Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phần I

Tiếng Việt được vinh danh trước mối họa bị "hỗn loạn"

Một dự án ó tên "Không gian Tôn vinh Việt ngữ" vừa được phổ biến trên truyền thông mạng xã hội trong những ngày trung tuần tháng 7 với lời kêu gọi cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cùng chung tay bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của người Việt Nam.

ngonngu1

Cuốn từ điển Việt-Bồ-Latin lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào năm 1651. Courtesy : Facebook Văn hóa & Nghệ thuật Việt Nam, RFA Edited

Đài RFA ghi nhận thông tin vừa nêu, đồng thời tìm hiểu vì sao lời kêu gọi như thế được gióng lên, kể cả phía Chính phủ Việt Nam qua phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với giới truyền thông quốc nội hồi năm 2016 khi ông tham dự Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng", rằng tất cả mọi người có trách nhiệm giữ gìn tiếng Việt.

Dự án Tôn vinh tiếng Việt

Chủ nhiệm Ban Cổ động Xây dựng không gian tôn vinh chữ quốc ngữ và tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy tại Đại học Liège ở Bỉ và hiện là Viện trưởng Viện vinh danh chữ Quốc ngữ & Bảo tồn tiếng Việt-Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng, chia sẻ với RFA rằng : Dự án "Không gian Tôn vinh Việt ngữ" được thành hình trong khoảng thời gian cuối năm 2017, khi có một sự kiện xảy ra ở Việt Nam là Phó Giáo sư Bùi Hiền đưa ra đề nghị đổi cách viết chữ quốc ngữ và theo cách viết do Phó Giáo sư Bùi Hiền soạn thảo làm cho tiếng Việt giống tiếng Trung Quốc được phiên âm.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết Dự án "Tôn vinh Không gian Việt ngữ" còn ra đời trong bối cảnh mà ngôn ngữ tiếng Việt gặp phải nhiều điều đáng lo ngại và mục đích tôn vinh chữ quốc ngữ và tiếng Việt, nhằm nhắc nhở mỗi người Việt có bổn phận gìn giữ và bảo tồn tiếng nói của dân tộc Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh :

"Chữ Quốc ngữ rất là đẹp, rất là hay, rất là cao quý của sự giao lưu văn hóa Âu-Á. Và phải nói rằng là sau khi sử dụng chữ Quốc ngữ thì nước Việt Nam trở thành ‘đồng văn’ với các nước Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, Nga…tất cả những nước dùng ký tự Latin. Đối với Việt Nam như vậy là ‘đồng văn’. Qua việc dùng chữ Quốc ngữ, Việt Nam đã ‘thoát Trung’ và đi vào thế giới văn minh".

Ngược dòng lịch sử, chữ Việt được ghi nhận xuất hiện từ năm 1625 và là công trình sáng tạo của nhiều người nhằm mục đích ban đầu chỉ để truyền đạo Ki-tô giáo và bắt đầu phổ biến vào thế kỷ thứ 17. Một trong những người được vinh danh nhiều nhất là Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, các giáo sĩ Bồ Đào Nha được cho là có công lớn trong việc sáng tạo ra chữ Việt, viết theo ký tự Latin. Trong đó, giáo sĩ Francesco de Pina được cho là "thầy tiếng Việt" vào thời điểm đó. Hai giáo sĩ Bồ Đào Nha Gaspar d’ Amaral và Antonio Barbosa là hai người đầu tiên viết từ điển Việt-Bồ-Latin. Những quyển từ điển Việt-Bồ-Latin này được Giáo sĩ Alexandre de Rhodes mang về Châu Âu, sau khi hai giáo sĩ tác giả qua đời và đến năm 1651, cuốn từ điển Việt-Bồ-Latin lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới (theo tài liệu "Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ, của tác giả Phạm Văn Hường).

Sau một thế kỷ ra đời và phát triển của chữ Việt, một nghị định được ban hành "về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin", do Thống đốc Nam kỳ Lafont ký vào ngày 06/04/1878. Sau đó, vào ngày 01/01/1882, Chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ phải dùng chữ quốc ngữ vì là thứ chữ dễ học và nhiều tiện lợi hơn so với chữ Nho. Và theo một số tài liệu lịch sử ghi chép lại thì mốc thời gian ngày 01/01/1882, người Việt chính thức sử dụng chữ viết từng được gọi là "chữ quốc ngữ" hay "tiếng An Nam dùng chữ Langsa" sau hàng thế kỷ sử dụng chữ Nho và chữ Nôm.

Trở lại dự án "Tôn vinh Không gian Việt ngữ", giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết, dự án có hai phần : thứ nhất là đặt bia tưởng niệm Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại một nghĩa trang ở Iran nơi ông yên nghỉ và thứ hai là xây dựng một không gian tri ân và tưởng niệm các giáo sĩ người nước ngoài và những trí sĩ người Việt Nam, đã có công trong việc sáng tạo và phổ biến chữ quốc ngữ, trong khuôn viên rộng 1,85 héc-ta ở Thanh Chiêm, Quảng Nam cách phố cổ Hội An 10 km. Chủ nhiệm Ban Cổ động dự án, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói về kế hoạch xây dựng của dự án :

"Chúng tôi muốn làm làm một không gian tôn vinh chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Có nghĩa là sẽ có những không gian tạc tượng, những con đường đi, những cây bóng mát, những vườn hoa và trong đó ẩn hiện những tượng của những người đã tác tạo ra Chữ Quốc ngữ, của những người đã phổ biến Chữ Quốc ngữ cho người Việt hay những người đã dùng Chữ Quốc ngữ để phổ biến những quan điểm dân chủ, yêu nước thời Duy Tân. Ngoài ra, chúng tôi cũng vinh danh tiếng Việt bằng cách tạc tượng những nhà thơ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…là những người đã giúp cho Tiếng Việt càng ngày càng phong phú như ngày nay, ngay cả những nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn…Tất cả tụ tập lại trong một không gian có vẻ hao hao giống với Vườn Luxembourg bên Pháp".

ngonngu2

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bên bia tấm bia tưởng niệm Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Iran. Hình chụp hồi tháng 05/18. Courtesy : Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cung cấp

Tiếng Việt cần được bảo tồn

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết dự án có sự tham dự của nhiều trí sĩ người Việt trong và ngoài nước với mong muốn dự án sẽ được hoàn thành nhanh chóng. Tùy vào khả năng tài chính huy động được từ cộng đồng mà Ban cổ động sẽ sớm đưa dự án vào thực tế, để biến không gian tại Thanh Chiêm, Quảng Nam không chỉ là nơi để tưởng niệm mà còn là nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và góp phần phát triển tiếng Việt trong bối cảnh ngôn ngữ tinh hoa và nền văn hóa của người Việt Nam đang dần bị rơi vào tình trạng đáng báo động. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu lên ghi nhận của ông về ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay :

"Tình trạng sử dụng Tiếng Việt hiện nay có nhiều điều đáng lo ngại. Báo, đài dùng tiếng Việt pha lẫn với tiếng nước ngoài một cách rất lộn xộn, ngay cả những từ ngữ được sử dụng trong thể thao hoặc đặc biệt trong tin học chưa được ổn định gì cả".

Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Ngọc Yến, người từng giảng dạy tiếng Việt tại Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng về tình trạng tiếng Việt "trong thời hiện đại" ở Việt Nam :

"Tiếng Việt trước năm 1975 thì tôi công nhận rằng lúc đó rất vững và rất chính xác, hơn nữa đời sống ngôn ngữ lúc đó có vẻ rất là văn học và khoa học. Còn sau này ở Việt Nam thì tiếng Việt đặt ra bừa bãi lắm".

Hồi đầu tháng 7 năm 2019, Nhà báo Mạnh Kim đăng tải một bài viết có tựa đề "Hãy khóc cho tiếng Việt !" trên tài khoản Facebook cá nhân của ông và được rất nhiều người quan tâm. Nhà báo Mạnh Kim đã viết và RFA trích lại nguyên văn "Cái gọi là ‘rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu thẩm mỹ’ đang hiện diện tràn lan trong việc sử dụng tiếng Việt và không chỉ với một từ mà với vô số từ và vô số câu". Trong bài viết, Nhà báo Mạnh Kim nêu lên tình trạng ngôn ngữ tiếng Việt đang bị ghép từ vô tội vạ, như từ "cặp đôi" hay "fan hâm mộ" và nhiều "khái niệm" được đặt ra khiến ngữ nghĩa bị méo mó, đơn cử như "trạm thu phí" đổi thành "trạm thu giá" và "không chỉ sai lệch chữ và nghĩa mà tiếng Việt ngày nay còn méo mó cấu trúc, ví dụ người Việt Nam không thấy lạ khi nói "Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy", mà thay vì phải nói một cách bình thường là "Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm"… Nhà báo Mạnh Kim giải thích thêm với RFA :

"Quy luật phát triển của ngôn ngữ là nó liên tục thay đổi, liên tục chuyển động mà nó không được kiểm soát thì sẽ đi vô tình trạng rất là xấu. Nó sẽ tiếp tục phát triển, phát triển rất dữ dội như là bản chất của ngôn ngữ nói chung, nhưng với tiếng Việt thì nó sẽ phát triển theo kiểu ‘hoang dã’. Nguy hiểm ở chỗ là những từ sai được dùng quá quen rồi thành ra quán tính cứ bật ra là nói, cho nên càng ngày đi tới mức hỗn loạn thêm chứ không thể nào dừng lại".

Một số nhân sĩ trí thức mà Đài RFA tiếp xúc như Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Nguyễn Ngọc Yến và Nhà báo Mạnh Kim cùng bày tỏ rằng rất cần thiết và cấp bách để có những hành động cụ thể và thiết thực nhằm bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam trước khi quá muộn.

*****************

Phần II

Tình trạng tiếng Việt bị "hỗn loạn" và những giải pháp bảo tồn

Một dự án có tên "Không gian Tôn vinh Việt ngữ" vừa được phổ biến trên truyền thông mạng xã hội trong những ngày trung tuần tháng 7 với lời kêu gọi cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cùng chung tay bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của người Việt Nam.

ngonngu3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi giới nhà báo rèn kĩ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt tại Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng", diễn ra hồi tháng 11/16. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn

Đài RFA tiếp tục gửi đến phần cuối của loạt bài ghi nhận về thực trạng cũng như giải pháp nào cho tiếng Việt trước sự kêu gọi cấp thiết cần bảo tồn ngôn ngữ của người Việt Nam, kể cả từ phía Chính phủ Hà Nội.

