Đổi tiền để chống lạm phát : Dân Venezuela hoang mang
"Lạm phát năm nay có thể lên đến một triệu phần trăm, muốn mua xăng giá bao cấp phải trình "Sổ yêu nước". Từ đồng "bolivar mạnh" đổi sang đồng "bolivar giữ vững chủ quyền", bỏ đi năm số 0. Đồng tiền mới tương đương với "100.000 bolivar mạnh", kể từ hôm nay thứ Hai 20/08/2018. Chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong bốn ngày để đổi tiền, gây hoang mang trong dân chúng".
Con gà bày bán trong một chợ nhỏ ở Caracas ngày 16/08/2018 có giá 14.600.000 bolivar. Reuters/Carlos Garcia Rawlins
Các gia đình hai miền Triều Tiên bị chia cắt được hội ngộ, Hy Lạp lại có được chủ quyền về tài chính sau tám năm khủng hoảng, cuộc đời và sự nghiệp cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan là các chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay.
Liên quan đến Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro nhận xét "Người Venezuela khủng hoảng vì những cải cách của ông Maduro". Nhiều biện pháp của chính phủ đưa ra bị phản đối, cũng như việc phát hành tiền mới.
Từ "bolivar mạnh" đổi sang "bolivar chủ quyền"
"Tôi muốn đất nước lành bệnh, tôi có phương thuốc, hãy tin tôi". Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm thứ Sáu 17/08/2018 để loan báo về "hệ thống mới về kinh tế của Venezuela". Người kế nhiệm Hugo Chavez cố vẫy vùng để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng tuy các biện pháp được loan báo rất quy mô, thì phương tiện để thực hiện vẫn hết sức mơ hồ.
Bên cạnh đó là việc đổi tiền. Venezuela chuyển từ đồng "bolivar mạnh" sang đồng "bolivar giữ vững chủ quyền". Đồng tiền mới được bỏ đi năm số 0, một "bolivar chủ quyền" tương đương với "100.000 bolivar mạnh", kể từ hôm nay thứ Hai 20/08/2018. Chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong bốn ngày để đổi tiền, gây hoang mang trong dân chúng.
Nhà nghiên cứu Paula Vasquez của CNRS giải thích : "Người dân muốn rút tiền từ hôm thứ Năm 16/8 để mua những thứ cần thiết cho cuối tuần. Tôi thấy những hàng người dài hơn một cây số trước các ngân hàng. Nhưng số tiền rút được tối đa là 100.000 bolivar, còn chưa đủ để mua vé xe buýt trở về nhà". Lạm phát năm nay có thể lên đến một triệu phần trăm, và ông Maduro còn loan báo muốn mua xăng giá bao cấp phải trình "Sổ yêu nước".
Không "yêu nước" không được mua xăng trợ giá
"Sổ yêu nước" có giá trị như thẻ căn cước, dùng để mua nhu yếu phẩm theo giá bao cấp, được xác nhận theo mỗi kỳ bầu cử và không phải người dân Venezuela nào cũng có. Giá một lít xăng bán theo sổ chưa tới hai xu theo đô la Mỹ, còn nếu không có "Sổ yêu nước" giá trung bình lên đến 1,16 đô la. Hiện nay giá xăng ở Venezuela rẻ một cách kỳ lạ. Bà Vasquez cho biết vì quá rẻ nên khi đổ xăng khó tìm ra tiền mệnh giá thấp để trả, có lần người bán đã cho không.
Tổng thống Maduro cũng loan báo tăng lương tối thiểu từ 3 triệu "bolivar mạnh" sang 1.800 "bolivar chủ quyền", tức 6.000%. Đồng tiền ảo petro dựa trên giá một thùng dầu thô được lập ra hồi đầu năm, được ấn định là 3.800 "bolivar chủ quyền". Chính phủ cũng nhìn nhận giá trị thực của đồng tiền so với chợ đen, cho giảm giá 96%, hứa hẹn không thâm hụt thuế khóa.
Các đảng đối lập Primero Justicia, Voluntad Popular và Causa R kêu gọi tổng đình công và bất tuân dân sự vào ngày 21/8 để chống lại kế hoạch của chính phủ. Theo họ, đó chỉ là "một tổng thể các biện pháp hổ lốn, càng làm tăng thêm khủng hoảng" ; cho rằng việc tăng lương sẽ làm cho hàng triệu công ty phải đóng cửa. Người dân Venezuela tự hỏi bao giờ mới đổi tiền, vì chưa ai thấy tờ giấy bạc mới ra sao cả, thậm chí nghi ngờ tiền còn chưa được in ra.
Các nước láng giềng lao đao vì khủng hoảng Venezuela
Nhà phân tích Luis Vicente Leon cho biết không lạc quan trước mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng ghi nhận rốt cuộc chính quyền cũng đã công nhận sự hiện diện của đô la chợ đen và sự quan trọng của thị trường. Chuyên gia Siobhan Mordel trên Les Echos thì cho rằng việc giảm trợ giá xăng và xác định lại giá trị đồng tiền là hướng tốt, nhưng không giúp Venezuela trả được nợ trái phiếu.
Chỉ riêng trong năm nay có 440.000 người Venezuela phải chạy sang Colombia để kiếm sống. Nhưng Le Figaro nhắc nhở, cuộc khủng hoảng Venezuela bắt đầu đè nặng lên các nước láng giềng. Tại Brazil hôm thứ Bảy 18/8, những cuộc đụng độ đã nổ ra ở Pacariuma (bang Roraima) giữa dân địa phương và người tị nạn Venezuela. Cư dân đã buộc người tị nạn phải quay về nước, sau khi đốt những thùng carton mà họ dùng làm nơi trú ngụ trên đường phố, lý do là bốn người Venezuela đã tấn công một người bán hàng để trộm cắp. Cũng từ hôm thứ Bảy, Ecuador buộc phải trình hộ chiếu để qua biên giới.
Dù giá dầu tăng (chiếm 95% nguồn thu nhập của Venezuela) nhưng sản xuất công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty tư nhân sợ bị quốc hữu hóa và bị kiểm soát giá cả, đã giảm tối đa sản xuất. Nhưng theo Les Echos, chính phủ Venezuela tiếp tục đổ cho "các thế lực thù địch" đã tiến hành "chiến tranh kinh tế" làm cho vật giá tăng lên.
Triều Tiên : Sáu giờ gặp gỡ sau nửa thế kỷ đợi chờ
Tại Châu Á, La Croix nói về "Các gia đình hai nước Triều Tiên sẽ có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi", còn Libération trích câu nói của một người Hàn Quốc sẽ được gặp anh ruột ở miền Bắc "Tôi biết rằng chúng tôi gặp nhau lần này là lần cuối".
Ông Lee Soo Nam, 77 tuổi cho Libération biết : "Tôi chuẩn bị một ít quà như dụng cụ điện gia đình, mỹ phẩm, những tấm ảnh cũ… và vì anh tôi đã lớn tuổi rồi, nên thêm thực phẩm chức năng". Ông là một trong số 93 người Hàn Quốc bị chia cắt với thân nhân từ gần 60 năm qua, sẽ gặp 88 thành viên gia đình ở Bắc Triều Tiên từ ngày 20 đến 26/8.
Theo La Croix, những người ruột thịt ở hai miền chỉ được tiếp xúc với nhau trong hai bữa ăn, và có hai tiếng đồng hồ để hàn huyên. Tổng cộng là sáu tiếng đồng hồ sau nửa thế kỷ chờ đợi, và họ biết rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau nữa trong đời.
Vị đắng của lần gặp cuối trong cuộc đời
Libération dẫn số liệu của bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết, từ 1998 đến nay có 132.114 người đăng ký xin gặp người thân ở Bắc Triều Tiên, nhưng nay chỉ còn 57.000 người trong số đó còn sống. Máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên, và theo Hồng thập tự Hàn Quốc, thì tỉ lệ được chọn là 1/569. Tuy nằm trong số những người may mắn này, nhưng ông Lee tâm sự : "Niềm vui xen lẫn nỗi buồn ly biệt. Chúng tôi đều đã già, đây là lần cuối cùng gặp nhau".
Ông Jae Eun Jung, Hội Hồng thập tự nhìn nhận theo với thời gian, đa số những người "trúng số" đều cảm thấy vị đắng, vì người thân mà họ muốn gặp thường đã qua đời. Rốt cuộc họ chỉ gặp con cháu, những người mà họ chỉ biết sơ qua hoặc chưa hề biết mặt. Cụ Kim Seon Gu, 87 tuổi kể lại, tất cả thành viên trong gia đình đã chết, cụ chỉ gặp được hai em trai hồi chia đôi đất nước mới 4 và 7 tuổi, chẳng có kỷ niệm nào chung.
Đối với Sim Gu Seop, chủ tịch Hiệp hội các gia đình Triều Tiên bị chia cắt, địa điểm gặp gỡ không còn quan trọng nữa. Ông mong rằng các gia đình ở hai miền có thể trao đổi thư từ và nhìn được mặt người thân qua smartphone. "Nhiều người đã qua đời rồi, không còn mấy thời gian nữa".
Kofi Annan, tông đồ hòa bình lạc lõng trong thế kỷ 21
Một nhân vật vừa khuất núi được tất cả các báo vinh danh : cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. "Kofi Annan, cái chết của một tông đồ hòa bình" (Le Figaro), "Lương tâm của Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan qua đời" (Les Echos), "Kofi Annan, một cuộc đời chiến đấu cho hòa bình" (La Croix), "Kofi Annan, nhà ngoại giao của một thời kỳ đã qua" (Libération).
Theo Libération, cùng với sự ra đi của ông Kofi Annan, là sự biến mất của một cung cách ngoại giao lịch sự, lặng lẽ, tôn trọng cả tập thể và cá nhân, niềm tin vào thương lượng và chủ nghĩa đa phương. Nói chung, là tin vào năng lực của con người đấu tranh với những xu hướng xấu. Ông là hiện thân cho sự hoàn hảo của tổ chức mà ông đã lãnh đạo từ năm 1997 đến 2006.
Đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền và hòa bình, ông Kofi Annan là nhà ngoại giao của cuối thế kỷ 20, lạc lõng trong cơn bão cuồng điên của đầu thế kỷ 21. Ông qua đời ở tuổi 80, vào lúc Liên Hiệp Quốc yếu hơn bao giờ hết, trước những ích kỷ dân tộc chủ nghĩa, xu hướng cực đoan và ý hướng tự khép kín.
Giải Nobel hòa bình 2001 là người đầu tiên báo động về hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên và bất bình đẳng xã hội – hai vết thương của thế giới hiện đại. Kofi Annan tâm đắc câu châm ngôn của tổng thống Mỹ Harry Truman : "Trách nhiệm của các Nhà nước lớn là phục vụ chứ không phải thống trị các dân tộc" - một công thức chưa bao giờ xa rời thực tế như bây giờ.
Hy Lạp sang trang mới nhưng nhiều giấc mơ đã tan vỡ
Trên lãnh vực kinh tế, "Hy Lạp sang trang mới, không còn bị giám hộ về tài chính", là tựa đề bài viết của Le Figaro. "Hy Lạp rốt cuộc cũng được vực dậy sau tám năm cầm cự", nhận định của Les Echos. Tuy nhiên các báo đều cho rằng tương lai hãy còn nhiều bất định, và cái giá phải trả về kinh tế cũng như xã hội cho chương trình thắt lưng buộc bụng trong thời gian qua là khá cao.
Trong bài "Hy Lạp, sau giảm phát là trầm cảm", Libération nhận xét, trong khi thủ tướng Alexis Tsipras vui mừng vì đất nước ra khỏi chương trình trợ giúp của Châu Âu, người dân Hy Lạp vẫn bi quan. Hưu bổng ở mức tối thiểu, lớp trẻ di cư đi các nước, tỉ lệ sinh đẻ ở mức thấp nhất Châu Âu… những chỉ số xã hội là đáng báo động.
Khoảng 300.000 đến 500.000 trên tổng số 10 triệu dân Hy Lạp đã bỏ đất nước ra đi từ năm 2010, chủ yếu là những thanh niên dưới 25 tuổi. Phân nửa trong số 900.000 công ty có dưới 10 nhân viên đã đóng cửa ; tỉ lệ thất nghiệp từ 10% tăng lên gần 28% trong năm 2013, nay đã giảm dưới mức 20% nhưng số người trẻ không có việc làm lại tăng gấp đôi. Chỉ có 8% người thất nghiệp được hưởng trợ cấp, những người khác phải sống nhờ gia đình hoặc bán đi tài sản với giá rẻ mạt.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng tiêu thụ thuốc tâm thần tăng lên 35 lần, thuốc an thần tăng 19 lần, thuốc chống trầm cảm tăng 11 lần. Nhiều người thấy giấc mơ của mình tan vỡ : một phụ nữ, chủ một công ty địa ốc sắp đóng cửa được Libération hỏi chuyện cho biết phải quay về nhà cha mẹ, người yêu sang nước khác kiếm sống, dự tính cưới hỏi và sinh con phải hoãn lại không biết đến bao giờ. Cô kết luận : "Đất nước đã trở thành siêu thị cho người nước ngoài đến mua bất động sản, còn chúng tôi thành lao động giá rẻ".
Thụy My
Báo Anh : Chuyên gia kêu gọi Mỹ và Ấn Độ cảnh giác với Trung Quốc
Trang bìa các tạp chí ra tuần này không có một điểm chung nào : từ các đề tài xã hội như "Những người lạc quan mới" trên L’Obs, "Khí hậu" trên Courrier International, cho đến chân dung nhà văn Anh George Orwell trên Le Point, hay chính khách cực hữu Ý Matteo Salvini trên L’Express. Riêng tuần báo Anh The Economist thì chú ý đến "Tình yêu hiện đại", phản ánh qua xu thế "tìm kiếm tình yêu và bạn đời" qua internet.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng với đồng nhiệm Cộng Hòa Dominicana Miguel Vargas tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 01/05/2018. Bắc Kinh luôn tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại "sân sau" của Mỹ. Ảnh minh họa Reuters/Damir Sagolj/Pool
Tuy nhiên, những ai quan tâm đến Châu Á, không thể không chú ý đến hai lời cảnh báo về tham vọng bành trướng của Trung Quốc được nêu bật trên trang "Thư độc giả" của The Economist.
