Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày thứ bảy 23 tháng 6 Việt Nam khởi công nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 1 và Dầu tiếng 2 tại tỉnh Tây Ninh. Dự án Nhà máy điện mặt trời này được cho là lớn nhất Việt Nam và cả Châu Á.

mattroi1

Một dự án nhà máy điện mặt trời. (Ảnh minh họa) AFP

Mạng Chính Phủ Việt Nam loan tin nói rõ thỏa thuận triển khai dự án nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 1 và Dầu tiếng 2 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Cầu của Việt Nam và đối tác Thái Lan - Công ty trách nhiệm hữu hạn B. Grimn Power Public ký kết tại Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế lần thứ 8 diễn ra vào 15 và 16 tháng 6 tại Thái Lan.

Theo nội dung thỏa thuận, dự án điện mặt trời Dầu tiếng 1 và 2 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 9.000 tỷ đồng có công suất dự kiến lên tới 2000 MW và được xây dựng trên đất bán ngập Hồ Dầu Tiếng, và sẽ vận hành vào năm 2019.

Công nghệ sử dụng được nói sẽ là công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng điện mặt trời hiện nay.

Phát triển các dạng năng lượng điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió là một trong những mục tiêu được chính phủ Hà Nội cổ xúy. Tuy nhiên cho đến nay những dự án thuộc lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó nhiệt điện than bị cho gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục được triển khai ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.

Mạng báo Thanh Niên vào ngày 22 tháng 6 loan tin dẫn tính toán của Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (Green ID) thì tính đến đầu năm ngoái, vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam lên gần 40 tỷ đô la Mỹ. Trong số này 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không rõ nguồn. Số đến từ nước ngoài có đến phân nửa vay của Trung Quốc.

Published in Việt Nam

Trong lịch sử Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật nổi tiếng về sự uyên bác …Cho đến nay nhiều người tiếp tục nêu ra những câu thơ được cho mang tính tiên báo của ông. Tuy nhiên công tác nghiên cứu về nhân vật này vẫn còn hạn chế ; gần nhất là tranh cãi về bia chỉ dấu mộ của ông.

trangtrinh1

Nhiều tranh cãi về tấm bia chỉ dấu mộ Trạng Trình - RFA

Những tranh cãi về tấm bia chỉ dấu mộ Trạng Trình

Đầu tháng 5/2018 vừa qua, các báo lớn như VTC News, Tuổi trẻ, Người Lao động loan tải thông tin, nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã tìm thấy 2 tấm văn bia có nội dung liên quan đến mộ chí của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại bờ sông Thái Bình thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào ngày 6/5.

Tuy nhiên có nhà nghiên cứu cho rằng, hai tấm văn bia đó là giả, được ngụy tạo ra với những mưu đồ, mục đích nào đó, nên yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Nhà nghiên cứu Đặng Văn Sinh đưa ra giải thích rằng, hai tấm văn bia đó có nét chữ viết "kiểu giun dế, nét khắc tuỳ tiện, nông choèn, khuôn chữ không thống nhất và nhất là dùng sai chữ Hán" ; "trán bia méo mó còn hoa văn trang trí xộc xệch bằng những nét khắc cẩu thả chứng tỏ người chế tác tay nghề kém".

Trong khi đó có một số nhà nghiên cứu lịch sử và Hán – Nôm cho rằng, hai tấm văn bia đó có thể là đồ thật, mang ý nghĩa chỉ dấu để có thể tìm thấy mộ chí của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi chúng có thể được khắc vội, do thư sinh chân yếu tay mềm nên không được đẹp, đủ nét chữ, nhằm giữ yếu tố bí mật về địa điểm của ngôi mộ trong thời thế nhiễu loạn.

Ngày 17/5, Sở Văn hóa - Thể thao cùng Sở Thông tin và truyền thông, Công an thành phố Hải Phòng, Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Khoa học lịch sử thành phố và UBND huyện Tiên Lãng đã khảo sát, kiểm tra 2 bia đá do nhóm nghiên cứu độc lập của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh tìm thấy và ra kết luận, hoạt động nghiên cứu này là không đúng quy định, chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Khu vực nhóm Tiến sĩ Vịnh nghiên cứu cũng không thuộc quy hoạch khảo cổ của địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ với RFA Việt Ngữ về việc chính quyền Hải Phòng và huyện Tiên Lãng họp về hai tấm văn bia này, ông cho biết, cuộc họp ngày 17/5/2018 không hề có mặt của ông và Phó trưởng Công an huyện Tiên Lãng đã khuyến cáo "ai niêm phong thì mới được quyền mở, và phải có người niêm phong thì mới có bàn giao".

"Thực sự nếu đứng ở góc độ của ngành sử học hay ngành khảo cổ, thì đây là những vấn đề thuần túy khoa học. Ngay từ đầu tôi khẳng định với mọi người, nhóm của chúng tôi là nghiên cứu độc lập, chúng tôi thích nghiên cứu cái gì thì chúng tôi nghiên cứu, và chúng tôi không nhận tiền từ một quỹ nào, cũng như chúng tôi không phải chịu trách nhiệm về cách nghiên cứu của mình trước tổ chức nào. Trừ khi kết quả chúng tôi đưa ra phải có một hội đồng, một trình tự để xác minh kết quả đấy. Đây là vấn đề thuần túy học thuật".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh lý giải về việc tại sao ông lại thăm dò và tìm thấy hai tấm văn bia tại thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng rằng, người dân khu vực này và quê hương của Trạng Trình hay nhắc đến câu "Ba Đa trông sang, Ba Đồng ngoảnh lại, táng tại Ao Dương" – mà Tiến sĩ Vịnh cho rằng mang tính chất chỉ dấu.

"Nếu chúng ta nhìn lên bản đồ hành chính của Hải Phòng, thì chúng ta sẽ thấy hai địa danh cách nhau khoảng 7km, một nơi trông sang, một nơi ngoảnh lại và táng tại Ao Dương. Vậy thì rõ ràng, hiểu đơn giản nhất là nó ở giữa chẳng hạn. Thế còn "Ao Dương" là gì, thế là nhiều người cứ nhìn thấy cái ao thì gọi là "ao Dương" đấy. Tôi nghĩ rằng, trong thuật để viết thường có những mật ý".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh giải thích "Ao" trong chữ Hán là "Trì", "Dương" còn có thể hiểu là màu xanh – chữ hán là "Thanh". Vậy ghép lại là "Thanh Trì". Nhưng Thanh Trì là địa danh mới có gần đây, không phải từ thời Trạng Trình còn sống.

Bên cạnh đó, còn một câu mang tính chỉ dấu nữa là "Kinh Lương, Chùa Đót còn sót một ngôi, Mộ táng thiên lôi anh hùng cái thế" – liên quan đến huyện Tiên Lãng. Mặt khác, các địa danh này trên bản đồ tạo thành một hình tròn thái cực với sông Thái Bình là đường chia và điểm chính giữa là nơi tìm thấy hai tấm bia. Do đó, mộ chí của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng – quê ngoại và là nơi con trai út của Trạng Trình sống.

Trước những quan điểm cho rằng hai tấm văn bia là đồ giả, được ngụy tạo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, đó là điều dễ hiểu, vì trước đó đã có những sự việc dàn dựng ra di chỉ với mộ giả và thẻ tre giả. Tiến sĩ Vịnh khẳng định, ông chưa đưa ra nhận xét gì về 2 hiện vật đó, việc tìm thấy mới chỉ là sự bắt đầu.

