Đã nhúng chàm liệu còn rửa được không ? (BBC, 12/10/2017)
Bài phát biểu của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 hôm thứ Tư có những điểm gây 'khó hiểu', theo một cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyên các đảng viên cộng sản Việt Nam 'tránh để tay nhúng chàm' và 'đi vào vết xe đổ'.
Bình luận về Hội nghị vừa kết thúc sau bảy ngày làm việc và đặc biệt về diễn văn bế mạc của ông Nguyễn Phú Trọng, hôm 12/10/2017, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC :
"Bài diễn văn đó cũng là một cách để khái quát hóa lại [Hội nghị], nhưng có một chữ mà tôi nghe tôi không hiểu chữ đó được hiểu như thế nào, tức là từ đây trở đi, những sai phạm thì phải xử lý. Từ đây trở đi là được hiểu thế nào ?
"Tức là những sai phạm mới à ? Từ đây trở đi, còn những sai phạm vừa qua, các ngày vừa qua thì thế nào ?"
Diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Trọng hôm thứ Tư có đoạn : "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và cùng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân...
"Cần khẳng định ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".
Luật sư Thuận bình luận tiếp : "Rồi tay đã lỡ nhúng chàm thì phải tự sửa, mà ở Việt Nam, theo tục ngữ Việt Nam, người ta đã dùng chữ nhúng chàm thì không sửa được, mà bây giờ đã nhúng chàm tự sửa được ? "
'Chưa thấy đả động đến'
Cũng trong diễn văn hôm 11/10, nhà lãnh đạo Việt Nam có đoạn nhắc nhở đảng viên của đảng cộng sản : "tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa".
Cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm đưa ra nhận xét tiếp với BBC :
"Cho nên cách nói như thế, tôi nghe trước đây có những vụ này, vụ kia, người ta cũng nói như thế, thì được hiểu rằng phải chăng là bất đầu mở ra là không đánh những vụ án vừa qua, những vụ đại án vừa qua liên quan đến những vụ ngân hàng này kia, không biết có mở rộng tiếp hay không hay là từ đây trở đi ?
"Thì chữ 'từ đây trở đi' tôi rất chú ý đến chữ đấy, không biết chữ đấy nội hàm như thế nào ? Đây là một cách nói, nhưng từ ngữ không rõ ràng, tôi hiểu là từ đây trở đi, thì những vụ phát sinh mới, còn những vụ cũ thì từ từ khép lại bớt hay sao ?"
Về các vụ đại án được Việt Nam đưa ra xét xử thời gian gần đây và liên quan các thông tin kỷ luật được đưa trước kỳ Hội nghị, Luật sư Thuận nhìn lại Hội nghị 6 và bình luận :
"Những vụ liên quan vụ đại án, lớn nhất là một vụ ngân hàng và một vụ đại án, liên quan đến những người bây giờ đang ở vị trí rất cao trong bộ máy của Đảng, thì chưa thấy đả động đến, đặt ra, người ta mong chờ như thế. Và cũng ngay cả vụ Ocean Bank, các luật sư cũng nêu ra cái thư mà ông Đinh La Thăng gửi cho các đơn vị thành viên, thì cũng không thấy đả động đến.
"Hay như nói một cách nào thì những vị trí mấu chốt đó, rõ ràng chưa thấy động đến.
"Cho nên cái người ta mong muốn là những người ở cấp cao đó liên quan đến các vụ án thì phải xử, đó cũng là trách nhiệm gây thiệt hại hàng vạn tỷ, để lại nợ xấu khổng lồ hàng triệu tỷ như thế, thì rõ ràng phải có trách nhiệm".
Và Luật sư Thuận nêu tiếp băn khoăn, thắc mắc của mình về việc này, ông nói :
"Nhưng không hiểu là cách xử làm sao ? Không biết là người ta có thủ thuật để làm giãn ra đến [Hội nghị] Trung ương 7 thì xử tiếp, hay là giữa, từ Hội nghị Trung ươn 6 đến Trung ương 7, người ta sẽ tiếp tục làm các vụ án cụ thể hơn, thuyết phục hơn ?
"Cho nên tôi cũng thường nói là những người nhóm lợi ích có một tỷ lệ khá lớn, mà phải nói trên 50% là trong Đại hội và trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, bỏ phiếu họ mới chúng cử, như vậy đại diện cho khối đó, khối đó bây giờ như thế nào ?
"Và ai chi phối khối lớn bầu cho, tạm gọi như là, 'chiến hữu của Đồng chí X' mà người ta gọi là nhóm lợi ích ?
"Bây giờ họ vẫn còn đó, như vậy khối đó bây giờ như thế nào, không thấy ai phân tích, đánh giá cho rõ", Luật sư Trần Quốc Thuận nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
******************
‘Nhất thể hóa’ lãnh đạo ở Việt Nam mới chỉ là ‘thử nghiệm’ (Người Việt, 12/10/2017)
Trong bài phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung Ương 6 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng do báo Việt Nam đăng toàn văn, không thấy nhắc đến khái niệm "nhất thể hóa". Tuy vậy, người ta thấy ông nói đến việc "thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân ; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện".
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang (phải) là hai trong "tứ trụ" của hệ thống chính trị Việt Nam. (Hình : Báo điện tử Kiến Thức)
Tức là, nếu áp dụng "nhất thể hóa" thì ở mỗi xã, mỗi huyện sẽ chỉ có một chức danh lãnh đạo duy nhất, thay vì có từ 2 đến 3 lãnh đạo như hiện nay.
Trước đó, một số báo trong nước đã rục rịch đăng chuyện áp dụng mô hình "nhất thể hóa" tại các địa phương. Báo Lao Động hôm 6 Tháng Mười đăng bài "Nhất thể hóa các chức danh tại Quảng Ninh : Giảm chi, gọn nhẹ, tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy".
Bài báo có đoạn : "Quảng Ninh là tỉnh đi tiên phong trong việc ‘nhất thể hóa’ một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện, đồng thời sáp nhập một số phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, trong đó nổi bật lên mô hình ‘nhất thể hóa’ bí thư kiêm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện ở Cô Tô, Tiên Yên".
"Theo ông Vũ Ngọc Giao, trưởng ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Quảng Ninh, đến nay chưa có đánh giá chính thức về vấn đề trên, nhưng qua thực hiện cho thấy, ngoài việc tiết kiệm chi tiêu, còn tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, bởi có khá nhiều cơ quan ở bên chính quyền và bên đảng có những chức năng, nhiệm vụ giống nhau", theo báo Lao Động.
Việc truyền thông trong nước đưa tin "nhất thể hóa" tại các địa phương cũng dấy lên suy đoán rằng Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chỉ dấu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Hôm 12 Tháng Mười, Luật Gia Nguyễn Đình Hà, người từng tự ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2016, viết : "Muốn ‘nhất thể hóa’ hai chức bí thư và chủ tịch huyện/xã thì phải sửa luật, chứ không phải đảng bảo thế mà làm được ngay. Chủ tịch huyện/xã do Hội Đồng Nhân Dân cùng cấp bầu ra, chứ bí thư là bí thư của đảng, do đảng tự bầu ra, dân không bầu ra bí thư. Do vậy, về cơ bản, muốn ‘nhất thể hóa’ thì phải sửa đổi chí ít hai luật – bầu cử và tổ chức chính quyền địa phương. Nhưng, xét đi xét lại, nếu bí thư ngồi vào ghế chủ tịch huyện/xã rồi, thì cần gì bầu bán chủ tịch trong phiên họp đầu, kỳ họp đầu mỗi khóa Hội Đồng Nhân Dân ? Làm gì còn cạnh tranh ? Và liệu có còn dân chủ ở cơ sở, dù chỉ hình thức ? Hay chỉ còn dân chủ trong đảng ?"
Ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội : "Nhất thể hóa các chức danh giữa đảng và nhà nước trong bối cảnh này thì sẽ chỉ giúp tăng thêm mức độ toàn trị. Từ trước tới nay chúng ta đã phải nỗ lực giải thích cho người dân rằng đảng là đảng mà nhà nước là nhà nước. Không thể đánh đồng lẫn lộn được. Nếu ông làm cho đảng thì ông chỉ được lo việc đảng, còn đã làm cho nhà nước thì phải phụng sự ý nguyện của người dân. Tổng bí thư của đảng mà lên giọng đe nạt dân chúng thì là mất dạy, còn chủ tịch nước mà phục tùng đảng hơn là phục tùng nhân dân thì đó là ăn cháo đá bát".
Ông Sơn viết thêm : "Ngân sách dành cho hoạt động của đảng phải đến từ sự đóng góp của các đảng viên, cấm được động vào tiền thuế của dân. Nếu muốn hợp nhất đảng và nhà nước, thì chỉ còn một cách, đó là phải đa đảng và tổ chức tổng tuyển cử tự do !"
Nhà Hoạt Động Nguyễn Thị Bích Ngà bình luận trên Facebook : "Cái gì tới thì nó phải tới. Trước đây, đảng còn giấu giấu giếm diếm quyền lực thống trị lãnh đạo bao trùm bằng cách lập ra hai cơ quan : đảng và chính quyền, mị dân bằng cách lập ra Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân các cấp. Từng bước, đảng đưa Điều 4 vô Hiến Pháp, thấy dân không phản ứng gì cho lắm, đảng tiếp tục thâu tóm quân đội bằng chỉ thị, "trung với đảng", thấy dân cũng chưa phản đối nhiều, đảng túm luôn công an, "thanh gươm lá chắn của đảng, còn đảng còn mình", thấy dân vẫn nhậu tưng bừng, đảng quất luôn phát chót, "nhất thể hóa" công khai quyền lực tối thượng, tập trung một cách "chính đáng" dưới chiêu bài, "tinh giản bộ máy biên chế và dễ quy trách nhiệm !"
"…Để không bị cho là độc tài toàn trị, đảng đã lập ra chính phủ, Quốc hội là cái bánh vẽ cho dân ăn. Nay, thực hiện ‘nhất thể hóa’ là đảng công khai xóa bỏ cái bánh vẽ vì thấy đã thành công trong việc triệt tiêu sự phản kháng của người dân. Đảng có làm gì thì dân vẫn cứ im và chịu".
Bà Ngà phân tích : "Quyền lực sinh ra lạm dụng, lạm quyền, và nay nó được công khai hỗ trợ thêm quyền lực tập trung, vai trò giám sát giả vờ cũng đã bị vứt toẹt vào thùng rác. Điều đó thể hiện gì ? Sự khinh nhờn dân đã đến mức tuyệt đối. Đâu là đảng đâu là nhà nước ? Gộp một. Trước nay, nhìn thấy bản chất che đậy qua cái bánh vẽ nên tôi không phân biệt chính quyền với đảng, tôi luôn gộp một. Có không ít người phản biện, cho rằng đảng và chính quyền là hai cơ quan khác nhau, không thể gộp một. Vâng, ở nước khác nó thế, ở đây đảng và chính quyền là một". (T.K)
********************
Nhà báo ở Việt Nam kêu gọi dẹp ‘Thanh Tra Chính Phủ’ (Người Việt, 12/10/2017)
Báo Pháp Luật đưa tin Tổng Thanh Tra Chính Phủ cộng sản Việt Nam ông Phan Văn Sáu "sắp được (Quốc hội) xem xét miễn nhiệm" và "theo nguồn tin của phóng viên (báo này), ông Sáu sẽ nhận nhiệm vụ mới, đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh phía Nam".
Ông Phan Văn Sáu. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)
Phóng viên Nguyễn Dũng của báo Tiền Phong dẫn link bài về ông Sáu và giải thích trên Facebook : "Miễn nhiệm khác bãi nhiệm chỗ nào ? Miễn nhiệm được tặng hoa, bãi nhiệm thì không có gì".
Cùng thời điểm, facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách "Bên Thắng Cuộc" và là người am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam, viết rõ hơn : Ông Phan Văn Sáu "coi như được phân công" về làm bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng thay cho ông Nguyễn Văn Thể (chuyển sang làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải).
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên viết trên mạng xã hội : "Có lẽ cùng với việc dẹp các Ban Chỉ Đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ bởi chúng ăn không ngồi rồi, thêm mâm thêm bát vớ vẩn, là ổ nảy sinh ra bao nhiêu vụ tham nhũng, thì cũng nên dẹp ngay cái gọi là cơ quan Thanh Tra Chính Phủ (tương đương cấp bộ). Lý do, qua bốn đời trùm liên tiếp là các ông Quách Lê Thanh, Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh và Phan Văn Sáu, ông nào cũng lấm bê bết, còn thanh cha thanh mẹ được gì. Ối giời, "chân mình đã lấm bê bê/lại cầm bó đuốc đi rê chân người".
Một post khác cũng của ông Thông hồi tháng trước viết : "Này, tôi bảo thật ông Tổng Bí Thư (Nguyễn Phú) Trọng, nếu thiếu củi tươi đưa vào lò, chả cần kiếm rừng này núi nọ đâu xa, chọn ngay trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra của trung ương (ví dụ Thanh Tra Chính Phủ, và lực lượng thanh tra của các bộ ngành) thì có mà vô thiên khênh. Chả cháy rừng rực ấy chứ lị. Làm đi, nói mãi rác tai".
