Cá tháng Tư là ngày tha hồ đùa cợt mọi người mà không sợ ai giận. Nhưng khi tạp chí Cầu Thị của Đảng cộng sản Trung Quốc đăng một bài diễn văn của Tập Cận Bình đúng vào ngày 1 tháng Tư, năm 2019, thì không ai nghĩ đây là trò đùa, dù đó là một bài cũ đã đăng từ lâu rồi. Ông Tập Cận Bình đã đọc bài này ngày 5 tháng Giêng, 2013, một tháng sau khi nhậm chức.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa), trò chuyện với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Bắc Kinh hôm 29 tháng Ba, 2019. (Hình : Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)
Cầu Thị là tiếng nói "chỉ đạo" của Trung Quốc, do Đặng Tiểu Bình lập ra năm 1988, thay thế báo Hồng Kỳ thời Mao Trạch Đông. Cái tên bắt nguồn từ một khẩu hiệu Đặng đưa ra, "Thực Sự Cầu Thị" (shí shì qiú shì, 实事求是) để nhắn nhủ đảng viên hãy "đi tìm sự thật" chớ không nên chỉ lo hô những khẩu hiệu rỗng tuếch.
Có lẽ ông Tập Cận Bình ra lệnh in lại bài này để các đảng viên Trung Quốc. Đặc biệt nhất là trong bản in lần này lại có thêm những đoạn không thấy trong lần in trước.
Thao bản dịch của nhật báo South China Morning Post, Hồng Kông, thì trong đoạn mới được thêm ông Tập nói rằng, "các đồng chí phải biết các xã hội tư bản có một khả năng tự sửa sai rất hay ; không nên coi thường ưu thế của những nước Tây phương đã phát triển về kinh tế, khoa học, quân sự…"
Trong bài diễn văn cũ này, Tập Cận Bình cũng dẫn lời Đặng Tiểu Bình nói, rằng "Xây dụng và củng cố chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa sẽ phải mất hàng chục thế hệ !" Họ Đặng nói câu này hồi năm 1992, trong khi đi vận động tiếp tục đổi mới kinh tế. Lúc đó, thế lực của Đặng đang bị đe dọa vì phe bảo thủ muốn trở về thời "bao cấp". Lúc đó đã 87 tuổi, Đặng vẫn phải đi một vòng các thành phố đã thành công trong việc cải tổ, Vũ Hán, Thâm Quyến, Chu Hải, Thượng Hải, để chứng tỏ quyết tâm cải tổ.
Một điều đáng chú ý là tháng Chín vừa qua, con trai của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phú Phong (Deng Pufang) cũng mới trích dẫn câu nói của bố trong một bài báo mà người ta thấy dụng ý muốn phê phán chính sách ngoại giao quá nhiều tham vọng của Tập Cận Bình. Trong bài đó, Đặng Phú Phong còn nhắc lại lời ông bố khuyên nước Trung Hoa đứng hăng say kiêu ngạo, hãy "biết chỗ mình đứng ;" với khẩu hiệu "Thao Quang Dưỡng Hối" (Tao Guang Yang Hui, 韬光养晦), che giấu sức mạnh của mình trong bóng tối để chờ thời.
Cũng trong bài diễn văn trên, Tập Cận Bình còn diễn tả ý kiến của Đặng Tiểu Bình cho rõ hơn : "Phải học hỏi những thành tựu văn minh của các nước tư bản và sẵn sàng đối phó với sự kiện người ta sẽ so sánh thành công của các nước đó với những thiếu sót của phương thức phát triển theo chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc".
Tập nhắc lại lần nữa, "Trong một thời gian dài sắp tới, chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ sơ khai sẽ phải cộng tác và cạnh tranh với các nước tư bản, họ được trang bị với hiệu năng sản xuất cao hơn".
Tập Cận Bình đã nhắc lại một câu của Đặng Tiểu Bình mà người con ông mới nêu lên. Câu này lại được dẫn ra trong một bài mà Đặng Phú Phong viết khuyên Trung Quốc không nên dương oai diễn võ quá. Đây không phải sự tình cờ. Chúng ta thấy một tín hiệu được đưa ra : Trung Quốc sắp làm hòa trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hai ngày sau khi bài diễn văn năm 2013 của Tập Cận Bình được in lại, phó thủ tướng Trung Quốc tới Washington bàn tiếp chuyện mậu dịch.
Ông Lưu Hạc qua Mỹ lần này có nhiều hy vọng sẽ ký kết một văn bản chính thức hóa cuộc hưu chiến. Vụ "ngưng bắn" bắt đầu khi Tổng thống Trump, trước khi gặp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ở Hà Nội, tuyên bố hoãn không tăng thuế nhập cảng từ 10% lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump có nhiều lý do để chấp nhận một cuộc hưu chiến vào lúc này. Ông mới đắc thắng khi cuộc điều tra của ông Mueller kết thúc, với kết luận không thấy ban vận động tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với tình báo Nga. Nhưng ngay sau dó, ông lại tuýt hai ý kiến vội vàng. Ông tỏ ý quyết xóa sạch đạo luật y tế Obamacare. Ông lại dọa sẽ đóng cửa biên giới với Mexico. Mấy ngày sau, nghe các đại biểu đảng Cộng hòa khuyên can, ông phải rút lại cả hai dự tính.
Nhưng điều khiến ông Trump lo ngại hơn là ảnh hưởng của cuộc chiến mậu dịch trên kinh tế nước Mỹ. Nếu kinh tế đi xuống trong vòng một năm nữa thì cuộc vận động tái cử 2020 của ông Trump sẽ khó hơn nhiều.
Từ một năm qua, các cuộc đầu tư trên thế giới trì trệ vì không ai biết cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đi tới đâu. Hiện nay kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ, và cuộc chiến với Mỹ đẩy cho xuống sâu hơn. Nền kinh tế Trung Quốc lớn hàng thứ hai trên thế giới ; khi hơn một tỷ người Trung Hoa bớt tiêu thụ thì sẽ cả thế giới sẽ bán ít hàng hơn. Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Cho nên một cuộc hưu chiến cũng phù hợp với quyền lợi của Tổng thống Trump và nước Mỹ. Các nhà nông ở vùng Trung Tây đã thấm thía những đòn trả đũa của Trung Quốc, với các sắc thuế đánh trên nông phẩm mua từ vùng này. Ông Trump phải săn sóc họ !
Ngoài ra, ông Trump cũng cần một màn ngoại giao biểu diễn ngoạn mục sau chuyến gặp gỡ với Kim Jong-un không đi tới đâu cả.
Hình bóng của Kim Jong-un luôn luôn lẩn quất bên cạnh những cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã tỏ cho Mỹ biết muốn Kim Jong-un nhượng bộ thì phải nhờ bàn tay của Bắc Kinh.
Kinh tế Bắc Hàn lệ thuộc Trung Quốc. Bị cả thế giới cấm vận, hiện nay 90% ngoại thương của Bắc Hàn đi qua nước Tàu. Hai lần Kim Jong-un đi gặp Donald Trump, Kim đều đến Bắc Kinh trước. Và gặp xong, lại qua trình báo với Tập Cận Bình.
Khi cuộc họp sau cùng thất bại, Kim đã dọa dẫm sẽ thử hỏa tiễn tầm xa và làm bom nguyên tử trở lại. Chính phủ Mỹ không lên tiếng dọa lại Kim ; mà vẫn tỏ ra hy vọng có một cuộc họp mặt Trump-Kim thứ ba. Nhưng đi đường nào tới đó ? Con đường ngắn nhất đi qua Bắc Kinh.
Đặc sứ Stephen Biegun, đặc trách Bắc Hàn của Tổng thống Trump, đã qua Bắc Kinh. Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin cũng qua. Và người phụ trách ngoại thương được coi là cứng rắn nhất với Trung Quốc, Robert Lighthizer, cũng nối gót. Kết quả là Lưu Hạc trở lại nước Mỹ, sau chuyến đi lần trước của ông ta không được gì cả.
Lần này, chắc ông Lưu Hạc sẽ mang được một bản văn thỏa hiệp về nước. Chúng ta sẽ thấy mỗi bên nhường nhịn một chút. Hai bên sẽ cùng ca ngợi tinh thần cộng tác và bên nào cũng có thể tuyên bố mình thắng.
Tập Cận Bình sẽ coi đây là một thành tích, làm theo đúng chủ trương của mình, đã vạch ra từ năm 2013. Giới làm ăn Trung Quốc và thế giới sẽ yên tâm hơn khi đầu tư. Trẻ em ở nước Tàu sẽ được học tập Tư Tưởng Tập Cận Bình với những lời trích dẫn mới, mà không cần một cuốn sách nhỏ bìa màu đỏ như thời Mao Trạch Đông. Vì bây giờ Tư tưởng Tập Cận Bình đang được lưu giữ trên "mây", truyền đi bằng vệ tinh, có thể "đáp xuống" các điện thoại và máy computer bất cứ lúc nào, nhiều lần mỗi ngày !
Còn ở Mỹ, cuộc chiến mậu dịch trên các thông điệp tuýt có thể tạm ngưng cho đến sau cuộc bầu cử 2020.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 03/04/2019
Thường ai cũng lo và ghét bị mang nợ. Tổng thống Donald Trump là một. Năm 2015, ông tuyên bố : "Khi (nước Mỹ) nợ đến 18-19 ngàn tỷ USD (18-19 trillion USD), họ cần một người như tôi để chấn chỉnh !".
Ai mua công trái (giấy nợ của chính phủ) tức là cho nhà nước Mỹ vay, sẽ được trả lãi và vốn khi đáo hạn. Ảnh minh họa
Ông Trump năm đó cảnh cáo rằng nếu chính phủ Mỹ nợ đến 21 ngàn tỷ USD thì "Obama làm đất nước của chúng ta phá sản" ! Khi tranh cử, ông hứa sẽ giảm bớt số nợ của quốc gia. Sáu tháng trước đây ông còn nói khi tăng thuế nhập cảng sẽ có tiền để chính phủ trả bớt nợ.
Đầu năm 2017, khi Tổng thống Trump nhậm chức, số nợ của chính phủ Mỹ là 19,9 ngàn tỷ USD. Giữa tháng Ba, 2018, tổng số vượt lên hơn 21 ngàn tỷ USD. Và tháng Hai năm nay, đã lên trên 22 ngàn tỷ USD, bằng 78% Tổng sản lượng nội địa (GDP). Tính ra, mỗi người dân Mỹ, người lớn lẫn trẻ em, hiện giờ đang mắc nợ 67.000 USD.
Nhưng không chết con trâu con bò nào hết. Chính phủ nợ nhiều không làm cho kinh tế xuống, mà nợ ít kinh tế cũng chưa chắc sẽ lên. Số nợ của chính phủ Venezuela năm 2017 chỉ bằng 23% GDP, nhưng kinh tế vẫn lụn bại.
Tại sao các chính phủ phải vay nợ ?
Vì ngân sách khiếm hụt, năm này qua năm khác, thu ít, tiêu nhiều, cho nên phải đi vay. Năm ngoái chính phủ Mỹ cắt giảm thuế cho các công ty từ 35% xuống 21%, số thu giảm 1,5 ngàn tỷ USD và số nợ công cũng tăng thêm chừng đó.
Chính phủ vay tiền bằng cách phát hành công trái, từ ba tháng đến 10 năm, 30 năm (gọi là US Treasury bills, notes và bonds). Đứng ra vay và ghi tên trên giấy nợ là Bộ Tài chánh. Ai mua công trái (giấy nợ của chính phủ) tức là cho nhà nước Mỹ vay, sẽ được trả lãi và vốn khi đáo hạn.
Hai phần ba các chủ nợ là công chúng gồm các cá nhân, ngân hàng, công ty, và chính phủ các nước khác. Họ mua qua các cuộc đấu giá, tuần nào cũng có. Một phần ba (27%) giấy nợ bán cho các cơ quan khác trong chính phủ, họ dư tiền nên đem cho Bộ Tài chánh dùng.
Quỹ Hưu bổng xã hội (Social Security Trust Fund) cho chính phủ vay nhiều nhất. Mỗi kỳ lãnh lương quý vị ở Mỹ bị khấu trừ một món tiền thuế cho Quỹ Hưu bổng xã hội, để khi về già được lãnh hưu bổng. Khi số người đi làm đông, số người nghỉ hưu còn ít, quỹ này dư tiền, đem đầu tư vào công trái. Người đi làm ở Mỹ đều gián tiếp cho nhà nước vay qua ngả này.
Chính phủ cũng vay của Ngân hàng Trung ương (Fed). Khi Fed muốn tăng số tiền lưu hành, thay vì giảm lãi suất họ có thể in tiền đem mua công trái trong thị trường. (Vì vậy cái ủy ban ấn định lãi suất họp ba tháng một lần mang cái tên khó hiểu, là Ủy ban Thị trường).
Chính phủ các nước ngoài mua khoảng 40% các công trái Mỹ. Lý do chính yếu khiến họ đem tiền cho Mỹ vay là vì họ bán hàng sang Mỹ nhiều hơn mua của Mỹ. Dư đô la, họ cho Chú Sam vay, dù chỉ được hưởng lãi suất rất thấp. Chịu lãi suất thấp vì con nợ này rất an toàn, bảo đảm sẽ không vỡ nợ !
Tại sao họ không lo chính phủ Mỹ khai phá sản ? Bởi vì có cả nền kinh tế Mỹ đứng đằng sau. Người cho vay bao giờ cũng xem xét coi con nợ có tài sản hay không, có kiếm ra tiền hay không. Nước Mỹ đủ cả hai điều kiện đó.
Mỹ là một xứ tiền rừng bạc biển, theo nghĩa đen. Chính phủ Mỹ làm chủ 256 triệu mẫu đất, bằng 28% diện tích cả nước. Tính ra cũng khối tiền ! Dân Mỹ làm chủ số lượng dầu lửa trị giá 119 ngàn tỷ USD, hơi đốt 8 ngàn tỷ USD, than đá 22 ngàn tỷ USD. Nhưng thứ làm ra tiền nhiều nhất không phải là khoáng sản mà là cái đầu con người ! Dân Mỹ làm ăn giỏi và nhiều bằng sáng chế có giá trị nhất thế giới.