"Thứ nhất là, sẽ phải coi đây là một bằng chứng chỉ dẫn. Nhưng phải được thông qua các bước cụ thể như sau. Thứ nhất là xác định niên đại, có đúng thời Mạc không, có phải được tạo ra cách đây 432 năm không. Thứ hai, đây là bản thật hay bản giả, nhỡ đâu nó là ngụy tạo thì sao ? Nhỡ đâu người ta ấn xuống đấy rồi người ta thuê chúng tôi tạo một sự kiện thì sao ? Sau thẩm định tối thiểu ấy là phục chế văn bản, xử lý văn bản".

Cho đến nay, hai tấm văn bia vẫn đang được niêm phong, lưu giữ tại UBND huyện Tiên Lãng. Chính quyền Tp. Hải Phòng không đồng ý tiếp tục nghiên cứu 2 bia đá này vì cho đó là hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc ; đồng thời, đề nghị UBND huyện Tiên Lãng không đồng ý tiếp nhận việc thăm dò, khảo cổ trên địa bàn khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về di sản.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những đóng góp trong lịch sử

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà tư vấn chiến lược chính trị, có tầm nhìn dự báo xa rộng, phân ba được các thế lực chính trị thời đó thành thế "chân vạc" để yên ổn đất nước. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm được cả ba thế lực chính trị khi đó là Chúa Nguyễn Hoàng, Chúa Trịnh và nhà Mạc kính trọng

"Ví dụ như Trạng Trình khuyên Phùng Khắc Khoan đi theo nhà Lê. Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng đi vào trong Nam để lập cơ ngơi riêng, và khuyên các chúa Trịnh không được lật đổ nhà Lê mà nên cộng tác để xây dựng chính quyền mà theo tôi là rất mới : một anh thực hiện, một anh chỉ làm tính chất cầm chịch, thậm chí không đường hướng nữa mà giữ lấy nhân tâm".

Trong lĩnh vực giáo dục – văn hóa, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở trường, đào tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước.

"Khi là trí sĩ, cụ mở trường dạy học, mà người ta nói rằng, thời điểm đông có cả ngàn học sinh. Chúng ta biết, thời điểm đó mà có cả ngàn học sinh thì là đông lắm. Chính vì mở trường như vậy, cho nên trong số học trò của cụ có rất nhiều người thành đạt, nổi tiếng, thành tiến sĩ, trạng nguyên, và thành tướng quân".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh đưa thêm đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong việc sử dụng và phổ biến chữ Nôm với tập thơ Nôm mang tính giáo huấn, bao biếm.

"Về phần giáo huấn, liên quan đến đạo lý làm người, răn đe thế tục. Rất là khó có được những câu thơ nêu lên được, về mặt văn học có nét đặc trưng, xây dựng, khắc họa được những nhân vật cơ hội, dáng điệu rõ nét. Chính vì rõ nét như vậy nên giá trị bao biếm rất mạnh. Thí dụ như là "Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi" ; hay là khi có tiền thì hơ hải mừng, còn khi không có thì ngoảnh mặt đi".

Cho đến nay, khi đất nước có những sự kiện, biến cố, người dân lại nhớ đến "Sấm Trạng Trình" – là những vần thơ dự đoán thời cuộc. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh và Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, khó xác định được đâu là bản Sấm "xịn" và đâu là bản Sấm "hậu Trạng Trình" – tức là những dị bản sau khi Cụ Trạng Trình đã mất.

RFI tiếng Việt, 14/06/2018

Published in Văn hóa

Cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn tị nạn chính trị ở Mỹ (RFA, 08/06/2018)

Khoảng 13 giờ hôm nay, 8/6/2018, một đoạn video phát trực tiếp tại facebook Thúy Phạm cho thấy, cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn xác nhận vừa đặt chân xuống sân bay ở Mỹ.

lvk1

Lê Văn Sơn (đeo kính, đứng thứ 2 từ trái sang) trong phiên tòa phúc thẩm năm2011 tại Nghệ An

Anh cảm ơn mọi người từ trước tới nay luôn luôn quan tâm theo dõi cổ vũ anh trong mọi trường hợp. Sơn nói anh sẽ có thư cám ơn đối với tất cả mọi người và sẽ gặp mọi người trên fb cũng như trên các bài viết của anh.

Tuy trong video không nói cụ thể nhưng có thể hiểu Sơn có mặt ở Mỹ là đi tị nạn chính trị.

Lê Văn Sơn sinh năm 1985, trú tại thôn 2, Trinh Hà, xã Hoàng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Anh bị bắt ngày 3/8/2011 và bị truy tố trong đợt 14 thanh niên Công giáo năm 2011, bị cáo buộc tội danh "hoạt động lật đổ chính quyền". Trong phiên sơ thẩm, anh bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm, bản án của anh giảm xuống còn 4 năm tù giam và 4 năm quản chế tại địa phương.

Ngày 3/8/2015, anh ra tù, tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Ngày 13/4/2018, anh bị công an Thanh Hóa phát lệnh truy nã và khởi tố với lý do không chấp hành án quản chế.

Theo quan sát của chúng tôi, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có những cựu tù nhân lương tâm hoặc những người hoạt động dân chủ, nhân quyền đi tị nạn chính trị tại Mỹ hoặc các quốc gia dân chủ khác bởi sự đàn áp, truy lùng của nhà cầm quyền.

Nguyễn Tường Thụy

*********************

Cựu tù chính trị Lê Văn Sơn đến Mỹ (RFA, 08/06/2018

Một cựu tù nhân lương tâm đang bị truy nã tại Việt Nam, anh Lê Văn Sơn hay Paulus Lê Sơn, vào ngày 7 tháng 6 đã đến Hoa Kỳ, nhưng không cho biết anh đã ra khỏi Việt Nam và đến Mỹ bằng cách nào.

lvk2

Cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn-Courtesy FB Lê Văn Sơn

Vào sáng ngày 8 tháng 6, anh Lê Văn Sơn cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :

"Tôi đến sân bay Porland, Oregan vào lúc gần 12 giờ ngày 7/6 theo giờ địa phương. Tôi thấy khá bất ngờ vì suốt từ cuối năm 2017 đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa truy lùng tôi rất bất ngờ".

Paulus Lê Sơn, một blogger và là nhà bào công dân tại Việt Nam. Anh bị bắt vào năm 2011 và bị Tòa án Nghệ An đưa ra xét xử trong vụ án cùng 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành vào năm 2013. Cáo buộc đối với nhóm này là ‘âm mưu lật đổ chính quyền’.

Tòa sơ thẩm tuyên anh Lê Văn Sơn 13 năm tù giam ; nhưng trong phiên phúc thẩm mức án giảm xuống còn 4 năm tù giam.

Vào tháng 4 vừa qua, công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh truy nã đối với anh Lê Văn Sơn vì không chấp hành lệnh quản chế và vắng mặt tại địa phương từ tháng 10/2015.

Thống kê của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cho thấy hiện có 97 người ở Việt Nam phải ngồi tù với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia ; trong khi đó Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) thì nói con số này lên đến 119 người.

