Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 17 mars 2018 22:42

Đánh Trung Quốc cho đúng chỗ

Mỹ là nước nhập cảng nhiều thép nhất. Bình thường, nếu phải mua nhiều thép từ bên ngoài như vậy, thì giá thép càng rẻ thì Mỹ càng mừng, vì mình có lợi ! Nhưng thép là một câu chuyện phức tạp, cho nên chính phủ Mỹ lại than phiền !

thep1

Thị trường thép và nhôm quốc tế đang gặp bế tắt vì Mỹ tăng thuế - Ảnh minh họa

Năm 2016, số thép sản xuất thặng dư (cao hơn số bán được) lên tới 737 triệu tấn. Giá thép xuống thấp, nhiều công ty thép khắp nơi lo phá sản. Họ kêu cứu với chính phủ, đặc biệt là tại Mỹ, chính phủ Mỹ phản đối Trung Quốc ! Chính quyền cộng sản Trung Quốc bị tố cáo là thủ phạm gây nên cảnh thép thặng dư ! Trung Quốc sản xuất một nửa số thép trên thế giới. Từ khi "đổi mới kinh tế," họ cho mở nhà máy thép lớn, nhỏ khắp nơi, quốc doanh và tư doanh, bán ngập hoàn cầu.

Trong mấy năm qua, để bảo vệ công nghệ thép của mình, chính phủ các nước đều yêu cầu Trung Quốc phải đóng cửa bớt nhà máy thép. Và Bắc Kinh đã chịu làm, nhưng với tốc độ rất chậm so với yêu cầu.

Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã chỉ trích hàng nhập cảng từ nước Tàu giá rẻ làm cho công nhân Mỹ mất việc ; và ông hứa sẽ đánh thuế 45% trên hàng Tàu bán vào nước Mỹ. Hơn một năm qua, mọi người đã quên con số 45% này. Nay Tổng thống Donald Trump đã quyết định đánh thuế 25% trên hàng thép nhập cảng vào Mỹ (và 10% trên hàng nhôm).

Nhưng nếu ông Trump đánh thuế thép để tấn công Trung Quốc, thì ông đã đánh lầm mục tiêu. Số tiền Mỹ mua thép và nhôm từ Trung Quốc, trong năm 2016 chỉ chiếm 5% tổng số tiền 566 tỷ USD nhập cảng các món hàng từ bên Tàu. Nếu vì bị thuế cao mà thép Trung Quốc không còn bán qua Mỹ được nữa, thì cũng chỉ giảm được khoảng 28 tỷ USD trong số 375 tỷ USD khiếm hụt.

Đánh vô những món khác sẽ thu được nhiều thuế hơn. Tiền nhập cảng quần áo, giầy dép vẫn còn chiếm 8,6%, sau khi đã giảm nhiều vì Mỹ đi mua từ nước khác. Đồ dùng trong nhà, và đồ chơi trẻ em, chiếm 16,5%. Nặng nhất là các loại máy móc và đồ điện tử làm hoặc ráp ở Trung Quốc, tất cả chiếm 48%.

Một nhầm lẫn mục tiêu khác nữa, là đánh thuế trên thép không làm cho kinh tế nước Tàu bị thiệt hại bao nhiêu. Tổng số thép và nhôm xuất cảng ra ngoài chỉ chiếm nửa phần trăm (0,5%) tổng sản lượng nội địa (GDP) Trung Quốc. Số bán sang Mỹ càng nhỏ, cho nên dù có bị Mỹ chặn lại hoàn toàn cũng không gây ảnh hưởng bao nhiêu.

Hơn nữa, chính Trung Quốc cũng đang cắt số thép họ chế tạo. Riêng trong năm 2017, Trung Quốc đã bớt sản xuất 50 triệu tấn thép, dù mất dưới một triệu tấn bán qua Mỹ cũng không có gì đáng kể. Từ đầu năm 2016, các công ty quốc doanh sẽ cắt giảm 100 triệu tấn thép, và đóng cửa các nhà máy thép nhỏ của tư nhân để bảo vệ môi trường, cắt thêm 120 triệu tấn khác, trong năm năm. Những biện pháp này sẽ làm cho ít nhất 500.000 công nhân mất việc làm.

Vậy muốn tấn công đúng "tử huyệt" của kinh tế Trung Quốc với Mỹ thì nên nhắm vào các lãnh vực nào ?

Nếu chỉ nhắm vào ngoại thương, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế hàng điện tử và viễn thông, hai món bán vào Mỹ nhiều với giá cao hơn cả. Bớt nhập cảng những món đó sẽ giảm bớt số khiếm hụt nhiều hơn.

Vì vậy, trong tuần qua, chính phủ Mỹ đã chuẩn bị một danh sách các món hàng nhập cảng mua từ bên Tàu để tăng thuế nhập cảng, trị giá tổng cộng 60 tỷ USD.Trong số đó có các món về điện tử, tin học, viễn thông, và một số hàng tiêu thụ.

Nhưng con số 60 tỷ USD này quá khiêm tốn, chỉ bằng 11% tổng số tiền nhập cảng hàng Trung Quốc, chính phủ Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh phải đưa ra một chương trình giảm bớt 100 tỷ USD trong số khiếm hụt 375 tỷ USD năm 2017. Nếu chính phủ Mỹ thúc đẩy mạnh cho đòi hỏi này bằng những biện pháp trừng phạt bằng thuế khóa, thì chiến tranh thương mại khó tránh khỏi ; và cả hai bên đều thiệt hại. Cho nên hai bên sẽ chỉ dò nhau từng bước !

Ngoài lãnh vực thương mại, chính phủ Mỹ có thể tấn công kinh tế Bắc Kinh trên mặt trận "quyền sở hữu trí tuệ," tức là các bản quyền, bằng sáng chế của nước Mỹ.

Một nước tiến bộ về kinh tế thì chuyển từ việc dùng bắp thịt và máy móc qua các hoạt động dùng đầu óc. Số tiền thế giới chi vào các hàng hóa cụ thể năm 1970 chiếm 50% tổng số chi, đến năm 2015 chỉ còn chiếm 20%. Tiền kiếm được nhiều nhất là các dịch vụ, trong đó có việc bán các sản phẩm trí tuệ. Công ty Apple làm giàu nhờ những sáng chế chất đầy trong mỗi chiếc điện thoại cầm tay, còn công việc chế tạo, lắp ráp cái máy giá trị nhỏ hơn nhiều. Ngay khi bán một "hàng hóa," như một chiếc xe hơi, trong chiếc xe đó cũng có những "bản quyền" sáng chế của biết bao nhiêu bộ phận điện tử.

Mỗi năm các công ty Mỹ đã bị "mất cắp" từ $200 tỷ đến $600 tỷ tiền bản quyền các sản phẩm trí tuệ (so với $30 tỷ khiếm hụt vì nhập cảng thép và nhôm). Muốn giảm bớt khiếm hụt mậu dịch, chính phủ Mỹ có thể tấn công Trung Quốc trên mặt trận này.

Hiện nay Trung Quốc tìm cách cưỡng ép các xí nghiệp ngoại quốc phải "cho không" các sản phẩm trí tuệ. Họ buộc các công ty đầu tư sản xuất ở nước Tàu phải "chung vốn" với các công ty bản xứ, dùng đó làm một phương tiện chuyển các hiểu biết kỹ thuật sang cho người Trung Hoa. Mục đích của họ là giúp các xí nghiệp Trung Quốc "đốt giai đoạn," có ngay các kỹ thuật mới mà không cần đầu tư, nghiên cứu, thí nghiệm.

Đây là một mặt trận quốc tế, vì các nước Châu Âu và Nhật Bản, Nam Hàn, cũng là nạn nhân của chính sách "bóc lột trí tuệ" này. Cuối năm ngoái chính phủ Mỹ cùng Nhật Bản và các nước Châu Âu đã thỏa hiệp lập một liên minh chống Trung Quốc trên mặt trận bảo vệ sản phẩm trí tuệ. Nhưng Tổng thống Trump là người không tin tưởng vào sự hợp tác với các nước đồng minh, ông muốn "một mình một ngựa" tả xung hữu đột hơn. Ông cũng không tin tưởng vào các định chế quốc tế. Ông đã lớn tiếng tố cáo WTO chỉ làm hại nước Mỹ, trong khi chính nhờ nước Mỹ đã liên tiếp thúc đẩy nên tổ chức này mới ra đời.

Chính phủ Obama, trước khi hết nhiệm vụ, đã khởi tố Trung Quốc trước WTO về hành động trợ cấp việc sản xuất nhôm để bán giá rẻ. Từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ không chú ý đến vụ kiện nữa, vì vị tổng thống mới muốn dùng thứ vũ khí mới, ngoài khuôn khổ của WTO.

Khi chính phủ Mỹ đánh thuế nhập cảng thép và nhôm, thì chính những nước đồng minh với Mỹ như ở Châu Âu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc. Tình trạng tranh chấp sẽ khiến liên minh hợp tác chống Trung Quốc để bảo vệ sản phẩm trí tuệ bị yếu đi.

Trong năm qua, Tổng thống Trump lơ là mặt trận mậu dịch đối với Trung Quốc. Ông đã quên suất thuế 45%, quên việc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Gần đây ông mới tấn công một đòn, là đánh thuế nhập cảng thép, nhôm. Nhưng ông nhắm đánh không đúng chỗ.

Có thể coi là ông Trump đã nhượng bộ Tập Cận Bình vì muốn nhờ Bắc Kinh giúp đối phó với Bắc Hàn. Nếu bây giờ ông Trump có thể nói chuyện trực tiếp với Kim Jong Un, thì chắc ông không cần Tập Cận Bình đóng vai đòn bẩy nữa. Tổng thống Donald Trump có thể bắt đầu một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn trên mặt kinh tế. Bên cạnh ông Trump bây giờ lại có nhiều người "diều hâu kinh tế" hơn, có lẽ ông đang bắt đầu chuyển hướng. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 16/03/2018

Published in Diễn đàn

Báo chí của đảng cộng sản Việt Nam đều tường thuật một chi tiết trong phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh, khi Thanh xưng "cháu" để ngỏ lời trực tiếp với Nguyễn Phú Trọng, nói "trong nước mắt" như các báo, đài mô tả : "Cháu muốn gửi lời xin lỗi tới bác Trọng, cháu rất mong bác tha thứ !".

toa1

"Cháu muốn gửi lời xin lỗi tới bác Trọng, cháu rất mong bác tha thứ !".

Một câu nói đó đủ tố cáo cả hệ thống pháp luật trong chế độ cộng sản là giả dối, bịp bợm !

Tại sao một bị cáo không nói chuyện với quan tòa để xin khoan hồng, không nói thẳng với những người đang ngồi đó xét xử và sắp phán quyết về tội trạng mình bị cáo buộc ? Tại sao anh ta lại xin lỗi và van lạy một người vắng mặt là ông Nguyễn Phú Trọng, một người không giữ chức vụ nào trong ngành tư pháp, không làm công việc gì trong chính quyền, không đóng vai công tố buộc tội (viện kiểm sát) hay cảnh sát điều tra ?

Chỉ trong một câu nói, Trịnh Xuân Thanh đã lột mặt nạ đảng cộng sản ; gián tiếp tố cáo tòa án chỉ là cái bình phong tư pháp, các quan tòa chỉ là một đám bù nhìn do Nguyễn Phú Trọng giật dây.

Trịnh Xuân Thanh "bật khóc nức nở khi nhắc đến việc bỏ trốn" sang Đức, việc viết thư gửi cho Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam vạch tội Nguyễn Phú Trọng, Thanh thú nhận mình đã "dại dột", như một đứa trẻ trốn cha mẹ đi hoang đang ăn năn hối lỗi !

Những chi tiết trên chắc chắn sẽ được chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức chú ý.

Tại sao nước Đức lại liên can tới một phiên tòa ở nước Việt Nam, xử một công dân Việt Nam ? Vì họ muốn chứng tỏ Đức là một quốc gia sống theo nền nếp văn minh.

Chính phủ Đức chính thức tố cáo, với các bằng chứng cụ thể, mật vụ cộng sản đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào ngày 23 tháng Bảy, 2017, trong khi anh ta và vợ con đang được cứu xét hồ sơ xin tị nạn. Ngày 10 tháng Tám, 2017, tổng công tố viên Liên Bang đã khởi sự điều tra vụ bắt cóc này. Họ tự coi có bổn phận đối với một người đã xin được tị nạn ở xứ Đức. Đối với thủ tục pháp lý một nước văn minh, sau khi đã chấp nhận để nghiên cứu về đơn xin tị nạn thì chính quyền đã có trách nhiệm với người đứng xin ! Trách nhiệm đó có nghĩa là người xin tị nạn phải được đối xử như một "con người" có đủ các quyền trước pháp luật, không thể xúc phạm ! Bắt cóc, đe dọa, tra tấn là xâm phạm quyền tự do căn bản của nạn nhân !

Cho nên chính phủ Đức đã chính thức đòi hỏi nhà nước cộng sản Việt Nam phải xét xử Trịnh Xuân Thanh theo thủ tục pháp lý đứng đắn, với các quan sát viên quốc tế được tự do tham dự. cộng sản Việt Nam đã tìm cách ngăn cản không cho chính phủ Đức tìm thêm bằng cớ để mai mốt đưa ra khi truy tố vụ bắt cóc Thanh. Luật sư được gia đình Trịnh Xuân Thanh thuê bào chữa, từ bên Đức qua, bị cấm không cho vào Việt Nam. Báo chí ngoại quốc cũng không được vào theo dõi phiên xử dù chỉ ngồi ở phòng khác theo dõi qua truyền hình.

cộng sản Việt Nam hy vọng chính phủ Đức sẽ không thể dùng chi tiết các diễn biến trong phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh, các lời lẽ đối đáp giữa các luật sư, công tố viện, quan tòa, để phía Đức có thể đưa ra, chứng minh rằng cộng sản Việt Nam đã vi phạm tất cả các thủ tục pháp lý của thế giới văn minh !