Mỹ phải cẩn thận với Trung Quốc tại vùng biển Caribbean
Dưới tiểu tựa "Trung Quốc bành trướng", tuần báo Anh trích đăng ý kiến của Willem Oosterveld, chuyên gia phân tích chiến lược thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược La Haye (Hà Lan), cảnh báo Mỹ về sự lơ là hiện nay trước các động thái của Trung Quốc tại vùng Trung Mỹ.
Theo chuyên gia Hà Lan, tương tự như đối với Châu Âu và Châu Phi, Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc cũng đã đến vùng bờ biển Caribbean, như đã được The Economist ghi nhận ngày 28/07 trong bài "Cổng vào thế giới".
Thường được coi là sân sau của Mỹ, vùng Caribbean ngày càng biến thành "tử huyệt" của Hoa Kỳ. Lợi dụng cơ hội vùng này bị Washington bỏ bê về mặt chiến lược trong nhiều năm, Bắc Kinh đã lao vào xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia ở đấy. Một loạt các đại sứ quán mới của Trung Quốc đã mọc lên trong toàn khu vực, một trong những cơ sở lớn nhất nằm ở Cộng Hòa Dominica nhỏ bé, một quốc gia chỉ có 74.000 dân.
Các chính quyền vùng Caribbean không có nhiều tài nguyên thiên nhiên để cung cấp cho Trung Quốc, nhưng họ lại là những người rất háu đường xá, sân vận động, trường học, bệnh viện và dĩ nhiên là các dinh tổng thống và tòa nhà Quốc Hội.
Chuyên gia Hà Lan báo động : Ví dụ ở khu vực Nam Thái Bình Dương cho thấy là các cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc thường kèm theo động thái leo thang quân sự hóa khu vực. Một diễn biến tương tự có thể xảy ra ở Caribbean trong những năm tới.
Hiện nay, vẫn còn quá sớm để nói là phải chăng Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện ở vùng biển Caribbean để trả đũa việc Mỹ cho Hải quân tuần tra ở Biển Đông. Thế nhưng, nếu một lúc nào đó mà Bắc Kinh tăng tốc khống chế khu vực, thì Washington sẽ phải tự hỏi tại sao Mỹ lại ngủ quên trong khi Trung Quốc củng cố một vị trí chiến lược quan trọng ngay dưới mũi mình.
Ấn Độ cần động viên "Vòng Cung Dân Chủ" để kháng lại Trung Quốc
Cũng quan ngại trước các tham vọng bá quyền của Trung Quốc, nhưng tại vùng Ấn Độ Dương, phó đề đốc đã về hưu người Ấn Độ Anil Jai Singh, phó chủ tịch hiệp hội hàng hải Ấn Độ Indian Maritime Foundation tại thành phố Noida (Ấn Độ), đã xuất phát từ "thất bại" của khối ASEAN trong việc thành lập mặt trận đoàn kết chống tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, để cảnh tỉnh chính quyền New Delhi.
Nhận định của vị tướng Hải quân Ấn Độ đã về hưu này đối với Hiệp Hội Đồng Nam Á ASEAN rất nghiêm khắc : "Trung Quốc đã thiết lập được quyền sở hữu vững chắc đối với Biển Đông, và khó có thể nhượng bộ bất kỳ nước nào khác. Bắc Kinh sẽ có thể buộc ASEAN làm theo ý Trung Quốc, vì các cố gắng rời rạc để ngăn chặn việc đó đều không hiệu quả. Khuyết điểm của ASEAN đã bị phơi bày một cách trần trụi".
Đối với nhà quan sát người Ấn Độ, các hành vi của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương hiện nay cần được kềm chế vì Bắc Kinh đang mở rộng sự hiện diện trong vùng thông qua các căn cứ hải quân, trong khuôn khổ một chiến lược tổng thể nhằm áp đặt quyền thống trị hàng hải của Trung Quốc trên toàn cầu.
Theo ông Singh, Hải quân Ấn Độ có thể kềm hãm sự hiện diện hải quân của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương vào lúc này, nhưng sẽ gặp khó khăn rất nhiều nếu Hải quân Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh với tốc độ hiện tại. Cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn trên bộ đã có từ lâu, mà Trung Quốc cố tình duy trì với những hành vi khiêu khích thường xuyên, cũng hạn chế hành động của Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia này kết luận : "Các nước trong "Vòng Cung Dân Chủ" (tức là Ấn, Nhật, Úc, Mỹ) cần phải phối hợp hành động nếu mục tiêu là phải duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".
Chân dung chính khách Ý đang làm "Châu Âu run rẩy"
Về trang bìa các tuần báo mới ra, L’Express đã tập trung trên chính khách cực hữu Matteo Salvini, đương kim bộ trưởng nội vụ Ý, được tuần báo Pháp cho là "đang khiến Châu Âu run rẩy".
Nhận xét chung của L’Express về tham vọng của ông Salvini rất rõ ràng : "Ngày càng được lòng dân, người hùng mới của nước Ý giờ đây muốn chinh phục Châu Âu".
Đối với tuần báo Pháp, Matteo Salvini là một người có lời lẽ rất sắc bén, không ngần ngại thóa mạ người khác, và giống như thần tượng của ông ta là tổng thống Mỹ Donald Trump, ông chuyên dùng Twitter để tung ra những tin nhắn độc địa, như đòi "tống cổ ra biển" 600.000 người di cư đang ở Ý, tố cáo tổng thống Pháp Macron là "đạo đức giả", hoặc đánh giá rằng đồng tiền Châu Âu euro là một "tội ác chống nhân loại".
Theo tuần báo L’Express : "Hiểm họa thực sự đối với Lục Địa Già (tức là Châu Âu) chính là ông ta". Tại sao vậy ? Tờ báo giải thích : Lên làm bộ trưởng nội vụ Ý từ ngày 01/06, lãnh đạo đảng cực hữu Lega (hóa thân của Liên Đoàn Phương Bắc) từ 5 năm nay, người được các ủng hộ viên gọi là "Capitano" đã làm đảo lộn chính trường Ý.
Đang vươn lên trong các cuộc thăm dò dư luận, nhà hùng biện xuất sắc này hiện muốn thành lập một "chủ nghĩa dân túy quốc tế". Mục tiêu của ông ta là phá hủy cái Châu Âu đầy tính nhân bản mà ông ta căm ghét hơn bất cứ điều gì khác.
Để làm được điều này, tuần báo Pháp cho là Matteo Salvini có rất nhiều đồng minh : tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Hungary Viktor Orban, thủ tướng Áo Sebastian Kurz, hoặc là bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu Pháp từng thừa nhận là "đã ngây ngất" trước Salvini.
Đối với L’Express, 9 tháng trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, không chỉ Bruxelles, mà cả Paris cũng phải lo lắng về Salvini. Một trong những cố vấn của tổng thống Pháp tóm tắt : "Ở Châu Âu, ông Macron có một vấn đề, và nó mang tên Salvini".
Chưa hẳn là đã quá muộn để chống biến đổi khí hậu
Sau ba tuần nghỉ hè, tuần báo Pháp Courrier International đã trở lại với độc giả bằng một hồ sơ nóng bỏng, hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen : Tác hại cụ thể và đáng kể của tình trạng biến đổi khí hậu ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Courrier International đã trích dẫn một chuyên gia cho rằng "chưa quá muộn" để đề ra giải pháp khắc phục.
Trên một nền màu đỏ cam, với hình vẽ một que diêm đang bốc cháy, gợi lên những vụ hỏa hoạn lớn chưa từng thấy đã và đang diễn ra tại Châu Âu và Hoa Kỳ, tờ báo đã chạy hàng tựa lạc quan "Chưa quá muộn – Il n’est pas trop tard", để đề xuất giải pháp dưới dạng câu hỏi : "Phải chăng là đã đến lúc huy động tổng lực" để chống biến đổi khí hậu ?
Đối với Courrier International, mùa hè năm nay, khí hậu dường như đã hoàn toàn bị trục trặc, với nào là hỏa hoạn, nắng nóng dữ dội, nào là lũ lụt... Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đó, cùng với những tiến bộ trong khoa học, đã góp phần tăng cao nhận thức là biến đổi khí hậu đang hoành hành. Trái với tâm lý bi quan cho rằng đã quá trễ để chống lại các hiện tượng tự nhiên đó, chuyên gia về biến đổi khí hậu Simon Lewis đã khẳng định là tình thể có thể thay đổi : "Nếu chúng ta cùng nhau hành động chung và dấn thân vào lãnh vực chính trị" để chống lại những quan điểm sai trái về khí hậu.
Tuần báo Pháp đã trích dẫn một bài viết của giáo sư Simon Lewis, đăng trên nhật báo Anh The Guardian vào đầu tháng 8, kêu gọi mọi người "Đừng tuyệt vọng, thảm họa do biến đổi khí hậu vẫn còn có thể tránh được".
Đối với giáo sư Lewis, hiện trạng về các tác hại do vấn đề biến đổi khí hậu đang buộc nhân loại đứng trước ba lựa chọn tương tự như trước đây, có thể tóm tắt trong ba từ ngữ : Giảm thiểu ; thích ứng và cam chịu. Giảm thiểu tức là giảm các hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, làm khí quyển bị hâm nóng, thích ứng là thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của môi trường mới mà chính con người đã tạo ra, cam chịu tức là thụ động chấp nhận hậu quả của các hiện tượng mà chúng ta chưa giảm thiểu hoặc lường trước được.
Theo giáo sư Lewis, cần phải trở lại với ba lựa chọn đó để đồng ý rằng việc giảm đáng kể lượng phát thải gây ô nhiễm cũng như việc thận trọng thực hiện các biện pháp thích ứng sẽ giúp chúng ta tránh được rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tại sao những cảnh báo rất đơn giản nói trên đã được đưa ra từ rất lâu mà con người vẫn chỉ giảm thiểu được một chút, thích ứng thậm chí còn ít hơn, trong lúc còn vô số vấn đề đang tồn tại ?
Chuyên gia Lewis cho rằng đó là vì nếu chẩn đoán là một vấn đề khoa học, thì các phản ứng chống biến đổi khí hậu lại không thuộc bình diên khoa học : Dừng khai thác nhiên liệu hóa thạch là một vấn đề pháp lý ; đầu tư vào năng lượng tái tạo là một lựa chọn chính trị ; và hiện đại hóa nhà ở để chống lãng phí năng lượng chống lạnh hay chống nóng phụ thuộc chủ yếu vào khả năng của giới hữu trách chống lại được các nhóm áp lực trong ngành công nghiệp xây dựng.
Chính vì vậy mà giáo sư Lewis cho rằng để đối phó với biến đổi khí hậu, cần phải có tri thức khoa học, phương tiện tài chánh và nhất là quyết tâm chính trị. Hiện nay khoa học và tài chánh không thiếu, còn lại là quyết tâm chống biến đổi khí hậu nơi tầng lớp lãnh đạo chính trị. Và để thúc đẩy giới lãnh đạo chính trị, từng người ở cơ sở phải biết sử dụng tốt lá phiếu của mình chẳng hạn để tác động.
George Orwell, người thấy trước thời đại ta đang sống
Trong loạt hồ sơ về những nhân vật lịch sử nhưng sự nghiệp vẫn có giá trị lớn trong thời kỳ hiện nay, sau thiên tài Leonardo Da Vinci vào tuần trước, tuần này, Le Point đã nói về nhà văn Anh George Orwell được mệnh danh là "Nhà tư tưởng hữu dụng nhất cho ngày nay".
Đối với Le Point, tác giả của quyển sách nổi tiếng 1984, ra mắt độc giả năm 1949, quả là một nhà tiên tri, những khái niệm ông đưa ra hồi nửa đầu thế kỷ 20 đang càng lúc càng được thấy rõ trong thực tế của thời nay, từ chủ nghĩa độc tài, chuyên chế, cho đến chế độ kiểm soát cá nhân mỗi người..., tất cả đều đã được George Orwell đoán trước.
Tạp chí Pháp nhắc lại rằng sau ngày Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, cuốn sách nổi tiếng nhất của Orwell là "1984" đã vươn lên đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất trên trang mạng bán hành trực tuyến Amazon.
Điều đó cũng đã từng xẩy ra trước đó, vào năm 2013, khi Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA, tiết lộ sự tồn tại của một số chương trình giám sát công dân trên bình diện rộng tại Mỹ và Anh Quốc. Trong năm 2014, những người biểu tình cách mạng Thái Lan đã giương cao bản sao của cuốn "1984" nhân những cuộc xuống đường.
Ở Pháp, tựa sách này được tái bản dưới dạng sách bỏ túi Folio, cũng là thuộc diện bán chạy nhất, cũng như bản dịch mới qua tiếng Pháp của Josée Kamoun, được nhà xuất bản Gallimard phát hành. Thậm chí ngay cả trường Quốc Gia Hành Chánh ENA nổi tiếng của Pháp cũng đã lấy tên George Orwell đặt cho khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2015.
Cơn sốt hâm mộ Orwell đã bùng lên vào lúc mà trước đó, vào đúng năm 1984, thời điểm diễn ra câu chuyện trong quyển 1984, không ai dám nghĩ rằng tư tưởng của Orwell lại được nghiền ngẫm như vậy, ngoại trừ một số người đang sống bên kia bức tường Berlin, tức là tại các nước xã hội chủ nghĩa, đã lén lút đọc tác phẩm 1984 với cảm giác là quyển sách đã được viết cho chính họ.
