Dionysius I (c. 432-367 trước công nguyên) là một bạo chúa ở Syracuse, một thành phố Hy Lạp trên đảo Sicily. Ông cũng là một người thích làm thơ, không khác gì các ông Stalin và Hồ Chí Minh.
Trang mạng Bô Xít Việt Nam (www.boxitvn.net) do các nhà trí thức Việt Nam chủ trương đã sống được 10 năm dù dù bị chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc tấn công.
Một hôm Dionysius đưa cho thi sĩ Philoxenus coi một tác phẩm mới của ông. Nhà thơ người đảo Cythera đã từng bị quân Hy Lạp bắt khi họ đánh chiếm đảo. Bị bán làm nô lệ cho một thi sĩ phú hào rất rộng lượng ở A Ti Na (Athenes), Philoxenus được ông chủ dạy làm thơ, soạn nhạc. Ông chủ yêu tài, trả tự do, Philoxenus tới sống ở Syracuse lập ra một trường phái "Nhạc Mới".
Nhưng Philoxenus có tánh hay nói thật. Nghe thơ của Dionysius, thấy ngửi không được, ông nói ngay rằng thơ của nhà vua chẳng ra gì cả. Ông còn thành thật khuyên nhà vua đừng bao giờ làm thơ nữa. Việc viết khẩu hiệu nên để cho các thi sĩ hạng hai, hạng ba, họ có nghề múa mép, không nên bắt họ thất nghiệp.
Lập tức, Dionysius ra lệnh bắt giam Philoxenus, cho đi học tập cải tạo ở một công trường khai thác đá.
Ngày hôm sau, không hiểu sao Dionysius lại hối hận, mời nhà thơ vào triều dự tiệc. Dạ yến chiêu đãi văn nghệ sĩ tất nhiên là vui lắm, đại khái quý vị có thể tưởng tượng được, đủ các thứ sơn hào hải vị, có văn công giúp vui, vũ nữ ra múa. Sau khi đã uống rượu khá nhiều, thi hứng của nhà vua lại nổi lên. Ông đứng dậy ngâm một bài thơ của mình, thứ thơ kiểu "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Đọc thơ xong, Dionysius quay lại nhìn thi sĩ Philoxenus, hỏi : "Đồng chí thấy bài thơ mới thế nào ? Đồng chí đã thay đổi ý kiến về tài thơ của trẫm chưa ?".
Philoxenus đứng dậy, nghiêng mình, cung kính cúi chào ông vua. Rồi ông lững thững đi ra cửa, bảo tên lính đeo gươm hầu phụ trách an ninh nội chính : Chú làm ơn cho tôi trở về hầm đá !
Các văn nghệ sĩ và các nhà trí thức muốn nói thẳng, nói thật, rất khó sống dưới ách độc tài, dù là chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa hay là chế độ độc đảng chuyên chính ngày nay.
Cho nên, phải vui mừng khi thấy mạng Bô Xít Việt Nam (www.boxitvn.net) do các nhà trí thức Việt Nam chủ trương đã sống được 10 năm dù giữ vững thói quen "nói thẳng những lời trái tai" (trung ngôn nghịch nhĩ).
Ra đời năm 2009, Bô Xít Việt Nam may mắn hơn những người trí thức, văn nghệ thời Nhân Văn - Giai Phẩm hơn 50 năm trước. Thời thế đã thay đổi. Một đảng cầm quyền mang tên "cộng sản" nhưng chỉ lo làm ăn chung để chia phần với tư bản trong nước và tư bản quốc tế thì không thể dùng còn số 8 bịt miệng người dân như trong thế kỷ trước.
Khác với Nhân Văn - Giai Phẩm, do các nhà văn nghệ khởi xướng nhắm đòi quyền tự do phát biểu, Bô Xít Việt Nam xuất hiện vì những vấn đề chính trị : Dân Việt đứng lên bảo vệ môi trường sống đang bị các công ty khai thác ngoại quốc đe dọa ; do đó cũng chống cảnh chính quyền Việt Nam quá lệ thuộc Bắc Kinh.
Từ cuối năm 2007 chính quyền cộng sản Việt Nam đã cho các công ty Trung Quốc khai thác nhiều hầm mỏ ở nước ta. Mỏ "Bauxite" ở cao nguyên miền Trung đã tàn phá nhiều khu rừng, nhiều hồ nước dùng làm nơi thải "bùn đỏ" chứa chất độc, các nhà vườn không đủ nước tưới.
Khi dư luận lên tiếng phản đối Nguyễn Tấn Dũng, là thủ tướng lúc đó, đã thách thức nói rằng cho người Trung Quốc khai thác bô xít là một "chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước". Mặc dù trước đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cam đoan với các nhà khoa học môi trường rằng sẽ không cho ai khai thác bô xít.
Cái gọi là "chủ trương quan trọng của đảng và nhà nước" là kiếm tiền. Họ đặt hy vọng vào lời hứa Trung Quốc sẽ đem tiền từ bên Tàu đầu tư vào nước ta.
Việt Nam chịu cảnh thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc thường xuyên. Không thể giảm bớt thâm thủng, phải có tiền đầu tư ngược chiều vào để bù lại. Trong ba tháng đầu năm 2009, số đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam lại giảm bớt 40%, càng thấy cần tiền của Trung Quốc. Ông Nguyễn Tấn Dũng qua Tàu gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo để bàn chuyện gia tăng giao thương từ 20 tỷ USD tới 25 tỷ USD.
Mua bán nhiều hơn có nghĩa là sẽ thâm thủng nhiều hơn. Dự án khai thác bô xít hứa hẹn đầu tư 15 tỷ USD trong 15 năm. Lúc dó thì công ty Trung Quốc Chinalco đã bắt đầu khai phá khu mỏ thứ nhất, và nhờ Alcoa, một công ty Mỹ, nghiên cứu khả năng khai mỏ thứ nhì.
Người Việt Nam vốn không ưa Trung Quốc. Chúng ta đã lo cảnh hủy hoại môi trường sống lại thêm lo khi các công ty Trung Quốc đến tàn phá rừng núi nước mình, làm cho bao nhiêu đồng bào miền núi mất đất sinh sống ! Dân Việt Nam còn căm phẫn trước làn sóng những công nhân Trung Quốc sang Việt Nam làm việc, quây quần riêng với nhau, ở những địa điểm chiến lược, như nhật báo Anh Quốc, tờ Financial Times, ghi nhận "Chinese workers flooding into the strategically sensitive region".
Trong hoàn cảnh đó, một nhóm nhà trí thức đã cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi lập một mạng lưới thông tin cho đồng bào cùng lên tiếng. Ngay lập tức, mạng Bô Xít Việt Nam đã bị chính quyền cộng sản hai nước, Việt Nam và Trung Quốc, cùng tấn công. Báo chí quốc tế như những tờ New York Times, Financial Times, Wall Street Journal năm 2010 cùng loan tin Bô Xít Việt Nam bị ‘Tin tặc" tấn công, khi thấy hai công ty Google và McAfee tiết lộ.
Công ty McAfee, chuyên về chống tin tặc, vào tháng 1/2010, đã khám phá ra âm mưu dùng "malware" từ Trung Quốc len lỏi vào một website nhu liệu viết tiếng Việt của Hội Chuyên Gia Việt Nam. Rồi cả thế giới biết "Google cho thấy vụ tấn công trên mạng liên quan đến tranh chấp về khai mỏ ở Việt Nam".
Bô Xít Việt Nam đã đứng đầu sóng ngọn gió suốt 10 năm qua. Bắt đầu như một trang mạng nhắm vào một mục đích cụ thể, là chống Trung Quốc khai thác bauxite ở nước ta, sau 10 năm Bô Xít Việt Nam đã trở thành một diễn đàn của các công dân nước Việt.
Với tư cách công dân, các nhà trí thức bày tỏ ý kiến về vận mệnh đất nước. Với tiếng nói dõng dạc đường hoàng Bô Xít Việt Nam đã thể hiện quyền công dân, đi bước đầu trong việc xây dựng một xã hội công dân độc lập với những người nắm quyền.
Nhờ có diễn đàn này, các tin tức "trái chiều" được phổ biến, các ý kiến vận động và xây dựng tự do dân chủ được trao đổi trong tinh thần tương dung, tương kính, trong đó có đóng góp của nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Một diễn đàn độc lập do các công dân tự dựng lên và tham dự, như Bô Xít Việt Nam, là nền tảng cho việc tranh đấu, xây dựng cũng như duy trì, bảo vệ chế độ dân chủ. Những nhà "trí thức tự do" cố gắng đưa ra những thông tin và lý luận để các công dân khác, dù họ không chia sẻ quan điểm và lý tưởng của mình, cũng có cơ hội "biết thêm" về cuộc sống chung quanh.
Sự thật trong cuộc sống chung quanh chúng ta có thể hiện lên qua muôn vàn hình thức khác nhau. Mỗi câu chuyện có thể đem kể với những văn bản, màu sắc khác nhau. Những điều được coi là "chân lý" ngày hôm qua đến ngày mai có thể lộ nguyên hình là giả mạo.
Vì vậy xã hội loài người phải lập nên nhiều diễn đàn tự do để công khai chạy đua, cạnh tranh vơi nhau trong dư luận. Đó là một mắt xích không thể thiếu của xã hội công dân. Đi đôi với kinh tế thị trường, các xã hội muốn tiến bộ cần những thị trường thông tin, thị trường ý kiến. Mỗi người trong đó có thể canh chừng không để một người, một đảng đưa dân tộc vào những con đường sai lầm quá lâu, khi biết ra thì trễ quá, sinh bao tai hại. Trước hết, là những kẻ nắm quyền hành trong tay.
Các chế độ độc tài quân phiệt, phát xít và cộng sản, khi họ ngăn cấm thông tin, đều bắt dân chúng sống chìm đắm trong lạc hậu, lùi bước, chạy ngược chiều với lịch sử nhân loại. Bô Xít Việt Nam đang đi hàng đầu để ngăn cản chính sách ngu dân đó. Từng bước một, từng bước một, ước mong Bô Xít Việt Nam sẽ vững chân tiến tới.
Mười năm qua đã có nhiều nhà báo tự do xuất hiện, nhờ các tiến bộ kỹ thuật thông tin, các mạng xã hội. Các blogger của dân Việt đã bị đàn áp, trù dập. Nhiều người hiện đang sống trong tù. Như người ta nói, "Tự do không ai đem cho không" (Freedom isn’t free). Nhưng làn sóng tự do đã nổi lên trong 10 năm qua vẫn là một bước đi lớn.
Đền đài của các bạo chúa như Dionysius đã biến trong cát bụi. Nhưng các bài thơ của Philoxenus vẫn còn khi còn người nói tiếng Hy Lạp. Trí thức con người vượt lên trên các chế độ chính trị. Những blogger, nhà báo, nhà trí thức tự do hôm nay có thể vững lòng vì họ đang tranh đấu cho tương lai nước Việt Nam dân chủ. Họ đang góp gió thành bão.
Sẽ có ngày "Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới" như tựa một bài thơ của Tô Thùy Yên, một thi sĩ mới qua đời.
"Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Ngoài biển khơi, trên lục địa…
Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài…
…
Một ngày, một ngày,
Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Thổi tới"
(Tô Thùy Yên, Tuyển Tập Thơ, 2018)
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 25/05/2019
Năm 1934, quân chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thắt chặt vòng vây tấn công quân Cộng Sản trong tỉnh Giang Tây (Jiangxi). Tưởng Giới Thạch có thể tiêu diệt mật khu Cộng Sản. Mao Trạch Đông, mới lên làm thủ lãnh, tìm đường tháo chạy về phía Nam rồi tiến qua phía Tây Bắc, vừa đánh vừa chạy, một năm sau thì đến Thiểm Tây lập chiến khu mới.
Nếu không mua được các "chíp" từ Intel, Broadcom, Qualcomm của Mỹ, các công ty ZTE hay Huawei ở bên Tàu sẽ tê liệt ! Nhưng nay Tập Cận Bình sử dụng vũ khí "đất hiếm" có thể làm nền công nghiệp điện tử của Mỹ tê liệt. (Hình : Teh Eng Koon/AFP/Getty Images)
Đảng Cộng Sản Trung Quốc thường ca ngợi thành tích Vạn Lý Trường Chinh. Cuộc nội chiến, trong đó Mỹ giúp Tưởng Giới Thạch, kết thúc năm 1949 khi Mao thắng thế.
Tập Cận Bình mới đến đặt vòng hoa tại nơi Mao xuất phát cuộc trường chinh, thị trấn Vu Đô (Yudu, 雩 都), Giang Tây. Tại sao ông ta lại tới viếng địa điểm lịch sử này vào ngày Thứ Sáu tuần trước ? Cuộc trường chinh bắt đầu vào Tháng Mười, 1934, bây giờ mới là Tháng Năm !
Có một lý do, là Tập Cận Bình muốn gửi một thông điệp về cuộc chiến tranh mậu dịch đang khởi sự !
