Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tháng Mười Hai năm ngoái, 22 phụ nữ đang có bầu ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vượt biên sang Trung Quốc bán đứa con chưa sinh của họ, theo báo chí trong nước thuật lời giám đốc công an tỉnh. Đầu tháng Giêng, 2019, một người Tàu và ba người Việt bị bắt ở Sài Gòn khi đang mưu tính đưa sáu phụ nữ Hà Nội qua Campuchia để cấy giống. Họ sẽ đẻ con thay cho dân Trung Quốc.

dan1

Năm 2018, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù Đảng cộng sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số. Trong hình là một đứa bé mới sinh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. (Hình : China Photos/Getty Images)

Có lẽ ông Tập Cận Bình không đặt ra những kế hoạch "mua bào thai" này. Nhưng cả hai sự kiện trên cho thấy một mối lo lớn của giới lãnh đạo Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang lo sẽ thiếu người ! Trong 80 năm nữa, nước Tàu có thể chỉ còn 500 triệu dân, theo tính toán của các chuyên gia về dân số học người Trung Quốc.

Hôm thứ Ba vừa rồi, ông Hà Á Phúc (亚福), một chuyên gia nhân khẩu (人口专家) Trung Quốc đã báo động trên tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times, 环球时报) rằng số trẻ ra đời mỗi năm đang đi xuống. Trong năm ngoái, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù Đảng cộng sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số.

Sau khi được phép sinh hai con, dân Tàu có hăm hở lo việc truyền giống ! Năm 2016 số trẻ sơ sinh đã lên tới 17,86 triệu, cao hơn con số 16,55 triệu năm 2015. Nhưng họ chỉ hăng hái được một năm, mặc dù nhà nước khuyến khích. Trong năm 2018, số trẻ mới ra đời chưa tới 15 triệu, so với con số 17,23 triệu năm 2017.

Nhà kinh tế Hoa Xương Xuân (华昌春), trong công ty chứng khoán Cử Nam Quốc Thái (莒南国泰证券), đã viết một bài nghiên cứu vấn đề này. Ông lo rằng theo đà số trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm giảm 20% như hai năm qua, dân số nước Tàu sẽ sụt giảm, với những hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Ông lo Trung Quốc đang trên đà sụt giảm dân số !

Hậu quả của tình trạng số sinh giảm bớt sẽ thấy rõ trong vài chục năm tới. Số người làm việc, gọi là lực lượng lao động, thuộc lớp tuổi từ 20 đến 60 ở Trung Quốc sẽ giảm dần. Trong khi đó, số người già trên 60, 65 tuổi ngày càng cao hơn, nhờ các điều kiện vệ sinh, y tế tốt hơn thế hệ trước.

Dân càng trẻ thì kinh tế càng dễ phát triển. Nhìn lại thập niên 1980, tuổi trung vị (median) ở nước Tàu là 20 tuổi, trung vị tức là có một nửa số dân cao hơn, một nửa thấp hơn tuổi 20. Cùng năm 1980, tuổi trung vị ở Mỹ là 30 tuổi. Lúc đó dân Tàu trẻ hơn dân Mỹ. Kinh tế Trung Quốc bộc phát từ năm 1980 phản ảnh chính sách theo gót tư bản của Đặng Tiểu Bình, nhưng một phần cũng nhờ lực lượng lao động trẻ trung được tung vào thị trường nhân dụng. Nước Tàu đã chạy đuổi theo kinh tế nước Mỹ trong 30 năm, càng ngày càng bám sát gần hơn, nhờ nhân lực trẻ trung đó.

Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị ở Mỹ là 38, trong khi ở bên Tàu lại lên tới 40 tuổi. Dân Mỹ bắt đầu trẻ hơn dân lục địa Trung Hoa. Tình trạng này còn tiếp tục, Mỹ đang dần dần chiếm ưu thế trên mặt dân số. Đến năm 2030 và 2050, tuổi trung vị ở Tàu sẽ là 46 và 56 tuổi ; già hơn so vớ ở Mỹ sẽ là 40 và 44 tuổi.

Trong tương lai, đối thủ kinh tế của Mỹ sẽ không phải nước Tàu mà là nước Ấn Độ ; nếu chúng ta nhìn vào dân số trẻ trung của nước Á Châu lớn này. Năm 1980, tuổi trung vị người Ấn là 20, giống như bên Trung Quốc. Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị của Ấn Độ chỉ là 28 tuổi, và sẽ lên tới 32 tuổi năm 2030, 40 tuổi năm 2050. Dân số trẻ thì khả năng kinh doanh còn mạnh, nhiều phát minh, sáng kiến hơn. Ngay bây giờ, nước Mỹ nên lo trước, đối thủ kinh tế trong tương lai sẽ là nước Ấn Độ chứ không phải nước Tàu.

Tình trạng nhân khẩu ở nước Tàu hiện nay giống như Nhật Bản đầu thập niên 1990. Khi đó, dân số Nhật bắt đầu "già" nhanh chóng, cũng vì sanh con ít mà người già sống lâu hơn. Năm 2015, ở nước Tàu có 10% dân trên 65 tuổi, đến năm 2050 sẽ tăng lên thành gần 37%. Có thể so sánh với nước Mỹ ; năm 2015 người trên 65 tuổi chiếm 14.6% dân số ; đến năm 2050 cũng chỉ chiếm 23.2%. Ấn Độ vẫn là nước dân trẻ nhất. Năm 2015 có 5.6 dân số già trên 65 tuổi, đến năm 2050 cũng chỉ có 14.2% già như vậy.

Giáo sư Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian, 易富), một nhà dân số học (hay nhân khẩu học) Trung Quốc, giáo sư Đại Học Trung Nam và University of Wisconsin-Madison, đã viết cuốn "Big Country with an Empty Nest" (Nước lớn không trẻ con) ; ông tính rằng nếu sinh xuất Trung Quốc giữ bình ổn ở tỷ lệ cứ mười phụ nữ sanh 12 đứa con trong đời, bình quân mỗi người sanh 1,2 con, thì cũng khiến dân số nước Tàu giảm bớt. Tới năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 1 tỷ 70 triệu người ; tới năm 2100 sẽ chỉ còn 480 triệu !

Khi tỷ lệ số người làm việc giảm mà số người già tăng, vấn đề phụng dưỡng các người trên 65 tuổi sẽ trở thành một gánh nặng cho cả xã hội. Theo ông Dịch Phú Hiền, năm 2015, ở Trung Quốc, để nuôi một người trên 65 tuổi thì có bảy người trong lớp tuổi lao động, từ 20 đến 64 tuổi, đang làm việc. Vì số người già tăng lên trong khi số người trong tuổi lao động giảm, tới năm 2030 sẽ chỉ có 3,6 người trong tuổi 20-64 làm việc nuôi một người già hơn ; và con số này sẽ giảm chỉ còn 1,7 người vào năm 2050.

Phần lớn những người cần được phụng dưỡng là phụ nữ vì các bà sống thọ hơn các ông, trung bình 6 đến 7 tuổi. Vì hệ thống an sinh xã hội còn chưa vững chãi như ở các nước tiên tiến, phụ nữ lớn tuổi ở nước Tàu là nạn nhân chính của tình trạng dân số sụt giảm, mà nguyên nhân chính là chủ trương mỗi gia đình chỉ được có một con của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Dân đông thì sẽ tiêu thụ nhiều, sẽ thúc đẩy sản xuất. Hiện nay, vì toàn bộ kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng, dân Trung Quốc đã giảm số tiền tiêu. Người dân lo trước cảnh kinh tế bấp bênh nên dè sẻn hơn. Giá nhà cửa lên cao khiến họ càng bớt các món chi tiêu khác. Năm 2017 số tiêu thụ tăng đã đóng góp ba phần tư vào số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, năm 2018 xuống chỉ còn hai phần ba, theo Bộ Thương Mại ở Bắc Kinh. Nếu dân số tiếp tục giảm, tiêu thụ sẽ giảm theo, một động lực thúc đẩy kinh tế sẽ mất đà.

Trước những dự báo dân số như trên, người Việt Nam sẽ không phải lo lắng quá trước đà đi lên của kinh tế Trung Quốc ; không lo họ sẽ đè bẹp nước mình. Sức bành trướng của nước Tàu tăng mạnh trong 30 năm qua, hiện đang giảm tốc. Nếu có những người Trung Hoa qua Việt Nam hay Campuchia mướn người đẻ giúp thì cũng không khiến cho dân số nước Tàu đứng vững, tránh khỏi cảnh sụt giảm.

Nhưng đó cũng không chắc chắn là một tin mừng cho dân tộc Việt Nam. Dân nước mình trẻ hơn, nhưng không có gì bảo đảm rằng lực lượng lao động của mình được dùng đúng, đưa tới hiệu quả kinh tế.

Các bà bầu gốc Nghệ An qua Tàu bán bào thai của họ với giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (nếu sanh con trai, khoảng 1.700 USD đến 2.100 USD) và 70 triệu đến 80 triệu đồng (con gái, khoảng 3.000 USD đến 3.400 USD). Với số tiền đó, họ sống được mấy tuần, mấy tháng ? Tiêu hết tiền rồi thì sao ? Lại nỗ lực mang bầu tiếp để xuất khẩu bào thai chăng ? Nếu người Việt cũng chỉ đóng vai làm thuê, sinh đẻ thuê cho người phương Bắc, thì đời đời sẽ không ngóc đầu lên nổi !

Chính quyền hiện nay đang bắt, phạt những phụ nữ đáng thương sinh sống bằng cách này. Nhưng muốn chấm dứt cảnh thê thảm đó thì phải làm gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã tính chưa ? 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 04/01/2019

Published in Diễn đàn

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đầu tháng Mười Hai ở Buenos Aires, Argentina, hai ông đồng ý xuống thang cuộc chiến tranh mậu dịch. Trong số các điều tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc cam kết có một chuyện khá nhỏ : Bắc Kinh sẽ không ngăn cản vụ công ty Qualcomm của Mỹ mua công ty NXP của Hòa Lan nữa.

chip1

Một công nhân Trung Quốc với một con chip mới có tên Hengxing-1, của công ty Hi-Target. Dự trù Hengxing-1 sẽ được thay thế phần lớn chip nhập cảng. (Hình : china.org.cn)

Tại sao hai ông phải bàn về một chuyện mua bán giữa hai công ty như vậy ? Vì Qualcomm là một nhà chế tạo đứng hàng đầu về làm những con "chip" (*) điện tử tối tân nhất ; mà hai phần ba số thu nhập của công ty này là do bán "chip" cho các công ty điện tử, viễn thông, cho Trung Quốc. Hồi đầu năm, chính phủ Trump đã ngăn không cho một công ty Singapore mua Qualcomm, vì sợ những bí mật kỹ thuật của Qualcomm sẽ lọt vào tay người nước ngoài.

Những chuyện rùm beng được hô hoán trong cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai nước như thuế quan, cán cân mậu dịch không cân bằng, thực ra chỉ là mặt nổi nhất thời trong cuộc chạy đua kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc chiến kinh tế lớn trong thế kỷ 21 giữa hai nước sẽ diễn ra trong nghề sản xuất những con chip nho nhỏ những càng ngày càng tối tân. Trong cuộc chạy đua này, Mỹ đang dẫn trước và Trung Quốc đang đuổi theo sau khá xa. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu của công ty Huawei chỉ cho thấy một phần nhỏ của toàn thể cuộc chiến, liên quan đến những thứ chip dễ làm nhất mà người Trung Hoa đã bắt chước làm được nhưng vẫn phải nhập cảng để sản xuất những máy điện thoại di động.

Những con chip hiện nay đang giúp cho kinh tế thế giới chạy : điện thoại, xe hơi, máy bay, tiền chuyển từ ngân hàng này qua ngân hàng khác, thanh toán hóa đơn giữa các xí nghiệp, cả hệ thống viễn thông và các hỏa tiễn quân sự… Cần chip hơn cần dầu lửa, vì có nhiều nguồn năng lượng khác thay thế dầu lửa. Như đã trình bày trong bài trước về vấn đề này, "Số tiền Trung Quốc hiện đang chi ra mỗi năm để nhập cảng chip cao hơn số tiền họ mua dầu lửa".

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nhìn thấy rõ thế "hạ phong" của họ trong vụ ZTE. Cựu Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh truy tố ZTE về tội bán hàng cho Iran trong đó có những bộ phận mua từ nước Mỹ, trong số đó có những con chip của Intel. Khi chính quyền Trump ra lệnh các công ty Mỹ không được bán chip cho ZTE, công ty sản xuất điện thoại di động lớn hàng thứ hai của nước Tàu, sau Huawei, đứng trước viễn ảnh phải ngưng hoạt động, vì không có chip thì không còn làm được cái gì nữa. Số phận của Huawei cũng tương tự, nếu chính quyền Mỹ ra tay.

Vụ ZTE và Mạnh Vãn Chu bị bắt cho cả thế giới thấy vai trò cường quốc kinh tế của Trung Quốc rất mong manh. Tập Cận Bình đã dành 150 tỷ USD giúp các công ty chạy đua với Mỹ. Nhưng còn lâu mới đuổi kịp. Mỹ và các nước đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, đang chiếm thượng phong trong ngành sản xuất chip. Và việc sản xuất chip liên kết các quốc gia này không cách nào thoát được.

