Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ nghĩa tư bản theo Tập Cận Bình

Nhật báo Le Monde số ra ngày 08/05/2018, trên phụ trang kinh tế có bài "Chủ nghĩa tư bản theo quan điểm Tập Cận Bình". Chưa bao giờ Đảng cộng sản Trung Quốc chi phối mạnh mẽ đời sống doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài như lúc này. Sau ngành công nghiệp và tài chính, chính quyền bắt đầu tấn công vào lĩnh vực công nghệ.

tuban1

Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát mọi mặt của đời sống xã hội. Trong ảnh, khẩu hiệu "Đảng cộng sản Trung Quốc muôn năm" tại mặt tiền của một khách sạn ở Bắc Kinh, cuối tháng 1/2018. Reuters

Đầu tiên hết Le Monde nhắc lại : Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, là một trong những nhà cách mạng lớn theo chân Mao Trạch Đông. Năm 1976, sau cái chết của "người Cầm Lái Vĩ Đại", ông đã trở thành một trong những cố vấn chính của Đặng Tiểu Bình trong công cuộc cải cách kinh tế.

Le Monde nghi ngờ đặt câu hỏi : "Liệu rằng 40 năm sau con ông là Tập Cận Bình có sẽ là người tiến hành mở cửa ?". Câu trả lời là : "Chưa chắc". Bởi vì, bốn thập niên sau, Tập Cận Bình con ông, sau khi đã trở thành lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, trong kỳ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, hồi tháng 10/2017, đã kêu gọi củng cố hơn nữa vai trò của đảng "trong chính phủ, quân đội, xã hội, ở bắc, nam, đông, tây và cả ở miền trung". Nói tóm lại, "đảng lãnh đạo tất cả".

Le Monde trích tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, mới đây cho biết công ty liên doanh sản xuất động cơ ô tô Đông Phong với hãng Cummins Engine của Mỹ, chi bộ đảng tại công ty liên doanh này đã bác quyết định bổ nhiệm một lãnh đạo do phía Mỹ đề bạt, với lý do là "đồng chí này thiếu tư cách lãnh đạo và hiểu biết chung".

Le Monde cảnh báo, những doanh nghiệp nào không muốn đáp ứng yêu cầu của đảng và Nhà nước thì phải chuẩn bị tư thế đối mặt với nhiều tình huống xảy ra. Hoặc chủ nhân bị biến mất vài ngày, thậm chí vài tháng để "giúp" cảnh sát điều tra như đã xảy ra với ông Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), chủ doanh nghiệp Fosun International, có cổ đông tại công ty khai thác hàng không Toulouse (Pháp) hay Mike Poon.

Hoặc như trường hợp của ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tập đoàn kinh doanh bất động sản Vạn Đạt, chủ hệ thống rạp chiếu phim AMC lớn nhất thế giới, đã bị chính phủ Trung Quốc cản trở làm ăn. Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng lớn trong nước ngưng cho Vạn Đạt vay. Ông chủ tập đoàn đầy tham vọng này bị chỉ trích, vì đã gia tăng các khoản đầu tư ở nước ngoài, vào lúc mà Trung Quốc do e sợ bị thất thoát vốn, đã đề nghị các doanh nghiệp tập trung đầu tư trong nước.

Một nhân vật khác cũng hứng chịu chung số phận đó là chủ tập đoàn bảo hiểm An Bang, vốn là cháu rể của Đặng Tiểu Bình, đã bị bắt và đem ra xử chóng vánh trong năm 2017, vì tội đã bán ra hơn 90 tỷ euro hợp đồng bảo hiểm, tức cao hơn hạn mức quy định của chính phủ…

Tập Cận Bình : "Không tự do, cũng không cải cách"

Vẫn theo nhật báo Pháp, Đảng cộng sản Trung Quốc giờ đây can thiệp trên mọi lĩnh vực. Sau các ngành công nghiệp và tài chính, đến lượt các tập đoàn khai thác mạng như Tencent, Alibaba, những đối thủ cạnh tranh của Facebook và Amazon cũng phải nghiêm chỉnh đi theo hàng ngũ đảng, sau nhiều năm được "tự do bay nhảy".

Dĩ nhiên với những biện pháp này, Đảng cộng sản Trung Quốc bảo đảm có được sự trung thành của tuyệt đối của lĩnh vực tư nhân, sự ổn định của nền kinh tế - tài chính. Nhưng tất cả những điều đó cũng có cái giá phải trả.

Nhiều cải cách mà ông Tập Cận Bình hứa hẹn đã bị bỏ quên. Phát triển kinh tế Trung Quốc tiếp tục dựa vào đầu tư công, từ chính quyền địa phương, vốn dĩ đã mang nợ nhiều. Chính sách kiểm soát dòng vốn có nguy cơ gây khó khăn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. Và nhất là cam kết quốc tế hóa đồng nhân dân tệ dường như cũng đang bị rơi vào quên lãng.

Nói tóm lại, theo như nhận định của ông Jean-François Huchet, giáo sư Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco), khi nhìn lại 5 năm cầm quyền đã qua, "Tập Cận Bình không phải là người mang tư tưởng tự do, cũng không phải là một nhà cải cách lớn".

Iran : Kẻ thù chung của Mỹ và Israel

Vào lúc Washington sắp ra tuyên bố về thỏa thuận hạt nhân Iran, Libération nhận thấy chính quyền Tel Aviv ngày càng có những lời lẽ hiếu chiến, gần như tỏ rõ thái độ công khai đối đầu trực diện với Tehran về sự hiện diện của Iran trên lãnh thổ Syria.

Chủ Nhật 06/05/2018, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou khẳng định "quyết tâm ngăn chặn mọi hành động gây hấn của Iran ngay từ giai đoạn đầu tiên, cho dù điều đó có dẫn đến xung đột". Ông tuyên bố : "Tốt hơn hết là ngay từ bây giờ hơn là sau này".

Thủ tướng Israel không ngần ngại đe dọa tổng thống Syria : "Nếu Bachar al-Assad tiếp tục để quân lính Iran hoạt động trên lãnh thổ Syria, ông ta xem như đã ký giấy khai tử cho mình : chúng tôi sẽ lật đổ chế độ của ông ta".

Trong bối cảnh này, Le Monde khẳng định Hoa Kỳ cầm chắc đã có một đồng minh để chống Iran. Bởi vì giờ đây nước Mỹ của Donald Trump đã có "Israel đi vận động chống thỏa thuận hạt nhân với Iran".

Con người đang tàn phá môi trường

Trở lại với Trung Quốc nhưng trong lĩnh vực môi trường. Le Figaro cho hay "tại Tứ Xuyên, công trình xây đập thủy điện đe dọa những ngọn núi thiêng".

Tại Lưỡng Hà Khẩu, cao nguyên Tây Tạng, phía tây Tứ Xuyên, chính phủ Trung Quốc đang cho xây dựng một đập thủy điện khổng lồ, cao 295m, gần bằng với tháp Eiffel. Đây sẽ là đập thủy điện thứ ba lớn nhất trên thế giới.

Được khởi công vào năm 2014, dự án này đang làm thay đổi diện mạo của vùng. Hồ chứa nước mênh mông, nuốt chửng ba dòng sông, và sẽ nhấn chìm nhiều thung lũng. Cuộc sống nhiều dân làng xung quanh bị xáo trộn : ít nhất 4 ngôi đền chùa bị xóa sổ và phải xây dựng lại ở nơi khác, hơn 6.000 người di tản. Đáng lo hơn nữa, công trình này không được người dân hưởng ứng, vì sẽ tác động đến nhiều ngọn núi được cho là thiêng liêng đối với người Tây Tạng.

Le Figaro còn có bài báo động "Khi các hoạt động con người và khí hậu hợp lại tàn sát loài san hô". Sau rạn san hô Great Barrier, đến lượt các rạn san hô tại quần đảo Samoa, ở nam Thái Bình Dương đang bị chết trắng. Theo quan sát của các nhà khoa học, ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, việc con người thải các chất hóa học, nước thải chưa qua xử lý, đánh bắt quá mức, đã tàn sát các loài san hô ở đây.

Cũng liên quan đến môi trường, Le Monde lo ngại trước hiện tượng "Khan hiếm nước đe dọa Ấn Độ". Việc khai thác quá mức các mạch nước ngầm cộng thêm với nạn ô nhiễm và hệ thống dẫn nước tồi tàn là nguồn cội của nạn hạn hán mà người dân vùng Karnatka đang phải gánh chịu.

Cannes lần thứ 71 : Trang nhất báo Pháp

Tuần lễ Liên Hoan Điện Ảnh Cannes lần thứ 71 chính thức khai mạc ngày hôm nay. Le Monde, Le FigaroLibération đều dành nhiều trang báo để nói về sự kiện văn hóa thường niên quan trọng này của Pháp.

Le Figaro đưa tít lớn trên trang nhất : "Liên hoan Cannes muốn sang trang vụ Weinstein". Liệu rằng Cate Blanchett có thể mang lại sự quyến rũ cho một cuộc tranh tài, vốn dĩ đã bị hoen ố trước các vụ tai tiếng quấy rối tình dục của nhà sản xuất phim ảnh của Mỹ hay không ?

Đây cũng chính là điều mong mỏi của ban tổ chức khi trông cậy hoàn toàn vào cô đào điện ảnh. Tuy nhiên, nếu như việc chọn Blanchett làm chủ tịch cho thấy thiện chí cân bằng nam – nữ trong ban giám khảo, thì Le Figaro lưu ý là trong số 21 phim tranh giải, chỉ có 3 nữ đạo diễn. Câu hỏi đặt ra : Người ta có dám trao một cành cọ vàng cho phái nữ hay không ?

Libération không có cùng góc nhìn với đồng nghiệp cánh hữu khi tự hỏi : "Liệu ban tổ chức có trao giải cho người vắng mặt ?". Bởi vì, Cannes phiên bản 2018 có nhiều đạo diễn phim tham gia tranh giải đã không được phép rời lãnh thổ đến dự liên hoan.

Nhật báo thiên tả liệt kê một số trường hợp như đạo diễn người Iran, ông Ashgar Farhadi, với bộ phim Everybody Knows được chiếu trong đêm khai mạc. Đạo diễn người Nga Kirill Serebrennikov, bị bắt vào tháng 08/2017 khi đang quay bộ phim Leto và hiện đang bị quản thúc tại gia ở Moskva trong khi chờ phiên xử. Ông có nguy cơ lãnh án 10 năm tù, vì tội "gian lận thuế có quy mô và biển thủ tiền tài trợ trong khuôn khổ các hoạt động kịch nghệ".

Một đạo diễn người Iran khác cũng không đến được Cannes là ông Jafar Panahi, từng đoạt giải Gấu Vàng tại Berlin năm 2015 cho bộ phim Taxi Tehran. Đạo diễn Panahi nổi tiếng với bộ phim quay bí mật, dù đang phải chịu án 6 năm tù và cấm quay phim hay rời lãnh thổ trong vòng 20 năm. Án được tuyên vào năm 2010 vì tội "hoạt động chống lại an ninh quốc gia và tuyên truyền chống chế độ".

Tranh giải năm nay còn có những bộ phim gây tranh cãi và bị kiểm duyệt tại một số nước, như trường hợp của Rafiki của nữ đạo diễn người Kenya Wanuri Kahiu. Bộ phim bị cấm trong nước vì bị chỉ trích là ủng hộ đồng tính, đi trái với luật lệ trong nước.

Nhìn một cách tổng quan, Le Monde tóm lược sự kiện Cannes năm nay trong dòng tựa "Những bước đi của thế giới". Từ Trung Quốc cho đến Hoa Kỳ, đi qua cả Kenya, liên hoan Cannes lần thứ 71 hứa hẹn một mùa điện ảnh mang nhiều mầu sắc chính trị hơn, ít quyến rũ hơn, nhưng bám sát thời đại hơn.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Nước Nga Putin phân vân giữa Âu và Á : Châu Âu phải làm gì ?

Nước Nga là một chủ đề chính của báo chí thứ Hai ngày 7/5/2018, ngày ông Vladimir Putin nhậm chức tổng thống lần thứ tư, với buổi lễ đăng quang được tổ chức một cách "kín đáo", theo Libération. Trước hết xin giới thiệu một bài nhận định đáng chú ý về nước Nga, về triển vọng quan hệ Nga với Châu Âu, trong mục "Tranh luận" của Le Figaro, mang tựa đề "Vladimir Putin muốn một nước Nga nào ?".

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin sau lễ nhậm chức, điện Kremlin, Moskva, 07/05/2018.Sputnik/Sergei Guneev/Pool via Reuters

Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, bà Hélène Carrère d’Encausse (1), trước hết đề nghị độc giả gạt qua một bên cái nhìn mang tính đơn giản hóa, đơn thuần coi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Nga vừa qua là "chiến thắng của một nhà độc tài", "của một nền dân chủ chuyên chế" (démocrature), một đe dọa với các nước láng giềng, và thậm chí với hòa bình thế giới. Tác giả bài viết mời bạn đọc cùng tìm hiểu và suy nghĩ kỹ càng hơn về thực tế xã hội Nga, về quan điểm và hành xử thực sự của người đứng đầu nước Nga.

Theo bà Carrère d’Encausse, về chiến thắng của ông Putin, có thể nhìn thấy cội nguồn trong tâm lý muốn "ổn định chính trị" tại Nga, một đa số người Nga thừa nhận là một đất nước mênh mông, với dân cư thuộc 150 "dân tộc" khác nhau, ba tôn giáo lớn, cần đến một cách điều hành "tập trung hóa" (khoảng 60% cử tri ủng hộ các quyết định của ông Putin, theo nhiều thăm dò dư luận).

