Gia tộc Thaksin trở lại nắm quyền dưới sự giám sát của phe bảo hoàng
Trọng Thành, RFI, 16/08/2024
Ngày 16/08/2024, Quốc hội Thái Lan đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm thủ tướng mới, thay thế cho ông Sretta Thavisin, buộc phải từ chức theo một phán quyết của Tòa án Bảo hiến. Vị thủ tướng 37 tuổi, trẻ tuổi nhất trong lịch sử Thái Lan, không ai khác hơn chính là con gái của cựu thủ tướng tỉ phú Thaksin Shinawatra, 75 tuổi, một trong những thủ tướng được lòng dân nhất trong lịch sử Thái Lan, bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006.
Tân thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng các thành viên đảng Pheu Thai ở Bangkok, Thái Lan, ngày 16/08/2024. AP - Wason Wanichakorn
Bà Paetongtarn trở thành thủ tướng với tư cách chủ tịch đảng Pheu Thai, đảng do ông Thaksin hậu thuẫn. Tuy nhiên, sự trở lại nắm quyền của gia tộc Thaksin được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các thế lực bảo hoàng.
Quốc hội Thái Lan với đa số áp đảo 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng, đã bầu bà Paetongtarn làm người đứng đầu chính phủ, thay thế cho cựu thủ tướng Thavisin, vốn là cựu luật sư của Thaksin. Ông Thavisin được liên minh 11 đảng, với đảng Pheu Thai đông dân biểu biểu thứ hai trong Quốc hội làm nòng cốt, bầu làm thủ tướng sau cuộc bầu cử hồi mùa hè năm ngoái. Trong liên minh nói trên có một số đảng phái bảo hoàng, thân tập đoàn quân sự.
Việc ông Thavisin trở thành thủ tướng đã là một giải pháp thỏa hiệp giữa phe của Thaksin với phe bảo hoàng, cho phép cựu thủ tướng trở về nước sau gần 20 năm sống lưu vong. Án tù khiếm diện 8 năm đối với ông được chuyển thành án tù một năm.
Theo giới quan sát, cách nay một năm, bà Paetongtarn Shinawatra được coi là quá ít kinh nghiệm để lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, một năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi. Chính trường Thái Lan đang trong giai đoạn biến động lớn. Move Forward, đảng được lòng dân nhất, đứng đầu về số dân biểu tại Quốc hội Thái Lan, bị buộc phải giải tán, do bị cáo buộc tấn công vào hoàng gia, vi phạm "luật khi quân". Bộ luật khắc nghiệt này được coi là công cụ để phe bảo hoàng trừng phạt các phe đối địch.
Con gái út của cựu thủ tướng Thaksin giờ đây lên tuyến đầu. Theo một số người am hiểu về tình hình chính trị Thái Lan, việc bà Paetongtarn trở thành thủ tướng sẽ cho phép ông Thaksin gián tiếp định hướng các chính sách của chính phủ Thái Lan. Bản thân nữ thủ tướng tương lai từng thừa nhận sẽ bù lấp phần kinh nghiệm thiếu hụt "với sự hỗ trợ của cha, luôn sẵn sàng tư vấn" bà.
Paetongtarn là người gắn bó với sự nghiệp chính trị của cha từ nhỏ. Theo tạp chí Anh Time, năm lên tám tuổi, cô đã theo chân cha trong các hoạt động của chính phủ khi ông là ngoại trưởng. Năm 20 tuổi, cô từng chứng kiến xe tăng tuần tra trên đường phố Bangkok khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ Thaksin. Hai năm sau, cô chứng kiến cảnh cha mình phải rời bỏ quê hương, để tránh bị kết tội "tham nhũng", điều mà ông tố cáo là do "động cơ chính trị".
Paetongtarn bắt đầu sự nghiệp chính trị khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021, với tư cách là giám đốc một ủy ban mang tên "đổi mới và hòa nhập" của đảng này. Hầu hết kinh nghiệm chuyên môn của Paetongtarn từ năm 2011 cho đến khi tham gia chính trường đều liên quan đến đế chế thương mại của gia tộc Shinawatra, bao gồm lĩnh vực sân golf và các ngành bất động sản, khách sạn và viễn thông. Bà là giám đốc điều hành của doanh nghiệp khách sạn Rende Development Co., của chị gái Pintongta Shinawatra Kunakornwong. Hiện tại, Paetongtarn cũng là cổ đông lớn nhất của công ty bất động sản SC Asset Corp. Pcl, với 28,5% cổ phần trị giá khoảng 5,2 tỷ baht (152 triệu đô la), theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.
Từ hai thập niên nay, gia tộc Shinawatra vẫn bị coi là mối đe dọa đối với giới thượng lưu bảo hoàng, kiểm soát nhiều tổ chức và doanh nghiệp quyền lực nhất đất nước. Hai năm trước đây, khi điều hành chiến dịch tranh cử Quốc hội của đảng Pheu Thai, và là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức thủ tướng, Paetongtarn đã cam kết sẽ chấm dứt "một chu kỳ đảo chính" chống lại gia tộc của bà. Ngoài thủ tướng Thaksin bị đảo chính năm 2006, chính phủ của em gái ông Thaksin, bà Yingluck, cầm quyền từ năm 2011 đến 2014, cũng bị đảo chính.
Các chờ đợi của người dân đối với tân chính phủ do con gái của cựu thủ tướng Thaksin lãnh đạo là rất lớn. Kể từ năm 2001, đảng do ông Thaksin trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành đều giành chiến thắng trong "tất cả các cuộc bầu cử dân chủ". Chính phủ đầu tiên do ông Thaksin lãnh đạo đã từng mang lại "những tiến bộ xã hội lớn" tại một đất nước bất bình đẳng rất cao. Chính phủ Thaksin từng thiết lập chế độ bảo hiểm y tế cho tất cả những người có thu nhập thấp nhất. Cam kết tranh cử của đảng Pheu Thai hồi 2023 là sẽ cấp cho tất cả người dân Thái có thu nhập thấp khoản tiền 10.000 bath (tương đương 385 euro), thông qua "ví điện tử" ngay trong năm cầm quyền đầu tiên. Biện pháp cho đến nay vẫn chưa được liên minh cầm quyền, mà đảng Pheu Thai là nòng cốt, áp dụng.
Cho dù bà Paetongtarn có trở thành thủ tướng Thái Lan, chính phủ của con gái cựu thủ tướng Thaksin cũng khó mà rộng tay hành động. Trả lời AFP, nhà chính trị học Yuttaporn Issrachai nhận định, bất luận thế nào tân chính phủ "cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng của phe bảo thủ và giới quân sự". Bản thân ông Thaksin, sau khi được trả tự do có điều kiện từ tháng 2/2024, tiếp tục phải đối mặt với một vụ án mới. Ngày 18/06/2024, cựu thủ tướng Thaksin lại bị khởi tố về "tội khi quân", một cáo buộc mà giới tướng lĩnh từng đưa ra hồi năm 2015.
Trên thực tế, hiện tại người dân Thái Lan không mấy hy vọng vào chính phủ của nữ thủ tướng Paetongtarn. Chỉ có 5% cử tri ủng hộ bà, theo một thăm dò dư luận của viện Nida, hồi tháng 6, trong lúc 45% dân chúng muốn ông Pita Limjaorenrat, cựu lãnh đạo đảng Move Forward bị giải thể, lãnh đạo đất nước.
Trọng Thành
*******************************
Bà Paetongtarn Shinawatra trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan
BBC, 16/08/2024
Bà Paetongtarn Shinawatra đã dễ dàng trở thành tân thủ tướng Thái Lan sau khi đạt được đủ số phiếu bầu cần thiết tại Hạ viện vào ngày thứ Sáu 16/8.
Bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, đã trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan và là thủ tướng thứ ba trong gia tộc Shinawatra
Bà Paetongtarn Shinawatra là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị đảo chính lật đổ vào năm 2006 và hiện vẫn đang gặp rắc rối pháp lý.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2023, với vị trí xếp thứ hai, Đảng Pheu Thai (Đảng vì người Thái) do bà Paetongtarn Shinawatra làm lãnh đạo đã tiến hành thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác.
Liên minh cầm quyền hiện đang giữ 314 ghế tại Hạ viện, trong đó 141 ghế thuộc về đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn lãnh đạo.
Với liên minh chiếm gần 2/3 trong số 493 nghị sĩ tại Hạ viện Thái Lan, bà Paetongtarn đã dễ dàng giành đủ quá bán số phiếu cần thiết (ít nhất 248 phiếu) để trở thành tân thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu 16/8.
Trước đó, vào ngày thứ Năm 15/8, liên minh này đã đồng ý đề cử bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, cho vị trí thủ tướng.
Bà Paetongtarn Shinawatra là thành viên thứ ba của gia tộc Shinawatra trở thành thủ tướng trong hai thập kỷ qua : bao gồm ông Thaksin (cha bà Paetongtarn), bà Yingluck (em gái ông Thaksin) và bản thân bà Paetongtarn.
Danh sách này sẽ tăng lên bốn nếu tính thêm ông Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin.
Bà Paetongtarn Shinawatra là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan.
Nữ thủ tướng còn lại cũng thuộc gia tộc Shinawatra. Đó là bà Yingluck Shinawatra, em ruột ông Thaksin, tức cô ruột của bà Paetongtarn.
Bà Yingluck đã bị Tòa Hiến pháp phế truất vào năm 2014.
Năm 2011, bà Yingluck Sinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Năm 2014, bà bị Tòa án Hiến pháp phế truất.
Bà Paetongtarn, 37 tuổi, trở thành tân thủ tướng trong thời điểm nóng bỏng của chính trường Thái Lan.
"Bà ta sẽ dễ bị công kích", Titipol Phakdeewanich, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Ubon Ratchathani, nói với Reuters.
"Bà Paetongtarn đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao. Nếu Đảng Pheu Thai không mang lại bất kỳ điều gì thì kỷ nguyên chính trị của gia tộc Shinawatra có thể kết thúc".
Trước đó, vào ngày thứ Tư 14/8, Thủ tướng Srettha Thavisin đã bị Tòa án Hiến pháp bãi chức do bổ nhiệm sai người.
Ông Srettha, 62 tuổi, bị tòa ra phán quyết đã vi phạm "luật về đạo đức" với "thể hiện thái độ chống đối".
Ông Srettha chỉ mới nắm quyền thủ tướng chưa đến một năm và là thủ tướng thứ ba của Thái Lan trong vòng 16 năm bị Tòa án Hiến pháp bãi chức.
Bất ổn về chính trị đã phủ bóng đen lên nền kinh tế khi ông Srettha từng hy vọng kích thích tiêu dùng thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm kế hoạch "Ví điện tử (Digital Wallet)" phát 10.000 baht (khoảng 288 USD) cho mỗi người trong tổng số 50 triệu dân, dưới dạng tiền kỹ thuật số.
Bà Paetongtarn Shinawatra là ai ?
Bà Paetongtarn cùng chồng là Pidok Sooksawas
Bà Paetongtarn Shinawatra, sinh năm 1986, học ngành khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý khách sạn tại Đại học Surrey (Anh Quốc).
