Tập đoàn quân sự Miến Điện và liên minh ba lực lượng nổi dậy miền đông bắc bắt đầu đàm phán nhằm tìm một "giải pháp chính trị" cho xung đột qua trung gian của Trung Quốc. Trên đây là thông báo của phát ngôn viên tập đoàn quân sự hôm qua, 11/12/2023. Cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng xác nhận thông tin này
Ảnh do truyền thông của phiến quân phổ biến : Quân nổi dậy kiểm tra vũ khí thu được từ quân đội chính phủ Miến Điện tại một địa điểm ở bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023. AP
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn quân sự, tướng Zaw Min Tun, phát biểu trên truyền hình, cho biết là đã tiếp xúc với đại diện cả ba lực lượng thuộc liên minh "Three Brotherhood" và "một cuộc đàm phán khác sẽ được tổ chức vào cuối tháng này". Phát ngôn viên tập đoàn quân sự nhấn mạnh là đàm phán được tổ chức với sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể.
Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh khẳng định "tin tưởng việc xuống thang ở miền bắc Miến Điện là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên và sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Trung Quốc-Miến Điện". Ông thông báo Trung Quốc "sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ" để các đàm phán đạt được "kết quả tích cực".
Liên minh lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông báo
Hiện tại, liên minh ba lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông tin chính thức về cuộc đàm phán nói trên, theo hãng tin Mỹ AP. Nhà quan sát Ye Myo Hein, Trung tâm Wilson và Viện Hòa bình Mỹ, được The Diplomat hôm nay dẫn lại, cho biết do có sự "can thiệp của Trung Quốc", Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (Myanmar National Democratic Alliance Army-MNDAA), thuộc sắc tộc Kokang, một trong ba lực lượng nổi dậy, đã chấp nhận "ngừng bắn tạm thời với quân đội chính phủ ở Kokang (khu tự trị thuộc bang Shan) cho đến ngày 30/12". Chuyên gia này cho biết thêm, dù đã có "các cuộc đàm phán gần đây với quân đội Miến Điện tại Trung Quốc", hai lực lượng nổi dậy còn lại : Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (Ta'ang National Liberation Army-TNLA) và Quân đội Arakan (Arakan Army-AA) vẫn tiếp tục chiến đấu.
Theo giới quan sát, liên minh ba lực lượng nổi dậy đã mở chiến dịch quân sự từ ngày 27/10, gây khó khăn chưa từng có cho tập đoàn quân sự Miến Điện kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021. Phe nổi dậy cho biết đã chiếm được hơn 200 đồn bốt, và 4 cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc. Theo nhà báo Sebastian Strangio chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, tranh thủ thời gian hưu chiến, tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ "tập hợp lực lượng bảo vệ một số khu vực tại bang Shan hiện còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ và có thể chuẩn bị cho cuộc phản công mang tính chất quyết định chống lại liên minh ba lực lượng nổi dậy".
Trọng Thành
Bộ ngoại giao Thái Lan ngày 08/12/2023 cho biết Thái Lan và láng giềng Miến Điện đang bị nội chiến sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tăng cường công tác hỗ trợ nhân đạo cho những người phải sơ tán do giao tranh và có thể mở rộng lực lượng đó để bao gồm các cơ quan viện trợ khác.
Một trung tâm tiếp nhận người Karen tị nạn dọc vùng biên giới Thái – Miến / Gavroche
Theo hãng tin Anh Reuters, quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm phụ trách cứu trợ này đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng Miến Điện Than Swe do tập đoàn quân sự bổ nhiệm với người đồng cấp Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara tại một cuộc họp của khối Hợp tác Mekong-Lancang ở Trung Quốc.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định rằng : "Phía Miến Điện sẽ sớm cử một nhóm công tác tới Thái Lan để thảo luận về vấn đề này". Về phía Miến Điện, thái độ thận trọng hơn. Bộ ngoại giao Miến Điện xác nhận rằng cuộc họp đã diễn ra nhưng không đề cập đến lực lượng đặc nhiệm nhân đạo.
Trong thông cáo của mình, phía Thái Lan còn bày tỏ hy vọng rằng kế hoạch đó sẽ mở ra một tiến trình hợp tác mang tính xây dựng giữa chính quyền quân sự cầm quyền tại Miến Điện, khối Đông Nam Á ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Chính quyền quân sự Miến Điện hiện bị khối ASEAN tẩy chay vì không thực hiện kế hoạch hòa bình mà họ đã đồng ý sau cuộc đảo chính.
Chiến sự đã bùng lên dữ dội ở các khu vực biên giới của Miến Điện từ khi một liên minh các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã mở các cuộc tấn công phối hợp đánh vào quân đội và các cơ sở chính phủ, khuyến khích lực lượng kháng chiến ủng hộ dân chủ nhắm vào lực lượng an ninh ở những nơi khác.
Tình hình chiến sự bùng lên vào cuối tháng 10 đã khiến cho hơn 300.000 người dân phải tản cư, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc. Hai láng giềng Thái Lan và Trung Quốc ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị làn sóng người tị nạn tràn ngập.
Trọng Nghĩa
Hôm 05/12/2023, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện kêu gọi các lực lượng vũ trang một số sắc tộc thiểu số đàm phán để tìm "giải pháp chính trị". Đối lập vũ trang Miến Điện bác bỏ kêu gọi của tập đoàn quân sự.
Chiến binh Quân đội Giải phóng Nhân dân giao tranh với quân đội Miến Điện gần Sagaing, Miến Điện, ngày 23/11/2023. Reuters - Stringer
Theo Reuters, ông Kyaw Zaw, phát ngôn viên của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (National Unity Government - NUG), lực lượng kháng chiến chống đảo chính, ngay lập tức đã bác bỏ kêu gọi của lãnh đạo tập đoàn quân sự. Người phát ngôn của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc khẳng định : "Tập đoàn quân sự đang thất bại nặng trên thực địa vì vậy họ phải cố gắng tìm lối thoát. Sẽ có đối thoại thực sự, nếu quân đội đảm bảo không còn đóng vai trò gì trong chính trị nữa, và chấp nhận dưới quyền một chính phủ dân cử".
Theo giới quan sát, tướng Min Aung Hlaing đưa ra lời kêu gọi vào lúc giới tướng lĩnh Miến Điện đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc đảo chính đầu 2021. Liên minh ba lực lượng vũ trang của một số sắc tộc thiểu số ("Three Brotherhood") - mở nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn từ cuối tháng 10, chủ yếu là ở một số khu vực biên giới với Trung Quốc – đặt mục tiêu đánh đổ tập đoàn quân sự, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính.
Lực lượng Tự vệ của Nhân dân (FDP), của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, nhân bối cảnh này, cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào quân đội tại miền bắc và miền đông. Hồi tuần trước, các thành viên của FDP cho AFP biết đã kiểm soát được một phần thủ phủ bang miền đông Kayah, giáp biên giới với Thái Lan. Hãng tin Anh Reuters, dẫn một số nguồn từ Liên Hiệp Quốc, cho hay tổng cộng hơn 500.000 người dân đã phải sơ tán trên khắp cả nước, do chiến sự. Hơn 250 dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng kể từ đầu chiến dịch quân sự nói trên.
Trọng Thành
Đang phải vất vả đối phó với các nhóm vũ trang thuộc ba sắc tộc thiểu số ở miền đông bắc, giáp giới với Trung Quốc, tập đoàn quân sự Miến Điện từ nhiều ngày qua đã phải chống lại các cuộc tấn công của chiến binh thuộc sắc tộc Karen ở miền đông nam, gần biên giới Thái Lan. Theo lời chứng của cư dân tại chỗ và hình ảnh lưu truyền trên mạng, vào hôm qua, 01/12/2023, giao tranh đã diễn ra dữ dội trên một trục lộ giao thương chính nối liền Miến Điện với Thái Lan.