Về mặt đối ngoại, ông Putin đã phần nào đưa nước Nga tìm lại được "vị thế của một cường quốc", có tiếng nói trong các hồ sơ quốc tế lớn, mà Moskva vốn bị mất kể từ năm 1991.

Tuy nhiên, viện sĩ Pháp cũng chỉ ra điểm yếu trầm trọng của Nga là về kinh tế, mà "nguyên nhân thực sự" là do Moskva đã không thực hiện nổi các cải cách cần thiết kể từ năm 2000, để đa dạng hóa kinh tế, đầu tư, cũng như trong lĩnh vực chống tham nhũng. Ê kíp cầm quyền tại Nga không ngừng "lấy làm tiếc" về thất bại này, nhưng trên thực tế họ đã không làm được gì để thay đổi.

Tác giả bài nhận định trên Le Figaro đồng thời nhấn mạnh đến tính mâu thuẫn trong chính sách đối nội của Putin. Một mặt, tổng thống Nga tỏ ra đứng về cùng phe với thế lực "bảo thủ", nhưng mặt khác, có thể thấy từ 2 năm nay, ông ta đã tạo cơ hội cho một thế hệ trẻ "hậu Xô Viết", tham gia vào chính quyền cấp khu vực. Nhiều lãnh đạo địa phương mới lên này - có quan hệ gần gũi với khu vực tư nhân, có nhiều quyền lực thực sự - hứa hẹn sẽ trở thành thế hệ "hậu Putin". Nước Nga Putin đang đứng giữa ngã ba đường.

Theo viện sĩ Carrère d’Encausse, vấn đề mang tính chiến lược trong quan hệ với Nga là Liên Hiệp Châu Âu nên chọn con đường nào : "thân Mỹ và chống Nga" như hiện nay hay tìm cách cải thiện quan hệ với Moskva, vốn đang trong giai đoạn tìm kiếm hướng đi mới ?

Nga không giữ được không gian "hậu Xô Viết" trong vòng ảnh hưởng

Để trả lời cho câu hỏi này, cần hiểu đúng hơn về vị thế của Moskva hiện nay. Trong bối cảnh, quan hệ của Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là "một trong các thất bại lớn của giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 21". Phần lớn các nước Liên Xô trước đây đều đã gia nhập khối NATO, hoặc hy vọng gia nhập. Đa số hướng sang Liên Hiệp Châu Âu và ngờ vực Nga.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh "không tạo nổi một không gian hậu Xô Viết mang tính hữu nghị", một khu vực nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga, Moskva có xu hướng quay sang với thế giới Châu Á đang nổi lên.

Viện sĩ Carrère d’Encausse nhấn mạnh là, cho đến nay ông Putin vẫn coi "xu thế ngả sang Châu Á" mới chỉ là "một giả thiết" và chủ trương "thân phương Tây" vẫn nằm trong kế hoạch. Tuy nhiên, Châu Á ngày càng quyến rũ với Nga, nếu không có động thái thuận lợi từ Liên Âu, Moskva có thể ngả hẳn sang Châu Á - trung tâm của bàn cờ quốc tế hiện nay. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một mất mát rất lớn, như thể là Châu Âu "mất đi một phần thân thể" của mình, bởi "nước Nga trước hết thuộc về Châu Âu".

Viện sĩ Pháp bày tỏ hy vọng là chương trình hành động của tổng thống Nga, sau ngày nhậm chức, sẽ là "tái hòa giải nước Nga với Châu Âu", nhưng theo bà, quyết định này cũng phụ thuộc vào các tín hiệu từ Châu Âu.

Washington trừng phạt nặng Moskva, "trái bóng" trong chân Liên Âu

Về quan hệ giữa phương Tây và Nga, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý khác của nhà cựu ngoại giao người Anh Nigel Gould-Davis, từng làm việc nhiều năm tại Nga. Bài viết mang tựa đề "Moskva và Washington, hai lập trường đối nghịch" lưu ý trước hết đến loạt trừng phạt mới ngày 6/4, được coi là "loạt trừng phạt kinh tế chưa từng có nhằm vào Nga".

Điểm lại lịch sử quan hệ với Nga, theo tác giả, phương Tây đã thành công trong việc kiềm chế được Liên Xô trước đây, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vấn đề là "hội nhập" nước Nga.

Nỗ lực này đã thành công trong một thời gian. Từ năm 2000 đến 2008, kinh tế Nga đã tăng trưởng gấp đôi và Moskva đã tham gia vào câu lạc bộ G8, vốn trước đó chỉ bao gồm các cường quốc kinh tế phương Tây. Moskva từng là chủ tịch G8 năm 2006.

Vấn đề là, cùng lúc đó, hệ thống chính trị Nga ngày càng trở nên "độc đoán hơn", "ít đa nguyên hơn", quan hệ với phương Tây trở nên "nguội lạnh". Tác giả tìm cách lý giải nguyên nhân của tình trạng này trong chính sách đối nội, đề cao quyền lực độc đoán, và chính sách đối ngoại, khai thác các quan hệ kinh tế với phương Tây vì mục tiêu chính trị, đặc biệt là năng lượng đã được sử dụng như một vũ khí chiến lược.

Trở lại với loạt trừng phạt ngày 6/4 của Mỹ, tác giả cho rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng "trả giá đắt" để chống lại các đe dọa từ Nga, trên quy mô toàn cầu, và Moskva đang phải tìm cách chống trả. "Trái bóng" hiện nay đang trong chân Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhà cựu ngoại giao Anh, nếu Liên Âu quyết định hành động, đặc biệt về mặt trừng phạt tài chính, thì toàn bộ mạng lưới ủng hộ điện Kremlin trên toàn cầu, cụ thể là giới tinh hoa Nga sống ở hải ngoại, sẽ lâm vào tình trạng rất khó khăn.

Quân đội Nga đáng sợ hơn thời Liên Xô

Cũng về mối đe dọa Nga, Le Monde có bài nghiên cứu công phu mang tựa đề "Nước Nga : Một quân đội được tôi luyện qua chiến tranh", nhấn mạnh đến chính sách luyện quân của Moskva trong những năm gần đây, đặc biệt với cuộc chiến tranh tại Syria, mà Nga tham gia để hậu thuẫn chế độ Bachar al-Assad.

Gần như toàn bộ sĩ quan Nga trong thời gian vừa qua được gửi đến chiến trường Syria, thông qua hình thức luân chuyển, theo chuyên gia quân sự Alexandre Khramtchikhine.

Hồ sơ của Le Monde dành nhiều quan tâm cho vấn đề chiến thuật "chiến tranh hợp thể" (guerre hybride), trong đó chiến tranh tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, lý thuyết vốn được tổng tham mưu trưởng Nga Valeri Guerassimov đưa ra vào năm 2013.

Theo nhà báo, nhà phân tích chính trị Nga Fiodor Loukianov, "nước Nga hiện nay được chuẩn bị tốt hơn cho thế đối đầu, hơn là Liên Xô trước đây, cho dù Liên Xô về mặt chính thức được coi là hùng mạnh hơn".

Le Figaro cũng có bài "Chính sách đối ngoại gây hấn của Nga tạo một không khí ngờ vực lâu dài với phương Tây". Le Figaro đặc biệt lưu ý đến sự ủng hộ của Nga đối với các phong trào dân túy và cực hữu, đang mọc lên như nấm tại Châu Âu.

Putin đăng quang lặng lẽ, người biểu tình Nga bị đánh đập

Về lễ nhậm chức tổng thống Nga của ông Putin diễn ra trong không khí rất lặng lẽ tại điện Kremlin, Libération có bài bình luận. Theo nhà chính trị học Dmitri Orechkine, ẩn đằng sau phương thức tổ chức "khiêm tốn" này là chủ trương của tổng thống Nga muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo "giản dị", "gần gũi dân chúng", giống như Stalin trước đây, trong lúc trên thực tế toàn bộ quyền hành tại Nga tập trung vào tay ông ta.

Libération cũng chú ý đến các cuộc biểu tình phản đối Putin cuối tuần qua, khi nhiều thanh thiếu niên tham gia, bị cảnh sát đánh đập, hình ảnh được các phương tiện truyền thông độc lập tại Nga và phương Tây loan tải. Truyền thông Nhà nước Nga như thường lệ đã hoàn toàn im lặng trước sự kiện này.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung không đạt kết quả

Về thời sự quốc tế, Les Echos tiếp tục theo dõi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Theo tờ báo kinh tế, Washington và Bắc Kinh đã không đạt được thỏa thuận sau hai ngày đàm phán cấp cao tuần qua.

Đoàn đàm phán Mỹ gồm hầu hết các nhân vật theo chủ trương cứng rắn, trong đó có cố vấn Peter Navarro, tác giả cuốn "Chết dưới tay Trung Quốc".

Tình trạng Trung Quốc xuất siêu sang Hoa Kỳ, với 375 tỉ đô la hồi năm ngoái, là tâm điểm của mâu thuẫn. Thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng trong quý một năm nay. Les Echos, trong mục điều tra, lược lại quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc 15 năm qua, với nhận xét : cho dù xuất khẩu của Mỹ trong Trung Quốc không ngừng gia tăng, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn gấp bội, mà các mặt hàng công nghệ cao đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn. Để thu hẹp khoảng cách này, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải mất nhiều năm nữa.

Về các đe dọa tăng thuế của Mỹ đối với hàng thép nhập từ Châu Âu, hiện đang được bỏ lửng, Les Echos có bài phỏng vấn quốc vụ khanh bên cạnh bộ trưởng ngoại giao Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne. Giới chức nói trên nhấn mạnh là lập trường của Paris về các bất đồng thương mại là "không thương lượng trực tiếp" với Washington, mà sẽ làm việc với Mỹ trong khuôn khổ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Pháp sẵn sàng cùng Mỹ cải cách WTO và "tái xây dựng lại hệ thống kinh tế đa phương toàn cầu".

Một năm Macron : 50% tin tưởng vào cải cách của tổng thống

Trở lại dịp một năm cầm quyền của tổng thống Pháp, Le Monde phân tích các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, tổng thống Emmanuel Macron "trụ vững hơn" so với những người tiền nhiệm trong cùng một thời gian.

Điều tra do Trung tâm nghiên cứu của Học viện chính trị Paris (Cevipof), Quỹ Jean Jaurès và báo Le Monde tiến hành trong tuần lễ cuối tháng 4, đầu tháng 5 cho thấy 45% người trả lời tán đồng các biện pháp của chính quyền. Bên cạnh các phẩm chất "không thể phủ nhận"được của Emmanuel Macron là một người "đầy năng lượng", "hiện đại", "có phong cách tổng thống", một đa số người Pháp (53%) thì phê phán tổng thống là "không hiểu rõ" các vấn đề của họ.

50% người Pháp tin rằng tổng thống Macron và chính phủ "thực sự mong muốn cải cách nước Pháp" và họ sẽ thành công.

Một điểm nổi bật trong kết quả điểm tra là tổng thống Pháp tiếp tục không có đối thủ chính trị đồng cân hạng. Chỉ có 14% người được hỏi nghĩ rằng lãnh đạo phong trào cánh tả triệt để Jean-Luc Mélenchon, nếu trở thành tổng thống, sẽ "làm tốt hơn" Macron. Con số tương tự với lãnh đạo cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen. Rõ ràng là "vụ Big Bang chính trị (của nước Pháp) năm 2017" vẫn chưa thôi để lại các hệ quả.

Về một năm Macron, tờ báo thiên tả Libération thốt lên lời than trên trang nhất : "Thế là cánh hữu cuối cùng đã có được tổng thống của mình !". Dù sao Libération cũng thừa nhận, cử tri Pháp vẫn tiếp tục dành cho tổng thống Macron cơ hội cải cách đất nước, trong bối cảnh các lực lượng chính trị tả cũng như hữu có khả năng cầm quyền đều không có được tiếng nói có trọng lượng. Cánh cực tả và cực hữu thì không đáng tin cậy.

Trang nhất các báo

Thời sự trong nước là chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo Pháp. Khủng hoảng nội bộ của hãng hàng không Air France là chủ đề lớn của Le MondeLes Echos. Le Figaro chú ý đến cuộc cải cách Công Ty Đường Sắt Quốc Gia (SNCF), trước cuộc họp hôm nay giữa thủ tướng Philippe và đại diện các nghiệp đoàn, được coi như một dấu hiệu hòa giải của chính phủ, sau khi các nghiệp đoàn từ chối làm việc với bộ trưởng Giao Thông.

Cũng như nhiều báo khác, chủ đề chính của Libération là một năm cầm quyền của tổng thống Pháp, tờ báo thiên tả chạy tựa : "Cánh hữu cuối cùng đã có được tổng thống của mình".

La Croix chú ý đến Liên hoan phim quốc tế Cannes khai mạc ngày mai. Tỉ lệ phụ nữ đạo diễn quá ít ỏi là mối lo ngại của báo. Trong 21 bộ phim tranh giải, chỉ ba phim là có nữ đạo diễn. Đây là một điều mà La Croix cho là hết sức nghịch lý, khi hơn một nửa học viên các trường điện ảnh là nữ giới.

Trọng Thành

(1) Nhà sử học Hélène Carrère d'Encausse, sinh năm 1929, có cha là người Gruzia, di cư sang Pháp, sau cách mạng 1917. Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp này cũng là viện sĩ người nước ngoài của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga. Bà Carrère d'Encausse là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về nước Nga, trong đó có cuốn "Đế chế Á-Âu : lịch sử về đế chế Nga từ 1552 đến hiện nay" (2005) và "tướng De Gaulle và nước Nga" (2017).