Còn được biết đến với tên gọi Ung Ing, bà Paetongtarn mới 20 tuổi khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006.
Bà Paetongtarn đã trải qua tuổi thơ khi Thái Lan chứng kiến nền chính trị có nhiều biến động.
Hồi tháng 3/2024, bà phát biểu : "Khi tôi 8 tuổi, cha tôi bước vào chính trường. Kể từ ngày hôm đó, cuộc sống của tôi đã hòa quyện vào chính trị".
Bà Paetongtarn đã làm việc cho tập đoàn khách sạn Rende của gia tộc Shinawatra, nơi chồng bà giữ chức phó giám đốc đầu tư, trước khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021.
Bà Paetongtarn đã được bổ nhiệm làm chủ tịch đảng này vào tháng 10/2023.
Bà Paetongtarn có hai con, gồm một bé gái 3 tuổi và bé trai 1 tuổi, sau khi kết hôn vào năm 2019.
Bà thường chia sẻ hình ảnh các con trên mạng xã hội Instagram, trong những chuyến nghỉ dưỡng và trang phục sang trọng.
Gia tộc Shinawatra
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và con gái Paetongtarn Shinawatra
Sinh năm 1949, ông Thaksin là thành viên của gia tộc Shinawatra, một gia tộc gốc Hoa giàu có, nổi tiếng ở Thái Lan.
Ông Thaksin Shinawatra ban đầu làm cảnh sát, sau đó dần chuyển sang kinh doanh. Sau một số thương vụ thất bại, năm 1983, ông đồng sáng lập một công ty buôn bán máy tính nhỏ.
Công ty này sau đó phát triển thành Shin Corp - tập đoàn viễn thông lớn nhất Thái Lan, kinh doanh từ điện thoại di động đến dịch vụ internet, truyền thông. Chính Shin Corp đã biến ông Thaksin thành tỷ phú.
Vào năm 1994, ông Thaksin Shinawatra tham gia chính trường. Ban đầu ông giữ chức ngoại trưởng, sau đó làm phó thủ tướng.
Ông Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) vào năm 1998.
Năm 2001, ông Thaksin thắng cử và trở thành thủ tướng Thái Lan sau khi đảng Thai Rak Thai giành chiến thắng vang dội.
Năm 2005, ông Thaksin trở thành thủ tướng được bầu đầu tiên hoàn thành đủ nhiệm kỳ 4 năm và ông tiếp tục tái đắc cử
Trong thời gian làm thủ tướng, ông trở nên cực kỳ nổi tiếng với người nghèo ở nông thôn nhờ những chính sách chăm sóc y tế, giảm nợ. Các doanh nghiệp cũng có thiện cảm với ông nhờ chính sách kinh tế "Thaksinomics", vốn đã mở ra một kỷ nguyên thành công cho kinh tế Thái Lan.
Tuy nhiên, chính quyền ông Thaksin không được lòng giới thượng lưu và ông thường xuyên bị chỉ trích tham nhũng, hành xử không khéo léo, sử dụng quyền hành thái quá, không tôn trọng nhà vua...
Năm 2006, quân đội Hoàng gia Thái Lan đảo chính và lật đổ chính phủ ông Thaksin trong lúc ông đang tham gia cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ.
Năm 2007, Đảng Thai Rak Thai bị giải tán, nhưng sau đó đã phát triển thành đảng Pheu Thai (Vì nước Thái).
Năm 2008, ông Thaksin rời đất nước sống lưu vong sau khi bị Tòa án Tối cao Thái Lan kết án vắng mặt với tổng cộng 12 năm tù liên quan bốn cáo buộc về lạm quyền, tham nhũng.
Là một tỷ phú viễn thông, ông Thaksin sở hữu nhiều nhà cửa ở ít nhất 6 quốc gia.
Sau khi bị chính quyền Thái Lan tịch thu giấy tờ cá nhân, ông đã bắt đầu sử dụng thị thực của Montenegro để đi lại. Chưa kể, ông còn sở hữu một hộ chiếu ngoại giao Nicaragua.
Trong thời gian ở Anh vào năm 2007, ông đã mua câu lạc bộ bóng đá Manchester City với giá gần 82 triệu bảng Anh. Một năm sau đó, ông bán câu lạc bộ này lại cho tập đoàn Abu Dhabi United (UAE) với giá 200 triệu bảng Anh, theo đài Fox Sports.
Theo tạp chí Forbes, ông Thanksin sở hữu 2,1 tỉ USD vào thời điểm năm 2023.
Ông là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong lịch sử Thái Lan.
Năm 2009, những người ủng hộ ông Thaksin – tức phe áo đỏ - biểu tình ở Bangkok kêu gọi bầu cử, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Ahbisit khi đó không giành được quyền lực thông qua bỏ phiếu.
Trong thời gian không có mặt ở Thái Lan, ông Thaksin vẫn giữ được mức độ ảnh hưởng to lớn đến nền chính trị nước này. Từ năm 2001 đến nay, các đảng chính trị liên minh với ông Thaksin đều giành được nhiều ghế trong Quốc hội.
Năm 2011, bà Yingluck Sinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Năm 2014, bà Yingluck bị Tòa Hiến pháp phế truất. Một cuộc đảo chính quân đội sau đó đã đưa Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-cha lên lãnh đạo một chính phủ bị coi là chuyên quyền nhất trong nhiều thế hệ.
Tháng 8/2023, Đảng Pheu Thai tiến tới nắm quyền sau nhiều tháng biến động chính trị.
Ông Thaksin đã có một cuộc trở về quê hương đầy kịch tính vào tháng 8/2023 sau khi sống lưu vong ở nước ngoài 15 năm.
Ông Thaksin nói rằng quyết định trở lại vào tháng 8/2023 của ông không liên quan gì đến nỗ lực thành lập chính phủ của đảng Pheu Thai, nhưng nhiều người tin rằng đảng này đã thỏa thuận với các đảng thân quân đội để tạo điều kiện cho ông Thaksin về nước.
Ông ngay lập tức bị bắt tại sân bay, bị kết án 8 năm tù với ba bản án tuyên vắng mặt trong thời gian ông không ở trong nước.
Ngày 29/5, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan tuyên bố truy tố ông Thaksin liên quan đến cáo buộc ông xúc phạm chế độ quân chủ.
Dự kiến ông sẽ phải hầu tòa vào ngày 19/8 tới trong khi Tòa án Hình sự Thái Lan ngày 31/7 bác đề nghị của ông về việc đến Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất (UAE) để chữa bệnh từ ngày 1 đến 16/8.
Nguồn : BBC, 16/082024
*******************************
Đảng Pheu Thai chọn con gái Thaksin làm ứng viên thủ tướng
Trọng Thành, RFI, 15/08/2024
Một ngày sau khi Tòa Bảo Hiến Thái Lan ra phán quyết "chấm dứt" chức vụ của thủ tướng Srettha Thavisin vì ông bổ nhiệm một chính trị gia từng bị kết án tù làm bộ trưởng, hôm nay 15/08/2024, đảng Pheu Thai, đảng lớn nhất trong liên đảng cầm quyền, đã chỉ định bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, làm ứng viên thủ tướng.
Bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo đảng Pheu Thai, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được đảng Pheu Thai đề cử làm thủ tướng, Bangkok, Thái Lan, ngày 15/08/2024. AP - Sakchai Lalit
Theo AFP, tổng thư ký đảng Pheu Thai, Sorawong Thienthong đã thông báo quyết định nói trên trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bangkok. Cho đến nay, bà Paetongtarn Shinawatra là ứng viên thủ tướng duy nhất. Trước đó, theo Business Times, các phương tiện truyền thông địa phương loan tin cựu bộ trưởng Tư Pháp Chaikasem Nitisiri, 75 tuổi, một đảng viên đảng Pheu Thai, có thể là ứng viên hàng đầu.
Ngày mai, Hạ Viện Thái Lan sẽ bỏ phiếu bầu tân thủ tướng. Liên minh 11 đảng, với đảng Pheu Thai là nòng cốt, hiện có 314 ghế trên tổng số 500 ghế tại Hạ Viện.
Bà Paetongtarn Shinawatra là lãnh đạo đảng Pheu Thai, và từng là phó chủ tịch ủy ban phụ trách thúc đẩy "quyền lực mềm" của Thái Lan trong chính phủ của thủ tướng Srettha Thavisin, vừa bị giải thể. Bà là con gái út của cựu thủ tướng Thaksin, nhà tỉ phú, từng rất được lòng dân, cầm quyền từ năm 2001 đến 2006. Nếu đắc cử, lãnh đạo đảng Pheu Thái sẽ là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra đứng đầu chính phủ Thái Lan, sau người cha và người cô, Yingluck Shinawatra (2011 - 2014), cả hai đều bị đảo chính quân sự lật đổ.
Trả lời AFP, nhà phân tích chính trị Yuttaporn Issarachai cho biết "bà Paetongtarn đã có hai, ba năm kinh nghiệm chính trường, bản thân bà xuất thân từ một gia đình làm chính trị, nên tôi nghĩ bà ấy có đủ khả năng". Theo chuyên gia này, ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai không phải là người thu hút được thế hệ trẻ Thái Lan, đang khao khát thay đổi triệt để hệ thống, nhưng trên thực tế, "rất khó mà thoát khỏi ảnh hưởng của phe bảo thủ và giới quân sự".
Trọng Thành
*****************************
Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức vì vi phạm quy tắc đạo đức
Thu Hằng, RFI, 14/08/2024
Ngày 14/08/2024, Tòa Bảo Hiến Thái Lan đã "chấm dứt" chức vụ của thủ tướng Srettha Thavisin với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống. Ông bị cáo buộc đã vi phạm quy tắc đạo đức được nêu trong Hiến Pháp vì đã bổ nhiệm một luật sư bị kết án tù năm 2008 làm bộ trưởng. Phán quyết của Tòa mở ra một thời kỳ bất ổn mới tại Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan, Srettha Thavisin, phát biểu với báo giới tại thủ phủ tướng ở Bangkok, ngày 14/08/2024. AP - Sakchai Lalit
Trong phán quyết, được thẩm phán Punya Udchachon đọc tại Tòa, thủ tướng Srettha bị cáo buộc là "không trung thực khi bổ nhiệm vị bộ trưởng đó" vì ông phải biết được rằng luật sư Pichit Chuenban đã bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 với cáo buộc tham nhũng. Luật sư Pichit có liên quan đến gia đình cựu thủ tướng Thaksin, đối lập với tập đoàn quân sự và phe bảo hoàng.
Theo AFP, ông Pichit đã từ chức để cứu thủ tướng Srettha. Tuy nhiên, nhóm 40 thượng nghị sĩ do tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây bổ nhiệm đã đệ đơn kiện lên Tòa Bảo Hiến. Giữ chức chưa được một năm, ông Srettha là thủ tướng thứ ba của đảng Pheu Thai bị Tòa Bảo Hiến bãi chức. Phán quyết của tòa cũng có hiệu lực với toàn bộ nội các hiện nay. Quốc hội Thái Lan sẽ phải họp để chọn thủ tướng mới.
