Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày thứ Năm, 9 tháng Tám, Bắc Kinh đưa ra danh sách những món hàng nhập cảng từ Mỹ sẽ bị đánh thuế 25%, cùng tổng số 16 tỷ USD để trả đũa Mỹ. Trong danh sách đó, có một món dự trù sẽ bị đánh nhưng sau cùng đã bỏ ra ngoài ; đó là dầu lửa, dầu thô mua về chế biến.

dau1

Trung Quốc cần nhập dầu lửa. Hơn 70% nhiên liệu dùng trong xứ phải nhập cảng, và trong 20 năm nữa sẽ tăng lên thành 80%. Nhưng Trung Quốc mua dầu nhiều nhất của Nga và Saudi Arabia, dầu lửa Mỹ chỉ chiếm 3% tổng số nhập cảng.

Dầu thô của Mỹ, Nigeria, Lybia thuộc loại "ngọt", chứa chất lưu huỳnh (sulfur) dưới 1% ; dầu Trung Đông, Nga "chua" hơn nên khi lọc rất tốn kém. Trong hai năm vừa rồi số dầu thô Trung Quốc mua của Mỹ đã tăng lên gấp 200 lần ! Các nước ở Châu Á cũng mua nhiều dầu thô của Mỹ hơn.

Nếu Trung Quốc dầu thô của Mỹ, các nước Châu Á khác sẵn sàng mua, vì họ đã lập những nhà máy lọc dầu mới cho thích hợp với loại ít lưu huỳnh. Quyết định đánh thuế 25% trên dầu thô Mỹ sẽ không gây một hiệu quả "trả đũa" nào cả, mặc dù Trung Quốc mua nhiều dầu của Mỹ chỉ thua Canada !

Trước đây Mỹ mua dầu vào nhiều hơn bán ra, lệ thuộc dầu từ Trung Đông. Gần đây Quốc Hội Mỹ bãi bỏ luật cấm xuất cảng dầu vì số dầu, khí đốt sản xuất bỗng tăng nhanh, nhờ phát minh các phương pháp khai thác mới.

Câu chuyện Trung Quốc không đánh thuế 25% trên dầu thô của Mỹ cho thấy trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra cán cân nghiêng về phía Mỹ. Nếu mỗi nước cứ tiếp tục tăng thuế nhập cảng từ nước kia, Mỹ có thể chịu đựng một cuộc chiến lâu dài trong khi Bắc Kinh sẽ đuối sức sớm !

Kinh tế Trung Quốc tùy thuộc vào xuất cảng nhiều, Mỹ thì ít. Nếu số xuất cảng sụp giảm, kinh tế Tàu bị đòn nặng hơn, và sớm hơn Mỹ. Năm ngoái Mỹ chỉ bán 130 USD tỷ cho Trung Quốc, mua vào gần 500 tỷ USD. Nếu tiếp tục leo thang từng bước, Mỹ đánh 34 tỷ USD, Tàu theo 34 tỷ USD, đánh 16 tỷ USD cũng theo 16 tỷ USD, sẽ đến lúc Trung Quốc hết hàng Mỹ để đánh thuế !

Nhưng điều quan trọng hơn cả, là kinh tế Mỹ có sức sống mạnh và bền bỉ hơn, vì do các công ty tư nhân đóng vai chủ động. Lúc nào họ cũng đầy phát minh, sáng kiến, thay đổi nhanh chóng để sẵn sàng lâm chiến, đáp ứng với thị trường. Trong khi đó kinh tế Trung Quốc vẫn do các cán bộ, đảng viên điều khiển ! Kinh nghiệm nửa thế kỷ chiến tranh lạnh cho thấy khi đám công chức thư lại đấu trận kinh tế với tư nhân, có thể đoán trước bên nào sẽ thắng.

Tình trạng trì trệ của guồng máy thư lại biểu lộ rõ ngay trong những ngày đầu lâm chiến, từ tháng Ba, 2018. Tập Cận Bình rõ ràng ở thế bị động, cứ Trump đánh tới đâu thì trả đũa tới đó ; trong khi Tôn Tử đã nói rằng phương pháp phòng thủ tốt nhất là tấn công !

Nhiều người giải thích rằng chiến lược đối đầu của Cộng Sản Trung Quốc đặt trên giả thuyết là Donald Trump "tháu cáy". Ông tổng thống Mỹ chỉ dọa thôi, nhưng sẽ giơ cao đánh khẽ. Vì ông Trump đã theo cách đó khi đối đầu với ông Kim Jong Un, với ông Bashar al-Assad ở Syria.

Ý kiến này nghe bùi tai giới lãnh đạo Trung Nam Hải. Cho nên Trung Quốc không có một kế hoạch chủ động đối phó với Mỹ trong cuộc chiến quan thuế leo thang. Cho nên, họ cứ chờ coi Trump hành động trước rồi phản ứng.

Tại sao những con người như Tập Cận Bình lại chấp nhận vai trò thụ động như vậy ? Ông ta đã từng hạ tất cả các đối thủ, đè bẹp Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, leo lên cao gần bằng Mao Trạch Đông, hơn cả Đặng Tiểu Bình.

Nguyên nhân chính là ông Tập Cận Bình vẫn dựa vào một guồng máy thư lại trong đảng Cộng Sản xưa nay vẫn quen sống ù lì, mà chính ông ta làm cho nó trì trệ hơn.

Trong năm, sáu năm qua, ông Tập Cận Bình chú tâm vào "Hai Củng Cố". Một là củng cố địa vị của mình, trở thành một chủ tịch không bị hạn chế hai nhiệm kỳ. Ông đã thành công. Hai là củng cố uy quyền của đảng Cộng Sản trong nước Trung Hoa. Ông đang tiến những bước quyết liệt, đàn áp những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ.

Nhưng để thực hiện "Hai Củng Cố" này, ông Tập Cận Bình tự làm thế yếu đi. Ông ta tự cô lập, không còn được nghe những ý kiến trái ngược với ý muốn của "thiên tử".

Đặt niềm tin vào một số cận thần, ông Tập Cận Bình đã không sử dụng cả những cơ quan nghiên cứu trong nội bộ, như Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Quốc Vụ Viện (务院发展研究中心) đã hoàn toàn bị gạt ra ngoài các cuộc thảo luận chiến lược kinh tế. Bên ngoài guồng máy đảng, ông Tập Cận Bình ra lệnh kiểm soát chặt chẽ những cơ quan nghiên cứu của các đại học, chỉ nhắm ngăn chặn các ý kiến trái nghịch, không khuyến khích các công trình nghiên cứu độc lập.

Cuối cùng, ông Tập Cận Bình chỉ còn được nghe những ý kiến "làm vui tai lãnh tụ".

Cho nên, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đứng trước những lời đe dọa tăng thuế quan, gây chiến tranh mậu dịch của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình không hề được chuẩn bị. Không có ai thu thập các dữ kiện, con số. Không có người vạch ra các giả thiết cuộc chiến sẽ xảy ra như thế nào, cần đối phó với mỗi kịch bản ra sao.

Dưới chế độ Tập Cận Bình, vẫn theo tờ báo, các học giả Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế không được tiếp xúc nhiều với các đồng nghiệp trong những "think tank" và đại học Mỹ. Họ không được nghe những ý kiến "chống Tàu" với các kịch bản để thi hành. Bắc Kinh vẫn tin tưởng quá đáng vào những "cố vấn" như ông Henry Kissinger, một tay cựu trào giỏi khai thác tiếng tăm của mình để kiếm hợp đồng nghiên cứu, nhưng không còn chút ảnh hưởng nào trong chính trị ở Washington. Thiếu dữ liệu, không có kịch bản, bộ máy chiến lược của ông Tập Cận Bình lâm vào thế thụ động.

Vì vậy, cách đối phó của ông Tập Cận Bình với ông Donald Trump là đi theo từng bước một. Các bước đi được quyết định vào phút chót, như việc rút dầu thô ra khỏi danh sách bị đánh thuế trả đũa – như một quan chức tiết lộ với báo South China Morning Post.

Sau khi Tổng Thống Donald Trump phát pháo tấn công thật, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tính nước cờ Liên Hoành, kết thân với Liên Âu, Nga và Nhật Bản để cùng chống Mỹ. Khi Nhật và Liên Âu ký hiệp ước lập một khối mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, và ông Jean-Claude Juncker tới Washington gặp Donald Trump, thế cờ đó tan vỡ.

Một điều mà các cố vấn thân cận của ông Tập Cận Bình không dám nói cho ông chủ nghe, là các nước Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ không phải chỉ giao thương hàng hóa và dịch vụ với nhau, họ còn chia sẻ những giá trị chung của chế độ tự do dân chủ. Sau khi ông Juncker từ Washington trở về, ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (European Council), đã tuyên bố trên Twitter, "Mỹ và Châu Âu là những bạn bè thân thiết nhất".

Những ý kiến đó các nhà nghiên cứu độc lập ở Trung Quốc cũng biết, và đã nói.

Một giáo sư Bắc Kinh Đại Học, ông Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo, 贾庆国) đã nói trong một cuộc hội thảo gần đây khuyên "Trung Quốc nên giữ một đường lối khiêm tốn trong bang giao quốc tế… Đừng để người ta nghĩ rằng mình sắp chiếm địa vị của nước Mỹ".

Một người táo bạo hơn là Giáo Sư Từ Trường Nhuận (张润), phân khoa Luật (Pháp Học Viện) của Đại Học Thanh Hoa (华大学法学院教授). Ông mới viết một bài vào cuối tháng Bảy đăng trên mạng Viện Nghiên Cứu Unirule (Thiên Tắc Kinh Tế Nghiên Cứu Sở 则经济研究所), một tổ chức mới bị đóng cửa.

Từ Trường Nhuận phê bình thẳng rằng quyết định bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch là sai lầm. Ông yêu cầu quốc hội Trung Hoa hãy hủy bỏ quyết định đó, và cũng công kích cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Nhật báo South China Morning Post cho biết ông Từ Trường Nhuận đang chờ bị thanh trừng !

Chính ông Tập Cận Bình tạo ra không khí đàn áp tư tưởng, không muốn nghe các lời nói "nghịch ý thiên tử". Gieo gió gặt bão, bây giờ ông Tập Cận Bình lúng túng khi đứng trước các cuộc tấn công quan thuế của ông Donald Trump vì cả bộ tham mưu không được chuẩn bị để đối phó.

Nhưng đó là tình trạng tất yếu sẽ đến với những lãnh tụ độc tài. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 10/08/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 30 juin 2018 09:40

Tập Cận Bình tỉnh mộng

Hôm thứ Năm, 28 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump tới khai trương một cơ xưởng của công ty Foxconn tại Wisconsin, khen ngợi công ty này mang công việc làm tới cho người lao động ở Mỹ. Foxconn sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào nhà máy này.

made1

Tập Cận Bình công bố chương trình Made in China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi kịp các quốc gia Tây phương.

Foxconn cũng là một trong những công ty Đài Loan đã mở màn quá trình phát triển của kinh tế Trung Quốc trước đây 30 năm, khi mở một nhà máy ở Thẩm Quyến (Shenzhen), tỉnh Quảng Đông. Từ đó, các công ty Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn bắt đầu đem công việc lắp ráp máy móc sang làm ở nước Tàu, vì lương công nhân rẻ mạt so với xứ họ.

Trong 30 năm qua, những công ty ngoại quốc như Foxconn đã thiết lập một mạng lưới tiếp liệu toàn cầu, đem các bộ phận từ nhiều quốc gia đến Trung Quốc, ráp lại, rồi đem bán ra ngoài. Những thứ hàng hóa đó đề "Made in China" khiến người ta có cảm tưởng China là một xứ tiến bộ, biến xứ này thành một trung tâm xuất cảng khắp thế giới.

Khi điện thoại lưu động iPhone của Apple được đưa từ Trung Quốc qua nước khác bán, số tiền thu nhờ xuất cảng tăng lên, trong khi đó, nhiều người quên rằng nước này đã phải nhập cảng những bộ phận để ráp thành những cái iPhone đó.

Người Trung Quốc chỉ được hưởng khoảng 5% giá bán một chiếc iPhone, từ 500 USD đến 1000 USD mỗi chiếc. Từ thời Foxconn đến thời Apple, vai trò của nước Trung Hoa vẫn không thay đổi bao nhiêu, chỉ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất những hàng hóa kỹ thuật cao.

Ông Tập Cận Bình muốn chấm dứt tình trạng chậm tiến đó. Ông đã công bố chương trình Made in China 2025, lấy năm 2025 làm mục tiêu cải thiện nền tảng công nghiệp, để đuổi kịp các quốc gia Tây phương.

Tập Cận Bình yêu cầu các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật phải biến Trung Quốc thành một cường quốc kỹ thuật cao, trong khi chính phủ Mỹ đang ra lệnh cấm bán các bộ phận cho ZTE, một công ty sản xuất khí cụ truyền thông lớn hàng thứ hai ở nước Tàu.

ZTE đã vi phạm luật cấm vận của Mỹ, khi bán cho Iran các dụng cụ dùng bộ phận do Mỹ sản xuất. Nếu bị cấm vận, ZTE sẽ phải ngưng hoạt động vì phần lớn công việc tùy thuộc vào những món phụ tùng mua từ Mỹ. Tổng thống Trump muốn cứu ZTE, nhưng quốc hội Mỹ ngăn cản. Công ty này đã phải trả tiền phạt 1,4 tỷ USD để được miễn chấp.

