Jakarta ngập lụt, Indonesia có thể phải lập thủ đô mới
Đặc phái viên Libération tại Indonesia có bài phóng sự mang tên "Nước dâng tại Jakarta : Tôi biết một ngày nào đó, chúng tôi phải xách va-li ra đi". Bị lụt lội thường xuyên, phía bắc thủ đô Indonesia mỗi năm bị lún xuống 25 cm, và thậm chí có thể sẽ biến mất trong thời gian tới. Nạn bê-tông hóa và ô nhiễm càng làm trầm trọng thêm tình hình, trong khi chính quyền chưa tìm ra được giải pháp bền vững.
Hành khách đợi tàu tại nhà ga Pasar Senen ở Jakarta, bị ngập nước sau một trận mưa. Ảnh chup ngày 06/09/2010. Reuters / Supri
Người dân cư ngụ tại khu vực phía bắc Jakarta năm nay phải cám ơn trời đất : nước "chỉ" dâng có 20 cm. Những người khá giả nhất ở khu phố Evi phải cất nhà sàn để ở, và khu vực này còn có nguy cơ biến mất trong tương lai. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính có đến 40% diện tích của thủ đô Jakarta 10,8 triệu dân đang thấp hơn mặt nước biển, và có thể bị ngập lụt hoàn toàn nếu không hành động gì trong vài năm nữa.
Libération cho biết, chính quyền Indonenia nhận ra tình hình rất muộn màng. Mãi đến năm 2007, mới có những nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên, khi mưa lớn gây lụt lội đến 60% diện tích Jakarta, làm 55 người chết và nửa triệu người phải sơ tán, dịch bệnh hoành hành vì nước tù đọng.
Đối với cựu thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama (tức "Ahok"), đó là do người dân quăng rác xuống sông làm tắc đường thoát nước. Ông cho giải tỏa khoảng 4 triệu dân để tái định cư trong các tòa nhà bê-tông, nhưng sau đó Ahok mất chức, một số khu vực vẫn tồn tại đến nay.
Còn Peter Letitre, nhà thủy văn học Hà Lan làm việc tại Jakarta cùng với nhiều nhà nghiên cứu Indonesia có cùng nhận định, lụt lội chủ yếu do giới trung lưu tăng lên cùng với hoạt động kỹ nghệ. Ông nói : "Trong những năm gần đây, thành phố phát triển nhanh chóng, với những trung tâm thương mại và công sở mới. Vấn đề là để xây dựng, nước ngầm đã bị hút lên".Tệ hơn nữa, do thành phố ngày càng bê-tông hóa, nước không thể thấm qua mặt đất để chảy đi. "Hậu quả là lượng nước ngầm mất đi không được bù vào, làm cho mặt đất bị lún xuống".
Trước tình hình đáng báo động này, phản ứng của chính quyền lại khó thể tưởng tượng. Họ cho rằng hễ nước dâng lên thì chỉ việc xây tường để chận lại. Ở khu phố Muara Baru, quận trưởng đã cho đắp một con đê cao ba mét sau trận lụt năm 2007. Nay đê bị sóng đập liên tục, đã bị thủng lỗ chỗ với thời gian, và nước càng dâng cao hơn.
Cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng "Grand Garuda" : một con đê hình đại bàng (biểu tượng của Indonesia) dài 35 km ở ngoài khơi Jakarta, và những khu phố nổi trên nước như ở Dubai. Dự án hiện đại này bị chỉ trích vì cần đến 40 tỉ đô la, phải giải tỏa rất nhiều khu dân cư, hàng ngàn ngư dân sẽ mất việc, và nhất là theo nhà đại dương học Alan Koropitan, con đê khổng lồ này không hiệu quả, đồng thời gây thêm ô nhiễm.
Tân chính phủ Joko Widodo đành từ giã giấc mơ siêu đại bàng cùng với thành phố nổi, nhưng vẫn giữ ý định xây con đê. Chuyên gia Letitre đề nghị phải đặt những trạm bơm nước khắp thành phố. Nhưng người dân không hề tin tưởng các dự án của chính quyền, trước tình trạng tham nhũng hiện nay.
Rốt cuộc, giải pháp bền vững nhất để cứu vãn Jakarta có lẽ là…xây dựng một thủ đô mới. Bởi vì cuộc sống ở đại đô thị này đã trở nên khó thở, ngoài ngập lụt và ô nhiễm còn là nạn kẹt xe, người dân có khi phải mất nhiều tiếng đồng hồ để đi được vài cây số. Tháng 4/2017, tổng thống Indonesia cho rằng thành phố Palangka Raya trên đảo Bornéo có thể trở thành thủ đô mới. Dự án này hiện vẫn nằm trên giấy, nhưng có thể sẽ được đề cập trở lại vào tháng 11, khi những trận mưa lớn lại ập xuống Jakarta.
Bị chỉ trích thân Trung Quốc, thủ tướng Thái đi Châu Âu đánh bóng hình ảnh
Cũng liên quan đến Đông Nam Á, nhật báo cộng sản L’Humanité chú ý đến sự kiện thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-O-Cha được tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón hôm nay, trong chặng cuối của vòng công du Châu Âu. Bốn năm sau vụ đảo chánh để lên nắm quyền, nhà độc tài tìm cách tạo tính chính danh, để tăng uy tín trong đối nội.
Tờ báo nhắc nhở, khi ông Prayuth lên nắm quyền năm 2014, Liên Hiệp Châu Âu đã cho đóng băng hiệp định tự do mậu dịch với Thái Lan, ngưng các chuyến công du. Nay thì nhà độc tài từ Bangkok muốn hoàn tất một loạt hợp đồng với Châu Âu, trong đó có việc mua một vệ tinh Theos-II của Airbus trị giá 185 triệu euro, nhân tiện đánh bóng hình ảnh của mình.
Tướng Prayuth đang bị dư luận trong nước chỉ trích dữ dội do dành cho Trung Quốc sức nặng quá lớn. Tham gia "Con đường tơ lụa mới", Thái Lan đã cho dỡ bỏ hàng rào luật pháp đối với tàu cao tốc, đồng thời bật đèn xanh cho dự án phá hủy một số cồn trên sông Mêkông để tàu buôn Trung Quốc có thể lưu thông trên dòng sông này.
Hiến Pháp Thổ Nhĩ Kỳ tập trung quyền lực cho Tổng thống
Một nhà độc tài khác được các báo Pháp rất quan tâm : đó là ông Recep Tayyip Erdogan, vừa tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Le Figaro tóm lược "Mười lăm năm độc đoán và một Hiến Pháp được đo ni đóng giày".
Với Hiến pháp mới, Thổ Nhĩ Kỳ không còn thủ tướng, quyền hành pháp tập trung vào tay tổng thống. Ông Erdogan còn là lãnh đạo đảng cầm quyền, một ông vua Hồi giáo của thời hiện đại, có toàn quyền đàn áp mà không cần phải biện minh.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà báo, luật sư hoặc công dân đã phải ra tòa vì "mạ lị tổng thống", các giảng viên đại học ký kiến nghị cải cách bị cáo buộc "phản quốc". Quyền miễn trừ tư pháp bị hủy bỏ, giúp dễ dàng bỏ tù các dân biểu đối lập. Từ sau vụ đảo chính bất thành, tình trạng khẩn cấp được thiết lập và liên tục gia hạn.
Di dân và thượng đỉnh "mini" Châu Âu
Vấn đề nhập cư làm chia rẽ Châu Âu, Brexit, bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đó là những vấn đề chính được các báo Pháp đề cập nhiều hôm nay 25/06/2018. Le Figaro chạy tựa "Khủng hoảng di dân : Châu Âu bế tắc". Libération đăng ảnh chiếc tàu Lifeline với dòng tít "Di dân, cú sốc mãnh liệt cho Châu Âu". "Di dân : Tranh cãi dữ dội giữa Pháp và Ý" - tựa của Le Monde.
La Croixgiải thích về "Một thượng đỉnh mini để đoàn kết Châu Âu về vấn đề nhập cư". Mười sáu nước Châu Âu họp lại hôm qua ở Bruxelles để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân.
Vì sao phải tổ chức "tiểu thượng đỉnh" này ? Đó là do Ý và Malta từ chối tiếp nhận nhiều con tàu của các tổ chức phi chính phủ cứu vớt di dân trên biển, gây lo ngại những quyết định đơn phương có thể tạo nguy hiểm cho không gian tự do lưu thông của Châu Âu. Cuộc họp có ba mục đích : tránh cho chính phủ Đức không bị sụp đổ, tìm lối ra cho tình hình những con tàu nhân đạo không được cập bến, và tránh sự tan rã của không gian Schengen.
Hôm qua tại Bruxelles thủ tướng Hà Lan cho biết "không mấy lạc quan". Tất cả các thỏa thuận phải được ít nhất 16 nước chiếm 65% dân số EU đồng ý, và mức này rất khó đạt được. Điểm đồng thuận duy nhất có lẽ là tăng cường cho cơ quan Frontex, từ 1.500 lên 10.000 nhân viên, để giám sát biên giới Châu Âu ; đồng thời các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Libya nỗ lực hơn để chặn bớt di dân.
Brexit : Vệ tinh định vị Galileo xa dần quỹ đạo Anh
Cũng tại Châu Âu, Le Monde nhận xét "Hai năm sau, Anh quốc đang bị Brexit gặm nhấm" : chia rẽ với quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh còn bị ngưng trệ vì quan hệ tương lai với Châu lục vẫn chưa định rõ. Đặc biệt là "Galileo đang xa dần quỹ đạo Anh". Việc Luân Đôn bị loại ra khỏi hệ thống vệ tinh định vị của Châu Âu là một trong những hậu quả cụ thể nhất của Brexit.
Đã hai năm trôi qua, việc "ly dị" gần như giậm chân tại chỗ, nhưng hậu quả rõ ràng nhất lại đến từ… không gian. Các công ty Anh, do không còn là thành viên EU, không được tham gia dự thầu phần mã hóa của hệ thống vệ tinh Galileo của Châu Âu, vốn chính xác hơn hệ thống GPS của Mỹ. Cũng như GPS, phần mã hóa của Galileo chủ yếu là hệ thống hướng dẫn hỏa tiễn. Vì vậy việc kiểm soát mang tính chiến lược về mặt quân sự, chưa kể ngành kỹ nghệ Anh đã đạt được những hợp đồng béo bở trong dự án này.
Từ ba tháng qua, chính phủ Anh không ngừng gây áp lực, vì nếu không Luân Đôn có nguy cơ phải tự lập ra hệ thống định vị riêng như Beidou của Trung Quốc và Glonass của Nga, và sẽ phải chi ra một số tiền rất lớn. Hơn nữa Anh đã tài trợ 12% cho Galileo, và các công ty Anh đã nhận được 15% số hợp đồng, trung tâm kiểm soát do Airbus quản lý hiện đặt tại Portsmouth ở miền nam nước Anh. Về phía Châu Âu cũng thiệt hại vì khi loại Anh ra, chi phí vận hành sẽ tăng lên.