Các thành viên của lực lượng phiến quân Miến Điện trên một chiếc xe bọc thép tịch thu được từ quân đội Miến Điện tại bang Shan, ngày 24/11/2023. © AP/Kokang online media,
Theo hãng tin Pháp AFP, ngay từ sáng sớm, các tay súng của Liên Minh Dân Tộc Karen (KNU) đã đụng độ với quân đội tại thị trấn Kawkareik, nằm ở phía đông bang Karen ngay bên cạnh Thái Lan.
Đây là một thị trấn nằm trên Xa Lộ Châu Á nối trung tâm thương mại Myawaddy ở biên giới Thái Lan với thành phố lớn nhất Miến Điện là Rangoon. Chiến sự đã khiến giao thông bị tắc nghẽn và khiến nhiều người dân phải bỏ chạy để tìm nơi trú ẩn.
Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carole Isoux tường trình :
"Thị trấn Kawkareik, cách biên giới Thái Lan khoảng 20 km, là nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh dữ dội : Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khoảng 15 chiếc xe tải nằm bất động trên một trục giao thông được mệnh danh là Xa lộ Châu Á, nối liền Rangoon, thành phố chính của Miến Điện, với Bangkok, thủ đô Thái Lan. Trên ảnh, người ta thấy những cột khói bốc lên và người dân đang cố tìm cách lánh nạn trong những nơi trú ẩn.
Đụng độ bùng lên giữa tập đoàn quân sự Miến Điện với các tay súng thuộc lực lượng Quân Đội Karen, một nhóm sắc tộc thiểu số đã chiến đấu chống lại tập đoàn quân sự Miến Điện từ nhiều thập kỷ. Giao tranh đã nổ ra ở khu vực miền đông nam này từ vài tuần trước đây, nhưng đã bị tình hình chiến sự dữ dội tại vùng giáp giới với Trung Quốc ở phía đông bắc đất nước làm cho lu mờ.
Chính quyền quân sự Miến Điện, với quân số ngày càng ít đi và trẻ hơn như được thấy trên hình ảnh được đăng tải trên mạng, giờ đây đang phải đối mặt với ít nhất ba mặt trận phối hợp ở miền Đông Bắc, Tây Bắc và miền Đông.
Bất chấp đà xích lại gần hơn với chính phủ dân chủ Miến Điện lưu vong NUG, các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau đó hiện đang chủ yếu đấu tranh dưới danh nghĩa của riêng họ, với những yêu cầu đáng kể về quyền tự chủ và kiểm soát cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của các khu vực nơi họ sinh sống".
Không chỉ có các nhóm vũ trang của người Karen là đã tham gia phong trào nổi dậy các cuộc tấn công tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo hãng tin Pháp AFP, tại bang Kayah, từ nhiều tuần lễ nay, các chiến binh của Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân (PDF) thuộc phong trào dân chủ Miến Điện, cũng đã tung ra những cuộc tấn công nhằm chiếm lấy thành phố Loikaw, thủ phủ của bang, nơi có khoảng 50.000 cư dân sinh sống.
Chiến sự gay gắt đến mức mà chính lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tướng Min Aung Hlaing phải thừa nhận rằng các cuộc tấn công rất dữ dội, trong lúc phía Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân cho biết là đã có đến 70% cư dân Loikaw phải chạy đi nơi khác để lánh nạn.
Trọng Nghĩa
Tại Rangoon, thủ phủ văn hóa của Miến Điện, đã diễn ra một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Chủ nhật 19/11/2023. Người biểu tình tập hợp trước sứ quán Trung Quốc, lên án Bắc Kinh "can thiệp vào công việc nội bộ" của Miến Điện, hậu thuẫn một số sắc tộc thiểu số nổi dậy. Theo mạng truyền thông độc lập Miến Điện Irrawady, đây là "lần đầu tiên" có một cuộc biểu tình lên án Trung Quốc, được giới tướng lĩnh quân sự "bật đèn xanh".
Vũ khí lực lượng nổi dậy thuộc sắc tộc Kokang (gốc Hoa) thu giữ của quân đội Miến Điện ở thị trấn Kunlong, ngày 12/11/2023. AP
Tham gia vào cuộc biểu tình có các thành viên của đảng Liên minh các Sư tăng Yêu nước (Patriotic Monks Union) ở Rangoon, và Tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Miến Điện (Myanmar Nationalist Organization), hai tổ chức thân tập đoàn quân sự. Theo Irrawady, nhà sư dân tộc chủ nghĩa Pyinya Wuntha, thuộc Liên minh các Sư tăng Yêu nước, khẳng định là người dân Miến Điện biết Trung Quốc đang trang bị vũ khí cho nhiều lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số và PDF, tức lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ dân sự bị lật đổ.
Những người biểu tình đe dọa sẽ "trả thù", nếu Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các lực lượng nổi dậy "hủy hoại Miến Điện". Nhóm biểu tình cũng tố cáo Trung Quốc mua kim loại hiếm từ các lực lượng nổi dậy miền bắc Miến Điện, "với giá rất rẻ mạt". Trước đó, lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing, trong một phiên họp khẩn hôm 08/11, đã tố cáo liên minh nổi dậy đã sử dụng drone quân sự mua của Trung Quốc để tấn công quân đội Miến Điện.
Theo Irrawady, những người thuộc phe dân tộc chủ nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quân đội trước và sau cuộc đảo chính năm 2021, nhưng tập đoàn quân sự chưa từng cho phép biểu tình gần sứ quán Trung Quốc. Lần gần nhất có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần sứ quán là vào tháng 2/2021, để lên án Trung Quốc "không lên án đảo chính".
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua diễn ra trong bối cảnh phe nổi dậy mở chiến dịch quân sự chưa từng có kể từ cuộc đảo chính 2021. Theo giới quan sát, sau ba tuần chiến dịch, các lực lượng của liên minh "Three Brotherhood Alliance" (tạm dịch là "Liên minh Ba anh em"), bao gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA - Ta’ang National Liberation Army), Quân đội Arakan (AA - Arakan Army) và Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA - Myanmar National Democratic Alliance Army), cùng lực lượng PDF (People's Defense Force), đã chiếm được tổng cộng hơn 150 đồn bốt của tập đoàn quân sự, và nhiều phương tiện quân sự hạng nặng như xe tăng, pháo.
Ngày 17/11/2023, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin tập đoàn quân sự Miến Điện đã bắt vài chục người và sát hại nhiều thường dân ở bang Rakhine, miền tây bắc Miến Điện trong các cuộc giao tranh với phiến quân sắc tộc thiểu số Quân đội Arakan (Army Arakan). Chính quyền quân sự hiện phải đối đầu với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận ở miền bắc Miến Điện.
Ảnh minh họa tháng 05/2023 : Tun Myat Naing, chỉ huy lực lượng Quân đội Araka, một trong ba lực lượng tham gia Liên minh Huynh đệ chống tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện. Reuters - Soe Zeya Tun
Thông tín viên RFI Carol Isoux tường trình Rangun :
"Thỏa thuận ngừng bắn giữa tập đoàn quân sự Miến Điện và lực lượng Quân đội Arakan hùng hậu đã bị phá vỡ. Quân đội Arakan là lực lượng đông nhất và được phối hợp tốt nhất trong số các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số ở Miến Điện.