Việc sản xuất chip phụ thuộc những dây chuyền trong một mạng lưới tiếp liệu toàn cầu. Một công ty làm chip ở Mỹ cần đến hàng chục ngàn xí nghiệp khác ở các nước tiên tiến. Quặng silicon đào lên từ rặng núi Appalachians có thể được gửi qua Nhật Bản biến chế thành những cục silicon tinh ròng, rồi được chuyển qua Đài Loan hoặc Nam Hàn để biến thành những miếng dùng được, theo khuôn mẫu sản xuất của một công ty ở Hòa Lan. Khuôn mẫu này lại do một công ty khác, ARM, đứng đầu ngành "vẽ kiểu " (design) chip trên thế giới. Công việc sau cùng là đem thử coi chip có làm đúng phận sự hay không, việc này rẻ tiền nhất, có thể đem qua Trung Quốc, Việt Nam hay Phi Luật Tân làm. Việc ráp các con chip này lại để dùng vào các mục đích dị biệt có thể làm ở nước Đức, Mexico hay Trung Quốc. Một miếng chất bán dẫn được đưa qua đưa lại giữa nhiều quốc gia khắp năm châu mới được chế biến thành những mảnh chip đem bán.

Cho nên, trong mạng lưới tiếp liệu của việc sản xuất chip, không nước nào có thể đứng một mình. Các công ty Trung Quốc đang cố làm chip nội hóa ; nhưng việc họa kiểu (design) vẫn phụ thuộc ARM, một xí nghiệp Anh Quốc nay đã được bán cho Soft Bank, một công ty Nhật ; cả hai nước đều là đồng minh của Mỹ.

Hội các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ cho biết một công ty thành viên của họ cần đến 16.000 xí nghiệp cung cấp mới làm được chip của mình, trong số đó có 8.500 xí nghiệp ở nước ngoài.

Mặc dù cộng sản Trung Quốc vẫn hô hào "tự túc" về số chip dùng trong nước, nhưng họ vẫn còn chạy đằng sau rất xa. Vì các tiến bộ kỹ thuật đều xuất hiện ở Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Từ năm 1966 đến nay, giải Turing Award, giống như giải Nobel trong công nghiệp điện toán, đã phát 67 lần, các nhà khoa học Mỹ chiếm 48 lần. Trung Quốc không chiếm được một giải nào. Không phải vì người Trung Hoa kém thông minh mà vì hệ thống chính trị độc tài và kinh tế quốc doanh không khích lệ các nhà khoa học.

Địa vị dẫn đầu của Mỹ được củng cố vì việc sản xuất những thứ chip tối tân nhất đã được tập trung vào một số công ty của Mỹ và các nước đồng minh. Năm 2001, trên thế giới có 29 công ty chế tạo các thứ chip tối tân nhất. Hiện nay chỉ còn năm công ty đóng vai trò đó. Nếu những công ty này không đem cho thì các xí nghiệp Trung Quốc không biết bao giờ mới tự tìm ra được các kỹ thuật tân tiến của họ. Việc bắt chước kỹ thuật khi sản xuất xe hơi hay động cơ phản lực dễ dàng hơn ; việc họa kiểu những thứ chip mới khó gấp vạn lần.

Vụ ZTE đầu năm 2018 cho cộng sản Trung Quốc một bài học về quản lý kinh doanh. Công ty này bị chính phủ Mỹ phạt 1,2 tỷ USD vì các người lãnh đạo vốn là công chức, cán bộ, không phải là các nhà kinh doanh. Họ không tính toán đường xa nên tự đặt vào tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung cấp chip ngoại quốc, trong khi tìm cách phát triển thị trường khắp thế giới, như ZTE và Huawei.

Công ty ZTE hoạt động được nhờ tiếp liệu từ những công ty Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron ; họ mua các bộ phận quang học của Maynard, Acacia, Oclaro và Lumentum, cũng như Mia phần mềm từ Microsoft và Oracle.

Các nhà kinh doanh Trung Quốc còn một nhược điểm khó chữa nữa là không có thói quen tôn trọng luật lệ. Sống dưới một chế độ độc tài toàn trị đã quen suốt đời, họ làm ăn thành công nhờ "quan hệ" với các cấp lãnh đạo, có thể qua mặt luật pháp. Họ tin rằng địa vị của mình sẽ giúp họ lẩn tránh mọi ràng buộc của luật pháp. Họ giữ thói quen đó khi làm ăn ở nước ngoài ; tìm cách chạy quanh luật lệ cho tới khi bị trừng phạt mới mở mắt ra.

Bà Mạnh Vãn Chu bị truy tố chỉ vì đứng ra chứng minh với các ngân hàng rằng công ty Skycom không phải của Huawei, cho nên Huawei không bán gì cho nước Iran cả ; trong khi chính quyền Mỹ đã điều tra thấy các chứng cớ ngược lại.

Nhưng lầm lẫn lớn nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc là khích động tự ái dân tộc quá lố khi lớn tiếng nói với dân chúng rằng Trung Quốc có thể tự túc về kỹ thuật tân tiến, mặc dù đó chỉ là một giấc mộng xa vời. Ngay cả khi khả năng khoa học kỹ thuật của người Trung Hoa ngang bằng người Mỹ thì cũng không một quốc gia nào có thể hoàn toàn tự túc được. Kinh tế thế giới liên đới chặt chẽ, không nước nào, kể cả nước Mỹ, có thể đứng một mình mà làm đủ các thứ cần thiết trong đời sống ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 18/12/2018

(*) Trong bài này chúng tôi viết "chip" thay vì "chíp" để nhấn mạnh đây là một tiếng nước ngoài.

Published in Diễn đàn

Các nhà lãnh đạo dự Hội Nghị G-20 tại Buenos Aires, Argentina, sẽ tìm cách tránh không thất bại như cuộc họp APEC vài tuần trước đây tại Papua New Guinea. Khi kết thúc, Hội Nghị Á Châu Thái Bình Dương không đưa ra được một bản thông cáo chung. Lý do chính, là xung đột giữa chính phủ Mỹ và Trung Cộng.

trumptap1

Ai cũng chờ coi hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau trong bữa ăn tối ngày Thứ Bảy, 1 tháng Mười Hai. Đây là lần đầu tiên hai ông gặp nhau kể từ lúc cuộc "chiến tranh mậu dịch" bắt đầu. (Hình : AP Photo/Andrew Harnik, File)

Cho nên, ai cũng chờ coi hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau trong bữa ăn tối ngày Thứ Bảy, 1 tháng Mười Hai, coi họ có thỏa hiệp được gì với nhau không.

Đây là lần đầu tiên Trump gặp Tập, kể từ lúc cuộc "chiến tranh mậu dịch" bắt đầu. Từ 1970, bang giao giữa hai nước đều do các người lãnh đạo cao nhất quyết định. Ông Nixon với Mao Trạch Đông. James Carter và Ronald Reagan với Đặng Tiểu Bình.

Cả hai ông Tập và Trump chắc đều không muốn thiên hạ coi mình là người chịu trách nhiệm đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Cả hai cùng muốn giảm bớt tình trạng căng thẳng để yên việc bên trong nước họ. Tập Cận Bình biết rằng nếu giao thương Mỹ-Trung bế tắc thì tỷ lệ tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Trung Quốc sẽ giảm bớt 1%. Kế hoạch cải tổ kinh tế của ông Tập sẽ bị trì hoãn 5 tới 10 năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ lên cao đầu năm tới.

Donald Trump thì sắp phải đối phó với một Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát ; cuộc điều tra về Nga can thiệp cuộc tranh cử năm 2016 chưa biết sẽ đi tới đâu. Trong năm tới Trump sẽ khó chú tâm vào vấn đề mậu dịch, khi bắt đầu lo cho cuộc tranh cử năm 2020.

Cho nên, rất nhiều hy vọng hai ông sẽ đạt được một số thỏa hiệp, để cả hai đều có thể tuyên bố đại thắng khi trở về nước.

Vậy họ có thể nhường nhịn nhau những thứ gì ?

Tập Cận Bình đã ra lệnh báo đài không hô khẩu hiệu về kế hoạch "Made in China 2025" đẩy các công nghiệp tân tiến lên vượt Mỹ nữa – vì dù sao đó cũng là một giấc mộng xa vời. Bây giờ, ông có thể tuyên bố sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng hóa và đầu tư ngoại quốc ; nâng cao tỷ lệ hạn chế các công ty nước ngoài được mua cổ phần trong các công ty Trung Quốc nhiều hơn.

Tập sẽ không thể bãi bỏ việc bao cấp các doanh nghiệp nhà nước vì đó vẫn là xương sống của nền kinh tế và của chế độ độc tài đảng trị ; nhưng ông có thể hứa ngưng trợ cấp cho các công ty quốc doanh ghi tên trên thị trường chứng khoán – là nơi mà họ tranh đua với các xí nghiệp nước ngoài.

Tập Cận Bình cũng sẽ cam kết sẽ tôn trọng bằng sáng chế của các xí nghiệp Mỹ, thi hành những luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí năng (intellectual property) ; và không ép các công ty Mỹ phải chuyển giao kỹ thuật cho người Trung Quốc khi cùng làm ăn. Để cho ông Trump hài lòng hơn, Tập có thể cam đoan không tấn công các mạng tin học của nước Mỹ – như ông ta thường vẫn quả quyết không bao giờ làm.

Muốn thực hiện các lời hứa đó, hai bên sẽ phải họp bàn với nhau sau, vì hai người lãnh đạo không có thời giờ nói những chuyện cụ thê. Cho nên hứa hẹn thôi cũng là đẹp rồi !

Người đã cảnh cáo trước những hứa hẹn đó là Đại Diện Thương Mại Robert Lighthizer, tương đương với một bộ trưởng ngoại thương. Ông Lighthizer vẫn nói đi nói lại rằng các vị tổng thống Mỹ trước đây đã rơi vào cái bẫy của Trung Cộng, vì họ chỉ hứa hẹn đủ điều, rồi họp hành liên miên, mà kết quả chẳng có bao nhiêu. Tình trạng đó nếu kéo dài đến năm 2020, sẽ làm cho ông Trump có vẻ "yếu", một điều ông không bao giờ chấp nhận.

Cùng chia sẻ thái độ cứng rắn đó là Giáo Sư Peter Navarro, cố vấn ngoại thương Tòa Bạch Ốc, tác giả cuốn "Chết trong tay Trung Quốc" (Death by China). Trước đây vài tuần, có tin ông Navarro sẽ không được dự phái đoàn đi Buenos Aires ! Ông được ghi danh vào phút chót.

Ông John Bolton, cố vấn an ninh, cũng thuộc phái cứng rắn, thì đang lo lắng Trung Cộng sẽ lợi dụng việc giao thương và đầu tư để "ăn cắp" kỹ thuật của Mỹ đem dùng vào mục đích quân sự và ngoại giao.

Phụ họa với lập trường cứng rắn này, hai Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) và Chris Van Hollen (Dân Chủ) mới thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết rằng công ty ZTE của Trung Quốc mới bán cho chính phủ Venezuela một hệ thống quan sát dùng những bộ phận mua của Dell, công ty Mỹ. ZYE năm ngoái đã bị cấm mua hàng diện tử của Mỹ cũng vì vi phạm lệnh cấm vận Iran. Phải nhờ Tập nói chuyện với Trump nên ZTE được tha, nay lại vi phạm lần nữa vì Venezuela cũng đang bị cấm vận !

Ông Trump thường nghiêng về phía phe "diều hâu" trên. Nhưng trong đám tùy tùng của ông lần này sẽ có những người nghiêng về phía ôn hòa, như cố vấn kinh tế Larry Kudlow, Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin. Họ cố gắng tìm cách đạt được một thỏa hiệp chung cho ông Trump ký.

Ông Trump đã từng thỏa hiệp với Châu Âu và Nhật Bản sau khi ông dọa đánh thuế trên xe hơi nhập cảng vào Mỹ. Nhật Bản đã hứa sẽ đầu tư thêm làm xe hơi ở Mỹ, còn Mỹ hứa sẽ không đòi Nhật mở cửa thị trường nông nghiệp.

Bây giờ, Trump và Tập cũng có thể giao ước một vài điều cụ thể như vậy, để tạo không khí hòa hoãn và dễ giải thích với dân hai nước. Tập Cận Bình sẽ xin Mỹ ngưng không tăng thuế quan trên hơn 4.000 món hàng, trị giá 200 tỷ USD, đang đánh 10% hiện nay và ông Trup dọa sẽ tăng lên 25% trong tháng Giêng năm tới. Đổi lại, Tập sẽ bãi bỏ lệnh ngưng mua nông sản Mỹ, như đậu nành và bắp từ các tiểu bang Trung Tây, những nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016. Ngoài ra, sẽ ký kết mua thêm dầu, khí của Mỹ, trong lúc giá năng lượng dang xuống thấp trên thị trường thế giới.

Ông Tập Cận Bình còn có thể tặng ông Trump một món quà nữa, trong vấn đề Bắc Hàn. Từ khi ông Trump gặp Kim Jong-un ở Singapore, Trung Cộng cũng như Nga đã nới lỏng việc cấm vận với Bắc Hàn. Từ đó tới nay ông Trump vẫn chờ Kim Jong-un hủy bỏ bom nguyên tử, nhưng chưa thấy nhúc nhích. Tập Cận Bình có thể hứa sẽ tạo thêm áp lực với nhà độc tài 34 tuổi này, trước khi Trump gặp lại cậu ta, như ông đã nói gần đây. Tập đã từng hứa như vậy nhiều lần, nhắc lại cũng không mất mát gì thêm !