Tin về ông Sáu sắp được Quốc hội miễn nhiệm được công bố trong bối cảnh website của Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) ghi nhận phát ngôn của ông Nguyễn Quốc Dũng, ủy viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, giám đốc Học Viện Chính Trị khu vực IV, Học Viện Chính Trị Quốc Gia HCM : "Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau. Ví dụ như Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương có thể sáp nhập với Thanh Tra Chính Phủ ; Ban Tổ Chức Trung Ương có thể nhập với Bộ Nội Vụ ; Bộ Kế Hoạch Đầu Tư có thể gắn với Bộ Tài Chính".
Trên lý thuyết, Thanh Tra Chính Phủ được mô tả là cơ quan ngang bộ của chính phủ cộng sản Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, trên thực tế, các phát ngôn và hành động của lãnh đạo cơ quan này thường khiến công luận tranh cãi. Hồi Tháng Chín, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Đặng Công Huẩn nói trong 1.1 triệu cán bộ kê khai tài sản năm 2016, chỉ có ba người "thiếu trung thực".
Hồi Tháng Tám, Luật Sư Trần Vũ Hải dẫn link bài về việc Thanh Tra Chính Phủ tiếp tục lùi lịch công bố kết luận vụ "biệt phủ" Yên Bái (của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái) đến lần thứ 5 và bình luận : "Mấy cha thanh tra này về vườn đi. Việc bé bằng móng tay, vài ngày là xong, sao vẫn ‘cù cưa’ ? Thanh tra về kê khai tài sản của cấp giám đốc sở còn lâu thế, thanh tra cấp ủy viên trung ương, bộ trưởng chắc hết… nhiệm kỳ vẫn chưa xong, nên tốt nhất là không thanh tra !" (T.K)
*****************
Ông Nguyễn Phú Trọng có chỉnh đốn nổi Đảng ? (BBC, 11/10/2017)
Hàng triệu đảng viên cộng sản ở Việt Nam vẫn thờ ơ, bàng quan trước công cuộc chống tham nhũng, bất kể ông Nguyễn Phú Trọng 'tả xung hữu đột', một nhà quan sát từ Thành phố HCM bình luận tin Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc.
Nếu công cuộc chống tham nhũng thất bại thì vị thế chính trị của ông Trọng cũng bị ảnh hưởng, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với chương trình thảo luận của BBC Tiếng Việt chiều 11/10/2017.
Tham gia thảo luận trên Kênh YouTube của BBC Tiếng Việt, ông Phạm Chí Dũng bình luận về sự so sánh hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, giống như cặp bài trùng Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tại Trung Quốc, dùng chiến dịch chống tham nhũng để giải quyết các vấn đề nhân sự.
Tuy thế, ông Phạm Chí Dũng nói so sánh riêng ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng.
Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có '5 quan chức kê khai tài sản sai' trên cả triệu người phải khai, theo ông Phạm Chí Dũng.
Nhất thể hóa thế nào ?
Hai khách mời cũng nói về ý tưởng 'nhất thể hóa' vị trí Đảng và chính quyền ở cấp huyện và xã mà Tổng bí thư Trọng nêu ra trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương6.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, Tổng bí thư Trọng nói sẽ "cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân", ở cấp xã và huyện.
Đây là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ "tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao".
Tuy nhiên, vấn đề chưa rõ là việc nhất thể hóa sau đó có được áp dụng ở các cấp cao hơn, thậm chí cao nhất trong bộ máy hay không.
Nay ông Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi :
"Nếu nhất thể hóa tới mà ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước thì ông Trần Đại Quang đi đâu ? Hoặc nếu ông Trần Đại Quang làm Tổng Bí thư Đảng thì ông Trọng đi đâu ?"
Vì thế, ông Dũng nói, "điều này chưa thể diễn ra bây giờ trong Đại hội 12 mà phải chờ Đại hội 13, nếu có Đại hội 13".
Còn blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói rằng có khả năng 'nhất thể hóa' sẽ diễn ra ở các cấp huyện xã, rồi đô thị lớn, sau đó mới lên trung ương.
Ông Nhất cũng nói rằng trước Hội nghị Trung ương 6 có ý kiến mong đợi bầu thêm vào Bộ Chính trị nhưng hóa ra tại Hội nghị này là bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
"Đây là một điều ngạc nhiên", ông Trương Duy Nhất nói.
Các nhân vật đang lên
Ông Trần Quốc Vượng (bìa trái) thay ông Đinh Thế Huynh (Thường trực Ban Bí thư, bìa phải) ở vị trí có tên hơi khác là 'thành viên thường trực Ban Bí thư'
Hai vị khách cũng bình luận về vai trò tăng lên của ông Trần Quốc Vượng, và ông Phạm Minh Chính.
Trong tuần này, có ý kiến trên báo chí chính thống ở Việt Nam nói trích lời một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.
Ông Trần Quốc Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Còn Trưởng Ban Tổ chức Trưng ương Phạm Minh Chính cũng xuất hiện trong lễ trao chức Bí thư Đà Nẵng cho ông Trương Quang Nghĩa, người thay ông Nguyễn Xuân Anh.
"Nhân vật Phạm Minh Chính cũng là nhân vật nặng ký trong cuộc đua vào chức vụ cao nhất sau này", theo đánh giá của ông Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng.
Dư luận nghĩ gì ?
Trên trang Facebook và YouTube của BBC Tiếng Việt đã có nhiều ý kiến về chủ đề này, cho thấy sự quan tâm của dư luận.
Van Ha viết :
"Các vị bình luận cứ bảo chống tham nhũng chỉ là chiêu bài, thực chất là các phe nhóm "đánh nhau" để tranh giành quyền lực. Vậy nếu có thể thật mà nhóm thắng thế toàn tâm toàn lực vì đất nước để đưa đất nước đi lên chẳng lẽ không tốt sao ?"
Còn bạn Van Jang viết :
"Nhìn quá khứ để biết tương lai. Sợ rằng giang sơn dễ dời bản tính khó thay. Bản chất xấu đã xấu thì vào tù cải tạo thế nào cũng không thể thay đổi được. Lev Tolstoi từng nói, cái xấu không tự nó thay đổi được. Một người lười nhác ăn cắp ham rượu chè thì khó bỏ lắm..".
Còn bạn Sang Dang thì viết, "dân mất lòng tin vào chế độ, vào đảng lâu, lâu lắm rồi".
Cũng trên Facebook, Thương Vũ đặt câu hỏi, "Nói thật giờ ông có nói hay cỡ nào cũng chẳng mấy ai quan tâm, nếu ông không muốn đa Đảng, sợ mất quyền mà làm tin được ông thử cơ cấu chính quyền 5-5 xem sao, nghĩa là 5 người do Đảng cử, là đảng viên, còn 5 người do dân cử (không phải là đảng viên), Chủ tịch là người của đảng thì phó Chủ tịch là người không Đảng ?
Tóm lại phải có đối trọng để giám sát lẫn nhau, nâng cao dân chủ một bước để chống tham nhũng bè phái... còn không thì vẫn cứ là bình cũ rượu mới..".
**********************
Thường vụ Quốc hội họp ngay sau Hội nghị Trung ương6 (RFA, 12/10/2017)
Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Việt Nam nhóm họp ngay sau khi Hội Nghị Trung ương 6 bế mạc. Tại ngày họp 12 tháng 10, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Việt Nam nói tất cả 13 mục tiêu đề ra đều đạt ; trong đó tăng trưởng GDP cả năm 2017 của Việt Nam ước tính đạt 6,7%.
Các container nằm tại cảng Đà Nẵng, ngày 16 tháng 6 năm 2017. (Ảnh minh họa) - AFP
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2017 quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương 225 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là khoảng 2.400 USD.
Chính phủ dự kiến năm 2018, GDP tăng từ 6,5 đến 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây Việt Nam đạt 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu trước đó rất khó đạt được như tổng mức đầu tư xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi,…
Tuy nhiên ông Lưu cũng chỉ ra một số vấn đề như nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự tính. Trong đó, nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh nhất, cụ thể giảm 7,7%.
Cũng tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho biết mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 đáng ghi nhận, nhưng họ băn khoăn về chất lượng của sự tăng trưởng này.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói rằng tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam dựa vào các doanh nghiệp FDI lớn như Sam Sung, Formosa.
Theo ông Bình thì doanh số của Samsung năm nay cao vượt trội, khoảng 55 tỷ USD. Nhưng ông cho rằng đây là một doanh nghiệp nước ngoài nên phải phân tích rõ các chỉ số kinh tế, ngân sách mà tăng trưởng tạo ra.
Còn Formosa là thủ phạm từng gây ra thảm họa môi trường cho các tỉnh khu vực miền Trung khi xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển khiến cá, hải sản chết hàng loạt từ đầu tháng 6 năm ngoái.
Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ông Nguyễn Văn Giàu đưa ra vấn đề là kinh tế Việt Nam phát triển nhưng GDP đầu người vẫn thấp hơn Lào. Trong khi đó, nhiều ý kiến chỉ ra rằng thiên tai đang ảnh hưởng đến nông nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, quỹ bảo hiểm có nguy cơ vỡ,…
********************
Ông Trọng nhắc đảng viên 'tránh đi vào vết xe đổ' (BBC, 11/10/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng loan báo Đảng Cộng sản sẽ cho phép thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở "những nơi có đủ điều kiện".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa xây dựng cơ chế 'công khai, minh bạch'
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam nói thêm "cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân".
Đây được xem là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ "tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao".
"Còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn".
Cụ thể về mặt tổ chức, ông cho biết :
- Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
- Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
- Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ.
- Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước.
- Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân ; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.
- Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành.
- Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm.
- Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
Ông Trọng hứa hẹn : "Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị".
Ông cũng không quên nhấn mạnh : "Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị".
Chính trị Việt Nam chứng kiến khá nhiều biến cố nhân sự từ sau Đại hội 12
'Tăng cường kỷ cương'
Phát biểu bế mạc hội nghị quan trọng của đảng, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi :
-Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh.
- Khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
- Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn.
- Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo vị Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương "nhất trí" cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội "tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực".
'Bài học đau xót'
Ông Nguyễn Phú Trọng dành một phần diễn văn để nhắc lại quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
"Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta".
Ông Trọng nhắc nhở đảng viên "tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa)".
Ông lại cam kết : "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân".
Bài diễn văn có đoạn : "Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".
Sau 7 ngày gọi là "làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm", Hội nghị trung ương 6, Khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc ngày 11/10 (2017) tại Hà Nội nhưng không đưa ra được quyết định nào để chặn đứng tệ nạn lấy tiền dân tiêu hoang và cho về vườn hàng chục ngàn cán bộ, viên chức chỉ biết sớm vác ô đi, chiều vác về và đến trưa thì gọi nhau đi nhậu mút mùa.
Trong Diễn văn bế mạc nghe qua thì đao to búa lớn nhưng toàn chuyện chỉ tay 5 ngón ra lệnh của Lãnh đạo dành cho cấp dưới
Lý do vì những điều Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong Diễn văn bế mạc nghe qua thì đao to búa lớn nhưng toàn chuyện chỉ tay 5 ngón ra lệnh của Lãnh đạo dành cho cấp dưới.
Chẳng hạn như khi ông Trọng liệt kê mà không có con số chứng minh hay biện pháp giải quyết như : "Nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao. Nợ xấu ngân hàng còn lớn ; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu chưa căn bản và triệt để. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm. Nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát. Trật tự an toàn, tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn. Quản lý báo chí, thông tin truyền thông, nhất là các mạng xã hội còn nhiều bất cập".
Đúng ra là ông Trọng phải cho dân biết "khó khăn, thách thức" vì đảng và nhà nước không biết làm sao mà thoát được cảnh làm công cho nước ngoài, và hàng hóa do Việt Nam sản xuất là của các Cộng ty Nam Hàn, Tân Gia Ba, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản v.v…
Nợ ngập đầu
Về việc "thâm hụt ngân sách" thì tại cuộc họp báo chiều 11/10, Bộ Tài chính đã cho cả nước biết : "Bội chi ngân sách trung ương khoảng 69% dự toán.
Cụ thể, về thu ngân sách, lũy kế thu 9 tháng qua đạt 843.000 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Còn chi ngân sách 9 tháng đạt 904.600 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016" (theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV–Voice of Vietnam).
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhà nước đã bội chi 61.600 tỷ đồng hơn số thu.
Về nợ công thì Bộ trưởng tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội tháng 11/2016 rằng : "Năm 2001 n
Ông Dũng nói với báo chí trong nước lý do tăng vì mức "tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch", nhưng chính phủ vẫn tiêu pha thả dàn thì thâm hụt ngân sách phải xẩy ra là điều dễ hiểu.