Công an tư tưởng
Phải thấy rằng Orwell đã sáng tác trong một bối cảnh thế giới đang cực kỳ căng thẳng : Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, sự xuất hiện của chủ nghĩa Stalin, nội chiến tại Tây Ban Nha, chiến tranh thế giới... Ngay từ thời điểm đó, độc giả đã nhận ra trong tác phẩm của Orwell cách làm của thời Chiến Tranh Lạnh - một thuật ngữ được Orwell phổ biến rộng -, sự phân chia thế giới do Stalin, Churchill, và Roosevelt chủ xướng, chế độ theo dõi người dân của Đông Đức, sau đó được Mao Trạch Đông áp dụng tại Trung Quốc.
Theo Le Point, sẽ thật là ngu ngốc khi so sánh thời Orwell với thời đại ngày nay, nhưng cũng sẽ là người ngốc khi phủ nhận một số điểm tương đồng trong những gì nhà văn Anh đã nói, với những diễn biến hiện nay.
Sự trỗi dậy của các nền dân chủ phi tự do hoặc nền dân chủ độc tài, như ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Liên Bang Nga, có vỏ bọc dân chủ, nhưng không ngần ngại dùng giầy đinh chà đạp lên mặt các đối thủ của chế chế độ là một ví dụ. Từ ngữ "Big Brother - Ảnh Cả" đã bước vào từ vựng chung toàn cầu để nói về tình trạng giám sát cực kỳ nghiêm ngặt ; những màn hình "Télécran" trong tác phẩm "1984" đã dự báo cho hệ thống video giám sát CCTV cùng lúc với việc các quốc gia dùng truyền hình nhà nước để tung ra những thông điệp tuyên truyền. Thuật ngữ "novlangue" trong "1984", cũng gợi lên loại ngôn ngữ thuần kỹ thuật và được tinh lọc để phục vụ cho một ý thức hệ.
Còn các "Thinkpol" hoặc công an tư tưởng, đảm bảo việc theo đúng hệ tư tưởng của chế độ, đã gợi đến các cơ chế tương tự ở Iran hiện nay, vốn không ngần ngại trừng phạt những ai vi phạm. Còn bộ Chân Lý thì có mục tiêu thực thi khẩu hiệu : "Ngu dốt là sức mạnh".
Sự thật không chính thức, trong bối cảnh đó, đã trở thành điều mà những người bất đồng chính kiến tìm kiếm
Trọng Nghĩa
Vatican lên án các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Mỹ (RFI, 17/08/2018)
Hai ngày sau khi báo cáo về những vụ bê bối tình dục trong Giáo hội Công giáo Pennsylvania, Hoa Kỳ, được công bố, Vatican đã có phản ứng. Trong một thông cáo ra hôm nay, Tòa thánh nhấn mạnh rằng Giáo hoàng Francis luôn ở bên các nạn nhân.
Giáo hoàng Francis phát biểu với thanh niên tại Roma, Ý, ngày 11/08/2018. Reuters/Max Rossi/File Photo
Thông tín viên Eric Sénanque cho biết thêm chi tiết :
"Hai từ để bày tỏ thái độ trước tội kinh hoàng này là "đau đớn và hổ thẹn" mở đầu thông cáo do phát ngôn viên Tòa thánh soạn thảo. Bình thường thông tin của Vatican vẫn trau chuốt, dù có chậm trễ , nhưng lần này mạch lạc dễ hiểu hơn. Tòa thánh nhìn nhận báo cáo của bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania là nghiêm trọng. Người ta có thể đọc trong thông cáo có đoạn lên án "những hành vi đã phản bội lại niềm tin và đánh cắp phẩm giá và đức tin của các nạn nhân".
Liên quan đến vấn đề giới luật cho các tội phạm tình dục, hãm hiếp hay sờ mó, Tòa thánh ca ngợi những cố gắng cải cách mà Giáo hội Công giáo Mỹ tiến hành từ năm 2000. Trong thông cáo, Vatican nhắc lại sự cần thiết phải tuân thủ pháp luật dân sự và nghĩa vụ tố cáo các trường hợp lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên.
Theo phát ngôn viên Tòa thánh, Giáo hoàng Francis rất hiểu những tội ác như vậy "có thể làm đảo lộn đức tin và tinh thần của các con chiên Mỹ", ở trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.
Phát giác các vụ bê bối ấu dâm trong Giáo hội Mỹ là một cái gai mới dưới chân của đức Thánh cha, mà nhiều tháng qua đã phải đối mặt với những vụ bê bối của Giáo Hội Chilê".
Anh Vũ
********************
Vatican : vụ bê bối tình dục ở Pennsylvania là ‘đáng hổ thẹn và đau lòng’ (CaliToday, 16/08/2018)
Hôm thứ năm 16/8 Tòa thánh Vatican lên tiếng trả lời về tin tức về vụ nhiều trăm linh mục Công giáo ở Pensylvania của Hoa Kỳ đã lợi dụng tình dục trẻ em, gây chấn động dư luận.
Giáo hoàng Francis - Ảnh minh họa (Foxnews)
Trong tuyên bố của mình, Vatican cho hay : "Chỉ có hai từ ngữ là có thể biểu hiệu tình cảm của chúng ta trước các tội ác ghê rợn này là xấu hổ và đau buồn"
Tuyên bố cho biết : "Các lạm dụng tình dục được mô tả trong các báo cáo tin tức là một tội hình sự và đáng bị lên án về mặt luân lý, chúng phản bội lại lòng tin của các nạn nhân, khiến họ bị tước mất nhân phẩm và đức tin tôn giáo của mình"
Vatican tuyên bố như sau : "Nhà Thờ phải biết học hỏi những bài học khó khăn trong quá khứ và phải có chuyện quy trách nhiệm cho các các thủ phạm lẫn những ai đã dung túng cho chuyện lạm dụng này xảy ra"
Hơn 1,000 trẻ em đã bị trên 300 ‘linh mục săn mồi’ lợi dụng và các viên chức của hệ thống Nhà thờ Công giáo đã bao che cho các cáo trạng này, theo một báo cáo từ một đại bồi thẩm đoàn cho biết hôm thứ ba.
Trong thời gian điều tra kéo dài hai năm, do văn phòng của Chánh Biện Lý Pennsylvania là ông Josh Shapiro tung ra, một đại bồi thẩm đoàn mới đây đã tổ chức các phiên điều trần cho nhiều nhân chứng và xem xét tài liệu về lạm dụng tình dục trẻ em trong 6 giáo phận khác nhau của Pennsylvania.
Tòa thánh Vatican nhận định là báo cáo của đại bồi thẩm đoàn là ‘hết sức nghiêm trang’ và theo Vatican, đại bồi thẩm đoán đã kết án "một cách rõ ràng" chuyện lạm dụng tình dục trẻ em như thế là sai trái.
Trường Giang
Nước Úc tỉnh ngộ trước "người bạn" Trung Hoa
Nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin qua đời, tiền mất giá khiến Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo, tổng thống Mỹ tiếp tục giành thế thượng phong trên thị trường tài chính thế giới, trên đây là một số tít lớn trang nhất các báo Pháp hôm nay.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (P) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh chụp tại Canberra ngày 23/03/2017.
Về Châu Á, đáng chú ý có bài nhận định của Libération, "Úc : Người bạn Trung Quốc nhìn bằng con mắt khác", nhấn mạnh đến sự tỉnh ngộ mới đây của nước Úc trước Trung Hoa, vốn được coi là đầu máy của tăng trưởng kinh tế Úc.
Libération mở đầu bài viết với ghi nhận về "quan hệ kinh tế đặc biệt" giữa Úc và Bắc Kinh. Trong nhiều năm trời, Trung Quốc được coi là "thị trường xuất khẩu số một" của Úc (một phần ba tổng số). Trung Quốc cũng được coi là nguồn thu du lịch số một : Năm 2017, khách du lịch Trung Quốc mang lại cho Úc 7 tỉ đô la (hơn một nửa thu nhập ngành này). Trung Quốc cũng đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản, trên khắp nước Úc, với những dự án như trong mơ : đầu tư xây mới hoàn toàn một thành phố trên đảo Tasmania, gần Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Úc, hay một công viên giải trí với các màn trình diễn mang phong cách Trung Quốc, gần Brisbane, thủ phủ bang miền tây Queensland.
Trung Quốc còn mang lại những đóng góp trong hàng loạt lĩnh vực khác. 180.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Úc, đóng góp hơn một nửa nguồn tài chính, đến từ bên ngoài. Tóm lại, có thể coi Trung Quốc là "đầu máy" tăng trưởng của Úc
Đằng sau con số ấn tượng
Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng này, là một thực tế hoàn toàn khác.
Biến cố khiến người Úc sực tỉnh đó là hợp đồng cho thuê đất 99 năm, giữa chính quyền bang Lãnh thổ miền Bắc với một công ty Trung Quốc có quan hệ mật thiết với chính quyền cộng sản. Tổng số diện tích đất thuê là 14 triệu hecta, chưa kể đến nhiều khu mỏ. Vùng đất mà Bắc Kinh tìm cách vươn tay kiểm soát, chỉ cách một căn cứ quân sự Mỹ có vài cây số.
Bị "đồng minh lịch sử" phản ứng, chính phủ Úc đã tiến hành hai cuộc điều tra về mối nguy Trung Quốc, ngay trong năm 2015 và 2017. Các điều tra dẫn đến cùng một kết luận, về nguy cơ gián điệp công nghiệp và gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tiến hành nhiều biện pháp vận động hậu trường, gây áp lực khác để Úc "giữ khoảng cách" với các vấn đề liên quan đến chính sách quốc tế của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Clive Hamilton, tác giả cuốn "Cuộc xâm lăng lặng lẽ", cho biết chính quyền Canberra, sau khi nhận được các báo cáo phản gián và những thông tin đáng tin cậy từ báo giới đã "xét lại một cách triệt để lập trường với Trung Quốc". Tháng 6 vừa qua, Quốc hội Úc vừa thông qua 38 luật mới, đặc biệt liên quan đến các tội gián điệp, cũng như gây ảnh hưởng thông qua các tổ chức có quan hệ với một chính phủ nước ngoài. Chính quyền của thủ tướng Turnbull hiện tại muốn đi xa hơn, với một dự luật cấm các doanh nghiệp, hay công dân nước ngoài, tài trợ cho các đảng phái chính trị tại Úc.
Một biểu hiện cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Bắc Kinh trong đời sống chính trị Úc là cựu ngoại trưởng Úc Bob Carr, được mệnh danh là ông "Bob Bắc Kinh". Sau khi về hưu, nhân vật này trở thành giám đốc Viện quan hệ Úc-Trung, nơi tổ chức nhiều chuyến đi thăm Trung Quốc cho các phóng viên người Úc. "Những người bạn" mới của Trung Quốc, khi trở về, sẽ bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh trên truyền thông Úc.
Gián điệp Trung Quốc : Điều nguy hiểm là Liên Âu thiếu chiến lược chung
Cũng về hiểm họa Trung Quốc, Libération có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo nguy cơ các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc xâm nhập vào Châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, đe dọa nghiêm trọng an ninh.
Nhà nghiên cứu Nadège Roland, thuộc National Bureau of Asian Research, ở Washington, nhắc lại việc trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi, ở Addis-Abeba (Ethiopia), từng bị tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), theo dõi toàn bộ. Bắc Kinh có chính sách cung cấp miễn phí phương tiện, thiết bị truyền thông cho chính phủ nhiều nước, và thông qua đó mà đánh cắp thông tin. Hoa Kỳ đã coi Hoa Vi cũng như nhiều tập đoàn truyền thông Trung Quốc khác là "mối đe dọa với an ninh quốc gia". Nhiều tập đoàn Trung Quốc đang hợp tác với các nước Châu Âu trong mạng 5G, một lĩnh vực rất dễ có nguy cơ bị thâm nhập sau này.
Châu Âu có điểm mạnh tương đối là luật pháp đòi hỏi các hợp đồng phải minh bạch, chính vì vậy Trung Quốc ít có cơ hội thao túng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là chính sách tạo dựng ảnh hưởng của Trung Quốc là "rất tinh tế" và được tiến hành từ từ, nên "rất khó chứng minh về mặt pháp lý".
Nhà nghiên cứu Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến ví dụ công ty sản xuất vi mạch Pháp Linxens, đang trên đường bị doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm (Tsinghua muốn mua lại Linxens với giá hơn 2 tỉ đô la). Bộ Tài Chính Pháp không coi đây là "một doanh nghiệp chiến lược". Thế nhưng, rất có khả năng, một khi kiểm soát được Linxens, các tập đoàn Trung Quốc sẽ có được một phương tiện hiệu quả, để bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh Pháp trong cùng lĩnh vực.
Đàm phán kinh tế Mỹ - Trung cuối tháng 8 khó dự đoán
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, báo Les Echos chú ý đến cuộc đàm phán giữa Wahsington và Bắc Kinh, với mục tiêu tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại vừa khởi sự. Theo lời mời của Mỹ, một thứ trưởng thương mại Trung Quốc sẽ đến Washington vào cuối tháng này. Nếu không tìm được thỏa hiệp với Mỹ, dường như Bắc Kinh đang lâm vào ngõ cụt, bởi không có đủ phương tiện để trả đũa trên lĩnh vực thuế quan.
Les Echos dự đoán, Bắc Kinh rất có thể sẽ mở cửa thị trường tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ, và gia tăng nhập hàng từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng hết sức thận trọng, với dự đoán, còn quá sớm để nói trước. Kinh nghiệm cho thấy đàm phán Mỹ-Trung không hề đơn giản. Cuộc đàm phán hồi tháng 6, giữa bộ trưởng Thương Mại Mỹ và một phó thủ tướng Trung Quốc đã không mang lại kết quả.
