Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp đau đầu với tin giả

Nhà Nước Pháp mở cuộc chiến chống tin giả trên mạng, Bắc Triều Tiên trúng tên lửa của Kim Jong-un, Tập Cận Bình chống nghèo đói, nội tình Iran bế tắc, Donald Trump bị vạch áo… là những chủ đề quan trọng trên báo Pháp ngày 05/01/2018.

FRANCE-POLITICS-NEW YEAR-WISHES

Trong buổi chúc Xuân 2018 giới báo chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ ban hành luật chống tin giả

Thị trường chứng khoán Wall Street đạt đỉnh, đa số dân Pháp, 61%, tin tưởng vào tình hình kinh tế quốc gia đang được cải thiện, tổng thống Macron tiếp tục lên điểm trong công luận. Những thông tin lạc quan của nhật báo kinh tế Les Echos chỉ làm nổi bật những mối đe dọa khác : "hầu như toàn bộ máy vi tính trên thế giới không chống được tin tặc". Tuy nhiên, thông tin làm tốn giấy mực hơn cả là "trận chiến chống tin giả" của tổng thống Pháp được mô tả là "lợi bất cập hại".

"Tin giả, chiến trường thật"

Fake news gây xáo trộn các cuộc bầu cử tại các quốc gia dân chủ, tổng thống Pháp muốn dùng luật pháp, buộc các mạng xã hội phải hành động, phải minh bạch hóa và trợ lực dẹp các nội dung thất thiệt. Một trong những biện pháp trói buộc này là phải công khai hóa tên tuổi, nguồn gốc của kẻ loan tin để truy tố.

"Nhà nước dấn thân vào cuộc chiến chống tin giả", tựa của nhật báo công giáo La Croix.

Le Monde thông cảm và khen ngợi sáng kiến của tổng thống Pháp nhưng với những lời cảnh báo trong bài xã luận "Tin giả, những nguy hiểm của một đạo luật" : Mục đích của tổng thống Pháp, bảo vệ những công dân thiếu cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt là đáng khen. Ông xuất chiêu tuyệt vời khi giải thích với một nhà báo Nga, trước mặt tổng thống Putin, thế nào là sự khác biệt giữa thông tin và tuyên truyền : Russia TodaySputnik là hai cơ quan tuyên truyền của Nga loan tin thất thiệt bôi lọ uy tín ứng cử viên Macron.

Chống tin giả là cuộc chiến của các nền dân chủ ở Tây Phương chống lại vũ khí tuyên truyền giả dối từ các chế độ độc tài, vừa bôi lọ, vừa chia rẽ các xã hội thông thoáng. Tuy nhiên, tham vọng ra luật để chống tin giả trong lãnh vực vừa phức tạp vừa biến đổi nhanh chóng nhờ công nghệ số, thì việc thực hiện sẽ phức tạp gấp trăm lần.

Theo Le Monde, vào lúc đối lập tại Pháp chưa hồi sinh sau thất bại bầu cử tháng 05/2017, tổng thống Pháp tăng tốc tiến hành cải cách không ngưng nghỉ trong đó có lãnh vực truyền thông, để bảo vệ nền dân chủ. Vấn đề là trong lãnh vực này, báo chí, trong đó có Le Monde, là tác nhân đi tiên phong. Do vậy, theo tác giả bài xã luận, nếu chính phủ muốn đóng góp thì nên bắt đầu bằng giáo dục ở học đường, bằng bảo vệ mô hình kinh tế của các nhật báo thông tin. Cụ thể là chỉ cần cải tiến các đạo luật có sẵn là ít rủi ro nhất.

Tổng thống Pháp đã "đi sai hướng"

Theo nhật báo cánh tả, không cần phải ra luật mới, chỉ cần áp dụng luật bảo vệ tự do báo chí ban hành từ năm 1881.

Đề xuất của tổng thống Pháp hòa đồng cùng với xu hướng chung ở Tây phương từ khi những nghi ngờ chính quyền Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, thao túng công luận Anh trong vụ trưng cầu dân ý Brexit và cuộc bầu cử quốc hội Đức. Trong xu hướng chung này, Facebook, Google ở Mỹ cũng như Libération ở Pháp đã không ngại tốn kém, luôn kiểm chứng các thông tin mà độc giả báo động tính chính xác.

Tuy nhiên, tổng thống Macron, từng là nạn nhân của tin giả khi tranh cử, cho rằng chưa đủ. Ông muốn nhờ một thẩm phán ra quyết định truy tố, trừng phạt kẻ tung tin thất thiệt, đóng cửa tài khoản… Một biện pháp nữa là tăng cường thẩm quyền của CSA, cơ quan thính thị quốc gia (truyền thanh truyền hình), bài trừ những "âm mưu khuynh đảo của các cơ quan báo chí do chính phủ nước ngoài kiểm sóat" như đài truyền hình Russia Today và hãng tin Sputnik của Nga.

Theo Libération, Pháp đã có đạo luật chống tuyên truyền, tung tin đồn thất thiệt từ năm… 1881 (điều 27, luật tháng 7/1881) quy định tiền phạt lên đến 45.000 euro theo mệnh giá hiện tại và một năm tù giam. Đề xuất luật mới không giải quyết được nạn tin giả.

Tổng thống Mỹ và cố vấn bị cách chức Stephen Bannon thanh toán lẫn nhau

Quả bom chính trị là quyển sách "Fire and Fury : Inside the Trump White House" tạm dịch là "Lửa Lôi Đình trong Nhà Trắng của Trump" của Michael Wolff.

Quan hệ Trump-Bannon hoàn toàn đứt đoạn, tựa của Le Monde. Trong quyển sách, cố vấn thân cận của Donald Trump gọi con trai lớn của tổng thống Mỹ, Donald Trump Jr là "tên phản quốc", đã "tiếp đại diện một chính phủ nước ngoài trong tòa tháp Trump mà không có luật sư chứng kiến, nào là khi bị tư pháp chiếu cố, gia đình Trump "ngồi trên bãi biển chống bão cấp 5".

Còn theo La Croix, trong bài "Donald Trump thanh toán ân oán với Steve Bannon" thì Steve Bannon đã vượt "làn ranh đỏ" khi tố cáo con trai tổng thống Trump "phản quốc". La Croix cho rằng phe thân cận của tổng thống Trump cũng có lý do hài lòng vì dứt khoát dẹp được nhân vật đầy tai tiếng này trước khi bầu cử Quốc Hội. Les Echos thì dự đoán sẽ có nhiều hệ quả khó lường cho tổng thống Trump, tiếp tục ở trong tầm ngắm của tư pháp trong khi các chuyên gia chính trị của đảng Cộng hòa lo ngại Bannon tìm cách làm cho đảng Cộng Hòa lao đao trong cuộc bầu cử năm nay.

"Gậy ông đập lưng ông" và "Ngày Kim Jong-un mất kiểm soát một trong các tên lửa"

Đây là tựa của Les EchosLibération nhân quyết định của Bình Nhưỡng chịu tái lập liên lạc với Seoul trong bối cảnh Thế vận hội muà đông tại Hàn Quốc.

Với tựa "Gậy ông đập lưng ông", Les Echos lo ngại cuộc đấu khẩu giữa Kim Jong-un và Donald Trump có thể kết thúc bằng một tai họa. Bằng chứng là theo tiết lộ của trang mạng Nhật Bản, the Diplomat, thì ngày 28/04 năm 2017, một vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã rơi ngay trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên thuộc khu công nghiệp Tokchong, một ngôi làng đông dân cách dàn phóng có 40 km. Thiệt hại vật chất được mô tả rất nặng nề.

Trong bài báo cùng chủ đề, Libération phân tích sâu hơn : chuyện trật quỹ đạo và động cơ hỏng này có thể gây khủng hoảng toàn diện. Ngoài thiệt hại vật chất và nhân mạng, chuyện tên lửa trục trặc, khi bay ngang không phận Nhật Bản chẳng hạn, có thể bị suy đoán là hành động cố ý tấn công gây hấn. Những quốc gia có hiệp định quốc phòng hỗ tương như Mỹ, Nhật, Hàn sẽ ra tay hành động, đưa đến hệ quả vũ lực đáp trả vũ lực.

Chủ tịch Trung Quốc cam kết chống nạn nghèo khó

Thực tế ra sao ? Le Figaro tường thuật tình hình tại một thí điểm : Quý Châu. Chính quyền Trung Quốc đã chi ra 60 tỷ euro trong vòng 5 năm từ 2013 đến 2017. Chỉ tiêu là tái định cư 10 triệu dân nông thôn trong tổng số 43 triệu người còn nghèo theo thống kê chính thức.

Theo Le Figaro, cho dù 800.000 cán bộ đảng được đưa về nông thôn để xóa đói giảm nghèo nhưng cố gắng của Tập Cận Bình khó đạt được kết quả. Cản lực quan trọng nhất là tình trạng chính quyền địa phương làm ít nói nhiều, chuyên báo cáo phóng đại để được thăng chức.

Nguy cơ thứ hai là "đông đảo nông dân, một khi vào nhà mới, ở các khu tân lập, xa quê cũ thì làm nghề gì để sống ?" theo nhận định của một giáo sư kinh tế ở Quý Châu. Mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người nghèo từ dưới một đô la mỗi ngày, theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, lên một đô la do vậy khó có cơ may đạt được. Mà theo suy tính của Tập Cận Bình, thì xóa nạn nghèo khó là mục tiêu tạo tính chính đáng cho đảng Cộng Sản, ngày càng xa dần.

Tư lệnh Vệ binh Hồi giáo Iran loan báo dẹp yên phong trào phản loạn

Nói dễ nhưng làm khó. Tại sao ? Theo Le Monde, không có áp lực, thì chế độ Iran không thể cải cách. Áp lực đường phố đã diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp với những người biểu tình trẻ tuổi, nghèo với tâm trạng lo âu cho tương lai. Vấn đề của Iran là cho dù cấm vận quốc tế đã được tháo gỡ nhưng "kinh tế không phất lên được". Cản lực nằm trong nội tình : phe bảo thủ chống laị mọi chính sách cải cách của tổng thống Rohani.

La Croix cho biết thêm, tư lệnh lực lượng Vệ binh Hồi giáo, đứng đầu 130.000 quân thiện chiến Ali Jafari chỉ "búng một ngón tay" là biểu tình "xẹp" xuống. Bởi vì đây là một lực lượng hung thần sẵn sàng đàn áp bằng mọi phương tiện và đang nắm hầu hết lãnh vực kinh tài trong tay. Khác với quân đội truyền thống, Vệ Binh Hồi Giáo còn có trách nhiệm bảo đảm ý thức hệ Shia chống xâm nhập của hệ phái Sunni. Từ sau cuộc chiến tranh với Iraq năm 1988, lực lượng này đứng đầu nhiều tập đoàn kinh tế, ưu tiên giành hợp đồng béo bở, trong lúc 40% thanh niên Iran thất nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do làm người dân Iran bất mãn chế độ Hồi Giáo.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế

Thời sự Iran được báo chí Pháp quan tâm với nhiều bài viết, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, trang nhất báo Le Monde lại chú ý tới Châu Á với hàng tựa "Sự thăng tiến không cưỡng nổi của Châu Á làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới".

chaua1

Khu phố tài chính Phố Đông ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 09/03/2017. Reuters/Aly Song

Châu Á không ngừng tăng trưởng kinh tế

Dựa trên các nghiên cứu, báo Le Monde nhận định "Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới". Trên bàn cờ kinh tế thế giới, Châu Á khẳng định vị trí của mình và trong năm 2018, Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt Pháp và Anh. Dự báo phân loại này do Trung Tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) công bố ngày 26/12 vừa qua.

Sự thăng tiến này sẽ còn tiếp tục trong 15 năm tới. Từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong nhóm 25.

Vẫn theo nghiên cứu của CEBR, nếu tính tổng sản phẩm nội địa (PIB) theo đô la, thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Hoa Kỳ. Còn nếu tính theo "sức mua", tức là cùng một số tiền mua hàng hóa ngay tại nước đó, thì PIB của Trung Quốc dường như đã ngang bằng Mỹ.

Bất kể tính theo tiêu chí nào, Châu Á đều có xu hướng gia tăng tỉ trọng kinh tế. Theo điều tra của công ty tư vấn Anh PricewaterhouseCoopers (PwC), được công bố hồi tháng 02/2017, thì đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, có tới 4 nước Châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định : Các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về Châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần.

