Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cơ quan tình báo Slovakia (SIS) không tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí của Việt Nam bị buộc tội tham nhũng.

slovak1

Ông Trịnh Xuân Thanh tại phiên sơ thẩm hôm 22/1/2018. AFP

Chủ tịch Ủy ban Nghị viện Slovakia giám sát SIS, ông Gábor Grendel, công bố như vậy sau một phiên họp của ủy ban này vào ngày 10 tháng 8 vừa qua và được mạng báo The Spectator loan đi hôm 13 tháng 8.

Ông Grendel cho biết Bộ Nội vụ Slovakia đã không yêu cầu Cơ quan tình báo hợp tác trong việc xác minh thông tin và tổ chức lưu trú cho phái đoàn Việt Nam tại Slovakia vào tháng 7 năm ngoái khi phái đoàn Việt Nam do ông Bộ trưởng công an, Tô Lâm, dẫn đầu sang thăm quốc gia Châu Âu này.

Ông Grendel khẳng định cơ quan tình báo không hề che giấu bất kỳ thông tin nào về vấn đề này, và khi SIS biết được một số thông tin thì cơ quan này đã ngay lập tức chuyển cho các văn phòng liên quan.

Ông Grendel còn nói thêm nếu có bất cứ sai phạm nào thì đó là thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ.

Chủ tịch Ủy ban Nghị viện Slovakia chịu trách nhiệm giám sát SIS cũng cho biết sau phiên họp vào ngày 9 tháng 8 rằng bản thân ông tin tưởng hơn vào khả năng ông trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc và được đưa đi bằng máy bay của chính phủ nước này.

Hiện tại cả Bộ trưởng Nội vụ và Giám đốc cơ quan tình báo Slovakia đều nói đang chờ đợi kết quả điều tra vụ việc.

Trong khi đó tại Pháp, Chính phủ quốc gia Châu Âu này cũng đã âm thầm tiến hành điều tra nhóm mật vụ Việt Nam tới Paris vào năm ngoái để thực hiện vụ bắt cóc ông Thanh. Hồ sơ vụ án đã được hoàn thành và chuyển sang cho an ninh Đức vào đầu tháng 8 vừa qua.

Mạng Thoibao.de tại Đức cho biết vào tháng 7 năm ngoái, một nhóm người Việt Nam trong đó có sĩ quan an ninh Vũ Quang Dũng, hiện là trợ lý cho Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Việt Nam đã sang Paris. Nhóm người này đã phối hợp cùng một nhóm khác tại thủ đô Berlin của Đức để thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Chiếc điện thoại và sim mà nhóm người Việt này sử dụng tại Pháp đã được cơ quan chức năng điều tra, và tìm thấy lộ trình di chuyển cũng như tất cả các liên lạc trong chiếc sim này.

Ông Trịnh Xuân Thanh được nói là đã bị Việt Nam bắt cóc trên đất Đức khi đang xin quy chế tị nạn tại đây, và được đưa về nước trên một chiếc máy bay của Chính phủ Slovakia. Hiện ông Thanh đang thụ án chung thân ở Việt Nam vì cáo buộc tham nhũng và làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Published in Quốc tế

Nguồn : RFA, 08/08/2018

Published in Video

Những tiếng leng keng, leng keng… nối dài, không phải của tàu điện Hà Nội một thuở mà đó là thanh âm của tiếng chuông xe cyclo khắp ba miền đất nước của những năm thập niên 1980 thế kỉ trước. Theo thời gian, các loại phương tiện khác thay thế cho cyclo, xe thồ. Những năm 1990 thế kỉ trước đến năm 2000, nghề chạy xe cyclo gần như chết hẳn vì không có khách. Để rồi sau đó gần hai mươi năm, kĩ nghệ xe cyclo ra đời với đủ sắc màu thời du lịch.

cyclo1

Bác tài cyclo ngồi chờ khách trong ế ẩm - RFA

Nhưng có vẻ như cuộc kiếm cơm của nghề cyclo thời du lịch cũng không kém phần cam go, gay cấn. Cyclo du lịch quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội được xem là đội ngũ rầm rộ nhất Việt Nam, nhiều hơn cả Hội An, Quảng Nam, hay Huế và một khi cyclo phải cạnh tranh với xe điện cùng hàng loạt dịch vụ khác, thì tình hình lại thêm phần gay cấn và cay đắng.

Gồng mình kiếm cơm thời du lịch

Anh Trần Duy Hồng, người chạy cyclo bên bờ Hồ Gươm, Hà Nội, tâm sự :"Hầu như khan hiếm rồi, ít khách. Thu nhập thì anh em chúng tôi từ xa đến chỉ đủ sống thôi, không có dư được".

Anh Hồng cho biết thêm là nghề chạy cyclo hiện nay có thể nói là trên cả ế ẩm. Trước đây nhà nước khuyến khích, thậm chí có chương trình hỗ trợ cho nghề chạy cyclo du lịch. Hỗ trợ bằng cách cho vay vốn để mua sắm phương tiện. Nhưng mua sắm xe cyclo chưa kịp chạy mở hàng thì liền sau đó, nhà nước lại hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn để sắm xe điện. Cuối cùng, xe cyclo ngồi ngáp gió vì không tài nào cạnh tranh nổi với xe điện.

Cụ thể, anh Hồng cho biết là một đêm đạp cyclo kéo dài từ 5h chiều đến 10h khuya. Nếu may mắn lắm thì kiếm được hai lượt khách. Nhưng chuyện này hiếm, chạy theo phiên chỉ được 1 lượt là may mắn, có khi ngồi cả đêm không có lượt nào thì chạy lẻ bên ngoài vài chục mét, vài trăm mét kiếm vài chục ngàn đồng đủ ăn tối. Một lượt khách chở vòng quanh bờ hồ và 36 phố phường Hà Nội được trả từ 200 đến 250 ngàn đồng. Sau khi trả chi phí các loại, còn dư được chừng 180 ngàn đồng, số tiền đủ mua gạo, rau và một ít thịt cho gia đình anh.

Nếu tính theo chi phí của người đạp cyclo thì thấp. Nhưng theo thời giá thì một phiên cyclo lại quá đắt với khách. Bởi người ta có thể thuê xe điện với giá 300 ngàn đồng để đi vài chục người. Và nếu ghép vé thì mỗi người chỉ tốn 30 ngàn đồng. Như vậy, chọn xe điện đi dạo phố là một lựa chọn thông minh của khách du lịch và không có gì đáng bàn.

