Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tại nhiều nước trên thế giới
Thu Hằng, RFI, 21/10/2023
Nga sử dụng mạng lưới gián điệp, các cơ quan truyền thông Nhà nước, mạng xã hội của nước này phục vụ cho các chiến dịch làm suy yếu uy tín nhiều cuộc bầu cử trên toàn thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 20/10/2023 và được chia sẻ với hàng trăm nước, tình báo Mỹ cho biết "nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Nga, kể cả điện Kremlin, khen ngợi kiểu chiến dịch gây ảnh hưởng này và đánh giá là có hiệu quả".
Logo của Cơ quan Tình báo Mỹ CIA. Reuters
Theo tình báo Mỹ, "đây là một hiện tượng quy mô thế giới". Nga đã "cố hết sức" trong những năm 2020 đến 2022 để bào mòn niềm tin của người dân tại ít nhất 11 cuộc bầu cử ở 9 nước dân chủ, trong đó có Hoa Kỳ. Khoảng 17 nước khác bị nhắm đến thông qua những phương pháp "ít lộ liễu hơn", như hoạt động trên mạng xã hội, tin nhắn điện tử. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không nêu rõ những nước nào bị nhắm đến.
Những chiến dịch này được thực hiện qua cơ chế "bí mật hoặc công khai", ví dụ trường hợp tình báo Nga FSB ngầm can thiệp để hăm dọa nhân viên bầu cử trong một cuộc bầu cử tại một nước Châu Âu không được nêu tên vào năm 2020. Còn truyền thông Nhà nước Nga gia tăng "cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử" ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ từ năm 2020 đến 2021.
Vẫn theo báo cáo của tình báo Mỹ, những chiến dịch "phá hoại" này mang lại hai lợi ích cho Nga : "phát tán bất ổn trong các xã hội dân chủ và tung tin biến các cuộc bầu cử dân chủ thành rối loạn tạo nên những chính phủ bất hợp pháp". Hoa Kỳ cũng có "điểm yếu" trước những "mối đe dọa" này.
AFP cho biết tình báo Mỹ đã gửi tài liệu này qua đường ngoại giao tới đại sứ quán của khoảng 100 nước Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Moskva về chiến tranh Ukraine. Phía Nga chưa bình luận về báo cáo của tình báo Mỹ.
Thu Hằng
**************************
Mỹ 'quan ngại' về mối quan hệ của Hungary với Nga
Reuters, VOA, 20/10/2023
Đại sứ quán Mỹ tại Budapest nói hôm thứ Sáu 20/10 rằng Mỹ quan ngại về mối quan hệ của Hungary với Nga và thấy rằng quyết định của Thủ tướng Viktor Orban gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin thật "đáng lo".
Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cầm cở Mỹ đi diễu hành hồi tháng 7/2023 ở Budapest, Hungary.
Ông Orban họp song phương với ông Putin hôm 17/10 bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất thuộc EU tham dự diễn đàn và cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông Putin kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman nói trong một tuyên bố : "Mỹ quan ngại về mối quan hệ của Hungary với Nga".
Đầu tuần này, ông Pressman viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X : "Lãnh đạo Hungary chọn lập trường là đứng về phía một người có lực lượng chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người ở Ukraine, và làm như vậy một mình trong số các đồng minh của chúng tôi".
Hungary, nước cũng là thành viên NATO, đã phản đối nhiều sáng kiến của EU về trợ giúp Ukraine chống lại lực lượng Moscow. Hungary nhập phần lớn dầu thô, khí đốt từ Nga.
Ông Orban nói với ông Putin trong cuộc gặp ở Bắc Kinh rằng Hungary không bao giờ muốn chống Nga và vẫn cố giữ các mối liên lạc song phương.
Đài Châu Âu Tự do đưa tin rằng sau cuộc gặp của ông Orban, các đại sứ của các nước NATO và Thụy Điển có trụ sở tại Budapest đã họp lại với nhau để thảo luận về mối lo ngại của họ về mối quan hệ ngày càng tăng của Hungary với Moscow.
Phụ tá chính trị hàng đầu của ông Orban là Balazs Orban đã phản bác những lời chỉ trích của Hoa Kỳ trong một bài đăng trên X đầu tuần này, nói rằng Hungary đã "chán ngấy" "sự đạo đức giả" của đại sứ Hoa Kỳ.
Mối quan hệ giữa Budapest và Washington đã trở nên xấu đi trong năm qua do Hungary kéo dài quá trình phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Nguồn : VOA, 20/10/2023
Việc Facebook đặt lợi nhuận lên trên hết không chỉ dẫn đến hậu quả là ‘để cho tin giả tràn lan’, ‘khuyến khích sự nóng giận của người dùng’ mà còn ‘dập tắt tiếng nói của sự thật theo yêu cầu của các nhà nước độc tài’, một kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ gốc Việt vốn dành nhiều thời gian theo dõi Facebook nói với VOA.
Ông chủ Zuckerberg của Facebook bị cáo buộc là đặt lợi nhuận lên trên hết
Facebook, mạng xã hội được nhiều người Việt sử dụng nhất hiện nay, đang bị chính quyền Mỹ săm soi sau những tiết lộ gây sốc của cô Frances Haugen, một cựu quản lý dự án của Facebook, khi ra điều trần ở Quốc hội hồi tháng trước.
Cô Haugen đã nói trước một tiểu ban ở Thượng viện rằng Facebook ‘đặt lợi nhuận ngất ngưỡng của họ trước người dân’ và kêu gọi Quốc hội hành động để kiềm chế hãng công nghệ khổng lồ này, theo USA Today.
"Chúng ta có thể tận hưởng mạng xã hội giúp kết nối chúng ta mà không phải phá nát nền dân chủ của chúng ta, đưa con em chúng ta vào nguy hiểm và gieo rắc bạo lực sắc tộc khắp thế giới", cô Haugen được USA Today dẫn lời phát biểu trong buổi điều trần truớc Quốc hội.
‘Người thổi còi’ này đã phân tích bằng cách nào mà các thuật toán nhằm kích thích người dùng bỏ nhiều thời gian trên Facebook đã ‘dẫn đến các mức độ nguy hiểm của bạo lực và xung đột trên khắp thế giới, điều mà Facebook không hề chặn bởi vì nó sẽ làm giảm lợi nhuận’.
Do đó, muốn tránh tác hại cho người dùng và xã hội, Facebook cần xây dựng các sản phẩm làm sao để chúng ‘ít gây căng thẳng, ít gây phản ứng và ít lan truyền hơn’, cũng theo lời cô Haugen được USA Today dẫn lại.
"Dường như Facebook đầu tư vào những người dùng có thể đem lại tiền cho họ", cô Haugen nói và lập luận rằng mạng xã hội này tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tăng cường tương tác của người dùng bằng mọi giá. Cô cho rằng việc Facebook sắp xếp các bài đăng theo số lượng tương tác ‘đặc biệt có hại’.
Những nhận định này được ông Nguyễn Bình Phương, một lập trình viên ở California từng làm việc cho hãng Google nay ra mở công ty riêng, khẳng định lại với VOA. Ông Phương đã có thời gian theo dõi cách thức hoạt động của mạng xã hội này rất lâu trước buổi điều trần của cô Haugen.
"Những gì cô Haugen nói đã xác minh cho những gì mà tôi còn mơ hồ", ông Phương nói với VOA. "Nhưng nó ở mức độ hơn rất nhiều so với những gì tôi ngờ vực".
Tin giả hoành hành
Ông Phương đã bỏ thời gian trong hơn một năm qua để tự mình chống tin giả bằng cách kiểm chứng và dịch những thông tin chính xác để chuyển tải đến người Việt sau khi ông nhận thấy nạn tin giả hoành hành trong cộng đồng gốc Việt. Nền tảng mà ông hướng tới là Facebook vì nơi đó tập trung đông người Việt.
Cũng giống như cô Haugen, ông Phương cho rằng Facebook đã ‘đặt nặng lợi nhuận lên cao hơn các giá trị hay lợi ích khác’.
"Khi người ta dành nhiều thời gian trên Facebook, bỏ thời gian để tranh cãi với nhau trên đó thì sẽ có cơ hội những quảng cáo của Facebook sẽ được người ta nhấn vào nhiều hơn, họ sẽ thu được nhiều tiền hơn", ông giải thích.
Ông cho rằng nhiều khán giả, nhất là người Việt, ‘rất thích nghe những gì hợp với suy nghĩ của họ bất kể đúng hay sai’. Qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, nhiều người Việt ủng hộ ông Donald Trump ‘rất thích nghe những tin tức tâng bốc ông Trump’, ông nói, nên họ tích cực chia sẻ.
"Cho nên những tin giả mức độ lan tỏa của nó rất kinh khủng, hơn rất nhiều so với tin thật", ông nói.
Khi thị hiếu của nhiều người là thích nghe và xem tin giả, ông Phương phân tích : "Tin giả càng nhiều thì càng có lợi cho Facebook về mặt lợi nhuận",
Ông chỉ ra rằng trên Facebook việc đưa tin giả rất dễ dàng trong khi bản thân ông khi dịch một bản tin nào đó ‘phải kiểm chứng ít nhất 2-3 nguồn uy tín khác nhau’ chứ không phải thấy thông tin ở đâu đó là vội đưa lên.
Theo ông những tin giả tiếng Anh đã bị phản bác nhưng vẫn bị phát tán bằng tiếng Việt vì các nhóm kiểm chứng tin người Việt ‘không đủ sức mạnh lan truyền’.
Mặc dù bản thân Facebook cũng nỗ lực chống tin giả nhưng ông Phương cho rằng đó là một cách làm hời hợt, chẳng hạn như dán lên phía dưới tin dòng cảnh báo và đường dẫn để kiểm chứng. "Nhưng với tốc độ thông tin như hiện nay thì không mấy ai nhấp vào đó để xem mà họ cứ like và share cái đã", ông nói.
Theo quan sát của ông Phương thì ‘chưa có tài khoản nào loan tin giả bằng tiếng Việt bị Facebook đóng cả mà họ chỉ gỡ vài bài thôi’, và ‘có những tài khoản của người Việt loan tin giả hàng ngày hàng giờ, đưa đủ thứ tin giả được chia sẻ rất nhiều nhưng vẫn tồn tại’.
Sức mạnh của ‘mặt giận’
Đối với cáo buộc của cô Haugen rằng Facebook ‘nuôi dưỡng sự thù hận và kích động bạo lực’, ông Phương cho rằng đó là do một biểu tượng cảm xúc mà Facebook mới thêm vào sau này là hình mặt giận.
"Facebook cần phải tăng số giờ sử dụng chứ không chỉ số người sử dụng", lập trình viên này phân tích. "Nghiên cứu của Facebook đã cho thấy rằng khi có ‘mặt giận’ hiện lên, người ta vô đó bình luận nhiều hơn, tranh cãi, chia sẻ cũng nhiều hơn".
"Số lượng mặt giận càng nhiều thì bài đăng đó càng được đẩy lên trên để tiếp cận nhiều người đọc hơn", ông nói và dẫn ra hồ sơ Facebook được tiết lộ cho thấy mạng xã hội này tính ‘mỗi mặt giận có giá trị gấp 5 lần like bình thường’.
Ông chỉ ra việc nhiều người tham gia vào cuộc bạo loạn ở Quốc hội Mỹ hôm 6/1 là ‘nghe theo lời kêu gọi giận dữ trên Facebook’
"Bất chấp trên xã hội ảo người ta trở nên nóng giận để rồi ngoài đời thật xảy ra bao nhiêu chia rẽ giữa bạn bè và gia đình, Facebook chỉ cần biết người ta bỏ nhiều thời gian lên mạng xã hội để họ có thêm lợi nhuận mà thôi", ông chỉ trích.
‘Phục tùng độc tài’
Tờ Washington Post mới đây cũng đưa tin Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, đã phục tùng các yêu cầu của chính quyền Việt Nam là tăng cường kiểm duyệt những thông tin bất lợi cho Đảng cộng sản để không bị chặn ở một trong những thị trường đem lợi nhuận lớn nhất ở Châu Á cho Facebook.
Báo cáo minh bạch thường niên của Facebook cho thấy số lượng bài đăng bị họ chặn ở Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 là 2.200, tăng gần gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm.
Ông Phương cho biết bản thân ông đã chứng kiến việc Facebook hợp tác với chính quyền Việt Nam – điều khiến ông từng nghi ngờ ‘có người của cộng sản làm việc cho Facebook’.
"Thị trường Việt Nam đem lại cho Facebook doanh số 1 tỷ đô la một năm, tức là Facebook và chính bản thân Mark Zuckerberg bán đứng quyền tự do ngôn luận, sự tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam với cái giá 1 tỷ đô la", ông nói.
