Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tàu ma Bắc Triều Tiên ngoài khơi Nhật Bản : Hệ quả cấm vận quốc tế ?

Vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên giảm nhiệt, nhờ điều có thể gọi là chính sách ngoại giao "Thế Vận", nhật báo Pháp Le Monde đề ngày hôm nay 12/10/2018, đã có một bài phân tích rất thú vị về hiện tượng gọi là "tàu ma "Bắc Triều Tiên ngoài khơi Nhật Bản tăng cao trong những năm gần đây.

tauma1

Một thuyền gỗ có tám người bị nghi là ngư dân Bắc Triều Tiên bị cảnh sát Nhật chặn bắt ở ngoài khơi Yurihonjo, Akita, ngày 24/11/2017. Mandatory credit Kyodo/via Reuters

Theo phóng viên Philippe Mesmer của Le Monde, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này rất có thể là chính sách cấm vận mà quốc tế đang áp dụng nhắm vào chế độ Kim Jong-un để buộc chính quyền Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

"Tàu ma" là tên mà người Nhật dùng để chỉ những chiếc tàu đánh cá ọp ẹp của ngư dân Bắc Triều Tiên, thường là không có thiết bị điều hướng, vào đánh bắt trái phép trong vùng biển của Nhật Bản nhưng lại bị nạn, trôi lênh đênh ngoài khơi hay dạt vào bờ biển Nhật Bản, nhiều khi trên tàu không còn ai, hoặc chỉ có xác chết.

Theo ghi nhận của Le Monde, việc tàu cá Bắc Triều Tiên vào đánh bắt trộm trong vùng biển Nhật Bản đã có từ lâu, nhưng vào năm 2017, số lượng tàu ma đặc biệt cao. Tuần duyên Nhật Bản đã thống kê được đến 104 tàu thuyền loại này, so với 80 chiếc vào năm 2013, bắt giữ 42 người và phát hiện 35 thi hài.

Phản ứng của người Nhật đối với vụ này rất khác nhau. Có người nhớ lại các vụ gián điệp Bình Nhưỡng bắt cóc người Nhật đưa về Bắc Triều Tiên trước đây, và lo ngại rằng những con tàu đó lén lút đưa gián điệp Bắc Triều Tiên thâm nhập Nhật Bản. Nỗi lo ngại này lại càng tăng trong bối cảnh Nhật Bản bị chương trình tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên đe dọa, với một vài hỏa tiễn của Bình Nhưỡng đã bay qua Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Le Monde, việc số lượng tàu ma Bắc Triều Tiên ngoài khơi Nhật Bản tăng cao trong năm 2017 rất có thể là hậu quả gián tiếp của việc các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Bắc Triều Tiên càng lúc càng được thắt chặt thêm.

Bán quyền đánh cá cho Trung Quốc khiến ngư dân Bắc Triều Tiên phải đi xa

Vì thiếu thanh khoản, lại không còn khả năng xuất khẩu thủy sản mình đánh bắt được, chế độ Kim Jong-un đã quyết định bán quyền khai thác tài nguyên thủy sản của mình cho Trung Quốc. Theo báo cáo của cơ quan mật vụ Hàn Quốc, vào năm 2010, Bình Nhưỡng đã cấp ra 250 giấy phép đánh bắt ở Biển Nhật Bản, nhưng vào năm 2016, số lượng này đã tăng vọt thành 2.500, với trị giá 82 tỷ won (64 triệu euro).

Hậu quả là ngư dân Bắc Triều Tiên phải đi đánh bắt ở những nơi càng lúc càng xa hơn.

Ngay tại Bắc Triều Tiên, mối lợi thu từ ngành ngư nghiệp đã kích động lòng tham của các giới có chức có quyền. Theo các cơ quan tình báo Hàn Quốc, vụ nhân vật quyền thế Jang Song-thaek (1946-2013), chú dượng của lãnh đạo Kim Jong-un bị thanh trừng vào năm 2013, bắt nguồn từ việc tranh giành một công ty tại Nampo, cảng lớn ngay cạnh Bình Nhưỡng, chuyên kiểm soát việc đánh bắt cá ở Hoàng Hải.

Dưới thời Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đã đưa ngư nghiệp lên hàng ưu tiên phát triển. Ngoài các chuyến ra đánh bắt ngoài khơi xa, chế độ cũng hỗ trợ một hoạt động thủy sản quan trọng, đặt chỉ tiêu sản lượng cao và thưởng công cho ngư dân nào đạt được. Vào tháng 11/2017, tờ Rodong Sinmun của Bắc Triều Tiên đã kêu gọi ngư dân tiến hành "cuộc chiến quan trọng" để đạt chỉ tiêu vào mùa đông, và so sánh "Cá là đạn pháo" giáng xuống kẻ thù.

Áp lực của chính quyền buộc ngư dân Bắc Triều Tiên chấp nhận rủi ro nhiều hơn với các công cụ đã lỗi thời. Bên cạnh nhu cầu cung cấp thức ăn cho người dân, thủy sản cũng là tăng thu nhập cho quân đội, định chế quản lý hoạt động này.

Trên con tàu ma Bắc Triều Tiên với toàn bộ thủy thủ đoàn bị chặn giữ tại vùng Hokkaido hôm 29/11/2017, có ghi hàng chữ bằng tiếng Hàn : "Đơn vị 854 của quân đội của nhân dân".

Le Monde không quên nhắc lại rằng trong các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vào tháng 8/2017 có việc cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than, khoáng sản và thủy sản, cắt giảm khoảng 1 tỷ đô la thu nhập của chế độ Bình Nhưỡng.

Tranh cãi về phong trào chống sách nhiễu tình dục

Bên cạnh bài viết đáng chú ý nêu trên, Le Monde hôm nay đã dành tựa lớn trang nhất cho một hồ sơ đang sôi nổi : nạn phụ nữ bị quấy rối tình dục.

Điểm đáng chú ý là Le Monde đã nêu bật các phản ứng rất khác nhau của phụ nữ trước một thư ngỏ mà tờ báo đã cho đăng, được 100 người ký tên, trong đó họ tố cáo điều được gọi là chủ nghĩa tự cho mình là thanh cao và tâm lý tự cho mình là nạn nhân của phong trào #metoo, xuất hiện sau vụ nhà sản xuất phim đầy thế lực Harvey Weinstein bị tố cáo sách nhiễu tình dục rất nhiều người. Những người theo phong trào #metoo là những người đã lên tiếng kể lại những trường hợp lạm dụng mà chính họ là nạn nhân.

Đối với Le Monde, cuộc tranh cãi bùng lên không chỉ giới hạn ở nước Pháp, mà còn lan rộng trên thế giới, và đã phơi bày những mâu thuẫn dai dẳng, đã có từ lâu về phong trào đấu tranh đòi nữ quyền.

Bà Michelle Perrot, nhà sử học chuyên nghiên cứu phong trào nữ quyền, đã cực lực đả kích những phụ nữ đã ký tên vào lá thư khi cho rằng "Thái độ thiếu đoàn kết (với những người đồng giới) của họ và sự vô tâm của họ đối với những hành vi bạo lực đã làm tôi phải sững sờ".

Một sử gia về phong trào giải phóng phụ nữ khác cũng đả kích những tác giả của bức thư ngỏ, cho rằng tệ nạn cưỡng bức hay sách nhiễu phụ nữ không phải là điều hoang tưởng hay hư cấu nghệ thuật, mà là những gì có thực. Và khi phụ nữ đòi thoát ly khỏi tầm khống chế của nam giới, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là họ căm ghét đàn ông.

Trước những lời phản đối đó, Sarah Chiche, một trong những người chủ trương lá thư ngỏ đã lên tiếng bênh vực cho quan điểm của mình và tố cáo hiện tượng mà bà gọi là "thiết lập một chuẩn mực đạo đức mới".

Pháp siết chặt luật nhập cư, dư luận bất bình xuất hiện

Báo Libération đã dành trang nhất để nói về dự luật nhập cư mới của chính quyền Pháp đang làm cho các hiệp hội bảo vệ người nhập cư bất bình. Tựa đề trang nhất của báo Libération rất mỉa mai :

Dưới tiểu tựa : "Sàng lọc những người di cư", là tựa lớn lập lại một khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng của hãng điện tử Nhật Bản Sony : "Sarkozy hằng mơ ước và Macron đã thực hiện điều đó".

Trong bài xã luận, Libération nêu rõ : " (...) Tăng gấp đôi thời gian tạm giam, rút ​​ngắn thời gian kháng cáo, ý định được công khai hóa là tăng đáng kể các lệnh trục xuất : đa số bảo thủ (trước đây) đã không áp dụng các biện pháp ngặt nghèo như vậy. Pasqua (cựu bộ trưởng nội vụ nổi tiếng là cứng rắn) không hề nghĩ đến điều đó, cựu tổng thống Sarkozy (cánh hữu) cũng chỉ dám mơ về nó mà thôi, thế nhưng Macron đã làm điều đó".

Theo Libération, cần phải cấp bách đòi thu hồi thông tri của bộ trưởng nội vụ Collomb, vốn có tác dụng "loại bỏ nơi dung thân cho người nhập cư, dù chỉ trong một đêm, và mâu thuẫn với truyền thống hàng thế kỷ trước cuộc Cách Mạng 1789, thậm chí tồn tại từ thời cổ đại Hy Lạp hoặc La Mã…".

Liên Hiệp Châu Âu không thể bị chia rẽ thành hai khối đông-tây

Báo Le Figaro đã nhìn rộng ra toàn Châu Âu, lo ngại rằng hố chia cách hai khối Đông và Tây Âu đang rộng ra. Trong bài xã luận, Arnaud de La Grange ghi nhận : "(...) Được Ba Lan và Hungary cầm đầu, những quốc gia trước đây rất sốt sắng ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, hiện đang nổi dậy chống lại "trật tự Bruxelles". Bước ngoặt lớn là cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015".

Đối với nhật báo cánh hữu, để sự thiếu cảm thông lẫn nhau không biến thành chia rẽ, những nước lớn của Châu Âu sẽ phải quan tâm đến những khát vọng cụ thể của các đàn em phương Đông (...), trong lúc những quốc gia đó cũng phải hiểu rằng Châu Âu không phải là một "siêu thị", như tổng thống Pháp đã nói. Về mặt công lý và quyền tự do ngôn luận, Châu Âu có những giá trị không thể "thương lượng được".

Putin không đối thủ

Nhật báo công giáo La Croix vào hôm nay rất khác với các đồng nghiệp khi dành trang nhất cho tình hình chính trị Nga.

Với hàng tựa lớn ở trang nhất : "Putin không đối thủ", bên trên nền ảnh lớn của tổng thống Nga đang đứng với một vẻ mặt lạnh lùng, tờ báo Pháp giải thích thêm :

"Nhờ khống chế được hoàn toàn guồng máy Nhà nước, cho phép ông kiểm soát những người đối lập với ông, chủ nhân điện Kremlin đang thanh thản tiến bước đến cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/03".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế
vendredi, 12 janvier 2018 01:37

Thời sự Pakistan, Ấn Độ

Donald Trump đang đẩy Pakistan vào tay Trung Quốc (RFI, 12/01/2018)

Lên án Pakistan "lừa đảo" không tích cực chống khủng bố, Hoa Kỳ đe dọa ngưng viện trợ. Quyết định này nếu được thực hiện có thể gây khó khăn kinh tế cho quốc gia Hồi Giáo, nhưng Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại nặng về địa chiến lược nếu Pakistan ngả theo Trung Quốc.

pakistan1

Dân Pakistan biểu tình chống chính quyền Trump tại Peshawar, Pakistan ngày 05/01/2018 Reuters /Fayaz Aziz

Trong thông điệp đầu năm, tổng thống Mỹ Donald Trump dùng lời lẽ nặng nề lên án Pakistan, "đồng minh số một" của Mỹ, ngoài NATO : Hoa Kỳ đã cấp cho Pakistan 33 tỷ đôla trong 15 năm qua (nhưng họ) cho khủng bố bị chúng ta đánh đuổi từ Afghanistan chạy sang trú ẩn mà không làm gì cả. Họ lừa đảo, dối trá, xem các tổng thống Mỹ là khờ dại. Thôi nhé !

Theo một viên chức bộ Quốc Phòng Mỹ, Washington có thể phong tỏa 2 tỷ đôla, tiền viện trợ của năm nay và hủy bỏ quy chế "đồng minh số một của Mỹ ngoài NATO" mà tổng thống George Bush Jr đã cấp cho Islamabad năm 2004, sau vụ khủng bố Al Qaida ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khác với tuyên bố đao to búa lớn của chủ nhân Nhà Trắng, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis tỏ ra nhẫn nại hy vọng Islamabad "tỏ tín hiệu thay đổi, thấy rõ khủng bố là kẻ thù chung" thì Hoa Kỳ sẽ tái lập viện trợ.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy là nếu lời đe dọa của Donald Trump được thi hành thì Mỹ sẽ rơi vào thế lợi ít, hại nhiều.

Lợi bất cập hại

Theo AFP, so với trọng lượng kinh tế của Pakistan, 300 tỷ đôla GDP mỗi năm, thì 2 tỷ đôla viện trợ Mỹ không là bao. Cho đến giai đoạn này, giới chuyên gia tại Islamabad không sợ về việc nước này bị mất viện trợ. Pakistan chỉ lo ngại Washington gây áp lực với các định chế tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì lúc đó sẽ khó mà vay tiền để tài trợ cho các dự án phát triển quốc gia.

