Tháng 1 : Phiên tòa xét xử cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh.
Tháng 2 : Xét xử các nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình và 6 tín đồ Phật giáo Hòa hảo không theo phái Nhà nước.
Tháng 3 : Tàu USS Carl Vinson của Mỹ thăm Việt Nam.
Tháng 4 : Phiên tòa xử thành viên Hội Anh Em Dân Chủ.
Tháng 5 : Thủ Thiêm nóng trở lại, Thành phố Hồ Chí Minh nói bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc.
Tháng 6 : Biểu tình toàn quốc phản đối Dự Luật đặc khu và An ninh mạng quốc hội thông qua luật an ninh mạng.
Tháng 7 : Tòa án Đức kết tội Nguyễn Hải Long đã trợ giúp mật vụ VN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh/ Phiên tòa xử Will Nguyễn và những người tham gia biểu tình hồi tháng 6.
Tháng 8 : Lũ lụt tại nhiều địa phương, Hà Nội chịu cảnh lụt lịch sử.
Tháng 9 : Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Tháng 10 : Kỷ luật đảng giáo sư Chu Hảo và phong trào bỏ đảng / Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đi Mỹ.
Tháng 11 : Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt.
Tháng 12 : Anh Hoàng Đức Bình, bà Trần Thị Nga và nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
RFA tiếng Việt
Chính phủ Hà Nội tuyên bố với thế giới rằng quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo của người dân luôn được tôn trọng. Minh chứng được đưa ra là tại những thành phố lớn số chùa chiền, nhà thờ được tu sửa, xây dựng mới khá nhiều và mỗi dịp lễ tôn giáo đông đảo tín đồ tham dự…
Ông Bùi Văn Trung trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/2/2018. Courtesy of baoangiang.com.vn
Tuy nhiên ngoài bề nổi của những giáo hội phải nương theo Nhà nước để tồn tại thì những hội thánh không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động tộn giáo của họ tiếp tục gặp muôn vàn khó khăn ; đặc biệt do chính quyền địa phương gây nên.
Năm qua, thành viên và tín đồ thuộc các tổ chức tôn giáo không được Hà Nội thừa nhận như Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Khối Nhơn sanh Cao đài Chơn truyền, Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, Cộng đồng Thiên Chúa giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên – Montagnards, Hội thánh tin lành Đấng Christ, Hội thánh Lutheran… thường xuyên bị chính quyền đe dọa, cản trở việc hành đạo.
Một vị mục sư dấu tên chia sẻ với RFA nhận định của ông như sau :
Trong năm vừa qua, tình hình tự do tôn giáo Việt Nam rất tồi tệ. Không có quyền tự do cho anh em ở trong nước, đặc biệt là ở Tây Nguyên. Tất cả những anh em cộng đồng sắc tộc của chúng tôi tại Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn, bắt bớ vì hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Tôn giáo nào (chính quyền) có thể giám sát được thì tôn giáo đó được tự do một chút. Còn tôn giáo nào không giám sát được thì (chính quyền) luôn luôn cảnh giác, đến từng nhà anh em để hù dọa, bảo anh em phải từ bỏ hội Thánh đó.
Một số báo cáo quốc tế từng nêu rõ chính quyền địa phương Việt Nam thường yêu cầu những người sắc tộc thiểu số phải từ bỏ niềm tin Thiên Chúa giáo ; nếu không sẽ bị buộc phải rời làng quê.
Những người Thượng Tây Nguyên bỏ trốn từ Việt Nam sang Campuchia tìm quy chế tỵ nạn hôm 22/7/2004. AP
Thầy truyền đạo Y Jon Ayun, từng ngụ tại buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk, và nay phải trốn sang Thái Lan vì không muốn tiếp tục bị bách hại xác nhận :
Từ năm 2013, tôi đã gia nhập phái Tin lành Đấng Christ, và từ đó đến bây giờ họ liên tục mời miếc. Vào năm 2013, họ đánh đập tôi rất dã man. Tới ngày 14 tháng 10 vừa qua họ mời tôi họp dân, và nói là phái Tin lành Đấng Christ này chống phá đảng, nhà nước. Họ muốn trục xuất hai anh em mình ra khỏi buôn làng.
Ông Y Jon Ayun cho biết gương của một mục sư tên A Đào hiện đang bị ở tù khiến ông không dám có ý nghĩ trở về lại Việt Nam.
Các dịp lễ như Giáng Sinh thường là lúc chính quyền gây khó dễ cho các tín đồ. Mục sư Tin lành Y Khen Bdap, ngụ tại buôn Ea khit, huyện Cư Kuiñ, tỉnh Đắk Lắk thuật lại vụ việc xảy ra với Hội thánh của ông như sau :
Ngày 24/12/2018, vào khoảng 3 giờ 45 sau khi làm lều xong, Hội thánh chuẩn bị thờ phượng Chúa thì lượng lực chính quyền xã và nhiều ban ngành, trong đó có 5 chiếc ô tô và hơn 30 xe honda gồm hơn 50 người xông vào ồ ạt bao vây Hội thánh. Họ gọi tôi và nói tôi vi phạm pháp luật, nghiêm cấm tuyệt đối không được thờ phượng Chúa, không được tụ tập đông người, bắt ép tôi ký vào biên bản nhưng tôi không ký.