Published in Việt Nam
vendredi, 08 juin 2018 10:18

Không biết chủ quyền ở đâu

Ngư dân Việt thiệt hại nặng nề vì đàm phán kéo dài giữa Indonesia và Việt Nam

Trong khoảng 2 năm gần đây, ngày càng có nhiều ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở vùng biển gần đảo Hòn Cau ở phía Nam nơi có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với Indonesia, bị phía Indonesia bắt giữ với cáo buộc xâm phạm vùng nước của Indonesia. Tuy nhiên một số ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được lại nói rằng họ bị bắt giữ khi đang ở trong vùng nước của Việt Nam. Điều này cũng đã từng được những ngư dân khác nói với báo Tuổi Trẻ của Việt Nam trước kia. Thực hư câu chuyện ra sao ? Liệu có phải tuần duyên Indonesia đã vào sâu trong vùng nước của Việt Nam để bắt giữ ngư dân Việt ?

ngudan1

Hình chụp vào ngày 5/12/2014 : tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn cháy vì đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng nước gần quần đảo Anambas - AFP

Ngạc nhiên vì bị Indonesia bắt

Chiều ngày 3/5/2017, tàu cá Kim Phúc BT 97986 TS của thuyền trưởng Nguyên Văn Vĩ thuộc tỉnh Bến Tre đang neo đợi ghe nhà đến bỏ cá ở vùng biển trong bãi rạn Côn Sơn, gần đảo Hòn Cau của Việt Nam thì các ngư dân phát hiện thấy một chiếc tàu quân sự tiến đến phía họ. Những ngư dân phát hiện chiếc tàu từ phương tiện phát hiện tầm xa ở khoảng cách trên 10 hải lý nhưng họ không biết đó là tàu của nước nào. Họ đinh ninh là tàu tuần duyên của Việt Nam vì họ nghĩ mình đang đánh bắt cá ở vùng biển Việt Nam. Nhưng khi chiếc tàu vào sát khoảng 2 cây số, các ngư dân mới giật mình phát hiện đó là tàu tuần duyên của Indonesia. Lúc đó đã quá muộn cho các ngư dân trên tàu cá Việt Nam có bất cứ phản ứng nào ngoài việc phải tuân thủ những yêu cầu từ phía các nhân viên tuần duyên Indonesia. Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ kể lại :

"Em vừa chạy chưa tới 1 hải lý thì họ tới, họ bắn tín hiệu qua. Họ cặp vào, rồi họ qua họ cặp tàu mình vào tàu họ. Em cặp xong thì ông Trung tá trưởng ông ấy kêu lên buồng lái tàu hải quân, ông ra dấu nói là biển của Indonesia. Em nói đây là biển Việt Nam, chỉ về hướng giàn khoan của mình đó. Nhưng ông ấy vẫn nói no (không), đây là biển của Indonesia. Họ ra tín hiệu cho mình chạy theo tàu của họ về bên bển".

Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ nói với Đài Á Châu Tự Do qua ứng dụng chat trên mạng từ trại giam hải quân Ranai, thuộc đảo Natuna của Indonesia rằng anh vẫn nhớ vào lúc đó tàu của mình chỉ cách giàn khoan Chim Sáo của Việt Nam khoảng 24 hải lý, tại tọa độ 7 độ 20’09 bắc và 107 độ 54’56 đông. Anh Vĩ chắc chắn mình đang ở vùng nước của Việt Nam nhưng không hiểu tại sao tuần duyên của Indonesia lại có thể vào đến đó để bắt vi phạm.

Câu chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Vĩ cũng giống như những câu chuyện của một số ngư dân Việt Nam khác đã bị phía Indonesia bắt trước kia và đã từng được báo Tuổi Trẻ đưa tin, và một ngư dân khác mà đài ACTD cũng tiếp xúc được qua ứng dụng chat từ trại giam hải quân Ranai là ngư dân Võ Minh Tuấn thuộc tỉnh Vũng Tàu. Tất cả đều nói mình đang đánh bắt cá tại vùng biển Việt Nam. Anh Vĩ và anh Tuấn còn nói họ đánh bắt cá theo tọa độ, và sơ đồ đánh bắt được biên phòng Việt Nam cung cấp.

"Biên phòng họ có đưa cho mình sơ đồ những nơi nào của mình. Họ cung cấp cho mình bản đồ ranh giới của mình, hải phận của mình nên biết chớ. Hải quân, cảnh sát biển mình lâu lâu mình đi mình gặp mình vẫn hỏi tọa độ đó và họ vẫn khẳng định vậy".

Không biết chủ quyền ở đâu

Khu vực mà các ngư dân Việt Nam thường bị phía Indonesia bắt cũng là khu vực có vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia. Đó là vùng nước giữa Hòn Cau (Côn Đảo) của Việt Nam ở phía nam và phần phía bắc đảo Natuna của Indonesia.

Từ năm 1969 trở lại đây, hai nước đã đàm phán nhiều lần để phân định vùng chồng lấn. Đến năm 2003, sau 25 năm đàm phán, hai bên ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa tại vùng chồng lấn. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 29/5/2007. Tuy nhiên hiện tại hai nước vẫn tiếp tục đàm phán vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn tức là vùng mặt nước, nơi các ngư dân khai thác thủy sản.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới chính phủ, phía Việt Nam đã từng có đề nghị về việc dùng đường phân định thềm lục địa để phân chia ranh giới vùng đặc quyền kinh tế nhưng phía Indonesia không chấp nhận.

"Trong quá trình đàm phán, tôi được biết là phía Việt Nam cũng đề nghị dùng đường phân định đó để phân chia cho vùng nước ở trên tức là vùng đặc quyền kinh tế nhưng phía Indonesia không chấp nhận nên hai bên đang tiếp tục đàm phán để phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai bên của vùng biển này, chưa đi đến kết luận cuối cùng".

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, việc đánh bắt cá hay bắt giữ các tàu cá mang về nước mình từ vùng nước chồng lấn chưa phân định là không đúng với luật quốc tế.

‘Bất kỳ bên nào đơn phương tiến hành các biện pháp đánh bắt, áp dụng các biện pháp chế tài các vụ vi phạm đó đều không đúng với luật pháp quốc tế. Nghĩa là vùng chồng lấn thì muốn làm ăn ở đó thì hai bên phải có thỏa thuận tạm thời cùng khai thác chung, cùng quản lý chung. Nếu một bên đơn phương tiến hành khai thác, hoặc chế tài để xử lý thì đều sai cả".

Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ và Võ Minh Tuấn cho biết sau khi họ bị bắt, họ mới biết phía Indonesia đã tự đưa ra đường biên mới trên biển, mà theo các ngư dân thì đường biên này đã lấn sâu vào vùng biển Việt Nam, tạo lý do cho các tàu tuần duyên Indonesia vào bắt giữ các tàu cá Việt Nam. Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ cho biết :

"Riêng năm 2017 họ đã lọt vào trong 7 độ trên cái đường dài theo phía bờ, từ 7 độ 00, từ 109 dài xuống 106, giáp 105… Em nghĩ trong năm 2016 và 2017 họ đã lọt vào đường phân định của mình để bắt vài trăm tàu cá Việt Nam rồi, chứ tới em thì mức độ đã quá sâu. Sau em 3 ngày họ vào sâu thêm 3 hải lý để bắt 1 tàu cá, nhưng ảnh phản ứng quyết liệt không cho cặp tàu hải quân vào, và tàu cảnh sát biển của mình chạy ra kịp, nếu không họ vào sâu thêm vài hải lý nữa".

