Cú đảo chính ở Miến Điện ngày 01/02/2021 gây bất ngờ cho không ít nhà quan sát, bởi một lẽ rất đơn giản Hiến pháp do quân đội soạn ra cho phép họ kiểm soát hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, nghiễm nhiên chiếm giữ 25 % số ghế ở Nghị Viện và có quyền phủ quyết mọi ý định sửa đổi Hiến pháp. Hệ thống chính trị này được thiết kế nhằm duy trì các lợi ích của quân đội. The Economist đặt câu hỏi : Tại sao quân đội lại lật đổ hệ thống đó ?
Tuần báo cho rằng những kẻ đảo chính và chuyên quyền cần đến một vỏ bọc chính đáng. Với một nền dân chủ giả hiệu, họ có thể vừa trấn áp được người dân, vừa xoa dịu được quốc tế, và đồng thời vẫn nắm quyền kiểm soát mọi quyết định quan trọng.
Mô hình này có thể thấy được ở các nước như Thái Lan, Pakistan, Cam Bốt, Nga, Venezuela hay nhiều nơi khác, nhưng tại Miến Điện tham vọng này lại được giới tướng lĩnh cao cấp thể hiện rõ hơn trong việc tìm cách bảo tồn vĩnh viễn quyền lực trong một hệ thống, mà ngoài điều đó ra, có vẻ bề ngoài cũng giống như là một nền dân chủ.
Chỉ có điều cách tổ chức này cũng có những bất ổn nội tại. Những kẻ độc tài không thích bị lộ diện, ngay cả khi hậu quả không mấy gì quan trọng. Tại Nga chẳng hạn, người ta chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa tổng thống Nga và nhà đối lập Alexei Navalny, người đã tiết lộ tòa lâu đài đồ sộ của ông Putin bên bờ Hắc Hải.
Ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, tuy luôn cẩn trọng, nói chuyện lịch sự về quân đội, nhưng đảng của bà lại nhiều lần đánh gục đảng chính trị do quân đội hậu thuẫn, chiếm thêm 12 ghế trong nghị trường trong kỳ bầu cử tháng 11/2020. Đây quả thật là một đòn trời giáng, mà giới tướng lĩnh không thể nào chấp nhận !
The Economist nhắc lại làm cách nào các nhà đấu tranh dân chủ Miến Điện không vũ trang lách được những rào cản do quân đội dựng lên nhằm gạt bà Aung San Suu Kyi khỏi chính quyền. Việc bà tạo ra một chức vụ cho riêng mình, "Cố vấn chính phủ", mà bà tuyên bố có thẩm quyền trên cả tổng thống, đã làm cho giới quân sự tức tối.
Thế nên, theo tuần báo, lực lượng khó lường nhất mà những kẻ dân chủ trá hình phải đối mặt chính là những công dân của họ. Người dân có thể bỏ phiếu nhầm người, nhưng họ cũng có thể xuống đường, nếu họ thấy rằng hệ thống này là giả dối trống rỗng, như những gì xảy ra ở Belarus và Nga hiện nay.
Quân đội ở Miến Điện có thể trấn áp biểu tình bằng bạo lực. Dẫu sao thì quân đội Miến Điện cũng đã nhiều lần thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa trong những năm qua. Nhưng sự đàn áp lộ liễu chính là điều mà quân đội Miến Điện đã hy vọng tránh được khi họ dựng lên bản Hiến pháp, mà chính họ vừa vi phạm.
The Economist kết luận : Theo nghĩa này, cú đảo chính, cho dù đã đè bẹp được các nhà dân chủ Miến Điện, thì đó cũng là một thất bại cho giới tướng lĩnh !
The Economist tiếp tục dẫn độc giả đến với Trung Quốc. Tuần báo ghi nhận chủ nghĩa Mao dường như đang hồi sinh. Một trào lưu chỉ trích chủ nghĩa tư bản, chủ yếu nhắm vào các nhà đại tư sản trong nước đang nở rộ trên các mạng xã hội. Theo tuần san kinh tế, hiện tượng này phản ảnh thái độ mập mờ về ý thức hệ của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Thời gian gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc, xu hướng nhiều cư dân mạng trút cơn phẫn nộ nhắm vào hãng tư nhân lớn, và có những lời lẽ ca tụng chủ nghĩa Mao, tăng lên trở lại. Ông Jude Blanchette, tác giả tập sách "Những Hồng Vệ Binh mới của Trung Quốc", nói về sự tái hiện chủ nghĩa Mao từ những năm 1990, nhìn nhận xu hướng phản đối các hãng tư nhân lớn đã có từ lâu.
