Quyền lực ngành Công an và cá nhân Tô Bộ trưởng cứ phình lên từng ngày. Quốc hội cứ nhũn như con chi chi ý kiến ầu ơ rồi bấm nút rụp rụp thông qua tất cả các yêu cầu của Bộ Công an. Cứ chừng như Quốc hội là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Tô Lâm. Hộ Chiếu mẫu mới của Tô Đại tướng không có nơi sinh, bị nhiều nước từ chối làm bỉ mặt quốc gia nhưng chẳng ai dám chất vấn một lời mà rụp rụp bấm nút chữa cháy thông qua hộ chiếu sửa đổi có thêm nơi sinh. Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, rồi căn cước công dân, căn cước gắn chíp, chỉ cái chứng thư hành chính cho 100 triệu dân, Tô Đại tướng thay đổi chóng mặt trong mấy năm, Quốc hội cũng gật đầu tuốt luốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Tô Lâm tại phiên họpngày 7/4/2022 - Ảnh : VGP/Nhật Bắc
Sắp tới Quốc hội sẽ xé đôi Luật giao thông đường bộ, xén các miếng ngon xử phạt vi phạm, cấp phép lái xe và có thể cả đăng kiểm cho ngành Công an. Luật An Ninh cơ sở ra đời sẽ tăng cường quyền, nguồn lực công an cơ sở, hất cẳng cả Bộ Quốc phòng.
Qua các đại án, Tô Đại tướng đã chiếu tướng, bắt xe, thanh lọc gần 1/3 thành viên chính phủ, hai Phó Thủ tướng đương nhiệm Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh phải hát bài em không dám đâu, tự xin làm người tử tế. Hàng loạt Bộ trưởng, thứ trưởng phải rời ghế vàng, ghế bạc đi chăn kiến trong tù.
Động thái mới nhất trong Kết luận điều tra vụ án Việt Á lần này ngoài việc đề nghị đề nghị truy tố các bị cáo, ngành Công an còn đính kèm kiến nghị 7 điểm (phải chăng lấy theo số Thất Trảm Sớ của Chu Văn An thời xưa ?)
Văn bản không nói kiến nghị này gửi cho ai nhưng hầu hết nội dung đều nhằm vào công việc chấn chỉnh điều hành, kiểm tra, thiết lập cơ chế hoạt động của từng bộ hoặc liên bộ, chính quyền địa phương. Hao hao giống như văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Nội dung chi tiết 7 Kiến nghị như sau :
"Thứ nhất, Bộ Khoa học & công nghệ và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Thứ hai, Bộ Khoa học và công nghệ cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản pháp luật liên quan, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ Khoa học và công nghệ.
Thứ ba, Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế ; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.
Thứ tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ, ngành có liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa... ; nhất là các gói thầu có giá trị lớn, chưa được phân bổ dự toán ngân sách thực hiện.
Thứ năm, các tỉnh, thành phố cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Cùng với đó là đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mua sắm, đấu thầu cho cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm…
Thứ sáu, Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá có sai phạm (đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...).
Thứ bảy, ngoài các bị can đã bị đề nghị truy tố, Bộ Công an kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi liên quan nhưng chưa đủ hoặc chưa đến mức xử lý hình sự" (1).
Thông thường văn bản của các cơ quan tố tụng hình sự có thể đưa ra kiến nghị về việc xử lý những đối tượng có liên quan đến vụ án nhưng chưa đến mức xử lý hình sự hoặc còn tiếp tục xử lý trong vụ án khác. Lần này, chỉ có hai điểm cuối cùng kiến nghị nêu những đối tượng cụ thể cần xử lý hành chính. 5 điểm đầu của Kiến nghị thuần túy là hoạt động điều hành, cơ chế chính sách của các Bộ và liên Bộ.
Các nội dung kiến nghị này nếu được nêu trong các phiên làm việc thường kỳ của chính phủ hoặc trực tiếp với Thủ tướng Chính Phủ sẽ phù hợp hơn đặt trong hồ sơ tố tụng. Vì được nêu như vậy, cách nào đó có thể hiểu rằng, ngoài các bị cáo là quan chức đang bị truy tố thì cả pháp nhân bốn Bộ được hài tên trong Kết luận điều tra là Bộ Y tế, Bộ Khoa học & công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & đầu tư là những đối tượng có liên quan đến vụ án mà chưa đến mức xử lý. Dân đen có quyền suy diễn rằng Bô Công an muốn dằn mặt ai đó bằng cái kiến nghị này.
Một cách hiểu khác có thể được suy diễn là Cơ quan Điều tra Bô Công an đang đứng trên các bộ khác lên mặt dạy đời, sắm vai Chính phủ chỉ đạo hoạt động điều hành, phối hợp của các Bộ, địa phương. Áo mặc sao qua khỏi đầu, đương nhiên là bố bảo Cơ quan Điều tra cũng không dám uống thuốc liều đến vậy nếu không được Tô Đại tướng chuẩn thuận. Phải chăng đây là điều Tô Đại tướng muốn nhắn gửi với ai đó ?
Phải chăng sau Quốc hội, Tô Đại tướng muốn Chính Phủ thành cơ quan giúp việc thứ hai cho mình ? Hay là Tô Đại tướng muốn tập tành làm Thủ tướng, chiếm một suất đặc cách tuổi, nối tiếp sự nghiệp cống hiến hy sinh cho đảng thêm một nhiệm kỳ ?
Ý tứ sâu xa bên trong Kiến nghị này là thế nào, chỉ có Tô Đại tướng mới biết chứ dân đen người phàm mắt thịt thì làm sao hiểu nổi. Tuy nhiên về nội dung, ngay điểm kiến nghị đầu tiên : "Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật", người dân thấy xa thực tế như mặt trời với mặt trăng, nó khó tin như chuyện Trịnh Xuân Thanh từ Đức quay về Việt Nam tự thú.
Trong thể chế hiện nay, Bộ trưởng hoạch định chính sách, điều hành hoạt động của ngành, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, uy quyền trên vạn người, chỉ dưới một người thì liệu trong Bộ ấy có ai, theo cơ chế nào, quy định nào cho phép kiểm soát quyền lực của Bộ trưởng ? Kiến nghị cấp dưới kiểm soát quyền lực cấp trên thì ngược ngạo như chuyện ngựa đua dưới nước tàu chạy trên bờ.
Vụ Việt Á xảy ra là do Chu Ngọc Anh chủ động dành suất cho Việt Á tham gia cùng Học viện Quân y nghiên cứu sản xuất Kit test được cảm ơn 200.000 đô. Nguyễn Thanh Long chủ động tốc hành cấp phép lưu hành Kit test Việt Á chỉ sau một ngày nhận hồ sơ nhận cảm ơn 2,5 triệu đô la. Sản phẩm Việt Á ra đời và bán với giá trên trời được hơn 8 triệu cái hoàn toàn không do kẽ hở pháp luật nào mà cả guồng máy các Bộ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cùng phối hợp, dùng quyền lực và cả thủ thuật giương kèn giống trống họp báo công bố bốc thơm, đưa thông tin giả ưu điểm của Việt Á để đánh lừa dư luận. Họ cố tình không mua vacxin mà thực hiện chiến lược Zero Covid, hô hào săn F0, xét nghiệm đại trà bát dân ngoáy mũi với đủ lý do vô lý nhất. Hai Bộ trưởng và tất các quan chức có liên quan đều theo luật của Năm Cam "cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền"
Nội dung kiến nghị "Bộ Khoa học và công nghệ cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản pháp luật liên quan, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ Khoa học và công nghệ" thừa thải và vô lý như lắp thêm cái bánh thứ ba cho cổ xe ngựa. Việc bổ sung văn bản, luật lệ chỉ có ý nghĩa làm tăng giá tiền cảm ơn cao hơn chứ không thể ngăn được lòng tham vốn là tính trời ban, là phẩm chất đặc trưng của quan chức cộng sản.
Tương tự, các kiến nghị thứ 3, 4, 5 cũng chỉ là những khẩu hiệu, công thức sáo rỗng, được xây dựng trên tiền đề giả, đổ lổi cho lý do khách quan là thiếu quy định, quy định chưa chặt chẽ nên phát sinh tham nhũng.
Thẳng thắn, công bằng mà nói, khi xem đây chỉ là vụ án Phan Quốc Việt lợi dụng quan chức để thổi giá Kit test, Công an đã cố tình bưng bít bản chất sự thật, cố tình bao che trùm cuối của vụ án, cũng như giảm nhẹ tính chất mức độ phạm tội của các quan chức đã bị lộ và trở thành bị cáo.
Không phải đợi đến khi Phan Quốc Việt bị bắt. Ngay trong những ngày đen tối, trước chủ trương và biện pháp cưỡng chế ngoáy mũi thô bạo, điên cuồng của chính quyền các cấp, người dân đã biết có kế hoạch, có tổ chức quy mô từ trên cao khai thác cái mũi người dân như nguồn tài nguyên vô tận.
Nếu có ngày nào đó cái lò của Tổng Trọng lại nổi lửa đốt mớ củi to, củi gộc trong đường dây chạy án khi điều tra, truy tố xét xử Việt Á thì người dân không hề ngạc nhiên. Định hướng và kết luận điều tra đã cho thấy có rất nhiều quan chức nhũng chàm đã thoát ngoạn mục, các quan chức cấp cao tầm cỡ như Chu Ngọc Anh, các Thứ trưởng v.v… đã được giơ cao đánh khẻ.
Trong thể chế độc tài nhà Sàn, chống tham nhũng thực chất chỉ là phe phái đánh nhau hoặc phải buộc lòng phải dọn dẹp những u nhọt đã bung mủ tung tóe không còn che lấp được. Thủ tướng Phạm Minh Chính hay Thủ tướng Tô Lâm thì guồng máy vẫn vận hành theo luật Năm Cam. Nhóm lợi ích này thay nhóm lợi ích khác vơ vét tài nguyên đất nước mồ hôi, xương máu của nhân dân để làm giàu, vinh thân phì gia.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 22/08/2023
1. https://thanhnien.vn/bo-cong-an-kien-nghi-7-van-de-tu-vu-kit-test-viet-a-185230820110238091.htm
Ông Tô Lâm "này" là ai ?
Đồng Phụng Việt, RFA, 09/08/2023
Vừa có một ông tên Tô Lâm, được giới thiệu là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an, ra lệnh như thế này : "Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" (*).
"Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa". Ảnh minh họa
Ông Tô Lâm này ra lệnh đó khi dẫn một đoàn công tác về Hải Dương để "làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả quán triệt, triển khai các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng lực lượng công an nhân dân".
Có nhiều lý do để phải thắc mắc ông Tô Lâm "này" là ai. Thứ nhất, tại sao là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an nhưng ông lại không biết "làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" và thản nhiên chuyển "nhiệm vụ" mà chính ông thừa nhận là "nặng nề" ấy cho tỉnh Hải Dương bằng cách "yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu việc này" ?
Thứ hai, ngoài Hải Dương, Việt Nam còn 62 tỉnh và thành phố khác trực thuộc trung ương, nhìn một cách tổng quát, đâu có tỉnh, thành phố nào mà "dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa", nếu đó chỉ là "nhiệm vụ nặng nề" của các "Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Ban Thường vụ Thành ủy, Công an tỉnh, Công an thành phố" và nếu chỉ có những tổ chức, cơ quan đó phải "nghiên cứu", đồng thời phải làm được như vậy thì tại sao không giải tán "Đảng ủy Công an Trung ương", xóa sổ "Bộ Công an" ?
Thứ ba, tại sao ông Tô Lâm này lại trở thành "Đại tướng" của một trong những bộ phận cấu thành "lực lượng vũ trang" (công an) khi ngay cả điều được xem là sơ đẳng nhất của các lực lượng vũ trang ông cũng không rành ? Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, việc chào người khác theo cung cách lực lượng vũ trang phải tuân thủ nguyên tắc : Thuộc cấp phải chào trước, sau đó thượng cấp mới chào đáp lễ, chỉ khi thượng cấp bỏ tay xuống, thuộc cấp mới có quyền kết thúc chuyện chào.
Tại sao phải thế ? Rất đơn giản ! Tính chất của các lực lượng vũ trang đòi hỏi phải xây dựng, duy trì, đề cao "tôn ti trật tự" trong các lực lượng này. Cung cách chào của các lực lượng vũ trang không chỉ xác định đặc thù mà còn bảo vệ "tôn ti trật tự" – yếu tố quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của các lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên xem tấm ảnh mà tờ Thanh Niên đính kèm khi tường thuật về sự kiện ông Tô Lâm dẫn một đoàn công tác đến Hải Dương để ra lệnh như vừa đề cập, thiên hạ lại thấy ông vung tay chào một bầy thuộc cấp đang ngồi ngắm ông và vỗ tay hoan hô "Đại tướng" chào mình.
Tấm ảnh đó cho thấy, không những ông "Đại tướng" đã không biết gì và cũng chẳng thèm bận tâm về "quân phong, quân kỷ" mà thuộc cấp của ông cũng y như vậy. Chắc chắn dưới gầm Trời này, chỉ có Công an nhân dân Việt Nam - vốn được tổ chức, vận hành và hưởng các đặc quyền theo kiểu lực lượng vũ trang (ví dụ như cũng có đủ loại tướng) - mới vô tri rồi trở thành vô tư tới mức quái gở như thế ! Có thể kỳ vọng gì ở lực lượng tồn tại và hoạt động theo kiểu "quân hồi vô phèng" như vậy ?
Thiên hạ lại thấy ông Tô Lâm vung tay chào một bầy thuộc cấp đang ngồi ngắm ông và vỗ tay hoan hô "Đại tướng" chào mình.
***
Ngoài ông Tô Lâm "này" (như vừa kể), còn có một ông Tô Lâm "khác" cũng là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an. Có thể ông Tô Lâm "này" rất giống ông Tô Lâm "khác" về nhân diện, nhân dáng, thậm chí có thể các yếu tố sinh trắc học (như vân tay) hoàn toàn tương đồng song không thể xem cả hai ông Tô Lâm là một vì ông Tô Lâm "khác" là Tiến sĩ Luật học, Giáo sư Khoa học An ninh.
Phàm đã học luật, học về khoa học an ninh thì đương nhiên phải học "Tội phạm học". "Tội phạm học" là một lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu – lý giải về những yếu tố liên quan đến tâm lý, xã hội dẫn đến hành vi phạm tội, các đặc điểm của tội phạm, cách thức kiểm soát. Đó cũng là lý do "Tâm lý học" và "Xã hội học" là những môn học mà tất cả cá nhân học luật, học về khoa học an ninh phải biết, phải chịu bị kiểm tra xem kiến thức có đạt yêu cầu căn bản hay không ?
