Hứa hẹn ‘cuối tháng Sáu sẽ có kết luận thanh tra Thủ Thiêm’ của Phan Nguyễn Như Khuê - quan chức mới được đảng cho thăng chức từ vị trí Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh lên ghế Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - rốt cuộc đã đúng, sau ít nhất 3 lần giới quan chức hứa cuội và ma mị người dân khiếu tố về việc sẽ ban hành kết luận thanh tra Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm bức xúc khi trao đổi với các Đại biểu Quốc Hội ngày 9/5/2018
Mới chỉ được một nửa !
Nhưng về thực chất, hứa hẹn trên mới chỉ đúng một nửa. Một lần nữa trong quá nhiều lần, người dân lại chìm nghỉm vào tâm thế ‘trong một đất nước mà cái gì cũng tăng khủng khiếp, may quá vẫn còn một thứ giảm thê thảm : lòng tin !’.
Bởi bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ chỉ quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước…, mà không nói gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ.
Đặc biệt trong Kết luận thanh tra trên không nói gì về 115 người dân đang khiếu kiện ở Hà Nội nằm ở 5 khu phố ở 3 phường ngoài ranh theo Quyết định 367. Kết luận này cũng không trả lời được những câu hỏi như "Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh ?", "160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào ?", "Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào ?"…
Làm cho có !
‘Vụ án’ Thủ Thiêm đã kéo dài suốt hai chục năm trời, nhiều đoàn dân oan rồng rắn kéo ra Hà Nội khiếu nại tố cáo, nhưng đỉnh điểm là cơ chế cưỡng bức giải tỏa phi nhân tính của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của nhiều người dân. Không ít người dân đã tự treo cổ vì vì phẫn uất tột cùng, quá quẫn bách và không lối thoát.
Nhưng cho tới trước năm 2018, hầu hết những cuộc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan công quyền tại Thủ Thiêm đều quá chiếu lệ và đậm mùi chung chi.
Một trong những cuộc thanh tra đầy mùi như thế được đầu đàn bởi Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh vào năm 2015 - một cuộc thanh tra mà cho tới nay vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này. Nhưng đến giờ, quan chức này đã chính thức ‘hạ cánh an toàn’.
Chỉ đến năm 2018, vụ Thủ Thiêm ‘bỗng dưng’ được báo chí và đảng quan tâm, với nguồn cơn hoặc do chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng, hoặc do động cơ thanh toán đất vàng Thủ Thiêm của nhóm nhóm cá mập mới đối với nhóm cá mập cũ, hoặc bởi cả hai nguyên do này.
Nhưng với cơ quan Thanh tra chính phủ, tất cả cũng chỉ dừng tại hình thức kết luận kiểm tra, chứ không phải kết luận thanh tra, vào tháng 9 năm 2018. Điểm nổi bật nhất của bản kết luận kiểm tra này là sự chung chung và mơ hồ về tất cả mọi thứ - hành vi vi phạm, trách nhiệm quan chức và hậu quả dân phải lãnh.
Thực tế đã minh chứng rằng bản kết luận kiểm tra trên chỉ được làm cho có và rất tương ứng với diễn tiến sau đó : từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 4 năm 2019 vẫn không có bất kỳ động tác đủ thành tâm và có tính thực chất nào từ phía các cơ quan ‘có trách nhiệm’ để khiến người dân Thủ Thiêm đủ tin về một chính quyền không đến nỗi quá vô trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Sao không chịu phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha Thủ Thiêm ?
Không thể chịu đựng hơn được nữa, hàng trăm người dân Thủ Thiêm lại tiếp tục ra Hà Nội và tới các cơ quan Trung ương liên tục trong nhiều ngày để phản ánh việc này, yêu cầu Chính phủ cần thanh tra toàn diện khu đô thị và đưa ra kết luận cuối cùng, xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho người dân…
Sau cuộc đấu tranh gian khổ của hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm và giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, được hỗ trợ rất lớn bởi mạng xã hội, rốt cuộc vào tháng 4 năm 2019 Thủ tướng Phúc đã không còn có thể câu giờ vụ người dân khiếu kiện 4,3 ha đất của dân nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế giải tỏa.
Trong một động thái cập rập để một lần nữa trấn an phản ứng của dân oan và dư luận xã hội, Nguyễn Xuân Phúc đã đá quả bóng trách nhiệm lại cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khi "đồng ý cho UBND TP HCM phối hợp với Bộ Xây dựng phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha mà Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh giới Thủ Thiêm" – theo một văn bản thông báo của Văn phòng chính phủ.
Nhưng người dân lại quá nghi ngờ rằng liệu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh – được đại diện bởi những quan chức bị xem là ‘xôi thịt’ như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong…, có chịu phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha Thủ Thiêm, hay vẫn cố tình treo vụ việc này để vừa không bồi thường thỏa đáng cho dân oan, vừa tìm cách bao che cho những kẻ ‘ăn đất’ như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang ?
Rốt cuộc, từ tháng 4 năm 2019 đến nay, mọi chuyện vẫn hũ nút. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn câm lặng. Không có bất kỳ động tác nào phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha Thủ Thiêm.
Hãy nhớ lại, từ tháng Năm năm 2018 khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ‘vô tình’ bị báo chí nhà nước phát hiện đã bị biến mất, cho đến nay cái điều nghịch lý kinh khủng ấy vẫn còn là một bí mật khổng lồ mà không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Sự thật đen tối
Ngay sau khi bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ được công bố vào tháng 6 năm 2019, rất nhiều người dân Thủ Thiêm lẫn dư luận xã hội đã dậy lên phản ứng đối với cơ quan này nói riêng và với đảng cầm quyền nói chung.
Vì sao kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ chỉ quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước…, mà không nói gì đến thân phận của hàng ngàn dân oan đất đai và việc bồi thường cho họ ?
Sự phiến diện đến mức bất công trên đã làm lộ ra một sự thật đen tối : bằng bản kết luận thanh tra trên, Thanh tra chính phủ cùng đằng sau cơ quan này là đảng cầm quyền đã chỉ nhằm mục đích bắt các quan tham ‘ăn đất’ như ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Hai Quân - tức Lê Hoàng Quân, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang…) phải ‘ói ra’, chứ không hề quan tâm đến số phận màn trời chiếu đất của nhân dân.
‘Ói ra’ hay ‘quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng’ đã trở thành chủ trương của đảng, khởi nguồn từ từ năm 2017 bởi ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng - một động thái nhái lại những gì mà Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã làm ở Trung Quốc. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ chưa đầy 10% trong thời gian trước đó là quá thấp và khiến Trọng không thể hài lòng khi, mà mục tiêu là phải bắt quan tham ‘ói ra’ ít nhất 50% số tài sản đã ‘nuốt’ thì mới thu hồi được một phần tiền để ‘hô hấp’ cho đảng. Một chục ngàn tỷ đồng hoặc thậm chí nhiều gấp vài ba lần như thế mà lũ ‘Hai - Ba - Sáu’ phải ‘ói lại’ vào ngân sách đảng để thoát khỏi xà lim sẽ giúp đảng có đủ tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức, với 30% trong số đó bị xem là vô tích sự, trong…3 ngày.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến phát sinh một hiện tượng hết sức lạ lùng : cho tới nay dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm và thân phận dân oan Thủ Thiêm dù chỉ một từ, dù trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ông ta tại Hà Nội luôn có những chất vấn của giới tướng lĩnh về hưu và cựu thần trung thành về thảm nạn ‘ăn đất’ kinh thiên động địa này.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/06/2019
Người Thủ Thiêm mất đất : Kết luận thanh tra không ‘đếm xỉa’ đến chúng tôi (VOA, 01/07/2019)
Thanh tra Chính phủ Việt Nam mới đây khẳng định rằng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có "nhiều khuyết điểm, vi phạm" trong quá trình đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một người dân mất đất cho rằng kết luận kể trên tuy là một động thái "tích cực" song vẫn chưa "đếm xỉa" gì đến các nạn nhân.
Phối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm (courtesy image of NamPhatLand)
Bản kết luận thanh tra được công bố hôm 26/6 xác định rằng vi phạm đầu tiên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh là "không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Chính quyền thành phố mắc sai phạm thứ hai là đặt ra mức chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại, dịch vụ, nhà ở là 26 triệu đồng, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu. Thanh tra Chính phủ cho rằng mức chi phí như vậy là "không đầy đủ" và "không đúng quy định".
Tiếp đến, chính quyền thành phố lấy chính mức tiền 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc này cũng bị đánh giá là "không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định", theo Thanh tra Chính phủ.
Trong bản kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ phân tích rằng do các sai phạm của chính quyền địa phương nên "các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn [chênh lệch địa tô] từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT [xây dựng - chuyển giao]". Ngược lại, nhà nước bị "thất thoát" lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị một số biện pháp khắc phục, trong đó, điều hàng đầu là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "phải thu hồi và hoàn trả ngay" hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan sẽ "xác định đúng chi phí đầu tư bình quân" đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trên cơ sở đó, các cơ quan "sẽ tính ra mức giá khởi điểm sát với thực tế hơn để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án".
"Trong quá trình xử lý, về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý", Thanh tra Chính phủ cảnh báo.
Ông Lê Văn Lung, 61 tuổi, một trong số những người dân Thủ Thiêm bị mất đất do dự án, nói với VOA về bản kết luận thanh tra :
"Nói chung đây cũng là một động thái tôi thấy là cũng tích cực. Nhưng đối với người dân, trong kết luận này, tôi thấy không đếm xỉa gì đến quyền lợi sát sườn của người dân theo những nội dung trong đơn khiếu nại, tố cáo lâu nay của bà con".
Hàng trăm hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh là "dân oan" khiếu kiện trong hơn 10 năm qua sau khi nhà cửa của họ bị chính quyền giải tỏa để lấy đất cho khu đô thị.
Những người dân khẳng định đất của họ bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lấy đi một cách sai trái vì theo bản đồ quy hoạch, vị trí đất của các hộ dân đó không nằm trong dự án.
Hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ phần nào xác nhận những khiếu kiện của người dân là đúng với một bản kết luận nói rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ "có nhiều sai phạm" trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, "phá vỡ quy hoạch", thể hiện "sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất".
Tuy nhiên, tin cho hay, từ đó đến nay, quyền lợi của các dân oan vẫn chưa được giải quyết. Ông Lung nói với VOA rằng hai kết luận thanh tra của hai cơ quan cấp trung ương kể trên "chưa đầy đủ", vẫn "gây bức xúc cho người dân".
Ông nói thêm là người dân đang tiếp tục đòi thủ tướng Việt Nam lập đoàn thanh tra mới tập trung giải quyết những khiếu nại về vấn đề đền bù :
"Nói đúng ra, người dân chờ đợi cũng mệt mỏi rồi. Người dân chỉ trông mong rằng chính quyền có chính sách đền bù để người ta có nơi ở mới tương đương giá trị theo luật mới. Về vấn đề sai phạm, vi phạm pháp luật, thì đương nhiên người dân cũng muốn luật pháp xử lý. Nhưng bức xúc nhất, bức thiết nhất của người dân là cần vấn đề bồi thường".
Những vụ tranh chấp và khiếu nại về chính quyền giải tỏa đất đai ở Thủ Thiêm đã kéo dài trong suốt 20 năm qua trong bối cảnh hàng chục ngàn người dân bị buộc phải di dời và mất nhà cửa. Có người "đã thắt cổ tự tử" sau khi nhà bị cưỡng chế.
*******************
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm, chỉ ra những sai phạm trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án Đô thị mới ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những điểm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng được chú ý là đã chuyển kết luận cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xử lý những cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý để xử lý.
Ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư và cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Kết luận của Thanh Tra Chính phủ về Thủ Thiêm được công bố vào chiều ngày 26 tháng 6 ; sang đến sáng 27 tháng 6 bên lề Đai hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh lần XI, báo chí đặt vấn đề về các nội dung sai phạm tại dự án Thủ Thiêm trong kết luận thanh tra với một đại biểu khách mời là ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư thành ủy và cũng là cựu chủ tich thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Thanh Hải từ chối trả lời với lý do đã về hưu, không còn nhớ gì và không còn làm được gì nữa.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án lớn phải thông qua cấp chính phủ thì dự án mới được triển khai và thủ tướng khi đó là ông Võ Văn Kiệt.
"Sau thủ tướng thì người chịu trách nhiệm thứ hai trong hệ thống hành chính Đảng và chính quyền đương nhiên chủ tịch và bí thư thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trực tiếp nên ông Hải mười năm làm Bí thư thành ủy và 10 năm làm chủ tịch thành phố thì trách nhiệm của ông là lớn nhất chứ không thể đùn đẩy cho cấp dưới được, nếu ông không chịu trách nhiệm chẳng lẽ là thủ tướng, thủ tướng người ta lo cho cả quốc gia chứ có phải riêng mỗi thành phố Hồ Chí Minh đâu".
Nhà báo Nguyễn An Dân còn cho rằng rằng phải khởi tố hình sự Ông Lê Thanh Hải thì mới yên lòng dân được.
"Trong bối cảnh quốc tế đang căng thẳng như thế mà lòng dân trong nước không yên thì vị trí lãnh đạo cũng không ổn. Thành ra trường hợp ông Hải thì Đảng có thể xử lý nhẹ hơn mức mà nhân dân mong muốn. Nhân dân mong muốn là vô cùng mà giới hạn chính trị là có hạn còn đến đâu thì phải chờ".
Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định rằng, đối với trường hợp của ông Lê Thanh Hải chắc chắn là phạm tội nhưng để xử lý kỷ luật ông Hải là điều khó xảy ra. Ông giải thích lý do :
"Vấn đề ông Hải là thành viên của Bộ Chính trị lúc đó thành phố làm không đúng với luật pháp hay chỉ đạo của thủ tướng chính phủ nhưng cũng có một số nội dung xin ý kiến, Bộ Chính trị hay Thủ tướng chính phủ cho phép, nếu giờ lôi ổng ra thì ổng cũng cho biết tôi có giấy xin ý kiến thế này thế kia thành ra có thể khó xử lý đối với ông Hải. Trong con mắt chúng tôi về trách nhiệm chứ chưa nói đến tham nhũng mà để thất thoát số tiền khổng lồ như thế thì không cần anh tham nhũng là anh cũng đã phạm tội rồi. Chức vụ trong Đảng của ông Hải cũng lớn mà đụng tới Bộ Chính trị là điều hiếm hoi ngoại trừ trường hợp của ông Đinh La Thăng là điều đặc biệt chứ từ trước đến nay thì không có đâu".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng từ Sài Gòn khẳng định rằng, nếu vi phạm vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự và thậm chí ngay cả khi người đó ra quyết định hành chính nào sai phạm trong thời kỳ đương chức vẫn bị khởi tố sau khi về hưu và chịu mọi trách nhiệm bồi thường phần họ đã gây thiệt hại.
Trước đây cũng từng có một số vụ xử các quan chức cấp cao đã về hưu đối với những sai phạm trong thời gian đương nhiệm.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Vũ Huy Hoàng. RFA Edited
Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông bị phát hiện sai phạm trong việc Mobifone mua AVG. Một quan chức khác là ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và Bí thư ban cán sự Đảng Bộ vì có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số vi phạm công tác cán bộ khi giữ chức vụ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ý kiến về trường hợp xử phạt những quan chức vi phạm :
"Mặc dù trong thực tế quan chức càng cao cấp thì đôi khi họ còn được hưởng những đặc ân trong quá trình xét xử nhưng về nguyên tắc không có điều đó đâu. Có một điều đáng chú gì là khởi đầu là trường hợp ông Vũ Huy Hoàng là có lối xử lý rất là lạ, dù đã về hưu nhưng đặc vấn đề là cách chức vụ mà họ đã từng đảm đương chức vụ đó nên trường hợp của ông Hải nếu bị khởi tố thì có thể ông bị xử lý như vậy, cách chức nguyên bí thư thành ủy thành phố".
Nhà báo Nguyễn An Dân thì lại có ý kiến khác cho rằng để xử lý ông Lê Thanh Hải như ông Vũ Huy Hoàng là điều không có khả năng.
"Vai trò của ông Lê Thanh Hải không chỉ liên quan trách nhiệm Thủ Thiêm mà hiện nay Đảng đang có chiến dịch chống người nước ngoài, thẳng ra là người Trung Quốc mua đất và sở hửu đất đai mà điều này trong 20 năm ông Hải nắm giữ quyền lực tại Thành phố Hồ Chí Minh thì điều này nó diễn ra hơi nhiều nên ổng sẽ chịu trách nhiệm thêm về vấn đề này. Do đó tôi nghĩ xử lý ông Hải như ông Vũ Huy Hoàng thì tôi thấy không có khả năng vì sai phạm về chính trị đối với Đảng đối với đất nước nó nặng hơn ông Vũ Huy Hoàng nhiều".
Tác giả Nguyễn Ngọc Chu có bài viết đăng trên mạng Tiếng Dân vào ngày 28 tháng 6 với câu hỏi ‘Những kẻ phạm tội đầu sỏ bao giờ thì bị trừng trị ?’
Tác giả Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ ‘sai phạm về Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm không phải chỉ ông Tất Thành Cang là người có tội lớn nhất, mà là thủ trưởng của ông Tất Thành Cang là ông Lê Thanh Hải mới là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu thì ‘những tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, sử dụng quyền lực và cơ chế để vơ vét tài sản của nhân dân, làm giàu cho cá nhân và người thân thì phải bị trừng trị thích đáng.’
Nguồn : RFA, 28/06/2019
*******************
Lê Thanh Hải nói ‘về hưu rồi’ để né tránh vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm (Người Việt, 27/06/2019)
Khi được hỏi về dự án Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư Thành ủy ở Sài Gòn đã lảng tránh và từ chối trả lời.
Ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy ở Sài Gòn 2006-2016 được cho là tác giả chính vụ Thủ Thiêm. (Hình : Internet)
Sáng 27/06/2019, bên lề "Đại hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc" ở Sài Gòn lần thứ XI, các đại biểu, khách mời đã có những trao đổi với báo chí liên quan đến nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được công bố hôm 26/6.
Khi báo Thanh Niên đặt câu hỏi về dự án Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải, nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn, cho biết ông đã nghe thông tin về kết luận Thanh tra Chính phủ. và chỉ nói "giờ tôi hưu rồi, có làm được gì mà trả lời ?"…
Phóng viên báo Thanh Niên tiếp tục hỏi về các nội dung sai phạm được Thanh tra Chính phủ đề cập, xảy ra tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong thời kỳ ông Lê Thanh Hải làm lãnh đạo Sài Gòn, nhưng ông Hải đều từ chối trả lời.
Trước đó, ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo về "Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn".
Kết luận thanh tra đề cập đến nhiều sai phạm tại dự án Thủ Thiêm trong thời kỳ ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và sau đó là bí thư Thành ủy thành phố này.
Cơ quan này nêu rõ "trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thủ tướng "chỉ đạo Ủy ban thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/09/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286 tỷ đồng đồng (183,8 triệu USD)".
Công luận đang bàn tán, chưa bao giờ gia tộc "Hải Heo" (một tục danh mà nhiều người dân Sài Gòn và nhất là tầng lớp dân oan Thủ Thiêm đặt cho Lê Thanh Hải) lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm như bây giờ.
Trước đó, trưa 20/06/2019, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố ở Sài Gòn đã ký quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc SAGRI, em trai Lê Thanh Hải vì "vi phạm rất nghiêm trọng".
Theo báo Người Lao Động, ông Hùng bị cho là "có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong tài chính, đầu tư dự án, sử dụng nhà đất trong doanh nghiệp nhà nước…".
Bày tỏ ý kiến với báo Thanh Niên, độc giả Trần Lan bất bình viết : "Ông Hải là chủ tịch rồi bí thư. Ông là người liên quan trực tiếp đến vấn đề Thủ Thêm. Ông có quyền không trả lời. Nhưng đừng nghĩ là về hưu rồi sẽ xong". Ý kiến này nhận được hơn 3.700 sự đồng tình của người khác.
Còn người có nickname Olala cho rằng : "Sự quyết tâm, tinh thần khẩn trương đều đã có nói đến từ rất lâu rồi, vấn đề bây giờ là làm như thế nào để sửa sai, đừng để đến khi phải trả lời ‘tôi giờ hưu rồi’ rồi chối bỏ trách nhiệm. Nếu trách nhiệm công vụ không còn liệu có còn trách nhiệm lương tâm khi những sai phạm của mình khi đương chức đã đẩy người dân Thủ Thiêm vào cảnh khốn cùng trong hơn hai mươi năm qua ? Có vị nào dám khắc phục hậu quả bằng cách… bán tài sản ‘có được qua các thời kỳ’ để khắc phục hậu quả do chính mình gây ra không ?". Ý kiến này cũng được hơn 700 đồng tình (like).
Trong khi đó, ký giả Nguyễn Thiện bày tỏ trên trang Facebook cá nhân : "Dạo Facebook thấy công chúng bày tỏ kính trọng ông Phạm Toàn và thấy nhiều người phỉ nhổ Lê Thanh Hải".