"Hỗn loạn và phát triển hoang dã"

Qua bài ghi nhận trong phần I, một số những nhân sĩ trí thức mà Đài RFA tiếp xúc để tìm hiểu vì sao ngôn ngữ của người Việt Nam cần cấp thiết phải bảo tồn, chúng tôi được nghe các nhận xét tương đồng cho rằng tiếng Việt cũng giống như các ngôn ngữ khác cần có sự thay đổi liên tục theo quy luật phát triển của ngôn ngữ ; tuy nhiên tiếng Việt lại đang bị rơi vào tình trạng đáng lo ngại vì được sử dụng khá bừa bãi.

Nhà báo Mạnh Kim trong phần trả lời với RFA còn nhấn mạnh rằng tiếng Việt được sử dụng ở Việt Nam đang bị "hỗn loạn" và phát triển theo hướng "hoang dã" khi ông chia sẻ về bài viết của mình với nhan đề "Hãy khóc cho tiếng Việt !" được đăng tải trên trang Facebook cá nhân vào hôm mùng 2 tháng 7.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ với RFA về quan điểm của ông :

"Người ta không hiểu rồi dùng từ ngữ bậy bạ thì phải nói rằng rất phổ biến và rất đau lòng. Đặc biệt tình trạng báo chí và nhất là trình độ tiếng Việt của một số ban biên tập và một số tờ báo có lượng độc giả lớn phải nói rằng không được tốt lắm, cho nên đầy rẫy lỗi sai. Ngày xưa truyền thông đại chúng không mạnh mẽ như bây giờ cho nên những cái lỗi không tạo ra một làn sóng như hiện nay".

Cựu Biên tập viên Mặc Lâm của Ban Việt ngữ, Đài RFA cũng lên tiếng nhận xét tiếng Việt đang dần bị mất đi tính sinh động của ngôn ngữ vì câu chữ bị "tối nghĩa" :

"Tôi cũng nhận thấy một điều là nếu sử dụng tất cả những kiểu chữ như ở trong nước thường dùng thì sẽ có một vấn nạn mà chúng ta sẽ gặp sau này, có nghĩa là tiếng Việt từ từ sẽ bị ‘u tối hóa’ những chữ nghĩa mà những người dân sử dụng chữ đi theo những nhà báo trong nước, họ dùng từ không chính xác và họ dùng từ một cách tùy tiện. Họ sáng tạo ra những cụm từ rất tùy tiện có thể nói là không ai hiểu được, nhưng người dân cũng vô tình nghe theo và sau đó sử dụng theo thì tiếng Việt sẽ bị dẫn vào tình trạng không phải là không trong sáng mà rất là khó hiểu và trở thành rất kỳ dị. Chẳng hạn như từ vừa xuất hiện mới đây là ‘độ ta không độ nàng’".

Theo quan sát của giới ngôn ngữ học và các nhà báo thì truyền thông quốc nội đang đóng góp một vai trò rất lớn trong việc truyền bá tiếng Việt. Bên cạnh đó, một yếu tố nữa cũng liên quan và tạo ảnh hưởng quan trọng đến ngôn ngữ tiếng Việt là giáo dục. Nhà báo Mạnh Kim đưa ra nhận định của ông :

"Đó là do hậu quả tất yếu của giáo dục, tức là trong rất nhiều năm kể từ sau năm 1975 thì giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là trong văn học mang tính tuyên truyền nhiều quá, chỉ có một số vốn từ cứ lặp đi lặp lại cho nên vô hình trung làm cho ngôn ngữ tiếng Việt bị nghèo nàn đi".

Nhà báo Mạnh Kim cho rằng có một mắc xích không thể tách rời là khi những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam, họ sống trong môi trường giáo dục mà tiếng Việt không được đề cao đúng mức và dùng sai cho nên mang lại hậu quả xấu cho xã hội.

Cùng với nhà báo Mạnh Kim, một vài nhà báo trong và ngoài nước mà Đài RFA có dịp trao đổi còn khẳng định các sinh hoạt văn hóa và âm nhạc cũng góp phần không nhỏ, bên cạnh giáo dục và truyền thông, tác động đến sự "hỗn loạn" của tiếng Việt đương thời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi ông tham dự Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng", diễn ra hồi đầu tháng 11 năm 2016, tại Hà Nội, đã phát biểu rằng việc giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là của giới nhà báo, nhà giáo và nhà văn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn kêu gọi những người làm việc trong ngành báo chí phải rèn kĩ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với thế giới.

Giải pháp nào để bảo tồn tiếng Việt ?

Lời kêu gọi mỗi người Việt Nam có trách nhiệm giữ gìn tiếng Việt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng được ông Phạm Văn Đồng, trong vai trò Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" cách nay hơn 5 thập niên, vào năm 1966. Thế nhưng những nhân sĩ trí thức trong nhiều năm qua cứ phải gióng lên những hồi chuông báo động về bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của người Việt Nam bởi vì không ít trong số họ không nhìn thấy được Chính phủ Hà Nội đã và đang làm được gì qua việc hô hào liên quan giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tiến sĩ Hoàng Dũng giải bày :

"Nói là nói vậy thôi vì Việt Nam là cường quốc về nghị quyết, cường quốc về khẩu hiệu thành ra họ (Chính phủ) nói thế thôi chứ không làm gì được hết".

Nhà báo Mặc Lâm còn viện dẫn một nguyên nhân chủ quan mà tình trạng tiếng Việt sẽ không thể nào được "trong sáng" :

"Tôi nghĩ còn một điều quan trọng nữa là từ ngữ trong những văn bản phát hành ra toàn quốc mà báo chí lưu truyền thì đa số đều có vẻ ‘chính trị hóa’ từ ngữ của tiếng Việt từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ những nghị quyết hay văn bản mà Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra cho báo chí có phần nào ảnh hưởng và tuyên truyên lây lan đến suy nghĩ của người làm báo và họ bị sự khống chế vô hình làm cho họ không dám sáng tạo chữ nghĩa cho tiếng Việt, mà đi theo một lối mòn mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên giáo đưa ra. Vì vậy tôi cho rằng không có một khả năng nào để kêu gọi báo chí Việt Nam trong sáng tiếng Việt bởi bản thân họ không chịu rèn luyện, không chịu tư duy và nhất là không có sáng tạo thì làm sao mà tiếng Việt trong sáng được trong khi Ban Tuyên giáo vẫn đưa ra những từ ngữ hàng bảy mươi mấy năm nay ?"

ngonngu4

Một đoạn trong bài viết "Hãy khóc cho tiếng Việt !" của Nhà báo Mạnh Kim đăng trên Facebook ngày 02/07/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình Facebook Manh Kim

Mặc dù vậy, những nhân sĩ trí thức quan tâm đến tình trạng tiếng Việt hiện nay có đồng tư tưởng là phải cấp thiết bảo tồn chữ quốc ngữ, tiếng Việt trước khi quá muộn.

Trả lời câu hỏi của RFA rằng có những giải pháp nào để chấn chỉnh hay ngăn chặn tình trạng tiếng Việt ngày càng bị "hỗn loạn" hơn, Nhà báo Mạnh Kim nêu lên quan điểm của ông :

"Muốn chấn chỉnh lại thì trước truyền thông phải làm đầu tiên. Còn về giáo dục thì vấn đề lớn quá mà giáo dục hiện nay ở Việt Nam nhếch nhác như thế và những người cầm chịch trong ngành giáo dục lại không được như kỳ vọng của người dân thì làm sao mà sửa bây giờ ? Tôi cho rằng cần phải có một ủy ban, một hội đồng riêng về tiếng Việt cũng giống như Viện Hàn lâm để bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ như bên Pháp có một cơ quan như vậy. Đối với Việt Nam bây giờ điều đó thật sự là quan trọng. Việt Nam cần phải có một nơi như vậy, một tổ chức như vậy. Việt Nam có Viện Ngôn ngữ đó nhưng viện này đang làm gì thì mình không rõ. Trong khi tiếng Việt đang bị lộn xộn như vậy mà chưa hề thấy có một ý kiến của một vị nào đang làm việc trong Viện Ngôn ngữ hoặc ông Chủ tịch Viện Ngôn ngữ lên tiếng".

Trong khi đó, Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cho rằng ông không quá bi quan khi ở Việt Nam vẫn có những hồi chuông cảnh báo về sự bảo tồn ngôn ngữ như các quốc gia khác trên thế giới. Tiến sĩ Hoàng Dũng nói rằng mặc dù chỉ mỗi ngành giáo dục không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề ; nhưng là người làm việc trong lĩnh vực này, ông hy vọng ngành giáo dục ý thức được vấn đề của tiếng Việt hiện nay và tìm cách để thay đổi cho việc giảng dạy tiếng Việt có hiệu quả hơn dù việc làm đó chỉ là từ từ nhưng phải làm thì dần dần sẽ có kết quả.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Chủ nhiệm Ban Cổ động Xây dựng không gian tôn vinh chữ quốc ngữ và tiếng Việt ở Thanh Chiêm, Quảng Nam cho biết hoài bão của những người tham gia Dự án "Không gian Tôn vinh Việt ngữ" :

"‘Không gian Tôn vinh Việt ngữ’ sẽ là một không gian để người Việt tổ chức những sự kiện về văn hóa Việt, thí dụ những buổi ngâm thơ, hát chèo, hát cải lương, hát bội ; những buổi thi câu đối, thi nói láy…Tất cả những sinh hoạt liên quan tới tiếng Việt. Rồi trong không gian đó sẽ có một thư viện đặt để những tài liệu liên quan đến tiếng Việt, nhất là chữ quốc ngữ để cho các bạn trẻ có thể tham khảo hay chuẩn bị luận văn ra trường…Chúng tôi sẽ liên lạc với những chỗ tàng trữ những sách vở để xin bản sao chuyển về từ những thư viện ở Pháp, ở Mỹ…mà có quan tâm tới chữ quốc ngữ, tiếng Việt. Chúng tôi mong mỏi được liên lạc với họ và có thể làm chỗ kết nối của họ tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ có một ban tu thư để theo dõi sự phát triển của tiếng Việt, để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt…Chúng tôi mong mỏi tập hợp được một ban tu thư gồm những nhà văn tâm huyết, những nhà ngôn ngữ học lưu lâm về chuyện này để chúng tôi có thể lập ra một trang web nhằm để đưa ra những sáng kiến, những đề nghị, tu chỉnh những vấn đề nên có…"

Giáo sư Nguyễn Ngọc Yến, cựu giảng viên tiếng Việt tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là người đã soạn thảo một bộ sách học tiếng Việt theo phương pháp Nhóm âm cũng cho biết mong muốn của bà trong việc bảo tồn tiếng Việt :

"Tôi dự định làm một hội theo kiểu học viện (Academy), không phải đến mức đó nhưng là một hội nhỏ thôi. Tôi cũng muốn kêu gọi tất cả mọi người cùng tham gia để góp ý cái gì nên dùng và cái gì không nên dùng trong tiếng Việt, chứ còn cứ để như vậy hoài thì sẽ thành một bãi rác trong văn học của Việt Nam".