Các cơ quan tình báo Israel đầu tư vào công nghệ mới
Cũng liên quan đến công nghệ, Les Echos cho biết "Mossad dựa vào các start-up để sáng tạo". Cơ quan tình báo Israel đã lập ra một quỹ đầu tư theo mô hình In-Q-Tel của CIA Mỹ, còn cơ quan phản gián thành lập bộ phận hỗ trợ cho các start-up tại trường đại học Tel-Aviv.
Dựa vào các công ty công nghệ tư nhân để giải quyết các vấn đề cụ thể trong công cuộc chống khủng bố, bảo vệ an ninh quốc gia không còn là hiện tượng cá biệt. Mới đây Shabak, cơ quan phản gián Israel đã thiết lập quan hệ đối tác với quỹ TAU Ventures. Chương trình "Xcelerator" kéo dài bốn tháng, trong giai đoạn khởi đầu sẽ trợ cấp cho sáu start-up mỗi nơi 50.000 đô la để phát triển các công nghệ sử dụng trí thông minh nhân tạo.
Cơ quan tình báo nổi tiếng Mossad còn đi trước một bước : từ năm 2017 đã lập ra quỹ Libertad Ventures. Năm start-up được giữ kín tên được quỹ này tài trợ nửa triệu euro cho mỗi đơn vị trong một đến hai năm, để nghiên cứu trong năm lãnh vực : công nghệ robot, năng lượng, mã hóa, web thông minh, xử lý ngôn ngữ và phân tích văn bản.
Tuy không có phương tiện hùng hậu như In-Q-Tel (được lập ra sau các vụ tấn công ngày 11/9 tại Hoa Kỳ, đã từng cho ra ra đời Google Earth), các start-up ở Israel hoạt động rất hiệu quả. Chẳng hạn trong Cyber Week vừa qua, công ty CardioScale với băng đeo điện tử giúp giảm số lượng nạn nhân trong các vụ khủng bố lớn, đã giành được giải thưởng 100.000 đô la.
World Cup 2018 : Con đường Nikolskaia và dấu vết tội ác thời Stalin bị bôi xóa
Cuối cùng là bóng đá. Le Monde mô tả "Đường Nikolskaia ở Moskva, trung tâm Cúp bóng đá thế giới 2018". Con đường huyết mạch mang tính lịch sử này được người hâm mộ coi là fan-zone ưa thích nhất, trở thành một không gian tự do hiếm hoi giữa lòng thủ đô nước Nga.
Người dân Moskva chưa bao giờ chưa thấy cảnh này : đám đông trang phục sặc sỡ, hát bằng đủ các thứ tiếng, chiếm lĩnh toàn bộ con đường trung tâm cả ngày lẫn đêm. Tại một đất nước mà biểu tình không được phép, nhiều cư dân mạng Nga tị nạnh "Còn chúng tôi, sao lại không được tụ tập ?"
Đường ("oulitsta" theo tiếng Nga) Nikolskaia là nơi có tòa nhà đồ sộ của cơ quan tình báo Nga FSB, hậu thân của NKVD và KGB trước đây, và tận cùng ở quảng trường Đỏ. Trước khi World Cup diễn ra, tên con đường này hầu như không được nhắc đến trên báo chí và mạng xã hội, nhưng nay ngược lại. Hôm 17/6 khi các đội Đức-Mêhicô và Brazil-Thụy Sĩ thi đấu, "oulitsta Nikolskaia" được nêu ra trên 22.000 lần. Thu nhập của các quán cà phê và cửa hàng bán đồ kỷ niệm trên con đường này tăng gấp hai đến bốn lần.
Không ai để ý đến tòa nhà số 23. Phía sau những tấm bạt che, các công nhân đang tất bật tiêu hủy các tài liệu của tòa án quân sự Liên Xô cũ. Tại đây từ năm 1936 đến 1938 trong thời kỳ Stalin, đã có 31.456 người bị kết án tử hình, và một số không xác định được đã bị xử bắn ở tầng hầm. Năm 2016, bất chấp lời kêu gọi của các nhà sử học, địa điểm lịch sử này đã bị bán cho một nhà buôn sỉ nước hoa để mở trung tâm thương mại sang trọng, sau khi World Cup kết thúc.
Thụy My
Thêm một dấu hiệu về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan : Chính quyền Đài Bắc hôm qua 23/06/2018 xác nhận là đã tung chiến đấu cơ và chiến hạm ra để theo dõi hai chiếc tàu chiến Trung Quốc đã đi ngang qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông.
Chiến đấu cơ F-5 của Đài Loan xuất phát từ căn cứ không quân Đài Đông (Taitung) ngày 30/01/2018. Ảnh minh họa Reuters/Tyrone Siu
Trong một thông báo, Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết là một khu trục hạm thuộc lớp 052C và một hộ tống hạm lớp 054A đã đi chuyển trên biển khơi sát vùng lãnh hải phía Đông Đài Loan, trước khi đi ngang qua eo biển Ba Sĩ ở phía Nam Đài Loan hướng xuống vùng Biển Đông vào hôm thứ Sáu 22/06.
Thông báo đã nêu bật phản ứng của phía Đài Loan : "Chúng tôi đã lập tức tung máy bay và tàu hải quân ra để giám sát hoạt động của các tàu chiến (Trung Quốc) theo đúng quy định của chúng tôi".
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, nhật báo tiếng Hoa Liên Hợp Báo tại Đài Loan hôm 22/06 đã tiết lộ rằng tàu khu trục Tế Nam (Jinan) và hộ tống hạm Hoàng Cương (Huanggang) của Trung Quốc đã đi vào eo biển Đài Loan từ tuần trước, bên trong vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, lưu lại gần hòn đảo hơn một tuần trước khi di chuyển về hướng Biển Đông hôm 22/06.
Việc Trung Quốc khiêu khích Đài Loan, kéo theo phản ứng kiên quyết của Đài Bắc diễn ra vài hôm trước lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis chuẩn bị ghé Trung Quốc trong một chuyến thăm đầu tiên kể từ ngày ông lên đứng đầu Lầu Năm Góc.
Theo giới quan sát, nhân chuyến công du dự trù vào tuần tới, chắc chắn ông Mattis sẽ đề cập với phía Trung Quốc về hai hồ sơ đang có bất đồng giữa hai nước : Đài Loan và Biển Đông.
Theo các nguồn tin báo chí trong thời gian gần đây, Mỹ đang cân nhắc khả năng cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và gia tăng việc bán vũ khí cho Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tập trận xung quanh hòn đảo này với sự tham gia của cả oanh tạc cơ chiến lược H-6K.
Trọng Nghĩa
Dù vướng nhiều tai tiếng trong thời gian gần đây, Facebook vẫn trụ vững nhưng đang phải nhường đất cho một số mạng xã hội "trẻ" hơn như Snapchat, YouTube và ngay cả Instagram, một nhánh con của Facebook.
Logo của mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa. Reuters/Dado Ruvic
Facebook vẫn giữ quán quân
Với khoảng 2,2 tỉ người sử dụng hàng tháng tính đến cuối tháng 03/2018, mạng xã hội của nhà tỉ phú Mark Zuckerberg vẫn làm chủ cuộc chơi. Con số này được các thị trường tài chính theo dõi sát sao, vì thu nhập từ quảng cáo phụ thuộc vào số người sử dụng. Đây cũng là nguồn thu gần như chủ yếu của tập đoàn. Năm 2017, Facebook đạt doanh thu gần 41 tỉ đô la với lợi nhuận chừng 16 tỉ.
Trang eMarketer dự đoán năm 2018, Facebook sẽ mất chừng 2 triệu người sử dụng dưới 24 tuổi tại Mỹ. Ngược lại, chỉ tính riêng tại Mỹ, Instagram sẽ thu thêm gần 1,6 triệu thành viên mới dưới 24 tuổi và Snapchat sẽ có thêm 1,9 triệu thành viên mới.
Instagram, mạng xã hội đang lên
Được thành lập năm 2010 và bị Facebook mua lại năm 2012 với giá 1 tỉ đô la, mạng xã hội Instagram, nổi tiếng ban đầu với các khuôn hình ảnh vuông, vừa thông báo vượt qua ngưỡng 1 tỉ người sử dụng.
Là mạng xã hội hình ảnh được giới nghệ sĩ, doanh nghiệp ưa chuộng, Instagram vừa tung ra IGTV, dành riêng cho video có thời lượng từ 10 phút đến một tiếng, thay vì khống chế ở mức 1 phút trước đây, nhằm thu hút thêm giới trẻ.
Theo eMarketer, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, Instagram sẽ thu về 5,48 tỉ đô la nhờ quảng cáo trong năm 2018, tăng hơn 70% so với năm 2017. Con số này chiếm 28,2% doanh thu quảng cáo di động của tập đoàn Facebook và có thể đạt tới 40% vào năm 2020.
Snapchat : ứng dụng "chat" không thể thiếu của giới trẻ
Thành lập năm 2011, ứng dụng chat nổi tiếng qua việc các tin nhắn hình ảnh và video biến mất ngay sau đó. Tính đến cuối tháng 03/2018, Snapchat có 191 triệu người sử dụng hàng ngày trên khắp thế giới và đạt doanh thu 231 triệu đô la.
YouTube, vô địch về video
Xuất hiện từ năm 2005, sau đó bị Google mua lại năm 2006 với giá 1,65 tỉ đô la, ban đầu YouTube chỉ là mạng chia sẻ video nghiệp dư, song ngày càng trở chuyên nghiệp. Rất nhiều cơ quan truyền thông và doanh nghiệp phát hành thông tin qua các kênh chuyên biệt.
Một số người sử dụng trở nên nổi tiếng nhờ đăng video của họ lên YouTube (âm nhạc, kịch, dạy nấu ăn hoặc hướng dẫn trang điểm…) và từ đó xuất hiện cụm từ "YouTuber".
Hiện YouTube có 1,9 tỉ người sử dụng, chưa tính đến số lượng người xem YouTube nhưng không đăng kí tài khoản.
Twitter và một số mạng khác
Với khoảng 336 triệu người sử dụng hàng tháng, mạng Twitter chỉ vừa mới bắt đầu có lợi nhuận, nhưng không hấp dẫn giới trẻ như các mạng xã hội khác vì thiếu không gian riêng tư (mọi người đều có thể đọc được các tin nhắn mà người sử dụng đăng lên).
Ngoài ra còn phải kể đến một số ứng dụng chat trực tuyến WhatsApp (không có quảng cáo) và Messenger (có quảng cáo), đều do Facebook nắm giữ, đã vượt qua ngưỡng 1 tỉ người sử dụng.