Vấn đề mà anh Hồng nói rằng đáng bàn ở đây chính là cơ hội tăng lượt của người đạp cyclo bị mất. Ví dụ như mỗi lượt chừng 70 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng để chở từ 2 đến 3 người đi dạo phố, dạo bờ hồ thì rất hợp lý với khách. Và mỗi đêm, người đạp cyclo thay vì nằm ngủ, ngáp dài ngáp ngắn chờ lượt trên xe thì có từ hai đến ba, thậm chí bốn, năm lượt khách để chở nếu như không phải cạnh tranh với xe điện.

Đương nhiên, xe điện xuất hiện hoàn toàn hợp lý, cái phi lý là cả xe điện và cyclo đều xuất hiện quá nhiều, được cơ cấu số lượng quá lớn và cuối cùng cả hai đều tồn tại trong nợ nần, lo lắng. Cuối cùng, khách du lịch phải ngồi trên một phương tiện chứa đầy nợ nần và nỗi lo, thậm chí sự cạnh tranh có cả yếu tố hằn học, không lành mạnh chút nào.

Nửa nạc nửa mỡ

Một phu cyclo khác tên Trần Công Miên, chia sẻ :

"Trước đây chưa có xe điện thì khách nhiều, họ chủ yếu đi cyclo, từ khi có xe điện thì nói chung cũng ít khách. Thương thì mình đi từ 2 giờ chiều đến 11 giờ đêm mới nghỉ, có người thì đi từ sáng đến 4 giờ chiều, 5 giờ chiều họ nghỉ. Thì cái thu nhập so với ngày xưa chỉ bằng một nửa, như ngày xưa được khoảng 7 triệu một tháng thì giờ chỉ còn có 3 triệu rưỡi, 3 triệu một tháng thôi, cái thu nhập ít đi nên mọi chi phí gia đình cũng phải tiết kiệm lại. Như con cái ăn học thì mình phải xớt bớt xeng beng mới đủ, chưa chắc đã đủ. Mọi vấn đề đều bám vào cyclo này để mà kiếm sống, trước thì nuôi bản thân thứ hai thì kiếm chác thêm để cho con ăn học".

Theo ông Miên và nhiều phu cyclo khác tâm sự thì không riêng gì dịch vụ cyclo mà hầu hết các dịch vụ du lịch ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng nửa nạc nửa mỡ, nửa tỉnh nửa say. Nghĩa là ban đầu, khi đầu tư vào làm du lịch, từ ông phu cyclo cho đến doanh nghiệp xe điện, doanh nghiệp làm tour đều hào hứng, phấn khởi đầu tư, bằng mọi giá vay càng nhiều càng tốt để đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị cho công nghệ du lịch. Nhưng rồi khi đi vào hoạt động mới hỡi ôi nhận ra là mình đã bị hố đà, khó mà gượng chân được.

Bây giờ một phu cyclo cũng không còn giữ được bản sắc của một phu xe vừa chân chất, mộc mạc, vừa lịch sự và nói năng phải lẽ của những ông phu xe thế kỉ trước. Bởi thời đại cạnh tranh, mà cạnh tranh khốc liệt nữa là đằng khác. Nếu không chạy đua để bắt khách với ông xe ôm, bà xe điện hay chị xe taxi thì xem như ngồi ngáp gió hết buổi rồi về. Mà đã cạnh tranh khốc liệt thì khó mà giữ được tính cách hiền hòa.

Nếu tính về hình ảnh, thì hình ảnh phu cyclo không cho được cảm giác hoài cổ, không cho được hình ảnh hay hoài niệm một Hà Nội xưa leng keng tiếng chuông kéo tự chế bằng thanh lò xo và chiếc đũa thép, một đầu hướng vào chiếc chuông tự chế bằng chiếc bát kim loại, đầu kia hướng vào các thanh nan hoa xe. Khi bác phu cylo nắm sợi dây chuông kéo thì đầu chiếc đũa sẽ va vào các thanh nan hoa đang quay tạo ra những va đập của đầu đũa vào chiếc bát kim loại nghe kêu leng keng… leng keng… Nhưng xe cyclo bây giờ không có chiếc chuông đó vì nó "gây ồn ào nơi công cộng".

Một khi cyclo không còn tiếng chuông, không còn dáng vẻ cần cù và hiền hòa thì văn hóa cyclo cũng tiêu tan. Và chuyện những chiếc cyclo tạo hình ảnh đẹp về đất nước du lịch mang dáng vẻ hoài cổ nghe ra chỉ có trong tưởng tượng.

Nói cho cùng, khi những chiếc cylo phải nằm thiu thiu ngủ trên hè phố và người phu xe thấp thỏm trước nhiều thứ, trong đó thấp thỏm nợ nần chiếm hết tâm tư thì chuyện văn hóa cyclo thời du lịch nghe ra rất xa vời. Và với đà cạnh tranh khốc liệt, đánh mất nhiều thứ như hiện nay, những phu cyclo ở Hà Nội như một biểu trưng của thời nửa nạc nửa mỡ, chẳng biết về đâu !

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 27/07/2018

Published in Văn hóa

Tại một hội nghị về nông nghiệp diễn ra vào cuối tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rằng trong 10 năm nữa nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong số 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Vì sao nông nghiệp Việt Nam không phát triển trong thời gian qua mặc dù có điều kiện rất tốt để phát triển ?

Việt Nam bổ sung thêm rằng hiện nay Việt Nam có chính sách hạn điền, tức là giới hạn diện tích sử dụng đất cho một đơn vị kinh tế là 5 hectare mà thôi, cho nên việc tập trung lớn đất canh tác là không thực hiện được.

Trong một bài phân tích đăng trên trang mạng Viet-studies, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tỉnh An Giang là ông Nguyễn Minh Nhị, cho rằng nguyên nhân cản trở nông nghiệp Việt Nam phát triển, không phải là không có những kỹ thuật mới, điều ông gọi là lực lượng sản xuất, mà là cách thức quản lý và luật lệ, điều ông gọi là quan hệ sản xuất.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét :

"Ý kiến của anh Nguyễn Minh Nhị là rất đáng chú ý vì anh ấy là người rất có kinh nghiệm, và nhất là điều đó phản ảnh thực trạng hiện nay tại Đồng bằng Sông Cửu Long, bởi vì thực ra hiện nay công nghệ từ nước ngoài như Israel, Nhật Bản,… rất là sẵn sàng, nếu bây giờ mà bảo đảm được quyền tài sản hợp pháp, quyền sử dụng đất đai lâu dài thì đó là một đột phá lớn, giúp người nông dân đầu tư nhiều hơn vào đất, doanh nghiệp đầu tư hơn nhiều vào nông nghiệp, thì nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh và có những bước đột phá mới".