Chính phủ Trung Quốc, một mặt, hậu thuẫn những doanh nghiệp này như Alibaba, Hoa Vi… mặt khác, cũng tìm cách hạ nhiệt những lời lẽ lên án theo kiểu tân Mao-ít, theo đó chính phủ đang quy hàng chủ nghĩa tư bản. Nhưng Bắc Kinh đôi khi cũng thả lỏng để những người có tư tưởng Mao-ít hả cơn tức giận.
Như một sự trùng hợp, làn gió đả kích tư bản trỗi dậy cùng lúc Bắc Kinh đang siết chặt các quy định chống độc quyền nhắm vào những tập đoàn công nghệ lớn nhằm hạn chế quyền lực của họ. Theo tuần báo kinh tế Anh, nỗi bất bình của người dân nhắm vào các đại tập đoàn Trung Quốc cũng dễ hiểu. Từ nhiều thập niên qua, bất bình đẳng xã hội bùng nổ. Mạng xã hội nở rộ còn làm cho người dân nhận thức rõ sự giầu có khó hiểu của một số đồng hương.
Họ cay đắng vì bị vắt kiệt sức lao động. Ở những hãng công nghệ cao là văn hóa "996", nghĩa là bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc lúc 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần. Lao động nhập cư còn tồi tệ hơn, hoặc phải làm việc cật lực trong các nhà xưởng, hoặc phải chạy ngược chạy xuôi làm nghề giao hàng thức ăn.
Những người trẻ tuổi có đào tạo, phải làm việc quá mức, bắt đầu tự cho mình là những "đại công nhân", một thuật ngữ dùng để mô tả những ai phải làm các công việc tầm thường. Theo một nhà xã hội học trường đại học Thanh Hoa, tại Trung Quốc, có một giai cấp mới đang trỗi dậy trong số những người gắng sức vươn lên tìm kiếm sự thành đạt. Giai cấp này bao gồm cả khối nhân viên văn phòng và công nhân nhà xưởng.
Cuộc tấn công vào chủ nghĩa tư bản, theo nghĩa hẹp, hoàn toàn phù hợp với luận điệu của Trung Quốc tự cho mình là có nền kinh tế "xã hội chủ nghĩa", dù rằng các doanh nghiệp tư nhân tạo ra đến 80% việc làm ở thành thị và đóng góp đến 60% cho GDP đất nước. Tại sao người ta lại để các hãng công nghệ lớn đó bị chỉ trích như là những nhà tư bản chỉ biết kiếm tiền, trong khi mà họ thường xuyên được ca ngợi như là những người đi tiên phong đưa Trung Quốc trở nên tân tiến hơn ?
The Economist nhận định : Hiện tượng này phản ảnh rõ một sự mập mờ về hệ tư tưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Họ thừa nhận những hãng công nghệ lớn này là những con chim đầu đàn, nhưng đồng thời họ cũng coi việc gìn giữ sự tôn nghiêm của tư tưởng Mao là điều cần thiết để duy trì quyền lực của Đảng.
"Găng tay cao su Malaysia đẫm máu và nước mắt", là bài viết trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 2/2021. Ngành công nghiệp Malaysia, quốc gia cung cấp găng tay cao su hàng đầu thế giới, tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ đến từ các nước láng giềng. Nhưng đối với các lao động nhập cư, đây lại là một chiếc bẫy nợ.
Muốn có việc làm phải nộp phí cao. Le Monde Diplomatique cáo buộc các doanh nghiệp Malaysia đẩy người lao động nhập cư vào cảnh nợ nần để dễ bề bóc lột. Theo tờ báo, những lao động Bangladesh và Nepal, nếu muốn được đến làm việc ở Malaysia phải trả những khoản phí cao ngất ngưỡng cho người tuyển dụng do các doanh nghiệp Malaysia gởi đến. Tùy theo từng nước mà mức phí tuyển dụng dao động từ 1.100/1.250 euros (Nepal) đến 3.700/4.300 euro (Bangladesh).