Báo điện tử Trithuc.vn tiết lộ trong bài viết ngày 15/02/2017 rằng : "Giai đoạn 2006 -2016, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP tăng từ mức 0,99% lên đến 8,24%.Theo số liệu được công bố chính thức của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng bình quân 18,5%/năm, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2015, nợ công tăng gấp 2,3 lần năm 2010 ; gấp 7,6 lần năm 2005 và 14,8 lần năm 2001. Cách đây 15 năm, nợ công chỉ chiếm 36,5% GDP và hiện đã chiếm gần 65% GDP. Chính phủ đã phải áp dụng phương pháp vay đảo nợ để có nguồn tiền trả nợ công : năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng, con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng, và năm2016 tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng".
Theo Cafef.vn (Doanh Nghiệp) thì tính đến giữa năm 2017, số tiền nợ công của Việt Nam vào lối 94,85 tỷ USD, bình quân mỗi người Việt Nam phải gánh chịu 1.039 USD.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã cảnh giác Việt Nam phải rà soát lại chi tiêu và kiểm soát nợ công, nếu không nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Cơ quan này dự đóan năm 2018 mức nợ công của Việt Nam sẽ vượt qua mức giới hạn 65 % mà chính phủ cho phép.
Theo các con số thống kê do Bộ Tài chính của Việt Nam nêu ra, nợ công của Việt Nam tăng cao đến chóng mặt năm 2016 chiếm 63,7% GDP. Năm 2017 dự trù lên đến "đỉnh" là 64,8% GDP rồi sau đó nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2018 (bằng 64,7% GDP), năm 2020 bằng 63,7% GDP.
Nhưng đó chỉ là "dự đoán" của các viên chức tài chính Việt Nam mà thôi. Số nợ công thật của Việt Nam là bao nhiêu không ai biết vì Chính phủ Việt Nam không cộng các khoản nợ cao như núi của khối doanh nghiệp nhà nước khi báo cáo với Quốc hội.
Một bài viết trên báo VietnamNet ngày 23/10/2016 chạy tít lớn "Khối nợ khổng lồ 1,5 triệu tỷ của doanh nghiệp nhà nước", đã trích Báo cáo của Chính phủ với Quốc hội cho thấy toàn năm 2015 : "Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần.
Nhưng vẫn còn tới trường hợp cá biệt khi có tới 25 doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần".
Báo cáo liệt kê các doanh nghiệp nhà nước mắc nợ khủng gồm : "Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin (32,84 lần). Các doanh nghiệp như Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty 36 (15,41 lần) ; Tổng công ty Cơ khí xây dựng có nợ trên vôn chủ sở hữu tới hơn 10 lần".
VietnamNet viết tiếp : "Báo cáo của Chính phủ lưu ý, việc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vốn lớn, vượt quá mức khống chế theo quy định (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp nhà nước có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (134.014 tỷ đồng) ; Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (42.743 tỷ đồng) ; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (29.997 tỷ đồng) ; Tập đoàn Viettel (16.313 tỷ đồng) ; Vinalines (14.734 tỷ đồng)...
Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước là 348.189 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay dài hạn với số tiền là gần 310.000 tỷ đồng".
Trong số các "ông lớn" nợ nhiều nhưng khó đòi có : "Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có số nợ phải thu khó đòi lớn nhất với 6.787 tỷ đồng ; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 1.455 tỷ đồng ; Tập đoàn Viễn thông quân đội 972 tỷ đồng".
Cha chung không ai khóc
Thảm họa của các khoản nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là được chính phủ bảo lãnh nên nếu đến thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp này không trả nổi thì chính phủ phải in tiền ra, hay lấy ngoại tệ dự trữ để trả nợ thay. Đó là một trong những lý do khiến người dân phải cong lưng xuống mà lao động cho nhà nước phí phạm vô trách nhiệm.
Ngoài ra, theo Chuyên gia Kinh tế Bà Phạm Chi Lan thì đảng còn phí phạm tiền dân trong các chi tiêu chỉ để cho những kẻ phục vụ đảng được hưởng lợi.
Bà tiết lộ : "Theo Dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,435 tỉ đồng) ; trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng) ; trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (158,685 tỉ đồng) ; Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng) ; Hội cựu chiến binh Việt Nam (80,830 tỉ đồng) ; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng". (theo tin gốc của ViệtTimes được VietnamNet đăng lại ngày 09/06/2016).
Những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi quy tụ các tổ chức chính trị-xã hội là cơ quan ngoại vi của đảng làm việc giúp dân thì ít nhưng phục vụ đảng là chính mà lại được đảng nuôi ăn thì có cách ăn cắp tiền dân nào tinh vi hơn ? Việc này cũng được áp dụng cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức đào tạo lớp cán bộ trẻ kế thừa cho đảng cầm quyền thì dân được lợi gì ?
Vậy mà, trong Diễn văn bế mạc Hội nghị 6, ông Trọng chỉ biết hô hoán bâng quơ : "Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản".
Nói thế và nói cho bùi tai thì chả cần phải leo lên tới Tổng bí thư. Cứ nói rồi bỏ đấy như đánh trống bỏ dùi thì anh lái xe ôm hay chị bán cá cũng làm được.
Chả thấy ông Trọng và Ban Chấp hành trung ương đề ra giải pháp nào để giải quyết thì có phí phạm tiền dân trong 7 ngày họp không ?
Sự lãng phí này cũng bao hàm cả chuyện ông Tổng bí thư hô hào và phô trương kế hoạch gọi là "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".
Ông nói : "Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị ; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông ; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển ; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia ; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương ; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ; không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ. Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức bên trong của từng cơ quan, đơn vị".
Nghe thì khẩn trương đấy nhưng không thấy ông vẽ ra đường đi nuớc bước phải làm sao để vừa "tinh giản biên chế " , hay giảm số cán bộ, viên chức dư thừa, cùng lúc với việc "cải cách tiền lương" khi nhà nước đang phải lo giảm chi tăng thu để trả nợ ?
Ngoài ra ông Trọng cũng cần phải biết rằng, sau 7 năm cầm quyền, ông đã để cho hệ thống cai trị phình to ra năm sau lớn hơn năm trước với lũ con ông cháu cha kéo nhau chui vào đảng và nhà nước để ăn hại tiền của dân. Cũng từ khi ông lên chức Tổng bí thư, Khóa XI năm 2011, quốc nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền và mua bằng bán ghế đã được dịp trăm hoa đua nở khắp làng khắp xóm từ trung ương xuống cơ sở.
Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan đã báo động đỏ : "Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy… Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy" (theo tin gốc của ViệtTimes được VietnamNet đăng lại ngày 09/06/2016).
Bây giờ 7 năm sau, ông Trọng lại hô hào : "Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hoá, thực hành dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế".
Toàn là bản cũ soạn lại, nghe hoài phát chán. Thế mà Bác Trọng vẫn hô to như vòi nước máy rằng : "Để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh ; khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Tất cả những vị này đều khuyến cáo ông Trọng phải đổi mới chính trị để tạo đoàn kết toàn dân bảo vệ đất nước, nếu không sẽ khó thoát khỏi nanh vuốt của Bắc Kinh lúc nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống Việt Nam.
Vì vậy, khi nghe ông nói tại buổi bề mạc (11/10/2017) rằng : "Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả" thì không hiểu ông có biết rằng dân đã xa đảng và rất nhiều cán bộ, đảng viên cũng chẳng còn "máu thịt gì với dân" từ lâu rồi.
Vì nếu còn cái thời đảng tự khoe "cán bộ đi trước, làng nước theo sau" thì làm gì mà dân Việt Nam phải tủi nhục để thấy hình ảnh ngư dân Việt Nam phải chắp tay, qùy gối trước lính Tầu hung hãn bắn giết và hành hạ ở Biển Đông ?
Nếu ông không tin dân đã chán đảng và chủ nghĩa ngoại lai cộng sản đến tận mang tai thì cứ can đảm tổ chức trưng cầu ý dân có Quốc tế kiểm soát minh bạch để xem có bao nhiêu phần trăm trong số 92 triệu người dân còn muốn ông và chế độ tồn tại ?
Phạm Trần
(11/10/2017)
Sự hiện diện của hai chuyên đề "dân số" và "chăm sóc sức khỏe nhân dân" trong nghị trình Hội nghị trung ương 6 có thể cho thấy quyết tâm lẫn không khí "chống tham nhũng" tại kỳ họp kéo dài cả tuần lễ này bị pha loãng đến thế nào.
Ông Nguyễn Phú Trọng "chùn tay" tại Hội nghị trung ương 6 ?
Đinh La Thăng "tạm thoát" ?
Sát thời điểm khai mạc Hội nghị trung ương 6 vào ngày 4/10/2017, không có một thông tin chính thức nào về "hổ Đinh La Thăng", trong khi nhân vật được "nhốt chung quyền lực vào lồng" cùng với ông Thăng là Nguyễn Văn Bình - Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương - còn được dẫn đầu một phái đoàn sang Cộng hòa liên bang Nga với mục đích và nội dung làm việc rất mông lung.
Đinh La Thăng có thể được xem là "tạm thoát".
Thay cho những cái tên Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình, có vẻ chiến dịch nhằm tạo ra một sự đảo lộn lớn về nhân sự cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ gói gọn ở cái tên nhỏ bé : Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Đinh La Thăng, cũng bởi thế, có thể được xem là "tạm thoát".
Những chi tiết có thể tạo ra ấn tượng là chỉ trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, nhân vật này đã bị một cấp nào đó bật đèn xanh để luật sư của Nguyễn Xuân Sơn - người vừa lãnh án tử hình trong vụ án Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương - tung ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PViệt Nam) về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương.
Kết thúc phiên tòa xử Hà Văn Thắm, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của PViệt Nam vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Báo chí nhà nước đã ồn ào đưa tin về vụ việc này, thậm chí một số tờ báo đã bắt đầu đụng chạm đến cái tên Đinh La Thăng theo quan điểm được bật đèn xanh về "không có vùng cấm".
"Không có Đinh La Thăng" tại Hội nghị trung ương 6 lại có thể khiến Huy Đức - một blogger và là người tung ra nhiều nhất các bài viết công kích, lên án những dấu hiệu tham nhũng của ông Thăng - rất không thỏa mãn khi cho tới giờ Đinh La Thăng vẫn chưa bị cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố.
Còn ông Nguyễn Phú Trọng đang tính toán gì với trường hợp Đinh La Thăng ? Phải chăng ông Trọng muốn "để dành" Đinh La Thăng cho sau này, cho Hội nghị trung ương 7 ?
Hay Tổng bí thư Trọng không đủ lực để "xử" Đinh La Thăng, dù ông Trọng đã thành công khá trọn vẹn trong chiến dịch "đẩy" Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 ?
Khối đối thủ không ngang tầm
Giả thiết "không đủ lực" là có thể có cơ sở. Từ đầu năm 2017 đến nay, và đặc biệt từ sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", vị thế chính trị của Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là không còn đối thủ ngang tầm, cũng như hàng loạt vụ bắt bớ giới đại gia ngân hàng và dầu khí được đẩy mạnh hơn hẳn thời gian trước khi "Thanh về". Tuy thế, thái độ chậm chạp truyền thống của các cơ quan thanh tra và điều tra vẫn có thể là một rào cản lớn đối với những chỉ đạo của tổng bí thư trong các vụ án đã được "quy hoạch", dù ông Trọng đã có thâm niên đến một năm trời trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương, tính từ thời điểm tháng 10/2016. Đơn cử như vụ "MobiFone mua AVG" mà cho tới nay, bất chấp chỉ đạo của ông Trọng, bản kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ vẫn chưa được công bố.
Nhưng những đối thủ chính trị hiện thời của ông Trọng - tuy không ngang tầm nhưng lại chiếm số đông - chắc chắn đã không thể bỏ qua vụ việc biệt phủ của giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái là Phạm Sỹ Quý, khi cho tới nay cũng chưa được Thanh tra chính phủ công bố kết luận, cho dù vụ việc này gây phẫn nộ lớn trong cả nước.
Cũng còn những cái tên khác như Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh và là một trong những "tội phạm" tiếp tay cho nhà máy Formosa gây ra nạn ô nhiễm khủng khiếp đối với biển ở 4 tỉnh miền Trung, và Nguyễn Thị Kim Tiến - nhân vật có biệt danh "Kim Tiêm" mà từ năm 2014 đến nay, đặc biệt với vụ dính líu trách nhiệm để cho Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả mà đã gây oán thán lẫn phẫn nộ ghê gớm từ dư luận xã hội. Cả hai cái tên này đều chưa bị hề hấn gì. Còn trên phương diện nội bộ, hậu quả tai hại đối với Tổng bí thư Trọng là nhiều dư luận cho rằng sở dĩ những vụ việc Phạm Sỹ Quý, Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn còn trong vòng an toàn là do được tổng bí thư "bảo bọc".
Có thể, sự châm chích của các đối thủ chính trị không ngang tầm về những vụ việc trên đã khiến ông Trọng chùn tay trước Đinh La Thăng.
Điều được gọi là "thành công" của ông Trọng tại Hội nghị trung ương 6 cũng bởi thế không hẳn trọn vẹn là "rửa mặt cho Hội nghị 6".
