Mỹ đã chính thức rút khỏi Afghanistan, nhưng đề tài này tiếp tục được Le Mondechú ý với tựa lớn trên trang nhất và các báo khác đề cập nhiều ở các trang trong hôm nay 01/09/2021.
Trong bức ảnh chụp bằng kính hồng ngoại do Quân đội Hoa Kỳ cung cấp, thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy Sư đoàn Dù số 82 lên chiếc phi cơ C-17 tại phi trường quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, ngày 30/08/2021. Ông là quân nhân Mỹ cuối cùng rời Afghanistan. AP - Master Sgt. Alexander Burnett
Trong bài "Taliban mừng chiến thắng trong Kabul đang khủng hoảng", Le Figaronhận định, lịch sử có thể lưu lại hình ảnh biểu tượng cho thất bại : bức ảnh màu xanh lá hơi nhòe nét của thiếu tướng Chris Donahue chỉ huy sư đoàn nhảy dù 82. Theo Le Monde, vị tướng đã đi vào lịch sử như là quân nhân Mỹ cuối cùng rời Kabul. Trong đêm đen, "Badri 313" lực lượng đặc nhiệm của Taliban tiến vào phi đạo, từ đầu đến chân là trang phục và vũ khí của Mỹ.
Tiếng động ầm ì của các phi cơ quân sự cuối cùng vừa dứt, những loạt đạn đủ loại của Taliban thi nhau xé nát màn đêm. Sáng tinh mơ, các nhóm quân Hồi giáo lần đầu tiên khám phá bên trong sân bay quân sự, chụp hình kỷ niệm trước những chiếc Humvee hay trực thăng Mỹ. Tại Kabul, những lá cờ Taliban phấp phới bay trên các tòa đại sứ, cửa hàng, các ngã tư… Các chiến binh có mặt khắp nơi, đôi khi tỏ ra thô bạo. Trong khi Taliban ăn mừng suốt đêm, nhiều người dân khóc cho số phận, và chưa gì âm nhạc trên truyền hình đã bị cấm.
Washington Post thuật lại chi tiết cho thấy sự sụp đổ chóng vánh của chính phủ Afghanistan gây bất ngờ cho chính quyền Biden : lúc Kabul sắp thất thủ, Joe Biden đang ở Camp David, còn ngoại trưởng Antony Blinken vừa đến nơi nghỉ mát ở Hamptons. Bị các phương tiện truyền thông thân cận với đảng Dân chủ (CNN, New York Times, MSNBC, Washington Post) chỉ trích kịch liệt, Nhà Trắng tỏ ra cay cú. Trên Le Monde, dân biểu Châu Âu Bernard Guetta kêu gọi : "Nước Mỹ đã quay mặt với thế giới, Châu Âu hãy tỉnh thức !". Theo ông, không nên chờ đợi đến ngày Putin nghênh ngang trên đường phố Kiev, nhắc nhở rằng Obama hồi 2008 không hành động gì khi Nga xâm lược Gruzia.
Le Figarođặt vấn đề "Vũ khí Mỹ để lại cho Taliban mang lại những hậu quả gì ?". Những chiếc trực thăng, phi cơ, máy bay không người lái, xe bọc thép và nhiều loại vũ khí khác nhau… Quân Taliban nghênh ngang với những khí tài không dành cho họ. Trên mạng xã hội, các hình ảnh này là biểu tượng cho chiến thắng.
Sau khi chiếm Kabul, Taliban có thể kiểm kê chiến lợi phẩm gồm các vũ khí của quân chính phủ Afghanistan mà Mỹ đã trang bị từ 20 năm qua, cộng với vũ của quân đồng minh phương Tây. Khi phô trương chúng, Taliban đã thắng thêm trong cuộc chiến truyền thông. Nhưng không chỉ là vấn đề hình ảnh, mà hậu quả cũng rất nặng nề. Kho vũ khí bỏ lại chứng tỏ việc triệt thoái thiếu chuẩn bị, được tổ chức khẩn cấp trong hỗn loạn.
Cố vấn an ninh quốc gia Jack Sullivan nhìn nhận một lượng lớn đã rơi vào tay Taliban. Còn về những khí tài sử dụng tại chỗ cho đến tối thứ Hai ? Tướng McKenzie cho biết đã đưa đi một ít, và vô hiệu hóa một số khác, chẳng hạn hệ thống chống hỏa tiễn C-RAM để bảo vệ phi trường Kabul. Ngoài ra còn 70 xe bọc thép MRAP, 27 chiếc Humvee và 73 máy bay cũng không còn có thể sử dụng.
Nhưng thiệt hại tài chính là vô cùng lớn. Các xe MRAP có thể chống mìn, trị giá 1 triệu đô la/chiếc, trực thăng Black Hawk giá 6 triệu đô la. Chiến lược của Mỹ là đưa về nước tất cả, hoặc trang bị cho quân chính phủ Afghanistan, và thảm họa này sẽ gây tranh cãi, làm giảm uy tín của tổng thống Joe Biden mới nhậm chức được sáu tháng. Bên cạnh thiết bị quân sự, Taliban còn thừa hưởng 600.000 khẩu súng cùng với đạn dược ; tuy nhiên sau hai thập niên một số khí tài có lẽ không còn dùng được, và Taliban không có khả năng bảo trì cũng như sử dụng.
Một số được quân chính phủ khi bỏ chạy mang sang các nước láng giềng như Iran, Uzbekistan, Tadjikistan ; có thể được buôn lậu, cũng như các phụ tùng thu gom được. Theo tạp chí Janes, 26 trực thăng và 21 chiến đấu cơ do phi công quân đội Afghanistan điều khiển đã hạ cánh xuống Uzbekistan.
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Michael Kazin, một trong những nhà sử học lỗi lạc nhất của cánh tả Mỹ nhấn mạnh, "Joe Biden phải xin lỗi vì chuẩn bị quá tệ hại cho việc triệt thoái khỏi Afghanistan".
Ngoài vụ khủng bố đẫm máu ở phi trường Kabul, chiến dịch rút quân là cả một sự hỗn loạn, nhưng Joe Biden trong cuộc họp báo thứ Năm tuần trước chỉ bày tỏ sự đau lòng và phẫn nộ. Bill Clinton hồi năm 1998 khi nhìn nhận quan hệ vói Monica Lewinsky đã xin lỗi, và năm 1961 John F. Kennedy cũng thẳng thắn đứng ra nhận lỗi sau thất bại ở Vịnh Con Heo, Cuba.
Sử gia Kazin không đồng ý với việc so sánh những hình ảnh Kabul với Sài Gòn năm 1975, vì có những khác biệt quá lớn. Chiến tranh Việt Nam và Afghanistan không có cùng tác động đối với xã hội Mỹ. Trong thập niên 60 và 70, việc can thiệp vào Việt Nam luôn là chủ đề tranh luận chính, và khi quân Mỹ rút đi năm 1973 theo hiệp định hòa bình Paris, Việt Nam vẫn là vấn đề hàng đầu. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn trụ được hai năm, trước khi Sài Gòn sụp đổ. Ngược lại, Afghanistan hầu như biến mất trong công luận Mỹ, kể từ sau cuộc chiến Irak năm 2003.
Tại Việt Nam, Hoa Kỳ phải chiến đấu với một kẻ thù được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ và được cánh tả tại nhiều nước ủng hộ kể cả ở Mỹ. Đây không phải là trường hợp của Taliban : chủ thuyết Hồi giáo cứng rắn đi ngược lại tất cả những gì cánh tả thế giới bảo vệ, không có được sự hỗ trợ của phong trào phản chiến như Bắc Việt trong những năm 60 và 70. Các nhà sử học có thể coi chiến tranh Việt Nam như sự kiện đã mở ra một cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc và cuối cùng là sự xuống dốc của Hoa Kỳ.
Người Mỹ ra đi, "Moskva và Tehran chờ đợi thời điểm của mình", theoLe Figaro. Tờ báo cho biết bốn phi cơ vận tải của Nga tuần trước đã lặng lẽ đưa công dân Nga và các nước đồng minh di tản khỏi Kabul. Được bí mật tổ chức với sự đồng ý của Mỹ và Taliban, các chuyến bay này là biểu trưng cho chủ trương của Moskva. Hiện diện ở trung tâm cuộc xung đột nhưng kín tiếng, Moskva đối thoại với tất cả các bên và bảo vệ những lợi ích của mình.
Nga coi trọng sự hiện diện quân sự tại Trung Á, nhất là Tadjikistan và Uzbekistan, hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Moskva lãnh đạo. Đồng thời duy trì quan hệ với Taliban, tuy về mặt chính thức bị coi là tổ chức khủng bố, nhưng hồi tháng Bảy đã được tiếp đón ở Moskva. Igor Delanoe, phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga nhận xét, lòng đất Afghanistan ngập đầy lithium và đất hiếm. Các tập đoàn kỹ nghệ Nga có thể quan tâm, và những nhóm lính đánh thuê như Wagner có thể được điều đến để thương lượng khai thác.
Về phía Tehran, mọi thất bại của "Đại Satan", tức kẻ thù số một là Mỹ, luôn được hoan nghênh, nhưng thực tế không đơn giản với 921 kilomet đường biên giới dọc Afghanistan. Trong thời kỳ Taliban nắm quyền lần đầu, chế độ Shia ở Tehran suýt nữa đã khởi động chiến tranh sau vụ thảm sát 8 nhà ngoại giao Iran năm 1988. Nhưng nay Iran tỏ ra hòa dịu với phe Hồi giáo Sunni. Đầu tháng Tám, việc vận chuyển nhiên liệu xuyên biên giới được tái lập, vì Iran luôn cần tiền mặt do bị Mỹ cấm vận, trong khi Taliban không tìm được mạng lưới cung ứng.
Tehran có chính sách nước đôi, chứa chấp thủ lãnh chiến tranh của Herat là Ismail Khan sau khi nhân vật này đầu hàng Taliban, nhưng duy trì tòa đại sứ ở Kabul, liên tục kêu gọi đối thoại về một chính phủ "hòa hợp". Iran nắm trong tay một số con cờ khác, và có mạng lưới dân quân từng được huy động để giúp chế độ Assad ở Syria. Và nếu người thiểu số Hazara theo Hồi giáo Shia bị Taliban đàn áp, Tehran vẫn có thể nhắm mắt bỏ qua, như đã xử sự với người Tchechenya hay Duy Ngô Nhĩ.
