Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kinh tế Việt Nam tăng hơn 7% trong quý III (RFA, 29/09/2017)

Xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 20% trong tháng 8 và tháng 9 giúp đẩy tăng trưởng kinh tế của cả quý III năm nay đạt trên 7%.

tang1

Công nhân đóng gói mực xuất khẩu ở một nhà máy chế biến hải sản ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hôm 5/8/2004  AFP

Số liệu Tổng Cục Thống kê cung cấp cho thấy, Tổng sản phẩm Nội địa GDP trong quý III đã tăng 7,46% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó GDP của quý II chỉ đạt 6,28%.

Tính tổng thể từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,41% cao hơn mức 6,1% theo tính toán của giới chuyên gia.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, áp lực đưa tăng trưởng kinh tế cả năm lên 6,7% của Việt Nam không còn quá lớn. Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cho biết xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do Việt Nam mở thêm các doanh nghiệp và giá cả hàng hóa ngày càng tăng. ADB dự báo xuất khẩu có thể đạt mức 6% trong năm nay và sang năm.

Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế Châu Á thuộc tập đoàn Capital Economics ở London cho biết nhìn trong tương lai gần thì kinh tế Việt Nam có vẻ sáng sủa, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro phía sau. Ông giải thích rằng với mức nợ công và nợ tín dụng hiện nay, kinh tế Việt Nam không thể phát triển bền vững trong tương lai xa.

**************************

Đoàn Thị Hương sẽ không nhận tội trước tòa (RFA, 29/09/2017)

tang2

Cô Đoàn Thị Hương (giữa) được hộ tống bởi cảnh sát và mặc áo chống đạn rời tòa án ở Sepang, Malaysia ngày 13 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Hai nhân vật bị cáo buộc giết ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, là cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah sẽ không nhận tội trước phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 10 tới đây.

Thông tin này được ông Hisyam Teh, luật sư bào chữa cho hai bị cáo nói với hãng Reuters. Ông Hisyam cho biết tòa sẽ triệu tập các chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu bệnh học, hóa học để phục vụ phiên xét xử. Ông từ chối tiết lộ thông tin về cách thức bào chữa cho cô Đoàn Thị Hương, nhưng ông nói rằng cô Hương đang ở trong tình thế có lợi vì ông có những bằng chứng ủng hộ cô.

Công tố viên trưởng Muhamad Iskandar Ahmad từ chối bình luận về các chi tiết của vụ án, nhưng ông tiết lộ rằng khoảng 30 đến 40 nhân chứng sẽ được triệu tập trong đó gồm 10 chuyên gia.

Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX bôi vào mặt ông Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào hôm 13/2 vừa qua. Đây là loại chất hóa học cực độc được Liên Hiệp Quốc xếp vào hàng vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên cả hai cô đều nói với luật sư rằng các cô không hề hay biết mình đang thực hiện một âm mưu giết người mà chỉ nghĩ rằng đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 30/10 tại Tòa án Tối cao Shah Alam, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia

Nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Published in Việt Nam

Nhân quyền là một quan tâm của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam (RFA, 28/09/2017)

Nhân quyền là một trong những quan tâm của tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

tg1

Ông Daniel Kritenbrink (phải) người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm tân đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ngày 3 tháng 12 năm 2014.  AFP

Điều này được ông Daniel J. Kritenbrink, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Hà Nội, trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 9, theo giờ địa phương.

Ngoài ra ông Kritenbrink còn đề cập đến những vấn đề khác sẽ thực hiện trong cương vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gồm an ninh, đầu tư-thương mại, các vấn đề nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh.

Ông Kritenbrink nói rằng quan hệ Việt- Mỹ đã thay đổi rất sâu sắc trong thời gian 40 năm qua, và bây giờ Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng có được quan hệ tốt đẹp đó đến nay là nhờ cố gắng của các chính phủ tiền nhiệm nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia quan trọng ở Châu Á, và trong những cố gắng đó có sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Ông Daniel J. Kritenbrink gốc ở tiểu bang Virginia, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từ năm 1994, và đảm nhiệm nhiều vị trí trong các đoàn ngoại giao Mỹ tại Châu Á.

****************

Giáo phận Vinh : Hạt Đông Tháp tố cáo những bất ổn trên địa bàn (RFA, 28/09/2017)

Các linh mục Công Giáo thuộc Giáo hạt Đông Tháp, Giáo phận Vinh vào ngày 22 tháng 9 gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tố cáo về những bất ổn xảy ra trên địa bàn giáo xứ Đông Kiều, huyện Diễn Châu.

tg2

Một buổi lễ ở nhà thờ giáo xứ Đông Kiều - Courtesy of giaoxugiaohoivietnam.com

Theo đơn tố cáo thì do có những hiểu lầm về hai cột treo băng rôn ở đầu đường xóm 5 đi vào xóm 6 xã Diễn Châu, nơi có giáo xứ Đông Kiều và vụ việc không được chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo. Do đó từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 20 tháng 9 tư gia, hàng quán của một số giáo dân bị côn đồ ném đá, phá hoại tài sản, dùng súng tấn công.

Vào ngày 20 tháng 9, những đoàn thể tại xã Diễn Mỹ còn mang cờ quốc gia Việt Nam, băng rôn, khẩu hiệu đi vào khu vực quanh nhà thờ Đông Kiều gây rối và đòi trục xuất linh mục quản xứ Nguyễn Ngọc Ngữ ra khỏi xã Diễn Mỹ.