Vụ ZTE cho thấy ngành kỹ thuật cao của Trung Quốc còn khập khiễng không thể đứng trụ một mình. Công ty này đã "bi thảm hóa" tình trạng của họ bằng một thủ thuật có tính chất hài hước. Họ thông báo cho nhân viên ngưng sử dụng một nhà cầu đang bị hư, vì công ty không được phép mua đồ sửa chữa của hãng American Standard, tiểu bang New Jersey, nước Mỹ, trong lúc còn bị chính phủ Mỹ cấm vận !

"Made in China 2025" (Trung Quốc Chế Tạo, 中國製造) là một kế hoạch lớn của Tập Cận Bình. Ông ra lệnh giới kinh doanh Trung Quốc phải gia tăng nghiên cứu, đầu tư vào mười lãnh vực chiến lược. Bảng liệt kê đầy tham vọng nêu tên ngành tin học, với các hệ thống 5G cho thế hệ mới ; các máy móc tự điều khiển, robotics ; xe hơi chạy bằng điện ; ngành hàng không và không gian ; các nông cụ mới ; nghiên cứu sản xuất năng lượng mới ; sáng chế vật liệu mới ; dược phẩm sinh học và dụng cụ y học ; semiconductors dùng trong ngành trí khôn nhân tạo (AI, artificial intelligence) ; vân vân.

Để thực hiện chương trình này, Tập Cận Bình sẽ cho lập năm trung tâm sáng chế công nghiệp trên tòa quốc để tiến tới 40 trung tâm ở 48 tỉnh vào năm 2025. Bắc Kinh sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào chương trình này, và các địa phương sẽ góp 1,6 tỷ USD. Mục tiêu là sản xuất những hàng kỹ thuật cao, không lệ thuộc vào dây chuyền tiếp liệu từ nước khác, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp tự động hóa. Các chi tiết sẽ tính sau !

Chính phủ Mỹ và các nước Châu Âu đều chú ý đến dự án "Made in China 2025", coi như một mối đe dọa kinh tế tương lai. Họ lo lắng người Trung Hoa sẽ ăn cắp những kỹ thuật cao mà dân trong nước họ sáng chế. Trung Quốc cũng có thể tìm cách ngăn cản các công ty Tây phương, không cho cạnh tranh với các xí nghiệp bản xứ khi vào thị trường Trung Quốc.

Và Mỹ đã phản ứng. Trong số những hàng hóa của Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ, chính quyền Trump sẽ đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng nhập, phần lớn nằm trong kế hoạch Made in China 2025, bắt đầu từ ngày 6 tháng Bảy tới.

Trước phản ứng của Mỹ và Châu Âu, Tập Cận Bình đã thấy mình dại ! Ông lại được nghe giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế trong nước lên tiếng cảnh cáo không nên to mồm lớn tiếng nói chuyện xa vời quá. Tập Cận Bình đã ngầm ra lệnh các cơ quan truyền thông bớt to mồm, không nói đến Made in China 2025 nhiều như trước nữa !

Trong 12 tháng qua, Bắc Kinh đã cho đăng 190 bài cổ động cho Made in China 2025. Nhưng trong ba tháng vừa rồi, con số tụt giảm dần, trong 30 ngày gần nhất chỉ còn một bài thôi.

Giáo sư Trọng Vĩ (, Zhong Wei), trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, là một nhà giáo đã khuyên Trung Quốc không nên nói nhiều về Made in China 2025, trong lúc sức còn quá yếu. Ông nêu trường hợp ZTE như là một tấm gương chứng tỏ mình còn thua xa các nước Tây phương. Phương pháp duy nhất để tiến bộ là hợp tác với các nước tiến bộ trước mình ! Nên coi Made in China 2025 chỉ là một viễn kiến, không phải là một chương trình ! Nó khác những kế hoạch ngũ niên, vì chưa có chi tiết cụ thể nào về ngân sách, nhân sự, và tài nguyên.

Trong tuần qua, chủ bút tờ Khoa Kỹ Nhật Báo đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng rằng mình có thể sớm đuổi kịp các nước Tây phương. Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong, 亚东), đọc bài diễn văn ở Bắc Kinh hôm thứ Năm tuần trước, sau khi tờ báo của ông đăng một loạt bài nêu rõ còn 29 lãnh vực kỹ thuật mà người Trung Quốc còn thua kém các nước tiên tiến. Một trong các bài đó nêu câu chuyện ZTE bị cấm không được mua các bộ phận làm ở Mỹ.

Lưu Á Đông nói rằng mặc dù Trung Quốc đã phát triển kỹ thuật đáng kể, song vẫn còn nhiều chướng ngại khiến cho họ chưa đủ sức cạnh tranh với các nước Âu Mỹ.

Trung Quốc còn chậm tiến trên nhiều mặt. Thí dụ, ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chưa phát triển ; trong khi ai cũng biết tất cả các tiến bộ kỹ thuật đều bắt nguồn từ những khám phá mới trong khoa học thuần túy. Trung Quốc cũng còn thiếu "tay nghề" trong nhiều ngành kỹ thuật vì thiếu kinh nghiệm. Một trở ngại khác Lưu Á Đông nêu ra là tinh thần làm việc của người Trung Quốc còn thấp kém, họ không kiên trì thực hiện các công trình dài hạn.

Lưu Á Đông nêu thí dụ một bài của Tân Hoa Xã, trong đó họ đề cao bốn "sáng chế lớn" của dân lục địa. Bài này đăng từ mùa Thu năm ngoái, rồi được truyền bá rộng rãi trên các mạng xã hội. Bốn "sáng chế" được nêu danh là xe lửa cao tốc, mua bán trên mạng, thanh toán tiền tiền trên mạng, và xe đạp sử dụng chung (bike sharing) ở các thành phố.

Nhưng, Lưu Á Đông vạch ra, tất cả các "sáng chế" này đều đã được tìm ra và sử dụng ở nước khác ! Người Trung Hoa không hề "sáng chế" mà chỉ áp dụng các kỹ thuật được tìm ra ở các nước phương Tây hoặc Nhật Bản ! Với dân số hơn một tỷ, cái gì làm ở Trung Quốc cũng rất lớn, rất rộng. Đường xe lửa cao tốc dài nhất thế giới, Alibaba bán hàng trên mạng nhiều nhất thế giới, Alipay chuyển nhiều tiền trên mạng nhiều nhất. Nhưng rốt cục vẫn chỉ là bắt chước các sáng kiến của người ta !

Lưu Á Đông đã buộc tội những quan chức chính quyền, các cơ quan truyền thông (Tân Hoa Xã trong đó) đã thổi phồng những "thành tựu" không có thật, lừa gạt giới lãnh đạo đảng, khiến họ "tưởng bở !" Đó là thói quen "báo cáo hay" trong tất cả các nước cộng sản ! tháng Tư năm nay, một cuốn phim đề cao nước Tàu được rất nhiều người coi mang tên "Kinh Thán Trung Quốc" (叹中国), chỉ để ca ngợi các thành công dưới thời Tập Cận Bình !

Chính phủ Donald Trump đã nhắm vào Made in China 2025 khi ra lệnh ngưng hoặc hạn chế không xuất cảng sản phẩm kỹ thuật cao sang Trung Quốc, vì sợ bị ăn cắp. Ông bộ trưởng tài chánh khéo léo chữa lại, nói lệnh này áp dụng cho tất cả các nước, không riêng gì nước Tàu. Sau đó, ông Trump chữa lại lần nữa, cho biết ông sẽ chuyển tất cả vấn đề xuất cảng kỹ thuật cao cho quốc hội Mỹ quyết định.

Nhưng Tập Cận Bình đã tỉnh giấc kịp thời. Giấc mộng của ông, Trung Quốc Mộng, đã va chạm thực tế : Trung Quốc vẫn còn chạy theo sau các nước Âu Mỹ về khoa học kỹ thuật ; còn rất lâu mới bắt kịp.

Bài diễn văn của Lưu Á Đông được truyền đi trên mạng để cảnh tỉnh người dân trong lục địa. Nhưng điều đáng kể nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tiếng nói chính thức của cộng sản Trung Quốc, đã lên tiếng ca ngợi các ý kiến của ông !

cộng sản Trung Quốc đã xuống thang tuyên truyền. Chính quyền đã ngầm ra lệnh bớt nói đến kế hoạch Trung Quốc Chế Tạo, Made in China 2025 !

Trong một cuộc họp báo ngày 26 tháng Sáu vừa qua ở Bắc Kinh của nhân viên Bộ Khoa Học Kỹ Thuật và Bộ Công Nghiệp và Tin Học, họ không nói đến những chữ đó một lần nào, mặc dầu mục đích của họ là để thông báo cuộc Triển lãm "Công nghiệp Thông minh" đang khai mạc ở Trùng Khánh !

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 30/06/2018

Published in Diễn đàn

John Adams, người kế vị Tổng thống George Washington, đã nói : Có hai cách để khuất phục một quốc gia, một là dùng gươm, hai là cho vay nợ. Ở Sri Lanka, Trung Quốc đã dùng nợ để chiếm lấy một hải cảng. Ông tổng thống Mỹ này không biết con cháu Tôn Tử, Khổng Minh còn nhiều cách khác, và họ vẫn còn đang đã thi thố ở Việt Nam.

srilanka2

Công ty China Harbor đang xây dựng hải cảng Hambantota, phía đông nam, mà Sri Lanka đã nhường cho Trung Quốc sử dụng trong 99 năm 

Khi bênh vực dự luật Đặc Khu nhường quyền cho ngoại quốc 99 năm, một quan chức cộng sản nêu thí dụ chính phủ Sri Lanka cũng nhường cho Trung Quốc sử dụng hải cảng Hambantota trong 99 năm, để chứng tỏ việc đây là chuyện bình thường !

Nhưng việc Trung Quốc chiếm được cảng Hambantota rất bất thường ! Đồng bào Việt ta nên biết câu chuyện này diễn ra thế nào để khỏi bị hai đảng cộng sản đánh lừa !

Câu chuyện bắt đầu với cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, được bầu lên năm 2005. Năm 2009, cuộc nội chiến với sắc dân Tamil chấm dứt sau 26 năm đẫm máu. Ông Rajapaksa và ba người em trai chia nhau kiểm soát quyền chi tiêu 80% ngân sách chính phủ. Ông muốn mở mang một hải cảng ở Hambantota, chỉ vì đó là đơn vị của ông, mặc dù hải cảng chính ở thủ đô Colombo gần đó không thiếu chỗ và đang trên đà phát triển mạnh.

Dự án được các chuyên viên kinh tế của chính phủ nghiên cứu, kết luận rằng một hải cảng ở Hambantota không mang ích lợi nào, so với phí tổn. Thêm một chứng cớ, là khi Rajapaksa đi vay tiền các ngân hàng Ấn Độ, họ từ chối. Vì họ tính toán thấy rằng hải cảng đó, trong tương lai sẽ không làm ra đủ tiền để trả nợ.

Nhưng Trung Quốc sẵn sàng cho vay. Tất nhiên, đối với họ lợi ích kinh tế không quan trọng bằng vị trí chiến lược của địa điểm này. Dùng Hambantota, Trung Quốc có thể khống chế đường giao thương trong Ấn Độ Dương. Đây sẽ là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch Một Vòng Đai, Một Con Đường của Tập Cận Bình, về mặt kinh tế cũng như quân sự.

Món nợ đầu tiên, 307 triệu USD trả lãi suất thay đổi từ 1% đến 2%, trong khi chính phủ Nhật Bản thường cho vay các công trình hạ tầng cơ sở với lãi suất dưới một nửa phần trăm. Món nợ đó kèm theo điều kiện, là Sri Lanka phải để cho một công ty quốc doanh Trung Quốc, China Harbor, lo việc xây dựng, với các công nhân người Tàu. Ông Rajapaksa chấp nhận hết, vì muốn làm gấp để xong trước ngày 18 tháng Mười Một, 2010, là sinh nhật 65 tuổi của ông ta. Ông tới làm lễ khánh thành đúng ngày đó, mặc dù không chiếc tàu lớn nào vô được bến, vì đá ngầm chặn ngoài cửa biển.

Sau khi chi 40 triệu USD phá đá ngầm, hải cảng Hambantota vẫn vắng khách. Năm 2012, trên con đường hàng hải Ấn Độ Dương với hàng chục ngàn thương thuyền qua lại, chỉ có 34 chiếc tàu ghé Hambantota, trong lúc cảng Colombo có 3.667 chuyến tàu tới bốc dỡ hàng. Hambantota không sinh ra tiền để trả nợ. Ông Rajapaksa lại sang Tàu cầu cứu. Lúc đó các Chú Ba mới đặt điều kiện mới. Món nợ cũ từ nay phải trả lãi suất cố định, 6,3%. Ông Rajapaksa đành chấp nhận vì không một ngân hàng quốc tế nào cho vay, họ biết rằng cái cảng này không có bao nhiêu thương thuyền sử dụng !