Donald Trump chinh phục giới đầu tư quốc tế
Les Echos hôm nay dành nhiều bài nhận định về kinh tế Mỹ, đặc biệt đáng chú ý có bài "Donald Trump chinh phục được các nhà đầu tư quốc tế như thế nào". Bài viết cho biết, kể từ tháng 11/2016 (tức từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống) chỉ số chứng khoán S&P500 (của 500 doanh nghiệp hàng đầu) trên thị trường Mỹ tăng hơn 32%, tức tăng gấp ba lần so với chỉ số S&P500 trên thị trường tài chính Châu Âu, cũng như các nước đang trỗi dậy. Chỉ có Nhật Bản là đạt mức gần ngang Mỹ (29%).
Thế thượng phong của nền kinh tế Mỹ trước hết là do các doanh nghiệp công nghệ cao. Trong một thời gian, các doanh nghiệp Mỹ bị các tập đoàn Trung Quốc mới nổi lên đe dọa (đặc biệt là Baidu, Tencent và Alibaba), nhưng gần đây, các công ty của thung lũng Silicon đã lấy lại được sinh khí. Bên cạnh đó, tín dụng Mỹ với lãi suất 2,86% đối với các khoản vay 10 năm được coi là một thế mạnh khác, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương không phải siết chặt lại chính sách tiền tệ.
Theo một số kinh tế gia, thế mạnh của kinh tế Mỹ hiện tại là do kế thừa được các thành quả của nhiệm kỳ trước, với tình trạng tăng trưởng vững chắc, cộng thêm với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền Trump. Nhưng bài phân tích của Les Echos đánh giá cao các tác động của "chính sách quốc tế" của tổng thống Trump, đặc biệt do các trừng phạt thương mại nhắm vào nhiều quốc gia, khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách quay sang mua cổ phiếu Mỹ để được bảo đảm an toàn. Theo một điều tra, Hoa Kỳ đang dần dần trở thành hướng đầu tư hứa hẹn nhất, "lần đầu tiên kể từ năm năm nay".
Tuy nhấn mạnh đến lợi thế của nước Mỹ trong hiện tại, Les Echos cũng cảnh báo về tính chất con dao hai lưỡi của chính sách hung bạo của chính quyền Trump hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng thế giới, đặc biệt là khiến đồng tiền của một số nền kinh tế đang trỗi dậy bị mất giá, góp phần làm chững lại tăng trưởng toàn cầu.
Mỹ - Thổ : "Cặp đôi bất ổn"
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng là một tâm điểm thời sự khác. Khủng hoảng ngoại giao biến thành xung đột thương mại, sau khi tổng thống Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu thép nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ, để trả đũa việc Ankara không chấp nhận đòi hỏi thả một mục sư của phía Mỹ, bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vì tình nghi gián điệp.
Mâu thuẫn giữa hai đồng minh lịch sử Mỹ-Thổ đe dọa đảo lộn quan hệ chiến lược toàn cầu, với việc Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng quay sang kết thân với Nga nhiều hơn, là nhận định của bài xã luận báo Le Monde, mang tựa đề "Trump - Erdogan : Cuộc đọ sức mà hai bên đều thua".
Còn La Croix với bài "Cặp đôi bất ổn", ghi nhận việc khủng hoảng với Hoa Kỳ có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách giải quyết nhiều bế tắc với Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể là hôm thứ Ba vừa qua, Ankara đã trả tự do cho người phụ trách địa phương của tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế Taner Killic, 24 giờ sau khi thả hai quân nhân Hy Lạp, bị giam cầm từ gần 5 tháng nay.
Về quan hệ Mỹ - Thổ nói chung, La Croix lưu ý cho dù, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, nhưng đây không phải lần đầu tiên hai đồng minh lịch sử này rơi vào tình trạng cơm không lành, canh không ngọt. Theo nhiều chuyên gia chính trị quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đoạn tuyệt với Mỹ, bởi sự gắn bó của Ankara với phương Tây mang lại nhiều lợi ích kinh tế và quân sự cho quốc gia này. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn hàng thứ hai trong khối NATO, và Ankara được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ cao cấp từ phương Tây.
Một lý do khác để giải thích cho khủng hoảng đột ngột bùng phát giữa Washington và Ankara, báo La Croix nêu lý do tình hình nội bộ nước Mỹ, với cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, trong đó tổng thống Trump đang rất cần đến sự ủng hộ của giới Tin Lành Phúc Âm, mà một mục sư nổi tiếng của phái này lại đang bị Thổ Nhĩ Kỳ cầm giữ.
Nghệ sĩ Aretha Franklin : Sự trỗi dậy của người phụ nữ da đen
Trang nhất hai báo Libération và Parisien hôm nay đều chạy tít "Respect !", tên nhạc phẩm để đời của nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin, vừa tạ thế. Trả lời phỏng vấn Libération, giáo sư Daphne Brooks, Đại học Yale, nhấn mạnh đến vai trò của Aretha Franklin trong sự trỗi dậy của phong trào nữ quyền của người Mỹ da đen. Nữ giáo sư Daphne Brooks là chuyên gia về vấn đề chủng tộc, giới và các loại hình âm nhạc đại chúng.
Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Bà ấy đã hát về thời đại mình, với thời đại mình và cho thời đại mình", nhà nghiên cứu Mỹ nói đến hành trình của "nữ hoàng nhạc soul", như một con người xuất chúng của cả một thế hệ người Mỹ da đen gốc Phi, từ bắc chí nam, từ vùng thôn quê đến chốn thị thành, tất cả đều đắm mình trong thế giới của nhạc jazz, nhạc blues, của r’n’b (rhythm and blues) và pop. Bằng âm nhạc, họ đã "làm sụp đổ những bức tường phân biệt chủng tộc", từng được coi là bất khả xâm phạm.
Trọng Thành
Vụ Kim Jong-nam : Đoàn Thị Hương đã sập bẫy của Bình Nhưỡng ra sao ?
Nước Ý tang tóc và phẫn nộ sau vụ sập cầu ở Genova là chủ đề chính được tất cả các báo Pháp đề cập đến hôm nay 16/08/2018. Nhưng có hai bài viết liên quan đến Việt Nam trên báo Le Monde, Thụy My xin giới thiệu trước tiên.
Cô Đoàn Thị Hương trong một lần bị thẩm vấn, tại một địa điểm gần Kuala Lumpur, ngày 09/10/2017. Reuters/Lai Seng Sin
Trong bài "Kịch bản ly kỳ của vụ sát hại ông Kim Jong-nam", Le Monde nhấn mạnh đến việc hai bị cáo ra tòa hôm nay đều được những người Bắc Triều Tiên tuyển mộ, làm cho họ tin rằng đang tham gia một trò chơi trên internet.
Hai cô gái nghèo lóa mắt trước viễn cảnh trở thành diễn viên
Trong nhiều tháng qua, cả hai cô gái đều nhắc lại cùng một ý, là không biết đó là người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un, và hóa chất mà họ bôi lên mặt ông ta là chất kịch độc VX. Cả hai đều tin tưởng đây là một video trêu đùa, như đã từng quay từ nhiều tháng trước, và đều ngỡ ngàng biết đến cái chết của nạn nhân sau tất cả mọi người, khi đã bị bắt, ba hôm sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 13/02/2017.
Cả hai cô - Đoàn Thị Hương, người Việt Nam và Siti Aisyah, người Indonesia - khai rằng không hề quen nhau. Họ có cuộc sống rất đỗi bình thường : từ nông thôn lên thành thị sinh sống khi vừa đến tuổi trưởng thành.
Đoàn Thị Hương rời làng năm 18 tuổi lên Hà Nội học ngành dược, nhưng nhanh chóng bỏ học đi làm tiếp viên trong một quán bar. Đó là Seventeen Cowboys, nơi các cô phục vụ đội chiếc nón miền Viễn Tây và mặc quần short thật ngắn, một số chấp nhận quan hệ để đổi lấy tiền hoặc smartphone. Còn Siti rời Indonesia sang Kuala Lumpur làm việc trong một spa, nơi mà ngoài mát-xa các cô gái còn kiếm thêm tại một bar nổi tiếng về mại dâm là Beach Club.
Hương được một tài xế taxi ở Việt Nam móc nối với những người xưng là thực hiện các video trêu đùa trên YouTube, Siti thì được bà chủ quán bar giới thiệu. Theo đó, họ chỉ cần thấm nước dưỡng ẩm Johnson dành cho em bé lên tay, rồi bôi lên mặt một người không quen. Làm việc với các "nhà sản xuất Hàn Quốc" này, các cô được trả cả trăm đô la một lần, lại có cơ hội trở thành diễn viên. Ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư người Malaysia của Đoàn Thị Hương nhấn mạnh : "Tất cả đều nhằm làm cho các cô tin tưởng sẽ được nổi tiếng, được du ngoạn nhiều nước".
Những cảnh quay tại Cam Bốt và Malaysia để tạo lòng tin
Đoàn Thị Hương thực hiện cảnh quay đầu tiên một cách nhút nhát, tại trung tâm thương mại Lotte ở Hà Nội, được một người xưng là "Mister Y" ghi hình. Siti Aisyah thì tại Kuala Lumpur, được một người tự giới thiệu là người Nhật tên James phụ trách. James đưa cô sang Indonesia, lấy "nghệ danh" là Alice, rồi sang Cam Bốt. Tại sân bay Phnom Penh, ông ta giới thiệu cô với một người "Hàn Quốc" tên "Mr Chang". Siti quay xen "camera ẩn giấu" tại Phnom Penh ba lần, được trả 600 đô la, và sau đó bốn lần tại Kuala Lumpur.
"Mr Y" và một người xưng là người Nhật, tên "Hanamori" đưa Đoàn Thị Hương sang Kuala Lumpur vào đầu tháng Giêng năm 2017 (thực ra cả bốn "nhà sản xuất" này đều là người Bắc Triều Tiên).
Trò chơi mới : hôn lên má một người phương Tây trong một siêu thị. Người đàn ông này bực bội nói rằng cô đã nhìn nhầm người. Hương quay về Hà Nội, được trả 20 đô la cho vụ này và thêm 250 đô la lương tháng.
Một tháng sau, ngày 04/02/2017, cô gái Việt Nam lại được đưa sang Kuala Lumpur, còn Siti đăng lên Facebook câu : "Ngày quay cuối cùng, tôi hy vọng sẽ tạo được lòng tin và được gia hạn hợp đồng".
Tối 12/4, Siti mừng sinh nhật ở Hard Rock Café tại thủ đô Malaysia. Sáng hôm sau, cô gái Indonesia đến sân bay với Chang, anh ta đưa cô đến một chiếc cột gần nơi đăng ký của Air Asia, chỉ cho một người đàn ông và nói có thêm một cô gái khác sẽ tham gia trò chơi.
Ngỡ lại diễn, Đoàn Thị Hương đòi được trả tiền tại đồn cảnh sát
Chất nước lần này có mùi khác với nước dưỡng ẩm Johnson. Đoàn Thị Hương thực hiện đầu tiên, cô kể với các thẩm phán : "Mr Y nói đây là dầu, tôi phải xoa vào tay, khép kín đôi bàn tay rồi tiến hành quay". Còn luật sư của Siti nhấn mạnh chi tiết không có video nào ghi lại cảnh cô bôi chất độc lên mặt Kim Jong-nam, nên muốn kết án phải chứng minh.
Sau đó cả hai cô đi rửa tay, mạnh ai nấy gọi taxi đi về. Siti Aisyah lại làm việc bình thường ở Kuala Lumpur. Đoàn Thị Hương được "Mr Y" nói rằng ông ta rất bận, không nên làm phiền, và hôm sau nữa trở ra sân bay. Cô làm y theo lời dặn, và bị cảnh sát bắt.
Hương khai ở phòng 410 khách sạn Sky Star, tại đó cảnh sát tìm thấy chiếc áo thun có chữ "LOL" và chiếc jupe xanh cô mặc được camera giám sát ghi lại, nhưng không hề bị Hương thủ tiêu. Trên đó có chất độc VX. Đoàn Thị Hương khai là diễn viên, nghĩ rằng đây lại là một trò chơi khăm mới. Cô than phiền rằng thời gian phải ngồi lại đồn cảnh sát quá lâu, đòi được trả tiền và để cho cô ra về.
Bốn nghi can Bắc Triều Tiên đã cao chạy xa bay…
Theo luật sư Hisyam Teh của Đoàn Thị Hương, mãi đến ngày thứ ba, khi cảnh sát đưa cho xem trang nhất các báo với những hàng tít lớn về vụ ám sát Kim Jong-nam, cô mới ý thức được sự nghiêm trọng của vụ này. Luật sư kể : "Cô ấy hoàn toàn suy sụp. Cô không hề có ý định cũng như nhận thức về hành động của mình" - các yếu tố cần thiết để buộc tội ám sát có dự mưu.
Còn Siti Aisyah bị bắt tại cơ sở mát-xa, ba ngày sau cái chết của Kim Jong-nam. Luật sư của cô là Gooi Soon Seng nói : "Cô Siti lại đi mua sắm, làm việc bình thường. Do làm ban đêm và ngủ ban ngày, cô không theo dõi thời sự, và hoàn toàn bị sốc". Ông đặt câu hỏi : nếu biết rằng mình đã giết người ngay tại sân bay vào lúc ban ngày ban mặt, trước bao nhiêu camera giám sát, tại sao cô không bỏ trốn ?
Cả bốn người Bắc Triều Tiên kể trên đều trốn ngay khỏi Kuala Lumpur, bay đến Bình Nhưỡng sau khi quá cảnh Jakarta, Dubai và Vladivostok. Malaysia cũng để cho một nhân viên sứ quán Bắc Triều Tiên đã tham gia vụ này được ra đi – một chiếc xe do đại sứ quán mua đã đưa bốn nghi can trên ra sân bay sáng 13/02/2017. Bởi Bình Nhưỡng không cho những kiều dân Malaysia ra khỏi Bắc Triều Tiên, nên Malaysia đành nhượng bộ.