Trong những luật lệ về đất đai hiện nay, quan trong nhất là hiến pháp Việt Nam, và bên dưới nó là Luật đất đai xem rằng người dân không có quyền tư hữu về đất đai.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói tiếp :

"Đúng là quyền sở hữu về đất đai đang là một cản trở. Theo Hiến pháp Việt Nam thì đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng toàn dân là ai ? Toàn dân không phải là một pháp nhân. Thực chất là chính quyền có quyền sử dụng đất. Thực ra là người nông dân không có quyền sở hữu đất nên việc sử dụng đất, đầu tư vào đất để cho đất mầu mỡ trong rất nhiều năm là rất hạn chế".

Theo nhiều nhà quan sát thì chính quan niệm sở hữu đất đai toàn dân này, không chỉ gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho các viên chức tham nhũng, các công ty lớn, nhân danh sự phát triển, nhân danh nhà nước, lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt rồi phân lô bán nền nhà cho phát triển đô thị hay phát triển công nghiệp với giá rất cao. Việc này gây ra những đoàn nông dân mất đất biểu tình khắp nước, cũng như những xung đột đôi khi dẫn đến đổ máu.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì mặc dù trên hiến pháp đất đai vẫn còn là của chung, nhưng quyền sử dụng đất đã được nhìn nhận như là một quyền tài sản, và vì vậy theo ông trước mắt là vẫn có thể tạo sự thay đổi nếu ban hành các luật và qui định để quyền tài sản này được tôn trọng khi việc sửa đổi Luật đất đai của Việt Nam được tiến hành sắp tới đây :

"Làm thế nào để cho việc mua bán sử dụng quản lý đất đai như là một loại hàng hóa đặc biệt. Tôi nghĩ đấy là một hướng tốt, còn việc chúng ta sẽ tính đến chuyện sở hữu đất đai hay không thì vẫn còn tranh luận, thảo luận trong thời gian lâu dài".

Việc tranh luận này đã bắt đầu hầu như ngay sau khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986. Đỉnh cao của cuộc tranh luận đó là bức thư của 72 nhân sĩ trí thức Việt Nam gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2013 yêu cầu công nhận quyền tư hữu về đất đai trong hiến pháp, bên cạnh các quyền sở hữu nhà nước và tập thể.

Kiến nghị đó đã bị bỏ qua, và cuộc tranh luận tại Việt Nam về quyền sỡ hữu đất đai vẫn đang tiếp diễn.

Kính Hòa

Published in Video

Bị công an đánh chết vì xuống đường chống nhượng địa ? (CaliToday, 03/08/2018)

Anh Hứa Hoàng Anh (sinh năm 1984) đã bất ngờ tử vong sau khi bị công an buộc lên đồn để làm việc. Theo các nguồn tin trên Internet, anh Hoàng Anh là người rất tích cực xuống đường để phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam nhượng địa cho Trung Quốc 99 năm bằng việc cho thuê đất tại 3 vùng đặc khu : Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

chet1

Anh Hứa Hoàng Anh, người bị nghi ngờ do công an đánh chết vì dám phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam nhượng địa. Ảnh : Internet

Từ tối ngày 2/8, trên một số trang Facebook cho loan tin cho biết, anh Hứa Hoàng Anh sau khi bị mời lên trụ sở công an huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đã bất ngờ tử vong. Các nguồn tin còn cho biết, cái chết đã đến với anh Hoàng Anh vào trưa cùng ngày. Được biết, buổi làm việc với công an huyện Châu Thành liên quan đến các vấn đề chính trị mà anh đăng tải trên trang Facebook của mình. Đặc biệt là lần anh lên Sài Gòn, để hòa cùng dòng người xuống đường biểu tình phản đối Luật đặc khu vào ngày 10/6.

Trên trang Facebook Trần Martini, người theo dõi và liên tục đăng tải các tin tức liên quan đến cái chết của anh Hứa Hoàng Anh cho biết, sau khi làm việc với công an, trên đầu và cổ anh có rất nhiều thương tích. Phía công an huyện Châu Thành khẳng định, anh Hứa Hoàng Anh chết là do tự tử.

chet2

Anh Hứa Hoàng Anh sau khi bị mời lên trụ sở công an huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đã bất ngờ tử vong.

Hiện nay, đám tang của anh Hoàng Anh đang được diễn ra tại nhà mẹ ruột. Chúng tôi đã cố liên lạc với chị Hằng- vợ của anh Hoàng Anh nhưng không được.

Việc công an ra tay trả thù, đánh đập người biểu tình không phải là điều quá lạ lẫm, mà nó thường xuyên diễn ra sau ngày 10/6. Cho đến nay, có đến hàng trăm người tố cáo công an đánh đập, bức cung và yêu cầu phải cho đọc tất cả các tin nhắn trong điện thoại. Đặc biệt, tại Sài Gòn, vào ngày 17/6, có khoảng trên 200 người đã bị công an, mật vụ bắt cóc. Tất cả những người bị công an bắt cóc đều tố cáo họ bị đánh đập hoặc chứng kiến cảnh công an tra tấn những người xuống đường biểu tình.

Sau đợt tổng biểu tình ngày 10/6, chính quyền cộng sản Việt Nam tỏ ra lo lắng trước việc người dân phản đối Luật đặc khu mà họ muốn Quốc hội thông qua. Đây là lần đầu tiên người dân phản ứng mạnh mẽ, can dự vào công việc của chính quyền. Trước đây, các cuộc biểu tình thường là phản đối Trung Cộng, phản đối xả thải, bảo vệ môi trường. Cuộc biểu tình 10/6 là một bước ngoặt, khi khắp cả nước đều xuống đường để phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam. Tại Bình Thuận, cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn với hàng ngàn người tham gia. Người biểu tình chiếm công sở, phóng hỏa luôn các trụ sở hành chính, bất chấp gặp phải sự kháng cự của lực lượng Cảnh sát cơ động. Trong khi đó, tại Phan rí Cửa, người biểu tình chiếm đường Quốc lộ làm cho con đường huyết mạch bị tê liệt trong thời gian dài.

Chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất muốn Luật đặc khu được Quốc hội thông qua, vì đây là phương cách mà họ nhượng địa cho Trung Quốc, đổi lại có tiền để duy trì chế độ cai trị. 

Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều là những cơ quan của đảng cộng sản Việt Nam. Việc thông qua luật đặc khu là điều sẽ sớm thông qua. Vì như và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nói, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã quyết, vấn đề là phải làm sao cho ra luật. Nói như vậy đã cho thấy, Quốc hội được lập ra chỉ là bù nhìn, phần quyết định đã thuộc về những nhân vật đầu não trong Bộ Chính trị, mà người đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng.

Theo những nguồn tin mà chúng tôi được biết, tháng 10 này kỳ họp Quốc hội sẽ được mở ra. Đó là thời điểm mà Luật đặc khu cho phép chính quyền cộng sản Việt Nam thoải mái nhượng địa được chấp thuận. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian từ đó cho đến tháng 10, lực lượng công an khắp cả nước phải khẩn trương bắt giam, đe dọa những người có ý định phản đối Luật đặc khu.

Từ sau lần tổng biểu tình trên khắp cả nước, bầu không khí khủng bố tràn ngập cả Việt Nam. Tại Sài Gòn có đến hàng chục người bị bắt, trong đó có một nhóm người bị bỏ tù với cáo buộc khủng bố, quăng bom đồn công an vì phản đối việc công an đánh đập người biểu tình. Tại Bình Thuận hàng chục người bị đưa ra tòa xét xử với các bản án khác nhau, trong đó có : Gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản nhà nước. Mới đây, tại Đồng Nai cũng đã mang 20 người ra xét xử, trong đó đa phần là những người Công giáo.

Rất có thể, cái chết của anh Hứa Hoàng Anh cũng không nằm ngoài mục đích răn đe, dọa nạt những người có ý tưởng phản đối Luật đặc khu, ngăn chặn cộng sản Việt Nam bán nước cho Trung Quốc.

Người Quan Sát

***************

Việt Nam cần sửa đổi Luật Bảo tồn Di sản (RFA, 01/08/2018)

Vấn đề bảo tồn di sản trong tiến trình phát triển kinh tế là bài toán mà những nhà quản trị đất nước, xã hội luôn phải suy tính để đạt được sự hài hòa giữa hai lĩnh vực.

chet3

Dinh Thượng Thơ 130 tuổi ở Sài Gòn, nay là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh. RFA

Tại Việt Nam, một trong những cản trở cho công tác bảo tồn là luật phát chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bảo tồn Dinh Thượng Thơ

Vào ngày 2 tháng 5, trong cuộc họp báo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết Dinh Thượng Thơ 130 tuổi có thể bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở ủy ban thành phố.

Lý do được ông Nguyễn Thanh Nhã nói với truyền thông trong nước là công trình không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa – Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn.

Nhận xét về lời phát biểu này của Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cảm thấy khó hiểu vì theo ông :

"Trong quy hoạch có quy hoạch bảo tồn, có phần việc như thế chứ không phải nằm trong quy hoạch là xóa sổ xây lại".

Có thể nói trước làn sóng phản đối việc đập bỏ Dinh Thượng Thơ, vào ngày 31 tháng 7, phía Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiến nghị bổ sung công trình này vào danh mục bảo tồn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Thạc sỹ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington – Hoa Kỳ, một trong những người tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong đề xuất gửi Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ, cho chúng tôi biết ông đánh giá rất cao về việc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã lắng nghe và ủng hộ đề xuất bảo tồn Dinh Thượng Thơ 130 tuổi.

Luật Bảo tồn di sản

Trước đó, vào sáng ngày 27 tháng 7, trong hội nghị về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững", ông Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, có lặp lại một ý kiến từng được nói đến lâu nay một cách mạnh mẽ rằng : "Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ".

Ngoài ra, ông Phúc còn yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch soạn thảo và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì phát triển bền vững.

chet4

Thương xá Tax, biểu tượng của Sài Gòn trước khi bị phá bỏ. AP

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn giải thích rõ hơn về Luật bảo tồn tại Việt Nam hiện nay :

"Trong luật Bảo tồn di sản không chỉ giới hạn trong bảo tồn di tích, mà có 4 loại bảo tồn :

Bảo tồn di tích : những công trình mang dấu ấn đặc biệt về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, mà giữ nguyên trạng.

Bảo tồn cải tạo, mở rộng : bảo tồn một phần, có thể là mặt tiền, nội thất, hoặc một số chi tiết quan trọng. Còn những phần còn lại cho phép cải tạo, nâng cấp hoặc phát triển kết nối với nó.

Phục hồi di sản : những công trình mà giá trị có thể bị hư hại hay qua nhiều năm bị chồng lớp nhiều thế hệ phát triển lên và mình phục hồi lại một thời điểm nào đó.

Tái thiết di sản : như công trình Chùa Một Cột, mình từng bị Pháp đặt mìn phá hủy sau đó mình xây lại, tái thiết nhưng xây lại y như cũ".

Thực tiễn

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nêu rõ quan điểm của bản thân về công tác bảo tồn những di sản tạo nên bản sắc cũng như đáp ứng nhu cầu của địa phương :

"Tôi nghĩ việc bảo tồn di sản rất tốt. Chúng ta có thể phục hồi nhiều thứ nhưng không thể phục hồi di sản. Di sản là bản sắc của chúng ta, đừng nghĩ là nó cổ, cũ. Cho nên bây giờ được bảo tồn tôi thấy rất hoan nghênh. Cũng như một số công trình tôn giáo phía bên Thủ Thiêm, hàng trăm tuổi rồi cũng đáng bảo tồn".

Những công trình tôn giáo ở Thủ Thiêm mà ông Phạm Sĩ Liêm vừa đề cập đến là Nhà Thờ Thủ Thiêm và Nhà Dòng Mến Thánh Giá có tuổi đời hơn 150 năm. Hai công trình có lịch sử hơn nửa thế kỷ rưỡi đó đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi thành phố cho triển khai dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là dự án đầy tai tiếng trong giải tỏa, đền bù cho người dân mà vừa qua nhiều sai trái bị phát hiện.

