Bạo động tại Bình Thuận, giọt nước tràn ly (RFA, 11/06/2018)
Trong liên tục ba ngày 9,10,11 tháng Sáu, những cuộc biểu tình huy động hàng ngàn người diễn ra trên cả nước : Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Thuận, để phản đối dự luật đặc khu kinh tế cho người nước ngoài thuê đất 99 năm. Đại đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, ngoại trừ tại Bình Thuận, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động, dân chúng đốt trụ sở ủy ban tỉnh, đốt xe và đụng độ với cảnh sát.
Đốt xe trước cổng Ủy ban tỉnh Bình Thuận đêm 10/6/2018. AFP
Chuyện gì đang xảy ra tại Bình Thuận ?
Giọt nước làm tràn ly
Tỉnh Bình Thuận đã từng biết đến biểu tình có bạo động. Cách đây hơn 3 năm, vào tháng Tư năm 2015 cũng tại Tuy Phong đã có biểu tình bạo động chống các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm. Cuộc biểu tình bạo động đã gây thiệt hại lớn về tài sản tại đây.
Một người theo dõi rất kỹ những diễn biến của việc ô nhiễm môi trường tại Bình Thuận, và cũng là một người sinh ra và lớn lên tại Bình Thuận, ông Phan Hữu Trọng Hiền nói với chúng tôi từ Úc, sau cuộc bạo động ngày 10/6 :
"Người Bình Thuận rất hiền lành, họ rất khi phản ứng. Cho nên đây phải là sự dồn nén trong nhiều năm qua, những nhà máy nhiệt điện hủy hoại môi trường, ngư dân mất đi ngư trường bình thường của họ, lần này là giọt nước làm tràn ly, mà hậu quả thật bất ngờ là nó lại quá lớn như vậy".
Ông Phan Hữu Trọng Hiền hiện là một chuyên viên tin học tại Úc. Vào năm 2017 ông đã dùng tiền túi lập ra một trang Facebook phản đối việc xả bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận của Bộ Tài nguyên và môi trường. Sau đó kế hoạch này của Bộ Tài nguyên môi trường đã bị hủy bỏ. Ông Hiền quan sát thấy rằng mặt dù Phan Thiết vốn là một ngư trường giàu có nổi tiếng của Việt Nam từ lâu đời, nhưng hiện nay ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, vì đi đánh bắt ngoài khơi xa thì bị tàu Trung Quốc chèn ép, còn ở trong bờ thì lực lượng kiểm ngư đã thất bại để cho những loại ghe cào tận diệt nguồn hải sản gần bờ.
Chúng tôi đặt vấn đề mà ông Hiền nêu lên với một người dân sống tại Phan Thiết, nơi xảy ra cuộc bạo động 10/6, ông Thái Bình cho biết :
"Có lẽ nhận định đó có phần đúng, vì theo quan sát của tôi thì trong cuộc bạo loạn hồi hôm toàn là dân lao động biển, gần như 100%, qua cái cách ăn mạc, cách họ nói chuyện, cách họ đi… Thì mình có nhận xét như thế".
Vào năm 2017, khi dư luận đang xôn xao về kế hoạch xả bùn xuống biển của Bộ Tài nguyên và môi trường, chúng tôi có liên lạc được với các chủ trại nuôi tôm giống tại Tuy Phong, được họ cho biết là việc nuôi tôm giống của họ đã trở nên rất khó khăn từ trước đó, từ khi có cảng nhập than đá để chạy các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Chính tại Tuy Phong đã bắt đầu cuộc biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong sáng ngày 10/6 để phản đối dự luật đặc khu, và bạo động tiếp tục diễn ra tại đây trong ngày 11/6 khi người dân tấn công và đốt đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Trước sự sụt giảm về tài nguyên biển, đã từng có hy vọng rằng nguồn lợi du lịch từ những bãi biển đẹp và khí hậu tốt của Phan Thiết sẽ bù lại cho dân chúng ở đây. Đã hơn 20 năm từ khi khu nghĩ dưỡng đầu tiên được xây dựng tại bãi biển Mũi Né, Phan Thiết, và Bình Thuận được mệnh danh là thủ đô resort của Việt Nam. Nhưng ông Thái Bình không cảm thấy điều đó :
"Những resort đó là những người có tiền ở đâu tới đầu tư, hoặc nước ngoài vô đầu tư, chứ còn dân biển thì con cháu chỉ vô làm thuê bồi bàn, bồi phòng, chứ nó không có tác động lớn đến cuộc sống người dân Bình Thuận".
Chúng tôi tìm cách liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở tài nguyên môi trường Bình Thuận để hỏi về những vấn đề môi trường, nhưng không có người bắt máy theo đường dây nóng công bố trên mạng.
Chúng tôi cũng đã gửi email cho ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Tỉnh Bình Thuận, nhưng không được phản hồi.
Làm gì sau cuộc bạo động ?
Trả lời câu hỏi làm thế nào để những cuộc bạo động tương tự không xảy ra trong tương lai, ông Phan Hữu Trọng Hiền cho rằng đó là một việc rất khó khăn :
"Bộ Tài nguyên môi trường, các tập đoàn lớn về năng lượng đã đặt xuống cách đây vài năm. Cho nên chính quyền địa phương có muốn giải quyết thì họ cũng không có đủ quyền lực, không đủ sức mạnh đưa ra những quyết định lâu dài cho người dân địa phương. Một mâu thuẫn rất khó giải quyết. Nhưng mà chính quyền địa phương có thể đi gần với dân hơn, liên tục phải có những hành động giảm thiểu những tác hại, và đặc biệt phải có sức ép ngược lên trên trung ương để mà đưa ra những quyết sách có lợi cho dân địa phương".
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam hiện sống tại Sài Gòn, cho chúng tôi biết là ông cũng tán thành nguyên nhân sâu xa của vụ bạo động là chuyện ô nhiễm và phương kế sinh nhai của ngư dân Bình Thuận bị mất mát như hiện nay. Bên cạnh đó ông cho rằng câu chuyện gây kích hoạt những cuộc biểu tình là dự luật đặc khu có thể tránh được :
"Khi trình những luật mang tính nhạy cảm chẳng hạn như luật ba đặc khu, là phải được thảo luận rộng rải trong nhân dân, lường hết những hậu quả thế này thế kia thì có lẽ sẽ không xảy ra những việc đáng tiếc như vừa qua. Điều đó cho thấy rằng việc làm luật ở Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người dân tham gia từ đầu. Dĩ nhiên những dự thảo luật đó có đưa lên mạng, nhưng có mấy người biết rằng dự thảo luật đó có trên mạng để mà góp ý ?".
Theo báo chí nhà nước Việt Nam thì rạng sáng ngày 11/6, lực lượng công an đã phải được tăng cường để giải tán đám đông bạo động tại trụ sở Ủy ban tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên ông Thanh Bình cho rằng giải pháp dùng sức mạnh không nên được sử dụng trong lúc này.
"Theo tôi thấy tình trạng nó xảy ra kinh khủng quá, mất kiểm soát. Theo tôi nghĩ cách tốt nhất hiện nay là lãnh đạo nên gặp gỡ người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, biết yêu cầu của họ để phần nào xoa dịu họ, thì có thể nó sẽ lắng dịu, chứng mà dùng cảnh sát đối đầu với người dân thì không phải là cách hay nhất".
Theo báo chí Việt Nam, ngày 11/6, cuộc bạo động tại Bình Thuận diễn ra sang ngày thứ hai tại khu vực Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, dân chúng đã đốt xe và tấn công cảnh sát cơ động. Các giới chức chính quyền cho biết có đến 28 cảnh sát cơ động bị thương. Trật tự được vãn hồi sau khi cảnh sát cơ động rút đi.
Theo nguồn tin riêng mà ông Thái Bình cho chúng tôi biết thì những người lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã họp khẩn cấp và quyết định là không dùng sức mạnh để đàn áp. Chúng tôi không thể kiểm tra sự xác thực của tin này.
Từ diễn đàn Quốc hội, sáng ngày 11/6, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kêu gọi mọi người dân hãy bình tĩnh, nhưng nói thêm là đừng để cho lòng yêu nước bị lợi dụng.
Kính Hòa
*****************
Bùng nổ biểu tình chống Luật Đặc khu, nhiều người bị bắt (VOA, 11/06/2018)
Việt Nam xác nhận bắt giữ nhiều người hôm 10/6 sau khi nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở các thành phố lớn để phản đối Luật Đặc khu.
Lực lượng công an và an ninh giải tán cuộc biểu tình ở Hà Nội hôm 10/6.
Các hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh nhiều người biểu tình bị "giữ" và "lôi" lên xe buýt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các bức ảnh, có thể thấy máu trên mặt và áo một số người.
Trong khi đó, các nhân chứng nói với VOA Việt Ngữ rằng "hàng chục người" đã "bị bắt". Thông tin này không thể được kiểm chứng độc lập.
Dù dự luật không nêu cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tại ba địa điểm có thể trở thành đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc có thể dùng những nơi "chiến lược" này để "lập cứ".
Các bức ảnh cho thấy những người xuống đường mang theo các biểu ngữ như "Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày" hay "Giao đất cho giặc Tàu là mất nước".
Sau nhiều giờ im tiếng, báo chí trong nước đồng loạt đăng lại một bản tin ngắn của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó nói rằng công an bắt giữ người "lôi kéo biểu tình trái phép" vì Luật Đặc khu.
Trong bài viết có tựa đề "Đừng quá sợ dân", nhà báo tự do Trương Huy San nói rằng "cho dù hàng vạn con người đã xuống đường, người dân không hề thách thức quyền lực" và "người dân chỉ bày tỏ thái độ".
"Chiều nay, đừng ngạc nhiên khi trên truyền thông hay trong các phòng kín có ai đó thổi phồng vai trò của "các thế lực thù địch" đứng sau các cuộc biểu tình [tuy có thể cũng có những kẻ tát nước theo mưa]. Và cũng đừng ngạc nhiên khi mạng xã hội cũng bị cho là thủ phạm [để thuyết phục các nhà lãnh đạo ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn]", người còn được biết tới với tên gọi blogger Osin Huy Đức viết tiếp.
Một sự kiện gây nhiều chú ý trong cuộc xuống đường hôm 10/6 là chuyện "đám đông tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận".
Báo chí trong nước dẫn lời chính quyền cáo buộc người dân "đốt xe công" và "làm nhiều cảnh sát bị thương", trong khi nhiều người biểu tình viết trên mạng xã hội rằng họ bị "vu khống".
Nhiều cuộc tuần hành vẫn được tổ chức theo như kế hoạch dù chính phủ Việt Nam hôm 9/6 đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu.
Tuy nhiên, theo nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, "hoãn vẫn chưa đủ" mà Việt Nam "phải chính thức thông báo hủy ý định lập đặc khu".
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ giảm thời hạn cho thuê đất 99 năm nhưng không nói cụ thể về việc giảm này.
Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 7/6, ông Phúc từng nói rằng việc người dân, trí thức và người Việt ở nước ngoài góp ý về Luật Đặc Khu là "tinh thần yêu nước rất đáng hoan nghênh".
Người biểu tình phản đối Luật Đặc khu ở Hà Nội hôm 10/6.
Các cuộc xuống đường tuần hành chống Luật Đặc khu còn là dịp để người biểu tình lên tiếng về dự luật An ninh mạng dự kiến sẽ được mang ra biểu quyết vào ngày 12/6.
Trên Facebook cá nhân, tiến sĩ Jonathan London viết rằng "không có nước nào mà biểu tình được xem là phương án tốt nhất để giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng trong xã hội".
"Việc có biểu tình cuối tuần không chỉ phản ánh sự nghi ngờ và phẫn nộ của nhiều người mà phản ánh một thực thế lớn hơn mà đã biết quá lâu : người dân Việt Nam đã từ lâu mong, cần, và xứng đáng những quyết định quốc gia xuất phát từ những quá trình và thảo luận minh bạch, càng mang tính văn minh đa nguyên dân chủ càng tốt", nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam này nhận định. "Như thế Việt Nam mới cất cánh".
Theo ghi nhận của VOA tiếng Việt, các cuộc biểu tình của người Việt còn diễn ra ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ.
Viễn Đông
*******************
Bình Thuận : Dân cảnh báo ‘lại biểu tình’ nếu CA ‘truy bắt’ (VOA, 11/06/2018)
Một đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và một người dân thị trấn Phan Rí Cửa xác nhận với VOA hồi 6h chiều ngày 11/6 rằng tình hình "tạm ổn", "tạm lắng xuống" sau cuộc biểu tình đông đảo với nhiều hình ảnh bạo lực diễn ra kể từ cuối tuần vừa qua.
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Một người dân đề nghị giấu tên đưa ra lời cảnh báo rằng một cuộc xuống đường lớn sẽ "bùng nổ trở lại" nếu công an "truy tìm, bắt bớ" những người biểu tình.
Báo chí Việt Nam và thông tin trên mạng xã hội cho hay hàng ngàn người ở Phan Rí Cửa đã tràn xuống quốc lộ 1 từ sáng ngày 10/6 để phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, vốn bị xem là có thể mở đường để người Trung Quốc di dân, thôn tính biển đảo của Việt Nam.
Tin cho hay đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, làm tê liệt tuyến quốc lộ huyết mạch cho đến đêm cùng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người biểu tình đã xông vào trong trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đặt tại thành phố Phan Thiết và một số cơ sở khác của chính quyền.
Hình ảnh và chú thích trên báo chí do nhà nước kiểm soát cho thấy một số xe cộ và căn phòng đã bị đốt bởi "những người quá khích" hay "những đối tượng bị kích động".
Xe máy bị đốt trước cửa UBND tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018
Trên mạng xã hội có nhiều đoạn video cho thấy xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát cơ động trên quốc lộ, trong đó cảnh sát bắn lựu đạn khói về phía đoàn biểu tình, còn người biểu tình ném gạch, đá về phía cảnh sát.
Tình hình bạo động đã kéo dài ít nhất đến nửa đêm ngày 10/6, theo lời một phó bí thư Bình Thuận được báo chí trong nước dẫn lại. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội nói biểu tình còn kéo dài sang cả ngày 11/6.
Chiều muộn ngày 11/6, một cán bộ không nêu tên thuộc Văn phòng Đảng ủy Bình Thuận trả lời VOA khi phóng viên gọi vào số máy di động của ông Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng :
"Hiện nay Bí thư Hùng đang chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình. Tình hình cũng hơi ổn. Các cấp các ngành cũng vào cuộc. Tình hình hơi ổn, dịu xuống".
Một người dân Phan Rí Cửa, tâm điểm của cuộc bạo động, xác nhận với VOA rằng người dân đã "về nhà", cảnh sát đã "rút quân", tình hình "yên ắng" và quốc lộ 1 đã "thông suốt".
Một bài báo của Tiền Phong hôm 11/6 trích lời bí thư Bình Thuận nói rằng nhà chức trách đang "rà soát, sàng lọc các đối tượng" mà ông gọi là người bị kích động. Ông Hùng nói thêm "hành vi vi phạm pháp luật là phải xử lý nghiêm minh".
Các báo nhà nước đưa tin công an tỉnh cho biết vào sáng cùng ngày rằng họ đã "tạm giữ 102 người" để điều tra việc "đập phá trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành xung quanh".
Xe cảnh sát bị đốt cháy ở một trụ sở thuộc công an tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018
Bí thư Hùng thận trọng nhận định với báo chí rằng "không loại trừ khả năng vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề không lường trước được".
Người dân Phan Rí Cửa không muốn lộ danh tính đưa ra cảnh báo vào chiều tối 11/6 rằng nếu chính quyền triển khai thêm cảnh sát và truy bắt người biểu tình, hoạt động phản đối sẽ lại nổ ra :
"Chỉ cần họ [cảnh sát] rút, họ không đến đây nữa thì người dân sẽ không chống trả gì. Hồi sáng nay cũng vậy. Ngày hôm trước xảy ra, buổi tối họ rút về, và buổi sáng có sự tiếp viện [bên cảnh sát] thì người dân họ mới tiếp tục chống lại. Bây giờ chỉ cần chính quyền không có tăng cường gì nữa thì tự động mọi chuyện sẽ yên thôi".
Trong dịp cuối tuần, ngoài Bình Thuận, nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra ở một loạt các tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Mỹ Tho.
Dù nhiều người chia sẻ các bài viết và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đã có việc nhà chức trách bắt bớ người biểu tình hoặc xảy ra xô xát nhẹ tại các địa phương kể trên, song nhìn chung các cuộc biểu tình đó không đạt mức độ bạo động như ở Bình Thuận.
Nam cư dân Phan Rí Cửa lý giải với VOA rằng anh và đồng hương của mình đã bị dồn nén quá lâu vì ba nguyên nhân gồm : nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm môi trường, việc xả chất thải xuống biển làm chết thủy sản, và kiểm ngư bảo kê cho tàu giã cào làm ngư dân không còn kiếm sống được nữa. Anh nói thêm :
"Nó tạo ra tệ nạn xã hội, công việc không có. Chính quyền chỉ có hứa suông rồi sau đó đâu vẫn vào đấy. Thì cuối cùng nó gây sự mất niềm tin. Bây giờ dù có nói gì [người dân] họ cũng không nghe".
Một số người sử dụng mạng xã hội chia sẻ các hình ảnh cho thấy dường như cảnh sát đã và đang điều động thêm người của họ từ các địa phương khác đến Bình Thuận. VOA không thể kiểm chứng độc lập thông tin này. Khi được hỏi rằng người dân địa phương có phản ứng gì nếu diễn biến này là sự thật, nam cư dân Phan Rí Cửa nói :
"Đừng dùng đàn áp hay là bạo lực này kia. Tại vì người dân đi biển họ đối mặt với cái chết hàng ngày họ còn không sợ, bây giờ họ không có sợ".
*********************
Bạo động tại Bình Thuận : 100 người bị bắt giữ (RFA, 11/06/2018)
Biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng nổ ra tại một số thành phố ở Việt Nam trong các ngày 9, 10 và 11 tháng 6.
Người biểu tình đứng trước Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ngày 10/6/2018. AFP
Bản tin của AFP vào chiều tối ngày 11 tháng 6 cho biết cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ ít nhất 100 người trong vụ biểu tình tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cuộc biểu tình tại đây được biết đến sáng ngày 11 tháng 6 vẫn còn tiếp diễn sau khi vào tối trước đó xảy ra tình trạng người biểu tình dùng bom xăng tự chế phóng hỏa đốt một số trụ sở cơ quan Nhà nước ; cũng như ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát cơ động khiến hằng chục nhân viên công lực bị thương.
Tỉnh Bình Thuận vào chiều ngày 11 tháng 6 tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ việc vừa nêu tại địa phương thuộc tỉnh. Cuộc họp báo do Cơ quan tuyên giáo của Tỉnh Bình Thuận chủ trì.
