Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 19 octobre 2018 21:07

Mẹ Nấm không bao giờ làm thinh

Mỗi lần Đảng cộng sản Trung Quốc hay Việt Nam chịu trả tự do cho một nhà tranh đấu dân chủ ra khỏi nước, lại có những người thiếu ý thức nói một câu, theo lối, "Bọn cộng sản lại thắng nữa rồi !". Sau khi Mẹ Nấm được tự do, có người còn nói rằng Đảng cộng sản "đã tống được ‘cái gai’ ra nước ngoài !". Vì Mẹ Nấm không được ở trong nước chống đối nữa.

menam1

Blogger Mẹ Nấm trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông ngay tại phị trường. (Hình : Facebook Nhất Nguyên)

Trước Mẹ Nấm, những ông Phương Lệ Chi, Ngụy Kinh Sinh, Vương Đán đã được Bắc Kinh "tống" đi từ ba bốn chục năm rồi. Ở Việt Nam thì những ông Đoàn Thanh Liêm, Đoàn Viết Hoạt được đưa từ nhà tù thẳng ra phi trường. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng bị tống đi. Gần đây hơn thì có Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Việt Khang, Nguyễn Văn Đài, vân vân, phải sống lưu vong sau khi cộng sản đã giam cầm, hành hạ bao nhiêu năm tháng. Chịu thua vì không khuất phục được họ, cộng sản đành phải "tống đi".

Có thể nói rằng cộng sản đã "thắng" các chiến sĩ dân chủ tự do trên đây hay không ? Phải nói rõ ràng : Đó chỉ là những luận điệu rất cũ của bộ máy tuyên truyền rất thạo việc bẻ cong sự thật. Bộ máy mà Trung Quốc hay Việt Nam coi là quan trọng hơn cả những tay chân cầm súng hay mang còn số tám, bây giờ còn được gọi tên là "dư luận viên" có bổn phận nhắc đi nhắc lại rằng "Đảng ta" lúc nào cũng thắng.

Khi cộng sản Liên Xô "tống" được nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn ra sang Đức, hoặc xé giấy thông hành, hộ chiếu, của nhạc sĩ Mstislav Rostropovich trong lúc ông đang đi trình diễn hồ cầm ở nước ngoài, bộ máy tuyên truyền cộng sản cũng mô tả đó là những "thắng lợi" của "cách mạng vô sản thế giới".

Sự thật là chế độ Xô Viết đã chịu thua, lùi bước khi bắt buộc phải "tống xuất" Solzhenitsyn và Rostropovich. Sau cùng Solzhenitsyn và Rostropovich mới là kẻ chiến thắng. Họ chứng kiến chế độ cộng sản sụp đổ trên quê hương, họ vinh quang trở về và được đồng bào nhiệt liệt đón chào. Trước đó, những người đào thoát để sống lưu vong như Leon Trotsky còn bị Stalin cho người đuổi theo ám sát nhiều lần, cho đến khi giết được ông ở Mexico mới yên tâm.

Khi mới mất hộ chiếu, bị tước bỏ quốc tịch Nga, Rostropovich còn dự tính sẽ ở nước Pháp ; vì từ mấy thế kỷ nay bao nhiêu người Nga lưu vong đã chọn Paris làm chỗ dung thân, ông nói, tôi "không khôn hơn mà cũng không dại hơn họ" nên cũng chọn Paris. Nhưng sau cùng, cả Solzhenitsyn và Rostropovich đều chọn sống ở Mỹ.

Cũng sống ở Mỹ như Phương Lệ Chi, Vương Đán, như Đoàn Viết Hoạt hay Điếu Cầy sau này. Bây giờ, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới cùng mẹ và các con qua Mỹ cư ngụ. Cô cũng "không khôn hơn mà cũng không dại hơn" những Solzhenitsyn hoặc Ngụy Kinh Sinh !

Nói rằng Đảng cộng sản đã tống được "cái gai Mẹ Nấm" ra nước ngoài, nếu không phải nhằm ca tụng cộng sản lúc nào cũng thắng ; thì cũng do một lối nhìn của những kẻ chủ bại, trong bụng luôn luôn sợ cộng sản !

Dù Mẹ Nấm còn ở trong nước thì cô vẫn bị cầm tù, không thể tranh đấu gì nữa. Cũng như những Đoàn Viết Hoạt, Ngụy Kinh Sinh, Vương Đán hay Nguyễn Chí Thiện, khi được sống ở một nước tự do Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ có nhiều cơ hội đấu tranh hơn. Họ được tự do đi tới bất cứ nơi nào họ muốn, họ có một thính chúng đông đảo gấp ngàn, gấp vạn lần so với thời gian còn sống ở trong nước Trung Hoa hay nước Việt Nam ! Hơn nữa, họ cũng được mở rộng tầm mắt nhìn cách sống của con người trong thế giới tự do, dân chủ.

Trước khi rời Trung Quốc hoặc Việt Nam, Vương Đán hay Nguyễn Chí Thiện chỉ biết những lý thuyết về xã hội tự do dân chủ. Khi sống ở Mỹ, họ biết rõ hơn con người trong các xã hội đó thực sự sống ra sao. Họ có dịp so sánh các chế độ độc tài khác chế độ tự do như thế nào, họ thấy và biết rõ hơn phải làm gì để đồng bào mình được sống giống như vậy. Khi đó, những lời kêu gọi của họ gửi về nước được diễn tả cụ thể hơn, rành mạch hơn và tác động đồng bào họ dễ dàng hơn. Tinh thần tranh đấu của họ mạnh hơn, con đường họ chọn chắc chắn vững vàng hơn. Nếu cứ tiếp tục sống trong nước, nhất là ở trong tù, họ không có được cơ hội tạo nên những tiếng nói mạnh mẽ như thế.

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cảm thấy tương lai đó cận kề khi cô được ôm con, "cảm xúc của con trai tôi vỡ òa trên máy bay". Cô nhìn thấy cảnh tự do và đoàn tụ của gia đình mình "là câu trả lời cho những người đã bắt và giam giữ tôi trong suốt thời gian qua ! Tôi không cô đơn và những tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng hết". Mẹ Nấm biết mình đã thắng chế độ cộng sản.

Những người bi quan chủ bại phải nghe lời Mẹ Nấm nói khi đặt chân trên đất Mỹ : "Ở trong nước tôi đã không làm thinh thì bây giờ chắc chắn tôi cũng không bao giờ làm thinh".

Trước đây, những Solzhenitsyn, Đoàn Viết Hoạt, Vương Đán hay Nguyễn Chí Thiện cũng không bao giờ chấp nhận làm thinh. Họ là nhân chứng sống đã phơi bày cho cả thế giới biết chế độ cộng sản phi nhân tàn bạo là một vết nhơ cho đất nước họ và trong lịch sử loài người. Mọi người phải cùng nhau xóa bỏ các chế độ lạc hậu, dã man đó, nếu muốn bảo vệ những giá trị chung của nhân loại. Các Đảng cộng sản Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam, trước khi tống họ ra đi, đều biết họ sẽ là những tiếng nói thách thức và đe dọa các chế độ chuyên chế độc tài. Các Đảng cộng sản đã chịu thua nên đành phải trả tự do cho họ.

Những con người bất khuất "chắc chắn không bao giờ làm thinh" đó nay càng mạnh hơn, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến. Những trang Facebook của Đoàn Viết Hoạt, Vương Đán hay của Điếu Cầy, khi họ thoát vòng cương tỏa của cộng sản, còn trở thành những tiếng nói quyết liệt, minh bạch và cụ thể, có thể gây ảnh hưởng trên đồng bào trong nước họ nhiều hơn trước, gấp nhiều lần hơn những gì họ có thể làm nếu còn ở trong nước, nhất là nếu họ còn bị tù.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ sử học ở Đại học Harvard, Vương Đán đã dạy môn "Lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc" ở Đại Học Thanh Hoa ở Tân Trúc, Đài Loan. Năm 2010, ông đã bị một người đàn bà cầm dao tấn công trong lúc đang giảng bài. Vương Đán đã chống cự, giật được con dao trong tay hung thủ. Cuộc điều tra sau đó cho biết người phụ nữ này đã theo dõi Vương Đán ba năm trước khi ra tay. Nhưng Vương Đán đã thoát nạn và tiếp tục gửi tới đồng bào của ông những thông điệp về tự do dân chủ. Ông không chịu làm thinh, dù sinh mạng vẫn còn bị đe dọa.

Khi Mẹ Nấm quả quyết "chắc chắn tôi không bao giờ làm thinh" thì chúng ta hiểu rằng cô là người chiến thắng, Đảng cộng sản đã chịu thua người phụ nữ quả cảm này. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 19/10/2018

Published in Diễn đàn
vendredi, 12 octobre 2018 13:19

Nguyễn Phú Trọng to hơn Hồ

Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng cố làm bộ khiêm nhường, coi việc một mình làm hai chức là do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng đã có người dùng chữ "Vua" khi nói đến việc ông lên ngôi chủ tịch nước. Nhà báo Huy Đức, trong bài "Nhất thể hóa", đã viết rằng "Nước cũng chỉ nên có một ‘vua.’"

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) không đồng ý với nhãn hiệu "nhất thể hóa", có lẽ vì ngó qua còn thấy ông Xuân Phúc (giữa) với bà Kim Ngân ngồi đó. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi được đề cử nắm cả hai chức vụ, đã bác bỏ khẩu hiệu "Nhất thể hóa". Tuy nhiên, không thấy ông đả động gì tới chữ "Vua". Lý thuyết gia số một của đảng cộng sản, không lẽ ông lại sơ ý không nhìn thấy chữ "Vua !"

Nhưng "Nhất thể hóa nghĩa là cái gì ?".

Ông Nguyễn Phú Trọng không đồng ý với nhãn hiệu "nhất thể hóa", có lẽ vì ngó qua còn thấy ông Xuân Phúc với bà Kim Ngân ngồi đó. Trước kia chế độ gồm có "tứ trụ", gồm cả Trần Đại Quang. Bây giờ chỉ còn ba, có thể đặt tên tiếng Nga "Troika" chiếc xe ba con ngựa kéo.

Nói "nôm na", tiếng Việt Nam thì dùng hình ảnh "Kiềng ba chân" hay là "Ba vua bếp", hai ông một bà. Từ "tứ trụ" giảm biên chế xuống "Troika", đã là "tình huống" lắm rồi. Nếu giờ lại "nhất thể hóa" theo đề nghị của Huy Đức tức là phải gạt cả Xuân Phúc lẫn Kim Ngân, đẩy xuống hàng thần tử, bầy tôi của Vua Trọng ! Hơi vội vã đấy !

Nhưng đó chính là ý kiến của Huy Đức : Mỗi nước chỉ nên có một vua thôi. Ông viết : "Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam". Nghĩa là dù "tứ trụ" hay "troika", có ba hay bốn chức, theo Huy Đức thấy, hiện giờ chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng là "người đang thực sự nắm quyền lực tối cao". Nhãn hiệu "nhất thể hóa" không thay đổi cơ cấu và thực trạng quyền lực giữa họ với nhau. Đưa Trọng lên ngồi thêm trên cái ghế "quốc trưởng" chỉ tạo "tính chính danh" cho Trọng mà thôi.

Đến đây thì ai cũng thấy lý luận của Huy Đức lúng túng. Người ta chỉ cần thâu tóm thêm quyền hành, thêm chút quyền nào hay chút đó, nếu tự xét mình chưa thực sự nắm đủ quyền lực trong tay. Một người đang thực sự nắm "quyền lực tối cao", thì người đó không cần phải nắm thêm bất cứ một thứ quyền nào khác, kể cả chức chủ tịch nước !

Trong truyện Tàu, nhiều người tìm cách che giấu quyền lực tối cao của mình bằng cách… xin thêm. Như Tư Mã Ý, bầy tôi của nhà Ngụy, thời Tam Quốc. Tư Mã Ý nắm quân đội trong tay, thủ túc đứng chật triều đình, đúng là "quyền lực tối cao". Nhưng Ý vẫn chưa dám cướp ngôi, vì còn sợ thế lực của họ Tào.

Khi Tào Sảng cho người đến thăm coi thái độ Tư Mã Ý thế nào, Ý giả bộ bệnh tật, lại nhờ cậy sứ giả về tâu xin Sảng phong cho mấy đứa con mình thêm vài cái chức nho nhỏ nữa. Ý giải thích : Tôi sợ khi tôi chết đi thì con cháu sẽ chẳng còn danh phận nào nữa ! Thế là Tào Sảng yên tâm : Tư Mã Ý vẫn còn xin, tức là chưa nắm "quyền lực tối cao !".

Vậy tại sao người thực sự nắm quyền lực tối cao là Nguyễn Phú Trọng lại phải bắt ngay lấy cái chức quốc trưởng khi Trần Đại Quang vừa mới tắt thở ? Có phải Trọng tự biết mình chưa nắm quyền lực tối cao hay không ?

Huy Đức lý luận cách khác : Trọng cần ngồi trên cái ghế quốc trưởng vì mục đích là để "chính danh".

Chính danh là một thuật ngữ chính trị xuất hiện thời Xuân Thu bên Tàu, trước đây 25 thế kỷ. Ông Khổng Tử nói rằng muốn chính trị một nước ổn định thì phải chính danh. Vắn tắt, "chính danh" nghĩa là người giữ chức vụ nào phải làm đúng với danh phận của mình. "Quân quân, thần thần", nghĩa là vua làm đúng việc của vua, bầy tôi làm đúng việc của bầy tôi.