Ông cho rằng việc các hãng công nghệ bị các nhà nước độc tài gây áp lực là ‘điều không mới’, chẳng hạn như Google từng bị Trung Quốc yêu cầu phải chặn các từ khóa tìm kiếm nhạy cảm, và Google dù nghe theo nhưng vẫn có dòng chữ là ‘có những kết quả đã bị xóa theo yêu cầu của chính quyền’. Đằng này, Facebook ‘không có nỗ lực gì bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dùng’.
Ông dẫn ra một trường hợp là nhóm ‘Lều của đầy tớ’ vốn phơi bày dinh thự xa hoa của các quan chức Việt Nam đã bị Facebook đánh sập vào tháng 12/2020, tức trước thềm Đại hội Đảng 13, với lý do ‘vi phạm sở hữu trí tuệ’ mà không nói rõ là ‘vi phạm thế nào, lấy hình của ai’.
"Lều của đầy tớ’ bị đóng đến nay không mở lại được. Các quản trị viên của nhóm liên tục khiếu nại lên Facebook nhưng không có hồi âm", ông cho biết và lên án Facebook ‘không tôn trọng người dùng’.
‘Phản dân chủ’
Ông Phương đặc biệt chỉ trích cách Facebook tiếp nhận các trình báo mà theo ông là ‘thực thi dân chủ một cách phản dân chủ’.
Ông kể là ông và những người cùng chí hướng lập một nhóm gồm 300 thành viên chuyên trình báo các trang tin giả tiếng Việt nhưng trên thực tế đến nay ‘hiệu quả là con số không’.
"Nhưng nếu có bài nào đó bất lợi cho chính quyền cộng sản thì lực lượng dư luận viên thi nhau báo cáo khiến cho tài khoản đăng bài đó bị Facebook đóng cửa", ông chỉ ra và nói Facebook không hề cho biết số lượng báo cáo là bao nhiêu là đủ để họ hành động.
"Khi họ đóng thì họ cũng đưa ra lý do rất mơ hồ và cơ hội để khiếu nại là zero", ông nói thêm và nhận định rằng người dùng ‘rất thấp cổ bé họng’ trước ông lớn mạng xã hội này.
Ông nói nhóm của ông bất lực nhìn tin giả hoành hành trong cộng đồng Việt dù đã báo cáo rất nhiều lần.
‘Hành động không đủ’
Kỹ sư phần mềm này cho rằng trước các vấn nạn trên, Facebook đã ‘hành động quá ít’ để xử lý.
Ông chỉ ra việc Facebook dành đến 87% chi phí chống tin giả của họ để chống tin giả bằng tiếng Anh ở thị trường Mỹ, còn các trang tin giả bằng các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt, hầu như không có nỗ lực gì.
"Không rõ họ có người nào để theo dõi mảng tin giả (tiếng Việt) hay không hay chỉ dùng trí tuệ nhân tạo để bắt lỗi này lỗi kia", ông nói và cho biết nghiên cứu nội bộ của Facebook đã phát hiện được những chỉ dấu của tin giả hay kích động bạo lực nhưng ‘họ đã hành động không đủ’.
Ông dẫn chứng mãi đến khi xảy ra cuộc bạo loạn hôm 6/1 tại Quốc hội Mỹ thì Facebook mới họp khẩn cấp để quyết định áp dụng biện pháp nào. "Trước đó, họ biết những việc họ có thể làm nhưng họ không làm", ông nói.
Ông nói mặc dù là một công ty kinh doanh với ‘trách nhiệm tận cùng’ là ‘làm việc vì lợi nhuận’ nhưng hành động vì lợi nhuận đó lại gây hại cho xã hội thì cần phải có chế tài.
Theo ông, Facebook không thể viện cớ ‘đáp ứng thị hiếu người đọc’ mà để cho tin giả tràn lan và ví von với việc chính phủ Việt Nam để cho nông dân vì chạy theo cái lợi trước mắt, vì thiếu hiểu biết mà làm việc có hại như nuôi ốc bươu vàng theo lời dụ dỗ của thương lái Trung Quốc.
"Tin giả về bầu cử đánh phá nền dân chủ Mỹ, làm cho giá trị Mỹ bị ngờ vực, còn tin giả về vaccine dẫn đến sự chết chóc", ông phân tích.
Từ đó, ông Phương đề xuất ‘cần có một tổ chức độc lập để giám sát, kiềm chế Facebook và phải có chính sách rõ ràng Facebook được làm gì, không nên làm gì’.
"Tôi không thể tin Facebook có thể tự kiểm soát được", ông khẳng định.
Facebook phản hồi
Cho đến giờ, các lãnh đạo Facebook như ông Mark Zuckerberg và bà Sheryl Sandberg, giám đốc hoạt động (COO), đều chưa lên tiếng về những cáo buộc của cô Haugen.
Trong khi đó, trong một tuyên bố được gửi cho tờ USA Today, bà Lena Pietsch, giám đốc thông tin chính sách, chỉ trích cô Frances Haugen là ‘làm việc với Facebook chưa tới hai năm, không có báo cáo trực tiếp, chưa từng tham dự một cuộc họp ra quyết định nào với các giám đốc điều hành cấp cao và đã làm chứng hơn sáu lần rằng cô ta không làm việc trên vấn đề được nêu’.
"Mỗi ngày, chúng tôi phải có những quyết định khó khăn về việc tách bạch giữa tự do biểu đạt và những phát ngôn gây hại, quyền riêng tư, an ninh, và các vấn đề khác, và chúng tôi sử dụng của nghiên cứu nội bộ và nghiên cứu của các chuyên gia bên ngoài để cải tiến các sản phẩm và chính sách của chúng tôi", tuyên bố viết. "Nhưng chúng tôi không thể tự mình ra quyết định và đó là lý do tại sao trong nhiều năm chúng tôi đã cổ súy cho việc cập nhật các quy định mà ở đó các chính quyền dân chủ đặt ra các chuẩn mực mà tất cả chúng tôi phải tuân theo".
Trước đó, trả lời VOA tiếng Việt qua email, một người phát ngôn của Facebook nói rằng ‘mục tiêu của chúng tôi là duy trì hoạt động của các dịch vụ tại Việt Nam để chúng tôi có thể cung cấp không gian cho nhiều người nhất có thể để bày tỏ, kết nối với bạn bè và điều hành công việc kinh doanh của họ’.
VOA tiếng Việt tổng hợp
Nguồn : VOA, 03/11/2021
Nguyễn Thị Sen, VNTB, 09/08/2021
Lê Văn Tám thời Covid
Chuyện một bác sĩ quyết định rút ống thở của mẹ để cứu 3 mạng người khác được sáng tác ra để lấy nước mắt của người đọc. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, kinh tế kiệt quệ, đói kém đã khiến tâm lý người dân hoang mang. Niềm tin vào chính quyền, hệ thống chính trị theo như cách nói yêu thích của cán bộ ngày nay, hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội không còn nữa thì những câu chuyện Lê Văn Tám đã được sáng tác ra để mị dân. Khi đã cạn kiệt niềm hi vọng, thì người ta tin tưởng vào một tia sáng le lói.
Câu chuyện có vẻ như từ một người rất thật của một người bác sĩ – một người cha có con nhỏ của một tài khoản [được cho] là có thật trên Facebook để người đọc xuýt xoa tự hỏi có bao nhiều người dám hi sinh người thân của mình để cứu người khác. Trong thời khắc con người đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, những ai sẽ không cố vũng vẫy để tranh giành lấy lại cho được sự sống của bản thân mình và cho người thân của mình trước hết ? Có lẽ rất hiếm.
Vì vậy một câu chuyện hiếm, lạ trong thời buổi nhiễu nhương, nhập nhằng trắng đen này và cả đầy dẫy bất công đã làm cho không ít người tin rằng trên đời này vẫn còn có những con người cao cả, hi sinh vì người khác.
Chuyện "Bác sĩ Khoa" được lan tỏa mạnh vì một người dám hi sinh mạng sống của mẹ để cứu bệnh nhân. Giữa lúc có những người làm trong ngành y từ đầu đại dịch cho đến nay đã có những hành động đáng khinh bỉ như nâng giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai, vắc xin ông ngoại, vắc xin ông anh, vắc xin gia đình bác sĩ, hay tình trạng quá tải của y tế Việt Nam như thiếu máy thở, thiếu vắc xin khiến người dân ngao ngán. Với câu chuyện này khá nhiều người nghĩ rằng vẫn còn có điều gì đó tốt đẹp để tin tưởng, bỏ qua cả khía cạnh đạo đức phương đông và pháp lý Việt Nam. Vì thế họ đã bấm nút like, chia sẻ và thậm chí đã khóc.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc câu chuyện đã được xác định là hư cấu, người bác sĩ tên Khoa với trang Facebook cá nhân có cả hình con trai đã biến mất. Sở Y tế thành phố cũng xác nhận đây là câu chuyện không có thật.
Mạng xã hội lại chia rẽ khi một bên không tin câu chuyện Lê Văn Tám thời Covid công kích những người đã lỡ like, và chia sẻ câu chuyện mà trong đó không ít người là những người nối tiếng, KOLs, blogger và cả nhà báo. Khía cạnh đạo đức ngay trong tháng Vu Lan đã khiến nhiều người phẫn nộ với một người dân danh bác sĩ vì "mẹ mình mà không cứu thì nói gì đến bệnh nhân".
Một câu chuyện có vẻ đẹp như mơ được tung ra cho đến giờ dường như đã nhấn chìm một câu chuyện khác. Chỉ vì nói đúng thực trạng của xã hội Việt Nam lại "được mang ra đấu tố" : một cô giáo bị chính học trò tố cáo bằng một đoạn phim quay lại buổi học trên Zoom, kéo theo cả công an, chính quyền Đà Nẵng và báo chí vào cuộc.
Phạm tội nói thật
Một cô giáo bị buộc tội "sính ngoại, phát ngôn phiến diện về công tác phòng chống dịch" sau khi một đoạn clip tranh luận giữa cô giáo và học trò được chính người sinh viên có mặt trong clip tung lên mạng xã hội.
Cuộc tranh luận nằm trong khuôn khổ của môn học Văn minh/Văn hóa Anh đã được báo công an và các báo chí trong nước gán cho tội "sính ngoại". Cô giáo dạy Văn minh Anh thì phải nói về Văn minh/văn hóa nước Anh là điều đương nhiên. Việc đối chiếu văn minh Anh với văn minh Việt Nam để so sánh, tìm sự khác biệt là điều thường tình nhưng lại bị báo chí kết tội "sính ngoại".
Cái tội "sính ngoại" này có lẽ nên dành hết cho các lãnh đạo từ cấp cao nhất xuống dưới, đảng viên từ nhỏ tới to, công nhân viên nhà nước trong diện được ưu tiên tiêm vắc xin và cả lực lượng công an, quân đội đến tận những nhà báo đang hăng hái gõ bàn phím kết tội cô giáo. Họ chắc chắn tự hào đã được tiêm vắc xin "xịn xỏ" của Anh hay của Mỹ. Không sính ngoại thì tại sao các vị không chờ cho đến khi có vắc xin Việt Nam rồi chích, hay là tốt hơn thì tự nguyên xung phong tham gia thử nghiệm vắc xin của Việt Nam để thể hiện tinh thần yêu nước, không sính ngoại ?
Việc thể hiện quan điểm riêng và tôn trọng sự khác biệt là một trong những nét đặc trưng của xã hội dân chủ trong các nền văn minh Âu Mỹ. Nhưng tiếc thay, cậu học trò đã không học được điều đó. Thay vào đó, cậu đã áp dụng văn minh đấu tố của cải cách ruộng đất, của cách mạng và của Mao để đưa cô giáo của mình ra làm đối tượng bị ném đá nhằm thỏa mãn cho một mục tiêu nào đó.
Đoạn video clip dài hơn 4 phút nhưng chỉ có một số câu được ghi lại theo chiều hướng có lợi cho bên buộc tội, ngoài ra toàn bộ bối cảnh của cuộc tranh luận không được biết đến nên sẽ không được phán xét công tâm cho cả hai phía dù có thể thấy đọc thấy câu hỏi gài độ "Cô không thích người Việt Nam luôn đúng không ạ ?".
Cô giáo đặt câu hỏi đã có thấy ở đâu dân phải chạy 1.500 km về quên trốn dịch hay chưa. Câu trả lời là có, người dân Ấn Độ phải đi bộ hàng nghìn cây số về quê trốn dịch từ năm 2020 và lịch sử đã lập lại tại Việt Nam khi các loại phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoạt động.
Lập luận về an sinh xã hội của giảng viên này không có gì là sai cả, mà nó đúng 100%. Người dân Âu Mỹ ở nhà yên tâm chống dịch vì họ không có ai đói, tiền được chính phủ hỗ trợ minh bạch và đi thẳng vào tài khoản ngân hàng, người thất nghiệp được hưởng lương thất nghiệp hết thời gian trợ cấp thất nghiệp thì có có đệ đơn xin trợ cấp khác.