Chính trường Thái Lan lại rơi vào bất ổn. Phán quyết của Tòa Bảo Hiến còn cho thấy những chia rẽ cố hữu trong chính trường Thái Lan giữa phe bảo thủ và các đảng cấp tiến, như đảng Pheu Thai và đối thủ mới là đảng Move Forward (MFP).
Tuy nhiên, ngày 08/08, đảng Move Forward (MFP) cũng bị chính Tòa Bảo Hiến giải thể vì đề xuất cải cách luật khi quân. Cựu lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat bị cấm tham gia chính trị trong vòng 10 năm. Một ngày sau phán quyết của tòa, ban lãnh đạo đảng thông báo thành lập Đảng Nhân Dân (PP - People’s Party).
Thu Hằng
Thắng lợi ngoại giao của Bangkok
Trong số 24 con tin được tổ chức Hamas trả tự do trong đợt đầu vào ngày 24/11/2023, ngoài 13 công dân Israel, còn có 10 người lao động Thái Lan và 1 người Philippines. Trong thông cáo, Hamas nói rõ họ muốn "tỏ thiện chí" trong việc trả tự do cho các công dân Thái Lan.
Hình ảnh trích từ vidéo Hamas công bố, cho thấy 10 con tin Thái Lan được trao cho đại diện hội Chữ Thâp Đỏ tại Gaza, ngày 24/11/2023. AFP – Alex Mita
Thông cáo ngay tối qua của bộ Ngoại Giao Thái Lan xác nhận 10 công dân nước này được tự do. Bốn người trong số đó "chưa từng có tên trong danh sách các con tin" do chính quyền Israel lập ra. Trước mắt, các con tin Thái Lan vừa được trả tự do được giữ lại ở một bệnh viện trong vòng 48 tiếng. Sau đó, nhân viên ngoại giao của Thái Lan ở Luân Đôn "sẽ lo các thủ tục cần thiết để đưa họ về nước".
Trước đợt tấn công hôm 07/10/2023, có khoảng 30.000 lao động Thái Lan làm việc tại Israel, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp. 39 người thiệt mạng và 8.500 người đã được hồi hương.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Carol Isoux từ Bangkok, việc Hamas trả tự do cho 10 công dân Thái Lan hôm qua là một thành công lớn của ngành ngoại giao Thái Lan :
"‘Nhiều con tin Thái Lan đã được trả tự do và đại diện của sứ quán đang trên đường đi đón những người vừa được thả’. Thủ tướng Srettha Thavisin trên mạng X thông báo như trên, vào trước 8 giờ tối, giờ địa phương.
Phái đoàn đàm phán của Bangkok đã tiếp xúc trực tiếp với đại diện của tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas ở Teheran hôm 26/10/2023. Từ nhiều tuần qua, đã có tin Hamas đồng ý trả tự do cho các con tin Thái Lan, nhưng còn phải đợi thỏa thuận hưu chiến có hiệu lực mới có thể trao trả những công dân này cho chính quyền Bangkok.
Ngoại trưởng Thái Lan đã công du Ai Cập cũng trong nỗ lực điều đình với Hamas để giải cứu các con tin.
Đây là một thắng lợi vẻ vang của ngành ngoại giao Thái Lan, vốn chỉ biết trông vào sức lực của chính mình, bởi họ hoàn toàn không được mời tham dự các vòng đàm phán giữa Mỹ, Israel và Qatar về vấn đề con tin. Ngoại trưởng Thái Lan cho biết thêm ông kỳ vọng những con tin khác cũng sẽ được tự do. Hiện vẫn còn khoảng 13 công dân Thái Lan bị cầm giữ".
Thanh Hà
Một trăm ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội, cuối cùng Thái Lan cũng có tân thủ tướng. Tuy nhiên, doanh nhân Srettha Thavisin lại không phải là người được người dân, đặc biệt là giới trẻ, bầu ra. Thắng lợi của đảng Pheu Thai, đứng đầu liên minh 11 đảng, cũng đánh dấu sự hồi sinh của gia tộc Shinawatra đầy ảnh hưởng ở Thái Lan.
Ông Srettha Thavisin vừa được Quốc hội Thái Lan phê chuẩn làm tân Thủ tướng
Thực vậy, doanh nhân địa ốc Srettha, 61 tuổi, không có thực quyền. Ông thường xuyên bị lu mờ trong chiến dịch tranh cử do Paetongtarn Shinawatra đứng đầu. Cho nên, các nghị sĩ đảng Pheu Thai không nợ nần gì ông Srettha và họ không được bầu theo tiếng tăm của doanh nhân địa ốc. Cũng chính người con gái út của ông Thaksin nằm trong số ứng viên cho chức bộ trưởng Tài chính.
Gia tộc Shinawatra cũng làm lu mờ "ngày trọng đại" của tân thủ tướng Srettha Thavisin sau khi được Quốc hội Thái Lan phê chuẩn với sự kiện cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước. Đây là thông điệp nói rằng "gia tộc Shinawatra trở lại cầm quyền". Thay vì vào tù thụ án 8 năm, nhà sáng lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái), tiền thân của đảng Pheu Thai hiện nay, được đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát vì lý do sức khỏe do tuổi cao, theo xác nhận ngày 24/08 của một quan chức bộ Tư Pháp Thái Lan.
Giới phân tích đều nhận định với trang CNBC rằng cựu thủ tướng Thái Lan "sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Thái Lan", "một cách hợp pháp" dù "ông sẽ không ở trên tuyến đầu". Thực ra, dù sống lưu vong, cựu thủ tướng vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị Thái Lan. Việc ông Thaksin hồi hương được Thitinan Phongsudhirak, giám đốc điều hành của Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, nhận định là "khép lại một chương quan trọng trong đời sống chính trị Thái Lan bởi vì Thaksin có sức mạnh thống trị trong suốt hai thập niên".
Ông Thaksin về nước sau 15 năm sống lưu vong, đánh dấu cho sự "hợp tác" với giới tướng lĩnh, theo đó quân đội sẽ tiếp tục giữ ảnh hưởng trong chính phủ. Thỏa thuận này cũng cho thấy "tài đàm phán" của cựu thủ tướng. Ông Thaksin không phải ngồi tù đến 8 năm mà sẽ sớm được quốc vương ân xá, theo nhận định của giáo sư Chachavalpongpun Pavin, Đại học Kyoto (Nhật Bản), bởi vì "Thaksin sẽ không về nước để bị cầm tù".
Trong trường hợp này, một số nhà phân tích cho rằng ông Thaksin sẽ can thiệp nhiều hơn vào đời sống chính trị vì nhà tỉ phú "không phải là người thụ động". Dù "hiện đã 74 tuổi, ông Thaksin ít có khả năng trực tiếp cầm quyền" nhưng theo Kasem Prunratanamala, phụ trách nghiên cứu Thái Lan tại VGS-CIMB, nhà tỉ phú sẽ là "nhân vật quan trọng điều hành đảng Pheu Thai trong hậu trường".
Giáo sư Sirivunnabood, Đại học Mahidol (Thái Lan), cho rằng "đã đến lúc Thái Lan chuyển sang trang mới". Ông cũng "không nghĩ là đảng Pheu Thai sẽ gặp khó khăn trong tư cách là đảng lãnh đạo chính phủ liên minh". Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại tỏ ra quan ngại về mối liên hệ giữa đảng Pheu Thai và tập đoàn quân sự.
Trang Financial Times nhắc lại khi còn là thủ tướng, Thaksin từng xa lánh giới quân sự bảo hoàng và giới tinh hoa thành thị, gây ra tình trạng bất ổn lan rộng ở Bangkok mà đỉnh điểm là cuộc đảo chính năm 2006. Chính ông là "người thay đổi bản chất chính trị Thái Lan" và được những người thuộc tầng lớp lao động Thái tôn kính nhờ những chính sách giải quyết tình trạng bất bình đẳng và phát triển nông thôn.
Xã hội Thái Lan, đặc biệt là giới trẻ quá "chán nản với bầu không khí chính trị cổ lỗ", muốn thay đổi đời sống chính trị ngày càng bị bóp nghẹt trong suốt thời gian tập đoàn quân sự cầm quyền nên ủng hộ cải cách. Đảng Pheu Thai, đứng thứ hai về số phiếu sau đảng Move Forward trong cuộc bầu cử Quốc hội, lại đang "gây thiệt hại lớn cho hình ảnh của mình". Thay vì giương cao ngọn cờ dân chủ mà họ vẫn tự nhận trong thời gian vận động tranh cử, từ giờ Pheu Thai "là một đảng hoàn toàn bảo thủ và ủng hộ chính quyền", theo nhận định của Ken Mathis Lohatepanont, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ.
Thu Hằng
Đôi khi, tôi cảm thấy hơi buồn rầu (cùng với đôi chút tủi thân) khi chợt nhớ ra rằng mình chưa bao giờ có dịp được đi khắp hết quê hương. Tôi chưa được đặt chân đến cố đô Huế hay thủ đô Hà Nội một lần nào cả.
Thế mà những nước láng giềng kề cận thì tôi lại lui tới đều đều. Tôi đã ngược xuôi nước Lào, nước Miên, nước Miến năm lần bẩy lượt. Tôi đâm ngang đâm dọc nước Thái (chắc) đâu cũng cỡ chừng chục bận rồi.
Ở Thái Lan, dù bạn quay bên trái hay bên phải (nhìn tới hay nhìn lui) cũng đều thấy chân dung đức vua Bhumibol Adulyadej – Rama IX – không sót một góc nào. Ngài có mặt mọi nơi, khắp các nẻo đường, trong tất cả những công trình kiến trúc (bất kể công tư) và trên tường nhà của thần dân (bất kể sang/hèn) dù đã băng hà.
Sau đó, sau một khoảng lặng khá dài, thiên hạ mới bắt đầu nhìn thấy ảnh của vị vua thừa kế (Thái tử Vajiralongkorn – Rama X) ở những nơi công cộng. Tuy đăng quang khi đã ngoại lục tuần, ông vẫn không xuất hiện một mình mà có cả hình vua cha và mẫu hậu Sirikit cạnh bên.
Người biết chuyện của vương triều Chakri đều hiểu rằng tuy Rama X kế vị là chuyện tất nhiên nhưng vì ông là một playboy (với rất nhiều tai tiếng) nên ở ngôi thiên tử khó tránh được điều tiếng xầm xì. Bởi thế, Vajiralongkorn cần phải có song thân phụ mẫu cận kề cho bớt (chút)… eo sèo nhân thế !
Ngoài giai cấp tăng lữ, chế độ quân phiệt Thái còn cần phải có giới quí tộc làm liên minh chính thống, với một đấng quân vương – nhân từ khả kính – để an dân và để hòa giải những xung đột (thường xuyên) giữa đám tướng lãnh của xứ sở này. So với tiên vương, Rama X kém cả tài lẫn đức quá xa (hay nói chính xác hơn là vô tài bất đức) nên xã hội lâm vào cảnh bất an – như hiện cảnh – không phải là chuyện lạ :
- RFA : Cảnh sát Thái Lan giải tán hàng chục ngàn người biểu tình ôn hòa
- VOA : Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp sau cuộc biểu tình chưa từng có
- RFI : Hai phe chống chính quyền và phe bảo hoàng cùng biểu tình ở Bangkok
- BBC : Hàng ngàn người biểu tình ở Bangkok đòi cải tổ chính trị.
