Donald Trump làm náo loạn thế giới
L’Express tuần này giới thiệu 100 khuôn mặt của nước Pháp gợi lên những ý tưởng cho tương lai. Le Point mở điều tra "Đàn ông đã bị phụ nữ vượt qua ?", còn L’Obs phân tích "Những phe cực đoan đang thách thức tổng thống Macron".
Rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran, dời đại sứ quán về Jerusalem... tổng thống Mỹ Donald Trump gây xáo trộn cục diện thế giới. REUTERS/Matej Leskovsek
Le Courrier International chạy tựa "Trump, người đặt chất nổ" với ảnh bìa là hình vẽ một khuôn mặt từa tựa như tổng thống Mỹ nhưng ở giữa là một quả bom. Bên trong là một hình vẽ khác : ông Trump đang hung hăng cầm một cây búa có đầu hình hỏa tiễn. Tờ báo tóm tắt : đụng độ đẫm máu ở Gaza, vòng xoáy chiến tranh Iran-Israel, "đoạn tình" với Châu Âu, và cuộc gặp thượng đỉnh đầy rủi ro với Bắc Triều Tiên.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Hòa bình, theo ông Trump", tờ báo nhận định nơi tổng thống Mỹ, chủ nghĩa cô lập được tuyên bố trong khẩu hiệu tranh cử "American First" kết hợp một cách kỳ lạ với chủ nghĩa can thiệp ngày càng tăng. Khi người tiền nhiệm Barack Obama cố gắng rút nước Mỹ khỏi tất cả các cuộc xung đột trên thế giới, thì ngược lại, Donald Trump can thiệp vào tất cả những cuộc khủng hoảng, thậm chí còn kích động chúng.
Về Syria, Obama ngoài các tuyên bố về lằn ranh đỏ, hầu như chỉ đứng ngoài. Còn ông Trump không ngần ngại cho bắn hỏa tiễn ngay từ những nghi ngờ đầu tiên về tấn công hóa học. Obama đã làm gì cho hòa bình giữa Israel và Palestine ? Chẳng có gì đáng kể - ông không ưa thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou. Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, Obama cũng tỏ ra thụ động trước những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Một trong những thành tựu của thời kỳ Obama về ngoại giao, là thỏa thuận với Iran, chủ yếu do Châu Âu thương lượng trong hơn mười năm. Nhưng trên hồ sơ này cũng như tất cả các hồ sơ khác, Donald Trump đã đi ngược lại với người tiền nhiệm. Khi rút khỏi thỏa thuận nguyên tử Iran, Trump khẳng định nếu Iran muốn trở thành thành viên cộng đồng quốc tế, thì phải chấm dứt bành trướng trong khu vực và ngưng yểm trợ các phe Hezbollah, Hamas. Nếu người Palestine muốn tồn tại, thì phải chấp nhận mình đã thua cuộc.
Donald Trump không mơ hồ, không cần đến thủ thuật ngoại giao. Đó là con người của chủ nghĩa đơn phương tuyệt đối, cho rằng chỉ có tiếng nói của người chiến thắng là quan trọng. Cũng giống như đồng nhiệm Nga và Trung Quốc, Trump ỷ vào sức mạnh của mình, bất chấp các đồng minh Châu Âu. Ông nghĩ rằng đã thắng được ván đầu khi đưa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào bàn hội nghị. Donald Trump mơ thành nhà kiến tạo hòa bình – hòa bình theo kiểu của ông. Theo Le Courrier International, đó là một ván bài tẩy đầy rủi ro, có thể kêt thúc bằng một đám cháy lớn trên toàn cầu, mà những ngọn lửa đầu tiên đã bốc lên ở dải Gaza và Syria.
Những lời hứa vẫn chỉ là lời hứa
Trong bài "Nền ngoại giao hỗn loạn", The New York Times được Le Courrier International trích dịch, nhắc nhở : khí hậu, tự do mậu dịch, Iran - mỗi lần Donald Trump xé bỏ một thỏa thuận được ký kết trước khi ông lên nắm quyền, thì lại khẳng định ông sẽ thương lượng được tốt hơn. Thế nhưng những lời hứa này chưa bao giờ thành sự thực.
Tháng 6/2017 khi rút khỏi hiệp định khí hậu Paris bị Donald Trump cho là "lừa đảo", tổng thống Mỹ cho biết sẵn sàng thương lượng lại, nhưng từ đó đến nay vẫn im ắng. Ông hứa một chế độ bảo hiểm y tế mới cho mọi người với chi phí rẻ hơn, và người ta vẫn phải chờ đợi kế hoạch của ông. Trước đó, một trong những quyết định đầu tiên của Donald Trump khi bước vào Nhà Trắng là rút lui khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.
Donald Trump khẳng định sẽ buộc Trung Quốc nhượng bộ, nhưng những cuộc đàm phán gần đây vẫn chưa cho thấy hy vọng tránh được một cuộc chiến tranh thương mại. Thỏa thuận duy nhất mà Trump áp đặt tái thương lượng khá thành công là với Hàn Quốc, tuy nhiên còn phải dời lại để dành thế mạnh cho Seoul khi đối thoại với Bình Nhưỡng về chương trình nguyên tử.
Thỏa thuận bị Donald Trump ngờ vực nhiều nhất là hiệp định nguyên tử Iran. Các thanh tra quốc tế, và ngay cả các cơ quan an ninh, tình báo của Mỹ lần Israel đều cho rằng Tehran tôn trọng hiệp định. Điều này không quan trọng đối với ông Trump, các đồng minh diều hâu, thủ tướng Israel và Saudi Arabia. Tất cả dường như tin rằng vấn đề Iran sẽ được giải quyết khi chế độ sụp đổ, do khủng hoảng kinh tế hoặc do một chiến dịch quân sự.
Một động thái bất lợi cho hồ sơ Bắc Triều Tiên
Thông điệp này có vẻ phản tác dụng trước cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un ; trong khi tầm quan trọng của hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên còn cao hơn cả với Iran.
USA Today dẫn nhận xét của Bruce Klingher, cựu chuyên gia phân tích của CIA, nay làm việc cho think tank Heritage Foundation : "Về mặt chính thức thì hai hồ sơ không liên quan với nhau, nhưng trong ý nghĩ của mọi người thì ngược lại. Đó là hai Nhà nước du côn, đang ở những giai đoạn khác nhau trong chương trình nguyên tử".
Bình Nhưỡng tiến triển khá xa trong lãnh vực này, bị nghi là đang sở hữu ít nhất 60 đầu đạn hạt nhân. "Chính quyền Trump đã đặt mục tiêu quá cao, và đang trong ngõ cụt khi nhất quyết chống đối không chỉ hiệp định với Iran mà cả với Bắc Triều Tiên".
Hồi năm 1994, một thỏa thuận khung giữa chính quyền Clinton và Bắc Triều Tiên đã giúp làm chậm lại chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng trong tám năm. Tuy nhiên đã bị tan vỡ dưới thời ông George W.Bush, một phần do các khiêu khích của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng do Washington không giữ lời hứa hỗ trợ cho một chương trình năng lượng nguyên tử hòa bình.
Iran gieo gió gặt bão ?
Ngược lại, The Daily Telegraph xuất bản ở Luân Đôn phản biện "Chính Iran đã gây ra nông nỗi". Theo bài báo được Le Courrier International dịch lại, thái độ hung hăng của nước Cộng hòa Hồi giáo từ khi ký được hiệp định đã khiến tổng thống Mỹ không có chọn lựa khác.
Năm 2015, khi Barack Obama đầu tư rất nhiều cho hiệp định này, nhiều người chờ đợi Iran có những quan hệ mang tính xây dựng một khi thỏa thuận được ký kết. Đây là cơ hội để từ bỏ chính sách hiếu chiến chống phương Tây từ năm 1979, giao thương với thế giới bên ngoài. Nhưng trái lại, Iran đã trở nên thù địch hơn với phương Tây.
Theo tờ báo bảo thủ Anh, nếu tổng thống Hassan Rohani thành thật, thì đã không để cho các chiến hạm Iran quấy nhiễu Đệ ngũ hạm đội Mỹ đang tuần tra trong khu vực như thường lệ. Ông ta cũng không thể tiếp tục yểm trợ quân nổi dậy Houthi ở Yemen – đã gây ra thảm họa nhân đạo khi muốn lật đổ chính phủ được bầu lên một cách dân chủ. Và cũng không cho phép Vệ binh Cộng hòa tích trữ vũ khí ở Syria và Lebanon, với hàng ngàn hỏa tiễn có thể tấn công các thành phố chính của Israel. Tehran tiếp tục xuất khẩu nguyên tắc không khoan nhượng của cuộc cách mạng Iran sang thế giới Hồi giáo.
Việc tăng cường bộ máy quân sự Iran tại Nam Lebanon và nhất là tại Syria, khiến tình báo Israel ước lượng có 50% khả năng xảy ra xung đột quân sự với Iran trong mùa hè 2018. Obama muốn thương thuyết về chương trình nguyên tử chính là để tránh cuộc chiến này, nhưng ba năm sau, bóng ma chiến tranh lại càng đe dọa hơn, khiến Israel phải chuẩn bị bảo vệ biên giới.
Theo The Daily Telegraph, chính quyền Obama không hiểu được quyết tâm mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài lãnh thổ của Iran. Rõ ràng Cộng hòa Hồi giáo Iran muốn thống trị khu vực. Tehran đỡ đầu phe Hezbollah - phe này vừa thắng thế trong cuộc bầu cử ở Lebanon hôm 6/5, và ủng hộ Hadi Al Ameri, thủ lãnh dân quân Shia từng sống lưu vong nhiều năm tại Iran - ứng cử viên này về nhì trong cuộc bầu cử đến 12/5 ở Iraq.
Nhận định rằng việc hủy hiệp định nguyên tử làm cho "Phe cứng rắn ở Iran mạnh thêm", nhưng Washington Post cũng ghi nhận phần lớn trong ngân sách 350 tỉ đô la của Iran được dành cho các cuộc can thiệp quân sự và chính trị ở Syria, Iraq, Yemen và Lebanon. Trong bốn năm gần đây, chi tiêu quân sự của Tehran tăng 128%.
Ba siêu diều hâu tại Nhà Trắng
"Vỏ quít dày, móng tay nhọn". L’Obs giới thiệu "Băng nhóm khủng khiếp" của Donald Trump : những người chừng mực đã ra đi, bây giờ là siêu diều hâu Bolton ở chức cố vấn an ninh quốc gia, Pompeo ở bộ Ngoại Giao, Haspel ở CIA.
Tuần báo mô tả ông John Bolton là một "quả lựu đạn đã rút chốt". Ông là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc đổ quân vào Iraq năm 2003, phản đối hiệp định nguyên tử Iran ngay từ đầu, và cho rằng để đáp trả chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ hoàn toàn có quyền chính đáng khi ra tay "tiên hạ thủ vi cường". Một chi tiết nữa gần gũi với Donald Trump : năm 1970 để khỏi phải đi quân dịch sang Việt Nam, John Bolton đã vào lực lượng Vệ binh Quốc gia, nói rằng "không hề muốn đi chết trên các ruộng lúa".
Còn Mike Pompeo, tốt nghiệp cả West Point lẫn Harvard từng đả kích kịch liệt bà Hillary Clinton trong vụ lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi bị tấn công, cũng là người chống đối hiệp định Iran từ đầu. Ông biết trấn an đúng lúc với những câu như "Nếu chúng ta không đóng vai trò lãnh đạo trong kêu gọi dân chủ, thịnh vượng và nhân quyền trên thế giới thì ai sẽ làm điều ấy ?". Nhưng theo L’Obs, đằng sau cung cách lịch sự của Pompeo là một chú pitbull, một nhà tư tưởng cay độc.
Với "gián điệp sắt thép" Gina Haspel, 33 năm phục vụ cho CIA, trước câu hỏi việc tra tấn có phi đạo đức hay không, bà từ chối trả lời, chỉ nói rằng "nhiều thông tin quý giá đã lấy được từ các thành viên al-Qaeda".
An ninh của Israel trên hết
Khi rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran và dời đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, tổng thống Donald Trump đã khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối với Nhà nước Do Thái. Theo tờ Al Hayat có trụ sở ở Luân Đôn được Le Courrier International trích dịch, một mặt ông Trump chọn lựa đối đầu trực tiếp với Iran, mặt khác đặt mình trong tình trạng xung đột với người Palestine, đặt toàn thế giới Ả Rập trước việc đã rồi.
Có ba lý do. Trước hết Donald Trump rất thù ghét chế độ Iran, và nói chung không ưa người Ả Rập, người Hồi giáo. Thứ hai, ông đặt an ninh của Israel lên trên hết, kể cả phải lâm chiến với Iran. Thứ ba, Donald Trump hy vọng các nước vùng Vịnh, cũng lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Tehran trong khu vực, sẽ xích lại gần với Israel.
Máu lại đổ trên dải Gaza, cho đến bao giờ ?
Về vụ bạo động tại dải Gaza vào "Ngày thứ Hai đen" 14/5 làm 59 người chết và 2.400 người bị thương, L’Obs cho rằng một lần nữa cuộc chiến hình ảnh lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Israel-Palestine, trong một ngày rất đặc biệt.
Người Do Thái kỷ niệm 70 năm lập quốc, một phép lạ trường thọ của quốc gia tí hon lọt thỏm giữa bao nhiêu nước thù địch. Còn người Palestine tưởng niệm "Nakba", tức thảm họa khiến họ phải lưu vong, trong sự dửng dưng của cộng đồng quốc tế đã quá chán ngán trước một cuộc chiến bất tận.
Nhận định rằng phe Hamas chắc chắn có can dự, và cũng có thể đã cổ vũ người dân Gaza khiêu khích lính Israel, dẫn đến cái chết của họ, nhưng tờ báo trong bài "Gaza, vụ thảm sát những người bị quên lãng" chỉ trích quốc tế đã bỏ rơi người Palestine. Tờ Ha’Aretz ở Tel Aviv cho rằng "Vụ Gaza đã làm xấu đi hình ảnh của Israel".
Ngược lại, tuần báo Anh The Economist với hình bìa là một cậu bé Palestine đang bắn bằng chiếc ná trong khói đen mịt mù, đặt vấn đề "Có cách nào tốt hơn không ?". Theo tờ báo, Israel phải trả lời về những cái chết ở dải Gaza, nhưng bây giờ là lúc người Palestine thực hiện chính sách phi bạo lực.
Bao nhiêu máu đổ ra mới đủ ? Tất cả các Nhà nước đều có quyền bảo vệ biên giới, và dường như có những chiến binh Hamas trà trộn trong những người biểu tình Palestine. Phe này đã phá hiệp ước hòa bình Oslo với chiến dịch đánh bom tự sát trong những năm 1990 và 2000. Thắng cử năm 2006, những người lãnh đạo Hamas lại tham nhũng và bất tài. Xi-măng lẽ ra dùng cho tái thiết, là bị sử dụng để xây các hầm ngầm nhằm tấn công Israel, vũ khí được trữ tại các địa điểm dân cư, kể cả đền thờ Hồi giáo và trường học, khiến những nơi này trở thành mục tiêu. Theo tờ báo, nếu Hamas chịu buông vũ khí và người Palestine tuần hành một cách hòa bình, họ sẽ được cảm tình hơn, có thể thuyết phục được Israel bớt bóp nghẹt dải Gaza.