Khalid Mahmood, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của chính phủ Islamabad, chua chát nhận định : chúng tôi là nước đồng minh thân thiết nhất trong một giai đoạn, nhưng đến một giai đoạn khác thì bị trừng phạt nghiêm khắc nhất trong số các nước bị trừng phạt.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu trí này, Washington không ở thế chủ động mà còn có nguy cơ mất mát nhiều. Thượng nghị sĩ Mushahid Hussain Sayed dọa ngược lại Mỹ : nếu Hoa Kỳ tiếp tục hù dọa chúng tôi, quy trách nhiệm cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ chọn giải pháp khác. Giải pháp đó, theo AFP, là ngả theo Trung Quốc, đồng minh cũ của Pakistan trước 2001.

Ngày 09/01/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Pakistan Khuram Dastgir Khan chỉ trích Mỹ "đem Pakistan làm vật tế thần, biện minh cho chính sách thất bại tại Afghanistan" và thông báo "ngưng hợp tác với Mỹ về phòng thủ và an ninh tình báo". Chính phủ Pakistan chưa chính thức thông báo với Mỹ quyết định này, nhưng hệ quả trước mắt là quân đội Mỹ và NATO trên chiến trường Afghanisstan sẽ vất vả hơn, vì Taliban sẽ có hậu cứ an toàn ở Pakistan.

Trong khi đó, Bắc Kinh nhanh chóng bênh vực Islamabad trước những lời công kích của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 02/01/2017, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định là "sẽ tăng cường giúp nước bạn muôn đời Pakistan trong mọi lãnh vực". Trong dự án "con đường tơ lụa" Bắc Kinh đề nghị đầu tư 60 tỷ đôla xây dựng hạ tầng cho Pakistan.

Trừ phi tổng thống Donald Trump có một nước cờ độc đáo, buộc Pakistan sát cánh với Mỹ, thái độ đe dọa của ông chỉ làm Hoa Kỳ cô đơn trên chiến trường, mất đi một đồng minh cốt lõi trong khu vực và tạo thêm vây cánh cho Trung Quốc.

Tú Anh

******************

Ấn Độ lần đầu tiên mời toàn bộ 10 lãnh đạo ASEAN đến dự Quốc Khánh (RFI, 11/01/2018)

Mười nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ là khách mời danh dự của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong dịp Quốc khánh, trong bối cảnh New Delhi đang tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Bộ Ngoại Giao Ấn Độ hôm 10/01/2018 cho biết như trên.

nama1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (người thứ 5 từ trái sang) tại thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN lần thứ 14 tại Vientiane (Lào), ngày 08/09/2016. Ảnh minh họa. Reuters/Soe Zeya Tun

Theo truyền thống, chỉ có một nhân vật ngoại quốc là khách mời danh dự trong cuộc diễu binh nhân Quốc Khánh Ấn Độ 26/01. Nhưng năm nay cả 10 nhà lãnh đạo của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Miến Điện, Campuchia, Lào và Brunei đều là thượng khách. Preeti Saran, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết rất vui mừng vì tất cả lãnh đạo ASEAN đều nhận lời tham dự.

Thủ tướng Modi qua chính sách "Hành động phương Đông" muốn chứng tỏ Ấn Độ có thể thay chân Trung Quốc, siết chặt quan hệ thương mại và văn hóa với ASEAN để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Một hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức ngày 25/01 để kỷ niệm một phần tư thế kỷ quan hệ với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong hội nghị kéo dài hai ngày này, thủ tướng Ấn sẽ có cuộc thảo luận "tự do và thẳng thắn" với các đồng nhiệm Đông Nam Á, và an ninh hàng hải khu vực sẽ chiếm phần lớn chương trình nghị sự.

Hiện chưa rõ vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, nơi nhiều quốc gia ASEAN tranh chấp, có được đưa vào thảo luận hay không.

Thụy My

Published in Châu Á

Macron tại Trung Quốc : "Bước đầu nhiều hứa hẹn"

Pháp chuẩn bị dư luận về một dự luật đón nhận người nhập cư khắt khe hơn là chủ đề chính trên nhiều tờ báo Paris trong ngày. Bên cạnh đó là dư âm chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron kết thúc ngày 10/01/2018.

macron2

Tổng thống Pháp Macron giới thiệu phái đoàn với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters

Các tờ báo Paris đánh giá tốt chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. La Croix trích lời giám đốc Viện Quan Hệ Chiến Lược Pháp IRIS, Barthélémy Courmont : ông Macron đã "chinh phục được Bắc Kinh, đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo Châu Âu trẻ tuổi, năng động". Với Macron, Pháp trở thành một đối tác "vững chắc để Trung Quốc củng cố vị thế tại Châu Âu".

Trả lời báo Le Figaro nhà nghiên cứu Pháp về Trung Quốc, Alice Ekman, cũng đánh giá một cách tích cực không kém về phong cách ngoại giao của chủ nhân điện Elysée. Theo bà Ekman, tổng thống Macron vừa có những lời lẽ khiến nước chủ nhà hài lòng, vừa tỏ thái độ cứng rắn khi đưa ra những đòi hỏi "rõ ràng, cụ thể và thực tế" chẳng hạn như việc đòi Bắc Kinh tạo điều kiện để các doanh nhân Pháp và Châu Âu dễ vào Trung Quốc làm ăn hơn.

Libération không khoan nhượng với ông Macron bằng Le Figaro : tổng thống Pháp nói tới thời điểm để hai nước "cùng hướng về một tương lai chung" mà quên mất rằng, trên thực tế, làm ăn tại Trung Quốc vô cùng vất vả. Nhất là trong bối cảnh từ khi lên cầm quyền cuối 2012 ông Tập đã thâu tóm luôn cả chính sách kinh tế vào tay.

Les Echos chú ý đến một khía cạnh khác : "Macron khai thác lá bài Châu Âu để mặc cả với Bắc Kinh" đồng thời kêu gọi các đối tác tại Lục Địa Già cùng có chung một lập trường khi đối thoại với ông khổng lồ Trung Quốc, ít ra là trên hai hồ sơ lớn.

Một là bảo vệ những lĩnh vực kinh tế được coi là chiến lược của Châu Âu trước các dự án đầu tư của nước ngoài, và hai là Bruxelles nên có cùng một chiến lược trước dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 đang được Bắc Kinh thúc đẩy.

Có điều, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Paris khó thuyết phục được các đối tác Châu Âu trong lúc mà Trung Quốc đem những dự án đầu tư hàng tỷ euro ra để chiêu dụ các nước Đông và Trung Âu hòng mở rộng ảnh hưởng của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới.

Với Trung Quốc, Macron và Châu Âu còn phải "học hỏi nhiều"

Le Monde trong bài xã luận phân tích : Đối thoại với Tập Cận Bình, Emmanuel Macron tự đặt ông vào vai trò của một đại diện cho toàn khu vực Liên Hiệp Châu Âu. Đấy không hẳn là việc làm vô ích, bởi Trung Quốc luôn khai thác những chia rẽ trong nội bộ của Liên Âu để trục lợi.

Trước khi Emmanuel Macron lên đường sang Bắc Kinh, điện Elysée đã nhấn mạnh đến mục tiêu đạt đến một mối quan hệ "có lợi cho cả đôi bên", đòi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Pháp, "cân bằng lại cán cân thương mại" vốn bất lợi cho Pháp. Đích thân lãnh đạo Pháp từng tâm sự với báo chí rằng, với Trung Quốc cũng như với tất cả mọi người, ông luôn "nói thẳng, nói thật" và bảo vệ quyền lợi của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu.

Trên thực tế, Le Monde nhận định : nhiệm vụ "nói thẳng, nói thật" với Trung Quốc lần này được tổng thống Pháp nhường lại cho bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire khi ông này tuyên bố rằng Pháp nói riêng, Liên Hiệp Châu Âu nói chung sẽ không chấp nhận các dự án đầu tư theo kiểu để bị "rút ruột".

Về câu hỏi liệu rằng chủ trương "có qua có lại" và đòi hỏi "trao đổi hai chiều" mà tổng thống Pháp đề xuất được Trung Quốc tiếp thu tới mực độ nào, tác giả bài viết cho rằng, đằng sau nụ cười khi tiếp Emmanuel Macron, ông Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ cam kết nào.

Cần có thêm thời gian mới biết được chính sách ngoại giao kiểu của tổng thống Macron có hiệu quả hay không. Tới nay, Trung Quốc hoàn toàn làm chủ được nghệ thuật vừa bảo vệ thị trường nội địa, vừa thâu tóm công nghệ cao qua chính sách đầu tư có chọn lọc. Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu còn phải học hỏi nhiều.

Malaysia : Tương lai đối lập trong tay cụ già 92 tuổi

Vẫn trong khu vực Châu Á, Le Monde chú ý đến sự kiện cựu thủ tướng Mahathir Mohamad 92 tuổi, được đối lập Malaysia chỉ định ra tranh cử, đối đầu với chính quyền Kuala Lumpur đương nhiệm của ông Najib Razak đang bị tố cáo tham nhũng. Đến tháng 8/2018 cử tri Malaysia được kêu gọi bầu lại Quốc Hội.

Tờ báo nhắc lại rằng cựu thủ tướng Mahathir từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt trong 22 năm liền (1981-2003). Một trong những nạn nhân của chính sách đàn áp đối lập dưới thời ông Mahthir chính là Anwar Ibrahim, người từng được ông ta nâng đỡ một thời.

Nhưng rồi, thời thế đẩy đưa : từ là bạn đến thù, cặp bài trùng Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim lại trở thành những đồng minh bất đắc dĩ. Họ đã bắt tay nhau vào năm 2016 và gần đây ông Mahathir thông báo chọn vợ của ông Anwar Ibrahim là người đứng liên danh ra tranh cử.

Trước mắt, đảng UMNO truyền thống của thủ tướng Najib Razak đang mở cờ trong bụng, và cho rằng liên minh Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim đang dọn sẵn đường cho chính quyền đương nhiệm nắm giữ quyền lực thêm một nhiệm kỳ.

Một chút hy vọng từ bán đảo Triều Tiên

Sau khi Hàn Quốc để ngỏ cánh cửa đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, La Croix cho rằng, thay vì nói đến "tác động của Donald Trump" như chủ nhân Nhà Trắng tự khoe, có lẽ chúng ta nên nói tới "ép- phê Olympic".

Tới nay các kỳ Thế Vận Hội thường bị chí trích là "thái quá" hay "quá tốn kém". Nhưng đôi khi cũng phải nhìn nhận rằng sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần này có ý nghĩa riêng của nó. Điển hình là hồ sơ bán đảo Triều Tiên, sau khi hai miền Nam và Bắc đã đồng ý về thể thức để một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Pyeonchang dự Olympic mùa đông vào tháng tới.

Đương nhiên thỏa thuận mà Seoul và Bình Nhưỡng đạt được cách nay hai ngày chỉ mang tính tạm thời, nhưng văn bản ấy đã góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực. Mọi người tin rằng, ít ra trong suốt thời gian các lực sĩ tranh tài, Kim Jong-un sẽ không gây rối loạn trật tự thế giới. Chưa ai biết được những gì sẽ xảy ra khi Olympic hạ màn, nhưng mọi người, và đứng đầu trong số ấy là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hy vọng hai nước Triều Tiên sẽ tiếp tục kênh đối thoại.

Tác giả bài viết trên nhật báo La Croix thán phục thái độ bình tĩnh hiếm thấy của ông Moon trong lúc mà Kim Jong-un và Donald Trump đọ sức xem ai có nút hạt nhân to hơn ai ! Chẳng những thế, lần này Seoul chính thức giữ khoảng cách với đồng minh Mỹ khi quyết định nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Steve Bannon : Lên voi xuống ... chó

Nhân vật người Mỹ được các tờ báo Paris chú ý đến nhiều hôm nay không còn là Donald Trump mà chính là cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, Steve Bannon, người vốn được mệnh danh là "người chuyên rỉ tai" ông Trump và rất được tổng thống Hoa Kỳ lắng nghe.

Dù vậy, giữa tháng 8/2017 Steve Bannon mất chức cố vấn chiến lược của Nhà Trắng. Tuần qua, ông ta mất luôn cả chiếc ghế lãnh đạo mạng truyền thông Breihart News do chính mình lập ra. LibérationLe Figaro chạy tựa gần giống nhau : "Bannon vĩnh viễn bị loại trừ", "loại trừ ra khỏi vòng quyền lực".

Đâu là lý do để một trong những cố vấn được xem là thế lực nhất của triều đại Trump bị thất sủng, "trắng tay" như vậy ? Theo Libération, đây là hậu quả trực tiếp từ dư âm của cuốn Fire and Fury được công bố hồi tuần trước.

Một khi bị gạt khỏi quỹ đạo của Donald Trump, Steve Bannon liên tục chĩa mũi dùi vào Donald Trump và gia đình tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nào là việc ông cho rằng Trump không đủ khả năng cầm quyền, nào là những chỉ trích nhắm cặp vợ chồng Ivanka, trưởng nữ của chủ nhân Nhà Trắng, hay việc phê phán con trai ông Trump liên hệ với một luật sư Nga, điều mà Bannon không ngần ngại gọi là một hành vi "phản quốc".

Le Figaro tóm gọn hoàn cảnh của Steve Bannon : "Từ một một công thần, Bannon mất hết tất cả". Chỉ cách nay một năm, việc Donald Trump chinh phục Nhà Trắng được Bannon coi là một "đại tác phẩm" do chính ông ta nhào nặn. Giờ đây, chính Bannon bị Donald Trump "ruồng bỏ", gây áp lực để tước đoạt luôn cả chức giám đốc điều hành mạng thông tin cực hữu Breihart News của ông ta.