Chắc chắn kiến thức về "Tội phạm học" hay "Tâm lý học" rồi "Xã hội học" của một Tiến sĩ Luật hay Giáo sư về Khoa học an ninh phải sâu và rộng hơn những người mà học vấn chỉ ở tầm Cử nhân. Thế nhưng hãy hỏi những cá nhân có học vị Cử nhân Luật, Cử nhân Khoa học an ninh hay Cử nhân Tâm lý, Cử nhân Xã hội học xem yêu cầu "làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" có phản khoa học hay không ?
Câu trả lời mà bạn nhận được có thể sẽ rất nặng nề vì chắc chắn trong số những người có kiến thức và được hỏi ý kiến sẽ có người bảo đó là đòi hỏi xuất phát từ sự ngu dốt hoàn chỉnh, không có chút hiểu biết nào về "Tội phạm học", "Tâm lý học", "Xã hội học". Lẽ nào một ông vừa là Tiến sĩ Luật, vừa là Giáo sư về Khoa học an ninh lại tệ như thế ?
Cũng cần nói thêm, sở dĩ kẻ viết bài phải thắc mắc ông Tô Lâm "này" là ai còn vì ông Tô Lâm "khác" đã là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an từ năm 2016 tới giờ. Ai cũng có thể trả lời câu hỏi : Bảy năm qua tình hình an ninh, trật tự của xã hội Việt Nam tốt hơn hay tệ hơn ? Dân chúng Việt Nam cảm thấy hài lòng hơn hay bất an hơn ? Cho nên, khi ra lệnh : "Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa" và "yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh nghiên cứu", ông Tô Lâm "này" không chỉ "bôi tro, trát trấu" vào chính ông ta mà còn thóa mạ ông Tô Lâm "khác" vô năng, bất tài, rõ ràng là đồ "ăn hại, đái nát". Thế mới đểu !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 09/08/2023
Tham khảo
************************
‘Dân ngủ không phải khóa cửa’- Bộ trưởng Tô Lâm mơ về thuở thái bình xa xưa ?
RFA, 09/08/2023
Lãnh đạo công an mới đây yêu cầu ‘làm sao để dân đi vắng, đi ngủ không phải khóa cửa’. Yêu cầu này có khả thi ?
Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương hôm 8/8/2023
Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương hôm 8/8/2023 đặt vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân đặt lên hàng đầu, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân. Cụ thể ông Lâm yêu cầu : ‘Làm thế nào để dân đi vắng, đi ngủ không phải khóa cửa’.
Ông T. – một người dân sống tại thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, nói với RFA hôm 9/8/2023 :
"Ông Tô Lâm nói theo kiểu hoang tưởng, mị dân, ý là xã hội chủ nghĩa sẽ được như thế, nhưng thật sự ngày càng tồi tệ, dân tình ngày càng khổ… Bây giờ tình hình an ninh trật tự như những người dân thường nói, cứ 100 mét vuông là có 20 tên ăn cướp ăn trộm, xã hội thực tế hiện nay là như vậy, hở ra là mất… Chính vì vậy có những vụ chết cháy rất thương tâm, vì người ta phải rào nhà kiểu như chuồng cu để chống trộm, từ chỗ đó khi có hỏa hoạn không thể thoát ra được và chịu chết trong nhà".
Theo ông T., đó là những cái chết thương tâm mà nguyên nhân là vì phải 'rào nhà- chống trộm'. Ông T. nói tiếp :
"Có câu là cùng khổ thì sẽ sinh ra tệ nạn, sẽ xảy ra trộm cướp nhiễu lọan cả xã hội. Ông Tô Lâm nói như vậy thì hầu như là không có và không thể xảy ra trong xã hội chủ nghĩa, đó là điều hoang tưởng nhưng người ta vẫn cứ đưa lên để mị dân".
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 40,97% trong năm 2022. Còn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng tại kỳ họp này cho biết, trong năm 2022 tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là tội phạm giết người tăng 13,17%.
Trở lại với yêu cầu của ông Tô Lâm ‘làm sao để dân đi vắng, đi ngủ không phải khóa cửa’… luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 9/8 nhận định với RFA :
"Ông Tô Lâm ở trên ghế bộ trưởng không đi sát với tình hình thực tế ở Hải Dương nói riêng, cũng như các địa phương trên cả nước nói chung. Qua mạng xã hội chúng ta đã thấy người dân Việt Nam ví dụ có trồng cây mít hay kể cả thùng rác thì họ đều phải dùng khóa để khóa tất cả lại… Cho nên việc ông Lâm yêu cầu công an Hải Dương phải trấn áp tội phạm tới mức mà người dân có thể đi ngủ không phải đóng cửa thì chỉ mang tính hoang tưởng, không có một chút thực tế nào so với điều kiện hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như vấn đề an ninh trật tự ở Việt Nam".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự cho người dân thì công an không đảm bảo, trong khi đó lĩnh vực bảo vệ quyền lực tuyệt đối của Đảng và chế độ thì Việt Nam làm rất triệt để. Gần như các tiếng nói bất đồng chính kiến đối lập ở Việt Nam hoặc các tổ chức xã hội dân sự độc lập gần như bị dập tắt và xóa sổ hoàn toàn. Ông Đài nói tiếp :
"Trong khi đó vấn đề tội phạm Việt Nam mỗi một năm đều có mức tăng trưởng khủng khiếp, từ 10% đến 20% tăng trưởng tội phạm hình sự hàng năm. Ở các nước tư bản thì những người đứng đầu như Bộ trưởng Tô Lâm không bao giờ cần thiết phải yêu cầu điều đó đối với cảnh sát địa phương. Bởi vì bất kể người nào khi bước chân vào nghề cảnh sát đều hiểu rõ trách nhiệm là đảm bảo một cách an toàn tuyệt đối cho người dân. Ở Việt Nam, giữa tội phạm và công an người dân Việt Nam đều nhìn thấy rõ có sự cấu kết với nhau. Nếu như không có tội phạm, thì công an không tồn tại được, không có tội phạm thì công an không được tăng ngân sách, không được tăng quân hàm…".
Theo luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, mối quan hệ giữa tội phạm và ngành công an Việt Nam là mối quan hệ cộng sinh với nhau.
Hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị hộ tống tới phòng xử án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ vào ngày 30/11/2018. AP Photo.
Nhiều năm qua, có nhiều vụ bê bối của ngành công an bị đưa ra công luận. Nhiều tướng trong Quân đội và Công an Việt Nam bị kỷ luật vì tham nhũng, lợi dụng chức vụ- quyền hạn để làm những chuyện sai trái… Đơn cử như năm 2018, cựu trung tướng công an, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, bị tuyên chín năm tù, và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao bị phạt 10 năm tù vì những liên can đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên mạng.
Đến năm 2019, ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công An, bị tuyên tổng cộng 12 năm tù và ông Phan Hữu Bách, cựu Phó Cục Trưởng B61, Tổng Cục Tình báo, Bộ Công an cũng bị tuyên tổng cộng 11 năm tù. Cả hai đều bị kết tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.
Tuy nhiên nhiều nhân vật xuất thân từ công an hiện vẫn giữ những vị trí quan trọng trong Bộ chính trị và trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dù có nhiều bê bối nhưng dư luận vẫn cho rằng Đảng và Nhà nước luôn ưu ái cho ngành công an ?
Một cựu trung tá Công an ở Sài Gòn, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nói :
"Nói về năng lực thì công an Việt Nam là một trong những công an giỏi, không có tổ chức phản động nào tồn tại được ở Việt Nam, ngo ngoe là bắt liền. Nhưng cá nhân thì khác, như vừa rồi ba công an đi bắn dê là làm bậy, công an bảo vệ dân thì lại đi ăn cắp của dân. Hay mấy ông cảnh sát biển, thực chất là công an qua, tham nhũng 50 tỷ chia nhau và bị trừng trị".
Đó là những minh chứng rõ nét, lực lượng công an lâu nay không thực hiện chức năng chính của họ là giữ gìn an ninh, trật tự xã hội cho dân chúng.
Nguồn : RFA, 09/08/2023
Vừa ăn thịt bò dát vàng vừa nuôi con gái rượu du học London
Ông Tô Lâm là người khá kín tiếng trong vấn đề gia đình. Không như ông Nguyễn Tấn Dũng đem con cái ra khoe từ rất sớm, con cái ông Tô Lâm gần như không ai biết. Chỉ khi có kịch chiến ác liệt ở "cung đình", thì tin tức về con cái của ông Đại tướng đầy tai tiếng này mới bị tung ra.
Ông Tô Lâm có người con trai tên là Tô Long mang hàm Thượng tá, chức vụ là Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an
Cho tới giờ, người ta không biết ông Tô Lâm có bao nhiêu người con, chỉ biết trước đây, một người bạn đang làm trong bộ máy công an Trung ương cho Thoibao.de biết rằng, ông Tô Lâm có người con trai tên là Tô Long mang hàm Thượng tá, chức vụ là Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại Bộ Công an.
Tô Long là ông vua con trong Bộ Công an, tuy chức nhỏ nhưng các đường dây làm ăn lừa đảo trên mạng phải xếp hàng để nhờ Tô Long chiếu cố. Vụ bảo kê cho Iker Phương (tức Hồ Ngọc Phương), chủ nhóm Lion Group lập ra sàn giao dịch FXTradingmarkets, rồi đánh sập để chiếm dụng tiền khách hàng.
Ngoài người con trai là Thượng tá Tô Long, mới đây cộng đồng mạng lại bùng lên tin đồn rằng, con gái ông Tô Lâm tên là Tô Hà Linh. Nhà báo tự do Hoàng Dũng có đưa hình Tô Hà Linh và trang facebook cá nhân của cô với dòng status rằng : "Chúc mừng em Tô Hà Linh – con gái rượu của Bác Tô Lâm (Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Em vừa hoàn thành chương trình học của mình tại SOAS University, London, UK. Nhân dân và các chiến sĩ trẻ nóng lòng chờ em trở về quê hương để cống hiến. Anh em nhân dân còn trẻ, chưa vợ, muốn làm rể bố Tô Chủ tịch nước, lên ngôi Chạn Vương thì làm quen với Ông Học Giả nhé". Được biết, sau khi thân phận chủ nhân trang facebook Tô Hà Linh bị lộ, cô này đã đóng trang facebook cá nhân.
Cô gái này được cho là con gái rượu của ông Tô Lâm
Theo như thông tin thăm dò của Thoibao từ người trong cuộc mà Thoibao đã có hân hạnh quen biết, thì người này xác nhận, con gái ông Tô Lâm tên là Tô Hà Linh thật. Tuy nhiên, với sự thận trọng cần thiết, chúng tôi xem đây là nguồn tin cần được kiểm chứng thêm. Bởi chúng tôi e ngại có sự trùng tên nào đấy.
Nếu như Tô Hà Linh được cộng đồng mạng xác định là con gái ông Tô Lâm thì cũng không có gì ngạc nhiên, bởi câu chuyện quan chức chính quyền nuôi con ăn học nước ngoài là chuyện bình thường ở Việt Nam. Nếu là doanh nhân, người ta làm ra tiền bằng mồ hôi nước mắt và cho con cái du học thì đấy là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, ông Tô Lâm là công chức nhà nước, với mức lương không quá 600 đô la Mỹ mỗi tháng, mà cho con du học trời Âu với chi phí trăm ngàn đô la Mỹ mỗi năm, là điều bất thường. Một người bình thường cũng nghiệm ra tiền ở đâu mà ra.
Nuôi con cái tốt, cho con hưởng nền giáo dục tốt, ắt ông Tô Lâm là người cha hoàn hảo của các con ông. Với con trai, ông còn dọn cỗ bằng cách đặt vào ghế Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại (A01) và trao cho con trai quyền uy hơn cả cấp trưởng của cậu ta, thì quả ông Tô Lâm hoàn hảo với con cái thật sự.
Ông Tô Lâm làm công chức lương 600 đô la Mỹ một tháng mà ông dám sang London ăn bữa tiệc xa hoa đến 2000 đô la, nhiều hơn 3 tháng lương của ông, thì điều đó cho thấy, ông Tô Lâm quá giàu có, còn nguyên nhân từ đâu mà giàu có thế thì chắc không khó để nhận ra, đó là ghế Bộ trưởng Bộ Công an đầy quyền lực của ông mà ra chứ không đâu khác.
Mới đây, cộng đồng mạng cũng khui ra con gái rượu ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là Vương Hà My tốt nghiệp cử nhân ở Oberlin College, thuộc tiểu bang Ohio. Được biết, học phí trường này lên đến 60 ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Cộng với chi phí sinh hoạt ăn ở thì khoảng 100 ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Ông Vương Đình Huệ phải mất 10 năm lương mới nuôi con gái ăn học một năm tại đây.
Vương Hà My, con gái của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, chụp chung với Mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp cử nhân ở Oberlin College, thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ
Chế độ này nó thế, nếu con gái ông Tô Lâm không đi du học mới là chuyện lạ, chứ ông cho con ông đi du học thì hầu như quan chức nào cũng thế. Có điều, con cái quan chức du học không phải bằng tiền mồ hôi nước mắt cha mẹ chúng mà là tiền mồ hôi nước mắt của người dân.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 27/01/2023
Nắm quyền bổ nhiệm Công an tỉnh, mồi ngon trăm tỷ cho Tô Lâm !
Nguyễn Lan, Thoibao.de, 26/12/2022
Trước đây, khi mà ông Mai Ái Trực làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông chua chát nói : "Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường không có quyền cách chức các giám đốc sở". Thực tế, các giám đốc sở là do chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm. Tuy nhiên, với sở công an thì lại khác. Bộ trưởng Bộ Công an không những thọc tay vào điều động, bố trí các giám đốc sở, mà còn có thể sắp xếp nhân sự xung quanh giám đốc sở. Nghĩa là, các ban ngành trong sở công an đều bị bàn tay ông Bộ trưởng Bộ Công an thọc tay vào.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
Trước đây thoibao.de đã có bài bình luận về trường hợp Tô Long, con trai ông Tô Lâm, tác oai tác quái ở Bộ Công an. Nay chúng tôi tiếp tục đưa thông tin về hành động nhận tiền chạy chọt của các quan chức công an cấp tỉnh, để được điều chuyển nhằm lên chức. Đây là thông tin mà chúng tôi nhận được từ người trong cuộc. Sự xác tín của thông tin này ở mức độ nào thì hiện nay chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng.