Tuy vậy công tố viên Wan Shaharuddin Wan Ladin lại tuyên bố "Chỉ thấy kiểu ám sát này trong các phim James Bond, và hai cô gái không phải là vật tế thần", cho rằng đây chỉ là kịch bản do các luật sư "khéo vẽ". Theo tin tức hôm nay, hai bị cáo không được tuyên vô tội, mà phiên tòa vẫn tiếp tục. Ở Malaysia, tội danh giết người có mức án cao nhất là tử hình.
Mậu Thân Huế : 11 ngày trong cảnh tận thế
Cũng liên quan đến Việt Nam, bài viết "Mười một ngày trong cảnh tận thế ở Việt Nam" nằm trong loạt sáu bài về nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Anh Don McCullin, mô tả lại lúc ông cùng sát cánh với một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ tại Huế trong trận đánh Tết Mậu Thân, tháng Hai năm 1968.
Đơn vị do Myron Harrington, 24 tuổi chỉ huy, bị tổn thất nặng nề : khi ra đi có 120 người, khi trận đánh kết thúc một tháng sau, chỉ có 39 người lính còn sống sót. Phóng viên ảnh Don McCullin trải qua 11 ngày với họ, dưới chân Hoàng thành của cố đô Huế. Trời lạnh lẽo, xám xịt, những cơn mưa tầm tã ; những người lính thủy quân lục chiến Mỹ phải nằm rạp cả ngày đêm vì địch quân liên tục nã đạn.
Làm thế nào chụp được ảnh dưới màn lửa đạn ? McCullin phải ước tính thật nhanh độ sáng, nằm ngửa với chiếc máy ảnh Nikon F đặt trên ngực, mò mẫm bật máy, vì nếu ngóc đầu dậy có nguy cơ bị bắn ngay. Chỉ trong vài ngày, người phóng viên đã chứng kiến vài chục người lính Mỹ bị chết hoặc bị thương ngay trước mắt. Ông nói : "Hollywood tả cảnh chiến tranh một cách thơ mộng, thực ra rất tồi tệ".
Trận Mậu Thân ở Huế là trận đánh kéo dài nhất, với những màn cận chiến bằng súng hay lựu đạn. Điều nghịch lý là trong khung cảnh "hoàn toàn hỗn loạn" ở Huế, ông thực hiện được những bức ảnh ấn tượng nhất, một trong số đó trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Các nhà báo hoàn toàn tự do làm việc tại Miền Nam
Sau hai tuần, McCullin theo trực thăng về văn phòng báo chí ở căn cứ Đà Nẵng, quẳng hết quần áo trận, và bắt đầu khóc. Huế được tái chiếm hôm 26/2, hai phần ba cố đô trở thành gạch vụn, hàng ngàn thường dân bị sát hại.
Cuộc "tổng tiến công Tết Mậu Thân" là một thất bại quân sự nặng nề cho quân Bắc Việt. Hà Nội mong người dân sẽ "tổng nổi dậy", và quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ đào ngũ hàng loạt ; nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Nửa thế kỷ sau khi nhớ lại, McCullin cho biết : "Ở Bắc Việt, một phóng viên ảnh ngoại quốc không thể tự do làm việc. Nhưng ở Nam Việt, chúng tôi hoàn toàn tự do, muốn đi đâu thì đi, chẳng có kiểm duyệt". Các nhà báo có thể leo lên trực thăng như cấp sĩ quan, họ được cấp thẻ ưu tiên mức độ 3. Cấp 1 dành cho thương binh, cấp 2 cho chính khách, còn những người lính chỉ là cấp 5.
Chưa có cuộc chiến tranh nào được ghi lại hình ảnh ở mức độ dày đặc như chiến tranh Việt Nam, và đã tác động mạnh mẽ đến dư luận. Cho đến bây giờ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng này vẫn luôn tự đặt cho mình câu hỏi : có phục vụ được gì không khi chụp những bức ảnh chiến tranh ?
Thảm kịch sập cầu tại Ý : Tang tóc và phẫn nộ
Về tai nạn sập cầu ở Ý, Le Figaro nêu ra năm giả thiết về nguyên nhân. Trước hết là giông gió mãnh liệt, nghi vấn bị sét đánh, rồi đến cấu trúc cầu có vấn đề, kém duy tu và số lượng xe cộ qua cầu quá lớn. Libération đặt câu hỏi, vì sao tai nạn này lại gây ấn tượng mạnh mẽ hơn các thảm họa khác như động đất, hỏa hoạn… ?
Tờ báo lý giải, có lẽ những chiếc cầu là biểu tượng của sự nối liền các địa điểm, các dân tộc. Kế nữa, cầu là một phần của cuộc sống thường nhật, hàng ngày chúng ta vẫn đi qua và cảm thấy tin tưởng ở hàng tỉ ký lô bê-tông. Cuối cùng, trong lúc các Nhà nước châu Âu đều tìm cách tiết kiệm, người ta rùng mình lo sợ khi biết rằng 70% trong số 15.000 cây cầu ở Ý đều đã quá 40 tuổi, tỉ lệ này ở Pháp là 7%.
Thế nên theo Libération, những tuyên bố chống châu Âu của bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini chỉ khiến người ta buồn cười, vì Ý sẽ chẳng bao giờ cải thiện được cơ sở hạ tầng mà không có sự tài trợ của EU. Còn La Croix nhấn mạnh sự yếu kém của chính quyền và thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Ý. Một nghịch lý : hai đảng vẫn thường xuyên chống đối những cải cách là Liên đoàn Phương Bắc và Phong trào 5 Sao nay lại đang nắm quyền, và bây giờ là lúc họ phải nhận lấy trách nhiệm.
Thụy My
Tổng thống Donald Trump rắn như thép
Do ngày lễ Đức Mẹ Thăng Thiên, tất cả báo chí Pháp đều nghỉ, trừ Le Monde phát hành chiều hôm trước : Air France, chuyện dài khủng hoảng không hồi kết, Thị trường tài chính lo âu vì nguy cơ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng đến các nước đang phát triển, Ninh Hạ căng thẳng do hệ quả của chính sách "Trung Hoa hóa" tôn giáo của Tập Cận Bình là một số thông tin tiêu biểu.
Tổng thống Donald Trump gặp mặt nhóm những người hâm mộ Trump tại bang New Jersey, Mỹ, ngày 11/08/2018. Reuters/Carlos Barria
Trên trang "Ý kiến", Le Monde giới thiệu bài tiểu luận của nhà báo Guy Sorman phân tích vì sao ông Donald Trump vẫn lên điểm trong công luận.
Trong thập niên 1980, tổng thống Ronald Reagan có biệt danh là "đốt không cháy". Cho dù có một số tuyên bố lẫn lộn và một vài tai tiếng, tổng thống Reagan vẫn được công luận ngưỡng mộ đến hết nhiệm kỳ. Liệu Donald Trump có được tôi luyện tốt như thế chăng ?
Theo tác giả, tổng thống thứ 45 của Mỹ làm là chuyện đáng để bị chửi nhưng lại là thép tốt không bị rỉ sét : Tác phong "ngông nghênh", phát biểu "điên rồ", khinh khi tư pháp, kỳ thị màu da, xem thường phụ nữ, khiêu khích phóng viên, quyết định chính trị "thiếu xuyên suốt". Thế mà sau 18 tháng nắm quyền, uy tín của chủ nhân Nhà Trắng vẫn không suy suyển.
Từ khi đắc cử, thái độ của nhà doanh nghiệp không đổi một ly : "Ông tiếp tục chống tất cả mọi người, phản bác mọi trào lưu xã hội, môi trường, diễn giải tình hình thế giới theo thông tin chủ quan của truyền thông bảo thủ…" Thế nhưng, cử tri của ông, nay lập thành những "câu lạc bộ người ái mộ" vẫn phấn khởi, vẫn khoan khoái với tác phong ngông nghênh của thần tượng : Tổng thống suy nghĩ và sử dụng cùng ngôn từ như họ, kể cả ngôn ngữ kỳ thị.
Cách phát biểu của Donald Trump là chìa khóa thành công của ông. Trong nước, đảng Dân Chủ đối lập "co rúm" chưa có lãnh đạo mới khả tín. Đã thế, ở nước ngoài, thế giới bị chao đảo, mất hướng vì thái độ không xu thời, những tuyên bố lừa dối và hung hăng của Donald Trump đến mức mà các chính phủ Tây phương không biết phản ứng ra sao từ 18 tháng qua. Vuốt ve để hạ nhiệt ông Trump không xong mà liên kết chống cự lại thì không đủ khả năng. Trong các hồ sơ quốc tế từ NATO, thương mại, Iran, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, chính Donald Trump đóng vai nhạc trưởng và những lãnh đạo khác phải tìm một vị trí tương hợp.
Sức mạnh của lời nói
Điểm tín nhiệm cao của Donald Trump trong công luận Mỹ đúng là một phần do kết quả kinh tế khả quan mang lại. Nhưng một phần mà thôi vì tỷ lệ tăng trưởng lịch sử 4% trong những tháng qua không phải do Donald Trump tài giỏi. Trong một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như của Mỹ, hành động của chính phủ không có ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, diễn văn của Donald Trump có tác động tạo hưng phấn giới doanh nghiệp chống chính sách bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động.
Thành phần này muốn Hoa Kỳ nối lại với chủ nghĩa tư bản hoang dại, với chủ nghĩa kinh tế quốc dân. Do vậy, họ đầu tư và tuyển dụng nhân viên nhiều hơn là nếu tổng thống không phải là Donald Trump. Chủ trương này sẽ đào sâu thêm bất công xã hội không thế chấp nhận được tại Châu Âu nhưng ở Mỹ, cử tri ủng hộ Donald Trump, cho dù thuộc thành phần có thu nhập thấp lại vui vẻ chấp nhận bởi vì họ tin có cơ may sẽ trở thành tỷ phủ như tổng thống .
Nhưng nếu tình hình biến đổi thì sao, khi kinh tế Mỹ theo vòng luân hồi hết thịnh lại suy ?
Nhà báo Guy Sorman cho rằng lúc đó Donald Trump không chắc bị chỉ trích mà trái lại, những người ủng hộ ông tiếp tục ủng hộ và quy hết trách nhiệm cho… thị trường chứng khoán Wall Street.
Với tình hình hiện nay, từ nay đến hết nhiệm kỳ, con đường chính trị của Donald Trump chắc chắn sẽ hanh thông. Ước mơ của đối lập muốn truất phế tổng thống tan thành mây khói vì sau nhiều tháng điều tra tội thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016 vẫn không nắm đủ bằng chứng để truy tố. Điều này cho phép suy đoán ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ một một cách dễ dàng.
Ghét hay thương Donald Trump, cả thế giới này phải sống chung với ông trong nhiều năm nữa. Liệu điều này có nghiêm trọng hay không ?
Theo tác giả thì cho dù Donald Trump có cường điệu nhưng ông không gây ra, hoặc chưa gây ra một cuộc chiến tranh nào, trái với những lãnh đạo ở Châu Âu có cùng cá tính trước đây gây ra thế chiến thứ hai.
Bởi lẽ, cho dù Donald Trump có muốn làm lãnh tụ quân phiệt, muốn làm Mussolini cũng không được. Hiến pháp Mỹ không cho phép. Ông muốn vi hiến cũng không được vì ở Hoa Kỳ không một lực lượng nào, một cơ quan nào từ quân đội, cảnh sát, Giáo hội Công giáo, chính quyền liên bang và địa phương tuân thủ thi hành một lệnh bất hợp pháp.
Tập Cận Bình tạo nghiệp trả nghiệp
Tại Trung Quốc, người Hồi chống chính quyền phá đền thờ. Căng thẳng tại Vi Châu, tỉnh Ninh Hạ minh họa hệ quả của chính sách "Trung Hoa hóa" tôn giáo mà Tập Cận Bình loan báo vào năm 2015.
Vụ việc hàng ngàn dân thuộc sắc tộc Hồi xuống đường chống kế hoạch phá Đền thờ lớn ở Vi Châu từ hơn một tuần nay đã mang lại kết quả đầu tiên theo tường thuật của Le Monde. Sau nhiều ngày đối đầu căng thẳng với dân Hồi giáo, chính quyền Ninh Hạ lùi một bước, cam kết "không phá đền" trước khi đạt được thỏa thuận với tín đồ tìm một địa điểm khác xây đền thờ mới. Đại giáo đường Vi Châu mới được tân trang cách nay một năm nhưng chính quyền muốn phá hủy "phần lấn thêm trái phép".
Để đặt Nhà nước Trung Quốc trước thế kẹt, người biểu tình lấy nguyên văn các khẩu hiệu chính sách và ghép lại trong biểu ngữ : "ủng hộ đảng, bảo vệ đoàn kết dân tộc, bảo vệ tự do tôn giáo".
Theo Le Monde, dự án phá đền thờ ở Vi Châu nằm trong chính sách chung của Tập Cận Bình nhắm vào hai tôn giáo "ngoại nhập" là Hồi giáo và đạo Thiên Chúa. Mục tiêu là cắt mối dây liên hệ giữa người dân theo đạo với các nước khác. Từ 2014, hàng trăm nhà thờ Tin lành ở Chiết Giang đã phải gỡ thánh giá, một số bị phá hủy trong sự phẫn nộ của tín đồ. Việc bán Thánh kinh cũng bị hạn chế.
Trường hợp Ninh Hạ, ảnh hưởng của các nước Ả Rập làm Bắc Kinh lo sợ. Hầu hết đền thờ, trường học đạo là do các nước vùng Vịnh tài trợ từ năm 1980. Lúc đầu, Trung Quốc không lo vì người Hồi, tức dân Trung Hoa theo đạo Hồi, được chính quyền sử dụng như là "những đại sứ" của Trung Quốc ở các nước Ả Rập. Bắc Kinh còn khuyến khích người Hoa theo đạo Hồi học tiếng Ả Rập và buôn bán với vùng Vịnh để phát triển Ninh Hạ.