Một khi đến nơi, những nhân công mới đó phải làm việc cật lực 12 tiếng/ngày, đôi khi không có ngày nghỉ trong vòng một tháng. Bù lại mức lương tối thiểu chỉ ở mức 240 euro. Nếu có thêm giờ phụ trội, lương được trả không vượt quá 400 euro/tháng.
Các doanh nghiệp phương Tây tận dụng ngày càng nhiều nguồn nhân công rẻ mạt do di dời nhà xưởng. Nếu như nhiều thương hiệu lớn bắt đầu buộc các nhà cung cấp Malaysia tuân thủ các quy định đạo đức cấm lao động cưỡng bức, hiện tượng này vẫn phát triển mạnh tại những dây chuyền cung ứng cho toàn cầu.
Le Figaro số ra ngày cuối tuần (06/02/2021) cho biết "Anh Quốc tăng cường đọ sức với Trung Quốc". Chính quyền Luân Đôn vừa trục xuất 3 gián điệp dưới vỏ bọc nhà báo và tố cáo "hành động dã man" của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ. Nguồn tin do Daily Telegraph tiết lộ ba nhà báo Trung Quốc, trên thực tế, làm việc cho cơ quan tình báo của Trung Quốc. Đến Anh hồi năm 2020, ba người này đã bị "MI5 – Cơ quan phản gián Anh phát hiện danh tính thật sự và đã bị gởi trả về Trung Quốc".
Vụ việc xảy ra trong giai đoạn quan hệ Anh và Trung Quốc căng thẳng xung quanh các vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Và truyền thông là một mặt trận mới giữa hai nước. Bắc Kinh tố cáo Luân Đôn có "chính sách áp bức" khi ra lệnh rút giấy phép hoạt động của kênh truyền hình CGTV trên lãnh thổ Anh. Kênh truyền hình này của Bắc Kinh cáo buộc có sự "thao túng những nhóm cực hữu và thế lực chống Trung Quốc".
Cơ quan quản lý truyền thông Anh Ofcom giải thích rằng Đảng cộng sản Trung Quốc quy định đường hướng biên tập cho kênh tiếng Anh đài truyền hình CGTV. Le Figaro cho biết thêm rằng tại Mỹ, CGTV nằm trong số 7 kênh truyền thông bị xem như là phát ngôn cho nhà nước Trung Quốc và do vậy không độc lập.
Để đáp trả, Trung Quốc nhắm vào BBC của Anh. Bắc Kinh cực kỳ khó chịu về những phóng sự liên quan đến việc xử lý dịch bệnh virus corona ở Trung Quốc và nhất là việc phơi bày các hành vi tra tấn và bạo hành tình dục nhắm vào phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam ở Tân Cương. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo "BBC được hướng dẫn nghiêm ngặt bởi các cơ quan tình báo Mỹ và Anh. BBC trở thành chiến lũy công luận phương Tây chống Trung Quốc".
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được các tuần san đề cập đến. Trang bìa Courrier International đặt câu hỏi lớn : "Covid-19, có phi công nào trên phi cơ hay không ?". Trong cuộc chiến chống dịch, giữa Đông và Tây, có một sự tương phản cực kỳ lớn. Hơn 106.000 người chết ở Anh so với con số 8 ca tử vong ở Đài Loan. Hơn 55% người dân Israel đã được tiêm ngừa, trong khi tại Pháp chỉ mới nhỉnh hơn 2%...
Tại sao lại có sự tương phản đó ? Điều gì đã làm nên sự khác biệt ? Cùng một hệ thống dân chủ tại sao Đài Loan, Hàn Quốc làm tốt hơn Anh và Pháp ? Courrier International lược dịch bốn bài viết giải thích điều gì làm nên thành công của những nền dân chủ phương Đông, nguyên nào dẫn đến thất bại của phương Tây.
Tờ UnHerd tại Anh Quốc chỉ trích nặng nề thất bại của nước Anh, cho rằng chính phủ thủ tướng Boris Johnson "thiếu tầm nhìn xa, không có khả năng huy động mọi nguồn lực chính phủ, không có năng lực quản lý…" Chính phủ điều hành công việc cứ như là "một ông giám đốc nhân sự khổng lồ đang bĩu môi nhìn đất nước dưới chân, rồi cảnh báo mọi hành động mang tính quyết định đều là không thể".