Báo chí Hoa lục đắc chí trước hình ảnh tệ hại của Mỹ tại Afghanistan. Hoàn Cầu Thời Báo hớn hở chạy tựa lớn "Thất bại toàn diện" và dự báo Joe Biden cũng như đảng Dân chủ sẽ thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh "Hoa Kỳ phá hoại chứ không xây dựng", và hôm Chủ nhật, ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm đã giảng đạo đức cho ngoại trưởng Anthony Blinken, đòi hỏi "những hành động cụ thể" trước khủng bố, tố cáo sự rút lui "vội vã".
Le Figaro dẫn lời các chuyên gia nhận định, phía sau những bình luận cay độc này là nỗi lo của các nhà chiến lược đỏ. Những ông chủ mới của Kabul tuy cần gấp trợ giúp của Bắc Kinh để duy trì nền kinh tế được phương Tây nuôi dưỡng, nhưng vụ khủng bố ở sân bay cho thấy Taliban không áp đặt được quyền hành lên nhiều nhóm khủng bố cạnh tranh. Giáo sư Mã Hiểu Lâm (Ma Xiaolin) ở Hàng Châu nhìn nhận, việc triệt thoái của Mỹ khiến tương lai Afghanistan trở nên bất định hơn.
Theo chuyên gia Raffaello Pantucci ở Singapore, thắng lợi của Taliban gây phấn chấn cho các nhóm Hồi giáo ở Trung Á, và nguy cơ lớn nhất là các cuộc tấn công vào người Hoa, nhất là tại Pakistan. Vụ sát hại 9 người lao động Trung Quốc bằng tấn công tự sát vào một chiếc xe buýt ở Dasu, miền bắc Pakistan hôm 14/07 chứng tỏ mối đe dọa này là có thật. Đối với Mã Hiểu Lâm, Afghanistan có tiềm năng rất lớn, nhưng hãy còn quá sớm để đầu tư.
Rút ra bài học của Liên Xô và Hoa Kỳ, Bắc Kinh không muốn can dự về quân sự vào "chiếc bẫy" Afghanistan, nhưng cũng không thể dửng dưng vì sự gần gũi địa lý. Thất bại của Biden trước mắt có lợi cho Trung Quốc về hình ảnh, nhưng để lại phía sau một thùng thuốc súng khu vực, là trắc nghiệm cho Bắc Kinh. Nhất là sự rút lui chiến lược này nhằm tập trung sức mạnh Mỹ vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, để chống lại Trung Quốc. Tờ báo kết luận, một trò chơi lớn có thể ẩn giấu một ván cờ khác.
Về nội tình người khổng lồ Châu Á, Le Mondechú ý đến khái niệm "Thịnh vượng chung, bước chuyển của Trung Quốc", khi Tập Cận Bình muốn giảm bớt bất bình đẳng xã hội, cân bằng lại việc phân bổ thu nhập. "Thịnh vượng chung", nguyên văn trong tiếng Hoa "cộng đồng phú dụ" là chủ trương thống soái từ sau kỳ nghỉ hè. Cụm từ này xuất hiện từ ngày 17/08, sau cuộc họp của Ủy ban Trung ương về tài chính kinh tế. Tập Cận Bình tuyên bố "thịnh vượng chung là đòi hỏi chính của chủ nghĩa xã hội và thành phần chủ chốt của hiện đại hóa theo kiểu Trung Hoa".
Đặng Tiểu Bình từng nói "làm giàu không phải là một cái tội", và chỉ trong một thế hệ, người Trung Quốc từ cơm không đủ ăn đã tiến lên dùng túi xách Vuitton. Nhưng không phải tất cả, và Đặng cũng nhìn nhận "nên để cho một số người làm giàu trước đã". Kết quả là 40 năm sau, Trung Quốc cũng bất bình đẳng như ở Hoa Kỳ, và có nhiều tỉ phú đô la hơn cả Mỹ.
Theo nghiên cứu hàng năm của Credit Suisse, 1% người Trung Quốc giàu nhất sở hữu 30,6 % tài sản quốc gia, tăng 10 điểm trong vòng 20 năm qua. Số triệu phú sẽ tăng 92% trong 5 năm tới, trong khi theo thủ tướng Lý Khắc Cường, hiện có 600 triệu người Trung Quốc sống với dưới 130 euro một tháng.
Rõ ràng là Trung Quốc có vấn đề về tái phân phối thu nhập, làm lung lay tính chính danh của đảng cộng sản. Bước ngoặt sang tả của chính quyền dựa vào nghiên cứu của một nhà kinh tế là Li Yining, đã xưa đến 1/4 thế kỷ. Năm 1994, ông giải thích có ba cách để phân phối lại thu nhập : thứ nhất là thị trường, thứ hai là Nhà nước phân bổ qua thuế và phúc lợi, thứ ba là nhờ các mạnh thường quân.
Trước mắt, đây là hướng ưu tiên. Ngay từ 18/08, tập đoàn Tencent đã loan báo tăng gấp đôi số tiền dành cho nghĩa vụ xã hội, lên 100 tỉ nhân dân tệ (13 tỉ euro). Tuy nhiên, việc kêu gọi sự hào phóng của người giàu không nhận được nhiều đồng thuận, như lời một giáo sư đại học Phục Đán : "Cướp của người giàu đem cho người nghèo chỉ dẫn đến tất cả đều nghèo đi". Một người khác cảnh báo "thịnh vượng chung" có thể trở thành một kiểu Đại nhảy vọt, kéo lùi nền kinh tế.
Về trung hạn, đòn bẩy thứ hai có thể được vận dụng qua việc củng cố dịch vụ công, mà tỉnh Chiết Giang giàu có sẽ là thí điểm. Khi đưa ra chủ trương này, Tập Cận Bình cũng nhắm vào giới tinh hoa đỏ, vào lúc chưa đầy một năm nữa sẽ đến đại hội đảng thứ 20, dự kiến vào mùa thu 2022.
Tình hình trong nước chiếm trang nhất của Les Echosvới giá nhà đất tiếp tục tăng lên, La Croix lo âu về việc làm. Libération dành hồ sơ cho Marseille, nơi tổng thống Pháp bắt đầu chuyến đi ba ngày để tìm cách giải quyết những vấn đề tồn đọng của thành phố này từ nhiều năm qua. Le Figarochạy tít "Covid : Pháp sắp ra khỏi khủng hoảng ?" và tỏ ra lạc quan trong bài xã luận.
Vào cuối 2020, mọi việc tưởng chừng đơn giản. Vac-xin, có loại hiệu quả tới 90% đã được cung ứng, hy vọng thoát khỏi Covid đến gần hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một loạt tin xấu lại đến, trước hết là biến thể Delta có thể lây nhiễm cao gấp đôi con virus đã thoát ra từ Vũ Hán lúc ban đầu. Đồng thời, người ta biết rằng vac-xin bị giảm tác động sau vài tháng. Ngay cả Israel, vô địch về tiêm chủng nhanh chóng cho dân, lo ngại lại gặp một làn sóng nhập viện mới. Đành phải chấp nhận một thực tế là vac-xin không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng trước con virus này.
Một cuộc khủng hoảng dịch tễ không bao giờ kết thúc chăng ? May mắn là không. Vac-xin vẫn giúp tránh được các trường hợp nặng phải nhập viện, và đây là cốt yếu, trừ phi ca khúc khải hoàn quá sớm như Israel và bỏ quên tất cả những biện pháp phòng ngừa căn bản. Thống kê cho thấy tại Pháp nguy cơ phải nhập viện vì Covid đối với một người đã được tiêm chủng giảm đi đến bảy lần. Chỉ trong hai tháng qua, nhờ áp dụng chứng nhận y tế, số người đã chích ngừa từ 50% tăng lên 70%, nước Pháp đang ra khỏi vùng nguy hiểm. Việc quay lại với cuộc sống bình thường không còn xa, thậm chí sẽ được đẩy nhanh, nếu các loại thuốc ngừa Covid chứng tỏ được hiệu quả.
Thụy My
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc đồng quan điểm cho rằng chuỗi động thái cứng rắn kể trên của Trung Quốc là có chủ đích và thông điệp rõ ràng.
Chính quyền Trung Quốc muốn "khuấy động" tình hình bên ngoài và phô trương sức mạnh quân sự nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị nội bộ - Ảnh minh họa Tàu sân bay Sơn Đông cùng gần 30 tàu mặt nước khác đang tham gia cuộc tập trận lớn trên Biển Đông (Ảnh : Singtao).
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8, trải rộng từ phía Đông đảo Hải Nam xuống đến quần đảo Hoàng Sa với diện tích tập trận hơn 100.000 km2.
Cùng thời điểm này, ngày 2/8, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ra thông cáo báo chí cho biết Trung Quốc bắt đầu sản xuất dầu khí tại mỏ Liuhua 21-2. Mỏ này nằm ở phía Đông Biển Đông, độ sâu trung bình là 437m, dự kiến Trung Quốc sẽ khai thác 8 giếng tại đây. Hiện nay CNOOC đang hoạt động hết công suất để đạt được mục tiêu đáp ứng sản lượng 15.070 thùng/ngày vào năm 2023.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng liên tiếp công khai thông tin các giàn khoan Nam Hải số 4, Nam Hải số 7, Nam Hải số 10 và Hải dương 943 sẽ tiến hành khoan tác nghiệp ở khu vực phía Bắc Biển Đông, quanh đảo Hải Nam trong tháng 8-9/2021.
Các chuyên gia của Trung Quốc đồng quan điểm cho rằng chuỗi động thái cứng rắn kể trên của Trung Quốc là có chủ đích và thông điệp rõ ràng.
"Chiến binh sói" đang "sẵn sàng chiến đấu"
Theo lý giải của Giáo sư Zhou Yongsheng (Chu Vĩnh Sinh, Học viện Ngoại giao Trung Quốc), Trung Quốc đang muốn khẳng định hiện diện và sức mạnh của mình trước sự "khiêu khích" của Anh, Đức và các bên trên Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh cũng muốn chuyển thông điệp ra bên ngoài rằng, Trung Quốc đang "sẵn sàng chiến đấu".