Về phần mình, CEBR nhắc lại : cho đến năm 2000, các quốc gia vẫn thường được gọi là "những nước phát triển" chiếm 76% trọng lượng kinh tế toàn thế giới. Con số này sẽ giảm xuống còn 44% vào năm 2032. Và các quốc gia vốn được coi là "đang phát triển", sẽ chiếm 56%. Do vậy, báo cáo của CEBR kết luận : ảnh hưởng chính trị tất yếu sẽ biến đổi theo chiều hướng này. Các nền kinh tế đang phát triển trước đây sẽ có trọng lượng gia tăng trong các định chế quốc tế và quan hệ song phương.

Sự năng động của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%), cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.

Le Monde cho biết, có nhiều yếu tố giải thích cho sự thăng tiến của kinh tế Châu Á : các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ với đầu tàu là Trung Quốc, dân số tăng nhanh. Đến năm 2030, Châu Á sẽ có thêm 410 triệu dân và chiếm 50% tổng dân số toàn cầu.

Tỷ lệ đô thị hóa của Châu Á cũng cao, 40%. (Các nước phát triển có tỷ lệ từ 80 đến 90%). Sự phát triển các trung tâm đô thị sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và mức chi tiêu dùng. Đó là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý là nên tỉnh táo đánh giá các thành tích kinh tế. Chuyên gia Julien Marcilly giải thích : sức mạnh kinh tế được thể hiện qua quy mô tầm vóc thị trường. Các phân loại nói trên không phản ánh được mức độ giàu có trung bình của từng quốc gia. Một số nền kinh tế tiến rất nhanh nhưng PIB tính theo đầu người lại thấp hơn so với các nước phát triển.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, trong năm 2016, thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 15% so với dân Mỹ, Ấn Độ chỉ bằng 3%.

Mặt khác, mức chênh lệnh giàu nghèo tại Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Giới chủ các tập đoàn lớn tại Ấn Độ có thu nhập cao hơn 229 lần mức lương tháng trung bình và Ấn Độ đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ, có mức chênh lệnh giàu nghèo cao nhất thế giới.

Ngoài ra, Châu Á cũng phải đối mặt với một số thách thức, như dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu như tại Trung Quốc, tăng trưởng không còn cao như trước. Một số quốc gia Châu Á có thể rơi vào cái "bẫy thu nhập trung bình", sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại, ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển.

Mâu thuẫn Mỹ-Châu Âu về tình hình Iran

Về tình hình Iran, Libération chạy trên trang nhất : "Iran, đánh thức sự sợ hãi". Sau nhiều ngày biểu tình sôi sục, phong trào phản đối tại Iran có nguy cơ bị chính quyền bóp nghẹt, đe dọa trừng phạt nặng nề những ai dám biểu tình, không sợ bị trấn áp.

Les Echos cho biết "Chính quyền Iran làm chủ lại tình hình". Lực lượng vệ binh Cách mạng khẳng định : tình trạng phản loạn đã chấm dứt.

Trong khi đó, Mỹ và Châu Âu lại có phản ứng khác nhau về tình hình tại Iran.

Nhật báo Le Monde có bài xã luận nhận định về "Những chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về Iran".

Phong trào phản đối của người dân đang lan rộng tại Iran từ một tuần qua đã đẩy phương Tây vào tình thế khó khăn : hiệp định hạt nhân mà các cường quốc phương Tây ký với Iran là cội nguồn gián tiếp của làn sóng phản đối này và thỏa thuận nói trên có thể là nạn nhân liên đới.

Thỏa thuận được ký ngày 14/07/2015 giữa Iran và 5 thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) cùng với Đức bao gồm việc Iran ngưng một số hoạt động hạt nhân. Đổi lại, phương Tây sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với chính quyền Tehran. Hiệp định do phe cải cách dẫn đầu là tổng thống Hassan Rohani đám phán ký kết cũng như viễn cảnh đón nhận các đầu tư nước ngoài đã làm cho người dân Iran hy vọng tình hình kinh tế sẽ được cải thiện. Thế nhưng, các mong đợi này không hề được thực hiện do thái độ dè chừng của chính quyền Donald Trump làm tê liệt mọi tham vọng của Châu Âu quay trở lại Iran làm ăn, đầu tư.

Vấn đề này lại càng trở nên phức tạp khi phương Tây có lập trường chia rẽ rõ rệt trong quan hệ với Iran. Không ngần ngại đổ thêm dầu vào lửa, ngay từ đầu phong trào biểu tình, tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng khuyến khích người dân Iran. Nhà Trắng coi việc ủng hộ này là cơ hội thể hiện lập trường khác biệt với chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama.

Năm 2009, khi phong trào biểu tình nổ ra và bị đàn áp, chính quyền Mỹ lúc đó có thái độ thận trọng.

Ý thức được sự phức tạp của tình hình, các nước Châu Âu chỉ kêu gọi chính quyền Tehran kiềm chế, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và biểu tình của người dân, bày tỏ mối lo ngại trước các hành động trấn áp biểu tình.

Le Monde giải thích, Mỹ và Châu Âu có các phản ứng khác nhau vì hai bên có lập trường đối lập nhau về tương lai của hiệp định hạt nhân Iran. Tổng thống Donald Trump không dấu diếm thái độ thù nghịch đối với Iran và thỏa thuận hạt nhân, trong lúc các nước Châu Âu muốn giữ văn bản này. Hồi tháng 10/2017, khi buộc phải có ý kiến về việc Iran có tôn trọng thỏa thuận hạt nhân hay không, tổng thống Mỹ đã lựa chọn giải pháp nửa vời, từ chối xác nhận nhưng để cho Quốc Hội có khả năng cải thiện văn bản này.

Giai đoạn hiện nay khá tế nhị : trong khoảng thời gian từ 11 đến 17/01/2018, tổng thống Mỹ lại phải đối mặt với việc thừa nhận Iran tôn trọng hiệp định hạt nhân và qua đó, dỡ bỏ cấm vận hoặc là ông sẽ chính thức bác bỏ hiệp định này. Giải thuyết thứ hai, trong bối cảnh bạo động ở nhiều nơi tại Iran, chắc chắn làm gia tăng căng thẳng bên trong Iran.

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tìm cách "dung hòa" nhiều yếu tố : duy trì hiệp định hạt nhân, lo ngại về vai trò của Iran trong bối cảnh mất ổn định khu vực, duy trì đối thoại với tổng thống Rohani, có lập trường thận trọng về phong trào biểu tình hiện nay. Do vậy, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Iran, ngày 02/01, tổng thống Macron kêu gọi chính quyền Tehran kiềm chế, làm dịu căng thẳng. Đồng thời, nguyên thủ Pháp yêu cầu ngoại trưởng Jean-Yves Ledrian hoãn chuyến công du Iran được dự kiến vào ngày 05/01. Theo Le Monde, đó là một quyết định khôn ngoan, khác hẳn với thái độ náo động tại Washington.

Đi cùng hướng này, xã luận báo La Croix cho rằng "Nên thận trọng với Iran". Khác với tổng thống Mỹ Donald Trump, Châu Âu không nên đổ thêm dầu vào lửa, kêu gọi thay đổi chính quyền, đồng thời vẫn luôn luôn cảnh giác về tình trạng nhân quyền tại Iran. Pháp và Châu Âu cần thúc đẩy làm dịu căng thẳng trong khu vực, tạo thuận lợi cho các trao đổi thương mại, văn hóa và du lịch với người dân Iran.

2017 : Số phụ nữ bị ung thư phổi tăng tại Pháp

Trong lĩnh vực y tế, báo Le Figaro có bài đáng chú ý với lời báo động, tại Pháp, trong năm 2017, "Ung thư phổi ở phụ nữ gia tăng".

Ngày 02/01 vừa qua, các cơ quan phụ trách y tế công, viện nghiên cứu ung thư quốc gia Pháp đã công bố nghiên cứu thẩm định về bệnh ung thư, theo đó, số các trường hợp chẩn đoán bị ung thư gia tăng, tuy nhiên, số người tử vong về bệnh này lại giảm.

Trong năm 2017, có thêm 400 ngàn trường hợp được chẩn đoán là bị ung thư, nam giới 54% và nữ giới là 46%/. Tổng cộng, 150 ngàn bệnh nhân tử vong vì căn bệnh quái ác này.

Ba loại ung thư có số người tử vong cao nhất, đối với nam giới là ung thư phổi, ung thư ruột già và sau cùng là ung thư tuyến tiền liệt. Ở phụ nữ, nếu nhìn trong một giai đoạn vài năm thì ung thư ngực có tỷ lệ tử vọng cao nhất. Tuy nhiên, trong năm 2017, tỷ lệ phụ nữ qua đời vì ung thư phổi lại tăng vọt, hơn 10 ngàn người.

Theo giải thích của giới chuyên gia, phụ nữ bắt đầu hút thuốc lá nhiều từ cuối những năm 1960 và các thế hệ phụ nữ sau đó còn hút nhiều hơn. Ngược lại, nam giới lại có xu hướng giảm hút thuốc lá.

Yếu tố thứ hai là rượu. Những thế hệ trưởng thành từ giữa thế kỷ trước đã uống nhiều rượu hơn hiện nay.

Do vậy, giới chuyên gia khẳng định lại những khuyến cáo từ trước tới nay, để giảm nguy cơ gây ung thư, thì cần giảm hút thuốc lá và uống rượu.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Bốn năm sau Thế vận hội mùa đông Sotchi, một lần nữa nước Nga đang chuẩn bị đón một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm nay : Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2018, được tổ chức từ ngày 14/06 đến 15/07. Lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia Đông Âu, sự kiện thể thao lớn này sẽ được hàng tỷ người trên khắp thé giới theo dõi.

cup1

Zabivaka, linh vật của World Cup 2018 trưng bày trong khu vực điện Kremlin ngày 11/12/2017. Mladen ANTONOV / AFP

Nước chủ nhà đã có 7 năm chuẩn bị với chi phí tốn kém lên tới nhiều tỷ đô la cùng nhiều thách thức lớn về mặt hậu cần tổ chức khi chỉ còn hơn 6 tháng khai hội. Đến lúc này, câu hỏi lớn đặt ra cho nước chủ nhà và FIFA lúc này là nước Nga có sẵn sàng về tiến độ thời gian ?

Về mặt chính thức, chính quyền Nga và Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới đều tỏ ra lạc quan. Mặc dù vậy, cho đến tháng cuối năm 2017, mới chỉ có 5 trong tổng số 12 sân vận động dự trù cho giải đấu lớn được đưa vào vận hành. Vẫn còn ít nhất một sân vận động (sân Samara) sẽ chỉ được bàn giao vào tháng Tư tới. Các nhà tổ chức Nga phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các sân vận động hơn nữa từ nay đến ngày khai mạc.

Tuy nhiên trong lễ bốc thăm chia bảng đấu hôm 01/12/2017 tại điện Kremlin, ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA đã lạc quan tuyên bố rằng :

"Về mặt chuẩn bị, tôi cho là tất cả đã sẵn sàng. Những cái gì chưa sẵn sàng thì sẽ sớm được hoàn thành…. Mục tiêu của chúng tôi tất nhiên là tổ chức một kỳ Cúp thế giới đẹp nhất. Theo những gì tôi chứng kiến đến giờ, tôi tin là Nga 2018 sẽ là kỳ Cúp thế giới tốt nhất từ trước tới nay".

Đằng sau niềm lạc quan của nhà quản lý giải đấu, vẫn còn bộn bề những lo toan của nước chủ nhà. Để tổ chức ngày hội bóng đá của cả hành tinh này, nước Nga đã bỏ ra trên chục tỷ đô la (11,6 tỷ). Đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ, trong khi mà nền kinh tế Nga vẫn còn đang chới với bấp bênh, gặp rất nhiều khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khoản đầu tư khổng lồ vào một sự kiện mang lợi ích chính trị nhiều hơn là kinh tế như thế này không có gì bảo đảm sẽ hoàn vốn. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng riêng phục vụ sự kiện này đòi hỏi chi phí lớn nhưng có nguy cơ bị bỏ hoang phí sau này.

Nhiều công trình sân vận động được xây các thành phố mà đến giờ ở đó vẫn không có một đội bóng tham gia giải vô địch quốc gia. Người ta lo ngại sau Cúp thế giới, những sân vận động đã được xây cất tốn kém phục vụ sự kiện rồi sẽ không biết được sử dụng vào việc gì.