Nhà báo Mặc Lâm chia sẻ ông ủng hộ những việc làm nhằm bảo tồn và phát triển tiếng Việt như của nhóm thực hiện Dự án "Không gian Tôn vinh Việt ngữ" mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm Chủ nhiệm Ban Cổ động hay như dự định của Giáo sư Nguyễn Ngọc Yến. Tuy nhiên, Nhà báo Mặc Lâm cho rằng với những nỗ lực của cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại sẽ là rất khiêm tốn khi so với một hệ thống quản lý và truyền thông quốc nội của Việt Nam, do đó bản thân ông vẫn lo ngại cho viễn cảnh ngôn ngữ của dân tộc Việt rồi sẽ đi về đâu.

Còn giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tâm tình với RFA rằng dù ông có kỳ vọng lớn về những người Việt cùng nhau ngồi lại, vươn lên những dị biệt, thành kiến sau chiến tranh trong quá khứ để thực hiện chung với nhau vì mục đích bảo tồn chữ quốc ngữ tiếng Việt, và bảo tồn văn hóa, đất nước, tương lai dòng giống Việt ; thế nhưng ở tuổi đời "gần đất xa trời" ông không biết có đủ thời gian để thực hiện một trong những ước nguyện sau cùng này hay không.

Nguồn : RFA, 26/07/2019

Published in Diễn đàn

Bài 1

Cũng BOT nhưng là phiên bản… chỉ có ở Việt Nam

Kết quả thanh tra, kiểm toán các dự án phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trong ba năm vừa qua cho thấy, tại Việt Nam, hình thức này có những đặc điểm không nơi nào… có.

bot1

Đoạn cao tốc ở quận Quang Uyên, Cao Bằng - AFP

Nhiều nước khác dại cả ?

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế - những nơi vốn có quan hệ chặt chẽ với các chính phủ và theo sát việc sử dụng vốn đầu tư, bao gồm sử dụng vốn đầu tư nhằm phát triển hạ tầng như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), từng công bố khá nhiều phân tích, nhận định về BOT.

Theo đó, cho dù BOT là phương thức hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhưng muốn BOT hữu dụng, các chính phủ phải phân tích kỹ và kiểm soát chặt nhằm hạn chế rủi ro cho tất cả các bên có liên quan, từ chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội đến môi trường. Đối chiếu những phân tích, nhận định của các nước với thực tế khai thác BOT tại Việt Nam, có thể thấy, Việt Nam chưa bao giờ thèm bận tâm đến những khuyến cáo của WB, ADB,...

Một nghiên cứu do Trung tâm Lưu trữ dữ liệu của Đại học Louhborough về Quản lý rủi ro đối với các dự án BOT xác định, khi cả hệ thống công quyền lẫn nhà đầu tư cùng tham gia nghiên cứu rủi ro để chủ động phòng tránh những tác động bất lợi thì sẽ bảo đảm được cả mục tiêu lẫn chất lượng của dự án. Đây cũng là nơi giới thiệu AHP (Analytical Hierarchy Process - phương pháp giúp đặt định các yêu cầu về chất lượng).

Tuy nhiên khác với các nước (rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nhà đầu tư và luôn tổ chức đấu thầu để tìm nhà đầu tư có năng lực tốt nhất cả về tài chính lẫn thiết kế, thi công, bảo đảm công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đạt yêu cầu cao nhất về kỹ thuật và thời hạn thi công,…), ở Việt Nam, hệ thống công quyền không tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư mà chỉ thích… chỉ định nhà đầu tư các dự án BOT trong việc phát triển hạ tầng giao thông !

Chỉ mình "ta"… khôn !

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một người Việt ngụ tại Bỉ, chia sẻ hiểu biết của ông về BOT tại Châu Âu : Ở Bỉ, nhà nước xây dựng các xa lộ và không thu phí. Tất cả mọi người, cả dân Bỉ lẫn cư dân Châu Âu đều có thể đi lại thoải mái. Đức cũng thế, không thu phí di chuyển trên xa lộ. Pháp khác hơn, tư nhân cùng nhà nước làm hệ thống xa lộ và thu phí trong một giai đoạn nhất định. Chất lượng xa lộ Pháp do tư nhân thực hiện tốt hơn chất lượng xa lộ do nhà nước làm ở Bỉ. Hết thời hạn thu phí, tư nhân giao xa lộ lại cho nhà nước, nhà nước bỏ thu phí.

"Ở Bỉ các xa lộ Nhà nước làm và khi làm xong không thu phí, mọi người đều đi thoải mái, không chỉ cho người dân ở Bỉ mà còn cho người dân ở các nước Châu Âu, trong khi đó ở Pháp thì có thu phí. Nước làm BOT nổi tiếng và phát triển nhưng chậm hơn Đức và Bỉ là Pháp gần như đều có BOT do tư nhân đứng ra làm kết hợp với nhà nước và thu phí trong một giai đoạn nào đó. Tôi đi thường và cảm giác BOT ở Pháp làm tốt, chất lượng xa lộ do tư nhân của Pháp làm tốt hơn chất lượng nhà nước bên Bỉ làm"

bot2

Cao tốc ở Bỉ (AFP) - Hình minh họa.

Tại Việt Nam, những kết luận mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước công bố liên tục trong các năm từ 2016 đến nay, sau khi thanh tra, kiểm toán cho thấy, gần như toàn bộ công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT tại Việt Nam đều giống nhau ở chỗ : Chọn toàn nhà đầu tư không đủ cả năng lực về tài chính lẫn thi công. Thay vì mở mang thêm hệ thống hạ tầng giao thông thì nhiều dự án BOT chỉ cải tạo những công trình giao thông sẵn có rồi tổ chức thu phí. Rất nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí nên người dùng không sử dụng công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT cũng vẫn phải trả phí.

Cho dù cả nhà đầu tư lẫn các viên chức chịu trách nhiệm giám sát cùng tính… sai đủ thứ, từ tổng vốn đầu tư, khối lượng, thời gian thu phí,… khiến mọi thứ đều cao quá mức bình thường nhưng chất lượng các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT hết sức… thấp ! Cũng vì vậy, hàng loạt những công trình giao thông giá trị tính bằng ngàn tỉ vừa khánh thành đã hư hỏng trở thành bình thường : Đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Đoạn cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Đoạn cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình,… Có công trình hư hỏng sau ba tháng thông xe (Đoạn cao tốc Long Thành - Dầu Giây) nhưng có công trình hư hỏng chỉ sau ba… ngày thông xe (Đoạn cao tốc Nội Bài-Lào Cai) !..

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – một chuyên viên về kinh tế, tài chính, ngân hàng - nhận định : Các dự án phát triển hạ tầng theo phương thức BOT ở Việt Nam có đủ thứ vấn đề : từ giải tỏa - đền bù đến đấu thầu,…Trong nhiều trường hợp, đấu thầu không được công khai, không minh bạch. Thay vì thẩm định một cách khách quan, nhà đầu tư thắng thầu nhờ "tay trong". Ở những trường hợp khác, chính phủ chỉ định nhà thầu và thường là có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Không ngăn chặn được tham nhũng trong đấu thầu hay chỉ định thầu nên chất lượng các dự án suy giảm. Đường vừa làm xong đã hư, cầu vừa làm xong đã muốn sụp...

"Ở Việt Nam, trên nguyên tắc phải đấu thầu công khai. Tức chính phủ ra một gói thầu và mời các nhà thầu tham dự vào gói thầu đó và chính phủ đưa ra một số tiêu chí ai đáp ứng tiêu chí đó với chi phí thấp nhất thì được trúng thầu nhưng trong nhiều trường hợp vấn đề đấu thầu không được minh bạch, công khai. Tức nhà thầu có tay trong trong Chính phủ nên đến cuối cùng thay vì được thẩm định thầu một cách khách quan cuối cùng nhà thầu có tay trong nhận được gói thầu đó. Vấn đề thứ 2 là trong trong một vài trường hợp Chính phủ chỉ định thầu (không đấu thầu công khai mà lại giao gói thầu cho đơn vị chỉ định) và như thế liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Những nhà thầu qua quan hệ trúng thầu có nhiều nhà thầu sẽ không có khả năng nên làm dự án chất lượng suy giảm nhiều như các đường cao tốc vừa xây xong đã nứt nẻ, cây cầu xây xong có dấu hiệu suy sụp. "

Không ít người nhận ra điều đó. Khi trò chuyện với báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ - một chuyên gia giao thông – bảo rằng, tình trạng các đoạn cao tốc như đã kể trong tuyến cao tốc Bắc – Nam là loại đường cao cấp nhất, được thiết kế và đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí xấp xỉ 10 triệu Mỹ kim một cây số,… mà hư hỏng như đã thấy là thứ vật tư thiết yếu và cả khả năng các cơ quan giám sát "mắt nhắm, mắt mở" bỏ qua nhiều điểm thiết yếu nên phía thi công tự tung tự tác...

Cho dù không ai chấp nhận nhưng đặc điểm của các công trình giao thông được đầu tư theo phương thức BOT ở Việt Nam vẫn cứ như thế, mãi như thế và không chỉ như thế ! Bởi việc thực hiện các công trình giao thông theo phương thức BOT ở Việt Nam được thực hiện theo kiểu không giống ai, hệ lụy của BOT không chỉ nằm ở chất lượng công trình !