Làm gì trước một nhà độc tài được bầu lên một cách dân chủ ?
"Nếu Kadhafi là người Mỹ ?". Tác giả Kamel Daoud đặt vấn đề trên Le Point : chúng ta biết hạ bệ một nhà độc tài nhưng bất lực trước một nguyên thủ được bầu lên một cách dân chủ và lại đe dọa thế giới. Liệu có thể làm một cuộc "đảo chính quốc tế" hay không ?
Trước một lãnh tụ độc tài, có thể lật đổ và tổ chức bầu cử người mới. Nhưng phải làm gì nếu Kadhafi mang màu da trắng, là người Mỹ, rất giàu có và được bầu lên ? Donald Trump không phải từ trên trời rơi xuống, mà đại diện cho nhiều cử tri, cho một xu hướng trên thế giới. Làm thế nào thoát khỏi nhân vật này càng sớm càng tốt, vì theo tác giả, sớm muộn gì ông Trump cũng sẽ khởi động một cuộc chiến.
Ủng hộ một lãnh tụ dân chủ, đổ bộ ban đêm xuống một bờ biển với các "cố vấn quân sự" hoặc giúp đỡ người dân cầm vũ khí, cô lập nhà độc tài, đóng băng các tài khoản của ông ta ? Câu trả lời tương đối dễ dàng khi một dân tộc là nạn nhân của một lãnh đạo độc tài, nhưng làm gì khi dân tộc – hoặc đúng hơn là đa số của dân tộc này – lại là thủ phạm ? Đó cũng là trường hợp của Putin, Erdogan và một số khác : họ dùng thủ đoạn để tại vị, nhưng họ cũng mang đến hy vọng tạo dựng lại vinh quang cũ cho đất nước.
Mỹ bỏ rơi, Châu Âu cần tự lực cánh sinh
Trước thời thế đổi thay, cây bút Jacques Attali trên L’Express than thở "Châu Âu chúng ta đang đơn độc" và đặt câu hỏi, bao giờ người Châu Âu mới chịu hiểu điều đó ?
Kể từ thập niên 20 đến nay, người Châu Âu quen nghĩ là dù sao đi nữa luôn có ai đó sẽ hỗ trợ mình. Thực tế Hoa Kỳ đã cứu Châu Âu khỏi móng vuốt bọn quốc xã, giúp vực dậy nền kinh tế qua kế hoạch Marshall, và mối đe dọa Liên Xô với các tên lửa hạt nhân. Hơn nữa, người Mỹ còn làm mọi cách để các đồng minh tiếp tục lệ thuộc mình. Không có chuyện Châu Âu độc lập về quân sự, tài chính, văn hóa, kỹ nghệ, công nghệ ; Mỹ luôn tìm cách kiểm soát các lãnh vực chiến lược và ấn định các nguyên tắc của mình ; và Châu Âu cảm thấy thoải mái về sự lệ thuộc này.
Ngày nay tất cả dường như đã thay đổi. Tổng thống Mỹ quyết định mà không quan tâm đến quan điểm cũng như lợi ích của các đồng minh Châu Âu. Nhưng không chỉ Donald Trump, mà thật ra các tổng thống tiền nhiệm cũng chỉ hành động vì quyền lợi của nước Mỹ, còn ông Obama thì kín đáo "giựt dây từ xa".
Tác giả chắc chắn rằng sẽ không có một người Mỹ nào đến, hy sinh tính mạng để cứu Châu Âu hay Washington can thiệp với nguy cơ lãnh một quả bom trên đất Mỹ. Theo tác giả Attali, cần có một kế hoạch quốc phòng chung để bảo vệ biên giới trên đất liền và trên biển, có những phương tiện thông tin độc lập với các vệ tinh và cáp quang dưới đáy biển của Mỹ. Một liên bang Châu Âu mà đến nay mới chỉ có tổng thống Pháp đề nghị đang trở thành điều kiện cần thiết để cứu vãn nền văn hóa cựu lục địa.
Thụy My
Iran, thương mại : Châu Âu đối đầu với Mỹ
Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất hôm nay, 18/05/2018, dành trọng tâm vào cuộc đối đầu hiện nay giữa Châu Âu và Hoa Kỳ về thương mại và Iran, hai hồ sơ mà theo lời tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang "trắc nghiệm" chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov (T), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai trái qua), thủ tướng Anh Theresa May và thủ tướng Đức Angela Merkel (P), tại cuộc thượng đỉnh Liên Âu ở Sofia, 17/05/2018-Plamen Stoimenov/EU2018BG/Handout via Reuters
Theo Les Echos, như vậy là các nước Châu Âu đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí khi quyết định khởi động một điều luật năm 1996 nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Châu Âu khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong hồ sơ Iran. Công cụ pháp lý này được một cựu quan chức Ủy Ban Châu Âu so sánh như một "vũ khí nguyên tử" bởi tính chất "răn đe" của nó.
Về phần Le Figaro, tờ báo này nhận xét : ai cũng đã nghĩ là Liên Hiệp Châu Âu sẽ vẫn thụ động, vẫn bị chia rẽ, nên lần này cũng sẽ không dám đáp trả Hoa Kỳ. Thế mà, ngay từ hôm qua, Châu Âu đã khởi động các biện pháp trả đũa. Ngoài điều luật 1996, theo Le Figaro, hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ còn "bấm nút" cho một biện pháp khác : cho phép Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI) cung cấp những bảo đảm tài chính cho các doanh nghiệp Châu Âu làm ăn với Iran, mà không cần đến đôla, thông qua một định chế công, để chính quyền Mỹ không làm gì được.
Tuy nhiên, Les Echos lưu ý, ai cũng thấy rằng, trong cuộc đọ sức này, các tập đoàn lớn của Châu Âu có nguy cơ rơi vào thế kẹt, vì những hoạt động của họ ở Hoa Kỳ quan trọng hơn rất nhiều so với các dự án mà họ có thể phát triển ở Iran. Mặt khác, như ghi nhận của tờ Le Figaro, việc khởi động điều luật năm 1996 thật ra mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là có tầm mức về pháp lý.
Trong bài xã luận, Les Echos khá nặng lời với Liên Hiệp Châu Âu : "Trước chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump, các nước Châu Âu thường bị chia rẽ, như những con thỏ bỏ chạy tán loạn, vừa cầu xin rằng những nước khác sẽ lãnh đủ, chứ không phải mình. Trong khi tổng thống Emmanuel Macron từ chối thương lượng dưới sự đe dọa, thì thủ tướng Angela Merkel lại muốn đàm phán riêng lẻ để cứu lấy xuất khẩu của BMW và Mercedes sang Mỹ".
Malaysia : Cặp lãnh đạo không ai ngờ đến
Riêng về thời sự Châu Á, tờ Le Monde hôm nay đặc biệt chú ý đến việc cựu thủ tướng Malaysia Mahathir và nhà cựu đối lập Anwar nay hòa giải với nhau để cùng lãnh đạo đất nước.
Theo Le Monde, chỉ riêng hai ông Mahathir và Anwar, thuộc sắc tộc Mã Lai (chiếm hơn phân nửa dân số) đã là tiêu biểu cho giai đoạn mang tính quyết định trong lịch sử gần đây của Liên bang Malaysia, một trong những quốc gia có thu nhập tính theo đầu người cao nhất trong vùng.
Tờ báo cho rằng, chiến thắng của liên minh 4 đảng trong cuộc bầu cử ngày 08/05 vừa qua là một bước ngoặt bất ngờ đối với Malaysia, mà từ 9 năm qua vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Najib Razak. Nhân vật này đã thất cử do có dính líu đến một vụ tai tiếng tài chính mang tính quốc tế.
Kim đòi Trump phải dẹp Bolton
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, cũng tờ Le Monde nghi nhận rằng đường lối cứng rắn của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang đe dọa tiến trình hòa dịu giữa Washington với Bình Nhưỡng.
Tờ báo nhắc lại rằng khi lên tiếng dọa sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un hôm thứ ba vừa qua, thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan đã chỉ trích kịch liệt cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ John Bolton, vì ông này đã đề nghị áp dụng "mô hình Libya" năm 2003 - 2004 với Bình Nhưỡng.
Vào thời gian đó, khi thấy Hoa Kỳ đưa quân xâm chiếm Iraq và vì sợ sẽ là mục tiêu tấn công kế tiếp, nhà độc tài Kadhafi đã từ bỏ chương trình hạt nhân, chỉ mới ở giai đoạn phôi thai. Nhưng thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng không quên rằng Kadhafi đã bị giết chết trong cuộc nổi dậy của người dân Libya, với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Mối thâm thù giữa Bình Nhưỡng với Bolton không phải bây giờ mới có. Le Monde nhắc lại là vào năm 2003, khi còn làm việc trong chính quyền Bush, ông Bolton đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa đả kích Bắc Triều Tiên, khi đến thăm Seoul. Bình Nhưỡng đã đáp trả ngay, gọi Bolton là "đồ rác rưởi", "kẻ hút máu".
Dân Anh không mấy hào hứng với cặp Harry-Markle
Về lễ thành hôn ngày mai giữa hoàng tử Anh Harry với nữ diễn viên Meghan Markle, theo nhận định của Le Figaro, trong bối cảnh mà tiến trình Brexit cứ dằng dai và nền kinh tế Anh Quốc thì đang chựng lại, sự kiện này "mang lại chút niềm vui cho một đất nước đang có vẻ mất tự tin".
Tuy nhiên, đám cưới hoàng gia ngày mai sẽ không gây hào hứng bằng đám cưới của người anh William với Kate Middleton cách đây 7 năm. Theo một cuộc thăm dò, có đến 66% dân Anh cho biết chẳng quan tâm đến sự kiện này, mặc dù báo chí liên tục đưa tin.
Nhưng Le Figaro nhắc lại khác với người anh, hoàng tử Harry là một nhân vật không chấp nhận khuôn mẫu và người vợ tương lai của Harry cũng là một nhân vật đặc biệt về nguồn gốc địa lý, sắc tộc, về cuộc đời và về tính tình. Những yếu tố đó khiến cặp này thu phục cảm tình của thần dân Anh Quốc, mà đây chính là điều chủ yếu giúp cho chế độ quân chủ tiếp tục tồn tại tại vương quốc này.
Pháp bị đưa ra tòa về ô nhiễm không khí
Báo chí Pháp hôm nay cũng nói nhiều đến việc Ủy ban Châu Âu vừa đưa 6 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, ra trước Tòa án Công lý Châu Âu, vì bị xem là vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng không khí.
Theo Les Echos, riêng nước Pháp, tuy được xem là "đã có nhiều nỗ lực", nhưng về mặt pháp lý, nhiều biện pháp mà Paris thi hành vẫn chưa theo đúng các quy định, luật lệ của Châu Âu.
Về lý thuyết, Pháp có thể bị tòa phạt tiền, nhưng thủ tục xét xử sẽ còn kéo dài nhiều năm. Trước mắt, bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot và bộ trưởng giao thông Elisabeth Borne hôm qua thông báo là Paris sẽ thi hành những biện pháp mới để giảm ô nhiễm không khí, chẳng hạn như tài trợ cho các dự án phát triển việc sử dụng xe đạp, khuyến khích đi chung xe và lập các vùng có mức khí phát thải thấp.
Ngay cạnh nhà ta, động thực vật cũng đang tuyệt chủng
Về đa dạng sinh thái, tờ Libération hôm nay báo động rằng nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt nay có liên quan đến hàng trăm động vật và thực vật trong đời sống thường ngày của chúng ta, chứ không chỉ liên quan đến gấu trắng Bắc Cực hay những loài bướm phương xa. Riêng tại Pháp, theo giám đốc ủy ban Pháp của Liên minh quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, có đến 30% các loài động thực vật đang bị đe dọa
Taj Mahal "phủ xanh"
Le Figaro hôm nay quan ngại về số phận của đền Taj Mahal ở Ấn Độ. Ngôi đền tráng lệ xây bằng đá cẩm thạch trắng nay đang ngả sang màu xanh lá cây, do bị ô nhiễm và do bị côn trùng tấn công.
Hiện tượng này đã bắt đầu từ cách đây 2 năm, khi các chấm nhỏ màu xanh xuất hiện trên tường trắng của Taj Mahal. Cơ quan Giám sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã lau sạch nhiều lần, nhưng những vết xanh này vẫn tái hiện. Tình hình đáng ngại đến mức một nhà bảo vệ môi trường, luật sư Mahesh Chandra Mehta, đã đưa vụ việc ra trước Tòa án Tối cao Ấn Độ từ ngày 01/05.
Trả lời chất vấn của các thẩm phán, một đại diện của cơ quan ASI trả lời rằng những chấm xanh đó là do một loại tảo "bay" từ sông Yamuna, gần đền Taj Mahal !
Đối với luật sư Mehta, chuyện khôi hài không thể tưởng tượng nổi đó phản ánh thái độ thờ ơ của chính quyền đối với một công trình kiến trúc được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới.
Thuốc insulin uống thay vì chích
Về y tế, theo Les Echos, trước áp lực lên giá thuốc insulin, hãng dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đang phát triển một loại thuốc mới trị tiểu đường, trong đó có loại để uống, thay vì chích.
Loại thuốc uống mang tên Ozempic như vậy là sẽ làm thay đổi thị trường thuốc insulin, vì những bệnh nhân tiểu đường vẫn ngại chích thuốc, nay có thể không cần đến kim tiêm nữa. Theo Les Echos, nếu thử nghiệm thành công, thuốc Ozempic sẽ được tung ra thị trường vào năm 2020. Hiện giờ, thị trường thuốc insulin vẫn chịu áp lực giảm giá, nhưng tiếp tục tăng trưởng về khối lượng.
Trang nhất các báo
"Cuộc hôn nhân làm đảo lộn hoàng gia", đó là hàng tựa trên trang nhất của nhật báo Le Figaro số đề ngày hôm nay, 18/05/2018. Việc hoàng tử Harry kết hôn với Meghan Markle, một nữ diễn viên lai đen và đã ly dị, gây tác động rất lớn lên dư luận Anh Quốc, vì nhiều người xem đây là biểu tượng cho sự cách tân hoàng gia Anh.
Tờ Libération trên trang nhất báo động về tình trạng nhiều loài động thực vật ở Pháp đang trên đà diệt vong, do hậu quả của việc sử dụng thuốc trừ sâu và của tiến trình đô thị hóa.
Le Monde thì lần theo vết chân của những trẻ vị thành niên Morocco từ Tanger đến Paris. Những em này sống một mình, rất hung dữ, thậm chí nghiện ma túy, chợt xuất hiện ở thủ đô Pháp từ cách đây vài tháng và nay đang khiến người dân quận 18 rất lo sợ.
Tờ nhật báo công giáo La Croix thì chú trọng đến việc Vatican vừa công bố một văn kiện chỉ trích nặng nề hệ thống kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là chống lại "sức phá hoại" ghê gớm chưa từng có của các thị trường tài chính.