Giáo sư Zhou gắn hành động của Trung Quốc với động thái của Anh khi triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á và tiến hành tập trận trên Biển Đông vào cuối tháng 7 vừa qua. Ngoài Anh, tàu chiến Bayern (Bavaria) của Đức cũng đã khởi hành đến Biển Đông - đánh dấu lần trở lại khu vực đầu tiên của Hải quân Đức sau gần hai thập kỷ. Theo ông Zhou, điều đáng nói ở đây là Đức trước đây luôn tuyên bố sẽ không đi vào khu vực Biển Đông do Berlin muốn duy trì quan hệ với hải quân với Trung Quốc. Song lần này, Đức không những cử tàu chiến tới Biển Đông mà dường như còn có một kế hoạch điều động tàu chiến sẵn sàng đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo quan sát của Giáo sư Zhou, cả Anh và Đức đều có động thái cho thấy các nước này muốn khiêu khích Trung Quốc khi triển khai tàu chiến đến Biển Đông lần này. Mặc dù Hải quân Anh đã thông báo sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý các đảo trên Biển Đông, và Hải quân Đức cũng gửi thông báo xin phép ghé thăm cảng Thượng Hải. Tuy nhiên, ông Zhou cho rằng Bắc Kinh coi các cuộc tập trận tự do hàng hải trên Biển Đông của các nước phương Tây như Anh, Đức là thách thức nghiêm trọng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Đứng trước thách thức đó, Trung Quốc buộc phải có hành động đáp trả và ngay lập tức chuyển thông điệp rằng nước này đã và đang "mài gươm chờ ngày sẵn sàng chiến đấu". Điều này cho thấy đường lối tư duy "chiến lang" của các "chiến binh sói" Trung Quốc chưa bao giờ chấm dứt.
Vì Mỹ "nhe nanh", Trung Quốc buộc phải "múa vuốt"
Ngay sau động thái của Anh và Đức, Mỹ tiếp tục tuyên bố tập trận quy mô lớn chưa từng có trên Biển Đông. Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, cuộc tập trận toàn cầu Quy mô lớn 21 của Mỹ có sự tham gia của các quân chủng Mỹ, Anh, Úc, Nhật ở 17 múi giờ khác nhau và trải dài khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thông qua cuộc tập trận này, Mỹ muốn chuyển thông điệp tới Trung Quốc rằng Mỹ có thể cùng lúc giải quyết các thách thức ở nhiều khu vực từ Biển Đen, Đông Địa Trung Hải đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, và có thể đồng thời ngăn cản Trung Quốc thống nhất Đài Loan hay kiểm soát quần đảo Điếu Ngư.
Đáp trả lại thông điệp này của Mỹ, theo chuyên gia Hu Xijin (Hồ Tích Tiến, Global Times), Trung Quốc cũng muốn đưa ra lời nhắn gửi tới Mỹ rằng "nếu Mỹ không sợ chiến đấu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, thì Trung Quốc cũng không hề sợ chiến đấu trên Biển Đông".
Các học giả Trung Quốc cũng chỉ ra rằng Chính quyền của Tổng thống Biden kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay dường như đang theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trên thực địa, ngày 23/1/2021 – chỉ ba ngày sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đưa nhóm tàu sân bay Roosevelt vào Biển Đông. Ngày 4/2, Mỹ tiếp tục triển khai tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất tới Nhật Bản. Ngay sau đó, ngày 5/2, Mỹ tiếp tục cho tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCain đi qua eo biển Đài Loan và đi vào khu vực lãnh hải 12 hải lý của Hoàng Sa, đồng thời cử các máy bay tấn công từ tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz tiến vào Biển Đông.
Ngoài ra, ngày 3/8 vừa qua, Mỹ đã phê duyệt kế hoạch bán cho Đài Loan 40 đơn vị pháo tự hành, xe bọc thép, súng máy và dụng cụ chuyển đổi đạn pháo nhằm tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.
Trước các diễn biến khiến Bắc Kinh bất mãn này, các chuyên gia Trung Quốc ra sức lên án tấn công Mỹ trên truyền thông và dư luận. Quan điểm chung của giới học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ đang gia tăng can dự và tăng cường các hoạt động quân sự khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Học giả Trung Quốc cũng lập luận rằng bối cảnh hiện nay buộc Trung Quốc phải đáp trả bằng các cuộc tập trận quy mô không thua kém gì các cuộc tập trận mà Mỹ và các nước phương Tây tiến hành trên Biển Đông.
Khi Trung Quốc "múa vuốt" tấn công, Mỹ và các bên sẽ phản ứng ra sao ?
Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, đối tượng mà các cuộc phô diễn sức mạnh của Trung Quốc lần này hướng tới không phải là các bên trong tranh chấp Biển Đông, mà là các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn thử mức độ "hiếu chiến" của Mỹ và các đồng minh tại khu vực.
Dường như muốn "vuốt ve" các bên trong tranh chấp, Giáo sư Zhou chỉ ra rằng mục tiêu của chính quyền trung ương Trung Quốc được thể hiện rõ thông qua việc Bắc Kinh lựa chọn các vị trí hành động trong khoảng thời gian này. Theo ông Zhou, khi mâu thuẫn hay xung đột xảy ra giữa Trung Quốc và các bên yêu sách, Trung Quốc thường lựa chọn các phạm vi khu vực biển gần sát với nước có xung đột để hành động. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc lựa chọn phạm vi trung tâm, không sát với đường biên giới biển của các bên yêu sách khác. Điều này cho thấy Bắc Kinh chỉ muốn đánh động và cảnh cáo Mỹ và các nước phương tây không nên tiếp tục các hành động "khuấy động Biển Đông" chọc giận Trung Quốc.
Tuy vậy, không lựa chọn vị trí nhạy cảm không có nghĩa là Trung Quốc lùi bước trong các yêu sách Biển Đông của mình. Chuyên gia chiến lược quân sự Xu Liping (Hứa Lý Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu và Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) cho rằng, chuỗi động thái cứng rắn lần này của Trung Quốc không chỉ hướng đến các nước bên ngoài khu vực đang gia tăng sự can dự vào Biển Đông, mà còn muốn truyền thông điệp đến tất cả các bên rằng "quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của Trung Quốc không hề thay đổi".
Quay lại với thông điệp Trung Quốc đang thử phản ứng của các bên. Trang mạng Đa chiều (Đài Loan) chỉ ra rằng thông báo tập trận trên diện tích hơn 100 nghìn km2 biển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho thấy lần này Trung Quốc sẽ không chỉ bắn pháo hay ngư lôi, mà sẽ đưa cả các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa ra diễn tập để tăng khả năng răn đe các "đối thủ" trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ còn phô diễn sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các binh chủng và khí tài từ tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, máy bay chiến đấu cho đến các loại tên lửa có thể bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào trên Biển Đông.
Trang Đa chiều cũng cho rằng lần này PLA có khả năng sẽ diễn tập phóng tên lửa đạn đạo Đông Phương-26 và tên lửa đạn đạo Đông Phương-21D với tầm bắn lên tới 5.000km. Với việc triển khai các tên lửa này, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp rằng Trung Quốc có đủ năng lực để "dằn mặt" bất kỳ tàu mặt nước nào hoạt động ở trong khu vực Biển Đông.
Chuyên gia quân sự Lu Lishi (Lã Lễ Thi, cựu quân nhân Hải quân Đài Loan) cũng chỉ ra rằng phạm vi mà Trung Quốc tuyên bố tập trận lần này chồng lấn với khu vực Mỹ thường xuyên cử tàu tới "tuần tra và giám sát". Chính vì vậy, việc Trung Quốc tập trận ở đây là cách để thử phản ứng xem liệu Mỹ có "dám" đi vào "vùng cấm" khi Trung Quốc đã "cảnh cáo" hay không. Vì vậy, theo chuyên gia này, thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới Mỹ chính là "Entering Prohibited" ("Miễn vào"), không chỉ thế, bởi Trung Quốc có khả năng sẽ diễn tập bắn tên lửa đạn đạo, nên nếu Mỹ không tuân thủ "cảnh cáo miễn vào" của Trung Quốc thì có thể sẽ trở thành "mục tiêu" cho cuộc diễn tập của Trung Quốc.
Và câu chuyện phía sau "hậu trường"
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn luôn khéo léo lồng ghép nhiều mục đích trong cùng một hành động.
Một trong những ý đồ có thể được chính quyền Bắc Kinh lồng ghép trong các hoạt động rầm rộ trên Biển Đông gần đây có thể là mong muốn hướng dư luận trong nước ra bên ngoài để "âm thầm" tổ chức cuộc họp bí mật Bắc Đới Hà – sự kiện chính trị nội bộ thu hút sự quan tâm của 1,4 tỷ dân Trung Quốc và các chính khách quốc tế. Tuy Trung Quốc chưa bao giờ công khai tổ chức Hội nghị này, việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hoãn họp báo thường kỳ trong 2 tuần kể từ ngày 2/8 có thể là chỉ dấu cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà đang được bí mật tổ chức.
Trong bối cảnh Đại hội 2022 đang cận kề và tham vọng kéo dài nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng rõ ràng, Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay được đánh giá là một trong những bước quan trọng để ông Tập hiện thực hóa giấc mộng của mình. Do đó, có khả năng chính quyền Trung Quốc muốn "khuấy động" tình hình bên ngoài và phô trương sức mạnh quân sự nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị nội bộ, đồng thời giảm sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế vào cuộc họp kín đang diễn ra tại Bắc Đới Hà.
Hoàng Lan
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 12/08/2021
Hoàng Lan, nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Trọng Nghĩa, RFI, 08/08/2021
Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày kể từ ngày mai 09/08/2021 tại một căn cứ huấn luyện chiến thuật ở khu tự trị Ninh Hạ miền tây bắc Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách đối phó với Mỹ.
Tập trận Nga - Trung ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 19/09/2016. Reuters/Stringer
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Trong khi bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh, nội dung rèn luyện cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công điện tử và thông tin, cũng như các tập dượt tấn công chung khác.
Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là vào cuối tháng Tám này, khu vực Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc cũng là nơi tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại Hội Thể Thao Quân Đội Quốc Tế do Nga chủ xướng. Quân Đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.
Vào tháng Chín tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.
Được đặt tên là "Sứ mệnh hòa bình-2021", cuộc điễn tập của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg phía tây nam nước Nga.
Theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh Tế Cao Cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Matxcơva, các cuộc tập trận kể trên sẽ diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Matxcơva cùng giảm quy mô các hoạt động quân sự chung vì đại dịch. Thế nhưng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái, một cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019.
