Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lỗ hổng pháp lý để lọt bản đồ "đường lưỡi bò" : cụ thể là lỗ hổng gì ?

Thảo Vy, VNTB, 08/11/2019

Liên quan vấn đề bản đồ của Trung Quốc có "đường lưỡi bò" được lưu hành ở Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói : "Bộ cũng thấy rằng có một lỗ hổng pháp lý của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục rà soát lại để đảm bảo không xảy ra những hiện tượng đó trong tương lai".

luoibo1

Bộ tam Đảng cộng sản Việt Nam bái lạy đường lưỡi bò - Tranh biếm họa

Đó là nội dung trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 6/11 của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, trong vụ việc ôtô triển lãm có bản đồ "đường lưỡi bò".

Lỗ hổng pháp lý cụ thể đó là gì, ông Trần Tuấn Anh không cho biết.

Lỗ hổng đăng kiểm : đã đổ bê tông

Trong vụ mẫu xe tham gia triển lãm của Volkswagen bị phát hiện bản đồ định vị có ‘đường lưỡi bò’ phi pháp của Trung Quốc trên xe Touareg mà hãng này trưng bày, được giải thích là quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm tra, thử nghiệm về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Còn các phụ kiện bên trong như bản đồ định vị lại không có danh mục kiểm tra.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Vietnam Register - VR) là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông và phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container, nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải trong phạm vi cả nước ; tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/10, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) ký văn bản số 4367/ĐKVN-VAQ gửi các cơ sở lắp ráp ô tô cũng như các tổ chức, cá nhân nhập khẩu ô tô, thông báo về việc xử lý các loại xe có ứng dụng dẫn đường sử dụng hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam.

"Cục đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp phải kiểm tra các ứng dụng, tài liệu và hình ảnh trên các xe ô tô nhập khẩu, sản xuất lắp ráp. Nếu phát hiện có hình ảnh, dữ liệu vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam thì kiên quyết yêu cầu gỡ bỏ. Cục Đăng kiểm sẽ từ chối cấp Giấy Chứng nhận cho các trường hợp vi phạm nêu trên", trích công văn 4367/ĐKVN-VAQ.

Như vậy xem ra lỗ hổng đăng kiểm đã được đổ bê tông ‘trám bít’.

Xuất bản, phát hành : không có lỗ hổng pháp lý nào cả (!?)

Vụ việc bản đồ có hình ‘đường lưỡi bò’ trong giáo trình ở bậc đại học như vừa xảy ra tại Hà Nội, nếu quy lỗi từ Luật Xuất bản, thì lỗi ở đây chính là việc đã không thực thi đúng luật định tại Điều 10 "Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản". Tương tự trong Luật Điện ảnh, có Điều 11 "Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh".

Như vậy lỗ hổng duy nhất liên quan về pháp lý, là việc xử lý qua loa những quan chức tắc trách công vụ, dẫn đến bản đồ Trung Quốc có ‘đường lưỡi bò’ hiện diện tại Việt Nam.

Đơn cử trong vụ giáo trình bậc đại học có bản đồ hình ‘đường lưỡi bò’. Ở đây có thể xem xét dưới góc nhìn ngờ vực của thuyết âm mưu, rằng liệu phía Trung Quốc có cài cắm ‘tình báo Hoa Nam’ trong bộ máy công quyền Việt Nam ?

Thiếu tướng Bùi Văn Thanh, cử nhân Đại học An ninh, cử nhân luật, thạc sĩ tiếng Trung. Ông Thanh công tác ở Tổng cục 5 Bộ Công an trước đây. Sau khi về hưu, ông Thanh được mời về làm chủ nhiệm khoa ngoại ngữ tiếng Nhật - Trung của trường đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, nơi có giáo trình với bản đồ có hình ‘đường lưỡi bò’.

Ông Bùi Văn Thanh còn cho sao chép (photocopy) cuốn giáo trình có bản đồ in hình ‘đường lưỡi bò’ này để bán cho sinh viên với giá 30.000 đồng/cuốn. 

Hãng du lịch lữ hành Saigontourist cũng từng dính một "đường lưỡi bò" trong tài liệu giới thiệu của mình. Có biện minh rằng không trường học, doanh nghiệp nào có ý định tuyên truyền cho "đường lưỡi bò", chuyện vi phạm là vì chủ quan, không kiểm tra các ấn phẩm có liên quan đến Trung Quốc.

Nếu chấp nhận biện minh như trên, thì hóa ra ở Việt Nam việc thực thi pháp luật được thả nỗi và tùy hứng đúng như lời nhận xét để đời thuở sinh tiền của luật sư Ngô Bá Thành, tức Phạm Thị Thanh Vân (1931 - 2004), người đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Luật so sánh tại Pháp lúc bà 26 tuổi : "Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng !".

Lỗ hổng tâm lý : trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam

Đây là lỗ hổng dễ nhận ra nhất của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam. Nếu không chấp nhận cúi đầu lệ thuộc trước Trung Quốc, thì có lẽ Việt Nam đã vận dụng các điều luật, điều ước quốc tế để kiện chính phủ Trung Quốc ra tòa án quốc tế về những hành vi xâm phạm lãnh hải chủ quyền của Việt Nam.

Đơn cử trong một số vụ việc gần đây về thiết kế bản đồ "đường chín đoạn", tức "đường lưỡi bò" trên hệ thống định vị tìm đường của xe, chủ các hãng xe vừa vi phạm luật Việt Nam, vừa phạm luật quốc tế.

Cụ thể, tối 5/11, một lãnh đạo Cục Hải quan thành phố Hải Phòng xác nhận với báo chí là trong quá trình làm thủ tục hải quan vào ngày 31/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ đã phát hiện một lô hàng ôtô nhập từ Trung Quốc nghi vấn phần định vị bản đồ có "đường lưỡi bò" vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Lô hàng gồm 7 chiếc ôtô loại 5 chỗ có hiệu Hanteng, xuất xứ Trung Quốc, mới 100%. Khi những xe này bật máy khởi động, trong phần ứng dụng định vị dẫn đường trên màn hình trong xe có hiển thị hình ảnh nghi có "đường lưỡi bò" phi pháp.

Được biết, doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục nhập khẩu đối với lô hàng trên là Công ty trách nhiệm hữu hạn ôtô Hoa Mai có địa chỉ tại quốc lộ 10, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Lô hàng được mở tờ khai vào ngày 29/10 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.

Tình tiết tóm tắt kể trên bước đầu cho thấy có cơ sở để "quốc tế hóa" yêu sách về "đường chín đoạn" ở Tòa quốc tế đối với hãng xe đó, mà không phải qua nhiều bước thủ tục pháp lý rườm rà, khiến làm nguội chung trà hữu nghị Trung – Việt mà hồi nào hai tổng bí thư đảng cộng sản đã có dịp đối ẩm.

Lỗ hổng hay lỗ thủng của thể chế ?

Tại cuộc họp báo chiều tối ngày 5/11, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói : "Vấn đề liên quan tới đường lưỡi bò phát tán tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam thì chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta không thể để việc đó xảy ra được".

Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chất vấn : Cần gì suy nghĩ hay truy tìm đâu xa. Chủ nhân đường lưỡi bò vừa gửi đại diện đắc lực của họ, Thành Long đến Việt Nam, vào chính buổi trưa 5/1, thông qua một chương trình từ thiện, chứ chẳng lẽ qua chương trình tuyên truyền cho "đường lưỡi bò" ?.

"Lần này không phải là lọt lưới nhé. Rất trang trọng và lồ lộ nữa, biểu tượng sống của lưỡi bò bởi cả thế giới đều biết anh ta đang công khai bảo vệ cái gì ?, đã đến Việt Nam đúng lúc chúng ta hô hào cần "phát hiện" những sản phẩm bị bí mật "gài" hình ảnh "đường lưỡi bò" tứ tung.

Lần này thì lại là biểu tương sống của cái của nợ đó. Sẽ còn nhiều cuộc xuất hiện "ngoạn mục" như thế, có khi chẳng cần tìm kiếm khó khăn. Thử xem những ai có quan điểm hay có ý kiến ngược với chủ trương "đường lưỡi bò", liệu có chen lọt vào biên giới của nhà cái của đường lưỡi bò không ?". Nhà báo Vũ Kim Hạnh nói.

Nhà báo Thường Sơn của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam thì cho rằng trên các diễn đàn quốc tế như Hội nghị cấp cao ASEAN 35 vào tháng 11/2019 ở Thái Lan vừa kết thúc, ông thủ tướng Việt Nam vẫn câm lặng không dám nhắc đến cái tên Trung Quốc cho tố cáo những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh, thì xem ra chẳng mong gì về thái độ quyết liệt trong ‘cắt lưỡi bò’ của Hà Nội (1).

Xem ra nếu nhìn toàn diện, thì đây không phải là lỗ hổng như lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mà là lỗ thủng đang ngày càng bị xói lở trong một thể chế chính trị luôn tôn thờ "Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài Hướng tới tương lai", của mặc định về "Láng giềng tốt - Bạn bè tốt - Đồng chí tốt - Đối tác tốt".

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 08/11/2019

(1) Nêu tên Trung Quốc còn không dám thì làm sao dám kiện ?

******************

Bộ trưởng Công thương bị chất vấn việc để lọt "đường lưỡi bò"

RFA, 06/11/2019

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên trả lời chất vấn sáng 6 tháng 11 năm 2019, khẳng định, các sản phẩm ô tô nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò là vi phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia.

luoibo2

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh - AFP

Sự việc liên quan đến chiếc ô tô Volkswagen Touareg CR745J do Công ty trách nhiệm hữu hạn ôtô Thế giới nhập khẩu vào Việt Nam, sử dụng thiết bị định vị vệ tinh có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường với bản đồ có "đường lưỡi bò". Công ty trách nhiệm hữu hạn ôtô Thế giới đã bàn giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn ôtô VW Việt Nam chiếc xe này để tham dự hội chợ triển lãm ôtô Việt Nam 2019.

Sau khi bị phát hiện, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh gỡ bỏ bản đồ có "đường lưỡi bò" và sung công quỹ chiếc xe này.

Hôm 5/11/2019, Bộ Công thương ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc bộ và các sở công thương tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động thương mại trên địa bàn do thời gian gần đây có nhiều sản phẩm được bán, trưng bày có hình "đường lưỡi bò". Bộ này cho rằng sự việc này có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

Cũng trong ngày 5/11, trong buổi họp báo thường kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lên tiếng cho rằng "Nếu 'đường lưỡi bò' phát tán tràn lan ở Việt Nam thì phải suy nghĩ, phải có cảnh giác lưu tâm và trách nhiệm cao hơn", và "việc ngăn chặn đường lưỡi bò gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan".

Ngoài vụ ô tô của Volkswagen với thiết bị định vị có cài phần mềm với đường lưỡi bò như vừa nêu, thêm 7 ô tô hiệu Hanteng xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào cảng Đình Vũ ở Hải Phòng hôm 31/10 cũng hiển thị bản đồ đường lưỡi bò tại màn hình ứng dụng định vị dẫn đường.

Về số 7 xe này, cục trưởng Cục Điều Tra chống buôn lâụ thuộc Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Hùng Anh, cho biết đang phối hợp với các đơn vị chức năng để làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

****************

Phát triển phần mềm phát hiện bản đồ "đường lưỡi bò"

RFA, 06/11/2019

Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vừa giao Trung tâm Công nghệ Thông tin của bộ này, xây dựng phần mềm để phát hiện hình ảnh, âm thanh, lời thoại vi phạm về chủ quyền như hình "đường lưỡi bò".

luoibo3

Hình minh họa. Một cậu bé đang xem quảng cáo phim Người Tuyết bé nhỏ ở một rạp chiếu phim tại Hà Nội hôm 14/10/2019 - AFP

Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết cho báo chí trong nước biết tin này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/11.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã đã xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng duyệt phim quốc gia, người đứng đầu Cục Điện ảnh về vụ việc "đường lưỡi bò" xuất hiện trong phim hoạt hình "Người tuyết bé nhỏ".