Khi Huy Đức dùng quy tắc chính danh để biện minh việc Trọng nắm cả hai chức vụ, nhà báo tinh khôn này đã phê bình chế độ một cách kín đáo. Nhà báo vạch ra một sự thật : Từ hồi đó tới giờ chế độ cộng sản không chính danh !

Chế độ không chính danh vì vua không làm việc của vua, bầy tôi cũng không làm việc của bầy tôi. Đúng hơn, cộng sản là một chế độ loạn cào cào! Không biết ai là vua, ai là bầy tôi!

Đó là bản chất của các chế độ cộng sản, từ Liên Xô, qua Trung Quốc, đến Việt Nam.

Thử coi bản hiến pháp cộng sản nói cái gì. Họ nói rằng quyền lực chính trị thuộc về toàn dân. Trên nguyên tắc dân bầu cử người đại diện, gọi là quốc hội. Quyền lực cao nhất nước, do đó, phải nằm trong tay quốc hội.

Nhưng mặt khác, bản hiến pháp cộng sản lại đặt tất cả mọi quyền hành vào tay đảng cộng sản. Điều số 4 viết : Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tức là nắm tất cả mọi thứ quyền !

Vậy thì đứa nào làm vua, đứa nào làm bầy tôi ?

Không biết ! Chế độ cộng sản bỏ lửng câu hỏi này. Vì bản chất của đảng là nói một đàng, làm một nẻo. Lúc nào cũng đề cao nhân dân, nhưng trong thực tế chỉ lo củng cố quyền lực đảng !

Muốn biết hơn thua, ai vua, ai bầy tôi, thì chỉ cần coi đứa nào trong tay cầm súng và sẵn cái còng số tám. Thông thường, tổng bí thư đảng làm vua, chủ tịch nước là bầy tôi !

Thời Lê Duẩn, những chủ tịch nước chỉ làm bù nhìn và thủ tướng chính phủ là một chức thư ký. Tôn Đức Thắng có mời Lê Duẩn nhận chức chủ tịch nước thì Duẩn cũng không thèm nhận ! Một trưởng ban tổ chức như Lê Đức Thọ cũng hét ra lửa, thủ tướng hay chủ tịch không bằng.

Nhưng thời Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng lại chiếm vai vua, cả quốc trưởng lẫn tổng bí thư chịu lép vế. Lạ nhất có lẽ là thời Đặng Tiểu Bình bên Tàu, người không nắm chức chủ tịch nào trong đảng cũng như trong nhà nước (trừ vai chủ tịch quân ủy trung ương), nhưng lại nắm quyền tối cao.

Tất cả do quyền lực cá nhân quyết định, không cần đến danh nghĩa. Cộng sản là một chế độ không chính danh.

Tập Cận Bình đã là chủ tịch đảng, lại làm chủ tịch nhà nước nhưng họ Tập vẫn cố gắng tiêu diệt dần dần tay chân của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Sau đó, mới thay đổi cương lĩnh và hiến pháp, để chính thức làm chủ tịch vĩnh viễn.

Nguyễn Phú Trọng đang bước theo từng bước chân của Tập Cận Bình : Nắm cả hai chức cầm đầu đảng và nhà nước. Nhưng gọi đó là "chính danh" thì sai. Gọi đúng, đây là thâu tóm quyền lực cá nhân.

Cuối cùng, vẫn cảnh "danh không chính, ngôn không thuận", như Khổng Tử cảnh cáo.

Ngôn không thuận, cho nên Nguyễn Phú Trọng lúng ta lúng túng, không dám nhận rằng mình "kiêm" hai chức vụ. Từ chối mấy chữ "nhất thể hóa" nhưng vẫn không phủ nhận mình thực sự nắm "quyền lực tối cao". Cũng không bác bỏ ý kiến "Nước chỉ có một vua" ! Mà cũng không từ chối vai trò "vua" được quân sư Huy Đức phong tặng !

Không dám nói thẳng, không dám nói rõ ràng, chính vì danh không chính nên ngôn không thuận !

Chỉ có một điều Nguyễn Phú Trọng nói năng rất rành mạch, tự tin, là khi tự so sánh mình với Hồ Chí Minh. Ông Trọng đóng vai khiêm tốn rất khéo, nói rằng, "Liên quan cá nhân tôi thì nói cũng khó nói…" để mọi người biết ông khiêm nhường. Rồi ông nói tiếp : "…nhưng trước đã có thời Bác Hồ vừa là chủ tịch nước vừa là chủ tịch đảng… (như tôi)".

Ý muốn nói : Tôi, Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ hai chức vụ trên, cũng chỉ… ngang hàng với Hồ Chí Minh mà thôi !

Nhưng ai cũng nhìn thấy vai trò của Hồ Chí Minh ngày xưa với Nguyễn Phú Trọng bây giờ rất khác nhau. Thời Hồ Chí Minh vừa làm chủ tịch nước vừa là chủ tịch đảng thì cả hai tên gọi đó đều vô vị. Cả hai chức vụ chỉ ngồi làm vì, đóng vai nghi lễ, không nắm chút thực quyền nào cả. Lê Duẩn mới nắm thực sự nắm quyền sinh sát, họ "cho Bác nghỉ ngơi" chờ ngày chết. Có lần hội nghị đảng, Hồ Chí Minh muốn phát biểu ý kiến mà không được phép nói.

Bây giờ Nguyễn Phú Trọng nắm quyền thực sự. Còn được tán dương là "quyền lực tối cao" nữa.

Cho nên khi đem Hồ Chí Minh ra để ví với mình, Nguyễn Phú Trọng rất tự hào. Không những nắm cả hai chức vụ như "Bác" ngày xưa, Trọng còn nắm quyền hành "thực sự tối cao" như lời Huy Đức xưng tụng !

Nguyễn Phú Trọng có thể qua mặt cả Tập Cận Bình. Tập Cận Bình ngày nay quyền lực có thể ngang Đặng Tiểu Bình đời trước nhưng không dám tự so sánh với Mao Trạch Đông. Nguyễn Phú Trọng thì chắc chắn quyền lực mạnh hơn Hồ Chí Minh.

Ngô Nhân Dụng

 

Nguồn : Người Việt, 12/10/2018

Cộng Sản
Published in Diễn đàn
mercredi, 10 octobre 2018 20:50

Nguyễn Phú Trọng làm cả hai

Đáng lẽ phải viết "Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cả hai chức vụ…" Nhưng viết như vậy thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cải chính ngay : Ông ấy không chịu KIÊM cái gì hết.

hai1

Ông Nguyễn Phú Trọng không "lú," như tin đồn mấy chục năm qua. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Có lẽ chỉ vì ông Trọng ghét chữ "kiêm". Ông mới dặn dò các nhà báo : "Không nên nói là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước".

Trước khi được đề nghị làm chủ tịch nước, ông Trọng đã từng nắm nhiều chức, làm tổng bí thư, kiêm chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, kiêm chủ tịch một cái ủy ban chống tham nhũng, kiêm cái chức gì đó trong Đảng Bộ Công An, vân vân. Bây giờ thì đố nhà báo nào ở trong nước dám viết "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kiêm" bất cứ chức vụ nào !

Ghét chữ KIÊM chắc vì ông Trọng đã từng chửi rủa những đứa kiêm cái này, cái khác. Trong một cuộc gặp gỡ "cử tri" hồi Tháng Năm, 2017, Nguyễn Phú Trọng hỏi : "Bí thư mà KIÊM luôn chức chủ tịch thì to quá. Ai kiểm soát ông ?" Giờ Trọng phải kiêng chữ KIÊM là vì không ai đặt câu hỏi đó ném vào mặt mình !

Quả thật, chữ KIÊM nghe nó to lớn quá, nó ồn ào, rùm beng quá ! Nghe lại tưởng tượng cảnh một anh gặp số đỏ được chia cho hai cái ghế, ôm hai cái ngai vàng, không biết nên ngồi trên một cái ngai hay trên cả hai ! Hay là đứng hai chân trên hai ghế ? Đứng vậy dễ té quá, làm sao thọ được ?

Hơn nữa, KIÊM là một chữ Hán Việt, ông Trọng yêu cầu mọi người dùng chữ Nôm, ông bảo, "nói nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này". Không KIÊM. Chỉ có một người làm hai công việc thôi ! Nghe lại có vẻ khiêm tốn, nhún nhường !

Ông Trọng biểu dương tánh khiêm nhường bằng cách đổ tại "tình huống". Ý nói, ông không muốn làm cả hai chức nhưng bất đắc dĩ phải nhận, vì tình huống !" Người Việt Nam xưa nay vẫn nói, "vì tình huống bắt buộc !" Bây giờ người ta nói vắn tắt, "đây là tình huống," như ông Trọng thổ lộ.

Tình huống như thế nào ? Ông Nguyễn Phú Trọng kể lể cho các cử tri cảm thông tình huống ông bất đắc dĩ phải làm hai công việc một lúc (Nhớ : Không kiêm !) Ông kể : "Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang – nguyên chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột…" Bà con nhớ nhé : Mất đi rất đột ngột ! Nhắc lại : Rất đột ngột !

Đồng bào ta ở Hà Nội có thể đã biết tỏng ông Trần Đại Quang mất "rất đột ngột" như thế nào : "Nghe tin như sét đánh ngang/ Bác Quang đang sống chuyển sang từ trần !"

Ông Trọng muốn bà con thương cảm : Chính trong cảnh tang gia bối rối "rất đột ngột" đó mà, Nguyễn Phú Trọng là ta đây, bị bắt buộc phải làm hai việc cùng một lúc ! Chỉ vì rất đột ngột nên Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng không kịp chuẩn bị, không bầu cho ai khác được !

Nhưng ngay sau khi than về cái chết "rất đột ngột" của ông Quang, ông Nguyễn Phú Trọng nói ngay cho các cử tri hiểu rõ ràng : "…mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay".

Hơn một năm trước đây, một nhà báo thân cận chốn cung đình đã viết Facebook : "Đại Tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25 Tháng Bảy, 2017".

Bệnh đến mức phải đưa ra nước ngoài, chắc hẳn là đã từng xoay trở chữa ở trong nước cả năm hoặc mấy năm trời rồi. Một người 50, 60 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo suốt mấy năm, chạy hết thầy này đến thuốc khác, thì cả làng biết là sắp về chầu tiên tổ. Không thể nào "chết rất đột ngột" được !

Vợ con người đó chắc chắn đã mua quan tài, cắm huyệt lấy đất cát, có khi chính đương sự thân hành chọn lựa, cho nên không thể nào nói cái chết đó "rất đột ngột !"

Bât cứ chuyện gì mình để ra hai ba năm chờ đợi cho tới lúc nó xảy ra, biết chắc chắn sẽ xảy ra, mà nó lại bảo nó "rất đột ngột" hay không ? Nói vậy là cố tình nói giỡn !

Tại sao một ông tiến sĩ triết học chuyên ngành xây dựng đảng lại tự mâu thuẫn trong một câu nói nghe tức cười như vậy ? Có phải vì tâm lý ông đang u uất chứa đầy mâu thuẫn ? Có phải vì ông phải nói một câu vừa mừng mình được thăng quan tiến chức lại vừa đọc lời ai điếu, cho nên nói trước quên sau hay không ?

Chắc là không. Ông Trọng không "lú," như tin đồn mấy chục năm qua. Ông cố tình nói một câu mâu thuẫn. Cố để cho người nghe phải bật cười ! Vì chính ông đang cười và muốn bà con cùng cười với mình !

Trong hai năm qua, cả đảng Cộng Sản, ít nhất là toàn ban lãnh đạo đảng và vợ con, bạn bè, nhân tình ngân ngãi, tài xế và con sen của họ đều biết rằng ông Trần Đại Quang sắp mãn số. Biết rằng cái chức chủ tịch nước sắp trống. Ai cũng thắc mắc : Anh/chị nào sắp lên ngồi vô cái ghế này ? Đó là một điều bí mật được phơi giữa chợ, cho thiên hạ bàn tán. Lúc thì họ báo tin Quang khỏe mạnh, lúc thì tung tin Quang chết rồi. Đánh hỏa mù, trong lúc các "đồng chí" giành giựt nhau.

Cái chức chủ tịch nước không có gì là lớn, chỉ cần đóng tuồng cho khéo là làm được. Ông Trần Đại Quang từng là trùm công an, có thể nuôi tham vọng như Yuri Andropov, trùm KGB ở Nga đã lên làm tổng bí thư năm 1982, sống nốt 15 tháng cuối cùng của cuộc đời. Nhưng chắc ông Quang biết mình cần dành hết thời gian để chữa bệnh, còn lo không thoát khỏi bệnh, cho nên chọn làm chức chủ tịch nước cho nhàn. Làm cái chức đó không phải lao tâm lao lực, mà lại vẻ vang mày mặt rỡ ràng mẹ cha, lúc chết chắc chắn sẽ được làm quốc táng !

Nhưng không thiếu gì người nhòm nghé cái chức chủ tịch nước của ông Quang. Trong hai năm trời, cuộc tranh giành trong vòng bí mật không biết diễn ra thế nào. Nhưng chắc chắn trong hơn một năm qua, bất cứ anh, chị nào ngắm nghé leo lên ngồi cái ghế của ông Trần Đại Quang thì cũng phải nể nang, phải nhờ vả ông Nguyễn Phú Trọng. Không được ông Trọng bật đèn xanh thì không xong. Sau khi ông Trọng đã triệt hạ được bè nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng, cho vô tù gần hết rồi, thì không anh nào dám tính chuyện qua mặt ông Trọng.

