Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 13 septembre 2019 21:27

Nợ tư khác nợ công

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần gọi đích danh Chủ tịch Jerome Powell để chỉ trích Ngân hàng Trung ương Mỹ, tên tắt là Fed (Federal Reserve Bank). Nhưng chưa bao giờ ông Trump nặng lời như trong tuần này. Ông gọi những người làm việc cho Fed là bọn "boneheads", tạm dịch là "đầu rỗng", những cái đầu không có bộ não bên trong !

no1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông Trump nói nếu kinh tế nước Mỹ đi xuống thì đó là do ông Jerome Powell gây ra. (Hình : Drew Angerer/Getty Images)

Tại sao Ngân hàng Trung ương Mỹ "ngu" đến vậy ?

Vì họ không làm theo lời khuyên của ông tổng thống. Ông Trump đã thúc giục ông Powell cắt lãi suất hoài mà ông Powell không làm. Vì giảm lãi suất là một cách kích thích kinh tế gia tăng hoạt động.

Ông Trump nói nếu kinh tế nước Mỹ đi xuống thì đó là do ông Jerome Powell gây ra. Ông còn so sánh, giữa Tập Cận Bình và Jerome Powell không biết ai là "kẻ thù" nguy hiểm hơn.

Jerome Powell gánh tội chỉ vì Ngân hàng Trung ương Mỹ là cơ quan nắm quyền quyết định số lượng đồng đô la lưu hành, qua việc tăng hay giảm lãi suất, hoặc mua hay bán công trái, tức giấy nợ của chính phủ.

Khi Fed hạ lãi suất, nhiều người đầu tư hoặc tiêu thụ hơn, số mỹ kim lưu hành sẽ tăng lên. Hồi tháng Bảy, Fed chỉ cắt lãi suất bớt 0,25%, xuống mức 2% đến 2,25%. Tổng thống Trump chê là cắt ít quá. Tuần này, ông Trump lại khuyên Fed phải hạ lãi suất xuống số không ! Xuống dưới số không càng tốt. Chính phủ nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, đang đi vay nợ với lãi suất là số âm, dưới số không ! Tức là người ta đưa tiền cho nhà nước vay để chi tiêu mà không đòi đồng tiền lãi nào cả ; trái lại còn trả tiền công nhà nước giữ tiền giúp mình ! Nước Mỹ chưa bao giờ thí nghiệm "trò" này !

Một nỗi khó khăn của ông Jerome Powell và quý vị trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Fed (gọi tên là Open Market Committee), là Ngân hàng Trung ương chỉ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế đang đi xuống, hoặc bị đe dọa sắp đi xuống. Nhưng trong những tháng gần đây, các số thống kê kinh tế ở Mỹ đều tốt : Người tiêu thụ hăng hái chi tiêu ; tỷ số thất nghiệp thấp kỷ lục ; số người dân tham dự thị trường nhân dụng lên cao nhất. Kinh tế tự nó đứng vững, không cần kích thích.

Chỉ có một đám mây u ám ở chân trời, là các xí nghiệp giảm bớt đầu tư. Nhưng các xí nghiệp đều có dư tiền, không thiếu. Khi Quốc hội cắt thuế cho các công ty và chủ công ty, người ta được hưởng bao nhiêu tiền mà không cần đem đầu tư hoặc mướn thêm công nhân. Họ đem tiền dư trả tiền lời cho chủ nhân các cổ phần.

Sở dĩ các công ty ngưng đầu tư vì họ lo kinh tế thế giới sắp đi xuống. Một nguyên nhân khiến người ta lo là cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ – Trung Quốc không biết sẽ giải quyết ra sao. Mà đối với mối lo về chiến tranh mậu dịch này, ông Jerome Powell nói, Ngân hàng Trung ương không thể làm gì cho người ta bớt lo được.

Nhưng Tổng thống Trump cũng nói, khi Fed hạ lãi suất xuống, nước Mỹ sẽ được lợi ngay tức khắc. Bởi vì số tiền lãi phải trả các món nợ chính phủ đang vay sẽ nhẹ bớt đi nhiều.

Chúng ta biết chính phủ Mỹ thường vẫn đi vay để bù cho ngân sách thiếu hụt khi thu ít, chi nhiều liên miên. Trong 11 tháng qua ngân sách quốc gia thâm thủng đến một ngàn tỷ đô la, một con số cao kỷ lục.

Hiện nay tổng số nợ chính phủ Mỹ đang gánh là hơn 22.000 tỷ USD, đã vay trước đây, khi lãi suất còn cao. Nếu Fed hạ lãi suất xuống thấp hơn, chính phủ liên bang có thể đi vay thêm, được trả lãi suất thấp, rồi sẽ dùng tiền mới vay đem trả các món nợ cũ. Những người vay tiền mua nhà vẫn dùng trò "vay nợ mới trả nợ cũ" như vậy, tiết kiệm được khối tiền.

Riêng chuyện vay nợ mới trả nợ cũ cũng cho thấy giảm lãi suất là có lý. Với gánh nợ 22.000 tỷ USD, lãi suất trung bình hơn 2% một năm, một năm chính phủ Mỹ phải trả khoảng 479 tỷ USD tiền lãi. Nếu lãi suất giảm đi một nửa chỉ còn 1% thôi, nhà nước cũng tiết kiệm được vài trăm tỷ đô la mỗi năm ! Nên nhớ, ngân sách Bộ Giáo dục Mỹ trong năm 2019 chỉ có 60 tỷ USD.

Điều ông tổng thống nói rất dễ hiểu, và có vẻ hữu lý. Vì ông dùng kinh nghiệm một nhà đầu tư địa ốc, đã từng đi vay để xây cất nhà, mở sòng bài, khai thác các sân cù, khu du lịch, vân vân. Nhưng một chính phủ vay nợ và trả nợ khác lối các vị chủ khách sạn hoặc sòng bài đi vay.

Tất cả các các nhà đầu tư địa ốc đều muốn lãi suất xuống thấp, vì họ được lợi nhất. Họ có thể đi vay nợ mới để trả món nợ cũ, tương đối dễ dàng. Ông Donald Trump đã vay nợ để đầu tư mấy sòng bài lớn nhất ở Atlantic City trong mấy chục năm trước đây. Ông từng khoe, "Atlantic City giúp doanh nghiệp tôi phát đạt. Tôi kiếm ra biết bao nhiêu là tiền".

Chúng ta cũng biết rằng các công ty mở sòng bài của ông Trump đã khai phá sản ít nhất năm lần, lần chót năm 2014. Ông tới Atlantic City lập công ty, vay các ngân hàng, có khi trả lãi suất 14%, và bỏ rất ít tiền vốn của chính mình. Các sòng bài trả tiền công ông quản lý, tiền cho thuê dùng tên của ông, tiền thưởng, vân vân, có khi còn trả các món nợ khác của ông ở New York. Đến khi sòng bài không phát đạt, không trả được nợ, công ty khai phá sản. Trong lúc đó, ông Trump đang bắt đầu một công ty khác, với những sòng bài huy hoàng tráng lệ hơn. Cuối cùng, ông không làm chủ sòng bài nào nữa, nhưng các sòng bài nào còn mang tên ông vẫn phải trả tiền thuê nhãn hiệu.

Một chính phủ đi vay nợ thì không thể làm như một vị chủ khách sạn hay sòng bài. Ông chủ khách sạn có thể điều đình trả hết các món nợ cũ, khi có thể vay nợ mới với lãi suất thấp hơn. Các giấy nợ mới thay thế cho các giấy nợ cũ đã được hủy bỏ.

Chính phủ Mỹ không đi vay trực tiếp từ các ngân hàng mà đi vay bằng cách "phát hành" trái phiếu (tức là bán các tờ giấy nợ), thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Công khố phiếu. Mỗi công khố phiếu có người mua rồi, thì nó còn đó mãi cho tới khi "đáo hạn". Một tờ công trái có thể ấn định thời hạn 2 năm, 10 năm, 30 năm, hay sáu tháng, ba tháng, tùy nhu cầu của Nhà nước. Nhưng chính phủ Mỹ không thể hủy bỏ các công trái trước khi đáo hạn !

Ngân hàng Trung ương Mỹ chỉ có thể đứng ra mua các công trái đó, đem về cất trong kho. Họ vẫn thường làm như vậy để điều chỉnh khối đồng đô la lưu hành. Vì khi Fed mua các trái phiếu công của Bộ Tài Chính, họ trả tiền mặt cho "người bán", số tiền đó sẽ được gửi trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng có thêm tiền để cho vay. Hậu quả cũng không khác gì khi Fed cắt giảm lãi suất : Dân vay tiền dễ dàng hơn.

Nhưng khi Ngân hàng Trung ương đứng ra mua công trái để cất vào kho, Bộ Tài chính Mỹ, tức là con nợ, vẫn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung ương ! Không có cách nào trốn được ! Chắc chắn chính phủ Mỹ cũng không thể khai phá sản để khỏi phải trả tiền lãi hoặc cả tiền vốn, như các con nợ là chủ nhà, chủ khách sạn, chủ sòng bài !

Tất nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng biết không thể ép buộc Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt lãi suất theo ý ông muốn. Họ sẽ cắt khi thấy cần. Trong tháng này, ai cũng đoán thế nào Fed cũng cắt lãi suất, vì kinh tế thế giới đang đi xuống. Ngân hàng Trung ương Châu Âu mới cắt lãi suất bên đó rồi.

Nhưng Ngân hàng Trung ương cắt lãi suất cũng phải chờ một thời gian mới gây tác dụng trong các hoạt động kinh tế. Phải chờ nửa năm, một năm.

Nhưng Tổng thống Trump có thể chính ông "kích thích" kinh tế bằng cách giảm bớt độ nóng của cuộc chiến tranh mậu dịch. Trong tháng tới hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sắp gặp nhau. Nếu họ thỏa hiệp để giảm bớt số hàng hóa bị đánh thuế quan, với viễn tượng lâu dài, thì giới kinh doanh khắp thế giới sẽ yên tâm đầu tư, mở mang công việc và tuyển một công nhân !

Chỉ cần trở lại như tình trạng trước khi có chiến tranh mậu dịch, và ký kết bảo đảm trong nhiều năm không thay đổi bất thường, thì kinh tế nước Tàu và nước Mỹ sẽ vững chân hơn. Lúc đó không cần Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt lãi suất nữa. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 13/09/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 23 août 2019 20:58

Trump – Tập leo thang

Hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đang tấn công nhau tới tấp và không ai biết bao giờ họ có thể gỡ ra. Ông Trump đánh theo lối boxing, quyền Anh, trong khi ông Tập đánh võ Thiếu Lâm, nhẩn nha trả đũa từng đòn một. Bên nóng, bên lạnh.

trumptap1

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lên một cao điểm. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ gọi chủ tịch Trung Quốc là một "thù địch". Trong hình, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc, đi mua sắm. (Hình : Greg Baker/AFP/Getty Images)

Thị trường chứng khoán, một mối quan tâm lớn của ông Trump, cho thấy hai lối đánh võ gây hậu quả khác nhau.

Buổi sáng, sau khi nghe tin Bắc Kinh sẽ đánh thuế quan từ 5% đến 10% trên 5.078 món nhập cảng từ Mỹ trong hai đợt, đầu tháng Chín và giữa tháng Mười Hai, chỉ số S&P 500 tụt gần 40 điểm. Giới đầu tư không phản ứng mạnh vì họ đã chờ đợi Trung Quốc thế nào cũng trả đòn trước khi suất thuế của Tổng thống Trump đánh trên 300 tỷ USD hàng có hiệu lực trong một tuần lễ nữa (con số 300 tỷ USD đã được ông Trump bớt xuống chỉ còn khoảng 130 tỷ USD).

Sau đó ba tiếng đồng hồ, S&P 500 lại leo lên được gần 30 điểm sau khi ông Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Jerome Powell báo hiệu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong vài tuần nữa.

Nhưng khi tổng thống Mỹ tung đòn ra thì thị trường choáng váng. Chỉ số Dow Jones tụt 623 điểm, S&P 500 mất 2% và thị trường Nasdaq cũng mất 3%.

Cú đấm mới của Tổng thống Trump rất nặng. Từ tháng Mười năm ngoái ông đã đánh thuế quan 25% trên $250 tỷ hàng Trung Quốc, nay sẽ tăng suất thuế lên thành 30%. Mẻ thứ hai, 300 tỷ USD sẽ áp dụng từ đầu tháng Chín sẽ tăng từ 10% lên 15%.

