Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/04/2018

Vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Slovakia đồng lõa ?

Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh 'bị đưa sang Slovakia' (BBC, 30/04/2018)

Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố rằng họ quan ngại về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi năm ngoái có thể đã bị 'lợi dụng' cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương, truyền thông nước này hôm 29/4 nói.

txt1

Hôm 24/4, phiên tòa xử nghi phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt đầu tại Berlin

TASR, hãng thông tấn của Slovakia, dẫn nguồn từ Vụ Báo chí thuộc Bộ Nội vụ nói rằng Bộ đang phải phản hồi các thông tin từ truyền thông Đức, theo đó nói chuyến công du của ông Tô Lâm có thể có liên hệ tới hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại Đức.

Truyền thông Đức trong những ngày gần đây nói rằng Slovakia 'có thể đã có dính líu' vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.

Chính phủ Slovakia không xác nhận tin báo chí này nhưng nói hôm 29/04 :

"Kể từ tháng 8 năm ngoái, Bộ Nội vụ Slovakia đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan của Đức để làm rõ vấn đề, để hợp tác tối đa thông qua việc trợ giúp pháp lý quốc tế".

"Nếu như thông tin từ phía Đức đưa ra được xác nhận, thì chúng tôi sẽ coi đó là việc đối tác Việt Nam đã hành xử không công bằng, lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi để làm những việc không nằm trong phạm vi quan hệ hữu nghị, và việc đó làm bất ổn quan hệ song phương vốn đang rất tốt đẹp giữa hai nước", Bộ Nội vụ Slovakia được TASR dẫn lời nói.

Vụ việc đang tiếp tục làm rung động quan hệ Đức - Slovakia, khiến đương kim Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini (Đảng Smer-SD) đã phải trả lời truyền hình và xác nhận nước ông bị cho là "có dính líu" đến vụ Trịnh Xuân Thanh.

Theo trang slovensko.hnonline.sk, Thủ tướng Pellegrini hứa ông sẽ yêu cầu có cuộc điều tra về vụ này.

Khách sạn Borik

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava hồi 7/2017.

Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tờ FAZ (Frankfurter AllgemeineZeitung) của Đức, số ra ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Pressburg và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.

Báo này cũng nêu rõ Khách sạn Borik là nơi nằm dưới sự chủ quản của chính phủ Slovakia và là nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak, người đồng thời là Phó thủ tướng cho đến ngày 12/03.

txt2

Báo chí Đức đưa nhiều tin quanh phiên tòa 'bắt cóc' Trịnh Xuân Thanh

Bài tường thuật của FAZ nói trong phái đoàn Việt Nam có cả tướng Đường Minh Hưng, người hiện đang bị cơ quan điều tra Đức cho là đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Cơ quan công tố Đức nói tướng Hưng đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc, và trong những ngày đó, Đức tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đang còn bị giữ tại một địa điểm bí mật nào đó ở Châu Âu.

FAZ nói rằng ông Hưng đã quay ngay trở lại Châu Âu để tham dự cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam với các chính trị gia cao cấp của Slovakia, và đặt câu hỏi phải chăng đây là cuộc gặp để hai bên thương lượng trong việc Slovakia giúp đỡ Việt Nam đưa ông Trịnh Xuân Thanh về nước.

Hôm 24/4, phiên tòa xử nghi phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt đầu tại Berlin.

Cơ quan điều tra Đức nói rằng một phụ nữ đi cùng ông Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm xảy ra vụ bắt cóc cũng bị bắt đi.

Theo nội dung cáo trạng, chiếc xe chở những người bị bắt đã chạy thẳng về Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Người phụ nữ bị bắt cóc cùng ông Thanh, được nêu danh tính là cô Thi Minh P. D., đã rời Đức về Việt Nam ngay trong ngày, qua ngả Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cơ quan công tố Đức nói rằng ông Thanh sau khi bị đưa về Đại sứ quán đã được đưa về Việt Nam "bằng cách nào đó không rõ".