Nhưng ông Rajapaksa còn có những kế hoạch khác cho Hambantota, kiểu "xây dựng tượng đài" ở Việt Nam : Làm một sân banh "cricket" ; những ngôi nhà chọc trời, một xa lộ, và một phi trường quốc tế. Cho nên, năm 2012, ông Rajapaksa đã xin vay thêm 757 triệu USD nữa. Hiện nay, cái xa lộ xuyên ngang quận Hambantota rất yên tĩnh ; nông dân phơi lúa trên mặt đường, lâu lâu lại có mấy con voi từ trong rừng thủng thẳng băng qua. Còn phi trường chỉ có một hãng máy bay của Dubai thuê dùng hằng ngày, chuyến bay chót chấm dứt hợp đồng trong tháng Sáu.

Sri Lanka còn phải nhượng bộ thêm, cho phép một công ty China Harbor xây dựng một bến tàu mới tại hải cảng chính của quốc gia, Colombo, với 20.000 mẫu tây đất, mà nước chủ nhà không có quyền can dự việc điều hành trong đó. Năm 2014, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm thủ đô Colombo, Trung Quốc đã cho một chiếc tàu ngầm tới đậu trên bến cảng, diễu võ dương oai !

Năm 2015, ông Rajapaksa thất cử, sau khi các đảng đối lập tố cáo những phí phạm và nhũng lạm của gia đình ông. Mặc dù trong cuộc tranh cử đó, Rajapaksa đã được Trung Quốc nhiệt liệt ủng hộ. Đại sứ Trung Quốc ở Colombo đi đánh golf còn công khai khuyên mấy người bản xứ hầu hạ nên bỏ phiếu cho Rajapaksa, trái với quy tắc ngoại giao !

Các chứng cớ trong sổ sách ngân hàng cho thấy công ty China Harbor đã góp 7,6 triệu USD vào quỹ tranh cử chính thức của ông tổng thống. Mười ngày trước khi dân bỏ phiếu, thêm 3,7 triệu USD đưa cho những người chung quanh ông chi dùng, 678.000 USD để làm áo T-shirts tranh cử, 297.000 USD mua quà tặng cử tri, như váy saris tặng các bà. Họ còn chi 38.000 USD cho một nhà sư ủng hộ ông Rajapaksa, chưa kể hai ngân phiếu tổng cộng 1,7 triệu USD cúng vô chùa của ông sư này.

Hành động này không có gì lạ. Trung Quốc theo kế của John Admas, đã từng bị tố cáo dùng tiền bạc lũng đoạn các nước khác. Bangladesh, chẳng hạn, đã cấm công ty China Harbor bén mảng, sau khi họ bị bắt quả tang hối lộ một quan chức Bộ Giao thông vận tải, với 100.000 USD tiền mặt, đựng trong một hộp trà. Công ty mẹ của nó, năm 2009, đã bị Ngân Hàng Thế Giới cấm dự thầu trong tám năm vì tội hối lộ ở Philippines.

Chính phủ mới lên thay ông Rajapaksa thừa hưởng những món nợ khổng lồ ông để lại. Họ không thể chui đầu sâu hơn vào trong cái thòng lọng vay nợ mà Trung Quốc móc sẵn trên cổ. Sau hàng năm thương thuyết, tháng Bảy năm ngoái chính phủ mới phải ký giấy "trừ nợ", chuyển nhượng hải cảng Hambantota cho Trung Quốc, biến một tỷ đô la tiền nợ thành 85% cổ phần, Sri Lanka có 15%, để có tiếng vẫn giữ được chút chủ quyền. Công ty Trung Quốc sẽ được làm chủ 6.000 mẫu đất trong 99 năm !

Đó là con số 99 năm mà Đảng cộng sản Việt Nam đang muốn dành cho các công ty ngoại quốc ở ba đặc khu họ tính tạo ra với dự luật mới.

Sau khi xóa được một tỷ đô la, Sri Lanka vẫn chưa hết nợ Trung Quốc, vì tiền lãi đắp vào chồng chất trên nợ cũ. Trong mười năm cầm quyền, ông Rajapaksa đã tăng gấp ba số nợ nần của quốc gia, lên tới gần 45 tỷ USD. Rajapaksa phải trả cho Trung Quốc lãi suất cao hơn mức lời các ngân hàng quốc tế khác đòi hỏi. Trong năm 2018, chính phủ Sri Lanka phải trả lãi và vốn đáo hạn 12,3 tỷ USD trong khi chỉ thu được 14,8 tỷ USD tiền thuế !

Các nhà quan sát quốc tế đều thấy rằng lý do Trung Quốc lãnh lấy hải cảng Hambantota hoàn toàn là "phi kinh tế" ; không thể nào thu lại số tiền trừ nợ một tỷ đô la. Lý do duy nhất là Bắc Kinh muốn chiếm lấy một vị trí chiến lược trong kế hoạch "Nhất Đái Nhất Lộ". Khi hải cảng được chính thức trao cho Trung Quốc, tháng Mười Hai năm ngoái, họ đã hoan hô trên mạng Twitter #BeltandRoad, nói rằng đây là một dấu hiệu thành công lớn !

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shivshankar Menon đã nhận xét, lý do duy nhất mà Trung Quốc muốn chiếm hải cảng này là vấn đề an ninh quốc gia. Ngay từ khi cho vay 307 triệu USD nợ đầu tiên, Trung Quốc đã yêu cầu Sri Lanka phải chia sẻ các tin tức tình báo, về tầu thuyền quốc tế qua lại trong Hambantota. Ông Menon tiên đoán có ngày họ sẽ đem quân tới đóng.

Ông Gotabaya Rajapaksa, người em của cựu tổng thống sẽ ra tranh cử năm 2020, chắc chắn sẽ Trung Quốc hỗ trợ, với hy vọng sẽ tiếp tục mua bằng tiền. Họ không dùng gươm, súng, mà chỉ cho vay nợ cũng cướp đoạt chủ quyền một quốc gia khác.

Chỉ có một hàng rào cản đường xâm lấn của Trung Quốc là những lá phiếu của người dân Sri Lanka. Nếu ý thức được mưu đồ bành trướng của đế quốc Đỏ, dân Sri Lanka sẽ bảo vệ được tổ quốc bằng cách chọn những người lãnh đạo đáng tin cậy hơn.

Dân Việt Nam không có quyền lựa chọn lựa người cầm quyền như vậy ! Mà ở nước ta, Trung Quốc cũng không dùng gươm súng hay dùng nợ nần để lũng đoạn.

Từ năm 1959, Đảng cộng sản Việt Nam đã tự đặt mình trong bàn tay cộng sản Trung Quốc, khi tôn xưng tư tưởng Mao Trạch Đông và áp dụng các chính sách tàn khốc của Trung Quốc.

Năm 1990, Đảng cộng sản Việt Nam lại đầu hàng một lần nữa ở hội nghị Thành Đô. Trung Quốc có những mánh khóe xâm lăng mà Tổng thống John Adams thế kỷ 18, 19 không tưởng tượng ra được. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 27/06/2018

Published in Diễn đàn

Các cuộc biểu tình trên toàn quốc từ ngày Thứ Bảy, 9 tháng Sáu, tuy nhắm vào các dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng, nhưng động cơ chính khiến hàng vạn người xuống đường là mối uất hận đối với âm mưu xâm lấn của cộng sản Trung Quốc mà cộng sản Việt Nam cúi đầu chấp nhận.

baihoa1

Dân Việt Nam đang thù ghét cộng sản Trung Quốc, tinh thần chống Trung Quốc đã dâng lên mạnh nhất

Nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông công nhận tinh thần chống Trung Quốc (anti-Chinese sentiment) đã dâng lên mạnh nhất, kể từ năm 2014 khi giàn khoan Tàu vào đậu ở vùng biển đang tranh chấp. Báo Post dẫn lời cô Đỗ Thị Minh Hạnh, được giới thiệu là chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt Nam, nói rằng, "Mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng lộ rõ, làm người dân tức giận". Sứ quán Trung Cộng ở Hà Nội, khi báo động các kiều dân của họ phải coi chừng, cũng thú nhận rằng các cuộc biểu tình "bất hợp pháp" này có "nội dung chống Trung Quốc" (anti-China content).

Nhà tranh đấu dân chủ Hà Sĩ Phu nhắc nhở mọi người hai sự kiện nổi bật trong mấy ngày tranh đấu : "Dân Bình Thuận tay không đã đánh khiến cho hàng trăm cảnh sát cơ động vũ trang tận răng phải cởi giáp quy hàng", và, trước đó, "Dân Nha Trang đánh du khách ngỗ ngược Trung Quốc khiến hàng ngàn du khách Trung Quốc phải lên máy bay tháo chạy về nước !"

Hai hiện tượng trên bắt nguồn từ một lý do chung : Lòng Dân.

Dân Việt Nam đang thù ghét cộng sản Trung Quốc. Họ chiếm đất, chiếm biển, mua chuộc, lũng đoạn để sử dụng một chính quyền cộng sản đàn em làm tay sai ! Vì không biết nỗi uất hận của người Việt, các du khách Trung Hoa chuốc họa vào thân. Cũng vì lòng thù hận đó thúc đẩy, người dân Bình Thuận đã khuất phục được đám cảnh sát công an đang tan rã tinh thần.

Chính quyền cộng sản Việt Nam đã trấn áp, bắt bớ mấy trăm người. Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn lên giọng dọa nạt "xử lý nghiêm các phần tử chống đối phá hoại".

Nhưng không cách nào có thể dập tắt Lòng Dân !

Dân Việt đã khốn khổ vì bị ức chế : Nông dân mất ruộng đất ; công nhân bị bóc lột mà không được lập công đoàn để tự vệ ; các nhà kinh doanh phải đút lót ; giới trí thức bị bịt miệng ; nhà báo phải cúi đầu nghe lệnh như đám nô lệ. Nhưng nỗi đau đớn chung, nỗi đau nhất, là cảm thấy mình đã "mất nước" rồi !

Lòng Dân chất chứa "anti-China content", chữ của sứ quán Trung Quốc, từ ngàn năm Bắc thuộc, từ các cuộc xâm lăng của quân Tống, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, tới đám "giải phóng quân" của Đặng Tiểu Bình.

Lòng Dân đã sôi sục, cho nên hàng vạn người đã xuống đường. Không ai bảo ai, không cần kêu gọi hay tổ chức, không ai điều động, chỉ huy. Mỗi uất hận là ngọn lửa sẽ âm ỉ mãi mãi, một biến cố nhỏ cũng có thể thổi bùng lên. Ở những nơi có các công ty Trung Quốc và công nhân Trung Quốc sinh sống, không khí đang ngột ngạt, không biết bao giờ xung đột sẽ bùng nổ. Sứ quán Trung Cộng cảnh báo kiều dân của họ là đúng lúc.

Ông Nguyễn Phú Trọng có "nghiêm trị" hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người, cũng không dập tắt được Lòng Dân ! Trong những ngày, tháng sắp tới đảng cộng sản sẽ phải ngồi trên một núi lửa chỉ chờ giờ bộc phát.

Như nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn nhận xét, Dối Trá và Bạo Lực là nền tảng của chế độ cộng sản. Dối trá bắt đầu bị phơi bày từ năm 1975, hoàn toàn mất hiệu lực từ năm 1989 ; vì dân Việt đã nhìn thấy sự thật. Bạo lực đang lung lay ; đám công an cũng "cởi giáp quy hàng", họ còn thấy đồng bào sẵn sàng tha thứ nếu biết quay đầu. Cả hai nền tảng đó biến mất, chế độ phải tan rã.

Từ năm 1990, ai cũng thấy chế độ cộng sản ở nước ta phải sụp đổ. Nó chưa bị lật nhào vì nhiều người còn thắc mắc : Cái gì sẽ thay thế nó ? Có lo xã hội hỗn loạn hay không ? Sẽ xây dựng dân chủ tự do như thế nào ? Ai có khả năng làm cho đất nước sạch sẽ hơn, trong khi vẫn phải lo đối phó với quân thù đang đe dọa ?

Chế độ cộng sản vẫn khai thác những nỗi băn khoăn trên để kéo dài ách cai trị. Đảng cộng sản không cho ai lên tiếng, không cho dân Việt được thảo luận để trả lời cho những thắc mắc trên. Những nhà tranh đấu dân chủ bị bắt giam, bị lưu đày, bị đánh đập, bịt miệng, để người dân không thể tìm giải đáp cho những câu hỏi trên.

Chính các đảng viên cộng sản và đám lãnh đạo đảng cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho chính họ nếu chế độ sụp đổ. Phản ứng tự nhiên của họ là co cụm lại, chúi đầu xuống cát như những con đà điểu, không dám nhìn sự thật trước cảnh Lòng Dân sôi lên nỗi nhục nhã, uất hận.

Nhưng có một câu trả lời giản dị, một giải pháp có thể thực hiện được. Là Đảng cộng sản Việt Nam hãy trao quyền cho quân đội. Quân đội sẽ quản lý quốc gia một thời gian, để có thời giờ xây dựng một thể chế dân chủ tự do hợp với khát vọng của toàn dân và xu hướng của thế giới văn minh.

Hiện nay trong nước ta, ngoài đảng cộng sản chỉ còn một định chế có tổ chức, có kỷ luật, là quân đội. Người dân phấn khởi nghe những tướng lãnh về hưu lên tiếng chống các chính sách gian tham và bán nước của đảng cộng sản. Ngoài đám tướng lãnh tham nhũng đã hoàn toàn bị nhúng chàm và những kẻ mở miệng ca ngợi 16 chữ vàng ; quân đội vẫn có thể dần dần lấy lại lòng tin của người dân nếu chứng tỏ biết đặt quyền lợi tổ quốc trên lợi ích cá nhân và bè đảng.

baihoa2

Sống tự do là một quyền thiêng liêng của con người

Khi thoát khỏi ách khống chế của đảng cộng sản, quân đội có thể trở về với vị trí đúng của mình. Họ sẽ tuyên thệ trung thành với tổ quốc, với đồng bào, không chấp nhận làm chân tay cho một đám người hèn với giặc, ác với dân nữa.