Chưa hết, Tổng thống Trump còn "tuýt" rằng ông "ra lệnh" các công ty Mỹ tìm cách rút ra khỏi nước Tàu, đi nơi khác làm ăn, có thể đem VỀ NHÀ. Lối nói "Các công ty Mỹ vĩ đại của chúng ta nay được lệnh lâp tức bắt đầu …" (Our great American companies are hereby ordered to immediately start…) đúng là khẩu khí của một vị tổng tư lệnh !

Nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa, South Carolina), người luôn luôn ủng hộ Tổng thống Trump phải cải chính, "Ông ấy không thể ra lệnh (cho các công ty Mỹ), ông ấy biết như vậy".

Tổng thống Trump giải thích trong thông điệp Twitter : "Chúng ta không cần Trung Quốc, nói thật, không có họ thì tốt hơn !". Nhưng nhiều công ty Mỹ đã tìm cách rút chân ra khỏi nước Tàu nhưng bị kẹt.

Như công ty Apple chẳng hạn. Công ty này mang đồ qua Tàu ráp trễ nhất, sau các công ty điện tử Dell, Hewlett-Packard và Samsung. Nay nhà máy chế tạo iPhone ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, dùng 350,000 công nhân lãnh lương trung bình dưới $2 một giờ ; sản xuất 500,000 iPhone mỗi ngày, người dân bổn xứ gọi Trịnh Châu là "iPhone City".

Nhưng nhà máy rộng gần 6 cây số vuông này thuộc quyền sở hữu của một công ty Đài Loan, Foxconn. Một chiếc iPhone cần những bộ phận từ hơn 200 nhà cung cấp rải rách khắp thế giới, mà công ty Foxconn phải thiết lập mạng lưới tiếp liệu.

Trước đây các máy điện tử ráp trong nước Tàu phải "xuất cảng" qua Hồng Kông, đi một vòng chữ U nếu được "nhập cảng" về bán trong nước Tàu. Bây giờ, các máy iPhone ra lò được Foxconn ký giấy bán ngay cho Apple, để từ đó Apple phân phối cho các công ty con khắp thế giới. Chính phủ Trung Quốc đặt ngay bàn giấy thu quan thuế (hải quan) ngay bên cạnh nhà máy, đóng một dấu "xuất cảng" rồi lại đóng dấu "nhập cảng" cho những chiếc điện thoại được giữ lại để bán trong nước Tàu. Các iPhone mất ba ngày để được chuyển tới cửa hàng bán lẻ tại San Francisco ; nhưng cũng mất hai ngày mới ra mắt khách ở Thượng Hải. Một chiếc iPhone 7 với 32-gigabyte bán ở New York giá 649 USD còn giá ở Thượng Hải lên tới 776 USD.

Các công ty Mỹ như Apple sẽ rút ra khỏi Trung Quốc khi nào các nhà sản xuất của họ như Foxconn thiết lập được những nhà máy mới ở nước khác, đặt được mạnh lưới tiếp liệu từ mấy trăm nguồn khác nhau, và khó nhất là tuyển mộ được các công nhân thiện nghệ làm với đồng lương rẻ. Nhưng họ sẽ phải tính toán lời lỗ. Nếu cứ làm ở bên Tàu, chịu đóng thuế quan, nhưng vẫn rẻ hơn ở nước khác kể cả chi phí đầu tư vào các cơ xưởng mới và huấn luyện nhân viên, thì họ sẽ không rút đi.

Một nhà máy ráp ở Trung Quốc có thể chuyển các bộ phận từ những nhà cung cấp ở gần ngay trong một vùng. Đưa qua nước khác, nhất là các nước chưa mở mang, mạng lưới tiếp liệu sẽ rộng và xa nhau hơn, thêm một chi phí đáng kể !

Báo Wall Street Journal ngày 21 tháng Tám mới kể chuyện các công ty Trung Quốc làm điện thoại smart phone, làm thang bằng nhôm, làm bàn ăn hoặc máy hút bụi muốn chuyển cơ xưởng sang Việt Nam để tránh thuế quan của ông Trump đã gặp đủ các thứ khó khăn. Công ty Omnidex chế tạo máy bơm cần 80 bộ phận nhưng chỉ làm được 20 ở Việt Nam. Làm ăn ở Việt Nam còn kẹt vì hệ thống giao thông, bến cảng, phi trường vẫn còn lạc hậu so với xứ khác. Ngay cả việc đem việc sản xuất về Ấn Độ hay Mexico cũng gặp các vấn đề tương tự.

Tổng thống Trump có thể ra lệnh, nhưng các xí nghiệp tư bản không có thói quên nghe lệnh chính quyền. Thực ra, ông Myron Brilliant, đứng đầu phân bộ quốc tế của U.S. Chamber of Commerce, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, nói, "Tổng thống không nắm quyền ra lệnh các công ty phải làm gì".

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lên một cao điểm mà không ai có thể đoán sẽ đi tới đâu. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ gọi chủ tịch Trung Quốc là một "thù địch" khi ông so sánh Chủ Tịch Fed Jerome Powell và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "không biết ai là ‘kẻ thù lớn hơn’" (the bigger enemy). Từ lâu nay ông Trump vẫn gọi ông Tập là "bạn" kèm theo những lời khen ngợi.

Ngày Thứ Sáu, 23 tháng Tám, cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc Peter Navarro vẫn lạc quan nói rằng cuộc hẹn hò tái ngộ hai nước vẫn giữ nguyên, vào tháng Chín. Nhưng Bắc Kinh có thể coi chữ "kẻ thù" là một thông điệp chính thức có tính cách đe dọa, không thể bỏ qua được. Ông Tập Cận Bình không phải là người duy nhất nắm quyền quyết định chính sách kinh tế và ngoại thương. Bộ Chính Trị Trung Quốc có thể yêu cầu họ Tập cứng rắn hơn.

Trong khi đó, các doanh nhân Hoa Kỳ phải lên tiếng kêu gọi Tổng thống Trump giải quyết với Trung Quốc càng nhanh càng tốt. Vì cuộc chiến tranh thương mại này sẽ làm kinh tế thế giới sa sút hơn, sẽ ảnh hưởng tới người tiêu thụ và các xí nghiệp ở Mỹ. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 23/08/2019

Published in Diễn đàn

Dân Hồng Kông mới gửi một thông điệp hình ảnh cho dân chúng Trung Hoa lục địa : Vô Úy ! Không có gì phải sợ hãi.

tai1

Du khách vật vạ tại phi trường Hồng Kông hôm Thứ Hai, 12 Tháng Tám. (Hình : AP Photo/Kin Cheung)

Sau hơn hai tháng biểu tình và xung đột với lực lượng cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay, dân biểu tình đã khiến phi trường phải đóng cửa suốt ngày Thứ Hai. Đây là lần đầu tiên một phi trường thuộc lãnh thổ Trung Quốc phải đóng cửa, vì dân Hồng Kông tỏ thái độ phản đối hành động của cảnh sát tại sân ga xe lửa ngày Chủ Nhật. Họ tiếp tục chống cự cảnh sát trong ngày Thứ Ba với những chai nước bằng plastic.

Nhiều người đã lo lắng chính quyền Cộng Sản Trung Quốc sẽ mạnh tay. Quân đội Trung Quốc đồn trú còn bất động nhưng đã thị uy, tuyên bố có thể can thiệp ngay sau ngày 21 Tháng Bảy khi dân biểu tình ném bùn vào huy hiệu nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở trụ sở. Họ còn cho chiếu video cảnh lính tráng đàn áp một đám người đóng trò biểu tình.

Ngày Thứ Hai khi phi trường tê liệt, quân lính Trung Quốc kéo đến sát biên giới giữa Hồng Kông và Thẩm Quyến. Thế Giới Thời Báo, thuộc đảng Cộng Sản, ở Bắc Kinh đã gọi những người Hồng Kông biểu tình là bọn "tạo loạn" và nói rằng họ đang "tự hủy" vì "chơi với lửa", đe dọa sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một phóng viên tạp chí này bị nhận diện khi dân biểu tình hỏi giấy tờ ; rồi trói anh ta lại với hành lý bằng băng nhựa, ngăn cản không cho ai đánh anh ta, khoác vào anh chiếc áo T-shirt với hàng chữ "Tôi yêu cảnh sát Hồng Kông ;" cho đến khi anh được cảnh sát giải cứu.

Cuối cùng chỉ có hai cảnh sát viên bị thương và năm người biểu tình bị bắt. Các chuyến bay đã bắt đầu trở lại sáng ngày Thứ Tư.

Bài học cho dân chúng trong lục địa là : Không cần sợ hãi. Hồng Kông không thể biến thành một Thiên An Môn !

Lý do, không phải vì vai trò kinh tế của lãnh thổ với dân số chỉ bằng một nửa thủ đô Trung Quốc. Trước năm 1997, kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào cảng Hồng Kông hơn. Khi người Anh trao trả lãnh thổ cho Trung Quốc, Hồng Kông lớn hơn 15% kinh tế Trung Hoa lục địa. Sau hơn 20 năm, bây giờ GDP Hương Cảng chỉ bằng 3% của lục địa. Số thùng hàng (container) từ lục địa đi qua Hồng Kông ra nước ngoài cũng giảm, từ gần 150,000 mỗi năm xuống chỉ còn vài chục ngàn, vì các hải cảng của Trung Quốc đã phát triển.

Chỉ trong trong hai lãnh vực Trung Quốc vẫn chưa thể thay thế Hồng Kông : Giao thương tiếp liệu chiếm 22% và tài chánh chiếm 19% so với cả nước Trung Hoa.

Tại sao Trung Quốc không thể đánh phủ đầu, đưa "quân giải phóng" vào trấn áp dân Hồng Kông như họ đã hành động ở Thiên An Môn, ngăn không cho phi trường bị đóng cửa ?

Thứ nhất, bởi vì dân chúng ở Hồng Kông đồng tâm nhất trí phản kháng. Khi các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ bắt đầu, đã có hơn hai triệu người dân Hồng Kông xuống đường. Khi phát động đình công, bãi khóa ngày 5 Tháng Tám làm tê liệt cả hệ thống xe lửa, xe hàng và phi trường, hơn 350,000 người đã hưởng ứng. Chủ nhân các xí nghiệp và cửa hàng không ngăn cản mà còn khuyến khích công nhân tham dự đình công. Hàng chục ngàn công chức cũng đình công mặc dù bị cảnh cáo ; nói rằng họ là đầy tớ của nhân dân chứ không làm tay sai cho chính quyền. Năm 1989 dân Bắc Kinh chưa "giác ngộ" đến mức đó.

Hơn nữa, ở Bắc Kinh và khắp nước Tàu, Trung Quốc đã thiết lập được một hệ thống kiểm soát người dân rất chặt chẽ trong hơn 70 năm qua, với chế độ hộ khẩu, với công an khu vực gài khắp nơi, và các tiểu tổ đảng viên Cộng Sản nằm trong tất cả các xí nghiệp, các trường học, không chừa một chỗ nào. Guồng máy công an Cộng Sản có thể điểm mặt từng người dân chỉ rõ lý lịch đầy đủ, suốt đời. Với guồng máy đó dân trong lục địa chỉ cần sợ cũng tự khiến họ bất động, tê liệt. Sau khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh giết hàng ngàn sinh viên và công nhân, dân Bắc Kinh không dám cục cựa. Dân Hồng Kông may mắn chưa bị kiểm soát kỹ như vậy.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến Trung Quốc không thể ban lệnh "giới nghiêm" để ra tay tàn sát người dân Hồng Kông như ở Thiên An Môn năm 1989 là vì họ lo sợ hậu quả trên chính nền kinh tế đang trên đà trì trệ.

Hồng Kông vẫn còn đóng vai then chốt làm cửa ngõ cho đồng đô la từ nước ngoài đi vào nước Tàu. Đây là nơi các xí nghiệp trong lục địa tới để gây vốn, bằng đô la Mỹ. Nếu máu chảy, đồng đô la sẽ ngưng chảy.