Thanh Phương
Bắc Triều Tiên dùng nguyên tử buộc Mỹ cam kết sự tồn vong của chế độ
Ngày 16/05/2018, Bắc Triều Tiên lại buộc báo chí thế giới nhắc đến lần nữa khi "đe dọa hủy thượng đỉnh giữa Kim và Trump", theo tựa của Le Monde. "Kim Jong-un lên giọng trước thềm thượng đỉnh với Mỹ" là nhận định trên trang nhất của Le Figaro. Les Echos nêu lý do "Kim báo trước với Trump là ông sẽ không bao giờ chấp nhận phi hạt nhân hoàn toàn".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa. SAUL LOEB/AFP
Thượng đỉnh Kim-Trump, theo dự kiến, sẽ diễn ra ngày 12/06 tại Singapore. Nhưng Bình Nhưỡng dọa "cân nhắc lại" nếu Washington tìm cách dồn Bình Nhưỡng đơn phương tuyên bố từ bỏ hạt nhân, theo phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan. Thực ra, vị lãnh đạo này không tấn công trực tiếp tổng thống Donald Trump, cũng không phải ngoại trưởng Mike Pompeo mà lên án phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khi ông này kêu gọi áp dụng "mô hình Libya" đối với Bắc Triều Tiên.
"Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân" là nhận định chung của hai chuyên gia Juliette Morillot, chuyên về Bắc Triều Tiên và Pierre Rigoulot, giám đốc Viện Lịch sử Xã hội, trong chuyên mục "Thảo luận" của nhật báo công giáo La Croix. Vì từ năm 2012, vũ khí hạt nhân đã được ghi vào Hiến Pháp và trở thành bản sắc của Bắc Triều Tiên.
Theo bà Juliette Morillot, "các thách thức của cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ liên quan rất nhiều đến vấn đề phi hạt nhân". Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018 nhấn mạnh đến phi hạt nhân hóa toàn bán đảo Triều Tiên, cả miền Bắc lẫn miền Nam.
Bắc Triều Tiên đã tỏ thiện chí khi trả tự do cho ba tù nhân Mỹ, đồng thời phá hủy khu thử hạt nhân plutonium trên núi Mantap. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy công việc phá hủy đã bắt đầu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn còn hai trung tâm làm giầu uranium nằm trong lòng đất và không ở núi Mantap. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ tìm cách thương lượng để vào được các khu vực này, dù không dễ dàng gì.
Kim Jong-un giờ chờ đợi rất nhiều từ Washington. Bắc Triều Tiên từng luôn yêu cầu Mỹ ký một thỏa thuận bất tương xâm và đảm bảo sự sống còn cho chế độ Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia Morillot, thực ra Bình Nhưỡng không phải chờ đến ví dụ của Iran để hiểu rằng Hoa Kỳ không đáng tin mà đã biết điều này từ nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, Bình Nhưỡng cần cam kết từ phía Mỹ.
Chưa họp thượng đỉnh mà chính quyền Mỹ đã tỏ ra đắc thắng. Có lẽ vì thế, dọa hủy thượng đỉnh cũng là cách để Kim Jong-un chỉnh đốn lại Donald Trump. Thêm vào đó, chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang là người chèo lái con thuyền đàm phán. Kim Jong-un sang Trung Quốc hai lần để gặp chủ tịch Tập Cận Bình và muốn sử dụng lá bài Trung-Mỹ có lợi cho ông.
Theo chuyên gia Pierre Rigoulot, khái niệm "phi hạt nhân" được Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bình Nhưỡng hiểu điều này như là "tạm dừng". Ngoài ra, khi đề cập đến "phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên", chế độ Kim Jong-un muốn bao hàm cả chiếc ô hạt nhân Mỹ ở Hàn Quốc, song đây lại là điều khó chấp nhận được với Mỹ. Về phần mình, Washington lại yêu cầu Bắc Triều Tiên phi hạt nhân "hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược", nhưng kịch bản này lại khó có thể xảy ra.
Bắc Triều Tiên hiện ở trong tình thế đặc biệt của một quốc gia đã làm chủ vũ khí hạt nhân và lại bị yêu cầu từ bỏ loại vũ khí này. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Pierre Rigoulot, dù có phá hủy thì Bình Nhưỡng vẫn có khả năng trang bị lại vũ khí nguyên tử chỉ trong vòng vài tuần.
Viễn cảnh tương lai là Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể đồng thuận ở một số biện pháp như để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến giám sát. Thượng đỉnh Kim-Trump sẽ mới chỉ là bước đầu của một chặng đường dài. Hai miền Triều Tiên có thể hướng tới một hiệp định hòa bình trên bán đảo và công nhận chế độ của nhau, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Pierre Rigoulot không tin vào khả năng một thỏa thuận về nguyên tử sẽ được ký giữa Bình Nhưỡng và Washington vì đơn giản là sẽ đe dọa đến chế độ Kim Jong-un.
John Bolton : "Đại diều hâu" làm tổ trong Nhà Trắng
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của tổng thống Mỹ Donald Trump là người phát biểu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo "mô hình Libya" khiến Bắc Triều Tiên dọa cân nhắc lại cuộc họp thượng đỉnh Kim-Trump. Hai chủ đề nóng là thỏa thuận hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên đều được John Bolton thì thầm vào tai tổng thống Mỹ.
Với Libération, "John Bolton là một "đại diều hâu" làm tổ trong Nhà Trắng" và hoàn thiện đội ngũ diều hâu quanh tổng thống Trump. Hai cựu cố vấn của Obama nhận xét : "Với John Bolton, có ít vấn đề quốc tế mà chiến tranh không phải là lời đáp trả". Là một "đứa trẻ ngỗ ngược thời chính quyền Bush", theo miêu tả của New York Times, John Bolton ủng hộ chiến tranh tại Irak và lật đổ chế độ Saddam Hussein. Từ khi ông vào Nhà Trắng, rất nhiều thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia đã khăn gói ra đi.
Bất chấp những bằng chứng về việc Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, ông John Bolton một mực khẳng định "điều quan trọng là ngay từ đầu, đó đã là một thỏa thuận tồi, giờ vẫn thế và phải xé nó đi", đúng với khẳng định của tổng thống Trump.
Libération trích nhận định của chuyên gia Stewart M. Patrick, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations), việc bổ nhiệm John Bolton vào Nhà Trắng là "chiến thắng quyết định của "phe dân túy" trước "phe ủng hộ toàn cầu" trong chính quyền Trump. Định nghĩa và bảo vệ chủ quyền quốc gia Mỹ là tâm điểm của cuộc chiến này". Và chính ở điểm này, tổng thống Trump và cố vấn Bolton có cùng quan điểm. Trong cuốn sách nói về vai trò đại sứ của ông ở Liên Hiệp Quốc từ 2005-2006, ông John Bolton dành nhiều trang giấy để chỉ trích Liên Hiệp Quốc, chủ nghĩa đa phương và mọi loại thỏa thuận quốc tế.
"America First" buộc Châu Âu đoàn kết đối phó với Trump
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rất rõ ràng : Hoa Kỳ phải ngừng làm "sen đầm quốc tế" và quyền lợi của người dân Mỹ được đặt trên hết trong chính sách "Americain First". Nhưng tăng thuế đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, đơn phương trừng phạt Iran sau khi rút khỏi hiệp định hạt nhân, yêu cầu các đồng minh NATO tăng ngân sách… tổng thống Donald Trump lại không có ý định từ bỏ vai trò "sen đầm kinh tế".
Trước cách điều hành không giống ai, "phá vỡ các luật lệ và thỏa thuận, buộc đối phương và cả đồng minh phải quy phục", của tổng thống Mỹ, Châu Âu buộc thực hiện "Europa First", theo nhận định bài xã luận trên Le Figaro.
"Châu Âu cố giữ đoàn kết trước Donald Trump" là nhận xét trên trang nhất của Le Figaro. Trong cuộc họp cấp cao giữa nguyên thủ và thủ tướng các nước Liên Hiệp Châu Âu diễn ra vào tối 16 và ngày 17/05 tại Sofia, Châu Âu tìm một tiếng nói chung đối với "thái độ" được cho là "thất thường" của tổng thống Mỹ về hồ sơ hạt nhân Iran và thương mại quốc tế. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu khẳng định : "Nếu Iran tôn trọng các cam kết của họ, Liên Hiệp Châu Âu cũng tôn trọng những cam kết của Châu Âu, đây sẽ là một thông điệp" gửi đến tổng thống Mỹ.
"Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận làm thay đổi cán cân ở Trung Đông". Đây là nhận định của bà Isabelle Lasserre trên Le Figaro. Vì lập trường mới của tổng thống Trump làm tăng cường trục Mỹ-Israel-Saudi Arabia, gây sức ép với liên minh Iran-Nga và có thể sẽ làm thay đổi các cuộc xung đột đang tàn phá khu vực.
Mỹ cấm vận Iran : Total rút, Trung Quốc hưởng lợi
Quyết định đơn phương tái lập trừng phạt kinh tế Iran của tổng thống Mỹ có nguy cơ đẩy các doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động và hợp tác với Iran khỏi đất nước Hồi Giáo này. Vì vậy, "Liên Hiệp Châu Âu tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Iran" là nhận định của Le Monde. Ít nhất là duy trì những hợp đồng đã được ký trước đó, "nhưng Hoa Kỳ không thật sự cởi mở lắm" với đề xuất này, theo đánh giá của một nhà ngoại giao ở Bruxelles.
Hậu quả đầu tiên là "Các doanh nghiệp Pháp buộc phải rời khỏi Iran", theo trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Total đang trong giai đoạn từ bỏ dự án khai thác khí đốt South Pars 11 có quy mô lớn ngoài khơi Iran và bên hưởng lợi là tập đoàn PetroChina. Toàn bộ 50,1% vốn đầu tư của Total trong dự án này sẽ được nhượng lại cho đối tác Trung Quốc (chiếm 30%).
Các doanh nghiệp Pháp muốn tiếp tục hoạt động tại Iran sẽ lĩnh nguy cơ bị phong tỏa tài khoản ở một ngân hàng Pháp và sẽ bị ngừng cấp tín dụng. Bài học của ngân hàng BNP Parisbas vẫn còn đó, nên các ngân hàng Pháp tìm cách tự bảo vệ mình trước lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, có một số ngân hàng Châu Âu không có hoạt động với Mỹ đang tìm cách tiếp quản.
Nước Pháp ngược đãi người cao tuổi như thế nào ?
Đây là câu hỏi lớn trên trang nhất của Le Monde. Trong bản báo cáo được công bố ngày 16/05/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia Pháp đã đưa ra chỉ trích nghiêm khắc đối với việc chăm sóc người cao tuổi.
Số người trên 75 tuổi hiện chiếm 9% dân số Pháp, nhưng sẽ đạt đến ngưỡng 16,2% vào năm 2060 và như vậy sẽ có gần 2,26 triệu người sống lệ thuộc. Thế nhưng, đáng báo động là ở Pháp vẫn tồn tại sự "phủ nhận tập thể" về việc tỉ lệ người già và điều này được thể hiện qua việc "ngược đãi tiềm ẩn và không có trách nhiệm".
Vẫn theo bản báo cáo, việc tập trung người cao tuổi vào các nhà dưỡng lão là một "cách cưỡng bức" và thậm chí là một hình thức "cô lập". Trong khi đó, chính sách đối với người cao tuổi, dễ tổn thương, lại "không thích hợp và bất kính".
Thu Hằng
Người Palestine bị bỏ rơi, nhân phẩm bị khinh rẻ
Bạo lực đẫm máu và nguy cơ xung đột võ trang tại Trung Đông, tương lai bất trắc của hiệp định hạt nhân Iran, chiếc cầu "thống nhất" của Putin tại Crimea, một trang sử mới ở Malaysia là một số chủ đề chính trên báo chí Pháp ngày thứ Tư 16/05/2018.
Một cảnh ở giải Gaza, Palestine, ngày 14/05/2018. Reuters/Mohammed Salem
Hai ngày sau vụ xung đột đẫm máu tại Gaza mà một bên gọi là "đàn áp" và bên kia gọi là "tự vệ", Israel tiếp tục là mục tiêu tấn công của báo chí Pháp :
Lễ mừng tại Jerusalem, biển máu tại Gaza, tựa của Le Monde. Hòa bình tại Trung Đông còn chút hy vọng nào không ? La Croix đặt câu hỏi. Les Echos lo ngại chiến tranh xảy ra giữa quân đội Israel và Hamas vì chiến lược khiêu khích của tổ chức Palestine này. Đây cũng là nhận định của Libération trong bài "Tang lễ sau cuộc hy sinh của tuổi trẻ", trong khi Le Figaro và Le Monde dường như không chia sẻ ý kiến này của đồng nghiệp cánh tả.
Trong bài xã luận "Người Palestine bị bỏ rơi và tước đoạt nhân phẩm", Le Monde nhận định "1,9 triệu dân Palestine bị phong tỏa trong dải Gaza từ 10 năm nay, họ sống trong nghèo đói và ba cuộc chiến tranh, bị cộng đồng quốc tế lơ là, bị Cơ quan quyền lực Palestine bỏ mặc, thì đâu cần Hamas xúi giục người Palestine mới xuống đường tranh đấu. Họ lao vào hàng rào kẽm gai, vì điên cuồng, vì ảo vọng tìm về quê hương bị chiếm đóng". Ngày "thứ Hai đen", theo Le Monde, đã phản ảnh thực trạng là gần như hầu hết giới chính trị Israel, tả cũng như hữu, tước đoạt nhân phẩm của thường dân Palestine, xem họ là "cảm tình viên của Hamas" trong khi chiến dịch "hành trình về quê hương" chứng tỏ người Palestine đã chọn con đường tranh đấu bất bạo động, chống khủng bố và vũ lực. Không thấy diễn tiến này là điều nguy hiểm.
Món quà tẩm độc của Washington
Nguy hiểm cho khu vực và cho cả Israel, bởi vì, theo Le Monde, sự kiện chính quyền Donald Trump ủng hộ chính sách của đảng cánh hữu Likud không phải là một món quà của Washington tặng cho Israel như một số người Israel lầm tưởng.
Chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem, khích lệ thủ tướng Netanyahu trong men say chiến tranh ngạo mạn, và tạo ảo tưởng quốc gia non trẻ này được Mỹ ủng hộ, trong khi trên thực tế, Israel bị cô lập hơn bao giờ hết trên trường quốc tế. Không một ai bị ru ngủ vì kế hoạch hòa bình Israel-Palestine do tổng thống Mỹ đề xướng. Thế mà, nếu không có viễn ảnh hòa bình, Israel sẽ sống trong nỗi sợ triền miên.
Trong khi đó, Le Figaro, trong bài "sau cơn bão, Gaza an táng người chết", cho biết sau ngày thứ hai đẫm máu với ít nhất 60 người Palestine thiệt mạng, cuộc biểu tình ngày hôm sau có vẻ yếu đi. Tuy nhiên, một bà mẹ Palestine cảnh báo : "Những người trẻ này chỉ đòi hỏi những quyền chính đáng và với sự hy sinh tột đỉnh này, một ngày nào đó, nếu Thượng đế chấp thuận, thì chúng tôi sẽ làm cho Israel lùi bước". Cũng theo Le Figaro, cho dù quân đội Israel lên án Hamas chỉ đạo các cuộc biểu tình ở ranh giới và nhận diện được "24 thành viên Hamas" trong số 61 người chết hôm thứ hai, thì một cán bộ chỉ huy của Hamas khẳng định "nhiều chiến binh đã chấp nhận buông súng để tranh đấu ôn hoà. Giờ đến lượt cộng đồng quốc tế phải lãnh trách nhiệm".