Quả nhiên chính phủ Đức phải chịu bó tay không thể tham dự trong quá trình xét xử Trịnh Xuân Thanh, một người nộp đơn xin tị nạn mà nước Đức tự nhiên có trách nhiệm bảo vệ để được "đối xử như một con người !"

Nhưng chính Trịnh Xuân Thanh đã gỡ hết thế khó khăn cho nước Đức.

Chỉ cần nói mấy câu lạy lục van xin Nguyễn Phú Trọng ; chỉ cần bỏ quên các quan tòa, coi cả cái tòa án kanguru trước mặt mình như một bóng ma không đáng đếm xỉa, Trịnh Xuân Thanh đã cung cấp cho chính phủ Đức, và tất cả những người đọc tin tức về vụ án, một bằng chứng hiển nhiên là hệ thống tư pháp chính quyền cộng sản Việt Nam hoàn toàn vô giá trị !

Trịnh Xuân Thanh đã khóc lóc xin lỗi Nguyễn Phú Trọng, đã van xin "Bác Trọng" mở lòng thương. Trịnh Xuân Thanh không nói một câu nào xin tòa án khoan hồng. Riêng một chi tiết đó cũng đủ cho cả thế giới thấy quyết định kết tội nặng nhẹ hoàn toàn nằm trong tay một tên trùm sỏ. Các diễn viên đóng vai thẩm phán, kiểm sát, luật sư, cho tới cả các bị cáo, chỉ là những vai hề diễn trò trên sân khấu cho tên trùm sỏ ngồi coi và cười. Muốn xin khoan hồng, hãy lạy van trực tiếp tên trùm sỏ đó !

Một điều lạ đối với người quan sát tỉnh táo, là tại sao các quan tòa không ngăn lại, cấm Trịnh Xuân Thanh không được nói "lạc đề ?". Bất cứ quan tòa nào cũng có quyền ra lệnh : Bị cáo phải trở lại vấn đề cốt yếu, hãy nói về các bằng cớ, các nhân chứng, các lý lẽ để biện hộ cho mình ! Anh không có lý do nào nói với một người ngoại cuộc, không dính líu gì tới hồ sơ vụ án ! Nếu một quan tòa ra lệnh như thế, Trịnh Xuân Thanh sẽ không mất công van xin lạy lục !

Điều kỳ lạ hơn nữa, là tại sao báo chí do đảng cộng sản kiểm soát và chỉ huy lại tung tất cả các chi tiết lên mà không biết rằng những lời Trịnh Xuân Thanh nói chỉ tố giác Nguyễn Phú Trọng là một tên độc tài, chuyên chế không khác gì Stalin ?

Chỉ có một cách giải thích, là chính ông Nguyễn Phú Trọng muốn như vậy !

Đinh La Thăng cũng cư xử giống hệt Trịnh Xuân Thanh. Trước tòa án, ông cựu ủy viên Bộ Chính Trị đã cất lời ca ngợi tên đao phủ có thể cắt đầu mình : "Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, ‘mỗi việc đều có bối cảnh và nguyên nhân của nó.’ Do đó cần xem xét… xử lý cán bộ… không phải dập cho người ta không ngóc đầu lên được mà xử lý để người ta thấy sai. Khi tổng bí thư phát biểu ý này, bị cáo (Thăng) thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư (Nguyễn Phú Trọng)".

Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh không người nào tỏ ý ăn năn xin lỗi hơn 90 triệu người dân Việt Nam về tội đã làm công quỹ thất thoát. Không người nào yêu cầu tòa án xét xử công bằng và khoan dung. Cả hai dường như đều không đếm xỉa gì tới hệ thống tư pháp ! Chỉ hướng về con người thực sự nắm vận mạng mình trong tay : Nguyễn Phú Trọng !

Ông tổng bí thư đang là người sung sướng nhất nước Việt Nam, khi có cơ hội làm nhục Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trước bàng dân thiên hạ ! Về mặt này, Trọng đã qua mặt cả Tập Cận Bình ! Trong các phiên tòa ở bên Tàu gần đây, các bị cáo như tướng Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Nghiệp, hoặc lớn hơn như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, không một người nào khóc lóc van xin, không ai khẩn cầu Tập Cận Bình tha thứ cho mình, thương hại vợ con, cha già, con dại của mình, như hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trổ tài trình diễn ! Trong lịch sử các phiên tòa cộng sản trên thế giới, chỉ có Stalin được hưởng thú vui xa xỉ đó !

Cảnh tượng Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh van xin lạy lục còn chứa đựng một tác dụng khác. Các bị cáo này có thể đã được mớm lời khuyên hãy cúi đầu xuống càng thấp càng tốt, chịu nhục, chịu tiếng hèn, với hy vọng được xử nhẹ. Chính cha mẹ, vợ con họ có thể đóng vai truyền đạt ý tưởng đó, nhét vào đầu các bị can. Nguyễn Phú Trọng muốn như vậy, vừa để thỏa mãn ham muốn trả thù, vừa dùng hình ảnh đó chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của mình. Trọng muốn đe dọa các tay khác trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng : Hãy coi gương Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ! Có ai muốn diễn những tấn tuồng này hay không ?

Trong cơn khoan khoái, hỉ hả khi làm nhục được Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và gián tiếp tát vào mặt Nguyễn Tấn Dũng, ông tổng bí thư cộng sản đã quên một hậu quả của tấn tuồng tòa án ở Hà Nội. Nó chỉ chứng tỏ nước Việt Nam đang sống dưới một chế độ độc tài chuyên chế không khác gì nước Nga dưới thời Stalin.

Nhưng đầu óc của ông Nguyễn Phú Trọng không đủ chỗ chứa một mối quan tâm như vậy. Nguyễn Phú Trọng không hề cảm thấy ngượng ngùng khi các cán bộ cao cấp nhất của đảng biểu diễn bộ mặt đê hèn, ti tiện, ích kỷ. Đó chính là do "công ơn giáo dục" của đảng cộng sản trong 70 năm qua ! Những đảng viên còn có lương tâm không luồn lọt, đê hèn, ti tiện, ích kỷ, thì không thể nào leo lên được tới địa vị cao trong đảng !

Nhưng dân Việt Nam đang có một cơ hội so sánh. Người ta sẽ thấy những nhà tranh đấu dân chủ tự do khi phải ra trước tòa có thái độ khác hẳn với các cán bộ cao cấp cộng sản. Những Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Điếu Cày, Người Buôn Gió, vân vân, và gần đây Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, người nào cũng ngẩng cao đầu khi đứng trước tòa án. Họ viện dẫn các luật lệ, đưa ra các chứng cớ, biện luận phải trái, để dạy cho các quan tòa cộng sản các thủ tục pháp lý văn minh phải như thế nào. Đồng bào ta khi đọc những lời họ nói, có thể nhận được một bài học về công lý, về những quyền bất khả xâm phạm của mọi công dân trong một xã hội bình thường.

Chế độ cộng sản không cho xã hội nào được sống bình thường. Người dân Việt ngày càng thấy rõ. Dân ta sẽ đòi thay đổi để được sống như loài người văn minh tiến bộ.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 23/01/2018

Published in Diễn đàn

Những phiên tòa xử tham nhũng, như vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đang diễn ra, cho thấy rõ tội lỗi của chế độ cộng sản.

dcs1

Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ chế đẻ ra tất cả các tội lỗi nhơ bẩn, đã khích động và nuôi dưỡng lòng tham, thúc đẩy các hành động lạm quyền, và cuối cùng, làm cho các đảng viên mất hết cả tư cách con người.

Các bị cáo trước tòa không phải chỉ là những quan chức Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), các bộ trưởng, thủ tướng, vân vân. Thủ phạm lớn nhất là đảng cộng sản.

Chính chế độ độc tài chuyên chế đã đẻ ra tất cả các tội lỗi nhơ bẩn, đã khích động và nuôi dưỡng lòng tham, thúc đẩy các hành động lạm quyền, và cuối cùng, làm cho các đảng viên mất hết cả tư cách con người.

Trong thời gian những phiên tòa này được biểu diễn trên truyền hình, người Việt khắp nơi đang dựng ra một tòa án xét xử cả đảng cộng sản.

Chỉ trong một chế độ độc tài chuyên chế thì những vụ nhũng lạm khổng lồ như Vinashin, PVN, mới có cơ hội diễn ra và có thể kéo dài bao nhiêu năm. Cho đến khi tội lỗi bị đem ra ánh sáng thì cũng chỉ vì các phe cánh trong đảng tranh chấp, bới móc, để triệt hạ nhau ; động cơ chính không phải vì công lý, không phải vì quyền lợi của đất nước.

Khán giả coi các phiên tòa đang tự hỏi : Còn những vụ phạm tội khác, đen tối, nặng nề hơn nhiều, có bao giờ được phơi bày hay không ?

Ai đã ăn đút lót bao nhiêu tiền trong các vụ khai thác bô xít, được Nguyễn Tấn Dũng lớn tiếng đề cao là "Chính sách lớn của đảng và nhà nước ;" với mục đích đe dọa những người phản đối. Trong vụ Formosa, Nguyễn Tấn Dũng và đồng đảng đã được chấm mút bao nhiêu khi nhượng quyền khai thác kéo dài 70 năm, bất chấp luật lệ ?

Nguyễn Phú Trọng và bè lũ được ăn theo những gì mà quyết tâm bảo vệ tư bản ngoại quốc Formosa đến cùng ? Còn những vụ cho thuê đất rừng hàng nửa thế kỷ, ký giấy cho khai quặng mỏ, cho công nhân Trung Cộng vào làm việc không cần giấy phép, cho những công ty Trung Cộng thắng trong hầu hết các vụ thầu xây dựng, đến bao giờ mới được đưa ra ánh sáng ?

Bọn Dũng, Trọng làm hại môi trường sống của dân tộc đời nay và đời sau. So sánh với các tội biển thủ chỗ này mấy trăm triệu, chỗ kia vài tỷ đô la thì tội của hai người cầm đầu chế độ còn nặng gấp bội.

Tại sao một nhóm nhỏ trong Bộ Chính Trị có thể tự tung tự tác chia chác quyền lợi với nhau suốt bao nhiêu năm như vậy ?

Tất cả là do chế độ độc tài chuyên chế đẻ ra.

Cơ chế quản lý xã hội do Lenin đề xướng, được Stalin "kiện hoàn" rồi Mao Trạch Đông khôn khéo áp dụng vào hoàn cảnh các nước nông nghiệp Á Đông. Đó chính là thủ phạm đang được dân Việt đưa ra trước tòa án.

Cơ chế độc tài chuyên chế đó do Hồ Chí Minh đem vào, được Trường Chinh, Lê Duẩn thực hiện, rồi Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh tiếp tục củng cố. Đó chính là thủ phạm. Bọn Năm Cam, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, chỉ là những cặn bã nổi lên trên nồi cám heo do Hồ Chí Minh, Lê Duẩn bày ra, nay đến tay Nguyễn Phú Trọng nấu nướng.

Chế độ chuyên chế của Stalin bắt tất cả "nhà nước và xã hội" phải đặt dưới quyền một đảng cộng sản. Điều này vẫn còn ghi trong điều số 4 hiến pháp. Trong thực tế, chỉ một nhóm quả đầu nắm hết quyền hành. Không có một định chế xã hội và luật lệ nào để kiểm soát những người nắm quyền. Pháp luật và hệ thống tư pháp hoàn toàn bị nhóm quả đầu thao túng. Báo chí, truyền thông nằm trong tay bộ máy tuyên truyền. Không một tiếng nói nào khác được cất lên. Chế độ toàn trị độc quyền đó chắc chắn phải đẻ ra những hoang thai như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.

Hệ thống cai trị của Stalin, Mao Trạch Đông khuyến khích lòng tham của những kẻ nắm quyền. Một chế độ dựa trên gian trá, bịp bợm gây một hậu quả là xóa hết các nền nếp đạo đức cổ truyền. Nó tập cho cán bộ thói quen coi thường những quy tắc luân lý. Bọn này quen sống trong cảnh trên dưới lừa gạt lẫn nhau, nên thấy dối trá là bình thường. Chế độ đó còn dựa trên bạo lực, khiến những kẻ nắm súng trong tay coi khinh luật lệ. Lòng tham được thả lỏng vì không có gì kiềm hãm, tha hồ vơ vét từ trên xuống dưới.

Một hậu quả tự nhiên là những "đứa con ưu tú" của chế độ, như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, đã biểu hiện tư cách hèn hạ khi thất thế. Cảnh họ khóc lóc van xin trước tòa án trông không khác gì những đối thủ chính trị của Stalin khi bị đưa ra trước tòa án xử về tội phản động. Chỉ có một điều khác là Thăng và Thanh phạm tội thật, còn các nạn nhân của Stalin thì bị vu oan.

Trong cuộc thanh trừng thời 1939, có những ủy viên trung ương đảng và thành viên Bộ Chính Trị, sau khi bị đe dọa, tra tấn, hành hạ thể xác và tinh thần, cũng khóc lóc trước tòa án xin nhận những tội mà họ không hề làm. Cuối cùng, họ cũng khóc lóc xin thú tội, xin được chết, chỉ mong Stalin tha thứ cho cha mẹ, vợ con. Nguyễn Phú Trọng đã học "trường đảng" do Stalin lập ra, Trọng đã học thuộc lòng các kỹ thuật của ông Chúa Đỏ.

Thái độ hèn mạt của bọn Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh là do chế độ độc tài chuyên chế Stalin nhào nặn. Khác hẳn thái độ cương cường bất khuất của các chiến sĩ tranh đấu đòi dân chủ tự do khi bị đưa ra tòa án cộng sản. Thăng và Thanh cũng "thành khẩn nhận tội" không khác gì các người bị Stalin và Mao Trạch Đông truy diệt trong thế kỷ trước. Không những thế, hai con dê tế thần này còn đổ tội cho cấp trên của mình, mớm lời, mớm ý tỏ ra sẵn sàng cộng tác với Nguyễn Phú Trọng nếu Trọng muốn tiêu diệt đối thủ là Nguyễn Tấn Dũng. Chỉ trong chế độ cộng sản mới đẻ ra những con người đê hèn như bọn này.