Thu Hằng
Trang nhất báo tuần : Trump, Macron, Erdogan và nhập cư
Con tàu Aquarius cứu 106 người nhập cư trên biển vào cảng Valencia, Tây Ban Nha ngày 17/06/2018. Reuters/Heino Kalis
Bốn gương mặt lãnh đạo trên trang bìa 4 tuần báo lớn, tổng thống Pháp trên L’Express, tổng thống Mỹ trên Le Point, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên L’Obs, và người có triển vọng lên làm tổng thống Mexico trên The Economist : Trọng tâm thời sự được các tạp chí Pháp và Anh tuần này chú ý đều liên quan đến các khuôn mặt đó. Duy nhất Courrier International không chú ý đến các yếu nhân, mà lại đăng ảnh một thuyền nhân Châu Phi trên nền mặt biển, với hàng tựa lớn gây sốc "Nỗi nhục nhã của Châu Âu".
Hồ sơ trang nhất của Courrier International được dành cho cuộc khủng hoảng di dân nhập cư đang đang khuấy động chính trường ở cả Châu Âu lẫn Mỹ. Ngay bên dưới tựa đề mang nặng tính chất phê phán, là một câu hỏi : "Sau vụ chiếc tàu Aquarius, phải chăng vấn đề di dân nhập cư sẽ làm Liên Hiệp Châu Âu thực sự tan vỡ ?".
Đối với tờ báo, tình trạng chia rẽ của Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề nhập cư đã lộ rõ ra ban ngày với hành trình gian nan của chiếc tàu Aquarius, chở hàng trăm thuyền nhân được cứu vớt trên biển, nhưng khi cập bến Châu Âu thì lại bị từ Ý đến Malta từ chối, để rồi sau đó chỉ có Tây Ban Nha là đồng ý nhận.
Xu thế chống nhập cư dâng cao từ Mỹ đến Châu Âu
Trong bài xã luận, Courrier International ghi nhận xu thế chống nhập cư đang dâng cao trong giới lãnh đạo các quốc gia, không chỉ ở Châu Âu, mà đặc biệt ở Mỹ. Tạp chí Pháp cho rằng đây là một thực tế đáng buồn đối với các nền dân chủ.
Về nước Mỹ, Courrier International rất phẫn nộ trước việc trẻ em nhập cư bị tách rời khỏi bố mẹ với nhận định : "Có những điều mà người ta không muốn nghe thấy : Những tiếng khóc than của trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ-Mexico. Chính quyền Trump tìm cách biện minh cho chính sách của mình… nhưng cái gì có thể biện minh cho một nước dân chủ - mà di dân nhập cư là nền tảng sáng lập - lại sử dụng những phương thức như thế để làm nản lòng các bậc cha mẹ muốn di cư và mang theo con của họ ?"
Tình hình tại Ý cũng khiến Courrier International bất bình : "Và gần chúng ta hơn, một chính khách dân túy khác, bộ trưởng Ý Matteo Salvini, hy vọng làm nản lòng người di cư. Khi từ chối cho cập bến tàu cứu thuyền nhân Aquarius, tân bộ trưởng nội vụ Ý đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở Châu Âu. Với một phương thức nhẫn tâm, ông đã đặt các lãnh đạo khác ở Châu Âu, trong đó có tổng thống Pháp, trước trách nhiệm của họ.
Từ quá lâu rồi, các quốc gia ở vòng ranh ngoài của Châu Âu, ven bờ Địa Trung Hải đã phải đối mặt với vấn đề nhập cư mà không có giải pháp. Biện pháp quota không kết quả. Thủ tục như kiểu đưa ra ở Dublin không hiệu quả, không muốn nói là phi lý. Liệu các lãnh đạo Châu Âu có sẽ tìm ra một giải pháp màu nhiệm trong cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần này hay không ?
Tất nhiên, bà Angela Merkel, mà liên minh cầm quyền đứng trước đe dọa sụp đổ do vấn đề nhập cư, sẽ cố giành được một thỏa thuận. Bà sẽ nhắc lại với các lãnh đạo khác là trên vấn đề nhập cư, giải pháp không thể chỉ là cá biệt. Bộ trưởng nội vụ Đức đã từng trách bà Merkel về việc chọn chủ trương ‘mở cửa’ vào năm 2015.
Ôn cố tri tân, Courrier International cảnh báo : " Vào thời điểm đó, một bức ảnh đã đi vòng quanh thế giới, giống như những tiếng khóc và hình ảnh trẻ em nhập cư ở Mỹ ngày nay. Đó là ảnh một bé trai 3 tuổi, chết và trôi dạt vào một bãi biển. Tên em là Aylan. Làn sóng xúc động lan tỏa khắp hành tinh, nhưng không kéo dài bao lâu".
Châu Âu phải cám ơn Donald Trump
Về tình hình nước Mỹ, tuần báo Pháp Le Point lại đưa tổng thống Donald Trump lên trang nhất, với một hàng tựa ngắn gọn, nhưng hết sức mỉa mai : "Cám ơn Donald !".
Đối với Le Point, nên cảm ơn ông Donald Trump về những hành động phá tan trật tự thế giới được xây dựng vào năm 1945 khi Đồng Minh chiến thắng Đức Quốc Xã. Việc này, theo Le Point có thể được Châu Âu tranh thủ để khẳng được vai trò của mình, điều mà Châu Âu không thể làm được trước đây vì có Mỹ.
Le Point đã phỏng vấn ông Joschka Fisher, cựu ngoại trưởng Đức, người khẳng định rằng : "Rốt cuộc thì Châu Âu phải trở thành một thế lực độc lập".
Trong hồ sơ về tổng thống Mỹ, Le Point đã dành 2 trang để đăng bài phỏng vấn cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, tác giả quyển biên khảo mang tựa để rất gọn Fascism… nghĩa là "Chủ nghĩa phát xít".
Đối với bà Albright, ông Trump không phải là một người Phát xít, nhưng là vị tổng thống thiếu dân chủ nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, có bản năng phi dân chủ. Cựu ngoại trưởng Mỹ giải thích : "Ông ấy đã đào sâu hố chia rẽ trong xã hội, đã tuyên bố rằng báo chí là kẻ thù của nhân dân, không có một chút tôn trọng nào đối với các định chế, nhất là đối với ngành tư pháp".
Macron đối mặt với những lời chỉ trích
Như nói ở trên, tuần báo Pháp L’Express đã giành trang nhất và một hồ sơ 10 trang để nói về thái độ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước những lời chỉ trích.
L’Express không ngần ngại gợi lên "những trục trặc đầu tiên trong chính phủ của ông Macron"mà gần đây nhất là mâu thuẫn giữa bà Agnès Buzyn, bộ trưởng bộ tương trợ và y tế với ông Bruno Le Maire, bộ trưởng kinh tế liên quan đến vấn đề phúc lợi xã hội, hoặc là giữa ông Gérard Collomb, bộ trưởng nội vụ với chính thủ tướng Edouard Philippe trên hồ sơ an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, còn có lời cảnh báo công khai của ba kinh tế gia thân cận với ông Macron từ thời còn vận động tranh cử, lên tiếng quan ngại trước xu thế bị cho là thiên hữu quá mức hiện nay của chính phủ.
Cuối cùng, là lời báo động của chính chủ tịch quốc hội, François de Rugy, lo ngại trước lịch trình ra luật dày đặc, khiến cho các dân biểu phải làm việc quá sức để kịp thông qua các đạo luật.
Theo L’Express, nhịp độ dày đặc nói trên đã gây nên một số cảm nhận tiêu cực, với đa số các văn bản luật không được giải thích cặn kẽ, khiến cho nhiều người không hiểu được là chính phủ muốn làm gì, thậm chí làm việc một cách lộn xộn.
Đối với L’Express, những người thân cận với vị tổng thống trẻ của nước Pháp đang hết sức lo ngại về việc người dân Pháp đang có cảm giác là ông Macron thiếu hòa đồng, lạnh lùng, xa cách, thậm chí còn coi thường người khác.
Mối đe dọa đến từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Tương tự như đồng nghiệp Le Point vào tuần trước, tố cáo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà độc tài đáng ngại, tạp chí L’Obs tuần này cũng mô tả một ông Erdogan đáng sợ nhân cuộc bầu cử mở ra ngày 24/06/2018.
Trên nền một chân dung đen trắng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vẻ đáng sợ với một nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối, tuần báo Pháp chạy tựa "Mối đe dọa Erdogan", và trong một hồ sơ dài 13 trang, đã nhấn mạnh đến các phương thức hành động của vị tổng thống được tờ báo mệnh danh là một "nhà độc tài cơ hội chủ nghĩa".
Đối với L’Obs, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một con người dân tộc chủ nghĩa, có xu hướng Hồi giáo cực đoan, một lãnh đạo chuyên chế đã chèn ép cả đất nước mình, và bỏ tù tất cả những người đối lập, một chiến lược gia nguy hiểm đã vượt qua được mọi cuộc khủng hoảng, và đang coi Châu Âu là trò chơi.
Một phát hiện của L’Obs : "Thổ Nhĩ Kỳ có đến 450 đền thờ Hồi giáo tại Pháp với 150 tu sĩ imam có quy chế công chức".
Văn hóa : Các chiến thắng bề ngoài của Trung Quốc
Trong lãnh vực văn hóa, Courrier International tuần này đã dành một hồ sơ ngắn để thảo luận về việc "Nên chăng trao trả các cổ vật về cho nước xuất xứ".
Trong số nhiều bài viết lý thú, tạp chí Pháp đã lược dịch một bài trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post nói về việc Bắc Kinh đã bị gậy ông lại đập lưng ông với chính sách thu hồi cổ vật Trung Quốc một cách hung hăng.
Ngày 25/04/2013, nhân một buổi đại yến tại Bắc Kinh, mà khách mời là François Hollande, tổng thống Pháp thời đó, tỷ phú Pháp François-Henri Pinault đã cho ông Tập Cận Bình biết ý định trao tặng cho Trung Quốc hai đầu thú bằng đồng, mà lính Pháp và Anh đã lấy đi trong lúc chiếm đóng cung điện mùa hè ở Bắc Kinh, năm 1860. Hai đầu thú này đã chuyền qua nhiều tay trước khi được gia đình nhà tỷ phú mua lại.
Theo ghi nhận của Neville-Hadley trên tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, các lãnh đạo Bắc Kinh rất hài lòng. Họ đã xem việc cổ vật bị đánh cắp trở về Trung Quốc là "niềm tự hào dân tộc". Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phải trả giá đắt trong vấn đề này.
Những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc đã "tung ra những thủ tục pháp lý vô hiệu", viên chức nhà nước sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để thu hồi những đồ vật bị lấy đi từ cung điện mùa hè (như yêu cầu tịch thu chẳng hạn). Chủ trương này càng khiến những chủ nhân hiện tại của các cổ vật đó tránh đưa vật quý báu ra thị trường làm cho việc tìm lại càng thêm khó khăn.