Năm trước, không thiếu gì những người chầu chực trước cửa nhà Bannon, mong thông qua Steve có thể đến gần được hơn với vua mặt trời là Donald Trump hay cô Ivanka. Giờ đây, cả thế giới chính trị thu nhỏ ở Washington không một ai đoái hoài đến Bannon.

Pháp thắt chặt chính sách nhập cư

Trở lại với thời sự Pháp : thủ tướng Edouard Philippe tiếp đại diện các hiệp hội bảo vệ người nhập cư, "chuẩn bị dư luận" trước khi trình bày về dự luật tiếp nhận di dân và tháng 2/2018.

Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Một cuộc trắc nghiệm về đường lối cứng rắn của Macron" trên hồ sơ này. Hiềm nỗi, một phần trong nội bộ đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron phản đối chính sách di dân "cứng rắn và hẹp lòng nhân đạo"

Tờ Le Monde cho rằng : chính phủ tìm cách xoa dịu công luận nhưng chắc chắn không nhượng bộ gì nhiều. Cụ thể là các biện pháp trục xuất sẽ gia tăng, và Pháp sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều khi chấp nhận quy chế tị nạn cho người nước ngoài.

Thị trường carbon Trung Quốc

Cuối cùng, trong lĩnh vực môi trường : vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng quay trở lại với thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu, Le Figaro cho biết "Trung Quốc hình thành thị trường carbon quốc gia" :

Từ năm nay, 1700 nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nặng buộc phải hạn chế lượng khí thải carbon. Đây là một bước tiến rất quan quan trọng, vì các doanh nghiệp này phát thải 1/3 trong tổng số 11 tỉ tấn carbon thải ra môi trường tại nước này trong một năm. Trung Quốc vốn là quốc gia phát thải nhiều khí carbon nhất hành tinh.

Đến ngưỡng 2020, số doanh nghiệp tham gia thị trường carbon Trung Quốc sẽ lên tới 10.000.

Mục tiêu của thị trường carbon Trung Quốc là chuyển hướng nền công nghiệp nước đông dân nhấn địa cầu thành một nền công nghệ xanh.

Trong buổi làm việc tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề xuất với đồng nhiệm Trung Quốc rằng năm 2018-2019 sẽ là năm Pháp-Trung về chuyển đổi sinh thái để huy động các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, nhà nghiên cứu, sinh viên, trường đại học, các thành phố và vùng miền của hai nước hành động để góp phần khiến hành tinh sạch đẹp hơn.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Trung Quốc khôn khéo tạo dựng mạng lưới ảnh hưởng ở Châu Âu

Trong bài viết mang tựa đề "Bắc Kinh âm thầm dệt mạng lưới ở Bruxelles", Le Monde cho biết Trung Quốc lâu nay chủ trương quan hệ song phương, nay đã ý thức được lợi ích của việc tập trung gây ảnh hưởng ngay tại trái tim Châu Âu – một phương tiện để chống lại các ý định trừng phạt bán phá giá của Liên hiệp.

tqac1

Piraeus, cảng lớn của Hy Lạp, cửa ngõ vào Châu Âu đã bị Trung Quốc mua lại.© Charlotte Stievenard

Bắc Kinh ngày càng đầu tư vào các hoạt động lobby, cho dù trong danh sách chính thức chỉ có khoảng hơn một chục nhà vận động hành lang cho Trung Quốc đăng ký.

Le Monde dẫn ra một ví dụ là hiệp hội China-EU do ông Luigi Gambardella làm chủ tịch, cho rằng mình chỉ đưa ra những "sáng kiến thiện chí", và giấu biệt nguồn tài trợ. Tuy chưa bao giờ đặt chân đến Hoa lục trước đó, doanh nhân người Ý này từ năm 2014 đã ra vào Trung Quốc khoảng 15 lần. Ông ta điều hành quỹ Madariaga, gắn kết với Collège de l’Europe, trường đào tạo các viên chức cao cấp Châu Âu.

Nguyên phó tổng giám đốc phụ trách thương mại của Ủy ban Châu Âu, ông Pierre Defraigne đặt nghi vấn về tài trợ của Trung Quốc cho quỹ này. Theo ông, "Trung Quốc tìm cách cạnh tranh với ảnh hưởng Hoa Kỳ ở Bruxelles". Khó khăn của Bắc Kinh là "người Mỹ bảo vệ cho một quan điểm, trong lúc người Trung Quốc bảo vệ các lợi ích cụ thể của mình và bị tai tiếng về nhân quyền". Ông Defraigne nhận định, Bắc Kinh nắm rất rõ cơ chế hoạt động của bộ máy lãnh đạo Châu Âu.

Trung Quốc biết cách cao giọng khi quyền lợi bị đụng chạm. Bà Dương Yến Di (Yang Yanyi), nguyên đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu (EU) hiện diện trong tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng tại Bruxelles, trong các bài diễn văn lịch sự nhưng cứng rắn, đều nhấn mạnh đến sự quan trọng của quan hệ UE-Bắc Kinh, và những thay đổi tại Hoa lục. Người kế nhiệm, ông Trương Minh (Zhang Ming), đã đi thăm những nhân vật có tiếng nói tại trụ sở Ủy ban Châu Âu, và ba ủy viên người Hy Lạp, Ba Lan, Hungary đã đến dự cuộc tiếp tân do ông ta tổ chức cuối 2017.

Ông Franck Proust, trưởng phái đoàn Les Républicains tại Strasbourg nhận xét : "Người Trung Quốc hiện diện khắp nơi, trong các hành lang Nghị viện Châu Âu". Ông Proust nằm trong số những đại biểu đòi hỏi EU chấm dứt tỏ ra ngây thơ trước Bắc Kinh : "Tôi không bài Hoa, nhưng nhận thấy rằng các quan chức EU không ý thức được tham vọng của Trung Quốc, với Con đường tơ lụa mới".

Chiến lược của Bắc Kinh là gì ? Đó là "chia rẽ và vô hiệu hóa", một nhà ngoại giao ở Bruxelles khẳng định. Nhà ngoại giao này muốn giấu tên, vì ai cũng ngại lớn tiếng chỉ trích người khổng lồ Châu Á, ngay cả ở Bruxelles. Ông thổ lộ : "Trung Quốc làm ăn với tất cả mọi người, và ở đây là các văn phòng luật sư. Thế nên khi một doanh nghiệp muốn khiếu nại một nhà nhập khẩu Trung Quốc với Ủy ban Châu Âu, rất khó tìm ra được một luật sư chịu bảo vệ mình".

Các nước vùng Balkan và một số nước EU trở nên lệ thuộc nặng nề vào đầu tư trực tiếp của Trung Quốc do khủng hoảng (Hy Lạp, Bungaria, Bồ Đào Nha, Romania…), khiến Ủy ban Châu Âu trở nên cảnh giác hơn. Từ 2013, nhiều vụ liên tiếp mang tính cảnh báo : Đức phản đối đánh thuế chống phá giá lên hàng Trung Quốc, tập đoàn hàng hải Trung Quốc Cosco mua lại cảng Pirée của Hy Lạp, tuyến đường cao tốc Beograd-Budapest nhận tài trợ 3 tỉ euro của Bắc Kinh mà không thông qua thủ tục gọi thầu thường lệ của EU…

Tuy EU không có lợi ích gì khi tiến hành chiến tranh thương mại, nhưng nay Bruxelles phản ứng mạnh hơn : từ chối hiệp định đầu tư nếu Bắc Kinh không mở cửa thêm thị trường, từ chối công nhận quy chế "kinh tế thị trường" cho Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng Bắc Kinh tấn công vào các mắt xích yếu của EU bằng việc đe dọa cắt đầu tư. Và cuộc thảo luận sắp tới tại Hội đồng Châu Âu về việc gia tăng giám sát đầu tư nước ngoài, hứa hẹn sẽ rất gay gắt.

Vạn Lý Hỏa Thành, vũ khí lợi hại của Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong bài xã luận mang tựa đề "Vũ khí", Libération nhận định Bắc Kinh chỉ mở cửa về kinh tế, nhưng tại đất nước có đến 750 triệu cư dân mạng, tự do ngôn luận không hề hiện hữu, và những trao đổi bị giám sát nghiêm ngặt.

Bức tường lửa được mệnh danh là "Vạn Lý Hỏa Thành", theo tờ báo là hết sức đáng ngại. Trước hết, đó là vũ khí kinh tế, giúp các tập đoàn quốc doanh độc chiếm thị trường Hoa lục khổng lồ. Đó còn là vũ khí chiến lược, để các tập đoàn internet Trung Quốc cạnh tranh trực diện với GAFA của Mỹ. Cuối cùng, là vũ khí chính trị : tường lửa là công cụ đại quy mô để giám sát, của một chính quyền đặt trọng tâm vào việc kiểm soát công luận, kiểm duyệt các nội dung trên mạng.

Pháp đặt điều kiện cho đầu tư Trung Quốc

Nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa "Nguyên tử : Paris và Bắc Kinh thắt chặt liên minh". Tờ báo cánh tả Libération kể ra "Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi…Ai lo sợ trước các tập đoàn lớn Trung Quốc ?"

Về thời sự nước Pháp, Le Figaro chú ý đến phương pháp của bộ trưởng giáo dục Blanquet để đổi mới nhà trường, qua việc lập ra một hội đồng khoa học hôm nay. Trên lãnh vực xã hội, Le Monde chạy tựa trang nhất "Việc làm : Các công ty vội vã tranh thủ quy định mới để sa thải".

Riêng La Croix nhìn sang Syria, với những nhân chứng đầu tiên tố cáo hệ thống nhà tù khủng khiếp của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong ba năm qua.

Về chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Pháp, Les Echos cho biết ông Emmanuel Macron muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc nhưng đặt điều kiện phải để cho các doanh nghiệp Pháp vào thị trường Hoa lục. Tuy nhiên Pháp cũng dự kiến tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài trong những lãnh vực chiến lược.

Sau thời gian dài mở toang cánh cửa cho Trung Quốc, Châu Ấu chỉ mới tỉnh thức từ vài tháng nay, và tổng thống Pháp nhấn mạnh đây là vấn đề "chủ quyền". Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire cho biết ông đã từ chối nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào các lãnh vực nhạy cảm.

Mỹ đứng bên lề hòa giải liên Triều

Cũng về Châu Á, trong bài xã luận "Một sự tạm lắng đáng hoan nghênh ở Triều Tiên", Le Monde nhận xét sau nhiều tháng leo thang căng thẳng, với những khiêu khích giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong Un, rốt cuộc yên tĩnh đã trở lại trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy hôm 3/1 trong bài diễn văn đầu năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiếp tục đe dọa như thường lệ về "nút bấm nguyên tử", nhưng vẫn chìa tay ra cho Hàn Quốc với đề nghị tham gia Thế vận hội mùa đông. Seoul ngay lập tức nắm lấy cơ hội : ngày 9/1, đoàn đại biểu hai miền đã gặp gỡ tại Bàn Môn Điếm.

Sự hòa dịu này phần lớn là nhờ quyết tâm của tổng thống Moon Jae In, muốn hòa bình với Bắc Triều Tiên bằng mọi giá. Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản cũng như cánh hữu Hàn Quốc lo ngại ông Moon nhượng bộ quá nhiều, tố cáo Bình Nhưỡng muốn chia rẽ Washington và Seoul. Tuy nhiên từ nhiều tháng qua, tổng thống Mỹ Donald Trump không ngớt đổ dầu vào lửa, và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cố gắng ngăn trở nỗ lực đối thoại liên Triều, đặt điều kiện phải giải trừ hạt nhân – một đòi hỏi ảo tưởng.

Hai nước Triều Tiên đã đối thoại với nhau mà không cần đến Hoa Kỳ. Theo Le Monde, trong tình hình căng thẳng hiện nay, sự hòa dịu tuy còn mong manh nhưng rất đáng được cổ vũ.

Tự thiêu đòi tự do ở Ba Lan

Nhìn sang Châu Âu, Le Monde viết về "Một con người bình thường muốn thức tỉnh Ba Lan". Tại Warsawa, một người đàn ông 54 tuổi đã tự thiêu hồi tháng 10 để đòi hỏi quyền tự do cho công dân, phản đối xu hướng bảo thủ của chính quyền hiện nay.

Ông Piotr Szczesny đã tự biến mình làm ngọn đuốc hôm 19/10 trước Cung Văn hóa, biểu tượng của thời kỳ cộng sản. Trước đó ông cho phát bản nhạc Tôi yêu tự do nổi tiếng trong thời kỳ công đoàn đoàn kết của thập niên 80. Vụ tự thiêu này gây bối rối cho chính quyền, và truyền thông Ba Lan không muốn đưa tin, đối lập thì ngại nói đến, sợ tạo ra một tiền lệ.

Y tế Anh báo động vì thiếu tiền và thiếu lao động do Brexit

Cũng tại Châu Âu, Le Monde cho biết các bệnh viện Anh phải hủy lịch tất cả các cuộc giải phẫu không khẩn cấp, vì ngân sách bị thắt chặt và thiếu lao động do Brexit.

Bệnh nhân chen chúc trong các hành lang, y bác sĩ bị quá tải, một bà cụ tử vong sau bốn tiếng đồng hồ chờ đợi xe cấp cứu… Ban giám đốc NHS, cơ quan y tế đầy quyền lực của Anh quốc đành phải quyết định như trên. Chỉ riêng từ Noel đến Tết dương lịch Từ 2010, có 16.900 người phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ trong xe cấp cứu trước khi được nhập viện.

