Rốt cục rồi bộ sậu Ba đình cũng gởi điện văn chúc mừng Joe Biden và Kamala Harris đã đắc cử tổng thống, trễ hơn đồng lưu các quốc gia khác là một tháng. Có ý kiến cho rằng Việt Nam chần chờ vậy là do "thận trọng". Việt Nam không dám làm điều gì phật lòng Trump vì sợ ông này trả đũa.
Theo tôi là không hề có vụ "thận trọng".
Nhiều dữ kiện tiền bầu cử cho thấy lãnh đạo Việt Nam đã "chọn phe". Họ chọn đứng về bên Trump, với tư cách "ủng hộ viên chủ động", chớ không phải là một "quan sát viên" có chủ kiến chính trị.
Vấn đề là, Mỹ cũng như Việt Nam, là những quốc gia "độc lập có chủ quyền". Hai quốc gia này đã có những kết ước mang nội dung "hai bên tôn trọng chế độ chính trị của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau".
Lập trường "ủng hộ viên chủ động" của Việt Nam có thể bị phê phán là hành vi "xen vào chuyện nội bộ của nước Mỹ".
Bởi vì Việt Nam là nơi xuất phát các nguồn thông tin giả liên quan đến bầu cử Mỹ. Lượng thông tin giả này đã làm nhiễu loạn đức tin của con người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.
Đại đa số người dân Việt Nam, dân thường cũng như trí thức, nhà tranh đấu "dân chủ nhân quyền", dân "đu càng" cũng như "Việt cộng" hay đảng viên... có tới trên 75% ủng hộ Trump. Số người này cuồng Trump đến độ coi ông Trump như là "thiên sứ", người được "trời đưa xuống để dẫn dắt thế gian". Nhiều người trong họ sẵn sàng chết để ông Trump tiếp tục làm tổng thống.
Thông tin theo thể loại này dĩ nhiên đã làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Có thống kê cho biết tỉ số dân Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho Trump cao hơn bất cứ dân gốc Á nào.
Rõ ràng là nhà nước Việt Nam đã can thiệp vào nội bộ, chuyện bầu cử của Mỹ.
Sau bầu cử một tuần, kết quả đã được báo chí loan tin như thông lệ. Lãnh đạo các quốc gia đa số đều gởi lời chúc mừng đến tổng thống đắc cử Biden, ngoại trừ một vài quốc gia (độc tài) như Nga, Trung Quốc, Việt Nam...
Luật lệ có nguyên tắc : "Consuetudo est jus quoddam moribus institutum, quod pro lege usurpatur ubi deficit lex". Có nghĩa là "thông lệ cũng là luật, được thiết lập bởi thói quen, tập quán ; nó thay thế cho luật, ở nơi mà luật lệ chưa có".
Việc công bố kết quả tổng thống bên Mỹ thuộc về báo chí. Bao nhiêu đời tổng thống Mỹ đắc cử đã được công bố theo hình thức này. Lâu ngày thói quen này trở thành "luật". Lãnh đạo Việt Nam không thể không biết nguyên tắc này.
Họ quyết định không chúc mừng Biden. Điều tệ hại là họ tiếp tục hỗ trợ cho phe cuồng Trump, cho phép những người này tung tin giả về cuộc bầu cử gian lận. Kết quả là gì ? Biden đắc cử tổng thống là nhờ gian lận bầu cử.
Biden trở thành một tổng thống không có chính danh.
Điều bỉ ổi là họ cho phép đám cuồng Trump trong ngoài nước lớn tiếng chửi bới, nhục mạ cá nhân của những người dân "sinh hoạt bình thường", biết tôn trọng luật lệ, yêu chuộng công bằng, chân lý và đứng về phía "sự thật".
Để làm gì ?
Dĩ nhiên các nhà nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... luôn là "điểm nhắm", phê bình hay trừng phạt, của các vị tổng thống Mỹ, ngoại lệ Trump. Họ muốn bôi nhọ Biden để tiếng nói ông này không còn thuyết phục nữa.
Nhà nước Việt Nam vì vậy có thể bị cho là xen vào chuyện nội bộ của Mỹ để "phân hóa" nước Mỹ.
Nhớ có lần ông Nguyễn Minh Triết có lần đi Mỹ về khoae ông đã "thành công phân hóa nước Mỹ".
Bây giờ "chuột chạy cùng sào".
Thể thức bầu phiếu ở Mỹ là vô phương gian lận (hàng loạt). Một, hai cá nhân có thể "gian lận" như lấy tên cha mẹ chết để bỏ hai ba phiếu một lượt. Hoặc người này có thể "bỏ dùm" người kia, tiện thể ký tên dùm luôn. Tỉ lệ "gian lận" là 1/10000, tức mười ngàn người trung bình có một người gian lận.
Các việc cáo buộc (như vụ Dominion) thảo chương máy kiểm phiếu bị phe Biden điều chỉnh để xóa phiếu của Trump, tất cả đều là chuyện không có.
Tất cả các cuộc đếm phiếu lại bằng tay sau này đều không làm thay đổi kết quả.
"Tranh chấp" có thể làm thay đổi kết quả bầu cử là "thể thức bầu cử" ở một số tiểu bang "không phù hợp với luật lệ". Điều này có thể đưa lên Tối cao pháp viện. Nhưng đến nay việc này không xảy ra. Cách bỏ phiếu bằng thư, qua bưu điện, đến nay không thấy ai thành công chứng minh rằng phương cách này vi phạm luật lệ.
Các việc này, một bộ óc "bình thường" và "lương thiện", đều nghĩ ra được. Chỉ có những người "cuồng" mới không thấy và người "có ý đồ" mới tin và làm chuyện ngược lại.
Hy vọng là sau tiếng "súng linh" của Ba đình, các nhóm "đu càng" ở Bolsa cũng như các tổ "đảng viên và Việt cộng nằm vùng" bên Mỹ... thôi không còn tố cáo "Biden gian lận bầu cử" nữa.
Luật lệ các xứ văn minh có nguyên tắc "không ai bị phạm tội vì ý nghĩ của mình".
Người Mỹ có quyền nghi ngờ kết quả bầu cử. Công dân Trump có quyền khiếu nại, nếu thấy nghi ngờ. Nhưng các việc "nghi ngờ", nếu không có bằng chứng chứng minh trước tòa, nghi ngờ không làm thay đổi kết quả bầu cử.
Nhưng các âm mưu bên ngoài, như Việt Nam, cố gắng tạo "bằng chứng giả", có thể xem như là hành vi "tấn công vào nước Mỹ".
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 02/12/2020
Khi cựu Phó tổng thống Joe Biden tuyên bố ra tranh cử tổng thống, tôi thấy "lo" cho ông. Tuổi cao sức yếu, đã cà lăm lại hay vấp váp trong lời ăn tiếng nói, làm sao ông có thể "chạy kịp" các đối thủ trẻ và bén nhạy trong Đảng Dân Chủ và nhứt là đối đầu với một cao thủ sừng sỏ như đương kim Tổng thống Donald Trump. Vậy mà cuối cùng, "cụ già" Joe Biden đã chiến thắng. Theo các nhà phân tách, một trong những khí giới đã mang lại chiến thắng cho ông chính là sự đồng cảm mà ông đã tôi luyện được trong suốt cuộc đời của ông.
Trong thông điệp nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, bất chấp những cảnh cáo của các chuyên gia y tế về sự lây lan và mối nguy hiểm chết người của đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump vẫn cứ thúc đẫy mọi người hãy tha hồ đi lại, tập trung để gặp gỡ, vui chơi và "cầu nguyện". Tổng thống tân cử Biden thì trái lại đã kêu gọi hãy thực thi sự đồng cảm bằng cách giới hạn sự tập trung, mang khẩu trang và tuân thủ việc giãn cách xã hội.
Dạo cuối tháng Mười vừa qua, tại sinh quán của ông là Thành phố Wilmington, Tiểu bang Delaware, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, ứng cử viên Biden đã nói : "Trái tim tôi hướng về từng người đang phải trải qua cơn hấp hối khi phải dùng một băng hình để nói lời từ biệt với những thân yêu của họ, khi không được qui tụ bạn bè và ngay cả người thân trong gia đình để thương khóc trong một thánh lễ hay nghi thức an táng". Tôi chưa từng nghe được một lời như thế từ miệng của Tổng thống Trump !
Trong cuộc vận động, cựu Phó tổng thống Biden luôn muốn nhắn gởi một thông điệp hoàn toàn ngược lại với lời kêu gọi của Tổng thống Trump. Trong khi ông Trump bảo dân chúng Mỹ đừng để cho siêu vi Covid-19 "thống trị" mình và "đừng sợ" nó thì ứng cử viên Biden lúc nào cũng khuyến khích dân chúng mang khẩu trang, tuân giữ việc giãn cách xã hội và nhứt là ông không ngại chia sẻ niềm đau nỗi buồn với mọi người.
Cựu Phó tổng thống Biden luôn sẵn sàng bày tỏ sự đồng cảm với mọi người bởi vì hơn ai hết, ông hiểu thế nào là nỗi đau mất vợ, mất con. Những thảm kịch xảy ra trong gia đình đã ít nhứt hai lần khiến ông muốn từ bỏ sự nghiệp chính trị.
Bi kịch đầu tiên xảy ra cho ông vào mùa đông năm 1972. Năm đó, dù chỉ mới 29 tuổi, ông đã quyết định ra tranh cử vào chức vụ thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho Tiểu bang Delaware. Ban vận động tranh cử gồm hầu hết là người thân trong gia đình, tài chánh lại eo hẹp, vậy mà cuối cùng người thanh niên chưa tròn 30 tuổi này đã đánh bại một đối thủ đã từng là một thượng nghị sĩ kỳ cựu của tiểu bang. Tuy nhiên, chỉ vài tuần lễ sau đó, thượng nghị sĩ tân cử của Tiểu bang Delaware phải trải qua một thảm kịch làm thay đổi hoàn toàn con người của ông. Người vợ trẻ của ông, bà Neilia và đứa con gái một tuổi tên là Naomi của ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Hai cậu con trai Beau và Hunter bị thương nặng.
Thượng nghị sĩ tân cử Biden định từ chức. Nhưng nhiều người đã khuyên ông nên đảm nhận chức vụ đã được người dân Tiểu bang Delaware trao cho ông. Thượng nghị sĩ Biden đã tuyên thệ nhậm chức ngay trong bệnh viện nơi hai cậu con trai nhỏ của ông đang được điểu trị. Kể từ đó, tân thượng nghị sĩ đã đi đi về về trên các phương tiện di chuyển công cộng giữa Wilmington và thủ đô Washington. Bà Valerie, chị gái của ông, đã dời về gia đình ông để chăm sóc cho 2 đứa con trai nhỏ của ông. Bà Valerie ở lại trong gia đình Biden cho đến năm 1977 khi ông tái hôn với bà Jill Jacobs. Hai người đã có với nhau một người con gái là cô Ashley.
Lần thứ hai ông Biden muốn rời bỏ chính trường là năm 2015. Năm đó, với tư cách là phó tổng thống, ông Biden đã cùng với Tổng thống Barack Obama vận động để thông qua dự luật bảo hiểm y tế thường được gọi là Obamacare. Luật này giúp cho hàng triệu gia đình người Mỹ có thu nhập thấp có được bảo hiểm y tế. Trong khi ông nỗ lực đễ bảo đảm cho người nghèo hưởng được sự chăm sóc y tế thì người con trai trưởng của ông là ông Beau Biden qua đời vì ung thư não. Định ra tranh cử tổng thống năm 2016, nhưng ông Biden đã quyết định dành nhiều thời giờ hơn cho gia đình của ông.
Lần này, khi ra tranh cử ông Biden đã được các đảng viên Dân chủ chọn để đối đầu với Tổng thống Trump. Theo ông Mitchell S. McKinney, giáo sư chuyên về những cuộc tranh luận trong các cuộc bầu cử tổng thống thuộc Đại học Missouri, sự kiện các đảng viên Dân chủ chọn ông Biden thay vì một ứng cử viên trẻ hơn, không đáng gây ngạc nhiên, bởi vì theo giáo sư này, đây là người mà Hoa Kỳ đang cần đến trong thời điểm này. Giáo sư McKinney nhận định rằng ông Biden là một chính trị gia biết "đồng cảm". Đây là một thái độ hoàn toàn trái ngược với đương kim Tổng thống Trump (1).
Thực thi và đề cao sự đồng cảm, Tổng thống tân cử Biden đã làm nổi bật một cung cách lãnh đạo cần thiết hơn bao giờ hết trong thời đại này. Hiểu một cách đơn giản, người đồng cảm là người luôn biết tỏ ra ân cần, quan tâm đến người khác. Xét cho cùng, người đồng cảm là người biết sống tử tế.
Cựu tổng thống Obama vừa cho trình làng quyển hồi ký có tựa đề "Đất Hứa" (Promised Land). Chỉ trong ngày đầu tiên, quyển sách đã bán được gần một triệu ấn bản. Trong mục điểm sách của báo The New York Times, nhà văn Chimamanda Ngozi đã gọi tổng thống Obama là "một người tử tế vượt bực". Trong thời gian gần đây, Tổng thống tân cử Biden cũng rất thường được mô tả như một người tử tế. Báo The Washington Post ghi nhận rằng ông Biden đã và đang thể hiện sự tử tế. Báo USA Today cho rằng "dân chủ và sự tử tế đã thắng cuộc bầu cử". Riêng Evan Osnos, người viết tiểu sự của ông Biden khẳng định rằng ông Biden cống hiến "sự tử tế cho thời đại nhiễu nhương". Về phần mình, chính ông Biden cũng lấy sự tử tế làm linh hồn của chiến dịch vận động bầu cử của ông. Ông thường nói : "Đây là cuộc bầu cử về nhân cách và sự tử tế". Cố tổng thống Theodore Roovevelt (1858-1919) cũng đã từng nhấn mạnh đến điều đó. Ông nói : "Chính trị thực tiễn nhứt là chính trị của sự tử tế" (2).
Chính vì muốn đề cao sự tử tế mà để đối lại khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (Make America Great Again) của Tổng thống Trump, ông Biden đã chọn khẩu hiệu "Chiến đấu cho Linh hồn của Dân tộc" (Battle for the Soul of the Nation). Thật ra đây không phải là khẩu hiệu riêng của Tổng thống tân cử Biden. Trước khi ông và Thượng nghị sĩ Kamala Harris liên kết lại trong cùng một liên danh, cả hai người đều đã sử dụng khẩu hiệu này để nói lên tầm quan trọng phải bằng mọi giá đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử 2020 (3).
"Linh hồn của dân tộc" như ông Biden và bà Harris hiểu chính là những giá trị nhân bản làm nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trong đó nổi bật nhứt là đức độ, sự đồng cảm và tử tế.
Trong thông điệp nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, Tổng thống tân cử đã kêu gọi mọi người hãy hướng đến Gulph Mills, tiểu bang Pennsylvania. Đây là nơi mà trước khi trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tướng George Washington đã từng đóng quân trong cảnh thiếu thốn lương thực, quần áo, nơi trú ẩn. Tại đây vẫn còn một tấm bảng ghi lại hàng chữ : "Lễ Tạ Ơn này, bất chấp những khổ đau, đã cho thấy sự tôn trọng và nhân cách đã tôi luyện linh hồn một dân tộc"(4).
Theo Tổng thống tân cử Biden, những khổ đau mà đất nước Hoa Kỳ đang trải qua hiện nay chính là "cuộc chiến với siêu vi (Covid-19) chứ không phải với nhau". Cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc. Ông chia sẻ : "Với những người đã mất đi người thân, tôi biết đây là thời điểm vô cùng khó khăn trong năm. Hãy tin tôi, tôi hiểu điều này. Tôi còn nhớ cái Lễ Tạ Ơn mất mát đầu tiên của mình. Chiếc ghế trống, sự vắng lặng. Nó như lấy đi hơi thở của mình. Khó mà chú tâm. Khó mà cảm tạ. Khó để nhìn về phía trước. Và thật khó để mà hy vọng. Tôi hiểu. Tôi sẽ nghĩ về quý vị và cầu nguyện cho mỗi người cùng tất cả quý vị ngay trên chiếc bàn Lễ Tạ Ơn của chúng tôi bởi vì chúng tôi đã trải nghiệm như thế".
Cái linh hồn dân tộc mà Tổng thống tân cử Biden kêu gọi tôi luyện, đặc biệt giữa cơn đại dịch hiện nay, chỉ có thể hiểu là sự đồng cảm, tử tế và cảm thông.
Là một tín hữu Kitô, khi nghe nói đến "linh hồn", tôi không thể không liên tưởng đến "phần rỗi linh hồn" mà nhà đạo của tôi thường nói đến. Tôi thường được dạy bảo rằng cùng đích của việc "giữ đạo" là "phần rỗi linh hồn", tức được hưởng phúc Thiên Đàng.
Tôi không biết có phải vì "phần rỗi linh hồn" ấy không mà mới đây tại Tiểu bang New York, sau khi thống đốc của tiểu bang là ông Andrew Cuomo ban hành lệnh hạn chế số người tham dự các buổi thờ phượng trong các giáo đường, nhiều tổ chức tôn giáo đã kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện và Viện này đã đưa ra phán quyết đảo ngược lệnh của thống đốc tiểu bang. Người ta nghĩ gì để tranh đấu cho một quyền tự do thờ phượng như thế khi sự tập trung đông đảo trong những nơi thờ phượng có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và như thế gây ra cái chết cho không biết bao nhiêu người. Phải chăng tự do tôn giáo có nghĩa là quyền không cần đồng cảm và quan tâm đến người khác ?
Là một người công giáo, tôi thường lắng nghe lời khuyên dạy của vị thủ lãnh tối cao của Giáo hội Công giáo là Giáo hoàng. Mới đây, trong một bài phát biểu được đăng trên báo The New York Times, Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi : "Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, các chính phủ đã rất nỗ lực đặt hạnh phúc của người dân lên hàng đầu, hành động dứt khoát để bảo vệ sức khỏe và cứu sống... Tuy nhiên, một số nhóm đã phản đối, từ chối giữ khoảng cách, tuần hành chống lại các hạn chế đi lại, như thể các biện pháp mà các chính phủ phải áp dụng vì lợi ích của người dân tạo thành một loại tấn công chính trị đối với quyền tự chủ hoặc tự do cá nhân ! Hướng đến lợi ích chung không chỉ là tổng hợp những gì là tốt đẹp cho cá nhân. Nó có nghĩa là quan tâm đến mọi công dân và tìm cách đáp ứng hiệu quả nhu cầu của những người kém may mắn nhứt" (5).
Thật ra, lời dạy trên đây của người được gọi là "Chủ chăn Giáo hội Hoàn vũ" cũng chỉ là cốt lõi của mọi tôn giáo. Tôn giáo nào cũng dạy con người biết đồng cảm, biết tử tế, biết ân cần, biết quan tâm đến người khác.
Trong cuốn phim nổi tiếng "The Sound of Music", khi Maria, người nữ tu trẻ đang bị dằng co giữa con đường tu đức và cuộc sống gia đình thì Mẹ Bề trên đã khuyên : "Khi Thiên chúa đóng cửa chính, thì ở nơi nào đó, Ngài sẽ mở cánh cửa sổ". Vì vậy, nếu nhìn một cách tích cực và rộng thoáng hơn, khi không thể đến nhà thờ để gặp nhau vì đại dịch, thì chúng ta sẽ nhớ đến nhau và hy sinh cho nhau nhiều hơn bao giờ hết.
Với tôi, "tôi luyện linh hồn" hay lo cho "phần rỗi linh hồn" thiết yếu chính là sống vị tha. Thiên đàng và "phần thưởng đời sau" như thế nào thì chẳng có ai biết hay tưởng tượng được. Nhưng ít ra trong cuộc sống tại thế này, những trải nghiệm thường ngày luôn mang lại cho tôi niềm vui và an bình mỗi khi tôi cố gắng sống vị tha. Tôi khao khát gặp gỡ người đồng đạo ở nơi thờ phượng. Nhưng có lẽ đền thờ cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn. Như thi sĩ Mỹ gốc Lebanon Kahlil Gibran đã nói : "Cuộc sống hàng ngày của bạn là đền thờ và tôn giáo của bạn. Khi bạn đi vào đó, hãy đi vào đó với tất cả con người của bạn". Chính cuộc sống hàng ngày đó là nơi tôi gặp gỡ và sống với tha nhân, là nơi để tôi "tôi luyện linh hồn" của tôi !
Chu Văn
(30/11/2020)
Chú thích :
1.https://www.dw.com/en/us-election-for-joe-biden-empathy-wins-the-presidency/a-55408733
2.https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-romance-work/202011/the-power-decency
4.https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19721-toi-luy-n-linh-h-n-m-t-dan-t-c
Thông điệp lễ Tạ Ơn từ tổng thống tân cử Joe Biden
Thưa quốc dân đồng bào,
Lễ Tạ Ơn là một khoảng thời gian đặc biệt tại Mỹ. Đây là lúc để suy nghiệm lại những gì đã diễn ra trong năm và nghĩ về những gì phía trước.
Ngày quốc lễ Tạ Ơn đầu tiên đã được Quốc hội thông qua vào ngày 18 tháng 12 năm 1777. Trên đường đến Valley Forge, Thống tướng George Washington và quân lính của ông đã đón lễ trong điều kiện khắc nghiệt và mất mát, thiếu thốn thực phẩm, quân trang, chỗ trú quân tại Gulph Mills. Họ chuẩn bị để vượt qua một Mùa Đông khó khăn kéo dài.