Theo Neville-Hadley, thái độ hung hăng của Trung Quốc còn có những hệ quả khác : "Các viện bảo tàng nước ngoài thường cho mượn các tác phẩm của họ nhân các cuộc triển lãm. Đối với Bắc Kinh chấp nhận những tác phẩm cho mượn đó có nghĩa là công nhận nó thuộc quyền sở hữu của người ngoài. Do đó với chiến dịch mang tính chính trị của chế độ khiên các trao đổi văn hóa này không thể thực hiện, cho dù một số vật cổ đã được mua lại một cách hợp pháp từ những người Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
Cả thế giới ngộ nhận về Tập Cận Bình
Brexit hai năm sau, tiết lộ mới về Panama Papers, Cúp bóng đá thế giới 2018, ván bài đầy rủi ro của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khi cho bầu cử trước thời hạn, nghi vấn quan hệ giữa tổng thống Pháp Macron với một doanh nhân ở Lyon ; đó là quan tâm chính của các báo Paris hôm nay.
Tổng bí thư Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thông báo thành phần Ban Thường vụ Bộ Chính trị ngày 25/10/2017. RFI
Riêng nhật báo Les Echos đăng ảnh Tập Cận Bình với tựa lớn "Điều tra tại trung tâm quyền lực Trung Quốc", dành hẳn phụ trang cuối tuần mang tên "Mạnh hơn cả Mao Trạch Đông" cho chủ đề này.
Cả thế giới đều lầm lẫn về Tập Cận Bình
Trị vì không đối thủ, chiếm lĩnh trung tâm trật tự thế giới mới : từ một nhân vật ít được biết đến, Tập Cận Bình nay đã leo lên tột đỉnh vinh quang. Les Echos nhận định thế giới đã nhầm lẫn vô cùng lớn. Khi ông Tập lên làm tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012, hầu hết các nhà bình luận phương Tây đều tỏ ra lạc quan. Người đàn ông phốp pháp luôn tươi cười có vẻ phúc hậu hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, hứa hẹn sẽ "tiếp tục tự do hóa tư tưởng". Tập Cận Bình còn hướng về Hoa Kỳ, được coi như một dấu hiệu cởi mở.
Hơn nữa, từng lãnh đạo một tỉnh năng động về kinh tế, ông Tập có lẽ sẽ lắng nghe giới kinh doanh hơn. Tập Cận Bình được bầu lên với sự thỏa thuận của các phe phái trong đảng, và một nhà nghiên cứu ở Hồng Kông dự báo ông ta sẽ là "một nhà lãnh đạo rất yếu". Và như vậy Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xu hướng mở cửa ra thế giới, với một tổng bí thư ít có tiếng nói.
Một nửa thập niên sau, nhân vật số một Bắc Kinh đưa tên mình vào Điều lệ Đảng, một việc mà trước đó chỉ có Mao Trạch Đông mới dám làm. Rồi ông ta sửa đối Hiến Pháp để hóa giải điều khoản chủ tịch nước chỉ được làm tối đa hai nhiệm kỳ. Ở tuổi 65, Tập Cận Bình nay có thể ngự trị đến mãn đời. Kịch bản này cũng dễ hiểu vì suốt năm năm của nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình tập trung vào việc tiêu diệt tất cả các đối thủ.
Đánh tan tác các đối thủ, đàn áp nhân quyền
Phe ông Giang Trạch Dân (chủ tịch nước 1993-2003) vốn cực mạnh, vô hiệu hóa được cả người kế nhiệm là Hồ Cẩm Đào, nay đã bị đánh cho tan tác với một chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu. Tương tự với các đại diện phe Đoàn thanh niên của ông Hồ Cẩm Đào.
Alex Payette, chuyên gia về Trung Quốc của trường đại học Toronto kết luận : "Lần này thì chẳng còn một mống nào đối kháng". Ngay cả Quân ủy Trung ương cũng bị vùi dập. Một nhà phân tích khác nhận định : "Ngược với những lãnh đạo tiền nhiệm, Tập Cận Bình tấn công tứ phía, không chừa một ai. Việc gây ân oán với số lượng kẻ thù không đếm xuể như thế, có thể là lý do khiến ông ta muốn cầm quyền đến trọn đời".
Hy vọng về một Trung Quốc mở cửa và tự do hóa chính trị tắt ngấm. Báo chí và các tổ chức phi chính phủ bị đàn áp, các chiến dịch thô bạo chống lại các nhà đấu tranh nhân quyền, áp lực ngày càng tăng đối với các luật sư và giới nghệ sĩ, khóa chặt internet, ám ảnh trước các "thế lực thù địch bên ngoài"… "Mỗi năm, Bạch thư của các Phòng thương mại nước ngoài tại Trung Quốc càng dày thêm" - một nhà kỹ nghệ ghi nhận "một không khí nghi ngại tăng lên thấy rõ". Nhất là theo dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2024.
Trung Quốc, trung tâm của trật tự thế giới mới ?
Sau giấc mơ hoa, các nước phương Tây dần thức tỉnh. Khi thượng đỉnh G7 cách đây hai tuần thất bại, thì Tập Cận Bình tươi cười với vai trò người cầm trịch hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, bên cạnh tổng thống Nga Putin, tổng thống Iran Rohani, thủ tướng Ấn Độ Modi, Châu Âu mới muộn màng nhận ra thế giới đang hướng về phía Bắc Kinh. Mọi người cũng thống nhất với ý kiến chính Trung Quốc mới là kẻ thắng lớn trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un.
Thế nên người ta mới đặt lại câu hỏi : rốt cuộc Tập Cận Bình là người như thế nào, mà qua mặt được tất cả mọi người lúc ban đầu ? Ông ta định làm những gì cho Trung Quốc ? Và nhất là, ông Tập còn đi đến đâu trong việc nắm chặt trong tay nền kinh tế thứ nhì thế giới ?
Một điều chắc chắn : Tập Cận Bình thuộc "thái tử đảng". Người cha là Tập Trọng Huân, ủy viên trung ương bị tống vào tù thời Cách mạng văn hóa lúc Tập Cận Bình mới 9 tuổi. Bản thân ông bị đưa về nông thôn lao động chân tay năm 15 tuổi. Một trong những nghịch lý là thay vì căm ghét đảng cộng sản, thời kỳ gian khổ này lại củng cố quyết tâm của Tập Cận Bình phải ngoi lên nắm cho được đỉnh cao quyền lực. Ông chịu đựng chín lần thất bại, trước khi lại trở thành quan chức lớn trong bộ máy đảng.
Tác giả François Bourgon cho rằng : "Sai lầm thứ nhất của phương Tây là nghĩ rằng thời kỳ khủng hoảng này khiến Tập Cận Bình trở thành người chỉ trích bộ máy cầm quyền".
"Make China great again", nhưng Trung Quốc sẽ đi về đâu ?
"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình vẫn còn mơ hồ, nhưng ý tưởng trung tâm là sự hồi sinh tinh thần dân tộc. Chuyên gia Bruno Gensburger bình luận : "Đó là một loại ‘Make China great again’". Alex Payette phân tích : "Thế hệ trẻ biết rằng những cơ hội của thời kỳ cải cách kinh tế quy mô đã qua rồi". Để thúc đẩy sự phục hưng, ông Tập khai thác lịch sử đất nước, biến chế độ mới được khai sinh từ năm 1949 trở thành người kế thừa xứng đáng của một câu chuyện nghìn năm tuổi.
Pha trộn những câu của Mao với các ngạn ngữ truyền thống, Tập huy động các tác giả tên tuổi cho sự nghiệp này, và mỗi lần phát biểu trước công chúng đều trích các "điển tích". Lão Tử, Khổng Tử bỗng trở thành đồng minh của một chế độ từng phỉ báng mình. Khi nói lời chúc mừng năm mới âm lịch, Tập Cận Bình cho dàn dựng phía sau là một tủ sách gồm cả kinh thư cổ lẫn sách mác-xít. François Bourgon ghi nhận : "Đối với ông Tập, tương lai chính là quá khứ".
Một cơ sở khác mà các nhà quan sát phương Tây ít chú ý, là khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đảng cộng sản Trung Quốc đang trong cơn khủng hoảng. "Vào cuối nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào, từ ‘tham nhũng’ hãy còn quá nhẹ để mô tả việc quan chức từ thấp đến cao cướp bóc từ nền kinh tế để làm giàu". Tài sản của gia tộc thủ tướng Ôn Gia Bảo được ước tính khoảng gần 3 tỉ đô la !
Cuộc chiến chống tham nhũng thô bạo của Tập Cận Bình là "nhất tiễn hạ song điêu" : vừa được lòng dân vừa mang lại tính chính đáng cho việc tập trung quyền lực. Tuy nhiên nó cũng tạo ra tâm lý sợ hãi. Một người dân Bắc Kinh cho biết : "Trong các bữa ăn tối, chẳng còn ai dám đề cập đến chính trị".
Vấn đề còn lại, là một Trung Quốc toàn trị sẽ đi về đâu, có hội nhập được với thế giới ? Những người ngây thơ nhất nay cũng đã mở mắt : hai năm gần đây thái độ của Châu Âu đối với Bắc Kinh đã dần dà thay đổi, khi Tập Cận Bình ngày càng rời xa những tiêu chuẩn chính trị của Châu Âu, lái đất nước khổng lồ đi về hướng vô định.
Brexit, hai năm sau
Le Monde nhìn sang Luân Đôn, hai năm sau khi người dân Anh chọn lựa ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu với 51,9% phiếu thuận, vào ngày 23/06/2016. Những người ủng hộ Brexit vui mừng khi được "tự do", thoát khỏi "ách thống trị" của Bruxelles !
Hai năm sau, người Anh lại phát hiện sự gắn bó của họ với thị trường chung và liên minh hải quan. Nay thì thủ tướng Theresa May đề nghị được ở lại thêm hai năm nữa trong "địa ngục" Châu Âu, đến năm 2023 mới kết thúc thời kỳ chuyển tiếp. Tuần báo The Economist số ra tuần này cho biết theo một trong những cơ quan thăm dò uy tín nhất là Peter Kellner, thì có đến 13/14 cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, đa số người dân Anh nhìn nhận việc ra khỏi Châu Âu là sai lầm, và 28% cử tri Công đảng đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nay nói rằng họ sẽ không làm như thế nữa.
Le Figarođưa vấn đề này lên trang nhất, chạy tựa "Hai năm sau, Brexit vẫn trong màn sương mù" và trong bài xã luận đã than phiền "Thật là bát nháo !" - nhại theo tựa của tờ báo rất nghiêm túc là Times "Merde, what a mess !". Tuy ly dị, nhưng muốn mọi việc vẫn như cũ, ít nhất là về thương mại : hai năm sau khi muốn giong buồm ra khơi xa, Anh quốc vẫn còn loanh quanh trên biển.
Liệu nếu đưa ra trưng cầu dân ý lại, kết quả có tương tự ? Tờ báo ghi nhận, từ đó đến nay có 1,2 triệu cử tri đã qua đời, trong khi có thêm 1,4 triệu cử tri trẻ đến tuổi đi bầu, mà giới trẻ hầu hết ủng hộ việc ở lại với Châu Âu.