******************

Bài 2

Tiến cũng nan mà thoái cũng nan !

Về lý thuyết, sử dụng hình thức BOT trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhằm khai thác các nguồn lực ngoài ngân sách mở mang hạ tầng, giảm gánh nặng cho công quỹ, tạo thêm điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam, bên cạnh việc trở thành ác mộng của nhiều giới, BOT còn là ẩn họa của cả kinh tế lẫn xã hội…

bot3

Công nhân đang sữa chữa đoạn cao tốc Hoàng Sù Phì ở Hà Giang - AFP

Bước tới vướng… dân

Cho tới lúc này, Trạm thu phí Hòa Lạc – Hòa Bình cho dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình được đầu tư theo hình thức BOT vẫn chưa thể hoạt động bình thường. Nhà đầu tư đã bỏ ra 2.723 tỉ (bao gồm cả tiền vay ngân hàng và tiền lãi phải trả cho khoản đã vay) để thực hiện dự án nhưng liên tục tạm ngưng thu phí vì bị dân chúng địa phương phản đối.

Sở dĩ dân chúng hai xã Yên Quang và Phúc Tiến thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình dùng xe chặn các phương tiện qua lại Trạm thu phí Hòa Lạc – Hòa Bình, không cho thu phí vì họ đã từng phải góp tiền làm đường 446. Chuyện nhà đầu tư chiếm một đoạn trên con đường này để "cải tạo" rồi đặt trạm thu phí ngay tại đó bị xem là phi lý…

Đã hai tháng trôi qua nhưng nhà đầu tư bó tay, chính quyền tỉnh Hòa Bình bó tay, chính phủ cũng bó tay, chưa tìm được giải pháp khả dĩ khiến dân chúng địa phương chấp nhận, nhà đầu tư đủ tiền trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng, nhà đầu tư và ngân hàng không chết… chùm vì phá sản và dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình phát huy được tác dụng hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển.

Tình trạng tương tự đã, đang và chắc chắn sẽ còn xảy ra ở nhiều trạm thu phí khác, ví dụ Trạm thu phí Cai Lậy cho Dự án đường tránh thị xã Cai Lậy, Trạm thu phí T2 cho Dự án cải tạo quốc lộ 91 đoạn chạy ngang Cần Thơ,… Do thực hiện theo kiểu Việt Nam, thay vì là ân nhân, nhà đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT trở thành kẻ thù của nhân dân !

bot4

Một tài xế phản đối BOT Cai Lậy, Tiền Giang, bị bắt giữ năm 2017. Courtesy of FB Bạn Hữu Đường Xa - Hình mình họa.

Khi xung đột giữa hai bên lên đến đỉnh, nhà nước xuất hiện, bắt và phạt tù một số người phản kháng, giống như Tòa án huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh vừa phạt tù thêm một tài xế tên là Văn Ngọc Hoàng hồi giữa tháng này. Cách nay bốn tháng, Hoàng tông gãy thanh chắn Trạm thu phí An Sương.

Trừ nhà nước, không ai lên án hành động "cố ý hủy hoại tài sản của" Văn Ngọc Hoàng vì lẽ ra Trạm thu phí An Sương phải ngưng hoạt động từ lâu nhưng cuối cùng vẫn còn tiếp tục thu phí và nhà nước giải thích là cần thu hồi số tiền đã bỏ ra xây bốn cây cầu. Chi phí cho cả bốn cây cầu này vốn đã nằm trong gói 26.000 tỉ lấy từ công quỹ để giải quyết ùn tắc giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh và không dính dáng gì tới BOT… !

Nếu cộng hết các khoản nhà đầu tư tính sai, nhà nước duyệt sai mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã công bố trong bốn năm vừa qua, có lẽ cũng gần… 4.000 tỉ và tất nhiên người dân thuộc đủ mọi giới phải chia nhau đóng số tiền gần… 4000 tỉ đó. Người ta "hận" phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là vì lẽ đó.

Thoái lui đụng… đủ thứ

Không tổ chức đấu thầu, chỉ định nhà đầu tư bất kể năng lực tài chính, tổ chức thi công – điều hành dự án BOT của nhà đầu tư ra sao đã tạo ra hàng loạt nhà đầu tư thi nhau vay ngân hàng để thực hiện các công trình giao thông chất lượng rất tệ nhưng buộc trả phí rất cao. Dựa trên các báo cáo chính thức về phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (các nhà đầu tư vay ngân hàng từ 85% đến 90% tổng mức đầu tư) thì các ngân hàng đã bỏ vào những dự án BOT này khoảng 200.000 tỉ.

Bắt dân trả phí như trước thì dân càng ngày càng giận nhưng làm khác đi thì cả nhà đầu tư, hệ thống ngân hàng lẫn chính phủ và rộng hơn, cả nền kinh tế cùng đối đầu với khủng hoảng. Đó cũng là lý do, tuy nhân tâm như "nước sôi, lửa bỏng" nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn phải đề nghị cho 37 công trình giao thông đầu tư theo phương thức BOT tăng thêm từ 12% đến 18% phí vì doanh thu của 25/37 công trình thấp hơn dự báo, nếu không tăng phí, năm tới sẽ có chín công trình bị "vỡ phương án tài chính" – nói cho dễ hiểu là chủ đầu tư phá sản, ngân hàng mất trắng, nhà nước gánh hết vì đã lỡ cam kết bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư và ngân hàng.

Giải pháp cho các nhà đầu tư tăng phí chắc chắn sẽ được phê duyệt vì trong bối cảnh như hiện nay, tình huống nhà nước phải thực hiện cam kết, bỏ ra 3.000 tỉ để bù lỗ cho các nhà đầu tư !

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đó là hệ quả khi : Việt Nam làm theo kiểu không giống ai. Lạm dụng xã hội hóa. Cải tạo giao thông chỉ để thu tiền nên không có tiêu chuẩn rõ ràng. Thành ra mới xảy ra việc cho đặt trạm thu phí ở những nơi rất kỳ cục như Trạm thu phí Cai Lậy, người ta chỉ dùng đường cũ cũng phải trả phí. Mức phí thì bất cập. Ông Hưng nhấn mạnh : BOT ở VN rất lộn xộn, bất cập do Nhà nước bị mất cân bằng trong việc thu chi ; do thiếu nợ quốc tế rất nhiều không đủ khả năng chi trả nên làm nhiều cách để thu".

bot5

Nhiều tuyến đường cao tốc ở Việt Nam vừa đưa vào hoạt động đã hư hỏng

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, việc các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT sử dụng quá nhiều vốn vay từ ngân hàng sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro. Các gói vay thường có lãi suất thả nổi sau 12 tháng trong khi thời gian khai thác một công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT thường từ 10 năm đến 20 năm. Nhà đầu tư không thể lường hết rủi ro khi lãi suất trồi sụt thất thường. Rủi ro cho các nhà đầu tư cũng là rủi ro cho hệ thống ngân hàng vì sử dụng dòng vốn ngắn hạn (ba tháng, sáu tháng, một năm, hai năm) huy động từ dân để cho vay dài hạn, vì thế dễ gặp rắc rối cả về thanh khoản cả về chênh lệch lãi suất.

"Các ngân hàng tham gia gói BOT gặp rủi ro rất lớn vì gói BOT đòi hỏi dòng vốn dài hạn khi họ xây dựng một hệ thống cầu đường 3 đến 5 năm rồi hoạt động thu hồi vốn nên thời gian dài. Dòng vốn huy động từ người dân sức ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng 1 năm, 2 năm trong khi đó họ cho vay ra 5 năm thậm chí lâu hơn, cho vay dài trong khi nguồn vốn huy động ngắn, nên phải huy động vào và xoay vòng huy động để cho vay dài hạn nên rủi ro về thanh khoản cho các ngân hàng và rủi ro về chênh lệch lãi suất.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Lộ, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc của Vietcombank, bảo rằng : Tỉ lệ vay ngân hàng tùy vào dự án nhưng tự thân chủ dự án cần tỉ lệ vốn tự có khoảng 30% giá trị dự án. Thời gian khai thác một công trình đầu tư theo hình thức BOT và thời gian vay vốn ngân hàng vốn có liên quan chặt chẽ với nhau. Việc thu hồi nợ của ngân hàng và việc thu phí phải khớp nhau. Nhìn chung, thời gian ngân hàng cho vay phải ngắn hơn thời gian khai thác dự án. "Nếu khai thác 15 năm, thời gian hoàn vốn cho ngân hàng dưới 10 năm thì có thể bảo đảm khả năng trả nợ".

Tiến sĩ Hiếu nhận xét : Nhà đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT muốn tăng mức phí, rút ngắn quá trình thu phí để sớm thu hồi vốn hoàn trả cho các ngân hàng, giảm rủi ro là điều có thể hiểu được nhưng không hợp lý. Khi xem xét – phê duyệt dự án, cả nhà đầu tư lẫn chính phủ đã phải tính toán sẽ thu phí trong bao lâu. Vì vậy, không thể lấy lãi suất ngân hàng làm lý để tăng mức phí. Phí vốn đã được tính toán từ trước và thường là cố định, không ai tăng phí để bù lỗ. Tuy nhiên đây lại là chuyện xảy ra rất thường xuyên ở Việt Nam.

Cho đến giờ, chính phủ Việt Nam chỉ đề cập đến việc thúc đẩy tiến trình thu phí tự động tại các trạm thu phí cho những công trình được đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên trong bối cảnh như hiện nay, rõ ràng hệ thống thu phí tự động không phải là chiếc đũa thần có thể giải quyết tất cả những vấn nạn mà BOT phiên bản Việt Nam tạo ra.

Box tham khảo

(Electronic Toll Collection - ETC) xuất hiện giữa thập niên 1990. Na Uy là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng ETC ở lĩnh vực giao thông đường bộ.

Châu Âu là nơi ETC phát triển mạnh mẽ nhất. Theo báo cáo Electronic Toll Collection in Europe được thực hiện bởi Hiệp hội Nhà điều hành cơ sở hạ tầng đường bộ Châu Âu, có 20 quốc gia đang sử dụng hệ thống ETCvới 18.500 làn ETC và 24 triệu người sử dụng.