Ngày hôm nay đến Gulph Mills, quý vị có thể nhìn thấy một tấm bảng ghi lại khoảnh khắc này với hàng chữ rằng, “Lễ Tạ Ơn này, bất chấp những khổ đau, đã cho thấy tính cách của lòng thương kính đã tôi luyện nên linh hồn một dân tộc".
Tôi luyện linh hồn một dân tộc.
Ngay cả khi đối mặt với khổ nạn thì niềm tin, lòng can đảm, sự hy sinh, tinh thần phụng vụ quốc gia, lòng cưu mang nhau cùng tâm tình tạ ơn đã trở thành một phần ý nghĩa của lễ Tạ Ơn tại Mỹ từ lâu nay. Nhìn lại lịch sử, quý vị sẽ thấy cái hồn dân tộc chúng ta đã được trui rèn trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Và hiện nay, chúng ta lại một lần nữa thấy mình phải đối mặt với một Mùa Đông dài đầy khó khăn như vậy.
Chúng ta đã chiến đấu với một loại virus trong một trận chiến kéo dài gần suốt năm qua. Nó mang đến chúng ta những nỗi đau, mất mát và sự thất vọng. Nó cũng cướp đi sinh mạng của rất nhiều người - 260 ngàn người Mỹ và còn tiếp tục gia tăng. Nó chia rẽ chúng ta, gây nên phẫn nộ và làm chúng ta chống lại nhau. Tôi biết quốc gia này đã mệt mỏi trong cuộc chiến này.
Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, chúng ta đang ở trong một cuộc chiến với virus chứ không phải với nhau.
Đây là thời điểm mà chúng ta cần phải trui rèn sức mạnh, nhân đôi nỗ lực và tái cam kết sức mình cho cuộc chiến. Xin hãy nhớ một điều rằng, tất cả chúng ta đều chịu chung tình cảnh này.
Với rất nhiều người, quả khó khăn để nghe rằng cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc và chúng ta vẫn còn hàng tháng trời trước mặt. Và đối với những người đã mất đi người thân, tôi biết đây là thời điểm vô cùng khó khăn trong năm. Hãy tin tôi, tôi hiểu điều này. Tôi còn nhớ cái lễ Tạ Ơn mất mát đầu tiên của mình. Chiếc ghế trống, sự vắng lặng. Nó như lấy đi hơi thở mình. Khó mà chú tâm. Khó mà cảm tạ. Khó để nhìn về phía trước. Và thật khó để mà hy vọng. Tôi hiểu. Tôi sẽ nghĩ về quý vị và cầu nguyện cho mỗi người cùng tất cả quý vị ngay chiếc bàn lễ Tạ Ơn của chúng tôi bởi vì chúng tôi đã trải qua vậy.
Năm nay, chúng tôi đề nghị người dân hãy bỏ qua nhiều truyền thống lâu đời đã làm nên điều đặc biệt trong dịp lễ này. Đối với gia đình chúng tôi, chúng tôi đã có một truyền thống du ngoạn trong dịp lễ Tạ Ơn hàng năm trong hơn 40 năm qua, điều mà chúng tôi chỉ bỏ qua trong năm con trai chúng tôi là Beau qua đời. Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ ở nhà.
Chúng tôi thường có những buổi họp mặt đại gia đình vào lễ Tạ Ơn. Con, cháu, cô, chú, người thân. Đối với đại gia đình Biden, những ngày quanh lễ Tạ Ơn luôn là dịp để ghi nhớ tất cả những gì chúng ta cần phải biết ơn và là thời gian để chuẩn bị chào đón mùa lễ Giáng Sinh. Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ đón lễ Tạ Ơn riêng bởi vì chúng tôi rất lo cho nhau. Jill và tôi sẽ ở nhà với con gái và con rể tại Delaware. Tôi biết quả khó mà từ bỏ truyền thống gia đình, nhưng điều này rất quan trọng.
Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn gia tăng đột biến các ca lây nhiễm. Mỗi ngày hiện có trung bình hơn 160 ngàn ca nhiễm và sẽ chẳng ai ngạc nhiên nếu tăng lên 200 ngàn ca mỗi ngày. Nhiều hệ thống y tế địa phương đang có nguy cơ bị quá tải. Đây là sự thật rõ ràng và đơn giản. Tôi tin rằng quý vị xứng đáng luôn được nghe sự thật từ tổng thống của mình.
Chúng ta phải cố gắng ngăn chặn sự lây lan. Chúng ta nợ các bác sĩ, y tá và những nhân viên y tế tuyến đầu, những người chịu rủi ro và can đảm chiến đấu với loại virus này đã quá lâu. Chúng ta nợ đồng bào của mình, những người sẽ cần đến giường bệnh và sự chăm sóc để chống chọi lại căn bịnh này. Và chúng ta nợ lẫn nhau như là trách nhiệm yêu nước trong tư cách người dân Mỹ.
Điều đó có nghĩa là hãy mang khẩu trang, giữ giãn cách xã hội và giới hạn số người tụ họp. Đây là những biện pháp chống lại virus hữu hiệu nhất cho đến khi chúng ta có thuốc chủng ngừa.
Bắt đầu ngay ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của tôi, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tạo sự thay đổi diễn biến dịch bịnh. Thử nghiệm nhiều hơn sẽ phát hiện người nhiễm bịnh, giúp họ tách biệt khỏi người khác để giảm sự lây lan. Cung cấp vật dụng bảo hộ cho các doanh nghiệp và trường học nhiều hơn cũng sẽ làm được điều tương tự là giảm số lượng các ca nhiễm. Hướng dẫn rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp và trường học được mở cửa nhiều hơn.
Tất cả chúng ta đều có một vai trò nhằm đánh bại cuộc khủng hoảng này. Chính phủ liên bang có quyền hạn rộng lớn để chống lại virus này. Tôi xin cam kết với quý vị là tôi sẽ sử dụng tất cả những quyền hạn đó để dẫn dắt một cuộc đối phó được phối hợp ở bình diện quốc gia.
Nhưng chính phủ liên bang không thể làm điều đó một mình. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong cuộc sống chính mình để làm những gì có thể làm được để ngăn chặn virus. Mọi quyết định của chúng ta đều quan trọng. Mỗi quyết định của chúng ta có thể cứu được một mạng người. Không có điểm nào trong số những điều chúng tôi yêu cầu mọi người thực hiện là những tuyên bố chính trị mà đều dựa vào khoa học.
Việc bào chế thuốc ngừa có những tiến bộ đáng kể, phá kỷ lục là tin tốt lành. Một số loại thuốc ngừa có vẻ rất hiệu nghiệm. Chúng tôi đang đi đúng hướng để bắt đầu đợt chủng ngừa đầu tiên vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng Một. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra kế hoạch phân phối để cả nước được chủng ngừa sớm nhất có thể, chúng tôi sẽ làm vậy. Nhưng nó sẽ đòi hỏi thời gian. Tôi hy vọng tin tức về thuốc ngừa sẽ là động lực khuyến khích mọi người dân thực hiện những điều đơn giản nhằm kiểm soát dịch bịnh hiện nay.
Có hy vọng thực sự, một sự hy vọng hiển hiện. Vì vậy, hãy chờ đợi, đừng để bản thân mình đầu hàng trước sự mệt mỏi. Tôi biết chúng ta có thể và chúng ta sẽ đánh bại loại virus này. Nước Mỹ sẽ không thất bại trong cuộc chiến này. Quý vị sẽ lấy lại cuộc sống của mình. Đời sống sẽ trở lại bình thường. Điều này sẽ xảy ra. Dịch bịnh sẽ không kéo dài mãi mãi.
Đây là một năm thách đố nhưng tôi vẫn tin rằng chúng ta có nhiều điều để tạ ơn. Nhiều điều để hy vọng, nhiều thứ để xây dựng, nhiều điều để ước mơ.
Đây là nước Mỹ mà tôi thấy và tôi tin rằng đó cũng là nước Mỹ mà quý vị nhìn thấy : đó là một nước Mỹ đối mặt với sự thật. Một nước Mỹ vượt qua thách đố. Một nước Mỹ là nơi chúng ta tìm kiếm công lý và bình đẳng cho mọi người. Một nước Mỹ giữ vững niềm tin rằng thoát khỏi nỗi đau là điều khả dĩ, gạt qua thất vọng để thăng tiến và thôi chia rẽ để hợp đoàn.
Trong những giờ phút tuyệt vời nhất mà chúng ta đã luôn và sẽ trở lại là ai thì tôi tin rằng một mùa cay nghiệt của chia rẽ và ma quỷ này rồi sẽ nhường lại chỗ cho năm dài tháng rộng của ánh sáng và đoàn kết.
Tại sao tôi nghĩ như vậy?
Bởi vì nước Mỹ là một quốc gia, không phải như kẻ thù mà là láng giềng. Không phải sự giới hạn, mà là khả dĩ. Không phải những giấc mơ trì hoãn, mà là những giấc mơ có thực. Tôi đã nói nhiều lần : đây là một quốc gia tuyệt vời và chúng ta là những người tốt. Đây là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Khi cùng chung tay, chưa bao giờ có điều gì mà chúng ta không thể làm được. Hãy nghĩ về những gì chúng ta đã trải qua. Đó là hàng thế kỷ của chế độ nô lệ, một cuộc nội chiến tương tàn, sự loại trừ phụ nữ khỏi bầu cử, thế chiến, thời đại phân biệt chủng tộc Jim Crow, một cuộc đối đầu chế độ độc tài Liên Xô có thể chấm dứt không phải bằng sự sụp đổ của bức tường Bá Linh mà là bởi cuộc tận thế hạch tâm.
Tôi không ngây thơ. Tôi biết rằng lịch sử chỉ là lịch sử. Nhưng biết được điều gì đã đến có thể giúp chúng ta chống lại sự tuyệt vọng. Biết các thế hệ đi trước đã vượt qua những thách thức chung của con người mà chúng ta đang phải đối mặt: sự đối chọi giữa ích kỷ và độ lượng, giữa sợ hãi và hy vọng, giữa rẽ chia và hợp đoàn.
Và điều gì đã đưa thực tế của nước Mỹ đến gần hơn với lời tuyên hứa của nó cho sự bình đẳng, công bằng và thịnh vượng? Rõ ràng và đơn giản chỉ là lòng yêu thương. Yêu thương đất nước và yêu thương nhau.
Chúng ta không nói nhiều về yêu thương trong chính trị. Đấu trường này quá ồn ào, quá tức giận, quá rực bỏng. Yêu thương những người láng giềng như chính mình là một hành động căn bản mà chúng ta được mời gọi để làm. Và chúng ta phải cố gắng, chỉ vì cố gắng, chỉ khi lắng nghe, chỉ khi thấy chúng ta gắn kết với nhau trong điều mà Tiến Sĩ King gọi là "định mệnh hỗ tương" thì chúng ta mới có thể vượt lên trên sự chia rẽ để thực sự hàn gắn.
Nước Mỹ chưa bao giờ là hoàn hảo. Nhưng chúng ta luôn cố gắng thực hiện ước vọng của Tuyên Ngôn Độc lập rằng, tất cả mọi người được tạo dựng bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Và chúng ta đã luôn tìm cách làm điều này được hoàn hảo hơn.
Vậy thì chúng ta nên cảm tạ điều gì trong mùa lễ này ?
Trước hết chúng ta hãy biết ơn chính nền dân chủ.
Trong mùa bầu cử này, chúng ta đã thấy những con số kỷ lục về số người Mỹ thực hiện quyền thiêng liêng nhất của họ, đó là quyền bỏ phiếu để bày tỏ ý nguyện của họ qua lá phiếu. Hơn 150 triệu người đã đi bỏ phiếu. Đó là điều phi thường. Nếu quý vị muốn biết điều gì đang đập tận trong trái tim nước Mỹ thì đó là nền dân chủ.
Đó là quyền quyết định cuộc sống của chúng ta, chính phủ của chúng ta, giới lãnh đạo của chúng ta. Quyền được lắng nghe.
Nền dân chủ của chúng ta đã được sát hạch trong năm nay. Và những gì chúng ta học được là, người dân của quốc gia này có trách nhiệm. Tại nước Mỹ, chúng ta có các cuộc bầu cử đầy đủ, công bằng và tự do, và rồi chúng ta tôn trọng kết quả. Người dân và luật pháp của quốc gia này sẽ không ủng hộ cho bất kỳ điều gì khác hơn vậy.
Chúng ta cũng nên biết ơn vì nước Mỹ là một giao ước và một câu chuyện đang tiếp diễn. Chúng ta có những gì chúng ta cần để tạo ra sự thịnh vượng, cơ hội và công bằng. Đó là người Mỹ gan góc và thừa lòng hào hiệp, có khả năng to lớn và đầy lòng tốt. Chúng ta có những gì nước Mỹ cần, bây giờ chúng ta cần hành động. Đây là thời điểm của chúng ta, hãy cùng nhau viết nên một điều mới mẻ hơn, táo bạo hơn, nhân ái hơn cho trang sử dân tộc.
Công việc phía trước sẽ không dễ dàng và nhanh chóng. Quý vị muốn giải pháp, không phải sự la hét, cần lý lẽ, không phải siêu đảng phái, cần nhẹ nhàng, đừng rực lửa. Quý vị muốn chúng ta lại được nghe nhau, gặp lại nhau, tôn trọng lẫn nhau. Quý vị muốn chúng ta, những người Dân Chủ, Cộng Hòa và độc lập đến với nhau và làm việc với nhau.
Các bạn của tôi ơi, đó là điều tôi quyết tâm thực hiện.
Người Mỹ vẫn mơ điều lớn lao. Và cho dù có vẻ khó khăn hơn trong lễ Tạ Ơn này, chúng ta sẽ lại mơ giấc mơ lớn. Tương lai của chúng ta sẽ tươi sáng. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ lạc quan về tương lai của nước Mỹ hơn lúc này.
Tôi tin rằng thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ Mỹ. Chúng ta sẽ xây dựng một nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới bằng quyền lực của khuôn mẫu chứ không phải bằng khuôn mẫu quyền lực. Chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới về khí hậu và cứu lấy hành tinh. Chúng ta sẽ tìm ra phương pháp chữa trị ung thư, bệnh Alzheimer và bệnh tiểu đường. Và cuối cùng chúng ta sẽ giải quyết tận gốc rễ nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở quốc gia này.
Trong ngày Lễ Tạ Ơn này và trong những lễ Tạ Ơn tới, chúng ta hãy lại mơ ước. Hãy cam kết không chỉ nghĩ về bản thân mà còn đến những người khác. Nếu chúng ta quan tâm đến nhau, hãy dang rộng vòng tay thay vì vung ra nắm đấm thì chúng ta sẽ hàn gắn được nhờ sự giúp đỡ của ơn trên.
Và cuối cùng tôi xin được cảm ơn quý vị cùng sự tin tưởng mà quý vị đã đặt để vào tôi.
Xin cùng cất cao lên tiếng hát trong những tháng năm tới và bài hát của chúng ta sẽ cứu mạng nhiều người, sẽ sửa chữa lỗi lầm và hoàn thiện quốc gia.
Dù đang ở bất cứ nơi đâu và đón lễ thế nào, từ gia đình Biden chúng tôi xin gởi đến gia đình quý vị lời chúc an vui đầm ấm trong ngày lễ Tạ Ơn. Xin Thiên Chúa ban phước lành đến quý vị và chở che cho quân đội chúng ta.
Joe Biden
Nhã Duy chuyển dịch
**********************
Thanh Hà, RFI, 26/11/2020
Một ngày trước Lễ Tạ Ơn, tổng thống tân cử Joe Biden đã gửi thông điệp tới toàn dân với những lời lẽ rất xúc động. Với những mất mát mà gia đình ông phải hứng chịu trong quá khứ, Joe Biden chia sẻ nỗi đau của những gia đình bị virus corona cướp đi người thân.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve gửi về bài tường trình :
"Đây là một thông điệp về sự thật và hy vọng của một vị tổng thống tân cử trong một quốc gia đang chịu nhiều thử thách, một ngày trước lễ Tạ Ơn giữa mùa đại dịch. Ông Biden nói : ‘Có một hy vọng thực sự. Các bạn hãy cố gắng lên. Tôi biết là chúng ta sẽ đánh bại được con virus này’.
Không tìm cách giảm thiểu thực tế hay mức độ nguy hiểm, ông Biden kêu gọi người Mỹ hãy xem mùa lễ Tạ Ơn năm nay là một ngoại lệ, hãy theo gương ông, tránh đoàn tụ gia đình. Tổng thống tân cử Mỹ nói thêm ‘Tôi biết đây là một quyết định khó khăn khi phải từ bỏ truyền thống gia đình. Nhưng việc làm này thật là quan trọng. Đất nước chúng ta đang ở đỉnh dịch, với 160.000 ca nhiễm mới trong một này. Đây là thực tế đơn thuần".
Sau đó, Joe Biden hướng thẳng tới những gia đình trong cảnh tang tóc và nhắc lại trải nghiệm đau thương của chính ông : ‘Tôi biết thời khắc này trong năm đau buồn đến chừng nào. Các bạn hãy tin tôi đi. Tôi đã từng trải qua điều đó. Tôi còn nhớ mãi lễ Tạ Ơn đầu tiên, khi một chiếc ghế bị bỏ trống. Sự im lặng. Những trống vắng lặng thinh đó khiến ta ngạt thở’.
PUBLICITÉ
Cùng lúc, trong một phòng khách sạn tại bang Pennsylvania, nơi đông đảo thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đang có mặt, tiếng Donald Trump vang lên qua điện thoại của một trong những luật sư đại diện cho tổng thống Mỹ. Không có bằng chứng, Donald Trump vẫn cáo buộc có gian lận bầu cử. Ông tuyệt nhiên không gửi một thông điệp nào nhân ngày lễ Tạ Ơn đến những người dân Mỹ".
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống mãn nhiệm Donald Trum, tiếp tục tố cáo "gian lận" bầu cử dù không có bằng chứng và sau nhiều thất bại pháp lý.
Hãng tin Pháp AFP tường thuật lại cảnh ông Rudy Guliani, luật sư riêng của Donald Trump: tay cầm điện thoại, mở loa để các thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa bang Pennsylvania cùng nghe tiếng tổng thống Trump. Tổng thống mãn nhiệm tuyên bố : "Chúng ta phải đảo ngược kết quả bầu cử này". Phe Dân Chủ đã "gian dối. Đây là một cuộc bầu cử có gian lận".
Cách nay hai ngày, Pennsylvania công bố kết quả chính thức và nhìn nhận thắng lợi thuộc về Joe Biden. Gần như cùng lúc, phát biểu từ thành trì ở bang Delaware, tổng thống đắc cử Biden tuyên bố cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ là "tự do và công bằng. Chúng ta tôn trọng kết quả bầu cử. Người Mỹ và luật pháp không chấp nhận bất kỳ một điều gì khác"
AFP nhắc lại, kết quả cuộc bầu cử Mỹ hôm 03/11/2020 cho thấy, trên toàn quốc Joe Biden được hơn 80 triệu cử tri ủng hộ và Donald Trump giành được gần 74 triệu phiếu. Chung cuộc, Donald Trump có 232 đại cử tri ủng hộ, còn Joe Biden có được 306 đại cử tri, trong khi chỉ cần tối thiểu 270 phiếu để trở thành thống thống Hoa Kỳ.
Đúng như giới truyền thông dự báo, tổng thống Trump thông báo ân xá cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Năm 2017, ông Flynn thừa nhận đã nói dối Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) về những cuộc tiếp xúc với một nhà ngoại giao Nga vào cuối năm 2016 trước khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Mặc dù ông Flynn chưa bị xét xử và tuyên án, nhưng với lệnh ân xá của tổng thống, các cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump bị hủy bỏ.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 26/11/2020
Thành phần tân chính phủ Mỹ nhanh chóng hình thành và việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa vì dịch Covid, là hai chủ đề chính của các nhật báo Pháp ngày 25/11/2020.
Libérationnhận xét "Trump lùi bước, Biden tuyển mộ". Tương tự với Le Monde "Trump giải tỏa việc chuyển giao, Biden thành lập dàn lãnh đạo", La Croix : "Donald Trump nhường bước, Joe Biden chuẩn bị".
Ba tuần sau cuộc bầu cử mà Donald Trump vẫn từ chối chính thức công nhận kết quả, tổng thống mãn nhiệm chấp nhận cho cơ quan hành chính phụ trách việc chuyển giao (GSA) bắt đầu giải ngân. Ông khẳng định : "Cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục, chúng ta sẽ theo đuổi cuộc đấu tranh vì công lý và tôi tin rằng sẽ chiến thắng ! Dù vậy, vì lợi ích đất nước, tôi khuyến cáo Emily và các cộng sự của bà tiến hành những việc cần thiết theo quy trình".
Le Figaro cho biết thêm, trước khi được ông Trump bật đèn xanh, bà Emily Murphy, giám đốc GSA than phiền đã bị đe dọa nhiều lần "trên mạng, qua điện thoại hoặc bằng thư, nhắm vào gia đình tôi, các nhân viên của tôi và thậm chí cả thú nuôi của tôi, nhằm buộc tôi phải ra quyết định một cách vội vã… Nhưng trước hàng ngàn đe dọa, tôi vẫn kiên định tôn trọng luật pháp".