Ngôi làng Pauktaw, cách biên giới Bangladesh khoảng 60 km, đã bị oanh kích. Nhiều người dân tại đây cho biết khoảng 50 người đã bị bắt, rất nhiều người bị thiệt mạng, nhưng chưa có con số chính xác. Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân đạo, hơn 26.000 người được cho là đã phải di tản vì các trận giao tranh trong vùng, vốn vẫn hứng chịu các cuộc đối đầu thường xuyên từ nhiều thập niên qua, đã chứng kiến vụ thảm sát và làn sóng di cư sang Bangladesh của cộng đồng thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo năm 2017.
Tập đoàn quân sự hiện phải đối đầu với nhiều mặt trận được phối hợp với nhau ở miền bắc Miến Điện bởi vì từ hơn một tháng qua, các trận giao tranh diễn ra dữ dội ở khu vực đông bắc sát biên giới với Trung Quốc. Lực lượng Quân đội Arakan cũng tham gia các trận giao tranh này.
Chiến lược của các nhóm vũ trang đối lập là bào mòn và phân tán lực lượng của tập đoàn quân sự. Họ cũng thông báo xích lại gần với chính phủ dân chủ Miến Điện lưu vong. Hiện giờ, những nhóm vũ trang này hành động chủ yếu trên danh nghĩa của họ, đòi tự chủ và quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở địa phương".
Liên Hiệp Quốc kêu gọi đối xử "nhân đạo" với lính Miến Điện bị bắt
Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, cho biết theo dõi sát sao tình hình ở Miến Điện kể từ khi các lực lượng vũ trang gia tăng tấn công ở miền bắc nước này từ cuối tháng 10. Ngày 17/11, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quân nhân Miến Điện bị các lực lượng chống tập đoàn quân sự bắt giữ phải được đối xử "nhân đạo".
Trước tình trạng diệt chủng người Rohingya, sáu nước Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Pháp, Anh và Đức muốn có một chương trình hoạt động nhân đạo ở Miến Điện. Đề xuất của sáu nước được Tòa Án Hình Sự Quốc Tế La Haye nêu trong thông cáo ngày 16/11.
Thu Hằng
Miến Điện : Phiến quân tấn công ở phía tây, tìm cách kiểm soát vùng biên giới với Ấn Độ
Minh Anh, RFI, 14/11/2023
Chính quyền quân sự Miến Điện đang đối mặt với thách thức lớn chưa từng có từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Các lực lượng chống chính quyền từ hôm qua, 13/11/2023, mở các cuộc tấn công nhắm vào các đồn lính ở hai bang miền tây là Chin và Rakhine, giáp giới với Ấn Độ.
Doanh trại của tổ chức Mặt trận Quốc gia Chin ở khu vực biên giới Ấn Độ-Miến Điện, bang Mizoram, Ấn Độ, ngày 13/03/2021. Reuters – Rupak de Chowdhuri
Phó chủ tịch Mặt trận Quốc gia Chin (CNF) Sui Khar cho biết đã kiểm soát được hai trại lính bang Chin, giáp với biên giới Ấn Độ. Theo giới chức địa phương, sau nhiều giờ giao tranh, khoảng 43 binh sĩ Miến Điện đã ra đầu hàng cảnh sát Ấn Độ và hiện đang trú ẩn ở Mizoram.
Liệu số lính này có sẽ bị trả về hay không, một quan chức Ấn Độ ở Mizoram nói đang chờ chỉ thị từ chính quyền trung ương. Bộ Nội Vụ liên bang Ấn Độ không bình luận gì theo đề nghị của hãng tin Anh.
Reuters cho biết, người dân địa phương ở Mizoram ủng hộ cuộc nổi dậy của người Chin, một phần do quan hệ sắc tộc chặt chẽ. Đây cũng là khu vực tị nạn của nhiều nhà lập pháp liên bang và các bang, sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Còn tại bang Rakhine, ở miền nam, giao tranh giữa quân đội Arkan (AA) nổ ra gần như trong toàn vùng. Nhóm lực lượng vũ trang đòi quyền tự chủ cho Rakhine đã chiếm giữ nhiều đồn quân sự ở thị trấn Rathedaung và Minbya.
Theo lời một người dân ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, xe tăng quân đội Miến Điện xuất hiện trên đường phố. Tập đoàn quân sự đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra đường sau 9 giờ tối và các doanh nghiệp phải đóng cửa trước 20 giờ 30 tối.
Hãng tin Anh nhắc lại, cuối tháng 10/2023, ba lực lượng dân tộc thiểu số mở các cuộc tấn công phối hợp chưa từng có, được đặt tên là "Chiến dịch 1027", bắt đầu từ việc xâm nhập vào các khu vực do quân đội kiểm soát ở biên giới với Trung Quốc tại bang Shan. Nhiều thị trấn và hơn 100 đồn bốt quân sự được cho là đã rơi vào tay phiến quân Miến Điện. Các cuộc giao tranh ở phía bắc bang Shan hiện vẫn đang tiếp tục.
Minh Anh
**************************
Miến Điện : Máy bay chiến đấu rơi, phe nổi dậy tự nhận trách nhiệm
Thùy Dương, RFI, 12/11/2023
Chính quyền tập đoàn quân sự tiếp tục đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Sau khi để mất một thành phố chiến lược, hôm qua, 11/11/2023, một chiến đấu cơ của quân đội Miến Điện đã bị bắn hạ theo như khẳng định từ phe nổi dậy.
Binh sĩ Lực lượng phòng vệ dân tộc Karenni (KNDF) chống lực lượng vũ trang Tatmadaw, bang Kayah, miền đông Miến Điện, ngày 9/10/2022. © Siegfried Modola for The Globe and Mail
Theo Reuters, chiếc máy bay phản lực của quân đội Miến Điện bị rơi xuống bang Kayah ở miền đông, gần biên giới với Thái Lan. Trên mạng xã hội Facebook, Lực lượng phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF) khẳng định đã bắn hạ chiếc máy bay này trong một cuộc giao tranh với quân đội diễn ra hôm thứ Bảy bằng súng máy hạng nặng và các thành viên của họ đang truy tìm viên phi công.
Còn theo phát biểu từ phát ngôn viên của chính quyền tập đoàn quân sự, Zaw Min Tun, trên kênh truyền hình nhà nước MRTV, chiếc máy bay này bị rơi vì sự cố kỹ thuật, các phi công đã nhảy dù an toàn và đã liên lạc được với quân đội.
Hãng tin Reuters khẳng định hiện chưa thể xác minh thông tin. Nhưng vụ việc này xảy ra vào lúc quân đội Miến Điện đang đối phó với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận từ khi các lực lượng dân tộc thiểu số và dân quân chống chính quyền tiến hành một cuộc nổi dậy mà giới phân tích an ninh đánh giá là có một sự phối hợp chưa từng có.
Tuần trước, tổng thống do quân đội bổ nhiệm cảnh báo Miến Điện có nguy cơ tan vỡ do không giải quyết cuộc nổi dậy một cách hiệu quả.
Xung đột ở bang Shan, phía đông bắc giáp với Trung Quốc, buộc hơn 50 ngàn người phải di tản. Nhiều tuyến đường thương mại chiến lược quan trọng bị cắt đứt và một số thị trấn bị chiếm giữ. Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên chấm dứt các hành động thù nghịch.
Liên minh nổi dậy cho biết đã chiếm giữ hơn 100 đồn quân sự. Các cuộc tấn công của phe này cũng đang diễn ra ở vùng Sagaing, miền trung Miến Điện, phía tây bang Shan.
Hàng trăm công nhân nước ngoài, trong đó có nhiều người là nạn nhân của tình trạng buôn người, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến, trong đó có cả công dân Việt Nam và Thái Lan. Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm qua cho biết có 200 công dân nước này đang chờ sơ tán "càng sớm càng tốt khi tình hình cho phép".