Những vụ tàu chấp pháp Indonesia liên tiếp bắt giữ tàu cá Việt Nam thời gian qua cũng làm ngư dân khó hiểu về vùng nước chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ nói tiếp :

"Chẳng hạn mỗi lần họ bắt một chiếc ghe là họ khẳng định chủ quyền họ ở đó, tụi em ra đó đánh nữa là họ bắt tụi em. Tụi em dời vào sâu 5 hải lý họ vào sâu bắt, tụi em vào 10 lý thì họ lại vào sâu 10 lý để bắt, nên nói thật em không biết chủ quyền của mình nó nằm ở đâu.

Theo thống kê được cập nhật hàng tháng trên trang mạng của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tính từ đầu năm tới tháng cuối tháng 4/2018, đã có gần 80 tàu cá với hơn 600 ngư dân Việt nam bị phía Indonesia bắt giữ. Đại sứ quán Việt Nam cho biết số liệu này có thể còn chưa chính xác vì có những tàu có thể sử dụng số hiệu giả. Trang web của đại sứ quán Việt Nam viết rằng ‘thời gian vừa qua đã có một số lượng lớn tàu thuyên và ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia khai thác cá trái phép dẫn đến việc bị các lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ và bị đưa về các đảo căn cứ của lực lượng chức năng để xử lý’.

Chính phủ Indonesia trong hai năm trở lại đây đã gia tăng việc bắt giữ các tàu cá bị cáo buộc là vi phạm vùng nước của Indonesia gần đảo Natuna. Phía Indonsia đã rất mạnh tay trong việc xử lý tàu cá vi phạm bằng cách đánh chìm các tàu cá này. Theo Reuters, kể từ năm 2014 trở lại đây, Indonesia đã đánh chìm hàng trăm tàu cá nước ngoài vi phạm vùng nước của Indonesia.

Đụng độ

Vùng nước chồng lấn gây tranh cãi giữa hai nước cũng là nơi xảy ra những đụng độ giữa cảnh sát biển Việt Nam và tuần duyên Indonesia và đã có những trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắn thương nặng.

Vào tháng 5 năm 2017, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã đụng độ với tàu tuần duyên của Indonesia khi phía Indonesia tìm cách bắt giữ 5 tàu cá Việt Nam bị phía Indonesia cáo buộc là đang đánh bắt cá trái phép tại vùng nước của Indonesia. Tàu cảnh sát biển đâm vào một tàu cá Việt Nam để tìm cách giải thoát cho các tàu này khiến một tàu bị chìm. Sau vụ đụng độ, phía Indonesia phải thả 5 tàu cá Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ một nhân viên thuộc tàu tuần duyên của Indonesia. Sự việc sau đó được giải quyết một cách hòa bình giữa hai nước khi Việt Nam thả nhân viên Indonesia và phía Indonesia không bắt giữ tàu cá nào của Việt Nam.

Theo Reuters, vào tháng 7 năm 2017, Hải quân Indonesia đã bắn bị thương 4 ngư dân Việt nam trên một tàu cá ở gần khu vực phía Bắc Natuna. 2 ngư dân trong số này bị cho là thương nặng. Các ngư dân này được đưa về Côn Đảo để cứu chữa.

ngudan2

Indonesia bắt tàu cá Việt Nam có sự chứng kiến của cảnh sát biển Việt Nam - Hình do ngư dân cung cấp

Nhưng đó chỉ là số ít những vụ ngư dân Việt Nam nhận được sự can thiệp kịp thời từ phía cảnh sát biển Việt Nam được báo chí đưa tin. Theo ngư dân Nguyễn Văn Vĩ, tàu của anh cũng đã được phía tàu cảnh sát biển Việt Nam tìm cách cứu nhưng không thành công. Còn tàu của ngư dân Võ Minh Tuấn bị bắt hôm 19/4/2017 thậm chí còn không có may mắn để gặp được tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Nói về tình trạng tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra và giúp đỡ các ngư dân trên biển tại các vùng biển nhạy cảm như gần đảo Natuna của Indonesia, Thạc sĩ luật Hoàng Việt nói :

"Một trong những vấn đề của Việt Nam là lực lượng cảnh sát biển chưa đủ mạnh để thực thi các quyền trên biển. Có thể bây giờ Việt Nam đang tính việc dó, tăng cường sức mạnh của cảnh sát biển nhưng cũng cần có thời gian".

Mong có đường biên rõ ràng

Ngư dân Nguyễn Văn Vĩ và Võ Minh Tuấn đã ở trại giam Ranai của Indonesia đã hơn 1 năm nay. 1 năm trời ròng rã, họ không thể ra khơi kiếm sống nuôi gia đình, ghe thì bị hủy. Ngư dân Võ Minh Tuấn buồn bã nói :

"Hỗ trợ thì không có vì ba em ở nhà là chủ ghe. Ghe mới đánh chuyến đầu tiên thì bị bắt luôn. Ba em có gửi đơn ra ngoài Bộ Ngoại giao rồi đó. Ba gửi cho cảnh sát biển nữa. Lúc nào họ cũng có tờ giấy nói là đã nhận được đơn và sẽ sớm giải quyết và đã và đang làm việc với phía Indonesia mà bên đây chả thấy gì hết. Bên đây nó vẫn kéo ghe của em ra hủy ghe xong".

Anh Tuấn cho biết anh không hiểu tiếng Indonesia nhưng được phía giới chức Indonesia bảo ký giấy tờ đã hủy ghe. Anh chỉ nhìn hình ảnh chụp, được phía Indonesia cung cấp và thấy ghe của mình bị cắt lỗ cho chìm. Ngư dân Võ Minh Tuấn cho biết giá trung bình của một chiếc ghe cũng trên 2 tỷ đồng. Các ngư dân mỗi lần đi đánh bắt cá thường đi một cặp ghe, tức hai cái. Nếu cả hai ghe bị bắt và bị hủy, họ mất từ 5 đến 7 tỷ đồng, chưa kể những hải sản đánh bắt được cũng bị hủy.

Các ngư dân hiện đang chờ ngày ra tòa, nhưng họ lại đang gặp phải nhiều bất lợi trước phiên tòa như lời của ngư dân Nguyễn Văn Vĩ.

"Tụi em ra tòa nói chung là chẳng có gì để làm bằng chứng hết, họ hủy hết. Có người chờ đến 1 năm mới lên tòa. Như em ở đây cũng gần 1 năm rồi, tài sản của mình họ lấy hết rồi, giờ mình chưa ra tòa. Đại sứ quán mình không tới, chẳng nhờ vả được ai, ra ngoài không được, họ không cho gặp người Việt".

Vào tháng 11 năm ngoái và tháng 3 năm nay, báo Tuổi Trẻ của Việt Nam cũng đã có loạt bài nói về những ngư dân Việt Nam ra tòa ở Indonesia. Các ngư dân này, theo Tuổi Trẻ, đều nói họ không vi phạm vùng nước của Indonesia nhưng họ bị phía giới chức Indonesia ép ký vào một số giấy tờ bằng tiếng Indonesia. Định vị của tàu được coi là bằng chứng để xác định tàu có vi phạm vùng nước của Indonesia hay không đã không được tòa xem xét.