Bóng đen bê bối doping

Một thách thức khác với chính quyền Nga là vụ bê bối doping kéo dài dai dẳng với thể thao Nga suốt thời gian dài vừa qua vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên ngày hội lớn bóng đá thế giới.

Bằng chứng rõ nhất là cuộc họp báo chung của chủ tịch FIFA Gianni Infantino và phó thủ tướng Nga phụ trách thể thao Nga Vitaly Mutko hôm 01/12/2017 nhân lễ bốc thăm chia bảng cho vòng chung kết Cúp thế giới. Trong khi lãnh đạo Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới và chính phủ Nga chỉ muốn trả lời các câu hỏi tập trung vào thể thao hay bóng đá, thì các nhà báo lại chỉ chăm chú đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các cáo buộc sử dụng doping trong thể thao Nga đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế trừng phạt nặng nề.

Ông Vitaly Mutko, nhân vật trung tâm của vụ bê bối doping Nga, hôm 27/12 vừa qua đã phải tuyên bố rút khỏi (tạm thời) cương vị chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Nga và chủ tịch ủy ban tổ chức Cúp thế giới 2018 để tránh chuyện lùm xùm cũ ảnh hưởng đến sự kiện lớn.

Vitaly Mutko được mệnh danh là "ông Thể thao" ở Nga từ nhiều thập kỷ qua. Ông đã bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế loại suốt đời khỏi các hoạt động liên quan đến Olympic do các cáo buộc trách nhiệm trong vụ bê bối doping của Nga.

Cũng cần phải nhắc lại là thể thao Nga đang bị dính án phạt nặng nề của quốc tế về chuyện doping. Đầu năm 2018 này, các vận động viên Nga sẽ chỉ được tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 dưới màu cờ trung lập. Cũng vì bê bối sử dụng doping đó mà thể thao Nga đã bị tước 1/3 số huy chương ở kỳ Thế vận hội Sotchi 2014. Chủ đề doping chắc hẳn vẫn còn ám ảnh ngày hội bóng đá tại Nga.

Về phần mình, FIFA khẳng định tin tưởng hoàn toàn vào chính quyền Nga cũng như các cầu thủ Nga. Chủ tịch FIFA trong cuộc họp báo trên đã tuyên bố :

"Nếu có vấn đề nghiêm trọng sử dụng doping trong bóng đá, chúng ta sẽ biết, cho dù đó là ở Nga hay trong bất kỳ nước nào khác".

Với nước Nga, FIFA có thể yên tâm về vấn đề doping ít nhất trong lĩnh vực bóng đá. Bởi không giống như các môn thể thao mùa đông, dù là nước chủ nhà nhưng bóng đá Nga không có nhiều tham vọng thành tích ở Cúp thế giới lần này.

Ở Sotchi 2014, chính quyền của tổng thống Putin muốn bằng mọi giá Nga phải dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương. Còn ở Cúp thế giới 2018, mục tiêu đề ra cho đội tuyển Nga chỉ là vào vòng 1/8 và nếu có thể thì đến tứ kết.

Tham vọng nhỏ đó tương xứng với trình độ chuyên môn còn khiêm tốn của đội tuyển bóng đá Nga nhìn chung cũng như đến thời điểm này. Thành tích cao nhất của bóng đá Nga mới chỉ là vào đến bán kết giải Euro 2008. Tại vòng chung kết Cúp thế giới tới đây, đội tuyển Nga là một trong những đội bóng yếu nhất giải, hiện đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng của FIFA. Người hâm mộ Nga thừa nhận mặc dù có lợi thế chơi trên sân nhà, nhưng các cầu thủ của họ đi được tới tứ kết đã là một chiến công.

An ninh, mối lo thường trực

Một thách thức nữa cho nước Nga là bảo đảm an ninh cho ngày hội trước các mối lo không dứt về nạn côn đồ trong bóng đá và đặc biệt là đe dọa khủng bố.

Chính quyền Nga đã ban hành nhiều đạo luật cho phép cấm nhập cảnh vào Nga đối với các hooligan, lập danh sách đen một số nhóm côn đồ bóng đá để sàng lọc các cổ động viên ngoại quốc đến Nga. Thế nhưng, các nhà tổ chức Nga cũng phải đau đầu lo nạn Hooligan ngay ở trong nước mình. Các côn đồ bóng đá Nga vốn nổi tiếng với những hành vi kỳ thị chủng tộc và hung hãn. Mọi người vẫn còn chưa quên các vụ ẩu đả trên bến cảng Marseille của Pháp trong Euro 2016 giữa hooligan Nga và Anh .

Chủ tịch Gianni Infantino đã cảnh báo FIFA sẽ "cực kỳ kiên quyết" xử lý các hành vi kỳ thị chủng tộc. Lần đâu tiên tại Cúp thế giới, trọng tài có quyền cho ngừng hoặc hủy trận đấu vì các sự cố liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Còn nỗi lo khủng bố, một mối đe dọa đã trở nên thường trực, chính quyền Nga đã chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt nhất để phát hiện sớm các âm mưu. Các thành phố đón tiếp trận đấu đang được tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đội chó nghiệp vụ sẽ được triển khai trên từng chuyến tàu, xe bus trong thời gian diễn ra Cúp thế giới.

Còn hơn 6 tháng nữa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ khai cuộc tại Moskva, nước chủ nhà đang phải lao vào cuộc chạy đua với thời gian để đón tiếp một sự kiện thể thao được hàng tỷ người trên trái đất theo dõi. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt nhất để nước Nga có thể xóa đi những dị nghị khi được trao quyền đăng cai Cúp thế giới và mang lại một hình ảnh mới cho bức tranh thể thao Nga đang u mám vì bóng đen của bê bối doping.

RFI tiếng Việt

Published in Quốc tế

Emilie König, 33 tuổi, bị lực lượng Kurdistan bắt giữ tại Syria, theo mẹ của đương sự, theo nhật báo Pháp Ouest-France hôm qua, 02/01/2018. Đây là nữ chiến binh Daesh bị an ninh Pháp truy lùng gắt gao nhất.

daesh1

Lá cờ đen của Daesh từng thu hút nhiều công dân Châu Âu. Trong ảnh, một điểm kiểm soát của Daesh tại miền bắc Syria hồi đầu năm 2017. Reuters/Khalil Ashawi

Nữ chiến binh Daesh nói trên được coi là một trong những nhân vật quan trọng của Daesh trong lĩnh vực tuyên truyền, tuyển mộ tân binh cho tổ chức Nhà Nước Hồi giáo qua các mạng xã hội. Năm 2014, Liên Hiệp Quốc từng xếp nhân vật này vào danh sách đen những phần tử Daesh nguy hiểm nhất.

Emilie Konig đến với tổ chức Nhà Nước Hồi giáo năm 2010, thông qua người chồng đầu tiên, vào thời điểm đương sự nghiện ma túy. Kể từ năm 2012, nhân vật này bắt đầu tuyển quân cho Daesh.

Cuối năm 2012, bỏ lại hai con nhỏ ở Pháp, người phụ nữ trẻ đã tới thành phố Aleppo, với mục tiêu chiến đấu trong hàng ngũ Daesh. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu của Emilie Konig vẫn là tuyển mộ tân binh. Tổng cộng khoảng 200 người Pháp đã nghe theo tiếng gọi của Emilie Konig. Nhân vật này cũng kêu gọi tấn công chống lại các cơ sở của Pháp và vợ con binh sĩ Pháp triển khai tại Mali.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Ouest-France, mẹ của Emilie Konig cho biết đã viết thư cho ngoại trưởng Pháp để đề nghị vận động cho con mình và ba người cháu – ra đời tại Syria – được "hồi hương". Bà cho biết con gái mình tỏ ra hối hận và xin được về Pháp, để chuộc tội.

Một người phát ngôn của đảng cánh hữu Pháp Những Người Cộng Hòa phản đối đề nghị cho đương sự hồi hương, và yêu cầu xử Emilie König ngay tại Syria. Vấn đề nữ chiến binh Daesh cùng con cái bị giam giữ tại Irak hoặc Syria là chuyện gai góc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn sẽ xem xét "từng trường hợp một".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

2018 : Báo hiệu những chuyển động mạnh ở Châu Mỹ Latinh

Thời sự chính được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay đăng tải là làn sóng biểu tình phản kháng chế độ ở Iran và những dấu hiệu hòa hoãn giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên trong số báo đầu năm, Le Figaro dành sự chú ý tới khu vực Châu Mỹ Latinh, khu vực sẽ có những biến chuyển chính trị quan trọng trong năm nay với bài : "2018, năm quyết định cho Mỹ Latinh".

latinh1

Brazil đón mừng 2018 tại Rio de Janeiro, 01/01/2018. Reuters/Lucas Landau

Le Figaro nhận thấy, với một loạt cuộc bầu cử quan trọng, năm 2018 báo hiệu nhiều chuyển biến ở Châu Mỹ Latinh. Ở các nước như Brazil, Colombia, Mêhico, Paraguay và Venezuela, cử tri sẽ được lựa chọn vị tổng thống của mình. Còn tại Cuba, ông Raul Castro cũng chuẩn bị rút khỏi quyền lực. Những thay đổi ở mỗi nước trên đều rất hệ trọng bởi đó là những quốc gia sau một thập kỷ ghi dấu ấn bằng những chế độ tự xưng là tiến bộ thì trong năm qua đều suy yếu rõ rệt, mất ổn định mọi mặt.

Trước tiên đến với Brazil quốc gia rộng lớn nhất khu vực Nam Mỹ, Le Figaro cho hay : Tháng 10 tới, dân Brazil sẽ đi bầu tổng thống trong bối cảnh chính trị xã hội đất nước nhiều xáo trộn, nạn tham nhũng tràn lan, chính khách nào cũng dính. Ông Michel Temer thuộc Đảng Phong trào Dân chủ Brazil lên thay thế bà tổng thống Dilma Rousseff (Đảng Lao Động cánh tả) sau khi Quốc Hội phế truất bà vì các cáo buộc tham nhũng. Chẳng được bao lâu, tổng thống Michel Temer cũng bị tố cáo dính líu tới tham nhũng, khiến ông suýt nữa cũng bị thủ tục phế truất nhắm tới. Người có nhiều triển vọng cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là cựu tổng thống Lula thì lại cũng đang trong vòng kiện tụng vì tham nhũng.

Tại Colombia, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 5/2018. Theo Le Figaro đây là cuộc bầu cử mà người dân sẽ quan tâm đến tương lai của tiến trình hòa bình với lực lượng du kích Farc nhiều hơn là tên của vị tổng thống tương lai của họ. Tổng thống Juan Manuel Santos đã thành công trong việc ký được thỏa thuận hòa bình với lực lượng du kích kháng chiến lâu đời nhất Châu lục này, nhưng thỏa thuận này vẫn còn nhiều bất trắc vì không thuyết phục được các phe đối lập. Cuộc bầu cử tổng thống tới tại Colombia sẽ có sự tham gia của ứng cử viên Rodrigo Londono, lãnh đạo lực lượng Farc. Tuy khả năng thắng cử của ông này hầu như không có, nhưng hứa hẹn đây sẽ là cuộc bầu cử nhiều cảm xúc.

Tại Venezuela, đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn thời kỳ hậu Chavez. Tổng thống Nicolas Maduro từ năm 2013 lên nắm quyền, đã phải đứng mũi chịu sào với những khó khăn kinh tế và làn sóng phản kháng liên tục và đỉnh điểm là năm 2017. Le Figaro nhận thấy, đã cả nghìn lần có dấu hiệu ông bị lật đổ. Thế nhưng tổng thống Venezuela không chỉ giữ được chiếc ghế tổng thống, mà còn củng cố thêm vị thế. Các cuộc biểu tình bạo lực làm hơn một trăm người chết, chỉ trong trong quý đầu 2017.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng toàn diện, cuộc sống người dân khốn đốn vì đói nghèo. Vậy nhưng, điều ngạc nhiên là tất cả vẫn không làm lung lay quyền lực của tổng thống Nicolas Maduro. Đối lập không vượt qua được sự phân hóa chia rẽ, để đương đầu với vị tổng thống đang cố giữ gìn di sản chẳng còn bao nhiêu của Hugo Chavez.

