Theo hãng tin NHK hôm nay, 08/11/2024, quân đội Miến Điện, bị tổn thất nặng nề do các cuộc xung đột, đang tuyển mộ người thiểu số Hồi giáo Rohingya để chiến đấu chống lại nhóm vũ trang thuộc sắc tộc Rakhine ở miền tây nước này. NHK cho rằng đây là chiến thuật mới của quân đội, nhằm "kích động xung đột giữa hai sắc tộc".
Binh sĩ quân đội Miến Điện tuần tra tại khi làng của người Rohingya bị tàn phá tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện, ngày 06/09/2017. AP
Trả lời NHK, một nhân chứng cho biết là khoảng 40 người trong làng đã bị "cưỡng bức bắt đi" trong đêm. Nhiều người Rohingya mô tả là bị bắt cóc, đánh đập, ép buộc với những lời hứa suông về quyền công dân. Họ được gửi đi huấn luyện trong vài tuần và được điều đến tuyến đầu trong cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội và lực lượng vũ trang Arakan Army ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện.
Theo một báo cáo của Human Rights Watch hồi tháng 04/2024, quân đội Miến Điện đã "cưỡng bức" nhập ngũ hơn 1000 người Hồi giáo Rohingya ở khắp bang Rakhine. Chính quyền quân sự dùng đến luật nghĩa vụ, vốn chỉ áp dụng cho công dân Miến Điện, trong khi người Rohingya từ lâu đã bị từ chối quyền công dân theo Luật quốc tịch năm 1982. Báo cáo của tổ chức International Crisis Group (ICG) cho biết quân đội tuyển lính cả bên ngoài lãnh thổ Miến Điện, với con số lên đến 2.000 người Rohingya từ các trại tị nạn ở Bangladesh.
Xin nhắc lại là chiến dịch càn quét của quân đội năm 2017 đã buộc 700 000 người Rohingya phải đi tị nạn.
Kể từ cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2/2021, lực lượng Arakan đã chiếm đóng nhiều khu vực tại bang Rakhine và hiện kiểm soát 10 trong số 17 thị trấn của bang này.
Lực lượng vũ trang Arakan cho rằng chiến thuật tuyển mộ người Rohingya là "hành động tuyệt vọng của chính quyền quân sự đang bị bao vây", do các cuộc đụng độ gia tăng kể từ tháng 11/2023. Điều này khiến hai sắc tộc bị chia rẽ hơn nữa, trong khi hai bên có nhiều xung đột bạo lực từ nhiều thập kỷ. Nhiều ngôi làng của cộng đồng người Rakhine và Ronhingya đã bị đốt cháy và hai bên lên án nhau.
Hồi tháng 10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về về các vụ vi phạm luật nhân đạo quốc tế, ước tính có hơn nửa triệu người phải di dời ở bang Rakhine. Nhiều tổ chức quốc tế không thể tiếp cận khu vực này, nơi mà "dân thường bị kẹt giữa các làn đạn".
Chi Phương
Từ ngày 02/10 đến ngày 15/10/2024, quân đội Miến Điện huy động khoảng 42.000 nhân viên, được cảnh sát và quân nhân bảo vệ, tiến hành điều tra dân số toàn quốc, để cập nhật danh sách cử tri trước cuộc bầu cử lập pháp vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc điều tra dân số này bị lên án là có mục tiêu "truy lùng" tung tích của phe đối lập.
Một nhóm nhân viên điều tra dân số, với cảnh sát và quân nhân đi kèm, tại Naypidaw, Miến Điện, ngày 01/10/2024. © Aung Shine Oo / AP
Các nhóm điều tra dân số đã gõ cửa từng nhà từ hôm qua tại Rangoun, trung tâm kinh tế của Miến Điện. Theo AFP, người dân được yêu cầu trả lời 68 câu hỏi, trong đó có nhiều câu hỏi về những người không còn sống với gia đình. Các thông tin này giúp quân đội xác định danh tính của những người đã gia nhập các nhóm vũ trang, hoặc trốn khỏi nước để tránh nghĩa vụ quân sự.
