Quân đội Ukraine chuẩn bị phản công vào lúc cường độ tấn công của quân Nga giảm dần
Thanh Phương, RFI, 24/03/2023
Sau nhiều tháng ở thế phòng thủ, quân đội Ukraine sắp tới đây mở chiến dịch phản công do sức tấn công của quân Nga đang yếu dần, theo tuyên bố của một tư lệnh Ukraine sáng ngày 24/03/2023 được hãng tin Reuters trích dẫn.
Lính Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày thứ Tư 22/03/2023. AP - LIBKOS
Theo quân đội Ukraine, trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, 1.020 lính Nga đã tử trận trong các cuộc tấn công bất thành vào những thị trấn Lyman, Avdiivka, Mariinka, và Shakhtarske. Quân Nga vẫn tập trung lực lượng để cố đánh chiếm thành phố Bakhmut nhằm mở rộng quyền kiểm soát ở miền đông Ukraine, nhưng quân Ukraine vẫn chống trả quyết liệt.
Tư lệnh bộ binh Ukraine, Oleksandr Syrskyi, tuyên bố với hãng tin Reuters là lực lượng của ông sắp mở một cuộc phản công, tranh thủ lợi thế hiện nay. Theo viên tư lệnh này, lực lượng tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, trên tuyến đầu trong các cuộc tấn công ở miền đông và miền nam Ukraine, đang suy yếu dần. Các phóng viên của Reuters gần mặt trận phía bắc thành phố Bakhmut cũng ghi nhận cường độ tấn công của quân Nga có vẻ đang giảm bớt.
Cũng về tình hình chiến sự Ukraine, chính quyền Kiev hôm nay thông báo đã có 5 người thiệt mạng trong một cuộc oanh kích của Nga vào một trung tâm hỗ trợ nhân đạo tại một thành phố ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.
Phát biểu qua video tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, sau khi đi thăm vùng Kherson gần mặt trận phía nam trở về, tổng thống Volodymyr Zelensky đã cám ơn các nước Châu Âu về trợ giúp quân sự, nhưng một lần nữa cảnh báo là nếu phương Tây không cấp chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa cho Ukraine thì chiến tranh có nguy cơ kéo dài nhiều năm. Cho tới nay, nhiều nước phương Tây vẫn ngần ngại, không muốn giao cho Kiev những vũ khí có thể được sử dụng đến tấn công nước Nga và làm xung đột leo thang.
Thanh Phương
***************************
Tổng thống Zelensky thị sát khu vực gần Bakhmut, tuyên bố sẽ "giành chiến thắng"
Thanh Hà, RFI, 23/03/2023
Hôm 22/03/2023, tổng thống Zelensky đã thị sát mặt trận miền đông và đến một khu vực gần thành phố Bakhmut, nơi đã trở thành biểu tượng cho sức kháng cự của quân đội Ukraine. Khích lệ binh lính, ông Zelensky cam kết sẽ "giành được chiến thắng" trước các hành vi "khủng bố" của Nga, khẳng định Moskva sẽ "thua trong trận chiến này".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensly chụp hình với các binh lính Ukraine tại vùng Donestk, Ukraine, ngày 22/03/2023 via Reuters – Ukrainian Presidential Press Ser
Quân đội Ukraine sáng nay 23/03 tổng kết : Trong 24 giờ qua, Nga đã tiến hành hơn 80 vụ tấn công vào lãnh thổ Ukraine, với mục đích chiếm được từ Lyman đến Bakhmut, Avdivka hay Chakhtarsk trong vùng Donetsk ở miền đông Ukraine. Nhưng điểm nóng vẫn là Bakhmut. Thành phố này gần như đang bị quân đội Nga bao vây theo như giải thích từ phe thân Moskva được AFP trích dẫn. Điều đó không cấm cản tổng thống Ukraine đến thị sát tình hình trong vùng.
Trên mạng Telegram, Volodymyr Zelensky công bố video cho thấy ông trao tặng huy chương cho một số binh sĩ đang cầm cự trước đà tiến của quân Nga và cam kết "chắc chắn sẽ đáp trả các đợt tấn công của Nga nhắm vào các thành phố trên lãnh thổ Ukraine". Hãng thông tấn Pháp AFP hôm nay cho biết các đoàn chiến xa của Ukraine, trong đó có thiết giáp của Anh và Pháp, đang "rầm rập" tiến về Bakhmut.
Chuyến thị sát nói trên diễn ra vào lúc, sau khi tiễn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về lại Bắc Kinh, Nga đã oanh kích vào nhiều thành phố trên lãnh thổ Ukraine, từ khu vực chung quanh thủ đô Kiev đến Zaporijjia (trung đông Ukraine), làm nhiều người thiệt mạng. Trong khi đó Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) báo động về mức độ an toàn "mong manh" của nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, do đường dây điện cuối cùng của nhà máy đã bị hư hại từ hôm 01/03/2023. Đây là nguồn điện duy nhất cho hệ thống làm nguội các lò phản ứng. Hiện tại hệ thống này còn hoạt động là nhờ các bình điện chạy bằng dầu diesel. Giám đốc AIEA cho rằng các bên đang "đùa với lửa".
Phía Nga hôm nay cho biết đã đẩy lùi một vụ tấn công bằng drone nhắm vào cảng Sevastopol hướng ra Hắc Hải. Cảng Sevastopol, trong vùng Crimea bị Nga sáp nhập, từ đầu cuộc chiến đến nay đã nhiều lần bị tấn công bằng drones biển. Vào lúc cộng đồng người Tatars Hồi giáo tại Crimea bắt đầu mùa chay Ramadan hôm nay, ông Volodymyr Zelensky cam kết đây là "lần cuối mà cộng đồng này phải trải qua một mùa Ramadan dưới ách đô hộ của Nga".
Hôm qua, Washington xác nhận Trung Quốc chưa vượt qua lằn ranh đỏ giao vũ khí sát thương cho Moskva. Điều trần trước Thượng Viện, ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định "cho đến hiện nay, Bắc Kinh chưa vượt quá giới hạn" đồng thời ghi nhận việc Trung Quốc "hỗ trợ Nga về mặt ngoại giao, chính trị và trong một chừng mực nào đó, về mặt vật chất, đều trái ngược với lợi ích của Hoa Kỳ liên quan đến chiến tranh Ukraine", một cuộc chiến phải được "kết thúc".
Thanh Hà
Ai cũng nói Bakhmut không phải là một vị trí chiến lược. Nhưng tại sao cứ nhùng nhằng mãi thế ? Vấn đề rắc rối hơn ta tưởng và đúng là quan trọng cho cả hai bên Nga và Ukraine.
Tướng Surovikin được Putin đề bạt phụ trách chiến dịch ở Ukraine.
Tháng 10 năm ngoái, quân Nga đánh nhau thua thảm hại chạy tóe khói. Đúng là chạy như vịt, bỏ lại đằng sau các thành phố đã chiếm được. Thành phố Kherson rất quan trọng cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Putin không biết nên cố thủ Kherson hay bỏ chạy. Bộ trưởng quốc phòng Shoigu bị mất uy tín quá. Lúc đó còn có cả tin đồn rằng Putin muốn hạ bệ Shoigu… Để thay đổi tình thế Putin đề bạt tướng Sergei Surovikin phụ trách chiến dịch ở Ukraine. Surovikin "ký hợp đồng" với Putin đề nghị bỏ Kherson vì khó giữ và thể nào cũng thua, nhưng đổi lại sẽ giành một chiến thắng ở Bakhmut. Kherson thất thủ nhục nhã trước sự ngỡ ngàng của tất cả các chuyên gia quân sự. Ngay cả quân Ukraine cũng thấy bất ngờ, cứ tưởng quân Nga giăng bẫy… Trước đó chỉ thấy quân Nga lo rút quân, chẳng đánh đấm gì hết. Tất nhiên là khi rút quân, lính Nga cũng không quên tháo dỡ mang theo nồi hầm, bàn là, máy giặt, TV và tủ lạnh (không phải Saratov nhé). Nga chắc mẩm rút chỗ này sẽ đánh thắng chỗ kia, việc gì phải lăn tăn. OK.
Surovikin vừa nhậm chức liền gọi Prigozhin thủ lĩnh quân Wagner đến, giao cho nhiệm vụ phải đánh bằng được Bakhmut. Surovikin biết rằng Wagner rất tàn bạo và không ngần ngại nướng quân thì may ra mới có cơ thắng được ở Bakhmut. Tiếp theo đó như các bạn thấy, Prigozhin đã vào tận các nhà tù của Nga để tuyển thêm 10.000 quân, hứa hẹn đánh nhau không chết sẽ được "xá tội vong ân". Bao nhiêu tù tội phạm giết người nguy hiểm, Prigozhin cân tất, đưa cho khẩu súng trường và ném ra chiến tuyến hàng đầu, chơi kiểu cối xay thịt, biển người… Rất không may cho đa số tù nhân là họ đã chết.
Vụ này làm cho Sergei Shoigu (Bộ trưởng quốc phòng) + Valery Gerasimov (Tổng tư lệnh quân đội) rất cay cú. Điên không chịu được. Tự nhiên bây giờ trên chiến trường có hai lực lượng khác nhau của cùng một nước cạnh tranh với nhau, tranh công với nhau nữa chứ, một bên là lính chính quy của Bộ quốc phòng Nga và bên kia là lính đánh thuê tư nhân Wagner của Prigozhin. Nước Nga rệu rã nên nó thể hiện luôn cả ở chi tiết này đấy các bạn ạ. Chỉ có nước Nga mới có tình trạng này. Đương nhiên là có mâu thuẫn nẩy sinh.
Bây giờ trên chiến trường Bakhmut có hai lực lượng khác nhau của cùng một nước cạnh tranh với nhau, tranh công với nhau nữa chứ, một bên là lính chính quy của Bộ quốc phòng Nga (Shoigu và Guersimov) và bên kia là lính đánh thuê tư nhân Wagner của Prigozhin
Vấn đề là quân Wagner húc, húc mãi vẫn không thể nào giành được chiến thắng. Chốc chốc lại loan tin chiến thắng nhưng có thắng thật đâu. Shoigu và Gerasimov (phe chính quy) thấy thế càng sướng, thậm chí còn gây khó dễ cho Wagner. Prigozhin công khai ghi video chửi bới bên quốc phòng…
Hai bên liên tiếp chọc gậy bánh xe nhau nhé. Tháng 1, quân Wagner công khai tuyên bố đã giành được chiến thắng ở Soledar. Ngay sau đó, Dmitri Peskov, phát ngôn viên của chính phủ Nga lại tuyên bố : "Không được vội vã tuyên bố mà phải đợi tuyên bố chính thức". Hôm sau, quân chính quy Nga bắn vài quả lẹt đẹt rồi Bộ quốc phòng Nga ra tuyên bố chính thức : "Chúng ta chiếm được Soledar là nhờ có pháo binh và không quân của quân đội Nga". Sau vụ này, Prigozhin không ngần ngại nói toẹt ra là quân chính quy đã không giúp đỡ gì cho quân Wagner, không cung cấp đạn dược, kiểu như đem con bỏ chợ trong ý định hủy hoại Wagner.
Đến đầu năm nay, chẳng thấy thắng lợi ở Bakhmut đâu, hợp đồng vỡ trận, Putin điên tiết hạ bệ Sergey Surovikin để Valery Gerasimov lên thay.
Hiện nay, tay đầu bếp Prigozhin này đang trở nên quá cồng kềnh, là đối thủ của Bộ quốc phòng Nga, của Putin. Tôi nghĩ sẽ có ngày hắn sẽ bị lên thớt.
Cứ hỏi tại sao Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine không muốn bỏ Bakhmut. Cứ để đấy cho chúng húc nhau chứ !
Hoàng Quốc Dũng
(17/03/2023)
Chiến sự dữ dội ở trung tâm Bakhmut
Trọng Thành, RFI, 14/03/2023
Quân đội Ukraine tiếp tục kháng cự tại thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine. Trong lúc đó, có một số dấu hiệu rút quân của lực lượng Nga tại tỉnh miền nam Kherson, hữu ngạn sông Diepro, theo quân đội Ukraine.
Một con phố hoang tàn, trong khi các trận giao tranh vẫn ác liệt ở thành phố Bakhmut, Ukraine, ngày 27/02/2023. Reuters - Stringer
Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết chiến sự vẫn diễn ra hết sức dữ dội tại Bakhmut. Hôm qua, 13/03/2023, tư lệnh Lục quân Ukraine, thượng tướng Oleksandre Syrky cho biết nhiều đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner của Nga đang tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ của các lực lượng Ukraine để hướng về các khu phố trung tâm thành phố Bakhmut. Về phần mình, thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, nhấn mạnh là "càng tiến gần đến trung tâm thành phố, chiến sự càng dữ dội hơn, nhiều hỏa lực hơn".
Trong phát biểu thường nhật vào tối 13/03, tổng thống Ukraine, Volodymir Zelensky, nói đến "những ngày rất khó khăn, rất đau đớn với Ukraine", và "tương lai của đất nước đang được quyết định tại miền Đông, đặc biệt ở Bakhmut", nơi diễn ra cuộc chiến kéo dài nhất từ khi Nga mở màn cuộc xâm lăng từ tháng 02/2022, với một tổn thất nhân mạng ghê gớm của cả hai bên.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, có trụ sở tại Washington, trong bản tin thường nhật hôm qua, tổng hợp thông tin từ giới blogger Nga, ghi nhận đa số đều cho rằng quân đội Ukraine có thể sẽ mở cuộc phản công tại miền nam, ở tỉnh Zaporizhia, hoặc ở gần khu vực Mariupol-Volnovakha ở tỉnh miền đông Donetsk. Một blogger có liên hệ với công ty lính đánh thuê Wagner thừa nhận đánh giá trước đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, theo đó quân đội Ukraine, với chiến thuật phòng thủ đến cùng tại "pháo đài" Bakhmut, đang nghiền nát "các lực lượng bộ binh tốt nhất" của Nga xung quanh thành phố này, nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc ngăn chặn các đợt phản công sắp tới của quân đội Ukraine.
Trọng Thành
************************
Đà tiến của quân Nga ở Bakhmut ‘đã ngưng lại’, theo ISW
VOA, 13/03/2023
Đà tiến của quân Nga dường như đã bị ngưng lại trong nỗ lực đánh chiếm Bakhmut của Moscow ở miền đông Ukraine, một tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu cho biết trong đánh giá về trận chiến trên bộ dài nhất trong cuộc chiến.
Lính Ukraine bắn lựu pháo về các vị trí quân Nga ở Bakhmut
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho biết quân Nga không có bước tiến nào được xác nhận ở Bakhmut. Quân Nga và các đơn vị của Tập đoàn bán quân sự Wagner do Điện Kremlin kiểm soát tiếp tục tiến hành các đợt tấn công trong thành phố, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã có tiến triển, ISW cho biết.
Ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Tập đoàn Wagner, hôm 12/3 cho biết trên Telegram rằng tình hình ở Bakhmut là ‘khó khăn, rất khó khăn, khi quân thù chiến đấu giữ từng mét đất’.
Báo cáo của ISW được công bố hôm 11/3 đã dẫn lời ông Serhii Cherevaty, phát ngôn nhân của Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói rằng giao tranh ở khu vực Bakhmut trong tuần này khốc liệt hơn tuần trước. Theo Cherevaty, đã có 23 cuộc đụng độ trong thành phố trong 24 giờ trước.
