Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguồn : RFI, 29/04/2018

Published in Video

Hội đồng bảo an đến thị sát trại tị nạn Rohingya tại Bangladesh (RFI, 29/04/2018)

Sau nhiều lần bị trì hoãn, phái đoàn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 29/04/2018 đến thăm các trại tị nạn của người Rohingya nằm dọc theo biên giới Bangladesh và Miến Điện, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người Rohingya.

myanmar1

Đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc Karen Pierce an ủi một bé gái Rohingya tại trại tị nạn gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 29/04/2018 Reuters

Phái đoàn do đại sứ Koweit tại Liên Hiệp Quốc dẫn đầu gồm 26 nhà ngoại giao đến từ 15 quốc gia. Trong vòng 4 ngày, đại diện của Hội Đồng Bảo An lần lượt đến thăm các trại tị nạn người Rohingya, gặp thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, gặp lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi và sau cùng là đến thực địa tại bang Rakhine.

Theo giải thích của đại sứ Koweit, mục đích chuyến đi này không nhằm "bôi xấu Miến Điện" mà là chứng tỏ thiện chí giải quyết cuộc khủng hoảng này, chủ yếu liên quan đến việc hồi hương người tị nạn Rohingya.

Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành tổ chức Human Rights Watch cho rằng phái đoàn Hội Đồng Bảo An nên hối thúc Miến Điện thừa nhận tội ác của quân đội. Đồng thời, ông cũng chỉ trích thái độ thụ động của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ này.

"Hội Đồng Bảo An phải nhìn nhận là người Rohingya sẽ không cảm thấy an toàn chừng nào chính phủ (Miến Điện) vẫn phủ nhận tội lỗi. Hội Đồng Bảo An phải thúc đẩy nước này hợp tác với các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc và mở cửa khu vực cho các nhà quan sát độc lập. (…)

Hơn nữa, chúng ta chưa bao giờ thử xem liệu Trung Quốc có thật sự sẽ bỏ phiếu phủ quyết hay không. Việc thiếu vắng một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An đã cho Miến Điện thấy rõ là họ vẫn có thể gây tội ác mà không bị trừng phạt".

Minh Anh

*******************

Miến Điện : Bạo lực tái phát ở miền Bắc, hàng nghìn người chạy lánh nạn (RFI, 28/04/2018)

Các cuộc đối đầu giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy lại bùng phát ngày 27/04/2018 ở miền bắc xa xôi của nước này. Một nhân viên của Liên Hiệp Quốc cho biết vài nghìn người dân đã phải chạy lánh nạn.

myanmar2

Ảnh minh họa : Cảnh người Rohingya di tản tránh bạo lực ở Miến Điện. Ảnh ngày 19/10/2017. Reuters/Jorge Silva

Phát biểu với AFP, ông Mark Cutts, giám đốc Văn phòng Điều phối Hoạt động Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), cho biết có thêm hơn 4.000 người đã phải sơ tán trong vòng ba tuần nay ở bang Kachin và rất nhiều người vẫn bị kẹt lại trong vùng xảy ra xung đột nằm ở cực bắc Miến Điện, giáp biên giới với Trung Quốc.

Văn phòng OCHA chưa kiểm chứng được thông tin cho rằng một số thường dân có thể bị thiệt mạng trong những cuộc giao tranh gần đây.

Ngoài hơn 4.000 phải sơ tán, còn phải kể đến 15.000 người bỏ xứ từ đầu năm 2018 và hơn 90.000 người đang sống trong các lán trại được dựng tại bang Kachin và Shan từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và Phong trào Kachin độc lập bị cắt đứt năm 2011. Các nhóm vũ trang thuộc tộc người thiểu số luôn đòi có thêm quyền tự trị và kiểm soát khu vực này.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Bangladesh gặp người Rohingya

Ngày 28/04/2018, một phái đoàn của 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đến Cox Bazar, Bangladesh, nơi có khoảng 700.000 người tị nạn Rohingya đang lánh nạn. Theo dự kiến, phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận với chính quyền địa phương về cuộc khủng hoảng và thăm một số trại tị nạn ở đây vào Chủ Nhật 29/04.

Theo AP, ngoại trưởng Bangladesh Khurshed Alam đánh giá chuyến thăm của phái đoàn Liên Hiệp Quốc "rất quan trọng" để gia tăng sức ép đối với chính sách hồi hương người Rohingya của chính quyền Miến Điện.

Vào tháng 12/2017, Bangladesh và Miến Điện đã thống nhất về chương trình hồi hương của người Rohingya, bắt đầu từ tháng 01/2018, tuy nhiên quá trình này vẫn bị trì hoãn.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Cuộc chiến tình báo Đông-Tây lại quyết liệt

Le Courrier International tuần này chạy tựa "Đông-Tây, sự quay lại ồ ạt của các điệp viên". Cuộc chiến tình báo đang ác liệt giữa Moskva, Luân Đôn và Washington, và vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal chứng tỏ mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào mùa hè năm ngoái chẳng hạn, cho thấy tình báo các nước toàn trị, mà đứng đầu là Nga, hiếm khi tôn trọng Nhà nước pháp quyền.

tinhbao1

Cảnh sát Anh canh gác trước nhà cựu điệp viên Nga bị đầu độc, Serguei Skripal, ở Salisbury. Ảnh chụp ngày 06/03/2018. Reuters/Toby Melville/File Photo

Bị phương Tây xao lãng sau chiến tranh lạnh

Theo báo Süddeutsche Zeitung của Đức được Le Courrier International dịch lại, chiến tranh lạnh kết thúc và Hồi Giáo cực đoan trỗi dậy, lâu nay đã làm Châu Âu và Hoa Kỳ quên mất hình ảnh các điệp viên Nga lạnh lùng. Hình ảnh tượng trưng cho cái Ác không còn là lãnh đạo già nua Bộ Chính trị sẵn sàng nhấn nút nguyên tử, mà là giáo sĩ đạo Hồi dưới túp lều ở Afghanistan, với những lời lẽ đe dọa thế giới. Hồi Giáo hiểu rõ sức mạnh của hình ảnh hơn là cộng sản.

Thực tế đã vượt xa hơn cả tưởng tượng vào hôm 11 tháng Chín năm 2001, khi al-Qaeda tấn công ngoạn mục vào nước Mỹ ngay trước các ống kính truyền hình. Tình báo Mỹ sau đó đã chiến đấu với mối nguy này với các phương cách mà phương Tây vẫn chỉ trích Liên Xô : bắt cóc, tra tấn, giam cầm.

Vào thời đó, nước Nga hậu xô-viết vẫn không ngưng dọ thám phương Tây, nhưng cũng không gây lo ngại mấy. Chẳng hạn năm 2010, một mạng lưới 10 điệp viên Nga bị phát hiện tại Hoa Kỳ. Những người này đóng vai công dân bình thường, nhưng từ nhiều năm qua vẫn thu thập tin tức cho Moskva. Mỹ chỉ nhẹ nhàng cho trao đổi tù nhân, và một trong số các điệp viên Nga được trao trả là Anna Chapman sau đó rất thành công trên truyền hình Nga.

Nhưng từ khi ông Vladimir Putin dùng vũ lực sáp nhập Crimée và liên kết với nhà độc tài Syria, Bachar al-Assad, phương Tây cho rằng Nga có thể làm mọi thứ. Chính phủ Anh tin rằng chính ông Putin đã ra lệnh hạ độc điệp viên hai mang Skripal, nhất là ông còn tuyên bố "tất cả những kẻ phản bội sẽ nhận được kết cuộc đáng buồn".

Những vụ ám sát như trong xi-nê

Đã có rất nhiều ví dụ ra tay tàn độc trong lịch sử. Năm 1959, nhà hoạt động chống cộng người Ukraine, Stepan Bandera đã bị ám sát tại Munich bằng một khẩu súng đặc biệt, phun chất độc cyanure vào mặt. Năm 1978, KGB và tình báo Bulgariaa ám sát nhà ly khai Georgi Markov, bằng cách dùng một cây dù có chứa chất độc ricine chích vào bắp chân ông này, trên một chiếc cầu ở Luân Đôn. Năm 1981, mật vụ Đức Stasi tìm cách ám hại nhà đối lập Wolgang Welsch, với việc rắc chất thallium lên món thịt bò viên của ông.

Thật ra các cơ quan tình báo khác như Mossad đã từng trừ khử hàng trăm nghi can khủng bố, còn chiến dịch tiêu diệt Usama bin Laden ở Pakistan cũng đi vào huyền thoại, được dựng thành phim (Zero Dark Thirty). Tuy nhiên khác với phương Tây, tình báo ở phương Đông chủ yếu được dùng đến để diệt đối lập.

Sau thời kỳ Stalin, ban lãnh đạo Liên Xô đã đặt cơ quan tình báo dưới quyền kiểm soát của Đảng và Bộ Chính trị, nhằm tránh khả năng một cá nhân sử dụng bừa bãi. Nhưng đến thời Putin, nhà độc tài xuất thân từ KGB, thì chẳng ai có quyền giám sát ông.

Tại Hoa Kỳ, sau khi thất bại trong âm mưu ám sát Fidel Castro thập niên 50, CIA đã từ bỏ phương cách này. Nhưng tất cả trở lại như cũ sau sự kiện ngày 11 tháng Chín. Tổng thống Barack Obama bắt đầu mở rộng cuộc chiến máy bay không người lái, tuy vẫn giới hạn ở việc trừ khử những tên khủng bố là mối nguy hiểm trước mắt.

Tình báo thế kỷ 21 và vai trò điệp viên

Tính chất bất nhân của cơ quan tình báo thuộc các Nhà nước toàn trị còn nằm ở những "chiếc bẫy êm ái" - quyến rũ đối tác và chấp nhận quan hệ tình dục – mà Nga đang giữ chức vô địch. Frederick Hitz, một cựu thanh tra CIA giải thích : "Có rất ít cơ quan tình báo phương Tây có thể nói với các công dân rằng thân thể của họ thuộc về Nhà nước".

Ngày nay có nhất thiết phải ngủ với kẻ thù để moi thông tin hay không ? Đối với các cơ quan tình báo, những đảo lộn lớn nhất liên quan đến công nghệ hơn là ý thức hệ. Tại sao phải dụ dỗ ai đó lên giường, khi có thể đánh cắp được các bí mật của người đó trong điện thoại ? Sao lại phải gây nguy hiểm cho tính mạng điệp viên, khi có thể tiêu diệt kẻ địch bằng máy bay không người lái ?

Theo tờ báo Đức, hai nhiệm vụ chính của tình báo : thu thập thông tin và ám sát, ngày càng ít cần đến con người. Nếu robot và các máy bay không người lái được huy động mạnh mẽ, thì những bộ phim trinh thám sắp tới có nguy cơ bị mất đi nhân tố quan trọng nhất : đó là bản thân điệp viên.

Bulgariaa, con cờ của Nga tại Châu Âu

Cũng liên quan đến Nga, tuần báo L’Obs có bài điều tra "Bulgariaa, con tốt của Moskva". Đặc phái viên của tờ báo tại Sofia cho biết Nga đang âm thầm dệt nên mạng lưới của mình tại đất nước nhỏ bé vùng Balkan, năm nay là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.

Năm 2007 khi Bulgariaa, quốc gia bị bỏ quên suốt nửa thế kỷ sau bức màn sắt, gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu (EU), đại sứ Nga ở Bruxelles đã thốt lên : "Đây sẽ là con ngựa thành Troie của chúng ta tại Châu Âu". Nhà báo điều tra Hristo Hristov than thở : "Một trong những mục tiêu chiến lược của Putin là chia rẽ, làm yếu đi và sau đó phá hủy EU, chủ yếu dựa vào Bulgariaa. Nếu Nga thành công, và không loại trừ giả thiết này, thì đất nước chúng tôi sẽ lại rơi vào tay Moskva".

Liên Xô từ lâu đã nhúng tay vào chính trị Bulgaria, hy vọng nước này sẽ trở thành nước cộng hòa thứ 16 thuộc Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ 1989, những người của Nga trong hậu trường vẫn còn đó, đóng vai doanh nhân, giựt dây các hoạt động chính trường. Một câu nói phổ biến tại Bulgaria : "Tại nhiều Nhà nước, có sự hiện diện của mafia, nhưng ở Bulgaria, chính mafia sở hữu Nhà nước".