Trong phái đoàn Mỹ dự tiệc với hai vị nguyên thủ còn có Jared Kushner, con rể ông Trump, một người rất có cảm tình với Bắc Kinh. Ông Kushner đã thu xếp cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Trump và Tập ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, năm 2017. Bảy tháng sau, Tập đã mời Trump và bà Melania thăm Bắc Kinh, dự quốc yến linh đình, và đóng cửa Tử Cấm Thành trong lúc vợ chồng tổng thống Mỹ vào coi. Đó là do nỗ lực ngoại giao của Jared Kushner. Bà vợ Kushner cũng có nhiều thương hiệu được Bắc Kinh chấp nhận bảo vệ bản quyền.

Những thỏa thuận trên đây, nếu đạt được, dù nhỏ và có tính cách tạm thời, nhưng có thể được coi là dấu hiệu bày tỏ thiện chí của hai bên muốn "ngưng chiến" ; chờ hiệp sau phân giải. Thế giới sẽ thở phào nhẹ nhõm. Những người mừng rỡ nhất là 20 vị lãnh đạo trong nhóm G-20. Họ có thể cùng ký trong một tuyên cáo chung kết thúc hội nghị, đề cao thương mại quốc tế.

Ông Trump cho thấy là một người rất dễ có cảm tình với những "người hùng", như Vladimir Putin, Kim Jong-un, hay Thái Tử Mohammed bin Salman, nước Á Rập Saudi. Trong hội nghị G-20 lần này, ông Trump đã phải từ chối không gặp Vladimir Putin và Mohammed bin Salman, còn Kim Jong-un thì không được dự. Ông chỉ còn một gặp người nắm toàn quyền sinh sát với dân là Tập Cận Bình. Do đó ông có thể thấy nói chuyện thoải mái, vui vẻ hơn và dễ tiến đến một thỏa hiệp hơn.

Dù sao, trông mặt Tập Cận Bình còn dễ chịu hơn khi phải nghĩ tới những bộ mặt Nancy Pelosi, Michael Cohen hoặc Robert Mueller ở nước Mỹ.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 30/11/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 28 novembre 2018 20:50

Khó đàn hặc Donald Trump

Trong mùa tranh cử vừa qua, các ứng cử viên Dân chủ hầu như không đả động gì tới chuyện đàn hặc Tổng thống Donald Trump.

trump1

Bây giờ, đảng Cộng hòa với ông Trump đã như ván đóng thuyền, không thể thiếu nhau được. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Ngoại trừ ông Beto O’Rourke, ứng cử nghị sĩ ở Texas. Ông Rourke gãi đúng chỗ ngứa những cử tri không chịu được ông Trump. Họ đi bỏ phiếu đông giúp ông O’Rourke chỉ thua sát nút mà đáng lẽ phải thua lớn. Nhờ O’Rourke hô hào, đảng Dân chủ thắng thêm nhiều ghế ở Texas. Nhiều người đề nghị ông nên ra tranh cử tổng thống năm 2020.

Năm ngoái, Al Green (Texas) và Brad Sherman (California), hai dân biểu đảng Dân chủ, nói phải đàn hặc Tổng thống Donald Trump. Họ làm được vì đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ Viện. Giờ, cả hai ông Green và Sherman đều được tái cử và đảng Dân chủ sẽ chiếm đa số. Liệu họ có thể đàn hặc ông Trump không ?

Dân Biểu Nancy Pelosi, người sẽ trở lại ngồi ghế chủ tịch Hạ Viện, đã nói rằng không nên.

Bà Pelosi có kinh nghiệm. Mười năm sau khi vào Quốc Hội Mỹ, bà đã chứng kiến Hạ Viện đàn hặc Tổng thống Bill Clinton, sau khi đảng Cộng hòa chiếm Hạ Viện năm 1998.

Khi hai vị tổng thống trước đây bị đàn hặc (Bill Clinton), hoặc bị đe dọa đàn hặc phải từ chức (Richard Nixon), Quốc Hội đều do đảng đối nghịch kiểm soát. Khi một đảng đề nghị đàn hặc tổng thống, tấn tuồng chắc chắn nhuốm màu chính trị, ngay từ khi mở cuộc điều tra. Ngôn ngữ bình dân gọi là "vạch lá tìm sâu".

Đảng Dân chủ bây giờ có thể thấy Tổng thống Donald Trump cũng nói và làm những điều giống như Tổng thống Richard Nixon hồi 1973.

Tháng trước, Văn Khố Quốc Gia (National Archives) mới công bố hồ sơ các sự kiện liệt kê trong bản hồ sơ đàn hặc Tổng thống Nixon ; do Công Tố Viên Đặc Biệt Leon Jaworski nộp cho Quốc Hội. Ông Leon Jaworski rất độc lập, đã từng làm luật sư cho Tổng thống Lyndon Baines Johnson, Dân chủ, nhưng cũng bỏ phiếu bầu ông Nixon hai lần. Năm 1980, ông đi vận động cho Tổng thống Reagan sau khi đã ủng hộ cho ông George H.W. Bush chống ông Reagan ! Bản phúc trình của ông chỉ gồm những sự kiện lạnh lùng, nhưng đủ để Hạ Viện kết tội ông tổng thống.

Theo hồ sơ Jaworski, Tổng thống Nixon đã nhiều lần yêu cầu Thứ Trưởng Tư Pháp Henry Petersen, người giám sát cuộc điều tra của Jaworski, cho biết chính Nixon có bị điều tra hay không. Ông Petersen cho biết chỉ có một số người thân cận với Nixon đang bị điều tra về các hành động có thể phạm pháp. Ông Nixon bèn ngỏ ý khen ngợi tư cách chính trực của những người đó. Sau đó, dựa trên các sự kiện trên, một trong ba điều "vi phạm" được đưa ra khi Hạ Viện đàn hặc ông Nixon, là ông đã "bất chấp tinh thần trọng pháp" (disregard of the rule of law).

Tổng thống Trump khi mới nhậm chức – lúc đó FBI đã bắt đầu điều tra vụ gián điệp Nga gây ảnh hưởng trên cuộc bầu cử 2016 ở Mỹ – cũng hỏi Giám Đốc FBI James Comey chính mình có đang bị điều tra hay không. Khi biết Tướng Mike Flynn, mà ông Trump đề cử làm giám đốc an ninh quốc gia, đang bị điều tra vì không khai báo những cuộc tiếp xúc với người Nga, ông Trump cũng lên tiếng khen ngợi ông Flynn và yêu cầu Comey nhẹ tay với Flynn. Comey không làm và bị cách chức – sau này ông Flynn đã nhận tội và từ chức.

Nhưng đảng Dân chủ có muốn khai thác những sự kiện trên để chứng minh ông Trump cũng "bất chấp tinh thần trọng pháp" như ông Nixon hay không ?

Họ sẽ phải suy tính dựa trên lợi ích chính trị hơn là trên tinh thần luật pháp. Vì đàn hặc đã trở thành một hành động chính trị.

Ông Nixon đã từ chức vì biết các đại biểu Cộng hòa bỏ rơi mình. Khi có 404 dân biểu bỏ phiếu cho mở hồ sơ đàn hặc, chỉ có bốn người không đồng ý và trên Thượng Viện cũng không đủ một phần ba nghị sĩ ủng hộ ông, thì ông biết chỉ còn cách từ chức, mặc dù hơn một nửa các cử tri Cộng hòa vẫn nghĩ ông không đáng tội. Ông Clinton bị Hạ Viện đàn hặc nhưng qua Thượng Viện thì được tha vì không đủ 2 phần 3 số nghị sĩ kết án.

Vụ đàn hặc ông Nixon được đa số dân Mỹ ủng hộ, vì phát xuất từ việc điều tra một hành động phạm pháp rõ ràng, do người thân cận ông Nixon làm. Nhưng ông Nixon tìm cách che đậy cho đàn em, tự lôi mình vào những lỗi lầm khác.

Vụ đàn hặc Bill Clinton bắt nguồn từ một chuyện nhỏ hơn, nhưng Clinton tìm cách chối quanh nên sau cùng bị hặc tội nói dối trước pháp luật.

Điều số 2, Khoản 4 trong Hiến Pháp Mỹ viết : "Tổng thống, phó tổng thống, và các quan chức dân sự trong chính phủ Mỹ có thể bị cách chức vì bị đàn hặc và kết tội bởi những lý do phản bội, ăn hối lộ, hoặc các tội lớn, tội nhỏ khác" (Treason, Bribery, or other high Crimes and Misdemeanors).

Vậy, cứ theo Hiến Pháp, khi nào thì một viên chức bị coi là phạm các tội trên đây ? Quốc Hội căn cứ vào những gì để nói một vị tổng thống phạm một trong các tội trên ?

Tổng thống Gerald Ford nói sự thật : "Một vụ vi phạm có thể coi là ‘đáng đàn hặc’ khi nào đa số dân biểu trong Hạ Viện nghĩ như thế". Các dân biểu "nghĩ"thế nào là do đa số cử tri Mỹ nghĩ như vậy ! Khi bỏ phiếu đàn hặc hay không, họ nghĩ tới tương lai chính trị của chính mình !

Ông Ford đã sống trong "hoạt cảnh chính trị" đó. Ông làm dân biểu, từng điều khiển Hạ Viện nhiều năm. Vì ông được tiếng là người tư cách đứng đắn, trái ngược với ông Nixon, đảng Cộng hòa muốn đưa ông lên cầm cờ để cứu vãn uy tín đang xuống thấp. Bước đầu tiên là soạn một đạo luật quy định rằng khi nào chức phó tổng thống bị khuyết thì Hạ Viện sẽ bầu người lên tạm thay. Sau đó, họ vận động cho Phó Tổng thống Spiro Agnew từ chức, vì nhiều cuộc điều tra đang khui ra các vụ tham nhũng cũ thời ông làm việc ở tiểu bang Maryland. Ông Agnew đi rồi, ông Ford được các dân biểu bầu làm phó tổng thống, để sau đó lên kế nhiệm ông Nixon.

Sau hai vụ đàn hặc ông Nixon và ông Clinton, người dân Mỹ cảm thấy đàn hặc là một hành động chính trị, pháp lý là thứ yếu. Đảng đối lập dùng thủ tục này để tấn công ông tổng thống, nhằm ảnh hưởng vào lá phiếu của người dân.

Cho nên bây giờ nếu bà Pelosi muốn đàn hặc ông Trump thì sẽ phải tính toán coi việc đàn hặc có lợi hay hại cho đảng Dân chủ vào mùa bầu cử 2020. Bà Pelosi từng nói rằng lúc bà làm chủ tịch Hạ Viện, nếu bà tính chuyện đàn hặc Tổng thống George W. Bush, thì chắc năm 2008 ông Barack Obama sẽ khó đắc cử (chính ông Trump đã khuyến cáo Quốc Hội đàn hặc ông Bush con, vì nói dối Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt).

Đảng Dân chủ chỉ thấy có lợi nếu đàn hặc ông Trump khiến cho thêm nhiều cử tri ghét đảng Cộng hòa. Nhưng điều này không chắc. Sau khi đảng Cộng hòa đàn hặc ông Clinton, trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ sau đó, đảng Dân chủ thắng lớn – một phần vì sau đó nhiều cử tri cảm thấy ông Clinton không đáng bị đàn hặc. Bây giờ, số dân Mỹ nghĩ ông Trump đáng bị đàn hặc là bao nhiêu có thể thăm dò được. Nhưng tới năm 2020, còn bao nhiêu người nghĩ như vậy ? Không ai có thể trả lời câu hỏi này.

Trong vụ này ông Trump có một lợi thế, là người dân không ai nghĩ ông hoàn hảo ! Ngày xưa ông Nixon tranh cử với khẩu hiệu : Luật pháp và Trật tự. Ông tự giới thiệu là con người thượng tôn luật pháp. Cho nên khi thấy chính ông bất chấp luật lệ thì những người tin ông cũng bỏ ông.

Donald Trump khác hẳn. Không ai nghĩ ông là một người tôn thờ luật pháp và kính trọng dư luận. Trái lại, ông tỏ ra khinh thường từ Bộ Tư Pháp, FBI cho đến cả tòa án. Cứ một người Mỹ tin ông Trump là người chân thật thì có hai người nghĩ ông chuyên nói dối. Thước đo của dân Mỹ trước đây để thẩm lượng ông Nixon và ông Clinton, nay đã thay đổi. Nếu ông Trump bị đàn hặc, vì bất cứ chuyện gì, nhiều người sẽ thấy là ông không đáng tội !

Hơn thế nữa, tinh thần phe đảng ngày nay khác hẳn thời ông Nixon. Năm 1973 không có nhiều đảng viên Cộng hòa thề sống chết với ông Nixon. Nhưng trong hai năm nay số người "thờ phượng" ông Trump lên rất cao. Đảng Cộng hòa thời trước có thể thấy gạt được ông Nixon ra ngoài sân khấu chính trị là cứu đảng. Bây giờ, ngược lại, đảng Cộng hòa với ông Trump đã như ván đóng thuyền, không thể thiếu nhau được.