Tại Châu Á, Nhật áp dụng hệ thống ETC từ năm 2001. Tỉ lệ ứng dụng ETC trong thu phí đường bộ khoảng 90%. Chính phủ Nhật khuyến khích sử dụng ETC bằng cách giảm phí cho người sử dụng và giảm giá lắp đặt cho các nhà đầu tư.

Hàn Quốc cũng áp dụng ETC từ 2001, đến 2007 thì Hi-Pass phổ biến trên toàn quốc và Hàn Quốc đang phát triển hệ thông thu phí thông minh thế hệ mới.

ETC đã tiến đến mức nhận dạng được biển số (LPR), không cần phải lắp đặt thiết bị trên phương tiện. LPR-ETC sẽ rút tiền từ tài khoản của chủ phương tiện hoặc thông báo mức phí, cách trả qua email. Công nghệ này đã được ứng dụng tại một số quốc gia Bắc Mỹ và Châu Âu như Mỹ, Anh, Na Uy, Bồ Đào Nha,…

Nguồn : RFA, 22/07/2019

Published in Diễn đàn

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Võ Văn Thưởng, sang Trung Quốc tham dự hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam.

vvt0

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hoàng Khôn Minh ngày 21/07/2019.

Truyền thông trong nước loan tin vào sáng ngày 21 tháng 7 tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu Trung Quốc, hội thảo vừa nêu được khai mạc và kéo dài hai ngày sang ngày 22 tháng 7.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Võ Văn Thưởng và trưởng đoàn phía Trung Quốc là ông Hoàng Khôn Minh, người tương nhiệm Trung Quốc với ông Thưởng.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Thưởng đọc bài phát biểu tiêu đề ‘Những vấn đề có tính quy luật trong hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa’. Còn phía ông Hoàng Khôn Minh thì đọc bài ‘Một số nhận thức về qui luật xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc’.

Tin cho biết thêm trước khi tham gia hội thảo vừa nêu, ông Võ Văn Thưởng hội kiến ông Triệu Lạc Tế, bí thư Ủy Ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, ông Võ Văn Thưởng lặp lại đề nghị mà các lãnh đạo Việt Nam đưa ra với phía Trung Quộc mỗi khi sang thăm : đó là đề nghị hai bên cần thực hiện tốt những nhận thức chung đã đạt được của lạnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc…

Vào chiều ngày 12 tháng 7, South China Morning Post – SCMP loan tin dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.

Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng cho rằng cơ quan này không được để bị động, bất ngờ trước các tình huống xảy ra trên biển.

Cũng vào chiều ngày 11 tháng 7, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa bà chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân với ông chủ tịch Nhân Đại Trung Quốc Lật Chiến Thư hai phía lặp lại cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của hai lãnh đạo cao cấp hai đảng, hai nước ‘thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc’.

Published in Việt Nam

Bỏ độc quyền lãnh đạo mới có thể chấm dứt nạn đảng viên tha hóa bị kỷ luật

Sau 6 tháng đầu năm 2019, Đảng cộng sản Việt Nam đã kỷ luật hàng chục tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên. Bên cạnh đó, dư luận cũng đặc biệt quan tâm việc kỷ luật đảng đối với nhiều cán bộ lãnh đạo cấp bộ trong thời gian gần đây.

bo1

Ủy ban Kiểm tra trung ương trong kỳ họp gần đây nhất - Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Liệu Đảng cộng sản Việt Nam sẽ trong sạch và vững mạnh khi ngày càng có nhiều đảng viên bị kỷ luật như thế ?

Những số liệu được công bố

Các cơ quan, bộ ngành ở Việt Nam đồng loạt tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảng 6 tháng đầu năm 2019. Và truyền thông quốc nội đăng tải một số thông tin như Ủy ban Kiểm tra các cấp của Hà Nội đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng và gần 450 đảng viên hay ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên có đến 33 tổ chức đảng và hơn 1.150 đảng viên bị kỷ luật trong 6 tháng vừa qua.

Hồi tháng 1 năm 2019, báo giới cũng cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến thời điểm lúc đó đã có hơn 53 ngàn cán bộ, đảng viên bị kỷ luật. Riêng trong năm 2018, hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, một số những cán bộ lãnh đạo cấp cao liên tục bị kỷ luật đảng và được nêu danh trên truyền thông như gần nhất vào ngày 19 tháng 7 Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Trước đó những quan chức cao cấp khác bị kỷ luật có thể kể ra là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Hồng Trường… Hình thức kỷ luật đảng được áp dụng cho các nhân vật vừa nêu hầu hết là "cảnh cáo".

Mặc dù dư luận chú tâm theo dõi những thông tin liên quan Đảng cộng sản Việt Nam quyết tâm làm trong sạch đội ngũ đảng viên, qua chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động nhưng theo ghi nhận của RFA thì giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng không lấy làm lạc quan và có hy vọng tình hình của Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo sẽ tốt hơn. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, tuyên bố ra khỏi Đảng hồi năm 2016, vào tối ngày 19 tháng 7 lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng việc kỷ luật đảng như thế không mang lại hiệu quả gì. Giáo sư Nguyễn Đình Cống giải thích :

"Là tại vì kỷ luật cái quái gì khi cách chức mà người ta không còn giữ nữa, còn phạm những tội tày đình nhưng trong Đảng cũng chỉ đến mức cảnh cáo thôi. Việc kỷ luật như thế thì người ta làm nhiều đấy, nhưng chỉ chứng tỏ hai điều ; một là phẩm chất của các bộ Đảng bị xuống cấp, bị tha hóa nhiều quá rồi và thứ hai là những kiểu thi hành kỷ luật như thế chỉ để vuốt ve dư luận chứ không có tác dụng. Không thể nói vì như thế rồi để có thể làm trong sạch và làm vững mạng Đảng được đâu. Tôi không tin".

Không chỉ Giáo sư Nguyễn Đình Cống không có niềm tin mà không ít người còn cho rằng tình trạng đảng viên bị tha hóa, bị suy đồi đạo đức ngày càng nghiêm trọng hơn, mặc cho công cuộc "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng được nói là đang bùng cháy qua việc các cán bộ, đảng viên bị "đưa vào lò" trong những vụ đại án tham nhũng chức quyền như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…

Nhà báo Võ Văn Tạo từng đưa ra nhận định của ông với RFA trong vấn đề này :

"Tỷ lệ phát hiện xử lý rất là ít, không đáng kể so với những cán bộ hư hỏng, chất lượng kém về tư cách đạo đức và nhiều chục năm qua việc cán bộ gọi là tha hóa rất phổ biến, nhiều nhà báo đưa ra và nhiều tranh luận tại nghị trường".

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc với cử tri thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5 năm 2011, cũng đã nói rằng ông thấy xấu hổ khi nghe những lời ta thán có quá nhiều những "con sâu" ở trong Đảng. Báo chí còn dẫn lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ khi đó rằng "Mai kia người ta nói một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này".

bo2

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đang chờ phía Chính phủ kỷ luật sau khi đã bị kỷ luật đảng vào ngày 21/06/19.Courtesy : Ảnh chụp màn hình vnexpress.net

Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thế nào ?

Nhà văn Thùy Linh cho biết theo quan điểm của bà thì tình trạng cán bộ, đảng viên trong mắt của người dân Việt Nam thường là những người lạm quyền, tham nhũng, xa rời dân chúng, tha hóa đạo đức…là do hệ quả của sự độc quyền chính trị. Nhà văn Thùy Linh phân tích :

"Có lẽ là trong Hiến pháp đã thể hiện mầm mống và sự bắt đầu của sự suy thoái, đó là Điều 4 khi cho phép đảng lãnh đạo độc quyền và tuyệt đối. Và bản thân bất kể những cái gì độc quyền sẽ trở nên lạm quyền và lạm quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến sự suy thoái. Con người cũng vậy thôi, chứ đừng nói một đảng phái. Nhưng sự độc quyền, độc quyền quá lâu và thiếu sự minh bạch trong một thời gian dài nên đã dẫn tới tình trạng như hiện nay. Đó là tình trạng tha hóa đạo đức của cán bộ lãnh đạo, là khá nhiều".

Đồng quan điểm với Nhà văn Thùy Linh, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một cựu tù nhân chính trị từng là Biên tập viên Tạp chí Cộng sản lý giải thêm :

"Đó là vấn đề mang tính bản chất. Vì chúng ta cần hiểu rằng nếu không có đối trọng quyền lực, không có giám sát, kiểm soát một cách độc lập, khách quan thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự lạm quyền và tha hóa. Đó là nguyên lý. Trên thực tế ở Việt Nam nó đang diễn ra như vậy và đó là điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy".

Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà RFA tiếp xúc đều khẳng định rằng bởi do bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam là như vậy thì biện pháp kỷ luật cho dù mạnh tay đến đâu cũng không thay đổi được hiện tượng. Hầu hết giới chuyên gia quan tâm tình hình chính trị tại Việt Nam cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam cần phải thay đổi cho đa nguyên chính trị. Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo Việt Nam tỏ rõ quan điểm qua hai lần từ chối khuyến nghị của Cộng hoà Czech về tạo điều kiện cho đa nguyên chính trị và dân chủ ở Việt Nam. Lần từ chối mới nhất của Nhà nước Việt Nam được Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Hoạt động Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát công bố trong báo cáo vào hạ tuần tháng 6 vừa qua.

Chúng tôi nêu câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Đình Cống rằng Đảng cộng sản Việt Nam cần thiết phải làm gì để dân chúng Việt Nam có thêm niềm tin cũng như nâng cao uy tín lãnh đạo quốc gia trên trường quốc tế khi vẫn duy trì sự độc tôn và được ông trả lời :

"Nếu như họ không có những thay đổi thật là quan trọng, đặc biệt trong Đại hội Đảng XIII sắp tới, nếu như họ tỉnh ngộ ra và có những thay đổi quan trọng về đường lối, về tổ chức của Đảng thì có thể vớt vát về uy tín. Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng. Và đến như thế thì người dân phải chịu".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống còn khẳng định trong trường hợp Đảng cộng sản Việt Nam không muốn thay đổi thì họ sẽ sử dụng hai biện pháp gia tăng tuyên truyền và tăng cường đàn áp người dân để tiếp tục thống trị đất nước Việt Nam.