Hành vi bị cho xúc phạm nghiêm trọng là những thành phần tấn công còn đập phá ảnh tượng thánh, dùng súng bắn vào ảnh tượng thánh của giáo dân.

Các linh mục thuộc Hạt Đông Tháp cho rằng những hành động vừa nêu vi phạm một số điều liên quan quyền tự do tôn giáo ghi trong Hiến Pháp Việt Nam ; cũng như hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế về nhân quyền.

Những vị ký tên yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu và các sở ngành liên quan tiến hành điều tra tìm ra thủ phạm ; chấm dứt những việc làm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc tại địa bàn xã Diễn Mỹ ; chấm dứt sự khủng bố cả về tinh thần lẫn vật chất như được nêu ra trong đơn tố cáo.

Đến chiều ngày 28 tháng 9, Đài RFA liên lạc với Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Liêm, một trong những người ký tên trong đơn tố cáo và được cho biết :

Bản thân tôi chưa nhận được trả lời gì, không biết linh mục hạt trưởng có nhận được chưa chứ chúng tôi trong hạt chưa nhận được trả lời. Thường họ sẽ có thông báo hay mời đến họp để giải quyết vụ việc ; tuy nhiên đối với vụ giáo xứ Đông Kiều thì chưa thấy gì.

*****************

Phản đối đàn áp cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy (RFA, 28/09/2017)

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào ngày 27 tháng 9 ra kháng thư phản đối việc đàn áp của cơ quan chức năng Việt Nam đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo và cũng là một cựu tù chính trị, ông Vương Văn Thả và gia đình ông này.

tg3

Công an bắt ông Vương Văn Thả hôm 18/5/2017 -Courtesy chantroimoimedia.com

Kháng thư do đại diện các vị trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam thuật lại sự việc gia đình ông Vương Văn Thả vào ngày 18 tháng 5 vừa qua bị một lực lượng gồm cả trăm người, trong đó có cả công an sắc phục lẫn không mặc sắc phục và những thành phần bị cho là côn đồ, tấn công bằng vòi rồng.

Vào thời điểm đó trong gia đình ông Vương Văn Thả có 9 người gồm 1 cụ bà trên 80 tuổi, 1 cháu bé 6 tháng tuổi, 3 phụ nữ và 3 cậu con trai. Sau đợt tấn công, những người phụ nữ và trẻ em trong gia đình bị nhất được đưa đến bệnh viện ; riêng ông Vương Văn Thả, cậu con trai Vương Văn Thuận và hai em Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Nhật Thương bị bắt.

Hơn 3 tháng sau, gia đình mới nhận được thông tin 4 người bị giam giữ tại nhà tù Bằng Lăng, Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang.

Một vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Điền, cho biết :

Khi bị bắt là tại huyện An Phú, tỉnh An Giang nên chúng tôi liên lạc Công an Tỉnh. Thế nhưng nay công an vẫn ‘bí mật’ nên không cho biết. Chỉ có những người đi thăm được thân nhân bị giam giữ nói là ông Thả bị biệt giam và nghe ông than vãn không chịu nổi. Những người này khi gặp thân nhân kể lại và từ đó kể lại cho gia đình ông Thả.

Kháng tư của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam cho rằng biện pháp mà lực lượng chức năng sử dụng đối với ông Vương Văn Thả và gia đình là không cần thiết ; thậm chí vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu của công dân được công nhận trong Hiến Pháp Việt Nam cũng như Công Pháp Quốc Tế.

Ông Vương Văn Thả từng bị kết án tù 3 năm và mãn án vào tháng 8 năm ngoái. Lần đó ông bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Trước khi bị bắt lại vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Vương Văn Thả bắc loa lên tiếng tố cáo những sai lầm và tội ác của chính quyền Việt Nam hiện nay. Từ đó gia đình ông bị phong tỏa, cắt điện, cúp nước và ném đá, chửi bới, dọa nạt.

Published in Việt Nam
mercredi, 27 septembre 2017 11:38

Vụ người Rohingya không dễ giải quyết

Chính phủ Myanmar sẽ quản lý các ngôi làng bị đốt phá (RFA, 27/09/2017)

Chính phủ Myanmar sẽ đảm nhận việc tái thiết các ngôi làng bị thiêu rụi trong đợt giao tranh giữa phiến quân Hồi giáo Rohingya và quân đội chính phủ.

myanmar1

Một ngôi làng của người Rohingya bị đốt ngày 31/8/2017. AFP

Tờ Global New Light of Myanmar dẫn lời ông Win Myat Aye, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar nói rằng theo luật của quốc gia này thì những khu vực bị thiêu rụi sẽ thuộc phạm vi quản lý của chính phủ. Ông cũng cho biết quá trình tái thiết sẽ diễn ra một cách hiệu quả vì theo luật thì chính phủ sẽ trực tiếp giám sát hoạt động xây dựng lại các khu vực xảy ra thảm họa hay giao tranh.

Biện pháp tái thiết được nói có thể sẽ khiến hơn 480 ngàn người Rohingya đang lánh nạn trở lại quê hương của họ. Tuy nhiên, ông Aye nói rằng chính phủ chưa có kế hoạch hay phương thức cụ thể nào để đưa những người này trở về.

Ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng 400 ngôi làng của người Rohingya tại bang Rakhine đã bị đốt cháy trong các vụ xung đột.