Cho nên chắc bà Nancy Pelosi sẽ không dại dột lôi Trump ra đàn hặc !

Trừ khi cuộc điều tra của ông Mueller đưa tới những kết luận động trời và không ai chối cãi được. Nhưng điều này khó xảy ra. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 27/11/2018

Published in Diễn đàn

Tập Cận Bình đã tung tiền ra khắp thế giới xây dựng hạ tầng cơ sở trên 112 nước, với 203 dự án xây cầu, xa lộ và đường xe lửa ; dùng làm một mạng lưới thương mại và đầu tư nối liền với Trung Quốc.

nauru0

Ông Baron Waqa, tổng thống nước Nauru, một quốc gia chỉ rộng 21 cây số vuông, có hơn 11.000 dân, chưa bằng một thôn ở Trung Quốc, nhưng ông biết bảo vệ thể diện quốc gia khi nói với dân : "Bọn chúng không phải là bạn của mình. Họ chỉ cần dùng mình cho mục đích của họ". (Hình : Ness Kerton/AFP/Getty Images)

Tại quốc gia nhỏ ít người biết tên Papua New Guinea ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương, năm 2016 Trung Quốc đã viện trợ 860 triệu USD, năm ngoái tăng lên tới 2,46 tỷ USD. Trong khi đó nước cấp viện lớn thứ nhì, Australia chỉ cung cấp 572 triệu đô la Úc, bằng 412 triệu Mỹ kim cho nước láng giềng này.

Nhưng sau Hội Nghị APEC họp ở Papua New Guinea (gọi tắt là PNG) vừa qua, mối bang giao giữa Trung Quốc và PNG đã xuống thấp đến nỗi Ngoại Trưởng Vương Nghị (Wang Yi) phải nói đi nói lại cải chính những tin xấu.

Tổng Thống Mỹ Donald Trump không đến dự hội nghị của khối kinh tế APEC năm nay. Cuộc họp gồm các nước ở Châu Á và Thái Bình Dương năm nay thất bại vì, lần đầu tiên trong lịch sử, không đưa ra được một bản thông cáo chung như thường lệ. Cả khối kinh tế 21 quốc gia này không còn quan trọng như xưa, khi hai nền kinh tế lớn nhất, Trung Quốc và Mỹ đang "lâm chiến".

Ngày Thứ Bảy, mọi người chứng kiến Tập Cận Bình và Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tấn công nhau về chiến tranh mậu dịch. Phái đoàn Mỹ không ai có mặt khi chủ tịch Trung Quốc đọc diễn văn, phái đoàn Trung Quốc đã bỏ ra về hoặc đứng ngoài hành lang ngay sau khi ông Tập Cận Bình nói xong. Không ai ở lại nghe ông Pence nói. Trong các cuộc họp giao hữu, tiệc tùng, hai ông Tập và Pence cũng tránh không đứng gần nhau, mặc dù ông Pence nói rằng đã trò chuyện thẳng thắn với ông Tập. Trong vài tuần nữa, Trump và Bình sẽ có dịp gặp nhau ở Buenos Aires, Argentina, trong hội nghị G-20.

Riêng chuyện hội nghị APEC không đồng ý được với nhau về một bản thông cáo kết thúc cũng gây tai tiếng cho phái đoàn Trung Quốc.

Phái đoàn của Tập Cận Bình cương quyết không chấp nhận lời lên án "hành động thương mại không công bằng" được ghi trong thông cáo chung. Vì chính quyền Mỹ vẫn thường dùng những chữ này (unfair trade practices) khi tố cáo Trung Quốc, mỗi khi áp dụng các suất thuế quan mới trên hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc.

Nhưng điều mà người dân Papua New Guinea chú ý nhất là hành động "áp đảo" của người Trung Hoa khi họ muốn sửa đổi bản văn thông cáo chung theo ý họ.

Theo tin của Agence France-Presse hôm Chủ Nhật, một nhóm nhân viên phái đoàn Tàu đã tìm cách xô đẩy để xông vào trong văn phòng của ông Rimbink Pato, vị bộ trưởng ngoại giao lâu đời nhất của Papua New Guinea, nhậm chức từ năm 2012 ở thủ đô Port Moresby. Họ muốn làm áp lực chính phủ PNG, nước chủ nhà tổ chức hội nghị, phải viết một thông cáo chung theo ý ông Tập Cận Bình.

Trước đây, Trung Quốc đã thành công với ông Hun Sen, trong những lần họp ASEAN mà xứ Cambodia đứng cái. Nhưng ngoại trưởng xứ Papua New Guinea không chấp nhận. Ông còn kêu cảnh sát đến canh gác chung quanh tòa nhà. Một nhân viên Bộ Ngoại Giao nói rằng ông Pato không thể nào "hội nghị riêng" với phái đoàn Trung Quốc được. Họ phải biết trước như vậy chứ ?

Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phải cải chính không có người Tàu nào tìm cách xô cửa đi vào Bộ Ngoại Giao Papua New Guinea để yêu cầu sửa bản nháp thông cáo chung theo ý mình !

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh tỏ ra khinh thường các nước nhỏ. Năm 2010, trong cuộc họp ASEAN tại Hà Nội, sau khi nghe Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông nước ta, Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi, 杨洁篪) đã giận dữ phản đối, rồi lớn tiếng dạy ngoại trưởng Singapore rằng, "Trung Quốc là một nước lớn ! Các nước khác là những nước nhỏ ! Phải biết như thế !".

Tháng Chín vừa qua, Trung Quốc đến dự một cuộc họp với các nước "rất nhỏ" ở phía Nam Thái Bình Dương, họp tại hòn đảo Nauru. Tổng thống nước Nauru, ông Baron Waqa, đã yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi sau khi cả phái đoàn của họ giận dữ bỏ ra ngoài, chỉ vì một người bị từ chối không cho nói trong lúc các nhà lãnh đạo hòn đảo còn đang phát biểu.

Nauru, rộng 21 cây số vuông, chỉ có hơn 11.000 dân, quả là một nước nhỏ, chưa bằng một thôn ở Trung Quốc. Nhưng Tổng thống Baron Waqa biết bảo vệ thể diện quốc gia. Ông nói với dân : "Bọn chúng không phải là bạn của mình. Họ chỉ cần dùng mình cho mục đích của họ".

Papua New Guinea, hơn 8 triệu dân nói 852 thứ tiếng, cũng là một nước nhỏ trong khối APEC. Họ được độc lập từ năm 1975, nhưng vẫn đặt dưới sự bảo trợ của Australia, vẫn coi Nữ Hoàng Elizabeth II là quốc trưởng.

Bé nhưng bé hạt tiêu. Sau vụ lộn xộn của nhân viên phái đoàn Trung Quốc, ông Gary Juffa, lãnh tụ đảng đối lập là Phong Trào Nhân Dân Cải Tổ đã kêu gọi chính phủ Papua phải theo gương ông Mahathir Mohamad ở Malaysia.

Tháng Tám vừa qua, sau khi đắc cử ngồi lại vào ghế thủ tướng, ông Mahathir đã xóa bỏ ngay một dự án trị giá xây dựng 22 tỷ USD trong chương trình Nhất Đới Nhất Lộ (Một Vòng Đai, Một Con Đường) của Trung Quốc mà người tiền nhiệm đã chấp thuận. Trung Quốc dự trù ngân sách $900 tỷ cho dự án Đới Lộ. Họ xây dựng đường, cầu, bến cảng, nối các thành phố từ Trung Quốc xuống các nước ở phía Nam, vòng Ấn Độ Dương qua đến Trung Đông, rồi Châu Âu.

Họ đem công nhân Trung Hoa đến các nước đó làm việc. Họ không tôn trọng các luật lệ quốc tế về an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Các công ty Trung Quốc đã lập 63 nhà máy phát điện chạy bằng than, với số khói phun lên lớn bằng khói độc trong cả nước Tây Ban Nha ! Nguy hiểm nhất, họ cho các nước vay tiền làm những dự án không ích lợi, đến khi không có tiền trả nợ thì họ xiết của.

Sri Lanka đã bị mắc mưu này, khi thiếu tiền trả nợ phải gán một bến cảng mới do Trung Quốc xây, cho Bắc Kinh tự do sử dụng trong 99 năm, làm "đặc khu kinh tế". Trung Quốc đã xây cho xứ Zambia một vận động trường 50.000 chỗ ngồi, tốn 94 triệu USD. Không biết bao giờ nước Phi Châu này vỡ nợ ?

Tháng Sáu vừa qua, thủ tướng Papua, ông Peter O’Neill, đi Bắc Kinh ký một hiệp ước tham gia chương trình Nhất Đới Nhất Lộ.

Lãnh tụ đối lập Gary Juffa cảnh cáo ông thủ tướng về vụ hợp tác này. Những công trình xây dựng đường xá và hải cảng mà Trung Quốc đang thực hiện ở Papua New Guinea phẩm chất rất kém so với những công trình do người Australia thực hiện.

Ông Juffa nhấn mạnh : "Tôi muốn dân Papua New Guinea phải làm chủ nền kinh tế của mình. Hiện nay chúng ta không còn làm chủ nữa… Chúng ta có thể chấp nhận ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng phải đặt trên những điều kiện nước mình định ra. Chúng ta cần bảo cho họ biết luật lệ của mình thế nào, rằng chúng ta cũng là một quốc gia độc lập, và khi đến đây họ phải tỏ ra biết kính trọng. Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền, nếu không muốn trở thành thuộc địa của Trung Quốc".

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng cũng dám nói như vậy thì may quá ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 20/11/2018

Published in Diễn đàn
vendredi, 16 novembre 2018 11:17

Con mèo đen của Tập Cận Bình

Hôm thứ Ba vừa rồi, có nhà kinh tế gây rắc rối cho ông Tập Cận Bình. Ông ta đặt câu hỏi : Nếu Đảng cộng sản Trung Quốc còn tin ở chủ nghĩa Mác xít thì phải tìm ra một cách giải thích tại sao họ đang dung chứa kinh tế tư nhân ?

meoden1

Công ty ZTE của Trung Quốc vi phạm chính sách cấm vận Iran của chính phủ Mỹ, nên bị phạt. Các công ty Mỹ được lệnh cấm không cung cấp "chất bán dẫn" cho ZTE. (Hình : Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Ông Cổ Khang (贾康, Jia Kang) từng làm việc trong Bộ Tài Chính, nhắc lại bản Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848 của Karl Marx và Frederick Engels nói rằng phải xóa bỏ quyền tư hữu các phương tiện sản xuất. Trung Quốc đang làm ngược lại chủ trương đó. Kinh tế tư nhân là động cơ chính giúp nước Tàu tăng trưởng trong gần 40 năm. Hiện nay tư doanh đóng góp 60% vào Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP), và cung cấp việc làm cho 80% giới lao động.

Trung Quốc tách rời Marx Engels từ thời Đặng Tiểu Bình. Khi các đồng chí hỏi tại sao cho phép sản xuất tư nhân, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, Đặng Tiểu Bình lý luận rất thực tế : Mèo trắng, mèo đen không quan trọng ; miễn là nó bắt chuột.

Con mèo trắng "tư bản chủ nghĩa" của Đặng Tiểu Bình chứng tỏ hữu ích. Những công ty tư như Alibaba, Tencent đang đưa kinh tế Trung Hoa vào thời kỳ tin học. Các công ty nhỏ của tư nhân cũng cho thấy người Trung Hoa được tự do đã có rất nhiều cách thích ứng rất nhanh, khi họ áp dụng kỹ thuật của phương Tây.

Trong việc mua bán và trả tiền qua mạng Internet, số người dùng ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ. Ngay một chuyện tầm thường như dùng xe đạp chung, bắt chước các thành phố ở Âu Mỹ, cũng phát triển nhanh chóng. Tất cả đều do tư nhân đóng vai chủ động, không hề có trong kế hoạch ngũ niên của nhà nước !

Tập Cận Bình vẫn vuốt ve con mèo trắng. Cuối tháng Mười, bản danh sách 100 nhà kinh doanh lớn nhất được công bố sau nửa năm sưu tầm và đánh giá, để nêu công trạng. Đứng đầu sổ là hai người sáng lập công ty Alibaba (Jack Ma) và Tencent (Pony Ma). Chủ tịch các công ty có tiếng trên thế giới như Lenovo, Evergrande, Huawei cũng được vinh danh. Một thương gia đã bị tố "tư bản phản động" trong thời cách mạng văn hóa, may thoát chết, nay được nằm trong danh bảng danh dự. Một người khác, đã được Đặng Tiểu Bình cứu sau khi bị đưa ra tòa trong thời gian đó chỉ vì đi bán hạt dưa, nay lại được hoan nghênh.

Ngày đầu tháng Mười Một, 2018, ông Tập đã mời 54 nhà kinh doanh tới để chính thức hứa sẽ hỗ trợ tư doanh. Không những thế, các ngân hàng nhà nước còn được lệnh tăng gấp rưỡi số tiền cho tư doanh vay trong ba năm tới.

Nhưng thói quen chỉ huy kinh tế của người Cộng Sản không thể nào bỏ được ! Năm 2015, Tập Cận Bình vẫn muốn sử dụng "con mèo đen", trong việc phát động chương trình "Made in China 2025". Mục tiêu là dùng tiền nhà nước làm động cơ thúc đẩy khoa học, kỹ thuật tân tiến. Trung Quốc đã liệt kê 100 ngành công nghiệp được nâng đỡ.

