Bản án nào dành cho Tòa án nhân dân Hà Nội ?
Cánh Cò, RFA, 23/12/2019
Từ xưa nay tòa án dĩ nhiên dành đề xử kẻ vi phạm luật pháp. Qua điều tra cũng như bằng chứng phạm tội tòa sẽ dựa vào đề nghị của công tố mà đưa ra phán quyết một bản án phù hợp với Hiến pháp. Tòa án sẽ căn cứ trên những hành vi thành khẩn nhận tội, khai ra đồng phạm, giao nộp tang vật để có căn cứ xét giảm bản án như hình thức khuyến khích can phạm hợp tác với tòa án trong những vụ án hình sự. Tòa án hoàn toàn không có quyền miễn giảm án cho can phạm thông qua những đề nghị có tính chất chính trị hay đảng phái, tôn giáo.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (giữa) xét hỏi các bị cáo trong vụ Mobifone mua AVG ngày 20/12/2019
Qua vụ án AVG đang diễn tiến những can phạm đều đã nhận tội và các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được chứng minh rằng đây là một vụ đại án có số tiền gian lận lên tới hơn 300 triệu USD. Bên đưa hối lộ là Phạm Nhật Vũ, một đại gia có tiếng vì vừa có tiền vừa có quyền thế thông qua người anh ruột là tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Là một doanh nhân Phạm Nhật Vũ còn là một người rất hào phóng chi tiền cho các cơ sở Phật giáo thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên nhận hối lộ là hai bộ trường Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Son khai nhận của Vũ 3 triệu đô la vì có công vận động trong việc mua bán AVG. Tuấn nhận của Vũ 200 ngàn USD như tiền lại quả vì có công móc nối, liên lạc để thương vụ mờ ám này được thành công.
Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình vì không thành khẩn trong việc khai báo, nhất là không giao nộp lại số tiền mà ông ta đã nhận từ Phạm Nhật Vũ. Trương Minh Tuấn do thành khẩn hoàn trả tiền lại quả nên Viện Kiểm sát đề nghị 13-14 năm tù giam. Chỉ có Phạm Nhật Vũ là được Viện Kiểm sát ưu ái đề nghị 3-4 năm tù.
Bản án tuy chỉ trong giai đoạn đề nghị nhưng qua kinh nghiệm bấy lâu người dân biết rằng từ đề nghị tới bản án được tuyên sẽ không xê xích là bao. Tòa thường căn cứ vào đề nghị của Viện kiểm sát hơn là tự đưa ra một bản án theo kết quả do Hội đồng xét xử đưa ra nhằm góp ý với thẩm phán khi ra quyết định. Trong vụ án này người dân thấy rất rõ một điều sau lưng Phạm Nhật Vũ thấp thoáng bóng của ông anh tỉ phú Phạm Nhật Vượng, người nổi tiếng nắm giữ truyền thông Việt Nam còn mạnh hơn Ban tuyên giáo Trung ương. Báo chí đã giữ một vai trò quan trọng trong việc vận động dư luận cho ông Phạm Nhật Vũ khi loan tải những công đức mà ông Vũ đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm khơi dậy lòng trắc ẩn của Phật tử.
Mới đây một điều khá ngạc nhiên dành cho tòa án là một lá đơn với hơn 2000 chữ ký của nhiều nhân vật đa số thuộc các tổ chức Phật giáo xin tòa khoan hồng cho bị can Phạm Nhật Vũ vì ông này có công lao đóng góp cho Phật giáo và các tổ chức xã hội trong việc từ thiện.
Nội dung các đơn này đều khẳng định "trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều".
Thêm nữa, theo kết luận của Viện Kiểm sát trước tòa thì Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố cũng có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Kết quả của những cuộc vận động đã lôi ông Vũ từ bản án có thể lên tới 20 năm xuống còn 3 hay 4 năm khiến dư luận ngao ngán cho hành vi của Viện Kiểm sát nói riêng và của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án nói chung. Nếu ông Nguyễn Bắc Son ăn hối lộ 3 triệu USD phải chịu án tử hình thì với số tiền mà ông Vũ kiếm được hơn 300 triệu USD tức là gấp 100 lần thì bản án của ông Vũ chỉ là một vết xước nhẹ, nó làm cho bộ mặt của tòa án trở nên hèn mọn và đầy ắp sự kinh tởm của người dân.
Công quả mà ông Phạm Nhật Vũ nếu có chỉ có lợi cho ông ta về phần tinh thần. Nếu ông ta lợi dụng công quả ấy làm điều bại hoại thì lẽ ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải tự cảnh tỉnh lấy mình để thấy rằng đồng tiền bất chính khi vào nhà Phật sẽ khiến cho tòa sen mà Phật ngồi sẽ héo úa tàn tạ bởi đồng tiền ấy được lấy cắp từ công sức, mồ hôi thậm chí máu và nước mắt của chúng sinh. Đại gia Việt Nam không ai làm từ thiện vì tận hiến mà có chăng họ làm như một cách hối lỗi, lại quả cho Phật nhằm vơi bớt những oán thán mà họ gây ra cho đồng bào.
Nếu Tòa án Nhân dân Hà Nội chấp nhận lá đơn của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương của Phật giáo Việt Nam thì bản thân tòa án đã vi phạm hiến pháp Việt Nam, vi phạm niềm tin vào công lý của nhân dân và hơn thế nữa nó chứng minh rằng tòa án không đủ bản lãnh, tư cách lẫn hiểu biết về luật pháp để mặc chiếc áo đen bệ vệ trước tòa nhưng đôi chân vẫn còn mang đôi dép râu cố hữu của tinh thần cách mạng hơn 70 năm về trước.
Trong cùng một vụ án, người có tiền, quyền lực, quan hệ được giảm nhẹ tới mức án tối đa sẽ gây thông lệ cho những đại án khác. Vì vậy Tòa án Nhân dân Hà Nội đáng được nhận lãnh một bản án để làm gương cho các tòa án khác khi xét xử những vụ án tương tự như vụ AVG về những sai trái nghiêm trọng mà nó nhân danh luật pháp để vi phạm.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 23/12/2019 (canhco's blog)
***************
Vai trò Phạm Nhật Vũ trong thương vụ MobiFone-AVG
BBC tiếng Việt, 23/12/2019
Vụ xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG cũng là đại án đưa và nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện (gần 150 tỉ đồng).
Bị cáo Phạm Nhật Vũ- cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG, bị khởi tố, truy tố ra tòa về tội đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tuy nhiên Viện Kiểm sát chỉ đề nghị mức án từ 3-4 năm tù do áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt".
Nguồn gốc thương vụ
Ngày 15/10/2014, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG, đã ký Văn bản số 571/AVG-CV gửi cho ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (Thông tin và truyền thông), để báo cáo và đề nghị ông Son "cho ý kiến chỉ đạo" về việc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài.
Theo đó, đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần của AVG và dự kiến năm 2015 sẽ mua 75%, với mức giá 525 triệu USD, cao hơn bảy lần so với giá cổ phần khi đó của AVG.
Như vậy, nếu tính ra AVG sẽ có giá tới 700 triệu USD nếu căn cứ vào giá mà "đối tác nước ngoài" hỏi mua.
Ông Vũ cũng thông báo đã nhận đặt cọc 10 triệu USD từ "đối tác nước ngoài" này, mà theo cáo trạng có tên Công ty 8206 của Hong Kong.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không có văn bản trả lời.
Đầu tháng 3/2015, Nguyễn Bảo Long (Phó Tổng giám đốc MobiFone) gọi điện cho Phạm Nhật Vũ hỏi việc AVG bán cổ phần.
Ngày 20/3/2015, MobiFone và AVG ký Bản ghi nhớ mua, bán cổ phần.
Đến ngày 4/8/2015, AVG có văn bản gửi MobiFone nói về mức giá mà AVG chào bán cho MobiFone là giá với đối tác nước ngoài đã thống nhất mua 700 triệu USD.
Tiếp đó, ngày 9/9/2015, ông Phạm Nhật Vũ có văn bản gửi cho MobiFone với nội dung : "Chúng tôi đã hai lần chào bán cổ phần cho MobiFone với mức giá chào lần 1 là 600 triệu USD tính riêng cho hệ thống truyền hình. Và lần chào giá thứ 2 là 9.226,8 tỉ đồng (tương đương khoảng 400 triệu USD)… Số tiền bán 400 triệu USD thì các cổ đông AVG mới thu đủ vốn đầu tư ban đầu. Vì vậy với mức đề nghị mua của MobiFone là 8.569,8 tỉ đồng đã tạo ra khoảng cách khá xa với đề nghị của AVG và các cổ đông AVG đang chưa hoàn vốn đầu tư. Mặc dù vậy, sau khi thống nhất ý kiến với các đại cổ đông, hệ thống truyền hình AVG bán cho MobiFone sẽ là giá 8.898,3 tỉ đồng".
Cũng tại văn bản trên, ông Vũ nhấn mạnh thêm : "Mức giá nêu trên là nỗ lực cuối cùng của chúng tôi để thể hiện thiện chí hợp tác và đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên. Chúng tôi một lần nữa muốn được nhắc lại rằng, với giá bán nêu trên, các cổ đông AVG thực sự đã thiệt hại rất nhiều so với khoản tiền có thể thu được nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là con số cuối cùng về giá mua- bán cổ phần mà các bên cùng thống nhất để có thể đi tới kết thúc giao dịch mua-bán cổ phần trong tháng 9/2015 này".
Ngày 18/9/2015, ông Lê Nam Trà- chủ tịch Hội đồng thành viên tổng cty MobiFone cùng ban giám đốc công ty đã họp với ông Phạm Nhật Vũ. Tại cuộc họp này, bà Phan Thị Hòa Mai, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone nêu ý kiến :
"Kết quả định giá của tư vấn cũng như giá đề xuất của AVG có sự khác biệt lớn so với giá trị tài sản của AVG, đề nghị AVG cân nhắc giảm giá để giảm bớt sự khác biệt. Bà Mai cũng đưa ra theo sổ sách kế toán giá trị tài sản của mảng truyền hình chỉ hơn 629 tỉ đồng. Bà Mai cũng đề nghị AVG cung cấp các tài liệu liên quan đến 2 mức giá chào mua 600 triệu USD và 700 triệu USD của các đối tác nuốc ngoài trước đó như đề xuất của đối tác, văn bản báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông của AVG và công văn trả lời của Bộ… Làm cơ sở MobiFone tham khảo và giải trình trong hồ sơ dự án".
Ông Phạm Nhật Vũ trả lời lại : "Quan điểm của AVG về việc mua bán cổ phần doanh nghiệp thực chất là việc mua- bán các cơ hội kinh doanh. Do vậy, MobiFone nên xem xét vào kết quả định giá chuyên nghiệp mà 3 đơn vị thực hiện định giá đã thuê để làm cơ sở đàm phán. Ngoài ra, AVG còn có các mức tham khảo quan trọng khác để MobiFone xem xét việc định giá phù hợp : mức giá đối tác nước ngoài đặt cọc để mua AVG là 700 triệu USD ; Mức đầu tư để có một hệ thống như AVG hiện này dựa trên các tính toán cụ thể là 370 triệu USD, chi phi AVG đã đầu tư cho hệ thống đến nay là 400 triệu USD".
Đến ngày 24/9/2015, ông Lê Nam Trà đã trình cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son mức giá 8.898,3 tỉ đồng mua lại 95% cổ phần AVG, đề xuất này được bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đồng ý. Dù chính trong báo cáo gửi ông Son, ông Trà thừa nhận mức giá này gấp 15 lần giá trị sổ sách mảng truyền hình của AVG (chỉ 629, 7 tỉ đồng).
Ngày 2/10/2015, Phạm Nhật Vũ đại diện AVG cùng đại diện MobiFone dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp, thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng ; bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (AVG đầu tư ngoài ngành vào Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh nhưng không tính tiền).
Sau đó ngày 28/10/2015, ông Son có văn bản gửi thủ tướng Chính phủ (khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình của tổng cty MobiFone và mua bán cổ phần cty AVG. Đề xuất của ông Son sau đó được VPCP có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng : "chấp thuận chủ trương cho tổng cty MobiFone mua cổ phần của cty AVG để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".