Trong hai chục năm qua, kể từ khi trở về với "nước tổ" dưới quy chế "nhất quốc lưỡng chế", số tiền các công ty Trung Quốc vay nợ nước ngoài qua ngả Hồng Kông đã tăng lên hơn gấp đôi. Thị trường chứng khoán Hồng Kông đứng hàng thứ tư trên thế giới, còn thua Tokyo nhưng đã qua mặt London. Hơn 70% số vốn gây được qua thị trường này cung cấp cho các công ty trong lục địa ; trong đó có những xí nghiệp khổng lồ như Tencent, Xiaomi, Meituan. Các công ty này đã chọn ghi tên trên thị trường "Hằng Thịnh" mà không chọn các thị trường trong nước Trung Hoa.

Thêm một yếu tố khác : Các công ty nước ngoài đầu tư vào lục địa cũng lựa chọn, 60% tiền vốn đi qua ngả Hồng Kông trong nhiều năm qua. Nhiều công ty đa quốc (multinational) chọn Hồng Kông đặt trụ sở điều động các hoạt động trong vùng Á Đông. Từ năm 1997 đến nay số trụ sở tăng thêm hai phần ba, lên tới 1,500 công ty.

Tại sao đồng đô la lại chọn Hồng Kông làm xa lộ đi vào Trung Quốc ?

Rất giản dị, vì ở đó còn một hệ thống pháp luật đáng tin cậy. Các quan tòa độc lập với chính quyền, ngay cả cảnh sát cũng làm việc theo luật lệ, các công chức không coi dân như tôi tớ trong nhà ! Biến Hồng Kông thành Thiên An Môn, cả nền tảng lòng tin đó sẽ tan biến.

Hiện nay Hồng Kông đã đang bị đe dọa sẽ bị Singapore "cướp khách". Những công ty lớn như Google, Amazon, Facebook chọn đặt trụ sở vùng ở Singapore, một phần vì mối lo "tin tặc" có thể xuất phát từ trong lục địa. Nếu máu đổ, nhiều công ty quốc tế khác cũng sẽ chạy qua Singapore. Thế giới sẽ nhìn Hồng Kông không khác gì Trung Hoa lục địa. Cả nước Tàu sẽ bị thiệt hại.

Cuối cùng, sức mạnh của dân Hồng Kông khiến Trung Quốc không dám ra tay, như ở Thiên An Môn năm 1989, gồm hai thứ vô hình vô ảnh.

Thứ nhất, người dân ý thức rằng các quyền tự do họ đang được hưởng là căn bản cho đời sống kinh tế thịnh vượng. Vì thế, họ quyết tâm bảo vệ tự do. Thứ hai, xã hội Hồng Kông đã được đặt trên nền tảng pháp trị từ hàng thế kỷ, nó bảo đảm cho kinh tế phát triển. Nếu để mất hai thứ "sức mạnh mềm" đó thì Hồng Kông sẽ tự hủy diệt, chứ không phải vì dân đi biểu tình mà họ tự hủy diệt, như Bắc Kinh đe dọa. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 13/08/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 09 août 2019 21:08

Trump – Tập ăn miếng trả miếng

Tổng thống Donald Trump tin rằng quan hệ thân tình giữa cá nhân những người lãnh đạo sẽ đem lại hiệu quả tốt trong việc bang giao. Ông nói đến ông Kim Jong-un với lời lẽ kính trọng, dù trước đây khi chưa giao thiệp từng đặt tên chủ tịch Bắc Hàn là "Thằng Phi Đạn".

an1

Bộ Thương Mại Trung Quốc ra lệnh các doanh nghiệp nhà nước không mua nông sản Mỹ nữa. Trong khi, bán nông phẩm cho Trung Quốc là mối quan tâm của Tổng thống Trump. Trong hình, nông dân trữ đậu ở trang trại tại Scribber, tiểu bang Nebraska. (Hình : Johannes EiselE/AFP/Getty Images)

Lần đầu mới gặp ông Trump đã khen ngợi ông Kim là người yêu dân yêu nước và hai người "yêu nhau" (falling in love). Ông khen ông Kim Jong-un gửi những bức thư "tuyệt đẹp" (beautiful letters). Gần đây ông nói ông Kim cho thấy có "viễn tượng tuyệt đẹp" (beautiful vision) cho đất nước của mình.

Sau khi ông Kim cho bắn mấy phi đạn vừa rồi, ông Trump vẫn bỏ qua, tuýt rằng "Chủ tịch Kim chắc không muốn làm thất vọng bạn của ông ta, Tổng thống Trump" (Chairman Kim … does not want to disappoint his friend, president Trump). Cùng ngày 2/8, ông nhắc lại lần nữa, cộng thêm lời ca ngợi, trong một tuýt khác : "Chủ tịch Kim không muốn vi phạm tấm lòng tin tưởng khiến tôi thất vọng… triển vọng của đất nước Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, sẽ vô giới hạn" (North Korea… potential as a Country, under Kim Jong-un’s leadership, is unlimited).

Có lẽ ông Kim Jong-un hiểu tâm trạng "Ông bạn" Trump của mình. Cho nên trong ba lần thử phi đạn vừa rồi, ông Kim chỉ cho bắn những tên lửa vừa tầm để đánh Nhật Bản, Nam Hàn (hay Trung Quốc) chứ không phải những thứ bắn tới Los Angeles như trước đây.

Donald Trump cũng để mắt xanh với Tập Cận Bình. Ngay cả khi mới tuyên bố sẽ đánh thuế nhập cảng trên hết số hàng hóa còn lại Trung Quốc bán vào nước Mỹ, 300 tỷ USD một năm, tổng thống Mỹ vẫn gọi chủ tịch Trung Quốc là "Ông bạn Tập Cận Bình của tôi".

Điều đáng chú ý là, đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì ông Trump luôn tỏ vẻ kính trọng và nhiều lúc cười đùa thân mật nhưng không thấy ông gọi ông Putin là "Ông bạn" cũng như không hay dùng các thông điệp Twitter để nói về ông Putin.

Nhưng "Ông bạn" Tập Cận Bình, khác với "Ông bạn" Kim Jong-un, đã làm ông Trump thất vọng, tổng thống Mỹ nói thẳng ra như vậy.

Sau khi gặp "Ông bạn" Tập Cận Bình ở Thượng Hải vào tháng Sáu, ông Trump về nước khoe "Ông bạn" đã hứa sẽ cho mua thêm nông sản của Mỹ. Ông Tập Cận Bình và báo, đài Trung Quốc không nhắc gì đến lời hứa hẹn đó. Không ai biết ông Tập đã nói với ông Trump những gì.

Giữa tháng Bảy, ông Trump tuýt ra rằng sao ông chưa thấy Trung Quốc mua gì cả, ông rất thất vọng. Cuối tháng, hai ông bộ trưởng Mỹ qua Thượng Hải gặp phó thủ tướng Trung Quốc, trở về cũng nói Bắc Kinh sắp mua thêm nông phẩm. Báo chí Bắc Kinh loan tin bộ ngoại thương của họ đang chuẩn bị làm danh sách mua những thứ gì.

Nhưng tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy "Ông bạn" Tập Cận Bình của mình một chút. Phái đoàn Mỹ vừa về nhà, ông Trump tuýt ra một đòn mới : Sẽ đánh 10% thuế quan trên 300 tỷ USD hàng nhập cảng từ nước Tàu kể từ đầu tháng Chín.

Miếng đòn này ông Trump tính từ trước. Bộ Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã muốn nói cho Phó Thủ tướng Lưu Hạc biết mối đe dọa này để tạo thêm áp lực, nhưng Tổng thống Trump không đồng ý. Cho nên đối với Bắc Kinh, đây là một cú đánh bất ngờ.

Một điều ông Trump có lẽ không để ý, là lời đe dọa thuế quan trên 300 tỷ USD này ông được đưa ra trong lúc hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đang đi nghỉ Hè với nhau ở khu du lịch Bắc Đại Hải. Họ gặp nhau hằng ngày bên bờ hồ, bàn đại sự trong không khí vui chơi. Tất cả văn võ bá quan chứng kiến Tập Cận Bình bị Trump tát vào mặt sau khi Tập mới quyết định cho mua nông phẩm để chiều Trump !

Tập phải ăn miếng trả miếng. Bộ Thương mại Trung Quốc ra lệnh các doanh nghiệp nhà nước không mua nông sản Mỹ nữa. Bán nông phẩm cho Trung Quốc là mối quan tâm của Tổng thống Trump, vì sang năm ông cần những lá phiếu của các nhà trồng trọt. Nông sản Mỹ bán sang Tàu năm 2017 là 19,5 tỷ USD. Vì chiến tranh mậu dịch qua năm 2018 Tàu chỉ còn mua 9,1 tỷ USD ; nửa đầu năm 2019 đã giảm bớt 1,3 tỷ USD nữa, so với năm trước. Riêng món đậu nành năm 2017 Mỹ bán 12,23 tỷ USD, năm 2018 chỉ còn 3,13 tỷ USD. Niên khóa này Mỹ sẽ xuất cảng 10 triệu tấn đậu nành qua Tàu, năm ngoái từng bán được 27 triệu tấn rưỡi. Tập Cận Bình đã đánh vào một yếu huyệt của Donald Trump trước năm bầu cử.

Tập lại bồi thêm một miếng võ tiền tệ. Sau bản tuýt 300 tỷ USD của Trump, cả thế giới lo trận chiến tranh mậu dịch sẽ leo thang bất tận ; thị trường chứng khoán bên Tàu đi xuống. Các nhà buôn tiền tệ nhìn thấy kinh tế nước Tàu cùng với giá trị đồng nhân dân tệ đều đi xuống, họ cùng đem tiền nước Tàu đi mua đô la, đẩy giá xuống thêm. Trung Quốc lẳng lặng để cho đồng tiền nước mình tụt giá, hơn 7 đồng nguyên mới đổi được một đô la.

Mấy năm nay Bắc Kinh vẫn bảo vệ giá trị đồng tiền, mỗi khi nó bị thị trường đẩy xuống thì Ngân Hàng Trung Ương lại đem đô la dự trữ ra mua, không để đô la lên trên mức 7 đồng nguyên. Con số 7 là một "bức tường" tâm lý. Giờ, Tập Cận Bình cho phá bức tường đó.

Ngay lập tức, tổng thống Mỹ phản pháo. Bộ Trưởng Mnuchin tuyên bố đặt Trung Quốc vào danh sách các nước "thao túng đồng tiền" (currency manipulation) để cạnh tranh bất chính. Trung Quốc đã được đặt trong bản danh sách "chờ" bị kết tội này, trong đó có cả nước Đức, Malaysia, Việt Nam và Nam Hàn ; bây giờ được nêu đích danh.

Cuộc đấu ăn miếng trả miếng giữa Trump và Tập có chỗ thực, chỗ hư. Đánh thuế 10% trên 300 tỷ USD mặt hàng sẽ gậy ảnh hưởng thực tế. Ngưng mua nông sản Mỹ sẽ tác động trên cuộc tranh cử của ông Trump năm tới.

Nhưng hai miếng đòn hạ giá đồng nguyên và kết tội thao túng tiền tệ chỉ là đánh nhứ, không có ảnh hưởng đáng kể.

Trước cuộc đấu tay đôi mới này, Ngân Hàng Trung Ương Bắc Kinh đã ấn định mức giá đồng nguyên là 6,9225 đồng lấy một Mỹ kim. Khi họ thả lỏng cho nó rơi, tỷ giá lên tới 7,05. Giá trị chỉ giảm gần 2%. Mấy ngày sau, Bắc Kinh lại cố gắng không cho đồng tiền của mình tụt giá nữa. Bởi vì lợi bất cập hại.

Đồng nguyên tụt giá thì Tàu có lợi khi bán hàng sang Mỹ. Thí dụ một con búp bê bằng nhựa bán sang Mỹ với giá 1 USD. Lúc mỗi đô la bằng 6 nguyên thì người bán bên Tàu thu được 6 đồng. Nếu bây giờ 7 đồng nguyên mới bằng một đô la thì, người Tàu bán vẫn thu 6 đồng nguyên nhưng người Mỹ mua chỉ phải trả 85,7 cent tiền Mỹ thôi. Phải đóng thêm thuế quan 10% thì nhà nhập cảng Mỹ cũng chỉ phải trả hơn 94 cent thôi ! Họ có thể tiếp tục mua, có thể bán giá thấp hơn !

Nhưng cho đồng nguyên xuống giá cũng làm nước Tàu bị thiệt. Trước hết, hàng nhập cảng vào nước Tàu, từ bất cứ quốc gia nào, cũng tăng giá ; vì trên thế giới này các nước mua bán với nhau đều thanh toán bằng Mỹ kim. Trước đây người Tàu mua món nào 1 USD giờ vẫn phải trả 1 USD. Chỉ có khi tính ra nhân dân tệ là giá cao hơn. Hàng nhập lên giá, tức là phải lo lạm phát. Kinh tế đang trì trệ mà còn phải lo chống lạm phát ! Quá nhiều việc !