Hồi kết của Mùa Xuân Miến Điện

Về Châu Á, Le Monde Diplomatique thất vọng trước "Hồi kết của Mùa Xuân Miến Điện". Hai năm sau khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, tự do ngôn luận đang bị bóp nghẹt ở Miến Điện ; đặc biệt cấm kỵ là chủ đề bang Arakan, nơi quân đội đang bị cáo buộc là thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya.

Theo tờ báo, vụ xử hai nhà báo Reuters là cảnh báo cho giới báo chí. Tháng 6/2017, tổng biên tập nhật báo The Voice và một nhà bình luận của báo này bị bắt giam vì chế giễu giới quân đội, bốn tháng sau mới được thả. Cùng thời kỳ này, ba nhà báo khác bị bắt giam hai tháng ở bang Shan sau khi tiếp xúc một nhóm thiểu số nổi dậy. Tháng 10/2017, hai phóng viên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT cùng với người thông dịch và tài xế phải ngồi tù hai tháng, chỉ vì dùng thiết bị bay để làm phóng sự gần trụ sở Quốc hội.

Một làn gió lạnh giá đã thổi vào "Mùa Xuân Miến Điện". Hồi thời ông Thein Sein, hàng loạt tù nhân chính trị được trả tự do, kiểm duyệt được bãi bỏ, chính quyền cho phép ra báo tư nhân độc lập. Rất nhiều tờ báo của người Miến Điện lưu vong như The Irrawaddy đã trở về đặt trụ sở trong nước. Việc cựu lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi lên nắm quyền đã mang lại rất nhiều hy vọng.

Lawi Weng, phóng viên chuyên viết về xung đột sắc tộc của The Irrawaddycho biết : "Điều mà tôi không hề chờ đợi là bị bắt khi về nước". Năm ngoái, nhà báo từng ủng hộ đảng của bà Suu Kyi ngay từ đầu, đã bị tống giam hai tháng vì một bài phóng sự ở bang Shan.

Mỹ cố chặn bước Trung Quốc trong chiến tranh công nghệ

Cũng liên quan đến Châu Á, Le Point nhận xét "Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiến đến chiến tranh công nghệ", mà vị trí hàng đầu về trí thông minh nhân tạo, vũ khí kỹ thuật số được coi trọng hơn là khía cạnh thương mại.

Khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã tận dụng mọi thuận lợi được dành cho, nhưng lại từ chối mở cửa thị trường nội địa, đánh cáp công nghệ nước ngoài, đặt đồng nhân dân tệ dưới giá trị thật. Donald Trump đã trả đũa qua việc tìm cách chặn đứng tham vọng ngoi lên đứng đầu về công nghệ : 1339 mặt hàng bị đánh thuế hải quan cao chủ yếu mang lại giá trị tăng thêm, và 40-90% là công nghệ cao.

Tuy chậm, nhưng phản đòn của Mỹ là đúng đắn. Các tập đoàn Baidu, Alibaba, Tencent, Huawei và ZTE đang đe dọa nghiêm trọng GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft), nhất là trong các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Vũ khí Trung Quốc đang cạnh tranh với phương Tây, không chỉ nhờ điều kiện chính trị dễ dãi và tín dụng, mà đang hướng về các công nghệ cao phức tạp như hỏa tiễn, chiến đấu cơ JF-17, máy bay vũ trang không người lái, và tiềm thủy đĩnh tấn công.

Cách mạng Syria : Chẳng đặng đừng

Nhìn sang Trung Đông, Le Courrier International trích dịch bài báo của Syria TV, đặt vấn đề "Nếu đừng có cuộc cách mạng Syria…". Người dân Syria đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 40 năm qua, chịu đựng đàn áp chưa từng thấy trước khi nổi dậy. Theo tờ báo, trách móc họ về hậu quả cuộc chiến có nghĩa là miễn xá cho những tội ác của chế độ Damascus.

"Lẽ ra đừng nên có cuộc cách mạng", hàng triệu người Syria và Ả Rập đều nói như thế. Nửa triệu người Syria đã chết, hai triệu người bị thương, 11 triệu người sơ tán và di tản… sau bảy năm chiến tranh. Lý lẽ này dựa trên tình cảm, nhưng chế độ Assad và những kẻ ủng hộ cũng dựa vào đó để đổ lỗi cho người dân Syria đã khơi dậy cuộc cách mạng.

Những người trách cứ quên rằng từ khi Hafez al-Assad (cha của tổng thống đương nhiệm Bachar al-Assad) lên nắm quyền năm 1970, người Syria đã cân nhắc rất nhiều lần. Hơn 40 năm qua, họ đã chấp nhận "chịu nhục còn hơn xuống mồ". Dân Syria đã kềm chế không nổi dậy vào lúc ông Hafez chết năm 2000, rồi năm 2005 khi quân Syria rút khỏi Lebanon. Chính vì sự ức hiếp quá mức (bắn xối xả vào dân thường) ở Deraa, rồi Homs và ngoại ô Damascus, đã làm giọt nước tràn ly. Nói cách khác, chính chế độ Damascus đã "sản xuất" ra cuộc cách mạng Syria.

Israel hùng mạnh sau 70 năm lập quốc

Cũng tại Trung Đông, Le Point trong chuyên đề "Một Israel mới" nhấn mạnh, mặc cho môi trường thù địch bao quanh, và vấn đề Palestine chưa được giải quyết, chỉ trong vòng 70 năm qua, Nhà nước Do Thái đã trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, và là thung lũng Silicon của vùng Cận Đông.

Dù khi lập quốc, CIA dự báo Nhà nước non trẻ theo kiểu xã hội chủ nghĩa này chỉ tồn tại được hai năm, nhưng nay Israel lại trở thành hình mẫu tư bản, với quân đội tinh nhuệ được trang bị tận răng. Từ 650.000 người Do Thái ban đầu, nay dân số lên đến 8,84 triệu người. Nhà nước không có nguồn lợi thiên nhiên, không tiền, nay đứng hàng đầu về công nghệ cao, tăng trưởng kinh tế năm ngoái lên đến 3,3%, thất nghiệp chỉ gần 4,3%.

Về chỉ số phát triển con người theo Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Do Thái nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu, trước cả Pháp, Bỉ, Ý. Chưa có Nhà nước nào thành lập từ phong trào phi thực dân hóa trong thế kỷ 20 lại trở thành một quốc gia phát triển đồng thời lại dân chủ như thế. Tuy nhiên, kẻ thù của Israel rất nhiều, và 70 năm tới không phải là lúc Tel Aviv ngủ quên trên thắng lợi.

Xã hội Trung Quốc : Phản đề của chủ nghĩa Marx 200 năm sau

Về lịch sử, tác giả Nicolas Bouzou trên L’Express bàn về "Karl Marx, hai thế kỷ sau".

Karl Marx sinh ra cách đây đúng hai trăm năm, vào ngày 05/05/1818 ở Trèves, một thành phố xinh đẹp và sạch sẽ đúng kiểu Đức. Khi tác giả Bouzou đến thăm ngôi nhà cũ nơi Marx sinh ra, ông gặp nhiều khách du lịch Trung Quốc. Họ nói rằng muốn chứng tỏ với chính quyền là mình gắn bó với chủ nghĩa mác-xít, trong trường hợp bị Nhà nước giám sát. Nhưng theo ông Bouzou, chính Trung Quốc mới là đất nước đi ngược lại với lý thuyết của ông tổ cộng sản.

Cho dù xuất hiện nhiều người giàu, chính những người vô sản được hưởng lợi từ cải cách của Đặng Tiểu Bình : tỉ lệ người cực nghèo từ 80% trong thập niên 80 chỉ còn 10%. Chủ nghĩa tư bản Trung Quốc đã gây ra nhiều bất bình đẳng, nhưng không hề dẫn đến một xã hội không giai cấp. Còn Nhà nước không hề biến mất như dự báo của Marx, mà chưa bao giờ mạnh mẽ như thế, thậm chí toàn trị.

Chinh phục Hỏa tinh ?

L’Expressnhìn lên không gian đăng ảnh hành tinh đỏ với dòng tựa "Mục tiêu Hỏa tinh !", với kịch bản chinh phục vào năm 2024, và vấn đề làm thế nào có thể sống được trên hành tinh này.

Hơn một chục phi hành gia đã đặt chân lên Mặt Trăng, Nga và Mỹ sau đó nhìn sang Hỏa tinh. Những hình ảnh đầu tiên của hành tinh đỏ được tàu thăm dò Viking gởi về từ năm 1976, tức là cách đây hơn 40 năm ! Nhưng ngày nay những người dưới 50 tuổi chủ yếu biết được các cuộc chinh phục không gian thông qua các bộ phim viễn tưởng.

Pháp : Emmanuel Macron, một năm sau

Về nước Pháp, "Đã một năm qua, Macron trị vì với những ai", đó là tựa chính của tuần san L’Obs. Chỉ trong vòng một năm, tân tổng thống Pháp đã thiết lập được uy quyền thực sự, hầu như một mình quyết định các chính sách. Nhưng bên cạnh các cố vấn thân cận của Emmanuel Macron, còn những ai có thể gây ảnh hưởng, ai được ơn mưa móc, mạng lưới của Macron là gì ? Tờ báo dành nhiều trang cho chủ đề này.

Trên lãnh vực đối ngoại, L’Express chú ý chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của tổng thống Pháp – chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng – với bài viết "Macron rất Mỹ". Emmanuel Macron từng tu nghiệp nhiều lần tại Hoa Kỳ, hiểu biết về nước Mỹ hơn nhiều người tưởng. Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Mỹ thắm thiết chưa từng thấy, nhưng theo nhà báo Chris Whipple cảnh báo : "Trump rất dễ chán người khác".

Tờ báo cũng ghi nhận, trong cuộc họp báo sau khi không kích Syria, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ Joseph Dunford đứng ngay bên phải bộ trưởng quốc phòng James Mattis, còn bên trái là tướng Pháp Jean-Pierre Montégu, tùy viên quân sự ở Washington. Đồng nhiệm Anh đứng xa hơn một chút. Bộ trưởng Mỹ khi phát biểu cũng đặt Pháp đứng trước Anh. Luân Đôn, đồng minh bao nhiêu năm qua của Hoa Kỳ có lẽ cũng chạnh lòng. Nhưng rõ ràng là sự tham gia tích cực của Pháp đã khiến người Mỹ nhìn Paris bằng cặp mắt khác hẳn.

Thụy My

Published in Quốc tế

Vận hội hòa bình tại bán đảo Triều Tiên ?

Thượng đỉnh Liên Triều hôm nay và Mỹ-Triều trong những tuần lễ tới, dư âm chuyến viếng thăm nước Mỹ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tiếp nối theo là của thủ tướng Đức Angela Merkel, bắt đầu vào hôm nay là những chủ đề lớn của báo chí Pháp ngày 27/04/2018.

trieutien1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un gặp mặt tại Bàn Môn Điếm, 27/04/2018. Reuters

Cơ may cho hòa bình

Trước khi gặp Trump, Kim Jong-un chìa bàn tay hòa giải với tổng thống Hàn Quốc, tựa của nhật báo kinh tế Les Echos kèm theo chân dung của hai nhà lãnh đạo : Kim Jong-un, một tay chính trị thủ đoạn bất chấp đạo lý ở miền Bắc và Moon Jae-in, con trai của một người tị nạn, ôm trong lòng hoài bão đem lại hòa bình.

Tâm tư của người dân Hàn Quốc, tị nạn cũng như sinh trưởng tại miền Nam, được nhật báo công giáo La Croix trải rộng trên ba trang báo : Cơ may cho hòa bình, một luồng gió mới thổi qua bán đảo Triều Tiên, phải đi đến cùng không chờ đến thế kỷ sau. Mục tiêu cuối cùng này được Libération đưa lên trang bìa với hai thứ tiếng Pháp và Hàn kèm theo dấu hỏi : Thống nhất được chăng ?