Ngày 25/12/2015, Phạm Nhật Vũ đã ký Thòa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho MobiFone.
Đến ngày 15/1/2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng (tương đương 8.445 tỷ đồng) cho 8 cổ đông của AVG, trong đó cá nhân Phạm Nhật Vũ được hưởng 5.850 tỷ đồng.
'Bí ẩn' đối tác nước ngoài
Theo kết luận điều tra của công an, ông Phạm Nhật Vũ khai rằng vào năm 2014, AVG đã thống nhất với đối tác nước ngoài (một công ty của Hong Kong) về việc AVG sẽ bán ít nhất 49% cổ phần.
Người môi giới tên là Tào Nhân Siêu tại Hong Kong (không xác định được nhân thân, lai lịch) đã nhận cọc 10 triệu USD trước khi ký hợp đồng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Ông Vũ khai với công an rằng việc nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh.
Cáo trạng cho hay Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và gửi 206 tin nhắn, đề nghị Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG.
Còn bị cáo Nguyễn Bắc Son đã gọi cho Phạm Nhật Vũ 126 cuộc điện thoại và gửi 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Thúc giục, chỉ đạo
Ngoài ra Phạm Nhật Vũ còn liên hệ với Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, những người có vai trò trực tiếp quyết định cho việc mua, bán cổ phần giữa MobiFone và AVG, để hỏi thăm và đề nghị sớm triển khai việc mua bán cổ phần.
Theo cáo trạng, ông Son muốn MobiFone sớm thực hiện được dự án mua cổ phần của AVG trong năm 2015 nên đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải khẩn trương triển khai thực hiện dự án, không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ông Son bị kết luận là chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trái pháp luật, quyết định giá mua 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG.
Kết luận điều tra nói căn cứ báo cáo tài chính của AVG, ý kiến đánh giá của Công ty tư vấn VCBS trên cơ sở báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG, Công ty Kiểm toán E&Y, Chứng thư xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC và lời khai của bị can Phạm Nhật Vũ, xác định giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỷ đồng, trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng còn lại của AVG là 1.970 tỷ đồng.
Như vậy, với giá bán 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng, Phạm Nhật Vũ đã bán cổ phần AVG cao hơn giá trị thật nhiều lần, mang lợi ích cho Vũ cùng các cổ đông AVG gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ được hưởng hơn 5.850 tỷ đồng.
Sau khi thương vụ hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đưa cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD.
Thanh tra Chính phủ
Trước đó, tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Trong đó, Thanh tra nói MobiFone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG ; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá ; trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án đầu tư.
Trong đó MobiFone tự ý chỉ định các cty thẩm định giá, dựa vào các báo cáo thẩm định này, có thời điểm định giá AVG lên đến 33.000 tỉ đồng sau đó qua nhiều lần thẩm định, thương lượng, phía AVG đưa ra mức giá gần 8.900 tỉ đồng để chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG cho MobiFone.
Các thòa thuận này đều được báo cáo cho lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông (hai ông Son, Tuấn) và được đồng ý phê duyệt dự án, cũng như thòa thuận giá chuyển nhượng.
Theo TTCP, khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt, MobiFone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Thực tế AVG thua lỗ liên tục, tại thời điểm xác định giá trị của AVG ngày 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là hơn 3.260 tỉ đồng nhưng nợ phải trả là hơn 1.266 tỉ đồng ; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến ngày 31/03/2015 là 1.632,909 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
Việc thua lỗ, kém năng lực của AVG đều được ông Son, Tuấn biết. Bản thân Phạm Nhật Vũ cũng không hề giấu lỗ, không những vậy các bên liên quan cùng bắt chặt tay thổi giá AVG.
Điểm sai phạm khác nữa, khi lựa chọn phương án đầu tư, MobiFone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.
MobiFone đã lập và trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG thế hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.
Ngày 12/4/2019, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Nhật Vũ về tội "Đưa hối lộ".
*********************
Dân mạng phẫn nộ vì ‘hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ’ (Người Việt, 24/12/2019)
"Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ" là bản tin của tờ Dân Trí hôm thứ Hai 23/12, đang làm dân mạng xã hội ngạc nhiên và hoài nghi có sự dàn dựng.
Trong phiên xử ngày thứ Hai, 23/12/2019, vụ án Mobifone mua Công ty "Nghe Nhìn Toàn Cầu" AVG mà đám quan chức cầm đầu Bộ Thông tin và truyền thông tòa rập với Phạm Nhật Vũ gây thiệt hại cho nhà nước gần 6 ngàn tỉ đồng (tương đương khoảng 300 triệu đô la), người ta thấy tờ Dân Trí có bản tin thuật lại lời bào chữa của luật sư của ông Vũ.
"Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Vũ, Luật sư Trần Hoàng Anh cho rằng, hiếm có một vụ án nào mà gia đình bị cáo chưa có đơn xin khoan hồng thì đông đảo các tổ chức, cá nhân uy tín trong và ngoài nước đã có đơn xin bảo lãnh, khoan hồng như vụ án đang xét xử đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ". Tờ Dân Trí viết : "Theo Luật Sư Hoàng Anh, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước ; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ".
Dân Trí thuật lời bào chữa liệt kê những tổ chức và cá nhân "uy tín, có sức ảnh hưởng lớn" như "Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ nhiều địa phương ; ông Kirsan Ilyumzhinov – nguyên tổng thống đầu tiên nước Cộng hòa Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010) ; ông Konstantin Vasilievich Vnukov – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam ; ông Atkov Oleg Yurevich – Phi công vũ trụ, giáo sư, anh hùng Liên bang Xô Viết ; Thượng tọa-Tiến sĩ Manor Kumar – phó trụ trì Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn Độ ; Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi – nguyên hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản…"
Để xin hưởng khoan hồng đặc biệt, lời ông Luật sư Anh được dẫn trên tờ Dân Trí : "Nội dung các đơn này đều khẳng định, trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều".
Nhiều facebookers bình luận và kéo theo rất nhiều người khác bình luận theo, tỏ thái độ phẫn nộ cũng như việc viện dẫn "các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước ; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ" như sự dàn dựng đã được đạo diễn ở trong hậu trường chính trị.
Facebooker Đỗ Cao Cường : "Dùng tiền cướp bóc, cấu kết, hối lộ hàng triệu đô la cho quan chức, gây thiệt hại cho người dân hàng ngàn tỷ đồng, lấy đi mồ hôi, nước mắt, sinh mạng, cơ hội phát triển của rất nhiều người để đi làm từ thiện liệu có được không ? Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho ông Vũ cũng chính là lũ khốn nạn mặt trơ trán bóng, vô liêm sỉ vì đã tiếp tay cho trùm tội phạm. Ông Vũ là phó Ban Truyền Thông Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, nhưng không chỉ Phật giáo mà tất cả tôn giáo đều không dám thu nạp đệ tử như ông, mấy thằng đầu trọc đưa ông lên làm lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo cũng chính là lũ giả danh thầy chùa đi tu để làm kinh tế. Cũng chính là lũ mạt hạng mèo mả gà đồng, làm ô uế cửa Phật, trời không dung, đất cũng chẳng tha. Sao không xin khoan hồng cho những nông dân mất đất như Đặng Văn Hiến hả lũ ngu ?"
Facebooker Nguyễn Tường Thụy bình luận : "Nó muốn thì nó bày đặt ra mà thôi. Bao nhiêu nhà hoạt động bị bắt, với hàng nghìn chữ ký, của tổ chức có, cá nhân có, nó có đếm xỉa gì đâu".
Facebooker Nguyễn Chí Tuyến "xin có 1 đề nghị và 3 câu hỏi :
Ðề nghị : Công bố danh sách đầy đủ các cá nhân, tổ chức này để công luận xem "có UY TÍN" tới mức nào, "có SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN" như thế nào.
Câu hỏi 1 : Chuyện các ông bà ngoại quốc xen vào chuyện xét xử tội phạm của một nước khác có được coi là CAN THIỆP VÀO CHUYỆN NỘI BỘ của Việt Nam không ?
Câu hỏi 2 : Đối với các vị tu hành, nhận tiền của người khác do PHẠM TỘI MÀ CÓ (kể cả để làm công đức) thì có được coi là TIÊU THỤ ĐỒ GIAN hay không ?
Câu hỏi 3 : Tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc ký xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ là TỰ NGUYỆN, TỰ GIÁC hay bị một THẾ LỰC NÀO, NGƯỜI NÀO KHÁC XÚI GIỤC ?"
Một người tên Don Dung Nguyen bình luận được Facebooker Lê Hoàng dẫn lại : "Thật sự rùng mình khi biết người ta bỏ túi gọn gàng hơn 7.000 tỷ tiền thuế của dân, nếu đem so sánh với mức lương công nhân 5 triệu đồng/tháng thì không rùng mình mới là lạ. Có câu rằng ‘Nhân dân yên tâm, mọi chuyện đã có nhà nước lo’. Thì ra họ ‘lo’ như thế này đây ! Người dân phải sưu cao thuế nặng đến bao giờ mới đủ bù đắp cho các quan trộm cắp hàng ngàn tỷ đồng quốc khố ?"
Phiên tòa ngày thứ Hai, 23/12/2019, là cơ hội để các bị cáo tự bào chữa cũng như các luật sư biện hộ cho họ, trước khi nghị án mà người ta tin bản án đã được "ở trên chỉ đạo".
Ông Nguyễn Bắc Son "gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đảng, nhà nước về những việc bị cáo làm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến nhà nước niềm tin đối với đảng". Liệu ông ta có thoát án tử hình không ? Tất cả 14 ông quan lớn nhỏ của Bộ Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam bị ra tòa về tội tòa rập với tư bản đỏ để rút ruột nhà nước đều kể lể công lao với chế độ và "xin khoan hồng".
Ông Son ăn 3 triệu đô của Phạm Nhật Vũ bị đề nghị tử hình nhưng chính kẻ đưa hối lộ cho đám quan chức cầm đầu tất cả tới 6.2 triệu đô la lại chỉ bị đề nghị từ 3 tới 4 năm tù. Có những lời bình luận nghi ngờ ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị án treo và có thể được thả ngay tại tòa từ thế lực trong hậu trường chính trị cộng sản Việt Nam. (TN)
Công bố thư ông Nguyễn Bắc Son gửi vợ viết 'con gái đang cầm 3 triệu USD' (Tuổi Trẻ, 23/12/2019)
Theo nội dung bức thư được Viện kiểm sát công bố tại tòa, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhắn với vợ đã đưa số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ cho con gái cầm hộ và nhờ vợ nói con gái mang nộp lại.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh : TTXVN
Chiều 23/12, phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục với phần đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đối đáp lại quan điểm của các luật sư.
Ông Son nhận đã chỉ đạo từ đầu đến cuối
Viện Kiểm sát cho rằng năm 2015, dự án của MobiFone đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng không phải dự án đơn thuần mà là dự án thuộc nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, các bị cáo đã thực hiện dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, chỉ cần thỏa mãn 1 trong các điều kiện trên là đủ căn cứ truy tố các bị cáo.
Quá trình xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận vai trò chỉ đạo xuyên suốt nhưng không thừa nhận vai trò chỉ đạo quyết liệt cấp dưới. Luật sư thì cho rằng bị cáo không phải chủ mưu, cầm đầu.
"Đề nghị luật sư nghiên cứu kỹ cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát chưa bao giờ quy kết bị cáo Son giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu mà chỉ đánh giá ông Son giữ vai trò chỉ đạo, xuyên suốt", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Tại tòa, bị cáo Son cũng nhận trách nhiệm chính về việc để xảy ra sai phạm. Sáng nay, Viện Kiểm sát nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó có nội dung bị cáo nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Do đó Viện Kiểm sát không tranh luận thêm về vấn đề này.
Ông Son muốn trả tiền nhưng gia đình không nộp
Một số luật sư cho rằng quá trình điều tra, cơ quan công an có hiện tượng bưng bít thông tin vì bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son không được gửi về cho vợ mà cho vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc gây khó khăn trong khắc phục hậu quả.
Viện Kiểm sát cho rằng bức thư bị cáo Son gửi vợ "không phải bức thư tình", mà là tình tiết của vụ án nên được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý thức việc khắp phục hậu quả của vụ án nhưng gia đình không hợp tác.