Ông Joe Biden hôm qua đã công bố một số cái tên trong số những bộ trưởng sẽ đứng xung quanh ông trong dịp lễ nhậm chức ngày 20 tháng Giêng. Trong số đó có Antony Blinken được đề cử ngoại trưởng, Avril Haines, phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngành tình báo, cựu ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về khí hậu, và Alejandro Mayorkas, xuất thân từ một gia đình di dân Cuba làm bộ trưởng An ninh nội địa. Cựu giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen sẽ là phụ nữ đầu tiên làm bộ trưởng Tài chính.
Theo Libération, những khuôn mặt này hầu như đều đã kinh qua các chức vụ trong chính quyền Obama, tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy. Tuy không có ai đặc biệt cấp tiến và cánh tả trong đảng Dân chủ sẽ chỉ trích, nhưng Joe Biden hiểu rằng đa số người Mỹ muốn cánh trung quay lại, và với một Thượng Viện ngay cả khi trong điều kiện tốt nhất là Cộng hòa, Dân chủ mỗi bên đều 50 người, thì những ứng viên cực tả vẫn khó được chấp nhận.
Le Monde cũng nhận xét dường như các tiêu chí chọn lựa là sự thân cận với ông Biden, năng lực và tính đa dạng. Les Echos cho biết John Kerry luôn trung thành với Joe Biden, ngay cả khi chiến dịch tranh cử của cựu phó tổng thống thất bại nặng nề vào đầu năm nay. Antony Blinken là một chuyên gia đối ngoại đầy kinh nghiệm, bà Janet Yellen được các bên công nhận là tài năng. Trong khi Donald Trump chọn một nhà báo dẫn chương trình truyền hình của Fox News làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Biden dành chức này cho một chuyên gia về Châu Phi, Linda Thomas-Greenfield, một phụ nữ da đen 68 tuổi.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Donald Trump sẽ không bao giờ chịu công nhận thất bại, tuy lần lượt các bang quan trọng đã được xác nhận rơi vào tay ứng viên Dân chủ : Georgia hôm thứ Sáu, Michigan thứ Hai và Pennsylvania hôm qua, thứ Ba.
Theo Washington Post, ông Trump vẫn muốn tiếp tục là đại diện một lực lượng quan trọng trong chính trị và truyền thông, và có thể từ nay đến cuối năm, Donald Trump sẽ loan báo ra ứng cử năm 2024. Cũng theo nhật báo này, ông Trump đang cân nhắc những phương cách kiếm tiền mà các tổng thống tiền nhiệm từng làm, từ những bài diễn văn hay xuất hiện trên truyền hình, những cuộc mít-tinh, viết hồi ký. Dù sao đi nữa, với những vụ kiện tụng hiện nay và nguy cơ bị khởi tố sau khi mất quyền đặc miễn, vấn đề tài chính rất quan trọng với ông Donald Trump.
Bóng ma cộng sản khiến cử tri Mỹ lo sợ
"Mác-xít, một nỗi sợ Mỹ", đó là tựa đề một bài viết trên Le Monde, với bức ảnh một người biểu tình trước Nhà Trắng mang tấm bảng có hình ông Joe Biden trong trang phục Mao Trạch Đông. Đối với nhiều người ủng hộ tổng thống Donald Trump, ứng viên Dân chủ Biden là hiện thân của chủ nghĩa xã hội, là mối đe dọa cho các quyền tự do của mô hình tư bản.
"Với Biden, chúng ta có thể nói lời từ biệt với nước Mỹ. Chào mừng đến với Venezuela !". Đây không phải là lời nói đùa, mà là phát biểu rất nghiêm túc của một đại diện đảng Cộng hòa tại hạt Shenandoah, Virginia, biểu hiện nỗi lo sợ của nhiều người cánh hữu sau khi ông Joe Biden được cho là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, nỗi sợ Hoa Kỳ trở thành "một nước xã hội chủ nghĩa do những người mác-xít và cộng sản lãnh đạo" đã khiến nhiều cử tri tin rằng phải chọn lựa giữa "tự do và độc tài". Như tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đã tóm tắt, chọn "ác mộng chủ nghĩa xã hội hoặc giấc mơ Mỹ", có đến 73 triệu người đã bỏ phiếu cho ông Trump, một kỷ lục !
Nỗi sợ cộng sản là có thật. Giáo sư Thomas Schwartz ở Tennessee nhận xét nếu tại Châu Âu người ta phân biệt rõ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa mác-xít, thì tại Mỹ hầu như đồng nghĩa, dù từ mác-xít gây ác cảm nhiều hơn vì gắn với Liên Xô và chiến tranh lạnh. Dân biểu Todd Gilbert thì lo ngại phe Dân chủ có thể bị các khuôn mặt mác-xít nhất trong đảng làm áp lực. Sau các kết quả đáng thất vọng về bầu cử ở Hạ Viện, nhiều dân biểu Dân chủ đã cảnh báo không nên xưng tụng "nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa", bị cho là mang nghĩa xấu.
Trung Quốc đứng nhì trong số những nước bị ác cảm tại Pháp, chỉ sau Bắc Triều Tiên
Về Châu Á, Le Monde cho biết hình ảnh Trung Quốc là tiêu cực đối với cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Pháp, theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm qua.
Đại dịch do con virus từ Vũ Hán, các vụ vi phạm nhân quyền và lạm dụng công nghệ cho những ý đồ xấu đã khiến Trung Quốc chiếm vị trí thứ nhì trong những nước bị ác cảm tại Pháp, đứng sau Bắc Triều Tiên và trước Nga. Có đến 62% người được hỏi cho biết không thích hoặc thậm chí rất ghét Trung Quốc, chỉ có 16% có cảm tình. Con số được Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) công bố ngày 24/11 nằm trong khuôn khổ một cuộc thăm dò rộng rãi về hình ảnh Trung Quốc tiến hành từ tháng Chín đến tháng Mười, tại 13 nước Châu Âu.
Ấn tượng xấu về Trung Quốc hầu như đồng đều trong dân chúng Pháp không phân biệt khuynh hướng chính trị : 58 đến 69% cử tri của sáu đảng chính tại Pháp cho biết "rất ghét", hoặc "ghét" Bắc Kinh. Nhìn chung, hình ảnh Trung Quốc trở nên xấu xí đối với 53% người Pháp trong ba năm gần đây.
Công chúng Pháp tỏ ra nhạy cảm về chính trị hơn là về kinh tế : ngoài từ "Covid" từ đầu tiên họ nghĩ đến khi nói về Trung Quốc là "độc tài". Người Pháp xếp Trung Quốc ở hàng cuối cùng trong số những nước có thể là đối tác để xây dựng mạng 5G, đây là thất bại của "quyền lực mềm" Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Marc Julienne cho biết tuy người dân Pháp "tỏ ra lo ngại trước sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc, nhưng họ không quan tâm mấy đến một quân đội ở quá xa".
Noi gương Hồng Kông, giới trẻ Thái đối mặt với hiểm nguy
Tại Đông Nam Á, Le Figaroghi nhận "Giới trẻ Thái Lan đấu tranh cho dân chủ đang trong tình trạng nguy hiểm". Chống chọi với chính quyền, họ chấp nhận những rủi ro như đã xảy đến với những người trẻ Hồng Kông.
Thứ Tư tuần trước, vụ đụng độ giữa cảnh sát và thanh niên biểu tình đã làm hơn 40 người bị thương. Hàng ngàn người trẻ bao vây tòa nhà Quốc hội, nơi các dân biểu dưới áp lực người dân đang xem xét dự án cải cách Hiến pháp. Họ mở cửa cho những sửa đổi dân chủ nhưng bác bỏ tất cả những gì đụng chạm đến hoàng gia, như nhóm Internet Dialogue on Law Reform (ILaw) đòi hỏi thông qua một cuộc tham vấn rộng rãi trên mạng. Cảnh sát xịt vòi rồng vào người biểu tình. Cuộc cách mạng 4.0 của lớp trẻ đầy lý tưởng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, đã vấp phải bức tường kiên cố của thế giới cũ, những chiếc khiên của lực lượng chống bạo động.
Những hình ảnh trên đường phố Bangkok khiến người ta nhớ đến những cuộc biểu tình khổng lồ dưới chân những tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông năm ngoái. Một lần nữa, tuổi trẻ Châu Á gan dạ đã thách thức chế độ độc tài, David chống lại Goliath. Tuổi trẻ Thái Lan sử dụng lại phương pháp của các chiến hữu Hồng Kông "Hãy linh hoạt như nước". Thông qua ứng dụng mã hóa Telegram, các nhà hoạt động vô hiệu hóa được các hàng rào cảnh sát, tổ chức các cuộc tập hợp bất ngờ tại các ngã tư quan trọng. Họ được sự ủng hộ từ Hoàng Chi Phong, người hùng của cuộc Cách mạng Dù Hồng Kông, kêu gọi một liên minh giới trẻ Châu Á đòi dân chủ trước các chế độ độc tài được Trung Quốc cộng sản hỗ trợ.
Tuy nhiên phong trào dân chủ Hồng Kông cho thấy những hạn chế của những cuộc cách mạng thời đại internet : huy động nhanh chóng nhưng thường chủ trương đòi hỏi tối đa. Dù đã tặng cho Tập Cận Bình một cái tát với việc ngưng lại dự luật dẫn độ, nhưng lớp trẻ không lãnh đạo, không chiến lược, hành động theo cảm xúc trên mạng, lại dấn lên với các hoạt động đôi khi bạo động, vượt qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh. Tuổi trẻ Bangkok đã dám vượt qua cấm kỵ, nhưng khi trộn lẫn khuôn mặt gây tranh cãi của nhà vua Rama X với cải cách dân chủ, họ có nguy cơ tạo khoảng cách với một bộ phận dân chúng vẫn coi hoàng gia là biểu tượng tối cao.
Số tử vong vì Covid tại Nga trên thực tế cao gấp nhiều lần ?
Trên lãnh vực y tế, Le Figarocho biết "Tại Nga, thảm họa Covid bị những con số chính thức che khuất". Theo các chuyên gia độc lập, số bệnh nhân tử vong vì đại dịch cao gấp từ 3 đến 7 lần so với thống kê do chính quyền đưa ra.
Hơn phân nửa số bệnh nhân đợt 2 là người ở các tỉnh, nơi cơ sở hạ tầng thiếu thốn trong khi đợt 1 tập trung vào Moskva và Saint Petersbourg được trang bị tốt hơn. Reuters đưa tin hơn một chục vùng đang thiếu thốn kháng sinh nghiêm trọng, đại diện nghiệp đoàn bác sĩ nói với Le Figaro đang thiếu nhân lực và trang bị phòng hộ. Các bác sĩ làm việc ở "vùng đỏ" không có những bộ trang phục bảo hộ tốt, những bộ áo họ được phát mặc vào rách ngay.
Đại dịch nặng nề thêm do một số nhân tố : thiếu minh bạch, chênh lệch giữa khu vực trung tâm và ngoại ô, tình trạng xuống cấp của các bệnh viện, và tập quyền ở trung ương khiến các thống đốc vùng lo đánh bóng số liệu… Nga đứng hàng thứ năm trong số những nước bị con virus từ Vũ Hán gây thiệt hại nhiều nhất, sau Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil và Pháp với trên 2 triệu người dương tính và trên 37.000 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên theo nhà dân số học Alexei Rakcha thì con số trên là hoàn toàn dối trá. Dựa theo tính toán về nhân khẩu của ông, từ một năm qua số người chết tại Nga vượt trên mức bình thường 330.000 người, trong đó 80% là do virus corona (264.000 tử vong), tức cao hơn số liệu công bố… 8 lần !
Một số chuyên gia khác cho rằng chỉ cần nhân con số chính thức lên 2 hoặc 3 lần. Nhưng Rakcha khẳng định 70% bệnh nhân Covid tử vong tại Moskva không được coi là chết do đại dịch, tỉ lệ này tại các tỉnh là 80%. Một chuyên gia độc lập khác là Alexei Kouprianov, dựa trên thuật toán đã được sử dụng trong bầu cử, nhận thấy những địa phương nào có kết quả bầu cử đàng hoàng nhất cũng là những nơi công bố con số Covid thật nhất.
Thiếu minh bạch tương tự với vaccin chống Covid : Moskva đã nhanh nhẩu đi trước những người cạnh tranh khi loan báo hai vaccin Sputnik V "hiệu quả 95%" và EpiVakCorona của phòng thí nghiệm bí mật Vektor. Cả hai đều đang được thí nghiệm lâm sàng (giai đoạn 3) nhưng Nga lại loan báo sẽ tiêm chủng cho 1,5 triệu dân từ nay đến cuối năm.
Nhà báo kiêm nhà sinh học phân tử Irina Jakutenko hết sức lo ngại khi bộ Y Tế đã cho đăng ký hai loại vaccin này trong khi thí nghiệm lâm sàng vẫn chưa hoàn tất. Đối với Nga, "điều quan trọng là nước đầu tiên chế tạo được vaccin, vì lý do kinh tế nhưng quan trọng nhất là để lấy tiếng".
Thụy My
Đã vài tuần kể từ lần cuối tôi liên lạc với quý vị. Trong thời gian đó, chúng tôi đã gắng sức làm việc để thành lập một nội các thể hiện các giá trị mà chúng tôi đã đưa ra là, hàn gắn sự chia rẽ quốc gia sâu đậm tại quốc nội và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta ở quốc ngoại. Quý vị là một phần không thể thiếu trong nhóm của chúng tôi, vì vậy tôi muốn chia sẻ tin tức đầy phấn khích là tôi đã chọn được nhóm đầu tiên được bổ nhiệm vào nội các của tôi.
Một vài khuôn mặt của tân nội các Joe Biden sau ngày 20/01/2021 – Từ trái qua phải : Linda Thomas-Greenfield (Đặc sứ tại Liên Hiệp Quốc), Joe Biden (Tổng thống), Avril Haines (Giám đốc CIA), Alejandro Mayorkas (Bộ trưởng nội an), Antony Blinken (Ngoại trưởng) và John Kerry (Đặc sứ khí hậu) © Ảnh : Bertrand Guay / AFP
Những người mà tôi công bố hôm nay sẽ là những thành viên quan trọng trong nhóm an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và pháp lý. Họ có đầy kinh nghiệm và đã được thử thách qua các khủng hoảng. Họ sẽ giữ gìn an toàn và an ninh cho chúng ta. Họ là những cấp lãnh đạo mang chân dung như nước Mỹ và phản ánh niềm tin cốt lõi của tôi rằng, nước Mỹ đang trở lại. Chúng ta sẽ lãnh đạo không chỉ bằng khuôn mẫu của quyền lực, mà bằng quyền lực qua khuôn mẫu của chúng ta. Tôi rất hân hạnh được giới thiệu sáu nhân vật xuất chúng sau đây :
1. Ngoại trưởng Tony Blinken : Tony là một trong những cố vấn tín cẩn nhất của tôi và không ai được chuẩn bị cho chức vụ này tốt hơn ông. Ông từng là Giám đốc nhân sự của tôi trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi tôi là Thượng nghị sĩ. Tony tiếp tục giữ chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia cho tôi khi tôi là Phó Tổng thống và là Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama, tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho quốc gia. Tony được những người từng biết đến ông nể trọng với các lý do chính đáng. Ông ta là một nhà lãnh đạo có nguyên tắc và bác ái, trong vai trò nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, ông sẽ giúp tăng cường sức mạnh của Bộ Ngoại giao và thể hiện sự hùng mạnh nhất của nước Mỹ khi lãnh đạo bằng những giá trị của mình.
(Tiểu sử : Tony Blinken tốt nghiệp Đại học Harvard và Luật khoa Columbia, học giả về Đối ngoại Cao cấp tại Đại học Johns Hopkins. Ông từng là ký giả, tác giả sách, nhà phân tích, bình luận các vấn đề đối ngoại cho tạp chí The New Republic, New York Times và CNN... trước khi tham gia lãnh vực công quyền trong gần 30 năm qua).
2. Bộ trưởng Nội an Alejandro Mayorkas (tên gọi tắt là Ali), xuất thân từ một gia đình Cuba tị nạn, sẽ là người gốc Latino và di dân đầu tiên lãnh đạo Bộ Nội an. Trong vai trò Thứ trưởng Bộ Nội an dưới thời Tổng thống Obama, ông là người đảm nhiệm chương trình DACA, gia tăng bảo toàn an ninh mạng và ứng phó trước các thiên tai cùng các hiểm họa y tế cộng đồng như dịch Ebola và Zika. Ali sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sửa chữa lại hệ thống di dân thất bại của chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Ali, chúng sẽ song hành cùng nhau làm việc trong tinh thần giữ gìn và bảo vệ các giá trị nhân bản và an ninh quốc gia của chúng ta mà không loại trừ lẫn nhau.
(Tiểu sử : Mayorkas sinh tại Havana, Cuba, tốt nghiệp Đại học Berkely và Đại học Luật Khoa Loyola Law School, từng là chưởng lý trẻ nhất nước Mỹ khi được bổ nhiệm, trước khi trở thành Giám đốc Sở Di trú rồi Thứ trưởng Bộ Tư pháp thời Tổng thống Obama).
3. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (CIA) Avril Haines là một chuyên gia an ninh quốc gia tài ba. Avril là nữ Phó Giám đốc đầu tiên của cơ quan CIA và giờ đây sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia. Tôi đã làm việc với Avril hơn một thập niên. Bà là một phụ nữ xuất chúng và khiêm cung, sẽ luôn thẳng thắn trong công vụ theo cách thể hiện các giá trị chung của chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của bà, cộng đồng tình báo của chúng ta sẽ được hỗ trợ, được tin cậy và trao quyền để bảo vệ nền an ninh quốc gia mà không bị làm suy yếu đi hoặc bị chính trị hóa. Với Avril, chúng ta sẽ được an toàn hơn.
(Tiểu sử : Avril Haines tốt nghiệp Đại học Chicago và Đại học Luật Khoa Georgetown University, học giả Đại học Columbia và John's Hopkins, Phó Ban Pháp lý Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, Cố vấn pháp lý Hội đồng an ninh quốc gia trước khi trở thành Phó giám đốc cơ quan CIA và trở thành phó Cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Obama).
4. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield là một nhà ngoại giao kỳ cựu, với 35 năm kinh nghiệm trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Bà Thomas-Greenfield là một nhà ngoại giao xuất sắc, được kính trọng và đã từng phục vụ trên khắp bốn châu lục. Lớn lên từ tiểu bang bị phân biệt Louisiana, bà đi theo truyền thống của những nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi là luôn phá bỏ rào cản, cống hiến cả cuộc đời mình cho công quyền và mang quan điểm quyết định cho một vai trò quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong vai trò Đại sứ Liên Hiệp Quốc, Linda sẽ tái phục các mối quan hệ giao hữu và đồng minh của chúng ta, hồi phục lực lượng viên chức ngoại giao và khôi phục uy tín nước Mỹ trên chính trường thế giới.
(Tiểu sử : Linda Thomas-Greenfield tốt nghiệp Đại học Louisiana, cao học hành chính công quyền tại Đại học Wisconsin và tiến sĩ (danh dự) Luật khoa Wisconsin cùng các chương trình nghiên cứu Châu Phi học và Ngoại giao. Bà là cựu đại sứ tại nhiều quốc gia và Tổng giám đốc Ngoại vụ, Giám đốc Nhân sự của Bộ Ngoại giao, với khoảng 70 ngàn nhân viên dưới quyền quản trị).
5. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan là cố vấn an ninh quốc gia của tôi khi là Phó Tổng thống và là cố vấn hàng đầu về chính sách đối nội và đối ngoại trong suốt chiến dịch tranh cử của tôi, bao gồm cả chiến lược kiểm soát đại dịch. Không ai hiểu sâu hơn Jake về những thách đố đan chéo mà chúng ta đang phải đối mặt cũng như phương cách bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy một chính sách đối ngoại phù hợp với tầng lớp trung lưu. Jake sẽ là một trong những cố vấn an ninh quốc gia trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với một trí tuệ xuất chúng và một tư cách đĩnh đạc hiếm có trước áp lực, ông đã trở thành một điểm tựa lý tưởng cho một trong những công việc khó khăn bậc nhất thế giới.
(Tiểu sử : Jake Sullivan tốt nghiệp chính trị học và đối ngoại tại các đại học Yale, Oxford và tiến sĩ Luật khoa tại Đại học Yale. Ông còn là học giả Rhodes, giáo sư bậc hậu đại học tại các đại học Yale, Dartmouth và University of New Hampshire. Ông từng nắm giữ các vai trò giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao, Phó trưởng văn phòng Ngoại trưởng Hillary Clinton trước khi trở thành cố vấn cho Phó Tổng thống Joe Biden thời Tổng thống Obama)
6. Đặc sứ Tổng thống về Khí hậu John Kerry: Ngoại trưởng Kerry chẳng cần phải giới thiệu. Từ việc thay mặt cho Hoa Kỳ để ký Thỏa ước Paris trong tư cách là Ngoại trưởng, đến việc thành lập một liên minh hành động lưỡng đảng về khí hậu cùng các nhà hoạt động khí hậu thuộc thế hệ tiếp nối, những nỗ lực tập hợp thế giới nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu của ông đã được mở rộng và không ngừng nghỉ. Bây giờ, tôi đã mời ông trở lại nội các để đưa nước Mỹ quay lại đúng hướng nhằm giải quyết một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách nhất mà chúng ta phải đối mặt là cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là vai trò đầu tiên thuộc loại này : vị trí cấp nội các đầu tiên về khí hậu và lần đầu tiên biến đổi khí hậu có một chiếc ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Không có ai thích hợp hơn ông để đối phó với biến đổi khí hậu vào thời điểm này.