Vào sáng 25/12, lực lượng an ninh thường phục nói trên được nói lại tiếp tục xuất hiện và bắt ông Y Khen Bdap phải ký giấy tờ buộc ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mục sư Y Khen Bdap bày tỏ lo lắng không biết sắp tới chính quyền sẽ làm những gì và ông cầu cứu :
Hội thánh chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Nếu không có ai giúp đỡ, Hội thánh chúng tôi sẽ chết trong tay của chúng.
Một bản phúc trình dài 25 trang được công bố vào ngày 3/5 do Tổ chức Nhân quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận động bãi bỏ tra tấn tại Việt Nam (CAT-VN) nhấn mạnh cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Thiên Chúa giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên - Montagnards. Nhóm người này được nói bị đối xử như kẻ thù ngay tại quê nhà của họ.
Những tín đồ nếu thực hành tôn giáo của họ một cách độc lập hoặc chống lại biện pháp cưỡng chế đất đai, thì sẽ bị kết tội ‘làm gián điệp’ hay ‘muốn lật đổ chính quyền.’
Điển hình như vụ Mục sư Tin lành Đinh Diêm thuộc Hội thánh Lutheran không được Hà Nội thừa nhận ở Quảng Ngãi vào hôm 12/7 bị tòa án tỉnh này tuyên án 16 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’
Hoặc như vụ bốn gia đình người H’Mông có tổng cộng 24 thành viên vừa cải đạo sang Thiên Chúa giáo đã bị tấn công khiến 4 người phải nhập viện vào hôm 19/3, theo Tổ chức nhân dân và các quốc gia không có được đại diện – UNPO.
Tín đồ Phật giáo Hòa hảo Bùi Văn Trung - Courtesy FB Đạo Tràng Út Trung
Đối với Phật giáo Hòa hảo không theo Ban trị sự do chính phủ Hà Nội lập nên, ông Nguyễn Văn Điểm, Cư sĩ Phật giáo Hòa hảo Truyền thống, cho biết cảm nhận của ông trong năm qua.
Nhìn chung thì cũng có phần bị hạn chế về vấn đề tự do tôn giáo tại vì có nhiều anh em cũng bị khó khăn. Những đám tiệc trong làng Đạo cũng bị ngăn cản này nọ.
Thực tế cho thấy các vụ đàn áp, bắt bớ và bỏ tù các tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy vẫn đang diễn ra. Hôm 24/5, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên y án sơ thẩm cho 6 tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 và 257 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này. Ông nói thêm :
Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình.
Cư sĩ Nguyễn Văn Điểm nhận định về phản ứng của người dân khi bị đàn áp.
Đối với lối sống của người nông dân thì thật ra những bức xúc có lời qua tiếng lại, nhưng đó là sự việc bình thường. Mình thấy con kiến mình đạp nó còn ngo ngoe mà.
Tình trạng các chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước lập nên lâu nay bị sách nhiễu, thậm chí hành hung vẫn được ghi nhận trong năm qua.
Đáng chú ý là trường hợp của ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, bị đánh đập vào hôm 22/6 trước khi ông được mời gặp viên chức đại sứ quán Úc.
Chánh trị sự Hứa Phi sau khi bị đánh và cắt râu hôm 22/6/2018 FB Hứa Phi
Ông Hứa Phi từ trước đến nay từng nhiều lần bị đánh đập nặng nề mỗi khi ông tiếp xúc với giới ngoại giao nước ngoài. Nhà sản xuất cà phê của ông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng đã bị đốt cháy vào cuối tháng 11 năm nay.
Ông Hứa Phi trả lời phỏng vấn với RFA hôm 29/11 cho biết từ đầu năm ông đã nhận được 12 giấy triệu tập của công an với cáo buộc ‘có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho bên ngoài, xúc phạm dân tộc Việt Nam.’
Một điển hình khác là linh mục Đặng Hữu Nam, người từng mạnh mẽ thay mặt giáo dân lên tiếng phản đối vụ ô nhiễm biển do Formosa gây ra, trong năm qua đã bị thuyên chuyển phụ trách giáo xứ, và bị chính quyền tỉnh Nghệ An liên tục tổ chức hội nghị đòi trục xuất ông khỏi địa phương. Bản thân ông cho biết thường xuyên bị côn đồ đột nhập vào giáo xứ để đe dọa. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với chúng tôi.
Ở đâu mà các linh mục lên tiếng cho công lý, sự thật thì ở đó chắc chắn sẽ có đàn áp, ngăn cản, thậm chí việc dâng lễ thôi cũng đã khó khăn.