Cụ thể, ngày 14/03/2019, bị cáo Son viết bản tự khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, sau đó gửi thư cho vợ là bà Lê Thị Lý với nội dung : "Anh đã khai báo với cơ quan điều tra Bộ Công an, sau khi mua bán dự án hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang cho anh 3 triệu USD.
Số tiền này anh đã gửi cho Huyền (con gái ông Son - PV) mang vào Thành phố Hồ Chí Minh giữ cho anh, anh không nói nguồn gốc số tiền trên. Em nói với Huyền thu xếp nộp lại cho Nhà nước", Viện Kiểm sát công bố nội dung bức thư của ông Son.
Đến ngày 20/03/2019, cơ quan điều tra đã mời bà Nguyễn Thị Thu Huyền ra làm việc, thông báo nội dung lá thư. Tại bản đối chất giữa bị cáo Son và con gái, có sự tham gia của Viện Kiểm sát, bà Huyền thừa nhận đã được đọc bức thư này.
Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình ông Nguyễn Bắc Son vẫn không nộp tiền khắc phục theo nguyện vọng của bị cáo.
Quá trình hỏi cung, bị cáo Son tiếp tục trình bày ý muốn được khắc phục hậu quả, tiếp tục đề nghị được gặp gia đình để thông báo cho vợ và con trai sớm khắc phục hậu quả cho mình.
Điều tra viên đã cho ông Son gặp vợ và con trai. Tại đây, ông Son tiếp tục đề nghị gia đình khắc phục hậu quả nhưng bà Lý có ý kiến là "gia đình không có tiền".
Viện Kiểm sát cho rằng việc ông Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD là do gia đình không hợp tác như cáo trạng nêu là hoàn toàn chính xác. Ý kiến của luật sư cho rằng cơ quan điều tra bưng bít thông tin là không chính xác, gây ra sự hiểu lầm về tính đúng đắn của hoạt động điều tra, gây bất lợi cho chính bị cáo.
Một số luật sư đặt câu hỏi về tính khách quan trong lời khai của người đưa hối lộ. Theo Viện Kiểm sát, lời khai của ông Phạm Nhật Vũ về việc đưa tiền cho 4 bị cáo là đúng, nhưng do thời gian đã lâu, bị cáo không nhớ chi tiết nên đề nghị cơ quan điều tra cho bị cáo xem lại một số tài liệu.
Kết quả khẳng định cơ quan điều tra không mớm cung. Ngoài ra, kết quả điều tra công khai tại tòa, bị cáo Son khai không nhận tiền sau đó lại thay đổi lời khai, xin giữ nguyên lời khai đã nhận tiền.
Qua đó, Viện Kiểm sát khẳng đinh cáo trạng truy tố 4 bị cáo về tội nhận hối lộ là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị với các bị cáo là phù hợp.
Gia đình ông Son đã nộp 21 tỉ đồng khắc phục
Cuối phiên xử chiều 23/12, Hội đồng xét xử thông báo gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chuyển đến tòa chứng từ chuyển tiền, cho thấy số tiền đã được nộp để khắc phục hậu quả cho Nhà nước đến giờ phút này là 21 tỉ đồng.
"Anh Trần Quang Hưng (con rể ông Nguyễn Bắc Son) nói chuyển tiền theo nguyện vọng của ông Son. Người nộp tiền là anh Hưng và một số người khác", chủ tọa thông báo.
Các luật sư đề nghị Viện Kiểm sát tiếp tục đối đáp về vai trò cầm đầu của ông Son trong vụ án. Tuy nhiên chính ông Son cho rằng vai trò của mình đã được làm rõ trong cáo trạng nên đề nghị luật sư không cần đối đáp nữa.
Thân Hoàng - Diệp Thanh
*********************
Thân nhân cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nộp lại 21 tỉ đồng sau khi bất hợp tác (RFA, 23/12/2019)
Gia đình ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đang bị tòa xử về những sai phạm trong thời gian tại chức và nhận hối lộ, đến chiều ngày 23 tháng 12 được cho biết đã khắc phục được 21 tỷ đồng (tương đương chừng 1 triệu Mỹ kim).
Hình minh họa. Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa hôm 20/12/2019 -Photo by TTXVN
Theo tin từ truyền thông trong nước, trước đó, trong phần đối đáp tại tòa, Viện Kiểm sát khẳng định ông Nguyễn Bắc Son có viết thư, hai lần được gặp vợ, con đề nghị nộp tiền khắc phục hậu quả ; thế nhưng gia đình không hợp tác.
Cụ thể, vào ngày 14 tháng 3 vừa qua, ông Son viết bản tự khai thừa nhận đã nhận 3 triệu Mỹ kim từ Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Sau đó, ông Son viết thư gửi cho vợ với nội dung có chuyển tiền cho con gái Nguyễn thị Thu Huyền. Ông Son viết rằng không cho con biết nguồn gốc số tiền và nhờ vợ nói với con gái sớm trả lại tiền cho Nhà nước.
Cơ quan Điều tra đã mời vợ ông Son đến nhận thư nhưng bà này không đến mà ủy quyền cho con gái. Lúc đó gia đình không nộp tiền khắc phục hậu quả như ông Son yêu cầu.
Đến ngày 12 tháng 8, ông Son được cho phép gặp vợ và con trai. Tại cuộc họp lần đó, ông Son cũng đề nghị gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Vợ của ông Son lúc đó nói chỉ còn sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng và thuộc cá nhân bà. Số tiền này để chi dùng cho cá nhân và thuê luật sư cho ông Son, gia đình không có khả năng khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa, phía luật sư bào chữa cho ông Son lập luận rằng Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát đã bưng bít thông tin, không thông báo lá thư ông Son viết cho vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án khiến việc khắc phục hậu quả gặp khó khăn.
Viện Kiểm sát phản bác đó là thư viết trong quá trình điều tra chứ không phải thư tình, đây là chứng cứ vụ án.
Cũng tin liên quan, vào sáng ngày 23 tháng 12, Hội đồng Xét xử cho biết ông Phạm Nhật Vụ, người đưa hối lộ cho các cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Tổng công ty MobiFone, vắng mặt tại tòa vì phải điều trị tại bệnh viện. Do đó ông này không thể tự bào chữa mà phải thông qua các luật sư.
Phía luật sư đưa ra 10 tình tiết giảm nhẹ cho ông này và hai điều khoản được nêu ra là điều 54 và 59 Bộ Luật Hình sự Việt Nam để miễn hình phạt nếu chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự.
Phiên tòa được nói sẽ kéo dài đến hết tháng 12 này.
Công lý nước Việt qua các mức án ! (RFA, 21/12/2019)
Trong phiên xử vụ án tham nhũng Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG, Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mức án cho tội "Đưa hối lộ" là 3-4 năm tù giam, dù ông này đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6,2 triệu đô la Mỹ.
Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và cao Duy Hải đều bị kết án tù trong vụ Mobifone mua AVG. Trong đó ông Son bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình - Courtesy of VnMedia -RFA edited
Tính công minh luật pháp tại Việt Nam !
Mức án cao nhất là tử hình được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị cho Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ 3 triệu đô la Mỹ.
Viện kiểm sát cho rằng số tiền chiếm đoạt ông Son chưa nộp lại, cho nên dù ông có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ hưởng mức khoan hồng. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử tuyên với ông Son là tử hình.
Còn cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà nhận hối lộ 2,5 triệu USD bị đề nghị 23-25 năm tù cho hai tội danh "nhận hối lộ" và "vi phạm quy định về quản lý & sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Chỉ trong cùng một phiên xử, nhưng lại có các mức án quá khác biệt như vậy nên nhiều người đặt vấn đề đâu là công lý.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng mức án 3-4 năm tù mà Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ là một thực tế cho thấy rõ ràng luật pháp Việt Nam không đảm bảo nguyên tắc công bằng. Ông giải thích :
"Đối với trường hợp ông Phạm Nhật Vũ, trước đây khi đưa ra thông tin trong xác lập cáo trạng là ông Vũ được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Điều này khi đưa ra mọi người rất bất ngờ, nhất là giới làm trong pháp luật vì khái niệm hình sự đặc biệt không có trong luật. Theo pháp luật hình sự thì tất cả mọi vấn đề áp dụng thì phải theo Luật Hình sự chứ không được tùy tiện, Việc đưa ra một khái niệm hết sức tùy tiện như vậy không thể chấp nhận được. Nguồn cơn của việc này người ta cho rằng ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm văn bản cho ông hình phạt đặc biệt hơn những người khác. Thật ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể làm việc này, nhưng dưới khía cạnh pháp lý thì lẽ ra cơ quan pháp luật không nên chấp nhận điều này vì làm việc gì hay chấp nhận điều gì phải căn cứ theo pháp lý mà điều này không có pháp luật nào quy định. Vì vậy cho nên đối với ông Phạm Nhật Vũ vi phạm pháp luật với số tiền hết sức lớn mà đề nghị mức án như vậy rõ ràng không tương xứng".
Với kinh nghiệm bản thân, bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động đất đai bị bắt giữ tổng cộng 35 tháng tù giam với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘gây rối trật tự công cộng’ khi bà thực hiện các quyền công dân để bảo vệ đất Dương Nội, cho rằng luật pháp Việt Nam là ‘luật rừng’ nếu chỉ tuyên phạt ông Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù giam. Bà nói :
"Luật pháp Việt Nam thật sự do các quan chức cộng sản đặt ra và tự quyết. Thế nên tòa án không phải là tòa án độc lập, mang danh là tòa án nhân dân nhưng lại là tòa án cộng sản. Những người đấu tranh, lên tiếng về những bất công xã hội thì bị họ khoác cho những điều luật mơ hồ như chống đối, tuyên truyền, lật đổ. Hoặc có những án hình sự, có mấy cậu bé chỉ lấy mấy cái bánh mì mà mất hàng bao năm tù. Ngày tôi đi tù, có người lấy trộm đồ vật đáng giá 1 triệu đồng mà hai mẹ con phải đi tù, án hai mẹ con đâu mười mấy năm tù. Cho nên thực sự người dân rất bất bình về những phiên tòa của cộng sản".
Một số vụ mà người dân chịu án nặng khiến cộng đồng bức xúc như vụ hai thiếu niên hồi năm 2016 từng bị đề nghị mức án 3-10 năm tù chỉ vì ăn cắp hai ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng (trị giá chưa tới 2 USD). Vụ 3 ngưởi ở Lâm Đồng chỉ ăn cắp 3 con vịt bị tù tổng cộng 13 năm tù hồi năm 2009…
Ngày 20/7/2016, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ ăn cắp hai ổ bánh mì trị giá 45.000 đồng (2 USD), tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi) 10 tháng tù và Ôn Thành Tân (18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù. Courtesy Công An
Vì vậy, mức án 3-4 năm tù giam mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
So sánh mức độ sự việc giữa một số vụ án và khung hình phạt, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định :
"Việc áp dụng luật pháp ở Việt Nam không đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Trong khi trong thực tế luật pháp quy định mọi người dân không phân biệt cán bộ hay dân thường, người lớn tuổi hay trẻ con, người giàu có hay nghèo hèn, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật".
Hệ lụy
Vẫn theo Luật sư Mạnh, nếu pháp luật ngày càng nhiều những bản án không có sức thuyết phục người dân như trên sẽ khiến người dân không còn tin tưởng vào pháp luật, không còn tin cậy vào hệ thống tư pháp công lý. Đây là điều nguy hiểm nhất vì chính sự tin cậy vào hệ thống pháp lý thì người ta mới nhờ hệ thống pháp lý can thiệp, bảo vệ quyền lợi của họ.
Cùng suy nghĩ như trên, Luật sư Hà Huy Sơn cũng bày tỏ lo ngại :
"Hệ lụy là người dân không còn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của nhà nước. Người ta sẽ hành xử theo hướng tiêu cực, nói đơn giản là có tiền có quyền sẽ mua được pháp luật".
Do đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng khi người dân mất lòng tin thì dẫn đến tình trạng vô trật tự, hỗn loạn, người dân sẽ tìm cách tự ban phát công lý cho mình. Ông diễn giải :
"Ví dụ như họ bức xúc vấn đề gì, thay vì nhờ pháp luật, họ sẽ tìm cách tự hành xử. Điều này đưa loài người trở lại thời kỳ hỗn mang giống thời kỳ không có luật pháp, đây là hệ lụy nguy hiểm nhất mà chúng ta phải nghĩ đến, thấy điều đó mà lo sợ".