*********************
Thu Hằng, RFI, 08/07/2021
Cuộc tập trận Bộ Chỉ huy Liên hợp (CCPT) Mỹ - Hàn sẽ vẫn diễn ra như dự kiến từ ngày 16 đến ngày 26/08/2021 bất chấp cảnh cáo từ phía Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin ngày 08/08, quy mô của cuộc tập trận mùa hè sẽ được thu nhỏ do đại dịch Covid-19.
Quân đội Hàn Quốc triển khai xe tăng tại Paiju, gần giới tuyến hai miền, tham gia tập trận chung với Mỹ ngày 07/03/2016. Reuters/Hwang Ki-sun/News1
Một nguồn tin của chính phủ cho Yonhap biết là Hàn Quốc "đang nghiên cứu để tổ chức cuộc tập trận như dự kiến. Đây là cuộc tập trận thường xuyên và cần thiết cho sự phối hợp". Seoul "duy trì các cuộc tham vấn chặt chẽ với Hoa Kỳ về vấn đề này". "Cuộc diễn tập sắp tới sẽ có quy mô tối thiểu về các nhóm tham gia, thậm chí còn nhỏ hơn so với cuộc tập trận mùa xuân và không dự kiến bất kỳ cuộc tập trận bên ngoài nào", với lý do là vào ngày 06/08, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống dịch Covid đối với toàn bộ lực lượng quân sự cho đến ngày 22/08.
Vấn đề đặt ra hiện này là cuộc tập trận chung mùa hè của hai đồng minh sẽ gây phản ứng như thế nào đối với Bình Nhưỡng. Trước đó, Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, từng cảnh cáo các cuộc tập trận Mỹ-Hàn sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí hòa giải sau khi hai miền tái lập đường dây nóng.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 08/08/2021
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 06/08/2021
Đúng vào lúc diễn ra Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 với vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền "phi pháp" của Trung Quốc được đề cập đến trong nhiều cuộc họp có Mỹ tham gia, Trung Quốc đã loan báo một loạt cuộc tập trận trong khu vực, trong đó có hai cuộc tập trận mở ra vào hôm nay 06/08/2021. Một số hoạt động tập trận của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã lập tức bị Hà Nội phản đối.
Ảnh minh họa ngày chụp ngày 20/08/2013 - Các thủy thủ Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Thanh Đảo (phải) tại cảng quân sự ở Thanh Đảo (Qingdao), Sơn Đông, Trung Quốc. AP
Như thông lệ, Trung Quốc tiết lộ thông tin về các cuộc tập trận thông qua các kênh báo chí và các thông báo cấm tàu thuyền qua lại đăng trên trang web của Cục Hải Sự.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm qua cho biết là một cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ được tiến hành kể từ ngày 06/08, và kéo dài cho đến ngày 10/08. Theo tờ báo, "một số nhà quan sát" cho rằng cuộc tập trận lần này cũng giống như một cuộc tập trận được tiến hành vào năm ngoái, trong đó Quân Đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành bắn thật loại tên lửa đạn đạo chống hạm gọi là "sát thủ tàu sân bay".
Trích dẫn thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 04/08 và một số nguồn tin báo chí khác, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là khu vực tập trận trải rộng từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến phần lớn vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn từ Việt Nam năm 1974.
Bên cạnh cuộc tập trận dài ngày đó là một loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ và ngắn ngày hơn tại Vịnh Bắc Bộ, phía gần Trung Quốc, hay tại khu vực phía bắc Biển Đông.
Sự kiện Trung Quốc cho tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ngày 05/08, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, và cuộc tập trận "đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các bên ở Biển Đông…".
Và "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Đối với các nhà phân tích, các cuộc tập trận mà Bắc Kinh khởi động trên vùng Biển Đông là những động thái thách thức, không chỉ đối với các láng giềng Đông Nam Á đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà cả đối với Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền bị cho là "phi pháp" của Bắc Kinh về vùng biển này.
Gần đây nhất là các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ các cuộc họp tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54, nhắc lại việc Washington bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Ngoài Hoa Kỳ, ngày 03/08, New Zealand là nước mới nhất gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách lịch sử (của Trung Quốc) ở Biển Đông và khẳng định giá trị chung cuộc và ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông năm 2016.
"Chiến tranh pháp lý" trong "Tam chủng chiến pháp"
Trong "giấc mộng Trung Hoa" của mình, Trung Quốc luôn đặt mục tiêu trở thành cường quốc biển. Biển Đông chính là cửa ngõ để Trung Quốc tiến ra biển và đại dương thế giới.
Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa hôm 21/5/2015. Reuters
Vấn đề là Trung Quốc lại không có cơ sở pháp lý nào để có thể hỗ trợ cho tham vọng của họ, thậm chí, cả thế giới cùng lên án cái gọi là "đường lưỡi bò" của họ. Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng tuyên bố bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" bên trong "đường lưỡi bò".
Tuy nhiên, Trung Quốc lại muốn dùng sức mạnh để có thể biến "đường lưỡi bò" thành thực tế để thỏa mãn giấc mộng siêu cường của mình. Nhưng Trung Quốc cũng tránh tiến hành chiến tranh quân sự, vì một cuộc chiến tranh quân sự lúc này sẽ tạo thế bất lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc chủ trương áp dụng "Tam chủng chiến pháp" tức là 3 cuộc chiến ngoài cuộc chiến quân sự, bao gồm "chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý".
"Chiến tranh tâm lý" là tác động về mặt tâm lý đến đối tượng, ví dụ như Thời Báo Hoàn Cầu tuyên bố đe doạ sẽ "tấn công và chiếm Việt Nam trong 21 ngày" chẳng hạn, hoặc Trung Quốc luôn đe doạ Đài Loan bằng cách cho nhiều máy bay xâm phạm không phận của đảo quốc này, cùng với các cuộc tập trận rầm rộ ở eo biển Đài Loan. "Chiến tranh truyền thông" là dùng truyền thông để lặp đi lặp lại các luận điệu của Bắc Kinh là "một quốc gia yêu chuộng hòa bình…".
Còn "chiến tranh pháp lý" thì Trung Quốc tiến hành ra sao ? Trong khi về cơ bản Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào trên Biển Đông cả.
Đường lưỡi bò 9 đoạn do Trung Quốc vẽ trên Biển Đông. Reuters
Cố ý duy trì sự mập mờ
Ngày 7/8/2009 Trung Quốc gửi hai công hàm phản đối Báo cáo thềm lục địa mở rộng riêng Việt Nam và Báo cáo chung tại khu vực chồng lấn của Việt Nam và Malaysia. Trong hai công hàm này có kèm theo bản đồ có hình "đường lưỡi bò" đầy tai tiếng của họ.
Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ giải thích một cách chính thức và rõ ràng đối với thế giới về quy chế pháp lý của "đường lưỡi bò" là gì ? Các học giả và quan chức Trung Quốc đưa ra rất nhiều giải thích khác nhau. Một lập luận mà người Trung Quốc hay dùng đó là "quyền lịch sử" đối với tất cả vùng nước bên trong "đường lưỡi bò", lập luận này bắt đầu từ một học giả gốc Đài Loan là Phó Côn Thành, rồi sau đó được Ngô Sĩ Tồn - một quan chức và học giả danh tiếng của Trung Quốc ra sức quảng bá áp dụng. Lập luận này còn được nhiều học giả Trung Quốc "tung hô", thậm chí bà Tiết Hán Cần - lúc đó là Thẩm phán Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cũng đưa ra trong một phát biểu của mình.
Ngoài ra, trong rất nhiều tuyên bố và công hàm của Trung Quốc, họ luôn sử dụng các ngôn từ mập mờ, cố tình gây khó hiểu. Đây chính là một "chiêu" trong "chiến tranh pháp lý" của họ.
Sự mập mờ dường như là "chiến thuật cố ý" của Bắc Kinh. Không chỉ đối với "đường lưỡi bò" mà ngay trong các văn bản nội luật của họ, sự mập mờ này cũng thấy rõ.
Thời gian vừa qua, nhiều học giả đã chỉ ra sự mập mờ, không giải thích rõ đâu là "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" trong Luật Hải cảnh mới thông qua đầu năm nay của họ.
Một bài viết trên trang Jamestown (1 ) cũng chỉ ra, không chỉ Luật Hải cảnh mà ngay cả Luật An toàn Giao thông đường biển của Trung Quốc cũng có sự mập mờ tương tự. Cụ thể, Điều 2 của dự thảo sửa đổi này đầu tiên quy định rằng "các hoạt động liên quan đến an toàn giao thông đường biển ở vùng biển ven bờ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" phải tuân theo luật này. Thuật ngữ "vùng biển ven bờ" được định nghĩa là "nội thủy, lãnh hải và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" theo Điều 115. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất đã thay thế thuật ngữ "vùng biển ven bờ" bằng "vùng biển thuộc quyền tài phán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", nhưng luật cũng không đưa ra định nghĩa về thuật ngữ này. Việc Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ mập mờ như vậy giúp Trung Quốc linh hoạt trong việc sửa đổi cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của họ ở Biển Đông và biện minh cho các yêu sách biển ngoài các quy định của UNCLOS.
Tàu khu trục đa năng lớp 05AA tuần lưu trên Biển Đông / (© DoD/Shannon Renfroe) - Ảnh minh họa
Lợi dụng chiêu bài khoa học để tấn công
Sự mập mờ của "đường lưỡi bò" đã bị "đập vỡ" bởi Phán quyết Biển Đông năm 2016. Tòa trọng tài đã khẳng định rõ yêu sách về "quyền lịch sử" đối với đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý, và vi phạm các quy định của UNCLOS, đo đó vô giá trị.
Thất bại đau đớn với Phán quyết Biển Đông, Trung Quốc tung tiền ra vận động nhiều học giả danh tiếng quốc tế như Stefan Talmon (Giáo sư Luật quốc tế tại Đại học Bonn, Đức) hay Mark Valencia (Mỹ), Same Bateman (Australia)… phối hợp cùng đội ngũ học giả Trung Quốc "tấn công" vào Phán quyết. Đây cũng là một "chiêu" của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý của họ, đó là khi họ thất bại hoặc yếu thế về pháp lý, lợi dụng sự tự do học thuật ở phương Tây, họ sẽ dùng số đông để "tấn công áp đảo" nhằm lấp liếm sự yếu đuối pháp lý của họ.
