấu vẫn "dưới ngưỡng".
Việc cho quân đội làm các công trình thương mại trong sân bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm,… thuộc những khu đất vàng mang lại sức mạnh cho Thủ tướng nhưng để lại sự khốn cùng tắc nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất, cái khúc xương gà không thể nuốt của ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội, lẫn lãnh đạo các cấp của đảng cộng sản hiện nay. Bởi vì, nếu ông nào không ủng hộ hoặc quyết tâm "giaỉ giáp" các sân golf, công trình thương mại, lợi ích "trời cho" của đại gia quân đội thì sẽ mất đi sự ủng hộ của họ, tức cái ghế của các anh, chị sẽ cực kỳ "trông chênh".
Quả nhiên, trước tình hình "nước sôi,lửa bỏng" về sự thiếu sân đỗ, tắc nghẽn cực kỳ nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất, với cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng không hề có ý kiến đả động gì trước công luận ; trong khi đó - ông Đinh La Thăng "xông xáo, mạnh bạo" có trách nhiệm trực tiếp, cao nhất với các sân bay thì không hề hé răng.
Sự im lặng ấy kéo dãi mãi, cho đến khi Đại biểu quốc hội chất vấn tại sao có sân golf trong sân bay.
Phải chăng chỉ vì phải lấy lòng Vietel, quân đội mà những ngày qua chính quyền Hà Nội có hành vi cường quyền tàn nhẫn, dối trá với dân trong việc tranh đất ở Đồng Tâm đang ẩn chứa nguy cơ nghiêm trọng về chính trị nhưng các cơ quan Trung ương, lãnh đạo đảng cộng sản chỉ cách 40 km mà coi như không biết gì ?
Nếu ông Tổng bí thư và các vị lãnh đạo thuộc Chính phủ, Quốc hội không giải quyết được vụ vi phạm pháp luật trắng trợn gây hậu quả nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm, Đồng Tâm,... thì các vị sẽ ăn nói với dân như thế nào ? Nếu các tướng soái, đại gia quân đội thực sự yêu đảng, ủng hộ chế độ, ủng hộ Tổng bí thư, Bộ chính trị "vì nhân dân quên mình"thì họ phải ủng hộ, tự giác thôi làm kinh tế, triệt thoái những công trình "hại dân" chứ ! Ngược lại, ai tin sự "quang minh chính đại" chống tham nhũng của đảng cộng sản, ai sẽ còn tin quân đội yêu dân, yêu nước ?
Thế nhưng, thời gian trôi qua, nhiều phát biểu của tướng tá vẫn không hàm ý "yêu đảng, vì nhân dân…". Họ vẫn ngang nhiên khẳng định quân đội làm kinh tế là tốt, và đặt ra điều kiện tiên quyết khi Nhà nước giải thể sân golf, nhà hàng, khách sạn chung cư... trên đất vàng Tân Sơn Nhất để mở thêm cửa khẩu đường không quan trọng nhất của quốc gia là : phải trả cho bên quân đội 3.000 tỷ VND.
Quả "gài" BOT
Không thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng và bộ "sậu" như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể - Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính không hiểu BOT là công trình cạnh tranh với mạng đường cũ, doanh nghiệp phải dùng tiền nhàn rỗi của mình mà đầu tư. Vì đồng tiền các ông tước đoạt quyền đi lại từ do của dân trên các con đường họ đóng thuế, phí tạo nên từ bao năm qua và móc túi (hoặc trấn lột - theo lời Cựu Phó văn phòng quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng) tiền của dân bằng cách "tráng men" đoạn đường cũ độc đạo hoặc làm thêm đoạn đường mới rồi đặt các trạm thu phí, hoặc chặn cả hai đường (như quốc lộ 5 và 5B) để "trấn lột". Sự quá vô lý này cuối cùng khiến người dân phản ứng, và sẽ nhanh chóng đưa đến hai hệ quả :
- Nếu Nhà nước hiện tại đứng về lẽ phải, phía dân chuyển trạm thu phí đến đúng vị trí thì doanh nghiệp khó trong việc trả vốn, lãi ngân hàng. Nếu nhà nước bỏ tiền ra để mua lại đoạn BOT thì gánh nặng ngân sách càng nặng và những chi phí của doanh nghiệp vào BOT khó mà tin.
- Nếu nhà nước dùng vũ lực bảo vệ việc làm sai của đại gia, doanh nghiệp thì sẽ gây bất ổn XH, bị mất hết uy tín. Trong khi, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là doanh nghiệp vận tải sẽ chết do phí quá cao trong bối cảnh cạnh tranh chi phí và thị trường nội địa ngày càng khốc liệt.
Vụ "gài" phong tướng, tá
Thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, số lượng tướng tá được phong ồ ạt đến mức trở thành như những món quà mà nhiều anh không được phong thì "tâm tư".
Viên Đại tá Đỗ Hữu Ca có thành tích "chiến đấu" chiếm đầm tôm của nông dân Đoàn Văn Vươn một cách sai trái sau này cũng được ngành Công an phong tướng.
Việc phong tướng tá quá nhiều không chỉ giảm uy tín, sức mạnh quân đội, công an mà còn để lại cho hậu thế gánh nặng chi ngân sách thường xuyên.
Và hệ quả nêu trên đã tạo nên đòn "chí mạng" do tiền nhiệm "gài" lại, tiếp tục nhắm vào nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo hiện nay.
Ngoài những vụ tham nhũng kiểu "gài" như trên còn biết bao vụ khác như các dự án nghìn tỷ "đắp chiếu", tàn phá môi trường gây họa lâu dài làm hàng triệu dân điêu đứng, những vụ cướp đất, chia chác gây bao thù oán với dân đe dọa nghiêm trọng tính chính danh và uy tín vốn đã quá thấp của nhà cầm quyền.
Tham nhũng đã tai hại những tham nhũng kiểu "gài" còn thâm hiểm, tai hại hơn nhiều.
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 12/01/2018