Nguồn : RFA, 19/07/2019

Published in Diễn đàn

Đêm ngày 9/6, những ngư dân Philippines neo tàu của mình ở gần Bãi Cỏ Rong, thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, để nghỉ ngơi sau nhiều ngày đánh bắt vất vả. Khi những ngư dân đang yên giấc, họ bất ngờ bị đánh thức bởi những tiếng quát tháo và đèn chiếu từ một tàu cá khác. Trước khi những ngư dân Philippines ngơ ngác kịp có bất cứ phản ứng nào thì chiếc tàu của họ đã bị tàu cá kia đâm chìm, hất cả 22 ngư dân trên tàu xuống biển.

dam1

Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm hôm 9/6/2019 ở Bãi Cỏ Rong - AP

Đó là câu chuyện mà những ngư dân Philippines kể lại với hãng tin ABS-CBN về cái đêm kinh hoàng khi họ bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi giữa biển cho đến khi được một tàu cá của Việt Nam đến cứu nhiều giờ sau đó.

Sự việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá nước khác ở khu vực Biển Đông không phải là mới. Ngay trước vụ tàu cá Philippines, vào ngày 2/6, một tàu Trung Quốc khác đã cướp một tàu cá Việt Nam ở vùng ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào tháng 3 năm nay, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cũng bị một tàu của Trung Quốc đâm chìm trong khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.

dam2

Một ngư dân Philippines tại một buổi họp báo hôm 17/6/2019 sau vụ tàu cá đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6/2019 AP

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều các trường hợp đâm, cướp tàu cá do tàu chấp pháp và tàu cá Trung Quốc thực hiện trong các năm qua với tàu cá của những quốc gia láng giềng ở khu vực Biển Đông. Nhận xét về hiện tượng này, giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc trường Đại học De la Salle, Philippines, nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Họ đang chuyển dịch hoạt động của họ từ Hoàng Sa ra toàn Biển Đông. Đây là một chiến tranh về tâm lý, gây sức ép lên các nước, cho các nước thấy rằng họ đang áp dụng chính sách đó, nó không phải là một tai nạn".

Sau sự việc đâm tàu, phía Trung Quốc nói rằng đây là một vụ tai nạn trên biển và thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã tìm cách cứu các ngư dân Philippines nhưng phải bỏ cuộc vì bị nhiều tàu cá Philippines khác bao vây. Tuyên bố này đã bị phía Philippines bác bỏ.

Chiến lược lâu dài

Sự việc tàu cá Philippines xảy ra vào khi quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã có những cải thiện đáng kể dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte, người muốn theo đuổi chính sách thời bình với Trung Quốc. Ông Duterte cũng đã từng tuyên bố sẵn sàng gạt sang bên phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông hồi năm 2016.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng Trung Quốc luôn mạnh tay với các nước khi có liên quan đến những vấn đề mà nước này coi là lợi ích cốt lõi, bất chấp quan hệ hai bên nồng ấm ra sao.

"Trung Quốc có tình cảm với bất cứ ai đi chăng nữa nhưng lợi ích của họ không thay đổi. Việt Nam cũng phải hiểu điều đó. Hồi năm 2011 khi ông Nguyễn Phú Trọng mới đắc cử chức Tổng bí thư thì ông sang Trung Quốc ký thỏa thuận chung về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Năm 2011 xảy ra vụ (Trung Quốc) cắt cáp, năm 2012 cũng cắt cáp, rồi đến năm 2014 Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam chẳng hạn thì đường dây nóng giải quyết tranh chấp giữa hai bên theo nguyên tắc coi như là số 0".

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của mình, cũng tương tự như với Tây Tạng và Tân Cương.

dam3

Hình chụp hôm 2/6/2014 : tàu Hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực giàn khoan HD 981 AFP

Ngay đối với Philippines, vào tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng đã điều 93 tàu, gồm tàu chức năng và tàu cá đến khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines, xua đuổi các tàu cá của Philippines, trong khi các tàu cá của Trung Quốc ra sức thu hoạch nhiều loài thủy sản, san hô, theo báo cáo của Cục Cảnh sát biển Philippines.

Trong vụ giàn khoan HD 981 hồi năm 2014 mà Trung Quốc điều ra Hoàng Sa, Trung Quốc cũng sử dụng các tàu cá phối hợp với tàu chấp pháp, tàu quân sự, để ngăn chặn các tàu chấp pháp của Việt Nam hoạt động trong khu vực.

Đây là một phần trong chiến lược sử dụng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc trong các năm qua tại các vùng nước tranh chấp.

Theo Hồ sơ Dân quân trên biển của Trung Quốc do các chuyên gia của Việt Nam thuộc Dự án Đại sự ký Biển Đông thực hiện, công bố hồi tháng 4 năm nay : "Trung Quốc sở hữu một lực lượng tàu đánh cá được cho là lớn nhất thế giới. Hàng ngàn ngư dân làm việc trên các tàu đánh cá đó, và trong các ngành nghề có liên quan, đều được đăng ký là một phần của lực lượng dân quân biển".

Theo hồ sơ này, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc được huấn luyện và được điều động để phòng thủ hoặc nâng cao khả năng bảo vệ "quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc", hỗ trợ cho hải quân trong thời gian có chiến tranh.

dam4

Hình minh họa. Hình chụp hôm 17/7/2012 do quân đội Philippines cung cấp : các tàu Trung Quốc neo ở Bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa - AFP

Các tàu cá của ngư dân Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ tiền của để đóng tàu vỏ sắt thay vì tàu vỏ gỗ yếu ớt như kiểu cũ. Các tàu được đóng lớn và có thể đi biển hàng tháng trời.

Với đội tàu đánh cá lớn như vậy, những năm qua, Trung Quốc liên tục điều các đội tàu hàng chục cái đi đến những vùng biển xa đang tranh chấp với các nước. Điển hình như hồi năm 2012, Trung Quốc điều đội tàu 29 chiếc tàu cá với hơn 300 ngư dân trong một chuyến đánh bắt dài 18 ngày tới khu vực đá Chữ Thập, đá Su Bi và tránh bão tại đá Vành Khăn ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Với những đội tàu hùng hậu, những vụ đâm tàu của tàu cá Trung Quốc, theo nhận định của giáo sư Renato Cruz de Castro, trong tương lai sẽ nhiều hơn và cuối cùng sẽ tạo kết quả như ý của Trung Quốc. Ông nói :

"Nó sẽ làm giảm hoạt động đánh bắt cá trong khu vực. Dần dần các ngư dân sẽ bỏ cuộc. Nó giống như một cuộc chiến tâm lý trên vùng khai thác cá. Nó giống như khủng bố trên biển".

Phản ứng yếu ớt

Tiếp theo sau những vụ đâm, cướp tàu cá do tàu Trung Quốc thực hiện, chính phủ Việt Nam, Philippines, những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đều lên tiếng phản đối chính thức. Tuy nhiên, những phản ứng này theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế là khá yếu ớt.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 17/6 tuyên bố rằng vụ đâm tàu cá chỉ là một tai nạn bình thường trên biển mà một số người đã làm cho to lên. Đây cũng là lời giải thích giống với những phát biểu từ phía chính phủ Trung Quốc về vụ việc. Trong khi đó một số quan chức trong chính phủ Philippines cũng đã có những lời phát biểu tương tự. Giáo sư Renato Cruz de Castro cho biết :

"Họ không muốn thay đổi chính sách thời bình hướng tới Trung Quốc. Đã có những nỗ lực từ phía chính phủ Philippines tìm cách nói theo lập trường của Trung Quốc rằng đây là một tai nạn bình thường".

Tại Việt Nam, những vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá, cướp tàu cá của Việt Nam được công khai trên mặt báo thường cũng nhận được những phải đối chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hội nghề cá. Tuy nhiên, những cuộc xuống đường của người dân để phản đối Trung Quốc thường bị đàn áp. Truyền thông trong nước và lãnh đạo Việt Nam thường kêu gọi người dân bình tĩnh, không bị kích động và không để tình hình làm xấu đi quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước.

Tại diễn đàn ASEAN, các nước trong khối thường không dám lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc trong vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Những tuyên bố chung của khối thường chỉ nói chung chung. Malaysia và Brunei, hai nước thuộc ASEAN, đồng thời cũng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông thường tránh lên án Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định : "Việt Nam và các ASEAN biết, nhưng thực lực không mạnh, vị trí trên trường quốc tế không lớn và quá sợ cái oai của Trung Quốc nên không đặt vấn đề này nhiều. Có lẽ giờ là giai đoạn cảnh báo và tìm giải pháp cho vấn đề này…".

Hoa Kỳ mới đây đã điều tàu tuần duyên đến đóng tại Nhật Bản. Bà Linda Fagan, Phó đô đốc, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Hoa Kỳ cho biết tuần duyên Mỹ đang theo dõi các hoạt động của dân quân biển Trung Quốc.

Trước đó, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ John Richardson nói với The Financial Times rằng Mỹ sẽ đối phó với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc giống như đối với lực lượng quân sự chính quy.

Tuy nhiên những hành động của Mỹ gần đây tại Biển Đông để đối phó với chiến lược sử dụng dân quân biển của Trung Quốc, theo nhận xét của các chuyên gia, mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, và còn cần thời gian để đánh giá.

Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động của lực lượng dân quân biển, trong khi những nước trong khu vực không có phản ứng mạnh. Giáo sư Castro cho rằng, nếu mọi việc vẫn diễn ra theo cách của Trung Quốc thì tình hình chỉ có hướng xấu đi cho các nước nhỏ và có lợi cho Trung Quốc.

"Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động, đe dọa các ngư dân từ Việt Nam, Philippines, Malaysia hoạt động ở Biển Đông. Các chính phủ không làm gì được và khi ngư dân thấy rằng chính phủ không thể làm gì cho họ thì họ cũng sẽ không ra khơi ở những vùng nước đó nữa".

Nguồn : RFA tiếng Việt, 19/06/2019

Published in Diễn đàn

Trang mạng của Bộ Công Thương hôm 10/5 cho biết Việt Nam và EU sẽ ký hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) vào tuần tới.

ecfta1

Hình minh họa. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (phải) bắt tay với ông Frank Jessen, trưởng đoàn EU tại Việt Nam hôm 4/8/2015 - AFP

Thông tin này được Bộ Ngoại giao đưa ra trong Phiên họp lần thứ Nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Liên minh Châu Âu về triển khai hiệp định khung Đối tác và Hợp tác doàn diện Việt Nam – EU (PCA) diễn ra tại Hà Nội hôm 10/5.