Sử dụng các "lập luận hai mặt"
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc thường hay sử dụng các "lập luận hai mặt" để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của họ.
Cụ thể, sau khi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài, Bắc Kinh đã ban hành bản chính sách "Trung Quốc giữ vững lập trường giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông", trong đó có viết: "Năm 1951, Hội nghị Hòa bình San Francisco đã quyết định rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền, tước vị và yêu sách đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa). Năm 1952, chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố rằng nước này đã từ bỏ tất cả các quyền, tước vị và yêu sách đối với Đài Loan, Penghu, cũng như quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)". Chính sách này không đề cập rõ ràng "Hiệp ước Hòa bình San Francisco"năm 1951 hay là "Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật" năm 1952.
Thực tế, Hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký kết giữa Nhật Bản và 48 nước khác vào ngày 8/9/1951. Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco thể hiện tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản từ bỏ, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, hiệp ước được ký kết mà không có sự hiện diện của Đảng cộng sản Trung Quốc hay Quốc dân đảng do có sự bất đồng về việc đảng nào có thể đại diện cho chính phủ Trung Quốc.
Đảng cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng đã có những cách tiếp cận rất khác nhau đối với Hiệp ước Hòa bình San Francisco. Đảng cộng sản Trung Quốc phủ nhận hoàn toàn tính hợp pháp của Hiệp ước Hòa bình San Francisco với lý do đảng này bị loại khỏi tiến trình đàm phán và cho rằng hiệp ước này là trái phép, không hợp lệ và không thể được công nhận. Ngược lại, Quốc dân đảng quyết định ký một hiệp ước riêng với Nhật Bản, gọi là Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật năm 1952.
Chúng ta có thể thấy rõ sự mâu thuẫn trong thái độ của Trung Quốc : một mặt, phủ nhận tính hợp pháp của những hiệp ước này ; mặt khác, tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông một phần dựa vào hai hiệp ước này.
Các quốc gia ASEAN nên làm gì ?
Các quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm gì để đối phó với kiểu "chiến tranh pháp lý" này của Trung Quốc ?
Điểm yếu rất lớn của Trung Quốc đối với tham vọng biển chính là về mặt pháp lý. Chính vì không có cơ sở pháp lý nên Trung Quốc đã dùng "chiến tranh pháp lý" hòng lấp đi các điểm yếu của mình.
Chính vì vậy, các nước ASEAN có thể "khoét sâu" vào điểm yếu này của Trung Quốc. Một mặt, các quốc gia ASEAN cần tăng cường sức mạnh truyền thông lên quốc tế, tố cáo sự không chính danh này của Trung Quốc, lật mặt các thủ đoạn và các chiêu trò của Trung Quốc trong cái gọi là "chiến tranh pháp lý" này của họ.
Mặt khác, kinh nghiệm từ Philippines đã cho thấy, một biện pháp hữu hiệu để thể hiện tính chính đáng, chống lại các yêu sách phi lý với những lập luận ngạo ngược của Trung Quốc, các nước ASEAN cần học tập Philippines tìm cách khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài như Philippines đã làm, hoặc có thể tìm các giải thích từ các tòa khác như Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Các giải thích của các Tòa này sẽ mang lại sức mạnh chính nghĩa rất lớn cho các nước ASEAN, và "đập tan" các lập luận phi lý của Trung Quốc.
Nguyễn Hồng Thanh
Nguồn : RFA, 21/07/2021
Trọng Nghĩa, RFI, 12/07/2021
Hôm 12/07/2021 là dịp kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn Manila kiện Bắc Kinh, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Nhân dịp này, Hoa Kỳ đã có hai động thái biểu tượng : tái bác bỏ đòi hỏi phi pháp của Bắc Kinh và đưa tàu áp sáp quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và các chiến hạm hộ tống thuộc Hạm đội 7, hoạt động trong vùng Biển Đông ngày 06/10/2019 (ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp cho AFP) Hải quân Mỹ/ AFP
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tuyên bố bằng văn bản đề ngày 11/07/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một mặt tái khẳng định chính sách Biển Đông đã được chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Donald Trump thúc đẩy, nhấn mạnh tính phi pháp của các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ghi rõ : "Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/07/2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên biển ở Biển Đông". Theo Reuters, ông Blinken cũng bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên gần như toàn bộ Biển Đông.
Về Philippines, ông Blinken xác nhận trở lại cam kết bảo vệ Manila : Hoa Kỳ "tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vào lực lượng võ trang, tàu công vụ hay phi cơ tại vùng Biển Đông, sẽ nằm trong diện áp dụng cam kết bảo vệ lẫn nhau ghi trong Điều 4 bản Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 ký kết giữa Mỹ và Philippines". Nói cách khác, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công.
Như để cho thấy rõ lời nói đi đôi với hành động, gần như cùng lúc với tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Hải Quân Mỹ ngày 12/07/2021 cho biết là khu trục hạm USS Benfold (DDG-65) đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông để "khẳng định tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế".
Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát sau khi chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, vẫn đang bị cả Việt Nam và Đài Loan tranh chấp.
Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Hải Quân Mỹ xác định rõ : "bằng chiến dịch được mệnh danh là tự do hàng hải ở vùng Hoàng Sa, Hoa Kỳ muốn chứng minh rằng những vùng biển đó nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải hợp pháp của họ và các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền xung quanh quần đảo Hoàng Sa đều không phù hợp với luật pháp quốc tế".
Như thông lệ, Quân Đội Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định rằng họ đã phát hiện được tàu chiến Mỹ "xâm phạm trái phép" vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và xua đuổi chiến hạm Mỹ.
Hôm nay là lần thứ ba từ đầu năm đến nay Hoa Kỳ cho chiến hạm tiến vào vùng biển Hoàng Sa để thách thức các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ngày 20/05 vừa qua, chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur cũng đã tiến vào vùng biển gần Hoàng Sa trong một hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải. Chiếc Curtis Wilbur đã tiếp nối hành động trước đó của chiếc USS John McCain ngày 05/02.
Trọng Nghĩa
**********************
Chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc nói đã xua đuổi đi
RFA, 12/07/2021
Khu trục hạm USS Benfold của Hoa Kỳ vào ngày 12/7 đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để tiến hành tuần tra tự do hàng hải.
Tàu USS Benfold của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương năm 2017 - USNI News
Theo thông cáo của Hải quân Hoa Kỳ thì hoạt động này của khu trục hạm USS Benfold phù hợp với luật pháp quốc tế ; cụ thể đó là chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982).
Hải quân Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện hoạt động đi qua vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép nước có tuyên bố chủ quyền cho thấy Washington thách thức những giới hạn phi pháp mà các nước đưa ra. Hoa Kỳ chứng tỏ những vùng biển mà chiến hạm đi qua nằm ngoài vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố một cách phi pháp. Ngoài ra, đường cơ sở thẳng mà Bắc Kinh vạch ra ở Hoàng Sa là trái với luật pháp quốc tế.
Ngay trong ngày 12/7, Quân đội Trung Quốc ra thông cáo cho rằng nước này đã đuổi chiến hạm Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt ngay những hành động bị cho là khiêu khích như thế.
Ngày 12/7/2021 đánh dấu đúng năm năm phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế PCA ở La Hayes tuyên đối với đường đứt khúc chín đoạn do Trung Quốc tự vạch ra ở Biển Đông. Theo Tòa thì đường đứt khúc chín đoạn này không có căn cứ cả về pháp lý và về mặt lịch sử.Vụ kiện do phía Philippines đứng đơn.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 12/7/2021 khi được báo chí đề nghị cho biết bình luận của chính phủ Hà Nội nhân kỷ niệm năm năm Tòa Trọng tài ra phán quyết vừa nêu, trả lời rằng "Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa dùng vụ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phủ hợp với Hiến Chương Liên hiệp quốc và UNCLOS 1982".
Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 11/7/2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Antony Blinken nhắc lại phán quyết vừa nêu mang tính đồng thuận mạnh mẽ, bác bỏ những tuyên bố chủ quyền biển mở rộng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi khiêu khích và tiến hành các bước nhằm bảo đảm với cộng đồng quốc tế về cam kết tôn trọng trật tự biển dựa trên luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ.
Các tàu tuần duyên Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động khai thác một mỏ khí đốt của Malaysia, và các chiến đấu cơ Trung Quốc đồng thời xâm nhập không phận của nước này. Trang web Energy Voice hôm nay 08/07/2021 dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết như trên.
Máy bay của Không quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông. Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015. LT. Jonathan Pfaff / US NAVY / AFP
Đây là lần thứ ba trong vòng 18 tháng qua các tàu tuần duyên Trung Quốc quấy nhiễu việc khai thác dầu khí của Malaysia. AMTI nhận định, sự kiện này thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh ngăn trở các hoạt động dầu khí của các quốc gia láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Và việc xâm nhập không phận cũng không phải là tình cờ, mà chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng leo thang gây áp lực lên các nước yêu sách chủ quyền Biển Đông để họ phải lùi bước.
Energy Voice trích nhận xét của chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS, cho dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế và duy trì quan hệ thân thiện với Malaysia, nhằm buộc Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận khai thác chung, tuần duyên Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực qua việc quấy nhiễu các giàn khoan, tàu tiếp liệu và tàu thăm dò của Malaysia.
Căng thẳng gần đây nhất diễn ra tại mỏ khí đốt Kasawari thuộc lô SK316 ở ngoài khơi Sarawak, tại EEZ của Malaysia trên Biển Đông, do Petronas Carigali, chi nhánh của tập đoàn Petronas khai thác. Ngày 01/06, Bắc Kinh điều 16 chiến đấu cơ bay theo đội hình chiến thuật để áp sát vị trí chuẩn bị đặt giàn khoan, và phớt lờ những cảnh báo của Malaysia. Bộ Ngoại Giao Malaysia sau đó đã triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối.
Song song đó, theo AMTI, các tàu tuần duyên Trung Quốc còn quấy rối các hoạt động ở mỏ Kasawari suốt từ đầu tháng Sáu đến ít nhất là ngày 05/07, bất chấp sự hiện diện của Hải quân hoàng gia Malaysia và mỏ khí này nằm cách vùng duyên hải Trung Quốc đến hơn 1.000 kilomet.