Đây là chuyến du hành ở trong nước đầu tiên của Tập Cận Bình, hai tuần lễ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến bằng những biện pháp thuế quan mới đánh trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Ngày Thứ Hai, Tập Cận Bình đến thành phố Cống Châu (Ganzhou, 赣州), Giang Tây, đi thăm các công trường khai thác và nhà máy chế biến của công ty JL MAG Rare-Earth, một công ty sản xuất "đất hiếm" (rare-earth) lớn nhất thế giới. Hàng Trung Quốc chiếm 59% trong tổng số $155 triệu đất hiếm mà Mỹ nhập cảng năm ngoái.
Đặc biệt, người đi kè kè bên cạnh Tập Cận Bình trong chuyến đi lại là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, sứ giả chính của Bắc Kinh trong các cuộc thương lượng mậu dịch. Mọi người đoán ra ý nghĩa bản thông điệp : Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm như một vũ khí trong cuộc chiến. Nếu Trung Quốc ngưng bán ngay tất cả số đất hiếm cung cấp cho Mỹ thì nhiều ngành công nghiệp ở nước Mỹ sẽ tê liệt ! Các nhà báo hỏi thẳng điều này và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lững lờ : Hãy chờ đó, xem sao !
Bài diễn văn của Tập Cận Bình tại Vu Đô có thể đã chứa đựng một câu trả lời. Họ Tập tuyên bố, "Chúng ta đang bắt đầu một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới !" Trong khi đó, các mạng xã hội trong nước Tàu đang truyền nhau một bài hát về "Mậu dịch chiến !"
Bài hát "Mậu dịch chiến" do Triệu Lương Điền (趙良田) sáng tác, đặt lời theo điệu nhạc trong một phim về chiến tranh Trung Nhật, sản xuất năm 1969, kích thích lòng ái quốc của người dân Trung Hoa. Bài hát lập đi lập lại "Mậu dịch chiến ! Mậu dịch chiến ! Chúng ta không sợ những lời khiêu chiến ! Chúng ta không sợ những lời khiêu chiến ! Mậu dịch chiến phát sanh ở Thái Bình Dương !".
Nhiều công dân mạng ở Trung Quốc nói máu họ nóng lên khi nghe những câu hát này ! Dân lục địa sẵn sàng tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới !
Đất hiếm gồm 17 loại, thực ra không hiếm mà có rất nhiều trong đất, ở California, Trung Quốc, Nga, Australia, Brazil, Burundi, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng những nguyên liệu này trở thành hiếm hoi vì khai thác tốn kém. Phải lọc những kim loại đó ra khỏi những thứ khác trong đất, cần rất nhiều sức lao động, khiến giá thành cao quá, không có lời. Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm gây hại cho môi trường sống, muốn giảm bớt cũng rất tốn kém.
Trước năm 1980, Mỹ là nước sản xuất nhiều "đất hiếm" nhất thế giới. Mỏ đất hiếm ở Mountain Pass, California đóng cửa năm 2015 vì không có lời, hai năm sau bán cho một công ty Trung Quốc. Năm ngoái mỏ này hoạt động trở lại, nhưng chỉ lấy quặng đưa về nước Tàu tinh luyện.
Trung Quốc có mỏ đất hiếm tại Giang Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Nội Mông Cổ, thường đã sản xuất 90% số đất hiếm. Năm ngoái xuống chỉ còn chiếm 71% trong số 170.000 tấn trên cả thế giới, sau khi Mỹ tăng số sản xuất.
Những kim loại hiếm này vẫn được dùng khi muốn làm kiếng có màu, chế biến các dụng cụ nam châm, nhưng gần đây được sử dụng trong kỹ nghệ điện tử và tin học. Phần cứng trong máy điện toán, điện thoại di động, máy laser, lò vi âm, chất bán dẫn, các động cơ điện… đều cần dùng. Các hệ thống quốc phòng như hỏa tiễn, tàu ngầm và phi cơ đều chứa những cơ phận điện tử cần đất hiếm.
Bắc Kinh đã sử dụng việc bán đất hiếm làm vũ khí ngoại giao. Năm 2010, tàu bè Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ nhau tại vùng đảo Senkaku, Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh đã giảm bớt số lượng đất hiếm cần cho các xe chạy điện của công ty Toyota, hay pin điện của Matsushita Electric.
Với tỷ lệ cung cấp lớn cho số lượng đất hiếm dùng ở Mỹ, Trung Quốc có thể dùng thứ nguyên liệu này làm vũ khí trong cuộc "mậu dịch chiến" hay không ?
Có thể, nếu Tập Cận Bình dám chịu đựng những đòn đáp lại.
Mỗi năm các công ty điện tử và viễn thông trong nước Tàu nhập cảng khoảng 200 tỷ USD chất bán dẫn từ các công ty Mỹ. Nếu không mua được các "chíp" từ Mỹ, các công ty ZTE hay Huawei ở bên Tàu sẽ tê liệt ! Các thứ chíp sản xuất trong nước Tàu chưa đạt được tiêu chuẩn cao, chỉ dùng trong các hàng rẻ tiền. Intel, Broadcom, Qualcomm vẫn chiếm độc quyền thế giới về những loại chíp cần cho các mặt hàng tân tiến nhất !
Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn cần phải kích thích lòng yêu nước trong dân chúng, cho nên ông kêu gọi sống lại tinh thần chiến đấu cho Vạn Lý Trường Chinh mới. Bắn tiếng đe dọa dùng vũ khí "đất hiếm" chỉ là một cách báo cho dân Trung Hoa thấy rằng nước họ có một thứ vũ khí có thể làm nền công nghiệp điện tử của Mỹ tê liệt. Không phải người dân Trung Hoa nào cũng biết các công ty của nước họ cũng có thể bị đánh sập không khác gì, nếu Mỹ phản công.
Kêu gọi Vạn Lý Trường Chinh cũng là một cách Tập Cận Bình báo tin cho Donald Trump biết Bắc Kinh… không vội vàng.
Trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra, phía Mỹ tỏ ra sốt ruột hơn Trung Quốc. Trả đũa các sắc thuế quan do Mỹ đánh ngay lập tức trên $200 tỷ USD mặt hàng, họ cũng đánh thuế trên 60 tỷ USD hàng Mỹ, nhưng lại nhẩn nha chờ tới đầu tháng Sáu mới áp dụng.
Khi ông bộ trưởng Tài Chánh Mỹ nói rằng ông sắp qua Tàu nói chuyện thì phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc tỏ vẻ ngạc nhiên, không biết gì về chuyện đó cả. Tổng thống Trump tuýt đi tuýt lại về "Bạn tốt" Tập Cận Bình nhưng chính họ Tập không nói một câu nào hết. Trong khi đó bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh hô hào dân chúng chấp nhận "hy sinh" sẵn sàng chịu đựng các cuộc tấn công của Mỹ.
Hiện nay Tập Cận Bình không có cách nào "ăn miếng trả miếng" với Donald Trump. Nhưng cuộc chiến tranh kéo dài thì bên nào chịu đựng được lâu hơn sẽ chiếm ưu thế. Đó là lý do họ Tập kêu gọi dân Tàu bắt đầu một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 21/05/2019
Cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung Quốc bước vào giai đoạn căng thẳng mới. Chính quyền Donald Trump có thể sẽ đánh thuế 25% trên tất cả các hàng hóa nhập cảng từ bên Tàu. Tập Cận Bình có thể phản kích. Nhưng mối quan hệ thương mại và kinh tế kéo dài nửa thế kỷ giữa hai nước đã thay đổi từ mấy năm nay rồi. Thế giới có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Một người Trung Quốc thử điện thoại iPhone trưng bày tại khu vực bán các sản phẩm của Apple cùng các thiết bị điện do Trung Quốc sản xuất tại một siêu thị ở Bắc Kinh hôm thứ Năm 9/5/2019. (Hình : AP Photo/Andy Wong)
Những người chủ trương cứng rắn (diều hâu) ỏ Mỹ tin rằng nếu nước Mỹ muốn giữ địa vị siêu cường thì phải chấm dứt không giúp Trung Quốc tiến lên cạnh tranh với mình. Phe diều hâu ở bên Tàu cũng nghĩ cần phải tự mình phát triển mà không để bị lệ thuộc vào giao thương với Mỹ. Cả hai đều hình dung một thế giới với hai khối kinh tế với hai trung tâm, sẽ cạnh tranh trong thế kỷ 21.
Trước mắt, cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ khiến hàng hóa trao đổi giữa hai nước giảm đi. Trung Quốc sẽ không thể trả đũa bằng cách đánh thuế quan, vì hầu hết số hàng nhập cảng từ Mỹ đã bị đánh thuế rồi. Họ sẽ tăng thuế trên nông phẩm mua từ Mỹ, tấn công vào các tiểu bang đã bầu cho Tổng thống Trump năm 2016. Họ sẽ đóng cửa thị trường tín dụng, với thương vụ 44.000 tỷ USD, không cho các ngân hàng Mỹ tham gia. Và các công ty Trung Quốc có thể ngưng cung cấp các bộ phận và vật liệu cho các công ty Mỹ, vì từ nay bị đánh thuế.
Người dân Trung Quốc được kích thích vì tự ái dân tộc đã hô hào nhau tẩy chay hàng hóa Mỹ, bắt đầu bằng iPhone của Apple, vì đã có những điện thoại di dộng làm trong nước. Nhưng có những sản phẩm đặc biệt Mỹ không bị tẩy chay, như các tiệm ăn KFC, Pizza Hut, hay nước ngọt Coca-Cola.
Dân Mỹ sẽ phải mua hàng Trung Quốc đắt hơn khi thuế quan mới 25% được áp dụng. Trong đợt tăng thuế quan năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cố ý né tránh những món hàng Trung Quốc thuộc loại tiêu thụ trong giới bình dân, năm nay sẽ không thể tránh hết. Vì vậy các nhà bán lẻ lên tiếng chống chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump.
Những món hàng sắp tăng giá gồm đồ điện tử, hóa chất, dùng trong các sản phẩm làm ở Mỹ. Trong số 6.000 món hàng sắp bị tăng thuế có một ngàn món là hóa chất, sử dụng trong công nghiệp.
Hàng tiêu thụ sẽ lên giá gồm nhiều thứ như cá, mật ong, rau dưa, trái cây, các túi xách và va li, đồ dùng thể thao, quần áo, chén bát, đèn điện, ca nô, laptop, điện thoại cho tới máy lạnh. Người Mỹ sẽ mua hàng nhập cảng từ các nước khác. Nhưng có những thứ hàng mà một nửa số tiêu thụ ở Mỹ mua từ nước Tàu, trị giá 100 tỷ USD, nhà bán lẻ không thể đi mùa từ nước khác ngay.
Trái với nhiều người suy nghĩ, các công ty Trung Quốc không đóng thuế quan cho chính phủ Mỹ, các nhà nhập cảng ở Mỹ phải đóng. Các nhà bán lẻ ở Mỹ có thể chấp nhận một phần thiệt thòi vì tăng thuế. Nhưng phần lớn sẽ do người tiêu thụ gánh chịu. Tính trung bình mỗi gia đình bốn người chỉ phải trả thêm 767 USD một năm vì thuế quan tăng lên ; có thể chỉ ảnh hưởng rất nhẹ trên ngân sách gia đình.
Nói chung, chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho cả hai bên lâm chiến. Khi tính chung hậu quả trên hai nước thì Mỹ ở vị thế mạnh hơn trong cuộc chiến tranh mậu dịch mới, vì Trung Quốc bán hàng sang Mỹ nhiều hơn. Kinh tế Trung Quốc có thể bị sụt giảm từ 1,3% đến 2%, trong khi kinh tế Mỹ chỉ bị mất khoảng 0,3% nếu cuộc chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra.
Cán cân lợi hại nghiêng về phía Mỹ, nhưng câu hỏi quan trọng là trong hai nước, nước nào có thể chịu đựng được những thiệt hại lâu dài hơn. Đặc biệt là chính quyền nước nào có thể chịu đựng được lâu hơn.
Nhưng dù không xảy ra chiến tranh thương mại, kinh tế hai nước Mỹ và Trung Quốc cũng đang trên đường tách khỏi nhau. Vì hai hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, hai nước lại biết rằng sớm muộn thế nào cũng phải chạy đua với nhau trên cả mặt quân sự.
Dù không có chiến tranh mậu dịch, Mỹ cũng đã lo Trung Quốc sử dụng bộ máy kinh tế nằm trong tay Đảng cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa. Mỹ đã cấm, và cảnh báo các đồng minh không nên dùng các sản phẩm của Huawei khi thiết lập hệ thống viễn thông mới 5G, vì trong đó có thể gài những bộ phận cho việc gián điệp. Chính phủ Mỹ có thể mở rộng phạm vi các sản phẩm liên quan đến "an ninh quốc gia" và cấm thêm các thứ hàng hóa khác. Một số nghị sĩ Mỹ còn yêu cầu chính quyền các địa phương không nên mua các toa xe lửa của nước Tàu, cũng lấy lý do nguy hiểm cho an ninh !
Một điều ai cũng thấy, là chính phủ Mỹ ngày càng thêm các rào cản ngăn không cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào nước Mỹ, cũng vì lý do đó. Năm 2017 người Tàu đầu tư 29 tỷ USD vô Mỹ, năm ngoái chỉ còn 5 tỷ USD.