Bộ Công thương cho biết, tại phiên họp, hai bên khẳng định phối hợp thúc đẩy EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), sẽ được ký kết vào tuần tới.

Hai bên cũng trao đổi việc tiến hành các bước cần thiết hướng tới việc phê chuẩn và thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về người lao động.

Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán EVFTA từ năm 2015 với mong muốn sớm ký kết hiệp định này nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Một trong những nguyên nhân được nói đến nhiều là vấn đề nhân quyền trong đó có quyền của người của người lao động được đưa ra trong Hiệp định.

Hồi đầu năm nay, hai dân biểu Nghị viện Liên minh Châu Âu là bà Jude Kirton-Darling và ông Ramon Tremosa cho biết trên một video được đăng trên twitter rằng việc phê chuẩn EVFTA tại Châu Âu đã bị hoãn lại vì lý do kỹ thuật. Hai dân biểu cũng nói đến những quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam.

Theo Hiệp định, Việt Nam cũng phải phê chuẩn ba công ước khác về quyền của người lao động của ILO là công ước 87, 98 và 105. Theo dự kiến, Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp tới vào cuối tháng này sẽ phê chuẩn công ước 98.

Theo Bộ Công thương, EU hiện là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Việt Nam, đồng thời là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA, là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Published in Việt Nam

Dư luận trong nước đặc biệt chú ý thông tin về quy định "cấm công chức nịnh sếp" sẽ được luật hóa với với nhiều ý kiến trái chiều. Liệu rằng thói xu nịnh của cán bộ, công chức và viên chức sẽ được cải thiện do luật pháp chế tài ?

ninh1

Xu nịnh – một trong những thói xấu của một bộ phận cán bộ, công chức

Đề án Văn hóa công vụ

Đề án số 1847/QĐTTg về Văn hóa công vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt vào ngày 27/12/18, trong đó có nội dung liên quan loại trừ thói xu nịnh của cán bộ và công viên chức nhà nước.

Truyền thông trong nước, vào ngày 08/05/19 dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án vừa nêu. Ông Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết thêm Bộ Nội Vụ đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có việc cấm công chức nịnh bợ cấp trên vào Luật Cán bộ, công chức ; Luật Viên chức sửa đổi và dự kiến hoàn thành trong tháng 12 năm 2019.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, thuộc Bộ Nội vụ được báo giới quốc nội dẫn lời rằng đây là một đề án khó đối với quy định "không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng" vì còn gặp nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Còn Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, thuộc Bộ Nội Vụ, ông Nguyễn Tư Long, là người trực tiếp soạn thảo Dự thảo luật Cán bộ, công chức và luật viên chức sửa đổi nhấn mạnh rằng kế hoạch của Bộ Nội Vụ chỉ nói "nghiên cứu" đưa các quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức chứ không phải là bắt buộc "phải sửa đổi, bổ sung" vào trong luật.

Đài RFA ghi nhận có rất nhiều ý kiến trong dư luận xoay quanh đề xuất này của Bộ Nội Vụ. Không ít người lên tiếng rằng thói xu nịnh là một tập tính xấu luôn tồn tại trong đời sống xã hội của người Việt xuyên suốt chiều dài lịch sử bao đời nay, và từ sau ngày 30/04/1975, thói xu nịnh trong bộ máy nhà nước còn được đánh giá ngày càng tồi tệ hơn, thể hiện qua câu nói cửa miệng là "bằng lòng hơn bằng cấp".

Ông Hà Quang Vinh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA về những gì ông nhìn thấy khi còn tại chức :

"Trong ngành công chức, tôi cũng ở trong ngành này một thời gian lâu thì vấn đề nịnh bợ là thường xuyên xảy ra. Người ta gọi là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ đó mà. Người ta nịnh bợ cấp trên vì chức, quyền và tiền. Nịnh bợ cấp trên để họ được vững vàng trong ‘cái ghế’ của họ và họ kiếm được nhiều tiền nhờ ‘cái ghế’ của họ thôi. Nói chung, nịnh bợ là một dây chuyền trong hệ thống hành chánh ở Việt Nam".

Trước khi Đề án về Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, Báo Quân Đội Nhân Dân và Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam đăng tải nhiều bài viết cổ xúy cho đề án này, với khẩu hiệu "Loại trừ thói xu nịnh là góp phần làm lành mạnh văn hóa công quyền". Và ngay sau khi đề án này được thông qua, báo giới cũng đưa nhiều ý kiến tranh luận đến với cộng đồng. Một trong những ý kiến được dư luận chú ý là nhận định của Tiến sĩ Phan Quang Anh, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, qua cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên, đăng tải vào ngày 07/01/19. Chúng tôi xin được trích nguyên văn :

"Một hệ thống chưa đủ chuyên nghiệp trong công tác lãnh đạo, yếu năng lực lãnh đạo, tự ti hoặc tự tôn trong thái độ lãnh đạo, hoặc không đảm bảo được các ranh giới quan hệ đều dễ sử dụng hoặc ưa sử dụng những người có hành vi nịnh bợ".

ninh2

Ảnh minh họa : Các cán bộ quản lý Nhà Nước Việt Nam. AFP

Luật khả thi ?

Vào tối ngày 8 tháng 5, trả lời câu hỏi của RFA liên quan đề xuất luật hóa quy định "cấm nịnh bợ sếp" của Bộ Nội Vụ, một nhân viên là đảng viên làm việc trong ngành cấp thoát nước ở đồng bằng Sông Cửu Long, không muốn nêu tên cho biết quan điểm cá nhân :

"Nói chung thói quen đó là một thói quen xấu. Nếu có luật cho việc đó thì tốt thôi. Nhưng còn hạn chế được hay không là còn chuyện dài phía sau nữa. Tập tính của người Việt mình đã vậy rồi, không dễ thay đổi đâu".

Trong khi đó, trên mạng xã hội lẫn trên trang fanpage của báo chính thống có nhiều ý kiến thắc mắc thế nào là "nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng" và làm sao phát hiện người nịnh bợ để xử phạt…Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng phải đưa cả vào luật để chế tài đối với lãnh đạo là những người "nâng đỡ" nhân viên nịnh bợ vì động cơ không trong sáng, với lập luận nếu cấp trên không ưa thích xu nịnh thì cấp dưới dù có động cơ "trong sáng" hay "không trong sáng" cũng đều vô hiệu hóa.

Một số người mà Đài RFA tiếp xúc bày tỏ rằng nếu đưa các quy định này vào luật thì rất khó thực thi vì nó thuộc về phạm trù đạo đức, không phải phạm trù pháp luật. Ông Hà Quang Vinh lý giải :

"Theo tôi thì họ không bao giờ làm được luật này đâu. Bởi vì đây là vấn đề liên quan lương tri của con người trong xử lý công việc là không được nịnh bợ, vì như vậy là đánh mất bản thân của mình. Thế thì làm sao mà dùng luật lệ để bắt người ta phải không nịnh bợ được ?"

Trong những năm gần đây, các cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng thừa nhận nhiều vụ việc tham nhũng, chạy chức, chạy quyền xuất phát từ thói xu nịnh. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại buổi gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hồi ngày 10 tháng 4 vừa qua, đã nói rằng ông "xót ruột khi đạo đức xuống cấp" và hàng loạt quy định được ban hành như Quy định nêu gương, chống chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp…để kỷ kỷ luật, răn đe các cán bộ sai phạm.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước luôn khẳng định vì cơ chế và hệ thống tham nhũng nên sản sinh ra những khái niệm rất "phản văn hóa" trong bộ máy công quyền như "văn hóa" phong bì, "văn hóa" chạy chức chạy quyền, "văn hóa" chửi đổng, "văn hóa" làm nhục, "văn hóa" nịnh bợ… ; do đó không có quy định nào hay luật nào có thể chế tài hoặc thực thi có hiệu quả nếu như không có giám sát độc lập.

Riêng đề xuất mới nhất của Bộ Nội Vụ về bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có việc cấm công chức nịnh bợ cấp trên vào Luật Cán bộ, công chức ; Luật Viên chức sửa đổi, thì một số người lên tiếng phản đối vì cho là tiền thuế của dân được chi vào những việc vô bổ để cán bộ cấp bộ "thừa giấy vẽ voi".

Nguồn : RFA, 08/05/2019

Published in Diễn đàn

Kêu gọi Facebook không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam (RFA, 03/05/2019)

Vào ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, 10 tổ chức đồng ký tên vào thư ngỏ gửi cho Facebook kêu gọi không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam.

baochi1

Thư ngỏ của 10 tổ chức gửi Facebook nhân ngày 3/5. Trang chủ Việt Tân

Theo thông cáo báo chí được công bố thì tại Việt Nam hiện không có một đơn vị báo chí độc lập nào ; trong khi đó có đến hơn 64 triệu người dùng Facebook tại quốc gia này. Facebook là nguồn tìm kiếm thông tin trên thế giới cho những người sử dụng và qua Facebook những người này chia sẽ cũng như bày tỏ quan điểm về những vấn đề mà họ quan tâm.

Do vậy nhân ngày Tự do Báo Chí Thế giới, 10 tổ chức ký tên kêu gọi Facebook hãy tuân thủ tuyên bố về sứ mạng của tập đoàn này.

Kể từ đầu năm 2019, Luật An Ninh Mạng tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Chính phủ Hà Nội có thể muốn các công ty nước ngoài phải lập máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu tại địa phương, kiểm duyệt nội dung và cung cấp dữ liệu cá nhân người sử dụng ; tuy vậy quyền quyết định cuối cùng là hoàn toàn tùy thuộc vào Facebook. Tập đoàn này có tôn trọng nhân quyền hay không là do họ tự quyết lấy.

Facebook là một thành viên của Nhóm Sáng kiến Mạng lưới Toàn Cầu và có cam kết thực thi các nguyên tắc về quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư ; do vậy những tổ chức ký tên quan ngại sâu sắc về việc Facebook kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

Kể từ ngày 14 tháng tư, Facebook đã chặn không cho người sử dụng mạng xã hội này tại Việt Nam truy cập vào trang Facebook của tổ chức Việt Tân liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước.