(Bio: John Kerry tốt nghiệp Đại học Yale và Đại học Luật khoa Boston, cựu Đại úy Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng nắm vai trò Phó Thống đốc Massachusetts trước khi đắc cử Thượng Viện sáu nhiệm kỳ và trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, ứng viên tổng thống và là Ngoại trưởng thời Tổng thống Obama).
Nhóm thành viên Nội các này sẽ sẵn sàng đương đầu với những thách thức lớn nhất mà quốc gia chúng ta đang đối diện ngay ngày đầu tiên, đây là một điều rất quan trọng vì chúng ta không thể trì hoãn phút giây nào khi nói đến an ninh quốc gia.
Khi mời những nhân vật lỗi lạc này vào nội các của mình, tôi hy vọng thông điệp của tôi đủ lớn và rõ ràng rằng : Nước Mỹ đang trở lại. Và nước Mỹ sẵn sàng nắm lại vai trò lãnh đạo.
Joe Biden
Nhã Duy (chuyển dịch và giới thiệu hồ sơ các thành viên tân nội các)
Cheng Li, Nghiên cứu quốc tế, 18/11/2020
Việc cài đặt lại quan hệ Mỹ-Trung sẽ không hề dễ dàng.
Chưa bao giờ Bắc Kinh lại quan tâm đặc biệt đến kết quả của một cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ như cuộc bầu cử lần này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng sự cạnh tranh sẽ định hình quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai dù cho ai là ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Tuy vậy, họ cũng tin rằng chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ tạo ra cơ hội để tạm ngừng, hoặc ít ra là làm chậm lại, việc tiến đến quan hệ đối đầu đang rất đáng báo động giữa hai nước.
Kênh truyền thông nhà nước CCTV phát sóng về Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Joe Biden tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi trung tuần tháng 11/2020
Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi với tốc độ đáng kinh ngạc dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Chiến tranh thương mại là ví dụ dễ thấy nhất của sự bất hòa, nhưng những căng thẳng mang tính chiến lược lớn hơn cũng làm nguy cơ xung đột tăng cao hơn. Nhiều quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc bị sốc trước hàng loạt lời lẽ quy trách nhiệm, những bình luận phân biệt chủng tộc công khai, các chính sách tách rời kinh tế hai nước, cũng như luận điệu ủng hộ sự thay đổi chế độ ở Trung Quốc của chính quyền Trump.
Không có gì ngạc nhiên khi sự nhẹ nhõm và lạc quan là tâm trạng phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mặc dù quan điểm về Trump trong công chúng là không giống nhau. Một tấm ảnh lan truyền rộng rãi trên Internet đã thể hiện sự ủng hộ của công chúng đối với nhiệm kỳ tổng thống của Biden khi đổi tên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh (Forbidden City) thành "For-Biden City" (tạm dịch : Tòa thành của Biden).
Nhưng tâm trạng lạc quan có thể thay đổi nhanh chóng. Chỉ bốn năm trước, Trung Quốc nhận được tin Trump đắc cử với sự nhiệt tình tương tự. Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Trump, với xuất thân doanh nhân, sẽ là người dễ làm việc cùng hơn. Thực tế cho thấy đó chỉ là một mơ tưởng. Giới hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ nhưng đồng thời cũng lạc quan một cách thận trọng về một mối quan hệ tốt hơn với chính quyền Biden. Tuy nhiên, nhiều yếu tố định hình chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump vẫn còn tồn tại và việc "cài đặt lại" quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ không hề dễ dàng.
Vấn đề với chính quyền Trump
Trong những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tránh thể hiện sự ủng hộ đối với một ứng viên cụ thể. Quan điểm chính thống lâu đời là "Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ". Tuy vậy ban lãnh đạo Trung Quốc nhìn chung bi quan về triển vọng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ chừng nào Trump còn tại vị. Mặc dù một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tin rằng sự hỗn loạn cùng kiểu "thùng rỗng kêu to" của một nhiệm kỳ Trump nữa sẽ càng làm Trung Quốc lớn mạnh hơn, nhưng họ cũng đã chứng kiến các chính sách đối ngoại không thể đoán trước của Tổng thống Mỹ đẩy cả hai nước ngày càng tiến tới xung đột như thế nào.
Trung Quốc đặc biệt quan ngại các hành động của chính quyền Trump đối với Đài Loan. Với việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đi lại với Đài Loan năm 2018 và Đạo luật Đài Bắc năm 2019 (Taipei Act) – các đạo luật nhằm tăng cường quan hệ Mỹ – Đài được Trump ký thành luật – Bắc Kinh lo ngại rằng Washington đang tiến dần tới việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Những hành động và lời lẽ của chính quyền Mỹ trong vấn đề này đã làm gia tăng ác cảm đối với Trump trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và thúc đẩy các quan chức này tìm tới một cách tiếp cận đối đầu hơn với Hoa Kỳ.
Bắc Kinh tin rằng chính quyền Trump muốn đánh bại Trung Quốc giống như cách mà Hoa Kỳ đã đánh bại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Một số quan chức của chính quyền Trump, trong đó có Ngoại trưởng Michael Pompeo và cố vấn thương mại cấp cao Peter Navarro, thậm chí đã kêu gọi thay đổi chế độ ở Trung Quốc. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề ảo tưởng về khả năng chung sống hòa thuận và yên bình với chính quyền nhiệm kỳ hai của Trump. Trong một sự kiện vào tháng 10 ở Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên, ông Tập đã thúc giục quân đội Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột có thể xảy ra với Hoa Kỳ. Theo cách nói của ông ấy, Trung Quốc sẽ "sử dụng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh".
Triển vọng với chính quyền Biden
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng sự thù địch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không chỉ giới hạn trong chính quyền Trump. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều lên án Bắc Kinh một cách gay gắt và ủng hộ việc đưa các chuỗi cung ứng của Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Nhưng đồng thời, nhiều quan chức Trung Quốc không tin rằng có sự nhất trí trong chiến lược chống Trung Quốc ở Washington. Một tình tiết đáng chú ý trong buổi tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống đã thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh khi cả Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence và Thượng nghị sĩ California Kamala Harris đều không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc Hoa Kỳ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh (competitor), kình địch (rival) hay kẻ thù (enemy). Điều đó dường như cho thấy rõ việc thiếu một khuôn khổ chiến lược cho quan hệ Mỹ-Trung ở Washington.
Biden cũng thường mô tả chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump là thất bại, một dấu hiệu cho các quan chức Trung Quốc thấy rằng chính quyền kế nhiệm sẽ không áp dụng tất cả các quan điểm đối đầu của chính quyền Trump, bao gồm cả mục tiêu tách rời kinh tế hai nước. Các nhà phân tích trong cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng lạc quan khi nhận thấy nhóm hoạch định chính sách đối ngoại của Biden có nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và nổi tiếng về phong cách ngoại giao có lý trí (sensible).
Ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, người ta đã chứng kiến mối quan hệ làm việc lâu dài và thân thiện giữa Biden và Tập trong thời gian Biden làm phó tổng thống và Tập làm phó chủ tịch Trung Quốc. Theo Daniel Russel, một cựu quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Barack Obama, Biden và Tập đã gặp nhau ít nhất tám lần và dành khoảng 25 giờ cho các cuộc gặp riêng trong vòng 18 tháng từ năm 2011 đến 2012. Trong các cuộc tranh luận tổng thống, Biden đã chỉ trích gay gắt ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy vậy các quan chức Trung Quốc hiểu rằng những lời lẽ đó chỉ để lấy lòng người dân trong nước, không phải là dấu hiệu báo trước về chính sách đối ngoại của Biden.
Nói rộng hơn, các nhà quan sát Hoa Kỳ của Trung Quốc đã nhận ra quan điểm lâu đời của họ có từ thời Tổng thống Richard Nixon rằng đảng Cộng hòa thân thiện và dễ làm việc hơn đảng Dân chủ đã không còn đúng nữa. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng tất cả 15 thành viên quốc hội của Ban Đặc nhiệm về Trung Quốc (China Task Force), một nhóm nổi tiếng về cách tiếp cận diều hâu đối với Bắc Kinh, đều là đảng viên Cộng hòa ; 229 thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Quốc hội hồi tháng 9 lên án mọi hình thức phân biệt đối xử với người Trung Quốc nhưng chỉ có 14 thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ nghị quyết (164 người phản đối) ; và nhiều cuộc thăm dò dư luận Hoa Kỳ cho thấy đảng Cộng hòa thù địch với Trung Quốc nhiều hơn so với đảng Dân chủ.
Thiết lập lại quan hệ giữa hai nước như thế nào ?
Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh mong muốn được làm việc với chính quyền Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ hơn, thì việc cài đặt lại một cách đáng kể quan hệ song phương cũng sẽ rất khó khăn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng cho rằng sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Trung hoàn toàn là do chính quyền Trump muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không có sự thừa nhận nào ở Bắc Kinh về những lo ngại chính đáng của Hoa Kỳ liên quan đến các hoạt động kinh tế và công nghệ không công bằng của Trung Quốc cũng như các hành vi gây hấn của nước này ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Về phía Hoa Kỳ, sự chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc từ các đảng viên Cộng hòa trong chính quyền Trump và trong Quốc hội, cùng thái độ thù địch của công chúng đối với Trung Quốc, đặt ra một rào cản lớn cho nỗ lực thiết lập lại quan hệ hữu nghị giữa hai nước của chính quyền mới. Khả năng Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát sau cuộc bầu cử khiến việc đảo ngược tiến trình càng trở nên khó khăn hơn.
Các quan chức Trung Quốc hiểu rằng sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng bộc lộ trong kết quả bầu cử với việc xã hội Hoa Kỳ phân cực mạnh sẽ buộc Biden phải xoa dịu những căng thẳng trong nước và có thể khiến ông không có đủ hậu thuẫn chính trị để thay đổi hoàn toàn chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lo ngại rằng trong nỗ lực thu hẹp sự cách biệt đảng phái, chính quyền Biden có thể coi chính sách hiếu chiến với Trung Quốc như một phương tiện để tìm điểm đồng với đảng Cộng hòa. Nếu vậy, đối đầu giữa hai nước có thể vẫn tiếp tục, thậm chí là gia tăng, thay vì hướng tới sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh một cách ổn định hơn.
Chính quyền Biden chắc chắn sẽ tiếp tục nêu lên những quan ngại về các hành vi xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Thậm chí, Biden có thể còn gây áp lực lớn hơn, kết hợp chúng với một sứ mệnh đạo đức rộng lớn hơn nhằm bảo vệ quyền con người cũng như đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại quê nhà. Ông có thể sẽ làm tốt hơn Trump trong việc khai thác quyền lực mềm của Mỹ nhằm phục vụ cho mục đích tiếp cận người dân Trung Quốc của chính quyền Hoa Kỳ. Tất nhiên, việc Bắc Kinh sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế về những vấn đề này là rất khó ; Chính quyền Trung Quốc coi tình trạng bất ổn ở các khu vực ngoại vi là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định của đất nước. Và do vậy, hành động của Bắc Kinh trong những khu vực bất ổn này sẽ không phải là chủ đề thích hợp để đàm phán.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc tất cả những kịch bản khả dĩ này về chính sách của Biden đối với Trung Quốc và dường như đang cố gắng "đặt cược nước đôi" về chính quyền Mỹ sắp tới. Một mặt, Bắc Kinh sẽ mong muốn tái hợp tác với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực. Trong suốt 8 năm cầm quyền của Obama, có tới 105 cuộc đối thoại song phương do chính phủ tài trợ về các chủ đề bao gồm vai trò lãnh đạo của phụ nữ, giáo dục mầm non, thám hiểm không gian, tội phạm mạng và biến đổi khí hậu. Trong hai năm đầu tiên cầm quyền, chính quyền Trump đã thu hẹp các kênh đối thoại đó thành bốn kênh và sau đó ngưng hoàn toàn.
Để phù hợp với chính sách đối ngoại của Biden, Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu (đặc biệt là cuộc chiến chung chống lại COVID-19), biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, an ninh mạng cũng như ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu. Mùa hè vừa qua, Yang Jiechi (Dương Khiết Trì), một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đã vạch ra các chủ đề này như những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể phối hợp và hợp tác chặt chẽ. Ngoài ra, ông cũng nhìn thấy triển vọng hợp tác với Hoa Kỳ trong việc giải quyết các thách thức địa chính trị ở Afghanistan, Bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, cùng lúc đó Bắc Kinh tin rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 ở trong nước, chính trị- xã hội tương đối ổn định cùng với ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng sẽ giúp Trung Quốc có thêm đòn bẩy trong mối quan hệ song phương. Ban lãnh đạo Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng họ có thể vẫn sẽ kiên quyết và không khoan nhượng với bất kỳ thứ gì động đến những điều mà họ tuyên bố là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc : yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan và đảm bảo sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Triển vọng hòa giải
Một điều chắc chắn là căng thẳng với Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại khi chính quyền Biden hoạch định các lĩnh vực sẽ hợp tác và các lĩnh vực sẽ cạnh tranh với Bắc Kinh. Tuy vậy một số học giả có ảnh hưởng ở Trung Quốc vẫn nhìn thấy triển vọng về một mối quan hệ hiệu quả hơn đằng sau chiến thắng của Biden. Shi Yinhong (Thời Ánh Hồng), giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, gần đây cho rằng Biden sẽ mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán được về những chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, cơ hội để ngăn chặn căng thẳng kiểu "ăn miếng trả miếng" leo thang với chính quyền Biden sẽ rất ngắn ngủi. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế và môi trường chính trị trong nước đầy biến động ở Hoa Kỳ sẽ khiến mối quan hệ song phương trở nên khó hàn gắn hơn. Ông cho rằng cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không nên bỏ lỡ cơ hội quý giá có được trong những tháng tới để đánh giá những sai lầm trong quá khứ và cài đặt lại quan hệ. Ông Shi có quan điểm phần nào khác với quan điểm của Đảng khi mong muốn rũ bỏ "tư duy có tổng bằng 0" (phần lợi của bên này luôn tương đương với phần mất của bên kia – ND), phản ánh thiện chí mà nhiều trí thức cũng như người dân Trung Quốc dành cho Hoa Kỳ và đặc biệt là cho chính quyền sắp kế nhiệm của ông Biden. Thời gian sẽ trả lời liệu những quan điểm trên có giúp định hình những quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc hay không.
Cheng Li
Nguyên tác : "Biden’s Election Raises Hopes and Doubts in Beijing", Forreign Affairs, 13/11/2020.
Nguyễn Thanh Hải dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/11/2020
******************
Nguyễn Duy, Thoibao.de, 18/11/2020
Kết quả xem như ngã ngũ, tổng thống Trump đã không còn lý do gì để phủ nhận chiến thắng của Joe Biden nữa. Tất cả các bang đều đã được kiểm và chứng cứ trong vấn đề kiện cáo của tổng thống Trump cũng bị tòa án bác bỏ gần hết. Ngày 20/1/2021 sẽ là ngày tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức trở thành tổng thống của hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Dù muốn hay không ông Joe Biden cũng phải xử lý những gì mà người tiền nhiệm Donald Trump đã để lại. Từ vấn đề quốc nội cho đến quan hệ quốc tế, Joe Biden cần phải chỉnh sửa lại rất nhiều. Vậy việc mà Joe Biden sẽ chỉnh sửa khi lên làm tổng thống là gì ? Chính sách đối ngoại mà người dân Mỹ và thế giới quan tâm nhất, đó là mối quan hệ với Trung Quốc. Đây là đối thủ đang đe dọa vị trí siêu cường của Hoa Kỳ nhiều nhất nên nó là chiến lược mà Joe Biden phải ưu tiên hàng đầu.
Ông Joe Biden trong vai trò phó tổng thống Hoa kỳ tổ chức tiệc trưa cho Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vào ngày 25/9/2015
Phải nói rằng chiến thắng của ông Joe Biden đặt ra một thách thức mới cho Trung Quốc. Chính sách của tổng thống Trump đối với Trung Quốc thực sự đã làm cho suy nghĩ của người dân và các chuyên gia về kinh tế – chính trị ở Trung Quốc đánh giá rất khác nhau. Người dân cho rằng Bắc Kinh sẽ mừng khi không còn thấy Donald Trump. Vì chính Trump là người đánh Trung Cộng mạnh nhất trong 4 năm qua như gây chiến tranh thương mại, áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng và lên án Trung Quốc đã gây ra dịch virus corona.
Thế nhưng một số nhà phân tích cho rằng lãnh đạo Trung Quốc có thể đang âm thầm thất vọng lúc này. Không phải bởi vì họ yêu mến ông Trump, mà vì viễn cảnh ông Trump trong Nhà Trắng thêm bốn năm nữa hứa hẹn một phần thưởng lớn hơn cho Trung Quốc. Ông ta chia rẽ trong nước, bị cô lập ở nước ngoài – ông Trump đối với Bắc Kinh dường như là hiện hình của quyền lực Mỹ suy giảm mà Trung Quốc hy vọng và mong đợi lâu nay.
Tất nhiên, Trung Quốc có thể tìm được lợi thế trong việc ông Joe Biden sẵn sàng tìm kiếm hợp tác trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu. Nhưng ông cũng hứa hẹn sẽ làm việc để sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh Mỹ, đây là giải pháp hữu hiệu trong việc kiềm chế tham vọng quyền lực của Trung Quốc so với cách làm một mình một kiểu của Trump.
Chính sách của Biden với quốc gia đông dân số 2 thế giới như thế nào ?
Từ thời Barack Obama, nước Mỹ đã xoay trục sang Châu Á. Và tất nhiên hai cường quốc đông dân nhất thế giới được Mỹ để ý đến đầu tiên. Việc Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc thì rõ ràng ai cũng biết. Nhưng với Ấn Độ thì Mỹ chưa đến mức phải cạnh tranh mà Mỹ chỉ xem Ấn là đối tác lớn. Đối tác về kinh tế để các công ty Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục. Nói chung, Ấn Độ là giải pháp dự phòng cho Mỹ khi Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ không tốt.
Gốc gác xuất thân của bà Kamala Harris sẽ khiến Ấn Độ tự hào, nhưng ông Narendra Modi có lẽ sẽ tiếp đón ông Biden lạnh nhạt hơn so với người tiền nhiệm. Ấn Độ từ lâu nay là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ – và điều này nhìn chung sẽ không thay đổi dưới thời ông Biden. Quốc gia đông dân nhất Nam Á này sẽ tiếp tục là một đồng minh then chốt trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Và chắc chắn bà phó tổng thống Kamala Harris sẽ là cầu nối quan trọng để hai nước đi đến ký kết những hiệp ước quan trọng cả về kinh tế lẫn quân sự.
Thulasendrapuram, ngôi làng quê ở Ấn Độ của thân mẫu Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris
Ông Donald Trump đã tránh việc chỉ trích các chính sách đối nội gây tranh cãi của ông thủ tướng Modi, cho nên giữa 2 vị nguyên thủ này có một tình cảm nhất định. Đây được xem là hành động tế nhị hiếm hoi mà tổng thống Donald Trump giành cho đối tác. Với Joe Biden thì rõ ràng ông Modi phải dè chừng vì ông này khác tính ông Trump rất nhiều. Vậy nên sự kết nối cá nhân giữa ông Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có lẽ sẽ có những điểm tế nhị cần phải vượt qua.
Người ta tưởng ông Donald Trump ăn nói thẳng thừng vì ông hay dùng Twitter để giao tiếp hằng ngày đã cho công chúng thấy được tính khí của ông, nhưng thực chất thì giới chuyên môn đánh giá ông Biden lại thẳng thừng hơn cả ông Donald Trump. Điều này trái ngược với vẻ bề ngoài của ông, bình thường thấy ông Joe Biden rất điềm đạm.
Trang web của ông Joe Biden kêu gọi khôi phục lại quyền của mọi người tại Kashmir, chỉ trích Luật Đăng ký Công dân và Luật Sửa đổi Quốc tịch, hai luật đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối rộng khắp. Dù rằng chưa chính thức làm tổng thống nhưng ông Modi đã cảm thấy lo ngại về quan điểm của ông Joe Biden. Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris – người mang một nửa dòng máu Ấn Độ – cũng đã lớn tiếng nói về một số chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ của chính phủ. Mẹ của bà Kamala Harris được sinh ra và lớn lên tại thành phố Chennai, giờ đây con gái của một phụ nữ Ấn đang sắp trở thành người đứng thứ hai tại Nhà Trắng là thời điểm làm dâng cao lòng niềm tự hào quốc gia của người dân Ấn Độ. Chính vì thế khó khăn được hy vọng là hóa giải dễ dàng.
Vấn đề bán đảo Triều Tiên
Có một điều ai cũng biết là Bắc Hàn có cảm tình với tổng thống Donald Trump hơn là với ông Joe Biden. Bắc Hàn từng gọi ông Joe Biden là "chó điên", nhưng nay ông Kim Jong-un sẽ có những tính toán thận trọng trước khi tìm cách khiêu khích tân Tổng thống Hoa Kỳ. Bản tính của Kim Jong-un là vậy, không ngán ai và với con người tỏ ra kiên nhẫn như tổng thống Donald Trump mà đàm phán với ông chủ tịch Bắc Hàn còn không đi đến kết quả gì thì với ông Joe Biden không biết thế nào. Kim Jong-un chưa bao giờ biết nhường nhịn ai, và với tân tổng thống Joe Biden thì có thể nói, ông ta cũng đang chuẩn bị cách đối phó với vị tân tổng thống Mỹ này.
Trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Doanld Trump đã có 3 cuộc gặp Kim Jong-un trong đó có một cuộc gặp tại Việt Nam. Đây là điều mà chưa một tổng thống nào trước đó làm được. Liệu rằng ông Joe Biden có tiếp bước ông Donald Trump thực hiện nhiều cuộc gặp gỡ hơn không ?
Theo giới chuyên gia dự đoán thì vấn đề ngoại giao giữa Bắc Hàn và Mỹ sẽ không mặn nồng như thời ông Donald Trump nữa. Có thể ông Joe Biden sẽ cứng rắn với Bắc Hàn hơn người tiền nhiệm.
Tổng thống Donald Trump và chủ Tịch Kim Jong-un ở Hà nội
Có thể nói, cuộc họp giữa Doanald Trump và Kim Jong-un là vô tiền khoáng hậu giữa hai nhà lãnh đạo và những diễn tiến sau đó đã tạo nên những hình ảnh cực kỳ ấn tượng trong sử sách. Tuy nhiên, về mặt nội dung, hai bên hầu như không đạt được gì, cũng không có gì được ký kết sau đó. Chẳng có bên nào đạt được điều họ muốn từ các cuộc đàm phán này : Bắc Hàn vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân, và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.
Có lẽ rút ra bài học từ thời ông Trump nên ông Joe Biden đã có ý đòi Bắc Hàn phải chứng tỏ rằng họ sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trước khi ông có bất kỳ cuộc họp nào với ông Kim Jong-un. Nhiều nhà phân tích tin rằng trừ phi nhóm của ông Biden chủ động đưa ra sáng kiến thương thảo với Bình Nhưỡng trong thời gian rất sớm, những ngày cái "lửa giận" sẽ trở lại.
Ông Kim có lẽ sẽ muốn thu hút sự chú ý của Washington với việc quay trở lại thực hiện các vụ thử hạt nhân tầm xa, nhưng ông sẽ không muốn làm gia tăng căng thẳng tới mức quốc gia vốn đã rất đói nghèo này sẽ bị thêm các lệnh trừng phạt nữa.
Seoul có lẽ đã lúc này lúc khác gặp khó khăn với ông Trump, nhưng Tổng thống Moon rất muốn kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên, và ông đã ca ngợi ông Trump về việc "can đảm" gặp gỡ với ông Kim. Miền Nam sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Biden có sẵn lòng thực hiện điều tương tự hay không.
Với đồng minh lâu đời Anh Quốc
Boris Johnson chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc Bầu cử
"Mối quan hệ đặc biệt" giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc là mối quan hệ than thiết lâu đời. Từ nhiều đời tổng thống, 2 quốc gia này luôn sát cánh bên nhau về các vấn đề lớn trên thế giới. Vậy nên dự đoán là quan hệ giữ Mỹ và Anh Quốc cũng sẽ như truyền thống chứ không có gì thay đổi, bởi cho dù thay đổi cũng không thể thay đổi nhiều.
Quay ngược về thời điểm năm 2016, khi đó ông Donald Trump thắng cuộc đua vào Nhà Trắng và nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, cả ông Joe Biden và Tổng thống Barack Obama, đều không giấu diếm gì về việc họ muốn có một kết quả khác đối với kỳ trưng cầu dân ý của Anh. Và thực sự ở điểm này, tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã có mối quan hệ lạnh nhạt với chính phủ Đảng Bảo Thủ của bà Teresa May.
Theo giới phân tích thì những chính sách gần đây của chính phủ thủ tướng Boris Jonhson trong vấn đề với Brexit đã không diễn ra như mong muốn của các gương mặt chủ chốt phe Dân, trong đó có vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hai ông Joe Biden và Boris Johnson vẫn có với nhau một số điểm chung. Hai quốc gia mà họ dẫn dắt rốt cuộc là có mối quan hệ dài hạn, sâu sắc trong lĩnh vực ngoại giao, chưa kể còn các mối quan hệ thân thiết trong những lĩnh vực khác như an ninh và tình báo.
Quan hệ với Putin
Điện Kremlin nổi tiếng về Tình Báo, cho nên họ có khả năng nghe ngóng rất nhạy. Vậy nên khi Joe Biden gần đây gọi Nga là "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ, họ nghe câu đó rất rõ ở Moscow. Việc làm này của ông Joe Biden hoàn toàn trái ngược với Donald Trump trước đây, khi ông Trump khen ngợi Putin là tổng thống tài năng. Có thể ông Trump chỉ khen xã giao, nhưng trong lời khen đó cũng cho thất thái độ của Donald Trump với nước Ngà là rất rõ ràng. So với nhiều tổng thống khác Donald Trump thân thiện với nước Nga hơn.
Điện Kremlin cũng có trí nhớ rất tốt. Năm 2011, Phó tổng thống Joe Biden được cho là từng nói nếu ông là Putin, ông sẽ chẳng tranh cử tổng thống lần nữa. Điều đó sẽ rất tồi tệ cho cả ông Putin và nước Nga. Tổng thống Putin vẫn chưa quên vụ đó. Đây là câu ám chỉ Putin là nhà độc tài.
Moscow lo ngại một nhiệm kỳ của ông Biden có nghĩa sẽ có thêm áp lực và trừng phạt từ Washington. Với một người theo đảng Dân chủ trong Nhà Trắng, có thể sẽ đến lúc trả thù cho sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 ?
Nhưng với điện Kremlin, cũng có thể có cái may. Các nhà quan sát tình hình Nga dự đoán chính quyền Biden cuối cùng sẽ dễ đoán được hơn đội của Trump. Điều đó có thể khiến việc đạt được thỏa thuận về những vấn đề cấp bách trở nên dễ dàng hơn, như hiệp ước New Start – một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân Mỹ – Nga sắp hết hạn vào tháng Hai tới. Nếu làm được điều này, ông Biden sẽ ghi điểm trước dân Mỹ trong vấn đề quan hệ quốc tế với cường quốc quân sự lớn thứ 2 thế giới này.
Thực ra Joe Biden đã có 8 năm làm phó tổng thống. Khi đắc cử ông sẽ biết đưa ra chiến lược như thế nào để đảm bảo cho quyền lợi nước Mỹ. Sẽ hứa hẹn một nhiệm kỳ tương tự như 2 nhiệm kỳ mà Obama đã thực hiện trước đây. Và dự đoán có thể Joe Biden sẽ làm tốt hơn.
Nguyễn Duy (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 18/11/2020
********************
Chính sách đối ngoại của chính phủ Biden và vấn đề Biển Đông
VOA, 18/11/2020
Từ khi giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, Tổng thống tân cử Joe Biden đã tiếp xúc với lãnh đạo các nước đồng minh, cam kết hàn gắn các quan hệ đối tác đã bị sứt mẻ trong mấy năm qua, đồng thời tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với các hiệp định an ninh hỗ tương từng bị đặt nghi vấn dưới quyền Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump, Tổng thống tân cử Biden và chính sách đối với Trung Quốc
Trong 4 năm dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ trong khu vực hay lo lắng, không biết liệu nhà lãnh đạo tính khí khó đoán của Mỹ có sẽ tôn trọng những cam kết của Hoa Kỳ hay không ?
Sau khi trấn an lãnh đạo các nước Châu Âu rằng "Mỹ đã trở về", ông Biden điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in và Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, 3 nhà lãnh đạo Châu Á đã gọi điện chúc mừng ông, bất chấp Tổng thống Trump chưa công nhận thất cử.
Các giới chức Nhật cho biết trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga cảnh báo về "tình hình an ninh chung quanh khu vực đang ngày càng nghiêm trọng hơn". Đáp lại, Tổng thống tân cử Joe Biden tái khẳng định "cam kết của Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản", thực thi các trách vụ của Mỹ theo hiệp định an ninh đã ký cách đây nhiều thập niên, ban chuyển tiếp của ông Biden cho biết.
Trong một động thái có phần chắc sẽ gây phẫn nộ ở Bắc Kinh, ông Biden xác nhận cam kết an ninh của Mỹ bao trùm quần đảo Senkakus, một quần đảo không người ở mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.
Trong một cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in, ông Biden mô tả liên minh Mỹ-Hàn là "nền tảng của an ninh và thịnh vượng" trong khu vực, và ông cam kết sẽ hợp tác để giải quyết "những thách thức chung", đặc biệt là vấn đề Triều Tiên, và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó Tổng thống Trump nhiều lần cho biết ông đang cân nhắc giải pháp rút quân ra khỏi Nhật Bản và Hàn quốc, nơi đồn trú của hơn 20.000 binh sĩ và nhân viên quân sự Mỹ mà mục đích là để răn đe một cuộc tấn công quân sự từ miền Bắc.
Văn phòng Tổng thống Hàn quốc cho biết ông Moon và ông Biden đồng ý sẽ gặp nhau "trong thời hạn sớm nhất có thể" sau lễ nhậm chức tổng thống.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc, ông Biden được Thủ tướng Scott Morrison mời đi thăm Úc trong năm tới để đánh dấu 70 năm hiệp định an ninh Úc-Mỹ.
Ông Biden lưu ý về tầm quan trọng của việc "đương đầu với biến đổi khí hậu" điều mà chính quyền bảo thủ của Úc dường như chưa đặt lên hàng ưu tiên cao, bất chấp nước này đã ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Úc miêu tả cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo là "nồng ấm".
Trong cương vị thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, ông Biden đã đi thăm nhiều nước và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.
Trong cương vị phó tổng thống Mỹ dưới thời Obama, ông Biden đã bỏ nhiều công sức để cổ vũ cho Hoa Kỳ như một "cường quốc Thái Bình Dương".
Các nước còn lại đạt được thỏa thuận TPP không có Mỹ
Nhưng sau khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama kết thúc, chính sách xoay trục sang Châu á của ông, và các nỗ lực kiên trì nhằm xây dựng một liên minh tại các hội nghị khu vực như ASEAN, APEC và hội nghị thượng đỉnh Đông Á… được thay thế bằng một mối quan hệ có tính thực dụng. Tổng thống Trump cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đạt được sau 8 năm thương thuyết gay go và nhắm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế, mở đường cho Bắc Kinh vận động để đạt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không có Hoa Kỳ, vừa được ký kết cách đây vài ngày.
Tổng thống Trump còn gây lo ngại cho các đồng minh ở Châu Á khi ông liên tục leo thang các tranh chấp thương mại với Trung Quốc, xích lại gần nhà độc tài Kim Jong-un của Triều Tiên, và công khai bàn tới khả năng Mỹ rút quân ra khỏi khu vực.
‘Joe Biden cũng sẽ cứng rắn với Trung Quốc, không kém Tổng thống Trump’
Trang mạng Intellasia trích lời ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, nhận định rằng ông Biden "sẽ có hướng tiếp cận khác với Tổng thống Donald Trump".
"Ông Biden sẽ chú ý nhiều hơn tới vấn đề Biển Đông, nhưng các chính sách của ông cân bằng hơn và có tính kiềm chế hơn".
Các cuộc tuần tra đã khởi sự dưới thời Tổng thống Obama nhưng trở nên thường xuyên hơn dưới thời Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ giao nhiều quyền hạn hơn cho Ngũ Giác Đài để linh động lập kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra của hải quân để khẳng định quyền tự do đi lại trong các vùng biển tranh chấp. Ông Wu dự đoán các cuộc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải như thế sẽ ít thường xuyên hơn dưới một chính phủ Biden, vì các hoạt động tuần tra tác động tới các quan hệ song phương và làm tăng căng thẳng Mỹ-Trung.
Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến các quan hệ với Washington dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ ổn định hơn, dễ đoán hơn, không thay đổi thất thường và đột ngột như với ông Trump, tuy vậy các quan hệ với Washington sẽ không thay đổi đáng kể, về một số vấn đề quan trọng. Financial Times trích lời các nhà phân tích và cố vấn chính phủ Trung Quốc nhận định :
"Sẽ không có thay đổi đáng kể dưới quyền ông Biden về các vấn đề gai góc như Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông, Tân Cương, Tây Tạng và tình hình tôn giáo và nhân quyền", theo ông Shi Hong, giáo sự đại học Renmin ở Bắc Kinh và là cố vấn Quốc vụ viện về các vấn đề đối ngoại. "Nhưng ông Biden tính khí không thất thường như ông Trump, ông ăn nói lịch sự hơn, dễ đoán hơn giúp ổn định chính sách của Washington đối với Trung Quốc.
Financial Times dẫn lời một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh, ông Lu Xiang, giải thích sự khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ :
"Biden coi Trung Quốc là một nước cạnh tranh, trong khi ông Trump coi Trung Quốc là một đối thủ. Các quan hệ giữa hai nước cạnh tranh được dựa trên các quy định, luật lệ".
Vấn đề Biển Đông
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói thành phần nhân sự do ông Biden chọn vào các chức vụ chính trong Bộ Quốc phòng sẽ ảnh hưởng tới các quan hệ với Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng bất kể họ là ai, Tiến sĩ Hiệp nói thêm, "căng thẳng trong khu vực khó có thể tan biến trong một sớm một chiều".
Trong số những người có triển vọng được chọn ra lãnh đạo Bộ Quốc phòng có bà Michele Flournoy, từng là thứ trưởng quốc phòng về chính sách dưới thời Tổng thống Obama. Bà là người chủ trương phải cứng rắn với Trung Quốc.
"Biển Đông đã trở thành một chiến trường quan trọng cho cuộc đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nơi mà Hoa Kỳ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, và dùng các tuyên bố chủ quyền quá tham lam của Trung Quốc để tập hợp các đồng minh".
Tiến sĩ Hiệp nhận định :
"Vì vậy dưới một chính phủ Biden, Hoa Kỳ và các đồng minh có phần chắc sẽ tiếp tục duy trì, và ngay cả tăng cường, sự hiện diện của họ ở Biển Đông".
Tại một cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói đẩy mạnh các quan hệ với 10 nước ASEAN là một trong các ưu tiên của Bắc Kinh. Ông Lý kêu gọi đẩy nhanh cuộc đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông đề nghị một thời hạn 3 năm để tạo bộ quy tắc đó.
Ông Wu nói chính sách của Washington bác bỏ phần lớn những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, tình hình xáo trộn chính trị ở Malaysia, thay đổi thành phần lãnh đạo ở các cấp cao nhất có thể xảy ra ở Việt Nam và ở Philippines trong 2 năm tới có thể phức tạp hóa thêm tiến trình đàm phán.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói bất chấp những trở ngại đó, Bắc Kinh vẫn nóng lòng muốn hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đào sâu thêm sự thù nghịch Mỹ-Trung có thể khuyến khích Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán", ông nói.
"Mặt khác, nó có thể khiến Washington tăng hậu thuẫn cho các nước để kháng cự lại các yêu sách của Trung Quốc, như nên loại các nước ‘ngoài khu vực’ (như Hoa Kỳ), ngăn cấm các cuộc diễn tập quân sự hay các hoạt động kinh tế trên Biển Đông".
Tờ South China Morning Post trích lời các chuyên gia nói một chính phủ Joe Biden có phần chắc cũng cứng rắn không kém chính quyền Donald Trump liên quan tới các bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh như vấn đề Biển Đông.
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, nói : "Xét quá trình của ông Biden là một nhà lập pháp lão thành, chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng cường hợp tác đa phương nhằm tăng sức ép để giải quyết các vấn đề trên toàn cầu".
Chuyên gia về Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, nói rằng dưới quyền Tổng thống Biden, các nước trong khu vực sẽ ít bị áp lực hơn phải chọn phe giữa căng thẳng Mỹ-Trung.
Giáo sư Thayer nói liên minh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ bớt đối đầu và hài hòa hơn dưới một chính phủ Biden. Mặt khác, Giáo sư Thayer lưu ý rằng lập trường của Tổng thống tân cử Joe Biden đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn trong thập niên qua. Ông Biden đặt nặng vấn đề nhân quyền hơn trong các quan hệ song phương. Trong chiến dịch vận động, ông Biden đã đả kích các hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong, miêu tả chính sách của Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương là "vô lương tâm", và còn gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "côn đồ" trong một cuộc tranh luận với ứng cử viên Bernie Sanders hồi tháng Hai năm nay.
"Ông ta (Tập) là một kẻ côn đồ, thực tế là ông ta đã đẩy 1 triệu người Uighur vào các trại cải tạo, có nghĩa là các trại tập trung".
Ông Biden cho biết đã có lần ông nói thẳng với ông Tập rằng Hoa Kỳ sẽ thách thức "vùng cấm bay" của Trung Quốc trên Biển Đông, ông tuyên bố : "Chúng tôi sẽ điều máy bay thả bom B-1 bay qua vùng cấm bay", và ông nói thêm : "Chúng tôi sẽ khẳng định rõ, rất rõ, rằng tất cả các bên phải tuân thủ các quy định chung. Chấm hết, chấm hết, chấm hết".
Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, các quan hệ với Trung Quốc không phải là ưu tiên số Một của tân chính phủ Biden. Một nhà phân tích Trung Quốc không cho biết danh tính nói với FT :
"Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề trước mắt đối với tân chính phủ Biden là các vấn đề đối nội, khởi sự với nỗ lực đối phó với dịch Covid-19, kế đến là vấn đề kinh tế và cấu trúc hạ tầng". Nhưng một khi các vấn đề này tạm ổn, thì các quan hệ với Bắc Kinh sẽ được nâng lên hàng ưu tiên cao nhất.
Nguồn : VOA, 18/11/2020
************************
Ông Biden ‘sẽ tập hợp đồng minh đối phó Trung Quốc’ ?
VOA, 18/11/2020
Chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc và tìm cách đưa nước này tuân theo những luật lệ của thế giới, một nhà quan sát chính trị từ Canada nhận định với VOA.
Ông Biden tiếp ông Tập Cận Bình đến thăm Washington hồi năm 2015 khi ông Biden làm phó tổng thống
Khác với chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ‘Nước Mỹ trên hết’ và tìm cách rút Mỹ ra khỏi các định chế quốc tế, ông Joe Biden tuyên bố nước Mỹ sẽ quay trở lại vũ đài quốc tế.
"Khi tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo nước ngoài, tôi đã bảo họ : Nước Mỹ sẽ quay trở lại. Chúng tôi sẽ quay trở lại cuộc chơi", ông Joe Biden viết trên Twitter vào tối ngày 10/11 sau khi ông điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức.
‘Mỹ cần đồng minh’
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư-luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, nói ông ‘tin tưởng ông Joe Biden có thể tập hợp các đồng minh và tiếng nói của thế giới để kêu gọi mọi người tuân theo khuôn khổ luật pháp quốc tế’.
Ông phân tích dù cho nước Mỹ mạnh đến đâu cũng ‘không thể nào đánh bật Trung Quốc ngay cả trên vấn đề kinh tế thương mại nếu không có sự phối hợp của các nước đồng minh’.
Luật sư Khanh dẫn chứng thậm chí vào lúc các nước phương Tây mạnh và Trung Quốc suy yếu như vào đầu thế kỷ 20 thì cũng phải cần ‘liên minh tám nước mới tấn công vào kinh thành Bắc Kinh của triều đình Mãn Thanh’.
Chỉ ra việc các đồng minh trụ cột của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc vừa ký kết tham gia gia vào khối thương mại tự do với Trung Quốc có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), ông Khanh nói : "Có thể các nước đồng minh này không còn tin tưởng Mỹ nữa chăng nên mới đi đến bước đó ?"
Ông nhận xét khối RCEP sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng lên các nước trong khu vực trong khi ‘nước Mỹ đang vật lộn với các vấn đề trong nước, chưa hàn gắn được với các đồng minh Châu Âu và chưa củng cố được trục tứ giác với Nhật, Ấn và Úc’.
Về phía Canada, nhà quan sát này cho biết nước này đã ‘chìa tay ra đón nhận chính quyền của ông Biden’ với việc mới đây Quốc hội Canada đã ra một nghị quyết được sự đồng thuận của tất cả các đảng để mời ông Joe Biden đến phát biểu trước Quốc hội.
Theo quan sát của ông thì trong bối cảnh thế giới hiện nay, ‘con đường duy nhất để đưa Trung Quốc vào quỹ đạo là cần có sự đồng thuận của các quốc gia trên thế giới’ vì ‘Trung Quốc sẽ không khoanh tay chịu trận’.
‘Hợp tác để đấu tranh’
"Chính quyền Biden với những nhân sự của họ và với lý tưởng mà họ theo đuổi mấy trăm năm qua thì không có chuyện họ quỳ lụy trước Trung Quốc", nhà phân tích này nhận định.
"Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều thấy được hiểm họa từ Trung Quốc và có chính sách đồng thuận với nhau là bằng mọi giá phải kiềm chế và đưa Trung Quốc vào khuôn khổ, vào trật tự thế giới mới", ông diễn giải.
Giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa cho rằng ‘không phải hành xử theo kiểu ăn to nói lớn mới là mạnh, là hiệu quả,’ đồng thời dự đoán rằng chính quyền của ông Joe Biden sẽ không chọn cách đối đầu với Trung Quốc – ‘sẽ không dựng lên bức tường như thời Chiến tranh Lạnh’ – mà sẽ hợp tác với Bắc Kinh để đưa họ vào quỹ đạo luật chơi của thế giới.
"Sự mềm dẻo của Đảng Dân chủ dựa trên sức mạnh của Hoa Kỳ trên 250 năm mà có, đó là sức mạnh từ giá trị của người Mỹ", ông Khanh nhận xét.