Một người khi được trao quá nhiều quyền lực, thì sẽ trở nên tha hóa, đây là câu chuyện không hề mới. Và ông Tô Lâm đã trở nên tha hóa theo cách như vậy. Nguồn tin từ bên trong Bộ Công an tuồn ra cho chúng tôi biết, mỗi suất bổ nhiệm giám đốc công an tỉnh, ít nhất cũng phải 100 tỷ đồng, một con số không thể tin nổi. Cuộc chơi trăm tỷ với Tô Lâm làm nhà cái, nên ông ta rất giàu.
Võ Trọng Hải hiện nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây, để được lên chức nhanh chóng, ông Hải đã chi cho Tô Lâm 200 tỷ đồng để chạy thuyên chuyển, nhằm chiếm lấy ghế Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và từ đó tiến lên cao hơn nữa.
Gói 200 tỷ là gói thuyên chuyển liên tục để ông Võ Trọng Hải có thể nắm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ông Tô Lâm chính là đầu nậu nhận trọn gói, phần còn lại ăn chia thế nào là chuyện của ông Bộ trưởng Bộ Công an. Để lên được chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thì phải nắm qua chức Giám đốc Sở trước. Đó là trình tự gần như bắt buộc, nếu muốn leo lên cao, thì phải chạy thuyên chuyển từ dưới thấp lên.
Bước đầu cho lộ trình buôn quan bán chức là quyết định điều ông Võ Trọng Hải giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 3/3/2019. Sau đó hơn 1 năm thì ông Hải được điều về Nghệ An làm Giám đốc Công an tỉnh ngày 8/6/2020. Đến ngày 11/9/2020, ông Tô Lâm xin ông Chủ tịch nước, lúc đó là Nguyễn Phú Trọng, thăng quân hàm cho ông Hải từ Đại tá lên Thiếu tướng. Tô Lâm cứ bổ nhiệm và ban chức thần tốc, miễn sao đẩy nhanh tiến độ thăng chức càng nhanh càng tốt.
Ông Võ Trọng Hải khi làm Giám đốc Công an Nghệ An
Ông Tô Lâm có được lợi thế là có thể tác động đến ông Tổng bí thư. Chuyện ông Tô Lâm có chia lại cho ông Tổng hay không thì không ai biết. Tuy nhiên, người trong cuộc đánh giá, ông Tô Lâm hoàn toàn có thể tác động vào ông Tổng, để định hướng cho Võ Trọng Hải, bởi ông Tổng đang rất cần Tô Lâm.
Không biết ông Tô Lâm tác động được gì với ông Tổng mà ngày 16/4/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Quyết định "Về việc điều động, chỉ định cán bộ". Theo đó, điều động, chỉ định ông Võ Trọng Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 /2025. Sau đó, việc của Hội đồng Nhân dân tỉnh chỉ đơn giản làm bầu thủ tục để đưa ông Võ Trọng Hải lên làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Như vậy là, từ năm 2019 đến 2021, chỉ trong có 2 năm, ông Võ Trọng Hải bung 200 tỷ và ông trải qua vài chức vụ, sau đó leo lên chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Giới chạy chức ở các tỉnh thành, mà đặc biệt là quan chức công an, không phải ai muốn "nhờ" Tô Lâm cũng được. Ai "nhờ" được, xem như 99% là toại nguyện.
Nguyễn Lan (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022
*****************************
Sốc ! Loạn ngay trong Bộ Công an, dựa hơi cha là Bộ trưởng, Tô Long "tác oai tác quái"
Nguyễn Lan, Thoibao.de, 23/12/2022
Chuyện thâm cũng bí sử là câu chuyện không bao giờ được đưa lên mặt báo chính thống. Bởi mọi thông tin làm xấu bộ mặt chế độ, đều được Đảng cộng sản chặn lại xử lý riêng, hoặc thậm chí là dung túng để nuôi những thế lực đang hữu ích cho chế độ. Thoibao.de là tờ báo được lập ra để truyền tải đến bạn đọc những thông tin mà báo chí chính thống không dám và không thể nói.
Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu đón Trung Tá Tô Long đến thắp hương - Ảnh minh họa
Chúng tôi có nhận được một số nguồn tin riêng và chúng tôi thấy rằng, cần đưa thông tin này đến cho người dân Việt Nam. Những thông tin này sẽ giúp công luận có cái nhìn rõ hơn về bản chất thật, được che dấu đằng sau lớp mặt nạ dày do tuyên truyền của chế độ này dựng lên. Đây là những thông tin nội bộ và đương nhiên không thể đòi hỏi sự thừa nhận của chính quyền. Tạm thời chúng ta xem đây là thông tin chưa kiểm chứng.
Hiện nay, trong Bộ Công an đang nổi lên một thế lực muốn trở thành đối trọng với thế lực của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Thế lực này là phe của Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ – em trai của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hầu hết, những công việc vắng mặt ông Tô Lâm thì ông Trần Quốc Tỏ sẽ đứng ra xử lý. Dự là đến Đại hội 14, ông Tỏ sẽ lên ghế Bộ trưởng, nếu không có biến động gì lớn.
Ông Tô Lâm đang rất mạnh, nhưng đây đã là nhiệm kỳ cuối của ông ở Bộ Công an. Nếu không vào được Tứ Trụ ngay giữa nhiệm kỳ này, thì vai trò của ông Tô Lâm trong Bộ Công an cũng sẽ kết thúc. Đấy là viễn cảnh. Mà thông thường, khi sắp mất quyền lực do hết nhiệm kỳ, thì các quan của Chế độ này tranh thủ "vơ vét" hết mức có thể. Đó là căn bệnh chung của chế độ này, nó là căn bệnh di truyền không thể cứu chữa. Nhìn vào việc ký bổ nhiệm hàng loạt trước khi bị bắt của ông cựu Chủ tịch TP. Hà Nội – Chu Ngọc Anh thì ắt rõ.
Chúng tôi được biết, hiện nay ông Tô Lâm đang lạm quyền, không những ông dùng quyền lực bắt người bừa bãi, mà ông còn dùng quyền lực để "làm ăn kinh tế". Ngoài việc "kiếm chác" qua việc bố trí nhân sự cho các giám đốc sở, ông Tô Lâm còn làm nhiều thương vụ khác, đặc biệt là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố giàu nhất Việt Nam.
Trung tá Tô Long, Cục phó Cục An ninh đối nội, Bộ Công an
Con trai của ông Tô Lâm là Tô Long, đang mang cấp hàm Trung tá, là Cục Phó cục An ninh Đối nội Bộ Công an. Trước đây Thoibao từng có bài bình luận về nhân vật Iker Phương, tức Hồ Ngọc Phương – người sáng lập Lion Group. Người này lập ra sàn giao dịch FXTradingmarkets và lừa lấy của nạn nhân 3.000 tỷ đồng. Nhân vật này cũng từng bị báo chí trong nước phanh phui, nhưng rồi, Hồ Ngọc Phương vẫn bình chân như vại.
Theo tin chúng tôi nhận được, Hồ Ngọc Phương được an toàn trước luật pháp, là bởi vì có sự chống lưng của Tô Long – con trai ông Tô Lâm. Bộ ba : Tô Long, Hồ Ngọc Phương Lion Group và Lê Ngọc Tuấn (hay còn gọi là Tuấn Cam) liên kết cùng nhau. Tuấn Cam là người đạo diễn vụ lừa đảo IFan 15.000 tỷ gây chấn động cộng đồng, chấn động xã hội một thời.
Bộ ba trên được ví như "kiềng ba chân", trong đó Tuấn Cam và Iker Phương đảm nhận việc thực hiện nghiệp vụ lừa đảo. Long thì ở sau lưng chống đỡ cho bộ đôi này không rơi vào vòng lao lý. Sau vụ hai vụ lừa đảo động trời của Ifan và FXTradingmarkets, không biết họ đã sử dụng thủ thuật gì, mà từ khóa Tô Long không thể nào tìm kiếm được nữa.
Hiện nay, trong nội bộ Bộ Công an, rất nhiều người bất bình trước sự lộng hành của Tô Long mà không dám làm gì. Ai cũng hiểu, nếu tố cáo Tô Long thì e người bị bay ghế không phải là Long mà là chính người tố cáo.
Trong Bộ Công an, tuy đang có thế lực của Trần Quốc Tỏ không ưa gì thế lực của Tô Lâm, nhưng nếu gửi đơn tố giác Tô Long lên ông Tỏ, thì bên tố cáo cũng khó an toàn. Bởi ông Trần Quốc Tỏ, tuy là thế lực chính trị đang lên, nhưng vẫn không dại mà gì chống lại thế lực của Tô Lâm đang quá mạnh.
Nguyễn Lan (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/12/2022
****************************
Tô Lâm lên kế hoạch "gắn thêm cánh" để bắt "chim bay"
Lê Hoàng, Thoibao.de, 23/12/2022
Có người ví von, lãnh thổ Việt Nam là cái lồng mà Đảng cộng sản nhốt cả dân tộc vào trong đấy để "vặt lông" nếu cần thiết. Và đó cũng là nhận xét không sai chút nào, khi mà các tổ chức nhân quyền trên thế giới luôn phải lên tiếng phản đối việc bắt người tùy tiện của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh là trường hợp "chim bay" mà vẫn bị bắt
Hầu hết những người lên tiếng vì một xã hội tiến bộ mà vẫn còn ở trong nước, thì Tô Lâm xem đó là "chim trong lồng" hay "cá trong chậu". Ông ta muốn bắt lúc nào thì bắt. Đó là thực tế đã diễn ra suốt bao nhiêu năm qua mà ai cũng thấy.
Chính những người làm ăn với cộng sản, hay những quan chức cộng sản hiểu hơn ai hết là, nếu muốn trốn Tô Lâm nhưng vẫn ở trong nước, không sớm thì muộn cũng sẽ bị tóm cho vào tù. Chính vì thế mà Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa, Bùi Quang Huy, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, v.v., chọn cách "cao chạy xa bay" ra nước ngoài. Trong số các nhân vật đã trốn ra được nước ngoài, có Trịnh Xuân Thanh bị bắt trở lại. Bởi vì ông Trịnh Xuân Thanh không chịu im lặng, mà lại la toáng lên cho Tô Lâm biết rằng, ông đang ở Berlin.
Những tội phạm trốn ra nước ngoài có thể xem như là "chim bay", bởi họ đã thoát khỏi cái lồng hình chữ S mà Đảng cộng sản đang làm chủ. Muốn bắt được "chim bay" không phải dễ, Tô Lâm cũng phải trang bị "đôi cánh" ra nước ngoài và phục kích, từ đó gắp con mồi về Việt Nam, theo cách mà tội phạm bắt cóc hay làm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty AIC đã cao chạy xa bay ra nước ngoài từ năm ngoái. Đã vậy, bà Nhàn còn bàn bạc và tổ chức cho 7 người khác trong đường dây làm ăn của bà cũng "vỗ cánh tung bay", trước khi có lệnh bắt của ông Bộ trưởng Bộ Công an rất lâu.
Bắt "chim bay" thì bao giờ cũng khó hơn vạn lần bắt "chim trong lồng". Vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có liên quan rất chặt chẽ đến những gói thầu mua bán khí tài quân sự với Israel. Những gói thầu này có liên quan đến nhóm lợi ích quốc phòng thân với ông Phạm Minh Chính. Một khi bắt được bà Nhàn, thế trận trên đấu trường chính trị sẽ nghiêng hẳn về một bên. Đó là nguyên nhân vì sao, bao nhiêu tháng qua, báo chí cứ nói về chuyện bắt bớ, kêu gọi bà Nhàn ra đầu thú.
"Chim bay" Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty AIC - " đang bị Tô Lâm truy tìm
Hiện nay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ở nước ngoài, không dại gì bà lại trở về Việt Nam đầu thú. Đã một lần ông Tô Lâm "gắn thêm cánh" bay sang Đức bắt Trịnh Xuân Thanh, thì lần này, e là kịch bản vẫn như cũ. Nếu chỉ kêu gọi suông mà bà Nhàn thật sự ra đầu thú, thì đó là chuyện không tưởng.
Không phải chỉ một lần ông Tô Lâm cho bắt cóc người ở nước ngoài, như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, mà ông từng bắt cóc thành công nhà báo tự do Trương Duy Nhất tại Thái Lan. Tuy nhiên, Thái Lan là một quốc gia thuộc ASEAN, nên Tô Lâm bắt người dễ hơn nhiều so với các quốc gia EU. Hơn nữa, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn lại im lặng hoàn toàn, nên không biết ông Tô Lâm sẽ truy tìm "con mồi" bằng cách nào ?
5 năm đã qua đi, nhưng cho đến nay, ông Tô Lâm vẫn bất lực. Điều đó cho thấy, việc bắt "chim bay" không hề dễ dàng. Mà nếu có bắt được thì rất dễ gặp phải rắc rối ngoại giao, như Việt Nam đã từng phải đối mặt với Đức.
Có người ví von rằng, ông Tô Lâm giống "ông trùm băng đảng" hơn là một Bộ trưởng thực thi pháp luật. Bởi nếu đã là một Bộ trưởng thì phải biết thượng tôn pháp luật cả ở trong nước và ra ngoài quốc tế. Việc truy tìm và bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án là điều có thể, bởi vì Tô Lâm đã từng làm điều đó.
Với vai trò của bà Nhàn trên bàn cờ chính trị Trung ương, e rằng ông Tô Lâm quyết tâm bắt bà Nhàn hơn so với việc bắt các nhân vật khác. Liệu ông Tô Lâm có bắt được bà Nhà về quy án hay không thì chỉ biết chờ, bởi một ông Bộ trưởng muốn gắn thêm "đôi cánh" đã khó, lại còn muốn bay xa để bắt "chim đang bay" thì càng khó hơn.
Lê Hoàng (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/12/2022
Vì sao Quốc hội chỉ sợ Tô Lâm ?