Bảo đảm lớn nhất cho các chủ nợ là chính phủ Mỹ nắm quyền đánh thuế dân. Dân Mỹ còn làm ăn thì chính phủ khỏi lo. Vì họ làm ra một đồng thì nhà nước thu lấy, trung bình, 17 xu !
Với những bảo đảm trên đây, nước ngoài sẵn sàng cho Mỹ vay nợ. Có lẽ cho vay hoài hoài không ngưng cũng chẳng lo !
Một lợi thế của chính phủ Mỹ là họ đi vay bằng đồng tiền của họ, đô la Mỹ ! Những nước đi vay bằng tiền nước ngoài, như Argentina, Mexico, hay Nga, thì vay đô la cũng phải trả bằng đô la, không thể dùng tiền của họ được. Khi có lạm phát thì Mỹ được lợi, các nước kia thì không.
Đồng đô la cũng các thứ tiền tệ khác năm nào cũng xuống giá vì lạm phát. Mỹ đi vay 100 USD với lãi suất 2% chẳng hạn, nhưng sau một năm đồng đô la xuống giá 1,5% thì trả cả vốn và lãi 102 USD, số tiền đó chỉ giá trị bằng 100,5 USD đồng tiền năm ngoái thôi. Tức là lãi suất thực sự chỉ là 0,5% !
Chính vì lãi suất thấp như thế nên chính phủ Mỹ cứ tiếp tục đi vay mà không sợ khó. Cho nên cứ tiếp tục chi nhiều, thu ít, ngân sách khiếm hụt ! Chính phủ những nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha thì không được dễ dàng như vậy. Họ đi vay là phải trả lãi suất cao hơn. Chủ nợ còn đòi họ phải bớt chi tiêu, tăng thuế má để bảo đảm khả năng trả nợ !
Trong mấy tháng nữa, sân khấu chính trị Mỹ sắp ồn ào vấn đề "trần nợ" (debt ceiling). Hồi xưa, mỗi lần chính phủ Mỹ muốn vay một món tiền là phải xin Quốc hội cho phép, chỉ được vay đúng con số đó. Thế kỷ trước, Quốc hội mới cho chính phủ đi vay thoải mái, chỉ ấn định một con số tối đa. Khi nào nợ "đụng trần" là phải xin Quốc hội nâng lên.
Mỗi lần bàn chuyện này, thế nào đảng đối lập với ông tổng thống cũng eo sèo, than phiền nợ ngập đầu ngập cổ làm sao chịu nổi ! Hồi ông Bush, thì đảng Dân chủ chống. Thời Obama thì đến lượt Cộng hòa chống. Có lúc chính phủ mất khả năng vay tiền mới để trả nợ cũ, dọa tuyên bố phá sản ! Năm nay thế nào đảng Dân Chủ cũng kỳ kèo, không muốn cho ông Trump vay thêm nợ ; có thể lo sẽ đóng cửa nhà nước lần nữa ! Đảng Dân chủ sẽ mặc cả để trao đổi với cái gì ? Ngân sách.
Như đã trình bày trên đây, nợ công tăng vì nhà nước chi nhiều trong khi số thu tương đối giảm đi vì cắt thuế. Bản dư thảo chi tiêu của chính phủ Trump, tổng cộng 4,7 ngàn tỷ USD, không tăng thu mà nhắm giảm chi. Đảng Dân chủ sẽ chủ trương không giảm chi mà tăng thu, bằng cách cho đạo luật cắt thuế năm ngoái hết hạn là hết luôn, không áp dụng tiếp.
Phần giảm thu trong ngân sách đề nghị nhắm vào những món chi không phải quốc phòng. Ngân sách Bộ Giáo dục sẽ cắt 10%, những bữa cơm chiều giúp học sinh nghèo sẽ giảm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ bị cắt gần một phần ba ngay trong năm tới. Chương trình Food stamps, đã đổi tên, hiện có bốn triệu trẻ em được hưởng, sẽ cắt bớt 30% trong 10 năm.
Hạ tầng cơ sở nước Mỹ hiện cần hàng ngàn tỷ đô la để tu bổ. Ngân sách mới đề nghị chi 200 tỷ USD trong 10 năm tới. Nhưng ngân sách một số bộ có mục xây dựng đường sá, cầu cống cũng bị cắt, như Công binh (cắt 22%), Nội an (10%) và Giao thông (mất 20%).
Phần chi tiêu bị cắt tiết kiệm được nhiều nhất là Hưu bổng xã hội (Social Security), Y tế cho người về hưu (Medicare) và Y tế giúp dân nghèo (Medicaid hay Medicail ở California) hiện đang cung cấp dịch vụ cho 75 triệu người Mỹ.
Cuộc tranh luận về trần nợ sẽ đưa tới vấn đề lựa chọn cái gì là ưu tiên trong ngân sách chính phủ Mỹ. Vì ngân sách khiếm hụt là nguyên nhân khiến nợ công gia tăng. Chính phủ Mỹ nên cắt giảm chi tiêu hay cắt giảm thuế, mà những người được hưởng thường có lợi tức cao nhất.
Dù nước Mỹ có thể vay nợ dài dài, bao nhiêu người muốn cho vay, nhận lãi suất thấp, nhưng không thể ỷ thế mà vay nợ dài.
Khiếm hụt ngân sách cũng vậy ; không thể tăng lên mãi được. Chính phủ chi nhiều, thu ít vì cắt thuế, có tác động kích thích kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng nếu kéo dài thì nợ công sẽ tăng lên theo, ngày càng cao, sẽ tới lúc các chủ nợ đòi trả lãi suất suất cao hơn. Tiền lãi chính phủ phải trả tăng lên.
Năm ngoái chính phủ Mỹ trả 325 tỷ USD riêng cho tiền lãi của các món nợ công. Số tiền đó cao hơn số chi tiêu cho Medicaid. Tới năm 2024 sẽ cao hơn cả ngân sách quốc phòng. Trong 12 năm nữa, cứ theo đà này sẽ lên tới ngàn tỷ.
Nếu lãi suất tăng thêm 1%, trong 10 năm chính phủ Mỹ sẽ phải trả thêm gần 2.000 tỷ USD. Số khiếm hụt ngân sách sẽ tăng thêm 1%. Điều đáng lo nhất, là lãi suất cao sẽ cản đường phát triển kinh tế vì người ta bớt tiêu thụ và đầu tư.
Cho nên, dù chính phủ Mỹ bây giờ vay nợ thoải mái nhưng tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi !
Ngô Nhân Dụng
Tổng thống Donald Trump rất lạc quan khi bắt đầu dùng đòn quan thuế để bắt Cộng Sản Trung Quốc phải thay đổi cách mua bán làm ăn với Mỹ. Ông khởi động cuộc chiến tranh mậu dịch với niềm tin tất thắng. Ông nói, "Chiến tranh mậu dịch tốt, rất dễ thắng !" (Trade wars are good, and easy to win).
Donald Trump đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp bảo hộ chống lại Trung Quốc, bị buộc tội "xâm lược kinh tế" chống lại Hoa Kỳ ! - Tranh biếm họa
Trong năm 2018, Tổng thống Trump đã đánh và tăng thuế trên 12% tổng số hàng nước Mỹ nhập cảng, từ Trung Quốc cũng như các nước khác. Mục tiêu của ông là làm cho hàng nhập nội tăng giá, giúp các xí nghiệp Mỹ bớt bị cạnh tranh, giảm bớt khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ khi dân Mỹ sẽ bớt mua hàng nước ngoài.
Trong năm ngoái, số hàng trị giá 283 tỷ USD này bị đánh thuế quan từ 10% tới 50%. Quả nhiên, số hàng nhập cảng vào Mỹ đó đã giảm, vì giá cao thêm từ 10% đến 50%. Các nước khác trả đũa, cũng tăng thuế quan hàng mua từ nước Mỹ, tổng số 121 tỷ USD.
Đợt tấn công đầu vào tháng Giêng, 2018, những máy giặt của Trung Quốc bị đánh thuế 20% đến 50% ; và và các tấm kiếng biến điện từ mặt trời bị đánh 30%. Đợt thứ nhì vào tháng Ba, đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng, trị giá 18 tỷ USD ; tiếp theo là 22 tỷ USD các sản phẩm nhôm, thép vào tháng Sáu.
Tháng Bảy là cuộc tổng tấn công, đánh thuế quan 10% trên hàng ngàn món hàng Trung Quốc, trị giá 250 tỷ USD ; với đe dọa sẽ tăng lên 25% vào đầu tháng Ba năm nay.
Nhưng gần đây ông Trump đã cho hoãn đợt tấn công này, chưa biết đến bao giờ.
Không cần làm tính thử cũng biết ngay chính phủ Mỹ đã thâu được rất nhiều tiền thuế đánh trên hàng nhập cảng. Chỉ cần 10% trên 250 tỷ cũng là 25 tỷ USD một năm rồi.
Cho nên Tổng thống Trump đã hân hoan "tuýt" tin mừng cho dân chúng và những người ủng hộ ông chia vui. tháng Mười Một năm ngoái ông viết, "Bao nhiêu tỷ đô la đã tuôn vào kho tiền nước Mỹ nhờ hàng Trung Quốc bị đánh thuế quan". tháng Giêng năm nay, ông nói, "Ngân Khố Mỹ đã thu vào NHIỀU tỷ đô la do thuế quan đánh trên Trung Quốc và các nước khác trước đây không đối xử công bằng với chúng ta". tháng Hai, ông nói, "Bao nhiêu tỷ đô la Trung Quốc đã phải trả cho Mỹ dưới hình thức quan thuế".
Những tin vui trên đúng một nửa. Ngân khố Mỹ đã thâu rất nhiều tiền nhờ thuế đánh trên hàng nhập cảng. Phần không đúng, là các nước bị tấn công không hề đóng thuế cho chính phủ Mỹ.
Hàng hóa của Trung Quốc, thép hoặc nhôm từ Đức, Nhật Bản, Canada bán sang Mỹ, giá cả tùy theo thị trường. Chính các công ty nhập cảng phải đóng thuế, nếu bị đánh, khi mua hàng nước ngoài. Họ có thể kỳ kèo yêu cầu người bán giảm giá, nhưng hơi khó. Vì các công ty ngoại quốc bán hàng vô Mỹ họ cũng cạnh tranh với nhau, phải hạ giá xuống vừa đủ để kiếm lời. Nếu hạ thấp hơn nữa thì không làm ăn được.
Khi các nhà nhập cảng ở Mỹ phải đóng thêm 10% hay 30% thuế, thì họ chỉ còn một đường là tăng giá bán để bù lại. Những máy giặt đem qua Mỹ bán trực tiếp cho khách hàng phải tăng giá. Thép và nhôm bán cho các hãng chế tạo máy cày hoặc xe hơi, các hãng này mua vật liệu cao giá hơn, cũng phải tăng giá khi bán hàng. Các công ty ở Mỹ sản xuất cùng một thứ như các hàng hóa mới bị đánh thuế cũng nhân cơ hội này tăng giá. Điển hình là các công ty thép và nhôm. Cuối cùng, chính những người tiêu thụ ở Mỹ phải bỏ thêm tiền khi đi mua.
Một món hàng mua từ Tàu giá 10 USD trước khi có chiến tranh mậu dịch, sau khi bị đánh thuế quan 25% sẽ bán giá 12,5 USD. Nếu người ta tiếp tục mua hàng nhập cảng, họ sẽ bị tốn thêm 2,5 USD. Lợi tức quốc gia (GDP) không thay đổi, vì chính phủ cũng thâu được đúng 2,5 USD.
Nếu người Mỹ mua cũng món hàng đó, ở Malaysia hay Việt Nam, với giá bán 11 USD, thì người tiêu thụ chỉ tốn thêm 1 USD. Trong trường hợp này, chính phủ Mỹ không đánh thuế, không thu đồng nào hết, cả nền kinh tế Mỹ mất 1 USD vì đổi nơi mua hàng nhập cảng.
Giả thử bây giờ có xí nghiệp Mỹ sản xuất món hàng đó, bán với giá 11,5 USD, thì người tiêu thụ tốn thêm 1,5 USD, chính phủ Mỹ không thu được đồng thuế quan nào. Nhưng khi một công ty Mỹ sản xuất một món hàng thay thế cho hàng mua từ bên Tàu, thì họ cũng phải dùng đến tiền vốn đầu tư và công nhân ở nước Mỹ. Những nguồn tư bản và lao động đó đáng lẽ có thể dùng để sản xuất thứ khác, nay được chuyển sang làm đồ thay thế hàng nhập cảng. Nghĩa là công ty sản xuất cũng bị thiệt hại vì mất cơ hội tạo ra một số lời gần bằng 1,5 USD !
Tóm lại, đánh và tăng thuế quan trước hết sẽ làm thiệt hại cho giới tiêu thụ.
Trong năm qua, người tiêu thụ ở Mỹ đã trả thêm bao nhiêu tiền ?
Hai bài nghiên cứu mới được công bố cuối tuần qua đã cho biết những con số.
Ngày thứ Bảy, là bài phúc trình của ba giáo sư kinh tế thuộc các Đại Học Columbia, Princeton, và Ngân Hàng Dự Trữ New York, New York Federal Reserve. Nhan dề : Ảnh hưởng của chiến tranh mậu dịch trên giá cả và phúc lợi. Ba giáo sư Mary Amiti, Stephen Redding và David Weinstein tính ra rằng trong năm 2018 người tiêu thụ và các xí nghiệp nhập cảng ở Mỹ mỗi tháng tốn thêm 3 tỷ USD. Giá các món hàng bị đánh thuế tăng trung bình từ 10% đến 30%.