Bắc Kinh đã bỏ tiền trợ cấp sản xuất xe hơi chạy bằng điện, EV, với kết quả nổi bật. Trong năm 2017, chính quyền các cấp bỏ ra 7,7 tỷ USD vào vụ này để trợ cấp các nhà sản xuất và cả người mua xe ; số xe điện bán trong năm lên tới 770.000 chiếc. Trung bình mỗi chiếc xe được nhà nước bù lỗ 10.000 USD.

Hướng về tương lai, Trung Quốc đang nỗ lực giúp cho ngành Trí khôn Nhân tạo (Artificial Intelligence - AI, người Trung Hoa gọi là Nhân công Trí năng, 人工智能), với mục tiêu sẽ đứng đầu thế giới trong năm 2030. Hiện nay, AI đang được công an mật vụ Trung Quốc tận dụng trong nghề nhận mặt, điểm chỉ và bắt giữ dân. Nhưng giáo dục về AI và sử dụng AI cũng được cổ võ và trợ cấp.

Wang Yi, một nhà kinh doanh 38 tuổi, từng làm cho Google ở Mỹ, khi về nước đã thành công dùng AI lập ra một mạng xã hội dạy tiếng tiếng Anh tên là Lưu Lợi Thuyết (Liulishuo, 流利网易). Trong sáu năm, công ty của Wang từ ba người sáng lập đã lên với 2.000 nhân viên. Vương hãnh diện nói rằng ở Trung Quốc từ trẻ em 7 tuổi đến người 70 tuổi ai cũng biết đến Nhân Công Trí Năng !

Tây phương chứng kiến chính quyền Trung Quốc bỏ tiền vào các ngành kỹ thuật tiên tiến đã phản ứng. Các nước Châu Âu và Mỹ đều lên tiếng phản đối Trung Quốc giúp các xí nghiệp của họ cạnh tranh bất bình đẳng với các xí nghiệp ngoại quốc. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng nhắm vào chuyện này

Cuộc thí nghiệm sử dụng mèo đen của Tập Cận Bình sẽ thành công hay không ?

Kinh nghiệm cho thấy kinh tế chỉ huy có thể thành công trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở, như xa lộ, đường xe lửa cao tốc. Họ cũng thành công khi áp dụng các kỹ thuật và hiểu biết đã được người khác tìm ra, chỉ cần bắt chước làm cho nhanh, cho rẻ hơn. Nhật Bản đã dùng các phát minh từ các nước Âu Mỹ để phát triển mạnh thời 1970-1980. Các kế hoạch do hệ thống ngân hàng, các đại xí nghiệp và nhà nước hợp tác với nhau đặt ra. Nhưng từ thập niên 1990, Nhật Bản đã đứng lại.

Trong kinh tế học có một định luật là "năng suất tiệm giảm". Một đồng tiền bỏ vô đầu tư có thể đạt một lợi suất cao, những đồng tiền bỏ vô sau đó sẽ thấy lợi suất giảm dần. Cho đến khi một đồng tiền bỏ thêm không sinh lợi nữa mà có thể tác hại.

Đổ tiền giúp các kỹ thuật tiên tiến đem từ ngoài vào thì sẽ phát triển nhanh, đuổi kịp các nước đi trước. Nhưng sau đó, muốn tiên thêm, thì phải tạo được những điều kiện kích thích các phát minh mới tự động ra đời. Thị trường tự do cạnh tranh có các điều kiện như thế ; nhà nước và kế hoạch xưa nay chưa thành công.

Nước Mỹ đã đứng đầu thế giới về sáng chế, phát minh ra các kỹ thuật mới làm đảo lộn cả cuộc sống kinh tế (disruptive technologies), tất cả đều do sáng kiến tư nhân. Có khi công việc nghiên cứu của nhà nước giúp phát minh những kỹ thuật mới, như Internet, nhưng chính thị trường tư nhân đã đem các kỹ thuật đó vào đời sống tất cả mọi người. Nhờ cuộc cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh mà những ý kiến mới, hiểu biết mới được dùng cải thiện cuộc sống.

Giáo Sư George Magnus, Đại Học Oxford, nhận xét : Theo kinh nghiệm, chưa một chế độ độc tài nào thành công, trên toàn diện và lâu dài, trong việc khai thác các phát minh kỹ thuật mới.

Một thí dụ gần đây nhất là chuyện công ty ZTE của Trung Quốc. Công ty này vi phạm chính sách cấm vận Iran của chính phủ Mỹ, nên bị phạt. Các công ty Mỹ được lệnh cấm không cung cấp "chất bán dẫn" cho ZTE. Công ty công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc bị tê liệt, suýt nữa sập tiệm nếu không được Chủ tịch Tập Cận Bình can thiệp xin Tổng thống Donald Trump tha tội !

Vì mua chất bán dẫn (semiconductor) thì dễ, làm ra mới khó. Chính quyền Trung Quốc đã đổ ra bao nhiêu tỷ đô la vào ngành chất bán dẫn trong mấy chục năm qua. Nhưng muốn sản xuất được loại semiconductor đủ tiêu chuẩn quốc tế thì phải trải qua kinh nghiệm ba tới bốn đời thay đổi kỹ thuật trong nghề. Những kinh nghiệm đó rất phức tạp, không thể mua về, mở ra coi trong có cái gì rồi bắt chước làm giống hệt !

Nhưng Trung Quốc vẫn còn ghiền con mèo đen của kinh tế chỉ huy. Một giáo sư triết lý mác xít mới viết trên mạng của bộ thông tin tuyên truyền, nhắc nhở Đảng cộng sản phải xóa bỏ kinh tế tư nhân ! Ông Chu Hân Thành (Zhou Xincheng, 周欣 ), dạy môn Triết học Mác xít ở Đại học Nhân Dân, nhấn mạnh : Lý thuyết cộng sản có thể tóm tắt trong một câu : Xóa bỏ quyền tư hữu !

Một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi, Ngô Tiểu Bình (Wu Xiaoping, 吴小平) cũng viết trên mạng một bài lý luận nói rằng kinh tế tư nhân đã "làm xong sứ mạng lịch sử" giúp kinh tế nhà nước tiến bước ; bây giờ có thể xóa đi dần dần. Các lời hai người này trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Cộng sản khiến giới kinh doanh nghe mà lạnh xương sống.

Nhưng kinh tế tư nhân thời nay khác với thời cải cách ruộng đất và đánh tư sản ở bên Tàu hồi thập niên 1950. Con mèo trắng tư bản đã lớn khôn, lớn và khôn, khó lòng giết nó được, dù giết từ từ bằng thuốc độc ! Nếu giết con mèo trắng, kinh tế nước Tàu sẽ chết theo ! 

Ngô Nhân Dụng

Người Việt, 16/11/2018

Published in Diễn đàn

Nếu hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình không thỏa hiệp được với nhau, cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai nước có thể làm kinh tế cả thế giới đi xuống trong năm tới. Cuộc suy thoái sẽ bắt đầu khi Trung Quốc không thể ngăn quả bom nợ bùng nổ.

suythoai1

Không ai cầu mong kinh tế Trung Quốc lâm nạn, vì tai họa sẽ lan truyền khắp thế giới, kể cả nước Mỹ. Trong hình, công nhân tại một nhà máy ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hôm 18 Tháng Mười, 2018. (Hình : STR/AFP/Getty Images)

Tổng số nợ trong kinh tế Trung Quốc đã lên gấp ba lần Tổng sản lượng nội địa (GDP). Số nợ của tư nhân chiếm 18,6% GDP vào năm 2008 đã tăng lên thành 46,5% vào giữa năm 2018. Những món nợ có cơ không thể trả được, nguy hiểm nhất, là do các chính quyền địa phương, đã lên tới 163% GDP vào năm 2017.

Nhưng một mối đe dọa lớn cho hệ thống tài chánh Trung Quốc là những món nợ vay của nước ngoài và vay bằng đô la Mỹ, phải trả lãi và vốn cũng bằng đô la Mỹ.

Kể từ năm 2008, khi kinh tế Mỹ và cả thế giới suy yếu, số trái khoán bằng đô la (dollar-denominated bonds) của các công ty Trung Quốc đã tăng lên gấp bốn lần, theo số liệu của Ngân hàng Thanh hoán Quốc tế (BIS, Bank of International Settlenmants) ở Thụy Sĩ !

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đã tăng số nợ bằng đô la. Các nước đang lên khác cũng đang bị dè nặng dưới thứ trái phiếu này, khi họ vay đô la trên thị trường tài chánh quốc tế ; số nợ đô la của Brazil, Mexico đã tăng gấp đôi, Nam Phi và Indonesia đã vay thêm gấp ba, Chile và Argentina gấp bốn lần như Trung Quốc.

Những nước trên đây đều đang lo khó trả nợ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất, và đồng đô la Mỹ tăng giá. Nếu đô la tiếp tục tăng giá, số đô la dùng để trả tiền lãi và vốn sẽ đắt hơn khi các nước này dùng tiền bản xứ mua đô la Mỹ. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, muốn vay thêm đô la để trả nợ cũ sẽ phải chịu trả lãi nhiều hơn ; đó là một mối lo khác.

Nhưng không phải chỉ có các nước mang nợ lo lắng, mà cả thế giới đều lo với họ. Vì hệ thống tài chánh và kinh tế thế giới ngày nay đã liên hệ chặt chẽ với nhau, rút dây là động rừng. Nền tài chánh thế giới, trong đó đô la Mỹ đóng vai trò chính, đã trở thành một đại dương, tài chánh mỗi quốc gia là một khu biển nhỏ, nhưng nước biển cùng lên hay cùng xuống với nhau. Khủng hoảng tài chánh và ngân hàng ở một nước sẽ gây ảnh hưởng trên các nước khác. Đáng lo nhất vẫn là kinh tế Trung Quốc ; nếu họ chìm thì sẽ kéo cả thế giới xuống theo.

Trước năm 1975, hệ thống tài chánh thế giới còn được kiểm soát chặt chẽ ; ít xảy ra những cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sau đó, hệ thống ngân hàng các quốc gia được "cởi trói" và đồng tiền lưu chuyển giữa các nước cũng dễ dàng hơn. Hiện tượng này giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng, đặc biệt từ năm 1990, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Châu Âu ; nhưng từ đó mỗi năm trung bình có 13 nước lâm vào khủng hoảng ngân hàng.

Khi hệ thống tài chánh được toàn cầu hóa, đồng tiền vốn chạy nhanh giữa các quốc gia ; giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển. Số tiền vay nợ "xuyên quốc gia" vào năm 1998 là 9.000 tỷ USD, năm 2008 đã tăng lên thành 35.000 tỷ USD ; hiện nay đã xuống còn khoảng 30.000 tỷ USD. Chúng ta có thể thấy hiện tượng vay nợ xuyên quốc gia này rõ nhất từ năm 2000.

Trong thập niên đầu thiên niên kỷ, những nước bán nhiều, mua ít, "tiết kiệm" được nhiều nhất là những nước xuất cảng dầu lửa, cùng với Trung Quốc, một nước xuất cảng hàng giá rẻ nhờ trả lương công nhân rất thấp. Những đồng tiền thặng dư đó được chuyển qua những nước tiên tiến, cho vay hoặc đầu tư. Dòng tiền tệ này đã đẩy lãi suất ở Mỹ xuống thấp, và giá các loại tài sản lên, đặc biệt là trong thị trường địa ốc. Nước Mỹ hưởng lợi nhiều nhất vì được vay với lãi suất rất rẻ ; nhưng chính sách kiểm soát dễ dãi đã đưa tới cuộc khủng hoảng địa ốc, sau đó lan qua hệ thống tài chánh làm kinh tế suy thoái trong những năm 2007, 2008.

Sau cuộc "đại suy thoái" này, dòng tiền tệ bắt đầu chảy ngược chiều, từ các nước tiên tiến qua các nước đang phát triển, như Trung Quốc ; vì phản ứng từ các nước Âu Mỹ.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng 2008, Ngân hàng Trung ương Mỹ và các nước Tây Âu đã giảm lãi suất. Họ lại bơm thêm tiền ra cho công chúng dùng để kích thích kinh tế, bằng cách mua trái phiếu quốc gia – nói cách khác là in tiền rồi cho chính phủ vay. Khi lãi suất ở Mỹ và Tây Âu xuống, giới đầu tư quốc tế, trong đó có những nước dư tiền, đưa tiền đi nơi khác tìm lợi suất cao hơn. Dòng đô la bắt đầu chạy qua những nước "đang lên". Vì thế, những món nợ ở Trung Quốc, Chile và Argentina tăng nhanh như chúng ta đã thấy. Các xí nghiệp ở nhiều nước đang lên đi vay nợ, vay bằng đô la Mỹ, đã tăng lên gấp bốn lần từ năm 2009.