Còn tại Pháp, bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh và quản lý lại thiếu nhất quán. Nhật báo lớn của Đức, Die Welt mỉa mai viết : "Trong khi Macron nói là đang dẫn dắt cuộc chiến, xã hội Pháp tự hỏi liệu thật sự có viên phi công nào trong buồng lái hay không ?".
Thói quan liêu, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trường kỳ, lời nói không đi đúng với thực tế từ vụ đeo khẩu trang, làm xét nghiệm, tiêm ngừa… khiến người dân bị hụt hẫng và cảm thấy khó hiểu. Nhưng "sự trơ ì của bộ máy hành chính và tình trạng quan liêu quá mức đó" lại là di sản do tướng Charles de Gaulle để lại khi lập ra nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Đó là một "nền quân chủ kỹ nghệ" : quá phức tạp, quá nặng nề và quá khép kín, bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire đánh giá trong tập sách vừa xuất bản "Thiên thần và Quái vật. Những ký ức tạm thời". Đã đến lúc Pháp phải cải tổ bộ máy hành chính ! Điều này cũng giải thích vì sao việc Sanofi chậm trễ có vac-xin là "một thất bại của nước Pháp", như hàng tựa trên trang bìa của L’Express.
Vậy những nước thoát dịch tốt, họ đã làm cách nào ? Tại Hàn Quốc, chính phủ có thể trông cậy vào sự tin tưởng và tình liên đới của người dân, dù rằng người dân xứ Ban Mai này vẫn rất gắn bó với các quyền tự do cá nhân, như tường thuật của tờ Sisa In.
Về phía Đài Loan, thành công của nước này là biết cách rút ra các bài học từ "những tình trạng khẩn cấp trước đây", mà trận dịch SARS được cho là điểm mốc. Trang mạng Nhật Bản The Diplomat ghi nhận hòn đảo tự trị này đã rất linh hoạt, "thay đổi cách điều hành của chính phủ, trong việc cung cấp thông tin về khủng hoảng, cơ cấu chỉ huy, công tác chuẩn bị của lĩnh vực y tế công và cả trong việc sử dụng công nghệ cao".
Courrier International kết luận : Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đang tự biến mình thành một trò hề trong cuộc đua giành vac-xin, tốt hơn hết khối 27 nước nên nhìn nơi khác, để học hỏi điều gì có thể giúp cho họ thành công !
Nguy cơ khan hiếm vac-xin đang làm mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Luân Đôn trở nên căng thẳng. Phải chăng lỗi do AstraZeneca không thực hiện đúng cam kết như trong thỏa thuận ? Courrier International dẫn bài viết trên The Observer – một tờ báo thiện cảm với Liên Hiệp Châu Âu – cho rằng Ủy Ban Châu Âu đang tìm cách đổ tội cho người khác để che giấu những sai lầm của mình.
Hãng dược Anh-Thụy Điển đang trở thành "tấm bia đỡ đạn" cho các chính khách và bộ máy hành chính của nhiều nước Châu Âu, tìm cách phủi trách nhiệm. Tuần báo Anh đưa ra nhiều lý do để giải thích cho thái độ này của Liên Hiệp : Từ thái độ ganh tỵ của nước Pháp (vì không có vac-xin) đến cách quản lý tồi của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von Der Leyen, sự chậm trễ của bộ máy hành chính và các quy định, rồi còn có cả thái độ bài Anh Quốc hậu Brexit…
Khủng hoảng vac-xin cho thấy rõ bộ mặt tệ hại của Liên Hiệp Châu Âu trước những ưu thế của Anh Quốc. Tính đến ngày 29/01/2020, hơn 11% người dân Anh đã được tiêm chủng, trong khi mà tại Liên Hiệp Châu Âu tỷ lệ này chỉ ở mức 2,3% ở Đức và hơn 2% tại Pháp.