Published in Quốc tế

Trung Quốc muốn "số hóa" hạnh kiểm của người dân

Tạp chí tuần này, mỗi báo mỗi vẻ với những sự kiện thời sự rất khác biệt được quan tâm và nêu bật trên trang bìa.

sohoa1

Ảnh minh họa : Một góc phố nhỏ ở Bắc Kinh ngày 7/01/2018. Reuters/Thomas Peter

Thành bại của tổng thống Macron một năm sau khi bước vào điện Élysée được L’Express chú ý mổ xẻ. Le Point thì lại đặt trọng tâm lên thủ tướng Edouard Philippe với câu hỏi : "Phải chăng chính ông mới là sếp lớn thực sự ?" của nước Pháp. Riêng Courrier International đã nhìn lại 70 năm thành lập nước Israel, trong lúc L’Obs nêu ảnh hưởng các trang mạng trên chúng ta qua tựa đề : "Tất cả đều bị theo dõi" và nêu bên cạnh như một lời giải thích : "Những gì mà Facebook, Google biết về bạn".

Trung Quốc và chế độ chấm điểm mỗi người dân

Về Châu Á, L’Express dành 5 trang theo dõi một chuyển biến xã hội ở đất nước Trung Quốc có hơn một tỷ dân : Kiểm soát người dân bằng cách… cho điểm hạnh kiểm. Ngay trong dòng tựa trang Thế giới, tạp chí tóm gọn sự kiện qua 3 từ : "Rình mò, cho điểm, trừng phạt". Theo ghi nhận của L’Express, ngày càng có nhiều thành phố Trung Quốc nơi mà người dân bị cho điểm tùy theo hành động của họ. Và đấy chỉ là một bước đầu.

Mở đầu bài phóng sự dài cả 5 trang, tác giả Charles Haquet đưa người đọc đến thành phố ven biển Vinh Thành (Rongcheng), đông nam Trung Quốc, nơi mà loài thiên nga thường đến để trú lạnh. Nhưng thời gian gần đây, đổ về thành phố này là… dân tứ xứ. Trải nghiệm mà số 700.000 dân tại đây đang kinh qua rất đáng kinh ngạc và cũng vẽ lên cảnh tượng xã hội Trung Quốc có thể chuyển biến như thế nào.

Theo bài phóng sự, câu chuyện bắt đầu cách đây 4 năm, khi chính quyền địa phương thông báo cho người dân là họ sẽ bị đánh giá bằng cách cho điểm.

Mỗi người bước đầu nhân được 1000 điểm, số điểm đó trồi sụt như thế nào là do hành động của họ, và tiêu chí cho điểm khá chặt chẽ : giúp đỡ người thân, gia đình thì được 30 điểm, giúp hàng xóm, hoạt động từ thiện thì được thêm điểm cao hơn. Và tùy theo số điểm, người dân còn được xếp hạng, thấp nhất là D và cao nhất là AAA.

Đương nhiên là cho điểm, xếp hạng thì cũng kèm theo phần thưởng hay hình phạt : công dân gương mẫu, điểm cao, hạng cao, được nhiều thuận lợi như vay mượn ngân hàng dễ dàng, được bù một phần hóa đơn tiền điện, mượn xe đạp không cần thế chân… Ngược lại, những người có hành vi ‘xấu’, như lái xe lúc say rượu, bị mất điểm và bị xếp hạng thấp, hạng C chẳng hạn.

Vinh Thành hiện không phải là thành phố duy nhất cho điểm người dân, mà khoảng 30 dự án kiểu này đang được thực hiện ở Trung Quốc, ở các thành phố như Vũ Hán, Trịnh Châu (Zhengzhou), Lô Châu (Luzhou), Thượng Hải...

Tham vọng kiểm soát cả tỷ con người

Đây là cả một chương trình đầy cao vọng mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2014 : thiết lập trên bình diện cả nước một hệ thống đánh giá người dân, gọi là "tín nhiệm xã hội".

Mục tiêu chính thức được nêu lên là : chống gian lận, tham nhũng bằng cách tạo một "không khí xã hội mà các khế ước được tôn trọng và tái lập sự tin tưởng".

Năm 2014, chính quyền Trung Quốc công nhận là người dân đã mất niềm tin do những vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm, hàng giả…, không có lợi cho Đảng và Nhà Nước, cho nên đã muốn sửa chữa bằng cách tạo "một không khí, thói quen thành thật" qua phương thức cho điểm.

Trên bình diện kinh tế, theo bài phóng sự, thì chương trình này có nhiều điểm tốt, ví dụ như việc cấp tín dụng.

Ngân hàng Trung Quốc không có công cụ đánh giá rủi ro như các ngân hàng Âu Mỹ, cho nên rất yếu trên mặt cấp tín dụng, cấp rất dè xẻn ngay cả đối với giới kinh doanh, công nghiệp. Cho nên vấn đề cho điểm có thể hữu ích đối với các ngân hàng.

Với phương thức này, chính quyền cũng hy vọng các quyết định của tòa án sẽ được tôn trọng tốt hơn. Những người bị kết án về tội tài chính vốn thường lọt lưới, trong tương lai sẽ giảm đi, như các thử nghiệm đầu tiên ở nhiều thành phố cho thấy.

Nguyên tắc là những người ‘quên’ trả nợ, không thể đi xe lửa hay máy bay. Kết quả là từ năm 2014 có 6 triệu người bị cấm đi máy bay.

Kỹ thuật số phục vụ cho việc theo dõi người dân

Trước thành công này, chính quyền dự kiến mở rộng các ‘tội danh’ bị cấm du ngoạn kể từ mùng 1 tháng 5 này, trong đó có tội trốn thuế… hay không tôn trọng lệnh cấm hút thuốc quy định ở một số nơi.

Trong cách theo dõi để cho điểm, chính quyền Trung Quốc sử dụng công cụ tin học, công cụ kỹ thuật số nhạy bén của họ.Tòa án, bộ Nội Vụ chia sẻ các dữ liệu từ các sổ kết hôn, đến các giấy khai thu nhập. Chính quyền dựa trên các dữ liệu, lập danh sách những người không trả nợ, trả thuế, ở các nơi.

Nhiều công ty Trung Quốc hiện đầu tư nhiều vào lãnh vực thu thập, phân tích dữ liệu về khách hàng của họ, và nhà nước sử dụng tất cả những dữ liệu này.

Theo đánh giá của giới chuyên gia , như bà Mareike Ohlberg, viện nghiên cứu Mercator, Đức, thì trong mắt chính quyền Bắc Kinh, chế độ ‘tín nhiệm xã hội’ này là liều thuốc tiên trị bá bệnh của Trung Quốc. Nhưng hiện chỉ mới có những viên gạch đầu tiên ở một số nơi và từ đây đến năm 2020, sẽ ‘xây’ ở khắp Trung Quốc.

Bà Ohlberg nhìn thấy xã hội Trung Quốc sẽ thay đổi với chế độ ‘tín nhiệm xã hội’ này, tạo một hệ thống giai cấp mới.

Bài phóng sự trích lời chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, cho là trước đây, vào đầu thế kỷ 21 này, đầu những năm 2000, nhiều nhà quan sát phương Tây đã nhìn Internet, điện thoại di động là những công cụ giúp người Trung Quốc thoát khỏi ‘gọng kềm’, nhưng bây giờ, đó là công cụ giúp chính quyền ‘theo dõi’ họ, và chính quyền mạnh hơn nhiều so với cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Pháp François Godement, "xã hội Trung Quốc mong muốn sự an toànvà công nghệ học được xem như phương thức cho phép thiết lập ‘một xã hội của sự tin tưởng’ theo từ ngữ chính thức. Cho nên rất ít người phản đối khi chính quyền cho đặt camera nhận dạng họ".

Theo Lý Ngạn Hoành (Robin Li), người sáng lập ra mạng Baidu (hay Bách Độ), một công cụ tìm kiếm tương tự như Google, thì "nhiều người Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi dữ liệu cá nhân để lấy một số dịch vụ thuận lợi".

Hãy cẩn thận với Facebook, Google và đồng loại

Cũng liên quan đến vấn đề thu thập dư liệu cá nhân, tạp chí L’Obs trong hồ sơ chính đã lên tiếng báo động : "Tất cả mọi người đang bị theo dõi với Facebook, Google và những tập đoàn tin học khác".

L’Obs trích lời một kỹ sư của Google thừa nhân : "Nếu bạn biết những gì chúng tôi biết về người ta thì bạn sẽ kinh hoàng".

Phóng viên của L’Obs đã thử tìm hiểu dấu vết mà một số người đã để lại trên Facebook. Chẳng hạn khi xem xét tài khoản của chính lãnh đạo Facebook ở Pháp, Laurent Solly, nhà báo rất lý thú khám phá ra tuổi tác, nơi ở, quê quán, bậc phổ thông học ở đâu, tốt nghiệp các trường lớn nào, biết được số bạn bè, người thân hay quan hệ nghề nghiệp, ngành nghề của những người này… Quan điểm chính trị, sở thích phim ảnh sách báo của ông Solly cũng được phơi bày qua những ‘like’ của ông. Vợ con ông như thế nào cũng không thể giấu được.

Bên cạnh đó một phóng viên của L’Obs, Boris Nanenti, nêu lên nỗi kinh hoàng khi khám phá chi tiết về đời sống riêng tư của mình mà Facebook và Google, Amazon, Twitter… đã thu thập.

Boris biết là mình bị ‘nhận dạng’, nhưng không ngờ là đến mức chi tiết như vậy : anh đã thu về 62 giga octet thông tin về mình , nếu in ra sẽ là 37.000 trang ! Thông tin đựng trong 193 hồ sơ…

Trong thông tin thu về từ Facebook, Boris tìm thấy nào là ngày sinh tháng đẻ, những địa chỉ e mail trước, nào là các việc làm đã qua của ông, số điện thoại di động, các cô bạn gái cũ. Ông không ngờ là Facebook đã ghi lại hết, kể cả số 1072 mail giữ lại từ 2008, mặc dù ông đã xóa bỏ đi. Google cũng không thua kém, dấu vết Boris để lại khi tìm kiếm trên các trang Maps, Drive, hay YouTube đều bị lưu lại, dù ông sử dụng máy tính bàn ở phòng làm việc hay máy tính Mac cá nhân, điện Iphone… và các dữ liệu được lưu trữ từ năm 2007.

L’Obs còn chú ý đến các cửa hàng, siêu thị, cũng đang vây bủa, theo dõi khách hàng, thói quen mua sắm của họ qua các loại thẻ "ưu tiên", khách hàng "trung thành" hay những ứng dụng mua sắm.

Thậm chí hiện nay có tập đoàn Châu Âu Unibail-Rodamco đang thử nghiệm tại trung tâm thương mại So Ouest, ngoại ô Paris, một chương trình khuyến mãi với tiền thưởng rót thẳng vào tài khoản của bạn. Nhưng theo L’Obs, bạn phải thận trọng. Chương trình đánh vào tâm lý thích được thưởng và sự… thiếu cảnh giác, vì có đưa ra yêu cầu là khách hàng phải cho ID và mật mã truy cập vào tài khoản trên mạng. Mục tiêu đằng sau chương trình này còn là để xem tài khoản của bạn.

Hòa bình sắp trở lại bán đảo Triều Tiên ?

Trở lại với thời sự Châu Á, Courrier International đã dành một vị trí quan trọng cho Thượng đỉnh Liên Triều, ở hai trang đầu tạp chí, với hàng tựa : "Triều Tiên : bước đầu tiến đến hòa bình" và lời ghi nhận : "Sau thành công của thượng đỉnh Liên Triều , mọi con mắt đổ dồn về cuộc gặp Bình Nhưỡng Washington".

Courrier International trích dẫn tờ báo Hàn Quốc Kyunghyang Shinmun tỏ vẻ lạc quan : Định mệnh bán đảo đã qua khúc quanh lớn : Thượng đỉnh Liên Triều đã mở ra những chân trời mới cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo, cho hòa bình, cho quan hệ hai bên.

Tờ báo cảm thấy lạc quan về cuộc họp sắp tới giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un, với những sự kiện đang diễn ra : tổng thống Mỹ đã nhắc lại những lời lẽ trấn an trong lúc hai bên làm việc với nhau.

Courrier còn trích báo Sisa Journal ở Seoul, nhận xét về thái độ của Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh : "Tự nhiên, nhưng có chuẩn bị kỹ".

Theo tác giả O Chong-tak, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỏ vẻ thẳng thắn, tự tin, nhưng quan tâm đến hình ảnh của chính mình trong mắt người Bắc Triều Tiên.

O Chong-tak có vẻ phục tài ‘dàn dựng’ của Kim Jong-un trong cuộc gặp, và khen phong cách của ông, được tóm lược trong hai từ "bạo dạn" và "thẳng thắn". Nhà báo cũng nhắc lại rằng đây là lần đầu tiên mà thế giới có thể quan sát lâu như thế một nhà lãnh đạo khép kín mà đến nay người ta chỉ thấy thoáng qua trên đài truyền hình, và chỉ có thể đưa ra những phỏng đoán không mấy chính xác.

Nếu không khí bán đảo Triều Tiên có vẻ tiến bộ trên hồ sơ hạt nhân, Courrier International nhận thấy bước lùi ở một nơi khác trên hồ sơ này : Iran, nơi cũng đang khiến thế giới đau đầu với ý muốn của ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuân ký kết với Tehran. Courrier International nói đến một vụ "đánh cược phiêu lưu của ông Trump trên vấn đề hạt nhân Iran".

Bản chất thực sự của Emmanuel Macron là gì ?

Như đã nói ở trên, L’Express tuần này đã dành trang bìa cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Một trong những điểm mà tờ báo quan tâm là bản chất thực sự của vị tổng thống trẻ là gì.