Trong năm 2018 nhiều vụ công ty Tàu mua các xí nghiệp ở Mỹ đã bị bác bỏ, tổng số tới 2,5 tỷ USD vì Cơ quan Kiểm soát Đầu tư Ngoại quốc (CFIUS) nêu vấn đề an ninh, họ sợ rằng khi các công ty Tàu làm chủ họ sẽ ăn cắp các kỹ thuật mới của Mỹ, nhiều thứ có thể dùng cho mục đích quân sự.
Mỹ đã hạn chế nhiều thứ hàng bán sang Tàu vì lo các kỹ thuật tân tiến trong đó bị ăn cắp. Nếu một kỹ sư làm cho một xí nghiệp được bán cho Tàu bàn với một người Trung Quốc làm cho cùng công ty về một vấn đề kỹ thuật, thì có vi phạm luật bảo vệ an ninh quốc gia hay không ?
Năm ngoái, CFIUS đã bắt ngưng không cho bán hai xí nghiệp Mỹ cho Trung Quốc vì an ninh quốc gia. Xí nghiệp nhỏ Grindr chỉ làm một chỗ "hẹn hò" cho những người Mỹ đồng tính ái ; nhưng người ta lo rằng nếu công ty Trung Quốc làm chủ họ sẽ sử dụng các thông tin trong đó mà làm áp lực trên những người đồng tính ái, bắt họ làm gián điệp, trong đó có thể có các viên chức chính phủ hay quân đội. Công ty lập mạng xã hội PatientsLikeMe đã bán cho Trung Quốc rồi, cuộc mua bán cũng bị CFIUS hủy bỏ, vì trên mạng này có các thông tin về bệnh tật của các thân chủ người Mỹ ! Không biết Trung Quốc sẽ làm gì với các thông tin cá nhân đó !
Mối lo an ninh của chính phủ Mỹ cũng ảnh hưởng lên các cuộc trao đổi các nhà khoa học và sinh viên du học. Trước đây sinh viên Trung Quốc chiếm một phần ba số sinh viên ngoại quốc ở Mỹ, đặc biệt là trong các ngành khoa học, kỹ thuật, nay chỉ còn khoảng 10%. Tháng Hai vừa qua, một giáo sư Trung Quốc, ông Pan Jianwei, được tặng một giải thưởng của AAAS, hội khoa học lớn nhất nước Mỹ, nhưng ông ta và các người cộng sự bị cấm không được sang Mỹ lãnh giải.
Với những hạn chế cộng tác về khoa học, kỹ thuật như trên, các công ty Trung Quốc biết rằng họ phải tự lo lấy chứ không để bị lệ thuộc vào việc mua các sản phẩm tri thức của người Mỹ.
Các công ty sản xuất điện thoại của Trung Quốc đang dùng hệ thống điều khiển Android của Alphabet, công ty mẹ của Google. Các công ty làm điện thoại bên Tầu cũng đang sản xuất những "app store" bán các áp dụng của riêng họ, nhưng vẫn lệ thuộc vào Android. Nhưng hiện nay Huawei đang lo làm một hệ thống điều khiển khác, đề phòng chính phủ Mỹ không cho Alphabet bán nữa. Với đà này, thị trường viễn thông trong tương lai có thể chia thành hai khu vực ảnh hưởng, của Mỹ và của Trung Quốc.
Tình trạng phân ly lưỡng cực này đã bắt đầu, dù có chiến tranh mậu dịch hay không. Dù trận đấu giữa Donald Trump với Tập Cận Bình kết thúc thì hai quốc gia vẫn chạy đua ráo riết.
Hiện tượng chia cắt đáng kể nhất là trong lãnh vực nghiên cứu về "Trí khôn nhân tạo" (artificial intelligence) mà hai nước Mỹ và Trung Quốc đang giành nhiều tài nguyên hơn các nước khác. Nhưng nếu các nhà nghiên cứu hai nước không thể hợp tác với nhau vì cuộc chiến tranh lạnh thì cả thế giới sẽ bị thiệt thòi. Vì họ khó cùng ấn định các tiêu chuẩn chung, dùng cho tất cả mọi người, giống như không nói cùng một thứ ngôn ngữ vậy !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 10/05/2019
Nếu có lúc tỉnh táo, ông Nguyễn Phú Trọng nên chính thức đề cử một, hoặc hai người kế vị trong hai chức vụ của ông. Thứ nhất, để chứng tỏ ông kính trọng gần 100 triệu người dân Việt Nam. Thứ nhì, ông có thể nhờ thế mà sống lâu hơn.
Ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư, đột ngột phát bệnh và rời khỏi chính trường. Nay, ông Nguyễn Phú Trọng (trái), tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, cũng đột ngột phát bệnh. Mới đây, hôm 3 Tháng Năm, ông Trọng vắng mặt trong tang lễ ông Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước, dù ông Trọng là "trưởng ban lễ tang". (Hình : Na Son Nguyen/AFP/Getty Images)
Xin bàn về vấn đề thứ hai trước, vì nói ra thấy hơi khó hiểu.
Nên cử người sẽ lên thay nếu chẳng may mình có mệnh hệ nào, vì thời xưa các ông vua theo lối đó thường sống lâu hơn ! Nhận xét này dựa trên số thống kê các hoàng đế bên Tàu, vì chưa ai nghiên cứu chuyện này trong lịch sử Việt Nam.
Từ đời Tần Thủy Hoàng đến đời vua Phổ Nghi nhà Thanh (221 Trước Công Nguyên đến 1911) nước Tàu có 282 ông hoàng đế. Trong số đó có 152 người, hơn một nửa được chết tự nhiên, nghĩa là không bị giết hoặc bị truất phế. Những ông vua Tàu cai trị lâu nhất là những người đã tấn phong một thái tử kế vị mình. Có 130 ông, mà hơn một nửa đã phong thái tử trong vòng năm năm sau khi lên ngôi.
Một nhà nghiên cứu sử đã tính xác suất trị vì lâu của các ông vua Tàu này là 64%. Chỉ định một người kế vị trung thành và có khả năng thì sống lâu hơn, Yuhua Wang dùng phương pháp thống kê đi tới kết luận này.
Tại sao những ông vua chọn thái tử sớm lại có hy vọng không bị giết hoặc truất phế nhiều hơn những người không làm vậy ?
Một lý do, Wang giải thích, là phần lớn những vụ giết vua hay lật đổ ông vua là do âm mưu của chính đám cận thần và quan lớn trong triều. Có 76 ông vua lâm vào cảnh này, trong đó có 34 người bị đám quan trong triều giết còn 41 người bi truất phế. Chỉ có 32 trường hợp vua chết hoặc mất chức vì dân nổi loạn ; và bốn người chết vì ngoại xâm.
Chế độ Cộng Sản không khác gì các vua chúa phong kiến bên Tàu thời xưa. Mao Trạch Đông bị Lâm Bưu mưu sát, may mắn thoát nạn.
Stalin chết tự nhiên hay do đám cận thần gây ra, đến nay vẫn là một bí ẩn.
Stalin đã bị tai biến mạch máu não (stroke) mấy lần nhưng đều qua khỏi. Ông ta luôn nghi ngờ các bác sĩ âm mưu giết mình, vì họ gốc Do Thái. Ngày 28 Tháng Hai, 1953, Stalin ăn nhậu với đám cận thần, hai người đưa ông về tận nhà nghỉ là Nikita Khrushchev và Lavrentiy Beria.
Sáng hôm sau, Stalin không thức dậy như mọi ngày, nhưng đám mật vụ bảo vệ ông ta không ai dám vào đánh thức. Bước vô phòng ông Chúa Đỏ có thể bị mất mạng hoặc đày đi Siberia như chơi.
Sau 6 giờ chiều, họ mới báo cáo Bộ An Ninh, nhưng viên bộ trưởng không dám quyết định. Sau cùng, gọi cho Beria, trùm mật vụ NKVD vẫn được Stalin sủng ái. Beria gọi cho đám lãnh tụ khác, nhưng không ai dám quyết định phải làm gì.
Xưa nay mấy người đó đã tập thói quen nghe lệnh chứ không tự quyết định. Nếu Stalin vẫn khỏe mạnh, ông ta sẽ hỏi "Đứa nào ra lệnh mở cửa phòng tao ?"
Không ai muốn phải đưa đầu ra nhận tội "khi quân".
Họ cũng không dám gọi bác sĩ vì không biết bác sĩ nào đang bị Stalin nghi ngờ ! Cứ như thế, gần buổi trưa ngày hôm sau họ mới đưa thầy thuốc tới, mở đại phòng vào coi. Stalin đang nằm dưới sàn nhà, sùi bọt mép, hấp hối. Khrushchev và Beria đều có mặt. Họ bảo các bác sĩ chạy tới nhà tù, tham khảo ý kiến của mấy bác sĩ giỏi nhất đã bị Stalin tống giam.
Nếu Stalin chỉ bị stroke nhẹ như mọi khi thì nếu được săn sóc ngay chắc sẽ qua khỏi. Người ta nghi ngờ Khrushchev hoặc Beria, hoặc cả hai, cố tình trì hoãn việc cứu chữa vì họ đều muốn Stalin chết. Chính những ông này cũng không biết ngày nào ông Chúa Đỏ tính chuyện loại bỏ hoặc giết mình !
Các hoàng đế Trung Hoa cũng thường lo đám cận thần ám hại, như các ông tổng bí thư hay chủ tịch đảng Cộng Sản ngày nay.
Đám quan lại và thái giám đều biết rõ hệ thống quản trị việc nước hơn người thường bên ngoài, hơn tất cả những lãnh tụ dân nổi loạn. Đám này lại có thể vận dụng nhiều tiền bạc, tay sai và biết rõ thời cơ hơn mọi người. Ngay cả khi dân chúng nổi loạn hoặc quân ngoại quốc xâm lăng, đám lãnh tụ trong cung đình cũng có thể nhân cơ hội mà lật đổ hoàng đế, chính mình chiếm lấy quyền hay tôn phò chủ mới.
Cho nên các hoàng đế Trung Hoa sớm chỉ định người kế vị có thể sống lâu hơn, vì đám cận thần có thể không còn nghĩ đến chuyện chính mình sẽ đoạt ngôi nữa. Đặng Tiểu Bình chắc đã rút bài học trong sử Tàu, cho nên đã chỉ định trước đến hai đời kế vị, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Cho nên ông Nguyễn Phú Trọng, khi nào ông tỉnh táo lại, nên chính thức cửa người sẽ lên thay mình làm tổng bí thư và chủ tịch nước.
Trong đám "cận thần" của ông Trọng bây giờ, không thiếu gì người nuôi mộng nắm một trong hai chức đó. Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, cho tới Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm, ai mà chẳng hy vọng ? Đó là chỉ kể mấy tên nổi bật thôi, còn những Malenkov hay Hoa Quốc Phong nào khác sẽ từ sau rèm bước ra sân khấu ?
Nhưng lý do quan trọng hơn khiến ông Trọng nên lo ủy nhiệm người sẽ lên thay mình, là ông phải tỏ ra kính trọng người dân Việt Nam một chút. Một chút thôi. Giả bộ thôi cũng được. Nhưng không nên ngang nhiên để lộ thói khinh thường hàng trăm triệu người dân như thế này.
Vì đảng Cộng Sản hiện nắm toàn quyền điều khiển nước Việt Nam. Mà ông Nguyễn Phú Trọng đang nắm quyền hành lớn nhất trong đảng. Người dân Việt có quyền biết ông chúa trùm của đảng còn khả năng sử dụng quyền hành của ông hay không ! Nếu ông lâm vào tình trạng hôn mê thì ai là người thay thế ông, dù chỉ cần thay trong một ngày hay một giờ ?
Làm tổng bí thư, làm chủ tịch nước, không phải chỉ làm những việc như là gửi điện văn chúc mừng hay viết thư chia buồn. Nếu chỉ có thế thì đứa nào chẳng làm được ?
Tại các quốc gia tự do dân chủ, người dân biết nếu người cầm đầu nước phải đánh thuốc mê để vào phòng mổ thì ai là người tạm nắm quyền trong thời gian đó dù chỉ một hai giờ. Người ta kính trọng dân. Trong chế độ độc tài họ bất cần. Tệ nhất là chế độ Cộng Sản, cả guồng máy cầm quyền trùm trong bóng tối mênh mông.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tỉnh dậy rồi mà vẫn không tìm ra ai có thể thay thế mình, thì thôi, hết chỗ nói !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 03/05/2019
Ai cũng biết tháng Tư chỉ có 30 ngày. Riêng ngày "30 tháng Tư năm 1975" thì người dân Sài Gòn không thể nào nhớ lộn, không thể nào nói hay viết lầm được.
Cuốn "Hơn Nửa Đời Hư" in ở Sài Gòn của nhà văn Vương Hồng Sển. (Hình : Zing)
Nhưng nhà văn Vương Hồng Sển, trong cuốn "Nửa Đời Còn Lại" đã viết ít nhất hai lần "ngày 31 tháng Tư năm 1975". Lần đầu, trong bản in năm 1996 của nhà xuất bản Văn Nghệ, California, ở trang 285, cụ viết : "…tôi xin được lẩn thẩn lấy theo sức học đáy giếng mà luận việc trên cao để được tỏ chút nỗi lòng một dân Nam thấp hèn buổi 31-4-1975".