Hơn nữa, các công ty ở nước Tàu và các chi nhánh của họ đã đi vay khắp thế giới, và vay bằng đô la, sẽ trả tiền lãi và vốn bằng đô la. Hiện số nợ này lên trên 3.000 tỷ USD. Đẩy đồng đô la lên tức là bắt người Tàu phải trả lãi và vốn nặng hơn ! Trong 12 tháng tới các công ty xây dựng trong nước Tàu sẽ phải trả 18 tỷ USD tiền vay ở nước ngoài, chưa kể phải trả số nợ trong nước tương đương với 35 tỷ USD. Đảng cộng sản Trung Quốc không muốn đô la lên giá quá. Ông Tập Cận Bình đánh một chiêu nhưng sẽ không muốn phải đối phó với các khó khăn trên. Ông sẽ giữ giá trị đồng nguyên không để nó xuống thấp hơn nữa so với đô la Mỹ.

Cho nên, ngày Thứ Năm vừa qua giá Mỹ kim chỉ còn 7,04 nguyên.

Để đáp lại vụ đồng tiền Trung Quốc sụt giá, ông Trump dọa sẽ đẩy giá trị đồng Mỹ kim, ông lại thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt lãi suất. Nhưng nếu đô la xuống giá thì chính phủ Mỹ cũng lo. Vì khi thấy đô la trên đà đi xuống thì nhiều nước sẽ "tạm ngưng" không đi mua đô la để cho chính phủ Mỹ vay nữa. Tội gì mua đô la bây giờ, khi biết rằng mai mốt ông Trump sẽ đẩy đồng tiền xuống giá ? Hiện mỗi năm ngân sách Mỹ thiếu hụt 1.000 tỷ USD, thế nào cũng phải vay thêm nâng số 22.000 tỷ USD nợ lên cao hơn !

Miếng đòn đánh trả của Mỹ "kết tội thao túng tiền tệ" cũng là một hư chiêu. Lần trước, nước Tàu đã bị đặt vào danh sách "thao túng tiền tệ" vào năm 1994, thời ông Bill Clinton, và đó là một đòn đánh thật vì Bắc Kinh mới phá giá đồng nguyên 50%. Năm nay, trong lời tuyên bố của ông Mnuchin ông nói thêm rằng quyết định này còn phải tham khảo với Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Chắc chắn Bắc Kinh sẽ tìm cách thuyết phục IMF rằng họ không hề thao túng.

Với những đòn đánh qua đánh lại, nửa thực nửa hư như trên, tháng Chín tới, hai bên Mỹ, Tàu chắc sẽ còn gặp nhau nữa.

Nhưng Tổng thống Trump chắc đã rút ra được một bài học : Không thể cứ gọi lãnh tụ một nước khác là "Bạn" thì sẽ làm cho họ trở nên hiền lành dễ thương ! Ông Tập hay cậu Kim, người nào cũng lo quyền lợi riêng của họ. Sự thật là "Trade War is not good ! Trade war is not easy to win !" 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 09/08/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 26 juillet 2019 21:43

Putin làm chư hầu Tập Cận Bình

Tạp chí Economist tuần này kể chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu qua thăm Tajikistan, xứ nghèo nhất trong các nước Trung Á đã tách khỏi Liên Bang Xô Viết sau năm 1991. Ông Shoigu đi thanh tra Sư Đoàn 201, với 7.000 quân, đạo quân Nga đông nhất đóng ở nước ngoài.

putin0

Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Quốc. Trong hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn "Một Vành Đai, Một Con Đường" ở Bắc Kinh hôm 27/4/2019. (Hình : Valeriy Sharifulin/AFP/Getty Images)

Khi ông Shoigu tới ăn tại "Lâu Đài Sĩ Quan", một khách sạn lớn của quân đội ở Dushanbe, thủ đô Tajikistan, thì thấy trên tường phòng ăn treo một bức chân dung lớn của Tập Cận Bình. Khách sạn này do Trung Quốc viện trợ, tiệm ăn trong đó là quán cơm Tàu.

Không phải chỉ có khách sạn. Trung Quốc cũng viện trợ xây cất dinh tổng thống và trụ sở quốc hội nước Tajikistan. Hệ thống điện thoại của Bộ Ngoại giao được người Tàu đem biếu, bộ phận "trả lời tự động" lúc đầu chỉ nói tiếng Trung Hoa.

Trung Quốc cũng làm đường, xây trường học, và cho chính phủ Tajikistan vay 1,3 tỷ USD, bằng một nửa toàn thể số nợ của nước này. Trung Quốc khai thác mỏ vàng, bạc trong xứ, cung cấp nhà máy điện và các máy chụp hình kiểm soát giao thông ở ngã tư. Quân Trung Quốc đóng trong vùng biên giới giữa Afghanistan, Tajikistan và Pakistan. Sĩ quan Tajikistan được huấn luyện ở Thượng Hải.

Chính phủ Nga vẫn coi vùng Trung Á, trước đây thuộc Liên Xô, là "sân sau" của mình, về kinh tế cũng như quốc phòng. Nhưng Vladimir Putin không còn kiểm soát được các nước chư hầu nữa. Quân Trung Quốc thao dượt ở Tajikistan, không cần báo cho chính phủ Nga biết.

Ngược lại, Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Quốc.

Quan hệ Nga-Trung đã thay đổi. Stalin coi Đảng cộng sản Trung Hoa là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế. Gorbachev coi Giang Trạch Dân là ngang hàng. Nhưng bây giờ ngôi vị đảo ngược.

Nga chiếm Crimea năm 2014, rồi xâm lăng Ukraine, bị các nước Tây phương phong tỏa kinh tế. Vì thế Putin đã quay về phía Đông. Tập Cận Bình mở vòng tay Panda ôm con gấu Nga, ký một thỏa ước 30 năm, mua 400 tỷ USD dầu khí của Nga. Nga xóa bỏ các hạn chế đầu tư ngoại quốc riêng cho các xí nghiệp Tàu. Sẵn sàng bán các loại vũ khí không phải hạt nhân.

Nga lệ thuộc Tàu về kinh tế. Năm 1989 Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nga lớn gấp đôi của Trung Quốc, dù dân số ít hơn. Năm nay, GDP của nước Tàu bằng sáu lần nước Nga. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì mua hàng hóa của Nga, sau Liên Hiệp Âu Châu ; và mua nhiều dầu, khí của Nga nhất. Trong số dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, có 14% là đồng Nguyên (CNY), tiền Trung Quốc. Khác với đô la Mỹ (USD) hay đồng Euro (EUR), đồng Nguyên không thể đem bán nhanh chóng trong thị trường thế giới khi cần.

Trung Quốc càng phát triển thì càng cần nhập cảng năng lượng ; đã được Putin mở cửa bán rẻ. Một nửa số dụng cụ khai mỏ dầu ở Nga do Trung Quốc cung cấp. Trung Quốc cho Rosneft, doanh nghiệp nhà nước của Nga vay tiền mua các công ty nhỏ, đổi lại sẽ bảo đảm được bán dầu. Một công ty quốc doanh của Bắc Kinh làm chủ 20% dự án khai thác dầu vùng bắc cực của Novatek, công ty dầu khí của Timchenko, một trong các tỷ phú thân cận với Putin.

Trước đây Nga nắm độc quyền đặt ống dẫn dầu trong vùng Trung Á, nay đang bị Trung Quốc lấn đất. Trước đây, một công ty Nga kiểm soát hết các ống dẫn dầu ở Kazakhstan, một nước trước đây thuộc Liên Xô. Nay, dầu lửa từ Kazakhstan chảy thẳng qua Trung Quốc bằng một hệ thống dẫn dầu mới.

Nhiều người Nga lo sợ nhất, là nước Nga dựa vào Trung Quốc khi thiết lập hệ thống viễn thông mới, gọi là 5G. Trong tương lai, một nửa mạng Internet ở Nga sẽ do Trung Quốc đặt nền móng.

Trung Quốc có kinh nghiệm nhất trong việc kiểm soát và đàn áp dân. Họ cung cấp cả hệ thống lẫn các dụng cụ giúp Putin kiểm soát dân Nga. Putin nhờ công ty Huawei thiết lập các điện thoại 5G, bất chấp những báo động của giới tình báo. Tổng thống Donald Trump đã cấm các xí nghiệp Mỹ không được mua đồ của Huawei vì mối lo này. Hệ thống viễn thông 5G có một nhược điểm là rất dễ bị "xâm nhập phá hoại" (hacking).

Hệ thống 5G chạy nhanh gấp 20 lần các máy móc cũ. Không chỉ dùng để thông tin như máy móc bây giờ, nay mai các "điện thoại" có thể điều khiển nhà máy, sai bảo các "robot" làm việc trong nhà, mở cửa đóng cửa, mở tủ lạnh, nấu ăn, trông coi trẻ em, điều khiển xe chạy điện hay máy bay nhỏ…

Hệ thống viễn thông mới có thể trở thành vũ khí.

Cựu Trung tướng Robert Spalding đã viết một bài báo động các nước mua hàng của Huawei hoặc ZTE vì họ bán giá rẻ về nguy cơ nếu Trung Quốc bán và đặt các dụng cụ viễn thông. Spalding mô tả các thành phố có thể biến thành bãi chiến trường : Thử tưởng tượng có lúc những chiếc xe điện bỗng dưng chạy bừa bãi, đâm nhau và cán người đi bộ. Những máy bay nhỏ không người lái (drone) lao vào động cơ các phi cơ chở khách ! Ông lên tiếng : Phải gạt Huawei và ZTE ra khỏi các nước tự do dân chủ.

Hệ thống 5G sẽ được áp dụng trong kỹ thuật chiến tranh. Thử tưởng tượng một toán đang hành quân trong rừng, mỗi người lính đi cách đồng đội hàng trăm mét. Họ biết ai đang ở chỗ nào, nhờ cái máy "đồng hồ điện thoại" đeo trên tay. Hệ thống này không cần đến vệ tinh nhân tạo như GPS, mà trực tiếp truyền từ máy này tới máy khác.

Một binh sĩ bị trúng mìn hay đạn của quân địch, ngã bất tỉnh. Cái "đồng hồ" có "sensor" thấy ngay tình trạng khẩn cấp, báo động cho các bạn. Cái đai anh lính đeo ở chân hay tay tự động thắt lại để cầm máu ; mũi kim tự động chích thuốc và toán cấp cứu ở xa được báo động ngay.

Lập tức, cái "đồng hồ" cũng đưa ra ngay một đội hình tác chiến dựa trên tin tức mới biết về vị trí quân địch. Chiến xa không người lái chạy đến tăng cường. Cùng lúc dó, trực thăng cấp cứu bay ngay tới chỗ anh lính bị thương vì biết anh ta đang ở đâu.

Thử tưởng tượng, nếu bên địch có thể làm nhiễu loạn cả hệ thống thông tin của đạo quân này, liệu còn đánh nhau được nữa hay không ?

Ông Alexei Navalny, một thủ lãnh đối lập còn sống sót ở Nga, cảnh cáo Tổng thống Putin đang làm cho nước Nga lệ thuộc vào Trung Quốc, trong chính trị và cả trong các kỹ thuật tân tiến ; khi Putin để cho Trung Quốc chiếm gần như độc quyền cung cấp các khí cụ từ bên ngoài nước Nga. Bất cứ nhà lãnh đạo nào, sau Putin, cũng không thể gỡ nước Nga thoát khỏi vòng lệ thuộc đó. Navalny nói : "Ông Putin đang biến người lãnh đạo Nga sắp tới trở thành ‘con tin’ của Trung Quốc. Họ sẽ khó mà buộc được chính quyền Trung Quốc phải thiết lập một quan hệ bình đẳng, được dân Nga chấp nhận.

Leonid Kovachich, một nhà báo Nga chuyên về công nghiệp tân tiến, tiết lộ rằng các khoa học gia Nga đều biết mối nguy nếu để cho Trung Quốc xâm nhập vào lãnh vực kỹ thuật mới, và họ đang cố gắng kiến tạo các chương trình, các ký mã trong nhu liệu, phần mềm, hoàn toàn độc lập với các dụng cụ của Trung Quốc. Nhưng các máy móc, thuộc phần cứng thì vẫn mua của nước Tàu.