Nhưng chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng nuôi tham vọng nắm lấy cả hai chức. Muốn nắm cả đảng và nhà nước nhưng ngoài mặt vẫn đóng vai "quân tử Tàu" không ham danh ham lợi ! Trọng có thể đóng vai trọng tài, để cho các các chị anh khác chạy vòng quanh như đèn cù (xin đọc lại Trần Đĩnh). Mỗi anh, mỗi chị đều có thể được hé cho thấy chút hy vọng, với một điều kiện : Trước hết, phải hoàn toàn theo Trọng.

Khi ông Trần Đại Quang chết thật, tất cả những người đang nuôi mộng đóng vai quốc trưởng phải đối diện với nhau : Anh nào, chị nào cũng đầy hy vọng, và hy vọng ngang nhau, không ai hơn ai cả ! Cuối cùng, chỉ còn giải pháp : 100% bầu cho Trọng.

Cái đó gọi là "tình huống !"

Tình huống này bất ngờ, "rất đột ngột" nhưng không bất ngờ đối với Nguyễn Phú Trọng. Chỉ bất ngờ đối với những anh, chị trong năm qua vẫn mơ tưởng sẽ lên thay thế Quang.

Nguyễn Phú Trọng có óc hài hước nên mới nói với dân Hà Nội : "Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang – nguyên chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột…" Trong một câu có hai chỗ hài hước : Chuyện ai cũng đoán trước sắp xảy ra thì lại nói rất đột ngột ! Cơ hội rất may thì lại bảo là không may !

Nguyễn Phú Trọng nói những chữ "không may" và "rất đột ngột," trong bụng cười thầm ; nhưng vẫn chưa thỏa óc trào phúng. Cho nên còn nói thêm : "…đây là một người làm hai công việc… (nhưng) không nói là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước…".

Đúng là lối nói ngang nói dọc, nói trên trời dưới đất, muốn nói gì thì nói, của các tay quản giáo chuyên nghiệp ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 09/10/2018

Published in Diễn đàn

Tại sao năm nay cộng sản Việt Nam vẫn đem 800.000 học sinh 5, 6 tuổi ra làm vật thí nghiệm cho phương pháp học đánh vần Ba Cờ (C, K, Q đều đọc là CỜ) của ông Hồ Ngọc Đại và nhóm Công Nghệ Giáo Dục ?

Lúc đầu, phương pháp "Ba Cờ" được thí nghiệm có lẽ vì thời thế. Ông Hồ Ngọc Đại đậu tiến sĩ tại Đại Học Tổng Hợp Lomonosov, Moskva, rất uy tín. Về nước năm 1978, ông được Liên Xô tài trợ mở trường ở Giảng Võ dạy theo một cách đang thí nghiệm của Liên Xô.

Năm 1978 là lúc Việt Cộng quay sang tôn thờ Liên Xô, chống Trung Cộng. Ông Hồ Ngọc Đại, con rể ông Lê Duẩn, người đã tuyên bố Liên Xô là tổ quốc thứ hai. Khi ông Lê Duẩn chết, phương pháp này cũng bị bỏ rơi, chỉ còn đem thử ở các tỉnh miền núi, để dạy trẻ em gốc dân tộc thiểu số.

thunghiem1

Sách giáo khoa thay đổi xoành xoạch, học sinh nghèo phải cắn răng để mua thì mới có sách học, trong khi Bộ Giáo Dục lấy tiền chia chác. Trong hình là một buổi học của học sinh ở điểm trường Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Nhưng phương pháp đánh vần "Ba Cờ" có giá trị hay không ?

Ông Nguyễn Thành-Trí, ở Sài Gòn, đã khẳng định : "Rất đáng tiếc chúng tôi phải nói… Hồ Ngọc Đại đã sai từ đầu, sai từ căn bản của tiếng Việt". Ông Đại quên rằng tiếng Việt khác tiếng Nga một điểm căn bản : Tiếng Việt là tiếng đơn âm, tiếng Nga đa âm, "Tiếng Việt không cần phải sử dụng các ô vuông, hình tròn, hoặc hình tam giác làm phương pháp đếm số vần hay số âm tiết, gọi là counting syllables".

Cho nên ông Hồ Ngọc Đại, muốn dạy học sinh mẫu giáo và lớp 1 biết được một khái niệm khoa học về Tiếng : "Tiếng là một khối âm toàn vẹn được tách ra từ chuỗi lời nói, thành từng tiếng rời và mô hình hóa dưới dạng các vật thay thế…" để "học sinh được học cách lấy các âm từ trong tiếng với các thao tác phân tích tiếng thành các đơn vị ngữ âm nhỏ nhất là âm vị…"

Như đã trình bày trong mục này, việc dạy cho các em 5, 6 tuổi các "khái niệm trong môn ngôn ngữ học" như trên là vô ích. Các sinh viên môn ngữ học cần phân tích như vậy, con người bình thường không ai cần biết mà vẫn nói được. Trẻ em Việt Nam từ thế kỷ nay cũng không cần biết các "khái niệm khoa học" đó mà vẫn tập đọc, tập viết được !

Ông Nguyễn Thành-Trí thấy tức cười khi nghe ông Hồ Ngọc Đại giải thích rằng nếu theo phương pháp "Ba Cờ", "học sinh lại được tiếp tục rút ra các khái niệm khoa học từ các thao tác như phát âm, phân tích bằng tay, bằng miệng, nhận xét luồng hơi khi phát âm để nhận ra đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm".

Quả nhiên là tức cười. Trẻ em lớn lên nói tiếng Việt vì biết bắt chước, không ai cần những "khái niệm khoa học" như phát âm ; cũng không ai cần phân tích, nhận xét luồng hơi khi phát âm" và không cần "nhận ra đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm". Nếu ai cũng cần học cho biết đủ các "khái niệm khoa học" đó thì 90 triệu người Việt Nam không ai biết nói, biết đọc tiếng Việt cả !

Tại sao chỉ muốn dạy trẻ tập đánh vần mà người ta lại "vẽ rắn thêm chân" như vậy ?

Đây là một bệnh căn bản trong nếp suy nghĩ của Đảng cộng sản Việt Nam : Tinh thần nô lệ và giáo điều.

Giáo điều, là học được một thứ gì rồi bèn coi đó là một chân lý cao siêu, chăm chắm đem ra thực hành, không suy trước nghĩ sau xem có thích hợp với hoàn cảnh xã hội nước mình hay không. Việt Cộng học được chủ nghĩa cộng sản, thấy Lenin và Stalin đã nhờ võ khí đó mà chiếm được chính quyền, thế là nhắm mắt chạy theo.

Từ óc giáo điều đẻ ra tinh thần nô lệ. Hồ Chí Minh nói nhiều lần : "Bác cháu chúng ta có thể lầm nhưng đồng chí Stalin không thể nào lầm được". Ông Nguyễn Văn Chấn còn ghi lại câu đó trong hồi ký. Hồ nói thế để chứng minh ý mình nêu ra mới đúng là đường lối của Stalin ; thế là bịt miệng tất cả các ý kiến khác.

Đại Học Lomonosov rất lớn, sản xuất nhiều nhà toán học và khoa học xuất sắc. Nhưng trong các khoa học nhân văn, như tâm lý, xã hội học, thẩm mỹ học, vân vân, thì các đại học ở Liên Xô trở thành lạc hậu vì hòa toàn bị Đảng cộng sản kiểm soát tư tưởng. Ngôn ngữ học mà chịu nô lệ theo giáo điều thì cũng khó tin.

Một cách để xác tín các phương pháp ngôn ngữ học, là đem ra thí nghiệm. Nhưng phương pháp "Ba Cờ" có được thử thách trước khi đem áp dụng trên 800,000 trẻ em hay không ? Hoàn toàn không có. Ông Phùng Hoài Ngọc (trên VNTB) viết : "Tôi rất ngạc nhiên vì sao một chương trình thực nghiệm kéo dài đến 40 năm mà không có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… ?".

Tin tưởng vào kiến thức học ở Liên Xô, nhắm mắt không nghĩ đến căn bản tiếng Việt khác tiếng Nga, đó là do óc bảo thủ, giáo điều, và nô lệ. Theo ông Nguyễn Thành-Trí, ông Hồ Ngọc Đại còn yêu cầu thầy cô giáo dạy học sinh nhỏ học lớp vỡ lòng cũng phải "hướng dẫn các em học thuộc lòng theo bốn mức độ : to, nhỏ, nhẩm, thầm ; để các em khắc sâu hơn lời nói". Đây đúng là phương pháp dạy nói cho người nước ngoài, không biết tiếng Việt !

Ông Hồ Ngọc Đại còn nói rằng theo phương pháp Công Nghệ Giáo Dục của ông, "phụ huynh không dạy được con cháu" tập đọc được. Và, "cá nhân là tế bào của xã hội chứ không phải gia đình". Chế độ cộng sản khắp thế giới đều phá nát hệ thống gia đình, ở Nga hay ở Tàu đã làm vậy. Khi đó, Đảng cộng sản thống trị dân chúng dễ hơn.

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ cùng với các tín điều cộng sản, tại sao nền giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục đem trẻ em ra làm thí nghiệm ? Không những thế, còn mở rộng ra gần 1.500 trường trên toàn quốc ?

Động cơ mới, là kinh tế thị trường ! Nói vắn tắt : Tiền.

Theo ông Nguyễn Quang Duy ở Úc, những "nhóm lợi ích tư" đã lũng đoạn thị trường giáo dục Việt Nam, trong đó có việc bán sách. Ông cho biết, "Tại Úc học sinh tiểu học không sử dụng sách giáo khoa". Nhưng sách giáo khoa là một nguồn kiếm tiền lớn ở Việt Nam.

Trong khi các quan chức Bộ Quốc Phòng, Bộ Xây Dựng, có thể chiếm đất hoặc biến đất công thành của riêng, các bộ kinh tế, tài chánh tha hồ ăn hối lộ, thì trong Bộ Giáo Dục sách giáo khoa cũng là "đất" cho các nhóm quyền lợi tư khai thác !

Báo Người Việt cho biết năm ngoái một nửa số sách bán trong nước là sách giáo khoa ; và "dường như Nhà Xuất Bản Giáo Dục cố tình tạo ra cơn khan hiếm sách khiến phụ huynh phải chạy vạy, lùng sục khắp các nhà sách". Mỗi năm "các phụ huynh phải tốn 1.000 tỷ đồng (hơn 43,1 triệu USD) để mua sách giáo khoa cho con em dùng một lần". Sang năm chi thêm 43 triệu khác !

Vì vậy, Bộ Giáo Dục cộng sản Việt Nam đã thay sách giáo khoa lần thứ nhất năm 1981-1992. Vừa xong, tháng Mười, 1993, Bộ Giáo Dục lại làm đã làm bộ sách giáo khoa thứ hai 1996-2008, nhờ vay 78 triệu USD từ Ngân Hàng Thế Giới.

Bộ sách giáo khoa thứ hai vừa xong năm 2008 thì Bộ Giáo Dục lại bắt đầu thực hiện đề án đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa một lần nữa. Năm 2000, Quốc hội quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa và Bộ Giáo Dục chiếm độc quyền in và bán sách cũng như xin viện trợ quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Duy nhắc lời ông Hồ Ngọc Đại nói, "chính cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ, cùng Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển ủng hộ ông ‘lách luật’ bằng cách đặt tên chương trình dùng sách của ông sách chỉ là ‘thực nghiệm’ !".

Các báo trong nước cho biết sách học tiếng Việt lớp Một của ông Hồ Ngọc Đại bán đắt gấp ba lần sách thường. Chỉ riêng năm học 2018-2019 có 800.000 học sinh được dạy thí điểm. Mỗi bộ sách Tiếng Việt 1 Công Nghệ Giáo Dục giá 340.000 đồng (hơn 14 USD) nếu 800,000 phụ huynh phải bỏ ra mua sách thì đã lên đến 272 tỷ đồng (gần 12 triệu USD). Những ai được chia nhau hưởng món tiền đó ?

Ông Duy nêu vấn đề then chốt : "Mọi sách giáo khoa kể cả tài liệu Tiếng Việt Công Nghệ Giáo Dục đều được soạn từ ngân quỹ quốc gia" ; cho nên "lẽ ra mọi người được quyền in để sử dụng, việc độc quyền xuất bản rồi bán như hiện nay là hoàn toàn sai trái !". Đây cũng là thắc mắc của tất cả mọi người Việt Nam.

Đảng cộng sản bắt đầu là một nhóm cướp chính quyền để áp đặt một chế độ nô lệ giáo điều, củng cố quyền lực. Khi phong trào cộng sản tan rã, họ "đổi mới" để biến thành những nhóm quyền lợi riêng tư thao túng mà kiếm tiền !