Theo Liên minh Huynh đệ Chin, quy tụ nhiều nhóm vũ trang của dân tộc thiểu số tại bang Chin, cuộc điều tra dân số này là để kéo dài thời gian cầm quyền của quân đội. Tổ chức này cũng cảnh báo "sẽ có hành động đối với những người tham gia điều tra dân số tại vùng này". Liên minh quốc gia Karen (KNU), đã chiến đấu chống lại quân đội Miến Điện từ nhiều thập kỷ qua, hiện đã kiểm soát được khu vực gần biên giới Thái Lan, cũng lên tiếng phản đối cuộc điều tra dân số này.
Trả lời AFP, một quan chức quân sự, ẩn danh, cho biết các giáo viên, quan chức chính quyền địa phương, cảnh sát và dân quân địa phương tham gia điều tra dân số đã phải tăng cường an ninh khi thực hiện nhiệm vụ này, vì lo ngại bị "khủng bố tấn công".
Chi Phương
Miến Điện : Đề xuất đình chiến của tập đoàn quân sự bị phe nổi dậy bác bỏ
Thùy Dương, RFI, 28/09/2024
Chỉ vài giờ sau khi bất ngờ đề nghị các nhóm vũ trang - nổi dậy đình chiến để bắt đầu các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt nội chiến và sau khi bị hai nhóm nổi dậy chính từ chối, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miền Điện hôm 27/09/2024 đã tiến hành hai vụ oanh kích nhắm vào một thành phố do phe đối lập kiểm soát.
Lực lượng nổi dậy Karen và Lực lượng Phòng vệ Dân sự (PDF) bắt giữ tù binh, bang Kayin. Ảnh chụp ngày 11/03/2024. AP
Hai lực lượng bác bỏ đàm phán là Liên minh Dân chủ Dân tộc Miến Điện (MNDAA), chiếm lĩnh Lashio, bang Shan ở miền bắc, và Lực lượng Phòng vệ của Nhân Dân (PDF), tức lực lượng vũ trang của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, gồm nhiều thành viên của chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi, giới quân sự đảo chính lật đổ.
Thành phố bị tập đoàn quân sự Miến Điện oanh kích là Lashio, bang Shan. Một người dân thành phố Lashio, xin giấu tên để bảo đảm an toàn của bản thân, kể với hãng tin Pháp AFP là "có 2 vụ nổ" và họ nghe nói rằng có 5 người chết, nhiều người bị thương. Một nhà ngoại giao làm việc tại Rangoun, cũng xin ẩn danh, thì cho rằng không có gì cho thấy đôi bên hướng tới "một đối thoại nghiêm túc".
Trả lời AFP, lực lượng nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen, hoạt động tại vùng biên giới Thái Lan, khẳng định là thương lượng chỉ có thể nếu quân đội đứng ngoài chính trị, chấp nhận Hiến Pháp mới và nhận trách nhiệm về "các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại", điều mà các nhà phân tích chỉ ra rằng rất khó được tập đoàn quân sự chấp thuận. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà dân tộc học Bénédicte Brac de la Perrière, chuyên gia về Miến Điện, thuộc Trung Tâm Đông Nam Á (CASE), Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), giải thích thêm :
"Có một số chuyện mới xảy ra gần đây, nhất là những nỗ lực của tập đoàn quân sự để giành lại một số thành phố quan trọng mà họ xem là lằn ranh đỏ trong việc duy trì quyền lực ở mức tối thiểu đối với các vùng lãnh thổ của Miến Điện. Trên thực địa, họ lâm vào thế yếu. Ngoài ra, còn có các trận lũ lụt, tập đoàn quân sự không thể xử lý được tình huống này và họ đã đành phải đề nghị quốc tế cứu trợ.
Thế nên, tập đoàn quân sự đã cố gắng đề xuất một điều gì đó có thể thúc đẩy các phe nổi dậy chấm dứt giao tranh. Nhưng trên thực tế, không bên nào ngừng chiến cả. Mục đích của các lực lượng nổi dậy là buộc quân đội Miến Điện từ bỏ quyền lực và không can dự vào chính trị nữa. Đó là mục đích của tất cả các lực lượng nổi dậy. Nếu có một điểm mà tất cả các phe nổi dậy đều nhất trí với nhau, thì đó chính là điểm này".