Ngoài chi phí vì phải đóng thuế, nhiều công ty đã phải tổ chức lại việc mua bán của mình để đi mua hàng từ nước khác ; thay vì mua từ Trung Quốc họ chuyển qua mua của Mexico hay Việt Nam. Công việc đó cũng tốn tiền ; tổng số lên tới 165 triệu USD.
Ngày Chủ Nhật, thêm một bài nghiên cứu được công bố, của ba nhà kinh tế khác, Pinelopi Goldberg, kinh tế gia trưởng Ngân Hàng Thế Giới, World Bank ; Giáo Sư Pablo Fajgelbaum, Đại Học UCLA ; và Patrick Kennedy, Đại Học UC Berkeley. Họ thấy thuế quan cao hơn đã làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ khoảng $68 tỷ USD. Nhưng khi tính thêm những lợi lộc của các công ty sản xuất trong nước Mỹ nhờ hàng tăng giá thì số thiệt hại giảm xuống, chỉ còn 6,4 tỷ USD.
Nhiều công ty Mỹ được lợi nhờ thuế quan đánh trên hàng nhập cảng, thí dụ các công ty thép và nhôm sẽ được dịp tăng giá, do đó, cũng thuê mướn thêm người làm việc. Nhưng khi giá thép tăng lên thì nhiều công ty dùng thép làm nguyên liệu sẽ phải mua giá cao hơn, do đó tăng giá bán cho khách hàng. Người ta bớt mua, công ty giảm bớt công việc, và sa thải công nhân.
Cuộc chiến tranh mậu dịch thật phức tạp, hiện nay chưa thấy lợi nhiều bằng thiệt hại. Nước Mỹ sẽ bớt nhập cảng từ Trung Quốc nhưng chưa chắc đã chế tạo các thứ ở Mỹ để thay thế. Nhiều xí nghiệp có thể còn phải chuyển ra nước ngoài nếu họ tiếp tục phải nhập cảng với thuế quá cao.
Công ty Bumble Bee Seafoods đã hoạt động ở California từ năm 1899, hiện có thêm một cơ xưởng ở tiểu bang New Jersey, tổng cộng 500 công nhân. Công ty chuyên đóng cá hộp, cá thu, từ 120 năm nay.
Thường cá thu đánh ở vùng phía Tây Thái Bình Dương được đưa vào nước Tàu để làm thịt, rửa, và đóng gói gửi qua Mỹ ; cá thu vùng biển phía Đông được làm ở đảo Fiji, và cá từ Ấn Độ Dương làm thịt ở đảo Mauritius. Sau khi quan thuế đánh 10% trên cá thu nhập cảng từ Trung Quốc, từ tháng Chín năm ngoái, Bumble Bee không biết có thể tiếp tục chịu đựng hay không.
Vì giá cá thu nhập lên cao, công ty có thể phải đóng cửa một cơ xưởng và chuyển công việc sang một nước khác ở vùng Đông Nam Á.
Công ty làm nón baseball tên Cap America, ở Fredericktown, tiểu bang Missouri, với 285 nhân viên, cũng gặp khó khăn khi những cái nón làm ở bên Tàu bị đánh thuế 10%. Làm lấy những cái nón đó rất khó, vì phần lớn các nhà dệt vải làm nón đã rời khỏi nước Mỹ ; các nhà làm máy may và các nhân viên kỹ thuật của họ cũng đi nước khác mất rồi, hoặc đã già quá, về hưu cả. Cap America cũng đang tính chuyển công việc qua một nước khác, không bị đánh thuế quan.
Trong nền kinh tế Mỹ, những con số bạc triệu hay bạc tỷ trên đây không đáng kể ! Vì thị trường Mỹ đủ rộng lớn, tỷ lệ nền ngoại thương của Mỹ rất nhỏ so với cả nền kinh tế, không như những nước mạnh nhờ xuất cảng như Đức, Nhật Bản, và Trung Quốc. Dù nước Mỹ bị thiệt 68,8 tỷ USD trong năm qua vì đánh thuế quan trên hàng Trung Quốc, thì con số đó cũng chưa bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng nội địa (GDP).
Tuần trước, ông Robert Lighthizer nói với Quốc hội rằng chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa hiệp với Trung Quốc nếu họ không chịu "thay đổi cơ cấu". Vị "đại diện thương mại", tương đương với bộ trưởng ngoại thương trong chính phủ Donald Trump nói rằng đó mới là mục tiêu của cuộc chiến tranh mậu dịch ; chứ không phải "giải pháp đậu nành" mà ông chế nhạo.
Hy vọng Tổng thống Trump sẽ giữ vững lập trường đó trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát của ông ở Florida.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 05/03/2019
Kết thúc năm 2018, số khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ là 621 tỷ USD, tăng thêm 70 tỷ USD, tức 12,5% so với năm 2017. Khiếm hụt mậu dịch là khác biệt khi tổng số tiền chi ra mua hàng nhập cảng cao hơn tiền thâu vào nhờ xuất cảng.
Nước Mỹ vẫn nhập cảng nhiều, nếu không mua từ Trung Quốc thì cũng mua của nước khác. Trong hình, một tàu container cập cảng tại Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm 14,1% so với một năm trước đó. (Hình : Chinatopix via AP, File)
Riêng với Trung Quốc, mức thâm thủng lên tới 419 tỷ USD, tăng thêm 44 tỷ USD. Chính phủ đánh đòn thuế quan và Trung Quốc trả đũa ; nhưng số hàng Mỹ nhập cảng vẫn tăng thêm 11,3%, còn hàng bán qua Trung Quốc chỉ tăng 0,7%.
Trước những con số đó, nhiều người Mỹ lo lắng. Nước Mỹ đang thua nước Tàu trong cuộc chiến tranh thương mại này chăng ?
Không có gì đáng lo. Người ta sẽ không lo sợ khi biết những lý do nào đưa tới khiếm hụt mậu dịch.
Thứ nhất, trong năm 2018 kinh tế Mỹ vẫn phát triển mạnh hơn trong khi Trung Quốc đi chậm lại. Kinh tế lên là một tin mừng cho dân Mỹ. Họ nhiều tiền hơn, tiêu thụ nhiều hơn. Tổng thống Donald Trump đánh thuế quan 10% trên 250 tỷ USD hàng nhập cảng từ Trung Quốc, giá bán những món hàng đó tăng. Nhưng người tiêu thụ ở Mỹ chưa giảm bớt việc mua sắm, vì lợi tức của nhiều người cũng tăng nhờ kinh tế lên. Ngược lại, dân Trung Hoa lo sắp mất việc hoặc lợi tức sụt giảm, họ chi tiêu dè sẻn hơn. Lý do chính khiến Trung Quốc có thể bán hàng giá rẻ là người lao động ở bên đó lãnh lương rất thấp. Bây giờ họ lại còn lo lắng cho tương lai khi thấy kinh tế chậm lại ; các xí nghiệp và các ông bà chủ cũng lo, cho nên cả nước bớt nhập cảng.
Hơn nữa, một nguyên nhân chính gây ra khiếm hụt thương mại của Mỹ là dân Mỹ tiết kiệm rất ít. Từ bao lâu nay vẫn như thế rồi. Một dấu hiệu hiển nhiên cho thấy Mỹ tiết kiệm ít, chi tiêu nhiều, là số khiếm hụt ngân sách. Chính phủ Mỹ chi ra nhiều hơn số thâu vào. Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính trong năm 2019 ngân sách chính phủ sẽ thâm thủng 900 tỷ USD. Năm 2016 số khiếm hụt chỉ có 620 tỷ USD, tăng gần một nửa trong ba năm.
Khiếm hụt ngân sách lên cao phần lớn là do đạo luật cắt giảm thuế cho các công ty và những người có lợi tức cao trong năm 2017. Đạo luật này cũng góp phần làm khiếm hụt mậu dịch lên theo, vì khi người ta đóng thuế ít hơn thì họ cũng dư tiền để tiêu thụ nhiều hơn, kể cả hàng nhập cảng.
Yếu tố thứ ba làm cho Mỹ khiếm hụt mậu dịch nhiều hơn là đồng đô la tăng thêm giá trị so với đồng tiền các nước khác. Chẳng hạn, khi đô la lên giá so với đồng bạc Việt Nam, một đô la có thể mua được nhiều hàng từ Việt Nam hơn. Cùng lúc đó, một đồng Việt Nam mua được ít hàng của Mỹ hơn. Tự nhiên là Mỹ sẽ nhập cảng thêm còn Việt Nam bớt mua hàng Mỹ, con số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ sẽ tăng.
Giữa tiền Mỹ và tiền Trung Quốc thì tỷ lệ trao đổi hơi phức tạp. Chính phủ Mỹ, từ nhiều đời tổng thống, vẫn tố cáo chính quyền Trung Quốc cố ý dìm giá đồng nguyên của họ xuống, để hàng hóa của họ hạ giá khi tính ra Mỹ kim, sẽ bán được nhiều hơn. Họ giữ hối suất giữa hai thứ tiền cố định, không để thị trường tự do lên xuống.
Trung Quốc làm cách nào giữ cho hối suất thấp cố định theo ý họ muốn, thí dụ, một đô la ăn 6,1 đồng nguyên ? Họ đem đồng nguyên đi mua đô la, ngày càng mua nhiều. Trong thị trường cái gì nhiều người mua thì lên giá, nhiều người đem bán thì giá xuống. Trung Quốc mua đô la về rồi đem mua công trái, giấy nợ của chính phủ Mỹ, tức là đem tiền cho Mỹ vay. Vì vậy, nước Tàu trở thành chủ nợ lớn nhất của Washington. Tháng Chín, 2018, chính phủ Mỹ nợ Tàu 1.150 tỷ USD, bằng 18% tổng số nợ Mỹ nợ nước ngoài.
Các chính quyền Mỹ từ nhiều đời tổng thống vẫn đòi Trung Quốc phải nâng giá trị đồng nguyên so với đô la ; nói rằng họ ấn định hối suất thấp quá. Người Mỹ tính hối suất đồng nguyên giả tạo thấp hơn 15% đến 40% so với giá thật, nếu được trao đổi tự do trong thị trường.
Nhưng điều này chỉ đúng hồi đầu năm 2000. Năm 2006, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Hank Paulson đã ép Trung Quốc phải chịu tăng giá trị đồng nguyên thêm 2% đến 3% một năm, liên tiếp trong ba năm. Nhưng sau đó giá trị của đồng đô la tăng lên đều đều, so với mọi thứ tiền tệ khác. Trong ba năm, từ 2013 đến 2015, đồng đô la lên giá thêm 25%.
Khi đô la tăng giá, đồng nguyên cũng tăng theo vì dính vào hối suất cố định. Hậu quả là giá đồng nguyên lên cao so với tiền tệ các nước khác, nhất là vùng Đông Nam Á. Nghĩa là, khi tính ra Mỹ kim, hàng hóa Trung Quốc tự nhiên tăng giá so với hàng các nước đang cạnh tranh với họ.
Trung Quốc lo ngại, từ năm 2015 đã thay đổi, không áp đặt đồng nguyên một giá cố định so với đô la nữa. Ngay sau đó, giá trị đồng nguyên đã tụt xuống trên thị trường tiền tệ thế giới ! Nhờ thế, hàng Trung Quốc lại giảm giá, và xuất cảng dễ hơn.
Nhiều người lại lo chính quyền Trung Quốc cho Mỹ vay nhiều quá, nếu đòi hết nợ ngay thì sao ? Muốn "đòi nợ" họ chỉ có một cách là đem bán các công trái Mỹ trên thị trường thế giới. Nhưng hành động đó không ích lợi.
Khi một món gì được đổ ra bán nhiều quá tức là món đó ế ẩm, giá xuống thấp. Chính Trung Quốc sẽ thiệt, vì các công trái Mỹ họ đang bán bị tụt giá ! Một hậu quả khác là khi chính phủ Mỹ muốn bán thêm công trái thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn mới lôi cuốn được nước khác mua. Hệ quả là lãi suất ở nước Mỹ sẽ tăng lên, có thể làm cho kinh tế Mỹ suy thoái. Nhưng nước Mỹ mà nghèo đi thì Trung Quốc không có lợi gì, vì dân Mỹ sẽ bớt nhập cảng ! Cho nên Trung Quốc không bao giờ tính đem công trái Mỹ đi bán hàng loạt..
Nhưng nếu nước Mỹ cứ chịu cảnh khiếm hụt mậu dịch khi mua bán với Trung Quốc thì tiền của Mỹ cứ thế chạy sang bên Tàu, chẳng phải là thiệt hại cho dân Mỹ hay sao ? Phần lớn người ta suy nghĩ giản dị như thế này : Nước Mỹ nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, chênh lệch tới 620 tỷ USD, tức là năm ngoái dân Mỹ đã "bị mất" 620 tỷ USD cho nước khác, 419 tỷ USD vào tay người Tàu !
Nhưng sự thật không phải như vậy. Trong giao dịch thương mại và tài chánh thế giới, số tiền ra và tiền vào một quốc gia bao giờ cũng cân bằng. Người Mỹ đem tiền trả cho nước khác khi nhập cảng thì lại có một dòng tiền từ các nước khác đổ vào nước Mỹ. Dòng tiền vào Mỹ dưới hình thức cho vay, đầu tư trong chứng khoán, mua bất động sản hoặc các cơ sở làm ăn. Nhiều người muốn đầu tư vào nước Mỹ chứng tỏ là kinh tế Mỹ mạnh nên hấp dẫn họ !
Tổng Thống Donald Trump đang lạc quan tin rằng sẽ thỏa hiệp với Chủ tịch Tập Cận Bình để Trung Quốc mua nhiều thứ của Mỹ hơn, từ nông sản đến dầu, khí và máy bay. Cam kết này sẽ giúp cho số thâm thủng mậu dịch của Mỹ giảm bớt, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Nước Mỹ vẫn nhập cảng nhiều, nếu không mua từ Trung Quốc thì cũng mua của nước khác. Vì khi nào dân Mỹ chưa tiết kiệm nhiều hơn, bớt tiêu thụ đi, ngân sách chính phủ Mỹ cứ thiếu hụt năm này qua năm khác, thì nước Mỹ sẽ tiếp tục thâm thủng mậu dịch.