Việc ông Maduro ban hành lệnh cấm các đảng đối lập chính dường như đã cho thấy con đường tiếp tục nhiệm kỳ mới đang mở ra cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chính quyền Maduro muốn tiếp tục tìm cách làm suy yếu đối lập trước khi ấn định ngày bầu cử.

Cuối cùng chuyển sang hòn đảo Cuba. Le Figaro nhận định : "một cuộc cách mạng đang được chuẩn bị. Hơn một năm sau khi người anh Fidel Castro qua đời, ông Raul Castro thông báo chính thức sẽ nhường vị trí lãnh đạo đất nước. Các cuộc mặc cả ở thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản Cuba đang diễn ra sôi động, đến mức mà ông Raul đã phải thông báo lùi thời điểm rời chính trường lại thêm 2 tháng".

Lần đầu tiên kể từ năm 1959, hòn đảo Cuba sẽ không còn do gia đình nhà Castro lãnh đạo nữa. Đó cũng là sự kiện quan trọng với người Cuba đang mong đợi từng ngày một bước ngoặt mới cho đất nước.

Iran : Chớm nở một cuộc cách mạng mùa xuân ?

Chuyển sang thời sự đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong nhứng ngày đầu năm mới : Làn sóng biểu tình phản kháng chế độ tại Iran đang lan rộng.

Các báo chính tại Pháp đều dành dung lượng khá lớn cho biến động chính trị xã hội ở Iran và cùng chung một nhận định là chính quyền Tehran đang chuẩn bị mạnh tay đối phó với làn sóng nổi dậy của dân chúng đang có cơ lan rộng.

Libération chạy hàng tựa ghi nhận : "Tại Iran, chế độ rắn giọng và chuẩn bị trấn áp". Tờ báo cho hay : "Sáng qua, 5 ngày sau các cuộc biểu tình phản kháng khắp cả nước, nhân vật quyền lực nhất của chế độ, giáo chủ Ali Khamenei đã phát biểu trên truyền hình Nhà nước bằng những lời lẽ cứng rắn rằng các kẻ thù (của Iran) đang tập hợp với nhau, sử dụng phương tiện, tiền bạc, vũ khí và các cơ quan an ninh của chúng để gây chuyện với chế độ Hồi giáo".

"Khẳng định rằng các cuộc biểu tình đã được chỉ đạo từ nước ngoài và gọi những người biểu tình chống chế độ là những kẻ phản bội, lãnh đạo tinh thần tối cao Iran đang mở đường cho trấn áp", Libération trích dẫn nhận định của ông Azadeh Kian, giáo sư khoa học chính trị Đại học Paris-Diderot.

Libération nhận xét, như thường lệ lãnh tụ tình thần Iran không nêu tên "các kẻ thù" của Iran là ai, nhưng nhiều quan chức chế độ Tehran không ngần ngại chỉ đích danh. Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran, Ali Shamkhani tố cáo Hoa Kỳ, Anh, Saudi Arabia đang muốn là mất ổn định Iran.

Nhiều câu hỏi được các báo Pháp đặt ra lúc này chẳng hạn như : "Cuộc nổi dậy của tầng lớp bình dân có thực sự đe dọa chế độ Iran ? Từ "cách mạng" liệu lần này có thích hợp để đặt cho làn sóng phản kháng hay không ?

Vẫn còn quá sớm để kết luận. Tuy vậy những biến động ở Iran dường như không dấu hiệu dịu xuống.

Iran đục nước, Mỹ thả câu ?

Một chi tiết khác liên quan đến sự kiện ở Iran cũng được nhiều tờ báo nhận thấy đó là sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Donald Trump.

Les Echos trong bài viết : "Washington định áp đặt một tương quan lực lượng mới với Tehran". Tờ báo viết : "Lợi dụng các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố Iran, Washington đã liên tục công kích chế độ Tehran, trong những giờ qua".

Tổng thống Donald Trump tỏ ra hoan hỉ với những gì đang diễn ra ở Iran và ông không chậm trễ tung ra các dòng twitter lên án chế độ dùng vũ lực chống lại người biểu tình. Từ hôm 30/12, ông Donald trump đã 5 lần tung ra các dòng twitter bình luận về tình hình Iran.

Trong những dòng bình luận đầu tiên về các cuộc biểu tình ở Iran tổng thống Trump viết : "Nhân dân Iran cuối cùng đang hành động chống lại chế độ bạo ngược và tham nhũng. Toàn bộ tiền mà tổng thống Obama đã ngu xuẩn đem lại cho chế độ này đều đổ vào túi họ và để nuôi khủng bố. Nhân dân thiếu lương ăn, lạm phát lên cao và không có nhân quyền…" và ông kêu gọi "đã đến lúc thay đổi chế độ" ở Iran.

Nam Bắc Triều Tiên : Cánh én nhỏ đầu năm có báo hiệu mùa xuân ?

Liên quan đến Châu Á, thời sự nổi bật nhất trong hai ngày qua là những động thái hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên được chủ động phát ra từ phía miền Bắc.

Le Figaro trở lại diễn văn nhân dịp đầu năm mới 2018 trước toàn dân Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un, trong đó lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng khẳng định "cần phải cải thiện quan hệ Nam-Bắc đang bị đóng băng" và ông thông báo Bình Nhưỡng sẽ cử đoàn thể thao dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang đầu năm nay.

Le Figaro đánh giá đây là động tác ngoại giao hiếm có ở lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Lần đầu tiên từ khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã chìa tay ra với miền Nam của tổng thống Moon Jae-in, một người cũng chủ trương đối thoại với miền Bắc. Tờ báo đánh giá, đây là bước mở đầu bất ngờ sau một năm leo thang căng thẳng bởi các vụ bắn tên lửa, trong đó đặc biệt vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Trái bóng được đá sang sân của Hàn Quốc. Ngay lập tức Seoul đã đón nhận, đề xuất ngay đàm phán cấp cao tại Bàn Môn Điếm trong tuần tới.

Theo Le Figaro, dấu hiệu hòa hoãn hai miền Triều Tiên là đáng mừng nhưng có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn đang trở nên mờ nhạt do quan hệ giữa ông Trump xốc nổi và ông Moon mềm mỏng ưa thương lượng. Tờ báo đánh giá đây là động thái khôn khéo của Kim Jong-un để phá vỡ thế cô lập của Bắc Triều Tiên sau các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Về phần Hàn Quốc, Le Figaro nhận xét : "Bị kẹp giữa tham vọng của Kim và tính nôn nóng của Trump, lãnh đạo Hàn Quốc sẽ phải cố gắng giữ ngọn lửa đối thoại còn đang leo lét, ít ra là trong thời gian "đình chiến cho Thế vận hội" lúc này".

Máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất

Phần cuối mục điểm báo hôm nay xin được dành cho một tin vui đầu năm, nhất là với những người đi lại bằng máy bay nhiều. Thông tin được nhiều tờ báo trong đó có Le Figaro đăng tải cho hay :

Các chuyên gia của cơ quan an toàn hàng không quốc tế Aviation Safety Network (ASN) thống kê các tai nạn hàng không và nhận thấy 2017 là năm an toàn nhất của giao thông hàng không kể từ năm 1946.

ANS cho biết : Năm 2017, tổng số có 10 tai nạn hàng không dân dụng làm 44 người chết. Ít hơn rất nhiều so với con số năm 2016 là 306 người thiệt mạng trong 6 vụ tai nạn. Tuy nhiên thống kê của ASN không tính các tai nạn máy bay chở hàng hay máy bay hạng nhỏ dưới 20 chỗ hoặc máy bay quân sự như vụ chiếc máy bay của quân đội Miến Điện bị rớt xuống biển hồi tháng 6 vừa qua làm 120 người tử nạn. Vẫn theo cơ quan an toàn hàng không, năm qua gần 4 tỷ lượt hành khách sử dụng 36,8 triệu chuyến bay thương mại. Hàng không vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất với tỷ lệ tai nạn 1/16 triệu.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

2018 : Sáu thách thức với Châu Âu

Dịp đầu năm mới 2018, mỗi báo đưa ra các nhận định và dự báo riêng cho năm tới. Le Figaro điểm mặt hàng loạt các thách thức lớn. Về hồ sơ quốc tế, đáng chú ý có bài "Đối mặt với các biến động quốc tế lớn, liệu Châu Âu có thể chấn hưng ?". Le Figaro điểm mặt 6 biến động quốc tế quan trọng hàng đầu với Liên Âu.

eu1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội Đồng Châu Âu, Strasbourg ngày 31/10/2017. Reuters/Christian Hartmann

Biến động lớn thứ nhất đến từ nội tình chính trị Mỹ. Sau một năm đầy sóng gió ở Nhà Trắng, tổng thống dân túy Donald Trump sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11. Để duy trì quyền lực, ông Donald Trump phải tiếp tục có được đa số tại Quốc Hội. Với tỉ lệ được lòng dân dưới 40%, đây là một nhiệm vụ nan giải với đương kim tổng thống. Bầu cử lập pháp chắc chắn sẽ là trọng tâm hoạt động của Donald Trump trong năm 2018 này. Vấn đề lớn khác với ông Trump cuộc điều tra về nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống 2016. Trong trường hợp mất đa số tại Quốc Hội, và điều tra mang lại các bằng chứng, tổng thống Mỹ có thể phải đối mặt với đe dọa "phế truất".

Biến động quốc tế lớn thứ hai với Liên Âu là viễn cảnh "một chiến tranh Triều Tiên thứ hai", mà theo Le Figaro, các lãnh đạo Châu Âu sẽ theo rất sát tình hình chẳng khác nào "canh nồi sữa đang đunto lửa". Xung đột bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát, giữa một bên là lãnh đạo Bắc Triều Tiên khăng khăng chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, có khả năng tấn công Hoa Kỳ, bên kia là tổng thống Mỹ sẵn sàng "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên, trong một cuộc tấn công phủ đầu. Và nếu chiến tranh không xảy ra, các diễn biến của hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng "sẽ ảnh hưởng" nhiều đến quan hệ Mỹ-Trung, với viễn cảnh là một chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số một thế giới, và căng thẳng trỗi dậy tại Biển Đông, hoặc khu vực Đài Loan.

Bất định chính trị Đức và "các rạn nứt nội bộ" của Liên Âu

Hai thách thức lớn tiếp theo đối với Liên Âu, theo Le Figaro, là vấn đề nội bộ của Liên Hiệp. Trước hết là tình hình lập chính phủ liên hiệp tại Đức, quốc gia trụ cột của khối cùng với Pháp.

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU và đồng minh kỳ vọng đến tháng 3 tới có thể đạt được một thỏa thuận với đảng đối lập Xã Hội Dân Chủ SPD. Hiện tại không có gì chắc chắn. Ngày 13/01, các lãnh đạo đảng SPD sẽ phải phê chuẩn các chủ đề thương lượng, toàn đảng sẽ bỏ phiếu sau đó. Việc bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng hay không phụ thuộc vào việc lãnh đạo SPD Martin Schulz có thuyết phục được đa số trong đảng ủng hộ một liên minh cầm quyền rộng rãi hay không. Nếu không đạt thỏa hiệp, cử tri Đức sẽ lại bầu lại Quốc Hội, bất định chính trị tại Đức sẽ kéo dài.

Thách thức nội bộ thứ hai của Châu Âu là "các rạn nứt chính trị" trong khối. Sau khi đồng euro hồi phục, tăng trưởng trở lại, theo Le Figaro, ba rạn nứt tiếp tục đe dọa Liên Âu trong năm 2018 là "cuộc nổi dậy của các nước Trung Âu" chống lại Bruxelles (đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tị nạn, các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền), và làn sóng đòi độc lập tại xứ Catalunya, Tây Ban Nha. Năm 2018 cũng là năm mà khối 28 nước phải hoàn tất thủ tục ly dị với Anh Quốc, cuộc đàm phán còn nhiều chông gai, cho dù các đường nét chung đã rõ ràng.

Nguy cơ Daesh hồi sinh

Hai thách thức lớn cuối cùng với Liên Âu, theo Le Figaro, là viễn cảnh tàn quân Daesh có khả năng hồi sinh thành một đe dọa mới, nếu các thành phố - với đa số dân cư theo hệ phái Sunni – bị tàn phá trong chiến tranh, chậm được tái thiết, và nếu như các chính quyền (Irak và Syria) – do hệ phái Shia kiểm soát – không hội nhập được thiểu số người theo hệ phái Sunni vào cuộc chơi chính trị dân chủ.