Les Echos dường như không cùng quan điểm này. Nhật báo kinh tế cho rằng Hamas do bị yếu dần, nên tiến hành một chiến thuật mới, "thuê đàn bà, con nít" lao vào hàng rào kẽm gai. Hamas phải đổi chiến thuật từ khi Israel bố trí hệ thống "vòm thép" chống tên lửa từ Gaza cũng như phá hủy được nhiều địa đạo của Hamas, xây thêm bức tường chận xâm nhập cao 6 mét. Về chính trị, Hamas không hòa giải được với Mặt Trận Fatah của chủ tịch Mahmoud Abbas. Do vậy, tổ chức Hồi Giáo này mất dần hậu thuẫn trong khối Ả Rập trừ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên nhật báo cảnh tả Libération, một số thanh niên ở Gaza không tham gia chiến dịch "hành trình về quê hương" cho biết ý kiến như sau : lãnh đạo Hamas là những "kẻ lợi dụng" đưa dân chúng vào chỗ tự sát tập thể. Mạng người quí hơn là một mẩu dây kẽm gai. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trước tương lai bế tắc, xuống đường thách thức súng đạn là một cách biểu lộ hành động sống tự do.
"Iran và Châu Âu bảo vệ hiệp định hạt nhân"
Gaza không phải là hồ sơ nóng duy nhất tại Trung Cận Đông. Với tựa "Tehran và Châu Âu đồng thuận cứu hiệp định hạt nhân", Les Echos giúp độc giả tìm hiểu nỗ lực của Bruxelles qua cuộc tiếp xúc giữa ngoại trưởng Iran với ba đồng nhiệm Anh, Đức, Pháp ngày hôm qua.
Theo nhật báo kinh tế, Liên Hiệp Châu Âu chờ đợi Iran chấp nhận một số nhượng bộ để đánh tan mối nghi ngờ về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Nhưng mối ưu tư chính vẫn là làm cách nào bảo vệ quyền lợi kinh tế của giới doanh nghiệp Châu Âu trong trường hợp Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt mới, hệ quả của quyết định của Mỹ hủy bỏ hiệp định hạt nhân ký với Iran năm 2015 : Các công ty Pháp kỳ vọng nhưng giới chính trị không có đủ thời giờ và phương tiện để bảo vệ doanh nghiệp.
Cùng nhận định, Le Figaro báo động : Châu Âu tìm cách tự vệ trước sức ép của Mỹ. Trong cuộc hội thảo ngày hôm qua tại bộ kinh tế Pháp, bộ trưởng kinh tế Bruno Lemaire và đồng nghiệp bộ ngoại giao Jean-Yves Le Drian cam kết với 60 doanh nghiệp lớn có quan hệ với Iran là sẽ làm mọi cách để bảo vệ họ bằng những "kênh tài chính độc lập với đô la" nằm ngoài thẩm quyền của tư pháp Mỹ.
Trước câu hỏi : Liệu Châu Âu có lách được lệnh trừng phạt của Mỹ, nhật báo La Croix nhận định là cần phải có sự hợp sức của toàn Liên Hiệp. Nếu không có nỗ lực chung này thì các doanh nghiệp vì đơn độc sẽ rơi vào trạng thái "tê cóng" trước đe dọa của Mỹ.
Trong mọi trường hợp, tương lai kinh tế thế giới đang bị một đám mây đe dọa : tình trạng dầu hỏa tăng giá đã trở lại vì khủng hoảng Iran. Giá xăng bán lẻ sẽ tiếp tục lên và cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Pháp, theo Le Figaro.
Nhật báo cánh hữu cũng dành một bài khá dài về "chuyện chiếc cầu chính thức hóa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea mà tổng thống Nga long trọng khánh thành ngày hôm qua. Bất lực trước các biện pháp lấy thịt đè người của láng giềng, tổng thống Ukriana Petro Porochenko tìm ra một câu khôi hài đen : "Bề gì thì quân xâm lược Nga cũng cần một cây cầu khi phải khẩn cấp rút chạy".
"Malaysia mở trang sử mới với nhà độc tài cũ"
Thời sự Châu Á duy nhất trên trang quốc tế của Le Figaro là "Bình Nhưỡng đe dọa đình chỉ thượng đỉnh với Donald Trump" sau khi thông báo "hủy bỏ một cuộc họp với Seoul" về hồ sơ phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, sự kiện cựu thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, 92 tuổi trở lại chính trường sau 16 năm ở ẩn, được La Croix và Le Monde phân tích rộng rãi.
Theo La Croix, người dân Malaysia rất mong chờ những thay đổi lớn tại quốc gia Đông Nam Á này từ khi đối lập chiến thắng bất ngờ vào ngày 09 tháng 05. Họ đặt niềm tin và khả năng của cựu thủ tướng "từ độc tài chuyển đổi qua cấp tiến» giải quyết tệ nạn tham nhũng triền miên và chia rẽ giữa các cộng đồng sắc tộc.
Chống tham nhũng cũng là mục tiêu số một mà Le Monde, cũng như đồng nghiệp La Croix, cho rằng "nhà độc tài hối cải" đã cam kết với dân chúng. Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đánh bại Najib Razak, nhân vật mà cách nay 16 năm lên thay ông ở ghế thủ tướng, là một "bước ngoặt" trong lịch sử Malaysia. Theo phân tích của Le Monde, tân thủ tướng đã ra lệnh cấm thủ tướng vừa mãn nhiệm, rời Malaysia và loan báo "một số quan chức cao cấp sẽ bị trừng phạt" vì đã đồng loã tham ô với vợ chồng Najib Razak mà tổng số tiền biển thủ lên đến gần một tỷ đô la. Cách chức Tổng chưởng lý Apandi Ali, người đã "minh oan" cho Najib Razak, có lẽ là phát pháo đầu tiên.
Chiến thắng của Mahathir Mohamad và đối lập Malaysia, theo Le Monde, có thể xem là một cuộc cách mạng. Tân bộ trưởng tài chính Lim Guan Eng, là người gốc Hoa đầu tiên, được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này, kể từ 40 năm qua tại Malaysia. Điều lý thú là nhà đối lập Lim Guan Eng từng bị ngồi tù hai lần dưới thời thủ tướng Mahathir Mohamad nắm quyền trước đây.
Mahathir Mohamad từng nổi danh là một nhà lãnh đạo độc đoán, bịt miệng báo chí và trấn áp đối lập bằng guồng máy tư pháp. Một phó thủ tướng của ông là Anwar Ibrahim bị truy tố ra tòa với những bản án dàn dựng. Thân phụ của tân bộ trưởng tại chính Lim Guan Eng, nhà lãnh đạo đối lập Lim Kit Suang, dự đoán với một nụ cười : Ở tuổi 92, ông ấy đã đổi mới. Được báo chí đặt câu hỏi, thủ tướng Malaysia tâm sự : ông sẽ rời chức vụ trong một hoặc hai năm tới đây. Có lẽ đây là thời để chuẩn bị chuyển giao trọng trách lãnh đạo quốc gia cho cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim, một nạn nhân cũ và cũng vừa được ân xá.
Le Monde tin rằng theo dõi Malaysia chuyển mình dân chủ hóa trong thời gian tới đây là điều rất lý thú.
Cần cấm nhập khẩu ếch nhái Châu Á
Xin kết thúc mục điểm báo hôm nay với hai thông tin khoa học trên Le Monde : Các máy điều hòa không khí làm tăng nhiệt độ bầu khí quyển. Dịch ếch nhái bị chết hàng loạt trên thế giới phát xuất từ bán đảo Triều Tiên. Cuộc điều tra của giới khoa học được mô tả là gay go không kém gì thám tử điều tra hình sự. Thủ phạm là một loài nấm độc có tên khoa học là "Bd" hay Batrachochytrium dendrobatidis, xuất phát từ bán đảo Triều Tiên trước khi đổi "gen" và lan khắp địa cầu trong suốt thế kỷ 20. Đồng lõa là các chuyến tàu chở hàng hóa đi khắp bốn phương. Nhận diện được thủ phạm và đồng lõa gây bệnh diệt chủng loài ếch nhái, các nhà khoa học kêu gọi ngưng nhập cảng ếch, cóc nhái từ Châu Á.
Tú Anh
Phải chăng Hoa Kỳ lạm dụng sự bá quyền ?
Thương mại, khí hậu, hạt nhân Iran… tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thích làm theo ý mình. Ưu thế quân sự của Mỹ cho phép ông áp đặt các nguyên tắc của mình với các doanh nghiệp nước ngoài và các quốc gia khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, ngày 09/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Le Figaro ngày 15/05/2018 đặt câu hỏi lớn : "Phải chăng Hoa Kỳ đang lạm dụng bá quyền ?".
Nhưng Donald Trump chưa phải là tổng thống Mỹ duy nhất làm điều đó. Barack Obama và George W. Bush đã từng làm như vậy, nhưng chưa đi đến việc xé bỏ các hiệp ước. Vậy phải chăng đó là một phản ứng hoảng loạn trước việc Trung Quốc đang trỗi dậy thành một cường quốc ?
Đầu tiên hết, tác giả bài báo nhìn nhận sức mạnh của một quốc gia không nằm ở chỗ diện tích lớn hay nhỏ. "Thế độc tôn không đòi hỏi phải là quốc gia lớn nhất hành tinh. Chả phải nước Anh đã từng thống trị một phần thế giới trong suốt hơn một thế kỷ trong quá khứ hay sao ?", ông Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Harvard nhận định.
Do vậy, theo quan điểm của ông Raymond Aron, một triết gia Pháp, được tác giả dẫn lại, sức mạnh cường quốc thể hiện ở "khả năng áp đặt ý chí của một đơn vị chính trị lên những đơn vị khác". Về điểm này, Hoa Kỳ sở hữu nhiều "dây cung" để thể hiện thế độc tôn của mình.
Thứ nhất, sức mạnh kinh tế. Khả năng sản xuất và tổng sản phẩm nội địa chiếm tỷ trọng cao xếp nước Mỹ đứng đầu bảng. Tương tự, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng đầu (17,3% thị phần thế giới theo WTO). Và thị trường này vận hành như một máy hút khiến các nước khác không thể nào bỏ qua.
Thứ hai, sức mạnh quân sự. Thế mạnh này thể hiện một ưu thế đáng ngợp hơn. Ngân sách quân sự của Mỹ là 610 tỷ đôla, bằng ít nhất 7 nước gộp lại, trong đó có Trung Quốc. Chưa có một nước nào có đội hàng không mẫu hạm hùng hậu như Hoa Kỳ gồm 11 chiếc đang hoạt động. Hải quân Mỹ thống lĩnh các đại dương, điều đó đã tạo lợi thế cho Mỹ bá quyền đồng đô la. Lịch sử nhắc lại rằng vào thế kỷ XIX, thế thượng phong của đồng sterling cũng liên quan đến tính ưu thế hàng hải của đế chế Anh quốc.
Thứ ba, làm chủ được không gian mạng. Lĩnh vực tư nhân như nhóm Gafam (Google, Amazon, Facebook, Microsoft) chỉ là một phần nổi của tảng băng kinh tế kỹ thuật số. Chính Icann (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tập đoàn cung cấp tên miền và địa chỉ Internet, hiện nằm dưới sự bảo hộ của chính phủ từ năm 2016, mới là cơ quan thống trị lĩnh vực công nghệ.
Cuối cùng, thế mạnh đào tạo. Các trường đại học của Hoa Kỳ, với Harvard đứng đầu, chiếm 17 trong số 20 vị trí đầu tiên theo bảng xếp hạng thế giới các trường đại học ARWU của Thượng Hải.
Sức mạnh quân sự trị giá ngàn vàng
Nhưng có một điều chắc chắn là sức mạnh quân sự đã mang lại cho Hoa Kỳ một lợi thế kinh tế lớn lao. Tờ tiền xanh đã trở thành "tiếng nói" của giới tài chính. 42% trao đổi tài sản và dịch vụ được niêm yết bằng đô la và 59% các khoản vay mượn ngân hàng là cũng bằng đô la.
Vậy Hoa Kỳ phải cảm ơn ai đây ? Thần thương mại La Mã Mercure hay là thần chiến tranh Mars ? Câu trả lời là "cả hai", theo như quan điểm của ông Barry Eichengreen, một trong số các kinh tế gia nổi tiếng hiếm hoi của Mỹ nói đến "đặc quyền quá đáng của đồng đô la".
Theo giải thích của giáo sư Barry Eichengreen, Trung Quốc đang nắm giữ đến 60% dự trữ ngoại tệ bằng đô la, bởi vì nước này xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn ai hết. Hai nước Châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, nắm giữ đến 80% ngoại tệ xanh dưới dạng trái phiếu nhà nước, do những thỏa thuận an ninh ký kết với Washington. Tệ hơn nữa là Đức và Saudi Arabia. Gần như 100% nguồn dự trữ ngoại tệ của hai nước này là bằng đô la, để đổi lấy ô hạt nhân của Hoa Kỳ.
Lợi thế tài chính mà Washington có được là rất lớn, đến mức "chỉ cần những nước lệ thuộc vào Hoa Kỳ về an ninh giảm 30% nguồn dự trữ bằng đô la, sao cho lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ tăng lên 80 điểm cơ bản, là đủ để làm chi phí của bộ Tài Chính Mỹ tăng thêm 115 tỷ đô la mỗi năm".
Những đặc quyền hoàn toàn quá đáng
Tác giả bài viết, ông Jean-Pierre Robin, cũng lưu ý là nền kinh tế Mỹ còn lợi dụng được các điều kiện tài chính đặc biệt từ những nước khác. Trong những năm 1950-1960, khi mà các tập đoàn đa quốc gia phát triển mạnh mẽ, Hoa Kỳ đã mở rộng đế chế công nghiệp của mình ra ngoài lãnh thổ. Lợi nhuận kiếm được còn cao hơn cả sản xuất trong nước, do 90% các khoản đầu tư ở nước ngoài là từ chính những nước tiếp nhận tài trợ, theo như phân tích của Jacques de Larosiere, từng lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.
Do đó, theo quan điểm của tác giả, thâm thủng mậu dịch của Mỹ mà Donald Trump đang ầm ĩ phàn nàn chỉ là một mẹo lừa. Những khoản thâm hụt này đều được bù đắp bằng tiền tiết kiệm của nước ngoài và những dòng vốn này cho phép các tập đoàn đa quốc gia chinh phục thế giới và tích lũy lợi nhuận. Theo số liệu của bộ Tài Chính Mỹ, lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài tích lũy được lên đến 3.000 tỷ đô la.
Nhưng cay đắng thay, trong nguồn vốn liên lục địa này, những đồng minh chính trị của Mỹ chỉ là những khán giả không có tiếng nói. Theo quan sát của ông Patrick Artus, kinh tế gia tại Natixis, "Kể từ cuối những năm 1990, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và suy thoái kinh tế đi kèm theo luôn xuất phát từ chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ" : từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán 1987, khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, cho đến vỡ bong bóng dot-com (bong bóng thị trường cổ phiếu) năm 2000, và gần đây nhất là khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 2008.