Báo cáo của ISW được đưa ra sau những tuyên bố của Nga vào đầu tuần này là họ đã có tiến triển. Bộ Quốc phòng Anh hôm 11/3 cho biết Tập đoàn Wagner đã chiếm được hầu hết phía đông Bakhmut, với con sông chảy qua thành phố hiện đang làm thành tiền tuyến giao tranh. Đánh giá này nhấn mạnh rằng Nga sẽ khó duy trì cường độ tấn công mà không có mất mát về nhân mạng nhiều hơn.
Quân đội Nga đã mở chiến dịch giành quyền kiểm soát Bakhmut hồi tháng 8 năm trước và cả hai bên đều đã có thương vong vô cùng lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố quân đội của ông sẽ không rút lui.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Quốc phòng Anh hôm 12/3 nói rằng thương vong quân sự nặng nề của Nga ở Ukraine có tác động rất khác nhau trên khắp nước Nga. Bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết Moscow và St. Petersburg vẫn ‘tương đối không hề hấn gì’ nhất là thành viên của giới tinh hoa.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực phía đông của Nga, tỷ lệ tử vong tính theo phần trăm dân số ‘cao gấp 30-40 lần ở Moscow’, cơ quan này cho biết và nói thêm rằng các nhóm thiểu số thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chẳng hạn ở khu vực phía nam Astrakhan, khoảng ‘75% thương vong đến từ người thiểu số Kazakhstan và Tartar’.
Chính quyền Ukraine vào sáng 12/3 đưa tin rằng các cuộc tấn công của Nga ngày hôm qua đã giết chết ít nhất năm người và làm bị thương bảy người khác trên khắp các khu vực ở Donetsk và Kherson, giới chức địa phương cho biết.
Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết hai người đã thiệt mạng, một ở thành phố Kostyantynivka và một ở làng Tonenke. Bốn thường dân bị thương.
Thống đốc vùng Mykolaiv Vitali Kim cho biết thị trấn Ochakiv ở cửa sông Dnieper đã phải hứng chịu hỏa lực pháo binh vào sáng sớm ngày 12/3. Ô tô bị đốt cháy và nhà riêng và các tòa nhà cao tầng bị hư hại. Không có thương vong nào được ghi nhận.
***********************
Chiến sự Bakhmut : Quân Ukraine đẩy bật mọi đợt tấn công của Nga vào trung tâm thành phố
Trọng Thành, RFI, 13/03/2023
Thành phố Bakhmut, miền Đông, tiếp tục là chiến trường dữ dội nhất tại Ukraine ngày 2/03/2023. Các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi tất cả các đợt tấn công của lực lượng đánh thuê Nga Wagner nhắm vào khu vực trung tâm thành phố. Moskva và Kiev đều thông báo số lượng tổn thất lớn của đối phương.
Quân nhân Ukraine nạp đạn vào súng cối trước khi bắn về phía quân đội Nga bên ngoài thị trấn tiền tuyến Bakhmut, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, ở vùng Donetsk (Ukraine) ngày 06/03/2023 via Reuters - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo hôm nay của tư lệnh lục quân Ukraine, thượng tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết tình hình chiến trường tại thành phố Bakhmut vẫn "khó khăn" khi các đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner Nga cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ, cố tiến vào trung tâm thành phố. Theo chỉ huy lục quân Ukraine, "trong các trận chiến dữ dội, lực lượng phòng thủ của chúng ta đã gây tổn thất đáng kể cho kẻ thù. Mọi nỗ lực xâm chiếm thành phố của địch đều bị pháo binh, xe tăng và các hỏa lực khác đẩy lùi".
Ông Syrskyi khẳng định quân đội sẽ bảo vệ "pháo đài", cụm từ thường được chính quyền Ukraine sử dụng để gọi tên Bakhmut, thành phố bị quân Nga vây hãm và tấn công từ 7 tháng nay.
Đối với ông chủ công ty Wagner Yevgeny Prigozhin, tình hình là "khó khăn, rất khó khăn". Trong một phát biểu hôm qua, lãnh đạo công ty Wagner cũng thừa nhận "càng ở gần trung tâm thành phố, giao tranh càng ác liệt... Phía Ukraine tung vào trận các lực lượng dự trữ vô tận. Nhưng chúng ta đang tiến lên và chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên".
Tổng thống Ukraine : Loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 quân địch trong 1 tuần lễ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong thông báo hàng ngày vào tối hôm qua, cho biết, chỉ trong vòng một tuần qua, các lực lượng Ukraine đã tiêu diệt hơn 1.100 quân địch "chỉ riêng tại Bakhmut". Cũng theo ông Zelensky, trong cùng thời gian, hơn 1.500 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến đấu do thương tích. Trước đó cùng ngày, bộ quốc phòng Nga thông báo loại khỏi vòng chiến đấu "hơn 220 binh sĩ Ukraine" trong vòng 24 giờ.
Ukraine tiếp tục kháng cự tại Bakhmut càng lâu càng tốt. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp JDD, đăng tải hôm qua, thứ trưởng bộ quốc phòng Ukraine Olha Stefanishyna khẳng định, cho dù Nga chiếm được Bakhmut, việc này cũng "sẽ không có ảnh hưởng gì đến các hành lang chiến lược" mà Ukraine "đang kiểm soát tại khu vực". Theo thứ trưởng quốc phòng Ukraine, chiến dịch phản công mùa xuân, "đã bắt đầu được lên kế hoạch" ; sẽ chỉ được tiến hành một khi Quân đội Ukraine có "đủ vũ khí và đạn dược".
Trọng Thành
*************************
SIPRI : Năm 2022, Châu Âu tăng gấp đôi vũ khí nhập khẩu để viện trợ cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 13/03/2023
Trong năm 2022, mức nhập khẩu vũ khí tại Châu Âu đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu do các đợt viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine chống quân Nga xâm lược và Ukraine trở thành nước tiếp nhận nhiều vũ khí thứ ba trên thế giới, theo báo cáo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (Sipri), trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, công bố hôm 13/03/2023.
Một quân nhân Ukraine dùng súng phóng lựu tự động để chống lại cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Bakhmut, vùng Donetsk (Ukraine) ngày 03/03/2023 / Reuters – Stringer
Theo số liệu của Viện Sipri, lượng vũ khí Châu Âu nhập khẩu tăng 93% cũng là do nhiều nước như Ba Lan, Na Uy tăng chi tiêu quân sự. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Pieter Wezeman, từ 30 năm qua là đồng tác giả của báo cáo thường niên của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế, cho AFP biết, cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine là lý do chính khiến nhu cầu vũ khí tại Châu Âu tăng vọt và nhập khẩu của Châu Âu sẽ còn tiếp tục tăng.
Riêng về Ukraine, cộng cả vũ khí do phương Tây viện trợ, số vũ khí Kiev nhập về đã tăng 60 lần trong năm 2022. Ukraine trở thành nước nhập khẩu nhiều vũ khí thứ 3 thế giới (8%), sau Qatar (10%) và Ấn Độ (9%), và trước Saudi Arabia (7%), Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (7%) và Pakistan (5%).
Ngoài việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, Châu Âu cũng đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí khí tài, tăng 35%, trong năm 2022.
Về phía 5 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, đứng đầu là Mỹ (40%), Nga (16%), tiếp theo là Pháp (11%), Trung Quốc (5%) và Đức (4%). Chỉ riêng 5 nước này chiếm ba phần tư tổng lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới. Dù vẫn đứng trong top 5, nhưng mức xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh so với cách nay vài năm, thậm chí Moskva còn được cho là nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc, vốn dĩ là một khách hàng truyền thống của Nga.
Thùy Dương
Ukraine, cuộc chiến tranh kiểu cũ cuối cùng trước khi robot thay thế người lính ?
Phải chăng chiến tranh Ukraine sẽ đi vào sử sách như là cuộc chiến đầu tiên do con người và những cỗ máy hợp tác, nếu không phải là cuộc chiến "cổ điển" cuối cùng, trước khi các robot thay thế cho những người lính trên chiến địa ? Cũng có thể nghĩ rằng nếu trí thông minh nhân tạo nắm quyền ở Moskva thay vì Putin, cuộc xâm lược Ukraine đã không diễn ra.
Một quân nhân Ukraine phóng đi một drone ở chiến tuyến gần Vuhledar, ngày 22/02/2023. AP - Evgeniy Maloletka
Quân Nga tra tấn người lớn, bắt cóc trẻ em Ukraine vùng tạm chiếm
Tình hình chiến sự Ukraine, vụ ngân hàng SVB phá sản, mười năm lãnh đạo Vatican của Đức giáo hoàng Francis, cuộc đấu tranh chống cải cách chế độ hưu trí tại Pháp là những vấn đề thời sự được chú ý nhất hôm nay.
Libération tố cáo "Tại Kherson, việc tra tấn được lên kế hoạch và tài trợ bởi Moskva". Thành phố 280.000 dân bị quân Nga chiếm đóng 8 tháng, có hơn 20 địa điểm tra tấn. Tổ chức Global Rates Compliance cho biết có trên 1.000 nạn nhân sống sót có thể làm chứng, trong khi hơn 400 người khác đã mất tích. Ở phạm vi toàn quốc, trong báo cáo mới nhất nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà điều tra báo động về số phận của ít nhất trên 16.000 trẻ em Ukraine bị bắt đưa sang Nga.
Trong chiến tranh, trẻ em dễ tổn thương nhất, các em có nguy cơ bị quên lãng hoặc trở thành "chiến lợi phẩm". Có thể coi đây là tội ác chống nhân loại hay diệt chủng. Giữa tháng 2, đại học Yale công bố nghiên cứu 34 trang, với thông tin của ít nhất 6.000 trẻ vị thành niên 4 đến 17 tuổi bị Nga đưa vào các trại hè, trung tâm với các chương trình dạy dỗ thành người Nga, một số ở tận Siberia cách xa Ukraine đến 6.000 kilomet. Đặc biệt Vladimir Putin yêu cầu thay đổi các thủ tục để tạo điều kiện nhận con nuôi.
Tinh thần thép của những chiến binh bảo vệ Bakhmut
Trên chiến địa, đặc phái viên Le Monde mô tả "Tinh thần thép của của Lữ đoàn 80", đơn vị xung kích trên mặt trận khốc liệt Bakhmut. Từ những người lính dày dạn cho đến tân binh đều một lòng tin vào chiến thắng của Ukraine. Vitali, một công nhân xây dựng đã trải qua khóa đào tạo "rút ngắn" còn một tháng thay vì ba tháng, sau khi trình diện tại văn phòng tuyển dụng để đi chiến đấu bảo vệ Bakhmut, tỏ ra lạc quan. Bohdan, một quân nhân 27 tuổi nói rằng "Hầu hết các chiến binh trong lữ đoàn là những người tình nguyện, đến với ánh lửa trong đôi mắt". Trước khi được gởi đến "thành phố tử đạo", đơn vị từng nổi bật trong cuộc phản công giải phóng Kharkiv.
Nhưng người lính trẻ kém lạc quan hơn về tinh thần của những đồng đội đã chiến đấu suốt năm qua không có ngày nghỉ : "Điều khó khăn nhất là khi bạn thấy rằng trong đơn vị của bạn chỉ còn lại hai người, bạn và một người khác". Những chiến binh của lữ đoàn cũng nói về tình trạng khốn khổ của lính Nga. Họ phải sống chung với những xác chết vì nếu thối lui sẽ bị bắn hạ. Tư lệnh lục quân Oleksandr Syrsky cho biết cứ một binh sĩ Ukraine tử trận thì có đến bảy lính Nga thiệt mạng. "Trận chiến này đã có tác động rất lớn đến tinh thần của địch".
Tấn công tầm xa : JDAM tăng uy lực cho vũ khí chính xác
Le Monde cũng cho biết về "thiết bị JDAM của Mỹ, tạo ưu thế cho những cuộc chiến tầm xa". Bộ JDAM có thể biến những quả bom bình thường thành hỏa tiễn có độ chính xác cao, nhờ thêm vào định vị GPS và đôi cánh được cải tiến.
Do Boeing sản xuất, bộ JDAM (Joint Direct Attack Munition) phối hợp được giữa uy lực và tính chính xác, điều mà quân đội Ukraine chưa đạt được. Kiev có giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars nổi tiếng nhưng chỉ mang được 90 ký chất nổ, còn bộ JDAM có thể trang bị cho những quả bom nặng đến 900 ký. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné nhận định như vậy thiết bị này có thể biến các loại đạn dược thành rốc-kết để phá hủy các boong-ke hay sở chỉ huy dưới lòng đất. Các phi công Ukraine có thể khai hỏa từ xa một cách an toàn, bảo vệ được số chiến đấu cơ ít ỏi. Thiết bị này phù hợp với chiến lược tấn công từ xa mà Kiev chọn lựa từ đầu cuộc chiến, ưu tiên đánh vào hậu cứ quân Nga như kho đạn, trung tâm hậu cần… Đại pháo Caesar có tầm bắn 40 kilomet và nhất là Himars với tầm xa 70 kilomet tạo được ưu thế quý giá trong cuộc chiến, nhưng uy lực sẽ càng tăng lên với sự hiện diện của JDAM.
Ukraine : Khi công nghệ làm thay đổi bộ mặt chiến tranh
Les Echos nhận thấy nhờ tính sáng tạo nhất là về công nghệ, người Ukraine đã khắc phục được thế yếu về quân số trước Nga, giúp họ kháng chiến hết sức hiệu quả.Tác giả bài viết nhắc lại, các phát minh công nghệ luôn đóng vai trò quyết định trong địa chính trị. Từ năm 1453, những khẩu đại bác tầm xa của đế quốc Ottoman đã hạ được thành Constantinople, và năm 1853, những pháo hạm Mỹ của thiếu tướng Perry đã buộc nước Nhật phải mở cửa với thế giới. Gần đây nhất, năm 2020 các drone của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã giúp Azerbaidjan giành phần thắng trước Armenia tại vùng Thượng Karabakh.
Trong thời đại trí thông minh nhân tạo hiện nay, công nghệ càng đóng vai trò chủ chốt. Hôm 24/02/2022 khi quân Nga tiến vào Kiev, lực lượng xâm lăng đông gấp đôi và ngân sách quốc phòng Nga cao gấp mười lần Ukraine. Nhưng một năm sau, Ukraine vẫn đứng vững nhờ tinh thần quyết chiến, viện trợ phương Tây, những yếu kém nội tại của quân đội Nga. Tuy nhiên không thể không nhắc đến yếu tố thứ tư mang tính quyết định : lợi thế công nghệ.
Hai năm trước đó, Ukraine đã lập ra "Bộ chuyển đổi kỹ thuật số" và vài ngày sau cuộc xâm lăng, Kiev đã chuyển tất cả những dữ liệu quan trọng vào "đám mây" (cloud). Ngay cả trong trường hợp hỏa tiễn Nga tiêu hủy tất cả công sở, chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động được. Người Ukraine biến những chiếc drone giá rẻ trên thị trường thành vũ khí hủy diệt và giám sát đáng gờm. Quân số Ukraine ít hơn nhưng chất lượng cao hơn nhờ cách đánh thông minh, nắm vững công nghệ.
Ukraine, cuộc chiến cổ điển cuối cùng trước khi robot thay thế người lính ?