Trang Facebook của Việt Tân có 1 triệu 300 ngàn người theo dõi ở Việt Nam.

10 tổ chức ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Facebook không được khuất phục biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Hà Nội gồm Access Now, Article 19, Destination Justice, Electronic Frontier Foundation, Equality Labs, Horizontal, Phóng viên Không Biên giới, SEAPA, Việt Tân, Witness.

********************

9% dân số thế giới được thụ hưởng tự do báo chí (RFA, 03/05/2019)

Chỉ có 9% nhân loại trên thế giới được sống tại một đất nước mà tự do báo chí được nhận định là tốt. Đó là nơi mà các nhà báo có được môi trường làm việc thuận lợi và có thể tác nghiệp một cách tự do và độc lập.

baochi2

RSF xếp hạng Việt Nam thứ 176/180, thuộc những nước không có tự do báo chí trong năm 2019. Courtesy : Ảnh chụp màn hình rsf.org

Thống kê này được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đưa ra trong thông cáo báo chí nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới hằng năm, 3/5.

Theo Bản đồ Tự do Báo chí Thế giới dựa theo Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 được phổ biến vào ngày 18 tháng 4, RSF cho biết có 9% nhân loại được thụ hưởng tự do báo chí ở mức độ hài lòng hoặc tốt, là những nước có màu trắng hoặc vàng trên bản đồ.

Trong khi đó có đến 74% dân số thế giới sống ở những quốc gia mà tự do báo chí được xem như khó khăn hoặc rất nghiêm trọng do thông tin bị kiểm duyệt gắt gao, là những nước có màu đen hoặc đỏ trên bản đồ. Nếu tính luôn các quốc gia mà tự do báo chí được cho là có vấn đề, là những nước màu cam trên bản đồ thì đồng nghĩa với 91% dân số trên toàn cầu không được tiếp cận với tự do báo chí.

Số liệu vừa nêu còn dựa theo thống kê dân số của Ngân hàng Thế giới-World Bank, cho thấy hàng năm tình hình tự do báo chí toàn cầu ngày càng tồi tệ hơn, giảm xuống 11% so với 5 năm trước đây.

Tổng thư ký của RSF, ông Christophe Deloire nhấn mạnh rằng tất cả những vấn đề lớn của nhân loại như tình trạng ấm lên toàn cầu, tham nhũng, bình đẳng giới không thể giải quyết được mà không có thông tin trung thực và độc lập bởi báo chí chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Ông Christophe Deloire nói thêm rằng điều này rất đáng lo ngại cho giới báo chí và hơn hết là nhân loại bị tước đi quyền về thông tin của họ.

Trong Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 của RSF, Việt Nam bị xếp hạng thứ 176/180 quốc gia, thuộc những nước không có tự do báo chí và bị tụt một bậc so với 4 năm liền ở mức 175/180.

********************

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về số lượng tấn công DDoS (RFA, 03/05/2019)

Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 thế giới và thứ 1 Đông Nam Á về số lượng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) trong Quý I năm 2019, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, và Pháp.

baochi3

Ông Nguyễn Huy Dũng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin. Courtesy of cand.com.vn

Truyền thông trong nước loan tin ngày 3/5, trích số liệu từ hội thảo ‘Bảo vệ mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công DDoS nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp’ diễn ra vào sáng cùng ngày.

Trước đó, theo báo cáo của Nexusguard, trong Quý IV năm 2018, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu về nguồn tấn công DDoS, sau Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Brazil. Đồng thời đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc.

Theo phát biểu của ông Nguyễn Huy Dũng – Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin trong buổi hội thảo, việc phòng thủ DDoS hiện gặp nhiều khó khăn do các cuộc tấn công DDoS ngày càng dễ thực hiện.

Hiện Việt Nam đã xây dựng hệ thống chống tấn công mạng Internet trong nước. Trong đó, có liên kết với các doanh nghiệp và nhà mạng để điều phối và xử lý các cuộc tấn công từ chối dịch vụ vào hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hình thức tấn công từ chối dịch vụ phân tán nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông không chỉ tác động đến các nhà mạng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trên mạng lưới.

Tuy nhiên, trong số liệu thống kê của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, kể từ giữa năm 2018 đến hết quý I năm 2019 thì số lượng các cuộc tấn công mạng đã giảm so với giai đoạn trước.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Bộ Truyền thông – Thông tin Việt Nam đề ra mục tiêu tạo ra thị tường an toàn, an ninh mạng ; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin các cơ quan Đảng, Nhà nước ; và đưa Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng ASEAN.

Published in Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo, xử lý vụ gian lận điểm thi (RFA, 24/04/2019)

Trong ngày 24/4, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vừa có công văn yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo báo cáo, xử lý thông tin báo chí nêu liên quan vụ gian lận điểm thi tại các tỉnh.

xu1

Trong ngày 24/4, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vừa có công văn yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo báo cáo, xử lý thông tin báo chí nêu liên quan vụ gian lận điểm thi tại các tỉnh. Courtesy chinhphu.vn / RFA Edited

Cụ thể theo báo chí trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo xử lý nội dung báo Lao động điện tử ngày 11/4/2019 nêu : "28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi bị trả về : Thí sinh Hà Giang xử lý sao ?".

Tin cũng cho biết, trong số 108 thí sinh được nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018, đã có 53 thí sinh đang theo học tại các trường công an bị buộc thôi học.

Tuy nhiên, các trường khối quân đội vẫn chưa công bố việc xử lý thí sinh liên quan đến gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La.

Được biết, trong số các thí sinh được "nâng điểm" trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018, không phải thí sinh nào cũng bị buộc thôi học.

Trước đó, vào ngày 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đến vụ sai phạm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018.

Cổng thông tin Quốc hội loan tin vừa nói cùng ngày.

Cụ thể Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết : Thường trực Ủy ban thống nhất một quan điểm chung là việc xử lý gian lận điểm thi phải đảm bảo nguyên tắc nghiêm minh, đúng pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó, phải công khai, minh bạch và không có vùng cấm.

****************

Thêm 3 nữ giáo viên bị khởi tố trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình (RFA, 24/04/2019)

Thêm 3 giáo viên bị Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công An khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại Hòa Bình.

xu2

Thêm 3 giáo viên bị Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công An khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 tại Hòa Bình. Courtesy bocongan.gov.vn

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 24/4.

Cụ thể Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, khi mở rộng điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, đã ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nhà 3 trong tổ chấm thi môn tự luận gồm : Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân, Nguyễn Thị Hồng Chung, giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền và Bùi Thanh Trà, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Sơn.

3 giáo viên này bị khởi tố với cùng tội danh ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, theo quy định tại điều 356 bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra cơ quan chức năng cũng đã xác định có 22 thí sinh Hòa Bình được nâng từ 1,25 đến 4,75 điểm môn ngữ văn. Việc nâng điểm này có liên quan đến hàng loạt giáo viên chấm thi.

Gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học Phổ thông 2018 bị phanh phui được cho là rất nghiêm trọng và phức tạp. Kết luận điều tra xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh tại Sơn La có gian lận điểm thi. Ngoài ra, rất nhiều thí sinh trong số này đã bắt đầu nhập học tại các trường công an, quân đội và y khoa.

Bộ Công an Việt Nam cho biết, gần 20 cán bộ liên quan đến vịệc nâng điểm tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã bị khởi tố và bắt tạm giam.

Published in Việt Nam

Gần 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 (RFA, 29/03/2019)

Gần 5 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019.

vn1

Du khách tới Hà Nội trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019. AP

Truyền thông trong nước loan tin ngày 29/3, trích dẫn phát biểu ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Tin cho biết, chỉ trong tháng 3 đã có hơn 1.4 triệu khách, tuy giảm đi 11% so với tháng 2, nhưng lại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân được cho rằng nhờ Hội nghi Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua đã giúp cho lượng khách đến Việt Nam tăng đáng kể.

Theo báo mạng Zing, nhờ Thượng đỉnh này, gần đây Hà Nội đã vượt các thành phố Tokyo, Hong Kong, Sydney và nằm trong top 15 của danh sách 25 Điểm đến ưa thích nhất năm 2019 do TripAdvisor, một chuyên trang về du lịch bình chọn.

Do đó, theo ông Hà Văn Siêu, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 có thể đạt được nếu cứ phát triển theo đà tăng trưởng này.

Tuy nhiên, số liệu cũng chỉ ra rằng, đa số các thị trường khách du lịch trong 3 tháng đầu năm tại các nước đều tăng chứ không riêng Việt Nam. Điển hình như Thái Lan tăng 49,3%, Đài Loan tăng 26%, Hong Kong tăng 16,1%...

Nhiều ý kiến cho rằng tuy Việt Nam có thành công về lượng khách đến, nhưng sản phẩm du lịch và chất lượng du lịch nước ta vẫn chưa đủ thu hút để du khách chi trả nhiều hơn hoặc khiến du khách trở lại.

Trong năm 2018, Việt Nam đón 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

****************

Tai nạn giao thông khiến 1.900 người chết trong quý đầu năm 2019 (RFA, 29/03/2019)

Truyền thông trong nước đưa tin hôm 28/3/2019 trích số liệu từ Bộ Giao thông và vận tải cho biết từ ngày 16/12/2018 đến 15/3/2019, tức trong ba tháng, cả nước có hơn 4.030 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.905 người và 3.141 người bị thương.

vn2

Một vụ tai nạn giao thông tại Hà Nội. AFP

Dịp đầu năm cũng là dịp có những ngày Tết Nguyên đán. Chỉ trong bốn ngày nghỉ đầu tiên của dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trên cả nước Việt Nam đã xảy ra 117 vụ tai nạn giao thông, khiến 77 người thiệt mạng và 87 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ tai nạn được cơ quan chức năng đánh giá là vì ý thức chấp hành pháp luật của một số người điều khiển giao thông chưa cao trong khi mật độ phương tiện trong những ngày Tết tăng rất cao.

Thời gian qua Bộ Giao thông và vận tải đã cho triển khai nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn giao thông. Bộ đã phối hợp tổ chức Hội nghị do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì để triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Published in Việt Nam