Hiện, công luận đều bày tỏ muốn cá nhân ông Lê Thanh Hải "phải chịu trách nhiệm chính trong vụ Thủ Thiêm, bởi trong thời gian sai phạm chính ông Hải đã từng là chủ tịch rồi bí thư Thành ủy ở Sài Gòn, Ủy Viên Bộ Chính trị". (Tr.N)
*****************
Chủ tịch UBND xác nhận mức độ sai phạm nghiêm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (RFA, 27/06/2019)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định tính chất và mức độ quan trọng liên quan đến dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Truyền thông trong nước loan tin hôm 27/6 dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại bên lề đại hội đại biểu toàn quốc Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra cùng ngày.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Ủy ban nhân dân Thành phố vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về kết luận thanh tra mà chỉ biết thông tin kết luận qua mạng và truyền thông của cổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vì tính chất và mức độ quan trọng của vụ việc, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch thực hiện những bước đầu liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận thanh tra.
Ông Phong cho biết chậm nhất vào thứ hai (1/7) Ủy ban nhân dân sẽ báo cáo Thành ủy và sẽ tổ chức họp báo để trả lời cụ thể những nội dung mà báo chí quan tâm.
Một kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra là Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách 26.300 tỉ đồng đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng qui định. Thời hạn là đến ngày 31/12 năm nay, nếu không thực hiện, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Công an.
Trong công bố kết luật thanh tra dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những vi phạm thuộc dự án này.
*******************
Nhà cầm quyền Sài Gòn ‘ăn đất Thủ Thiêm’ nhưng không nêu tên cụ thể (Người Việt, 26/06/2019)
"Trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Khu đô thị Thủ Thiêm sau 22 năm quy hoạch. (Hình : Lao Động)
Đây là kết luận của Thanh Tra Chính phủ thông báo hôm 26/06/2019, về việc "thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Cơ quan này nêu rõ "trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Tuy nói là "có nhiều khuyết điểm, vi phạm" nhưng bản kết luận không nêu tên một giới chức cụ thể nào, trong thời mà ông Lê Thanh Hải làm bí thư thành ủy Sài Gòn.
Báo VnExpress dẫn tin cho biết, "Theo đó khu đô thị mới này đã giải tỏa mặt bằng trên 99%. Công tác đền bù, hỗ trợ giải tỏa mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định".
"Thành phố Sài Gòn đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT, như : bốn tuyến đường chính ; cầu Thủ Thiêm 2 ; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc-Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ…".
"Ngoài các vi phạm về quy hoạch và bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư đã được thông báo tháng 9/2018, Ủy ban thành phố "đã ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời ; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định cũng như ý kiến chỉ đạo của thủ tướng… Vi phạm này dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý ; có nơi buông lỏng quản lý, chậm triển khai đầu tư xây dựng".
Cụ thể, thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho một mét vuông đất thương mại-dịch vụ-nhà ở là 26 triệu đồng/mét vuông, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu… Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao).
Bốn con đường kê thêm giá 1.500 tỷ đồng (64,3 triệu USD) ở Thủ Thiêm. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban thành phố phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng (514,7 triệu USD) cho dự án bốn tuyến đường chính khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định. Qua thanh tra, phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng (64,3 triệu USD).
Công ty cổ phần Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó có 25 tỷ đồng (1,07 triệu USD) "không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho dự án".
Khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và Ủy ban thành phố "đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định".
Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 221 hécta được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng Ủy ban thành phố "đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai".
Nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên do lãnh đạo Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn "không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thủ tướng ; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như : Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm…".
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thủ tướng "chỉ đạo Ủy ban thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/9, 2018 là hơn 26.315 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286 tỷ đồng đồng (183,8 triệu USD)".
Đồng thời "tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư ; bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và xác định khắc phục tình trạng mất cân đối chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải tỏa mặt bằng, đầu tư hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Trên cơ sở "xác định đúng" này, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định. Trong đó, kiểm tra, làm rõ và báo cáo thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng (450,6 triệu USD) ; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042 tỷ đồng (731,1 triệu USD).
Các công việc nêu trên được đề nghị hoàn thành trước ngày 30/9 tới để báo cáo thủ tướng chính phủ.
Theo báo Tuổi Trẻ, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để "xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận".
"Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý…" kết luận thanh tra nêu. (Tr.N)
Vụ Thủ Thiêm, lại hứa cuội tàn nhẫn
Phạm Chí Dũng, VOA, 26/06/2019
Tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 ngày 19/6/2019, Phan Nguyễn Như Khuê - quan chức Phó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết cuối tháng 6 này, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận về sai phạm tại Thủ Thiêm.
Qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Zing.vn)
Nhưng nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và giờ đây nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những hành vi của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.
Lịch sử ‘cuội’
Người dân Thủ Thiêm vẫn còn nhớ như in rằng từ năm 2018 đến nay, lời hứa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã biến thành ‘cuội’ ít nhất ba lần nhưng hầu như chẳng làm gì để thực hiện những hứa hẹn đó.
Cùng với hiện tượng kết luận thanh tra Thủ Thiêm bị lần lữa hoãn công bố đến vài lần, hiện tượng vào tháng Năm năm 2018 báo chí nhà nước nước được bật đèn xanh và do đó được ‘mở miệng’ gần như không hạn chế. Nhưng cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng đã khiến người dân nghi ngờ là sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị - lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào ‘lò’.
Vào ngày 7 tháng 9 năm 2018, sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, hy vọng tưởng như đã bị dập tắt của hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm một lần nữa, sau rất nhiều lần, lại bùng lên. Khi đó, cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra (chứ không phải kết luận thanh tra) vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn. Khi đó, những nạn nhân của nạn cướp đất đã le lói hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang).
Nhưng từ tháng 9 năm 2018 đến sát tết nguyên đán năm 2019, vẫn không có bất kỳ động tác đủ thành tâm và có tính thực chất nào từ phía các cơ quan ‘có trách nhiệm’ để khiến người dân Thủ Thiêm đủ tin về một chính quyền không đến nỗi quá vô trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Trong suốt thời gian chây ì mất sạch liêm sỉ đó, Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, sát tết nguyên đán 2019 Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Trong nhiều tháng qua, nhiệm vụ có vẻ như duy nhất của Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà từ lâu đã bị thiên hạ gắn mác ‘hèn sĩ’ - là "thăm" dân oan Thủ Thiêm và cố gắng thuyết phục những người dân này dọn vào ở trong khu tái định cư Thủ Thiêm – chính là những khu nhà heo hút được xây tạm bợ mà không có gì bảo đảm về chất lượng công trình, thậm chí từ năm 2017 đến nay đưa ra đấu giá mà chẳng có "ma" nào thèm mua.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì sao ?
Mạng xã hội đã đặt nghi ngờ rất lớn về "Phúc - Nhân đang câu giờ kết luận thanh tra Thủ Thiêm ?", đồng thời khẳng định rằng quy luật và thủ đoạn chính trị của chính quyền Nguyễn Xuân Phúc - Nguyễn Thiện Nhân đang tất yếu dẫn đến một quy luật nghịch đảo : nếu dân không phản ứng mạnh, chắc chắn sẽ chẳng có bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm nào được công bố, chưa kể việc có được công bố chăng nữa thì cũng chỉ "đánh bùn sang ao" mà không xử lý bất kỳ bất công ghê gớm nào tại Thủ Thiêm.
Cùng lúc, một hiện tượng hết sức lạ lùng là dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm dù chỉ một từ, tuy trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ông ta tại Hà Nội luôn có những câu hỏi của giới tướng lĩnh về hưu và cựu thần trung thành về câu chuyện kinh thiên động địa này.
Cho đến nay, rất tương đồng thời gian khiếu nại tố cáo vụ ‘ăn đất’ của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh ở Thủ Thiêm đã kéo dài vượt quá mọi giới hạn, vụ xử lý Tất Thành Cang và phía sau đó là ‘phe cánh chính trị’ Lê Thanh Hải đã nhùng nhằng, ‘nâng lên hạ xuống’ quá lâu, hoặc nói trắng ra là đã liên tiếp xảy đến những hành vi chạy chọt và thỏa hiệp giữa những đối tượng tham nhũng với các ‘cơ quan chức năng’ và ngay trước mắt người vừa ngồi vào ghế chủ tịch nước của kẻ đã ‘chẳng may qua đời dù được tận tình cứu chữa’.
Với thái độ im lặng đầy kiên định và như thể cố ý như thế, không thể trách rất nhiều người dân đã và đang cho rằng ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, nếu không dính dáng đến vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm, thì cũng cố gắng ‘bảo kê’ cho những quan chức tham nhũng trong vụ này.
Câu giờ, ma mị và bao che
Không thể chịu đựng hơn được nữa, hàng trăm người dân Thủ Thiêm lại tiếp tục ra Hà Nội và tới các cơ quan Trung ương liên tục trong nhiều ngày để phản ánh việc này, yêu cầu Chính phủ cần thanh tra toàn diện khu đô thị và đưa ra kết luận cuối cùng, xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho người dân…
Sau cuộc đấu tranh gian khổ của hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm và giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, được hỗ trợ rất lớn bởi mạng xã hội, rốt cuộc vào tháng 4 năm 2019 Thủ tướng Phúc đã không còn có thể câu giờ vụ người dân khiếu kiện 4,3 ha đất của dân nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế giải tỏa.
Trong một động thái cập rập để một lần nữa trấn an phản ứng của dân oan và dư luận xã hội, Nguyễn Xuân Phúc đã "đồng ý cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Xây dựng phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha mà Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh giới Thủ Thiêm" – theo một văn bản thông báo của Văn phòng chính phủ.
Không thể câu giờ hơn được nữa, Nguyễn Xuân Phúc đã đá quả bóng trách nhiệm lại cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng người dân lại quá nghi ngờ rằng liệu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh – được đại diện bởi những quan chức bị xem là ‘xôi thịt’ như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong…, có chịu phê duyệt lại ranh giới khu 4,3 ha Thủ Thiêm, hay vẫn cố tình treo vụ việc này để vừa không bồi thường thỏa đáng cho dân oan, vừa tìm cách bao che cho những kẻ ‘ăn đất’ như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang ?
Rốt cuộc, từ tháng 4 năm 2019 đến nay, mọi chuyện vẫn hũ nút. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn câm lặng. Không có bất kỳ động tác nào phê duyệt lại ranh giới khu 4,3 ha Thủ Thiêm.
Hãy nhớ lại, từ tháng 5/2018 khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ‘vô tình’ bị báo chí nhà nước phát hiện đã bị biến mất, cho đến nay cái điều nghịch lý kinh khủng ấy vẫn còn là một bí mật khổng lồ mà không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Hứa hẹn của quan chức Phan Nguyễn Như Khuê về "cuối tháng 6 này Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận về sai phạm tại Thủ Thiêm" cũng bởi thế rất có thể vẫn chỉ là một lối hứa cuội mà chẳng ma mị được người dân nào.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/06/2019
*********************
Kết luận Thủ Thiêm : ‘Nhiều sai phạm, nhà đầu tư hưởng lợi’
BBC tiếng Việt, 26/06/2019
Sau thời gian dài chờ đợi, rốt cuộc Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ sông Sài Gòn - Ảnh minh họa
Kết luận xác nhận đã xảy ra nhiều sai phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị Thủ Thiêm.
Dưới đây là trích thuật các điểm chính trong kết luận công bố ngày 26/6 :
- UBND Thành phố ban hành Điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời ; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến, việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng...
- Các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỷ đồng (gồm : Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 06 trường công lập và 05 cây cầu nối từ Trung tâm Thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm) là không đầy đủ và không đúng quy định.
Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND Thành phố đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định. Việc UBND Thành phố và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.
- Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng UBND Thành phố đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
Như vậy, UBND Thành phố đã sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác, không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được chỉ định nhà đầu tư, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đất theo quy định. Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.
Nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên là do lãnh đạo UBND Thành phố không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như "không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định ; theo đó, giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định… ; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng
2.2.1. Đối với các dự án BT hạ tầng
- Tại dự án BT 04 tuyến đường chính :
+ UBND Thành phố chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh là Nhà đầu tư Dự án BT khi chưa yêu cầu Nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm (thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý dự án), chưa đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý kinh doanh), không đăng trên Báo Đấu thầu 03 số liên tiếp… là chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
+ UBND Thành phố đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.182.175 triệu đồng cho dự án 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định ; qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị 1.519.731triệu đồng.
+ Công ty cổ phần Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó, có 25.422 triệu đồngkhông đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho Dự án.
+ UBND Thành phố chấp thuận cho chỉ định bổ sung 02 dự án vào hợp đồng BT 04 tuyến đường chính (gồm : Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và Khu lâm viên sinh thái thuộc vùng Châu thổ phía Nam, trong đó có hạng mục kè bờ dọc sông Sài Gòn đoạn bao quanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm), đồng thời, giao, phê duyệt tiền sử dụng đất 07 lô đất và ký hợp đồng BT bổ sung giá trị 1.999.760 triệu đồng khi chưa có dự án được phê duyệt là không đúng quy định về quản lý đầu tư (hiện nay, theo báo cáo của UBND Thành phố, đã hủy bỏ chủ trương giao 07 lô đất trên và sẽ thực hiện tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định).
+ Quá trình đầu tư, xây dựng, Công ty cổ phần Đại Quang Minh không thực hiện thông báo ngày khởi công tới cơ quan cấp phép xây dựng, tiến hành thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng tại nhiều hạng mục công trình ; hầu hết các dự án thành phần chưa thực hiện đúng tiến độ được duyệt... nhưng các cơ quan chức năng của Thành phố chưa kiểm tra, xử lý kịp thời.
- Tại Dự án BT Cầu Thủ Thiêm 2 :
+ UBND Thành phố trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chỉ định Nhà đầu tư, theo đó, UBND Thành phố đã có chủ trương chọn Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện dự án, nhưng sau đó, giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh, đồng thời, thay đổi quy mô cầu từ 04 thành 06 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ là không thực hiện đúng quy định ; lựa chọn Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đại Quang Minh khi chưa có Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, chưa xem xét kỹ đến các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm.
+ UBND Thành phố phê duyệt Dự án với tổng mức đầu tư là 4.260.116 triệu đồng, qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị 252.891,830 triệu đồng.
- Đối với dự án BT Hạ tầng Khu dân cư phía Bắc :
UBND Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho thực hiện theo hình thức BT nhưng không đăng tải nội dung của dự án lên Trang thông tin điện tử của Thành phố và Báo Đấu thầu ; phê duyệt tổng mức đầu tư, trong đó, có một số khoản chi phí không đúng quy địnhvới tổng giá trị 411.884,912 triệu đồng ; đề ra biện pháp thi công không phù hợp, phải thay đổi, dẫn đến, chi phí thực tế phải giảm so với tổng mức đầu tư là 118.410 triệu đồng.
Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm)
2.2.2. Đối với các dự án đối ứng với dự án BT
- UBND Thành phố đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT (04 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Hạ tầng khu dân cư phía Bắc…) nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Trong đó,tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT nêu trên bằng chi phí đầu tư bình quân26 triệu đồng/m2 là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho nhà nước.
- UBND Thành phố chấp thuận ký và thanh lý Hợp đồng số 09/HĐ-BQL-KH ngày 28/12/2011 (giao đất có thu tiền sử dụng đất), sau đó, chỉ định nhà đầu tư dự án BT 04 tuyến đường chính, cho phép sử dụng giá trị tiền sử dụng đất trên để thanh toán đối ứng là không đúng quy định ; theo đó, phê duyệt lại giá trị quyền sử dụng đất khu II làm giảm so với giá trị đã được xác định, phê duyệt tại Hợp đồng số 09/HĐ-BQL-KH 2.479.181 triệu đồnglà thiếu cơ sở pháp lý.
- Việc UBND Thành phố ký Hợp đồng BT với Công ty cổ phần Đại Quang Minh, trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán Hợp đồng BT là 12.490.687 triệu đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND Thành phố là không đúng quy định của Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013. Dẫn đến, chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỷ đồngso với giá trị đã được UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Mặc dù, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 04 tuyến đường chính chưa đúng quy định, nhưng UBND Thành phố đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là 4.225.530 triệu đồng, đã nộp 2.376.000 triệu đồng, số còn lại đến nay chưa nộp là 1.800.529 triệu đồng, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách nhà nước theo quy định.
- Việc UBND Thành phố đề nghị để được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án mới vào hợp đồng BT đã ký với các chủ đầu tư khi chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa tính toán, thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất là không đúng quy định.
Trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt Tổng mức đầu tư, chỉ định nhà đầu tư các dự án BT, ký kết hợp đồng và giao đất thanh toán đối ứng các hợp đồng BT, giảm tiền sử dụng đất thiếu căn cứ như nêu trên thuộc lãnh đạo UBND Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành tham mưu như : Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Giáo xứ Thủ Thiêm
2.2.3. Đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất
- Các dự án Khu Phức hợp Tháp quan sát và Khu phức hợp Sóng Việt được UBND Thành phố chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ; UBND Thành phố đã tính và đã thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, trongđó, có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2(bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
- UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương chỉ định 02 nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte và Vingroup tại 02 dự án (Khu phức hợp thông minh, diện tích 5.012 ha và Khu phức hợp thể thao - giải trí, diện tích 20.047 ha) là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay chưa tính và thu tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư.
Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư và xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án như nêu trên thuộc trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành tham mưu như : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
2.2.4. Đối với khu tái định cư 38,4 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Tại thời điểm thanh tra, các dự án thuộc Khu tái định cư 38,4 ha đã được Thanh tra Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm tra và có kết luận. Tuy nhiên, thực hiện hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 16/4/2019, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND Thành phố báo cáo và cung cấp hồ sơ bổ sung. Bước đầu cho thấy : trong 04 dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, trong đó : (i) có 03 dự án được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND Thành phố để bố trí tái định cư. Hiện nay, do chưa bố trí tái định cư nên UBND Thành phố tiếp tục cho đấu giá để chuyển sang nhà ở thương mại ; (ii) còn lại 01 dự án 1.330 căn hộ đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng1.122/1.228 căn hộ, đồng thời, UBND Thành phố đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất là không đúng quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
2.3. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư
Việc UBND Thành phố đã phê duyệt và điều chỉnh Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trị giá 38.679.446 triệu đồnglà không đúng thẩm quyền quy định tại Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ ; tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định tại Nghị định số 124/NĐ-CP ngày 18/5/2004 ; không hoàn trả tạm ứng hàng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị 26.315.905 triệu đồng, theo đó, không tính lãi trên khoản tạm ứng từ ngân sách vào chi phí đầu tư bình quân khoảng 10.503.765 triệu đồng (tạm tính đến thời điểm 30/9/2018). Dẫn đến, việc UBND Thành phố lấy chi phí đầu tư bình quânlàm mức giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất các lô đất thương mại - dịch vụ - nhà ở đã giao cho chủ đầu tư các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là thiếu cơ sở pháp lý, chưa chính xác, có khả năng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, cần giao cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm, thất thoát thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của UBND Thành phố về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết quả thanh tra : tổng chi phí phải trả là : 83.335.879 triệu đồng (gồm : 72.832.879 triệu đồng (chi phí đầu tư) + 10.503.000 triệu đồng (lãi tiền tạm ứng từ ngân sách)) ; Tổng thu dự kiến đến thời điểm hiện nay là 74.601.480 triệu đồng(trong đó, bao gồm giá trị 55 lô đất còn lại tạm tính theo giá thẩm định tại thời điểm năm 2016). Như vậy, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng 8.734.399 triệu đồng.
Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành như : Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về xử lý kinh tế
2.1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện xử lý một số nội dung về kinh tế chủ yếu sau đây :
- UBND Thành phốthực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến thời điểm 30/9/2018 là 26.315.905 triệu đồng ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 4.286.225 triệu đồng.
- UBND Thành phốnghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư ; đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm như Kết luận đã nêu trên.
- UBND Thành phố thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800.529 triệu đồngvà lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.
- Giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ (Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư), UBND Thành phố và Thanh tra Chính phủ thực hiện xác định đúng chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên cơ sở đó, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định.Trong đó : (i) kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng ; (ii) xem xét, kiến nghị xử lý đối vớikhoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042.000 triệu đồng. Các công việc nêu trên đề nghị hoàn thành trước ngày 30/9/2019 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Kiến nghị để giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát tiền của Nhà nước, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay đối với các dự án BT đang thực hiện trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm ; trong quá trình Kiểm toán, đề nghị xem xét, sử dụng các kết quả qua thanh tra đã phát hiện như : (i) khoản chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT 04 tuyến đường chính thiếu căn cứ và chưa đúng quy định 3.901.705 triệu đồng ; (ii) các khoản do phê duyệttổng mức đầu tư của các dự án BT tăng saikhoảng 1.734.025,50 triệu đồng ; (iii) loại khỏi chi phí khi quyết toán Dự án 04 tuyến đường chính 25.422 triệu đồnglà khoản chi phí không đủ điều kiện quyết toán vào dự án...
2.2. Đối với các dự án thuộc Khu tái định cư 38,4 ha
UBND Thành phố sớm báo cáo và cung cấp tài liệu, hồ sơ bổ sung theo Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 16/4/2019 của Văn phòng Chính phủ để Thanh tra Chính phủ có kết luận bổ sung trong kết quả kiểm tra, rà soát các dự án thuộc Khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Rà soát việc thay đổi quy hoạch chi tiết tại các dự án đã và đang đầu tư xây dựng, trong đó, tập trung rà soát các dự án như : Khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ... ; Rà soát các dự án đã có quyết định giao đất để xem xét, xử lý, tính toán lại giá trị quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tiền của Nhà nước.