Theo nhận định từ AFP, cuộc tấn công bất ngờ do phe nổi dậy thực hiện ở phía bắc Miến Điện đã chặn hai đường giao thương chiến lược đến Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này, và đe dọa nguồn thu của tập đoàn quân sự.
Thùy Dương
************************
Máy bay chiến đấu Myanmar rơi trong giao tranh với phe nổi dậy
Reuters, VOA, 12/11/2023
Một máy bay chiến đấu của Myanmar đã bị rơi trong cuộc đụng độ giữa quân đội và một nhóm nổi dậy. Cả hai bên đều cho biết như vậy. Đây là một bước lùi nữa đối với chính quyền quân sự đang gặp phải thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của mình kể từ cuộc đảo chính vào năm 2021.
Trong ảnh chụp từ màn hình video này, một máy bay chiến đấu của Myanmar được nhìn thấy từ tỉnh Tak, Thái Lan, ngày 30/6/2022. (Ảnh tư liệu)
Chiếc chiến đấu cơ rơi xuống bang Kayah, miền đông Myanmar, gần biên giới với Thái Lan, hôm thứ Bảy trong cuộc giao tranh giữa quân đội và Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF). KNDF tuyên bố đã bắn hạ chiếc máy bay.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Zaw Min Tun nói với đài truyền hình nhà nước rằng chiếc máy bay phản lực bị rơi do sự cố kỹ thuật và các phi công đã nhảy dù thoát hiểm và đã liên lạc với quân đội.
Vụ việc xảy ra khi quân đội Myanmar đang giao tranh với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận, trong lúc các lực lượng của người dân tộc thiểu số và dân quân chống chính quyền tiến hành một cuộc nổi dậy mà các nhà phân tích an ninh nói là đang được thực hiện với mức độ phối hợp chưa từng có.
Tổng thống do quân đội dựng lên tuần trước nói rằng Myanmar có nguy cơ bị chia cắt do không giải quyết được cuộc nổi dậy một cách hiệu quả hơn.
Xung đột ở bang Shan, miền đông bắc giáp với Trung Quốc, đã khiến ít nhất 50.000 người phải sơ tán, các tuyến đường thương mại bị cắt đứt và một số thị trấn bị phe nổi dậy chiếm giữ kể từ khi ba nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số phát động tấn công chính quyền quân sự vào tháng trước.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên chấm dứt hành động thù địch.
Liên minh các nhóm nổi dậy nói họ đã chiếm giữ hơn 100 đồn quân đội. Các cuộc tấn công vào các thị trấn cũng diễn ra ở vùng Sagaing, miền trung Myanmar, phía tây bang Shan.
Hàng trăm công nhân nước ngoài, trong đó có nhiều người mà các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng là nạn nhân của nạn buôn người, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến, trong đó có các công dân Việt Nam và Thái Lan.
Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm thứ Bảy cho biết 200 công dân nước này đang chờ sơ tán "càng sớm càng tốt khi tình hình cho phép".
KNDF cho biết trên trang Facebook rằng họ đã bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu hôm thứ Bảy bằng súng máy hạng nặng và họ đang tìm kiếm các phi công của chiếc máy bay.
Reuters không thể xác minh thông tin.
Reuters
VOA, 12/11/2023
Bất ổn ở Miến Điện đe dọa lợi ích của Trung Quốc như thế nào ?
Trọng Nghĩa, RFI, 10/11/2023
Từ cuối tháng 10/2023, nội chiến tại Miến Điện đã bùng lên dữ dội với cuộc tấn công của liên minh nhiều nhóm dân tộc thiểu số ở miền bắc giáp với Trung Quốc chống lại chính quyền quân sự Miến Điện, cầm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào năm 2021.
Ảnh chụp ngày 28/10/2023 : Một tên lửa bắn từ một căn cứ quân sự của Miến Điện tại bang Shan ở miền bắc. AFP - STR
Tình trạng bất ổn tại Miến Điện đã khiến Bắc Kinh phải lên tiếng yêu cầu chính quyền Miến Điện hợp tác để bảo đảm ổn định tại vùng biên giới hai nước. Theo giới phân tích, Bắc Kinh lo lắng là vì Trung Quốc có rất nhiều lợi ích tại quốc gia Đông Nam Á lân cận.
Tình hình phải nói là rất nghiêm trọng. Hôm qua, 09/11/2023, ông Myint Swe, tổng thống được tập đoàn quân sự Miến Điện bổ nhiệm, đã báo động về nguy cơ đất nước bị chia cắt, đặt biệt là sau khi một thành phố chiến lược ở miền Bắc rơi vào tay liên minh nổi dậy. Là quốc gia có đường biên giới chung dài hơn 2.100 km với Miến Điện, Trung Quốc dĩ nhiên đã hết sức lo lắng, và ngay từ đầu đã bày tỏ thái độ "hết sức quan ngại", và cấp tốc cử đặc sứ qua nước láng giềng để yêu cầu chính quyền quân sự Miến Điện bảo đảm an toàn cho cư dân Trung Quốc sống tại vùng biên giới chung, đồng thời yêu cầu quân đội Miến Điện hợp tác với Bắc Kinh để duy trì ổn định tại khu vực này.
Tại sao Bắc Kinh lại có phản ứng chóng vánh như vậy ? Trả lời nhật báo Pháp 20Minutes, giáo sư Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, hiện nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Inalco ở Paris, cho rằng đó là vì lợi ích của Trung Quốc tại Miến Điện rất to lớn, không chỉ về kinh tế, thương mại, mà cả về an ninh, chiến lược.
Về kinh tế, giáo sư Véron không ngần ngại cho rằng Miến Điện ngày nay đã trở thành một quốc gia "gần như là vệ tinh của Trung Quốc, hầu như bị Bắc Kinh nắm gọn trong tay". Kể từ khi không còn ủng hộ đảng Cộng Sản Miến Điện vào cuối thập niên 1980, Bắc Kinh đã tập trung vào việc kết thân với tập đoàn quân sự Rangun, ồ ạt đầu tư vào nước láng giềng và với thời gian, Miến Điện gần như đã phụ thuộc vào Trung Quốc. Vào năm 2021 chẳng hạn, gần một phần ba ngoại thương của Miến Điện được thực hiện với Trung Quốc.
Tại vùng biên giới giữa hai nước, người Trung Quốc gần như đã tràn qua sinh sống bên phía Miến Điện, người Trung Quốc đến Miến Điện hàng ngày để làm việc và việc xin thị thực trở nên dễ dàng hơn để khuyến khích những trao đổi hàng ngày đó.
Ngoài vấn đề kinh tế, thương mại, Trung Quốc còn có những lợi ích chiến lược quan trọng ở Miến Điện. Quốc gia Đông Nam Á này đã biến thành một kho dự trữ tài nguyên thiên nhiên lớn cho Trung Quốc, từ gỗ, khí đốt, cho đến ngọc bích. Chẳng hạn Trung Quốc đã được quyền khai thác một số mỏ khí đốt ngoài khơi Miến Điện.
Bên cạnh đó, do vị trí địa dư của mình, Miến Điện đã trở thành một quốc gia mang tính chất chiến lược đối với Trung Quốc,
Giáo sư Véron ghi nhận : "Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng (như hệ thống đường xá) xuyên qua Miến Điện và giúp Trung Quốc có ngõ đi ra Ấn Độ Dương". Một tuyến đường sắt mới được xây dựng vào năm 2021 để kết nối hai nước.
Bang Shan, nơi đang diễn ra những vụ giao tranh dữ dội, còn là một trong những mắt xích trong "Con đường tơ lụa mới" mà Trung Quốc đang xây dựng. Hai đường ống dẫn dầu được xây dựng đi qua khu vực này để vận chuyển dầu hỏa và khí đốt từ các giàn khoan ở Vịnh Bengal đến Trung Quốc.