Giải pháp
Trước những nguy cơ tiềm tàng do những người được giao trọng trách cầm ‘cán cân công lý’ không công tâm có thể gây ra, Luật sư Đặng Đình Mạnh đề ra phương hướng giúp chính quyền khôi phục niềm tin về tính công minh luật pháp cho người dân mà theo ông, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật.
"Luật pháp Việt Nam tuy chưa hoàn hảo nhưng trong chừng mực nào đó chỉ cần áp dụng đúng các quy định đã có thì đã rất đỡ. Ví dụ nguyên tắc bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật chẳng hạn, là một quy định đã có sẵn. Cơ quan pháp luật chỉ cần bảo đảm thực hiện điều đó là đủ, trong trường hợp này cơ quan pháp luật đã không bảo đảm được điều đó, là chuyện rất đáng tiếc".
Còn theo Luật sư Hà Huy Sơn, về cơ bản để có công lý, công bằng trong việc thực thi pháp luật thì vẫn cần có nhà nước pháp quyền phải tôn trọng sự phản biện trong xã hội, các ý kiện đa dạng và sự đối trọng trong quyền lực của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên đây là vấn đề lâu dài, còn trước mắt ông cho rằng giải pháp nằm ở chính ý thức của mỗi người dân :
"Sự bày tỏ, thái độ, phản ứng của họ trước các bản án, sự kiện chính trị, sự kiện trong đời sống nhà nước. Tôi cho rằng không ai có thể thay bằng chính người dân trong nước bằng trách nhiệm và nghĩa vụ công dân hãy bày tỏ thái độ và trong khả năng có thể thì thực hiện những hành vi pháp luật không cấm để đẩy lùi, hạn chế những bất công trong pháp luật hiện nay".
Lâu nay nhiều người tại Việt Nam thường hay nói diễu ‘công lý ở Việt Nam là một anh hề’. Trong thực tế một nghệ sĩ hài ở Hà Nội có tên Công Lý.
******************
Vì sao được tặng nhiều huân, huy chương nhưng cựu Bộ trưởng Son vẫn bị đề nghị tử hình ? (Nông Nghiệp, 20/12/2019)
Đến thời điểm này, số tiền 3 triệu USD ông Son nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ vẫn chưa biết đang ở đâu.
Sau một ngày tạm nghỉ, sáng 20/12, phiên tòa xét xử đại án Mobifone mua AVG tiếp tục với phần tranh luận. Sau khi đọc bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án. Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị tổng hợp hình phạt mức án tử hình.
Ông Nguyễn Bắc Son chưa thực sự ăn năn hối lỗi. Ảnh : TTXVN
Theo bản luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Bắc Son với vai trò Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, bị cáo Son là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone và các thành viên chủ chốt tại Mobifone thực hiện dự án dẫn đến sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo đã nhận số tiền 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ.
Trong vụ án này, bị cáo giữ vai trò đứng đầu. Xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án, chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện. Do đó, ông Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra.
Bị cáo cũng là người được hưởng cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ AVG, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn. Từ các căn cứ nêu trên, Viện Kiểm sát quy kết ông Nguyễn Bắc Son phải chịu trách nhiệm cao nhất trong số 14 bị cáo ở vụ án này. Viện Kiểm sát đề nghị mức án 16-18 năm tù tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", tử hình đối với tội nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt đề nghị tử hình.
Tháng 4/2016, ông Nguyễn Bắc Son được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì do có những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (2011-2016)...
Tại tòa, Viện Kiểm sát cũng phân tích, ông Son được tặng nhiều huân, huy chương và có nhiều thành tích trong công tác, với những thành tích đó, đáng lẽ bị cáo phải là tấm gương đạo đức về sự trung thực, tận tâm phục vụ đất nước và nhân dân.
Nhưng vì hám lợi vật chất, bị cáo đã tha hóa bản thân và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây tổn hại uy tín của các cán bộ chân chính. Dù trong quá trình điều tra, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng khi ra tòa, bị cáo tự mình phủ nhận rồi lại thừa nhận một phần. Điều đó cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối lỗi.
Số tiền chiếm đoạt 3 triệu USD chưa được ông Son nộp lại. Do đó, dù bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ để bị cáo được hưởng mức khoan hồng mà cần có hình phạt nghiêm khắc.
Trong những phiên xử trước, liên tục bẻ cung và có những lời khai bất nhất về tội nhận hối lộ, cựu Bộ trưởng Son sau đó đã bất ngờ xin gặp gia đình để nhờ khắc phục hậu quả và gặp luật sư để nói với luật sư là tội danh đã nhận thì không cần bào chữa nữa.
Ông Son khẳng định Bộ Thông tin và truyền thông đã thực hiện công việc liên quan mua bán một cách rất thận trọng, có báo cáo Chính phủ. Sau này, trên cơ sở báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng thông báo đồng ý cho Mobifone mua cổ phần…
"Các Bộ đồng thuận, Thủ tướng chấp thuận, cơ quan tham mưu đề nghị phê duyệt nên tôi đồng ý. Thời điểm đó, kể cả Mobifone cũng nghĩ đúng rồi", ông Son nói.
Hoàng Anh
*****************
Vụ MobiFone-AVG : Đề nghị án tử cho cựu bộ trưởng nhận hối lộ 3 triệu USD (VOA, 21/12/2019)
Cơ quan công tố hôm 20/12 đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son án tử hình, đưa ông Son trở thành một trong những quan chức hiếm hoi đối diện với mức án này kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2017.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình vào ngày 20/12/2019.
Chủ mưu ?
Bị cáo buộc đóng vai trò "chủ mưu" trong vụ án mua cổ phần AVG gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng ngân sách và nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị 16 – 18 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Tổng cộng mức án đề nghị đối với cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông là tử hình.
Mức án cao nhất rất hiếm khi được đề nghị cho các quan chức trong các vụ đại án tham nhũng trước đây đang nhận được sự ủng hộ rõ ràng từ công luận. Tuy nhiên, việc xác định vai trò "chủ mưu" của ông Son trong vụ đại án này đang gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội.
Một số ý kiến cho rằng với phạm vi quyền lực của một bộ trưởng, ông Son không thể thực hiện trót lọt vụ này nếu không có sự đồng ý hay ủng hộ từ cấp trên.
Một trong những chi tiết khiến công luận nghi ngờ rằng phải có "thế lực đằng sau" rất mạnh chỉ đạo cho ông Son thực hiện vụ này trong phiên tòa ngày 18/12, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nói ông không có vai trò chủ mưu trong vụ án, mà chỉ là người đứng đầu có cương vị cao nhất trong vụ này. Trong khi trước đó, theo tường thuật của báo Thanh Niên, ông Son "không dưới 1 lần" nhắc lại rằng mình chỉ bút phê chỉ đạo cấp dưới ký phê duyệt đầu tư dự án "theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Bình luận về án tử hình dành cho ông Son, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự tại Việt Nam, viết trên Facebook rằng "Biết sai nhưng vẫn PHẢI làm, ăn bẫm nhưng bọn SAI hắn làm còn ăn bẫm hơn" và ông dùng cụm từ "đổ oan cho người ta" khi bình luận về vai trò "tổng đạo diễn" của ông Son.
Trong khi đó, Luật sư Lê Công Định cho rằng "Để thuyết phục Bắc Son thừa nhận có hành vi nhận hối lộ hàng triệu USD, chắc chắn phải có sự bảo đảm nào đó về hình phạt". Vì vậy, theo ông, "dân đen đừng nên hồ hởi với án tử hình được đề nghị vội. Trừ phi tận mắt thấy Bắc Son bị tiêm hoặc bắn, tin cũng chưa muộn", Luật sư Định viết trên Facebook.
Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi vụ án bắt đầu được xét xử hôm 16/12, ông Nguyễn Bắc Son đã liên tục thay đổi lời khai về tất cả các cáo buộc liên quan đến ông, từ vai trò trong vụ án đến việc nhận và chi tiêu khoản tiền hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ như thế nào.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bị cáo buộc đóng vai trò chủ mưu và nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG, để chỉ đạo cho MobiFone - công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, mua lại 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, cao hơn giá trị thực của công ty này gần 6.500 tỉ đồng.
‘Triệt để khoan hồng’
Các bị cáo liên quan trong vụ án, bao gồm ông Trương Minh Tuấn, người giữ chức vụ thứ trưởng trong thời gian diễn ra thương vụ chuyển nhượng, bị đề nghị 6 – 7 năm tù về tội "vi phạm quy định đầu tư" và 8 – 9 năm tù về tội nhận hối lộ 200.000 USD. Tổng cộng 14 – 16 năm tù.
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone và là người đã ký hợp đồng chuyển nhượng với AVG và nhận của Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG) 2,5 triệu USD bị đề nghị mức án 23 – 25 năm tù.
Cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải bị đề nghị 4 – 5 năm tù về tội "vi phạm quy định về đầu tư" và 11 năm tù về tội nhận hối lộ 500.000 USD. Tổng cộng 15 – 16 năm tù.
Riêng với Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG và là người đã thực hiện việc đưa hối lộ cho tất cả các quan chức trên chỉ bị đề nghị mức án 3 – 4 năm tù về tội này.
Lý do Viện kiểm sát đưa ra cho việc "áp dụng triệt để nguyên tắc xử lý khoan hồng" đối với Phạm Nhật Vũ là vì doanh nhân này đã "chủ động tích cực khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí phát sinh, chủ động thú nhận hối tội, thực sự ăn năn hối lỗi và tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án". Đi kèm với giải thích trên là lá đơn xin hưởng chính sách khoan hồng từ Đại sứ quán Nga xin cho ông Vũ và chứng nhận của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo về những đóng góp từ thiện của doanh nhân này, theo tường thuật của Thanh Niên.
MobiFone-AVG là một trong những đại án được trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo phải "khẩn trương xét xử" trong năm 2019, bên cạnh các vụ án về quản lý tài sản nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh, vụ án quản lý đất đai tại Đà Nẵng, vụ Nhật Cường...
Án tử hình đề nghị dành cho ông Nguyễn Bắc Son được xem là "hiếm hoi" đối với các quan chức tham nhũng kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát động vào năm 2017.
Trước ông Son, chỉ có một quan chức cấp cao là ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Oceanbank, bị tuyên án tử hình trong đại án kinh tế PVN mua cổ phần của OceanBank, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Tuy nhiên, sau khi y án tử hình, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm lại nói rằng quan chức này sẽ được kiến nghị giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu chịu "khắc phục hậu quả" bằng cách nộp lại 3/4 tài sản tham ô.
Trở lại với vụ án MobiFone-AVG, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong phiên tòa ngày 20/12 cho biết ông đã được gặp gia đình "để bàn về việc khắc phục hậu quả" và gia đình ông sẽ "sớm nộp tiền" trong những ngày tới, theo VnExpress.
Đây không phải là lời của bài hát của nhạc sĩ Huỳnh Anh về một cuộc tình chia xa, lãng mạn của một đôi trai gái nào đó, mà là những lời ai oán của những "đồng chí, đồng bọn" những quan chức cộng sản "bị lộ và chưa bị lộ".
Hình minh họa. Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại một họp báo ở Hà Nội hôm 30/6/2016 Photo : RFA
Những lời đó, không chỉ ai oán với các quan chức cộng sản đã một thời làm mưa, làm gió, làm thánh làm tướng trong thiên hạ, tác oai tác quái đủ mọi trò trên chiếc ghế quyền lực mua bán, cướp được. Đó còn là những tiếng thở phào ái ngại và khinh bỉ của những cấp dưới, những nạn nhân, những người đã từng là tầng lớp bị trị của đám quan chức này khi nghĩ về những lời lẽ "tốt đẹp" giả tạo một cách hoàn hảo mà đám quan chức này đã từng dạy bảo họ.