Từ Việt Nam, bỉnh bút Du Uyên (Tuần Báo Trẻ – Dallas) có đôi ba nhận xét khá thú vị về sự kiện này :
"Rất nhiều người Việt quan tâm đến một cuộc thi nhan sắc ở đất nước Thái Lan – Miss Grand Thailand… Lý do khiến cuộc thi này nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận Việt là vì những sự ‘ngược đời’.
Thứ nhất, ở vòng chung kết cuộc thi này, ban tổ chức đặt ra một câu hỏi được xem là không tưởng với ‘truyền thống’ thi hoa hậu ở Việt Nam – Một câu hỏi vô cùng ‘nhạy cảm’, đầy ‘động cơ chính trị’ :
"Bạn nghĩ gì về cuộc biểu tình đang diễn ra ở Bangkok ?"
Những tưởng sẽ không người đẹp nào dám trả lời câu hỏi dễ gây ‘mích lòng’ này. Nhưng thí sinh Pacharaporn ‘Nam’ Chantarapadit (22 tuổi, đại diện thành phố Rayong) đã có câu trả lời đi ngược lại với ‘truyền thống’ thi hoa hậu của nước bạn – Việt Nam.
Vì cổ không nói : ‘Tôi chọn đứng về phía nhân dân. Nhưng nhân dân phải sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, luôn luôn học tập theo gương nhà vua/triều đình Thái Lan vĩ đại.’ Hay ‘Bọn biểu tình là do thế lực kích động, thuê mướn.’ hoặc ‘Không thế lực nào có thể buộc tôi chọn bên’…
Mà cổ ‘dám’ trả lời : ‘Từ đáy lòng mình, tôi chọn đứng về phía người biểu tình. Chúng tôi có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân và chúng tôi muốn chọn những gì tốt nhất cho đất nước mình. Hơn thế nữa, tôi muốn nói với chính phủ. Nếu quý vị gọi đất nước này là Thái Lan thì chúng ta cần một nền dân chủ thực sự…
Và, bạn nghĩ xem, nếu là một hoa hậu (không ai đánh thuế ước mơ mà), bạn muốn làm hoa hậu ở đất nước ‘cộng hòa – xã hội – chủ nghĩa’ Việt Nam hay là hoa hậu ở đất nước có ‘nền dân chủ què quặt’, ‘bán độc tài’ Thái Lan hơn ?"
Hỏi gì mà lãng xẹt vậy Trời ?
Ai thì cũng sẽ lựa chế độ bán độc tài hơn là cái thứ độc tài toàn trị chớ !
Tuy nhiên tưởng cũng cần phải nói thêm – cho hết lẽ – là sống ở Việt Nam khoẻ hơn ở Thái Lan nhiều, nếu chỉ xét về mặt ẩm thực. Thức ăn ở Thái chỉ có ưu điểm là an toàn – không bị nhiễm độc – và ăn thử chơi vài bữa thì cũng khá ngon, chớ ăn hoài (khao soi, green pap salad, tom yum, pad thai, tom kha…) là ớn thấy bà luôn.
Được cái là hệ thống Seven Eleven của Thái Lan vô cùng tiện lợi. Ở xứ sở này bạn nhìn đâu cũng thấy hình vua, và ngó đâu cũng thấy bảng hiệu của những tiệm bán lẻ tiện dụng này. Họ bán không thiếu một thứ gì (bia rượu đầy đủ cả) và đồ ăn liền thì vô cùng phong phú, cho cả ba bữa : sáng, trưa, chiều tối.
Nếu so sánh thì 7/11 ở Singapore, Hong Kong, Manila, Jakarta, Kuala Lumpur Phnom Penh… (và ngay cả California nữa) đều thuộc vào hạng thứ. Đặc biệt nhất là cách phục vụ của những nhân viên bán hàng của hệ thống Seven Eleven ở Thái Lan. Trăm tiệm như một. Nơi đâu cũng bầy tỏ sự hiếu khách bằng những câu chào mời nồng nhiệt.
Nếu bạn là loại du khách có rất ít tiền nhưng muốn ở chơi tại Thái lâu thì chỉ nên ăn ở hàng quán mỗi ngày một bữa thôi. Bữa còn lại cứ vào 7/11 là hay nhất. Tiện lợi, nhanh chóng, giá cả nhẹ nhàng, và có thể đổi khẩu vị đều đều cho đỡ ngán : Italian Spagetti, Cantonese Dumpling, Brazilian Pizza, Hong Kong Congee, Korean Pork and Rice Porridge, Szechuan Noodles With Spicy Beef Sauce, Indian Green Chicken Curry With Coconut Milk, Crab Fried Rice Thai Style… Cơm trắng cá nục kho nước mắm (theo kiểu Việt Nam) cũng có luôn, chỉ thiếu vài trái ớt chỉ thiên để xuýt xoa cho nó đã thôi.
Tất cả – tất nhiên – đều đông lạnh và cần phải hâm lại nhưng nhân viên không bao giờ lấy đó làm phiền. Họ cũng chả bao giờ quên cho muỗng nĩa nhựa kèm theo, cùng với một lời cảm ơn, và nụ cười thân thiện. Thái độ tận tình và vui vẻ của họ luôn khiến tôi có đôi chút băn khoăn : phải chăng nền văn hóa khiêm cung và nhân bản của Thái Lan đã tạo ra được một thế hệ trẻ lành mạnh và có thể cậy trông như thế ?
Bạn cứ nhìn chim trời cá nước (bay rợp những cánh đồng lúa chín, hay chen chúc lúc nhúc khắp nẻo sông hồ) nơi đất Thái rồi nhìn cung cách hòa nhã của những nhân viên trong hệ thống 7/11, ở khắp xứ sở này, để có thể đoán biết được rằng đất nước của họ vẫn còn có ngày mai – dù đang bị áp chế bởi một chế độ bán độc tài :
- RFI : Hàng chục nghìn sinh viên biểu tình đòi thủ tướng từ chức
- BBC : Hàng ngàn người biểu tình tại Bangkok đòi cải tổ chính trị
- VOA :Thủ tướng Thái Lan quan ngại biểu tình, muốn đối thoại
- Biểu tình đòi dân chủ nhắm vào Vua Rama X
Thông tín viên Hoài Hương (VOA) cho biết thêm chi tiết :
"Cuộc biểu tình do nhiều nhóm sinh viên học sinh lãnh đạo hôm Chủ nhật 16/8, thu hút ước lượng 10.000 người, đám đông hô to ‘đả đảo nhà nước độc tài’, đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, chấm dứt các hành động sách nhiễu và sửa đổi hiến pháp".
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì giới sinh viên, tất nhiên, không bao giờ hô to ("đả đảo nhà nước độc tài") như thế. Hô nhỏ cũng hổng dám đâu. Nghe họ than thân mà muốn ứa nước mắt :
Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu…
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước ?
Quí ông Thủ tướng ở Việt Nam khỏi cần "quan ngại" và "đối thoại" với bất cứ ai. Họ chỉ "đối thụi," nếu cần. So sánh với cái nền dân chủ què quặt của Thái Lan để thấy cho rõ thế nào là một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : Đàn Chim Việt, 27/07/2023
ASEAN : Thái Lan biện minh việc đối thoại với tập đoàn quân sự Miến Điện
Hôm 19/06/2023, chính quyền Bangkok thông báo mời tập đoàn quân sự Miến Điện tham gia cuộc họp "không chính thức" cấp ngoại trưởng thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Miến Điện.
Nhiều người Miến Điện chạy lánh chiến sự, đến dựng lều trại bên bờ sông Moei, biên giới Thái Lan-Miến Điện, ở vùng Mae Sot, bên Thái Lan. Ảnh chụp ngày 07/01/2022. Reuters – Athit Perawongmetha
Sau cuộc đảo chính hồi tháng 02/2021 tại Miến Điện, ASEAN chủ trương cô lập, gây sức ép buộc giới tướng lãnh Miến Điện phải chấm dứt đàn áp và tiến hành đối thoại với phe đối lập.
Theo AFP, quyết định đơn phương của Thái Lan vấp phải sự phản đối từ nhiều nước trong ASEAN vì đi ngược với đường hướng chính thức của khối.
Trước giới báo chí, thủ tướng Thái Lan sắp mãn nhiệm Prayut Chan O Cha, cũng xuất thân từ giới tướng lĩnh, nắm quyền lãnh đạo ở Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, đã biện minh cho sáng kiến của mình.
Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI Carole Isoux giải thích :
"Indonesia, hiện đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN, Malaysia và Singapore cho biết sẽ không tham dự các cuộc đàm phán không chính thức.
Từ sau thất bại của tiến trình hòa bình 5 điểm, bao gồm cả việc ngưng các cuộc giao tranh và mở đối thoại với đối lập, mà phe tướng lĩnh Miến Điện đã không tuân thủ, chiến lược của ASEAN là cô lập ngoại giao Miến Điện nhưng không có mấy kết quả thuyết phục.
Thái Lan biện minh cho hành động đơn phương này rằng, với tư cách là nước láng giềng sát cạnh Miến Điện, Thái Lan bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc xung đột kéo dài, làm dòng người tị nạn đổ xô vào lãnh thổ Thái Lan mỗi lúc đông hơn.
Cam Bốt, Lào, Brunei và các đại diện Ấn Độ đã chấp nhận lời mời được giữ bí mật cho đến tận hôm qua. Bản thân chính phủ hiện nay ở Thái Lan cũng xuất thân từ hàng ngũ quân đội, và trong cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, người dân Thái Lan đã bỏ phiếu cho một đảng mang tư tưởng cải cách giành thắng lợi lớn, và đảng này chủ trương một đường lối cứng rắn hơn đối với phe tướng lĩnh Miến Điện".
Minh Anh
Bầu cử Thái Lan : Đối lập thắng lớn, báo hiệu chấm dứt chế độ quân sự ?
Minh Anh, RFI, 18/05/2023
Tại Thái Lan, trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 14/05/2023, hai đảng đối lập Move Forward (Áo Cam) và Pheu Thai (Áo Đỏ) đã giành được thắng lợi áp đảo. Một thông điệp mạnh mẽ cử tri Thái gởi đến chính phủ do quân đội hậu thuẫn : Người dân không muốn quý vị tiếp tục cai trị. Liệu rằng kết quả này có sẽ là một dấu hiệu chấm hết cho những năm tháng cầm quyền của phe bảo thủ được quân đội hậu thuẫn ?
Pita Limjaroenrat (phải), lãnh đạo phong trào Move Forward, về đầu trong cuộc bầu cử Thái Lan ngày 14/05/2023. AP - Sakchai Lalit
Bầu cử tại Thái Lan được giới quan sát đánh giá là một cuộc đọ sức dai dẳng giữa phe đòi dân chủ và phe bảo hoàng được quân đội hậu thuẫn. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 14/5 là lần bầu cử thứ hai từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra và từ sau cuộc bầu cử được cho là "dân chủ" năm 2019, đưa cựu tướng quân đội Prayut Chan O Cha lên cầm quyền.