Trong thực tế, nhiều công trình lâu đời gắn liền với lịch sử Sài Gòn hiện đã không còn do quá trình "Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước", điển hình như xưởng đóng tàu Ba Son hay Thương xá Tax. Giải thích về vấn đề này, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng :

"Riêng đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, mâu thuẫn giữa chuyện bảo tồn và phát triển rất lớn bởi vì thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị phát triển nhanh nhất nước, thì áp lực các nhà đầu tư phá bỏ các nhà di sản xây nhà cao tầng để được lợi ích cao hơn. Việc này rất cần sự tham gia quản lý của cấp chính quyền".

Cụ thể, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải thay đổi Luật di sản. Ngoài ra, việc đưa các công trình vào danh sách Bảo tồn di sản chính thức cần một số phụ lục, thông tư hướng dẫn kèm theo. Đặc biệt những công trình di sản cải tạo và phát triển theo hướng dẫn, thì việc lập nên hướng dẫn này rất cần sự tham gia của chuyên gia. Tuy nhiên, hiện nay chuyên gia về bảo tồn ở Việt Nam rất thiếu và ông nghĩ cần thêm sự tham gia của chuyên gia nước ngoài.

Kiến trúc sư Nam Sơn nói rõ có nhiều chuyên gia nước ngoài mà ông từng tiếp xúc và học hỏi cũng rất quan tâm về văn hóa Việt Nam, nên việc mời các chuyên gia này đến Việt Nam sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá các công trình để đưa vào danh sách bảo tồn.

Published in Việt Nam

Tiếng kêu từ vùng rốn lũ (RFA, 03/08/2018)

Yên Bái những ngày đầu tháng Tám, mưa vẫn buông không ngớt mặc cho người dân cầu xin ông Trời đừng mưa nữa, bởi họ chỉ còn có căn nhà tạm mới dựng ; người thân, tiền bạc, đồ đạc, nhà cửa đều bị nước cuốn trôi… Thức ăn không có gì ngoài hũ măng chua, cái bắp chuối hay vài ký gạo cứu trợ. Trẻ con sợ hãi, người lớn bàng hoàng…

keu1

Những mái nhà sàn giờ chỉ còn lại đống đổ nát. RFA

Miệt Tây Nam Bộ trù phú một thuở với cá linh, bông súng… giờ chỉ còn những tiếng kêu mong nước về rồi cũng nơi đó có những tiếng khóc khi nước về quá sớm…

Yên Bái : Còn hai bàn tay không

Bà Hà Thị Dư, người có hai người thân bị mất trong trận lũ quét ở xã Sơn Lương, huyện miền núi Văn Chấn tỉnh Yên Bái, một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ quét hôm 20 tháng 7 năm 2018 chia sẻ : "Thấy xác hết rồi, cả hai mẹ con, chả biết thế nào. Yêu cầu cấp trên cấp dưới cố gắng hết sức giúp đỡ gia đình tôi, ước mơ thế nào như hồi xưa ấy. Cái gì cũng có đầy đủ cuối cùng nhà cửa khó khăn cái gì cũng không có, cửa nhà cũng không có, hạt thóc cũng không có, ăn uống cũng không có…".

Ông Hà Văn Tý, một người Tày có nhà bị cuốn trôi trong cơn lũ quét chia sẻ : "Nhà nước chỉ ủng hộ gạo thôi, bao nhiêu các thứ thóc lúa trôi hết, người thì không trôi nhưng các thứ trôi hết, thóc lúa trôi hết, hỏng hết các thứ rồi".

Kể về sự bất ngờ cũng như thiệt hại sau cơn lũ quét đi qua xã mình, ông Trương Văn Minh, một người dân xã Sơn Lương chia sẻ : "Vào năm 2005, lũ mấp mé đường lộ này nhưng cũng không bị tan tát đau thương như trận lũ này. Năm 2007 cũng gần coi là mấp mé, cách đường khoảng độ 50 phân nhưng năm nay nước lũ thì bé hơn các năm khác nhưng sạt lở từ trên đồi xuống, đổ từ trên đỉnh đồi, lở bây giờ vẫn còn nhìn thấy. Đất đá tống xuống, các làng bản xưa giờ không có nước mà giờ nước từ khe đổ xuống, coi như chết rất tang thương, chết người, đùn lấp hết, tất cả nhà cửa coi như đưa đi hết. Đường đi Sùng Đô, An Lương không còn đường đi nữa, mất hết đường giao thông, bây giờ muốn khôi phục phải mất thời gian rất lâu".

Theo ông Minh, không khí tang thương đang bao trùm nơi ông sống khi bao gia đình chia ly, vợ khóc chồng, mẹ khóc con, ông khóc cháu… Đó là chưa kể nhiều người giờ chỉ còn hai bàn tay trắng, bởi lẽ cái nhà, con trâu con bò… tất cả những gì họ có đã bị lũ quét trôi hết. Đường sá cũng hư hỏng nặng, các đoàn từ thiện mặc dù đã tìm đến nhưng cũng không mấy đoàn tiếp tế được cho bà con. Điều này khiến cho các bản thiệt hại nặng ở Sơn Lương như Nậm Mười, Sùng Đô, bản Tủ… có nguy cơ bị đói.

Trong những căn nhà tạm bợ được bà con hàng xóm và dân quân giúp đỡ dựng lên, anh Hà Văn Sơn chia sẻ : "Nhà em nước lũ ngập tràn vào hết, sập hết một nửa. Qua lũ thì em nhờ anh em trong làng và những anh quân đội dỡ lên đây để làm cái lều ở tạm, trú tạm ở đây qua mùa mưa".

Hiện tại, vẫn còn nhiều bản ở xã Sơn Lương chưa thể tiếp cận được, nước ở các con suối vẫn đang dâng do mưa không ngừng. Nhìn dòng suối chảy qua con đất trước kia là nhà mình, bà Dư chỉ biết cầu xin trời thương cho những gia đình khác, đừng để họ phải chịu cảnh giống gia đình bà.

Cơn lũ ập tới bất ngờ không những lấy đi mọi thứ của bà con mà một lần nữa còn tạo cho họ một cảm giác hoang mang về sự nổi giận của núi rừng. Nếu như có hàng chục người chết và mất tích ở tỉnh Yên Bái sau những trận lũ quét, lũ ống vào năm 2017 thì hiện tại đã có trên 26 người chết và mất tích sau trận lũ quét vào hôm 20 tháng 6 ở tỉnh này, tuy nhiên đây vẫn là con số thống kê chưa đầy đủ.