Bên cạnh đó, việc cưỡng chế, di dời các cơ sở tôn giáo không theo phái nhà nước với lý do phát triển đô thị, văn hóa cũng vẫn được ghi nhận trong năm 2018. Sáng 9/11, Chùa An Cư tại phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng đã bị lực lượng chức năng địa phương cưỡng chế. Thượng Tọa Thích Thiện Phúc, vị trụ trì Chùa An Cư, phải miễn cưỡng giao Chùa cho đoàn cưỡng chế để về Huế xin tá túc.
Trả lời phỏng vấn hôm 9/11, Thượng Tọa Thích Thiện Phúc nhấn mạnh với chúng tôi lý do cưỡng chế là vì chùa An Cư thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống nhất không được Chính quyền Việt Nam công nhận. Ông nói :
Biết và đọc được ý nghĩ của họ là họ sẽ tìm cách phá tất cả các cơ sở của Giáo Hội Việt Nam Thống nhất. Họ không muốn tồn tại. Các thành viên của Giáo Hội Việt Nam Thống nhất thì bị họ đàn áp khốc liệt.
Ngoài ra, các vụ tranh chấp đất đai giữa cơ sở tôn giáo với chính quyền vẫn được ghi nhận trong năm 2018. Nổi bật là trường hợp Đan Viện Thiên An ở Huế, vụ cưỡng chế đất Nhà Dòng của Dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội, tranh chấp công trình số 29 Phố giữa Tổng Giáo Phận Hà Nội và Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Nhiều cá nhân và các tổ chức trong và ngoài đã từng lên tiếng phản đối vì cho rằng Luật này thể hiện biện pháp đàn áp tự do tôn giáo một cách tinh vi hơn.
Trong một bài phỏng vấn với RFA hồi tháng 3, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn Giáo, từng nhận định Việt Nam là một trong năm quốc gia có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất trên thế giới trong suốt thập niên qua.
Tiến sĩ Admed Shaheed cho hay tự do tôn giáo tín ngưỡng là nền tảng của nhân quyền và không thể bắt đầu với sự thừa nhận của nhà nước.
Phúc trình của ông nhấn mạnh bất cứ ai cũng đều có quyền tự do tôn giáo, và sự thừa nhận của nhà nước chỉ là quy trình giúp bảo vệ quyền này chứ không thể ngược lại.
https://youtu.be/RVxaYVhgg4M
RFA tiếng Việt, 27/12/2018
Ông Phan Văn Vĩnh không kháng án (RFA, 15/12/2018)
Cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh, người vừa bị kết án tù 9 năm về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong vụ án đánh bạc trên mạng hàng ngàn tỷ đồng, đã quyết định không kháng án. Báo Pháp luật trích lời cua bà Nguyễn Thị Huyền Trang, luật sư của ông Vĩnh cho biết như vậy hôm 15/12.
Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh không kháng án - AP
Bà Trang nói với báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh rằng ông Vĩnh đã nộp đơn xin thi hành án vào hôm 14/12.
Trước đó, sau khi tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án 9 năm tù vào ngày 30/11, bà Trang cho báo chí biết ông Vĩnh sẽ kháng cáo vì cho rằng tòa đã không áp dụng đến các tình tiết giảm nhẹ, đến công lao của ông.
Theo báo Pháp Luật, tính đến ngày 15/12, đã có 21 trong tổng số 92 bị cáo của vụ án đã nộp đơn kháng cáo. Tuy nhiên hai viên cựu tướng công an bị xử trong vụ án này là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa chưa nộp đơn kháng cáo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm tòa sở thẩm tuyên án.
Ngoài cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, truyền thông trong nước cho biết cơ quan điều tra còn đang điều tra cáo buộc ông Vĩnh và ông Hóa tham nhũng, nhận hàng tỷ đồng tiền đút lót từ những người đứng đầu băng cờ bạc trên mạng.
*******************
Khởi tố, bắt giam Hiệu trưởng dâm ô hàng chục nam sinh (RFA, 15/12/2018)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hôm 15/12 đã ra quyết định khởi tố và lệnh tam giam thời hạn 3 tháng đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn - Courtesy báo Pháp Luật
Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện cũng ra quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Quyết định phê chuẩn lệnh bắt bi can đối với ông Đinh Bằng My.
Quyết định khởi tố và bắt giam của cơ quan chức năng huyện Thanh Sơn được đưa ra vài ngày sau khi truyền thông trong nước có các bài điều tra phỏng vấn các học sinh đã và đang học tại trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tố cáo ông My đã nhiều lần có các hành vi dâm ô đối với các em trai tại phòng hiệu trưởng của nhà trường kéo dài cả chục năm.
Các học sinh được báo chí phỏng vấn cho biết bị thầy hiệu trưởng thường xuyên gọi lên phòng, bắt làm các hành động dâm ô, sau đó cho kẹo và cho tiền mỗi lần 20.000 đến 30.000 đồng. Các em học sinh nói nếu không làm theo lời thầy hiệu trưởng, các em sẽ bị phạt đứng dưới sân trường, dọn vệ sinh, thậm chí các em lo bị phạt hạnh kiểm, bị đuổi khỏi trường.