Với lợi ích kinh tế và chiến lược ở Miến Điện, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình miền bắc nước láng giềng. Liên minh của các nhóm dân tộc thiểu số hiện đã chặn đứng một số tuyến đường thương mại đến Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
***************************
Tổng thống Myanmar : Đất nước có nguy cơ chia cắt vì giao tranh
Reuters, VOA, 09/11/2023
Tổng thống Myanmar nói đất nước có nguy cơ bị chia cắt do kiểm soát không hiệu quả tình trạng bạo lực hồi gần đây ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Ông Myint Swe, Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar.
Chính quyền quân quản Myanmar đang gặp phải thách thức lớn nhất đối với quyền lực của mình kể từ khi chiếm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021, với sự gia tăng các cuộc tấn công của các nhóm nổi dậy ủng hộ dân chủ và dân tộc thiểu số vào các căn cứ của chính quyền ở phía bắc, đông bắc, tây bắc và đông nam.
Ông Myint Swe, Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước, phát biểu tại một cuộc họp của hội đồng quốc phòng và an ninh : "Nếu chính phủ không quản lý hiệu quả các sự cố xảy ra ở khu vực biên giới, đất nước sẽ bị chia cắt thành nhiều phần".
Ông nói : "Cần phải kiểm soát cẩn thận vấn đề này. Vì bây giờ là thời điểm quan trọng của nhà nước nên toàn dân cần ủng hộ Tatmadaw", ám chỉ quân đội Myanmar.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm 2021 khi các tướng lĩnh lật đổ chính phủ dân cử do nhà đấu tranh dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo, chấm dứt 10 năm hướng tới cải cách sau nhiều thập kỷ bị quân đội cai trị nghiêm ngặt.
Chính quyền quân sự trong những ngày gần đây đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn thương mại ở biên giới với Trung Quốc vào tay các nhóm du kích có liên kết với nhau.
Cũng có nhiều tin tức về các cuộc đụng độ ở những nơi khác giữa quân đội và các chiến binh phe đối lập. Reuters đã không thể xác minh những tin tức đó.
Trong tuần này, Trung Quốc xác nhận rằng đã có người Trung Quốc thương vong do đạn pháo từ cuộc giao tranh ở Myanmar lan sang phía biên giới Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/11 kêu gọi công dân của họ tránh xa các khu vực có "xung đột khốc liệt" và tránh đi du lịch tới Myanmar.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố : "Các công dân Trung Quốc đang ở trong khu vực có xung đột dữ dội tại địa phương nên hết sức chú ý đến diễn biến của tình hình và di chuyển đến nơi an toàn hoặc quay trở lại Trung Quốc".
Trung Quốc có lợi ích kinh tế sâu rộng ở Myanmar.
Ông Nong Rong, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm Myanmar tuần trước, kêu gọi nước này hợp tác với Trung Quốc để duy trì ổn định biên giới. Ông cũng yêu cầu có biện pháp bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 09/11/2023
Liên Hiệp Quốc quan ngại về xung đột tại miền bắc Miến Điện
Minh Anh, RFI, 07/11/2023
Ngày 06/11/2023, Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại trước tình hình chiến sự tại miền bắc Miến Điện, khiến nhiều thường dân thiệt mạng và gần 33 ngàn người phải di tản.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, trước cuộc hội đàm ở Moskva, Nga, ngày 22/06/2021 via Reuters – Vadim Savitskiy/Russian Defence
Phát ngôn viên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Stephane Dujarric, dựa vào nhiều nguồn tin nhân đạo, tái khẳng định rằng "thường dân phải được bảo vệ", đồng thời kêu gọi không gây cản trở cho viện trợ nhân đạo.
Tuyên bố này được đưa ra vào lúc quân đội Miến Điện gia tăng nã pháo và oanh kích ở bang Shan, miền bắc Miến Điện, gần biên giới với Trung Quốc, sau một cuộc tấn công có phối hợp từ các nhóm sắc tộc thiểu số trong tuần rồi. Quân đội Miến Điện xem xung đột này như là một mối đe dọa lớn chưa từng có kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi năm 2021.
Về phần mình, chính quyền Bắc Kinh hôm nay bày tỏ "bất bình sâu sắc" và lấy làm tiếc rằng nhiều công dân Trung Quốc là nạn nhân của những trận giao tranh đang diễn ra ở miền bắc Miến Điện, giáp giới với Trung Quốc.
Hôm nay, 07/11/2023, tư lệnh hải quân Nga đã đến Miến Điện, khai màn cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trong lịch sử gần đây giữa hai nước.
Theo tờ Global New Light of Myanmar, được AFP dẫn lại, đô đốc Nikolai Yevmenov, tư lệnh hải quân Nga, đã gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing trên một tầu khu trục của Nga và đã nói với lãnh đạo Miến Điện về các năng lực của chiếc tầu này.
Cuộc gặp diễn ra vào lúc hải quân Nga và Miến Điện bắt đầu cuộc tập trận chung đến ngày 09/11 tại vùng viển Andaman, với sự tham gia của nhiều tầu chiến và máy bay quân sự, thực hiện các bài tập giả định "đề phòng các nguy hiểm từ trên không, trên biển cũng như tầu ngầm và các biện pháp an ninh hàng hải". Để tham gia đợt thao dượt này, Nga đã điều hạm đội Thái Bình Dương đến.
Minh Anh
***************************
Trung Quốc yêu cầu Miến Điện hợp tác duy trì ổn định tại biên giới chung
Chi Phương, RFI, 06/11/2023
Sau khi các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số ở Miến Điện chiếm được một thành phố gần biên giới với Trung Quốc, bộ ngoại giao Trung Quốc hôm nay, 06/11/2023, trong một thông cáo, yêu cầu quân đội Miến Điện hợp tác để bảo vệ an ninh, bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc tại khu vực này.
Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện cùng với số vũ khí được cho là thu giữ từ quân đội Miến Điện ở Chinshwehaw, Miến Điện, ngày 28/10/2023. AP
Vào tuần trước, quân đội Miến Điện đã xác nhận để lọt thành phố chiến lược Chinshwehaw vào tay một liên minh vũ trang. Thành phố vùng biên giới này là điểm trung chuyển chủ yếu giữa Miến Điện và Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Naypyidaw.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung (Nong Rong) đã đến Miến Điện trong vòng 3 ngày từ 03-05/11, gặp đại diện của quân đội nắm quyền tại Miến Điện. Trong thông cáo của bộ ngoại giao, được AFP trích dẫn, Trung Quốc yêu cầu Miến Điện bảo vệ an ninh về người và tài sản của cư dân Trung Quốc sống tại vùng biên giới chung, đồng thời yêu cầu quân đội hợp tác với Bắc Kinh để duy trì ổn định tại khu vực này.
Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc giao tranh ngày càng dữ dội vào tuần trước, nổ ra trong khu vực rộng lớn ở bang Shan, gần biên giới với Trung Quốc, đã khiến hơn 23 000 người phải đi lánh nạn.
Tại Miến Điện, hơn một chục nhóm sắc tộc thiểu số, chủ yếu hoạt động tại các vùng biên giới, vẫn đấu tranh đòi quyền tự chủ chính trị và kiểm soát một phần tài nguyên thiên nhiên của nước này. Theo giới chuyên gia, các cuộc tấn công của các lực lượng sắc tộc thiểu số này là thách thức lớn nhất mà chính quyền quân đội Miến Điện phải đối mặt kể từ khi lật đổ chính phủ dân sự và lên nắm quyền vào năm 2021.