Nhật báo cánh tả kỳ vọng cuộc gặp gỡ "lịch sử" giữa lãnh đạo hai miền Nam Bắc Hàn, vào thứ sáu hôm nay sẽ đặt được cơ sở cho hai nước tiến lại gần nhau hơn. Nhưng tiến lại gần nhau không có nghĩa là thống nhất. Trong bài bình luận "Ngoắt ngéo", Libération dự đoán thái độ "tiền hậu bất nhất" của Donald Trump trong canh bạc "xì phé dối trá" với Kim Jong-un biết đâu sẽ mang lại kết quả theo tác động nhân quả "nghịch lý của nghịch lý" : Ngồi trước mặt tổng thống Mỹ, có mái tóc kỳ lạ không thua gì mái tóc chải ngược của mình, và nhất là sẵn sàng "bấm nút", Kim Jong-un sẽ nghĩ rằng thái độ khiêu khích hạt nhân có nguy cơ dẫn đến một thảm họa. Con đường học khôn đôi khi rất "quanh co". Thiếu chuẩn bị để lãnh đạo quốc gia, bị đóng khung trong suốt 70 năm nghi kỵ, thượng đỉnh Liên Triều tại Bàn Môn Điếm mà Kim Jong-un tham dự ngày hôm nay với lãnh đạo Hàn Quốc mở ra với nhiều bất trắc : một số nhà quan sát nói đến triển vọng hòa bình, thống nhất, một số khác cảnh báo nguy cơ trở lại tình trạng căng thẳng cũ.

Nhưng theo Libération, kịch bản "đáng tin" nhất là Bắc Triều Tiên do e dè thái độ "bốc đồng" của tổng thống Mỹ cũng như vũ khí hạt nhân nên tìm cách tranh thủ thời gian. Trong khi đó, Hoa Kỳ biết rõ chủ nghĩa Stalin thất bại thảm hại tại Bắc Triều Tiên, đặt chế độ Bình Nhưỡng vào thế yếu không thể che giấu được dưới lớp vỏ bọc sức mạnh hạt nhân. Đây cũng là tình trạng của Liên Xô trước khi sụp đổ, bắt buộc Moskva phải chọn con đường chấm dứt chiến tranh lạnh. Nhật báo cánh tả Pháp "hy vọng" "rocket man" sẽ có cùng kết luận với Gorbatchev.

Kim không có lợi hay không nếu hai miền thân thiện ?

Kim Jong-un "tranh thủ thời gian" cũng là nhận định của một số người dân Hàn Quốc : Kim sẽ đòi được những gì ông ta muốn, nghĩa là được công nhận ngang hàng với Mỹ, nhưng không bao giờ chấp nhận một chính sách thân thiện với Hàn Quốc bởi vì người dân Bắc Triều Tiên sẽ chạy sang Hàn Quốc và chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ.

Nếu Libération ghi nhận "não trạng chiến tranh lạnh" hiện rõ ở Hàn Quốc, trừ những người vượt biên gốc Bắc, thì Le Monde, nhấn mạnh đến niềm hy vọng của công luận ủng hộ chủ trương hòa bình của tổng thống Moon Jae-in nhưng cũng thận trọng trước thái độ "mập mờ" của Bình Nhưỡng.

Phe thân chính phủ thì hy vọng hai miền sẽ ký được một hiệp định hòa bình, công luận đối lập thì lo tổng thống của mình sẽ bị đánh lừa như thủ tướng Anh Chamberlain bị trúng kế Hitler ký thỏa hiệp Munich vào năm 1938, vài tháng trước khi nổ ra Thế chiến thứ hai.

Le Monde lưu ý chi tiết : trước khi gặp Moon Jae-in, nhà độc tài vẫn chưa nói rõ là có "từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không" cho dù địa điểm thử bom đã bị "sụp đổ một phần" theo các chuyên gia địa chất Trung Quốc. Theo Joseph de Trani, chuyên gia Mỹ, từng là thành viên của phái đoàn thương lượng 6 bên, Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận lời hứa suông "đình chỉ" chương trình hạt nhân.

Còn theo phân tích chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang thì Kim Jong-un không có một sự lựa chọn nào khác : hoặc từ bỏ hẳn vũ khí hạt nhân để đổi lấy bảo đảm an toàn cho chế độ, hoặc chấp nhận rủi ro chế độ từ từ sụp đổ.

Iran và bài học Bắc Triều Tiên

Trong bài phân tích "Iran cần hay không một quả bom", nhật báo Le Monde cho rằng "nhóm cố vấn diều hâu của Donald Trump" sai lầm khi tìm cách đe dọa Iran, gia tăng tối đa các biện pháp cấm vận một chế độ đang suy yếu vì phong trào phản kháng trong nước sẽ buộc Tehran nhượng bộ, ký một hiệp định hạt nhân mới.

Sai lầm thứ nhất vì Iran có thế lực cấp vùng và thế giới mạnh hơn Bắc Triều Tiên. Thứ hai là giới lãnh đạo Iran biết rõ một điều là Hoa Kỳ không bao giờ uy hiếp một nước có vũ khí hạt nhân cho dù là Ấn Độ, Pakistan hay Bắc Triều Tiên. Trái lại, để có thể đàm phán với Donald Trump, như Kim đang chuẩn bị, thì tốt hơn hết là phải có một quả bom. Đó là nhược điểm của chiến lược vừa muốn xé hiệp định đã ký với Iran, vừa cố gắng đòi Bắc Triều Tiên ký một hiệp định tương lai.

Macron sáng suốt

Chính ở hồ sơ hóc búa này, Le Monde khen ngợi sự sáng suốt của tổng thống Pháp trong bài "con dao hai lưỡi" tổng kết chuyến công du nước Mỹ : Macron đã sáng suốt nhìn nhận ông Trump sẽ không bao giờ bỏ lời đã hứa với cử tri là sẽ hủy hiệp định hạt nhân của người tiền nhiệm Obama ký với Iran. Nhưng cả hai lãnh đạo Mỹ-Pháp đã làm việc trên cơ sở mà các nhà ngoại giao Mỹ và Châu Âu đã đạt được trong nỗ lực tìm một giải pháp cho bế tắc này. Thủ tướng Đức Angela Merkel, đến Washington ngày thứ sáu, sẽ tiếp tục nỗ lực này.

Tuy nhiên, theo Les Echos, chuyến công du của thủ tướng Đức không chỉ có hồ sơ chính trị quốc tế. Mối ưu tư của lãnh đạo đầu tàu kinh tế số một Liên Hiệp Châu Âu là "tránh thuế của Mỹ đánh lên thép xuất khẩu". Pháp, từ chối đàm phán dưới sự đe dọa, có thể sẽ không hài lòng nếu Đức chấp nhận sức ép của Donald Trump, thương thuyết lại mức thuế liên quan đến toàn bộ sản phẩm công nghệ chế biến.

Pháp và dự án hòa giải quốc gia 5 tỷ euro

Khác với các đồng nghiệp, Le Figaro không nói gì về Iran và Bắc Triều Tiên. Trên trang nhất, nhật báo cánh hữu chấm điểm thấp chính phủ Macron sau một năm làm việc : Tên tuổi các bộ trưởng ít được dân chúng biết đến, nếu có biết thì cũng vì làm mất lòng dân. Một trong những thách thức mới trong ngành giáo dục là đổi phương pháp tập đọc ở lớp một, trở lại cánh đánh vần thời trước để khắc phục tình trạng học sinh Pháp, nhất là con em các gia đình nghèo phạm nhiều lỗi chính tả.

Về xã hội, một dự án "tái chinh phục các khu phố bị bỏ quên" được công bố. Tác giả, Jean-Louis Borloo, một cựu bộ trưởng môi trường, đề nghị ngân sách 5 tỷ euro để huấn nghệ giới trẻ thất nghiệp, canh tân 1500 khu chung cư bị xuống cấp trong một chương trình đại quy mô mà ông gọi là "hòa giải dân tộc Pháp".

Nga sắp giao S-300 cho Syria

Ở trang quốc tế, Le Figaro chú ý đến nhân vật được xem là ngôi sao đang lên trên chính trường Mỹ : tân ngoại trưởng Mike Pompeo, rất có thể là người thừa kế Donald Trump. Tại Trung Đông, nhật báo cánh hữu cho biết Israel lo ngại tên lửa S-300 của Nga sắp giao cho Damascus để bảo vệ lực lượng Iran chiến đấu tại Syria. Giới phân tích ở Israel xem đây là dấu hiệu Putin sẵn sàng bênh Iran chống lại Israel.

Armenia : đối lập thắng 1-0

Tại Armenia, phong trào chống độc tài và tham nhũng đã thành công buộc thủ tướng Serge Sakissian từ chức, nhưng theo Le Figaro, chế độ đặc quyền đặc lợi đã bị lung lay nhưng cố bám trụ : Nhà nước phá sản nhưng các nhóm thế lực đã khóa chặt đất nước. Một cán bộ chính trị, thân cận với lãnh đạo phong trào phản kháng Nikol Pashinian chia sẻ lo ngại : một khi lên nắm quyền, liệu Nikol Pashinian có khả năng chống lại bộ máy tham ô bám rễ ở Armenia, nhưng lại rất phù hợp với quyền lợi của Moskva ?

Cũng như thông lệ, chính quyền Trung Quốc thuê 8 trang báo Le Figaro mỗi thứ Sáu để quảng cáo cho các chính sách của Bắc Kinh. Hôm nay, các "phóng viên" Trung Quốc giới thiệu "40 năm vàng ở Tây Tạng" do Trung Quốc thực hiện từ các lãnh vực văn hóa, xây dựng cho đến bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nông dân.

Cũng liên quan đến Tây Tạng, nhật báo cánh hữu cuối tuần đưa độc giả đến những nông trại ở miền nam nước Pháp, trồng cây cam đắng, rất được ưa chuộng để làm bánh mứt. Hạt giống được du nhập từ một vùng biên giới Ấn Độ-Tây Tạng từ thế kỷ thứ 10.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Thủ tướng Đức đi Mỹ : Vì sao bà Merkel phải nhún mình ?

Chuyến công du Mỹ của tổng thống Pháp tiếp tục là chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo Pháp.

merkel1

Trang bìa tuần báo Đức Der Spiegel số cuối tháng 4/2018, với hàng tựa "Ai có thể cứu phương Tây ?" (Capture d'écran)

Le Monde chạy tựa : "Macron và Trump cố gắng vượt bất đồng về Iran". "Macron tìm cách cứu thỏa thuận hạt nhân Iran", xã luận La Croix. "Vừa là bạn hữu, vừa phản biện, Macron quyến rũ Quốc hội Mỹ", tựa của Le Figaro. Les Echos cũng chú ý đến bài phát biểu gần một giờ của tổng thống Pháp, với hồ sơ : "Macron kêu gọi nghị sĩ Mỹ đừng khép cửa với thế giới".

Chuyến công du lặng lẽ của thủ tướng Đức tới Mỹ hôm nay là một chủ đề khác. Le Figaro có bài lý giải vì sao bà Merkel phải nhún mình.

Tiếp theo nốt bổng của chuyến công du của tổng thống Pháp, được truyền thông rộng rãi, với các nghi thức trọng thể, là nốt trầm của chuyến "công tác" chóng vánh của thủ tướng Đức đến Mỹ. Le Figaro lý giải vì sao chuyến công du Mỹ của thủ tướng Đức - lãnh đạo hàng đầu của Châu Âu - lại diễn ra trong lặng lẽ, trong lúc chỉ cách nay hơn một năm, bà Angela Merkel từng được coi là nhà lãnh đạo Châu Âu sáng giá nhất, thượng khách của Washington ?

Bài "Bà Merkel buộc phải nhún mình" của Le Figaro nhấn mạnh là thủ tướng Đức không được đón tiếp với nghi thức cấp Nhà nước như lãnh đạo Pháp. Chỉ có một nghi thức tối thiểu dành cho nhà lãnh đạo Đức. Theo Le Figaro, ba lý do khiến Angela Merkel phải chấp nhận cách đón tiếp không vẻ vang này.

Thứ nhất, thủ tướng Đức - từng được coi là "người cuối cùng bảo vệ các giá trị phương Tây, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống" bị nguyên thủ Hoa Kỳ coi như một "vật cản", đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia về các quan hệ Đức-Mỹ Jan Techau, Quỹ German Marshall Fund, Berlin. Trong thời gian tranh cử, Donald Trump liên tục lên án thâm hụt thương mại với Đức, hối thúc Berlin tăng đóng góp quân sự trong khuôn khổ NATO…

Vẫn theo chuyên gia Jan Techau, lý do thứ hai là, bên cạnh các nguyên nhân sâu xa, giữa hai lãnh đạo Đức-Mỹ "hoàn toàn không có quan hệ thân tình". Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Angela Merkel và tổng thống Trump ở Washington, tháng 3/2017, để lại ấn tượng xấu. Năm ngoái, lãnh đạo Đức từng nhấn mạnh là Liên Âu gần như không thể trông cậy được gì ở Mỹ.

Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là vị thế của thủ tướng Merkel tại Đức đã suy yếu mạnh, với một liên minh cầm quyền mong manh. Báo Đức Der Spiegel - số ra mới nhất, mang tựa đề "Ai sẽ cứu phương Tây ?" - nhận định : "Đức lại một lần nữa trở thành quốc gia chầu rìa của chính trị quốc tế", hình ảnh trang bìa với nền là tổng thống Trump bốc lửa, phía trước là bà Merkel co rúm sợ hãi, đứng cạnh tổng thống Pháp rất tự tin.

Cuộc không kích của liên quân tại Syria cho thấy rõ thế bị động của Berlin trong chính trị quốc tế. Thủ tướng Đức chỉ dành cho các đồng minh một sự "ủng hộ" về chính trị. Tổng thống Pháp thì cho biết liên quân không thể trông cậy được ở Đức, vì Quốc hội Đức - định chế có vai trò quyết định - phải mất đến hàng tuần thảo luận mới ra được giải pháp.

Đối mặt với các cường quốc : Đức - Pháp phân vai

Tuy nhiên, Le Figaro cũng ghi nhận, thủ tướng Merkel đã hoàn toàn thích nghi với "vị trí ở tuyến sau" như hiện nay.

Bà ưa các cuộc thảo luận nội bộ hơn là lên màn ảnh truyền hình. Angela Merkel có các thế mạnh của mình. Đối với nước Nga, thủ tướng Đức là một nhà môi giới quan trọng trong hồ sơ Syria. Cộng đồng Châu Âu và quốc tế cũng rất cần đến các đóng góp tài chính của Berlin.

Điểm đặc biệt quan trọng là lập trường của thủ tướng Đức và tổng thống Pháp về nhiều hồ sơ quốc tế lớn rất gần nhau. Với tư cách là trụ cột của Châu Âu, để đứng vững được trước các cường quốc thế giới, Berlin và Paris đang tìm cách phối hợp, với các vai diễn khác nhau, thay vì mạnh ai nấy làm.

Vẫn về chuyến công du của thủ tướng Đức, Les Echos cho biết thêm, bà Angela Merkel sẽ chỉ được Donald Trump tiếp trong vòng ba giờ đồng hồ. Ba giờ so với ba ngày công du của tổng thống Pháp, tay trong tay với đồng nhiệm Mỹ, quả là một trời một vực !

Macron mượn diễn đàn Quốc hội Mỹ phê phán Donald Trump

Về ngày cuối cùng chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron tại Mỹ, báo Pháp đặc biệt chú ý đến bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ sáng thứ Tư, 24/04. Theo Les Echos, tổng thống Macron đã sử dụng được cơ hội quý giá này để khẳng định lập trường khác biệt của nước Pháp với chính quyền Trump về hàng loạt vấn đề như Iran, thương mại quốc tế hay khí hậu.

Bài phát biểu của Macron dài gần một tiếng, gần gấp đôi thời gian dự kiến, được các nghị sĩ vỗ tay hơn 50 lần.

Emmanuel Macron đặc biệt kêu gọi nước Mỹ hướng đến "chủ nghĩa đa phương", "hợp tác quốc tế", bởi nếu để bị "chủ nghĩa cô lập", "thái độ co cụm", "chủ nghĩa dân tộc" chi phối, có nghĩa là nhường không gian cho các thế lực khác độc chiếm.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran - mà cộng đồng quốc tế đang lo ngại Donald Trump đơn phương xé bỏ - tổng thống Pháp nhấn mạnh là "không thể từ bỏ" thỏa thuận này, một khi không có thỏa thuận mới thay thế, đồng thời tỏ rõ quyết tâm sẽ không bao giờ cho phép "Iran sở hữu vũ khí hạt nhân".

Về khí hậu, ông khẳng định sẽ "không có một hành tinh B" cho nhân loại, và tin tưởng Hoa Kỳ sẽ trở lại với thỏa thuận khí hậu Paris.

Tình bạn "thật sự" hay "trò diễn" ?

Về chuyến công du của tổng thống Pháp, Les Echos có bài điểm báo thú vị : "Tình bạn, con dao hai lưỡi, nhìn từ nước Mỹ". Tất cả người Mỹ đều ca ngợi "phương pháp của tổng thống Pháp", đã thiết lập thành công mối quan hệ đặc biệt với tổng thống Mỹ, Donald Trump, điều mà chưa lãnh đạo nước nào làm được.

Báo Washington Post ca ngợi "một câu chuyện tình" giữa hai tổng thống, mà đỉnh điểm là cảnh Donald Trump chăm chú nhặt một chút gầu dính trên vạt áo của Emmanuel Macron. Trong khi chuyên gia về ứng xử David Givens, trên Post, nhìn thấy ở đây mối quan hệ "bề trên, kẻ dưới", nhưng dù sao "vở kịch thơ mộng" này cũng là một sự thực.

Một số nhà tấu hài của nước Mỹ thì ví cặp Macron - Trump với các nhân vật trong truyện cổ tích "Người đẹp và quái thú". Theo Trevor Noah, trên Daily Show, vị tổng thống trẻ đẹp của nước Pháp đã khiến tổng thống Mỹ đột ngột hiện ra với gương mặt "con người". Nhà trào phúng bình luận thêm : "Donald Trump trong hai ngày gặp gỡ chứng tỏ có nhiều tình cảm với Emmanuel Macron, hơn cả với (vợ ông ta) Melania !".

Tuy nhiên, có một thực tế tương phản là chuyến công du của tổng thống Pháp không dẫn đến một kết quả đáng kể nào về ngoại giao và thương mại. Báo chí Mỹ đặt câu hỏi : Liệu "quan hệ rất đặc biệt này" (nguyên văn tiếng Anh "very special relationship") mà hai nguyên thủ thể hiện ra ngoài, là "chân thành", là một "trò lừa đảo" hay "diễn kịch một cách cường điệu" ?

Điều mà nhiều báo lưu ý là quan hệ vô cùng thân thiết với tổng thống Mỹ có thể không giúp tổng thống Pháp có được nhân nhượng nào từ Washington. Xã luận Le Figaro cũng đặt câu hỏi tương tự "Sau bản tình ca của những người anh em, rồi đây sẽ là gì ?".

Dự án chiến đấu cơ Pháp - Đức, nền tảng của phòng thủ Châu Âu

Trở lại với mối quan hệ đồng minh Đức - Pháp. Kế hoạch hợp tác sản xuất chiến đấu cơ Pháp - Đức là tựa lớn trang nhất Les Echos. Hai tập đoàn Dassault Aviatoin và Airbus Defence&Space, hôm qua, tuyên bố ký kết một thỏa thuận "lịch sử", chế tạo máy bay chiến đấu, để thay thế cho Eurofighter và Rafale, từ năm 2035. Theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, đây là môt "bước tiến quyết định" trên đường tiến đến một nền phòng thủ chung do Liên Âu tự xây dựng. Tuyên bố được đưa ra chưa đầy một năm sau quyết định của Hội Đồng Pháp - Đức về Quốc phòng và An ninh, cho thấy Paris và Berlin muốn hành động mau lẹ.

Bài "Kết cục của một giai đoạn dài lưỡng lự của Châu Âu" của Les Echos điểm lại giai đoạn dài 20 năm đắn đo của giới lãnh đạo Châu Âu. Vắng mặt các nhà cạnh tranh của Lục địa già, công ty Mỹ Lockheed Matin và chiến đấu cơ F-35 chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường thế giới.

Không chỉ chiến đấu cơ, trong lĩnh vực quân sự, Pháp và Đức còn có hàng loạt chương trình hợp tác chiến lược, về không gian, trực thăng, thiết giáp, phi cơ không người lái, cũng như trí tuệ nhân tạo, an toàn mạng. Đây là những yếu tố chủ chốt trong hệ thống không chiến tương lai (gọi tắt là SCAF) của Châu Âu.

Theo Le Figaro, nhờ phối hợp Pháp-Đức, giá thành của chiến đấu cơ tương lai sẽ rẻ hơn so với phi cơ Mỹ F-35 với tổng chi phí 300 tỉ đôla.

Thị trường xe hơi : Trung Quốc "mài vũ khí"

Về Trung Quốc, Le Figaro quan tâm đến "Xe hơi : Trung Quốc mài vũ khí", nhân dịp Triển lãm ô tô tại Bắc Kinh, khai mạc hôm qua.

Hiện tại Trung Quốc là thị trường xe hơi số một thế giới, với khoản 27 triệu xe bán ra năm ngoái, trong số đó 44% là do các công ty Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng trong nước chững lại khiến các nhà sản xuất Trung Quốc tính đến việc phải mạo hiểm xuất khẩu sản phẩm.

Thâm nhập được thị trường các nước phát triển không phải là chuyện dễ. Các tập đoàn Trung Quốc hy vọng việc đầu tư vào các công ty Châu Âu sẽ cho phép đặt chân vào thị trường này, đặc biệt trong các lĩnh vực xe hơi điện, hay động cơ kép điện - xăng, cũng như xe hơi không người lái.

Trung Quốc : Cơn giận mới của sinh viên Trung Quốc

Vẫn về Trung Quốc, Les Echos, dẫn báo Financial Times, chú ý đến phong trào phản kháng chống nạn bạo hành tình dục quy mô lớn tại Trung Quốc, được ví với "các hoạt động phản kháng có phối hợp lớn nhất" tại Trung Quốc kể từ vụ thảm sát Mùa xuân 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Bài "Cơn giận mới của sinh viên Trung Quốc" cho hay, bất chấp đàn áp và kiểm duyệt những người phản kháng kiên cường đòi hỏi chính quyền phải minh bạch về các vụ bạo hành tình dục, với quy mô lớn, mà ước tính một phần ba nữ sinh viên là nạn nhân (theo một điều tra năm 2016). Đầu năm nay, hơn 45 trường đại học đã gửi thư ngỏ yêu cầu các nhà quản lý can thiệp.

Cho đến nay, ít nhất có ba giáo viên bị sa thải. Một nữ sinh viên bị quản thúc tại gia, sau khi tìm cách thu thập thông tin về một nữ sinh khác, tự sát sau khi bị cưỡng hiếp. Financial Times đặt câu hỏi : Liệu chính quyền Bắc Kinh có dám sử dụng "biện pháp mạnh" để trấn áp như 30 năm trước ? Tờ báo Anh cho rằng một kiểu đàn áp tương tự khó thể xảy ra trong hoàn cảnh hiện nay.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Thỏa thuận hạt nhân Iran "thử lửa" tình bạn Pháp - Mỹ

Đề tài quốc tế được các báo Pháp ngày 25/04/2018 bàn luận sôi nổi nhất vẫn là chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhật báo Le Monde đăng hình hai nguyên thủ Pháp – Mỹ cùng nhau trồng cây sồi tại Nhà Trắng và đề tựa "Trump – Macron : Biểu tượng trước, bất đồng sau".

iran1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đến dự dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018. Reuters/Brian Snyder

Sau những lời lẽ hoa mỹ trao cho nhau trước các ống kính và micro của giới truyền thông, ca ngợi "tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước từ hơn hai thế kỷ nay", cuộc trao đổi trực diện giữa hai nguyên thủ tại Nhà Trắng đã làm nổi rõ các điểm bất đồng trong thương mại, môi trường và nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran, chủ đề gây căng thẳng nhất.

Trong hồ sơ này, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ nguyên lập trường trước đồng nhiệm Pháp, khẳng định đây là một thỏa thuận "khủng khiếp" lẽ ra "không bao giờ được ký kết". Trong khi đó, các nước còn lại vẫn muốn duy trì thỏa thuận này. Trước thái độ kiên quyết của chủ nhân Nhà Trắng, dường như nguyên thủ Pháp đã có những nhượng bộ. Les Echos cho biết cả hai nguyên thủ "kêu gọi một thỏa thuận sâu rộng hơn".