World Cup : Nhiều khán giả đến "Vì đôi mắt xanh của Ronaldo"
Trên lãnh vực thể thao, Cúp bóng đá thế giới 2018 tại Nga cho đến nay diễn ra một cách suông sẻ. Bên cạnh những ghi nhận về đội tuyển Pháp và một số đội mạnh khác, còn có những bài viết về một cầu thủ nổi bật là Cristiano Ronaldo, mà theo Le Figaro là "đầu tàu" của World Cup kỳ này.
Le Monde quan tâm đến một khía cạnh khác : đó là người hâm mộ. Trong bài "Vì đôi mắt xanh của Ronaldo", tờ báo ghi nhận rất nhiều fan Châu Á chỉ chú ý đến cầu thủ mang áo số 7 của đội tuyển Bồ Đào Nha. Tác giả của bốn bàn thắng trong hai trận, cây làm bàn 33 tuổi mang biệt danh CR7 thu hút mọi người.
Khán giả người Hoa hiện diện đông đảo tại sân vận động Loujiniki, nhưng còn có các fan người Việt, người Ấn. Chẳng hạn Mai Quỳnh và Khoa Nguyễn từ Hà Nội, đã sáng bừng mắt khi nghe nhà báo hỏi về cầu thủ này : "Chúng tôi đến đây vì Ronaldo mà thôi".
Thụy My
Donald Trump - kẻ bắt con tin
Khủng hoảng di dân chiếm trang đầu báo chí Pháp với hình ảnh ba nhà lãnh đạo tây phương Mỹ, Đức,Pháp đứng đầu gió : Chiến thuật của Donald Trump như thế nào ? Vì sao Angela Merkel và Emmanuel Macron có thể giúp Châu Âu vượt qua làn sóng nhập cư ? Bên cạnh chủ đề lớn này là viễn cảnh hòa bình tại Triều Tiên, tự do bị siết chặt ở Cam Bốt, chiến thuật "thả diều lửa" ở Gaza và "gián điệp bóng đá" Pháp trong mùa World Cup… góp mặt trên các trang phóng sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp về người nhập cư tại Nhà Trắng, ngày 20/06/2018. Reuters/Leah Millis
Trump đối mặt với nỗi nhục, Libération khai hỏa với tựa lớn trên trang nhất kèm theo bài bình luận "Bệnh lý bài ngoại". Le Figaro cụ thể hơn với tựa : Trump đã lùi bước trước làn sóng phản đối. Trong khi đó, Le Monde, tuy phát hành trước khi có tin tổng thống Mỹ thay đổi thái độ, đã nhạy bén dự báo trước với bài phân tích "Kẻ bắt con tin".
Nước đục thả câu theo lối Trump
Theo nhận định của Le Monde, tổng thống Mỹ "vô tâm đối với quyền con người". Washington thông báo không làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tựa trên trang nhất. Trong bài xã luận "kẻ bắt con tin", nhật báo độc lập của Pháp cho rằng công thức "Zero dung thứ" của tổng thống Donald Trump đã được áp dụng trong thực tế đối với di dân bất hợp pháp là "cách ly cha mẹ với con cái". Sự kiện diễn ra ở biên giới Mêhicô gây phẫn nộ trong công luận trong mấy ngày qua. Tổng thống Mỹ còn giả vờ quy trách nhiệm cho phe đối lập ở Quốc hội ngăn chận dự luật kiểm soát nhập cư.
Trên thực tế, đây là một chiến thuật mang dấu ấn của nhà tỷ phú : khiêu khích gây hoảng loạn tâm lý trên một hồ sơ nóng, dùng từ ngữ khiếm nhã hoặc khôi hài để làm tê liệt sự suy nghĩ của những người bình thường tin tưởng vào các nguyên tắc sơ đẳng mà một chính khách đúng nghĩa không bao giờ chà đạp. Từ khi đắc cử đến nay, Donald Trump tập trung tấn công nạn nhập cư bất hợp pháp, nhưng kỳ thực, mục tiêu sâu xa của ông là "chống nhập cư hợp pháp", cho dù kinh tế Mỹ đang hưng phấn và tỷ lệ thất nghiệp thấp chưa từng thấy.
Chủ nhân Nhà Trắng từ nay thúc giục Quốc hội giảm tối đa trường hợp đoàn tụ gia đình, hủy bỏ "xổ số" cấp thẻ xanh nhưng cùng lúc biểu quyết ngân sách xây bức tường tốn kém hàng chục tỷ đô la ở biên giới phía nam. Donald Trump tìm cách đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ 1921, năm ban hành chính sách hạn chế di dân đầu tiên, co cụm trong chiêu bài ích kỷ "nước Mỹ trước đã".
Thông điệp bài di dân còn có một mục đích chính trị : duy trì lực lượng cử tri cho phép Donald Trump đắc cử năm 2016 để phục vụ cho cuộc bầu cử "giữa nhiệm kỳ" vào tháng 11 và nhất là để tái tranh cử trong năm 2020.
Tuy nhiên, cho dù vùng vẫy thế nào đi nữa thì các biện pháp chống nhập cư chỉ là "thuốc xoa ngoài da", cử tri da trắng tại Hiệp Chủng Quốc không tránh khỏi trở thành thiểu số trong tương lai. Những người dân không giấy tờ cư trú tại Mỹ ngày nay, cũng như nhiều thế hệ đi trước, đã góp bàn tay xây dựng nên nước Hoa Kỳ.
Trục Pháp-Đức chống đỡ cho Châu Âu
Châu Âu cũng đang đương đầu với thách thức di dân nhập cư xem ra còn cam go hơn nước Mỹ của Donald Trump, bởi vì khủng hoảng này đang bị phe cực hữu và phe muốn Châu Âu tan rã để khai thác kiếm phiếu. Tuy nhiên, theo nhật báo La Croix và Les Echos, Liên Hiệp Châu Âu có thể "quản lý" được hồ sơ nóng bỏng này.
Nhật báo kinh tế cho biết không ít nhà bình luận, kể cả chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani, đều lo ngại vấn đề nhập cư sẽ khai tử Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, đằng sau thái độ hoảng loạn tập thể, hồ sơ di dân đang được quản lý tốt. Trước hết, làn sóng nhập cư đã giảm dần, thứ hai là có thể tìm được thỏa hiệp trong nội bộ Châu Âu hóa giải áp lực của phe dân túy đang manh nha thành lập "trục Áo-Đức-Ý chống di dân" mà hệ quả có thể làm tan rã chính phủ liên minh Đức và lung lay nền móng Liên Hiệp Châu Âu.
Triển vọng này có được là nhờ tinh thần "bền bỉ" của "trục" Paris-Berlin, đối đầu với xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang lên tại Châu Âu. Phe này không chỉ muốn "biến Châu Âu thành pháo đài", mà còn biến mỗi nước thành một thành trì riêng biệt như thời trung cổ. Cơn địa chấn ích kỷ này có nguy cơ quét sạch nỗ lực kiến tạo mái nhà chung từ nhiều thập niên qua, theo báo La Croix.
May mắn thay, ít nhất có hai nước không đầu hàng. Cho dù bối rối vì làn sóng nhập cư bất hợp pháp, Đức và Pháp biểu dương tinh thần đoàn kết đối phó với một thế giới bất an. Emmanuel Macron và Angela Merkel đồng thuận trên một loạt hồ sơ sinh tử của Liên Hiệp Châu Âu, từ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, củng cố khu vực đồng tiền chung và khuyến khích nghiên cứu canh tân khoa học. Tinh thần "bền bỉ" này, theo nhật báo công giáo, mang sắc thái của một "đại cường" và sẽ giúp Châu Âu vững vàng đi tới.
Cộng đồng Triều Tiên tại Nhật hy vọng
Về diễn tiến tình hình bán đảo Triều Tiên, trang hai của Le Monde dành một bài giải thích vì sao Kim Jong-un phải sang Bắc Kinh ba lần trong vòng không đầy ba tháng, cũng như tìm hiểu ước vọng của cộng đồng người Triều Tiên ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng sống tại Nhật Bản trước viễn cảnh hòa bình.
Sau thượng đỉnh Trump-Kim, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh từ nay sẽ tham khảo, hội ý chặt chẽ trước mỗi bước đi tới trong tương lai. Trong ván cờ tay ba Mỹ-Trung-Triều, đóng vai trò trung tâm, Bắc Kinh muốn được đền đáp công lao, nhất là về kinh tế.
Trong viễn cảnh vãn hồi hòa bình, Bắc Triều Tiên cần nhân tài và vốn để phát triển, cộng đồng lưu vong tại Nhật hy vọng góp phần không nhỏ. Tổng cộng khoảng 650.000 người, chia làm hai phe, tuy hầu hết đến Nhật từ miền nam bán đảo. Phe chọn chế độ miền bắc, một phần vì ý thức hệ, một phần vì chống chế độ độc tài ở Seoul trước đây. Khoảng 100.000 đã hồi hương về miền bắc. Phần đông thất vọng vì bị nghi kỵ "tiêm nhiễm tư bản đồi trụy", bị bắt cải tạo. Một thiểu số may mắn hơn, trong đó có nữ ca sĩ Ko Young-hui, sinh tại Nhật, lọt vào mắt xanh của Kim Jong-il, là mẹ của chủ tịch Kim Jong-un hiện tại.
Trong bối cảnh phải hòa giải với Bắc Triều Tiên, thủ tướng Shinzo Abe tìm cách nối lại đối thoại. Cộng đồng Triều Tiên thân Bình Nhưỡng kỳ vọng vào tương lai tươi sáng, không còn bị xem là "tổ gián điệp" cho Bắc Triều Tiên.
Nhật báo độc lập cuối cùng hấp hối
Tại Cam Bốt, quyền tự do ngôn luận và báo chí bị tiêu diệt dần dần với một thủ đoạn tinh vi phối hợp tiền và áp lực.
Với tựa "những người của thủ tướng chiếm nhật báo độc lập cuối cùng Phnom Penh Post", nhật báo Libération trình bày tình hình bi quan cho nền tự do báo chí tại xứ chùa Tháp. Sau khi giải thế đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc, bắt giam các lãnh tụ đối lập, thủ tướng Hun Sen, người cầm quyền liên tục từ hơn 30 năm qua, muốn tái đắc cử dễ dàng. Sự kiện nhật báo độc lập cuối cùng bị một nhà đầu tư thân cận với chế độ mua lại là cuộc tấn công lần thứ 1001 chống tự do báo chí. Trong bản xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới, Cam Bốt mất 10 hạng, đứng hàng thứ 142 trên 180.
Cho dù chủ nhân mới, một nhà đầu tư Malaysia, cam kết tôn trọng tinh thần độc lập của nhật báo, nhưng Phnom Penh Post hoàn toàn im lặng trước tin cựu lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Kem Sokha được thả vào ngày 07 tháng 05, dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc.