Người Hồi còn đóng vai trò quan trọng, được xem là gương mẫu, làm gạch nối văn hóa và chính trị giữa chế độ do người Hán thống lĩnh và các sắc dân khác, nhất là ở miền Tây. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, chế độ ngày càng tỏ ra nghi kị người nước ngoài một cách bệnh hoạn, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Năm 2015, trong đại hội tôn giáo, Tập Cận Bình đề xuất chính sách "Trung Hoa hóa tôn giáo" với thí điểm là Tân Cương : Cấm tiếng Ả Rập, phá hủy các nóc vòm hình cầu, cấm dạy giáo lý.
Tình hình ở Ninh Hạ thật ra không là nghiêm trọng so với các vụ đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan ở Tân Cương nơi có tin một triệu người đang bị nhốt vào các trại "cải tạo". Nhưng tấn công vào dân Hồi sẽ khó tránh được những hệ quả nghiêm trọng. Đền Thờ lớn mà chính quyền muốn phá là niềm hãnh diện của dân Hồi, biểu tượng của thái độ hợp tác giữa cộng đồng Hồi giáo và Nhà nước. Nếu dự án phá đền thờ được thi hành, chính quyền sẽ mất đi sự ủng hộ của một bộ phận dân tộc.
Khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ kỳ sẽ lan rộng ?
Trong bài phóng sự "Istanbul thích nghi với cuộc luân vũ của giá hàng", Le Monde ghi nhận đa số dân chúng ở thủ đô kinh tế đồng ý với tổng thống Erdogan, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân của một âm mưu khuynh đảo từ nước ngoài.
Theo báo chí, mà 95% nằm trong tay chính phủ, Hoa Kỳ đang âm mưu biến Thổ Nhĩ Kỳ thành chư hầu. Nạn nhân đầu tiên là dân chúng, do vật giá leo thang, mãi lực bị giảm đến 30% trong vòng 7 tháng. Kế đến là thành phần xí nghiệp nhỏ và vừa, bị khủng hoảng tài chính đe dọa khánh tận. Thế mà nhật báo thân chính phủ Yeni Akit bình luận hùng hồn : Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua khó khăn, chúng ta hãy đọc các đoạn kinh sau đây 246, 247, 248…
Tuy nhiên, theo Le Monde, không phải người dân nào cũng dễ tin. Một sĩ quan cảnh sát nói với một người bảo vệ khách sạn như sau : tôi không hiểu vì sao đô la lên giá mà lãnh đạo tối cao của chúng ta lại bảo đô la sẽ xuống ? Thế mà, trên Twitter, ông Berat Albayrak, con rể của tổng thống Erdogan và cũng là bộ trưởng tài chính viết liều như sau : Nếu chúng ta nói với dân chúng là mình đang xây xa lộ 4 làn đi đến cung trăng thì họ cũng tin.
Chờ xem tổng thống Erdogan sẽ xoay trở ra sao. Trong bài về hệ quả quốc tế, Le Monde trích các chuyên gia : "Chỉ có một liều thuốc mạnh mới có thể ngăn được đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ trược dốc không phanh. Nếu Ankara không tiền trả nợ, giới đầu tư sẽ bỏ Thổ Nhĩ Kỳ và những nước đang phát triển như Argentina, Venezuela, Nam Phi… để tập trung vào nơi an toàn nhất là… Mỹ".
Parkinson : Liệu pháp tái tạo tế bào thần kinh
Tại Nhật, một phương thức trị liệu mới chống bệnh Parkinson vừa bắt đầu sau một loạt kết quả khả quan thực hiện trên một loài khỉ. Một nhóm bác sĩ Nhật thuộc đại học Kyodo đã tuyển được 7 người tình nguyện để được điều trị theo pháp liệu mới từ nay đến 2022 : tái tạo tế bào não từ tế bào gốc.
Bệnh Parkinson do tình trạng thoái hóa của tế bào não (neurone) chế tạo Dopamine, chất dẫn truyền luồng thần kinh đến vùng não bộ điều khiển hành động. Hệ quả là bệnh nhân cử động khó khăn, run rẩy, tư thế bất thường không kiểm soát được.
Tú Anh
Đảng Cộng sản Trung Quốc chia rẽ vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (RFI, 14/08/2018)
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gây chia rẽ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một số quan chức cho rằng quan điểm của Bắc Kinh quá dân tộc chủ nghĩa, đây có thể là nguyên nhân khiến Washington trở nên cứng rắn hơn.
Chiến tranh thương mại với Mỹ đang gây chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Cảm giác bất an này có thể nhận thấy ở cấp cao nhất của chính quyền. Người ta nhấn mạnh, ông Vương Hộ Ninh (Wang Huning), một người thân tín của chủ tịch Tập Cận Bình, là "quân sư" đã đề ra chiến lược và chủ thuyết của ông Tập, đang bị chỉ trích dữ dội.
Vương Hộ Ninh là người vẽ ra "Giấc mơ Trung Hoa" cho Tập gia gia - giấc mơ một đế quốc hùng mạnh và thịnh vượng. Nhưng hình ảnh mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc là một sự khiêu khích đối với Hoa Kỳ.
Một trong những quan chức Trung Quốc được hãng tin Reuters phỏng vấn đã nhận định : "Vương Hộ Ninh đang gặp khó khăn do quản lý kém việc tuyên truyền, và khua chuông gióng trống ầm ĩ về Trung Quốc".
Cùng với tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - đôi bên thi nhau áp thuế hải quan lên hàng hóa - ngày càng có nhiều nhân vật trong chính quyền Trung Quốc cho rằng tương lai của Trung Quốc "đang u ám đi". Một cố vấn chính trị của chính quyền không muốn nêu tên cho biết như trên.
Cảm tưởng này được nhiều tiếng nói có trọng lượng khác cùng chia sẻ. Một giáo sư đại học thuộc một think tank, cũng yêu cầu giấu tên, nói rằng : "Nhiều nhà kinh tế và trí thức cảm thấy khó chịu với chủ trương chiến tranh thương mại của Trung Quốc. Có một nhận định phổ biến là quan điểm hiện nay của Trung Quốc quá cứng nhắc, và các nhà lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình".
Ẩn mình chờ thời
Cái nhìn này tương phản hẳn với những ý tưởng được các học giả Trung Quốc phát biểu hồi đầu năm, khoe khoang khả năng đối phó của Bắc Kinh trước những cuộc chiến tranh thương mại, mà họ cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở vào thế yếu tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc tin rằng có thể thỏa thuận được với Washington hồi tháng Năm để tránh được một cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh đã bị sốc trước việc mà họ coi là một sự quay ngoắt của chính quyền Mỹ.
Vị cố vấn chính trị trên giải thích : "Chuyển biến từ xung đột thương mại thành chiến tranh thương mại đã khiến người ta phải suy xét lại". Theo ông : "Việc một số định chế và học giả phóng đại sức mạnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự đánh giá của Mỹ, thậm chí đến quan điểm trong nước".
Theo một quan chức, thông điệp được chính sách tuyên truyền của Trung Quốc đưa ra là không hay ho chút nào. "Trong cuộc chiến thương mại, chủ trương tuyên truyền là nói rằng ông Trump bị điên. Thực tế ông ấy lo sợ là Trung Quốc trở nên quá mạnh".
Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, những người có trách nhiệm ngày càng có thói quen cao giọng tuyên bố chỗ đứng chính đáng của Trung Quốc phải là lãnh đạo thế giới. Họ đã bỏ xó khuyến cáo của Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế Trung Quốc vào cuối thập niên 70, là Trung Quốc "phải chờ đợi thời cơ và giấu đi thế mạnh của mình".
Sự tự tôn này trở thành đương nhiên với việc đề cao sáng kiến Con đường tơ lụa mới nhằm phát triển những tuyến đường thương mại giữa phương Đông và phương Tây, hoặc khi cứng rắn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và đối với Đài Loan.
Bắc Đới Hà hứa hẹn gay go
Một trong những giọng ténor ca ngợi rằng Trung Quốc đã đạt đến "quyền năng toàn cầu" là Hồ An Cương (Hu Angang), giáo sư kinh tế trường đại học Thanh Hoa và là chuyên gia trong lãnh vực "biệt lệ Trung Quốc". Quan điểm này được một số nhân vật có chức quyền chia sẻ.
Thế nhưng trong những tuần lễ gần đây, ông Hồ An Cương phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Ông bị phê phán là làm cho Hoa Kỳ trở nên nghi ngại đối với Trung Quốc, khi phóng đại quá mức sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự.
Sự rạn nứt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc xảy ra vào một thời điểm khó khăn đối với quyền lực Bắc Kinh. Đồng nhân dân tệ và các thị trường chứng khoán đang sa sút, trong khi chính quyền cố gắng hỗ trợ nền kinh tế, để làm giảm nhẹ những hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Các ngân hàng được yêu cầu linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, và biện pháp giảm thuế cũng được nêu ra.
Nhưng tình trạng này dường như không ngăn trở các nhà lãnh đạo hàng đầu duy trì cuộc thảo luận bí mật thường niên tại thành phố biển Bắc Đới Hà. Tập Cận Bình và các quan chức khác đã biến mất trên báo chí chính thức. Theo như những gì diễn ra các năm trước, thì hội nghị này có thể kéo dài hai tuần lễ.
Một nguồn tin thứ ba có liên quan đến ban lãnh đạo nói với Reuters là tình trạng căng thẳng xung quanh Vương Hộ Ninh là từ việc ông này phản đối nạn sùng bái lãnh tụ Tập Cận Bình.
Bài học phải trả giá đắt
Dù sao đi nữa, người đứng đầu cơ quan tuyên truyền vẫn hiện diện trên báo chí Nhà nước. Theo các nhà ngoại giao và giới thân cận chính quyền, khó thể có việc ông này bị tước các chức vụ trong ủy ban thường trực Bộ Chính trị đảng cộng sản – cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc.
Mặc dù báo chính chính thức trong những ngày gần đây không tiếc lời đả kích Hoa Kỳ và cuộc chiến thương mại, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong thông điệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh bắt đầu lắng tiếng về "Made in China 2025" - kế hoạch chiến lược nhằm phát triển kỹ nghệ, được Nhà nước đề ra từ tháng 5/2015 – nhưng hiện nay đang là trung tâm các vụ kiện của Washington liên quan đến tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Kênh truyền hình tin tức bằng tiếng Anh CGTN phát chủ yếu ra nước ngoài, cũng nhấn mạnh đến khía cạnh giá hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất đang rẻ bỗng trở nên đắt hơn sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ.
Nhưng trong phạm vi riêng tư, các quan chức Trung Quốc cho rằng điều tệ hại đã xảy ra, rằng Trung Quốc đã học được bài học với giá đắt, là tuyên truyền ầm ĩ trong nước nay được nước ngoài "soi" kỹ hơn bao giờ hết.
Một trong những người được Reuters hỏi chuyện nhận định : "Đối với Trung Quốc, không thể chờ đợi thời cơ và giấu đi sức mạnh, nhưng ít nhất chúng tôi có thể kiểm soát được khối lượng tuyên truyền của chính mình, và có những tuyên bố thích hợp hơn".
Thụy My
***********************
Tổng thống Đài Loan ghé Mỹ đọc diễn văn, Trung Quốc tức giận (RFI, 14/08/2018)
Hôm 13/08/2018, trên đường công du Châu Mỹ Latinh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ghé qua Mỹ và đọc bài diễn văn tại Los Angeles. Hành động này đã khiến Bắc Kinh bực tức, phản ứng gay gắt.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đọc diễn văn tại Los Angeles, California, ngày 12/08/2018. Reuters/Ringo Chiu
Bất chấp Bắc Kinh hồi tháng trước kêu gọi Washington không để lãnh đạo Đài Loan dừng chân tại Mỹ, hôm qua, trước khi tới thăm Paraguay, tổng thống Thái Anh Văn đã ghé qua Los Angeles, và tại đó bà đã có bài diễn văn trong thư viện tổng thống Ronald Reagan.
Bà Thái Anh Văn phát biểu "chúng tôi mong muốn cùng nhau cổ vũ ổn định và hòa bình trong vùng trong sự tôn trọng lợi ích quốc gia, tự do và dân chủ".
Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia độc lập. Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ của mình, không công nhận chế độ Đài Bắc. Bắc Kinh tìm mọi cách ngăn cản các đối tác của họ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Hoa Kỳ vẫn duy trì mối liên hệ nước đôi với hòn đảo này, thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 1979 và chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc nhưng vẫn duy trì quan hệ thương mại với Đài Loan, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông đã điện đàm với tổng thống Thái Anh Văn. Hành động này đã khiến Bắc Kinh rất bực tức.
Với sự kiện bà Thái Anh Văn ghé Mỹ và có diễn văn công khai, hôm nay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ra thông cáo chính thức bày tỏ phản đối với Washington và nhấn mạnh kiên quyết chống lại việc lãnh đạo Đài Loan dừng chân tại Mỹ, cũng như ở những nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Từ khi lên cầm quyền tại Đài Loan năm 2016, bà Thái Anh Văn đã phủ nhận "nguyên tắc một nước Trung Quốc".Còn Bắc Kinh thì liên tục gây sức ép về kinh tế, chính trị và ngoại giao lên hòn đảo Đài Loan.
Anh Vũ
*******************
Trung Quốc bác bỏ tố cáo về trại giam người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 14/08/2018)
Hôm 13/08/2018, trước ủy ban của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ kỳ thị sắc tộc, phái đoàn Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc cho rằng một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị giam trong các trại cải tạo.