Tại sao Vladimir Putin để nước Nga lâm vào tình trạng lệ thuộc này ?

Vì Putin không có cách nào khác, sau khi bị các nước Âu, Mỹ cấm vận. Hai cái đầu con diều hâu trong huy hiệu nước Nga bây giờ quay cùng một phía, phía Đông.

Nhưng còn một lý do thực tế hơn, là các tay đầu nậu (oligarch) chung quanh ông Putin đang hưởng lợi nhờ khai thác quan hệ kinh tế với Trung Quốc để hốt bạc. Họ tích cực vận động cho chính sách "ngả sang Tàu" của Vladimir Putin. Gennady Timchenko, trước đây bán dầu cho Châu Âu kiếm hàng tỷ Mỹ kim, nay làm ăn với người Tàu ; đang làm chủ tịch Hội đồng Thương mại Nga-Trung.

Nhưng các xí nghiệp Trung Quốc không thích đầu tư vào nước Nga, ngoài lãnh vực dầu khí. Họ đem tiền kinh doanh ở Mỹ hoặc Âu Châu vì những xứ đó có hệ thống pháp luật đáng tin cậy ! Khi làm ăn, ai cũng muốn được luật pháp bảo vệ, mà tinh thần trọng pháp thì ông Putin đã xóa ở nước Nga mất rồi !

Không phải chỉ có nước Nga đang bị dẫn đi sai đường. Tất cả những nước quá tin tưởng vào Trung Quốc cũng vậy. Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bẫy này không ?

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 26/07/2019

Published in Diễn đàn

Có bao nhiêu công dân Mỹ theo dõi các phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ? Chắc không nhiều lắm, mặc dù những quyết định của Tòa Án Tối Cao ảnh hưởng trên đời sống tất cả mọi người !

danchu1

Trụ sở Tối Cao Pháp Viện Mỹ ở Washington, D.C. (Hình : AP Photo/Patrick Semansky)

Trong tuần qua, các quan Tòa Tối Cao mới bác bỏ hai bản án của tòa dưới, về vấn đề phân chia địa giới các đơn vị bầu cử một cách bất bình thường, gọi là "gerrymandering", theo tên của ông thống đốc tiểu bang Massachusetts vào cuối thế kỷ 18, đầu 19, là người đầu tiên dùng sáng kiến này. Đây là một đề tài quan trọng mà mọi người Mỹ đều nên hiểu, khi muốn bảo vê quyền công dân của mình trong các cuộc bầu cử.

Trước hết, "gerrymander" là gì ?

Ông Elbridge Gerry (1744-1814), một người ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, đã vẽ bản đồ các đơn vị bầu cử trong Massachusetts để làm lợi cho đảng mình bằng cách phân chia địa giới các đơn vị bỏ phiếu.

Thí dụ, nếu có hai đơn vị bầu cử mà đảng đối thủ đều thắng với 51% số phiếu, thì cắt một khu dân chúng ủng hộ đảng đó ra khỏi một đơn vị, ghép vào đơn vị kia. Như vậy, trong kỳ bỏ phiếu sau, đảng đối thủ có thể chiếm được 60% số phiếu ở đơn vị thứ nhì nhưng thua ở đơn vị thứ nhất khác vì chỉ còn dưới 50% ủng hộ ! Công việc rất dễ, vì mỗi lần kiểm phiếu người ta biết đa số dân ở một khu phố hay một xóm thích bầu cho đảng nào.

Có nhiều trường hợp phức tạp hơn, nhưng vẫn làm được. Thí dụ, ghép rất nhiều vùng ủng hộ đảng đối lập vào chung một đơn vị, cho đảng đó thắng gần 100% số phiếu ; nhưng họ sẽ bị mất phiếu ở nhiều đơn vị khác sau khi bị cắt bớt ! Phân chia ranh giới như vậy thì địa giới các đơn vị bỏ phiếu không còn vuông vức, ngay ngắn nữa, có khi không ra hình thù nào cả. Một tờ báo ở Boston, năm 1812, đã dùng tên "Gerry-mander" gọi đơn vị bầu cử Essex South do Thống Đốc Gerry cắt xén và ghép thành, vẽ bản đồ đơn vị đó như một con quái vật có mỏ, có cánh, nhại tên quái vật "salamander" trong thần thoại.

Một thí dụ gần đây là đảng Dân Chủ nắm quyền ở Illinois đã chia lại các đơn vị bầu cử để chiếm thêm ghế nơi cử tri mà trước đó bàu cho đảng Cộng Hòa. Dân ở thành phố Chicago trong tiểu bang này thường ủng hộ đảng Dân Chủ ; trong khi vùng thôn quê chung quanh đa số thích đảng Cộng Hòa. Nghị viện tiểu bang, do Dân Chủ kiểm soát, đã phân chia lại các đơn vị bỏ phiếu. Họ cắt Chicago ra thành nhiều mảnh, giống như cắt bánh "pizza" thành nhiều miếng theo đường kính, rồi ghép các miếng vào với vùng thôn quê kế cận bên ngoài, để tăng số người ủng hộ trong các đơn vị mới được phân chia lại.

Tại tiểu bang Wisconsin, sau cuộc kiểm tra dân số năm 2010, Cộng Hòa kiểm soát nghị viện đã vẽ lại bản đồ bầu cử. Kết quả là trong năm 2012, Cộng Hòa chiếm 66 ghế trong số 99 đại biểu được dân bầu, trong khi đếm số phiếu bầu thì họ chỉ chiếm được 48.6% số phiếu của cử tri toàn tiểu bang !

Phán quyết mới của Tối Cao Pháp Viện là trường hợp hai tiểu bang, Maryland và North Carolina. Ở Maryland, nghị viện tiểu bang phe Dân Chủ đã phân chia ranh giới các đơn vị để cho đảng mình được lợi thế, còn tại North Carolina thì ngược lại, đảng Cộng Hòa làm chủ nghị viện vẽ lại bản đồ bỏ phiếu theo ý mình. Hai tòa án cấp dưới đã yêu cầu hai tiểu bang này vẽ lại bản đồ bầu cử, vì họ cố ý làm cho kết quả bầu cử thiên lệch. Nhưng Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ phán quyết của cả hai tòa dưới với tỷ số 5-4.

Chánh án John Roberts đại diện cho phe đa số lý luận rằng, theo hiến pháp, việc vẽ bản đồ bầu cử là trách nhiệm của các tiểu bang. Đây là một vấn đề chính trị. Ngành tư pháp không nên can dự vào lãnh vực chính trị, cho nên không thể phê phán hành động nào là công bằng hay không công bằng.

Thay mặt phe thiểu số, Thẩm Phán Elena Kagan nghĩ khác. Bà cho rằng Tối Cao Pháp Viện đã từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp khi chấp nhận những cách chia đơn vị bầu cử thiên vị, trái với tinh thần dân chủ.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện sẽ ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu năm 2020. Hiện nay có nhiều nghị viện tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát, và ít nhất năm tiểu bang vẽ các ranh giới đơn vị bỏ phiếu có lợi cho Cộng Hòa, trong khi phía Dân Chủ chỉ làm được tại hai tiểu bang.

Nhưng hậu quả lâu dài đáng kể hơn. Sang năm nước Mỹ lại kiểm tra dân số, theo lịch 10 năm một lần. Sau đó, các tiểu bang đều có quyền vẽ lại các đơn vị bầu cử. Sau khi Tối Cao Pháp Viện từ chối không dính vào chuyện này, các nhà chính trị sẽ tha hồ làm "gerrymandering" mà không còn sợ bị kiện nữa !

Mỗi đảng chính trị đều tìm cách chiếm lợi thế khi họ kiểm soát được nghị viện tiểu bang. Như vậy họ sẽ tìm cách kéo dài lợi thế của mình nhờ "gerrymandering !" Cứ như thế, một đảng có thể chiếm lãnh một tiểu bang trong nhiều chục năm.

Kết quả là người dân sẽ chán chính trị, khi thấy quyền bỏ phiếu của họ không còn giá trị nữa !

Làm cách nào nền dân chủ nước Mỹ có thể thoát khỏi "tai nạn" này ? Có hai đường, tư pháp và chính trị.

Một điều may mắn là các tòa án cấp tiểu bang có thể buộc các nhà chính trị phải thay đổi, mà không cần theo án lệ của Tối Cao Pháp Viện liên bang. Tại Pennsylvania, năm ngoái Tòa Tối Cao của tiểu bang đã bác bỏ bản đồ bầu cử của nghị viện vì cố ý thiên lệch, phán quyết hoàn toàn dựa trên hiến pháp của tiểu bang. Nhiều nhóm công dân ở North Carolina đang chuẩn bị thưa vụ này tại tòa án tiểu bang, với hy vọng kết quả tương tự.

Tiểu bang Florida đã tu chính bản hiến pháp để thêm một điều bảo vệ tính chất công bằng trong việc vẽ bản đồ đơn vị bàu cử. Một số tiểu bang như Colorado, Michigan, Missouri và Utah đã thay đổi luật, trao quyền vẽ ranh giới các đơn vị bàu cử cho các ủy ban độc lập, phi đảng phái.

Khi Tối Cao Pháp Viện từ chối "không dính đến chính trị" thì các công dân và các nhà chính trị phải gánh lấy trách nhiệm. Dân chúng các tiểu bang có thể bàu cho những ứng cử viên nào nói rõ ràng họ không chấp nhận "gerrymandering". Dân cũng có quyền yêu cầu chính quyền tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này, bắt nghị viện tiểu bang bắt chước, Florida hay Colorado, Michigan, Missouri.

Sau cùng chính Quốc hộiliên bang có thể gánh lấy trách nhiệm, làm một đạo luật ngăn chặn hành động thiên lệch kiểu "gerrymandering". Cuối cùng, tương lai nền dân chủ Mỹ tùy thuộc vào chính người dân, khi họ bỏ phiếu bàu đại biểu ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 29/06/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 21 juin 2019 00:47

Trump, Khamenei và Kim Jong-un

Không ai đoán được ông Donald Trump sắp làm gì. Ông Trump biết như vậy, và cố ý làm cho người ta thấy như vậy. Đó là chiến thuật "Lấy hư làm thực, lấy thực làm hư", theo sách Tôn Tử.

kim1

Người đứng đầu nhánh hàng không vũ trụ lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, ông Amir Ali Hajizadeh, bên cạnh những mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ hôm Thứ Sáu 21 Tháng Sáu, 2019, tại Tehran, Iran. (Hình : Meghdad Madadi/Tasnim News Agency/via AP)

Khi nghe tin chiếc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rớt trong Vịnh Hormuz, ông Trump nói ngay rằng Iran đã phạm một "Lầm lẫn lớn !" Đây là một lời đe dọa rất nặng, khi một vị tổng thống Mỹ nói ra. Sau đó, ông lại nói, chắc đây là một vụ bắn lầm, ngụ ý chắc giới lãnh đạo Iran không ra lệnh nhưng thuộc cấp tự ý bắn.

Ngày hôm sau, ông Trump cho biết ông đã ra lệnh tấn công ba địa điểm ở Iran để trả đũa, nhưng sau mười phút đã quyết định thôi. Nhiều người nghĩ các hỏa tiễn sắp phát pháo hay máy bay đang trên đường tới đánh các đài radar và căn cứ phòng không ở Iran để trả đũa, nhưng sau mười phút đã được lệnh ngưng, hoặc quay trở về. Nhưng sau đó ông Trump nói rõ hơn : Ông chưa ra lệnh chuẩn bị đánh.

Ông Trump đã thành công : Không ai biết ông sẽ làm gì, sau khi gửi hai mẫu hạm và thêm 2.500 quân tới vùng Vịnh Oman và Biển Ba Tư, tất cả đều nhắm vào Iran.

Nếu chưa quen với địa lý vùng này thì quý vị có thể hình dung từ Vịnh Oman trong Ấn Độ Dương đi vào Biển Ba Tư phải qua Eo Biển Hormuz. Bên bờ phía Đông là nước Iran, phía Tây là các nước Ả Rập, trong đó nước Saudi lớn nhất. Phía Bắc là các nước Iraq và Kuwait.