Đồng Phụng Việt, RFA, 09/11/2022
Các đại biểu của Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 15 vừa nhất trí sửa một phần Luật Xuất cảnh – Nhập cảnh, thực thi đề nghị của ông Tô Lâm - Bộ trưởng Công an : Bổ sung mục "nơi sinh" vào hộ chiếu mẫu mới.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm - Báo Nhân Dân
Không có đại biểu quốc hội nào dám hó hé về trách nhiệm của ông Tô Lâm – nhân vật "phát kiến" rồi bảo trợ cho "sáng kiến" bỏ mục "nơi sinh" trong hộ chiếu mẫu mới và chỉ đạo thực hiện – dù rõ ràng là "sáng kiến" ấy vừa gây đủ thứ xáo trộn, phiền toái cả cho chính quyền lẫn công dân, vừa gây tốn kém (chỉ có thể ước đoán là rất lớn chứ không thể biết chính xác là bao nhiêu vì Chính phủ không thèm tiết lộ và Quốc hội cũng không thèm thắc mắc).
Không những không dám hó hé về trách nhiệm của ông Tô Lâm, các đại biểu quốc hội khóa 15 còn đồng lòng thay ông Tô Lâm nhận lỗi, biến Quốc hội thành nơi gánh vác hậu quả của "sáng kiến" bỏ mục "nơi sinh" trong hộ chiếu mẫu mới. Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội khóa này đã xác định, chuyện bỏ "nơi sinh" trong hộ chiếu mẫu mới là do Luật xuất cảnh - nhập cảnh quy định như thế mà Luật xuất cảnh - nhập cảnh là do các đại biểu quốc hội khóa trước (khóa 14) bỏ phiếu tán thành hồi tháng 11 năm 2019 nên Quốc hội tự nguyện nhận trách nhiệm (1) !
Nếu thử tìm - đọc Luật xuất cảnh - nhập cảnh thì quả là Khoản 3 - Điều 6 của Luật xuất cảnh - nhập cảnh không đề cập đến "nơi sinh" khi quy định về "thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh". Tuy nhiên điều đầu tiên phải lưu ý là cũng trong luật này, tại Khoản 3 – Điều 45 minh định rất rõ : Bộ Công an có trách nhiệm "ban hành các mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của Luật XNC sau khi trao đổi với các bộ, ngành liên quan. In ấn, quản lý và cung ứng giấy tờ xuất nhập cảnh để cấp cho công dân" (2).
Điều thứ hai phải lưu ý là nếu đọc kỹ Luật xuất cảnh - nhập cảnh ắt sẽ thấy, Luật xuất cảnh - nhập cảnh chỉ có một mục tiêu : Dành cho Bộ Công an quyền định đoạt tất cả những vấn đề có liên quan đến xuất cảnh - nhập cảnh ở Việt Nam. Sở dĩ Luật xuất cảnh - nhập cảnh trở thành như thế vì ông Tô Lâm là người chỉ đạo Bộ Công an soạn Luật xuất cảnh - nhập cảnh và thay Chính phủ trình Dự luật xuất cảnh - nhập cảnh. Tháng 5/2019, ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Bộ trưởng Công an, kiêm đại biểu quốc hội khóa 14) bảo với Quốc hội : Luật xuất cảnh - nhập cảnh phải như Bộ Công an đã soạn vì đó là "xu hướng tất yếu" (3).
"Xu hướng tất yếu" mà ông Tô Lâm quảng bá như "tầm nhìn"" và "nỗ lực" của chính ông bao gồm cả hộ chiếu mẫu mới lẫn căn cước công dân cho phù hợp với "cuộc cách mạng công nghệ 4.0".
Sau khi khởi xướng "xu hướng tất yếu", ông Tô Lâm đã dẫn dắt Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu quốc gia để quản lý đủ thứ bằng mạng máy tính, trong đó có quản lý xuất cảnh - nhập cảnh. Chưa rõ kho dữ liệu quốc gia đã và sẽ còn ngốn bao nhiêu tỷ nhưng đầu tháng 7 năm 2022 – thời điểm phát hành hộ chiếu mẫu mới vẫn chẳng thấy hộ chiếu nào có chip cung cấp những dữ liệu cần thiết về người sử dụng cho các cơ quan hữu trách cả ở Việt Nam lẫn thiên hạ cho giống như thiên hạ đã làm cách nay một vài thập niên. căn cước công dân cũng thế !
Suốt từ lúc bày ra "xu hướng tất yếu" cho đến trước khi hộ chiếu mẫu mới trở thành "thảm họa tất yếu" cho cả chính quyền lẫn công dân, ông Tô Lâm liên tục "xuất đầu, lộ diện" để chứng tỏ vai trò quan trọng của cả ông lẫn Bộ Công an. Dự Luật xuất cảnh - nhập cảnh do Bộ Công an soạn thảo trở thành luật hồi tháng 11/2019 chi phối toàn bộ lĩnh vực xuất cảnh - nhập cảnh. Đến tháng 6/2021, ông Tô Lâm ban hành Thông tư 73/2021/TT-BCA "Quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan" (4). Kể từ đó, thỉnh thoảng, Bộ Công an lại khoe sự ưu việt của hộ chiếu mẫu mới - sản phẩm do ông Tô Lâm chế tác và chỉ đạo thực hiện : Kỹ thuật bảo an tốt hơn, thiết kế công phu, góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh Việt Nam, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam (5). Không may cho ông Tô Lâm là chẳng "thằng nào, con nào" ở bên ngoài Việt Nam chịu "tra" ba số đầu trong chuỗi số mà Bộ Công an Việt Nam gọi là mã số định danh và in vào hộ chiếu của đương sự để xác định "nơi sinh" của đương sự.
Không những hè nhau phủ nhận nỗ lực hiện thực hóa "xu hướng tất yếu" của Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh Tô Lâm bằng mã số định danh rồi đưa mã số định danh vào mẫu mới của hộ chiếu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, "chúng nó" còn dám giỡn mặt với Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Công an Việt Nam khi khăng khăng đòi "nơi sinh" VIẾT BẰNG CHỮ ! Không thừa nhận mã số định danh trên hộ chiếu, đòi hộ chiếu phải có "nơi sinh" VIẾT BẰNG CHỮ rõ ràng là cực kỳ nham hiểm, thâm độc !
Tất nhiên ông Tô Lâm rất giận và Bộ Công an phải giận theo ! Đó là lý do dù một số quốc gia vốn đã nổi tiếng là văn minh, tôn trọng luật pháp quốc tế như Đức - giải thích rõ ràng vì sao không công nhân hộ chiếu mẫu mới nhưng thuộc hạ của ông Tô Lâm vẫn khẳng định : Mẫu mới của hộ chiếu phổ thông được xây dựng trên cơ sở đúng luật, đúng quy định và đúng quy chuẩn quốc tế" (5). Ngặt là ông Tô Lâm không thể "chỉ đạo" Bộ Công an "đấu tranh" với những "đối tượng" đó. "Chúng nó" đã đông lại còn không phải là công dân, không sống ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã vậy chẳng phải chỉ có công dân cần du học, du lịch, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn cần nâng số lượng công dân ra nước ngoài làm thuê để gửi tiền về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chưa kể cán bộ - đảng viên kể cả cán bộ - đảng viên trong Bộ Công an cũng cần ra nước ngoài lo cho tương lai con cháu, hoặc tìm hiểu những thứ như "bò dát vàng" nên Bộ Công an đành phải từ bỏ "luật", từ bỏ "quy định", từ bỏ "quy chuẩn quốc tế" để chiều theo "chúng nó".
Chưa hết, Bộ Công an đã lùi một bước – bổ sung "nơi sinh" vào mục "bị chú" trong hộ chiếu mẫu mới (6) - nhưng "chúng nó" vẫn lấn tới. Đã có một số "thằng" nhắn rằng, "chúng nó" chỉ xem việc ghi "nơi sinh" vào mục "bị chú" là giải pháp tình thế, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải sớm đưa "nơi sinh" VIẾT BẰNG.. CHỮ vào trang chính của hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Có "thằng" như Czech còn ra "tối hậu thư" là chỉ chấp nhận hộ chiếu đã bổ sung "nơi sinh" ở phần "bị chú" cho đến hết năm nay.
Dẫu đã kiềm chế nhưng Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm không giấu được sự bất bình : Trước khi chính thức phát hành mẫu hộ chiếu mới, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo mẫu hộ chiếu mới đến cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam, sau một tháng thông báo theo quy định, không có quốc gia nào có ý kiến (7). Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh đã hạ mình tới mức, chỉ thay đổi mẫu hộ chiếu cũng trình "cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam" để xin ý kiến và nhẫn nại chờ cả tháng vậy mà "chúng nó" không niệm tình ! Có thể vì muốn dằn mặt "chúng nó", chứng tỏ cho "chúng nó" thấy, ở Việt Nam, Tô Lâm chưa bao giờ khiêm tốn và mềm mỏng như vậy với cả đồng chí lẫn đồng bào nên sau khi kể lại "thiện chí" của Bộ Công an trong quá trình hiện thực hóa "xu hướng tất yếu" như vừa dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm mới dõng dạc ra lệnh cho Quốc hội : Cần sớm bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu mới trước ngày 1/1/2023 !
Hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam. Hình : Báo Chính Phủ
***
Bây giờ đã là thượng tuần tháng 11/2022, "chúng nó" chơi quá ác, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại ra lệnh quá gấp, thành ra đại biểu quốc hội Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – mới giãi bày : Do yêu cầu về thời gian thực hiện việc bổ sung thông tin "nơi sinh" vào trang nhân thân hộ chiếu trước ngày 1/1/2023 nên không bảo đảm thời gian để thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh - Nhập cảnh của công dân Việt Nam hoặc ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này. Trong cái gọi là "Báo cáo thẩm tra", ông Tới : Đề xuất Quốc hội cho phép đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV nội dung - "Bổ sung thông tin ‘nơi sinh’ vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Giao Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để bổ sung thông tin ‘nơi sinh’ vào mẫu hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam".
Có đại biểu quốc hội nào không đồng ý với quy trình làm luật kỳ quái - sửa một bộ luật đang có hiệu lực thi hành bằng "Nghị quyết chung của một kỳ họp" không ? KHÔNG ! Có đại biểu quốc hội nào thắc mắc về trách nhiệm của ông Tô Lâm trong scandal "hộ chiếu không cần nơi sinh" và đặt cả Quốc hội, Chính phủ lẫn dân chúng vào tình thế oái oăm như vậy không ? KHÔNG ! Tại sao gần 500 đại biểu quốc hội đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của cả trăm triệu người Việt từ khóa trước tới khóa này lại ngoan ngoãn để ông Tô Lâm dắt tới (bỏ "nơi sinh" trong hộ chiếu, thay bằng mã số định danh) rồi dắt lui (đổi mẫu hộ chiếu mới bằng mẫu hộ chiếu.. mới hơn để có "nơi sinh" VIẾT BẰNG CHỮ) như vậy ? Câu trả lời rất đơn giản, đại biểu quốc hội không bận tâm đến "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân thì chẳng sao và trên thực tế, từ xưa đến nay, đâu có đại biểu quốc hội nào chú ý đến chuyện đáp ứng, thỏa mãn "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân nhưng xem thường "ý chí nguyện vọng" của Tô Lâm thì nguy cơ trở thành tro rất cao.
Một Quốc hội mà có tới gần 98% là đảng viên, chắc chắn Quốc hội đó sẽ bảo vệ Ủy viên Bộ Chính trị Tô Lâm, đảng viên phải đặt "ý chí, nguyện vọng" của các thành viên Bộ Chính trị lên trên mọi thứ vốn đã là điều đương nhiên. Đặc biệt, khi Quốc hội đó có tới 61.4% kiêm nhiều vai (vừa là đại biểu quốc hội, vừa là lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành) và phần lớn trong số 38,6% còn lại trước khi "chuyên trách" (chỉ đảm nhiệm vai trò đại biểu quốc hội) đã từng lãnh đạo đủ ngành ở đủ cấp (8) thì có mấy người không tì vết ( ?), không ngoan ngoãn gật gù theo ông Tô Lâm thì có khác gì tự "chuốc vạ vào thân" bởi "dĩ dzãng dơ dáy dễ dầu gì giấu giếm". Sợ ông Tô Lâm mới là sáng suốt như Đảng luôn sáng suốt nên mới cương quyết giữ vững hình thái tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ theo kiểu vừa đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân, vừa gật gù theo "ý chí, nguyện vọng" của những cá nhân như Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tài tình là chỗ đó đó !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 09/11/2022
Tham khảo
(6) https://nld.com.vn/thoi-su/bo-cong-an-bo-sung-noi-sinh-vao-ho-chieu-mau-moi-20220912190715731.htm
(8) https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=56436
************************
Hộ chiếu mẫu mới sau năm tháng phát hành : ngân sách thiệt hại, dân mất thời gian
RFA, 08/11/2022
Chỉ sau gần năm tháng triển khai cấp hộ chiếu mẫu mới màu tím than cho người dân mà không có thông tin về nơi sinh, hôm 7/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội về việc phải bổ sung nơi sinh vào trang chính về nhân thân. Sai sót của Bộ Công an được chính thức thừa nhận và sửa chữa sau khi bị một số nước từ chối cấp visa cho người sử dung hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm kiến nghị bổ sung thông tin vào hộ chiếu mới - Bìa mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, cờ ba nước Czech, Tây Ban Nha, Đức là những nước từ chối cấp visa cho người cầm hộ chiếu mới. Vietnamnet/RFA edited
Sửa đổi nội dung hộ chiếu sau năm tháng
Trước Quốc hội, ông Tô Lâm nói việc bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân của hộ chiếu là cần thiết, tạo thuận lợi cho công dân trong việc nhập cảnh vào các nước. Tuy nhiên do thời gian gấp không kịp sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này.
Do đó, ông Tô Lâm xin ý kiến Quốc hội đồng ý giao Bộ trưởng Công an sửa đổi, bổ sung thông tin nơi sinh trên hộ chiếu mẫu mới cấp cho công dân Việt Nam.
Một luật sư không muốn nêu tên, đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA rằng theo quy định pháp luật, bất cứ sự thay đổi nào trong hộ chiếu đều cần phải được Quốc hội bấm nút thông qua :
"Điều này được quy định luôn ở trong luật rồi ! Khi có sự thay đổi thì phải đưa ra Quốc hội để thảo luận, bàn thảo và thống nhất biểu quyết."
Luật sư này cho biết, Dự thảo sửa đổi luật về xuất nhập cảnh năm 2019, trong quy định về những thông tin trên hộ chiếu không bao gồm nơi sinh :
"Bộ Công an có gởi dự thảo đó để xin ý kiến các sở ban ngành vào năm 2019. Theo thông tin mà tôi ghi nhận được thì hầu hết các tỉnh thành phố họ đều gần như là đồng ý với chuyện không có ghi nơi sinh. Chỉ duy nhất tỉnh Quảng Ninh họ góp ý là phải có nơi sinh vào trong hộ chiếu."