Quả thật, khi Trương Minh Tuấn đang tung hoành ở thế "thượng phong" giữ chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm Phó ban Tuyên huấn của đảng, chẳng bao giờ anh ta nghĩ rằng sẽ có lúc "hạ mạt" ngậm ngùi dặn vợ "đợi anh về". Khi Nguyễn Bắc Son như diều gặp gió từ chân lính quèn giữ lăng, leo lên đến chức Bộ trưởng, ra sức cung phụng, tung hô và lên gân tìm mọi cách giữ đảng, anh ta chẳng nghĩ rằng con đường đó lại dẫn đến điểm cánh cửa nhà tù.
Tương tự, với một ông anh là đại gia số 1 Việt Nam, với tài sản khổng lồ trong tay với các dự án "đất vàng" mà cơ chế trấn, cướp, "thu hồi" là công cụ, là cơ sở hỗ trợ để tích lũy làm giàu. Nhờ buôn bán chính sách, phe nhóm lợi ích, hối lộ quan chức, đại gia Phạm Nhật Vũ chẳng bao giờ nghĩ là đồng tiền đã dẫn được anh ta đến ghế cao ngất ngưởng bởi sự giàu có lại có thể chính là nguyên nhân đẩy anh ta xuống nền xi măng nhà đá.
Lớn hơn nữa, cao hơn nữa là khi Đinh La Thăng đang một mình một ghế, leo vù vù vào cơ quan đầy quyền và tiền trong hệ thống, dưới chỉ một người nhưng trên mấy chục triệu người, mỗi bước đi của anh ta là tiền hô, hậu ủng, là báo chí, truyền thông, là bầy quan chức lúp xúp chạy theo nịnh nọt, là những bài báo ca ngợi ngút trời mây về tài năng, đức độ về "đạo đức cách mạng"… không thiếu một thứ gì có thể lôi ra để khen mà bị bỏ sót. Cũng chính những khi đó, anh ta nghiễm nhiên coi đất nước như mảnh sân vườn nhà anh ta, coi nhân dân như đàn bò anh ta đang chăn, có thể xẻ thịt, có thể hút máu hoặc đưa đi làm thí nghiệm. Khi đó, mỗi lời anh ta nói là châu phun, ngọc nhả, là mệnh lệnh.
Cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (bên trái) và Trương Minh Tuấn Courtesy of Hội Nhà Báo Việt Nam
Những khi đó, chẳng bao giờ anh ta ngờ rằng chính anh ta lại thể hiện bản lĩnh của mình trước bàn dân thiên hạ với những "giọt ngắn, giọt dài ngổn ngang" – Truyện Kiều – chửi Tòa án là "mang tính quy chụp, không công bằng, không công tâm, không khách quan và "không có lương tâm" rồi lê đôi chân khó nhọc với gương mặt đẫm nước mắt vào nhà đá.
Chính vì thế, mà Trương Minh Tuấn đã không ngần ngại làm tên lính xung kích bất chấp mọi thủ đoạn, bất kể thiên hạ nói gì đằng sau hay thực tế bản chất xã hội, bản chất người cộng sản ra sao, vẫn cứ leo lẻo "nâng cao đạo đức cách mạng" "chống diễn biến và tự diễn biến"… thậm chí, anh ta còn viết hẳn một cuốn sách để rao giảng về đạo đức, tuyên truyền chống lại "các thế lực thù địch của đảng" - hẳn nhiên đó là nhân dân.
Nguyễn Bắc Son hùng hổ tuyên bố với cử tri : "Cuộc chiến chống tham nhũng chưa kết thúc mà mới chỉ bắt đầu". Quả đúng vậy, ngày 23/2/2019 khi Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 220, Bộ luật hình sự 2015 thì cũng chỉ mới là bắt đầu. Mới đây, ngày 13/4/2019, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn còn bị khởi tố thêm tội "Nhận hối lộ" và có lẽ cũng chưa phải đã là kết thúc.
Có điều ông ta không ngờ rằng cái gọi là "Cuộc chiến chống tham nhũng" mà ông ta luôn mồm cổ xúy kia, thực chất là cuộc chém giết trong đảng vì quyền lợi của phe nhóm mình, lại có lúc lôi ông ta ra ánh sáng.
Điều oái oăm, là hệ thống báo chí cộng sản, đã bao năm hết lời tung hô, xu nịnh đám quan chức này đến mức chính Nguyễn Bắc Son đã tự hào rằng : "Báo chí đã kịp thời phản bác các luận điệu sai trái" thì cũng ngay sau đó, chính hệ thống báo chí này lại lôi bằng đủ mọi thứ ngược lại để tố cáo chính ông ta rằng thì : "Ông Nguyễn Bắc Son 'độc đoán, gia trưởng, vô hiệu hoá cả Ban Cán sự Đảng", rằng thì là "xa rời lý tưởng, đạo đức cách mạng"… Những lời này, khi Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hoặc bất cứ quan chức nào còn ngồi trên ghế quyền lực, đố báo chí Việt Nam dám mở miệng.
Điều ai cũng thấy là những lời lẽ hay ho, tốt đẹp được quan chức tung ra, thì họ đã hành động ngược lại. Điều này đã là bản chất của hệ thống cộng sản.
Năm 2012, Nguyễn Bắc Son nói rằng "Bỏ phiếu tín nhiệm sẽ khiến cán bộ rèn luyện không ngừng" thì sau đó, ông ta đã "rèn luyện" để rồi 4 năm sau tổ chức vụ tham nhũng trong đại án AVG.
Năm 2016, Trương Minh Tuấn ra mắt sách "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay" thì ngay trước đó, ông ta tham gia đại án tham nhũng AVG với tội danh "nhận hối lộ".
Chẳng ai ngờ rằng, khi Nguyễn Tấn Dũng đang nắm trong tay mình quyền lực, tiền bạc thì kể cả Tổng bí thư chẳng là gì, ông ta ngang nhiên biến đen thành trắng, biến có thành không, nói câu sau đá câu trước nhơn nhơn mà cả hệ thống quan chức, đảng viên đều ngậm bồ hòn làm ngọt.
Thế nhưng, khi ngã ngựa về vườn, thì muốn yên cũng chẳng yên, những hành động bắt bớ đàn em tay chân Nguyễn Tấn Dũng gần đây, hẳn sẽ làm cho Nguyễn Tấn Dũng sau khi về hưu có muốn cũng chẳng yên mà "làm người tử tế" mà giật mình thon thót trong đêm.
Những hình ảnh gần đây, ngay trước mặt Nguyễn Tấn Dũng đang ngước lên cười nhăn nhở mà Trọng không thèm nửa lời đáp lại, chỉ bắt tay họ Nông rồi đi, đã thể hiện điều đó. Bởi có lẽ sự căm hờn vẫn chưa nguôi trong Trọng kể từ khi Trọng ứa nước mắt trước quốc dân đồng bào bế mạc Hội nghị Trung ương 6 lần trước không thể hạ được "đồng chí X" địch thủ.
Qua những vụ việc và hiện tượng gần đây, điều người ta thấy rõ nhất là sự quay quắt, thay đổi từ thái độ, tư tưởng, hành động của quan chức cộng sản khi đương chức và khi đã ngã ngựa. Người ta cũng thấy rõ sự dối trá đến mức không ngờ trong những hành động, lời nói của quan chức với thực tế đời sống, công việc cá nhân và tập thể mà họ đại diện ra sao.
Như vậy, cả quyền lực chính trị và tiền bạc ở Việt Nam, tất cả đều mong manh như sợi chỉ mành treo chuông, đổi thay sớm nắng chiều mưa bất định. Điều duy nhất đúng và tồn tại ở tình trạng này là câu nói của cha ông : Khi cá ăn kiến thì cũng có lúc kiến ăn cá.
Và qua đó, thật ngậm ngùi khi cả đất nước, cả dân tộc đang được dẫn dắt, lãnh đạo bởi một dàn quan chức mà chú Cuội cung trăng phải tôn làm cụ tổ về sự dối trá.
Nhưng, ngậm ngùi hơn, là nếu các quan chức cộng sản còn có chút liêm sỉ, thì khi nhớ lại những lời lẽ, những hành động đã làm, với đồng chí, với cấp dưới, lại sẽ phải ngân nga câu hát : "Biết nói gì đây, khi hai đường đời ngăn chia mình rồi".
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 15/04/2019
Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son bị bắt vào tháng 2 năm 2019 không chỉ là vụ bắt quan tham, mà còn bằng vào đó để đánh giá và phân tích về sự thay đổi trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch ‘đốt lò’.
Vu MobiFone mua AVG - Ảnh minh họa
Không chỉ giới quan sát chính trị mà nhiều người dân Việt đang xoay vần một câu hỏi : sau Son và Tuấn sẽ đến lượt kẻ nào ?
Những kẻ ‘ăn đất’
Cái tên đang hiện ra nhiều nhất trong suy đoán của dư luận là Tất Thành Cang - kẻ tưởng như đã phải tra tay vào còng tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2019.
Khi đó, nhiều thông tin không chính thức cho biết Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm. Cả hai vụ này đều được cho là có bằng chứng cụ thể. Những bằng chứng này đã hiện ra trên mặt một số tờ báo nhà nước trong suốt mấy tháng kể từ lúc Cang bị ‘lên máu’ mà phải vào điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng nhiều nguồn tin còn cho biết cơ quan điều tra của Bộ Công an đã nắm được đến mức chi tiết từng phi vụ làm ăn của Tất Thành Cang với các ‘đối tác’.
Tuy nhiên Hội nghị trung ương 9 đã chỉ cách chức trung ương ủy viên đối với Cang, còn cho tới nay y vẫn còn giữ được ghế thành ủy viên ở trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - một hiện tượng chính trị mà đã tạo nên một mối ngạc nhiên lớn trong dư luận, đặc biệt trong giới cán bộ lão thành và những người vẫn đang nuôi hy vọng vào một công cuộc ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ của nhân vật được xưng tụng là ‘Minh quân’ - Nguyễn Phú Trọng.
Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm - Ảnh minh họa
Sau vụ bắt Son - Tuấn, dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam - đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của chiến dịch ‘đốt lò’ là gì, hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’ và ‘đầu voi đuôi chuột’.
Với quá nhiều sai phạm của một ‘đảng viên gương mẫu’ và chuyên đi răn dạy ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ và nhiều vi phạm pháp luật như Tất Thành Cang, quan chức này phải bị khởi tố, tống giam, truy tố và và nhận một bản án tù thích đáng.
Nhưng liệu Cang có ‘thoát’ ?
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bao che cho ‘lũ người quỷ ám’ ?
Nếu nhìn vào những động thái ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cơ hội tham sống sợ chết của Tất Thành Cang không phải là không có. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trước đó hầu như đã chẳng làm gì để xử lý Tất Thành Cang.
Chỉ đến tháng 11 năm 2018 khi sắp diễn ra Hội nghị trung ương 9, nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân mới lần đầu tiên phải thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.
Trước đây, Nguyễn Thiện Nhân đã hứa như đinh đóng cột trước công luận và người dân Thủ Thiêm là đến tháng Mười Một năm 2018 sẽ xử lý kỷ luật Tất Thành Cang. Song khi tháng Mười Một đã trôi qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bình chân như vại trong cảnh nước mắt Thủ Thiêm đã cạn khô, chỉ còn vẳng lại những lời chửi rủa và động tác ném giày vào mặt quan chức.
Về Sài Gòn làm ‘vua’ đã được một năm rưỡi, nhưng năng lực của một bí thư thành ủy như Nguyễn Thiện Nhân chỉ được chứng tỏ bởi thái độ nhu nhược, co thủ và để cho ‘lũ người quỷ ám’ (tên một tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky) như Tất Thành Cang, Nguyễn Thị Quyết Tâm lộng hành và qua mặt.
Không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, Nguyễn Thiện Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Sắp ‘đóng hòm’ ?
Thế cờ ‘Nam tiến’ trong chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng nhắm vào Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong ít nhất năm 2019 là không thể nghi ngờ, khi vào nửa cuối năm 2018 và đặc biệt vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’, Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông ta đã có khá nhiều động thái ‘rung cây dọa khỉ’ tại thành phố này. Khá nhiều người thân của ‘bố già’ Lê Thanh Hải như vợ, con trai, em trai đã bước đầu bị ‘siết’. Những thủ hạ đắc lực một thời của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài đều đã phải ‘nhập kho’…
Bởi vụ bắt Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn xảy ra chỉ hai tuần sau tết nguyên đán 2019, có thể cho rằng Nguyễn Phú Trọng đang muốn khởi đầu năm nay với tốc độ ‘đốt lò’ mạnh hơn và nóng hơn khoảng thời gian đầu năm 2018. Theo đó, số phận Tất Thành Cang và nhóm Lê Thanh Hải có thể sẽ được ‘chung quyết’ không bao lâu sau cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội.