Thuốc men, khám chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn cho bất kỳ ai đang ở trên đất Anh. Ở những quốc gia khác thì có bảo hiểm thì do bảo hiểm hoàn toàn chi trả. Vắc xin được tiêm kịp thời và hoàn toàn miễn phí, minh bạch không có đối tượng ưu tiên gây bức xúc.
Người dân nhập cư ở thành phố lớn như Sài Gòn không có được sự trợ cấp kịp thời dù họ là thành phần đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố này và cả nước. Họ cũng không có hi vọng được tiếp cận chăm sóc y tế, vắc xin khi mà đến tiền ăn hay tiền mua bỉm sữa cho con còn không có. Thì họ chỉ còn có một con đường tháo chạy về quê.
Cuộc tháo chạy mà có người cho rằng đó là đi "tỵ nạn y tế" cho thấy sự thất bại của chính phủ trong việc chăm lo cho dân chúng, cho những người đã bán sức để đóng thuế nuôi bộ máy của chính phủ trong bao năm qua.
Đã không hỗ trợ được cho dân, mà khi dân quay về quê còn bị chính quyền địa phương xua đuổi. Chính quyền dường như đã vắng mặt trong thời gian qua. Hình ảnh cứu trợ, giúp đỡ nhân viên tuyến đầu toàn là tự phát chứ không có bóng dáng của đoàn, đội, hội ăn ngân sách. Đã không hỗ trợ được cho dân thì chớ mà còn kêu gọi dân đóng góp quỹ vắc xin, xong thì tiền nhàn rỗi được mang đi gửi ngân hàng.
Tiền nhàn rỗi lên đến gần 30.000 tỉ của Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng đâu được chi ra để chăm lo cho người lao động bị buộc phải trích lương vài phần trăm mỗi tháng để nộp vô quỹ công đoàn. Tiền cứu trợ gói này đến gói khác thì ở trên ti vi. Cứu trợ năm ba ký gạo cho mỗi gia đình hay 1,5 triệu đồng thì một gia đình ba bốn miệng ăn sẽ sống được trong bao lâu?
Đà Nẵng lại còn phát minh ra ý tưởng một gia đình khá giả sẽ nâng đỡ một gia đình nghèo khó. Đấy, chính quyền lại đẩy gánh nặng cho dân dưới cái chiêu bài "lá lành đùm lá rách" đó thôi. Suy cho cùng thì chỉ có dân lo cho dân thôi.
Một chính phủ không thể lo cho dân mình là một chính phủ thất bại. Ở các nước đa đảng thì chính phủ bất tài đã phải từ chức hay bị người dân yêu cầu từ chức. Thế nhưng ở Việt Nam thì chính phủ không được thất bại vì nếu chính phủ thất bại thì hóa ra đảng lãnh đạo cũng thất bại sao? Thế cho nên không được thất bại cũng như không được nhục.
Cô giáo dám nói "nhục", dám chê bai "an sinh xã hội của Việt Nam yếu kém" là đã phạm vào điều cấm.
Ta chỉ có bách chiến bách thắng thôi !
Nguyễn Thị Sen
Nguồn : VNTB, 09/08/2021
********************
Vụ tin giả "bác sĩ Khoa" : hậu quả của sách lược tuyên truyền sai sự thật !
Diễm Thi, RFA, 10/09/2021
Hậu quả của chính sách nhồi sọ
Hôm 7 tháng 8 năm 2021, trên trang Facebook cá nhân của người có tên Khoa tự nhận mình là bác sĩ, kể lại câu chuyện bác sĩ Khoa tự động rút ống thở của cha mẹ ruột để cứu một sản phụ mang thai đôi. Vị "bác sĩ" này cũng là người đỡ đẻ cho sản phụ này. Câu chuyện được Phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển và một cựu nhà báo của truyền thông Nhà nước là Hoàng Nguyên Vũ đưa lại trên Facebook cá nhân. Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày hôm sau lên tiếng cho rằng đó là chuyện hư cấu, bịa đặt.
Ảnh minh họa một pano tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam - AFP
Câu chuyện khiến dư luận liên tưởng đến câu chuyện thiếu nhi Lê Văn Tám tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng của Pháp ; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai ; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo; Võ Thị Sáu ngắt hoa cài lên mái tóc trên đường ra pháp trường dù hai tay bị trói chặt…
Trong bài viết "Về cây đuốc sống Lê Văn Tám" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào tháng 10 năm 2008, giáo sư Phan Huy Lê tiết lộ : "Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật". Vị giáo sư này nói thêm rằng, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng : "Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa".
Dư luận cho rằng, câu chuyện "bác sĩ Khoa" là hậu quả của việc tuyên truyền sai sự thật được Đảng Cộng sản sử dụng để bảo vệ Đảng từ ngày thành lập. Khi câu chuyện bị cư dân mạng phân tích những điểm vô lý thì câu chuyện biến mất cùng tác giả. Hai nhà báo của truyền thông Nhà nước bị phạt hành chính mỗi người năm triệu đồng vì chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên Facebook.
Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ chia sẻ quan điểm của ông với RFA :
"Thời đang học chuyên ngành báo chí năm thứ hai, môn Đạo đức báo chí bài đầu tiên tôi được học đó là: viết báo là để bảo vệ Đảng. Sau bài học đó, hoài bão làm phóng viên trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn.
Câu chuyện ‘bác sĩ Khoa’ đã được phát tán với những cây bút dư luận viên cao cấp là một ‘lẽ bảo vệ Đảng’ trong đạo đức ngành báo Việt Nam, họ dựng lên câu chuyện này theo đánh giá của tôi không nằm ngoài hai mục đích: Thứ nhất, họ cố tình làm mờ đi chuyện thiếu ống thở để che lấp sự quản lý yếu kém của Chính phủ cũng như đảng cầm quyền. Thứ hai, họ thử đánh giá sự hiểu biết của người Việt Nam như thế nào qua câu chuyện hư cấu ấy.
Các ‘viện nghiên cứu’ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an rất cần những cuộc khảo sát này để đánh giá hết mức độ xã hội Việt Nam hiện tại. Tôi tin họ đã lấy được thứ cần lấy !".
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định :
"Hậu quả của chính sách nhồi sọ xuyên suốt, có hệ thống và liên tục hơn 70 năm qua đã khiến đại đa số người dân sống trong tăm tối. Nạn sùng bái cá nhân khởi từ ông Hồ Chí Minh qua cuốn truyện mang đầy tính trào lộng ‘Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện’ của Trần Dân Tiên, kéo dài và biến tướng qua các KOLs cho tới nay. Văn hóa - giáo dục bị suy thoái tận cùng, không còn cứu vãn được nữa.
Tóm lại, vụ "bác sĩ Khoa" là một hiện tượng điển hình và căn bản để phản ánh bản chất của chế độ độc đảng toàn trị. Không còn mong đợi gì thay đổi về thuộc tính dối trá khoác bên ngoài là tấm áo mang tên ‘đạo đức’".
KOLs (Key Opinions Leaders) là những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng thường được mời tham gia các chiến dịch truyền thông.
Vận động sáng tác để tuyên truyền
Hôm đầu tháng 8, Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh mở cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề "Chung một niềm tin chiến thắng". Cuộc vận động sáng tác thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá phong phú để giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh.
Vậy câu chuyện "bác sĩ Khoa" có được xem là một "tác phẩm" trong cuộc vận động do chính cơ quan văn hóa của Nhà nước phát động hay không ? Khi câu chuyện "bác sĩ Khoa" bị phát hiện là câu chuyện được dựng lên, không có thật, báo chí Nhà nước gọi đây là câu chuyện hư cấu.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già không đồng ý với cách viết như vậy. Ông giải thích :
"Hư cấu là một khái niệm dành riêng cho lãnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lãnh vực tiểu thuyết - kịch nghệ - điện ảnh. Những cuốn truyện, những kịch bản, dù được hư cấu nhưng phải bảo đảm tính logic cùng mạch chuyện hợp lý, diễn ra suốt cuốn tiểu thuyết, vở kịch hoặc bộ phim. Các nhà báo chuyên nghiệp và tên tuổi không được phép tung hỏa mù trước dư luận quần chúng bằng ý nghĩa "hư cấu" vào trong câu chuyện tầm bậy tầm bạ này, nhằm làm giảm nhẹ sự man trá trong tuyên truyền vốn có của bản chất chế độ độc đảng toàn trị.
Để bào chữa cho việc tuyên truyền xảo trá nói trên, những nhà báo chuyên nghiệp vội vàng đăng lời xin lỗi, cùng câu chữ trần tình không hề kém cạnh sự chuyên nghiệp của họ trong nhiều vụ việc tai tiếng khác.
Các nhà báo chuyên nghiệp, không một ai được phép lầm lẫn : Báo chí là tiểu thuyết - kịch nghệ - phim ảnh".
Tiến sĩ Mạc Văn Trang từng nói với RFA rằng, Đảng Cộng sản lên nắm chính quyền đã tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc, đẩy xã hội đến những suy thoái về niềm tin của con người, khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố.
Nhà văn Nguyên Ngọc lúc sinh thời từng nói về căn bệnh giả dối trong xã hội : "Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ : Tốt để làm gì ? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì ? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì ? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không ? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít ?".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 10/08/2021
*********************
Nghe lời cao cả, sao chỉ thấy rùng mình
Tuấn Khanh, RFA, 09/08/2021
Bác sĩ Khoa không thấy xuất hiện nữa, sau sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết "rút ống thở" của cha mẹ già, để nhường cho hai đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Bản tin lan nhanh đến khủng khiếp trong đêm 7/8/2021. Bên dưới lời tâm tình gây chấn động đó, không ít các nhân vật tên tuổi để lại lời kính trọng và cám ơn. Thậm chí, có người còn ghi rằng họ nợ anh về mạng sống của cha mẹ già mà anh đã quyết hy sinh.
Sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết "rút ống thở" của cha mẹ già, để nhường cho hai đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời
Nhưng rồi chỉ đến rạng sáng hôm sau, mọi thứ bày ra một sự thật khủng khiếp : hóa ra đó là trò bịa đặt, có giá trị như một cú hích truyền thông được tổ chức, nhằm tạo một luồng tâm lý mới trong xã hội đang quá bất mãn và tiêu cực về những câu chuyện mất mát, khốn khó của người dân thời phong tỏa, và hơn nữa là về chuyện bộ máy y tế ở Sài Gòn đang kiệt sức trước các mệnh lệnh chống dịch bất hợp lý.
Người ta tìm thấy vị bác sĩ tên Khoa ấy – tự xưng là làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng trả lời báo Tiền Phong, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy là ông Nguyễn Tri Thức đã khẳng định là không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Câu chuyện hai em bé sinh đôi, cũng được tìm thấy là hình ảnh được ăn cắp từ trang Facebook của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, một ca mổ do chính bác sĩ này đảm trách.
Tâm lý đám đông bị hành hạ khủng khiếp vì kịch bản truyền thông này. Người Việt ở mọi nơi bị sững sờ và khuất phục bởi hình ảnh không khác gì những giai thoại trong truyện Tàu cũ – vốn đã ăn sâu vào tình cảm người Việt nhiều đời.
Hãy tự hỏi, có cái gì cao quý hơn việc một bác sĩ trong thời đại xã hội chủ nghĩa đã quyết hy sinh cả ba mẹ để cứu cho những đứa trẻ vừa ra đời ? Nhất là chuyện đó xảy ra trong lúc đại dịch khốn khó, rõ là hình tượng sáng ngời và mẫu mực của đám đông đang cắn môi ứa lệ để giơ cao tay đi cùng Thủ tướng, quyết "chống dịch như chống giặc" và sẵn sàng vượt qua mọi nỗi đau để chiến thắng. Kịch bản này đau đớn và đẹp tương tự như Tỷ Can chấp nhận ăn bánh bao thịt con mình, để thoát khỏi tay Trụ Vương, nghĩ đến ngày khởi nghĩa. Chuyện cũng bi phẫn như Quách Cự tự tay chôn sống đứa con ba tuổi để dành thêm cơm nuôi mẹ trong Nhị Thập Tứ Hiếu.
Không đến 24 giờ đồng hồ, tâm lý đám đông lại bị hụt hẫng, đặc biệt với những người bị tác động khủng khiếp bởi đã để cảm xúc kiểm soát hơn là lý trí. Rất nhiều người nói mình đã cúi đầu, khóc hay ngưỡng mộ bác sĩ Khoa, nay lại rơi vào trạng thái tức giận và nguyền rủa.