Phải chăng chiến tranh Ukraine sẽ đi vào sử sách như là cuộc chiến đầu tiên thắng được nhờ sự hợp tác giữa con người và những cỗ máy, nếu không phải là cuộc chiến "cổ điển" cuối cùng, trước khi các robot thay thế cho những người lính trên chiến địa ? Cũng có thể nghĩ rằng nếu trí thông minh nhân tạo nắm quyền ở Moskva thay vì Vladimir Putin, cuộc xâm lược Ukraine đã không diễn ra. "Big Brother" sẽ kết luận rằng chiến tranh không chắc mang lại lợi ích, mà rủi ro thì quá lớn.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2023, Eric Schmidt, cựu tổng giám đốc điều hành Google đặt câu hỏi về mối quan hệ mới giữa sáng tạo công nghệ và địa chính trị, không chỉ liên quan đến những tiến bộ trong thiết bị quân sự, từ hỏa tiễn siêu thanh đến các vũ khí siêu nhỏ. Theo ông, sáng tạo đóng góp vào quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của một quốc gia.
Về các trừng phạt đối với Nga, công nghệ cũng hiệu quả nhất trong dài hạn. Moskva không có công nghệ tân tiến để khai thác khí đốt nằm rất sâu dưới lòng biển ở Nam Cực, và cũng không thể tìm thấy trên thị trường chợ đen. Nga bị mất đi giới tinh hoa vào đầu cuộc chiến, bất lợi hơn bao giờ hết về cơ cấu, và thời gian sẽ đứng về phía Kiev - tất nhiên nếu Ukraine "sống sót". Lớp trẻ Ukraine trong ngành công nghệ nhận thấy họ tiến nhanh hơn hẳn trong một năm qua, chiến tranh chính là lực đẩy.
Nhìn toàn cảnh, đã có những tiến bộ lớn trong lãnh vực trí thông minh nhân tạo. Thế giới đang trở thành lưỡng cực với hai nhân tố chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, nước Nga không hiện hữu, và Châu Âu không đáng kể. Trung Quốc có ưu thế trong lãnh vực an ninh như nhận dạng khuôn mặt, rất cần cho một chế độ độc tài, nhưng đua tranh còn dài. Công nghệ cung cấp những công cụ kiểm soát gắt gao cho các chế độ chuyên chế, nhưng cũng có thể phục vụ cho mục tiêu dân chủ tự do như Ukraine đã chứng minh.
Tập Cận Bình lên giọng thách đố Hoa Kỳ
Nhìn sang Châu Á, Le Figaro chú ý đến việc Tập Cận Bình vừa củng cố xong quyền hành, đã vội thách thức nước Mỹ. Không còn những tuyên bố chung chung tố cáo nước Mỹ "bá quyền" với một nụ cười có vẻ hiền hòa, chủ tịch Trung Quốc nay cao giọng khiêu khích siêu cường số một thế giới. Ông Tập cho rằng Washington áp đặt "những thử thách chưa từng thấy cho sự phát triển của Trung Quốc".
Trước một loạt trừng phạt nhắm vào những tên tuổi công nghệ Hoa lục như Hoa Vi hay Tiktok, cho đến chất bán dẫn, tăng cường lực lượng ở Châu Á với những căn cứ mới tại Philippines ; nhà độc tài Trung Quốc kêu gọi tự chủ về công nghệ, thực phẩm và quân sự. Khi tái khẳng định chủ trương dân tộc chủ nghĩa và tập quyền, Tập đã dập tắt hy vọng tự do hóa sau khi ra khỏi phong tỏa.
Tuần trước, tân ngoại trưởng Tần Cương cũng đã đe dọa một cuộc "đối đầu" nếu Hoa Kỳ tiếp tục con đường "sai trái". Ông ta nói rằng "thế giới càng hỗn loạn thì quan hệ Nga-Trung càng phải dấn lên", tố cáo Mỹ "vi phạm chủ quyền Trung Quốc". Tần Cương ngang nhiên so sánh với Ukraine : "Tại sao Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan nhưng lại yêu cầu Trung Quốc không cung cấp cho Nga ?"
Hung hăng ngoài mặt, nhưng Bắc Kinh rất muốn hòa hoãn với Mỹ
Les Echos ghi nhận một dấu hiệu khiêu khích khác là Tập Cận Bình đã bổ nhiệm tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), bị Mỹ trừng phạt năm 2018 vì mua vũ khí Nga, làm bộ trưởng quốc phòng. Ông Tập cũng gây ngạc nhiên khi cho các ông Dịch Cương (Yi Gang) tiếp tục làm thống đốc ngân hàng, Lưu Côn (Liu Kun) làm bộ trưởng tài chánh dù đã quá tuổi.
Tuy nhiên theo Le Figaro, thái độ hùng hổ trước ống kính che giấu những lo sợ của các nhà chiến lược phải đối mặt với những thử thách kinh tế và dân số ngày càng cao, trong môi trường đối ngoại đầy biến động. Bắc Kinh đang cần hòa hoãn chiến thuật để có thời gian san bằng khiếm khuyết về công nghệ và quân sự. Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) nhận định, Trung Quốc mong ổn định quan hệ Mỹ-Trung nhằm tập trung phát triển kinh tế, mới có thể so găng về lâu về dài. Khi đe dọa xung đột, Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ xuống giọng, đồng thời là dịp lên gân trước dư luận trong nước.
Trong bối cảnh đó, bà Thái Anh Văn đã chọn lựa California thay vì Đài Bắc để gặp gỡ ông Kevin McCarthy, chủ tịch Cộng hòa ở Hạ Viện vào tháng 4 với mục đích hạ nhiệt, vào lúc một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Đài Loan.
Trung Đông và cú đúp của chủ tịch Trung Quốc
Cũng về đối ngoại, Le Monde nhận thấy Trung Quốc đã trở thành "nhân tố chính trị mới" ở Trung Đông. Tập Cận Bình thực hiện được một "cú đúp" đẹp mắt : cả 2.952 đại biểu Quốc hội – không ai dám vắng mặt – đều bỏ phiếu nhất trí để ông ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ ba, và cùng ngày, Saudi Arabia nối lại quan hệ với Iran. Các cuộc đàm phán bí mật giữa đôi bên đã diễn ra dưới sự bảo trợ của Trung Quốc.
Từ lâu chỉ là khách hàng mua dầu lửa của vùng Vịnh, Bắc Kinh đã trở thành đối tác chiến lược của các nước trong khu vực, cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông. Giữa Saudi Arabia theo đạo Hồi thân Mỹ, và Trung Quốc cộng sản đang đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, mọi việc không hề dễ dàng. Nhưng Tập Cận Bình tận dụng vị thế đang lên của Mohammed Ben Salman (MBS) để thủ lợi. Trung Quốc luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Riyadh, Tehran và kể cả Israel.
Thỏa thuận ba bên đạt được hôm thứ Sáu giúp Bắc Kinh khẳng định Sáng kiến An ninh Toàn cầu (Global Security Initiative - GSI) của mình được chú ý. Vương Nghị khoe rằng đây là "chiến thắng của đối thoại và hòa bình", đóng vai phát ngôn viên của các nước phương Nam, chỉ trích Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ tập trung cho Ukraine. Kể từ năm 2002, Trung Quốc đã cố gắng làm trung gian hòa giải cho khoảng 15 cuộc xung đột. Mặc dù kết quả không đáng kể, nhưng đều nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh để trở thành "đại cường hàng đầu thế giới" vào năm 2049.
Thụy My
Giáo sư Fukuyama : Xâm lăng Ukraine, Putin phạm sai lầm lớn nhất của thế hệ
Nga xâm lăng Ukraine theo quyết định của một người duy nhất là Vladimir Putin, đây là sai lầm chiến lược lớn nhất trong thế hệ của ông ta. Chính sách "zero Covid" ở Trung Quốc cũng do một mình Tập Cận Bình quyết định, dẫn đến thiệt hại kinh tế khủng khiếp. Theo giáo sư Francis Fukuyama, những sai lầm này không thể diễn ra tại các quốc gia dân chủ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm trung tâm huấn luyện của Quân khu miền Tây ở vùng Ryazan, ngày 20/10/2022. AP - Mikhail Klimentyev
L’Obs tuần này nói về "Địa ốc, những quy định mới". Le Point lật lại hồ sơ 20 năm trước về vụ án nam ca sĩ Bertrand Cantat giết chết nữ minh tinh Marie Trintignant nổi tiếng, với dòng tựa "Cantat : Điều tra về một vụ sát hại phụ nữ và luật im lặng". Về quốc tế, Courrier International chạy tựa "Những tiếng nói mới phi thực dân hóa", The Economist dành hẳn một chuyên đề để phân tích "Làm thế nào tránh một cuộc chiến ở Đài Loan". Tuần báo L’Express có bài phỏng vấn độc quyền giáo sư Francis Fukuyama, tác giả cuốn "Hồi kết của lịch sử và người cuối cùng", từng gây tiếng vang rộng rãi cách đây 30 năm.
Tấn công Ukraine, zero Covid : Quyết định chỉ từ một con người
Là một trong những nhà trí thức có ảnh hưởng lớn trên thế giới, ngay từ tháng 3/2022, Francis Fukuyama đã khẳng định Nga sẽ bại trận ở Ukraine. Ông nhận thấy năm vừa qua mang lại một số hy vọng. Không ai nghĩ rằng NATO có thể đoàn kết đến thế, và không mấy người chờ đợi Ukraine chiến đấu dũng mãnh như vậy để bảo vệ tự do và chủ quyền.
Những năm gần đây, Nga và Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến sự suy tàn của phương Tây, khoe rằng chế độ toàn trị của họ hiệu quả hơn. Nhưng đồng thời hai nước này đã có những sai lầm không thể diễn ra ở các quốc gia dân chủ. Quân Nga xâm lăng Ukraine theo quyết định của một người duy nhất là Vladimir Putin - đã tự cô lập trong thời kỳ đại dịch, từ chối mọi lời khuyên hoặc thông tin trái ý. Putin đã phạm sai lầm chiến lược lớn nhất trong thế hệ của ông ta. Còn Trung Quốc, chính sách "zero Covid" cũng do một mình Tập Cận Bình quyết định, dẫn đến thiệt hại kinh tế khủng khiếp.
Nga sẽ bại trận, nhưng Putin không bị lật đổ
Nhà nghiên cứu vẫn giữ nguyên niềm tin từ khi cuộc xâm lăng mới bắt đầu, Ukraine dù yếu hơn hẳn vẫn tái chiếm được nhiều vùng đất. Hiện cuộc chiến có vẻ đang trong ngõ cụt, với những trận đánh đẫm máu chỉ để chiếm được một ít đất như tại Bakhmut. Nhưng Fukuyama đánh giá tình trạng này sẽ không kéo dài. Quân đội Nga đã yếu đi rất nhiều, và mất hơn phân nửa số xe tăng. Theo bộ trưởng quốc phòng Anh, Moskva đã triển khai đến 97% lực lượng tại Ukraine, như vậy không còn quân dự trữ.
Một số trí thức ở Đức và Pháp kêu gọi thương lượng với Putin để tránh một trận đại chiến thế giới lần thứ ba. Tuy nhiên giáo sư Fukuyama cho rằng mối nguy leo thang đã được thổi phồng. Putin được gì khi dùng vũ khí nguyên tử đánh vào một lãnh thổ mà theo tuyên truyền đã là một phần của nước Nga ? Hơn nữa NATO sẽ trả đũa dữ dội bằng vũ khí quy ước. Cần ý thức rằng một hiệp định hòa bình chỉ là tạm thời ngưng bắn để Nga lấy sức đánh tiếp, như vậy chỉ có lợi cho Putin. Thế nên cũng như đại đa số dân Ukraine, ông phản đối ý tưởng đàm phán.
Nhưng dù bại trận, sẽ không có cuộc nổi dậy nào chống lại Putin. Ông ta đã thuyết phục được một số lớn người Nga rằng đó là một cuộc chiến tranh vệ quốc ! Chế độ dựa vào hệ thống đàn áp, đã bỏ tù và chia rẽ phe đối lập, mối đe dọa cho Putin chỉ có thể từ trong nội bộ. Putin được ủng hộ nhờ cố tỏ ra "hiệu quả", nhưng nếu Ukraine giải phóng thêm nhiều vùng đất và đe dọa Crimea, các doanh nghiệp ngày càng "khát" công nghệ và hàng hóa phương Tây, tính chính danh của ông ta sẽ bị lung lay.
Vũ khí ào ạt đổ về, Ukraine chuẩn bị tấn công
Trên thực địa, The Economist nhận thấy Ukraine đang củng cố lực lượng để chuẩn bị tấn công. Tuần báo nhắc lại, ngày 22/09/1941 khi Anh quốc tuyên bố tuần lễ "xe tăng cho Nga" để chống lại "kẻ xâm lăng tàn bạo", phu nhân đại sứ Liên Xô ở Luân Đôn đã đặt tên cho chiếc thiết giáp đầu tiên là "Stalin". Chiếc xe tăng Leopard đầu tiên, món quà của Ba Lan dành cho Kiev vẫn chưa có tên, nhưng là khúc dạo đầu cho làn sóng vũ khí mới.
Các nước Châu Âu hứa giao hai tiểu đoàn Leopard hiện đại (một tiểu đoàn xe tăng Ukraine gồm 31 chiếc). Đan Mạch, Đức, Hà Lan mua thêm 100 chiếc đời cũ hơn để nâng cấp, thêm được ba tiểu đoàn nữa. Bên cạnh Leopard còn có xe tăng Challenger 2S của Anh, loại Abrams của Mỹ hiện đại nhất thì vài tháng nữa mới đến, T-72 từ Ba Lan và đủ loại thiết vận xa. Việc tập trung cho xe tăng khiến người ta không nhận ra một bước chuyển chiến lược quan trọng, từ ngày 20/01 trong cuộc họp lần thứ tám của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại căn cứ Mỹ Ramstein đặt ở Đức : đồng minh thỏa thuận sẽ trang bị cho cả một sư đoàn.
Vũ khí đang được giao nhỏ giọt bỗng biến thành trận hồng thủy : số vũ khí từ Lầu Năm Góc trong ba tháng gần đây chiếm 40% tổng số quân viện của Mỹ kể từ đầu cuộc chiến, vũ khí do Đức viện trợ trong tháng 1/2023 bằng 2/3 so với cả năm 2022. Dù không hấp dẫn như xe tăng nhưng vẫn rất quan trọng, như Mỹ mới đưa sang loại xe bọc thép bắc cầu.
Quân đội Ukraine cũng đang chuyển mình. Tỉ lệ cứ 5 vũ khí thời Liên Xô thì có 1 của phương Tây đã thành 5 : 2. Tướng Zaluzhny thay vì tung quân vào cứu Bakhmut, đã gởi các chiến binh ra nước ngoài để tập sử dụng thiết bị mới. Trên thao trường Grafenwoehr ở Bavaria (Đức), họ được Mỹ huấn luyện hợp đồng tác chiến giữa bộ binh, thiết giáp, pháo binh. Tuy vậy đa số chiến binh Ukraine vẫn là những người mới được động viên, ít kinh nghiệm ; đạn dược thì vô cùng thiếu, không quân không đáng kể.
Ông chủ Wagner thất sủng ?
Trong bài "Wagner mở rộng mạng lưới như thế nào", Le Point cho biết công ty lính đánh thuê của Prigozhin đã tham gia chiến dịch chiếm Crimea tháng 2/2014 và sau đó hoạt động ở Donbass, dẫn đầu dân quân ly khai, gieo rắc hỗn loạn khắp vùng. Năm 2015 tại Syria, Wagner tiến hành một cuộc tấn công quyết định ở Aleppo, chiếm các giếng dầu.