Làn sóng Màu Cam, một cơn chấn động chính trị
Eugenie Merieau, chuyên gia về Luật công, trường đại học Paris I Pantheon-Sorbonne, trên đài phát thanh France Culture trước hết lưu ý, việc thủ tướng mãn nhiệm Prayuth Chan O Cha giải thể quốc hội và tổ chức bầu cử sớm trên thực tế là một tính toán chính trị, chứ không phải vì áp lực của đường phố và đối lập :
"Vì tin chắc rằng Thượng Viện là do quân đội bổ nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị và có nhiệm kỳ đến năm 2024, với số 250 thượng nghị sĩ, cùng với 500 hạ nghị sĩ ở Quốc Hội, quân đội nghĩ là có nhiều cơ may giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử năm nay hơn là vào năm 2024, sau khi Thượng Viện do quân đội chỉ định mãn nhiệm kỳ".
Tính toán này của quân đội đã bị cử tri Thái "lật tẩy" qua việc dồn phiếu cho hai đảng đối lập Move Forward và Pheu Thai. Nhưng điểm bất ngờ lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu năm nay là đảng Move Forward (MFP), mang tư tưởng cấp tiến, dưới sự dẫn dắt của Pita Limjareonrat, một doanh nhân trẻ tuổi, đã về đầu khi giành được 151 ghế nhờ có được hơn 14 triệu phiếu bầu, vượt qua cả Pheu Thai, đảng đối lập truyền thống, một lực lượng dân túy ở Thái Lan do gia tộc Shinawatra lãnh đạo trong suốt hai thập niên.
Báo chí Pháp nói đến "một làn sóng Mầu Cam, một cơn chấn động chính trị". Trang mạng CNN của Mỹ thì cho đấy là một "đòn giáng chí mạng", "một lời quở trách trực diện, một sự bác bỏ quá khứ độc tài quân sự" của người dân Thái.
Để phản đối sự thống trị của quân đội trong chính phủ, lá phiếu bầu luôn là công cụ duy nhất, được người dân Thái sử dụng một cách áp đảo nhằm ủng hộ các đối thủ chính trị của quân đội. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 14/5, là một sự tiếp nối của truyền thống đó, khi cử tri Thái tham gia bầu cử với một tỷ lệ cao kỷ lục (hơn 75%).
Phe ủng hộ dân chủ : Những con rối của phương Tây ?
Điều nghịch lý là dù chiến thắng áp đảo, lãnh đạo phe đối lập Pita Limjareonrat chưa chắc có thể trở thành thủ tướng chính phủ. Quân đội trong lần nắm quyền sau cùng đã cho sửa đổi Hiến Pháp năm 2014, theo đó, để có thể nắm quyền, một chính đảng phải có được đa số tuyệt đối là 376 ghế trong tổng số 500 ở Hạ Viện.
Nếu không hội đủ, các đảng, bất kể số phiếu phổ thông dù thấp hay cao, đều sẽ phải lao vào vận động và tranh giành sự ủng hộ từ nhiều đảng khác để có được liên minh đa số cầm quyền. Nhất là ứng viên cho chức thủ tướng của đảng đối lập hay từ một liên minh nào đó đều phải có được sự chấp thuận từ 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm.
Điều này giải thích vì sao tướng Prayut Chan O Cha, sau khi tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, và giũ bỏ áo nhà binh để ra tranh cử năm 2019 vẫn đảm nhiệm được chức vụ thủ tướng trong chính phủ liên minh, dù là Pheu Thai là đảng giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm đó. Liệu kịch bản này có sẽ tái diễn ? Ông Thitanan Pongsudhirak, trường đại học Chulalongkorn, được CNN dẫn lại, cảnh báo "cái giá phải trả sẽ là đắt, nếu ai đó muốn tìm cách giảm thanh thế kết quả bầu cử hay hình thành một chính phủ thiểu số".
Ngoài ra, tại Thái Lan, phe đối lập chủ trương cải cách luôn vấp phải sự cản trở từ phe bảo thủ đầy quyền lực, một liên minh quy tỵ quân đội, phe bảo hoàng và giới tinh hoa có ảnh hưởng. Về điểm này, nhà nghiên cứu Eugenie Merieau giải thích :
"Giống như tại nhiều nước Châu Á, quý vị có một kiểu lên án đó là một con rối trong tay phương Tây. Những đòi hỏi của giới trẻ Thái Lan đưa ra trong các cuộc xuống đường biểu tình năm 2020 bị xem như là hệ quả trực tiếp từ hoạt động của đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, có thể đã tài trợ cho các nhóm phong trào ủng hộ dân chủ, một chuỗi các hiệp hội bảo vệ nhân quyền, v.v… Rõ ràng đây là một kiểu cáo buộc thường được quân đội sử dụng để hạ thấp uy tín của đối lập, cáo buộc họ chỉ là một con rối trong tay các thế lực ngoại bang phương Tây".
Giải thể, đảo chính : Những công cụ trấn áp đối lập của phe bảo hoàng
Đây chính là những gì đã xảy ra với đảng Future Forward Party (FFP), tiền thân của đảng Move Forward hiện nay. Trong cuộc bầu cử năm 2019, FFP, rất được giới trẻ Thái ủng hộ, đã về thứ ba trong cuộc đua khi nhận được hơn 8 triệu phiếu. Thế nhưng, Tòa Bảo Hiến đã ra lệnh giải thể FFP và cấm 16 trong số các lãnh đạo của đảng năm đó tham gia chính trường trong vòng 10 năm. Tòa Bảo Hiến phán quyết rằng số tiền vay mượn của lãnh đạo đảng khi ấy là ông Thanathorn Juangroonggruangkit là tiền quyên góp, và do vậy đã vi phạm luật bầu cử.
Nhật báo Libération ngày 23/02/2020 từng giải thích, trên thực tế, đảng cánh tả non trẻ này, được thành lập năm 2018, là một mối đe dọa cho quân đội và chế độ quân chủ. Cương lĩnh vận động tranh cử của FFP năm đó là kêu gọi một sự công bằng, dân chủ nhiều hơn, cải cách chế độ quân chủ và giảm bớt quyền lực của quân đội trên chính trường Thái.
Theo nhận định của chuyên gia về Luật Công Eugénie Merieau, tại một đất nước có số cuộc đảo chính kỷ lục, 18 lần trong đó có 12 lần thành công trong chưa đầy một thế kỷ, thì quả thật, pháp lý là những công cụ tinh vi và hữu hiệu cho phép quân đội cùng phe bảo hoàng "vô hiệu hóa" đối lập mà không sợ bị Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ trừng phạt :
"Trong đời sống chính trị Thái Lan, khả năng Tòa Bảo Hiến giải thể các chính đảng là cực kỳ cao. Đảng Pheu Thai, tức đảng của ông Thaksin, đã từng ba lần bị giải thể, do vậy, đây sẽ một trong số các rủi ro và chỉ đến khi nào các công cụ pháp lý này không còn hiệu quả thì khi ấy đảo chính quân sự mới được tiến hành. Đây chính là điều đã xảy vào năm 2014. Thủ tướng Thái lúc bấy giờ là bà Yingluck Shinawatra đầu tiên đã bị Tòa án Tối cao phế truất, rồi sau đó là Tòa Bảo Hiến. Chỉ đến khi bà từ chối từ nhiệm thì lúc ấy quân đội mới tiếm quyền bằng đảo chính".
Quân đội có sẽ đảo chính lần nữa ?
Giờ đây, Move Forward tiếp nối cương lĩnh năm xưa của FFP và đã giành được thắng lợi vang dội ngoài mong đợi trong kỳ bỏ phiếu 14/5. Tuy nhiên, theo ông Thitanan Pongsudhirak, trường đại học Chulalongkorn, với các chính sách xã hội như bài trừ nạn tham nhũng, cải cách hệ thống giáo dục và sửa đổi luật khi quân hà khắc, Move Forward đã vượt qua một lằn ranh khác, không còn mang tư tưởng dân túy. Phe bảo thủ phản đối quyết liệt bất kỳ sửa đổi nào trong luật về khi quân. Đối với họ, hoàng gia đứng trên cả chính trị và theo Hiến pháp, quốc vương phải được "tôn kính".
MFP có nhiều nguy cơ bị giải thể, bị vướng vào các cáo buộc như tham nhũng, vi phạm luật bầu cử, vì đã có đơn khiếu nại gởi lên Ủy ban bầu cử trước cuộc bỏ phiếu, cáo buộc Pita đã vi phạm luật bầu cử vì đã nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông. Move Forward có sẽ phải chịu cùng số phận như Future Forward như năm 2019 hay không ? Hay liệu rằng đảo chính có sẽ lại diễn ra ?
Nhà nghiên cứu Eugenie Merieau cho rằng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào. Tuy nhiên, bà cảnh báo cuộc đảo chính sắp tới có thể sẽ là lần cuối cùng. Mỗi lần thực hiện, quân đội đều biện minh là để bảo vệ hoàng gia, nhưng lập luận này giờ ngày càng khó được người dân Thái chấp nhận :
"Quân đội luôn có được sự tán thành của nhà vua, nhưng vị vua trước đó, quốc vương Bhumibol Adulyadej, rất được đại đa số người dân Thái tôn kính. Trong khi đó, quốc vương Vajiralongkorn, lên ngôi năm 2016, lại ít được lòng dân hơn. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc ông đồng tình cho một cuộc đảo chính sẽ không được chấp nhận như vào thời cha ông. Chúng ta cũng có thể dự đoán là những cuộc đảo chính trong tương lai sẽ bị phản đối nhiều hơn, thậm chí dần dần trở nên khó thể thực hiện đối với quân đội".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 18/05/2023
************************
Thái Lan hồi phục chế độ dân chủ ?
Ngô Nhân Dụng, VOA, 18/05/2023
Pita Limjaroenrat nói với đài BBC, "Dân chúng đã chán ngấy suốt cả thời gian qua. Đây là lúc bắt đầu một Ngày Mới". Chưa biết chắc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha có đồng ý mặt trời đã mọc cho một "Ngày Mới" hay không.
Hiện tượng bất ngờ là đảng Tiên Tiến (Move Forward), do Pita Limjaroenrat (áo trắng), mới 42 tuổi, lãnh đạo, đã dẫn đầu với 151 ghế.
Dân Thái Lan sẽ trở về với một chế độ dân chủ. Kết quả bất ngờ của cuộc bỏ phiếu ngày 15/5 vừa qua cho thấy khi được quyền chọn lựa, dân Thái Lan chọn sống tự do.
Hai đảng đối lập chiếm đa số gần 300 trong số 500 ghế ở Quốc hội chứng tỏ dân chúng muốn thoát khỏi "chế độ Prayuth". Tướng Prayuth Chan-ocha đang làm thủ tướng, với 8 năm cai trị độc tài từ sau cuộc đảo chính năm 2014.