Hiệp hội Nhà xuất bản Á Châu vừa đề cử bốn giải thưởng cho các phóng viên của Phnom Penh Post, nhưng phân nửa các tác giả đã ra đi. Áp lực ngầm buộc phóng viên từ chức là vũ khí.
Gaza : Những con diều lửa
Tại Gaza, trận chiến "diều giấy" bốc lửa đang đặt hai phe Palestine và Israel vào một phương trình nhức óc, theo báo Le Monde và Libération.
Một trận chiến khác giữa kẻ yếu chống kẻ mạnh đang diễn ra tại Trung Đông : diều giấy không phải là đồ chơi mà là vũ khí sát thương. Nhận định trên đây của phát ngôn viên quân đội Israel với Le Monde thể hiện mối lo ngại của Israel trước hình thức phản kháng tay không chống vũ khí. Giới trẻ Palestine thả diều giấy mang chất dẫn lửa từ Gaza bay sang Israel, đốt cháy tổn cộng 25 km vuông ruộng rẫy hoa mầu. Từ một tuần nay, quân đội Israel trả đũa lúc đầu bằng drone - thiết bị bay không người lái - bắn cảnh báo gần các nhóm thanh thiếu niên thả diều, nhưng không hiệu quả. Bây giờ không quân Israel phải dùng đến chiến thuật oanh kích ban đêm, tấn công vào các vị trí của tổ chức Hamas, kiểm soát Gaza và bị xem là thủ phạm kích động giới trẻ bạo động.
Tuy nhiên, theo Le Monde, những thủ lĩnh Hamas không có lý do gì mà không thúc đẩy giới trẻ Palestine, đang sống trong tuyệt vọng và chán chường vì tương lai bế tắc, tiếp tục tranh đấu bằng diều giấy, ít tốn kém mà lại gây được tiếng vang và làm đối phương sợ hãi.
World Cup 2018 : Gián điệp bóng đá
Vào lúc đội tuyển Pháp chuẩn bị đấu trận thứ hai tranh vòng loại Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga, ban tham mưu đội tuyển Pháp "chơi trò gián điệp Nga", theo tường thuật của Le Figaro.
Trong một nước mà KGB có tiếng hiệu quả từ thời Liên Xô, nghề gián điệp không có gì là bí mật trên lãnh thổ Nga trong mùa bóng đá. Từ sau ngày rút thăm 01/12/2017, đoàn "điệp viên của bóng đá Pháp" đã tung ra ba nước : Úc, Peru và Đan Mạch để "tìm hiểu" và đáp ứng những yêu cầu của huấn luyện viên Didier Deschamps. Quan sát, điều nghiên các trận đấu của từng đối thủ trong suốt hai năm trở lại, phân tích, làm báo cáo chính xác và chi tiết là nhiệm vụ của ba chuyên gia "huấn luyện và giám sát". Một nhóm khác chuyên về băng video, điều nghiên cách tấn công và phòng thủ của mỗi đội tuyển đối thủ, thái độ khi mất banh, khi bị quả phạt đền gián tiếp, phạt góc, vai trò của thủ môn trước đường banh tấn công từ trên cao, khi nào thay thế cầu thủ tấn công …
Một trợ lý huấn luyện viên đội tuyển quốc gia cho biết thêm : Tất cả các thông tin này chỉ được thông báo "nhỏ giọt" cho các cầu thủ để tránh tình trạng "nhồi sọ" vô bổ. Nhược điểm của thế hệ cầu thủ trẻ là dễ mất tinh thần.
Thật ra, đội tuyển nào cũng có "gián điệp" và cuối cùng "ta, địch" đều biết rõ mọi bí mật của nhau.
Ngày Hội âm nhạc lần thứ 37
Hôm nay là ngày hội âm nhạc trên toàn nước Pháp và hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Tất cả báo Pháp đều dành nhiều trang để quảng cáo Ngày Hội âm nhạc lần thứ 37 (Solidays), mọi sinh hoạt đều tự do và miễn phí, theo sáng kiến của bộ trưởng văn hóa Pháp Jacques Lang vào năm 1982.
Tú Anh
Nghiện màn hình : Căn bệnh của thời đại công nghệ số
Pháp-Đức đạt thỏa thuận về ngân sách cho khu vực đồng euro và về chính sách nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu, đọ sức thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Kim Jong-un cấp tập các chuyến đi Trung Quốc trong vòng chưa đầy ba tháng qua và diễn biến sôi động của Cúp bóng đá Thế giới tại Nga, là những chủ đề chung của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay.
Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook phát biểu tại hội nghị Apple Worldwide Developer ở San Jose, California, 04/06/2018. Reuters/Elijah Nouvelage
Tuy nhiên chủ đề chính của Le Figaro và Libération liên quan đến vấn đề của xã hội công nghệ hiện đại.
Dán mắt vào màn hình và trò chơi điện tử giờ đã trở thành một chứng nghiện. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Nghiện màn hình : Các bậc cha mẹ kêu gọi trợ giúp". Theo tờ báo, ngày càng có nhiều trẻ nhỏ được trang bị và mất hàng giờ trước các loại màn hình của chúng. Năm 2017, mỗi tuần các em nhỏ tuổi từ 1-6 trung bình có 4 giờ 37 phút trên internet. Với lứa tuổi 13-19 thì con số đó là 15 giờ 11 phút.
Trước tình trạng này các ông bố bà mẹ thường bất lực không biết làm gì. Ngành giáo dục đang đặt vấn đề làm sao sử dụng cho đúng công nghệ số, trong khi đó thì tổ chức Y Tế Thế Giới vừa xếp trò chơi điện tử vào danh sách các bệnh nghiện…
Le Figaro cho hay, riêng tại Pháp "để hỗ trợ các bậc phụ huynh dứt con cái mình ra khỏi các màn hình, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp được huy động vào cuộc". Trẻ em bây giờ ngày càng dành thêm nhiều thời gian cho các thiết bị như điện thoại, iPad, máy tính.
Tình hình có vẻ như đã đến mức độ nghiêm trọng và giờ là mối lo ngại đầu tiên của nhiều gia đình, trước cả khi con cái họ đến trường.
Xã luận của Le Figaro gióng tiếng chuông "báo động kỹ thuật số". Ngay cả lãnh đạo của Facebook, Google cũng ý thức được nguy cơ mới của thế giới kết nối, thế giới của những chiếc màn hình. Có lẽ vì thế mà theo Le Figaro, "các lãnh đạo ở California có xu hướng gửi con cái họ đến các trường chuyên của Thung lũng Silicon, tại đó các loại iPhone, iPad đều bị cấm sử dụng. Người ta đồn rằng gia đình Bill Gates và Steves đều không có máy tính bảng trong nhà".
Tờ báo nhấn mạnh là : "Béo phì, cận thị, mất tập trung, học kém, giảm năng lực sáng tạo, rối loạn giấc ngủ và tính cách… Các viện nghiên cứu y khoa trên khắp thế giới đã lập ra một danh sách dài các chứng bệnh đang rình rập những đứa trẻ trong thời đại công nghệ số". Hậu quả không chỉ dừng lại ở vấn đề thể chất như vậy, mà còn cả về các vấn đề xã hội rộng hơn.
Xã luận của Le Figaro nhận thấy : "Các viện nghiên cứu giờ đây đang hô hào dùng Web "hợp lý". Nhưng chính các Nhà nước phải đóng vai trò đầy đủ trong việc điều tiết thế giới mới, không để phó mặc các giá trị căn bản về văn hóa xã hội và chính trị cho một nhúm các nhà khổng lồ công nghệ số".
Nghiện trò chơi điện tử là một bệnh
Cùng chủ đề trên, nhật báo Libération tập trung vào quyết định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hôm thứ Hai tuần này (18/06), xếp chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách những chứng bệnh rối loạn tâm thần, bên cạnh các bệnh nghiện ma túy.
Theo tờ báo thì quyết định này có thể gây bất ngờ với người chơi và các nhà sản xuất ra trò chơi vì trò chơi điện tử, một trò giải trí có tới 2,5 tỉ người chơi trên thế giới. Theo Libération, Tổ Chức Y Tế Thế Giới nhằm khuyến cáo một nguy cơ có thực và giảm bớt lo ngại cho các bậc phụ huynh mà thôi, chứ không phải để loại bỏ một trò chơi trí tuệ. Đó cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý chính quyền, tạo tiền đề để giới chuyên môn nghiên cứu về hậu quả của trò chơi điện tử đối với trẻ.
Thương mại Mỹ-Trung : Cuộc đấu giá đầy đe dọa
Chuyển qua các đề tài thời sự chính trị quốc tế. Trung Quốc và Mỹ thay phiên nhau gia tăng áp lực trong quan hệ thương mại. Các cuộc khẩu chiến dọa dẫm nhau của hai bên trong những ngày qua như một cuộc đấu giá.
Trang kinh tế của Le Figaro ghi nhận : Donald Trump tăng sức ép với Trung Quốc. Sau phản ứng đáp trả tương xứng và tức thì của Bắc Kinh trước việc Mỹ dọa tăng thuế đánh vào 50 tỉ đô la hàng Trung Quốc, giờ đây tổng thống Mỹ yêu cầu nhà đàm phán thương mại Robert Lighthizer chuẩn bị danh sách bổ sung thuế đánh vào hàng nhập của Trung Quốc với cường độ lớn hơn : 200 tỉ đô la, gấp 4 lần đe dọa trước. Tổng thống Donald Trump đã khẳng định trong một thông cáo : "Những sáng kiến bổ sung này nhằm thúc đẩy Trung Quốc phải thay đổi cách làm ăn bất chính, mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ và chấp nhận một quan hệ buôn bán cân bằng hơn".
Tất nhiên là Trung Quốc không chậm trễ đáp trả lại ngay, dọa có các biện pháp tương ứng cả về "lượng và chất" nếu các đe dọa mới của Mỹ thành hiện thực.
Tất cả mới chỉ dừng lại ở khẩu chiến, cho đến đầu tháng 7 nằy thì vẫn chỉ có khoảng 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế cao. Tuy nhiên nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Lần này viễn cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là nghiêm túc. Thị trường tài chính đã lao dốc, chỉ số Dow Jones tại chứng khoán Wall Street hôm qua đã giảm 1,5% khi mở cửa. Các chuyên gia phân tích đã bắt đầu tính toán thiệt hại lớn cho nền kinh tế của hai nước cũng như của cả thế giới".