Ba Trịnh Thị Thủy cho biết thêm, cơ quan chức năng ý thức rằng không chỉ dừng lại ở vụ việc "Người tuyết bé nhỏ" này, mà các hình ảnh vi phạm có thể sẽ tái diễn. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến hoạt động nghệ thuật, du lịch khẩn trương xem xét công tác thẩm định, cấp phép phim.

Ngoài việc kiện toàn lại Hội đồng duyệt phim quốc gia, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang xem xét mời thêm các chuyên gia hỗ trợ trong việc thẩm định nội dung các ấn phẩm.

****************

Việt Nam tịch thu xe, ‘rà soát lỗ hổng đường lưỡi bò’

BBC, 06/11/2019

Tổng cục Hải quan Việt Nam nói sẽ tịch thu 7 xe ô tô Hanteng xuất xứ Trung Quốc vì có bản đồ định vị vệ tinh "đường lười bò".

luoibo4

Hình tư liệu tháng 5/2014, khi xảy ra căng thẳng vì giàn khoan dầu của Trung Quốc (HD-981) đưa tới khu vực quần đảo Hoàng Sa

Các xe này bị phát hiện khi nhập khẩu vào Việt Nam tại cửa khẩu Đình Vũ (Hải Phòng) hôm 31/10.

Việc xe có bản đồ "đường lưỡi bò" bị Việt Nam xem là vi phạm chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục nhập khẩu đối với lô hàng trên là Công ty trách nhiệm hữu hạn ô tô Hoa Mai đặt ở Hải Phòng.

Lô hàng hiện đang bị niêm phong tại cảng Đình Vũ.

Trong một diễn biến tương tự, Việt Nam nói đang xử lý việc hãng xe Volkswagen đã trưng bày chiếc xe ô tô Volkswagen Touareg nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò.

Việc trưng bày diễn ra tại Hội chợ triển lãm ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show, diễn ra từ ngày 23/10/2019 đến 27/10/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.

Theo Tổng cục Hải quan, chiếc xe do Công ty trách nhiệm hữu hạn ô tô Thế giới thuê từ đối tác Wolkswagen Group Import Company Limited (Trung Quốc).

Hôm 10/10, hải quan Việt Nam làm thủ tục cho xe sau khi kiểm tra hàng hóa, tuy nhiên, không kiểm tra hệ thống định vị của xe.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Ô tô Thế giới đã bàn giao chiếc xe Volkswagen Touareg CR745J cho Công ty trách nhiệm hữu hạn ô tô VW Việt Nam và được Công ty Vận tải Tín Nghĩa vận chuyển đến để tham dự Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn.

Ngày 6/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói tại Quốc hội rằng có lỗ hổng pháp lý mà các bộ cần rà soát, để tránh lặp lại.

luoibo5

Đường chín đoạn của Trung Quốc trên bản đồ

"Đường lưỡi bò", "đường chữ U" hay "đường chín đoạn" là một số cách gọi về yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

"Đường lưỡi bò" ban đầu gồm 11 đoạn nhưng vào năm 1953 đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ.

Theo bản đồ của Trung Quốc, đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.

Chính phủ Việt Nam nói không chấp nhận "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là đường yêu sách để tạo thành vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tuy nhiên, các ấn phẩm của Trung Quốc có bản đồ 'đường lưỡi bò' đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường bất chấp chế độ kiểm duyệt được cho là 'hà khắc' ở đây.

Mới đây nhất, một du khách người Việt phát hiện công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist phát cho khách ẩn phẩm du lịch có hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò (đường chín đoạn) mà Trung Quốc tự vẽ và tự tuyên bố vùng chủ quyền trên Biển Đông.

*****************

Mỹ chính thức xác định : Lưỡi bò Trung Quốc "vô căn cứ, phi pháp, phi lý"

Trọng Nghĩa, RFA, 07/11/2019

Trong một bản báo cáo chính thức công bố ngày 04/11/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định trở lại đánh giá của Hoa Kỳ về đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc dùng để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông. Đánh giá đó đã được tóm gọn trong ba từ ngữ : "Vô căn cứ, phi pháp và phi lý".

luoibo1

Trang bìa của Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ : "Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở : Thúc đẩy một tầm nhìn chung". Cover FOIP.jpg

Bản báo cáo "Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở : Thúc đẩy một tầm nhìn chung" dài 30 trang, nội dung tập trung điểm lại quá trình 2 năm phối hợp giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm triển khai chiến lược mới của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã được tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào tháng 11/2017.

Trong phần nói về hợp tác nhằm "Bảo đảm Hòa Bình và An ninh", báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải, đặc biệt tại Biển Đông và đả kích đích danh Trung Quốc như sau :

"Yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc, thể hiện qua "đường 9 đoạn" mập mờ mang tính chất vô căn cứ, phi pháp và phi lý (unfounded, unlawful, and unreasonable). Các yêu sách không có giá trị pháp lý, lịch sử và địa lý này đã gây ra những tổn thất thực sự cho các nước khác. Thông qua những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt đường 9 đoạn, Bắc Kinh đã ngăn không cho các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la, đồng thời góp phần tạo nên bất ổn định và rủi ro xung đột".

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn xác nhận trong phần "Dấn thân cùng các đối tác và định chế" rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Báo cáo viết : "Ở Đông Nam Á, chúng tôi ủng hộ Thái Lan trong vai trò chủ tịch ASEAN (năm 2019) và tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Khu vực sông Mêkông bao gồm Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 06/11/2019

Published in Diễn đàn

Do đâu "đường lưỡi bò" vào Việt Nam quá dễ dàng ?

Diễm Thi, RFA, 22/10/2019

Liên tiếp những ngày gần đây, những sản phẩm, ấn phẩm có "đường lưỡi bò" trên bản đồ Trung Quốc được phát tán tại Việt Nam quá dễ dàng qua nhiều ngả. Trung Quốc đang muốn tuyên truyền chủ quyền phi pháp trên Biển Đông thông qua sự vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng Việt Nam ?

luoibo1

Một chiếc đèn lồng đỏ do Trung Quốc treo trước một ngôi nhà ở Hà Nội, cạnh lá cờ Việt Nam. AFP

Hình ảnh "đường lưỡi bò" tràn lan

Chỉ trong vòng một tuần lễ, bốn sự kiện xuất hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc tràn vào Việt Nam bị phát hiện, mà lẽ ra nó phải được ngăn chặn từ bên kia biên giới hoặc ít ra được phát hiện từ khâu kiểm duyệt tại Việt Nam.

Đầu tiên là bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) có lồng ghép bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp vẫn được công chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 10 qua sự yếu kém của cơ quan kiểm duyệt. Phim chỉ bị dừng chiếu vào ngày 13/10, tức sau 10 ngày ra rạp và bị khán giả phát hiện.

Dù thừa nhận sai sót nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia lại "hồn nhiên" cho rằng : ‘Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên’…

Dư luận phẫn nộ khi cho rằng với tư cách là người trong hội đồng duyệt phim, chẳng lẽ bà Hồng Ngát không hiểu rằng nếu chi tiết đó không quan trọng thì chắc chắn nó không được cài vào trong phim, và đó không phải là chuyện tình cờ. Trong khi đó, theo hãng tin AFP, giới chức Malaysia đã cấm phát hành bộ phim này khi hãng Universal đã quyết định không cắt bỏ "đường lưỡi bò" theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận xét rằng chuyện này không mới, chỉ có cơ quan chức năng Việt Nam là vô trách nhiệm và nhận thức kém về chủ quyền biển đảo :

"Thứ nhất về phía Trung Quốc thì đây là một hành động cố tình mà không phải bây giờ họ mới làm, họ làm từ rất lâu rồi. Họ tìm mọi cách quảng bá, truyền thông tin cho thế giới thấy rằng Biển Đông là của Trung Quốc và đường lưỡi bò phải là hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Không chỉ cho người Việt Nam. Họ muốn cho cả thế giới thấy rằng đường lưỡi bò là của Trung Quốc từ xa xưa".

Bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ dừng chiếu vào ngày 13/10 thì chỉ một ngày sau, chiều 14/10, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh lại phát hiện ấn phẩm quảng bá du lịch Trung Quốc có hình "đường lưỡi bò" ở Hội chợ quốc tế du lịch diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2019. Đây là sự kiện du lịch thường niên của ngành du lịch Việt Nam. Công ty du lịch dùng tờ rơi này để phát cho khách hàng tham dự hội chợ. Tuy nhiên khi họ vừa phát thì bị cơ quan an ninh, Thanh tra Sở Du lịch có mặt phát hiện và tịch thu, theo nguồn tin từ báo Thanh Niên.

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì chỉ mấy ngày sau, khách hàng mua tour du lịch của Dịch vụ lữ hành Saigontourist lại phát hiện ấn phẩm giới thiệu du lịch có hình ảnh bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Đại diện Saigontourist giải thích với truyền thông trong nước rằng, nhân viên nghĩ đây là ấn phẩm lưu hành nội bộ, chỉ dành cho bộ phận kinh doanh xem để nắm thông tin tour. Đến khi Thanh tra Sở Du lịch sang làm việc vào chiều 17/10, công ty mới biết ấn phẩm có hình "đường lưỡi bò".

Ngoài những chuyện liên quan đến lĩnh vực văn hóa như phim ảnh, du lịch, hôm 19/10, các xe hơi Zotye, BAIC... do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam với phần mềm định vị có bản đồ với "đường lưỡi bò", dù khi nhập khẩu, tất cả các xe đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định :

"Chuyện Trung Quốc quảng bá đường lưỡi bò liếm cả khu vực Biển Đông của Đông Nam Á không phải mới mà chuyện này từ hơn 10 năm trước đã xuất hiện trên hộ chiếu của dân Trung Quốc khi du lịch vào Việt Nam. Rồi các ấn phẩm, bản đồ, phim ảnh đã nhiều lần dư luận Việt Nam lên tiếng cảnh cáo nhưng với sự tuyên truyền và sức mạnh mềm của Trung Quốc theo chiêu bài ‘mưa dầm thấm lâu’, làm riết để người ta quen là đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc".

Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín đoạn là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Đường chín đoạn bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi ngầm Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam.

Ngày 12/7 năm 2016, tại Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan, tổ trọng tài gồm 5 người đã chính thức tuyên bố bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc, yêu cầu rút lại chính sách này ngay lập tức, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

luoibo2

Khách du lịch Trung Quốc tham quan Vịnh Hạ Long. AFP

Tuy bị tòa án quốc tế bác bỏ "đường lưỡi bò" với lý do không có căn cứ pháp lý nhưng Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa và ngay từ đầu đã từ chối tham gia vào vụ kiện.

Chỉ một ngày sau khi phán quyết được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng khẳng định rằng : "Ngoài vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Trung Quốc còn có quyền lịch sử trong Biển Đông".

Trung Quốc vẫn luôn tìm cách chứng tỏ chủ quyền của mình trên Biển Đông bằng nhiều hình thức. Ngoài các hành động quân sự, leo thang căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc từng bước chứng minh chủ quyền phi pháp của mình bằng nhiều con đường khác, từ văn hóa, kinh tế… mà việc đưa hình ảnh "đường lưỡi bò" để quảng bá là một trong những cách của Trung Quốc. Tiếc rằng Việt Nam lại nhiều lần bị "lọt lưới" với chiêu bài này.

Năm 2018, phim Điệp vụ Biển đỏ của Trung Quốc cũng được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cho đến khi khán giả phát hiện ra trong phim có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.

Về điều này, ông Đinh Kim Phúc cho rằng Trung Quốc sử dụng phương cách "lộng giả thành chân" và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng của Nhà nước :

"Cái ‘lộng giả thành chân’ của Trung Quốc cứ lập đi lập lại nhưng rất tiếc rằng các cơ quan chức năng, những người thừa hành lại không quan tâm vấn đề chủ quyền biển đảo nên vấn đề chủ quyền quốc gia bị ‘lọt lưới’ liên tục.

Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều năm nhưng việc chế tài và răn đe của Nhà nước chưa đủ mạnh. Do đó tất cả các cơ quan vì quyền lợi kinh doanh của mình, vì doanh số của mình vẫn tiếp tục bị coi như là tiếp tay cho Trung Quốc quảng bá ý đồ xấu của cả khu vực Đông Nam Á. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng của Nhà nước".

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thiếu nhận thức về mức độ nguy hiểm về chủ quyền quốc gia dẫn đến việc vô trách nhiệm trong kiểm duyệt các sản phẩm của Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam. Ông nói thêm :

"Sau hết thì tôi thấy sự vô trách nhiệm của họ không chỉ trong ‘đường lưỡi bò’ với Trung Quốc mà ở rất nhiều việc khác, ví dụ như nước sông Đà để ô nhiễm ảnh hưởng hàng trăm ngàn người…Họ đổ lỗi cho một công ty nhưng về nguyên tắc thì đó là sự vô trách nhiệm của chính quyền".

Ông kết luận chính quyền đang ngày càng thể hiện sự bất lực. Những thứ cần kiểm soát thì họ không kiểm soát được, kể cả chủ quyền quốc gia, chứ chưa nói là cần kiểm soát để mang lại đời sống tốt lành cho người dân.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 22/10/2019

*******************

 

Nhà sản xuất phim Người tuyết bé nhỏ không chịu cắt cảnh bản đồ "đường lưỡi bò"

RFA, 21/10/2019

Hãng phim Universal của Mỹ hôm 20/10 cho biết hãng này sẽ không cắt bỏ đoạn phim có bản đồ hình lưỡi bò ở Biển Đông theo yêu cầu của Malaysia.

luoibo1

Hình minh họa. Hình minh họa. Một cậu bé đang xem quảng cáo phim Người Tuyết bé nhỏ ở một rạp chiếu phim tại Hà Nội hôm 14/10/2019 - AFP

Cục kiểm duyệt Phim Malaysia hồi tuần trước cho biết sẽ cho phép công chiếu phim Everest – người tuyết bé nhỏ với điều kiện các nhà sản xuất phim cắt bỏ phân cảnh thể hiện bản đồ hình lưỡi bò, theo Reuters.

Reuters và AFP hôm 20/10 dẫn lời một phát ngôn viên không nêu tên của Universal Pictures cho biết hãn không cắt bỏ đoạn phim theo yê cầu và sẽ không phát hành phim tại Malaysia.

Đường lưỡi bò hay còn gọi là đường đứt khúc 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông, đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng nước đang tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Trước đó, vào ngày 13/10, Việt Nam cũng rút phim khỏi rạp chiếu sau khoảng 10 ngày vì vấp phải những phản đối gay gắt của người dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 16/10 viết trên Twitter rằng đoạn phim có bản đồ hình lưỡi bò nên được cắt bỏ.

*****************

Phim Abominable : Hãng sản xuất Mỹ không đồng ý cắt "lưỡi bò"

Trọng Nghĩa, RFI, 20/10/2019

Bộ phim hoạt hình Abominable với cảnh cho thấy bản đồ hình "lưỡi bò" của Trung Quốc tại Biển Đông rốt cuộc sẽ không được chiếu ở Malaysia. Chính hãng phim Mỹ đã cho biết tin trên vào hôm nay 20/10/2019, nêu rõ lý do là họ không thể cắt bỏ cảnh có đường lưỡi bò theo yêu cầu của chính quyền Kuala Lumpur.

luoibo2

Áp-phích quảng cáo phim "Abominable" đã bị gỡ xuống tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 14/10/2019. Reuters/Kham

Trong một email gởi đến các hãng tin AFP và Reuters, đại diện của nhà sản xuất Mỹ tại Malaysia là United International Pictures Malaysia xác nhận rằng : "Universal đã quyết định không thực hiện việc cắt xén theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt Malaysia, và như vậy sẽ không thể phát hành bộ phim ở Malaysia".

Phản ứng dứt khoát của hãng phim Mỹ Universal Pictures (chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim của hãng Dreamworks) được đưa ra sau khi trưởng ban kiểm duyệt phim của Malaysia, ông Mohamad Zamberi Abdul Aziz cho biết là bộ phim - dự kiến ​​ra mắt kể từ ngày 7 tháng 11 tới đây – vẫn có thể được chiếu ở Malaysia "với điều kiện là tấm bản đồ gây tranh cãi bị xóa đi".

Như vậy là bộ phim Abominable sẽ không được chiếu tại Malaysia sau khi đã bị rút khỏi các rạp xi-nê ở Việt Nam vào tuần trước.

Hà Nội và Kuala Lumpur đã phản ứng gay gắt đối với bộ phim do hãng DreamWorks (một chi nhánh của Universal Pictures) hợp tác với một hãng phim Trung Quốc Mỹ để làm ra. Trong bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi có vẻ vô thưởng vô phạt này, các nhà làm phim đã chen vào một vài cảnh cho thấy rõ một tấm bản đồ Trung Quốc có đường chín đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, phủ nhận chủ quyền của bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trong bốn nước bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam và Malaysia là hai nước có thái độ dứt khoát với phim Abominable, bị cho là đã tuyên truyền cho yêu sách Biển Đông của Trung Quốc, những yêu sách đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

Riêng Philippines thì duy trì một thái độ mập mờ, vẫn cho bộ phim được chiếu ngoài rạp từ đầu tháng đến nay, và chỉ thấy ngoại trưởng Teodoro Locsin lên tiếng cho rằng "nên cắt bỏ cảnh xúc phạm" đến Philippines.

*********************

Xe hơi Trung Quốc bán tại Việt Nam sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò"

RFA, 21/10/2019

Các mẫu xe hơi của Trung Quốc đang được bán tại thị trường Việt Nam, trên bản đồ định vị của các xe này có sử dụng "đường lưỡi bò", vi phạm chủ quyền Việt Nam.

luoibo3

Một số thương hiệu xe hơi của Trung Quốc và bản đồ định vị có "đường lưỡi bò". Courtesy : AFP/Tiền Phong/ RFA Edited

Vnexpress (bản tiếng Anh) loan tin hôm 21/10 cho biết như vừa nêu.

Theo đó, Công ty Kylin-GX668 đã xin lỗi khi một khách hàng phát biện trong mẫu xe Zotye T600 có sử dụng "đường lưỡi bò" trong bản đồ định vị của xe.

Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc của Kylin-GX668 - đơn vị nhập khẩu và phân phối 4 loại xe hơi của Trung Quốc tại Việt Nam có trụ sở tại Hải Phòng, bao gồm các loại xe như Haima, Geely, Zotye và Basic được Vnexpress trích lời, lý giải rằng trước khi xe được bán ra thị trường, ứng dụng dẫn đường có xuất hiện "đường lưỡi bò" không thể sử dụng tại Việt Nam do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu.

Phía công ty cũng đã thừa nhận bất cẩn trong quá trình kiểm tra nên xảy ra tình trạng trên và đồng thời đề nghị các khách hàng đã mua xe liên hệ với các đại lý công ty để gỡ bỏ ứng dụng dẫn đường trên và hứa sẽ gỡ bỏ toàn bộ trên các lô hàng sắp được phân phối tại Việt Nam.

Sau khi sự việc bị phát hiện, hàng loạt đại lý của công ty tại các khu vực Sài Gòn và Hà Nội đã hạn chế khách hàng kiểm tra nội thất của các loại xe mới, cũng như một số đại lý đã phải đóng cửa vào buổi sáng để kiểm tra.

Được biết, nhiều người dùng các loại xe hơi này chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, khi mua xe về nếu để bản đồ nguyên bản không thể dùng được định vụ nên phải cập nhật lại Vietmap hay Google Maps nên không chú ý đến sự xuất hiện đường lưỡi bò phi pháp này. Quy trình nhập khẩu của các loại xe hơi của Trung Quốc được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp thuận.

"Đường lưỡi bò" không chỉ xuất hiện trên các mẫu xe hơi của Trung Quốc nhập về Việt Nam. Mới hôm 13/10, phim hoạt hình Người Tuyết Bé Nhỏ của Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất cũng đã bị gỡ khỏi lịch chiếu của cụm rạp CGV sau khi ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện trong một cảnh phim.

Trước đó vào ngày 18/10, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với công ty Saigontourist vì phát ấn phẩm có xuất hiện "đường lưỡi bò" cho khách hàng của mình.

Ngoài ra, mới đây trên ứng dụng The Weather Channel (TWC) dự báo thời tiết cũng đã phát hiện "đường lưỡi bò" trên các phiên bản Tiếng Việt, tiếng Indonesia, Nhật và tiếng Trung của bản đồ này nhưng không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi và bản dành riêng cho Đài Loan.

Biển Đông đang là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc chín đoạn hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’ mà nước này đơn phương vẽ ra. Năm 2016, Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) ở Hà Lan đã bác bỏ tính pháp lý đường lưỡi bò của Trung Quốc trong vụ Phillipines kiện Trung Quốc.

****************

Tại sao Nhà Lịch Sử Châu Âu trưng bày bản đồ "đường lưỡi bò" Trung Quốc ?

Thu Hằng, RFI, 21/10/2019

Bản đồ có đường 9 đoạn do Trung Quốc xuất bản, được trưng bày trong Nhà Lịch Sử Châu Âu (Maison de l’Histoire européenne/House of European History), thuộc Nghị Viện Châu Âu, tại Bruxelles (Bỉ), từ năm 2017. Đến hôm 19/10/2019, bản đồ này vẫn được trưng bày trong khu vực Cartographier l’Europe (Vẽ bản đồ Châu Âu).

luoibo4

Ảnh chụp lại bản đồ thế giới do Trung Quốc xuất bản có đường lưỡi bò trưng bày tại Nhà Lịch Sử Châu Âu.RFI

Bản đồ do ChinoMapsPresse phát hành năm 2012, dường như được Nhà Lịch Sử sao chép lại, in rõ đường 9 đoạn, còn gọi là "đường lưỡi bò" bao trọn Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Tháng 06/2017, trả lời qua email phản ánh của một khách tham quan Việt Nam, bà Blandine Smilansky, thuộc bộ phận học tập (Learning Department) của Nhà Lịch Sử giải thích : "với tư cách là một bảo tàng, chúng tôi trưng bày những hiện vật truyền tải một tư tưởng mà chúng tôi không theo. Trong trường hợp này, bản đồ đó được giới thiệu theo đúng bản đồ mà Trung Quốc phát hành".

Bà Smilansky viết tiếp : "Chúng tôi đặt tấm bản đồ vào khu vực đó (Vẽ bản đồ Châu Âu) chỉ nhằm mục đích duy nhất là giới thiệu một tấm bản đồ song song với các bản đồ mà Châu Âu nằm chính giữa... Tấm bản đồ được trưng bày chỉ nhằm mục đích đó, và hãy tin rằng chúng tôi không có ý gì khác".

Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết vùng Biển Đông đã bị Tòa Trọng Tài La Haye bác ngày 12/07/2016. Nhà Lịch Sử Châu Âu, mở cửa năm 2017, hiểu rõ rằng bản đồ đường 9 đoạn là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Dù bảo tàng khẳng định không ủng hộ lập trường của Trung Quốc, nhưng vô hình chung đã tuyên truyền cho yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh ít nhất từ hơn hai năm nay.

Thu Hằng

****************

Vì sao 'Đường lưỡi bò' của Trung Quốc nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt Việt Nam ?

BBC, 18/10/2019

Các ấn phẩm của Trung Quốc có bản đồ 'đường lưỡi bò' đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường bất chấp chế độ kiểm duyệt được cho là 'hà khắc' ở đây.

luoibo5

Đường chín đoạn của Trung Quốc trên bản đồ

Mới đây nhất, một du khách người Việt phát hiện công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist phát cho khách ẩn phẩm du lịch có hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò (đường chín đoạn) mà Trung Quốc tự vẽ và tự tuyên bố vùng chủ quyền trên Biển Đông.

Ông T.Đ.H ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt tua của Saigontourist hôm 17/10 và được giới thiệu tour đi Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung Quốc.