Theo đề xuất của Paris, một thỏa thuận bổ sung khác, cho phép duy trì văn bản gốc đã được ký kết, sẽ được hình thành dựa trên bốn điểm trụ cột : Ngăn cấm mọi hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2025 ; Ngăn cản các hoạt động hạt nhân trong dài hạn ; Ngưng các hoạt động thử tên lửa đạn đạo của Iran và Tạo điều kiện cho việc bình ổn chính trị cho khu vực, kể cả Syria. Đây sẽ là nền tảng cho các cuộc "mặc cả" lớn sau này.

Le Figaro trong bài viết đề tựa "Trump và Macron xích lại gần nhau về hồ sơ Iran", còn cho biết thêm là trong trụ cột cuối cùng của dự án thỏa thuận bổ sung, liên quan đến tình hình Syria, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng : "Tôi muốn rút hết binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria, nhưng tôi không muốn để ngỏ cánh cửa cho Iran đi vào Địa Trung Hải".

Do đó, trong trường hợp các nước Châu Âu khác đồng ý, Iran có thể sẽ phải chuẩn bị rút quân ra khỏi Syria trong khuôn khổ quy chế hòa bình chung cho khu vực. Bằng như ngược lại, tổng thống Mỹ đe dọa "Tehran sẽ phải trả giá đắt như một số nước đã phải hứng chịu" nếu như Iran vẫn cố thủ.

Khẩu chiến Mỹ - Iran

Bầu không khí căng thẳng ngày hôm qua gia tăng thêm một nấc. Le Figaro cho biết, "Dưới áp lực, Tehran dọa rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân". Trong lúc Macron đang làm nhiệm vụ cứu hộ, tổng thống Iran Hassan Rohani trong bài phát biểu trên truyền hình đã dọa đồng nhiệm Mỹ sẽ gánh lấy những "hậu quả nghiêm trọng" nếu như ông quyết định "lên án" thỏa thuận này vào ngày 12/05 tới đây.

Lãnh đạo ngoại giao Iran, ông Javad Zarif bồi thêm rằng : Tehran sẽ tái khởi động chương trình làm giàu uranium nếu Mỹ đoạn tuyệt với thỏa thuận 2015. Ngoại trưởng Iran cảnh báo sẽ không có một "kế hoạch B" nào như tuyên bố của tổng thống Pháp trên kênh truyền hình Fox News.

Trên mạng xã hội Twitter ông viết : "Hoặc là Được hoặc là Không gì cả. Các lãnh đạo Châu Âu phải khuyên nhủ Trump không những phải ở lại trong thỏa thuận hạt nhân, mà điều quan trọng nhất là còn phải thực tâm bắt đầu áp dụng phần cam kết của mình".

Triều Tiên : Vùng phi quân sự, thiên đường "sinh thái"

Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp hôm nay. Les Echos có bài phóng sự dài về cuộc sống của những người dân Hàn Quốc sống gần với khu vực phi quân sự. Bài viết có tựa đề "Dưới bóng của giới tuyến chiến tranh lạnh sau cùng".

Bài phóng sự của đặc phái viên Les Echos mô tả chi tiết bầu không khí căng thẳng tại khu vực phi quân sự được vạch ra năm 1953 khi chiến tranh kết thúc, nơi mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng thốt lên là "nơi khủng khiếp nhất của hành tinh" khi đến thăm vùng "DMZ". Binh sĩ hai miền luôn trong tư thế sẵn sàng, trừng mắt gườm nhau. Hệ thống camera giám sát hoạt động liên tục 24/24.

Khu vực này kéo dài trên 248 km và rộng khoảng 4km dọc theo vĩ tuyến 38. Khu vực này ngày 27/04/2018 tới đây sẽ chứng kiến một cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo của hai miền Triều Tiên bị chia rẽ đó. Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Nhà Hòa Bình ở Bàn Môn Điếm, vùng an toàn chung JSA, nhưng bên phía Hàn Quốc. Có thể nói ở tuổi 34, Kim Jong Un là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên đặt chân vào phía nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Đất lành, chim đậu

Nhưng điều thu hút tác giả bài viết là cuộc sống lặng lẽ, buồn tẻ của những người dân làng Hàn Quốc, đặc biệt là ở làng Tongilchon ở ngay sát vùng DMZ này. Được hình thành vào năm 1973, dưới chủ trương của Park Chung-hee, theo mô hình Kibboutz của người Israel, nhằm chứng tỏ cho chế độ phía Bắc những kỳ tích của ngành nông nghiệp Hàn Quốc, gần 80 hộ gia đình đã đến đây định cư để phát triển ngành trồng lúa, đậu nành và nhân sâm.

Giờ đây, tuy vẫn còn có 446 người sinh sống tại Tongilchon, con đường chính dẫn đến trung tâm thị xã hầu như vắng vẻ. Dân số của làng ngày càng lão hóa. Giới trẻ đổ xô về các khu đô thị. Thi thoảng có vài du khách ghé qua tham quan, mua vài món hàng kỷ niệm có in dòng chữ DMZ.

Nhờ vắng bóng người, vắng cơ sở hạ tầng công nghiệp mà vùng phi quân sự này đã tạo ra một hệ sinh thái độc nhất. Một nơi trú ngụ sinh thái lý tưởng cho nhiều loài động vật lâm nguy đến từ nhiều vùng khác trên bán đảo. Khu vực này trở thành điểm dừng chân cho nhiều giống chim di trú như loài sếu trắng Châu Á.

Trong rừng, loài mèo hoang đang trở về, cũng như nhiều giống cá thìa nhỏ và loài chim ó biển đuôi trắng quý hiếm khác. Tại đây, các nhà khoa học Hàn Quốc còn tìm thấy loài nhện nước tưởng chừng đã biến mất. Khám phá mới này đã làm cho chính phủ Hàn Quốc cảm thấy phấn khích, vốn dĩ đang có dự án biến vùng này thành một di sản thiên nhiên độc nhất cho cả hai miền Triều Tiên.

Trung Quốc : Ép nhận tội, truyền hình bị tố tiếp tay chính quyền

Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde cho biết một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders công bố ngày 10/04/2018 cáo buộc truyền hình Trung Quốc "vi phạm đạo đức nghề báo" khi tiếp tay chính quyền trong các chương trình "cưỡng chế thú tội".

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã sử dụng lại hình thức tự phê bình. Nhưng khác dưới thời Mao Trạch Đông, "cưỡng bức nhận tội" từ các công dân Trung Quốc hay người nước ngoài được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào giờ cao điểm.

Báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders còn cáo buộc bốn kênh truyền thông khác có trụ sở tại Hồng Kông trong đón có Phoenix TV và nhật báo South China Morning Post.

Le Monde dẫn lời của ông Michael Caster, đồng sáng lập viên tổ chức ONG này khẳng định : "Điều tra của chúng tôi cho thấy rõ là những hãng truyền thông này có một vai trò hợp tác rất tích cực (…). Đầu tiên hết, họ gởi phóng viên và trang thiết bị đến để thực hiện chương trình rồi bắt tay vào việc hậu sản xuất phức tạp đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cảnh sát.

Mặt khác, cách thức mà các cuộc thú tội cưỡng chế được dàn dựng cho thấy các cơ quan an ninh đó đã thực hiện mệnh lệnh từ chính quyền trung ương hay từ bộ ngoại giao, bởi vì chúng tôi đã tìm từng điểm một trong lập luận của họ".

Iraq : Daesh tuy "xa mà gần"

Cũng trên Le Monde, một câu hỏi lớn trên trang nhất đặt ra "Làm thế nào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự tài trợ tại Iraq". Bài điều tra dài trên trang 2 cho biết những khó khăn trong việc săn lùng nguồn tiền của Daesh tại Iraq.

Le Monde cho biết giai đoạn từ tháng 6/2014 – 12/2017, khi Daesh còn kiểm soát được gần 1/3 lãnh thổ Iraq, tổ chức khủng bố này chủ yếu sống dựa vào các hoạt động tống tiền, khai thác dầu hỏa và buôn lậu tại Iraq và Syria.

Chính trong giai đoạn này, Daesh đã bí mật đầu tư từ 250 – 500 triệu đô la tại các công ty ảo của Iraq. Tổ chức khủng bố này còn sở hữu hằng hà sa số các trang trại nuôi cá, các điểm thu mua ngoại tệ và nhiều hãng taxi.

Theo thẩm định của chính quyền Iraq và các chuyên gia, nhóm khủng bố này vẫn còn đủ nguồn tài chính để sống sót trong vòng 15 năm tới.

Ngoài ra, Le Monde cho biết trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi ngờ hãng cung cấp bê-tông và xi-măng Lafarge tài trợ khủng bố tại Syrie, tư pháp của Pháp còn mở một cuộc điều tra khác nhắm vào Groupe Bruxelles Lambert. Các nhà điều tra tìm hiểu phải chăng hành động tài trợ đó được thực hiện dưới sự bảo trợ của cổ đông lớn nhất này của Lafarge (20% cổ phần).

Pháp : Đình công gây thiệt hại cho kinh tế

Cuộc đình công luân phiên của các nghiệp đoàn lao động trong ngành đường sắt SNCF và hàng không Pháp Air France bước vào đợt thứ ba. Thế nhưng, theo Le Monde, các hoạt động kinh tế tại Pháp, đứng đầu là du lịch và kinh doanh ăn uống bắt đầu "thấm đòn" của các cuộc đình công.

Thế nhưng, theo nhật báo, mức độ thiệt hại trong ngành kinh doanh khách sạn còn tùy theo từng khu vực, dao động trong khoảng từ 10-20%. Những thành phố lớn như Bordeaux, Lyon, Nice, Toulouse hay Marseille bị tác động nhiều nhất. Ngược lại, tại Paris chưa có dấu hiệu bị tác động.

Tuy nhiên, giới kinh doanh trong lĩnh vực này lo ngại cho những ngày sắp tới. Những kỳ nghỉ hè lớn đang đến gần, ngành khách sạn và kinh doanh hàng ăn e sợ các cuộc đình công có thể sẽ khiến các du khách nước ngoài thay đổi kế hoạch nghỉ, ưu tiên các điểm đến khác an toàn hơn như Ý, Tây Ban Nha, Croatia chẳng hạn.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực hoạt động khác cũng đã phải hứng chịu các thiệt hại do lệ thuộc vào phương cách vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Khoảng 74% các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết đã chịu tác động của các cuộc đình công. Chỉ có 50% số tầu là vận hành trong những ngày có đình công. Đặc biệt, hoạt động giao thông vận chuyển đường sắt tụt giảm đã có những tác động mạnh đến ngành sản xuất và chế biến ngũ cốc.

Lính Robot : Hiểm họa mới cho nhân loại ?

Công nghệ phát triển đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống nhân loại, không chỉ đem lại các tiện nghi nhưng còn có thể mang họa cho con người. Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất báo động "Thế giới đối mặt với thách thức Robot giết người".

Trong vòng 5 ngày, từ ngày 09-13/04/2018, Liên Hiệp Quốc đã họp tại Geneve, Thụy Sĩ nhằm thảo luận về một định nghĩa thế nào là vũ khí "tự chủ" được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo. Một số quốc gia như Hoa Kỳ và Nga đứng đầu giờ đã nhắm vào những công nghệ đã được phát triển nhờ vào trí thông minh nhân tạo để làm thay đổi diện mạo cuộc chiến.

Thách thức đặt ra là từ cấp độ nào người ta có thể cho là một phương tiện chiến tranh nào đó tự đưa ra quyết định giết, và liệu quyết định này có thể được thực hiện mà không cần sự can thiệp của con người.

Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhiều nhân vật nổi tiếng yêu cầu tạm ngưng, thậm chí cấm hẳn. Theo Les Echos, trong tháng này, 3.100 (trong số 70.000) nhân viên của hãng Google đã yêu cầu lãnh đạo tập đoàn ngừng hợp tác với Lầu Năm Góc.