Cũng theo giới phân tích, đề xuất đình chiến của tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện còn là một cử chỉ thể hiện thiện chí với Bắc Kinh - một đồng minh quan trọng của các tướng lĩnh cầm quyền ở Miến Điện, với rất nhiều dự án quan trọng ở nước này trong khuôn khổ Sáng Kiến Những Con Đường Tơ Lụa Mới. Hôm qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan ngưng chiến và đàm phán.
Thùy Dương
****************************
Tập đoàn quân sự kêu gọi các nhóm vũ trang ngừng chiến để đối thoại
Anh Vũ, RFI, 27/09/2024
Theo AFP ngày 26/09/2024, sau ba năm lao vào cuộc chiến đầy chết chóc với các nhóm sắc tộc thiểu số ở miền bắc, chính quyền quân sự Miến Điện đã bất ngờ kêu gọi các nhóm vũ trang nổi dậy chấm dứt chiến sự và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
Miến Điện : Lính của lực lượng thiểu số Karen thu thập vũ khí và đạn dược sau khi kiểm soát đồn ở Myawaddy. Ảnh ngày 11/03/2024. AP
Trong thông cáo hôm 26/09/2024 chính quyền quân sự tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi các nhóm vũ trang, các nhóm nổi dậy khủng bố và các nhóm khủng bố PDF – Lực lượng phòng vệ của dân tộc - đang chiến đầu chống lại quốc gia, hãy từ bỏ cuộc chiến khủng bố và liên lạc với chúng tội để giải quyết các vấn đề chính trị".
Đề nghị đối thoại bất ngờ này được đưa ra sau khi quân đội chính phủ Miến Điện phải hứng chịu một loạt các thất bại quân sự lớn trước các nhóm sắc tộc nổi dậy cũ và cả những lực lượng đòi dân chủ mới hình thành sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai 2021.
Cuộc xung đột kéo dài đã làm chính quyền quân sự suy yếu nhiều về mặt quân sự cũng như về kinh tế. Cơn bão Yagi và lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và vật chất, khiến chính quyền Miến Điện hồi giữa tháng này phải kêu gọi viện trợ quốc tế.
Từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Ky tháng 2/2021, chính quyền quân sự liên tiếp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, từ nhân đạo đến an ninh, chính trị. Các phong trào phản kháng trong nước nổi lên liên kết với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số đã có từ hàng thập kỷ nay, mở rộng các cuộc tấn công chống lại chính quyền, đặc biệt ở các vùng biên giới phía bắc trong thời gian gần đây.
Miến Điện rơi vào tình trạng nội chiến thực sự. Gần 6.000 thường dân bị chết, hàng chục nghìn người bị bắt trong các cuộc đàn áp phong trào phản kháng. Theo Liên Hiệp Quốc, những tháng qua, hơn ba triệu người ở Miến Điện đã phải bỏ nhà cửa chạy khỏi các cuộc xung đột vũ trang.
Anh Vũ
******************************
Mưa lũ do bão Yagi : Chính quyền quân sự Miến Điện kêu gọi quốc tế cứu trợ
Thanh Phương, RFI, 14/09/2024
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing đã kêu gọi quốc tế cứu trợ, sau khi các trận lũ lụt đã khiến ít nhất 33 người chết, theo số liệu thống kê chính thức và buộc khoảng 235.000 người phải rời bỏ nhà cửa, theo tin của báo chí nhà nước hôm nay, 14/09/2024. Hiếm khi nào tập đoàn quân sự Miến Điện phải kêu gọi đến sự trợ giúp của quốc tế.
Bão Yagi gây mưa lũ, ngập lụt ở miền bắc Việt Nam, làng An Lạc, Hà Nội, Việt Nam, ngày 13/09/2024.. AP - Hau Dinh
Các trận lũ lụt do ảnh hưởng của bão Yagi làm trầm trọng thêm cảnh khốn cùng của một quốc gia đang gặp khủng hoảng về an ninh, chính trị và nhân đạo kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.