"Rửa mặt" không trọn vẹn
Cách đây đúng 5 năm, cũng vào tháng Mười năm 2012, đã diễn ra một hội nghị trung ương cũng với số thứ tự là 6 - một rạn vỡ công khai đầu tiên trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam. Tại hội nghị đó, liên minh Nguyễn Phú Trọng- Trương Tấn Sang nhằm kỷ luật "đồng chí X" rốt cuộc đã bị đến 2/3 Ban chấp hành trung ương phủ quyết. Cũng tại hội nghị trung ương đó, lần đầu tiên ông Trọng không cầm nổi nước mắt khi đọc bài phát biểu bế mạc hội nghị. Nỗi đau quá lớn…
Năm năm sau, Nguyễn Phú Trọng phần nào hả hê, bắt đầu từ vụ cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng : cách chức như thế đã đủ đau chưa ?
2017 có thể được xem là năm "thắng lợi lần 2" của Nguyễn Phú Trọng, sau "thắng lợi lần 1" tại đại hội 12 vào đầu năm 2016 khi ông Trọng đạt được kỳ tích "bất cứ ai trừ Dũng".
Nếu Hội nghị trung ương 5 vào năm 2017 mang dấu ấn loại được Đinh La Thăng - người được đồn đoán "thân" với Nguyễn Tấn Dũng, thì Hội nghị trung ương 6 cùng năm cũng cho ra rìa một ủy viên trung ương là Nguyễn Xuân Anh - người được đồn đoán là "thân" với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước.
Sau những "thành tích" đó, còn lại là "đổi mới chính trị" của Hội nghị trung ương 6.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Trọng không còn quá e dè khi đề cập đến cụm từ "đổi mới chính trị", trong khi những năm trước ông chỉ thấp thoáng nói về "đổi mới".
Nhưng lại hoàn toàn không rõ nghĩa của "đổi mới chính trị" là thế nào - tương tự cụm từ lê thê "hoàn hiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" của ông Trọng mà chẳng làm cho ai hiểu ra sao.
"Đổi mới chính trị" ở Hội nghị trung ương 6 còn xa mới mới tiếp cận được "đổi mới lần 1" của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước, cho dù "đổi mới lần 1" rốt cuộc cũng chỉ "diệt ruồi".
Trong thực tế, Hội nghị trung ương 6, ngoài những vài chuyên đề "làm màu" như dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chỉ còn bàn đến việc "tinh gọn bộ máy đảng" và "tinh giản biên chế", đặt ra mục tiêu cực kỳ khó khăn là làm sao giảm được 10% trong tổng số 2,5 triệu công chức viên chức nhà nước, kể cả phải tính toán bỏ ban 3 chỉ đạo "Ba Tây" - Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…
Nguồn cơn lớn nhất vẫn là nguy cơ rỗng ruột và cạn kiệt ngân sách. Ăn cho lắm mà làm ít hoặc chẳng làm gì thì đến núi cũng lở.
Nhưng ở Việt Nam lại là định luật bù trừ thu nhập và tài sản. Ngân sách và dân sinh cạn kiệt và khốn quẫn là thế, nhưng hàng núi tài sản vẫn dịch chuyển sang giới quan chức và chất cao ngút trời.
Cho tới nay, không có bất kỳ phản hồi nào từ chính Nguyễn Phú Trọng về căn bệnh kinh niên "chỉ phát hiện 5 trường hợp kể khai không trung thực trong số hơn một triệu công chức kê khai tài sản". Cũng chẳng còn thấy ai nhắc đến chủ trương "kiểm tra tài sản 1000 cán bộ" của ông Trọng trong Hội nghị trung ương 6 kỳ này…
Cuối cùng là cuộc chiến nội bộ. Có thể xem Hội nghị trung ương 6 là cuộc họp mở màn chính thức cho chiến dịch "nhất thể hóa" cùng những xáo trộn chưa từng có về nhân sự đầu tỉnh và kể cả nhân sự "tứ trụ" trong ít nhất 2 năm tới.
Chiến dịch trên được hỗ trợ đắc lực bởi một quy định về "luân chuyển cán bộ" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 7/10/2017, mà theo đó có thể được người đời hiểu như "không làm được việc thì luân chuyển", "không chịu đi thì luân chuyển", "không ăn cánh cũng đương nhiên bị luân chuyển".
Người lên ngựa, kẻ chia bào. Người về đỉnh cao, người chìm vực sâu. Từ sau Đại hội 12 đến nay, nhân sự cấp cao trong bộ máy chính quyền và hàng ngũ lãnh đạo cốt cán của Đảng đã có nhiều thay đổi và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Người lên ngựa, kẻ chia bào - Ảnh minh họa
Nếu nhìn dưới góc độ của những người đang làm công tác chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công tác đấu tranh chống tiêu cực, chống quan liêu cửa quyền, chống tham nhũng lãng phí... thì có thể coi những thay đổi về nhân sự được quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua và Trung ương 6 đang diễn ra là một thành tích. Những sự thay đổi về mặt nhân sự ấy mang lại xúc cảm hoan hỉ cho một bộ phận lớn người dân. Họ hào hứng với việc đốt cháy cả củi tươi và bấu víu chút niềm tin mỏng manh còn lại vào chiến dịch nhóm lò.
Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, những gì phơi bày ra thời gian qua, chính xác phải gọi là một sự thất bại trong công tác cán bộ.
Lấy ví dụ một việc gần nhất là kết quả bỏ phiếu cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng vừa diễn ra tại Hội nghị Trung ương 6 vào ngày hôm qua.
Bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh có vấn đề - theo nhìn nhận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, lẽ ra khi làm công tác bổ nhiệm phải suy xét ngay, nhưng thực tế đã bỏ lọt. Bản lĩnh chính trị còn non kém, kinh nghiệm quản lý còn chưa chín, khả năng làm công tác định hướng chủ trương, đường lối, công tác cán bộ chưa vững nhưng lại vội vàng đặt vào vị trí Bí thư một thành phố như Đà Nẵng. Trong khi Đà Nẵng là nơi có những cái bóng quá lớn, không phù hợp với người có vốn liếng trận mạc khiêm tốn như Nguyễn Xuân Anh.
Phải mặc một chiếc áo vừa vặn với cơ thể mình thì mới đẹp. Chiếc áo quá rộng hoặc quá chật đều khiến mình trở nên xấu xí. Nếu ở một thời điểm khác, bản lĩnh chính trị đã được tôi rèn, biết đâu có thể sẽ là một Xuân Anh khác?
Một ví dụ khác là trường hợp của ông Trương Quang Nghĩa. Bộ trưởng Bộ Giao thông phải là người đá vị trí tiền đạo, nhưng ông Trương Quang Nghĩa với những gì đã thể hiện thì rõ ràng là phù hợp ở vị trí hậu vệ hơn là một người chịu trách nhiệm ghi bàn.
Mọi sự phát triển của bất kì ngành hay địa phương nào đều mang bóng dáng của người đứng đầu. Nguyễn Xuân Anh mới được khoảng hai năm đã ngã. Trương Quang Nghĩa cũng mới vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hơn một năm giờ lại về thay chỗ Nguyễn Xuân Anh. Cho đến kì Đại hội 13, ông ấy chỉ còn hơn ba năm ngồi ở vị trí cao nhất của Đà Nẵng. Chừng ấy thời gian là quá ngắn để có thể tạo được dấu ấn và định hình con đường phát triển.
Nhân sự thay đổi liên tục, không khí chính trị căng thẳng, đó là sự thất bại trong công tác cán bộ. Và sự thất bại này có thể dẫn đến những yếu kém trong quá trình quản lý, thậm chí là những chủ trương, quyết định có thể sẽ sai lầm. Cuối cùng, hậu quả mà sự bất ổn ấy để lại là sự giật cục trong quyết sách phát triển kinh tế, sự co cụm của nhà đầu tư và thứ mà người dân nhận lãnh có thể sẽ rất nặng nề.
Nếu những bất ổn từ sai lầm trong công tác nhân sự ở Đà Nẵng sẽ vẫn tiếp diễn, thì sớm muộn gì thành phố này cũng không còn là thành phố đáng sống. Nhìn rộng ra, nếu công tác nhân sự còn tiếp tục để lọt những cán bộ kém tài thiếu đức, đặt người ngồi không đúng vị trí, thì cái lò sẽ còn phải đốt củi không biết đến bao giờ?
Không chỉ Đà Nẵng mà trên cả đất nước này, thực ra người dân không muốn cứ phải đốt củi, cái họ cần là trồng cây. Chỉ trồng cây mới có ngày mang về hoa thơm và trái ngọt.
Bạch Hoàn
Nguồn : fb. bachhoanvtv24, 07/10/2017
Điều đáng chú ý đầu tiên trong Hội nghị trung ương 6 là người đọc tờ trình đầu tiên là Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, báo cáo xin ý kiến trung ương về chương trình của làm việc của hội nghị trung ương. Ông Trần Quốc Vượng nêu ý kiến trong cương vị Thành viên thường trực Ban bí thư.
Hội nghị trung ương 6 : cuộc ra mắt của chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng - Ảnh minh họa
Trước nay người ta thường nghe nói đến thành viên ban bí thư, đồng chí thường trực ban bí thư. Chưa mấy ai nghe đến cụm từ Thành viên thường trực ban bí thư. Đây là một sự sáng tạo quái đản trong nhiều sáng tạọ quái đản của Nguyễn Phú Trọng quyết định về nhân sự mà cả trung ương đảng đều phải trơ mắt nhìn. Đinh Thế Huynh đã khỏi ốm muốn đi làm lại phải lạy lục xin Trọng nhưng không được Trọng đồng ý. Việc đưa Trần Quốc Vượng thế chỗ Huynh qua cái gọi là "tham gia thành viên thường trực" của Trọng cũng không cần qua trung ương.
Thường trực Ban bí thư là một chức vụ cụ thể dành cho một người, nó không phải là một ban mà phải có những thành viên. Chỉ một cách chơi chữ của Trọng mà dễ dàng đưa được Vượng lên thay Huynh.
Con đường thăng tiến của Trần Quốc Vượng khá nhanh, khi Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư lần thứ nhất vào năm 2011, Trọng đưa Vượng lên làm Chánh văn phòng trung ương đảng, tức trợ lý cho Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2013 tại Hội nghị trung ương 7, khóa 11, Nguyễn Phú Trọng đưa tiếp vào Ban bí thư. Sau đó đến Đại hội 12, Trần Quốc Vượng được Trọng đưa vào Bộ chính trị và nắm chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương.
Trước đây Vượng nắm chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân từ năm 2007 đến 2011. Trên cương vị viện trưởng này, Vượng nắm giữ nhiều hồ sơ điểm yếu của các nhân vật trong đảng. Việc đưa Vượng về làm chánh văn phòng cho mình rồi đẩy lên làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã có những dã tâm, toan tính triệt hạ những đối thủ chính trị của mình để xây dựng quyền lực tập trung vào trong tay, ngay từ khi Nguyễn Phú Trọng ngồi được vào ghế tổng bí thư. Chỉ chưa đầy 2 năm vào Bộ chính trị, nhân lúc Đinh Thế Huynh bị ốm, Trọng đã đưa đệ tử ruột của mình là Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư, chức vụ thứ hai trong đảng.
Theo lệ thì ứng cử viên tổng bí thư phải làm ít nhất một nhiệm kỳ ở Bộ chính trị. Sau khi đưa Vượng vào Ban bí thư, Nguyễn Phú Trọng ra liên tiếp hai quyết định về nhân sự đảng là quyết định 89 và 90, trong đó quy định trường hợp đặc biệt thì không cần phải có trọn một nhiệm kỳ trong Bộ chính trị vẫn có thể làm được tổng bí thư. Động thái này của Trọng nhằm đưa Vượng vào vị trí thế chỗ, nếu như giữa nhiệm kỳ 12 Trọng bị đe dọa phải rời ghế Tổng bí thư cho người khác. Như một thông điệp cho các đối thủ nhăm nhe buộc Trọng giữ lời hứa về giữa nhiệm kỳ rằng, nếu tôi có về thì đến lượt đệ tử tôi chứ không phải ông.
Trần Quốc Vượng còn là Đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016-2021. Những sự việc bê bối ở Yên Bái không được Ban kiểm tra trung ương xử lý, bởi vì Vượng chính là Trưởng ban kiểm tra trung ương đương nhiên phải bịt các vụ việc này để giữ thế cho mình đi lên.
Điều đáng chú ý thứ hai trong Hội nghị trung ương 6 lần này là ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đọc tờ trình về đề án dân số. Vấn đề ngoại giao không là vấn đề quan trọng tại trung ương 6. Mặc dù đây là vấn đề cấp thiết và được dư luận quan tâm bức xúc sau những tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức về vụ an ninh Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cùng với việc Thủ tướng Hun Sen của Cambốt đưa ra quyết định thiếu thiện chí về 70 ngàn người Việt Nam sinh sống tại Cambốt, ngay sau chuyến đi thăm của Trọng đến nước này mấy ngày. Nguyễn Phú Trọng là người chịu trách nhiệm vì có những hành động lên quan đến sự kiện ngoại giao bi kịch trên, nhưng trơ trẽn và bất chấp chà đạp lên dư luận một cách nhạo báng, Trọng cho Bộ trưởng ngoại giao Phạm Binh Minh đọc tờ trình về đề án dân số.