Trả lời câu hỏi của báo chí về những phiên tòa xét xử ngư dân ở Indonesia và việc can thiệp giúp đỡ ngư dân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 14/12/2017 nói ‘căn cứ vào tình hình cụ thể, sứ quán sẽ cử cán bộ đến tham dự các phiên tòa tiếp theo với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân’

Mất của, mất thu nhập chỉ là một chuyện. Gia đình các ngư dân hàng tháng vẫn phải gửi tiền sang chu cấp cho họ tiền ăn vì trại giam chỉ cung cấp cho họ gạo. Một năm ròng rã không thu nhập, trong khi gia đình phải gửi thêm tiền, các ngư dân thực sự thấy mệt mỏi. Họ chỉ mong mau chóng được ra tòa, có kết quả, rồi sớm được về nước. Nhưng có lẽ một mong muốn chung mà cả hai ngư dân mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều chia sẻ chính là sự can thiệp của nhà nước, và kết thúc đàm phán với Indonesia về chủ quyền tại vùng nước chồng lấn, như lời của ngư dân Võ Minh Tuấn khi kết thúc cuộc nói chuyện với đài ACTD.

"Mong Việt Nam và Indonesia có đường biên rõ ràng để ngư dân đánh bắt hải sản chính trên vùng biển của mình chứ bây giờ phía Indonesia kêu đó là vùng biển của Indonesia, phía Việt Nam kêu vùng biển của Việt Nam. Mình đứng chính giữa mình bị mất hết của cải, chứ làm được gì"

Nguồn : RFA tiếng Việt, 08/06/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 27 mai 2018 12:22

"Thực dân Pháp" tốt hay xấu ?

Chúng ta ngày nay đều biết rằng Mỹ hoàn toàn không phải đế quốc thực dân đi xâm chiếm khai thác bóc lột nước khác như lời cộng sản tuyên truyền, nhưng ngay cả những "thực dân" thực thụ như nước Pháp có thực sự xấu xa ?

colon1

Ngôi nhà 130 năm tuổi ở 59-61 Lý Tự Trọng, thời Pháp thuộc là Sở Nội vụ Nam Kỳ, người dân xưa còn gọi là dinh Thượng Thơ, hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương. Ảnh RFA

Những đóng góp lớn

Các công trình kiến trúc mà Việt Nam hiện nay đang tự hào, ví dụ ở Hà Nội : từ Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thư viện quốc gia… cho đến những cơ quan đầu não, những vị trí tối quan trọng như Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Ngoại giao, Nhà khách Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao… đều do Pháp xây dựng.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh : Nhà thờ Đức Bà, Bến Nhà Rồng, Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bưu điện trung tâm thành phố, nhà hát Lớn, chợ Bến Thành… cũng được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Ngay trung tâm Quận 1 còn có con đường mang cái tên "tây" lạ hoắc : "Alexandre de Rhodes". Tìm hiểu mới biết hóa ra đấy là một ông có công to, ông ấy là một nhà truyền đạo người Pháp góp công sức cuối cùng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ bên cạnh công lao của các giáo sĩ nước ngoài khác.

Chữ Nôm thì dựa vào chữ Hán và quá khó để sử dụng (vì còn khó hơn cả chữ Hán), vì thế việc tạo ra chữ Quốc ngữ được đánh giá là "đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ". Rõ ràng nếu không có ông người Pháp ấy, người Việt hiện nay vẫn chưa có chữ mà dùng, và tất nhiên ông Bùi Hiển cũng không có cái để mà "cải cách".

Có nghĩa là nếu chỉ để người Việt với nhau, Việt Nam vẫn là một vùng đất lạc hậu. Thời Pháp thuộc, có thể Việt Nam chưa giàu có, nhưng trước đó Việt Nam cũng đã sung sướng đâu ? Sau này khi Việt Nam chỉ toàn là người Việt dưới chế độ Cộng sản, chúng ta đang là một nước ngày càng tụt hậu.

Những thành tích mà Đảng cộng sản khoe khoang thật ra chỉ là nói trong nước với nhau để mị dân, chứ những thành tích xuất khẩu gạo, cà phê, xuất khẩu lao động… có làm lãnh đạo Đảng ngẩng cao đầu khi đi ra nước ngoài được không ?

Việt Nam bây giờ có đường nhựa, cầu cống, nhà cao tầng… nhưng đó đều là sản phẩm của nền văn minh phương Tây. Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, xe ô tô, xe máy, máy bay… Việt Nam đâu tự nghĩ ra. Người ta phát minh ra, và anh được hưởng lây. Đấy là xu thế phát triển chung của thế giới, ở đâu chả vậy, hay vẫn muốn sống như bộ lạc ?

Tự hào là phải làm ra những cái mà người khác không làm được, là phải đi trước người khác !

Chủ nghĩa nhân đạo

Người Pháp có khai thác thuộc địa, nhưng họ đã xây cho bao nhiêu thứ dùng đến tận bây giờ. Từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền đã xây được thứ gì cho ra hồn để mà tự hào ?

Trụ sở mới hoành tráng 47 Phạm Văn Đồng của Bộ Công an tốn kém bao nhiêu tiền của dân mà chỉ dám chuyển lên những phòng ban ít quan trọng, còn lại vẫn ở chỗ cũ vì chỗ mới để nhà thầu Trung Quốc gài đầy thiết bị nghe lén trong tường.

Thế mới nói phương Tây họ có chủ nghĩa nhân đạo, có danh dự, có tinh thần trách nhiệm. Họ khai thác thuộc địa, nhưng đem đến bao thứ văn minh. Còn mình, tự xây cho mình sử dụng mà còn chẳng xây cho ra hồn. Vậy mà nghĩ rằng mình tốt hơn người ta ?

Đảng Cộng sản gây ra bao cuộc thảm sát, một trong số đó là Cải cách ruộng đất giết chết bao người vô tội, nhưng lại được coi là chuyện bình thường. Cùng là người Việt mà có tốt với nhau đâu.

Giống như chuyện bạo lực gia đình là chuyện quá phổ biến ở Việt Nam, nhưng nếu có ông chồng Hàn Quốc nào bạo hành vợ Việt thì lại gây căm phẫn trong dư luận. Cái tâm lý ấy khiến cho sự đánh giá trở nên thiếu khách quan và không chính xác. Nó khiến cái ác của bản thân nhỏ đi và của người khác to ra trong khi chính mình đáng bị lên án hơn nhiều.

Tổng thống Pháp François Mitterrand trong chuyến thăm Việt Nam năm 1993 đã muốn đến nhà nhạc sĩ Văn Cao vì bài Tiến Quân Ca làm ông nhớ đến La Marseillaise – Quốc ca Pháp. Chính phủ Việt Nam lúc đấy mới vội vã cấp cho Văn Cao một khoản tiền do ông đang sống trong cảnh quá tồi tàn.

Đảng đóng dấu ông là phản động chỉ vì ông lên tiếng đóng góp để đất nước tốt hơn. Nếu không có bài Quốc ca, lẽ ra ông phải đi tù ít nhất 15 năm. Bù lại, ông bị giam lỏng, trước cửa nhà luôn có công an ngầm canh gác. Đảng đã vô hiệu hóa Văn Cao suốt hơn 30 năm, đã bắt ông sống trong nghèo khổ, đã đày ông đi cải tạo lao động trên Tây Bắc trong tình trạnh sức khỏe kém, đã tìm mọi cách thay bài Quốc ca (nhưng không thành công vì chẳng có bài nào ra hồn).