Luật xuất cảnh , nhập cảnh của công dân Việt Nam sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2019. Theo dự thảo luật này, tại Điều 6, khoản 3, những thông tin được thể hiện trong hộ chiếu mẫu mới bao gồm : ảnh chân dung ; họ, chữ đệm và tên ; ngày, tháng, năm sinh ; giới tính ; quốc tịch ; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh ; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp ; ngày, tháng, năm hết hạn ; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân ; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Luật sư giấu tên nhận định, việc Bộ Công an buộc phải sửa lại hộ chiếu chỉ sau năm tháng phát hành cho thấy khi các bộ ngành xây dựng dự thảo luật thì không có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn để đánh giá tác động của luật mới :
"Qua sự việc này, tôi thấy rằng ở Việt Nam khi soạn thảo những đạo luật, dự luật thì không có phản biện, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học… Gần như là không có sự nghiêm túc trong quá trình làm luật.
Do đó, khi Luật về xuất nhập cảnh này được thông qua vào năm 2019 thì họ đã không lường được chuyện là các quốc gia khác không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam."
Tốn ngân sách
Cũng theo người đứng đầu ngành Công an, việc bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí. Bởi vì hiện nay trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục thông tin về nơi sinh. Cơ quan cấp phát hộ chiếu có thể khai thác thông tin về nơi sinh của công dân có trong cơ sở dữ liệu để in hộ chiếu.
Luật sư giấu tên khẳng định "làm gì có chuyện không phát sinh chi phí". Thời gian qua, hàng chục ngàn người đã làm hộ chiếu mới mẫu mới, sắp tới lại phải thay đổi. Rồi phôi hộ chiếu đã in sẵn giờ cũng không sử dụng được nữa, phải in lại mẫu phôi mới là rất tốn kém cho ngân sách :
"Không có chuyện là không tốn kém đâu ! Bây giờ phôi và mẫu hộ chiếu không có nơi sinh đã in ấn rồi, rồi bây giờ phải đổi mẫu phôi thì đó là tốn tiền và lãng phí.
Còn việc người dân không phải bỏ tiền ra để thay đổi là một câu chuyện khác. Do các ông ngu, làm không đúng thì phải sửa lại cho người dân là đúng rồi. Chẳng lẽ bây giờ lỗi do cán bộ lại bắt người dân phải chịu !"
Vào ngày 2/8, sau khi một loạt các nước thông báo tạm ngưng cấp visa cho hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Thành phố Hồ Chí Minh trả lời báo chí cho biết, số lượng người làm hộ chiếu là hơn 1.000 hồ sơ mỗi ngày. Cơ quan này đã bố trí lực lượng để đáp ứng nhu cầu người dân, hạn chế tình trạng quá tải.
Chị Kim Oanh, quê ở Khánh Hoà, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA rằng chị mới làm hộ chiếu cho hai mẹ con vào tháng 10. Chi phí chỉ mất 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, chị phải sắp xếp công việc về quê chuẩn bị hồ sơ rất mất thời gian. Sắp tới nếu không dùng hộ chiếu này nữa, đổi đi đổi lại như vậy rất là cực :
"Chắc là sẽ mất thời gian lắm. Bởi vì mỗi lần làm là tôi phải về quê làm. Tôi không có làm ở trên Sài Gòn được. Nếu bây giờ mà đổi mẫu thì phải đi ra đi vào rất là tốn thời gian.
Cái gì cũng vậy, đụng tới giấy tờ mà đổi tới đổi lui thì rất là mất thời gian. Nhưng nếu cần thì mình cũng phải làm lại, phải chịu thôi chứ biết làm sao, đâu có thay đổi được gì."
Hộ chiếu mẫu mới màu xanh tím than của Việt Nam được chính thức phát hành từ ngày 1/7 vừa qua. Hộ chiếu mới không thể hiện thông tin về nơi sinh. Điều này khiến một số nước trong khối Schengen và Mỹ, Canada từ chối cấp visa cho người mang hộ chiếu này.
Bộ Công an và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau đó đã phải in phần bị chú bổ sung thông tin về "nơi sinh" vào trang cuối của hộ chiếu mẫu mới.
Một số quốc gia, ví dụ như Séc, chỉ tạm thời chấp nhận việc in bổ sung phần bị chú đến hết năm 2022. Do đó, ông Tô Lâm nói cần phải gấp rút thực hiện sửa đổi, bổ sung nơi sinh vào nội dung trang nhân thân trước khi bước qua năm mới.
Nguồn : RFA, 08/11/2022
Nếu Tô đại tướng thành công "ngồi tót" vào ghế Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, biết đâu hệ thống loa phường sẽ được kéo về tận từng hộ dân. Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm "Quảng trường An ninh" thay cho cái quần thể "lố nhố" trên đường Trần Nhân Tông. Lúc bấy giờ Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ không dừng lại ở các vụ bắt bớ người hay thay hộ chiếu.
Nếu trong "bộ Tứ" mới của Việt Nam (do ông Tô Lâm thao túng) lại quyết định sắp hàng sau Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran… thì chiến lược mới (FOIP) của Mỹ và phương Tây nhiều khả năng bị ảnh hưởng.
Bắt một người dọa muôn người
Ngày 15/9, tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Hà Nội), Bộ trưởng Công an Tô Lâm đưa ra một nhận định : xử"một vụ án thôi mà cảnh tỉnh cả một lĩnh vực, cả một vùng" (1). Chưa rõ có phải vì nhận định như thế nên vừa qua, Bộ Công an đã cho bắt ông Bùi Tuấn Lâm, người từng nhại động tác của "thánh rắc muối" Salt Bae, khi ông ta phục vụ món bò dát vàng cho ông Lâm bộ trưởng ? Vụ bắt bớ này đã gây nên nhiều dư luận lẫn lộn, vừa ngạc nhiên, vừa không ngạc nhiên.
Không ngạc nhiên, vì ở một xứ mà Đảng Cộng sản đứng trên cả Hiến pháp thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Còn ngạc nhiên là vì không ngờ sự nhỏ mọn của những người cộng sản lại lớn đến thế. Nhà báo tự do Jackhammer Nguyễn từng đề cập đến vấn đề này hồi họa sĩ họ Bùi bị cưỡng chế suýt phải đốt hết tranh của mình, qua bài viết "Bạo lực và thù vặt của cộng sản qua câu chuyện ông Bùi Chát". Lý do là vì Bùi Chát trước đây thường hay có ý kiến phản biện xã hội, nên đảng hận ông. Nay ông Lâm bún bò "cả gan" nhại ông Lâm bộ trưởng xơi bò dát vàng, cho nên ông Lâm bộ trưởng… cũng hận ! (2)
Nhưng ngoài chuyện nhỏ mọn, có thể thấy thêm vài điều thú vị đằng sau vụ bắt bớ này. Thứ nhất, quyền lực của ông Lâm xơi bò dát vàng rõ ràng đang lên. Có lời đồn, ông Lâm có khả năng thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc. Thứ hai là "phong trào chống đối" ở trong nước dường như đã cạn kiệt, đến nỗi cơ quan Công an không có gì làm, phải đi bắt những người vô hại như ông Lâm bún bò.
Tướng Lâm giúp Tổng Trọng lập kỷ lục
Dù sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn để lại một dấu ấn lịch sử sau hơn 10 năm "đứng mũi chịu sào" ở vị trí cao nhất của Đảng/Nhà nước. Ông đã bỏ tù được một cựu ủy viên Bộ Chính trị, đó là ông Đinh La Thăng và một lô một lốc tướng lĩnh và các ủy viên Trung ương. Nhưng ông Thăng cũng chỉ là "tảng băng nổi", mà bên dưới vụ này, còn vô số câu chuyện mà người dân, kể cả các đảng viên sẽ không bao giờ biết sự thật về một vụ tham nhũng "kinh thiên động địa". Nhất là chuyện có phải ông Thăng dám "mắng mỏ" công khai các nhà thầu Trung Quốc nên đã phải trả giá đắt như vậy không ? (3)
Trong quá trình điều tra vụ Việt Á, có hai "điểm nghẽn" liên quan đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà Tô đại tướng đang tìm mọi cách vượt qua để giúp Tổng chủ lập kỷ lục. Thứ nhất, hiện nay hàng trăm con mắt đang đổ dồn vào cái Huân chương có chữ ký của Tổng chủ và thứ hai, rất nhiều dây rợ lôi ra từ vụ án "siêu quốc gia" ấy lại có liên quan mật thiết tới một trợ lý của Tổng bí thư. Kẹt một nỗi, dù có trỗ hết tài nghiệp vụ thì đối với Việt Á cũng như những vụ đại án khác, Tô đại tướng chỉ có thể xoay xở trong phạm vi Việt Nam.
Càng gần đến ngày Hội nghị Trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng càng phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. Đặc biệt là từ đầu tháng 9 đến nay, báo chí và các trang mạng xã hội tràn ngập tin tức về chuyện Việt Nam sắp có tân Tổng bí thư ở khóa XIII này. Theo đó, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký "Quy định số 80" của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Tăng cường "tính tập quyền" cho 18 Ủy viên Bộ Chính trị để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể an tâm rút lui khỏi chính trường. Nhân sự cấp cao sẽ được Bộ Chính trị chuẩn thuận trên tiền đề của một "chiếu chỉ" từ đâu đó, sau các màn "đấu đá" hậu trường. Ghế lãnh đạo tối cao của đảng cũng có thể là kết quả so kè giữa Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, và có thể thêm một vài vị nữa. Tuy nhiên, ngay đến cả tin đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ "rút lui khỏi chính trường", vẫn phải chờ đến "phút 89" mới có kết quả khả tín (4).
Có một luật bất thành văn trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam là : những thành viên "Bộ Tứ" dù có bê bối đến đâu thì cũng không bao giờ có chuyện đưa ra xử công khai, với lý do là để giữ uy tín cho Đảng cộng sản. Hai trường hợp gần đây nhất là vụ bỏ phiếu định kỷ luật nhưng bất thành đối với "đồng chí Ba X" hồi tháng 10/2012 (tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và cái chết mờ ám của đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 9/2018). Đây là hai trường hợp sốt dẻo và là bài học nhãn tiền cho những đồng chí nào "chưa bị lộ" hay chỉ "mới bị lộ một phần".
Liệu ông Trọng có "xử lý" gọn được ông Chủ tịch không ? Chúng ta hãy chờ chỉ vài tuần nữa thôi. Dư luận cho rằng, nếu Tổng bí thư thuyết phục được ông Phúc rút lui, thì đó là lý tưởng nhất, để Tổng bí thư có thể trao cái ghế Chủ tịch nước cho Lâm đại tướng, như một "giải khuyến khích" trong cuộc đua nan giải đang diễn ra. Sau hoặc trước khi đó, ông Trọng sẽ "truyền ngôi báu – ghế Tổng bí thư" cho "đệ tử ruột" của mình là ông Vương Đình Huệ (5).
Đường xa nghĩ nỗi sau này…
Tuy nhiên, nếu Tô đại tướng "ngồi tót sỗ sàng" lên ghế Chủ tịch nước thay chỗ của ông Phúc (mà điều này lại được Trung Quốc chấp thuận), thì tình hình nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn. Quan hệ với Hoa Kỳ chỉ được triển khai các bước nhỏ. Trung Quốc tiếp tục cản trở nâng cấp bang giao Việt – Mỹ lên "đối tác chiến lược", tiếp tục nắm sâu và lũng đoạn nội bộ lãnh đạo Việt Nam.
Hà Nội nếu do phái "công an trị" chiếm thượng phong, liệu có dám hưởng ứng "trật tự mới" vừa được tuyên do Trung – Nga cầm chịch ? Campuchia đã rất nhậy bén, Hun Sen tuyên bố ủng hộ cả hai, cả "Sáng kiến Vành đai Con đường" (BRI) lẫn "Chiến lược Indo-Pacific Tự do và Rộng mở" (FOIP,) nhưng sẽ không để bên nào ép cả. Thực ra, Hun Sen đang muốn "cầm cờ" trục Nam – Nam. Việt Nam vẫn loay hoay giữa ngã ba đường và có thể thua Campuchia về năng động tính trong đối ngoại.
Nếu trong "bộ Tứ" mới của Việt Nam (do ông Tô Lâm thao túng) lại quyết định sắp hàng sau Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran… thì chiến lược mới (FOIP) của Mỹ và phương Tây nhiều khả năng bị ảnh hưởng. Việt Nam sẽ không rút khỏi "Khuôn khổ Kinh tế của Indo-Pacific" (IPEF) nhưng có thể chỉ tham gia từng lĩnh vực chọn lọc, tránh xa các vấn đề an ninh.
QUAD, AUKUS và các "tiểu đa phương" khác tiếp tục thách thức trục Trung – Nga vào thời "hậu Ukraine" nhưng sẽ không có kết nối chặt chẽ với Việt Nam. Xáo trộn sau Trung ương 6 ở Việt Nam liệu có ảnh hưởng trực tiếp gì đến các Cấp cao EAS-17 và APEC-33 hay không, thì chưa ai dám chắc. Nội trị trong nước sẽ tiếp tục căng thẳng hơn với một Chủ tịch và Tổng bí thư (nếu ghế này lại rơi vào ông Phạm Minh Chính) đều là dân trùm an ninh.
Khi Tô đại tướng thành công "ngồi tót" vào ghế của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, biết đâu hệ thống loa phường sẽ được kéo về tận từng hộ dân. Rồi Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm "Quảng trường An ninh" thay cho cái quần thể "lố nhố" trên đường Trần Nhân Tông. Lúc bấy giờ Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ không dừng lại ở các vụ bắt bớ người hay thay đổi hộ chiếu.
Tuy nhiên, một thể chế độc đoán dựa trên sự cưỡng bức sẽ sớm bị thoái hóa trong một chu kỳ nhất định. Bởi bạo lực luôn hấp dẫn những người thấp kém về đạo đức… Nối nghiệp các bạo chúa luôn luôn là những kẻ bất lương và họ sẽ sớm phải trả giá.