Kể từ 2013, tuần duyên Trung Quốc liên tục xuất hiện tại bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Đối với Việt Nam, Bắc Kinh gây áp lực khiến Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng với Repsol tại lô 06-01, Bãi Tư Chính năm 2018. Đến năm 2019, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Địa Chất 8 đến quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại EEZ của Việt Nam, và năm 2020 cho các tàu quân sự cỡ lớn đến đe dọa khu vực mỏ khí của Việt Nam ở lô 06-01, khiến Rosneft Vietnam phải hủy hợp đồng khoan với Noble Corporation.
Thụy My
Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp trong đó có việc đặt, đổi tên các thực thể nhằm hợp thức hóa hành vi chiếm đóng trái luật pháp quốc tế của mình.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Theo Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Sở Quy hoạch và Phát triển đô thị nông thôn tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thực hiện dự án gắn thẻ tên có quy mô bao trùm các loài thực vật trên hơn 10 đảo và rạn san hô trong quần đảo Hoàng Sa, bao gồm đảo Duy Mộng, đảo Cây, và đảo Hữu Nhật.
Việc đặt, sửa đổi, bổ sung các tên gọi cho các thực thể địa lý và các loài động thực vật đang tồn tại ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một việc làm được Trung Quốc tổ chức thực hiện nhiều lần kể từ khi họ sử dụng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa vào những thời điểm khác nhau.
Cùng với nhiều hoạt động khác, đây là việc làm của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách đường "lưỡi bò" phi lý. Đây cũng được coi là một trong những mũi tiến công xâm chiếm Biển Đông, thậm chí có người gọi đây là một cuộc "xâm lược bằng tên gọi" không kém phần nguy hiểm do Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức thực hiện.
Lịch sử tên gọi của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trong lịch sử, những nhà hàng hải phương Tây, với trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải sớm phát triển, để phục vụ cho những chuyến viễn du tìm kiếm và chinh phục "vùng đất mới", vào thế kỷ XV, XVI, họ đã thành lập các bản đồ, trong đó có ghi địa danh Parcel, Paracel để gọi chung cho một vùng đảo được thể hiện bằng những chấm nhỏ nằm trong hình lá cờ đuôi nheo treo dọc theo và ở ngoài bờ biển "Cota de Parcel" (bờ biển miền Trung Việt Nam).
Các bản đồ cổ của người Việt Nam thời đó cũng thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo hình dáng tương tự, với tên gọi chung là Bãi Cát vàng, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa.
Về sau, có thể bắt đầu từ thế kỷ XVII, các hải đồ phương Tây đã thể hiện chi tiết, cụ thể hơn, không những về vị trí địa lý mà còn cả tên gọi cụ thể cho từng thực thể địa lý thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà lúc đó họ đã gọi là Paracel islands và Spraly islands.
Cũng tương tự như vậy, đối với quần đảo Trường Sa, người phương Tây cũng đã thành lập các hải đồ hiện đại và đã thể hiện khá đầy đủ tên gọi của hầu hết các thực thể địa lý thuộc quần đảo này, cũng như các thực thể khác nằm ngoài quần đảo.
Tất cả những địa danh do người phương Tây đặt để gọi các thực thể dịa lý trong Biển Đông thấy rằng, người phương Tây, xuất phát từ khả năng và nhu cầu hoạt động trên biển của họ qua Biển Đông để giao thương buôn bán với các nước trong khu vực, là những người đầu tiên đã tiến hành khảo sát, đặt tên cho hầu hết các thực thể địa lý của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cho đến nay chúng đã trở thành "địa danh quốc tế" được thừa nhận và sử dụng rộng rãi.
Tuy vậy, cho đến nay, các thực thể địa lý thuộc các quần đảo, cũng như một số thực thể điạ lý thuộc thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông còn có những tên gọi khác nữa. Bởi vì, khi biên tập để xuất bản các bản đồ, hải đồ khu vực Biển Đông, các bên liên quan trong khu vực đã không hoàn toàn sử dụng các "địa danh quốc tế" như đã trình bày ở trên.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép
Chiến thuật đặt tên của Trung Quốc
Xuất phát từ mục đích, động cơ khác nhau, nhất là đối với các thực thể địa lý đang tồn tại những bất đồng và tranh chấp phức tạp về quyền thụ đắc lãnh thổ, các bên liện quan, nhất là phía Trung Quốc, đã lợi dụng việc đặt tên hay thay đổi tên gọi để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của mình đối với toàn bộ các thực thể địa lý trong Biển Đông, với lập luận mang tính ngụy biện rằng : Người Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm đã từng phát hiện, khai phá, đặt tên, vẽ bản đồ… đối với Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa, Vì vậy, người Trung Quốc hiện nay có quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của tổ tiên để lại…
"Chiến thuật đặt tên" được coi là một chiến thuật mà Trung Quốc đã và đang sử dụng để hiện thực hóa chủ trương độc chiếm Biển Đông mà theo nhận xét của dư luận thì chiến thuật này được coi là cuộc "xâm lược (bằng) bản đồ", "xâm lược (bằng) tên gọi". Nhận xét như vậy có lẽ không phải không có cơ sở ; bởi vì, cho đến nay, phía Trung Quốc đã có ít nhất là 4 lần công bố quyết định đặt tên, đổi tên, cho các thực thể địa lý nằm trong Biển Đông. Trong các quyết định đặt tên, đổi tên đó, Trung Quốc đã tìm cách đặt tên hay đổi tên mới bằng những tên gắn với các sự kiện lịch sử nhằm biện minh cho lập trường "chủ quyền lịch sử" của họ.
Chẳng hạn, ở quần đảo Hoàng Sa, trên các hải đồ, bản đồ, tài liệu do Trung Quốc xuất bản có ghi các tên : "Tuyên Đức", "Vĩnh Lạc", "Trịnh Hòa"… Đó là các niên hiệu và tên nhân vật lịch sử dưới triều đại nhà Minh (nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368 tới 1644, mười bảy hoàng đế đã trị vì trong khoảng thời gian 276 năm, trong số đó có niên hiệu Vĩnh Lạc (1402 – 1424), Tuyên Đức (1425 – 1435). Năm 1403, Vĩnh Lạc Đế đã ban hành chiếu chỉ để bắt đầu dự án xây dựng hạm đội tàu kho báu. Trịnh Hòa được lệnh khởi xướng việc xây dựng hạm đội. Đôi tàu kho báu bao gồm nhiều tàu buôn, tàu chiến và tàu hỗ trợ. Trịnh Hòa thực hiện bảy chuyến thám hiểm hàng hải tìm kiếm kho báu trong khoảng thời gian từ 1405 đến 1433. Bảy chuyến đi xa tới các vùng lãnh thổ ven biển và hải đảo ở Biển Đông, Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Trong khi chuyến đi thứ bảy xảy ra dưới triều đại Tuyên Đức đế (1425-1935). Vì vậy, người Trung Quốc lập luận rằng, dưới thời nhà Minh, niên đại Vĩnh Lạc, Tuyên Đức vị hoạn quan Trịnh Hòa đã có công trong việc "phát hiện, khai phá, quản lý quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa".
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn đặt tên cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, như "Vĩnh Hưng", "Trung Kiên", "Thái Bình", "Trung Nghiệp"… Những tên gọi này chính là tên của 4 chiến hạm của Trung Hoa Dân quốc đã tiến hành chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự thật là, trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Nhật Bản đã đánh chiếm một số đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, làm căn cứ tàu ngầm. Theo nhiều tài liệu được công bố, ngày 26-10-1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản do Đồng Minh giao phó, Trung Hoa Dân Quốc đã cử một hạm đội đặc biệt của gồm bốn chiến hạm : Thái Bình, Vĩnh Hưng, Trung Kiên, Trung Nghiệp, do đô đốc Lâm Tuân chỉ huy, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thủy đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng tiến về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa : các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên đã tới quần đảo Hoàng Sa và đổ bộ chiếm lấy một số đảo ở phía Đông và các tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa, đổ bộ lên chiếm đảo Ba Bình. Nhưng đến năm 1950, Trung Hoa Dân Quốc bị đánh bật khỏi Hoa lục, phải chạy ra Đài Loan, đồng thời cũng rút quân khỏi các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà họ đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1946. Năm 1956, Đài Loan lại đưa quân trở lại chiếm đóng đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình). Sau 1975 cho đến nay, Đài Loan vẫn chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tên gọi không có giá trị mang lại chủ quyền cho quốc gia đặt tên
Thứ nhất, địa danh là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, với nhiều nhận định đánh giá khác nhau, có liên quan đến thực trạng bất đồng, tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý trong Biển Đông, cũng như vị trí và vai trò của chúng trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông dưới ánh sáng của Luật pháp Quốc tế, trong đó có UNCLOS1982.
Nhằm thống nhất được cách tiếp cận một cách thật sự khoa học, khách quan về giá trị của những địa danh khác nhau được sử dụng để gọi một thực thể địa lý cụ thể, trước hết, xin lưu ý rằng, trong thực tế, tại một vị trí địa lý nhất định, vẫn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Đây là một hiện tượng rất phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ sự tiếp cận vị trí địa lý đó của các cộng đồng dân cư qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Vì vậy, địa danh chủ yếu chỉ mang ý nghĩa địa lý, lịch sử ; chứ không có giá trị pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ. Bởi vì, người ta gọi "Vịnh Thái Lan", không phải là vịnh của riêng Thái Lan ; "Ấn Độ Dương" không phài là vùng biển riêng của Ấn Độ ; "Vịnh Bắc Bộ" không phải vịnh riêng của Việt Nam ; "South China Sea", "Nam Hải", "Biển Đông", "Biển Tây Philippines", "Biển Bắc Natuna"… không phải là vùng biển của riêng Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia…
Trong Luật pháp và Thực tiễn quốc tế cũng chưa có bất kỳ một quy định hay tiền lệ pháp nào đề cập đến giá trị pháp lý của địa danh với tư cách là chứng cứ chứng minh quyền thụ đắc lãnh thổ của quốc gia đã đặt tên cho một thực thể địa lý nào đó.
Vì vậy, cho đến nay, các thực thể địa lý thuộc các quần đảo, cũng như một số thực thể điạ lý thuộc thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông dù mang những tên gọi khác nhau, tùy theo cách gọi, cách đặt tên vì những mục đích, động cơ khác nhau, vẫn không thể dựa vào những tên gọi đó để xác định quyền thụ đắc lãnh thổ của quốc gia đã đặt tên cho chúng.