Các điều tra viên nghi ngờ rằng đối tượng bị bắt cóc có thể đã được đưa vào xe dịch vụ cứu thương để đưa tới thủ đô Bratislava của Slovakia, sau đó bay về Hà Nội, nhật báo Đức Tageszeitung tường thuật.

Trịnh Xuân Thanh bị điều tra 'rửa tiền' ?

Phiên tòa ở Berlin xử ông Nguyễn Hải Long, bị cáo buộc có liên quan tới vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', đã tạm nghỉ sau hôm khai mạc 24/4.

Tòa án sẽ mở lại vào hai ngày 7 và 8/5.

txt3

Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị kết án hai án chung thân ở Việt Nam

Truyền thông Đức đã đăng nhiều tin bài về phiên xử, trong đó có thông tin gây chú ý từ tuần báo Focus hôm 26/4.

Tờ báo này nói vào năm 2013, giới chức Đức chú ý một tài khoản mà người vợ ông Trịnh Xuân Thanh đã mở ở ngân hàng Sparkasse ở Đức.

Tài khoản này nhận vào 635.000 euro. Người gửi, tờ báo Focus ghi, là ông Hong Quang NL, đăng ký chỗ ở giống địa chỉ nhà vợ ông Thanh.

Tờ Focus cũng tường thuật giới chức Đức tìm thấy danh sách ghi các tài khoản ở Đức của vợ chồng ông Thanh.

Đến ngày 28/4, cũng tờ Focus lại đăng bài thứ hai, nói rằng chính nhân vật Hong Quang NL, thông qua một luật sư, đã liên lạc với cảnh sát Đức, hai ngày sau khi xảy ra vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ở Berlin.

Nhân vật NL này, theo báo Focus, đã cung cấp các thông tin như tin về một cô gái được cho là người tình của Trịnh Xuân Thanh, thẻ tín dụng ông Thanh, và các chuyến bay mà có thể đã đưa ông Thanh ra khỏi nước Đức.

Trước tin của tờ Focus về cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin bình luận :

"Theo tôi, có hai vấn đề riêng rẽ. Cáo buộc rửa tiền, giả sử ông Thanh vẫn còn đang ở Đức, nhưng lý do xin tị nạn bị xem là không xứng đáng, rằng ông chạy trốn như tội phạm kinh tế, chưa chắc ông ấy đã được cho tị nạn".

"Nhưng trong khi thủ tục xin tị nạn của ông Thanh chưa xong, chưa đến ngày thẩm vấn thì xảy ra vụ mà Đức gọi là bắt cóc, sau đó bị xử án mà tưởng có nguy cơ bị tử hình. Dường như vì vậy Đức đã cấp cho ông quyền cư trú tị nạn chính trị".

Ông Hùng đặt giả thuyết : "Giờ đây ví dụ ông Thanh lại được quay lại Đức, biết đâu ông ấy lại phải ra tòa vì cáo buộc rửa tiền".

txt4

Thủ tướng Slovakia, Robert Fico (giữa) đưa ra một triệu euro tiền mặt (trên bàn) để thưởng cho ai giúp tìm ra kẻ giết ông Jan Kuciak nhưng đến hôm 15/03 ông Fico đã từ chức, sau khi Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak (bìa phải) cũng từ chức trước đó vài hôm

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak và thủ tướng Robert Fico đều đã từ chức sau khi bị hàng vạn dân biểu tình phải đối vì vụ việc có liên quan đến cái chết của nhà báo Jan Kuciak và vị hôn thê.

*********************

Việt Nam có thể đã lợi dụng lòng hiếu khách của Slovakia để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA, 30/04/2018)

Bộ Nội vụ Slovakia hôm 29/4 bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm sang nước này hồi năm ngoái vì nghi ngờ chuyến thăm có thể được sử dụng nhằm mục đích khác hơn là thăm hữu nghị. Hãng tin TARS của Slovakia loan tin này hôm 29/4.

txt5

Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018 AFP

Bộ Nội vụ Slovakia đưa ra phản ứng này sau khi có thông tin từ báo chí Đức cho biết chuyến thăm của tướng Tô Lâm đến Slovakia có thể là liên quan đến việc mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí lúc đó đang xin tỵ nạn tại Đức.