Minh Anh

Published in Quốc tế

"Đôi bạn" Trump-Macron và ba chủ đề "hóc búa"

Trong chuyến công du cấp Nhà nước tới Mỹ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay 24/04/2018 có buổi làm việc với đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump. Trong bài viết có tiêu đề "Trump-Macron : Những chủ đề gây bực tức", báo Les Echos điểm lại ba vấn đề chính khiến hai nguyên thủ bất đồng với nhau.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Donald Trump. PHILIPPE WOJAZER / POOL / AFP e Nicholas Kamm / AFP

Mặc dù đã nhiều lần nói đến "mối quan hệ đặc biệt", nhưng hai nhà lãnh đạo không thể phủ nhận một điều là họ vẫn có nhiều căng thẳng, đặc biệt là trên ba hồ sơ lớn : thuế đánh vào thép, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và cuộc chiến ở Syria. Phái đoàn Pháp cũng tỏ ra rất thận trọng về khả năng hai nguyên thủ quốc gia đạt được đồng thuận về một trong ba hồ sơ nói trên.

Ông Erik Brattberg, giám đốc Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế - chi nhánh Châu Âu - dự đoán : "Nếu Emmanuel Macron trở về Pháp mà không đạt được thỏa ước nào liên quan tới các chủ đề đang có bất hòa, có thể ông ấy sẽ xem xét lại chiến lược cởi mở với Donald Trump".

Thép : Bóng ma chiến tranh thương mại

Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News của Mỹ cuối tuần qua, tổng thống Pháp đã tuyên bố : "Chúng tôi không lao vào chiến tranh thương mại chống lại các đồng minh". Theo Les Echos, câu hỏi về thương mại, nhất là thuế Washington đánh vào thép và nhôm nhập từ Châu Âu sẽ là tâm điểm trong buổi trao đổi sáng hôm nay giữa hai nhà lãnh đạo. Thời hạn 01/05 sắp tới, nhưng dường như Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn chưa đi tới bất kỳ đồng thuận nào về vấn đề này.

Tạ Berlin hôm thứ Năm tuần trước, cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương và chính sách đa phương. Hôm qua điện Elysée cũng giải thích : "Chắc chắn tổng thống Macron sẽ nhắc lại là ông cực lực phản đối việc Châu Âu và Mỹ cùng tăng thuế để đáp trả lẫn nhau. Lý lẽ "bảo vệ an ninh quốc gia" mà Washington đưa ra là vô căn cứ. Cả Paris và Berlin đều đồng ý về điểm này và được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ".

Tuy nhiên, báo Les Echos nhận xét là thực ra không hẳn Pháp và Đức hoàn toàn thống nhất về vấn đề này. Trên thực tế, Pháp không muốn thương lượng về thuế quan mà muốn tiến hành cải cách rộng rãi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Ngày 23/03, Macron đã cảnh báo : "Chúng tôi không muốn nói gì với quốc gia dí súng vào đầu chúng tôi". Ngược lại, Berlin lại bắn tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ, chẳng hạn giảm thuế áp trên một số mặt hàng công nghiệp của Mỹ. Sự cứng rắn của Pháp khiến Đức lo ngại, vì Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và thặng dư thương mại của Đức đối với Mỹ lên tới 50 tỉ euro.

Iran : Lập trường xa cách

Về hồ sơ Iran, lập trường của Pháp và Mỹ dường như cũng rất xa cách, thậm chí là không thể dung hòa. Thời gian không còn nhiều : 12/05 là thời hạn Washington phải tuyên bố ở lại hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Giám đốc Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế - chi nhánh Châu Âu - nhấn mạnh : "Hồ sơ này là biểu tượng cho sự đồng thuận giữa Pháp, Đức và Anh Quốc. Nếu có một lãnh đạo Châu Âu nào có thể tác động tới Donald Trump, thì đó là Emmanuel Macron".

Nhưng tại Mỹ, theo báo Les Echos, sức ép cũng tăng mạnh trong những ngày qua. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Bob Corker, nhắc lại là Donald Trump chắc chắn sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận nếu thỏa thuận không có "bất cứ cải thiện đáng kể nào". Trong khi đó, ngoại trưởng Iran, ông Javad Zarif, hôm Chủ Nhật 22/04 tuyên bố nếu Washington hủy thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Teheran sẽ tái khởi động mạnh mẽ chương trình hạt nhân.

Syria : bất đồng về phương pháp

Liên quan tới cuộc chiến ở Syria, để thuyết phục Donald Trump ở lại,nguyên thủ Pháp đã không ngần ngạicảnh báo"Ngày mà chúng ta kết thúc cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nếu chúng ta rút hết quân và vĩnh viễn, chúng ta sẽ để lại nơi đó cho chế độ Iran, cho Bachar al-Assad và đồng minh của ông ta. Và chính họ sẽ chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Họ sẽ nuôi dưỡng những kẻ khủng bố mới".

Vì hai lãnh đạo Pháp-Mỹ dường như khá đoàn kết trên mặt trận Syria, nên theo Les Echos, Emmanuel Macron và Donald Trump sẽ phải tìm một giải pháp trung hòa.

Pháp : Lộ trình chấm dứt thời đại "mọi thứ đều có thể bị vứt đi"

Trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, Le Monde giới thiệu "Kế hoạch thoát khỏi thời đại cái gì cũng có thể bị vứt bỏ". Để chấm dứt thời đại "mọi thứ đều có thể bị vứt đi", hay còn gọi là thời đại "sản xuất, tiêu dùng và vứt đi", cũng như thúc đẩy "nền kinh tế tuần hoàn" phát triển, đích thân thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm qua 23/04/2018 đã trình bày một lộ trình với 50 biện pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn rác thải, đề ra chính sách tái xử lý rác thải một cách có hệ thống, đấu tranh chống lãng phí và chống chủ ý rút ngắn thời gian sử dụng của sản phẩm.

Mục tiêu của chính phủ Pháp là tới năm 2025, lượng rác thải không nguy hiểm thải ra giảm 50% so với năm 2010, 100% rác nhựa được tái chế vào năm 2025, giảm 30% tiêu thụ tài nguyên từ nay đến năm 2030 ; tạo thêm 300.000 việc làm trong các lĩnh vực "kinh tế tuần hoàn".

Le Monde cho biết mặc dù có tiến bộ, nhưng Pháp vẫn "chậm chân" hơn nhiều nước khác về phát triển "kinh tế tuần hoàn". Vào năm 2014, tỉ lệ tái sử dụng rác thải sinh hoạt tại Pháp chỉ đạt 40% so với tỉ lệ 65% tại Đức và 50% tại Bỉ. Tỉ lệ thu gom rác thải nhựa chỉ đạt 20% trong khi tỉ lệ trung bình tại Liên Hiệp Châu Âu là 30%. Chỉ có 30% số chai nhựa qua sử dụng được thu gom so với con số 90% tại Bắc Âu.

Khi nạn đói hoành hành ở Venezuela

Nhìn ra quốc tế, báo công giáo La Croix dõi theo cuộc sống người dân Venezuela, đất nước đang dần sụp đổ. Trong bài viết "Khi nạn đói hoành hành ở Venezuela", đặc phái viên báo La Croix tại Caracas nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá đất nước dầu lửa ở mức chưa từng có. Số người đói ăn tăng vọt chỉ sau một năm. Đó không chỉ là người vô gia cư mà cả người làm công ăn lương. Không có số liệu thống kê chính thức về số người thiếu ăn, suy dinh dưỡng và chết đói, nhưng theo một cuộc thăm dò ý kiến, 70% số hộ được hỏi cho biết họ không thể mua đủ lương thực thực phẩm cho gia đình.

Theo dự đoán của Quỹ tiền tệ Quốc tế, năm nay, giá cả sẽ tăng tới 13.000% tại Venezuela. Mặc dù cứ hai tháng/lần, chính phủ tăng lương tối thiểu, khoảng 30%-50%, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Giá cả vẫn tăng, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Người dân ngày càng phải "thắt lưng, buộc bụng". Các siêu thị đều khan hiếm hàng, còn ở chợ đen, một tháng lương tối thiểu chỉ đủ mua 4 kg gạo hoặc 3 kg thịt gà. Các chuyên gia đã gióng hồi chuông báo động về tác hại của nạn đói tới sức khỏe người dân, nhất là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Bò sữa : loài thú lớn nhất trong tương lai ?

Trong lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro có bài viết "Trong 200 năm nữa, bò sữa có thể trở thành loài thú lớn nhất", trích kết quả một nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu Mỹ về mối liên hệ giữa tầm vóc các loài động vật có vú và sự "bành trướng" của loài người trên hành tinh. Theo kết quả nghiên cứu được đăng tên tạp chí khoa học Science, trong vòng 200 năm tới đây, loài thú lớn nhất hành tinh sẽ bò sữa với trọng lượng 900kg. Thực ra, không phải là vóc dáng các loài thú nhỏ đi, mà là các loài động vật có vú với thân hình to lớn dần tuyệt chủng.

Tiệm sách cũ dọc sông Seine : Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ?

Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde có bài viết "Các tiệm sách cũ tại Paris tin rằng sẽ được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa". Có 210 tiệm sách cũ sơn màu xanh lá cây thẫm bên bờ sông Seine, với khoảng 300.000 cuốn sách, bản khắc, tạp chí cũ… là khu chợ sách ngoài trời duy nhất trên thế giới nằm dọc bờ sông.

Tuy nhiên, từ lâu nay, để chiều lòng du khách, các món hàng lưu niệm đã chiếm mất nhiều chỗ vốn lẽ ra phải được dành cho các cuốn sách. Theo quy định, đồ lưu niệm chỉ được bày trong 1/4 số thùng hàng. Thành phố Paris đã xử phạt nhiều lần các chủ tiệm sách vi phạm quy định. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Đồ lưu niệm vẫn được bán tràn lan ở các tiệm sách cũ. Để khắc phục tình trạng chệch hướng nói trên, ông Jérôme Calais, chủ tịch hiệp hội các tiệm sách cũ Paris đang đấu tranh để quần thể tiệm sách cũ dọc bờ sông Seine được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ý tưởng trên được thị trưởng các quận có liên quan (quận 1, 4, 6 và 7) và thị trưởng Paris Anne Hidalgo ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ danh sách đệ trình lên UNESCO của Pháp đã khá dài và cứ hai năm, nước Pháp mới được đệ trình một hồ sơ. Sớm nhất là tới năm 2021, thậm chí 2023 bộ Văn Hóa Pháp mới có thể làm hồ sơ lên UNESCO xin xét duyệt cho các tiệm sách cũ. Đại sứ Pháp tại UNESCO cũng dè chừng là "dự án nghe thì hấp dẫn nhưng cánh cửa vào lại khá hẹp". Trợ lý phụ trách di sản của Paris cũng dự báo "có khá nhiều trở ngại".

Trang nhất các báo Pháp

Le Monde quan tâm tới tình hình chính trị trong nước, nhất là về ý định xích lại gần nhau giữa cánh hữu và cực hữu. Nhiều chính trị gia thiên hữu mới đây đã cùng nhau ký vào bản kêu gọi "thành lập một liên minh lớn". Các tranh luận vừa qua về dự luật tị nạn - nhập cư của chính phủ đã khẳng định cánh hữu và cực hữu có một số đồng thuận, cả về tư tưởng và chiến lược.

Cũng chú ý tới thời sự nước Pháp, Le Figaro nhận định tổng thống Emmanuel Macron đang phải đối mặt với nguy cơ người dân cảm thấy ngán ngẩm về các quy định thuế khóa. Vẫn liên quan tới thuế, báo kinh tế Les Echos cho biết bộ Tài Chính Pháp muốn tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp.

Còn báo Libération dành hồ sơ chính cho bộ trưởng Văn Hóa Pháp Nissen. Xuất thân từ xã hội dân sự, khi mới được nhiệm làm bộ trưởng, bà Nissen được đón nhận nồng nhiệt, nhưng giờ đây bộ trưởng Văn Hóa bị nhiều người đánh giá là thụ động và thiếu chuyên nghiệp.

Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix nói về nỗi thống khổ của 25 triệu người bị cưỡng ép lao động trên toàn thế giới.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Macron - Trump : Tình bạn thắm thiết ít ai ngờ

Tổng thống Pháp công du Hoa Kỳ ba ngày, bắt đầu từ hôm nay 23/04/2018. Chuyến viếng thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, chiếm tựa chính của các báo Pháp hôm nay. 

macron1

Hai tổng thống Mỹ- Pháp Donald Trump và Emmanuel Macron thường xuyên nói chuyện điện thoại với nhau, một điều hiếm thấy thời Obama- Hollande. Ảnh minh họa

La Croix chạy tựa "Trump- Macron, một sự thuận thảo đầy nghịch lý" Le Monde thuật lại "Macron- Trump, chuyện kể về một mối quan hệ đặc biệt", Le Figaro nhấn mạnh đến "Thách thức Mỹ của Emmanuel Macron". Riêng nhật báo thiên tả Libération dành hẳn một chuyên đề đặc biệt để mô tả "Ác mộng Mỹ".