Theo truyền thông trong nước, các em học sinh giữ kín chuyện này nhiều năm không dám nói với gia đình vì ngại ngùng và lo sợ. Có em sợ, muốn chuyển trường nhưng không thể vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, trong phóng sự của VTV sau khi có những tố giác trên báo chí, hiệu trưởng Đinh Bằng My đã phủ nhận những thông tin tố cáo.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam, người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ Đạo trong kết luận tại cuộc họp về Chính sách xã hội hôm 13/12, cảnh báo cần chú ý hai vấn đề xã hội mới nảy sinh. Đó là sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các nơi ngày càng cao, và tình trạng trẻ em, người già bị rối loạn tâm lý ngày càng tăng.
Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích tuyên truyền cho Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội ngày 15 tháng 1 năm 2016.- AFP photo
Các nhà xã hội học đánh giá vấn đề này ra sao ?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam, có nhận định :
Tôi nghĩ đây là những vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trúng và đúng. Một vấn đề rất cơ bản và rường cột đó là phân hóa xã hội, việc hình hành các giai tầng mới, cũng như việc giãn ra ngày càng lớn hơn của các mức sống tầng lớp dân cư. Vấn đề khác là phần tử của các nhóm yếu thế tự đối diện với chính mình mà thiếu sự trợ giúp của xã hội dẫn đến các hành vi tự kỷ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, Nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, thì nhận định của ông Phó Thủ tướng Việt Nam không mới lạ.
Tôi nghĩ những vấn đề ông nêu lên chẳng có gì mới cả. Xã hội nào cũng có những vấn đề về người già và chênh lệch giàu nghèo, nhất là những nước có hệ thống an sinh xã hội chưa được điều chỉnh, cụ thể như Việt Nam.
Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng biện pháp giải quyết bất cập của nhà nước mới là vấn đề cần tập trung. Ông nói :
Trên thực tế, nhà nước được coi là người đại diện cho nhân dân thì có làm đúng những gì họ được ủy nhiệm không ? Nếu không đúng thì nhân dân có hình thức nào để kiểm soát, chế tài, thậm chí là phế truất họ không ? Cái đấy mới quan trọng thì chẳng thấy ai bàn cả, đều tránh né.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ hôm 26/11 khẳng định quyết tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện an sinh xã hội bằng chính sách của Nhà nước.
Trẻ em dân tộc H'mông ăn trưa miễn phí tại một trường mầm non tại một tỉnh miền núi phía Bắc hôm 3/4/2015 AFP photo
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định thu hẹp khoảng cách giàu nghèo không phải là một nỗ lực tuyệt vọng, nhưng là một bài toán có lời giải rất xa. Ông nói :
Tôi nghĩ chuyện nói rằng thu hẹp khoảng cách đấy cũng chỉ là một thông điệp, một khẩu hiệu hành động nhiều hơn là hoạt động trong thực tiễn. Bởi vì đấy là câu chuyện thế tất phải diễn ra. Đây là một thực tiễn khách quan không đảo ngược. Điều đó cũng phù hợp với mô hình tăng trưởng của xã hội các quốc gia phát triển trên thế giới chứ không hề xa lạ. Khi tôi nói điều đấy nghĩa là sự hòa nhập, sự xích lại gần gũi hơn với các quốc gia phát triển thì lớn hơn.
Liên quan đến vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ em và người già, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng đây là tình trạng chung của mọi xã hội.
Vấn đề trẻ em tự kỷ và thành viên của nhóm yếu thế có vấn đề về tâm lý thì có lẽ là phổ quát trong lòng mọi thể chế, chứ không riêng ở Việt Nam. Đây là bài học và thực tiễn của một xã hội đang phát triển phải đối mặt.
Bác sĩ Đinh Đức Long có cùng quan điểm như trên và giải thích nguyên nhân :
Xã hội có nhiều mâu thuẫn, căng thẳng. Trẻ con không được bố mẹ quan tâm vì chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, chạy theo công việc. Trẻ em bị bỏ rơi, và người già cũng thế thôi. Tôi nghĩ ở nhiều nước phát triển, người già bị cho vào trại dưỡng lão, đâu được ở gia đình với con cháu. Vấn đề đó cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý. Người già mà ở với con cháu thì khác hoàn toàn chứ.
Chúng tôi liên hệ một nhóm thiện nguyện độc lập ở Sài Gòn từ hơn 5 năm qua chăm lo đời sống cho gần 200 em thiếu nhi và 150 cụ già neo đơn sống tại các ngôi chùa, các mái ấm và được người đại diện chia sẻ thực tế hiện nay.
Thực sự đối với những đứa nhóc thì đang bị thiếu những hoạt động để được đi ra ngoài đường. Cái xã hội ở ngoài của tụi nhỏ là đi bệnh viện và đi chích ngừa. Còn người già thì gần như là bị bao bọc trong bốn bức tường. Họ rất vui khi tiếp xúc với người bên ngoài nhưng họ không có cơ hội. Đa phần là mọi người đang bị thiếu cơ hội tiếp xúc bên ngoài xã hội.