Đáng chú ý, bài hát Tiến Quân Ca được Văn Cao sáng tác vào thời kháng chiến chống Pháp, nhưng Tổng thống Pháp không bận tâm chuyện đó, đến thăm chỉ vì mến cái tài. Đấy, người Pháp mà còn quý trọng người Việt hơn người Việt với nhau. Vậy mà tự nhận người Việt là vị tha, yêu chuộng hòa bình.

Người ta đã chỉ ra xã hội Cộng sản hiện tại nhiều mặt thua cả thời Pháp thuộc, ví dụ như tự do báo chí, giáo dục, đạo đức xã hội… Nghe tưởng chừng vô lý, nhưng Hong Kong hiện tại chắc chắn thua thời làm thuộc địa của Anh !

Thoạt qua, có thể đổ lỗi cho người Việt vì thích đánh nhau, dễ hận thù mù quáng nên không nhìn ra được cái tốt cái xấu, cái lợi ích lâu dài ; nhưng rõ ràng cũng là người Việt nhưng ở thể chế Cộng hòa thì lại khá hơn hẳn. Việt Nam Cộng hòa chẳng đã lấy tên một ông Tây để đặt cho con đường ở trung tâm Sài Gòn để tưởng nhớ công lao tạo ra chữ Quốc ngữ đấy thôi. Rõ ràng họ trân trọng tri thức chứ không coi "trí thức là cục phân" như những người miền Bắc.

Có lẽ Văn Cao đã rút ra được một điều : thực dân Pháp có thể tốt, có thể xấu, có thể nửa tốt nửa xấu ; nhưng nó có xấu, thì vẫn không xấu bằng chế độ cộng sản !

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 25/05/2018

Published in Văn hóa

Báo chí thường xuyên đưa tin về những vụ việc như khách Trung Quốc vào Việt Nam mang hộ chiếu, tranh ảnh, sách báo có in hình đường đứt khúc chín đoạn mà nhiều người gọi ‘đường lưỡi bò’.

south1

Áo thu in hình đường lưỡi bò trên Biển Đông được bán trên mạng internet Shopping Guide - Alibaba

Gần đây nhất là vụ việc hơn chục khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. Những du khách này đã mặc áo khoác bình thường bên ngoài và khi tới sân bay của Việt Nam đã đồng loạt cởi áo khoác ra, chỉ mặc đồng phục là chiếc áo phông có bản đồ lưỡi bò sau lưng.

Sau khi vụ việc vỡ lở, Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng vụ việc cần phải được xử lý mềm dẻo, không để ảnh hưởng đến đại cục. Phát biểu này của ông Tuấn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, một trong những điểm du lịch đông khách Trung Quốc nhất ở Việt Nam, cũng là nơi chứng kiến nhiều vụ việc du khách Trung Quốc mang theo bản đồ hình lưỡi bò vào Việt Nam, cho biết :

Năm 2013 đã có cặp vợ chồng người Trung Quốc họ đã in hình bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc đi ngang nhiên giữa đường chính ở Đà Nẵng sau đó bị công an quận Liên Chiểu bắt lại và tịch thu bản đồ đó.

Một số du khách Trung Quốc khác qua cửa sân bay Đà Nẵng, họ đưa hộ chiếu ra cũng có hình lưỡi bò. Phía hải quan đã không chấp nhận hộ chiếu đó và cấp một tờ giấy khác để nhập cảnh.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của đội bóng No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, bình luận với RFA :

Tôi có được thông tin rằng hãng quần áo GAP nổi tiếng của Mỹ đã xin lỗi Trung Quốc vì có bản đồ nào đó không có hình lưỡi bò và họ đã thu hồi lại chiếc áo đó.

Trung Quốc đã tuyên truyền bản đồ hình lưỡi bò này trên phạm vi thế giới và mang tính hệ thống rất cao.

Tôi nghĩ việc này cần phải đánh động dư luận và cảnh báo cho người dân biết. Khi có những hiện tượng như vậy chúng ta cần lên tiếng và có các động thái buộc phía Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi sai trái này.

Theo nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì Trung Quốc không thể chứng minh tính pháp lý của đường lưỡi bò nên tích cực dùng hình thức tuyên truyền để thay thế :

Cứ thế họ tuyên truyền để tạo ra sự mặc nhận hay ấn tượng trong mỗi người dân Trung Quốc rằng đường lưỡi bò gần như bao lấy toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.

Trong thực tế họ đã tạo ra được kết quả, nhiều người kể cả các học giả Trung Quốc khi nói chuyện với nhau bảo rằng khi họ lớn lên đi học đã biết đường lưỡi bò này rồi.

Biện pháp của Việt Nam

Đáp lại câu hỏi liệu cơ quan chức năng Việt Nam đã quản lý nghiêm ngặt việc đưa ấn phẩm in hình lưỡi bò vào lãnh thổ của Việt Nam hay chưa, ông Trần Công Trục nhận xét :

Nếu Việt Nam phát hiện được đều có tiếng nói phản đối rất mạnh mẽ, không chấp nhận những yêu sách đó. Tất nhiên, vì rất nhiều kênh khác nhau, có thể có một số lĩnh vực vẫn để lọt lưới những ấn phẩm mang tính chất tuyên truyền của Trung Quốc. Khi phát hiện ra, Việt Nam đã rất cương quyết trong việc thu hồi, tiêu hủy và có sự cảnh báo tới các tổ chức kinh tế, du lịch cần thực hiện đúng các quy định của Việt Nam.

Tôi nghĩ chúng ta đã làm, nhưng tất nhiên để làm triệt để không còn hiện tượng đó thì rất khó. Vì trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều lĩnh vực mà không thể kiểm soát hết một lúc được.

Hãng tin AFP từng nhận định Việt Nam là quốc gia thường xuyên lên tiếng phản đối nhất các động thái bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, với nhiều người dân trong nước, đặc biệt là giới hoạt động chống sự xâm lấn của Bắc Kinh, thì sự phản đối của Việt Nam chỉ dừng lại ở tính hình thức.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho biết :

Phía chính quyền đã có những động thái như đưa thông tin lên báo chí, khánh thành những tượng đài liên quan đến chủ quyền và có cả những bảo tàng về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, tôi thấy những việc họ làm chẳng qua là đối phó với dư luận.

Bởi vì vấn đề chủ quyền biển đảo không phải chỉ có Nhà nước, mà quan trọng là phải có sự phản đối của người dân. Nhưng bao lâu nay ở Việt Nam, bất cứ ai hay nhóm hội nào biểu tình phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc đều bị đàn áp rất dã man.

Anh Thắng cho biết chính quyền Việt Nam rất khôn khéo ở chỗ họ không bao giờ bắt người dân vì phản đối Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông mà họ tìm cách quy chụp vào các tội danh như quấy rối trật tự công cộng, tuyên truyền chống phá nhà nước hay thậm chí lật đổ chính quyền nhân dân. Anh cho rằng hành động và lời nói của nhà cầm quyền không đi đôi với nhau, dần dần làm mất lòng tin từ phía người dân.

Đội bóng No-U phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc mà anh Thắng tham gia thường xuyên bị gây khó dễ trong quá trình tập luyện, thậm chí bị đánh đập, lột mất áo đồng phục có phản đối đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Một số thành viên bị bỏ tù với lý do chống phá nhà nước.