Thông báo của bộ Nội vụ Slovakia viết : ‘chúng tôi cho rằng những việc như vậy đáng ra phải được giải quyết theo cách khác, theo tiêu chuẩn. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, Bộ Nội vụ Slovakia đã làm việc chặt chẽ với các đối tác Đức để làm rõ vấn đề này, cung cấp các hợp tác tối đa thông qua hỗ trợ tư pháp quốc tế.

Bộ Nội vụ Slovakia cho biết nếu các thông tin được phía Đức công bố được xác nhận thì phía Slovakia sẽ xem việc làm của chính phủ Việt Nam là không công bằng với đối tác của mình, và lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia vào mục đích khác thay vì tình hữu nghị, và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Theo Bộ Nội vụ Slovakia, vào tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng công An Tô Lâm đã đén Slovakia và gặp Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak tại khách sạn Borik ở Bratislava. Mục đích của chuyến thăm được nói vào lúc dó là để tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Trong khi đó báo chí Đức cho gần đây cho biết Slovakia có thể có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, Đức vào tháng 7 năm ngoái. Theo báo chí Đức, một số kẻ tình nghi tham gia vụ bắt cóc đã có mặt trong chuyến thăm Bratislava cùng tướng Tô Lâm.

Chính phủ Đức đã cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và Đức khi cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Chính phủ Việt Nam bác bỏ cáo buộc này và nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.

Vào đầu năm nay, Việt Nam đã mở hai phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh về các tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô với hình phạt án tù chung thân.

Hôm 23/4, tòa Thượng thẩm Đức đã mở phiên tòa xét xử một nghi phạm tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Cáo trạng đọc trước tòa cũng cáo buộc tướng công an Đường Minh Hưng đã đến Berlin, trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc.

******************

Về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Báo chí truyền thông Slovakia chỉ trích chính phủ nước này dữ dội (Tiếng Dân, 02/05/2018)

Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, đầu tháng 8 năm 2017 chính phủ ở Bratislava đã được phía Đức thông báo chính thức về nghi vấn Trịnh Xuân Thanh được đưa ra khỏi EU bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Kể từ đó các nhà điều tra Đức đã làm việc chặt chẻ với Bộ Nội vụ Slovakia để làm rõ vấn đề. Cuộc điều tra này được giữ kín, sau hơn 8 tháng điều tra, phía Đức mới bắt đầu hé lộ.

txt6

Ảnh chụp bài báo trên tờ Handelsblatt ra ngày 30/04/2018

Hôm 30/04/2018 báo Handelsblatt, là nhật báo Đức chuyên về kinh tế, đăng một bài báo với tựa đề "Chuyên cơ của chính phủ trong tâm điểm – Báo chí truyền thông Slowakia thấy Chính phủ đồng lõa" và chạy hàng tít phụ "Người Việt bị bắt cóc ở Berlin có thể đã được vận chuyển bởi một máy bay của Chính phủ Slovakia. Các phương tiện truyền thông Slovakia nói đây là một sự ô nhục cho đất nước". Sau đây là bản dịch bài báo của tờ Handelsblatt :

Bộ Nội vụ Slovakia đã bị chỉ trích vì có thể dính líu đến vụ bắt cóc một người Việt Nam từ Berlin đưa về nước. Vụ việc này là một sự ô nhục quốc tế cho cả nước Slovakia, nhật báo "Dennik N" viết như vậy hôm thứ Hai vừa qua.