Người đại diện của nhóm đánh giá về tâm lý của trẻ em và người già trong các mái ấm, nhà tình thương ở Sài Gòn hiện nay.
Cơ bản em thấy là họ đang bị thiếu tình thương. Đa phần các nhóm công tác xã hội chỉ đến 1, 2 lần rồi ngưng. Thực sự là người ta cần dài hơn chứ không cần ngắn hạn. Em thấy tâm lý của những người cần giúp đỡ không phải là gắn bó vật chất nhiều hơn và cần về tinh thần nhiều hơn.
Thực tế cho thấy Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề tồn tại không chỉ riêng hai vấn đề ‘mới nảy sinh’ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến.
Tuy vậy, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình chia sẽ quan điểm của ông rằng các vấn đề ấy dường như đều được gom lại vào một điểm ở tầng vĩ mô.
Có nhiều vấn đề liên quan đến manh áo mà cơ thể kinh tế xã hội này vốn đã từng vừa vặn nhưng nay không còn vừa vặn nữa. Tức là câu chuyện không tương thích giữa thể chế với sự phát triển mang tính cách khởi phát, đồng bộ, toàn thể để kích hoàn toàn bộ xã hội.
Tiến sĩ Bình ví von rằng thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam như một manh áo chật, hiện không còn vừa vặn với một cơ thể đang vươn tới sự lớn rộng, và lời giải đáp cho vấn đề nằm ở ngay hình ảnh ấy.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 15/12/2018
Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6.2, trường Trung học cơ sở xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, quy định học sinh nói tục bị các bạn cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào má. Nhiều vụ giáo viên đánh học sinh đã bị công luận lên án gần đây.
Nguồn : RFA, 27/11/2018
Nói về làng trồng hoa mai, có thể nói rằng Việt Nam chỉ có ba làng mai lớn, đó là làng mai Bình Định với qui mô hàng ngàn hecta, làng mai Thủ Đức với qui mô hàng trăm hecta và làng mai Hội An với qui mô vài chục hecta. Trong đó, mai Hội An nổi tiếng đẹp, quí nhưng lại hiếm, mai Thủ Đức thì chỉ đủ cho thị trường miền Nam, chỉ có mai Bình Định là bao phủ thị trường từ miền Trung ra tận miền Bắc.
Một vườn mai đang được tạo dáng Bonsai ở Bình Định Photo : RFA
Và nếu như xứ An Nhơn, Bình Định trước đây nổi tiếng với nhiều làng nghề như lò rèn, nuôi ngựa, làm nón ngựa, trồng mai… theo thời gian, hầu hết các làng nghề đều mai một, cầm cự qua ngày thì chỉ có làng mai ngày càng phát triển và được xem là mô hình nông nghiệp thông minh bởi hiệu quả kinh tế rất cao của nó.
Nói về nghề trồng mai, nông dân Nguyễn Văn Minh, ở huyện An Nhơn, Bình Định, chia sẻ : "Mai nó ra hoa xong rồi nó cho ra hột, rồi mới lấy ươm rồi mới trồng. Mai ra 5 lá, 6 lá mới trồng được. Tiết tháng 4 trồng mới ngon".
Ông Minh nói thêm là nói về nghề trồng mai, sự cực nhọc chẳng khác nào nuôi con nhỏ, phải hái từng hạt mai, phơi khô với lượng nắng vừa phải và đợi đủ ngày đủ tháng sau khi phơi khô, ủ cho hạt mầm nhú ra một chút mới ươm ra đất. Khi cây mai con được vài tháng tuổi thì bắt đầu trồng vào chậu và nuôi cây như thể nuôi đứa trẻ, sáng, trưa, chiều, tối đều có mặt trong vườn mai để chăm sóc, xem màu từng chiếc lá để dự đoán sức khỏe của cây. Một cây mai muốn bán ra thị trường phải tốn ít nhất bốn năm thì mới trổ hoa. Nhưng cây mai trổ hoa chưa chắc đã bán ra thị trường được nếu như dáng không đủ vững. Thường thì người ta bán ngoài thị trường những cây mai từ 4 tuổi đến 6 tuổi. Đó là mai chưng Tết thuần túy, chỉ lấy hoa chứ ít quan tâm đến dáng dấp theo kiểu bonsai.
Chia sẻ về mai bonsai, ông Trần Văn Tý, một nông dân trồng mai chia sẻ : "Nói về cây mai bonsai coi cho được, quá trình tạo được rất là khó. Thì phải lựa cây cho nó khỏe, cốt cách cho khỏe, hoa đẹp rồi ghép vào chơi. Quá trình cũng phải mất 4 đến 5 năm trở lên mới tạo ra cây bonsai đẹp được. Những cây trên 5 năm như cành, vết sẹo, chi tiết đầy đủ… đẹp mới chơi được, phải bố trí thêm cái chậu nữa mới chơi được, cốt không cũng 10 triệu, tốn cái chậu cũng 5 triệu… quá trình lên thì cũng phải mất ít nhất 20 triệu…".