Các nước Ả Rập theo phái Sun Ni, còn Iran theo phái Shi A, hai phái trong Hồi Giáo đã kình chống nhau hàng ngàn năm nay. Iraq đa số dân theo Shi A, chính phủ do quân đội Mỹ lập nên và bảo vệ ; còn các đám dân quân Shi A được Iran giúp nhưng vẫn hợp tác với chính quyền. Tất cả các nước trên đều sản xuất dầu, cho nên một phần ba số dầu lửa của cả thế giới đi qua Eo Hormuz rộng mấy cây số. Nếu chiến tranh xảy ra thì giá dầu sẽ tăng vọt, kinh tế toàn cầu sẽ gặp nguy.

Vì vậy, không ai muốn chiến tranh xảy ra.

Kể cả ông Trump. Vì kinh tế suy thoái là điều bất lợi cho cuộc tranh cử sang năm của ông. Ông Trump đã muốn rút quân Mỹ ra khỏi Syria, Iraq, Afghanistan, ông không tính đem quân tới Venezuela và ông ngưng cả những cuộc tập trận lớn với Nam Hàn vì không muốn làm ông Kim Jong-un mất vui. Như vậy thì khó lôi kéo ông vào một cuộc chiến tranh với Iran.

Vậy ông Trump tính toán gì trong những hành động gần đây với Iran ?

Chủ đích của ông là bắt Iran phải thương thuyết lại với Mỹ và sáu cường quốc khác để sửa đổi bản thỏa hiệp Mỹ đã đạt được năm 2015, sau khi ông Obama lôi kéo được Anh, Pháp, Đức và các đồng minh Âu Châu ngưng nhập cảng dầu lửa của Iran, bắt buộc Iran phải chấp nhận ngưng sản xuất năng lượng có thể làm bom nguyên tử.

Ông Trump đã rút ra khỏi bản thỏa hiệp, nước Mỹ cấm vận Iran lại như cũ và gia tăng các biện pháp ngăn không cho Iran xuất cảng dầu lửa. Ba nước Âu Châu và Nhật, Nga, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện thỏa hiệp 2015. Nhưng các công ty và ngân hàng của các nước này cũng bị Mỹ cấm vận nếu làm ăn với Iran, cho nên họ phải cắt đứt quan hệ, nhất là ba nước Âu Châu và Nhật. Cho nên kinh tế Iran ngày càng yếu trong gọng kìm của Mỹ.

Trong cuộc đấu giữa Trump và Khamenei hiện nay mỗi bên tìm cách tăng áp lực của mình. Trump hy vọng kinh tế Iran sẽ suy đến độ Khamenei không chịu đựng được, phải bắt lấy đề nghị gặp ông Trump cho yên thân.

Ông Trump tin rằng với áp lực cấm vận, ông sẽ buộc giới lãnh đạo Iran phải xin đàm phán, nếu không kinh tế sẽ suy sụp. Ông mở cửa trước, tuyên bố sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Giáo Chủ Ayatollah Khamenei. Như ông đã bắt tay ông Kim Jong-un sau khi vừa cấm vận kinh tế vừa dọa đánh.

Nhưng Iran khác với Bắc Hàn. Xứ này từng là trung tâm một đế quốc từ thời thượng cổ, tranh đua với các đế quốc ở Hy Lạp, Ấn Độ và Iraq. Và ông Khamenei biết có thể được Nga, Trung Quốc ủng hộ, các nước Âu Châu không muốn cắt đứt mọi quan hệ kinh tế.

Để tạo áp lực trên các nước Âu Châu, Iran đã tuyên bố sẽ ngưng không thi hành một điều trong bản thỏa hiệp năm 2015. Họ sẽ bắt đầu tinh luyện các chất tạo năng lượng nguyên tử phải ngưng sau khi ký thỏa hiệp ; nhưng vẫn nói sẽ không chế tạo bom nguyên tử. Iran hứa sẽ thu lại quyết định này nếu các nước Âu Châu tiến hành một hệ thống tài chánh giúp Iran tránh bớt những tai hại do việc cấm vận của Mỹ gây ra.

Trong cuộc đấu với Iran, Mỹ dùng đòn bẩy kinh tế khiến các công ty và ngân hàng khắp thế giới phải ngưng hợp tác với các công ty và ngân hàng của Iran ; nếu không sẽ bị các xí nghiệp và ngân hàng Mỹ cắt đứt liên lạc. Tất cả các giao dịch quốc tế đều dùng đồng đô la Mỹ, do đó phải đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Các nước Âu Châu có thể giúp Iran tránh ra ngoài "vòng kim cô" này nếu lập một hệ thống chỉ dùng đồng euro khi mua bán, và được Trung Quốc chấp nhận thì vòng kim cô của ông Trump sẽ bị nới lỏng. Bắc Kinh thì đã sẵn sàng nhận cho Iran thanh toán bằng đồng nguyên của họ, thu được khi Iran bán dầu cho Trung Quốc.

Iran còn những đòn bẩy khác để chống lại áp lực của Mỹ. Một là mối đe dọa làm cho Eo Biển Hormuz bị tắc nghẽn. Iran sẽ không chính thức nhúng tay nhưng có rất nhiều nhóm những đội quân của người theo phái Shi A ở khắp vùng Trung Đông có thể đánh vào quyền lợi Mỹ và đồng minh của Mỹ trong vùng. Trong thời gian qua những nhóm này, từ các nước Yemen, Syria, Lebanon và cả Iraq có thể đã tấn công vào các nhà máy lọc dầu, ống dẫn dầu và làm cháy mấy tàu chở dầu trong vùng Vịnh Oman. Mỗi biến cố đều làm cho giá dầu trên thế giới tăng lên.

Ayatollah Khamenei khác Kim Jong-un. Khi Tổng Thống Trump làm áp lực với Chủ Tịch Kim Jong-un, Bắc Hàn hoàn toàn bị cô lập, Nga không có khả năng giúp gì về kinh tế, và ngay cả Trung Quốc cũng thờ ơ vì ông Kim Jong-un tỏ ra bất phục tòng. Hiện nay ba nước Âu Châu, Nhật Bản và Nga, Trung Quốc vẫn còn tôn trọng thỏa hiệp năm 2015 với Iran. Những nước này có thể giúp Iran về ngoại giao cũng như về kinh tế.

Năm 2017 Tổng Thống Trump dọa sẽ tiêu diệt Bắc Hàn. Lãnh tụ Kim Jong-un có thể lo bị Mỹ và Nam Hàn đánh phủ đầu, bắt đầu bằng những cuộc không kích phá các kho vũ khí nguyên tử. Nhưng ông Khamenei có thể tin rằng chính phủ Mỹ sẽ không tấn công Iran một cách toàn diện, sau khi Mỹ đã rút kinh nghiệm vụ đánh Iraq. Iran phóng hỏa tiễn "địa không" trúng chiếc máy bay không người lái của Mỹ cho thấy hệ thống phòng không của họ mạnh hơn Iraq năm 2003 rất nhiều.

Cho nên trong thời gian tới Trump và Khamenei sẽ chỉ tiếp tục đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh tự kiềm chế.

Tổng Thống Trump cho biết ông ngưng không tấn công ba mục tiêu đã chọn sau khi một vị tướng báo cáo cuộc không tập đó có thể làm chết 150 người Iran. Ông Trump nói như vậy là "không cân xứng". Nghĩa là không nên giết 150 người Iran để trả đũa vụ máy bay bị bắn không chết một người Mỹ nào !

Nhưng ông Trump không ngưng tạo áp lực. Ông đã từng cho bắn hỏa tiễn vào Syria hai lần ; và sau đó lại tính rút quân khỏi Syria, các tướng lãnh Mỹ phải ngăn cản. Ông có thể tiếp tục đánh vào một số mục tiêu ỏ Iran theo lối đó, nếu bị khiêu khích.

Và Iran không dại gì khiêu khích. Bộ tư lệnh quân đội Iran còn cho biết họ đã chọn bắn chiếc máy bay không người lái của Mỹ mà tránh không bắn một chiếc máy bay chở quân cụ khác trên đó có 35 quân nhân Mỹ trong cùng thời gian đó đang bay vào không phận Iran. Họ cũng không muốn khiêu khích để bị trả đũa "cân xứng". Hai chữ "cân xứng" có ý nghĩa. Mỗi bên đều muốn giới hạn cuộc đụng độ để không làm mất mặt bên kia khiến cho chiến tranh lớn có thể bùng nổ.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 21/06/2019

Published in Diễn đàn

Một thành kiến về dân Hồng Kông : Họ chỉ lo làm ăn, họ không quan tâm đến chính trị.

Những người Trung Hoa này đã sống 99 năm trong chế độ thuộc địa Anh Quốc. Chưa thấy ai đổ máu đòi độc lập bao giờ. Được trả lại cho Trung Quốc, họ còn 50 năm chưa phải sống dưới chế độ độc tài. Đảng cộng sản Trung Quốc chấp nhận nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế", một quốc gia, hai thể chế khác nhau, cho tới năm 2047.

 

dan1

Một người biểu tình nhặt lựu đạn cay và ném trả cảnh sát. (Hình: Billy H.C. Kwok/Getty Images)

Nhưng Chủ nhật vừa qua, hơn nửa triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối một dự luật về dẫn độ. Chính quyền bất chấp, sẽ cho nghị viện biểu quyết vào ngày thứ Tư. Ngày đó, mấy trăm ngàn người bỏ không coi cửa tiệm, ngưng công việc làm, nghỉ học, lại xuống đường bao vây tòa nhà lập pháp (LegCo), ngăn các nghị viên không vào họp được.

Bà Carrie Lam là vị "hành chánh trưởng quan" thứ tư từ năm 1997 khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc. Tuy xuất thân là một công chức trong chế độ thuộc địa từ năm 1980, bà Lâm Quách Nguyệt Nga (林鄭月娥, Lín-Zhèng Yuè’é) cương quyết bảo vệ dự luật dẫn độ vì đó là một sáng kiến của chính mình, và bà được Bắc Kinh hoan nghênh.

Nhưng tại sao dân Hồng Kông lại quyết tâm chống dự luật này như vậy ?

Bà Carrie Lam đưa ra dự luật dẫn độ vì một vụ án giết người ở Đài Loan năm ngoái. Một người Hồng Kông, Trần Đồng Giai (Chan Tong-kai, 陳同佳) đã giết cô bạn gái trong khi đang du lịch, rồi trốn về. Giữa Hồng Kông với Đài Loan không có hiệp ước dẫn độ, nên không thể đưa anh ta qua bên đó xử. Tòa án Hồng Kông lại không có thẩm quyền xử một tội phạm xảy ra ở nước khác. Để "bảo vệ tinh thần thượng tôn luật pháp", như bà Carrie Lam nói, bà đề nghị tu chính đạo luật về dẫn độ, cho phép từ nay chính quyền được dẫn độ các nghi can qua nước khác, dù hai bên không ký hiệp ước dẫn độ.

Dự luật này được áp dụng hồi tố, cho những vụ án trong quá khứ (như vụ Trần Đồng Giai), cho nên ảnh hưởng sẽ rất lớn. Người dân Hồng Kông lo sợ : Nếu chính quyền Trung Quốc, vin vào luật mới này, đòi dẫn độ những người mà họ coi là phạm pháp thì sao ?

Bao nhiêu nhà kinh doanh ở Hồng Kông đã làm ăn trong lục địa. Nếu Trung Quốc buộc họ vào tội hối lộ quan chức thì họ có bị dẫn độ hay không ? Ai làm ăn trong một nước cộng sản mà không hối lộ ? Doanh nhân Hồng Kông có thể bị các công ty trong lục địa khởi tố các tội như vậy, chỉ vì cạnh tranh. Các thương gia đều có thể bị áp lực, nhất là khi họ cũng làm ăn với Mỹ.

Các giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng phản đối. Họ vẫn gửi Kinh Thánh vào phổ biến trong lục địa, một điều Trung Quốc vẫn cấm. Bao nhiêu di dân mới từ lục địa qua Hồng Kông tị nạn cũng lo sợ. Trung Quốc đã từng bắt cóc những người bán sách ở Hồng Kông, vì họ phổ biến sách viết về cuộc tàn sát Thiên An Môn.

Bà Carrie Lam đã sửa đổi một số điều trong dự luật để dân bớt lo. Thí dụ, trong danh sách các tội có thể bị dẫn độ bà đã xóa bớt nhiều thứ "tội" lên quan đến thương mại và các người chuyên nghiệp, để giới kinh doanh thôi chống đối.