Dân tộc Việt Nam đã bị đem ra làm vật thí nghiệm cho chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ ngay trong việc giáo dục trẻ em Việt Nam vẫn bị đem làm vật thí nghiệm ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 14/09/2018

Published in Diễn đàn

Đầu niên học mới ở Việt Nam, vấn đề nào đang được dư luận luận quan tâm nhất ?

day1

Nên nhớ, học xong chúng ta có thể vứt bỏ, quên hết cách đánh vần, vì khi biết đọc rồi thì không ai cần đánh vần nữa ! (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Có ai nói chuyện nâng cao nền giáo dục đại học và chuyên nghiệp để đào tạo người làm việc trong mười năm tới đáp ứng nhu cầu nền kinh tế đang phát triển hay không ?

Có ai bàn về nạn thất học của trẻ em nghèo ở các vùng quê xa xôi ? Bao nhiêu nơi vẫn còn cảnh học trò và thầy cô giáo đu dây qua sông tới trường ; bao giờ nhà nước bớt xây tượng đài để có tiền bắc cầu, chỉ cần cầu gỗ, cầu tre cũng được hay không ?

Chuyện gian lận sửa điểm thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn còn ai nhắc tới để bàn cách không để xảy ra nữa hay không ? Các cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) còn bị các quan trên bắt đến "phục vụ lễ tân" khi họ tiếp khách hay không ? Có ai còn bắt cô giáo phải quỳ lạy lục xin lỗi như ở tỉnh Long An đầu năm nay hay không ?

Tất cả những câu chuyện trên hầu như đang rơi vào quên lãng.

Một vấn đề được đem ra bàn tán xôn xao là "dạy trẻ em học đánh vần" theo một phương pháp mới ! Phương pháp đang được thử trong một nửa số học sinh lớp Một trong nước. Cuộc thí nghiệm này đã thử từ nhiều năm nhưng năm nay dư luận xôn xao vì có một đoạn phim "video clip" được đưa lên mạng, khiến hàng triệu người coi và trao đổi ý kiến.

Nếu quý vị coi clip đó, chắc cũng ngạc nhiên muốn hỏi tại sao người ta đem trẻ em ra thí nghiệm tập đánh vần theo lối này.

Trong đoạn phim kể trên, cô giáo dạy học sinh lớp Một học cách đọc chữ "Ki" thế này : "cờ – i – ki". Chữ K đọc là Cờ.

Học đến chữ "Qua" thì cô giáo dạy : "Cờ – ua – qua". Chữ Q cũng gọi là Cờ luôn. Tất nhiên, chữ "cờ" xưa nhất khi tập đánh vần từ thời 1940, là chữ C cũng đọc là Cờ nốt.

Theo cách đánh vần mới này thì trong chữ Việt Nam có tới ba chữ Cờ, viết là C, K và Q. Có thể gọi đây là "phương pháp Ba Cờ !"

Nhưng phương pháp mới này được gọi bằng tên khác, nghe rất hiện đại và nghiêm túc. Tên gọi chính thức là "Công nghệ giáo dục" do Giáo Sư Hồ Ngọc Đại chủ trương, từ cuối thập niên 1970. Chương trình "Công nghệ giáo dục" đã cho xuất bản cuốn sách giáo khoa "Tiếng Việt lớp 1" để các thầy cô dạy theo.

Ông Hồ Ngọc Đại, ở Hà Nội, nói rằng trong niên học mới, 2018-2019, đã có hơn 800.000 học sinh lớp Một, ở 50 tỉnh và thành phố, được dạy theo phương pháp mới của ông. Con số này bằng nửa số học sinh lớp Một trên toàn quốc.

Một hiện tượng "quái thai" là tại nhiều trường tiểu học họ dạy cả hai cách ; trong lớp này thì các em học đánh vần theo lối cũ (Ka, I, Ki ; và Cu – U, A, Qua) trong lớp bên cạnh thì các em lại học lối mới (Cờ I Ki và Cờ UA Qua). Khi dạy đến vần UA thì đọc là Ua (như được thua) hay Oa (như thoa bóp) ?

Học sinh hai lớp bên cạnh nhau học hai cách khác nhau. Tất nhiên các phụ huynh ở nhà, tất cả đều học theo lối cũ, sẽ không thể dạy kèm con em mình được ! Cả ba chữ K, C, Q đều gọi là cờ. Nếu bố mẹ bảo con : "Con viết đi, Cờ Ua Quan", mà học trò viết "Koan" hay "Cuan" thì tính sao ? Đổ lỗi cô giáo dạy sai ? Hay học trò dốt ? Hay chỉ vì cái Phương pháp Ba Cờ làm cho trẻ em không biết khi nào dùng cái cờ nào ?

Tất nhiên khi sáng tạo ra một phương pháp học mới, một câu hỏi thiết yếu là : Phương pháp dạy đánh vần nào có hiệu quả hơn ? Hiệu quả hơn nghĩa là học sinh biết đọc đúng hơn và đọc được nhanh hơn.

Trong cả cuộc bàn cãi về "phương pháp Ba Cờ", tức phương pháp "Công nghệ giáo dục", không thấy có một cuộc thí nghiệm nào cho biết kết quả cuộc chạy đua giữ phương pháp mới và lối học đánh vần cũ hay không. Một cuộc thí nghiệm như vậy không tốn kém bao nhiêu mà rất dễ tổ chức.

Chỉ cần chọn hai nhóm học sinh, mỗi nhóm 20 em, cho học đọc chữ Việt theo hai phương pháp. Sau một, hai ngày có thể đưa cho các em đọc cùng một đoạn văn xem nhóm nào biết đọc sớm hơn. Hoặc mỗi ngày lại trắc nghiệm tất cả các em một lần, rồi so sánh kết quả. Phải theo đúng phương pháp nghiên cứu khoa học : Chọn các học sinh theo cách tình cờ (tiện nhất là thảy một đồng xu hoặc bốc thăm) và bảo đảm tất cả các em đều chưa học đọc bao giờ, giống nhau về tình trạng sức khỏe, sắc tộc, gia đình, cha mẹ giàu nghèo và có trình độ học vấn không khác nhau quá, vân vân. Tại sao ông Giáo sư Hồ Ngọc Đại không công bố kết quả các thí nghiệm của ông cho công chúng biết – nếu trong ba chục năm qua ông đã thử nghiệm phương pháp của mình ?

Nếu làm thí nghiệm hai cách dạy đánh vần để so sánh, quý vị có thể đoán trước rằng hiệu quả hai phương pháp mới và cũ sẽ không khác nhau bao nhiêu.

Lý do giản dị, là chữ "quốc ngữ" rất dễ học ! Nhớ lại thời thơ ấu, học đánh vần xong chúng ta không cần đến nó nữa ; có thể vứt bỏ, quên hết cách đánh vần ! Vì cách đánh vần chỉ là phương tiện, mục đích là biết đọc. Khi biết đọc rồi thì không ai cần đánh vần nữa ! Nếu không tập đánh vần mà vẫn đọc chữ được thì càng tốt !

Trong những lớp "truyền bá quốc ngữ" đời 1940, các cụ già 60, 70 cũng có thể học đọc chữ Việt trong vòng mấy ngày. Tôi đã chứng kiến những trẻ em 5 hoặc 6 tuổi chẳng cần học đánh vần bao giờ, cứ nhìn người lớn đọc chữ mà phỏng đoán, rồi cũng biết đọc chữ Việt rất nhanh. Chúng có thể đọc nguyên chữ "Ki" mà không cần biết trong đó chữ K gọi tên nào, là Ca hay là Cờ ! Sau đó chúng có thể đoán rằng chữ thay K bằng B thì sẽ đọc là Bi, vì chúng đã biết đọc chữ "Bà".

Phương pháp dạy đọc bằng cách "đánh vần" là cách giáo dục cổ xưa. Nó bắt nguồn từ lối suy nghĩ thiên lệch chú trọng óc phân tích. Nếu theo cách nhìn tổng hợp thì cứ tập đọc từng tiếng mà không cần chia ra làm mấy vần cũng được. Trẻ em có khả năng học rất nhanh.

Quý vị thử tưởng tượng trẻ em nói tiếng Trung Hoa hoặc tiếng Anh thì chúng học "đánh vần" như thế nào ? Không có cách nào "đánh vần" chữ Anh, cũng như chữ Hán. Mỗi chữ đọc lên theo một cách riêng cho nó ! Vậy mà học sinh ở Trung Quốc, Nhật Bản, đều học được chữ Hán, học sinh ở Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Úc, vân vân, cứ học tiếng Anh mà không cần "biết đánh vần !".

Tại sao người ta lại bị ám ảnh về chuyện tập đánh vần như vậy ? Vì lối suy nghĩ thiên trọng óc phân tích.

Báo Lao Động thuật lời một vị phó viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam. Ông nêu một ưu điểm của "phương pháp Ba Cờ" tức "Công nghệ giáo dục" là nó "dạy các cháu lớp 1 những khái niệm ngữ âm học như tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối. Những khái niệm này, các phụ huynh thường không được học bao giờ, ông công nhận. Ông nói thêm, "chỉ những ai học khoa Ngôn ngữ Đại học Hà Nội mới học kỹ". Vì vậy, theo ông phó viện trưởng, ngay "giáo sư các ngành khác cũng không hiểu các khái niệm này thì làm sao dạy con cháu họ được ?"

Nhưng chúng ta phải tự hỏi : Các cháu 5, 6 tuổi đi học để biết đọc, có cần nhét vào đầu các cháu những khái nhiệm về "tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối" vân vân, trong ngôn ngữ học hay không ?

Hoàn toàn vô ích. Nó chỉ làm rối đầu con trẻ, khiến việc tập đọc có thể chậm trễ hơn ! Trẻ em đi học là để biết đọc chữ Việt, chứ không cần học "ngôn ngữ học !". Bao nhiêu người lớn cả đời không hề có khái niệm nào về "âm đầu, âm cuối, vần, thanh điệu", mà họ vẫn đọc và viết tiếng Việt trơn tru, có chết ai đâu ?

Một điều khó hiểu, là không biết phương pháp "Công nghệ giáo dục" này có được Bộ Giáo Dục công nhận hay không ? Có văn bản nào chính thức cho phép đem 800.000 học sinh năm, sáu tuổi ra làm thí nghiệm cho "phương pháp Ba Cờ" này hay không ? Tiền bán 800.000 cuốn sách giáo khoa chia chác những đâu ?

Đảng Cộng sản Việt Nam có lẽ không quan tâm đến chuyện dùng trẻ em làm "vật thí nghiệm". Họ đã đem cả dân tộc Việt ra làm thí nghiệm "tiến lên chủ nghĩa xã hội" suốt 70 năm còn được. Xá gì việc đem gần một triệu trẻ em ra thử, như người ta dùng chuột bạch trong thí nghiệm y khoa !

Đem nhét vào đầu óc non nớt của các em "những khái niệm ngữ âm học" thì cũng không khác gì bắt tất cả các sinh viên học sinh cả nước học chủ nghĩa Marx Lenin. Hoàn toàn vô ích ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 04/09/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 01 septembre 2018 15:38

Tập Cận Bình nên xin hòa

Chính phủ Mỹ ngưng thương thuyết chuyện thuế quan với Trung Cộng, nêu lý do Bắc Kinh lơ là không giúp Mỹ ép Bắc Hàn giải giới bom nguyên tử.

tcb1

Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. (Hình : China Photos/Getty Images)

Bom nguyên tử chỉ là một cái cớ. Thật ra lúc này nên ngưng nói chuyện thương mại, vì chỉ mất thời giờ vô ích. Cuộc "chiến tranh mậu dịch" Mỹ-Trung Quốc không thể giải quyết trước ngày bầu Quốc Hội Mỹ, đầu tháng Mười Một.

Vì dân Mỹ sắp đi bỏ phiếu cho nên Tổng Thống Donald Trump phải tỏ ra cứng rắn hơn trong bất kỳ cuộc thương thuyết mậu dịch nào. Ông cần bảo vệ lòng tín nhiệm trong khối cử tri "nền tảng" của mình, bảo đảm họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà ông ủng hộ. Thái độ này tỏ rõ trong cuộc thương thuyết NAFTA với Canada và Mexico, cho tới vụ đánh thuế nhập cảng xe hơi của hai nước đó và Châu Âu. Nhưng đặc biệt nhất là trong cuộc chiến quan thuế với Trung Cộng.

Trong tuần tới, chính phủ Trump có thể liệt kê những món hàng trị giá tổng cộng 200 tỷ USD nhập cảng từ nước Tàu. Trước tin này, Cộng Sản Trung Quốc vẫn găng, đe dọa sẽ đánh thuế tương tự trên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ nước Mỹ. Ăn miếng trả miếng như thế là vô ích. Bởi vì chính phủ Trump không quan tâm.

Đánh thuế trên 200 tỷ USD hàng hóa không chỉ tấn công trên các nhà buôn Trung Quốc mà còn khiến nhiều nhà kinh doanh và người tiêu thụ ở Mỹ chịu ảnh hưởng. Ngày 6 tháng Chín là hạn chót cho các công ty và mọi công dân Mỹ trình bày ý kiến về danh sách các món hàng sẽ bị đánh thuế, có thể lên tới 25%. Nhưng các ý kiến chống đối sẽ không lay chuyển được bộ tham mưu của ông Trump.

Trong chính quyền Trump, ông Robert Lighthizer, phụ trách ngoại thương, và ông Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc, đều thúc đẩy hành động nhanh chóng sau khi cuộc tham khảo ý kiến chấm dứt ; còn Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin và Cố Vấn Kinh Tế Larry Kudlow chủ trương làm từ từ. Ông Trump sẽ quyết định khi nào hạ thủ. Với 200 tỷ USD hàng hóa đợt này, Mỹ có thể giáng búa từng nhát một ; giống như 50 tỷ USD hàng hóa đầu tiên bị đánh thuế đã được tiến hành trong hai đợt, 34 tỷ, rồi 16 tỷ USD.