Xin nhắc lại, Vương Hồng Sển viết : "…một dân Nam thấp hèn buổi 31 tháng Tư, 1975".
Cụ còn "viết lộn" thêm một lần nữa, trang 291 : "…tôi đây đã trải cảnh chịu đựng sau ngày 31-4-1975 ở Sài Gòn, làm tôi bắt nhớ Nguyễn Du năm 1802…".
Các "bạn trẻ" dưới 60 tuổi có thể không biết nhà văn Vương Hồng Sển là ai ; độc giả sống ở miền Bắc càng ít người biết đến cụ.
Vương Hồng Sển là một "nhân chứng" cho những nhà viết sử. Cụ thường kể chuyện đời mình, để ghi lại cuộc biển dâu diễn ra chung quanh. Lâu lâu mới châm biếm chuyện chính trị. Cụ thường kể chuyện "Sài Gòn Năm Xưa", tên một cuốn hồi ký. Cụ rỉ rả bàn về thú chơi đồ cổ, coi hát bội. Cụ tự chế nhạo mình sống "Hơn Nửa Đời Hư", một cuốn hồi ký khác. Năm 1993, đã ngoài 90 tuổi, cụ vẫn gắng sức ngồi viết kể tiếp những chuyện mình đã từng trải qua cuốn "Nửa Đời Còn Lại".
Hai lần "viết lầm" ngày 31 tháng Tư, 1975, có thể vì cụ Vương Hồng Sển tuổi già đã lẫn lộn, hay là người đánh máy lại cuốn sách đã bấm lộn số không thành số một trên computer ?
Cụ Vương đã viết lầm chăng ? Nhưng, trong sáu, bảy trang sách mà viết lộn tới hai lần, giống hệt nhau, thì chuyện đó khó xảy ra. Vì khi đọc cả cuốn tự sự này, chúng ta thấy ông còn rất minh mẫn. Vương Hồng Sển nổi tiếng là người có thói quen ky cóp cất giữ các kỷ vật, ghi chép các biến cố trong đời mình rất cẩn thận. Ngoài 90 tuổi, ông nhắc lại những chuyện thời 1922 hay 1946, vẫn nhớ và ghi lại từng chi tiết. Ông còn giữ cái toa thuốc của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh viết ngày 17 Septembre 1924.
Còn người đánh máy, nếu ngón tay bấm sai nút trên máy vi tính, thì chỉ lộn zero sang số 9 chứ không thể bấm số 1, vì trên bàn máy hai số zero và số một nằm ở hai đầu xa nhau.
Cho nên, có thể đoán cụ Vương cố ý viết hai lần ngày 30 thành 31 tháng Tư.
Đó là một cách phát biểu ý kiến về chính trị, theo lối văn "đặc biệt Vương Hồng Sển !". Trong các tác phẩm, cụ Sển thường dùng lối văn "cà rỡn, cà tửng" theo phong thái Miệt Vườn. Cụ kể chuyện miên man, chuyện nọ xọ chuyện kia, rồi lâu lâu "đánh du kích" một câu thấm thía ! Đó là những lúc cụ bàn xéo về chính trị ! Viết ngày 30 thành 31 là một lối nói "cà tửng", để gửi một thông điệp cho người đọc hiểu thâm ý của mình, người miền Bắc gọi là "nói kháy !"
Hai lần cố ý viết ngày 30 thành 31, là hai lần tác giả đang viết với tấm lòng đầy cảm khái. Lần thứ nhất, cụ nói đến thân phận "một dân Nam thấp hèn buổi 31-4-1975" sau khi tự nhận mình thấp hèn như "ốc ngồi đáy giếng" đòi bàn luận việc "trên cao".
Lần viết lộn thứ hai là đoạn Vương Hồng Sển tự so sánh mình với kiếp "hàng thần lơ láo phận mình ra đâu" của Nguyễn Du khi phải làm tôi triều Nguyễn. Vương Hồng Sển đã viết rất dài về tâm sự Nguyễn Du trong thời gian đầu thế kỷ 19, để biện luận rằng trong thân phận "hàng thần" đó Tố Như không thể bình tâm mà sáng tác truyện Kiều được.
Lần thứ ba viết đến ngày lịch sử này thì Vương Hồng Sển viết chính xác, khi mô tả quang cảnh một khu phố Sài Gòn thay đổi, ở trang 333, "…từ ngày 30-4-1975 và hiện nay đã trở nên phố xá tấp nập lớp buôn bán, lớp làm cửa hàng to…". Ba lần viết đến ngày 30 tháng Tư, hai lần viết lộn. Chắc là cố ý.
Cố ý, nhưng là ý gì ? Vương Hồng Sển là dùng một ngày "không có thật", 31-4-1975, để nói tóm gọn tất cả những năm tháng sau ngày 30 tháng Tư, sau cuộc đổi đời ! Đọc những chữ này, độc giả sẽ chia sẻ nỗi niềm của người dân miền Nam trong thời buổi "sau ngày 30 tháng Tư !".
Tử hình công khai tại Sài Gòn : Đội hành quyết chĩa súng bắn vào người bị trói chân tay trên những cột gỗ dựng trước một thang cấp trong thành phố. Bức ảnh này được đăng trên báo "Giải phóng" của Chính phủ cách mạng Nhân dân miền Nam Việt Nam ngày 27 tháng 5 (năm 1975) tại Sài Gòn, sau đó được đăng lại trên tờ New York vào thứ Bảy. Tiêu đề của bức ảnh viết rằng người bị xử bắn tên là Võ Văn Ngọc về tội trộm cắp trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người (AP Wirephoto)
Vương Hồng Sển là công chức trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhưng không chịu cảnh tù biệt xứ. Cụ nhắc đến lúc đoàn quân của Nguyễn Ánh ra chiếm Bắc Hà, nhắc lại rằng chỉ có hai người trong giới sĩ phu của nhà Lê và nhà Tây Sơn bị chế độ mới hành hạ, là Phan Huy Ích bị bỏ tù và Cống Chỉnh bị đánh đến chết vì thù riêng. Vương Hồng Sển nhắc chuyện đời Gia Long chính là để so sánh với cái thông cáo lừa bịp để bắt giam hàng trăm ngàn người đi tù mút mùa gọi là "cải tạo !"
Có đoạn đang bàn chuyện Phạm Quỳnh, cụ Vương tự nhiên "đánh" một câu : "…trong này có miệng mà khó nói nên lời, có tay cầm viết mà khó ghi lời nào khỏi bị sửa chữa, cắt xén – vả lại tôi là người gì mà được phép nói…" (trang 267). Viết "trong này" tức là trong miền Nam ; và "ngày nay" tức là với khác với trước 1975.
Tôi là người gì mà dám nói ? Nhưng cụ Vương có lúc bỗng trở nên nồng nhiệt, dầu vẫn rụt rè nhưng nhất quyết phải nói, khi cụ lên tiếng bênh vực một danh nhân miền Nam vẫn bị đảng cộng sản buộc tội và bêu riếu một cách thô bạo, bất công là Phan Thanh Giản. Sau khi biện luận để phục hồi danh dự Phan Thanh Giản, Vương Hồng Sển viết : "…người đời nay học thuyết mới, tư tưởng theo mới, quên ơn kẻ trồng cây, quên ơn sanh thành đào tạo…".
Ai cũng biết, sau ngày 30 tháng Tư, 1975, lẫn trong đám các nhà văn, nhà thơ và học giả miền Bắc vào Sài Gòn, có nhiều người mang thái độ kiêu ngạo của "bên thắng cuộc", lên mặt "dạy dỗ, cải tạo" giới văn nghệ và học thuật miền Nam, họ được bọn "cách mạng 30" nhi nhô đóng vai chỉ điểm.
Cảnh tiếp xúc hai miền Nam Bắc lúc đó, Vũ Hoàng Chương đã diễn tả qua hai câu : "Rằng vách có tai, thơ có họa – Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh !". Những người trí thức Sài Gòn như Vương Hồng Sển (hoặc Nguyễn Hiến Lê, Dương Nghiễm Mậu…) chọn sống ẩn dật chứ không chịu ra làm tay sai cho bọn vua quan mới. Cụ Vương ví mình với con dế : "Tôi dư biết cho thân, thà làm dế sống trong hang, có lẽ được yên thân hơn là múa gáy cho trẻ nhỏ nó biết chỗ trốn, chúng đổ nước ngập hang, bắt dế về nuôi trong hộp diêm, hộp quẹt, thỉnh thoảng bắt ra đá độ, gãy càng queo râu toi mạng" (trang 84).
Sống trong một xã hội đầy những "vách có tai, thơ có họa" nhìn chung quanh không "biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh", Vương Hồng Sển không thể nói thẳng mà chỉ dùng mật ngữ. Có lúc kể chuyện Sài Gòn đời xưa từ 1867, trải qua trào Tây, trào Nhật, cụ lại quay qua nói chuyện vua Napoleon III bên Pháp, rồi chợt cảm khái : "Trở lại người dân đất Sài Gòn, như tôi đã nói, dám chắc không dân nào trí lanh tay xảo hơn. Khi bỏ áo giáp, tuột giầy trận, chịu đi đày, bán từ bàn thờ tổ tiên, bán ván gõ để nằm dưới gạch, căn đày kiếp đọa, tiếc đã muộn…" (trang 55).
Trong mấy dòng này là những ám hiệu cho "dân Sài Gòn" hiểu với nhau ! Những nét chấm phá độc đáo : Kẻ thì "bỏ áo giáp, tuột giầy trận, chịu đi đày" ; người ở lại nhà thì "bán bàn thờ tổ tiên, căn đày kiếp đọa !" Và tất cả đều "tiếc đã muộn !".
"Căn đày kiếp đọa, tiếc đã muộn !", Vương Hồng Sển gói ghém bao nhiêu nỗi đoạn trường trong thời buổi "31 tháng Tư !".
Một thanh niên bị bêu trên đường phố vì mắc tội "mê nhảy đầm", Sài Gòn 1976
Mấy trang tiếp, sau khi kể chuyện cà kê Kép Tư Út hát bài Anh Khóa đời xưa, tiếp đến chuyện ngôi nhà Tổng Đốc Phương bị tháo gỡ bán qua Đài Loan, bỗng nhiên Vương Hồng Sển lại viết : "Dân Sài Gòn tự khoe tiến bộ ký quỹ, gửi tiền nhà băng, giải phóng vào, hốt sạch sành sanh, thua xa dân Thổ Trà Vinh, Sốc Trăng… bán lúa mùa này xong, chôn bạc giữa lẫm rồi đổ lúa mới lên trên…" (trang 57). Kể lại cách cất giấu tiền của dân Thổ (người Việt gốc Khmer) đời xưa, để so sánh với dân Sài Gòn thời 1975, chỉ cốt viết một câu kết án : "Giải phóng vào, hốt sạch sành sanh !". Trong bảy chữ, Vương Hồng Sển cực tả một vụ cướp bóc đại quy mô, một vụ "ăn cướp hoành tráng". Hốt sạch sành sanh !
Vào cái buổi 31 tháng Tư, người miền Nam sống ra sao ? Có lúc cụ Vương đang kể miên man những chuyện lẩm cẩm ở Sài Gòn từ thời Tây qua thời Nhật, bỗng tóm gọn một câu : "Kẻ trí đi ra nước ngoài, người ở lại phải giả dại qua ải" (trang 58). Phải sống "giả dại qua ải" nhưng Vương Hồng Sển cũng sống đủ lâu, được chứng kiến bản lãnh dân miền Nam vững vàng. Cụ viết : "Nói chi thì nói, phải nhìn nhận dân Sài Gòn vẫn có bản lĩnh – nước dưới sông thấy đó mà chặt không đứt, dứt không rời…" (trang 80). Cho nên "trải mấy trào liên tiếp mà dân vẫn là dân, cảnh có đổi mà dân không đổi…" Thơ Đỗ Phủ viết "Quốc phá, sơn hà tại", chế độ vỡ, núi sông vẫn còn. Vương Hồng Sển không nói đến núi sông, mà chú ý tới "dân Sài Gòn vẫn có bản lĩnh" vững chãi như sông, như núi !
"Nói chi thì nói, phải nhìn nhận dân Sài Gòn vẫn có bản lĩnh – nước dưới sông thấy đó mà chặt không đứt, dứt không rời…"
Ai cũng biết vào cái "Buổi 31 tháng Tư" thì xã hội miền Nam đã thay đổi. Ai cũng có thể so sánh "trước ngày 30" và sau "buổi 31 tháng Tư".
Trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, trẻ em miền Nam vẫn giữ được những lời nói, cử chỉ kính trọng các thầy cô giáo hơn bây giờ. Mà các thầy cô hồi đó cũng giữ được tư cách đạo đức hơn buổi 31 tháng Tư.
Trước ngày 30 tháng Tư, 1975, ở miền Nam trai thiếu gái thừa, nhưng chưa có người mẹ nào bán con cho người ngoại quốc với giá mấy trăm đô la. Không có những cô gái xếp hàng trưng bày cho đàn ông ngoại quốc chọn. Không có người mẹ nào đem con gái bán cho các mụ Tú Bà.