Một cây mai bonsai có tuổi đời ít nhất cũng phải 10 năm. Và giá một cây mai bonsai trên thị trường dao động từ 20 triệu đồng đến hàng tỉ đồng, tùy thuộc vào độ tuổi và dáng dấp. Thường thì với nông dân, mỗi cây mai bonsai được bán trung bình 1 triệu đồng trên 3 tuổi. Nhưng qua 10 tuổi thì cách tính khác đi, ví dụ như cây mai 100 tuổi có thể bán với tiền tỉ. Nhưng cả hàng ngàn hecta mai của hơn một ngàn gia đình trồng bán trên đất An Nhơn chỉ có giỏi lắm vài ba cây mai có tuổi thọ từ 100 năm trở lên. Và đương nhiên các chủ vườn gọi đây là "cụ mai", xem như của gia bảo, chẳng bao giờ bán ra thị trường.
Đây cũng chính là điểm khác biệt của làng mai bởi ai cũng muốn giữ gia bảo, giữ nghề nên luôn có ý cầu tiến và ham học hỏi. Và cũng có lẽ vì thế mà làng mai ngày càng phát triển, hầu như mọi nông dân trồng mai ở An Nhơn đều biết và thuần thục việc ghép cành tạo ra những chậu mai Tết đẹp, bán ra thị trường với giá cả phải chăng.
Ông Sơn, một người trồng mai chia sẻ : "Thời gian mà mình trồng cây nó kéo nhựa lên đều một chút ghép mới tốt. Chứ ghép sớm quá không kịp kéo nhựa thì nó bị ngột mắt, tốt nhất là khi nó kéo mạnh nhựa lên rồi mình ghép vô mới dễ ghép. Như mai muốn đẹp thì mình ghép mai thôi chứ không ghép được với thứ cây khác".
Ông Nguyễn Hùng, chủ một vườn trồng mai ở Bình Định chia sẻ : "Bây giờ mà nói một sào mai thu nhập thì từ khi trồng đến khi thu mất khoảng 4 năm. Như mình trồng vườn 1000 cây thì đến năm thứ tư thì mới thu nhập, được khoảng 200 triệu, 300 triệu một năm. Như mai chơi hoa thì tiêu thụ cả nước còn mai bonsai thì tập trung chơi cho miền Trung hoặc miền Nam. Sắp tới đây thì còn đi ra miền Bắc nữa, vì vừa rồi cũng đã đưa ra miền Bắc được rồi".
Ông Hùng chia sẻ thêm là thường niên, chừng giữa tháng 11 âm lịch thì các nhà vườn sẽ có các nhà buôn từ các tỉnh đến thăm thú, chọn cây và đặt cọc, đến giữa tháng Chạp thì cây bắt đầu chuyển đi các tỉnh. Và mai Bình Định trong vài năm trở lại đây đã có mặt trên các tỉnh miền Bắc, đây là niềm vui lớn của người nông dân vì đầu ra cho nông sản quyết định cho việc trồng trọt kéo dài nhiều năm của họ.
Một góc vườn mai ở Bình Định Photo : RFA
Nhưng ông Hùng cũng tỏ ra lo lắng bởi thời tiết năm nay ít mưa, nắng ấm liên tục, điều này dễ dẫn đến việc cây mai sẽ trổ nụ sớm, ước chừng đầu tháng Chạp đã đơm bông và rất khó để giữ hoa lâu tàn nếu trời vẫn cứ nắng. Mà với nhà vườn, việc ép cây mai nở sớm 5 ngày, 10 ngày thì có thể làm được, nhưng giữ không cho mai nở sớm là việc ngoài khả năng, nếu có giữ chăng thì cũng được chừng 3 đến 5 ngày là cùng, sau đó nếu không để mai nở tự nhiên ngoài ánh sáng thì lá sẽ vàng, hoa sẽ thối.
Ông Phú, một nông dân trồng mai khác chia sẻ : "Cây mai thì lặt trước Tết khoảng một tháng, tùy theo giống nữa, lạnh thì mình lặt sớm, nắng thì mình lặt muộn hơn chút nhưng ép quá cây cũng mất sức, để nó nở tự nhiên thì tốt hơn".
Ông Phú cũng cho hay rằng đây không phải lần đầu những người trồng mai như ông mới tháng 10 đã bắt đầu nơm nớp lo sợ. Còn nhớ cách đây 4 năm, mai ở xứ ông nở trước Tết hơn cả tháng vì lụt lớn đi qua, những cây mai hoặc là chết đi hoặc ngâm mình trong nước bị rụng hết lá, cây ra nụ sớm và nở sớm mặc cho người trồng hoa làm đủ mọi cách. Rồi ba năm trước, do lạnh quá, mai ngậm búp không nở kịp Tết, hai năm trước, mai lại nở rộ trước Tết không bán được nhiều vì trời quá nóng.