Ông Huỳnh Thái Dương Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói rằng ông không thể hình dung nổi tình trạng diễn ra tại Ủy ban nhân dân tỉnh vào tối 10/6 và ông nói có thể gọi đó là một cuộc bạo loạn.
Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận là ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những hành vi đó là vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.
Xin được nhắc lại là vào ngày chủ nhật 10/6 trên cả nước đã vùng nổ những cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Bình Thuận, qui tụ đến hàng ngàn người tham gia để phản đối dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm. Dự luật này đã được hoãn thông qua hai ngày trước đó nhưng những cuộc biểu tình vẫn nổ ra, đại đa số là ôn hòa, nhưng cuộc biểu tình tại Phan Thiết và Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã trở thành bạo lực.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ cơ quan chức năng rằng vào sáng ngày 10/6 người dân tại Tuy Phong, Bình Thuận đã tràn ra đường ngăn chận xe cộ để phản đối dự luật đặc khu mà Quốc hội Khóa 14 đưa ra vào đầu kỳ họp thứ năm đang diễn ra ở Hà Nội.
Đến tối 10/6, cũng theo báo chí trong nước hàng trăm người dân đã tràn vào trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh tại thành phố Phan Thiết, dùng bom xăng phóng hỏa và đập phá. Ngoài ra có nhiều xe hơi và xe gắn máy bị đốt cháy. Công an đã dùng vòi rồng để giải tán đám đông nhưng không thành. Cho đến rạng sáng ngày 11/6 công an phải tăng cường lực lượng để giải tán đám đông.
Đến trưa ngày 11/6 dân chúng lại đổ ra chận Quốc lộ 1 tại Ngã ba Cầu Nam, huyện Tuy Phong. Theo một quan chức của huyện thì dân chúng cũng đã đập phá cơ sở của cơ quan phòng cháy chữa cháy của huyện này.
Tại các thành phố khác ở Việt Nam gồm Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương cũng nổ ra những cuộc biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng.
Một số người tham gia biểu tình cho biết họ vì lòng yêu nước mà tham gia biểu tình. Hoạt động tuần hành với các biểu ngữ phản đối được tiến hành trong tinh thần ôn hòa ; tuy nhiên lực lượng chức năng cố tình ngăn trở và có xảy ra biện pháp trấn áp, bắt bớ người biểu tình và gây thương tích đổ máu.
*****************
Người dân trong nước đón nhận thông báo từ Văn phòng Chính phủ về quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp được loan đi vào lúc 3 giờ sáng ngày 9/06/2018 với mấy luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng Chính phủ đã "lắng nghe" dân. Một số khác thẳng thắng cho rằng đó là cách duy nhất để tránh một cuộc biểu tình lớn. Cũng không thiếu một số ý kiến bày tỏ nghi ngờ đây là "kế hoãn binh" vì "chỉ hoãn chứ không phải lùi".
Lực lượng an ninh bị người dân quá khích ném đá tại Phan Rí.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Phạm Chí Dũng nói với RFA, ông cho rằng thông cáo đó bắt nguồn từ một "sự bất ngờ hoàn toàn" của Bộ Chính trị Việt Nam vốn luôn trong tâm thế rất chủ quan.
"Do bất ngờ như vậy nên mới có việc là chỉ đạo lại, yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn vào lúc 3 giờ sáng gởi cho các nơi là Chính phủ đề nghị hoãn Luật Đặc khu. Chúng ta biết ông Phúc trước giờ không làm những chuyện này nếu không có chỉ đạo từ Bộ Chính trị. Và đặc biệt Chính phủ cũng không có thói quen minh bạch hoá những chuyện này vào lúc 3 giờ sáng.
Cho nên họ làm như vậy chẳng qua là họ cố gắng dập tắt cuộc biểu tình".
Trước ngày 10-6 vài ngày, trong lúc diễn ra những họp Đại biểu Quốc hội, mạng xã hội và báo chí tràn ngập những bài viết cũng như phản ứng của người dân cả nước về Dự thảo Luật Đặc khu trong đó có nội dung cho thuê đất 99 năm. Nổi bật nhất là những lời kêu gọi xuống đường tuần hành vào ngày 10-6 trên cả nước.
Người dân Việt Nam đã từng "nói là làm". Chính quyền Việt Nam từng chứng kiến cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trên khắp cả nước phản đối Formosa vào năm 2016 ; chống Trung Quốc năm 2015. Chính vì vậy, nếu cho rằng những người lãnh đạo nhà nước e ngại một cuộc tuần hành mang tính lan rộng vào ngày 10-6 thì hoàn toàn có cơ sở.
Có thể như vậy, quyết định "hoãn lại" vào rạng sáng ngày 9-6 đã nhanh chóng được đưa ra. Thế nhưng, với kinh nghiệm quan sát chính trường Việt Nam của ông Phạm Chí Dũng, thì ông gọi đó chỉ là "kế hoãn binh".
"Lùi lại luôn luôn là một kế hoãn binh. Khi mà họ không tiến lên được thì họ chấp nhận lùi. Lùi đó là một cách âm thầm tổ chức lại và sẽ có một số động tác không công bố và sau đó sẽ trình dự luật y như cũ, và thậm chí có thể âm thầm lén lút thông qua.
Với Quốc hội như thế này thì tôi chẳng kỳ vọng gì".
Quan sát của ông Phạm Chí Dũng không khác với một số đông người dân trong nước. Họ thể hiện rõ sự nghi ngờ thông cáo của Văn phòng Chính phủ. Những trạng thái họ bày tỏ trên mạng xã hội đã chứng minh lòng tin với chính phủ của họ hầu như không còn, cho dù đó là một quyết định do chính người đứng đầu nhà nước là ông Thủ tướng.
Đặc biệt, có một ý kiến từ Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường ông Đặng Hùng Võ trả lời báo trong nước về lĩnh vực bất động sản ở 3 đặc khu khi Chính phủ hoãn Luật Đặc khu đã khẳng định : "Việc thành lập các đặc khu chỉ là việc sớm hay muộn".
Để hiểu rõ thêm về hàm ý của việc "sớm hay muôn", RFA liên lạc với ông Đặng Hùng Võ, và được ông chia sẻ nhận định :
"Theo tôi quyết định đó có tính hợp lý, ở chỗ là khi nghe được nhiều ý kiến từ nhiều phía thì việc chính phủ đề nghị cho nghiên cứu thêm để thông qua kỳ họp sau thì tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận hợp lý.
Ngay bản thân cũng có ý kiến rằng tìm động lực nào để các động lực phát triển là vấn đề chính chứ tôi không nói thời hạn sử dụng đất là vấn đề chính.
Tuy không trực tiếp đề cập đến lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội của người dân cả nước, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ có nhắc đến "an ninh" trong lý do hoãn lại Luật đặc khu.
"Tôi cho rằng dừng lại để nghiên cứu thêm thậm chí có những ý kiến nói rằng về quốc phòng an ninh cần phải bảo đảm thì tôi cho rằng những ý kiến đó cũng hợp lý".
Ngược lại, các nhà hoạch định chiến lược, các chuyên gia kinh tế, các quan chức chính phủ thì nhìn nhận đây là một thể hiện tích cực của lãnh đạo nhà nước.
Báo chí trong nước trích dẫn ý kiến của giới tri thức, chuyên gia kinh tế, những người từng lên tiếng phản đối Dự Luật đặc khu về quyết định này. Chuyên mục Kinh doanh của trang điện tử soha.vn dẫn lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết : "Điều này thể hiện Đảng, Lãnh đạo và Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến mang tính xây dựng chân thành của người dân, các hiệp hội và giới tri thức, chuyên gia".
Thế nhưng cuối cùng, nỗ lực của Văn phòng Chính phủ vào lúc 3 giờ sáng ngày 9-6 cũng không thể ngăn cản những bước chân xuống đường của người dân. Điều này được ông Phạm Chí Dũng giải thích là do người dân đã được hứa hẹn, đã chờ đợi quá nhiều. Thực tế cho thấy cho đến giờ này, Việt Nam chưa thực hiện 1 điều gì để lo cho ngư dân trong việc đối phó với Trung Quốc ; BOT vẫn sách nhiễu đủ thứ…
"Chính quyền gần như không làm gì cả. Chỉ hứa hẹn thôi và sau đó làm ngược lại. Chính vì sự mất hẳn niềm tin vào Đảng Cộng sản và chế độ cầm quyền nên cuối cùng người dân phải xuống đường biểu tình, hy vọng bằng biểu tình bằng tiếng la, tiếng hét, bằng những bước chân đi rầm rập của họ thì mới có thể thay đổi tình thế. Nước không bị bán đi".
Hơn chục ngàn người dân mỗi nơi ở khắp trên 30 tỉnh thành đồng loạt xuống đường làm nên một ngày lịch sử sau hơn 43 năm. Không một tổ chức xã hội dân sự nào dẫn dắt. Tất cả được cho là bắt nguồn từ nỗi phẫn uất quá lâu và niềm tin đã hoàn toàn bị bóp nghẹt.
Đối với Giáo sư Đặng Hùng Võ, ông có cách nhận định khác về cuộc tổng biểu tình của người dân cả nước ngày 10-6 vừa qua, cho rằng "nếu phản kháng thì chúng ta cũng nên bình tĩnh nhìn vào sự thật của vấn đề, là một câu chuyện khá phức tạp".
"Tôi có thể nói thẳng người dân Việt Nam dân trí chưa cao. Cách tư duy độc lập về một vấn đề nào đó cũng không mang tính chủ động. Hơn nữa, quan điểm mang tính tiếp cận của người Việt Nam cũng mỗi người hiểu 1 khác. Ở đây có 1 yếu tố tôi cho là hiệu ứng đám đông, người này lôi kéo người khác. có những người yêu nước nhưng mù quáng".
Có phải hiệu ứng đám đông như lời Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét hay không ? Câu trả lời đúng nhất có lẽ dành cho cậu thanh niên trẻ có mặt bên cạnh nhà sư Thích Đồng Long, vị sư thầy đã ngồi thiền trước Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn trong ngày Chủ nhật 10-6. Cậu thanh niên ấy là người khiếm thị.
"Từ nhỏ tới lớn là ngày đầu tiên em đi theo đó. Cái khiến em phải biểu tình là vì đồng bào của mình, dân tộc của mình. Em thì hồi đó tới giờ em chưa tham gia như vậy bao giờ hết, nhưng em luôn theo dõi tin tức. Em không ngờ lại bán nước cho người ta 99 năm. Sau 99 năm dân tộc sẽ như thế nào ?".
Những gì diễn ra từ buổi sáng Chủ nhật 10-6 ở khắp tỉnh thành Việt Nam đã cho thấy phía sau quyết định hoãn luật đặc khu vào lúc 3 giờ sáng của Văn phòng Chính phủ là một sự kiện mà lịch sử Việt Nam sẽ phải khắc ghi.
Cát Linh
Những ngày này, người Việt trong và ngoài nước xôn xao, lo lắng, phẫn nộ về hai dự luật dự tính đưa ra Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để biểu quyết vào ngày 12 và 15/06/2018.
Để giữ được chế độ, họ sẵn sàng đớn hèn trước Trung Quốc và đàn áp, bịt miệng nhân dân tối đa.
Một, dự luật thành lập Đặc khu kinh tế cho nước ngoài thuê với thời hạn 99 năm-nhưng trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam buộc phải đề nghị Quốc hội lùi thời gian xem xét thông qua "từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa 14) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện" (1).
Những ai quá hiểu bản chất của nhà cầm quyền Việt Nam thông qua những việc họ làm từ trước đến nay, đều có thể đoán được rằng, việc lùi thời gian xem xét thông qua dự thảo Luật Đặc khu chỉ là một cách hoãn binh trước sự phẫn nộ của người dân mà thôi. Với sức ép từ Trung Quốc, với tình trạng nợ nần ngập cổ do chính mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" sai trái làm cho kinh tế Việt Nam không cất cánh được, do điều hành quản lý kém cỏi, tham nhũng nặng nề dẫn đến thực tế một năm cứ làm ra mười đồng thì phải trả lãi các nước hết bảy đồng như lâu nay thì nhà cầm quyền Việt Nam cũng sẽ phải tìm cách cho thuê đất làm đặc khu, thực chất là bán nước, mà thôi.
Hai, dự luật An ninh mạng với rất nhiều điều khoản xâm phạm thô bạo đến quyền tự do ngôn luận, tự do trao đổi thông tin, vi phạm Hiến pháp, vi phạm những cam kết của Việt Nam với quốc tế (2).
Hai dự luật này thêm một lần nữa chứng tỏ :
1. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam là một tập đoàn phản động, bán nước và là kẻ thù của mọi xu hướng tự do, dân chủ, tiến bộ, kẻ thù của nhân dân.
2. Mối quan hệ phụ thuộc quá sâu (và ngày càng nặng nề hơn) giữa đảng cộng sản Việt Nam với đảng cộng sản Trung Quốc. (Nhiều người cũng đã chỉ ra rằng dự luật An ninh mạng này Việt Nam học theo Trung Quốc, nhiều điều khoản giống y hệt). Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ tự mình thoát ra khỏi cái "vòng kim cô" của Trung Quốc cả.
Câu hỏi là tại sao con đường đi của đảng cộng sản Việt Nam cứ càng ngày càng thụt lùi, càng phản động, và không hề có ý muốn thay đổi như thế ?
Trên thế giới chúng ta đã nhìn thấy những ví dụ hai quốc gia cùng một dân tộc, cùng nguồn gốc tổ tiên, giống nòi cho tới văn hóa, nhưng vì chọn mô hình thể chế chính trị khác nhau nên phát triển khác xa nhau. Đó là Đông Đức-Tây Đức, Bắc Việt-Nam Việt trước đây hay Bắc Hàn-Nam Hàn bây giờ.
Một ví dụ khác : Na Uy, quốc gia mà tôi đã sống 9 năm trời và vừa tạm biệt ra đi, là một nước nhỏ, khí hậu khắc nghiệt, đất đai có thể canh tác chỉ khoảng 3% tổng diện tích, còn lại là rừng và núi đồi, đến tận nửa đầu thế kỷ XX vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Âu. Nhưng ngày nay Na Uy đã là một trong những nước được xếp hạng thịnh vượng nhất thế giới với khối lượng dự trữ vốn trên đầu người cao nhất thế giới, có thu nhập bình quân đầu người cao thứ tư trên thế giới trong danh sách của IMF và Ngân hàng Thế giới (74.065 USD/người).
Tất nhiên, Na Uy may mắn khám phá ra mỏ dầu vào những năm 60 của thế kỷ XX và từ đó đến nay, thu nhập chủ yếu dựa vào khai thác và chế biến lượng lớn dầu mỏ tại Biển Bắc và Biển Na Uy. Hiện nay Na Uy là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ bảy và công nghiệp dầu khí đóng góp khoảng một phần tư cho tổng GDP. Nhưng điều đó chỉ là một phần. Có tiền mà không biết cách giữ tiền, cách chi tiêu, đầu tư thì rồi núi cũng lở. Ví như nhà nước cộng sản Việt Nam, có giao cho họ cả núi vàng hoặc cả nước Mỹ thịnh vượng thì sau một thời gian họ cũng phá sạch !
Bên cạnh đó, Na Uy cùng với các nước Bắc Âu khác như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, luôn luôn được xếp hạng cao về chỉ số tự do dân chủ, chỉ số về minh bạch, chỉ số về phát triển con người hay trong bảng Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) hàng năm của Liên Hiệp Quốc. Tại sao ?
Hai điều đơn giản : Na Uy đã biết lựa chọn mô hình thể chế chính trị đúng đắn cho nước họ, Na Uy cũng như các nước Bắc Âu đều theo mô hình quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), nơi quyền lực của nhà vua chủ yếu mang tính biểu tượng còn việc điều hành đất nước là Thủ tướng và nội các. Thủ tướng được bầu lên trong một hệ thống đa đảng. Tư pháp độc lập với ngành hành pháp và cơ quan lập pháp.
Ngoài ra nhà nước Bắc Âu là nhà nước phúc lợi xã hội (welfare state) trong đó nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp, bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi xã hội và kinh tế của công dân. Nó dựa trên các nguyên tắc bình đẳng về cơ hội, phân phối công bằng của cải, và trách nhiệm chăm lo chung cho những người không thể tận dụng những quy định tối thiểu để có một cuộc sống tốt đẹp. Trong một xã hội như vậy người dân được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí, các chính sách về an sinh xã hội để bảo đảm không quá lo âu, chạy vạy trong cuộc sống, xã hội bình đẳng v.v…Những điều này phần lớn chúng ta đã biết, hoặc dễ dàng tìm đọc thêm, không cần phải nói dông dài.
Thứ hai, Na Uy biết học theo những điều hay của nước khác, biết chọn bạn mà chơi. Trên thực tế họ học rất nhiều từ hai nước láng giềng đi trước là Thụy Điển và Đan Mạch.
Còn nhiều nguyên nhân nữa, nhưng ở đây chỉ nêu lên hai nguyên nhân chính.
Trở lại Việt Nam, đảng cộng sản đã chọn một lý thuyết sai lầm, một mô hình thể chế chính trị sai lầm, nhưng lại cương quyết không chịu từ bỏ. Họ cũng chọn sai đồng minh, bạn bè (trước đây là Liên Xô và Trung Quốc, bây giờ chủ yếu là Trung Quốc). Mối quan hệ bất xứng, đầy thiệt thòi, nguy hiểm với Bắc Kinh đã từng "dạy" cho Hà Nội bao nhiêu bài học vỡ mặt, Việt Nam đã mất đi một phần lãnh thổ dọc biên giới phía Bắc, quần đảo Hoàng Sa, một phần Trường Sa, lãnh hải trên Biển Đông bị thu hẹp đi đáng kể… Còn những bài học lỗ lã về kinh tế thì vô số kể ! Thế nhưng, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không tỉnh ra, họ vẫn nhất định bám lấy Trung Quốc, quỵ lụy đớn hèn trước Trung Quốc, sẵn sàng tiếp tay Trung Quốc tàn phá đất nước mà điển hình là dự luật 3 đặc khu mà mười phần thì hết chính phần là Trung Quốc sẽ nhảy vào thuê dài hạn, như chúng ta đã thấy !
Bởi vì ưu tiên số một của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam không phải là quyền lợi của Tổ quốc, dân tộc, là sự phát triển, thịnh vượng của đất nước hay hạnh phúc của nhân dân. Ưu tiên số một của họ chỉ là làm sao giữ được chế độ, giữ độc quyền lãnh đạo càng lâu càng tốt. Để giữ được chế độ, họ sẵn sàng đớn hèn trước Trung Quốc và đàn áp, bịt miệng nhân dân tối đa. Hai dự luật này đã nói lên điều đó.
Đối với từng cá nhân lãnh đạo, quan chức Việt Nam lâu nay, họ không hề còn có lý tưởng, không tin vào con đường tiến lên "Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp" mà đảng từng hô hào bao nhiêu năm, họ không yêu nước, không có lòng tự hào dân tộc cũng chẳng có tình yêu thương đối với đồng bào, họ chỉ biết có Tiền và Quyền lực. Vì Tiền và Quyền lực, họ sẵn sàng bán cả Tổ quốc !