Lê Hải Triều
Nguồn : VOA, 19/09/2022
Tham khảo thêm :
https://baotiengdan.com/2022/09/16/tai-sao-ong-lam-xoi-bo-vang-lai-bat-ong-lam-ban-bun-bo/
Ngọc Bảo, Thoibao.de, 11/08/2022
Như thoibao.de đã phân tích, vấn đề người dân phải đến đại sứ quán hoặc lãnh sứ quán để xin xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam bổ sung nơi sinh là việc mất công, tốn tiền và mất thời gian. Không ai thống kê nổi sự tốn kém này. Tốn kém này là rất lớn chứ không phải là không tốn kém. Hay chính ông Tô Lâm không quan tâm đến những mất mát của dân ?
Ông Tô Lâm và Tô Ân Xô tại buổi trả lời chất vấn
Ngoài sự tốn kém cho dân thì Bộ Ngoại giao cũng phải bố trí nhân viên phục vụ cho nhu cầu này. Nếu Bộ Công an không chịu đổi mẫu hộ chiếu thì Bộ Ngoại giao và người dân phải tốn kém về nó. Chỉ có một sai lầm đơn giản của Bộ Công an và sự cố chấp của ông Bộ trưởng mà cả Bộ Ngoại giao và người dân phải tốn kém rất nhiều.
Chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm sáng 10/8, bà Huỳnh Thị Ánh Sương đoàn Quảng Ngãi nói vấn đề cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới đang gây trục trặc nhập cảnh cho công dân tại một số nước Châu Âu, song Bộ trưởng cho rằng đây "là vấn đề kỹ thuật". "Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thay đổi này có thuận lợi và khó khăn, lãng phí như thế nào đối với công dân và xã hội ? Trách nhiệm của Bộ Công an trong vấn đề này là gì", bà Sương chất vấn.
Ông Tô Lâm nói việc cấp hộ chiếu mẫu mới cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân, không có khó khăn gì, từ việc nhận, cấp, sử dụng, quản lý… Khó khăn duy nhất là một số nước yêu cầu phải có nơi sinh thì Bộ Công an đã có giải pháp bổ sung ngay vào phần bị chú, với các nước quan tâm. Những nước không đòi hỏi vấn đề nơi sinh thì hộ chiếu Việt Nam "được đánh giá rất tốt".
"Hộ chiếu mới cũng không lãng phí", ông Tô Lâm nói, cho biết những hộ chiếu cũ còn thời hạn vẫn được sử dụng. Hộ chiếu cũ hết hạn sẽ được đổi mới. Sắp tới, Bộ Công an sẽ áp dụng hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chip, "không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí".
Rõ ràng quan điểm của ông Tô Lầm là ý nói không gây lãng phí cho Bộ Công an. Tuy nhiên việc này gây lãng phí rất lớn cho người dân và Bộ Ngoại giao. Việc trả lời như thế được nhiều nhà quan sát cho là ông Tô Lâm đã dùng lý sự cùn. Với cách trả lời như thế, không những ông Tô Lâm đã vô trách nhiệm với dân mà còn vô trách nhiệm với bộ máy nhà nước mà ông là một thành phần trong đó.
Sự nhượng bộ của ông Tô Lâm khi nhận trách nhiệm sai sót về tấm hộ chiếu là điều tưởng giá trị nhưng rồi cuối cùng, khi trả lời chất vấn của các đại biểu ông đã "lật kèo". Nếu nhận trách nhiệm mà không sửa vẫn cố bảo thủ thì lời nhận trách nhiệm đó chỉ là lời nói vô nghĩa.
Như thoibao.de đã cho biết, ông Tô Lâm không muốn bị ai ép buộc. Hiện nay người có thể ép buộc được ông là ông Tổng bí thư, ngoài ông Tổng, Tô Lâm xem nhẹ tất cả những lời nói của các nhân vật còn lại dù cho đó là của các Ủy viên Bộ Chính trị khác.
Việc Bộ Công an cho đổi lại hộ chiếu có nơi sinh là nhu cầu cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân. Sự cứng đầu của ông Tô Lâm là một hành động vô trách nhiệm với dân, ông Tổng bí thư cần có biện pháp cứng rắn về mặt đảng để buộc ông Tô Lâm phải có trách nhiệm với dân.
Là Bộ trưởng Bộ công an, ông Tô Lâm cần phải coi trọng lợi ích của nhân dân. Người có khả năng buộc được ông Tô Lâm xem trọng quyền lợi của người dân thì người đó không ai khác là ông Nguyễn Phú Trọng. Không biết ông Trọng sẽ can thiệp như thế nào cho trường hợp này ?
Đối với Tô Lâm, ông chỉ biết bảo vệ đảng và bảo vệ chủ của ông, ngoài ra người dân trong mắt ông thì gần như không có giá trị gì cả. Người dân vất vả, tốn tiền, tốn thời gian vì một cái sai của ông nhưng ông lại nói ngang để không sửa. Một ông Bộ trưởng coi thường dân như thế thì rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho xã hội.
Ngọc Bảo
Nguồn : Thoibao.de, 11/08/2022
*******************
Sự tắc trách của Tô Lâm lần này quá nghiêm trọng, ông Tổng tính sao ?
Lê Hoàng, Thoibao.de, 11/08/2022
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc Bộ Công an Việt Nam là tiền thân của Cục An mạng trước kia. Cơ quan này được lập ra là để bảo vệ thông tin cá nhân của người dân. Tuy nhiên cục này lập ra dường như họ không làm tròn chức trách của họ ?
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an
Ngày 9/8, ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Ông Tô Lâm vừa gửi các đại biểu quốc hội báo cáo về một số vấn đề liên quan nội dung chất vấn tại phiên họp 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/8. Liên quan tới vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, dữ liệu cá nhân của khoảng hơn 2/3 dân số Việt Nam (hơn 68 triệu người sử dụng internet) đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên internet với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.
Báo cáo của ông Bộ trưởng Công an dẫn chứng các vụ việc điển hình như : việc Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hang ; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hang ; vụ tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airline, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng ; hay vụ dữ liệu khách hàng của Công ty FPT bị đăng tải công khai trên mạng…
Không hiểu Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm gì mà để tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai như vậy ? Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, mà cơ chức năng vẫn không triệt phá được.
Lần trước là Cục quản lý xuất nhập cảnh làm cho hộ chiếu bị thiếu nơi sinh, giờ đây là lỗi của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không triệt phá được thành phần tội phạm ở lĩnh vực này. Vậy câu hỏi đặt ra cho ông Tô Lâm là với ngân sách hơn 4 tỷ đô la cho Bộ Công an ông đã dùng vào việc gì mà để tội phạm nhởn nhơ vậy ?
Thực ra Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chuyên đi phá những trang báo, những trang mạng xã hội phản biện lại những điều sai trái mà chính quyền thực hiện chứ họ không bảo vệ người dân. Đó là bản chất.
Cũng đã đến lúc người dân Việt Nam cũng tự hỏi tiền thuế của dân được Bộ Công an làm gì cho dân ? Dùng tiền dân nhưng không bảo vệ cho dân đây là lỗi rất lớn. Ông Nguyễn Phú Trọng luôn muốn xây dựng hình ảnh Đảng cộng sản trong mắt dân thì ông Trọng xử lý vấn đề này thế nào ? Nếu ông Trọng quy trách nhiệm cho người đứng đầu Bộ Công an thì có thể hiểu ông vì trong sạch nhưng nếu ông không xử lý người đứng đầu về việc này thì những lần đốt lò của ông cũng chỉ là vì mục đích thanh trừng hay đấu đá chứ không hẳn vì sự trong sạch vững mạnh như Đảng ông luôn hô hào.
Trong gần 1.300 GB dữ liệu đấy, không ít dữ liệu là thông tin mật của các tổ chức, các doanh nghiệp. Thời này là thời đại 4.0 nhưng lại để mất dữ liệu thì rất nguy hiểm cho doanh nghiệp.
Theo như chúng tôi được biết, lực lượng công an Việt Nam hiện nay trên 1,2 triệu người tính cả chính quy và không chính quy. Tuy nhiên, quân đông nhưng lại không tinh. Cảnh sát hình sự thì đùn đẩy trách nhiệm cho "hiệp sĩ đường phố". Rồi mỗi lần bắt cướp thì lại thưởng nóng thưởng nguội, cứ như công an bắt cướp là kỳ tích vậy. Đó là tư tưởng đòi hỏi nhiều nhưng thiếu trách nhiệm trong công việc. Với lần để 1.300 GB dữ liệu bị rò rỉ mà các tổ chức buôn bán dữ liệu vẫn nhởn nhơ thì ông Trọng nên xem lại cánh tay phải mà ông đang dùng có hữu ích với nhân dân hay không ?
Lê Hoàng
Nguồn : Thoibao.de, 11/08/2022
***********************
Bộ trưởng Công an Tô Lâm đầy tai tiếng, vẫn vững như bàn thạch !?
RFA, 09/08/2022
Một nhà bình luận, quan sát chính trị cho rằng vụ hộ chiếu mới của Việt Nam bị một số nước Châu Âu từ chối cấp visa, cho thấy vị thế vững chắc của Bộ trưởng Công an Tô Lâm hiện nay trong hệ thống Chính trị Việt Nam.
Vietnamnet/RFA edited
Vụ hộ chiếu mẫu mới gây tác động
Lần lượt các nước Châu Âu thông báo ngưng cấp visa, hoặc thậm chí là không công nhận hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam vì thiếu thông tin về nơi sinh.
Mở đầu là Đại sứ quán Đức tại Hà Nội vào ngày 27/7 nói họ không thể cấp thị thực cho hộ chiếu mẫu mới có số serial bắt đầu bằng "P" của Việt Nam.
Ngày 1/8, Đại sứ quán Tây Ban Nha thông báo không cấp thị thực vào khối Schengen cho hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam. Đến ngày 8/8, Sứ quán nước này ra quyết định chấp nhận lại mẫu hộ chiếu mới. Tuy nhiên phải kèm theo căn cước công dân, hoặc một số giấy tờ khác để chứng minh nơi sinh của những người xin thị thực.
Ngày 2/8, đến lượt Cộng hòa Czech (Séc) thông báo không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam với lý do "không đáp ứng các tiêu chuẩn về thông số ICAO".
Hoàng Trang, một người đang học thạc sĩ chuyên ngành "Chính sách Nhân quyền và Thực hành quyền", tại Thụy Điển nói với RFA rằng vụ việc các nước Châu Âu nêu trên từ chối cấp visa cho hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam gây ra nhiều thiệt hại và phiền toái cho người Việt, cả trong và ngoài nước.
"Còn việc Czech không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam dẫn đến việc những công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Czech cũng bị ảnh hưởng trong lúc này nếu như hộ chiếu của họ bị hết hạn.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Czech nó lại nghĩ ra cái trò là cấp hộ chiếu mẫu cũ cho mọi người, xong lại ghi ngày cấp là 30/6. Chuyện này cũng hài, lần đầu tiên tôi thấy nó giải quyết theo cái kiểu bất chấp luật lệ như vậy".
Khối Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu đã cùng nhau bãi bỏ hộ chiếu và kiểm soát biên giới.
Có ý kiến cho rằng người mang hộ chiếu mẫu mới nếu muốn nhập cảnh vào Đức hay Czech vào lúc này có thể đi đường vòng, bằng cách xin thi thực nhập cảnh vào Châu Âu từ các nước khác trong khối Schengen, sau đó đi đường bộ qua Đức hay Czech.
Theo bà Trang, đi như vậy về mặt thực tế có thể được, nhưng về mặt luật pháp là sai. Bởi vì nước Đức nói rất rõ là visa của do các nước trong khối Schengen cấp thì phải loại Đức ra khỏi danh sách nơi được đến :
"Tất nhiên là khả năng mà mọi người bị kiểm tra khi đi đường bộ vào Đức từ các nước trong khối Schengen khác là khá thấp. Nhưng như thế không có nghĩa là nó không xảy ra và rõ ràng như thế là mọi người đang phạm luật, bởi vì như vậy là nhập cảnh trái phép".
Lý giải việc thiếu nơi sinh trong hộ chiếu mới
Hôm 8/8, Bộ trưởng Tô Lâm được báo chí Nhà nước dẫn báo cáo về vụ mẫu hộ chiếu cho biết, Bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc.
Trước mắt sẽ bổ sung bị chú "nơi sinh" cho những ai cần "để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam làm thủ tục xin thị thực vào 26 nước Châu Âu".
Báo cáo nói hộ chiếu mẫu mới đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo Bộ Công an, quy định của ICAO không bắt buộc phải có nơi sinh trong hộ chiếu.
Theo bà Trang, Bộ Công an lý giải như vậy là không hợp lý. Bởi vì hộ chiếu cũ của Việt Nam có nơi sinh, tại sao lại tự nhiên bỏ thông tin nơi sinh trong hộ chiếu mới ? Chưa kể là theo quy định của ICAO thì đúng là không nhất thiết phải có nơi sinh. Tuy nhiên, ICAO có kèm lưu ý :
"Trong hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế có nói rõ là khi thêm thông tin hoặc bỏ thông tin về nơi sinh thì cần phải cân nhắc đến những yếu tố chính trị của quốc gia của mình.
Và rõ ràng khi nhắc đến Việt Nam thì trước đến nay Việt Nam luôn luôn bị lên án về nạn buôn người, cho nên các nước khác cần thông tin nơi sinh của Việt Nam là đúng rồi.
Họ nói rất rõ như thế, cho nên không thể lấy được lý do là "vì đây không phải là thông tin bắt buộc nên không cần phải cho vào hộ chiếu" được".
Cũng theo báo cáo, ông Tô Lâm cho biết hộ chiếu mẫu mới ban hành không có thông tin nơi sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình xuất nhập cảnh.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, cho rằng nguyên do khiến Việt Nam bỏ thông tin về nơi sinh là do có một số quốc gia đã từ chối cấp visa cho hộ chiếu ở một số tỉnh thành nhất định của Việt Nam. Đặc biệt là các tỉnh có nhiều người cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài :
"Việc Bộ Công an tìm cách che giấu nơi sinh như vậy là để cho những người ở những tỉnh bị hạn chế, hoặc bị cấm cấp visa có thể vào nước khác. Đó là một cách mà Bộ Công an đã giúp cho những người này lừa đảo cơ quan Ngoại giao của các nước".
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết, hiện nay, Hàn Quốc tạm dừng nhận người xuất khẩu lao động ở một số huyện thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa… cho đến hết năm 2022.