Nhưng Bắc Kinh không nên chờ đến khi dân Mỹ bỏ phiếu xong mới xin giảng hòa. Vì kết quả thế nào, lập trường chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi.

Các công ty Mỹ đã đoán trước tình thế cuộc chiến mậu dịch sẽ kéo dài. Công ty sản xuất xe hơi Ford Motor ngày Thứ Sáu đã quyết định chấm dứt dự án định nhập cảng về Mỹ nhãn xe Focus nhỏ mà họ chế tạo ở Trung Quốc. Họ tin rằng đến sang năm chính phủ Trump cũng không đổi ý kiến mà bãi bỏ suất thuế 25% đánh trên xe hơi mang từ Trung Quốc về, dù xe do một công ty Mỹ sản xuất.

Ford mới ngưng sản xuất nhãn Focus trong nước Mỹ, và hai năm trước đã định chế tạo xe này ở Mexico cho rẻ. Nhưng làm xe ở bên Tàu sẽ tiết giảm chi phí 500 triệu USD một năm so với Mexico. Bây giờ, đem xe Focus kiểu mới được chế tạo ở Tàu về làm ở Mỹ cũng không đáng, vì số xe ước tính sẽ bán, 50.000 chiếc quá nhỏ !

Công ty General Motors đang xin chính phủ "miễn trừ", tha không đánh thuế những xe Buick Envision SUV họ chế tạo ở bên Tàu được nhập cảng về Mỹ. Nếu lời yêu cầu này không được chấp thuận thì GM sẽ ngưng không bán loại xe này trong thị trường Mỹ nữa.

Các nhà kinh doanh Mỹ rất thực tế, khi biết không thể vận động chính phủ nới tay thì họ chuẩn bị "kế hoạch B" cho tình thế mới. Giới lãnh đạo Bắc Kinh nên theo gương này, đừng hy vọng ông Donald Trump sẽ nới tay. Ngay trong bộ tham mưu và những cộng sự viên trong chính phủ Trump những người chủ trương cứng rắn sẽ còn ngồi đó lâu và khó lòng thuyết phục họ thay đổi ý kiến.

Năm ngoái, khi Tổng Thống Trump sắp đánh thuế 25% trên thép nhập cảng, đã có hơn 20.000 kiến nghị can xin, vì thép mua về để sản xuất các món hàng của họ tăng giá 25% thì họ sẽ phải đóng cửa nhiều nhà máy và giảm bớt số công nhân. Có 6 triệu rưỡi người lao động làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng thép nhập cảng. Nhưng chính phủ Trump vẫn tiến tới, đánh thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập cảng.

Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại trong chính phủ, vốn là một luật sư từng làm việc nhiều năm bênh vực các công ty thép. Bộ trưởng Thương mMại Wilbur Ross từng làm chủ nhiều công ty thép mà ông mua, bán trong khi đầu tư ; ông chỉ rời hội đồng quản trị một công ty thép khi gia nhập chính phủ Trump. Giáo Sư Peter Navarro, cố vấn Tòa Bạch Ốc về mậu dịch là tác giả cuốn sách "Chết vì Trung Quốc" (Death by China), quyển sách được dùng làm một cuốn phim tài liệu mang cùng tên Death by China. Mà tiền sản xuất cuốn phim là của Nucor, một công ty sản xuất thép.

Bắc Kinh không thể chờ đợi tới ngày chính phủ Trump quyết định nhẹ tay trong cuộc chiến mậu dịch. Ông Trump không thèm nghe cả ý kiến của đảng Cộng hòa !

Tổng thống Trump đã khoe ông thành công khi chính phủ Mexico chấp nhận một thỏa ước thương mại mới, trong đó Mexico đã nhượng bộ nhiều điều mà ông Trump đòi hỏi. Ông cũng khoe ngoại trưởng Canada đã bỏ ngang một chuyến công du để quay về, bay sang Mỹ nói chuyện tiếp về mậu dịch !

Nhưng nhật báo Wall Street Journal, một tờ báo của giới doanh nghiệp và ngân hàng, luôn luôn ủng hộ đảng Cộng hòa, đã bày tỏ quan điểm ngược với ông Trump. Họ thấy thỏa ước mới Mexico là một bước lùi với ý định làm vui lòng các công đoàn và đảng Dân Chủ !

Nhiều điều khoản trong NAFTA bảo vệ các công ty Mỹ làm việc ở Mexico đã bị xóa bỏ. Báo Wall Street Journal nghĩ rằng các ông Trump và Lighthizer buộc Mexico phải áp dụng luật lệ lao động giống như ở Mỹ nên sẽ giúp công đoàn AFL-CIO sang Mexico thành lập nghiệp đoàn mở mang thế lực, trong khi "phá bỏ cả dây chuyền tiếp liệu hoàn cầu" (blow up global supply chains).

Tờ báo bảo thủ cũng khuyên hai ông không nên trông chờ các lãnh tụ đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ chính sách mậu dịch của ông, dù nó rất giống đường lối cố hữu của đảng Dân chủ ! Nhưng, Wall Street Journal nhắc lại, chưa một hiệp ước thương mại nào ở Mỹ có thể được thông qua nếu không được đảng Cộng hòa ủng hộ ; còn đảng Dân chủ thì chống tất cả các hiệp ước tự do mậu dịch !

Tình cảnh này cho thấy dù kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay ra sao, chính sách cứng rắn về mậu dịch của chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi. Trong hai đảng chính trị ở Mỹ, Cộng hòa vẫn ủng hộ tự do mậu dịch, giảm bớt hoặc bãi bỏ thuế quan ; đảng Dân chủ thường đi ngược lại. Nếu sau cuộc bầu cử này đảng Dân chủ đạt được đa số ở Hạ Viện, thì họ còn muốn chính phủ Mỹ cứng rắn hơn nữa.

Tốt nhất là ông Tập Cận Bình nên chuẩn bị xin hòa, và nên đưa lời cầu hòa trước ngày dân Mỹ đi bỏ phiếu. Làm như vậy, sẽ giúp ông Trump có dịp khoe với dân Mỹ rằng chính sách mậu dịch của ông đã kết thúc mỹ mãn.

Trong khi ông Donald Trump không muốn đàm phán với Trung Quốc nữa, ông Tập Cận Bình vẫn có thể làm dịu bớt mâu thuẫn bằng những nhượng bộ cụ thể. Mà điều này thực sự không khó ! Vì nhiều điều nước Mỹ đòi hỏi thì chính Trung Quốc cũng đã muốn làm nhưng chưa dám làm mà thôi !

Mỹ muốn Trung Quốc ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước ? Điều đó nằm trong chương trình cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình ! Ông Tập hãy chính thức nhờ ông Trump giúp mình thực hiện mục tiêu đó, từng bước một, sao cho không đảo lộn cả nền kinh tế !

Ông Tập Cận Bình chỉ cần tuyên bố hoặc "tuýt" một câu ca ngợi ông Trump, gọi ông là một lãnh tụ Mỹ vĩ đại, sẽ giúp nước Tàu tiến bộ và nước Tàu không bao giờ có tham vọng qua mặt nước Mỹ ! Nghe như vậy chắc là cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ chấm dứt ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 31/8/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 28 août 2018 20:40

Tấm gương John McCain

Năm 2000, Nghị sĩ John McCain muốn được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống. Ông bị George W. Bush đánh bại. Năm 2008, ông McCain được toại nguyện nhưng lại thua Barack Obama. Ông thua một phần cũng vì di sản của ông Bush : Kinh tế Mỹ đang rơi vào cơn "Đại Suy Thoái" và dân Mỹ bắt đầu chán cuộc chiến tranh Iraq bắt đầu 5 năm trước đó.

tam1

Người dân Mỹ mang hoa và di ảnh Nghị sĩ John McCain đặt trước văn phòng của ông ở Phoenix, Arizona, hôm 26 tháng Tám, 2018, bày tỏ lòng tiếc thương, một ngày sau khi John McCain qua đời. (Hình : Getty Images)

Nhưng trong tang lễ của cố nghị sĩ McCain, hai đối thủ cũ George W. Bush và Barack Obama được mời tới đọc điếu văn. Họ sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với một con người đặt danh dự và nghĩa vụ lên trên quyền lợi cá nhân mình, trong thời chiến cũng như thời bình.

George W. Bush không quên rằng John McCain đã bỏ qua những đòn tranh cử (nhiều khi không hoàn toàn trong sáng), mà ủng hộ hầu hết các quyết định quan trọng nhất của vị tổng thống cùng đảng trong hai nhiệm kỳ.

Barack Obama chịu ơn John McCain ngay trong lúc hai bên đang giành nhau Tòa Bạch Ốc. Trong một cuộc tập họp vận động tranh cử, có người tới ủng hộ McCain đã nói rằng ông Obama theo đạo Hồi và không sanh ở nước Mỹ. McCain không làm ngơ để cho lời lăng mạ đó tiếp tục được truyền đi. Ông lên tiếng cải chính mạnh mẽ ; nói rằng mặc dù ông và Obama bất đồng chính kiến nhưng Obama vẫn là một con người đàng hoàng đáng kính trọng !

Trong một thời gian mà chính trường nước Mỹ tràn ngập những bản "tuýt" trong 140 chữ chứa đầy những lời lăng mạ và vu khống, người ta có thể nhìn vào tấm gương John McCain để nhớ lại "một nước Mỹ khác !" Ông John McCain yêu nước Mỹ cổ truyền đó. Ông từng nói đã khám phá ra tình yêu nước của mình khi bị giam trong nhà tù ở một nước khác.

Trong một bài tưởng nhớ McCain, nhà báo David Brooks đã nhắc đến lời Javier Gomá Lanzón, một triết gia Tây Ban Nha, nói rằng việc giáo dục về đạo đức hầu hết là do sức mạnh của những tấm gương trong đời sống. Cuộc đời McCain là một tấm gương đáng quý cho thanh niên nước Mỹ cũng như các nước khác.

Khi đi lính, ông đã bị thương nặng trong một tai nạn cháy trên hàng không mẫu hạm ; nhưng lúc bình phục ông vẫn xung phong bay đi chiến đấu. Sau hơn 20 phi vụ bay vào vùng trời quân địch ở Hà Nội, ông bị hỏa tiễn Nga bắn hạ, chịu tra tấn, hành hạ. Khi cai ngục tính thả ông khi biết ông là con của vị đô đốc chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, John McCain đã từ chối.

Ông tôn trọng quyền bình đẳng giữa những đồng ngũ cùng bị tù, theo quy tắc ai đau yếu hơn hoặc làm tù binh sớm hơn phải được thả trước. Ông cũng không cho quân địch một cơ hội lợi dụng danh nghĩa gia đình mình để tuyên truyền. Gia đình McCain đã tham gia quân đội từ cuộc khởi nghĩa giành độc lập của nước Mỹ. Ông nội và cha ông đều đã được phong hải quân đô đốc. Khi từ chối ân huệ của quân địch, ông biết rằng sẽ bị trả thù ; những trận đánh đập, tra tấn lại tiếp tục. Khí phách đó làm gương cho mọi thanh thiếu niên bất cứ thời đại nào, ở nước nào.

Trong cuộc đời chính trị, John McCain thường theo chủ trương của đảng Cộng Hòa, nhưng do lòng tin vào các nguyên tắc bảo thủ nguyên thủy như Nghị sĩ Barry Goldwater mà ông kế nhiệm ở Arizona năm 1986, chứ không để tinh thần giáo điều và óc bè đảng chi phối.

Khi chạy đua với Tổng Thống George W. Bush năm 2000, ông vẫn khăng khăng giữ lập trường chống việc trợ cấp cho các trại chủ trồng bắp ở Iowa, vì chính phủ can thiệp vào giá cả, trái với quy tắc tự do kinh doanh và phí phạm ngân sách. Ông biết lập trường bảo thủ ròng đó, dù biết rằng có thể mất phiếu của cử tri Iowa, là xứ trồng bắp mà cũng là nơi bỏ phiếu bầu sơ bộ sớm nhất.

Ở trong Thượng Viện Mỹ, ông thường đồng ý với đảng mình, như khi ông bỏ phiếu bác bỏ dự luật cải cách y tế sau này thường gọi là ObamaCare. Nhưng đến khi đảng Cộng Hòa muốn xóa bỏ đạo luật đó, năm 2017, thì McCain lại bỏ phiếu chống. Vì các cử tri nghèo của ông ở Arizona sẽ bị mất nhiều quyền lợi y tế nhờ đạo luật đó, sau 5 năm thi hành ; mà xóa luật đó đi thì họ sẽ mất mà không có gì thay thế.

Tinh thần phi đảng phái đó thể hiện rõ nhất khi ông cộng tác với các nghị sĩ cả hai đảng những lúc cần viết các đạo luật có ích lợi chung. Ông là đồng tác giả với Nghị sĩ Dân Chủ Russell Feingold, đưa ra dự luật cải tổ việc đóng góp vào quỹ tranh cử, để chống lại ảnh hưởng của đồng tiền trên đời sống chính trị.