Chi Phương
*************************
Hải quân Nga và Miến Điện sẽ tập trận chung
Thanh Phương, RFI, 04/11/2023
Nga thông báo sắp tới đây hải quân nước này sẽ tập trận chung với hải quân Miến Điện, theo thông báo bộ quốc phòng Nga hôm 03/11/2023. Thông báo nói trên được đưa ra nhân chuyến thăm Miến Điện của tư lệnh hải quân Nga Nikolaï Yevmeno.
Nhiều phương tiện cơ giới, xe tăng của Miến Điện là do Nga sản xuất. AFP – Sai Aung Main
Ngày giờ cụ thể chưa được công bố, nhưng theo bộ quốc phòng Nga, đây sẽ là cuộc tập trận hải quân chung Nga-Miến Điện đầu tiên trong lịch sử gần đây. Bộ này cho biết trong chuyến thăm, tư lệnh hải quân Nga sẽ gặp các lãnh đạo chính quyền Miến Điện để bàn về việc tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước.
Chuyến thăm của tư lệnh hải quân Nga diễn ra trong bối cảnh các trận giao tranh đang diễn ra ác liệt tại miền bắc Miến Điện, gần biên giới Trung Quốc, sau một cuộc tấn công của liên minh các lực lượng phiến quân sắc tộc thiểu số vào tuần trước. Theo báo chí Miến Điện, hôm nay, liên minh phiến quân này đã chiếm được nhiều tiền đồn quân sự và ngăn chặn các con đường giao thương quan trọng với Trung Quốc.
Xung đột này là mối đe dọa lớn chưa từng có đối với quân đội Miến Điện kể từ khi họ lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Nga vẫn là một đồng minh quan trọng của tập đoàn quân sự Miến Điện, không chỉ yểm trợ về ngoại giao mà còn cung cấp nhiều vũ khí. Lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing đã từng gặp tổng thống Vladimir Putin vào năm ngoái trong một chuyến thăm Nga. Quân đội Miến Điện cũng đã ủng hộ Moskva trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Thanh Phương
*************************
Nga và Myanmar lần đầu tiên tổ chức tập trận hải quân chung
VoV.vn, 04/1/2023
Ngày 3/11, Tổng tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmenov đã tới Myanmar, nơi ông sẽ tham gia lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân Nga-Myanmar lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại.
Tàu của Hải quân Nga. Ảnh : Ria Novosti
Theo Cục Thông tin và Truyền thông Đại chúng, Bộ Quốc phòng Nga, chương trình chuyến thăm của Tổng tư lệnh Hải quân Nga bao gồm một số cuộc gặp với lãnh đạo Myanmar, chỉ huy lực lượng hải quân, tham dự lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân Nga-Myanmar đầu tiên trong lịch sử hiện đại, tham quan các tàu chiến tham gia tập trận.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến đi của phái đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân Nga do Đô đốc Evmenov dẫn đầu, là tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Myanmar.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, chuyến thăm là một bước đi quan trọng, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác hữu nghị giữa lực lượng hải quân hai nước.
PV/VOV-Moscow
Miến Điện : Phe nổi dậy mở chiến dịch kiểm soát các vùng biên giới với Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 01/11/2023
Xung đột giữa quân đội Miến Điện và một số nhóm sắc tộc vũ trang ở vùng biên giới phía bắc và đông bắc, giáp với Trung Quốc, lại thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ngày 31/10/2023, bộ trưởng Công an Trung Quốc đến Naypyidaw để thảo luận với giới tướng lãnh Miến Điện về tình hình an ninh. Theo giới quan sát, đây có thể là một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống tập đoàn quân sự của các lực lượng nổi dậy. RFI tổng hợp một số thông tin về chủ đề này.
Lực lượng MNDAA của người Kokang chiếm một vị trí của quân đội Miến Điện tại bang Shan, ngày 28/10/2023. © Kokang Information Network / via AFP
1. Chiến sự gia tăng tại miền bắc Miến Điện cụ thể ra sao ?
Chiến dịch mang mã số "1027", do một liên minh các lực lượng vũ trang thuộc một số sắc tộc thiểu số chống tập đoàn quân sự, chính thức phát động vào ngày 27/10/2023. Mã số "1027" có nghĩa là 27/10, ngày mở đầu chiến dịch. Liên minh Three Brotherhood Alliance (gọi tắt là "3BTA") (tạm dịch là "Liên minh Ba Anh Em") bao gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA).
Trong tuyên bố chính thức của 3BTA, một mục tiêu chính của chiến dịch là"bảo vệ mạng sống của dân thường, khẳng định quyền tự vệ, duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và phản ứng dứt khoát trước các cuộc pháo kích và không kích" của tập đoàn quân sự. Liên minh 3BTA cho biết một mục tiêu cụ thể khác của chiến dịch là nhằm ngăn chặn "nạn lừa đảo và cờ bạc trực tuyến xuyên biên giới" ngày càng gia tăng, trấn áp các tập đoàn tội phạm và lực lượng dân quân trung thành với nhà cầm quyền, chịu trách nhiệm về các hoạt động này.
Theo The Diplomat, "Chiến dịch 1027" dường như đã đạt được tiến bộ nhanh chóng. Khoảng 10 giờ sáng ngày mở đầu chiến dịch, Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) của sắc tộc Kokang đã kiểm soát toàn bộ thị trấn giáp biên với Trung Quốc Chinshwehaw. Để đáp trả, quân đội tăng cường oanh kích nhằm ngăn chặn liên minh 3BTA. Pháo kích lan rộng sang bên kia biên giới, gây thiệt hại cho nhiều khu nhà dân, buộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các đụng độ vũ trang.
Sau ba ngày chiến dịch, liên minh 3BTA được cho là đã chiếm được tổng cộng 57 trại lính và đồn bốt của chính quyền quân sự, tiêu diệt 100 binh sĩ. Báo chí Ấn Độ dẫn lại thông tin từ truyền thông độc lập Miến Điện, theo đó Liên minh 3BTA đã chiếm được hàng loạt khu vực như Kutkai, Muse, Lashio, Namkham, Nawnghkio và Chin Shwe Haw ở phía bắc bang Shan và khu mỏ hồng ngọc Mogoke ở phía bắc vùng Mandalay, miền trung.
Điểm đáng chú ý là quân nổi dậy đã chiếm được tất cả các cơ sở quân sự của chính quyền xung quanh thị xã Hsenwi, án ngữ trên các tuyến đường cao tốc nối Lashio, thành phố lớn nhất bang Shan, với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Chiến dịch ngăn chặn quân tiếp viện của tập đoàn quân sự sử dụng các tuyến đường nối Lashio (thủ phủ bang Shan) với hai thị xã vùng biên Muse và Shwe Haw.
Hiện tại chiến sự vẫn tiếp diễn. Ước tính số lượng chiến binh của Liên minh các lực lượng vũ trang ba sắc tộc tham gia vào chiến dịch có thể lên đến khoảng 20.000 người. Liên minh 3BTA, thành lập năm 2017. Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) thuộc sắc tộc Kokang (gốc Hoa) có khoảng 6.000 chiến binh. Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (sắc tộc Ta’ang) có khoảng 8.000 người. Quân đội Arakan (sắc tộc Arakan), với tổng số binh sĩ 30.000 người có địa bàn hoạt động chính ở bang miền tây Rakhine, trong đó khoảng 5.000 đến 6.000 binh sĩ Arakhan được triển khai tại bang miền bắc Kachin và bang đông bắc Shan.
2. Vì sao nói chiến dịch kiểm soát các vùng biên giới với Trung Quốc của phe nổi dậy có thể là "một bước ngoặt" trong cuộc kháng chiến chống tập đoàn quân sự ?