Macron- Trump : Hai tính cách trái ngược

La Croix phân tích, thoạt nhìn thì cả hai rất khác xa nhau. Emmanuel Macron, 40 tuổi, thuộc giới tinh hoa Pháp, lấy cô giáo cũ lớn hơn mình đến 24 tuổi, theo chủ trương đa phương. Còn ông Donald Trump, 71 tuổi, tỉ phú địa ốc, chủ casino và là người dẫn chương trình truyền hình đã có ba đời vợ, mà người vợ hiện nay là cựu người mẫu trẻ hơn ông 24 tuổi ; chủ trương "Nước Mỹ trước hết".

Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu từ cái bắt tay mang tính "nắn gân" nhau, tối thứ Năm 27/05/2017 tại Bruxelles, bên lề cuộc họp thượng đỉnh NATO. Gần hai tháng sau, lời mời ông Donald Trump sang Paris dự cuộc diễu binh nhân Quốc khánh Pháp đã siết chặt một tình bạn mà ít ai ngờ đến.

Khác với La Croix, Le Monde cho rằng mối quan hệ thân thiết giữa Macron và Trump thật ra khởi đầu từ ngày 08/05/2017, ngay sau hôm ứng cử viên trẻ tuổi đắc cử tổng thống Pháp. Emmanuel Macron nhận được cú điện thoại của tổng thống Mỹ : "Emmanuel, chiến thắng này và những gì anh đã thể hiện tại bảo tàng Louvre thật là tuyệt vời ! Cả đêm qua tôi ngồi trước tivi. Những hình ảnh tuyệt lắm, bravo !" - Donald Trump hào hứng. Theo bản năng, hai con người cá tính này đã nhanh chóng đánh giá được nhau và thấu hiểu.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Theo bước La Fayette", Le Figaro nhận định được tổng thống Hoa Kỳ khoản đãi tại Mount Vernon - dinh thự của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và là nơi tướng Pháp La Fayette từng trú ngụ - mang ý nghĩa đặc biệt đối với Emmanuel Macron, vốn yêu thích lịch sử và các biểu tượng.

Đây cũng là sự biệt đãi của Hoa Kỳ đối với đồng minh Pháp. Duyệt hàng quân danh dự trên sân cỏ Nhà Trắng, dạ tiệc cấp Nhà nước, diễn văn trước Quốc hội : trong ba ngày thăm viếng, tổng thống Pháp được dành cho các vinh dự mà chưa nguyên thủ nào có được từ khi ông Trump nhậm chức.

"Emmaaanoueeel" của Donald Trump

Rõ ràng là tổng thống Donald Trump rất hài lòng về chuyến thăm Paris nhân dịp Quốc khánh Pháp 14/7 năm ngoái, nhất là cuộc duyệt binh gây ấn tượng. Để qua một bên những khác biệt về phong cách và quan điểm chính trị, hai nhà lãnh đạo rất thông cảm với nhau. Hai "outsider", xuất thân không phải là chính khách chuyên nghiệp nhưng đều giành chiến thắng, hai nhân vật đã làm đảo lộn hệ thống chính trị truyền thống.

Theo Le Monde, chuyến thăm Paris của tổng thống Mỹ đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ. Kể từ đó, Donald Trump rất thích gọi "Emmaaanoueeel". Cách đây vài ngày, tổng thống Mỹ đã điện thoại cho đồng nhiệm Pháp để nói rằng ở Washington, ai cũng muốn được tham dự buổi dạ tiệc tại Nhà Trắng tối 24/4 khoản đãi Macron. "Tất cả các ông bạn của tớ đều muốn đến ! Chắc là tớ phải bán vé quá !" - ông Trump vừa cười vừa nói.

Riêng với "anh bạn" Macron, tổng thống Mỹ thường cắt những bài báo nói về mối quan hệ tốt đẹp Pháp-Mỹ, hay tình trạng kinh tế Pháp được cải thiện. Ông khoanh tròn tựa bài, và chú thích bên cạnh bài báo "it’s true" (đúng rồi) hay "great job" (hay), sau đó cho gởi sang Paris bằng va-li ngoại giao. Tuy không ngần ngại chỉ trích thậm chí chế giễu nguyên thủ các nước khác, Donald Trump chưa bao giờ công khai phê phán Emmanuel Macron.

Nhiều tờ báo Mỹ hay chỉ trích tổng thống Trump tỏ ra hoan nghênh tình bạn kỳ lạ này. New York Times viết : "Emmanuel Macron là hy vọng cuối cùng cho các đồng minh của Mỹ, để hạn chế bớt khía cạnh thảm họa trong tính cách của Donald Trump". Tại thủ đô nước Mỹ, người Pháp cũng không còn bị coi là "cheese-eating surrender monkeys" (những chú khỉ đầu hàng ăn toàn phô-mai) như hồi Pháp từ chối tham gia đánh Iraq. Cuộc can thiệp tại Mali năm 2013 đã thuyết phục được Ngũ Giác Đài về quyết tâm của Pháp, và sự hiện diện của ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, vốn là cựu bộ trưởng quốc phòng, bên cạnh Emmanuel Macron cũng là một ưu thế.

Macron, người đối thoại Châu Âu của tổng thống Mỹ

Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, Gérard Araud giải thích, đó là vì lợi ích của cả đôi bên. "Đối với tổng thống Pháp, dù quan điểm chính trị thế nào, có quan hệ tốt với tổng thống Mỹ - người quyền lực nhất thế giới - là rất quan trọng".

Ngay từ khi bước vào điện Elysée tháng 5/2017, ông Emmanuel Macron đã khẳng định : "Là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là cường quốc nguyên tử, nước Pháp phải biết đóng vai trò đối trọng khi thấy xuất hiện tình trạng mất cân bằng".

Để đóng được vai trò người đối thoại của Châu Âu với tổng thống Mỹ, Emmanuel Macron đã tận dụng bối cảnh hai đồng minh lớn Châu Âu của Hoa Kỳ gặp bất lợi.

Thủ tướng Anh Theresa May đang bối rối với Brexit, khó duy trì được truyền thống "quan hệ đặc biệt" giữa Luân Đôn và Washington. Và dưới mắt ông Trump, bà Angela Merkel, đang bị yếu thế sau sáu tháng thương lượng lập chính phủ, là đại diện cho Mercedes-Benz, BMW, các nhà sản xuất xe hơi "xấu xí" của Đức, cần phải đe dọa tăng thuế hải quan. Thâm hụt thương mại - nỗi ám ảnh của ông Trump - giữa Hoa Kỳ và Đức lên đến 70 tỉ đô la, còn đối với Pháp chỉ 4 tỉ đô la. Nữ thủ tướng Đức sẽ được tiếp đón tại Washington vào thứ Sáu tuần này, nhưng không với vinh dự tương tự như tổng thống Pháp.

Hậu trường vụ không kích Syria

Về cuộc không kích Syria, Le Monde tiết lộ, tối Chủ nhật 08/04/2018 tầng một của điện Elysée vẫn sáng đèn : Macron triệu tập các cố vấn thân cận cùng với đô đốc Bernard Rogel họp khẩn. Trước đó ông đã yêu cầu bộ phận đối ngoại tổ chức cuộc điện đàm với Donald Trump. Hai tổng thống Pháp-Mỹ trao đổi vào lúc nửa đêm, và trong tuần lễ tiếp theo, hàng đêm cả hai đều nói chuyện điện thoại, cho đến khi diễn ra cuộc không kích của ba đồng minh Mỹ-Pháp-Anh vào địa điểm vũ khí hóa học của Syria đêm 13 rạng 14/4.

Một nhà ngoại giao Pháp cho biết : "Vào đầu tuần, Donald Trump rất phấn khích. Ông viết nhiều tweet, cân nhắc các giải pháp khác nhau. Rồi đến khi quyết định tấn công được đưa ra, Trump hiểu rằng cần phải kín đáo hơn. Qua điện thoại, Donald Trump bỗng trở nên thận trọng hơn, nói theo cách ẩn dụ. Nơi ông ấy vẫn có điều gì mang tính kịch sĩ". Trong suốt chiến dịch, Donald Trump tỏ ra là một đối tác khả tín.

Le Figaro nhận định, nếu không có cuộc không kích chung này, Emmanuel Macron chẳng có mấy thành tích để chứng tỏ với đồng minh Mỹ. Macron là lãnh đạo Châu Âu có thể "thì thầm" vào tai ông Trump, nhưng vấn đề là có được lắng nghe hay không. Cho đến nay mối quan hệ ưu ái này vẫn chưa mang lại kết quả ngoạn mục nào, trừ loạt hỏa tiễn trên bầu trời Trung Đông. Syria, Nga… các hồ sơ mà tổng thống Pháp phải bàn bạc đối tác Mỹ không hề thiếu. Emmanuel Macron còn phải cố thuyết phục Donald Trump quay lại với hiệp định khí hậu Paris, và đừng xé bỏ hiệp ước nguyên tử với Iran.

Chuyên gia Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thông tin quốc tế (CEPII), trên La Croix cho biết thêm một mối quan ngại chung khác, đó là Trung Quốc. Những vi phạm quy định thương mại quốc tế mà trước đây có thể bỏ qua đối với các quốc gia mới nổi, nay không còn có thể chấp nhận với nền kinh tế thứ nhì thế giới. Châu Âu và Hoa Kỳ không thể tiếp tục để Bắc Kinh làm mưa làm gió với pin mặt trời vốn được trợ giá rất nhiều chẳng hạn, và sắp tới có thể là xe hơi điện. Tuy nhiên, tổng thống Pháp phải cố gắng thuyết phục ông Trump rằng một thỏa thuận đa phương là phương cách tốt nhất để giải quyết.

Cho đến nay, chính sách ngoại giao thực dụng của tổng thống Pháp đã mang lại cho ông hình ảnh tốt đẹp trên trường quốc tế, nhưng hiệu quả đến đâu ? Theo Le Figaro, không phải là dễ dàng cho Macron, trong một thế giới cũng bất định như chính bản thân ông Trump.

Cánh cửa hòa giải cho hồ sơ Iran ?

La Croixtrong bài xã luận "Một cánh cửa hòa giải" nhận xét, thế giới trong những ngày gần đây trải qua những trạng thái nóng lạnh khác nhau. Nếu Bắc Triều Tiên bỗng trở nên hòa hoãn, với thông báo hôm thứ Bảy 21/4 cho biết sẽ ngưng thử nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa, thì Iran lại đe dọa sẽ cho làm giàu uranium trở lại, nếu đến giữa tháng Năm Hoa Kỳ ngưng hiệp ước hạt nhân như tổng thống Trump đã nói.

Chắc chắn các hồ sơ này sẽ được hai tổng thống Pháp- Mỹ đề cập đến. Ông Trump tự cho rằng nhờ mình to tiếng mà Bình Nhưỡng mới biết điều hơn - việc này thì về sau lịch sử sẽ soi rọi. Tuy nhiên không thể quên vai trò trung gian kín đáo của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Cung cách gây hấn của Donald Trump đã mang lại kết quả bất ngờ, là thu hút những nỗ lực hòa giải.

La Croix đặt câu hỏi, liệu cuộc khủng hoảng Iran-Mỹ có tìm được nhà hòa giải nào hay không ? Đó là một trong những thách thức trong chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Pháp. Cần phải có được tất cả sự nhiệt thành của một Emmanuel Macron, sự mạnh mẽ của một Angela Merkel để có thể gây ảnh hưởng. Tất cả niềm tin và sức mạnh của một "lục địa củ" từng hiểu hơn ai hết, rằng nền hòa bình xứng đáng để tập trung mọi nỗ lực. Số phận của hiệp định nguyên tử Iran sẽ là thử nghiệm cho trọng lượng của Châu Âu trong trật tự thế giới mới.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 22/04/2018

Published in Video

Bắc Triều Tiên ngưng thử nguyên tử : Chưa phải là hồi kết ! (RFI, 21/04/2018)

Việc Bắc Triều Tiên loan báo chấm dứt thử nguyên tử đánh dấu một giai đoạn trong tiến trình lâu dài về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng theo AFP hôm nay 21/04/2018, điều này không có nghĩa là tham vọng nguyên tử của chế độ Bình Nhưỡng đã kết thúc.

trieutien1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xem xét một vũ khí nguyên tử. Ảnh của KCNA ngày 03/09/2017. KCNA via Reuters

Kim Jong-un sẽ bỏ rơi kho vũ khí của mình ?