Một cuộc nổi dậy mới của người Palestine chống lại lực lượng chiếm đóng Israel cũng rất có nguy cơ bùng phát, đặc biệt sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố coi toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trung Quốc : Vừa nói hòa bình, vừa lấn lướt

Trung Quốc cũng có thể là một thách thức lớn khác với Châu Âu. Bài xã luận của Libération, mang tựa đề "Ông Tập, kẻ chinh phục", ghi nhận thế đang lên của chủ tịch Trung Quốc, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Libération nhấn mạnh thái độ hai mặt của lãnh đạo Trung Quốc. Một mặt thì khẳng định là một tác nhân "hòa bình", tham gia xây dựng "sự thịnh vượng chung", "nền an ninh chung" của toàn thế giới, mặt khác, Bắc Kinh không ngừng giương oai giễu võ tại eo biển Đài Loan, tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự tại các vùng chiếm đóng "bất hợp pháp" ở Biển Đông, "nhằm gia tăng kiểm soát toàn bộ khu vực", bất chấp phản đối quốc tế.

Về mặt đối nội, chính quyền Trung Quốc tăng cường đàn áp bóp nghẹt hơn nữa các tiếng nói chỉ trích, cụ thể là để cho giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba chết bệnh trong tù. Libération lưu ý, chính chế độ Trung Quốc đó mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến công du ngày 07/01 tới, và buộc phải tìm cách duy trì quan hệ trong năm 2018 này.

Kinh tế Trung Quốc trong tầm ngắm của Bruxelles

Bài "Hệ thống kinh tế Trung Quốc trong tầm ngắm của Bruxelles" trên Les Echos chú ý đến cuộc phản công của Châu Âu chống lại "các hoạt động thương mại bất chính" của Trung Quốc, cụ thể với các quy định chống hàng phá giá từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2017.

Đây là "lần đầu tiên" Ủy Ban Châu Âu điều tra kỹ càng về "một nền kinh tế nước ngoài", nhằm chỉ ra các hoạt động phi pháp. Báo cáo 400 trang của Bruxelles phơi bày chi tiết "các phương thức vận hành của nền kinh tế Trung Quốc", với trọng tâm là các hoạt động "trợ giá bất hợp pháp", "bán hàng phá giá". Trong số 144 sắc thuế mới của Liên Âu chống trợ giá - phá giá, có đến 94 sắc thuế nhắm vào hàng Trung Quốc.

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, theo Les Echos, trong những tháng tới, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến ký kết các thỏa thuận kinh tế quan trọng, đặc biệt là thỏa thuận với Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới. Hiệp định được coi là chưa từng có trong lịch sử Châu Âu. Bên cạnh đó là thỏa thuận tự do thương mại sửa đổi với Mexico. Các thỏa thuận với Úc, New Zealand, và các nước ASEAN, Ấn Độ cũng đang được xúc tiến.

2018 : Những bài học 1918

Năm 2018 không chỉ là một viễn cảnh tương lai. 2018 cũng là dịp để ôn lại quá khứ, như đề nghị của La Croix với bài xã luận "Résolution 2018".

La Croix giải thích 2018 là một dịp đặc biệt bởi đây là năm mà Pháp và toàn thể Châu Âu liên tục có các cuộc kỷ niệm đúng 100 năm chấm dứt Thế chiến Thứ Nhất.

Vấn đề lịch sử để lại là cuộc đại chiến thứ nhất dù chấm dứt, nhưng hòa bình đã không được hoàn toàn phục hồi, "các hiệp ước" chấm dứt chiến tranh đã nuôi dưỡng các tư tưởng thù hận, nguyên nhân sâu xa của cuộc Đại chiến Thứ hai xảy ra hai thập niên sau.

Theo La Croix, cần rút ra các sai lầm lịch sử của năm 1918, để có một quyết định đúng đắn cho năm 2018. Cụ thể là cho việc xây dựng Châu Âu, "một dự án với đầy khiếm khuyết, nhưng là con đường cần phải đi". Châu Âu cần phải tỏ rõ "cái giá trị hòa bình của việc chia sẻ chủ quyền quốc gia, của một nền quản trị liên chính phủ, của tình hữu nghị giữa các dân tộc".

Sứ mạng của Châu Âu là "tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia, tăng cường hiểu biết giữa các lợi ích khác biệt, dập tắt ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và đẩy mạnh cuộc chiến giúp các tầng lớp nghèo khó hội nhập". Cần phải ủng hộ và cải thiện các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), thay vì làm suy yếu chúng như tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bảo tàng người Mỹ gốc Phi : Cơ hội hòa giải

Cũng liên quan đến hồi ức, theo La Croix, bảo tàng người Mỹ da đen gốc Phi Châu tại Washington năm nay tròn một tuổi trong bối cảnh căng thẳng sắc tộc vẫn không dịu bớt tại quốc gia này. Theo một nhà sử học, từng tham gia dự án xây dựng bảo tàng quốc gia lịch sử và văn hóa của người Mỹ gốc Phi, thì dự án này chính là một cơ hội cho hòa giải và đối thoại.

Bảo tàng dựng lại lịch sử hơn 5 thế kỷ của người da đen tại Mỹ, từ những người da đen Châu Phi đầu tiên bị bắt làm nô lệ đến năm 2008, khi Obama trở thành tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên. Chỉ trong năm đầu tiên, gần 3 triệu khách thăm bảo tàng. Để vào xem phải đặt vé trước nhiều tháng.

Iran : tiếng thét Ba Tư !

Về chính trị quốc tế, biến động xã hội chính trị tại Iran là tâm điểm chú ý của Libération, với tựa lớn trang nhất "Tiếng thét Ba Tư".

Hàng tựa được đưa trên nền hình ảnh một phụ nữ trẻ đang giơ cao nắm tay, với bốn bề là khói mù. "Bốn ngày biểu tình, hơn 10 người thiệt mạng : cuộc phản kháng của người dân Iran là chưa từng có kể từ năm 2009, làm chao đảo quyền lực của Tehran".

Vẫn về Iran, Libération có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Thierri Coville. Chuyên gia Viện quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS nói đến khía cạnh nghịch lý của cuộc phản kháng hiện nay, đó là "do nền kinh tế Iran được cải thiện, mà nỗi giận dữ của người dân mới có dịp được biểu lộ".

Xã luận tờ Libération thì gắn liền tình trạng Iran hiện nay với sáu năm nội chiến Syria. Đầu tư mạnh ra bên ngoài, tham chiến để hậu thuẫn cho chế độ Damascus, nỗ lực khẳng định vị thế trên trường quốc tế, chính quyền Tehran đã "bỏ quên" dân chúng trong nước. Theo Libération, hiện còn quá sớm để khẳng định các cuộc biểu tình nói trên có đại diện cho đông đảo dân chúng Iran hay không, còn quá sớm để đồn đoán về việc phong trào có lan rộng, đe dọa lật đổ chế độ hay không.

Trước hết bởi vì báo chí và các mạng xã hội tại Iran bị kiểm soát chặt, và cũng không loại trừ việc có các thế lực bảo thủ bên trong chế độ âm mưu sử dụng biểu tình để làm lung lay uy tín của tổng thống cải cách Rohani. Dù sao tình hình tại Iran, không khác xa với nước láng giềng Saudi Arabia, nơi dân chúng đang ngày càng "khát khao tự do".

Biển : Liên Hiệp Quốc mở đàm phán hiệp ước đầu tiên

Trong lĩnh vực môi trường, đáng chú ý là việc Liên Hiệp Quốc vừa thông qua một nghị quyết, mở đường cho một hiệp ước quốc tế đầu tiên về "sử dụng bền vững" và bảo vệ đa dạng sinh học trên các đại dương.

Theo High Seas Alliance, hiệp hội vận động cho Hiệp ước này, cách đây 5 năm người ta không thể nào tưởng tượng được là cộng đồng quốc tế lại chấp nhận một dự án như vậy.

Tại một phiên họp ngay trước Noel, Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết chính thức mở đàm phán, với 140 phiếu thuận. Mục tiêu của hiệp định bảo vệ thiên nhiên chưa từng có này liên quan đến nhiều vùng biển, chiếm tổng cộng 45% diện tích địa cầu.

Hiện tại, biển khơi gần như là một vùng vô chủ, nơi tất cả hoặc gần như tất cả đều được phép. Một trong các hậu quả lớn được biết đến rộng rãi là nạn rác thải các loại tràn ngập mặt biển và trong lòng đại dương.

Đàm phán về đại dương dự kiến khởi sự từ tháng 9/2018 và có thể kéo dài đến 2020. Thương thuyết sẽ rất gay go, bởi các nguồn lợi ẩn tàng trong lòng biển là vô cùng lớn.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

2017 : Năm của những vụ đầu cơ khổng lồ

Các nhật báo Pháp ra số cuối năm hôm nay đều có chung một xu hướng là nhìn lại những sự kiện ấn tượng của năm 2017 sắp đi qua. Trên góc độ kinh tế, nhật báo Les Echos nhìn lại năm cũ với một nhật xét : "Thế giới đã trở thành cỗ máy sản sinh các loại bong bóng đầu cơ".

dauco1

Một biểu ngữ của Snapchat đính trên tường trụ sở thị trường tài chính New York, Hoa Kỳ, ngày 23/01/2017 Reuters / Brendan McDermid

Bài phân tích của Les Echos đưa ra 4 cái tên : Neymar, Apple, Leonardo da Vinci và bitcoin. Thoạt nhìn thì chúng chẳng có gì liên quan với nhau, nhưng theo tác giả, mỗi cái tên đó trong năm nay đều gắn với một sự kiện và đều cho thấy thế giới này đã trở thành cỗ máy khổng lồ để sản xuất các bong bóng đầu cơ thế nào ? Thế giới tài chính đã tách khỏi môi trường kinh tế thực để đẩy giá trị của một số tài sản lên đến mức phi lý ra sao ?

Les Echos cho biết : "Năm 2017, Neymar danh thủ bóng đá người Brazil được chuyển nhượng về câu lạc bộ Paris Saint Germain với 222 triệu euro, gấp đôi giá chuyển nhượng kỷ lục thời điểm bấy giờ. Apple gần đạt 1000 tỷ euro vốn chứng khoán trên thị trường Wall Street. Bức tranh "Salvator Mundi" của danh họa Leonarde da Vinci được bán với giá 450 triệu đô la. Tiền ảo bitcoin, trong vòng 1 năm tăng giá trị gấp 15 lần làm cả thế giới nhớn nhác".

Theo Les Echos, đó là những hiện tượng bong bóng đầu cơ mới cùng với những bong bóng đầu cơ bất động sản, tín dụng... Các thể loại bong bóng đầu cơ giờ có ở khắp nơi. Chúng được nuôi dưỡng bởi 3 hiện tượng kinh tế đương đại : siêu thanh khoản, toàn cầu hóa và "hiệu ứng Pavaroti"

Bài báo phân tích nguyên nhân đầu tiên : Hiện tượng siêu thanh khoản. Những năm qua, các ngân hàng trung ương đã áp dụng chính sách lãi suất cực thấp, gần như cho không và đổ một khối lượng thanh khoản khổng lồ vào hệ thống tài chính. Chính sách này, thời hậu khủng hoảng là cần thiết để tránh cho thế giới rơi vào tình trạng như cuộc đại khủng hoảng 1929, tuy nhiên đã làm tăng khối lượng tiền tệ lưu hành lớn chưa từng thấy. Lượng tiền của các ngân hàng tạo ra giờ đây chiếm 30% GDP của thế giới, trong khi cuối những năm 1990 con số này chỉ chiếm có 6%. Núi tiền này đã gây rối loạn mối liên hệ giữa giá trị thực của tài sản và cái giá được trao đổi.

Tiếp đến là quá trình toàn cầu hóa. Theo Les Echos, toàn cầu hóa kết nối 3 thành tố tạo nên của cải vật chất : Vốn, nguyên vật liệu cơ bản và lao động. Vốn thì từ lâu nay vẫn thuộc về độc quyền của các nước giàu có, nguyên vật liệu thì ở Châu Phi, Trung Đông, lao động thì ở Châu Á.