Les Echos dẫn nhận định của ông Louis Kuijs, kinh tế gia trưởng chuyên về khu vực Châu Á thuộc Oxford Economics : "Một cuộc leo thang xung đột giữa hai nước như vậy nếu được hiện thực hóa sẽ gây tác động kinh tế đáng kể ở Trung Quốc cũng như Mỹ, nhất là vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế thế giới". Theo chuyên gia này thì không hề đơn giản cho Hoa Kỳ để xác định 200 tỉ đô la đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mà không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Kim Jong-un liên tiếp công du
Tiếp tục với nhật báo kinh tế Les Echos, tờ báo quan tâm đến chuyến công du hôm qua của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi Trung Quốc lần thứ ba trong vòng chưa đầy ba tháng qua. Trọng tâm của chuyến đi này ai cũng hiểu là để Kim Jong-un báo cáo lại tình hình và nội dung cuộc gặp với tổng thống Donald Trump hôm 12/06 vừa qua. Les Echos nhận định : "Cho dù Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn duy trì một mối quan hệ truyền thống, nhưng đó là mối quan hệ rất tế nhị và hai bên vẫn dè chừng nhau. Lần này thì lãnh đạo hai nước có thể ăn mừng về việc cường quốc Mỹ nhanh chóng mất ảnh hưởng trong khu vực". Bắc Triều Tiên và Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua vẫn sát cánh bên nhau, phối hợp chiến lược nhằm thúc đẩy sự suy tàn của uy lực Hoa Kỳ.
Khi Donald Trump chấp nhận đến Singapore bắt tay Kim Jong-un, nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Trung Quốc bị đẩy ra ngoài lề của câu chuyện lớn. Thế nhưng thực tế không hề như vậy. Les Echos trích dẫn nhà nghiên cứu Jonathan Berkshire Miller, thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Tokyo, Nhật Bản, nhận định : "Giống như ở rạp chiếu phim, Trung Quốc theo dõi mọi việc từ xa trong ghế ngồi của mình, vừa ăn bỏng ngô vừa xem sự tan rã từ từ các đồng minh Mỹ trong khu vực".
Cúp bóng đá thế giới : Iran trông cậy vào huấn luyện viên trưởng
Hầu hết các báo ra hàng ngày đều dành ít nhất một trang báo cho ngày hội bóng đá thế giới đang diễn ra sôi động trên đất Nga.
Báo La Croix có bài : Người thứ 12 giúp Iran đối phó với đối thủ, nói về huấn luyện viên 65 tuổi người Bồ Đào Nha, Carlos Queiroz. La Croix cho hay, dù phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng về mặt tổ chức, bởi các nhà cung cấp thiết bị thể thao Mỹ tẩy chay, đội tuyển Iran trông cậy hoàn toàn vào huấn luyện viên người Bồ Đào Nha - hy vọng thành công trong trận gặp Tây Ban Nha hôm nay. Bài báo ca ngợi huấn luyện viên đội tuyển Iran, Carlos Queiroz là một người có nghệ thuật biến yếu thành mạnh. Mặc dù đối mặt với Tây Ban Nha, ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch năm nay, nhưng người Iran vẫn mơ có được chiến thắng thứ hai, hay ít nhất là có được 1 điểm, để tiến xa hơn nữa ở giải này.
Trong khi đó thì Le Figaro bàn về vấn đề hỗ trợ video trọng tài ở World Cup. Tờ báo thống kê từ đầu vòng chung kết Cúp thế giới đến nay, mới chưa hết loạt trận thứ hai vòng bảng, đã có 10 quả phạt penalty, trong đó 3 lần nhờ công cụ hỗ trợ video (VAR). Tuy nhiên, khá nhiều tranh luận bắt đầu nổi lên xung quanh việc sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài, vì vẫn còn quá nhiều lỗi bị bỏ sót, trong đó nhất là trong các pha va chạm giữa các cầu thủ.
Anh Vũ
Tổng thống Trump đe dọa tăng thuế cho 200 tỉ đô la hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc (CaliToday, 19/06/2018)
Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ ấn định mức tăng thuế mới là 10% cho các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc với tổng trị giá lên đến 200 tỉ đô la, một việc làm chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ đòi trả đũa.
Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ ấn định mức tăng thuế mới là 10% cho các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc - Ảnh minh họa : AP
Tổng thống Trump đã cho hay ông ra lệnh cho ông Robert Lighthizer, đại diện mậu dịch của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, hãy lập ra danh sách những mặt hàng mới của Trung Quốc sẽ chịu mức thuế mới này.
Tổng thống Trump cho hay biện pháp mới nhất là nhằm trả đũa quyết định gần đây của Bắc Kinh cho tăng thuế vào tổng trị giá 50 tỉ đô la các hàng hóa nhập từ Hoa Kỳ, vốn xuất hiện sau khi Tổng thống Trump loan báo các biện pháp tương tự vào thứ sáu tuần trước.
Tổng thống Trump tuyên bố : "Sau khi các biện pháp có tính cách luật lệ được hoàn tất, các mức biểu quan thuế mới này sẽ có giá trị, nếu như Trung Quốc từ chối thay đổi chủ trương mậu dịch của họ, và nếu như họ cứ tiếp tục giữ mức thuế đánh vào hàng Hoa Kỳ như họ mới loan báo"
Tin tức hôm nay về quyết định mới của Tổng thống Trump tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc đã làm trị giá cổ phiếu trong các thị trường tài chính thế giới đồng loạt bị giảm và cả đồng đô la Mỹ và đồng yuan của Trung Quốc đều bị giảm giá.
Bộ Thương Mại Trung Quốc lập tức ra thông báo tố cáo Hoa Thịnh Đốn cố ý tung ra một trận chiến mậu dịch toàn diện và đe dọa ‘sẽ áp dụng những biện pháp cả về phẩm lẫn lượng’ trả đòn nếu như Hoa Kỳ tiếp tục thông báo các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế mới.
Đào Nguyên
****************
Trung Quốc áp thuế lên dầu nhập từ Mỹ sẽ tác động tới ngành công nghiệp tỷ đô (VOA, 19/06/2018)
Việc Bắc Kinh dọa áp thuế lên dầu hỏa Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trong 2 năm qua, hiện trị giá gần 1 tỉ USD/tháng.
Tư liệu : Phó Thủ tướng Trung Quốc đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm Chủ nhật 25/3/2018. Quan chức hàng đầu Trung Quốc khuyến cáo chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho bên nào.
Trong cuộc đối đầu thương mại ngày càng leo thang về mức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với đa số các đối tác thương mại, kể cả Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước tuyên bố sẽ xúc tiến với kế hoạch áp thuế suất cao trên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỉ đôla, khởi sự từ ngày 6/7.
Hôm thứ Sáu, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng Mỹ, kể cả dầu hỏa.
Giới đầu tư nhận định vụ xung đột thương mại này sẽ phương hại tới các công ty dầu khí Mỹ, làm giá cổ phần của ExxonMobil và Chevron giảm từ 1 tới 2% trong phiên giao dịch ngày 15/6, và khiến giá dầu thô Mỹ sụt giảm khoảng 5%.
Ông Stephen Innes – người đứng đầu bộ phận kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Oanda ở Singapore, nhận định, căng thẳng thương mại leo thang "rất nguy hiểm cho giá dầu".
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra vào một thời điểm quyết định đối với thị trường dầu khí.
Sau một năm rưỡi tình nguyện cắt giảm nguồn cung – một nỗ lực được dẫn đầu bởi các nước xuất cảng dầu hỏa–OPEC, và Nga, một nước không thuộc OPEC, các thị trường dầu khí đã bắt đầu siết chặt khiến giá cầu tăng cao.
Trung Quốc dọa cắt giảm nhập khẩu dầu từ Hoa Kỳ sẽ có lợi cho các nước sản xuất khác, như các thành viên của OPEC, và Nga. Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, và Nga, vừa cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế đối với nguồn cung và bắt đầu tăng lượng dầu xuất khẩu.
Trung Quốc giảm nhập dầu từ Mỹ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nước đang bị Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đã loan báo hồi tháng 5 năm nay.
Ông John Driscoll - Giám đốc JTD Energy Services, nhận định : "Trung Quốc có thể thay thế dầu của Mỹ bằng dầu thô của Iran".
Theo phúc trình của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ, dầu thô của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 2 năm qua nhờ tăng sản lượng dầu để bù đắp lại trong tình hình các nước OPEC và Nga tìm cách cắt giảm nguồn cung.
Các biện pháp trả đữa gay gắt của Trung Quốc để phản bác ông Trump đã gây bất ngờ.
"Chúng tôi bất ngờ vì dầu thô được ghi vào danh sách", một quan chức của một tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc nói và yêu cầu không nêu tên vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Mức thuế mà Trung Quốc dọa áp đặt sẽ khiến dầu thô của Mỹ trở nên đắt hơn so với các nguồn cung đến từ các khu vực khác, kể cả Trung Đông và Nga, và có nguy cơ gây gián đoạn cho một ngành công nghiệp đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Driscoll nói :
"Với những trò chính trị của ông Trump, chúng ta bước vào một thế giới trong đó các liên minh phải được sắp xếp lại. Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng yên để Mỹ áp đặt các mức thuế mới".
"Donald Trump, vị tổng thống giữ lời hứa"
Lần đầu tiên trong vòng hai thế kỷ lịch sử, nước Mỹ có một vị tổng thống "lạ đời", tính khí khó lường, ngẫu hứng. Ông "gây sự" với đồng minh phương Tây hay Trung Quốc trên mặt trận thương mại, nhưng lại "ngọt ngào" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi họp Hội Đồng Không Gian Quốc Gia tại Nhà Trắng ngày 18/06/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Donald Trump khiến giới chuyên gia phải "vò đầu bứt tóc", có nguy cơ mắc bệnh "xói đầu" như nhận xét hóm hỉnh của Les Echos, nhưng ông làm hài lòng cử tri Mỹ.
Thật ra tổng thống Mỹ hiện nay, ông là người như thế nào ? Nhật báo kinh tế dẫn lời một doanh nhân Đức tại Mỹ nhận xét : trước hết, "Donald Trump là một vị tổng thống biết giữ lời hứa".
Cây bút xã luận Jean-Marc Vittori cho rằng chỉ cần nhìn ngược thời gian có thể hiểu được thâm ý của tổng thống Mỹ hiện nay. Từ 30 năm qua, ông luôn ấp ủ một niềm mơ ước : Đưa nước Mỹ trở lại với những năm tháng hùng cường, hưng thịnh, đầy ánh hào quang của những năm 1960.
Ước mơ đó được ông thể hiện rõ qua khẩu hiệu vận động tranh cử nổi tiếng : "Make America Great Again". Giới chuyên gia cười khẩy. Nhưng người dân Mỹ lại rất thích. Và ông thực hiện đúng như những gì ông nói. Điều này dẫn đến hai hệ quả chính.
Đầu tiên, tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với truyền thống chính trị của Mỹ có từ 100 năm qua. Từ sau Đệ Nhất Thế Chiến, những người tiền nhiệm một khi bước chân vào Nhà Trắng, hoặc do mặc nhiên, hoặc dưới áp lực của các sự kiện quốc tế (Châu Âu, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Trung Đông…) đều chọn tập trung vào chính sách đối ngoại. Nhưng Donald Trump thì ngược lại, ông muốn điều hành đất nước theo lợi ích duy nhất của Hoa Kỳ.