Các cuộc nghiên cứu dư luận trước đây đều tiên đoán đảng Pheu Thai của cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra sẽ thắng lớn. Nhiều người Thái vẫn còn nhớ các chính sách bảo hiểm y tế toàn diện và cung cấp tín dụng cho nông dân của ông. Ông Thaksin và người em gái từng đắc cử làm thủ tướng đều bị các tướng lãnh lật đổ. Nhưng đảng Pheu Thai, do cô con út Paetongtarn Shinawatra đứng đầu, chỉ chiếm được 141 trong số 500 ghế dân biểu.
Hiện tượng bất ngờ là đảng Tiên Tiến (Move Forward), do Pita Limjaroenrat, mới 42 tuổi, lãnh đạo, đã dẫn đầu với 151 ghế. Đảng này chủ trương cải tổ toàn diện guồng máy hành chánh và cơ cấu nền kinh tế ; với ba khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ : "Giảm ảnh hưởng Quân đội" ; "Giảm độc quyền kinh tế" ; và "Giảm Tập trung hành chánh". Chính sách kinh tế sẽ phát triển các công nghiệp ngoài ngành du lịch và bên ngoài các thành phố lớn như Bangkok.
Nhưng đảng Tiên Tiến còn dám đụng tới hai định chế thường được coi là "thiêng liêng" trong xã hội Thái Lan, là thể chế quân chủ và chế độ quân phiệt. Họ đề nghị giảm bớt các "Tội Khi Quân" xưa nay vẫn cấm dân Thái không được phê bình hoàng gia. Ngoài ra, họ còn muốn bãi bỏ nghĩa vụ quân sự cho các thanh niên, giảm bớt quyền của các tướng lãnh.
Điều đáng ngạc nhiên là đa số dân Thái tỏ ra đồng ý với các ý kiến táo bạo của Limjaroenrat. Ông qua New Zealand năm 11 tuổi, sống trong một nông trại, đi bán sữa và "bỏ báo" kiếm tiền tiêu. Ông trở về nước học kinh tế và tài chánh bậc đại học ; rồi tốt nghiệp Kennedy School thuộc Đại học Harvard và lấy bằng MBA của Đại học MIT. Sau khi làm việc với các công ty quốc tế và cơ sở kinh doanh của gia đình, ông ứng cử vào quốc hội năm 2018, bắt đầu cuộc đời chính trị.
Giới trẻ ủng hộ Đảng Tiên Tiến nhiệt liệt trên các mạng xã hội. Những thanh niên dưới 26 tuổi chiếm 14% trong số 52 triệu cử tri. Danh mục của ông Pita trên mạng thu hút ba tỷ lượt người vào ; một bài diễn văn của ông thâu hình có 7,6 triệu người coi. Các cuộc biểu tình do đảng Đảng Tiên Tiến tổ chức lôi kéo hàng ngàn người trẻ tuổi. Nhiều thanh niên đạp xe đạp đi cổ động cho các ứng cử viên Tiên Tiến thiếu phương tiện. Họ mặc áo màu vàng, là màu "cách mạng" trong các cuộc biểu tình trước đây ở Thái Lan ; cũng là màu được đảng Tiên Tiến chọn trong cuộc tranh cử. Đó là cách duy nhất để vận động người lớn tuổi, vì luật bầu cử ở Thái Lan không cho phép các công dân được nói về lựa chọn của mình tại địa điểm bỏ phiếu.
Hai đảng đối lập chiếm hơn 60% số ghế trong quốc hội mới. Họ có thể liên minh lập chính phủ ; Pita Limjaroenrat sẵn sàng đảm nhiệm chức thủ tướng. Hai đảng của các tướng lãnh chỉ chiếm 75 ghế ; Đảng Đoàn kết Dân tộc Thái của Tướng Prayuth Chan-ocha được 36 ghế. Ông tuyên bố "sẽ tôn trọng quá trình dân chủ và kết quả cuộc bầu cử" ; nhưng không biết ông có giữ đúng lời hứa được hay không. Các tướng lãnh chung quanh ông không dễ dàng chịu rút lui, nhượng quyền cho những nhà chính trị chỉ có phiếu mà không có súng !
Ủy ban Bầu cử Quốc gia sẽ công bố kết quả chính thức sau 60 ngày kiểm phiếu. Trong thời gian đó, các tướng lãnh có nhiều cách để tiếp tục nắm giữ quyền hành. Họ có thể xin tòa án vô hiệu hóa quyền hoạt động của đảng Tiên Tiến, tức là xóa bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua.
Luật lệ ở Thái Lan cấm các đại biểu quốc hội làm chủ cổ phần của các tờ báo hay đài phát thanh, vân vân. Tuần trước, một ứng cử viên thân chính quyền đã tố giác và yêu cầu Ủy ban Bầu cử điều tra Pita Limjaroenrat, vì ông làm chủ các cổ phần của một công ty truyền thông do bố ông để lại, sau khi qua đời. Ông Pita cho biết ông đã khai báo về số cổ phần đó với quốc hội, trước khi công ty truyền thông này tự đóng cửa.
Nếu chính quyền Prayuth dùng lời tố cáo trên để tấn công ông Pita thì dân Thái có thể biểu tình, gây hỗn loạn. Năm 2020, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã giải tán Đảng "Tương Lai Tiến" (Future Forward) là tiền thân của đảng Tiên Tiến, nêu các lý do họ vi phạm những luật lệ rất nhỏ. Sau lệnh đó, hàng chục ngàn dân Thái đã đi biểu tình phản đối. Lúc đầu người dân chỉ đòi cải tổ chính trị, đòi thêm các quyền tự do, dân chủ ; sau đó tiến xa hơn nữa, họ nêu ý kiến phải giới hạn quyền hành của hoàng gia, một điều xưa nay chưa ai dám nói tới.
Hai đảng Tiên Tiến và Pheu Thai cho biết sẽ liên hiệp để lập chính phủ. Liên kết với bốn đảng nhỏ, họ hội được hơn 300 ghế trong quốc hội. Nhưng một vị thủ tướng cần cả những lá phiếu của 250 nghị sĩ trên Thượng viện. Pita Limjaroenrat cần được ít nhất 75 nghị sĩ ủng hộ mới đủ 375 phiếu. Hiện nay, 250 nghị sĩ Thượng viện đều do Tướng Prayuth bổ nhiệm ; họ sẽ quyết định có chấp thuận Pita làm thủ tướng hay không. Ngoài ra, Quốc vương Thái Lan vẫn là người nắm quyền chuẩn y và phong nhậm chức thủ tướng chính phủ.
Sau khi đắc cử, Pita Limjaroenrat tuyên bố vẫn giữ nguyên chủ trương giảm bớt các hình phạt trong Điều khoản 112, về các tội "Khi Quân", (Lèse – majesté). Đó là một luật lệ thường bị giới quân phiệt lạm dụng để kết án những người đi biểu tình đòi tự do dân chủ. Họ thường bị án ba năm đến 15 năm tù vì bị cáo buộc đã "xúc phạm quốc vương và hoàng gia".
Các chính trị gia bảo thủ cùng các tướng lãnh không chấp nhận sửa đổi Điều khoản 112. Họ còn phản đối nhiều đề nghị cải tổ khác của đảng Tiên Tiến. Nếu ông Pita không thể hội đủ số phiếu ủng hộ, bà Paetongtarn Shinawatra có thể sẽ được đề cử làm thủ tướng. Bà tuyên bố không đồng ý xóa bỏ Điều khoản 112 nhưng sẵn sàng bàn cách giảm án cho các thanh niên đã vi phạm điều luật đó – điều này cũng không khác gì ý kiến của ông Pita.
Trong hai tháng tới, dân Thái Lan sẽ phải chờ, chưa biết ai sẽ làm thủ tướng. Nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu cuối tuần trước là một cuộc động đất chính trị, chứng tỏ người dân quyết tâm đòi thay đổi.
Trong một cuộc họp báo, ông Pita tỏ ra không lo ngại về những ý kiến phản đối trong Thượng viện. Ông nói rằng, "Với kết quả bầu cử cho thấy dân đồng thanh đòi thay đổi, những người muốn xóa bỏ kết quả đó sẽ phải trả một giá rất đắt… Tôi không nghĩ nhân dân Thái Lan sẽ cho phép họ làm như vậy".
Pita Limjaroenrat nói với đài BBC, "Dân chúng đã chán ngấy suốt cả thời gian qua. Đây là lúc bắt đầu một Ngày Mới". Chưa biết chắc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha có đồng ý mặt trời đã mọc cho một "Ngày Mới" hay không.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 18/05/2023
Một thảm kịch vừa xảy ra tại Thái Lan hôm 06/10/2022. Một cựu nhân viên cảnh sát trang bị súng và dao đã sát hại 35 người, trong đó có 22 trẻ em, trong một nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lamphu, miền bắc Thái Lan. Ngay lập tức, thủ tướng Chan-O-Chan ra lệnh mở điều tra về vụ thảm sát "kinh hoàng" này.
Người dân địa phương xếp hàng chờ hiến máu cho các nạn nhân tại một bệnh viện ở Nongbua Lamphu, đông bắc Thái Lan, ngày 06/10/2022. AP - Warnwarn Ch
Theo một đại tá cảnh sát tỉnh Nong Bua Lamphu, được AFP trích dẫn, kẻ sát nhân tên là Panya Khamrab, 34 tuổi, mang một khẩu súng trường, một súng ngắn và một con dao đã nổ súng vào nhà trẻ Na Klang lúc 12 giờ 30 (giờ địa phương), rồi dùng dao đâm chém các em nhỏ. Sau đó, hung thủ đã đi ô tô bỏ trốn, đâm vào nhiều người trên đường tháo chạy. Trong số các nạn nhân, có 22 trẻ em từ 2 đến 3 tuổi. Thủ phạm cũng đã giết vợ và con, trước khi tự sát.
Panya Khamrab bị tước chức vụ trung tá cảnh sát vào năm 2021 do có vấn đề liên quan đến ma túy. Cảnh sát tiếp tục điều tra động cơ gây án.
Trên trang Facebook, thủ tướng Thái Lan "bày tỏ nỗi buồn sâu sắc nhất và những lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và người bị thương". Còn trên Twitter, thủ tướng Anh Liz Truss cho biết bà "bị sốc vì những sự kiện kinh hoàng ở Thái Lan".
Nhiều vụ xả súng tương tự đã xảy ra ở Thái Lan, nơi có rất nhiều vũ khí được lưu hành. Hai vụ gần đây đều do nhân viên cảnh sát và quân đội tiến hành. Tháng 02/2020, một sĩ quan quân đội đã xả súng vào một trung tâm thương mại ở Nakhon Ratchasima, miền trung Thái Lan, làm 29 người chết, sau khi cãi nhau với cấp trên. Tháng 09/2022, một trung sĩ của quân đội hoàng gia cũng xả súng vào một khu quân sự ở Bangkok làm hai sĩ quan thiệt mạng.