Việc đầu tiên phải làm khi quân đội nắm quyền là ấn định việc tổ chức bàu cử quốc hội lập hiến trong 12 hoặc 18 tháng, cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do, để các đại biểu đích thực của người dân thiết lập thể chế tương lai. Tiếp theo, phải xác định sẽ tổ chức bầu quốc hội lập pháp.

Thời gian hai tới ba năm là cơ hội cho dân Việt Nam tập sống trong tự do dân chủ. Sau đó người Việt sẵn sàng sử dụng các quyền công dân của mình.

Vì vậy, từ ngày đầu tiên chính quyền quân đội phải công bố rằng các quyền tự do căn bản của mọi công dân sẽ được tôn trọng : Tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp và lập hội, lập công đoàn, lập đảng, vân vân. Chính quyền quân đội có thể tạm thời nắm quyền hành pháp và lập pháp nhưng sẽ phải làm gương tôn trọng một quyền tư pháp độc lập.

Sống tự do là một quyền thiêng liêng của con người. Dân chủ là một cách sắp xếp cuộc sống xã hội, là thể chế thuận tiện nhất để bảo vệ tự do. Không tự do thì không thể xây dựng dân chủ. Khi được tự do, người ta sẽ biết thiết lập nền tảng dân chủ như thế nào.

Khi quân đội nắm quyền, chúng ta có sợ chế độ quân phiệt sẽ lên thay chế độ cộng sản hay không ?

Mối lo đó lúc nào cũng có, vì ai cũng biết "quyền hành sinh nhũng lạm". Nhưng từ cuối thế kỷ 20 đến nay, các chế độ quân phiệt không còn đất dụng võ nữa. Trong thế kỷ 21 này, hai sức mạnh trong xã hội sẽ ngăn ngừa không cho chế độ quân phiệt thành hình. Thứ nhất là ý thức tự do dân chủ đã lên cao, người ta biết tự do cần thiết để phát triển kinh tế như thế nào. Thứ hai là cuộc cách mạng thông tin giúp cho các ý kiến truyền tỏa rộng rãi và nhanh chóng.

Trong thời gian chuẩn bị sống dân chủ các quyền tự do ngôn luận và hội họp sẽ giúp xã hội công dân (civil society) phát triển. Xã hội chính trị (political society) phát triển theo khi các đảng phái được tự do hoạt động. Một chế độ dân chủ không thể nào thiếu các đảng chính trị, là nơi kết tụ những người có quyền lợi kinh tế, xã hội giống nhau. Chính quyền phải thể hiện tinh thần trọng pháp (the rule of law). Mọi người dân biết rằng sinh mạng, tài sản của mình pháp luật được bảo đảm và mọi người bình đẳng trước công lý. Khi đó xã hội kinh tế (economic society) theo nền nếp thị trường thật sự, cạnh tranh tự do trong luật lệ, không ai cần hối lộ, không ai được lạm quyền.

Còn đảng cộng sản thì sao ? Nếu đảng cộng sản tự ý trao quyền cho quân đội thì các đảng viên sẽ không lo bị trả thù, bị người dân trừng phạt bất kể luật lệ. Ở Ba Lan, năm 1981 đảng cộng sản đã đưa Tướng Jaruzelski lên cầm quyền, mang giới quân nhân vào guồng máy cai trị, dần dần đưa tới cuộc cách mạng không đổ máu năm 1989. Ở nước ta, chính quyền quân đội có thể xóa bỏ ngay điều 4 trong hiến pháp, nhưng tốt nhất là thay thế bản hiến pháp cộng sản bằng một hiến chương lâm thời trong khi chờ quốc hội lập hiến ấn định một thể chế mới.

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không có ai nhìn xa trông rộng để nhường chính quyền cho quân đội thì có thể diễn ra tình trạng như ở Bồ Đào Nha năm 1974. Năm đó, một số sĩ quan cấp tá và cấp úy đã tự lập Phong Trào Quân Lực Chiếm Chính Quyền, đưa ra một Hội Đồng Cứu Quốc bảy người làm việc quản trị đất nước. Chính quyền độc tài cũ tự rút lui trước khí thế mạnh mẽ của Lòng Dân.

Tại nhiều quốc gia, sau khi chế độ độc tài chuyên chế bị xóa sổ, chính quyền mới đã thành lập những Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải (truth and reconciliation commission) để giải quyết các vụ phạm tội trong chế độ cũ, dựa trên tinh thần bao dung, đức công bằng, và luôn luôn tôn trọng các quy tắc pháp lý. Các nước đã theo chính sách này là Uganda năm 1974, Bolivia năm 1982, Argentina 1983, Chile 1990, Nepal 1990, El Salvador 1992, Guatemala 1994 và Cộng Hòa Nam Phi, năm 1995.

Người dân Việt Nam biết rằng có những giải pháp để trả lời cho câu hỏi : "Sau cộng sản sẽ là cái gì ?" Chính các đảng viên cộng sản cũng biết rằng họ sẽ không lo bị trả thù trong cơn hỗn loạn. Họ không cần bám víu khẩu hiệu ích kỷ, bần tiện "Còn đảng, còn mình" nữa. Khi đó, nước Việt Nam sẽ lật trang sử mới.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 22/06/2018

Published in Diễn đàn
lundi, 11 juin 2018 16:16

Lòng dân tạo ra phép lạ !

Như hàng triệu người Việt Nam khác, suốt ngày Chủ Nhật chúng tôi theo dõi những cuộc biểu tình ở Việt Nam. Như nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét, đây "là lần đầu tiên sau 1975, có cuộc Tổng biểu tình toàn quốc kéo dài suốt ngày, gồm hàng vạn người" !

binhthuan4

Lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát cơ động, công an trật tự được trang bị khiên chắn, gậy chuyên dụng cùng súng phóng lựu đạn cay… đã phải thất thủ trước những người dân đang phẫn uất cực độ

Hoàng Hưng nhắc lại lời tiên tri của một nhà thơ khác. Đỗ Trung Quân đã đoán trúng trên Facebook khi nói với tay cảnh sát đến thăm dò để ngăn chặn trước không cho ông tham dự : "Tôi không đi biểu tình (vì ốm yếu và bị chặn) nhưng sẽ có hàng triệu người đi" !

Cuộc biểu tình ở Hà Nội có thể làm cho chế độ run, khi người dân đi tới Hồ Hoàn Kiếm với những khẩu hiệu : "Không cho Trung Quốc thuê đất ! Dù chỉ một ngày !".

Nhà báo Mạnh Kim vui mừng mô tả : Lần đầu tiên sau 43 năm có một sự kiện Sài Gòn, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Hà Nội, Nghệ An… đều đồng loạt cất vang "Không Trung Quốc, Không đặc khu" ! "An ninh mạng, Bịt miệng dân" !

Cũng như hầu hết các người tìm coi các hình ảnh và video trên mạng, tôi cũng cố tìm trong số hàng ngàn, vạn người đi biểu tình coi có khuôn mặt nào quen không. May mắn, trong mẩu tin ngắn do Tiến sĩ Nguyễn Quang A truyền đi, kèm theo hai bức hình, tôi nhìn ra nhà văn Nguyên Ngọc trong cuộc biểu tình ở Đà Nẵng ! Anh Nguyên Ngọc tươi cười, và trông rất tráng kiện ở cái tuổi ngoài 80. Nguyễn Quang A báo tin : "Theo anh Ngọc, người dân tham gia biểu tình ý thức rất cao".

Ngày hôm trước, nhà thơ Hoàng Hưng đã đạp xe đi trên các con đường vòng quanh các khu vực trung tâm Sài Gòn. Ông thấy bọn an ninh dày đặc hàng ngàn người cùng hàng trăm xe sẵn sàng để bắt người đem đi ; hàng trăm rào thép gai lưu động rải khắp các ngã tư,… những quảng trường và nhà hàng vắng ngắt, những bãi gửi xe đóng cửa… Ông không tin là có thể nổ ra biểu tình, dù là chỉ một nhóm người nho nhỏ !

"Vậy mà", Hoàng Hưng viết, "…khoảng 8g30, phép lạ xảy ra ! Các nhóm bắt đầu tập họp theo một mật lệnh nào đó" ! Tay họ đưa lên những khẩu hiệu, bích chương nhỏ, mệng cất tiếng hô "Get out, China !" và "Không Trung Quốc, Không đặc khu !", "An ninh mạng, Bịt miệng dân !".

Không có "mật lệnh nào cả" ! Đó là điều kỳ diệu trong "biến cố" ngày 10 tháng Sáu, 2018. Không ai ra lệnh. Những người tham dự tự "ra lệnh" cho chính mình. Họ bày tỏ trên mạng. Facebook đã trở thành quảng trường vĩ đại, mọi người tụ tập dù không thấy mặt nhau. Những người đọc được, nghe thấy, tự động hưởng ứng mà không cần báo trước ! Hoàng Hưng đã chứng kiến một "phép lạ" ! Phép lạ do Lòng Dân phát sinh ra, tất cả cùng sôi sục ! Không cần phải có "lãnh tụ", không cần ai dẫn dắt, vì "các cụ" đều bị canh giữ tại nhà, như Đỗ Trung Quân. Điều đẹp nhất là, hầu hết những người xuống đường là giới trẻ và những người lao động !

Một hiện tượng đặc biệt của ngày 10 tháng Sáu là hoạt động của các nhà báo tự do trên mạng. Ai cũng hào hứng chuyển đi những hình ảnh, tin tức và cảm nghĩ của mình, tới hàng triệu độc giả, khán giả.

Nhà báo mạng Bạch Cúc ghi nhớ lời mấy cô, mấy bác trong chợ nói : "Lần này nhất định phải lên Sài Gòn biểu tình, bỏ một buổi chợ không sao cả. Tui bán ngày được có hơn trăm bạc nhưng tui sẽ lấy tiền góp của tui để đi, tụi tui thuê xe 50 chỗ rồi cô, giờ giấc khởi hành đã định. Ai cũng nghèo nhưng không thể ngồi yên nhìn bọn chúng bán nước, đời mình xem như thua rồi nhưng còn đời con mình, đời cháu chắt mình, phải đi thôi, không thể chịu đựng được hơn nữa" ! Có những người biểu tình vừa hát vừa khóc, cất tiếng ca những bài hát bị cấm như "Trả Lại Cho Dân" hoặc "Việt Nam Tôi Đâu ?".

Đảng Cộng Sản Việt Nam lo trấn áp dân những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng. Nhưng họ không ngờ người dân những thành phố nhỏ hơn như Bình Dương, Mỹ Tho, Nha Trang, Cam Ranh, Nghệ An, Phan Rí, Phan Thiết cũng một lòng chống Trung Cộng và Việt Cộng !

Như nhật báo Người Việt tổng hợp các tin tức trên mạng viết : Loạt hình ảnh được mạng xã hội Facebook loan tải cho thấy, lực lượng Cảnh Sát Cơ Động, vốn được mệnh danh là "Quả Đấm Thép" của Bộ Công An cộng sản Việt Nam, đã thúc thủ trước những người biểu tình chống luật đặc khu và đôi khi biến thành bạo động tại Phan Thiết, Phan Rí của tỉnh Bình Thuận và Khu Công Nghiệp Tân Tạo (Pouyuen), huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn trong ngày ngày 11 tháng Sáu, 2018.

Công an cảnh sát cộng sản đàn áp những người biểu tình ở Hà Nội nhanh chóng, nhưng họ đã thất bại ở một nơi bất ngờ nhất : Phan Rí.

Nhà báo tự do Phạm Lê Vương Các báo tin : "Sau nhiều giờ cố thủ trong trụ sở công an, chiều nay lực lượng cảnh sát vũ trang đã buông bỏ vũ khí trước sức ép từ những người dân biểu tình tại Phan Rí, Bình Thuận". Bây giờ ai cũng có thể coi trên Youtube những cảnh sát cơ động đầu hàng dân Phan Rí ! Người dân ở đây đã biểu tình suốt hai ngày !

Trên mạng mọi người nức lòng coi bài tường thuật, "Lúc 12 giờ trưa ngày 11 tháng Sáu, 2018, nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm cảnh sát cơ động kéo đến đàn áp người biểu tình tại Quốc lộ 1A, đoạn đi qua thị xã Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, khiến bạo lực tiếp tục bùng phát.

"Kết cục là lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát cơ động, công an trật tự được trang bị khiên chắn, gậy chuyên dụng cùng súng phóng lựu đạn cay… đã phải thất thủ trước những người dân đang phẫn uất cực độ".

"Video phổ biến trên mạng xã hội cho thấy cảnh hàng trăm cảnh sát cơ động tự cởi bỏ mũ giáp, vũ khí trong hoàn cảnh bị người biểu tình bao vây, khống chế. Thậm chí, một số người dân đã chủ động giúp những các Cảnh sát cơ động leo tường tháo chạy để bảo toàn tính mạng".