‘Cần điều chỉnh TPP’
Theo luật sư Vũ Đức Khanh, mặc dù trong bốn năm qua, chính quyền ông Donald Trump có những hành động mạnh trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục sự lấn lướt chẳng hạn như củng cố các thực thể đã xây dựng, quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước trong đó có sự đối đầu với Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Họ chỉ nhượng bộ trước sức ép của cộng đồng quốc tế", ông nói và bày tỏ tiếc nuối trước việc Mỹ đã từ bỏ Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà chính quyền của ông Barack Obama đã mất 7 năm đàm phán.
"TPP là một thế trận để kiềm hãm Trung Quốc và đưa Trung Quốc vào trật tự và luật pháp quốc tế", ông nói và cho biết TPP cũng là một cơ chế tạo sự thịnh vượng chung cho những nước tham gia và từ đó mới gắn kết cùng với Mỹ đối phó Trung Quốc.
"Ông Trump đã bất chấp sự vận động vào phút chót của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng Mỹ nên ở lại TPP mà dứt khoát rút khỏi TPP", ông Khanh chỉ trích và cho rằng hành động này ‘đã giáng một đòn mạnh vào thế giới tự do’.
Dù ông Biden từng nằm trong chính quyền ông Barack Obama nhưng cũng ‘khó mà quay trở lại TPP như trước,’ ông Khanh nói và bày tỏ hy vọng "Ông ấy sẽ xem lại đoạn đường đã qua và tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình mới".
Về mối quan hệ Washington-Hà Nội dưới thời Biden, luật sư Vũ Đức Khanh nói ông ‘tin chính quyền Biden sẽ trân quý mối quan hệ Mỹ-Việt được phát triển trong 4 năm qua và sẽ tăng tốc mối quan hệ đó để làm sao Việt Nam vẫn là bạn của Mỹ để cùng các nước khác gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực’.
‘Tiếp cận kiềm chế hơn’
Tờ South China Morning Post nhận định rằng dưới thời ông Joe Biden, Biển Đông sẽ vẫn là
‘điểm nóng tiềm tàng’ trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh nhưng Washington sẽ có cách tiếp cận ‘kiềm chế hơn’.
"Ông ấy có khả năng quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông nhưng các chính sách của ông ấy sẽ cân bằng hơn và kiềm chế hơn", ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, vốn tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, được SCMP dẫn lời nói.
Một thay đổi có thể xảy ra là Hải quân Hoa Kỳ sẽ ít tổ chức các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải hơn ở Biển Đông, ông Wu nhận định.
Các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là một nội dung trong các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhưng đã trở nên thường xuyên hơn dưới thời ông Donald Trump, vốn cho phép Ngũ Giác Đài linh hoạt hơn trong việc lên kế hoạch tuần tra tại các vùng biển tranh chấp.
Mỹ đã có tám cuộc tuần tra vì tự do hàng hải trong năm nay, bằng với năm 2019, nhưng tăng so với sáu vào năm 2018 và bốn mỗi năm trong ba năm trước đó.
Ông Lê Hồng Hiệp, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng ai được ông Biden chọn cho các vị trí trong Bộ Quốc phòng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh về Biển Đông.
Trong số những tên tuổi hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay là bà Michele Flournoy, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Obama và được biết đến với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
"Biển Đông đã trở thành chiến trường quan trọng cho cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nơi Mỹ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, dùng yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc như lời hiệu triệu sự ủng hộ", ông Hiệp nói với SCMP.
"Như vậy, dưới thời ông Biden, Mỹ và các đồng minh có khả năng sẽ tiếp tục duy trì hoặc thậm chí tăng cường can dự của họ ở Biển Đông", ông Hiệp dự đoán.
Nguồn : VOA, 18/11/2020
***********************
Biden sẽ không đảo ngược cuộc chiến thương mại của Trump chống Trung Quốc ?
VOA, 18/11/2020
Việc Tổng thống Trump công kích Trung Quốc mạnh mẽ chưa đem lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài, nhưng đạt được một thành công cơ bản : Từ nay, bất cứ chính quyền nào của Mỹ cũng không thể nương nhẹ với Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Mỹ, theo một bài báo hôm 18/11 trên trang web của đài National Public Radio (NPR).
Tổng thống đắc cử Joe Biden nói về khôi phục kinh tế hôm 16/11/2020 ở Wilmington, Delaware. (AP Photo/Andrew Harnik)
NPR điểm lại rằng trong nghị trình thương mại "Nước Mỹ trên hết" của mình, ông Trump đặt trọng tâm vào việc đối đầu với Trung Quốc, tung ra các cuộc tấn công ráo riết vào các chính sách của Bắc Kinh và châm ngòi một cuộc chiến thương mại với việc áp thuế vào 2/3 hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong thời gian tới, mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ nói với giọng điệu lịch sự hơn, song khó có chuyện ông sẽ nhẹ tay với Trung Quốc vì thái độ của nước Mỹ đã thay đổi theo hướng tiêu cực trong những năm gần đây khi xét đến thương mại và các hiệp định lớn tầm cỡ toàn cầu, bài báo của đài NPR cho biết.
Đồng thời, vẫn theo NPR, cả hai chính đảng lớn nhất của Mỹ đều ngờ vực Trung Quốc, đặc biệt là chính những người theo đường lối tiến bộ đã bầu cho ông Biden càng có thái độ như vậy.
"Tôi nghĩ những tuyên bố rực lửa liên tục mà Tổng thống Trump tung ra nói về Trung Quốc làm cho bất cứ chính quyền nào cũng không thể thay đổi đường hướng ngay lập tức khi họ lên nắm quyền", Chad Brown, nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói với NPR.
Các chuyên gia ghi nhận rằng ông Trump đã thành công trong việc chuyển hướng cuộc tranh luận về Trung Quốc với việc ông liên tục cáo buộc Bắc Kinh có những chính sách "hung ác" làm rút ruột các ngành công nghiệp của nước Mỹ.
Một yếu tố khác, theo ý kiến của Arthur Dong, giáo sư Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown, đăng trên NPR, là tình trạng mất việc làm và các hãng xưởng đóng cửa kéo dài nhiều năm làm cho công chúng có cái nhìn khắt khe hơn về thương mại, đặc biệt là ở các bang có sức nặng đối với bầu cử như Pennsylvania, Ohio và Michigan.
"Tôi nghĩ ông Biden ý thức được về điều đó", giáo sư Dong nói.
Ứng cử viên Joe Biden chụp ảnh selfie với ủng hộ viên tại cuộc mít tinh với công đoàn ngành điiện, 20/7/2019, ở Las Vegas. (AP Photo/John Locher)
Các tổ chức công đoàn và các nhóm cánh tả đã góp phần bầu cho ông Biden cũng có thái độ thù địch đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ coi việc đảng Dân chủ ủng hộ cho một số hiệp định trước đây, trong đó có NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), là một sự phản bội.
Vì vậy, Waleed Shahid, phát ngôn viên của nhóm Justice Democrats theo đường lối tiến bộ, đưa ra nhận định với NPR : "Tôi nghĩ đảng Dân chủ thời những năm 1990 không còn phù hợp với các khu vực bầu cử ngày nay và nền kinh tế ngày nay. Tôi hy vọng rằng Joe Biden bổ nhiệm nhân sự là những người hiểu được điều đó".
Áp lực từ cả hai phía tả-hữu như vậy có nghĩa là ít có khả năng ông Biden sẽ đảo ngược các mức thuế quan mà ông Trump đã áp.
Nhưng ông Biden có ít lựa chọn tốt để gây sức ép với Trung Quốc. Một trong những điều làm trói tay ông Biden là cảm tình trên thế giới dành cho nước Mỹ dưới thời ông Trump đã thay đổi.
Trong giai đoạn tranh cử, ông Biden chỉ trích việc ông Trump có chính sách đơn phương trong đương đầu với Trung Quốc. Theo ông Biden, Mỹ cần có đồng minh là Châu Á và Châu Âu để buộc Bắc Kinh tuân theo luật lệ thương mại.
Nhưng nói dễ hơn làm, theo NPR. Chính quyền của Tổng thống Obama thiết kế ra Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để lập ra đại liên minh 12 nước ở vành đai Thái Bình Dương nhắm đến kiềm chế Trung Quốc.
Nhưng ông Trump đã vứt bỏ TPP ngay khi ông nắm quyền. Còn ông Biden nói ông sẽ không ủng hộ nó nếu không có những cải thiện lớn về việc bảo vệ môi trường và lao động.
Trong khi đó, thế giới vẫn tiến về phía trước mà không cần có Mỹ. Hôm 15/11, Trung Quốc, Việt Nam và 14 nước khác đã ký một hiệp định kinh tế của họ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngoài ra, ông Biden còn vướng một rào cản nữa khi ông nỗ lực lãnh đạo các nước khác kiềm chế Trung Quốc.
Wendy Cutler, cựu Quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, nói với NPR rằng ông Trump đụng độ trong lĩnh vực thương mại không chỉ với Trung Quốc mà cả các nước bạn như Canada và Mexico, làm các đồng minh chủ chốt tức giận và gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài.
Do vậy, "các đồng minh và đối tác rất không tin tưởng Mỹ, cụ thể là về thương mại. Và nói thẳng ra, các nước ngày càng chán chường về Mỹ", Cutler nói.
Nhưng trở ngại lớn nhất đối với việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc là ông Biden phải dành ưu tiên cao nhất cho việc hồi phục kinh tế Mỹ từ suy thoái do đại dịch, phải gác lại các vấn đề khác, Cutler nhận định với NPR.
Chính quyền của Tổng thống Trump được ghi nhận đã tạo bước ngoặt trong đương đầu với Trung Quốc về thương mại.
Một bài báo gần đây của tạp chí Forbes cũng chỉ ra rằng ban vận động bầu cử của ông Biden từng đánh tín hiệu rằng ông Biden – nay là tổng thống đắc cử - sẽ ưu tiên làm việc về gói cứu trợ mới để xử lý đại dịch và đầu tư trong nước, trước khi xét đến các thỏa thuận thương mại mới.
Về câu hỏi liệu ông Biden có chuyển hướng những động thái thương mại mà ông Trump đã làm hay không, tạp chí Forbes cho rằng có thể có, nhưng sẽ phải sau một thời gian.
Còn trong giai đoạn đầu, chính quyền tương lai của ông Biden sẽ hàn gắn các quan hệ với các đồng minh để tạo ra một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vẫn theo Forbes.
Khi còn tranh cử, hồi tháng 9, cố vấn thương mại Tony Blinken của ông Biden nói rằng ông sẽ không loại trừ việc áp thêm thuế, nhưng sẽ "sử dụng thuế quan khi cần và phải có chiến lược và có kế hoạch", bài báo của Forbes cho hay.
Forbes chỉ ra rằng hiện chưa rõ ông Biden sẽ cứng rắn đến mức nào với Trung Quốc, song kế hoạch "Chế tạo tại Hoa Kỳ" của ông - có nhiều điểm giống với kế hoạch "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump" - hứa hẹn có "các hành động chấp pháp mạnh mẽ về thương mại" để bảo vệ chống lại các hành xử bất công của Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác "tìm cách chơi xấu nền chế tạo của Mỹ".
Điểm sáng của chính quyền Biden sắp tới, theo Forbes, là tính chất lường trước được. Những thay đổi về chính sách thương mại của ông Biden sẽ ít có khả năng làm các nhà đầu tư bất ngờ, và cũng ít có khả năng là ông sẽ thay đổi ý định hay đưa ra những tuyên bố hoặc lời đe dọa bất chợt giống người tiền nhiệm Donald Trump, Forbes tiên liệu.
Nguồn : VOA, 18/11/2020
Đôi lời về Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân chủ sẽ nhận chức vào ngày 20/01/2021. Ông Biden cho biết sẽ đưa ra chính sách chống dịch bệnh Covid-19, ngay trong ngày đầu nhận nhiệm vụ. Ngoài ra chính quyền Biden cũng phải đối phó với tình hình kinh tế sa sút và nạn thất nghiệp lên cao trên toàn thế giới do Covid 19 gây ra.
Trong lĩnh vực ngoại giao, các nhà nghiên cứu tin rằng ông Joe Biden sẽ đổi mới toàn diện chính sách quan hệ với đồng minh, nhưng đồng thời cũng cảnh giác cao độ với các nước đối thủ của nước Mỹ. Giới quan sát cũng tin rằng chính sách ngoại giao và mậu dịch tương lai của Chính quyền Biden sẽ có những điều kiện khắt khe hơn về dân chủ và nhân quyền đối với các đối tác.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
Để giúp khai sáng viễn ảnh của chính sách ngoại giao trong 4 năm tới của Chính quyền Biden, đồng thời nhìn lại những thành công và thất bại của Tổng thống Cộng hòa mãn nhiệm Donald Trump trong lĩnh vực này, chúng tôi đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, một học giả chuyên ngành Chính trị Quốc tế. Ông là Giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus) đã từng giảng dạy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng còn là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế (Center for Strategic and International Studies, CSIS) ở Washington, D.C. Thêm vào đó, Giáo sư Hùng còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute nổi tiếng của Tân Gia Ba.
Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Châu Á và Đông Nam Á được đăng trên các tạp chí chuyên đề (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi.
-----------
Joe Biden – Donald Trump
Phạm Trần : Thưa Giáo sư, Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân chủ sẽ nhận chức vào ngày 20/01/2021, và tôi tin rằng ông sẽ đưa ra một Chính sách ngoại giao mới đối với cả bạn lẫn thù để đánh dấu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dậy về Khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học George Mason, xin ông cho biết Thế giới đang chờ đợi gì ở Chính quyền Biden ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Nói chung, các đồng minh và đối tác của Mỹ chờ đợi hai điều chính. Thư nhất, phục hồi quá trình hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng minh đã bị chính quyền Trump phá. Thư hai, một chính sách ngoại giao nhất quán, không có tính cách bốc đồng và bắt nạt. Ba đồng minh nặng ký của Mỹ -Pháp, Anh, Đức - đều tỏ vẻ vui mừng và là những nươc đầu tiên gửi lời mừng ông Biden đắc cử chức vụ Tổng thống. Cụ thể, họ muốn Mỹ bỏ đường lối hành động đơn phương, gia nhập lại Hiệp định Khí hậu Paris để cùng nhau chặn đứng sự tàn phá môi sinh, hâm nóng địa cầu ; trở lại Tổ chức Y tế Quốc tế để cùng nhau giải quyết nạn dịch Covid-19 đã giết chêt 1,2 triệu người trên thế giới và gây nhiều khó khăn kinh tế ; gia nhập lại thỏa thuận về Kế hoạch Hành động chung (Joint Comprehensive Plan of Action) để hạn chế khả năng chế tao vũ khi nguyên tử của Iran ; và môt chính sách nhất quán đối với sự bành trướng của Trung Quốc.
Phạm Trần : Sau 4 năm cầm quyền của Chính quyền Cộng hòa Donald Trump, Giáo sư đánh giá về Chính sách Ngoại giao của ông Trump như thế nào, đặc biệt với hai nước đối phương Nga và Trung Quốc trên ba lĩnh vực cốt yếu : chính trị, kinh tế và quốc phòng ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Thành quả thì có mà thất bại cũng không phải là ít.
Về thành quả, chính quyền Trump đã : 1) Làm áp lực khiến đồng minh phải đóng góp thêm vào nỗ lực chung bằng cách tăng ngân sách quốc phòng ; 2) Triệt hạ Nhà nước Hồi giáo ; 3) Làm môi giới để một số quốc gia Á Rập ký hiệp ươc với Do Thái, giảm rủi do chiến tranh DoThái-Á Rập và tăng cường an ninh cho Do Thái, tuy không đếm xỉa đến sự công bình cho dân tộc Palestine ; 4) Áp dụng chinh sách cứng rắn về quan hệ thương mại với Trung Quốc gây khó khăn kinh tế cho nước này ; 5) Xây dựng hợp tác 4 nước (the Quad) Mỹ, Ấn, Nhật, Úc để cùng đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Về thất bại, chính quyền Trump đã : 1) Gây căng thẳng và làm suy yếu các liên minh chính và làm suy yếu ngay cả quyền lực cứng của Mỹ ; 2) Làm suy giảm quyền lực mềm của Mỹ vì thế giơi bớt tin vào khả năng lãnh đạo và giá trị của Mỹ (cuộc khảo sát gần đây cùa Pew Research Center cho biết 83% người trong nhiều quốc gia trên thế giới được phỏng vấn nói rằng họ "không tin" Tổng thống Trump "có khả năng hành xử đúng về các vấn đề quốc tế", dưới cả Chủ tịch Tập Cận Bình (78%) và Tổng thống Putin (73%) ; 3) Các cố gắng thay đổi chế độ (regime change) đã thất bại ở Iran, Bắc Triều Tiên và Venezuela ; 4) "Áp lực tối đa" (maximum pressure) chưa có kết quả đối với Trung Quốc và thất bại ở Iran (khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử của Iran tăng, chính sách cấm vận không ngăn được Iran xuất cảng dầu hỏa và không đươc các đồng minh tôn trọng) ; 5) Chính sách "Mỹ trên hết" khiến "Mỹ bị cô lập" ; 6) Không ngăn chặn được sự bành trướng ảnh hương của Trung Quốc ở Biển Đông và bất lực trước vi phạm hiệp ước quốc tế và nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kong và Tân Cương".
Cuộc chiến mậu dịch
Phạm Trần : Theo quan điểm của ông thì Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có thành công trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc không, bởi vì Tổng thống đắc cử Joe Biden đã phê bình rằng chính sách đối đầu với Trung Quốc của ông Trump chỉ mang lại thiệt thòi cho nhà nông, các nhà sản xuất và giới tiêu thụ của Mỹ. Tại sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Lúc đầu, chính quyền Trump không hề có ý định gây chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc mà muôn ký một thương ươc "lịch sử" đặt quan hệ kinh tế-thương mai song phương trên căn bản công bằng và lưỡng lợi, buộc Trung Quốc phải cải tổ cơ cấu (structural reform), không được "ăn cắp công nghệ" của Mỹ. Vì những mục tiêu này không đạt được nên mới xẩy ra chế tài và thương chiến. Cuôc chiến này làm thiệt hại cho cả hai nước, Trung Quốc mất một mảng lớn thị trương của Mỹ và tổng sản lượng nội địa (GDP) đã bị giảm. Ngược lại, Mỹ ước tính bị mất đi 300.000 công ăn việc làm, tổng sản lượng quốc nội giảm 0,3%, nông dân Mỹ bị mất một thị trường lớn trị giá 24 tỷ Mỹ kim, giới tiêu thụ Mỹ mất một nguồn cung cấp hàng hóa rẻ tiền. Riêng đối với Mỹ, nhâp siêu từ Trung Quốc có giảm đôi chút nhưng nhập siêu các nước khác lại tăng, làm trầm trọng thêm thâm thủng trong cán cân thương mại tổng quát của Mỹ. Ông Biden cho rằng cuộc chiến tranh thuế suất là một "sai lầm".
Thêm vào đó, nạn dịch Covid-19 làm cho hai nước bị lúng túng, nhưng Trung Quốc giải quyết vấn đề có hiệu quả hơn, đẩy Mỹ lùi lại đằng sau.
Quan hệ Donald Trump-Vladimir Putin đặt ra rất nhiều nghi vấn
Phạm Trần : Thưa Giáo sư, giới học giả và chuyên gia ngoại giao và an ninh Mỹ đã chỉ trích ông Trump, trong 4 năm cầm quyền, đã làm mất lòng nhiều nước đồng minh lâu đời của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á, nhưng lại có những quan hệ thân thiện với Nga, đặc biệt với Tổng thống Vladimir Putin ; Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình và Nhà độc tài Kim Chính Ân (Kim Jong-un) của Bắc Hàn, nhưng lai không đem lại thắng lợi nào cho Hoa Kỳ về các lĩnh vực kinh tế và giải trừ vũ khí nguyên tử. Ông có đồng ý như thế không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Đồng ý. Mỹ hoàn toàn thất bại trong cố gắng giải trừ vũ khi nguyên tử của Iran và Bắc Hàn. Riêng cách đối xử của ông Trump đối với Nga và ông Putin (Trump tin ông Putin hơn các chuyên viên an ninh tình báo của Mỹ) đặt ra rất nhiều nghi vấn. Chính sách đối với Bắc Hàn là một thất bại vì phương thức điều đình (deal making) của Trump trước thì dọa nạt sau là tâng bốc không gây ảnh hưởng nào với các lãnh tụ độc tài vốn được dân sùng bái, như Kim Chính Ân. Điều này cho thấy Trump chỉ dọa kẻ yếu và cần mình, nhưng lại lùi bước trước kẻ mạnh và không sợ mình.
Phạm Trần : Chính quyền Trump có dành được chiến thắng ngoại giao nào ở Trung Đông, Châu Âu và ở chiến trường Afganistan, sau khi triệt thoái hàng loạt quân đội Mỹ khỏi các vùng chiến lược này, hay Donald Trump đã mở cửa cho Nga và Iran tỏa rộng ảnh hưởng tại các nước Mỹ bỏ trống ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Thắng lợi lớn nhất ở Trung Đông là "Nhà nước Hồi giáo" bị triệt hạ và môt số nhân vật cầm đầu chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố bị giết. Mỹ không có khả năng can dự vào những cuộc chiến tranh không lối thoát (endless wars) nên phải rút. Khi rút thì tạo ra khoảng trống, những thế lực khác sẽ điền thế vào.