Và Hoa Kỳ xử lý các cuộc khủng hoảng này theo một nguyên tắc duy nhất là bất cân xứng, nghĩa là không có chuyện "có qua có lại". Lấy danh nghĩa "không một cá nhân nào, chủ thể nào gây tổn hại đến nền kinh tế chúng ta có thể nằm ngoài pháp luật" như tuyên bố của cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder, nên Hoa Kỳ thẳng tay trừng phạt các ngân hàng Châu Âu.
Mỉa mai thay, không ai tư vấn cho Châu Âu biết là lẽ ra khối này có thể trừng phạt ngân hàng Goldman Sachs vì đã giúp Hy Lạp giả mạo chứng từ công !
Trump : Người nhấn chìm trật tự tự do
Để kết luận, tác giả nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn của Phedre nhắc nhở rằng "chẳng bao giờ có được một sự an toàn khi chơi với kẻ mạnh". Các đồng minh Châu Âu và Châu Á bị đánh mà không dám hó hé.
Châu Âu thì quá chia rẽ về mặt thương mại (Đức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ) và chiến lược (Ba Lan thích trực thăng của Lockheed Martin hơn là của Airbus). Còn Châu Á đang bị Trung Quốc làm cho hoảng sợ.
Về phần mình, giới chuyên gia Trung Quốc không ngần ngại chỉ trích Donald Trump đang phá hỏng trật tự tự do được hình thành từ năm 1945 đến nay. Tướng về hưu Kiều Lương (Qiao Liang) thẳng thừng cáo buộc "Hoa Kỳ gây chiến trong khoảng từ 20-30 năm qua là nhằm mục đích bảo vệ ưu thế đồng đô la".
Tác giả đặt câu hỏi : Liệu Hoa Kỳ có dám nhường vị trí "bá quyền thế giới" cho Trung Quốc hay không ?
Bán đảo Triều Tiên : Phi hạt nhân hóa, nói dễ làm khó
Ngày thứ Bảy 12/05, Bắc Triều Tiên thông báo tiến hành tháo dỡ điểm thử hạt nhân Punggye-Ri, đông bắc đất nước từ ngày 23-25/05. Cử chỉ hòa dịu này được tổng thống Mỹ hoan nghênh là "rất thông minh và tử tế". Thế nhưng, theo Le Monde, tiến trình "phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn mù mờ".
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dỡ bỏ điểm thử này chưa phải là một nhượng bộ thật sự từ phía Bình Nhưỡng. Họ cho rằng, sau 6 đợt thử, cơ sở này không ổn định và không thể sử dụng được nữa. Phía Bắc Triều Tiên phản đối, khẳng định còn hai đường hầm vẫn hoạt động được.
Các phân tích hình ảnh vệ tinh từ các chuyên gia 38 vĩ tuyến bắc cũng xác nhận tuyên bố của Bình Nhưỡng cho rằng kể từ giờ quốc gia khép kín nhất hành tinh này đã làm chủ được công nghệ hạt nhân, không cần tiến hành thử trong lòng đất, đồng thời có khả năng thử nghiệm giả định trên máy tính như các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nói cách khác, Bình Nhưỡng có thể giao nộp vũ khí họ có, nhưng không dễ dàng từ bỏ công nghệ hạt nhân.
Điểm mù mờ hiện nay chính là mức độ thỏa thuận đạt được mà mỗi bên sẵn sàng chấp nhận. Theo nhật báo, lập trường của đôi bên khá xa. Hoa Kỳ và các đồng minh đòi hỏi một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được. Washington muốn thực hiện nhanh đòi hỏi Bình Nhưỡng di dời các vũ khí hạt nhân và các linh kiện sang một quốc gia thứ ba những tháng sau thượng đỉnh tại Singapore.
Bắc Triều Tiên muốn tiến trình được thực hiện dần dần theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Mỗi một sự nhượng bộ phải có phần bù lại. Nếu như trong cuộc gặp Kim – Moon, cả hai miền tuyên bố "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", thì không một lời nào nhắc đến phi hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Điều đó hàm ý đến chiếc ô hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc và rộng ra nữa là hệ thống liên minh quân sự Mỹ tại Đông Bắc Á. Đổi lấy các nhân nhượng về kho vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên đòi hỏi các bảo đảm an ninh, bao gồm ký kết một hiệp ước hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến 1953.
Đang trong quá trình tìm kiếm một thành công ngoại giao, Donald Trump dường như sẵn sàng chấp nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra, ngoài hiệp ước hòa bình, có thể dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ hai nước thù nghịch, thì Bình Nhưỡng sẽ nhận được những bảo đảm gì từ phía Mỹ ?
"Tập Cận Bình, hãy trả tự do cho Lưu Hà !"
Lời kêu gọi này của một nhóm tập thể phụ nữ Pháp được báo Le Monde dành một góc nhỏ trên trang Phân tích. Họ bao gồm các nghệ sĩ, nhà văn, những người phụ nữ tầm thường như bao người khác. Họ khẳng định không can dự vào "chuyện nội bộ Trung Quốc", cũng không có ý định biến Lưu Hà như là một biểu tượng đấu tranh.
Nhân danh là bằng hữu, đồng nghiệp của Lưu Hà và chỉ nhìn vợ góa của giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba như là một nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh, chứ không phải là một phụ nữ đấu tranh chính trị, tập thể phụ nữ Pháp mong muốn chính quyền Bắc Kinh hãy để cho bà được hưởng thụ tự do mà Hiến Pháp quy định cho mọi công dân Trung Quốc, tìm lại niềm vui cuộc sống. Những người phụ nữ Pháp muốn đem lại cho bà khi chia sẻ niềm vui sáng tạo văn chương và nghệ thuật.
Gaza đẫm máu, trang nhất các báo Pháp
Hoa Kỳ khai trương tòa đại sứ mới tại Jerusalem đã làm bùng lên căng thẳng tại dải Gaza. Le Figaro, trên nền ảnh người dân Palestine chạy náo loạn trong lớp khói đen dày đặc, đưa tít lớn "Đại sứ Mỹ ở Jerusalem : Gaza bùng cháy".
Libération chụp cận cảnh một người đàn ông gương mặt nhăn nhúm đau đớn vì bị trúng đạn, chạy tựa "Jerusalem – Gaza : Một tòa đại sứ và một cuộc thảm sát".
Bùng cháy và thảm sát là vì trong khi tại Jerusalem là một lễ khai trương tưng bừng hoành tráng với sự hiện diện của Ivanka Trump, con gái tổng thống Mỹ, thì ngay tại biên giới, hơn 50 người Palestine đã bị bắn chết, trong đó có 8 trẻ em và hàng nghìn người khác bị thương trong một cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ di dời tòa đại sứ về Jerusalem.
"Ngày phẫn nộ và đẫm máu trên dải Gaza" Le Figaro ghi nhận. Một người dân uất ức nói với phóng viên nhật báo : "Chúng tôi ở đây để nói rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận quyết định của Hoa Kỳ di dời đại sứ về Jerusalem". Bất chấp máu và lửa, Le Figaro cho biết thêm "Guatemala và Paraguay đang nối gót theo Mỹ".
Minh Anh
Khủng bố bằng dao ở Paris dấy lại tranh luận về hồ sơ ‘‘S’’
Vụ khủng bố Paris làm dấy lên cuộc tranh luận về cách đối xử với những người nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi, việc Mỹ rời sứ quán tại Israel về Jerusalem gây căng thẳng tại Cận Đông là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay.
Tại hiện trường vụ khủng bố ở quảng trường Opéra, Paris, ngày 12/05/2018. AFP/Geoffroy van der Hasselt
Le Monde chú ý đến mức tăng trưởng đột biến của dịch vụ video trực tuyến của Netflix "buộc truyền hình và điện ảnh phải thay đổi", trong lúc Les Echos nói đến "nỗi lo ngại" của Châu Âu, sau thỏa thuận lập chính phủ tại Ý giữa phong trào 5 Sao và đảng cực hữu Liên Minh Phương Bắc.
Về vụ tấn công bằng dao tại quảng trường Opéra, Paris, hôm thứ Bảy 12/05/2018, khiến một khách qua đường thiệt mạng và bốn người khác bị thương, trong đó có hai người bị thương nặng, Le Figaro có bài "Vụ khủng bố tại Paris dấy lại cuộc tranh luận về những người có hồ sơ S (tức thuộc diện bị theo dõi)". Le Figaro trước hết khẳng định : hệ thống an ninh chống khủng bố đã làm việc rất hiệu quả.
Danh tính thủ phạm được xác định ngay lập tức. Đó là Khamzat Azimov, 21 tuổi, sinh quán tại Tchetchenia (thuộc Nga), được nhập quốc tịch Pháp năm 2010, do có mẹ đã được nhập quốc tịch trước đó. Khamzat Azimov đã bị cảnh sát thẩm vấn cách nay một năm, và nằm trong danh sách "S" từ 2016.
Ở phía cánh hữu, một số người chất vấn chính quyền tại sao không áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các nhân vật trong danh sách S. Phải chăng chính quyền đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của các phần tử này, và để cho họ có cơ hội gây thêm tội ác ?
Thủ phạm thường thuộc nhóm ít bị tình nghi nhất
Le Figaro dẫn lời một số chuyên gia cảnh sát, theo đó nằm trong danh sách S "không phải là bị kết án". Đây chỉ là danh sách mà cảnh sát lập ra để tăng cường thu thập thông tin về các phần tử bị tình nghi. Tại Pháp, có khoảng 20.000 người nằm trong danh sách này, trong đó có liên hệ với giới Hồi giáo cực đoan là khoảng 12.000.
Hiện tại cuộc điều tra đang được tiến hành. Theo các thông tin ban đầu, thủ phạm không có tiền án. Và cho dù bị thẩm vấn cách đây ít lâu, vì có tiếp xúc với một người có vợ đi Syria, và có liên lạc với hai người gốc Tchetchenia, bị cảnh sát theo dõi. Tuy nhiên, ứng xử trong đời thường và các hoạt động trên mạng xã hội của kẻ giết người tương lai không có gì gây nghi ngờ đặc biệt đối với cơ quan điều tra.
Theo một cựu chỉ huy cảnh sát Pháp, dân biểu đảng cầm quyền Jean-Michel Fauvergue, vấn đề đặt ra ở đây là, thủ phạm các vụ tấn công khủng bố thường là những nhân vật thuộc nhóm ít bị tình nghi nhất trong số 20.000 người trong hồ sơ S. Thủ phạm các vụ khủng bố như vậy thường hành động một cách đơn lẻ, lặng lẽ, bằng các phương tiện gây án thô sơ, do vậy cơ quan an ninh rất khó dự báo trước.
Khủng bố giảm trong bối cảnh Daesh bị đẩy lùi
Trong một bài khác về chủ đề này, Le Figaro ghi nhận tình hình khủng bố tại Pháp giảm bớt trong năm ngoái, xét về số lượng nạn nhân. Điều này có thể có liên hệ với việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) tại Trung Đông hứng chịu nhiều thất bại về quân sự.
Theo cựu chỉ huy cơ quan tình báo Pháp (DGSE) Alain Chouet, cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu về khủng bố, về Hồi giáo cực đoan, hợp tác giữa tình báo Pháp và các cộng sự nước ngoài trong thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ, cho phép xác định được tốt hơn "các môi trường nhiều nguy cơ", giúp đề phòng trước một số đe dọa. Tuy nhiên, chuyên gia về khủng bố Pháp cũng cảnh báo là, trong bối cảnh bị mất lãnh thổ tại Trung Đông, Daesh có thể tiến hành thêm nhiều vụ khủng bố, để gây thanh thế.
Tổng thống và dân chúng bình tĩnh
Vẫn về chủ đề hành xử cần có để đối phó nguy cơ khủng bố đơn lẻ, xã luận tờ Le Figaro thiên hữu chỉ trích chính quyền - đã "nhắm mắt" trước nguyên nhân sâu xa của nạn khủng bố, đó là "chủ nghĩa cực đoan tôn giáo" ngự trị tại các vùng ngoại ô, trường học. Trong khi đó, bài xã luận tờ báo thiên tả Libération mang tựa đề "Mỵ dân" lại trực diện lên án nhiều lãnh đạo "cánh hữu cứng rắn" và "cực hữu".
Libération thừa nhận việc tấn bằng các phương tiện thô sơ là mối đe dọa khủng bố phổ biến nhất hiện nay, và rất cần phải tiếp tục tranh luận để làm thế nào chính sách và kỹ thuật chống khủng bố có hiệu quả hơn, thế nhưng không thể đánh lừa công luận khi đưa ra những giải pháp dễ dãi, được coi như một phép mầu, nhưng đi ngược lại với các nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền, như nhiều lãnh đạo cánh hữu và cực hữu tung ra để quyến rũ cử tri. Libération ca ngợi đa số người Pháp vẫn bình tĩnh trước các thử thách.
Về phần mình, Les Echos có bài nhận định về thái độ bình tĩnh của tổng thống Emmanuel Macron, từ chối không có các phản ứng vội vã, như tuyên bố điều chỉnh luật pháp chống khủng bố, để trấn an một bộ phận công luận. Theo Les Echos, công luận Pháp nói chung trong hiện tại tỏ ra không nao núng trước mối đe dọa khủng bố quy mô nhỏ, khó dự đoán nói trên.
Mỹ dời sứ quán tới Jerusalem : Căng thẳng cao độ
Lễ khai trương sứ quán Mỹ tại Jerusalem, đúng vào dịp 70 năm ngày Nhà nước Do Thái thành lập, diễn ra trong "không khí hết sức căng thẳng" là ghi nhận của Les Echos. Một phái đoàn đông đảo quan chức cao cấp Mỹ, nhưng không có tổng thống Trump, tới tham dự lễ khai trương vào 16 giờ chiều nay.
Đối với Nhà nước Do Thái, quyết định chuyển sứ quán Mỹ mang lại nhiều lợi lộc trước mắt. Cụ thể làm uy tín của đảng cầm quyền Likoud lên cao trong công luận, trong bối cảnh Tel Aviv vừa có thêm nhiều lợi thế, với việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chiến dịch không kích chống lại các căn cứ quân sự Iran tại Syria đạt kết quả, với sự ngầm thuận của Moskva (Israel cũng được Nga trấn an với tuyên bố sẽ không bán các hệ thống tên lửa phòng ngự mới cho chính quyền Syria).
Tuy nhiên, đối với chính quyền Palestine, quyết định dời sứ quán nói trên làm mất uy tín của Mỹ, với tư cách "nhà môi giới" cho một giải pháp hòa bình tại Cận Đông. Vẫn theo Les Echos, Tel Aviv đang sẵn sàng trước "một tuần lễ căng thẳng cao độ". Cụ thể là lực lượng trực chiến xung quanh dải Gaza và vùng West Bank (Cisjordanie) của người Palestine, tăng gấp đôi, để đối phó với nhiều cuộc biểu tình dự kiến sẽ rất dữ dội.