- Kiểm tra, rà soát các dự án đã có chủ trương và ký hợp đồng thực hiện dự án có sử dụng đất với các nhà đầu tư nhưng chưa giao đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định ; sớm tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với 55 lô đất còn lại, trong đó, có bao gồm các lô đất đã được UBND Thành phố có thông báo dừng chủ trương thanh toán cho các dự án BT trong và ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm như : Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Cầu Thủ Thiêm 4, kè bờ sông Sài Gòn...
- Rà soát các dự án BT, dự án đối ứng và dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai để xác định lại giá đất theo giá thị trường và theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
- Chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, nhằm sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về xử lý trách nhiệm
- Giao UBND Thành phố chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như : Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm ; các sở Giao thông vận tải, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến Trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố ; các đơn vị Tư vấn, các nhà đầu tư dự án, v.v đã có khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Phần Kết quả và Kết luận thanh tra.
- Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra này.
- Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 26/06/2019
********************
Thanh Tra Chính Phủ công bố kết luận về dự án Khu Đô thị Mới Thủ Thiêm
RFA, 26/06/2019
Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố vào chiều ngày 26 tháng 6.
Đô thị mới Thủ Thiêm chụp từ trên cao - Photo : RFA
Truyền thông trong nước loan tin theo đó Thanh Tra Chính Phủ chỉ ra những sai phạm cụ thể. Đó là ‘Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời ; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo qui định theo ý kiến chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng…’
Theo kết luận của Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội thì một số khoản phê duyệt trong dự án BT 4 tuyến đường chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đúng qui định, với tổng giá trị sai phạm khoảng 1500 tỷ đồng.
Với những kết luận vừa nêu, Thanh tra Chính phủ chuyển cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm…
Sau khi đọc được kết luận của Thanh Tra Chính Phủ trên các báo, mục sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những người dân bị tác động do dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, cho RFA biết ý kiến :
"Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ là cỡi ngựa xem hoa, là chưa đối diện với dân để nghe dân cung cấp chứng cứ về sai phạm Thủ Thiêm, có bảy sai phạm trọng tâm rất lớn, đủ cấu thành một đại án quốc gia. Thanh tra mà không gặp dân, không đối thoại thì làm sao có bằng chứng . Phải có đoàn thanh tra liên ngành đủ mạnh, khách quan gặp dân để dân cung cấp chứng cứ cốt lõi của sai phạm Thủ Thiêm là gì...".
Nguồn : RFA, 26/06/2019
Khi nền công lý luôn được nhìn qua lăng kính của độc đảng toàn trị
Với nhiều tín hữu Tin Lành Mennonite ở bán đảo Thủ Thiêm – Sài Gòn, thì ngày 14/12/2010 sẽ mãi ghi trong lịch sử của Tin Lành Mennonite Việt Nam, khi chính quyền đã huy động lực lượng để đàn áp dã man nhằm cướp đất đai của người dân Thủ Thiêm.
Chính quyền Sài Gòn đã thẳng tay đàn áp, tịch thu đất đai hợp pháp mà gia đình của mục sư Nguyễn Hồng Quang đã bỏ tiền cá nhân ra mua vào năm 1992
Trong dòng ký ức, đó còn là câu chuyện của Mùa Vọng ghi dấu 99 năm Tin Lành hiện diện ở Việt Nam, và 45 năm Hội thánh Mennonite hình thành tại Gia Định.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết ở Thủ Thiêm có một giáo hội Tin Lành Mennonite dân lập, lại thành phần dân chúng nghèo, tín hữu sắc tộc đông, và hoạt động giáo vụ bị chính quyền không thừa nhận. Do vậy không thể xây dựng hay tạo lập giáo sở ; vả lại vì không có pháp nhân nên không thể xin xây dựng giáo sở, hay đứng tên chủ sở hữu cho Giáo hội. Đó cũng là nguyên cớ để chính quyền vin vào mà thẳng tay đàn áp, tịch thu đất đai hợp pháp mà gia đình của mục sư Nguyễn Hồng Quang đã bỏ tiền cá nhân ra mua vào năm 1992, diện tích gần 3.000 mét vuông ở bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn.
Cuộc sống ban đầu dựa vào những công việc đồng áng, đặt trúm, đặt lọp, đặt lờ, giăng lưới, cắm câu. Dần dần, ông Quang tu bổ nhà cửa, dựng lên một cơ sở từ thiện và tôn giáo gồm một nhà nguyện, một thư quán hướng đạo, một phòng y tế, có cả một nơi dành cho học sinh sinh viên nghèo, bệnh nhân nghèo và người già neo đơn, không nơi nương tựa… Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển sau lần đi tù đầu tiên, khi mãn án, ông đã có thời gian chọn tá túc ở khu nhà tại Thủ Thiêm này của mục sư Nguyễn Hồng Quang.
Ở đây lúc nào cũng có hơn một trăm người tá túc, mục sư Quang vận động nguồn gạo, họ tự trồng rau, kiếm cá và tự quản, người mạnh chăm sóc người bệnh, phân công công việc cho nhau như một đại gia đình.
Thế rồi tang thương ập đến, mục sư Quang cùng với hơn một trăm con người cơ khổ ấy phải chịu chung số phận với hàng vạn đồng bào trên đất Thủ Thiêm. Ngày 14 tháng 12 năm 2010, trong lúc cả vườn nguyện đang chuẩn bị cho mùa Giáng sinh, thì hàng trăm nhân viên công lực tới bao vây, họ dùng loa phóng thanh đọc lệnh cưỡng chế rồi xông vào bắt trói, đánh đập hàng chục người, quăng lên xe công vụ chở đi...
Mục sư Phạm Ngọc Thạch nhớ lại : Lúc đó họ cắt điện, cắt nước để triệt mọi sinh hoạt tối thiểu của người dân Thủ Thiêm. Trước khi họ đổ quân vào cướp khu đất, họ dùng truyền thông báo chí, tuyên truyền để dọn đường dư luận. Nào là nơi đây chứa gái bán dâm, tệ nạn hiếp dâm tập thể, chứa phim ảnh đồi truỵ, hiếp dâm trẻ em, truyền đạo trái phép... Viện cớ xét hộ khẩu, họ ‘mời’ người giữa đêm khuya khoắt về đồn để thẩm vấn, để đe dọa. Những ai lên tiếng phản kháng thì họ thô bạo tống giam bất chấp luật pháp.
"Mờ mờ sáng ngày 14/12/2010, chính quyền cho xe máy ủi, cứu hỏa cùng hàng ngàn người đủ mọi sắc phục lẫn thường phục tấn công người dân bán đảo Thủ Thiêm. Nhóm sinh viên Thần Học chỗ nhà mục sư Quang đã bị họ còng tay tống lên xe bít bùng chở đi mất dạng. Nhà của mục sư Quang bị đánh sập.
Gia đình tôi lúc này con nhỏ 9 tháng tuổi, bị họ cách ly không cho gặp mẹ. Qua nhiều giờ sau, vợ tôi cương quyết đấu tranh phải gặp mặt con để cho con bú, nếu không sẽ liều mạng..., thấy vậy bọn họ mới lùi bước cho gặp. Tay bồng con, vợ tôi đứng núp mưa che con ở bụi chuối nhưng cũng bị bọn họ vây chặt. Tôi lấy máy ảnh ra chụp làm kỷ niệm thì bị họ xô đến cướp máy ảnh, rồi tống cả gia đình tôi cùng con nhỏ lên xe bít bùng chở đi thẩm vấn như tội phạm !
Khi thả về thì gia đình tôi cũng không biết về đâu. Khi ấy ngoài trời thì tối, mưa lem nhem khiến vạn vật thêm thê thảm hơn. Vợ tôi bồng con nhỏ đứng giữa đường chỉ biết khóc và cầu nguyện. Bọn họ với đủ sắc phục an ninh, công an cứ xúm quanh…
Những ngày sau đó, tôi đi đâu họ cũng bám theo, rồi kiếm chuyện tông xe và cả ùa vào đánh tôi như lũ côn đồ. Không có tiền thuê nhà, đi về khu tạm cư ở nhờ thì bị làm khó dễ. Bè bạn giúp thuê nhà thì bị công an hạch sách ép chủ nhà không được chứa chấp gia đình tôi. Một tháng, gia đình tôi phải dọn nhà đến 5 lần, nên cùng đường, cả nhà phải dắt díu nhau tìm đường về quê.
Và trong chuỗi câu chuyện đó, đến tận hôm nay, tháng 5/2019, tôi vẫn ám ảnh về cái chết tức tưởi của bà Chuốt. Bà Chuốt vào đây chữa bệnh cùng với đứa cháu ngoại bị bại liệt. Sau khi lành bệnh, bà tình nguyện ở lại làm tạp vụ để chăm sóc cho đứa cháu tật nguyền. Hôm ấy bà phản đối không chịu đi, liền bị nhân viên công vụ hốt quăng lên xe, họ quăng bà từ trên cao rớt xuống, bị gảy be sườn và chấn thương nặng, họ đưa bà đi cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh đau lòng ấy. Mục sư Quang lên phường xin đưa bà về chỗ cũ làm đám tang theo nghi thức của đạo, nhưng ông liền bị họ nhốt lại. Sau đó người ta đưa xe công vụ trá hình là xe nhà đài HTV tới chở bà Chuốt đi hỏa táng ở Bình Dương.."..
Mục sư Phạm Ngọc Thạch kể lại câu chuyện với từng chi tiết mồn một, dù đã 9 năm đi qua.
"Chúa Jesus phán : Không có việc gì giấu kín mà không lộ ra... Bây giờ Chúa cho nó lộ ra là những kẻ cướp, khi đất nằm ngoài ranh khu quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước khi cướp, nhà cầm quyền mời dân lên và nói rằng sẽ đền bù 150 ngàn đồng mét vuông đất nông nghiệp.
Đất thổ cư khu mặt tiền thì giá cao hơn là 18 triệu đồng/1 mét. Đồng ý hay phản đối thì cũng bắt buộc phải rời khỏi Thủ Thiêm. Đến năm 2017, vụ quy hoạch Thủ Thiêm được xới lại và lúc này nhà nước mới xác nhận là đã buộc dân phải giải tỏa nhà cửa, đất đai ngay cả những nơi không nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên chuyện khắc phục hậu quả thì tiếp tục thả nỗi đến tận bây giờ. Giá đất nơi đây hiện được rao bán với giá từ 350 triệu đồng/1 mét…". Mục sư Phạm Ngọc Thạch uất nghẹn kể.
Bom đạn có thể giật sập nhà cửa, phá hủy Nhà Thờ, nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng, và người ta vẫn có thể dựng lại ngôi Giáo đường trên tro tàn đổ nát. Nhưng những gì đã diễn ra suốt hai mươi năm qua ở Thủ Thiêm, đã khiến hàng trăm gia đình phải ly tán, lòng người oán ghét chế độ. Thủ Thiêm là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.
Thực tế là đến nay, người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất hầu như không có ưu thế mỗi khi đáo tụng đình. Những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm, bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị.
"Thôi đành mọi chuyện phó thác nơi Chúa !". Mục sư Phạm Ngọc Thạch cảm thán cho một nền công lý luôn được nhìn qua lăng kính của độc đảng toàn trị.
Người Thủ Thiêm
Nguồn : VNTB, 14/05/2019
Buổi gặp gỡ giữa các thành viên của Đoàn Đại biểu cho dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh ở Quốc hội Việt Nam với cử tri quận 2, hôm 7 tháng 5, lại trở thành chủ đề nóng cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Theo hệ thống truyền thông chính thức thì cử tri lại xúm vào chất vấn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, rằng suốt hai nhiệm kỳ vừa qua, bà đã làm được gì cho hàng chục ngàn người mất nhà, mất đất đã kêu oan suốt hai thập niên vẫn không sinh kế và tiếp tục sống vật và, vật vờ không có tương lai ?
Giống như trước đây, bà Tâm xác nhận, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã sai, sẽ sửa. Cho dù sửa sai là "quá chậm", là vi phạm cam kết về thời điểm sửa sai nhưng bà Tâm hứa sẽ… tiếp tục thúc giục sửa sai và "nếu thấy cần thiết sẽ tiếp tục đưa vụ Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội" (1).
Còn theo mạng xã hội thì trong buổi gặp gỡ vừa kể, cử tri quận 2 lại tiếp tục bày tỏ sự tín nhiệm với những cá nhân đại diện cho họ bằng… dép. Cho dù nhiều người sử dụng mạng xã hội tiếc vì lá phiếu tín nhiệm đó không đính được vào mặt ai nhưng cần phải thấy rằng, chẳng phải vì thế mà sự tín nhiệm của cử tri giảm giá trị (2) !
***
Khá nhiều người sử dụng mạng xã hội tỏ ra ngạc nhiên khi bà Tâm lại xuất hiện, đặc biệt là xuất hiện tại quận 2 với tư cách đại diện cho cư dân quận 2 tại Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chẳng lẽ họ sai khi hoan hỉ tán thưởng sự kiện bà Tâm nghỉ hưu từ đầu năm nay ?
Thật ra tin làm họ mừng không sai : Đúng là đầu năm nay, bà Tâm đã thôi làm Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và vì nghỉ hưu, bà phải nhường chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho người khác. Tuy nhiên do được… dân cử, bà sẽ tiếp tục đại diện cho dân chúng quận Thủ Đức tại Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2021 và tiếp tục đại diện cho dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội cũng đến năm 2021.
Nếu đừng lấy tiêu chí bám sát, tranh đấu cho "ý chí, nguyện vọng" của dân chúng làm trọng tâm khi xem xét tư cách, hiệu quả công việc của một đại biểu – đại diện cho dân cư một khu vực tại các cơ quan dân cử, thay mặt dân chúng giám sát, đặt định mục tiêu cho hoạt động của hệ thống công quyền – thì về… hình thức, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã tiến bộ hơn trước.
Ít nhất là lần này, mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa… nghiêm, vừa… buồn. Bà không còn ngoác miệng ra cười trước những cử tri bu quanh bà, mếu máo bày tỏ nỗi niềm nữa (3). Còn bà có "đồng hành với cử tri" có "đấu tranh trực diện với các cơ quan có thẩm quyền để tìm hướng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm" như bà vừa hứa hay không thì… không chắc lắm. Chuyện đơn giản nhất, đưa vấn đề Thủ Thiêm ra "nghị trường" chẳng phải đã được bà Tâm chú thích cẩn thận là "nếu thấy cần thiết" đó sao ?
***
Đã nói đi thì phải nói lại. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm không phải là trường hợp cá biệt. Bà Tâm chỉ là ví dụ minh họa cho tầng lớp đại diện "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân trên toàn Việt Nam suốt từ trước đến nay. Cũng vì vậy, về lý thuyết, đại biểu là đại diện cho cử tri nhưng tại Việt Nam, còn có chuyện lựa chọn cử tri để đại diện cho… các cử tri khác.
Hôm 4 tháng 5, sau khi hệ thống truyền thông chính thức tường thuật về buổi gặp gỡ giữa các thành viên của Đoàn Đại biểu cho dân chúng Hà Nội ở Quốc hội Việt Nam với cử tri quận Hoàn Kiếm, rồi dẫn lời cử tri Trần Quốc Hoàn để bày tỏ tình cảm với Đại biểu Nguyễn Phú Trọng (kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) : Nhân dân rất lo lắng khi nghe tin Tổng bí thư, Chủ tịch Nhà nước không được khỏe. Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sức khỏe của Tổng bí thư đã ổn định, cử tri rất vui mừng. Dân mong đồng chí mau bình phục. Hơn lúc nào hết nhân dân thể hiện sự ủng hộ cao và tuyệt đối với công tác chỉnh đốn đảng, chống tham nhũng và suy thoái được đồng chí chỉ đạo (4) – người sử dụng mạng xã hội tiếng Việt đã thử thống kê và dễ dàng chứng minh, ông Hoàn là một trong vài "cử tri" mà buổi gặp gỡ nào giữa đại biểu Nguyễn Phú Trọng với cử tri cũng có mặt, cũng góp ý kiến và ý kiến cũng được hệ thống truyền thông chính thức quảng bá rộng rãi để chứng tỏ sự tin yêu của cử tri với đại biểu Nguyễn Phú Trọng, sự tín nhiệm của nhân dân với đồng chí Nguyễn Phú Trọng !
Đã có rất nhiều người thắc mắc, tại sao lại phải lựa chọn cử tri để đại diện cho… các cử tri khác mà dân chúng miệt thị là… "chim mồi" (5) ? Câu trả lời rất đơn giản, đó là cách tốt nhất để tránh chuyện phải nghe cử tri cật vấn, phải thấy cử tri dùng những thứ như… dép để bày tỏ sự tín nhiệm của họ. Không như thế thì làm sao… tạo ra được… sự tín nhiệm của… cử tri, sự tín nhiệm của… nhân dân để ông Trọng trở thành đại diện cho nhân dân ở Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam suốt… 17 năm vừa qua và tiếp tục là đại diện cho nhân dân ở Quốc hội thêm hai năm nữa. Xứ khác có thể là không nhưng tại Việt Nam, đại diện không nhất thiết phải cần… thể diện !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/05/20149
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/ThuyDuongNguyen28/posts/2387892074564673
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/cu-tri-ha-noi-mong-tong-bi-thu-mau-binh-phuc-3918414.html
(5) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1610944755705615
Gần đây VNTB đã đăng tải loạt bài viết 5 kỳ liên tục phản ảnh đúng thực trạng về Đại án Thủ Thiêm, nêu rõ quan điểm lập trường, hướng giải quyết đối với bà con dân oan Thủ Thiêm và những sai phạm cố ý làm trái của hàng loạt cán bộ từ Trung ương tới địa phương trong "Lợi ích nhóm" của Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Một dự án đầy máu và nước mắt !
Nước mắt Thủ Thiêm
Những ngày gần đây dư luận xã hội lại xôn xao đầy bức xúc về hành vi chính quyền tự lấy gậy đập đầu mình. Đó là hành vi Thủ tướng cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng "ngồi lại ngâm cứu" để bàn phương án bồi thường khu đất 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 cho người dân oan Thủ Thiêm. Đây là một thủ thuật của Chính phủ lấy "bàn tay che mặt trời !".
Bởi theo Quyết định 367/TTg của Thủ tương Chính phủ phê duyệt thì diện tích đất thu hồi làm dự án đã có ranh giới rõ ràng, nhưng những kẻ làm càn như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang, Nguyễn Cư, Thái Thị Hạnh, Nguyễn Phước Hưng, Đào Anh Kiệt và các đệ tử ruột của bọn chúng đã cố ý làm trái. Nếu không khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không thể nào giải quyết được "Đại án Thủ Thiêm". Vậy mà nay Thủ tướng Chính phủ lại nhất trí cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng tìm cách tráo trở " tập vẽ ranh quy hoạch lại". Bởi lẽ, việc đồng ý với một loạt hành vi của bọn tội phạm cất giấu bản đồ quy hoạch để cướp đất của dân từ 3 phường chúng thu hồi trên diện rộng 8/11 phường đều khắp Quận 2.
Điều mà người dân oan Thủ Thiêm đặt câu hỏi thì ngay cả các quan chức Chính phủ và cả "Thủ tướng thời nay" cũng không thể trả lời được đó là : Tại sao Quyết định 367/TTg cho phép thu hồi đất ở 3 phường mà Lê Thanh Hải chỉ đạo bằng 2 Thông báo khẩn cấp trong một ngày số 77 và 78 để mở chiến dịch thu hồi đất trên 8 phường ?
Ngay cả khu đất 90,2 ha ở phường An Phú (giáp ranh Quận 9) cách Trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm gần 10km, thu hồi xong Quận 2 giao cho 2 doanh nghiệp tư nhân bỏ hoang suốt 14 năm nay và hàng trăm ha đất bị thu hồi ở phường Thạnh Mỹ Lợi và phường Cát Lái cách Trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm gần 20km thì Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh lấy cơ sở nào để khẳng định đó là đất "trong ranh" ?
Còn 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An nằm ngay cạnh Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thì các quan tham lấy căn cứ nào để khẳng định đó là đất "ngoài ranh" ? Thật ngớ ngẩn ! Một đứa trẻ chăn trâu cũng nhận biết ngay được điều đó, huống chi những kẻ hưởng bổng lộc của dân đóng thuế !
Vấn đề cần bàn ở đây là : những tổ chức, cá nhân nào đã gây ra tội ác đặc biệt nghiêm trọng ở Đại án Thủ Thiêm ? Chúng đã bỏ túi riêng bao nhiêu tỷ USD ? Liệu có được xử lý hay đã có kẻ bao che ? Người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất bao nhiêu năm nữa thì chính quyền mới giải quyết ? 160 ha đất vàng bị đánh tráo bán cho 51 doanh nghiệp, số tiền khổng lồ này chui vào túi ai ? Một km "đường nội bộ" trong dự án dành cho trẻ em và xe đạp đi chơi có giá trên 1000 tỷ đồng/ 1 km, Tất Thành Cang tự ký thỏa thuận sẽ ăn hối lộ (lại quả) bao nhiêu triệu đô/1 km ?
Vì nếu bồi thường 4,3 ha đất ở Khu phố 1 phường Bình An thì bắt buộc phải bồi thường lại toàn bộ tài sản cho 15.853 hồ sơ trong Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về lĩnh vực đất đai tài sản. Không thể giải quyết kiểu : "ông ghét, bà yêu" hoặc kiểu : "bà già thì bỏ, gái tơ thì mừng". Để giải quyết được Đại án Thủ Thiêm thì nhất thiết ông Trọng phải đem lò vào Sài Gòn, còn việc chọn củi ra sao thì phải có sự chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trung thực sớm vào cuộc. Không thể giải quyết Đại án Thủ Thiêm bằng hình thức mị dân : "lấy bàn tay che mặt trời !".