Đặc biệt tại Châu Phi, nơi Moskva mơ giành được ảnh hưởng của Pháp, Wagner phát triển rất nhanh ở Libya, Sudan, Mozambique... Họ đến Madagascar với những va li tiền tài trợ cho các ứng cử viên ủng hộ Nga. Ở Trung Phi, Prigozhin thâu tóm các mỏ kim cương, mỏ vàng, khai thác rừng thông qua các công ty chi nhánh, ước tính thu lợi trên 1 tỉ đô la. Tại Mali, Prigozhin thương lượng khai thác vàng, dù mỗi tháng vẫn nhận được 10 triệu đô la từ phe đảo chánh.
Nhưng Kremlin bắt đầu lo ngại trước tham vọng của Prigozhin. Ông ta thân thiết với Ramzan Kadyrov, thủ lãnh Chechnya và tướng Sergey Surovikin nổi tiếng hung bạo. FSB nghi ngờ ba nhân vật này muốn giành lấy các cơ quan an ninh nếu Putin ra đi : Vệ binh quốc gia cho Kadyrov, Bộ quốc phòng cho Surovikin và An ninh cho Prigozhin. Nhưng nhất là tình báo nghe được các trao đổi giữa Prigozhin với những lính đánh thuê từ nước ngoài trở về. Ông chủ Wagner hỏi : "Anh có sẵn sàng cầm súng ở Moskva khi cần đến hay không ?". Thế nên Kremlin bèn đặt lực lượng này dưới quyền quân đội chính quy và sắp tới có thể lập thêm những đơn vị lính đánh thuê khác để cạnh tranh.
Georgia : Cuộc tổng diễn tập của Nga trước khi xâm lăng Ukraine
Nhìn rộng ra Đông Âu, dã tâm của Nga không dừng lại ở Ukraine. Giáo sư Thorniké Gordadzé, cựu bộ trưởng Georgia (Gruzia) phụ trách về quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu (EU), khi trả lời phỏng vấn của L’Express đã nêu ra nguy cơ Putin xâm lăng đất nước ông. Theo giáo sư Gordadzé, cuộc tấn công Georgia năm 2008 là một cuộc tổng diễn tập cho việc xâm lược Ukraine, trong đó có cả việc đo lường phản ứng của phương Tây.
Vào đầu cuộc chiến, Nga đã thử tất cả những cách thức mà ngày nay gọi là "chiến tranh đa diện" : gây bất ổn, khủng bố, bóp méo thông tin, phá hoại kinh tế, năng lượng… Tuy nhiên Georgia vẫn xích lại gần với NATO hơn, đơn xin gia nhập của nước này sẽ được xem xét nhân hội nghị thượng đỉnh ở Bucarest năm 2008. Moskva bèn quyết định ra tay. Sau vài ngày, quân Nga chỉ còn cách thủ đô Tbilissi vài chục cây số. Chính vào lúc đó quốc tế đứng ra hòa giải.
Nước Pháp đang là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Kế hoạch của tổng thống Sarkozy được soạn ra ở Moskva, giúp lực lượng Nga dừng lại, không chiếm thủ đô Georgia. Nhưng quân Nga không rút đi toàn bộ theo như thỏa thuận, và từ chối nhìn nhận toàn vẹn lãnh thổ của Georgia. Hồi năm 2008, không ai muốn làm mất lòng Moskva. Nga bị tẩy chay vài tháng, rồi Barack Obama tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao, nên Putin yên chí có thể đi xa hơn.
Thorniké Gordadzé khẳng định không thể đàm phán được với Nga. Nếu hòa hoãn lúc này sẽ giúp Nga chiếm được một phần lãnh thổ Ukraine và vài năm sau lại tái diễn. Ông cho rằng các nước đã không học được bài học năm 2008, và hậu quả là Moskva chiếm Crimea năm 2014.
Chủ thuyết mơ hồ so với dân chủ tự do
Về ý thức hệ, theo Francis Fukuyama, cả Nga lẫn Trung Quốc đều không thể thay thế cho dân chủ tự do. Tuy hô hào Mác-Lênin, nhưng từ lâu Bắc Kinh đã bỏ đi khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa này ; chế độ dựa vào chủ nghĩa tư bản nhà nước cộng với kiểm soát chính trị thật chặt. Chẳng ai còn tin vào chủ thuyết Mác-Lê nữa.
Nga thì từ hai mươi năm qua vẫn tìm kiếm một ý tưởng. Putin trộn lẫn dân tộc chủ nghĩa với chính thống giáo, hoài niệm Liên Xô và gần đây là chống lại xu hướng "woke", chuyển giới, hôn nhân đồng tính. Cách đây mười năm, Putin hoàn toàn không quan tâm các vấn đề này, nhưng sau ông ta lợi dụng để gây ảnh hưởng nơi giới bảo thủ phương Tây. Tuy nhiên không thể tạo ra một cường quốc thế giới chỉ bằng cách chống lại quyền lợi của người chuyển giới. Tóm lại về tư tưởng, các chế độ Trung Quốc và Nga chẳng có gì nhất quán.
Trung Quốc kiến tạo hòa bình hay lũng đoạn thế giới ?
Về mặt ngoại giao, nhà Trung Quốc học Antoine Bondaz trên Le Monde số cuối tuần khẳng định "Trung Quốc không và sẽ không bao giờ là trung gian hòa giải cho cuộc chiến tranh ở Ukraine". Theo ông, chờ đợi Bắc Kinh đứng ra hòa giải chỉ là ảo tưởng, đúng hơn cần tố cáo thói đạo đức giả của chế độ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn từ chối đối thoại với Kiev và hầu như không giúp gì cho người dân Ukraine, tuy liên tục điện đàm và tiếp xúc với phía Nga. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc chứng tỏ vừa thực dụng vừa cơ hội. Thực dụng, vì tránh công khai đứng về phía Moskva để khó bị cáo buộc cung ứng vũ khí, đồng thời giúp Nga bóp méo thông tin và giảm nhẹ phần nào cấm vận. Cơ hội, khi lợi dụng chiến tranh để bôi xấu hình ảnh nước Mỹ, khoe khoang sự ổn định của Trung Quốc so với một Châu Âu rối loạn.
Ưu tiên của chế độ luôn là bảo đảm tính chính danh của mình qua việc tìm cách làm mất uy tín các chính thể dân chủ tự do. Chủ trương này khiến Bắc Kinh xích lại gần với Moskva, tuy không phải là đồng minh. Chính sách của Trung Quốc không nhằm tìm kiếm hòa bình, mà để xúc tiến khái niệm Sáng kiến An ninh Toàn cầu đã được Tập Cận Bình giới thiệu vào tháng 4/2022.
Ngoại trưởng Trung Quốc trong vài tháng qua đã công du tám đảo quốc Thái Bình Dương, năm quốc gia Đông Nam Á, năm nước Châu Phi, thăm trụ sở Liên Hiệp Châu Phi và Liên đoàn Ả Rập. Hơn bao giờ hết, những gì Bắc Kinh nhắm đến trong cuộc chiến này không phải là tương lai cho Ukraine, mà là khả năng lũng đoạn thế giới để phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.
Trung Quốc không bao giờ vượt được Hoa Kỳ
Về phía Trung Quốc, mô hình kinh tế đang bế tắc. Bắc Kinh cố thổi bùng tăng trưởng qua địa ốc và xây dựng, hậu quả là vô số khu nhà xây xong phải phá bỏ vì không có người mua. Tất cả chính quyền địa phương đều mất khả năng chi trả. Những năm sắp tới tăng trưởng của Trung Quốc không vượt quá 3%, và về giá trị tuyệt đối sẽ không bao giờ qua mặt nổi Hoa Kỳ.
Chiếm Đài Loan luôn là mục tiêu của Bắc Kinh, nhưng Tập Cận Bình phải tính toán về hậu quả cũng như thái độ của Hoa Kỳ, phương Tây, Nhật Bản. Do Trung Quốc quan trọng hơn rất nhiều cho kinh tế thế giới so với Nga, phải bằng mọi giá ngăn cản cuộc xâm lăng Đài Loan, không thể lặp lại sai lầm như khi Putin chiếm Crimea.
Mỹ có sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc ?
Nhưng theo The Economist, nếu tại Châu Âu đang diễn ra cuộc chiến đẫm máu nhất kể từ 1945, thì ở Châu Á lại càng tệ hơn. Trong lúc Hoa Kỳ tái vũ trang ở Châu Á và cố gắng khích lệ các đồng minh, liệu người Mỹ có trực tiếp đối đầu với một cường quốc nguyên tử khác để bảo vệ Đài Loan – điều mà Washington vẫn chưa sẵn sàng đối với Ukraine ? Và khi chạy đua về quân sự với Trung Quốc, Mỹ có thể vô tình kích hoạt cuộc chiến mà chính mình đang cố ngăn trở ?
Về phần Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật "vùng xám", phong tỏa hòn đảo hay tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn rồi đổ bộ ? Do Đài Loan chỉ có thể chống chọi được vài ngày hay vài tuần, mọi xung đột có thể nhanh chóng biến thành chiến tranh giữa các siêu cường. Thay cho chiến thuật biển người như ở Ukraine, có thể là một thế hệ vũ khí mới như hỏa tiễn siêu thanh và chống vệ tinh, gây tàn phá khủng khiếp.
Tác hại về kinh tế vô cùng lớn. Đài Loan là nhà cung cấp chip bán dẫn chính của thế giới, ba nền kinh tế chủ chốt Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản vốn đan xen với nhau sẽ tung ra những đòn trừng phạt làm tê liệt thương mại toàn cầu. Mỹ cũng khuyến khích Châu Âu và các đồng minh khác cấm vận Trung Quốc. Tuần báo cho rằng Đài Loan, cũng như người Ukraine, xứng đáng được Mỹ giúp đỡ. Sẽ là bi kịch nếu đảo quốc tự do dân chủ này phải phục tùng chế độ độc tài Bắc Kinh, Tập Cận Bình tiếp tục bành trướng. Uy tín của Washington bị lung lay nghiêm trọng, một số nước quay sang thần phục Trung Quốc trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc lo chế tạo vũ khí nguyên tử
Thụy My
Ukraine chủ trương biến Bakhmut thành bẫy tiêu hao quân Nga
Thu Hằng, RFI, 11/03/2023
Ukraine quyết định tiếp tục chiến đấu tại Bakhmut vì cuộc chiến ở thành phố này đang kìm hãm và làm suy yếu các đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga. Phát biểu ngày 10/03/2023 của một trợ lý của tổng thống Volodymyr Zelensky là dấu hiệu mới nhất cho thấy Kiev quyết bảo vệ thành phố miền đông trước khi dự kiến mở cuộc phản công mùa xuân.
Trợ lý của tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak phát biểu tại Kiev, Ukraine ngày 16/02/2023. AP - Efrem Lukatsky
Trả lời phỏng vấn báo Ý La Stampa, ông Mykhailo Podolyak, trợ lý của tổng thống Ukraine, đánh giá : "Nga đã thay đổi chiến lược. Họ tập trung một lượng lớn quân nhân chuyên nghiệp, phần còn lại của quân đội chính quy, cũng như lính đánh thuê tư nhân" ở Bakhmut. Do đó, quân đội Ukraine "có hai mục tiêu : làm giảm quân số của Nga càng nhiều càng tốt, cầm chân quân Nga trong những trận đánh quan trọng, mệt mỏi để làm rối loạn cuộc tấn công của Nga ; tập trung nguồn lực của Ukraine vào nơi khác chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân".
Dù không nêu thiệt hại về người và vũ khí phía Ukraine trên chiến trường Bakhmut, nhưng trợ lý của tổng thống Zelensky khẳng định mặt trận Bakhmut "hoàn toàn hiệu quả" và tạo lợi thế cho Kiev. Tuy nhiên, theo tình báo Anh, được Reuters trích dẫn, Wagner có lẽ đã chiếm được phía đông thành phố, bao vây phía bắc và nam bên kia sông Bakhmutka hiện trở thành chiến tuyến. Quân Ukraine cố thủ ở phía tây thành phố và đã phá mọi cây cầu bắc qua sông.
Như vậy, thông tin này xác nhận khẳng định trước đó của ông chủ tập đoàn bán quân sự Yevgeny Prigozhin. Nga biến Bakhmut thành mục tiêu chính cuộc tấn công mùa đông và huy động vài trăm nghìn quân dự bị và lính đánh thuê để cố giành được một thắng lợi có ý nghĩa biểu tượng lớn cho suốt hơn 6 tháng giao tranh.
Vẫn tại miền đông, trong vòng 24 giờ qua, Ukraine đã đẩy lùi khoảng 100 cuộc tấn công của Nga tại 5 khu vực ở tỉnh Donetsk : Lyman, Bakhmut, Avdiyvka, Marynka và Chakhtarsk. Theo thông tin sáng 11/03 của bộ tham mưu Ukraine, nhiều căn cứ hậu cần và các hệ thống phòng không của Nga cũng bị quân Ukraine oanh kích.
Vào lúc tình hình chiến sự vẫn căng thẳng, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu khẳng định "cùng nhau hỗ trợ vững chắc cho Ukraine đến chừng nào cần thiết". Sau khi gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 10/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hai bên đã đề cập đến việc triển khai các biện pháp trừng phạt Nga, cũng như các phương tiện để chặn "lách" trừng phạt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrell khi trả lời trang EURACTIV ngày 10/03, Liên Hiệp Châu Âu gần như đã khai thác mọi biện pháp trừng phạt đối với Nga và hiện giờ tập trung vào hỗ trợ tài chính, quân sự cho Ukraine.
Thu Hằng
**************************
Chiến tranh Ukraine : Lực lượng đánh thuê Nga Wagner mở chiến dịch tuyển mộ lớn
Phan Minh, RFI, 11/03/2023
Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin, hôm 10/03/2023, tuyên bố rằng Wagner đang chuẩn bị mở 58 trung tâm tuyển mộ binh lính tại 42 thành phố ở Nga. Dường như đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến tại Ukraine.
Trụ sở tập đoàn bán quân sự Wagner tại Saint-Petersburg, Nga ngày 04/11/2022. AFP – Olga Maltseva
Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm chi tiết :
Phải chăng để khắc phục tổn thất lớn về nhân mạng do chiến sự dữ dội nhằm chiếm thành phố Bakhmut gây ra ? Dường như là vậy. Trong những tuần gần đây, Yevgeny Prigozhin đã phàn nàn rằng ông không còn có thể tuyển mộ tù nhân, đổi lại việc giảm án cho họ. Thực sự là vậy, và đó là lý do ông đã quyết định hướng tới công chúng đề cao "nam tính".
Trong số 58 trung tâm tuyển mộ với 8 trung tâm ở riêng Moskva, hầu hết được mở tại các nhà thi đấu thể thao và câu lạc bộ võ thuật. Bằng chứng cho thấy nhà tài phiệt thân cận với Vladimir Putin đang tìm cách tăng cường lực lượng của mình.
Một số người coi đó là một tình tiết mới về sự bất đồng giữa ông Prigozhin và các lãnh đạo quân đội chính quy, nhưng không có gì là chắc chắn. Mục đích của Bộ Tổng tham mưu cũng giống như Wagner là giành chiến thắng trên chiến trường.
Và nếu đúng là Moskva chịu tổn thất đáng kể như số liệu do Ukraine và phương Tây đưa ra, thì chính quyền Nga dường như đã tìm ra cách tuyển mộ thêm binh lính mà không công bố đợt động viên cục bộ mới, hoặc thậm chí là tổng động viên, với lý do có thể gây tác động tiêu cực đến người dân trong nước.