Trong dự luật thành lập Đặc khu kinh tế cũng vậy, lý do từ bà Chủ tịch Quốc hội cho tới bao quan chức ra sức ủng hộ dự luật là vì họ đã nhận các khoản tiền "lót tay", "hoa hồng" không hề nhỏ từ các ông chủ Tàu, hoặc đã đổ hàng đống tiền đầu tư vào đất đai, bất động sản tại các "đặc khu tương lai". Có tiền, từ lâu họ đã chuẩn bị sẵn tương lai, cơ ngơi cho mình và con cháu ở một nước tư bản tự do phát triển nào đó và nếu có chuyện gì xảy ra là họ "biến", nện họ không cần quan tâm tới hậu quả thành công hay thất bại của các đặc khu, sau 70 năm hay 99 năm nữa ! Thế thôi.
Họ cũng không quan tâm đến an ninh toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của đất nước. Có người đã từng nhận xét đại ý đối với đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, họ không chống Mỹ cũng chẳng chống Tàu, họ chỉ chống lại nhân dân. Chống lại mọi tiếng nói phản biện đúng đắn, tâm huyết từ nhân dân.
Đó là con đường mà họ chọn đi đến cùng. Và vì vậy, không có một chút hy vọng, trông mong gì ở một đảng cầm quyền như vậy cả !
Song Chi
Nguồn : RFA, 09/06/2018 (songchi's blog)
(1) "Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu", VnExpress
(2) "Dự luật an ninh mạng : những điều đáng lưu ý", (Luật khoa tạp chí) mà chính thế giới cũng phải lên tiếng (Vietnam : Withdraw Problematic Cyber Security Law - "Việt Nam : Hãy phủ quyết bộ Luật An ninh Mạng đầy vấn đề"), Human Rights Watch
Việt Nam hoãn việc thông qua dự luật Đặc khu gây nhiều tranh cãi (RFI, 09/06/2018)
Ngày 09/06/2018, chính phủ Việt Nam thông báo sẽ đề nghị Quốc hội lùi việc thông qua dự thảo Luật Đặc khu sang kỳ họp tới. Dự luật này trong thời gian qua đã bị dư luận người Việt trong và ngoài nước phản đối kịch liệt.
Quốc hội Việt Nam- Ảnh minh họa.AFP
Luật Đặc khu, tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo dự kiến ban đầu sẽ được các đại biểu Quốc hội thông qua trong kỳ họp hiện đang diễn ra. Nhưng chính phủ Việt Nam cho biết là, "sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước", chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đề nghị lùi việc thông qua dự luật này sang kỳ họp tới của Quốc hội, "để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện", nhằm bảo đảm cho dự luật "đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia".
Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, tức là sẽ không cho thuê đất đặc khu với thời hạn lên tới 99 năm. Đây chính là điều gây lo ngại đặc biệt trong dư luận vì có nguy cơ là ba vùng trọng yếu về an ninh quốc phòng của Việt Nam sẽ bị nước láng giềng Trung Quốc kiểm soát.
Các nhân sĩ, trí thức như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trả lời RFI hoan nghênh quyết định của chính phủ Việt Nam hoãn việc thông qua Luật Đặc khu :
"Tôi hoan nghênh, vui mừng và đánh giá cao quyết định của chính phủ và Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội tạm thời chưa thông qua luật về ba đặc khu hành chính, kinh tế. Đó là biểu hiện ban đầu của sự lắng nghe các ý kiến đóng góp rất chân thành, xây dựng, nghiêm túc của các chuyên gia kinh tế, các luật gia, các cựu chiến binh, của đông đảo quần chúng. Tôi coi đây là một bước khởi đầu quan trọng, đầy hy vọng, để có thể tiếp tục sửa đổi căn bản dự luật này.
Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với dự luật này. Cho nên, tôi đề nghị là cần phải sớm có một bản tổng kết tất cả các ý kiến đóng góp, công bố cho Quốc hội và toàn dân biết. Sau đó, ban soạn thảo cần mời đại biểu của giới chuyên gia, luật gia, của những người đóng góp ý kiến, cùng tham gia ban soạn thảo luật để sửa đổi. Quá trình đó nên mời báo chí tham gia để đưa tin là ai có ý kiến gì và dự thảo sẽ như thế nào. Tôi nghĩ đây là một bước tiến quan trọng để thu hút người dân, để họ thấy rằng mình có thể lên tiếng và có thể đóng góp cho việc xây dựng luật pháp".
Ông Lê Đăng Doanh cũng đề nghị là dự luật về đặc khu phải bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc phòng của Việt Nam :
"Điều rất quan trọng cần phải sửa đổi, đó là phải bảo đảm chủ quyền của nước ta và phải bảo đảm xây dựng một thể chế chuyên nghiệp, công khai minh bạch, đủ sức để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư trong nước, thay vì đưa ra các ưu đãi quá đáng, như cho thuê đất đến 99 năm, rồi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 10%, rồi cho cả công dân nước láng giềng của Quảng Ninh, tức là Trung Quốc, được sử dụng giấy thông hành của họ đi vào Việt Nam mà không cần visa của Việt Nam.
Đó là những nhượng bộ quá đáng, làm cho quần chúng hết sức lo ngại là tạo điều kiện để cho Trung Quốc có thể có mặt ở Vân Đồn với những ý đồ ngầm khác. Vì vậy, tôi rất mong là dự luật này được sửa đổi để làm sao nó đóng góp vào việc cải cách thể chế và bảo đảm được chủ quyền, an ninh quốc phòng của nước ta".
Thanh Phương, Trọng Thành
********************
Chính phủ đề nghị lùi thông qua Luật Đặc khu, nhượng bộ trước phản đối (VOA, 09/06/2018)
Chính phủ Việt Nam sẽ đề nghị Quốc hội xem xét cho lùi việc thông qua một luật về đặc khu kinh tế gây nên nhiều tranh cãi và nói rằng thời hạn cho thuê đất sẽ không kéo dài tới 99 năm, theo một thông cáo của Văn phòng Chính phủ công bố hôm thứ Bảy.
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - một trong 3 đặc khu dự kiến của Việt Nam
Quyết định này đánh dấu một bước lùi của chính phủ trước làn sóng phản đối dữ dội đối với luật bị nhiều người cho là sẽ làm mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Quốc và giữa lúc có những lời kêu gọi biểu tình rộng khắp ở trong và ngoài nước.
Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo lịch trình sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 15 tháng 6, giờ được chính phủ đề nghị dời từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV "để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện".
"Sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia", thông cáo nói.
Chính phủ cũng khẳng định dự luật này "đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn".
Những người phản đối nói rằng việc dự luật cho phép nước ngoài thuê đất trong thời hạn 99 năm là quá dài và họ đặc biệt lo ngại về một điều khoản cho phép công dân của "nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh" được vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định. Họ chỉ ra nước láng giềng được nhắc tới đó là Trung Quốc.
Lịch sử xâm lược của Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông lâu nay đã khiến người Việt Nam cảnh giác với mọi hành động của Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc có thể thuê cả ba đặc khu kinh tế được đề xuất đã khơi nên một phản ứng bùng nổ và chống đối quyết liệt từ mọi tầng lớp người dân.
Chưa rõ quyết định của chính phủ có giúp giảm bớt sự bất bình sôi sục của công chúng hay không trong khi hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số cuộc biểu tình dường như đã diễn ra trong nước vào ngày thứ Bảy. Các cuộc biểu tình rộng khắp được kêu gọi diễn ra vào Chủ nhật ở trong và ngoài nước.
********************
Chính phủ Việt Nam lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu (BBC, 09/06/2018)
Trong thông cáo báo chí gửi đi lúc 3 giờ sáng 9/6, Chính phủ Việt Nam tuyên bố lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV.
Chính phủ Việt Nam chính thức công bố lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu
Đây là kết quả cuộc họp tới khuya 8/6 của Bộ Chính trị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Văn phòng Chính phủ, "Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn".
Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Quyết định này là kết quả của việc "tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước", theo Văn phòng Chính phủ.
Việc này "nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công ba đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia".
Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm, Văn phòng Chính phủ cho hay.
***************
Chính phủ xoa dịu quan ngại về chủ quyền lãnh thổ từ đặc khu (VOA, 08/06/2018)
Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân về dự luật Đặc khu Kinh tế, một bộ trưởng nói dự luật này không nói đến Trung Quốc và cáo buộc một số người tìm cách "chia rẽ" quan hệ Việt-Trung.
Một học sinh cầm lá cờ Việt Nam và Trung Quốc tại Phủ Thủ tướng ở Hà Nội hôm 12/11/2017. Công luận Việt Nam đang lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc tới an ninh và chủ quyền của Việt Nam nếu dự luật Đặc khu Kinh tế được thông qua.
"Trong dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc hết", Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói với các phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 6/6.
Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế Đặc khu đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang được quốc hội thảo luận từ hôm 23/5 và kể từ đó hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội đã phản ứng dữ dội với những dòng trạng thái phản đối dự luật này. Rất nhiều người đã lo sợ rằng điều này sẽ giúp Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Họ đăng những hình ảnh của bản thân cầm các tấm biển với dòng chữ : "Tôi phản đối cho Trung Quốc thuê đất ở Đặc khu Kinh tế Việt Nam".
Trả lời phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội về "việc dư luận phản ứng với việc thành lập đặc khu, trong đó có yếu tố ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đặc khu Vân Đồn" Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cho rằng "họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên" nhằm "chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc", theo truyền thông trong nước.
Mặc dù theo lời ông Dũng, dự luật này không nói đến Trung Quốc nhưng một cựu Đại biểu Quốc hội và một blogger đã chỉ ra ‘yếu tố’ Trung Quốc trong đó.
Đó chính là mục 4 của điều 54 thuộc dự luật đặc khu trong đó viết : "Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định".
"Về mặt địa lý, tỉnh Quảng Ninh nằm ở biên giới phía Đông Bắc của Việt Nam và chỉ có duy nhất tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và phía Đông giáp với một tỉnh Bắc bộ", theo blogger Nguyễn Chí Tuyến. "Một vị trí địa lý rõ ràng rành mạch như thế mà người ta lại dùng câu chữ - tôi gọi là xảo thuật ngôn từ. Không thấy có chữ Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu ngoài nước Trung Quốc ra thì còn nước nào nữa tiếp giáp với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh".
Đặc khu kinh tế Vân Đồn nằm ở tỉnh Quảng Ninh, phía bắc của Việt Nam.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra ‘xảo thuật ngôn từ’ này và cho rằng ông Dũng – "một chính khách ở tầm bộ trưởng thì không nên giải thích kiểu ‘bịt mắt trẻ con’ như thế".
"Ông Nguyễn Chí Dũng, ở cương vị của ông – nhất là người soạn luật – thì ông thừa hiểu câu chuyện sẽ dẫn đến đâu và đặc biệt trong luật nói đến nước láng giềng (tiếp giáp) ở Quảng Ninh, thì đó là ai, không lẽ nước láng giềng ở đây là Mỹ", theo ông Thuyết.
"Không chỉ là thuê đất"
Với mục đích làm xoa dịu những lo ngại của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 7/6 tuyên bố chính phủ sẽ điều chỉnh khung thời gian cho thuê đất 99 năm trong các đặc khu kinh tế và một ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói với Dân Trí rằng họ "thống nhất xóa bỏ quy định cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn cao nhất tới 99 năm, chỉ duy trì mức 70 năm như Luật Đất đai hiện hành".
Tuy nhiên, những gì người dân lo lắng không chỉ là thời hạn thuê đất mà là những ưu đãi trong luật cho các nhà đầu tư ở Đặc khu kinh tế và họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.
Ông Thuyết, người từng có thời gian làm việc trong Quốc hội Việt Nam, cho rằng : "Ở đây không chỉ là chuyện chiếm hữu đất đai mà còn là chuyện liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia".
Cựu Đại biểu quốc hội này lo lắng về dự luật khi "tiềm ẩn" những quy định như "cho kinh doanh, sản xuất quân trang quân dụng vũ khí" và "những tiền chất nổ ở các đặc khu như thế.
Blogger Nguyễn Chí Tuyến, một người đấu tranh dân chủ ở Hà Nội, cũng cho biết trong dự luật có những ưu đãi về mặt an ninh quốc phòng mà mọi người cần ‘lưu tâm’.
"Họ nói là được kinh doanh và sản xuất ra các loại vũ khí và liên quan đến các mặt hàng quốc phòng", theo anh Tuyến. "Thì người ta có thể sẵn sàng tập kết rất nhiều những loại vũ khí vào bất kỳ 3 địa điểm ở vị trí đắc địa như thế thì người ta có thể khống chế hoàn toàn cả đất nước trong vòng nháy mắt".
Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử, đặc biệt kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979 và gần đây là những hoạt động lấn chiếm Biển Đông cũng như gây sức ép đối với chính phủ Hà Nội phải ngừng các hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã khiến người dân lo ngại nếu như Trung Quốc có thể thuê đất và đầu tư trong các đặc khu kinh tế thì hậu quả sẽ "khôn lường".
Người Việt Nam biểu tình yêu cầu Trung Quốc rời dàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực Biển Đông trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 đã làm dấy lên những cuộc biểu tình trong nước và từ đó chính phủ Hà Nội đã nhiều lần đàn áp và ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân.
Cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc và cho rằng đó là "sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam".
"Chúng ta ở gần Trung Quốc thì chúng ta cũng biết rồi. Họ đã từng làm những gì, họ đang làm gì và có thể nói hiện nay họ đang chiếm các đảo của Việt Nam, đang đe dọa đến an ninh hàng hải cũng như đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam", theo ông Thuyết. "Không thể nào mà tạo một điều kiện cho họ xây dựng một đội quân ngầm ngay trên đất nước mình được".
Quốc hội Việt Nam sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 15/6.
*********************
Hôm 7/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói cần tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh Luật Đặc khu, trong khi trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi biểu tình trên cả nước vào sáng Chủ Nhật 10/6 để phản đối dự luật đang gây nhiều tranh cãi.
Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 7/6 bên lề cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của nhân dân trong đó có cả kiều bào, về dự luật Đặc khu, và ông cho rằng cần lắng nghe để điều chỉnh dự luật này.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, nói có thể xem phản ứng của ông Nguyễn Xuân Phúc là một "sự nhượng bộ" sau khi hơn một nghìn trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thỉnh nguyện thư, phản đối việc Quốc hội dự tính thông qua dự luật này vào ngày 15/6 sắp tới.
Là một người tham gia ký thỉnh nguyện thư, ông Nguyễn Vũ Bình nhận định :
"Có thể gọi đó là một sự nhượng bộ. Bản chất của vụ này không phải là vấn đề thời gian (thuê đất), mà là đối tượng cho thuê. Phần lớn sự phản ứng của người dân là đối tượng cho thuê, một phần là thời gian. Nhưng bây giờ chính phủ nhân nhượng về vấn đề thời gian thôi".
Báo Người Lao động trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói hôm 7/6, hơn hai tuần sau khi xuất hiện phản ứng mạnh của người dân và giới trí thức.
"Khi đưa ra một dự án luật như vậy thì có rất nhiều ý kiến của nhân dân, trí thức, Việt Kiều… khí thế rất sôi nổi. Đương nhiên là chúng ta phải tiếp thu lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, để đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước".
Truyền thông Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm.
Trước đó, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, với VOA rằng theo dự luật, thời gian cho thuê đất 99 năm là quá dài :
"Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông".
Từ Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quang Thạch, một nhà vận động trên mạng xã hội chống luật Đặc khu nói :
"Avatar trên Facebook bây giờ họ đưa nhãn ‘Không Đặc khu’, đã chuyển từ trạng thái ‘Chống 99 năm’ thành ‘Chống Luật Đặc khu’. Bây giờ trên mạng Chống Luật Đặc khu, không cần Luật Đặc khu nữa".
Trên các trang mạng xã hội Facebook cũng như Youtube đang lan truyền lời kêu gọi "Tổng biểu tình ngày 10/6/2018" được cho là của Linh mục Phan Văn Lợi ở Huế và Hòa thượng Thích Không Lai ở bang California để phản đối Luật Đặc khu.
VOA chưa liên lạc được với hai vị chức sắc tôn giáo này để xác nhận lời kêu gọi biểu tình.
Từ thành phố Vũng Tàu, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải cho VOA biết thái độ người dân ở thành phố biển cũng như ở trong nước nói chung về dự luật này :
"Người dân Vũng Tàu cũng như người dân khắp cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, người dân rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Người dân xưa nay thờ ơ đến chính trị nhưng nay họ rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Trong thâm tâm họ phản đối, nhiều người nói thẳng ra trên mạng xã hội. Đó là một điều mà tôi cũng không ngờ được vì sao dự án luật này gây ra sự phẫn nộ của người dân như thế".
Ông Chu Vĩnh Hải nói ông sẽ truyên truyền rộng rãi thông tin cuộc biểu tình để chia sẻ cho nhiều người được rõ :
"Tôi có nghe được thông báo qua mạng xã hội và ý định của tôi là tìm mọi cách để truyền thông rộng rãi về sự kiện biểu tình của người dân Việt Nam phản đối Luật Đặc khu".
Một lời kêu gọi khác trên Facebook của nhóm Nhật ký Yêu nước xuất hiện hôm 6/6 có đoạn : "Chúng tôi đã không hề cho phép thông qua dự luật gây nguy hại cho đất nước này, và đề nghị những đại biểu của nhân dân đang ngồi ghế quốc hội thực hiện bổn phận đại diện cho dân của họ là bỏ phiếu chống dự luật".
Nhóm Nhật ký Yêu nước kêu gọi biểu tình lúc 8 giờ sáng ngày Chủ nhật 10/6 tại các thành phố lớn khắp ba miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, và tại các địa phương khác cũng như các quốc gia có đông người Việt trên thế giới.
Tại Hoa Kỳ, các cộng đồng gốc Việt cũng kêu gọi biểu tình tại thành phố San Franciso vào ngày Thứ Sáu 8/6, tại New York vào ngày thứ Bảy 9/6, tại San Jose vào ngày Thứ Năm 14/6…
Ông Nguyễn Quang Thạch, một người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, nói sẽ tham gia cuộc biểu tình ngày Chủ nhật tới.
"Đương nhiên tôi sẽ tham gia biểu tình, và thực hiện theo cách của tôi. Tôi cũng từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chuyện tham gia biểu tình lần này là chuyện bình thường. Tôi sẽ làm theo cách của tôi sẽ thay đổi nhận thức của nhiều người".
Trên Facebook đã xuất hiện hình ảnh một cuộc biểu tình nhỏ ở thủ đô Hà Nội hôm 7/6, trong đó người dân có trưng biểu ngữ chống Luật Đặc khu.