Những con người hèn nhát đó còn biểu diễn một thứ tâm lý ích kỷ đến độ mù quáng khi van xin để được dung tha.

Đinh La Thăng thì "xin được về ăn cái Tết cuối cùng bên gia đình, bạn bè, người thân trước khi chấp hành án". Thăng còn mang ông bố già ra làm bung xung, tả oán cảnh gia đình với "thân phụ 87 tuổi phải đi cấp cứu". Thăng chỉ lo cho bản thân mình, không bao giờ nghĩ đến bao nhiêu nạn nhân của chế độ, họ cũng có gia đình, bạn bè, người thân !

Thăng tự xưng là "bị cáo" để xin "trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân". Bao nhiêu tỷ đồng biến mất, tài sản của nhân dân đổ hết xuống sông xuống biển, Thăng không hề nghĩ đến, mà chỉ lo cho chính mình ! Thăng tỏ ý "cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù". Một ủy viên Bộ Chính Trị, một trong những người nắm toàn quyền sinh sát tên gần 100 triệu người dân, mà hèn hạ đến như vậy ! Chỉ có chế độ độc tài cộng sản do Stalin dựng khung lên mới sinh ra những quái thai như thế.

Trịnh Xuân Thanh cũng biểu lộ đầu óc ích kỷ đến độ vô liêm sỉ như thế. Thanh đã khóc lóc xin được xử án nhẹ, để đi tù xong vẫn còn sống để qua Đức, "sang bên đó để có điều kiện chăm sóc vợ con". Giống như các đối thủ của Stalin trong chiến dịch đại thanh trừng thời 1939, Thanh cũng gọi đích danh Chúa Đỏ tí hon Nguyễn Phú Trọng, "Cháu muốn gửi lời xin lỗi tới bác Trọng, rất mong bác tha thứ".

Những con người như Đinh La Thăng Trịnh Xuân Thanh là sản phẩm tiêu biểu của chế độ cộng sản độc tài chuyên chế. Nguyễn Phú Trọng đem bọn này ra xử, dân Việt Nam thì đang mang cả đảng cộng sản ra phán xét.

Đảng cộng sản đẻ ra những cán bộ "phấn đấu vào đảng" chỉ để có địa vị chiếm của công làm của riêng. Đảng cộng sản đã tạo cơ hội cho máu tham của bọn này nẩy nở. Đảng cộng sản dạy chúng coi thường pháp luật. Thủ phạm chính gây ra những vụ ăn cướp của công là chế độ cộng sản.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 19/01/2018

Published in Diễn đàn

Du khách từ Trung Quốc qua Việt Nam ngày càng đông và càng hỗn, nhưng cũng ích lợi cho người mình. Bà con trong nước đang dùng một lời khuyên rất hiệu quả khi thấy ai có ngôn ngữ, cử chỉ không đẹp. Ghé tai nói nhỏ : "Đừng để người ta tưởng mình là người Trung Quốc !" Nói nhỏ nhẹ dịu dàng, nhưng ai nghe cũng thấy phải xét lại hành vi của mình !

dukhach1

Cảnh du khách Trung Quốc chen lấn trước quầy thực phẩm tự do trong một khách sạn du lịch

Thí dụ, ở Việt Nam bây giờ, trong quán có mấy người cao hứng nói lớn tiếng, tranh nhau nói lấy được, không ai nhường ai, át giọng tất cả mọi người. Lúc đó, chỉ cần một người can ngăn : "Ông ơi, đừng nói lớn quá ! Người ta tưởng bọn mình người Trung Quốc !" Nhắc nhở vậy đủ rồi ! Người đang cười nói oang oang bỗng đỏ mặt, cái miệng tự đạp thắng, hạ thấp tần số vừa đủ nghe !

Bà con mình đang dùng "câu thiệu" này khắp nơi, khi thấy ai lớn tiếng. Khi đi trên xe buýt, khi cùng lên xuống một chuyến thang máy, khi bàn luận giá cả trong cửa hàng (ngoài chợ thì khó, đủ nghe thì phải nói lớn), cả trong đám bạn bè nhậu nhẹt, nếu thấy ai lớn tiếng quá, cứ dùng lời "đe dọa" này, chắc chắn công hiệu ! Trong dịp Tết Tây và Tết Ta sắp tới, sẽ còn rất nhiều người ra đường, đi mua sắm, hội họp ăn uống, chắc lời khuyên bảo này sẽ được nghe nhiều hơn nữa !

Lối khuyên bảo này có thể đem dùng trong nhiều hoàn cảnh khác. Mỗi khi thấy ai có cử chỉ, hành động mà mình nghĩ là kém lịch sự, thiếu văn minh, mình có thể bảo nhau, thí dụ : "Này ông bạn ! Đừng khạc nhổ như vậy ! Người ta sẽ tưởng mình người Trung Quốc !" Nghe như thế, còn ai muốn khạc nhổ bừa bãi nữa hay không ? Cứ thế, chúng ta sẽ nói : "Đừng vứt tàn thuốc lá xuống đường ! Đừng vứt xương xuống gầm bàn ! Người ta có thể tưởng mình người Trung Quốc !" Hoặc "Ông đến sau, đừng giành chỗ lên trước những người đã xếp hàng chờ ! Người ta sẽ tưởng mình người Trung Quốc !"

Người Việt chúng ta nên tiếp tục dùng lời khuyên nhủ này, khắp nơi, đồng bào ở nước ngoài cũng nên bắt chước. Phong tục, tập quán sẽ thuần hậu.

Nhờ đâu mà bà con sáng tạo ra phương pháp "cải cách phong tục" hiệu nghiệm như thế ? Trước hết, bởi vì du khách Trung Quốc đang tràn ngập khắp nơi ở nước ta. Những dân lục địa không đủ tiền đi chơi Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, thì họ qua Việt Nam, Lào, Cambodia ! Họ kéo đi hàng đoàn, vui vẻ, xí xô nói lớn tiếng, chen lấn, xô đẩy, giành giựt, xả rác, khạc nhổ, coi nước Việt Nam như chỗ không người ! Rồi họ lại kỳ kèo, mặc cả, dí đồng tiền "nhân dân tệ" ra bắt người Việt nhận, làm như cả thế giới ai cũng tiêu cái hình Bác Mao !

Người Việt chứng kiến các hành vi thô lỗ của du khách Bắc phương thì cũng cảm thấy mắc cỡ ! Đến mình mà cũng thấy xấu hổ cho họ thì đủ biết hành vi của "người lạ" nó "lạ" tới mức nào ! Nhưng khi biết hành vi của họ đáng xấu hổ, bà con ta tự nhiên tự xét hành vi của chính mình, của đồng bào mình ! Nhiều lúc chính mình có khi cũng không được hoàn hảo ! Nhìn các du khách Trung Quốc, thấy như đang soi gương ! Ngó mặt mình, ngắm nghía, biết mình phải cũng thay đổi ! Đây chính là một cơ hội tự sửa mình !

Phải thông cảm điều nay : Các du khách, nước nào cũng vậy, khi đến xứ lạ họ thường không cảm thấy bị kiềm thúc như khi sống ở xứ họ ; dù ở nhà họ vẫn cư xử văn minh, lễ độ. Vì khi đến một nơi toàn những người lạ hoắc, mà cả đời chắc mình chỉ gặp một lần, họ cảm thấy được "tự do, phóng túng" hơn. Không riêng gì người Trung Hoa. Năm 2015, chính quyền Mã Lai Á đã bắt giữ và phạt nặng một du khách người Anh quốc, một người Hòa Lan, và hai người Canada, vì khi leo lên tới đỉnh núi Kinabalu, họ cao hứng cởi hết quần áo ! Kinh khủng ! Cả nước Malaysia kêu trời ! Vì đó là một nước Hồi Giáo, đàn bà để hở mặt ra cho đàn ông lạ thấy đã bị coi là "thất tiết !" Là bất chính !

Cũng đừng tưởng rằng các du khách Trung Quốc chỉ biểu diễn những hành động bất xứng khi qua Việt Nam, vì đến một nước nghèo hơn mình, họ có thể coi thường, không cần ăn ở nghiêm túc (Hai ngàn năm trước, các thái thú như Nhâm Diên, Tích Quang đã kể rằng dân Việt ăn mặc lõa lồ, trẻ con không biết ai là cha mình).

Ở trong chính nước họ, nhiều người lục địa cũng coi trời bằng vung ! Đi qua một nước giầu mạnh như Nhật Bản, nhiều người cũng có những thái độ, cử chỉ rất đáng tiếc !

Bởi vì phần lớn đám du khách này chỉ mới giầu có gần đây thôi. Họ tưởng khi có đồng tiền thì có quyền huênh hoang, sai bảo ai cũng được, nhất là những người phải "phục vụ" họ. Và từ lúc lớn lên họ chưa có dịp tập cách ăn ở văn minh. Hồi Tháng Sáu năm 2016, trong nước Trung Hoa, một bà du khách đã tát tai cô tiếp viên ở phi trường Thẩm Quyến, chỉ vì cô này không in được bản lộ trình, bắt bà khách phải chờ đợi – cái máy bị kẹt ! Có ông hành khách trên máy bay tỉnh bơ mở cánh cửa cấp cứu, để… ra ngoài hút thuốc ! Có bà cãi nhau với tiếp viên phi hành, giận quá tát tai cho nó biết thân ! Có ông lấy túi xách tay của hành khách khác, moi ra lấy đồ !

Từ năm 2015 chính phủ Trung Quốc đã làm một "sổ đen" ghi tên những người lỗ mãng, không cho lên máy bay nữa. Để chấm dứt mối hiểu lầm khắp thế giới, cho rằng chỉ có người Trung Hoa thô lỗ. Tháng Giêng năm 2016, thêm hai người được vào sổ vì họ thẩy ly nước nóng vào cô tiếp viên, trên chuyến bay Bangkok-Nam Kinh.

Nhưng du khách không chỉ biểu diễn các hành vi bất xứng trên phi cơ. Khu Disneyland ở Thượng Hải đã được du khách lục địa tới thăm, trước khi mở cửa ngày 16 Tháng Sáu năm ngoái. Nhân nghỉ Lễ Lao Động, nhiều người đến Disney Town coi trước, và sau khi họ ra về, trên cái cột đèn thấy có hàng chữ "Tôi đã đi du lịch, tới đây rồi ! Ở khu Phòng San (Fangshan, 房山) ngay tại Bắc Kinh, có du khách cũng xịt sơn viết tên mình lên vách đá tại thắng cảnh Quái Thạch San (Guaishishan, 怪石山). Phủ Tiên Hồ (Fuxian, 抚仙湖), cái hồ sâu nhất ở tỉnh Vân Nam nổi tiếng là nước trong vắt. Tháng Chín năm ngoái, có mấy bà du khách tới đó, nhẩy xuống tắm gội thoải mái, tự nhiên như ở nhà !

Nhưng các du khách Trung Quốc đi máy bay nổi tiếng hơn cả. Tháng Chín năm ngoái ở phi trường Thượng Hải, hai hành khách đến trễ sau khi cửa máy bay đã đón. Hai ông bà bèn chạy thẳng ra sân bay, đứng chặn trước cái phi cơ đang lăn bánh, trong tay còn lễ mễ ôm cả mấy cái va li ! Chuyến bay bị trễ 20 phút mới cất cánh ! Có gì đâu, ở nhà chúng tôi vẫn chặn xe đò để leo lên kịp chuyến như vậy mà !

Cái thói quen "tự nhiên như ở nhà" này, người ngoại quốc không hiểu được. Có hai bà người Trung Quốc gặp nhau ở phi trường Narita, bên Nhật, hồi Tháng Hai năm ngoái. Chỉ có một chuyện, là giành nhau lên phía trước, bà này đẩy xe hành lý đụng xe của bà kia. Đồng bào cả mà, có thể xin lỗi rồi nhường nhau cũng được, nhất là đang trước mặt người ngoại quốc ! Nhưng bà Peng Jing, chủ nhân một công ty xây dựng, nhảy lên tát mặt bà kia, rồi đánh đấm, cấu xé, vẫn tự nhiên như thường la mắng nhân viên dưới quyền khi ở nhà. Khi cảnh sát tới, thấy đối thủ sứt môi, chảy máu, chợt nhớ ở xứ Nhật không thể dúi tiền cho công an là xong, bà Peng, 42 tuổi, bỏ chạy, ra tới cửa thì bị tóm ! Trên truyền hình Nhật Bản, Asahi’s news, All-Nippon News, có ngay một hoạt cảnh hấp dẫn !

Kể chuyện các thói xấu của du khác Trung Quốc rồi, cũng phải nghĩ đến nhiều thói xấu của người mình. Có ai còn nhớ đồng bào mình đã nhau đi "hái hoa, cướp hoa" anh đào Nhật Bản trước đây bảy năm không ? Mấy năm sau, lại diễn ra cảnh ở quận Ba Đình, khi bà con mình giành giựt 3,000 cái áo mưa Hòa Lan tặng hay không ? Có người nhảy lên cả sân khấu, giựt cái áo mưa trên tay nhân viên đại sứ quán !

Nhưng từ năm nay, mỗi lần thấy ai có những hành vi đáng xấu hổ như vậy, người Việt có thể sửa cho nhau bằng một câu nói : "Đừng làm như thế ! Người ta lại tưởng mình là du khách Trung Quốc !" Có lẽ lời khuyên răn này sẽ giúp dân mình, ở trong nước cũng như bên ngoài, bỏ bớt được nhiều tât xấu ! Sau này, khi người Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới là cư xử lễ độ, nhường nhịn, trọng kỷ luật, phải giải thích cho con cháu hiểu rằng đó cũng là nhờ xưa ông bà, cha mẹ đã thay đổi, cũng nhờ thấy các du khách Trung Quốc !

Có người lạc quan còn hy vọng lời khuyên bảo trên có thể thay đổi cả guồng máy công quyền. Có thể nào chúng ta khuyên các ông cảnh sát giao thông một câu, chẳng hạn : "Đừng đòi hối lộ chứ ! Người ta lại tưởng anh công an Trung Quốc !"