Phan Minh
************************
Nga bắn tên lửa siêu thanh tấn công các đô thị Ukraine
Trọng Nghĩa, RFI, 10/03/2023
Hôm 09/03/2023, lần đầu tiên kể từ giữa tháng Hai, Nga đã ồ ạt oanh kích các thành phố Ukraine, dùng đến hơn 80 tên lửa trong đó có loại tên lửa siêu thanh mà Ukraine không bắn chặn được.
Một góc thành phố Kiev, Ukraine, sau các vụ oanh kích của Nga hôm 09/03/2023. © Reuters / Gleb Garanich
Quy mô của đợt tấn công rất lớn. Trong 24 tiếng đồng hồ, quân đội Nga đã phóng 84 tên lửa. Chính quyền Ukraine đã báo cáo về các vụ nổ ở 10 khu vực, ở miền Đông, miền Nam, miền Tây cũng như ở Kiev.
Moskva gọi các cuộc tấn công mà họ thực hiện với sự trợ giúp của tên lửa siêu thanh Kinjal, một trong những vũ khí tinh vi nhất trong kho vũ khí của Nga, là hành động "trả đũa" cho một cuộc xâm nhập của "những kẻ phá hoại" Ukraine vào lãnh thổ Nga hôm 02/03. Kiev phủ nhận các cáo buộc và cảnh báo rằng Moskva có thể sử dụng các cáo buộc này để biện minh cho các cuộc tấn công tiếp theo.
Theo quân đội Ukraine, lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 34 trong số 84 tên lửa do Nga bắn qua cũng như 4 drone do Iran sản xuất. Tuy nhiên không một chiếc nào trong số 6 tên lửa Kinjal, bị bắn hạ. Kiev cho biết hệ thống phòng không hiện nay của họ không thể đánh chặn loại tên lửa này.
Số người Ukraine bị thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga càng lúc càng tăng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ quốc phòng Anh, đã có 11 thường dân Ukraine bị thiệt mạng.
Nga tăng cường tấn công xung quanh Bakhmut
Ngoài chiến dịch oanh kích ồ ạt vào toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết thêm, Nga không chỉ tập trung tấn công vào Bakhmut mà còn vào các điểm khác của mặt trận : Ở phía bắc thành phố bị bao vây, họ đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ tại Kupiansk và Lyman. Tại phía nam thành phố, các cuộc tấn công tập trung vào Avdiyvka và Chakhtarsk. Nhưng bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết, ở phía nam đất nước, các lực lượng Nga đang trong thế phòng thủ ở các khu vực Zaporizhzhia và Kherson.
Litva : Nga có phương tiện tiếp tục chiến tranh thêm hai năm nữa
Đây chỉ là một ước tính. Nhưng tình báo quân sự Litva cho rằng rằng Nga có thể tiếp tục tấn công Ukraine với tốc độ hiện tại trong hai năm nữa. "Nga đã tích lũy vũ khí và thiết bị trong suốt những năm dài của Chiến tranh Lạnh", giám đốc tình báo quân sự Elegijus Paulavicius nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng : "Mặc dù đó là những vật liệu cũ, nhưng các phương tiện này vẫn dùng được và gây hại cho Ukraine".
Trọng Nghĩa
Phần thứ nhất
Các kịch bản
Cuộc chiến của người Ukraine chống Nga xâm lăng là cuộc chiến tranh vệ quốc có chính nghĩa rất khó phủ nhận. Ngay cả đối với những người muốn bênh vực hay ủng hộ nước Nga của ông Tổng thống Vladimir Putin.
Chính nghĩa tất thắng ?
- Đúng vậy, theo quan điểm đạo lý.
- Không hẳn, nếu nhìn vào lịch sử các cuộc chiến tranh hoặc vào "chính trị thực tế".
Người leo lên gỡ lá cờ Ukraine treo trên một tòa nhà cao ốc ở trung tâm thủ đô Moscow đang chụp ảnh tự sướng (selfie) © Reuters - Ảnh minh họa
Cuộc chiến tranh Phần Lan chống một triệu quân Liên Xô xâm lăng 1939-1940 là một thí dụ gần gũi nhất. Chính nghĩa của Phần Lan đầy đủ, minh bạch - một nước nhỏ hiền hòa bị một nước lớn vô cớ xâm lược. Quân đội Phần Lan ngày ấy, không kém gì quân đội Ukraine bây giờ, khôn ngoan và anh dũng - đánh bại quân Liên Xô nhiều lần trước sự thán phục của cả thế giới. Tuy nhiên cuối cùng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, Phần Lan phải chịu thất trận và chịu mất một phần lãnh thổ cho Liên Xô.
Chính nghĩa, như thế, dù có tầm quan trọng chiến lược, chỉ là một yếu tố - cần nhưng chưa đủ - để thắng một cuộc chiến tranh.
Để trả lời câu hỏi chủ yếu "chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ? " thử xem xét một số kịch bản khác nhau và bàn về mức độ khả hữu của mỗi kịch bản.
Kịch bản 1
Chiến tranh kết thúc với Nga toàn thắng, đè bẹp Ukraine trên chiến trường, chính quyền Ukraine đầu hàng và bị thay thế bởi một chính quyền bù nhìn thân Nga.
Một pa-nô dựng ở trung tâm Kherson viết "Người Nga và người Ukraine là một và cùng một dân tộc". Tại đây chính quyền do Moscow cài đặt cung cấp cho người dân một loạt tiền thưởng, trong đó có 10.000 rúp cho bất kỳ ai đăng ký hộ chiếu Nga. Ảnh Sergei Malgavko/TASS/Sipa USA/SI
Bước qua năm thứ hai của cuộc chiến, kịch bản này có mức độ khả hữu rất thấp. Lý do :
- Ukraine có lãnh đạo chính trị xuất sắc, nổi bật là Tổng thống Zelensky tài năng, khôn ngoan và rất phong cách. Trước công luận thế giới, chính nghĩa của Ukraine "chống Nga xâm lược" áp đảo hẳn tuyên truyền của Nga về "chiến dịch quân sự đặc biệt chống Mỹ và các nước NATO đang sử dụng Ukraine để bao vây, chèn ép, phá hoại nước Nga trong sách lược làm tan rã nước Nga - như đã làm tan rã Liên Xô trước đây".
- Dân Ukraine rất đoàn kết chống xâm lược. Xâm lược càng tàn bạo, căm thù càng cao, quyết tâm càng mạnh.
- Quân đội Ukraine quả cảm, càng đánh càng tinh nhuệ.
- Ukraine được các nước trong khối NATO chi viện rất nhiều về đủ mọi mặt. Đặc biệt là Mỹ đã cung cấp trên dưới 80 tỉ đô la quân viện và kinh viện chỉ trong năm đầu tiên của cuộc chiến - một con số phá kỷ lục. Kế đó là Anh, Ba Lan, Canada, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, các nước vùng Baltic… cũng giúp tận tình.
- Mạnh như Liên Xô, như Mỹ mà không khuất phục được nước Afghanistan 40 triệu dân thì Nga, dù có leo thang tổng tấn công tràn ngập Ukraine (có kích thước tương đương Afghanistan), dù chiếm được các thành phố kể cả thủ đô Kiev, sẽ không bình định nổi Ukraine, sẽ bị sa lầy với chiến tranh du kích của người Ukraine.
Kịch bản 2
Putin, tác nhân chủ yếu - hoạch định, phát động, điều khiển cuộc chiến tranh - bị ám sát hay bị lật đổ, chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc.
Một số nhà quan sát đã ủng hộ việc ám sát nhà độc tài Nga chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. afp.com/Sergei Guneyev - Ảnh minh họa
Kịch bản này cũng có mức độ khả hữu không đáng kể.
Ám sát hay lật đổ Putin cũng khó như ám sát hay lật đổ Tập Cận Bình hay Kim Jong-un.
Putin, Tập, Kim đều là nhưng lãnh tụ độc tài cai trị bằng bàn tay sắt cùng lúc ban phát quyền lợi hậu hĩ cho các thuộc hạ trung thành được tuyển chọn kỹ, nắm vững tình hình nội bộ, không để lộ sơ hở.
Riêng Putin - xuất thân tình báo cao cấp KGB, thâm hiểm, mưu mẹo, phất cờ dân tộc chủ nghĩa, khai thác mặc cảm tự tôn, tự ti, các ẩn ức của dân Nga - đã trở thành nhà độc tài, độc tôn gần 1/4 thế kỷ sau khi diệt trừ hết mọi đối thủ. Triển vọng Putin đột nhiên biến mất trên chính trường nước Nga là ảo vọng.
Mặt khác, Putin có thể đang là một hình ảnh xấu xí trên thế giới nhưng có thể rất khác ở bên trong nước Nga, ngược hẳn lại với trường hợp của Gorbachev - được ca tụng ở các nước Tây Phương như một vĩ nhân, lại bị ghét bỏ ở Nga. Gorbachev bị dân Nga, công bằng hay không, quy trách nhiệm đã làm đế chế Liên Xô tan vỡ, quy trách nhiệm đã làm cho nước Nga tang thương, lụn bại cả chục năm sau đó - một nước Nga dưới sự lãnh đạo của… Boris Yeltsin ! Thay vì tặng huy chương "quán quân dân chủ" hay "quán quân hòa bình" cho Gorbachev thì dân Nga gắn mề đay cho Putin vì "đã vực dậy nước Nga của họ từ đống tro tàn". Thực tế này, sai đúng đến đâu, vẫn là một thực tế phải ghi nhận.
Kịch bản 3
Cuộc chiến kết thúc với Ukraine đại thắng trên chiến trường, lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị xâm chiếm kể cả Crimea, Nga đại bại phải bồi thường thiệt hại như Ukraine đòi hỏi.
Một người treo cờ Ukraine trên tượng đài chiến thắng ở thủ đô Kiev ngày 20/02/2014. (Louisa Gouliamaki / AFP)
Kịch bản này cũng có mức khả hữu thấp. Nga sẽ không đại bại. Ukraine sẽ không đại thắng. Và không có bồi thường chiến tranh.
Lý do :
- Nga có lợi thế và tận dụng lợi thế của một cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử vĩ đại, lợi hại bằng hoặc hơn Mỹ. Đánh nhau với bất cứ nước nào, với lợi thế này, chung cục thì Nga hoặc thắng, hoặc hòa chứ rất khó bại, trừ khi tự ý buông tay, ngửa cổ cho địch thủ chặt đầu mình.
Điều này, vào ngày 22/02/2023 vừa qua tại thủ đô của đồng minh Ba Lan, ngay sau chuyến viếng thăm Ukraine bất ngờ, đã được Tổng thống Mỹ Biden xác nhận một cách gián tiếp nhưng lại rõ ràng đến mức không giải thích khác được. Lời phát biểu của Biden ngày này, nơi này, được báo chí thế giới đồng loạt đăng tải, nghe qua có vẻ đanh thép nhưng thực ra lại rất… "khiêm tốn" nếu không nói là "yếu xìu" : "Ukraine will never be a victory for Russia - never" (Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga - không bao giờ").
Nếu nhớ lại thông điệp của Mỹ gửi cho Nhật vào cuối thế chiến thứ hai : "Đầu hàng vô điều kiện hoặc bị tiêu diệt !", người ta phải tự hỏi tại sao Biden không tuyên bố, ít nhất, một lời minh bạch chẳng hạn như : "Nga chắc chắn sẽ bị đánh bại hoàn toàn ở Ukraine. Không thể khác được !" Tại sao không nói ?!
Phải chăng, "vừa đánh, vừa run" hay "vừa đánh, vừa hồi hộp" ? Phải chăng đánh mà không dám thắng ? Phải chăng "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng cố thây ?"
- Mỹ và Nga có quyền lợi "địa chính trị" trái ngược nhau ở Âu Châu nói chung và Ukraine nói riêng. Cuộc chiến Nga-Ukraine cũng là cuộc chiến Nga-Nato, cốt lõi là cuộc chiến Nga-Mỹ bất kể hai nước có trực tiếp giao chiến hay không. Nga leo thang tấn công Ukraine đến đâu, Mỹ leo thang yểm trợ Ukraine ứng phó đến đó nhưng lại cẩn thận… trói tay Ukraine để yên tâm không làm Nga tức giận, mất mặt hay thất vọng đến mức phát khùng mà ấn nút phóng bom nguyên tử.
Nga biết thế, càng làm già, càng dậm dọa, càng mặc sức leo thang, mặc sức đánh Ukraine túi bụi. Nga tự tung, tự tác trên khắp lãnh thổ Ukraine - nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ kia, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Tự do mang xe tăng uy hiếp Kiev. Tự do bố trí hàng ngàn hỏa tiễn có tầm bắn vài trăm cây số hay hàng ngàn cây số, đặt sâu trong lãnh thổ Nga để ngày đêm bắn phá các mục tiêu ở khắp Ukraine. Tự do mang phi cơ bỏ bom bất cứ nơi nào… và có thể… tự do dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật để tiêu diệt các sư đoàn của Ukraine, một quốc gia chưa chính thức là thành viên NATO - trong trường hợp Ukraine phản công quá mạnh và quân Nga bị nguy ngập trên chiến trường.
Cung cấp viện trợ khổng lồ cho Ukraine nhưng Mỹ từ chối cung cấp cho Ukraine đủ số lượng xe tăng có phẩm chất tốt, phi cơ tầm xa, pháo binh tầm xa, hỏa tiễn tầm xa mà Zelensky khẩn thiết yêu cầu... Thực tế có nghĩa là Ukraine bị "cấm" trả đũa tương xứng, bị "cấm" đánh qua biên giới, bị "cấm" tiến quân vào Moskva, bị "cấm" bắn phá các căn cứ hỏa tiễn, phi trường nằm trong đất Nga nơi xuất phát các cuộc tấn công có tính cách khủng bố của Nga, bị "cấm" đụng đến Belarus, một quốc gia "khách hàng" đang tự nguyện làm "bệ phóng" cho Nga. Bị "cấm" rất nhiều thứ… Những giới hạn hay cấm đóa n này cũng có nghĩa là Ukraine, chỉ tự chủ về chiến thuật, hoàn toàn lệ thuộc Mỹ về chiến lược. Mà chiến lược của Mỹ phải phục vụ an ninh nước Mỹ trước hết !
Ukraine hôm nay chẳng khác Việt Nam Cộng Hòa năm xưa bị Mỹ "cấm" tiến binh ra Bắc trong khi phe Cộng sản cứ tuỳ nghi hàng hàng lớp lớp đổ quân vào Nam. Chiến đấu tự vệ mà bị trói tay một cách bất công như thế thì chỉ có hòa hay thua, chứ làm sao thắng cả cuộc chiến tranh đến mức bắt buộc kẻ xâm lược phải bồi thường thiệt hại !?
Kịch bản 4
Cuộc chiến kết thúc bằng thỏa ước đình chiến như (trường hợp chiến tranh Triều Tiên - 1950-1953) hoặc hiệp định hòa bình như trường hợp chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954). Cuộc chiến kết thúc khi mà cả Nga và Mỹ đều ý thức rằng tiếp tục chiến tranh là vô ích và chỉ có lợi cho… Tàu.
Cuộc chiến kết thúc bằng thỏa ước đình chiến khi cả Nga và Mỹ đều ý thức rằng tiếp tục chiến tranh là vô ích và chỉ có lợi cho… Tàu.
Kịch bản này có mức độ khả hữu cao nhất. Tuy nhiên nó sẽ trải qua một quá trình hình thành tiệm tiến - đồng nghĩa chiến tranh có thể còn kéo dài thêm một vài năm với những diễn biến, nguy hiểm đáng sợ. Xin lý giải như sau :
1. Tranh chấp giữa hai cường quốc nguyên tử cuối cùng chỉ có hai cách giải quyết : dàn xếp tương nhượng hoặc hoặc chiến tranh nguyên tử đồng nghĩa với tự sát tập thể. Không muốn chết thì phải hòa.