L’Express ghi nhận : "Bản chất thực sự của tổng thống Macron vẫn là đề tài tranh luận. Ông là một nhà tiên tri sẽ làm thay đổi cuộc sống người Pháp hay là một ảo thuật gia chỉ biết nói tên bệnh tật nhưng không biết chữa. Nhìn mặt phải thì người đứng đầu Nhà Nước mong muốn và sẽ thay đổi cuộc sống của người Pháp. Còn nhìn mặt trái thì ông chỉ là một người giỏi nói suông, chứ không biết làm".

Tuần báo Pháp đã nêu bật ba phản ứng khác nhau của ba nhân vật cho thấy rõ các khó khăn trong việc nắm bắt con người thật của ông Macron. Jean-François Kahn, một nhà báo tên tuổi, đã phải "chào thua" người đã thực hiện được giấc mơ của ông là phá vỡ tình trạng phân cực tả hữu trong chính trường Pháp.

Xavier Bertrand, một chính khách cánh hữu có tiếng tăm, thoạt đầu rất phục ông Macron, nhưng giờ đây thì lại gay gắt chỉ trích một chính quyền "kỹ trị" và "gây chia rẽ". Jean Pisani-Ferry, nhà kinh tế học đã lên khuôn chương trình kinh tế của ông Macron, thì vừa tán dương, vừa phê phán khi cho rằng quyết tâm trong chính trị sẽ chỉ là con số không, nếu không làm cho xã hội chuyển động.

Chính Edouard Philippe mới là sếp lớn ?

Trong lúc L’Express chú ý đến tổng thống Macron, thì Le Point quan tâm đến thủ tướng Edouard Philippe trong một hồ sơ đặc biệt 15 trang về điều mà tuần báo gọi là "Tiểu vương quốc trong điện Matignon", tức phủ thủ tướng Pháp.

Cho dù đã đặt một câu hỏi rất khiêu khích ở trang bìa "Phải chăng thủ tướng mới thực sự là sếp lớn ?", Le Point đã nhanh chóng kết luận rằng, dù rất được ông Macron tin tưởng, ông Edouard Philippe vẫn chỉ là một thủ tướng theo đúng nghĩa được thể chế quy định, và hoàn toàn có thể bị mời ra khỏi điện Matignon một cách hoàn toàn trắng tay.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, thủ tướng Edouard Philippe không để cho ai qua mặt mình. Theo ông Christophe Castaner, phát ngôn viên chính phủ, một số bộ trưởng đã bị nhắc nhở khi liên lạc trực tiếp với phủ tổng thống mà quên thông qua điện Matignon.

Mai Vân

Published in Châu Á

Nguồn : RFI, 06/05/2018

Published in Video

Iran và Bắc Triều Tiên : Vì sao Hoa Kỳ nhất bên trọng, nhất bên khinh ?

Một năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Macron là chủ đề trang nhất nhiều báo Pháp.

iran1

Tổng thống Mỹ Donald Trum, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và giáo chủ Iran Khamenei - Ảnh chụp màn hình : Getty

"Macron năm 1 : Tái cấu trúc chính trị còn xa mới kết thúc", tựa lớn của Le Monde. La Croix với hồ sơ chính "Macron, một năm khẩn trương", điểm lại 10 cam kết lớn của tổng thống Pháp. Hồ sơ chính của Libération là : Chiến dịch bóp méo thông tin quy mô thế giới của Nga nhằm bảo vệ chế độ Damascus, trước cáo buộc dùng vũ khí hóa học. Trước hết xin giới thiệu bài Le Monde lý giải vì sao Mỹ tỏ ra rất mềm mỏng với Bắc Triều Tiên – được coi là sở hữu bom nguyên tử, trong lúc lại vô cùng khắc nghiệt với Iran, cho dù Tehran chưa làm chủ được thứ vũ khí đáng sợ này.

Bài bình luận "Lý lịch tư pháp" của nhà báo Alain Frachon trước hết ghi nhận Iran và Bắc Triều Tiên giống nhau ở một điểm. Đây là hai quốc gia có quá khứ "cách mạng", đang muốn thoát khỏi vị trí của những kẻ bị loại trừ khỏi "cộng đồng quốc tế".

Trong trường hợp Bắc Triều Tiên, khả năng này đang hiện rõ. Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un vừa có cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc, hai bên cam kết hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc gặp sắp tới với tổng thống Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải cho biết sẽ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân với các điều kiện cụ thể nào. Đàm phán hứa hẹn sẽ không đơn giản, nhưng cuộc gặp với tổng thống Mỹ ít nhất cũng đem lại một lợi thế trước mắt cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, quốc gia từng bị Washington thời tổng thống Bush xếp vào "Trục tội ác".

Ngược lại, ngày 12/5 tới, có rất nhiều khả năng chính quyền Mỹ sẽ quyết định "rời khỏi" thỏa thuận hạt nhân với Tehran, được ký kết hồi 2015, giữa Iran với 6 cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ. Việc Washington rời bỏ thỏa thuận mở đường cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một viễn cảnh nguy hiểm với thế giới.

Kim Jong-un sẵn sàng chia tay với di sản ý thức hệ

Vì sao Hoa Kỳ trong cùng vấn đề vũ khí nguyên tử lại có thái độ đối xử nhất bên trọng, nhất bên khinh như vậy ? Nhà báo Le Monde nhấn mạnh đến thái độ rất khác biệt giữa hai chính quyền Bắc Triều Tiên và Iran.

Để đi đến một thỏa thuận hòa bình với Mỹ, đại diện thế hệ thứ ba của triều đại nhà Kim đã phải chấp nhận từ bỏ nhiều di sản quan trọng trong truyền thống ý thức hệ cứng rắn của Bắc Triều Tiên. Đây là những điều mà bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng ròng rã nhắc đi nhắc lại hàng chục năm nay.

Có hai điều hệ trọng mà chế độ Bắc Triều Tiên buộc phải từ bỏ để có thể có được hòa bình với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Thứ nhất là Bình Nhưỡng phải thừa nhận sự tồn tại của Seoul, thừa nhận tính hợp pháp của Nhà nước Nam Triều Tiên. Sử gia Kathryn Weatherby – trên tờ Financial Times 28 và 29/04 – nhắc lại là : trong tấm bản đồ chính thức của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, chỉ có một nước Triều Tiên duy nhất. Đối với người miền Bắc, thừa nhận hòa bình với miền Nam có nghĩa là Bình Nhưỡng chấp nhận "mất một nửa diện tích quốc gia".

Điều nhân nhượng lớn thứ hai của chế độ Bắc Triều Tiên là từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều đã được ghi trong Hiến Pháp.

Iran khư khư bám lấy "truyền thống cách mạng"

Tình hình của Iran là khác hẳn. Trái ngược với thái độ sẵn sàng từ bỏ một phần di sản ý thức hệ quá khứ của Bình Nhưỡng, chính quyền Tehran công khai đe dọa các nước láng giềng. Gần đây nhất, giáo chủ Iran Ali Khamenei hứa hẹn sẽ "kết liễu" vương quốc Saudi Arabia. Israel cũng là đối tượng "tiêu diệt" của Iran. Tehran lấy "tinh thần chống Mỹ làm yếu tố chủ chốt của bản sắc Iran".

Nhà bình luận của báo Le Monde thừa nhận "lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên đã có thái độ "tự tin", sẵn sàng "mạo hiểm đi ngược lại các tín điều nền tảng của chế độ", với cái giá phải trả là chế độ "có thể bị lung lay", với mục tiêu mở cửa kinh tế. Ngược lại, chế độ thần quyền và các phần tử cứng rắn của Iran lại khư khư bám lấy "truyền thống cách mạng", chọn thái độ cố thủ, bởi sợ hãi trước "xu thế mở cửa".

Bắc Triều Tiên : Trung Quốc lo bị gạt ra rìa

Vẫn liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde  chú ý đến phản ứng từ Trung Quốc. Lo ngại bị gạt sang bên lề, đầu tháng này, Bắc Kinh cử ngoại trưởng đến Bình Nhưỡng, lãnh đạo ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên từ hơn 10 năm nay. Tuyên bố chung của hai lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên hôm 27/04, về khả năng Trung Quốc có thể không được tham dự vào cuộc đàm phán ba bên giữa Seoul, Bình Nhưỡng, và Washington, khiến Bắc Kinh phải "nghiến răng giận dữ".

Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan phát ngôn cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh khẳng định : "Hoàn toàn không thể có được một thoả thuận phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, mà lại không có sự tham gia của Trung Quốc".

Chiến dịch tin giả về "vũ khí hóa học" : Nga vừa la làng, vừa phá hoại

"Chiến dịch tung tin giả của Nga" sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Syria nhắm vào một khu vực của phe nổi dậy cách nay một tháng là chủ đề chính của Libération hôm nay.

Hố sơ "Vũ khí hóa học : Nga chôn vùi chất độc" điểm lại các hành động loan "tin giả" của Nga kể từ khi "vụ tấn công" được phát giác hôm 07/05, thông qua các kênh truyền thanh trung thành với Kremlin, là Russia TodaySputnik, cũng như do một số giới chức trực tiếp đưa ra.

Phản ứng của Nga, sau khi bác bỏ các cáo buộc nhắm vào đồng minh Damascus, là yêu cầu "một cuộc điều tra quốc tế". Vấn đề là trước đó, hồi tháng 11/2017, chính Moskva đã phá hủy cơ chế điều tra về vũ khí hóa học "duy nhất" còn tồn tại, với việc không chấp nhận gia hạn cho JIM (Joint Investigative Mechanism) (điều tra do OIAC - Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học - chỉ có mục tiêu xác định có chất độc được sử dụng hay không, chứ không nhắm tìm thủ phạm). 

Đây là một cơ chế được lập ra năm 2015, sau một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Tham gia JIM có các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và OIAC. Để bảo đảm tính không thiên vị, cơ chế này không bao gồm các chuyên gia, công dân các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An. JIM do một nhà ngoại giao Guatemala đứng đầu.

Chính các cuộc điều tra trong khuôn khổ JIM, hồi tháng 9/2016, đã đưa ra kết luận chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học ít nhất hai lần, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo một lần. Một năm sau đó, một cuộc điều tra của JIM kết luận là chế độ Assad dùng khí độc sarin tấn công tại Khan Cheikhoun.

Thái độ lá mặt, lá trái của Donald Trump

Cũng về tính cách lá mặt, lá trái trong truyền thông, nhưng tại Hoa Kỳ, Les Echos có bài tố cáo thái độ mập mờ của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một thông điệp trên Twitter mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận việc một luật sư của mình đã trả khoản tiền hơn 100.000 nghìn đô la cho một nữ tài tử phim khiêu dâm, để mua lấy sự im lặng của cô, hồi năm ngoái, trong thời gian tranh cử tổng thống. Cô đào khiêu dâm mang nghệ danh Stormy Clifford được biết là người tình qua đêm của Donald Trump hồi 2006-2007. Trước thông điệp trên Twetter nói trên, ông Trump liên tục bác bỏ chuyện này.

Nhân vụ việc này, Les Echos dẫn lại thông tin của cơ sở thẩm tra dữ liệu The Fact Checker, theo đó, tổng thống Mỹ có thể đã tung ra đến 3.001 tuyên bố sai hoặc giả dối kể từ khi vào Nhà Trắng, có nghĩa trung bình là 6,5 tin bịa một ngày. Cho dù con số kinh hoàng nói trên là khó thẩm định, nhưng theo Les Echos, cải chính vừa qua của ông Donald Trump về vụ rót tiền cho cô đào phim X ắt hẳn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thông tin bịa đặt của tổng thống Mỹ.

Một năm cầm quyền của Macron

Về một năm cầm quyền của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, La Croix có bài xã luận mang tựa đề "Chặng leo núi năm đầu tiên", ghi nhận : "Hiện tại còn quá sớm để đưa ra nhận định sơ bộ".

Về mặt đối ngoại, "nước Pháp đã tìm lại được tiếng nói trên trường quốc tế". Nhưng hiện tại, nguyên thủ Pháp chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nào, trên bình diện ngoại giao, cũng như tài chính, nên chúng ta cần phải chờ xem.

Về ấn tượng lớn nhất trong lĩnh vực đối nội, đó là "cường độ và nhịp độ của các cải cách từ một năm nay. Vị tổng thống trẻ tuổi, gần như ngay hôm sau khi nhậm chức đã lập lại quyền uy của tổng thống, điều mà hai người tiền nhiệm đã làm cho sứt mẻ… Nhiều cải cách quan trọng đã được khởi sự", trong chính trị, giáo dục, luật lao động, chế độ thuế… Theo La Croix, cần phải hoan nghênh các nỗ lực cải cách của tổng thống Pháp, hơn là kìm hãm lại. Tờ báo công giáo dùng hình ảnh "đoàn người leo núi cùng bám theo một sợi dây" để nhấn mạnh là số phận cùng hội, cùng thuyền của tất cả mọi người Pháp, với người dẫn đầu là tổng thống Macron.

La Croix lưu ý là "nghĩa vụ của tổng thống là bảo đảm sự gắn bó của toàn thể dân tộc, để làm sao cho bước tiến lên của một số người cũng sẽ giúp cho người khác cùng tiến theo. Đây là điều cần tiếp tục trong những năm tới".

Chi phí công : Gần 80% người Pháp muốn cắt giảm

Cũng về kinh tế Pháp, Les Echos giới thiệu thăm dò dư luận cho biết, gần 80% người Pháp đồng ý với chủ trương giảm chi phí công, được coi là phương tiện chủ yếu để giảm nợ nói chung của nước Pháp. 51% người trả lời cho là khẩn cấp. Tuy nhiên, hiện tại không có sự đồng thuận về lĩnh vực nào cần được ưu tiên giảm trước.