Nhưng mậu dịch khiếm hụt là một thứ "xa xỉ phẩm" mà chỉ một nước giàu như Mỹ mới được hưởng. Vì kinh tế Mỹ mạnh nên tiền vốn từ các nước khác đổ vào nước Mỹ. Người Mỹ tiết kiệm ít thì đã có tiền từ các nước khác bù vào. Người nước khác tiết kiệm nhiều hơn nhưng thiếu cơ hội đầu tư nên họ đem qua Mỹ.
Dân Trung Quốc bị chính quyền bắt buộc phải tiết kiệm mà không biết, khi họ được trả lương rất thấp. Những đồng đô la đem được về nước Tàu nhờ xuất cảng thì được dùng để nuôi bộ máy cai trị của Đảng cộng sản, thay vì tăng lương cho công nhân. Trong khi đó, dân Mỹ được trả lương cao nên tiêu xài thong thả. Số tiền tiết kiệm để đầu tư nếu có thiếu thì đã có người nước khác đem tới.
Nếu được lựa chọn thì người ta thích làm dân Mỹ hay dân Tàu ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 08/03/2019
Khi chấm dứt cuộc gặp gỡ vô ích với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump nói rằng thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận bất lợi.
Ông Trump luôn luôn theo dõi chỉ số thị trường lên xuống. Ông Tập biết yếu huyệt này. Sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Bằng mọi cách, ông Trump không để cho thị trường chứng khoán và kinh tế đi xuống. Trong hình, nhân viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York-NYSE. (Hình : Johannes Eisele/AFP/Getty Images)
Ông Tập Cận Bình nghĩ thế nào khi nghe câu nói đó ? Chủ tịch Trung Quốc có thể thấy đây là một lời cảnh báo : Khi cò kè mặc cả với Donald Trump, không nên găng quá. Già néo đứt dây ! Trump có thể đứng dậy bất cứ lúc nào.
Khi gặp Donald Trump trong một vài tháng tới, Tập Cận Bình ở một vị thế yếu hơn Kim Jong-un.
Đối với Kim, ký một thỏa hiệp với Trump hay không ký cũng chẳng sao cả. Dân Bắc Hàn vẫn chỉ được nghe, đọc và coi những tuyên truyền của đảng Cộng Sản. Họ vẫn tung hô lãnh tụ kính yêu muôn năm. Nếu phải nhịn ăn họ sẽ cắn răng chịu đựng.
Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình không còn mạnh như vậy. Dù bây giờ có thể đứng đầu đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Quốc vĩnh viễn, cái ghế của họ Tập vẫn chưa hoàn toàn bảo đảm 100%. Nếu kinh tế Trung Quốc sa sút quá, thì Tập cũng có thể bị lật đổ. Trong nội bộ không thiếu gì những tay đầy mưu mô và tham vọng, như trong bất cứ đám lãnh tụ Cộng Sản nào.
Tập Cận Bình phải thấy chuyện kinh tế đáng lo. Sức phát triển của Trung Quốc đang giảm tốc, tức là không tăng nhanh như trước. Đang tăng trưởng 10% tụt xuống 7% đã thấy đáng lo, nếu lại xuống chỉ còn 6% hay 5% thì phải méo mặt, vì hàng chục triệu công nhân sẽ thất nghiệp. Bao nhiêu năm phất lên nhờ hàng xuất cảng, nay số xuất cảng đang giảm. Từ năm năm nay Tập Cận Bình đã thúc đẩy "cải tổ cơ cấu" để thoát khỏi con đường đi xuống ; nhưng việc cải tổ phải đi từng bước chậm, khi tiến, khi lui, vì thay đổi nhanh quá sẽ gây xáo trộn.
Trong tình trạng kinh tế bấp bênh như thế, nếu Donald Trump quyết liệt dùng đòn thuế quan "đánh tới bến" thì kinh tế sẽ lao đao. Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc.
Cho nên, Tập Cận Bình sẽ phải tính toán coi khi mặc cả với Donald Trump thì sẽ đòi hỏi gay go đến mức nào, mềm mỏng nhượng bộ đến mức nào, cho nó tối hảo, nhưng không nên để ra về tay không, sôi hỏng, bỏng không !
Còn Donald Trump thì sao ?
Không ai biết trước ông Trump sẽ làm gì. Nhưng chúng ta có thể nhìn coi thế cờ của ông như thế nào, để phỏng đoán.
Vũ khí chính của Trump là thuế quan đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Tăng thuế thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng giá, không thể cạnh tranh với các nước khác trong thị trường Mỹ. Đánh thuế quan cao hơn làm cho hàng Trung Quốc khó xuất cảng. Trump sẽ dùng miếng võ này để bắt Tập thỏa mãn một số đòi hỏi.
Những yêu cầu của Mỹ rất giản dị. Trung Quốc hãy xóa bỏ những hạn chế trên số đầu tư của ngoại quốc, trong đó có Mỹ. Không bắt buộc các công ty Mỹ phải hợp doanh và bắt các công ty Mỹ phải chia sẻ kỹ thuật với công ty Trung Quốc. Các công ty ngoại quốc được đối xử bình đẳng trong các cuộc đấu thầu. Các vụ kiện về quyền sở hữu tri thức phải được xử tại các tòa án trọng tài quốc tế, theo phương thức của WTO, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.
Các đòi hỏi của Mỹ đã được đưa ra từ mấy đời tổng thống trước, và bao giờ Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ làm. Nhưng khi Trung Quốc kiếm cớ này cớ khác không làm theo lời hứa thì chẳng ai thúc đẩy họ phải thực hiện bằng được.
Năm 2010, Luật Sư Robert Lighthizer ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ, nói rằng các ông tổng thống Mỹ không bắt Trung Quốc phải đáp ứng những đòi hỏi trên, lấy cớ rằng nước Mỹ đang cần Trung Quốc hỗ trợ trong các vụ khủng hoảng khác trên thế giới. Ông Lighthizer than : Thế giới lúc nào cũng có những cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc có thể giúp một tay giải quyết ! Cứ như thế này thì Mỹ sẽ chẳng bao giờ đòi được Trung Quốc làm ăn thẳng thắn, công bằng !
Hiện nay ông Robert Lighthizer đang là cánh tay mặt của Tổng thống Trump trong vấn đề ngoại thương. Và ông là một "diều hâu" trong trận chiến mậu dịch Mỹ-Trung Quốc.
Nếu ông Trump nghe lời khuyên của ông Lighthizer, thì Tập Cận Bình sẽ nhức đầu. Chính quyền Mỹ sẽ không chấp nhận những lời hứa hẹn nữa. Phải có những biện pháp cụ thể mở rộng thêm nền kinh tế Trung Quốc cho các xí nghiệp và ngân hàng Mỹ tham dự. Không trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bất chính. Phải đặt ra một lịch trình rõ rệt, ngày nào sẽ làm gì.
Ngưng nâng đỡ doanh nghiệp nhà nước và bắt các xí nghiệp nội địa phải cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, đó là hai cải tổ cơ cấu kinh mà chính Tập Cận Bình cũng muốn làm. Nhưng không thể làm nhanh được. Nhanh quá, có thể hư hết cả. Cả một khối người đang được hưởng lợi nhờ đảng Cộng Sản ưu đãi, họ sẽ chống đến cùng. Đòi hỏi kinh tế Trung Quốc thay đổi cơ cấu cũng khó như đòi Kim Jong-un phải vứt bom hạch tâm đi vậy.
Cho nên, Tập Cận Bình sẽ chỉ có thể nhượng bộ những điều nho nhỏ nhưng ngoạn mục, để ông Trump có thể tuyên bố là thắng lợi. Trung Quốc nhập cảng từ Mỹ nhiều hơn. Sẽ mua thêm đậu nành, mua thêm hơi đốt, máy bay và nhiều nông phẩm Mỹ khác. Việc này dễ làm, vì đằng nào Trung Quốc cũng phải đi mua ở nước ngoài.
Liệu ông Trump có chấp nhận những nhượng bộ nho nhỏ của Tập Cận Bình hay không ? Nếu chấp nhận thì ông được lợi gì ?
Trước khi bay đi Hà Nội gặp Kim Jong-un, ông Trump đã đấu dịu : Bỏ lệnh tăng thuế nhập cảng trên $200 tỷ hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25%, vào ngày 1 tháng Ba, 2019. Ông nêu lý do là cuộc đàm phán đã tiến triển tốt đẹp. Không ai biết chi tiết nào để thấy nó tốt đẹp thế nào. Một phái đoàn cao cấp Trung Quốc bay qua Washington. Rồi lại bay về. Hứa hẹn sẽ tiếp tục thảo luận. Nhưng không hẹn ngày nào vụ họp hành kết thúc.
Có một lý do khiến có lúc Tổng thống Donald Trump muốn đấu dịu : Thị trường chứng khoán. Ông Trump luôn luôn theo dõi chỉ số thị trường lên xuống. Ông vẫn nêu tin thị trường lên cao như một thành tích kinh tế của mình. Trong hai năm qua ông đã "tuýt" về tin thị trường lên cao hơn 30 lần !
Như ông Trump đã thấy, thị trường lên xuống tùy theo triển vọng kinh tế thế giới, mà trong đó kinh tế Mỹ và Trung Quốc đóng vai chính. Nếu cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước không ngừng, kinh tế toàn cầu sẽ xuống. Từ hơn một năm qua, thị trường lên xuống theo những thông điệp "tuýt" của ông Trump về ông Tập. Khi Trump khen Tập dễ thương, chỉ số Dow Jones lên. Khi ông tố cáo dân Trung Hoa cướp công việc làm của người Mỹ, thị trường xuống.
Ngày 3 tháng Mười Hai, 2018, khi Trump gặp Tập ở Buenos Aires, Argentina, trong hội nghị G-20, Trump đã "tuýt" về rằng hai bên rất vui vẻ ; thị trường New York tăng vọt ngay. Ngày 4 tháng Mười Hai, sau khi nghe các cố vấn diều hâu như Lighthizer, Trump "tuýt" một câu nhắc lại lập trường : "Tôi là tay đánh thuế quan (I am a Tariff Man)". Và khoe, "Chúng ta đang thu vào hàng tỷ đô la quan thuế !" Chỉ số Dow Jones tụt ngay 300 điểm.
Ông Trump đứng giữa hai lựa chọn : Tấn công mậu dịch Trung Quốc, hay là, giữ vững chỉ số Dow Jones ! Nếu trong tháng tới ông có vẻ hòa dịu hơn với Tập Cận Bình, thì lý do chính là ông muốn bảo vệ thị trường chứng khoán.
Tập Cận Bình chắc phải biết điều đó. Cho nên, trong trận đấu Trump-Tập sắp tới, hai bên sẽ thử thách nhau : Xem bên nào chớp mắt trước !
Tập Cận Bình có thể găng, không nhượng bộ dễ dàng. Nếu Mỹ không hài lòng, thì cứ việc cắt cầu, không nhập cảng hàng Tàu, không buôn bán làm ăn bên Tàu nữa ! Nếu Mỹ bỏ đi thì sẽ có các nước khác nhẩy vào. Hãy coi thí dụ gần đây nhất, chính phủ Mỹ yêu cầu các đồng minh tẩy chay hàng của Huawei cho hệ thống thông tin mới G-5, nhưng nhiều nước thân Mỹ nhất cũng không nghe ! Huawei vẫn tiếp tục mở rộng thị trường khắp thế giới.
Tổng thống Mỹ còn một mối lo khác ngoài thị trường chứng khoán : Sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Bằng mọi cách, không để cho thị trường chứng khoán và kinh tế đi xuống. Tập Cận Bình biết yếu huyệt này. Cho nên Tập có thể hứa hẹn sẽ giúp Trump giữ vững thành trì cử tri ở các tiểu bang nông nghiệp.
Sau khi ở Hà Nội về, ông Trump đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hãy nhập cảng thêm nông sản Mỹ. Điều đó thì Tập Cận Bình sẵn sàng đáp ứng. Mua đậu nành ở Brazil thì giá cả không khác gì đậu nành Mỹ ! Ăn thịt heo của Mỹ thì dân Trung Quốc vẫn thấy ngon chẳng kém thịt heo của Nga !
Cho nên, cuộc gặp gỡ Trump-Tập sắp tới sẽ không chấm dứt không kèn không trống như khi Trump và Kim gặp nhau ở Hà Nội.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 01/03/2019
Tại sao "hội nghị thượng đỉnh" Trump-Kim đã chấm dứt không kèn không trống ? Lý do vì Tổng thống Donald Trump, và đa số người Mỹ, giả thiết rằng Kim Jong-un, và các tay độc tài ở Á Đông khác, cũng suy nghĩ giống như mình.
Mối quan hệ kỳ lạ của những cá tính mạnh : hà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm, 28 tháng Hai, 2019, tại Hà Nội, sau cuộc gặp đầu tiên của Thượng Đỉnh. (Hình : Zing)
Tất nhiên ông tổng thống Mỹ biết cậu Kim hoàn toàn khác mình. Kim thuộc loại "cùng hung cực ác !" Mới chấp chánh hai năm, Kim dám bắt giam ông dượng, người được cha ủy thác phò đưa mình lúc lên ngôi, rồi ra lệnh bắn bằng súng phòng không ! Kim hành hạ một viên tướng bị tình nghi mưu phản bằng phương pháp "khuyển quyết", cho chó cắn chết.
Không một người Mỹ nào có thể hành động như Kim, trừ những tay điên rồ. Mà Trump biết Kim là một người rất tỉnh táo, không điên. Độc ác nhưng biết tính toán lợi hại ; biết mua chuộc và phỉnh nịnh khi cần.