Hoa Kỳ và Châu Á
Phạm Trần : Thưa ông, quay sang Châu Á, ông có thấy một tia hy vọng nào đã ló dạng trong nỗ lực thành lập khối 4 nước, dưới thời Donald Trump, do Hoa Kỳ lãnh đạo, gồm Ấn Độ, Úc Đại Lợi và Nhật Bản, để dối phó với kế hoạch bành trướng ảnh hưởng ở Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Trung Quốc không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Điều quan trọng là đã lập được môt cái khung để lôi cuốn hai nước lớn là Nhật và Ân tham dự vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Những cuộc thao diễn quân sự chung của bốn nước để bảo vệ an ninh khu vưc và "ngăn chặn những kẻ đe dọa môt khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tư do và rộng mở" buộc Trung Quốc phải quan tâm và dè dặt. Nhưng ngược lại, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đôi tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế và chính trị của mình trong khu vưc qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vưc Toàn diện (Regional Comprehensive Economic Partnership) và "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường" (One belt, One road Initiative). Lối hành động đơn phương, bất nhất và bắt nạt đồng minh của chính quyền Trump đã gây nghi kỵ, làm mất niềm tin về khả năng và cam kết cũa Mỹ, do đó khiến thế đứng của Mỹ ở khu vực này suy yếu hơn.
Phạm Trần : Dưới chính quyền mới Joe Biden, ông có dự đoán nào về chính sách của Mỹ ở Biển Đông, trước chủ trương không từ bỏ tham vọng giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này của Trung Quốc ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Điều chắc chằn là dưới thời Biden, chính sách Mỹ sẽ có tính cách nhất quán hơn, không o ép đồng minh và tìm cách xây dựng lại lòng tin đã mất. Quan tâm trước mắt của Biden là đối phó với nạn dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế Mỹ, và ổn định tình hình nội bộ nên khó có thể coi Biển Đông là ưu tiên số 1. Nói chung, chính quyền mới sẽ bỏ cách hành động đơn phương thiên về hợp tác đa phương. Ở Mỹ đã có đồng thuân lưỡng đảng rằng chính sách hòa hoãn, nhân nhượng để Trung Quôc trở nên môt thành viên có trách nhiệm (responsible stakeholder) trong công đồng thế giơi đã thất bại, vì thế cần phải cương quyết hơn đối với Trung Quốc. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục chính sách này. Khác với Trump luôn coi Tập là "người bạn tốt của tôi" và làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, Biden, khi tranh cử, đã từng gọi Xi Jinping là "côn đồ" (thug) và cam kết sẽ phục hồi lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc cổ võ những giá trị nhân quyền và dân chủ, nhưng đồng thời cũng coi thương chiến với Trung Quốc qua biện pháp tăng thuế suất là một điều sai lầm. Có thể nói là quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tơi sẽ đặt trên căn bản quyền lợi quốc gia hơn là quan hệ cá nhân và sẽ pha trộn giữa đấu tranh và cộng tác, nhưng thiên về đấu tranh nhiều hơn.
Riêng đối với khu vực Biển Đông, chính quyền Biden sẽ tìm cách trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũ (TPP) bằng cách gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Transpacific Partnership-CPTPP), sẽ tiếp tục các tác vụ tuần tra bảo về tư do lưu thông hàng hải (FONOP) và các cuộc thao diễn chung, giúp tăng cường khả năng quân sự của các đồng minh và đối tác trong khu vực, tiếp tục củng cố hợp tác bốn nuớc (QUAD) đồng thời tiếp nhận tham dự viên mới qua hình thức QUAD cộng (QUAD +). Điều quan trọng là, với chính quyền Biden, các nước nhỏ sẽ bớt sợ bị Mỹ bỏ rơi vì quyền lợi kinh tế của Mỹ ở Trung Quốc và đồng thuận Xi-Trump về mối "quan hệ nước lớn kiểu mới" (new type of great power relations). Một chỉ dấu đáng lưu ý khác cho thấy chính quyền Biden có thể dứt khoát hơn trong cam kết bảo vệ đồng minh chống hành động lấn lướt của Trung Quốc là, trong cuộc nói chuyên điện thoại với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 12 tháng 11 vừa qua, Tổng thống tân cử Biden đã mạnh dạn xác nhận rằng hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật áp dụng với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) vẫn còn hiệu lực và đoan quyết Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về các đảo này.
Thành thật cảm ơn Giáo sư.
Phạm Trần thực hiện
(18/11/2020)
Ông Biden tìm cách tiếp cận kế hoạch vaccine giữa lúc bị trì hoãn bàn giao
VOA, 17/11/2020
Các cố vấn khoa học của Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch gặp gỡ các nhà sản xuất vaccine trong những ngày tới, ngay cả khi quá trình chuyển đổi tổng thống bị đình trệ khiến họ bị loại ra khỏi việc tham gia vào kế hoạch tiêm chủng Covid-19 cho toàn bộ người Mỹ, theo AP.
Chánh văn phòng Ron Klain (giữa) được Tổng thống đắc cử Joe Biden (phải) bổ nhiệm cho biết các chuyên gia của ông Biden sẽ nhanh chóng tiếp cận với những người liên quan đến kế hoạch phân phối vaccine.
Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận ông thua cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa là nhóm của ông Biden không thể có một cái nhìn bao quát rõ ràng về công việc trong chính phủ cho một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt kéo dài sang năm tới, AP dẫn lời Chánh văn phòng Ron Klain của ông Biden cho biết.
"Bây giờ chúng ta có khả năng có một loại vaccine bắt đầu từ tháng 12 hoặc tháng 1", ông Klain nói, theo AP. "Những người trong Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) đang lập kế hoạch triển khai loại vaccine đó. Các chuyên gia của chúng tôi cần phải nói chuyện với những người đó càng sớm càng tốt để không có gì bất ngờ xảy ra khi thay đổi quyền lực vào ngày 20/1".
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, Bác sĩ Anthony Fauci, cho rằng việc thiếu phối hợp giữa các cơ quan hành chính mãn nhiệm và kế nhiệm sẽ "đặc biệt gây vấn đề" trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ.
"Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể bắt đầu làm việc với họ", AP dẫn lời bác sĩ Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, và đã trải qua nhiều lần chuyển đổi tổng thống trong 36 năm ông phục vụ chính phủ.
Việc tổng thống đắc cử tiếp cận với các nhà sản xuất vaccine diễn ra vào lúc đại dịch virus corona ở Hoa Kỳ bước vào giai đoạn được xem là nguy hiểm nhất.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở Mỹ là 148.725, tính trong bảy ngày cho đến Chủ nhật (15/11). Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ đang có thêm khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần. Số người chết trung bình là 1.103 người/ngày, tăng 33% trong hai tuần qua, tính đến 15/11.
*********************
Vaccine Moderna thành công, thêm hy vọng chặn Covid-19 cho thế giới
VOA, 17/11/2020
Loại vaccine thử nghiệm của công ty Moderna, với hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa Covid-19 theo dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm giai đoạn cuối, giúp công ty này trở thành nhà sản xuất dược phẩm thứ hai của Hoa Kỳ báo cáo kết quả vượt xa mong đợi, Reuters dẫn thông tin từ công ty cho biết hôm 16/11.
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới.
Cùng với vaccine của Pfizer, cũng có hiệu quả hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn và xem xét theo quy định, Hoa Kỳ có thể có hai loại vaccine được phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12 với khoảng 60 triệu liều có sẵn trong năm nay.
Năm tới, chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp cận hơn 1 tỷ liều vaccine chỉ từ hai nhà sản xuất trên, nhiều hơn mức cần thiết cho 330 triệu cư dân của nước Mỹ.
Được phát triển bằng công nghệ mới mRNA, cả hai loại vaccine được xem là công cụ mạnh để chống lại đại dịch đã lây nhiễm cho 54 triệu người trên toàn thế giới và giết chết 1,3 triệu người.
Thông tin về thành công của vaccine xuất hiện đúng vào thời điểm số ca lây nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, đạt kỷ lục mới tại Hoa Kỳ và đẩy một số quốc gia Châu Âu trở lại tình trạng bị phong toả.
"Chúng ta sẽ có một loại vaccine có thể ngăn chặn Covid-19", Reuters dẫn lời Chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Phân tích tạm thời của Moderna dựa trên 95 ca nhiễm trong số những người tham gia thử nghiệm được tiêm vaccine. Trong số này, chỉ có 5 trường hợp bị lây nhiễm trong số những người được chủng ngừa, và họ được tiêm hai mũi cách nhau 28 ngày.
Reuters dẫn lời giáo sư miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, Eleanor Riley, nói : "Có nhiều hơn một nguồn vaccine hiệu quả sẽ làm tăng nguồn cung toàn cầu và nếu may mắn, chúng sẽ giúp tất cả chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021".
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới và công ty dự kiến sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong những tuần tiếp theo.
Cổ phiếu của công ty, vốn đã tăng hơn bốn lần trong năm nay, tăng 15% trong giao dịch tiền thị trường trong khi chứng khoán Châu Âu và hợp đồng tương lai của Phố Wall tăng vọt nhờ thông tin cập nhật vaccine. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1,3%, lên mức cao kỷ lục mới, trong khi STOXX 600 toàn Châu Âu đạt trở lại mức cao nhất của cuối tháng Hai.
Cổ phiếu của Pfizer đã giảm 1,7% trong giao dịch tiền thị trường trong khi AstraZeneca của Anh, công ty vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả nào từ các cuộc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối, lại giảm 0,7%.
Một ưu điểm chính của vacine Moderna là không cần bảo quản siêu lạnh như của Pfizer, giúp cho việc phân phối dễ dàng hơn.
Moderna hy vọng vaccine sẽ ổn định ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C (36 đến 48°F) trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở -20C.
Vaccine của Pfizer phải được vận chuyển và bảo quản ở -70C, loại nhiệt độ điển hình của mùa đông Nam Cực. Nó có thể được bảo quản đến 5 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn hoặc lên đến 15 ngày trong hộp vận chuyển nhiệt.
Là một phần của chương trình Operation Warp Speed (chương trình nhằm tăng tốc phát triển vaccine) của chính phủ Hoa Kỳ, Moderna dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu liều cho nước Mỹ trong năm nay. Hàng triệu liều trong số này đã được sản xuất và sẵn sàng giao hàng nếu được FDA cho phép.
95 trường hợp mắc Covid-19 tham gia thử nghiệm bao gồm nhiều nhóm chính có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, bao gồm 15 trường hợp người lớn từ 65 tuổi trở lên và 20 trường hợp thuộc các nhóm đa dạng về chủng tộc.
Một điều còn chưa biết đối với loại vaccine này và tất cả những vaccine khác hiện đang được thử nghiệm là liệu chúng có ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 hay không.
"Nhiều khả năng là vaccine có thể ngăn ngừa triệu chứng bệnh, làm giảm thời gian và mức độ lây nhiễm, và do đó giảm sự lây truyền. Nhưng chúng tôi chưa biết liệu tác động này có đủ lớn để tạo ra bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào đối với sự lây lan của virus trong cộng đồng hay không", Reuters dẫn lời Giáo sư Riley tại Đại học Edinburgh cho biết.
Hoa Kỳ có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 11 triệu ca nhiễm và gần 250.000 ca tử vong.
Moderna đã nhận được gần 1 tỷ đô la tài trợ nghiên cứu và phát triển từ chính phủ Hoa Kỳ và ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ đô la cho 100 triệu liều. Chính phủ Hoa Kỳ cũng có thêm lựa chọn cho 400 triệu liều khác.
Công ty hy vọng sẽ sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vào năm 2021, phân chia giữa các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ và quốc tế, tuỳ theo nhu cầu.
Moderna cũng cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu của mình để xin cấp phép ở Châu Âu và các khu vực khác.
Cơ quan quản lý y tế của Châu Âu hôm 16/11 cho biết họ đã đưa ra một "đánh giá tổng hợp" trong thời gian thực đối với vaccine của Moderna, sau các đánh giá tương tự đối với vaccine của Pfizer và AstraZeneca.
Các quốc gia khác như Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tiêm chủng. Nga đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik-V Covid-19 trong nước vào tháng 8, trước khi công bố dữ liệu từ các thử nghiệm quy mô lớn. Nước này cho biết vào ngày 11/11 rằng vaccine của họ có hiệu quả 92% dựa trên 20 ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm lớn của họ.
"Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"
(Kiều)
Ưu tư chính của ông Biden là tranh đấu tìm lại linh hồn nước Mỹ
Sau bốn năm như "đến hẹn lại lên", nước Mỹ và thế giới lại chứng kiến trận chung kết giải thi đấu đặc biệt của nền dân chủ Mỹ, để khẳng định ai là chủ Nhà Trắng trong bốn năm tiếp theo. Nhưng năm 2020, sự kiện chính trị này kịch tính và khó lường hơn, do hệ quả bốn năm dưới chính quyền Trump và một năm bị đại dịch Covid/19. Trong khi thế giới càng bất an thì nước Mỹ càng phân hóa, không chỉ giữa hai chính đảng mà còn trong cộng đồng và các gia đình. Vậy sau bầu cử, nước Mỹ và thế giới phải đối mặt với những thách thức gì ?
Kịch tính và khó lường
Cách đây bốn năm, bầu cử cũng kịch tính và diễn biến khó lường, nhưng đến nửa đêm (giở Mỹ) ta có thể biết ai là người thắng cuộc. Nhưng năm nay, điều đó đã thay đổi vì số cử tri tham gia bỏ phiếu tăng kỷ lục và số người bỏ phiếu bằng thư qua bưu điện rất lớn (do đại dịch), làm quá trình kiểm phiếu kéo dài, dẫn đến những hệ lụy phức tạp tại các bang "chiến địa". Đến nửa đêm (3/11), Joe Biden mới được 224 phiếu, và Donald Trump được 213 phiếu.
Ba ngày tiếp theo, cả hai đối thủ vẫn chưa đủ 270 phiếu (cử tri đoàn) nên quá trình kiểm phiếu vẫn tiếp tục, với kết quả sát nút tại một số bang "chiến địa" đầy kịch tính và căng thẳng như trong phim hành động (suspense). Một số nơi phải tạm dừng để kiểm phiếu lại (recount) do nghi ngờ "gian lận" (fraud). Dù đó là tin đồn hay sự thật, nó phản ánh tâm trạng bức xúc và đối địch trong cộng đồng như "thùng thuốc súng", làm đầu độc tâm lý người Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân. Một là hệ quả bốn năm dưới chính quyền Trump làm xã hội phân hóa thành phe "cuồng Trump" và phe "chống Trump", gây chia rẽ trong cộng đồng và gia đình. Hai là hệ quả của đại dịch năm nay làm gần 10 triệu người Mỹ bị lây nhiễm và gần 237 ngàn người chết, gây tâm lý hoang mang lo sợ. Ba là những biến động về dân số trong cộng đồng làm xung đột sắc tộc biến thành bạo loạn và khủng hoảng (như phong trào BLM).
Trước ngày bầu cử (3/11) phe Cộng hòa đã vận động ráo riết tại các bang "chiến địa", thậm chí cử người đi "gõ cửa từng nhà" (door to door). Ông Trump đã vận động không mệt mỏi như "một cỗ máy" (absolute machine). Phe Dân chủ rút kinh nghiệm bốn năm trước, cũng ráo riết đi vận động tại các bang "chiến địa". Hoạt động tranh cử quyết liệt của cả hai phe là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy cử tri Mỹ đi bỏ phiếu đông tới mức kỷ lục so với trước.
Sau gần bốn ngày kiểm phiếu, đến trưa ngày 7/11 các hãng truyền thông của Mỹ thông báo ông Biden đã chiến thắng tại bang Pennsylvania (cộng 20 điểm), vượt quá 270 điểm cần thiết để trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ. Đến 8 giờ tối (giờ Mỹ) ông Biden đã tuyên bố chiến thắng, và lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện mừng. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử "còn lâu mới kết thúc" vì "gian lận" (fraud), sẽ khởi tố tại tòa án vào thứ hai tới.
Tuy chưa biết việc kiểm phiếu "gian lận" đó sẽ được giải quyết bằng pháp luật như thế nào, nhưng trận chung kết bầu Tổng thống Mỹ năm 2020 (giữa Donald Trump và Joe Biden) chắc phức tạp hơn năm 2000 (giữa George Bush và Al Gore). Bầu cử tổng thống, thượng viện và hạ viện Mỹ năm nay sẽ đi vào lịch sử vì đầy kịch tính và khó lường như một sự kiện lạ, với nhiều tin đồn thất thiệt (half truth) làm dư luận Mỹ và thế giới lo lắng bất an.
Tuy sự phân hóa và chia rẽ giữa hai đảng đã diễn ra từ trước thời Trump, nhưng Trump vừa là tác nhân vừa là sản phẩm của sự chia rẽ, làm cho hố phân cách càng lớn. Theo một khảo sát, 73% người theo đảng Cộng hòa và Dân chủ bất đồng với nhau về những vấn đề cơ bản (basic facts), và 60% cử tri Mỹ nghĩ rằng người của đảng kia là mối đe dọa với Mỹ. Cứ 5 người Mỹ thì có một người cho rằng bạo lực là chính đáng nếu đảng kia thắng cử. Đó là tâm thế cực đoan, trong khi nhiều người Việt tại Mỹ và trong nước ủng hộ ông Trump.
Những thách thức lớn
Nếu ông Biden đắc cử, thì thách thức đầu tiên mà chính quyền Biden phải đối mặt là tình trạng phân hóa và chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ mà một số người lo ngại có nguy cơ "nội chiến". Trong diễn văn hôm nay, ông Biden nhấn mạnh đến mục tiêu đoàn kết để "hàn gắn" (healing) và hợp tác, nhưng chuyển giao quyền lực (trước mắt) và hợp tác (về lâu dài) trong quốc hội sẽ rất khó khăn. Tuy ông Trump có thể thất cử, nhưng Trumpism vẫn tồn tại, với hội chứng "nước Mỹ trên hết", nên chính quyền Biden dễ trở thành "vịt què" (lame duck).
Thách thức lớn thứ hai là hệ quả của đại dịch coronavirrus trong năm qua không chỉ làm số người lây bệnh và bị chết đứng đầu thế giới (tuy chưa dừng lại), mà còn làm cho kinh tế suy thoái và bộc lộ những góc khuất yếu kém về quản trị của chính quyền Trump. Nhiều cử tri Mỹ hy vọng chính quyền Biden coi đây là ưu tiến cấp bách để xử lý tốt hơn, ngay trong năm đầu. Vì vậy, đối với chính quyền Biden, đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội.
Thách thức lớn thứ ba là suy thoái kinh tế do đại dịch cũng như do chiến tranh thương mại và các nguyên nhân khác. Đây là một thách thức to lớn đối với bất cứ chính quyền nào (cộng hòa hay dân chủ), nhưng chính quyền Trump làm khá tốt cho đến đầu năm (khi có dịch). Tuy ông Biden nhấn mạnh đến vai trò của tầng lớp trung lưu (middle class), nhưng trong tranh luận vừa rồi, vẫn chưa thấy ông đưa ra một kế hoạch về kinh tế có sức thuyết phục.
Về đối ngoại, tuy chưa phải là vấn đề cấp bách nhất, nhưng chắc chính quyền Biden sẽ ưu tiên củng cố quan hệ đồng minh, vì Trump coi nhẹ và làm rạn nứt, do chủ trương giảm thiểu cam kết vì "nước Mỹ trên hết". Đối với Trung Quốc, Biden cũng cho rằng Mỹ phải cứng rắn vì "đó là thách thức đặc biệt". Chính quyền Biden chắc không thay đổi mục tiêu chiến lược mà chính quyền Trump đã định hình, nhưng có thể khác về phong cách và mức độ. Theo Anne-Marie Slaughter (New America), các trụ cột trong chính sách đối ngoại của Biden có thể gồm ba chữ D là Domestic (Đối nội), Deterrence (Răn đe) và Democracy (Dân chủ).
Về khu vực Indo-Pacific Tự do Rộng mở (FOIP) và Biển Đông, chắc chính quyền Biden sẽ duy trì khuôn khổ đối tác chiến lược với đồng minh khu vực như "Bộ Tứ" (Quad) và "Bộ Tứ mở rộng" cũng như với ASEAN, như một "di sản đối ngoại" của chính quyền Trump. Biden có thể điều chỉnh một chút cho gần với mô hình "chuyển trục sang Châu Á" (Pivot) hay "tái cân bằng" dưới thời Obama, và mô hình hợp tác "TPP/12" (như "trở về tương lai").
Đối với vấn đề Đài Loan và Hong Kong, có thể quan điểm của chính quyền Biden sẽ mềm mỏng hơn (hay "bớt diều hâu") so với chính quyền Trump, nhưng không có nghĩa là sẽ nhân nhượng với Trung Quốc như trước đây, vì chủ trương "tách đôi" (decoupling) và "cạnh tranh chiến lược" (strategic rivalry) với Trung Quốc là khó đảo ngược, do "đồng thuận quốc gia" (national consensus) cũng như "đồng thuận lưỡng đảng" (bipartisan consensus). Đối với Bắc Triều Tiên, chắc Biden sẽ có cách đề cập "chuyên nghiệp hơn", khác với Trump.
Đối với Việt Nam, quan hệ đối tác toàn diện (comprehensive partnership) đã phát triển thêm một bước dài (a long way) dưới thời Trump, tiệm cận với đối tác chiến lược "trên thực tế" (de facto), gồm hợp tác kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Đây cũng là một "di sản về đối ngoại" của chính quyền Trump mà chính quyền Biden chắc sẽ tiếp thu và tiếp tục, với một số điều chỉnh theo phong cách của Biden, nhưng nhất quán hơn và coi trọng nhân quyền.