Nhưng còn những người dân Hồng Kông khác thì sao ? Họ không thể nào yên tâm khi biết rằng dự luật này sẽ mở cửa cho chính quyền cộng sản Trung Quốc, khi nào họ muốn, có thể áp dụng pháp luật của họ trên dân cư Hồng Kông !

Từ năm 1997, do quy tắc "nhất quốc lưỡng chế", dân Hồng Kông vẫn sống với hệ thống luật của Anh Quốc. Người Anh để lại hệ thống tư pháp độc lập, bảo vệ quyền tự do cá nhân và giới hạn quyền hành quan chức. Tòa án Hồng Kông vẫn theo truyền thống Anh, được người dân kính trọng và tin tưởng. Ông Chris Patten, người Anh cầm đầu Hồng Kông sau cùng khi thương thuyết với Trung Quốc, nhận xét về cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật : "Cả Hồng Kông và Trung Quốc đều biết rằng phải có một ‘bức tường lửa’ ngăn cách hai hệ thống pháp luật".

Dự luật của bà Carrie Lam có thể phá vỡ bức tường lửa đó.

Bà Lam có thể không dụng tâm bắt dân theo luật lệ Trung Quốc. Bà đã thề không bao giờ phản bội người dân Hồng Kông, mắt rưng rưng muốn khóc. Nhưng dân Hồng Kông không bao giờ tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc, họ còn khinh bỉ nữa ! Trong lúc nửa triệu người đi biểu tình buổi tối ngày Chủ nhật, nhiều người Hồng Kông vẫn đi coi trận đá banh với đội cầu Đài Loan. Khai mạc, ban nhạc cử hai bản quốc thiều, khi nghe thấy điệu quốc ca của Trung Quốc, cầu trường nổi lên những tiếng la ó chế nhạo !

Người dân Hồng Kông khinh rẻ chế độ độc tài cộng sản. Họ biết chắc chắn là tòa án trong lục địa chỉ là tay sai của đảng. Với dự luật dẫn độ mới, họ sợ sẽ mất hết những quyền tự do đã được tôn trọng từ thời thuộc địa.

Từ khi nhà Thanh nhường Hồng Kông cho Anh Quốc, năm 1897, dân Hồng Kông đã được sống trong một hệ thống luật pháp mới, thoát khỏi chế độ tham tàn, độc đoán của các quan chức Mãn Thanh. Cũng giống người Việt ở miền Nam là thuộc địa Pháp, từ giữa thế kỷ 19, đã được hưởng nhiều quyền tự do hơn đồng bào sống dưới chế độ vua quan nhà Nguyễn. Chỉ có ở Sài Gòn và Lục Tỉnh các nhà cách mạng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu mới có quyền làm báo tố cáo quan lại tham nhũng, được chỉ trích cả chế độ thực dân Pháp; và Phan Châu Trinh mới có quyền diễn thuyết về chế độ dân chủ – trong khi cụ bị triều đình Huế kết án tử hình.

Hồng Kông đã là nơi nuôi dưởng những hạt giống tự do, không riêng cho người Trung Hoa mà cũng từng là nơi trú ẩn của những người Việt làm cách mạng, cộng sản cũng như quốc gia. Chế độ thuộc địa của người Anh đã tập cho dân Hồng Kông sống trong tinh thần thượng tôn pháp luật, những người cầm quyền cũng phải tuân theo luật lệ. Họ biết bất cứ người dân nào cũng có một số quyền tự do căn bản, chỉ còn thiếu quyền bỏ phiếu. Đó là một nơi có tự do dù còn thiếu dân chủ, nhưng vẫn sống dễ thở hơn những chế độ độc tài của nhà Thanh hay của Trung Quốc. Trong môi trường tự do và luật pháp công minh đó, kinh tế Hồng Kông đã phát triển hơn tất cả các vùng khác ở Á Đông, trừ nước Nhật. Chính vì vậy mà dân Hồng Kông quyết tâm bảo vệ quyền sống của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên dân Hồng Kông cho thế giới thấy họ rất quan tâm đến chính trị khi quyền sống căn bản của họ bị xúc phạm. Năm 2003, sáu năm sau khi thuộc về tay Trung Quốc, dân Hồng Kông đã biểu tình lớn như lần này, hơn nửa triệu người, phản đối một dự luật về an ninh, vì nó đe dọa những quyền tự do dân sự. Sau đó, nghị viện lập pháp LegCo đã phải bỏ không đem ra bàn nữa. Năm năm mới đây, những cuộc biểu tình trong Phong Trào Che Dù (Umbrella Movement) đã lớn tiếng đòi tự do, dân chủ và công lý. Chàng thanh niên nổi bật trong cuộc vận động đó, Joshua Wong, hiện đang bị giam nên không có mặt trong các cuộc biểu tình mới. Nhưng các người đi biểu tình năm nay, phần lớn là thanh niên, thuộc rất nhiều nhóm dân khác nhau.

Người ta thường nghĩ dân Hồng Kông không quan tâm đến chính trị, điều này có một phần sự thật. Nhưng chính vì vậy những cuộc biểu tình, những năm 2003, 2014 và năm nay làm mọi người ngạc nhiên vì tính chất bột phát, bất ngờ. Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 cũng bột phát và bất ngờ như vậy. Phong Trào Đoàn Kết, Solidarnosc ở Ba Lan cũng bột phát, bất ngờ như vậy!

Nhiều người cũng cho rằng dân Việt Nam hiện nay chỉ lo làm ăn, không quan tâm đến chính trị. Tháng Sáu năm ngoái, người Việt Nam đã cho thấy thành kiến đó sai lầm. Người Việt đã biểu tình từ Bắc vào Nam phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng. Nhưng dân Việt Nam đâu có kém thông minh hơn dân Hồng Kông, đâu có thiếu dũng cảm nều so sánh với dân Hồng Kông? Những cuộc cách mạng lớn trong lịch sử thường bột phát và bất ngờ!

Ngô Nhân Dụng

Nguyễn Người Việt, 11/06/2019

Published in Diễn đàn

Cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 21 giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể tránh được; nhưng suốt 30 năm qua các chính khách "lễ độ" không ai muốn nói trắng ra. Tổng thống Donald Trump phá lệ.

thamvong1

Tổng thống Donald Trump có thể nhẹ tay với Huawei nếu Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu nhượng bộ. Trong hình, một cửa hàng Huawei ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 24 Tháng Năm, 2019. (Hình : Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Ông mở trận chiến mậu dịch với mục tiêu khiêm tốn là cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Nhưng sau khi ông Trump cho nổ "phát súng thuế quan", bao nhiêu mâu thuẫn vẫn được ngấm ngầm bỏ qua cùng xuất hiện. Và những mâu thuẫn này rất lớn, lớn hơn chuyện khiếm hụt mậu dịch, lớn hơn nhiệm kỳ một ông tổng thống hay ông tổng bí thư đảng.

Mâu thuẫn chính là quan niệm về trật tự thế giới của Trung Quốc và các nước Tây phương, là lối sống và suy nghĩ của hai nền văn minh.

Từ hơn nửa thế kỷ nay, các nước Âu Châu và Mỹ đã tỏ ý "ân hận" về những lầm lỗi mà các "đế quốc" phương Tây đã phạm trong các thế kỷ trước, khi họ bành trướng sang Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Không thấy người Trung Hoa nào tỏ ra ân hận về hành động bành trướng của các đế quốc thời Hán, Đường, Minh, Thanh. Trái lại, họ thấy đó là những thời đại huy hoàng chỉ mong lập lại.

Tập Cận Bình vẽ ra "Giấc Mộng Trung Quốc" nhắm giành lại địa vị huy hoàng đó. Ông đánh đúng tâm can của người Trung Hoa, để cho hơn một tỷ người chấp nhận sống dưới ách độc tài đảng trị.

Chương trình "Một Vành Đai, Một Con Đường", công bố năm 2013 là tham vọng thiết lập một khối kinh tế Âu-Á Châu (Eurasia) theo gương các hoàng đế nhà Đường.

Eurasia sẽ trở thành một khối kinh tế lớn trên thế giới, vượt nước Mỹ. Hiện nay thương mại giữa hai lục địa này đã lên tới 2.000 tỷ USD mỗi năm, gấp đôi thương vụ trao đổi giữa Âu Châu và Mỹ Châu. Khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP (Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương), Trung Quốc là nước duy nhất có kế hoạch lâu dài bao gồm cả hai lục địa này, lập ra một "trật tự thế giới" trong thế kỷ 21.

Các nước Tây phương muốn một thế giới sống với các quyền tự do, chế độ dân chủ, minh bạch công khai, tôn trọng luật pháp, kinh tế do tư nhân quyết định. "Nhất Đới, Nhất Lộ" theo một mô hình khác. Nhà nước đóng vai chủ động, luật pháp không quan trọng bằng quyền lực chính trị, giới lãnh đạo quyết định trong bí mật, người dân thường không cần biết.

Cuộc đối đầu giữa Donald Trump với Tập Cận Bình chỉ là mặt nổi của mối xung khắc giữa hai quan niệm sống đó. Khi yêu cầu Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế mới chấm dứt cuộc chiến thuế quan, chính quyền Mỹ đã đụng tới các quy tắc sống căn bản của họ. Giáo sư Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong, 殷弘), Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét rằng riêng trong vấn đề quyền sở hữu tri thức, Mỹ đã đưa ra hàng trăm vụ vi phạm của các công ty Trung Quốc; muốn chấm dứt thì phải thay đổi hệ thống luật lệ. Không phải thay đổi một, hai điều luật mà thay đổi hàng trăm thứ luật.

Ông Thì Ân Hoằng kết luận : Mỹ muốn Trung Quốc phải thay đổi cách điều hành nền kinh tế, ở trong nước và ở ngoài. Cuối cùng, cuộc đấu không còn là vấn đề mậu dịch nữa. Họ muốn Trung Quốc phải theo lối làm ăn của hệ thống thị trường trong quan niệm tự do từ Tây phương, hậu quả là chấm dứt chế độ độc đảng.

Đó là mâu thuẫn căn bản mà các cuộc thương thuyết không thể nào tháo gỡ được, dù hai bên có thể đi tới những thỏa hiệp tạm thời.

Lối thoát duy nhất của chính quyền Trung Quốc là đứng một mình, dần dần tách rời hai nền kinh tế khác nhau từ cơ cấu đến nguyên tắc vận hành. Trung Quốc sẽ tăng cường thương mại với các nước trên lục địa Á-Âu, qua dự án "Nhất Đới, Nhất Lộ". Thế giới có thể chia thành hai khối kinh tế, với hai trung tâm, Mỹ và Trung Quốc, chấp nhận một cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 21.

Nhưng dự án đầy tham vọng này khó tiến hành. Vì hiện nay kinh tế Trung Quốc không đủ sức chạy đua với Mỹ trên các kỹ thuật và công nghiệp tiên tiến. Vụ Huawei cho thấy yếu huyệt của kinh tế Trung Quốc. Những công ty đứng hàng đầu về kỹ thuật tiên tiến ở Trung Quốc, như Huawei, ZTE tùy thuộc vào nguồn tiếp liệu từ Mỹ, từ các vật liệu đến các sáng chế mà các công ty Mỹ giữ bản quyền.

Báo, đài ở Trung Quốc đang cổ võ Huawei hãy đứng vững dù bị chính phủ Mỹ tấn công. Họ hô hào cả nước hãy tự lực tự cường, làm lấy tất cả những thứ gì đang phải mua từ nước Mỹ. Nhưng hệ thống viễn thông do Huawei chế tạo, từ chất bán dẫn (semiconductors) đến các chương trình phần mềm (software) nhiều thứ vẫn phải mua từ các công ty Mỹ. Trung Quốc chưa chế được đồ thay thế. Mà nếu đi mua của Nhật Bản hoặc Đại Hàn thì các nhà cung cấp ở hai nước đó cũng đang dùng đồ Mỹ hoặc được các công ty Mỹ bán bản quyền. Lệnh cấm của chính phủ Mỹ không cho phép các công ty này bán cho Huawei. Vì vậy các công ty Nhật Bản Panasonic và Hitachi mới ngưng trao các bộ phận mà họ vẫn bán cho Huawei, sau khi Mỹ cấm.