Trong khi đó, theo đông đảo người trả lời điều tra, chi phí công trong nhiều lĩnh vực căn bản được đánh giá là không đủ, cụ thể như giáo dục (58% cho là không đủ), việc làm (61%), hay y tế (66%), và ngay cả an ninh (53%) hay nhà cửa (49%). Les Echos có bài xã luận lưu ý, tiết kiệm là rất cần thiết, nhưng không thể hy sinh những lĩnh vực phục vụ cho tương lai, đặc biệt là giáo dục.

Nghệ thuật Châu Phi : Pháp dự định hoàn trả các hiện vật

Trong lĩnh vực văn hóa, báo Libération dành nhiều trang cho chủ đề các di sản nghệ thuật Châu Phi, sau tuyên bố mới đây của tổng thống Pháp, trao lại cho Châu Phi các tác phẩm nghệ thuật, bị lấy đi từ hồi thực dân, và hiện đang được lưu giữ tại Pháp.

Libération hoan nghênh sáng kiến này, tạo một cơ hội giúp cho quan hệ giữa Châu Phi và Châu Âu có một bước phát triển mới. Nhưng vấn đề đầu tiên là phải lập danh sách các di sản hiện vật mà các bảo tàng Pháp lưu giữ. Điều đáng mừng, theo Libération, là sáng kiến của tổng thống Macron không bị giới bảo tàng tại Pháp phản đối, cho dù về mặt luật pháp, các di sản một khi đã được đưa vào bảo tàng, sẽ khó có thể hoàn trả.

"Món nợ sinh thái" ngày càng nặng

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos có bài "Món nợ sinh thái vẫn luôn vô cùng lớn", lưu ý là kể từ ngày mai 5/5, nước Pháp bắt đầu ăn lạm vào tài nguyên thiên nhiên.

"Món nợ sinh thái" là một diễn đạt mang tính biểu tượng để nói đến tình trạng tiêu thụ tài nguyên vượt quá khả năng tái tạo của tự nhiên. Không chỉ nước Pháp, mà tất cả các nước Châu Âu và các nước phát triển thuộc khối OCDE đều mắc nợ sinh thái rất nặng. Nhìn chung, để duy trì mức sống hiện nay, ước tính phải có 1,7 Trái đất mới đủ.

Cam kết 100 tỉ cho khí hậu : Các nước giàu bị tố nuốt lời

Bên cạnh vấn đề tài nguyên là tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng cao, khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng. Le Monde báo động việc các nước giàu gần như thúc thủ trong việc huy động khoản tiền 100 tỉ đô la đã cam kết để trợ giúp các nước nghèo về khí hậu.

Ngân sách 100 tỉ một năm kể từ 2020 là một trong các cam kết cơ bản của cộng đồng quốc tế, được đưa ra hồi 2015. Và đây được coi là mức đóng góp tổi thiểu. Thế nhưng, hôm qua, 03/05, tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam công bố một báo cáo cho thấy, tổng mức đóng góp thực sự chỉ là 48 tỉ, trong đó chỉ có 16 đến 22 tỉ là thực sự giúp các nước nghèo đối phó với khí hậu, bởi có nhiều dự án tài trợ, mà khí hậu chỉ là một phần chi phí.

Báo cáo của Oxfam mang tên "2018 : Các con số thực sự cho tài chính khí hậu" có nguy cơ khiến các định chế quốc tế liên quan đến Công Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (CCNUCC) mất uy tín nghiêm trọng. Theo Oxfam, thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển, kể từ 2050 ước tính 1.000 tỉ đô la/năm, cho dù nhiệt độ Trái đất không vượt quá 2°C.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Chuẩn bị tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc đã chuẩn bị kế hoạch tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên và mong muốn được các định chế tài chính đa quốc gia giúp đỡ. Seoul trông cậy vào Ngân Hàng Thế Giới (do một người Mỹ gốc Hàn lãnh đạo) và đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IMF (cũng là một người Hàn Quốc).

taithiet1

Bến bờ sông Áp Lục, phía Bắc Triều Tiên. Ảnh 19/11/2017. Reuters/Damir Sagolj

Trên các tờ báo ở Paris ngày 03/05/2018, cuộc "Cách mạng nhung" tại Armenia, chuyến công của tổng thống Macron đến Nouvelle Calédonie dư âm bạo động tại Pháp thôm Lễ Lao Động 1/5 là những đề tài chiếm nhiều trang.

Nhưng trước hết xin được được điểm bài viết trên Le Monde liên quan đến những cuộc vận động hậu trường chuẩn bị cho việc tái thiết kinh tế Bắc Triều Tiên. Bài báo của Sylvie Kauffmann mang tựa đề "Trong khi chờ đợi giải Nobel của Trump".

Từ sau thượng đỉnh Liên Triều ngày 27 tháng Tư ở Bàn Môn Điếm giữa hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, thời sự trong khu vực trở nên dồn dập hơn bao giờ hết.

Từ Washington, tổng thống Hoa Kỳ nói tới một thượng đỉnh lịch sử sắp mở ra trong "ba hay bốn tuần" nữa giữa ông và Kim Jong-un. Tại đông bắc Á, Seoul thông báo thượng đỉnh ba bên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc về Bắc Triều Tiên vào tuần tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố Donald Trump "xứng đáng" để được trao giải Nobel Hòa Bình. Ở Nhà Trắng, tổng thống Mỹ tỏ thái lộ khiêm tốn hiếm thấy khi xác định ưu tiên của ông là mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Ai hỗ trợ Hàn Quốc tái tiết Bắc Triều Tiên ?

Ở hậu trường, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đã ráo riết chuẩn bị cho giai đoạn "tái thiết"Bắc Triều Tiên. Theo tiết lộ của tác giả bài báo, tại Bàn Môn Điếm vừa qua, tổng thống Hàn Quốc đã tặng lãnh đạo Bắc Triều Tiên khóa USB trong đó có một hồ sơ mang tên "Kế hoạch kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên".

Đó là cả một công trình đồ sộ, là một thách thức vô cùng to lớn. Trước mắt, chưa ai biết được những nỗ lực ngoại giao sẽ đem lại những kết quả nào, nhưng các chuyên gia Hàn Quốc và quốc tế chắc chắn một điều, là trong trường hợp tình trạng bế tắc được tháo gỡ, thì tất cả phải "sẵn sàng". Ba ngày sau thượng đỉnh Liên Triều, bộ Thương Mại Hàn Quốc đã đề xuất nhiều kế hoạch hợp tác cụ thể, áp dụng được ngay một khi các biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên được dỡ bỏ.

Không một ai nói tới tiến trình thống nhất đất nước. Seoul đã quan sát và học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của Đông và Tây Đức xưa kia. Đó là giải pháp vô cùng tốn kém mà Hàn Quốc không sẵn sàng gánh vác.

Nhưng ai sẽ cùng với Seoul giúp Bắc Triều Tiên phát triển ? Mọi người đều nhìn về phía các định chế đa quốc gia. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB bị cho là quá thân Tokyo. Còn AIIB, Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, bị coi là quá thân Bắc Kinh. Vì những lý do chính trị, cả hai không thể tham gia tái thiết Bắc Triều Tiên. Còn lại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới WB.

Đứng đầu Ngân Hàng Thế Giới là ông Jim Yong-kim, một người Mỹ gốc Hàn. Thân phụ ông từ Bắc chạy vào Nam. Jim Yong-kim sinh ra ở Seoul, nhưng đã sớm theo gia đình đến định cư tại bang Iowa, Hoa Kỳ. Hơn ai hết, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới biết rõ là về mặt kinh tế, Bắc Triều Tiên "phải xây dựng tất cả lại từ đầu", từ hệ thống điện lực đến nông nghiệp, y tế, cầu đường... Tất cả các lĩnh vực đó hoàn toàn thuộc về khả năng và chức năng của WB.

Về phía Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, lãnh đạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IMF là một người Hàn Quốc. Chắc chắn là ông Chang Yong-rhee sẽ đại diện cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cho dù nhiệm vụ không dễ hoàn thành.

Trung Quốc - Ấn Độ, đồng minh bất đắc dĩ

Thượng đỉnh Liên Triều hôm 27 tháng Tư làm lu mờ một cuộc thượng đỉnh khác quan trọng không kém diễn ra tại Vũ Hán giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ.

Với Les Echos, sự kiện này quan trọng không kém, bởi Bắc Kinh và New Delhi tạm gác sang một bên tranh chấp lãnh thổ và "mở ra một chương mới" trong quan hệ song phương.

Trung Quốc và Ấn Độ tìm đồng thuận trên một hồ nhạy cảm, thường xuyên là cái gai trong bang giao giữa hai nước lớn ở khu vực là điều đáng mừng. Nhưng tờ báo ví von : Bắc Kinh và New Delhi xích lại gần nhau cũng giống như là "cá chép chơi với thỏ". Kẻ dưới nước, người trên cạn, hợp tác với nhau sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Chế độ độc tài Trung Quốc và nền dân chủ Ấn Độ khó có thể cùng xây dựng chung một tương lai. Nhưng trước mắt, vì tình thế đẩy đưa, hai quốc gia này bắt buộc phải làm hòa với nhau.

Bắc Kinh thân thiện với New Delhi vì Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa mở một cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, Ấn Độ đang trong giai đoạn "tuần trăng mật" với Hoa Kỳ. Còn thủ tướng Narendra Modi, trước viễn cảnh bầu cử 2019, hiểu rõ hơn ai hết là lục đục với nước láng giềng Trung Quốc chẳng có lợi gì. Đặc biệt là trong bối cảnh những hứa hẹn cải thiện kinh tế cho nước nhà chậm mang lại kết quả và các chương trình phát triển, các biện pháp cải tổ dậm chân tại chỗ. Về thực chất, "Ấn Độ và Trung Quốc là những đối thủ của nhau hơn là những đối tác".

Trung Quốc vẫn không quên rằng sau khi đắc cử năm 2014 ông Modi đã dành chuyến công du ngoại quốc đầu tiên đến Tokyo. Ấn Độ và Nhật Bản sau đó đã từng bước xây dựng dự án"Con Đường Tự Do" để làm đối trọng với tham vọng "Con Đường Tơ Lụa" thể kỷ XXI của ông Tập Cận Bình. Đây là một dự án mà tới nay Ấn Độ chống đối mạnh mẽ vì nhiều lý do địa chính trị liên quan đến từ vùng lãnh thổ Cachemire, do Pakistan quản lý nhưng Ấn Độ khẳng định là thuộc chủ quyền của mình, cho đến mối liên kết chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Islamabad và cả với chính quyền Colombo ở Sri Lanka. Ấn Độ trông thấy dự án Con Đường Tơ Lụa là những ngả đường cho Trung Quốc ra Ấn Độ Dương, điều mà New Delhi không mong muốn.

Les Echos kết luận : Con đường mà Bắc Kinh và New Delhi cùng hướng tới sẽ nhanh chóng rẽ sang hai hướng khác nhau, nhất là khi mà Washington lôi kéo Ấn Độ vào câu lạc bộ 4 bên mà hiện nay, ba nên dân chủ khác là Mỹ, Nhật và Úc đã là những thành viên.

Armenia, "niềm tin vững chắc trên những nền tảng mong manh"

Về thời sự Châu Âu, phần trang quốc tế các tờ báo trong ngày chú ý nhiều tới diễn biến tại Armenia : áp lực của đường phố rốt cuộc mở đường cho lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian lên cầm quyền. Le Figaro phác họa lại chân dung của "cả một thế hệ các nhà đấu tranh ở Armenia đã đẩy cựu tổng thống Serge Sarkissian ra khỏi guồng máy quyền lực". Sau nhiều lần thất bại, phong trào đối lập này đã chọn con đường đấu tranh bất bạo động và giải pháp này đã dẫn tới thành công.

Libération nói tới sức mạnh xuất phát từ "Quyết tâm của quần chúng". Trên đường phố Erevan, thủ đô Armenia, già trẻ lớn bé đều tin chắc là Pachinian sẽ chính thức được chỉ định làm thủ tướng, và ông sẽ đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước này. Nhưng cũng Libération trích lời một chuyên gia về Armenia cho rằng việc Quốc hội chỉ định lãnh đạo đối lập làm thủ tướng sẽ chỉ là "điểm khởi đầu mở ra một con đường đầy chông gai để đưa Armenia trở thành một nền dân chủ thực thụ".

Có thể nói là cuộc cách mạng nhung ở Armenia thành công, nhưng thắng lợi đó được xây dựng trên những nền tảng còn "mong manh". Bởi theo như ghi nhận của nhật báo La Croix, đợt biểu quyết ngày mồng 8/05/2018 sẽ mang tính quyết định : Quốc hội là định chế duy nhất còn do đảng đang cầm quyền kiểm soát. Phần lớn các đại biểu là các doanh nhân giàu có là các nhà kỹ trị và các chính trị gia giàu kinh nghiệm. Có rất nhiều người trong số này sợ mất hết những đặc quyền đặc lợi, một số khác có vẻ sẵn sàng hợp tác với ông Nikol Pachinian với hy vọng cứu vãn được một phần sự nghiệp của họ.

"Exit tax", Macron là tổng thống của thành phần rất giàu có ?

Mọi thông báo thay đổi bất kỳ điều gì tại Pháp đều gây nhiều tranh cãi. Tuyên bố của tổng thống Macron trên tạp chí Forbes của Mỹ về quyết định bãi bỏ thuế được gọi là "Exit tax"không là một ngoại lệ.

Trước khi bình luận, Libération nhắc lại với độc giả : "Exit tax" là một loại thuế được ban hành vào năm 2011 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy cánh hữu và đã được người kế nhiệm François Hollande củng cố thêm. Mục tiêu đề ra nhằm tránh để những người rất giàu, vì muốn đóng thuế ít hơn, di dời cơ sở ra nước ngoài.