Công an vũ trang Trung Quốc tại Khu tự trị Tân Cương Xinjiang. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/05/2014. Reuters/Stringer
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :
"Không có một chính sách nào nhắm vào một cộng đồng sắc tộc thiểu số riêng biệt, hoặc hạn chế quyền tự do tôn giáo của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Đó là tuyên bố của phái đoàn Trung Quốc tại Genève, nhưng tuyên bố này chẳng thuyết phục được ai. Một thành viên của ủy ban về xóa bỏ kỳ thị sắc tộc của Liên Hiệp Quốc, ông Gay McDougall đáp lại : "Một lời bác bỏ như vậy là chưa đủ đối với chúng tôi".
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các nhà nghiên cứu và báo chí đang lên án việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ trong các trại bí mật, nơi mà dường như họ bị tẩy não, bị nhồi sọ chính trị, để buộc họ bỏ đạo Hồi. Nhiều nhân chứng đào thoát được ra nước ngoài đã đưa ra những cáo buộc đó.
Nhưng Bắc Kinh vẫn kiên quyết bác bỏ những cáo buộc đó : Sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng, tố cáo "những lực lượng chống Trung Quốc" chỉ muốn "bôi nhọ những biện pháp mà Trung Quốc đã thi hành để chống tội phạm và khủng bố".
Hôm qua, trong một bài xã luận, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng đã khẳng định là chính nhờ thái độ cứng rắn của đảng Cộng Sản mà Tân Cương đã không trở thành giống như Syria hay Libya."
Thanh Phương
*********************
Hồng Kông : Lãnh đạo đảng đòi độc lập phát biểu, dù Bắc Kinh phản đối (RFI, 14/08/2018)
Lãnh đạo đảng Dân Tộc Hồng Kông đã có bài phát biểu về chủ trương độc lập hoàn toàn cho Hồng Kông hôm nay, 14/08/2018, tại trụ sở Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc (FCC- Foreign Correspondents' Club) Hồng Kông, bất chấp việc chính quyền Trung Quốc phản đối mạnh. Phe thân Bắc Kinh biểu tình chống, bên ủng hộ cũng tổ chức biểu tình.
Người biểu tình thân Bắc Kinh trước trụ sở Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc ở Hồng Kông ngày 14/08/2018. Reuters/Bobby Yip
Phát biểu tại trụ sở Hiệp hội FCC, ông Andy Chan (Trần Hạo Thiên) cảnh báo Trung Quốc đang là "mối đe dọa đối với tất cả các xã hội tự do trên toàn thế giới", và "Hồng Kông nếu muốn thực sự trở thành một xã hội dân chủ, cần phải dựa vào chính cư dân sở tại". Ông cũng báo động tình trạng Hồng Kông đang ngày càng đơn độc, và đang nhanh chóng bị sáp nhập vào Hoa Lục.
Theo báo chí Hồng Kông, khoảng 50 người biểu tình chống lãnh đạo đảng đòi độc lập đã tập hợp trước trụ sở của Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc, giương cờ Trung Quốc và các biểu ngữ đòi đuổi ông Trần Hạo Thiên ra khỏi Hồng Kông, không dung thứ quan điểm độc lập cho Hồng Kông. Một số người hô khẩu hiệu yêu cầu loại trừ những kẻ phản bội, làm gián điệp. Một số người khác gọi Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc là "đồ ăn cắp" và kêu gọi chính quyền đặc khu hủy bỏ hợp đồng cho thuê trụ sở đối với Hiệp hội FCC.
Bài phát biểu của lãnh đạo đảng đòi độc lập cho Hồng Kông khiến Bắc Kinh giận dữ. Trước đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu Hiệp hội FFC hủy bỏ cuộc nói chuyện, nhưng đòi hỏi của Bắc Kinh đã không được FCC chấp nhận.
Hôm 4/8, cựu lãnh đạo đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) công bố bức thư ngỏ, cáo buộc Hiệp hội FFC đón tiếp "các phần tử tội phạm và khủng bố". Cựu lãnh đạo Hồng Kông đặt câu hỏi, nếu FFC cho phép lãnh đạo đòi độc lập Trần Hạo Thiên phát biểu, thì phải chăng sau đó, hiệp hội này sẽ tiếp tục mời những người chủ trương độc lập cho Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng… ? Lãnh đạo đặc khu, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), gọi quyết định mời lãnh đạo đảng đòi độc lập là một "điều đáng tiếc".
Dưới áp lực của Bắc Kinh, chính quyền Hồng Kông đang tìm cách siết chặt quyền tự do chính trị tại đặc khu. Hôm 17/07, đảng Dân Tộc Hồng Kông, do ông Trần Hạo Thiên lãnh đạo, ra đời năm 2016, bị cơ quan an ninh Hồng Kông ra lệnh cấm, và hạn cho 21 ngày để phản hồi theo con đường chính thức. Đây là lần đầu tiên một đảng chính trị của Hồng Kông bị chính quyền giải tán, kể từ năm 1997.
Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại chính quyền đặc khu sẽ sử dụng đây làm một tiền lệ để thu hẹp hơn nữa các quyền tự do tại Hồng Kông, một khu vực về danh nghĩa được hưởng quyền tự trị rộng rãi, theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Đây là một nguyên tắc mà Bắc Kinh đã chấp nhận, khi nhận lại vùng đất này từ Anh Quốc năm 1997.
Trọng Thành
Nghiện Internet, sống ảo và "quên" sống thật
Hoàng tử nhỏ (Petit Prince) từng ước "nếu có 53 phút, tôi sẽ chậm rãi bước về phía đài phun nước". Nếu cũng phải làm việc tương tự, con người ngày nay chắc hẳn sẽ liên tục dừng lại để chụp ảnh, "up" lên mạng xã hội Instagram hoặc chia sẻ trên Twitter, thậm chí còn tìm trên Internet thông tin về đài phun nước đó.
Logo của GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon). Damien MEYER / AFP
Hiện tượng khó lòng cắt đứt với Internet trong thời hiện đại được Libération đề cập trong 6 trang đầu của số ra ngày 14/08/2018.
Kết nối mọi lúc mọi nơi không chỉ còn là trào lưu, mà đã trở thành cách sống. Bài xã luận của Libération cho rằng điều này vừa đáng lo ngại, vừa không. Có, vì các cuộc họp trở nên khó chịu - đến 90% người tham gia họp dán mắt vào điện thoại thông minh ; cả toa tầu điện đầy người mà không ai nhìn nhau ; trẻ em thời công nghệ có khả năng vừa chơi điện tử, vừa chat trên Whatsapp. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng không đáng lo cho lắm, vì con người chưa bao giờ đọc nhiều như vậy ; bộ não không ngừng phân loại thông tin tốt-xấu, bỏ thông tin này, giữ thông tin kia.
Hậu quả của nghiện Internet và mạng xã hội
Nghiện Internet và bỏ quá nhiều thời gian lướt nét để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tâm lý. Libération dẫn trường hợp một nhà báo : "Tôi từng kết nối Internet từ 5 giờ sáng đến nửa đêm", từ truy cập các mạng xã hội, nhận tin mới… Thêm vào đó là áp lực công việc và những lời chỉ trích trên các mạng xã hội hay blog. Hậu quả là nhà báo này phải nghỉ việc gần hai tháng để điều trị tâm lý và các triệu chứng đau bụng, đau lưng, không còn khả năng làm việc.
Tương tự, Thierry Crouzet, một tác giả người Pháp, từng tin rằng "một công cụ được quản lý một cách phi tập trung, như Internet, sẽ đủ để thúc đẩy một xã hội phi tập trung và cởi mở hơn, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Ngày nay, con người bắt đầu nghi ngờ Internet hơn và họ có lý". Khi Thierry Crouzet cai Internet vào năm 2011, ông ngủ ngon hơn, khỏe hơn mà không cảm thấy thiếu Internet.
Giải độc kỹ thuật số
Theo một thống kê gần đây, khoảng 26% người trưởng thành ở Mỹ "gần như liên tục" truy cập Internet, cao hơn con số 21% cách nay ba năm. Chính các tập đoàn lớn GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) bắt đầu tự điều chỉnh bằng cách triển khai các ý tưởng làm chủ thời gian truy cập nội dung và các ứng dụng kỹ thuật số.
Ví dụ, vào tháng 06/2018, iPhone có phiên bản iOS12 mới, gồm nhiều lựa chọn cho phép người sử dụng "hạn chế giải trí, tập trung tốt hơn và hiểu cách bỏ thời gian sử dụng điện thoại như thế nào". Đến tháng 09/2018, khách hàng của Apple sẽ có thể tự hạn chế thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, quá thời hạn đó, họ không thể truy cập được nữa. Họ cũng có thể nhận được tổng kết hàng tuần về thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, số lượng tin mới nhận, và số lần cầm điện thoại.
Tương tự, khách hàng của Google cũng được trang bị thống kê về thời gian sử dụng mỗi ứng dụng, số lần khóa điện thoại hàng ngày và số tin mới nhận. Facebook cũng muốn hướng đến "thời gian tích cực" của người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này, thay vì "bỏ bao nhiêu thời gian" lướt Facebook.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giảng viên Nikos Smyrnaios, đại học Toulouse III, giống như cuộc chiến chống thuốc lá, "lời đáp trả là những loại thuốc lá nhẹ, mà không hề thay đổi về bản chất. Các tập đoàn công nghệ lớn cũng làm tương tự để tránh bị áp đặt bởi một khuôn pháp lý ràng buộc hơn".
"Cai" Internet
Khi lên cơn nghiện internet, người sử dụng khó lòng thoát khỏi cơn thèm và tự cai được. Nhiều người khá giả sẵn sàng chi tiền để được cai Internet, nhờ đó mà nhiều ngành kinh doanh phất lên.
Từ năm 2014, ngày càng có nhiều khách sạn hay phòng du lịch trong nhà dân ở Pháp đưa ra chương trình "giải độc kỹ thuật số", không màn hình, không Internet để thu hút lượng khách hàng thường là doanh nhân và ít chú ý đến giá thuê. Ví dụ, với giá từ 210 đến 448 euro/đêm, nhiều khách sạn giữ điện thoại thông minh của khách hàng, thay vào đó là điện thoại không kết nối Internet như Nokia 3310, Sony Ericsson. Chương trình tivi được thay bằng một kênh nhạc thiền duy nhất để giúp khách hàng tĩnh dưỡng ; thay vì bỏ thời gian lướt internet, họ được mát xa bằng mật ong và đọc tạp chí giấy thay vì tạp chí điện tử…
Libération kết luận, ngành kinh doanh cắt đứt Internet vẫn còn tương lai xán lạn trước mắt.
Thổ Nhĩ Kỳ : Khủng hoảng tiền tệ, nguy cơ lây lan
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nạn nhân trong căng thẳng ngoại giao giữa Ankara và Washington. Lời kêu gọi người dân tham gia "cuộc đấu tranh quốc gia" chống lại "cuộc chiến kinh tế" nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ mà tổng thống Erdogan kêu gọi từ thứ Sáu 10/08 dường như không mang lại kết quả. Cơn bão tài chính không chỉ tác động đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn có nguy cơ lan sang các nước khác. Đây là chủ đề được tất cả các nhật báo Pháp đề cập.
Le Figaro đặt câu hỏi trên trang nhất : "Liệu có phải lo lắng về cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ không ?". Với Les Echos, "cuộc khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ : nỗi lo lây lan". Kế hoạch cứu đồng lira được chính phủ và ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 13/08 không đủ để trấn an sự nghi ngờ của các thị trường đối với đồng lira. Ankara đồng thời lên án Mỹ "đâm sau lưng" đồng minh.
La Croix cho biết "Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách bảo vệ đồng tiền" : xét lại tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm tránh mọi vấn đề về tiền mặt ; bơm thêm nhiều tỉ đô là tiền mặt vào hệ thống tài chính ; không tăng tỉ lệ lãi suất dù lạm phát đạt đến gần 16%. Kinh tế gia Philippe Waechter, thuộc Ostrum Asset Management, đánh giá "các biện pháp này sẽ không đủ để thay đổi lâu dài nhận định của các nhà đầu tư đối với tình hình kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo Le Figaro, các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước Nam Âu có nguy cơ bị tác động nhất do tiền của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá và nền kinh tế nước này bị suy giảm, trong bối cảnh tổng thống Erdogan "gặp khó khăn trong việc xóa cuộc khủng hoảng đồng lira".
Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ, căng thẳng ngoại giao với đồng minh Mỹ trong khối NATO, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đi tìm "những đồng minh mới". Theo nhận định của Le Monde, "Ngày càng bị cô lập, Erdogan dựa vào Putin". Thực vậy, việc duy trì tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria còn phụ thuộc vào mong muốn của Moskva. Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến Ankara trong hai ngày 13 và 14/08.
Bắc Triều Tiên : Lời hứa tại thượng đỉnh Kim-Trump có được tôn trọng ?
Thời sự Châu Á được La Croix đề cập trong bài phỏng vấn giáo sư Barthélémy Courmont, thuộc đại học công giáo Lille, kiêm giám đốc nghiên cứu ở Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) : "Những lời hứa tại thượng đỉnh Kim-Trump có được giữ không ?"
Theo giáo sư Courmont, Bình Nhưỡng đã thực hiện một số lời hứa : không thử tên lửa và hạt nhân từ năm ngoái, trao trả hài cốt lính Mỹ, tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ba lần, có thể tổ chức thượng đỉnh ba bên Mỹ-Bắc Triều Tiên-Hàn Quốc vào cuối tháng Chín.
Tuy nhiên, Washington bắt đầu nghi ngờ về thực tâm phi hạt nhân của Bình Nhưỡng. Giáo sư Courmont nhắc lại, điểm trọng tâm trong loạt yêu cầu của Hoa Kỳ là phải có lịch trình cụ thể về việc kiểm tra vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, thanh tra minh bạch về kho vũ khí và khả năng sản xuất của nước này. Phía Mỹ luôn nhấn mạnh đến vấn đề giải trừ hạt nhân, trong khi đây không phải là ưu tiên của Bình Nhưỡng. Chế độ Kim Jong-un muốn được đảm bảo về an ninh và thiết lập quan hệ với Washington trước đã, điều này cho phép họ trở lại cộng đồng quốc tế.