Bang Shan chiếm khoảng một phần tư diện tích Miến Điện, án ngữ các tuyến đường giao thông, thương mại chủ yếu giữa Trung Quốc với vùng đồng bằng ven biển Miến Điện. Tham gia vào chiến dịch 1027 không chỉ có Liên minh ba lực lượng quân sự nói trên. Một ngày sau khi "Chiến dịch 1027" được phát động, Bộ Quốc phòng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) chống tập đoàn quân sự, với thành phần lãnh đạo chủ chốt gồm nhiều cựu lãnh đạo chính quyền dân sự bị lật đổ, ra tuyên bố ủng hộ Chiến dịch 1027 của Liên minh 3BTA. Nhiều đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Bamar (tức của sắc tộc đa số), được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự, đã tham gia chiến dịch. Ngoài hai địa bàn chính là hai bang Shan và Kachin ở miền bắc, hoạt động chống tập đoàn quân sự diễn ra đồng loạt ở nhiều nơi khác, như bang Chin miền tây, các bang Karen và Kayah miền đông.
Chiến dịch 1027 là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng vũ trang lật đổ chế độ độc tài quân sự.
Mặc dù "chiến dịch 1027" chủ trương các mục tiêu giới hạn, và mang tính khu vực, tuy nhiên, theo một số nhà quan sát về tình hình Miến Điến, chiến dịch quân sự này có thể mang tầm vóc toàn quốc, và là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng vũ trang lật đổ chế độ độc tài quân sự.
Ngày 27/10 là một ngày mang tính biểu tượng của cuộc kháng chiến toàn quốc chống tập đoàn quân sự. Đây là dịp tròn 1000 ngày cai trị của tập đoàn quân sự, kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi. Ngày 29/10, Hội đồng Tư vấn Đoàn kết Dân tộc (National Unity Consultative Council – NUCC) tuyên bố ủng hộ "chiến dịch 1027". Hội đồng Tư vấn Đoàn kết Dân tộc là một liên minh chính trị lớn tập hợp đông đảo các đảng phái, tổ chức tranh đấu, bao gồm sắc tộc đa số Bamar và nhiều sắc tộc thiểu số, thành lập ngày 08/03/2021 với mục tiêu tạo mặt trận rộng lớn chống tập đoàn quân sự. Tuyên bố phát động chiến dịch của Liên minh ba lực lượng vũ trang cũng "hướng đến xóa bỏ chế độ độc tài quân sự, nguyện vọng chung của toàn thể người dân Miến Điện".
Hiện tại triển vọng của chiến dịch là khó dự đoán. Theo nhiều nhà quan sát, có ba khía cạnh chính cần được tính đến. Thứ nhất là chiến dịch cho phép trắc nghiệm thực lực của chính quyền quân sự. Nếu chính quyền lùi bước, các lực lượng kháng chiến có thể củng cố niềm tin về sự suy yếu, thậm chí sự sụp đổ của chế độ hiện hành. Ngược lại, nếu chính quyền có thể cứu vãn được tình hình, điều đó cũng có thể báo hiệu rằng viễn cảnh kết thúc của chế độ độc tài quân sự ở Miến Điện vẫn còn là một giấc mơ xa vời. Khía cạnh thứ hai cần theo sát là phản ứng của tập đoàn quân sự với lực lượng Arakan tại bang miền tây Rakhine. Quân đội Miến Điện và lực lượng Arakan ngừng bắn từ nhiều tháng nay, nhưng việc lực lượng Arakan tham chiến tại khu vực biên giới với Trung Quốc có thể khiến quân đội thay đổi lập trường. Và điểm đáng chú ý quan trọng thứ ba là chiến dịch này sẽ cho thấy nhiều chỉ dấu quan trọng từ phía Trung Quốc.
3. Việc "Chiến dịch 1027" được phát động tại vùng biên giới với Trung Quốc cho thấy gì về vai trò của Bắc Kinh trong cuộc nội chiến Miến Điện ?
Có một không khí mơ hồ nhất định bao phủ lên mối liên hệ giữa "Chiến dịch 1027" với Trung Quốc. Theo một số nhà quan sát, trong thời gian gần đây, việc các hoạt động lừa đảo và cờ bạc trực tuyến xuyên biên giới nở rộ, vốn được sự bảo kê của các lực lượng dân quân và Biên phòng Miến Điện, có thể đang khiến Trung Quốc tức giận. Một số người thậm chí còn tin rằng "Chiến dịch 1027" đã được chính quyền Trung Quốc "ngầm bật đèn xanh" (để xóa bỏ tình trạng này). Cùng ngày chiến dịch 1027 bắt đầu, chính quyền quân sự, dường như để xoa dịu Trung Quốc, đã bắt giữ khoảng 100 người ở Rangoon, bị nghi ngờ tham gia hoạt động lừa đảo qua mạng.
Dù sao vấn đề lừa đảo và cờ bạc xuyên biên giới có thể chỉ là lý do thứ yếu. Lo ngại lớn của Bắc Kinh là phần Dự án "Vành đai Con đường" được triển khai tại Miến Điện, với tuyến đường sắt nối liền tỉnh Vân Nam với Ấn Độ Dương thông qua cảng biển Kyaukphyu, bang Rakhine. Tuyến đường sắt đi qua bang Shan, nơi chiến sự đang diễn ra.
Trên thực tế, "Chiến dịch 1027" diễn ra gần 5 tháng sau cuộc đàm phán thất bại (hồi đầu tháng 6/2023) giữa tập đoàn quân sự và Liên minh 3BTA với trung gian của Trung Quốc (đặc phái viên Guo Bao, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có mặt tại đàm phán). Liên minh 3BTA vốn được coi là một thế lực nặng ký về mặt quân sự trong cuộc nội chiến hiện nay ở Miến Điện. Theo nhiều chuyên gia về Miến Điện, chủ trương chính của Bắc Kinh là tách các lực lượng vũ trang thiểu số nói trên khỏi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) - chủ lực của mặt trận kháng chiến toàn quốc chống tập đoàn quân sự, hình thành sau cuộc đảo chính.
Trước cuộc đàm phán đầu tháng 6, Bắc Kinh đã ít nhất hai lần tổ chức các cuộc gặp giữa các nhóm vũ trang thuộc Liên minh 3BTA cùng các lực lượng vũ trang thiểu số chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm Quân đội của người Wa (United Wa State Army - UWSA), Quân đội Kachin Độc lập (KIA) và National Democratic Alliance Army (NDAA). Đây là các lực lượng không tham gia "Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc – Nationwide Ceasefire Agreement" với chính quyền trung ương. Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc được ký kết giữa chính quyền và khoảng 10 lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số cuối năm 2015 trước khi chính phủ dân sự của Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, vốn được coi là một bước tiến hướng đến tạo lập nền hòa bình lâu dài cho Miến Điện.
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại Vân Nam, Trung Quốc, tháng 12/2022, và cuộc họp thứ hai vào trung tuần tháng 3 tại khu tự trị của người Wa ở Miến Điện. Sau cuộc họp trung tuần tháng 3, Liên minh 3BTA và ba lực lượng thân Trung Quốc, cùng một tổ chức khác, đã ra một tuyên bố chung "đánh giá cao và ủng hộ hoạt động hòa giải của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột nội bộ Miến Điện" (tuyên bố của Ủy ban FPNCC, gồm 7 tổ chức nói trên)
Tuy nhiên nỗ lực can thiệp vào nội bộ Miến Điện của Trung Quốc dường như đã đi quá xa. Theo nhận định của nhà nghiên cứu chính trị U Than Soe Naing, được đưa ra trước cuộc họp đầu tháng 6/2023, cuộc họp này diễn ra vào thời điểm ''các lực lượng vũ trang cách mạng'' đang giành được thêm chỗ đứng, "sự tham gia của Trung Quốc vào nền chính trị Miến Điện đã vượt quá mức độ phù hợp. Việc các nhóm vũ trang này hợp tác với tập đoàn quân sự, và ủng hộ việc giới tướng lĩnh tiếp tục cai trị là đi ngược lại ý chí của người dân. Cuộc họp có thể gây trở ngại đáng kể cho cuộc Cách mạng Mùa xuân".