Nhưng nói câu đó xong, chắc mình cũng cảm thấy hơi xấu hổ. Vì hồi Tháng Năm năm ngoái, chính các du khách đã dây người Việt không nên đòi tiền đút lót. Một trăm du khách Trung Hoa đã làm náo loạn tại ngay phi trường, trong lúc họ chuẩn bị rời Việt Nam, chỉ vì các quan gác cửa đòi tiền mãi lộ ! Có lẽ các vị này đã đọc tin chiến dịch "Đả hổ, diệt ruồi" của Tập Cận Bình bên nước họ ! Họ muốn "dạy cho Việt Nam một bài học !" Chính họ có lòng tốt, muốn các con ruồi hải quan ở Việt Nam học tập phong trào chống tham nhũng của Tập Chủ Tịch !

Ở nước ta hiện giờ chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng đang lo chống tham nhũng theo lối Tập Cận Bình : Đả hổ trước ! Đả Đinh Cao Thăng, đả Nguyễn Văn Bình, vân vân, giống như Tập Cận Bình đã diệt Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu ! Sẽ có ngày anh Ba Ếch phải khuyên Nguyễn Phú Trọng bằng cách ghé tai nói nhỏ : "Đừng đả hổ nữa ! Người ta lại tưởng anh người Trung Quốc !"

Nói vậy chưa chắc đã hiệu quả. Ông Nguyễn Phú Trọng có thể trợn mắt : Được làm người Trung Quốc càng sướng chứ sao ?

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 26/12/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 12 décembre 2017 23:54

Donald Trump không dại dột

Tổng thống Donald Trump không ưa việc ngoại giao. Ông muốn cắt một phần ba ngân sách Bộ ngoại giao nước Mỹ. Ông còn để trống nhiều ghế đại sứ, không lo bổ nhiệm, cũng như nhiều chức vụ cao cấp trong Bộ ngoại giao. Ông cũng không thèm quan tâm đến một kỹ thuật trong nghề ngoại giao là trao đổi, là "ông mất của kia, bà chìa của nọ". Cho nên, nhiều khi ông Trump đã "cho không" các nước khác những "món quà quý giá" mà không đòi hỏi có gì đáp lại.

dtt1

Tổng thống Donald Trump đã không đòi hỏi gì cả, tặng không cho ông Netanyahu món quà Jerusalem.

Ông Trump mới tặng Thủ tướng Benjamin Netanyahu một món quà Giáng Sinh khi tuyên bố chính phủ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô nước Israel, và sẽ đưa Tòa đại sứ từ Tel Aviv về đó. Ông Netanyahu bỗng dưng đạt thắng lợi ; sau khi các chính phủ Israel trong 70 năm vẫn bị các vị tổng thống Mỹ trước từ chối ! Ông Trump không đòi Netanyahu đáp lại bằng một nhượng bộ nào cả !

Hồi đầu năm 2017, Tổng thống Trump cũng tặng cho ông Tập Cận Bình một món quà Tết, hào hiệp cho không giống như vậy ! Vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump xé bản thỏa ước TPP, hợp tác kinh tế với 11 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương. Trước đó Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích thỏa ước TPP này là một âm mưu của Mỹ nhằm bao vây kinh tế nước Tàu ! Tập Cận Bình đã tìm cách chọi lại, thiết lập những liên minh kinh tế khác. TPP là một dụng cụ ngoại giao để chính phủ Mỹ có thể dùng để mặc cả với cộng sản Trung Hoa. Bởi vì khối kinh tế đó sẽ làm ăn, hợp tác với nhau, cố tình gạt Trung Quốc ra ngoài, không mời tham dự.

Nếu còn TPP, khi chính phủ Mỹ cần yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ vào, hay cho các xí nghiệp, ngân hàng Mỹ tự do hoạt động trong lục địa, họ có thể đòi hỏi Bắc Kinh nhượng bộ, và đổi lại bằng cách cho Trung Quốc được dự một phần nào vào các cuộc trao đổi trong khối TPP. Tất nhiên sẽ chỉ cho Trung Quốc tham dự nếu chịu tuân hành các phương pháp và thủ tục thị trường dựa trên luật lệ được quốc tế công nhận, theo kiểu Mỹ.

Bây giờ, TPP không còn nữa. Mỹ vẫn phải thương thuyết với Bắc Kinh về việc mở rộng thị trường. Nhưng ông Trump sẽ phải nói chuyện tay đôi, không thể nhân danh một khối kinh tế gồm 12 nước, chiếm 40% tổng sản lượng (GDP) cả thế giới. Trong khi đó, Tập Cận Bình đang mời chào các nước trong vùng cộng tác, liên minh với nhau. Và tất nhiên sẽ làm ăn theo kiểu nước Tàu, nghĩa là sính sái, khỏi cần tôn trọng luật lệ quốc tế ! Càng "sính sái" bao nhiêu càng sinh tham nhũng, và Bắc Kinh càng dễ tạo ảnh hưởng chính trị bấy nhiêu.

Vụ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng vậy. Trước khi tuyên bố quyết định này, ông Trump có thể nói nhỏ với ông Netanyahu một vài câu. Có những điều mà các tổng thống Mỹ, kể cả ông Trump, muốn từ lâu nhưng Israel không chịu làm theo. Bây giờ, hãy yêu cầu họ nhượng bộ một bước thôi, không có gì lớn quá.

Chẳng hạn, nếu muốn Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô, chính phủ Israel hãy tuyên bố ngưng không xây dựng các khu định cư mới của dân Israel trong vùng đất chiếm đóng của người Á Rập. Hoặc chính phủ Israel tuyên bố đồng ý với giải pháp "Hai Quốc Gia" trên vùng đất tranh chấp, một nước Israel, một nước Palestine. Cả thế giới đều thấy giải pháp này là tốt nhất ; nhưng cho tới nay Israel vẫn chưa chịu. Bây giờ nếu nói một câu cũng mất mát gì đâu, có thể thương thuyết các chi tiết sau nữa mà !

Tổng thống Donald Trump đã không đòi hỏi gì cả, tặng không cho ông Netanyahu món quà Jerusalem.

Tại sao ông Trump lại "dại dột" như vậy ?

Kinh nghiệm cho thấy ai nghĩ rằng ông Donald Trump dại thì người đó sẽ thất vọng, nhận ra chính mình không đủ khôn !

Ông Trump không thi thố những đòn ngoại giao cò kè trao đổi, với Tập Cận Bình cũng như với Netanyahu, bởi vì ông không thấy những chuyện đó đáng coi là quan trọng. America First ! Ông hô khẩu hiệu cho chính ông nghe và thực hành : Hãy quan tâm trước hết đến nước Mỹ ! Kinh tế Thái Bình Dương là gì mà quan trọng đến thế ? Nước Trung Hoa bành trướng, rồi sao ? (So what ?) Hòa bình Trung Đông trong ba năm tới, hay 90 năm nữa mới có, thì việc gì đến tôi nào ? (Who cares ?).

Khẩu hiệu của ông Trump là America First ! Lo chuyện tại nước Mỹ trước hết, đối với ông có nghĩa là làm sao chức vụ tổng thống Mỹ phải vững chắc. Phải củng cố lòng tin của những người ủng hộ mình trước đã !

Tại nước Mỹ, một số người rất thiết tha đến việc chính phủ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đó là những người thuộc các Giáo hội Tin Lành rất bảo thủ, đặc biệt có những nhóm gọi tên chung là "Phái Phúc Âm" (Evangelicals). Đa số những cử tri này, hơn 80%, đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc bỏ bầu cử năm ngoái. Ông Trump đã hứa hẹn rất nhiều với những người ủng hộ này, và ông muốn chứng tỏ đang thi hành lời hứa. Một hành động được các cử tri tôn giáo bảo thủ hết sức tán thưởng là bổ nhiệm Thẩm phán tối cao Neil Gorsuch. Một hành động được hoan nghênh khác là cho phép tổ chức y tế của các tôn giáo không cần phải theo luật bắt buộc cung cấp thuốc ngừa thai. Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chính là để giữ lời ông hứa năm ngoái với các nhóm cử tri tôn giáo bảo thủ.

Người theo Do Thái giáo, Hồi giáo, và Thiên Chúa giáo đều coi Jerusalem là đất thánh. Nhưng 80% các tín đồ trong Phái Phúc Âm (Evangelicals), căn cứ vào Kinh Thánh, tin tưởng nhiệt thành rằng Thượng Đế đã trao Jerusalem cho dân tộc Do Thái. Ngược lại, chỉ có 40% những người Mỹ gốc Do Thái đồng ý điều đó (theo Pew Research Center nghiên cứu năm 2013).

Cho nên, trong nhiều năm qua, các mục sư Evangelicals đã thúc đẩy chính phủ Mỹ phải đưa Tòa Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Đặc biệt, từ khi ông Trump nhậm chức, họ gần như mỗi ngày đều thúc đẩy ông làm việc đó. Các mục sư lãnh đạo Phái Phúc Âm bay đi thăm Jerusalem như đi chợ !

Dư luận người Mỹ gốc Do Thái lại khác. Một cuộc nghiên cứu vào tháng Chín vừa qua cho thấy chỉ có 16% muốn chính phủ Mỹ dời Tòa đại sứ về Jerusalem ; 40% chống, và 36% muốn dời Tòa đại sứ sau khi đã ký kết hòa bình với dân Palestine. Tiếng nói của người gốc Do Thái không ảnh hưởng tới ông tổng thống, vì năm ngoái họ chỉ có 23% bỏ phiếu cho ông !

Những tín đồ Evangelicals dựa theo Sách Khải Huyền (Genèse) trong Kinh Thánh, nói rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại khi người Do Thái trở về Jerusalem. Việc chính phủ Mỹ đưa tòa đại sứ về Jerusalem sẽ thúc đẩy tiến trình đó chạy nhanh, ngày phán xét cuối cùng sẽ tới sớm hơn !

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng nổi tiếng là người nói rất mạnh nhưng làm thì chậm chạp. Từ năm 1995, mỗi sáu tháng các vị tổng thống Mỹ đều phải ký một lệnh cho phép hoãn việc đưa tòa đại sứ về Jerusalem.

Tháng Sáu vừa qua, ông Trump đã ký lệnh đó. Sau lời tuyên bố nảy lửa vừa rồi, ông lại ký lần nữa. Chưa biết bao giờ chuyện đổi địa chỉ tòa đại sứ mới được thi hành. Nhưng chỉ cần một lời tuyên bố nóng bỏng, ông Trump đã làm nức lòng các cử tri bảo thủ đã ủng hộ ông. Đó mới là điều quan trọng nhất. Còn những chuyện như tranh chấp Israel với Palestine cũng như chuyện Trung Quốc bành trướng ở Á Đông, cứ để đó từ từ, không có chi vội ! America First ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 12/12/2017

Published in Diễn đàn

Trong tương lai Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột, đối đầu hơn, hay hòa hoãn, cộng tác hơn ? Dự đoán này ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Việt Nam. Nếu trong vòng 10 năm đến 30 năm nữa, hai nước đó chỉ lo thỏa hiệp, trao đổi kinh tế đúng quy luật thị trường, cùng chia đôi thiên hạ, thì nước Việt Nam có thể đi dây, giao hảo với cả hai và mượn thế lực nước này để buộc nước kia nhượng bộ. Nhưng nếu trong vòng một thế hệ nữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột nhiều hơn, thì người Việt phải chọn đường khác. Câu hỏi là: Trong hai nước đó, nước nào cần tránh vì sẽ làm thiệt hại mình hơn ?

chine1

Trong tương lai Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột, đối đầu hơn, hay hòa hoãn, cộng tác hơn ?

Mặc dầu các ông Trump-Tập họp thượng đỉnh biểu diễn vái lẫn nhau, tranh chấp kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn.

Trông bên ngoài thì hiện nay bang giao Mỹ-Trung có vẻ tốt đẹp. Donald Trump hết lời ngợi khen uy quyền tột đỉnh của Tập Cận Bình, và Tập làm đủ mọi cách ve vuốt chiều chuộng khi tiếp đón Trump.

Nhưng quyền lợi hai nước vẫn xung khắc, đối nghịch nhau, trong ngắn hạn cũng như lâu dài.

Ngắn hạn, mối xung khắc căn bản giữa Trump và Tập là số khiếm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Những cử tri nhiệt liệt nhất của ông Trump, các công nhân ngành thép, mới làm kiến nghị giục ông tổng thống: Đánh thuế trên thép nhập cảng từ Trung Quốc, như lời ông hứa khi tranh cử.

Theo tin của báo Wall Street Journal, một tháng trước khi ông Trump qua Tàu, Bắc Kinh đã đề nghị hai ông Trump-Tập sẽ đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh bằng nghi thức long trọng công bố quyết định Trung Quốc mở rộng thị trường tài chánh cho Mỹ vô. Chính phủ Mỹ trả lời: Không cần thiết. Trước khi Tập Cận Bình tiếp Trump ở Đại Sảnh Nhân Dân, quan chức Tàu nhắc lại ý kiến đó, nhưng phía Mỹ vẫn không đồng ý.

Cuối cùng, sau khi ông Trump bay về rồi, Bắc Kinh đơn phương công bố quyết định mở cửa cho các ngân hàng và giới đầu tư Mỹ vô nước Tàu. Nhưng Mỹ vẫn còn chê: Trễ quá, ít quá ! (To little, too late !) Bởi vì họ biết rằng Bắc Kinh trước sau đằng nào cũng cần mở cửa thị trường vốn để bắt buộc các ngân hàng quốc doanh phải cải tổ. Nếu không thì kinh tế lục địa sẽ tiếp tục trì trệ lâu dài. Nhưng họ chỉ mở cửa rất chậm chạp; cho nên không có lý nào Mỹ lại giúp họ làm rùm beng lên như là nhượng bộ ghê gớm lắm !