Chính vì vậy, giáo sư Courmont vẫn nghi ngờ về việc hai bên đồng tình với nhau về vấn đề phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên tiếp tục các chương trình hiện có và sẽ không dỡ bỏ các khu thử nghiệm. Đây cũng là điểm mà Kim Jong-un không đưa ra bất kỳ cam kết nào trong thượng đỉnh với đồng nhiệm Mỹ tại Singapore.
Dù vậy, thượng đỉnh Kim-Trump đã mang lại một số kết quả nhất định : căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực giảm hẳn, hai miền Triều Tiên khởi động nhanh chóng tiến trình xích lại gần nhau. Nếu thật sự diễn ra, dĩ nhiên Trung Quốc sẽ có mặt, thượng đỉnh ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên sẽ vượt qua được thách thức hạt nhân để bàn về an ninh, và biết đâu sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Thói quen ăn uống mới làm xáo trộn ngành công nghiệp thực phẩm
Trở lại trang nhất của Le Monde, tờ báo đề cập đến "Thói quen ăn uống mới làm xáo trộn ngành công nghiệp thực phẩm".
Thị trường protein thực vật trên thế giới tăng trung bình 5,5% hàng năm. Người Pháp trong độ tuổi 18-35 ngày càng bớt ăn thịt, một phần do tác động của các đoạn video quay trong các lò mổ, một phần do hàm lượng muối nitrit trong thịt nguội, hoặc vi khuẩn Salmonella trong sữa.
Những cách tiêu thụ mới này đã tác động trực tiếp đến các tập đoàn chế biến thực phẩm. Tại Mỹ, khoảng 10 ông chủ tập đoàn lớn đã bị thay thế. Còn tại Pháp, các nhà công nghiệp trong lĩnh vực này đang tìm luồng khí mới với các sản phẩm lành mạnh hơn, ít đường hơn và bio hơn.
Trang nhất các nhật báo
Chủ đề trang nhất của các nhật báo Pháp trung tuần tháng 8 tiếp tục đa dạng và nhẹ nhàng. Le Monde bàn về "Những thói quen ăn uống mới làm xáo trộn ngành công nghiệp thực phẩm". La Croix nói về "mùa hè, thời điểm của việc làm thêm đầu tiên" của thanh niên. "Các cuộc hành hương Công giáo lấy lại được tiếng tăm" là chủ đề trên trang nhất của Le Figaro. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đưa chủ đề thời sự quốc tế lên trang nhất : "Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi lo lây lan". Libération đăng loạt bài về tình trạng "siêu kết nối internet" và tâm lý muốn giảm bớt phụ thuộc vào màn hình ngày càng rõ nét hơn ở Pháp.
Thu Hằng
Mỹ - Nga - Trung : Cuộc chiến giữa các vì sao, phần 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang biến không gian thành tâm điểm trên trên bàn cờ chiến lược của Mỹ. Trên đây là nhận định trong bài viết trên báo Le Monde "Cuộc chiến giữa các vì sao, phần 2".
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu về việc thành lập lực lượng không gian, tại trụ sở bộ Quốc Phòng, Washington DC, ngày 09/08/2018. SAUL LOEB / AFP
Hồi giữa tháng 06/2018, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ phát biểu : "Chỉ hiện diện trong không gian là chưa đủđể bảo vệ Hoa Kỳ, chúng ta cần thống lĩnh không gian". Ngày 09/08, phó tổng thống Mike Pence thông báo trước các tướng lĩnh bộ Quốc Phòng về việc thành lập lực lượng không gian, độc lập với Không quân Mỹ.
Hiệu quả trên thực địa của các lực lượng võ trang phụ thuộc ngày càng nhiều vào khả năng định vị địa lý và sự an toàn của các vệ tinh. Quỹ đạo trái đất chưa bao giờ trở thành một khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột như hiện nay và đang trở thành một ván cờ lớn về chiến lược. Trong khi đó, số quốc gia có khả năng thành lập lực lượng quân sự không gian không ngừng tăng. Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh : "Một số nước đang tìm cách làm rối loạn các hệ thống của chúng ta trên không gian, và gây ảnh hưởng tới ưu thế của Mỹ".
Vào thời chiến tranh lạnh, chỉ có Liên Xô là đối thủ thực sự của Mỹ trong lĩnh vực này. Dự án lá chắn phòng thủ tên lửa mà tổng thống Mỹ Ronald Reagan tung ra hồi cuối những năm 1980, còn được gọi là "Cuộc chiến giữa các vì sao", đã buộc Liên Xô - vốn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế - lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới, gây tác động tiêu cực cho kinh tế nước này và góp phần khiến Liên Xô sụp đổ.
Nhưng nước Nga của Vladimir Putin, dù GDP không cao hơn Ý, lại trở thành một cường quốc không gian, cả về quân sự. Hồi năm 2014, Nga đã đưa lên quỹ đạo vệ tinh Kosmos 2499, còn tháng 03/2018 đã bắn thử tên lửa siêu thanh, có vận tốc cao hơn gấp nhiều lần tốc độ âm thanh và có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Nhưng thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ hiện nay lại là từ Trung Quốc. Ngay từ năm 2007, Trung Quốc đã cho phá hủy một trong các vệ tinh cũ bằng tên lửa phóng từ Trái đất. Ngày 03/08, Bắc Kinh thông báo phóng thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh.
Theo Le Monde, khi chỉ còn vài tháng là tới kỳ bầu cử Quốc Hội giữa kỳ, chủ đề không gian trên hết là một lựa chọn mang tính chính trị đối với vị tổng thống đã đắc cử nhờ khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết" và kể từ khi đắc cử, ông Trump không ngừng nói muốn "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Cho dù hiện kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt và đảng Cộng hòa đang chiếm nhiều ưu thế, nhưng tổng thống Donald Trump biết mọi chuyện chưa ngã ngũ. Không gì vận động được nhiều cử tri bằng việc tung ra chủ đề chinh phục không gian. Đây là đường biên giới mới mà tổng thống John F. Kennedy cách nay khoảng 60 năm đã vạch ra và vẫn còn gây tiếng vang rất mạnh trong tâm trí người Mỹ.
Donald Trump đã tăng ngân sách cho NASA. Ông cũng đã yêu cầu cơ quan này tiếp tục nghiên cứu về Mặt trăng, nhất là chuẩn bị các chuyến bay tới Sao Hỏa. Le Monde kết luận là trong cuộc đua tới Sao Hỏa, nước Mỹ đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc của Tập Cận Bình, người đã quyết khẳng định Trung Quốc là một cường quốc của thế giới, kể cả về chinh phục không gian.
Giấc mơ quyền lực của Trung Quốc ở cảng Gwadar - Pakistan
Trong chuyên mục Thế giới, báo kinh tế Les Echos nói tới "Giấc mơ quyền lực của Trung Quốc ở cảng Gwadar". Từ năm 2013, với dự án Những con đường tơ lụa mới, các nhà đầu tư Trung Quốc "đổ xô" đến Pakistan. Trung Quốc đầu tư tới 54 tỉ đô la cho các dự án hạ tầng cơ sở ở Pakistan, trong đó có cảng chiến lược Gwadar ở tỉnh Baloutchistan, miền cực nam nước này. Chính quyền Islamabad tin tưởng rằng Trung Quốc tới để giúp Pakistan phát triển và gần 60 tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc sẽ mang lại giàu sang thịnh vượng cho nền kinh tế quốc gia vốn đang bấp bênh.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra bi quan, vì 91% lợi nhuận của cảng sẽ lại "rơi vào túi"các nhà đầu tư Trung Quốc, 9% còn lại sẽ được rót cho chính phủ Pakistan. Còn tỉnh nghèo khó Balochistan, vốn khan hiếm điện và nước, sẽ không được hưởng lợi trực tiếp.
Nhiều người gọi đó là "món quà tẩm độc", bởi vì đầu tư Trung Quốc chỉ càng khiến các nước trong khu vực phụ thuộc vào nguồn vốn của Bắc Kinh. Washington thậm chí còn chỉ trích về sự thiếu minh bạch trong các khoản tiền mà Trung Quốc cho Pakistan vay, trong khi nước này hoàn toàn có thể được hưởng nhiều kế hoạch hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế FMI.
Đối với chuyên gia về chiến lược quốc tế, giáo sư Jean-Paul Larçon, thuộc Đại học thương mại danh tiếng của Pháp HEC Paris, cho rằng đầu tư vào cảng Gwadar thực chất là ván bài địa chiến lược của Trung Quốc để kiểm soát các con đường vận chuyển khí đốt quanh eo biển Ormuz.
Người Romania sống ở nước ngoài về nước biểu tình đòi giải tán chính phủ tham nhũng
Liên quan tới Châu Âu, báo Le Figaro nói về "Những người Romania quay trở về nước để biểu tình". Từ hôm thứ Sáu 10/08/2018, vài chục ngàn người Romania đã xuống đường, ở thủ đô Bucarest cũng như ở nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, để phản đối nạn tham nhũng. Họ đòi giải tán chính phủ thuộc đảng Xã Hội - Dân Chủ. Theo báo Le Figaro, điều đáng nói là phần đông lại là những người dân trở về Romania từ nước ngoài để biểu tình chống chính phủ.
Romania là một trong những quốc gia nghèo nhất Liên Hiệp Châu Âu, với mức lương trung bình là 520 euro/người/tháng. Từ 15 năm trở lại đây, 4 triệu/20 triệu dân Romania đã phải ra nước ngoài kiếm sống, đa phần tới các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 2017, họ đã gửi về nước 4,3 tỉ euro (2,5% GDP). Nhưng nhiều cho rằng những khoản tiền họ gửi về đã "không cánh mà bay mất" vì nạn tham nhũng trong nước.
Các cuộc biểu tình ở Romania trỗi dậy kể từ khi thủ tướng Viorica Dancila tiến hành cải cách tư pháp, hạn chế quyền hành của các thẩm phán, nhằm giúp các chính trị gia tham nhũng không bị tư pháp xét xử, cũng như để trấn áp các nhà đối lập.
Nhung cuộc khủng hoảng ở Romania không đơn thuần là khủng hoảng xã hội mà còn là khủng hoảng thể chế và chính trị. Mâu thuẫn với đa phần dân biểu cánh tả, tổng thống Klaus Iohannis, thuộc đảng trung hữu, ngay từ hôm thứ Sáu 10/08 đã chỉ trích "sự can thiệp tàn bạo và quá đáng" của lực lượng an ninh nhắm vào người biểu tình. Tổng thống Iohannis cho rằng "chính phủ đang chống lại lợi ích của dân chúng" và "đẩy đất nước vào cảnh rối ren, hỗn loạn".
Cuộc khủng hoảng tại Romania khiến các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, nhất là vì Romania sẽ giữ trọng trách chủ tịch luân phiên Châu Âu trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 01/01/2019.
Glyphosat của Monsanto : Mối nguy thực sự cho tập đoàn dược phẩm Đức Bayer
Liên quan tới vụ tòa án San Francisco buộc tập đoàn hóa chất Monsanto bồi thường 289 triệu đô la cho một người làm vườn Mỹ mắc ung thư giai đoạn cuối sau nhiều năm sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup, báo Le Figaro nhận định "Chất glyphosat của Monsanto là nguy cơ rủi ro thực sự của tập đoàn Bayer".
Đây là lần đầu tiên tập đoàn Monsanto bị kết án vì sử dụng chất glyphosat trong thuốc diệt cỏ. Le Figaro gọi phán quyết của tòa án San Francisco là một quyết định lịch sử, mang lại niềm hy vọng cho hàng ngàn người đang kiện Monsanto, nhất là ở Pháp. Trong khi đó, phán quyết này lại mang lại một mối nguy cho tập đoàn dược phẩm Bayer danh tiếng của Đức.
Sau cuộc chiến kéo dài một năm rưỡi, hồi tháng 06/2018 Bayer đã mua lại tập đoàn Monsanto với giá 63 tỉ đô la. Hiện nay, công luận đang lật lại thương vụ lịch sử giữa tập đoàn danh tiếng Đức chuyên về dược phẩm và một bên là gã khổng lồ Mỹ chuyên về thuốc diệt cỏ và hạt giống cây trồng. Một số nhà phân tích dự báo những nguy cơ tài chính mà Bayer phải đối mặt sau vụ Monsanto có thể ví hậu quả của vụ bê bối Dieselgate của tập đoàn xe hơi Volkswagen. Rất có thể Bayer sẽ rơi vào rắc rối tư pháp với những hậu quả tài chính tàn phá nặng nề.
Trang nhất các báo Pháp
Báo công giáo La Croix dành trang nhất cho "Sự bất tuân định mệnh tại California". Bang California, Hoa Kỳ đang tìm các giải pháp dài hạn để khắc phục nạn cháy rừng hiện xảy ra ngày càng nhiều.
Báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến việc "Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng tài chính". Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 14% giá trị. Sự thiếu phản ứng của nhà chức trách, nhất là của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự báo một tuần nhiều rủi ro cho thị trường tài chính nước này.
Trong khi đó, báo Libération hướng độc giả tới sự tàn bạo của chế độ Syria qua hàng tựa "Tối nào họ cũng quẳng các thi thể đi". Gần đây, chế độ của tổng thống Bachar al Assad công bố danh sách những người mà họ gọi là "đã mất tích", hé lộ rằng đây là thực sự là "chế độ của cái chết". Naijah Albulcal, một giáo sư mỹ thuật bị giam giữ nhiều tuần trong các trại giam ở Syria kể với Libération những điều ông từng chứng kiến và những bức tranh mà ông phác họa về các đòn tra tấn tàn ác trong nhà tù Syria.
Vẫn liên quan đến khu vực Trung-Cận Đông, báo Le Figaro chạy tựa trang nhất "Tại Afghanistan, Daesh huấn luyện các chiến binh nhí".
Thùy Dương