Vị thế vững vàng của Tô Lâm
Luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận với RFA rằng, cũng qua vụ việc lần này, ông càng nhận thấy rõ ràng hơn về vị thế, quyền lực của Bộ trưởng Tô Lâm trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Ông lý giải nguyên do là vì trước đây, Bộ Công an hay cá nhân ông Tô Lâm đã có nhiều việc làm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như Bộ Công an nhất quyết yêu cầu người dân tập trung để làm căn cước công dân gắn chíp, trong khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng. Điều đó cũng góp phần làm bùng phát dịch hồi cuối năm ngoái ở Việt Nam.
Hay vụ ông Tô Lâm ăn bữa tối món "Bò dát vàng" tại một nhà hàng ở nước Anh với giá hàng chục ngàn đô la Mỹ. Điều 18 trong Quy định về 19 điều đảng viên không được làm nêu rõ đảng viên không được "tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí…".
Cộng với vụ các nước Châu Âu không công nhận hộ chiếu mẫu mới vì thiếu thông tin nơi sinh, theo Luật sư Đài, ông Tô Lâm phải là người chịu trách nhiệm chính. Nhưng đến nay, ông Bộ trưởng Công an vẫn vững vàng tại vị :
"Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, có thể nói gần như là ông Tô Lâm là nhân vật thứ hai, cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đấu đá tranh giành quyền lực chính trị.
Ông Tô Lâm thực hiện hai việc. Một là ông ấy rất mạnh tay trấn áp những người hoạt động đối lập. Từ khi ông ấy lên bộ trưởng từ năm 2016 thì những nhà hoạt động đối lập Việt Nam bị đàn áp, bắt giữ một cách rất khủng khiếp.
Cái thứ hai là những người đối lập với ông Nguyễn Phú Trọng, kể cả trong ngành công an, cho đến mọi lĩnh vực thì ông ta đều thực hiện những mệnh lệnh từ ông Nguyễn Phú Trọng, bắt giữ những người đó, bất kể là ai.
Cho nên cho dù ông ta đã vướng rất nhiều sai phạm, tai tiếng không chỉ cho bản thân ông ấy, mà cho cả Đảng và chế độ nhưng ông ta vẫn bình an vô sự cho đến giờ phút này".
Ông Tô Lâm hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 10/8, ông Tô Lâm khẳng định, "việc cấp hộ chiếu mẫu mới là đúng theo đúng quy định Luật xuất - nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ trưởng Công an nói một số nước gây khó khăn cũng có lý do... Trước mắt cần bổ sung bị chú nơi sinh. Về lâu dài thì chúng tôi sẽ bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu.
Nguồn : RFA, 09/08/2022
Bộ Công an và một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang giúp ông Tô Lâm rửa mặt sau scandal "bò dát vàng". Tuy tiếp tục giữ im lặng, không giải thích, không xin lỗi cho dù rõ ràng scandal "bò dát vàng" bôi tro, trát trấu vào thể diện của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam lẫn ngành công an song Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm không do dự lập ngôn, lập thuyết.
Cứ nhìn thái độ, cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đối với scandal "bò dát vàng" do ông Tô Lâm tạo ra sẽ thấy nỗ lực "tự chỉnh đốn" của Đảng cộng sản Việt Nam là thật hay giả.
Tại Hội nghi quán triệt Nghị quyết Đại hội 13 của đảng trong ngành công an, ông Tô Lâm đề cập và đề cao "an ninh con người" - trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại. Bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp2013, bảo đảm mọi người được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Kẻ viết bài này không muốn lạm bàn đúng – sai về những gì ông Tô Lâm đề cập và đề cao, chỉ đề nghị quí vị tự đối chiếu định nghĩa, định tính về"an ninh con người" của ông Tô Lâm với thực trang kinh tế - xã hội Việt Nam để chính quí vị xác định hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có bận tâm về "an ninh con người", có tôn trọng..."an ninh con người" hay không và Công an nhân dân Việt Nam bảo vệ hay hủy diệt"an ninh con người" ?
***
Có lẽ không ngoa nếu bảo rằng ông Tô Lâm và ngành công an đangxài "an ninh con người" để trang điểm lại cho nhân vật lãnh đạo ngành này. Cứ đọc kỹ những gì Bộ Công an và một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tường thuật vềHội nghiquán triệt Nghị quyết Đại hội 13 của đảngtrong ngành công an, tự nhiên sẽ thấy, chẳng riêng"an ninh con người" mà ngay cảquán triệt Nghị quyết Đại hội 13 của đảngđều chỉ là cớ để tô vẽ lại diện mạo của ông Tô Lâm.
Theo đó, thời gian vừa qua, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, ông Tô Lâm và ngành công an đã lập đượcđại công. Tuy nhiên việc kể công theo cách như thế rất đáng ngẫm nghĩ, bởi"công" của ông Tô Lâm và ngành công an"lớn" chừng nào thì "tội" của đảng nói riêng và "tội" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương"to" chừng đó ! Quán triệt Nghị quyết 13 của đảng trong ngành công an hóa ra là một kiểu luận tội từ đảng đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
Chắc chắn đảng đã phạm phải những sai lầm rất lớn về chủ trương, chính sách và hiệu quả hoạt động trong quản trị - điều hành của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam rất kém, không như thế thì làm saocác thế lực thù địch, phản độngcó thể làm người dân lo sợ, khiến họ phẫn uất, toan biểu tình, bạo loạn trên quy mô lớn, thậm chí tán thành "ba sạch" (đốt sạch, phá sạch, giết sạch) tại các khu cách ly ở miền Nam ?
Trong bối cảnh như vậy, chẳng lẽ các viên chức lãnh đạo đảng, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cùng ngây ngốc đến mức không biết làm gì, chỉ có lãnh đạo Bộ Công an quán triệt, chỉ đạo toàn lực lượng triển khai đồng bộ các phương tiện, biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh quốc gia, an ninh con người ? Chỉ có Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Đảng ủy Công an Trung ươngchỉ đạo toàn lực lượng chuyển sangtrạng thái chiến đấu cao nhất ?
Thời gian vừa qua, lẽ nào toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng đui, què, câm, điếc thảnh ra chỉ có một mìnhBộ trưởng Công an tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, chỉ đạo công an các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa, Hòa Bình tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh tại các huyện khó khăn của các tỉnh.
Nhờ thếgiải quyết, bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người từ gốc rễ của vấn đề, đó là giải quyết đói nghèo của người dân, bảo đảm an sinh xã hội để ngăn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng địa bàn trọng điểm, chiến lược hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động ly khai, tự trị. Lẽ ra công an không nên tổ chứcHội nghiquán triệt Nghị quyết Đại hội 13 của đảngtrong ngànhmà nên viết lệnh triệu tập 17 Ủy viên Bộ Chính trị, 161 nhân vật còn lại trong Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 để quán triệt.
Cả về "an ninh con người" lẫn chân lý mà toàn bộ lực lượng công an vừa mới đúc kết :Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sâu sắc tầm nhìn, trí tuệ và tính nhân văn trong từng mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ trưởng Công an đã truyền cảm hứng mãnh liệt đến toàn thể lực lượng Công an, hun đúc ý chí, bản lĩnh, sự nỗ lực phấn đấu cao nhất, không quản khó khăn, vất vả, hy sinh, tất cả vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân (*).
***
Cứ nhìn thái độ, cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đối với scandal "bò dát vàng" do ông Tô Lâm tạo ra sẽ thấy nỗ lực "tự chỉnh đốn" của Đảng cộng sản Việt Nam là thật hay giả. Việc ông Tô Lâm vẫn hết sức tự tin, dùng lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật để bơm, thổi vai trò, công trạng của cá nhân ông đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cho thấy, dường như dùng bàn tay sắt để duy trì đặc quyền, đặc lợi cho đảng vẫn là quan trọng nhất.
Muốn biết những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam xem đạo đức, tư cách cán bộ, đảng viên, niềm tin của chúng là nặng hay nhẹ cứ xem thái độ, cách hành xử của họ đối với ông Tô Lâm sau scandal "bò dát vàng". Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an vẫn "bình an, vô sự" đồng nghĩa, về nhận thức, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xem đạo đức, tư cách, niềm tin của công chúng chỉ là những món trang sức rẻ tiền ! Khi không cần mang là thẳng tay vứt bỏ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/11/2021
Chú thích
Trong vài tuần gần đây, những tình tiết liên quan đến chuyện kỷ luật, khởi tố hàng loạt viên chức của nhiều ngành, ở đủ mọi cấp chỉ khiến thiên hạ thêm ngao ngán về sự mục ruỗng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Sự mục ruỗng này đã đến mức vô phương cứu vãn ! Truy cứu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật của đảng, tước bỏ những chức vụ từng mang, dùng các biện pháp hành chính để xử lý, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự giống như dátvàng nhưng đều là vàng giả !
Đến giờ - gần hai tuần sau "sự cố", từ các ủy viên Bộ Chính trị, Văn phòng Ban chấp hành trung ương đảng, Phát ngôn viên Bộ Công an cho đến đương sự, vẫn cùng im lặng.
Chẳng hạn chuyện bà Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trung học Ngô Quyền, tọa lạc tại quận Lê Chân, Hải Phòng"tự chế tạo" đủ loại phí, quỹ, buộc phụ huynh phải đóng góp, thu - chi tùy tiện, thiếu rạch ròi, có dấu hiệm thâm lạm, hoản toàn không mới và không chỉ xảy ra ở trường này nhưng trước kia đã có và sau này sẽ có bao nhiêu cán bộ quản lý giáo dục bị khởi tố, tống giam vì "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (1) ?
Chẳng hạn chuyện ông Lê Hùng Sơn, Bí thư huyện Cô Tô, Quảng Ninh bị cáo buộc cưỡng hiếp một nữ công chức (2). Trước ông Sơn từng có hàng loạt viên chức bị cáo buộc xúc phạm nhân phẩm, thân thể hoặc cưỡng hiếp nữ thuộc cấp nhưng có bao nhiêu viên chức lập tức bị "đình chỉ công tác" để điều tra ? Đâu phải tự nhiên mà nhiều người tin rằng ông Sơn dính "bẫy" bởi các hệ thống vốn đã từng tha không ít đồng chí không chỉ sai phạm tương tự nhiều lần mà còn trừng phạt nạn nhân (3)...
Tương tự, lẽ nào có thể xem việc Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thưxem xét kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến – cựu Bộ trưởng Y tế,cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ 2010-2015,khiển trách Đảng ủy Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ 2015-2020,khiển trách bốn cá nhân là Thứ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế, như bằng chứng của nghiêm minh ?
Vì sao cả trăm triệu người Việt đều nhận ra từ lâu, rằng các viên chức lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các tổ chức đảng tại Bộ Y tế thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của đảng, pháp luật của nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự mà đến bây giờ, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng mới đột nhiên nhận ra những yếu tố đó gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của nhà nước, thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đế n uy tín của tổ chức đảng và ngành Y tế (4) ?
Chuyện đến bây giờ, ông Trương Quốc Cường – nhân vật đang đảm nhận vai trò Thứ trưởng Y tế mới bị khởi tố và đề nghị truy tố vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" khi còn là Cục trưởng Quản lý Dược chẳng khác gì trò hề. Scandal cho phép VN Pharma nhập cảng – kinh doanh dược phẩm giả bùng lên cách nay sáu năm, Luật Hình sự chỉ có một bộ nhưng vì sao đến bây giờ hệ thống tư pháp mới nhìn ra là cần truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Cường (5) ?
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khẳng địnhquy hoạch nhân sự là chặt chẽ, chính xác song hệ thống tư pháp Việt Nam khởi tố vụ án VN Pharma từ tháng 11 năm 2015, xét xử sơ thẩm lần thứ nhất từ tháng 8 năm 2017, cho dù đã cố che nhưng ngay từ lúc đó, các tài liệu, lời khai cho thấy ông Cường không vô can (6) vậy mà ông Cường vẫn được lựa chọn, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn !Vì sao lại thế ( ?)tiếp tục là câu hỏi không có câu trả lời và tất nhiên không có ai phải chịu trách nhiệm !
***
Đến giờ - gần hai tuần sau khi Nusret Gökçe, nhân vật có biệt danh là "Salt Bae" công bố video clip ghi cảnh chế biến bò dát vàng rồi rắc muối, đút cho đồng chí Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Bộ trưởng Công an) thưởng thức, từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Văn phòng Ban chấp hành trung ương đảng, Phát ngôn viên Bộ Công an cho đến đương sự cùng im lặng. Có thể vì im lặng cũng là vàng ! Kể cả với Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng – cơ quan gần đây đảm trách vai trò dátvàng cho chính thể !
Với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống tư pháp như đã biết và đang thấy tại Việt Nam, vào lúc này, cùng im lặng về việc ông Tô Lâm thưởng thức bò dát vàng là vàng nhưng trong tương lai, khi tương quan lực lượng giữa các băng nhóm thay đổi, có thể chuyện ông Tô Lâm và thuộc cấp dắt díu nhau đi thưởng thức bò dát vàng cũng sẽ được xem là gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành để thêm một lần nữa dát vàng cho đảng ta !
Thiên hạ dùng bốn số 9 (99,99%) trong xác định hàm lượng vàng như tiêu chí ấn định mức độ nguyên chất của vàng. Với sự hỗn loạn khó lường giữa thật với giả, giữa đúng với sai, loạivàng mà chính thể Việt Nam đang dùng để dát là chuỗi chứa bao nhiêu số 0 ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/11/2021
Chú thích
Lãnh đạo không cần phải ăn cơm muối vừng, nhưng xa hoa không kiểm soát sẽ dẫn đến tai họa.
Sau vụ việc một lãnh đạo công an Việt Nam ghé thăm nhà hàng xa xỉ lừng danh tại London với giá trị mỗi bữa ăn có thể lên đến hàng tỉ đồng (tương ứng 40.000 đến 50.000 USD), nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện [1].
Một số đương nhiên lên án. Họ chỉ ra rằng thu nhập trung bình của người Việt Nam chỉ ở mức vài trăm Mỹ kim một tháng, cùng với đó là sự khốn cùng về an sinh của hàng triệu người lao động Việt Nam sau dịch Covid-19 và hàng loạt các vấn đề khác. Điều này cho thấy sự xa xỉ của bữa tiệc, nhẹ thì là thiếu nhạy cảm chính trị, nặng thì là ăn trên ngồi trốc đời sống của người dân.
Tuy nhiên, cũng có một nhóm không nhỏ khác cho rằng "lãnh đạo đất nước thì phải ăn cơm muối vừng à ?", "lần sau đi công tác nước ngoài phải mang hũ mắm theo ăn cho bọn bây vừa lòng à ?", v.v. Cách tư duy này xuất hiện dày đặc với các bình luận nhan nhản trên hầu hết các trang báo chí đưa tin tức về vụ việc. Theo họ, đã là lãnh đạo quốc gia thì ăn uống sang trọng, chi tiêu trăm triệu là chuyện thường.