***********************

Khai quật những mộ tập thể Ấn Giáo ở bang Rakhine (RFA, 27/09/2017)

Quân đội Myanmar vào ngày 27 tháng 9 tổ chức chuyến đầu tiên cho báo chí đến tại khu vực nơi có những mộ tập thể tín đồ Ấn Giáo được khai quật hồi đầu tuần này.

myanmar2

Thân nhân của 23 nạn nhân bị sát hại trong vụ quân ARSA tấn công làng Ấn Giáo hôm 25/8. AFP

Trong khi đó công tác tìm kiếm 50 tín đồ Ấn Giáo bị sát hại được tiếp tục được tiến hành. Những người chứng kiến ​​vụ việc cho hãng tin AFP biết cuộc đổ máu xảy ra bên ngoài làng Ấn Giáo ở Kha Maung Seik miền bắc bang Rakhine. Số này được nói bị sát hại trong cuộc tấn công của Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya ngày 25 tháng 8 vừa qua.

Một người địa phương tên Fwaira Bazar kể lại rằng ngày xảy ra cuộc tấn công, một nhóm người đeo mặt nạ đã ập tới khu vực người Ấn giáo sinh sống, đánh đập và bịt mắt người dân rồi chở họ vào rừng. Theo lời những người địa phương thì bọn khủng bố đã giết hại hơn 100 người, rồi đào hố chôn thi thể họ.

Chiến dịch đáp trả của quân đội Myanmar đối với đợt tấn công của phiến quân Rohingya được nói khiến hằng trăm người thiệt mạng và gần nửa triệu người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Liên Hiệp Quốc cho rằng chiến dịch của quân đội Myanmar là tảo thanh sắc tộc. Tuy nhiên phía Myanmar bác bỏ cho rằng họ chỉ ra tay trấn dẹp những phần tử khủng bố quá khích Rohingya.

***************

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo Myanmar phạm tội ác chống nhân loại (RFA, 26/09/2017)

Myanmar đang phạm tội ác chống lại nhân loại qua các chiến dịch tảo thanh đối với phiến quân nổi dậy Hồi giáo tại bang Rakhine.

myanmar3

Những người tị nạn Hồi giáo Rohingya chờ được phát thức ăn bởi quân đội Bangladesh tại trại tị nạn Balukhali gần Gumdhum vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. AFP

Đây là nội dung trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch công bố vào ngày 26 tháng 9. Đồng thời tổ chức này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy áp đặt các biện pháp chế tài cùng lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar.

Phát ngôn nhân Chính phủ Miến Điện phản đối cáo buộc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, nói rằng không có một bằng chứng nào cho việc cáo buộc này và Chính phủ Myanmar luôn cam kết bảo vệ nhân quyền.

Miến Điện cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng của Chính phủ tham gia vào việc tảo thanh sắc tộc chống người Hồi giáo Rohingya nhằm đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân nổi dậy người Rohingya nhắm vào các lực lượng an ninh hồi ngày 25 tháng 8 vừa qua.

Giám đốc Chính sách Pháp lý của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, James Ross, nói rằng quân đội Miến đang trục xuất người Rohingya ra khỏi bang Rakhine một cách dã man. Các vụ đốt phá và thảm sát dân làng hàng loạt đã đẩy người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn là tất cả tội ác chống lại loài người.

Hiện đã có gần 440 ngàn người chạy sang Bangladesh tị nạn, phần lớn là người Rohingya. Những người này cáo buộc các lực lượng an ninh truy đuổi người Rohingya ra khỏi quốc gia đa số người theo Phật giáo ở Myanmar.

Published in Châu Á

Ngày 22 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo mới cho biết sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam đã không đáp ứng được yêu cầu của Đức sau khi bắt cóc cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7 vừa qua. Đức đồng thời cũng trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao mới của Việt Nam vì có liên quan đến vụ việc. Hành động mới từ phía chính phủ Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể trao trả Trịnh Xuân Thanh hay không và nếu có thì bằng cách nào ?

txt1

Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017- AFP

Tạm dừng quan hệ đối tác với Đức có tác động gì lên Việt Nam ?

Vụ chính phủ Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức chính phủ bị truy nã vì cáo buộc tội tham nhũng, tại ngay trên đất Đức đang khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm gần đây nhất là thông báo tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra hôm 22 tháng 9.

Trong thông báo này, Bộ Ngoại giao Đức ghi rõ ‘vì lý do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo’. Thông báo viết rõ phía Đức đã thông báo cho phía Việt Nam quyết định tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược và trục xuất thêm một cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra hôm 23 tháng 7 tại thủ đô Berlin, ngày 2/8 Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo lên án hành động này, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc này.

Phía Việt Nam sau đó vào hôm 3/8 đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính phủ Đức và cho biết Trịnh Xuân Thanh đã tự ra đầu thú theo thông báo của Bộ Công an hôm 31 tháng 7.

Về tuyên bố mới của chính phủ Đức, nhà ngoại giao kỳ cựu đã từng có thời ở Việt Nam, David Brown nhận xét với đài Á Châu Tự Do qua email như sau :

Việc chính phủ Đức thông báo tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Đức vẫn nói là tiếp tục duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam nhưng chỉ không trao cho Việt Nam các đối xử đặc biệt. Nếu nước Đức nói rõ là sẽ trì hoãn thanh toán các khoản tiền đã hứa cho Việt Nam thì hành động này của Đức sẽ còn hơn cả tính biểu tượng.

Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011. Hợp tác giữa hai nước được triển khai trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội…. Đức hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ đô la.

Đức hiện cũng là nhà viện trợ ODA lớn và thương xuyên cho Việt nam. Từ năm 1990 đến nay Đức đã dành cho Việt Nam khoảng 2 tỷ đô la viện trợ ODA. Đức cũng cam kết dành cho Việt Nam 600 triệu euro ODA trong giai đoạn từ 2015 đến 2017.

Nhận định về quyết định mới của chính phủ Đức để trừng phạt Việt Nam, giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc cho rằng động thái này còn hơn cả tính biểu tượng.

Tôi không nghĩ nó chỉ mang tính biểu tượng…. sắp tới sẽ có một loạt những thời hạn cho một loạt các chương trình trợ giúp giữa chính phủ Đức với Việt Nam và những trao đổi. Việt Nam đã được cảnh báo bởi phía Đức và được yêu cầu là phải gửi trả lại Trịnh Xuân Thanh và nếu Việt Nam từ chối thì trong danh sách của Đức có những thỏa thuận và trao đổi đến lúc phải ký tiếp thì những chương trình đó có thể bị ảnh hưởng, và thậm chí là cả Hiệp định tự do thương mại FTA nữa mặc dù hiệp định này phải có sự đồng ý của quốc hội của tất cả các nước EU.

Ngoài ra theo giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu từ phía Đức cũng ảnh hưởng đến cơ hội dành được chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 vì sẽ không dành được sự ủng hộ của Đức.

Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng phía Đức sẽ không làm quá mức để chấm dứt toàn bộ quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Tôi nghĩ chiến lược của là Đức sẽ làm không có gì quá lớn và quá nhanh ngay lập tức để sau đó họ không thể rút lại được hay xoay sở được. Nhưng rõ ràng là trong toàn bộ quan hệ hai nước thì có nhiều những thỏa thuận sẽ sắp hết hạn hoặc cần ký tiếp hoặc có những chương trình đã định trong tương lai thì Đức có thể xóa. Nhưng phía Đức sẽ phải cân nhắc từng cái một để cho phía Việt Nam thấy được cái giá phải trả. Tất nhiên là họ không chấm dứt quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Lối thoát nào cho Việt Nam ?

Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã tiến hành điều tra và sau đó bắt giữ một nghi phạm người Đức gốc Việt được cho là thuê và lái chiếc xe chở nhóm mật vụ Việt Nam đến bắt Trịnh Xuân Thanh.

Phía Đức cũng đưa ra các yêu cầu về áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.

Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 22 tháng 9, cho đến lúc này phía Việt Nam vẫn không xác nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và cũng không xin lỗi hay cam kết sẽ không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh, vì trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì mất mặt mà không trả thì cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn này nếu Việt Nam không có phản ứng tích cực thì những giới hạn mà Đức đưa ra sẽ tiếp tục cho đến khi trường hợp Trịnh Xuân Thanh được giải quyết. Tôi không biết là họ sẽ giải quyết thế nào nhưng có những ám chỉ rằng ông ta (Trịnh Xuân Thanh) sẽ khai ra những quan chức khác và sau đó ông ta sẽ không bị trừng phạt nặng nề vì đã hợp tác. Đó là một cách. Và một khi ông ta không còn chịu các cáo buộc hình sự thì Việt Nam có thể cho ông ta rời đất nước và họ có thể báo với Đức. Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai.

Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức cũng nói đến yêu cầu Việt Nam phải khẳng định sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ bắt cóc. Tuy nhiên đến giờ phút này Việt Nam chưa có thông tin chính thức đã hay sẽ xử lý bất cứ người nào có liên quan vì Việt Nam vẫn công khai nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Vì vậy, theo giáo sư Carl Thayer, khả năng Việt Nam trừng phạt bất cứ ai liên quan đến vụ bắt cóc như yêu cầu của Đức là rất khó xảy ra. Mặt khác điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt nam phải tự nguyện trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, điều mà Việt Nam hiện không muốn.

Published in Việt Nam

Hội nghị về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long được cho là lớn nhất từ trước đến nay khai mạc hôm 26 tháng 9 tại Cần Thơ. Hội nghị do hai phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vương Đình Huệ và ông Trịnh Đình Dũng chủ trì.

khihau1

Hội nghị về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long được cho là lớn nhất từ trước đến nay khai mạc hôm 26 tháng 9 tại Cần Thơ. Hội nghị do hai phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vương Đình Huệ và ông Trịnh Đình Dũng chủ trì.  Courtesy chinhphu.vn

Theo các báo cáo đưa ra tại hội nghị, đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động khác từ khu vực thượng nguồn. Những ưu điểm về tự nhiên của vùng bị thay đổi dẫn đến mô hình sản xuất và tập quán sinh hoạt của cư dân vùng này bị ảnh hưởng.

Một số đại biểu tham gia hội nghị cho rằng biến đổi khí hậu là hiện tượng toàn cầu, và đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là nguồn nước và tình trạng xâm nhập mặn.

Chính phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi khai mạc rằng đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, sẽ tạo ra thách thức và đe doạ đến quá trình phát triển của vùng. Đặc biệt là đời sống kinh tế của người dân.

Do đó, ông này đề nghị chuyển đổi mô hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề Chính phủ hết sức quan tâm.