Trở thành công xưởng thế giới, Trung Quốc đã tích lũy được một khối lượng dự trữ tài chính khổng lồ. Giờ họ cần tung ra đầu tư, chủ yếu tại các nước phát triển. Tương tự như các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông, lâu nay ngồi trên đống tiền thu từ vàng đen bây giờ có thể ném vào các đầu tư ở Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Tờ báo kinh tế nhận thấy, đằng sau vụ bùng nổ giá chuyển nhượng cầu thủ bóng đá luôn có bóng dáng của các mạnh thường quân Qatar, bu Dhabi hay Trung Quốc. hay như đứng sau vụ mua bức tranh Salvator Mundi chính là hoàng tử Saudi Arabia.

Nguyên nhân cuối cùng là "hiệu ứng Pavaroti". Đây là thuật ngữ do nhà kinh tế François Meunier tạo ra. Xuất xứ của nó là giọng nam cao người Ý Pavaroti đã trở thành huyền thoại, đẹp đến mức công chúng khi nói đến ca hát chỉ nhắc đến tên ông và lúc sinh thời, ông có được những khoản thu khổng lồ. Trong lĩnh vực kinh tế, nhờ có công nghệ số phát triển mà những cái tên như Apple, Google, Amazon hay Alibaba trở nên thống trị khách hàng thế giới. Thêm vào đó những Uber, Airbnb hay Spotify đã lật đổ nhiều ngành nghề truyền thống. Tất nhiên, các công ty này kiếm bộn tiền và những đồng tiền đó sẽ được quay trở lại đổ vào các khoản đầu tư kỷ lục.

Les Echos nhận định : "hệ quả là chúng ta đang bước vào kỷ nguyên bong bóng đầu cơ thường trực. Việc dồi dào thanh khoản đã khiến chúng ta chuyển từ nền kinh tế phục vụ nhu cầu thiết yếu sang một nền kinh chạy theo sở thích, ở đó khái niệm giá cả trở nên không mấy xác đáng".

Từ tiền thực đến tiền ảo. Giờ đây bitcoin, đồng tiền số hóa, không lệ thuộc bất kỳ quốc gia, ngân hàng nào nhưng vẫn phát tán khắp thế giới và những tháng gần đây đã gây náo động trên thị trường tiền tệ. Đây mới là bong bóng đầu cơ tiêu biểu của thời hiện đại. Les Echos kết luận.

2017 : Trái đất nóng kỷ lục

Tiếp tục với chủ đề nhìn lại năm cũ, nhưng trên hồ sơ khí hậu toàn cầu. Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "2017, khí hậu nổi xung" trên nền tấm ảnh lớn cảnh người dân lội đến ngực trong vùng lụt đảo Mindanao Philippines sau cơn bão trong tháng 12 này.

Tờ báo cho biết, năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp trái đất lập kỷ lục nóng lên. Theo Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (OMM), cho dù không nằm trong chu trình của hiện tượng El Nino (hiện tượng tự nhiên thường kéo theo nhiệt độ trái đất tăng), năm 2017 vẫn sẽ là một trong ba năm nóng nhất từ khi thế giới bắt đầu thống kê nhiệt độ hồi cuối thế kỷ 19.

Tổng thể, nhiệt độ trái đất đã tăng trung bình cao hơn giai đoạn 1981-2010 là 0,4°C và cao hơn ngưỡng 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Một trong những nguyên nhân là lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng. Hậu quả của khí hậu ấm lên, theo le Monde, đã có thể thấy ngay qua những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Thiệt hại kinh tế do bão gây ra cũng đạt con số kỷ lục. Riêng cơn bão Harvey đổ vào Mỹ đã gây thiệt hại 200 tỷ đô la. Rồi tiếp đến những thiệt hại của cơn bão Irma và Maria cũng có thể đạt tới 400 tỷ. Những con số lớn chưa từng có. Bên cạnh đó người ta cũng ghi nhận một mùa hè nóng bức kéo dài. Hiện tượng này đã trở nên thường xuyên gây hạn hán, hỏa hoạn ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt ở California, đến sát dịp Noel, người ta vẫn còn phải vật lộn với những đám cháy rừng lớn chưa từng có.

Tấn công Bắc Triều Tiên : Chuyện không đơn giản

Năm 2017 còn được đánh dấu bằng cuộc khẩu chiến dữ dội giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, khiến cả thế giới hoang mang lo sợ về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Les Echos trích dẫn tờ Financial Times của Anh đề cập đến cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên nhưng ở một khía cạnh khác : Khâu chuẩn bị và hậu cần cho cuộc chiến tranh.

Cuộc tấn công "trút lửa giận dữ" vào đất nước của Kim Jong-un như tổng thống Trump Mỹ đã dọa không hề đơn giản chút nào. Theo Financial Times, một cuộc tấn công như vậy nếu xảy ra đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quân sự và đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần vận tải.

Sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia quân sự, nhật báo kinh tế Anh khẳng định, sự chuẩn bị quá phức tạp đến mức mà rất ít có khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy. Trước hết đó là vấn đề 200 nghìn công dân Mỹ đang sống tại Hàn Quốc, thêm vào đó còn có 50 nghìn người Mỹ tại Nhật Bản. Trước khi mở tấn công Bắc Triều Tiên, chắc chắn Washington sẽ phải tính đến chuyện di tản các kiều dân của mình. Nhưng mở chiến dịch vận tải quy mô lớn như vậy có khi lại trở thành ngòi nổ để chế độ Bình Nhưỡng tấn công phủ đầu trước, Financial Times ghi nhận.

Còn cựu chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Dennis Blair thì nhấn mạnh vào những thách thức về mặt quân sự. Đó là việc vận chuyển quân dụng và khí tài cần thiết cho cuộc chiến, gọi quân dự bị, tổ chức trú ẩn cho thường dân ….

Chuyên gia Kim Yeol-soo của Viện Quân sự Hàn Quốc thì nhận định, một cuộc tấn công Bắc Triều Tiên sẽ phải huy động 700 nghìn lính Mỹ, 160 tàu chiến, 1600 máy bay và 2,7 triệu quân dự bị Hàn Quốc.

Khó khăn cuối cùng là cho dù Mỹ có biết chính xác kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên nằm chỗ nào, cách duy nhất để phá hủy nhanh, không cho đối phương kịp trở tay sẽ phải là dùng vũ khí hạt nhân trước. Đây là một giả thuyết mà ông Dennis Blair cho là "không thể chấp nhận được".

George Weah từ Quả Bóng Vàng đến tổng thống Liberia

Người dân Liberia đã chọn thần tượng bóng đá của họ, danh thủ George Weah làm tổng thống với tỷ lệ phiếu bầu 60%. George Weah là cái tên đã gắn bó với làng bóng Pháp và nổi tiếng ở các sân cỏ Châu Âu ở thập niên 1980-1990.

Nhiều tờ báo Pháp đã coi đây là sự kiện quan trọng và dành những bài viết dài về vị tổng thống tân cử của một trong những nước nghèo nhất Châu Phi, bị nội chiến làm cho điêu tàn và suy sụp vì dịch Ebola làm. Tờ báo thể thao L’Equipe dành một bài viết dài, chủ yếu trở lại với hào quang quá khứ của một George Weah danh thủ bóng đá. Ông đã từng khoác áo các câu lạc bộ Paris Saint-Germain của Pháp và AC Milan của Ý. Cho đến giờ ông vẫn là cầu thủ Châu Phi duy nhất giành Quả Bóng Vàng của làng bóng đá Châu Âu, được trao tặng năm 1995.

Trong khi đó, Le Figaro chú ý nhiều đến những thách thức vô cùng lớn đang chờ đợi vị tổng thống tân cử của Liberia cho dù ông không phải bây giờ mới bước chân vào con đường chính trị. Sau khi từ giã sự nghiệp sân cỏ, George Weah đã có thời gian dài chuẩn bị học vấn và tích lũy kinh nghiệm trên chính trường. Ông có bằng đại học ở Mỹ và năm 2014 từng được bầu làm thượng nghị sĩ một địa phương đông dân nhất Liberia. Nay khi ở tuổi 51, George Weah bước lên bục cao quyền lực.

Nhật báo Pháp nhắc lại George Weah đã hứa ngăn chặn nạn tham nhũng, ưu tiên hành động cho lĩnh vực y tế. Người ta vẫn chưa quên, năm 2014, đại dịch Ebola đã làm 5.000 người dân nước này thiệt mạng. Qua nạn dịch đó, người ta càng nhận thấy hệ thống y tế của đất nước này quá tồi tàn trong một nền kinh tế đang hấp hối do nội chiến triền miên.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Mỹ, Canada lạnh kỷ lục : Donald Trump mỉa mai "Trái Đất đang nóng lên" (RFI, 29/12/2017)

Trong khi Mỹ và Canada đang đối mặt với đợt lạnh giá kỷ lục, ngày hôm qua 28/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mỉa mai về "sự nóng dần lên của Trái Đất". Nhiều người phê phán ông Trump đã không phân biệt được sự khác nhau giữa "thời tiết" và "khí hậu".

lanh1

Mưa tuyết bất thường tại tiểu bang miền đông Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại thành phố Erie ngày 27/12/2017. Reuters/Robert Frank

xNhiệt độ tại nhiều nơi ở Canada và Hoa Kỳ đã xuống dưới -40°C, thậm chí có nơi xuống tới -50°C, chẳng hạn phía bắc Ontario, miền trung Canada. Kèm theo đó là những cơn gió mạnh và tuyết rơi dày đặc. Tại Erié, không xa thác Niagara, gần biên giới hai nước, chỉ trong vòng 48 giờ, tuyết đã rơi dày tới 1,5m.

Alexandre Parent, nhà khí tượng thuộc Cơ quan liên bang về môi trường của Canada, cho biết hiện tại nhiệt độ đang thấp hơn từ 10 đến 20°C so với nhiệt độ thông thường vào mùa này. Theo dự báo của cơ quan khí tượng hai nước, tình trạng giá rét có thể kéo dài tới những ngày đầu năm 2018.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter : "Ở miền đông, có thể đây là những ngày cuối năm lạnh chưa từng có. Chúng ta có thể sử dụng một chút sự ấm dần lên của khí hậu mà đất nước chúng ta, chứ không phải bất cứ quốc gia nào khác, đang sẵn sàng chi ra hàng tỉ tỉ đô la để đối phó. Quý vị hãy mặc ấm vào nhé !"

Tin nhắn Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nhiều phản ứng từ cư dân mạng và giới khoa học. Họ đang cố gắng giải thích để tổng thống hiểu về sự biến đổi khí hậu. Giám đốc Viện Hàn Lâm Khoa Học California, Jon Foley, đối đáp trên Twitter : "Sự biến đổi khí hậu là có thật ngay cả khi vào lúc này, bên ngoài tòa tháp Trump, trời đang lạnh. Cũng tương tự như việc nạn đói trên thế giới vẫn dai dẳng, ngay cả khi ông vừa ăn xong một chiếc bánh Big Mac".

Còn dân biểu thuộc đảng Dân Chủ bang Washington, bà Pramila Jayapal, phát biểu : "Năm 2017, tại Hoa Kỳ, cứ mỗi đợt trời lạnh thì lại có ba đợt nắng nóng kỷ lục (…) Thời tiết không phải là khí hậu. Tổng thống lẽ ra cần hiểu điều đó chứ. Điều đó đâu có khó hiểu lắm !".

Theo tổ chức Khí tượng thế giới, 2017 là năm nóng chưa từng có trên toàn hành tinh. Nhưng nhà tài phiệt 70 tuổi luôn tỏ ra không tin rằng có sự biến đổi khí hậu. Thậm chí, trước khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump còn coi đó là "sự bịa đặt của Trung Quốc". Sau khi vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

Thùy Dương

**********************

Năm 2017 : Biến đổi khí hậu tác hại đến Mỹ, nhưng Donald Trump vẫn thờ ơ (RFI, 28/12/2017)

Trong năm 2017 sắp kết thúc, cả thế giới và đặc biệt là nước Mỹ đã phải gánh chịu các trận bão khủng khiếp, các vụ lũ lụt và cháy rừng với sức tàn phá ghê gớm. Theo giới khoa học, các sự kiện càng lúc càng dữ dội và thường xuyên hơn đó, là hệ quả rõ rệt của sự biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.

khihau1

Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris, Washington, ngày 01/06/2017©  Reuters/Kevin Lamarque

Thế nhưng, tại Hoa Kỳ, một trong những nước góp phần lớn nhất vào sư biến đổi khí hậu của hành tinh, tổng thống Trump trong năm 2017 lại quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, được cho là một phương tiện tốt để chống lại sự biến đổi khí hậu.