Vậy các lãnh đạo đất nước ăn những bữa sang trọng trị giá hàng nghìn USD có phải là chuyện bình thường ? Và có vấn đề pháp lý gì đằng sau hiện tượng này hay không ?
Lấy chuyện Mỹ trước để loại bỏ một số tranh cãi không cần thiết, người viết thừa nhận rằng đời sống của các chính trị gia Hoa Kỳ cũng chẳng phải bần hàn, thanh bạch gì cho cam.
Trong quyển sách ấn tượng có tên gọi "White-Collar Government : The Hidden Role of Class in Economic Policymaking" của giáo sư Nicholas Carnes (Khoa Khoa học Chính trị và Chính sách công của Đại học Duke), Carnes chỉ ra một sự thật không mấy dễ chịu là chỉ có 13 trên tổng số 783 nghị viên của Nghị viện Hoa Kỳ từ năm 1999 đến 2008 có xuất thân từ gia đình "cổ cồn xanh" (blue-collar, ý chỉ người lao động) [2].
Hiển nhiên, vị giáo sư không phủ nhận năng lực hay học vấn của những nghị viên còn lại. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng các vị trí và chức danh chính trị ngày càng được xây dựng và củng cố từ các kết nối chằng chéo của giới thượng lưu, từ những gia đình giàu-hơn-trung-lưu, những trường đại học tư nhân trứ danh, những môi trường làm việc tinh hoa và những cộng đồng tôn giáo độc quyền, v.v. hơn là từ chính kết nối với cử tri và công chúng.
Khi các chính trị gia tiền nhiệm trở nên quá giàu có, những bữa tiệc thịnh soạn, những buổi gây quỹ xa hoa dài vô tận mới là nơi nuôi dưỡng và định hình các mối quan hệ chính trị mới, các ngôi sao chính trường mới, chứ không phải là những thử thách và khó khăn mà đại đa số quần chúng phải đối mặt ở đời thường. Chính trị từ đó trở thành sân chơi thuần túy của giới tinh hoa.
Chính trường Hoa Kỳ là nơi tập hợp rất nhiều cá nhân giàu có. Ảnh : Politico
Cho đến nay, có hơn một nửa nghị viên của Nghị viện đã là triệu phú Mỹ kim, 200 nghị viên khác đã lên đến tầng lớp "chục triệu phú" [3]. Mức lương 174.000 Mỹ kim một năm thật ra cũng đã bảo đảm cho họ nằm trong nhóm 6% thu nhập cao nhất Hoa Kỳ. Một số dân biểu, như ông Darrell Issa, có tổng giá trị tài sản đến hơn 350 triệu Mỹ kim.
Tại Việt Nam, tìm hiểu tổng thu nhập và mức thu nhập trung bình của các chính trị gia (dù chỉ ở cấp huyện, tỉnh) không dễ dàng như ở Mỹ. Thậm chí, có người còn xem nó là thông tin nhạy cảm, mật.
Song nhìn vào sở hữu đất đai, phong cách sống, chi phí du học cho con cái của một bộ phận đáng kể các quan chức (vốn chỉ riêng nó đã có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm), có thể thấy quá trình phân cực hóa về tư hữu tài sản giữa nhóm chính trị gia và các nhóm dân cư nghèo khó thật ra không khác mấy tại Hoa Kỳ.
Xét thêm tính chất chuyên chính vô sản không thể thiếu của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đây không phải là một bước phát triển đáng khen ngợi hay nên được biện minh. Xu thế này sẽ dần khiến cho giới chính trị gia trở nên vô minh, và tệ hơn là vô cảm, trước tình cảnh đói nghèo và cận nghèo của hàng chục triệu người.
Không có những động thái cứng rắn trước thói quen chi xài xa xỉ của các chính trị gia đồng nghĩa với việc chúng ta "dâng mỡ trước miệng mèo".
Mỡ ở đây là sự chính trực và sự cống hiến của giới chính trị gia.
Và mèo ở đây là các nhóm vận động hành lang và lợi ích của giới nghiệp đoàn.
Nhắc đến vận động hành lang không có ý nói đó là chuyện đương nhiên xấu xa. Vận động các vấn đề về nhân quyền, về môi trường, về quyền lợi lao động đã, vẫn và sẽ luôn là một kênh tiếp xúc lập pháp cần có ở mọi quốc gia.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vận động hành lang lúc nào cũng… thuần khiết và trong sạch.
Trong bài viết tạo tiếng vang lớn trên tờ Vox (Mỹ) vào năm 2018 có tựa đề "I was a lobbyist for more than 6 years. I quit. My conscience couldn’t take it anymore", một nhà vận động hành lang kỳ cựu có tên Jimmy Williams cho chúng ta thấy một vài góc khuất phía sau chính trường sôi động của Hoa Kỳ [4].
Williams kể rằng cuộc sống của một nhà vận động hành lang cứ sướng như một ông hoàng, và thật ra thì những chính trị gia được các nhà vận động hành lang săn đón cũng vậy.
"Những tài khoản chi không giới hạn, những đêm thả ga ở những khu trung tâm, những chai rượu đắt tiền, những bữa ăn thịnh soạn với các dân biểu hay nghị sĩ – đó là cuộc sống mà tôi từng có", Williams kể.
Chi tiết hơn, ông kể rằng mình có thể dùng bữa sáng với một số nghị viên và tham gia vào buổi thảo luận lập pháp với chính các nghị viên này ngay sau đó với một chủ đề có lợi cho khách hàng của ông – nội dung mà họ đã thảo luận trước đó với trứng chiên và thịt xông khói. Số tiền ông hay ủy ban hành động chính trị của mình trả cho một buổi gặp mặt như vậy là 2.500 Mỹ kim.
Hay trong các buổi vận động gây quỹ, ông cũng thay mặt khách hàng của mình chi 2.500 Mỹ kim mỗi lần (dưới hình thức là các khoản đóng góp vận động chính trị) để có thể được nói chuyện riêng với các nhân vật quyền lực về vấn đề lập pháp mà họ quan tâm.
Một vòng xoáy luẩn quẩn của "tiền trao tay" và "phiếu thuận" trong các phiên họp lập pháp.
Sự kiện thường niên "Politics and the Pen" của Chateau Laurier, nơi thu hút rất nhiều nhà vận động hành lang. Ảnh : The Hill.
Không hẳn là hành vi "hối lộ" thật sự với các khoản chi nóng tay nóng mặt, việc đài thọ cho lối sống xa hoa của các chính trị gia cũng là một cách để các nhà vận động hành lang tìm đường gây ảnh hưởng lên chính sách công.
Điều này được CNN cảnh báo trong một bài viết khác từ năm 2014 [5].
Theo đó, họ cho rằng dù đã có quy định pháp luật cấm giới vận động hành lang chu cấp cho các kỳ du lịch, nghỉ dưỡng, ăn uống của các chính trị gia, đã xuất hiện hiện tượng né tránh quy định này.
Cụ thể, thay vì nhận đài thọ trực tiếp từ giới vận động, các chính trị gia nay sẽ tổ chức các buổi tiệc, kỳ nghỉ dưỡng tại nhiều địa điểm sang trọng với các lý do như "giới thiệu về địa phương" hay "tổ chức vận động tranh cử".
Những nhóm lợi ích muốn tham gia và nói chuyện trực tiếp với các chính trị gia này đương nhiên sẽ phải trả một khoản phí khoảng vài ngàn USD với danh nghĩa là đóng góp chính trị. Các chi phí về ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi hiển nhiên họ cũng tự chịu. Họ thừa nhận rằng, nói chuyện với các nghị viên tại một resort đắt tiền đầy thư thái vào chiều cuối tuần bao giờ cũng dễ hơn là bàn công việc với họ ngay tại Washington D.C.
Tại Việt Nam, nếu bạn không nhận ra, vận động hành lang (mà chưa nói đến hối lộ hay tham nhũng thật sự) đã trở nên phổ biến ngay từ những năm 2000. Tiền bạc đổ vào quá trình vận động chính sách kiểu Việt Nam khó mà thống kê, nhưng tôi tin chắc là mức độ xa xỉ của nó cũng đủ khiến chúng ta choáng váng.
Cho rằng thói xa xỉ và sự phung phí của các quan chức trong các hoạt động thường nhật như ăn uống là bình thường, là chấp nhận được – đó là quan điểm không có ích lợi gì cho tương lai tư duy lập pháp tại Việt Nam.
Đưa ra những thông tin trên để thấy sự nguy hiểm của thói xa hoa trong đời sống chính trị Hoa Kỳ và gợi mở về tình hình Việt Nam.
Song trước khi phán xét hệ thống của anh chàng khổng lồ Bắc Mỹ, cũng nên nhớ rằng Hoa Kỳ có một hệ thống pháp luật về vận động, tranh cử, và giới hạn chi tiết ngặt nghèo sẵn có.
Người Mỹ hiểu nền kinh tế của họ lớn đến thế nào, và họ có nhiều tiền ra sao. Chính vì vậy mà các quy định về đạo đức và chi tiêu của từng cá nhân chính trị gia là vô cùng chi tiết. Luật Khoa đã từng có bài viết "Luật đạo đức trong chính quyền Mỹ : Chi tiết đến từng hạng mục", đó có thể là một điểm tham khảo tốt để chúng ta hiểu sự cẩn trọng của các nhà lập pháp Hoa Kỳ [6].
Bạn có nhận thấy vì sao các khoản chi mà phần trước nhắc đến chỉ là vài nghìn Mỹ kim ?
Bạn có nhận thấy vì sao các chính trị gia nước ngoài dù có thể ăn ngon mặc đẹp nhưng luôn né tránh các địa điểm quá hoang phí, phô trương ?
Bởi vì hệ thống pháp luật quốc gia lẫn công chúng luôn theo sát họ.
Các nhà vận động hành lang bị cấm lui tới một số khu vực trong các cơ quan lập pháp Mỹ. Ảnh : reset.org.
Các khoản tiền "lót tay", những buổi ăn uống thịnh soạn kể trên là khoản chi không nhỏ. Vài ngàn Mỹ kim đôi khi là một tháng làm việc của một bộ phận người lao động tại quốc gia này. Tuy nhiên, chúng vẫn là các khoản thu được công nhận và được các chính trị gia kê khai đầy đủ cho những cơ quan tiểu bang và liên bang quản lý về đạo đức chính trị và tài chính tranh cử.
Ví dụ, chỉ cần lên trang web của Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (Federal Election Commission), chúng ta biết rằng mỗi cá nhân chỉ có thể đóng góp tài chính cho từng chính trị gia cho hoạt động tranh cử cấp liên bang với giới hạn là 2.900 USD/kỳ bầu cử [7].
Họ có thể đóng góp nhiều hơn cho các Ủy ban Hành động Chính trị (Political Action Committee – PACs : 5.000 USD/năm), hoặc cho các cơ quan đảng quốc gia và các quỹ hành động độc lập – Super PACs (có thể lên đến hàng chục ngàn Mỹ kim mỗi năm). Tuy nhiên, những khoản tiền này cũng không được tiếp nhận và sử dụng cho mục tiêu cá nhân. Thay vào đó, chúng được chi để tổ chức đại hội, xây dựng trụ sở đảng hay các vấn đề khác đáng tiêu tốn hơn nhưng chính đáng hơn.
Trong khi đó, từng tiểu bang cũng có quy định riêng cho các chính trị gia địa phương của mình với thông tin có thể tìm thấy trên National Conference for State Legislature. [8] Theo đó, Alabama cho các chính trị gia địa phương vận động không giới hạn từ cá nhân ủng hộ, nhưng cũng có bang làm chặt đến mức chỉ cho phép đóng góp 200 Mỹ kim một năm cho một nghị viên lập pháp của tiểu bang như Colorado.
Sự minh bạch thông tin này giúp cho công chúng Mỹ luôn biết được chính trị gia nào đang có bao nhiêu tiền, ai đóng góp và ủng hộ chính trị cho ai.
Người Mỹ biết dân biểu Darrell Issa có tổng giá trị tài sản đến hơn 350 triệu Mỹ kim, nhưng họ cũng biết ông có được số tiền này vì công ty sản xuất hệ thống báo động xe hơi của ông ăn nên làm ra.
Điều này, dù ít hay nhiều, tạo cảm giác chủ động và đưa ra các công cụ cần thiết giúp công chúng có thể giám sát những người mà mình bầu chọn.
Nói về Việt Nam, chúng ta không thể cho rằng việc các chính trị gia tham gia vào những cuộc vui trăm triệu là bình thường khi hệ thống pháp luật nội địa vẫn chưa có quy định đầy đủ, có thể thực thi và có thể mở rộng vai trò giám sát của báo chí và công chúng liên quan đến các khoản tiền đóng góp và chi tiêu của lãnh đạo địa phương lẫn trung ương.
***
Đúng, các lãnh đạo chính trị không nhất thiết phải ăn uống kham khổ, hay nói như nhiều bạn là ăn mắm, ăn cơm muối vừng thì mới là yêu nước thương dân.
Nhưng ngược lại, ủng hộ và tạo điều kiện cho các quan chức tham gia các buổi tiệc tùng xa xỉ bao giờ cũng là công thức dẫn đến tai họa.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Nguồn : Luật Khoa, 11/112021
Chú thích :
1. Việt, V. T. (2021, November 9). Facebook bỏ chặn từ khoá tìm kiếm vụ Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng. VOA.
2. Carnes, N. (2013). White-Collar Government : The Hidden Role of Class in Economic Policy Making (Chicago Studies in American Politics) (Illustrated ed.). University of Chicago Press.
3. Gordon, N. J. (2021, August 3). How Did Members of Congress Get So Wealthy ? The Atlantic.
4. Williams, J. (2018, January 5). I was a lobbyist for more than 6 years. I quit. My conscience couldn’t take it anymore. Vox.
5. Fitzpatrick, B. C. D. G. A. D. I. (2014, October 30). Politicians live it up and have the lobbyists pay – CNNPolitics. CNN.
6. Phượng, H. K. (2017, May 7). Luật đạo đức trong chính quyền Mỹ : Chi tiết đến từng hạng mục. Luật Khoa Tạp Chí.
7. Contribution limits. (2021). FEC.Gov.
8. State Limits on Contributions to Candidates. (2021). National Conference for State Legislature.