Trước ngày 30 tháng Tư, 1975, mặc dù đang chiến tranh dân miền Nam vẫn dám biểu tình phản đối chính phủ, không thua gì dân Nam Hàn, Đài Loan cùng thời gian đó. Sinh viên Sài Gòn biểu tình đòi giáo sư y khoa phải dạy bằng tiếng Việt, ký giả biểu tình phản đối bộ thông tin đóng cửa báo, các công nhân đình công, bãi thị, các học sinh bãi khóa. Tinh thần độc lập, tự chủ của người dân rất cao. Ngày nay, chỉ cần viết cho nhau trên Internet, nói chuyện tự do dân chủ, chống Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, cũng bi ghép tội rồi bỏ tù.
Nhưng chúng ta có thể tin tưởng như Vương Hồng Sển, là dân Việt Nam rất có bản lãnh. Dân vẫn là dân, các chế độ đi qua rồi sẽ biến mất. Chính Vương Hồng Sển cũng có lúc tỏ ý lạc quan. Đọc lại cuốn "Hơn Nửa Đời Hư" in ở Sài Gòn, cụ đã cải chính mấy đoạn đã bị cắt xén, trong cuốn ách tiếp theo, in ở nước ngoài. Nhân dịp đó, cụ còn tỏ ý tha thứ cho nhà xuất bản và hy vọng : "…tự xét tuổi gần đất xa trời, cũng nên hỉ xả họa may nối thêm được một ít lâu để chờ xem mãn cuộc… cuộc gì cũng chưa dám nói và nên hiểu ngầm…" (trang 277) !" Mãn cuộc gì ? Ai cũng hiểu !
Vương Hồng Sển đã qua đời, chưa thấy hồi mãn cuộc. Nhưng "hồi mãn cuộc" cũng sắp tới rồi ! Cái "buổi 31 tháng Tư" đang tới hồi kết thúc, người Việt Nam có ngày sẽ trở lại làm người Việt Nam, giống như "trước 30 tháng Tư !"
Ngô Nhân Dụng
Người Việt, 30/04/2019
Sau ngày 30/04/1975, nhiều đồng bào miền Bắc thương họ hàng ruột thịt trong Nam đói khổ, đã đem cả thúng gạo cùng mấy cái bát, đĩa vào cứu giúp. Đến nơi mới thấy dân miền Nam, khá giả giàu có hơn mình nhiều. Có người, như nhà văn Dương Thu Hương, thì ngạc nhiên thấy đời sống trí thức ở miền Nam quá tự do. Trong tiệm bày bán cả những sách về chủ nghĩa Marx ! Đó là chưa kể trong đại học Văn Khoa có những lớp dạy triết học cũng giảng tư tưởng của Karl Marx !
Sài Gòn thanh bình, tự do, dân chủ và nhân quyền trước năm 1975. (Hình : Flickr manhhai)
Từ năm 1975 đến nay, cuộc sống của đồng bào miền Nam và miền Bắc ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hơn. Chế độ cai trị từ Hà Nội đè lên trên Sài Gòn hết cục cựa ; nhưng quần áo, thức ăn, ca nhạc, cho đến cách cư xử của người miền Nam có cơ hội Bắc tiến.
Trên báo chí, lớp ký giả miền Bắc vào tràn ngập trong Nam đem theo những ngôn ngữ và lối viết của báo Nhân Dân, nhưng trong dân gian thì tiếng nói miền Nam cũng lan ra Bắc. Có người đã nhận xét dân miền Nam được học miền Bắc những tiếng như "thu phí", "bao cấp", "trấn lột ;" còn người Bắc bây giờ cũng thích nói những tiếng đặc miền Nam như "hổng sao !", "hổng biết !" và "dễ thương !".
Nhưng đồng bào miền Bắc chỉ nhìn thấy đời sống của người miền Nam bây giờ, chớ không biết trước năm 1975 nó như thế nào.
Gần đây, người ta hay so sánh cách sống của miền Nam bây giờ khác với trước năm 1975, có lẽ bà con miền Bắc nên biết.
Đường Lê Thánh Tôn, sau chợ Bến Thành - Ảnh http://designs.vn
Thí dụ, dân miền Nam trọng tình người, ăn ở tử tế với nhau, vì may mắn không phải "học tập căm thù", căm thù cả đồng bào mình. Nhà văn Tưởng Năng Tiến mới nhắc lại câu chuyện của Lữ Phương, một người Sài Gòn đã trốn "vào bưng" theo Việt Cộng, lên tới chức thứ trưởng. Ông Lữ Phương kể, trong một bút ký đã in, rằng trong khi ông vào trong rừng chống chế độ Cộng hòa, thì vợ con ở trong thành phố của "Ngụy" vẫn không bị trấn áp. Ông viết, "Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều… hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn)". Ông giải thích, "chẳng phải vì lý do… là ở đây người ta chưa có thói quen ‘chính trị hóa’ mọi quan hệ xã hội".
Câu chuyện của Lê Hiếu Đằng, kể vào lúc cuối đời sau khi đã từ bỏ Đảng cộng sản, đáng suy ngẫm hơn nữa. Hồi trẻ, ông Lê Hiếu Đằng hoạt động cho cộng sản, bị cảnh sát Cộng hòa bắt. Trong khi ở tù, Đằng vẫn được đem theo sách để tự học. Đến kỳ thi "tú tài", tức là tốt nghiệp trung học, Lê Hiếu Đằng, và một "đồng chí" cùng bị bắt, vẫn nộp đơn xin thi. Và trong ngày thi, cả hai "tù chính trị" được cảnh sát đưa tới trường thi, làm bài, và thi đậu !
Trước khi nhắm mắt lìa đời, chính Lê Hiếu Đằng công nhận rằng chế độ Cộng hòa đối xử với "người bất đồng chính kiến" nhân đạo hơn chế độ cộng sản rất nhiều !
Nếu đồng bào miền Bắc đọc những câu chuyện của hai người trên mà kết luận rằng ai cũng nên sống theo tinh thần "nhân đạo" của người miền Nam thì rất tốt. Nhưng nhân đạo chỉ là một mặt của cuộc sống hiền hậu ở miền Nam, mặt đạo đức.
Mặt thứ hai cần nhìn ra, là một lối sống tôn trọng luật pháp.
Bà vợ ông Lữ Phương vẫn làm việc, làm cho tòa án của nhà nước Cộng hòa ; các con ông vẫn đi học, vì luật pháp không cho ai xâm phạm những quyền tự do căn bản của họ ; khi chính họ không phạm luật. Ông Lê Hiếu Đằng vẫn có quyền đi thi tú tài vì mới chỉ bị bắt để điều tra, chưa có tòa án nào kết tội. Lê Hiếu Đằng theo cộng sản, ai cũng biết, nhưng chưa bị kết án thì vẫn còn đầy đủ các quyền công dân.
Tinh thần trọng pháp, đó là một điều bà con miền Bắc đáng học hỏi từ cuộc sống miền Nam. Lý do đơn giản, vì từ khi cộng sản cướp chính quyền, họ cai trị mà không cần luật pháp. Trong Nam có những trường đại học luật khoa ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt và Cần Thơ cũng chuẩn bị. Trường Luật ở Hà Nội bị đóng cửa từ năm 1954. Sau này chiếm được Sài Gòn, chế độ cộng sản xóa bỏ ngay các trường Luật ở miền Nam ; khi theo kinh tế tư bản mới mở lại.
Chế độ độc tài toàn trị không dùng đến luật pháp. Năm 1956 ông Nguyễn Mạnh Tường đã giải thích cuộc cải cách Ruộng Đất của Đảng cộng sản vi phạm các nguyên tắc cơ bản của công lý ; nhưng các lãnh tụ cộng sản nghe như vịt nghe sấm !
Bây giờ, Đảng cộng sản đã "đổi mới", có trường dậy luật, có cả luật sư đoàn, nhưng cách làm việc vẫn theo lối độc tài chuyên chế ! Điều quan trọng nhất là người dân ở miền Bắc vẫn chưa tạo được thói quen đòi người cầm quyền phải tôn trọng luật pháp.
Sau lễ tuyên thệ luật sư tập sự, Sài Gòn năm 1971 - Ảnh http://designs.vn
Dân miền Nam đã có một thời gian sống trong chế độ dân chủ tự do và nhiễm tinh thần trọng pháp cho nên bây giờ hay lên tiếng trước những cảnh bất công hơn đồng bào miền Bắc.
Nhà báo Tuấn Khanh trên mạng mới kể chuyện ba phụ nữ ở quận Thủ Đức, Sài Gòn, năm 2017 đã tố cáo vụ quan chức cộng sản xâm phạm một em bé gái. Nhưng "hàng chục an ninh thường phục, dân phòng, cả cảnh sát địa phương và giao thông đã chặn bắt và hành hung dã man" ba người này.
Điều bi đát nhất trong câu chuyện trên không phải là cảnh một bà bị thương đầu phải đi cấp cứu, mà là câu hỏi của công an : "Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng ?".
Ông công an nào hỏi câu đó chắc đã được giáo dục hoàn toàn theo lối "xã hội chủ nghĩa !". Chỉ biết sống cho mình thôi ! Phải nhắm mắt trước cảnh đau khổ, bất công mà người khác gánh chịu !
Sống trong một chế độ chuyên chế không biết bao nhiêu năm thì con người được đào luyện cái thói quen "sống chết mặc bay" đó ?
Sau năm 1975, một người bạn tôi từ Sài Gòn về thăm làng cũ ở Thanh Hóa. Khi trở về, anh viết thư kể khi trò chuyện với họ hàng, người trong làng anh, anh nhận thấy hầu như mọi người không nói đến hai chữ "thiện, ác" nữa. Họ mất thói quen dùng các khái niệm trừu tượng này làm tiêu chuẩn phán đoán hành động của mình.
Vậy họ dùng tiêu chuẩn nào trong cuộc sống ? Anh Nguyễn Văn Lan thấy họ chỉ quan tâm đến câu hỏi : "Liệu có bị công an có bắt hay không ?".
"Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng ?". Đó là một quy tác luân lý mới của chế độ công an, nhiều người quen sống như vậy dù không bị ai nhồi vào đầu !
Ở miền Nam bây giờ vẫn còn những người chưa bỏ thói quen "gánh giữa đàng đem quàng vào cổ". Như ông Bác sĩ Đỗ Duy Ngọc.
Ông Đỗ Duy Ngọc mới so sánh các nhà thương thí ở miền Nam trước 1975 với các bệnh viện trên cả nước bây giờ, sau khi chính quyền cộng sản bắt những người đi săn sóc bệnh nhân cũng phải đóng tiền nộp cho bộ y tế. Chắc cả thế giới không nơi nào có thể "lệ phí" như vậy !
Đỗ Duy Ngọc viết, "Ngày xưa ở miền Nam tự do, các bệnh viện công còn gọi là nhà thương thí, ở đó bệnh nhân được chữa trị không mất tiền, còn được nuôi ăn. Người nuôi bệnh có chỗ còn được cung cấp các bữa ăn, do các tổ chức xã hội phân phát… Đó là cách đối xử… nhân đạo giữa con người với nhau".
"Còn bây giờ chúng ta hành xử với nhau như thế nào ?". Ông bác sĩ viết tiếp, "Đến các bệnh viện nhà nước mà xem, đa số bệnh nhân đều là người nghèo đến từ các tỉnh, có người không đủ tiền mua thuốc, và người đi nuôi bệnh thường là sống nhờ cơm từ thiện… Họ nghèo lắm, nghèo đến xác xơ… Các ngài cứ nghĩ việc tận thu, càng nhiều càng tốt, sống chết mặc bay…".
Khi các ông cộng sản cầm đầu Bộ y tế bắt bệnh nhân vào "nhà thương thí" phải đóng tiền, người dân miền Nam đã ngạc nhiên. Những người như Lữ Phương, Lê Hiếu Đằng chắc ngạc nhiên nhất. Nhưng đến khi họ bắt ai đi thăm nuôi bệnh người bệnh cũng phải đóng tiền thì ai cũng phải phẫn nộ !
Mấy ông cộng sản này là cái giống người gì đây không biết ?
Họ gia nhập Đảng cộng sản vì những đặc quyền lợi ưu tiên, ưu đãi, quyền ra lệnh cho đám dân đen đóng tiền, quyền được ngồi trên pháp luật. Nếu không thì vào đảng làm cái gì ? Như Tuấn Khanh kể, năm 2018 có viên quan chức ở Vũng Tàu phạm tội xâm phạm một em gái, bị tố cáo rồi lãnh mấy năm tù. Tuy tòa án cộng sản đã ưu đãi chỉ "giơ cao đánh khẽ,’ nhưng "thủ phạm đã tức giận đến mức đốt thẻ đảng của mình". Anh ta tưởng đã có cái thẻ đảng làm bùa thì hiếp đáp dân lành chỉ là chuyện nhỏ !
Đồng bào miền Bắc đã quen nếp sống trong chế độ như vậy lâu quá rồi. Sau ngày 30/04/1975, bà con đã dần dần thấy một cách sống khác, có vẻ giống lối sống của ông bà, tổ tiên chúng ta đời trước hơn. Và giống với trào lưu tự do dân chủ của loài người hơn. Sẽ tới lúc người ta thấy thói quen phản kháng, "giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha" khiến con người cảm thấy đáng sống hơn, vì chính mình có giá trị hơn.