Theo nhật báo Global New Light of Myanmar, hôm qua 13/09, lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing cho biết các quan chức của chính phủ phải liên lạc với nước ngoài để nhận cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt. Trong quá khứ, chính quyền quân sự Miến Điện vẫn ngăn chận viện trợ của quốc tế, hoặc phá hỏng các chương trình trợ giúp của nước ngoài.
Vào giữa tháng 6/2023, họ đã ngưng cấp phép đi lại cho các nhân viên một tổ chức phi chính phủ đang tìm cách cứu trợ cho khoảng 1 triệu nạn nhân của cơn bão Mocha ở miền tây Miến Điện. Trước đó, vào năm 2008, sau cơn bão Nargis khiến 138.000 người thiệt mạng, tập đoàn quân sự cầm quyền vào thời đó bị cáo buộc đã ngăn chận cứu trợ khẩn cấp và ban đầu không chịu cấp phép cho các nhân viên hoạt động nhân đạo và hàng viện trợ nhân đạo.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất được đăng trên báo trong nước, tính đến 6 giờ sáng nay, bão Yagi và các trận mưa lũ đã khiến tổng cộng 262 người thiệt mạng, 83 người còn mất tích. Lào Cai là địa phương thiệt hại nặng nề nhất sau bão Yagi, mưa lũ với 111 người chết và 61 người mất tích.
Tại Lào, nước dâng cao từ sông Mekong cũng gây ngập lụt ở thủ đô Vientiane.
Thanh Phương
Liên Hiệp Quốc ngày 13/08/2024, tố cáo quân đội Miến Điện gia tăng các hành động phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Định chế quốc tế báo động tình trạng tra tấn có hệ thống, hãm hiếp tập thể và các hành động bạo lực nhắm vào trẻ em tại những vùng đang có xung đột ở Miến Điện.
Binh sĩ quân đội Miến Điện tuần tra tại khi làng của người Rohingya bị tàn phá tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện, ngày 06/09/2017. AP
Theo AFP, trong bản báo cáo hàng năm, Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cho biết, trong giai đoạn từ tháng 7/2023 đến cuối tháng 6/2024, quân đội Miến Điện đã gia tăng các hành động tàn bạo với "một nhịp độ đáng báo động trên khắp cả nước".
Những bằng chứng thu thập được cho thấy tội ác chiến tranh đã trở nên "dữ dội và bạo lực hơn", như không kích nhắm vào trường học, các tòa nhà tôn giáo và bệnh viện mà không có mục tiêu quân sự rõ ràng. Tập đoàn quân sự Miến Điện còn bị cáo buộc về những hành vi tàn bạo như cắt xẻo thân thể những người bị giam giữ, kể cả chặt đầu và phơi bày công khai các thi thể bị biến dạng.
Trong thông cáo, lãnh đạo cơ quan điều tra Liên Hiệp Quốc, Nicholas Koumjian, khẳng định có đủ bằng chứng quan trọng cho thấy rõ "mức độ tàn bạo đáng sợ và vô nhân tính tại Miến Điện. Những tội ác được thực hiện trong ý đồ trừng phạt và khủng bố thường dân".
Theo bản báo cáo, những nạn nhân này ở đủ độ tuổi, mọi giới tính, kể cả trẻ em.
Kết luận của báo cáo được dựa trên các nguồn thông tin và bằng chứng được thu thập từ hơn 900 nguồn, trong đó có hơn 400 lời thuật từ nhân chứng, cùng với nhiều hình ảnh, video, hay tài liệu âm thanh cũng như nhiều tài liệu khác như bản đồ, hình ảnh địa không gian và các bằng chứng y khoa.
Một ngày trước khi báo cáo được công bố, phát ngôn viên trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Farhan Haq, cũng lên án tập đoàn quân sự Miến Điện đẩy mạnh bạo lực, giết chết nhiều thường dân trong nhiều tuần qua tại các thành phố Maungdaw (bang Rakhine) và Lashio (bang Shan).