Nhân viên của Saigontourist sau đó đưa cho ông một cuốn sách dày khoảng 100 trang giới thiệu cảnh vật tại địa điểm này. Ông T.Đ.H cho hay xem tới gần cuối cuốn sách thì phát hiện bản đồ Trung Quốc có in đường lưỡi bò phi pháp, theo Thanh Niên.

Đây không phải là lần đầu tiên các ấn phẩm của Trung Quốc có in bản đồ có đường lưỡi bò được mang trót lọt vào Việt Nam, vượt qua nhiều cổng kiểm duyệt. Nhiều ấn phẩm như vậy thậm chí đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng Việt Nam.

Ồn ào nhất, mới đây, là việc Việt Nam cấm chiếu bộ phim hoạt hình Abominable (tên phim tiếng Việt là Everest - người tuyết bé nhỏ), một sản phẩm hợp tác giữa công ty Pearl Studio của Trung Quốc và DreamWorks Animation, vì có cảnh bản đồ đường lưỡi bò.

Thế nhưng trước khi bị cấm, phim này đã được chiếu trót lọt gần 10 ngày tại hệ thống rạp của CJ CGV ở Việt Nam. Chỉ đến khi nhiều người xem phát hiện phim có hình ảnh bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò, xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh quay, và lên tiếng trên mạng xã hội, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Tháng trước, tại Hội chợ quốc tế du lịch 2019 tại TP Hồ Chí Minh, giới chức phát hiện tờ rơi quảng bá du lịch Trung Quốc có hình đường lưỡi bò được công ty Hola China phát cho khách.

Năm ngoái, phim Điệp vụ Biển đỏ của Trung Quốc được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cho đến khi khán giả phát hiện ra trong phim có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.

Trung Quốc mang bản đồ lưỡi bò vào Việt Nam như thế nào ?

luoibo6

Hình có chèn Đường Lưỡi bò đi kèm bài viết của học giả Trung Quốc trên tạp chí Geoscience

Các sự việc nói trên liên tiếp xảy ra, cho thấy Trung Quốc có nhiều bước đi 'âm thầm và xảo quyệt' để tuyên truyền chủ quyền của mình trên Biển Đông, như nhận định của ông Nguyễn Đình Phú, phó giáo sư tại Đại học UCI, California.

Các kênh quảng bá đường lưỡi bò của Trung Quốc có thể là qua phim ảnh, ấn phẩm du lịch, giáo dục, hoặc các tạp chí khoa học quốc tế.

Trong bài phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hồi tháng 3/2019, Giáo sư Phú nói do tính chất công việc, ông thường xuyên đọc các tài liệu khoa học và phát hiện ra rằng Trung Quốc gần đây cố tình đưa đường Lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn vào các ấn phẩm khoa học quốc tế.

Số lượng các bài báo khoa học có chèn đường lưỡi bò lên tới hàng ngàn bài, từ năm 2017. Trong khi trước thời điểm đó rất hiếm.

Trung Quốc cũng cho các học giả quốc tế tới dự các diễn đàn khoa học về Biển Đông để tuyên truyền về đường lưỡi bò.

Các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung Quốc cũng mang ấn phẩm sang Việt Nam dự hội chợ, phát cho các công ty du lịch, hoặc tinh vi hơn, mang cả phim sang chiếu.

'Đường lưỡi bò' cũng vào Việt Nam bằng cách in trên áo phông, hoặc hộ chiếu của khách du lịch Trung Quốc.

Điều đáng nói là Việt Nam đã có hệ thống kiểm duyệt, sàng lọc thông tin từ trung ương xuống địa phương nhưng lại vẫn để lọt 'đường lưỡi bò'.

Ví dụ, các phim chiếu ở Việt Nam đều phải qua khâu kiểm duyệt của Hội đồng Duyệt phim thuộc Cục Điện Ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Trong vụ việc của Saigontourist, lỗi được đổ cho nhân viên của công ty đã không kiểm tra kỹ cuốn cẩm nang du lịch do công ty Trung Quốc cung cấp.

Trong vụ việc Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2019, các tờ rơi có hình bản đồ lưỡi bò bị mang đi tiêu hủy, nhưng không thấy tin công ty Hola China bị xử lý.

Với phim Điệp Vụ Biển Đỏ, Cục Điện Ảnh khi đó nói phim đã được kiểm duyệt 'đúng quy trình', nên không có ai chịu trách nhiệm.

Còn với phim Abominable, Cục Điện Ảnh 'thẳng thắn nhận trách nhiệm' nhưng nói lỗi này 'khó tránh' vì "Cục không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt".

Đến nay chưa thấy cá nhân hay cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nào phải chịu bất thứ hình thức xử lý nào.

Tranh chấp Biển Đông vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc

Các tranh chấp Biển Đông từng được 'xử lý' ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc.

Hồi tháng 8/2018, cộng đồng mạng Việt Nam phản ứng dữ dội trước thông tin một công ty ở Ukraine bán quả địa cầu trong đó nhiều tỉnh biên giới Việt Nam bị xếp vào lãnh thổ Trung Quốc.

Trả lời BBC Tiếng Việt thời điểm đó, công ty Globus Plus của Ukraine cho hay họ đã ngưng bán sản phẩm quả địa cầu in sai hình bản đồ Việt Nam.

Hồi tháng 9/2017, một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có in hình đường lưỡi bò của Trung Quốc sau khi có thư phản ánh của người Việt.

Published in Diễn đàn
mardi, 15 octobre 2019 17:23

Chỉ cần mấy giây thôi

Dư luận đang tỏ ra bức xúc vì câu trả lời của một quan chức nhà nước có liên quan tới ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trước sự hung hãn của Trung Quốc. Quan chức bị nêu tên là bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia khi duyệt bộ phim hoạt hình "Everest : Người tuyết bé nhỏ" do Trung Quốc sản xuất trong đó có 4 lần xuất hiện tấm bản đồ có hình lưỡi bò nhưng bộ phim vẫn được cho qua và công chiếu liên tục trong nhiều ngày tại các rạp hát thành phố. Khi được báo chí phỏng vấn bà Hồng Ngát cho rằng "'Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên'...

phim1

Bộ phim hoạt hình "Everest : Người tuyết bé nhỏ" do Trung Quốc sản xuất trong đó có 4 lần xuất hiện tấm bản đồ có hình lưỡi bò 

Mấy giây mà bà Hồng Ngát nói cho thấy điều gì ?

Nó cho thấy đây là một sự thật đang diễn ra trong hệ thống chính quyền lẫn đảng viên các cấp bởi họ sống và làm việc quá lâu trong một môi trường bịt tai, nhắm mắt chỉ suy nghĩ những điều đảng nhối vào sọ về vấn đề Biển Đông nên lâu dần những lý do được gọi là "đại cục’ là 4 tốt hay 16 chữ ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận rất lớn đang ăn cơm đảng để tồn tại.

Có hàng triệu người như bà Hồng Ngát trong hệ thống không biết đường lưỡi bò là đường gì và tác hại của nó đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra sao. Trong thâm tâm của họ, đường lưỡi bò là một chủ đề lớn mà đảng và chính phủ đang cố gắng giải quyết. Cách giải quyết ấy nằm trong tinh thần hai nước anh em và truyền thống cách mạng của hai đảng không thể vì một vấn đề tranh chấp nhỏ bé mà làm hỏng đại cục.

Vậy đại cục là gì mà Việt Nam tỏ ra trân trọng đến mức đáng ngạc nhiên như vậy ?

Đại cục là tinh thần chủ nghĩa xã hội mà hai nước đang theo đuổi mặc dù ai cũng biết nó mơ hồ và không thể nào hiện hữu trong thế giới thực. Tuy nhiên đối với những người mang trên vai hai chữ đảng viên thì ý thức về Chủ nghĩa xã hội phải được nhân rộng và bảo vệ hết lòng vì nhờ có nó mà đảng sống sót, mà đảng sống thì đảng viên không thể chết, vì vậy hiện tượng nhắm mắt nhận một chủ thuyết vô lý làm kim chỉ nam đang làm cho hệ thống không những khó hiểu đối với quần chúng mà còn gây phẫn nộ trong những nhóm trí thức sớm biết sự giả dối và lừa lọc của đảng.

Đường lưỡi bò xuất hiện đã lâu trên hệ thống internet do ảo tưởng bá chủ Biển Đông của Trung Quốc. Cứ mỗi lần chúng xuất hiện tại Việt Nam đều do người dân phát hiện và hô hoán lên để gỡ bỏ nó xuống. Tại Cam Ranh khi du khách Trung Quốc mặc áo có in hình đường lưỡi bò cũng do hành khách Việt Nam phát hiện. Tại Đà Nẵng, Nha Trang rải rác những vụ tương tự được bày ra trên mạng xã hội và nhà nước im lặng giải quyết một cách "ổn thỏa" bất kể sự nóng giận của người dân.

Chưa có một quan chức nào làm việc cho nhà nước phát hiện sự xuất hiện của đường lưỡi bò ngoại trừ một lần duy nhất Hải quan thành phố HCM từ chối đóng thị thực nhập cảnh trên hộ chiếu có đường lưỡi bò của du khách Trung Quốc.

Trong tâm thế ấy bà Hồng Ngát không phát hiện ra đường lưỡi bò trong một bộ phim dành cho thiếu nhi là điều dễ hiểu. Có thể bà Ngát không bao giờ chú ý cái hình đường lưỡi bò nó như thế nào thì làm sao bà ta có phản ứng một cách tích cực cho được ?

Câu trả lời của bà cho VOV được nhiều tờ báo trích dẫn lại nói lên một điều duy nhất : Bà xem dân như một thành phần hèn mọn không đáng cho bà bận tâm, vì hèn mọn nên bà đánh đồng nhân dân như một đám đông ô hợp, như một tập họp bầy đàn, cố nói quá lên một vấn đề nhỏ bé và từ đó bà thản nhiên phán quyết "Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên".

"Làm quá lên" là trạng thái nông nổi, độc ác, có chủ đích gây chú ý vào một yếu tố nhỏ nào đó nhằm bôi xấu, hạ nhục hay chí ít là lên án một cách máy móc người vô tình có phát ngôn hay hành động ngoài chủ ý. Bà Hồng Ngát từng nổi tiếng là nhà thơ, đạo diễn nhưng lại không ý thức được sự xuất hiện của đường lưỡi bò trong một bộ phim được công chiếu cho khán giả Việt Nam có tác dụng xấu như thế nào đến nhận thức bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Bà có vẻ đã chai lì ý thức khi cho rằng "Có mấy giây thôi" sẽ không có gì mà ầm ỉ, bà quên sự hệ trọng của chính sách tuyên truyền của cộng sản mà Trung Quốc là bậc thầy của Việt Nam.

Người dân Việt Nam có vẻ không còn sống hồn nhiên trong vũng bùn ý thức hệ mà đảng cộng sản cố tình dìm cả dân tộc vào nó trong hơn một thế kỷ đã qua. Nhân dân phải "làm quá lên" để mang ra ánh sáng những con sâu đang gậm nhấm từng tấc đất của đất nước ngay cả bởi sự ngu muội và vô ý thức của những người trách nhiệm như bà Hồng Ngát.