Tuy nhiên, trong cuộc đua vac-xin này, nhật báo Ý Domani, được Courrier International trích dẫn, cảnh báo Liên Hiệp Châu Âu không nên quá ảo tưởng vào việc các hãng dược sẽ gia tăng sản lượng. Lý do đơn giản là Pfizer, Moderna hay AstraZeneca chẳng được lợi gì khi phải tăng mức sản xuất. "Bởi vì một khi nhu cầu vac-xin được thỏa mãn, mức sản suất sẽ bị sụt giảm. Và hậu quả là lợi nhuận của những doanh nghiệp đó sẽ thấp hơn rất nhiều so với những gì họ sẽ có được với nhịp độ sản xuất hiện nay".
Do vậy, để có thể sản xuất được vac-xin nhiều hơn, nhật báo thành Roma cho rằng các chính phủ nên thay đổi chiến lược, không nên đầu tư quá mức vào những hãng dược tư nhân. Tờ báo nhắc lại sáng kiến của Nam Phi và Ấn Độ hồi tháng 10/2020, "đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đình chỉ hệ thống bí mật thương mại và bằng sáng chế đối với các loại vac-xin ngừa Covid. Giả như đề xuất được thông qua, công nghệ bào chế vac-xin sẽ được cung cấp cho những nước nào có đủ kỹ năng cần thiết để sản xuất".
Đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể cho phép tăng sản lượng tại Liên Hiệp Châu Âu. Chỉ có điều, sáng kiến này, "nếu như được hơn 100 quốc gia ủng hộ thì lại bị hầu hết các nền kinh tế lớn phản đối". Một sai lầm chiến lược mà châu Âu nên nhanh chóng xem xét lại, nhật báo Domani cảnh báo !
Minh Anh
Biến cố xảy ra tại Miến Điện là tin được hầu hết các tờ báo chính của Pháp nhất loạt đăng tải hôm nay (02/02/2021), một ngày sau khi giới quân sự Miến Điện bất ngờ đặt dấu chấm hết cho chính quyền dân sự sau 5 năm tồn tại, bắt giam các lãnh đạo đất nước, ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Nhật báo Le Monde ra từ chiều hôm trước chạy tựa trang nhất : "Tại Miến Điện, quân đội chiếm quyền". Aung San Suu Kyi, cái tên giờ trở lại trung tâm của sự kiện. Giải Nobel Hòa bình 1991, lãnh đạo của chính quyền dân sự Miến Điện trong 5 năm qua, lại một lần nữa bị giới quân sự bắt giữ.
Le Monde cho biết nguyên do là từ cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện hồi tháng 11 năm 2020. Phe quân đội không chấp nhận thất bại, chỉ giành được 33 trên tổng số 476 ghế trong khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được đến 82% số ghế.
Thất bại cay đắng này là một sự sỉ nhục đối với giới tướng lãnh quân đội. Họ lấy cớ nghi ngờ bầu cử có gian lận và kết cục là cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ngày hôm qua. Đó là ngày theo dự kiến Quốc hội mới được bầu hồi tháng 11 khai mạc phiên họp đầu tiên, đánh dấu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 2 của bà Aung San Suu Kyi.
Theo Le Monde tương lai số phận của bà Aung San Suu Kyi ra sao đến lúc này chưa có câu trả lời, nhưng có thể thấy ngay lúc này là Miến Điện đang tụt lại phía sau về chính trị.
Nhật báo Le Figaro chạy tựa "Miến Điện trở lại dưới ách tập đoàn quân sự". Cuộc đảo chính quân sự hôm thứ Hai cùng với việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi đánh dấu điểm dừng của nền dân chủ mới ra đời cách đây 10 năm từ sau khi kết thúc chế độ độc tài quân sự.
Tờ báo nhận định : "Quân đội Miến Điện đã phá vỡ quá trình chuyển tiếp dân chủ mong manh, đưa kẻ thù quen thân của mình, bà Aung San Suu Kyi vào tù một lần nữa, đẩy đất nước ở Đông Nam Á này vào bất trắc".
Phe quân sự với sức mạnh trong tay đã thổi còi chấm dứt cuộc dạo chơi dân chủ ở Miến Điện trong 5 năm qua vào đúng lúc "Quý bà Rangoon" chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước thứ 2. Với phe quân sự như thế là quá đủ, họ không thể chịu được thêm 5 năm nữa. Theo như phân tích của giới quan sát chính trị tại Miến Điện.