Nếu Nguyễn Bắc Son đã về hưu từ ít năm qua và được xem là không có mối quan hệ ‘đặc biệt’ với Nguyễn Phú Trọng, thì Trương Minh Tuấn - kẻ đang thọ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - lại được xem là ‘gà’ của ‘Tổng chủ’ cho đến tận gần đây. Một khi Trọng đã phải ‘trảm’ Tuấn thì chẳng có lý do gì để ông ta nương tay với những kẻ khác.
Vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ - Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn - đã phát đi tín hiệu về một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua, có thể từ thái độ trù trừ và nương tay với ‘phe ta’ sang quyết đoán và quyết liệt hơn. Sự thay đổi này nhiều khả năng xuất hiện từ sức ép của một số cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến. Muốn được ‘lưu truyền sử xanh’ thì không còn cách nào khác, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ phải hành xử quyết liệt với chính đàn em mà ông ta đã từng dung dưỡng.
Mặt khác muốn chiếm được tình cảm của người dân Nam Bộ - một nhiệm vụ chính trị rất lớn mà từ năm 2016 đến nay có nhiều biểu hiện cho thấy cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dù đã về hưu, vẫn có những hoạt động ‘dân vận’ và đóng một vai trò khá quan trọng bên cạnh tổng bí thư để nắm tình hình diễn biến tư tưởng và tâm lý của giới quan chức miền Nam - Nguyễn Phú Trọng không thể không tận dụng vụ khiếu kiện của nhiều ngàn dân oan ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng nhiều dấu hiệu và bằng chứng khó chối cãi của nhóm lợi ích ‘ăn đất’ Lê Thanh Hải. Không thể nghi ngờ rằng nếu được điều tra làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn trách nhiệm hình sự của những quan chức vi phạm, vụ Thủ Thiêm sẽ mang lại một điểm son chính trị khó tả cho Nguyễn Phú Trọng, nhất là nếu ‘Minh Quân’ còn giữ tâm thế ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa tại đại hội 13 vào năm 2021.
Cuối tháng 2 năm 2019, cái ghế phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Tất Thành Cang đã chính thức được Bộ Chính trị điều động cho một quan chức khác : Trần Lưu Quang - cựu Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh. Thêm một dấu hiệu cho thấy hồ sơ của Cang sắp ‘đóng hòm’.
Số phận Tất Thành Cang chỉ còn là vấn đề thời gian. Cú ‘cẩu đầu trảm’ sẽ giáng lên Cang vào một thời điểm có lẽ không còn xa nữa, và thình lình như cái cách mà Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đã phải hứng chịu.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 02/03/2019
Bắt 2 sếp Mobifone nhưng 2 cựu bộ trưởng Thông tin vẫn ‘vô sự’ (Người Việt, 14/11/2018)
Hôm 14 tháng 11, ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc công ty Viễn Thông Mobifone và bà Phạm Thị Phương Anh, đương nhiệm phó tổng giám đốc doanh nghiệp này, bị bắt và khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Hai người bị bắt : Ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh. (Hình : Tuổi Trẻ)
Vụ bắt hai sếp Mobifone, một cựu và một đương chức, hôm 14 tháng 11diễn ra trong bối cảnh chỉ vài ngày trước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được các báo dẫn lời yêu cầu "đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Mobifone mua AVG".
Vụ bắt giữ được cho là đã có chỉ dấu sau khi Bộ Thông tin và truyền thông cho ông Hải thôi chức hồi tháng Tám, 2018.
Theo trang web Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Hải bị kết luận "có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho Hội đồng thành viên Mobifone trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của Công Ty AVG ; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định".
Hồi tháng Mười Hai, 2017, ông Hải cũng gây xôn xao khi các báo ở Việt Nam đăng tin ông này "bất ngờ đi làm trở lại, sau hai ngày được cho phép nghỉ ốm đi [nước ngoài] khám bệnh". Thời điểm đó, mạng xã hội dấy lên tin đồn ông Hải sẽ "cao chạy xa bay" trước khi thương vụ Mobifone-AVG vỡ lở.
Về phần bà Phương Anh, trước khi bị bắt, bà cũng bị cảnh cáo "thiếu trách nhiệm" trong thương vụ Mobifone-AVG. Nhân sự kiện này, giới quan sát nhắc lại chuyện bà Phương Anh được nguyên Bộ Trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son đưa từ Nội Bài về Mobifone "gần như chỉ để thực hiện thương vụ AVG".
Phóng viên Hoàng Điệp của báo Tuổi Trẻ úp mở trên trang cá nhân : "Lò đốt từ đêm qua mà giờ mới công khai củi. Sẽ có củi to hơn ngày mai hoặc ngày mốt". Post của bà Điệp hàm ý là sẽ có quan chức cao cấp hơn vướng vòng lao lý.
Về vụ bê bối nêu trên, để tránh nguy cơ bị phạt tiền hoặc đình bản, đến nay các báo ở Việt Nam gần như chỉ dẫn nguyên văn kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mà không đăng bình luận, phân tích của giới luật sư hoặc nhà quan sát.
Liên quan vụ này, hồi tháng Bảy, 2018, ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch tổng Mobifone, cùng một vụ trưởng của Bộ Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam đã bị bắt và khỏi tố.
Mobifone được ghi nhận chi khoảng 8,889 tỷ đồng (hơn $390.6 triệu Mỹ kim) để sở hữu AVG.
Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã âm ỉ trên mạng xã hội từ năm 2015 vì những khuất tất và những đồn đoán về vai trò của hai đời Bộ Trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Kết cục là cùng trong tháng Mười, 2018, ông Tuấn mất chức bộ trưởng trong lúc ông Son "bị xóa tư cách nguyên bộ trưởng". Tuy nhiên, việc hai ông này có bị bắt, khởi tố hay không đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Từ năm 2015, một blogger ẩn danh dưới tên Nguyễn Văn Tung đã công bố trên mạng xã hội loạt bài "Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG". Ngoài việc đưa chi tiết cáo buộc những nhân vật liên quan đến vụ Mobifone-AVG, người viết còn đặc biệt chỉ đích danh Phó Tổng Thanh Tra Ngô Văn Khánh và Thanh Tra Chính Phủ phải chịu trách nhiệm thanh tra những bê bối trong thương vụ này. (T.K.)
*************************
Bắt thêm người từ đại án MobiFone mua AVG (BBC, 14/11/2018)
Công an Việt Nam khởi tố bị can và bắt tạm giam hai cựu lãnh đạo MobiFone.
Ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh là cựu lãnh đạo MobiFone
Trang web của Bộ Công an đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang "điều tra mở rộng" vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG được mô tả là gây thiệt hại nghiêm trọng về vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng hơn 7000 tỉ đồng do việc "đội giá" mua AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng hồi cuối năm 2015.
Ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Viễn thông MobiFone bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngày 10/07/2018. Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị MobiFone và ông Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin - Truyền thông.
Trước đó Thanh tra Chính phủ và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có một số kết luận mà họ mô tả là làm trái quy định trong việc việc lập, trình dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư của MobiFone, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng một số bộ, ngành có liên quan.
Ông Nguyễn Bắc Son hồi tháng 10 bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông sau khi bị bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông (nhiệm kỳ 2011 - 2016).
Hiện ông Trương Minh Tuấn, người kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son ở chức Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, cũng đã bị hạ bệ.
Tuy nhiên ông Tuấn được điều trở lại làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.
Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu (AVG), có Chủ tịch là ông Phạm Nhật Vũ, được truyền thông trong nước mô tả là công ty tư nhân đầu tiên được truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số có phạm vi phủ sóng toàn quốc lớn thứ ba tại Việt Nam, chỉ sau VTV và VTC.
Báo Đời sống Pháp luật hồi tháng 3/2018 đưa tin vào tháng 11/2010, Truyền hình An Viên của AVG có hợp tác với Truyền hình An ninh (ANTV) thuộc Bộ Công an và Truyền hình Thông tấn Xã Việt Nam (Vnews).
Việc thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bắt đầu từ tháng Chín 2016
Báo Công an Nhân dân hồi tháng 12/2012 có bài 'AVG đồng hành cùng ANTV' bàn về sự hợp tác này.
Nếu trong đại án PVN-Oceanbank nhà chức trách Việt Nam khởi tố và bắt giam nhân sự Oceanbank sớm thì dường như nhân sự của AVG bị khởi tố khá muộn trong đại án MobiFone-AVG.
Về bản chất, hai đại án này khá giống nhau ở điểm gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng tiền của doanh nghiệp nhà nước thông qua việc đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân.
Các diễn biến chính vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG :
10/7/2018 : Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án thương vụ MobiFone mua 95% AVG vì vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Lê Nam Trà - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên tổng giám đốc MobiFone (khi bị khởi tố đang công tác tại Văn phòng Bộ Thông tin và truyền thông) và ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và truyền thông).
30/6/2018 : Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng ; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone ; khiển trách đối với ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Đề nghị xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông và ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông
24/4/2018 : Thanh tra Chính phủ chuyển giao hồ sơ điều tra vụ Mobifone mua cổ phần của AVG cho Bộ Công an
14/3/2018 : Thanh tra Chính phủ công bố kết luận và xác định Mobifone đã mua cổ phần của AVG "với giá tiền lớn gấp nhiều lần giá trị thực sự của AVG".
Theo kết luận, AVG chỉ có giá trị ròng khoảng 1.900 tỷ đồng, vì vậy MobiFone làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng.
MobiFone bị "xác định mắc 4 sai phạm" : Làm trái và thiếu trách nhiệm trong đề xuất dự án ; lựa chọn thẩm định giá ; lập trình dự án và vi phạm thỏa thuận ký kết, thanh toán mua cổ phần.
Bộ Thông tin và truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong quá trình thẩm định dự án, quyết định phê duyệt dự án.
Bộ Kế hoạch Đầu tư đã không hướng dẫn Bộ Thông tin và truyền thông và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định, các văn bản thiếu nhất quán.
Bộ Tài chính thì không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư dự án.
Việc Bộ Công An xác định không cho phép AVG chuyển nhượng cổ phần sang nước ngoài mà buộc phải bán trong nước là "không phù hợp".
12/3/2018 : MobiFone công bố đã chính thức huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đã ký kết hồi 2015 với AVG.
9/2016 : Bắt đầu thanh tra toàn diện vụ MobiFone mua AVG
*******************
Bắt nguyên Tổng giám đốc Mobiphone (RFA, 14/11/2018)
Cơ quan Cảnh sát Điều Tra, Bộ Công An Việt Nam vào ngày 14 tháng 11 tiến hành bắt giữ ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobiphone, và bà Phạm Thị Phương Anh, người phó của ông Hải, với cáo buộc vi phạm những qui định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Công ty điện thoại di động Mobiphone đang bị điều tra vụ bê bối mua hãng tư nhân AVG - RFA
Các hãng tin quốc tế loan tin và cho rằng đây là một động thái nữa của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2016 trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng, tại một quốc gia mà hãng AFP cho rằng một trong những nước tham nhũng nhất Châu Á.
Ông Hải đã bị sa thải hồi tháng tám, và bà Phương Anh bị cáo buộc là thiếu trách nhiệm trong việc thương thảo để mua hãng truyền hình tư nhân AVG.
Thương vụ Mobiphone mua hãng truyền hình AVG được dư luận và báo chí Việt Nam mổ xẻ trong suốt một năm nay, trong đó Mobiphone đã mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn thực tế, vào năm 2015 với tổng giá trị lên đến 385 triệu đô la Mỹ, mặc dù lúc đó AVG đã bị lỗ đến 70 triệu đô la Mỹ.
Vụ bê bối này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ông Trương Minh Tuấn bị mất chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 10. Bộ này là bộ chủ quản của công ty Mobilphone. Cùng lúc đó người từng đứng đầu Mobiphone là ông Lê Nam Trà cũng bị quản thúc để điều tra.