Một chuyên gia về đồng bằng sông Cửu Long, tiến sĩ Dương Văn Ni, từng lên tiếng với báo giới trong nước là ngoài những yếu tố khách quan, khu vực này còn đối diện với những tác động do ‘nhân tai’ tức con người tạo nên.

Published in Việt Nam

Sở Tài nguyên và môi trường : Hải sản chết tại Vĩnh Tân là do mưa lớn (RFA, 25/09/2017)

Hải sản chết tại khu vực biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là do mưa lớn dẫn đến nước biển giảm độ mặn, độ đục tăng nên ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.

moitruong1

Vùng biễn nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. RFA photo

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận giải thích như vừa nêu trong báo cáo về nguyên nhân cá, sò, mực chết tại khu vực này trong mấy ngày gần đây.

Ngày 15/9, sau khi người dân phản ánh về tình trạng hải sản chết, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra và phân tích mẫu nước. Kết quả cho thấy các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước tương đối cao, độ PH thấp, là nguyên nhân khiến thủy sản chết.

Giải thích về phản ánh nước biển đục của người dân, Sở Tài nguyên- Môi trường Bình Thuận nói rằng do trong tháng 9 vùng biển bị ảnh hưởng từ cơn bão số 10 gây mưa lớn làm giảm độ mặn và cuốn theo bùn cát từ đất liền.

Sở này cho biết sẽ phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng để tiếp tục theo dõi môi trường nước biển quanh khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

******************

Các tỉnh miền Trung cần liên kết để phát triển (RFA, 25/09/2017)

Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt. Cần phải tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

moitruong2

Diễn đàn kinh tế miền Trung, tại Đà Nẵng vào ngày 25/09/2017. Courtesy : Ảnh chụp màn hình từ vtv8.vn.

Đó là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế miền Trung, diễn ra vào sáng ngày 25 tháng 9 tại thành phố Đà Nẵng.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nếu Việt Nam không tận dụng kết nối Bắc Nam với Đông Tây thì sẽ gặp nhiều bất lợi ; trong đó nêu rõ quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng đến năm 2030 đóng vai trò quan trọng, sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Ông Vương Đình Huệ nhắc lại chủ trương của Việt Nam là dịch vụ và du lịch chiếm đến 40% cơ cấu kinh tế của miền Trung.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, tại Diễn đàn kinh tế miền Trung cũng đưa ra nhận định mặc dù chủ trương phát triển du lịch miền Trung là trọng điểm quan trọng nhưng thực tế giá trị gia tăng của du lịch tại khu vực này rất thấp. Ông Trần Đình Thiên nói rằng hiện tại du lịch miền Trung không có gì ngoài tắm biển.

Một số doanh nghiệp tham gia Diễn đàn cũng khẳng định các tỉnh miền Trung cần phải liên kết vùng để phát triển mạnh.

Published in Việt Nam

Hội nghị cấp cao Bộ trưởng lần thứ IX của Cộng đồng các Quốc gia dân chủ vừa họp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 năm nay.

hoinghi1

Tiến sĩ Thomas Garrett, Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ - RFA

Cộng đồng các Quốc gia dân chủ ra đời năm 2000 do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan, bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremek. Từ đó trở về sau, mỗi hai năm Hội nghị họp một lần để đánh giá tiến trình dân chủ cũng như vạch kế hoạch thăng tiến dân chủ trong toàn thế giới. Các hội nghị trước đây đã được tổ chức tại những quốc gia vừa bước sang con đường dân chủ, như Ba Lan, Nam Hàn, Mông Cổ, Chile, Mali, Bồ Đào Nha, Lithuania, San Salvador, và kỳ này tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.

Khác với 8 kỳ trước, Hội nghị Cấp Bộ trưởng lần IX lần này chỉ họp ở cấp cao, gồm 30 Chính phủ thuộc 30 quốc gia thành viên Hội đồng Điều hành các Quốc gia Dân chủ, và 23 Ủy viên Ban Thường vụ "Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ".

Ba chủ đề chính của Hội nghị là : Không gian dân sự bị thu hẹp, Dân chủ và phát triển và An ninh và dân chủ .

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright nhận xét qua bản phúc trình về An ninh và dân chủ rằng :

Madeleine Albright : "Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ có vai trò quan trọng là tập hợp mọi khuynh hướng dân chủ hiện nay và lâu trước, để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cùng giúp đỡ nhau giải quyết những thách thức chung. Nguyên tắc đoàn kết dân chủ là sức mạnh. Vòng quanh địa cầu, các chính phủ đến cùng nhau vì lý do địa lý, kinh tế, lịch sử và đức tin tôn giáo, nhưng chẳng có gì tốt đẹp hơn từ cơ bản, là hậu thuẫn nhau trong sự chia sẻ mối bận tâm cho tự do. Chính vì lý do này mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ xứng đáng tồn tại ở cấp cao cho mối bận tâm của giới lãnh đạo chúng ta. Không chỉ chớp nhoáng tại các Hội nghị thường kỳ, mà là thông qua các chính sách và hành động mỗi ngày".