Câu chuyện trên chỉ là một thí dụ về những mâu thuẫn giữa hai nước. Sau khi kết án các nhà xuất cảng bên Tàu phá giá, bán dưới giá thành, Mỹ đánh thuế 160% trên hàng nhôm Tàu bán, 194% trên ván ép. Chính phủ Mỹ đang trù tính sẽ viện lý do an ninh quốc gia để tăng thuế nhập cảng nhôm từ nước Tàu. Họ sẽ kết luận Trung Quốc chưa là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Với nhãn hiệu đó, sẽ đánh thuế nặng, cao hơn quy định của WTO. Những món hàng đầu tiên sẽ lãnh đạn là máy giặt, bàn điện mặt trời (solar panels) đang ào ạt chở quan Mỹ. Lý do vì các doanh nghiệp nhà nước bên Tàu được chính quyền giúp đỡ, nên cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp tư ở Mỹ.

Mặc dầu các ông Trump-Tập họp thượng đỉnh biểu diễn vái lẫn nhau, tranh chấp kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn. Ông Trump có thể lấy cớ đang bận lo chuyện cải tổ thuế khóa, hay chuyện Bắc Hàn, vân vân, để khoan ra tay đánh thuế hàng Tàu; nhưng vấn đề vẫn nằm đó, trước sau cũng đụng chạm.

Nhưng đụng chạm thương mại là chuyện nhỏ. Mỗi bên cứ lấn một bước rồi lui một bước, thăm dò nhau; vì không bên nào muốn gây "chiến tranh mậu dịch" có thể sập tiệm.

Mối xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc khó tránh bùng nổ, vì những quyền lợi sâu xa hơn. Từ năm 1990, Mỹ là cường quốc đóng vai trùm thế giới, nhưng từ năm 2012 thì Tập Cận Bình muốn nước Tàu phải đứng ngang hàng với Mỹ, trên khắp mọi mặt.

Trong lịch sử, khi một quốc gia từ địa vị yếu vươn lên, thấy mình mạnh không thua nước đang đóng vai bá chủ, thì thế nào cũng xung đột, có thể chiến tranh. Khi nước Tần mạnh lên thì sẽ có ngày phải đánh Tề, đánh Sở. Nửa đầu thế kỷ 20, khi nước Đức vươn lên ở Châu Âu mà nước Anh đanh đóng vai ông trùm, chiến tranh đã xảy ra. Ở Hy Lạp thời cổ cũng vậy, Athens đang đóng vai bá chủ thì Sparta bắt đầu hùng cường, thế là gây chiến.

Ông Tập Cận Bình đã nhắc tới bài học Hy Lạp, khi tới thăm nước Mỹ, Tháng Chín năm 2015. Ông nói, ở Seattle, rằng: "Không có cái gọi là Cái Bẫy của Thucydides trên thế giới bây giờ. Nhưng nếu các quốc gia lớn sai lầm trong chiến lược, họ sẽ tự tạo ra cái bẫy sập mà rớt xuống." Ông Tập nhắc tới tên sử gia Hy Lạp Thucydides, người kể lại cuộc chiến tranh gọi là "Peloponnesian" giữa Athens và Sparta, từ 431 đến 404 Trước Công Nguyên.

Từ đầu thế kỷ 20, nước Mỹ khám phá ra vai trò đặc biệt của họ trên thế giới. Sau năm 1945, người Mỹ bắt đầu nghĩ họ có "trách nhiệm" đối với cả loài người, mà không quốc gia nào so sánh được. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đóng vai ông trùm luôn.

Trung Quốc có lịch sử "bình thiên hạ" trong hơn hai ngàn năm. Họ cảm thấy nhục nhã khi mất vai trò đó vì bị thua các nước Tây Phương. Đặng Tiểu Bình vẫn còn khuyên đàn em "thao quang dưỡng hối," đừng có ngẩng đầu lên cho thế giới đỡ sợ mình. Nhưng Tập Cận Bình đã ngẩng đầu, và hơn một tỷ con người nhiệt liệt đồng ý. Chất "bá chủ" vẫn chảy mạnh trong giòng máu, trong DNA của Hán tộc.

Nhiều người lạc quan nghĩ rằng sau khi dân Trung Hoa tư bản hóa để thành giàu có, họ sẽ khao khát dân chủ tự do, chế độ cộng sản sẽ tự "diễn tiến" dần dần và họ sẽ sống theo quy luật của một thế giới tôn trọng các giá trị chung, như quyền làm người, tinh thần trọng pháp, tự do, dân chủ, vân vân.

Ông Lý Quang Diệu đã cảnh tỉnh mà nhiều người không nghe. Ông nhắc nhở rằng "Trung Quốc không muốn xin gia nhập câu lạc bộ các nước Tây phương, dù được mời làm hội viên danh dự ! Một trật tự Mỹ đặt ra để hiệu lệnh các nước khác làm theo".

Khi hai nước lớn cùng nghĩ mình có "thiên mệnh" đứng đầu thế giới, họ không có cách nào tránh xung khắc quyền lợi. Do đó, sẽ chạy đua, đối đầu, xung đột và nếu không khéo thì kéo nhau rơi vào cái Bẫy của Thucydides. Ông Tập Cận Bình nói rằng cái bẫy đó khó xuất hiện, trừ khi các cường quốc sai lầm. Trong quá khứ đã nhiều lần cái Bẫy của Thucydides có thật rồi. Tương lai có tránh được hay không, chúng ta ước mong loài người khôn ngoan hơn, sẽ tránh. Nhưng không nên đem cả gia tài của mình đánh cá vào niềm hy vọng đó.

Cái Bẫy sập của Thucydides, trong thế kỷ 21, có thể nằm ngay bên cạnh nước ta, trong vùng Biển Đông Nam Á.

Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Robert Manning và James Przystup nhận xét rằng trong khi Trung Quốc có "quyền lợi cốt lõi" (hạch tâm quyền lợi) ở vùng biển Đông Nam Á, nước Mỹ thì không nhất thiết như vậy. Và, hai ông nói, "Bắc Kinh biết điều đó!" Để kết luận: Câu hỏi chiến lược của Mỹ bây giờ là : Chúng ta chấp nhận nước Trung Hoa đóng vai trò nào trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương ?

Lý luận trên đây nghe rất hay. Quả thật, "quyền lợi cốt lõi" của nước Mỹ nằm ở Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh, quan trọng hơn vùng Đông Nam Á, Châu Phi, hay vùng Trung Á. Nhưng "quyền lợi cốt lõi" của Mỹ ở bán đảo Cao Ly còn nhỏ hơn ở vùng Đông Nam Á, là nơi một phần ba số hàng hóa chở đường biển trên thế giới đi qua vùng biển đó! Từ năm 1950 đến giờ, có bao giờ thấy một chính phủ Mỹ nào tuyên bố họ mặc kệ cho dân Cao Ly sống theo miền Bắc hay miền Nam hay không?

Cho nên, Biển Đông nước ta sẽ là nơi diễn ra xung đột mạnh nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trong một vài thế hệ nữa.

Vì nước Mỹ sẽ phải đối đầu với Trung Quốc, không phải chỉ trong vùng Đông Nam Á mà còn khắp thế giới, bắt đầu từ Á Châu,

Năm 2013, Tập Cận Bình bắt đầu công bố chương trình "Nhất Đới Nhất Lộ" thì cũng là năm Trung Quốc bắt đầu xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong "Đường Lưỡi Bò". Gần hai năm sau, đầu năm 2015, nhờ hình ảnh vệ tinh chụp của các viện nghiên cứu chiến lược ở Mỹ, thế giới mới chú ý tới những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, lúc đó chúng đã bắt đầu được quân sự hóa.

"Nhất Đới Nhất Lộ" lập vòng đai trên lục địa nối các nước Trung Á với nước Tàu, dẫn sang tới Trung Đông và Châu Âu. Trên biển, sẽ lập con Đường Tơ Lụa Biển thế kỷ 21, từ Hàng Châu, Quảng Châu, qua Đông Nam Á, Nam Á, sang tới Châu Phi và Châu Âu. Đây là một kế hoạch dài hàng thế kỷ, Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện. Hiển nhiên, Đường Tơ Lụa Biển không thể nhích một bước, nếu không chinh phục được các nước Đông Nam Á. Vì vậy, các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong Biển Đông trở thành quyền lợi cốt lõi của nước Tàu. Nếu Mỹ muốn đối phó với kế hoạch thế kỷ 21 của Trung Quốc, họ sẽ không thể mặc cho Tập Cận Bình thao túng, gậm nhấm rồi khuất phục các nước Đông Nam Á.

Khi thấy ông Donald Trump xé bỏ thỏa ước TPP, nhiều người nghĩ rằng ông ta sẽ bỏ rơi Á Châu. Nhất là khi thấy ông bắt tay Tập Cận Bình rất chặt. Nhưng giới lãnh đạo nước Mỹ sẽ không quên quyền lợi quốc gia họ.

Người đứng đầu bảo vệ quyền lợi ngoại thương trong chính phủ Mỹ, ông Robert Lighthizer đã mở cuộc điều tra về chính sách mua bán của Trung Quốc, bắt đầu với vấn đề vi phạm quyền sở hữu tri thức. Trong lúc Trung Quốc tuyên bố mở hé cửa cho các ngân hàng và giới đầu tư của Mỹ vào lục địa thì hai viện Quốc Hội Mỹ đang đưa ra các dự luật hạn chế đầu tư ngoại quốc trong các lãnh vực kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng, và an ninh, quốc phòng. Ông Lighthizer coi mục tiêu chính của Mỹ là giảm bớt khiếm hụt mậu dịch (từ 210 tỷ Mỹ kim năm 2010 lên 350 tỷ năm ngoái). Ông tin rằng nếu xảy ra chiến tranh thương mại thì có tai hại cho Mỹ cũng không tai hại hơn cảnh cán cân thương mại khiếm hụt. Lighthizer nói thẳng rằng chiến tranh thương mại sẽ hại cho nước Tàu nhiều gấp bội cái hại cho nước Mỹ !

Nhìn vào thái độ và lập luận của ông Lighthizer, chúng ta có thể thấy, ngay trong một vấn đề nhỏ như khiếm hụt mậu dịch, quyền lợi hai cường quốc xung khắc tận gốc rễ. Nhìn vào lịch sử của hai quốc gia, chúng ta còn thấy những xung đột tiềm tàng lâu dài hơn nữa.

Khi biết hai nước đó sẽ phải đối đầu, giành giựt, đấu võ với nhau nhiều hơn là thỏa hiệp, cộng tác, nước Việt Nam sẽ phải chọn. Mỹ và Trung Quốc nước nào có thể giúp Việt Nam hơn là làm hại Việt Nam? Câu trả lời giản dị, ai cũng biết. Cho nên phải lựa chọn ngay bây giờ. Bởi vì cuộc chạy đua giữa hai nước lớn sẽ diễn ra ở Biển Đông, ngay bên cạnh nước mình ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 21/11/2017

Published in Diễn đàn

Trước khi rời Bắc Kinh qua Việt Nam, tổng thống Mỹ được chiêu đãi đặc biệt. Ông Tập Cận Bình muốn mở đầu cuộc giao hảo lâu dài giữa hai cường quốc, chiếm cảm tình của ông tổng thống Mỹ một cách tế nhị, như người Trung Hoa đã được huấn luyện thuần thục từ mấy ngàn năm.

donald1

Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đã tiếp đãi ông bà tổng thống Mỹ ngay trong Tử Cấm Thành.

Ông Donald Trump và bà Melania được ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viên (Peng Liyuan, 丽媛) mời uống trà và ăn tối ngày thứ Tư.

Họ không tiếp vợ chồng khách quý trong tòa Đại Sảnh Nhân Dân, nơi vẫn gặp gỡ các quốc khách quan trọng và tổ chức những dạ yến linh đình nhất. Cũng không mời khách đến dinh thự riêng ở Trung Nam Hải, như Mao Trạch Đông đã tiếp Richard Nixon trong căn phòng đầy sách, mở đầu một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, và cả lịch sử thế giới.

Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đã tiếp đãi ông bà tổng thống Mỹ ngay trong Tử Cấm Thành. Đây là một địa điểm lịch sử, xây cất từ đời Minh (khoảng thời gian ông Minh Thành Tổ sai quân sang đánh nước Đại Việt), hiện được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, vẫn thu hút hàng triệu du khách. Ông Tập muốn ông Trump ôn lại lịch sử.

Trong khi Tập đón tiếp Trump thì khu cung điện nhà Minh đã trở về đúng với tên gọi cũ : Cấm Thành. Nhà nước cộng sản cấm không cho ai được bén mảng tới khu vực, nội bất xuất, ngoại bất nhập ;giống cảnh thời các hoàng đế năm, ba trăm năm trước. Đây là một cách tiếp đón dành cho các bậc vương giả, vào thời các hoàng đế.

Ông Tập Cận Bình vừa được đảng cộng sản đưa lên ngôi vị tôn quý không thua các hoàng đế đời Thanh ; và muốn ông Trump cũng cảm thấy mình đang được đón tiếp huy hoàng như một hoàng đế. Khác hẳn cảnh ông thủ tướng Canada ngồi uống cà phê bên vỉa hè Sài Gòn, hay ông cựu tổng thống Mỹ đi ăn bún chả ở Hà Nội.

Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc ở Washington, hẳn đã nghe tin nói rằng chuyến thăm Anh Quốc chính thức của Tổng thống Trump bị trì hoãn chỉ vì vấn đề nghi lễ. Ông Trump muốn được cùng ngồi xe song mã với nữ hoàng Anh trên đường đi giữa nghị viện và hoàng cung. Chính phủ Anh, hoặc chính nữ hoàng, không đồng ý. Vì vậy chuyến công du chưa thể thực hiện được như ý muốn.

Có lẽ câu chuyện này đã phổ biến trong giới ngoại giao ở thủ đô Mỹ cho nên Tổng thống Trump đã được tiếp đãi long trọng ở rất nhiều nước khác. Ông được mời đứng với tổng thống Pháp trên khán đài duyệt binh ngày Quốc Khánh, 14 tháng Bảy. Ông Trump hào hứng quá, đã tỏ ý nước Mỹ cũng nên tổ chức duyệt binh ngày Lễ Độc Lập. Trong chuyến thăm Nhật vừa rồi, ông Trump được Thủ tướng Shinzo Abe tận tình chiêu đãi, nhưng chưa đủ, vẫn thiếu mục trà đàm với Thiên Hoàng.