Tuy nhiên, hầu hết các báo đều ghi nhận tình hình yên ắng ở Miến Điện. Quân đội tiến hành vụ đảo chính tương đối êm đẹp không có tiếng súng. Mặc dù bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi dân chúng biểu tình chống lại cuộc đảo chính, nhưng phóng viên tại chỗ của các báo đều ghi nhận không có những dấu hiệu nào của các cuộc tập hợp ở hai thành phố lớn là thủ đô Naypyidaw và Rangoon.
Về số phận của bà Aung San Suu Kyi, nhật báo Le Figaro nhận xét : Một lần nữa Aung San Suu Kyi lại bị giới quân nhân đưa vào tù sau khi đã từng bị giam hãm quản thúc 15 năm khi bà còn là lãnh tụ đối lập.
Nhưng lần này, biểu tượng của nền dân chủ Miến Điện đã mất đi hào quang đối với phương Tây vì sự im lặng liên quan đến các vụ truy bức người Rohingya. Aung San Suu Kyi trước khi trở thành lãnh đạo đất nước còn là người được trao giải Nobel Hòa bình 1991.
Vẫn trong dòng sự kiện Miến Điện, Le Figaro có bài viết điểm lại sự nghiệp chính trị thăng trầm của "Aung San Suu Kyi, biểu tượng toàn cầu bị phá vỡ của nền dân chủ", tựa bài báo. Cùng đồng thanh, La Croix cũng như Libération đều ghi nhận, vụ đảo chính quân sự đã đưa Miến Điện trở lại thời kỳ độc tài. Theo La Croix, vừa thoát ra khỏi chính quyền độc tài quân sự kéo dài gần nửa thế kỷ, được chục năm, Miến Điện chìm trở lại trong cơn ác mộng một chế độ độc tài quân sự mới.
Nhân sự kiện này, Les Echos có bài liên quan đến vấn đề kinh tế của đất nước đang trên đường mở cửa với thế giới bên ngoài từ khi tiến hành dân chủ hóa. Nhật báo kinh tế cho hay Miến Điện hiện là điểm đang hấp dẫn các nhà đầu tư Châu Á là chính.
Trung Quốc là nước bao trùm khắp các dự án đầu tư ở Miến Điện. Đứng thứ 2 là Singapore, nhưng phần đông các đầu tư của Singapore đều núp bóng người Trung Quốc. Bắc Kinh nhìn nhận Miến Điện và Pakistan là hai điểm chiến lược trong hành lang kinh tế đi ra Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đã đổ nhiều tỷ đô la dưới dạng đầu tư trực tiếp hay cung cấp tín dụng cho các đối tác trong nước. Theo bài viết thì người Trung Quốc không lo lắng với cuộc đảo chính lần này. Họ vốn đã có quan hệ tốt với giới quân sự ở nước này từ trước khi có chuyện quân đội chia sẻ quyền lực cho dân sự.
Khi làm đảo chính có thể phe quân sự cũng đã tính toán khả năng bị quốc tế trừng phạt, các nhà đầu tư phương Tây rút khỏi Miến Điện, nhưng các vị trí trống đó sẽ nhanh chóng được thay thế bằng các nhà đầu tư Châu Á.
Ngoài Trung Quốc còn có Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ cũng đầu tư rất mạnh vào Miến Điện. Năm nay dự kiến kinh tế sẽ tăng trưởng 8%, sau khi năm 2020 đất nước này đã tránh được suy thoái vì trận đại dịch.
Chuyển qua nhật báo Libération. Trang nhất của tờ báo dành cho gương mặt phản kháng nổi tiếng người Nga, Alexei Navalny với hàng tựa lớn : "Navalny, Putin, không sợ hãi".
Là người lâu nay đã dấn thân chống lại trực tiếp tổng thống Nga, nhà hoạt động chống tham nhũng này là mối đe dọa không nhỏ đối với chế độ. Navalny không biết lùi bước trước bất kỳ một mưu đồ nào của chính quyền nhằm khóa miệng ông.
Hôm 02/02, nhà hoạt động đối lập bị đưa ra tòa để xét xử. Nhưng theo Libération, những phiên tòa như thế cũng không thay đổi được gì ở Navalny đã xác định sẵn sàng đối mặt đến cùng với chế độ Putin.