Tại lễ bế mạc Hội nghị tổ chức trong khuôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Rex Tillerson xác định : "Hội nghị Cấp Bộ trưởng Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ kỳ nầy tới đúng thời điểm trông chờ của nó. Đây là lý do cho sự có mặt của chúng ta hôm nay. Và vì sao cuộc tập họp tiếp tục hiện hữu. Là Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng ta biết rằng Dân chủ là hình thái lãnh đạo đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại quốc gia mình hay khắp mọi nơi. Chúng ta biết rằng các chính phủ đeo đuổi những nguyên tắc và thực hành dân chủ đều hưởng sự an toàn, lành mạnh, an ninh tối đa, với thiên hướng tôn trọng nhân quyền cho công dân họ. Chúng ta cũng biết rằng thể chế dân chủi chưa hoàn mỹ. Nên thể chế dân chủ bắt chúng ta phải biết khó khăn chọn lọc, kiên trì thực hiện và luôn luôn cảnh giác. Nhưng chỉ có thể chế dân chủ là hệ thống chính trị bảo đảm cho người công dân quyền tham gia, bằng cách nào và với ai họ lãnh đạo. Đây chính là lý do chúng ta ủng hộ và phát triển tự do và dân chủ trên toàn thế giới".

Nhân dịp Bà Maria Lessner, Bộ trưởng Dân chủ Thuỵ Điển mãn nhiệm kỳ Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng tôi tìm gặp người kế nhiệm, Tiến sĩ Thomas Garrett, để hỏi cảm tưởng ông về Hội nghị Cấp cao Bộ trưởng lần thứ 9 này ?

Thomas Garrett : "Hội nghị Cấp Bộ trưởng kỳ này có chút khác biệt với các kỳ Hội nghị trước, vì chỉ là cuộc họp của Hội đồng Chính phủ của 30 quốc gia trong Cộng đồng Các Quốc gia Dân chủ, là những quốc gia từng dứt khoát gắn bó với nền dân chủ trên thế giới, từ Hoa Kỳ và Canada đến Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Tất cả 30 quốc gia này mang lời hứa trịnh trọng bảo vệ không gian cho các xã hội dân sự, hoạt động một cách dân chủ trong bất cứ tình huống nào, và mang lại kinh nghiệm của họ để giúp đỡ các quốc gia đang chuyển hướng sang dân chủ".

Ỷ Lan : Ông vừa được bầu vào ghế Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Vì sao phong trào này trọng thiết đối với ông, và ông hy vọng gì để hoàn tất nhiệm vụ ?

Thomas Garrett : "Khi nhìn lại Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, tôi nghĩ rằng đây là một tổ chức liên chính phủ rất quan trọng, lập thành từ những quốc gia tận tuỵ với các nguyên tắc dân chủ. Thế giới ngày nay thực sự cần thiết có một tổ chức như thế. Tôi hy vọng rằng tôi có thể cáng đáng, có thể là theo một hướng mới, và tôi thấy kích thích xông vào việc để đấy mạnh dân chủ trên toàn thê giới".

Ỷ Lan : Cuộc phỏng vấn này sẽ được phát về Việt Nam. Ông có đôi lời gì gửi tới giới bạn trẻ ở Việt Nam hiện đang hoạt động với hy vọng tiến sang một thể chế dân chủ ?

Thomas Garrett : "Tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam rằng, các bạn không là Tương lai, các bạn là Hiện tại đương thời. Chúng ta nghe được thông điệp cất lên tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng hôm nay của giới hoạt động trẻ, kể cả một thanh niên Bắc Triều Tiên. Xin chớ giới hạn trong biên giới một quốc gia, các bạn đang có trong tay Internet, các bạn đang có mạng truyền thông xã hội, các bạn đang có nhiều bạn bè trẻ tuổi khác đang tím cách nối kết với các bạn. Tôi mời gọi các bạn hãy nối kết với bạn bè khắp nơi, cùng nhau học hỏi và tìm mọi cách thực hiện các bài học này tại quốc gia Việt Nam của bạn. Trong lịch sử chưa bao giờ thế giới đầy ắp giới trẻ như ngày nay, và chẳng có lý do gì giới trẻ không chuyển thay nghịch cảnh".

Tham gia Hội nghị với tư cách Ủy viên Ban Thường vụ "Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ" đại diện Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, ông Võ Văn Ái được bầu vào Ban Cố vấn Ban Thường vụ Quốc tế, cho biết cảm tưởng như sau :

Võ Văn Ái : "Sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu thập niên 90 thế kỷ trước, có thể nói phong trào Dân chủ nổi lên như thủy triều khắp thế giới. Nhưng vào năm 2017 này, do nhiều lý do, phải nói rằng cao trào Dân chủ đang bị thối lui. Đây là lý do bó buộc các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam phải suy nghĩ để rút bài học, và đề xuất mô thức dân chủ Châu Á. Thiển ý tôi, cuộc khủng hoảng trong phong trào dân chủ ngày nay đến từ sự thiếu vắng một Niểm Tin mới. Các quốc gia thì bị lăn trôi theo nạn khủng bố toàn cầu, và lún chìm vô vọng trong xã hội tiêu thụ, làm đánh mất lý tưởng. Tôi tin rằng người Châu Á sống trong đức tin thương người cứu đời, từ nhiều nghìn năm qua, có thể xúc tác cho sự bùng dậy cơn thủy triều dân chủ mới. Dù sao tôi cũng rất mừng, vì tại Hội nghị này các nước dân chủ về tham dự đã nhìn thấy một sự thực, là các quốc gia độc tài đang bóp chết không gian sinh hoạt dành cho các các xã hội dân sự, vốn là nên móng cho tiến trình dân chủ. Đặc biệt tại Việt Nam".