Báo chí nhà nước lao vào cải chính, vạch trần sự kiện này cũng nhanh đến mức bất ngờ. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ sớm qua đi, vì có vẻ như mọi nguồn cơn tìm thấy, xuất phát mạnh mẽ từ một người làm báo chuyên phát ngôn cho Nhà nước, và cũng hay tổ chức sự kiện truyền thông để phục vụ mục đích chính trị mỗi khi có yêu cầu. Bên cạnh việc trang cá nhân của "vị bác sĩ trẻ tên Khoa" này biến mất, khiến nhà báo cũng phải xin lỗi và rút lại những gì đã đăng, mặc dù vẫn chống chế rằng "đã huy động tòa soạn kiểm tra nguồn tin đến 2 giờ sáng".
Ở Việt Nam, đã có hàng trăm người bị gọi làm việc, phạt tiền, bị bỏ tù… với các câu chuyện trên Facebook từ năm 2020 đến này, qua các Điều 117, 331 Bộ Luật Hình sự hoặc theo Nghị định 15 về viễn thông, nhưng không chắc là sẽ có ai bị khiển trách gì sau vụ này, nhất là với vị trí lãnh đạo của một tờ báo về Pháp Luật.
Phải khâm phục là câu chuyện cổ tích giữa đời thường của bác sĩ Khoa phối hợp với một vài nhân vật có chủ ý dẫn dắt dư luận trên Facebook, đã chọn đúng điểm rơi tâm lý của người dân lúc này.
Cả một đất nước đang lo lắng trước những câu chuyện đau thương, và vật vã trước những những đòn ngăn sông cấm chợ điên loạn của một lực lượng kiêu binh nổi lên, nhân danh Chỉ thị 16, thì rõ là mọi người đang khao khát được nghe những điều tử tế, những sự cao cả và lương thiện của con người dành cho nhau. Chính câu chuyện này có tác dụng làm ai nấy chùng lòng lại. Thậm chí những người đang kêu gào cho quyền lợi của mình hay cho người khác đều có ít phút giây tự vấn về sự thấp hèn của mình khi nghe chuyện.
Nếu không bị vạch trần, chuyện của bác sĩ Khoa có tác dụng không nhỏ trong việc kềm hãm sự bức bối quyền lợi cá nhân, và nhu cầu bản thân bị thiệt thòi của đám đông bất bình đang ngày càng tăng trong phong tỏa. Và thậm chí, câu chuyện có thể trở thành sách khoa của giới tuyên truyền về việc dẫn chứng sự hy sinh bản thân của thế hệ mới xã hội chủ nghĩa cho tương lai đất nước.
Có người nêu câu hỏi, để dựng nên câu chuyện này, vì sao bác sĩ Khoa có thể giỏi đến mức tạo nên một khung hình cao thượng-nhẫn tâm thú vị như vậy, để nhiếp hồn nhiều tầng lớp dân chúng ?
Thật ra, mọi thứ đều có tính truyền thống của nó, soi chiếu lại quá khứ sẽ thấy không khó nhận ra. Trong mỗi giai đoạn kiểm soát đất nước, tùy theo tình hình, các nhà lãnh đạo vẫn có khuynh hướng mị dân và thao túng bằng những câu chuyện được dựng thêm, hay sáng tác ra. Việt Nam đã có những chuyện đầy cảm hứng của thời chiến tranh như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện… Và chẳng phải từ xa xưa, Lê Lợi đã thành vua trong suy nghĩ mê tín của người dân, qua việc cho viết bằng nước cơm trộn mật lên lá Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để kiến đục thành chữ ?
Những điều như vậy, cũng quen thuộc với tinh thần Thép đã tôi thế đấy của N.A.Ostrovsky : trung thành và sẵn sàng hy sinh theo mệnh lệnh, theo thời cuộc sắp đặt và tương lai cộng sản kêu gọi.
Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm Người thứ 13, truyện về cô gái Hồng quân bị kẹt trên đảo với một sĩ quan Bạch vệ đẹp trai. Gần nhau nên cả hai nảy sinh tình yêu. Nhưng đến khi một nhóm Hồng quân đến đảo và yêu cầu cô gái giết tên sĩ quan Bạch vệ, nhân danh vì mệnh lệnh và lòng phụng sự cao cả, cô đã bắn người yêu của mình.
Việt Nam cũng có, sách vở vẫn ghi lại rất nhiều trong năm 1945, trong đợt cải cách ruộng đất. Để chứng tỏ trái tim đỏ và cao quý, nhiều thanh niên đã từ chối cha mẹ mình, thậm chí quay mặt khi họ bị bắn, đánh đập. Mục đích là để bản thân mình vươn cao hơn trong đám đông – một kiểu kiếm view thời chưa có internet – để lọt vào tầm mắt bề trên, và chấp nhận mình là con bài cần thiết của thời cuộc.
Nếu thật sự có một sự thật hy sinh vĩ đại như bác sĩ Khoa đã nói, sao anh ấy còn tỉnh táo đến mức dành thêm thời gian để khoe chuyện như vậy trên Facebook, và còn ăn cắp ảnh trẻ sơ sinh từ trang người khác để minh họa cho mình ? Ấy là máu lạnh chứ đâu là sự thánh thiện – một người bạn tôi nhắn như vậy.
Đời người ngày càng khó biết, và khó đoán. Thật không dám nói gì thêm về cái gọi là sự thật trong những ngày tháng này. Nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, thật lòng tôi không cảm thấy xúc động như lúc đầu được biết về câu chuyện của vị bác sĩ tên Khoa. Nhưng rồi khi nhìn lại từ những gì lịch sử ghi lại, đã có đến nay, câu chuyện ấy chỉ khiến tôi lại thấy rùng mình.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/08/2021
Những gì không có lợi cho Donald Trump đều trở thành "Fake news", xem ra chẳng khác mấy, bất kỳ ai không ủng hộ, hoặc nghe theo cộng sản đều là "Phản động".
Điều này đang đúng với khá nhiều người Việt, và dễ dàng nhận thấy nó qua cách ủng hộ Donald Trump trước và sau bầu cử Mỹ của họ, đặc biệt là những người ở trong nước.
Đánh mất khả năng tư duy
Gần ba tháng trước, một sinh viên Việt Nam đang được du học tại Mỹ đã nhận xét với tôi về bản án dành cho những người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, "Bản án như vậy là đáng đời cho những kẻ thích khủng bố".
Bạn này đang học năm thứ ba tại Trường Đại học Quốc tế của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì sang Mỹ du học.
Lời nhận xét của bạn trẻ này hoàn toàn khớp với việc bóp méo bản chất vụ việc qua các phương tiện báo chí của nhà nước, cùng đội ngũ dư luận viên trên mạng và qua cách bạn vẫn đọc báo, nghe đài trong nước.
Câu chuyện trên cho thấy ngay trong một thế giới mở, được kết nối toàn cầu thì việc lặp lại thông tin không phản ánh đúng bản chất sự việc một cách liên tục, trên nhiều phương tiện của nhà cầm quyền Việt Nam vẫn luôn tỏ ra hiệu quả.
"Nếu bạn nói một lời nói dối đủ lớn và tiếp tục lặp lại nó nhiều lần, mọi người cuối cùng sẽ tin vào điều đó" (If you tell a lie big enough and keep repeating it, people will eventually come to believe it). Câu nói được trích dẫn nhiều nơi này được cho là từ Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức Quốc Xã.
Tuy nhiên, tôi không tìm thấy một tài liệu tiếng Anh nào đủ đáng tin cậy để chứng minh Joseph Goebbels nói nguyên văn như thế. Dù vậy, có thể ông ta đã trình bày những ý tưởng tương tự.
Nhưng, dùng sức mạnh của bộ máy cai trị để đánh tráo sự thật bằng những lời giả dối với mục đích đè bẹp đối thủ, lừa dối người dân ; tô hồng chế độ, biện minh cho giới cầm quyền… thì chủ nghĩa cộng sản và thể chế xã hội chủ nghĩa mới thật sự là bậc thầy.
Tuy nhiên, tại một đất nước dân chủ hàng đầu thế giới, bốn năm qua Donald Trump cũng đang vận dụng điều này một cách xuất sắc. Bất kỳ bài báo, thông tin nào không có lợi cho ông đều được Trump dán nhãn "Fake News". Chữ "Fake News" được Trump dùng liên tục, ở tất cả mọi thông tin bất lợi cho bản thân ông.
Điều này tạo kết quả với những người ủng hộ Donald Trump, tin tức không có lợi cho Trump đều trở thành "Fake news".
Việc tiếp nhận thông tin một cách lười biếng, không đặt ra câu hỏi nghi vấn, chọn thông tin làm hài lòng tình cảm dễ khiến người nhận mất khả năng tư duy, phản biện, truy tìm sự thật để có được nhận xét đúng sự việc trước sự nhiễu loạn thông tin.
Tin giả biện minh cho mục đích
Tuần trước một người quen ở tiểu bang Georgia gởi cho tôi một tấm ảnh Tập Cận Bình đang cầm cái dây, đầu kia được tròng vào cổ Joe Biden đang quỳ kiểu bái gối.
Anh này khẳng định với tôi, đây là hình ảnh thật 100%, bất chấp nó được ghép một cách non tay. Và anh tỏ ra đầy lo lắng, Mỹ sẽ bị Trung Quốc điều khiển với việc Joe Biden thắng cử.
Đến tin tức về phiều bầu của người chết, bưu điện chuyển phiều từ New York sang Pennsylvania, phiếu bầu bị bỏ bên vệ đường, máy chủ Dominion bị can thiệp để thay đổi kết quả bầu cử, Tống thống đắc cử Joe Biden của Mỹ là sản phẩm của truyền thông… đang được người Việt phát tán tràn lan để ủng hộ ông Donald Trump.
Các tin tức kiểu này khi dùng khả năng tư duy sẽ có nhiều câu hỏi nghi vấn dành cho nó. Bỏ một chút thời gian tìm hiểu sẽ có được sự thật không như thông tin ban đầu.
Khốn thay, người Việt chỉ tin theo những điều Donald Trump nói, tweet và đội ngũ của ông ta đưa ra, hoặc những người cùng chung đối tượng ủng hộ. Do đó, bất kể thông tin nào không có lợi cho Trump đều là "Fake news".
Người Việt chỉ tin theo những điều Donald Trump nói, tweet và đội ngũ của ông ta đưa ra
"Fake news" của Donald Trump và "Phản động" của cộng sản Việt Nam được dùng chẳng khác nhau. Theo đó, hàm ý chung những cá nhân, tổ chức không theo ý ta, ủng hộ ta đều là bọn sai trái, đáng lên án, trừng trị.
Tôi đang chứng kiến sự ủng hộ đông đảo của những người cùng dòng máu Việt cho ông Donald Trump, như đã từng thấy sự ủng hộ những lãnh đạo độc tài, mị dân qua các trang sử và trong kinh nghiệm thực tế hơn 30 năm tại Việt Nam.
Cùng với đó có quá nhiều người Việt đang áp dụng tiêu chuẩn kép. Sự việc có lợi cho Donald Trump thì sẽ đúng. Tuy nhiên cũng sự việc như thế mà bất lợi cho ông Trump sẽ là do gian dối, hấp tấp.
Có cái gì đó tương đồng giữa việc ủng hộ cha già dân tộc và lãnh tụ siêu cường Mỹ.
Tiếp tay cho tuyên truyền của Đảng
Cách ủng hộ Donald Trump của người Việt qua bầu cử vừa rồi chỉ cho thấy bộ máy tuyên truyền của chế độ cộng sản Việt Nam đang thắng.
Hệ thống bầu cử ở Mỹ rối bời, đầy gian lận. Hai đảng đấu đá nhau. Điều này như một cách gián tiếp thừa nhận cách bầu cử của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam ưu việt hơn, với tỷ lệ đồng thuận khá cao.
Thể chế dân chủ hàng đầu thế giới như Mỹ rất lộn xộn, gây chia rẽ quốc gia, thiếu sự đoàn kết như ở Việt Nam.
Việc các thể chế độc tài trên thế giới muốn từ cả thế kỷ qua chưa làm được, thì chính Donald Trump tự tay làm lu mờ ngọn hải đăng, thành trì của dân chủ thế giới. Giảm uy tín của nền dân chủ Mỹ qua những cáo buộc thiếu căn cứ, hành động thiếu chuẩn mực, Donald Trump vì ích lợi bản thân đang biến nước Mỹ thành trò cười cho thế giới dân chủ.
Điều đáng buồn là có quá nhiều nhà đấu tranh, bất đồng chính kiến sừng sỏ, bị chế độ độc tài cầm tù, sách nhiễu lại là những người hăng hái nhất trong việc loan báo sai sự thật để ủng hộ một kẻ mị dân, chỉ biết bản thân, cá nhân đầy chuyện gian đối như Donald Trump.