Ông John McCain tích cực đóng vai giám sát của một đại biểu Quốc hội. Ông đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ Quốc phòng Mỹ về một bản hợp đồng với công ty Boeing, thuê hàng chục máy bay của Boeing để chở dầu cho Không Quân Mỹ. Ông thấy các điều kiện thuê mướn có vẻ làm lợi cho Boeing quá đáng. Cuối cùng ông tấn công thẳng vào Darlene Druyun, người phụ trách tiếp vận cho Không Quân. Các cuộc điều tra sau đó đã đưa bà Druyun ra tòa lãnh chín tháng tù với tội đã chấp thuận bản hợp đồng thuê với giá quá đắt, vì bà này muốn khi nghỉ hưu sẽ về làm việc cho công ty Boeing.

John McCain đã kết bạn được với các chính trị gia khác đảng, vì tinh thần công bình, tương kính khiến mọi người tôn trọng nhân cách của ông. Nghị sĩ Dân Chủ Russell Feingold công nhận rằng McCain có thể là một vị tổng thống rất giỏi. Sau khi hai người cùng đi vận động cho đạo luật cải cách tài chánh trong các cuộc bầu cử, họ đã trở thành bạn thân mặc dù vẫn bất đồng chính kiến. McCain chủ trương phải tăng ngân sách quốc phòng, bảo vệ một lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, còn Feingold muốn dành tiền cho các dự án xã hội.

Nghị sĩ Feingold mới kể vài kỷ niệm với McCain cho thấy con người hài hước trong ông. Một lần trong trụ sở Thượng Viện, hai người ngồi than với nhau về tình trạng các bạn đồng viện hai đảng cách biệt quá. Feingold nói, "Mai mốt anh làm tổng thống thì tôi sẽ cô đơn". McCain gạt đi : "Không ! Không ! Tôi sẽ mời anh vô nội các !" Cười một lát, McCain nói tiếp : "Nhưng anh không thể giữ Bộ Quốc phòng được !".

Đạo luật mang tên McCain-Feingold đã nổi tiếng. Một lần, ông McCain nói đùa : Nhiều cử tri Wisconsin cứ tưởng rằng McCain là tên tục của Nghị sĩ Feingold ! Năm 2006, John McCain cầm đầu một phái đoàn qua Iraq, đã mời Feingold tham dự. Trên chuyến máy bay về, mọi người bảo nhau tình hình xuống dốc ở đó và các kế hoạch đối phó của quân đội Mỹ. Feingold đã lên tiếng phê bình rằng các kế hoạch đó là vô vọng. Một vị thống đốc tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa khó chịu, hỏi McCain : "Mang cái anh này đi với mình làm cái gì vậy ?"McCain trả lời ngay : "Tôi mời Russ đi cùng bởi vì hắn là đứa trước sau như một. Trước hay sau, lúc nào hắn cũng sai hết !"

Một điều McCain cũng trước sau như một là ông đề cao tự do dân chủ và không những chống đối mà còn thù ghét các chế độ độc tài.

Năm 2005, khi qua Việt Nam nhân ngày 30 tháng Tư, ông đã tỏ ý tiếc rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam miền Bắc thắng trận là một kết thúc sai lầm. cộng sản Việt Nam đã đỏ mặt khi nghe nhận xét đó, sau khi họ đã được ông McCain giúp trong việc nối lại bang giao với Mỹ.

Ông McCain luôn tin tưởng rằng việc nước Mỹ tham chiến ở Việt Nam để chống cộng sản xâm lăng là chính đáng. Nhưng ông cũng tin rằng nếu được giao thương với nước Mỹ, kinh tế Việt Nam sẽ lên, người dân đủ sống hơn thì mới đòi các quyền tự do dân chủ.

Khi đến Việt Nam ông luôn tiếp xúc với những người tranh đấu cho nhân quyền, như Luật Sư Lê Quốc Quân mới kể lại. Ông không quên các quân nhân Việt Nam đã chiến đấu cùng một phía với ông, cho nên ông tích cực vận động cho các chương trình ODP cũng như HO.

Quý vị có thể đọc những lời viết về cố Nghị sĩ JohnMcCain của những người trong nước như Lê Quốc Quân, Hoàng Hưng, Huy Đức, được dẫn trên nhật báo Người Việt.

Trong số những người sẽ khiêng quan tài của ông John McCain khi hạ huyệt có những chính khách thuộc hai đảng và bạn bè, nhưng cũng có một người Nga mới 38 tuổi. Đó là một nhà báo đã chống đối chế độ độc tài tham nhũng của Vladimir Putin từ khi cựu gián điệp KGB này bắt đầu mị dân, đàn áp các tiếng nói độc lập.

Vladimir Kara-Murza đã làm cho báo Novye Izvestia từ năm 16 tuổi, rồi làm cho các đài truyền thanh, truyền hình, làm phái viên của báo Kommersant tại London, rồi làm phái viên ở Washington cho đài BBC. Ông đã sản xuất những phim tài liệu vạch rõ hình ảnh thật của xã hội Nga dưới chế độ Putin, trong đó có một phim mang tên nhà chính trị Nemtsov, người đã bị chết một cách mờ ám trước kỳ một bầu cử Quốc hội Nga. Ông bị cách chức sau khi làm trưởng văn phòng cho đài RTVi tại Washington trong chín năm. Năm 2012, ông là một trong những người vận động Quốc hội Mỹ làm đạo luật "Magnitsky", trừng phạt các lãnh tụ chính trị và đại gia Nga đã giúp Putin đàn áp đối lập. Kara-Murza là một người được John McCain giúp đỡ thành lập tổ chức "Open Russia".

McCain thù ghét các chế độ độc tài !

John McCain tin tưởng rằng nước Mỹ phải đóng một vai trò làm gương cho cả thế giới về những giá trị tiêu biểu của nước này : Dân chủ tự do ; Quyền làm người ; Quyền bình đẳng giữa mọi người cũng như giữa các dân tộc. Cuộc đời ông là một tấm gương trọng danh dự, bao dung, không mang thù hận cá nhân, đặt nghĩa vụ trên tư lợi.

Ông cũng có nhiều tật xấu, nhất là khi còn trẻ. Ở học viện hải quân, ông là một sinh viên sĩ quan bị thi hành kỷ luật nhiều nhất, ra trường hạng thứ năm tính từ dưới lên. Ông nóng tính, ham đánh bài, và còn nhiều nhược điểm khác. Nhưng giữa những khuyết điểm đó, không ai phủ nhận được là một ông mang nhân cách chính trực chói sáng. Chúng ta sẽ nghe những nhận xét về tư cách của John McCain từ miệng các đối thủ cũ của ông như George W. Bush và Barack Obama. Họ sẽ nói những lời thành thật tự đáy lòng. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 28/08/2018

Published in Diễn đàn

Năm ngày trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, thủ tướng Malaysia cho thấy ông dám đương đầu với chiến thuật xâm lấn bằng tiền của cộng sản Trung Hoa trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ.

maha1

Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad. (Hình : Toshifumi Kitamura/AFP/Getty Images)

Ngày Thứ Ba vừa rồi, Bác sĩ Mahathir bin Mohamad đã chấm dứt hai vụ đầu tư lớn của các công ty Trung Hoa tại xứ ông, một dự án xây dựng đường xe lửa tốn 20 tỷ USD, và một dự án 2,5 tỷ USD làm đường ống dẫn dầu. Ông Mahathir nêu lý do thực tế : Chúng tôi không thể có tiền trả nợ, mà thật ra chúng tôi cũng không cần.

Trong ngày hôm trước, tại đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, sau khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường, ông Mahathir tuyên bố thẳng thừng : "Chúng tôi không muốn một tình trạng ‘thuộc địa kiểu mới’ diễn ra !".

Ông thủ tướng Malaysia đã đánh trúng tim đen của ông Tập Cận Bình ! Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là một bộ mặt giả để che đậy thủ đoạn "Viễn Giao, Cận Công" của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.

Vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, nước Tần đã dùng kế của Phạm Thư, "Giao thiệp với nước xa, tấn công nước ở gần" để thôn tính lục quốc, thống nhất thiên hạ. Thiên hạ là tất cả đất đai dưới bầu trời. Bây giờ đối với cộng sản Trung Quốc, thiên hạ là cả thế giới.

Ông Tập Cận Bình áp dụng kế của Phạm Thư : Giao hảo với các nước ở xa – Mỹ, Châu Âu, cho đến Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi ; trong khi xâm lấn các nước Đông Nam Á.

Ngày nay, hoàng đế Trung Hoa có thể tấn công mà không cần dùng quân lính. Họ chỉ dùng tiền cũng đủ rồi, coi hiền lành lại đỡ tốn kém ! Chỉ có ông Mahathir đã nói thẳng : Một hình thức chiếm thuộc địa kiểu mới.

Dân Việt Nam đã tỉnh thức đúng lúc khi nổi lên chống dự luật "Đặc khu Kinh tế", cái tên hiền lành chứa đựng âm mưu thâm hiểm.

Người Việt Nam có thể mường tượng cảnh nào sẽ xảy ra ở Bắc Vân Phong, Vân Đồn nếu Luật Đặc khu thành hình, bằng cách nhìn vào hành động "thực dân mới" Trung Quốc tính làm tại thị xã ven biển Kuantan, Malaysia.

Năm năm trước, ông thủ tướng cũ Najib Tun Razak đã thỏa thuận cho một công ty ở Quảng Tây lập một hải cảng nước sâu và một khu kỹ nghệ. Bên cạnh đó là một trạm ngừng cho con đường xe lửa do Ngân hàng Xuất nhập cảng của Trung Quốc cho vay tiền.

Trong thời gian đó, chính phủ Najib cũ đang bị khủng hoảng vì vụ tai tiếng thất thoát tiền bạc khổng lồ của ngân hàng 1MDB. Ông Najib đã chạy qua Tàu vay tiền và được thỏa mãn ngay. Một công ty Năng lượng nguyên tử và một công ty Đường xe lửa của Trung Quốc đã đổ tiền vào giúp. Dự án đường xe lửa được tính với giá 20 tỷ USD ; nhưng sau này thủ tướng Mahathir cho mọi người thấy một công ty của Malaysia đã tính chỉ tốn 13,4 tỷ USD cũng làm được !

Bộ trưởng Tài chánh tân nhiệm Lim Guan Eng, một người gốc Hoa trong chính phủ Mahathir, mới trình bày trước quốc hội, nói rằng nước Malaysia sẽ không đủ tiền để trả số tiền 20 tỷ USD.

Nhưng điều khiến nước Malaysia lo lắng nhất không phải chỉ là mang nợ các công ty quốc doanh Trung Quốc. Trong kế hoạch xây dựng, các công ty Trung Quốc còn tính sẽ làm bốn hòn đảo nhân tạo ngoài khơi hải cảng.

Bốn hòn đảo này diện tích tổng cộng hơn 10 triệu mét vuông, sẽ đủ cho hơn 700.000 người sinh sống. Trước khi thành hình, các đảo này đã được quảng cáo trong nước Tàu để mời mua các chung cư, làm nhà nghỉ mát. Người nào có tiền để mua các căn phòng trong những chúng cư đó ? Một viên chức địa phương cho biết giá các căn chung cư đó được định giá cao vượt trên khả năng tài chánh của dân Malaysia. Ông đã trả lời : Chỉ có người từ Trung Quốc sẽ tới mua !

Nhưng các công ty Trung Quốc còn đưa công nhân của họ qua làm việc trên các hòn đảo nhân tạo này. Những người đó sẽ trở thành dân cư sống tại đó khi hoàn thành ! Cộng thêm các người Tàu đến mua nhà, họ sẽ sống hoàn toàn theo lối Tàu, sẽ biến mấy hòn đảo nhân tạo giầu nhất nước Malaysia thành một phần của nước Tàu.

Thủ tướng Mahathir, trong lúc tranh cử, đã nói thẳng : "Đây không phải là một khu đầu tư của người Tàu mà là một khu định cư (của những người khai thác thuộc địa)". Đó là chưa kể một công ty điện lực Trung Quốc tính xây dựng hải cảng nước sâu có khả năng cho các hàng không mẫu hạm cập bến trong khi Malaysia không có ý mua hàng không mẫu hạm nào cả.

Nếu những dự án trên tiến hành, nước Malaysia sẽ thành một con nợ của các ngân hàng Trung Quốc. Bộ trưởng tài chánh Lim Guan Eng đã đem so sánh với tình trạng diễn ra ở Sri Lanka. Một công ty Trung Quốc xây nên một hải cảng nước sâu, cuối cùng không có đủ tàu bè quốc tế ghé bến, chính phủ Sri Lanka thua lỗ, trong khi các món nợ không trả được. Sau đó, chính phủ Sri Lanka ăn hối lộ của Trung Quốc bị dân đuổi về vườn, nhưng chính phủ mới vẫn gánh nợ. Chính phủ mới muốn khất nợ phải chịu cho Trung Quốc làm chủ khai thác hải cảng, mở khu công nghiệp và du lịch, với thời hạn 99 năm – đúng con số đã làm dân Việt Nam phẫn nộ.

Người Mã Lai lo rằng một dự án mở lại hải cảng ở thị xã Malacca, Malaysia, cũng có thể rơi vào dây thòng lọng của Trung Quốc như vậy, chỉ chờ ngày bị thắt cổ. Dự án này được tính tốn 10 tỷ USD, với một công ty điện lực và hai công ty xây cất của Trung Quốc tham dự. Nhưng sau khi khởi công có thể sẽ được các công ty trúng thầu và ngân hàng Trung Quốc tính lại, đưa tới những món nợ khổng lồ mới. Một dân biểu vùng Malacca nói : "Ai sẽ hưởng lợi nhờ các dự án này ? Người Mã Lai hay người Tàu ?", và ông nói đến mối lo chủ quyền quốc gia bị đem bán.