Ỷ Lan, phóng viên RFA

Published in Quốc tế

Kể từ trung tuần tháng 9, cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thực thi nghị định bắt chó thả rông do Chính Phủ Hà Nội ban hành. Người dân nghĩ gì về biện pháp đó ?

cho1

Ảnh minh họa - RFA

Phòng tránh tai nạn ?

Theo qui định thì ở thành phố Hồ Chí Minh chó thả rông không rọ mõm sẽ bị bắt đưa về địa chỉ 252 Lý Chính Thắng, Quận 3 và sẽ bị tiêu hủy sau 72 giờ nếu không có chủ đến chuộc lại.

Là người nuôi qua nhiều đời chó suốt hàng chục năm nay, chị Nhung, ngụ tại Quận 7, Tp. HCM bày tỏ quan điểm cho biết, quy định bắt chó thả rông như vậy sẽ góp phần quản lý chó tốt hơn, tránh gây tai nạn cho người đi đường.

Chị Nhung là người từng chứng kiến một số vụ tai nạn xảy ra do người nuôi chó không quản lý tốt thú nuôi của mình. Ngay tại thời điểm thực hiện phóng sự, một người đi đường tránh chó của nhà hàng xóm và bị té xe ngay tại chỗ :

"Đó, con chó làm té người ta kìa, đó thấy chưa ? Cái nhà kiểng đó hả, nuôi chó có lần làm cô kia ngã, sảy thai luôn. Người ta mới có bầu à. Đó. Té vậy coi ấy có phải là khổ cho người ta hông ? Kỳ khôi không, ta bắt đi cũng chừa á !".

Cùng quan điểm thấy việc quản lý chó là cần thiết, anh Sang, chủ của một chú chó Phú Quốc đang điều trị bệnh tại một phòng khám thú y tại Quận 7 chia sẻ :

"Cái đó thì cũng có nhiều trường hợp lắm. Trường hợp thứ nhất là chó thả rông như vậy thì nó cũng ảnh hưởng đến giao thông là cái thứ nhất. Cái thứ hai là nhiều khi rồi nó cắn người ta rồi cái, chích ngừa ở đẳng rồi cũng nhiều cái bệnh lắm".

cho0

Ảnh minh họa. RFA PHOTO

Mặc dù cho rằng chuyện phải quản lý chó là cần thiết và người nuôi chó đương nhiên phải có trách nhiệm, nhằm tránh ảnh hưởng tới cộng đồng lẫn những người nuôi chó khác ; nhưng chị Nhung và anh Sang thấy việc tự động tiêu hủy chó sau 72 giờ là không hợp lý.

Theo chị Nhung, muốn tiêu hủy chó phải báo với chủ rằng chó đó bị dại đàng hoàng :

"Ở đây người ta nuôi con chó người ta cưng lắm em. Nó khôn á, nhiều cái nó khôn, người ta cưng lắm. Mà mình thiêu hủy vậy hả, cũng tội nghiệp nó, mà cũng ấy cho chủ nhà, chủ của nó. Thì hả, thí dụ như hả nó bị dại hay gì người ta tiêu hủy thì được. Còn này thí dụ như hổng có mà người ta tiêu hủy thì đâu có được".

Còn quá nhiều bất cập

Anh Sang từng nuôi qua nhiều giống chó trong và ngoài nước từ năm 2005, đến nay đã tròn 12 năm. Khi được hỏi về việc tiêu hủy chó sau 72 giờ, anh Sang đề xuất là phải có đội ngũ bác sĩ thú y riêng để phân loại chó, và chỉ được tiêu hủy số chó là chó bệnh, chó dại :

"Tất cả các loại chó mà tới ngày đó mà nó bắt lên là nó phải có bác sĩ thú y, để coi coi là chó đó có phòng ngừa chưa. Thí dụ mà chó không ngừa là tiêu hủy hết. Còn mà chó đã ngừa là biết được rằng chó đã có chủ. Đâm ra những số chó đó người ta cách ly ra riêng một bên. Còn những số chó mà không có phòng ngừa á là nó sẽ đưa qua một bên kêu bằng là chó dại, chó bệnh á. Là số đó là tiêu hủy hết".

Theo như chị Nhung, thực tế phía phụ trách y tế dự phòng cũng chủ động xuống chích ngừa cho chó nhà chị, và có giấy tờ xác nhận rõ ràng. Chó của chị khi nuôi có đăng ký với bên phường do vậy mà họ quản lý được :

"Người ta tự tới chích, khoảng chắc năm chích lần hay sao á. Mỗi lần chích là phải báo trước, để có người giữ nó, bịt mỏ nó chứ nhưng mà nó giãy giụa dữ lắm. Đâu phải dễ chích nó đâu.Tốn chứ, 20-30 ngàn một lần một mũi chích ngừa dại á. Cuốn sổ nó nằm trong nhà rồi, mỗi lần chích là có cuốn tiêm ngừa chó gì á. Có ký tên".

Ông Trí Hải, đã ngưng nuôi chó nhiều năm nay. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp bởi nghị định mới có hiệu lực, ông Hải vẫn bày tỏ quan ngại về tính thực tế của việc tiêu hủy chó. Theo ông, 99% đội bắt chó thả rông sẽ không tiêu hủy chó theo như thông báo :

"Chỉ có những người có cái tâm làm sự việc đó thì người ta mới làm thôi. Còn mà không có cái tâm thì bảo đảm người ta cũng… Hỏi bây giờ mà đi thiêu hủy, một con chó thí dụ một con chó đó trị giá 2-3 triệu. Giờ đi thiêu hủy hỏi coi uổng không ?"