Thu Hằng
Vào ngày 10/11, Tòa Hiến pháp Thái Lan (Constitutional Court) đã đưa ra phán quyết về ba nhà hoạt động nổi tiếng nhất hiện nay của Thái Lan : sinh viênPanusaya Sithijirawattanakul, 23 tuổi, còn gọi là Rung ; luật sư nhân quyền Arnon Nampa, 37 tuổi ; và Panupong Jadnok, 24 tuổi, còn gọi là Mike.Ba nhà hoạt động này đã từng phát biểu những quan điểm vô cùng táo bạo trong các cuộc biểu tình vào tháng 8 năm 2020, yêu cầu cải tổ nền quân chủ Thái. Trong bản tuyên ngôn 10 điểm, phong trào dân chủ do người trẻ tại Thái Lan lãnh đạo đã vận động hủy bỏ điều 6 của Hiến pháp năm 2017 và điều 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, trong đó hình sự hóa luật phỉ báng hoàng gia, được biết đến là lèse-majesté.
Trước tháng 8 năm 2020, một số cá nhân người Thái cũng đã bị bắt hoặc bị truy lùng vì tội phỉ báng hoàng gia, điển hình như Pavin Chachavalpongpun. Chachavalpongpun là phó giáo sư người Thái dạy chính trị học tại Nhật, người đã thành lập diễn đàn trên Facebook có tên Royalist Marketplace, quy tụ cả triệu người Thái tham gia. Nhưng ngay cả những người như Chachavalpongpun cũng không hề kêu gọi cải tổ hoàng gia một cách công khai và thẳng thắn như phong trào dân chủ trẻ tại Thái Lan đã thực hiện từ tháng 8 năm 2020 trở đi.
Panupong "Mike Rayong" Jadnok, Parit "Penguin" Chiwarak, Panusaya "Rung" Sithijirawattanakul và Arnon Nampa, trình diện cảnh sát theo lệnh triệu tập tại Bangkok hồi 30/11/2020.
Nói cách khác, sự táo bạo của giới trẻ Thái Lan trong thời gian qua là chưa từng xảy ra trước đó, mặc dầu hàng trăm người đã từng bị bắt trước đây, vào những năm như 2010, vì tội phỉ báng hoàng gia.
Cũng vì thế, phán quyết của Tòa Hiến Pháp về trường hợp của ba nhà hoạt động này mang tính nghiêm trọng, và sẽ có những hệ trọng đến tương lai của phong trào dân chủ tại đây.
Khi đưa ra phán quyết, Thẩm phán Chiranit Havanond biện luận rằng, "Nếu chúng ta cho phép bị cáo thứ nhất, thứ hai và thứ ba, và mạng lưới của họ tiếp tục thực hiện hành động này, thì không lâu sẽ dẫn đến việc lật đổ chế độ quân chủ lập hiến", theo thông tấn AFP.
Cả ba nhà hoạt động Thái đều bác bỏ cáo buộc rằng họ muốn lật đổ chế độ quân chủ lập hiến. Panusaya cho biết đó không phải là mục tiêu của cô, nhưng cô chấp nhận phán quyết của tòa. Trong khi đó, Arnon và Panupong thì vẫn còn đang bị giam tù vì các tội danh khác, và luật sư của họ, Kritsadang Nutcharat, cũng khẳng định họ không hề mong ước lật đổ chế độ quân chủ.
Nhà nghiên cứu Sunai Phasuk thuộc tổ chức Human Rights Watch diễn tả phán quyết này như là "căn bản là một cuộc đảo chánh pháp lý" (essentially a judicial coup) vì nó tạo cơ hội để xúc tiến các trường hợp pháp lý khác chống lại những người biểu tình tại Thái Lan. Phasukbiện luận : "Bằng cách khẳng định rằng quyền lực đối cao thuộc về chế độ quân chủ chứ không phải của nhân dân, điều này đã chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan và thay thế nó bằng chế độ chuyên chế".
Trong khi đó, luật sư Kritsadang biện luận rằng, "Nếu bạn thực sự dành thời gian và cơ hội cho những người trẻ này triển khai và đưa ra lập luận của họ, họ sẽ nói rằng những yêu cầu cải cách chế độ quân chủ này thực sự sẽ làm cho chế độ quân chủ trở nên an toàn và bảo đảm hơn dưới chế độ dân chủ mà chúng ta có". Nhưng bởi vì tòa không xem xét các bằng chứng do các nhà hoạt động cung cấp nên luật sư Kritsadang và cô Panusaya quyết định bỏ ra khỏi phiên tòa. Kritsadang nhận định, "phán quyết này sẽ tác động đến những lời kêu gọi cải tổ trong tương lai".
Kể từ tháng 7 năm 2020 đến nay, có ít nhất 1636 người Thái bị kết tội liên quan đến các cuộc biểu tình và phong trào chính trị tại Thái Lan. Nhưng phong trào dân chủ tại Thái không phải vì thế mà chùn bước. Họ khẳng định rằng mục tiêu cải tổ là để có một nền dân chủ đích thực nơi mà quyền lực chính trị thuộc về người dân. Trong số những người bị bắt thì có 156 trường hợp liên quan đến luật lese majeste, trong đó có 12 trẻ em vị thành niên, trẻ nhất là 14 tuổi, theo tổ chứcThai Lawyers for Human Rights.
Vào cuối năm 2020, khi chính quyền Thái do cựu tướng lĩnh Prayut Chan-o-cha, nay là Thủ tướng Thái, leo thang đàn áp phong trào dân chủ trẻ tại Thái Lan, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền tự do hội họp, Clément Voule, đã cảnh báo rằng đất nước có nguy cơ rơi vào bạo lực. Voule khẳng định rằng, "Thật là chính đáng để mọi người bắt đầu thảo luận về việc đất nước của họ sẽ đi đến đâu và họ muốn tương lai như thế nào… Việc ngăn cản mọi người nêu lên những lo ngại chính đáng của họ là không thể chấp nhận được".
Luật phỉ báng hoàng gia tại Thái lese majeste là một trong các điều luật khắc nghiệt nhất trên thế giới hiện nay. Vào ngày 19 tháng Giêng năm nay, Tòa Hình sự Bangkok đã kết án 87 năm tù dành cho một cựu công chức Thái tên Anchan Preelert, 65 tuổi, cho 29 vụ vi phạm luật này vì các phổ biến trên mạng. Án này được giảm xuống còn 43 năm 6 tháng vì bà đã nhận lỗi. Một nhà hoạt động nổi tiếng khác,Parit Chiwarak, 23 tuổi, còn gọi là chim cánh cụt, "Penguine", tuy chưa được xét xử, nhưng nếu bị kết tội thì án tù tối đa là 300 năm, với mỗi bản án từ 3 năm đến 15 năm tù.
Trong những năm qua, chính quyền Prayut sử dụng mọi biện pháp khác nhau để dập tắt phong trào dân chủ tại nước này. Không có cách nào hiệu quả hơn là biện pháp siết chặt tự do ngôn luận, tự do truyền thông, và tự do biểu đạt, bởi vì chế độ đã có bao nhiêu đồ nghề đang nằm sẵn trong các pháp luật họ đã xây dựng hoặc củng cố bấy lâu nay.
Tuy đối diện với lắm thử thách, phong trào dân chủ tại Thái Lan vẫn tiếp tục đấu tranh. Trong những ngày qua, trước khi Tòa Hiến pháp Thái đưa raphán quyết trên, 9 đảng phái chính trị Thái đã cho biếtquan điểm muốn cải tổ luật phỉ báng hoàng gia, điều mà đã gây nhiều tranh cãi và sóng gió trong chính trường Thái lâu nay. Cùng ngày với tòa đưa ra phán quyết trên, trong Duyệt xét Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Hoa Kỳ, đã bày tỏ quan ngại và đưa ra đề nghị cải tổ luật lese majeste này vì nó giới hạn quyền tự do bày tỏ. Ngoài ra, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ nằm trong số những nước kêu gọi Thái Lan sửa đổi hoặc xem xét lại luật.
Tháng 4 năm 2021, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) đã xếp hạng Thái Lan thứ 137 trên 180 nước được nghiên cứu về tự do truyền thông, với chỉ số ngược đãi, chỉ số tình hình đang diễn ra, chỉ số toàn cầu, chỉ số khác biệt so với năm 2020 và chỉ số khác biệt về xếp hạng, theo thứ tự, là : 52.98, 44.15, 45.22, 0.28 và 3. Tức so với năm 2021 thì khác nhau 0.28 điểm, và khá hơn 3 nấc. Thái Lan bị xếp hạng đỏ, nghĩa là rất đáng quan ngại. Các nước đứng đầu bảng phần lớn vẫn là Bắc Âu, như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch. Tuy thế, vẫn còn đỡ hơn Việt Nam. Việt Nam bị xếp hạng đen, 175 trên 180, tức đứng gần cuối bảng, về tự do truyền thông, với các chỉ số thật là lớn : 68.04, 75.18, 78.46, 3.75 và 0. Nghĩa là Việt Nam không tiến bộ chút nào cả, về chỉ số thì còn tệ hơn 3.75 điểm so với năm ngoái, và về thứ hạng là vẫn tệ như trước.
Trở lại với chính trị Thái Lan, trong gần một năm rưỡi qua, cả nước Thái như hừng hực trong cơn sốt chính trị. Sự xung đột giữa các phe phái liên quan đến quyền lợi và quan điểm ngày càng sâu sắc. Các cuộc biểu tình sôi động xảy ra hàng tuần, có khi hàng ngày, chống lại chính quyền Prayut, về cung cách quản lý Covid-19, kinh tế, chính trị, sự bạo hành của cảnh sát, tự do ngôn luận v.v… Các vua Thái trước đây không can dự nhiều vào chính trị, nhưng nhà vua Maha Vajiralongkorn lại trở thành mấu chốt trong cuộc vận động cải tổ chính trị tại đây. Từ cuối tháng 10 năm 2020 cho đến cuối tháng 10 năm nay, vua Vajiralongkorn ở Thái nguyên cả năm qua. Đây là điều hiếm hoi vì ít khi nào ông chịu ở Thái lâu vậy. Theotờ Nikkei Asia, vào ngày 8/11/ông bay từ Thái sang Đức qua hãng hàng không Thai Airways International, địa điểm ông thường xuyên ghé lại và ở lâu dài lúc trước. Vào ngày 1 tháng 11 vừa qua, Thái Lan đã mở cửa lại cho khách du lịch từ khắp thế giới, cho những ai đã chích hai liều, mà không cần cách ly. Nhà vua có lẽ đã chờ cơ hội này, hơn ai hết, không phải để đó n khách đến Thái Lan và để kinh tế Thái vực dậy, mà để được cơ hội hưởng ngoạn. Trên hết, chắc để tránh thấy giới trẻ Thái tiếp tục đòi cải tổ nền quân chủ mà ông đứng đầu.
Phán quyết của Tòa Hiến pháp về luật phỉ báng dành cho các nhà hoạt động vào ngày 10 tháng 11 không có gì là ngạc nhiên cả.Hiến pháp 2017, điều 190, trao quyền cho vua Tháibổ nhiệm tất cả các thẩm phán tại Thái Lan, bao gồm Tòa Công lý, Tòa Công sự, Tòa Hiến pháp và cả Tòa Quân sự, ở mọi cấp. Như thế, vua Thái hiện giờ chính là hiện thân của nền tư pháp, nắm sức sống của các thẩm phán. Yêu cầu hay đấu tranh để cải cách quốc gia tại Thái hiện naytrở thành tội phản quốc, đụng đến quyền lực quân chủ tối cao. Nền quân chủ Thái tuy là quân chủ lập hiến nhưng nhà vua chẳng khác gì đứng trên và ngoài hiến pháp và pháp luật Thái.