An Giang : vừa lo vừa mừng

Trong khi đó, chưa đầy một tuần sau lũ quét ở các tỉnh miền Bắc, các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp Mười, Long An người dân lại đón đợt lũ sớm do hậu quả của việc vỡ đập thủy điện ở Lào, hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu của người dân bị chìm trong nước lũ.

Sau những khó khăn do khô hạn mà nguyên nhân chủ yếu là các thủy điện đầu nguồn đắp đập, chặn nước, lần này người dân lại vừa mừng vừa lo khi nước về chủ yếu do vỡ đập.

Anh Ngô Huy, một người dân ở Châu Đốc, An Giang, một trong những huyện đầu tiên hứng chịu đợt nước này cho hay : "Thì bây giờ thấy nước lên nhiều mấy ngày nay. Tùy theo nước này nọ, mình làm theo mùa vậy thôi chứ cũng không mừng vui gì nhiều vì bây giờ tôm cá cũng không nhiều, giờ nước về chắc cá nhiều hơn mọi năm".

Anh Trương Văn Mễ, một người chuyên đưa đò ở huyện biên giới này chia sẻ : "Nước nhiều lắm, năm nay nhiều hơn năm rồi, năm nay do vỡ đập thủy điện bên Lào đó, nó bắt nguồn nó chảy xuống Việt Nam mình. Trước đây nước khô do những đập thủy điện nó chặn lại, nước đâu chảy xuống được Việt Nam mình. Nói chung nước lên, người ta săn bắt thì mong nước lớn vì có cá nhiều nhưng những người trồng lúa, nấm rơm, trái cây này nọ, nước về sẽ bị nước ngập mất mùa…".

Theo cả hai anh này, đa số người dân đều tỏ ra nửa mừng nửa lo vì nước năm nay lên sớm. Nếu như trước đây chừng hai năm, nhiều người gần như đã quên khái niệm mùa nước nổi bởi tôm cá không còn, đất đai nứt nẻ, nước uống không có thì nước về, đó là cơ hội cho họ.

Không ít người háo hức mang các dụng cụ đánh bắt cá được cất lâu nay ra thả bởi họ mong tôm cá sẽ theo nước về. Tuy nhiên, sự mừng vui của họ chưa thấy đâu bởi tôm cá không nhiều thì những người trồng lúa, hoa màu lại hụp lên lặn xuống khốn đốn.

Bởi lũ về sớm khoảng 2 tuần đã gây khó khăn họ, nhất là những vùng chưa có đê bao kiên cố ở xã biên giới và một số khu vực bãi bồi thuộc các xã cù lao ven sông Tiền, sông Hậu.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện An Phú tỉnh An Giang, những ngày qua người dân và các lực lượng chức năng đã thu hoạch gần như toàn bộ diện tích lúa và hoa màu ngoài đê bao, nhưng vẫn có 40 héc ta bị mất trắng. Hàng trăm héc ta màu vẫn chưa thu hoạch xong.

Tại Long An, Đồng Tháp, mấy ngày qua, người dân ở những xã vùng trũng cũng đang gia cố đê bao, tháo nước ra ngoài để bảo vệ hơn mấy nghìn héc ta lúa hè thu sắp thu hoạch.

Trong khi thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản ở hai đầu đất nước sau đợt lũ quét, nước lên vẫn chưa dứt thì hiện tại, người dân ở xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn tỉnh Hoà Bình, cách đập thủy điện Hòa Bình 20 km đang đứng ngồi không yên. Nhiều người buộc phải di dời khỏi khu vực hạ lưu đập thủy điện này khi đất đê ngày càng nhão ra, nhiều vệt nứt kéo dài trên đường đi và trước nhà dân, nhiều nơi đang bị sạt lở, lún sụt nghiêm trọng…

Nhóm phóng viên

*****************

Hàng ngàn người dân vùng núi Tây Bắc đối mặt với khan hiếm lương thực sau lũ (RFA, 02/07/20148)

Lũ quét ở vùng Tây Bắc Việt Nam do mưa lớn kéo dài hồi tuần trước đã khiến 5 xã với hơn 50 bản và hàng nghìn gia đình tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bị cô lập trong nhiều ngày và phải đối mặt với tình trạng thực phẩm cạn kiệt. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/7.

keu2

Hình chụp hôm 25/6/2018 : một người đàn ông đang đứng nhìn đống đổ nát từ căn nhà của mình do lũ ở tỉnh Hà Giang.  AFP

Những xã trong tình trạng cô lập bao gồm Tá Bạ, Mù Cả, Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, và Thu Lũm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 2/7, mưa lũ ở vùng Tây Bắc xảy ra từ ngày 23/6 đã khiến ít nhất 24 người chết. Riêng tại tỉnh Lai Châu, con số người thiệt mạng vì sạt lở đất đá, nhà sập là 16 người, và số người mất tích là 9 người.

Theo truyền thông trong nước, dù huyện Mường Tè đã huy động tối đa lực lượng, máy móc để thông tuyến, nhưng vì khối lượng sạt lở lớn ở hầu hết các tuyến liên xã, liên bản nên công tác khắc phục hậu quả của lũ vẫn chưa thể hoàn tất. Người dân địa phương hoàn toàn phải đi bộ trong khi các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá do khan hiếm.

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè được truyền thông trong nước trích lời cho biết thiệt hại về giao thông của huyện và của các xã là rất nặng. Mặc dù huyện tập trung khắc phục thông tuyến với các xã nhưng kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi, việc thông đường với các xã đang bị cô lập cũng phải mất nửa tháng nữa.

Lũ quét và sạt lở đất tại nhiều khu vực vùng núi phía Bắc trong những ngày qua ngoài yếu tố thiên tai mưa to còn bị cho bởi nạn phá rừng lâu nay; cũng như do thủy điện xả lũ.

Published in Việt Nam

Nguồn : RFA, 01/08/2018

Published in Video
samedi, 21 juillet 2018 09:07

Có thực đất nước lâm nguy ?

‘Đất nước lâm nguy’ : cảnh báo nêu ra với chủ tịch nước (RFA, 20/07/2018)

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tiếp tục lên tiếng về hiện tình đất nước thông qua bức thư gửi đến Chủ Tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang.

dat1

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh. Screenshot from Youtube

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do, có cuộc phỏng vấn trực tiếp với Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh về việc này.

Nguyễn Tuấn : Thưa Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, vào ngày 14 tháng 7 vừa qua, Giám mục có bức thư gửi cho chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang với cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’. Giám mục nêu lên những thực tế để chứng minh cho những cảnh báo đó. Vậy Giám mục ghi nhận những thực tế đó từ đâu?