Chĩ cần mấy giây cũng đủ làm cho thanh thiếu niên Việt Nam tê liệt ý thức chống ngoại xâm khi quen thuộc với hình ảnh đường lưỡi bò trong tư duy của chúng. Chỉ cần mấy giây cán bộ sẽ yên tâm đếm tiền vì không ai nói với họ rằng đường lưỡi bò đã nằm trên từng đồng nhân dân tệ mà họ đang đếm. Chỉ cần mấy giây thôi giới chức trách nhiệm cao nhất sẽ tự đánh lừa mình rằng đường lưỡi bò chỉ là một thứ hình ảnh tuyên truyển vô hại vì nó không làm cho ai tin rằng nó hợp pháp và nó hiện hữu. Chỉ cần mấy giây thôi ngư dân Việt Nam sẽ yên tâm neo thuyền tại bến chờ nhà nước tiếp tục phát cờ ra khơi chống giặc…

Bà Hồng Ngát chỉ có một cái lỗi duy nhất là nói lên sự thật đang diễn ra trong con người bà và đồng chí chung quanh bà : đường lưỡi bò là một hình ảnh bình thường như bao hình cảnh khác đang xuất hiện chung quanh bà, nó không có vẻ gì nguy hiểm hay "phản động" cả thì tại sao phải chống nó bằng cách làm quá lên ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 15/10/2019 (canhco's blog)

Published in Diễn đàn

Phim Abominable : Malaysia cắt "lưỡi bò" Trung Quốc, Manila chần chờ (RFI, 18/10/2019)

Cơ quan kiểm duyệt phim ảnh Malaysia đã ra lệnh cắt bỏ một cảnh trong bộ phim hoạt hình Abominable cho thấy "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông. Một quan chức Malaysia đã loan báo tin trên ngày 17/10/2019 trong bối cảnh các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông chưa ngớt giận dữ trước vụ việc.

phim2

Bích chương quảng cáo phim "Abominable", tên Việt là "Everest Người Tuyết Bé Nhỏ" ở Hà Nội, 14/10/2019. Nhac NGUYEN / AFP

Theo Ủy Ban Kiểm Duyệt Phim Ảnh Malaysia, bộ phim sẽ được phép chiếu tại các rạp kể từ ngày 07/11 tới đây "với điều kiện là tấm bản đồ gây tranh cãi bị xóa khỏi phim".

Sau Việt Nam vốn đã ra lệnh rút bộ phim ra khỏi các rạp chiếu kể từ ngày 10/10 vừa qua, thì Malaysia là nước thứ hai có biện pháp với bộ phim có cảnh bị cho là đã quảng bá cho đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nước thứ ba có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc là Philippines thì chưa thấy có biện pháp. Vào hôm qua, 16/10, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã lên tiếng cho rằng cảnh gây tranh cãi cần phải được cắt bỏ khỏi bộ phim, và khán giả Philippines nên tẩy chay toàn bộ các sản phẩm của DreamWorks.

Đây tuy nhiên chỉ là ý kiến cá nhân của ông Locsin vì lẽ ở Philippines, quyền phát hành và kiểm duyệt phim thuộc về một bộ phận chuyên trách là cơ quan điều phối phim ảnh.

Vào hôm thứ Ba, 15 tháng 10, phát ngôn viên của tổng thống Duterte, một người chủ trương xích lại gần Trung Quốc, đã tuyên bố rằng thẩm quyền cho tiếp tục chiếu bộ phim Abominable hay không tùy thuộc vào cơ quan điều phối phim ảnh đó.

Vấn đề, theo hãng Reuters, là cho đến ngày 16/10, cơ quan này vẫn không thấy động tĩnh, và cũng không trả lời câu hỏi của báo chí.

Bộ phim Abominable đã được chiếu tại các rạp xi-nê Philippines từ đầu tháng 10, và kết quả tìm kiếm trên mạng cho thấy là phim này không còn được chiếu tại các rạp lớn nữa.

Trọng Nghĩa

****************

Saigontourist nhận trách nhiệm để lọt ấn phẩm có ‘đường lưỡi bò’ (RFA, 18/10/2019)

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist (Saigontourist) hôm 18/10 nhận trách nhiệm về vụ việc một ấn phẩm quảng cáo du lịch đến Trung Quốc trưng bày tại quầy bán tour của công ty này có hình ảnh bản đồ thể hiện ‘đường lưỡi bò’.

phim0

Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc chín đoạn hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’ mà nước này đơn phương vẽ ra. RFA

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết sự việc được phát hiện vào ngày 17/10 khi đoàn thanh tra Sở Du lịch nhận được thông tin bản đồ có ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện phía bìa sau sách giới thiệu quảng cáo du lịch tại Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới ở Trung Quốc, được trưng bày tại quầy bán tour của Saigontourist.

Theo giải thích của Saigontourist, sách giới thiệu du lịch Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới do đối tác là công ty Trung Thế của Trung Quốc gửi cho nhân viên Saigontourist vào ngày 30/9/2019.

Người đại diện Saigontourist nhận trách nhiệm và xin lỗi vì đã để lọt ấn phẩm nói trên, đồng thời cho biết đã ra quyết định chấm dứt hợp tác với công ty Trung Thế của Trung Quốc.

Saigontourist nói sẽ xử phạt nghiêm khắc những cá nhân, phòng ban nhận ấn phẩm do phía Trung Quốc đưa mà không qua khâu kiểm duyệt theo quy định và thu hồi toàn bộ ấn phẩm để nộp lại cho đoàn thanh tra.

Mới hôm 13/10, phim hoạt hình Người Tuyết Bé Nhỏ của Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất cũng đã bị gỡ khỏi lịch chiếu của cụm rạp CGV sau khi ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện trong một cảnh phim.

Bộ Văn hóa Thể thao du lịch hôm 15/10 đã ra công văn chỉ đạo xử lý Hội đồng Kiểm duyệt phim vì đã để tác phẩm có đường lưỡi bò ‘phi pháp’ được trình chiếu ở Việt Nam.

Biển Đông đang là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc chín đoạn hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’ mà nước này đơn phương vẽ ra.

Năm 2016, Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) ở Hà Lan đã bác bỏ tính pháp lý đường lưỡi bò của Trung Quốc trong vụ Phillipines kiện Trung Quốc.

******************

Tuyên truyền "đường lưỡi bò" : Phim Mỹ - Trung liên doanh bị cấm tại Việt Nam (RFI, 14/10/2019)

Một bộ phim hoạt hình bị cấm tại Việt Nam, do quảng bá cho "đường 9 đoạn" (thường gọi là "đường lưỡi bò"), đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Phim do một công ty Mỹ và một công ty Trung Quốc phối hợp sản xuất.

phim1

Phim Abominable, Mỹ - Trung liên doanh, bị cấm chiếu tại Việt Nam, do quảng cáo cho ''đường lưỡi bò''. Copy d'ecran : plo.vn

Theo AFP, phim "Abominable" (tựa Việt là "Everest : Người Tuyết bé nhỏ") đã bị cơ quan văn hóa Việt Nam ra lệnh đình chỉ phát hành hôm qua, 13/10. Bộ phim được công chiếu từ ngày 4/10/2019.

Thoạt nhìn, đây là một bộ phim đầy vẻ lãng mạn : Phim kể về hành trình của cô bé tên Yi cứu người tuyết, đưa trở về quê hương trên đỉnh Everest, Hy Mã Lạp Sơn. Tuy nhiên, trước khi phim bị cấm, trên mạng xã hội lan truyền các hình ảnh về sự hiện diện của "đường lưỡi bò", bị dân mạng cực lực lên án.

Trả lời báo chí trong nước, bà Nguyễn Thị Thu Hà - quyền cục trưởng cục Điện Ảnh - cho biết đã tiếp nhận thông tin này và thông báo sẽ kiểm tra lại quy trình phê duyệt phim.

"Everest: Người Tuyết bé nhỏ" do xưởng phim Mỹ DreamWorks và xưởng phim Trung Quốc Pearl Studio, có trụ sở tại Thượng Hải, phối hợp sản xuất.

Bộ phim vừa bị phát hiện có "đường lưỡi bò" nói trên ra mắt trong bối cảnh Trung Quốc liên tục đưa tàu hoạt động khảo sát tại nhiều nơi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, viện lý do đây là các khu vực nằm trong vùng Trung Quốc có chủ quyền.

Tháng 6/2016, Tòa Trọng tài Thường trực, có trụ sở tại La Haye, ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông. Bắc Kinh phản đối phán quyết và thường xuyên có các biện pháp, đặc biệt về mặt văn hóa, nhằm tuyên truyền cho yêu sách bị bác bỏ này. Bộ phim "Everest: Người Tuyết bé nhỏ" là trường hợp bị phát hiện mới nhất.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Bắc Kinh có ý định mở rộng đòi hỏi chủ quyền bên ngoài đường lưỡi bò ở Biển Đông (RFA, 27/03/2019)

Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Mỹ hôm 21/3 có bài viết nhận định Trung Quốc có khả năng sớm tuyên bố đường cơ sở thẳng qua toàn bộ các thực thể ở Biển Đông bất chấp luật quốc tế.

tq1

Đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông - AFP

Trang AMTI viết rằng "Trung Quốc không hề che giấu ý định cuối cùng sẽ tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh phần còn lại của những thực thể tại Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa".

Đường cơ sở được các quốc gia ven biển áp dụng để xác định vị trí và chiều rộng của các vùng biển để từ đó xác định chủ quyền trên biển căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Hiện khu vực Biển Đông cùng các thực thể tại đây là vùng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Theo AMTI, từ năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố một loạt đường cơ sở thẳng qua quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm được từ Việt Nam vào năm 1974. Đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố ở khu vực quần đảo này khiến Trung Quốc mở rộng phần lãnh hải qua việc áp dụng đường cơ sở thẳng đối với toàn bộ các thực thể thuộc quần đảo, thay vì vẽ riêng với từng thực thể như quy định của luật quốc tế. Không những thế, Trung Quốc cũng tuyên bố tất cả vùng nước phía trong của những đường cơ sở thẳng này là vùng nội thủy của Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc khẳng định các tàu thuyền và máy bay nước ngoài không có quyền đi qua vùng nước và vùng trời khu vực quần đảo Hoàng Sa, kể cả khi ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo.

Hoa Kỳ sau đó đã tuyên bố phản đối Trung Quốc. Philippines và Việt Nam cũng phản đối.

Hoa Kỳ lập luận rằng, theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), các nước ven biển như Trung Quốc không được áp dụng đường cơ sở thẳng. Đường này chỉ có thể áp dụng với các quốc đảo như Philippines và Indonesia. Vào năm 2016, sau khi có phán quyết của tòa Trọng Tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông, Hoa Kỳ cũng một lần nữa khẳng định lập trường của mình về đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đưa ra.

Theo phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, việc áp dụng đường cơ sở thẳng của Trung Quốc cũng không được chấp nhận. Không những thế, phán quyết của tòa còn quy định các phân khúc đường cơ sở không thể dài quá 100 miles và tỷ lệ vùng nước và đất trong đường cơ sở không thể vượt quá 9/1. Tuy nhiên đường cơ sở mà Trung Quốc vẽ ra ở Hoàng Sa dù không quá 100 miles nhưng lại có tỷ lệ là 1.891/1, theo AMTI.

Vào tháng 7/2016, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và một lần nữa khẳng định chính sách của nước này từ năm 1958 là áp dụng đường cơ sở thẳng đối với tất cả các khu vực Dongsha Qundao (hay còn gọi là Pratas), Xisha Qundao (Hoàng Sa), Zhongsha Qundao (bãi cạn Scarborough và bãi Macclesfield), Nansha Qundao (Trường Sa), cùng tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc.

AMTI dự đoán có thể có 4 khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra đường cơ sở thẳng đối với phần còn lại của Biên Đông như sau :

Khả năng 1 : Trung Quốc sẽ phớt lờ tất cả các quy định trong UNCLOS và bao gồm tất cả các thực thể ở Quần đảo Trường Sa vào đường cơ sở của mình, tức là bao gồm cả Trường Sa, bãi Luconia và James Shoal của Malaysia và Vanguard Bank, cùng những thực thể nửa chìm nửa nổi thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Khả năng 2 : Trung Quốc sẽ bao gồm tất cả quần đảo Trường Sa vào các phân khúc của đường cơ sở với chiều dài lớn hơn 100 miles.

Khả năng 3 : Trung Quốc sẽ vẽ các đường cơ sở quanh các thực thể nổi và bãi cạn lúc chim lúc nổi.

Khả năng 4 : Trung Quốc sẽ bao gồm chỉ những nhóm thực thể nổi trong các đường cơ sở.

Theo AMTI, động cơ để Trung Quốc tueyen bố đường cơ sở thẳng ở quần đảo Trường Sa là để gia tăng đòi hỏi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa đối với các thực thể, dù phán quyết của Tòa Trọng tại quốc tế trước đó xác định các thực thể này khong phải là các đảo để có thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Nói tóm lại, dù với khả năng nào thì với đường cơ sở thẳng, đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này đã vẽ ra trên biển trước đó.