Bác sĩ Đỗ Duy Ngọc lên án chính sách tận thu của Đảng cộng sản là "tàn nhẫn vô nhân đạo". Nó "đẩy người bệnh đã nghèo càng khổ thêm… Họ lại phải nhịn ăn, bán thêm ruộng vườn để đáp ứng việc tận thu của các ngài. Khốn nạn thật !".
Và ông đặt câu hỏi một chính phủ như thế "có còn nên tồn tại không ?"
Cái chính phủ đó vẫn còn tồn tại, cho đến khi nào người dân cả nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam thấy cần phải thay đổi. Có thay đổi thì chúng ta mới sống "cho ra cái giống người" như cụ Tản Đà mong ước vào đầu thế kỷ 20 !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 26/04/2019
Bắc Kinh đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh "Một Vòng Đai, Một Con Đường" lần hai, từ thứ Năm tuần này, 25/04/2019. Có 37 quốc gia gửi người cầm đầu tới dự, không có Mỹ, Ấn Độ và các cường quốc Âu Châu. Tập Cận Bình sẽ nhân dịp này nhắc lại rằng "Nhất Đới Nhất Lộ" chỉ là một kế hoạch phát triển kinh tế hòa bình. Nhưng ai cũng biết đây là một chương trình nhằm chinh phục thế giới.
Trung Quốc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh "Một Vòng Đai, Một Con Đường" tại Bắc Kinh hôm thứ Ba, 23/04/2019. Đây là chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trong thế kỷ 21. (Hình : AP Photo/Andy Wong)
Kể từ ngày Tập Cận Bình công bố chương trình tại Đại Học Nazarbayev ở thủ đô Kazakhstan, tháng Chín, 2013, trang website chính thức bằng tiếng Anh luôn luôn gọi đây là một "sáng kiến" (initiative) và tuyệt đối không bao giờ dùng những chữ "strategy" (chiến lược), "programme" (chương trình), "project" (dự án), hay các chữ gợi ý là một kế hoạch.
Ba mươi năm trước, khi Trung Quốc mới ngoi lên khỏi vũng lầy lạc hậu thời Mao Trạch Đông, họ thấy nước Mỹ đã có mặt khắp nơi. Bây giờ khác. Trong lúc chính phủ Mỹ chăm chú vào những "điểm nóng" như Iran, Bắc Hàn, hay Venezuela, thì đã có 129 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế tham gia "Một Vòng Đai, Một Con Đường", như Dương Thiết Trì, thành viên Bộ Chính Trị Trung Quốc mới khoe. Một người dân Trung Hoa bình thường cũng thấy nước họ phải vươn lên ngang hàng rồi vượt qua nước Mỹ.
"Nhất Đới Nhất Lộ" là chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Nếu nhìn trên bản đồ chúng ta thấy Vòng Đai xuyên qua lục địa Trung Á sang tới Trung Đông và Địa Trung Hải. Đây chính là Con Đường Tơ Lụa cũ, đã phát triển hàng ngàn năm, được Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) hoàn tất vào thế kỷ 13, giúp Venise (Ý) và Hàng Châu có thể trao đổi hàng hóa. Con đường cũ chỉ lỗi thời, bị quên lãng, sau khi người Ả Rập mở đường hảng hải qua Đông Nam Châu Á. Con Đường Tơ Lụa Trên Biển là sáng kiến của Tập Cận Bình, đi vòng qua vùng Biển Đông nước ta, qua Ấn Độ Dương rồi tiến qua Châu Âu.
"Một Vòng Đai và Một Con Đường" nhắm nối kết hai lục địa có lịch sử lâu dài, Châu Âu và Châu Á – EurAsia ; đó sẽ là trọng tâm mới của thế giới trong thế kỷ này.
Theo ngân hàng ING của Hòa Lan thì trong năm 2018 số hàng hóa trao đổi giữa Châu Âu và Châu Á chiếm 28% tổng số thương vụ thế giới – trong đó không kể tới những vụ buôn bán giữa các nước Âu Châu với nhau.
Tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Bruxelles cho biết từ năm 2013 giao thương Âu-Á đã lên tới 1,8 ngàn tỷ USD, gấp đôi số thương vụ giữa Châu Âu và Mỹ. Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang chủ trương phát triển thương mại với Châu Á. Nga cũng mở kế hoạch Liên Hiệp Kinh Tế Âu-Á (Eurasian Economic Union). Với cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và Tây Âu đang lo có thể phát nổ, cán cân có thể còn nghiêng hơn nữa.
Với "Một Vòng Đai và Một Con Đường", Trung Quốc đang tìm cách đóng vai trò cường quốc Á-Âu lớn nhất. Trong mấy năm qua, Bắc Kinh đặt những trạm rải rác trên những đường giao thương huyết mạch giữa hai lục địa.
Hơn 600 cơ sở đã được thiết lập trong hơn một trăm quốc gia. Ngân hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc đã cho vay 149 tỷ USD để tài trợ hơn 1,800 dự án. Ngân hàng Phát Triển (CDB) cho vay 190 tỷ USD.
Đường vận tải từ Trung Quốc sang Anh Quốc đang nối liền 48 thành phố Trung Hoa với 42 địa điểm ở Châu Âu. Ngày 26/08/2018, đã có chuyến hàng thứ 10.000 đi từ Hamburg, nước Đức, tới Vũ Hán, bên bờ Trường Giang. Một đặc khu kinh tế Trung Hoa-Belarus được thành lập ở Minsk đã có 36 công quốc tế đặt trụ sở.
Các nước Hy Lạp, Luxembourg và Ý mới ký Bản Ghi Nhận (MOU-Memorendum of Understanding) việc tham dự "Nhất Đới Nhất Lộ". Thụy Sĩ cũng đang chuẩn bị. Đại sứ Trung Quốc ở London kêu gọi nước Anh giúp giải thích cho các nước khác hiểu rõ "Nhất Đới Nhất Lộ" hơn !
Mục tiêu đầu tiên của "Một Vòng Đai, Một Con Đường" là giúp cho công nghệ xây dựng đang thặng dư ở Trung Quốc có thêm việc làm, sau khi Bắc Kinh đã chi biết bao nhiêu tiền ở trong nước, với nhiều công trình hoàn toàn vô ích, chỉ để ghi vào sổ phát triển kinh tế.
Nhưng Bắc Kinh cũng sử dụng tiền chi cho dự án ở các nước để gây ảnh hưởng chính trị, ngoại giao ; từ đó, có thể đặt những căn cứ quân sự. Và sau cùng họ còn muốn đưa "mô hình Trung Quốc" ra làm mẫu cho các nước đang phát triển ; không nói đến tự do dân chủ, mà đã thành công.
Cuối tuần qua, ông Kong Dan, cựu chủ tịch tập đoàn tài chánh Citic Group và Everbright Bank mới đọc một bài diễn văn tại Viện Nghiên Cứu Mộ Can San (Moganshan 莫干山), tỉnh Triết Giang. Theo báo South China Morning Post, ông nói rằng Trung Quốc đang lo xuất cảng một mô hình chính trị và kinh tế ; mục đích là đưa nước mình trở lại "vai trò đúng" của một siêu cường đứng giữa thế giới. Vì mô hình đó đã thành công trong bốn thập niên qua.
Muc tiêu cốt yếu của "Nhất Đới Nhất Lộ" là tạo nên một trật tự thế giới mới trong đó Trung Quốc đóng vai quan trọng nhất. Đó cũng là một cách chắc chắn nhất để bảo vệ độc quyền cai trị của Đảng cộng sản trên hơn một tỷ người dân Trung Hoa. Điều đó cũng chứng tỏ Tập Cận Bình xứng đáng với vai trò lãnh tụ suốt đời !
Nhưng tham vọng của ông Tập Cận Bình không chắc sẽ thành công. Con đường ông đi đang khập khiễng, giống như bước chân ông trong các cuộc công du gần đây ở Châu Âu, mà báo chí đang hỏi không biết cẳng chân ông "có vấn đề gì !". Khi hội kiến Tổng thống Pháp Macron, ông Tập phải vịn cả hai tay trên thành ghế trước khi ngồi xuống !
Nhiều quốc gia tham gia "Nhất Đới Nhất Lộ" đang gặp nạn vì phải vay tiền của Trung Quốc, bị sập bẫy vì các món nợ này. Vụ tai tiếng lớn nhất là chính phủ Sri Lanka cũ bị dụ dỗ xây dựng một hải cảng ở Hambantota, tiền vay của Trung Quốc, giao cho các công ty quốc doanh Trung Quốc làm, cuối cùng vừa vô ích vừa vỡ nợ, phải giao tất cả cho Trung Quốc sử dụng. Nhiều dự án tại Malaysia, Maldives, Ethiopia, và Pakistan cũng bị đình hoãn trước mối lo mắc bẫy nợ nần.
Thủ tướng Mahathir mới ký lại hợp đồng làm con đường xe lửa, sau khi Trung Quốc chịu cắt giảm chi phí một phần ba, từ 65,5 tỷ ringgit xuống chỉ còn 44 tỷ, tiết kiệm được hơn 5 tỷ USD và sẽ mua thêm dầu dừa của Malaysia !
Thủ tướng mới phải công khai nói rằng "Tôi sẽ không để cho Trung Quốc chiếm Cambodia", sau khi dư luận phản đối Đặc khu kinh tế ở gần Sihanoukville, hải cảng nước sâu duy nhất của xứ này. Hàng chục công ty Trung Quốc đã vào đóng trụ trong đặc khu, với số vốn đầu tư lên tới gần 4 tỷ USD trong năm 2018 – trong đó mở một sòng bạc MGM. Hải cảng này do người Nhật xây dựng, là nơi 70% hàng xuất nhập cho cả nước, nhưng hiện nay 30% dân số là người Hoa.
Trong tháng 4/2019, Liên Hiệp Âu Châu đã đồng thanh kết án "Nhất Đới Nhất Lộ" là phá hoại tự do mậu dịch vì các công ty quốc doanh Trung Quốc được chính phủ trợ cấp ; và vạch ra rằng kế hoạch này chỉ nhắm vào mục đích chính trị. Năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nói thẳng rằng Trung Quốc chỉ muốn phát triển một kiểu mẫu chính trị không màng đến tự do, dân chủ và nhân quyền, qua chương trình "Nhất Đới Nhất Lộ".
Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích tương tự. Nhưng chính phủ Mỹ đã rút ra khỏi thỏa hiệp (TPP) được vẽ ra để cản sức bành trướng của Trung Quốc ; và Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lỏng lẻo dần vì các xung đột thương mại.
Trong khi các nước ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh đang cần phát triển, nếu Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước Châu Âu không có một kế hoạch chung để cạnh tranh thì Trung Quốc vẫn có thể múa gậy vườn hoang.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 23/04/2019
Bản phúc trình Mueller đã được công bố 90%. Trái với những ý kiến nghi ngờ có tính chất phe đảng, các chữ bị bôi đen, chiếm 10% văn bản, không nhằm che đậy các hành vi phạm pháp mà chỉ nhắm bảo vệ bí mật cho các kỹ thuật đã dùng để khám phá hành động của các gián điệp Nga. Cần giữ bí mật, vì các điệp viên của ông Vladimir Putin vẫn đang tiếp tục tấn công trong các mùa bầu cử sắp tới ở Mỹ.
Dân biểu Jerrold Nadler (Dân chủ, New York), chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Mỹ, đọc Bản phúc trình Mueller trong một cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 18/04/2019, tại New York. (Hình : AP Photo/Mary Altaffer)
Nếu từ năm 2014 đến 2016 Vladimir Putin chỉ gửi các tay khủng bố qua Mỹ cướp máy bay phá hoại một số tòa nhà thì cuộc điều tra đã giản dị hơn nhiều. Nhưng Putin có thế lực, quyền hành, và làm chủ những tài nguyên lớn hơn Osama bin Laden gấp bội. So với kế hoạch đầy tham vọng của ông tổng thống Nga, cựu sĩ quan KGB, thì âm mưu của lãnh tụ al Qaeda nhỏ, ngắn hạn và kỹ thuật sơ đẳng hơn nhiều.
Osama bin Laden định khủng bố tinh thần dân Mỹ, tuy giết được gần 3.000 người nhưng lại làm cho cả nước Mỹ đoàn kết với nhau, hãnh diện và tin tưởng hơn vào các định chế quốc gia của họ. Vladimir Putin tấn công vào chính các định chế đó.
Bản phúc trình Mueller cho biết ngày 9/11/2016, một người thân cận điện Kremlin, Kirill Dmitriev, nhận được thông điệp, viết : "Putin đã thắng". Tên của người gửi lời báo cáo này được bôi đen vì lý do bảo mật.
Nhưng Putin thắng cái gì ?