Cũng đáng chú ý là giữa bao nhiêu vấn đề trọng đại, trong Hội ghị trung ương lần này, Nguyễn Phú Trọng đưa ra 5 mục cần thảo luận, trong đó 2 mục về sức khỏe dân chúng và vấn đề dân số. Các vấn đề còn lại là kinh tế, nhân sự và chất lượng hành chính công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được ưu ái điều hành thảo luận vấn đề tình hình kinh tế và ngân sách nhà nước, đây là vấn đề chuyên môn do Phúc phụ trách. Trên cương vị điều hành thảo luận vấn đề này, Phúc dễ dàng bịt mọi ý kiến chỉ trích và ca ngợi vống thành tích của mình lên. Được chuẩn bị từ trước cho phiên điều hành này có lợi cho mình, trước Hội nghị trung ương 6 họp vài ngày, Phúc đã cho Tổng cục thống kê đưa ra những con số đẹp mà khó ai có kịp thời gian để kiểm chứng như tăng trưởng kinh tế 7,4%, đầu tư nước ngoài tăng 13% để các tay bồi bút của Phúc bám vào đó tung ra những bài ca ngợi thành tựu của Nguyễn Xuân Phúc ngay ngày khai mạc Hội nghị trung ương 6.
Việt Nam là một nước tập trung lớn vào ngành chăn nuôi, thủy hải sản và trồng trọt. Trong một năm qua đại thảm họa Formosa đã gây thiệt hại nặng về vào ngành thủy sản, tiếp đến là sự kiện của ngành chăn nuôi lợn bị hạ giá thảm khốc đến mức người dân tiêu cực đập chết lợn đi chôn hoặc bỏ đói. Đồng bằng Tây Nam Bộ ngập mặn và hạn hán khủng khiếp ở đồng bằng sông Cửu Long, mực nước xuống thấp nhất trong nhiều thế kỷ qua, khiến vựa lúa lớn khổng lồ ở đây bị thiệt hại và các loại thủy sản nuôi trồng nước lợ cũng thiệt hại nặng theo.
Vậy con số 7,4 % tăng trưởng kinh tế mà các bồi bút gọi là thần kỳ liệu có đáng tin không ?
Các bồi bút của Nguyễn Xuân Phúc giải thích con số này trên căn cứ nào, phải chăng là căn cứ ảo tưởng đếm cua trong lỗ qua việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp mới. Tức các doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh, đã được dự tính số vốn đầu tư, số người lao động, số sản phẩm sẽ làm ra và đưa tất cả những dự tính đó vào con số tăng trưởng kinh tế. Chưa kể con số tăng trưởng còn đưa những dự án đầu tư FDI mà các nhà đầu tư Trung Quốc đang hứa hẹn vào con số báo cáo GDP của cả nước.
Hội nghị trung ương 6 mới diễn ra được hai ngày. Trong hai ngày này, những người thuộc phe Nguyễn Phú Trọng như bản thân ông ta và các đệ tử Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc đều có những lợi thế áp đặt mà có được. Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện độc tài áp đặt cuộc chơi và vấn đề thảo luận, Trần Quốc Vượng đã có cuộc ra mắt chính thức trước hội nghị rung ương như mọi thứ sắp đặt cho ông ta là lẽ đương nhiên rồi. Còn Nguyễn Xuân Phúc ghi được điểm bởi tự mình được quyền viết kịch bản cho mình.
Tâm điểm của Hội nghị trung ương 6 nằm ở vấn đề nhân sự, nghĩa là quyết định bổ sung người vào Bộ chính trị thay thế Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh và kỷ luật một số quan chức cấp cao nằm trong danh sách đối thủ của phe Nguyễn Phú Trọng.
Trong lời khai mạc Hội nghị trung ương 6, sau khi đưa ra 5 điểm cần thảo luận, lúc cuối bài diễn văn khai mạc Nguyễn Phú Trọng tiết lộ, ngoài những vấn đề đã nêu trên ra như đề án dân số, sức khỏe, kinh tế và hành chính công được quyết định, còn có những vấn đề quan trọng khác được xem xét và quyết định vào cuối kỳ họp.
Những vấn đề quan trọng này là gì mà không được tiết lộ trên báo chi như các vấn đề trên ? Chắc hẳn đó là vấn đề kỷ luật và bổ sung nhân sự, những vấn đề được quyết định và xem xét khi Nguyễn Phú Trọng đích thân điều hành phiên bế mạc, sẽ không còn thời gian cho các đối tượng thanh minh, bào chữa cho mình, trung ương không kịp ý kiến về tư cách chuyên môn của những người được đề nghị bổ sung.
Sau Hội nghi trung ương 6, phe Nguyễn Phú Trọng vẫn nắm chắc được quyền lực trong đảng, bằng những thủ đoạn trơ trẽn và đe dọa các ủy viên trung ương khác trong đảng. Tất cả các ủy viên trung ương đảng đều có vấn đề về tham nhũng, hối lộ, bằng cấp chuyên môn, quy trình bổ nhiệm, sai sót ở vị trí quản lý điều hành... Chỉ có những ủy viên nào nghe theo phe Nguyễn Phú Trọng, hoặc có được sự trợ giúp từ Trung Quốc mới đảm bảo không bị sờ đến.
Còn lại những ủy viên trung ương đảng không ngả theo phe Trọng và có quan điểm thần phục Trung Quốc đều lần lượt bị xử lý không vì tội này thì cũng vì tội khác, bởi có ủy viên trung ương đảng nào không phạm phải điều gì sai trái ?
Nếu Trung ương đảng chỉ toàn những kẻ trong sạch thì có lẽ đảng cộng sản không cần phải tổ chức những buổi họp cấp trung ương nữa.
Trước tin Thiếu tướng Trương Giang Long vừa nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí theo thông báo của Bộ Công an, cựu Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, người có trên 40 năm làm việc trong ngành công an của Việt Nam, nói ông "bất ngờ" và "ngạc nhiên" về quyết định này.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, tại lễ thành lập Học viện Chính trị CAND năm 2014
Nói với BBC hôm 04/10, Đại tá Quang cho rằng dù vì lý do nào đi nữa, Bộ Công an không nên công bố quyết định này trước Hội nghị trung ương 6 hiện đang diễn ra.
Thiếu tướng Tiến sĩ Giáo sư Trương Giang Long là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân.
Quyết định cho ông Long về nghỉ được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi hôm 3/10.
"Bất ngờ" và "ngạc nhiên"
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 04/10/2107, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, người từng được biệt phái từ ngành an ninh sang làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam, nói ông hơi bất ngờ và ngạc nhiên về chuyện Thiếu tướng Long nhận quyết định chờ hưu trí.
"Thiếu tướng Long chờ hưu tức là không phải nghỉ hưu ngay mà là chờ từ 1 năm đến 1 năm rưỡi rồi mới nhận sổ hưu", ông Quang giải thích.
"[Tôi ngạc nhiên vì] ngoài cấp hàm thiếu tướng, anh Long còn có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư. Theo quy định chung của nhà nước, những người có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ được lưu giữ lại từ 5 đến 7 năm.
Tức là phải đến tuổi 65 cho đến 67, họ mới nghỉ hưu chính thức, mặc dù khi đến tuổi 60, theo yêu cầu, thì họ có thể "không đảm nhận công tác quản lý và chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy".
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Thiếu tướng Long "hoàn toàn có thể vẫn ở lại tiếp tục lên lớp giảng dạy mặc dù có thể không làm viện trưởng [Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân] nữa".
Trong quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí của ông Long, không nói tới việc ông Long được lưu nhiệm lại để làm công tác chuyên môn, Đại tá Quang bình luận.
Khi được hỏi tại sao quyết định này lại được đưa ra vào lúc này, Đại tá Quang nói : "về mặt thời điểm cũng có thể là tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng ở góc độ quan hệ tế nhị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lý do gì nữa cũng không nên công bố [quyết định này] trước Hội nghị trung ương 6 đang diễn ra hôm nay".
Đại tá Quang nhấn mạnh ông không có ý nói việc này là do "chịu sức ép gì từ bên ngoài".
Có quan điểm bị Trung Quốc không thích ?
Trả lời câu hỏi liệu có sự tương đồng nào giữa trường hợp của Thiếu tướng Trương Giang Long và ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người mà giới nghiên cứu nói là từng có quan điểm phản đối Trung Quốc, đại tá Quang kể lại :
"Ông Nguyễn Cơ Thạch đã công khai nói với các quan chức của Bộ Ngoại giao trong những cuộc họp chính thức và không chính thức rằng Trung Quốc đưa ra một điều kiện là muốn cải thiện quan hệ Việt Trung thì việc đầu tiên Việt Nam cần làm và phải làm là loại bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
"Đây là điều tôi được nghe trực tiếp anh Nguyễn Cơ Thạch nói trong một cuộc họp tôi có tham dự. Điều này cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cụ Nguyễn Trọng Vịnh biết rất rõ. "
Mối liên hệ với video clip về quan hệ Việt - Trung ?
Trong một video xuất hiện trên YouTube hồi tháng 3/2017, mà đến nay có hàng triệu lượt người xem, ông Trương Giang Long nói nhiều về quan hệ với Trung Quốc mà ông gọi là quốc gia "có dã tâm", có "gene xấu".
Theo ông, "Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta".
Trung Quốc có "gene tốt thấp, gene không tốt vượt trội".
"Nhưng Trung Quốc xấu, xấu nữa, thì chúng ta cũng vẫn tìm cách phải chung sống, chỉ làm sao để họ đừng xấu hơn".
Về chính trị Việt Nam, và nhận thức bạn thù, ông nói :
"Phải tới Đại hội 12, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết là mọi chủ trương đường lối đối ngoại đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng, phải xuất phát từ lợi ích dân tộc".
Khi được hỏi liệu có mối liên hệ gì giữa những phát biểu của ông Long trong clip này và quyết định chờ nghỉ hưu mà ông Long vừa nhận, Đại tá Quang cho biết, theo quan điểm của cá nhân ông, có sự nhạy cảm và rất có thể có liên quan gì đó đến quan hệ Việt-Trung mặc dù không có thông tin chính thức hay bằng chứng gì.
Bình luận thêm về video clip dài khoảng 30 phút này mà ông đã "nghe đi nghe lại", Đại tá Quang nói :
Thiếu tướng Trương Giang Long trong video clip dài 30 phút về quan hệ Việt Trung phát trên YouTube hồi tháng 3/2017.
"Tôi không biết video clip này được tiết lộ một cách cố tình hay vô ý, nhưng những nội dung mà anh Trương Giang Long nói là hoàn toàn thực tế. Đấy là thực tại trong các cơ quan Việt Nam hiện nay.
"Các cơ quan an ninh của Việt Nam biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào các cơ quan như thế nào.
"Đây là một vấn nạn mà các cơ quan an ninh Việt Nam phải đối phó".
Đại tá Nguyễn Đăng Quang cũng nói thêm, dù không trực tiếp biết Thiếu tướng Long, ông đánh giá ông Long là "người có năng lực, một Giáo sư tiến sỹ sắc sảo và có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ".
"Có thể khẳng định anh Trương Giang Long hoàn toàn xứng đáng là một thiếu tướng và hơn nữa, còn xứng đáng quân hàm cao nhất cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị theo quy định của nhà nước là hàm trung tướng", Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
Hội nghị trung ương 6, một hội nghị vốn chứa đựng rất nhiều kịch tính và được dự báo rất nhiều bất ngờ, đã khai mạc ngày 4/10/2017, sớm hơn dự đoán hai tuần lễ, như một cuộc phục kích, nhưng nội dung nhạt nhẽo, vừa giáo điều vừa mâu thuẫn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6. Ảnh Nhật Bắc
Kiểm điểm tình hình kinh tế và công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trở thành hai nội dung chính.
Chủ trương Nhất thể hóa bị bỏ ra ngoài chương trình nghị sự và được rút lại thành "tinh giản biên chế", một loại quyết tâm được lặp đi lặp lại từ thời bao cấp.
Có điều gì bất thường đã xảy ra ?
Quyết tâm của Đại Hội XII thực chất chỉ gói gọn trong hai nội dung chính : Thị trường hóa nền kinh tế có sự kiểm soát của đảng ; và cải cách tổ chức để tăng cường sự lãnh đạo của đảng, được tóm gọn thành hai mục tiêu : tăng trưởng kinh tế và giữ vững chế độ, thực chất chỉ là một chủ trương duy nhất là duy trì chế độ độc đảng cộng sản cầm quyền. Tăng trưởng kinh tế chỉ là một điều kiện không thể tách rời. Tăng trưởng để giải tỏa nhu cầu sinh tồn, pha loãng bức xúc có nguy cơ chính trị hóa, chĩa mũi nhọn vào thể chế chính trị. Tăng trưởng để tìm kiếm chính danh độc quyền lãnh đạo, che đậy bộ mặt phi dân chủ, vi phạm nhân quyền của chế độ.