Vương Ngôn
Nguồn : VNTB, 09/04/2019
Lời tòa soạn : Trên 15.000 hộ dân trong tổng số 15.853 hồ sơ bị bồi thường ngược đãi giải tỏa nhà đất giao cho chính quyền địa phương thực hiện dự án. Trong đó có hơn 3.000 căn nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị chính quyền cưỡng chế đập phá tan tành. Nhà thờ, nhà nguyện, nhà chùa cũng phải "bái phục" lợi ích nhóm. Tại thời điểm 2013, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân gần 40 ngàn tỷ đồng. Đến nay, 23 năm trôi qua, vùng đất vàng này vẫn bị bỏ hoang. Đã có hơn 11.000 đơn thư khiếu nại tố cáo trong suốt thời gian dài.
Dự án này đã trở thành đỉnh điểm đạt nhiều kỷ lục : số diện tích đất thu hồi trái phép ngòai ranh quy hoạch nhiều nhất. Số người chết oan nhiều nhất. Số vụ kiện dân sự ra tòa nhiều nhất. Số người bị thất nghiệp nhiều nhất... dẫn đến số lãnh đạo trả lời trái luật và hứa lèo với dân nhiều nhất. Số km đường có kinh phí xây dựng đắt nhất thế giới. Nỗi đau chồng chất nỗi đau ! Nỗi ám ảnh hàng ngàn năm sau đối với người dân Thủ Thiêm.
Kể từ hôm nay, Việt Nam Thời Báo sẽ đăng những phần chính quá trình diễn kịch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian 23 năm thực hiện một dự án đầu tư đầy máu và nước mắt !
Ban biên tập VNTB
*******************
Bài 1. Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạch Thủ Thiêm
Ông Lão bị mất đất bị tai biến về tham lai nơi ở cũ
Sau khi có Thông báo số 36-TB/TW ngày 23/11/1992 của Bộ Chính Trị về việc quy hoạch tổng thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và Kết luận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại Hội nghị thường trực của Chính phủ ngày 10/03/1992. Ngày 16/01/1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh. "Cần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thành phố văn minh của Nhân dân lao động...".
Điều 2 quyết định này nêu rõ : "Cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố để tập trung đầu mối trong quản lý xây dựng tại thành phố. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh và ban hành điều lệ quản lý xây dựng tại thành phố bảo đảm việc xây dựng theo đúng quy hoạch đã được duyệt".
Căn cứ vào Quyết định số 20/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/1996 UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Tờ trình số : 1861/TT-UB-QLĐT kèm theo bản đồ quy hoạch gửi Thủ tướng Chính phủ "xin phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000". Căn cứ Tờ trình này và Văn bản đề nghị số 621/BXD-KTQH ngày 15/5/1996 của Bộ Xây dựng. Ngày 04/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số : 367/TTg " Phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm". với quy mô tổng diện tích 930 ha, trong đó : Khu đô thị mới 770 ha. Khu tái định cư 160 ha. Về quy hoạch phân khu chức năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quyết định 367/TTg quy định rõ : trong diện tích 770 ha bao gồm 133 ha mặt nước sông Sài Gòn và 637 ha được phân ra các khu chức năng như sau :
- Khu Trung tâm thương mại, tài chính dịch vụ : 92 ha.
- Khu Trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế : 100 ha.
- Khu nhà ở cao cấp : 55 ha.
- Khu Trung tâm văn hoá, du lịch giải trí : 100 ha.
- Khu công viên trung tâm : 95 ha.
- Khu Trung tâm hành chính : 18 ha.
- Đất dành cho giao thông : 177 ha.
Khu tái định cư xây nhà ở cho dân trong dự án bị giải tỏa nhà có diện tích 160 ha nằm giáp ranh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại Điều 2 quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch gồm :
- Lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định.
- Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch đã được duyệt.
- Ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngày 6/1/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 03/CP về việc thành lập Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 7, Quận 9 và Quận 12. Riêng Quận 2 được thành lập mới gồm 11 phường. Phần diện tích quy họach Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ nằm trong phạm vi 3 phường. Vậy mà "lũ quỹ" đã xơi tái hết 8 phường ? Tại khu vực của một số phường ở Quận 2, căn cứ vào điểm 1, Điều 5, Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ quy định về mua bán và kinh doanh nhà ở. Căn cứ Quyết định số : 4246/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/12/1994 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Xét đề nghị của UBND Quận 2 tại Công văn số : 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997. Xét Tờ trình số 98/KTST-QH ngày 03/01/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố về việc quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ những căn cứ pháp lý nêu trên, ngày 15/10/1998, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số : 255/QĐ-UB-QLĐT, Điều 1 quyết định này ghi rõ : " Duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, theo danh mục đính kèm quyết định này. Danh mục này có 6 khu vực, trong đó có khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì Nhà nước không bán nhà hóa giá theo Nghị định 61. Điều đó thể hiện rất rõ và minh bạch những khu vực đã bán nhà cho dân theo Nghị định 61 thì không nằm trong quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mặc dầu đã có các quy định pháp lí rõ ràng minh bạch như vậy, nhưng Lê Thanh Hải lúc đó là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bất chấp luật pháp vào đạo lí, chỉ đạo thuộc hạ của mình sử dụng "bàn tay sắt" đập phá tan tành trên 3.000 căn nhà của dân nghèo nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Máu và nước mắt, mồ hôi và thương tích, nỗi đau chồng chất nỗi đau, tai hoạ cứ dồn dập ập đến từng hộ dân bắt đầu từ đây như một quy luật thất đức của những kẻ nắm quyền lực làm liều. Tôi còn nhớ, khi lực lượng cưỡng chế đập phá nhà dân, Trần Trung Thiên - nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch phường Bình An và Chủ tịch phường An Phú chỉ tay vào mặt người dân đang khóc : "Nếu tao không đập bỏ được nhà mày thì ngày mai tao cởi áo về chăn trâu".
Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạch ?
Ngày 23/3/1998, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký văn bản "liên kết" số : 1074/UB.TP-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Ngày 10/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số : 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Tuy việc điều chỉnh này không ảnh hưởng gì tới Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mặt khác, ngày 8/8/1998, Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về công tác quy hoạch đền bù khi thu hồi đất của dân và tái bố trí dân cư trên địa bàn thành phố. Nội dung Nghị quyết này nêu rõ : " ...tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định. Những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của nhân dân tại khu vực đó...chính sách đền bù phải đảm bảo tái tạo lại nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số : 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ (1/2000) nêu rõ vị trí giới hạn, phạm vi quy hoạch : Tổng diện tích khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm 748 ha (giảm 22 ha so với Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ vì có Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Thành uỷ ra đời). Trong đó, diện tích đất còn lại : 618 ha (giảm 19 ha), diện tích mặt nước sông Sài Gòn : 130 ha (giảm 3 ha).
Theo Quyết định 13585 của Kiến trúc sư trưởng thành phố thì vị trí ranh giới Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xác định rõ ràng như sau :
1. Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (Quận Bình Thạnh và xa lộ Hà Nội).
2. Phía Nam giáp sông Sài Gòn (phía Quận 7).
3. Phía Đông giáp phần còn lại của phường An Khánh, Quận 2.
4. Phía Tây giáp sông Sài Gòn (Trung tâm Quận 1).
Tuy Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 kèm theo, bao gồm các bản vẽ, sơ đồ và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trong qúa trình thực hiện dự án, từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến UBND Quận 2 đã cố tình dùng mọi thủ đoạn bưng bít thông tin, cất giấu bản đồ quy hoạch chung để tìm cách đánh tráo khu tái định cư 160 ha đã được quy hoạch để "bán ngầm" cho 64 doanh nghiệp, sau đó chỉ có 51 doanh nghiệp được giao đất tại khu đất vàng này mà tổng nguồn thu khổng lồ từ hành vi "bán lẻ Tổ quốc".
169 ha đất này chui vào túi ai và số tiền này đã sử dụng vào mục đích gì, hiện còn hay mất thì không ai hay biết ?
***************
Bài 2. ‘Nhiệt tình’ cộng làm liều = phá hoại !
Sau khi có quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy họach Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ ngày 4/6/1996. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cử quan chức Nguyễn Văn Đua làm Trưởng Ban quản lý dự án. Lẽ ra, dự án này sẽ được khởi công thực hiện ngay, nhưng vẫn để chậm trễ đến hàng chục năm không hề thực hiện một công đoạn nào. Lí do là Lê Thanh Hải đã chỉ đạo đánh tráo 160 ha đất khu tái định cư cộng thêm 9 ha đất kế cận xung quanh để bán cho 51 doanh nghiệp tổng số 169 ha để tạo thế cho lợi ích nhóm thu lợi bất chính. Số tiền khổng lồ này cho đến tận bây giờ chưa có bất kỳ một cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật nào sờ tới.
Vườn cau kiểng rộng 1 ha của gia đình ông Thường bị lũ cường hào ác bá chặt phá tan tành...
Sau khi 169 ha đất này bị lợi ích nhóm thâu tóm, Lê Thanh Hải bịa ra con bài làm đơn xin Thủ tướng để đánh lạc hướng vụ việc trước dư luận về hành vi cố ý làm trái của mình "bán trời không văn tự". Tuy nội dung Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi 930 ha đất, thế nhưng mãi tới 6 năm sau, ngày 04/01/2002, Lê Thanh Hải ký văn bản số 70/UB-TH gửi Thủ tướng Chính phủ "Về việc thu hồi đất và đền bù, giải toả, tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Sau khi phát hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị xé nát, điều đó đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định tại Hội nghị thẩm định quy hoạch chi tiết khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tại Hà Nội ngày 10/11/2004. Phát hiện ra sự lừa dân dối Đảng, lừa trên dối dưới.
Để ngăn chặn hành vi bất lương của nhóm lợi ích này, ngày 22/02/2002, Thủ tướng Chính phủ có Công văn hỏa tốc số 190/CP-NN gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục địa chính với nội dung chỉ đạo :
"Cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 930 ha đất (bao gồm 770 ha để xây khu trung tâm đô thị mới và 160 ha đất xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường An Khánh, Bình Khánh, Bình An, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn Quận 2 để giao cho Ban quản lý đầu tư -Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm... nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Theo văn bản hỏa tốc này thì Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ nằm trong 5 khu vực của5 phường nêu trên có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.084 ha.
Để thực hiện trót lọt âm mưu thôn tính và đánh tráo 169 ha trong đó có 160 ha đất xây nhà tái định cư cho dân nhưng đã cấp cho 51 doanh nghiệp thu tiền rồi, trong cùng một ngày 22/3/2002, Lê Thanh Hải chỉ đạo Chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký liền một lúc 2 Thông báo hỏa tốc số 77 và 78/TB-VP với nội dung truyền đạt ý kiến kết luận chỉ đạo của Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, giao Kiến trúc sư trưởng, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770 ha đất của khu trung tâm. Đồng thời ra soát lại quỹ đất trên địa bàn Quận 2, đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha đất để xây dựng các khu tái định cư.
Kể từ khi 2 Thông báo hỏa tốc của Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ra đời thì hàng chuỗi sai phạm nối tiếp sai phạm của một số nhóm người có quyền lực trong UBND thành phố và UBND Quận 2 bắt đầu trỗi dậy. Uy quyền của lực lượng cướp đất và các loại hung khí, máy móc thiết bị hạng nặng với những bàn tay sắt cào cấu sắt thép, tường bê tông, gạch ngói đã liên tiếp uy hiếp và đổ ập lên tấm thân gầy của hàng chục ngàn người dân nghèo phải hứng chịu trong phong trào làm liều này dưới sự chỉ đạo trái đời của người đứng đầu cơ quan hành pháp.
Có cờ trong tay thì phất, các thuộc hạ của Lê Thanh Hải đã nối dài cánh tay lợi ích nhóm từ trên cao xuống. Bọn chúng vung nắm đấm thép, các thuộc hạ như Tất Thành Cang, Thái Thị Hạnh, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Cư, Nguyễn Phước Hưng, Ngyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Vũ Hùng Việt và các tứ chi ăn theo nói leo phục sẵn ở các phường trong Quận 2 đã cùng nhau "xơi tái" trên 1.500 ha trải đều trên khắp địa bàn của 8 phương.
Chỗ nào có quyết định đất thu hồi thì đều có dòng chữ : "Căn cứ vào Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Vậy là "mượn gió bẻ măng" kể cả những khu đất ở gần cầu Rạch Chiếc, ở phà Cát Lái... cách Trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ 10-20 km cũng được coi là nằm trong Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ?
Dân chịu hết nổi, lên trời kêu cứu thì giá vé lên vũ trụ quá cao, rủ nhau ra Hà Nội biểu tình hay kéo băng ron khẩu hiệu đứng trước cửa Đoàn Đại biểu Quốc hội hay Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng hoặc mòn mỏi đứng trước cửa UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, đi tới đâu người dân cũng bị cái lưỡi không xương nhiều đường lèo lái, gian manh, bịp bợm năm này qua năm khác, để đạt được mục đích là đẩy người dân Thủ Thiêm vào bước đường cùng.
Xét cho cùng, nếu không có sự chỉ đạo của Lê Thanh Hải từ nội dung 2 Thông báo hỏa tốc thì chắc chắn rằng trên 3.000 nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch sẽ không bị bọn cường hào đập phá tan tành, hàng ngàn ha đất của dân đang sản xuất sẽ không bị thu hồi trái phép và nỗi đau chồng chất của hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm cũng không bị dày xéo kéo dài thê thảm đến suốt 23 năm nay !
Đọc đến đây thì ắt rằng bà con ta ai cũng đã nhận ra rõ bản chất và hành vi của kẻ cầm đầu xé nát quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ? Từ đây bà con Thủ Thiêm có thể khẳng định điều Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát ngôn gian dối : "Bà con cứ yên tâm, hiện nay chúng tôi đã hình dung ra được ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm rồi".
Thật quá trơ trẽn vì một dự án lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai suốt 23 năm nay, vậy mà Chánh văn phòng nội các của một cơ quan hành pháp cao nhất thành phố lại phát ngôn vu vơ đến thế ?
Còn Thanh tra Chính phủ tại nội dung Thông báo 1483 và Kết luận của Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng cùng nhau khẳng định một cách hồ đồ.
Trong khi đất bị thu hồi ở gần phà Cát lái (giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và gần cầu Rạch Chiếc (giáp ranh với Quận 9) thì cho là trong ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Còn 4 ha đất tại Khu phố 1, phường Bình An, gíap khu đô thị mới Thủ Thiêm thì ngang nhiên dùng quyền lực trá hình khẳng định "trong ranh", vì vậy người dân ở địa phương cũng kiên quyết ra kết luận truyền miệng gọi quý quan này là "ma ranh" hay "cò ranh" !
Khi xem xét kỷ nội dung 2 Thông báo hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thì mới nhận ra một điều, đó là "gậy ông lại đập lưng ông" hay "chính mình tự dối trá mình". Vì nội dung 2 Thông báo này nêu rõ phải thu hồi đủ 160 ha đất tái định cư :
"Không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn Quận 2. Có thể xem xét thu hồi đất tại những khu vực tư, có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng".
Tại sao 51 doanh nghiệp đã được Lê Thanh Hải xé nát 160 ha khu đất tái định cư giao cho họ rồi bỏ bị hoang suốt 23 năm nay sao không thu hồi như nội dung chỉ đạo nêu trên. Hay vì đã vướng chuyện "tiền trao, cháo múc" ? Hay "Ai nỡ xa, để lòng mãi vấn vương ?". Trong khi đó, nội dung Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là quyết định phê duyệt có giá trị pháp lý cao nhất quy định : "Khu tái định cư 160 ha nằm giáp ranh với Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm".
Đúng là quy trình thực hiện dự án này của Lê Thanh Hải là lừa trên dối dưới, cãi lộn với chính mình ! Chính nhờ quy trình này mà hàng chục ngàn ngưới dân bị mất việc làm, mất nơi ăn chốn ở, vợ chồng, con cái, cháu chắt, ông bà trong gia đình bị tán gia bại sản phải ly tán sống chui nhũi vào các khu nhà ổ chuột tạm cư để tá túc lánh nạn.
Điều chỉnh quy hoạch một đường, làm một nẻo ?
Sau khi có 2 Thông báo hỏa tốc của Lê Thanh Hải chỉ đạo, ngày 5/4/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh có "Tờ trình" số 1090/KTST-QH gửi Thường trực UBND thành phố với nội dung khẳng định ranh giới, phạm vi điều chỉnh quy hoạch :
Về vị trí khu vực quy hoạch : nằm ở các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần của các phường : An Khánh, Bình Khánh và Bình An thuộc Quận 2.
Về ranh giới chỉ có một yếu tố thay đổi là : bản đồ quy hoạch trước quy định : Phía Bắc giáp sông Sài Gòn và xa lộ Hà Nội. Nay đổi lại : Phía Bắc giáp sông Sài Gòn đối viện với quận Bình Thạnh và một phần đất của phường An Khánh. Diện tích khu vực quy hoạch vẫn đảm bảo lấy đúng quy định theo Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Như vậy cần khẳng định rằng, trong nội dung Tờ trình số 1090/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố ký ngày 5/4/2002 và Quyết định số 13585/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh ký ngày trước đó vào thời điểm 16/09/1998 thì vị trí, ranh giới vẫn còn 3 khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch. Chỉ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, không liên quan và cũng không ảnh hưởng gì tới khu đất tái định cư 160 ha ! Mặt khác, Văn bản số 4945/CV-GTĐ của Giám đốc Sở địa chính - Nhà đất thành phố gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/5/2002 đề xuất vị trí Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng y như nội dung Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Ấy vậy mà một số quan tham cố ý làm trái dùng quyền lực cá nhân tự biến dự án này thành "vùng đất lắm người nhiều ma" các quan tham này tự phân chia cát cứ và tự ký văn bản theo luật rừng của cá nhân mình.
Điều phi lí là cũng trong ngày 3/5/2002, Nguyễn Văn Đua, Trưởng Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ký Tờ trình số 06/TT-BQL gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh xin được thu hồi và giao đất cho dự án. Phần trên thì trích dẫn lung tung và chấp hành Quyết định phê duyệt 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn phần dưới thì nêu lung tung về ranh giới tại nhiều phường : An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh... thuộc Quận 2. Đây là âm mưu bành trướng muốn chiếm đoạt đất ở tất cả các phường này nên Đua không nêu rõ những khu phố nào của phường nào !
Cũng trong cùng ngày này, Phó Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất thành phố Nguyễn Thanh Nhàn ký báo cáo gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại Văn bản số : 4945/CV-GTĐ khẳng định : "Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình thuộc Tổng cục địa chính cắm mốc ranh giới cụ thể với diện tích 659 ha. Căn cứ vào vị trí ranh giới của văn bản này thì sau khi cắm mốc ranh giới vẫn còn tồn tại 3 khu dân cư không bị giải tỏa (Khu phố 5+6 phường An Khánh. Khu phố 1 phường Bình An. Khu phố 1+2 phường Bình Khánh.
Điều mà giới trí thức, luật sư, cán bộ đương chức, cán bộ hưu trí và dư luận xã hội, đặc biệt là hàng ngàn người dân tại dự án bức xúc nhất và đặt câu hỏi :
- Tại sao diện tích thu hồi đất củ Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm giảm khoảng 80 ha mà các khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch cũng như diện tích đất bị thu hồi mở rộng ra đều khắp đến 8 phường. Đây có phải là hành vi "mượn gió bẻ măng" để tạo phong trào cướp đất của dân ?
**************
Bài 3. Lừa trên dối dưới, đánh tráo quy hoạch, phá nát nhà dân, cướp đất làm giàu bất chính !
Bất chấp luật pháp và đạo lí, bất chấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau khi Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (hiện đã bị khởi tố bắt tạm giam) "tự trình làng" một tờ Bản đồ số 02/BĐ-BQL về "ranh dự kiến giao đất trong tương lai" của Sở Địa chính - Nhà đất.
Nhà ông Nguyễn Phi Thường bi đập phá thành đống gạch vụn
Lẽ ra, Lê Thanh Hải chỉ đạo Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm và UBND Quận 2 thu hồi đúng diện tích đất như nội dung đã được điều chỉnh giảm theo đúng Văn bản số 1642/CP-CN ngày 14/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện đúng theo quy hoạch điều chỉnh tỷ lệ 1/2000. Ngược lại, Vũ Hùng Việt - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ mới chiếm dụng được đất xây biệt phủ đẹp nhất khu vực quay mặt ra bờ sông Sài Gòn quanh năm gió lộng tứ bề.
Nhìn ngôi biệt phủ này, tôi liên tưởng cách đây gần 300 năm Nguyễn Du đã có ghi chép lại cảnh đẹp hoàng hôn ấy :
"Gương Nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân".