Hoàng Đức Oanh : Thưa ông, vấn đề là như thế này ở trong nước cũng như ở ngoài nước, khắp mọi nơi người ta nói đất nước lâm nguy và trong đất nước ông đã thấy cái bản đồ mà tôi đã dẫn chứng và thực tế cái bản đồ đó đã chứng minh khắp các tỉnh thành đều có các đặc khu, những người tàu đã thuê như Formosa, như Bauxite Tây Nguyên…

Các tỉnh nào cũng có bây giờ thêm ba đặc khu với ba điểm chiến lược như thế và thiên hạ đã thấy tàu đỏ đã chiếm Biển đông cũng như là chiếm Hoàng Sa, Trường Sa vậy, thì đã rõ ràng. Hiện nay trên thế giới cũng đã lên tiếng và chính người tàu đỏ đã xác định nhiều lần trên đài, trên báo chí về chuyện vào năm 1958, ông Phạm Văn Đồng thủ tướng nước Cộng Sản miền Bắc đã ký hiệp ước trao Hoàng Sa, Trường Sa cho Tàu đỏ. Cũng như năm 1974 khi Tàu chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa thì chính quyền miền Bắc không hề phản đối, rồi năm 1990 ông Nguyễn Văn Linh đã ký hiệp mật ước Thành Đô và người Tàu Cộng Sản đã công khai xác định rõ. Trong khi đó, những vấn đề lớn như vậy mà bên chính quyền Cộng Sản Việt Nam không hề cải chính không hề nói năng gì trong khi dân chúng hoang mang và thế giới hoang mang lại càng xác tín hơn nữa.

Nguyễn Tuấn : Đây là bức thư thứ hai mà Đức giám mục gửi đến cho lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Trên thực tế cho thấy lâu nay giới nhân sĩ- trí thức Việt Nam có những kiến nghị, tâm thư gửi đến các cấp cao nhất ở Việt Nam rồi; nhưng không hề được phản hồi. Ngay cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng có những thư gửi cho lãnh đạo trong nước và dường như cũng bị rơi vào quên lãng. Vậy tại sao Giám mục vẫn làm việc này ?

Hoàng Đức Oanh : Thứ nhất là tôi ý thức được là quyền công dân của tôi với ý thức đầy đủ yêu nước tôi phải lên tiếng khi đất nước lâm nguy. Thứ hai tôi lên tiếng vì hy vọng rằng mặc dù ông Chủ tịch không trả lời nhưng tôi hy vọng rằng qua tiếng nói đó thì dân chúng cũng như là cán bộ sẽ đọc và tới tai ông. Đồng thời qua đó thì tôi nghĩ rằng lay tỉnh được rất nhiều người đảng viên cộng sản cũng như dân chúng để mọi người thấy đất nước lâm nguy, thấy trách nhiệm của mình và có gợi ý cho mọi người có thể phản ứng thích hợp cho hiện tình đất nước.

Nguyễn Tuấn : Dạ vâng, trong lá thư gửi ông Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Giám mục có nêu ra kỳ vọng đất nước Việt Nam đang cần một nhân vật tầm cỡ như Thánh Mahatma Gandhi của Ấn Độ hay Mikhail Gorbachev của Nga… Vậy kỳ vọng như thế có là điều không tưởng vì một nhân cách quá lớn có những quyết định sáng suốt cho dân, cho nước như thế phải có bề dày về giáo dục, tu dưỡng hay không thưa Giám mục ?

Hoàng Đức Oanh : Tôi nghĩ rằng ở đời có hai điều, thứ nhất là anh hùng tạo thời thế và thứ hai thời thế tạo anh hùng. Tôi nghĩ rằng cả hai trường hợp có thể có những nhân vật mà thời thế có thể tạo nên những con người vĩ nhân có thể đóng góp giải quyết những vấn đề của đất nước này.

Nguyễn Tuấn : Ngoài đề nghị người cầm đầu đất nước bẻ lái, Giám mục còn có hiến kế gì khác cho những vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Họ là những người có tiếng nói đối với tín hữu cùng chung niềm tin hay không, thưa Giám mục ?

Hoàng Đức Oanh : Tôi nghĩ rằng các vị lãnh đạo các tôn giáo có nhiệm vụ lên tiếng thích hợp cho tình hình đất nước này và các vị đó đều có ý thức và cách của các vị nhưng mà hiện nay tôi nghĩ rằng lời Giám Mục Desmond Tutu của Zimbabwe đã nói trong cái trường hợp mà áp bức như thế này. Một bên là áp bức một bên là bị áp bức thì tất cả những người mà im hơi lặng tiếng mà không lên tiếng thì vùi chung đứng về phía áp bức dân nghèo. Đó là lập trường mà tôi đồng ý với Tổng Giám mục Zimbabwe.

Nguyễn Tuấn : Giám mục có được sự chia sẻ nào của những người thân quen khi gióng lên hồi chuông cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’ như trong thư gửi chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hay không, thưa Giám mục ?

Hoàng Đức Oanh : Tôi đã nhận được rất nhiều điện thoại, cũng như tin nhắn và đọc trên các bài bình luận của các chuyên gia. Mọi người chia sẻ khi đọc bức thư của tôi thì tuyệt đa số là khích lệ tôi và đồng ý với tôi là nhận xét rằng tôi nói rất đúng và hoàn toàn có cơ sở.

Nguyễn Tuấn : Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do cùng Nguyễn Tuấn xin cảm tạ Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

Hoàng Đức Oanh : Cảm ơn ông, cảm ơn quý đài xin cầu chúc mọi người ý thức và cầu nguyện ơn trên cho đất nước Việt Nam chúng ta. Cảm ơn quý vị.

Nguyễn Tuấn

**********************

Hà Nội xét xử kín vụ án làm lộ bí mật nhà nước liên quan đến Vũ “nhôm” (RFA, 20/07/2018)

Mạng báo Zing hôm 20/7 trích một nguồn tin từ Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến xét xử vụ án làm lộ bí mật Nhà nước liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” và hai đồng phạm khác vào ngày 30 tháng 7 và phiên tòa sẽ được xét xử kín.

dat2

Ông Phan Văn Anh Vũ tức Vũ "nhôm", người mặc áo trắng đứng giữa. AFP

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định khi tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Ông Phan Văn Anh Vũ, năm nay 42 tuổi thường được gọi là Vũ “Nhôm”, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, đồng thời là một sĩ quan công an. Ông này bị phía Singapore trục xuất về Việt Nam vào ngày 4 tháng 1 năm 2018 với lý do nhập cảnh bất hợp pháp vào tiểu quốc này. Trước đó ông Phan Văn Anh Vũ đã bị phía Việt Nam khởi tố về tội ‘cố ý làm lộ bí mật quốc gia’. Sau đó, ông này bị khởi tố thêm các tội khác bao gồm trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 200 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.