Và đồng bào đối xử với những người biết "quay đầu lại với dân" với tấm lòng bao dung không ngờ : "Không hề có cảnh người biểu tình trả thù hay đánh đập những cảnh sát cơ động buông bỏ vũ khí mà trước đó vài giờ họ đã xung đột ‘một mất một còn’".

Một người dân Bình Thuận viết cho cô ở Mỹ : "Nhìn mấy chú công an lo canh gác ngày đêm thương lắm cô à ! Họ cũng có gia đình, họ cũng yêu nước, mà vì công việc họ phải chống lại dân ! Người thân trong gia đình rất lo cho tính mạng họ".

Nhà báo tự do Trương Duy Nhất chứng kiến hình một anh cảnh sát cơ động tươi cười khi biết đồng bào vẫn thương mình. Ông đã hỏi họ : "Tại sao các anh phải nổ súng. Tại sao phải hầm hừ trấn áp, tấn công nhân dân như kẻ thù ?". Và anh khuyên : "…nếu vẫn phải nổ súng, vẫn buộc phải bắn, thì : Hãy chĩa súng lên… trời !".

Đỗ Trung Quân, tác giả bài thơ nổi tiếng Quê Hương Là Chùm Khế Ngọt, đã đặt câu hỏi : "Vì sao ngày cuộc sống càng nhiều bất ổn, ưu tư ?". Ông nói thẳng với người công an tới nhà : "Kẻ mà tôi gọi đích danh nó cưỡng chiếm non sông ta bằng cả hai thứ : súng đạn và tiền, là Trung Quốc !". Và ông khuyên, "hãy đứng chung với đồng bào của mình đi, bởi lẽ kẻ thù xưng danh là bạn khi chiếm được đất nước này nó cũng không tha cho gia đình các em đâu".

Một người nhận xét trên mạng : Sau lần thất thủ ngay trước đại bản doanh của Formosa cùng với việc người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động, thì đây là lần thứ ba lực lượng cảnh sát cơ động đã buộc phải đầu hàng nhân dân.

Ý nghĩa ngày Toàn Quốc Tổng Biểu Tình này, Mạnh Kim đã ghi nhận, đây mới thực là Ngày Thống Nhất và Ngày Giải Phóng ! Từ Nam ra Bắc, "người dân thật sự giải phóng chính mình khỏi nỗi sợ hãi chế ngự bám chặt trong trí não".

Dân hết sợ. Như Mạnh Kim viết, "Lần đầu tiên, người dân đã gọi đích danh những kẻ rắp tâm luồn cúi ngoại bang và manh nha đưa voi về dày mả tổ. Đây cũng là ngày mà chế độ phải sửng sốt trước những hô vang ‘Đả đảo bọn bán nước’, ‘Đả đảo cộng sản bán nước’, ‘Đả đảo Việt gian’".

Ngày 12 tháng Sáu, bí thư Bình Thuận đã phải đi Phan Rí điều đình với dân ! Cuộc tranh đấu bất bạo động và đầy tình người sẽ thay đổi tương quan giữa những người đàn áp và những người dân bị đàn áp. Đồng bào Phan Rí đã báo hiệu cuộc cách mạng mới của dân Việt Nam đã bắt đầu. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 11/06/2018

Published in Diễn đàn

Gần đây khi nói tới "Chiến tranh mậu dịch" người ta nghĩ ngay đến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng cuộc chiến tranh mậu dịch đang bắt đầu cho nổ ra không phải giữa Mỹ với nước Tàu.

usavseu1

"Thật là ngu, Châu Âu, Canada, và Mexico không phải là Trung Quốc ! Mình không thể đối xử với đồng minh như với kẻ đối nghịch được" (Nghị sĩ Ben Sasse)

Hành động mới nhất của ông Trump là đánh trên các đồng minh lâu đời của Mỹ : Canada, Mexico và các nước Châu Âu. Nghị sĩ Nebraska, ông Ben Sasse (Cộng Hòa) nhận xét : "Thật là ngu, Châu Âu, Canada, và Mexico không phải là Trung Quốc ! Mình không thể đối xử với đồng minh như với kẻ đối nghịch được". Hiện giờ, chính phủ Mỹ đối xử với các đồng minh còn tệ hơn với Trung Quốc.

Mặc dù chính phủ Trump mới nói sẽ đánh thuế trên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, nhưng đó là chuyện đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần rồi. Sau khi tiếp đón Phó Thủ Tướng Lưu Hạc, chính phủ Mỹ đã hoãn không nói đến lời đe dọa đánh thuế với con số 200 tỷ USD nữa. Không những thế, ông Trump còn cho công ty ZTE được mua các vật liệu từ Mỹ, xóa bỏ lệnh trừng phạt công ty Trung Quốc này khi họ vi phạm lệnh cấm mua bán với Iran và Bắc Hàn. Việc trừng phạt này hoàn toàn vì lý do an ninh quốc gia, nay được bỏ qua. Nếu không được mua hệ điều hành Android của Google hoặc chíp của Qualcomm để dùng trong điện toại cầm tay thì ZTE phải đóng cửa !

Chính phủ Trump viện điều 232 trong một đạo luật năm 1962, lấy lý do an ninh quốc gia để đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng từ ba nơi bị đánh. Bắc Kinh cũng đang dùng lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn nhiều món mua của Mỹ, chất bán dẫn chẳng hạn, với mục đích nâng đỡ các nhà sản xuất trong nước họ.

Canada là nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ. Quân đội Canada đã chiến đấu bên cạnh quân Mỹ trong hai trận đại chiến và chiến tranh Cao Ly. Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, nói rằng đem lý do an ninh để đánh thuế trên thép Canada là một điều tức cười !

Nhập cảng nhôm và thép từ Canada là một phần trong chiến lược quốc phòng của Mỹ. Các công ty Mỹ làm chủ nhiều quặng mỏ ở Canada, được đưa qua đưa lại giữa hai nước nhiều lần để cuối cùng biến thành thép và nhôm hoàn tất. Các công ty Mỹ làm xe hơi cũng như các ngành công nghiệp khác đặt nhiều nhà máy ở Canada.

Canada cung cấp 43% nhôm nhập cảng vào Mỹ, gấp đôi số mua của Nga và Trung Quốc. Canada cung cấp một phần năm (21%) số thép hoàn tất ma nước Mỹ nhập cảng, cao hơn 9% mua của Nga và 2% mua của Tàu.

Mexico cung cấp 9% số thép hoàn tất Mỹ nhập cảng và 11% thép đang biến chế. Liên Hiệp Châu Âu bán 17% số thép Mỹ mua, đặc biệt là loại thép không han gỉ, dùng trong kỹ nghệ xe hơi.

Sau khi nghe chính phủ Mỹ tấn công bằng thuế nhập cảng, các nước trên đã trả đũa ngay.

Canada sẽ đánh thuế thép mua từ Mỹ 25% trên thép, 10% trên nhôm, giống hệt thuế suất Mỹ sắp đánh. Hai loại hàng đó không lớn bằng con số bán sang Mỹ nên Canada sẽ đánh thuế thêm trên nhiều mặt hàng khác, như thực phẩm, nông phẩm. Họ nhắm vào các món xuất cảng từ những tiểu bang đã bầu cho Tổng thống Donald Trump năm 2016.

Mexico cũng theo cùng một chiến thuật. Họ sẽ đánh thuế trên những thứ như thép mua từ Mỹ, đèn điện, nho, thịt nguội, thịt heo, pho mai, các thứ dâu (berries), nho, táo, vân vân. Mexico là thị trường mua nhiều táo nhất của Mỹ ; Wisconsin sản xuất hơn một nửa số cranberries trên cả nước, bán qua Canada nhiều nhất. Dân biểu Dave Reichert, Cộng Hòa, Washington, cho biết từ khi có hiệp ước tự do mậu dịch NAFTA, số táo và lê bán qua Mexico tăng 70%.

Liên Hiệp Châu Âu cũng chuẩn bị đánh thuế trả đũa trên hàng nhập cảng từ Mỹ, giá trị hơn 7,5 tỷ USD, trong số đó có thép, xe gắn máy, nông phẩm như cranberries, rượu bourbon, thuyền máy, và cả các bộ bài để đánh bạc.

Tổng thống Trump nói rằng sau khi ông chỉ dọa đánh thuế thôi, ngành sản xuất thép ở Mỹ đã phục hưng, nhiều nhà máy ở Ohio và Illinois đã thuê thêm công nhân ! Chủ nhân các công ty thép hoan nghênh các thứ thuế mới vì họ có thể tăng giá bán, khi thép nhập cảng bị thuế mới sẽ lên giá. Nhưng khi các nước bị tấn công phản ứng, hàng thép của Mỹ bán sang nước họ cũng tăng giá, khó cạnh tranh với thép nội địa, không khác gì cả. Canada mua một nửa số thép Mỹ xuất cảng, Mexico mua 40%. Các nghiệp đoàn công nhân ngành thép chống lệnh đánh thuế mới, sau khi đã vận động cho Canada được miễn trừ. Vì những công đoàn này thâu nhận đoàn viên trong cả hai nước Mỹ và Canada.

Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế trên xe hơi và đồ phụ tùng nhập cảng. Nga và Trung Quốc sẽ không hề hấn gì, vì không nước nào bán xe qua Mỹ, nhưng Canada và EU sẽ lãnh đòn, và họ sẽ trả đũa.

Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng vì khi thuế tăng, hàng hóa tăng giá, trong suốt dây chuyền sản xuất. Nhiều công ty Mỹ nhập cảng thép và nhôm, dùng trong xe hơi, làm các thứ hộp hay "giấy gói" kẹo bánh.

Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve, ngân hàng trung ương Mỹ) mới cho biết một nhà sản xuất xe kéo than rằng không thể tăng giá hàng bán theo cùng nhịp với chi phí sẽ tăng. Một nhà sản xuất đồ chơi cho trẻ em nói rằng nhôm tăng giá khiến giá bán phải tăng gấp ba.

Khi thép và nhôm tăng giá, các xí nghiệp sản xuất ở Mỹ sẽ phải tăng giá hàng bán, khi ra thị trường quốc tế sẽ cạnh tranh với các nước khác khó khăn hơn. Trước ngày chính phủ Mỹ công bố áp dụng các sắc thuế mới, giá thép bán ở Mỹ đã tăng 40% kể từ đầu năm 2018, và cao gấp rưỡi giá thép ở Châu Âu. Nếu Tổng thống Trump muốn nâng đỡ các xí nghiệp xe hơi Mỹ, các sắc thuế mới sẽ gây ảnh hưởng trái ngược.

Đời sống kinh tế của nước Mỹ, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, liên hệ chặt chẽ với các nước khác, trong một mạng lưới tiếp liệu chằng chịt mua đi bán lại với nhau. Những sắc thuế mới đánh trên các nước đồng minh, và phản ứng trả đũa của họ, sẽ biến thành một thứ "thuế" mà người dân trong nước Mỹ phải chịu. Vì giá cả sẽ tăng, khó bán hàng, phải bớt nhân công, hoặc giảm bớt lương.

Nghị sĩ Orrin Hatch, Cộng Hòa, tiểu bang Utah, chủ tịch Ủy ban Tài chánh Thượng Viện, phê bình : "Đánh thuế quan trên thép và nhôm tức là tăng thuế hàng hóa, ảnh hưởng tới dân Mỹ tiêu thụ, các xí nghiệp và công nhân". Ông tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn cản không cho chính phủ làm như vậy.

Trong Quốc hội Mỹ, phần lớn những người chống lại những thuế mới này thuộc đảng Cộng Hòa. Đó là đảng xưa nay vẫn đề cao tự do kinh doanh, tăng gia các quan hệ thương mại đa phương bằng những định chế quốc tế. Để kinh tế thế giới sống trong luật lệ, theo nền nếp mà nước Mỹ đã áp dụng.

Tổng thống Trump thuộc đảng Cộng Hòa nhưng đi ngược đường lối đó ; một điều rất khó hiểu ! Ông muốn xóa các hiệp ước thương mại đa phương ; ông coi thường các tổ chức quốc tế. Đa số trong đảng Dân Chủ ủng hộ các sắc thuế mới, vì chủ trương của họ vẫn muốn nhà nước can thiệp nhiều hơn vào đời sống kinh tế. Không biết số người chống có đủ đông để ngăn cản hành pháp hay không.

Trước mắt, giới kinh doanh Mỹ và các nước trên còn đứng trước một mối bất trắc khác, là không biết những nước nào, các công ty nào, món hàng nào sẽ được "miễn trừ" không bị đánh thuế ! Trong khi chờ đợi, các xí nghiệp sẽ không dám quyết định những món đầu tư lớn. Một hậu quả không lường trước là giới vận động hành lang sẽ được cơ hội hoạt động mạnh mẽ ! Khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump hứa sẽ chấm dứt tình trạng vận động bên lề chính phủ, mà ông gọi là một "vũng lầy". Vũng lầy của chúng ta đang được cơ hội hoạt động mạnh hơn. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 01/06/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 27 mai 2018 22:09

Kim Jong-un được lợi gì ?