Chính quyền Hà Nội cũng trở nên dễ dãi, thả cho người dân, báo chí được tự do nói về bầu cử Mỹ.
Tôi chưa thấy, hoặc nghe nói có sự hạn chế bằng văn bản, chỉ đạo miệng, gọi điện, tin nhắn nào của Ban Tuyên giáo, Bộ, các sở Thông tin và truyền thông qua các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần về thông tin về bầu cử Mỹ.
Điều này khác với sự can thiệp của các cơ quan trên lên báo chí, dư luận xã hội khi đưa tin về tình hình ở Nga, Trung Quốc, Venezuela…
‘Thả cổng’ của nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tay cho những thông tin được thêu dệt một cách dễ dãi và phát tán rộng rãi theo cấp số nhân để phục vụ thị hiếu, sự ủng hộ của người Việt.
Người Việt đang dùng lại chiếc bẫy của cộng sản giăng ra
Không ít người đã dùng chính những cáo buộc của nhà cầm quyền dành cho họ để nói về người dám không ủng hộ Trump.
Nhiều người Việt đang áp dụng cái ‘bẫy’ mà cộng sản đã giăng ra để bóp méo sự thật mà họ đã từng là nạn nhân, từng bị lừa.
Trong bầu cử Mỹ người Việt đang biến những tin sai sự thật thành đúng qua cách họ tự đầu độc lẫn nhau qua việc đưa nhiều thông tin không đúng sự thật.
Đa số người Việt luôn nghĩ họ không thay đổi được chính trị trong nước vì mọi việc đã có "đảng và nhà nước lo", hoặc đấu tranh với hệ thống cầm quyền cũng như "châu chấu đá xe".
Và người Việt trong nước đang hành động theo kiểu họ có thể thay đổi được kết quả bầu cử Mỹ bằng niềm tin vào tin giả và kết quả bầu cử Mỹ sẽ thay đổi qua thông tin họ nhận được.
Võ Ngọc Ánh
(10/12/2020)
Những năm đầu tiên khi thế giới mới có internet, rồi sau đó các trang mạng xã hội lớn được thành lập, đây thật là những món quà tuyệt vời mà trí tuệ con người đã trao tặng cho nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Internet, rồi sau đó các trang mạng xã hội là những món quà tuyệt vời mà trí tuệ con người đã trao tặng cho nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Nhờ có internet, Facebook, Twitter… người Việt có cơ hội để truyền tải sự thật, chia sẻ ý kiến, quan điểm về chính trị-xã hội, học hỏi thêm từ kho kiến thức vô tận của nhân loại, để khai trí lẫn nhau và khai trí cho thế hệ trẻ người Việt nhận ra bản chất của chế độ độc tài độc đảng ở Việt Nam dẫn đến khao khát thay đổi vận mệnh của đất nước…
Nhưng vài năm gần đây, Facebook nói riêng và thế giới mạng xã hội nói chung càng ngày càng tràn ngập những tin giả (fake news). Hầu như công dân của quốc gia nào cũng gặp phải hiện tượng này.
Chỉ riêng trên Facebook, đã có rất nhiều tin giả từ nhiều nguồn khác nhau, do nhiều nước, tổ chức, nhóm… tạo ra, xuất phát từ những mục đích khác nhau. Các nước Châu Âu chẳng hạn, thì vất vả đối phó với các nguồn tin giả từ những nhóm cực hữu, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tân phát xít, ghét Hồi giáo, ghét dân nhập cư, cho người da trắng là thượng đẳng… cho tới các nhóm cực tả, các nhóm mê chủ nghĩa cộng sản, hoặc đòi xét lại lịch sử đất nước có liên quan đến thời kỳ "thực dân đế quốc" v.v…
Ở Hoa Kỳ cũng vậy, nhưng do sự chia rẽ đang trở nên hết sức gay gắt giữa hai phe ủng hộ và phản đối Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, phe ủng hộ đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ… nên tin giả tập trung nhiều vào điều này. Bên cạnh đó, góp phần tạo thêm sự hỗn loạn tin giả về chính trường xã hội Mỹ là những nguồn tin từ Nga và Tàu.
Điều này có thể thấy rõ từ cuộc bầu cử Mỹ 2016. Nga đã bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng nhiều cách, trong đó có việc hack email của ứng viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton và tung tin giả (1).
Bên dưới bài viết trên Facebook tin giả tiếng Việt về việc 4 người da đen đang bị cảnh sát Mỹ truy lùng vì hãm hiếp và cướp bóc một tiệm nail của người Việt làm chủ (sẽ trở lại với vụ này sau) anh Trần Nhật Bảo, Giảng viên môn Hành chính tư pháp (Hinh sự), môn Tội phạm học (Phạm pháp), nhà nghiên cứu - đồng tác giả nhiều bài báo khác nhau trên Tạp chí quốc tế về chính sách hình sự của Liên Hiệp Quốc… viết :
"Foreign Intelligence Service (formerly KGB) của Nga trong thời gian giúp Trump tranh cử năm 2016, đã thực hiện rất nhiều video, hình ảnh, và cả lồng tiếng nói giả của Hillary Clinton vào nhiều đề tài và tình huống khác nhau, nào là làm luật sư tham ô, giúp các thân chủ hãm hiếp chạy tội, nào là hợp tác với Trung Quốc, Saudi, Iran, Muslim, rồi cả làm lesbian, v.v. Tiếng nói giống y trang tiếng của bà nhưng không có hình mà thôi (chỉ cho hình still)... Tất cả soạn bằng tiếng Anh, đa số làm từ Sofia, Bulgaria - nơi từ sau Thế chiến II là nơi tụ tập của KGB Nga thực thi các vụ gián điệp đánh EU, thậm chí Sofia còn có cả 1 khu phố cho người Nga... Một số video về Châu Á, Muslims làm ở Philippines... Tất cả đều được tung lên Facebook tẩy não người Mỹ, trong đó có cả đám Việt Nam bên Mỹ qua hơn 270 ngàn acct giả trà trộn vào ít nhất 80 million accts người khác (2). Họ dùng service và cố vấn của Công an Việt Nam giúp chọn lựa các demographic groups thích hợp để tấn công hay tạo ảnh hưởng...
...thật đáng tiếc vì nhiều người vẫn còn ngây thơ về khả năng và mục đích đập tan chủ nghĩa Tự Do Dân Chủ của Khối lực cộng sản mà sao lại hạ mình nghe theo tin xạo mà cứ cho là mình nghe lời đảng Cộng hòa Mỹ chứ đâu biết mình làm tay sai cho FIS/KGB".
Trung Quốc cũng tạo tin giả với những mục đích khác. Tờ Washington Post có bài "The Chinese government fakes nearly 450 million social media comments a year. This is why ?" của tác giả Henry Farrell, giáo sư môn Khoa học Chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, đồng thời là tổng biên tập của The Monkey Cage tại The Washington Post.
Mỗi năm đội quân dư luận viên 50 xu do nhà cầm quyền Trung Quốc đào tạo, sử dụng, đã tạo ra khoảng 450 triệu bình luận, tin tức giả mạo, không chỉ nhằm tấn công những tiếng nói bất đồng chính kiến, tuyên truyền bảo vệ đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc, mà còn can thiệp vào chuyện quốc tế như can thiệp vào cuộc bầu cử của Đài Loan, tấn công phong trào dân chủ ở Hong Kong, chối cãi vai trò, trách nhiệm của Trung Quốc trong vụ Covid-19, "viết lại lịch sử" con virus Vũ Hán… Chắc chắn, cùng với Nga, Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao tình hình chính trường Mỹ và sẽ tham gia tung tin giả để ủng hộ cho ứng cử viên nào mà cả hai nước này cảm thấy có lợi cho Nga, Tàu.
Rõ ràng đây là một cuộc chiến giữa những quốc gia độc tài đang tìm cách phá hoại các quốc gia dân chủ/các nền dân chủ trên thế giới.
Đối với người Việt trong và ngoài nước, tình trạng dính tin giả cũng rất nhiều.
Facebooker Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập tờ Luật Khoa than thở :
Quan sát tin tức trên Phây mấy tuần qua, tôi giật mình nhận ra ngay cả nhiều người bạn có học vấn cao, tiếng Anh thừa để đọc báo Tây và chắc chắn chỉ mất vài giây để kiểm chứng thông tin, cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của tin vịt. Và đó không phải là vịt quay được chế biến trong những công xưởng công nghệ cao, mà là vịt nướng cháy đen trong những bếp than tổ ong khói mù khói mịt.
Tôi không dám nói tôi không bao giờ dính phải tin vịt, nhưng tình hình đến mức như hiện nay thì tôi không giải thích được. Môi trường thông tin đang sặc khói than tổ ong và nồng nặc mùi vịt cháy. Vài tiếng nói nhỏ nhoi để kiếm chứng thông tin gần như không có ý nghĩa gì.
Chỉ nói riêng về những tin giả viết tiếng Việt (chứ không phải viết tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt), thì cũng đã phát xuất từ nhiều nguồn, khá nhiều mục đích. Tạm suy luận :
1. Tin giả do những người/nhóm ủng hộ Tổng thống Trump, ủng hộ đảng Cộng hòa, ghét đảng Dân chủ tạo ra nhằm lôi kéo người Việt về phe mình, nhất là trong giai đoạn này khi bầu cử 2020 sắp diễn ra, những người/nhóm này muốn lôi kéo mọi người đi bầu cho Trump. (Và cũng không loại trừ chiều hướng ngược lại, nhưng ít thấy, có lẽ vì số lượng người Việt ủng hộ Trump đông đảo hơn ?).
2. Tin giả do chính nhà cầm quyền Việt Nam tạo ra với nhiều mục đích :
2.1. Gây chia rẽ giữa những người Việt trong và ngoài nước, giữa những người đấu tranh dân chủ với người dân. Chiến thuật này được áp dụng từ lâu nay, không phải mới lạ gì.
2.2. Chiến thuật mới hơn, xuất hiện 2, 3 năm sau này : Nhằm khai thác tối đa sự mâu thuẫn, bất hòa giữa những người Việt ủng hộ và không ủng hộ Trump. Điều này có lợi gì ? Đó là khi người Việt mải lo cãi nhau, thậm chí block nhau, "từ mặt nhau" vì những chuyện chính trị Mỹ thì họ có phần nào lơi là với mục tiêu chính là tập trung tâm sức phê phán nhà cầm quyền Việt Nam và đấu tranh cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Thực tế phong trào dân chủ ở Việt Nam đã bị chững lại suốt hơn 3 năm qua vì tình trạng bất hòa này như chúng ta có thể thấy.
2.3. Một số tin giả lại khai thác những nhược điểm trong tính cách chung của người Việt như thiếu tỉnh táo, thiếu cân bằng trong đánh giá sự việc, tính kỳ thị chủng tộc vv…để kích động thù hận, phân biệt chủng tộc giữa người Việt với cộng đồng người Mỹ da đen trên đất Mỹ (như tin giả về vụ cảnh sát Mỹ đang truy lùng 4 người da đen mà ở trện có đề cập, đã bị "bóc mẽ" ra sao).
Đọc bài của facebooker Khoa Lê :
https://www.facebook.com/groups/1412783762278776/permalink/2784704808419991/
Điều này vừa nguy hiểm cho chính cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ nếu họ tin theo những tin giả này và phát tán chúng, rồi bị người bản xứ phát hiện, báo cáo cho cảnh sát chẳng hạn ; vừa khiến cho cộng đồng người Việt bị người bản xứ đánh giá như một cộng đồng thiếu văn minh, kém hiểu biết… Cuối cùng, nó khiến cho người Việt trong nước nhìn về xã hội Mỹ như một xã hội đầy bạo lực, tội ác, rối ren… và rồi "tự hào" rằng sống ở Việt Nam bình yên hơn, sướng hơn !!
2.4. Thêm một mục tiêu : người đọc sau nhiều lần bị dính tin giả, thậm chí từ những người có tên tuổi, sẽ đậm ra mất lòng tin vào thông tin từ mạng xã hội, mất lòng tin vào những nhà hoạt động dân chủ, từ đó nản lòng với một tương lai dân chủ tốt đẹp hơn cho Việt Nam.
Không ai có thể hoàn toàn không bị dính tin giả.
Điều duy nhất mà tất cả chúng ta nên làm đó là cẩn thận fact-check trước mọi thông tin, đừng post hay share cái gì chỉ vì nó thỏa mãn cái tâm lý yêu ghét của mình, vì tin vào điều mình muốn tin bất chấp sự đúng sai, vô lý có thể nhận ra ngay cả trước khi cần phải fact-check.