Một sự kiện khác gần đây khiến dư luận bất bình, đó là khi Trung Quốc triển khai máy bay ném bom ra biển Đông, trong khi Mỹ lên tiếng phản đối thì Việt Nam lại hoàn toàn im lặng.

Anh Nguyễn Lân Thắng đã yêu cầu phía chính quyền phải có trách nhiệm phản kháng, đáp trả hành động xâm lấn của Trung Quốc ở biển Đông một cách chính đáng. Đồng thời cho phép người dân được lên tiếng phản đối Trung Quốc bởi vì theo anh chỉ có sức mạnh số đông mới có thể thay đổi tình hình. Nhà hoạt động này cũng cảnh tỉnh rằng nếu chính quyền không thuận lòng dân thì sẽ dần mất tín nhiệm từ họ và hậu quả có thể nhìn thấy được.

Đây cũng là quan điểm của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn :

Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng tôi thấy như một hình thức vậy. Việt Nam phải có động thái khác cứng rắn hơn, hiệu quả hơn. Chứ không thể cứ có chuyện là lên tiếng như vậy. Tôi thấy nó vô thưởng vô phạt quá !

Còn Tiến sĩ Trần Công Trục lại có quan điểm khác, ông cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tức là lấy nguyên tắc độc lập chủ quyền làm trên hết nhưng phải có sách lược mềm dẻo thế nào đó để tránh xung đột xảy ra. Bởi vì theo ông, chiến tranh mới thực sự nguy hiểm, sẽ đẩy nhân loại vào cuộc thảm khốc không ai tồn tại được.

Nguồn : RFA, 24/05/2018

Published in Diễn đàn

Lịch sử Việt Nam thời kỳ mở nước, trước khi thoát hẳn khỏi ách đô hộ ngàn năm Bắc Thuộc còn nhiều góc khuất, thiếu thông tin, và gây ra sự tranh luận trong giới sử gia. Một phần nguyên nhân quan trọng là do chính sách của người Hán đối với người Việt, như đốt sách, đồng hóa …

Nhà Triệu do Triệu Vũ Đế - tức Triệu Đà lập nên năm 207 trước Công nguyên là một trong những phần lịch sử dân tộc còn tranh luận như vậy.

nha1

Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế. RFA

Phóng viên RFA tại Hà Nội ghi nhận ý kiến một số chuyên gia sử học Việt Nam về vấn đề này.

Nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam hay không ?

Theo chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam như Đại Việt Sử Ký, An Nam Chí Lược thời nhà Trần, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thời nhà Hậu Lê, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thời nhà Nguyễn, và Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim đều nhìn nhận Nhà Triệu là triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam.

Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có viết :

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương".

Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác không công nhận Nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam, bắt nguồn từ sử gia Ngô Thì Sĩ thời vua Tây Sơn Nguyễn Huệ. Quan điểm lịch sử chính thống hiện nay được phản ảnh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học, và các sử gia từ Đào Duy Anh cho đến Phan Huy Lê đều phủ nhận Nhà Triệu và coi là "kẻ xâm lược", Triệu Đà là ngoại bang đến cai trị người Việt.

Luồng quan điểm phủ nhận Nhà Triệu dựa trên căn cứ : Triệu Đà quê gốc ở Chân Định - nay thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, nằm phía Bắc sông Dương Tử - phần đất không phải của Bách Việt ; ông là tướng nhà Tần, theo lệnh Hoàng đế Trung Hoa là Tần ThỦy Hoàng đem quân đánh chiếm vùng đất của các bộ tộc Bách Việt. Khi nhà Tần mất thì Triệu Đà mới tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược.

Ngày 15/5/2018 vừa qua, Trung tâm Minh Triết kết hợp với Trung tâm Lý học Đông Phương, Trung tâm Nghiên cứu Khả năng và Hiện tượng Đặc biệt và Họ Triệu tại xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tổ chức buổi Tọa đàm : Nhà Triệu - mấy vấn đề lịch sử nhân dịp lễ hội Làng nghề chạm bạc Đồng Sâm tưởng nhớ Triệu Vũ Đế.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực : lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, mỹ thuật, khảo cổ, … Họ đều có chung quan điểm công nhận Triệu Vũ Đế - Triệu Đà là hoàng đế đầu tiên của người Việt.

Cuộc chiến giữa Triệu Đà và Thục Phán An Dương Vương theo quan điểm lịch sử chính thống được ghi trong sách giáo khoa là cuộc chiến tranh xâm lược, mở đầu thời kỳ Bắc Thuộc. Tuy nhiên, theo PGS-TS Trương Sỹ Hùng nhìn nhận, đây thực chất chỉ là cuộc chiến để thống nhất các tiểu vương quốc, không phải quốc gia nọ xâm chiếm quốc gia kia.

"Cho nên chúng ta đừng đặt vấn đề thờ Triệu Đà hay thờ An Dương Vương, mà An Dương Vương và Triệu Đà đều là người Hán, đã bị Việt hóa từ lâu rồi, và họ thành người Việt".

nha2

Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế. RFA PHOTO

Chia sẻ quan điểm với PGS-TS Trương Sỹ Hùng, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, chính sử của Trung Quốc coi nước Nam Việt của Nhà Triệu là vùng "biên viễn" cho đến khi xâm chiếm được vào năm 111 trước Công nguyên.

"Nguồn gốc xuất thân của người đứng đầu vương quốc này là người Hán hay người Việt không phải cái quyết định quan trọng, bởi vì Lý Bôn cũng người gốc Hán. Nhưng mà khi họ đã hội nhập với đất nước, giang sơn này, họ coi đất nước, giang sơn này là tổ quốc của họ, họ kiên quyết bảo vệ".

Một nguồn thông tin khác là "Cổ Lôi Ngọc Phả" hay "Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư" có giả thuyết cho rằng, Triệu Đà là cháu ruột của Hùng Duệ Vương - tức vua Hùng thứ 18, khi An Dương Vương đánh chiếm Văn Lang đã chạy về phương Bắc, được người họ Triệu thu nhận, nên mang họ Triệu.

Vai trò của Nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam

PGS-TS Trương Sỹ Hùng đánh giá, Nhà Triệu nổi bật nhất trong khía cạnh bảo vệ độc lập, tự chủ của nước Nam Việt trước cường quốc phương Bắc là nhà Hán - khi đó mới thành lập sau khi Hán - Sở tranh hùng.

"Bên cạnh đó, ông (Triệu Đà) trả lời một câu rất hay là : Nhưng mà tôi vẫn đặt quan hệ đi lại, bang giao - tức là để quan hệ bang giao thuận lợi hơn, mà không để giãn cách. Tôi cho rằng, bài học đấy không những bây giờ, mà mãi mãi về sau này, bởi vì cái sự tồn tại, độc lập dân tộc của mỗi quốc gia là riêng. Còn vấn đề lúc va chạm nhau là chuyện giải quyết thắng thua, rành mạch, sòng phẳng, sau đó chúng ta lại phải giữ quan hệ với nhau hữu hảo, lâu dài".

Nhà giáo Vũ Thế Khôi phân tích kỹ hơn, Nhà Triệu đã lập ra một quốc gia tự chủ cho người Việt, bằng cách tập hợp, thống nhất được sự đoàn kết của các sắc tộc cùng sinh sống trong lãnh thổ Nam Việt mà được gọi là "Hòa tập Bách Việt". Nhà Triệu cũng khôn khéo trong chính sách "Trong Đế - Ngoài Vương" và cương quyết bảo vệ nền độc lập trước nhà Hán khi bị xâm chiếm.