2. Qua năm thứ hai, cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu hơn nhưng ngang ngửa, giằng co. Nga không đè bẹp được Ukraine có Mỹ và đồng minh Âu Châu chống lưng. Ukraine cũng không trục xuất được Nga ra khỏi lãnh thổ.
Ukraine chịu thiệt hại nhiều nhất. Viện trợ của các nước NATO gồm cả Mỹ dù lớn lao vẫn chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ những tàn phá khủng khiếp, những đảo lộn đời sống kinh tế xã hội, những tổn thất nhân mạng. Kế đến là Nga, cuộc phiêu lưu đắt giá với hàng trăm ngàn thương vong trên chiến trường, cơ man khí tài quân sự bị phá hủy, với trừng phạt, cấm vận làm cho điêu đứng. Mỹ và các đồng minh ngoài tổn phí viện trợ hàng trăm tỉ đô la cũng phải chịu hệ lụy của cuộc chiến tranh - lạm phát, người tị nạn, kinh tế đình trệ, dân bất mãn, mất kiên nhẫn bỏ phiếu những kẻ chủ hòa…
Thế mà, chưa bên nào thực sự muốn ngưng chiến. Cả Nga, Ukraine, Mỹ, các nước NATO, Âu Châu đều… chưa sẵn sàng. Bởi vì còn sức, bởi vì còn hăng, còn nuôi hy vọng đạt mục tiêu bắt đối phương phải chấp nhận đòi hỏi của mình, bởi vì còn muốn dạy cho đối thủ một bài học, còn muốn nhận thêm… sự kính nể.
3. Nếu Nga và Mỹ cùng thực sự muốn hòa vào lúc này thì không nước nào ngăn cản được. Cuộc chiến sẽ giảm cường độ. Không có Mỹ, NATO sẽ như rắn mất đầu. Không có viện trợ Mỹ, Ukraine nếu muốn tiếp tục chiến tranh sẽ phải chuyển qua đánh du kích trường kỳ vô hạn định.
4. Chiến tranh Nga-Ukraine dù do Nga khởi xướng vẫn phải nhìn như là một phần của ván cờ chiến lược toàn cầu - không phải tay đôi mà tay ba : Mỹ, Tàu, Nga. Ba chiến lược gia quan trọng nhất thế giới hiện nay tất nhiên là Joe Biden, Tập Cận Bình, Vladimir Putin. Kết quả của ván cờ có thể là một trật tự thế giới mới khác hẳn với trật tự thế giới hiện nay.
5. Sáng kiến hòa bình 12 điểm công bố mới đây của Tàu là tuyên truyền, hỏa mù, không có thực tâm. Sách lược CĂN BẢN của Tàu là "Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo" kết hợp với "tọa sơn quan hổ đấu" - đợi cọp chết, cọp bị thương thì xuống núi ra tay làm nốt phần còn lại rồi lột lấy da. Áp dụng trong thực tế Tàu sẽ tiến, thóa i, gia, giảm thích nghi miễn là lật đổ được Mỹ để làm bá chủ hay làm Thế Giới Đệ Nhất Siêu Cường.
6. Putin, Biden phải biết hay đóa n biết Tập nghĩ gì, tính gì, làm gì. Tuy nhiên, mũi tên đã bắn đi, mũi tên đã bắn lại, mỗi bên đều có chiến lược riêng của mình… Khởi động chiến tranh thì dễ, kết thúc thì khó.
Thời gian đều có thể là kẻ thù của các bên lâm chiến - bộc lộ những điểm yếu. Thời gian có thể không đứng phía Nga. Không đứng về phía Mỹ. Không đứng về phía Ukraine.
7. Chiến lược của Mỹ là làm cho Nga kiệt quệ phải bỏ cuộc nhưng tới nay Nga chưa kiệt quệ. Một, hai năm nữa có lẽ chưa thành vấn đề. Độc tài, độc quyền và nắm vững tình hình nội bộ, Putin có khả năng huy động nhân lực, tài nguyên dễ dàng hơn hơn Biden rất nhiều.
Putin đã ném vào chiến trường 5, 6 trăm ngàn quân, đã "nướng" cả 5, 7 chục ngàn, hay cả trăm ngàn quân nhưng vẫn còn dưới tay khoảng 15 hay 20 triệu thanh niên Nga trong tuổi nghĩa vụ quân sự để tùy nghi sử dụng trong tổng số 144 triệu dân.
Kẻ "bần cùng cố thây" thực ra là Bắc Hàn của Kim Jong-un chứ không phải Nga. Xung đột Nga với Mỹ chỉ nên ví von "chén sành đụng chén kiểu" là cùng. Bị trừng phạt, cấm vận, phong tỏa, tẩy chay, kinh tế của Nga có gặp khó khăn nhưng không sụp đổ hay chưa sụp đổ. Dự trữ ngoại tệ trị giá mấy trăm tỉ đô la vẫn còn đó. Kết quả của chuẩn bị và quản trị khá tốt từ nhiều năm trước. Đồng tiền "Rúp" của Nga vẫn tương đối ổn định cũng là một chỉ dấu phản ảnh thực trạng sức chịu đựng của Nga. Chủ yếu là nhờ bán vũ khí, khóa ng sản, nhất là dầu hỏa và hơi đốt. Âu Châu cấm vận thì Nga bán cho Á Châu, Phi Châu. Tiền vẫn vào như nước. Lợi tức thâu được không kém gì thời kỳ trước chiến tranh.
Nga cũng không hoàn toàn cô độc dù bị 141 quốc gia tại Liên Hiệp Quốc mới bỏ phiếu lên án trắng trợn xâm lược Ukraine. Nga vẫn có 38 nước ủng hộ gồm 7 nước công khai bỏ phiếu chống (Bắc Hàn, Belarus, Erithrea, Mali, Nga, Nicaragua, Syria) và 32 nước "bán công khai" bỏ phiếu… vắng mặt. Trong số này đáng lưu ý là Tàu, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Iran, South Africa, Việt Nam, Cuba, Mongolia, Algeria. Đáng lưu ý nhất, dĩ nhiên là nước Tàu của Tập Cận Bình - siêu cường số hai và cơ xưởng sản xuất của thế giới.
Hiện thời thế trận của Nga trông còn vững. Tuy nhiên nếu chiến tranh mở rộng, kéo dài, hết tiền, hết đạn, hết gạo, yếu sức, hụt hơi thì sẽ phải nghĩ đến việc cầu cứu Tàu. Tàu tất nhiên không để Mỹ thắng Nga một cách dễ dàng. Tàu tất nhiên cũng không cứu Nga vô điều kiện.
Từ tuyên bố miệng "đối tác vô giới hạn" đến hiệp ước đồng minh chính thức của hai nước Tàu - Nga sẽ có tác dụng chia đôi thế giới như thời kỳ chiến tranh lạnh hay thời gian ngay trước Thế chiến 1 và Thế chiến 2. Một bên Dân Chủ Tư Bản. Một bên Độc Tài Cộng Sản hay Độc Tài cựu Cộng Sản.
Nhưng trước hết giữa Tàu - Nga không thể có hợp tác bình đẳng. Làm sao có bình đẳng giữa một quốc gia có dân số gấp mười và qui mô kinh tế cũng gấp 10 quốc gia kia ? Lại chung biên giới ? Cùng có óc đế quốc tham lam ? Ân óa n lịch sử chồng chất còn chưa giải quyết ?
Cái nguy cơ của Nga là "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa". Chưa chiếm được Ukraine có thể sẽ mất Ngoại Mông, Siberia, Vladivostok. Nga sẽ phải chịu lệ thuộc Tàu, phải chịu phận đàn em, phải làm con nợ, phải gán nợ, mất đất, mất nhà, phải chìa tay ăn xin, phải chịu cảnh thay bậc đổi ngôi - rất trớ trêu : "Trời làm một sự lăng nhăng, ông biến ra thằng, thằng biến ra ông !".
Nga có muốn thế không ? Có muốn ký hiệp ước ràng buộc làm "đồng minh vô giới hạn" với Tàu như Ý với Đức làm thành phe Trục trong Thế chiến 2 ?
Mỹ có muốn Nga như thế không ? Mỹ có muốn Nga "gán" vài ngàn hỏa tiễn liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân cho Tàu để nhận lại gạo, mì, thịt, cá, đường, sữa, thuốc men, quần áo lạnh, đạn pháo binh, súng AK, đại liên, xe tăng, phi cơ… những thứ mà Nga đã cạn kiệt đúng vào lúc ngân khố đã trống rỗng ?
8. Tổng sản lượng GDP của Nga bằng 7% của Mỹ không có nghĩa trong chiến tranh Mỹ mạnh hơn Nga 14 lần (và mạnh hơn… Afghanistan (Taliban) hay Bắc Hàn (Kim Jong-un) mấy trăm lần). Chiến tranh là một nghệ thuật. GDP cũng là một yếu tố quan trọng phải tính đến trong nghệ thuật chiến tranh nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Điều đáng quan tâm hơn ở đây là chính trị nội bộ của nước Mỹ. Một nước Mỹ dân chủ bất toàn. Mỹ là Siêu Cường nhưng không có khả năng thích hợp cho những cuộc chiến lâu dài.
Hệ thống lưỡng đảng và cung cách tranh cử để nắm quyền với bất cứ giá nào đã làm nước Mỹ phân hóa quá đáng. Như căn bệnh trầm kha, càng ngày càng nặng hơn. Đối lập mà như thù địch, trên chính trường và trong xã hội. Kẻ làm, người phá. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Rất khó tập trung và vận dụng sức mạnh. Rất khó có một chính sách dài hạn trước sau như một. Rất bất công khi đặt đồng minh chiến tranh như Ukraine trong tình trạng thường trực bất an.
Hiện thời, chưa có dấu hiệu chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden sẽ bỏ rơi Ukraine như chính Biden đã đôi lần bỏ rơi các đồng minh khác của nước Mỹ trong cuộc đời làm chính trị của mình. Tuy vậy, đang ở tuổi 80, giữa nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm, với mức độ ủng hộ quanh quẩn 40% của dân Mỹ, Biden không được coi là một Tổng thống mạnh mặc dù ứng phó khá tốt với cuộc chiến ở Ukraine - cho đến nay.
Dân Mỹ, nói chung, dù đã ngán ngẫm cả Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump, 76 tuổi thuộc đảng Cộng hòa, vẫn rất có thể, 20 tháng nữa, lại phải chọn 1 trong hai ông già "gần đất xa trời" này trong ngày tổng tuyển cử 5/11/2024 để giao phó sinh mệnh của nước Mỹ (và sinh mệnh của các nước quá lệ thuộc Mỹ và quá tin Mỹ).
Biden và Trump là… "kỳ phùng địch thủ" nên đều có cơ may được tái cử làm Tổng thống, theo các thăm dò mới nhất - trong bối cảnh hai đảng Dân chủ, Cộng hòa tiếp tục ngang ngửa. Một tin tức đáng lưu ý là Trump, bắt đầu vận động tranh cử, vừa cho nổ trái bom : "bảo đảm" sẽ giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ !
Một hứa hẹn hấp dẫn với cử tri người Mỹ chán chuyện chiến tranh - xa xôi, tốn phí, thích... "America first" và chưa quên "mối thân tình rất đặc biệt và có phần bí hiểm" giữa Trump và Putin.
Riêng người Ukraine tất nhiên phải tự hỏi : Còn tin tưởng được nước Mỹ đến đâu ? Liệu Ukraine có bị tặng không hay bị bán rẻ cho Nga ? Ukraine sẽ phải chuẩn bị thế nào từ bây giờ hay cứ để "nước đến chân mới nhẩy" ?
***
Tóm tắt, sẽ đến lúc các bên lâm chiến ngộ ra rằng nên ngưng chiến vì đánh đến thời điểm này là vừa đủ, cố nữa cũng không hơn gì hoặc lợi bất cập hại. Ngưng chiến để thương thuyết. Thương thuyết đồng nghĩa với tương nhượng. Đồng nghĩa với cho hòa bình một cơ may.
Cao Tuấn
(11/03/2023)
1. Các kịch bản
2. Cuộc chiến tại Ukraine nhìn trong chính trị của "thế chân vạc"
3. Ý kiến về một giải pháp hòa bình trường cửu cho Ukraine
——
Hai bài liên hệ cùng tác giả :
- Cuộc tranh hùng giữa các đại cường và các vấn đề chiến lược, Thông Luận, 05/03/2022
- Từ Ukraine đến Đông Á : "gió Đông thổi bạt gió Tây" ?, Thông Luận, 19/03/2023
Một năm sau cuộc "hành quân đặc biệt" của Putin ngày 24/02/2022, cuộc chiến Ukraine nay đã trở thành thứ chiến tranh toàn diện, có mục đích nhằm làm tiêu hao lực lượng của đối phương. Nga quyết chiến và kéo dài dựa vào số đông quân, tuy tử trận và bị thương nặng đã lên đến 200.000 người. Phía Ukraine vẫn giữ đất, tấn công giành đất nhờ viện trợ của Hoa Kỳ và Châu Âu. Kết thúc cuộc chiến khó thấy ở bàn hội nghị hơn là ở khả năng chỉ huy cuộc chiến.
Cuộc chiến Ukraine nay đã trở thành thứ chiến tranh toàn diện, có mục đích nhằm làm tiêu hao lực lượng của đối phương
Cho đến nay, Putin đã tận dụng võ lực, chỉ còn nguyên tử chiến thuật nữa mà thôi. Ukraine gồng hết mình phản công, can trường chiến đấu tới cùng để bảo vệ chủ quyền, bản sắc dân tộc và tự do. Về ý nghĩa chiến lược, cuộc chiến Ukraine là sự xung đột gay gắt, một mất một còn, giữa dân chủ và độc tài. Nó không chỉ nhằm vào Ukraine mà còn Châu Âu trong đó có Anh quốc. Nay nó đang lôi kéo vào cuộc cả Châu Á, Châu Phi và Trung Đông. Và làm vỡ tung những cơ chế và qui luật bảo vệ an ninh thế giới chống bạo lực đã có từ lâu.
Hoa Kỳ và Châu Âu, không ai chủ trương gây chiến nên trách nhiệm tàn phá đất nước Ukraine, với tội danh chống nhân loại là hoàn toàn ở Nga. Nhưng Putin vẫn khăng khăng cáo buộc Hoa Kỳ và Châu Âu gây chiến với Nga vì tích cực giúp Ukraine chống lại Nga. Điều này không đúng vì trước kia, Liên Xô và Trung Quốc cùng hùng hậu viện trợ quân sự và kinh tế cho Bắc Việt để xâm nhập đánh chiếm Miền Nam. Riêng Trung Quốc đã đưa 320.000 quân qua Hà Nội giúp bảo vệ Miền Bắc để quân cộng sản dồn lực lượng vào Nam, thế giới không lên tiếng tố cáo khối cộng sản tham chiến chống Việt Nam Cộng Hòa ? Nhưng dĩ nhiên không ai ngạc nhiên vì biết xưa nay bọn độc tài luôn luôn ăn nói bằng lưỡi gỗ !