Kim Jong-un không cần nghĩ ra một kế hoạch giết người để củng cố ngai vàng. Trước khi chết, người cha, Kim Jong Il, có thể đã dặn dò cậu con phải lần lượt giết ai rồi tới ai. Các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa thường để lại những di chiếu, cho con một danh sách những người cần phải hạ thủ, vừa trừ hậu hoạn, vừa làm cho cả đám cận thần của cha mình khiếp đảm. Nhưng Kim Jong-un đã thi hành kế sách đó một cách hoàn hảo ; đến nỗi ông Donald Trump phải khen "Tay này giỏi !"
Biết chắc chắn Kim thuộc một "giống người" khác mình, nhưng Trump tự tin rằng ông biết cách đối trị. Cả cuộc đời làm kinh doanh, Trump đã đối phó với bao nhiêu loại người, lúc thì hợp tác, lúc thì đối đầu hoặc sẵn sàng tiêu diệt. Các giám đốc ngân hàng, các nhà thầu xây cất, và bao nhiêu công nhân, ai cũng có thể là cộng sự, rồi bỗng thành đối nghịch, ông Trump không sợ đứa nào cả.
Vậy tại sao lại nói Donald Trump đã lầm khi giả thiết Kim Jong-un suy nghĩ giống như mình ?
Có ba thứ trên đời được mọi người theo đuổi : Danh, Lợi và Quyền. Ông Trump, cũng như phần lớn người Mỹ tin rằng Kim Jong-un theo đuổi cả ba mục tiêu đó. Giả thiết như vậy không sai. Nhưng người Mỹ có thể đặt tỷ trọng ngang nhau cho ba mục tiêu đó. Đối với các doanh nhân, Lợi thường đứng hàng đầu, rồi tới Danh và Quyền. Trong khi đó, đối với các lãnh tụ độc tài Á Đông như Kim, Quyền là động cơ quan trọng nhất ; Lợi có thể không cần nói tới.
Khi tỏ ý lạc quan về kết quả lần gặp gỡ thứ nhì với Kim Jong-un, ông Donald Trump thường nhắc tới viễn tượng một nước Bắc Hàn có triển vọng phát triển nhanh chóng, sẽ thành một cường quốc kinh tế. Ông Trump muốn vẽ ra viễn tượng kinh tế Bắc Hàn sẽ theo kịp Nam Hàn. Chúng ta cũng sẵn sàng đồng ý : Cùng một chủng tộc, cùng một ngôn ngữ và lịch sử, Bắc Hàn sẽ mạnh không kém Nam Hàn ; chỉ cần Kim Jong-un đồng ý xóa bỏ kho vũ khí hạch tâm, hỏa tiễn và được cởi bỏ cấm vận.
Trump khuyên Kim hãy học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Cộng. Nếu là một người suy nghĩ thuần lý, Kim sẽ làm theo đề nghị của Trump. Cậu Un sẽ thêm Danh, nếu kinh tế Bắc Hàn lên cao, dù chỉ bằng một phần ba Nam Hàn. Quyền hành của Kim sẽ không mất, mà còn được củng cố vì có công nâng cao mức sống của người dân và chia phần cho các thủ hạ, cho phép họ biến thành các nhà tư bản đỏ. Nước giàu, thì lãnh tụ cũng giàu hơn. Kim sẽ được tăng thêm cả ba thứ, Danh, Quyền và Lợi.
Nhưng Kim Jong-un có thể suy nghĩ hoàn toàn khác.
Danh đã có rồi. So với đời ông nội và đời cha, Kim Jong-un hiện nay vang danh bốn bể. Ba ngàn nhà báo quốc tế đến quay phim từng bước đi, từng nụ cười, từng cử chỉ quơ tay lên của Kim. Dân Bắc Hàn suốt ngày đêm được coi hình "Lãnh Tụ Kính Yêu" bước đi trên thảm đỏ trải trên sân ga Đồng Đăng, tới bắt tay ông tổng thống Mỹ, giữa hai hàng quốc kỳ bay phất phới. Cậu Ủn được vị tổng thống Mỹ ngợi khen hết lời, thay vì, ba năm trước, còn bị các vị tổng thống Mỹ và cả thế giới khinh khi, coi như một thằng vô lại.
Nhờ số vốn Danh tăng lên như thế, Quyền cũng lên theo. Ba năm trước, ông Kim Jong-un còn có thể lo bị đảo chính. Giết bao nhiêu người, giết đến cả người anh ruột đã chấp nhận khuất phục mình, cũng vì chưa yên tâm. Nhưng bây giờ, uy danh đang lẫy lừng thế giới, địa vị cao hơn đời cha và đời ông nội, Kim không lo còn ai có tham vọng lật đổ mình nữa.
Cuối cùng là Lợi. Tổng thống Trump nghĩ rằng hình ảnh kinh tế phát triển là viễn ảnh Kim khó lòng bỏ qua, không bắt lấy. Ông tặng cho Kim một món lợi, tin rằng Kim không thể bào từ chối được.
Nhưng họ Kim, từ ba đời, không hề nghĩ đến món lợi đó. Họ không cần nghĩ đến. Đời ông nội Kim Nhật Thành đã để cho dân chết đói, hàng triệu người, chỉ cần vỗ béo cho quân lính, công an, mật vụ. Đời ông bố Kim Chính Nhật cũng vậy, bắt dân nhịn đói, ăn bo bo, dồn tài nguyên quốc gia vào việc thí nghiệm hỏa tiễn và bom nguyên tử.
Đối với các lãnh tụ độc tài, dân giàu hơn không có nghĩa là lãnh tụ được lợi hơn. Họ không có nhu cầu nhìn thấy trương mục ngân hàng của mình lên cao. Họ không đặt vốn đầu tư vào quỹ này, quỹ khác, hay làm chủ cổ phần của các ngân hàng, xí nghiệp. Có ai hỏi Kim Jong-un làm chủ bao nhiêu ruộng đất, bao nhiêu tòa nhà, mỗi năm lợi tức bao nhiêu không ? Không cần.
Các lãnh tụ chuyên chính muốn gì được nấy, họ là chủ nhân của cả nước. Tất cả đất đai, tài nguyên và nhân lực đều trong tay họ sử dụng. Họ Kim không có nhu cầu cất giấu tiền trong các ngân hàng ngoại quốc ; vì biết rằng đã đến mức phải xài tới các món tiền đó thì đời họ cũng tàn cùng với chế độ rồi !
Chắc Kim Jong-un, Kim Chính Ân đã học được từ đời cha, Kim Chính Nhật, rằng ở bên Tàu khi đảng Cộng Sản cho dân được làm ăn tự do hơn thì guồng máy kiểm soát phải lỏng lẻo hơn. Trong tất cả các gọng kìm dùng để trị dân, khí cụ mạnh nhất của các chế độ Cộng Sản, từ đời Stalin, là kiểm soát cái bao tử. Nới lỏng gọng kìm nào cũng có thể rủi ro.
Kim Jong-un muốn Mỹ tháo bỏ cấm vận là để các xí nghiệp quốc doanh có thể kiếm thêm ngoại tệ khi bán hàng ra nước ngoài, chứ không phải để cho dân chúng được tự do làm ăn.
Làm cho Bắc Hàn phát triển kinh tế bằng Nam Hàn thì được cái gì ? Có bao nhiêu vị tổng thống Nam Hàn đã bị lật đổ rồi ? Nhiều vị còn bị đưa ra tòa, bị vào tù nữa ? Kinh khủng ! Kim Jong-un làm sao ngủ ngon được ?
Tổng thống Trump khuyên ông Kim Jong-un hãy học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam: Hãy cởi trói kinh tế.
Thực ra, Đặng Tiểu Bình đã cởi trói vì kinh tế nước Tàu đang đến chỗ kiệt quệ sau những chính sách phá sản của Mao Trạch Đông. Hàng chục triệu người có thể chết đói, thiên hạ có thể đại loạn như thời Giặc Hoàng Cân hay Thái Bình Thiên Quốc.
Nguyễn Văn Linh cũng học phép cởi trói kinh tế của Trung Quốc sau khi dân chết đói, viện trợ của Nga và các nước Đông Âu chấm dứt.
Kim Jong-un không lâm vào tình trạng đó. Sau khi Kim bắt tay Trump ở Singapore năm ngoái, Trung Quốc, Nga và các nước Phi Châu đã phá rào, không thi hành các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc nữa. Cứ kéo dài tình trạng hiện nay, chế độ Kim còn sống rất lâu.
Kim có sợ Mỹ tấn công đánh phủ đầu để tiêu diệt kho vụ khí hạch tâm hay không ? Ông John Bolton, cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc, đã từng kêu gọi chính phủ Mỹ "tiên hạ thủ vi cường". Hai, ba năm trước, nêu lên ý kiến này có thể là một cách đe dọa cho Kim Jong-un phải lo lắng. Nhưng bây giờ liệu Tổng thống Trump còn hứng thú nghe theo ý kiến đó hay không, sau khi đã tự nhận mình "fell in love" và khen ngợi Kim Jong-un là người yêu dân, yêu nước ?
Ở Hà Nội, Tổng thống Trump khuyên Kim Jong-un hãy học hỏi kinh nghiệm cởi trói kinh tế của Trung Quốc và Việt Cộng. Nhưng Kim đã học của hai đồng chí cộng sản một kinh nghiệm khác : Khi đối đầu với nước Mỹ, cứ theo chiến thuật "đả đả đàm đàm !" Chính phủ Mỹ thay đổi hoài. Khi bỏ phiếu, dân Mỹ không quan tâm đến những chuyện thế giới bên ngoài. Họ lại mau quên. Cho nên, cứ giả bộ đàm phán, rồi kéo dài, kéo dài, sẽ tới lúc nước Mỹ chán mà bỏ cuộc. Hoặc vì họ thấy nhiều chuyện khác, ở Trung Đông, ở Nam Mỹ, ở Âu Châu, quan trọng hơn, cần giải quyết gấp hơn. Hoặc vì họ có một tổng thống mới ; hay một quốc hội mới, với những ưu tiên mới.
Người Mỹ đàm phán với Cộng sản một hồi thì sẽ phải thuộc câu ca dao Việt Nam :
"Thừa hơi mà đấm bị bông !
Hễ đấm bên nọ, nó phồng bên kia !"
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 28/02/2019
Năm vụ án đầu tiên kiện Tổng thống Donald Trump về lệnh "toàn quốc khẩn trương" (National Emergency) đã được phân công cho ba vị quan tòa ở California và Texas. Ba ông tòa do ba vị tổng thống khác nhau bổ nhiệm, hai ông Dân chủ, một ông Cộng hòa ! Cả nước Mỹ đang chờ coi tấn tuồng lý thú : Coi ông tòa nào xử như cho ông Trump thắng, ông tòa nào xử cho nguyên đơn thắng !
Người dân biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm 18 Tháng Hai, 2019, tại Washington, D.C., sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố "tình trạng khẩn trương". (Hình : Zach Gibson/Getty Images)
Hai vụ kiện ở California sẽ do Thẩm phán Haywood S. Gilliam Jr. ngồi xử. Ông được cựu Tổng thống Barack Obama (Dân chủ) bổ nhiệm năm 2014 và làm việc tại Khu Bắc California, nổi tiếng là cấp tiến. Hai vụ kiện khác nạp tại tòa khu vực thủ đô, Washington, D.C.. Chủ tọa phiên tòa sẽ là Thẩm phán Trevor N. McFadden, người được Tổng thống Trump (Cộng hòa) bổ nhiệm năm 2017. Thẩm phán David Briones sẽ xét xử vụ kiện thứ năm, mà ông này do cựu Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ) phong chức.
Liệu các quan tòa có xử theo xu hướng chính trị của họ hay không ?
Chúng tôi tin rằng không !
Trước hết, vì chức vị thẩm phán rất có danh vọng, một người làm thẩm phán liên bang thường làm suốt đời, trừ khi phạm lỗi nặng và bị "impeached" (đàn hặc). Họ phải bảo vệ thanh danh và uy tín với những người cùng nghề ; một thứ không thể lấy tiền tài hay quyền bính đem đổi.
Trong những vụ kiện "nặng mùi chính trị" như các vụ kiện này, người thẩm phán càng phải thận trọng, giữ mình hơn. Vì công chúng và tất cả các đồng nghiệp của họ theo dõi, phán xét ! Các quan tòa đều bị đặt trước tòa án dư luận !
Vậy có thể đoán các vị quan tòa kể trên sẽ xét lệnh "toàn quốc khẩn trương" của Tổng thống Trump như thế nào ?
Hiện nay chưa thể nào đoán được. Bởi vì chưa biết rõ lệnh này sẽ được đem thi hành như thế nào ! Chưa ai biết các cơ quan chính phủ áp dụng lệnh của ông tổng thống thì sẽ gây thiệt hại những gì, cho ai, để những người đó có thẩm quyền thưa kiện. Tòa án không thể xử án dựa trên một số lời tuyên bố chung chung.
Nguyên đơn có thể kiện ông tổng thống, nói rằng nước Mỹ không hề có tình trạng khẩn trương như ông mô tả. Nhưng kiện như thế sẽ giống như kiện củ khoai. Vì các vị thẩm phán trong ngành Tư Pháp, ngang hàng với Hành Pháp và Lập pháp, sẽ khó cho mình đóng vai trọng tài, để phán rằng Hành Pháp nói sai, không khẩn trương mà lại nói khẩn trương ! Trong các án lệ trước đây, thường vị quan tòa không xét xử và thay đổi những phán đoán của Hành Pháp về các vấn đề an ninh quốc gia.