Khác với Pháp, ngân sách y tế của Anh không từ khoản trích lương, mà từ tiền thuế. Chi tiêu y tế mỗi năm tăng 1,2 điểm, và nếu không được rót thêm 22 đến 34 tỉ euro mỗi năm, ngành sẽ bị khủng hoảng, số bệnh nhân chờ được phẫu thuật có thể lên đến 5 triệu người. Trong bối cảnh dân số bị lão hóa, nhiều người già phải lưu lại bệnh viện vì về nhà không ai chăm sóc.

Bên cạnh tình trạng thiếu ngân sách, việc Anh ra khỏi EU khiến y bác sĩ, hộ lý càng thêm thiếu thốn : 14% y tá ở Luân Đôn là từ EU. Trước cuộc trưng cầu dân ý, phe ủng hộ Brexit từng tuyên truyền dối trá là ra khỏi EU sẽ tiết kiệm được 350 triệu bảng Anh mỗi tuần để dành cho NHS, luận điệu này đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của phe này.

Tổng thống Donald Trump lười lao động ?

Tại Hoa Kỳ, thông tín viên Le Monde ở Washington thông tin về "Những lỗ hổng trong lịch làm việc của ông Trump gây bối rối". Sau cuốn sách gây sốc "Lửa và Cuồng nộ", ê-kíp của tổng thống Mỹ đang ở thế thủ.

Trang web Axios hôm Chủ nhật 7/1 cho biết ông Donald Trump đến Nhà Trắng làm việc bắt đầu từ 11 giờ, để nghe giám đốc CIA Mike Pompeo báo cáo ngắn gọn, rồi rút lui vào phòng riêng, và khoảng 18 giờ ông đã ra về. Khoảng thời gian được gọi là "Executive time" phù hợp với việc sử dụng tài khoản Twitter của tổng thống, cũng như tiết lộ trong cuốn "Fire and Fury", là ông coi tivi rất nhiều. Phát ngôn viên của ông Donald Trump, bà Sarah Sanders khẳng định "tổng thống là một trong những người làm việc cật lực nhất mà tôi chưa bao giờ thấy",nhưng không cải chính về những thông tin trên.

Tuy không ngớt chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama chơi gôn vào cuối tuần, bản thân ông Trump lại thường xuyên rời Washington mỗi weekend : mùa đông là Florida và mùa hè đến New Jersey, bất chấp chi phí bảo vệ an ninh rất tốn kém mà người dân đóng thuế phải gánh chịu.

Thụy My

Published in Quốc tế

Khả năng tổng thống Donald Trump bị thẩm vấn liên quan đến cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ giờ đây không còn là vấn đề nhạy cảm hay phải né tránh. Dựa trên các nguồn tin từ trong chính quyền, truyền thông Mỹ những ngày qua loan báo công tố viên đặc biệt, ông Robert Mueller, dự kiến sẽ thẩm vấn trực tiếp tổng thống Mỹ.

ngamy1

Cựu giám đốc FBI Robert Mueller tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, Washington, ngày 21/06/2017-Alex Wong/Getty Images/AFP

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet tường trình :

"Đài truyền hình NBC và Washington Post, dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống Mỹ cho biết, cuộc thẩm vấn Donald Trump có thể tập trung vào những vấn đề hạn chế và có thể sớm diễn ra trong vài tuần tới.

Được hỏi về khả năng có cuộc thẩm vấn như vậy, cuối tuần qua, chủ nhân Nhà Trắng trả lời ông đã không giấu gì hết. Ông Donald Trump mong muốn chấm dứt nhanh nhất cuộc điều tra đang làm vẩn đục nhiệm kỳ tổng thống của mình mà ông đánh giá là xỉ nhục cho nước Mỹ.

Nhưng các luật sư của ông thì lại lo ngại khi nghĩ tới một cuộc đối mặt như vậy. Họ tìm cách để tổng thống được trả lời các câu hỏi bằng văn bản. Dường như điều này không được nhóm của công tố viên đặc biệt chấp thuận.

Đây không phải lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm bị tư pháp thẩm vấn. Ông Bill Clinton đã từng phải trả lời về nhưng hành vi tình dục quá trớn trong khuôn khổ vụ Lewinsky. Ông George Bush cũng đã bị thẩm vấn ngay tại phòng bầu dục về vụ tiết lộ danh tính của một nhân viên tình báo CIA.

Nhưng chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng là một tổng thống ăn nói không được đáng tin lắm. Điều đó khiến cuộc thẩm vấn trở nên rủi ro. Năm 2007, ông Trump đã đệ đơn kiện một nhà báo vì chuyện vu cáo. Trong phiên tòa đó, các luật sư biện hộ đã liệt kê được 30 điểm dối trá trong lời khai của ông Donald Trump.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Quan hệ liên Triều hòa dịu, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó (RFI, 09/01/2018)

Cả thế giới hôm nay có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịu xuống sau nhiều tháng căng thẳng do khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã lên cao đến mức ai cũng lo ngại một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Bình Nhưỡng với Hoa Kỳ.

trieutien1

Trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên, Ri Son-gwon (P) bắt tay đại diện Hàn Quốc Cho MyoungGyon. Ảnh ngày 09/01/2018.Yonhap via  Reuters

Cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm qua giữa hai miền đã đạt được một kết quả cụ thể, tuy còn khiêm tốn, đó là Bắc Triều Tiên sẽ gởi một phái đoàn đến dự Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang Hàn Quốc. Cuộc đối thoại này diễn ra sau khi trong bài diễn văn đầu năm 2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ tỏ thái độ hòa hoãn với láng giềng miền Nam.

Vì sao Bình Nhưỡng đã đổi thái độ như vậy ? Theo nhận định của tạp chí Time có thể đó là do tác động của việc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng, cũng đã thi hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn. Và đúng là đã có những dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt đó.

Tuy nhiên, theo lời ông John Delury, chuyên gia về Đông Á tại Đại học Yonsei ở Seoul, Bắc Triều Tiên vẫn quen chống trả các áp lực nước ngoài. Cho nên, chuyên gia này cho rằng không nên vội kết luận là các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã có hiệu quả.

Một yếu tố khác có thể giải thích sự thay đổi thái độ của ông Kim Jong-un đó là nay lãnh đạo Bắc Triều Tiên cảm thấy đủ mạnh, sau khi đã hoàn tất chương trình hạt nhân và tên lửa, để có thể chủ động đề nghị nối lại đối thoại với Hàn Quốc và từ đó đạt được những nhân nhượng.

Có lẽ cũng chính vì nguy cơ bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo, mà Hoa Kỳ nay cũng đổi giọng. Vào tháng trước, ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố là Washington sẵn sàng thương lượng bất cứ lúc nào với Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết. Ngay cả tổng thống Donald Trump, sau khi tuyên bố vào tháng 10 năm ngoái rằng nói chuyện với Bắc Triều Tiên chỉ "phí thời gian", ngày 04/01/2018 cũng đã tỏ ý sẵn sàng đối thoại với Kim Jong-un. Hoa Kỳ cũng đã đồng ý tạm ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Pyeongchang.

Nói chung là tất cả các bên đều đã tỏ thái độ cởi mở hơn. Nhưng chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Trung Quốc hy vọng rằng việc nối lại đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ mở đường cho việc đạt đến một thỏa thuận "hai bên đều ngưng", tức là Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung và đổi lại Bình Nhưỡng tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân.

Nhưng ngày 04/01 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã cho biết rằng các cuộc tập trận chung sẽ được mở lại sau Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympics (09-13/03/2018). Điều này chắc chắn sẽ cản trở mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Tóm lại, tuy hai miền Triều Tiên đã nối lại đối thoại, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó, nhất là vì Kim Jong-un không từ bỏ tham vọng cường quốc nguyên tử. Trước mắt, khủng hoảng tạm thời sẽ không trầm trọng hơn, vì trong thời gian các vận động viên và các quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên có mặt ở Thế Vận Hội Pyeongchang, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không có một hành động khiêu khích nào khác.

Thanh Phương

********************

Đối thoại Liên Triều : Sự "khôn khéo" của Bắc Triều Tiên (RFI, 09/01/2018)

Chuyên gia về bán đảo Triều Tiên Juliette Morillot : "Kim Jong-un khai thác rất khéo rạn nứt trong trục Mỹ-Hàn". Phái đoàn hai nước Triều Tiên họp tại Bàn Môn Điếm, trong vùng phi quân sự-biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc để bàn về việc cử phái đoàn Bắc Triều Tiên dự Thế Vận Hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Giới quan sát coi đây là một cử chỉ hòa hoãn của chế độ Bình Nhưỡng.

trieutien2

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc (trái) và Bắc Triều Tiên trong cuộc họp tại Bàn Môn Điếm ngày 09/01/2018. Reuters

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, Juliette Morillot, đồng tác giả cuốn 100 câu hỏi về Bắc Triều Tiên, nhà xuất bản Tallandier 2016, phó tổng biên tập tạp chí Châu Á Asialyst phân tích về chiến lược ngoại giao rất "khéo léo" của Kim Jong-un.

RFI : Tại sao Bắc Triều Tiên tại đột nhiên có cử chỉ hòa hoãn ?

Juliette Morillot : Theo tôi, đây không hẳn là một cử chỉ hòa hoãn. Sau một năm liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, Bình Nhưỡng tiếp tục chính sách đối ngoại với mục tiêu rất rõ ràng và đỉnh điểm của chính sách đó là bài diễn văn của Kim Jong-un hôm Tết dương lịch. Mục đích đặt ra là khẳng định đã có vũ khí nguyên tử và không tính tới kế hoạch giải trừ hạt nhân. Nhưng đồng thời Kim Jong-un muốn chứng minh ông ta là một nguyên thủ quốc gia, chìa bàn tay thân thiện với Seoul.

Trên thực tế Bình Nhưỡng chưa bao giờ có mục đích đe dọa Seoul. Hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên chủ yếu là để tự vệ trước đe dọa quốc gia này bị Hoa Kỳ tấn công. Chẳng những thế, Kim Jong-un còn đang muốn chứng tỏ thiện chí hòa bình. Đây là một bước đột phá gây bất ngờ. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng, quyết định nối lại đối thoại liên Triều là bước kế tiếp trong chiến lược của Bình Nhưỡng.

RFI : Nói như vậy có nghĩa là đối thoại Seoul-Bình Nhưỡng mở ra tại Bàn Môn Điếm sau hai năm bị gián đoạn không phải là một cử chỉ cởi mở của Bắc Triều Tiên ?

Juliette Morillot : Có chứ. Đấy là một cử chỉ cởi mở nhưng cần nói lại là Bình Nhưỡng chưa bao giờ tỏ ra hung hăng với Seoul - ngoài những đòn võ mồm. Nhưng theo tôi đây là một yếu tố rất quan trọng để hiểu về tình hình bán đảo Triều Tiên. Các vụ bắn thử tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân là lá bùa hộ mệnh của chế độ Kim Jong-un đề phòng Mỹ tấn công. Bình Nhưỡng muốn đối thoại song phương và trực tiếp với Washington trên vấn đề vũ khí. Nhưng căn cứ vào những tin nhắn gần đây của Donald Trump thì dường như và Nhà Trắng không đáp ứng đòi hỏi này. Ngược lại với Seoul thì khác. Bắc Triều Tiên muốn đàm phán thẳng với Hàn Quốc mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ.

RFI : Vậy trong cuộc đàm phán hôm nay hai nước Triều Tiên có đề cập đến vế hạt nhân hay không ?

Juliette Morillot : Tôi cho rằng hạt nhân là hồ sơ Bình Nhưỡng dành để thảo luận với Washington chứ không phải với Seoul. Do vậy thương lượng để Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội mùa đông là một biểu tượng rất mạnh trong cái mà chúng ta hay gọi là 'ngoại giao thể thao', nhất là nếu như hai phái đoàn Nam và Bắc Triều Tiên cùng diễu hành dưới một mầu cờ. Đây là biểu tượng của một sự đoàn kết và thống nhất. Nhưng tôi e là Hoa Kỳ sẽ không hài lòng về điều này. Nhà Trắng không tán đồng đối thoại trực tiếp liên Triều và cũng không muốn Kim Jong-un chìa bàn tay thân thiện với nước láng giềng phía Nam.

RFI : Điều ấy được thể hiện qua thái độ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Đại diện Hoa Kỳ cho rằng đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng chỉ là một sự "chắp vá". Ngược lại thì Seoul cũng như chính bản thân tổng thống Moon Jae-in tin tưởng vào con đường đối thoại.

Juliette Morillot : Tôi nghĩ là đôi bên chủ yếu tập trung vào vế thể thao. Có thể phái đoàn của hai nước sẽ đề cập đến một vài khía cạnh kinh tế. Đàm phán lần này thể hiện thái độ độc lập của tổng thống Hàn Quốc đối với đồng minh lâu đời là Mỹ. Đừng quên rằng ông Moon đã đắc cử sau khi tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, mà ông này chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên, khác hẳn với bà Park, một người có đường lối rất cứng rắn với chế độ Bình Nhưỡng.

Trên điểm này ta thấy rằng chính sách của Seoul dưới thời đại Moon Jae-in trước sau như một. Còn Kim Jong-un thì chứng tỏ ông ta mới là người chủ động và Kim khai thác rất khéo léo những mâu thuẫn trong công luận quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải nhìn nhận Kim Jong-un là một 'tay láu cá'. Chúng ta thấy Bình Nhưỡng rất tinh tế về phương diện ngoại giao : từng bước cô lập Mỹ và gần như là đang lật ngược thế cờ, khi mà báo chí quốc tế bắt đầu nói tới thiện chí hòa bình của Kim Jong-un.