Trên thực tế, các nỗ lực môi giới của Trung Quốc đã không thể xua tan được mối ngờ vực cao độ của ba nhóm lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số nói, vốn "không tin tưởng vào quân đội Miến Điện, lực lượng đã gây ra nhiều tội ác chiến tranh tại các xứ sở của họ, và luôn cố gắng đè bẹp họ mỗi khi có cơ hội". Ngay sau cuộc đàm phán ngày 01/06, giao tranh tiếp diễn trở lại. "Chiến dịch 1027" do Liên minh 3BTA phát động những ngày vừa qua cho thấy các nỗ lực lôi kéo của Bắc Kinh nhằm chia rẽ khối đoàn kết kháng chiến trong hiện tại không gặt hái kết quả.
4. Trung Quốc có thái độ ra sao đối với các diễn biến mới này ?
Thái độ hiện tại của Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số lớn. Trung tuần tháng 10 vừa qua, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Châu Á, ông Đặng Tích Quân (Deng Xijun), đến thủ đô Miến Điện, nhân dịp 8 năm Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc giữa chính quyền với nhiều lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số. Theo báo chí của tập đoàn quân sự, nhân dịp này, đặc phái viên Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các lực lượng vũ trang thiểu số chưa ký kết thỏa thuận NCA, đối thoại với tập đoàn quân sự.
Trên thực tế, cuộc đảo chính quân sự đầu năm 2021 đã khiến Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc bị vô hiệu hóa đối với nhiều lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số (ba tổ chức lớn đã rút khỏi NCA). Về phía khách mời quốc tế, ngoài Trung Quốc, chỉ có Ấn Độ và Thái Lan tham dự dịp kỷ niệm Thỏa thuận, trên thực tế đã bị vô hiệu hóa một phần lớn này.
Theo các nhà quan sát về Miến Điện (trên The Diplomat), điều quan trọng là "phải theo dõi chặt chẽ phản ứng của Trung Quốc về những diễn biến trong những ngày tới. Lập trường và các hành xử của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiều hướng của cuộc xung đột và bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn trong khu vực".
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 02/11/2023
*************************
Xung đột ở Miến Điện : Chính quyền mất kiểm soát một thành phố chiến lược ở gần biên giới Trung Quốc
Phan Minh, RFI, 02/11/2023
Sau nhiều ngày đụng độ với ba nhóm sắc tốc vũ trang, hôm qua, 01/11/2023, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Miến Điện cho biết, quân đội Miến Điện đã đánh mất quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược phía bắc, gần biên giới Trung Quốc.
Quân đội Myanmar đã mất quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Chinshwehaw ở bang Shan phía bắc ở biên giới Trung Quốc sau nhiều ngày đụng độ với ba nhóm vũ trang sắc tộc ngày 02/11/2023
AFP trích dẫn lời ông Zaw Min Tun, phát ngôn viên quân đội Miến Điện, thừa nhận rằng "chính phủ, các tổ chức hành chính và tổ chức an ninh không còn hiện diện" tại thị trấn Chinshwehaw ở bang Shan, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sau khi giao tranh nổ ra kể từ hôm 27/10 trên khắp khu vực phía bắc bang Shan - nơi dự kiến xây dựng tuyến đường sắt trị giá hàng tỷ đô la như một phần của dự án cơ sở hạ tầng Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.
Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) tuyên bố đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Miến Điện với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Quân đội Miến Điện tố cáo 3 nhóm vũ trang nói trên đã "cho nổ các nhà máy điện, cho nổ cầu, phá hủy các tuyến đường giao thông", nhưng không nêu thêm chi tiết cụ thể.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, hôm nay 02/11, đã kêu gọi hai bên ngừng bắn "ngay lập tức".
Phan Minh
**************************
Bộ trưởng Công an Trung Quốc tới Miến Điện sau khi xẩy ra xung đột ở biên giới hai nước
Chi Phương, RFI, 31/10/2023
Sau cuộc xung đột nổ ra từ ngày 27/10, ở bang Shan, đông bắc Miến Điện, tiếp giáp với Trung Quốc, truyền thông chính quyền Miến Điện cho biết hôm nay, 31/10/2023, bộ trưởng bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (Wáng Xiǎo Hóng), đã đến Naypyidaw để gặp giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện thảo luận về an ninh.
Bộ trưởng Nội vụ Miến Điện, Yar Pyae (trái) và phó chủ tịch đảng Tiến Bộ Nhà nước Shan (SSPP), Sao Khun Saing tại Naypyidaw, Miến Điện, ngày 21/03/2019. AP - Aung Shine Oo
Trang báo Global New Light của chính quyền Miến Điện đưa tin bộ trưởng Công an Trung Quốc, Vương Tiểu Hồng đã gặp bộ trưởng Nội Vụ Miến Điện, tướng Yar Pyae, ở Naypyidaw, để thảo luận "về hòa bình tại các khu vực biên giới giữa hai nước, cũng như hợp tác trong việc áp dụng luật an ninh".
Trong vụ xung đột nổ ra từ hôm 27/10, một liên minh vũ trang gồm 3 sắc tộc (Quân đội Giải phóng Quốc gia Taaung - TNLA), Quân đội Arakan - AA và Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện - MNDAA) đã tổ chức một loạt cuộc tấn công tại bang Shan, khu vực mà Bắc Kinh đã tài trợ để phát triển dự án Con đường Tơ lụa Mới.
Theo AFP, liên minh này cho biết đã chiếm được nhiều vị trí quân sự và các tuyến đường chiến lược. Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 000 chiến binh tham gia vào liên minh này, "nhằm chống lại lực lượng của chính phủ để giành quyền tự chủ, kiểm soát tài nguyên".
Cho đến hôm nay, 31/10, Quân đội Giải phóng Quốc gia Taaung, thuộc liên minh nói trên, tuyên bố đang chiến đấu với quân đội Miện Điện, cách thị trấn Lashio khoảng 40 km, khu vực đặt bộ chỉ huy phía Đông Bắc của quân đội Miến Điện.
Trong 4 ngày giao tranh tại miền bắc Miến Điện, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 6000 người đã phải đi lánh nạn, nhiều người đã phải sang Trung Quốc.
Miến Điện muốn hồi hương người tị nạn Rohingya ở Bangladesh
Vẫn về thời sự tại Miến Điện, hôm nay, theo AFP, một phái đoàn gồm các quan chức Miến Điện đã đến Bangladesh để thảo luận về việc "hồi hương người Rohingya". Quan chức Bangladesh cho biết Miến Điện có kế hoạch "nhận lại khoảng 3000 người tị nạn Rohingya vào tháng 12/2023", theo một thỏa thuận từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Bangladesh, xin ẩn danh, trả lời AFP, nhận định rằng nhiều người Rohingya "vẫn chưa sẵn sàng rời đi". Các lãnh đạo cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Đông Nam Á này từ lâu, đã tuyên bố chỉ trở về Miến Điện khi được cấp quyền công dân (vốn bị tước đi từ 2015) và có thể định cư trên chính mảnh đất của họ.
Vào năm 2017, sau cuộc đàn áp bạo lực của quân đội Miến Điện, khoảng một triệu người Rohingya đã phải đến tị nạn ở Bangladesh, sống chen chúc trong các khu lều tạm bợ, điều kiện vệ sinh tồi tàn.
Chi Phương