Ông Vũ vốn là một nhà kinh doanh nhôm kính tại thành phố Đà Nẵng. Sau đó ông được nhiều người biết đến là một nhà kinh doanh địa ốc và là chủ của nhiều lô đất vàng tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Cũng liên quan đến vụ án làm lộ bí mật nhà nước của ông Vũ còn có hai người là ông Phan Hữu Tuấn, 63 tuổi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục tình báo Bộ Công an và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, 55 tuổi.

*******************

Quan chức móc ngoặc doanh nghiệp để trục lợi (RFA, 19/07/2018)

Tình trạng quan chức móc nối với các doanh nghiệp chiếm lĩnh những dự án béo bở rồi chia nhau lợi nhuận tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.

dat3

Ảnh chụp màn hình một bài báo trên Dân Trí. Photo: RFA

Dư luận gần đây truyền nhau về một quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh đi sang Đức học tập công nghệ 4.0 để về xây dựng khu dân cư ven biển. Hai điểm liên quan vụ việc này kiến dư luận xôn xao: thứ  nhất là kinh phí chuyến đi hoàn toàn do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải đài thọ; thứ hai ông Nguyễn Văn Thân sẽ nghỉ hưu vào tháng 8 tới đây. Tức là chỉ tầm nửa tháng sau chuyến đi Đức. Dư luận đặt ra câu hỏi vậy ông Thân đi học công nghệ về có kịp áp dụng không? Mặc dù sau đó tỉnh Bình Thuận đã lên tiếng, không cho ông Thân đi nữa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là cách đối phó mà thôi.

Cũng trong cùng khoảng thời gian này, lại một thông tin xôn xao trên các mặt báo về việc nhiều lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Giang đi du lịch Châu Âu nhiều ngày bằng tiền của một doanh nghiệp xây dựng lớn ở địa phương, đó là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn. Chính công ty này đã thừa nhận chu cấp tiền cho nhóm cán bộ tỉnh đi du lịch, và nói rằng doanh nghiệp có “tình cảm riêng với cán bộ sau một năm làm việc vất vả”. Trong số này, có cả Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang. Đây đều là những lĩnh vực then chốt trong ngành xây dựng.

Một chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn nói với RFA với điều kiện giấu danh tính:

Nếu các doanh nghiệp mà muốn có thể được trốn thuế, được ưu ái về vấn đề làm ăn thì phải có một chút giống như lại quả, hay một chút đãi cán bộ như đưa họ đi nước ngoài du lịch. Hình thức này gần như rửa tiền.

Bản thân anh là một chủ doanh nghiệp, cũng giống như bất cứ doanh nghiệp nào, vẫn phải quan tâm đến cán bộ. Nếu không quan tâm các cán bộ sẽ cử người xuống kiểm tra, sẽ làm khó dễ rất nhiều điều. Cho nên bắt buộc phải quan tâm, những doanh nghiệp lớn thì quan tâm sếp lớn, doanh nghiệp nhỏ thì quan tâm sếp nhỏ. Còn nếu các doanh nghiệp trực thuộc trung ương thì lại phải quan tâm các sếp trung ương.

Tình trạng này thường được những người liên quan dùng cụm từ ‘phải biết điều’ để mô tả. Nếu doanh nghiệp bị cho ‘không biết điều’ thì sẽ bị gây khó dễ như trình bày của chủ doanh nghiệp này:

Các doanh nghiệp không quan tâm đến chính quyền địa phương thì một năm có thể bị kiểm tra mười mấy lần. Họ nói là để đảm bảo an toàn về sản xuất, về đời sống công nhân nhưng thực sự đến để vòi tiền thôi. Ví dụ một khách hàng muốn đặt hàng ở doanh nghiệp đó mà thấy họ bị thanh tra nhà nước vào kiểm tra hoài, chắc chắn người ta không muốn đặt hàng ở những doanh nghiệp như vậy.

Rất nhiều vụ án cho thấy sự móc nối giữa cán bộ và doanh nghiệp tạo thành một nhóm lợi ích tham nhũng. Cụ thể gần đây như vụ một số lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng nhân vật Phan Văn Anh Vũ hay Vũ “Nhôm” thao túng thị trường bất động sản tại thành phố biển này, Thượng tá Đinh Ngọc Hệ thuộc Bộ Quốc phòng liên kết với các chủ đầu tư nhiều dự án BOT hàng ngàn tỷ đồng, vụ sân golf Tân Sơn Nhất khét tiếng được nói đằng sau có sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Công ty Him Lam, hay vụ Mobifone mua cổ phần AVG cũng được cho là sự cấu kết giữa một mạng lưới quan chức nhiều bộ ngành với doanh nghiệp.

Trong một buổi tiếp xúc cử tri năm ngoái, cử tri Đà Nẵng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục kiểm tra, giám sát, đừng để quan chức móc nối đại ca, đại gia làm lũng đoạn kinh tế; đừng để vài ba người hưởng lợi trên thành quả lao động của hàng vạn, hàng triệu người dân.

Chúng tôi cũng nêu vấn đề này với chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ông cho biết quan điểm:

“Từ trước đến giờ đã xảy ra nhiều trường hợp móc nối như vậy. Có những trường hợp móc nối là vì vấn đề quyền lợi, và cũng có liên quan đến tham nhũng nhưng không phải tất cả móc nối giữa những dự án và cán bộ đều là những sai phạm, bởi vì có những dự án nhất là dự án lớn thì chủ đầu tư phải liên kết với một số quan chức địa phương để tạo điều kiện xin những giấy phép cần thiết. Cho nên không phải móc nối nào cũng là tiêu cực.

Tuy nhiên ở trong những móc nối đó có những tiêu cực liên quan đến tham nhũng. Đây không phải là chuyện mới mà đã từ lâu xảy ra trong nền kinh tế VN và hiện tại Chính phủ cũng đang quan tâm đến vấn đề bài trừ tham nhũng”.

Published in Việt Nam