Vì thế, tăng trưởng và mị dân, giả dân chủ là hai thủ đoạn chính trị cơ bản có tính chiến lược.
Nếu nội dung "kiểm điểm tình hình kinh tế", một loại sinh hoạt có tính quy luật, mà ông Trọng nói là hoạt động " thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm ", thì có thể hiểu, trọng tâm kỳ họp lần này là "công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân".
Người ta thấy ngay cái giả tạo, vừa mị dân, vừa thể hiện sự lúng túng, bị động của Bộ Chính trị trong việc quyết định các nội dung thảo luận của hội nghị trung ương vào quý III của một năm.
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cuả nhân dân rõ ràng phải được đảm bảo từ các đầu tư chủ yếu từ ngân sách. Nhưng từ hai năm nay, ngân sách trung ương thiếu hụt, ngân sách địa phương không còn.
Báo VnExpress ngày 12/06 cho biết : Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2015, ngày 12/6/2017, Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng thừa nhận những tồn tại trong điều hành ngân sách hiện nay như : chi thường xuyên cao, nợ công, bội chi "ngấp nghé" vượt trần... "Bội chi ngân sách đảm bảo trong số tuyệt đối, nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên xét về tương đối thì bội chi, nợ công tăng nhanh".
Ông Bộ trưởng cho rằng "trong bối cảnh này, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi ; đẩy mạnh khoán chi thường xuyên và sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế. Thế nhưng, thực tế, dù ngành tài chính cố gắng siết, giảm chi, nhưng bộ máy biên chế cứ "phình" ra thì không ngân sách nào cơ cấu lại được"
"Bây giờ cắt gì thì cắt, nhưng biên chế cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được", ông Dũng nói.
Ngay từ tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói : "Những con số nghe rất vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền, tăng chỉ mang tính nghiệp vụ thôi"..."Cả nước ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả".
Chiều 6/1/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau chín tháng điều hành chính phủ đã phải kêu lên : "Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần chứ không phải sát trần" nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi".
Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch gay gắt : "Chúng ta phải mạnh dạn, xem xét lại toàn bộ cách chi tiêu hiện nay, tôi đề nghị cắt hết các khoản : tiếp khách, nghiên cứu, sơ kết, kỉ niệm ngành, đi nước ngoài…".
Giữa lúc tình trạng ngân sách như vậy mà đem việc "bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân" ra bàn, thì chỉ là chuyện vui giữa "những người thích đùa", chuyện bôi bác chế độ hoặc là chuyện của những kẻ vô công rồi nghề.
Trong khi đó, theo kế hoạch định trước, mục tiêu trọng tâm của Hội nghị trung ương 6 lần này là vấn đề Nhất thể hóa, lại bị bỏ ra ngoài.
Nhất thể hóa, cụ thể là nhất thể hóa các chức danh thuộc hệ thống đảng chuyên trách với các chức danh tương ứng bên chính phủ là vấn đề được đặt ra từ rất lâu. Chương trình thí điểm nhất thể hóa tới cấp tỉnh đã được thực hiện tại Quảng Ninh từ sau Đại hội XI, năm 2011.
Vấn đề Nhà nước song trùng và sự khập khiễng giữa cơ cấu của thể chế độc đảng với cơ cấu tương ứng theo thông lệ quốc tế gây trở ngại cho các hoạt động đối ngoại trước nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nhà nước Việt Nam, bộc lộ tính bất hợp lý và thử thách tính chính danh của đảng cộng sản cầm quyền. Sự vênh lệch này đã tới đỉnh điểm khi công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ của chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 phải cần hơn một năm và một chuyến đi tâjp trước của ông bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Đại hội đảng lần thứ XII, ông Phạm Minh Chính, nguyên bí thư đảng ủy tỉnh Quảng Ninh, nơi đi đầu cả nước về chương trình thí điểm Nhất thể hóa, được đưa vào Bộ chính trị và giữ chức Trưởng ban tổ chức trung ương.
Ngày 4/9/2016, ông Nhị Lê, phó Tổng biên tập Tạp chí cộng sản, một người được biết là "rất gần gũi" với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc trả lời phỏng vấn rất dài, sâu về đề tài Nhất thể hóa, trong đó ông khẳng định, "từ nhất thể hóa các chức danh sang nhất nguyên hóa thể chế là một tất yếu cho công việc cải cách tổ chức đảng".
Mười tháng trước, vào ngày 28/11/2016,đeẻ chuẩn bị báo cáo trung ương 6, Ban bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do ông Phạm Minh Chính trực tiếp trưởng Ban. Đây thực chất là dự án Nhất thể hóa.
Ngày 27/3/2017, đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, đã có chuyến kiểm tra, khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định : "Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng, thực hiện nghiêm quy chế, cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật kỷ cương".
Ngày 27/07/2017, tại kỳ họp thứ ba Hội đồng lý luận trung ương, ông Phạm Minh Chính đã kết luận : "Trong những ngày qua, Ban chỉ đạo Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã tổ chức Hội thảo tại 2 miền Nam - Bắc để lấy ý kiến đóng góp của các bí thư tỉnh ủy, thành ủy và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo Đề án" "...đánh giá thực trạng nhận thức về phương thức lãnh đạo của Đảng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng như những hạn chế, yếu kém trong thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của nước ta hiện nay ; làm rõ thêm về lộ trình, các bước thực hiện để vừa bảo đảm sự đồng bộ của thể chế kinh tế với thể chế chính trị, giữa giữ vững ổn định chính trị - kinh tế - xã hội với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong những năm tới".
Như vậy, việc chuẩn bị cho một lộ trình "từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên thể chế" đã được đảng chuẩn bị công phu và tổ chức thực hiện hết sức bài bản, nhưng Đề án từ chỗ là báo cáo chính, đã không được sắp đặt vào nội dung trọng tâm, mà bị đưa xuống vị trí thứ tư và chỉ còn là việc "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và cuối cùng chỉ là việc "tinh giản biên chế", một công việc vốn được đảng quyết tâm từ hơn ba chục năm nay, ngay từ thời bao cấp, nhưng cứ mỗi lần "quyết tâm" thì bộ máy lại "phình ra to hơn".
Có nghĩa là Hội nghị trung ương 6 vừa khai mạc đã thất bại, hay đúng hơn là chương trình cải tổ, sắp xếp lại tổ chức đảng đã thất bại.
Mới chỉ khới lên vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, thực chất mới chỉ là một vụ PVN, đã có một tử hình, một chung thân và hàng trăm tội phạm mang thẻ đảng từ trung đến cao cấp, chuyện ông Đinh La Thăng phải ra khỏi đảng và phải vào tù chỉ là chuyện chưa nói ra.
Nếu cả 12 vụ đại án nằm trong chương trình phải xử hết trong năm nay, thì sẽ có bao nhiêu cán bộ đảng nữa phải vào tù ? Cứ bắt xử vụ này thì lòi ra vụ khác, cứ bắt người này thì lòi ra người kia, như phản ứng dây chuyền, vì không có vụ việc nào có thể thực hành độc lập, không con người nào có thể một mình "tác chiến", không có phi vụ nào có thể ăn lẻ một mình. Không có kẻ nào dính việc mà từ chối khoản ăn chia.
Ông Trọng, nếu sự thật định bấng "cả cụm", liệu có dám làm không ? Nếu "tất cả mọi tập đoàn, mọi doanh nghiệp đều phải chi" và "đã thành lệ từ hàng chục năm nay, từ cấp cơ sở tới cao cấp" như lời khai của tử tù Nguyễn Xuân Sơn, thì trong hệ thống hiện nay, có kẻ nào thoát tội, có kẻ nào tay không nhúng chàm, vì xét cho cùng, dù dưới hình thức nào, các loại tiền đó đều là tiền bẩn, tiền ăn cắp của dân, của nước, và người nhận, không có kẻ nào không biết. Xung quanh ông sẽ không còn ai, thậm chí cả chính ông. Nếu đánh đến cùng, đảng của ông sẽ không còn lấy một người. Đó là lỗi hệ thống, lỗi thể chế, không phải lỗi đạo đức hay "diễn biến".
Cho nên việc cải tổ theo phương thức Nhất thể hóa trở thành vô duyên. Nếu nhất thể hóa chỉ là cớ để thanh lọc, để giãn mỏng và chiếm chỗ, thì ông Trọng và ngay cả Bộ chính trị đang chứng kiến nguy cơ không còn cán bộ, một nhà nước trống hoác hoặc chỉ còn những kẻ ăn hại.
Nhưng dự án Nhất thể hóa bị thất bại có nguyên nhân từ sự bất cập của hiệu lực kiểm soát quyền lực. Giải pháp đạo đức của ông Trọng mang tính dị đoan và giáo điều, không đủ sức thuyết phục. Việc tập trung quyền lực vào một người duy nhất, trong khi hệ thống pháp luật vừa thấp kém vừa không độc lập, thì không ai có thể biết tình trạng tham nhũng và tha hóa của hệ thống còn trầm trọng đến đâu.
Nhất thể hóa cả quyền đảng lẫn chính quyền, đưa một ông bí thư tỉnh kiêm luôn chức chủ tịch tỉnh, trong khi Tòa án và Cảnh sát đều dưới quyền điều khiển của ông ta, thì chả mấy lúc tài sản cả tỉnh thành tài sản của riêng gia đình ông ta. Chưa nhất thể hóa, tiền nhà nước còn biến đi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho một vài ông có quyền có chức, như những vụ án đang xử, nếu nhất thể, cho quyền ông bí thư một mình tác oai nữa thì mất cả tỉnh. Ở cấp trung ương, nếu nhất thể Tổng bí thư với Chủ tịch nước, thì vơí điều 4 hiến pháp,với quy định đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, thì không có gì có thể cản được ông ta trở thành nhà độc tài và trùm tham nhũng.
Cho nên trước khi nhất thể hóa giữa đảng và chính quyền, việc đầu tiên là phải tách hệ thống tư pháp và hệ thống hành pháp ra khỏi hệ thống lập pháp, không thể "phân công nhưng thống nhất về mặt chính trị", một thứ "vải thưa" dùng để che mắt thiên hạ.
Nhất thể hóa như thế nào ?
Thất bại của Hội nghị trung ương 6, hay thất bại của chủ trương nhất thể hóa thể chế là đương nhiên, nguyên nhân là cơ chế đảng độc quyền lãnh đạo, đảng đứng ngoài và đứng trên luật pháp. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là điều 4 hiến pháp.
Trong một chế độ dân chủ đích thực, không phải là chế độ dân chủ giả hiệu như hiện nay, quyền lực tuyệt đối thuộc về ý chí và nguyện vọng của dân và quyền đó được bảo đảm bất khả xâm phạm bởi một hệ thống tư pháp (bao gồm Tòa án và Cảnh sát) độc lập, phi chính trị, trung lập và không có tính đảng.
Các ông chủ tịch cơ sở như xã, huyện do dân bầu trực tiếp. Người trúng chủ tịch, đương nhiên và tự động là bí thư đảng cùng cấp, bởi vì nếu bầu cử là trong sáng, thì chính họ là người uy tín nhất có quyền lực nhất đối với dân. Nếu trong đảng bầu ra người khác, hoặc phân công người khác, là trong đảng có "vấn đề".
Từ cấp tỉnh tới trung ương, người dân trực tiếp bầu ra Hội đồng nhân dân và bầu ra Quốc hội (đương nhiên là nếu dân trực tiếp bầu chủ tịch ở cả cấp này thì càng tốt). Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch tỉnh, Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước. Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch nước đương nhiên và tự động là Bí thư tỉnh và Tổng bí thư đảng. Nếu Chủ tịch nước do dân bầu trực tiếp, thì đại hội đảng không phải bầu Tổng bí thư, hay có thể thay Quốc Dân Đại hội chính là Đại hội đảng.
Tất cả mọi kết cấu dân cử đều tự động là kết cấu tương ứng của đảng. Cấp cao nhất trong chính quyền do dân trực tiếp hay gián tiếp bầu đều đương nhiên là cấp cao nhất tương ứng trong đảng. Các kết cấu khác trong bộ máy chính quyền do nội bộ đảng phân công. Việc Nhất thể hóa trở nên đơn giản và tự động.
Như vậy, việc giải thoát tình trạng "nhiều tầng nấc, kém hiệu lực và kém hiệu quả của sự lãnh đạo của đảng" thông qua con đường nhất thể hóa, để đảng cầm nắm trực tiếp quyền lãnh đạo chính quyền, tức là trực tiếp nắm quyền hành pháp là việc vi hiến. Đã nắm quyền lập pháp, lại trực tiếp nắm quyền hành pháp, thì tư pháp tự nhiên bị vô hiệu hóa. Không còn gì để kiểm soát và chế tài quyền lực. Lồng quyền lực bằng đạo đức do Tổng bí thư vừa sáng tác chỉ còn là tranh vẽ.