"Món quà tẩm thuốc độc" với Israel
Việc chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể khiến chính quyền Israel phấn chấn, thế nhưng theo nhà báo Patrick Saint-Paul của Le Figaro, đây là "một món quà tẩm thuốc độc" của tổng thống Mỹ Donald Trump. Quyết định đơn phương của Donald Trump, bất chấp khuyên can của các quốc gia bè bạn, làm tan vỡ các cơ hội cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Israel – Palestine.
Đối với cộng đồng quốc tế, Jerusalem không thể nào được công nhận làm thủ đô của Nhà nước Do Thái chừng nào mà người Palestine chưa có được Nhà nước của mình, mà nếu có chắc chắn cũng sẽ phải đặt tại (vùng đông) Jerusalem. Ngược lại với mong muốn của cộng đồng quốc tế, tổng thống Mỹ quyết định dời sứ quán, quyết định gây căng thẳng cao độ, mà không đưa ra giải pháp hòa bình khả dĩ nào. Le Figaro so sánh quyết định này như một "cú nhảy vào vô định" tại một khu vực, mà vốn chỉ cần "một tia lửa cũng đủ để gây ra một đám cháy lớn".
Bốn cộng đồng Israel có tìm được tiếng nói chung ?
Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý khác về bốn cộng đồng chủ yếu tại Israel, với quan điểm hết sức đối chọi. Cụ thể là các cộng đồng người Israel gốc Ả Rập, người Do Thái thế tục, người Do Thái sùng đạo và nhóm Do Thái "siêu chính thống".
Theo nhà xã hội học và chính trị học Denis Charbit, giảng dạy tại Israel, thì sau 70 năm lập quốc, Nhà nước Do Thái đã thành công trong việc giành được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế, giờ đây vấn đề là "sự thừa nhận của thế giới Ả Rập". Nhưng bên cạnh đó, vấn đề lớn khác là phải làm sao để bốn cộng đồng chủ yếu của Israel có thể chung sống hòa bình được với nhau.
Hạt nhân Iran : Các phương án của Châu Âu để đối phó với Trump
Về hồ sơ hạt nhân Iran đang bế tắc, Les Echos có bài "Iran : Các phương án của Châu Âu để đối phó với Trump". Sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, các nước Châu Âu tìm cách phối hợp hành động.
Đây sẽ là chủ đề chính của cuộc hội kiến ngày mai giữa lãnh đạo ngoại giao Châu Âu với ngoại trưởng ba nước Pháp, Đức, Anh. Nguyên thủ 28 nước Châu Âu cũng sẽ bàn về vấn đề này trong hai ngày thượng đỉnh của Liên Hiệp, thứ Tư và thứ Năm tới tại Sofia, Bulgaria.
Theo một nguồn tin Châu Âu, các nước Châu Âu có thể áp dụng một quy tắc, vốn được lập ra từ năm 1996, để đối phó với việc Mỹ cấm vận Cuba. Luật nói trên cho phép các doanh nghiệp và tòa án Châu Âu "không chịu sự chi phối của các trừng phạt do một bên thứ ba đặt ra". Quy định này, dù "phức tạp khi áp dụng", nhưng sẽ mang lại "nhiều lợi thế" cho phía Châu Âu trong các đàm phán với Mỹ.
Một phương án khác là tăng cường khả năng độc lập tài chính của Châu Âu, để không phải phụ thuộc vào các định chế cấp vốn, có liên hệ với Hoa Kỳ. Mục tiêu là "lách khỏi sự chi phối của hệ thống ngân hàng quốc tế mang tên Swift", chịu sự kiểm soát của Washington.
Les Echos cũng nhận xét là, cho dù các nỗ lực của Paris và nhiều thủ đô Châu Âu, nhưng khả năng nổi dậy để khẳng định sự độc lập của Liên Âu trước Hoa Kỳ là viễn cảnh không dễ dàng. Không chắc là các nỗ lực nói trên có thể đi đến thành công.
Điểm nóng chuyển qua Cận Đông, các tập đoàn tin học Mỹ-Trung tăng giá
Trong lĩnh vực kinh tế, chứng khoán của ba đại tập đoàn Mỹ Apple, Amazon và Microsoft, cùng một số tập đoàn tin học Trung Quốc tăng giá, nhờ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung giảm nhiệt, điểm nóng tập trung vào Trung Đông, là thông tin của trang tài chính và thị trường của Les Echos.
Theo Les Echos, chỉ số NYE FANG+, bao gồm 10 công ty lớn của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này tăng hơn 15% từ một tháng nay. Cùng thời gian này, giá trên sàn chứng khoán của ba tập đoàn nói trên đã tăng thêm hơn 400 tỉ đô la.
Cannes : "Giang Hồ Nhi Nữ" được ngợi ca, Triệu Đào có thể đoạt giải "nữ diễn viên xuất sắc"
Về Liên hoan điện ảnh Cannes đang diễn ra, nhiều báo Pháp ca ngợi bộ phim "Giang Hồ Nhi Nữ" (hay "Những kẻ bất tử") của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha (Jia Zhang Ke).
Le Monde có bài "Phim đen (hay phim về giới tội phạm) của Giả Chương Kha", giới thiệu với độc giả cốt truyện ba hồi của bộ phim về quan hệ kỳ lạ giữa Bin, thủ lĩnh một băng nhóm tội phạm với Qiao. Người phụ nữ đã cứu mạng Bin, phải vào tù vì hành động xả thân, rồi trở thành thủ lĩnh của chính băng nhóm tội phạm của người tình.
Giang Hồ Nhi Nữ của Giả Chương Kha có ánh sáng và bóng tối, vừa lãng mạn, bay bổng, lại vừa đầy kịch tính, diễn biến mau lẹ. Le Monde bảo đảm là bộ phim này xứng đáng là "một trong các bộ phim lớn" của đạo diễn Giả Chương Kha.
Le Monde cũng mời độc giả chú ý đến một hoạt động khác của đạo diễn họ Giả, kể từ phim "Sơn Hà Cố Nhân" (2015). Nhờ các nỗ lực của Giả Chương Kha, một hệ thống rạp chiếu phim độc lập đã ra đời tại tỉnh Sơn Tây (Shanxi), quê hương ông. Le Monde không quên thông báo điều có vẻ như rất nghịch lý là ông hoàng của điện ảnh độc lập Trung Quốc đắc cử dân biểu, và tham gia vào chính Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua điều khoản trong Hiến pháp Trung Quốc dành cho Tập Cận Bình quyền lực tuyệt đối.
Libération có hai bài viết về Giang Hồ Nhi Nữ. Một để giới thiệu nữ diễn viên Triệu Đào (Tao Zhao), 41 tuổi, trong vai Qiao, mà tờ báo dự đoán là "ứng cử viên sáng giá" cho giải nữ xuất sắc nhất của Cannes năm nay. Triệu Đào – vợ và là diễn viên trong tất cả các bộ phim chính của Giả Chương Kha - cũng có mặt tại Cannes lần này.
Bài viết thứ hai của Libération mang tựa đề "Những kẻ bất tử : tấn bi kịch thuần khiết và cô đúc", nhìn bộ phim dài thứ 12 của Giả Chương Kha, như một "bản tự họa", một "bức tranh hoành tráng", kết tinh toàn bộ cuộc đời làm phim của ông cho đến nay.
Trọng Thành
Ván bài Trung Quốc ở Biển Đông chưa ngã ngũ
Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 12/05/2018 là tờ tuần báo hiếm hoi quan tâm đến Biển Đông với một bài phân tích của phóng viên tại Washington mang tựa đề khá châm biếm : "Quậy phá : Trung Quốc đã bố trí tên lửa trên các đảo ở Biển Đông". Điểm đáng chú ý là tác giả bài báo đã có một cái nhìn khác với xu hướng hiện nay theo đó Mỹ đã để mất Biển Đông vào tay Trung Quốc. Đối với The Economist, mọi sự chưa hẳn đã được an bài.
Ảnh chụp Đá Xu Bi (Trường Sa, Biển Đông), nơi Trung Quốc đã xây dựng 1 phi đạo cùng nhiều cơ sở có thể được dùng vào mục tiêu quân sự. Ảnh chụp ngày 21/04/2017 - Reuters/Erik de Castro
Bài báo mở đầu bằng lời báo động vào tháng Tư (2018) vừa qua của đô đốc Philip Davidson, người được tổng thống Donald Trump đề cử lãnh đạo lực lượng vũ trang Mỹ ở Thái Bình Dương.
Theo viên tướng này, sau gần 5 năm nạo vét và bồi đắp các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Philippines, Malaysia và Việt Nam, "Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ".
Đô đốc Davidson đã nêu bật việc Trung Quốc đã đưa lên các thực thể đủ loại thiết bị quân sự, điều duy nhất chưa thấy là "lực lượng đồn trú". Theo viên tướng Mỹ, một khi lực lượng này được triển khai, các tiền đồn của Trung Quốc sẽ có thể thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và "áp đảo dễ dàng" các đối thủ Châu Á đòi chủ quyền trên các vùng biển đó.
Vào đầu tháng Năm, toàn cảnh mà đô đốc Davidson vẽ ra đã được tình báo Mỹ chi tiết hóa bằng thông tin, theo đó Bắc Kinh dường như đã triển khai tên lửa trên ba thực thể - Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) - từ các loại tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B với tầm bắn 295 hải lý (545km), đến tên lửa địa đối không HQ-9B có thể tiêu diệt phi cơ có người lái và không người lái trong phạm vi 160 hải lý.
Khi được hỏi về điều này, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định rằng chính quyền Trump "biết rất rõ về hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc" và đe dọa Bắc Kinh về "những hậu quả" phải gánh chịu.
Đối với The Economist, cho đến những năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, nhiều sĩ quan quân đội và quan chức Nhà Trắng đã xem nhẹ việc Trung Quốc cải tạo các rạn san hô đang tranh chấp. Theo họ, các căn cứ mà Bắc Kinh bồi đắp không có gì đáng ngại, và có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong một cuộc xung đột thực thụ.
Theo chuyên gia Andrew Erickson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, ngay cả vào lúc này, các cơ sở đó cũng không đáng sợ hơn bao nhiêu, thế nhưng mục tiêu của Trung Quốc không phải là khởi động một cuộc chiến tranh với Mỹ, mà là giữ thế thượng phong trong thời bình, hoặc trong các cuộc khủng hoảng ở trong "vùng xám", giữa hòa bình và chiến tranh. Trung Quốc muốn nói rõ với những láng giềng nhỏ và yếu hơn rằng họ sẽ phải "trả giá khủng khiếp nếu cố chống lại Trung Quốc ở Biển Đông"…
Tuy vậy, đối với chuyên gia Erickson, Biển Đông chưa bị mất. Mỹ đã cho đến nay đã ngăn cản được, không cho Trung Quốc phát triển khu vực bãi Scarborough, một rạn san hô ngoài khơi Philippines, đang bị Bắc Kinh kiểm soát. Nếu biến được nơi này thành tiền đồn, Trung Quốc sẽ hoàn thành được mục tiêu khống chế hoàn toàn Biển Đông.
Một dấu hiệu khác : Từ lúc ông Trump lên làm tổng thống, chưa thấy Trung Quốc có hành động khiêu khích trắng trợn nào nhắm vào tàu Mỹ hoạt động hợp pháp trong vùng.
Đồng thuận chống Trung Quốc ngày càng tăng tại Mỹ
Khi nói về các hậu quả mà Trung Quốc sẽ phải gánh chịu, chính quyền Trump có vẻ rất mơ hồ. Nhưng điều đó phù hợp với đồng thuận ngày càng tăng giữa các tướng lĩnh Mỹ, đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ trong Quốc Hội, và ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Hầu như tuần nào cũng có, hoặc là điều trần tại Quốc Hội, hoặc là những hội thảo của các trung tâm tham vấn, để tranh luận về cách thức – chứ không còn là nên hay không nên - đẩy lùi Trung Quốc. Chủ đề có lúc là sức mạnh quân sự đang phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh, có lúc khác lại là những hành vi thù địch ngấm ngầm của Trung Quốc, chẳng hạn như hành vi trộm cắp hoặc buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ…
Quy mô ngày càng lớn của các quan ngại của Mỹ về Trung Quốc giúp giải thích sự thiếu tiến bộ khi một phái đoàn chính phủ do bộ trưởng tài chánh Steven Mnuchin dẫn đầu, đến thăm Bắc Kinh vào ngày 3-4/05. Yêu cầu của Mỹ đi từ việc đòi Trung Quốc giảm thâm hụt thương mại song phương xuống 200 tỷ đô la một năm vào năm 2020, đến việc muốn Bắc Kinh giảm bớt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, và ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp công nghệ cao mà Bắc Kinh muốn ủng hộ trong kế hoạch công nghiệp "Made in China 2025" của họ.
Ở Trung Quốc, chính quyền Trump bị buộc tội là thiếu nhất quán và không biết mình muốn gì. Nhưng nhìn từ Washington, Trung Quốc đang tấn công hay thách thức trên nhiều mặt trận, khiến cho Mỹ phải nghĩ đến việc "đẩy lùi toàn diện". Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không cần đến một đô đốc để nói với họ rằng bão tố đang chờ ở phía trước.
Nên chăng viết lại Thánh Kinh và Kinh Coran
Về trang nhất các tuần báo Pháp, L’Obs tuần này đã chạy một tựa đề rất khiêu khích : "Kinh Thánh (Thiên Chúa giáo) – Kinh Coran (Hồi giáo) - Nên chăng viết lại hai bộ kinh này ?".
Trong một hồ sơ dài 12 trang, L’Obs đã nêu bật sự kiện là trước sự xuất hiện của nhiều hành vi bài Do Thái, trong đó có cả vụ hai bà cụ người Do Thái bị sát hại dã man, mà thủ phạm rõ ràng thuộc phần tử Hồi giáo quá khích, mới đây đã xuất hiện hai bản tuyên ngôn (hay kiến nghị) kêu gọi chống lại hiện tượng "bài Do Thái mới".
Một bản do 300 nhân vật ký tên, đã gắn liền "chủ nghĩa bài Do Thái mới" đó với ngôn từ trong chính bộ kinh Coran của đạo Hồi, và đề nghị "đánh dấu là lạc hậu" tất cả những đoạn bị cho là kích động bạo lực dữ dội nhất.
Bên cạnh đó, có một bản thứ hai, do 30 tu sĩ Hồi giáo (imam) ký tên, thì cho rằng các hành vi bạo lực bài Do Thái chỉ là kết quả độc hại của việc một thiểu số tội phạm ngu dốt đã hiểu sai những điều tinh tế mang tính chất lịch sử được ghi lại trong bộ kinh. Họ đề nghị là phải giải thích rõ, lồng những đoạn kinh đó vào bối cảnh lịch sử, và giữ khoảng cách với những gì được nêu.
Theo tuần báo L’Obs, những lời kêu gọi xét lại kinh Coran dĩ nhiên đã gặp phải những phản ứng dữ dội, và kéo theo những lời cáo buộc là quyển thánh kinh của Thiên Chúa giáo cũng có những đoạn kích động bạo lực tương tự, vì "Kinh Coran không phải là quyển kinh thánh duy nhất kêu gọi chiến đấu chống kẻ khác".