Là người có chút tên tuổi trong xã hội, là người có học, người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ càng cần phải cẩn trọng hơn, đừng để đánh mất niềm tin và sự kính trọng đó ở người khác khi chính mình lại đi post, share tin giả.
Với những ai giỏi ngoại ngữ, giỏi IT, khi thấy tin giả, nên thông báo, phản biện công khai cho mọi người biết ; khi thấy bạn bè người quen là những người có uy tín nhưng vô tình dính tin giả, hãy thông báo cho người đó biết.
Nếu như trước kia trên con đường đấu tranh vì một tương lai tự do dân chủ cho VN, chúng ta chỉ phải tập trung toàn lực chống lại chế độ độc tài ở VN, thì bây giờ chúng ta lại phải đấu tranh chống lại tin giả, chống lại sự vô tình hay cố ý gây thêm sự chia rẽ trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Nếu như trước đây chúng ta chỉ phải làm nhiệm vụ truyền tải thông tin đúng sự thật, phản biện lại những thông tin một chiều, có tình tuyên truyền, hoặc vạch trần những thông tin bóp méo, bôi bác sự thật của báo chí "lề đảng", giải ảo những "huyền thoại" dỏm, "thần tượng" dỏm, góp phần giúp cho nhiều người Việt nhận ra bản chất của chế độ độc tài độc đảng ở VN, thì bây giờ chúng ta lại phải đấu tranh với tin giả tràn lan trên mạng, với sự mậu thuẫn, nghi kỵ và với những nhược điểm của chính người Việt chúng ta.
Cuộc đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam vì vậy càng mệt mỏi hơn, nhưng cũng chính vì thế mà những ai quan tâm đến sự thật, lẽ phải và vận mệnh đất nước, dân tộc càng không nên ngả lòng.
Song Chi
Nguồn : RFA, 15/06/2020 (songchi's blog)
(1) tham khảo : Russian interference in the 2016 United States elections, wikipedia
(2) nhờ dịch vụ của Cambridge Analytica, UK https://en.wikipedia.org/wiki/Cambridge_Analytica
Mạng xã hội Twitter đã có thái độ quyết liệt đối với các hành vi loan tin thất thiệt, đặc biệt là của các định chế Nhà nước Trung Quốc. Trong một thông cáo vừa được công bố hôm nay 12/06/2020, mạng xã hội trụ sở tại California (Hoa Kỳ) loan báo quyết định đóng 23.750 tài khoản "gắn với Nhà nước Trung Quốc", cùng với khoảng 150.000 tài khoản khác bị xem là công cụ "khuếch tán" các thông tin thất thiệt hay mang tính chất tuyên truyền Bắc Kinh.
Twitter cho biết mạng lưới tài khoản của Trung Quốc đang đẩy mạnh những lời tường thuật của chế độ Bắc Kinh về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, đại dịch Covid-19 và chỉ trích Đài Loan. AFP/File
Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, đại bộ phận các tài khoản bị xóa đều nằm tại Trung Quốc, nơi mà Twitter bị chế độ Bắc Kinh kiểm duyệt :
"Giới quan sát thời sự Trung Quốc và một phần các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông có lẽ đã mất đi vài người theo dõi (followers) ngày thứ Sáu này. Theo ban giám đốc Twitter trong một thông cáo thì các tài khoản bị đình chỉ "chủ yếu dùng tiếng Hoa và phát đi các bài địa chính trị thuận lợi cho đảng Cộng Sản Trung Quốc, đồng thời tiếp tục phát tán những thông tin sai lệch về động cơ chính trị ở Hồng Kông".
Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội Mỹ phản ứng trước các hành vi tuyên truyền của Trung Quốc. Tháng 08/2019, 936 tài khoản bị tố cáo là phao tin thất thiệt và "gieo rắc lộn xộn" ở Hồng Kông đã bị xóa bỏ.
Việc sử dụng Twitter trong các định chế và doanh nghiệp Nhà nước tại nền kinh tế thứ nhì thế giới đã gia tăng với dịch Covid-19. Mạng lưới vốn bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, đã cho phép chế độ vận động cộng đồng người Hoa về các vấn đề như sự đáp trả của chế độ trước dịch Covid-19 hay luật an ninh ở Hồng Kông.
Theo thông cáo của Twitter, mục tiêu của các tài khoản này là tô vẽ các quan điểm chính thức và đưa ra chia sẻ, cũng như là "tiến hành một loạt hoạt động thao túng và phối hợp".
23.750 tài khoản bị đóng mà Twitter đưa vào kho dữ liệu để nghiên cứu còn được cả một đạo quân hỗ trợ mà giới chuyên gia tin học gọi là "bot", gồm gần 150.000 tài khoản giả mạo, những loại robot sử dụng để khuếch tán các thông tin, và như báo New York Times đã tiết lộ vào đầu tuần, để viết lại lịch sử theo quan điểm của Bắc Kinh.
Quyết định của mạng xã hội đã làm dấy lên phản ứng hoan nghênh, đặc biệt là ở Hồng Kông vào hôm nay, nhưng cũng có những lời chỉ trích.
Một số người cho rằng các đối tác của Twitter trong chiến dịch "dọn dẹp" này, như trung tâm Stanford Internet Observatory (SIO) của Mỹ và Australian Strategic Policy Institute (ASPI) của Úc, không khách quan vì đã nhận tài trợ của Mỹ".
Ngoài Trung Quốc, Twitter cũng xóa bỏ 7.340 tài khoản của Thổ Nhĩ Kỳ và 1.152 tài khoản của Nga, cũng với lý do là họ dính líu đến các chiến dịch tuyên truyền hay loan tin thất thiệt.
Hãng cung cấp dịch vụ video online Zoom chiều ý Trung Quốc
Vào lúc Twitter thẳng tay đóng cửa các tài khoản tuyên truyền cho Trung Quốc, thì Zoom, một công ty Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ kết nối và hội họp qua video trực tuyến đã chiều theo ý của Bắc Kinh, khóa tài khoản của một nhóm các nhà đấu tranh Trung Quốc ở Mỹ, sau khi nhóm này tổ chức hội họp trên Zoom để tưởng niệm vụ đàn áp Thiên An Môn.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, hãng Zoom vào hôm qua, 11/06/2020 đã xác nhận việc họ đã ngăn chận 3 trong số 4 cuộc hội thảo qua mạng video của họ, có sự tham gia của một số người từ Trung Quốc, theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, đồng thời vô hiệu hóa các tài khoản đã tham gia vào các cuộc hội họp này.
Theo Zoom, đã có hai tài khoản ở Mỹ và 1 tài khoản ở Hồng Kông bị khóa. Hành động của Zoom nêu bật vấn đề một số tập đoàn Mỹ sẵn sàng chiều ý Bắc Kinh để kiểm duyệt những ai sử dụng phương tiện của các tập đoàn này, trong đó có hai đại gia Mỹ là Apple và Google.
Trọng Nghĩa
Kiểm chứng thông tin và hạn chế âm mưu trong thông tin luôn là điều cần thiết, cũng là trách nhiệm đối với mỗi nhà đấu tranh, hoạt động, quan sát nhân quyền Việt Nam.
Ông Trương Duy Nhất "bị mất tích".
Câu chuyện của ông được một trang báo Anh ngữ (nhưng nhóm biên tập là người Việt) đưa tin, dựa trên mối quan hệ với những nhà hoạt động người Việt đang thường trú (xin tỵ nạn) tại Thái Lan.
Nhưng trước đó, nữ nhà báo Dương Hằng Nga cũng đã thông tin việc ông Trương Duy Nhất xuất cảnh, và bà Nga cũng là người từng bị công an Thành phố Đà Nẵng cấm xuất cảnh vì "viết bài xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và cá nhân ông Vũ".
Câu chuyện trở nên kỳ bí hơn dưới cách viết lách của blogger Bui Thanh Hieu (Người buôn gió) khi mô tả đầy đủ và có phần ly kỳ về việc ông Trương Duy Nhất bị Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) bị bắt giữ tại Thái Lan, gây xôn xao không ít người dùng mạng xã hội Facebook. Cùng thời điểm đó, Facebooker Thuy Doan (chủ bút trang TTXVA) đi vào mệnh đề giải thích "tại sao Trương Duy Nhất bị bắt ?", phân tích mối quan hệ giữa ông Trương Duy Nhất, Người Buôn Gió, Bạch Hồng Quyền và một số cá nhân, tổ chức người Việt có liên quan.
Báo Tiếng Dân, trang web tổng hợp thông tin có số lượng người xem đông đảo cũng đăng tải bài viết của tác giả Hồng Hà, kéo dài 5 kỳ với tiêu đề "Đi tìm chân dung Trương Duy Nhất, kẻ cơ hội !". Trong các kỳ bài viết này, thay vì đặt ông Trương Duy Nhất trong bối cảnh "bị bắt cóc", thì tác giả Hồng Hà lại phân tích ông Trương Duy Nhất dưới góc độ sai phạm có liên quan đến Vũ Nhôm và tòa soạn báo Đại Đoàn kết. Nói đúng hơn, tác giả Hồng Hà đặt ông Trương Duy Nhất như là một cây bút phục vụ phe nhóm hơn là một nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền thực sự.
Trong một động thái mang tính chính thống hơn, bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ ông Trương Duy Nhất đã có đơn "thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân" đến các cơ quan ban ngành Việt Nam, nhằm xác định ông Trương Duy Nhất đang ở đâu, cũng như bài tỏ sự lo lắng cho tính mạng của ông. Nhưng ngay cả trong lá đơn của người vợ, thì việc ông Nhất đến Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tại Thái Lan cũng chỉ là dựa trên thông tin đồn thổi.
Ông Trương Duy Nhất, bằng cách nào đó trở thành một chủ thể mất tích tạm thời.
Facebooker Phạm Việt Thắng, trong thông tin đưa vào cuối ngày 13/02 đã cho biết, ông Trương Duy Nhất đã có mặt tại Việt Nam, trước đó ông được cho là nhập cảnh trái phép tại Thái Lan, và sau đó ông bị bắt giữ tại Lào. Lý do ông có mặt tại Việt Nam là do liên quan đên đến tòa nhà văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng được bán cho Vũ Nhôm, thời kỳ ông Nhất là Trưởng văn phòng báo này.
Facebooker Thái Văn Dũng nhận định : Không thể bắt anh ấy tắm hai lần trên cùng một dòng sông nên lần này, kinh tế là "hợp lý".
Tính "hợp lý" đã cho thấy, việc bắt ông Trương Duy Nhất nằm trong quá trình mở rộng điều tra việc mua bán đất công sản có liên quan đến Vũ Nhôm (và hiện có thông tin ông Trương Duy Nhất đang bị giam tại trại giam T16 - BCA, tại Thanh Oai, Hà Nội).
Câu chuyện ông Trương Duy Nhất là tổ hợp của những luận thuyết âm mưa, với những ngôn từ mơ hồ để tạo ra một tình tiết Trịnh Xuân Thanh lần 2. Tuy nhiên, những sự phóng tác về mặt ngôn ngữ, với sự thiếu cẩn trọng trong viết và kiểm chứng nguồn tin khiến cho câu chuyện về ông Trương Duy Nhất trở thành một chủ đề để gieo rắc về sự sợ hãi (bắt cóc, mất tích), sự đáng sợ (Tổng cục 2), và sự nghi kỵ (nghi ngờ, đấu đá, bán đứng lẫn nhau giữa những nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền người Việt).
Xét về mặt tổng quan, bầu không gian thông tin đầy tính ma mỵ và nghi kỵ khiến cho niềm tin người đọc vào một số nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền bị đánh mất đi. Hoặc nói cách khác, bằng các luận thuyết gắn với ngôn ngữ dễ dãi, đã biến những "nguồn tin" về dân chủ - nhân quyền trở thành những nhà sản xuất tin giả hàng đầu (fakenews).
Câu chuyện Trương Duy Nhất có thể bị biến dạng tội từ "công sản" sang "đấu tranh dân chủ, nhân quyền" bằng những nguồn tin mù mờ như trên. Và từ đây, đặt ra một tiêu chí rất cần thiết cho chính những nhà hoạt động lẫn quan sát dân chủ - nhân quyền Việt Nam là phải luôn kiểm soát phát ngôn và kiểm chứng nguồn tin khi xuất bản.
Luật sư, Facebooker Hà Huy Sơn trong chia sẻ về sự kiện này cũng điềm tĩnh cho rằng : tình trạng ông Trương Duy Nhất, thì dù là người của ai (dân chủ, Nguyễn Bá Thanh) thì trách nhiệm làm rõ việc mất tích là từ phía công an Việt Nam. Tuy nhiên, Facebooker Nguyễn Kim trong phản hồi đã bổ túc đầy đủ hơn, nếu công an đi điều tra – làm rõ thì ít nhất gia đình phải trình báo. Vấn đề là cho đến nay, yêu cầu làm rõ tình trạng ông Trương Duy Nhất từ phía gia đình mới chỉ xuất hiện gần đây.