Thủ tướng Mahathir đã tranh cử bằng cách vạch ra mối nguy "bán nước" của ông thủ tướng cũ. Trước đây ông Mahathir đã từng làm thủ tướng từ 1981 đến 2003, với chính sách độc đoán, đàn áp báo chí, ngăn cản các người có ý kiến độc lập, ngay cả các cộng sự viên của mình. Năm ngoái, 92 tuổi, ông trở lại chính trường, ra tranh cử chống lại người kế vị cùng đảng với mình. Ông đắc thắng, ngày 9 tháng Năm, 2018, khi vạch ra nước Malaysia đang nghẹt thở vì nợ 250 tỷ USD các công ty và ngân hàng Trung Quốc. Ông tố cáo âm mưu xâm lăng bàng tiền bạc, gây ra nạn tham nhũng khắp chính quyền.

Ông Mahathir đã can đảm chống lại âm mưu nô lệ hóa bằng "tiền đầu tư" của cộng sản Trung Quốc. Điều có thể khiến ông hối hận là trong hơn 20 năm cai trị Malaysia, ông chỉ lo củng cố quyền lực của đảng mình mà không thiết lập các định chế kiểm soát lẫn nhau trong guồng máy quốc gia. Chính bộ máy đảng trị do ông xây dựng đã đẻ ra Thủ tướng Najib độc tài và tham nhũng. Nước Malaysia còn may mắn vì các cuộc bầu cử vẫn tự do, cho nên ông Mahathir có cơ hội trở lại quét những nhơ vẩn do chính ông để lại. Việc đầu tiên ông làm là ân xá cho một đối thủ chính trị cũ đã bị ông bỏ tù, mời tham gia nội các.

Trong tuần qua, Bắc Kinh đã cố gắng vuốt ve phỉnh phờ, trải thảm đỏ tiếp ông Mahathir. Chính ông Tập Cận Bình mở quốc yến đãi ông, trong khi theo thường lệ việc tiếp đón một thủ tướng nước ngoài là việc của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Người dân các nước khác trên con đường bành trướng Nhất Đới Nhất Lộ, từ Sri Lanka tới Djibouti, Myanmar và Montenegro, đã bắt đầu thức tỉnh và "tẩy chay tiền Trung Quốc !". Khi một công ty Trung Quốc nắm đầu dự án, họ sẽ chỉ cho các công ty Trung Quốc khác trúng thầu xây dựng, với giá cao hơn thực tế, rồi họ đem công nhân của họ đến tràn ngập các công trường. Khi cả công trình thất bại vì không sinh lợi, họ sẽ thúc giục trả nợ rồi tìm cách chiếm quyền làm chủ dài hạn, tới 99 năm !

Không chỉ có các nước nhỏ và yếu mới lo ngại trước các hành động xâm nhập của Trung Quốc. Tháng trước, chính phủ Đức cũng phủ quyết việc bán một công ty Đức cho công ty Trung Quốc. Quốc hội Mỹ cũng làm luật chặn bớt Trung Quốc mua các công ty kỹ thuật cao của Mỹ. Khắp thế giới đang lập thêm hàng rào ngăn cản Trung Quốc đầu tư trong đủ các lãnh vực, từ chất bán dẫn tới dịch vụ tài chánh.

Các công ty Trung Quốc sẽ là đạo quân xâm lược trong chiến thuật "Viễn Giao Cận Công" của ông Tập Cận Bình. Bây giờ Trung Quốc đang vuốt ve ông Mahathir nhưng họ sẽ còn tiếp tục chính sách xâm lăng bằng tiền, không bao giờ bỏ.

Malaysia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á mua bán nhiều nhất với nước Tàu. Sau khi ông Mahathir đứng dậy đối đầu, Malaysia sẽ chấm dứt vai trò. Nước giao thương nhiều thứ nhì ở vùng Đông Nam Á sẽ lên thay trong địa vị đứng hàng đầu. Đó là nước Việt Nam ! Chín chục triệu dân Việt Nam phải lo lắng ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 24/08/2018

Published in Diễn đàn

Ông Vladimir Putin đã thử đánh Mỹ bằng thứ bom này vào đầu năm nay. Trong tháng Tư, 2018, Nga đã bán 84% số công trái của chính phủ Mỹ (US Treasury bonds), trị giá 81 tỷ USD. tháng Ba, Nga còn làm chủ 96 tỷ USD công trái Mỹ, đến tháng Năm chỉ còn dưới 15 tỷ USD.

traiphieu1

Mẫu một Trái phiếu Mỹ (United States Savings Bonds) trị giá 100 USD - Ảnh minh họa

Khi có người bán một thứ gì, bán rất nhiều và trong một thời gian ngắn, thì "món hàng" đó mất giá trên thị trường ngay lập tức. Giá US Treasury xuống, nghĩa là mức lời, gọi là suất lời (yield), của công trái Mỹ tăng lên. Thí dụ, một công trái mang lãi suất cố định 3%, trước đây bán nguyên giá 1.000 USD, mỗi năm trả $30 thì suất lời, yield cũng là 3%. Nhưng nếu công trái đó mất giá, chỉ còn 960 USD, thì suất lời tăng lên. Chính phủ Mỹ vẫn trả 30 USD, không hơn, nhưng những người chủ mới của công trái lãnh 30 USD trên số vốn 960 USD thì suất lời thành 3,75% (30/960).

Chính phủ Nga quyết định tống khứ một số lớn công trái Mỹ ra thị trường cốt để trả đũa Mỹ đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng từ Nga. Sau khi Nga đánh trả đòn, lợi suất của các công trái 10 năm của Mỹ đã tăng vọt lên trên 3%, lần đầu tiên cao như vậy kể từ năm 2014.

Nếu suất lời tăng rồi cứ tiếp tục cao như thế, thì lần sau chính phủ Mỹ đi vay sẽ phải trả lời lãi cao hơn trước.

Nhưng trong tháng Năm vừa qua, suất lời, yield, trên công trái 10 năm của Mỹ lại xuống ngay dưới 3%, như cũ. Vì vẫn có rất nhiều người muốn mua công trái Mỹ. Con số 81 tỷ USD Nga bán ra, so với số công trái của Mỹ trị giá gần 21.000 tỷ USD, cũng như muối bỏ biển, không gây ảnh hưởng nào đáng kể.

Nhưng ông Tập Cận Bình nắm trong tay một số công trái Mỹ "khổng lồ," hơn ông Putin cả chục lần. Trái bom của ông Putin chỉ là bom thường, Đảng cộng sản Trung Quốc có thể dùng đến bom nguyên tử.

Nếu ông Tập Cận Bình cũng đánh như ông Putin, thì kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Trên báo, đài của Trung Quốc, đã có người kêu gọi hãy dùng thứ bom này để đe dọa ông Donald Trump. Ông Tập Cận Bình chỉ cần "tuýt" ra một lời tuyên bố sẽ bán rất nhiều công trái Mỹ mà nước Tàu đang giữ, chắc chính phủ Mỹ sẽ phải ngưng cuộc chiến tăng thuế quan ngay, ngồi công bàn chuyện đình chiến !

Nếu ông Tập Cận Bình muốn dùng chiến thuật này, thì bây giờ là lúc thuận lợi nhất. Bởi vì chính phủ Mỹ đang bắt đầu đi vay ngày càng nhiều vì số khiếm hụt ngân sách đã tăng sau khi quốc hội làm luật cắt giảm thuế cho các công ty. Chính phủ thiếu tiền thì đi vay bằng cách bán công trái. Ngày 30 tháng Mười Hai, 2016, tổng số nợ nần của chính phủ Mỹ còn dưới 20.000 tỷ USD. tháng Tư, 2018, số nợ đã lên tới 21.000 tỷ USD, và sẽ còn tăng nhanh hơn.

Không ai sắp đi vay nợ lại muốn lãi suất lên cao, chính phủ Mỹ cũng vậy. Cho nên, nếu Trung Quốc tung ra thị trường một số lớn công trái Mỹ, chắc ông Trump sẽ chịu lùi một bước vì một mũi tên sẽ bắn trúng hai mục tiêu !

Thứ nhất là đẩy lãi suất ở Mỹ lên cao. Nếu Trung Quốc tuyên bố sẽ bán mỗi tháng 100 tỷ USD công trái Mỹ, liên tục trong mươi tháng, thì thị trường sẽ xáo trộn khó lường. Suất lời trên công trái Mỹ ảnh hưởng trên các thứ lãi suất khác, tất cả sẽ theo nhau tăng lên. Các công ty đi vay sẽ tốn kém hơn có thể phải hoãn phát triển ; người vay tiền mua nhà cũng tốn hơn, thị trường địa ốc sẽ xuống. Người tiêu thụ sẽ mất tin tưởng, không chi tiền như trước, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Một hậu quả thứ khác là giá đồng đô la Mỹ sẽ lên. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, nhiều người sẽ đem tiền tới cho vay, và họ phải mua đô la Mỹ. Đồng đô la lên giá sẽ khiến hàng hóa Mỹ bán ra nước ngoài tăng giá khi được bán bằng tiền bản xứ. Các công ty xuất cảng ở Mỹ sẽ phải giảm hoạt động. Các nhà đầu tư thấy lãi suất lên sẽ bán bớt cổ phiếu để mua trái phiếu, làm thị trường chứng khoán tụt xuống. Kinh tế Mỹ sẽ lâm nạn, lúc đó đồng đô la sẽ xuống giá.

Trung Quốc có khả năng gây ra những biến cố trên, vì đang làm chủ các công trái Mỹ trị giá 1.200 tỷ USD, là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Ngoài ra họ cũng mua khoảng 100 tỷ USD khác nhưng để nhờ ở nước Bỉ. Họ cũng làm chủ các trái phiếu một số cơ quan tín dụng Mỹ được chính phủ bảo trợ, như Fannie Mae, trị giá khoảng 200 tỷ USD nữa. Tổng cộng, Bắc Kinh có trong tay trái bom 1.500 tỷ USD giấy nợ của nước Mỹ.

So với số nợ khổng lồ mà chính phủ Mỹ đang vay thì con số 1.200 tỷ USD cũng chỉ chiếm khoảng 6%. Thực ra, những chủ nợ quan trọng nhất của chính phủ Mỹ, 70% số tiền vay là do dân Mỹ cung cấp, chỉ có 30% là chủ nợ nước ngoài.

Đó là một ưu thế của Mỹ cũng như Nhật Bản, vì hầu hết các chủ nợ là người trong nước. Các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu bổng lúc nào cũng cần mang tiền đầu tư vào chỗ an toàn. Mà trên thế giới không có cách đầu tư nào an toàn bằng cho nhà nước Mỹ vay ; biết chắc rằng thế nào cũng được trả lãi và vốn.

Nhưng một điều làm cho Tòa Bạch Ốc không lo bị ông Tập Cận Bình tấn công bằng bom nợ, là vì kẻ ném bom cũng có thể chết vì bom.

Trước hết, khi bán hàng trăm tỷ đô la công trái Mỹ khiến giá các công trái đó tụt xuống thì chính người bán đang tự gây lỗ lã cho chính mình, mua lúc đắt bán lúc rẻ. Khi bán công trái Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải đầu tư vào chỗ khác. Chỗ khác là chỗ nào ? Mua công trái những nước khác hay mua vàng đều khiến các món đó tăng giá !

Nhưng riêng hành động bán và mua hàng ngàn tỷ đô la này cũng đủ làm xáo trộn các thị trường và cả nền kinh tế thế giới ! Khi kinh tế toàn cầu xuống thì tất cả đều suy thoái, nhưng lâm nguy nặng nề nhất là những nước tùy thuộc vào việc xuất cảng. Trung Quốc đứng đầu trong đám này.

Nếu kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng vì quả bom nợ Trung Quốc tung ra, thì ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải đối phó. Bắc Kinh muốn bán bao nhiêu công trái Mỹ, Quỹ Dự Trữ Liên Bang sẽ in tiền ra mua không mệt, vì chính Federal Reserve vẫn là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ !

Để chống lại tình trạng lãi suất ở Mỹ tăng, Quỹ Dự Trữ Liên Bang, Federal Reserve, sẽ thay đổi chính sách tiền tệ nhằm giảm lãi suất. và họ có khả năng làm việc đó. Một hậu quả là giá trị đồng đô la Mỹ sẽ giảm cùng với lãi suất ở Mỹ. Hậu quả là giá trị đồng nguyên, tiền của Trung Quốc sẽ tăng lên so với đô la. Mà đó là điều mà các chính quyền ở Bắc Kinh đều muốn tránh. Bao năm nay, họ bán hàng cho Mỹ, thu đô la về rồi lại đem cho chính phủ Mỹ vay, dùng cách đó để giảm hối suất đồng tiền của họ. Bởi vì mỗi lần mua công trái chính phủ Mỹ lại cần đổi đồng nguyên sang đô la để mua, mà mua nhiều đô la thì đô la phải giá !