Hoàn toàn không thể : nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng nói rất rõ, vũ khí nguyên tử là "bảo đảm chắc chắn cho các thế hệ con cháu sau này có thể thụ hưởng một cuộc sống xứng đáng và hạnh phúc nhất trên thế giới".

Bình Nhưỡng cũng dành cho mình quyền sử dụng trong trường hợp "bị đe dọa và khiêu khích tấn công bằng nguyên tử".

Chuyên gia Christopher Green thuộc trung tâm phân tích xung đột quốc tế International Crisis Group nhấn mạnh : "Tôi không cho rằng tuyên bố của Bắc Triều Tiên là một bước tiến đến phi hạt nhân hóa, mà chỉ là việc hoãn lại các vụ thử nguyên tử".

Loan báo trên đây diễn ra vào thời điểm như thế nào ?

Tuyên bố được đưa ra một tuần trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều, và trước cuộc gặp lịch sử giữa Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump, trên nguyên tắc sẽ diễn ra vào đầu tháng Sáu. Trước đó vài tháng, Bắc Triều Tiên cũng đã tỏ dấu hiệu hòa hoãn qua việc tham gia Thế vận hội Pyeongchang ở Hàn Quốc - cơ hội xích lại gần nhau giữa hai nước Triều Tiên.

Ngay từ đầu năm nay, ông Kim Jong-un đã loan báo hoàn tất việc củng cố sức mạnh nguyên tử, và Bắc Triều Tiên dường như cho rằng các tiến bộ kỹ thuật thực hiện được trong năm 2017 đã giúp Bình Nhưỡng có được thế mạnh trong thương lượng.

Tuy vậy các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đã bị rúng động bởi các tuyên bố hiếu chiến của chính quyền Donald Trump, trong lúc các biện pháp trừng phạt đã mang lại tác động ngày càng lớn đối với nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Được Washington đòi hỏi từ lâu, loan báo ngưng thử hạt nhân được coi là một dấu hiệu tin cậy. Theo ông Jon Wolfsthal, giám đốc Nuclear Crisis Group, Bắc Triều Tiên "mong muốn có được cuộc gặp thượng đỉnh, và trong trường hợp thất bại, chứng tỏ rằng mình biết điều".

Liệu có thể chờ đợi một thỏa thuận ?

Donald Trump đã cảnh báo là sẽ hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh dự kiến với Kim Jong-un nếu cảm thấy chẳng mang lại bao nhiêu lợi ích. Nhưng vẫn khó thể hình dung được một thỏa thuận chung cuộc về chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng, cũng các điều kiện để bảo đảm ra sao. Nhất là các sự kiện trước đó như các tuyên bố hoãn thử, những cuộc thương lượng và các thỏa thuận, trước sau đều thất bại.

Việc đóng cửa địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri có ý nghĩa gì ?

Các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên hầu như đều tiến hành tại địa điểm Punggye-ri ở miền đông bắc nước này, dưới núi Mantap. Chỉ có duy nhất một vụ được thực hiện ở nơi khác.

Tuy Punggye-ri được loan báo sẽ là sẽ đóng, nhưng không loại trừ khả năng sử dụng các địa điểm khác, cũng như việc thử nguyên tử trên không trung - theo Vipin Narang, một chuyên gia của MIT.

Nhưng chuyên gia David Albright của Institut for Science and International Security ghi nhận, ý định "bảo đảm một các minh bạch" việc kết thúc thử nghiệm là đặc biệt có ý nghĩa. "Sự minh bạch, nếu điều này là chân thực, là một nhượng bộ mang tính quyết định".

Sức mạnh của kho vũ khí Bắc Triều Tiên ?

Các chuyên gia ước tính năng lượng tỏa ra trong vụ thử hạt nhân gần nhất của Bắc Triều Tiên vào tháng 9/2017 là 250 kilotonne (250.000 tấn), tức gấp 16 lần so với quả bom nguyên tử đã san bằng thành phố Hiroshima năm 1945.

Năm 2016, Seoul nhận định người anh em láng giềng phương Bắc có đủ số lượng plutonium để chế tạo ra 10 quả bom nguyên tử.

Các câu hỏi còn lại là năng lực của chế độ Bình Nhưỡng đến đâu trong việc nhắm trúng được mục tiêu, thu nhỏ được các đầu đạn hạt nhân hoặc bảo đảm được giai đoạn các hỏa tiễn chạm vào khí quyển. Đó là ba lãnh vực mà Bắc Triều Tiên khoe là đã nắm vững.

Thụy My

*********************

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ, Hàn, Trung hài lòng, Nhật hoài nghi (RFI, 21/04/2018)

Loan báo của Bình Nhưỡng về việc chấm dứt các vụ thử nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa đã gây ra những phản ứng khác nhau tại các nước có liên quan.

trieutien2

Cơ sở nguyên tử Yongbyon của Bắc Triều Tiên. Ảnh tư liệu chụp ngày 27/06/2008. Reuters/Kyodo

Hoa Kỳ, Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng

Tại Hoa Kỳ tổng thống Donald Trump phản ứng ngay lập tức về quyết định của Bình Nhưỡng ngưng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Qua Twitter, tổng thống Mỹ coi đây là "một tin rất vui đối với Bắc Triều Tiên và thế giới". Chủ nhân Nhà Trắng nói đến "một tiến bộ to lớn" và cho biết ông đang nóng lòng tham gia thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên.

Trước đây ba ngày, hôm 18/04/2018 cũng ông Trump từng dọa "hủy đàm phán" với lãnh đạo Bắc Triều Tiên nếu xét thấy"đối thoại không đem lại kết quả". Ngược lại, nếu như Bình Nhưỡng tiến hành công cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân một cách "toàn diện, thực sự và không thể đảo ngược" thì "một con đường mới đầy hứa hẹn đang mở ra cho Bắc Triều Tiên".

Nhìn từ Seoul, phủ tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh Bình Nhưỡng tạo "môi trường rất thuận lợi cho thượng đỉnh liên Triều" sắp mở ra vào ngày 27/04/2018.

Bắc Kinh muốn tranh công

Chỉ vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên thông báo ngưng các chương trình nguyên tử và đạn đạo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng quyết định nói trên là một dấu hiệu mới làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài RFI Angélique Forget từ Thượng Hải cho biết :

"Bắc Kinh, đồng minh truyền thống và trên phương diện ngoại giao của Bình Nhưỡng, hoan nghênh quyết định nói trên. Trung Quốc khẳng định là sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong nỗ lực nối lại đối thoại với Hàn Quốc. Bộ ngoại giao Trung Quốc hy vọng quyết định ngưng các chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân sẽ cho phép Bắc Triều Tiên tập trung vào việc 'phát triển kinh tế'.

Trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và thường xuyên kêu gọi Bắc Triều Tiên tránh để 'tình hình thêm nghiêm trọng'.

Trung Quốc cũng đã thường biểu quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành.

Nhưng kể từ chuyến công du bất ngờ của ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh hồi tháng 3/2018, quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã được sưởi ấm.

Trung Quốc muốn chứng minh là làm chủ hồ sơ Bắc Triều Tiên và ông Tập Cận Bình là đối tác đặc biệt của Kim Jong-un, trước cả Donald Trump. Để minh họa cho đều này, chủ tịch Trung Quốc vào giữa tuần qua đã thông báo là sẽ sớm viếng thăm Bình Nhưỡng. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc tại quốc gia còn khép kín này".

Tokyo hoài nghi

Riêng Nhật Bản vẫn rất thận trọng. Thủ tướng Shinzo Abe nhìn nhận thiện chí của Bình Nhưỡng, nhưng đòi Bắc Triều Tiên phải "hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo" Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng. Thông tín viên đài RFI Frédéric Charles từ Tokyo tường thuật :

"Tên lửa Bắc Triều Tiên tối thiểu là đã hai lần bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Tokyo không tin tưởng vào quyết tâm của Bình Nhưỡng từ bỏ loại vũ khí này hay từ bỏ bom nguyên tử. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera lưu ý rằng ông Kim Jong-un không đả động đến việc từ bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Khoảng 100 trong số này đang chĩa về phía Tokyo và Osaka. Nói một cách khác, (vẫn theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật) trong trường hợp đạt được một thỏa thuận với Donald Trump, Kim Jong-un sẵn sàng từ bỏ kế hoạch dùng tên lửa tầm xa để tấn công các thành phố trên lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng vẫn giữ quyền uy hiếp các thành phố của Nhật Bản với các loại tên lửa tầm ngắn.

Tokyo lo ngại tổng thống Trump trước hết tìm cách bảo đảm là Bắc Triều Tiên không tấn công vào lãnh thổ Mỹ, cho dù là để đạt được điều đó, Washington có thể hy sinh an ninh của Nhật Bản.

Trong khi đó, chiếu theo Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật, Washington phải cùng lúc bảo đảm được cả hai mục tiêu là an ninh cho Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ Mỹ lớn nhất được đặt tại Nhật Bản".

Thanh Hà

******************

Bắc Triều Tiên tuyên bố chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa (RFI, 21/04/2018)

Hôm 21/04/2018, Bắc Triều Tiên loan báo chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, cũng như đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định ngoạn mục này, trong khi Nhật Bản đón nhận một cách thận trọng.

trieutien3

Kim Jong-un tập trung cho chương trình hỏa tiễn đạn đạo, năm 2012 tại Bình Nhưỡng. KCNA/via Reuters/File Picture

Hãng tin chính thức KCNA trích lời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thông báo : "Kể từ ngày 21/04, Bắc Triều Tiên sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa". Theo lời ông Kim Jong-un, cơ sở được dùng để tiến hành các vụ thử hạt nhân đã "hoàn thành nhiệm vụ", cho nên Bắc Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở này để thể hiện cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân.

Tuy nhiên, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng không nói đến chuyện giải trừ kho vũ khí nguyên tử của nước này. Ông Kim Jong-un bảo đảm là việc gắn các đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo "đã được hoàn tất".

Phủ tổng thống Hàn Quốc đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định nói trên của Bình Nhưỡng, trong khi phe đối lập ở nước này thì tỏ vẻ hoài nghi. Từ Seoul, thông tín viên Louis Palligiano tường trình :

"Quyết định của Bắc Triều Tiên là một tiến bộ đáng kể đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều mà cả thế giới đều mong muốn. Đó là tuyên bố của văn phòng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay.

Vào lúc chưa tới một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh hiếm hoi giữa lãnh đạo của hai miền Triều Tiên, Seoul xem sáng kiến của Bình Nhưỡng là nền tảng cho một môi trường rất thuận lợi cho thành công của thượng đỉnh liên Triều, cũng như cho thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Mặt khác, trong phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên hôm qua, Bình Nhưỡng đã hé lộ một đường lối mới.

Chế độ của Kim Jong-un kể từ nay muốn tập trung vào việc khôi phục một nền kinh tế đang bị kiệt quệ do hậu quả của các biện pháp trừng phạt quốc tế. Khi chuyển theo hướng ngoại giao, qua việc loan báo ngừng chương trình phát triển vũ khí, Kim Jong-un đang tìm đủ mọi cách để chứng tỏ ông là lãnh đạo của một quốc gia "bình thường".

Nhưng ở phía bên kia biên giới, công luận vẫn còn hoài nghi. Đảng đối lập chính của Hàn Quốc cho rằng lời hứa nói trên của Bình Nhưỡng vẫn còn xa so với mục tiêu phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được". Nhiều nhà quan sát cho rằng thông báo ngưng thử hạt nhân chẳng có ý nghĩa gì, bởi lẻ Bắc Triều Tiên đã có trong tay các vũ khí nguyên tử".

Thanh Phương

Published in Quốc tế