Với tinh thần ‘sôi sục’ như hiện nay, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình tin rằng cuộc biểu tình ngày 10/6 sẽ diễn ra :
"Tôi nghĩ là sẽ có biểu tình, còn nó xuất hiện ở mức nào thì tôi không dám chắc chắn, vì tôi nhận thấy không khí chung của người dân Việt Nam là rất sôi sục, vì họ đụng tới vấn đề thiêng liêng nhất là đất đai, và là chủ quyền tổ quốc. Không khí chung là rất sôi sục".
Luật Đặc khu có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, được chính phủ Việt Nam dự định lập tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.
Một số quan chức của Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại về dự luật này và công khai phát biểu trên truyền thông nhà nước, dù trong dự luật không có từ nào nói về việc cho Trung Quốc thuê đất.
Hôm 7/6, Báo Người Lao động trích lời Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nói : "Đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét một cách thận trọng về Luật Đặc khu ; mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc, vì chậm một chút cũng không sao".
Ông Lê Xuân Thân, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, được báo Tuổi trẻ trích lời nói : "Về các lo ngại về thời gian cho thuê đất quá lâu, Quốc hội đang có hướng bàn thời gian giao đất 70 năm - bằng thời gian theo Luật Đất đai hiện tại".
Trong gần hai tuần qua, hàng loạt chuyên gia kinh tế như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.
*********************
Nhiều tổ chức xã hội như Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam, và cả tôn giáo như Ủy Ban Công Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong những ngày qua đã đưa ra Tuyên cáo, Thư Kiến nghị kêu gọi người khác cùng ký tên gửi đến Quốc hội Việt Nam yêu cầu hoãn hoặc không bấm nút thông qua dự thảo luật về các đặc khu kinh tế mà cụ thể là Vân Đồn ở phía Bắc, Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở phía Nam.
Hình ảnh cuộc họp của Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 năm 2018. AFP
Một số nhân sĩ- trí thức cũng có thư ngỏ riêng gửi cho lãnh đạo Việt Nam nêu rõ quan ngại của bản thân họ về những nguy cơ nếu Luật Đặc Khu được thông qua.
Lập luận chính yếu được nêu ra là ba địa điểm vừa nêu có vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc gia mà nếu giao cho nước ngoài một thời gian dài đến 99 năm, mà trong trường hợp này, khả năng rơi vào bẫy của nước láng giềng Trung Quốc là rất lớn. Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh qua kế hoạch "một vành đai, một con đường" được nêu rõ.
Trong bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam có đoạn nguyên văn : "Người Việt Nam trong và ngoài nước, bất kể thành phần nào, khuynh hướng nào, chúng ta phải cương quyết lên tiếng, cần phải có hành động cấp thời để cùng nhau "Cứu Dân Cứu Nước" nếu không, thế hệ chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và mang tội với thế hệ con cháu muôn đời sau".
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đồng ký tên vào bản tuyên cáo của Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng nếu như Quốc hội Việt Nam muốn thông qua dự luật này thì cần tham khảo ý kiến và quan điểm của người dân như thế nào cũng như các kiến nghị của các nhà khoa học và giới trí thức Việt Nam để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ.
Nhiều ý kiến yêu cầu phải đưa ra trưng cầu dân ý theo luật định đối với những vấn đề hệ trọng như thế. Chứ không thể cứ làm theo cách cũ bấy lâu nay như lời của Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng :
"Thông thường Bộ Chính trị đã thông qua rồi thì Quốc hội thường phải chấp hành. Đối với ba khu tự trị này thì bộ chính trị đã có ý kiến rồi, và ban chấp hành trung ương đảng đã có chỉ đạo rồi , quốc hội và các cơ quan khác phải thông qua.
Với tư cách là một công dân, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là thời điểm mà người dân phải đồng lòng lên tiếng để có thể thay đổi thực tế như thế bấy lâu nay.
Ngoài các tổ chức, tập thể lên tiếng phản đối, rất nhiều cá nhân sử dụng những công cụ như mạng xã hội Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân về dự luật đặc khu thông qua bài viết, hình ảnh phản đối.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến tại Hà Nội nói với chúng tôi rằng, có rất nhiều dự thảo luật sẽ được bàn thảo tại các kỳ họp Quốc hội xem xét việc có thông qua hay không nhưng không được sự chú ý của người dân nhưng với dự luật đặc khu này anh cho biết :
"Thông thường mỗi khi Quốc hội họp thì có nhiều dự luật được bàn thảo có thông qua hay không thông qua nhưng không được sự chú ý đặc biệt từ người dân đối với dự luật này. Dự luật đặc khu này thu hút được sự quan tâm cực kỳ lớn cả chiều sâu và bề rộng nhiều đối tượng nhiều độ tuổi khác nhau trong xã hội. Tôi tiếp xúc rất nhiều người trên mạng xã hội và cả ngoài đời họ đều bàn luận khá sôi nổi và họ nói rằng lần đầu tiên họ dám lên tiếng về vấn đề chính trị liên quan đến vận mệnh của đất nước".
Anh Nguyễn Chí Tuyến còn cho biết anh cảm thấy vui mừng và bất ngờ vì qua dự thảo luật đặc khu này mà mọi công dân sống trong xã hội Việt Nam không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo đều lên tiếng bày tỏ quan điểm của họ về dự luật này.
Anh nói tiếp "Lần này tôi vui mừng vì chính dự luật đặc khu này tôi cảm thấy sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh của người công nhân trong xã hội Việt Nam, vượt qua được một ngưỡng tâm lý dám bày tỏ quan điểm riêng của họ, họ đồng tình hay không thì chưa bàn luận mà họ đã bày tỏ được chính kiến riêng của họ thì trước hết họ phải tìm hiểu thì họ mới đưa ra chính kiến được chứ họ không thể nói bừa".
Một hình thức được nhiều người đồng ý là xuống đường biểu tình để bày tỏ phản đối dự luật đặc khu. Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện kêu gọi cộng đồng xuống đường tuần hành để phản đối dự luật đặc khu kinh tế. Thời điểm cụ thể là vào ngày chủ nhật 10 tháng 6.
Kêu gọi biểu tình không chỉ ở trong nước mà còn tại nhiều nơi ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi được biết một số cuộc tuần hành biểu tình phản đối dự luật đặc khu của Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố Brisbane của Úc, San Francisco và Washington DC tại Hoa Kỳ, Tokyo, Nhật Bản…
Một đại diện nhóm tuần hành ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản xin giấu tên cho chúng tôi biết, cuộc tuần hành dự kiến lần này có được sự hưởng ứng khá đông đảo của cộng đồng tại Nhật, nhất là những bạn trẻ đang sinh sống, du học, tu nghiệp hoặc đi lao động.
Chị cho biết "Hiện tại bên mình sẽ tổ chức vào lúc 9 giờ sáng vào chủ nhật ngày 10 tháng 6 này, thì rất tiếc là bên Nhật trời mưa nhưng mọi người nói là dù trời mưa tới đâu mọi người cũng sẽ xuống đường. Đây là lần đầu tiên mình thấy những người xung quanh mình hưởng ứng rất là sôi nổi, có nhiều bạn đi lao động, đi tu nghiệp bên này nhưng mà sẳn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua vé máy bay từ khắp nơi trên nước Nhật về Tokyo để tuần hành cũng những bạn tại đây".
Hoạt động biểu tình tại nước ngoài khá dễ dàng ; tuy nhiên hình thức biểu tỏ ý kiến này ở Việt Nam vẫn không được chính phủ hoan nghênh. Từ trước đến nay nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, biểu tình phản đối chặt cây xanh, biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường… đều bị lực lượng chức năng đàn áp mạnh mẽ.
*******************
Sóc Trăng, Bình Dương ngăn biểu tình phản đối Luật Đặc Khu (CaliToday, 08/06/2018)
Hôm 8 tháng Sáu, trong bối cảnh mạng xã hội rục rịch những lời kêu gọi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu, giới chức các tỉnh Sóc Trăng và Bình Dương đã ra văn bản chỉ thị người dân không tham gia xuống đường vào ngày 10 tháng Sáu tới đây.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phản đối Luật Đặc Khu. (Hình : Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Thông báo của Ban Chấp Hành Tỉnh Đoàn Sóc Trăng viết : "Ban Thường Vụ Tỉnh Đoàn đề nghị chủ động tuyên truyền sâu rộng đến thanh niên, học sinh, sinh viên, người dân không nên tin lời kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia biểu tình phản đối các chính sách của đảng và nhà nước…"
Cùng thời điểm, công an tỉnh Bình Dương và Liên Đoàn Lao Động tỉnh này cũng phát đi thông báo gửi đến các công ty đóng trên địa bàn với nội dung : "Đề nghị không tham gia biểu tình, không chia sẻ tin bài trên mạng về việc ‘Cho thuê đất đặc khu 99 năm’ để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như vụ 13 tháng Năm, 2014" (vụ biểu tình chống Trung Quốc nổ ra bạo động).
Cũng trong hôm 8 tháng Sáu, nhằm trấn an công luận, ông Bùi Văn Xuyền, ủy viên thường trực Ủy Ban Pháp Luật của Quốc hội được báo Dân Trí dẫn lời : "Ủy Ban Pháp Luật tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, cử tri, thống nhất xóa bỏ quy định cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn cao nhất tới 99 năm, chỉ duy trì mức 70 năm như Luật Đất Đai hiện hành".
Ông Xuyền còn nhấn mạnh : "Cơ bản là không có một dự án tổng thể nào để một nhà đầu tư ‘mua’ toàn bộ đặc khu đó được".
Trả lời nhật báo Người Việt, Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn, giám đốc công ty Thế Giới Luật Pháp, nhận định : "Theo tôi, vấn đề không đơn giản là nằm ở chỗ thời hạn cho thuê đất mà còn nằm ở chỗ ngành nghề đầu tư và ‘lý lịch’ nhà đầu tư. Những đặc khu này (Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong) đều ở vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng nên thời hạn sử dụng đất dài hay ngắn không quan trọng. Quan trọng là cơ chế kiểm soát chặt hoạt động đầu tư và có chế tài thích đáng đối với các nhà đầu tư vi phạm".
"Nếu chúng ra buông lỏng quản lý, mở cửa những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ cao về an ninh quốc phòng cho các nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc thì dù thời hạn sử dụng đất chừng 30 năm thôi thì cũng có thể mất nước như chơi chứ không cần đợi đến 50 năm, 70 năm hay 99 năm. Tôi tin rằng nhiều người dân sẽ không phản ứng về thời hạn giao đất, cho thuê đất 99 năm hoặc lâu hơn nữa nếu dự luật đưa ra một cách minh thị rằng ưu đãi này không áp dụng cho các nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc", ông Sơn phân tích.
Trong một diễn biến khác, Thượng Tướng Nguyễn Văn Được, chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh cộng sản Việt Nam, được báo Người Lao Động dẫn lời : "Đề nghị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tính toán hết sức chi li. Và cần phải tính : 70 năm, 99 năm họ vào đó làm gì ? Ta đâu thể biết hết vì đã lọt vào rồi".
Tuy vậy, ông Được cũng khiến người ta hoang mang vì ông này không chỉ đề nghị ông Trọng cân nhắc Luật Đặc Khu mà còn ngỏ lời tương tự đến Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, người cũng là ủy viên Bộ Chính Trị.
Phát ngôn của ông Được khiến công luận đặt câu hỏi phải chăng ông Hải là một trong những người đứng sau vụ Quốc hội cộng sản Việt Nam nhất quyết phải thông qua Luật Đặc Khu theo chỉ thị của Bắc Kinh ? (T.K.)
******************
Hoãn thông qua Luật đặc khu : thắng lợi của dân (RFA, 09/06/2018)
Vậy là sáng nay đã có thông báo chính thức về việc hoãn thông qua Luật Đặc khu. Chính phủ đã phải gửi một công văn lúc 3g sáng đề nghị hoãn việc này, trong một diễn biến đầy bất ngờ.
Chẳng phải vì lý do kỹ thuật, cũng không phải bởi sai sót quy trình.
Mà là, một tuần sôi sục khí thế cả trên mạng lẫn ngoài đời thực của người dân về chuyện đặc khu đã gửi đến những người nắm quyền một thông điệp không thể rõ ràng hơn :
Hậu quả chính trị của việc thông qua luật này là cực kỳ nghiêm trọng, tới mức không một cá nhân nào, quyền lực tới đâu trong hệ thống có thể kham nổi.
Vậy nên, mặc cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương đã quyết cả năm trước, mặc cho bà Chủ tịch Quốc hội bảo là ‘phải bàn cho ra luật’, một khi dân đã đồng lòng nói Không, và sẵn sàng hành động cho lựa chọn của mình, thì chính quyền buộc phải nghe theo.
Bằng không thì tất cả những danh xưng, tước hiệu, những cá nhân, tổ chức kể trên sẽ bị biến thành bọt biển của lịch sử, không hơn không kém.
Những người nắm quyền cần lưu ý điểm này trước khi trình lại dự luật vào tháng 10 năm nay theo dự định của họ.
Nguyễn Anh Tuấn
*****************
Công nhân Công ty Pouyuen VietNam đình công biểu tình phản đối dự luật "Đặc khu" (RFA, 09/06/2018)
Trưa 09/06/2018, hàng chục ngàn Công ty Pouyuen VietNam tại khu Công nghiệp Tân Tạo đã đồng loạt đình công và biểu tình phản đối dự luật bán nước cho Trung Quốc. Khoảng 50.000 công nhân đã đình công hô vang khẩu hiệu phản đối bán nước với Luật Đặc khu.
Công nhân công ty Pouyuen VietNam tại khu Công nghiệp Tân Tạo biểu tình vào ngày 9/6/2018 - Courtesy JB Nguyễn Hưu Vinh
Hoảng hốt trước sự phản ứng mạnh mẽ của công nhân tại đây (hiện Công ty này có khoảng 100.000 công nhân đang làm việc), nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã huy động lực lượng đến hiện trường hết sức đông đảo. Tất cả nhân viên văn phòng bị nhốt lại không cho ra ngoài.
Người biểu tình đã nghe có những tiếng súng nổ, chưa rõ mục đích và thương vong.
Công nhân đình công và biểu tình cho biết họ quyết tâm phản đối dự luật bán nước cho Trung Quốc. Chính những người công nhân tại đây đã hiểu rất rõ về thân phận người làm thuê và nhất là sự nhục nhằn của công nhân làm thuê cho các doanh nghiệp từ Trung Quốc cũng như những gì đã xảy ra đối với họ.
Những người biểu tình cho biết, họ dự định sẽ kéo dài cuộc đình công biểu tình với khoảng 100.000 công nhân ở Công ty này sẽ tham gia.
Gần đây, Quốc hội Việt Nam, được cái gọi là Bộ Chính Trị chỉ thị thông qua "Luật đặc khu" mà nội dung là cho nước ngoài thuê đất đến cả trăm năm - điều ai cũng biết nước ngoài ở đây là Trung Quốc, được Dự luật ghi rằng "Nước láng giềng có đường biên giới chung với Quảng Ninh".
Việc làm này của nhà cầm quyền đã chính thức xác nhận việc "Rước giặc vào nhà, rước voi về giày mả tổ" mà cha ông ta đã cảnh giác, dặn dò và nghiêm cấm từ xa xưa.
Những âm mưu thôn tính đất nước Việt Nam của bọn bá quyền nước lớn Trung Quốc có từ ngàn đời nay và chưa bao giờ từ bỏ. Truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta đã ghi lại chí khí quật cường của dân tộc chống bành trướng Phương Bắc bằng những chiến công lẫy lừng.
Trong thời Cộng sản, âm mưu bán nước đang từng bước được thực hiện bằng con đường chính thức của đảng cộng sản bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là đưa đất nước chúng ta vào vòng nô lệ Trung Quốc.
Bắt đầu từ những hành động của chính quyền cộng sản như Công hàm 1958 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng ký dưới thời Hồ Chí Minh công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải, trong đó có tuyên bố chủ quyền cả những quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tiếp theo là việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã im tiếng hùa theo khi Trung Quốc chiếm cướp Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Sau cuộc chiến năm 1979 và sau sự sụp đổ của hệ thống các chế độ Cộng sản trên thế giới, nhà cầm quyền Việt Nam đã hoảng hốt quay lại ôm chân Trung Quốc nhằm giữ ngai vàng thống trị của đảng Cộng sản.
Năm 1988, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã im lặng để Trung Quốc chiếm hàng loạt đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Thậm chí, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không cho những người lính nổ súng bảo vệ Tổ Quốc mình và biến 64 chiến sĩ thành bia đỡ đạn của quân Trung Quốc và đến nay vẫn mất xác.
Tệ hại hơn, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cố tình quên lãng và thậm chí ngăn cản những người dân yêu nước tưởng nhớ đến họ.
Năm 1999, Đảng cộng sản Việt Nam đã tự quyền bí mật ký Hiệp định biên giới Việt – Trunng, tất cả những thông tin và hiệp định này đã bị giấu kín trước quốc dân đồng bào. Những người đòi hỏi sự minh bạch của bản Hiệp định này đều đã bị tống tù hoặc trấn áp không thương tiếc.
Kết quả là lãnh thổ Việt Nam bỗng dưng mất đi hơn 15.000 km2 trên bản đồ thế giới. Những địa danh quen thuộc ngàn đời nay như Ải Nam Quan, Bản Giốc… đã bị biến mất.
Kể từ đó, quá trình bán nước được thực hiện bằng nhiều hình thức, trên tất cả mọi mặt từ văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại giao…
Và để hợp pháp việc rước giặc vào nhà chiếm đóng những khu vực tối quan trọng đến An ninh, quốc phòng của đất nước – những tử huyệt – nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiếp tay cho giặc bằng các chính sách khác nhau trên mọi mặt.
Gần đây nhất là dự luật "Đặc khu kinh tế" với những điều khoản tạo cơ sở để Trung Quốc chiếm giữ đất đai Việt Nam hàng trăm năm được đưa ra.
Điều này đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn và phản đối dữ dội trong khắp cả nước.
Mọi tầng lớp nhân dân từ trí thức đến nông dân, công nhân, từ nông thôn miền núi đến thành thị đều vô cùng phẫn uất và phản đối dữ dội. Hàng ngàn chữ ký được thu thập trong thư ngăn cản việc bán nước cho giặc dưới chiêu bài "làm kinh tế".
Trên mạng xã hội, hầu hết đều tập trung vào việc phản đối dự luật này. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã hoảng sợ trước sự bất bình, phẫn nộ của người dân, do vậy đã quyết định lùi lại việc thông quan "Luật" này đợi một dịp thuận tiện sau khi thông qua cái gọi là "Luật An ninh mạng" nhằm bóp miệng người dân.
Một số người dân đã bị Công an gọi lên đồn "làm việc" vì dám quan tâm việc lãnh thổ., đất nước.
Và điều gì phải đến sẽ đến, không thể bóp chết lòng yêu nước của người dân, đồng loạt người dân đã lên tiếng.
Video bắt đầu cuộc đình công :
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Phản ứng đối với Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" mà nhiều người gọi tắt là "Luật Đặc khu" ắt làm giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửng sốt. Trong mắt họ, dân Việt vốn… "thuần".