Ảnh hưởng kinh tế
Chiến tranh Ukraine làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái tuy không phải bị cấm vận như Nga. Châu Âu và Hoa Kỳ bị lạm phát, vật giá gia tăng. Riêng Châu Âu, từ tháng 3 này, vật giá, nhất là thực phẩm bắt đầu tăng từ trên 10%. Hàng loạt ngành kỹ nghệ, như may mặc, đóng cửa. Nhưng Hoa Kỳ lại làm ăn khấm khá. Kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu phục hồi ở các ngành năng lượng, công nghệ cao, võ trang và nông nghiệp. Đồng Mỹ kim vẫn giữ vững quyền lực. Sức mạnh kinh tế và quân sự Hoa Kỳ đủ bảo đảm an ninh cho chính mình và cả đồng minh trong lúc này.
Trung Quốc có thể lợi dụng tình trạng Putin đang cầu cạnh Trung Quốc giúp đỡ kinh tế và quân sự để mua nhiên liệu giá rẻ và đưa người qua khai thác tài nguyên của Nga. Nhưng cái lợi này vẫn không đủ bù lại cái thiệt hại về kinh tế trong thời gian vừa qua do biện pháp Zéro Covid đem lại. Ngoài ra còn có những tai hại khác có tính cơ bản như dân số giảm mạnh và nhanh, kinh tế suy sụp, tăng trưởng xuống từ 9, 5% còn 3% (theo Nicolas Baverez, Le Point).
Xã hội Trung Quốc có hiện tượng bất ổn vì dân chúng cho rằng Tập, vì tham vọng làm Hoàng đế muôn năm, áp dụng đường lối của Mao mà đường lối của Mao đã hoàn toàn thất bại, dẫn đến cái chết thê thảm của hơn 80 triệu dân Trung Quốc.
Khi xâm chiếm Ukraine, Putin đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến. Ông ta tự giam mình trong ngõ cụt quân sự, tiêu hao tài lực, nhân lực cực kỳ trầm trọng. Viễn ảnh Liên bang Nga tan rã e khó tránh. Để thoát khỏi thảm cảnh này, Putin sẽ chấp nhận nạp mình cho Tập ? Và Tập sẽ cứu anh lính Putin với một cái giá nào đó ?
Cùng lúc cả Châu Âu cũng phải chia sẻ sự thiệt hại lớn do chiến tranh Ukraine gây ra : về khủng hoảng năng lượng, đón nhận hàng triệu người Ukraine tỵ nạn. Chiến cuộc Ukraine xảy ra, Châu Âu mới giật mình thấy mình bất lực trước sự hung hăng của đế quốc độc tài, lại phụ thuộc Nga về năng lượng giá rẻ, Trung Quốc về hàng dỏm giá rẻ, Hoa Kỳ công nghệ cao và an ninh. Nhưng có cái hay là ai cũng bắt đầu sáng mắt ra về việc trước giờ ham lợi bắt tay làm ăn với chế độ độc tài và giới tài phiệt tham nhũng mà quên mình.
Sau một năm chiến cuộc Ukraine, thực tế cho mọi người thấy là đế quốc đồ sộ và độc tài vẫn không phải là vô địch. Và dân chủ vẫn không phải suy yếu để biến mất như Tập và Putin từng rêu rao.
Thế giới thay đổi ?
Viễn ảnh kết thúc chiến tranh chưa thấy nhưng có điều chắc chắn là Ukraine, Nga, Châu Âu và cả thế giới sẽ không còn như ngày hôm qua nữa. Riêng Châu Âu, từ một năm nay, đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Quân đội Ukraine anh dũng chiến đấu, giữ được đất nước và còn lấy lại được một phần đất đã bị Nga cưỡng chiếm. Châu Âu và Hoa Kỳ viện trợ võ khí mới tăng cường sức mạnh cho Ukraine nhưng chừng nào cuộc chiến kết thúc vẫn còn trong dự đoán. Trong lúc đó Putin cương quyết, bằng mọi giá, phải giữ 2 vùng đất dã chiếm được ở phía đông. Nhưng lằn ranh đỏ nay đã thay đổi thuận lợi về phía Ukraine hơn làm cho thuyết "không có Ukraine" mà chỉ có "chủ thuyết về Ukraine" (Ukrainisme) mà thôi của Vladislav Surkov, lý thuyết gia của Putin, không còn đứng vững nữa.
Dân Ukraine đã ý thức rõ mình là dân của quốc gia Ukraine. Năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, toàn dân Ukraine đã chọn bản quốc ca để hùng hồn cùng xác nhận "Quốc gia Ukraine không chết đâu". Đúng như vậy vì ba mươi năm sau, qua nhiều biến cố, Ukraine trở thành một nước dân chủ thật sự, với một ông Tổng thống đắc cử minh bạch dưới sự kiểm soát quốc tế.
Trong cuộc chiến do Putin xâm chiếm, dân Ukraine tỏ ra đoàn kết, hi sinh và chiến đấu kiên cường để bảo vệ đất nước vẹn toàn. Điều này khác hẳn với dân Nga và quân đội của Nga. Do đó, một nhà ngoại giao Pháp nhận xét : "Cuộc chiến có kết thúc thế nào đi nữa, thì sự chiến đấu anh dũng của Ukraine cũng là một phần quan trọng làm nên lịch sử Châu Âu". Hôm 17/01/23, Bộ trưởng quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Rezhnikov, sau khi đón nhận những viện trợ quân sự mới của Châu Âu, đã hân hoan tuyên bố : "Chúng tôi trên thực tế đã là thành viên của NATO rồi".
Tuy có thắng lợi về quân sự, Ukraine vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài việc chưa biết chắc cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào, Ukraine sẽ phải đối phó với những hư hại vật chất do Putin chủ tâm tàn phá, ước tính lên tới 600 tỷ euros. Về nhân sự, có 40.000 người dân thiệt mạng, 100.000 binh lính tử trận. Không kể hằng triệu di dân tỵ nạn.
Về phía kẻ xâm lược, cuộc chiến Ukraine là cả sự thảm bại về mặt quân sự, kinh tế và địa chính (theo Steven Pifer, Brooking Institution, VA). Nhiều nhà phân tích khác cho rằng cuộc chiến tới nay đã làm hoen ố bộ mặt quân đội Nga, từ lâu có tiếng là cường quốc thứ nhì của thế giới, vì có mục tiêu bắt sống hoặc hạ sát Tổng thống Zelensky và chiếm Kiev chỉ trong vài hôm, nhưng đã hoàn toàn thất bại và bị đẩy lui xa. Trước kia, Putin bất ngờ chiếm được 25% lãnh thổ Ukraine, nay chỉ còn 15%. Quân đội Nga bị thế giới buộc tội vi phạm luật chiến tranh và Putin, tội ác chống nhân loại. Phải bị lôi ra Tòa án Quốc tế.
Châu Âu chỉ trong vài ngày sau khi Putin tiến chiếm Ukraine đã thấy cái trật tự cũ không còn nữa nên liền thay đổi nhận thức. Đức tách ra xa với Nga, võ trang và quyết định giúp quân sự cho Ukraine. Bruxelles đồng thời cũng nỗ lực giúp Ukraine và còn cam kết khi chiến tranh chấm dứt, sẽ giúp Ukraine tái thiết bằng tài sản của những nhà tài phiệt Nga thân Putin đang bị Châu Âu phong tỏa. Từ nay, Châu Âu có vai trò mới về mặt địa chính quan trọng và thực hữu.
Riêng Ba Lan đang trở thành một cường quốc quân sự của Châu Âu, có vai trò chủ động về an ninh cho Châu Âu. Hiện nay, Châu Âu cũng đang dựa vào thế mạnh của Ba Lan để hòng đối phó với Putin có thể xua quân khỏi Ukraine.
Khi Putin tiến hành xâm lược Ukraine là muốn mở rộng vùng an ninh lãnh thổ, đẩy xa biên giới NATO, nhưng kết quả lại trái ngược. Thấy Putin đánh chiếm Ukraine, lập tức Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, từ bỏ qui chế trung lập cố hữu cầu hòa với Nga. NATO từ nay có chính nghĩa để lớn mạnh và đảm nhiệm vai trò hàng đầu là ngăn chận sự bành trướng của Nga. NATO bảo đảm Nga không thể xâm lấn bất kỳ một nước thành viên nào của NATO được.
Tình bạn keo sơn như đá tảng
Tập và Putin cùng quả quyết cả hai "có nghĩa vụ bảo vệ nền dân chủ thứ thiệt, cùng xác nhận tình bạn không giới hạn và cả hai sẵn sàng hợp tác trong mọi địa hạt" (Thượng đỉnh Samarkand, 16/09/2022). Vì là bạn nên Tập đã không lên án Putin xâm lăng Ukraine ở Liên Hiệp Quốc. Sau bảy tháng thất bại liên tiếp ở Ukraine, Tập trấn an Putin là "ta cùng nhau đảm nhiệm vai trò cường quốc và lãnh đạo thế giới". Họ nói thật lòng vì cả hai đều chống cho bằng được vai trò lãnh đạo thế giới theo đường lối dân chủ tự do của Hoa Kỳ và Châu Âu.
Cựu Ngoại trưởng Nga, ông Igor Ivanov, đánh giá vai trò của Nga trong tình thế chiến lược mới "Nga nay không còn là sườn phía đông của một Châu Âu trên đà tan rã nữa mà trở thành sườn phía tây của Đại Âu-Á đang thành hình dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc". Một viễn ảnh mới khó tránh cho Hoa Kỳ là mối lo ngại sẽ phải đối đầu cùng lúc với cả 2 siêu cường nguyên tử.
Nhưng trước cuộc chiến Ukraine, Tập rút ra được bài học thế nào về giấc mơ thôn tính Đài Loan năm 2027 ? Hôm Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XX, Tập vẫn hung hăng tuyên bố "sẽ không từ bỏ ý định chiếm lấy Đài loan bằng võ lực". Vẫn vào năm 2027 thay vì 2035 như kế hoạch trước kia.
Nhưng theo học giả chuyên về Trung Quốc, Tai Ming Cheung của Viện IGCC ở San Diego, Hoa Kỳ, thì "Trung Quốc lập quân đội theo mô hình Liên Xô, mua võ khí của Moscow. Khi họ thấy quân đội Nga bị mất hàng trăm ngàn binh lính, tiêu hao hơn phân nửa võ khí, mà mục tiêu không đạt được, thì họ thấy khả năng quân sự của mình chắc không khá hơn". Hơn nữa, từ sau 1979, vụ dạy cho thằng em hư Việt Nam một bài học, quân đội Bắc Kinh chưa từng tham chiến trong một trận chiến gay go như ở Ukraine, nên những nhà quân sự Bắc Kinh phải đắn đo khi muốn đánh Đài Loan vì thua thì cái đảng cộng sản của họ sẽ tiêu vong.
Một trật tự mới ?
Theo học giả Ivan Krastev thì sau chiến tranh Ukraine, thế giới vẫn chưa có một trật tự mới, trái lại đó sẽ là một tình trạng mới vô trật tự. Chiến tranh kết thúc, các nhà ngoại giao, chuyên viên Liên Hiệp Quốc sẽ hỏi nhau chúng ta nên trở lại với một San Francisco mới chăng ? Như hồi 1945, để viết lại đầy đủ hơn qui luật điều hành thế giới. Vai trò của Liên Hiệp Quốc đã không còn hiệu lực nữa đối với các nhà cầm quyền độc tài như Putin và Tập.
Thực tế, muốn tái lập hòa bình, trước hết phải thắng cuộc chiến Ukraine. Sự xâm chiếm Ukraine của Putin phải bị trừng phạt. Muốn có kết thúc tốt đẹp, Hoa Kỳ và Châu Âu phải nỗ lực viện trợ cho Ukraine đầy đủ võ khí cần cho cuộc phản công trong những ngày tới. Chiến tranh Ukraine phải sớm kết thúc như Tổng thống Zelensky tuyên bố !
Nguyễn thị Cỏ May
Nguồn : Việt Báo, 05/03/2023
Tài liệu đàm phán Trung – Nga về vũ khí sát thương "bị lộ", Bắc Kinh tức giận
Trọng Thành, RFI, 05/03/2023
Một lần nữa chính quyền Mỹ gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Kinh bị cáo buộc có kế hoạch cấp vũ khí sát thương cho quân đội Nga tại Ukraine. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW hôm 04/03/2023 loan tin, Bắc Kinh đã "tức giận" về việc Moskva để lọt tài liệu về các thảo luận liên quan đến việc mua bán vũ khí.
Ảnh minh họa : Đạn pháo 155-mm. © AFP
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Washington, trong bản tin hàng ngày về tình hình chiến tranh Ukraine, đã dẫn lại thông tin từ báo Anh The Economist hôm 02/03, theo đó: ‘Trung Quốc giận giữ với điện Kremlin về việc nội dung các thảo luận song phương đang diễn ra về việc bán vũ khí đã bị lọt vào tay Hoa Kỳ". Một giới chức châu Âu gần gũi với hồ sơ này tiết lộ như trên. Cùng lúc đó, hôm 03/03/2023, báo Mỹ NBC News đưa tin hai quan chức Hoa Kỳ gần gũi với giới tình báo, xin ẩn danh, cũng đã khẳng định Bắc Kinh đang xem xét cấp vũ khí cho Nga.
Áp lực của Mỹ "dường như đã có hiệu quả"
Theo NBC News, đã có một số thảo luận trong nội bộ chính quyền Mỹ về việc giải mật một số tin tức tình báo liên quan đến dự định của Trung Quốc cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng giới lãnh đạo Mỹ đã quyết định tạm thời chưa làm, vì "tính nhạy cảm" của các nguồn cung cấp thông tin tình báo, và mục tiêu khi gửi tín hiệu đến Trung Quốc "dường như đã đạt kết quả", với việc Bắc Kinh chưa quyết định cấp vũ khí Nga.
Vẫn theo NBC News, hôm thứ Năm, 02/03, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, ông John Kirby, khẳng định tuy Trung Quốc không chính thức từ bỏ ý định bán vũ khí cho Nga, nhưng cũng không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị gửi vũ khí sát thương cho Moskva.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm ngoại trưởng Antony Blinken và giám đốc CIA Williams Burns, "đã công khai bày tỏ tin tưởng vào các tin tức tình báo và cảnh báo" Trung Quốc không được cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga. Bắc Kinh đã bác bỏ, gọi cáo buộc của Hoa Kỳ là "thông tin sai lệch". Theo một giới chức Hoa Kỳ, mục tiêu gây áp lực của chính quyền Biden là để Trung Quốc hiểu rằng không thể "tiếp tay" cho Nga "giết hại những người Ukraine vô tội".
Trọng Thành
*************************
Ukraine khẳng định đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Nga tại Bakhmut
Trọng Nghĩa, RFI, 05/03/2023
Chính quyền Ukraine hôm 05/03/2023 cho biết đã đẩy lùi được nhiều cuộc tấn công của quân đội Nga, đang cố gắng bao vây thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, mà Moskva cố đánh chiếm từ nhiều tháng nay.
Binh sĩ Ukraine trên xe tăng tại chiến tuyến gần Bakhmut, tỉnh Donetsk, ngày 04/03/2023. Reuters - Stringer
Theo hãng tin Pháp AFP, Bộ Tổng tham mưu Ukraine vào sáng nay khẳng định rằng "hơn 130 cuộc tấn công của kẻ thù" đã bị đẩy lùi trong ngày hôm qua, trong đó có những cuộc tấn công tại Kupiansk, Lyman, Bakhmut và Avdiivka, trong bối cảnh "kẻ thù vẫn cố bao vây Bakhmut", thành phố hiện gần như đã phá hủy hoàn toàn.
Vào hôm qua, ông Sergiy Cherevaty, phát ngôn viên lực lượng Ukraine, công nhận rằng tình hình tại Bakhmut rất "khó khăn nhưng vẫn được kiểm soát" cho dù đã biến thành "mục tiêu ưu tiên của kẻ thù".