Đến nước Trung Hoa thì khác. Ông Tập Cận Bình không phải một hoàng đế nhưng quyền lực cao và mạnh, mạnh hơn Nữ hoàng Elizabeth và Thiên hoàng Akihito. Và hoàng đế đỏ đã biểu dương uy quyền cao tột cho vị tổng thống Mỹ coi.

Khi Tổng thống Trump và phu nhân tới thăm quảng trường Thiên An Môn, không một người dân Trung Hoa hay một du khách nào được lai vãng. Trong Tử Cấm Thành cũng vậy ; hai cặp vợ chồng vương giả ngồi uống trà, với một thông ngôn duy nhất do ông Trump mang theo.

Họ ngồi trong cảnh vắng lặng, trên là trời mây, dưới là mình, chung quanh là cung vàng điện ngọc bỏ hoang. Hai vị nguyên thủ quốc gia có thể bàn chuyện trời đất, gió mưa, hay chuyện đời sống của nhân loại, khắp nơi trên thế giới, chiến tranh, hòa bình, buôn bán, chơi golf hoặc bán máy bay, nói chuyện gì tùy các ngài cao hứng.

Còn đám chúng sinh lau nhau ở tuốt xa xa ngoài kia không, họ đâu biết rằng có hai lãnh tụ phi phàm đang ngồi uống trả, rồi ăn tiệc với nhau, như chư tiên ở trên thiên đình ngồi chấm sổ đám phàm phu hạ giới.

Ông Tập Cận Bình đã chọn một ngôi nhà lịch sử ở góc Tây Nam Tử Cấm Thành để "nhẩm sà" với ông Donald Trump. Ngôi nhà đó, từ thế kỷ trước đã đặt tên là Bảo Uẩn Lâu (Bao Yun Lou, 蕴楼), ngôi Lầu chứa của báu. Ông Tập Cận Bình có thể chỉ tay vào các bức tường, cây cột, cửa ra vào, phòng ốc chung quanh mà nói rằng : Đây là một kiến trúc đầu tiên trong hoàng thành chịu ảnh Tây phương và chính phủ Mỹ hồi đó đã "tài trợ" công cuộc xây dựng nên ngôi lầu này.

Ông Tập Cận Bình đã từng gây ấn tượng mạnh trên ông Donald Trump với các bài dạy về lịch sử thế giới. Sau khi nói chuyện lần đầu với ông Tập ở khu nghỉ mát Mar-a-Largo của ông ở Florida, ông Trump đã thốt lên, "Eureka ! Bây giờ mới biết ! Nước Cao Ly ngày xưa thuộc nước Tàu !" (Sau bữa đó, trên nhật báo Người Việt, mục này đã thắc mắc : Không biết Giáo sư Tập có giảng về lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam hay không ?).

Nhưng ngôi nhà Bảo Uẩn Lâu lại là một di tích của tình hữu nghị giữa hai nước Hoa Kỳ và Đại Thanh, hơn 100 năm trước. Trong câu chuyện đó, nước Tàu lại là nước chịu ơn nước Mỹ hào hiệp ! Bảo Uẩn Lâu được xây dựng bằng tiền "viện trợ Mỹ". Khó tưởng tượng một cách tài tình hơn để lấy lòng một vị quốc khách từ Mỹ đến.

Muốn hiểu điều ý nghĩa của ngôi lầu này, nhớ lại những bài học lịch sử thời trung học. Những bạn cùng tuổi tôi, sống ở Việt Nam Cộng Hòa đều phải học lịch sử thế giới, chúng tôi phải biết những biến cố gọi là "Quyền phỉ" và "Bát quốc Liên quân".

"Quyền phỉ" là cuộc nổi dậy của các võ sư, được triều đình nhà Thanh bảo trợ, họ đi tìm giết người ngoại quốc, từ năm 1899 đến 1901. Sau đó, tám cường quốc Tây phương đã kéo liên quân tấn công, đánh thẳng tới Bắc Kinh, tàn phá cung điện và cướp đi không biết bao nhiêu của báu, vua quan nhà Thanh bỏ chạy, khi trở về phải ký hòa ước chịu những khoản "bồi thường" khổng lồ cho tám nước đã đánh mình !

Đó là một đoạn sử nhục nhã đánh thức tự ái dân tộc của người Trung Hoa. Mười năm sau, họ lật đổ nhà Thanh, thành lập Dân quốc.

Trong tám nước liên minh đánh Tàu, chính phủ Mỹ cư xử khác. Tổng thống Theodore Roosevelt đã trả lại số tiền bồi thường cho chính phủ dân quốc. Dùng số tiền bồi hoàn lập ra một quỹ học bổng đưa sinh viên Trung Hoa du học bên Mỹ. Một phần số tiền này, năm 1915, đã được dùng để xây Bảo Uẩn Lâu ; một phần khác dùng để xây dựng Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng nay vẫn hoạt động.

Ông Donald Trump và bà Melania chắc chắn phải thích thú nghe kể chuyện cổ tích về ngôi nhà Uẩn Lâu này, sau khi mời ông bà Tập Cận Bình coi đoạn video cô cháu ngoại hát tiếng Tàu, đọc thuộc lòng Tam Tự Kinh, rồi chúc phúc Grandpa Tập Cận Bình và Grandma Bành Lệ Viên.

Trong khi đưa khách đi thăm các phòng ốc, dừng chân rất lâu ở Điện Thái Hòa, chắc ông Tập Cận Bình phải giải thích cho ông Donald Trump hiểu nghĩa cái tên gọi này : Hòa bình lớn khắp nơi dưới bầu trời – Thiên hạ. Tập có thể tóm tắt cho Trump nghe : Tư tưởng Tập Cận Bình mới ghi trong cương lĩnh đảng cộng sản Trung Quốc cũng nhắm cùng mục đích đó : Thiên hạ Thái hòa !

Nhưng Thiên hạ nghĩa là gì ? Các hoàng đế Trung Hoa từ hai thế kỷ trước công nguyên đã coi họ chịu trách nhiệm với cả nhân lại : "Bình thiên hạ," giữ cho cả thế giới được bình an. "Sử Ký" của Tư Mã Thiên, quyển 6, Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ, viết rằng lãnh thổ của Thủy Hoàng bao gồm bốn phương Tây, Nam, Đông, Bắc, "Đi tới bất cứ nơi nào có dấu người ở ;chẳng có ai không phải là bầy tôi" (Nhân tích sở chí, vô bất thần giả (史記 /秦始皇本紀 : "人迹所至不臣者").

Tài kể chuyện của ông Tập Cận Bình chắc điêu luyện lắm. Cho nên, bữa ăn tối, tại điện Kiến Phúc (Jianfu Palace, 建福), cũng trong Tử Cấm Thành, đã kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, mà khi mời, ông Tập gọi là "một bữa ăn vội" để khách được về nghỉ ngơi sớm. Đây là bữa tiệc đầu tiên đãi một quốc khách trong Tử Cấm Thành.

Hôm sau, ông Trump kể rằng lúc đầu ông tính sẽ ngồi ăn trong vòng 20, 25 phút ; vì ông chủ rất dễ thương (you are so nice) biết khách đi đường xa mệt nhọc. Nhưng ông Trump kể, hai ông bà thích thú từng phút một suốt bữa ăn (we enjoyed every minute of it). Có thể tưởng tượng cảnh Tam Quốc Chí, khi Lưu Bị ngồi ăn cơm với bà mẹ Tôn Quyền ; sau đó vừa thoát chết, vừa được vợ. Hãy chinh phục cảm tình của một người ! Một người có địa vị then chốt ! Các chuyện khác sẽ đâu vào đó, tính sau !

Người Trung Hoa có mấy ngàn năm lịch sử nghề làm ngoại giao. Người Việt cũng không ngu dại gì mà không biết. Trừ nhóm lãnh tụ Ba Đình !

Trong lúc Bắc Kinh ve vuốt, chiều chuộng Donald Trump đủ cách như trên, thì đám Nguyễn Phú Trọng làm ngược lại. Chính một độc giả Người Việt đã nhìn thấy : Putin và Tập Cận Bình được trải thảm đỏ, viền vàng, từ cửa máy bay xuống mặt đất ; còn Trump bước xuống sân bay trên chiếc cầu thang trống trơn, một mảnh thảm đỏ đặt dưới chân thang.

donald2

Donald Trump bước xuống sân bay Việt Nam trên chiếc cầu thang trống trơn, một mảnh thảm đỏ đặt dưới chân thang.

Đó là một hành động cố tình hạ nhục. Để làm gì ? Chắc chỉ để làm vui lòng các "đồng chí anh em" Trung Quốc ! Trong lúc đó ai cũng biết rằng muốn ngăn chặn chương trình bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông nước ta không thể nào không nhờ thế lực cân bằng của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và các nước Tây phương.

Ai sẽ lãnh hậu quả của thái độ và hành vi đối xử phân biệt này ? Dân Việt Nam ! Cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research gần đây cho biết 84% dân Việt nhìn nước Mỹ với thiện cảm, cao hơn tỷ số 76% vào năm 2014. Dân Việt yêu thích những lý tưởng của nước Mỹ như tự do dân chủ, với tỷ số 69%, ở Á Châu chỉ sau dân Nam Hàn (78%). Có 31.000 sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, đứng hàng thứ năm so với các nước khác.

Người dân bình thường đã phản ứng, để chứng tỏ đảng cộng sản sai lầm làm ngược lại ý dân. Người Đà Nẵng, Hà Nội kéo nhau ra đường coi ông tổng thống Mỹ. Họ chỉ muốn gửi một thông điệp : Chúng tôi không đi đón Tập Cận Bình hoặc Putin như vậy !

Người Việt nào cũng biết nước mình cần kết thân với Mỹ để tự vệ. Đám "lãnh tụ Mặt Dày" biết nhưng không dám lộ điều đó ra. Vì sợ hãi. Bọn "Mặt Dày" phải bám chân Trung Quốc để hy vọng nắm quyền và trục lợi càng lâu càng tốt. Việt Nam là một trong mười nước ngoài có dân mua nhà ở tại Mỹ nhiều nhất. Các đại gia Việt Nam xin visa EB-5, với số đầu tư tối thiểu 500 000 USD, đứng hàng thứ hai, chỉ thua tư bản đỏ nước Tàu.

Trong khi đó lợi tức bình quân mỗi người Việt trong nước chỉ có 2.200 USD một năm. Những người dân không đủ tiền mua gạo sẽ tự hỏi : Tại sao chúng ta phải sống mãi trong cảnh bất công này, với một nhóm lãnh đạo quỳ gối khom lưng trước kẻ thù truyền kiếp ? 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 11/11/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 18 octobre 2017 08:32

Trung Quốc mộng Việt Nam ác mộng

Đại hội thứ 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ chính thức suy tôn Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Cuốn "Tư tưởng Tập Cận Bình" mới xuất bản hồi tháng Bảy vừa qua mở đầu rằng nước Trung Hoa cần những vị anh hùng như Mao, Đặng, và Tập đề xuất những tư tưởng và thành tựu mới. Hà Nghị Đình (He Yiting, 何毅亭), hiệu phó Trường Đảng ở Bắc Kinh, mới viết rằng lịch sử cận đại Trung Hoa có thể chia làm ba giai đoạn : Mao Trạch Đông thống nhất nước Tàu, thiết lập chế độ cộng sản ; Đặng Tiểu Bình cải cách, mở cửa, phát triển kinh tế ; và giai đoạn thứ ba từ 2012 đến nay. Năm 2012 Tập Cận Bình lên làm chủ tịch đảng và nhà nước.

chinesedream1

Biếm họa của Chappatte trên International New York Times, Paris về “lãnh thổ Trung Quốc” thông qua việc Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm căn cứ quân sự và khai thác - Ảnh Tuổi Trẻ

Nhưng làm cách nào Tập Cận Bình có thể tự so sánh với Mao và Đặng, trong tư tưởng và hành động ?

Sau khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại viện bảo tàng quốc gia tại Thiên An Môn, ông đọc một bài diễn văn lần đầu tiên nhắc đến một khẩu hiệu : Giấc Mộng Trung Quốc (中国梦) ; và Phục hưng Dân tộc Trung Hoa (华民族的复兴). Những lời này đã được bộ máy tuyên truyền của đảng lập lại nhiều lần trong năm năm qua. Đó là "tư tưởng" của Tập, theo tập quán của các đảng cộng sản, lấy khẩu hiệu làm tư tưởng.

Trong hành động, trong năm năm qua Tập Cận Bình đã thực hiện hai điều. Thứ nhất, bảo vệ đảng cộng sản đang tan rã từ bên trong vì các đảng viên từ trên xuống dưới hết còn tin vào chủ nghĩa Mác Lê và thi đua đục khoét làm giầu. Thứ nhì, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, ở xa bằng ngoại giao và kinh tế, ở gần bằng quân sự. Đó chính là thực hiện "Trung Quốc mộng".

Tập Cận Bình đã thành công trong việc thanh lọc hàng ngũ đảng. Chiến dịch chống tham nhũng do Vương Kỳ Sanh đứng đầu đã quét sạch gần hết những tay chân của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Đảng viên cộng sản bắt đầu đóng tiền đều đặn cho đảng (2% lương bổng, từ 10 ngàn đồng nguyên trở lên). Các chiến dịch học tập chính trị được tái lập, từ trong xí nghiệp, quân đội, tới các trường học. Những tổ chức xã hội bị khép vào kỷ luật, người đối lập bị đàn áp. Nhà nước bắt đầu can thiệp vào các xí nghiệp tư như Tencent, Alibaba, đòi dự phần quyết định các chính sách đầu tư. Tập Cận Bình đã củng cố độc quyền thống trị của đảng.