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao.
Có những bằng chứng khá rõ ràng cho thấy giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự lúng túng khi dân Việt hết… "thuần" như họ nghĩ.
Bất chấp băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội, khuyến cáo của một số chuyên gia và chỉ trích của nhiều giới, kể cả "lão thành cách mạng", bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội vẫn khăng khăng : Thành lập ba đặc khu ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang là chủ trương của Bộ Chính trị. Vì Bộ Chính trị đã quyết định như thế nên không thể không có luật về đặc khu !
Thế nhưng mới đây, hôm 7 tháng 6, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, chính thức cam kết sẽ chỉnh sửa Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", không giao đất cho nhà đầu tư tới 99 năm nữa (1). Cần phải nhớ rằng, tháng trước, chính ông Phúc là một trong những người khuyến cáo các đại biểu Quốc hội nên ủng hộ chủ trương giao đất 99 năm.
Cục diện liên quan đến Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" đang thay đổi rất nhanh. Ngày 6 tháng này, chỉ mới có vài đại biểu Quốc hội rụt rè đề nghị, tách thời hạn giao đất đến 99 năm thành một vấn đề riêng để biểu quyết khi bỏ phiếu thông qua Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" (2). Hai ngày sau đã có hàng chục đại biểu công khai cho rằng, cần giữ dự luật này lại để trưng cầu dân ý (3) !
***
Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" với ý định biến khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thành đặc khu với nhiều ưu đãi được quảng bá là chưa từng có cho các nhà đầu tư, giống như một liều thuốc đặc trị, kích thích dân chúng Việt Nam, bất kể tuổi tác, giới tính, thành phần xã hội thay đổi cả tâm thế lẫn tư thế.
Trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, số người minh định tên tuổi, diện mạo kèm tuyên bố phản đối việc giao đất cho những nhà đầu tư vào các đặc khu tới 99 năm, tăng từng giờ. Trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, nhiều cá nhân xưa nay xem "quốc kế, dân sinh" là chuyện của hệ thống chính trị chứ không phải của mình, không ít người mà công việc, quyền lợi vốn gắn liền với sự tồn vong của hệ thống chính trị nên chẳng bao giờ chỉ trích hệ thống ấy,… đột nhiên cùng bày tỏ một cách rạch ròi rằng, Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" chính là "đưa mỡ vào miệng mèo", là "cho sói đặt trước một chân vào chuồng gà".
Chẳng riêng các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, số lượng các cơ quan truyền thông do hệ thống công quyền kiểm soát, tham gia vào việc vạch trần mặt trái của các đặc khu, đặc biệt là những đặc khu do các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc từng đổ tiền vào ở Châu Á, Châu Phi càng lúc càng đông. Dường như không ai có thể dửng dưng trước nguy cơ mất nước, dân tộc thêm một lần lệ thuộc Trung Quốc.
Độc giả các diễn đàn điện tử, người sử dụng mạng xã hội vốn chỉ quen lướt web cho vui, giờ chính là đối tượng săn tìm thông tin, hình ảnh, dữ liệu để tự đánh thức chính mình và cảnh tỉnh đồng bào của mình. Thông báo về chủ trương thành lập ba đặc khu của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam do ông Đinh Thế Huynh ký. Chuyện mời các chuyên gia Trung Quốc đến Việt Nam giảng dạy về lợi ích, cách thức thành lập – vận hành các đặc khu trước khi Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" được soạn thảo rồi trình cho Quốc hội Việt Nam biểu quyết,… giờ được bày ra trên Internet cho tất cả người Việt cùng xem, cùng ngẫm.
Dân đã hết… "thuần" và có thể vì không hình dung được sẽ có lúc dân hết… "thuần" nên cách chống đỡ của các viên chức hữu trách hết sức vụng về : Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, người loan báo, "có nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đã tìm hiểu và 99,6% người dân Vân Đồn đồng thuận với việc thành lập Đặc khu Vân Đồn" (4), rút lui, im thin thít dù bị thiên hạ chửi như tát nước vào mặt.
Ngay cả truyền thông chính thức cũng gọi kiểu trấn an của ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường (chưa phát hiện người nước ngoài nào mua đất) là "khó tin". Có độc giả bình luận, ông Hà giống như đang ở trên… mây. Độc giả khác thì bình rằng, quản trị như thế, nếu có thêm ba đặc khu – thêm ba cái cửa được mở toang thì ai cũng có thể hình dung quốc gia sẽ tan hoang như thế nào (5) !
Không phải tự nhiên mà ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam thú nhận, Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" đã gây ra một "làn sóng khủng khiếp" và chỉ trong vài ngày vừa qua, cá nhân ông Phúc đã nhận được vô số thư từ, tin nhắn, điện thoại (6). Ông Phúc đã hứa sẽ xem lại thời hạn thuê đất và ông mới loan báo sẽ thôi không giao đất trong 99 năm nữa.
Không may cho giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là dân đã hết… "thuần". Dù có nhân nhượng không giao đất tới 99 năm đi nữa thì dân vẫn không chịu. Nhiều facebooker khẳng định như Đàm Hà Phú : 77 đặc khu mà Trung Quốc đầu tư tại 36 quốc gia trên thế giới - hầu hết là ở các quốc gia nghèo mạt rệp ở Châu Á như Lào, Sri Lanka và Châu Phi... đều có đặc điểm là bị Trung Quốc hóa. Dân Trung Quốc đổ vào các các đặc khu biến người bản địa thành công cụ để bóc lột sức lao động. Tệ nạn, đặc biệt là buôn người và mại dâm ở các đặc khu do Trung Quốc đầu tư - kiểm soát cũng ở mức khủng khiếp. Môi trường, xã hội ở các đặc khu bị phá nát... Vì Trung Quốc trợ cấp cho mỗi gia đình di cư sang các đặc khu ở Lào một khoản tương đương 100 ngàn Mỹ kim nên khu vực Bắc Lào giờ tràn ngập dân Trung Quốc, họ kiểm soát tất cả mọi ngành nghề và dân Lào giờ chỉ là người làm thuê cho dân Trung Quốc ngay trên mảnh đất của chính cha ông họ... Phú nhấn mạnh : Những ai đang và sẽ ủng hộ luật đặc khu cần đọc nhiều thông tin để biết rằng, mình đang tiếp tay đế bán nước cho Trung Quốc như vậy đó. Dù các vị chức sắc "Ăn cơm nhà, vác tù và Bắc Kinh" vẫn nhất định không để chữ nào về Trung Quốc nào trong Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" nhưng ai cũng hiểu, ngoài Trung Quốc còn ma nào vào đây nữa. Vấn đề không phải là 99 năm hay 9 năm, vấn đề là không có đặc khu, lỏng khu gì sất (6).
***
Rất nhiều người ngỡ ngàng sau khi ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, nói xa, nói gần rằng đang có những người cố tình hiểu sai Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", đẩy thiện ý về đặc khu trở thành nguy cơ tạo ra các nhượng địa, "chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc"(7), hàng ngàn người sử dụng mạng xã hội đã phản hồi như Tạ Quang Hiệp : Người tử tế không muốn dính dáng đến Trung Quốc. Chúng nó là bố các ông hay sao mà sợ bị chia rẽ(8) ? Hoặc than như Thang Cong Vu : Trước còn ngờ dư luận săm soi, khe khắt quá mức nhưng nghe các bộ trưởng trả lời về đặc khu thì thấy thất vọng toàn tập. Cơ đồ Việt Nam suy sụp từ đây chăng (9) ?
Tháng 2 năm 2013, khi tiếp xúc với cử tri huyện Thạch Thất, Hà Nội, có dịp tường thuật về chuyến công du Châu Âu, đặc biệt là được viếng thăm Vatican, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố đầy hãnh diện : Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ ! Không rõ với lối tư duy đó, sau "làn sóng khủng khiếp" đối với Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", ông Trọng có triệu tập Bộ Chính trị họp bất thường để tự kiểm điểm xem : "Mình phải như thế nào…" nhân dân mới nghi ngại và phẫn nộ như vậy, hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/06/2018
Chú thích :
(2) https://vov.vn/kinh-te/cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-dai-bieu-de-nghi-bieu-quyet-rieng-770906.vov
(3) https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-can-nhac-them-cac-gop-y-ve-luat-dac-khu-771752.vov
(5) http://plo.vn/do-thi/chua-co-nguoi-nuoc-ngoai-nao-mua-dat-kho-tin-774627.html
(6)https://www.facebook.com/DamHaPhu/posts/1988833814460810
(8)https://www.facebook.com/ta.quanghiep.58/posts/1806536072702969
(9)https://www.facebook.com/congthang.vu/posts/2158042154235531
Đất nước Việt Nam đang sống trong tình trạng biến động, sôi sục.
Lãnh thổ của tổ quốc, chủ quyền của đất nước, nền độc lập của quốc gia đang bị thử thách lớn.
Một bãi biển thuộc Phú Quốc.
Sự kiên nhẫn của một dân tộc từng trải qua những thử thách ngàn cân treo sợi tóc lại bị đem ra thách thức một cách nghiêm trọng nhất.
Người dân bình thường, em học sinh bình thường cũng hiểu rõ rằng Luật Đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Bình Định) và Phú Quốc là mưu đồ bành trướng thâm hiểm nhất quán của Trung Quốc mà Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam buộc phải "đem thịt dân mình nuôi lũ hổ đói" – Bành trướng phương Bắc.
Bao nhiêu điều dối trá, ngụy biện đều vô hiệu. Nào là ta đã có hàng trăm đặc khu kinh tế rải khắp, nay có thêm 3 cái, có là bao, sẽ thu lợi cực lớn. Thế giới họ có biết mấy đặc khu, mang lợi to lớn, là những tổ trứng Phượng Hoàng, phồn vinh thịnh vượng. 99 năm mới thật hấp dẫn các FDI lớn của thế giới, có giành riêng cho nước nào đâu !
Bà chủ tịch Quốc hội leo lẻo : "Đây là chủ trương của Bộ Chính trị, không thể không làm." Vậy đây là quốc hội của nhân dân hay đảng hội của đảng ?
Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy rõ "làn sóng phản đối khủng khiếp" nên hứa lắng nghe, sẽ điều chỉnh, có vẻ như chỉ sẽ điều chỉnh số năm 99 xuống thấp hơn, nhưng công luận lập tức trả lời : Phải từ bỏ hẳn dự Luật chứ không phải điều chỉnh, không thể cò kè ở những điểm như thế.
Vì ai cũng biết cả 3 vùng nói trên đều đã có chủ đầu tư khá sâu, toàn là đại gia tư bản 9dỏ người Việt thân Trung Quốc, nay họ cần những khoản vốn cực lớn mới.
Vài chục tỷ đôla để đầu tư thêm cho sòng bạc, nhà đỏ cao cấp, nơi nghỉ dưỡng cho cánh thượng lưu, sân gôn, vườn thú, bãi biển cho các đại quý tộc, nằm trong chiến lược kinh tế "một vành đai, một con đường" – one belt, one road - của Hoàng đế cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình.
Đây là lúc Bộ Chính trị bế tắc, ngân sách thâm thủng, tham nhũng là thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, kinh tế lụn bại, nợ chồng chất, cố tìm ra một lối thoát hào nhoáng nhưng hoàn toàn mạo hiểm và liều lĩnh.
Họ tính rằng người dân ta hiền lành quá, dễ bảo quá, quốc hội lại nằm trọn trong tay đảng, khi gần 90% là đảng viên, phải tuân theo kỷ luật, chỉ thị của đảng, làm sao khác được.
Nhưng lại có một sự thật là sự chịu đựng cam chịu của người dân là có hạn, con sên bị xéo phải oằn lên, thế tận cùng tắc biến, uy tín của đảng đang ở mức thấp nhất, nhân dân bắt đầu nhận ra đảng không còn xứng đáng là lực lượng tiên phong soi đường chỉ lối, không còn là lực lượng chính đáng lãnh đạo, mất hoàn toàn tính chính danh – legitimacy - nay lại đổ thêm dầu vào lửa bằng dự Luật bán nước này, thách thức láo xuợc nhân dân là chủ thể duy nhất của đất nước.
Một văn kiện phản đối Luật đặc khu lập tức có 737 chữ ký, hôm sau lên 1382 chữ ký, nay lên đến 1591 người tham gia do mạng Bô-xit đề xướng, trong ngoài nước các tổ chức kêu gọi biểu tình ngày Chủ nhật 10/6 đòi hủy bỏ dự Luật, gần 30 đại biểu quốc hội nghi ngại, yêu cầu hõan việc bỏ phiếu để thảo luận sâu thêm, rộng rãi thêm, các nhà kinh tế Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, các nhà nghiên cứu Tương Lai, Nguyễn Trung, Hà Sỹ Phu, các nhà báo Phạm Đình Trọng, Bùi Minh Quốc, các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thiều… đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ đạo luật phản động này.
Ông tổng bí thư nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đang đứng trước một đỉnh điểm phẫn nộ xung thiên của toàn dân. Ông tổng Trọng ốm yếu, uy tín suy giảm tệ hại do cầm đầu chủ trương cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh phi pháp chà đạp pháp luật quốc tế bằng bạo lực, gây căng thẳng với CHLB Đức, Tiệp, Slovaque, Ba Lan… và toàn Liên Âu, lại bị tố cáo là nhu nhược với Trung Quốc nhất trong tất cả 5 tổng bí thư sau sự kiện Thành Đô : Tệ hơn cả Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Đã có yêu cầu của một số blogger nếu có bỏ phiếu về Luật đặc khu cần công khai không chỉ con số, tỷ lệ, mà công khai cả tên những ai tán thành, những ai chống, các nhà nhiếp ảnh cần chụp cho rõ, đầy đủ cảnh bỏ phiếu, vì sau này có thể có các phiên tòa xử bày lũ bán nước buôn dân cần đến để làm chứng cứ.
Cả nước sẽ chăm chú theo dõi cuộc bỏ phiếu này.
Để xem ông Tổng Trọng và Bộ Chính Trị có gan lỳ được trước ý chí và phẫn nộ xung thiên của nhân dân hay không ?
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 08/06/2018
Câu chuyện đặc khu ngày càng gần kề, số phận của cả một dân tộc đều trông chờ vào cái nhấn nút thông qua hoặc không thông qua Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) của các vị đại biểu quốc hội, mặc dù không ít quan điểm (như của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh) tiên liệu : dù đang gây nhiều tranh cãi nhưng chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế 'ván đã đóng thuyền'.
Đại biểu quốc hội bấm nút (thay vì giơ tay như trước) biểu quyết một dự thảo luật - Ảnh minh họa
Nhưng câu chuyện tiếp người dân mong muốn là ai bỏ phiếu trắng, ai bỏ phiếu chống, và ai bỏ phiếu ủng hộ.
Nhà báo Mai Quốc Ấn, người trong một đăng tải ngày 02/06 chia sẻ lại một thông tin được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, theo đó, báo chí sẽ không được phép dự phiên thảo luận Quốc hội, bỏ phiếu miễn nhiệm một số nhân sự cũng như không được phép 'nghe' Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Những diễn biến này vấn diễn ra và sẽ diễn ra như một quy luật tất yếu, mặc dù Luật tổ chức Quốc hội không quy định 'cấm đoán' như vậy. Ngược lại, Điều 67 và Điều 70 đều nhấn mạnh tính công khai của tổ chức quốc Hội và coi đây là một minh chứng cho sự dân chủ.
Từ đó, nhà báo Quốc Ấn cho rằng, cần phải minh bạch nút bấm, tức là thể hiện ai đã ủng hộ, không ủng hộ hoặc trung lập. Bởi cử tri cần biết người được ủy quyền có thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng hay ít nhất đảm bảo quyền lợi chính đáng của chính họ hay là không.
Thực ra, tâm tư và nguyện vọng của nhà báo Mai Quốc Ấn là tâm tư nguyện vọng của hàng triệu người, nhất là khi 'đặc khu' vẫn nóng bỏng trên mọi diễn đàn. Sự minh bạch luôn là điều kiện cần và đủ để để người dân có thứ mà hy vọng một tương lai sáng màu hơn cho quốc gia, dân tộc.
Trong điều kiện ngược lại, nếu minh bạch thiếu thốn nên người dân không thể kiểm soát hoặc giám sát quyền lực nhà nước, điều duy nhất mà người dân làm hiện nay chính là biết rõ ông/bà nghị sĩ nào đi ngược với tiếng kêu gào về 99 năm. Và họ sẽ ghi danh những con người đó vào sổ sách (hoặc tâm thức), và ít nhất là đảm bảo tính trách nhiệm về sau. Bởi nếu làm như vậy vậy, thì mệnh đề 'trách nhiệm toàn dân' lại được đặt ra khi đổ vỡ, và sau tất cả là... không ai chịu trách nhiệm cả.
Nhu cầu có thực này càng cho thấy tính khẩn thiết ở những vấn đề quốc gia, nó là phương cách giải đáp tốt nhất cho phương trình dài hơi mà các quan chức Việt nam hay mắc phải. Đó là bệnh 'tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh', là 'đá quả bóng trách nhiệm', và nay là bằng quan điểm 'đó là hệ quả do nhiệm kỳ trước/ của lịch sử để lại'...
'Ai đồng ý, xin giơ tay' cũng là thước đo của tính thẳng thắn, cho thấy cái tôi của Đại biểu quốc hội cũng như cách thức mà Đại biểu quốc hội thực sự làm chủ được cái biểu quyết của chính mình. Dù biểu quyết đi đúng hoặc ngược nguyện vọng nhân dân, thì điều quan trọng nhất là minh bạch thông tin (người biểu quyết) sẽ khiến cho bầu không khí của Hội trường Diên Hồng phản phất một chút gì đó trong sạch, chút gì đó vững mạnh, và chút gì đó dân chủ - như cách mà nhiều nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước cấp cao từng không ít lần nhấn mạnh.
Minh bạch hóa nhấn nút, minh bạch hóa Quốc hội cũng là phương cách tốt nhất giải quyết thực trạng làm màu ở quốc hội, thực trạng ‘đi họp xì xáo, về nhà hết màu’ thường diễn ra ở mỗi kỳ họp Quốc hội khiến người dân không ít lần ngán ngẩm.
Vấn đề là, Quốc hội cần thực thi quyền này và lắng nghe nguyện vọng này từ nhân dân. Bởi nếu Quốc hội không lắng nghe, không tuân thủ luật được đề ra bởi Luật tổ chức Quốc hội, thì tinh thần dân chủ trong Quốc hội đã không được tôn trọng. Và vì không được tôn trọng, nên Quốc hội dễ rơi vào trạng thái Quốc hội phi lập pháp, phi dân chủ. Những yếu tố này trực tiếp phá nát uy tín, danh dự Quốc hội (Cộng hòa) trong đời sống chính trị - xã hội trong tâm thức nhân dân.