Ở bên kia đấu trường thì Donald Trump với những tin nhắn trên Twitter vỗ ngực khoe rằng nút hạt nhân của Mỹ lớn hơn so với Bắc Triều Tiên. Việc này làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ. Dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích Seoul là tay sai của Washington.

RFI : Bà muốn nói là Washington đã lầm khi trả đũa đòn khiêu khích được Bình Nhưỡng tung ra ?

Juliette Morillot : Vâng tôi nghĩ Donald Trump đã ứng xử vụng về khiến Lầu Năm Góc phải đau đầu. Xét cho cùng, trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, giải pháp duy nhất hiện nay là cộng đồng quốc tế cần nắm bắt lấy cành ô liu - biểu tượng của hòa bình, mà Kim Jong-un vừa chìa ra. Điểm kẹt ở đây là tới nay Mỹ vẫn không chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử, mà trên thực tế thì Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân và muốn dùng lá bài này để mặc cả với quốc tế. Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân.

RFI : Vậy Mỹ và Hàn Quốc có tiếp tục tập trận hay không ?

Juliette Morillot : Đây cũng là một điểm nhức nhối khác. Vấn đề đặt ra là liệu Hàn Quốc có sẽ tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ hay không và giảm tới mức độ nào. Quan hệ giữa Hàn Quốc với đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ khá phức tạp : người dân xứ này an tâm vì được Mỹ bảo vệ nhưng không có nghĩa là Hàn Quốc chấp nhận làm tay sai cho Hoa Kỳ. Ngay sau khi đắc cử tổng thống, Moon Jae-in đã sang Washington và Donald Trump đã tiếp lãnh đạo Hàn Quốc một cách rất lạnh nhạt bởi vì ông Moon chủ trương hủy dự án lắp đặt lá chắn chống tên lửa Mỹ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Một lần nữa chúng ta thấy rằng, từ Bình Nhưỡng, Kim Jong-un đã khéo léo khai thác rạn nứt này trong trục Mỹ - Hàn.

RFI : Bà muốn nói là quốc tế vẫn nên thận trọng về tình hình bán đảo Triều Tiên ?

Juliette Morillot : Đúng thế, ta nên thận trọng là hơn. Có thể Thế Vận Hội mùa đông lần này góp phần làm hạ nhiệt trên báo đảo Triều Tiên, nhưng sau đó thì sao ? Chúng ta chưa biết được. Khó có thể đoán trước rằng sau sự kiện thể thao trọng đại này, Seoul có giảm bớt các đợt tập trận chung với Mỹ hay không, trong lúc mà các chương trình tập trận đó vẫn làm Bình Nhưỡng bực bội. Giới hạn các chương trình tập trận có khả năng giúp hai miền Triều Tiên dễ dàng đối thoại với nhau hơn, qua đó tránh được tình trạng căng thẳng leo thang trong năm 2018.

Thanh Hà

*****************

Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông ở Hàn Quốc (RFI, 09/01/2018)

Ngày 09/01/2018, trong cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm nay với Hàn Quốc, diễn ra tại Bàn Môn Điếm, nằm ở vùng phi quân sự giữa hai miền, Bắc Triều Tiên đã đề nghị gởi một phái đoàn gồm các vận động viên và các quan chức cao cấp đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang, sẽ diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018.

trieutien3

Trưởng đoàn Bắc Triều Tiên Ri Son-gwon (trái) tại Bàn Môn Điếm. Ảnh ngày 09/01/2017. Reuters

Về phần mình, Seoul đề nghị với Bình Nhưỡng tổ chức lại các cuộc họp mặt những gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :

"Bắc Triều Tiên thông báo sẽ gởi đến Thế Vận Hội một phái đoàn đông đảo, gồm các vận động viên, các quan chức cao cấp và các cổ động viên. Tiếp đến sẽ có một đoàn nghệ thuật và một đoàn biểu diễn Thái Cực Đạo. Như vậy là đã có những bước tiến đáng kể.

Về phần mình, Seoul đã đề nghị là hai miền Triều Tiên sẽ diễu hành chung trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Bình Nhưỡng chưa trả lời về đề nghị này. Hàn Quốc cũng đã đề nghị tổ chức trở lại các cuộc họp mặt những gia đình bị ly tán trong chiến tranh. Các cuộc họp mặt này có thể diễn ra vào giữa tháng 2, tức là trong thời gian Thế Vận Hội Pyeongchang.

Seoul còn đề nghị các cuộc đàm phán khác, lần này sẽ là đàm phán quân sự, nhằm tìm ra những phương cách để tránh cho các sự cố ở biên giới biến thành xung đột vũ trang.

Các cuộc đàm phán hiện tiếp diễn ngay tại biên giới giữa hai miền, trong một tòa nhà được xây bên phía miền nam, nằm cách lằn ranh có vài mét. Về hồ sơ hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn tỏ thái độ kiên quyết. Tuy vậy, sau nhiều tháng căng thẳng, Hàn Quốc nay có thể tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông trong một bầu không khí hòa dịu hơn".

Ngoài những kết quả nói trên, Seoul và Bình Nhưỡng hôm nay cũng đã quyết định tái lập đường dây điện thoại quân sự giữa hai miền kể từ sáng ngày 10/01/2018. Cách đây vài ngày, hai bên đã tái lập đường dây điện thoại dân sự.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Macron thăm Trung Quốc : "Mã" có khắc được "Long" ? (RFI, 09/01/2018)

Có hai chuyện báo chí Pháp rôm rả bàn luận bên lề về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron. Thứ nhất là món quà tặng đặc biệt dành cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thứ hai là cách đọc tên tổng thống Pháp bằng tiếng Hoa.

phap1

Vệ binh Cộng hòa trong ngày quốc khánh Pháp, 14/07/2017-Reuters

"Ngoại giao kỵ binh" đáp trả "ngoại giao gấu trúc"

Trong câu chuyện thứ nhất, báo chí Pháp hóm hỉnh nói về "ngoại giao kỵ binh" đối đáp với "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc. Để bày tỏ tình hữu hảo với đối tác Bắc Kinh, tổng thống Pháp đã mang tặng đồng nhiệm Tập Cận Bình : "Một con ngựa của đội Kỵ Binh".

Có tên gọi là "Vesuve de Brekka", chú ngựa bờm nâu 8 tuổi này vốn đến từ một trại nuôi ngựa ở vùng biển Manche và đã gia nhập đội Kỵ Binh Cộng Hòa vào năm 2012. Kèm với ngựa Kỵ Binh, tổng thống Pháp còn tặng cho chủ nhà một bộ yên và một thanh gươm có khắc dòng chữ : "Ông Emmanuel Macron – Tổng thống Cộng Hòa Pháp – Bắc Kinh – Tháng Giêng 2018" (M. Emmanuel Macron – Président de la République Française – Pékin – Janvier 2018).

Sở dĩ chủ nhân điện Elysée có món quà lạ lẫm này là vì vào năm 2014, trong chuyến công du Paris, chủ tịch Tập Cận Bình đã được đội Kỵ Binh Cộng Hòa Pháp hộ tống đến điện Invalides và ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đội kỵ binh.

Nguyên thủ Pháp tinh ý và có một "cử chỉ ngoại giao" với mong muốn "thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu hảo với nguyên thủ các nước", đồng thời nhằm đáp trả "chính sách gấu trúc" của Bắc Kinh, theo như giải thích của phủ tổng thống Pháp.

AFP nhắc lại là vào năm 2012, Trung Quốc đã cho nước Pháp mượn cặp gấu trúc, loài động vật quý hiếm được Bắc Kinh sử dụng như là một quyền lực mềm để phát huy ảnh hưởng. Kết quả của nền "ngoại giao gấu trúc" năm đó là một chú gấu trúc con đã được hạ sinh tại vườn thú Beauval vào mùa hè năm 2017. Và gấu trúc mới sinh đó còn có vinh hạnh được đích thân phu nhân tổng thống Pháp đặt tên.

"Mã" khắc "Long" ?

Câu chuyện thứ hai không kém phần thú vị là cách gọi tên tổng thống Pháp bằng tiếng Hoa. Phiên âm tiếng Hoa tên riêng Macron được viết là "Makelong", nghĩa là "Ngựa chế ngự Rồng". Một câu hỏi tuy dí dỏm nhưng không xa mấy thực tế đang được đặt ra : Liệu rằng "Ngựa" Pháp có thật sự chế ngự được "Rồng" Trung Hoa hay không ?

Câu trả lời có lẽ là "Không". Theo quan điểm của ông Jean-Louis Rocca, chuyên gia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế CERI với đài France 24, trong nhãn quan Bắc Kinh, nước Pháp còn chưa đủ để trở thành đồng minh chiến lược. "Những nước mà Trung Quốc coi trọng là Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và trong bối cảnh hiện nay là Bắc Triều Tiên".

Với Trung Quốc, "nước Pháp như là một địa danh để vui thú điền viên mà ở đó có các thương hiệu nước hoa, thời trang và chủ nghĩa lãng mạn… Nước Pháp không được xem như là một đối tác chính trị đặc biệt quan trọng. Ngay tại Châu Âu, nước Đức cũng xem xét cẩn trọng điều này".

RFI tiếng Việt

*****************

Chìa khóa của Pháp để mở cửa thị trường Trung Quốc (RFI, 09/01/2018)

Tái cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Pháp với Trung Quốc, tạo dựng một nền tảng mới "có lợi cho cả đôi bên" : hai trong số các hồ sơ nổi bật nhân đối thoại song phương Emmanuel Macron - Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

phap2

Tổng thống Pháp, Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ngày 09/01/2018. Reuters

Lãnh đạo Pháp đến Bắc Kinh trong bối cảnh thuận lợi : nước Mỹ của Donald Trump đang để ngỏ một chỗ trống trên bàn cờ thương mại. Nước Đức của thủ tướng Merkel, đối tác kinh tế Châu Âu quan trọng nhất đối với Bắc Kinh, lúng túng chưa thành lập được nội các. Anh Quốc bị chia trí về Brexit. Còn lại Pháp.

Kế hoạch xây dựng một khối Liên Âu vững mạnh của điện Elysée khiến Paris trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt Bắc Kinh. Nước Pháp là một cửa ngõ quan trọng hơn để Trung Quốc bước vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu, tiếp cận với các công nghệ high tech của phương Tây.

Trung Quốc và Pháp "cần có nhau"

Ngay ngày đầu đến Trung Quốc, tổng thống Emmanuel Macron cam kết hàng năm sẽ trở lại thăm nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu. Chủ nhân điện Elysée nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Bắc Kinh để thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris vẫn tồn tại sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Lãnh đạo Pháp đã chọn Tây An là chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du 3 ngày trên quê hương của Tần Thủy Hoàng. Bởi trong quá khứ, Tây An từng là điểm khởi đầu của Con Đường Tơ Lụa mà từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình có tham vọng làm sống lại qua sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường. Dự án này mở rộng tới 65 quốc gia, nối liền các Châu lục Âu - Á, tổng trị giá đầu từ lên tới hơn 1.000 tỷ đô la.

Ngoài các hồ sơ chính về ngoại giao như căng thẳng tại Trung Đông hay tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên, Emmanuel Macron và Tập Cận Bình chủ yếu đề cập đến hàng loạt các vấn đề kinh tế song phương và theo như thông báo của phủ tổng thống Pháp, Paris còn chú trọng vào việc "xây dựng một mối quan hệ mới giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu" trong bối cảnh ông Macron đang tìm cách củng cố vai trò của Liên Âu trên sân khấu chính trị quốc tế.

Trên thực tế hai nền kinh tế Pháp và Trung Quốc có thể bổ sung cho nhau ở những điểm nào ?

Khoảng 50 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp tháp tùng tổng thống Macron đến BBK, trong số này phải kể đến những tên tuổi trong ngành năng lượng của Pháp như EDF, tập đoàn Areva hay tập đoàn sản xuất chiến đấu cơ Dassault, hãng máy bay Airbus...

Mỗi lần một nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh, báo chí chủ ý vào hàng loạt hợp đồng, hay thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron không là một ngoại lệ. Hãng tin Anh, Reuters dự báo sẽ có khoảng 50 thỏa thuận thương mại được ký kết lần này. Trung Quốc đang rất quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ hàng không của Pháp, đến các dịch vụ về y tế trên quê hương của Pasteur, đến những sáng kiến làm sạch môi trường, phát triển và quản lý đô thị, đến nền nông nghiệp của Pháp...

Nhưng không chỉ có thế : trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, David Baverez, một nhà đầu tư đang hoạt động tại Hồng Kông nêu bật những điểm mạnh của kinh tế Pháp trước ông khổng lồ Châu Á là Trung Quốc :

"Không chỉ có những sản phẩm xa xỉ - de luxe. Đừng quên rằng kinh tế Pháp có năng suất cao vào bậc nhất trên thế giới. Trung Quốc thì đang thực sự cần nâng cao năng suất. Từ nhiều năm qua, kinh tế nước này có phát triển nhưng năng suất còn rất kém cỏi. Lương nhân công còn thấp, do vậy Trung Quốc chưa thể trông cậy vào tiêu thụ nội địa để phát triển.

Mục tiêu tái cân bằng mô hình kinh tế của nước này, tức là lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, đồng thời giảm bớt mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu, đến nay vẫn mới chỉ là một khẩu hiệu.

Trong hoàn cảnh đó Pháp có những lợi thế để chen chân vào Trung Quốc. Pháp nói riêng, Châu Âu nói chung đang có những kỹ thuật cao đang được Trung Quốc nhòm ngó tới. Trong khi đó chúng ta biết rằng, nước Mỹ của Donald Trump đang đóng với Trung Quốc trên phương diện này. Điển hình là mới đây, Washington đã chận lại dự án của tập đoàn Alibama muốn thâu tóm MoneyGram, một công ty trong lĩnh vực chuyển tiền qua mạng.