Tiếp đến là ông nhìn về quá khứ. Nước Mỹ vĩ đại mà ông khao khát không phải là một đất nước của nền công nghệ Silicon Valley mà ông căm ghét. Ông mơ về một nền công nghiệp nặng đã tôn vinh nước Mỹ thời trai trẻ của ông trong suốt những năm 1950-1960.
Vì vậy mà ông rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris để khởi động lại ngành công nghiệp than, ông áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng nhôm và thép, và sau cùng là xe ô-tô nhập khẩu. Dưới góc nhìn này, người ta không mấy khó khăn hiểu được đòn tấn công của ông nhắm vào lĩnh vực ô tô, từ lâu là biểu tượng của sức mạnh Hoa Kỳ.
Hạn chế quyền lực
Nhưng Donald Trump hiểu rất rõ là quyền hạn tổng thống Mỹ ở trong nước bị hạn chế. Đó cũng chính là một trong những nguyên do thúc đẩy các đời tổng thống trước hoạt động nhiều trong lĩnh vực ngoại giao. Hiến Pháp Mỹ trao quyền chủ yếu cho Quốc Hội, một định chế có cơ chế co cụm và bị thao túng bởi các nhóm vận động hành lang.
Ngược lại, chủ nhân Nhà Trắng được rộng quyền trên hồ sơ thương mại quốc tế. Điều này lại càng có lợi cho ông. Bởi vì, thương mại quốc tế là một nỗi ám ảnh từ lâu của tổng thống Mỹ. Năm 1987, ông tự đăng một trang quảng cáo trên New York Times để tố cáo "thặng dư mậu dịch thái quá" của Nhật Bản. Đồng thời hối thúc các đồng minh Mỹ phải đóng góp thêm cho quốc phòng của họ, đó cũng chính là những gì ông Trump vừa làm với Đức.
Thương lượng thô bạo : Công cụ ngoại giao hữu hiệu ?
Từ những chi tiết đó người ta sẽ dễ dàng hiểu được vũ khí của Trump là gì và khó có thể mà ngăn cản. Lập luận của tổng thống Mỹ rất đơn giản : "Tôi là người mua lớn nhất thế giới. Bởi vì tôi là một khách hàng lớn, tôi phải thương lượng lại với mỗi nhà cung cấp".
Mục tiêu là không phải để được bớt giá và cũng không phải để gây chiến thương mại. Điều duy nhất khiến tổng thống Mỹ phải bận tâm chính là mở lại các nhà xưởng ở Mỹ hay như là thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trở lại, những điều mà ông có thể phô bày trước mặt cử tri Mỹ.
Trước loại vũ khí này, lãnh đạo các nước lớn như bị vô hiệu hóa. Chẳng ai được học nghệ thuật thương lượng thô bạo như thế. Tại đại học, Angela Merkel và Tập Cận Bình nghiên cứu về hóa học, Emmanuel Macron học về triết và khoa học hành chính, Theresa May về địa lý, Giuseppe Conte học về luật…
Donald Trump chuyên gia về bất động sản và trải qua hơn nửa đời người vật lộn với giá từng mét vuông hay mức thuế nộp cho địa phương. Trong cuộc chơi này, ông ấy là một người đáng gờm. Ông ấy sẽ thu được kết quả thật sự.
Dĩ nhiên cuộc đọ sức chưa từng có này có nguy cơ gây ra những căng thẳng ngoại thương chưa từng xảy ra từ một thế kỷ nay, làm phát sinh một cơn bão tài chính toàn cầu, cũng như là tạo ra những cú sốc địa chính trị. Tác giả bài viết lưu ý : Tất cả những điều đó ông cười khẩy, không quan tâm. Ông muốn là một vị tổng thống luôn giữ lời hứa trong con mắt cử tri Mỹ. Do đó, ai có thể làm gì được ông ?
Trang nhất : Angela Merkel trong vòng xoáy thuyền nhân
Hồ sơ di dân đang thủ tướng Đức tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là CSU đồng minh trong liên minh chính phủ và bên kia là Pháp, liên minh hợp tác cho các dự án cải cách Liên Hiệp Châu Âu. Les Echos trên trang nhất đưa tít lớn : "Đồng euro, Thuế khóa, Quốc Phòng : Hiệp ước Macron-Merkel".
Tuy nhiên, Le Figaro trên trang nhất có hàng tựa lưu ý : "Khủng hoảng tại Đức cản trở các dự án Châu Âu của Macron". Nguyên thủ Pháp hy vọng có thể "đúc kết một thỏa thuận quan trọng" với thủ tướng Đức về cải cách khu vực đồng euro nhân cuộc gặp giữa đôi bên dự kiến diễn ra tại cung điện Meseberg (Đức) hôm nay.
Thế nhưng, phạm vi hoạt động của bà Angela Merkel đã bị thu hẹp do nhiều hồ sơ đang gây chia rẽ các thành viên trong lòng chính phủ liên minh, đặc biệt là về hồ sơ di dân. Trong bối cảnh này, Paris có thể buộc phải xem lại và giảm bớt các tham vọng của mình.
Pháp : Cánh hữu "nồi da xáo thịt"
Còn tại Pháp, tình hình nội bộ đảng cánh hữu LR bị chia rẽ sâu sắc là chủ đề được các nhật báo tập trung phân tích nhiều nhất. Le Figaro trên trang nhất đưa tít lớn : "Bị phản đối, Laurent Wauquiez muốn tái khẳng định quyền uy của mình".
Nội bộ đảng cánh hữu lục đục từ mấy tháng qua. Nhân vật số hai của đảng bà Virginie Calmels đã bị bãi nhiệm chỉ vì dám chỉ trích đường lối chính sách của ông Laurent Wauquiez, chủ tịch đảng là ngày càng thiên về cực hữu.
Về chủ đề này, các nhật báo Pháp đều có bài viết nhận định và phân tích. Les Echos thì có bài : "Wauquiez bị cáo buộc thu hẹp cánh hữu nhiều hơn nữa". La Croix có bài xã luận : "Cánh hữu sẽ về đâu ?" Riêng Libération trên trang nhất nói thẳng "Wauquiez đã thất bại". Uy tín sụt giảm, bị chỉ trích trong nội bộ, nay lại sa thải nhân vật số hai của đảng. Nhật báo thiên tả tự hỏi : Phải chăng chủ tịch đảng LR là kẻ đào mồ chôn đảng của mình ?
World Cup : "Bên hội, bên thiền"
Bầu không khí World Cup tại Nga đã từ từ được hâm nóng nhờ vào lượng cổ động viên nước ngoài bất chấp các biện pháp an ninh cực kỳ nghiêm ngặt là ghi nhận của báo Le Monde.
Thế nhưng, bầu không khí náo nhiệt lễ hội đó không nơi nào giống một nơi nào. Đường phố Moskvanhững ngày đầu mùa giải ngợp toàn mầu cờ đỏ và trắng, mầu cờ của Peru, khiến du khách như có cảm giác đang ở tại Peru. Nguyên nhân là vì từ 36 năm qua, hậu thế của đế chế Inca chưa một lần nào được vào World Cup. Theo số liệu thống kê của FIFA, hơn 43.580 vé đã được bán ra tại Peru, một lượng fan hâm mộ đông thứ 8 của mùa Cúp Thế Giới năm nay. Đó là chưa tính đến số lượng người hâm mộ Peru đến từ những nước khác.
Trái với bầu không khí lễ hội tại Moskva, khu thể thao Istra, nơi nghỉ ngơi của đội tuyển Pháp, nằm cách Moskva 60 km tĩnh lặng đến lạ thường, đến một con ruồi bay ngang cũng nghe được. Không sôi sục, không một lá cờ lam trắng đỏ, cũng không một bích chương ảnh cầu thủ. Không có gì cho thấy có sự hiện diện của đội bóng áo lam tại khách sạn Hilton Garden, ngoại trừ vài thực đơn được ghi bằng tiếng Pháp, hay thi thoảng xuất hiện vài người chuyên trách việc đi lại của các phóng viên.
Châu Á "khan hiếm" phụ nữ ?
Le Monde trên mục giải trí có câu hỏi : "Tại Châu Á, đâu rồi phụ nữ ?" Một câu hỏi mà bộ phim tài liệu của kênh truyền hình Arte tối nay cố gắng tìm lời giải đáp.
Ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, một làn sóng chống sinh nở mạnh mẽ đã hình thành ở Hoa Kỳ. Nhiều người đàn ông da trắng quan niệm rằng số lượng người nghèo đông đúc trên hành tinh là một mối nguy hiểm đáng lo. Và thế là họ quyết định thông qua các chương trình được tài trợ đến hàng triệu đô la bởi các quỹ dồi dào ngân sách (Ford, Rockefeller…) khuyến khích người dân ở các nước đang đà phát triển bớt sinh con.
Trong suốt những năm 1960, Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc (Fnuap) tiến hành nhiều chiến dịch kiểm soát sinh nở tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam. Cho đến lúc này, Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc vẫn dành đến 60% ngân sách cho chương trình này. Theo Arte, bên cạnh những chiến dịch đôi khi bạo lực (cưỡng chế phá thai) còn có yếu tố văn hóa : tại nhiều gia đình Châu Á, sinh con trai được xem như là một điều may mắn, còn con gái là một nỗi bất hạnh lớn.
Hậu quả ngày nay hình bóng phụ nữ ngày càng thưa dần. Theo phỏng tính, để có thể cân bằng về giới tính, thế giới có lẽ cần đến 177 triệu phụ nữ, chủ yếu là tại Châu Á. Cho đến lúc này ước tính có khoảng 20 nước vẫn còn hiện tượng chọn giới tính con cái.
Thiếu hụt phụ nữ dẫn đến việc gia tăng bạo lực, nạn buôn người, bắt cóc phụ nữ. Thế giới sẽ phải đợi thêm nhiều thập niên nữa trước khi tỷ lệ nam – nữ mới lại quân bình. Nhiều nước trên thế giới đã có những thay đổi về chính sách. Tại Trung Quốc chính sách một con đã được bãi bỏ. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 1960 – 2010, tỷ lệ sinh con ở phụ nữ trong thời kỳ sinh nở đã giảm mạnh từ 6 trẻ xuống còn một trẻ cho một phụ nữ và việc nạo phá thai được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngược lại, tại Ấn Độ, chính phủ khuyến khích hỗ trợ tài chính cho những gia đình nào sinh con gái.
Thông qua các hình ảnh tư liệu, liên quan đến các chính sách có quy mô lớn, cũng như qua trao đổi với các hiệp hội đấu tranh, gặp gỡ những chàng trai trẻ đang trong hành trình tìm kiếm một người bạn đời hay những cô gái trẻ kể lại nỗi gian truân (bị cưỡng chế phá thai hay cưỡng ép hôn nhân), bộ phim tài liệu của Antje Christ và Dorothe Dorholt hứa hẹn mang đến cho người xem những góc nhìn lý thú !
Minh Anh