Tổng thống Donald Trump vốn kinh doanh trong ngành địa ốc. Ông vẫn giữ thói quen trong nghề khi làm ngoại giao. Muốn bán một cơ sở nào, thì đòi giá cao tối đa, rồi chờ bên kia kì kèo mặc cả.

us1

Donald Trump giải thích chính sách ngoại giao của mình - Ảnh minh họa

Trong khi chờ gặp Kim Jong-un, ông Trump luôn nhấn mạnh rằng mục đích cuộc gặp gỡ là đòi Bắc Hàn phải giải giới toàn bộ kho vũ khí hạch tâm và các hỏa tiễn. Trong khi đó ông không tiếc lời khen ngợi Kim Jong-un, người mà năm ngoái ông mạt sát không tiếc lời.

Một người đầu tư địa ốc dùng tiêu chuẩn chính để dụ khách là "lợi". Khi gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, ông Trump mô tả "ngôi nhà" mình sắp bán cho họ Kim, nếu trả đúng giá : "Ông ta (Kim) sẽ được bảo đảm an ninh, sẽ sung sướng, và cả nước ông ta sẽ giầu thêm". Đổi lại, họ Kim chỉ cần vứt bỏ số bom hạch tâm, từ 20 đến 60 trái ! Với ngôi nhà quý báu mà giá rẻ như thế, lẽ nào khách hàng không muốn mua ?

Nhưng đối với họ Kim, Jong-un và bố hay ông nội, mục tiêu của họ lại không phải là nhân dân giàu có. Họ chỉ nhắm hai điều : Bên trong, muôn năm trường trị trên đám dân bị coi như nô lệ. Bên ngoài, trực tiếp thương thuyết với Mỹ, vừa mở mặt với đời vừa bảo đảm an ninh.

Nhưng ông Trump bỏ qua những động cơ tâm lý của họ Kim. Nhích tới một bước để dò phản ứng người mua, ông Trump đưa giá cao hơn, cho cố vấn anh ninh John R. Bolton nói đến "Mô hình Libya", rồi Phó Tổng thống Mike Pence nhắc lại. Nói vậy giống như đe dọa chế độ Bắc Hàn và chính bản thân Kim Jong-un !

Năm 2003, Muammar Gaddafi, nhà độc tài xứ Lybia chấp nhận ngưng chương trình vũ khí nguyên tử và hóa học, sau cuộc "cách mạng mùa Xuân" năm 2011 ông ta bị lật đổ rồi bị giết, Mỹ và Pháp, Đức giúp phe nổi dậy.

Kim Jong-un phản ứng, cho đàn em chửi phó tổng thống Mỹ là "vừa ngu vừa dốt". Ông Trump lấy cớ đó gửi thư cho Kim Jong-un bãi bỏ cuộc hẹn hò. Kim cho một đàn em khác, người vẫn lo việc bang giao với Mỹ, tỏ ý vẫn muốn gặp. Một nhà địa ốc thấy khách hàng bỏ đi rồi quay mặt lại thì tất nhiên phải hoan nghênh. Trong vòng 24 giờ, tổng thống Mỹ đổi ý kiến. Sẽ gặp !

Ngay từ đầu, Kim Jong-un đã tạo được một cơ hội mà hai đời ông nội và ông bố muốn nhưng không đạt được : Thương thuyết trực tiếp với Mỹ. Ngồi đối diện với một tổng thống Mỹ thì không gì bằng ! Năm ngoái, giờ này, thế giới nhìn Kim Jong-un như một thiếu niên du đãng, phá làng phá xóm. Hắn đã giết ông dượng ruột bằng súng cao xạ, đã đánh thuốc độc giết anh ruột, và giết những người âm mưu chống mình bằng phương pháp cho chó cắn đến chế (khuyển quyết).

Năm nay thì khác, báo đài cả thế giới đưa lên những bức hình họ Kim tươi cười, vui vẻ, và nói toàn những ước vọng hòa bình ! Kim Jong-un mang một hình ảnh mới, khác hẳn. Mà không tốn một đồng nào để cậy đăng quảng cáo ! Đây là món quà quý nhất mà Donald Trump tặng cho Kim. Trả tự do cho ba người Mỹ gốc Hàn Quốc chỉ là một món quà đáp lễ nho nhỏ ! Giữ họ lại thì chỉ tốn tiền nuôi cơm !

Kim Jong-un có thể ung dung ngồi hưởng nổi thống khoái khi thấy hình ảnh của mình trên ti vi trong bao nhiêu băng tần quốc tế. Ông Trump có thể sốt ruột muốn kết thúc việc bàn nhà. Kim còn đủng đỉnh. Không có gì phải vội vã.

Bởi vậy, Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng tuần trước, chính phủ Trump muốn gửi một phái đoàn qua Singapore, hẹn Bắc Hàn đưa người qua để thảo luận chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh. Không thấy họ tới. Gọi điện thoại không ai trả lời ! Chỉ còn hai tuần hai ông quốc trưởng gặp nhau, mà sao họ chưa tới bàn chương trình nghị sự sẽ nói chuyện gì ! Chưa kể đến những vấn đề tổ chức vật chất, an ninh, tiệc tùng !

Sao kỳ vậy ? Có lẽ họ Kim đã đọc sách ông Trump viết về thương lượng, trong đó ông khuyên "Đừng bao giờ để đối phương biết mình thiết tha muốn đi tới một thỏa thuận !"

Nhưng ông Trump phải nghi rằng cái cậu "Người Tên Lửa" này nó tính đùa ! Nó bịp mình ! Nó nói mua nhưng không thèm trả lời điện thoại, không mời thanh tra đến coi nhà cửa ! Chắc nó không muốn mua nữa, đang tính đường tháo lui ! Tốt nhất, ta tuyên bố trước không cần bán ! Để giữ nguyên thể diện ! Ông Trump bèn tuyên bố bãi bỏ chuyện gặp Kim !

Kim Jong-un lại đóng trò, mang bộ mặt một "lãnh tụ hòa bình". Cho đàn em nói mai mốt gặp cũng được, không sao ! Khách mua vẫn còn muốn trở lại. Ông Trump không bỏ lỡ cơ hội, chụp lấy liền : Thế thì lại gặp nhau !

Phản ứng của Tổng thống Trump lần này cũng nhanh chóng không khác gì lần đầu khi ông quyết định sẽ gặp Kim Jong-un ! Vị cố vấn an ninh của tổng thống Nam Hàn tới Tòa Bạch Ốc báo tin Kim muốn gặp Trump. Trump nhận lời, và nói công khai trước khi khách ra khỏi cửa. Trong nghề địa ốc, linh tính báo cho mình biết một cơ hội thì phải chụp ngay. Không mất gì cả, cái khách sạn hay sòng bài không bán được thì nó vẫn còn đó !

Trong nghề ngoại giao, tình trạng có thể khác. Ngay sau khi được ông Trump bằng lòng gặp, Kim Jong-un đã bắt đầu khai thác lời hứa hẹn đó. Bắt tay với Tổng thống Moon Jae-in, nói những lời yêu nước thương nòi, làm mủi lòng dân chúng Nam Hàn. Qua Tàu hai lần để bảo đảm "hậu phương" to lớn đứng sau lưng mình.

Cả Moon Jae-in và Tập Cận Bình đều muốn hòa bình trên bán đảo Cao Ly. Kim Jong-un đã hứa hẹn điều đó với cả hai. Ông Moon và ông Tập góp lời khen ngợi tô điểm thêm cho bộ mặt "hiếu hòa" của Kim ! Và hai người đó cũng có mục tiêu riêng khiến họ muốn "nói vào" chứ không "nói ra".

Moon Jae-in vẫn chủ trương khai triển chính sách "Ánh Sáng Mặt Trời" của Kim Đại Trọng, đối thoại và giao thương với miền Bắc. Nhờ ông Trump hẹn gặp Kim, ông Moon có cơ hội công khai và chính thức làm sống lại chính sách này.

Tập Cận Bình không muốn gì hơn là thấy vua một nước chư hầu chấp nhận đến triều kiến. Sáu năm qua từ lúc lên ngôi Kim Jong-un vẫn không chịu tới bái yết thiên triều, nay mới vác mặt sang. Cũng là nhờ có ông Trump ! Cộng Sản Trung Quốc cũng không mong gì hơn là không xảy ra chiến tranh, và nếu Bắc Hàn giải giới bom nguyên tử thì Trung Quốc cũng bớt lo ! Ông Trump đang giúp gỡ cái ngòi nổ bên cạnh giường của ông vua nước Tàu !

Nhưng Kim Jong-un mới là anh kiếm lời nhiều nhất ! Ngay bây giờ, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chuyện cấm vận, thả cho dân buôn lậu hoạt động, không chính thức. Nếu Mỹ ép Trung Quốc phải mạnh tay hơn, Trung Quốc có thể kiếm cớ : Kim Jong-un đang muốn hòa hoãn, không nên làm khó quá ! Hắn mới phá hủy khu hầm thử bom nguyên tử, có nhà báo quốc tế đến chứng kiến ! Nên khuyến khích hắn chớ ?

Dân Nam Hàn đang phấn khởi trước viễn ảnh hòa bình được bảo đảm, sẽ hoan nghênh chính sách cởi mở của Tổng thống Moon. Ông khó lòng xóa bỏ hết những lời cam kết với Kim Jong-un. Gần đây, Bắc Hàn bắt đầu mở cửa kinh tế cho tư nhân, theo gót Trung Quốc. Nay họ Kim sẽ được cả Trung Quốc và Nam Hàn giao thương, nhập cảng hàng hóa rẻ vì công nhân rẻ. Dân Bắc Hàn sẽ được chỉ đạo hoan hô Bác Kim "đổi mới kinh tế !"

Trong khi đó thì Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Trump, rồi các viên chức cấp dưới sẽ họp một lần, hai ba lần, trăm lần cũng được. Không biết họp bao nhiêu lần hai bên mới đồng ý được định nghĩa thế nào là "giải giới hạch tâm" (denuclearization). Ông Trump vẫn có thể tuyên bố "đại thắng" vì Bắc Hàn đã hứa sẽ giải giới ; cũng giống như ông vừa mới tuyên bố đại thắng khi Trung Quốc hứa sẽ mua thêm hàng hóa Mỹ. Kim Jong-un thì yên tâm ngồi hưởng các thành quả của mình, mà đời ông, đời cha họ Kim chưa ai làm được ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 25/05/2018

Published in Diễn đàn

Ở bên Tàu người ta đang bàn tán về ông Lâm Kiến Hoa, viện trưởng đại học Bắc Kinh, vì ông dùng sai… chữ Hán !

Ông Hoa nói chuyện cho sinh viên nghe, nhân dịp kỷ niệm ngày viện đại học thành lập được 120 năm. Chắc để bày tỏ lòng trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông viện trưởng đã nhắc lại một câu mà ông Bình mới nói, nhưng ông không thuộc bài.

hoc1

Đại học ngôn ngữ Bắc Kinh - Ảnh minh họa

Ông Tập Cận Bình khi khuyên bảo các thanh niên nên có chí hướng lớn lao, đã nhắc đến một thành ngữ quen thuộc : Lập hồng hộc chí (li honghu zhi, 鸿鹄志) ; hãy nuôi chí lớn như chim hồng, chim hộc.

Ông Lâm Kiến Hoa (林建) ngồi bên cạnh khi Tập Cận Bình đọc bài diễn văn ở đại học. Hai ngày sau, ông Lâm nói trước mấy trăm sinh viên, giáo sư và quan chức nhà nước, cố ý nhắc lại lời Tập Chủ tịch. Nhưng ông nói lộn, "hồng hộc" thành "hồng hạo" (鸿浩, honghao), hồng hạo nghĩa là con chim hồng lớn. Khi có người đưa câu chuyện lên Internet khiến cả nước đàm tiếu, ngày hôm sau ông viện trưởng đã ngỏ lời xin lỗi !

Nhiều người Việt học hết bậc trung học chắc cũng biết hai chữ hồng hộc. Đó là những loài chim thuộc giống ngỗng trời, bay cao và bay xa. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc đến trong một truyện ngắn của ông : "Chim hồng, hồng hộc là con chim lớn, bay cao và xa. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu : "Say hết tấc lòng hồng hộc". Chim hồng hộc cũng như chim bằng. Chim hồng hộc là con vật truyền thuyết dùng để ví với chí nam nhi, tài bay nhảy. Sách Sử Ký có câu : "Yến tước an tri hồng hộc chí" nghĩa là chim én, chim sẻ sao biết chí lớn của chim hồng, chim hộc.

Câu trích trong Sử Ký là lời Trần Thiệp, một người nổi loạn sau đời Tần Thủy Hoàng, khi còn trẻ đã tự ví mình như loài chim bay cao. Sử Ký viết : Trần Thiệp thở dài nói : "Ta hồ, Yến tước an tri hồng hộc chỉ chí tai". Nghĩa là, Than ôi, loài chim én chim sẻ làm sao biết được chí chim Hồng, chim Hộc". Thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch cũng đều nói đến chim hồng, chim hộc !

Một thành ngữ quen thuộc trong văn chương như vậy mà ông viện trưởng không biết ! Quả là một điều bất ngờ ! Đại học Bắc Kinh nổi tiếng với tên tắt, "Bắc Đại", uy tín ngang với đại học Thanh Hoa. Người Trung Hoa nào tự nhận cựu sinh viên Bắc Đại là được nể nang, không khác gì cựu sinh viên Đông Đại (đại học Đông Kinh) bên Nhật, hoặc Oxford ở Anh, Sorbonne ở Pháp, hay MIT, Stanford, vân vân, ở Mỹ. Người ta đang đặt câu hỏi : Kém hiểu biết ngôn ngữ của chính nước mình như vậy, làm sao ông Lâm Kiến Hoa leo lên cầm đầu một trong hai viện đại học lớn nhất nước ?