Một điều Bắc Kinh không thể nào chỉ huy được, là trong giao dịch thương mại quốc tế hiện nay người mua kẻ bán vẫn thanh toán với nhau bằng đô la Mỹ ! Giá trị đồng nguyên lên tức là giá bán hàng xuất cảng của Trung Quốc sẽ tăng khi tính ra đô la, sẽ khó bán hơn. Nếu muốn vượt qua rào cản này, Trung Quốc có thể nhận các nước thanh toán bằng đồng nguyên của mình. Họ sẽ phải đi mua đồng nguyên để trả hóa đơn. Nhưng như thế thì giá trị đồng nguyên càng tăng thêm nữa, như một cầu thang xoáy chôn ốc lên cao !

Cuối cùng, nếu Bắc Kinh khởi động việc bán công trái chính phủ Mỹ hàng loạt thì không phải chỉ gây hại cho kinh tế Mỹ. Kinh tế nước Tàu cũng xính vính. Cuộc chiến tranh thuế quan biến thành chiến tranh tiền tệ, hai bên lâm chiến bước vào tình cảnh "chắc chắn tiêu diệt lẫn nhau" (mutually assured destruction) không bên nào thoát được.

Cho nên, ông Tập Cận Bình sẽ không dám đánh trả đũa bằng trái bom công trái Mỹ !

Năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm cuộc nghiên cứu về mối đe dọa trên an ninh quốc gia khi Trung Quốc mua quá nhiều công trái Mỹ. Nếu thấy có vấn đề, chắc chắn chính phủ Mỹ có quyền hạn chế không bán nữa. Nhưng cuộc nghiên cứu đi tới kết luận rằng Trung Quốc sẽ không thể nào đem các công trái Mỹ ra bán hàng loạt mà không tác hại cho chính mình. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 17/08/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 14 août 2018 18:10

Tập Cận Bình đuối sức

Ông Tôn Tử khuyên phải chủ động chọn thời gian thuận lợi nhất hãy tham chiến. Cuộc chiến tranh mậu dịch xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ông Tập Cận Bình.

tcb1

Cuộc chiến tranh mậu dịch xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ông Tập Cận Bình.

Trong ba năm qua ông Tập Cận Bình bắt các ngân hàng phải giảm bớt những món nợ đã chồng chất trong hàng chục năm, đang có nguy cơ sụp đổ. Trong thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 10% vì ngân hàng thả lỏng việc cho vay, miễn sao các doanh nghiệp nhà nước có tiền dựng nhà máy và chính quyền địa phương kiến thiết hạ tầng cơ sở. Đây là một hình thức "bao cấp" kiểu mới ; cho vay tiền thay vì trợ cấp trực tiếp. Các công ty tư nhân cũng theo cơn sóng "tiền dễ dãi" đó mà phát triển.

Nhưng không một người, một xí nghiệp hay một quốc gia nào có thể cứ vay nợ mãi mãi. Từ dăm năm qua, "quả bom nợ" chỉ chờ ngày nổ bùng. Nếu một số lớn thân chủ không thể trả nợ, ngân hàng cũng vỡ nợ, kéo theo các ngân hàng khác vì họ đều nợ nần lẫn nhau. Khi có một số ngân hàng lâm nguy, lòng tin của người gửi tiền sụp đổ, người ta sẽ rút tiền ra. Cả hệ thống sụp đổ.

Trong một chế độ độc tài đảng trị, chính quyền có thể ngăn chặn cơn hỗn loạn khi mới bắt đầu, bằng cách đem công quỹ ra cứu các ngân hàng ngay khi cơn nguy mới phát hiện. Nhưng khả năng chặn dứt cơn khủng hoảng có giới hạn. Và một căn bệnh hiểm nghèo không thể trị hết nếu chỉ dùng phương pháp xoa dầu nóng và chườm đá mãi.

Cho nên ông Tập Cận Bình biết phải ra tay ngăn chặn khối nợ khổng lồ không cho phồng lên quá đáng. Nếu không, có chuyện gì xảy ra ông Tập sẽ mất cả uy tín lẫn địa vị.

Ông Tập Cận Bình đặt ra kế hoạch cải tổ cơ cấu, ưu tiên số một là giảm bớt số tiền cho vay từ các ngân hàng. Khi các doanh nghiệp nhà nước không thể cứ ngửa tay ra là vay được tiền, họ buộc phải cải tổ. Khi chính quyền các địa phương không còn có thể bắt các ngân hàng đưa tiền cho xây cất thì họ sẽ phải thúc đẩy các xí nghiệp gia tăng hiệu năng để thâu thuế.

Nhưng một hậu quả tất nhiên của kế hoạch này là nền kinh tế phỉa giảm tốc độ. Từ giai đoạn muốn có tiền chỉ cần hỏi vay, đến lúc các ngân hàng dè dặt thắt chặt túi tiền, những việc đầu tư, sản xuất sẽ phải chậm lại.

Cuộc cải tổ cơ cấu của ông Tập Cận Bình đang gặp chướng ngại, ngay từ trong nội bộ, trước khi ông Donald Trump khai chiến. Dân Mỹ đã bầu một ông tổng thống coi chiến tranh mậu dịch là một việc rất dễ và chắc chắn thắng lợi ! Ông Donald Trump tấn công tới tấp hết đợt thuế này tới đợt khác. Trong khi đó người lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc thì chỉ mong muốn kinh tế của nước mình uống thuốc giảm huyết áp, để chữa trị căn bệnh tim trầm trọng đã kéo dài hàng chục năm.

Ông Tập Cận Bình đứng trước một thế lưỡng nan. Nếu cố chống trả cuộc tấn công của ông Donald Trump thì sẽ phải trì hoãn, có thể phải tạm chấm dứt việc cải tổ kinh tế. Nếu muốn tiếp tục chương trình cải tổ, thì không đủ sức đối đầu với Mỹ vì nền kinh tế ngày càng yếu đi.

Nhiều chứng cớ cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu yếu rồi.

Đầu năm 2018, chỉ số CSI của các thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như chỉ số S&P 500 của thị trường nước Mỹ đều tăng, S&P 500 tăng 5% trong tháng Giêng còn CSI tăng gần 10%. Nhưng từ tháng Hai, cả hai đều xuống. Đến tháng Tám, S&P 500 lại lên và bây giờ vẫn còn tăng 5% nhưng CSI đã tụt mất hơn 25%, so với đầu năm. Giới đầu tư Trung Quốc đang mất tin tưởng.

Ông Tập Cận Bình muốn cải tổ để kinh tế Trung Quốc bớt lệ thuộc xuất cảng, cố gắng thúc đẩy số tiêu thụ của dân nội địa. Nhưng ngay giới tiêu thụ cũng bớt tiền xài khi chính quyền giảm bớt số tiền tệ lưu hành. Số bán của 50 công ty bán lẻ lớn nhất nước đã giảm 0,6% trong tháng Tư, 2018 ; lại giảm 3,4% trong tháng Năm, tới tháng Bảy đã giảm bớt 3,9% so với tháng Bảy năm ngoái. Số thu của các cửa hàng bán lẻ chỉ tăng 8.8%, so với tỷ lệ tăng 9% trong tháng Sáu.

Vì các ngân hàng được lệnh giảm bớt tiền cho vay, số công trình xây dựng hạ tầng cơ sở chỉ tăng thêm 5.7% trong sáu tháng đầu năm nay, so với tỷ số tăng 7.3% trong nửa đầu năm 2017.

Khi các ngân hàng theo lệnh trung ương giảm bớt tốc độ đem tiền cho vay, các xí nghiệp quốc doanh gặp khó khăn, nhưng các công ty tư bị đòn nặng nhất. Vì không có thể vay các ngân hàng nhà nước, họ thường vay trong "thị trường đen". Những nhà cho vay "trong bóng mờ" không được kiểm soát đã thúc đẩy số nợ toàn quốc tăng lên. Năm 2008 tổng số nợ trong nước Tàu lớn bằng 140% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Đến năm 2017 tỷ số này lên thành 257%.

Nhưng chính các loại "ngân hàng đen" đang bị chính quyền ngăn chặn. Năm ngoái, trong sáu tháng đầu năm họ vẫn còn hăng hái tăng số tiển cho vay thêm, tăng hai ngàn rưởi tỷ đồng nguyên. Sau khi ông Tập Cận Bình ra tay, từ tháng Tư, 2018, đến tháng Tám, thị trường tín dụng mập mờ đã giảm bớt, số tiền cho vay chỉ còn 1,500 tỷ, tương đương với 218 tỷ USD.

Bây giờ muốn vay nợ mới để trả nợ cũ, các công ty tư nhân phải chịu lãi suất cao hơn. Nhiều xí nghiệp tư đã phá sản. Đầu tháng Sáu năm nay, có 20 công ty không thể trả nợ. Ông Chu Kiến Xán (Zhou Jiancan, 周建) một nhà tư bản 55 tuổi đã tự tử trong tháng Bảy. Ông vốn là chủ nhân tập đoàn Kim Thuẫn tại tỉnh Triết Giang (Zhejiang Jindun Holding Group, 浙江金盾控股集). Trong những ngày cuối đời, ông đã cố thoát cảnh vỡ nợ, đi vay với lãi suất 10% một tháng, tương đương với 120% một năm. Cái chết này là một tiếng báo động của quả bom nợ đang chờ bùng nổ !

Hôm Chủ Nhật, 12 tháng Tám, một công ty quốc doanh lớn đã tuyên bố không có tiền trả nợ sắp đáo hạn. Công Ty Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương (Xinjiang Production & Construction Corps, 新疆生产建设兵团) vốn thuộc quân đội, tuy ở Tân Cương nhưng thuộc quyền chính phủ trung ương ; họ phải xin hoãn trả tiền vốn cho món nợ trị giá 73 triệu USD.

Với tình hình kinh tế xuống dốc do chủ trương giảm tốc của chính mình, ông Tập Cận Bình đang lo phải đối phó ngay trong nội bộ ; không còn kiểm soát được chính guồng máy cai trị nữa.

Trong nội bộ chính quyền, hiện có hai phe, tiêu biểu là Bộ Tài Chính và Nhân Dân Ngân Hàng. Phía chính phủ thì muốn trở lại thời bao cấp bơm thêm tiền vào nền kinh tế ; trong khi ngân hàng trung ương muốn ngăn chặn, theo đúng chính sách của ông Tập Cận Bình, vì lo quả bom nợ phát nổ.

Nếu muốn chống đỡ với các đợt tấn công sắp tới của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình sẽ phải trở về với chính sách bao cấp cũ !

Cuối tháng Bảy, Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố ưu tiên số một là giữ tỷ lệ phát triển trên 6,7% ; mặc dù vẫn nói cần phải ngăn chặn tổng số nợ không cho lớn hơn. Nhưng cùng lúc đó, hội đồng nhà nước đã chấp thuận chi tiêu thêm 1.350 tỷ đồng nguyên (hơn 225 tỷ USD. Số tiền này sẽ được phân phối cho các địa phương để tiếp tục xây dựng ! Đây là một biện pháp "bao cấp" vừa để mua chuộc chính quyền địa phương vừa để bảo vệ nền kinh tế trước khi các đòn đánh thuế của chính phủ Trump khiến hàng xuất cảng sụt giảm.

Tiền lại được đổ ra, lãi suất ở Trung Quốc đang giảm bớt, trở về mức hai năm trước, cho thấy chính sách của ông chủ tịch nước và chủ tịch đảng bị bỏ qua ! Từ khi Tổng thống Donald Trump mở cuộc tấn công thuế quan, đồng nguyên của Trung Quốc đã giảm giá, vì nhiều người tìm cách đổi lấy đô la để đem tiền ra nước ngoài.

Kinh tế thế giới cũng bất lợi cho ông Tập Cận Bình. Cuộc khủng hoảng mới diễn ra vì đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá cho thấy hệ thống tài chính cả thế giới đang mong manh, rất dễ lung lay. Kinh tế Mỹ đã kéo dài giai đoạn phát triển từ năm 2009 đến nay, trong một hai năm sẽ tới lúc lên tột đỉnh rồi bắt đầu xuống.

Một hàn thử biểu đo lường sức khỏe của kinh tế toàn cầu là nền số xuất cảng của nước Đức. Đó là quốc gia có số thặng dư mậu dịch cao gấp đôi Trung Quốc. Nhưng mấy tháng qua, số xuất cảng của Đức đứng nguyên không lên, trong khi năm ngoái đã tăng 13%.

Ông Donald Trump mở cuộc tấn công mậu dịch đúng vào lúc Trung Quốc đang gặp khó khăn kinh tế. Ông Tập Cận Bình đã tính lầm nước cờ chỉ vì "không biết mình, không biết người".

Cuộc chiến mậu dịch bắt đầu khi kinh tế Mỹ vẫn còn lên mạnh, trong khi kinh tế Trung Quốc đang trì trệ. Ông Tập Cận Bình chủ quan khinh địch cho nên không tìm cách nhượng bộ ngay từ đầu, ít nhất cũng như một "kế hoãn binh".

Bây giờ ông Tập Cận Bình đang đuối sức. Những như con cà cuống đến chết vẫn còn cay, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nghênh chiến trong thế yếu. Thà rằng quay về thời bao cấp cũ, bỏ ngang cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế, còn hơn tuyên bố đầu hàng. Dân Trung Hoa lục địa sẽ lãnh hậu quả.

Câu hỏi là : Người dân Trung Quốc sẽ chịu đựng tới bao giờ ? 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 14/08/2018

Published in Diễn đàn