David Baverez mùa xuân năm nay cho phát hành cuốn sách nói về quan hệ Pháp và Trung Quốc mang tựa đề "Paris-Pékin Express, la nouvelle Chine racontée au furur Président"- một dạng "Cẩm nang để nói với tổng thống tương lai của nước Pháp về một nước Trung Quốc Mới". Trong mắt David Baverez đó là nơi có phép lạ giải quyết công việc làm cho 200 triệu người từ thôn quê lên thành thị kiếm sống ; không chỉ khát dầu hay nguyên liệu, Trung Quốc còn là một nền kinh tế rất "khát công nghệ".

Trong bối cảnh đó nhà đầu tư người Pháp này cho rằng, chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Macron đang diễn ra trong những điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, tại Hoa Kỳ tổng thống Trump không bỏ lỡ một cơ hội để nhắc lại khẩu hiệu đã giúp ông đắc cử : America First và đòi đóng cửa biên giới nước Mỹ với hàng hóa nước ngoài cạnh tranh bất bình đẳng với các sản phẩm của Mỹ. Thứ hai, nhìn đến đối tác kinh tế quan trọng nhất quan trọng nhất của Bắc Kinh là Vương Quốc Anh, thì từ khi người dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu Trung Quốc tránh "bỏ hết trứng vào một giỏ" và tìm những bãi đáp mới để dễ làm ăn với 27 thành viên còn lại trong gia đình Châu Âu, một thị trường với hơn 500 triệu dân thiết yếu cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc.

Sau cùng, với nước Đức, một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới mà cán cán thương mại của Trung Quốc bị thâm hụt – thì thành trì Angela Merkel có phần bị lung lay : hơn bốn tháng sau khi đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư, bà Merkel vẫn đang tìm kiếm đối tác để thành lập một chính phủ liên minh.

Trước một Donald Trump có tính khí thất thường, một Angela Merkel đang lúng túng vì chính trị nội bộ và một Theresa May bị cuốn hút vào vòng xoáy của Brexit, giới quan sát cho rằng, Emmanuel Macron đang trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt ông Tập Cận Bình, và Pháp sẽ tiếp tục là một cánh cửa quan trọng mở ra thị trường Liên Hiệp Châu Âu cho Bắc Kinh.

Tái cân bằng quan hệ và giao thương "hai chiều"

Nhưng nói như vậy không phải là Paris đứng về phía Bắc Kinh một cách vô điều kiện. Đành rằng trước khi hội kiến ông Tập Cận Bình, Emmanuel Macron nhấn mạnh Trung Quốc là một đối tác quan trọng của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, tương lai của Hoa Lục và Lục Địa Già gắn bó với nhau. Ông mong muốn Pháp và Liên Âu không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21. Nhưng đấy phải là "những con đường để các bên cùng chia sẻ, chứ không thể là những con đường một chiều" và "dự án đó không thể đặt các quốc gia đặt một số quốc gia trong thế chư hầu của một chính sách bà quyền".

Bên ngoài những lời lẽ nhã nhặn và thành thật khi Paris cảm ơn Bắc Kinh nỗ lực trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, tổng Macron đến Trung Quốc lần này với một thông điệp rất rõ ràng : Pháp mong muốn cân bằng lại quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Pháp là điểm đầu tư lớn thứ nhì của Trung Quốc trên Lục Địa Già, nhưng luôn trong thế nhập siêu so với ông khổng lồ Châu Á này. Thâm hụt cán cân thương mại của Pháp với Trung Quốc liên tục gia tặng, vượt quá ngưỡng 30 tỷ euro trong năm 2016. Con số này như vậy là cao hơn gấp đôi so với nhà cung cấp lớn nhất của Pháp là Đức.

Trung Quốc chỉ đứng hạng 8 trong số các thị trường mua hàng của Pháp. Dù là nước đông dân nhất địa cầu nhưng tới nay Trung Quốc mới chiếm có 6 % tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch với Pháp. Để so sánh, thì Đức với 85 triệu dân mua vào 17 % hàng made in France. Một chỉ số khác rất tiêu biểu cho thế bất cân đối trong giao thương hai chiều : nếu như đến cuối 2016 đã có 1.600 doanh nghiệp Pháp sang Trung Quốc làm ăn, thì ngược lại mới có khoảng 700 đơn vị đại diện cho cả Trung Quốc lẫn Hồng Kông có mặt trên đất của các chú Gà Trống Gaulois.

Nhìn rộng ra hơn ngoài phạm vi nước Pháp, theo thống kê của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh được công bố hồi tháng 9/2017 : trong năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu tăng 77 % trong lúc vốn của Châu Âu đổ vào Trung Quốc giảm 1/4.

Tới nay Bắc Kinh luôn hứa hẹn mở cửa cho các công ty nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhâu Âu, Mỹ sang Trung Quốc làm ăn. Trên thực tế, theo phân tích của chuyên gia Pháp về Trung Quốc bà Alice Ekman – Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, Liên Hiệp Châu Âu dễ dàng mở cửa cho các công ty Trung Quốc đến Lục Địa Già. Còn doanh nhân Châu Âu thì vất vả hơn khi cắm rễ tại Hoa Lục.

Thanh Hà

**********************

Paris - Bắc Kinh : Thỏa thuận xây dựng nhà máy xử lý chất thải hạt nhân tại Trung Quốc (RFI, 09/01/2018)

Ngày 09/01/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh chứng kiến lễ ký kết văn bản ghi nhớ thỏa thuận xây dựng tại Trung Quốc một nhà máy xử lý chất thải hạt nhân của Areva. Chi phí dự án lên đến khoảng 10 tỷ euro.

phap3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters/Ludovic Marin/Pool

Ngoài ra, một loạt các hợp đồng kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ sẽ được ký kết nhân chuyến đi này đặc biệt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Thông tín viên Heike Schmidt tại Bắc Kinh tóm lược :

"Một quỹ đầu tư Pháp-Trung trị giá 1 tỷ euro sẽ được dùng để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Một chương trình trao đổi sẽ giúp cho 20 tài năng Trung Quốc, 20 tài năng Pháp về công nghệ cao được hoàn thiện các kiến thức nghiên cứu của họ tại hai nước.

Lĩnh vực y tế dự phòng, xe hơi không người lái, chế tạo robot hỗ trợ người già… trí thông minh nhân tạo đã có mặt trong khắp các dự án. Nhưng tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng công nghệ phải nhằm mục đích phục vụ con người.

Tuy vậy, giờ đây Trung Quốc còn sử dụng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo vào phục vụ việc kiểm soát gần như toàn bộ công dân nước họ. Nhờ các phần mềm nhận dạng và hàng triệu camera giúp nhận diện hơn một tỷ người dân, cảnh sát Trung Quốc có thể can thiệp trước khi tội phạm xảy ra.

Bắc Kinh cũng đang triển khai một hệ thống tín nhiệm xã hội, đánh giá cách ứng xử và thái độ chính trị của từng người dân. Những ai càng có thái độ phê phán chính sách của đảng và Nhà nước thì họ càng khó khăn trong việc học hành, sinh hoạt.

Bắc Kinh đặt chỉ tiêu từ nay đến 2025, công nghệ trí thông minh nhân tạo sẽ cần đầu tư 150 tỷ euro".

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Macro đối mặt với "rồng Trung Quốc"

Các nhật báo lớn của Pháp ngày 09/01/2018 tiếp tục theo dõi chuyến công du Trung Quốc của ông Emmanuel Macron. Le Figaro trên trang nhất đề tít lớn "Macron muốn tái lập cân bằng quan hệ Pháp – Trung".

macron1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron duyệt hành quân danh dự tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/01/2018. Reuters/Ludovic Marin/Pool

"Tại Trung Quốc, ‘đồng ý nhưng mà’ của Macron với con đường tơ lụa mới" là tựa một bài viết trên Les Echos. "Tại Trung Quốc, chiến dịch cám dỗ của Macron", bài của Le Figaro. "Macron đến Trung Quốc : Con đường tơ lụa mới không thể chỉ có một chiều", bài nhận định của Libération. Hay như "Macron bảo vệ một liên minh Pháp-Châu Âu-Trung Quốc" là bài viết của La Croix.

Le Figaro trong bài xã luận nhan đề "Đối mặt với rồng Trung Quốc" cho rằng con đường chinh phục rồng Trung Quốc của Emmanuel "Mã Khắc Long" – tên nguyên thủ Pháp theo phiên âm, còn xa vời. Tuy nhiên, ông Macron hiểu được điều đó cho dù đây là công việc có nhiều rủi ro : đó là một bối cảnh mới, thuận lợi một cách không ngờ, cho phép khai thác những lá bài tại một đế chế đang hồi sinh.

Đằng sau bức tường đỏ của Tử Cấm Thành, giới lãnh đạo Trung Quốc đang xoa tay hoan hỉ về việc nước Mỹ của Donald Trump rút ra khỏi Châu Á một cách phi lý. Tại Đức, vốn là đối tác Châu Âu ưu tiên của Bắc Kinh, thủ tướng Angela Merkel đang bị suy yếu, tỏ ra kém tự chủ hơn. Do vậy, một con đường thông thoáng đang mở ra trước mặt tổng thống Macron.

Tại Tây An (Xi’an), nguyên thủ Pháp đã khéo léo đề cao nghìn năm lịch sử Trung Hoa, bằng cách bày tỏ mong muốn là "Con đường tơ lụa mới" cần rộng mở, có lợi cho cả hai bên, Trung Quốc và các nước tham gia dự án. Để mở rộng ảnh hưởng trên thế giới, Trung Quốc dự tính một khoản đầu tư nhiều gấp 7 lần kế hoạch Marshall (kế hoạch tái thiết hỗ trợ Châu Âu của Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến).

Tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp tìm cách thuyết phục chủ tịch Tập Cận Bình tái lập cân bằng trong trao đổi mậu dịch song phương, qua việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Pháp. Thế nhưng, Le Figaro cảnh báo, Emmanuel Macron cần phải tránh những mối nguy hiểm mà các chế độ toàn trị thường xuyên cài bẫy đối với các nền dân chủ tự do.

Đối mặt với lãnh đạo Trung Quốc đầy quyền lực, nguyên thủ Pháp vẫn có thể nhắc lại rằng tự do tư tưởng, động lực cơ bản giúp phát minh, sáng tạo, cũng đã góp phần tạo dựng vinh quang cho cố đô Trường An (Chang’an – ngày nay gọi là Tây An). Đây là chủ đề rất nhậy cảm tại Trung Quốc và ông Macron phải tìm cách nói sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn : xu hướng tránh né, từ chối dấn thân vì tự do tư tưởng là có thật hiện nay trên thế giới. Và đối với Tập Cận Bình, thì "Con đường tơ lụa mới" là công cụ để Trung Quốc thống trị thế giới.

Ám ảnh bởi việc duy trì sự tồn tại của đảng cộng sản, lãnh đạo Trung Quốc coi dự án này là phương tiện để thúc đẩy mô hình đối trọng với các nền dân chủ phương Tây. Tại Châu Âu, đầu tư của Trung Quốc tập trung đổ vào những quốc gia "mong manh" nhất, những nước mà một ngày nào đó sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Quan hệ "cân bằng" và không mang "tính thống trị"

Lời cảnh báo này của Le Figaro được đưa ra ngay sau khi tổng thống Pháp có bài diễn văn dài 1g30’ tại điện Đại Minh, đời Đường, kêu gọi một sự hợp tác rộng lớn giữa Pháp và Trung Quốc, nhấn mạnh đến vai trò chung mà cả hai nước có thể cùng nhau đối mặt trước các thách thức lớn của toàn cầu (chống biến đổi khí hậu, khủng bố, xử lý các cuộc khủng hoảng khu vực…).

Trong bối cảnh Hoa Kỳ có chủ trương biệt lập và bảo hộ mậu dịch, tổng thống Pháp ủng hộ thiết lập các mối quan hệ đa phương Pháp – Châu Âu – Trung Quốc và tự do mậu dịch mà đồng nhiệm Trung Quốc đã từng nêu lên tại diễn đàn Davos. Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron lưu ý rằng các mối quan hệ đa phương đó phải được thiết lập trên nền tảng các nguyên tắc cân bằng và không mang tính ưu thế trá hình.

Bởi vì cho đến lúc này, các doanh nghiệp Châu Âu đều phàn nàn về những khó khăn trong việc gia nhập thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc lại gây chia rẽ Châu Âu. Tuy dự án có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế tại mỗi nước hay mỗi khu vực có liên quan, nhưng đó còn là con đường để Trung Quốc phát huy ảnh hưởng địa chính trị và gia tăng áp lực nhiều hơn trong việc xử lý các vấn đề thế giới.

Đảng cộng sản Trung Quốc vươn vòi vào doanh nghiệp nước ngoài

Trong số vô vàn các mối lo, Les Echos ghi nhận nỗi lo âu của các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Trung Quốc về hiện tượng đảng cộng sản nước này tìm cách len lỏi và áp đặt quan điểm của họ trên một số quyết định chiến lược của doanh nghiệp nước ngoài.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu rằng tổng thống Macron có sẽ đề cập đến vấn đề này hay không với ông Tập Cận Bình trong buổi gặp hôm nay ? Dưới sự điều hành của tổng bí thư Tập Cận Bình, đảng cộng sản Trung Quốc tìm mọi cách chi phối giới doanh nghiệp qua việc lấy lại quyền điều hành các tập đoàn Nhà nước lớn và kiểm soát các đại tập đoàn tư nhân. Đáng chú ý là cả doanh nghiệp nước ngoài cũng bị nhắm đến.