Vào lúc giao tranh giữa quân đội Miến Điện và liên minh các nhóm sắc tộc vũ trang diễn ra khốc liệt, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay loan báo ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đến Miến Điện và Thái Lan, kể từ thứ Tư 14/08/2024.
Minh Anh
Đặc sứ Trung Quốc gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện thảo luận về "chiến sự" biên giới
Hôm 08/08/2024, đặc phái viên của Trung Quốc về Miến Điện, ông Đặng Tích Quân (Deng Xijun) đã gặp lãnh đạo Miến Điện tướng Min Aung Hlaing, tại thủ đô Naypyidaw, để thảo luận về tình hình vùng biên giới chung. Cuộc gặp diễn ra ít ngày sau khi quân đội Miến Điện rút bỏ trụ sở Bộ tư lệnh đông bắc ở bang Shan, sau cuộc tấn công của quân nổi dậy các sắc tộc thiểu số, trong đó có một số lực lượng được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing phát biểu trong cuộc họp với các thành viên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, ngày 31/07/2024, tại Naypyitaw, Miến Điện © AP - The Myanmar Military True News Information Team
Cơ quan ngôn luận của tập đoàn quân sự Global New Light of Myanmar cho biết, tướng Min Aung Hlaing đã đề cập với đặc sứ Trung Quốc về "tiến trình thúc đẩy hòa bình nội bộ của Miến Điện" đồng thời "giải thích về việc thực thi lộ trình Đồng thuận 5 điểm, nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định". Hãng tin Pháp AFP đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Rangoun, nhưng hiện tại chưa nhận được hồi đáp.
Chiến sự bùng lên trở lại tại bang Shan, sau khi thỏa thuận hưu chiến, với sự trung gian của Bắc Kinh, giữa Liên minh Ba Anh Em - 3BTA, bao gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) và tập đoàn quân sự, tan vỡ hồi tháng 06/2024. Ngày 03/08, Liên minh Ba Anh Em chiếm lĩnh Bộ tư lệnh quân khu đông bắc tại thành phố Lashio 150 nghìn dân, cách biên giới với Trung Quốc khoảng 110 km. Đây được coi là chiến thắng lớn nhất của các lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số chống tập đoàn quân sự kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021.
Một nguồn tin của báo độc lập Miến Điện The Irrawaddy, ngày 08/08, tỏ ra lạc quan khi khẳng định : chuyến đi của đặc sứ Trung Quốc nhằm gây áp lực với tập đoàn quân sự để tướng Min Aung Hlaing tổ chức đối thoại với "cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi", đang bị giam giữ và lãnh đạo các sắc tộc thiểu số, và tổ chức bầu cử dựa trên kết quả đối thoại.
Tuy nhiên, ông Jason Tower, chuyên gia về quan hệ Miến Điện - Trung Quốc, Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ (United States Institute of Peace), trong một phân tích đầu tháng 08/2024, nhận định, trên thực tế, có nhiều khả năng Bắc Kinh đang sử dụng khủng hoảng Miến Điện để gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này, đặc biệt thông qua các nhóm vũ trang được Trung Quốc hậu thuẫn, như MNDAA và lực lượng UWSA của sắc tộc Wa. Cho đến nay, Bắc Kinh không thừa nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, bao gồm các thành phần chủ chốt của chính phủ dân sự bị lật đổ, tức lực lượng đối lập chính chống tập đoàn quân sự.
Trọng Thành
Khoảng 30 người Rohingya bị thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong các cuộc giao tranh giữa tập đoàn quân sự Miến Điện và quân nổi dậy ngày 18/05/2024. Lực lượng Quân đội Arakan cho biết đã chiếm được toàn bộ căn cứ của tập đoàn quân sự và kiểm soát thị trấn Buthidaung, ở phía tây Miến Điện, gần biên giới với Bangladesh.