Nếu bên nguyên là ngành Lập pháp, kiện Hành Pháp lạm quyền, lấn chân mình, thì họ có thể thắng dễ dàng hơn, nếu chứng minh được chuyện đó thật sự diễn ra với lệnh"toàn quốc khẩn trương" của ông tổng thống. Khi đó, phải chứng minh những khoản chi tiêu nào ông tổng thống đã dùng mà trước đó Quốc hội không hề cho phép. Hiến pháp Mỹ cho Quốc hội quyền ấn định các khoản thu (thuế má) và chi (ngân sách) của toàn thể chính phủ. Sau khi Quốc hội đã chấp thuận một ngân sách rồi, nếu tổng thống thay đổi thì có thể bị tố là lạm quyền.
Sau khi các quan tòa sơ thẩm xử rồi, thế nào bên bị thua cũng kháng cáo lên tòa phúc thẩm, và sau cùng phải lên tới Tối cao Pháp viện. Đây sẽ là màn hứng thú nhất trong cả tấn tuồng này.
Hiện nay, phần lớn các vị thẩm phán Tối cao đều có khuynh hướng bảo vệ tam quyền phân lập, đặc biệt là quyền của Quốc hội đối với bên Hành Pháp. Nếu trước tòa án vấn đề chính được định nghĩa như một vụ "chiếm quyền chuẩn chi" của Quốc hội thì ông Trump chắc sẽ thua.
Trừ khi, luật sư của chính phủ cãi rằng Tổng thống Trump không lạm quyền, ông chỉ thi hành đạo luật về "tình trạng khẩn trương" mà Quốc hội Mỹ đã thông qua năm 1976. Các luật sư của chính phủ có thể nói rằng, với đạo luật này, chính Quốc hội đã trao cho các vị tổng thống quyền du di một số ngân khoản ! Các luật sư cũng sẽ phân tích những ngân khoản được đem du di, thí dụ, 600 triệu USD tịch thu từ các tổ chức buôn ma túy ; 2,5 tỷ USD để ngăn ngừa ma túy trong quân đội, vân vân, sẽ đem ra để dựng hàng rào hoặc tường biên giới. Các luật sư sẽ chứng minh rằng các người đứng ta kiện (nguyên đơn) không ai bị thiệt hại trực tiếp nào khi thay đổi các món chi tiêu đó. Nghĩa là họ không có thẩm quyền nộp đơn kiện !
Trước Tối cao Pháp viện, Tổng thống Donald Trump sẽ vất vả nhất nếu bên nguyên tìm cách chứng minh với các quan tòa rằng chính phủ thực ra không cần tuyên bố khẩn trương, ông Trump chỉ dùng vụ đó để tiêu tiền quốc gia theo ý của mình thôi !
Nhật báo Wall Street Journal đã trích dẫn một lời tuyên bố "hớ hênh" của Tổng thống Trump khi ông tuyên bố "tình trạng khẩn trương", ngày thứ Sáu trước. Ông nói những câu bất lợi cho chính mình, "Tôi có thể xây bức tường trong một thời gian dài. Tôi không cần phải làm như vầy (tuyên bố khẩn trương). Nhưng tôi muốn xây bức tường nhanh chóng hơn".
Wall Street Journal, tiếng nói quan trọng trong đảng Cộng hòa, khuyên : "Donald Trump, ông hãy gặp Robert Jackson. Ông là vị thẩm phán Tối cao Pháp viện mà lý đoán của ông trong án lệ Youngstown v. Sawyer có thể quyết định số phận ‘tình trạng khẩn trương’ của ông Trump".
Như đã trình bày trong mục này tuần trước, trong vụ kiện Youngstown trên, Tổng thống Harry Truman bị kiện khi tính quốc hữu hóa các nhà máy thép, trong thời chiến tranh Cao Ly. Tối cao Pháp viện đã bác bỏ. Lý đoán của Thẩm phán Robert Jackson nổi tiếng vì đặt ra một số quy tắc trong quan hệ Hành Pháp với Lập pháp ở nước Mỹ. Nói rõ ràng : Quyền hạn của vị tổng thống tùy thuộc vào quyền hạn và nguyện vọng của Quốc hội.
Thẩm phán Jackson viết : "Quyền hạn của tổng thống mạnh nhất khi hành động với sự hỗ trợ của Quốc hội. Khi tổng thống tự quyết định lấy mà Quốc hội không nói gì thì quyền hạn của ông ta yếu hơn. Quyền hạn đó xuống thấp nhất khi vị tổng thống hành động trái với những nguyện vọng Quốc hội, hoặc đã nói ra, hoặc tỏ ra muốn như vậy – incompatible with the expressed or implied will of Congress".
Trong câu chuyện hiện nay, nhật báo Wall Street Journal nhận xét, Tổng thống Trump đã nói thẳng rằng ông tuyên bố "tình trạng khẩn trương" vì Quốc hội từ chối cấp tiền cho ông. Trong thời gian đảng Cộng hòa còn nắm Hạ Viện, ông Paul Ryan cũng không cấp tiền cho ông Trump xây tường. Vì vậy, sau án lệ Youngstown v. Sawyer, lý lẽ của ông Trump rất yếu.
Nhật báo Wall Street Journal cũng nhắc tới vụ một quan tòa liên bang năm 2014 đã bác bỏ việc Tổng thống Obama lấy tiền trả cho các hãng bảo hiểm khi áp dụng luật Obamacare, mà không được Quốc hội cho phép, như đã trình bày trong mục này tuần trước. Lúc đó, bà Nancy Pelosi đã từng hoan hô ông Obama hết lời.
Tờ báo được coi là tiếng nói quan trọng nhất của đảng Cộng hòa kết luận : "Đảng Dân chủ lạm quyền không phải là cái cớ để đảng Cộng hòa cũng làm như họ. Các nhà Lập Quốc đã vẽ ra một bản hiến pháp với các điều bảo đảm (các quyết định của quốc gia) không bị các tình tự chính trị nhất thời chi phối".
Câu hỏi cuối cùng, là các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện hiện nay có bao nhiêu người đồng ý với Thẩm phán Robert Jackson năm 1952 ?
Thực ra, nếu Tòa Tối cao bác bỏ "tình trạng khẩn trương" của Tổng thống Donald Trump thì ông vẫn có thể xoay trở, kiếm ra được ít nhất 4 tỷ USD để xây tường !
Đối với vị tổng thống thứ 45, 9 nút, xây bức tường không quan trọng bằng bảo vệ lòng tín nhiệm mà các cử tri cơ bản đặt vào ông. Dù mai mốt có bức tường hay không thì ông Trump vẫn giữ được cái "vốn chính trị" của mình. Với cái vốn 40% cử tri đó, ông có thể khiến cho đảng Cộng hòa không có cách nào khác là phải ủng hộ ông. Dù kết quả trận đấu pháp lý ra sao, trận đấu năm 2020 vẫn không thay đổi.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 22/02/2019
Thế nào trong mấy ngày qua quý vị cũng được nghe người chung quanh chúc Hạnh Phúc.
Chữ "Phúc" trong năm mới Kỷ Hợi. (Hình : Getty Images)
Đối với mỗi cá nhân, có thể biết khi nào mình thật là hạnh phúc, do đó có thể tu thân dần dần để tìm ra lối sống hạnh phúc. Trong lòng không âu lo, không thèm muốn cái gì quá sức, không thù ghét, hờn giận ai cả ; biết vui hưởng những gì mình đang có, thí dụ như không khí đang thở, nước lạnh uống cho đỡ khát ; nhìn mọi người chung quanh chỉ thấy phát khởi tình thương yêu ; đó là những giây phút sống hạnh phúc. Cảm thấy hạnh phúc vì mình được tự do, không bị lòng tham, giận dữ hoặc lòng ganh tị trói buộc.
Nhưng đó là chuyện cá nhân. Làm cách nào cho cả một xã hội hạnh phúc ? Có những chính quyền đưa hai chữ Hạnh Phúc lên làm khẩu hiệu cho cả nước, nhưng trong thực tế họ có đem lại hạnh phúc cho người dân hay không ?
Chúng ta có thể đoán, là muốn xã hội hạnh phúc thì kinh tế đóng một vai trò khá quan trọng : Một quốc gia nghèo nàn, người dân thiếu ăn thiếu mặc quanh năm, thì khó sống hạnh phúc. Nhiều nhà tu hành khổ hạnh vẫn thấy an vui. Nhưng nói chung cả xã hội thì không thể hy vọng tất cả mọi người đều tu chứng cao như vậy.
Cho nên phải lo chuyện kinh tế. Nước nghèo quá thì dù đủ ăn đủ mặc nhưng khi lâm bệnh thiếu thuốc chữa, trẻ con hay chết yểu, người già không ai trông nom, những thứ đó sẽ ngăn trở hạnh phúc của nhiều người.
Nhưng một nước phát triển kinh tế có giúp cho mọi người hạnh phúc hơn chăng ? Câu trả lời là "có" và "không". Chấm dứt được tình trạng nghèo nàn thì đại đa số dân thấy sung sướng hơn. Nhưng sau đó, hạnh phúc không tăng theo tỷ lệ thuận khi lợi tức gia tăng.
Nói chuyện kinh tế thì ở những nước như Mỹ, Nhật Bản lợi tức bình quân tăng gấp đôi trong nửa thế kỷ vừa qua. Tuổi thọ trung bình cao hơn, đời sống nhiều tiện nghi hơn, chế độ an sinh xã hội tử tế giúp đỡ những người mất việc hoặc gặp tai nạn bất ngờ. Vậy thì họ có hạnh phúc hơn không ?
Khi hỏi đến hạnh phúc, hầu như đa số dân hai nước trên vẫn không thấy hạnh phúc hơn so với lúc mới thoát khỏi cảnh chậm tiến. Ở Mỹ, những cuộc thăm dò dư luận từ thập niên 1950 tới nay thấy có khoảng 30 phần trăm người dân nói họ cảm thấy rất hạnh phúc ; và sau 50 năm tỷ lệ đó không thay đổi. Dân Nhật Bản có nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn dân Mỹ, nhưng tỷ số những người này cũng không tăng theo lợi tức bình quân.
Tại sao đời sống sung túc hơn mà người ta không hạnh phúc hơn ?
Một giáo sư kinh tế học, ông Richard Layard, dạy tại trường đại học London School of Economics đã xuất bản một cuốn sách bàn về hiện tượng này, nhan đề "Hạnh Phúc : Những Bài Học của Một Khoa Học Mới", (Happiness : Lessons from a New Science, Penguin xuất bản). Ông không bàn đến hạnh phúc từng cá nhân, mà nói chung hạnh phúc của cả xã hội.
Một "bài học" mà ông Layard rút ra là, nói chung, cuộc sống quá cạnh tranh làm giảm bớt hạnh phúc của nhiều người. Trong sống ganh đua của kinh tế thị trường, những người thành công có lợi tức cao hơn hoặc được tăng lương, có thể họ thấy hạnh phúc hơn chút đỉnh. Nhưng tâm lý những người thất bại lại bị tổn thương rất nặng so với người dân trung bình. Hơn bù kém, tổng số hạnh phúc của cả xã hội bị giảm đi một chút.
Một bài học nữa được Layard nêu lên là : Giàu nghèo không làm tăng hay giảm hạnh phúc, chính sự chênh lệch giàu nghèo ảnh hưởng tâm lý này. Lợi tức tăng gấp đôi không gia tăng hạnh phúc nếu nhìn chung quanh thấy lợi tức nhiều người khác tăng lên gấp mười !
Hơn nữa, con người thường không thể sống hạnh phúc một mình. Trong một xã hội cạnh tranh tự do, người ta có thể không ganh tị với những người thành công hơn mình ; nhưng khi nhìn thấy mình thua người gần bên cạnh thì hạnh phúc có thể giảm. Phần lớn chúng ta không ganh tị với ông bà Bill và Melinda Gates, hay ông Jeff Bezos ; nhưng sẽ "tủi thân" khi thấy bà hàng xóm của mình không đi làm mà lại lái chiếc xe Bentley chẳng hạn !
Chỉ khi lòng mình hướng lên những giá trị cao thượng và chịu khó tu tâm chúng ta thoát ra khỏi cái bẫy đó. Do đó, một xã hội với nhiều người sống theo đạo lý chắc hạnh phúc hơn một xã hội chỉ chạy theo vật chất, tiền tài và địa vị.
Các nhà nghiên cứu kinh tế rất thích dùng con số để chứng minh. Có vị giáo sư đã thí nghiệm bằng cách yêu cầu một nhóm sinh viên ở Đại Học Havard chọn một trong hai trường hợp, và nói cho biết mình thích trường hợp nào gì.
Một là anh/chị làm được số lương 50.000 USD một năm trong khi những người đồng cảnh chỉ được 25.000 USD. Hai là lãnh lương 100.000 USD nhưng chung quanh ai nấy lãnh hơn 200.000 USD. Khi đem câu hỏi trên ra thử, đại đa số thích được sống theo trường hợp thứ nhất !
Quý vị thấy ngay kết luận, là khi so sánh của cải, niềm vui của con người không do số tiền mình có là bao nhiêu mà tùy thuộc cái tâm so sánh giầu nghèo. Đến đây ta càng thấy việc tu tâm dưỡng tính là quan trọng. Ở Nhật và ở Mỹ người ta không sợ chính quyền nhưng vẫn sợ ông bà hàng xóm !
Trong một xã hội cạnh tranh gắt gao mỗi người tìm cách làm việc nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn, khiến cho những người khác cũng phải làm việc thêm, kiếm tiền thêm. Không còn thời giờ nghỉ ngơi, giải trí nữa, cho nên số người cảm thấy hạnh phúc chắc sẽ giảm. Người ta tự đánh mất tự do và hạnh phúc chỉ vì cái tâm phân biệt !