Đồng quan điểm, một người nuôi chó khác cũng tỏ ra nghi ngại, cho rằng số chó bắt về sẽ bị bán làm thịt, hoặc bán cho chỗ bán chó kiểng :

"Họ cũng đem họ bán họ mần thịt chứ không bao giờ họ mà thiêu hủy theo cách của nhà nước quy định đâu. Sáng dẫn ra đường á. Đi tiểu giật làm sao mà hai cái tay nè nè, có cái lằn luôn".

Một số người dân khác mà chúng tôi tiếp xúc tỏ ra khá mù mờ về những qui định liên quan của cơ quan chức năng trong biện pháp quản lý chó thả rông hiện nay. Những người quan tâm thì cho rằng chính sách nào đề ra cũng hợp lý ; nhưng trong thực hiện lại quá nhiều bất cập, thiếu khả thi.

Published in Việt Nam

Tác phẩm Mối Chúa của nhà văn Tạ Duy Anh bị cấm phát hành. Đây được cho là tác phẩm văn học đầu tiên viết về người dân bị lấy đất một cách phi pháp tại Việt Nam lâu nay.

tacpham1

Bìa quyển tiểu thuyết Mối Chúa của nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh minh họa

Công văn do ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản in và phát hành, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, ký vào trung tuần tháng 9 gửi đến Nhà xuất bản Hội nhà văn yêu cầu đình chỉ việc phát hành quyển sách vừa nêu.

Theo trình bày của ông Chu Văn Hòa thì tác phẩm Mối Chúa đã mô tả xã hội và hệ thống cầm quyền từ thấp đến cao như là một hệ thống đen tối, tham lam và tàn nhẫn, trong đó nêu lên chuyện cưỡng chế đất đai của nông dân như là một lực lượng thù địch.

Theo trang Facebook của Luật sư Trần Vũ Hải, quyển sách Mối Chúa của nhà văn Tạ Duy Anh, với bút danh Đãng Khấu đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Công ty văn hóa Nhã Nam xuất bản, nhưng nay bị dừng phát hành.

Một số cư dân mạng cho rằng họ đang tìm các để đọc được tác phẩm bị cấm phát hành như vừa nêu.

Published in Việt Nam

Cá tôm lại chết gần nhà máy Vĩnh Tân 4 (RFA, 22/09/2017)

Ngư dân tỉnh Bình Thuận cho hay có nhiều cá và các hải sản khác bị chết tại khu vực ven biển xung quanh nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 4.

catom1

Nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân 1. RFA

Đây là khu vực thuộc hai xã Vĩnh Hảo và Phước Thể, Huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận.

Theo các ngư dân thì hiện tượng này xảy ra cùng lúc với ống khói của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hoạt động trở lại. Các ngư dân cũng cho biết là hiện nay dưới đáy biển vùng này có một lớp bùn dày khoảng từ 1 đến 2 cm, mà trước kia chỉ có sỏi và cát.

Một vị lãnh đạo của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 trả lời báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh rằng dự án đang vận hành thử nghiệm và sẽ dừng chạy nếu có sự cố môi trường.

Xin được nhắc lại là vào tháng 7 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền tỉnh Bình Thuận cùng với ban quản lý nhà máy điện Vĩnh Tân 2 có ý định dìm bùn nạo vét cảng Tuy Phong xuống biển Bình Thuận, nhưng dự án bị phản đối dữ dội nên đã dừng lại.

Khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận có bốn dự án nhà máy điện chạy bằng than tại Vĩnh Tân, được cho là sẽ đem lại nhiều hậu quả tiêu cực về môi trường cho vùng ven biển này.

*********************

Chỉ có 31% bãi chôn chất thải hợp vệ sinh (RFA, 22/09/2017)

Trong số 660 bãi chôn lấp chất thải hiện nay trên cả nước Việt Nam chỉ có 31% hợp vệ sinh.

catom2

Rác bên ngoài nhà máy rác Phương Thảo, Vĩnh Long - RFA

Đây là thông tin được Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ra tại Hội thảo về quản lý bãi thải ở Việt Nam, tổ chức ngày 22 tháng 9.

Tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hầu hết các bãi thải đều không hợp vệ sinh. Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp vẫn chôn lấp chung.

Ở Tây Nguyên, nhiều bãi được đặt ở đầu nguồn nước, gây ô nhiễm cả khu vực hạ nguồn.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều bãi không có bờ bao nên khi lũ về gây ô nhiễm môi trường. Còn đến mùa khô, chất thải được đốt, làm không khí ô nhiễm.

Ông Hoàng Mạnh Hiệp, Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng cho biết chôn lấp chất thải không phải là một phương pháp tốt. Tuy nhiên, số lượng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện còn quá ít, chỉ xử lý được 7.500 tấn/ngày. Trong khi đó tổng số chất thải lên đến 38.000 tấn/ngày.

Trước thực trạng nêu trên, các đại biểu nói rằng nên lập quy hoạch quản lý chất thải và chỉ đạo việc quản lý theo quy hoạch đó. Hiện cả nước có 57/63 địa phương đã lập và phê duyệt quy hoạch.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do những bãi rác gây nên đến mức không chịu nổi khiến dân chúng tại một số nơi lâu nay từng biểu tình, chặn không cho xe lấy rác đến đổ tại bãi gần khu dân cư.

Published in Việt Nam