Từ năm 2015, khi thấy kinh tế Mỹ đã đủ vững, Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, lật ngược chính sách lãi suất thấp trước đó. Đồng đô la Mỹ lên cao, tới nay đã tăng giá trị thêm 25%. Như trên đã giải thích, đô la lên giá khiến các nước vay nợ bằng đô la gặp khó khăn. Vay một đô la năm 2014 chẳng hạn, giờ muốn có một đô la trả nợ thì phải mua với giá cao hơn 25% ! Nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina đã gặp nạn, và căn bệnh này rất dễ lan truyền qua các nước đang phát triển khác, trong đó có Trung Quốc. Trong 30 năm qua, kinh tế những nước gọi là đang phát triển đã tăng lên, từ tỷ lệ 36% năm 1989 nay lên tới 59% GDP của cả thế giới. Cho nên nếu các nước này "lâm nạn" thì những nước nghèo hơn hay giầu hơn cũng bị họa theo.

Tại Trung Quốc, quả bom nợ phồng lên cùng với trào lưu đô la chạy sang các nước mới phát triển. Năm 2009 tổng số nợ lớn bằng 175% GDP nay đã lên bằng 300% GDP. Riêng với những món nợ bằng đô la Mỹ ; năm 2009 hầu như chưa xí nghiệp nào đi vay trong thị trường thế giới ; nhưng đến nay số nợ đô la đã lên tới 450 tỷ USD, bằng nửa số tiền mà Trung Quốc dùng ngoại tệ dự trữ đem cho chính phủ Mỹ vay.

Vay nợ không phải là một vấn đề ! Đối với các xí nghiệp hay với các quốc gia, đi vay bao nhiêu cũng được nếu số tiền vay được dùng vào việc đầu tư sinh lợi, suất lợi kiếm được cao hơn lãi suất phải trả. Lợi suất càng cao thì vay càng nhiều càng tốt. Vấn đề của Trung Quốc là hầu hết các món nợ đều dùng cho những dự án không sinh lời hoặc hoàn toàn thua lỗ.

Trung Quốc biết như vậy, và Tập Cận Bình đã bắt đầu "cải tổ" từ khi nhậm chức năm 2012. Nhưng hai việc cải tổ rất khó khăn là làm sao hãm bớt không cho các doanh nghiệp nhà nước yếu kém vay nợ và cắt số nợ của chính quyền các địa phương. Cả hai kế hoạch đều bị luồn lách lảng tránh hoặc chống đối. Giữa lúc đó, cuộc chiến tranh mậu dịch do ông Donald Trump gây ra khiến Tập Cận Bình lại thêm mối lo mới : Ngành xuất cảng sẽ xuống, kéo theo những ngành khác. Để đối phó, muốn giữ cho kinh tế không xuống nhanh quá, Tập Cận Bình lại phải thả lỏng cho các xí nghiệp và chính quyền vay nợ thêm, miễn là vẫn còn giữ được công ăn việc làm để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 6% một năm.

Nhưng muốn giữ mức tăng trưởng đó, phải nâng cao cả phía cung và phía cầu, mà điều này không dễ dàng. Trước đây, chính quyền Trung Quốc đã "kích cung" bằng cách xây dựng rất nhiều nhà máy, cao ốc, đường xe lửa, xa lộ, vân vân, bây giờ đã xây quá thừa, nhiều nơi bỏ trống không dùng tới. Muốn nâng cao phần cung bây giờ thì phải gia tăng năng suất với kỹ thuật tân tiến, và chuyển tài nguyên vào các lãnh vực có năng suất cao hơn. Nhưng cho tới nay, kế hoạch đó chưa thực hiện được. Tập Cận Bình vẫn phải thỏa hiệp, tiếp tục cho ngân hàng bơm tiền vô những xí nghiệp quốc doanh không sinh lợi.

Nhưng nếu Tập Cận Bình có thể "kích cung" theo hướng trên đây, nỗi khó khăn về phía cầu sẽ tăng lên. Việc nâng cao năng suất bằng cách bỏ bớt các doanh nghiệp nhà nước xưa nay chỉ ăn hại sẽ gây hậu quả trước mắt là công nhân trong các xí nghiệp đó sẽ mất việc. Một số lớn người tiêu thụ bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó thì kế hoạch chuyển nền kinh tế từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa chưa đạt được kết quả nào đáng kể. Hơn nữa, vì kế hoạch kích thích tiêu thụ này mà số nợ của tư nhân đã tăng vọt lên, từ 18.6% GDP vào năm 2008 nay thành 46,5%, như đã nói trên đây. Tăng lợi tức của người tiêu thụ cũng là một biện pháp kích cầu tốt, nhưng từ năm 2016 đến nay tỷ lệ lợi tức của các gia đình so với Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) đã giảm chứ không tăng.

Tập Cận Bình có thể cố giữ số hàng xuất cảng không cho rớt xuống nhanh quá, bằng cách hạ thấp giá đồng nguyên của Trung Quốc so với đô la Mỹ. Nhưng làm như vậy sẽ càng chọc giận Donald Trump, cuộc chiến tranh quan thuế sẽ tàn nhẫn hơn. Hơn nữa, khi đồng nguyên xuống giá so với tiền Mỹ, những món nợ vay bằng đô la của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trở thành nặng nề hơn.

Không ai cầu mong kinh tế Trung Quốc lâm nạn, vì tai họa sẽ lan truyền khắp thế giới, kể cả nước Mỹ. Năm 1989, kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 4% của GDP của thế giới, bây giờ đã lên thành 19%. Nếu kinh tế Trung Quốc suy sụp thì những nước đang bán hàng cho họ gặp nguy, những ngân hàng đang cho họ vay tiền cũng lâm nạn. Hậu quả lan ra khiến hệ thống ngân hàng quốc tế cũng khó thoát nạn. Khi ngân hàng khắp nơi phải giảm bớt số tiền cho vay thì kinh tế toàn cầu sẽ xuống theo.

Hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ được mọi người chung quanh nhắc nhở mối nguy chung này trong lần gặp gỡ sắp tới. 

Ngô Nhân Dụng

Người Việt, 02/11/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 31 octobre 2018 00:34

Nguyễn Phú Trọng theo Tập Cận Bình

Nguyễn Phú Trọng đang đi theo con đường Tập Cận Bình trong việc củng cố quyền lực. Nhưng Trọng còn học tập Bình ngay trong chính sách và hành động : Thứ nhất là tiêu diệt các thế lực đối nghịch trong đảng; thứ hai là đàn áp dư luận của người dân, kiểm soát các mạng thông tin xã hội và đe dọa những người có ý kiến độc lập, ở trong và ngoài đảng. Tiêu biểu trong chuyện này là việc "thi hành kỷ luật với Giáo sư Chu Hảo".

npt1

Nguyễn Phú Trọng đang mở đường cho Trung Quốc thôn tính nước Việt Nam. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Từ đầu, Nguyễn Phú Trọng đã đi đúng các nước cờ của Tập Cận Bình trong chiến dịch gọi là "chống tham nhũng". Năm 2012, sau khi nắm hai chức đứng đầu nhà nước và Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã dùng chiêu bài "chống tham nhũng" để tiêu diệt bọn Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và cả đám tay chân của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nguyễn Phú Trọng đã dùng món võ đó đánh đám đàn em của Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Phú Trọng cũng theo gót Tập Cận Bình khi tìm cách nắm quyền chi phối guồng máy công an và quân đội. Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đàn áp những người bất đồng chính kiến ngoài đảng như khi bỏ tù Lưu Hiểu Ba, người đã công bố một chương trình dân chủ hóa Trung Quốc và được giải Nobel Hòa Bình. Nguyễn Phú Trọng cũng mở chiến dịch bắt bỏ tù các người tranh đấu ôn hòa đòi tự do dân chủ ở Việt Nam, từ Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến Luật sư Nguyễn Văn Đài. Tập Cận Bình kiểm soát dư luận trên các mạng xã hội thế nào thì Nguyễn Phú Trọng cũng làm theo, với đạo luật An Ninh Mạng.

Mới lên ngôi chủ tịch nước trong khi đã nắm trong tay guồng máy đảng với chức tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đánh ngay Giáo sư Chu Hảo để thị uy những đảng viên đang muốn góp phần thay đổi xã hội và chế độ bằng thông tin, sách vở.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đã "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Giáo sư Chu Hảo" vì ông cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ này đang gây "ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội".

Ông giám đốc 78 tuổi của Nhà xuất bản Tri Thức, đã lên tiếng chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng của Nguyễn Phú Trọng. Một điều Nguyễn Phú Trọng có thể đã không tính trước được, là phản ứng của những người trí thức đang cắn răng làm đảng viên cộng sản với ước vọng mong manh thay đổi đảng từ bên trong. Hành động thanh trừng Chu Hảo cho thấy họ chấp nhận đang tuyệt vọng.

Nhà văn Nguyên Ngọc, 86 tuổi, đã tuyên bố rút ra khỏi Đảng cộng sản ngay sau khi Chu Hảo bị tấn công. Vào đảng từ năm 1956, sau 62 năm làm đảng viên, ông Nguyên Ngọc xác định, "Chu Hảo là "một trí thức lớn, có công lớn với đất nước và dân tộc, đặc biệt trong công cuộc khai hóa bằng Tủ Sách Tinh Hoa của nhà xuất bản Tri Thức mà ông là giám đốc".

Nguyên Ngọc và Chu Hảo đều là thành viên trong nhóm chuyên gia và trí thức độc lập "Viện Nghiên Cứu Phát triển IDS," một tổ chức mà ông chủ tịch Nguyễn Quang A đã tuyên bố "tự giải tán" để chống chính sách bịt miệng của Nguyễn Tấn Dũng. Một ngày sau Nguyên Ngọc, 12 người khác cũng tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản, như Tiến sĩ Mạc Văn Trang, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, hai sĩ quan quân đội, một luật sư, một cô giáo, một kỹ sư, ba tiến sĩ.

Chính ông Chu Hảo cũng tự bỏ cái đảng mà ông gia nhập 45 năm trước; ông phân trần rằng đảng này "không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".

Nói thẳng hơn, nhà văn Nguyên Ngọc viết "tôi nhận thấy đảng… ‘tự diễn biến’ thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước". Ông đã vạch mặt Đảng cộng sản là một "lực lượng vô luân". Và ông quả quyết : "Không lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình".

Chúng tôi hoan nghênh hành động từ bỏ Đảng cộng sản của các nhà trí thức trong nước. Nhiều độc giả Người Việt đặt câu hỏi tại sao các nhà trí thức đã chờ tới lúc này mới chính thức rút ra khỏi Đảng cộng sản ?

Nhưng chúng ta cần đặt mình vào chỗ đứng của những nhà trí thức sống dưới chế độ cộng sản. Họ được đào tạo trong môi trường "xã hội chủ nghĩa" mà Hồ Chí Minh đã họ và đem từ Nga, từ Tàu về áp dụng. Ngay từ đầu, giới trí thức cộng sản không được tập thói quen suy nghĩ độc lập.

Như nhà văn Vương Trí Nhàn nhận xét từ năm 2014, "Nếu hiểu được người trí thức ở (nước) ta là thế và được nhào nặn như thế, chúng ta sẽ độ lượng với họ hơn với nghĩa… bớt hy vọng ở họ hơn". Vương Trí Nhàn đã dịch một bài viết về số phận của tầng lớp người có học ở Nga thời Xô Viết do Sergey Kirilov viết. Trích dẫn, "…người ta… tạo ra một lớp trí thức yếu ớt, dung tục, không có khả năng độc lập mà phụ thuộc nhà nước, do đó sống chết cũng phải trung thành với nhà nước".

Được đào tạo và quen sống dưới một cơ chế độc tài như vậy, những giới trí thức ngoài Bắc đã gia nhập Đảng cộng sản vẫn còn giữ được lương tri, lương năng, cho nên đã tỉnh ngộ rất nhanh khi có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dù chỉ qua sách vở. Dù nhiều người đã biết đảng là "phản dân hại nước" như Chu Hảo tố cáo, nhưng khi còn cầm cái thẻ đảng thì họ vẫn còn phương tiện và cơ hội làm những việc ích lợi cho tương lai dân tộc. Xuất bản sách, làm các mạng lưới, là những phương pháp bất bạo động chống cường quyền. Theo gót Phan Châu Trinh, họ thúc đẩy công tác "khai dân trí, chấn dân khí".

Đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh từ Pháp trở về nước, chấp nhận "thỏa hiệp" sống dưới chế độ thực dân và làm thân bầy tôi của triều đình nhà Nguyễn thối nát và ươn hèn; một chính quyền không khác gì Đảng cộng sản bây giờ. Nhưng cụ Phan đã tận dụng thời gian cuối cuộc đời mình để làm hai công việc : "mở mang dân trí" và "chấn hưng chí khí" giúp đồng bào.

Một thế kỷ trước đây, những nhà trí thức khác như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Phan Long, vân vân, cũng rời bỏ cuộc sống lưu vong ở Pháp để trở về tranh đấu, vận động đồng bào ở ngay trên đất nước mình.

Gần đây, giới trí thức ngoài đảng như các Luật Sư Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài cũng thỏa hiệp, chọn con đường tranh đấu "trong vòng luật pháp", dù đó chỉ là những luật lệ bất công của một đảng độc tài chuyên chế. Họ cũng không khác gì Phan Châu Trinh xưa vẫn phải sống với luật lệ của thực dân Pháp và triều đình Huế hủ bại. Hành động trục xuất những người như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, vân vân, cho thấy chế độ cộng sản bây giờ còn nhẫn tâm hơn thực dân Pháp.