Huawei đã cố gắng mở mang công việc chế chất bán dẫn, với công ty con HiSilicon, để khỏi phải mua chip từ các công ty Mỹ như Intel. Nhưng HiSilicon phải mua bản quyền sáng chế cua công ty Anh Quốc ARM ở Cambridge. Hầu hết các điện thoại di động trên thế giới đều dùng kiểu mẫu do ARM sản xuất. Ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh cấm Huawei, ARM đã cắt đứt quan hệ với Huawei, vì chính họ cũng đang dùng các bằng sáng chế của Mỹ.

Tập Cận Bình đã hô hào mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới để tự túc về kỹ thuật tiên tiến. Nhưng Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng tự túc mà kết quả không như ý muốn.

Từ các thập niên 1990 và 2000 họ đã đầu tư nhiều tỷ đô la để bắt đầu thành lập kỹ nghệ làm chip điện tử. Người được đưa ra cầm đầu là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng, 绵恒), con chủ tịch Giang Trạch Dân, đứng đầu công ty Grace Semiconductor. Kế hoạch này thất bại, bây giờ vẫn chỉ là một công ty không cạnh tranh được với ai.

Công ty Jinhua Integrated Circuit ở tỉnh Phúc Kiến chuyên chú sản xuất loại chip ghi nhớ (memory chip) DRAM năm ngoái đã sụp đổ sau khi bị Mỹ cấm, vì bị tố cáo đã ăn cắp kiểu mẫu của hãng Micron. Công ty Yangtze Memory Technologies đã lập từ 12 năm để sản xuất memory chip nhưng hiện nay vẫn còn chạy sau Samsung của Hàn Quốc hơn năm năm.

Các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước bảo trợ không đuổi kịp các công ty tư bản. Vì vậy sau 20 năm tìm cách chế ra một hệ thống điều hành (OS, operating system) cho máy vi tính, họ đã thành công với một OS tương tự như Windows XP của Microsoft. Nhưng lúc đó thì chính công ty Mỹ Microsoft đã bỏ hệ thống XP, thay thế bằng nhiều hệ thống mới cho khách hàng chọn. Huawei đang tính làm lấy một OS cho điện thoại thông minh để khỏi lệ thuộc vào hệ thống Android được Google bán bản quyền và sẽ chấm dứt. Nhưng theo các kinh nghiệm trên thì hy vọng rất mong manh.

Giấc mộng "tự lực tự cường" trong lãnh vực kỹ thuật tiên tiến của Tập Cận Bình khó thành công. Chủ nhân sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei, 任正非) mới thú nhận : "Trung Quốc không thể thành công nếu trông đợi vào các phát minh sáng chế từ nội địa. Sẽ mất rất nhiều thời gian !".

Để tự túc trong các kỹ nghệ tiên tiến, Trung Quốc có thể trông đợi vào các nước thân hữu trên các "đường tơ lụa mới" Nhất Đới Nhất Lộ hay không ? Các nước Âu Châu trao đổi với Mỹ có lợi hơn, và cũng phụ thuộc vào các quyền sở hữu tri thức trong công nghiệp tiên tiến của Mỹ. Các nước khác chắc cũng không muốn gia nhập một khối kinh tế lúc nào cũng tiến chậm hơn Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn hàng chục năm.

Cuộc chiến tranh mậu dịch của ông Donald Trump lúc đầu nhắm giảm cán cân thương mại khiếm hụt, nhưng đã cho ông Tập Cận Bình thấy nhược điểm chính yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Ông Trump không gây ra chướng ngại cho tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ông vô tình cho họ Tập nhìn thấy rõ những chướng ngại đó. Giấc mộng tái lập các đế quốc Hán, Đường còn xa, rất xa.

Nhưng ông Trump có chủ tâm tiêu diệt Huawei và công nghiệp tiên tiến của Trung Quốc hay không ? Chính phủ Mỹ không muốn tấn công Huawei và các công ty Trung Quốc tới cùng, vì họ không muốn các công ty Mỹ mất những mối hàng lớn bán cho Trung Quốc. Cuộc chiến tranh mậu dịch nào cũng gây thiệt hại cho cả hai bên.

Giới tình báo Mỹ đều coi Huawei là một mối đe dọa về an ninh quốc gia. Trong hội nghị Shangri-La vừa qua, các viên chức Mỹ đã cảnh cáo rằng Mỹ sẽ không chia sẻ các tin tức tình báo với các quốc gia sử dụng đồ của Huawei. Nhưng ông tổng thống Mỹ lại mới nói rằng ông có thể nhẹ tay với Huawei nếu Tập Cận Bình chịu nhượng bộ. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 11/06/2019

Published in Diễn đàn

Đầu năm nay, Đảng cộng sản Trung Quốc mở một cuộc thao diễn quân sự với chủ đề "giải phóng Đài Loan". Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố Trung Quốc càng đe dọa càng khiến Trung Hoa Dân Quốc quyết tâm tăng cường quân lực, bảo vệ quốc gia. Bà cũng nói thêm, báo tin phi công Đài Loan sắp qua căn cứ Luke, tiểu bang Arizona nước Mỹ để dự huấn luyện.

dailoan0

Một chiến đấu cơ F-16V do Mỹ sản xuất tập cất cánh từ xa lộ, trong cuộc tập trận ở thành phố Chương Hóa, miền Trung Đài Loan, hôm 28/05/2019. (Hình : Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Ngày Thứ Ba vừa qua, bà Thái Anh Văn đã chứng kiến cuộc tập trận lớn nhất quân đội của Đài Loan, chuẩn bị trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Bà đến coi phi cơ chiến đấu đáp xuống một xa lộ, gần phi trường Đài Trung. Nếu phi trường bị phá, máy bay vẫn có thể được tiếp tế nhiên liệu, bom đạn đầy đủ rồi cất cánh rất nhanh. Trong cùng ngày, báo chí loan tin Đài Loan đã có đủ các bộ phân để chế tạo loại máy bay không người lái (drone) mang tên Đằng Vân (Teng Yun), có thể có thể bay vào lục địa Trung Quốc để do thám, bỏ bom, bắn phi đạn, vân vân.

Đằng Vân dài 12 mét, dùng động cơ TPE331 của hãng Honeywell trên loại drone MQ-9 của Mỹ nhưng do một công ty của Australia sản xuất. Đài Loan cũng đã được phép mô phỏng để chế tạo động cơ J85 của hãng General Electric, vẫn được gắn trên các hòa tiễn bắn thẳng (cruise missiles) và trên chiến đấu cơ F-5.

Những vũ khí như máy bay drone, cruise missiles, và cuộc thực tập đáp máy bay trên xa lộ đều là những biện pháp phòng thủ của Đài Loan, đề phòng Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tấn công thì máy bay và hỏa tiễn từ Đài Loan có thể bay vào phá các căn cứ hỏa tiễn và phi trường quân sự trong lục địa. Nếu các phi trường Đài Loan bị phá hư thì phi cơ chiến đấu có thể được tiếp tế khi đáp xuống xa lộ.

Đài Loan đã sẵn sàng chống cự một cuộc xâm lăng ; Đảng cộng sản Trung Quốc cũng chuẩn bị để sẵn sàng tấn công, nếu muốn. Một phần ba ngân sách quốc phòng của Trung Quốc nhắm nhu cầu đánh và chiếm đóng Đài Loan.

Liệu Bắc Kinh có dám đánh hay không ?

Cuộc chiến sẽ bắt đầu bằng những trận mưa hỏa tiễn phóng từ căn cứ ở Phúc Kiến. Mục tiêu là các phi trường, các trung tâm truyền thông, radar, hệ thống vận chuyển thủy, bộ, và các cơ quan đầu não chính phủ. Cùng thời gian đó, các điệp viên Trung Quốc sẽ tổ chức phá hoại và ám sát để làm tê liệt guồng máy lãnh đạo.

Sau mưa pháo đến màn chính là cuộc đổ bộ. Hàng chục ngàn tàu chiến và thương thuyền trưng dụng có thể chở đến một triệu quân ; được pháo đài bay và chiến đấu cơ yểm trợ trên không. Nếu không quân Đài Loan bị tê liệt, bộ binh sẽ tan vỡ, chỉ trong một, hai tuần quân Trung Quốc có thể tiến vào Đài Bắc. Chế độ quân quản ra đời, tuyên bố tình trạng thiết quân luật, trong khi quân Trung Quốc chuẩn bị chống cự quân Mỹ và các đồng minh, như Nhật Bản, Úc, và Nam Hàn, nếu họ phản ứng.

Nhưng liệu quân Trung Quốc có thể thực hiện được kế hoạch trên hay không ?

Trở ngại thứ nhất là họ không thể nào tấn công bất ngờ.

Trong một năm chỉ có hai lần, mỗi lần bốn tuần lễ, thời tiết thuận lợi để chuyển quân qua eo biển Đài Loan, vào tháng Tư và tháng Mười.

Muốn tấn công Đài Loan, Trung Quốc phải huy động lực lượng trong vòng 60 ngày. Đối phương sẽ biết trước ít nhất là một tháng trước khi bị đánh. Một tháng đủ cho quân đội Đài Loan sẽ đưa các phi cơ, hỏa tiễn và chiến thuyền ra xa những địa điểm có thể bị hỏa tiễn nhắm. Giới lãnh đạo sẽ rút vào núi với các hầm trú ẩn và hệ thống thông tin được bảo đảm. Các đơn vị quân đội vào nơi ẩn tránh an toàn, 2,5 triệu quân trừ bị được phát vũ khí. Trong khi đó, các tàu ngầm và thủy lôi được trải khắp vùng quanh bờ biển đón chờ các chiến thuyền Trung Quốc.

Ngoài thủy lôi là vũ khí sẽ gây tổn thất nhiều nhất, chiến thuyền Trung Quốc sẽ bị tấn công bằng máy bay, hỏa tiễn, drone, và trọng pháo trong khoảng 160 km eo biển, có thể mất tám tiếng, trước khi tiến tới các bãi biển có thể đổ bộ. Chỉ có 13 bãi có thể đổ bộ trên bờ biển của Đài Loan đối diện với lục địa. Tất cả các bãi đó đều đã được chuẩn bị chờ Trung Quốc tấn công.

Các thị xã đều có các ổ chiến đấu và giao thông hào bằng xi măng cốt sắt. Ngoài biển, chung quanh mỗi bãi đã đặt những ống ngầm dưới nước, chứa xăng dầu sẵn sàng phun lên đánh "hỏa công !". Ngoài những hàng rào kẽm gai, các bãi biển này còn là nơi tập trung các nhà máy hóa học. Nếu Trung Quốc bắn phá trước khi đổ bộ, thì hóa chất cháy sinh độc hại tràn ngập không khí trong nhiều ngày.

Quân Trung Quốc tiến được lên bờ sẽ tiếp tục bị tấn công bằng những máy bay F-16, hỏa tiễn Harpoon, trọng pháo, được đưa ra từ những hầm cất giấu trong núi.

Quân đội Đài Loan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống phòng thủ nhằm tiêu diệt quân địch trên tất cả các con đường từ các bãi biển về thủ đô Đài Bắc, qua những cầu, đường, bao nhiêu ngôi nhà có thể nhanh chóng biến thành ổ kháng cự.

Cuộc tiến quân nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc không quân yểm trợ. Sách huấn luyện của Không quân Trung Quốc đã báo trước cho các phi công của họ là Đài Loan đã lập ra những mô hình giả mạo đánh lừa máy bay và hỏa tiễn ! Việc phá hủy các vũ khí của Đài Loan sẽ khó khăn vô cùng. Giới quân sự biết rằng trong cuộc chiến 1990-1991, quân Mỹ và đồng minh bỏ 88 ngàn tấn bom không phá được một giàn hỏa tiễn lưu động nào của Iraq. Trận NATO đánh Serbia chỉ phá được ba giàn hỏa tiễn của Serbia. Không quân Trung Quốc chắc cũng không giỏi hơn.

Trong câu chuyện trên đây chúng ta chưa đề cấp đến yếu tố Mỹ. Các cuộc nghiên cứu quân sự cho biết chỉ cần tám chiếc tàu ngầm Mỹ có thể đánh đắm 40% các chiến thuyền Trung Quốc nếu tấn công Đài Loan. Mỹ có thể mất một tàu ngầm. Chiến lược của Đài Loan là làm sao để quân Trung Quốc chịu tổn thất quá lớn, và dù đánh thắng cũng sẽ không thể bình định được Đài Loan !

Với các dữ kiện trên, liệu Tập Cận Bình có muốn tấn công Đài Loan không ? Nếu đánh chiếm rồi thì có thể cai trị được không ? 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 31/05/2019

Published in Diễn đàn