Đối với L’Obs, việc kêu gọi "gạn lọc" các bộ kinh không phải là điều mới lạ, đó là một ước muốn không tưởng, bị mọi nhà nghiên cứu cho là vô hiệu. Thế nhưng, lời kêu gọi "viết lại" kinh Hồi giáo của 300 nhân sĩ mới đây đã cho phép giải tỏa một cấm kỵ, cho phép nói lên rằng việc đề cập đến kinh Coran không phải là một điều bị cấm, và việc chỉ trích đạo Hồi không phải là một âm mưu thóa mạ đến từ phương Tây.
Chống tệ nạn sách nhiễu nữ sinh trong trường trung học
Vào lúc phong trào chống sách nhiễu tình dục phụ nữ đang sôi nổi ngoại xã hội, đặc biệt là tại Liên Hoan Điện Ảnh Cannes vừa khai mạc, tuần báo Pháp L’Express đã dành hồ sơ trang nhất cho tệ nạn sách nhiễu nữ sinh trong các trường trung học Pháp.
Trong một hồ sơ dài 12 trang, tuần báo Pháp đã nêu bật ví dụ về Hajar và Shanley, hai nữ sinh tại trường trung học Camille Pissarro ở Pontoise vùng Val d'Oise, ngoại ô Paris, mà hình ảnh chiếm trọn trang bìa với câu hỏi lớn "Phải chăng chúng ta đã bỏ rơi các cô gái ?".
Theo L’Express, vì quá mệt mỏi trước các hành vi đe dọa, những câu chửi rủa và thậm chí là các vụ hành hung, xâm phạm thể chất mà họ phải thường xuyên chứng kiến hoặc là nạn nhân - mà thủ phạm là các học sinh nam trong trường - vào tháng 12 năm ngoái 2017, hai nữ sinh này đã huy động bạn bè cùng trường biểu tình chống lại.
Và họ đã thành công : Đã có đến 300 học sinh trung học, nam cũng như nữ, tập trung trước cổng trường để nói lên thái độ bất bình của mình và biểu lộ tình đoàn kết với các nạn nhân.
Vào khi ấy, họ đã thu hút được mối quan tâm của các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ trong chốc lát mà thôi. Lần này, hai nữ sinh đã dũng cảm lộ diện trên trang bìa tuần báo L’Express, để đánh động dư luận một lần nữa, để mọi người đừng bỏ rơi các em, và nhất là để được các phụ huynh, các bậc đàn anh, đàn chị của họ lắng nghe.
L’Express không ngần ngại lên tiếng cảnh báo là không nên làm ngơ trước tệ nạn này. Tờ báo viết : "Nếu cứ để cho một bộ phận thanh thiếu niên của chúng ta (tức là thủ phạm các vụ sách nhiễu trong trường học) phá vỡ một giá trị căn bản trong xã hội chúng ta - sự bình đẳng giữa nam nữ - chúng ta dọn đường cho điều tồi tệ nhất".
Bí quyết học nhanh và tốt cho mọi lứa tuổi
Như thông lệ, trang bìa tuần báo Pháp Le Point lại được dành cho một đề tài phổ quát : "Làm sao học được nhanh và tốt ?" để phát triển năng lực cá nhân.
Tính chất phổ quát của đề tài này đã được Le Point nhấn mạnh với hàng ghi chú nhỏ dưới tựa lớn : "từ 7 đến 97 tuổi", mô phỏng và vượt qua một khẩu hiệu nổi tiếng của tuần báo truyện tranh Tintin, từng khẳng định là được dành cho độc giả từ 7 đến 77 tuổi.
Hồ sơ cũng dài 12 trang của Le Point giới thiệu những khám phá của giáo sư Stanislas Dehaene được tờ báo mệnh danh là "Đức giáo hoàng của não – Le Pape du cerveau", nói theo tiếng Việt là "Bậc Thầy của não".
Ảnh của giáo sư Dehaene ngồi đằng sau bàn làm việc tại trung tâm nghiên cứu NeuroSpin-CEA đã được Le Point giới thiệu ở trang bìa. Đáng chú ý là trên bàn có đặt một mô hình bộ não của chính ông.
Là giáo sư tại Học Viện Pháp Quốc Collège de France, viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp, ông Stanislas Dehaene hiện là Chủ tịch Hội đồng giáo dục khoa học Pháp. Theo Le Point, ông là người hiểu rõ nhất bộ óc của con người, và đương kim bộ trưởng giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer đang kỳ vọng vào ông để tối ưu hóa các phương pháp giảng dạy tại Pháp.
Ba sai lầm của Macron trong chính sách Châu Âu
Đánh giá kết quả một năm đầu cầm quyền của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mọi người đều cho rằng ông rất thành công về đối ngoại. Tuy nhiên, trong một bài xã luận của mình, Le Point tuần này đã nghiêm khắc ghi nhận rằng trên hồ sơ Châu Âu, vị tổng thống rất ủng hộ Châu Âu này chưa đạt được kết quả khả quan nào, vì đã mắc phải ba sai lầm.
Đối với Le Point, đúng là tổng thống Pháp đã nhận được giải thưởng Charlemagne 2018, giải cao quý nhất dành cho những người có công phát huy Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng đó chỉ là giải an ủi cho quyết tâm của ông, chứ còn trong thực tế, tất cả các đề xuất cải tiến Châu Âu của ông đều gặp khó khăn.
Tuần báo Pháp đã liệt kê một danh sách dài về những ước muốn chưa thành : Đề nghị của ông Macron về một Nghị Viện hay một Bộ Trưởng cho khối sử dụng đồng Euro đã bị chỉnh lý ; mong muốn của ông về một sắc thuế trên các đại gia kỹ thuật số của Mỹ vẫn ở dạng ý định ; dự án mà ông rất tâm đắc là một liên danh đa quốc gia trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tới đây đã bị Berlin bắn chìm…
Ngoài ra còn có một loạt ý kiến khác cũng bị gác qua một bên chờ một ngày mai tươi đẹp hơn. Lý do khiến cho tổng thống Macron không thành công, theo Le Point, xuất phát từ ba sai lầm cơ bản mà ông cần rút tỉa kinh nghiệm.
Trước tiên là tính toán chiến lược sai lầm. Tổng thống Pháp đã đặt cược hoàn toàn vào thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng không thể ngờ được là sau một thời gian dài ngự trị, bà đã bị suy yếu đáng kể về mặt chính trị, bất lực trong việc thành lập nhanh chóng một chính phủ liên minh, bị cạnh tranh trong nội bộ Liên minh Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo của mình. Trong tình thế đó, thủ tướng Đức đã không thể đáp ứng các đề nghị của Paris.
Kế đến là sai lầm về mặt phương pháp. Cách tiếp cận theo chiều dọc từ trên áp đặt xuống dưới có thể thành công ở Pháp, trong nội bộ một quốc gia, nhưng không có tác động trong Liên Hiệp Châu Âu, nơi mà phương pháp phải là nhẫn nại thương thảo, tìm kiếm thỏa hiệp, dù phải mất thời gian. Và trong cách tiếp cận theo chiều ngang đó, Pháp phải có những đồng minh, sẵn sàng truyền tải các ý kiến. Tổng thống Pháp đã không có được những điểm tiếp nối đó : Ủy Ban Châu Âu thì đang trên đà rệu rã, Ý rơi vào tình thế bế tắc Chính trị từ cuộc bầu cử ngày 04 tháng 3, Tây Ban Nha đang bị sa lầy trong các cuộc tranh cãi nội bộ, Anh thì chuẩn bị rút khỏi Liên Âu, các nước Trung Âu thì bát bình trước thái độ bị coi là ngạo mạn của Pháp. Và những người ở Bắc Âu, rất hà tiện, đã bất ngờ phản công chống ông Macron.
Sai lầm sau cùng là thiếu nhạy bén về thời gian tính. Phát biểu của ông tại đại học Sorbonne vào cuối tháng Chín 2017, vào lúc bà Merkel không có chính phủ, đã bị Đức cảm nhận như là một nỗ lực để trói tay Berlin. Còn từ giờ trở đi, với cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 5 năm 2019 đã gần kề, mọi ý định "cải tổ" lại Châu Âu đều bị cho là phù phiếm.
Hai khối Bảo thủ châu âu hay Dân chủ xã hội, vốn thay phiên nhau nắm giữ những chúc vụ then chốt ở Châu Âu trong nhiều năm qua, sẽ không dại gì mà dễ dãi với tổng thống Pháp vốn muốn làm đảo lộn cục diện Nghị Viện Châu Âu vào năm tới.
Trọng Nghĩa
Chiến thắng ngoạn mục của tân-cựu thủ tướng 92 tuổi Malaysia
Liên quan đến Châu Á, phóng sự của đặc phái viên Libération ở Kualar Lumpur với tựa đề "Đó là vụ chiếm ngục Bastille của chúng tôi" cho biết, mặc cho các thủ đoạn của chính quyền Malaysia, phe đối lập đứng đầu là cựu thủ tướng 92 tuổi vẫn giành được chiến thắng lịch sử. Đối với Le Figaro, đây là "Sự báo thù của ông Mahathir".
Tân thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad giương tay chào mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Kuala Lumpur ngày 11/05/2018. Reuters/Athit Perawongmetha
Chưa bao giờ Malaysia thức khuya đến thế : vào ba giờ sáng hôm qua, thủ lãnh đối lập Mahathir Mohamad đã thương lượng xong để lập liên minh, và trở thành người đứng đầu chính phủ lớn tuổi nhất thế giới. Lần đầu tiên kể từ khi thực dân Anh rút đi năm 1957, người dân Malaysia khi thức giấc đã có được chính phủ mới. Liên minh Barisan Nasional (BN) làm mọi cách để không lực lượng nào có thể tranh giành quyền lực, nhưng kết quả là liên minh đối lập lần này đã đại thắng.
Thời điểm bầu cử được giữ bí mật, rồi được ấn định vào giữa tuần, và chiến dịch vận động được giới hạn trong 10 ngày để hạn chế số người đi bầu. Nhưng người dân đã chạy đua với thời gian, vận dụng mọi phương tiện đường hàng không, đường bộ để đi bầu. Việc bỏ phiếu tại các đại sứ quán bị hủy, 2,7 triệu kiều dân Malaysia không thể gởi phiếu bầu đúng hạn, nhưng một mạng lưới tình nguyện đã hình thành trên Facebook để giúp họ.
Những thủ đoạn gian lận bất thành
Tại các phòng phiếu, những nhân viên Nhà nước tìm mọi cách câu giờ, từ chối cho bỏ phiếu vì những lý do không giống ai như mặc quần short chẳng hạn… Do cuộc bầu cử 2013 hay xảy ra trò cúp điện lúc kiểm phiếu, lần này các quan sát viên bèn thủ thêm đèn pin để tránh gian lận.
Cảm thấy gió đổi chiều, đảng cầm quyền bèn tung tiền công quỹ để mua phiếu : tặng dầu ăn, gạo hay thậm chí ngay buổi sáng đi bầu còn trao tận tay số tiền tương đương 80 euro cho một số nông dân. Một phụ nữ cho biết : "Trước đây người dân vùng sâu vùng xa thậm chí không biết Malaysia có nhiều chính đảng. Giờ đây với internet, tất cả đã thay đổi, vợ của thủ tướng Najib mua kim cương thì mọi người đều biết". Làn sóng dân chủ đã chiến thắng.
Một trong những lý do dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Najib là hồi năm 2015 một tờ báo Anh tiết lộ vụ tham nhũng khổng lồ : biển thủ gần 4 tỉ euro từ quỹ đầu tư 1MDB, trong đó ông Najib bỏ túi 640 triệu euro. Dù báo chí bị kiểm duyệt, công tố viên bị sa thải, rốt cuộc dân chúng đều hay biết. Họ càng bất bình khi số tiền này được dùng để mua tranh Monet, tài trợ cho phim Chó sói Wall Street, mua du thuyền hạng sang… Nhất là vụ bê bối này được tung ra vào lúc thuế VAT tăng, giá dầu sụt giảm, tài nguyên bị vơ vét làm yếu đi nền kinh tế, giảm sức mua của người dân.
Theo Le Figaro, chiến thắng của đối lập sẽ thúc đẩy trở lại cuộc điều tra về vụ tham nhũng cũng như quan hệ với Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Tuy là người ủng hộ phong trào không liên kết chống Mỹ, nhưng ông Mahathir từng chỉ trích khi Malaysia trở thành một trong những con cờ chủ chốt của "Con đường tơ lụa mới" : "Najib đã theo đuôi Trung Quốc, họ đổ vào hàng triệu đô la để biến đất nước chúng tôi thành chư hầu".
Đông Nam Á : Tăng trưởng lên cao, dân chủ giảm xuống
Đó là nhận định của báo Asahi Shimbun, được Les Echos trích dẫn. Tại Malaysia, nếu chính quyền của ông Najib Razak đã từng vận dụng nhiều biện pháp để ngăn trở hoạt động của đảng đối lập chính trước ngày bầu cử 9/5, thì ở Cam Bốt tháng Bảy tới thủ tướng Hun Sen sẽ không có đối thủ nào, vì Tòa án Tối cao đã ra lệnh giải tán đảng đối lập, còn lãnh tụ đảng này bị truy tố vì tội phản quốc.
Tại Philippines, chính phủ Rodrigo Duterte loan báo ý định rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế, định chế đã mở điều tra về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte. Ở Thái Lan, tập đoàn quân sự lên cầm quyền sau vụ đảo chính cách đây bốn năm, cũng cho dời ngày bầu cử. Theo tờ báo, rõ ràng là phía sau sự phát triển của chủ nghĩa toàn trị ở Đông Nam Á, là sự vắng mặt của Hoa Kỳ và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Thùng thuốc súng Israel-Iran
Về Trung Đông, tình hình căng thẳng giữa Iran và Israel là tâm điểm thời sự trên báo chí Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa trang nhất "Israel-Iran, thùng thuốc súng". Ảnh bìa của Libération là bầu trời đêm với hỏa tiễn rực sáng với dòng tít "Iran-Israel, rồi sẽ đi đến đâu ?". Tờ báo nhận xét, các vụ tấn công nổ ra bất chợt giữa Nhà nước Do Thái và lực lượng Iran ở Syria khiến cộng đồng quốc tế bị đặt trong tình trạng báo động. Le Monde và Le Figaro có cùng nhận định : "Sự leo thang nguy hiểm", "Leo thang chưa từng thấy giữa Israel và Iran". La Croix trong bài "Mối đe dọa đối đầu" phân tích nguy cơ leo thang xung đột giữa Iran và Israel.
Tố cáo Tehran bắn rốc-kết sang bình nguyên Golan, đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm 10/5, Israel đã trả đũa dữ dội chưa từng thấy. Bộ trưởng quốc phòng Israel tuyên bố đã "tấn công tất cả các cơ sở hạ tầng của Iran ở Syria". Không quân Israel không chỉ oanh kích những địa điểm xuất phát đạn rốc-kết, mà hàng mấy chục căn cứ quân sự khác, các vị trí tình báo, hậu cần, kho vận, trạm quan sát của Iran trên toàn Syria.