Việt Nam không sử dụng việc đặt tên, đổi tên gọi đối với các thực thể địa lý để phục vụ cho mục đích chứng minh quyền thụ đắc lãnh thổ của mình. Quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không dựa vào tên gọi mà dựa theo nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành. Đó là nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà nội hàm của nó là : Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là có hiệu quả, rõ ràng, liên tục và hòa bình.
Tuy vậy, để tránh hiểu nhầm và bị vướng vào " bẫy tên gọi" do Trung Quốc giăng ra nhằm giành lấy sự "mặc nhiên thừa nhận" các yêu sách phi lý của họ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khu vực Biển Đông, bạn đọc, nhất là những người làm công tác quản lý và nghiên cứu cần cảnh giác không sử dụng các tên gọi do Trung Quốc đặt, nhất là các tên gắn với những sự kiện lịch sử mà Trung Quốc đã cố tình viện dẫn để chúng minh họ có chủ quyền, như chúng tôi đã phân tích ở trên.
Tên gọi quốc tế của các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa :
Paracel islands có nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa, người phương Tây gọi là Amphitrite Group và nhóm Lưỡi Liềm (hay nhóm Trăng Khuyết), ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa, người phương Tây gọi là Crescent Group ;
Các thực thể địa lý thuộc quần đảo này cũng được các nhà hàng hải phương Tây đặt tên và thể hiện trong các hải đồ do họ xuất bản ngày càng chi tiết, đầy đủ và được quốc tế sử dụng một cách phổ biến :
Đảo Ba Ba (Yagong Island), đảo Bạch Quy (Passu Keah), đảo Bắc (North Island), đảo Cây (Tree Island), đảo Duy Mộng (Drummond Island), đảo Đá (Rocky Island), đảo Hoàng Sa (Pattle Island), đảo Hữu Nhật (Robert Island), đảo Linh Côn (Lincoln Island), Đảo Nam (South Island), đảo Phú Lâm (Woody Island), Đảo Quang Ảnh (Money Island), đảo Quang Hoà (Duncan Island), đảo Tri Tôn (Triton Island), Đảo Trung (Middle Island), Cồn cát Bắc (North Sand), Cồn cát Nam (South Sand), Cồn cát Tây (West Sand), Cồn cát Trung (Middle Sand), Hòn Tháp (Pyramid Rock), Đá Bắc (North Reef), Đá Bông Bay (Bombay Reef), Đá Chim Én (Vuladdore Reef), Đá Hải Sâm (Antelope Reef), Đá Lồi (Discovery Reef), Bãi Bình Sơn (Iltis Bank), Bãi Châu Nhai (Bremen Bank), Bãi Gò Nổi (Dido Bank), Bãi Ốc Tai Voi (Herald Bank), Bãi Quảng Nghĩa (Jehangire Reefs/Bank), Thủy Tề (Neptuna Bank), Bãi Xà Cừ (Observation Bank)…
Tên gọi quốc tế của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa :
Cụm Song Tử, (Groupe de Deux-îles) có Đá Bắc, tiếng Anh : North Reef, bãi Đinh Ba, tiếng Anh : Trident Shoal, Bãi Núi Cầu, tiếng Anh : Lys Shoal,
Cụm Nam Yết (Namyit Island) là một tập hợp các thực thể địa lý nằm ở phía nam cụm Loại Ta và phía bắc của cụm Sinh Tồn, gồm hàng loạt thực thể nổi bật như đảo Ba Bình, (Itu Aba), đảo lớn nhất quần đảo, là đảo san hô đứng đầu về diện tích trong quần đảo (0,4896 km2). Trên đảo có rất nhiều nước ngọt, đất đai màu mỡ và có nhiều cây cối xanh tươi. Đảo Nam Yết , đảo Sơn Ca (Sand Cay), đá Én Đất, đá Ga Ven, Đá Xu bi (Subi Reef)... Đa số các thực thể địa lý thuộc cụm này hợp thành một bãi san hô dạng vòng có tên gọi bãi san hô Ti Da (tiếng Anh : Tizard Bank) ; Đá Én Đất (tiếng Anh : Eldad Reef).
Cụm Sinh Tồn (Sin Cowe Island) là một tập hợp các thực thể địa lý nằm ở phía nam cụm Nam Yết. Khái niệm "cụm Sinh Tồn" hầu như đồng nhất với khái niệm bãi san hô Liên Minh hay cụm rạn Liên Minh (tiếng Anh : Union Bank/Reefs. Cụm này chỉ có một đảo san hô là đảo Sinh Tồn, một cồn cát là đảo Sinh Tồn Đông, còn lại là rất nhiều rạn đá như đá Cô Lin (Collins Reef), đá Gạc Ma (Johnson South Reef), đá Len Đao (Lansdowne Reef)…
Trong số này, đá Ba Đầu là rạn đá lớn nhất. Đá Nghĩa Hành (tiếng Anh : Loveless Reef), Đá Sơn Hà (tiếng Anh : Gent Reef), Đá Bình Khê (tiếng Anh : Edmund Reef), Đá Ken Nan (tiếng Anh : McKennan Reef), Đá Bình Sơn (tiếng Anh : Hallet Reef), đá Bãi Khung tiếng Anh (Holiday Reef), Đá Đức Hòa (tiếng Anh : Empire Reef), đá Ba Đầu (tiếng Anh : Whitsun Reef, có nơi ghi thành Whitson), đá An Bình (tiếng Anh : Ross Reef), Đá Bia (tiếng Anh : Bamford Reef), đá Ninh Hòa (tiếng Anh : Tetley Reef), đá Văn Nguyên (tiếng Anh : Jones Reef), đá Phúc Sĩ (tiếng Anh : Higgens Reef).
Cụm Trường Sa (Spratly) là một tập hợp các thực thể địa lý nằm dàn trải theo chiều ngang từ tây sang đông ở phía nam của các cụm Nam Yết, Sinh Tồn và phía bắc của cụm Thám Hiểm, chủ yếu giữa hai vĩ tuyến 8° Bắc và 9° Bắc. Cụm này chỉ có một đảo san hô là đảo Trường Sa (biệt danh : Trường Sa Lớn), còn lại đều là rạn thường nói chung và rạn vòng nói riêng như đá Tây, đá Tiên Nữ, đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông... Bốn thực thể theo thứ tự từ tây sang đông gồm đá Tây, đảo Trường Sa Đông, đá Đông và đá Châu Viên cấu thành khái niệm cụm rạn Luân Đôn (tiếng Anh : London Reefs).
Cụm An Bang (Caye-d'Amboine, Amboyna Cay) có đá Thanh Kỳ (tiếng Anh : Ardasier Breakers), bãi Phù Mỹ (tiếng Anh : Investigator Northeast Shoal hay Northeast Investigator Shoal), bãi Trăng Khuyết (tiếng Anh : Half Moon Shoal).
Cụm Bình Nguyên : bãi Tổ Muỗi (tiếng Anh : Nares Bank), bãi Đồ Bàn hoặc tên cũ là Bãi cạn Nâu (tiếng Anh : Brown Bank), đá Đồng Thạnh hay đá Đồng Thanh (tiếng Anh : Marie Louise Bank), bãi Nam (tiếng Anh : Southern Bank), Đá Gò Già (tiếng Anh : Pennsylvania North Reef), đá Chà Và (tiếng Anh : Foulerton Reef), đá Khúc Giác (tiếng Anh : Iroquois Reef), Bãi/Cụm Hải Sâm tên cũ là cồn san hô Giắc-xôn (tiếng Anh : Jackson Atoll), đá Phật Tự (tiếng Anh : Hardy Reef), đá Hợp Kim (tiếng Anh : Hopkins Reef), đá Ba Cờ (tiếng Anh : Baker Reef)…
Trần Công Trục
Nguồn : Thời Đại, 26/06/2021
Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC cần tránh làm phương hại đến "quyền lợi chính đáng của các bên thứ ba". Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, đặc trách về phương Đông, bà Riva Ganguly Das, tuyên bố như trên nhân Hội Nghị Cấp Cao Đông Á qua cầu truyền hình hôm 24/06/2021.
"Quy tắc ứng xử ở Biển Đông không nên định kiến lợi ích của bên thứ 3" - bà Riva Ganguly Das, Đại diện Ấn Độ, phát biểu hôm 24/06/2021
Theo hãng tin Ấn Độ PTI, phát biểu trong khuôn khổ Hội Nghị Cấp Cao Đông Á (East Asia Summit Senior Officials' Meeting – EAS SOM, thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định : Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình đàm phán giữa các thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc phải hoàn toàn tuân thủ luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS và không được gây thiệt hại đến quyền lợi của các bên thứ ba.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực về chủ quyền Biển Đông càng lúc càng gia tăng. Vẫn theo New Delhi, COC cần bảo đảm các quyền tự do lưu thông hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định trong vùng biển này.
Nhìn rộng ra hơn, thông cáo của bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, New Delhi đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương "tự do, rộng mở" đến hợp tác với khối Đông Nam Á qua các chương trình như là Triển Vọng ASEAN-Ấn Độ -Thái Bình Dương (AOIP) hay Sáng Kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPOI).
Cuộc họp EAS-SOM trực tuyến vừa qua được đặt dưới sự chủ tọa của Brunei, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, với sự tham gia của 10 thành viên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ.
Hội nghị EAS-SOM được tổ chức lần đầu năm 2005, giúp các bên thảo luận về những lĩnh vực từ địa chính trị đến chiến lược và kinh tế. Năm 2021 này, ngoài chủ đề Biển Đông, các bên đã đưa vấn đề Miến Điện, tình hình bán đảo Triều Tiên, nỗ lực chống Covid-19 vào chương trình nghị sự.
Thanh Hà
Trung Quốc đưa tàu khu trục có tên lửa dẫn đường vào tập trận ở Biển Đông
RFA, 15/06/2021
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc ngày 14/6 đưa tin cho biết, Hải quân Trung Quốc vừa có một cuộc tập trận ở Biển Đông với sự tham gia của ít nhất ba tàu chiến, bao gồm tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Nam Ninh 162 thuộc lớp Type -052D vừa được biên chế vào Hạm đội Nam hải trong năm nay.
Khinh hạm tên lửa dẫn đường Yulin (Hull 569) thuộc Bộ Tư lệnh của PLA bắn tên lửa vào tàu ngầm thù địch giả trong một cuộc tập trận ở Biển Đông vào cuối tháng 3 Năm 2020.