*******************

Đảng Cộng sản Trung Quốc khai trừ cựu lãnh đạo Interpol Mạnh Hoành Vĩ (VOA, 27/03/2019)

Trung Quốc khai tr khỏi Đng Cng sn và truy t cu giám đc Interpol, ông Mnh Hoành Vĩ, đng thi bãi nhim ông khi các chc v công quyn, cơ quan chng tham nhũng ca Trung Quc cho biết hôm th Tư 27/3.

tq2

Ông Mạnh Hoành Vĩ khi còn là Giám đc Interpol, 8/5/2018

Ông Mạnh ch là mt trong s ngày càng nhiu quan chc Trung Quc b bt trong chiến dch chng tham nhũng ca Ch tch Tp Cn Bình. Nhng người ch trích cho rng chiến dch này đang được s dng như mt cách đ loi b các k thù chính tr.

Trong một tuyên bố, y ban k lut ca Đng Cng sn nêu ra các ti trng và hành đng pháp lý áp dng vi ông Mnh, bao gm : ông Mnh vi phm pháp lut, không thc hin các quyết đnh ca đng ; ông b cáo buc là nhn hi l và s dng các khon tin đó đ chi tr cho "lối sng xa hoa" ca gia đình ông ; ông còn b cáo buc là lm dng chc v đ làm li cho v và đm bo công vic cho bà ; bin pháp áp dng là tch thu "thu nhp bt hp pháp" ca ông và bãi nhim ông khi chc th trưởng công an.

Hồi mùa thu năm ngoái, ông Mạnh mt tích sau khi đi t Pháp v Trung Quc. Ngay sau đó, chính quyn Trung Quc thông báo cho Interpol rng ông Mnh t chc giám đc Interpol và b cáo buc v ti nhn hi l. Ông Mnh tr thành người Trung Quc đu tiên lãnh đo t chc cnh sát quốc tế sau khi ông thăng tiến qua hàng ngũ b máy an ninh ca Trung Quc.

n mt triu quan chc Trung Quc đã b kết án trong khuôn kh mt chiến dch chng tham nhũng quy mô đã kéo dài 6 năm qua, t khi ông Tp Cn Bình lên nhm chc Ch tch. Trong khi Bắc Kinh tuyên b chiến dch này là mt cách thc đ xóa s các hot đng ti phm, các nhà phân tích li cho rng chiến dch này cũng đang b s dng đ loi b các đi th chính tr ca ông Tp.

(DW, Financial Times)

**********************

Tân Cương : Cứ 6 người dân, có 1 người bị đi cải tạo (RFI, 26/03/2019)

"Công lý cho người Duy Ngô Nhĩ", "Chấm dứt diệt chủng"… Sau cuộc biểu tình của người Tây Tạng hôm Chủ nhật, hôm qua thứ Hai 25/03/2019, ngày chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chính thức viếng thăm nước Pháp, đến lượt khoảng mấy trăm người Duy Ngô Nhĩ xuống đường để đòi hỏi vấn đề nhân quyền ở Tân Cương phải được nêu ra với ông Tập Cận Bình.

tq3

Người Duy Ngô Nhĩ và các nhà hoạt động biểu tình trước tháp Eiffel, Paris ngày 25/06/2019 phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Reuters/Benoit Tessier

Tháng Năm năm ngoái, sau khi tiến hành một cuộc điều tra công phu trong một thời gian dài, ông Adrian Zenz, chuyên gia người Đức về Tân Cương, đã ước tính khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở "khu tự trị" phía tây Trung Quốc đã bị tống giam, trong khuôn khổ một chiến dịch "cải tạo về chính trị" được đưa ra vào năm 2017. Phân tích của ông được củng cố với nhiều nhân chứng.Ngay cả một số ngôi sao như Ablajan Awut (được coi là Justin Bieber của người Duy Ngô Nhĩ) và cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Erfan Hezim cũng bị "mất tích".

Tuần trước tại Genève, trong một cuộc hội thảo được tổ chức bên lề Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà nghiên cứu Adrian Zenz đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng bắt người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo đã tăng lên rất nhanh trong năm 2018, cho rằng đây là một sự "diệt chủng về văn hóa".

Bắc Kinh biện minh đó là những chương trình "huấn nghệ", "tiêu diệt tư tưởng cực đoan". Theo Trung Quốc, đã có "12.995 kẻ khủng bố" bị bắt giữ trong những năm gần đây, "30.645 người bị trừng phạt vì các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp".

Chuyên gia : Số người Duy Ngô Nhĩ bị cải tạo đã lên đến 1,5 triệu

Trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức nước Pháp, chuyên gia Adrian Zenz khi trả lời phỏng vấn báo Libération đã lấy làm tiếc rằng Paris đã không tham dự hội nghị ở Genève.

Libération : Theo ước lượng của ông, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo bị giam giữ tại Tân Cương. Ông dựa trên cơ sở nào để đưa ra con số đó ?

Adrian Zenz : Dựa theo rất nhiều dữ liệu có sẵn trên mạng (văn bản chính thức, số liệu thống kê, thông tin kỹ thuật và kinh tế, thông cáo tuyển dụng, những hình ảnh vệ tinh…). Tất cả đều cho thấy việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ tăng nhanh trong năm 2018. Số lượng các trại cải tạo đã tăng lên rất nhiều, và chi tiêu cho những hoạt động của nhà tù, trại cải tạo chính trị đã cao gấp bốn lần. Tình hình này giúp tôi có thể ước lượng được tỉ lệ : cứ sáu người dân ở Tân Cương thì có một người bị bắt đi cải tạo, và tất cả các gia đình đều có người bị giam cầm như thế.

Những người có đến Tân Cương trong những tháng gần đây khẳng định các cửa tiệm, đường phố dường như vắng bóng người dân, đặc biệt là nam giới ở độ tuổi từ 18 đến 45. Một số người bị giam trong các điều kiện tệ hại, như đã có một số bằng chứng về tra tấn.

Libération : Cầu thủ nổi tiếng gốc Duy Ngô Nhĩ Erfan Hezim sau nhiều tháng mất tích đã xuất hiện trở lại. Như vậy đã có những người được trả tự do ?

Adrian Zenz : Theo tuyên bố của một quan chức Trung Quốc tuần trước, có thể hy vọng sẽ diễn ra một đợt tha tù. Nhưng những trường hợp như vậy khá hiếm hoi. Những người được ra khỏi trại cải tạo thường bị quản thúc tại gia hay bị cưỡng bức lao động, thường là trong các nhà máy dệt may. Chính quyền cam đoan những người này được trả lương tương xứng. Tuy nhiên đã có nhiều lời chứng cho thấy điều kiện làm việc hầu như là nô lệ, bị hạn chế tối đa tự do, chẳng hạn mỗi tháng chỉ được nghỉ mỗi một ngày.

Libération : Cộng đồng quốc tế chừng như chưa nhận định được tầm vóc của hiện tượng. Điều này sẽ thay đổi chăng ?

Adrian Zenz : Trong một thời gian dài, có rất ít phản ứng, do kiểm duyệt của Bắc Kinh. Nhưng còn vì các nước phương Tây lo ngại sẽ không nhận được vốn đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn còn có những lá bài đối với Châu Âu, và nhiều "đồng minh" trên thế giới. Nhưng trước những nhân chứng và các bằng cớ ngày càng chồng chất, thế giới phương Tây bắt đầu thức tỉnh.

Trong hội nghị ở Genève, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan và Canada đã lại đòi hỏi Trung Quốc để cho một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương. Tiếc rằng Pháp không tham gia hội nghị này, mặc dù có rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại Pháp. Một số người tị nạn Duy Ngô Nhĩ sau khi đi Trung Quốc đã biến mất hẳn, không thấy quay lại Pháp, số khác thì thân nhân bị giam cầm.

Libération : Ông giải thích thế nào về sự im lặng của thế giới Hồi giáo ?

Adrian Zenz : Hồi tháng Hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ - là "nỗi nhục cho nhân loại". Nhưng đây chỉ là một ngoại lệ. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo thậm chí vừa mới cảm ơn Trung Quốc đã "chăm sóc rất tốt người Hồi giáo". Đây không hẳn là vì lý do kinh tế : đa số các quốc gia Hồi giáo là các nước độc tài, hoặc bản thân có những vấn đề riêng về nhân quyền.

Libération : Nhiều trẻ em mà cha mẹ bị đi cải tạo bị đưa vào trại mồ côi, tại đó các em bị tẩy não…

Adrian Zenz : Hiện có rất ít thông tin về điều này. Tuy nhiên bộ máy tuyên truyền Trung Quốc khoe khoang rằng các trẻ em "được cho vào trường nội trú" để "không bị ảnh hưởng bởi các phụ huynh cực đoan". Mục đích là nhằm tiêu diệt nền văn hóa và ngôn ngữ của cả một dân tộc, và kiểm soát hoàn toàn về ý thức hệ. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, thậm chí những người Duy Ngô Nhĩ đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo cũng bị đi cải tạo. Và cho dù Hồi giáo cực đoan cũng có hiện diện tại Tân Cương, nhưng ít quan trọng hơn rất nhiều so với những gì chính quyền Bắc Kinh khẳng định.

Libération : Tân Cương là một phòng thí nghiệm để thử nghiệm các công nghệ kiểm soát dân chúng ?

Adrian Zenz : Vâng, những công nghệ tiên tiến mà công an sử dụng để giám sát và dùng cho việc tẩy não có thể được áp dụng cho các khu vực khác ở Trung Quốc, nơi có những mầm mống kháng cự chống lại đảng Cộng Sản. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng khi tấn công vào văn hóa và tín ngưỡng, thì sẽ phản tác dụng, có thể làm tăng lên những dạng thức chống đối mang tính bạo lực.

Libération : Chưa chính phủ nào đòi trừng phạt Bắc Kinh vì đàn áp Tân Cương

Adrian Zenz : Trong nỗ lực đồng hóa, còn có những chiến dịch mang tên "Thăm viếng nhân dân", "Trở nên người thân trong gia đình". Khoảng một triệu cán bộ đảng đến ở trong các gia đình Hồi giáo nhiều ngày. Trên các tấm ảnh tuyên truyền, có thể thấy cán bộ "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với dân Tân Cương. Đôi khi chỉ có phụ nữ trong nhà vì người chồng đã bị đưa vào trại cải tạo. Để không bị chụp mũ "cực đoan", họ đành phải cố tỏ ra tươi cười, uống bia, ăn thịt heo.

Axel Jumahong, người gốc Duy Ngô Nhĩ, chủ một cửa hàng nữ trang ở Paris, khi về thăm Tân Cương cũng bị sách nhiễu, bị buộc lấy mẫu ADN dù đã mang quốc tịch Pháp. Ông kể : "Thật kinh khủng, chúng tôi phải làm tất cả những điều mà người Hồi giáo không thích. Từ Hotan cho đến Kashgar, khắp nơi đầy những nhà thổ và cơ sở mát-xa Trung Quốc, rất dễ dính SIDA. Cocain, bạch phiến, ma túy đá…được bán tự do cho cả học sinh trung học".

...Chưa có chính phủ nào công khai nêu ra khả năng trừng phạt quốc tế đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà Trung Quốc học Marie Holzman, tình trạng này khiến người ta nhớ lại thời kỳ đen tối của cuộc "Cách mạng văn hóa" do Mao Trạch Đông tung ra năm 1966.

Bà nói : "Tất cả đều ít nhiều bị trói tay bởi tiền của Trung Quốc. Từ sau cái chết trong tù của giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba vào mùa hè năm ngoái, nhà cầm quyền Bắc Kinh chừng như càng phóng tay đàn áp. Gần như đây là việc diệt chủng, Hán hóa người Duy Ngô Nhĩ. Nghị Viện Châu Âu đã lên tiếng tố cáo, nhưng ai sẽ quan tâm đến ?"