Có lẽ do tâm trạng sảng khoái, nên Vũ Hùng Việt bàn với Nguyễn Văn Đua lấy bản đồ có "ranh quy hoạch dự kiến trong tương lai" là cẩm nang lừa bịp dân của Đào Anh Kiệt làm căn cứ pháp lý để ban hành 2 Quyết định số : 6565 và 6566/QĐ-UB. Vũ Hùng Việt ký luôn Quyết định 1997/QĐ-UB thu hồi và giao đất có nội dung trái pháp luật để làm căn cứ mở chiến dịch" phản dân hại nước, coi thường luật pháp tạo đà cho một số quan dịch ở Quận 2 làm bậy. Trong số này có Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Cư, Thái Thị Hạnh, Nguyễn Phước Hưng... cùng đàn em thân tín phản nước hại dân ở một số phường thi nhau "kẻ nách thước, người tay đao / Đầu trâu mặt ngựa xông vào đuổi dân".
Tại thời điểm 2014, khi đoàn công lực của chính quyền Quận 2 đang tiến vào đập phá tan tành khu vực có hơn 3.000 nhà dân nằm ngoài ranh quy họach, tôi còn nhớ nhiều cụ ông, cụ bà quê Xứ Nghệ ôm mặt khóc : "tuổi thanh xuân cống hiến cho đất nước. Nay về già tan cửa nát nhà. Mi chộ (thấy) chưa, đời choa (bọn tao) khổ đau như nứa đó ! Thôi trở về quê cũ thôi. Cụ bà ngồi bên cạnh tôi đọc tiếp hai câu Kiều làm tôi liên tưởng giật mình :
"Ở đây âm khí nặng nề
Bóng chiều đã ngã, dặm về còn xa".
Khi tận mắt nhìn thấy cảnh tan cửa nát nhà, người dân cứ ôm mặt kêu trời, tài sản dành dụm cả đời người bỗng chốc thành mây khói và những đống gạch vụn vùi lấp. Tôi chợt nhớ về hai câu thơ của Bùi Minh Quốc :
"Ngoảnh mặt phía nào cũng không kìm cơn mửa
Của một thời đểu cáng đã lên ngôi".
Một cụ già tóc bạc phơ quê gốc Quảng Bình nói với chúng tôi : "Bọn mi nên nhớ những ngày hôm nay để sau này ghi vào sử sách nhe.
Vì dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết phải tra Google ".
Mấy anh em chúng tôi cười ra nước mắt. Vì chính kiến chính quyền ở thành phố này làm quy hoạch dự án đầu tư theo kiểu "Rút ra rồi lại thụt vào". Vì trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì không có chuyện dành diện tích 80 ha đất chỉnh trang đô thị. Vậy mà khi tìm cách đánh tráo 160 ha đất xây nhà tái định cư cho dân thì bọn quan tham lại tìm cách đưa vào bản đồ quy hoạch 80 ha đất chỉnh trang đô thị. Thật là :
"Lấp liếm làm liều lếu láo
Lụi luồn lách léo leo lên".
Trở lại cái Quyết định 6565 của Nguyễn Văn Đua- Trưởng Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm ký ngày 27/12/2005. Điều 2 của quyết định này nêu rõ : "Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ". Khi xem xét kỹ và tra trên google thì trên thế giới chưa có một đất nước nào để xảy ra hiện tượng này. Đây là vấn đề độc nhất vô nhị xảy ra ở Việt Nam. Vì trong tất cả các bộ luật của Việt Nam không có chỗ nào quy định, Phó chủ tịch của một địa phương lại có quyền ký quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ - người đứng đầu cơ quan hành pháp của một dân tộc ? Ấy vậy mà ông Đua làm ngọt xớt.
Điều đáng nói là Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại nhiệm kỳ đó lẽ nào không hay biết ? Chắc lại "rút kinh nghiệm sâu sắc ?". Vào thời điểm những năm 2018 trở lại nay, mặc dầu ở quá xa nhưng chúng tôi đã rất nhiều lần trở lại hiện trường Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khi được hỏi chuyện khiếu kiện của bà dân oan ở đây, chúng tôi đều nhận được các câu trả lời : "Khởi kiện ra tòa thì dân thua một trăm phần trăm.
Gửi đơn lên Trung ương thì họ bảo chờ. Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố lâu lâu gặp mặt cứ bảo "bà con yên chí". Kéo nhau ra Hà Nội thì họ ra rước về... Đất ở phà Cát lái, cầu Rạch Chiếc... cách xa Khu đô thị Thủ Thiêm từ 10-20 km thì họ giải thích nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới TTT. Còn đất ở Khu phố 1, phường Bình An thì họ bảo nằm ngoài ranh quy hoạch ? Họ tráo trở như bàn tay kiểu gì cũng được.
Khi hỏi tới đây ai sẽ giải quyết cho bà con, cụ già quê xứ Quảng nói với tôi một câu thật chí lí. Cụ bảo, khi tôi còn đi học phổ thông, tôi đọc tập "Nghỉ cạnh dòng thơ" của Chế Lan Viên tôi thấy ông Viên rất thích thú hai câu thơ Đường ấy. Bút danh của tôi là Chả tôi cũng rất thích, cụ đọc và diễn giải cho tôi nghe về cái triết lý ở đời trong cái vung trời đậy lại vào lúc hoàng hôn đang buông thả trên vùng đất vàng Thủ Thiêm đầy máu và nước mắt :
"Vô hạn hạ miêu khô dục tận
Du du nhàn xứ tác kỳ phong".
Nghĩa là, cây lúa miêu ở dưới đất bị nứt nẻ không còn nước để sống, nhưng trên Trời mây luôn tạo ra các hình núi nhởn nhơ bay chơi từ nơi này qua nơi khác. Tôi bảo bà con cứ kiên trì gửi đơn khiếu nại những gì mình bị oan từ cơ sở phường đến Trung ương. Đặc biệt bà con không nên manh động vì manh động là vi phạm pháp luật bị bắt bớ giam cầm tội nghiệp. Họ bảo, các chú ơi trên đời này có ai mà phải bỏ tất cả công việc nhà đi khiếu kiện đòi quyền lợi hơn 22 năm nay ? Trong khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp chỉ có 9 năm thôi ! Nhiều người dân cho biết, sắp tới đây chúng tôi sẽ đi đòi quyền lợi trực tiếp, chứ không tin vào báo chí nữa, bởi báo bây giờ cũng bị cấm đăng, cấm viết sâu sắc và đúng sự thật.
Trở lại cái Quyết định 6565/QĐ-UB nêu trên của Nguyễn Văn Đua ký, khi thấy ngưòi dân phát hiện và phê phán thì ngày hôm sau ông Đua lại ký tiếp Quyết định 6566/QĐUB sửa sai Điều 2 của Quyết định 6565. Trong nội dung Quyết định 6566 lại rút 80 ha đất chỉnh trang đô thị ra ngoài và chỉ phê duyệt 657 ha đất của khu trung tâm. Việc đưa vào rồi lại rút ra là cố ý làm trái Điều 13 của Luật Xây dựng. Tất cả những hành vi này đều tìm cách khỏa lấp việc đánh tráo 160 ha đất tái định cư đã "ngầm bán" cho các đại gia phân lô từ 5 năm, mười năm, 15 năm về trước rồi. Nay phải sửa đổi trên giấy tờ cho hợp lệ theo kiểu "Lấy vải mùng che mắt thánh".
Điều minh bạch nhất là 80 ha đất chỉnh trang này hoàn tòan không có trong bản đồ quy hoạch được duyệt theo thiết kế của Công ty SaSaKi (Mỹ) là đơn vị trúng thầu thiết kế với giá 600.000 USD tại thời điểm cách nay hơn 20 năm về trước. Và 80 ha này cũng không hề có trong nội dung các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Trong khi 80 ha này chỉ là bịa đặt trên giấy còn thực tế quan tham đầu đàn đã bán hết từ lâu !
Khi hỏi về vấn đề chế biến đất thành phẩm trên giấy, các cụ cao tuổi ở phường Bình An bức xúc :
"Đưa vào rồi lại rút ra
Dùng quyền lật lọng mới là quan tham".
Các cụ còn giải nghĩa về tâm linh cho chúng tôi nghe, theo Luật Nhân quả thì trên đời này ai ở ác thì chẳng gặp lành bao giờ. Những kẻ cố tình sử dụng quyền lực cố ý làm trái, đập phá hết Nhà thờ, Chùa chiền, nhà nguyện, đình, miếu... đều bị trả giá ngay tại đời họ và đều để lãi suất ác ôn cho con cháu nhiều đời sau. Rồi đây những tên quan tham hãm hại dân sẽ phải trả một cái giá quá đắt. Đồng lương của họ làm sao nuôi nỗi cả gia đình. Vậy mà con cái họ ở biệt thự sang trọng, đi xe hơi đắt giá nhất, thử hỏi bọn chúng lấy tiền đâu ra mà ăn chơi phung phí phè phè phỡn đến thế ?
Dân khổ, quan thi nhau cướp đất thu lợi bất chính !
Trong lúc nỗi đau của trên 15.000 hộ dân nằm trong tổng số 15.853 hồ sơ bị bồi thường giải tỏa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang là điều bức xúc nhất xã hội Việt Nam thì ở tại Quận 2, nơi đang xây dựng dự án đầy máu và nước mắt này các quan tham thi nhau cướp đất công thổ và đât của dân để thu lợi bất chính. Phong trào này nổi lên khắp Quận 2 hàng chục năm nay mà chưa hề có bất cứ cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật nào vào cuộc.
Phong trào cướp đất này, bắt nguồn từ ngày 31/07/1999, UBND Quận 2 ra Thông báo số 217/TB-UB giải quyết bán nền nhà đợt 1 với số lượng 112 nền có diện tích từ 100-200m2/nền, với giá rẻ như cho không (590.000đ/m2). Nội dung của Thông báo này nêu rõ, đối tượng được mua nền là cán bộ công chức, cán bộ hợp đồng ở Quận 2,tiêu chuẩn được xét bán nền nhà đợt 1 phải là người có hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhà ở như đang ở nhà thuê, ở chung với cha mẹ trong một gia đình có nhân khẩu đông. Tất cả các trường hợp thuộc diện được bán nền đợt 1 phải cung cấp bản kê khai ài sản theo quy định của pháp luật về nhà ở trên cơ sở có giấy xác nhận, xác minh của tổ dân phố hoặc khu dân cư nơi người đó từng cư trú trước khi về Quận 2 làm việc. Chủ trương trên giấy là chặt chẽ như vậy, nhưng những kẻ tham nhũng ở Quận 2 "nói và viết một đường, làm một nẻo".
Chính văn bản ký tên đóng dấu này là của UBND Quận 2 là thủ đoạn che mắt người dân và lừa dối cấp trên. Còn khi đi vào thực tế thì họ lật ngược 180 độ. Đau buồn nhất của người dân và cán bộ ở các quận huyện khác là, đợt 1 có 87 cán bộ, công nhân viên "đủ tiêu chuẩn nghèo và cận nghèo" được mua nền nhà thì trong đó có trên 50% số đối tượng là " quan tham lam" tuy đã có quá nhiều nhà, đất ở nhiều nơi nhưng họ cũng cố kê khai man trá để được hưởng lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Tệ hại hơn là có rất nhiều quan chức không thuộc cán bộ của Quận 2, nhưng lại được cấp đất nền có diện tích gấp từ 1,5 đến 4 lần quy định.
Đơn cử như nhiều cán bộ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Quận 2 được mua tại lô C1 : 407,5m2 với giá rẻ như cho (590.000đ/m2), trong khi giá đất ở tại địa điểm này là 200 triệu đồng/ m2. Nguyễn Văn Ân, Đội trưởng Đội thi hành án : 390,6m2. Nguyễn Việt Thắng lô 16 cán bộ Phòng Tổ chức chính quyền quận : 306,1m2. Hoàng Văn Toàn, cán bộ Uỷ ban kiểm tra Quận uỷ : 365,6m2. Nguyễn Thị Minh Trí- Phòng Giáo dục và đào tạo lô 24 : 304,4m2. Nguyễn Thị Thanh, phòng Thống kê quận lô 22 : 300m2. Nguyễn Văn Bình, GĐ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT lô 20 : 153,9m2. Trương Đình Cẩm, GĐ Kho bạc Nhà nước quận, lô 96 : 180m2. Nguyễn Quang Dũng, Kế toán trưởng Ban quản lý dự án "cướp đất" lô 28 : 252,6m2. Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Quận đoàn lô 43 : 147,5m2 và hàng trăm cán bộ khác trong và ngoài quận 2… Chúng tôi có danh sách trong tay nhưng không thể đăng tải lên báo hết được.
Xét về bản chất của vụ việc thì đây là "phong trào" lấy tài sản của Nhà nước cấp biệt thự riêng cho cán bộ thân tín với các quan tham ở quận. Bởi một điều dễ hiểu là : mỗi cán bộ được cấp đất với diện tích khổng lồ như vậy, chỉ cần bán đi 100m2 thôi là có ngay tiền xây biệt thự nằm trên khu đất còn lại rộng mênh mông.
Một sự bất công trắng trợn và trơ trẽn là còn hàng triệu cán bộ khác ở các quận huyện khác có được hưởng đặc quyền đặc lợi tại Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh này không ?
Nỗi uất hận của người dân Thủ Thiêm đã lên tới đỉnh điểm, có hàng ngàn hộ gia đình với hàng chục nhân khẩu đang ngày đêm tìm kế sinh nhai và tá túc trong từng "căn hầm" tạm cư giữa những rừng cỏ um tùm vây quanh như ngưới rừng. Một cán bộ quê gốc Xứ Nghệ khi đứng trên mảnh đất của mình đã bị các quan tham cướp mất, cụ lẩy Kiều :
"Rằng trăm năm nữa từ đây
Của tin xin một chút này làm ghi".
Vì sau năm 1975, cụ ở lại quê hương thứ hai. Nay đã ngoài bát tuần, cụ vẫn thn thở :
"Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non".
Đau thật các chú nhà báo ạ, chúng nó nói làm dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ai ngờ giải phóng mặt bằng lấy đất của dân mở ra thị trường mua bán đất cho các quan tham thu lợi bất chính ! Khi đọc cái báo cáo của Quận ủy Quận 2 ngày 25/2/2005 gửi Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới biết cái cách lụi luồn lách léo của Quận uỷ. Nói đầu hở đuôi, phần trên thì báo cáo, phần dưới thì nói láo. Họ lấp liếm thật trơn tru !
**************
Bài 4. Giọt lệ rơi trên những tấm huân chương !
Khi chúng tôi vừa bước chân vào cổng nhà của vợ chồng ông Lực, bà Giáp ở số B3/15 Bis, Tổ 16, Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh thì nhiều người dân trong khu vực lân cận liền hô hào nhau vác gậy, dao, búa, gạch, đá tiến gần bao quanh áp sát chúng tôi. Họ lớn tiêng : - Ăn cướp hả, huỷ hoại tài sản của dân hả, không còn chỗ nào để ăn nữa hay sao ? Ngưới ta bị tai biến nằm một chỗ các ông có còn tình ngươi nữa không ?
Ông Huỳnh Văn Lực, 97 tuổi, 70 năm tuổi đảng.
Sau mất phút hỏi chuyện, chúng tôi mới biết bà con hiểu nhầm, họ cứ ngỡ chúng tôi là lực lượng vào cưỡng chế ngôi nhà của ông Lực, bà Giáp. Ông Huỳnh Văn Lực năm nay đã 95 tuổi đời trên 70 năm tuổi Đảng, quê của ông ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông Lực tham gia cách mạng năm 1945, tập kết ra Bắc năm 1964. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Giáp năm nay đã 80 tuổi, quê của bà ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Bà Giáp tham gia cách mạng năm 1964. Hai ông bà sống nương tựa vào nhau không có con. Sau ngày miền Nam giải phóng cả hai ông bà được điều động về Nam công tác cho đến ngày được nghỉ hưu. Số tiền hai ông bà dành dụm cả đời, khi về Nam mua được căn nhà nhỏ cấp 4 ở phường Thảo Điền, Quận 2. Ông bà cứ ngỡ là nơi tá túc duy nhất cho những năm tháng còn lại của cuộc đời. Nào ngờ, năm 2000, ông Lực bị bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến đột quỵ nằm một chỗ. Bà Giáp một mình bơ vơ không biết vay mượn vào đâu, đành bán căn nhà lấy tiền chạy chữa thuốc men cho chồng. Số tiền còn lại, bà mua một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu của xóm nghèo thuộc phường Bình An, Quận 2. Suốt 19 năm nay ông Lực nằm một chỗ.
Mười năm về trước, khi bà Giáp còn khoẻ, chiều chiều bà còn đẩy xe lăn chở ông đi châm cứu hàng ngày. Nay bà bị bệnh không đi xa được, ông Lực phải nằm một chỗ vì bị liệt cả hai chân. Đau đớn hơn là hàng ngày ông bà phải chịu cảnh búa máy, xe húc, xe ủi, xe cạp đập phá tan tành hàng ngàn căn nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch. Tiếng la hét của kẻ chỉ đạo cưỡng chế đập phá nhà dân, tiếng gầm rú của lực lượng xe máy, tiếng khóc rên thảm thiết của dân nghèo, tiếng khóc la thèm cơm khát sữa của trẻ em đã tạo nên một luồng âm thanh hỗn độn đến kinh hoàng giữa trung tâm thành phố mang lớn nhất nước.
Ở trong căn nhà nhỏ duy nhất còn lại của vợ chồng ông Lực, bà Giáp. Ông Lực chỉ tay nhờ chúng tôi lấy những tấm Huân, Huy chương treo trên tường nhà mà ông được tặng thưởng trong hai thời kỳ chống ngoại xâm. Ông Lực ôm những tấm Huân chương vào ngực và nâng bàn tay lên, chỉ ngón trỏ ra dấu cho chúng tôi biết về thành tích quá khứ của ông mà dòng lệ trong mắt ông cứ chảy dàn dụa không ngắt quảng như những hành vi vô nhân tính và sự ngược đãi của ông Nguyễn Cư, Chủ tịch UBND Quận 2 đã đối xử với vợ chồng ông trong suốt 23 năm nay. Khi nghe tiếng nhà đổ thành đống gạch vụn ở xung quanh, ông Lực nện đôi gót chân vào cái giường ngủ làm bằng tấm phản : "Ơi trời ơi, ơi Phật ơi, Đảng đi đâu, Chính phủ đi đâu mà để lũ khốn nạn làm càn đến vậy nè ?".
Khi nỗi đau lên tận cổ, mặt ông tím bầm, miện lắp bắp, bà Giáp lại nhanh chóng đưa thuốc và ly nước để ông uống cấp tốc. Bà Giáp cho biết, cứ mỗi lần nghe tiếng đoàn cưỡng chế đập phá nhà dân là trong lòng ông cứ hình dung và bị ám ảnh như tiếng máy bay B52 ném bom ở các tỉnh miền Bắc ngày xưa. Quay trở lại mảnh đất Thủ Thiêm lúc này, với chúng tôi, tai nghe, mắt thấy, tay sờ và cảm nhận được nỗi đau của người dân Thủ Thiêm. Đặc biệt là với trường hợp có một không hai của gia đình ông Lực. Với một cán bộ lão thành cách mạng có 95 tuổi đời, trên 70 tuổi đảng, những năm tháng cuối đời còn bị giặc nội xâm đối xử tàn nhẫn vô nhân tính. Ngay cả những giọt nước mắt cuối cùng trong thể xác, ông Lực tính để đưa về thế giới bên kia sau khi đoàn tụ với tổ tiên ông bà mà trước thời cuộc này ông cũng không thể giữ lại được giọt nào.
Nguồn gốc căn nhà ông Lực bà Giáp đang ở được ông Mai Điển khai thác sử dụng đất hoang từ trước năm 1977. Sau đó ông Điển bán đất cho ông Lập vào năm 1990 xây dựng nhà ở. Năm 1992, ông Lập bán nhà cho ông Nguyễn Văn Chính . Đến năm 2000 thì ông Chính bán nhà cho vợ chồng ông Lực, bà Giáp sinh sống đến hiện nay. Diện tích căn nhà 69,33m2. Theo quy định tại Điều 50, Luật Đất đai thì mọi loại đất có từ 15/10/1993 trở về trước, nếu không bị tranh chấp, có đăng ký sổ bộ địa chính thì đương nhiên được cấp có thẩm quyền phải cấp Giấy CNQSDĐ mà chủ đất không phải đóng thuế. Như vậy, nguồn gốc đất ở của ông Lực, bà Giáp có từ 16 năm về trước so với thời điểm 15/10/1993 và đã qua 4 đời chủ sử dụng. Thế nhưng Nguyễn Cư - Chủ tịch UBND Quận 2 vẫn dùng mọi thủ đoạn để gán ép căn nhà này là tài sản riêng hợp pháp của ông Lực, bà Giáp thành tài sản công của Nhà nước để tước đoạt một cách trắng trợn vô lương tâm.
Ngày 18/4/2011, Nguyễn Cư lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND Quận 2 ký Quyết định số 4954/QĐ-UBND bồi thường và hộ trợ thiệt hại cho hộ bà Nguyễn Thị Giáp bị gỉai tỏa trắng với số tiền là "không đồng" về tiêu chuẩn tái định cư, quyết định của tên Cư ký nêu rõ : "Không đủ điều kiện tái định cư" bà Giáp thấy quá phi lí liền gửi đơn khiếu nại hành vi "cướp tài sản".