Có thể đoán rằng hoạn lộ của ông Lâm Kiến Hoa cũng theo một con đường quen thuộc trong các nước Cộng Sản : Leo lên trong hàng ngũ đảng viên. Được đưa lên điều khiển các đại học, các cơ quan nghiên cứu, không do hiểu biết mà do "chỉ đạo" của Ban tổ chức trong đảng.

Cộng sản Trung Quốc thế nào, Cộng sản Việt Nam cũng không khác. Tháng Ba năm 2018, ông Nguyễn Tiến Dũng, một giáo sư có quốc tịch Pháp từ đại học Toulouse, vừa gửi thư tố cáo ông Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ về tội đạo văn !

Ông Dũng nêu ra các bài "báo khoa học của ông" Nhạ cho thấy ông ta đã "tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, (đăng bài trên) tạp chí giả khoa học". Tự đạo văn (self plagiarism) là sử dụng những bài cũ của mình, xào xáo sơ qua biến thành một công trình nghiên cứu mới. "Có 48% nội dung của một bài ông Nhạ được in năm 2013 đã sao chép lại y nguyên vào một bài khác in năm 2014, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%". Ông Dũng dọa sẽ đưa câu chuyện này lên tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ; không biết để làm gì !

Trước đây, ông Nguyễn Đức Tồn, cựu viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học, bị tố cáo đạo văn của học trò. Ông Tồn, trong cuốn sách "Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt", đã "sao chép gần như nguyên vẹn từ luận án" của hai sinh viên mà ông đã "hướng dẫn", từ những năm 1995, 1996. Dù bị tố cáo với bằng chứng rõ ràng như thế, ông Tồn vẫn được phong giáo sư, cho nên câu chuyện mới được đưa ra công chúng !

Ông Trần Ngọc Thêm, giáo sư tiến sĩ khoa học, chủ tịch hội đồng phong chức "giáo sư ngành ngôn ngữ học" cũng thừa nhận ông Tồn đã "đã trích hàng trăm trang trong công trình nghiên cứu của học trò mà không ghi tên đồng tác giả". Và ông Thêm kết luận : "Điều này chẳng khác là đạo văn". Nhưng cuối cùng ông Nguyễn Đức Tồn vẫn trở thành giáo sư thực thụ !

Những ông giáo sư, viện trưởng và bộ trưởng ở Việt Nam chắc cũng chỉ nhờ đảng mà leo lên. Trong khi đó, những nhà trí thức có thực tài và hết lòng với công việc nghiên cứu, giảng dậy và phát triển ngành chuyên môn của mình thì bị bạc đãi, chỉ vì không có "đảng tịch".

Một người tiêu biểu là Giáo sư Phan Đình Diệu, mới qua đời ở Hà Nội. Nhà báo Huy Đức chứng nhận "Giáo sư Phan Đình Diệu là một trong những người đầu tiên gầy dựng ngành khoa học tính toán của miền Bắc (1968). Năm 1993, ông Nguyễn Văn Hiệu, viện trưởng Viện Khoa Học Việt Nam, đã loại Giáo sư Phan Đình Diệu (ra ngoài) khi ngành tin học Việt Nam cần một người lãnh đạo có tâm và có tầm nhất". Một lý do, ông Phan Đình Diệu không chịu làm đơn xin vào đảng ! Ông Phan Đình Diệu tuyên bố từ chức viện phó Viện Khoa Học Việt Nam và ra khỏi biên chế.

Hậu quả là, theo Huy Đức nhận xét, "Viện Khoa Học Việt Nam nhanh chóng trở thành một nơi ‘nửa hàn lâm, nửa chợ trời’ (theo Tiến sĩ Giang Công Thế). Hàng nghìn cán bộ tài năng trôi giạt khắp nơi. Nền tin học Việt Nam chuyển một cách dứt khoát sang nghề… buôn máy tính".

Không biết các ông Nguyễn Đức Tồn và Phùng Xuân Nhạ có lời giải thích nào về những lỗi lầm nghề nghiệp bị tố cáo hay không. Nhưng ông Lâm Kiến Hoa ở bên Tàu đã công khai xin lỗi và tìm cách giải thích lý do tại sao mình lại không biết đến chim hồng, chim hộc nên đọc thành hồng hạo. Ông đổ tại cách phát âm, ông nghe "không thủng". Những chữ hộc và hạo người Tàu đọc là "hu" và "hao" nhưng nói nhanh có thể giống nhau. Ông Lâm người Cao Mật, tỉnh Sơn Đông (ai đọc truyện Mặc Ngôn chắc quen thuộc với vùng này). Còn ông Tập người Sơn Tây, Đông và Tây cách xa. Vì hơn 2,000 năm trước, Sơn Đông thuộc nước Tề còn Sơn Tây là nước Triệu, ngôn ngữ bất đồng !

Nhưng ông Lâm Kiến Hoa còn nêu lý do xa hơn : "Khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu, tôi học lớp Năm", ông viết trong lời tự biện bạch. "Trong nhiều năm chúng tôi không có sách học. Thầy cô giáo chỉ bảo học thuộc lòng ‘Trích lời Mao Chủ tịch.’ Những gì tôi biết về lịch sử cận đại Trung Quốc đều do đọc ‘Tác phẩm chọn lọc của Mao Trạch Đông’ và các lời chú thích trong đó".

Hơn nữa, ông Lâm vốn chuyên về hóa học, không phải khách văn chương. Năm 2015, ông được đưa lên làm viện trưởng, đứng sau Bí thư Đảng Bộ tên là Hác Bình (Hao Ping, 郝平), cả hai chức đứng ngang hàng thứ trưởng. Việc phong nhậm này hoàn toàn do Ban Tổ Chức của đảng quyết định.

Nhưng chúng ta cũng phải ngạc nhiên là một vị giáo sư, một viện trưởng đại học, mà không có trí tò mò tìm đoc thơ văn và lịch sử của nước mình ! Nếu chịu đọc, thì chắc không thể không biết chim hồng, chim hộc, mà một nhà văn Việt Nam, lớn lên trong thời chiến tranh, như Nguyễn Huy Thiệp cũng biết.

Có lẽ vì mối quan tâm lớn của những người có học vấn trong xã hội cộng sản khác chúng ta ! Phấn đầu váo đảng ! Phấn đấu leo len. Kèn cựa vất vả mới leo lên những chức giáo sư, viện trưởng, và bộ trưởng giáo dục ! Họ đâu còn đầu óc nào mà tự học thêm ! Nếu các sinh viên ngày nay theo gương những người như các ông Nguyễn Đức Tồn và Phùng Xuân Nhạ thì không biết học vấn và hiểu biết của thế hệ tương lai ra sao !

Thế kỷ trước, nhà thơ Trần Tế Xương viết : "Cái học ngày nay đã hỏng rồi" !. Bây giờ cũng vậy, nhưng hỏng theo cách khác, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 18/05/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 17 avril 2018 20:27

TPP ra dễ vào… hơi khó

Trong một cuộc họp mặt với các vị thống đốc và Đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa từ những tiểu bang nông nghiệp, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc, và Robert Lighthizer, người đứng đầu về ngoại thương trong chính phủ, hãy nghiên cứu việc chính phủ Mỹ có thể trở lại tham dự vào thỏa ước Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương tức TPP (Trans-Pacific Partnership).

tpp2

TPP : Donald Trump đã ra nay lại muốn vào

Ông Trump thường hay nói những điều bất ngờ, vào những lúc bất ngờ. Năm ngoái, ông tuyên bố Mỹ rút ra khỏi TPP ngay trong những ngày đầu tiên bước vào Tòa Bạch Ốc. Năm nay, ông đưa ý kiến quay về với TPP trong cuộc họp để trấn an các cử tri miền Trung Tây chuyên trồng bắp và đậu nành vì họ đang lo chính quyền Trung Quốc sẽ đánh thuế trên nông sản do Mỹ xuất cảng, để trả đũa chính phủ Trump đánh thuế trên hàng ngàn món hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Các nhà nông ở Iowa, Wisconsin hay Illinois đang lo lắng, vì họ sắp phải quyết định năm nay sẽ trồng bắp hay đậu nành. Nếu trồng đậu nành, cuối năm đến mùa gặt họ có thể lỗ to nếu Bắc Kinh đánh thuế 25% trên đậu nhập cảng từ Mỹ. Nếu họ trồng bắp, các nơi khác cũng trồng bắp, giá bắp trên thế giới sẽ tụt xuống, cũng lỗ to !

Tổng thống Trump muốn cất bỏ cho họ mối băn khoăn đó. Cho nên ông nói với các đại biểu của họ rằng, sau cùng, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ chẳng bên nào đánh thuế trên hàng xuất cảng của bên kia cả. Bởi vì, chỉ cần nghe ông Trump đe dọa thôi cũng khiến Trung Quốc phải sợ rồi. Họ chịu thương thuyết và sẽ đối xử công bằng với Mỹ trong việc mậu dịch !

Nhưng tại sao tổng thống Mỹ lại nhắc đến chuyện TPP trong khi tiết lộ bí mật về cuộc đấu với nước Tàu để cắt bớt số thâm thủng mậu dịch 375 tỷ USD một năm (ông Trump thường nói đến con số 500 tỷ USD). Có lẽ vì ông nhìn thấy một số nghị sĩ ở các tiểu bang vùng Trung Tây ngồi họp với ông đã từng ký tên yêu cầu ông quay trở về với thỏa ước TPP, có 25 nghị sĩ Cộng Hòa đã khuyến cáo ông như vậy ngay sau khi ông rút ra khỏi cái "thỏa ước tệ hại nhất" đó.

Nhưng việc quay trở về với TPP không dễ dàng. Bởi vì sau khi nước Mỹ rút ra khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục nuôi nó sống ; đã ký kết lại và nhân dịp đó xóa bỏ một số điều khoản mà trước đây vì phải nhượng bộ Mỹ nên họ chịu chấp nhận. Nếu quay trở lại TPP, Mỹ sẽ yêu cầu tái lập những điều khoản đó, việc này không dễ dàng. Chưa đủ, Tổng thống Trump còn báo trước ông sẽ đòi hỏi những điều nhượng bộ khác để chứng tỏ ông giỏi hơn người tiền nhiệm.

Thỏa ước TPP được ký giữa 12 nước lần vào tháng Hai đầu năm 2016 ở New Zealand, sau năm năm bàn cãi, mặc cả gay go. Chính phủ Obama lúc đó đòi hỏi 11 nước kia chịu nhận một số điều mà lúc đầu nhiều nước không chấp nhận. Thí dụ, các nước trong TPP phải tôn trọng độc quyền về dữ liệu khi sáng chế một số thuốc dùng sinh học (data exclusivity for biologics) trong tám năm, điều mà nước Úc phản đối, coi là thời gian dài quá. Một điều khác, quyền sở hữu các sản phẩm văn nghệ kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời, thay vì 50 năm như thường lệ. Điều này bị Canada và New Zealand chống ; nhưng sau cùng chịu nhượng bộ. Sau khi Mỹ bỏ cuộc, 11 nước còn lại đồng ý xóa bỏ những điều khoản trên, khi họ ký lại bản văn TPP mới, gọi tên là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), tại Chile vào tháng Ba. Chỉ còn chờ Quốc hội sáu nước thông qua là CPTPP sẽ được thi hành, có thể trong năm 2019.

Bây giờ, nếu chính phủ Mỹ muốn quay trở lại gia nhập CPTPP, chắc chắn họ sẽ đòi phải tái lập các điều khoản trên, và đòi thêm nhiều điều kiện khác. Họ có thể yêu cầu kéo dài thời hạn 12 năm cho bản quyền thuốc, điều mà chính phủ Obama đã đòi lúc đầu, trước khi chấp nhận rút xuống tám năm. Họ cũng có thể đòi Nhật Bản phải xóa bỏ thuế nhập cảng trên gạo, điều mà không chính quyền Nhật Bản nào có thể chấp nhận vì lo mất phiếu của nông dân. Tổng thống Donald Trump không quên đả kích Nhật Bản trong bản văn "tuýt" của ông về TPP, nói rằng Nhật đã lạm dụng Mỹ trong suốt bao nhiêu năm qua về thâm hủng mậu dịch.

Nhưng 11 nước trong CPTPP không chắc đã đồng ý với chính phủ Trump. Họ sẽ coi nước Mỹ không khác gì các quốc gia khác, cũng đang ngỏ ý muốn gia nhập khối mậu dịch này. Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Indonesia, Nam Hàn đã ngỏ ý muốn gia nhập, Anh Quốc cũng cũng vậy. Chính phủ Mỹ có chịu bị coi ngang hàng với các nước này không, khi biết rằng chính Mỹ là quốc gia sáng lập và đóng vai lãnh đạo trong công việc thương thuyết để thành lập TPP ngay từ đầu ?

Một khó khăn nữa cho các nước Châu Á và Châu Mỹ La Tinh khi bàn lại về việc Mỹ quay trở lại, là họ không biết khi nào ông tổng thống Mỹ sẽ thay đổi lập trường ; khi tiến, khi lui, khi chiến, khi hòa, như khi ông nói chuyện mậu dịch với Trung Quốc !