Thụy My

Published in Châu Á

Cùng với bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Công Nghệ Giáo Dục lớp 1, một bộ sách khác cũng dành cho lứa tuổi học sinh đó là bộ sách "Wow !- Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh" nhiều ngày qua cũng bị dư luận Việt Nam chỉ trích khá nhiều bởi bộ sách này có hình minh họa là bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc…

sach1

Trang sách in bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Ảnh : V.T-VnEpress

Theo tìm hiểu, bộ sách "Wow !- Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh" gồm nhiều tập với nhiều chủ đề liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống, xã hội thường ngày. Tuy nhiên, tại cuốn sách có chủ đề "Tìm hiểu về phương tiện giao thông" ở trang số 27 lại để hình minh họa bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ôm trọn Biển Đông. Đây là bộ sách của một tác giả Trung Quốc, do Nhà xuất bản Thế Giới liên kết cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Đinh Tị xuất bản, phát hành. 

Trả lời báo đài Việt Nam vào ngày 4/9/2018, ông Đoàn Trần Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới thừa nhận đây là lỗi do sơ xuất đúng như dư luận đã phản ánh. Công ty Đinh Tị đã thu hồi, sửa lại toàn bộ cách đây một tuần và thay lại toàn bộ sách mới.

Một vụ việc tương tự diễn ra vào tháng 3/2013, Phòng Văn hóa – Thông tin Q.10 ở Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và phát hiện tại Nhà sách Nhân Văn có bộ sách "Tiếng Hoa dành cho trẻ em- Tập 1", tại trang 35, bài 14 có in bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Được biết, bộ sách Tiếng Hoa này gồm 3 tập do Công ty cổ phần Văn hóa Nhân Văn và Công ty cổ phần Giáo dục & Công nghệ Thế giới Thông minh liên kết phát hành, còn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị xuất bản. Trước sự phản ánh của dư luận và cơ quan chức năng, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là bà Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương sau đó cho biết đơn vị nhận trách nhiệm, xin lỗi độc giả về sai sót này. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi giúp nhà xuất bản những cuốn sách sai phạm này còn sót trên thị trường.

Qua hai trường hợp như đã nêu trên, người viết cũng như không ít dư luận thắc mắc là không hiểu vai trò của Ban Biên tập, Ban Dịch thuật tại các Nhà xuất bản Việt Nam ở đâu khi để xảy ra những sai sót trên ? Đồng ý là các nhà xuất bản và phát hành sách ở Việt Nam mua bản quyền sách từ Trung Quốc nên phải lấy hình ảnh và nội dung sách của họ nhưng vai trò của Ban Biên tập, Ban Dịch thuật Việt Nam phải kiểm tra, chỉnh sửa và dịch thuật lại sao cho phù hợp với phía Việt Nam rồi mới đem bản quyền đi in ấn, phát hành ra thị trường như vậy thì những sai sót nghiêm trọng như in bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam sao lại không phát hiện được ? Sai sót trong công việc là điều không tránh khỏi nhưng có những sai sót không thể chấp nhận được. Có chăng một sự cố tình hoặc tầm kiến thức kém, hay là mỗi lần sai sót thì nói lời xin lỗi, thu hồi và chỉnh sửa, sự răn đe "nhẹ nhàng" đến từ cơ quan chức năng nên các Nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách ở Việt Nam tỏ ra xem thường.

Thực tế bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc từ du khách, văn hóa phẩm không ngừng xâm nhập vào Việt Nam, không chỉ dừng ở sách thiếu nhi mà ngay cả đồ chơi thiếu nhi cũng có in hình bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Cụ thể vào tháng 8/2018 vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam cho biết sàn thương mại điện tử Shopee khi ra bán sản phẩm đồ chơi trẻ em có hình bản đồ "đường lưỡi bò". Cơ quan chức năng tại Hà Nội sau đó vào cuộc thu hồi được 30 thùng đồ chơi tại các địa chỉ người bán có hình ảnh sai phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bản thân sàn thương mại điện tử Shopee hứa thu hồi những sản phẩm đã lỡ bán ra thị trường.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "Đường 9 đoạn" được phía Trung Quốc dùng chỉ định chủ quyền lãnh hải của mình trên Biển Đông, đây là hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quyền lãnh hải của nhiều quốc gia sinh sống xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam.

Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (gọi tắc là PCA) ở The Hague, Hà Lan chính thức tuyên bố bác bỏ tính pháp lý của "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc, phán quyết Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông và "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương tuyên bố không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Ngay sau phán quyết của PCA về tính pháp lý "đường lưỡi bò", Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc bác bỏ phán quyết này, đồng thời không ngừng gia tăng quân sự theo cái gọi là "bảo vệ" chủ quyền lãnh hải quốc gia trên Biển Đông. Động thái này, không chỉ Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tình hình Biển Đông với các quốc gia chung sống trong khu vực mà còn lôi kéo Hoa Kỳ và Phương Tây vào cuộc, đẩy căng thẳng Biển Đông hiện tại là một trong những mối lo hàng đầu của toàn thế giới.

Như vậy, có thể nói việc "đường lưỡi bò" của Trung Quốc xuất hiện ở văn hóa phẩm thiếu nhi Việt Nam không hẳn đơn thuần là lỗi sai sót do sơ ý, bởi nó tái diễn khá nhiều lần, tràn lan. Không loại trừ có sự tiếp tay của những kẻ có âm mưu chính trị nằm trong các nhà xuất bản ở Việt Nam. Thực hư cơ quan chức năng Việt Nam cần làm rõ và phải làm mạnh tay, xử lý nghiêm những kẻ sai phạm để tránh tái diễn. 

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 08/09/2018

Published in Diễn đàn

Thứ trưởng Công an tố cáo các ‘nhóm lợi ích’ thâu tóm đất công, rút tiền nhà nước (RFA, 04/09/2018)

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội diễn ra vào ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương lên tiếng tố cáo các ‘nhóm lợi ích’, ‘công ty gia đình’ tham gia đấu thầu dự án, thâu tóm đất công, rút tiền nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

linhtinh1

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters

Báo cáo trước Ủy ban Tư pháp, ông Lê Quý Vương nói việc xử lý các vụ án lớn đã cho thấy các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra ‘các nhóm lợi ích’, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo ‘sân sau’, ‘công ty gia đình’, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước.

Ông Vương cho biết trong 10 tháng qua, công an Việt Nam đã phát hiện 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã khởi tố tổng cộng 1.247 vụ với hơn 1.800 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tăng hơn 68% về số vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Những vụ án nổi tiếng được nêu ra trong báo cáo trước Quốc hội bao gồm các vụ tham nhũng, cố ý làm trái như Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây Dựng), Hà Văn Thắm (Ocean Bank), Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ (tức Út Trọc).

********************

Người sử dụng Facebook chỉ trích nhà xuất bản để lọt sách có đường lưỡi bò (VOA, 05/09/2018)

Một đi din ca Nhà xut bn Thế gii hôm 4/9 tha nhn có nhng sai sót khi phát hành mt b sách cho hc sinh in hình lược đ Trung Quc và Bin Đông có đường lưỡi bò gây tranh cãi, theo báo chí Vit Nam.

linhtinh2

Nhà xuất bn Thế gii thu hi sách có đường lưỡi bò, 4/9/2018

Đây là bộ sách được dch sang tiếng Vit t bn gốc tiếng Trung. Nhà xut bn Thế gii nói h đã thu hi sách cách đây mt tun, song các nhà hot đng nói vi VOA rng điu đó là di trá vì thông tin này b phát hin và đưa lên mng xã hi mi hôm 2/9.

Báo chí trong nước cho biết b sách có tên "Wow ! - Những bí mt kỳ diu" gm 12 tp, dành cho hc sinh t 6 đến 16 tui, nói v nhng điu cơ bn trong khoa hc và cuc sng. B sách đã được Nhà xut bn Thế gii và Công ty sách Đinh T phát hành t tháng 3/2017.

Các bản tin nói "nhiu ph huynh" phát hiện trong một cun ca b sách có hình minh ha bn đ "th hin đường lưỡi bò phi pháp ca Trung Quc".

Thuật ngường lưỡi bò", hay còn gi là đường 9 đon, nói đến ranh gii mơ h mà Trung Quc v ra trên bn đ vùng Bin Đông đ tuyên b ch quyn ca nước này đi vi hu hết vùng bin hin đang có tranh chp vi Vit Nam và mt s nước trong khu vc.

Ông Đoàn Trần Lâm, Giám đc, Tng biên tp Nhà xut bn Thế gii, hôm 4/9 đã tha nhn nhng sai sót này. Ông được báo chí trích li cho hay đã gi công văn "yêu cầu đơn v liên kết là Công ty sách Đinh T thu hi, chnh sa b sách".

Vị lãnh đo ca nhà xut bn gii thích thêm rng "phn bn đ minh ha có đường lưỡi bò quá nh nên các biên tp viên không chú ý hoc nhm ln là tuyến đường hàng hi".

Một đại din không thy báo chí nêu tên ca Công ty Đinh T cũng tha nhn "do sơ sut không ch ý trong khâu biên tp và kim duyt" nên đường lưỡi bò do tác gi Trung Quc "đơn phương v" đã xut hin trong bn in Vit Nam.

Đi din Công ty Đinh T được báo chí dẫn li nói rng : "Đây là bài hc ln đng thi là li cnh báo ti đng nghip ngành xut bn Vit Nam trước vic mua - dch nhng cun sách có n cha ni dung đc hi tinh vi liên quan đến ch quyn".

Nhiều người s dng Facebook và các din đàn trên mạng đã bàn lun và ch trích nng n hai đơn v phát hành sách k trên trong my ngày gn đây.

Ông Hoàng Dũng, một nhà hot đng vì dân ch, tiến b Vit Nam, hin sng thành ph H Chí Minh, nói vi VOA rng phi xem v vic va ri là mt li nghiêm trọng v nhn thc chính tr, ch không th coi đó là "sơ xut". Ông nói :

"Những vic làm như ca Nhà xut bn Thế gii và Công ty Đinh T va ri tôi cho là phía nhà cm quyn Vit Nam phi trng pht mnh m, ít nht là pht tin, đ làm gương cho những trường hp khác v nhn thc chính tr ti như hin nay".

Ông Dũng đưa ra quan sát ca mình rng Trung Quc t ra rt nht quán trong vic thúc đy trên toàn cu hình nh đường lưỡi bò mi hình thc có th được, như in trong h chiếu, sách, qu đa cầu, bn đ hay in trên áo. Ông mô t chính sách này ca Trung Quc là "rt ghê gm".

Trong khi đó, nhà hoạt đng nêu ra thc tế là nhng người Vit đu tranh đ chng đường lưỡi bò li b nhà chc trách trong nước "trn áp".

Nhà hoạt đng kêu gi nhà nước cần có "cách làm và th hin quan đim tt hơn" v vn đ đường lưỡi bò, thay vì trn áp tiếng nói ca các nhà hot đng.

Published in Việt Nam

Báo chí thường xuyên đưa tin về những vụ việc như khách Trung Quốc vào Việt Nam mang hộ chiếu, tranh ảnh, sách báo có in hình đường đứt khúc chín đoạn mà nhiều người gọi ‘đường lưỡi bò’.

south1

Áo thu in hình đường lưỡi bò trên Biển Đông được bán trên mạng internet Shopping Guide - Alibaba

Gần đây nhất là vụ việc hơn chục khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. Những du khách này đã mặc áo khoác bình thường bên ngoài và khi tới sân bay của Việt Nam đã đồng loạt cởi áo khoác ra, chỉ mặc đồng phục là chiếc áo phông có bản đồ lưỡi bò sau lưng.

Sau khi vụ việc vỡ lở, Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng vụ việc cần phải được xử lý mềm dẻo, không để ảnh hưởng đến đại cục. Phát biểu này của ông Tuấn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, một trong những điểm du lịch đông khách Trung Quốc nhất ở Việt Nam, cũng là nơi chứng kiến nhiều vụ việc du khách Trung Quốc mang theo bản đồ hình lưỡi bò vào Việt Nam, cho biết :

Năm 2013 đã có cặp vợ chồng người Trung Quốc họ đã in hình bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc đi ngang nhiên giữa đường chính ở Đà Nẵng sau đó bị công an quận Liên Chiểu bắt lại và tịch thu bản đồ đó.