Một chỉ huy của lực lượng nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen (the Karen National Union), kiểm tra căn cứ vừa chiếm được của tập đoàn quân sự ở thị trấn Myawaddy, bang Kayin, Miến Điện, ngày 12/04/2024. AP
Cộng đồng thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo lo bị cuốn vào các cuộc giao tranh ngày càng gay gắt. Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải bỏ trốn cuộc truy sát từ năm 2017, nhưng vẫn còn hơn 500.000 người ở lại bang Rakhine, miền tây Miến Điện.
Thông tín viên RFI Carol Isoux tại Bangkok cho biết thêm :
"Các cuộc giao tranh ở bang Rakhine, còn gọi là bang Arakan, ở Miến Điện, trở nên căng thẳng từ tháng 11/2023. Đây là thời điểm mà lệnh ngừng bắn, có từ khi xảy ra cuộc đảo chính tháng 02/2021 giữa tập đoàn quân sự và lực lượng vũ trang Quân đội Arakan (AA) hùng mạnh, bị phá vỡ. Từ đó, cuộc xung đột vũ trang đã lan rộng ra hầu hết bang và thị trấn Buthidaung, sát biên giới với Bangladesh, rơi vào tay quân nổi dậy ngày 18/05.
Trong nhiều tuần trước, lực lượng Quân đội Arakan, với đa số là tộc người Rakhine, thông báo đã bắt giữ vài trăm quân nhân Miến Điện ở trong khu vực. Đây là một tổn thất lớn cho tập đoàn quân sự đang phải đối phó với cuộc nổi dậy vũ trang ở biên giới với Thái Lan và Trung Quốc.
Ít nhất khoảng 30 dân làng là người thiểu số Hồi Giáo Rohingya bị thiệt mạng trong các vụ oanh kích, theo nhiều cơ quan truyền thông địa phương, trong khi họ đã là nạn nhân của các vụ thảm sát hàng loạt vào năm 2017. Hơn 1.000 người Rohingya dường như đã bị tập đoàn quân sự Miến Điện bắt đi lính từ tháng 02
Quân đội Arakan là một trong những lực lượng vũ trang hùng mạnh ở Miến Điện và đang giữ vai trò điều phối quan trọng giữa các nhóm nổi dậy vũ trang khác. Tập đoàn quân sự cầm quyền đang phải chịu áp lực chưa từng có trong lịch sử Miến Điện".
Thu Hằng
Tại Miến Điện, từ hôm 01/05/2024, tập đoàn quân sự cầm quyền đã ngưng cấp giấy phép lao động ở nước ngoài cho người dân. Đây được xem như một biện pháp để ngăn cản thanh niên ra nước ngoài, chủ yếu là sang Thái Lan, nhằm trốn nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện, cả nam và nữ, đang tìm cách trốn quân dịch trong nước. Lệnh bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Miến Điện đã được tập đoàn quân sự ban hành hồi tháng 02/2024.
Hàng dài người xếp hàng chờ xin visa bên ngoài sứ quán Thái Lan ở Yangon, Myanmar, hôm 16/2. Ảnh: AFP
Từ Bangkok, thông tín viên trong khu vực Carol Isoux tường trình :
"Kể từ khi có thông báo về nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam thanh niên từ 18 đến 35 tuổi và nữ thanh niên từ 18 đến 27 tuổi, hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện đã tìm cách bỏ trốn sang nước láng giềng Thái Lan. Đoàn người xếp hàng chờ trước các đại sứ quán nước ngoài ở Rangun ngày càng dài và số đơn đăng ký gửi đến các cơ quan việc làm ở nước ngoài tăng bùng nổ, bởi vì cho đến nay người lao động Miến Điện ở nước ngoài vẫn được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện vừa tuyên bố đình chỉ loại giấy phép lao động này, hàng ngàn người Miến Điện đã tìm cách vượt biên trái phép. Trong số đó có Thint, 34 tuổi, người vừa mới đến được Mae Sot, một thị trấn biên giới của Thái Lan.