Ngày 15/01/2013, Nguyễn Cư ký tiếp Quyết định số : 311/QĐ-UBND bồi thường tài sản và căn nhà một trệt một lầu cho ông Lực, bà Giáp số tiền 9.621.500đ (chín triệu, sáu trăm hai mốt ngàn, năm trăm đồng). Về tiêu chuẩn tái định cư được mua căn hộ chung cư theo giá tái định cư với diện tích tiêu chuẩn là 7,75m2. Khi đọc các quyết định của Cư ký, bà Giáp quá bức xúc :
"Trên đời này tôi chưa thấy một ai mà xử sự tàn nhẫn, độc ác với gia đình lão thành cách mạng như tên Nguyễn Cư ! Căn nhà tôi mua 200 triệu đồng từ năm 2000 vậy mà tên cư ký 2 quyết định chỉ bồi thường 9,6 triệu đồng. Trong khi hàng nghìn căn nhà khác thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê thì tên cư ký bồi thường từ 3-7 tỷ đồng/ căn. Đúng là bồi thường kiểu côn đồ, xã hội đen...Tôi biết cha của hắn là một tên lính nguỵ ác ôn ở miền Trung nên hắn mới trả thù những gia đình lão thành cách mạng như gia đình tôi !".
Trước nỗi đau này, bà Giáp còn cho biết thêm : cái chuồng chó của gia đình nó rộng gần 20m, trong khi nó bồi thường cho tôi 9,6 triệu đồng không đủ mua một cái hòm và cho tôi mua nhà tái định cư 7,75m2 thì không bằng một nữa cái chuồng chó của nhà nó, làm sao tôi sống ?
Nỗi đau nát lòng của những cán bộ lão thành cách mạng !
Sinh ra ở phường Tân Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nhỏ (Hai Nhỏ) tham gia kháng chiến chống pháp năm 1947, tập kết ra Bắc năm 1954. Suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, ông đều có mặt trên các chiến trường ác liệt. Với 70 năm tuổi Đảng, 90 tuổi đời. Trong suốt 40 năm phục vụ trong quân đội ông đã dược tặng thưởng "cả đống" Huân, Huy chương các loại. Ông cũng là Thương binh loại 4/4, bà mất 13 năm nay, ông phải sống cảnh đơn côi " tự biên, tự diễn " và kiêm luôn đạo diễn trong phần còn lại của cuộc đời.
Vào năm 1977 vì không có chỗ trú thân cho các con, vợ chồng ông tự khai phá 250m2 đất hoang hóa thuộc phường Bình An, được ông Bùi Văn Tình- Bí thư Huyện uỷ Thủ Đức (nay là Quận 2), nguyên Chủ tịch Khu cư xá công nhân ký giấy xác nhận cho phép ông Hai Nhỏ sử dụng làm nhà ở. Giáp ranh nhà ông Nhỏ là nhất, đất của ông Tình có cùng nguồn gốc đất, cùng thời điểm khai hoang như nhau. Thế nhưng khi đền bù gởi tỏa thì toàn bộ nhà đất con, cháu gia đình ông Tình được bồi thường thỏa đáng. Còn gia đình ông Nhỏ chỉ có một căn nhà xây kiên cố từ năm 1988, có xây phép xây dựng, có số nhà hẵn hoi, suốt 42 năm khai hoang sử dụng đất và 31 năm gia đình ông nhỏ làm nhà ở sinh sống tại đây không hề xảy ra tranh chấp. Vậy mà Nguyễn Cư ký Quyết định bồi thường với giá rẻ mạt. Chúng luôn đưa cái mạc đảng viên của tôi ra hù doạ, khủng bố tôi suốt hàng chục năm nay. Các con tôi sợ mất miếng cơm manh áo đành phải bỏ nhà ra đi ly tán mỗi đứa một nơi. 250m2 đất thổ cư của tôi mà lũ ác ôn tuyên bố chỉ bồi thường trên 100 triệu đồng để chúng cướp luôn giao cho nhà đầu tư bán với giá 360 triệu đồng/m2. Dã man hơn là tụi nó còn tuyên bố, nhà do vợ tôi đứng tên, nay bà ấy đi chầu tiên tổ rồi, ông chỉ được bồi thường 100m2 đất của suất ăn theo bà ấy thôi.
Vì tuổi cao, sức yếu tôi đành ngậm đắng nuốt cay với thời cuộc và gửi đơn xin mua 2 cái nền tái định cư cho các con mà lũ côn đồ do Nguyễn Cư cầm đầu chúng kiên quyết không cho. Trên đời này tôi chưa thấy ở bất kỳ địa phương nào mà xử sự với gia đình cách mạng tàn nhẫn như ở đây. Ông Nhỏ đứng dậy cầm cái huy hiệu 60 năm tuổi đảng được trao tặng từ năm 2010, ông lau nước mắt : "Đảng ta đâu có chủ trương như vậy, Nhà nước ta cũng vậy, chỉ có phái đoàn của Lê Thanh Hải mới làm vậy thôi !".
Không những cá nhân ông Hai Nhỏ mà ngay cả các con của ông cũng bị vạ lây dịch "vi rút phá nhà dân" mà người dân còn gọi là "vi rút Thủ Thiêm" là loại vi rút gây chết người từ từ hàng loạt.
*******************
5. Nguyễn Phú Trọng phải ‘đốt’ vụ Thủ Thiêm thì dân mới tin !
Tôi kiên quyết không để lũ làm càn đập phá nhà của tôi vô cớ vì gia đình tôi không còn chỗ ở nào khác ! Đó là lời tuyên bố cố thủ tại nhà riêng của ông Trần Đình Chương, 88 tuổi nguyên là sĩ quan quân đội nghỉ hưu.
"Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
Khi chúng tôi vừa dừng xe trước cửa nhà ông, 6 người con của ông đều cầm dao búa, gậy gộc ra ngăn chặn. Sau vài câu trao đổi, cha con ông nhận ra chúng tôi là nhà báo, ông bảo : "Tao cứ tưởng bọn cướp nhà ở Quận 2, thông cảm nhá !".
Nhà ông Chương ở số 12/17, Tổ 61, Khu phố 5, phường An Khánh, Quận 2 cũng bị cưỡng chế giao mặt bằng cho Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng do giá cả bồi thường qúa bọt bèo không thể tái tạo lại chỗ ở cho bốn thế hệ, nên gia đình ông không đồng ý mà phải chống chọi " lũ bớt xén" đến cùng.
Ông Chương tham gia cách mạng năm 1949, tập kết ra Bắc 1954, sau giải phóng miền Nam vợ chồng ông vào Nam công tác, Năm 1986, ông mua 1.300m2 đất hoang hóa đổ đất cất nhà ở, được Nhà nước cấp chủ quyền từ năm 1989, ông bà chia cho 7 người con mỗi người 160m2 xây nhà lập gia đình riêng. Ông Chương tham gia suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bốn người con trai cũng đều tham gia kháng chiến chống giặc. Ông kể, những năm gần đây tôi và bà vợ làm bảo vệ không lương. Ngày nào cũng ngồi canh cửa đề phòng lính của Lê Thanh Hải ập đến làm càn. Trước đây do sơ suất mất cảnh giác và tin tưởng vào cái thứ "đạo lý giả tạo" của tên Hải. Vậy mà, chỉ trong chớp nhoáng lũ sói đã đập tan tành căn nhà chính của tôi có diện tích 172m2. Tụi nó chỉ bồi thường với giá rẻ mạt trong phạm vi 100m2. 7 căn nhà xây dựng kiên cố còn lại của 7 đứa con tôi chúng chỉ bồi thường 50.000đ/m2 nên vợ chồng tôi hằng ngày phải túc trực không cho chúng vào làm càn. Kẻác ôn Nguyễn Cư hiện nay đang làm Bí thư Quận 12 từng tuyên bố : cả 8 căn nhà của gia đình tôi đều xây dựng trên đất nông nghiệp nên không được mua nhà tái định cư. Nếu nhận số tiền bố thí của tụi nó thì mấy chục con người của 4 thế hệ trong 8 gia đình sẽ đi về đâu, hoặc là ăn xin, hoặc là đứng đường, hoặc là đi trộm cắp cướp giật ngoài đường thì mới tồn tại cuộc sống màn trời chiếu đất ?
Đoàn cưỡng chế hay nhóm côn đồ làm thuê ?
Ngoài các gia đình có truyền thống cách mạng lâu đời như gia đình ông Nhỏ, ông Chương, ông Lực, Thiếu tướng Hải... còn có vô vàn trường hợp khác đều bị chính quyền Quận 2 đối xử hết sức tàn nhẫn.
Trường hợp chị Phạm Thị Vinh quá bi đát, cha mẹ mất sớm, chị Vinh bị bại liệt cả hai chân từ nhỏ, sống đơn côi một mình phải chống tới hai cái nạng gỗ mới di chuyển được. Căn nhà chị Vinh đang ở tại phường Bình An, trước giải phòng miền Nam, nơi đây là kho chứa rác thải của chế độ cũ. Chị Vinh nhờ nhiều người dọn dẹp rác rồi làm chỗ tá túc trú thân. Đến năm 1990, nhờ các nhà hảo tâm từ thiện giúp đỡ, chị Vinh mua thiếu vật liệu xây dựng diện xóa đói giảm nghèo xây căn nhà cấp 4 gắn với diện tích đất hoang hóa 177,25 m2 do Công ty Phát triển nhà huyện Thủ Đức (nay là Quận 2) đo đạc và cấp phép cùng bản vẽ pháp lý. Vậy mà khi thu hồi nhà và đất nằm ngoài ranh quy hoạch, chị Vinh chỉ được bồi thường 55m2 với tổng số tiền 93 triệu đồng. Số diện tích còn lại 122,25m2 chui vào túi ai ? Số tiền bồi thường 55 m2 không mua nỗi 1/4 m2 đất tại dự án (350 triệu đồng/m2).
Khi đề cập tới hoàn cảnh chị Vinh - một người tàn tật suốt đời, nhiều cán bộ lão thành bức xúc : "Những hoàn cảnh đặc biệt như cô Vinh mà chúng nó còn trấn lột, thử hỏi còn tội ác nào hơn thế nữa ?". Ông Năm Chương, ông Hai Nhỏ đều cho rằng : "Tội lừa đảo và bớt xén tiền bồi thường của người tàn tật là tội dã man nhất trên đời !".
Khi chúng tôi tận mắt nhìn thấy cảnh tan hoang đổ nát ở khu vườn kiểng rộng 1 ha của gia đình ông Nguyễn Phi Thường sĩ quan quân đội nghỉ hưu, thương binh 3/4 mất sức lao động trên 61% ở số nhà 23/5B, đường Trần Não, Khu phố 2, phường Bình Khánh, Quận 2 thì mới thấy nỗi đau chua xót đến quá sức tưởng tượng. Khu đất 9.670m2 của 6 anh em ông Thường cùng một số bạn bè hùn vốn mua vào thời điển 2001 đầu tư hàng tỷ đồng trồng cây cảnh. Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai và cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Khu đất này nằm cách ranh quy hoạch gần 1 km. Tuy không có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND Quận 2 vẫn cho đoàn làm thuê đến đập phá tan tành (ảnh).
Nghiệt ngã hơn là lũ làm càn còn bất chấp tất cả các quy định của pháp luật và đạo lí. Ngay cả những căn nhà của hộ bà Lê Thị Thu Hương, hộ bà Nguyễn Thị Kim Phượng và hàng ngàn căn nhà khác thuộc điện đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh bán nhà theo Nghị định 61 đã được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng bọn chúng vẫn cố tình hủy hoại. Rồi đến là nhà ông Lê Văn Lung, ông Khương (gia đình liệt sĩ), nhà bà Tám Bay, đất ông Phương, nhà ông Vinh...nhà thờ, nhà nguyện, Chùa Liên Trì... đều bị bọn vô lại xã hội đen thôn tính hết.
Ngay cả những cán bộ công tác tại phường mà không chiều theo ý cướp đất cướp nhà của những tên côn đồ đứng đầu chỉ đạo như Đặng Trung Thiên, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Bình An thì cuộc đời và gia đình họ cũng khó sống ! Trường Hợp ông Nguyễn Văn Thanh, sĩ quan quân đội chuyển ngành, ông tham gia suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ không thiếu một ngày nào. Tại thời điểm đang có "phong trào" của Lê Thanh Hải đập phá nhà dân, ông Thanh lúc đó là Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Bình An, nhưng do không tuân thủ hành vi đập phá nhà dân thì ngay lập tức 70 m2 đất nhà ông không được bồi thường đồng nào. Căn nhà gia đình ông đang ở cùng với cái chức Chủ tịch của ông cũng quyện lẫn với đống gạch vụn trong giây lát. Thất nghiệp, vợ chồng ông ra vỉa hè che vải mủ bán cà phê cóc kiếm sống qua ngày.
"Kể sao xiết muôn phần nhục nhã
Văn minh chi khai hóa chi chi".
Ngay cả những gia đình liệt sĩ như gia đình ông Tô Văn Lượm, sinh năm 1948 là con trai Liệt sĩ Trắc Tấn Bi. Cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ mất sớm. Ông Lượm mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Suốt bao nhiêu năm gia đình ông sinh sống trong cảnh đói khổ tại căn nhà có diện tích chỉ 31,27m2 ở số 512A, Tổ 5, ấp 3, phường An Lợi Đông, Quận 2. Nguồn gốc đất ở ổn định có từ trước 1975.
Vậy mà khi đoàn cướp đất của Quận 2 do Nguyễn Cư, Nguyễn Phước Hưng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quận dẫn đầu đập phá tan tành và chỉ bồi thường số tiền 48,7 triệu đồng không đủ mua 0,3 m2 đất tại dự án. Trong khi đất này sau khi quận 2 giao cho Công ty Đại Quang Minh (một đại gia nỗi cộm nhất Thủ Thiêm) bán lại cho dân với giá 350 triệu đồng/m2. Vì nỗi đau của gia đình Liệt sĩ này cứ cắt cứa rớm máu ngày đêm và lây lan khắp các thành viên trong gia đình. Ông Lượm gửi đơn khiếu nại. Nguyễn Cư- Chủ tịch UBND Quận 2 ký ngay Quyết định đẩy ngay gia đình Liệt sĩ này vào ngõ cụt. "Cho cả gia đình mày đi ăn xin luôn !".
Nói xong, Cư ký Quyết định số : 5940/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung Quyết định số : 5789/QĐ-UBND do hắn ký trước đó. Quyết định sau Cư mượn sách Hít-Le điều chỉnh : "Tiền bồi thường nhà, đất và tài sản : Không đồng !. Tái định cư : "Không đủ tiêu chuẩn !". Từ đó, gia đình liệt sĩ này phải đi lượm ve chai kiếm sống.
Tương tự, gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Dương. Bà Vũ Thị Đàn, 77 tuổi là vợ Liệt sĩ đang sống trong căn nhà ở C24/9, nằm trên diện tích 155,52m2 thuộc Khu phố 1, mặt tiền đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, Quận 2. Đất và nhà ở hợp pháp, được cấp sổ hồng từ 1989. Chồng bà hy sinh năm 1972. Bà Đàn chia căn nhà này thành 3 căn cho 3 đứa con làm chổ sinh sống riêng. Vậy mà Nguyễn Cư và Nguyễn Phước Hưng cùng đoàn cướp đất, cướp nhà ập đến đập phá tan tành rồi bồi thường theo mức giá "bố thí". Đứng bên đống gạch vụn, bà Đàn lau nước mắt, xúc động đến căm phẫn :
"Đối với gia đình tôi, chúng còn hãm hại đến thế, huống chi người dân thường ở đây chúng còn đối xử tàn nhẫn hơn nhiều. Nhiều ngừơi bị đánh đập, bắt trói như heo, bị chết oan, bị thắt cổ tự tự... Đau lắm các chú ạ !".
Không thể giải quyết nỗi đau Thủ Thiêm khi chưa đưa củi vào lò (!?)
Suốt 23 năm nay "nỗi đau chồng chất nỗi đau" của người dân Thủ Thiêm đã lên tới đỉnh điểm. Nhiều quan chức địa phương cứ tìm mọi cách lụi luồn lách léo liếm láp để hứa lèo hứa cuội với dân. Một kiểu hành vi dội thêm tội ác vào dân ! Xét về bản chất vụ việc và hành vi thực hiện thì những lời hứa cuội đó dẫn tới sự nguy hiểm nhất là làm người dân lâm nạn nhiều thứ bệnh. Trong đó căn bệnh nặng nhất là bệnh "ghét chính quyền".
Mục tiêu của số cán bộ này là nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc để trút hết nỗi đau cho những người kế nhiệm. Ông bà nào cũng muốn giữ cái ghế yên vị của mình để mà : một là về hưu an toàn. Hai là chuyển công tác lên bậc cao hơn. Ba là mình có dính chàm trong đó nên phải im lặng. Bốn là hy sinh đời bố cũng cố đời con. Năm là dù sao thì đó cũng là anh hai, anh ba, anh tư của mình hết... !
Điển hình như vụ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, những lần tiếp xúc cử tri Quận 2, vào thời điểm 2014-2015 bà Tâm khẳng định : "Đối với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố Hồ Chí Minh luôn tìm mọi phương án tạo công ăn việc làm và bồi thường thỏa đáng cao nhất cho bà con. Yêu cầu bà con chấp hành để thành phố thực hiện dự án. Nếu ai không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, vì thời lượng tiếp xúc cử tri chỉ có... 2 giờ thôi. Chào thân ái và tạm biệt !".
Ngay lập tức, người dân đã nổi khùng làm náo loạn cả hội trường (ảnh). Nhưng khi bước vào giai đoạn ông Tổng-Tịch sắp đốt lò và đốt cỏ ở Thủ Thiêm thì bà Tâm lại khẳng định : "Với Thủ Thiêm luôn là bài học sâu sắc đau xót nhất của thành phố, hôm nay dù đến 19 giờ tối, tôi vẫn phải ngồi lại để lắng nghe hết nỗi niềm, nguyện vọng, tâm tư của bà con phản ảnh. Tôi sẽ đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành giải quyết những bức xúc cho bà con ngay !" thế rồi, mấy hôm sau bà gói trọn lời hứa vào cuối tà áo dài truyền thống đi một mạch về nhà mà không cần một lời giải thích hay từ giả với người dân Thủ Thiêm. Vừa đi, bà vừa lẩm bẩm : "Tan giặc rồi, em hát chị nghe…".
Đến lượt Nguyễn Thành Phong lên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ban đầu cũng họp dân, cũng thả thính, nào là : "tôi sẽ giải quyết hoặc đề nghị Thành ủy giải quyết ngay nỗi bức xúc cho bà con trước tết nguyên đán để bà con ổn định cuộc sống. Ai sai tới đâu sửa tới đó... bà con cứ yên tâm !" nhưng rồi lời nói gió bay vì khi thấy bà con tố cáo quá nhiều tội ác của nhiệm kỳ trước thì Nguyễn Thành Phong lại xuống giọng : "Tôi sẽ đề nghị lên Trung ương giải quyết nguyện vọng của bà con, vì những vấn đề này nằm ngoài phạm vi thẩm quyền giải quyết của thành phố !".
Còn Nguyễn Thiện Nhân, người ta thường gọi là "ông bụt đứng nhìn" và "hèn sĩ", ông cũng hứa sẽ giải quyết gấp để ổn định cuộc sống cho bà con trước tết. Thế nhưng "Tết này con về mẹ ở đâu ?" vì nguyện vọng của ông là gom toàn bộ dân Thủ Thiêm vào các khu chung cư được xây dựng kém chất lượng nhất Đông Nam Á mà nhà đầu tư muốn bán gấp để thu hồi vốn, còn người dân tái định cư đã không thèm mua từ hàng chục năm về trước.
Các ông, bà lớn hứa rồi mà không làm được, đến lượt thuộc cấp của họ tiếp tục "ngựa theo lối cũ" tuy không nắm bắt được tý gì về Đại án Thủ Thiêm, nhưng cũng ham phát ngôn cho vui. Võ Văn Lắm, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong lúc nước sôi lửa bỏng, dân Thủ Thiêm chờ có những bàn tay sạch và bàn tay sắt giải quyết tiêu cực dứt diểm thì Võ Văn Lắm lăm le tuyên bố : "Bà con cứ yên tâm, hiện nay chúng tôi đã hình dung ra ranh giới quy hoạch Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm rồi !". Thật hồ đồ và trơ trẽn ! Một dự án đầu tư lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra 23 năm nay, dân đã và đang kêu trời, vậy mà Chánh văn phòng UBND Thành phố giờ này mới biết vị trí ranh giới quy hoạch ? Quả thật là ngáo đá !
Còn Kết luận và Thông báo của Thanh tra Chính phủ thì đúng là một công trình "phương trình toán học rút gọn", chỉ biết trích lược rút gọn và làm theo Kết luận của Thanh tra Thành phố. Trong khi đất của dân bị thu hồi trái pháp luật trên 400 ha ở phường Cát Lái giáp ranh Đồng Nai. Ở Cầu Rạch Chiếc giáp ranh Quận 9 cách Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ 10-20 km thì Thanh tra Thành phố và Thanh tra Chính phủ khẳng định "trong ranh", còn đất tại Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 giáp ranh Khu đô thị Thủ Thiêm thì kết luận "ngoài ranh". Thật quá ngớ ngẩn và vô văn hóa ! Rõ ràng là Thông báo và kết luận của thanh tra chính phủ theo đuôi Kết luận và Báo cáo của thanh tra thành phố mà Thanh tra Thành phố lại làm theo ý kiến chỉ đạo của Lê Thanh Hải - Chủ tịch và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Lấy gì làm khách quan ? Từ bao đời nay chưa thấy một con người nào có thể chất bình thường mà tự lấy gậy đập vào đầu mình.