"Để tồn tại được thì rất mềm mỏng, nhưng khi cần bảo vệ quốc gia thì cương quyết, không hèn nhát. Và chính vì thế, vương triều nhà Triệu cho đến bây giờ vẫn sống trong tâm thức người Việt. Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế".

Bên cạnh đó, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, để tạo ra sự thống nhất, Triệu Vũ Đế đã đưa chữ Hán vào đời sống chính trị, xã hội Nam Việt khi đó, chứ không phải do quân đội nhà Tần mang đến.

"Trong khi chữ Việt cổ bị mai một từ lúc nào đấy do hoàn cảnh lịch sử. Mà bây giờ các học giả đã chứng minh là nó có, mà chính người Trung Hoa xây dựng chữ tượng hình của họ trên cơ sở chữ Việt cổ đó. Nhưng lúc bấy giờ chữ Việt cổ không còn được sử dụng rộng rãi nữa, thì ông ấy sử dụng luôn chữ Hán, để làm công cụ truyển tải trong chính quyền của ông ấy".

Lịch sử Việt Nam thời kỳ dựng nước và bảo vệ nền độc lập từ ngày đầu còn nhiều điều mà hậu thế chưa rõ, và cả dân tộc này vẫn đang đi tìm hiểu lấp đầy những khoảng trống, giải quyết những khúc mắc.

PGS-TS Trương Sỹ Hùng cho biết, thời gian tới đây, các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát những di chỉ khảo cổ, tìm kiếm tài liệu, thư tịch cổ về Nhà Triệu không chỉ tại miền Bắc Việt Nam, mà còn cả ở Quảng Đông, Quảng Tây - những vùng đất của người Bách Việt xưa, trong lãnh thổ Nam Việt thời Triệu Đà.

Nguồn : RFA, 22/05/2018

Published in Văn hóa

Loài người chỉ chiếm 0,01% nhưng đã hủy diệt 83% động vật có vú hoang dã trên trái đất

Loài người chỉ chiếm một phần rất nhỏ sự sống trên Trái Đất nhưng đã gây tác động khủng khiếp lên toàn bộ sự sống của hành tinh này.

loai1

Ảnh minh họa chụp tại Sri Lanka hôm 11/5/2018. AFP

Thông tin vừa nêu được đưa ra trong nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNSA) công bố hôm 21 tháng 5.

Cụ thể, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu kết luận loài người đã hủy diệt gần 83% động vật có vú hoang dã và phân nửa khối lượng cây xanh mặc dù loài người chỉ chiếm 0,01% sự sống trên Trái đất.

Theo PNSA, đây có thể coi là một cuộc điều tra dân số toàn cầu đầu tiên về hàng triệu sự sống trên hành tinh. Theo đó, nếu cân cả Trái đất (sinh khối), hơn bảy tỷ người vẫn không là gì so với cây, sâu và vi khuẩn…

Theo nghiên cứu này, cây cối chiếm phần lớn cân nặng của trái đất với khoảng hơn 80%, vi khuẩn chiếm 13%. Các loại nấm chiếm khoảng 2%.

Theo nhà sinh học Ron Milo thuộc Viện khoa học Weizmann của Israel, tác giả chính của nghiên cứu này, những đánh giá vừa nêu có thể không hoàn toàn chính xác, con số có thể nhiều hoặc ít hơn nhưng tối thiểu cho chúng ta ước lượng bằng con số.

Cũng theo nghiên cứu này, hiện nay số lượng gia súc thuần hóa đã gấp 14 lần động vật có vú hoang dã. Trong tương lai, thay vì các em nhỏ được học về voi, sư tử, chúng sẽ được học rằng động vật trên trái đất chỉ có heo, bò sữa và gà công nghiệp...

Nghiên cứu cũng cho thấy gia cầm nuôi chiếm 70% tổng số chim trên hành tinh, chỉ có 30% là hoang dã. 60% động vật có vú trên trái đất là vật nuôi, chủ yếu là gia súc và lợn, 36% là con người và chỉ 4% là động vật hoang dã.

Theo nhà nghiên cứu Paul Falkowski thuộc Đại học Rutgers - Hoa Kỳ, có hai điểm chính rút ra từ nghiên cứu này. Thứ nhất, con người rất hiệu quả trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sát hại và trong một số trường hợp hủy diệt rất nhiều loài động vật có vú hoang dã trên tất cả các lục địa vì nhiều mục đích khác nhau. Thứ hai, sinh khối của thực vật trên cạn hiện chiếm ưu thế và phần lớn thuộc dạng gỗ.

Nguồn : RFA, 22/05/2018

Published in Văn hóa

Nguồn : RFA, 17/05/2018

Published in Video

Việt Nam bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc (RFA, 14/05/2018)

Trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn quặng và khoáng sản với giá trị hơn 65,5 triệu đôla Mỹ, tương đương 980.000 đồng/tấn.

kho1

Việt Nam xuất khẩu 1,5 triệu tấn quặng và khoáng sản với giá rẻ - Ảnh minh họa - tnmtphutho.gov.vn

Đây là số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê và truyền thông trong nước loan đi vào ngày 14 tháng 5.

Trong số 1,5 triệu tấn quặng và khoáng sản xuất khẩu có đến 1,2 triệu tấn xuất sang Trung Quốc, tương đương 80% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên giá trị thu về chỉ có 29 triệu đôla Mỹ, như vậy giá xuất sang Trung Quốc chỉ ở mức 560.000 đồng/tấn, rẻ hơn so với các thị trường khác.

Điển hình khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam đạt được 3,4 triệu đôla Mỹ với gần 13.500 tấn. Như vậy bình quân mỗi tấn khoảng 5,8 triệu đồng, cao hơn 10 lần so với giá xuất sang Trung Quốc.

Việc xuất khẩu khoáng sản giá rẻ cho Trung Quốc đang gây ra nghi vấn liệu có xảy ra việc trục lợi chính sách, làm thất thoát tài nguyên nhà nước.

********************

Việt Nam nhập nhiều loại phế liệu (RFA, 14/05/2018)

Một số công ty Việt Nam gần đây đã nhập khẩu trái phép nhiều phế liệu, chủ yếu làm bằng thép, nhựa và giấy.

kho2

Việt Nam đã nhập khẩu trái phép nhiều phế liệu, chủ yếu làm bằng thép, nhựa và giấy - Ảnh minh họa - RFA

Đây là thông tin được Tổng cục Hải quan cho biết vào hôm thứ hai, 14 tháng 5.

Những đồ phế liệu nhập khẩu không có giấy phép đã được chất đống tại các cảng biển lớn, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã khai thác lỗ hổng trong các thủ tục nhập khẩu phế liệu để buôn lậu các sản phẩm cũ.

Tin cho biết một công ty ở tỉnh Ninh Bình từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018 đã nhập gần 44.000 tấn phế liệu nhựa mà không có giấy phép. Những phế phẩm này được chuyển đến các cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu và Hải Phòng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Hà Nội năm 2014, chỉ có tổng cộng 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam để làm nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Tính đến tháng 3 năm 2018, tổng cộng 928 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu phế liệu, chủ yếu là nhựa, thép và giấy.

Published in Việt Nam