Liệu các vị Đại biểu quốc hội, các vị lãnh đạo Quốc hội có thực tâm mong muốn thúc đẩy hơi thở dân chủ len lỏi trong dòng nóng chính trị ? Bởi, 'đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị ; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước'.
Một lần nữa, Quốc hội hãy tỏ ra sự dũng cảm, Đại biểu quốc hội hãy một lần dũng cảm !
Đặc khu : 'ai đồng ý, xin giơ tay !'
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 07/06/2018
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đó là điểm nhấn phát triển kinh tế, là chủ trương và đường lối được ấn định bởi ‘Đảng ta’, bởi sự quyết tâm của đội ngũ Bộ Chính trị và "sự đồng thuận tuyệt đối của người dân" thông qua sự đồng ý cao của Quốc Hội (cũng như cách mà 'cử tri và dân đã đồng ý với dự án Thủ Thiêm' ngày xưa).
Đại biểu quốc hội Việt Nam biểu quyết giơ tay - Ảnh minh họa
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đây là đề án được ấp từ năm 2014, khi mà vào tháng 03/2014 tại Hạ Long đã diễn ra Hội thảo về Đặc khu Kinh tế do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Đại học Thâm Quyến tổ chức. Và trong Hội thảo đó, ‘đồng chí’ Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị (người mới đây nhấn mạnh phải bàn ra luật đặc khu) đã ‘đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh và Đại học Thâm Quyến trong việc tổ chức hội thảo. Và diễn giả chính của hội thảo là bà Nhật Đào - đại diện cho Thâm Quyến, Trung Quốc ; đại biểu tham dự gồm lãnh đạo bốn tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lâm Đồng.
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đơn giản, không có một chữ ‘Trung Quốc’ nào trong dự thảo luật ‘Đặc khu’. Bởi chúng ta phải làm để chứng tỏ chúng ta là ‘có tư duy, và không sợ Trung Quốc’ như đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ; bởi đây là thời khắc quan trọng nhất của sứ mệnh quốc gia ; bởi 'đồng chí Đặng Tiểu Bình' năm 1988 đã từng nói : Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa !
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi đây là cơ hội chứng minh tư duy vượt trội của những người Cộng sản hiện nay - những người kế thừa tư duy không sợ bất kỳ cái gì để dọn đường phát triển kinh tế, kể cả ‘đốt cả dãy Trường Sơn’. Những người tự mình cho rằng, đã vượt qua nỗi sợ Trung Quốc. Và sự thông qua lần này sẽ là cú đấm thép vào ‘bọn phản động, lưu vong’, nhưng kẻ ngày đêm chống phá chủ trương của Đảng và Nhà nước, những kẻ không tin tưởng vào chính sách và đường lối thiên tài của Đảng cộng sản Việt Nam ; những kẻ phá hoại tình đoàn kết keo son của chính quyền hai nước Việt - Trung.
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người mới đây đã đặc biệt lưu ý trong khâu tổ chức cán bộ, trong đó nhấn mạnh : cán bộ đặc khu phải đặc biệt, do Bộ Nội vụ thẩm định, Hội đồng nhân dân bầu và Thủ tướng phê chuẩn. Khâu cán bộ, tổ chức là cốt cán, không ai đi bàn một thứ mà nó không được thông qua hay đình trệ lại cả.
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi ngay cả giới luật sư nhân quyền, Luật sư Hà Huy Sơn, người từng có phần biểu hiện của một ý thức nghi ngờ cũng đồng ý rằng : Trung Quốc là xấu, nhưng chúng ta phải học Trung Quốc để mạnh hơn… tôi ủng hộ dự luật Đặc khu kinh tế. Ngoài ra, không ít các Facebooker khác từng không ít lần chửi Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam lần này cũng đồng ý Dự luật đặc khu vì… không thấy có chữ Trung Quốc trong dự thảo luật.
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, vì đến nay, chưa phát hiện người nước ngoài mua đất ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà - người bộ trưởng 'tận tâm với nhân dân, tận tụy với công việc, một người cán bộ mẫu mực vì dân, vì nước' cho biết vào ngày 05/06. Cũng theo đó, ông sẽ là ‘đầu mối’ thuộc đường dây nóng, nếu bất kỳ ai phát hiện buồn bán đất thuộc đối tượng nêu trên có thể thông báo cho ông, trên cơ sở và tinh thần trách nhiệm rất cao.
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi những tập đoàn bất động sản đại gia nhất Việt Nam hiện đang ấp dự án đất tại ba đặc khu (trong đó không thiếu những vị đại gia như Tân Hoàng minh, Vingroup, FLC, sungroup, Cienco4, PVN). Và, chỉ tính riêng dự án sân bay ở đặc khu Vân Đồn đã có 4.000 tỷ đồng.
Luật Đặc khu chắc chắn được thông qua, bởi thời điểm này là thời điểm định mệnh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Định mệnh này nhắc lại nhiều định mệnh khác của dân tộc ta gặt hái được như là thành viên của nhiều tổ chức thương mại lớn tòa cầu như WTO năm 2007, thành viên TPP năm 2017 ; chúng ta cũng chứng tỏ quyết tâm cao trong thực hành nhiều dự án kinh tế lớn như Boxite, đường sắt trên cao ở Hà Nội và tuyến Metro phía nam – đạt nhiều thành tựu và được sự ủng hộ, phấn khởi rất lớn từ nhân dân.
Chắc chắn, dự thảo này sẽ được thông qua, bởi các đồng chí tinh hoa và IQ cao đã ngấm ngầm duyệt rồi. Và ngày 15/06 này Quốc hội chỉ họp để góp vui và thể hiện sự đồng thuận cao với Bộ Chính trị.
Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, kết tinh sức mạnh trầm tích nhưng quật cường mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, đặc khu sẽ được thông qua, con Phượng hoàng sẽ thức giấc và dân tộc Việt Nam đi về phía trước - 'không có gì cản nổi'.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 08/06/2018
Kêu gọi biểu tình ở Sài Gòn phản đối Luật Đặc Khu (Người Việt, 06/06/2018)
Hôm Chủ Nhật, 10 tháng Sáu, dự trù tại Sài Gòn sẽ diễn ra cuộc biểu tình phản đối việc Quốc Hội cộng sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ bấm nút thông qua Dự Luật Đặc Khu vào ngày 15 tháng Sáu, 2018.
Linh Mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc, Giáo Phận Vinh, phản đối việc cho thuê đất 99 năm. (Hình : Facebook Giáo Xứ Thái Hà)
Lời kêu gọi phát đi trên trang "Đô Thành Sài Gòn" diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội đang sục sôi những ý kiến bất bình về việc các giới chức cao cấp của cộng sản Việt Nam nhất quyết bao biện nhằm thông qua Luật Đặc Khu ngay trong kỳ họp Quốc Hội này và bỏ ngoài tai lời cảnh báo về đại họa mất nước của các nhân sĩ.
Trên trang "Đô Thành Sài Gòn" đã có hàng ngàn lượt share và comment bên dưới lời kêu gọi này.
Theo tìm hiểu của nhật báo Người Việt, lời kêu gọi biểu tình tập trung từ công viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn, mang tính tự phát và hiện chưa có tổ chức hoặc hội nhóm nhà hoạt động nào đứng ra kêu gọi với tính chính danh cũng như đưa ra khuyến cáo rủi ro về việc bị trấn áp cho những người xuống đường.
Trong một diễn biến khác, hôm 6 tháng Sáu, hàng chục dân oan biểu tình phản đối Luật Đặc Khu ngay trước trụ sở Tiếp Công Dân Trung Ương ở Hà Nội. Việc biểu tình cũng diễn ra với quy mô nhỏ lẻ tại các giáo phận ở miền Trung. Cũng có lời kêu gọi biểu tình hôm 15 tháng Sáu tại Hà Nội và biểu tình hôm 10 tháng Sáu tại trước sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Thay cho lời kêu gọi đám đông cùng xuống đường vào một ngày nhất định, nhà hoạt động Hoàng Dũng gợi ý trên trang Facebook cá nhân : "Các bạn hãy rủ rê bạn bè thân tín (từ ba đến năm người là đủ, thậm chí chỉ cần hai) đi biểu tình du kích chớp nhoáng. Đứng cầm biểu ngữ A3, A4 ở một nơi công cộng nào đó, chụp xong cái hình rồi rút về đăng Facebook. Hiện ở Sài Gòn, các bạn trẻ đang lan truyền cách đứng chụp hình 1m dưới bảng tên đường là những nhân vật lịch sử chống Trung Cộng. Một cách khác là in và dán các biểu ngữ lên nơi công cộng : nhà chờ xe bus, nơi cho dán tờ rơi…"
Lần gần nhất tại Sài Gòn diễn ra biểu tình quy mô là vào hồi tháng Năm, 2016, khi hàng trăm người xuống đường để phản đối nhà máy Formosa gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung.
Trong sự kiện này, công luận bức xúc trước việc blogger Hoàng Mỹ Uyên ôm con nhỏ xuất hiện trong đoàn biểu tình đã bị lực lượng an ninh đánh bầm dập.
Đáng lưu ý, cũng trong tháng Sáu này, lần đầu tiên người ta thấy giới nghệ sĩ Việt Nam đồng loạt lên tiếng phản đối Luật Đặc Khu : hoa hậu Diễm Hương, MC Phan Anh, diễn viên hài Cát Phượng, ca sĩ Cẩm Vân… Đã có hơn 1.000 lượt share post của diễn viên Cát Phượng : "Trước mắt là đặc khu. Sau này sẽ là khu đặc trị của Trung Quốc". Cùng thời điểm, hàng trăm người cũng nhấn like ủng hộ ca sĩ Cẩm Vân, người nổi tiếng nhờ dòng "nhạc đỏ", thay avatar với dòng chữ "Phản đối cho thuê đất đặc khu". (T.K.)
***********************
Dân Việt phẫn nộ vì bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư ‘bênh’ Trung Quốc (Người Việt, 06/06/2018)
"Dự thảo [Luật Đặc Khu] không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc", phát ngôn mới nhất của Bộ Trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng bên lề cuộc họp Quốc Hội cộng sản Việt Nam ở Hà Nội khiến mạng xã hội hôm 6 tháng Sáu dấy lên phẫn nộ.
Bộ Trưởng Kế hoạch và đầu tư cộng sản Việt Nam Nguyễn Chí Dũng. (Hình : Thanh Niên)
Ông Dũng được báo Tuổi Trẻ dẫn lời : "Mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai. Cái đúng thì các cơ quan phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. Có người cố tình đẩy câu chuyện này lên để phá hoại. Phải làm khách quan, không thì sau này lịch sử phải trả lời lại về việc trong thời khắc lịch sử ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm không có suy nghĩ, tư duy. Cái gì cũng sợ thì không làm được".
Tờ báo cũng tường thuật Bộ Trưởng Dũng nhắc lại phát ngôn của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình : "Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa !" về việc xây dựng đặc khu ở Thẩm Quyến năm 1988 và cho biết thêm rằng lời nói này "được khắc trên bia đá ở Thâm Quyến".
Nhiều blogger phát hiện tuy văn bản Dự Luật Đặc Khu không có chữ "Trung Quốc" nhưng lại có khái niệm "nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh" khi đề cập chuyện công dân Trung Quốc sẽ được miễn thị thực khi vào đặc khu Vân Đồn.
Trước khi có phát ngôn về Luật Đặc Khu và bày tỏ quan ngại về việc công luận có thể "chia rẽ quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh", ông Dũng, người được ghi nhận có bằng tiến sĩ kinh tế, từng gây hoang mang với câu nói : "Không đầu tư vào Việt Nam là thiệt thòi cho nhà đầu tư Mỹ !"
Bộ Kế hoạch và đầu tư do ông Dũng đứng đầu cũng vừa bị cộng đồng mạng chỉ trích kịch liệt do tổ chức cho một đoàn phóng viên Việt Nam đi thăm Thẩm Quyến, Trung Quốc, để những người này sau đó viết "nội dung tích cực về đặc khu" trên mặt báo và mạng xã hội.
Một trong những người tham gia chuyến đi này, phóng viên Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ, được ghi nhận viết trên Facebook sau đó rằng : "Những người phản đối đặc khu là đặc ngu !".
Phóng viên tự do Ngô Nguyệt Hữu bình luận trên mạng xã hội : "Bữa trước, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch thì sợ xử lý du khách Trung Quốc mặc áo thun có đường lưỡi bò ảnh hưởng đến đại cục. Nay thì Bộ Trưởng Dũng thì vu người cố tình hiểu sai việc cho thuê đất 99 năm đẩy vấn đề lên để chia rẽ mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc. Thằng nào bắn ngư dân của mình, cướp đảo của mình, chiếm thác của mình mới là thằng ảnh hưởng đến đại cục, mới là phá hoại mối quan hệ, hai ông cố nội ơi".
Trong khi đó, lên tiếng trên Facebook, Luật Sư Lê Công Định kêu gọi Bộ Trưởng Dũng từ chức và viết thêm : "Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ gì và thế nào mà Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng sợ bị chia rẽ vậy ? Oan hồn của những chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới, trong những cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và của các ngư dân bị bắn chết bởi Trung Quốc, không đáng để ông bộ trưởng đếm xỉa hay sao ?"
Ông từng là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2016.
Sự nghiệp chính trị của ông gắn bó hầu hết với công tác tại Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư. Ông lần lượt giữ các chức vụ tại bộ này như phó vụ trưởng Vụ Quản Lý Dự Án Đầu Tư Nước Ngoài, phó cục trưởng Cục Phát Triển Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa, vụ trưởng Vụ Thương Mại và Dịch Vụ.
Ông Nguyễn Chí Dũng từng là thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư. Năm 2009 ông được Đảng cộng sản Việt Nam điều về làm phó bí thư Tỉnh Ủy Ninh Thuận, rồi chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận. Đến tháng Chín năm 2010 làm bí thư Tỉnh Ủy, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận. Đến tháng Giêng năm 2014 ông Dũng trở lại vị trí thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và đến ngày 9 tháng Tư, năm 2016, trở thành bộ trưởng của bộ này. (T.K.)
Đặc khu nếu..
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương :
"Thể chế cho ba đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế", ông Cung góp ý tại một cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này, tổ chức ở Quảng Ninh.
Theo ông Cung, cần có tòa án dân sự, thương mại độc lập ; các cơ quan cạnh tranh công bằng và độc lập ; trong khi nhà đầu tư được phép chọn trọng tài, tòa án để giải quyết tranh chấp thương mại.
Bên cạnh đó, đồng tiền sử dụng ở đặc khu là tất cả các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng của Việt Nam, không hạn chế tiền mặt mang vào, mang ra.
Về thuế, ông đề nghị chỉ áp dụng thế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, không thuế quan cho hoạt động xuất nhập khẩu, miễn visa cho phần lớn khách đến.
Về giáo dục, hệ thống nhà trường sau khi có đặc khu, cần theo cơ chế thị trường, và nội dung, cách thức, ngôn ngữ giảng dạy là tùy nhu cầu, do nhà trường quyết định. Ủy ban hành chính đặc khu được thiết kế sao cho can thiệp hành chính ít nhất có thể".
Luật đặc khu đang chờ những trận cuồng phong từ dân chúng sẵn sàng cuốn phăng
Những điều mà ông Cung đặt ra chính là muốn nói : Đặc khu muốn hoạt động có hiệu quả, nó phải được vận hành bằng hệ thống quản trị với tư duy hiện đại vào bậc nhất thế giới, tương ứng với một hệ thống Luật tiên tiến nhất, trong một mô hình thị trường đầy đủ và hoàn chỉnh nhất.
Trong mô hình thị trường tự do, các xung đột tự do thúc đẩy các điều chỉnh hướng tới sự hoàn thiện của Luật Pháp. Tự do chính nguồn gốc của dân chủ, là nhân tố cần và đủ cho một nền Dân chủ đích thực. Vì vậy, Đặc khu, cùng với Luật Đặc khu sẽ hỗ trợ các cải cách Dân chủ dẫn đến thay đổi chính trị trên phạm vi cả nước.
Như vậy, nếu các Đặc khu vận hành tốt, thể chế chính trị và các thể thức quản trị của các đặc khu sẽ có ảnh hưởng lan toả như khuôn mẫu để điều chỉnh thể chế cho cả nước. Về ý nghĩa này, có thể thấy, không có cách làm cách mạng dân chủ nào có hiệu quả và êm thấm hơn cách này.
Cần phải hiểu rằng, chế độ chuyên chế độc tài là kẻ thù của tự do, nhưng chính tự do là nhân tố trực tiếp làm tan rã và thủ tiêu độc tài.
Nếu Luật Đặc khu ra đời với những điều căn bản đảm bảo tính tự chủ và độc lập nhất định của Đặc khu, thì trên thực tế sẽ hình thành ba quốc gia có chế độ chính trị- kinh tế-xã hội khác với phần còn lại của Quốc gia chuyên chế độc đảng. Ở các khu này, sẽ hình thành một hệ tư duy mới, tập quán sinh hoạt mới, một loại dân chúng mới hiện đại và tự do hơn. Điều này trước sau chỉ có lợi cho tiến trình dân chủ hoá.
Trên một góc nhìn khác, trong khi đang tìm kiếm mọi cách xây dựng cơ sở làm hạt nhân giáo dục và vận động quần chúng, thì ba đặc khu với hình thức tổ chức và quản trị kinh tế xã hội hoàn toàn theo mô hình xã hội đỉnh cao hiện đại, chính là mơ ước của các nhà hoạt động dân chủ. Nó giống như một thứ "căn cứ địa cách mạng». Chỉ còn việc vận động xã hội gây áp lực lên chính quyền độc tài làm các cuộc chuyển hóa hoà bình.
Vấn đề là làm thế nào để ngăn chặn được một cách tuyệt đối nguy cơ các khu vực lãnh địa có vị trí đặc biệt với nền an ninh quốc gia này rơi vào tay Trung Quốc. Sự thèm khát lãnh thổ và dã tâm thôn tính Việt Nam của Trung Quốc không còn cần phải bàn cãi. Luật phải quy định rõ Cấm các nhà thầu Trung Quốc và có yếu tố Trung Quốc được quyền tham gia đấu thầu đầu tư. Tất cả các việc sang nhượng cổ phần và quyền sở hữu mọi thứ tài sản thuộc đặc khu phải chịu sự kiểm soát của cơ quan an ninh và phải được quy định thuộc trách nhiệm của cơ quan an ninh điều tra. Tất nhiên, Luật đầu tư là bình đẳng, nhưng Luật An ninh quốc phòng, Luật chủ quyền phải chỉ rõ âm mưu thôn tính là đặc tính của Trung Quốc, phải là đối tượng bị cấm di dân dưới mọi hình thức.