Tất cả cho thấy, trong sự việc ông Trương Duy Nhất, đã có thừa thông tin thiếu kiểm chứng, mơ hồ và có phần bịa đặt thái quá. Và điều này càng làm cho việc xác minh tình trạng ông Trương Duy Nhất trở nên khó khăn hơn, và phá hoại tính chính danh của người đưa tin.
Kiểm chứng thông tin và hạn chế âm mưa trong thông tin luôn là điều cần thiết, cũng là trách nhiệm đối với mỗi nhà đấu tranh, hoạt động, quan sát nhân quyền Việt Nam.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 16/02/2019
Điều gì nuôi dưỡng tin giả ? Tin giả nguy hiểm đến mức nào ? Và chúng ta có thể làm gì để tránh tin giả ?
Các khách mời của BBC Tiếng Việt bàn về nạn tin giả đang hoành hành mạnh trên mạng xã hội ở Việt Nam
Minh Thu thực hiện
Nguồn : BBC tiếng Việt, 16/11/2018
"Fake news" – tin giả, tin dỏm, tin đồn, tin nhảm, tin ngụy tạo… - đang bùng nổ trong kỷ nguyên thông tin không biên giới. Fake news đang như một đại dịch toàn cầu. Khi có thể ảnh hưởng cả cuộc bầu cử tổng thống thì vấn đề fake news không phải là chuyện nhỏ vô hại như bề ngoài nhảm nhí của nó…
Chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Facebook và Google kiểm soát fake news nhưng nếu chính quyền là "nguồn" của tin giả thì ai kiểm soát ?
Vượt khỏi phạm vi gây nhiễu xã hội với những tin đồn mua vui vô thưởng vô phạt, fake news còn đang được sử dụng cho mục đích chính trị. Có thể nói đây là biến tướng mang tính xu hướng của thời đại thông tin nằm dưới những ngón tay lướt chạm màn hình. Năm 2016, một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh thi thể cô gái trẻ được tin là bị hiếp và giết bởi một tên buôn ma túy. Sự thật là tấm ảnh có nguồn gốc ở Brazil. Nó được dùng để "minh họa" cho tính "đúng đắn" của việc bắn giết vô tội vạ các đối tượng ma túy của Duterte. Trước đó, hàng chục ngàn người sử dụng Facebook tại Philippines cũng chia sẻ câu chuyện rằng NASA đã bầu chọn Duterte là "tổng thống giỏi nhất Hệ mặt trời" ! Nhiều người cho đó là thật !
Tại Indonesia, khi Joko Widodo tranh cử tổng thống năm 2014, bỗng xuất hiện tin đồn ông là người Công giáo gốc Hoa và còn là cộng sản chính cống. Tại quốc gia có tỷ lệ người đạo Hồi nhiều nhất thế giới như Indonesia thì điều đó không thể chấp nhận. Widodo cuối cùng phải trưng ra hôn thú để chứng minh ông không phải người Hoa và từng hành hương đến Mecca vào ngay trước thời gian bỏ phiếu. Tại Colombia, "dân mạng" cũng từng thổi lên tin đồn ca sĩ lừng danh Juanes phản đối một thương thuyết hòa bình với nhóm phiến loạn lớn nhất nước này.
Và trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016, fake news đã thật sự trở thành công cụ được dùng để tiêu diệt đối phương. Người ta hẳn vẫn còn nhớ tin đồn về chuyện John Podesta (nhà chiến lược chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton) tham gia một "nghi lễ bí ẩn" trong đó ông "uống các chất dịch từ cơ thể" ; hay tin Hillary "trả tiền" cho các đối tượng thăm dò công chúng… Điều lạ là dù thế giới phát triển và văn minh đến đâu, tin nhảm vẫn có đất sống và vẫn được tin. Như Joshua Benton, giám đốc Nieman Journalism Lab cho biết hồi năm 2016, bản tin nhảm Giáo hoàng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã được hơn 868.000 chia sẻ trên Facebook trong khi bài báo nói rằng tin ấy là nhảm thì chỉ được 33.000 lượt share.
Nhà báo Walter Lippmann (1889-1974), người được xem là cha đẻ của báo chí hiện đại, từng luôn hoài nghi về khả năng một công dân trung bình có thể hiểu được các vấn đề quốc gia hoặc có thể có những nhận định chính trị hợp lý. Nhiều năm sau thời Lippmann, điều này vẫn còn đúng. Một cách chính xác, fake news không phải là sản phẩm của thời đại kỷ nguyên số. Fake news tồn tại cùng lịch sử loài người. Trong khi đó, tâm lý con người dường như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít, trong cách đón nhận và ứng xử với thông tin. Người ta vẫn thích nghe và đồn đãi những thông tin giật gân dù không thể kiểm chứng hoặc chưa được kiểm chứng. Xã hội vẫn có khuynh hướng "háo hức" rỉ tai nhau những thông tin "bí mật" và "rò rỉ". Trong kỷ nguyên số, điều này càng dễ thực hiện. Khi lan truyền, fake news "bay" với vận tốc ánh sáng, dù nó chỉ làm đen kịt thêm màn đêm thông tin.
Fake news trong kỷ nguyên công nghệ số bùng nổ dữ dội còn một phần bởi yếu tố mang tính tâm lý cố hữu : sự "tự sướng". Ai cũng thích là "người đầu tiên" "biết" câu chuyện đó. Một bản tin liên quan một vấn đề được tung ra đúng thời điểm mà cộng đồng hoặc xã hội đang quan tâm sẽ dễ dàng biến "fake news" thành "true news". Năm 2005, trong quyển Amusing Ourselves to Death, nhà phê bình truyền thông Neil Postman nói, bản chất hoàn cảnh sẽ quyết định thông điệp mà nó truyền tải. Viết trên Foreign Policy (18-11-2016), Ilya Lozovsky nói thêm : truyền thông xã hội đang "nguyên tử hóa" các ý kiến thảo luận. "Chúng ta chia sẻ những câu chuyện chứa tín hiệu và củng cố bản thể bầy đàn của chúng ta, chứ không phải những điều dẫn đến việc đòi hỏi phải suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta đọc những gì mà bạn bè chia sẻ. Chúng ta "retweet" những gì mà những nhà báo yêu thích của chúng ta đã tweet. Và chúng ta dường như không quan tâm đến việc tìm kiếm những quan điểm thay thế".
Môi trường thông tin không minh bạch và bị bưng bít nhiều thì fake news càng dễ lan truyền. Đó là những gì xảy ra tại Việt Nam. Sự suy yếu của hệ thống báo chí "chính thống" đã cung cấp thêm "sức mạnh" cho fake news. Cái chết của Nguyễn Bá Thanh cùng vô số câu chuyện liên quan giới chức chính quyền đã được tung ra hư hư thực thực khiến chẳng biết đâu mà lần. Những bức ảnh được ngụy tạo được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến sự nhiễu loạn lên đến mức không thể kiểm soát. Chính quyền lại là "thủ phạm" gián tiếp cho cuộc "cách mạng thông tin" bằng fake news của cộng đồng mạng, khi chính quyền không bao giờ trung thực trong thông tin với người dân.
Trong vài trường hợp, fake news đã được các phe phái sử dụng như một công cụ để đánh đấm nhau. Người ta còn chưa quên thời tung hoành khuynh loát của "anh Lực" – cách nói phổ biến của cộng đồng mạng khi ám chỉ trang "Chân dung quyền lực". Có một thời, "anh Lực" là nguồn tin được trông chờ hơn bất kỳ tờ báo nào. Một thời, "anh Lực" "thống trị" cả thế giới mạng. Điều đáng chú ý là "anh Lực" mạnh đến mức "công an mạng" chẳng làm gì "anh" cả. "Lực" không hề hấn gì dù "Lực" phơi bày bao nhiêu chi tiết liên quan đến các đối thủ chính trị mà tất cả đều là giới chính trị chóp bu. Khó có thể kiểm chứng mức độ chính xác những gì "anh Lực" kể nhưng "anh Lực" là ví dụ điển hình nhất và có vai trò "lịch sử" nhất khi xét đến việc sử dụng biến tướng fake news cho mục đích chính trị, trên một sân khấu chính trị Việt Nam luôn rủ màn che phủ bóng đen trước mắt người dân.
Thật khó có thể ngăn chặn fake news khi mà bản thân chính quyền, không chỉ không trung thực, mà còn tạo ra fake news, hay nói chính xác hơn là "fake news hóa" cho mục đích chính trị. Những cái chết hoặc tình trạng bệnh tật của các gương mặt lãnh đạo cao cấp luôn bị bưng bít hoặc được cung cấp tin giả. Những cáo buộc người dân đi biểu tình "nhận tiền của các thế lực phản động nước ngoài" được đưa ra mà không bao giờ có bằng chứng. Những câu chuyện "lý thú" về cuộc đời thuở "ấu thơ" của những quan chức cấp cao luôn có các chi tiết đáng ngờ mà không bao giờ người dân có cơ hội kiểm chứng. Ví dụ mới đây nhất là "trường hợp" "cậu học trò ấy (chủ tịch nước Trần Đại Quang) từng phải bắt đom đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu" được đăng tên tờPhụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh (phunuonline) ngày 21/09/2018. Những câu chuyện "huyền thoại hóa" cá nhân lãnh đạo, tương tự những câu chuyện ngụy tạo "bi kịch hóa" thời chiến tranh, chẳng hạn chuyện "Mỹ-Diệm ăn thịt người", từng tồn tại dai dẳng trong lịch sử fake news của hệ thống báo chí tuyên truyền cộng sản.
Bản chất thông tin là cung cấp những gì mà người ta chưa biết và ít nhiều mang lại niềm tin. Bản chất fake news là mang đến những gì người ta "muốn tin" ; và nó, thay vì mang lại niềm tin, chỉ gieo rắc hoang mang. Chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Facebook và Google kiểm soát fake news nhưng nếu chính quyền là "nguồn" của tin giả thì ai kiểm soát ?
Fake news đang là đại dịch của thời đại nhưng fake news tại Việt Nam không chỉ là tin đồn nhảm nhí. Nó còn là một công cụ chính trị để cai trị. Muốn xóa fake news, bản thân chính quyền phải chứng tỏ họ là những người trung thực và minh bạch trước mắt người dân. Với cộng đồng, fake news cũng không nên được sử dụng như một "giải pháp" để "đánh cộng sản".
Cộng sản không sợ fake news. Họ chỉ sợ sự thật.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 25/09/2018
Sóng gió ở G7, dự luật chống tin giả bị phản đối…
Dự luật chống nạn tin giả của chính phủ Pháp bị đối lập phản đối mạnh, thượng đỉnh khối các nước công nghiệp phát triển G7 rối ren do lập trường độc đoán, xoay như chong chóng của tổng thống Mỹ là chủ đề lớn trang nhất hôm nay. Báo Pháp chú ý nhiều đến sự cô lập của Donald Trump, một chống lại sáu nước "đồng minh", nhưng cũng đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của khối G7 trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Ottawa, 06/06/2018, chuẩn bị thượng đỉnh G7 Reuters/Chris Wattie
G7 : Pháp - Canada dẫn đầu liên minh "chống" Trump
Les Echos chạy tựa trang nhất : "Trump đối mặt với một mặt trận thống nhất tại thượng đỉnh G7", Le Monde có bài xã luận : "Trump, một mình chống lại tất cả", Libération : "Với Trump, G7 là một thượng đỉnh với 6 ràng buộc". Le Figaro dành phụ trương kinh tế cho chủ đề "Macron và Trudeau dẫn dắt cuộc chiến chống Trump". Le Figaro dẫn tuyên bố của tổng thống Pháp, theo đó sáu thành viên của khối (bao gồm Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Anh và Ý), trong hai ngày hội nghị, sẽ tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ, thay đổi "các chính sách bất hợp tác" của Washington. Tổng thống Pháp Macron cũng báo trước là nhóm 6 nước sẽ không nhân nhượng bất cứ điều gì "trên bình diện nguyên tắc căn bản".
Libération cho biết tổng thống Pháp đã có mặt tại Ottawa, thủ đô Canada, gần hai ngày trước thượng đỉnh, để tìm cách phối hợp với thủ tướng Canada. Sáng thứ Sáu 09/06, ngay trước khi thượng đỉnh khai mạc, thủ tướng Canada sẽ có cuộc hội ý với lãnh đạo bốn nước Châu Âu.
Lời qua tiếng lại cho thấy không khí căng thẳng trước thượng đỉnh của khối 7 quốc gia, vốn được coi là các đồng minh thân thiết. Đáp lại báo giới về các thông điệp mới nhất của tổng thống Mỹ, tỏ thái độ "thờ ơ" và "khinh bỉ" các đối tác G7, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo : Không có ai trong các lãnh đạo tại đây có thể tại vị vĩnh viễn !