Lời cuối
Dù Donald Trump có thất cử, ông vẫn là đương kim Tổng thống (incumbent president) cho đến ngày 20/1/2021 khi tổng thống mới nhậm chức (nếu chuyển giao bình thường). Vì vậy, Trump có thể tham dự cuộc họp cấp cao Đông Á (EAS), ngay sau họp cấp cao ASEAN (11/11/2020). Đây là một dịp tốt mà Trump có thể tới dự để đóng góp vào di sản của chính quyền Trump trong đó có tầm nhìn Indo-Pacific Tự do Rộng mở, với "Bộ Tứ" là nòng cốt.
Dù ai làm Tổng thống Mỹ, Việt Nam vẫn phải dựa vào nội lực là chính, và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác chiến lược ngoài ASEAN như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc (Quad) cũng như với EU, UK, Canada, Tân Tây Lan, Hàn Quốc, v.v. Việt Nam cần tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, cũng như tránh bị mắc kẹt vào trò chơi vương quyền (game of thrones) giữa các nước lớn như Mỹ-Trung, trong một thế giới bất an khó lường.
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Viet-studies, 09/11/2020
Tham khảo
1. Why America Must Lead Again : Rescuing U.S. Foreign Policy After Trump, Joe Biden, Foreign Affairs, March/April 2020
2. If Biden wins, he’ll have to put the world back together, Thomas Wright and Kurt Cambell, Brookings, April 14, 2020
3. How Significant Is the New US South China Sea Policy ? Greg Poling, CSIS, July 14, 2020
4. The three pillars of US foreign policy under Biden , Anne-Marie Slaughter, Financial Times, 19/10/2020.
5.What a Biden win would mean for Southeast Asia, David Hutt, Asia Times, October 29, 2020
6. Why Vietnam wouldn’t mind if Trump loses to Biden, David Hutt, Asia Times, October 29, 2020
7. South East Asia hedges its bets on US election cliffhanger, David Hutt, Asia Times, November 5, 2020
8. Biden risks being a lame duck president, Edward Luce, Financial Times, November 5 2020
Thanh Hà, RFI, 08/11/2020
Vài giờ sau khi truyền thông Hoa Kỳ chính thức thông báo danh tính vị tổng thống Mỹ thứ 46, Joe Biden - tổng thống tân cử, khẳng định đảng Dân chủ đã giành được một thắng lợi "rõ ràng" và "thuyết phục". Tuy nhiên, theo ông, đã đến lúc phải đưa nước Mỹ thoát khỏi "những chia rẽ".
Đêm qua, 07/11/2020, trong bài diễn văn đầu tiên tại Wilmington, Delaware trên quê nhà, ông Joe Biden kêu gọi toàn dân "đoàn kết, chấm dứt xem những đối thủ là kẻ thù". Với ông, "không có những bang mang màu xanh hay màu đỏ", tức là ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa, mà tất cả đều là "những bang thuộc về nước Mỹ". Tổng thống tân cử Biden kêu gọi 70 triệu cử tri ủng hộ tổng thống Trump hãy vượt qua thất vọng và bất đồng để cùng xây dựng một đất vững mạnh.
Một trong những ưu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 sắp tới đây là "xây dựng một nền kinh tế Mỹ vững mạnh", và ngay từ ngày Thứ Hai 09/11/2020 ông Biden sẽ triệu tập một ủy ban bao gồm các chuyên gia để chuẩn bị cho kế hoạch hành động chống Covid-19 vào lúc virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 và làm hàng triệu người dân Mỹ bị mất việc.
Donald Trump chối bỏ thất bại
Bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu, danh tính tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 mới được công bố. Khoảng 10 giờ 30 sáng hôm 07/11/2020 giờ Washington, vào lúc truyền thông Mỹ thông báo thắng lợi của ông Biden, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đã rời khỏi Nhà Trắng đến một sân golf cách không xa thủ đô Hoa Kỳ.
Ông tố cáo đối thủ đã "vội vàng" nhận lấy chiến thắng trong lúc mà "cuộc bầu cử lần này còn lâu mới kết thúc". Các luật sư của Donald Trump thông báo tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý. Trong cuộc họp báo chiều qua tại Philadelphia, luật sư Rudy Giuliani không đi sâu vào chi tiết nhưng khẳng định bên đảng Dân chủ đã có những động thái cho thấy có "gian lận" bầu cử.
Thanh Hà
************************
Tú Anh, RFI, 08/11/2020
Trong lúc Donald Trump trì hoãn không chấp nhận kết quả kiểm phiếu, hàng loạt lãnh đạo trên bốn ngả địa cầu đua nhau chúc mừng Joe Biden, kêu gọi tổng thống đắc cử "hành động chung đối phó với các thách thức" trên thế giới.
Từ NATO đến Liên Hiệp Châu Âu, từ Pháp, Đức, Anh cho đến Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Thái Bình Dương, từ Canada cho đến Châu Mỹ Latinh và Trung Cận Đông, lãnh đạo quốc gia và các định chế quốc tế đều tỏ ra rất hài lòng và muốn nhanh chóng bắt tay vào việc với nước Mỹ của Joe Biden.
Trong số các phản ứng tiêu biểu, thông điệp chào mừng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổng thống đắc cử cùng nhau hành động trước muôn vàn thách thức. Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau bốn năm căng thẳng với Donald Trump, nhấn mạnh đến yếu tố "không thể thay thế được" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau vượt qua những thử thách lớn của thời đại.
Bên cạnh phản ứng của hai đầu tầu và các thành viên khác của Liên Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel khẳng định quyết tâm xây dựng đối tác bền vững với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chúc mừng "thành công lịch sử" của Joe Biden và Kamala Harris. Luân Đôn sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới trong các vấn đề ưu tiên chung.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không mong ước gì hơn là chào mừng "ủng hộ viên kiên cường" của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và "nóng lòng" hợp tác với tổng thống đắc cử.
Tại Châu Á, cho đến trưa hôm nay, chưa thấy phản ứng của Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, thủ tướng Nhật Bản cũng như tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Úc, lãnh đạo ba đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực gửi thông điệp với nội dung tương tự : "Chúc mừng nhị vị Joe Biden và Kamala Harris đắc cử" và mong chờ "củng cố mối quan hệ đồng minh vững bền".
Tại Trung Đông, thủ tướng Israel Netanyahu, với giọng thân mật "chúc mừng người bạn từ 40 năm". Còn chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Joe Biden "củng cố quan hệ" Mỹ-Palestine.
Nguyên trạng
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào một lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ để sang trang bốn năm quan hệ căng thẳng và quyết định tùy tiện của Donald Trump.
Vấn đề là liệu Joe Biden sẽ có đem lại những thay đổi lớn trong chính sách quan hệ quốc tế hay không ? Được RFI đặt câu hỏi, giáo sư Bertrand Badie, Đại Học Chính Trị Paris, giải thích :
"Có những cái không thể xét lại được, đó là những biện pháp gây ấn tượng mạnh như dời Đại sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv về Jerusalem. Bản thân Joe Biden cũng từng tuyên bố là ông không đặt lại vấn đề này. Nếu làm ngược lại sẽ gây ra một loạt căng thẳng mà tổng thống mới không muốn bị vướng vào.
Còn những lãnh vực khác như chính sách đa phương, rút chân ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tổ Chức UNESCO, hiệp định hạt nhân với Iran… thì Joe Biden có thể khẳng định sự khác biệt giữa ông với Donald Trump.
Tuy nhiên, nếu có thay đổi thì cũng không thay đổi lớn lắm bởi vì vấn đề định chế. Thêm vào đó, còn có yếu tố cá tính của Joe Biden. Ông là một người có tiếng thận trọng, tổng hợp các quan điểm dị đồng. Joe Biden sẽ duy trì nguyên trạng các quyết định của Donald Trump nhưng sẽ tỏ ra thân ái hơn, chắc chắn sẽ tỏ ra lịch sự hơn với thủ tướng Angela Merkel cũng như sẽ không nắm áo veste của Emmanuel Macron".
Tú Anh
***********************
Thanh Hà, RFI, 08/11/2020
Sau hai lần thất bại, Joe Biden, 77 tuổi, sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Với sáu nhiệm kỳ thượng nghị sĩ trong vòng 36 năm và 8 năm ở chức vụ phó tổng thống Mỹ, Joe Biden được xem như là một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất. Nhưng con đường đến Nhà Trắng của tổng thống Mỹ tương lai này cũng đầy trắc trở.
Joseph Robinette Biden Jr. sinh năm 1942 tại Scranton, bang Pennsylvania. Năm 1972, ông đắc cử thượng nghị sĩ bang Delaware lần đầu tiên. Đó cũng là lúc vợ và cô con gái 13 tháng tuổi thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Hai cậu con trai của ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Năm năm sau đó ông tái hôn với Jill Tracy Jacobs. Trong thời gian làm thượng nghị sĩ bang Delaware, phía nam bang Pennsylvania, Joe Biden chọn về ở hẳn Wilmington, một thành phố có đa số dân cư là tầng lớp công nhân. Cũng chính tại nơi này, hôm 07/11/2020, Joe Biden đọc bài diễn văn đầu tiên trong cương vị nguyên thủ Mỹ tương lai.
Ba mươi sáu năm ở Thượng Viện, ông Biden là người đã khởi xướng nhiều bộ luật quan trọng như luật chống bạo hành trong gia đình, luật chống tệ nạn buôn ma túy… Cũng ở cương vị thượng nghị sĩ, Joe Biden từng đứng đầu ủy ban đối ngoại của Thượng Viện từ năm 2001-2006.
Trước cuộc bầu cử lần này, Joe Biden đã hai lần ra tranh cử tổng thống vào năm 1988 và 2008. Lần đầuông đã phải sớm bỏ cuộc ngay từ các vòng bầu cử sơ bộ. Năm 2008, ông đã phải lùi bước trước một đối thủ lợi hại là Barack Obama. Nhưng rồi chính Biden là người được Obama chọn đứng liên danh và trở thành phó tổng thống Mỹ từ 2008 đến 2016.
Lần này Joe Biden được đảng Dân chủ chỉ định ra tranh cử tổng thống, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ông không có sức thu hút lớn như Obama trước kia.
Dù vậy ngay cả các đối thủ chính trị của Biden cũng phải nhìn nhận rằng tổng thống Mỹ tương lai, vì từng trải nhiều đau thương trong cuộc sống, nên ông có tấm lòng và biết nghĩ đến những người khác. Đó sẽ là một lá chủ bài giúp Biden thành công trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm sắp tới.
Thanh Hà
*********************
RFI, 08/11/2020
Ngay sau thông báo Joe Biden đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ngày 07/11/2020, những người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ đã đổ ra đường vui mừng chiến thắng.
Tiếng trống gõ, tiếng còi xe và có cả pháo hoa, vang lên tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ nhằm đánh dấu hồi kết một cuộc bầu cử căng thẳng, hồi hộp đến tận phút chót của cuộc kiểm phiếu.
Lễ mừng chiến thắng đầu tiên hết là ở Wilmington (Delaware) cứ địa của Biden. Tại New York, ngay khi có thông báo kết quả, nhiều ngàn người đã đổ về khu Times Square, quảng trường biểu tượng Quả Táo Lớn để vui mừng chiến thắng.
Thở phào nhẹ nhõm, nỗi vui mừng hòa lẫn cùng hy vọng một tương lai mới là những gì thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki, ghi nhận trong bầu không khí lễ hội tại New York :
"Trump đi đi, hãy xéo khỏi đây… Người dân New York cất vang tiếng hát phỏng theo một bài nhạc Rap phổ biến.
Ngay khi thông báo Joe Biden thắng cử, hàng ngàn người đã túa ra đường reo hò vui mừng.
Một người nói : Chúng tôi đã có 4 năm khốn khổ với một người lẽ ra không nên đứng đầu đất nước này. Giờ đây, chúng tôi thật là vui mừng có một tổng thống mới.
Người thứ hai nói thêm : Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng vui mừng như thế này ở đây cả. Tôi nghĩ là có một cảm giác nhẹ nhõm to lớn và nỗi vui mừng rất lớn !
Cùng với những tiếng còi xe, tiếng gõ xoong nồi, người dân New York gây huyên náo. Họ biết rõ là vị tổng thống sắp mãn nhiệm có một mối quan hệ phức tạp với thành phố quê hương của ông kể từ khi ông lên cầm quyền. Hôm nay, người dân gởi đến ông một thông điệp.
Một người đàn ông hô to : Vĩnh biệt, tạm biệt. Ông đã thua rồi. Đã đến lúc phải thay đổi.
Một phụ nữ nói thêm : Ông ấy không còn được chào đón ở đây nữa. Nếu quý vị còn nhớ, trong cuộc vận động tranh cử, ông ấy có nói là ông có thể đến nhắm bắn một ai đó trên đại lộ số 5. Thì đây, chúng tôi đang trên đại lộ số 5 đây. Câu trả lời của chúng tôi đó !
Hôm nay, nhiệt độ ở New York là 23°C. Ở ngoài phố, lễ hội có nguy cơ kéo dài suốt đêm !"
RFI tiếng Việt
*********************
Thanh Hà, RFI, 08/11/2020
Bất chấp kết quả thông báo công nhận thắng lợi của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, phe ủng hộ Donald Trump vẫn không chấp nhận thất bại của ứng viên đảng Cộng hòa.
Những người này trông đợi nhiều vào khả năng kiện đảng Dân chủ gian lận bầu cử. Phóng sự của đặc phái viên RFI Marie Normand từ Phoenix, bang Arizona :
"Eric đội mũ lưỡi trai màu đỏ với hàng chữ Make America Great Again, đứng dưới một lá quốc kỳ Mỹ thật to. Anh không có ý định bỏ cuộc. Như tất cả những người có mặt, Eric tới đây để tố cáo điều được cho là gian lận trong kỳ bầu cử lần này tại một bang có kết quả rất sít sao.
Anh nói : Bầu cử lần này không công bằng, không hợp pháp. Quý vị muốn tôi tin rằng Biden đã thu được hơn 10 triệu lá phiếu so với Barack Obama, ông tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, cách nay 12 năm ? Ở đây tất cả mọi người đều nghĩ là Donald Trump đã đắc cử một cách chính đáng. Không ai được phép cướp đi thắng lợi này. Chúng ta không còn là đảng Cộng hòa như trong quá khứ nữa, không còn ngoan ngoãn quỳ gối và nói, "OK Kumbaya – Hãy đến đây, tất cả chúng ta đều là anh em !".
Chủ tịch đảng Cộng hòa bang Arizona phát biểu trên khán đài. Bà hứa sẽ đấu tranh đến cùng để tất cả những lá phiếu đều được kiểm và yêu cầu những người phát hiện những hành vi gian lận hãy lên tiếng.
Cách đó xa hơn một chút, Jonathan mặc áo chống đạn, tay cầm một khẩu súng tự động. Anh nói đến đến đây "trước hết để bảo vệ điều khoản thứ 2 trong bản Hiến pháp. Rõ ràng là Joe Biden chống mang súng và ông đã nêu lên khả năng tước đi cái quyền này của chúng tôi. Nhưng có hàng triệu người sẽ không để yên. Chúng tôi quyết chiến đến cùng để bảo vệ quyền được mang súng đó".
Những người ủng hộ Trump tại đây không phải là đa số trong hàng ngũ cử tri của đảng Cộng hòa ở bang Arizona. Trong những ngày qua nhiều người cho biết họ sẽ chấp nhận khả năng Donald Trump thất cử".
Thanh Hà
*********************
RFI, 07/11/2020
Truyền thông Mỹ ngày 07/11/2020 loan báo Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020. Với chiến thắng này, Kalama Harris, người đứng liên danh với Joe Biden, chính thức trở thành phụ nữ đầu tiên được bầu làm phó tổng thống Mỹ.
Cuộc đánh cược liều lĩnh của Joe Biden đã thành công ! Năm nay 56 tuổi, Kamala Harris từng là nữ thẩm phán da mầu đầu tiên tại California, rồi cũng chính bà là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên bước vào Thượng Viện.
Có cha là người Jamaica, giáo sư ngành kinh tế, và mẹ là người Ấn Độ, một nhà nghiên cứu chuyên về ung thư vú, tuổi thơ của Kamala Harris trải qua ở Oakland, bang California, đắm mình vào những cuộc đấu tranh của cha mẹ di dân vì các quyền công dân. Bà tốt nghiệp đại học Howard tại Washington, vốn dĩ được thành lập để tiếp nhận các sinh viên người Mỹ gốc Châu Phi ngay giữa lòng cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Hành trình sự nghiệp của bà là một minh chứng rõ nét cho những "giấc mơ Mỹ" đẹp nhất. Năm 2004, Kamala Harris là thẩm phán tại San Francisco. Vị trí này bà nắm giữ trong vòng 8 năm trước khi hai lần được bầu làm chưởng lý tại bang California. Ở cương vị này, Kamala Harris là phụ nữ da mầu đầu tiên điều hành các cơ quan tư pháp của bang đông dân nhất nước Mỹ.
Năm 2017, Kamala Harris được bầu vào Thượng Viện, trở thành nghị sĩ da mầu thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Năm 2019, bà nếm mùi thất vọng đầu tiên. Mơ ước trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên đã bất thành. Tháng 12/2019, Kamala Harris phải rút lui khỏi cuộc đua bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ do thiếu nguồn tài chính. Tháng 3/2020, bà liên kết với Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
(Theo LCI)
**********************
Thanh Phương, RFI, 07/11/2020
Hôm 07/11/2020, báo chí Mỹ loan tin là ứng cử viên Dân chủ chính thức đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, sau bốn ngày kiểm phiếu căng thẳng. Theo các kênh truyền hình CNN, NBC và CBS, cựu phó tổng thống Mỹ, năm nay 77 tuổi, đã thu được phiếu của 273 đại cử tri nhờ thắng lợi tại Pennsylvania, một trong những bang chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống lần này.
Hiện giờ 3 bang Nevada, Georgia và Arizona, 3 bang mà Biden đang dẫn đầu, chưa kiểm phiếu xong, và như vậy là ứng cử viên Dân chủ có thể thu được nhiều hơn 273 phiếu đại cử tri. Trong một thông cáo, ông Biden hứa sẽ là " tổng thống của mọi người dân Mỹ". Ông nói : "Tôi rất vinh dự và khiêm nhường trước sự tin cậy mà người dân Mỹ dành cho tôi và cho phó tổng thống tân cử. Nay chiến dịch tranh cử đã chấm dứt, đã đến lúc để lại đằng sau chúng ta nỗi tức giận và những lời lẽ đao to búa lớn và chúng ta đoàn kết lại như một quốc gia."
Hiện giờ ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump vẫn chưa công nhận thất cử trước ông Biden.
Theo hãng tin AFP, hàng chục ngàn người dân Mỹ đã bắt đầu ăn mừng chiến thắng của Joe Biden tại nhiều thành phố. Cựu tổng thống Dân chủ Barack Obama vừa lên tiếng ca ngợi chiến thắng "lịch sử" của nhân vật từng là phó tổng thống của ông. Ngay cả thượng nghị sĩ Mitt Romney, một trong những gương mặt hàng đầu của đảng Cộng hòa, cũng đã chúc mừng ông Joe Biden.
Nhiều lãnh đạo thế giới như tổng thống Pháp Macron, thủ tướng Anh Johnson, thủ tướng Đức Merkel, thủ tướng Canada Trudeau cũng đã ngay lập tức chúc mừng tổng thống tân cử Joe Biden.
Thanh Phương
*********************
Minh Anh, RFI, 07/11/2020
Hãng tin Anh Reuters ngày 07/11/2020 cho biết cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng Viện, một trận đồ khác của cuộc bầu cử ngày 03/11, rất có thể sẽ kéo dài đến ngày 05/01/2021.
Trong số 35 ghế phải bầu mới lại, đảng Cộng hòa chiếm giữ được 23 ghế. Với kết quả này, phe đối lập Dân chủ hy vọng có thể đe dọa được đa số ít ỏi của đảng Cộng hòa có được dưới thời Donald Trump (53 thượng nghị sĩ Cộng hòa so với 47 Dân chủ).
Căn cứ vào các kết quả tạm thời và theo các dự phóng, hai chính đảng dường như mỗi bên đã có được 48 trong số 100 ghế ở Thượng Viện.
Thách thức chính hiện nay nằm tại bang Georgia. Do đặc thù địa phương, một cuộc bỏ phiếu vòng hai dành hai ghế thượng nghị sĩ nhất thiết sẽ phải được tổ chức vào 05/01/2021. Nếu đảng Dân chủ thắng cử, Thượng Viện sẽ rơi vào thế cân bằng giữa hai phe. Tiếng nói quyết định sẽ thuộc về phó tổng thống Mỹ, Kamala Harris hay Mike Pence, tùy thuộc vào việc ông Joe Biden hay Donald Trump đắc cử tổng thống.
Ngược lại, chỉ cần chiếm được một ghế ở bang Georgia, đảng Cộng hòa có thể bảo toàn đa số ở Thượng Viện. Trong trường hợp Biden đắc cử, đây có thể sẽ là một trở ngại lớn, gây khó khăn cho nhiệm kỳ tổng thống của ông, nhất là trong các chính sách có liên quan đến vấn đề sức khỏe và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Minh Anh