Tờ báo thiên tả này cho rằng đây là một bằng chứng mới cho thấy Emmanuel Macron là vị tổng thống bảo vệ quyền lợi của những người giàu có nhất.

Le Figaro thiên hữu không bênh, không chống, mà chỉ đưa ra nhận xét : trong 6 năm qua, chính phủ chỉ thu về được một số tiền rất nhỏ là 100 triệu euro từ loại thuế này. Một biện pháp không mang lại kết quả mong muốn.

Dưới nhãn quan của nhật báo kinh tế Les Echos, trong logic của tổng thống Macron điều hành nước Pháp như một công ty khởi nghiệp, một "start up nation", thì đây là một quyết định hợp lý. Để Pháp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư thì cần xóa bỏ những biện pháp mang tính ràng buộc. Có như vậy các doanh nhân Pháp và nước ngoài mới hăng hái đầu tư trên quê hương của Victor Hugo.

Ô nhiễm không khí, kẻ sát thủ thầm lặng

Theo báo cáo mới nhất của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hàng năm 7 triệu người trên hành tinh thiệt mạng do ô nhiễm không khí. Le Figaro gọi bụi siêu nhỏ gây ô nhiễm không khí là những "kẻ giết người trong sự im lặng".

Chúng luồn sâu vào lá phổ, và tim mạch và cứ âm thầm ra tay. Hiện tại 90 % nhân loại phải hít thở không khí bẩn. Cairo ở Ai Cập, Bắc Kinh và New Delhi là những nơi mà mức độ ô nhiễm cao gấp 5 lần so với chuẩn mực của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Nhật Bản Philippines và Việt Nam cũng là những quốc gia bị "ô nhiễm nghiêm trọng".

Vậy thì làm sao để kéo dài tuổi thọ ?

Cũng Le Figaro căn cứ trên một nghiên cứu của Mỹ, đưa ra 5 bí quyết đơn giản để sống lâu thêm được từ 12 đến 14 năm : không hút thuốc lá ; không uống quá 15 g rượu mỗi ngày nếu là phụ nữ, 30 g nếu là đàn ông ; tập thể dục 30 phút mỗi ngày ; giữ gìn để không quá mập mà cũng không quá gầy ; ăn uống điều độ, ăn nhiều cá và hoa quả, giảm bớt lượng muối và kể cả thịt đỏ hay đồ ăn chế biến công nghiệp.

Để tìm hiểu thêm về bí quyết sống lâu, mời quý thính giả tìm đọc bài nghiên cứu do trường đại học Harvard của Mỹ thực hiện và kế quả được công bố trên tạp chí Circulation.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Hất phương Tây, Trung Quốc sải bước tại Châu Phi

Trung Quốc ngày càng hiện diện đông đảo tại Châu Phi. Trong vòng có vài năm, Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại đây.

phichau1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pretoria dự thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi. Ảnh chụp ngày 02/12/2015. Reuters/Sydney Seshibedi

Trong chiến dịch chinh phục lục địa này, Trung Quốc không sao nhãng bất kỳ yếu tố nào trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng, từ kinh tế, chính trị, quân sự, chiến lược cho đến cả văn hóa. Les Echos ngày 02/05/2018 có bài nhận định đề tựa "Trung Quốc - Châu Phi : Chính sách sải bước".

Tháng Ba năm 2018, tổng thống Benin đã đề nghị tập đoàn Pháp Bolloré rút ra khỏi dự án 3000 km đường sắt nối liền nước này với các nước láng giềng. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Challenges, tổng thống Benin cho biết ông muốn một dự án hiện đại và trên mọi phương diện, chỉ có Trung Quốc đủ khả năng thực hiện dự án lớn như vậy. Trung Quốc có các phương tiện tài chính cần thiết và đã tỏ rõ có khả năng công nghệ.

Benin không phải là trường hợp duy nhất muốn Trung Quốc thực hiện các dự án. Ngày càng có nhiều nước làm như vậy. Các biển thông báo, quảng cáo xây dựng bằng tiếng Hoa hiện diện khắp nơi ở Châu Phi. Theo công ty tư vấn McKinsey, khoảng 10 ngàn doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn đầu tư tại Châu Phi và kiểm soát 50% các dự án lớn của Châu lục này. Ngay cả các dự án hạ tầng cơ sở do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tài trợ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thắng thầu tới 40%. Theo một quan chức Châu Phi, Trung Quốc thường xuyên thực hiện các dự án rẻ hơn 40% so với các đối tác khác.

Trong vòng chưa đầy 20 năm, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng hơn 10 lần, đạt mức 188 tỷ đô la trong năm 2015, cao hơn ba lần so với tổng trao đổi thương mại giữa Châu Phi với Ấn Độ, Pháp, và Hoa Kỳ cộng lại. Đầu tư tăng từ 1 lên đến 35 tỷ đô la và trong năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ vào các dự án hạ tầng cơ sở Châu Phi.

Về quân sự, Trung Quốc chọn Djibouti là nơi lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Về văn hóa, khoảng năm chục viện Khổng Tử được đặt tại Châu Phi. Ngày càng có nhiều sinh viên Châu Phi sang Trung Quốc với học bổng do Bắc Kinh cung cấp. Sang làm việc tại Châu Phi một thời gian là một trong những điều kiện bắt buộc đối với đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Công ty McKinsey nhấn mạnh : không một nước nào có thể so sánh được với Trung Quốc về mức độ thâm nhập sâu và rộng như vậy vào Châu Phi.

Trung Quốc - Châu Phi : Mối quan hệ lâu đời

Theo Les Echos, thực ra, quan hệ Trung Quốc - Châu Phi không phải là mới. Gần một thế kỷ trước khi phương Tây tới đô hộ Châu Phi, đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He), vào thế kỷ 15, đã tới bờ đông Châu Phi, cùng với 200 thuyền, 27.000 người, bao gồm thủy thủ, thầy thuốc, nhân sĩ, nhà chiêm tinh… Đó là quốc gia đầu tiên đến làm ăn tại Châu Phi.

500 năm sau, tại hội nghị các nước không liên kết ở Bandung (Indonesia) năm 1955, Trung Quốc ủng hộ các phong trào đấu tranh chống thực dân, đòi độc lập tại Châu Phi. Đó cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới làm việc này. Để trả ơn, các nước Châu Phi đã nỗ lực ủng hộ việc Trung Quốc thay thế Đài Loan, trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc vào năm 1971.

Trung Quốc và Châu Phi gần gũi nhau không phải chỉ vì hệ tư tưởng mà còn vì lợi ích kinh tế. Châu Phi cung cấp nguyên nhiên liệu. Đổi lại, các "thiên tử" xây dựng cầu, cảng, đường bộ, đường sắt cho Châu Phi, với quy mô và mức độ chưa từng thấy. Theo một kinh tế gia thuộc công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, thì "trong giai đoạn 2007-2010, thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng thì Trung Quốc đã không quên Châu Phi".

Với dự án Con Đường Tơ Lụa, Trung Quốc muốn vượt qua một giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, xuất khẩu kỹ năng, công nghệ để khai thác các dự án cho chính Trung Quốc xây dựng. Giới chuyên gia nói đến một "kế hoạch Marshall" của Trung Quốc cho Châu Phi, nhưng kế hoạch này to lớn gấp 10 lần so với kế hoạch mà Hoa Kỳ đã giúp Châu Âu trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : "Bắc Kinh không muốn lỡ cuộc chơi"

Đây là tựa một bài nhận định trên Les Echos. Những đột phá về ngoại giao của Bắc Triều Tiên đang làm cho Trung Quốc đứng ngồi không yên. Lo sợ bị gạt ra khỏi "cuộc chơi Triều Tiên", chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên trong 11 năm qua đã vội vã cử ngoại trưởng Vương Nghị đến Bình Nhưỡng.

Theo nhận định của thông tín viên Les Echos từ Tokyo, sự việc cho thấy Bắc Kinh đã lo lắng đến dường nào nên đã nhanh chóng thắt chặt lại quan hệ với "đồng minh xã hội chủ nghĩa", vào lúc mà Hoa Kỳ và Hàn Quốc dường như đang dẫn dắt nhịp độ của lịch sử trên bán đảo Triều Tiên, đang hồi tăng tốc.

Trên thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ đoạn tuyệt bang giao với Bình Nhưỡng, nhưng các trao đổi thương mại với quốc gia láng giềng "khó bảo" này đã giảm đi đáng kể. Trung Quốc lên án chế độ Bắc Triều Tiên làm suy yếu thế cân bằng trong khu vực, khi liên tục gia tăng các hành động khiêu khích quân sự.

Các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đã khiến cho Bắc Kinh khó chịu. Trung Quốc đã không ngần ngại bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ đề xướng tại Liên Hiệp Quốc. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên, trong đó 90% là với Trung Quốc vì thế đã sụt giảm mạnh trong năm 2017.

Giờ đây, sau khi đã chứng tỏ khả năng gây ảnh hưởng, Trung Quốc bắt đầu e ngại một thế cân bằng mới, có nguy cơ đi ngược với những lợi ích dài hạn của mình, sẽ được vạch ra trên bán đảo Triều Tiên mà không mang dấu ấn của Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh không những muốn duy trì chế độ độc tài hiện nay mà thậm chí còn đi xa hơn cả mong muốn của Kim Jong-un là muốn giảm bớt năng lực quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời muốn chắc chắn là chủ đề này sẽ được chính lãnh đạo Kim Jong-un đề cập đến trong cuộc gặp với Donald Trump tới đây.

Bán đảo Triều Tiên : hòa bình trước, thống nhất sau

Cũng liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn nhà văn Hwang Sok-Yong từng sống định cư ở Mỹ. Nay ở tuổi 75, ông tỏ ra lạc quan cho tương lai bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều vừa qua.

Tuy nhiên, nhà văn Hwang Sok-yong cho rằng để cho tuyên bố Bàn Môn Điếm có thể thành hiện thực, cần phải có sự bảo đảm của cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc. Chính định chế quốc tế này đã ủy nhiệm cho Hoa Kỳ đưa quân đội can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Do đó, Liên Hiệp Quốc phải tiếp tục đảm nhận trách nhiệm cho đến cùng. Nghĩa là, Liên Hiệp Quốc, hai miền Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ những bên có tham gia cuộc chiến phải tham gia ký kết hiệp ước hòa bình nếu có.

Vẫn theo nhà văn, giờ chưa phải lúc để bàn đến thống nhất bán đảo, điều mà ông đã ngừng đề cập đến từ 10 năm nay. Ông Hwang cho rằng giờ là lúc nên nghĩ đến việc thiết lập một nền hòa bình cho bán đảo. Đó mới chính là điều quan trọng nhất, là con đường để dẫn đến ký kết một hiệp ước. Bán đảo Triều Tiên cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp. Và khi ấy người ta mới có thể nhắm đến việc thiết lập bang giao hữu nghị giữa hai miền nam-bắc.

Năm 2017 : Thế giới chi gần 1.740 tỷ đô la cho quốc phòng

Số liệu thống kê này do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm công bố ngày 02/05/2018. Tính trung bình "Thế giới chi 230 đô la/người/năm để trang bị vũ khí", tức chiếm khoảng 2,2% tổng sản phẩm quốc gia (GNP), tăng 1,1% so với giai đoạn 2016-2017. Đây chính là tổng số tiền các quốc gia đã chi ra trong năm vừa qua để bảo dưỡng, đào tạo và trang bị quân đội của mình, cũng như để tài trợ cho các chiến dịch can thiệp bên ngoài lãnh thổ.

Căng thẳng và xung đột gia tăng trên thế giới (chủ yếu tại vùng Vịnh và Châu Á), cuộc chiến chống khủng bố trong và ngoài nước, cuộc chiến chống "tin tặc" và nhu cầu hiện đại hóa quân sự đã buộc nhiều nước tăng ngân sách cho quốc phòng.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Nian Tian, viện Sipri, "có sự chuyển dịch chi tiêu quân sự từ vùng Châu Âu - Đại Tây Dương về phía khu vực Châu Á - Châu Đại Dương". Bởi vì, Trung Quốc (với mức chi là 228 tỷ đô la) và Saudi Arabia (69,4 tỷ) xếp hạng hai và ba thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và trên cả Pháp (đứng hàng thứ 5).

Quả thật, với mức chi là 610 tỷ đô la, Hoa Kỳ thật sự bỏ xa các đối thủ, tương đương bằng với tổng chi của 7 nước khác gộp lại, trong đó có Pháp. Sipri dự báo, "trong năm 2018, mức ngân sách này cho quốc phòng sẽ còn tăng thêm nữa để tài trợ cho việc tăng lượng quân nhân và hiện đại hóa vũ khí theo quy ước và hạt nhân".

Thương mại : Donald Trump lại ra án treo cho Liên Hiệp Châu Âu

Có "miễn áp thuế nhôm và thép" thường trực cho Châu Âu hay không, tổng thống Mỹ Donald Trump dứt khoát không tuyên bố ngay. Ông chỉ thông báo "gia hạn miễn áp thuế cho Liên Âu thêm 30 ngày", tựa một bài viết của Le Figaro.

Bất chấp các cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel hồi cuối tháng 4/2018, tổng thống Mỹ kiên quyết không ban tặng cho Châu Âu điều mà họ muốn. Nhà Trắng từ hôm 23/03, dọa đánh thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% lên nhôm nhập khẩu với danh nghĩa là bảo vệ an ninh quốc gia.

Le Figaro trên trang nhất phụ trang kinh tế phải thốt lên rằng đây quả là "cuộc chiến cân não". Thông báo của Donald Trump còn gia tăng áp lực hơn nữa lên Liên Hiệp Châu Âu. Hơn bao giờ hết "tính đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu đang bị Donald Trump thử thách", Les Echos kết luận.