Theo thông báo của Hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận sẽ kéo dài bốn ngày. Tuy nhiên thông báo không cho biết cụ thể địa điểm tập trận của các tàu chiến này ở Biển Đông.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, ngoài tàu Nam Ninh, hai tàu chiến khác cũng tham gia tập trận bao gồm tàu đổ bộ Type 071 và tàu hậu cần Type 901.
Trước đó, từ ngày 27/5, quân đội Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật trong bốn ngày tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông bao gồm bảy cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ, theo các thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc.
********************
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông
RFA, 15/06/2021
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan vừa vào Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ thường kỳ theo thông báo của Hải quân Mỹ ngày 15/6.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan tập trận cùng tàu chiến của Nhật Bản ở Biển Đông hôm 7/7/2020 - Reuters
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan được hộ tống bởi tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Shiloh và khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Halsey.
"Khi ở Biển Đông, nhóm tàu tấn công sẽ thực hiện các hoạt động an ninh trên biển bao gồm các hoạt động bay bằng máy bay chiến đấu và trực thăng, diễn tập tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt nước và không quân", thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
"Các hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông là một phần trong hoạt động hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", thông báo cho biết thêm.
Chuẩn đô đốc Will Pennington, chỉ huy nhóm tác chiến Ronald Reagan cho biết : "Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy thương mại tự do, thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ".
Mỹ và các quốc gia đồng minh thời gian qua đã gia tăng các hoạt động tuần tra và tập trận chung ở Biển Đông vào khi Trung Quốc liên tục thực hiện các hoạt động quân sự và gây hấn đối với các nước láng giềng ở vùng nước tranh chấp.
Hôi đầu tháng 6 vừa qua, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur của Mỹ và tàu khu trục lớp Anzac HMAS Ballarat của Australia đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 1 tuần trên Biển Đông.
Vào tháng hai năm nay, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ là USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cũng tiến hành diễn tập chung ở Biển Đông.
Những hoạt động của hải quân Mỹ và đồng minh ở Biển Đông thời gian qua đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh chỉ trích những hành động này là gây mất hoà bình và ổn định trong khu vực.
Tướng Việt Nam kêu gọi ‘kiềm chế’ giữa căng thẳng ở Biển Đông
VOA, 15/06/2021
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang kêu gọi có các hành động "kiềm chế" và "tránh làm phức tạp tình hình" trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông khi gặp mặt các bộ trưởng khối ASEAN và Trung Quốc hôm 15/6.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang, cùng các quan chức phía Việt Nam dự cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Trung Quốc qua hình thức trực tuyến từ Brunei hôm 15/6.
Ghi nhận về cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc qua hình thức trực tuyến do Brunei, chủ tịch luân phiên của khối các Quốc gia Đông Nam Á tổ chức,Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết Thượng tướng Giang, đồng thời là trưởng đoàn Việt Nam, đề nghị các bên tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin.
Cuộc họp diễn ra một ngày trước khi khối 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á gặp mặt với các bộ trưởng Quốc phòng của 8 nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Thượng tướng Giang được dẫn lời nói tại cuộc gặp không chính thức hôm 15/6 rằng phía Việt Nam đề nghị các bên "kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Trong một tuyên bố mà Singapore đưa ra sau cuộc gặp hôm 15/6 đượcNikkei Asia trích dẫn, các bộ trưởng của ASEAN nhấn mạnh "sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho việc sớm ký kết một COC hiệu quả và thực chất theo luật pháp quốc tế", hàm ý nói tới bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước thành viên ASEAN trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên. Tại một cuộc gặp của các ngoại trưởng vào tuần trước, ASEAN và Trung Quốc nhất trí xúc tiến việc nối lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, vốn đã bị tạm dừng do đại dịch virus corona.
Biển Đông cũng là một chủ đề chính trong các cuộc họp của các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trước đây. Tuyên bố mới được đưa ra hôm 15/6 nhắc lại rằng các quốc gia cam kết đối với "sự duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông)".
Các bộ trưởng cũng kêu gọi "tự kiềm chế trong các hành động" và thúc giục các bên "tránh các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tình hình", mà không nêu tên cụ thể nước nào, theo Nikkei Asia.
Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao trong những tuần gần đây giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc. Malaysia hồi đầu tháng nàyđưa chiến đấu cơ ra chặn 16 máy bay vận tải của Trung Quốc bay xuống Biển Đông mà nước này cho là có các "hoạt động đáng ngờ" gần không phận của họ. Trong khi đó Philippines trong thời gian quanhiều lần phản đối sự hiện diện "bất hợp pháp" và "đe doạ" của hàng trăm "dân quân hàng hải" Trung Quốc bên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Còn Việt Nam được cho là đã mở rộnglực lượng dân quân biển để tăng cường tự vệ trước các thách thức của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng không được các báo trong nước trích dẫn nói tại cuộc họp nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được TTXVN trích lời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN-Trung Quốc vì "hoà bình, ổn định khu vực" và "hưởng ứng việc thiết lập đường dây nóng giữa bộ trưởng của khối ASEAN và Trung Quốc.
Nguồn : VOA, 15/06/2021
**********************
Việt Nam đề nghị ‘giải pháp lâu dài’ về Biển Đông, Trung Quốc không đả động gì
VOA, 09/06/2021
Việt Nam vừa cho biết đã đề nghị với Trung Quốc về việc "tìm giải pháp cơ bản, lâu dài" cho vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 8/6. Tuy nhiên, nội dung này hoàn toàn không được đề cập đến trong bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gặp trên.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) gặp Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Trùng Khánh vào ngày 8/6/2021.
"Việt Nam đề nghị cùng Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 [Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển], phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông", báo Tuổi Trẻ đưa tin về nội dung của cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Me Kong – Lan Thương tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
Theo đó, hai bộ trưởng Việt – Trung cũng đồng ý duy trì trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tất cả các nội dung trên và những vấn đề về quan hệ song phương và quốc tế, khu vực mà cả hai cùng quan tâm đã được "trao đổi sâu rộng" và "trong một bầu không khí hữu nghị, chân thành", Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo chí dẫn lời nói.
Trong khi đó, bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi thông tin về cuộc họp hoàn toàn không đề cập đến các nội dung trên, mà chủ yếu chỉ nói đến việc thúc đẩy quan hệ Trung – Việt.
"Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chiến lược lẫn nhau, hợp tác thực chất sâu rộng theo phương hướng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định", bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, đồng thời thêm rằng "Đó là thuộc tính cơ bản và mục tiêu cốt lõi của quan hệ hai Đảng, hai nước nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, đẩy mạnh sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội".
Về phần mình, ông Bùi Thanh Sơn nói "Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là lựa chọn vững chắc và ưu tiên ngoại giao của mình", và Trung Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ sau Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. "Điều này thể hiện đầy đủ sự gần gũi và chiến lược của hai nước", vẫn theo trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngoài vấn đề Biển Đông, truyền thông Việt Nam cho biết ông Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam và sớm hoàn thành các dự án hợp tác còn vướng mắc.
Trong khi đó, phía Trung Quốc nói kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã vượt 70 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng cả năm trên 40%, "thể hiện đầy đủ tiềm năng hợp tác to lớn của kinh tế thương mại song phương và phản ánh quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước ở mức cao". Trung Quốc nói thêm rằng "sẵn sàng mở rộng hợp tác cảng biển với Việt Nam và nhập khẩu nhiều nông sản từ Việt Nam hơn" nhưng hai bên cần "khai thác triệt để các thế mạnh" và "thúc đẩy tiến độ trong việc xây dựng Vành đai, Con đường và các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới".
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19, đồng thời ủng hộ các doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất vắc xin.
Ông đề nghị hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước đi tiêm chủng ở hai quốc gia của nhau và tăng cường công tác phòng, chống chung ở biên giới chống lại đại dịch.
Nguồn : VOA, 09/06/2021
*********************
Việt Nam ‘chưa có thông tin’ về giàn khoan lớn nhất thế giới Trung Quốc sắp lắp đặt ở Biển Đông
VOA, 10/06/2021
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 10/6 nói "chưa có thông tin cụ thể" về việc Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới và chuẩn bị đưa ra khu vực mỏ Lăng Thủy, phía nam đảo Hải Nam, thuộc Biển Đông, nơi Việt Nam và nhiều quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
Hình ảnh giàn khoan "Biển sâu số 1" lớn nhất thế giới được tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng lên vào ngày 31/5/2021 và cho biết sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 6.
"Tuy nhiên, cần nhắc lại lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam : Các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng được báo chí dẫn lời nói khi được hỏi về thông tin về "giàn khoan lớn nhất thế giới" mà Trung Quốc chuẩn bị kéo ra Biển Đông.
Trước đó, tờ Thời Báo Hoàn Cầu hôm 30/5 đưa tin Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) nói đã lắp đặt xong các thiết bị lên giàn khoan có tên "Biển sâu số 1" vào ngày 29/5 và đây là giàn khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới, với trọng lượng 100.000 tấn.
CNOOC cho biết thêm rằng giàn sẽ được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy, ngoài khơi đảo Hải Nam, vào đầu tháng 6 và bắt đầu khai thác trong cùng tháng.
Khu vực Lăng Thủy gồm các lô dầu khí Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2, nằm cách đảo Hải Nam khoảng 150 km.
Từ tháng 6/2020, CNOOC đã tiến hành khoan giếng khai thác đầu tiên trong tổng số 11 giếng tại lô Lăng Thủy 17-2. Ước tính sau khi đi vào hoạt động, lô Lăng Thủy 17-2 sẽ cung cấp 1/4 khí đốt hàng năm cho vùng Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau, và sẽ trở thành một trung tâm năng lượng mới ở khu vực Biển Đông. Trong khi đó, riêng giàn khoan "Biển sâu số 1" được ước tính có thể khai thác đến 3 tỷ mét khối khí tự nhiên.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm 2014, gây ra vụ đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội về chủ quyền trong khu vực. Nếu so về kích thước, giàn khoan "Biển sâu số 1" lớn gấp 3 lần giàn khoan HD-981.
Việc đưa giàn khoan ra thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông là một trong những hoạt động được Trung Quốc thúc đẩy mạnh trong những năm qua nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trong khu vực biển tranh chấp.
Nguồn : VOA, 10/06/2021