Ông Bộ trưởng kế hoạch đầu tư trả lời chất vấn : "Mọi người đang hình dung tiêu cực, đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Nhưng chúng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền". Chắc ông này không biết Hoàng Sa và Trường Sa có phải chủ quyền của Việt Nam không, có đòi lại được không ? Fomosa làm gì phía bên trong bức tường chính phủ có được biết không ? 10.000 công nhân người Tàu tại Bô-xít là lính làm kinh tế, chính phủ có nắm được không ? Nhũng khu rừng đầu nguồn trên suốt 10 tỉnh biên giới cho thuê 50 năm, người Tàu lập làng, lập trường, lập đền chùa, sinh con đẻ cái, sau có đuổi được họ về nước không ?...
Nhưng làm gì, còn gì cho người khác đầu tư ?
Tác giả Phương Thảo, trong bài viết "Phượng Hoàng nào vào đặc khu ?" (VNTB, ngày 6/6) đặt các câu hỏi : "Ai nói chính phủ cho Trung quốc thuê đất 99 năm ở đặc khu ? Đọc luật đặc khu chưa ? Ra tới Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong mà coi chưa ? Toàn là đại gia Việt Nam đầu tư cả ! Vượng Vin, Lam Sun, FLC Hạnh IPP. Nước ngoài đâu mà nước ngoài ?".
Trong bài viết này, cả ba khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, mặc dù chưa có Luật, nhưng dự kiến quy hoạch đặc khu thì đã có từ 20 năm nay, và Luật đã được chính ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư làm trưởng ban soạn thảo, chuẩn bị để trình Quốc hội từ năm 2012- 2013. Và theo điều tra của tác giả bài viết, thì ở cả ba khu này đã không còn gì để "thu hút đầu tư" nữa. Vì những gì có thể đầu tư, tức là những gì có thể kiếm lời, đã được các đại gia người Việt, thực chất là tay chân, vây cánh hay sân sau hay cơ quan kinh tài… hoặc của đảng hoặc của các quan chức chủ chốt chiếm giữ và đang kiếm ăn rồi.
Phú Quốc do VinGroup của Phạm Nhật Vượng chiếm gần hết. Vân Đồn thì nằm gọn trong tay Sun Group của Lê Viết Lam và IPP của Jonathan Hạnh Nguyễn, còn Bắc Vân Phong, thì Jonathan Hạnh Nguyễn đang trình dự án đầu tư từ A đế Z với dự kiến vốn ban đầu là 50 tỷ đôla. Ở cả ba khu, không còn dù chỉ 1m2 đất vô chủ. Sau khi luật ra đời, ai vào đây phải mua lại của những ông chủ này. Họ đã chung chi với quan lại chiếm hết rồi. Luật đặc khu chỉ để biến đất thành vàng, biến những gì đang còn là giấy thành tiền thật. Người ta nói ở Mỹ, chính tập đoàn cá mập tài chính gốc Do Thái mới là chủ đích thực của Nhà Trắng, liệu ở Việt Nam, Luật Đặc khu có phải chịu thúc bách bởi mấy ông Đại Gia ?
Tác giả Phương Thảo hỏi, "làm gì còn gì để mà bán cho người khác ?". Những tập đoàn này là của ai, núp dưới bóng ai, phục vụ cho ai, thiên hạ không có căn cứ, nhưng cũng đoán được đến 6,7 chục phần trăm, vì vậy mà chuyện hối thúc Quốc hội thông qua Luật chỉ để đồng tiền bát gạo kiếm được là thật chứ không còn ảo nữa mà thôi.
Bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói "Bộ Chính trị quyết rồi, bàn để ra luật chứ không thể không ra luật", không biết bà đã đến Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong chưa, bà ép Quốc hội ra luật chỉ là để hợp thức hóa cái mà "bọn họ" đã làm. Xưa nay vẫn vậy, chính họ nói bà chỉ làm cái việc "sắp mâm và rửa bát", thu dọn đồ thừa, chẳng "đứa" nào thèm ngó đến bà.
Phụ nữ có tiếng cam chịu, dễ bảo, không ganh đua tham vọng. Vì thế mà Chủ tịch quốc hội phải là phụ nữ. Bà Phóng (Tòng Thị) được cài vào Quy hoạch quốc hội gần hai chục năm, rồi vì "kém" quá, cứ Phó hoài, nên người ta chọn bà. Cái ưu thế duy nhất vì bà là Phụ nữ. Bà mới có lời rằng Bộ chính trị đã quyết thì Quốc hội không thể không làm !
Thực ra, dưới gầm trời này, có cái gì không do Bộ chính trị quyết định, không do đảng tạo ra ? Cải cách ruộng đất 1954 đảng tiến hành theo lệnh của Mao, Hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đảng chép lại nguyên si của Liên Xô, Trung Quốc, Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh năm 1959 và 1976 đều do Bộ chính trị quyết định, nạn đói năm 1980, rồi đổi mới 1986 đều là sự sáng suốt của đảng. Bán và cho thuê rừng biên giới đầu nguồn là chủ trương của Bộ chính trị. Bôxit Tây nguyên Bộ Chính trị chủ trương cho Tàu Khai thác... rồi cái mô hình Thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dở ông dở thằng, có cái gì Bộ chính trị quyết mà không thành quái thai ?
Cái cay đắng của bà Ngân là Quốc hội, Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước lại đứng bên dưới Bộ chính trị, chịu lệnh của Bộ chính trị.
Nhưng lần này, nếu Luật đặc khu ra theo lệnh đảng, mà sau hai, ba chục năm nữa, Tàu tràn ngập cả ba khu, thì 17 vị ủy viên bộ chính trị và 494 vị đại biểu quốc hội không còn chỗ ẩn nấp nữa. Bây giờ đã có luật ngay cả những kẻ đã nghỉ hưu, không đương chức cũng có thể bị xét xử vào tù, kể cả tội tử hình.
Cuộc biểu tình đang diễn ra của cả triệu người Việt cả trong nước và ngoài nước đang báo trước những trận cuồng phong, sẵn sàng cuốn phăng mọi vật cản, có làm thức tỉnh những cái đầu u tối ?
07/06/2018
Bùi Quang Vơm
Bùng nổ phản đối về luật đặc khu, Chính phủ ‘sẽ lắng nghe’ (VOA, 04/06/2018)
Thủ tướng Việt Nam hôm 4/6 nói với báo chí trong nước rằng "chính phủ sẽ lắng nghe" ý kiến của các chuyên gia và công chúng về điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ trong dự luật về đặc khu kinh tế.
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh - một trong 3 đặc khu dự kiến của Việt Nam
Gần 2 tuần qua, kể từ khi quốc hội Việt Nam bắt đầu thảo luận hôm 23/5 về dự luật, nhiều chuyên gia và hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ ý kiến, từ hoài nghi cho đến phản đối dự luật.
Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật đang được quốc hội xem xét trước khi bỏ phiếu theo lịch dự kiến vào ngày 12/6.
Một khi được bật đèn xanh, chính phủ Việt Nam sẽ lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm "thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế".
Nhưng không lâu sau khi dự luật được đem ra bàn thảo, một số đại biểu quốc hội, các chuyên gia, các nhà hoạt động và dư luận nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất quá dài.
Một mặt, họ so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Thậm chí, trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa luật, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, nêu ra nguy cơ đảo Vân Đồn có thể bị biến thành "Crimea thứ hai". Giả thuyết của ông Hảo đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.
Ba nhà hoạt động ở Hà Nội phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, tháng 6/2018
Trong vòng 4 ngày qua, hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội, từ những cá nhân bình thường, công chức về hưu, cho đến các nhà báo, nhà hoạt động vì dân chủ hay người nổi tiếng như MC truyền hình có tên Phan Anh, đã tham gia phong trào phản đối dự luật trên mạng xã hội.
Họ đăng ảnh đại diện hoặc chia sẻ hình đồ họa mang nội dung như "Phản đối chính phủ lập đặc khu cho thuê 99 năm", "Phản đối cho Trung Quốc thuê đất đặc khu", hoặc "Cho Trung Quốc thuê đất 99 năm là mất nước".
Bên cạnh đó, nhiều người - đặc biệt là giới đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền - cũng lên tiếng cho rằng quốc hội Việt Nam "do đảng cử" nên không có quyền cho thuê đất 99 năm. Họ đòi hỏi vấn đề này "phải trưng cầu dân ý".
Song song với những diễn biến này, từ ngày 1/6, đã xuất hiện trên mạng một kiến nghị mở, thu thập chữ ký của bất cứ ai phản đối dự luật để gửi đến quốc hội.
Bản kiến nghị nói dự luật đặc khu "đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa" và đưa ra lời kêu gọi "khẩn thiết" rằng toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như quốc hội hãy "phản đối, rút bỏ" dự luật.
Không có thông tin về tổ chức hay nhóm nào là tác giả của bản kiến nghị. Danh sách những người ký đầu tiên có những nhân sĩ, trí thức hay nhà hoạt động nhiều ảnh hưởng như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu ; các giáo sư Tương Lai, Chu Hảo ; linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp ; các nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Nguyên Ngọc, cũng như cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định.
Tính đến tối 4/6, đã có hơn 1100 người ký vào kiến nghị, trong đó có nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/6 xác nhận điều khoản về cho thuê đất đặc khu đến 99 năm "đã gây ra làn sóng khủng khiếp", theo tường thuật của báo Người Lao Động. Tin cho hay ông Phúc nói rằng ông đã nhận được "nhiều ý kiến tâm tư, nhiều tin nhắn, cuộc gọi và thư từ" về vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông nhận được rất nhiều bình luận, góp ý về dự luật đặc khu kinh tế
Tuy nhiên, ông Phúc lưu ý rằng điều khoản này là dành cho "trường hợp đặc biệt" hoặc "cá biệt", mà nếu cần thiết "quốc hội có thể không chấp nhận phê duyệt cho thuê đất", theo trích dẫn trên báo chí. Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh thêm rằng quốc hội sẽ "xem xét, quyết định vấn đề đó công khai, minh bạch và thận trọng".
Một mặt khẳng định với báo chí là chính phủ "rất lắng nghe ý kiến chuyên gia, nguyện vọng của nhân dân, của đại biểu quốc hội", Thủ tướng Phúc cũng đưa ra quan điểm cho rằng thời gian cho thuê đất "không phải vấn đề quyết định quá lớn".
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với VOA qua email, chuyên gia luật Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích rằng tuy cho thuê 99 năm là dài nhưng việc đó "không phải là chỉ dấu của sự nhượng địa, miễn là nó không cho thuê luôn cả quyền tài phán và chủ quyền với vùng đất đó".
Người đã tốt nghiệp thạc sĩ luật ở Đức, chuyên ngành đầu tư, ngân hàng, tài chính, chỉ ra rằng kể từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giai đoạn 2006 đến 2016, những trường hợp ngoại lệ là doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu hơn 50 năm như trong luật đầu tư không còn "quá hiếm".
Ông Hậu dẫn ra ví dụ là Marubeni của Nhật và Samsung của Hàn Quốc, được xem là hai dự án siêu lớn ở Việt Nam, hiện đang được đặc cách "không ghi thời hạn trên giấy phép đầu tư". Điều này, theo ông, được hiểu là thời hạn "vĩnh viễn", hay nói cách khác, đất mà họ hiện đang thuê sẽ có thể được gia hạn thêm cứ 50 năm một lần.
Cho VOA biết ông đã nghiên cứu dự luật về đặc khu, ông Hậu đưa ra đánh giá về điều khoản liên quan đến bộ máy hành chính quản lý đặc khu : "Không ở đâu và không quy định nào cho thấy nhà đầu tư, hay người thuê đất có quyền bổ nhiệm, hay có quyền áp đặc luật lệ, hay có quyền sử dụng tiền tệ riêng của mình trên khu đất mình thuê".
Chuyên gia này khẳng định thêm :"Vấn đề chủ quyền là khá rõ ràng. Đặc khu vẫn sẽ có hội đồng nhân dân, vẫn sẽ có ủy ban nhân dân. Vậy thì, không thể gọi đặc khu hành chính và kinh tế là tô giới được".
Ông Hậu lấy đặc khu Hong Kong và Macau của Trung Quốc để đối chiếu và đưa ra quan điểm : "Không ai gọi hai nơi đó là tô giới hay thuộc địa cả".
Mặc dù vậy, ông Hậu vẫn thận trọng nói thêm rằng cho thuê đất 99 năm "có thể là một quyết định kinh tế thiếu khôn ngoan" như một chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan, đã chỉ ra mới đây.
Các báo hôm 24/5 đăng ý kiến của bà Lan phản biện về dự luật đặc khu. Bà cho rằng cơ chế ưu đãi thuế và cho thuê đất tối đa 99 năm "không thực sự cần thiết".
Nữ chuyên gia cảnh báo về những "lúng túng" mà nhà chức trách có thể gặp phải trong công tác quản lý khi mà "doanh nghiệp thuê đất 99 năm nhưng 10 năm đã phá sản và chuyển nhượng cho đối tác khác".
Ngoài ra, bà Lan nhận định dự thảo chính sách về cho thuê đất tối đa 99 năm "có bóng dáng ưu đãi cho những doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng".
Thay vì đặt trọng tâm quá nhiều vào vấn đề đất đai, chuyên gia Lê Nguyễn Duy Hậu hướng sự quan tâm đến "quyền của nhà đầu tư chiến lược trong các dự án đặc khu".
Ông chỉ ra rằng một quy định của dự luật nói "nhà đầu tư chiến lược được ‘hỏi ý kiến’ khi có quy hoạch và được ‘ưu tiên’ chọn thầu".
Theo cách nhìn của ông, nêu ra trong email trả lời phỏng vấn của VOA, "quy định về ‘nhà đầu tư chiến lược’ cũng là một quy định rất dở. Vì nó mang màu sắc tư bản thân hữu (làm luật cho một doanh nghiệp)".
Ông Hậu nói rất nhiều chuyên gia mà ông biết khi tư vấn luật về đặc khu "đã cố gắng bỏ quy định này".
Trong quan điểm cá nhân, ông nhìn nhận "đây mới chính là vấn đề cần phải bàn thảo là có cần thiết phải có cái gọi là nhà đầu tư chiến lược hay không".
Trên truyền thông trong nước, giới hoạch định chính sách Việt Nam nói việc lập 3 đặc khu là một bước "thử nghiệm" các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo "tác động lan tỏa, tích cực" tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo các báo.
Thủ tướng Việt Nam hôm 4/6 phát biểu với báo chí rằng "thế giới đã làm đặc khu thành công từ trước và Việt Nam bắt đầu làm vào thời điểm này là chậm".
Tuy nhiên, hàng loạt chuyên gia tên tuổi như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội trong gần hai tuần qua liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.
Họ cho rằng để Việt Nam phát triển, thay vì lập đặc khu, giới hoạch định chính sách cần "tháo bỏ mọi rào cản bất hợp lý".
*******************
Cho thuê đất đặc khu 99 năm gây ra "làn sóng khủng khiếp" (CaliToday, 04/06/2018)une 4, 2018
Đó là thừa nhận của ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng cộng sản Việt Nam bên lề Quốc hội vào sáng ngày 4/6. Ông Phúc cho biết, có rất nhiều ý kiến, tin nhắn, cuộc gọi, thừ gởi đến cho ông trong suốt thời gian qua.
3 đặc khu kinh tế : Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ cần đến 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng. Đây là số tiền quá lớn, đè nặng lên sức chịu đựng của người dân. Ảnh : Internet
Làn sóng phản đối không chỉ ở những người đối kháng với chính quyền cộng sản Việt Nam, mà ngay cả những quan chức chế độ cũng lên tiếng. Đáng chú ý trong số này có ông Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa là 2 phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.
Trước "làn sóng khủng khiếp" đó, Chính phủ cộng sản Việt Nam dường như đã cảm thấy có đôi chút e dè. Trong lần trả lời báo chí bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam làm đặc khu là chậm so với các nước trên thế giới. Việc cho thuê đất 99 năm không phải vấn đề mấu chốt, nhưng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của dân.
"Về vấn đề đất đai, chúng tôi lắng nghe ý kiến chuyên gia, nguyện vọng của nhân dân của Đại biểu Quốc hội".
Song, cũng chính ông Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8/2017 đã yêu cầu Bộ Khoa học-Đầu tư phải chỉnh lý Luật đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) để làm sao tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất và đặc biệt là cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng đến 99 năm. Theo ông Phúc, Luật đất đai hiện tại chỉ cho phép giao, cho thuê đất tối đa là 70 năm, trong khi các đặc khu trên thế giới thời hạn là 99 năm. Ông Phúc muốn Việt Nam cũng giao, cho thuê đất và cho người nước ngoài sở hữu nhà ở với thời hạn lên 99 năm nhằm "phù hợp với tập quán quốc tế, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh"
Thủ tướng Phúc cho biết là việc xây dựng đặc khu tại 3 điểm : Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là "làm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII, ý kiến của ban ngành Trung ương và Quốc hội". Điều đó có nghĩa rằng, Chính phủ cũng chỉ thừa hành những chỉ thị những gì mà Trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã bàn trong Đại hội đảng khóa XII mà thôi.
Tại Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 4 tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, những quyết định từ Bộ Chính trị, Trung ương đảng là mệnh lệnh và được các tổ chức của đảng hợp thức hóa bằng các thủ tục hành chính. Cũng chính bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật". Những lời nói này được bà Ngân thốt ra trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Trước sức ép từ phía dân chúng và các chuyên gia về các lo ngại Trung Quốc sẽ thâu tóm Việt Nam thông qua 3 đặc khu kinh tế trong suốt 99 năm, rất có thể chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ rút thời hạn cho thuê đất 99 năm, xuống còn 70 như Luật đất đai hiện hành.
Trước làn sóng phản đối từ phía dân chúng và các chuyên gia, "nhóm lợi ích" tức là những kẻ kiếm lợi nhiều nhất nếu việc cho thuê đất 99 năm tại các đặc khu được chấp thuận đã tung ra một nhóm dư luận viên chuyên viết những bài để ủng hộ Dự luật đặc khu. Không những vậy, "nhóm lợi ích" còn bung tiền ra cho một phái đoàn nhà báo, gồm những tay sừng sỏ trong giới dư luận viên, còn trên Facebook gọi là "Tổ ngàn like" (tức là mỗi bài viết của họ đều được hơn cả ngàn lượt like và chia sẽ) đi du hý sang Thẩm Quyến (Trung Quốc) để coi mô hình đặc khu ở đây. Từ đó khi về Việt Nam sẽ viết những bài nhằm ủng hộ việc cho thuê đất 99 năm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Trong số đó có những tay dư luận viên sừng sỏ được biết rất nhiều, như : Nguyễn Hùng Sơn-phó Tổng biên tập báo Ngày Nay. Trên Facebook Nguyễn Hùng Sơn có nickname là "Nguyễn Thị Thao-Mượt" người chuyên tung ra các bài viết bóp méo, che đậy sự thật. Tất cả các bài viết của Hùng Sơn được cho là viết theo chỉ thị, bù lại là nhận được một số tiền và đãi ngộ kha khá. Đáng chú ý nhất là vào thời điểm xảy ra thảm họa Formosa tại miền Trung, dù sự thật rõ ràng biển đã bị đầu độc nhưng trong rất nhiều bài viết của mình Hùng Sơn đổ thừa là do hiện tượng tự nhiên và chửi dư luận là "đầu bò".