Theo các số liệu thống kê chính thức, trong số 106.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 74.000 doanh nghiệp đã thành lập các chi bộ đảng tính đến cuối năm 2016, tăng 63,5% so với năm 2011 (chỉ có 47.000 trường hợp).

Nhân quyền chỉ "nói khẽ"

Trong lĩnh vực nhân quyền, tổng thống Pháp nói đến vấn đề này như thế nào với đồng nhiệm Trung Quốc ? Theo tường thuật của Le Figaro, nguyên thủ Pháp đã tránh bày tỏ công khai các vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận do "lo lắng cho tính hiệu quả", như thông báo của điện Elysée.

Cử chỉ này trái hẳn với lúc tiếp các đồng nhiệm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris. Tổng thống Pháp đã không ngần ngại thúc bách hai nguyên thủ Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan trên các vấn đề này.

Dân Trung Quốc mê "Mã Khắc Long" lẫn "macaron"

Chưa biết những lời kêu gọi của mình có được đối tác Trung Quốc lắng nghe hay không, nhưng có một điều chắc chắn nguyên thủ Pháp đã có được một sự hâm mộ "không thể nào phủ nhận được" từ người dân Trung Quốc. Một tình cảm cho đến giờ chưa có một nguyên thủ Pháp nào có được.

Le Figaro đưa ra nhiều lý do giải thích vì sao tổng thống Pháp lại trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc. Tại một đất nước mà ở đó đàn ông thường chỉ thích kết hôn với những phụ nữ trẻ tuổi hơn, chuyện hôn nhân của tổng thống Pháp chẳng khác gì với câu chuyện tình lãng mạn Dương Quá – Cô Long trong Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung.

Rồi nét trẻ trung, cách gọi tên của tổng thống bằng tiếng Hoa mang ý nghĩa "Mã Khắc Long", hay gần với cách gọi chiếc bánh "macaron" dịu ngọt của Pháp khiến bao cô gái Trung Quốc phải chạnh lòng.

Le Figaro trích dẫn nhận xét của nhiều chuyên gia nhận định chính sự trẻ trung, năng động, có nhiều ý tưởng, có tài diễn thuyết và hình ảnh một tổng thống mạnh mẽ, dám trực diện với Putin, Trump và nhiều lãnh đạo khác… đã để lại nhiều cảm tình tốt ở công luận Trung Quốc.

Sức khỏe thần kinh của Donald Trump : chủ đề gây tranh cãi

Tại Hoa Kỳ, năng lực, vấn đề thần kinh của tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên nhiều câu hỏi và tranh luận về đạo đức nghề nghiệp giữa các chuyên gia tâm thần. Báo La Croix có bài : "Có nên nói đến sức khỏe thần kinh của Donald Trump hay không ?"

Tại Mỹ hiện nay, một số chuyên gia tâm thần học công khai nêu ra những nghi vấn về vấn đề thần kinh của ông Trump. Hồi tháng Giêng 2017, một bản kiến nghị do chuyên gia John Gartner khởi xướng và tính đến nay đã có 68 ngàn người ký, cho rằng Donald Trump có những vấn đề nghiêm trọng về tâm thần, ngăn cản ông thực thi các nhiệm vụ của một vị tổng thống.

Chuyên gia Gartner cũng lập ra một hiệp hội mang tên "Trách nhiệm báo động – Duty to Warn", đòi phế truất tổng thống do không có năng lực tâm thần. Tháng 10 vừa qua, 27 bác sĩ và chuyên gia tâm thần học Mỹ đã đăng một cuốn sách "Donald Trump, một trường hợp nguy hiểm", phân tích những nét đặc trưng nổi bật của nguyên thủ Hoa Kỳ hiện nay : tính khí bốc đồng, thiếu cẩn tắc hoặc mắc bệnh hoang tưởng làm cho ông thấy các mối đe dọa ở những nơi không có, hoặc tâm lý chối bỏ được thể hiện trong việc ông tự cho mình là người giỏi nhất trên mọi lĩnh vực…

Chuyên gia tâm thần học Brandy Lee, thuộc đại học Yale, giải thích, khi nhu cầu được ca tụng không được thỏa mãn, thì bạo lực là phương tiện nhanh nhất để tạo nên sự sợ hãi, hoặc sự tôn trọng.

Thế nhưng, theo La Croix, không phải tất cả các bác sĩ có đồng quan điểm này. Bác sĩ tâm thần Patrick Landman, ở Paris, nói với La Croix : "Không thể tiến hành chẩn đoán từ xa mà không gặp trực tiếp người đến khám bệnh. Việc nêu ra bệnh thần kinh trong tranh luận luôn luôn rất nguy hiểm. Người ta còn nhớ là tại Liên Xô, những người đối lập bị chẩn đoán một cách chủ ý là bị tâm thần phân lập và bị tống giam".

Tại Hoa Kỳ, một số người còn nêu ra "quy định Goldwater". Ông Barry Goldwater là ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 1964. Vào thời đó, một số chuyên gia đã tỏ ý nghi ngờ về năng lực tâm thần của ứng viên này. Do vậy, "quy định Goldwater" cho rằng bác sĩ sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi cho ý kiến về sức khỏe thần kinh của một người mà lại không gặp trực tiếp người đó để khám hoặc không có sự đồng ý của người đó về việc nêu công khai tình trạng tâm thần của họ.

Các thành viên hiệp hội "Trách nhiệm báo động" phản bác, cho rằng "quy định Goldwater" không phải là tuyệt đối vì họ cho rằng phải có trách nhiệm thông báo cho công chúng về mối đe dọa mà Donald Trump có thể gây cho quốc gia và toàn bộ hành tinh này.

Các tít khác trên báo Pháp

La Croix : Lĩnh vực an toàn giao thông là chủ đề chính. Tờ báo khẳng định "Chậm mà an toàn". Chính phủ Pháp hôm nay sẽ phải thông báo giảm tốc độ tối đa trên các quốc lộ xuống còn 80 km/giờ nhằm giảm bớt các vụ tai nạn giao thông. Thủ tướng chính phủ Edouard Philippe trả lời phỏng vấn tờ Journal Du Dimanche tuyên bố chính phủ chấp nhận "không được lòng dân" để "cứu sống nhiều người".

Le Monde : "Hơn 100.000 đơn xin tị nạn tại Pháp năm 2017", đây là lần đầu tiên nước Pháp vượt ngưỡng biểu tượng này. Người gốc Albania vẫn chiếm đa số. Nhưng năm 2017 số người tị nạn gốc Phi cũng tăng vọt mạnh. Chính phủ Pháp đang tìm cách làm nản lòng những người tị nạn bằng cách buộc hồi hương những người đã từng đến một quốc gia Châu Âu.

Nhật báo còn dành hẳn 1/3 trang báo để vinh danh sự nghiệp ca hát của nữ ca sĩ "France Gall. Một cuộc đời qua lời ca tiếng hát". Nữ ca sĩ qua đời hôm Chủ Nhật 07/01, thọ 70 tuổi. Từ những năm 1960, France Gall đã là một trong những ca sĩ nổi tiếng với nhiều tình khúc Pháp khác nhau.

Libération : Với hàng tựa "Thuyết âm mưu. Góc khó hiểu của nước Pháp", tờ báo trích dẫn một nghiên cứu cho biết người dân Pháp ngày càng tin vào thuyết âm mưu trong nhiều lĩnh vực, đứng đầu là chính trị. Ví dụ cụ thể trong vụ ám sát tổng thống Mỹ Kennedy, 54% người dân Pháp tin rằng có sự can dự của CIA.

Hay như 35% số người được hỏi không tin rằng các hoạt động của con người là nguyên nhân của hiện tượng khí hậu ấm dần… Nghiên cứu của viện thống kê Ifop công bố mới đây còn cho thấy là những người tin vào thuyết âm mưu đa phần là giới trẻ và là những người bỏ phiếu cho các đảng cực hữu hay cực tả.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Trước "lãnh đạo độc tài" Trung Quốc, tổng thống Pháp có tiếp tục "nói thẳng" ?

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp là chủ đề chính của báo Pháp hôm nay. "Thổ Nhĩ Kỳ rồi Trung Quốc, ngoại giao năng động của tổng thống Pháp", tựa trang nhất Le Monde, Libération có hồ sơ chính "Ba ngày Trung Quốc của Macron". Trang đầu Les Echos nói đến "Thách thức với Macron ở Bắc Kinh". Truyền thông theo dõi sát chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo một cường quốc Châu Âu, kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai trái qua) cùng phu nhân gặp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, Bắc Kinh, 08/01/2018. Reuters/Ludovic Marin/Pool

Xã luận Le Monde đặt câu hỏi, trước "nhà độc tài hùng mạnh nhất", nguyên thủ Pháp còn giữ được phong cách "nói thẳng" như ông từng thành công khi đối diện với tổng thống Nga ?

Bài ""Phong cách nói thẳng, nói thật" của Macron trước thử thách độc tài" ghi nhận "việc số lượng các lãnh đạo độc tài trên thế giới gia tăng đang ngày càng trở thành một vấn đề gai góc đối với các quốc gia dân chủ". Chọn thái độ nào cho đúng ?

"Đóng băng quan hệ" đối với những kẻ độc tài nào "thực sự" không thể chấp nhận được, hay miễn cưỡng tổ chức các cuộc "gặp kín đáo" để dàn xếp một số vấn đề, bên lề hội nghị quốc tế lớn, hoặc theo đuổi một phương châm chính trị thực dụng ("realpolitik"), "chấp nhận một cuộc đối thoại không vẻ vang gì", nhưng đổi lại là các hợp đồng kinh tế lớn, để cân bằng thâm hụt thương mại.

Vị tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp, kể từ khi nắm quyền hơn nửa năm nay, đã chọn lựa một hành xử hoàn toàn khác, mà Le Monde gọi là "phương pháp Macron". Cụ thể là tổ chức các cuộc gặp trọng thể với các lãnh đạo độc tài, nhưng sử dụng chính các cơ hội họp báo chung, để lên tiếng trước cộng đồng quốc tế.

Đối với tổng thống Nga Putin, cuộc họp báo tại lâu đài Versailles cuối tháng 5/2017 rõ ràng là "một bài học". Trước báo giới, tổng thống Pháp vừa nhậm chức được ít tuần đã trực diện chỉ trích các phương tiện truyền thông Nga chỉ là những "cơ quan tuyên truyền và gây ảnh hưởng". Tổng thống Nga Putin đã "lắng nghe một cách nhẫn nại".

Trong cuộc gặp mới đây với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nguyên thủ Pháp cũng giữ cùng cách xử sự, khi lên án các đàn áp của ông Erdogan chống lại nhân quyền, đồng thời chuyển cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ danh sách những người bị giam cầm vì thực thi quyền tự do ngôn luận. Tổng thống Pháp khẳng định : tự do ngôn luận là điều "không thể nhân nhượng".

Le Monde nhận xét, không phải lúc nào "phương pháp Macron" cũng được thực thi nhất quán, cụ thể là những "trường hợp ngoại lệ", như Ai Cập, quốc gia hiện giam giữ khoảng 60.000 tù nhân chính trị. Với tổng thống Ai Cập, nguyên thủ Pháp đã từ chối "đưa ra các bài học ngoài bối cảnh". Bối cảnh cụ thể trong trường hợp này là "cuộc chiến chung chống khủng bố".

Xã luận Le Monde khép lại với nhận định : "Tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp sẽ có nhiều dịp để trắc nghiệm" phong cách của ông, trong một loạt vấn đề, "từ đòi hỏi phải có đi có lại trong mở cửa thị trường, đến lĩnh vực nhân quyền, và việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của Châu Âu".

"Cân bằng" lại quan hệ với Trung Quốc

Về chuyến công du của tổng thống Pháp, Les Echos có hồ sơ Macron tìm kiếm một quan hệ "cân bằng hơn" với Bắc Kinh. Les Echos đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhập siêu 30 tỉ euro trong cán cân thương mại Pháp - Trung. Báo Libération thì điểm mặt "Bốn vấn đề hóc búa trong quan hệ Pháp - Trung".

Cụ thể là trong chuyến đi này tổng thống Pháp sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác "cụ thể và dài hạn" với Bắc Kinh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc vốn là thủ phạm gây ô nhiễm nhất, nhưng đồng thời cũng là quốc gia đầu tư hàng đầu vào các loại hình năng lượng tái tạo. Paris cũng cần tìm kiếm "một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", để hợp tác trong các hồ sơ an ninh quốc tế lớn như hạt nhân Bắc Triều Tiên, chống tài trợ khủng bố, cũng như cuộc chiến chống khủng bố tại Châu Phi.

Hai hồ sơ hóc búa khác liên quan không chỉ với nước Pháp và mà cả Châu Âu. Đó vấn đề có đi có lại trong mở cửa thị trường, và dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, một sáng kiến của Bắc Kinh, hiện đang chủ yếu được triển khai vì "các lợi ích của Trung Quốc". Cụ thể như là tình trạng Trung Quốc đang lấn sân tại Hy Lạp, với việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp chiến lược.

Bắc Kinh nỗ lực để Macron thăm Trung Quốc đầu tiên

Theo Libération, chuyến công du của tổng thống Pháp có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc. Bài "Đối với ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp là một đồng minh, một chỗ dựa ổn định" cho hay "chính quyền Trung Quốc đã rất nỗ lực để tổng thống Macron sớm thăm Trung Quốc, và điều quan trọng nhất là tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên tại Châu Á".