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Mỹ, cũng ghi nhận việc chiến sự đang diễn ra xung quanh thành phố, đồng thời cảnh báo rằng các tuyến đường tiếp tế của Ukraine đang bị thu hẹp. Theo cơ quan nghiên cứu này: "Quân Nga có thể là đã có ý định bao vây các lực lượng Ukraine ở Bakhmut, nhưng bộ chỉ huy Ukraine đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẽ rút quân, thay vì mạo hiểm khi để bị bao vây".
Kể từ mùa hè vừa qua, Ukraine và Nga đã tranh giành quyết liệt thành phố Bakhmut, một thành phố đã trở thành biểu tượng, với việc Ukraine đã thề bảo vệ "pháo đài Bakhmut", trong lúc Nga lại quyết tâm chiếm lấy nơi được họ coi là một phần thưởng chính trị trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài.
Vào lúc mọi sự chú ý dồn vào Bakhmut ở miền đông Ukraine, thảm kịch vẫn xẩy ra ở nơi khác. Số người chết trong vụ Nga oanh kích vào một chung cư ở thành phố miền nam Zaporijjia, đã tăng lên 13 người.
Zaporijjia là một trong bốn khu vực - cùng với Donetsk, Lugansk và Kherson – bị Nga tuyên bố đã sáp nhập, nhưng chưa bao giờ kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, lực lượng Nga đã chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia kể từ ngày 4/3/2022.
Theo AFP, thị trưởng của Energodar, nơi có trung tâm hạt nhân, đã tố cáo Nga sử dụng nhà máy này như một "lá chắn hạt nhân" để bảo vệ quân đội và thiết bị của họ. Hôm qua, đến lượt tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đã bắt nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia làm "con tin" một năm trước đây và biến "địa bàn của (nhà máy điện) thành nơi huấn luyện quân sự trên thực tế".
Trọng Nghĩa
************************
Ukraine cần thêm vũ khí để cân bằng lực lượng với Nga
Thu Hằng, RFI, 04/05/2023
Thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine "gần như bị bao vây" sau khi quân Nga tung chiến dịch tấn công ba trục ở phía bắc thành phố. Ngày 03/03/2023, ông chủ tập đoàn bán quân sự Wagner cho biết "hiện chỉ còn một con đường" ra khỏi thành phố, nối với thị trấn Tchassiv Yar cách Bakhmut 4 km về phía tây. Bị lép vế về số quân và vũ khí, Ukraine sắp để mất thành phố chiến lược, hiện còn 4.500 người dân, vào tay Nga.
Binh sĩ Ukraine lái xe tăng tới thành phố Bakhmut. Ảnh chụp ở Tchassiv Yar, Ukraine ngày 02/03/2023. Reuters – Lisi Niesner
Thông báo của Mỹ viện trợ thêm 400 triệu đô la đạn dược là tin vui, nhưng quân Ukraine trực chiến muốn được các nước phương Tây cũng cấp vũ khí nhiều hơn vì đó là cách duy nhất để có thể cân bằng lực lượng với Nga.
Đặc phái viên Vincent Souriau và Julien Boileau tường trình từ Kramatorsk :
"Khi một lữ đoàn Ukraine có được xe tăng Abrams, mẫu mới nhất của Mỹ, thì dĩ nhiên đạn trái phá bay xa hơn, nhanh hơn cả vài năm ánh sáng so với loại xe tăng cổ lỗ thời Liên Xô. Nòng pháo nhẹ hơn, dễ hướng dẫn và điều khiển hơn. Không nghi ngờ gì, vũ khí phương Tây hơn hẳn về hiệu suất quân sự.
Nhưng người ta đang nói đến việc đối đầu với Nga về số lượng. Đúng, là dù quân Nga cũng gặp vấn đề về thiết bị quân sự, nhưng họ vẫn còn dự trữ đạn dược, vài tấn vũ khí thời Liên Xô. Điều mà lính Ukraine nói với chúng tôi, đó là họ bị lấn át về số lượng. Trước khi có thiết bị mới, họ chỉ mơ có được vũ khí, kể cả những chiếc xe tăng chỉ bắn xa được 4 hoặc 5 km, nhưng hiện giờ họ cũng có ít hơn rất nhiều.
Vẫn theo những quân nhân Ukraine, "nếu chúng tôi có nghìn chiếc thì chúng tôi đã có khả năng kháng cự". Hiện giờ, họ chẳng có chất lượng, cũng như khối lượng".
Vào lúc Nga thắng thế ở Bakhmut, ngày 04/03, bộ Quốc Phòng Nga cho biết là bộ trưởng Serguei Choigou đã đến thị sát "một trạm chỉ huy" về "phía Nam Donetsk" ở miền đông Ukraine. Còn tại miền nam Ukraine, số người chết trong vụ Nga oanh kích đêm 02/03 vào một khu chung cư ở thành phố Zaporijjia đã lên đến 7 người. Đội cứu hộ cứu được 11 người và tiếp tục tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát.
Trên mặt trận tư pháp, ngày 03/03, chưởng lý Ukraine thông báo một văn phòng của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) sắp được mở ở Kiev để xét xử các nhà lãnh đạo Nga chịu trách nhiệm gây chiến ở Ukraine. Công tố viên Karim Khan của CPI cũng đến nhiều khu vực ở miền nam Ukraine trong khuôn khổ cuộc điều tra về các vụ trẻ em Ukraine bị đưa sang Nga.
Thu Hằng
**************************
Mỹ cấp thêm 400 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine bất chấp cảnh báo của Nga
Trọng Nghĩa, RFI, 04/03/2023
Nhân chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 03/03/2023 đã loan báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 400 triệu đô la, qua đó tái khẳng định hậu thuẫn của phương Tây đối với Kiev.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 03/03/2023. AP - Susan Walsh
iện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine rất quan trọng trong việc giúp Kiev chống lại các cuộc tấn công của quân đội Nga và thậm chí giành lại lãnh thổ, và khoản viện trợ mới của Mỹ lần này bao gồm đạn dược, đặc biệt là pháo phản lực cho hệ thống tên lửa Himars có tác dụng tàn phá dữ dội đối với quân đội và đường tiếp tế của Nga.
Thông báo chi viện cho Kiev được tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh điện Kremlin cho rằng viện trợ như vậy sẽ chỉ "kéo dài cuộc xung đột và gây ra những hậu quả đáng buồn cho người dân Ukraine".
Theo thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington, một lần nữa, Hoa Kỳ chứng tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga :
"Đây là lần thứ 33 mà Hoa Kỳ lấy vũ khí từ kho dự trữ của mình để giúp đỡ Ukraine, với trị giá lên đến 400 triệu đô la. Khoản viện trợ chủ yếu bao gồm đạn dược, thứ mà quân đội Ukraine đang rất cần trong các cuộc đấu pháo với lực lượng Nga, từ các tên lửa dành cho bệ phóng Himars, các loại đạn đại bác 155 mm và các loại đạn khác dành cho xe thiết giáp Bradley mà Mỹ đã gửi qua Ukraine.
Khi tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden dĩ nhiên đã thảo luận về vấn đề viện trợ xe tăng phương Tây cho Ukraine, và một lần nữa, ông đã cảm ơn thủ tướng Đức về quyết tâm ủng hộ Ukraine cả về chính trị, tài chính lẫn quân sự, với việc cung cấp xe tăng Leopard 2.
Quyết định viện trợ xe tăng cho Kiev không phải là đã đạt được một cách dễ dàng, và đã phải mất rất nhiều cuộc thảo luận và trao đổi. Joe Biden hoan nghênh những thay đổi lớn tại Đức, đặc biệt trong mối quan hệ về năng lượng với Nga từ một năm nay sau vụ xâm lược Ukraine.
Đối với tổng thống Mỹ, quyết định tăng viện cho Ukraine cũng là một thông điệp gửi đến công luận Mỹ và những người đang thắc mắc về mức độ và tính chất tự động của viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine".
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bất ngờ ghé Ukraine
Ngoài việc tăng cường viện trợ quân sự, Hoa Kỳ còn ủng hộ Ukraine trong những lĩnh vực khác. Vào hôm qua, bộ trưởng tư pháp Mỹ Merrick Garland đã bất ngờ đến Ukraine để tham dự một hội nghị về tội ác chiến tranh và công lý.
Phát biểu tại Lviv, thành phố miền tây Ukraine nơi tổ chức hội nghị, ông Garland đã "tái khẳng định quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra trong cuộc xâm lược vô cớ chống lại nước láng giềng có chủ quyền của mình".
Trọng Nghĩa
Bakhmut sẽđược ghi như một trận đánh lịch sử trong chiến tranh Ukraine, chỉ vì trận chiến đã kéo dài đến chín tháng. Quân Nga bắt đầu tấn công Bakhmut, rồi để cho nhóm Wagner làm chủ chiến trường. Chính đạo quân lính đánh thuê này đã làm cho trận đánh nổi tiếng biến Bakhmut thành cái "máy xay thịt".
Bakhmut vốn là một thành trì vùng biên ải, với một truyền thống đối kháng, trong lịch sử từng được người Cossack phòng ngự chống quân Nga hoặc quân Serbia.
Quân đội Ukraine từ tuần trước đã nói có thể rút khỏi Bakhmut. Ngày thứ Năm 2/2, toán sử dụng máy bay không người lái (drone) cho biết đã được lệnh đưa tất cả ra ngoài.
Thành phố 70 ngàn dân này không phải là một địa điểm chiến lược, chỉ mở một con đường nhỏ tới Severodonetsk và Lysychansk ở phía Bắc. Nhưng nếu muốn tấn công hai thành phố lớn đó, quân Nga có thể dùng đường khác, không cần qua Bakhmut.
Bakhmut cũng không có một kho vũ khí hay chiến cụ nào. Chỉ có một mỏ muối nằm ở phía Bắc, đã ngưng hoạt động, và hầm rượu Artwinery rộng lớn chứa 50 triệu chai rượu chát mà Yevgeny Prigozhin, lãnh tụ nhóm Wagner mới đứng chụp hình ở cửa hầm để khoe chiến công. Có lẽ hầm rượu này là một lý do Prigozhin tấn công Bakhmut vào tháng Năm năm ngoái. Bán rẻ mỗi chai 5 đô la cũng kiếm được nửa tỷ mỹ kim !
Prigozhin đánh Bakhmut cũng vì đang tranh giành ảnh hưởng với các tướng lãnh Nga ; muốn chứng tỏ quân Wagner mạnh hơn những tân binh quân dịch không được huấn luyện, tinh thần uể oải và thiếu vũ khí, trong quân đội Nga. Trong 8 tháng cuối của năm 2022 đã có 4.000 quân Wagner chết, phần lớn là cựu tù nhân Nga chịu ra trận làm bia đỡ đạn để được xóa án. Nhiều tù nhân đã chết trước khi được trả lương, hơn 1.000 mỹ kim một tháng, theo báo The Guardian. Quân Ukraine cũng tổn thất, nhưng họ di tản những binh sĩ bị thương và thi hài. Quân Nga thì không. Prigozhin còn dùng hình ảnh xác lính Wagner để phản đối các tướng Nga không cung cấp đủ súng đạn. Ngày thứ Sáu 3/3, Yevgeny Prigozhin đã đứng trên một nóc nhà ở Bakhmut quay chiếu video, tuyên bố thành phố này đã bị bao vây ba mặt.
Viện binh Ukraine đưa tới Bakhmut gần đây rất nhỏ, trong đó không có những toán quân đã được huấn luyện ở Anh hay Đức, có thể sử dụng những vũ khí mới. Cũng không đưa tới những thiết giáp M-2 của Mỹ, Challenger 2 của Anh, Leopard 1 và Leopard 2 do Đức, Ba Lan và Canada tặng, hoặc xe tải quân CV-90 của Thụy Điển mới được viện trợ. Họ cố ý dè dặt để bảo toàn lực lượng ở hậu cứ, chuẩn bị các trận lớn sắp tới.
Ukraine đã báo trước có thể rút quân. Thành phố không có điện, không nước, dân chạy gần hết, chỉ còn 5.000 người già cả, họ dùng nước suối và kiếm củi đốt để sưởi. Trong những ngày sắp tới, quân Ukraine hoặc sẽ rút lui trên con đường duy nhất còn lại, hoặc cố cầm cự để quân Nga tiêu hao lực lượng càng lâu càng tốt, chờ đến khi băng tuyết tan hết sẽ mở cuộc tổng phản công mùa Hè.
Một ưu điểm của quân Ukraine là tinh thần binh sĩ vững vàng, kỷ luật chặt chẽ, họ sẵn sàng hy sinh, chiến đấu. Tướng Oleksandr Syrsky, tổng chỉ huy mặt trận miền Đông đã vào trong Bakhmut cổ động tinh thần binh sĩ, mặc dù đã có kế hoạch triệt thoái. BáoNew York Times điện thoại với Yuriy Syrotyuk, một chiến binh 46 tuổi ở trong Bakhmut. Anh phụ trách khẩu súng phóng lựu MK-19 của Mỹ, than rằng đang hết đạn, "Đáng lẽ mỗi ngày tôi bắn 300 trái lựu đạn, như hồi mùa Hè, bây giờ cấp chỉ huy chỉ cho phép bắn 5 đến 10 trái. Có lúc tôi nhìn thấy quân địch, nhưng không có gì để bắn".
Bakhmut vốn là một thành trì vùng biên ải, với một truyền thống đối kháng, trong lịch sử từng được người Cossack phòng ngự chống quân Nga hoặc quân Serbia. Hai phần ba dân là người Ukraine, nhưng đa số nói thông thạo tiếng Nga. Khi Ukraine bị nhập vào Liên bang Xô Viết, Bakhmut bị đổi thành Artemivsk, tên một đảng viên cộng sản, một pho tượng Lenin lớn được dựng lên. Năm 2014, quân Nga bị đánh ra khỏi thành phố, tượng Lenin bị phá, tên Bakhmut được dùng lại.
Các tướng lãnh và Bộ quốc phòng Nga đã bị quân Ukraine dùng kế khiêu dụ đổ quân vào cái bẫy Bahkmut làm chết hàng ngàn lính, khi chiếm được sẽ thấy không được ích lợi chiến lược nào !
Khi quân Ukraine rút đi, Nga sẽ được làm chủ một thành phố nhỏ không còn dân chúng, không còn đời sống, kinh tế trống rỗng. Đổi lại, quân Nga và lực lượng Wagner chết quá nhiều. Chiếm đóng Bakhmut không có ích lợi gì cho Nga trước cuộc tổng phản công mùa Hè Ukraine đang chuẩn bị.
Có lẽ đó chính là mưu thuật của quân đội Ukraine. Họ dùng Bakhmut làm một cái bẫy thu hút đối phương đưa quân đến đó chết, tiêu hao lực lượng. Khi quân Ukraine bắt đầu mở cuộc tổng phản công với các chiến xa và vũ khí mới, các đạo quân Nga đã mệt mỏi, kiệt quệ vì ham đánh chiếm Bahkmut.
Mùa Hè năm ngoái, Ukraine đã dùng một chiến thuật tương tự ở Severodonetsk và Lysychansk, cách 40 cây số về phía Bắc Bahkmut. Quân Nga đã tấn công hai thành phố này, số binh sĩ tổn thất quá nặng. Đến tháng Tám, quân Ukraine phản công, quân Nga thua, bỏ súng chạy, tỉnh Kharkiv được giải phóng.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 04/03/2023