Một cựu bộ trưởng khác của Bộ Thông Tin- Truyền Thông là ông Nguyễn Bắc Son cũng bị kỷ luật cả về mặt đảng và chính quyền do có dính líu vào vụ việc vừa nêu.
*****************
Thêm hai lãnh đạo Mobifone bị bắt (VOA, 14/11/2018)
Hôm 14/11, Bộ Công an Việt Nam đã bắt giam một cựu tổng giám đốc và đương kim phó tổng giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone do vi phạm quản lý công quỹ trong việc mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Ông Cao Duy Hải và MobiFone. Ảnh minh họa
Hãng tin Reuters trích thông tin từ Cổng thông tin Bộ Công an cho biết ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng Giám đốc và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) bắt giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Truyền thông trong nước cho biết vào ngày 13/11, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố và lệnh bắt đối với ông Duy Hải và bà Phương Anh.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Cao Duy Hải có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG ; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Trang VNExpress cho biết bà Phương Anh trực tiếp đàm phán, thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG gây thiệt hại cho Mobifone.
Vào tháng 7, ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, bị bắt cùng lúc với quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Cũng trong vụ án này, nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XI, và ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đã bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.
Quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (Thông tin và truyền thông) đối với Trương Minh Tuấn do Trần Đại Quang ký vào ngày 23/7/2018 là một chỉ dấu cho thấy phe ‘không thích Tuấn’ đang dần áp đảo trong Bộ Chính trị đảng cầm quyền - nơi mà về nguyên tắc đảng là quản lý diện nhân sự ‘lên voi - xuống chó’ những ủy viên trung ương như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Trương Minh Tuấn và sẽ còn những cái tên nối tiếp bị ‘khóa mõm’.
Liệu Trương Minh Tuấn có sẽ bị trảm ?
50/50
Một tuần trước đó, Trương Minh Tuấn đã bị Bộ Chính trị cảnh cáo về mặt đảng và sau đó bị mất chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông. Theo nguyên tắc đảng, các bộ trưởng, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tỉnh thành đồng thời kiêm nhiệm chức vụ bí thư ban cán sự đảng, do vậy việc bị mất chức bí thư đảng luôn đồng nghĩa với mất ghế bên chính quyền.
Khi đó, một số tin tức ngoài hành lang cho biết có khoảng một nửa thành viên Bộ Chính trị muốn khai trừ đảng Trương Minh Tuấn, được hiểu là tiền đề để loại Trương Minh Tuấn khỏi Ban chấp hành trung ương và do đó không còn hưởng ‘quyền bất khả xâm phạm’ của tư cách đại biểu quốc hội mà từ đó có thể dẫn đến động tác khởi tố và bắt giam như đối với trường hợp ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng ; còn nửa kia của Bộ Chính trị lại có vẻ ưu ái dành cho Trương Minh Tuấn quyền đặc cách chỉ bị cảnh cáo đảng nhưng vẫn giữ chức bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, hoặc có bị thuyên chuyển khỏi cái ghế này thì cũng vẫn còn giữ được chức vụ Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương - cái ghế mà vào tháng Tám năm 2016 Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng đặc cách cho kiêm nhiệm như một cách gián tiếp trở thành ‘người của đảng nắm chính quyền’.
Chính vào cái năm 2016 mà lần đầu tiên vươn tới danh vọng Bộ trưởng Thông tin và truyền thông ấy, Trương Minh Tuấn đã được nhiều dư luận xem là một trong những ‘truyền nhân’ của Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, biến thành bộ trưởng Thông tin và truyền thông lập kỷ lục ‘bịt miệng báo chí’ và ‘sát thủ báo chí’ nhiều nhất, Trương Minh Tuấn còn là người đặc biệt tỏ ra “cực đỏ” và “kiên định chủ nghĩa xã hội” khi tung ra loạt hai bài với tựa đề rất “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” trên báo đảng Nhân Dân là “Nhận diện nguy cơ ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục” vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế trong bối cảnh năm 2018 và năm 2019 khi luật An ninh mạng đã được một quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua, một tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến, và sẽ được triển khai từ đầu năm 2019. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Không quá khó hiểu là với ‘nhân cách’ trên, Trương Minh Tuấn đã tạm thoát hiểm hai lần trước và sau Hội nghị trung ương 7 tháng Năm năm 2018.
Hai lần thoát hiểm
Lần thoát hiểm đầu tiên xảy ra sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018. Ngay lập tức, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘nhảy dựng’ phản bác kết luận thanh tra này bằng một văn bản ‘kháng cáo’ dài đến ba chục trang, không có chữ ký nhưng lại được đóng dấu treo của Bộ Thông tin và truyền thông và được gửi đăng ở trang mạng của nhiều tờ báo nhà nước, dù chỉ vài tiếng đồng hồ sau ‘sát thủ báo chí’ đã bị một bàn tay bí ẩn nào đó thẳng tay bị miệng với chỉ đạo buộc các báo phải đồng loạt gỡ bỏ bản ‘kháng cáo’ của Trương Minh Tuấn.
Tuy nhiên sau đó, Trương Minh Tuấn vẫn ‘ung dung tự tại’ trên cái ghế bộ trưởng Thông tin và truyền thông, thậm chí còn được cho xuất hiện trong vài cuộc hội thảo và chủ trì giao ban báo chí hàng tháng để khoe thành tích đã ‘chỉ đạo’ Gooogle và Facebook bóc gỡ gần 7000 nội dung ‘xấu độc’ và ‘phản động’.
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46 của Bộ Công an, Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ - nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Trong thời gian trên, cũng phát ra nhiều đồn đoán rằng viên bộ trưởng ‘chuyên chính vô sản’ này đã tự nguyện hoàn trả một căn hộ triệu đô - vốn được Phạm Nhật Vũ là em trai của Phạm Nhật Vượng Tập đoàn Vingroup tặng - như một cách ‘khắc phục hậu quả’.
Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 đã khác hẳn Hội nghị trung ương 6 trước đó nửa năm khi chẳng hề mang không khí ‘củi lửa’ gì. Trách nhiệm cố ý làm trái của Trương Minh Tuấn trong vụ AVG cũng không được quan chức nào hé môi.
Lần thoát hiểm thứ hai của Trương Minh Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin và truyền thông vào ngày 10/7/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong danh sách khởi tố bắt giam.
Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Vì sao ‘tạm đình chỉ’ Trương Minh Tuấn vào thời điểm này ?
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách ‘đập chuột sợ vỡ bình’, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Là người đặc biệt quan tâm dư luận giới cách mạng lão thành và thường xuyên tham khảo ý kiến của các cựu thần trong đảng, hẳn Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra rằng ông ta sẽ bị bất lợi lớn về uy tín nếu chỉ đốt ‘củi rừng’ mà chừa ‘củi nhà’. Đây có thể là nguồn cơn chính dẫn đến quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức vụ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đối với Trương Minh Tuấn vào ngày 23/7/2018, và chỉ định Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) - doanh nghiệp chủ công trong âm mưu cướp đoạt 59 ha đất đồng Sênh của dân Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và khiến gây ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017 - thay thế Tuấn làm bí thư Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông.
Mặc dù Trần Đại Quang với tư cách chủ tịch nước, ký quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức vụ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đối với Trương Minh Tuấn, nhưng với cái cách báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin công khai về sự thay đổi nhân sự này và thậm chí còn giải thích vì sao là chủ tịch nước chứ không phải thủ tướng ra quyết định trên, có thể nhận ra quyết định cách chức Trương Minh Tuấn là do ‘tập thể Bộ Chính trị’ thống nhất, với sự chủ trì và vai trò chi phối rất lớn của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng vì sao vụ ‘tạm đình chỉ’ Trương Minh Tuấn xảy ra vào thời điểm này mà không để đến tháng Mười năm 2018 là lúc Quốc hội họp kỳ họp cuối năm và theo đề nghị của thủ tướng để miễn nhiệm đối với Trương Minh Tuấn ?
Và tại sao quyết định ‘tạm đình chỉ’ chức vụ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đối với Trương Minh Tuấn lại được công khai, trái với truyền thống ‘xử lý nội bộ’ các quan chức cấp cao bằng hình thức ‘thông báo điều chỉnh chức trách nhiệm vụ’ chỉ được thông tin trong nội bộ đảng và khối chính quyền mà không thể lọt ra công luận ?
Khởi tố bị can và luật quả báo
Cách thức thay Trương Minh Tuấn bằng Nguyễn Mạnh Hùng lại khá giống với sự kiện thay Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng một nhân vật khác là Trương Quang Nghĩa - trước đó là Bộ trưởng giao thông vận tải. Ngay sau khi bị mất ghế, Nguyễn Xuân Anh phải đối mặt với Hội nghị trung ương 6 của đảng vào đầu tháng Mười năm 2017 và đã bị mất luôn ghế ủy viên trung ương.
Còn ngay phía trước Trương Minh Tuấn không phải là một hội nghị trung ương, nhưng lại là vụ án đã khởi tố ‘MobiFone mua AVG’.
Phải chăng do sức ép của dư luận xã hội và nội bộ đảng về ‘chống tham nhũng phải công bằng’, Nguyễn Phú Trọng đã quyết định sẽ tống Trương Minh Tuấn vào ‘lò’, tức sẽ chuẩn y cho Bộ Công an thi hành lệnh khởi tố bị can và có thể bắt giam đối với Trương Minh Tuấn trong thời gian tới ?
Mà nếu Tuấn bị khởi tố, Nguyễn Bắc Son cũng không thể thoát.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.
Sau hai lần tạm thoát hiểm, số phận của Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son giờ đây lại trở nên cheo leo bên vực thẳm. Cả hai quan chức ‘ăn đậm’ này có thể bị khởi tố bị can bất cứ lúc nào, tuy chưa biết có bị bắt giam hay sẽ được ‘tại ngoại hầu tra’.
Đời quan chức quả là không biết đường nào mà lần, nhưng kẻ làm ác thì không thể thoát được luật quả báo, không phải kiếp này thì cũng là kiếp sau. Đinh La Thăng là một dẫn chứng vô cùng sống động về luật quả báo ấy.
Vào tháng Năm năm 2017, dù bị kỷ luật cảnh cáo và mất cả hai ghế ủy viên bộ chính trị lẫn bí thư thành ủy TP.HCM, ông Thăng vẫn được thuyên chuyển về ‘Ban phó ban’ là ban Kinh tế trung ương, tưởng đâu đã thoát nạn. Nhưng vào một buổi sáng nắng đẹp chỉ 7 tháng sau đó, Đinh La Thăng đã không thể đi dự họp lớp cũ ở Ba Vì, để ít lâu sau đã trở thành tác giả của một triết lý nổi tiếng về sự tận cùng số phận quan chức : ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người’.
Cửa ‘thoát’ dành cho Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn là hẹp, hoặc rất hẹp, sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ MobiFone mua AVG, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng.
Ngày 21/10/2015, ông Trương Minh Tuấn ký ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone vi phạm quy định của Luật Đầu Tư - Ảnh : VietNamNet
Trương Minh Tuấn đang tràn đầy cơ hội để nhẹ nhất cũng phải rời khỏi cái ghế Bộ trưởng thông tin truyền thông đầy quyền lực và được biệt danh là ‘sát thủ báo chí’.
Nhưng vẫn còn dư vị sau ‘rất nghiêm trọng’.
Vào tháng Năm năm 2018, Bộ Công an đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra Chính phủ. Nếu vụ việc này được tiến hành ‘đúng quy trình’, sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ là phần việc của cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án.
Tức trong tương lai gần, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn có thể ‘theo chân’ Đinh La Thăng, để khi đó sẽ phải thốt lên tại tòa : ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’.
Tuy nhiên, vẫn còn một cơ hội mỏng manh để số phận của Trương Minh Tuấn được ‘cải thiện’ so với Đinh La Thăng : trong khi Đinh La Thăng bị thông báo kỷ luật đảng trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 và sau đó bị tước ghế ủy viên bộ chính trị, thì hồ sơ Trương Minh Tuấn chỉ bị Ủy ban Kiểm tra trung ương lôi ra sau hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018.