Ông nói rằng suy cho cùng thì người làm nông bao giờ cũng khổ, bởi người tính không bằng trời tính. Ông chỉ cầu mong những ngày sắp tới đây trời sẽ lạnh hơn chút để có thể hãm mai nở đúng vào dịp Tết, để gia đình ông cũng như những người trồng mai khác thu được chút lời sau bao năm bỏ công chăm sóc và cũng để họ có thể giữ được nghề trồng mai không bị mai một như những nghề lâu năm khác ở xứ An Nhơn.
Nhóm phóng viên
Quốc tế lên tiếng về việc Mẹ Nấm được trả tự do, cảnh báo về tình trạng đàn áp nhân quyền (RFA, 17/10/2018)
Trước tin tù nhân lương tâm Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được tự do và cùng thân nhân đi Hoa Kỳ, tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Human Rights Watch đồng loạt lên tiếng, gọi đây là một tin vui cho tù nhân lương tâm này, nhưng đồng thời cảnh báo về phương thức đàn áp và trả tự do cho các tiếng nói đối lập của chính quyền Việt Nam.
Hình minh hoạ Blogger Mẹ Nấm - Photo : RFA
Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo cho rằng đây là tin vui nhưng cũng coi đây là điều nhắc nhở mọi người về tình trạng bỏ tù hằng loạt những tiếng nói chỉ trích ôn hòa khác tại Việt Nam.
Ông Nicholas Bequelin, Giám Đốc Khu Vực Đông và Đông Nam Á, nói rõ là tin vui đến sau hai năm Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chịu tù tội cũng cần là một nhắc nhở về thành tích ngày càng tồi tệ của Hà Nội khi cho bỏ tù những ai dám chỉ trích chế độ.
Cũng theo ông Nicholas Bequelin thì dù nay Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không còn bị giam tù nữa ; nhưng cô bị lưu vong ; ngoài ra còn hơn một trăm người khác đang phải sống trong ngục tù chỉ vì họ bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa hoặc là ở chốn công khai, trên trang blog hay Facebook.
Amnesty International cũng nhắc đến Luật An Ninh Mạng sắp có hiệu lực tại Việt Nam vào đầu sang năm. Luật này sẽ mang lại cho giới lãnh đạo Việt Nam thêm công cụ để dập tắt những tiếng nói bất đồng. Do đó không nên thi hành luật này để không còn ai phải chịu hành xử khủng khiếp như trường hợp Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và những tiếng nói chỉ trích khác đang phải thụ án tù.
Ân Xá Quốc Tế lặp lại kêu gọi Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm.
Human Rights lên tiếng về Mẹ Nấm
Đại diện của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch tại khu vực Châu Á, ông Phil Robertson, nói vào khi mọi người vui mừng vì Mẹ Nấm và gia đình được tự do thì quyết định này của chính quyền Hà Nội cho thấy rõ chiến lược đàn áp chính trị mới của Việt Nam. Đó là bắt giữ các nhà hoạt động, truy tố họ tại những phiên tòa ‘rừng rú’ và kết án với những mức án nặng nề. Thế rồi những năm bị giam giữ trong điều kiện tù tội khắc nghiệt khiến hy vọng vơi đi, phía Việt Nam đưa ra đề nghị trả tự do và cho đi lưu vong rồi lấy tiếng về biện pháp đó. Hà Nội ngăn trở, xóa bỏ phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước bằng cách mỗi lúc nhắm đến một nhà hoạt động nổi tiếng.
Human Rights Watch cho rằng không ai có thể quên Việt Nam là một trong những nhà nước mạnh tay đàn áp nhất ở khu vực Đông Nam Á, với hơn 100 tù chính trị đang phải ở tù chỉ vì dám nói lên quan điểm của họ, hay tổ chức những nhóm không thuộc phạm vi kiểm soát của chính quyền, hoặc tiến hành biểu tình ôn hòa.
****************
Blogger Mẹ Nấm đang trên đường đến Hoa Kỳ (RFA, 17/10/2018)
Nữ tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, vào ngày 17 tháng 10 đã được trả tự do và rời Việt Nam trên chuyến bay đi Hoa Kỳ cùng gia đình.
Blogger Mẹ Nấm và hai con trên máy bay đi Mỹ hôm 17/10/2018 - Photo by Mạng Lưới Blogger Việt Nam
Reuters, AFP dẫn những nguồn tin thân cận tại Việt Nam như Mạng Lưới Blogger nói rõ Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng đi với hai con và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan.
Mạng Lưới Blogger Việt Nam tường thuật cụ thể là vào 6g30 sáng ngày 17 tháng 10, có hai xe mang biển số 80 của Bộ Công An và 1 xe của Trại giam Số 5 Yên Định, Thanh Hóa chở tù nhân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rời trại giam.