Chính phủ đã trình bày cho dư luận quốc tế thấy một hình ảnh khủng khiếp của đất nước: "Hoặc chúng ta là một băng đảng của những kẻ cẩu thả, hoặc thậm chí chúng ta là những kẻ đồng lõa trong một vụ tội phạm quốc tế".

Bộ Nội vụ ở Bratislava, thủ đô Slovakia đã thú nhận rằng, họ đã cho một phái đoàn ngoại giao Việt Nam sử dụng ngắn hạn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia sau một chuyến thăm làm việc thường lệ.

Bộ Nội vụ không biết rằng hồi tháng 7 năm ngoái, chiếc chuyên cơ này có thể đã được dùng để chở doanh nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về nước. Bộ Nội vụ giận dữ về việc mình có thể đã bị "lợi dụng" lòng hiếu khách.

Hôm thứ Hai vừa qua, trong cuộc nói chuyện với các báo "Pravda" và "Plus1den" Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak cho biết rằng, từ tháng 8 năm 2017 chính phủ ở Bratislava đã được Phía Đức thông báo chính thức về sự nghi ngờ này. Kể từ đó, Bộ nội vụ Slovakia đã làm việc chặt chẽ với chính quyền Đức, nhưng được giữ bí mật.

Trong 2 vụ án ở Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh đã bị kết án hai lần tù chung thân vì tham nhũng và quản lý kém. Phiên tòa xét xử phúc thẩm sắp bắt đầu. Vụ bắt cóc này đã làm cho quan hệ Đức-Việt bị ảnh hưởng nặng nề.

txt7

Chuyên cơ của Chính phủ Slovakia đã cho Bộ Trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm mượn chở Trịnh Xuân Thanh về Hà Nội qua ngả Moscow

Trong khi đó một bài báo trên nhật báo TAZ số ra ngày 01/05/2018 cho biết một số chi tiết mới về nghi vấn Bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp Bộ trưởng Công an Tô Lâm một chuyên cơ của Slovakia để chở Trịnh Xuân Thanh về nước.

Theo trình bày của Bộ Nội vụ Slovakia, phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam ban đầu muốn bay đến Vienna, thủ đô nước Áo, chứ không bay đến Slovakia. Trong một thời gian ngắn thì kế hoạch đã được thay đổi.

Thời gian ngắn trưa ngày 26/07/2017 Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã hạ cánh xuống Praha, thủ đô CH Séc. Theo thông tin tờ TAZ nhận được, tháp tùng ông là Trung tướng Đường Minh Hưng và hai người đàn ông khác, trong đó có một sĩ quan cảnh sát cấp cao.

Theo lời của Bộ Nội vụ Slovakia, vì sự thay đổi lịch trình này và để cho Bộ trưởng Tô Lâm không bỏ lỡ cuộc hẹn ngay sau đó tại Moscow, nên Slovakia đã cung cấp cho Bộ trưởng Tô Lâm một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Theo sưu tra của tờ TAZ, đó là một chiếc Airbus A319, được gửi đến Praha – Cộng hòa Séc vào buổi sáng ngày 26/07/2017.

Chỉ một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó chiếc chuyên cơ lại cất cánh chở Bộ trưởng Tô Lâm cùng với những người tháp tùng và hạ cánh xuống phi trường Bratislava của Slovakia vào đầu giờ chiều ngày 26/07/2017.

txt8

Sân bay Letisko Batislava của Slovakia

Chỉ hơn một tiếng rưỡi sau, chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia lại cất cánh một lần nữa và bay đến Moscow, có lẽ với nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên máy bay, sau đó ông Thanh bị đưa về Hà Nội.

Những thông tin về thời gian do Bộ Nội vụ Slovakia đưa ra cũng không ăn khớp với nhau : Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp làm việc tại khách sạn chính phủ Bôrik kéo dài khoảng hai giờ. Nhưng các bộ trưởng không thể nào nói chuyện với nhau lâu như thế được, vì thời gian từ khách sạn đến sân bay đã mất 40 phút.

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

Quay lại trang chủ
Read 777 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)