Theo một nguồn tin ngoại giao Israel, sự tăng cường quân sự của Tehran tại Syria là "một đe dọa hiển nhiên, vì mong muốn lớn nhất của Iran là Israel biến mất trên bản đồ thế giới", thế nên Tel Aviv rất muốn Tehran phải rút quân khỏi Syria. Tuy không tham gia vào cuộc xung đột Syria, nhưng Nhà nước Do Thái luôn dành cho mình quyền đáp trả, và đợt tấn công quy mô vừa qua là lời cảnh cáo nghiêm khắc.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu đối đầu trực tiếp với Israel, Iran mất nhiều hơn được, và điều này không cần thiết vì Iran đang có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Về phía Israel cũng không có ý định lao vào xung đột vũ trang. Quyết định rút khỏi hiệp ước nguyên tử của tổng thống Mỹ Donald Trump có thể được Israel coi là một hình thức bật đèn xanh để ra tay mạnh hơn, đồng thời nung nấu ý định trả đũa của Iran đối với Israel, vốn đóng vai trò quan trọng trong quyết định này.
Châu Ấu đoàn kết trong hồ sơ nguyên tử Iran
Liên quan đến việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định nguyên tử Iran, trong bài xã luận mang tựa đề "Khẩn cấp đối với Châu Âu", La Croix nêu ra lời kêu gọi của tổng thống Pháp "Đừng nên yếu đuối". Bởi vì các nước Châu Âu lâu nay lạc vào những cuộc tranh cãi liên miên, khó thể thống nhất để tạo thành sức mạnh trên trường quốc tế. Tình trạng này có thể đang thay đổi, trước tình thế khẩn trương hiện nay.
Điều ấn tượng là trong hồ sơ Iran, các cường quốc Châu Âu đều thống nhất trước Donald Trump, kể cả Anh quốc đang chuẩn bị ra khỏi Liên hiệp, ngược hẳn với trong chiến tranh Iraq năm 2003. Hôm 10/05, thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định : "Thời kỳ có thể dựa vào Hoa Kỳ để phòng vệ đã qua rồi. Châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình, đó là thách thức trong tương lai của chúng ta".
Les Echos ghi nhận, hiệp ước nguyên tử Iran vẫn còn đó nhưng gần như đã chết lâm sàng, nếu nói về lãnh vực đầu tư. Pháp, Anh, Đức đang cố gắng cứu vãn. Tổng thống Iran đã yêu cầu Châu Âu trong những tuần tới vẫn bảo đảm tiếp tục để các doanh nghiệp làm ăn với Tehran, đặc biệt về "dầu lửa, quan hệ ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, vận tải". Điều quan trọng nhất đối với Iran là có thể được tự do bán dầu lửa với nhịp độ hiện nay là 2,7 triệu thùng dầu một ngày, so với 0,9 triệu thùng trước khi có hiệp định.
Donald Trump làm phức tạp thêm hồ sơ Bắc Triều Tiên
Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran làm phức tạp thêm hồ sơ Bắc Triều Tiên, theo nhận định của thông tín viên Les Echos tại Bắc Kinh. Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Obama, ông Antony Blinken đặt câu hỏi : "Làm thế nào Kim Jong-un tin được các cam kết của Donald Trump khi tổng thống Mỹ đã tự ý xé bỏ một hiệp ước mà phía bên kia vẫn tôn trọng ?".
Đối với cựu giám đốc CIA John Brennan, Trump đã "làm giảm sút hẳn lòng tin của các đồng minh, tăng sức mạnh cho phe diều hâu Iran và giúp Bắc Triều Tiên có thêm lý do để giữ lại các quả bom nguyên tử". Và như vậy, rất có thể Kim Jong-un sẽ chỉ có những nhượng bộ không đáng kể.
Thụy My
Hạt nhân Iran : Trump đẩy Trung Đông vào thế bất ổn
Donald Trump đã hứa và ông đã làm. Ngày 08/05/2018, tổng thống thứ 45 đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà 5 nước Hội Đồng Bảo An cùng với Đức đã đạt được vào năm 2015 tại Vienna, sau 12 năm đàm phán. Tất cả các nhật báo Pháp đều đưa tin "Trump rời thỏa thuận" trong số đề ngày 09/05.
Tổng thống Donald Trump trưng sắc lệnh xác định Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 08/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Les Echos nhận định trên trang nhất "Cuộc đọ sức đáng lo ngại". Trong vòng ba đến sáu tháng nữa, Mỹ sẽ tái lập các biện pháp trừng phạt Iran. Libération tiếp tục chơi chữ khi đưa tựa "Trump dùng vũ khí nguyên tử diệt thỏa thuận hạt nhân với Iran".
Với ông Trump, đó là thỏa thuận tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng ký kết. Với phương Tây, thỏa thuận hạt nhân với Iran là chưa đầy đủ, nhưng còn hơn là không có. Theo xã luận của Le Figaro, vũ khí nguyên tử tạo vị thế cường quốc cho quốc gia nắm giữ và bảo tồn quyền lực cho các nhà lãnh đạo. Số phận của Saddam Hussein và Mouammar Kadhafi đã khuyến khích Bắc Triều Tiên và Iran đi theo con đường hạt nhân.
Cám dỗ sở hữu vũ khí nguyên tử mạnh đến nỗi cộng đồng quốc tế phải triển khai mọi phương pháp để thuyết phục bất kỳ quốc gia nào có ý đồ phát triển từ bỏ con đường này. Đây chính là thành công tập thể của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nga và Trung Quốc. Xã luận của La Croix nhắc lại thỏa thuận ký cách đây 3 năm không phải là một văn bản hoàn hảo và chỉ buộc Iran tạm dừng tham vọng hạt nhân. Thay vì từng bước hoàn thiện thỏa thuận trên như Châu Âu vẫn đề xuất, Hoa Kỳ, được Israel ủng hộ, đã chọn cách cắt cầu.
Trung Đông trước hai mối đe dọa
Cả Le Figaro và Les Echos đều đánh giá quyết định rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran tác động đến sự ổn định của Trung Đông, mở ra thời kỳ bất ổn với hai mối đe dọa chính. Trong ngắn hạn, có thể là cuộc đối đầu giữa Iran và Israel. Trong dài hạn sẽ là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Trước hết, Israel và Iran từ lâu vẫn gián tiếp đối đầu nhau thông qua các lực lượng dân quân trong khu vực và hiện tại là trên chiến trường Syria, theo nhận định của Le Figaro trong bài "Chính phủ Israel duy trì bầu không khí cảnh giới". Sau khi tích cực tham gia cứu tổng thống Bachar al-Assad, Iran đang bị tình nghi tìm cách triển khai lâu dài quân đội trên lãnh thổ Syria. Cơ quan tình báo Israel khẳng định lực lượng quân sự Iran đã bắt đầu đưa các hệ thống phòng không, tên lửa tối tân, và chiến đấu cơ tự hành vào Syria.
Sau vụ đụng độ trực tiếp đầu tiên tại Syria vào ngày 10/02, Israel đã nhiều lần oanh kích vào các đoàn xe và kho vũ khí của lực lượng Hezbollah, được Iran hậu thuẫn. Tổng thống Nga bắt đầu lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa hai nước sẽ đe dọa đến sự ổn định của chế độ Syria. Chính trong bối cảnh này, ông Putin tiếp thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 09/05 tại Moskva.
"Trung Đông như một thùng thuốc súng, nơi mà mọi tia lửa nhỏ cũng có thể khơi mào một cuộc xung đột trong vùng và những căng thẳng mới giữa các cường quốc", đây là nhận định của Les Echos. Quyết định của tổng thống Trump trước mắt sẽ tăng cường quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ trong khu vực là Israel và Saudi Arabia.
Trong dài hạn sẽ là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Tại Trung Đông, Saudi Arabia từng đánh tiếng sẽ không ngồi yên trước mối đe dọa Iran. Về phần mình, "đối mặt với Washington, Tehran sẵn sàng với mọi khả năng có thể xảy ra", vẫn theo Le Figaro. Một mặt, Tehran đã cảnh báo khả năng khởi động lại chương trình hạt nhân, từng hoạt động trước khi ký kết thỏa thuận, và còn với nhịp độ nhanh hơn. Quyết định như vậy có thể sẽ mở đường cho việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử và sẽ kéo theo những mối đe dọa quân sự, kể cả từ phía Israel.
Mặt khác, Iran vẫn muốn nhanh chóng đàm phán với các bên tham gia ký kết còn lại để xem các đối tác này có thể cam đoan các lợi ích cho Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hay không. Theo Libération, việc khó khăn nhất đối với Châu Âu là thuyết phục Iran tiếp tục ở lại trong thỏa thuận, nhưng việc này lại cũng có nguy cơ gây căng thẳng với Hoa Kỳ. Phát biểu trên truyền hình tối 08/05, tổng thống Iran Rohani cảnh báo sẽ "chờ thêm vài tuần nữa trước khi áp dụng quyết định trên" (khởi động lại chương trình hạt nhân).
Kim Jong-un và Tập Cận Bình bí mật gặp nhau lần hai
Thời sự Châu Á rất hiếm trên các nhật báo Pháp, trừ sự kiện "Kim và Tập cho thấy đang xích lại gần nhau", được Le Figaro đề cập. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau ngày 08/05 trước thượng đỉnh lịch sử giữa Kim Jong-un và Donald Trump.
Cùng với hình ảnh hai nhà lãnh đạo sánh bước bên bờ biển, Le Figaro nhận định "Kim Jong-un và Tập Cận Bình không rời nhau nữa". Cuộc đối thoại lần hai này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách nắm lại vai trò trung tâm trong quá trình giải quyết khủng hoảng nguyên tử Bắc Triều Tiên và bảo vệ những lợi ích chiến lược ở trong vùng, còn Kim Jong-un thì tìm cách đa dạng các cơ hội ngoại giao.
Theo Tân Hoa Xã, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhắc lại mong muốn của ông là các bên liên quan phải có những biện pháp "tiến bộ" và "đồng nhất" để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài giữa miền Nam và miền Bắc. Nếu các bên liên quan "từ bỏ chính sách thù nghịch và đe dọa Bắc Triều Tiên", thì Bình Nhưỡng "không cần đến vũ khí nguyên tử".
Bằng việc xích gần hơn đến Seoul và Washington, Kim Jong-un có ý không phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Nhưng ông cũng khéo léo trấn an Tập Cận Bình là Trung Quốc sẽ không bị gạt ra bên lề trong cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, đồng thời cũng phòng ngừa trường hợp cuộc họp thượng đỉnh với Donald Trump không đạt được kết quả mong muốn.
Cuối cùng, ông Kim Jong-un cũng hiểu rằng Bình Nhưỡng vẫn cần đến nước láng giềng khổng lồ để phát triển kinh tế, đồng thời để tác động đến việc giảm trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.
Pháp vẫn tìm giải pháp cho khủng hoảng ngành đường sắt
Sau cuộc họp hôm 07/05 không đạt kết quả, các nghiệp đoàn ngành đường sắt Pháp tiếp tục họp với chính phủ vào chiều 09/05. Cuộc đình công, dù suy yếu, nhưng vẫn tiếp tục đến cuối tháng Năm.
Về vấn đề gánh bớt một phần khoản nợ khổng lồ của SNCF Reseau (hơn 46 tỉ euro), Chính phủ Pháp sẽ không thông báo bất kỳ điều gì cụ thể trước ngày 23/05, cũng là ngày Ủy ban Châu Âu chính thức đưa Pháp khỏi tiến trình "thắt lưng buộc bụng" áp dụng từ năm 2009 vì thâm hụt quá mức. Cũng trong ngày 23/05, Thượng Viện bắt đầu nghiên cứu, trong từng ủy ban, dự luật cải cách ngành đường sắt, trước khi bắt đầu công khai thảo luận từ ngày 29.
Cũng kể từ ngày 23/05, các nghiệp đoàn bắt đầu nghiên cứu lịch trình đàm phán về thỏa thuận tập thể của nhân viên đường sắt SNCF ngoài quy chế. Đây là một điểm quan trọng của dự luật cải cách. Còn theo chính phủ, việc chấm dứt tuyển nhân viên theo quy chế, áp dụng từ ngày 01/01/2020, sẽ giúp công ty SNCF tiết kiệm đến 100 triệu euro mỗi năm và trong vòng 10 năm.
Du lịch càng phát triển, Trái đất càng nóng lên
Năm 2017, ngành du lịch quốc tế đạt kết quả tốt nhất từ 7 năm qua, tăng thêm 7%. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu Úc, Trung Quốc và Indonesia, được Le Monde trích dẫn, "việc ngành du lịch quốc tế phát triển lại làm trái đất nóng lên hơn".
Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 07/05 trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy khoảng 8% trong tổng số lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính là do du lịch đại trà, trong đó những chuyến du lịch nội địa là nguồn phát thải đáng kể khí CO2.
Đứng đầu vẫn là người Mỹ, phát thải khoảng 3/4 tổng lượng khí phát thải do du lịch, tiếp theo là người Trung Quốc ngày càng du lịch nhiều hơn. Ngoài ra, Đức, Ấn Độ, Mexico, Brazil, Canada, Nhật Bản, Nga và Anh Quốc đều nằm trong "top 10". Một số đảo quốc, được mệnh danh là "thiên đường hạ giới" như Maldives, Seychelles, Chypre…, phải đối mặt với tình trạng phát thải khí CO2 do phát triển kinh tế nhờ du lịch.
Pháp : Phụ nữ ngày càng nghiện rượu ?
"Tình trạng nghiện rượu ở phụ nữ" là hồ sơ trên trang nhất và năm trang "Sự kiện" của nhật báo Libération.
Phụ nữ ngày càng uống nhiều và thường xuyên hơn, thế nhưng các cơ quan hành chính dường như không có vẻ lo lắng, trong khi hậu quả của tình trạng nghiện rượu ở phụ nữ lại nghiêm trọng hơn ở nam giới. Họ dễ bị mắc bệnh xơ gan và ung thư hơn.
Với nhiều phụ nữ, nghiện rượu là một tội lỗi và họ cảm thấy xấu hổ khi bước chân vào phòng khám hoặc điều trị. Không có thống kê chính xác về số lượng phụ nữ nghiện rượu tại Pháp, nhưng theo thẩm định của giáo sư Reynaud, có khoảng 500.000 đến 1,5 triệu phụ nữ nghiện rượu. Điều đáng ngại là các cơ quan dịch tễ có thẩm quyền không ngừng nói là phải nhấn mạnh hơn đến việc phòng ngừa, tuy nhiên, không một thành viên nào trong chính phủ đề cập đến vấn đề này.
Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2018 : Everybody knows thiếu thuyết phục
Trở lại sự kiện Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2018, bộ phim Everybody knows của đạo diễn người Iran Farhadi, được chiếu tại lễ khai mạc, dường như không được đánh giá cao.
Le Figaro sử dụng chính tên gọi của bộ phim để nhận xét "Mọi người đều biết : Farhadi thua cuộc", dù hai nhân vật chính do cặp vợ chồng diễn viên nổi tiếng của Tây Ban Nha Penélope Cruz và Javier Bardem thủ vai. Theo nhật báo thiên hữu, đạo diễn Iran dường như đã đánh mất hương vị riêng từ khi ông sống lưu bạt.
La Croix đánh giá cao các cảnh quay và phong cảnh của bộ phim, nhưng cho rằng kịch bản lại không có gì mới, tạo cho người xem có cảm đã thấy ở đâu đó, và không có những đoạn cao trào như trong các tác phẩm trước đó của đạo diễn Iran.
Thu Hằng