Ngày 01/05 : lễ buồn tại Cuba, lễ "đập phá" ở Paris

Ngày 01/05, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ lớn của thế giới. Nhưng với Cuba, đó là "Ngày 01/05 : Nỗi buồn hậu Castro tại La Havana", tựa bài phóng sự ngắn trên Le Figaro.

Buồn không phải là vì thiếu Fidel và Raul Castro. Buồn là vì người lao động trong lĩnh vực công lập ở Cuba bị buộc phải đi diễu hành. Một cuộc biểu dương không mong muốn, không hy vọng. Những người tham gia phải có mặt từ 5g sáng tại điểm tập trung để lên xe đi về La Havana.

6g sáng tại thủ đô, ai vào vị trí nấy. Mọi động tác đều được tính từng phút. Công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ nhiều tuần nay. Đây là một thông lệ đã có từ nhiều thập niên qua. Biểu ngữ là những dòng chữ tuần tự tôn vinh các nhà lãnh đạo, đầu tiên hết là Fidel Castro - người chiến thắng, tiếp đến là Che Guevara và sau cùng là Raul Castro. Chỉ còn thiếu mỗi tên tân lãnh đạo Miguel Diaz-Canel.

Đối diện bên kia bờ Đại Tây Dương, thủ đô Paris như trong cảnh ẩu đả. Nhiều kẻ quá khích, trang phục đen, đeo mặt nạ chen lẫn dòng người biểu tình do các công đoàn huy động. Le Figaro trên trang nhất đưa tít lớn : "Đập phá giữa lòng Paris : sau cơn thịnh nộ là tranh cãi".

Các vụ đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những kẻ đập phá được cho là thuộc phe cực tả, đã nổ ra bên lề cuộc diễu hành ngày 01/05. Chính phủ bị chỉ trích đã xử lý yếu kém trong vụ việc này.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Khi Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Nhân chuyến thăm chính thức Úc ba ngày từ 01 đến 03/05 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Le Monde có bài viết : "Phương Tây lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc trong Thái Bình Dương".

banhtruong1

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp Vua Tonga Tupou tại Bắc Kinh, ngày 01/05/2018.GREG BAKER / AFP

Đây cũng sẽ là mối quan tâm chính của tổng thống Macron trong chuyến thăm Úc, cho dù cái tên Trung Quốc không mấy khi được nêu cụ thể. Theo nhận định của Le Monde, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương đang trở thành nguồn cơn lo ngại cho nhiều nước trong vùng. Đó là những nước không có phương tiện để chạy đua, buộc phải tính toán quan hệ với Bắc Kinh.

Trở lại với ý đồ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhật báo Pháp ghi nhận Bắc Kinh đã thực hiện một chính sách tràn ngập khu vực bằng quà tặng và cho vay ưu đãi. Theo số liệu của viện nghiên cứu Úc, Lowy từ 2006 đến 2016, Trung Quốc đã tung 1,78 tỷ đô la viện trợ trong khu vực. Những hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh đã và đang được lãnh đạo một số nước không muốn phục tùng các quy tắc phương Tây đánh giá rất cao.

Các nước phương Tây giờ phải suy nghĩ về cách đối phó với thách thức mới này. Pháp đã có những động thái như bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ, tàu ngầm cho Úc. Nước Anh hồi tháng 8/2017 đã thông báo tăng 6% viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương, mở ba cơ quan đại diện ngoại giao ở Vanuatu, Samoa và Tonga.

Tuy nhiên các quốc gia nhỏ bé trong khu vực vẫn khó cưỡng lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Chuyên gia chính trị Trung Quốc thuộc đại học Anh Quốc Canterbury, tại Christ Church nhận định : "Không ai thực sự có thể thách thức được Trung Quốc. Đã có quyết tâm như vậy, nhưng Trung Quốc là nước có những túi tiền lớn… Dân Polynesia và New Caledonia thì vẫn nói rằng nước Pháp đã bỏ rơi họ, Pháp chỉ quan tâm đến nguồn nikel của họ. Nếu Pháp quan tâm thực sự đến Thái Bình Dương thì sẽ phải làm nhiều hơn nữa ở đó".

Theo Le Monde, Vanuatu và đặc biệt là lãnh thổ láng giềng New Caledonia giờ có thể gọi là những điểm tiêu biểu cho sự đột phá của Bắc Kinh. Trung Quốc đã đầu tư khoảng ba chục dự án vào hòn đảo nhỏ bé này, trong đó có cả dự án xây dinh thủ hiến New Caledonia.

Nhật báo Sydney Morning Herald hôm 10/04 vừa qua đã công bố một điều tra gây chấn động dư luận Úc. Theo tờ báo này, các cuộc đàm phán sơ bộ giữa chính phủ Trung Quốc và Vanuatu đã được tiến hành nhằm đưa quân đội Trung Quốc hiện diện thường trực trong quần đảo. Mặc dù thông tin đã bị hai nước trên bác bỏ nhưng chính phủ Úc đã nhanh chóng có phản ứng cho thấy Canberra vẫn tin điều đó là có thực. Thủ tướng Úc Malcolm Turbull tuyên bố : "Chúng tôi nhìn nhận việc thiết lập mọi căn cứ quân sự nước ngoài trong các quốc gia khu vực là hết sức lo ngại."

Le Monde nhắc lại : "Úc, cường quốc lớn nhất và là nước cung cấp viện trợ hàng đầu cho các nước trong vùng giờ cũng phải gượng ghẹ với Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Quan hệ hai nước đã biến động nhiều từ khi Canberra hồi tháng 12 năm ngoái thông báo một loạt các quy định pháp lý nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài, trong đó có việc cấm các đảng phái Úc nhận tài trợ, quà tặng của nước ngoài mà mục tiêu rõ rệt của luật này là Trung Quốc".

Le Monde trích dẫn nhận định của ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chiến lược Chính trị Úc nói rằng quan hệ với Trung Quốc "là mối quan hệ ngày càng khó xử lý. Trung Quốc trở nên quyết tâm và hung hăng hơn trong vùng cũng như ở Úc. Đất nước chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là phải có đường lối cứng rắn để người khác tôn trọng lợi ích chiến lược của chúng tôi".

Cách mạng nhung Armenia

Về thời sự Châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý đến những biến động chính trị đang diễn ra tại đất nước Armenia. Trang nhất của tờ báo chạy tựa : Armenia mơ về một cuộc "cách mạng nhung".

Từ nhiều ngày qua, trước sức ép sôi sục của dân chúng, đất nước Armenia đang đứng trước một bước ngoặt lớn, lật đổ chính phủ cũ đã tồn tại suốt 28 năm qua, bị tố cáo tham nhũng và tham quyền. Nhân vật tâm điểm của sự kiện đang sẵn sàng thay thế hệ thống chính trị đến thời suy tàn đó là cựu nhà báo, nhà đối lập Nikol Pachinian. Với bài : "Tại Armenia, Pachinian trước ngưỡng cửa chính quyền lực", nhật báo Pháp đã phác họa chân dung chính trị của nhà đối lập số một hiện nay ở Armenia.

Tờ báo đặt câu hỏi, người đàn ông không mang dáng dấp nào của một nhà chính trị đó là ai mà trong vòng vài tuần lễ qua đã làm lung lay hệ thống chính trị Armenia, khiến thủ tướng phải từ chức, khuấy động hàng nghìn người dân xuống đường để đòi "quyền lực cho nhân dân" ?

Pachinian là ai mà từ một một nhà báo 42 tuổi, trở thành dân biểu, đang muốn làm một cuộc "cách mạng nhung" như ở Tiệp Khắc năm 1989 ? Nhân vật nổi dậy này là ai mà dám thách thức Kremlin làm đảo lộn cả sân sau của nước Nga ? Các chuyên gia chính trị hay các nhà ngoại giao phương Tây có thể đặt những câu hỏi như vậy về nhân vật đối lập đang đòi phải được bầu làm thủ tướng Armenia này, nhưng dân chúng Armenia thì biết rõ ông, hiểu những lời nói, sự can đảm của ông và từ hai tuần nay, họ tín nhiệm bầu ông là "thủ tướng của nhân dân".

Le Monde nhận thấy, Nikol Pachinia không thấy có giải pháp nào khác cho cuộc khủng hoảng hiện nay ngoài chính bản thân ông và ông tự nhận thấy việc bầu ông làm thủ tướng giờ đây là "chính đáng" là "bắt buộc" trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay tại Quốc hội Armenia.

Nikol Pachinia thổ lộ rằng : "Từ khi tôi 16 tuổi và từ khi tôi lao vào nghề báo, tôi không ngừng phát hiện và tố cáo sự suy đồi của hệ thống chính trị này. Tôi bị đe dọa, truy bức. Tờ báo của tôi bị đưa ra tòa. Xe của tôi bị cho nổ tung năm 2004. Tôi chỉ trực tiếp dấn thân vào chính trị từ năm 2007. Chính điều này đã khiến tôi bị rơi vào vòng lao lý, tù đày trước khi hai lần được bầu làm nghị sĩ".

Ông kể lại đã rời bỏ nhà cửa, đi hết làng này sang làng khác, ngủ trong lều cá nhân có khi ngoài trời để thuyết phục dân chúng đấu tranh. Dần dần người dân cũng đã đến với ông trong cuộc đấu tranh một cách hòa bình để lật đổ chính quyền đã tồn tại suốt 28 năm với điểm mấu chốt là buộc ông Serge Sarkissian phải từ bỏ chiếc ghế thủ tướng , mặc dù ông này đã 10 năm làm tổng thống Armenia.

Cuộc đấu tranh của Nikol Pachinian và nhân dân Armenia đang tới rất gần đích, chỉ còn chờ kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội ngày hôm nay (01/05). Nếu giấc mơ của họ không thành thì cuộc đấu tranh của Pachinian và nhân dân vẫn tiếp tục.

Châu Á bắt đầu ngán du khách Trung Quốc

Vẫn liên quan đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc, lướt qua các trang báo mạng, trên trang thông tin Châu Á asia.nikkei.com có bài viết đáng chú ý nói về tình trạng du khách Trung Quốc đang trở thành những vị khách không mong đợi ở Châu Á.

Thông thường đón tiếp các du khách đến càng đông thì càng tốt cho bất kỳ nước nào. Đó không chỉ là vấn đề hiếu khách mà còn là nguồn lợi kinh tế cho đất nước đón khách mà bất kỳ nước nào cũng có thể ý thức được điều đó. Thế nhưng bài phóng sự dài của Nikei Asian Review đã cho thấy, với các du khách Trung Quốc thì điều đó hoàn toàn không đúng một chút nào.

Người Trung Quốc đi du lịch ngày càng đông và họ đi ồ ạt, tiêu tiền cũng rất nhiều. Thế nhưng theo bài phóng sự, giờ đây khắp Châu Á, du khách Trung Quốc là một mối lo của các nước bởi du khách Trung Quốc đang gây không ít vấn đề cho những nước đón tiếp họ, bởi ý thức giữ gìn môi trường và cách ứng xử văn minh của người Trung Quốc rất kém.

Theo bài báo, các điểm đến chủ yếu của du khách Trung Quốc ở Châu Á là Thái lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ngành du lịch của phần lớn những nước này phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc.

Trong lúc du khách Trung Quốc đang giúp cho ngành kinh tế du lịch ở một số nước làm ăn phát đạt thì không ít nơi bắt đầu cảm thấy khó chịu vì ý thức văn hóa kém của du khách Trung Quốc.

Một quan chức của cơ quan du lịch ở Bali, Indonesia nói : "Tôi không biết có phải lượng rác thải ở trên đảo tăng cao là do người Trung Quốc hay không, nhưng có một điều chắc chắn : Nơi nào có du khách Trung Quốc đến thì nơi đó có rác thải trên đất… Việc này không chấm dứt cho dù chúng tôi đã không biết bao lần nhắc nhở".

Ở Thái Lan, cơ quan du lịch tỉnh Krabi từ tháng Sáu tới sẽ đóng cửa 4 tháng vịnh Maya Bay để hệ sinh thái phục hồi. Du khách thường xuyên của bãi biển nổi tiếng với phim "The Beach" chính là khách Trung Quốc với khoảng 2000 người mỗi ngày.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Vắng Mỹ sẽ không có hiệp ước hòa bình Triều Tiên

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tiếp tục là đề tài được các báo Pháp chú ý.

lientrieu1

Một trong những hình ảnh gây xúc động trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều : hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in cùng bước qua vạch biên giới ở Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018. Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters

Trong bài xã luận mang tựa đề "Triều Tiên : Con đường tiếp cận dài lâu", Le Monde ghi nhận định hình ảnh lịch sử về hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên, tay trong tay bước qua đường biên giới chia cắt đôi bên ở Bàn Môn Điếm, đã được phổ biến trên toàn thế giới và làm dậy sóng mạng xã hội hôm thứ Sáu 27/04/2018.

Thế giới cần lắm tin vui…

Thế giới đầy chia rẽ và xáo trộn ngày nay cần lắm những tin vui. Cả thế giới theo dõi cuộc hội ngộ giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in - với vẻ dễ mến được tính toán trước, việc lãnh đạo Bình Nhưỡng bất ngờ mời tổng thống Hàn Quốc bước một bước sang phương Bắc….

Libération nêu thêm sự kiện Bắc Triều Tiên bỏ múi giờ cũ đã đơn phương ấn định năm 2015, để phù hợp với giờ Hàn Quốc ; việc Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng gặp thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cũng không thể quên những giọt nước mắt của ông Suh Hoon, giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, người kiến tạo ra "Moonshine policy" ; hay việc nhà độc tài Bắc Triều Tiên cụng ly với bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc.