Putin thắng không phải vì ứng cử viên ông ta ủng hộ đã đắc cử. Nếu hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 không có tên là Hillary Clinton và Donald Trump thì bộ máy của Putin vẫn chạy, vì đã bắt đầu chuyển động từ trước. Năm 2014, sau khi chiếm Crimea và bị Mỹ cấm vận kinh tế, Putin đã gửi gián điệp qua Mỹ nghiên cứu địa bàn để thực hiện một chương trình lũng đoạn dư luận bằng mạng thông tin xã hội, một ‘vũ khí’ mà Nga đã dùng để thao túng chính trị nước Ukraine.
Mục tiêu lớn của Putin là phá hoại lòng tin của dân Mỹ vào định chế quốc gia : Khinh thường các nhà chính trị, nghi ngờ hệ thống bầu cử, nghi ngờ cả nền tư pháp độc lập, các cơ quan bảo vệ an ninh, cũng như báo chí. Tóm lại, chứng tỏ ‘chế độ dân chủ tư sản là giả hiệu’, như Lenin, Stalin đã rêu rao từ trăm năm trước.
Mục tiêu cụ thể nhất là chia rẽ dân Mỹ, đào sâu các hố phân cách đảng phái, màu da, tôn giáo, giai cấp, càng sâu càng tốt. Vladimir "bin" Putin có thể tự hào đã thành công hơn Osama bin Laden.
Khi bản phúc trình cuộc điều tra của Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller được công bố, cảnh chia rẽ trong nước Mỹ càng lộ rõ hơn. Những người tin tưởng vào Tổng thống Donald Trump thì coi phúc trình này là chiến thắng của một Người Hùng đang giúp cho "Nước Mỹ vĩ đai trở lại – MAGA". Những người vẫn nghĩ ông Trump không đáng làm tổng thống thì lại thấy trong đó các bằng chứng hiển nhiên biện minh cho lập trường của họ.
Tình trạng chia rẽ này sẽ lên cao và lan rộng hơn trong năm 2020, có thể kéo dài nhiều năm nữa.
Cảnh chia rẽ không phải chỉ diễn ra trong môi trường chính trị mà lan rộng qua các lãnh vực xã hội, tôn giáo, màu da, và ngay trong cuộc sống hằng ngày. Các nhóm kỳ thị chủng tộc sống lại và hoạt động mạnh hơn. Đền thờ và nghĩa trang của người Do Thái giáo bị tấn công. Đền thờ Hồi giáo bị phá hoại. Nhà thờ của người da đen bị đốt. Có tiệm ăn từ chối không tiếp khách hàng ủng hộ ông tổng thống, vì đội mũ với khẩu hiệu MAGA. Có người phản đối ông Trump trong một cuộc biểu tình suýt bị đánh khiến ông tổng thống phải can thiệp. Chưa bao giờ dân Mỹ dùng những ngôn từ hạ cấp như bây giờ để nói về những người bất đồng ý kiến với mình.
Đó là kết quả những hành động của hai đơn vị tình báo quân sự mang số hiệu MOD 26165 và 74455 được Putin ủy thác.
Ngay trang đầu tiên của bản phúc trình, ông Mueller khẳng định rằng chính phủ Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 một cách "toàn diện và có hệ thống" (in sweeping and systematic fashion). Điều này đã được các cơ quan FBI, CIA và NSA báo cáo từ cuối năm 2016, khiến chính quyền Obama trừng phạt Sergey Gizunov, người chỉ huy MOD 26165. Ông Mueller lại truy nã người kế nhiệm là Đại tá Viktor Netyksho.
Tình trạng chia rẽ còn kéo dài vì ông Mueller kết luận không thể buộc tội "thông đồng" giữa ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump với chính quyền Nga ; nhưng mặt khác lại báo cáo đầy đủ những sự kiện có thể mở đường cho đảng Dân chủ tiếp tục điều tra và hạch tội. Ông viết : "Nhiều cá nhân liên hệ với ủy ban tranh cử Trump đã nói dối với ủy ban điều tra và trước Quốc hội, khi được hỏi về liên hệ của họ với người Nga… Những lời nói dối này ngăn trở cuộc điều tra một cách đáng kể". Ông Mueller nói rõ hơn, "Ủy ban điều tra nhận thấy Tổng thống Trump có những hành vi để phá cuộc điều tra" (to harm the investigation, Vol. II, trang 157).
Chính ông Mueller không kết tội Tổng thống Trump ngăn cản công lý, nhưng lại nhấn mạnh là không xác định ông không phạm tội này. Bản phúc trình viết, "Nếu bằng cớ chứng tỏ tổng thống vô tội thì ông Mueller đã viết như vậy. Nhưng không viết". (Vol. II, trang 8).
Ông Mueller, một người vẫn thuộc đảng Cộng hòa, đã được một tổng thống Cộng hòa cử đứng đầu FBI, còn ngỏ ý Quốc hội có thể tiếp tục công việc của ủy ban điều tra. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ Viện chắc hân hoan đón nhận vai trò "công tố" này. Nếu họ chiều theo ý những người quá khích đòi "đàn hặc" ông tổng thống thì đó chính là điều mà ông Putin đang mong đợi. Osama bin Laden chỉ phá hủy được mấy ngôi nhà và giết mấy ngàn người. Ông Putin đang muốn phá tận nền móng niềm tin của dân Mỹ vào chế độ dân chủ. Cho cả thế giới coi là gương xấu không nên theo !
Nhưng Vladimir "bin" Putin sẽ thất bại khi người Mỹ tỉnh táo hơn, tin tưởng vào các giá trị truyền thống và vào chính họ nhiều hơn.
Các công dân Mỹ có thể hãnh diện về những gì xảy ra trong 22 tháng qua. Họ đang sống ở một quốc gia mà ông tổng thống, tổng tư lệnh tối cao quân đội, bị chính Bộ Tư pháp của mình điều tra. Một cuộc điều tra có thể đưa tới truất quyền !
Nhưng cuộc điều tra đi đúng trình tự pháp lý. Nhiều người làm dưới quyền ông tổng thống, dùng óc xét đoán của mình, đã không làm theo lệnh ông. Họ không trung thành mù quáng với ‘ông chủ’, như thói quen dân các xứ độc tài, phong kiến. Tất cả các nhân chứng đều được hỏi tới ; nhiều người đã bị truy tố hoặc nhận tội, phải vào tù. Và những kết luận sau cùng đều minh bạch, công bằng, theo đúng tinh thần thượng tôn luật pháp.
Thể chế dân chủ đã bám rễ trong lịch sử Mỹ, vẫn sống, vẫn mạnh mẽ. Bao nhiêu người ở Phi Châu, Á Châu vẫn hy vọng sẽ được sống như vậy.
Vladimir "bin" Putin không thể phá nát những định chế đã được xây dựng hơn ba thế kỷ, thừa hưởng di sản của tư tưởng tự do dân chủ được nuôi dưỡng trong nền văn minh nhân loại từ ngàn năm trước.
Người Mỹ đọc Bản phúc trình Mueller đi tới những kết luận trái ngược vì họ không đồng ý về bản chất cuộc điều tra. Mueller chỉ làm công việc của một công tố viên, trong phạm vi pháp lý, không phải để phân biệt "ai phải, ai trái". Cuối cùng, "phải trái" là một vấn đề chính trị mà dân Mỹ sẽ phán quyết bằng lá phiếu. Ông Mueller chỉ cung cấp thông tin về những sự kiện mà ông đã kiểm tra. Người dân sẽ xét đoán và lựa chọn bằng lá phiếu.
Để ngăn ngừa những âm mưu phá hoại bầu cử tương lai, chính phủ Mỹ phải đưa ra các biện pháp ngăn ngừa người nước ngoài can thiệp vào việc bỏ phiếu của dân chúng. Quốc hội Mỹ phải chuẩn bị những đạo luật xác định rõ như thế nào thì gọi là "thông đồng vói nước ngoài" trong mùa tranh cử ; vì đây vẫn là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Nếu không, thì kết luận "không thông đồng" của Bản phúc trình Mueller có thể trở thành một "tiền lệ" mà những ông Vladimir "bin" Putin sau này sẽ tha hồ lợi dụng.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 19/04/2019
Tân Hoa Xã loan tin chính quyền cộng sản Trung Quốc đang gửi một giàn khoan dầu khổng lồ, diện tích bằng một sân banh tới Vịnh Bắc Việt. Giàn khoan "Đông Phong" Dongfang 13-2 CEPB nối gót giàn khoan Hải Dương 891 năm 2014 xâm nhập lãnh hải Việt Nam khiến phong trào chống Trung Quốc bùng nổ khắp nước.
Hàng ngàn người dân Philippines, từ người già đến thanh niên, ai cũng đổ ra đường tuần hành hôm Thứ Ba, 9 tháng Tư, 2019, trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati. Họ phản đối Trung Quốc đưa tàu tới bao vây đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố có chủ quyền. (Hình : Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Năm 2014, Giàn khoan Hải Dương 891 đã tới vùng phía Nam đảo Hải Nam nhưng nằm trong hải phận kinh tế của nước ta. Mấy tháng sau thì họ phải rút đi. Lần này "Đông Phong" được điều tới Bồn Trũng Sông Hồng (Bắc Kinh gọi là Oanh Ca Hải), đối diện với đảo Cồn Cỏ, nằm giữa vịnh Bắc Việt và đảo Hải Nam.
Chưa biết lần này ông Nguyễn Phú Trọng có phản ứng gì không. Nhưng ông Trọng có thể nhìn sang nước Philippines coi ông Tổng thống Rodrigo Duterte đang làm gì.
Ông Rodrigo Duterte cũng nhiều lúc rất thân thiện với Trung Quốc, vừa để dụ Bắc Kinh bỏ tiền vào giúp làm con đường xe lửa ở vùng quê hương ông ; cũng vừa để chọc tức Mỹ ; vì người Mỹ vẫn không ngớt chỉ trích ông cho phép cảnh sát giết những người tình nghi buôn ma túy mà không cần xét xử.
Nhưng ông Duterte vừa cho thấy khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Philippines thì người làm tổng thống nước này dám lên tiếng phản đối.
Thứ Sáu tuần trước, ông Duterte tố cáo Trung Quốc đang cho cả đoàn thuyền đánh cá tới vùng đảo Pag-Asa, một hòn đảo lớn phía Đông quần đảo Trường Sa mà Philippines đã chiếm giữ từ lâu.
Ông Duterte nói rất mạnh cho Tập Cận Bình nghe : "Hai nước chúng ta là bạn. Nhưng đừng có đụng tới đảo Pag-asa ! Nếu các ông động đậy, sẽ có chuyện ngay ! Tôi sẽ ra lệnh cho binh sĩ của tôi : ‘Chuẩn bị đội quyết tử !’".
Prepare for suicide mission ! Giống như đội Thần Phong Quyết Tử của Nhật Bản vào cuối Đại Chiến Thứ Hai. Nghĩa là biết rằng mình sẽ chết, nhưng chết vinh quang khi bảo vệ tổ quốc.
Ông Duterte không thể nào không nổi giận. Cuối tháng Ba, mười mấy chiếc thuyền của Trung Quốc đã ngang nhiên đến chung quanh đảo Kota mà Philippines coi là của mình, ông Duterte chưa nói gì hết. Nhưng bây giờ, quân đội Phi đang sửa chữa một phi đạo trên đảo Pag-asa, thì họ phát hiện khoảng 200 thuyền đánh cá Trung Hoa, chắc chắn có vũ trang, tới chung quanh ! Chính phủ Phi cho con số 275 chiếc thuyền kể cả những thuyền hải giám của lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc lâu nay là "chiếm biển" bằng thuyền đánh cá hoặc giàn khoan dầu ! Họ cứ cho người Trung Hoa tới khai thác vùng biển trong Đường Lưỡi Bò, nước nào coi hòn đảo là của mình cũng mặc kệ.
Đảo Pag-asa, tiếng Tagalog nghĩa là Hy Vọng ; người Việt gọi là đảo Thị Tứ, là hòn đảo lớn nhất do Philippines chiếm đóng, rộng hơn 37 mẫu Tây (ha). Việt Nam vẫn coi Thị Tứ thuộc nước mình. Từ năm 1933 chính quyền Pháp đã nhập đảo này vào tỉnh Bà Rịa.
Năm 1956, một luật sư người Phi chiếm lấy hòn đảo không người ở, và năm 1978 chính phủ Phi đưa hòn đảo vào thị xã Kalayaan ở Palawan, nằm trong vùng Biển Tây của họ, nơi người Việt mình vẫn gọi là Biển Đông.
Ngày thứ Ba, 9 tháng Tư, ông Duterte nhân lễ "Ngày Dũng Cảm" (Araw ng Kagitingan) đã lên tiếng kêu gọi tình yêu nước và ca ngợi quân đội Phi. Ngày đó là kỷ niệm trận đánh Bataan, nơi quân đội Philippines và Mỹ đã tử thủ ba tháng trời trước sức tấn công vũ bão của quân Nhật đang tới chiếm Philippines. Sau cùng họ hết đạn phải đầu hàng, và bị quân Nhật dẫn đi trên con đường sau đặt tên là Con Đường Chết Pataan. Nhưng nhờ đức dũng cảm kiên trì của họ mà quân Mỹ có đủ thời giờ di tản, rời bỏ Philippines, chờ ngày trở về phục hận.