Trong quá trình thanh lọc đảng, Tập Cận Bình đã tạo ra rất nhiều kẻ thù từ bên trong. Bài học của các chế độ độc tài là một lãnh tụ gây nhiều kẻ thù nội bộ sẽ không thể nào hạ cánh an toàn. Cho nên Tập Cận Bình cũng chuẩn bị để nắm quyền hành càng lâu càng tốt, nếu không phải là vĩnh viễn.

Đại hội đảng thứ 19 là cơ hội thi hành kế hoạch này. Một nửa các ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng cũng như Bộ chính trị sẽ được thay thế. Trong cơ quan tối cao, năm trong số bảy người thuộc Ban Thường Vụ phải về hưu, chỉ còn hai người là Tập Cận Bình, 64 tuổi, và Lý Khắc Trường, thủ tướng, 62.

Trong năm năm qua Tập Cận Bình đã củng cố địa vị với rất nhiều chức vụ. Tập đã lên cầm đầu Quân ủy trung ương ngay sau khi lên, và đã thay thế bốn viên tướng trong quân ủy, cách chức 100 viên tướng khác và hơn 4,000 sĩ quan. Chưa đủ, năm ngoái Tập đã tìm cách trực tiếp chỉ huy quân đội, qua mặt các tướng lãnh bằng cách lập ra một Trung Tâm Chỉ Huy Liên Hợp Tác Chiến (联合作战指挥中心) để đứng làm tổng chỉ huy !

Để chuẩn bị cho đại hội 19, Tập Cận Bình đã nâng đám tay chân của mình lên. Tay chân của Tập Cận Bình thường xuất thân từ các tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, nơi họ Tập đã trấn nhậm trước khi leo lên ghế chủ tịch đảng. Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner) được Tập đưa từ Triết Giang qua làm bí thư ở Quý Châu, gần đây đã được đưa qua Trùng Khánh, thay thế Chính Tài (Sun Zhengcai), một tay chân của cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã được đưa về đó sau khi Bạc Hy Lai bị truất. Tôn Chính Tài, 54 tuổi, ủy viên Bộ chính trị trẻ nhất, là một ngôi sao đang lên trong đảng, với kỳ vọng sẽ vào Thường Vụ năm nay, bỗng nhiên bị truất và đuổi khỏi đảng, bị kết tội tham nhũng và hiếu sắc. Trong lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc chỉ có ba ủy viên Bộ chính trị đã bị đuổi là Trần Hy Đồng (Chen Xitong, 陳希同) năm 1995, Trần Lương Vũ (Chen Liangyu, 陳良宇 ) năm 2006 và  Bạch Hy Lai (Bo Xilai, 薄熙來 ) năm 2012.

Bí thư Tỉnh ủy Triết Giang là Hạ Bảo Long (Xia Baolong, 夏宝) 64 tuổi, từng làm phó cho Tập Cận Bình ở tỉnh này từ 2003 đến 2007, mới được đưa về Bắc Kinh đứng đầu Ủy ban trung ương chính trị và pháp lý, thay thế Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu, 孟建柱), 69 tuổi. Hạ Bảo Long nổi tiếng khi ra lệnh dẹp gần một ngàn cây thập tự giá trên nóc các nhà thờ tại thành phố Ôn Châu, Triết Giang năm 2015.

Một tay chân của Tập là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu, 战书), 67 tuổi, đã được đưa về đứng đầu Trung Ương Biện Công Sảnh, giống như chức đổng lý văn phòng, có thể được đưa lên coi Ủy ban trung ương Kỷ luật và thanh tra, tiếp tục các kế hoạch thanh trừng nội bộ. Những bí thư thành phố Thiên Tân, tỉnh trưởng Cát Lâm và Hồ Bắc đều là vây cánh của Lật Chiến Thư.

Tập Cận Bình đã nâng phái Triết Giang lên thay thế phái Thượng Hải của Giang Trạch Dân và Đoàn phái, xuất thân từ Đoàn thanh niên cộng sản của Hồ Cẩm Đào. Cánh tay mặt của Tập là Vương Kỳ San, tay đao phủ đã tiêu diệt những Châu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, vân vân, năm nay 69, đến tuổi về hưu nhưng có thể sẽ được giữ lại. Nếu họ Vương còn được đại hội chấp nhận, thì đó cũng là tạo ra một tiền lệ, chuẩn bị cho Tập Cận Bình vào năm 2022, khi Tập cũng vừa 69 tuổi.

Sau khi đã gây thù chuốc oán với những phe phái khác, Tập Cận Bình rất khó về hưu sau 10 năm cầm quyền, như Hồ Cẩm Đào. Vì vậy, trong đại hội 19 này, sau khi đã được suy tôn là lãnh đạo cốt lõi (hạch tâm lãnh đạo), Tập Cận Bình sẽ được ghi danh vào cương lĩnh đảng với vai trò một lý thuyết gia, kế nghiệp Mao và Đặng. Với vai trò đó, Tập có thể được lưu nhiệm vào năm 2022.

Trong đại hội này, nếu không có ai được cử ra làm phó cho họ Tập, như Tập đã được đề cử năm 2007 dưới thời Hồ Cẩm Đào để sau năm năm sẽ kế nhiệm, thì tham vọng của ông ta sẽ rõ ràng. Theo Hiến pháp Trung Quốc, chức vụ chủ tịch nước có nhiệm kỳ 10 năm, nhưng chức chủ tịch đảng không có giới hạn.

Dù năm 2022 họ Tập không làm chủ tịch đảng thì cũng vẫn có thể bắt chước Đặng Tiểu Bình nắm giữ chức chủ tịch Quân ủy trung ương, cho đến khi nào có thể yên tâm nghỉ hưu ! Để chuẩn bị cho tương lai đó, bộ máy tuyên truyền của đảng đã hô hào, kêu gọi nước Trung Hoa cần phải có một nhà lãnh đạo lớn để thực hiện "Trung Quốc Mộng !".

Giấc mộng Trung Quốc chính là mộng làm bá chủ. Đại hội 19 có thể suy tôn tư tưởng Tập Cận Bình, mà điểm quan trọng nhất là Phục hưng dân tộc Trung Hoa. Cụ thể, là đưa Trung Quốc lên hàng cường quốc đứng đầu thế giới. Đài ti vi của đảng đã làm một chương trình dài trong tháng trước nêu cao các thành tích ngoại giao của Tập Cận Bình trong năm năm qua. Trung Quốc đã gây ảnh hưởng khắp thế giới nhờ bỏ tiền ra mua chuộc các nước Phi Châu, Á Châu, đầu tư vào Châu Mỹ La tinh, lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djiouti.

Nhưng trong mươi năm tới, Trung Quốc vẫn chưa đủ sức bành trướng ra khắp thế giới, vì sức mạnh kinh tế cũng như quân sự còn yếu. Trung Quốc chưa thể đọ sức ngay với Nhật Bản trong những tranh chấp lãnh thổ như tại đảo Điếu Ngư. Cho nên địa bàn duy nhất mà Tập Cận Bình có thể diễu võ dương oai là ở vùng Đông Nam Á. Đó sẽ là bước thứ nhất cho Tập Cận Bình thực hiện Trung Quốc Mộng ! Mục đích kinh tế như khai thác dầu lửa không quan trọng lâu dài nữa, vì Trung Quốc đang dồn nỗ lực nghiên cứu và sản xuất các nguồn năng lượng mới, hô hào cả nước sẽ cùng xe hơi chạy điện. Nhưng mục tiêu chính trị không bao giờ thay đổi : Trung Quốc phải kiểm soát con đường hàng hải chuyên chở một phần ba hàng hóa lưu thông của thế giới.

Bành trướng trong vùng Biển Đông nước ta cũng là một chiến thuật để cộng sản Trung Quốc bảo vệ quyền uy của đảng, mục tiêu mà Tập Cận Bình đã theo đuổi suốt 5 năm qua. Kích thích tự ái chủng tộc, đề cao lịch sử bành trướng đế quốc Hán tộc, Tập Cận Bình sẽ khiến hơn một tỷ dân Trung Hoa thấy họ phải chấp nhận chế độ độc tài đảng trị, như họ vẫn quen sống dưới các triều đại Hán, Đường.

Đây là một cơn ác mộng đối với các nước trong vùng Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Nhưng căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử, dân tộc Việt Nam có thể đối phó với hiểm họa này ! Địa vị tương đối của Trung Quốc hiện nay không mạnh bằng các triều đại Hán, Đường. Họ cũng không "một mình một chợ" tha hồ múa gậy vườn hoang, như 1000, 2000 năm trước, khi Việt Nam còn chưa quan hệ với các nước Đông Nam Á mà cũng không có một cường quốc nào có thể giúp đỡ. Nếu Tập Cận Bình không biết lùi bước đúng lúc, ông ta sẽ nhận được những bài học của Minh Thành Tổ, của Càn Long đời Thanh, khi đụng tới những Lê Lợi, Nguyễn Huệ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 17/10/2017

Published in Diễn đàn
vendredi, 29 septembre 2017 12:17

Tập Cận Bình lên nguy hiểm hơn

Khi còn sống, Đặng Tiểu Bình rút kinh nghiệm thời Mao Trạch Đông đầy hỗn loạn, đã lập ra các thủ tục có trật tự trong việc truyền ngôi. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã theo đúng quy tắc thừa kế đó, mỗi người nắm quyền hai nhiệm kỳ, năm 2012 truyền đến Tập Cận Bình.

tcb0

Đại hội có thể suy tôn họ Tập như một nhà tư tưởng, thừa kế Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Đại hội 19 của đảng cộng sản Trung Quốc có thể thay đổi chính sách này. Tập Cận Bình đang chuẩn bị sẽ nắm quyền mạnh hơn Giang và Hồ. Đại hội có thể suy tôn họ Tập như một nhà tư tưởng, thừa kế Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tập có thể sửa cương lĩnh để tiếp tục lãnh đạo đảng, sau khi hết hai nhiệm kỳ, năm 2022.

Tập Cận Bình củng cố quyền hành là một mối lo cho những nước láng giềng, đặc biệt là nước ta. Vì Tập phải muốn chứng tỏ cho dân chúng thấy mình có công trạng ngang với họ Mao. Chính sách của Mao là suy tôn cá nhân, độc tài tàn khốc ; còn bên ngoài thì bành trướng cương thổ, lũng đoạn lân bang. Muốn xứng đáng kế thừa Mao trong việc mở rộng biên cương, Tập sẽ xưng hùng xưng bá trên khắp thế giới, nhưng có thể chọn một bước đầu dễ dàng nhất, là bành trướng mạnh hơn trong vùng Biển Đông nước ta.

Từ hơn một năm qua, Tập Cận Bình đã trù bị để được suy tôn như một lý thuyết gia của cộng sản Trung Quốc. Các lãnh tụ cộng sản thường không dám mơ ước điều này vì rất sợ được so sánh với họ Mao và họ Đặng. Hồ Chí Minh khi mới ngoài 60 tuổi, được một nhà báo Pháp hỏi tại sao không viết sách lý luận, đã trả lời rằng tất cả những điều gì cần viết thì đã có Mao chủ tịch viết hết rồi ! Óc sợ hãi đó vẫn đè nặng nước Tàu.

Tư tưởng MaoTrạch Đông được coi là kim chỉ nam của cộng sản Trung Quốc từ năm 1945. Đến năm 1997 Trung Quốc mới ghi thêm vào cương lĩnh "Học thuyết Đặng Tiểu Bình" như một đường lối kinh tế sau khi ông ta qua đời. Khi cầm quyền, Giang Trạch Dân đã đưa ra thuyết "Ba đại biểu" về vai trò của đảng ; khẩu hiệu này được ghi vào cương lĩnh Trung Quốc năm 2002, khi Giang về hưu. Hồ Cẩm Đào cũng viết về "Đường lối phát triển khoa học" và cũng được ghi vào cương lĩnh năm 2007. Nhưng cả hai người, Giang và Hồ không được ghi tên như là chủ nhân của các khẩu hiệu đó.

Bây giờ, Tập Cận Bình muốn một địa vị cao hơn cả Giang và Hồ. Ông đã cho in những tuyển tập các bài diễn văn của mình, chắc chắn do cán bộ cấp dưới viết vì trong địa vị của ông không thể nào có thời giờ gọt dũa câu văn. Nhưng đàn em đã tổ chức những chiến dịch học tập các tư tưởng của họ Tập, được gọi là "Lưỡng Học Nhất Tố Học" (Học thuyết Hai Học, Một Làm). Họ tổ chức cả những cuộc viếng thăm ngôi làng nơi họ Tập phải đi lao động trong thời Cách Mạng Văn Hóa, từ 1969 đến 1975. Đường lối suy tôn cá nhân lãnh tụ này ít thấy sau thời Mao Trạch Đông. Gần đây, sinh viên các đại học đã phải dự các buổi học tập chủ nghĩa Mác Lenin, nhưng trong đó cũng được học các bài diễn văn của Tập.

Tháng Tư vừa qua, báo Nhân Dân Luận Đàn đã đăng kết quả một cuộc "trưng cầu ý kiến" độc giả, 12,000 người, cho thấy 82% đồng ý rằng tư tưởng trị quốc của Tập Cận Bình là một "chỉ nam hành động mới" cho cả đảng cộng sản. Quách Kiện Ninh (Guo Jianning), một giáo sư mác xít của Đại Học Bắc Kinh nổi tiếng, nói việc học tập tư tưởng của họ Tập là một nhiệm vụ quan trọng nhất trong học giới Trung Quốc !

Trước khi đại hội 19 khai mạc ngày 19 Tháng Mười, mọi người đã tin chắc "tư tưởng" hoặc "học thuyết" của Tập Cận Bình sẽ được ghi thêm vào cương lĩnh. Nhưng chưa ai có thể đoán rằng, tên của Tập Cận Bình có được ghi hay không. Mọi người sẽ biết sau ngày 11 Tháng Mười, có cuộc họp trù bị của 205 thành viên Trung Ương Đảng Trung Quốc. Nếu họ quyết định sẽ ghi tên thì họ Tập sẽ lên ngôi vị tôn quý trong đảng, chỉ đứng sau sau Mao và Đặng.