Vì vậy mà quyền lực buộc phải chia nhỏ, và trách nhiệm phải trở thành tập thể. Không ai được phép quyết một mình, đương nhiên là cũng không ai có thể bị buộc chịu trách nhiệm cá nhân. Bộ chính trị 19 người là sản phẩm tất yếu của chế độ vua tập thể. Nhất thể hóa là không thể.
Ông Trọng và Bộ chính trị có thể đã lao tâm khổ tứ, nhưng vô ích. Đây là bài toán vòng, một loại phương trình vô định, không có nghiệm. Ông đã cố gắng chạy, cắm đầu chạy, nhưng như một con chuột chạy trong lồng xoay, chạy mãi, thực chất vẫn đứng nguyên tại chỗ. Cái lồng đó là thể chế độc đảng. Ông không thể ra ngoài để biết rằng ông vẫn chạy tại chỗ. Việc đơn giản với những người đứng ngoài lại là việc không thể với những người thông thái ở bên trong.
Hội nghị trung ương 6 với ý định làm một cuộc cách mạng mà có lẽ ông Trọng âm thầm thai nghén từ rất lâu đã thất bại.
Những ước mơ mà ông Tập thèm khát thấy ảnh của mình bên cạnh ảnh của Mao, cũng từng giống như ước mơ của Đặng Tiểu Bình, của Giang Trạch Dân, là một thứ bệnh phổ biến, dễ lây khi đã nhiễm máu cộng sản trong người. Nhưng cũng như Tôn Ngộ Không, bay đi đâu vẫn trong lòng tay Phật tổ. Ngoài vòng tay ấy mới là vũ trụ bao la.
Paris, 06/10/2017
Bùi Quang Vơm
Hội nghị Trung ương 6 bàn vấn đề ‘cấp bách’, ‘nhạy cảm’ (VOA, 04/10/2017)
Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 4/10 khai mạc hội nghị trung ương 6 với trọng tâm giải quyết nhiều vấn đề ‘cấp bách’ và ‘nhạy cảm.’
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Truyền thông trong nước loan tin gần 200 lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã tập hợp ở thủ đô Hà Nội bắt đầu hội nghị kéo dài một tuần để giải quyết nhiều vấn đề "rộng lớn", vừa "cơ bản" vừa "cấp bách" và "nhạy cảm" trong đó có bàn việc "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn".
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nhận định rằng, dù phiên khai mạc do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì không đề cập cụ thể nhưng hội nghị nói ‘tinh gọn’ có nghĩa là sẽ gộp hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước thành một :
"Tôi kỳ vọng kỳ này Hội nghị Trung ương 6 sẽ tiến hành nhất thể hóa. Đảng đã bàn nhất thể hóa hai chức danh này lâu rồi, và cũng đã nhắc lại ở Hội nghị Trung ương 4 và 5".
Trong suốt thập niên qua, có một vài lần Hà Nội đã nêu lên vấn đề nhất thể hóa. Hiện nay một số địa phương đang thí điểm mô hình nhất thể hóa ở cấp huyện, và cấp tỉnh. Theo báo Nhân dân, có nơi nhận được 95% sự ‘đồng tình’ của người dân, ví dụ như ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có bài trên trang Tia Sáng đề nghị giải pháp "nhất thể hóa" ở cấp quốc gia để lập ra chức tổng thống.
Trong bài "Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính", ông Dũng đề cập đến các nguyên tắc chung về hai thể chế mà quốc tế gọi là tổng thống chế và mô hình đại nghị. Ông cũng đề nghị người đứng đầu nhà nước là tổng thống. Tuy nhiên, bài báo này nay không còn truy cập được nữa.
Ông Minh phân tích các mặt tích cực của việc nhất thể hóa :
"Trước nhất là khắc phục trình trạng lãng phí tiền thuế của dân. Các sự trùng lắp về ban bệ của Đảng cũng giảm đi. Thứ hai là tập trung về một người lãnh đạo nên hình thành cơ chế quy trách nhiệm rõ hơn – giảm việc đổ thừa qua lại giữa bí thư và chủ tịch. Nhất thể hóa cũng giúp dễ dàng đổi mới chính trị hơn, vì độc tài cá nhân dù sao cũng dễ thay đổi hơn độc tài tập thể. Đó là 3 cái lợi mà nhất thể hóa có thể mang lại tức thì".
Dù không nêu trong phiên khai mạc, nhưng việc thảo luận hình thức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ diễn ra trong hội nghị này, ông Minh cho biết thêm :
"Đương nhiên Hội nghị Trung ương 6 sẽ tiến hành kỷ luật giống như đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhưng Đảng muốn rằng việc này không ồn ào quá trong dư luận sau một thời gian quá ồn ào và gây nên hiệu ứng ngược – bản thân người bị kỷ luật cũng không phục, còn dư luận thì cho rằng đây là cuộc thanh trừng phe phái chứ không phải chống tham nhũng. Trong phát biểu diễn văn khai mạc, ông Tổng bí thư không đề cập đến để sự việc giảm nhẹ đi, nhưng chắc chắn phải có xử lý".
Hôm 29/9 Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, ban chấp hành trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh, do "kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe hơi do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai căn nhà của doanh nghiệp".
Từ Hà Nội, blogger Lê Anh Hùng chia sẻ nhận định của ông về hội nghị này :
"Theo quan sát của tôi, bầu không khí đang hết sức phức tạp và căng thẳng, các vụ bắt bớ, án tham nhũng… cho thấy việc đấu đá nội bộ đang lên cao trào. Sắp tới chắc sẽ có nhiều diễn biến quan trọng bên trong dàn lãnh đạo Việt Nam".
Nhiều khả năng hội nghị cũng sẽ bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, do vào tháng 5/2017 ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và hiện khuyết một trong số 19 ghế ở cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng.
Truyền thông quốc tế nhận định rằng Đảng Cộng sản do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đang tạo thêm sức mạnh và thắng thế kể từ khi cơ quan an ninh Việt Nam thâu tóm thêm quyền lực từ cuộc đấu đá nội bộ hồi năm ngoái khi ấy cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị hất cẳng. Cụ thể là các quan chức dưới quyền của ông Dũng lần lượt ra đi như trường hợp ông Đinh La Thăng.
Tuy nhiên, trong một bài viết gửi cho VOA gần đây, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng đảng của ông Trọng chỉ có thể "diệt ruồi" nhỏ cỡ như Nguyễn Xuân Anh, chứ có thể chẳng đụng được "con hổ" nào.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/10/6/6f/6fc9ef30-0503-460e-8a5a-3337ba614b91.mp4
*****************
Nhân sự là một nội dung chính của Hội nghị TW 6 (RFA, 04/10/2017)
Hội nghị Trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ sáu khai mạc ngày 4 tháng 10 ở Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 21/1/2016. AFP
Sinh hoạt chính trị này của đảng cộng sản Việt Nam được giới quan sát đề cập đến lâu nay với nhiều đồn đoán về nhân sự trong cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất trong đảng.
Truyền thông trong nước cho đăng lại nguyên văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc. Theo đó vấn đề đầu tiên được nêu ra là tổ chức lại bộ máy đảng, và cách thức mà bộ máy này sẽ lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Ông nhấn mạnh đến chuyện làm sao để đảng cộng sản lãnh đạo tốt hơn lực lượng công an và quân đội.
Ngoài ra ông Nguyễn Phú Trọng cũng nói đến chuyện đổi mới hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế. Tuy nhiên ông này vẫn lập lại nền kinh tế thị trường Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng không nên đổi mới một cách nôn nóng, chuyển từ cực nọ sang cực kia.
Một hoạt động được nhắc đến tại hội nghị này là sẽ xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, theo như kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương, cơ quan chuyên lo về kỷ luật của các đảng viên, đã đưa ra vào ngày 29 tháng Chín.
*******************
Bất ngờ nghe tin Tướng Trương Giang Long nghỉ (BBC, 04/10/2017)
Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang bày tỏ sự ngạc nhiên về thiếu tướng công an Trương Giang Long vừa nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí.
Giáo sư-Tiến sĩ, Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND thuộc Bộ Công an.
Quyết định cho ông Long về nghỉ được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 04/10/2107, một ngày sau khi Thiếu tướng Long nhận quyết định theo thông báo của Bộ Công an, Đại tá Quang đưa ra một số bình luận về tính thời điểm của sự kiện này.
Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đưa ra nhận định đánh giá năng lực của Tướng Long (sinh năm 1955) và đề cập một số điểm mà ông cho là 'bất thường', gây 'ngạc nhiên'.
Ông Quang cũng nói về thời điểm công bố quyết định cho ông Long về 'nghỉ chờ hưu' trước Hội nghị Trung ương 6 của Ban chấp hàng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại tá Quang đặt câu hỏi về việc Tướng Long phải nghỉ công tác chờ hưu trí so với chế độ của một vị tướng mà không được lưu nhiệm dù có chức danh giảng dạy giáo sư và học vị tiến sĩ theo luật định trong ngành công an của Việt Nam hiện nay.
Tướng Trương Gia Long từng là Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân.
Ông Nguyễn Đăng Quang là cựu đại tá an ninh, được biệt phái và có trên 40 năm công tác trong ngành ngoại giao của Việt Nam.
"Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả ; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo ; cơ cấu bên trong chưa hợp lý…".
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận như thế nhưng không mới trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa đảng XII, tại Hà Nội ngày 4/10, và dự trù kết thúc ngày 11/10/2017.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa đảng XII, tại Hà Nội ngày 4/10
Có khác chăng là thêm một lần nữa, người đứng đầu đảng phải tiếp tục gánh lấy thất bại của công tác được gọi là "tinh giảm biên chế", hay giảm bớt số người có ăn mà không làm, hay làm rất ít vẫn tồn đọng trong hệ thống cai trị năm sau cao hơn năm trước.
Bởi vì công tác này đã được thực hiện từ năm 1999 khi khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, đưa ra Nghị quyết "Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước" tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (họp từ ngày 9 đến 16/8/1999 tại Hà Nội).
Thế mà sau 18 năm (1999-2017), qua 3 đời tổng bí thư (Lê Khả Phiêu-Nông Đức Mạnh-Nguyễn Phú Trọng), truyện dài biên chế cứ mãi nãi dài thêm, vì bớt đầu này lại phình ra đầu kia như quốc nạn tham nhũng càng chống càng đẻ ra thêm con đàn cháu giống để cùng nhau tiếp tục hoan ca "vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi".
Bằng chứng bê bối như ông Trọng đã nói trước các ủy viên trung ương và các cựu lãnh đạo sáng 4/10/2017 rằng : "Tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới ; tổ chức và biên chế ngày càng phình to ; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý ; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập ; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều".
Cứ ỳ ra đấy
Nhưng nhiều là bao nhiêu ? Không có bất cứ số thống kê nào cho ta biết, chỉ thấy ông Trọng bảo rằng : "Cho đến nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế ; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội như : dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao".
Nhưng 3 nơi gồm công an, quân đội và doanh nghiệp nhà nước có bao nhiêu triệu miệng ăn tiền của dân, và họ đã đền đáp công ơn của dân ra sao ? Ai ở Việt Nam cũng thấy công an ngày nay không còn được coi là bạn của dân, là người bênh vực và bảo vệ dân mà rất nhiều công an đã biến chất, tự diễn biến và tự chuyển hóa thành kẻ thù của nhân dân vì mê say đàn áp dân, tích cực tham gia tham nhũng, móc túi dân giữa ban ngày và ở bất cứ nơi nào có thể làm được.
Vậy quân đội có khá hơn không ? Rất khó mà lượng định công bằng. Chỉ biết rằng thay vì chỉ rèn luyện để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ dân thì bây giớ họ đã được lệnh phải "làm kinh tế" để nuôi và bảo vệ đảng vững tâm mà tiếp tục cai trị độc tài, mặc cho quân Trung Quốc tự do chiếm đảo và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.
Tình hình như vậy mà Quốc hội do đảng cử dân bầu không biết phải làm sao ư ?
Thật tội nghiệp cho dân, cái Quốc hội chỉ biết làm theo lệnh của Bộ chính trị và Tổng bí thư đảng cũng vô tích sự muôn năm. Hầu hết chỉ biết than vãn cho đẹp lòng cử tri và chỉ dám "cho ý kiến với Đảng và Nhà nước" mà không có bất cứ hành động nào để cải thiện tình hình.
Bằng chứng như Nguyễn An đã tường thuật trong báo An Ninh Thủ Đô ngày 22/08/2017 rằng : "Sau 5 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, nhiều đầu mối đã được thu gọn nhưng tình trạng "bộ trong bộ" lại có xu hướng gia tăng.
Ủy ban Thường vụ quốc hội vừa cho ý kiến vào báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Báo cáo chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại, đó là dù đã có nhiều nỗ lực tinh giản song bộ máy Nhà nước vẫn đang phình to".