Phải nói là trong năm 2017, thiên tại đã không ngừng ập xuống nước Mỹ. Vào cuối tháng Tám, Houston, thành phố lớn thứ tư ở Mỹ đã bất ngờ bị chìm trong biển nước sau cơn bão Harvey, khiến cho hàng chục người chết, hàng trăm ngàn người phải sơ tán, gây nên hàng tỷ đô la thiệt hại vật chất.

Một tuần sau đó, đến lượt cơn bão Irma với sức gió gần 300 km/giờ quét qua một số hòn đảo vùng Caribê và đe dọa bang Florida ở Mỹ, buộc hàng triệu cư dân phải tản cư… Tiếp theo đó là trận bão Maria đã gieo rắc tàn phá trên đảo Dominica và Puerto Rico, một vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ.

Gần đây hơn, tại California, các vụ hỏa hoạn nghiệm trọng chưa từng thấy đã thiêu hủy những vườn nho ở khu vực San Francisco và một số khu phố ở Los Angeles.

Đối với ông Jerry Brown, thống đốc bang California, những đám cháy đó – thuộc diện lớn nhất trong hơn 80 năm nay - là một ví dụ về những gì sắp xảy ra do việc trái đất bị hâm nóng kéo theo nạn hạn hán. Jerry Brown nằm trong số thống đốc tiểu bang và thị trưởng của các thành phố lớn tại Mỹ, muốn tiếp tục đấu tranh chống lại đà nóng lên của Trái Đất, bất chấp quyết định của tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris.

Là một người thuộc diện không tin là hoạt động sản xuất của con người làm cho khí hậu biến đổi, trong suốt thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đòi rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris để khỏi bị ràng buộc bằng những cam kết chống ô nhiễm, và sau khi nhậm chức tổng thống, ngày 01/06 vừa qua, ông chính thức làm việc này, nhân danh quyền lợi nước Mỹ. Đối với ông, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại lớn khi tham gia vào hiệp định này, một văn kiện chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Và đến cuối năm, trong báo cáo đầu tiên của mình về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, tổng thống Trump đã xóa bỏ sự kiện khí hậu trái đất bị hâm nóng ra khỏi danh sách các "mối đe dọa" đối với nước Mỹ.

Trung thành với đường lối trên, trong hành động của mình, ông Donald Trump đã xóa bỏ dần dần các quy định hiện hành tại Mỹ liên quan đến việc hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, từ việc cử một người không tin vào biến đổi khí hậu lên nắm cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, cho đến việc khuyến khích tăng gia sản xuất các nguồn nhiên liệu hóa thạch, từ than đá đến dầu khí.

Những sắc lệnh nhằm đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu vào năm 2026, bằng cách khôi phục việc khai thác than đá cũng như đẩy mạnh việc khai thác dầu khí và khí đá phiến đã được dồn dập ban hành.

Theo Michael Mann, một nhà khí hậu học thuộc Đại Học Bang Pennsylvania, thì trong không đầy một năm, số quy định chống lại sự ấm lên toàn cầu mà chính quyền của ông Trump đã xóa bỏ còn cao hơn cả con số mà các chính quyền tiền nhiệm đã xóa trong hai nhiệm kỳ, ám chỉ đến công việc làm của tổng thống George W. Bush.

Tổng thống Trump như vậy đã thể hiện rõ đường lối "America First" trong lãnh vực khí hậu, không cần chú ý đến trách nhiệm của Mỹ trong hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Quốc hội Mỹ, vào tháng 11 vừa qua, trong bản Đánh Giá Khí Hậu Quốc Gia lần thứ tư, đã ghi nhận : "Khí hậu của Hoa Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu trên toàn trái đất".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Trung Quốc : "Con mắt của Bắc Kinh" và 1,4 tỉ "nghi phạm"

Trong khi đa phần các báo Pháp hôm nay tập trung vào thời sự trong nước thì báo Libération dành một hồ sơ lớn 4 trang bài nói về "Con mắt của Bắc Kinh". Với gần 200 triệu caméra, 40 triệu mẫu giọng nói và một tỉ gương mặt được lưu trong cơ sở dữ liệu của công an, chế độ Tập Cận Bình đang tăng cường giám sát công dân ở những mức độ "chưa từng có từ trước tới nay" với lý do "đảm bảo an ninh quốc gia và đấu tranh chống khủng bố".

oeil1

Hệ thống caméra giám sát được lắp đặt dày đặc tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc để theo dõi "nhất cử, nhất động" của người dân tại quảng trường. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Trong bài viết "1,4 tỉ nghi phạm tại Trung Quốc", thông tín viên Raphaël Balenieri của báo Libération tại Bắc Kinh cho biết chính quyền Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa hệ thống giám sát nhờ các tiến bộ về công nghệ. Cho dù là các cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức phi chính phủ…, không ai có thể thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ của bộ máy Nhà nước.

Để tới quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh, người dân Trung Quốc phải đặt thẻ căn cước vào một cái hộp điện tử, thẻ của họ bị chụp ảnh. Và trên quảng trường, "nhất cử, nhất động" của họ đều bị hàng trăm caméra treo trên các cột đèn ghi lại. Vào đầu tháng 12/2017, phóng viên John Sudworth của đài BBC đã thách thức chính quyền thành phố Quý Dương, miền tây nam Trung Quốc tìm được mình từ một tấm ảnh mà ông đã đưa cho cảnh sát. Và chỉ sau bảy phút, nhà chức trách Quý Dương đã tìm thấy John Sudworth !

Trên đây là một vài ví dụ về việc theo dõi ồ ạt mọi cử chỉ, hành động của 1,4 tỉ người tại Trung Quốc từ lâu nay đã "nằm trong chuỗi ADN của đảng cộng sản Trung Quốc", một đảng muốn tiêu diệt "ngay từ trong trứng nước" mọi ý đồ chỉ trích đảng. Và theo dòng thời gian, để thích nghi với một xã hội "kết nối mạng" và "liên tục chuyển động", hệ thống giám sát công dân của Trung Quốc không ngừng được cải tiến, đặc biệt nhờ big data và trí thông minh nhân tạo, hai lĩnh vực mà Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới. Các yếu tố chính trị và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau để đẩy mạnh việc giám sát người dân.

Về mặt chính trị, việc gây lo ngại nhất là vào năm 2014, chính quyền đã thông qua kế hoạch xây dựng "một hệ thống uy tín xã hội" cho tới năm 2020. Mỗi cá nhân, tổ chức sẽ bị chấm điểm dựa theo hành vi trong cuộc sống đời thường và trên mạng Internet. Tùy theo số điểm, họ có thể được trao một danh hiệu manh tính tượng trưng, hay bị phạt tiền, bị cấm đoán hoặc bị đưa vào "một danh sách đen". Theo nhà chức trách, mục đích là "nâng cao tính trung thực… của toàn xã hội".

Việc chấm điểm dựa vào các công nghệ mới cho phép chính phủ thu thập và lưu trữ ngày càng nhiều dữ liệu và phân tích các dữ liệu trên ngày càng nhanh chóng. Thương mại điện tử và thanh toán qua mạng cũng cung cấp cho nhà chức trách vô số thông tin.

Theo ông Gregory Walton, chuyên gia an ninh mạng tại đại học Oxford, Anh Quốc, công nghệ hiện đại đã giúp nhà chức trách Trung Quốc thực hiện tham vọng mà họ nung nấu suốt 60 -70 năm qua. Thực ra, công nghệ trên có ở mọi nơi, nhưng Trung Quốc thì khá đặc biệt vì 3 lý do : dân số rất đông, thông tin cá nhân không được chú ý bảo mật và Nhà nước đầu tư ồ ạt vào trí thông minh nhân tạo.

Công cuộc giám sát dân chúng của Tập Cận Bình không vấp phải trở ngại nào, cả về mặt xã hội, pháp luật và truyền thông. Các thảo luận về bảo vệ thông tin cá nhân, vốn rất sôi nổi ở Mỹ và Châu Âu, lại không hề tồn tại ở Trung Quốc. Và cái "rọ sắt" mà Tập Cận Bình úp lên xã hội dân sự kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 khiến mọi tranh luận tiềm tàng đều trở nên "bất khả thi".

Tuy nhiên, thông tín viên báo Libération kết luận, cho dù có tinh vi đến mấy, không có hệ thống nào là không có "kẽ hở". Chẳng hạn, vào năm 2013, đã xảy ra một vụ tấn công - tự sát gần Thiên An Môn, mà theo cảnh sát Trung Quốc là do 3 phần tử cực đoan dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ thực hiện.

Danh sách người giàu nhất hành tinh năm 2017

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đề cập tới "danh sách các tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2017". Theo đánh giá của Bloomberg, tài sản của 500 người giàu có nhất hành tinh đã tăng thêm 23% (1.000 tỉ đô la) trong năm 2017, nâng tổng khối tài sản của họ lên 5.300 tỉ đô la (gấp hơn 2 lần PIB của Pháp). Để lọt vào danh sách trên, các tỉ phú phải sở hữu ít nhất là 4,1 tỉ đô la/người.

3 người thuộc tốp đầu đều là người Mỹ. Người giàu nhất toàn cầu là Jeff Bezos, với gần 100 tỉ đô la. Ông là người nắm 16,4% cổ phần của tập đoàn Amazon). Chỉ trong một năm, tài sản của Jeff Bezos đã tăng từ 34,2 triệu đô la lên thành 99,6 triệu đô la. Đứng thứ hai là Bill Gates (Microsoft) với 91,3 triệu đô la. Tỉ phú Warren Buffett (Berkshire-Hathaway) đứng ở vị trí thứ ba với 85 tỉ đô la. Ông chủ của Facebook đứng thứ 5 (72,6 tỉ đô la). Và ngày càng có nhiều tỉ phú trong lĩnh vực công nghệ (3 tỉ phú trong tốp 5).

Phần Lan : nghĩa địa hạt nhân khổng lồ

Chuyển sang lĩnh vực môi trường - xử lý rác thải, báo Le Monde giới thiệu với độc giả về "nghĩa địa hạt nhân khổng lồ ở Phần Lan". Chính quyền Phần Lan đã quyết định cho xây khu chôn rác thải hạt nhân đầu tiên bên bờ biển Baltic, cách thủ đô Helsinky 30 phút chạy xe, tại thị trấn Eurajoki đẹp như tranh vẽ với các ngôi nhà gỗ giữa bạt ngàn rừng thông. Nghĩa địa hạt nhân Onkalo là nơi chôn cất, từ khoảng giữa những năm 2020 đến khoảng năm 2100, rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ đậm đặc trong vòng 100.000 năm, thời gian đủ lâu để các chất phóng xạ trở nên vô hại.

Theo các chuyên gia, nền đá granit ở Olkiluoto có niên đại 2 tỉ năm, là khu vực địa chất ổn định, lý tưởng để chôn các conteneur bằng đồng chứa rác thải hạt nhân, kể cả trong trường hợp động đất, lượng phóng xạ rò rỉ xũng thấp dưới ngưỡng cho phép.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không hề có dấu hiệu của sự tức giận từ phía các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hay người dân sống trong khu vực. Thường thì trên thế giới, dự án về nghĩa địa hạt nhân đều bị từ bỏ hoặc trì hoãn, vì bị nghi ngờ không đảm bảo an toàn và vấp phải phản ứng của dân chúng. Ấy vậy mà dự án Onkalo lại không gặp trở ngại gì và tiến triển gần như đúng kế hoạch đề ra từ năm 1983.

Theo phóng viên báo Le Monde, điều đó có được nhờ chính quyền tin tưởng mạnh mẽ vào các chuyên gia, nhà địa chất. Thị trưởng Vesa Lakaniemi khẳng định : "Một khi các chuyên gia nói là không có vấn đề gì về an toàn, thì chúng tôi tin tưởng họ". Nhưng yếu tố then chốt là người dân Phần Lan có lòng tin vào chính quyền và cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia. Theo nhiều cuộc thăm dò ý kiến về tỉ lệ được lòng dân, cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của Phần Lan thường đứng trong tốp đầu, chỉ sau cảnh sát và lực lượng cứu hỏa.