Những nhà trí thức cam tâm vẫn làm đảng viên cộng sản cũng thỏa hiệp như vậy. Nhưng trong lòng, họ vẫn sẵn sàng từ bỏ đảng, như Nguyên Ngọc cho biết : "Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu,…". Giọt nước làm tràn ly là những hành động của Đảng cộng sản như trục xuất Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, và "kỷ luật" với Chu Hảo. Giới đảng viên có học thức nhìn thấy rằng thái độ nhịn nhục đến cùng của họ sẽ trở thành vô ích. Dù chỉ nêu những ý kiến khác một chút, họ không còn được Đảng cộng sản dung thứ nữa.

Con đường duy nhất cho các đảng viên cộng sản có lương tâm bây giờ là xé thẻ đảng, đốt thẻ đảng. Nhưng họ không thể làm công việc đó một cách âm thẩm, thụ động. Họ phải đứng lên tố cáo tội lỗi của Đảng cộng sản đối với dân tộc Việt Nam.

Như khi nhà văn Nguyên Ngọc phê bình vụ Giáo sư Chu Hảo, ông nói : "Thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc".

Đây là những tội ác tối thiểu mà giới trí thức phải nói rõ cho toàn dân cùng biết : Chính sách ngu dân của đảng cộng sản, muốn kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để cho bọn quan chức trong đảng dễ lừa dối và đàn áp dân. Trong thời gian tới, cần phải tạo một phong trào giới đảng viên trí thức từ bỏ đảng đông và mạnh hơn nữa. Ngoài tội ngu dân, cần phải tố cáo những tội ác lớn khác của Đảng cộng sản làm hại đất nước ngay trong lúc này : Chính sách độc quyền kinh tế, kìm hãm tư doanh, chủ trương cướp đất của dân bán cho tư bản ngoại quốc, và bắt toàn dân cúi đầu làm nô lệ cho Trung Quốc !

Nguyễn Phú Trọng đang dò bước theo chân Tập Cận Bình nhưng Trọng cũng tỏ ra không dám đối đầu với giặc phương Bắc, trong khi Bình còn dám nuôi tham vọng giấc "Mộng Trung Quốc" đứng ngang hàng với Mỹ.

Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ đi quá đà khi tìm cách tiêu diệt hết những tiếng nói độc lập, ngay trong đảng. Hậu quả là sẽ khiến dân Việt Nam hèn yếu, nhu nhược hơn để dễ bị Trung Quốc nắm đầu !

Tập Cận Bình không nhẫn tâm đến như vậy. Năm 2016, khi nói chuyện với Tỉnh Ủy Hà Bắc về chuyên đề sinh hoạt dân chủ, Tập Cận Bình còn biết dẫn lời Thương Ưởng : "Một nghìn người vâng dạ, không bằng một kẻ sĩ nói thẳng". (Thiên nhân chi nặc nặc bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc;" 千人之諾諾不如一士之諤諤).

Tập Cận Bình còn nhớ đến lời Đường Thái Tông trong Tam Kính Luận (Ba Tấm Gương) : Đừng sợ có người nói điều trái ý mình, chỉ sợ người có ý kiến mà không dám nói ra (Bất phạ hữu nhân thuyết phác thoại; tựu phạ hữu thoại đô bất thuyết, 不怕有人说错话就怕有话都不说).

Khi tìm cách bịt miệng những người có ý kiến khác, như Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, cho tới Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Phú Trọng chỉ biết học các hành động chuyên chế mà không dám làm theo Tập Cận Bình đến nơi đến chốn !

Khi giới trí thức ôn hòa nhất cũng bị đàn áp, dân Việt Nam càng bị lừa dối và đàn áp hơn. Nguyễn Phú Trọng đang mở đường cho Trung Quốc thôn tính nước Việt Nam ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 30/10/2018)

Published in Diễn đàn

Đầu tháng Mười, 2018, Tổng thống Donald Trump chỉ trích quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương là "khùng" (crazy) và "bất trị" (out of control). Tuần này, ông Trump lại than rằng, "Cứ mỗi lần chúng tôi thành công lớn (trong nền kinh tế) là ông ta lại tăng lãi suất !"

ep1

Ông Jerome (Jay) Powell (trái), chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ, và Tổng thống Donald Trump. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Ông ta, ở đây là Jerome (Jay) Powell, chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ, chính thức gọi là Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, Federal Reserve System, viết tắt Fed.

Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin giải thích : "Đáng lẽ ông ta phải là người thích lãi suất thấp ! Té ra không phải !". Hồi đó, ông Mnuchin đã khuyên ông Trump hãy chọn ông Powell làm chủ tịch Fed vì ông ta chủ trương lãi suất thấp (a low-interest-rate guy).

Ông Donald Trump xuất thân trong nghề địa ốc. Ai đã làm nghề này đều thích lãi suất thấp. Khi suất lời thấp, mình có thể dễ dàng vay tiền xây cất cao ốc, khách sạn, sòng bài, sẽ kiếm lời cao gấp bội số tiền lãi phải trả. Lãi suất thấp giúp thị trường địa ốc dễ bán nhà hơn. Ai làm nghề địa ốc cũng có cảm tưởng việc tăng lãi suất liên tiếp ba bốn lần trong một năm là "crazy !"

Ông Jay Powell đã công bố quyết định tăng lãi suất ba lần trong năm nay và sẽ tăng lần nữa trước cuối năm. Chủ tịch Fed không có toàn quyền quyết định, mà thường dựa trên ý kiến của Hội Đồng Chính Sách Tiền Tệ (mang tên Hội Đồng Thị Trường, Open Market Committee) của Ngân hàng trung ương ; nhưng vẫn là người chịu trách nhiệm khi tăng hay giảm lãi suất.

Sau khi ông tổng thống than phiền về Fed lần thứ nhì trong một tháng, Cố Vấn Kinh Tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow vội xác định ngay : Tổng thống Trump chỉ bày tỏ ý kiến về Fed, ông không ban lệnh cho ông Powell.

Nhưng ra lệnh rất khó. Nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo thiên Cộng Hòa, nhận định, "Sự thực là không một vị chủ tịch Ngân hàng trung ương nào lại để mọi người nghĩ rằng mình nhận lệnh từ Tòa Bạch Ốc" khi quyết định tăng hay giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương phải hoàn toàn độc lập với chính trị, đó là một quy tắc thiêng liêng trong giới kinh doanh Mỹ.

Nhưng Tổng thống Trump có lý do muốn Ngân hàng trung ương đừng tăng lãi suất. Lãi suất lên thì phát triển kinh tế sẽ giảm tốc độ. Hiện đã có những dấu hiệu. Theo Wall Street Journal, trong tháng Chín số nhà bán đã giảm bớt 5.5% so với tháng trước, và giảm 13,2% so với cùng tháng năm ngoái.

Nếu lãi suất lên nữa thì sang năm hoặc qua năm 2020 kinh tế sẽ suy thoái, đúng vào lúc ông Trump sắp tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng ông Trump cũng biết một tổng thống không thể ra lệnh cho Fed. Nếu trong hai năm tới ông tiếp tục lên tiếng chỉ trích Fed thì ông chỉ cốt thanh minh : Lỗi tại Fed làm kinh tế xuống, không phải tôi !

Mới được thành hơn một thế kỷ, Federal Reserve System có trách nhiệm chính là "giữ giá trị đồng đô la ổn định", tức là ngăn ngừa lạm phát. Jay Powell và Fed tăng lãi suất ba, bốn lần trong năm 2018 vì lo lạm phát. Lạm phát tức là giá sinh hoạt tăng lên, đồng tiền xuống giá. Hiện nay rất nhiều dấu hiệu báo trước lạm phát đang lên và sẽ còn lên trong năm tới.

Lạm phát là một hiện tượng tự nhiên đi với chu kỳ của nền kinh tế. Khi kinh tế trì trệ hoặc suy thoái thì lạm phát rất thấp, có thể xuống số không ; vì số người có tiền đi mua hàng hóa và dịch vụ giảm bớt. Khi kinh tế tăng trưởng, lạm phát sẽ cao ; vì khi nhiều người đi mua hơn thì giá phải tăng. Từ năm ngoái, tình trạng tăng trưởng đã báo động lạm phát đang lên.

Khi lạm phát xuống sát số không (có khi thành số âm) ; thì Ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để người ta vay tiền dễ dàng hơn, chi tiêu hoặc đầu tư nhiều hơn, kích thích kinh tế lên. Ngược lại, khi kinh tế tăng mạnh thì Ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để ngăn lạm phát.

Các người học kinh tế đều biết rằng kinh tế lên hay xuống là do tác động của nhiều triệu cá nhân quyết định mua, bán, đầu tư. Nhà nước hay Ngân hàng trung ương không thể hô một tiếng là kinh tế lên. Họ cũng không thể chỉ bước sai một bước là kinh tế xuống liền. Những quyết định như tăng hay giảm lãi suất, phải chờ 12 đến 18 tháng mới tác động vào sinh hoạt kinh tế. Cho nên ông Jay Powell không thể chờ tới lúc thấy lạm phát lên thật cao mới tăng lãi suất để ngăn lại.

Kinh tế Mỹ hiện đang "chạy hết tốc lực", như một chiếc xe Toyota Corolla được gắn thêm tám máy ! Cho nên mối đe dọa lạm phát không tránh được. Khi tỷ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn 3,7% thì các công ty phải chạy đua khi tuyển công nhân và nhân viên. Họ phải tăng lương, và sẽ phải tăng giá bán để bù lại cho chi phí cao. Nhiều người có việc làm, với lương bổng cao hơn, sẽ chi tiêu nhiều hơn. Cả hai điều này đẩy lạm phát lên.

Chiến tranh mậu dịch sẽ đẩy giá cả cao hơn. Nếu các thứ thuế quan mới được áp dụng trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc, một nửa cố hàng hóa đó sẽ lên giá khoảng 10%, và lên 25% trong năm tới.

Hiệp ước mậu dịch mới giữa Mỹ, Mexico và Canada sẽ khiến nhiều món hàng tăng giá. Thí dụ, từ nay các xe hơi Mỹ ráp ở Mexico sẽ phải dùng nhiều bộ phận làm ở Mỹ hay Canada hơn thay vì mua từ nước khác. Do đó, giá chiếc xe sẽ cao hon. Các công ty Mỹ ráp xe ở Mexico phải trả lương công nhân ngang ngửa với công nhân Canada hay Mỹ. Thêm một lý do khiến giá thành tăng lên.

Hai nguyên do, chiến tranh mậu dịch và lương bổng tăng, sẽ đẩy cho lạm phát lên cao, trong năm 2019 có thể lên 3% tới 3,5%. Ngân hàng trung ương Mỹ phải ra tay ngăn chặn ngay từ bây giờ. Có bị chê là "điên" hoặc "ham tăng lãi suất" họ cũng không thể ngừng tay không tăng lãi suất lần nữa vào tháng Mười Hai này.

Lãi suất lên sẽ giảm bớt tốc độ kinh tế tăng trưởng. Kinh tế thị trường luôn luôn phải lựa chọn : Tăng trưởng nhanh thì lạm phát lên cao, cần giảm tốc để kìm hãm lạm phát. Nhưng kinh tế không thể tăng tốc mãi được, sẽ tới lúc phải xuống. Mối lo của Tổng thống Trump bây giờ là cơn suy thoái sắp tới sẽ xảy ra đúng lúc ông sắp tái tranh cử. Một mối lo khác là kinh tế toàn thế giới cũng đến lúc giảm tốc gây, ảnh hưởng trên nước Mỹ.

Cuộc chiến tranh mậu dịch ông Trump bắt đầu, với Trung Quốc và một phần với Châu Âu sẽ ảnh hưởng trên nền kinh tế. Nhưng khi các nước khác trả đũa tăng thuế nhập cảng trên hàng Mỹ, số bán giảm xuống cũng không quan trọng lắm. Vì hàng xuất cảng chỉ chiếm 8% trong Tổng sản lượng nội địa (GDP) nước Mỹ, khoảng 20.000 tỷ USD ; khác với Trung Quốc hoặc Canada sống nhờ xuất cảng. Nếu chiến tranh mậu dịch trầm trọng, GDP nước Mỹ cũng chỉ bị giảm khoảng một nửa của một phần trăm (0,5%), không thể gây nên suy thoái kinh tế. Nhưng chiến tranh mậu dịch sẽ khiến kinh tế toàn thế giới chậm lại ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

Kinh tế thế giới có thể trì trệ hơn khi các nước "đánh nhau" bằng thương mại. Cuộc chiến sẽ tạo thêm bất trắc đáng lo ngại cho các xí nghiệp ở Mỹ ; khiến họ ngần ngại, có thể giảm bớt đầu tư vì không rõ tương lai sẽ ra sao. Tổng thống Trump hô hào đánh vào hàng nhập cảng để bảo vệ các xí nghiệp sản xuất ở Mỹ ; nhưng vẫn tới nay vẫn chưa thấy kết quả. Giá cổ phiếu các công ty sản xuất công nghiệp vẫn còn trì trệ ; thị trường chứng khoán lên cao phần lớn nhờ vào các công ty kỹ thuật tin học và Internet. Ngày Thứ Tư, 24 tháng Mười vừa rồi, thị trường rớt mạnh vì giá các công ty tin học lớn rớt xuống.