Cam kết hoàn tất hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, rõ ràng là những cơ sở để hy vọng. Mối hy vọng này vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên, nơi căng thẳng từng lên đến đỉnh điểm cách đây vài tháng. Một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Á nói chung. Còn nguy cơ chạy đua vũ trang nguyên tử, thì liên quan đến toàn thế giới.

Nhưng theo Le Monde, tuy đương nhiên là phải hoan nghênh các tin vui này, nhưng cũng không thể ngây thơ. Đây không phải là cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Hồi năm 2007, cha của Kim Jong-un là Kim Jong-il đã gặp gỡ tổng thống Hàn Quốc lúc đó, ông Roh Moon-hyun. Vấn đề ngưng chương trình hạt nhân và hiệp ước hòa bình, và kể cả những lời hứa trong hội nghị thượng đỉnh trước đó năm 2000, đều chỉ nằm trên giấy.

Mỹ và hiệu quả trừng phạt : Hai nhân tố quan trọng

Vì sao cuộc gặp lần này lại tốt đẹp ? Le Monde cho rằng đó là nhờ Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chơi, với lời hứa sẽ gặp Kim Jong-un của tổng thống Donald Trump - nhà độc tài mà chỉ cách đó vài tháng bị ông Trump gọi là "Little Rocketman" (chú nhóc hỏa tiễn) - khiến lãnh đạo Bình Nhưỡng vui vẻ hơn. Đã đưa được chương trình nguyên tử đến giai đoạn cuối, Kim Jong-un nay có thể đàm phán trên thế mạnh. Một nhân tố khác có thể là các biện pháp trừng phạt ngày càng đè nặng lên nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên các nhà ngoại giao và nhà phân tích sau khi nghiên cứu tuyên bố chung ở Bàn Môn Điếm, vẫn còn nghi ngại ở nhiều điểm. Tuy khẳng định sẽ "phi hạt nhân hóa toàn bộ",nhưng không có định nghĩa rõ ràng, như vậy có thể diễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Cơ chế kiểm soát giải trừ, mà Mỹ coi là điểm chính yếu, cũng không được nói đến ; và chưa có lịch trình nào cụ thể. Như một ngạn ngữ quen thuộc "Quỷ sứ núp trong những chi tiết", bản tuyên bố đầy hứa hẹn này thực ra rất nghèo nàn.

Có lẽ tiết lộ đáng chú ý nhất trong cuộc gặp đáng ngạc nhiên này là câu trả lời của nhà độc tài phương Bắc, khi tổng thống Hàn Quốc thổ lộ giấc mơ của ông là đến thăm đỉnh non thiêng của người Triều Tiên nằm trên đất Bắc : "Rắc rối lắm, đường đi đến đó rất tệ". Chế độ Bình Nhưỡng rất cần viện trợ, nhưng con đường để cụ thể hóa những tuyên bố trong thượng đỉnh liên Triều lần này có nguy cơ rắc đầy chông gai.

Những lời hứa "xôi hỏng bỏng không" trong quá khứ

Về hồ sơ nguyên tử, Les Echos giải thích "Bắc Triều Tiên thường xuyên lừa dối cộng đồng quốc tế trong quá khứ như thế nào".

Năm 1994, sau một năm căng thẳng, một hiệp ước song phương được ký tại Genève giữa Bình Nhưỡng và chính quyền Clinton. Bắc Triều Tiên cam kết ngưng xây dựng các lò phản ứng, đổi lại sẽ được cung cấp hai nhà máy điện bằng nước nhẹ, 500.000 tấn nhiên liệu, và bảo đảm về an ninh. Nhưng hai bên nhanh chóng tố cáo nhau vi phạm, và đến năm 2002 chính quyền Bush phát hiện Bình Nhưỡng vẫn bí mật làm giàu uranium.

Năm 2003, Bắc Triều Tiên chấp nhận tham dự cuộc đàm phán sáu bên đầu tiên, theo sự dàn xếp của Bắc Kinh. Sau hai năm thương lượng gay go, tháng 9/2005 Bình Nhưỡng chấp nhận một hiệp ước mới : từ bỏ chương trình nguyên tử quân sự để đổi lấy viện trợ kinh tế và xăng dầu. Nhưng sau đó Bắc Triều Tiên bực tức trước sáng kiến chống rửa tiền của Mỹ, và tháng 10/2006, Kim Jong-il cho thử hạt nhân lần đầu tiên.

Đến năm 2007, Bình Nhưỡng lại ngồi vào bàn hội nghị sáu bên, và còn chấp nhận cho thanh tra các cơ sở nguyên tử, đóng cửa địa điểm Yongbyon. Tuy nhiên quan hệ Mỹ-Triều xấu đi, Bắc Triều Tiên từ chối phương cách thanh tra do Washington đề nghị, và tháng 5/2009 lại cho thử nguyên tử !

Năm 2012, Kim Jong-un lên nối ngôi cha, lại hứa với chính quyền Obama ngưng cho thử hạt nhân và làm giàu uranium để đối lấy viện trợ. Một lần nữa phía Mỹ nghi ngờ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bắn đi là loại đạn đạo, và Jong-un từ đó đến nay đã cho thử nguyên tử thêm bốn lần.

Không có Mỹ thì không có hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Nhà sử học Jean-Louis Margolin, giáo sư trường đại học Aix-Marseille khi trả lời nhật báo La Croix đã nhấn mạnh "Không có Hoa Kỳ, thì không thể có hòa bình giữa hai nước Triều Tiên".

Chuyên gia Margolin ghi nhận, lâu nay cả hai nước Triều Tiên đều từ chối công nhận đường biên giới hiện nay ở vĩ tuyến 38. Tại Hàn Quốc, các bản đồ và dự báo thời tiết đều trình bày toàn bán đảo Triều Tiên, không có đường biên. Còn tại Bắc Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chưa bao giờ được gọi là tổng thống. Trong khi đó nếu không công nhận lẫn nhau, thì chưa thể có hiệp ước hòa bình thực sự.

Một thỏa ước từ thời tổng thống Park Chung-hee dự kiến thành lập một Nhà nước liên bang năm 1972, để thống nhất một cách hòa bình. Những năm sau đó, Hàn Quốc xây dựng nhà ga thống nhất nằm cạnh khu phi quân sự, một bến tàu hướng về Bình Nhưỡng và hướng kia về phía Seoul, nhưng cho đến nay chưa có con tàu nào đi về phía Bắc Triều Tiên.

Vào đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ soạn thảo đã được thông qua vào ngày 25/6, công nhận Bắc Triều Tiên là kẻ tấn công phương Nam. Do Liên Xô tẩy chay Hội Đồng Bảo An nên không sử dụng được quyền phủ quyết. Nghị quyết này mang lại tính chính danh cho lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, cho nên hai nước Triều Tiên không thể đạt được giải pháp chung cuộc nếu không tính đến Hoa Kỳ.

Cho dù một hiệp ước đình chiến đã được ký năm 1953, nhưng thực chất đây chỉ là thỏa thuận ngưng bắn, lập ra vùng phi quân sự. Hàn Quốc không ký vì trách cứ Mỹ đã hợp pháp hóa việc chia cắt đất nước, và công nhận sự hiện diện của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, với tư cách người bị tấn công, từ chối bị đặt ngang hàng với quân xâm lược. Đang trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ chấp nhận chia đôi đất nước Triều Tiên vì không muốn chọc giận Liên Xô. Cuối cùng, hiệp ước được ký giữa một bên là Bắc Triều Tiên cùng với Trung Quốc, bên kia là cộng đồng quốc tế. Theo giáo sư Margolin, Bình Nhưỡng cũng sẽ không bao giờ chấp nhận bị coi là kẻ xâm lược.

Armenia : Xã hội dân sự chống Nhà nước đảng trị kiểu cộng sản

Nhìn sang một quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ là Armenia, Le Monde đặt câu hỏi liệu nước này có thể ra khỏi thời kỳ hậu xô-viết ?

Armenia độc lập năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, và gần ba thập niên sau, một phong trào phản kháng chưa từng thấy đã xuất hiện từ ngày 13/4 năm nay, do thế hệ trẻ chưa từng biết đến chế độ cộng sản tiến hành. Giới trẻ mà đứng đầu là dân biểu Nikol Pachinian muốn chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền hành của giai cấp thống trị, nạn vơ vét tài nguyên của các đại gia và tham nhũng Nhà nước.

Làn sóng phản kháng này trước hết nhằm tách rời Nhà nước ra khỏi Đảng. Cũng như trong chế độ cộng sản, thủ tướng Serge Sarkissian đồng thời là chủ tịch đảng Cộng Hòa Armenia (HHK), duy trì chế độ Nhà nước đảng trị. Những người biểu tình muốn nhắc nhở, Nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về Đảng. Trong các cuộc tập hợp trước quảng trường Cộng Hòa ở Erevan, ông Pachinian luôn bắt đầu bằng câu : "Hỡi những công dân của nước Cộng Hòa Armenia…".

Bên cạnh đó, những người phản kháng còn tượng trưng cho một xã hội dân sự ngày càng độc lập trước chính quyền. Đây không phải là một "cuộc cách mạng màu" như Gruzia (Georgia) và Ukraine, vì phong trào chú trọng vào xã hội Armenia chứ không đụng đến những cam kết quốc tế, mà theo Le Monde, kinh nghiệm này có thể áp dụng cho các xã hội dân sự ở Belarus, Azerbaizan, và kể cả Nga - tại sao không.

Cò trắng không còn bay về phương Nam

Thời sự nước Pháp là chủ đề chính của các báo Paris hôm nay, chủ yếu là cuộc đình công của công nhân tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF. Libération đăng ảnh các tổng thư ký ba nghiệp đoàn lớn và chạy tựa "Các nghiệp đoàn đối đầu với Macron". Le Figaro nhận định "Macron vẫn kiên quyết trước phong trào phản kháng xã hội".

Trang nhất của La Croix đăng ảnh một nhân viên đường sắt đình công, phía trước là những hành khách chen chúc, chạy tựa "SNCF, một cuộc xung đột vẫn đang tìm kiếm lối ra" : Sau một tháng đình công, kết quả vẫn chưa thấy còn công luận ngày càng ít ủng hộ phong trào. Nhật báo Le Monde gợi ý : "SNCF : Các giải pháp để ra khỏi cuộc xung đột". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đặt vấn đề về dự định đánh thuế GAFA, tức bốn đại tập đoàn internet "Dự án của Pháp làm chia rẽ Châu Âu".

Trên lãnh vực môi trường, bài điều tra của Le Figaro "Những cánh cò không còn bay về phương Nam" cho biết, với những mùa đông ngày càng ấm hơn và thức ăn tràn ngập ở một số bãi rác lớn, loài cò ngày càng ít bay đến Châu Phi để trú đông, hoặc kết thúc cuộc hành trình ở Bồ Đào Nha.

Nếu năm 1995, có 1.187 con cò trải qua mùa đông ở Bồ Đào Nha, thì nay con số này lên đến 14.000 con. Bãi rác lộ thiên tại Evora rộng đến 1 hecta, cao 35 mét được lũ cò coi là căng-tin của chúng, mỗi ngày có 5.000 con cò đến kiếm ăn. Theo một chuyên gia, nếu đóng cửa các bãi rác, đàn cò sẽ phải thiên di trong khi các thế hệ mới chưa bao giờ bay xa, sẽ ít có nguy cơ sống sót khi bay ngang qua biển.

Thụy My

Published in Quốc tế

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa mới công bố một "phát hiện" về "Bản đồ mới của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa". Bản đồ chính trị quốc gia này dường như được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 04/1951.

bando1

Đảo Hải Nam và bản đồ hình "lưỡi bò" đòi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông(@wikipedia.org)

Theo trang Asia Times ngày 29/04/2018, "phát hiện" này có thể sẽ là một ý đồ mới nhằm củng cố, thậm chí là mở rộng những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, và như vậy chứng minh về mặt pháp lý bản đồ "9 đoạn" của nước này.

"Đường chữ U" (hay "Lưỡi bò") trong bản đồ in năm 1951 được nối liền liên tục, thay vì đứt đoạn như trong yêu sách gần đây của Trung Quốc. Với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, bản đồ năm 1951 là bằng chứng không chối cãi được về việc "ranh giới hình chữ U là đường biên giới Trung Quốc trên Biển Đông" và vùng biển nằm trong hình chữ U "thuộc chủ quyền của Trung Quốc".

Nghiên cứu được các nhà khoa học "độc lập" của Câu lạc bộ Quang Hoa và Khoa học Địa lý công bố và được nhà xuất bản SDX phát hành. Chính phủ Trung Quốc không chính thức công nhận nghiên cứu này.

Tuy "phát hiện" trên được cho là kết quả tìm tòi của các nghiên cứu độc lập nổi tiếng ở Trung Quốc, nhưng Asia Times đặt câu hỏi liệu kết quả này có bị chính phủ tác động hay không, trong bối cảnh Nhà nước, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, kiểm soát chặt chẽ các Viện Hàn Lâm.

Nghi vấn này có cơ sở vì ngày 22/04/2018, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Quốc. Dự án này chủ trương vạch ra "đường ranh giới mới" trên Biển Đông với đường "Lưỡi bò" nối liền.

Thủ tướng Singapore : "Đàm phán COC về Biển Đông sẽ không dễ dàng"

Quá trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không dễ dàng và có thể sẽ mất nhiều thời gian. Ông Lý Hiển Long, thủ tướng Singapore, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, đã phải thừa nhận như trên trong buổi họp báo ngày 28/04 kết thúc thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32. Ông cũng nhấn mạnh là các nước ASEAN đã "trao đổi quan điểm" về những tranh chấp ở Biển Đông.

Trước đó, trong một thông cáo chung, công bố ngày 27/04, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cùng tích cực làm việc để đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử hiệu quả tại Biển Đông.

Thu Hằng

Published in Châu Á