Cho nên trò chơi quyền lực tại Thái Lan giống như một trò đùa. Tuy vậy, so với Việt Nam, chẳng hạn, thì các chỉ số về tự do và dân chủ tại Thái vẫn khá hơn rất nhiều. Tự do ngôn luận, trong đó có truyền thông Thái, thật đa dạng về mọi mặt, tiếng Thái lẫn Anh. Truyền thông và công dân Thái vẫn có nhiều tự do trong việc phê phán chính quyền, miễn đừng đụng đến hoàng gia.
Tuy thế, phong trào dân chủ trẻ tại Thái vẫn quyết tâm, vẫn tiếp tục đấu tranh dù biết sẽ bị trừng phạt, tù đầy. Website của Tòa Hiến pháp Thái đã bịxâm nhập và đổi tên thành Tòa Kangaroo vào ngày 12 tháng 11. Trong những ngày qua họ vẫntiếp tục xuống đường kêu gọi cải tổ nền quân chủ, và có nơi âm thầmđốt cháy cả biểu tượng của vua Thái hiện nay. Bởi vì những người đấu tranh hiểu rõ giá phải trả để có được một nền dân chủ đích thực.
Thái Lan : Người dân Bangkok tiếp tục biểu tình đòi giải tán chính phủ
Thùy Dương, RFI, 05/09/2021
Tại Thái Lan, sau gần một năm phải tạm ngưng vì dịch Covid-19, phong trào ủng hộ dân chủ trong những ngày qua lại được tái khởi động và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế đã khiến vài triệu người dân Thái Lan lâm cảnh nghèo đói, vì thế những người biểu tình muốn chính phủ từ chức.
Người dân Thái Lan biểu tình chống chính phủ tại Bangkok ngày 02/09/2021. © AP/Sakchai Lalit
Bất chấp sự phản đối của dân chúng, thủ tướng Prayuth Chan O Cha và nội các của ông hôm qua 04/09/2021 vẫn có được đa số ủng hộ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trước Quốc Hội. Vì thế, tại Bangkok, người dân Thái Lan lại tiếp tục tuần hành bày tỏ bất mãn, lần này là với xe máy, xe hơi đủ loại.
Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux gửi về bài phóng sự :
"Những dòng xe hơi đủ loại, xe bán tải, những chiếc xe hơi sang trọng hay hàng đoàn xe máy… với cuộc biểu tình đặc biệt bằng xe này, người dân ở các khu phía bắc Bangkok đến để nói rằng họ đã chán ngấy với chính quyền hiện nay.
Họ đã chán việc phải chờ đợi vac-xin nhưng vac-xin lại không được phân phát kịp thời để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Họ đã chán ngấy với những biện pháp hạn chế được quyết định một cách bừa bãi. Trong những tháng qua, hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Thái Lan đã rơi vào cảnh nghèo khó mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào của chính phủ.
Num, một kỹ sư trẻ, giải thích rằng sự tuyệt vọng đã biến thành nỗi tức giận. Người thanh niên này mặc toàn trang phục màu đen làm dấu hiệu cho mọi người biết anh là một phần của lực lượng bảo vệ, những tình nguyện viên chịu trách nhiệm giám sát các cuộc biểu tình. Họ là những người thường bị báo chí Thái Lan tố cáo là kích động các vụ xô xát với cảnh sát.
Num nói : "Chúng tôi đã thấy sự chần chừ, ngập ngừng của chính phủ trong việc mở cửa hoặc đóng cửa đất nước. Đối với họ, rõ ràng là sự cấp bách về tình hình kinh tế không phải là vấn đề của họ. Các quy định không rõ ràng đối với các doanh nghiệp nhỏ, không rõ là các doanh nghiệp này có được phép mở cửa hay không ? Họ được mở để bán những gì ? Một số doanh nghiệp có các mối quan hệ tốt tận dụng được lợi thế. Đó là lý do vì sao tất cả chúng tôi xuống đường ngày hôm nay, dù là người giàu hay người nghèo, để nói rằng chúng tôi đã chán ngấy, rằng chính phủ quân sự này phải giải tán".
Thùy Dương
********************
RFI, 04/09/2021
Bất chấp những cuộc tuần hành đòi thủ tướng Thái Lan từ chức vì cách xử lý dịch bệnh kém và trước những cáo buộc có liên hệ với mafia, ông Prayuth Chan O Cha, ngày 04/09/2021, và nội các của ông vẫn có được đa số ủng hộ sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan O Cha, tại Bangkok ngày 30/03/2021. AFP – Handout
Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carol Isoux cho biết cụ thể :
"Chẳng chút ngạc nhiên, tướng Prayuth Chan O Cha và chính phủ của ông vẫn sống sót sau kỳ bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm nay, dù rằng lần này, phe đối lập đã tập hợp được nhiều sự hậu thuẫn hơn so với những lần trước.
Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra ngay giữa tâm điểm vụ tai tiếng tham nhũng trong nội bộ Nghị Viện Thái Lan : Cách nay vài hôm, nhiều nghị sĩ khẳng định rằng 5 triệu bath tiền mặt, tức khoảng 130 ngàn euro được hứa cho những ai bỏ hàng ngũ. Ngược lại, số khác xác nhận là kiểu dàn xếp này đã được đề nghị để ủng hộ thủ tướng.
Tâm điểm của vụ tai tiếng này là thứ trưởng Nông Nghiệp, ông Thamanat Prompao, bị kết án buôn lậu ma túy ở Úc trong những năm 1990, nhưng vẫn tại vị. Điều này đặt ra nghi vấn về những mối liên hệ giữa mafia với thượng tầng lãnh đạo Nhà nước.
Về phần mình, những người biểu tình cam kết vẫn tiếp tục xuống đường chừng nào thủ tướng và liên minh cầm quyền của ông vẫn tại vị. Họ khẳng định sẽ tập hợp biểu tình ngay ngày hôm nay 04/09 tại trung tâm thủ đô Bangkok."
RFI tiếng Việt
************************
Thùy Dương, RFI, 03/09/2021
Các cuộc biểu tình thường nhật vẫn tiếp diễn trên đường phố thủ đô Bangkok, Thái Lan. Người tuần hành đòi chính phủ giải tán, trong bối cảnh hôm nay 03/09/2021 là ngày thảo luận cuối cùng của Quốc Hội Thái Lan trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Prayut Chan O Cha.
Người dân Thái Lan biểu tình đòi thủ tướng Prayut Chan O Cha từ chức vì xử lý dịch bệnh kém, Bangkok, Thái Lan, ngày 02/09/2021. AFP – Jack Taylor
Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux gửi về bài phóng sự :
"Giải tán chính phủ". Đó là tiếng kêu đồng thanh của những người biểu tình mỗi tối vẫn tụ tập trên các đường phố Bangkok để bày tỏ nỗi tuyệt vọng trước cuộc khủng hoảng kinh tế, đang đẩy hàng triệu người Thái thuộc tầng lớp trung lưu vào cảnh nghèo đói.
Trong bối cảnh gần đây làn sóng Covid-19 lần thứ 3 gây tác hại nghiêm trọng đến đất nước, chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, phong trào ủng hộ dân chủ được khởi động lại và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, phong trào còn có thêm sự tham gia của nhiều thành phần dân cư.
Ông Nattawut Saikua, một trong những nhà lãnh đạo của phong trào, đã nhấn mạnh trên diễn đàn : "Ngay cả các công chức bây giờ cũng muốn chính phủ từ chức. Từ trước tới nay, ở đất nước chúng ta, giới tinh hoa, quân đội và quân chủ luôn nói với dân chúng : tiến lên hoặc là chết. Nhưng điều này phải chấm dứt ngay bây giờ, người dân Thái Lan đã thức tỉnh".
Saikua là một cựu lãnh đạo của phong trào "Áo đỏ", một phong trào quy tụ rất nhiều nông dân, hoạt động rất tích cực cách nay khoảng chục năm. Cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn đang tạo ra tình đoàn kết giữa những tầng lớp người nghèo mới ở đô thị và những người nông dân bị bỏ rơi.
Một liên minh thành phố - nông thôn, mà các phong trào xã hội của Thái Lan cho đến nay vẫn chưa có được, là một trong những điều kiện thiết yếu cho sự thành công của phong trào dân chủ".
Thùy Dương
Vài trăm người ủng hộ dân chủ hôm nay 24/06/2021 tập trung tại Bangkok để kỷ niệm cuộc Cách mạng 1932 chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và Thái Lan chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến. Từ đó đến nay, nền dân chủ Thái Lan đã trải qua nhiều biến cố, với nhiều cuộc đảo chính mà gần đây nhất cuộc đảo chính năm 2014 của quân đội đã đưa tập đoàn quân sự lên nắm quyền.
Lãnh đạo phong trào phản đối Parit "Penguin" Chiwarak (đội vương miện) đi đầu trong cuộc biểu tình kỷ niệm 89 năm ngày xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, Bangkok, Thái Lan, ngày 24/06/2021. Reuters – Soe Zeya Tun
Những người biểu tình, trong đó có một số lãnh đạo của phong trào từng bị truy tố vì tội khi quân và được tại ngoại, đã tuần hành về phía trụ sở Nghị Viện Thái Lan ở thủ đô Bangkok, bất chấp lệnh cấm tụ tập phòng ngừa Covid mà chính quyền ban hành. Nhiều người biểu tình giương biểu ngữ đòi chính quyền "bãi bỏ điều 112", điều luật đáng sợ về tội khi quân quy định hình phạt lên tới 15 năm tù đối với người bị quy tội phỉ báng, chỉ trích và lăng mạ nhà vua và hoàng tộc.
Som, một nữ sinh 16 tuổi, nói với AFP : "Chúng tôi chưa bao giờ có một nền dân chủ thực sự (…) tôi không sợ virus corona (…) chính phủ phải chịu trách nhiệm về tình trạng hiện nay vì đã không cung cấp đủ vac-xin cho dân chúng". Bất chấp những lời hứa của nhà chức trách, chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 của Thái Lan vẫn tiến triển rất chậm. Cho đến nay, trên tổng số khoảng 70 triệu dân, mới chỉ có chưa đầy 6 triệu người Thái Lan được tiêm mũi đầu tiên.
AFP nhắc lại vào đỉnh điểm của phong trào phản kháng hồi năm 2020, hàng chục ngàn người đã tuần hành trên các đường phố ở thủ đô Thái Lan đòi thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ chức, đòi chính quyền thông qua Hiến Pháp mới và cải cách sâu rộng chế độ quân chủ - một chủ đề cho đến khi đó vẫn bị xem là hoàn toàn cấm kỵ tại đất nước mà hoàng gia được coi là không thể đụng chạm tới. Từ khi phong trào nổ ra tới nay, có khoảng 150 người đã bị kế tội, đặc biệt là tội khi quân. Do đại dịch Covid-19, trong thời gian qua phong trào đã suy giảm nhưng các cuộc biểu tình, tuần hành lẻ tẻ vẫn được tổ chức.
Thùy Dương