Tình trạng ngân sách chính phủ khiếm hụt đang tăng lên tới mức kỷ lục vì cắt thuế và tăng chi phí quốc phòng sẽ ảnh hưởng tới lãi suất. Vì khi bị khiếm hụt chính phủ phải vay nợ thêm, lãi suất sẽ tăng lên, các xí nghiệp đi vay khó khăn hơn, dù Ngân hàng trung ương không làm gì.

Nhật báo Wall Street Journal đặt câu hỏi có phải Tổng thống Trump nói đúng khi ông than phiền Fed tăng lãi suất nhanh quá đáng. Và họ tự trả lời rằng chính sách của Fed là vừa phải, vì lãi suất giờ này vẫn thấp hơn tỷ lệ lạm phát.

Lãi suất căn bản do Ngân hàng trung ương quy định hiện nay là 2,25%, phản ảnh tỷ lệ lạm phát đang nằm trong khoảng 2% đến 2,2%. Nếu kinh tế tiếp tục tăng thêm 4% một năm và lạm phát đe dọa sẽ lên tới 3,5% vì áp lực quốc nội và quốc tế, chắc chắn Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang phải ngăn chặn lạm phát ngay từ bây giờ, bằng cách tăng lãi suất.

Tổng thống Trump bất bình với ông chủ tịch Ngân hàng trung ương do chính ông bổ nhiệm. Nhưng ông Jay Powell sẽ phải làm theo trách nhiệm của mình, phải ngăn ngừa lạm phát. Khi ông Trump than vãn về quyết định tăng lãi suất của Fed, ông làm cho công việc của ông Powell khó khăn hơn và có thể gây phản ứng ngược lại với điều ông tổng thống mong muốn. Nếu Fed không tăng lãi suất trong tháng Mười Hai tới, ông Powell có thể bị chỉ trích là chùn bước trước áp lực chính trị !

Tổng thống Donald Trump có thể đã chỉ trích Ngân hàng trung ương chỉ để trút trách nhiệm cho họ khi kinh tế suy yếu. Nhưng ông tổng thống càng than vãn nhiều thì càng khiến ông Powell và các vị thống đốc và chủ tịch các ngân hàng địa phương trong Ủy Ban Tiền Tệ khó làm theo ý ông muốn.

Tính độc lập của Ngân hàng trung ương, không để cho chính trị can thiệp vào quyết định tiền tệ vẫn được bảo vệ như một tín điều trong kinh tế Mỹ. Ông Jay Powell sẽ không chịu thua kém các người tiền nhiệm khi bảo vệ vai trò độc lập của mình.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 26/10/2018

Published in Diễn đàn

Loài người có nhiều cách truyền thông mà không cần nói. Khi gặp những người không nói cùng thứ tiếng với mình chúng ta có thể dùng tay ra dấu, dùng mắt nháy, mở miệng cười toe hay mếu máo, họ hiểu được ngay. Những thứ ngôn ngữ không lời này đã phát triển hàng triệu năm trước khi loài người sáng tạo ra tiếng nói.

dep1

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương. (Hình : Facebook Trương Châu Hữu Danh)

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương muốn nói chuyện phải trái với các quan chức Thành Hồ. Nhưng rõ ràng là họ không nói cùng ngôn ngữ với người dân Thủ Thiêm. Hoặc họ biết tiếng Việt nhưng tai điếc đặc, nói với họ như nước đổ đầu vịt. Bà có viết thì cũng không báo, đài nào dám cho đăng. Cho nên bà đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình bằng chiếc giày !

Bà Thùy Dương không phải là người Việt đầu tiên tháo giày ra để phát biểu ý kiến. Năm 2017 dân Hà Nội đã ném giày tới tấp về phía ông Trần Văn Tuân, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao.

Trên thế giới, vụ ném giày nổi tiếng nhất gần đây diễn ra tại Iraq ngày 14 tháng Mười Hai, 2008, năm năm sau khi quân Mỹ đến xứ này. Ông tổng thống Mỹ tới Iraq, đang họp báo thì bị một người ném giày về phía ông ta. Muntadhar al-Zaidi làm nghề viết báo nhưng lại không "lên tiếng" bằng ngòi bút (hay phím máy vi tính) mà lại dùng đôi giày ! Bởi vì trong phong tục người Á Rập những thứ giày, dép được coi là nhơ bẩn hạng nhất – giống như người Việt mình nói đến những chiếc vớ đã dùng, cái váy hay đồ lót đã mặc vậy.

Năm 2008, al-Zaidi được cả thế giới Á Rập và Hồi Giáo hoan hô như một anh hùng, sau khi ném giày vào ông tổng thống Mỹ mà không trúng. Người ta dựng một bức tượng đồng cao ba mét hình chiếc giày ở thành phố Tikrit, Iraq, khắc một bài thơ. Nhưng chẳng bao lâu chính quyền Iraq đã phá bỏ đài kỷ niệm này, để giữ mối giao hảo với chính phủ Mỹ ! Nhiều người Việt Nam cũng đang hoan hô bà Thùy Dương như một anh thư đất Việt.

Muntadhar al-Zaidi đã ném cả đôi giày nhưng không trúng. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương chỉ dùng một chiếc giày để phát biểu ý kiến. Bắn một viên đạn còn khó trúng mục tiêu hơn là bắn hai viên, cho nên bà Thùy Dương cũng ném trượt.

Bây giờ bà Thùy Dương nên gửi chiếc giày thứ hai của mình tặng đảng ủy Thành Hồ. Cho đỡ phí của giời. Vì đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới tịch thâu được một chiếc giày của bà. Giày không đủ đôi thì không ai dùng được, đem bỏ xó thật là phí phạm.

Thánh Gandhi hồi trẻ có lần đánh rớt một chiếc giày khi nhảy lên xe lửa trong lúc đoàn tàu chuyển bánh. Không thể nhảy xuống lượm giày được, chàng thanh niên Gandhi nhanh trí tháo chiếc giày thứ hai ném xuống theo. Ông giải thích : Ai lượm được chiếc thứ nhất họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai mà dùng. Mất giày mà không than thở, không lo tiếc của, lại nghĩ ngay đến người khác, một người xa lạ nào đó mình chưa bao giờ gặp. Đúng là tâm bồ tát. Bà Thùy Dương nên học tập Gandhi, bởi vì bà có thể còn phải phát biểu ý kiến nhiều lần nữa.

Tại sao phải bày tỏ ý kiến bằng chiếc giày ? Bởi vì người ta không có phương tiện nào khác để nói rõ và đầy đủ nỗi kinh tởm, "lợm giọng" trước những thứ hôi thối trâng tráo phơi bày giữa công chúng. Báo, đài bị đảng Cộng sản nắm chặt trong tay, làm sao góp ý kiến được ? Có đứng giữa phòng hô lớn lên mấy tiếng trước khi bị bịt miệng thì người tự trọng, không muốn nói năng thô tục, cũng không thể dùng các từ ngữ thấp đúng mức để diễn tả nỗi phẫn uất và khinh bỉ của mình.

Có người sợ tự chiếc giày không nói lên đủ nên còn viết thêm một thông điệp. Mới đây, ngày 28 tháng Sáu, 2018, một người dân Đài Loan mới ném giày vào ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je, 柯文哲), thị trưởng Đài Bắc. Trong chiếc giày có mảnh giấy viết thông điệp : Giày hôi ném Kha hôi (臭鞋丟臭柯, xú hài đâu xú Kha).

Chiếc giày, mà người miền Bắc có khi phát âm là "dầy," là thứ ngôn ngữ thích dụng nhất để nói cho bọn "mặt dầy" chúng nó hiểu. Ném giày giữa thanh thiên bạch nhật có tác dụng mạnh hơn là gửi một chiếc váy nhơ nhớp cho một ông quan cán bộ, có phụ nữ đã làm. Cho nên dư luận dân Việt đang tán thưởng nhiệt liệt, nhưng vẫn tiếc bà Thùy Dương không ném trúng mục tiêu.

Cô Phạm Đoan Trang dẫn lại lời bình luận trên Facebook : "Chị Tâm mình (Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Hồ Nguyễn Thị Quyết Tâm) hôm nay ăn giày ăn cả tất. Chị đang hăng hái phát biểu thì bị một quần chúng bức xúc tương cho cái guốc, từ cự ly mươi mét. Không biết quần chúng nào mà láo thế, mà láo nhất là ném lại trượt. Thế mới chán chứ. Thôi cũng thông cảm, phụ nữ tay yếu mà ném lần đầu, không ném xa được, lần sau cố gắng phát huy là được rồi."

Ông Nguyễn, một độc giả Người Việt cũng giải thích : "…khi người dân lên tiếng mà không có trả lời tương xứng, thì guốc dép sẽ lên tiếng !… khi guốc dép đã lên tiếng rồi mà vẫn chưa được đáp ứng cho đẹp lòng người dân, thì gạch đá sẽ là vật kế tiếp lên tiếng !".

Nhưng ném đá có thể gây thương tích, ném giày ném dép vẫn là phản kháng bất bạo động. Đó là hành động thích hợp nhất cho đám dân đen. Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc nhận xét : "Hành động ném chiếc giày của cô Thùy Dương có thể hiểu như là một sự phản đối trong vô vọng của những người ‘thấp cổ bé họng’ đã, đang, và sẽ mất đất vì những chính sách bất công."

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương là một người dân thấp cổ bé miệng trở thành "dũng sĩ ném giày" mới nhất trong lịch sử. Mà lịch sử ném giày đã có từ gần hai ngàn năm trước. Sử sách còn ghi vụ ném giày xưa nhất vào năm 359, khi Hoàng Đế Constantius II đang kêu gọi dân chúng trung thành, một người dân đã ném một chiếc giày và đả đảo ông vua.

Vừa ném giày vừa hô đã thành một truyền thống. tháng Hai, 2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo qua nước Anh. Ông ta đang đọc diễn văn tại Đại Học Cambridge thì một người lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao đại học danh tiếng này lại cho một tên độc tài tới nói láo như vậy ? Rồi anh ta ném chiếc giày về phía Quan Ôn, không trúng. Tên anh này là Martin Jahnke, một người Đức.

Hành động ném giày có khi được tổ chức tập thể. Năm 2013, dân Đài Loan chống chính phủ đã bảo nhau quyên góp giày. Ngày 8 tháng Chín, nhiều người cùng nhau ném giày vào Tổng Thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) ngay trước dinh tổng thống. Không chiếc nào trúng đích.

Sau khi ném giày và bị phạt 750.000 đồng (hơn $32), bà Nguyễn thị Thùy Dương kể cho mọi người biết thêm : "Sáng nay tôi bị giáo huấn sớm. Anh công an cố giảng giải cho tôi biết bà Tâm không liên quan gì tới việc mất đất của dân." Anh công an muốn nói bà Thùy Dương đã "đánh oan" bà Tâm.

Bà Tâm chủ tịch thành Hồ không phải là người đã đứng ra cướp đất của dân Thủ Thiêm, vì lúc đó bà chưa đủ lớn. Nhưng bà Thùy Dương không có thù oán riêng với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng như ông chủ của bà là Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân. Bà Thùy Dương ném giày là nhắm ném vào mặt cả chế độ ăn cướp.

Cũng như năm ngoái dân Hà Nội ném giày vào ông Trần Văn Tuân. Ông Tuân đang đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long, một người bị tòa án Cộng sản kết án tử hình, đã ngồi tù 11 năm mới được minh oan. Ông Trần Văn Tuân không cần phải là người đã xử oan ông Long ; nhưng ông là một quan phó chánh án, đại diện cho cả hệ thống tư pháp của chế độ. Cho nên dân đã ném giày dép vào hệ thống tư pháp Cộng sản chứ không nhắm vào cá nhân ông Tuân !

Anh công an còn hỏi tới động cơ chính trị của bà Thùy Dương và hỏi bà có bị ai lôi kéo xúi giục không. Bà Thùy Dương tự giới thiệu chỉ là một bà nội trợ bình thường, nhân tiện còn hỏi luôn, "…sẵn đây cho tôi hỏi động cơ chính trị nào khiến mấy cô chú xịt nước, đập nhà, đổ đất vào đầu dân vậy ? Các cô chú là chủ tịch, là ông là bà. Dân là súc vật à ?".

Khi một đảng cầm quyền coi dân như súc vật thì sẽ còn nhiều người ném giày. Bà Thùy Dương tiên đoán vụ Thủ Thiêm không thể yên. Vì "Lòng dân như sóng thần !" Khi nào còn đàn áp, bất công ; khi quyền tự do phát biểu của người dân Việt Nam còn bị cướp đọat, thì nghề làm giày còn phát tài.

Người dân Việt Nam đã thêm một phương pháp bày tỏ ý kiến mới. Không được nói, không được viết, chúng ta chỉ còn cách "làm dấu" hay "ra hiệu" bằng cử chỉ. Nhưng ném cả chiếc giày đi cũng hơi phí của.

Lần tới, khi tiếp đón ông tân chủ tịch nhà nước hay ông Tập Cận Bình, bà con có thể chỉ cần mỗi người tháo một chiếc giày ra, cầm trong tay, không cần phải ném cũng được. Một chiếc giày có giá trị bằng vạn lời nói, hàng vạn chữ viết. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 23/10/2018

Published in Diễn đàn