Cho dù không tổ chức dạ yến xa hoa tại Tử Cấm Thành, như khi đón tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã làm mọi thứ để vừa lòng nguyên thủ Pháp. Cụ thể là cuốn sách của Emmanuel Macron nhan đề "Cách mạng", cương lĩnh chính trị của ông và phong trào Tiến Bước, đã được dịch sang tiếng Trung, và ra mắt đúng vào thứ Hai 08/01, ngày đầu tiên của chuyến công du.

Tại Trung Quốc, tổng thống Pháp cùng phu nhân để lại "một hình ảnh rất đẹp", theo ông Đổng Cường (Dong Qiang) dịch giả cuốn sách nói trên, và cũng là một chuyên gia về văn học Pháp.

Trung Quốc rất cần đến "Mã Khắc Long" (hay Ngựa chế Rồng) - tên chữ Hán của tổng thống Pháp - cũng là nhận định của Le Figaro. Trong thế cạnh tranh với Hoa Kỳ tại bàn cờ Châu Á, Bắc Kinh đang thi hành một chiến dịch ngoại giao "quyến rũ" để nhận được sự ủng hộ của Pháp.

"Không gian địa chính trị bỏ trống" : Đất dụng võ của Pháp

Về chủ đề này, cũng Les Echos có một tiếp cận đáng chú ý khác. Bài xã luận "Macron và "giấc mơ" Trung Hoa" cho rằng khía cạnh kinh tế không phải là vấn đề chiến lược chủ chốt trong quan hệ Pháp - Trung. Bởi xét về tỉ trọng kinh tế song phương, Pháp chỉ là "một chàng lùn", với 1,5% thị phần tại thị trường Trung Quốc, ngang mức với Anh và Ý, nhưng thua Đức. Les Echos không kỳ vọng chuyến đi này của tổng thống Pháp sẽ đóng góp quyết định vào việc lập lại cân bằng thương mại.

Tuy nhiên, Paris sẽ có đất dụng võ trong một lĩnh vực khác. Đó là "không gian địa chính trị bị bỏ trống", do chính sách của nước Mỹ thời Donald Trump. Đức - cường quốc Châu Âu hàng đầu - cũng rất ít có khả năng vươn lên thành một thế lực chính trị tầm cỡ thế giới. Sau khi Anh rời khởi Liên Âu, Pháp là nước Liên Âu duy nhất có mặt trong Hội Đồng Bảo An. Bởi vậy tiếng nói của Paris sẽ tiếp tục được lắng nghe, vấn đề tùy thuộc vào sự quyết đoán của tổng thống Pháp.

Cụ thể là, đối diện với Trung Quốc, trong cục diện chính trị quốc tế hiện nay, tổng thống Pháp phải làm gì ? Le Monde giới thiệu bài phân tích của chuyên gia chính trị quốc tế Valérie Niquet "Pháp và Trung Quốc không chỉ có các lợi ích chung".

Theo chuyên gia Pháp, tổng thống Macron không được để bị rơi vào chiếc bẫy của Bắc Kinh, trở thành một công cụ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Cụ thể là cùng với Trung Quốc cổ vũ cho một thế giới "đa phương", chống lại Hoa Kỳ, mà trên thực tế, chủ trương "đa phương hóa" hay "dân chủ hóa các quan hệ quốc tế" của Trung Quốc trước hết là nhằm mở rộng không gian hành động của Bắc Kinh, nhằm khẳng định như "lãnh đạo duy nhất của Châu Á".

Chuyên gia địa chính trị Pháp nhấn mạnh là khả năng duy trì quan hệ "cân bằng giữa các thế lực trong khu vực" mới chính là thước đo để đánh giá "chính sách Châu Á" của nước Pháp.

Iran : Cuộc chiến nội bộ tiếp tục

Về điểm nóng chính trị Iran, báo La Croix có bài : "Phong trào phản kháng chấm dứt, nhưng cuộc chiến quyền lực tiếp diễn". Ngày 07/01, Quốc hội Iran có cuộc họp kín để bàn về các cuộc tuần hành chống chính quyền trong những ngày cuối năm 2017, đầu 2018. Bộ trưởng nội vụ, lãnh đạo cơ quan tình báo, lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Quốc Gia giải trình về vấn đề nguyên nhân phản kháng và các phản ứng của chính quyền.

Vấn đề kiểm duyệt mạng Telegram, mạng xã hội lớn nhất Iran, được nêu ra. Quốc hội Iran không đồng ý với việc duy trì kiểm duyệt, nhưng cũng yêu cầu mạng xã hội phải có cam kết không để được sử dụng như "một công cụ của kẻ thù". Hiện tại, khoảng 25 triệu người dân Iran - trên tổng số 80 triệu dân - sử dụng mạng Telegram gần như hàng ngày.

Bầu cử tổng thống Nga : ứng cử viên đăng ký kỷ lục

Về nước Nga, theo Le Figaro, việc đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống chấm dứt hôm Chủ Nhật 07/01. Theo chính quyền Nga, tổng cộng ít nhất 64 người đăng ký, và đây là con số kỷ lục. Tuy nhiên trên thực tế, không có bất cứ ai trong số họ có khả năng đối đầu với tổng thống Nga Vladimir Putin, độc quyền lãnh đạo nước Nga từ gần 20 năm nay.

Trong bối cảnh chiến thắng nằm chắc trong tay, chính quyền Putin nới lỏng điều kiện đăng ký ứng cử viên, giảm từ 2 triệu người ủng hộ, xuống còn 300.000. Nữ phóng viên đối lập Ksenia Sobtchal, được coi là một nhân vật có thể thu hút các cử tri vốn ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, bị điện Kremli loại khỏi cuộc đua. Hiện bà Sobtchal còn thiếu khoảng 100.000 chữ ký.

Theo Le Figaro, chính quyền Nga theo dõi sát cuộc vận động chữ ký cho nữ phóng viên ứng cử tổng thống đối lập.

Lenin : Kẻ sáng lập chủ nghĩa toàn trị

Vẫn về nước Nga, nhưng liên quan đến lịch sử, mục "Thảo luận" của Le Figaro giới thiệu một cuốn tiểu sử mới về Lenin, của nhà sử học Stéphan Courtois, chuyên gia về chủ nghĩa cộng sản Nga.

Trong bài viết mang tựa đề : "Lenin, người sáng tạo thực sự chủ nghĩa toàn trị", nhà báo Jacques Julliard ca ngợi cuốn sách mới về Lenin, nhưng cũng chỉ ra là tiểu sử về Lenin nói trên chưa nhấn mạnh đủ về "vị trí của nỗi thù hận" trong tâm lý của những người cộng sản.

Hoa Kỳ : "Tuần lễ điên rồ"

Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Monde có bài "Nhà Trắng trong tình thế bị vây hãm", sau khi ra mắt cuốn "Ngọn lửa và cơn thịnh nộ", vừa ra mắt phơi bày những mặt trái của chính quyền Trump. Tác phẩm của nhà báo Michael Wolff cho thấy một tổng thống không có khả năng đảm nhiệm chức vụ, một phủ tổng thống gần như trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.

Tuần lễ vừa qua tại Hoa Kỳ, được Le Monde đánh giá là "điên rồ". Tổng thống Trump ngay trong tuần lễ đầu tiên đã có một loạt các quyết định gây sốc : cắt viện trợ nhân đạo cho Palestine, tuyên bố ngưng viện trợ cho Pakistan, đồng minh trụ cột của Nam Á, hay khoe với thế giới là có "nút bấm" hạt nhân to hơn của Kim Jong Un.

Mỹ : Quyết định cấp phép khoan dầu ồ ạt

Về mặt đối nội, tổng thống Trump tuyên bố cấp phép trở lại cho nhiều hoạt động khoan dầu ngoài khơi nước Mỹ, tại các khu vực vốn bị cấm trước đây, ở ven bờ California, tiểu bang miền tây Washington, tiểu bang miền đông Virginia, trong đó nhiều diện tích nằm trong các khu bảo tồn. Với việc cấp phép ồ ạt này, Washington hy vọng sẽ đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng, từ nay đến năm 2026.

Theo Les Echos, quyết định nói trên của tổng thống Mỹ đe dọa những hệ quả tồi tệ về môi trường.

San hô : Hiện tượng tẩy trắng tăng gấp 10 lần

Vẫn trong lĩnh vực môi trường, Le Monde có bài "Sự sống còn của san hô bị đe dọa khắp nơi", theo một nghiên cứu của đại học Úc James Cook vừa được tạp chí Science công bố hôm 05/01.

San hô được mệnh danh là lá phổi của đại dương, là sinh mệnh của biển khơi. Dù chỉ chiếm diện tích 0,2% mặt biển, nhưng là nơi ẩn náu của 30% sinh vật biển. Lợi ích của san hô với hệ sinh thái, bảo vệ bờ biển chống sụt lở, nguồn thực phẩm cho cá, nguồn lợi du lịch… ước tính 24 đến 310 tỉ euro hàng năm.

Dưới tác động của việc khí hậu bị hâm nóng, hiện tượng "tẩy trắng", hay nói cách khác nguy cơ đe dọa diệt vong của loài sinh vật quý giá này, tăng gấp 10 lần, trong bốn thập niên trở lại đây.

Nguyên nhân trực tiếp là do nồng độ oxy suy giảm mạnh tại các vùng biển xa, và nhất là những vùng ven bờ, đặc biệt do khí hậu bị hâm nóng, và các chất xả thải. Theo nghiên cứu nói trên, chỉ cần nhiệt độ tăng lên từ 0,5° đến 1°C, loài "tảo vàng" (zoosanthelle) cộng sinh, và là nguồn thức ăn chính của san hô (95%), sẽ bị đẩy khỏi cơ thể san hô. San hô kiệt sức, màu trắng chết chóc xuất hiện.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Hai miền Triều Tiên thông báo nối lại đàm phán vào ngày 09/01/2018. Sự kiện này được đánh giá là "chưa từng có" và là một dấu hiệu hòa hoãn mới sau hai năm "im lặng", ít nhất là trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc Seoul và Bình Nhưỡng nói chuyện với nhau lại có nguy cơ làm suy yếu chiến lược cô lập chế độ Bình Nhưỡng mà Nhà Trắng kiên quyết thực hiện từ khi Donald Trump lên làm tổng thống.

lientrieu1

Dân Hàn Quốc xem truyền hình đưa tin lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chúc mừng năm mới, ngày 31/12/2017 - JUNG Yeon-Je / AFP

Ngoài việc đơn phương đưa ra các biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong-un, Hoa Kỳ còn vận động và gây sức ép với cộng đồng quốc tế để cô lập Bắc Triều Tiên cả về kinh tế lẫn ngoại giao nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo.

Riêng tổng thống Donald Trump không tỏ ra kiềm chế trong lời nói khi nhắc đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên, được ông đặt biệt danh là "Người tên lửa" (Rocket Man), ám chỉ số lượng vụ thử tên lửa được thực hiện dưới thời Kim Jong-un.

Và gần đây nhất, vào thứ Ba 02/01/2018, chủ nhân Nhà Trắng vẫn tỏ ý chế nhạo lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi viết trên Twitter rằng "Kim Jong-un vừa khẳng định luôn có nút nhấn hạt nhân trên bàn làm việc, hãy nói với ông ấy rằng tôi cũng có nút nhấn hạt nhân, nhưng nút nhấn của tôi còn to hơn và mạnh hơn nút của ông ấy, và nó hoạt động !"

Tuy nhiên, một số dấu hiệu hòa dịu được Kim Jong-un đưa ra trong bài diễn văn chúc mừng năm mới dường như khiến Washington ngạc nhiên và càng thêm ngờ vực về "mức độ thành thật của Kim Jong-un khi tỏ ý định ngồi lại vào bàn đàm phán", theo phát biểu của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ.

Ngoài việc Kim Jong-un kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều, chính quyền Bình Nhưỡng còn quyết định nối lại đường dây liên lạc đỏ với Seoul từ hôm 03/01 sau gần hai năm gián đoạn. Với tổng thống Mỹ, thông tin trên "có thể là một tin tốt, mà cũng có thể là không", nhưng có một điều rõ ràng là Kim Jong-un đã cảm thấy có thể "đối thoại ở thế mạnh", theo đánh giá của ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group, được AFP trích dẫn.

Phải chăng với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người luôn ủng hộ đàm phán vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, đây là cơ hội để tìm ra giải pháp sống chung với người anh em láng giềng phương Bắc vừa tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân và không hề có ý định từ bỏ chương trình vũ khí đạn đạo ? Vì với Seoul, tổng thống Mỹ Donald Trump luôn ưu tiên bảo vệ chính sách "Nước Mỹ trước đã", chứ chưa đến lượt Hàn Quốc.

Hôm 05/01, Washington và Seoul thông báo hoãn tập trận trong thời gian có Thế vận hội Pyeongchang diễn ra từ ngày 09 đến 25/02. Sau khi nói chuyện với nhiều lãnh đạo Hàn Quốc, chuyên gia Ian Bremmer cho rằng để đàm phán với Bắc Triều Tiên, không loại trừ khả năng Hàn Quốc còn chấp nhận tạm ngừng các cuộc tập trận với Mỹ.

Sự kiện này sẽ không có lợi cho Washington vì mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên luôn là lý do giải thích sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn với Bắc Kinh, đây là một thắng lợi vì Trung Quốc, đồng minh trung thành của Bắc Triều Tiên, không muốn quân đội Mỹ có mặt ngay sát biên giới nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Cuối cùng, phải chăng đàm phán liên Triều còn giúp Hàn Quốc tăng cường vị thế của mình trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên ?

Thu Hằng

Published in Châu Á