Thint nói : "Ngay sau khi đảo chính nổ ra, tôi đã tham gia vào hoạt động chống tập đoàn quân sự và tôi đã bị bắt. Sau 3 năm tù giam, tôi vừa được trả tự do và trở về nhà thì quân đội lại thông báo lệnh tòng quân. Bây giờ tôi lại phải đi chiến đấu trong bộ quân phục của quân đội Miến Điện ư ? Không, đối với tôi và các bạn bè của tôi, đây là điều không thể tưởng tượng nổi. Vì thế, tôi đã vượt biên trái phép sang Thái Lan. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Quân đội lẽ ra phải bảo vệ nhân dân, đằng này thì họ lại tàn sát người dân. Tôi sẽ không bao giờ chiến đấu cho quân đội".
Hiện nay có 2 -3 triệu người Miến Điện lao động tại Thái Lan. Những di dân bất hợp pháp phải sống trong những điều kiện cực kỳ bấp bênh, thường xuyên bị đối xử như "nô lệ hiện đại", theo từ ngữ của các tổ chức quốc tế. Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện đang phải đối mặt với sự phản đối chưa từng có của cả xã hội dân sự và các nhóm du kích thuộc các sắc tộc".
Thùy Dương
Tại Miến Điện, một cuộc tấn công bằng drone hiếm có nhằm vào thủ đô chính quyền quân sự Naypyidaw đã xảy ra ngày hôm qua, 04/04/2024. Chính phủ đối lập lưu vong đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Lực lượng an ninh Miến Điện cho biết đã bắn hạ được 13 trong số khoảng 30 chiếc được phóng đi và thiệt hại gây ra là không đáng kể.
111111111111111111111111
Duyệt binh nhân Ngày quân lực Miến Điện 27/03/2024 tại thủ đô Naypyidaw. AP - Aung Shine Oo
Từ Bangkok, Carol Isoux, thông tín viên trong khu vực, cho biết thêm thông tin :
Cuộc tấn công, được thực hiện bởi khoảng 30 drone trong đó có nhiều chiếc mang theo chất nổ, đã nhắm vào nhiều mục tiêu chiến lược ở Naypyidaw, thủ đô hành chính mới được giới quân sự kín đáo xây dựng trong những năm 2000.
Khu nhà của lãnh đạo tập đoàn quân sự tướng Min Aung Hlang và nhiều tòa nhà khác của chính quyền nằm trong số các mục tiêu tấn công nhưng không bị hư hỏng nhiều, theo như tập đoàn quân sự khi tuyên bố rằng đã bắn hạ được khoảng một chục drone.
Chính phủ Đoàn kết Quốc gia NUG lưu vong, chủ yếu bao gồm các chính khách dân cử trước khi có đảo chính quân sự ngày 01/02/2021, khẳng định rằng dù sao cuộc tấn công này vẫn là một thắng lợi bởi vì điều trước tiên là cần "làm cho giới quân sự hiểu rằng họ không an toàn ở bất kỳ nơi nào", kể cả trong cứ địa chính của họ.
Điểm đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chính phủ lưu vong công khai nhận trách nhiệm một cuộc tấn công quân sự có quy mô như thế, và do vậy, đây là một bước ngoặt trên phương diện hình ảnh và chiến lược. Các nhóm dân quân nổi dậy, mà Chính phủ Đoàn kết Quốc gia hậu thuẫn về tài chính và hậu cần tiếp tục giành thắng lợi trên thực địa gần như khắp nơi ở Miến Điện, nhất là ở các bang biên giới của Miến Điện.
Minh Anh
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 18/03/2024, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc không kích của quân đội Miến Điện vào các ngôi làng ở phía tây nước này, khiến hơn 20 người thiệt mạng.
Những người di tản trú ẩn trong một tu viện ở một ngôi làng tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện. AFP - STR
Theo lời phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, ông Antonio Guterres cảm thấy "kinh hoàng trước các báo cáo về những cuộc không kích do quân đội thực hiện, bao gồm cả cuộc không kích diễn ra ở thị trấn Minbya (miền tây Rakhine), được cho là đã giết hại và làm bị thương nhiều thường dân".