Lãnh đạo Pháp tỏ ý là việc Donald Trump cầm quyền chỉ là một "tai biến" của lịch sử và các quyết định lớn của chính quyền Trump (rút khỏi các thỏa thuận về Khí hậu, hạt nhân Iran và về thương mại) là các hành động "bất hợp pháp". Việc chính quyền Trump kiên quyết tăng thuế nhập thép từ Canada và Liên Âu, vì lý do "an ninh quốc gia", bị thủ tướng Canada lên án là điều "nực cười" và thậm chí là một hành động "lăng nhục".
Vẫn theo Libération, tổng thống Pháp hy vọng lãnh đạo Mỹ một lần nữa "vươn lên xứng tầm lịch sử" và hiểu rằng "các lợi ích và giá trị của nước Mỹ" được xây dựng trên nền tảng đối ngoại đa phương. Pháp và Canada không ảo tưởng về khả năng G7 ra được tuyên bố chung. Rất nhiều khả năng 7 nước sẽ chỉ đạt đồng thuận tối thiểu, với tuyên bố kết thúc hội nghị của nước chủ nhà. Tổng thống Pháp cũng bảo đảm là 6 nước G7 sẽ không ngần ngại khi phải đối mặt với Donald Trump, "thị trường của 6 quốc gia còn lại của G7 gộp lại lớn hơn thị trường Mỹ". Điều mà Paris và Ottawa chờ đợi là Nhật Bản tham gia vào liên minh.
Khối G7 còn có ý nghĩa gì ?
La Croix dành mục thảo luận cho vấn đề : "G7 còn tồn tại để làm gì ?", trong bối cảnh tổng thống Mỹ vứt bỏ các nguyên tắc đa phương và trách nhiệm trong các quan hệ quốc tế. Tờ báo công giáo giới thiệu quan điểm của bà Anne-Laure Delatta. Phó giám đốc của CEPII, chương trình khoa học về kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế khẳng định "việc duy trì không gian đối thoại này là điều căn bản", trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy gia tăng ở khắp nơi và rất nhiều thách thức lớn của thế giới hiện nay đòi hỏi một sự phối hợp quốc tế ở cấp độ «trên quốc gia", như về khí hậu, khủng hoảng di cư, chống khủng bố, hay sự gia tăng bất bình đẳng… Không thách thức lớn nào mà một quốc gia đơn độc có thể tự giải quyết.
Chuyên gia nói trên cũng lưu ý là trong bối cảnh vai trò của G7 đang bị vượt qua, các cường quốc công nghiệp trong khối cũng có những đối thoại khác với các quốc gia đang trỗi dậy trong khuôn khổ G20. Tuy nhiên, khó hy vọng là chủ nghĩa đa phương sẽ được phát triển với các quốc gia như Trung Quốc, bởi hai bên không có cùng quan niệm, đặc biệt là về luật chơi dân chủ.
Về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn chuyên gia về các quan hệ quốc tế Frederic Merand. Ông cũng nêu quan điểm là, cho dù G7 không còn là thế lực dẫn dắt thế giới như trước đây, nhưng khuôn khổ gặp gỡ "phi chính thức" này vẫn rất cần cho các nền dân chủ phát triển. Cho dù bất đồng trong hàng loạt vấn đề, 6 nước còn lại của G7 và Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể đạt được một số đồng thuận, ví dụ như một "hiến chương về chống rác nhựa trên đại dương", có thể được thông qua lần này.
Riêng về triển vọng chính sách kinh tế của tổng thống Mỹ, cây viết xã luận của Les Echos Eric Le Boucher có bài "Trump đi tìm một chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không thể có được", với lời cảnh báo là chính quyền Trump đang "hủy diệt khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ".
Thế giới đang "phi toàn cầu hóa" ?
Xu hướng bảo hộ kinh tế của chính quyền Trump dường như phản ánh một xu thế sâu xa, được Le Monde ghi nhận trong phụ trương kinh tế, với bài "Phi toàn cầu hóa đang diễn ra". Dấu hiệu mới nhất, theo Le Monde, là báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (Cnuced/ UNCTAD), công bố hôm 6/6. Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh (gần 500 tỉ so với 2007), đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, cùng lúc với lợi nhuận do đầu tư mang lại cũng giảm (6,7% so với 8,1% năm 2012).
Hội thảo về "Rạn rứt lớn của nền dân chủ"
Về cuộc khủng hoảng hiện nay ở phương Tây, Le Figaro - cùng Fondation Tocqueville và cơ quan tư vấn Mỹ Atlantic Council - tổ chức một hội nghị khoa học lớn hôm nay, với tên gọi "Nền dân chủ phương Tây thế kỷ XXI", được sự tham gia của 150 nhà tư tưởng Pháp và quốc tế hàng đầu. Một trong các điểm được nhấn mạnh là sự rạn nứt trong nội bộ các xã hội dân chủ, giữa một bên là giới tinh hoa và bên kia là dân chúng.
Giới tinh hoa, mà nhà tiểu luận người Anh David Goodhart mệnh danh là nhóm "Anywhere", chiếm khoảng 20 đến 25% dân số, với học vấn cao hơn, khả năng di động dễ dàng, là nhóm được hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa, cũng là những người ủng hộ tiến trình này. Ngược lại là nhóm "Somewhere", chiếm khoảng 50% dân số, sống gắn với các truyền thống, giá trị, với một vùng đất nhất định. Nhóm này được coi là những người bị thua thiệt trong toàn cầu hóa.
Nhà báo Brice Couturier thì lưu ý đến hai mặt trận mà "các nền dân chủ tự do" phải đối mặt. Một bên là các chế độ "dân chủ phi tự do", nhân danh đa số mà tấn công vào các quyền tự do cá nhân và Nhà nước pháp quyền, và bên kia là các chế độ độc đoán nhân danh tự do, nhân danh "các định chế (được coi là) hoàn toàn độc lập và mang tính kỹ thuật", để đưa ra các quyết định chính trị không chịu "sự kiểm soát của các thể thức dân chủ". Liên Hiệp Châu Âu bị nêu ra như một ví dụ.
Liên hệ nhiều chiều giữa hai nguyên lý "dân chủ" và "tự do", khi thì phối hợp, nhưng "đôi khi" đối lập với nhau, là một vấn đề cổ điển của chính trị học, đó là lưu ý của nhà triết học Pháp Marcel Gauchet. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phối hợp quyền của cá nhân với quyền tập thể, của đa số, cụ thể như trong lĩnh vực di dân tị nạn, được coi là một trong các thách thức hàng đầu của Liên Âu.
"Sự phục thù của Kim Jong-un"
Hồ sơ nóng hạt nhân Bắc Triều Tiên là đối tượng một bài phân tích của Les Echos với nhan đề : "Sự phục thù của Kim Jong-un". Theo nhà báo Yann Rousseau, từ Tokyo, thì viễn cảnh của thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong-un, dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore tuần tới, không có gì tốt lành.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã giành được "một thắng lợi to lớn" trước tổng thống Mỹ, vốn có chiến lược được đánh giá là "hỗn độn". Để đạt được một thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ từng hứa hẹn sẽ "rất cứng rắn" và đòi hỏi việc "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, ngay lập tức, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", tuy nhiên trong những ngày gần đây, dường như Washington đang hạ thấp mục tiêu. Việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ chỉ được nêu ra một cách "chung chung" trong thỏa thuận.
Theo Les Echos, hiện tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần dần nối lại các hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng, bất chấp các quyết định trừng phạt kinh tế quốc tế, được áp dụng mạnh từ cuối năm ngoái, để gây áp lực với Bắc Triều Tiên. Chế độ độc tài Bình Nhưỡng với sự thống trị của gia tộc họ Kim sẽ tiếp tục được duy trì, được "bình thường hóa" trong con mắt quốc tế.
Dự luật chống tin giả : Nguy hiểm và không có khả năng áp dụng
Trở lại với dự luật chống fake news tại Pháp, được các nghị sĩ xem xét kể từ hôm qua (07/06). Le Monde chạy tựa trang nhất : "Thông tin bịa đặt : Một luật mới để làm gì ?", Le Figaro ghi nhận : "Dự luật chống fake news bị phản đối mạnh".
Dự thảo chống "fake news" mà Quốc hội Pháp chuẩn bị có mục tiêu trước hết là đề phòng cử tri bị thao túng, đặc biệt trong các kỳ tranh cử, mà tiêu biểu là nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và nhiều nước Châu Âu những năm gần đây. Đối với tờ Le Figaro, dự thảo này chắc chắn sẽ "không có khả năng áp dụng". Theo nhật báo thiên hữu, đây là một luật mang tính thời điểm, nhằm trước hết chống lại sự thống trị của các "tập đoàn California" (như Google, Amazon, Facebook hay Apple - tức nhóm GAFA) trong lĩnh vực thông tin, các công ty không hề quan tâm đến vấn đề "sự thật" hay "dối trá", mà chủ yếu sự gia tăng số lượng khách hàng, điều kiện để họ tăng doanh thu.
Còn theo xã luận Le Monde, dự luật là "vô ích", thậm chí còn nguy hiểm, bởi các hệ quả tiêu cực có thể "lớn hơn nhiều" so với các hậu quả do thông tin giả mạo. Theo Le Monde, một mặt định nghĩa về tin giả quá mơ hồ không cho phép áp dụng trên thực tế, mặt khác, điều rất nguy hiểm là, nếu được thông qua, một ngày nào đó một chính quyền độc tài sẽ sử dụng chính đạo luật này để áp đặt kiểm duyệt.
Vì phát triển, hãy giải tán GAFA !
Vẫn liên quan đến lĩnh vực thông tin, tin học, doanh nhân Scott Galloway, mang tiêu đề "Đã đến lúc cần giải thể GAFA". Ông là tác giả cuốn "The Four : The Hidden DNA of Amazon, Apple, Facebook, and Google" (tạm dịch là "Bản chất được che giấu của bộ tứ GAFA). Theo ông, các đại công ty nói trên đã mang lại các "dịch vụ tuyệt vời", và về điểm này họ rất xứng đáng. Họ chỉ làm điều mà một doanh nghiệp hướng đến, tạo ra lợi nhuận. Vấn đề là các công dân đã thất bại trong việc cử ra các đại diện trong chính quyền có thể kiểm soát được các công ty này, buộc họ phải có trách nhiệm.
Theo doanh nhân Scott Galloway, Hoa Kỳ hiện tại không muốn "trừng phạt những anh hùng của mình", mặt khác lo ngại các tập đoàn Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, Scott Galloway khẳng định việc giải thể các công ty GAFA là "một điều tốt" cho nền kinh tế Mỹ, đang nằm trong sự thống trị của các nhóm độc quyền, bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nhân nhỏ. Theo ông, chính quyền Mỹ hiện nay đang "ưu tiên các tỉ phú" hơn là các "triệu phú". Với đà này, nước Mỹ sẽ trở thành vương quốc, nơi "3 triệu lãnh chúa" thống trị "350 triệu nông nô".
Kem chống nắng đe dọa đại dương
Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde chú ý đến lời kêu gọi chính quyền can thiệp của giới nuôi ong Pháp – tuyệt vọng vì đà suy sụp của nghề nuôi ong, do ảnh hưởng của hóa chất độc hại trong nông nghiệp.
Le Figaro có bài nêu bật ảnh hưởng nguy hiểm thuốc chống nắng đối với môi trường đại dương. Kể từ năm 2021, sau một khu bảo tồn ở Mexico, đến lượt quần đảo Hawaii sẽ cấm hai loại hóa chất được sử dụng nhiều trong kem chống nắng, bị coi là góp phần làm chết san hô. Hiện tại ước tính khoảng 25.000 tấn kem chống nắng thải ra biển hàng năm, ảnh hưởng không chỉ đến san hô, mà cả các loại tảo, hầu sò, các động vật phù du – những loài sinh vật là nền tảng của chuỗi cung ứng thực phẩm của đại dương.
Hiện tại các công ty mỹ phẩm đang xem xét lại công thức chế biến kem chống nắng, để đáp ứng đòi hỏi bảo vệ môi trường
Các tập đoàn dầu khí đến Vatican, bàn về sinh thái
Vẫn về môi trường, hôm nay, theo La Croix, nhiều lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Shell, hay Total…, đã tham dự một cuộc họp mặt tại Vatican, để bàn về vấn đề chuyển đổi mô hình năng lượng và bảo vệ sinh thái. Ngoài các tập đoàn dầu khí, còn có nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn, như ông chủ BlackRock, nơi quản lý các tài sản trị giá 5.000 tỉ đô la.
Trọng Thành