Chúng tôi còn nhớ, vào thời điểm đầu năm 2014, khi thấy người dân Thủ Thiêm phản kháng quyết liệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông Lâm Đình Chiến, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Quận 10 vừa mới lên giữ chức vụ Chánh Thanh tra Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Chiến liền tổ chức cuộc họp dân Thủ Thiêm tại Trụ sở Thanh tra Thành Phố. Tại đây, mở đầu ông Chiến cho biết : "Yêu cầu bà con cứ tố cáo những tiêu cực, ở đây không có vùng cấm, tôi sẽ xử lý hết. Bất kể người đó là ai !". Ngay lập tức có một người dân trong số được triệu tập giơ tay xin phát biểu : "Tôi vừa nghe ông Chiến, chánh thanh tra Thành phố nói : ông sẽ xử lý hết, bất kể người đó là ai ? Tôi xin hỏi, sai phạm nghiêm trọng nhất ở Thủ Thiêm từ đầu đến cuối vẫn là do hành vi của ông Lê Thanh Hải gây ra, chúng tôi có đầy đủ chứng cứ cung cấp. Liệu ông có xử lý được không ?" Ngay lập tức ông Chiến Chánh Thanh tra thành phố chuyển hướng bay đi và từ chối chủ trì cuộc họp, nói là bận họp ở UBND thành phố và nhờ ông Minh - Trưởng phòng tiếp công dân chủ trì giùm. Thực ra, đây chỉ là những lời nói dối lừa dân để ông ta rút lui cấp tốc khi thủy triều đang lên.
Với chúng tôi, để giải quyết dứt điểm nhiều tiêu cực xảy ra tại Thủ Thiêm thì yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng trước khi nhóm lò phải :
1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các tổ chức, cá nhân về Tội cố ý làm trái tại Dự án Thủ Thiêm.
2. Xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân làm mất bản đồ quy hoạch.
3. Xử lý hành vi không chấp hành việc thực hiện Dự án Thủ Thiêm theo Quyết định 367/TTg và Công văn hỏa tốc số : 190/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ.
4. Xử lý kẻ cầm đầu xé nát quy hoạch Khu đô thị mời Thủ Thiêm.
5. Xử lý những tổ chức, cá nhân đã bán 169 ha (T. đó có 160 ha đất xây nhà tái định cư cho dân). Số tiền bán đất cho 51 doanh nghiệp đã chi vào những khoản nào, hiện còn bao nhiêu, nằm ở đâu ? Đồng thời số tiền hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách giải ngân cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chi cho những ai, thất thoát là bao nhiêu ?
6. Xử lý hành vi Tất Thành Cang "tự ý ký" bán đất Nhà Bè và tự ký Văn bản đổi đất lậy hạ tầng cho Đại Quang Minh để quyết toán khống 1 km đường có giá đắt nhất thế giới là trên 1.000 tỷ đồng/ 1 km đường. Trong khi xây nhà hát chỉ có 1.500 tỷ đồng mà phải họp Hội đồng nhân dân để xin ý kiến và lấy biểu quyết ?
7. Xử lý số cán bộ cấp cao của Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh có vốn hùn vào Công ty Đại Quang Minh xây dựng khu SaLa.
8. Xử lý nghiêm khắc những cá nhân chỉ đạo và ký ban hành quyết định thu hồi đất phi pháp ngoài ranh giới quy hoạch dẫn đến hơn 3.000 nhà dân bị đập phá oan tan tành, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng kéo dài 23 năm nay.
9. Xử lý những cá nhân, tổ chức bắt, trói, còng, đánh đập và giam người trái pháp luật.
10. Bồi thường thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật về chính sách đất đai, vật kiến trúc, tài sản khác để người dân được nhận tiền đền bù tự tìm kiếm chỗ ở mới theo đúng nguyện vọng của họ.
11. Xử lý Chánh Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ trước vì khi thấy người dân phản ảnh về hành vi Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 6565/QĐ-UB thu hồi và hủy bỏ Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng Chánh văn phòng Chính phủ vẫn để thầm lặng cười chơi ?
12. Tổ chức xin lỗi Nhân dân vùng dự án và tính toán công khai trả lại cho Nhân dân những gì họ đã mất mát đau thương suốt 23 năm nay.
Về thực chất, việc xử lý các hành vi tiêu cực tham nhũng tại Đại án Thủ Thiêm đến nay vẫn chưa hề đụng tới bất kỳ một tổ chức hai cá nhân nào mà mới chỉ xử lý một số ít cá nhân liên quan tới vụ án Vũ Nhôm.
Vương Ngôn
Nguồn : VNTB, 25/03/2019
Làm thế nào để tin, dù cái niềm tin chỉ tựa như một lớp cặn dưới đáy ly đã sạch nước, vào những lời hứa hẹn bất tận của giới quan chức mang danh cộng sản về ‘sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm’ ?
Những ngôi nhà dân bị đập phá giải tỏa ở Thủ Thiêm để xây đô thị mới (Hình minh họa) - AFP
Lời hứa của một chính quyền ‘cuội’
Đầu tháng 3 năm 2019, Võ Văn Hoan - quan chức chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và được xem là người phát ngôn của chính quyền thành phố này - thêm một lần nữa thông tin "Trung ương đang hoàn thiện kết luận cuối cùng kết quả thanh tra toàn diện Thủ Thiêm", nhưng không quên thòng "vấn đề Thủ Thiêm không thể trong thời gian ngắn mà giải quyết hết được nhưng thành phố cố gắng trong năm 2019 sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề liên quan đến khiếu nại của người dân".
Như thường lệ, phát ngôn của Võ Văn Hoan về vụ việc Thủ Thiêm cần được hiểu là đã được sự chuẩn thuận của không chỉ cấp thường vụ đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mà còn được phép từ cơ quan Thanh tra chính phủ. Từ năm 2018 đến nay, lời hứa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã biến thành ‘cuội’ ít nhất ba lần nhưng hầu như chẳng làm gì để thực hiện những hứa hẹn đó.
Hứa hẹn trên hiện ra trong bối cảnh sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo kết luận số 1483/TB-TTCP kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, rất nhiều người dân đã tiếp tục phản ứng và khiếu kiện vì thông báo này chỉ cho rằng 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng theo những tài liệu mà người dân có được thì 5 khu phố thuộc hai phường Bình Khánh, An Khánh cũng nằm ngoài ranh giới này. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hàng trăm người dân Thủ Thiêm tiếp tục ra Hà Nội và tới các cơ quan Trung ương liên tục trong nhiều ngày để phản ánh việc này, yêu cầu Chính phủ cần thanh tra toàn diện khu đô thị và đưa ra kết luận cuối cùng, xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho người dân…
Vậy làm sao có thể tin rằng bản kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ sắp được công bố sẽ giúp tái cân bằng phần nào cán cân công lý đã đạp xuống bùn đen ở Thủ Thiêm ?
Cần so lại quá khứ để nhìn ra hiện tại và tương lai đen đúa đến thế nào.
Biện chứng lịch sử từ Nhân đến Phúc
Phép biện chứng lịch sử của thủy tổ chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx hoàn toàn có thể ứng dụng đối với các học trò của ông trong vụ khiếu kiện khổng lồ, đổ máu lẫn chết chóc ở Thủ Thiêm - Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, phép này đã ứng biến ít nhất một lần đối với Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng chính phủ, là những quan chức phải chịu trách nhiệm chính về giải quyết hậu quả Thủ Thiêm.
Qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Zing.vn).
Còn nhớ vào trước kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘UBND Thành phố đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng chính phủ’.
Thế còn ‘Thủ tướng chính phủ’ làm gì ?
Như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, cùng thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát ra báo cáo trên, vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cũng như bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Khi đó, đã xảy ra một nhịp đồng pha kỳ lạ về quan điểm xử lý khủng hoảng Thủ Thiêm của Nguyễn Xuân Phúc với Nguyễn Thiện Nhân, của các cơ quan trung ương như Thanh tra chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều toa rập một cách rất… đồng bộ.
Thủ phạm vẫn đạp trên pháp luật
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2019 đã vọt đến vài trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 150 ha đất giải tỏa lố - mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 280 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 12 tỷ USD !
Trong vài trăm ‘điểm nóng khiếu kiện đất đai’ ở Việt Nam mà Thanh tra chính phủ thường thống kê, làn sóng khiếu kiện và tố cáo của dân Thủ Thiêm thuộc loại bi phẫn nhất, dày đặc nhất và kéo dài lâu nhất cho tới ngày hôm nay kể từ khi một quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ ban hành vào năm 1996.
Trong thực tế, không phải Thanh tra chính phủ và còn lâu mới là cơ quan này, mà chính người dân Thủ Thiêm đã phát hiện ra là chính quyền đã giải tỏa lố hàng trăm ha đất của dân.
Theo tố cáo của dân oan Thủ Thiêm, trong khi bản đồ người dân trưng ra thực tế diện tích đất chỉ hơn 500 ha thì bản đồ 650 ha của chính quyền tính luôn diện tích nhà đất của người dân.
Có nghĩa là diện tích ‘giải tỏa thêm’ có thể đến 150 ha và do đó đã đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Một trong những quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất là Lê Thanh Hải - chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ khoảng năm 2000 đến tận cuối năm 2015.
Lê Thanh Hải có những biệt danh chính trị như ‘Anh Hai Sài Gòn’, ‘Lãnh chúa Gia Định’ và cả một biệt danh dân dã mà dân oan Thủ Thiêm đặt cho là ‘Hải Heo’.
Từ nhiều năm qua, Lê Thanh Hải cũng được cho là một trong những quan chức tham nhũng nhất và giàu nhất Việt Nam. Một trong những vụ tai tiếng nhất của Lê Thanh Hải là ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
‘Đất vàng’ cùng số lợi nhuận khổng lồ trên đã biến thành nguồn cơn khiến chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 2 tiến hành chiến dịch cưỡng chế di dời đối với dân nơi đây trở nên tàn bạo và đẫm máu nhất trong các vụ cưỡng chế di dời dân ở Việt Nam.
Chiến dịch trên, kéo dài trong nhiều năm trời, đã dẫn đến nhiều cái chết của dân oan Thủ Thiêm nhưng lại tuyệt đối không được bất cứ cơ quan chức năng nào tiết lộ và cũng không được báo chí nhà nước công bố.
Một nạn nhân điển hình của nạn cưỡng chế trên là gia đình bà Nguyễn Thị The. Chồng và con trai của bà The đã treo cổ tự vẫn vì bị cưỡng chế, ruồng bố.
Không chỉ đẩy đuổi dân, chính quyền và công an còn kéo quân phá sập và ủi sạch chùa Liên Trì ở Quận 2 - một cơ sở thờ tự lâu đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Nhưng cho tới nay, toàn bộ thủ phạm gây ra vụ cưỡng chế khổng lồ và đẫm máu ở Thủ Thiêm vẫn không hề bị ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ đụng tới.
Nếu dân không phản ứng mạnh ?
"Những hộ ngoài ranh quy hoạch sẽ không phải di dời nữa" - Nguyễn Thiện Nhân nói trong một cuộc gặp với dân oan Thủ Thiêm vào ngày 20/6/2018 .
Nhưng làm thế nào để xác định ‘ngoài ranh quy hoạch’, trong khi cho đến nay toàn bộ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã cố tình lấp liếm vụ ‘tấm bản đồ gốc biến mất’, và cho đến ngày hôm nay Thanh tra chính phủ vẫn bỏ ngoài báo cáo nhiều trường hợp nhà dân bị cố tình giải tỏa lố ?
Không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, sát tết nguyên đán 2019 Nguyễn Thiện Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Giờ đây, nhiệm vụ có vẻ như duy nhất của Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà từ lâu đã bị thiên hạ gắn mác ‘hèn sĩ’ - là "thăm" dân oan Thủ Thiêm và cố gắng thyết phục những người dân này dọn vào ở trong khu tái định cư Thủ Thiêm - chính là những khu nhà heo hút được xây tạm bợ mà không có gì bảo đảm về chất lượng công trình, thậm chí từ năm 2017 đến nay đưa ra đấu giá mà chẳng có "ma" nào thèm mua.
Để một khi dân oan đã "ổn định" trong khu tái định cư, giới quan chức ăn bẫm hy vọng làn sóng khiếu tố sẽ giảm bớt. Hy vọng đó là rất "đúng quy trình". Làm thế nào để chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh - "tội phạm" trong vụ Thủ Thiêm - lại muốn xử lý những tội phạm "ăn đất" của người dân ?
Để cuối cùng, thói "xử lý nội bộ" sẽ dẫn đến "đánh bùn sang ao", khiến vụ Thủ Thiêm uất nghẹn chỉ còn cách bị nhấn chìm xuồng. Chìm xuồng hẳn.
Như một quy luật về thủ đoạn chính trị không có gì mới và cực kỳ trơ trẽn, cứ sau 3-4 tháng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại lấp ló thông tin ‘sẽ giải quyết dứt điểm khiếu kiện Thủ Thiêm’. Quy luật - thủ đoạn này đã kéo dài suốt từ giữa năm 2018 đến nay, sau hai chục năm không có luật pháp mà chỉ có luật rừng ở Thủ Thiêm. Vào lần này cũng vậy, khi Chánh văn phòng Võ Văn Hoan lại ‘cười tươi’ và đưa ra lời hứa mà không biết còn được mấy phần trăm liêm sỉ.
Giờ đây, hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm không còn gì để mất lại thêm một lần nữa nhận ra rằng họ vẫn chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ lợi ích và chính trị của các nhóm quyền lực - những kẻ coi cái chết tự treo cổ vì phẫn uất do bị cưỡng chế của dân oan chẳng đáng một bữa nhậu của chúng.
Quy luật và thủ đoạn chính trị của chính quyền Nguyễn Xuân Phúc - Nguyễn Thiện Nhân đang tất yếu dẫn đến một quy luật nghịch đảo : nếu dân không phản ứng mạnh, chắc chắn sẽ chẳng có bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm nào được công bố, chưa kể việc có được công bố chăng nữa thì cũng chỉ "đánh bùn sang ao" mà không xử lý bất kỳ bất công ghê gớm nào tại Thủ Thiêm.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/03/2019
Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son bị bắt vào tháng 2 năm 2019 không chỉ là vụ bắt quan tham, mà còn bằng vào đó để đánh giá và phân tích về sự thay đổi trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch ‘đốt lò’.
Vu MobiFone mua AVG - Ảnh minh họa
Không chỉ giới quan sát chính trị mà nhiều người dân Việt đang xoay vần một câu hỏi : sau Son và Tuấn sẽ đến lượt kẻ nào ?
Những kẻ ‘ăn đất’
Cái tên đang hiện ra nhiều nhất trong suy đoán của dư luận là Tất Thành Cang - kẻ tưởng như đã phải tra tay vào còng tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2019.
Khi đó, nhiều thông tin không chính thức cho biết Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm. Cả hai vụ này đều được cho là có bằng chứng cụ thể. Những bằng chứng này đã hiện ra trên mặt một số tờ báo nhà nước trong suốt mấy tháng kể từ lúc Cang bị ‘lên máu’ mà phải vào điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng nhiều nguồn tin còn cho biết cơ quan điều tra của Bộ Công an đã nắm được đến mức chi tiết từng phi vụ làm ăn của Tất Thành Cang với các ‘đối tác’.
Tuy nhiên Hội nghị trung ương 9 đã chỉ cách chức trung ương ủy viên đối với Cang, còn cho tới nay y vẫn còn giữ được ghế thành ủy viên ở trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - một hiện tượng chính trị mà đã tạo nên một mối ngạc nhiên lớn trong dư luận, đặc biệt trong giới cán bộ lão thành và những người vẫn đang nuôi hy vọng vào một công cuộc ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ của nhân vật được xưng tụng là ‘Minh quân’ - Nguyễn Phú Trọng.
Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm - Ảnh minh họa
Sau vụ bắt Son - Tuấn, dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam - đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của chiến dịch ‘đốt lò’ là gì, hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’ và ‘đầu voi đuôi chuột’.
Với quá nhiều sai phạm của một ‘đảng viên gương mẫu’ và chuyên đi răn dạy ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ và nhiều vi phạm pháp luật như Tất Thành Cang, quan chức này phải bị khởi tố, tống giam, truy tố và và nhận một bản án tù thích đáng.
Nhưng liệu Cang có ‘thoát’ ?
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bao che cho ‘lũ người quỷ ám’ ?
Nếu nhìn vào những động thái ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cơ hội tham sống sợ chết của Tất Thành Cang không phải là không có. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trước đó hầu như đã chẳng làm gì để xử lý Tất Thành Cang.
Chỉ đến tháng 11 năm 2018 khi sắp diễn ra Hội nghị trung ương 9, nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân mới lần đầu tiên phải thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.
Trước đây, Nguyễn Thiện Nhân đã hứa như đinh đóng cột trước công luận và người dân Thủ Thiêm là đến tháng Mười Một năm 2018 sẽ xử lý kỷ luật Tất Thành Cang. Song khi tháng Mười Một đã trôi qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bình chân như vại trong cảnh nước mắt Thủ Thiêm đã cạn khô, chỉ còn vẳng lại những lời chửi rủa và động tác ném giày vào mặt quan chức.
Về Sài Gòn làm ‘vua’ đã được một năm rưỡi, nhưng năng lực của một bí thư thành ủy như Nguyễn Thiện Nhân chỉ được chứng tỏ bởi thái độ nhu nhược, co thủ và để cho ‘lũ người quỷ ám’ (tên một tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky) như Tất Thành Cang, Nguyễn Thị Quyết Tâm lộng hành và qua mặt.
Không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, Nguyễn Thiện Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Sắp ‘đóng hòm’ ?
Thế cờ ‘Nam tiến’ trong chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng nhắm vào Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong ít nhất năm 2019 là không thể nghi ngờ, khi vào nửa cuối năm 2018 và đặc biệt vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’, Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông ta đã có khá nhiều động thái ‘rung cây dọa khỉ’ tại thành phố này. Khá nhiều người thân của ‘bố già’ Lê Thanh Hải như vợ, con trai, em trai đã bước đầu bị ‘siết’. Những thủ hạ đắc lực một thời của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài đều đã phải ‘nhập kho’…
Bởi vụ bắt Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn xảy ra chỉ hai tuần sau tết nguyên đán 2019, có thể cho rằng Nguyễn Phú Trọng đang muốn khởi đầu năm nay với tốc độ ‘đốt lò’ mạnh hơn và nóng hơn khoảng thời gian đầu năm 2018. Theo đó, số phận Tất Thành Cang và nhóm Lê Thanh Hải có thể sẽ được ‘chung quyết’ không bao lâu sau cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội.
Nếu Nguyễn Bắc Son đã về hưu từ ít năm qua và được xem là không có mối quan hệ ‘đặc biệt’ với Nguyễn Phú Trọng, thì Trương Minh Tuấn - kẻ đang thọ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - lại được xem là ‘gà’ của ‘Tổng chủ’ cho đến tận gần đây. Một khi Trọng đã phải ‘trảm’ Tuấn thì chẳng có lý do gì để ông ta nương tay với những kẻ khác.
Vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ - Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn - đã phát đi tín hiệu về một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua, có thể từ thái độ trù trừ và nương tay với ‘phe ta’ sang quyết đoán và quyết liệt hơn. Sự thay đổi này nhiều khả năng xuất hiện từ sức ép của một số cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến. Muốn được ‘lưu truyền sử xanh’ thì không còn cách nào khác, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ phải hành xử quyết liệt với chính đàn em mà ông ta đã từng dung dưỡng.
Mặt khác muốn chiếm được tình cảm của người dân Nam Bộ - một nhiệm vụ chính trị rất lớn mà từ năm 2016 đến nay có nhiều biểu hiện cho thấy cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dù đã về hưu, vẫn có những hoạt động ‘dân vận’ và đóng một vai trò khá quan trọng bên cạnh tổng bí thư để nắm tình hình diễn biến tư tưởng và tâm lý của giới quan chức miền Nam - Nguyễn Phú Trọng không thể không tận dụng vụ khiếu kiện của nhiều ngàn dân oan ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng nhiều dấu hiệu và bằng chứng khó chối cãi của nhóm lợi ích ‘ăn đất’ Lê Thanh Hải. Không thể nghi ngờ rằng nếu được điều tra làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn trách nhiệm hình sự của những quan chức vi phạm, vụ Thủ Thiêm sẽ mang lại một điểm son chính trị khó tả cho Nguyễn Phú Trọng, nhất là nếu ‘Minh Quân’ còn giữ tâm thế ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa tại đại hội 13 vào năm 2021.
Cuối tháng 2 năm 2019, cái ghế phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Tất Thành Cang đã chính thức được Bộ Chính trị điều động cho một quan chức khác : Trần Lưu Quang - cựu Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh. Thêm một dấu hiệu cho thấy hồ sơ của Cang sắp ‘đóng hòm’.
Số phận Tất Thành Cang chỉ còn là vấn đề thời gian. Cú ‘cẩu đầu trảm’ sẽ giáng lên Cang vào một thời điểm có lẽ không còn xa nữa, và thình lình như cái cách mà Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đã phải hứng chịu.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 02/03/2019
Doanh nghiệp ngoại cảnh báo ‘thiệt hại kinh tế nghiêm trọng’ do Luật an ninh mạng (VOA, 04/12/2018)
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu hôm 4/12 cảnh báo việc thực thi Luật an ninh mạng có thể gây ra "thiệt hại kinh tế nghiêm trọng", cũng như "ảnh hưởng" đến sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 diễn ra hôm 4/12 ở Hà Nội
Những cảnh báo trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ở Hà Nội, một sự kiện thường niên, theo tin trên các báo mạng Một Thế Giới, Tin Tức, Vietnam Finance và Bnews.