Năm ngoái, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cộng sản đã suy tôn Tập Cận Bình với danh hiệu "Lãnh đạo cốt lõi" hay "Lãnh đạo hạt nhân", (Hạch tâm lãnh đạo). Danh từ này được Đặng Tiểu Bình dùng lần đầu tiên năm 1989, khi nói về Mao Trạch Đông và chính mình, sau đó ban cho cả Giang Trạch Dân. Thời Hồ Cẩm Đào, ông ta chỉ được gọi là tổng bí thư thôi, vì lúc đó "hạt nhân" họ Giang vẫn còn sống. Trong thực tế, đảng Trung Quốc không dùng chữ "lãnh tụ" để gọi Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. Bây giờ, Tập Cận Bình cũng được gọi bằng danh hiệu Hạt Nhân, sau khi đã thanh trừng hầu hết các tay chân của họ Giang và họ Hồ. Và trong một cuộc diễn binh mùa Hè năm 2017, Tập Cận Bình là người duy nhất đứng ra duyệt binh, không có những tay lãnh đạo khác như thường lệ. Khi giới thiệu họ Tập, vị tướng chỉ huy đã gọi ông ta là "lãnh tụ", một danh hiệu không được dùng nữa, sau thời Mao Trạch Đông.

Ngay từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã nhận tất cả các chức vụ chỉ huy trong đảng, nhà nước, quân đội, mà hai người tiền nhiệm không ai được nắm hết. Ông ta còn đặt ra thêm nhiều tổ chức mới về kinh tế, quân sự, cải tổ, chống tham nhũng, vân vân, để chính mình đóng vai chủ tịch. Năm 2012, ông lập ra Trung Tâm Liên Hợp Tác Chiến, một ủy ban đứng trên cả bộ quốc phòng, và tất nhiên ông đóng vai tổng chỉ huy.

Một chiến dịch đã được tung lên năm nay để ca ngợi tài ngoại giao của Tập Cận Bình. Đài truyền hình quốc gia đã chiếu chương trình sáu phần với đề tài tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình, nhan đề là "Ngoại giao đại cường quốc". Ông được coi là một người lãnh đạo thế giới, nâng địa vị nước Tàu lên ngang hàng với Mỹ. Chuyến đi thăm Mỹ được ông Donald Trump trải thảm đỏ đón chào đầu năm 2017 tại khu nghỉ Hè Mar-a-Lago, Florida. Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị (Wang Yi) ca tụng tư tưởng sâu xa về ngoại giao của Tập Cận Bình vượt lên trên các lý thuyết ngoại giao bao thế kỷ của Tây phương !

Đại hội đảng kỳ 19 của Trung Quốc sẽ nhấn mạnh đến công trình tái lập địa vị Trung Quốc trên thế giới của Tập Cận Bình, người sáng tạo khẩu hiệu "Giấc Mộng Trung Quốc". Báo đài của đảng đã bắt đầu chiến dịch này. Những ý kiến được nêu ra, đại khái : Mao chủ tịch đã giúp dân tộc Hán đứng dậy, nếu không thì chúng ta còn bị người ta đạp đầu đạp cổ. Đồng chí Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc nên cảnh giàu có. Giờ đây, Trung Quốc cần phải mạnh hơn ; và tất cả mọi người Trung Hoa đều biết, đó là nhờ công đồng chí Tập Cận Bình !

Khi được suy tôn làm hạch tâm lãnh đạo, trò Tập Cận Bình sẽ không còn bị ràng buộc bởi các "thói tục bình thường" như hạn chế nắm quyền hai nhiệm kỳ nữa. Trong mấy năm tới Tập sẽ chuẩn bị thay đổi, xóa bỏ các quy tắc kế thừa bất thành văn do Đặng Tiểu Bình đặt ra, đã áp dụng từ hơn một phần tư thế kỷ qua. Tập Cận Bình sẽ trở thành một lãnh tụ độc tôn. Ông có thể làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba, cầm quyền lâu hơn cả Vladimir Putin lẫn Donald Trump ! Muốn vậy, phải củng cố thêm quyền hành, tạo thêm hào quang tăng uy tín cho mình.

Trong mấy năm tới kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua một thời gian trì trệ vì không thể cải tổ nhanh chóng. Để cho dân chúng quên mối lo đời sống vật chất, Tập Cận Bình sẽ phải trổ tài "ngoại giao bành trướng" của mình. Biển Đông sẽ là nơi họ Tập có thể dương oai.

Đây là mối lo của mọi người Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam phải chọn con đường ngoại giao cứng rắn hơn với Trung Quốc. Phải báo trước cho Tập Cận Bình biết rằng không nên đẩy dân tộc Việt đến bước đường cùng !

Ngô Dân Dụng

Nguồn : Người Việt, 29/09/2017

Published in Diễn đàn

Có một câu thơ cũ viết về Phan Nhật Nam, khi anh còn bị cùm trong nhà tù cộng sản : "Bút thép, mực máu, trái tim lửa". Ba mươi năm qua, phải công nhận Phan Nhật Nam vẫn không thay đổi. Đọc bức thư anh mới trả lời Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam ở Hà Nội, thấy vẫn là con người như 50 năm trước.

phan0

Nhà văn, nhà thơ Phan Nhật Nam

Ông Hữu Thỉnh viết thư mời ông Phan Nhật Nam về nước, "Trong khuôn khổ một cuộc gặp mặt của Hội Nhà Văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài… tại Hà Nội và một số địa phương ở phía Bắc".

Bức thư mời viết rất ngọt ngào. Ông Hữu Thỉnh còn nêu lên "ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc,… (để) cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp…". Quan trọng nhất, ông báo trước, "Ban tổ chức sẽ lo chi phí toàn bộ đi về và thời gian tham gia cuộc gặp mặt".

Tóm lại, một chuyến du lịch miễn phí, kéo dài ít nhất 5 ngày, chưa nói đến những "dịch vụ" miễn phí có thể hấp dẫn khác trước và sau cuộc họp.

Một tuần sau, Phan Nhật Nam đáp thư, nói thẳng thắn, với lời lẽ lễ độ : "Câu trả lời trước tiên, dứt khoát là : Tôi xin được hoàn toàn từ chối…".

Nói như vậy đủ cương quyết rồi. Nhưng bản tính của Phan Nhật Nam là… không nói rõ thì không chịu được ! Cho nên ông đã nêu ra các lý do tại sao từ chối.

Ai đã đọc các tác phẩm của Phan Nhật Nam trước năm 1975 đều biết rằng người sĩ quan nhẩy dù này đã nhiều lần đối thoại trực tiếp với các cán binh cộng sản Bắc Việt, ngay tại mặt trận. Mỗi khi tiếng súng tạm ngưng, lính miền Bắc gọi qua tần số liên lạc cho lính miền Nam để tuyên truyền, dụ dỗ họ đào ngũ. Thường thì không ai trả lời, chỉ đáp lại bằng súng đạn. Nhưng chàng lính chiến cầm bút Phan Nhật Nam thì không nhịn được. Anh đã tuyên truyền ngược lại.

Đọc những lời anh thuật lại trong các cuốn bút ký chiến trường trước năm 1975, người đọc có lúc phải mỉm cười, vì Phan Nhật Nam đã cất công làm một việc không có tác dụng bao nhiêu. Đáng lẽ trả lời bằng súng, anh còn muốn nói cho đối thủ nghe những điều phải trái rất dài. Anh không cần biết rằng mấy cán bộ cộng sản đã được nhồi sọ cả đời, nghe anh nói hay đến mấy họ cũng sẽ không đổi ý. Mà họ muốn thay đổi ý kiến cũng không được !

Nhưng Phan Nhật Nam vẫn phải nói ! Anh không phải một sĩ quan tâm lý chiến. Anh là lính đánh trận. Anh không lập lại những lý luận trong sách báo của Nha Tâm lý chiến. Những lời lẽ của anh đều do chính anh nghĩ và nói ra, với tấm lòng thành thực, rất giản dị, đơn sơ ! Bây giờ đọc lại, mọi người sẽ phải công nhận là Phan Nhật Nam nói đúng hết. Anh nói rằng các cán binh miền Bắc vào đánh miền Nam là "đánh thuê không được trả công" cho các đế quốc Nga và Tàu. Bây giờ thì ai cũng nhớ, chính Lê Duẩn đã thú nhận "chúng ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc". Phan Nhật Nam cũng giải thích chế độ dân chủ tự do nó khác chế độ độc tài đảng trị thế nào. Anh nói rằng : "Đế quốc Mỹ" nó chẳng bao giờ đem quân vào nước mình nếu lính miền Bắc không vào xâm chiếm miền Nam. Bây giờ thì chính quyền cộng sản đang tìm đủ cách o bế Mỹ để mong được che chở ngăn âm mưu bành trướng của Trung Cộng ! Những điều Phan Nhật Nam nói thời 1960-70 đều đúng !

Rất tiếc, những lý luận của Phan Nhật Nam nói giữa trận tiền những năm khói lửa đó không tạo được tác dụng như anh muốn. Ai cũng biết, bộ đội miền Bắc (và nhiều người dân miền Bắc) đã bị bộ máy tuyên truyền lừa gạt nhồi sọ, cho nên lúc nghe anh nói họ không thể nào tỉnh ngộ được !

Nhưng Phan Nhật Nam đến giờ vẫn không bỏ cuộc. Thấy cần thì lại nói ! Không nhịn được ! Nhận được thư mời của Hữu Thỉnh, anh nhân cơ hội lại "trút bàu tâm sự" nêu ra những lý do tại sao "Tôi xin từ chối".

Nếu như người khác, chỉ cần nói vắn tắt cho ông Hữu Thỉnh biết : Tôi không tin anh ! Hoặc nhắc lại lời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu : Đừng nghe những gì cộng sản nói ! Nhưng Phan Nhật Nam đã để thời giờ vạch ra cho Hữu Thỉnh biết không ai tin cái gọi là chính sách "Hòa Hợp Hòa Giải" của đảng cộng sản, trò lường gạt những người nhẹ dạ !

Quý vị có thể đọc nguyên văn bức thư trả lời của Phan Nhật Nam để nghe hết các lý lẽ anh nêu ra – những điều mà phần lớn chúng ta cũng nghĩ và sẽ viết giống như anh. Điều thú vị khi đọc bức thư này là chúng ta lại nhìn thấy một chân dung Phan Nhật Nam, một nửa thế kỷ qua từ khi anh viết Dấu Binh Lửa. Con người đó không hề thay đổi !

Để trả lời Hữu Hỉnh, Phan Nhật Nam nói ngay, anh là một lính tác chiến : "Trước sau (tôi) chỉ là một Người Lính-Viết Văn". Bây giờ anh vẫn là một người-lính-viết-văn, "Cũng bởi, tôi chưa hề nhận Chứng Chỉ Giải Ngũ của Bộ Quốc Phòng/Việt NamCH cho dù đã không mặc quân phục từ 1975".

Người đọc hai bức thư, thư mời và thư từ chối, có thể thấy hai nhà văn khác nhau thế nào. Hữu Thỉnh là một công chức viết văn, còn Phan Nhật Nam đúng là một lính chiến !

Công chức Hữu Thỉnh leo lên được cái chức chủ tịch Hội Nhà Văn cũng phải làm đủ trò luồn cúi cấp trên để ngồi lâu, ngồi dai trong địa vị đó. Con người này dùng những lời lẽ rất du dương, ngọt ngào thân mật : "Anh Nam ơi, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta đều không còn trẻ nữa," nghe như sáu câu mùi mẫn ! Rồi Hữu Thỉnh còn lôi cả "tâm hồn dân tộc" ra để dụ dỗ một người ai cũng biết vẫn nặng lòng yêu nước thương nòi, "Mùa Thu Hà Nội cùng những giá trị bền vững của tâm hồn Việt đang chờ đón Cuộc gặp mặt của chúng ta".

Khác lối hành văn xáo rỗng của Hữu Thỉnh, chàng chiến binh Phan Nhật Nam, "Với bản chất đơn giản, chân thật của một người lính," đã nói thẳng tuột những điều kiện tiên quyết trước khi bàn đến hòa giải : "… hãy chấm dứt cách biểu tình với lời hô ‘Đả đảo Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa !’ như đã xẩy ra nơi Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn ! Hãy nhìn lại… Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa là những lão nhân phế binh, thương trận đã không được sống với dạng Con Người từ 30 Tháng 4, 1975. Hãy để cho Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống sót và gia đình được trở lại miền Nam sửa sang phần mộ Chiến Hữu nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nơi giới cầm quyền Hà Nội chủ trương phá bỏ một cách có hệ thống, dẫu người chết gần nửa thế kỷ qua không thể nào đe dọa đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ! Xin hãy ‘Hòa Hợp Hòa Giải’ với những người đã chết".

Nhưng Phan Nhật Nam không chỉ nhìn về quá khứ. Cuộc chiến tranh huynh để tương tàn đã chấm dứt lâu rồi. Ngay bây giờ, anh yêu cầu đảng cộng sản hãy Hòa Hợp Hòa Giải với những người dân Việt Nam đang bị đầy đọa. Anh yêu cầu chế độ cộng sản ‘Hãy hoà hợp, hòa giải với’ ‘Khúc ruột ở trong nước’ trước (Với người đang cố sống sau thảm họa Formosa, Nghệ An). Khi ấy không cần mời, chúng tôi ‘Khúc ruột ngàn dặm’ sẽ về. Về rất đông. Người Viết Văn – Lương Tri và Chứng Nhân của Thời Đại sẽ VỀ. TẤT CẢ CÙNG VỀ VIỆT NAM".

Không biết ông Hữu Thỉnh được trả bao nhiêu tiền, được hưởng những bổng lộc gì khi tổ chức cuộc gặp gỡ với các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài. Còn Phan Nhật Nam, chúng ta biết, khi anh viết những bút ký chiến trường trước năm 1975, anh không viết theo đơn đặt hàng của ai hết. Anh viết bức thư trả lời này cũng vậy, không theo "chỉ đạo" nào cả. Đọc bức thư của anh, vẫn thấy một con người trước sau như một, "Bút thép, mực máu, trái tim lửa !".

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 15/09/2017

Published in Diễn đàn