Xe đưa Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến Sân Bay Nội Bài để đi chuyến bay EVA 398 của Đài Loan cất cánh lúc 12 giờ trưa. Lịch bay theo kế hoạch quá cảnh tại Đài Bắc và sau đó gia đình Mẹ Nấm đi chuyến bay EVA 52 và sẽ đến Houston lúc 11 giờ khuya cùng ngày.
Nhiều tài khoản Facebook của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam viết trên trang trang cá nhân của bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (mẹ của Mẹ Nấm) chúc mừng việc cả gia đình của bà được đoàn tụ.
Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho số của bà Tuyết Lan để xác minh thông tin nhưng được nhà mạng thông báo là "thuê bao hiện nay không liên lạc được".
Một người láng giềng của gia đình blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với đài RFA vào chiều ngày 17/10 :
"An ninh vẫn còn canh cửa nên chắc là gia đình không cho người ngoài biết. Nhưng tôi qua nhà của Quỳnh chơi thì tôi gặp một bức ảnh Quỳnh đang ở trên khoang máy bay".
Hồi đầu tháng 10, nhiều tài khoản Facebook cũng đồn thổi việc "Mẹ Nấm đã gật đầu đi Mỹ" nhưng sau đó bà Tuyết Lan phủ nhận thông tin này và cho biết vẫn đang ở Việt Nam.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt ngày 10/10/2016 sau khi đến trại giam Sông Lô, Nha Trang để thăm một người khác bị kết án 3 năm tù vì chia sẻ các bài viết trên Facebook.
Bà Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 29/6/2017 và bị xử y án trong phiên phúc thẩm sau đó.
Báo trong nước dẫn lời của Hội đồng xét xử cáo buộc, từ năm 2012 đến tháng 10/2016, bà Quỳnh đã sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc, đả kích, nói xấu đường lối, chính sách của đảng Cộng sản, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Hồi tháng 7/2018, nữ tù nhân lương tâm này phải tuyệt thực trong vòng 16 ngày để phản đối tình trạng bản thân bị ngược đãi, khủng bố, đe dọa đến mạng sống khi đang bị giam tại Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
Chính quyền Việt Nam trong quá khứ từng nhiều lần đồng ý để các tù nhân chính trị đang thụ án vì các buộc liên quan đến an nine quốc gia đi từ nhà tù Việt Nam sang các nước tự do như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Thu Hà, Đặng Xuân Diệu, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải…
Giải Nobel Hòa Bình năm 2018 được trao cho bác sĩ người Congo Denis Mukwege và cô Nadia Murad – nạn nhân của bạo lực tình dục. Cả hai người được vinh danh như là những chiến binh chống nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, xung đột vũ trang.
Bác sĩ Denis Mukwege (hôm 24/10/2016 ở Paris) và cô Nadia Murad (21/6/2016 ở Washington DC) AFP
Congo, đất nước ở Trung Phi nơi bác sĩ Denis Mukwege làm việc, được đặc phái viên của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề bạo lực tình dục mệnh danh là ‘thủ phủ thế giới về nạn hãm hiếp’.
Xung đột đẫm máu giữa các nhóm vũ trang diễn ra tại miền đông Congo suốt hơn hai thập niên và hành động hãm hiếp được sử dụng như là một vũ khí trong cuộc chiến đó.
Bản thân bác sĩ Denis Mukwege vào năm 2012 bị những tay súng vũ trang tìm giết khiến ông phải trốn chạy khỏi nước Congo.
Việc trao giải Nobel Hòa Bình năm nay cho bác sĩ Denis Mukwege được nói là một lựa chọn tốt vì ông này không chỉ giúp cứu chữa cho những phụ nữ bị cưỡng hiếp về mặt thể xác mà còn giúp họ khôi phục lại nhân phẩm.
Còn cô Nadia Murad, người Yazidi, là một nạn nhân bị những tay súng thánh chiến Nhà nước Hồi Giáo IS bắt và cưỡng hiếp khi cô 19 tuổi vào năm 2014. Cô còn bị đánh đập, tra tấn cho đến khi cô trốn thoát.
Cô Murad được chữa trị tại Đức và rồi trở thành người phát ngôn cho phụ nữ Yazidi tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về những khổ nạn mà họ phải gánh chịu. Cô còn được cử làm đặc sứ của Liên Hiệp Quốc.
Vào năm 2014, hằng chục ngàn người Yazidi phải trốn chạy lên núi Sinjar ở Iraq. Ở đó họ bị những tay súng IS vây bắt. Cuộc tấn công này bị Liên Hiệp Quốc lên án là vụ diệt chủng. Bọn IS bắt số trai tráng người Yazidi cầm súng chiến đấu cho chúng, nhiều đàn ông bị giết hại, còn phụ nữ và các cháu gái bị bán đi làm nô lệ.
Có 331 ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình năm nay. Trong số này có 216 cá nhân và 115 tổ chức.
Đây là giải nhằm vinh danh công trạng của cá nhân hay tổ chức đóng góp cho nền hòa bình thế giới. Trước khi giải năm nay được công bố, có những đồn đoán có thể Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ được giải vì nỗ lực đàm phán giải giới hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc Hàn.