Bộ trưởng thương mại Australia, ông Steve Ciobo, lo ngại : "Chúng tôi đã ký kết một thỏa ước. Một thỏa ước rất tốt. Mười một nước đã ký rồi và không muốn thay đổi nữa. Khó nói chuyện xóa tất cả đi để bàn lại, để làm cho nước Mỹ hài lòng".

Ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên chính phủ Nhật, cũng nói : "Bây giờ rút một phần trong bản thỏa ước ra để thương thuyết lại, thật là khó khăn !".

Nhưng các nước ký CPTPP cũng phải thấy rằng nếu có Mỹ tham dự thì liên minh 12 nước sẽ mạnh hơn nhiều. Và nhiều nước sẽ được lợi gấp bội nếu được vào thị trường tiêu thụ lớn ở Mỹ. Mười một nước còn lại chỉ đóng góp 13% tổng sản lượng thế giới, trong khi riêng nước Mỹ đã chiếm 24,5%, gần gấp đôi. Một bài nghiên cứu năm 2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ước tính rằng nếu còn TPP với nước Mỹ trong đó, kinh tế các nước Việt Nam và Malaysia sẽ tăng thêm 8% từ năm 2015 đến 2030, cao hơn khi không buôn bán tự do với Mỹ.

Hơn nữa, đối với nhiều nước Châu Á, một TPP có Mỹ tham dự có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì tạo thêm một lợi điểm trong lúc phải đối phó với cuộc bành trướng của Trung Quốc trong vùng.

Trong lúc chính phủ Trump rút khỏi TPP, Trung Quốc đang mở cửa cho các nước Châu Á tham dự vào dự án Nhất Đới Nhất Lộ và Đối tác Kinh tế vùng toàn diện (Regional Comprehensive Economic Partnership, tức RCEP). Với 16 nước trong khuôn khổ RCEP, Trung Quốc sẽ đóng vai chủ động kinh tế ở miền Đông Nam Á, và gồm những nước ASEAN, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nhật Bản chắc chắn muốn có một TPP, với Mỹ trong đó hay không, thay vì một RCEP. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull là hai người đã cố gắng thúc đẩy việc giữ gìn TPP sau khi Mỹ rút.

Nhưng các nước này có chịu nhượng bộ các đòi hỏi của chính phủ Trump để lôi kéo Mỹ trở lại với TPP hay không ?

Cũng chưa ai biết chắc cuối cùng Tổng thống Trump có muốn trở lại TPP thực sự hay không ? Ông có quyết tâm hay không ? Nhưng dù chính phủ Mỹ có muốn trở lại, việc trở lại cũng không dễ dàng. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 17/04/2018

Published in Diễn đàn

Tòa Bạch Ốc sẽ đưa ra danh sách một số hàng hóa để tăng thuế nhập cảng, từ Trung Quốc vào Mỹ. Lúc đầu, việc đánh thuế nhắm giảm bớt 100 tỷ USD trong số gần 400 tỷ USD thâm thủng mậu dịch của Mỹ. Con số đó quá lớn ; dù có muốn Bắc Kinh cũng không thể nào làm nếu không muốn gây xáo trộn lớn. Cho nên bây giờ Mỹ chỉ đánh thuế trên 60 tỷ USD hàng nhập mà thôi.

trungmy0

Trên đại thể, nếu xung đột biến thành "chiến tranh mậu dịch", nước Mỹ vẫn ở thế mạnh.

Ngay sau đó, một nhóm các công ty Mỹ đã ký tên yêu cầu chính phủ Mỹ hãy khoan khoan. Họ đề nghị hãy dành thời giờ tham khảo các xí nghiệp và các chuyên gia xem các hậu quả trên đời sống kinh tế Mỹ. Đứng đầu trong danh sách các công ty ký tên là những xí nghiệp quốc tế lớn nhất hiện nay : Apple, Alphabet (Google), IBM, Nike và Walmart. Ông Dean Garfield là người xướng suất bức thư trên, đại diện cho hội đồng các công ty kỹ thuật, giải thích rằng họ biết việc tăng thuế nhập cảng không công hiệu, không giúp giảm bớt số khiếm hụt mậu dịch. Ngược lại, tăng thuế có thể gây tai hại cho "việc buôn bán" của cả hai bên.

Có lẽ chính phủ Trump sẽ không quan tâm đến các khuyến cáo này. Vì trên đại thể, nếu xung đột biến thành "chiến tranh mậu dịch", nước Mỹ vẫn ở thế mạnh. Tuy nhiên, cuộc "chiến tranh" sẽ rất phức tạp, không dễ thắng như ông Trump từng quảng cáo !

Trong số những đại công ty trên đây, Apple, Google, IBM, Nike và Walmart thì Nike và Walmart có thể chỉ ảnh hưởng trực tiếp nếu xung đột quan thuế giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành chiến tranh mậu dịch. Walmart mua hàng rẻ từ Trung Quốc để bán, kiếm lời. Nếu những món hàng đó bị đánh thuế cao, chúng sẽ không còn bán rẻ được nữa. Nike thuê rất nhiều người bên Tàu làm giầy dép và các cụng cụ thể thao khác. Mai mốt chính những món hàng đó cũng bị đánh thuế và tăng giá. Nike và Walmart muốn bảo vệ quyền lợi của họ.

Nhưng còn ba công ty khác, Apple, Google, IBM, món lợi chính họ kiếm được không phải chỉ là hàng hóa làm bên Tầu, mà là những "sản phẩm trí tuệ". Một chiếc máy điện thoại của Apple ráp ở bên Tàu thực ra chỉ mang lại cho kinh tế nước Tàu khoảng 5% giá bán chiếc máy. Còn 95% giá trị được trả về cho các nước khác, như một bộ phận này làm ở Nam Hàn, bộ phận kia là ở Nhật Bản, vân vân ; và khoảng 50% được trả về cho công ty Apple ở Mỹ vì nó làm chủ các bằng sáng chế và nhãn hiệu Apple - những thứ "hàng" vô hình.

Ngay một công ty sản xuất "hàng hóa" như Nike, cũng bán "sản phẩm trí tuệ". Trong giá bán một chiếc giầy Nike, phần tiền được chia cho các công nhân nhà máy bên Tàu, hay bên Việt Nam, rất nhỏ. Trong số những thứ vật liệu làm nên chiếc giầy được khâu, ráp ở Trung Quốc nhiều thứ chế tạo từ nước khác đem vô. Trong mỗi thứ gọi là "vật liệu" đó, lại cũng có những "sản phẩm trí tuệ". Nếu có một thứ cao su mới, một thứ "vải" nhân tạo mới, hay bất cứ một cái gì mới làm cho chiếc giầy đi êm hơn, cứng cáp hơn, thì nhà làm giầy cũng phải trả tiền cho bằng sáng chế. Công ty Nike làm chủ những bằng sáng chế, và họ kiếm lời trên đó.

Với hai thí dụ trên, đôi giầy Nike hoặc điện thoại Apple, chúng ta thấy dây chuyền tiếp liệu và sản xuất hiện nay không đơn giản để chúng ta có thể đo, đếm những con số gọi là khiếm hụt mậu dịch. Khi người Mỹ trả tiền mua đôi giầy Nike hay cái máy iPhone từ bên Tầu, số tiền đó sẽ có bao nhiêu phần được đem trả cho các nước khác, trong đó có nước Mỹ ?

Thí dụ, một đôi giầy giá 100 đô la nằm trong số khiếm hụt của Mỹ đối với Trung Quốc. Muốn chính xác, số tiền mà Trung Quốc trả cho Đài Loan để mua bộ phận về ráp đôi giầy sang Mỹ, thí dụ 30 đô la, phải trừ bớt trong số khiếm hụt đó. Đáng lẽ, 30 đô la này phải cộng vào số khiếm hụt của Mỹ đối với Đài Loan. Nhưng trên giấy tờ, không ai thấy con số đó, vì hàng không được bán từ Đài Loan qua Mỹ !

Cho nên, trong thế giới bây giờ, làm thống kê người ta phải tính rất kỹ để biết để biết mỗi quốc gia "đóng góp" bao nhiêu "giá trị" vào một sản phẩm, nước nào cuối cùng thu được bao nhiêu. Đại học Groningen đã lập ra một kho dữ liệu gọi là WIOD (World Input Output Database) cung cấp các con số đó, để tính số khiếm hụt hay thâm thủng chính xác nhất.

Thí dụ, năm 2014, Mỹ chỉ nhập cảng 320 tỷ đô la hàng hóa từ nước Tàu, chứ không phải 483 tỷ USD, như con số chính thức được công bố. Số chênh lệch, 163 tỷ USD, thực ra đã chuyển qua các quốc gia khác. Vì thế, năm đó trên giấy tờ Mỹ thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc 315 tỷ Mỹ kim. Nhưng con số thật, sau khi trừ những món mà Trung Quốc phải trả cho nước khác chỉ còn là 200 tỷ USD mà thôi.

Nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy bức tranh còn phức tạp hơn nữa, vì rất nhiều thứ hàng gọi là Mỹ nhập cảng từ bên Tàu lại sử dụng những thứ bộ phận đem từ Mỹ qua Tàu để ráp lại. Một công ty như Nike, Walmart mua bao nhiêu thứ, từ bao nhiêu quốc gia trong đó có nước Mỹ, đem tất cả qua Tàu ráp lại. Khi chở các món hàng đó về Mỹ, người ta vẫn coi đó là "Mỹ nhập cảng từ nước Tàu". Khi chính phủ Mỹ đánh "thuế nhập cảng" trên các hàng hóa đó, họ đánh cả trên cả những bộ phận từng được làm ở Mỹ. Nếu chính phủ Trung Quốc trả đũa, đánh thuế trên các bộ phận "nhập cảng từ Mỹ vào Trung Quốc" thì các bộ phận đó sẽ bị đánh thuế hai lần ! Tất nhiên, người tiêu thụ sẽ phải trả hai thứ thuế đó !

Một lợi thế của các công ty Mỹ trên thế giới là món hàng nào của họ cũng chứa đựng những "sản phẩm trí tuệ" do người Mỹ tạo ra, người Mỹ đem bán và thu tiền. Sức mạnh kinh tế của thế giới bây giờ không nằm trong các hàng hóa mà được phô bày trong các dịch vụ. Các dịch vụ bán có giá hơn, thu nhiều hơn, so với các hàng hóa. Năm 1970, loài người chi tiêu 100 đồng thì 50 đồng trả cho các dịch vụ. Năm 2015, người ta chi 80 đồng cho dịch vụ. Một trong những "dịch vụ" mang lại nhiều tiền nhất là bán các phát minh, sáng chế.

Trong số 148 triệu người thuộc lực lượng lao động nước Mỹ, không kể công chức và quân đội, chỉ có hơn 20 triệu làm trong các ngành "sản xuất hàng hóa", như các thợ mỏ than, công nhân nhà máy thép. Còn 105 triệu người khác, chiếm 84%, làm các dịch vụ, từ các y tá, nhân viên ngân hàng, kế toán, kỹ sư cho tới người hầu bàn.

Vì vậy, nước Mỹ "xuất cảng" nhiều dịch vụ mà người bình thường hay quên. Ngành du lịch năm ngoái thâu hơn 200 tỷ USD. Ngành giáo dục đại học ở Mỹ thu vào khoảng 50 tỷ USD do sinh viên ngoại quốc đem vào Mỹ dùng. Nếu coi đây là một món "dịch vụ" đã được xuất cảng thì có thể so sánh số thu này với các ngành công nghiệp khác : Năm 2017, Mỹ bán xe du lịch được 52 tỷ USD, bán máy dân dụng được 56 tỷ USD, các chất bán dẫn xuất cảng thu được 48 tỷ USD. Chúng ta thường quên rằng giáo dục của Mỹ được "xuất cảng" không thua gì máy bay hay xe du lịch ! Con gái ông Tập Cận Bình, cô Tập Minh Trạch (Xi Mingze, 習明澤) là một khách hàng, cô đã tốt nghiệp Đại học Havard năm 2015.

Trong trận chiến mậu dịch sắp tới, Tổng thống Donald Trump chắc chắn không nên gây khó khăn cho các sinh viên Trung Hoa lục địa khi họ muốn du học ở Mỹ. Thay vì tăng thuế nhập cảng trên các món hàng mua của Trung Quốc, chính phủ Mỹ nên tìm cách ép chính quyền Bắc Kinh phải tôn trọng các bản quyền của người Mỹ trên những sản phẩm trí tuệ ; và thúc đẩy họ mở rộng cửa hơn cho hàng hóa, dịch vụ của Mỹ vào nước Tàu tự do hơn.

Trong tuần này, cuộc xung đột mậu dịch Mỹ-Trung sẽ được khai pháo !

Nếu "chiến tranh" có diễn ra, dù ở mức độ nhỏ và được kiểm soát để khỏi bùng lớn hơn, nước Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc. Hàng hóa và dịch vụ của Mỹ xuất cảng qua Trung Quốc chỉ ảnh hưởng tới dưới một phần trăm (0,7%) tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, 3,1% GDP của Trung Quốc tùy thuộc vào việc xuất cảng hàng sang Mỹ. Nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra và kéo dài, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn kinh tế Mỹ. Có lẽ đó là lý do khiến ông Donald Trump yên tâm khi lên tiếng đe dọa "tấn công" vào 30 tỷ USD hàng hóa mua của Trung Quốc. Nhiều hy vọng là Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 20/03/2018

Published in Diễn đàn