Các cuộc đụng độ đã làm rung chuyển bang miền tây Rakhine kể từ khi quân đội Arakan (nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số ở các khu vực biên giới) tấn công lực lượng an ninh của chính quyền trung ương vào tháng 11, chấm dứt lệnh ngừng bắn được đưa ra kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Minbya, nằm ở phía đông Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, đã gần như bị quân đội Arakan cô lập trong những tuần gần đây. Cách thị trấn này vài km, quân đội đã mở một cuộc không kích tấn công làng Thar Dar vào khoảng 1h45 sáng, khiến 10 đàn ông, 4 phụ nữ và 10 trẻ em thiệt mạng, theo lời một nhân chứng trong làng. Một người khác thì cho biết đã có 23 người thiệt mạng trong vụ nổ và 18 người khác bị thương.
Chính quyền nắm giữ thủ phủ Sittwe của khu vực, nhưng trong những tuần gần đây, quân đội Arakan đã tiến vào các quận xung quanh. Giao tranh hiện cũng đã lan sang các nước láng giềng Ấn Độ và Bangladesh.
Minh Phương
Đúng kỷ niệm 3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, ngày 01/02/2024 tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi "chấm dứt bạo động" và "khôi phục nền dân chủ" tại quốc gia Đông Nam Á này. Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Miến Điện vào lúc tập đoàn quân sự triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp.
Quân đội Miến Điện duyệt binh Ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 78 tại Naypyitaw ngày 27/03/2023. AP - Aung Shine Oo
Bộ Tài Chính Mỹ hôm 31/01/2024 siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào những "thực thể thân cận với chế độ" Naypyidaw, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Myanmar Five Star cũng có tên trong danh sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành. Chính quyền Biden giải thích mục tiêu đề ra là nhằm "cắt đứt các nguồn tài trợ của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ".
Từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, Miến Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Hôm qua, chính quyền Naypyidaw thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm sáu tháng. Tập đoàn quân sự một lần nữa hoãn ngày tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, từ sau cuộc đảo chính "hơn 4.400 người dân Miến Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp". Dù vậy tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ổn định hơn, đặc biệt là sau loạt tấn công phối hợp của ba lực lượng vũ trang thiểu số mang tên Liên Minh Huynh Đệ từ ngày 27/10/2023.
Carol Isoux thông tín viên RFI từ Bangkok tường thuật về những hoạt động của lực lượng nổi dậy gần biên giới giữa Miến Điện với Thái Lan :
Những mảnh vỡ bằng kim loại, những đống gạch đổ nát,đó là tất cả những vết tích còn lại của 1 đồn cảnh sát ở Mese, một thành phố Miến Điện cách biên giới Thái Lan chừng 50 km. Những chiến binh trẻ thuộc lực lượng tự vệ Karenni đã tấn công vào đồn cảnh sát này và sát hại khoảng 20 nhân viên an ninh của Miến Điện. Aung Naing, 20 tuổi, vác trên vai một khẩu súng trường, kể lại đợt tấn công đó : "Lính và cảnh sát trốn ở tầng lầu bên trên. Họ bắn vào chúng tôi và không chịu đầu hàng. Cuộc đọ súng kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Chúng tôi thả bom xăng tự tạo vào chỗ họ, rồi chúng tôi bỏ đi. Lác đác tại khắp thành phố này giao tranh diễn ra trong cả tháng trước khi chúng tôi chiếm được Mese. Lính Miến Điện bỏ đi nhưng chúng tôi biết là phải tiếp tục chiến đấu".
Ba năm sau cuộc đảo chính, các lực lượng nổi dậy giờ đây đã được tổ chức lại và đang mở rộng hoạt động khắp nơi, nhất là ở các vùng biên giới, nơi mà các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã kiểm soát được những vùng nông thôn và một số thành phố chính.Tập đoàn quân sự Miến Điện chưa bao giờ bị suy yếu như hiện nay. Tuy vậy, vẫn chưa thể dự đoán được về tương lai chính trị của Miến Điện cũng như về một mô hình lãnh đạo đất nước mà 140 sắc tộc thiểu số khác nhau có thể chấp nhận được.
Thanh Hà