Một số du khách Trung Quốc khác qua cửa sân bay Đà Nẵng, họ đưa hộ chiếu ra cũng có hình lưỡi bò. Phía hải quan đã không chấp nhận hộ chiếu đó và cấp một tờ giấy khác để nhập cảnh.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của đội bóng No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, bình luận với RFA :

Tôi có được thông tin rằng hãng quần áo GAP nổi tiếng của Mỹ đã xin lỗi Trung Quốc vì có bản đồ nào đó không có hình lưỡi bò và họ đã thu hồi lại chiếc áo đó.

Trung Quốc đã tuyên truyền bản đồ hình lưỡi bò này trên phạm vi thế giới và mang tính hệ thống rất cao.

Tôi nghĩ việc này cần phải đánh động dư luận và cảnh báo cho người dân biết. Khi có những hiện tượng như vậy chúng ta cần lên tiếng và có các động thái buộc phía Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi sai trái này.

Theo nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì Trung Quốc không thể chứng minh tính pháp lý của đường lưỡi bò nên tích cực dùng hình thức tuyên truyền để thay thế :

Cứ thế họ tuyên truyền để tạo ra sự mặc nhận hay ấn tượng trong mỗi người dân Trung Quốc rằng đường lưỡi bò gần như bao lấy toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.

Trong thực tế họ đã tạo ra được kết quả, nhiều người kể cả các học giả Trung Quốc khi nói chuyện với nhau bảo rằng khi họ lớn lên đi học đã biết đường lưỡi bò này rồi.

Biện pháp của Việt Nam

Đáp lại câu hỏi liệu cơ quan chức năng Việt Nam đã quản lý nghiêm ngặt việc đưa ấn phẩm in hình lưỡi bò vào lãnh thổ của Việt Nam hay chưa, ông Trần Công Trục nhận xét :

Nếu Việt Nam phát hiện được đều có tiếng nói phản đối rất mạnh mẽ, không chấp nhận những yêu sách đó. Tất nhiên, vì rất nhiều kênh khác nhau, có thể có một số lĩnh vực vẫn để lọt lưới những ấn phẩm mang tính chất tuyên truyền của Trung Quốc. Khi phát hiện ra, Việt Nam đã rất cương quyết trong việc thu hồi, tiêu hủy và có sự cảnh báo tới các tổ chức kinh tế, du lịch cần thực hiện đúng các quy định của Việt Nam.

Tôi nghĩ chúng ta đã làm, nhưng tất nhiên để làm triệt để không còn hiện tượng đó thì rất khó. Vì trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều lĩnh vực mà không thể kiểm soát hết một lúc được.

Hãng tin AFP từng nhận định Việt Nam là quốc gia thường xuyên lên tiếng phản đối nhất các động thái bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, với nhiều người dân trong nước, đặc biệt là giới hoạt động chống sự xâm lấn của Bắc Kinh, thì sự phản đối của Việt Nam chỉ dừng lại ở tính hình thức.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho biết :

Phía chính quyền đã có những động thái như đưa thông tin lên báo chí, khánh thành những tượng đài liên quan đến chủ quyền và có cả những bảo tàng về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, tôi thấy những việc họ làm chẳng qua là đối phó với dư luận.

Bởi vì vấn đề chủ quyền biển đảo không phải chỉ có Nhà nước, mà quan trọng là phải có sự phản đối của người dân. Nhưng bao lâu nay ở Việt Nam, bất cứ ai hay nhóm hội nào biểu tình phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc đều bị đàn áp rất dã man.

Anh Thắng cho biết chính quyền Việt Nam rất khôn khéo ở chỗ họ không bao giờ bắt người dân vì phản đối Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông mà họ tìm cách quy chụp vào các tội danh như quấy rối trật tự công cộng, tuyên truyền chống phá nhà nước hay thậm chí lật đổ chính quyền nhân dân. Anh cho rằng hành động và lời nói của nhà cầm quyền không đi đôi với nhau, dần dần làm mất lòng tin từ phía người dân.

Đội bóng No-U phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc mà anh Thắng tham gia thường xuyên bị gây khó dễ trong quá trình tập luyện, thậm chí bị đánh đập, lột mất áo đồng phục có phản đối đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Một số thành viên bị bỏ tù với lý do chống phá nhà nước.

Một sự kiện khác gần đây khiến dư luận bất bình, đó là khi Trung Quốc triển khai máy bay ném bom ra biển Đông, trong khi Mỹ lên tiếng phản đối thì Việt Nam lại hoàn toàn im lặng.

Anh Nguyễn Lân Thắng đã yêu cầu phía chính quyền phải có trách nhiệm phản kháng, đáp trả hành động xâm lấn của Trung Quốc ở biển Đông một cách chính đáng. Đồng thời cho phép người dân được lên tiếng phản đối Trung Quốc bởi vì theo anh chỉ có sức mạnh số đông mới có thể thay đổi tình hình. Nhà hoạt động này cũng cảnh tỉnh rằng nếu chính quyền không thuận lòng dân thì sẽ dần mất tín nhiệm từ họ và hậu quả có thể nhìn thấy được.

Đây cũng là quan điểm của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn :

Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng tôi thấy như một hình thức vậy. Việt Nam phải có động thái khác cứng rắn hơn, hiệu quả hơn. Chứ không thể cứ có chuyện là lên tiếng như vậy. Tôi thấy nó vô thưởng vô phạt quá !

Còn Tiến sĩ Trần Công Trục lại có quan điểm khác, ông cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tức là lấy nguyên tắc độc lập chủ quyền làm trên hết nhưng phải có sách lược mềm dẻo thế nào đó để tránh xung đột xảy ra. Bởi vì theo ông, chiến tranh mới thực sự nguy hiểm, sẽ đẩy nhân loại vào cuộc thảm khốc không ai tồn tại được.

Nguồn : RFA, 24/05/2018

Published in Diễn đàn

Liệu có phải một số dự án dầu khí của Việt Nam được thúc đẩy mạnh gần đây khiến Trung Quốc phật lòng, dẫn tới việc Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam ?

cavoi1

Chủ tịch ExxonMobil Rex Wayne Tillerson trong một hội nghị ở London về dầu lửa hồi 2015. Hiện ông Tillerson là Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Sau khi Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc rời Hà Nội hôm 18/6, hai nước cũng hủy giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới.

Giải thích chính thức của Trung Quốc không đề cập gì đến khả năng có mâu thuẫn giữa hai bên.

cavoi2

Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc gần Philippines đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ

Tuy nhiên, Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải đặt tại Hải Nam, nói với South China Morning Post :

"Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể là vì Bắc Kinh xem Việt Nam nuốt lời hứa không khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp ở Nam Hải."

Ông này nói : "Việt Nam gần đây cũng quan hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật."

Phần nào tán thành đánh giá này, chuyên gia về Biển Đông của BBC, Bill Hayton, nhắc đến hai dự án quan trọng trên Biển Đông.

cavoi3

Repsol của Tây Ban Nha có nhiều kinh nghiệm khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải và vùng biển Bắc Phi

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Bill Hayton, tác giả cuốn "Biển Đông : Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á" (2014), hiện ở Anh Quốc, nhận định :

Bill Hayton : Trung Quốc quan ngại về hai dự án khai thác ngoài khơi cụ thể của Việt Nam. Đó là dự án Mỏ Cá Voi Xanh của ExxonMobil trong lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, và dự án Cá Rồng Đỏ ở lô 136-03 hợp tác với Talisman.

Exxon trước đây đã chống lại sức ép của Trung Quốc. Talisman của Canada cũng bỏ qua yêu cầu ngừng hoạt động của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2015 Repsol của Tây Ban Nha đã mua lại Talisman. Không rõ Repsol sẽ cứng rắn thế nào trước sức ép Trung Quốc.

Theo thông tin chính thức, Repsol có liên doanh với Sinopec ở Biển Bắc và Brazil. Việc này có thể giúp bảo vệ Repsol trước sức ép của nhà nước Trung Quốc.

Talisman-Vietnam (công ty địa phương vẫn giữ tên cũ cả sau vụ mua lại) đã khoan thăm dò ở lô 136-3 cuối năm 2014, và đã tìm cách khoan định giá kể từ thời gian đó. Lô 136-03 ở cạnh các giếng dầu của Talisman ở lô 07-03, cách bờ biển đông nam của Việt Nam khoảng 450 cây số - ở ngay sát rìa vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

cavoi4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5

Trung Quốc thì đã bán quyền khai thác cùng khu này, mà họ gọi là Wan-an Bei 21 - cho một công ty Mỹ Crestone năm 1992. Rồi một công ty đặt ở Hong Kong, Brightoil, lại mua lại quyền này tháng Bảy 2014. Một số giám đốc trong Brightoil là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam đã từng từ chối nhiều đề nghị để tránh làm phật lòng Trung Quốc. Tuy vậy, theo tôi biết, gần đây Việt Nam lại cho phép. Vì thế chính phủ Trung Quốc mới giận như vậy.

Tướng Phạm Trường Long đã thăm Tây Ban Nha trước khi đến Việt Nam. Rất ít thông tin được công bố, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy yêu cầu Tây Ban Nha gây sức ép buộc Repsol từ bỏ dự án.

BBC : Dự án Cá voi Xanh được Việt Nam ký với Exxon Mobil gần đây. Ông cho biết quan điểm của Trung Quốc về dự án này ?

Bill Hayton :Dự án Cá voi Xanh của Exxon thì gần bờ biển Việt Nam hơn. Mỏ khí chỉ cách bờ khoảng 88 cây số (ở lô 118). Tuy nhiên, "đường 9 đoạn" (đường Lưỡi Bò) mơ hồ của Trung Quốc lại đi vào giữa lô. Đây là nguồn cơn phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc chưa từng giải thích ý nghĩa của "đường 9 đoạn".

Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc như ông Ngô Sĩ Tồn ở Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam cho rằng Trung Quốc có "quyền lịch sử" với tài nguyên của biển, hơn cả những gì ghi trong Công ước Luật biển 1982. Không quốc gia nào đồng tình với diễn giải này. Năm ngoái một tòa án quốc tế đã phán quyết rằng đòi hỏi này không có cơ sở theo luật quốc tế. Exxon tự tin rằng họ có đủ quyền về luật pháp để khai thác dự án Cá voi Xanh.

BBC : Vì sao Việt Nam vẫn tiến hành các dự án này dù biết rằng Trung Quốc bực bội ? Liệu Việt Nam có đánh giá thấp sức ép từ Bắc Kinh ?

cavoi5

Bill Hayton (trái) trong một thảo luận trên kênh YouTube và Facebok Live của BBC Tiếng Việt

Bill Hayton :Theo tôi, có thể chính phủ Việt Nam cảm thấy Trung Quốc không sẵn sàng gây đối đầu vào thời điểm hiện nay, vì sắp diễn ra Đại hội Đảng tại Bắc Kinh [cuối 2017-BBC], và Trung Quốc đang muốn quảng cáo cho 'Một vành đai, Một con đường'.

Chúng ta sẽ phải chờ xem sẽ xảy ra chuyện gì - liệu Việt Nam sẽ nhượng bộ hay sẽ vẫn tiến hành và dám thách thức Trung Quốc.

Các căn cứ đảo nhân tạo của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Có thể Việt Nam cho rằng tốt hơn là hành động bây giờ trước khi các căn cứ này đi vào hoạt động.

***********************

Bill Hayton, đang làm việc tại kênh truyền hình BBC World News, là tác giả hai cuốn sách về Đông Nam Á. Cuốn Vietnam : Rising Dragon (2010) dựa trên các tư liệu thu thập trong một năm ông thường trú ở Việt Nam. Năm 2014, ông ra mắt cuốn South China Sea : The struggle for power in Asia, viết về tranh chấp Biển Đông. Hiện ông cũng là thành viên Viện nghiên cứu Chatham House tại London.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 26/06/2017

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2