Trong buổi lễ, ông Duterte nói, "…tôi hy vọng tất cả chúng ta được tấm gương này phấn khích để giữ đức kiên cường, giống như tổ tiên ta cùng các đồng minh đời trước ; để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền tự do mà nhân dân ta được hưởng ngày hôm nay".
Nhân dịp này, ông Duterte cũng nói ông "thực tình yêu quân đội (Talagang mahal ko kayo) vì trong hai năm cầm quyền việc gì ông giao cho, họ cũng hoàn tất. Ông nêu trường hợp đã nhờ các tướng lãnh đánh tham nhũng tại Cục Hải quan và thành công !
Ông Duterte báo trước sẽ bổ nhiệm thêm quân nhân khi đuổi bớt các quan chức tham nhũng ! Hiện nay trong chính phủ của ông các tướng lãnh đang cầm đầu các Bộ Nội vụ, Bộ Xã hội, Bộ Môi trường, Bộ Quốc phòng, và Hải quan !
Ông Duterte đã lớn tiếng cảnh cáo Trung Quốc. Không biết ông sẽ làm gì tiếp nhưng riêng ý kiến lập "đội quyết tử" của ông đã khích động dân và quân đội Phi. Người làm tổng thống một nước tự do dân chủ không có thể nói bừa bãi, vì người dân có quyền lên tiếng nói. Một giáo sư đại học, ông Segundo Eclar Romero, cũng là nhà bình luận đã viết một bài khuyên ông Duterte nên làm gì.
Ông Segundo Eclar Romero viết rằng Tổng thống Duterte nợ nhân dân sau khi hứa lập một đội quyết tử để bảo vệ tổ quốc. Ông đề nghị ngài tổng thống trả món nợ đó, hãy đích thân đến thăm đảo Pag-Asa ! Hãy cắm một quốc kỳ Philippines trên hòn đảo này và tiến sang đảo Subi Reef, cách Pag-Asa 26 cây số. Ông Romero hãy ngủ lại một đêm trên hòn đảo này, và chính nhà báo Romero tình nguyện tháp tùng ông tổng thống, nếu ông dám đi, để cùng những người lính đồn trú trên đó uống rượu bia và giao đấu với nhau ; cho họ được giải trí sau những ngày dài "trấn thủ lưu đồn !"
Đề nghị thứ hai của ông Romero là xin Tổng thống Duterte lập tức cho phép các quân nhân xung phong tình nguyện vào "Đội Quyết Tử !" Phải huấn luyện họ kỹ, cũng như Nhật đã huấn luyện các phi công Kamikaze ngày xưa.
Nhưng ông Romero hoài nghi, không tin ông Duterte dám chấp nhận lời thách đấu của mình ! Ông nghi ngờ rằng thái độ cứng rắn của Duterte chỉ là biểu diễn, để giúp các ứng cử viên của đảng ông thêm phiếu trong cuộc bầu cử tháng Năm sắp tới !
Ông Duterte đã báo trước sẽ chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ ; mà vì lý do sức khỏe ông có thể sẽ rút lui trước khi mãn nhiệm. Ông cũng từng nói thẳng đã chán làm tổng thống rồi, vì nhiều chương trình của ông không được guồng máy nhà nước thực hiện, nguyên nhân cũng bởi đám quan chức tham nhũng !
Nhưng người dân Philippines vẫn có dịp hào hứng khi thấy ông tổng thống của họ tỏ ra không hèn nhát, khiếp nhược ! Ông dám nói những lời mà người dân nào cũng muốn nói thẳng vào mặt quân xâm lược. Họ càng hào hứng khi có những nhà trí thức dám lên tiếng thách thức ông tổng thống – mà không lo bị tù vì "âm mưu lật đổ chính quyền !" Tự do dân chủ thật cho con người được sống thật với tấm lòng của mình !
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có dám nói thẳng vào mặt Trung Quốc như ông Duterte mới nói hay không ? cộng sản Việt Nam có bao giờ dám cho người dân được tự do lên tiếng như chính quyền Philippines hay không ?
Ai cũng có thể đoán trước, cả hai câu trả lời đều là "không !"
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 09/04/2019
Sáng thứ Sáu, 5 tháng Tư, ngoại trưởng Mỹ nói rằng ông tin tưởng sẽ có cuộc gặp gỡ thứ ba giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Theo ông Mike Pompeo, cuộc họp thứ nhì hồi tháng Hai, đã đạt được tiến bộ, vì hai nhà lãnh đạo hiểu nhau sâu xa hơn.
Ngoại trưởng Mike Pompeo còn nói vẫn tin tưởng sẽ có cuộc gặp gỡ lần thứ ba, thì ông rất dại. Trong hình, một nhà hàng Nam Hàn ở Từ Liêm, Hà Nội, dán poster chào đón hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un hôm 20 tháng Hai, 2019. (Hình : Linh Phạm/Getty Images)
Mang cả một phái đoàn chính phủ bay nửa vòng trái đất để có dịp hiểu Kim Jong-un sâu xa hơn, ông Pompeo coi như vậy là tiến bộ. Một điều Tổng thống Donald Trump hiểu thêm về Chủ tịch Kim Jong-un là, theo lời ông Trump kể, cậu này đòi Mỹ phải bỏ hết các biện pháp cấm vận kinh tế ; để đổi lại, cậu chỉ đóng cửa một cơ sở nguyên tử.
Lỗi ở các cơ quan tình báo Mỹ ! Họ đã theo dõi Bắc Hàn từ hơn nửa thế kỷ, đã sơ suất không cho tổng thống biết các người cầm đầu Bắc Hàn là loại người như thế nào, để ông phải tự tìm hiểu lấy.
Những ai đã đọc tin tức về Bắc Hàn trong hơn nửa thế kỷ qua đều biết không thể tin vào lời nói của ba đời họ Kim.
Đời ông nội, Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã không ngần ngại giảo hoạt và trâng tráo.
Năm 1950, Kim Il-sung đưa ra một đề nghị hai miền Nam Bắc thành lập một quốc hội chung, sẽ khai mạc vào ngày 15 tháng Tám, để kỷ niệm 5 năm sau khi quân Nhật thất trận phải rút ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Lúc đó ông 38 tuổi, cũng trẻ như cậu cháu nội bây giờ. Kim Il-sung cung cấp đầy đủ chi tiết việc bầu cử nên làm như thế nào cho hai miền đều chấp nhận được.
Ba tuần lễ sau, quân đội Bắc Hàn ào ạt tấn công, chiếm thủ đô miền Nam trong nháy mắt. Nếu không có quân đội Mỹ phản công, hai lần, thì cả nước Cao Ly đã phải sống dưới chế độ cộng sản từ năm đó ; và thế giới sẽ không bao giờ thấy những nhãn hiệu Sam Sung hay Hyundai.
Năm 1972, Kim Il-sung lại "tấn công ngoại giao", cho thế giới thấy mình là con người yêu hòa bình. Ông ta mở cửa, cho các nhà báo Mỹ và Nhật đến phỏng vấn ; trò chuyện một giáo sư Đại học Havard. Và, lần đầu tiên, ông cho quan chức miền Bắc tiếp xúc với giới lãnh đạo miền Nam. Tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee (Phác Chánh Hy) đã chuyển hướng ngoại giao, muốn hai miền nói chuyện trực tiếp. Cuộc ve vãn kéo dài tới hai năm, đến khi mật vụ miền Bắc tổ chức ám sát Park Chung-hee. Ông may mắn thoát chết, nhưng cũng vỡ mộng hòa hợp hòa giải.
Trước vụ Kim Jong-un đạo diễn vụ giết anh ruột ở Malaysia, họ Kim từng gửi "sát thủ" ra ngoại quốc thanh toán các mục tiêu. Năm 1983, một phái đoàn lãnh đạo Nam Hàn ghé qua Rangoon, thủ đô Miến Điện ; họ đến viếng đài tử sĩ. Gián điệp Bắc Hàn đã đặt bom nổ làm nhiều người thiệt mạng. Vụ mưu sát này xảy ra sau khi Kim Il-sung nhờ Đặng Tiểu Bình ngỏ ý với Tổng thống Reagan muốn hai bên "họp thượng đỉnh". Ông Reagan không mắc bẫy.
Khi Kim Nhật Thành chết năm 1994, nhiều người hy vọng thế hệ sau, lớn lên trong hòa bình, sẽ có những thói quen khác. Nhưng các con và cháu đã được "truyền nghề" đầy đủ, họ biết rằng cả triều đại muốn sống còn thì phải tàn bạo và gian trá, củng cố chế độ độc tài toàn trị. Vả lại, cái máu di truyền không thể đổi được.
Kim Jong-iL (Kim Chính Nhật) đã từng hứa với các vị tổng thống Mỹ đời trước, rằng Bắc Hàn sẽ ngưng tìm cách làm bom nguyên tử. Đổi lại, Mỹ cung cấp thực phẩm và nhiên liệu. Guồng máy quân đội và công an của chế độ Bình Nhưỡng lại có xăng chạy xe và gạo để đem bán chợ đen. Sau đó, Kim lại tiếp tục nghiên cứu chế tạo bom. Mỹ ngưng cung cấp, sau khi tốn cả tỷ đô la mà chẳng nên tích sự gì.
Trước khi Kim Jong-un được chỉ định lên kế vị, tháng Ba, 2010, ông bố đã đề nghị Nam Hàn cùng bàn chuyện giảm bớt căng thẳng quân sự. Cuối tháng đó, một chiến Hạm Nam Hàn bị trúng thủy lôi. Tới tháng Mười Một, Bình Nhưỡng lại đề nghị Nam Hàn hợp tác để mở cửa lại khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) cho dân miền Nam đến chơi. Cuối tháng, lại nã đại bác lên một hòn đảo nhỏ của miền Nam.
Kim Jong-un trông rất giống ông nội lúc còn trẻ. Và có lẽ còn tàn ác, thông minh hơn, và giảo hoạt không kém. Cậu Un tính toán các nước đi rất kỹ, thường bắn một mũi tên là nhắm vào hai ba con mồi. Mỗi hành động gây hấn đều cố gây ảnh hưởng cao nhất và tao phản ứng thấp nhất.
Bị Mỹ chống vì tham vọng bom hạch tâm, mà Trung Quốc cũng coi là một thứ gai nhọn bên sườn, Kim Jong-un cho thử bom vào những ngày lễ, của nước Mỹ hay nước Tàu. Có lúc thử hỏa tiễn đúng lúc Donald Trump đang đãi tiệc Tập Cận Bình !
Kim Jong-un biết rằng người lãnh đạo các nước dân chủ thường hành động theo chương trình ngắn hạn, vì họ phải lo tái tranh cử. Trong khi đó thì các tu độc tài có thể mưu đồ những kế hoạch trường kỳ. Ông Trump, ông Moon quan tâm nhất đến những gì xảy ra một trong năm, trước ngày dân bỏ phiếu. Kim Jong-un có thể chờ, hàng chục năm cũng không sao.
Kim đã dụ tổng thống Nam Hàn trước, cho lực sĩ vào Nam dự thế vận hội, rồi tỏ ý hòa đàm. Ông tổng thống Nam Hàn thấy đây có thể là một thành tích đem khoe trong kỳ bầu cử tới. Kim cũng đưa ra cái mồi giải giới vũ khí nguyên tử, ký hiệp ước hòa bình, để Tổng thống Trump thấy triển vọng một thành công ngoại giao lớn, biết đâu còn một cái giải Nobel nữa !
Kim Jong-un được lời lớn nhờ cuộc gặp gỡ ở Singapore năm ngoái. Un đã trả hận cho ông nội, người đã bị Tổng thống Reagan từ chối. Từ vai một côn đồ bị cả thế giới chửi, nhà độc tài trẻ tuổi trở thành một chính khách lớn, được ông tổng thống Mỹ gọi là bạn và khen con người hết lòng vì nước vì dân. Còn nước Mỹ được lợi những gì ? Những lời hứa hẹn mơ hồ !
Ông Donald Trump đã đem "vốn chính trị" của mình đầu tư vào mối giao hảo với Kim Jong-un. Ông không muốn bỏ cuộc. Nhưng mới một tháng sau khi gặp Kim mà chẳng ích lợi gì, lại nghe các viên chức Bắc Hàn dọa sẽ lại thử bom nguyên tử và hỏa tiễn, mà Ngoại trưởng Mike Pompeo còn nói vẫn tin tưởng sẽ có cuộc gặp gỡ lần thứ ba, thì ông rất dại. Lời nói đó chứng tỏ Mỹ rất mong đạt một thỏa hiệp nào đó, dù chưa biết nó như thế nào.
Không nên để lộ quân bài của mình như thế. Trong những cuộc mặc cả gay go, không nên tỏ cho đối thủ biết mình cần đạt kết quả sớm hơn họ. Đối thủ sẽ đòi hỏi nhiều hơn.
Trong những ngày tới, chắc Kim Jong-un sẽ giúp chính quyền Mỹ nuôi thêm hy vọng. Kim Jong-un biết rằng Donald Trump rất muốn tạo một thành tích ngoại giao ngoạn mục trước kỳ bầu cử sang năm. Kim sẽ tặng Donald Trump một món quà để tranh cử, nếu được trả giá đúng như ý muốn. Miễn sao triều đại họ Kim vẫn muôn năm trường trị !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 05/04/2019