Đi cùng với Hùng Sơn còn có nhà báo Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ và Trần Đại Thanh của báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh. Trên Facebook, Lê Kiên đã có bài viết ủng hộ dự thảo Luật Đặc khu và gọi những người phản đối là "đặc ngu". Tuy nhiên, sau khi bị phản đối quá dữ dội, Kiên đã xóa bài viết đó của mình. Trong thời gian tới đây sẽ có thêm nhiều bài viết nhằm định hướng, lèo lái dư luận sang hướng khác nhằm giúp chính quyền cộng sản Việt Nam đạt được mục đích của mình mà ít bị dân chúng phản đối nhất.
Người Quan Sát
*******************
Rầm rộ phản đối dự thảo điều luật cho Trung Quốc thuê đất 99 năm (CaliToday, 03/06/2018)
Cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội và đặc biệt là giới hoạt động Việt Nam rầm rộ phản đối điều luật quy định cho đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Cho rằng, đây là hình thức "nhượng địa" và là miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng Trung Quốc dễ ngoạm Việt Nam …
Linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân giáo xứ Song Ngọc phản đối dự thảo cho Trung Quốc thuê đất 99 năm (ảnh Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo)
Như Cali Today thông tin ở bài viết "Cho thuê đất đầu tư 99 năm ở đặc khu, quá nhiều rủi ro cho Việt Nam" có nội dung nói đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội Cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) khóa XIV đang diễn ra từ ngày 21/5 đến 15/6/2018, tại kỳ họp này dự kiến sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Một trong 8 dự án luật được Quốc hội cộng sản Việt Nam khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp này có : Luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Tại dự án Luật này tâm điểm của dư luận Việt Nam là nhắm vào điều luật quy định ngoài việc các ưu đãi về thuế và cho thuê đất đầu tư tại các đặc khu theo đó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xem xét chấp thuận cho thuê đất đầu tư tối đa 99 năm, kéo dài thêm khoảng thời gian so với thời hạn 70 năm như luật Đất đai hiện hành. Ngay lập tức, đề tài này đã làm "nóng" bên trong nghị trường lẫn bên ngoài hành lang Quốc hội cộng sản Việt Nam, một cuộc tranh luận gay gắt thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia đã diễn ra tại Việt Nam trong suốt mấy ngày qua và giờ đây trở thành làn sóng dự luận phản đối rầm rộ.
Theo dõi qua cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội và đặc biệt là giới hoạt động Việt Nam, Cali Today nhận thấy đại đa số ý kiến bày tỏ quan điểm chung là lo lắng cho hiện tình an nguy của Việt Nam, nếu ngày 15/6 sắp tới đây mà Quốc hội cộng sản Việt Nam bấm nút thông qua Dự thảo luật này thành văn bản luật chính thức, đem áp dụng vào thực tiễn mà không có sự chỉnh sửa nào khác thì đây được ví là một văn bản "nhượng địa" của Việt Nam nhượng các Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cho Trung Quốc. Cho rằng, đây là hình thức mở đường cho tham vọng bành trướng Trung Quốc dễ ngoạm Việt Nam nhanh hơn.
Các bạn trẻ Việt Nam tại Đài Loan phản đối dự luật đặc khu mà quốc hội sắp thông qua (ảnh_ Facebook Hồ Huy Khang- sưu tầm mạng)
Thực tế điều luật này trong dự thảo Luật Đặc khu không nói thẳng ra là chỉ cho Trung Quốc thuê đất đầu tư đến 99 năm tại các Đặc khu mà công dân và doanh nghiệp ở nước khác nếu đủ điều kiện quy định cũng có quyền đến những Đặc khu này thuê đất để đầu tư. Tuy nhiên, điểm nhấn của ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc hiện tập trung quá nhiều ở đây và trong hoàn cảnh hiện tại Trung Quốc chính là mối nguy muốn nuốt Việt Nam rõ ràng nhất với tham vọng bành trướng mà 1000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam vẫn còn đó. Thông qua những gì du khách Trung Quốc, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam môt mặt họ ra sức tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam mặt khác lại không từ thủ đoạn nào để phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Tất cả điều này chứng tỏ Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa của Trung Quốc trong lịch sự hiện đại của nhân loại, mộng bành trướng này không chỉ có trong tư tưởng của những kẻ cầm quyền Bắc Kinh mà giờ đây nó còn ăn sâu vào tâm trí đại bộ phận người dân Trung Quốc.
Đặc khu Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh cách biên giới Trung Quốc không hề xa và cách căn cứ quân sự đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 200 hải lý. Còn đặc khu Bắc Vân Phong ở tỉnh Khánh Hòa lại đối diện với quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang thỏa sức tung hoành sức mạnh quân sự và sự hung hăng ở Biển Đông, hung hăng vẽ đường biên giới lãnh hải bằng đường "lưỡi bò" bất chấp dư luận quốc tế phản đối vì tính phi pháp. Nếu điều luật quy định các ưu đãi về thuế và cho thuê đất đầu tư tại các đặc khu lên 99 năm trong dự thảo Luật Đặc khu được Quốc hội cộng sản Việt Nam thông qua từ đây đến ngày 15/6 thì Trung Quốc không dễ dàng gì bỏ qua cơ hội tiến sâu hơn vào công cuộc chiếm cứ đất đai, lãnh thổ của Việt Nam, là hiểm họa ngoại xâm, là mối nguy quá lớn và quá gần cho Việt Nam.
Một bạn trẻ xuống đường với tấm biểu ngữ có nội dung phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm (ảnh_Facebook Hồ Huy Khang-sưu tầm mạng)
Một kháng thư do các nhân sĩ, trí thức Việt Nam soạn thảo đăng tải lên mạng xã hội kêu gọi người dân Việt Nam ở khắp nơi đồng ký tên để gửi đến Quốc hội cộng sản Việt Nam nhằm phản đối dự thảo Luật Đặc khu. Kháng thư hiện đang thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận.
Tại giáo xứ Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh. Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng giáo dân công khai đưa biểu ngữ phản đối Chính phủ Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất lập đặc khu.
Ngoài ra, rất nhiều cá nhân, nhà hoạt động ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam đồng loạt đưa biểu ngữ bằng nhiều hình thức như thông qua mạng xã hội hoặc xuống đường để thể hiện quan điểm phản đối việc Quốc hội cộng sản Việt Nam nếu thông qua dự thảo Luật cho Trung Quốc thuê đất 99 năm ở các Đặc khu.
Quê Hương
************************
Đặc khu kinh tế : 'Cần tránh bị lợi dụng' (BBC, 04/06/2018)
Dự luật về Đặc khu kinh tế cần được đem ra trưng cầu dân ý rộng rãi trước khi thông qua, một nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Quốc hội Việt Nam cần trưng cầu dân ý về Luật Đặc khu
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, nói với BBC hôm 4/6 vì đất đai là sở hữu toàn dân, việc ban hành một luật liên quan đến cho thuê đất đến 99 năm cần phải được trưng cầu dân ý.
"Hiến pháp Việt Nam quy định rõ là đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, thế thì khi mình ban hành một luật liên quan việc cho thuê đất đến 99 năm, việc này là việc rất lớn. Tốt nhất là chúng ta cần phải trưng cầu ý dân để xem người dân người ta có mong muốn hay không ?
"Tôi cho rằng đấy là một việc cần phải làm. Ý Đảng thì phải phù hợp với lòng dân", Giáo sư Thuyết nói.
Bài học từ Trung Quốc
Cho rằng thời hạn cho thuê 99 năm là một trong những điều cần thận trọng khi xem xét dự luật này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết dẫn bài học về đặc khu của Trung Quốc.
"Nếu chúng ta so sánh với một nước ở ngay cạnh chúng ta là Trung Quốc, họ cũng đã từng cho thuê đất tới 99 năm ở Hong Kong và Macau. Nhưng tình thế lúc đó là Trung Quốc thua trận trước các nước phương Tây nên buộc phải cho thuê đất.
"Sau khi Hong Kong trở về với Trung Quốc chúng ta cũng thấy thực trạng nó như thế nào, cái tâm trạng của người dân ở vùng Hong Kong như thế nào, còn gắn bó với lục địa hay không. Đấy là một điều mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.
"Các nước phương Tây mà người ta thuê Hong Kong hay Macau là ở rất xa Trung Quốc, còn chúng ta, nếu giả sử mở đặc khu kinh tế ở những vùng ngay sát biên giới của mình, mà cái người thuê ấy lại là Trung Quốc, thì sau 99 năm nữa, nó sẽ như thế nào ?
"Đây là điều mà tôi nghĩ ai cũng lo sợ khi nghĩ đến tương lai như vậy", ông bình luận.
Phát triển kinh tế hay an ninh quốc gia ?
Trả lời câu hỏi của Quốc Phương, BBC Tiếng Việt, rằng Việt Nam phải làm sao để hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút vốn và công nghệ và đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói :
"Cả hai nhu cầu này là quan trọng. Nhưng với tư cách là người dân cũng như là người quan tâm đến chính trị và từng hoạt động chính trị, tôi cho rằng chúng ta phải đặt nhu cầu đảm bảo an ninh và giữ vững chủ quyền quốc gia lên trên. Về kinh tế, chúng ta có thể thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách khác nhau chứ không nhất thiết phải bằng các đặc khu.
"Nếu mình lập ra đặc khu mình cũng phải giới hạn những đối tượng được cho thuê đất là những đối tượng nào. Trước đây khi tôi còn đi họp quốc hội, tôi thấy bàn về chuyện người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Việt Nam là một câu chuyện hết sức là phức tạp.
"Lúc đầu, Quốc hội cũng chỉ đồng ý cho những người làm ăn sinh sống hẳn ở Việt Nam được mua các căn hộ, chứ không cho họ được mua đất và mua với diện tích rất là rộng. Thế bây giờ mình lại thay đổi đến mức mình cho thuê hẳn đến 99 năm thì có thể nói là một bước chuyển quá nhanh.
"Tôi nghĩ chuyện này hết sức phải thận trọng".
Hiệu quả đầu tư của các đối tác Trung Quốc ở Việt Nam
Được hỏi ông nghĩ gì về ý kiến nên rà soát lại hiệu quả đầu tư của các đối tác Trung Quốc ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời :
"Tôi thấy ý kiến này quá đúng. Nếu chúng ta điểm lại quá trình đầu tư ở nước ngoài, ta thấy cũng có những nhà đầu tư đem lại khởi sắc cho nền kinh tế Việt Nam nhưng số đó không nhiều. Trong khi đó chúng ta lại phải đổi bằng đất đai, trong đó có đất đai nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường.
"Chuyện này chúng ta phải tính toán. Có phải mình đánh đổi một số chỉ tiêu phát triển GDP và hy sinh những quyền lợi của người dân, hy sinh môi trường hay không ?
"Riêng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhãn tiền chúng ta thấy có nhiều [dự án] đầu tư không đúng với cam kết ban đầu về vốn, về tiến độ để ảnh hưởng đến môi trường. Có những công trình có thể nói là đội vốn lên hàng bao nhiêu lần và không đảm bảo đến chất lượng.
"Chúng ta phải hết sức thận trọng, đặc biệt là khi chúng ta cho thuê đất tới 99 năm. Cần phải có đánh giá rất khách quan, rất là nghiêm túc về kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc để xem kết quả có đúng như lời hứa ban đầu hay không để chúng ta tính toán.
'Cần thận trọng để tránh bị lợi dụng'
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cảnh báo nguy cơ bị lợi dụng trong những quyết định chính sách lớn như Luật về Đặc khu kinh tế.
"Cần thận trọng trước những chủ trương lớn như thế này để tránh bị lợi dụng, để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia cũng như để phát triển kinh tế bền vững.
"Chúng ta đã thấy có nhiều dự án, công trình có quy mô nhỏ hơn so với quy mô này nhưng đã bộc lộ ra nhiều chủ trương đã bị lợi dụng và các cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý.
"Tôi nghĩ là trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội nói riêng và của Quốc hội nói chung trước sự ủy quyền của người dân là hết sức lớn. Các đại biểu quốc hội phải hết sức lắng nghe ý kiến của người dân, phân tích thấu đáo tình hình trước khi bấm nút quyết định".
**********************
Luật Đặc khu kinh tế nên ra 'chậm mà chắc' (BBC, 04/06/2018)
Dự luật Đặc khu kinh tế của Việt Nam cần được 'thận trọng xem xét', 'tổ chức lấy ý kiến' của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sâu rộng, một bức thư kiến nghị chính thức vừa được Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam gửi cho Tứ trụ lãnh đạo của nước này bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Theo dự kiến, Quốc hội Việt Nam sẽ 'bấm nút' về Dự luật Đặc khu kinh tế vào ngày 15/6/2018
Kiến nghị với phần nhận xét luật dài 11 trang từ Trung ương Hội Kinh tế đề ngày 03/6/2018 cho rằng việc thông qua Dự luật nên lùi lại một kỳ họp Quốc hội nữa để 'chậm mà chắc' trong lúc Việt Nam chờ đợi một Đặc khu kinh tế có 'tầm cỡ toàn cầu' hơn là mô hình và đề xuất như hiện nay với các đặc khu ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trên ba miền.
"Có lẽ nên thận trọng xem xét, nhất là tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sâu rộng, tránh tình trạng "dựa dẫm" ý kiến nhau ( ?), nhất là đã có ý kiến chỉ đạo của cấp cao, nên khó cho Luật và cả cho thi hành", phần nhận xét Dự luật trong bức thư gửi đi hôm Chủ Nhật viết.
"(Kinh nghiệm khi thông qua dự án đường sắt cao tốc, cấp cao đã dành quyền để các đại biểu cân nhắc, nên thực tiễn mấy năm qua cho thấy đó là quyết định hoàn toàn chính xác, trong khi quyết định về bô-xit Tây nguyên có gì cần rút kinh nghiệm không ?).
"Thậm chí có ý kiến nên xem xét đẩy mạnh cải cách toàn diện Việt Nam để tăng sức mạnh cạnh tranh quốc gia hơn là chỉ làm ba đặc khu".
Kiến nghị với các chuyên gia đứng tên như Phó Chủ tịch Hội, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phan Văn Tiệm, Phó Chủ tịch Hội, kiêm Tổng thư ký Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái và nhiều người khác trong đó có Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, Giáo sư Viện sĩ Đặng Hữu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Khải, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Phạm sĩ Liêm, Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Huy Từ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Bá, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Công Tiến, Tiến sĩ Bùi Trinh, v.v... nêu rõ :
"Kiến nghị nên lùi chậm một kỳ nữa (đến cuối năm) thì hay hơn. Như vậy, chậm mà chắc !
"Trong khi chờ đợi một Đặc khu kinh tế Việt Nam tầm cỡ toàn cầu, cần đẩy mạnh các quyết sách đã có của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững".
'Chưa đủ để phượng hoàng đẻ trứng'
Nhận xét về Dự luật Đặc khu trong thư kiến nghị gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mở đầu, nêu nhận định :
"Đặc khu kinh tế" (gọi tắt của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) có thể coi là kết quả học hỏi kinh nghiệm các nước, như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc...
"Nhưng ở các nước, người ta không làm tràn lan vì họ coi các Đặc khu là "phòng thí nghiệm" để từ kinh nghiệm có được (cả thành công và chưa thành công) về cơ chế, chính sách (gọi chung là thể chế) sẽ mở rộng ra toàn quốc, chứ không mở thêm nhiều đặc khu riêng lẻ sau thử nghiệm (Trung Quốc không mở rộng), khác với Ấn Độ mở hàng trăm đặc khu nên đạt hiệu quả ít, thậm chí thất bại..".
"Kinh nghiệm vận hành 17 Khu kinh tế ven biển cho đến nay cho thấy cần "tập trung hơn", vì 17 khu kinh tế ven biển này có diện tích khoảng 800 nghìn ha, gấp 10 lần tổng diện tích của hơn 300 khu công nghiệp, nên không đủ vốn triển khai...
"Do thiếu các nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ toàn cầu, nên thiết kế các khu kinh tế chưa tương xứng yêu cầu có tầm cỡ để "xây ổ cho phượng hoàng đẻ trứng", thiết kế kém tầm nhìn xa, kém chất lượng, thiếu gắn kết... trong khi hội nhập cả nước đã đi vào bề sâu, với các Hiệp định FTA thế hệ mới mới, lại gần nền kinh tế khá thành công như Trung Quốc, Singapore và cạnh tranh gay gắt, dù có tham gia CPTPP".
"Quốc hội đang bàn dự thảo Luật đặc khu kinh tế nhắm đổi mới thể chế, nhưng nên theo phương châm "thà chậm mà chắc" còn hơn chỉ cố thông qua theo lịch trình đã có", Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định.
Trưng cầu dân ý và xem xét lại ?
Hôm Chủ Nhật, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói với BBC ông tin rằng Dự luật về Đặc khu kinh tế cần được đem ra trưng cầu dân ý rộng rãi trước khi thông qua, ban hành.
Ông nói : "Hiến pháp Việt Nam quy định rõ là đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, thế thì khi mình ban hành một luật liên quan việc cho thuê đất đến 99 năm, việc này là việc rất lớn. Tốt nhất là chúng ta cần phải trưng cầu ý dân để xem người dân người ta có mong muốn hay không ?
"Tôi cho rằng đấy là một việc cần phải làm. Ý Đảng thì phải phù hợp với lòng dân", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy van Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nói với BBC từ Hà Nội.
Cũng hôm 03/6, từ New York, Mỹ, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc cho rằng nếu thấy có nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình của nhiều người trong giới chuyên môn, trí thức, trong đó có các nhà kinh tế, thì nhà nước Việt Nam nên 'xem xét lại' dự luật :
"Có lẽ là sao khi được thảo luận rộng rãi, và có ý kiến của nhiều người, và tôi thấy dư luận - dư luận trí thức - hầu hết là chống, đặc biệt là những nhà kinh tế hầu hết là chống, thì Đảng cầm quyền và chính quyền cũng nên xem xét lại vấn đề này".
Từ Sài Gòn, cùng ngày, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm :
"Qua các phiên thảo luận, tôi thấy không có gì lớn, chỉ có nổi trội nhất là [điều khoản giao đất với thời hạn] 99 năm. Phải giải quyết nội hàm của cái 99 năm đó để làm gì ? Khi đó mới có quy chế bằng văn bản để Quốc hội biết.
"Đó là câu chuyên phải sớm công bố công khai để mọi người yên tâm, người ta bảo 99 năm thì không phải một mình ông Thủ tướng [quy định] đâu, các bộ ban ngành, các ông lãnh đạo cấp trên cũng ngồi nghe để mà có ý kiến [đó].
"Tôi cho rằng nếu chặt chẽ như thế thì người ta yên tâm, nhưng nên chăng có văn bản cụ thể, chứ không nên nói bằng miệng", Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC.
Quốc Phương