Châu Âu : Làn sóng di dân mới hướng về Tây Ban Nha

Trong lĩnh vực xã hội, Le Monde nói về "Làn sóng di dân mới hướng về Tây Ban Nha". Nước này là cửa ngõ nhập cư lớn thứ ba Châu Âu, sau Ý và Hy Lạp. Theo số liệu mới nhất của bộ nội vụ, số người nhập cư trái phép vào Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi so với năm 2016, phần lớn qua ngả Địa Trung Hải.

Điều đáng chú ý là từ mùa hè 2017, có nhiều di dân tới từ Algeria. Theo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, hồi tháng 09/2017, 25% số người nhập cư trái phép vào Tây Ban Nha là người Algeria.

Chính quyền Madrid rất lo ngại về hiện tượng mới này và ngay lập tức kêu gọi chính quyền Algeria có biện pháp hạn chế làn sóng di dân ồ ạt từ nước này sang Tây Ban Nha. Còn "biện pháp khẩn cấp" của Tây Ban Nha là dồn 500 di dân, phần đông là người Algeria, cập bờ biển Murcie, vào một khu trại giam ở Archidona, Malada. Họ lập luận : tập trung di dân trong các trại giam bảo đảm điều kiện vệ sinh, có vòi hoa sen, lò sưởi, giường, phòng tập thể thao thì tốt hơn là gửi di dân tới các trại tị nạn như ở nhiều quốc gia khác và đây là biện pháp tạm thời.

Tuy nhiên, biện pháp của chính quyền Madrid đã bị các tổ chức nhân quyền trong nước chỉ trích mạnh mẽ. Họ cho rằng Tây Ban Nha tiếp đón người tị nạn ít hơn nhiều so với Ý, và dường như chính phủ chưa chuẩn bị tốt trước vấn đề đón tiếp di dân.

Canada dự liệu về một làn sóng di dân mới

Vẫn liên quan tới vấn đề di dân, Anne Pélouas - thông tín viên báo Le Monde - tại Montréal cho biết "Canada dự liệu về một làn sóng di dân mới". Từ tháng 01 đến tháng 09/2017, theo Cảnh sát Hoàng Gia Canada, có gần 19.000 người, chủ yếu là người Haiti, vượt biên giới trái phép từ Mỹ sang Canada. Mục tiêu của họ là xin tị nạn tại Canada, tránh nguy cơ bị chính quyền Donald Trump trục xuất.

Bộ trưởng an ninh Ralph Goodale đã từng phát biểu Ottawa đang "chuẩn bị mọi kịch bản", nhưng ông vẫn nhấn mạnh số di dân tới Canada có thể là "không thể lường nổi". Hồi tháng 11/2017, Ottawa thông báo sẽ tiếp đón một triệu di dân trong vòng ba năm tới.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao cơ quan quốc gia về hải quan và di dân thì chỉ trích là chính phủ liên tục đơn giản hóa tình hình và nói là mọi việc đều trong tầm kiểm soát. Cơ quan này đã yêu cầu tăng cường nguồn lực, nhưng không được đáp ứng, trong khi họ lo ngại năm 2018 sẽ là năm bùng nổ về di dân.

Trang nhất các báo Pháp

Đa phần các báo Pháp hôm nay quan tâm tới thời sự trong nước. Báo Le Monde chạy tít "Kịch bản tăng cường giám sát người thất nghiệp". Chính phủ Pháp nhận được đề xuất gia tăng giám sát người thất nghiệp đang được hưởng trợ cấp của Pôle Emploi - cơ quan hỗ trợ người thất nghiệp. Theo tài liệu trên, những người thất nghiệp không năng nổ, tích cực tìm việc, hoặc từ chối các đề nghị tuyển dụng phù hợp với khả năng của họ, hoặc khước từ khóa đào tạo nghề mà Pôle Emploi đề xuất sẽ bị mất 50% tiền trợ cấp trong vòng hai tháng và mất 100% trợ cấp trong vòng hai tháng nếu tái diễn. Những người không trả lời đề nghị hẹn gặp của tư vấn viên của Pôle Emploi sẽ bị mất 20% trợ cấp.

Trong khi đó, "Thuế : Tất cả những thay đổi trong năm 2018" là chủ đề được báo kinh tế Les Echos quan tâm. Còn "Hình ảnh của nước Pháp đã thay đổi ?" là câu hỏi của báo công giáo La Croix. Các thông báo về cải cách và sự tham gia tích cực trên chính trường quốc tế dường như đã cải thiện hình ảnh của nước Pháp trong mắt người nước ngoài.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng (RFI, 26/12/2017)

Bất ngờ đắc cử tổng thống của cường quốc số một thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump với tính khí khó lường đã có một năm 2017 gây náo động thế giới bởi những quyết định chưa từng có, khi thì tấn công vào cả hệ thống thế giới đa phương, lúc thì không ngần ngại châm ngòi làm bùng nổ rối loạn ở nơi này nơi kia.

donald1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh ngày 24/12/2017. Reuters/Carlos Barria

Năm 2017 sắp qua, cùng với các nhà quan sát chính trị thế giới, chúng ta nhìn lại một năm đầy biến động trên cương vị tổng thống của ông Donald Trump.

Chính thức bước chân vào Nhà Trắng tháng Giêng, ngay lập tức vị tổng thống tỷ phú Mỹ đã không để trống thời gian, liên tục đưa ra các quyết định không chỉ gây lo ngại cho các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, mà còn làm cả thế giới sững sờ. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu và hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đối tác Thái Bình Dương (Thành phố P)… Chưa hết, ông Trump còn dọa lật lại thỏa thuận hạt nhân đã được chính quyền Obama và các cường quốc khó khăn lắm mới ký được với với Iran. Cuối cùng, mới đây nhất là quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm cho "thùng thuốc súng Trung Đông" trở nên nóng rực và Hoa Kỳ thì bị đồng thanh lên án trước Liên Hiệp Quốc.

Có thể nói đó là những quyết định gây sốc nhất của tổng thống Donald Trump trên trường quốc tế. Chuyên gia Célia Belin, thuộc viện Brookings Instution, Washington, nhận thấy điều tồi tệ nhất mà người ta có thể lo ngại ở chính sách Trump, đó là việc cường quốc hàng đầu thế giới rút ra ngoài thế giới đa phương hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Belin, ba thông báo được cho là ồn ĩ nhất, "mạnh mẽ và gây hậu quả nặng" lại chỉ có tác dụng chiều lòng cử tri Mỹ nhiều hơn là hiệu quả thực thi.

Việc rút khỏi Thỏa thuận Paris chỉ có thể hoàn tất vào cuối nhiệm kỳ của ông ; Thỏa thuận Iran vẫn có hiệu lực ; Chuyện đặt sứ quán Mỹ ở Jerusalem cũng còn phải mất nhiều năm nữa, hết nhiệm kỳ này của ông Trump chưa chắc đã xong.

Vậy có gì gọi là "chiến lược hay phương pháp" trong các quyết định của tổng thống Trump ? Theo chuyên gia, Célia Belin, "phương pháp Trump chính là sự đoạn tuyệt tượng trưng gây phản ứng rất mạnh". Mục tiêu là để cả thế giới nghe được thông điệp : "Nước Mỹ đang trở lại hùng mạnh", như ông đã huênh hoang khoe trong diễn văn trình bày "chiến lược an ninh quốc gia" của Mỹ cách đây ít ngày.

Còn nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council, thì nhận thấy "có vẻ như ông Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn". Thế nhưng, theo chuyên gia này, "Hoa Kỳ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế".

Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ đã nhiều lần không khỏi sững sờ với phong cách của vị tổng thống tỷ phú. Vừa tung lên tweet những dòng lên án mạnh mẽ với Trung Quốc chưa được bao lâu, ông đã lại quay sang ve vãn nịnh nọt Bắc Kinh trong một dòng tin nhắn khác. Hay việc ông Trump, tổng thống một cường quốc thế giới, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc đã dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên….

"Tính khí bốc đồng của tổng thống Trump, cách thức lãnh đạo không lường trước được và những dòng tweet đã làm náo động nhiều chính phủ các nước", theo như nhận định của ông Paul Stare, người vừa thực hiện một điều tra hàng năm về nguy cơ xung đột trên thế giới qua tham khảo ý kiến của 400 chuyên gia và nhà ngoại giao quốc tế. Báo cáo điều tra trên đã xếp Washington lên tuyến đầu trước hai nguy cơ đối đầu quân sự lớn trong năm 2018 : Bắc Triều Tiên và Iran.

Theo chuyên gia Célia Belin, trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng như hồ Iran, "khẩu khí chống Iran của ông Trump rất mạnh, nhưng hiện tại không có hành động nào cụ thể và hiệu quả". Ban đầu có bị sửng sốt và hơi choáng với những tuyên bố của ông Donald Trump, nhưng rồi các nước, đặc biệt là đồng minh của Mỹ, cũng quen dần. Hơn nữa, trên nhiều hồ sơ, từ việc chỉ trích NATO cho đến đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng không thể bỏ qua được thực tế và tính liên tục của vấn đề.

Cách đây hơn một năm, tin ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã gây náo động cả thế giới, cũng với nhiều hoài nghi, lo ngại. Đến giờ ông Trump đã có không ít tuyên bố và cả những quyết định cụ thể đúng theo những gì ông đã hứa với cử tri của mình. Có lẽ, Donald Trump là vị tổng thống hiếm hoi của nước Mỹ chỉ chăm chắm mục tiêu vì một đất nước hùng mạnh cho người Mỹ, chứ không phải cho thế giới. Vì nhãn quan đó cộng với tính khí cá nhân bộc trực, cho nên tổng thống Mỹ có thể là một trong những nhân vật chính trị gây sốc nhất trong năm 2017. Nhưng cũng chưa thể đến mức làm đảo lộn cả thế giới.

Anh Vũ

**********************

Hoa Kỳ thông báo ngân sách Liên Hiệp Quốc sẽ bị cắt giảm mạnh (RFI, 26/12/2017)

Hôm 25/12/2017, Hoa Kỳ thông báo ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc sẽ bị cắt giảm. Số tiền cắt giảm là 285 triệu đôla trong vòng 2 năm tới, lớn hơn so với con số được dự trù trước đó. Như vậy là ngân sách năm nay của Liên Hiệp Quốc thấp hơn 5,3 % so với năm trước. Quyết định này là một chiến thắng của chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump, người chưa từng giấu giếm thái độ coi thường định chế quốc tế lớn nhất này.

donald2

Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New-York.Getty Images

Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York

Trong thông cáo của mình, Hoa Kỳ khẳng định "sự kém hiệu quả và những khoản chi tiêu quá mức của Liên Hiệp Quốc là rõ ràng", đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ "sẽ không để định chế này trong tình trạng không kiểm soát hoặc lợi dụng lòng hào phóng của người dân Mỹ nữa".

Những lời lẽ này càng trở nên nặng nề hơn, vài ngày sau một cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, chỉ có 7 nước ủng hộ Hoa Kỳ và Israel, trong khi 128 quốc gia còn lại bỏ phiếu chống.

Nếu việc giảm ngân sách của Liên Hiệp Quốc được thực hiện, khoản tiền 285 triệu đôla này sẽ là mức cắt giảm cao nhất trong phương án được dự trù.

Từ vài tuần nay, Liên Hiệp Châu Âu đã vận động cho một khoản cắt giảm 170 triệu đôla, trong khi Hoa Kỳ muốn cắt giảm 250 triệu đôla.

Nhưng cuối cùng mức cắt giảm lại cao hơn thế.

Ban thư ký Liên Hiệp Quốc sử dụng 40 000 nhân viên trên khắp thế giới, và những khoản cắt giảm này có thể sẽ khiến Liên Hiệp Quốc ngưng tuyển dụng và tăng lương. Một số hoạt động chính trị, khâu truyền thông, thậm chí cả trợ giúp phát triển cũng sẽ bị ngưng trệ.

Hoa Kỳ là nước có phần đóng góp nhiều nhất, chiếm đến 22 % khoản ngân sách này, đồng thời cũng là quốc gia chi trả nhiều nhất cho các chiến dich duy trì hòa bình.

Việc gìn giữ hòa bình sẽ càng trở nên tốn kém hơn, cho dù vào tháng 6, Liên Hiệp Quốc đă quyết định cắt giảm 600 triệu đôla. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều Washington muốn, vì họ đòi cắt giảm đến 1 tỷ đôla.

Duy Anh

Published in Quốc tế