Một người bạn tôi lái chiếc xe Lexus mới, bị đụng nát, may mắn chị không việc gì. Tôi hỏi thăm, chị bảo : Tôi sẽ mua một chiếc Camry, nó cũng tốt chẳng kém gì Lexus. Một tháng sau gặp lại, thấy chị đang lái một chiếc Lexus mới. Chị giải thích : "Ra đường thấy toàn những xe Camry chạy, trông chán quá !". Tâm lý chúng ta đều như vậy. Lái chiếc Lexus trong lúc nhiều người lái Camry, việc đó cũng tạo cho mình một chút niềm vui, có thể mua được. Tất nhiên, niềm vui đó không bền chặt như niềm vui khi giúp được một đồng loại chẳng hạn, nhưng nếu dư tiền thì bỏ ra mua lấy một chút cũng đáng, không sao. Rồi lúc khác chúng ta sẽ lo giúp đồng loại.
Giáo sư Richard Layard ngồi trong Nguyên Lão Nghị Viện Anh Quốc (giống như Thượng Viện ở Mỹ nhưng tước vị không có hạn kỳ.) Ông không nghiên cứu về hạnh phúc cho thỏa mãn óc tò mò mà còn đề nghị những "giải pháp chính trị" để dân chúng có cơ hội hạnh phúc hơn. Làm các nào ‘quốc gia" giúp cho dân chúng hạnh phúc hơn ?
Huân tước Layard nêu thí dụ về các biện pháp bảo vệ môi trường sống. Một công ty kiếm lời nhiều nhưng nhà máy của họ có thể phun khói làm người chung quanh khó thở. Nhà máy tăng lợi nhuận nhưng xã hội chịu phí tổn, vì những chi phí như trị các bệnh phổi chẳng hạn. Làm cách nào buộc nhà máy phải bớt phun khói ? Giải pháp bình thường là đánh thuế ! Càng phun nhiều khói độc, càng phải đóng thuế cao để xã hội chữa bệnh người khác ! Khi xí nghiệp bị đánh thuế, phí tổn về không khí nhiễm độc biến thành phí tổn sản xuất của công ty. Họ sẽ phải tìm cách giảm phí tổn, tức là giảm khói.
Không cần suy nghĩ nhiều chúng ta cũng biết Lord Layard muốn kết luận thế nào : Để xã hội bớt cạnh tranh gay gắt, hãy đánh thuế lợi tức lũy tiến, kiếm càng nhiều thì suất thuế càng cao ! Khi người giầu phải đóng thuế nhiều hơn, nhiều người khác sẽ hạnh phúc hơn. Họ sẽ có thể sẽ không cần lái xe đắt tiền nữa. Một người mua chiếc xe Bentley về đậu trước cửa thú vị thật nhưng cũng có thể làm bà con lối xóm bớt vui đi. Có lẽ chính phủ nên phát cho họ cái giấy dán trên cửa xe : Tôi là người đóng thuế hơn 100 ngàn đô la ! Sang hơn nữa : Tôi đóng thuế trên 500 ngàn đô la ! Như vậy cũng có thể giúp người đóng thuế cảm thấy hạnh phúc hơn một chút !
Đề nghị trên hoàn toàn trái ngược với lối hô hào : Cắt thuế, cắt thuế, cắt thuế ! Vì suất thuế thấp sẽ khuyến khích người ta làm việc nhiều hơn, lợi tức gia tăng, kinh tế phát triển cao hơn. Nhiều người giầu nhất nước Mỹ, như các ông Gates và Waren Buffett không đồng ý. Ông Buffett than : Cô thư ký của ông đóng suất thuế cao hơn ông ! Sao lại bất công như vậy ?
Tất nhiên, khi đưa ra chủ trương cắt thuế người ta chỉ lo về mặt kinh tế, không quan tâm đến hạnh phúc nói chung, một thứ rất khó đo lường. Ở những nước Bắc Âu, Canada, thuế nặng hơn các nước Anh, Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không cao bằng Mỹ. Nhưng khi được phỏng vấn nhiều người dân nói họ cảm thấy hạnh phúc, tỷ số cao hơn ở Mỹ.
Tài sản và sự chênh lệch tài sản chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hạnh phúc. Lord Layard cũng viết về những yếu tố khác quan trọng không kém mà không tùy thuộc tiền bạc : Những người chung quanh mình.
Xứ Bhutan được gọi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nói đến lợi tức thì người dân ở đó nghèo hơn nhiều nước. Thí dụ, tôi mở tủ ra thấy mình có vài ba chục cái áo ; một người trung lưu ở Bhutan chắc chỉ có năm, bẩy cái áo. Họ thường đi bộ, ít dùng xe hơi, còn người Mỹ hầu như ai cũng phải lái xe ; không thì khó sống.
Nhưng ngôi nhà ông vua Bhutan ở không lớn hơn nhà người dân khá giả bao nhiêu. Một người Việt đã sống ở Bhutan 11 năm nói với tôi rằng bà chưa từng trông thấy trẻ em cãi nhau bao giờ – chắc trẻ em đánh nhau còn hiếm hơn nữa. Niềm vui lớn nhất của chồng bà, người Bhutan, là họp mặt với bạn bè – nhiều lần ông rủ nhân viên trong xí nghiệp của mình nhau đi bắn cung cả ngày ! Rất khó dạy cho một người Bhutan khái niệm "tối đa hóa doanh lợi !".
Người ta thấy hạnh phúc hơn khi có bạn bè thân thiết để chia sẻ những lúc vui buồn ; hay khi sống trong gia đình hòa thuận. Chúng ta cũng hạnh phúc khi cảm thấy mình hữu ích, có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Những điều này ai cũng đồng ý cả.
Như vậy thì các nhà chính trị có nên đưa ra các đạo luật, giống như họ làm luật thuế khóa, để ảnh hưởng trên hạnh phúc toàn dân không ? Nhà nước có cách nào để phát cho dân chúng một năm mỗi người thêm mấy ký lô hạnh phúc hay không ?
Chính phủ có thể làm luật để ngăn cản bớt việc li dị chẳng hạn, để số trẻ em không lâm vào cảnh cha mẹ xa cách lên cao hơn. Nhưng làm luật như thế nào thì giúp các cặp vợ chồng sống thương yêu nhẫn nhịn với nhau, khi họ muốn li dị mà không được bỏ nhau ngay, đợi một thời gian có thể suy nghĩ lại ?
Những người sùng đạo thường cảm thấy hạnh phúc hơn người vô tín ngưỡng. Nhiều nước lấy công quỹ giúp cho các cơ sở tôn giáo hoạt động, như ở nước Đức, đó cũng là một cách giúp gia tăng hạnh phúc cho dân. Tất nhiên, đi bắt bớ, giam cầm hay quản thúc các nhà tu hành thì chắc chắn không thể nào nâng cao hạnh phúc cho dân !
Nhưng quốc gia có nên bắt buộc mọi người phải có một tín ngưỡng hay không ? Chắc hẳn là không rồi. Vì hạnh phúc là một món mỗi người tự do cảm thấy chứ không thể bắt buộc người ta hạnh phúc được ! Các nhà chính trị có thể tạo ra các điều kiện giúp cho mọi người bớt khổ. Phòng bệnh, giáo dục trẻ em, giúp các bà mẹ có nhiều thời giờ sống với con dù vẫn đi làm, vân vân. Nhiều người sẽ có cơ hội sống hạnh phúc hơn. Nhưng không thể cứ làm thêm luật lệ và hô khẩu hiệu thì tự nhiên dân sẽ hạnh phúc hơn.
Cuối cùng, khi nói chung cho cả một quốc gia, chính tự do là một điều kiện thiết yếu cho hạnh phúc. Tự do chưa phải là "điều kiện đủ" tạo nên hạnh phúc, nhưng thiếu tự do thì khó sống hạnh phúc. Còn nói chuyện từng cá nhân lại khác. Những người biết tu dưỡng thì sống trong hoàn cảnh nào cũng hạnh phúc được.
Ước mong trong năm mới chúng ta đều cố gắng giữ đạo lý, tu tâm dưỡng tánh, để sống hạnh phúc hơn. Muốn tạo thêm hạnh phúc tới cho người chung quanh thì chính mình phải sống hạnh phúc. Điều này các nhà chính trị nhiều khi không nghĩ tới.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 05/02/2019
Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi tố công ty Huawei với hơn vài chục tội. Người sẽ chú ý đến nhất tới vụ công ty này bị tố vi phạm luật cấm vận Iran, và hình ảnh bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou 孟晚舟) bị đưa ra hầu tòa. Nhưng đó chỉ là một chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn đáng lo ngại là những công ty như Huawei đang được chính quyền Trung Quốc dùng để qua mặt Mỹ trong cuộc chạy đua kỹ thuật, kinh tế và quân sự của thế kỷ 21.
Huawei ra mắt chip 5G có tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới tại Bắc Kinh hôm 24 tháng Giêng, 2019. (Ảnh : Fred Dufour/AFP/Getty Images)
Để hiểu mối lo lắng của Mỹ và các nước Âu Châu, chúng ta có thể nghe câu chuyện đang diễn ra với điện thoại iPhone. Trong khi chúng tôi viết dòng chữ này, ngày thứ Ba, 29 tháng Giêng 2019, hãng Apple có thể đang "vào" trong cái iPhone của tôi, mà tôi không thấy gì hết ! Họ cần sửa một chương trình điện toán, gọi là "áp" (apt) ở trong đó.
Apple đang phải "vô" hàng trăm triệu iPhone mà họ đã bán, vì hơn một tuần trước, một cậu bé 14 tuổi ở Tucson, Arizona, vô tình "nghe trộm" được máy iPhone của người khác, cậu bèn nói cho mẹ biết. Bà mẹ mất nhiều ngày mới báo động được cho hãng Apple. Apple khám phá cái apt "Group FaceTime" có sơ suất. Apt này dùng để gọi điện thoại, thấy cả hình, cho nhiều người một lúc. Apple phải "tắt" ngay chương trình điện toán này trong tất cả các máy iPhone họ đã bán, rồi lo sửa chữa sau.
Nhưng các chủ nhân của iPhone không cần đem máy đi sửa ! Công ty Apple có thể "đi vào" tất cả những iPhone họ đã sản xuất. Họ vô trong máy, tắt một bộ phận của một chương trình (apt), khi nào sửa chữa xong họ sẽ cài vô lại ! Bao lâu nay, những người dùng iPhone biết rằng công ty Apple lúc nào cũng có thể vô máy của họ để "cập nhật" các apt chứa trong đó, trong khi chủ nhân đang ngủ.
Hiện tượng này ai cũng biết, từ lâu rồi. Nhưng điều làm cho giới tình báo các nước lo ngại là thế giới sắp có một cuộc cách mạng thông tin, với hệ thống điện thoại mới thuộc "Thế Hệ thứ Năm" viết tắt là 5G.
Hệ thống 5G bao gồm nhiều thứ máy, với mạng lưới điện tử nối chúng lại, các đường và nút chuyển các tín hiệu. Chúng ta có thể nhân chuyện máy iPhone của Apple mà tưởng tượng, một công ty sản xuất các món đồ sử dụng trong một hệ thống 5G có thể "đi vô" cái máy họ làm, bất cứ lúc nào. Trong cái máy đó chứa gì họ có thể biết hết, có thể sửa đổi, có thể sao chép, đem đi dùng vào việc khác !
Nhưng 5G không phải chỉ là một hệ thống điện thoại. Trong tương lai, tất cả các máy móc quý vị dùng, trong nhà hay ngoài đường, có thể được nối kết với hệ thống này. 5G sẽ nối vào tủ lạnh, để báo tin cho quý vị biết nhà còn hay hết rau cải, bình sữa mua tuần trước sắp hết hạn chưa. Nó nối vào cái xe hơi "tự hành" để quý vị có thể gọi điện thoại bảo xe mở cửa, ra đường, tự lái đến đón ông, bà chủ tại một tiệm ăn. Và hệ thống 5G cũng liên lạc với các nhà máy, các phi trường, hải cảng, ai làm gì nó biết hết.
Và Đảng cộng sản Trung Quốc quyết tâm đi hàng đầu trong cuộc cách mạng 5G sắp tới. Cuộc chiến tranh trong tương lai, nếu bất hạnh xảy ra, sẽ đấu qua và trong các hệ thống thông tin như vậy.
Giáo sư Chris C. Demchak, ở Học Viện Hải Quân Mỹ (Naval War College), đã khám phá ra trong năm 2016, những thông tin chuyển từ Canada sang Nam Hàn đã được chuyển qua nước Tàu suốt sáu tháng. Và chuyện này còn tiếp tục.
Các nước Tây phương nhìn thấy mối đe dọa này, đã phản ứng. Australia và New Zealand đã hạn chế việc mua đồ của công ty Huawei cho hệ thống 5G đang thiết lập. Anh Quốc, Canada, Đức đều báo động việc mua dụng cụ của Huawei (华为 ; Hoa Vi, có thể hiểu là Made in China).
Vai trò của Huawei đáng chú ý vì công ty này đang tham dự việc thiết lập hệ thống 5G trên nhiều quốc gia, khắp thế giới. Họ đã đi bước đầu trong việc bán dụng cụ cho mới nhất cho các nước, năm năm trước các công ty Mỹ hoặc Nhật Bản. Theo đà này, trong tương lai, Huawei có thể điều khiển một nửa số hệ thống viễn thông 5G trên thế giới, hoặc nhiều hơn.
Đây là hệ thống viễn thông đầu tiên dùng "Trí Nhân Tạo" (AI) nối các xen xo dò tìm (sensors), rô bô (robots), các xe điện tự lái, cho tới các nhà máy, công trường, và có thể cả một thành phố, tất cả chạy tự động, không cần con người nhúng tay vào.
Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ Viện Mỹ đã báo động về mối lo gián điệp trong hàng hóa các công ty Trung Quốc Huawei và ZTE, dựa trên các phúc trình của giới tình báo. Các công ty này vẫn mua "chip" điện tử của các công ty Mỹ ; năm ngoái, khi chính phủ Mỹ ra lệnh ngưng bán chip thì ZTE hết việc làm, suýt bị đóng cửa.