Với tựa nhỏ "Bóp ở trên, dưới lại phình ra", báo này viết tiếp : "Qua làm việc với 15 bộ, ngành trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chỉ ra, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý.
Số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ. Thậm chí, có tình trạng thu gọn đầu mối trong các bộ nhưng lại tồn tại nhiều "bộ trong bộ", tổng cục, cục nhiều hơn… Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu".
Vẫn theo Nguyễn An thì Bộ trưởng nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận : "Bộ máy hành chính nhà nước hiện vẫn còn cồng kềnh. Thực tế, số đầu mối ở các cơ quan quản lý không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng, dẫn đến tình trạng một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính cho ý kiến, thẩm định, chỉ đạo giải quyết.
Một trong những nguyên nhân khiến tăng biên chế công chức, tăng số đầu mối trong bộ máy hành chính là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã".
Nhưng ai đã vẽ ra để có thể hành dân đến mức chỉ còn cái khố như thế mà "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng không làm gì được từ 7 năm qua ?
Hay vì toàn là dây mơ rễ má chằng chịt buộc chân nhau để chia chác quyền lực nên Tổng bí thư Trọng cũng phải đầu hàng. Hoặc là các "lợi ích nhóm" nhiều quá nên bác Trọng cũng phải gồng mình nói ra cho khỏi hổ danh lãnh đạo với dân chứ ông biết thừa có nói cũng chả ma nào nó nghe ?
Dù sao thì cứ nghe tiếp lời của chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan để biết thêm chuyện của vũng bùn biên chế thặng dư và chia nhau ăn tiền ở Việt Nam nó nghiêm trọng đến mức hại dân như thế nào.
Trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo điện tử ViệtTimes được VietnamNet đăng lại ngày 09/06/2017, bà Lan cho biết : "Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy".
Bà Lan đưa ra một so sánh : "Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.
Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này".
Trả lời câu hỏi : "Đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta đông như vậy, nhưng theo nhiều người thì chất lượng lại không cao. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào ?
Chuyên gia Phạm Chi Lan đáp : "Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc nói : "Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc".
Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Khi còn là Bộ trưởng thông tin và truyền thông, ông Lê Doãn Hợp còn thêm : "30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ".
Chia nhau ăn thả dàn
Trong cuộc phỏng vấn này, bà Phạm Chi Lan còn tiết lộ nhiều chuyện chia ăn hút mồ hôi nước mắt nhân dân của các tổ chức do Đảng lập ra, ngoài chuyện biên chế cũng ngập đầu trong các cơ quan này.
Bà Phạm Chi Lan nói : "Theo Dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016 được Bộ tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,435 tỉ đồng) ; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng) ; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (158,685 tỉ đồng) ; Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng) ; Hội Cựu chiến binh Việt Nam (80,830 tỉ đồng) ; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng".
Nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu thôi, bà Lan còn cho biết thêm : "Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội, đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính, từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Hội Đông y, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác.
Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ đồng), một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ Lao động, thương binh và xã hội, và Bộ Tài chính.
Bà Phạm Chi Lan kết luận : "Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.
Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị-xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức và mô hình hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay".
Vẽ đường cho hươu chạy
Nhưng tại sao một đảng cầm quyền vẫn tự khoe có kỷ luật và biết tổ chức nên đã đạt được hết thắng lợi này đền thắng lợi khác mà lãnh đạo lại quáng gà như vậy ?
Chả ai biết đầu cua đuôi nheo ra sao, nhưng xem ra đã rã ra từng mảnh rồi đấy. Bởi vì, Bộ Nội vụ đã báo cáo Quốc hội : "Từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng được tinh giản biên chế là 22.763 người. Với tốc độ và cách làm như hiện nay, việc tinh giản biên chế "rất khó" đạt mục tiêu đề ra.
Trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số (14.791 người) ; tiếp đến là cán bộ, công chức cấp xã (4.086 người) ; các cơ quan hành chính (2.824 người) ; các cơ quan của đảng, đoàn thể (944 người) và cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước (122 người).
Trong đó năm 2015, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 5.778 người ; năm 2016 là 11.923 người và 6 tháng đầu năm 2017 là 5.062 người. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, với tiến độ và cách làm như hiện nay thì "khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị" (Công an nhân dân, ngày 18/05/2017)
Nghị quyết 39 ban hành ngày 17/04/2015, Khóa đảng XI của Nguyễn Phú Trọng, đã ra lệnh : "Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Nhưng kết quả vẫn là chuyện cổ tích "phép vua thua lệ làng", là trên bảo dưới không thèm nghe mà Bộ Chính trị cũng cóc làm gì nổi. Vì vậy mà Bộ Nội vụ đã phải méc thêm với Quốc hội rằng : "Đến nay, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 6 tháng/lần).
Việc chưa xây dựng đồng bộ đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 khiến nhiều đơn vị không có phương án cụ thể ngay từ đầu, không xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản, dẫn đến tinh giản thụ động, hầu như mới chỉ thực hiện trên cơ sở nguyện vọng của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức. Các đơn vị cũng mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm".
Do đó mới có chuyện trớ trêu hầu hết những con số giảm người của các cơ quan, tổ chức được báo cáo với bác Trọng lại là những người đã đến tuổi nghỉ hưu hay muốn nghỉ hưu sớm, hoặc chuyển qua chỗ làm ngoài Chính phủ.
Nếu ông Trọng hoan hỷ coi những con số này là "thành công vượt bực" của tài lãnh đạo của mình thì ông cứ yên tâm ngôi yên đấy mà hưởng thụ chứ nhấp nhỏm đứng lên, ngồi xuống làm gì cho tổn thọ ?
Phạm Trần
(04/10/2017)
Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền sắp diễn ra vào đầu tháng Mười năm 2017, nhưng cho tới giờ lại chẳng nghe ai nói năng gì về hai quyết sách lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - "Nhất thể hóa" và "Kiểm tra tài sản 1000 quan chức".
Trịnh Xuân Thanh, tâm điểm của con bão Việt - Đức.
Nếu không có được hai kết quả quyết sách trên, Hội nghị trung ương 6 sẽ chỉ chứng kiến một kết quả rất khiêm tốn của ông Trọng.
"6" khác "5" thế nào ?
Tinh thần khiêm tốn như thế có thể sẽ chỉ gói gọn bằng vài động tác "diệt ruồi" cỡ như Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng, chứ có thể chẳng đụng được "con hổ" nào, cho dù bầu không khí "chống tham nhũng" đã lan sang cả Quốc hội với phát ngôn lên giọng "ném củi tươi vào lò" của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong thời gian gần Hội nghị trung ương 6.
Nhưng lại có một hố phân cách lớn giữa Hội nghị trung ương 6 và Hội nghị trung ương 5.
Bối cảnh diễn ra Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017, mặc dù phải chịu một cú sốc lớn mang tên "Đồng Tâm", nhưng bù lại đã không phải rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao mang tên "Đức - Việt" như hiện thời.
Nếu trước và trong Hội nghị trung ương 5, Nguyễn Phú Trọng chỉ đóng vai trò khách quan nhằm "xử" Đinh La Thăng - khi đó là ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời phân xử những cuộc xung đột cấp địa phương ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, thì tại Hội nghị trung ương 6, ông Trọng lại trở thành "người có liên quan", nhìn theo một cách nào đó. Ngày càng hiện ra dư luận trong giới cách mạng lão thành, cán bộ và tướng lĩnh về hưu về "vụ Trịnh Xuân Thanh là do ông Trọng chỉ đạo nên ông Trọng cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả khủng hoảng Việt - Đức và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu".
"Ngậm bồ hòn làm ngọt"
Sau khi Chính phủ Đức tuyên bố vào ngày 22/9 về "tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược" - hậu quả từ vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7/2017, người ta không thấy ông Nguyễn Phú Trọng bình luận gì về biến cố lớn lao và chưa từng có này. Toàn thể giới chóp bu Việt Nam cũng im thin thít.
Báo chí nhà nước, chắc chắn đã được huấn thị từ Ban Tuyên giáo trung ương, đã tuyệt đối không một từ đưa tin về vụ "quan hệ đối tác chiến lược trên", cho dù vào đầu tháng 8/2017, nhiều tờ báo Việt Nam ồn ào tung hô thành tích "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú".
Thay cho thái độ cấm khẩu ấy là "đảng chủ động đối ngoại".
Người ta thấy xuất hiện gương mặt của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp bà Luisa Bergfeld, Tham tán Phát triển, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và ông Jasper Abramowski, Giám đốc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, liên quan đến Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc cấp phó thủ tướng như Vương Đình Huệ cùng một số bộ ngành (cấp bộ trưởng và thứ trưởng) có một cuộc tiếp xúc trọng thị với cấp tham tán ngoại giao của Đức (tham tán là cấp ngoại giao xếp dưới cấp đại sứ và phó đại sứ, chỉ gần ngang với cấp vụ trưởng của một bộ), cho thấy một thực tế là dù người Đức phản ứng mạnh mẽ Việt Nam, Việt Nam cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Nói cách khác, cách tiếp đón của ông Vương Đình Huệ với giới ngoại giao Đức cho thấy giới chóp bu Việt Nam đang triển khai chiến thuật xoa dịu, mơn trớn và ve vuốt đối với người Đức mà không dám có động tác trả đũa khiến có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa.
Cần nhắc lại, sau vụ Bộ Ngoại giao Đức trục xuất cán bộ tình báo Nguyễn Đức Thoa vào đầu tháng 8/2017, phía Việt Nam không những bảo lưu thái độ "khép miệng", mà còn không dám trục xuất trả đũa nhân viên nào của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.
Cách tiếp đón trọng thị bất ngờ trên của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lại có thể hé ra một thực tế khác trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam : sau khi nổ ra khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức và dẫn đến hàng loạt hậu quả trầm trọng không ngờ, có thể trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam đã xảy ra một "trận chiến" đổ lỗi cho nhau.
Có ít nhất hai dấu hiệu báo trước về "trận chiến" trên : đầu tiên là bộ trưởng công an Tô Lâm khẳng định đến hai lần trước báo chí về vệc ông ta không hề biết Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam ; và sau đó Bộ Ngoại giao chỉ một mực tránh né các câu hỏi của phóng viên nước ngoài về vụ Trịnh Xuân Thanh, như thể Bộ Ngoại giao hoàn toàn "vô can".
"Đảng chủ động đối ngoại"
Vương Đình Huệ vừa trở về Việt Nam sau một chuyến "dân vận" ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước Châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) - một hiệp định mà lẽ ra Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia chính thức vào giữa năm 2018, nhưng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã khiến tương lai ấy trở nên quá bất định.
Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung : không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước Châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.
Song trùng chuyến đi Châu Âu của ông Vương Đình Huệ, một cấp thấp hơn là ủy viên trung ương đảng, Trưởng ban đối ngoại Hoàng Bình Quân cũng có một chuyến công du không hề sôi động đến Washington. Không hề sôi động vì mặc dù được báo chí nhà nước mô tả ông Hoàng Bình Quân đã có những cuộc tiếp xúc với chính phủ và quốc hội Mỹ, nhưng vài hình ảnh của ông Quân lại cho thấy nhân vật này chỉ tiếp đối tác Mỹ. Ngay cả đề nghị của ông Quân về "Mỹ linh hoạt sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam" cũng hoàn toàn không nhận được hồi âm nào từ giới quan chức Mỹ.
Những chuyến công du đối ngoại dồn dập trên mang lại một cảm giác bần thần khó tả : dường như trong cơn bối rối, Tổng bí thư Trọng đã cố gắng "xua quân" đi quan hệ với nước ngoài nhằm vớt vát phần nào "uy tín Việt Nam trên trường quốc tế" sau vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thắng lợi và thất bại
Sau vài thành công trong chiến dịch "diệt ruồi" ở Việt Nam, thêm một thắng lợi khác cho ông Nguyễn Phú Trọng : sau những lần đàm phán mệt nhoài với người Đức, ông Trọng đã giành được ưu thế giữ riệt và bám chắc con át chủ bài Trịnh Xuân Thanh, bất kể hậu quả Đức tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Còn thời điểm tổ chức Hội nghị trung ương 6 đã được rút ngắn từ giữa tháng 10/2017 về đầu tháng này - khá trái ngược với thói quen thông thường của đảng là những hội nghị trung ương ít diễn ra sớm hơn dự kiến mà thường là muộn hơn dự kiến.
Có thể, Hội nghị trung ương 6 sẽ được tổ chức theo kiểu "xong sớm nghỉ sớm", đóng lại một năm được xem là thành công trong cuộc chiến nội bộ của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng chính ông lại thất bại hoàn toàn với những gì mà ông đã hứa hẹn với nhân dân.
Còn hai quyết sách lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - "Nhất thể hóa" và "Kiểm tra tài sản 1000 quan chức" - hẳn sẽ được đóng kiện nhét vào kho lưu trữ của đảng.
"Biệt phủ Phạm Sỹ Quý" ở Yên Bái dậy trời đất đến thế mà còn không "xử" được, ông Trọng còn đòi đi kiểm tra tài sản của ai khác ?