Các bài tường thuật của báo chí trong nước cho hay đại diện cho Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCham, tại sự kiện là ông Michael Kelly, chủ tịch của hiệp hội này tại Việt Nam. Đại diện cho Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam là các ông Chủ tịch Denis Brunetti và Đồng Chủ tịch Nicolas Audier.
Một trích đoạn phát biểu của đại diện AmCham, được báo chí trong nước đăng lại, nêu ra lo ngại rằng Luật an ninh mạng và một dự thảo nghị định liên quan nếu được thi hành sẽ "buộc cục bộ hoá dữ liệu", đồng nghĩa với "cản trở luồng dữ liệu tự do", mà điều này có thể gây ra "thiệt hại nghiêm trọng" cho nền kinh tế Việt Nam.
Luật an ninh mạng gây nhiều tranh cãi, lo lắng, được ban hành hồi tháng 6/2018, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 sắp tới. Một dự thảo nghị định về thực thi luật được công bố vào đầu tháng 10/2018 với một số điều khoản bị xem là "xâm phạm không gian riêng tư" càng làm gia tăng sự phản đối từ nhiều giới.
Có hai điểm trong dự thảo nghị định bị giới kinh doanh và công chúng xem là "cực kỳ nghiêm trọng".
Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu từ Cục an ninh mạng, Bộ Công an.
Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị ; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên ; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Quy định này, nếu chính thức được áp dụng, sẽ "tạo nên gánh nặng lớn" về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.
"Việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp … Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các ‘đám mây’ [điện toán] trong một loạt lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại", đại diện của AmCham nêu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, theo Một Thế Giới.
Đại diện của EuroCham chỉ ra thực tế là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang vận dụng tối đa các cải tiến của công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và thương mại xuyên biên giới. Theo lời của vị đại diện này, nhiều công ty đang sử dụng điện toán đám mây, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và các công nghệ thông minh để vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện của EuroCham lưu ý rằng những công nghệ đó được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài, hầu hết không có cơ sở hay chi nhánh tại Việt Nam. Vì vậy, vị đại diện nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nêu trên "cần có khả năng chuyển tải dữ liệu xuyên quốc gia".
Đánh giá Việt Nam trong bối cảnh chung của các nước ASEAN, đại diện EuroCham cho rằng "Nghị định Hướng dẫn Luật an ninh mạng sẽ tạo sự ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo", theo tin trên các báo.
Việt Nam sẽ sớm trở thành "quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa", vị đại diện nêu ra nhận xét.
Trong hoàn cảnh như vậy, đại diện của EuroCham khuyến nghị rằng để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững của Việt Nam trong khu vực, phù hợp với thực tiễn và các tiêu chuẩn bảo mật ngày càng cao của quốc tế, "Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam".
Vị đại diện nói thêm rằng một số quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này.
Internet, mạng xã hội ngày càng có nhiều người sử dụng ở Việt Nam
Luật sư Trần Vũ Hải, chủ hãng luật có hợp đồng với nhiều công ty ở Việt Nam, chia sẻ với VOA góc nhìn của ông về tác động của Luật an ninh mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài :
"Các công ty dịch vụ đấy họ thấy rằng tốn kém quá, tự nhiên phải có rất nhiều người, phải kiểm soát nội dung, phải liên lạc với nhà chức trách, phải mở văn phòng đại diện, và chi phí đội lên. Và người ta bảo ‘Thôi, tôi không mở dịch vụ trên nền tảng internet ở Việt Nam nữa, hoặc nếu chúng tôi làm mà bị chặn thì tốt nhất là chúng tôi không làm".
Ông Hải đưa ra nhận định rằng do "ngao ngán" với các rào cản và chi phí ở Việt Nam, các công ty công nghệ của nhiều nước sẽ tránh làm ăn, và như vậy "có lẽ chỉ có những công ty công nghệ Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong không gian mạng Việt Nam".
Riêng về các đại công ty như Facebook, Google và YouTube của Mỹ, vị luật sư dự đoán rằng họ "chưa chắc đã chịu" tuân thủ các quy định của Luật an ninh mạng, mà thay vào đó họ sẽ vận động để giới chức Mỹ can thiệp thông qua "những thoả thuận song phương".
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp hôm 4/12, đại diện EuroCham nhắc nhở rằng Luật an ninh mạng của Việt Nam có thể tác động đến số phận của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, EVFTA.
Các báo Tin Tức và BNews cho biết Đồng Chủ tịch ông Nicolas Audier đã phát biểu tại diễn đàn rằng mới đây Ủy ban Châu Âu đã trình dự thảo hiệp định lên Hội đồng và Nghị viện Châu Âu để phê chuẩn. Mặc dù ông Audier xem đó là "bước tiến tích cực", song ông cảnh báo là quy trình phê chuẩn "chưa kết thúc" vì còn "nhiều thách thức" đang chờ ở phía trước.
Ông lưu ý rằng qua phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế, "vấn đề liên quan tới Luật an ninh mạng sẽ là một trong những thảo luận thiết yếu ở Nghị viện Châu Âu", theo các bản tin.
Về vấn đề này, luật sư Trần Vũ Hải nhận định với VOA :
"Nghị viện Châu Âu sẽ có cuộc tranh luận về Luật an ninh mạng. Và họ cho rằng Luật an ninh mạng là cản trở, và dẫn tới có khả năng là sẽ có nhiều người họ không ủng hộ luật đó. Và nếu không thông qua [EVFTA], Việt Nam phải mất thêm 1, 2 năm để vận động, và cũng chưa biết nó thế nào".
Đại diện của EuroCham, ông Nicolas Audier, khuyến nghị chính phủ Việt Nam "nên đánh giá rộng hơn" mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh Nạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế.
Trong khi đó, đại diên AmCham bày tỏ hy vọng "được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam" về các tiếp cận chính sách nhằm "thúc đẩy các mục tiêu cơ bản" của Luật an ninh mạng, đồng thời "giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam".
Theo dõi các ý kiến được hai hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan trọng ở Việt Nam nêu ra tại Diễn dàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Vũ Hải nói chính phủ Việt nam cần có đề xuất với quốc hội về việc "hoãn hiệu lực" của luật này vào ngày 1/1/2019 tới, hay ít nhất cũng nên "sớm đề xuất sửa" luật này.
Trong khi đó, 26 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đưa lên mạng 3 bản kiến nghị phản đối Luật an ninh mạng, thu hút được hơn 110.000 chữ ký trong gần 5 tháng trở lại đây, theo thông tin đăng trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân trên nền tảng Facebook.
Một nhóm có tên Save NET cho biết hôm 1/12 họ đã chuyển danh sách chữ ký của bản kiến nghị cuối cùng, với yêu cầu quốc hội "hoãn thi hành" Luật an ninh mạng, đến các văn phòng đại biểu.
Save NET nhấn mạnh rằng "đây chưa phải là điểm dừng" và họ sẽ tiếp tục phản đối Luật an ninh mạng chừng nào luật này "còn đe dọa tới sự tự do biểu đạt của người dân".
******************
Người dân Thủ Thiêm về dựng lều trên đất giải tỏa (RFA, 04/12/2018)
Một số người dân ở Thủ Thiêm, quận 2 đã về dựng lều ngay trên phần đất cũ của mình, chứng tỏ vấn đề Thủ Thiêm chưa được giải quyết căn cơ và chưa làm yên lòng dân.
Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Screen Capture
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của Bí thư thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX như vừa nêu.
Theo ông Nhân, từ tháng 4 và 5/2018 đoàn đại biểu Quốc hội đã tập hợp tất cả khiếu nại của bà con báo cáo Thường vụ Quốc hội và tiến hành thanh tra. Sau khi có kết luận của thanh tra vào tháng 9, chính phủ đã có thông báo 1483 về việc giải quyết các vấn đề khiếu nại của người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Nhân nhấn mạnh, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có 22 năm kể từ khi Thủ tướng phê duyệt từ năm 1996 nên rất khó có thể giải quyết nhanh được nên thành phố đã định hướng trước khi có kết luận thanh tra và khi có thông báo kết luận thì tiến hành giải quyết ngay.
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân còn cho rằng, những ngày qua một số bà con đã trở về dựng lều trên phần đất cũ của mình nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, chính sách đền bù bao nhiêu thì phải làm đúng quy trình. Ông hy vọng qua kỳ họp này, các đại biểu sẽ tìm ra hướng giải quyết cũng như chính sách bồi thường thỏa đáng cho bà con Thủ Thiêm.
Ngoài ra, theo yêu cầu của thanh tra chính phủ, thành phố đã có 10 phiên họp, 3 cuộc làm việc với các Chủ tịch, phó chủ tịch thành phố qua 4 nhiệm kỳ để làm rõ trách nhiệm vấn đề liên quan Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án có gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù và giải tỏa hơn 60.000 hộ dân. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyêt quy hoạch Thủ Thiêm vào 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch như vừa nêu.
Nhiều người dân Thủ Thiêm phải đi khiếu kiện suốt hơn 20 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tình cảnh của họ được cho biết rất khốn đốn.
********************
Tổng Giáo Phận Hà Nội phản đối chính quyền xây dựng trên đất của giáo hội (RFA, 04/12/2018)
17 linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm vào trưa ngày 3/12 yêu cầu chính quyền dừng việc thi công tại số 29 phố Nhà Chung do quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, cũng như giải quyết đơn khiếu nại liên quan đến vụ việc đã gửi trước đó.
Khu vực số 29 phố Nhà Chung nhìn từ cổng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Courtesy of nhathothaiha.net
Trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo Xứ Thái Hà loan tin trên cho biết trong số 17 linh mục có vị chánh văn phòng Tòa Tổng Giám mục Anphongsô Phạm Hùng.
Tin cho hay khi đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm, các vị linh mục không được gặp lãnh đạo Quận với lý do tất cả bận họp theo lịch. Linh mục Phạm Hùng thì cho biết ông đã gọi điện thoại báo trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, trưởng Ban Tiếp công dân Quận, thay mặt trao đổi và một người được giới thiệu là ông Quang, thuộc Ban nội vụ của Quận cũng tham gia cuộc gặp.
Các linh mục đã nhấn mạnh 4 nội dung chính với bà Hoa và ông Quang gồm đơn thư khẩn cấp của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chưa được giải quyết ; hai là chính quyền vẫn tiếp tục thi công công trình trên khu đất ; ba là đề nghị Quận Hoàn Kiếm có cuộc đối thoại với Tòa Tổng Giám Mục trước ngày 18/12 ; bốn là yêu cầu Quận Hoàn Kiếm cho dừng việc thi công công trình tại số 29 số Nhà Chung ngay lập tức.
Tại buổi làm việc, bà Hoa cũng đã cung cấp cho các linh mục 2 văn bản gồm văn bản Ban Tiếp công dân chuyển đến Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận liên quan đến khiếu nại của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ; tờ còn lại là bản sao gửi lại cho Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có chữ ký của nữ tu trực văn phòng đã nhận.
Linh mục Giuse Đỗ Văn Tuyến có mặt tại buổi làm việc nói với bà Hoa rằng việc làm này của Ủy ban chỉ nhằm kéo dài thời gian và lảng tránh trách nhiệm.
Hơn 3 giờ chiều, bà Hoa cho biết ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận không thể về kịp. Các linh mục được mời ký vào sổ kiến nghị tiếp công dân và ra về.
Vào ngày 5/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã Đơn Kiến nghị khẩn cấp gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chính quyền Hà Nội phản đối việc chính quyền ngang nhiên xây dựng công trình Trường Tiểu học Tràng An tại số 29 phố Nhà Chung.
Trước kia đây là cơ sở Trường Dũng Lạc nằm trên khu đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, có chứng nhận bằng khoán điền thổ số 1794, quyển 9, trang 191.
Tòa Tổng Giám mục Hà Nội khẳng định chưa hề có bất cứ một văn bản nào về việc hiến, tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản tại đây cho bất cứ ai.
Các vụ cơ sở, đất đai tôn giáo bị phía chính quyền, cơ quan chức năng thay đổi chức năng sử dụng, phá hủy, sang nhượng xảy ra lâu nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Có thể điểm lại một số vụ như cơ sở Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Thánh Phaolô Hà Nội, Thánh đường Hồi Giáo ở Quận 3 - Sài Gòn, Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm - Sài Gòn, Đan viện Thiên An - Huế…
****************
Việt Nam tìm kiếm giải pháp cho an toàn thực phẩm (VOA, 04/12/2018)
Giống như bất cứ một thanh niên nào của thế hệ Y, Bích Ngọc đam mê những tấm hình chụp đồ ăn, thức uống trên Instagram. Nhưng không phải chỉ là sự cám dỗ vì những bức hình đẹp, cô lên mạng xã hội còn để kiểm tra xem những cách nấu nướng nào là an toàn. Cô gái 18 tuổi này là một trong số nhiều những người Việt đang ngày càng trở nên thận trọng hơn về những hiểm họa đang ẩn núp trong những món ăn của họ. Ngọc theo dõi những người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng như đọc các phần bình luận trong các bài viết trên trang web Foody để quyết định xem có nên tin tưởng một nhà hàng, một thương hiệu hay một món nào đó hay không.
Một phụ nữ bán hải sản ở một chợ truyền thống ở thành phố Bảo Lộc ở Tây Nguyên. An toàn thực phẩm đang là mối lo hàng đầu của người dân Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.
"Theo như tôi hiểu, sức khỏe của chúng ta là rất quan trọng", Ngọc nói. "Nếu tôi bị đau bụng, đau nhẹ thì ok nhưng nếu đau nặng thì tôi phải đi chữa trị. Do đó tốt hơn là phòng tránh để không bị bệnh".
Các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra thường xuyên ở Việt Nam và các doanh nghiệp cũng như những người tiêu dùng đang tìm kiếm các giải pháp trong khi ngày một nhiều các vụ việc như vậy. Những người bán hàng rong thường tái sử dụng các loại dầu ăn nhiều lần đến nỗi nó trở nên độc hại. Các đoạn video được chia sẻ trên mạng cho thấy một người bán hàng nhuộm phẩm các loại rau để chúng trông tươi ngon hơn. Và gần đây, vụ trộn hóa chất từ pin vào cà phê và hạt tiêu đã dẫn đến việc năm người bị bắt giam vào tháng 4 vừa qua.
Thực phẩm bẩn tràn lan
Các vấn đề về an toàn thực phẩm khiến Việt Nam phải tiêu tốn 740 triệu USD và nó trở thành nỗi lo hàng đầu của công chúng, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank). Có thể kể đến nhiều lý do gây tổn thất sản lượng, từ việc người lao động bị ốm phải nghỉ làm, cho tới việc nông dân phải tiêu hủy hoa màu nhiễm bệnh hoặc gia cầm chết non.
Từ vụ rau xà lách nhiễm khuẩn ở California cho tới vụ dâu tây có kim khâu ở Úc, không có nơi nào trên thế giới là không bị các nguy cơ về an toàn thực phẩm. Nhưng ở Việt Nam, những nguy cơ này thường được coi là một thực tế phổ biến đáng buồn hơn là một sự may rủi. Ở quốc gia có khoảng 100 triệu dân này, hiếm có ai đi ăn ngoài mà chưa một lần bị ngộ độc thức ăn. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, dù là ăn ngoài đường hay ăn trong một khách sạn 5 sao.
Cửa hàng máy lạnh so với quán ăn ngoài đường
Những mối lo ngại này phản ánh sự thay đổi trong ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam. Chuỗi nhà hàng Phở Ông Hùng hay Thai Express đang ngày một phát triển mạnh. Và cũng đang có một sự bùng nổ các cửa hàng tiện ích, với việc 7-Eleven vào thị trường của quốc gia Cộng sản năm 2017 để cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng như Circle K của Mỹ, Family Mart của Nhật Bản và Coopmart của Việt Nam.
Người tiêu dùng nhận ra các nhãn hàng và tin rằng, dù đúng hoặc không đúng, các sản phẩm như sò ngao hay đậu nhớt đóng gói ni lông từ các cửa hàng có điều hòa máy lạnh vẫn an toàn hơn từ các chợ ngoài đường.
Tương tự như vậy, việc mạng lưới các cửa hàng tạp hóa có đủ mọi thứ phát triển khắp nơi cho người mua sắm một sự đảm bảo về tính nhất quán.
"Vấn đề là làm thế nào để thích ứng với nhu cầu của khách hàng", Lê Thị Minh Trang, giám đốc chất lượng tại các siêu thị của Auchan Việt Nam cho biết.
Theo bà Trang, 90% lượng hàng của công ty bà có nguồn gốc trong nước và công ty này kiểm soát chất lượng bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ, một số phải có chứng nhận nông nghiệp sạch, hay chứng nhận GAP, và các bảo đảm khác đối chiếu với dành mục hàng bị cấm của công ty.
Các doanh nghiệp khác thì đang cố gắng cải thiện mức độ vệ sinh. Một trong số đó là CP Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi được biết tiếng với các sản phẩm nông nghiệp như trứng và thịt vịt. Công ty này tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc để mọi người có thể theo dõi việc mua hàng của họ trong suốt chuỗi cung ứng.
Lạm dụng hóa chất
Ngoài ra còn có Phoenix, một công ty kinh doanh lớn mặt hàng gạo, đang tìm giải pháp cho các cánh đồng lúa bị phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ một cách bừa bãi. Công ty này đang làm việc với các nông dân để làm các cánh đồng thoát nước sớm hơn do đó họ không cần dùng nhiều thuốc diệt nấm để diệt nấm mốc.
"Rất nhiều loại hóa chất nông nghiệp đang được sử dụng ở Việt Nam", Vivek Sharma, phó chủ tịch Phoenix ở Đông Nam Á, cho biết vào tuần trước tại một hội nghị an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Nhưng cũng có một nguy cơ của việc phải chạy theo xu thế quá mức, hoặc chịu sức ép phải làm cho thực phẩm "trông" an toàn hơn. Giống như các nhà cung cấp dán nhãn "thực phẩm hữu cơ" ở Mỹ, các cửa hàng của Việt Nam cũng chạy theo nhãn thực phẩm "xanh và sạch", nhưng không có gì đảm bảo là thực phẩm ở bên trong có đúng chất lượng như quảng cáo trên bao bì hay không.
Chợ ngoài đường vẫn được ưa chuộng
Tuy nhiên theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, người Việt Nam vẫn mua 80% lượng thực phẩm từ các chợ truyền thống.
Một trong số những người đó là Nguyễn Ngân, một người bán đồ ăn nhẹ như viên cá và trứng chim cút từ một "cửa hàng rong" trên xe máy của mình. Là một người mua sắm, ông Ngân nói rằng ông không có khả năng mua đồ ở siêu thị, nhưng cũng thích các chợ ngoài trời vì ông có thể mua các sản phẩm tươi sống trực tiếp từ nông dân và ngư dân.
"Tôi nghĩ rằng cá có chất lượng tốt, tôi ăn nó và không có bất kỳ vấn đề gì", người đàn ông 51 tuổi nói.
Nhưng Việt Nam vẫn chưa bằng Thái Lan, nơi thức ăn đường phố có giá cả phải chăng và được coi là tương đối an toàn. Do đó, người Việt Nam sẽ tìm kiếm các lựa chọn sạch sẽ, đặc biệt là lựa chọn thay thế cho những gì họ cho là đồ nhập khẩu giá rẻ và không an toàn từ Trung Quốc. Các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy người Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm an toàn. Theo Ngân hàng Thế giới, đây là mối quan tâm lớn nhất đối với người dân địa phương, thậm chí còn quan trọng hơn các vấn đề như tham nhũng hay chi phí sinh hoạt.
Ha Nguyen
*******************
Việt Nam thiết lập đường dây điện thoại nóng giúp tố cáo tham nhũng (RFI, 04/12/2018)
Reuters hôm 04/12/2018, trích dẫn truyền thông trong nước, Việt Nam đã cho thiết lập một đường dây điện thoại nóng để người dân tố cáo tệ nạn tham nhũng của ngành công an, trong bối cảnh hàng chục viên chức đã bị ngồi tù.
Công an Việt Nam trên đường phố Hà Hội. Ảnh minh họa. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Một viên chức phụ trách trả lời điện thoại cho Reuters biết là số điện thoại đỏ này ban đầu được dự kiến dùng cho các trường hợp liên quan đến công an giao thông, nhưng bây giờ thì được mở ra để nhận tố cáo tham nhũng trong toàn ngành.
Viên chức trên tuy nhiên không cho biết là đã nhận bao nhiêu cú điện thoại trong một ngày.
Theo thông cáo của Bộ Công An, người tố cáo phải cho biết đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của mình, còn thông tin phải đầy đủ, không mơ hồ, bằng không thì lời tố cáo không được ghi nhận.
Theo hãng Reuters, hiện nay Việt Nam đang trong chiến dịch chống tham nhũng. Trong ngành công an, thứ Sáu vừa qua, có hai viên chức cao cấp bị án đến 10 năm tù vì tổ chức cờ bạc trái phép huy động đến hàng trăm triệu đô la.
Trong khi đó thì việc người dân đi đường phải nộp tiền cho công an vì những sơ xuất nhỏ là chuyện thường thấy.
Mai Vân