Năm ngoái, các công ty AT&T và Verizon ngưng bán điện thoại do Huawei sản xuất, khi Huawei bắt đầu dùng các chip điện tử họ chế lấy, thay vì dùng chip mua từ Mỹ hay Âu Châu. Vì không thể biết những cái chip đó có thể làm những gì !
Ủy ban Viễn thông của chính phủ Mỹ đề nghị sẽ không trợ cấp cho các công ty dùng đồ mua của Huawei và ZTE. Một đạo luật ở Mỹ năm 2019 đã cấm các cơ quan chính phủ liên bang không được mua đồ của hai công ty này.
Công ty viễn thông BT Group, ở Anh, sẽ phá bỏ hết những dụng cụ của Huawei trong các xí nghiệp mà họ mới mua, sau khi tình báo nước Anh cho biết mối lo về gián điệp. thứ Sáu tuần trước, Vodafone cũng ở Anh Quốc, công ty điện thoại di động lớn nhất thế giới ngoài nước Tàu, đã tuyên bố ngưng mua đồ của Huawei, để tránh có thể bị các nước khác tẩy chay vì sợ gián điệp Trung Quốc xâm nhập.
Chính phủ Ba Lan cũng sợ những dụng cụ mua của Huawei dùng trong hệ thống viễn thông có thể là một mối đe dọa cho an ninh của các toán quân đội Mỹ đang tới giúp nước này. tháng trước Ba Lan đã bắt Piotr Durbajlo, một cựu sĩ quan tình báo, và Wang Weijing, nhân viên của Huawei, về tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Vụ này báo động các nước khác về mối nguy cộng sảnTrung Quốc có thể dùng Huawei cũng như ZTE vào công tác gián điệp. Các nước từ Âu Châu, Á Châu, và Phi Châu có thể bị ép mua dụng cụ của các công ty Trung Quốc, để đổi lại những hợp đồng thương mại khác.
Ai cũng biết rằng các công ty lớn ở Trung Quốc, dù bên ngoài là của tư nhân, cũng nằm trong vòng kiềm tỏa của Đảng cộng sản. Các công ty này không tôn trọng những quy luật của thị trường tự do.
Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ nhắc đến vụ Huawei ăn cắp mẫu một robot của công ty T-Mobile vào năm 2012. Nhân viên của họ, khi làm việc chung với công ty Mỹ, đã lén chụp hình thứ robot dùng để thử điện thoại, có lúc mang mấy bộ phận về nhà xem xét.
Mục tiêu của Trung Quốc là chế ngự thị trường viễn thông 5G trong tương lai. Các công ty Huawei hay ZTE là những cánh tay nối dài của hệ thống tình báo, gián điệp. Những sản phẩm rẻ tiền của các công ty này, có thể đang bán ở Wal-Mart, sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc xâm nhập vào từng gia đình ở Mỹ cũng như các nước khác.
Chính quyền Mỹ đã báo động các đồng minh về mối lo này, nói rõ rằng sáu tháng đầu năm 2019 sẽ là thời gian quyết định. Vì các quốc gia đang bắt đầu xây dựng hạ tầng cơ sở cho hệ thống 5G. Các thành phố ở Mỹ, từ Dallas đến Atlanta đang thí nghiệm. Ủy Ban Viễn Thông Mỹ (Federal Communications Commission) đã cho đấu giá một băng tần đầu tiên cho hệ thống 5G.
Cho nên vụ chính phủ Mỹ đưa công ty Huawei và bà Mạnh Vãn Chu ra tòa chỉ là một phần nhỏ trong trận đấu giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước Tây phương. Cuộc đàm phán về cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chỉ là một trận đánh nhỏ, so với cuộc chiến tranh kỹ thuật đang diễn ra.
Guồng máy kinh tế, chính trị, quân sự đều tùy thuộc công việc thông tin. Chiến tranh trong tương lai sẽ tùy thuộc hệ thống viễn thông. Ai biết được các bí mật của đối phương nhiều hơn sẽ thắng. Tất cả các đạo quân, những vũ khí tối tân sẽ tê liệt nếu hệ thống viễn thông bị phá.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 29/01/2019
Chắc quý vị đã đọc bài "Lộc Hưng – Cô Bé Áo Đỏ" của nhà văn Từ Thức ở Paris, đã đăng trên báo này. Đảng cộng sản Việt Nam đã cho phá sập khu nhà đồng bào sống hơn nửa thế kỷ ở Lộc Hưng, ngay trong vùng Sài Gòn. Để chiếm lấy đất.
Người dân vườn rau Lộc Hưng nhặt lại những gì còn sót lại sau khi chính quyền quận Tân Bình, Sài Gòn, đến giật sập nhà cửa của mình. (Hình : Facebook Vườn Rau Lộc Hưng)
Ông Từ Thức kể mỗi lần nghĩ tới Lộc Hưng, ông lại nhớ hai hình ảnh. Thứ nhất là cảnh một người cha trèo trên đống nhà bị phá sập, té lên té xuống. Ông đi tìm những mảnh đồ chơi của con ông.
Thứ nhì là hình một cháu gái đã mất nhà, mặc áo đỏ, vai đeo túi đi học về, buồn bã ngồi nhìn xuống phía trước. Chung quanh là chân cẳng những người đứng nhìn cảnh nhà mình bị kéo sập.
Nhà văn Từ Thức viết, "Nhìn cháu gái ngồi trước ngôi nhà, khu phố của mình bị san bằng, tự nhiên nghĩ tới một truyện ngắn của Nam Cao, tựa là ‘Mua Nhà,’ viết thời 1940".
Nhân vật trong truyện "Mua Nhà" rất nghèo, cái lều của anh bị phá sập sau một con bão. Anh đi tìm mua vật liệu để làm lại, nhưng có người muốn bán cái nhà của mình, cho anh gỡ đi đem dựng trên nền nhà cũ. Nam Cao kể, "Kẻ bán nhà là một kẻ nhiều công nợ. Anh ta góa vợ. Anh ta phải nuôi hai đứa con thơ dại". Anh bán nhà còn cho biết anh mới đánh bạc thua, bán nhà lấy 300 đồng để đi đánh bạc tiếp, gỡ lại.
Nhân vật của Nam Cao can ngăn anh ta đừng bán nhà để đánh bạc, nhưng vô ích. Biết mình không mua thì anh ta cũng bán cho người khác, đành bỏ tiền mua. Mua xong, đến gỡ cái nhà đem về, nhân vật thấy hai đứa con người bán, "Đứa con bé ngồi ngay dưới đất, ôm cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu, vừa đấm lưng em thùm thụp".
Khi ngôi nhà bắt đầu bị gỡ, Nam Cao kể, "Những mè, rui đã xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những tiếng rắn chắc vang lên, lộng óc. Tôi thấy con bé bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một chút. Cứ thế, nó chẳng nói chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy ? Lòng tôi thắc mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ :
– Mẹ ơi !"…
Hai đứa trẻ đang mất nhà cũng đã từng mất mẹ. Tiếng kêu "Mẹ ơi" của cô bé khiến cho, "Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá ! Tôi ác quá ! …".
Sau đó, nhân vật sống trong cái nhà mới, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước. Nhưng anh viết cho một người bạn : "Phải, tôi ác quá, anh Kim nhỉ". Và, "Những chiều đông lạnh lẽo, một con thạch sùng nấp trên một cái xà ngang, sẽ tặc lưỡi nhắc cho tôi biết : Tôi ác quá ! Tôi ác quá !…".
Nhìn hình ảnh cô bé mặc áo đỏ trong khu nhà bị phá sập ở Lộc Hưng, Từ Thức nhớ đến cô bé trong truyện "Mua Nhà" của Nam Cao. Ông tự hỏi sau gần 80 năm, nước Việt Nam có gì thay đổi không. Một cháu bé bị mất nhà ngày nay cũng đau khổ không khác gì một bé gái thời 1940. Không có gì thay đổi.
Nhưng Từ Thức nhận ra là xã hội vô tình trước cảnh em bé gái mặc áo đỏ : "Cái thay đổi ghê rợn là… người Việt Nam đã đánh mất nhân tính, trở thành những cái máy vô cảm".
"Cái khác nhau là, trong tác phẩm Nam Cao, người mua nhà bị ám ảnh mãi" sau khi nghe cháu bé gái kêu "Mẹ ơi !" Anh ta hối hận, ray rứt, tự oán trách mình đã làm chuyện ác.
"Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê chém mướn, tới phá nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi buồn bã trước cuộc đời tan vỡ…".
Nhân vật trong truyện Nam Cao còn "dằn vặt, thao thức" sau khi gỡ ngôi nhà mua, đem về làm nhà mình ở. Ngày nay, những anh công an và côn đồ đi phá nhà người dân, về lãnh tiền thưởng, họ có cảm thấy "dằn vặt, thao thức" hay không ? Người ta đã đánh mất lương tâm, mất lòng trắc ẩn.
Từ Thức lên án, "Cái lương tâm đó, người cộng sản đã đánh tan hoang" bằng nền giáo dục, và "bằng lối hành xử tàn tệ giữa người với người… Cái bất nhân trở thành một chuyện bình thường".
Giới văn nghệ, trí thức trong nước ta đã viết, đã nói rất nhiều về tình trạng "vô cảm" tràn ngập xã hội Việt Nam. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp trước đây 30 năm chúng ta thấy cảnh băng hoại đạo lý cùng cực sau mấy chục năm sống dưới chế độ cộng sản.
Một thành công lớn của chế độ cộng sản là biến lòng người thành gỗ đá. Trong năm điều mà Hồ Chí Minh bắt trẻ em học thuộc lòng không một điều nào nói đến lòng tôn kính cha mẹ, thương anh chị em, "thương người như thể thương thân" như Nguyễn Trãi đã dạy. Một thi sĩ nói, "Muốn yêu thương phải biết căm thù". Những chiến dịch tuyên truyền dạy người Việt Nam phải biết căm thù lẫn nhau. Trẻ em phải tố cáo cha mẹ, thầy cô giáo. Hàng xóm láng giềng phải tố cáo nhau.
Các chế độ bạo tàn đều gieo rắc sợ hãi và giết chết tình thương giữa người với người. Để củng cố quyền lực. Khi mỗi người nhìn chung quanh chỉ thấy kẻ thù, ai cũng chỉ lo cho chính mình ; hiện tượng xã hội học gọi là "phân ly cùng cực, atomization", thì bạo quyền có thể kiểm soát tất cả mọi người.
cộng sản đã dùng chế độ tem phiếu để kiểm soát bao tử. Ai cũng chỉ lo sao cho mình có miếng ăn, manh áo. Đâu còn thời giờ nghĩ đến người khác ?
cộng sản thúc đẩy cho mọi người nhìn nhau mà trong lòng chỉ sợ người khác tranh miếng ăn, tiền bạc, địa vị của mình ; đâu còn chỗ cho lòng trắc ẩn, tình yêu thương ? Nhìn thấy cảnh người khác bị đánh, giết, chỉ cảm thấy mình may mắn, vẫn còn sống và được yên thân !
Cuối cùng, đảng cộng sản chỉ muốn biến tất cả thành một đàn cừu, đảng dẫn đi đâu thì đi.
Như đàn cừu trong cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Trung Quốc.
Đó là cuốn "Tô Tem Sói", nguyên văn là "Lang Tú Đằng" (狼图腾). Tác giả là Lưu Gia Dân (Lü Jiamin, 呂嘉民), bút hiệu Khương Nhung (Jiang Rong, 姜戎). Nhân vật kể chuyện là một sinh viên đại học Bắc Kinh bị đầy lên Mông Cổ đi chăn cừu để "học tập lao động" trong thời "cách mạng văn hóa", giống tác giả.
Đọc đến trang 319 trong bản dịch sang tiếng Anh "Wolf Totem" do Penguin Press xuất bản, thấy cảnh con sói tấn công đàn cừu, bắt một con cừu ăn thịt ngay tại chỗ.
Khi con sói cắn cổ, vật ngã một con cừu rồi, nó xé da xả thịt ăn ngay tại chỗ. Anh sinh viên đứng quan sát, tính chờ con sói ăn no nặng bụng rồi mới động thủ thì sẽ hạ được nó. Đàn cừu bị tấn công lúc đầu hoảng sợ chạy trốn, nhưng khi thấy con sói bắt đầu ngồi xuống ăn rồi thì cả đàn lại bình thản gặm cỏ như cũ. Nhiều con cừu tò mò còn đến gần nhìn xem con sói nó ăn thịt "đồng bào" mình như thế nào. Tác giả mô tả bộ mặt của mấy chú cừu kia có vẻ như muốn nói : "May quá ! Con sói nó ăn thịt mày, nó không ăn thịt tao !" Nhiều con cừu bạo dạn tiến đến gần coi cho rõ cảnh con sói đang ăn tiệc một mình. Cả đám chen chúc nhau mà coi.
Nhân vật của Khương Nhung nhìn cảnh đó, chợt nhớ tới một đoạn văn của Lỗ Tấn. Nhà văn tả cảnh thời trước Đại Chiến Thứ Hai có một đám đông người Trung Hoa đứng coi một quân nhân Nhật Bản chuẩn bị chém đầu một người Trung Hoa khác. Chắc họ tò mò muốn biết một người bị chặt đầu sẽ chết như thế nào. Lưỡi đao Nhật có sắc như lời đồn hay không. Họ có thể tự hào, thấy đao phủ Nhật không chém gọn như đao phủ nhà Đại Thanh ! Anh sinh viên tự nhủ, "Chẳng trách được, những người du mục Mông Cổ họ coi người Hán cũng giống như đàn cừu".
Có bao nhiêu người Việt Nam đã tới coi cảnh công an phá nhà và vườn rau của bà con Lộc Hưng ? Họ có thương cảm các người bị giật sập nhà hay không ? Có ai tiếc rẻ những luống rau bị dầy đạp không ? Họ có thán phục kỹ thuật phá nhà của nhà nước cộng sản hay không ?
Bao giờ thì chúng ta thấy mình cũng giống những con cừu ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 22/01/2019