Tức nếu Nguyễn Phú Trọng ưu ái không tổ chức một hội nghị trung ương bất thường để gạt bỏ tư cách ủy viên trung ương của Trương Minh Tuấn, hoặc không dùng quyền hạn của tổng bí thư và ‘tập thể bộ chính trị’ để chỉ đạo việc đình chỉ tư cách ủy viên trung ương của Trương Minh Tuấn, trong thời gian tới ông Tuấn vẫn nghiễm nhiên còn nằm trong Ban chấp hành trung ương và do đó vẫn còn giữ được một lợi thế ‘bất khả xâm phạm’ nào đó trước các cơ quan tư pháp và vòng lao lý.
Khả năng trên là có cơ sở. Vì trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn, rất nhiều dư luận đã nghi ngờ rằng ông Trương Minh Tuấn từ lâu là ‘bài’ của Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.
Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí – lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 – 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7.000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng được cho là không thể ‘vô tư’ khi ông này trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son.
Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trước Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn lại xuất hiện với vai trò chủ trì một cuộc tọa đàm có tên Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam, trong đó ông Tuấn đánh giá ‘Nhiều bí mật Nhà nước bị lộ trên mạng xã hội’ (có thể bao gồm cả những bí mật có liên quan đến Trương Minh Tuấn chăng ?).
Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.
Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay.
Đang có những biểu hiện cho thấy ông Trọng đang thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, để trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông còn xa mới đạt tới.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 12/06/2018
Một lần nữa kể từ thời Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh cố tình ‘ngâm tôm’ kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ hơn một năm, vụ việc đầy hứa hẹn trở thành đại án này lại có nguy cơ chìm xuồng.
Vụ Mobifone mua công ty AVG - Ảnh : vanews
Ngay sau Hội nghị trung ương 7 vào đầu tháng Năm năm 2018 mà chẳng xử được quan chức tham nhũng nào, trên mạng xã hội lại xuất hiện bút danh Nguyễn Văn Tung với bài ‘Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG : phải xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm (kỳ 28)’.
Bài viết trên cho rằng đã có tang chứng về việc giao nhận tiền tham nhũng khi nhiều cán bộ liên quan của Bộ Thông tin Truyền thông (tổ thẩm định) và Mobifone (Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, các nhóm đàm phán) đã nhận tiền của Phạm Nhật Vũ do Phạm Đình Trọng và Lê Nam Trà là đầu mối phân phối nhưng họ đã phải nộp lại cho Phạm Nhật Vũ để Phạm Nhật Vũ tập hợp chuyển trả lại cho Mobifone trong tháng 4/2018.
"Hiện nay, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã có bằng chứng về việc một số quan chức và cán bộ của Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone nhận tiền lại quả của nhóm Phạm Nhật Vũ (Phạm Nhật Vũ đã chuyển khoản cho Nguyễn Bắc Son số tiền 200 tỷ đồng vào tài khoản của con rể tên là Hưng, Trương Minh Tuấn nhận 1 căn biệt thự Vinhomes từ VinGroup, Phạm Đình Trọng được Phạm Nhật Vũ chuyển khoản số tiền 600 tỷ đồng, Lê Nam Trà nhận 200 tỷ đồng tiền mặt của Phạm Nhật Vũ thông qua một đệ tử thân tín tại Mobifone…). Với những bằng chứng như vậy, Phạm Nhật Vũ và một số quan chức của Bộ Thông tin và truyền thông và Mobifone chắc chắn sẽ bị khởi tố theo điều 354 và điều 364 tại Bộ luật Hình sự về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ" – tác giả Nguyễn Văn Tung viết.
Nhưng tác giả này cũng lo ngại ‘Vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG đang được dư luận hết sức quan tâm, mặc dù Nhà nước đã thu được số tiền 8.500 tỷ từ Phạm Nhật Vũ nhưng vụ việc đang có dấu hiệu chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm’.
Nguyễn Văn Tung cũng là tác giả của loạt bài điều tra vụ "Mobifone mua AVG", được tung lên mạng xã hội từ năm 2015 và cho tới nay đã có đến khoảng gần 30 bài.
Cho tới nay, dư luận vẫn không biết Nguyễn Văn Tung là ai và tính xác cứ ra sao đối với rất nhiều cáo buộc mà tác giả này đã nhắm vào các quan chức tham nhũng. Nhưng bằng vào sự trùng khớp giữa nhiều chi tiết, tình tiết mà tác giả này cung cấp trong các bài viết từ năm 2015 với kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" được Thanh tra chính phủ công bố vào đầu tháng Ba năm 2018, cho thấy Nguyễn Văn Tung rất có thể là bút danh của một nhóm quan chức trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam và nắm được nhiều tài liệu thực tế.
Sự lo lắng của tác giả Nguyễn Văn Tung về khả năng vụ "Mobifone mua AVG" chìm xuồng là có cơ sở.
Trước Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi ông ta được chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn lại xuất hiện với vai trò chủ trì một cuộc tọa đàm có tên Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam, trong đó ông Tuấn đánh giá ‘Nhiều bí mật Nhà nước bị lộ trên mạng xã hội’ (có thể bao gồm cả những bí mật có liên quan đến Trương Minh Tuấn chăng ?).
Trước và sau Hội nghị trung ương 7, Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. Ảnh : Soha
Mặc dù sau khi công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2500 tỷ đồng, nhưng động tác này đã bị nhiều ý kiến cho là ‘chạy tội’.
Vào ngày 23/4/2018, sau một thời gian dường như bị kéo dài bởi những tranh cãi mang quan điểm khác xa nhau trong nội bộ đảng và nội bộ các cơ quan chấp pháp, đã diễn ra cuộc bàn giao chính thức hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an).
Bất chấp chiến dịch tấn công "phe củi" thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ? Hay ông Trọng chỉ "chống tham nhũng một bên" nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta ?
Trường hợp Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn – nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016 – là bằng chứng hiển lộ nhất để cho thấy ông Trọng có chống tham nhũng cả "phe ta" hay không. Nếu Trương Minh Tuấn được cho "hạ cánh an toàn" trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho "phe ta", và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 20/05/2018
Phải mất đến gần 20 ngày kể từ thời điểm ‘Bộ Công an đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ án từ Thanh tra chính phủ’, cũng cơ quan này mới ‘tiếp nhận lần hai’, hoặc được xem là chính thức tiếp nhận hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào ngày 23/4/2018.
Khởi tố vụ Mobifone mua cổ phần AVG
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9.000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ. Sau hơn một năm trời bị cố ý ‘ngâm tôm’ kết luận thanh tra, đến tháng Ba năm 2018 kết luận thanh tra vụ việc này đã được Thanh tra chính phủ công bố, sau khi đã ‘cưỡng bức’ thay ghế Tổng thanh tra chính phủ và đẩy Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh về hưu. Kết luận thanh tra này đã được thông qua bởi Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thủ tướng chính phủ và được xem là ‘chung quyết’.
Chạy án ?
Lần ‘tiếp nhận’ đầu tiên của Bộ Công an đối với vụ ‘Mobifone mua AVG’ được thông tin là ngày 5/4/2018, tức khoảng hai tuần sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ này. Khi đó, một số tờ báo nhà nước đã bắn ý trước là theo quy định pháp luật thì tối đa 20 ngày sau thời điểm tiếp nhận hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ Công an sẽ phải ra quyết định có khởi tố hoặc không khởi tố hình sự, hoặc sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Nhưng dường như đã có một ‘trục trặc’ nào đó trong quá trình chuyển giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa cơ quan Thanh tra chính phủ và Bộ Công an, để mãi đến ngày 23/4/2018, hồ sơ này mới chính thức được bàn giao cho cho C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an) - được xem là mũi tập kích chủ công của Tổng bí thư Trọng trong những chiến dịch bắt cựu Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và Trung tướng tình báo công an Phan Hữu Tuấn.
Với rất nhiều dấu hiệu ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ rất nhiều khả năng sẽ được khởi tố kèm bắt bớ trên diện rộng.
Nhưng bàn giao là một chuyện, còn khi nào khởi tố lại là một chuyện khác. Một số tờ báo nhà nước có vẻ thất vọng khi dẫn nguồn tin từ Bộ Công an là ‘do hồ sơ quá nhiều nên chưa biết khi nào mới bàn giao xong’. Trong khi lẽ ra, vụ ‘Mobifone mua AVG’ đã phải được khởi tố trong tháng Tư năm 2018. Còn đến lúc này, chẳng biết là ‘20 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ’ sẽ là ngày nào…
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46, đã xuất hiện dấu hiệu trở lại chính trường của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn : sau khi đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2.500 tỷ đồng, ông Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi ông chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Rất nhiều dư luận đã tỏ ra nghi ngờ rằng ông Trương Minh Tuấn đã tận dụng khoảng thời gian vài tuần lễ quý giá trên để ‘chạy án’.
Nghi ngờ trên là phần nào có cơ sở, bởi Trương Minh Tuấn từ lâu đã được xem là ‘bài’ của Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.
Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí - lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.
Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’
Có lặp lại ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’ ?
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng chỉ mang tính công bằng để bắt đầu thuyết phục được dư luận nhân dân khi ông ta phải chấp nhận ‘diệt’ cả người của ‘phe ta’.
Vào buổi chiều 23/4/2018 và trùng với thời điểm Bộ Công an đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra chính phủ, trong dư luận đã lan truyền thông tin về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông, và ủy ban này cũng đã ‘mời làm việc’ đối với hai nhân vật là Nguyễn Bắc Son - cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông, và bộ trưởng hiện thời là Trương Minh Tuấn.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7.000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7.000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng được cho là không thể ‘vô tư’ khi ông này trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son.
Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Cho tới nay, vẫn chưa biết số phận của hai nhân vật Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn sẽ được ‘trên’ chung quyết ra sao. Tuy nhiên, hiện tượng Ủy ban Kiểm tra trung ương làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông đồng thời với động tác bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra chính phủ sang Bộ Công an đã cho thấy tiến trình tố tụng hình sự vụ việc này sắp nóng trở lại.
Hy vọng để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘thoát’ vẫn còn đó, với minh họa rất hiển thị là Nguyễn Văn Bình - cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện nay là Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Vào thời phụ trách Ngân hàng nhà nước, Nguyễn Văn Bình được xem là ‘cánh tay mặt’ của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Bình cũng bị rất nhiều dư luận cho là đã ‘dính sâu’ và ‘ăn đậm’ trong nhiều vụ dung túng cho nhóm lợi ích vàng lũng đoạn thị trường, chiến dịch thâu tóm ngân hàng thương mại cổ phần, vụ mua ba ngân hàng Đại Dương, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu với giá 0 đồng, phải chịu trách nhiệm đối với núi nợ xấu lên tới hàng triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng… Tuy nhiên hiện tượng lạ lùng là trong lúc những người được xem là thủ hạ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng là Trầm Bê và Đinh La Thăng lần lượt tra tay vào còng vào năm 2017, Nguyễn Văn Bình vẫn bình yên vô sự. Thậm chí vào tháng Tư năm 2018, ông Bình còn được Tổng bí thư Trọng phân công ‘dẫn đoàn đại biểu đảng cộng sản Việt Nam đi thăm Trung Quốc’ và đã được chính Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn tiếp đón.
Một luồng dư luận suy luận rằng Nguyễn Văn Bình đã ‘quy hàng’ Nguyễn Phú Trọng vào thời gian gần Đại hội 12 và cũng đã ‘khắc phục hậu quả’ với một mức độ kim tài đủ lớn để thoát thân.
Nhưng ở một chiều kích khác và ứng với ý chí ‘đi vào sử xanh’ của Tổng bí thư Trọng, cơ hội để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘hạ cánh an toàn’ là không cao, bởi gần đây Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo khởi tố và tống giam cả một quan chức tình báo cao cấp là Phan Hữu Tuấn - cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an.
Có thể dự đoán rằng trước và trong Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền, Nguyễn Bắc Son sẽ phải chịu kỷ luật đảng và bị ‘cách tất cả các chức vụ trong quá khứ’, còn Trương Minh Tuấn bị kỷ luật đảng, mất ghế ‘trung ủy’ và phải chịu ‘luân chuyển cán bộ’ đến một vị trí ‘ngồi chơi xơi nước’. Đây là mức độ kỷ luật nhẹ nhàng nhất đối với hai nhân vật này.
Nhưng nếu áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng gia tăng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn có thể ‘theo chân’ Đinh La Thăng, để khi đó sẽ phải thốt lên tại tòa : ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/04/2018