Libération dành bài viết dài điểm lại tiểu sử và hành trình đấu tranh của Alexei Navalny, từ một người viết blog phản biện các vấn đề xã hội đến khi trở thành kẻ thù số 1 của chế độ. Trên quãng đường đấu tranh chưa phải là dài, nhà đối lập nổi tiếng này đã bị chính quyền không biết bao nhiêu lần tìm mọi cách vô hiệu hóa, nhưng mỗi lần như vậy chỉ càng làm cho Navalny trở nên nổi tiếng.
Giờ đây Alexei Navalny, từ trong tù vẫn có thể kêu gọi được hàng ngàn người biểu tình ủng hộ ông trên khắp cả nước Nga, làm dấy lên một phong trào chống chính quyền rộng lớn. Ở bên ngoài số phận của Navalny được các nước phương Tây quan tâm theo dõi và can thiệp với Kremlin.
Các nhật báo Le Figaro và La Croix đã đề cập đến việc dự án Nord Stream 2 xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga về Đức, gần hoàn thành đang bị một số nước Châu Âu trong đó dẫn đầu là Pháp kêu gọi ngừng lại vì do những hành xử của chính quyền Moskva với Alexei Navalny.
Trong khi đó "đối mặt với làn sóng phảng kháng, Kremlin chọn cách leo thang trấn áp", thẳng tay bắt bớ người biểu tình, đưa ra tòa những người thân cận của Navalny… theo ghi nhận của nhật báo Le Monde.
Trở lại với chủ đề liên quan đến Covid 19. Thế giới cũng như Châu Âu vẫn đang lao đao chống đỡ với trận dịch kéo dài và dữ dội đẩy cả thế giới vào trong khủng hoảng y tế và kinh tế cùng lúc.
Le Figaro đặc biệt chú ý đến thiệt hại kinh tế của ngành hàng không thế giới với hàng tựa lớn trang nhất : "Vận tải hàng không lún sâu vào khủng hoảng lịch sử". Tờ báo ghi nhận, với khủng hoảng Covid kéo dài, các hãng hàng không bị thiệt hại nặng nhất.
Từ hơn một năm qua, ngành vận tải hàng không trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, vừa le lói có chút ánh sáng cuối đường hầm thì dịch lại bùng lên. Tình hình dịch bệnh kéo dài, chiến dịch tiêm chủng mới chỉ bắt đầu còn phải đợi nhiều tháng nữa mới thấy hiệu quả…
Trong bối cảnh như vậy ngành vận tải hàng không đang thực sự lo lắng cho tương lai. Le Figaro cho hay, năm 2020, đã có 14 hãng hàng không trên thế giới tuyên bố phá sản. Nhưng khoản thất thu lớn, lên đến nhiều tỷ đô la đang chờ đợi các hãng hàng không. Theo nhận định của tờ báo, "vận tải hàng không đang bị cuốn vào vòng xoáy địa ngục".
Anh Vũ
Sau nhiều ngày nói bóng nói gió, quân đội Miến Điện hôm nay 01/02/2021 đã cho bắt giữ lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Giới quan sát cho rằng đây là một cuộc đảo chính.
Theo nhận định của nhà báo Sarah Bakaloglou, từng là thông tín viên của RFI tại Rangoon, vụ việc phản ảnh những căng thẳng giữa giới quân đội và giới chính khách dân sự.
"Quả thật là từ nhiều ngày qua, căng thẳng trở nên gay gắt giữa quân đội và chính phủ dân sự. Quân đội lúc đầu đã đề cập đến khả năng đảo chính. Nhất là, người ta đã thấy các xe bọc thép lưu thông trên các nẻo đường của Rangoon, mặc dù quân đội vẫn cứ nói là đó chỉ là những hoạt động tuần tra thông thường.
Rồi cảnh sát được điều đến đông đảo tại thủ đô Naypyidaw, nơi có trụ sở của Nghị Viện, lãnh đạo Aung San Suu Kyi và tổng thống Miến Điện. Trên đường phố ở Rangoon cũng vậy, có nhiều cuộc tập hợp ủng hộ quân đội.
Những tín hiệu căng thẳng đó ngày càng nhiều, nhưng quân đội cứ làm ra vẻ trấn an vụ việc hồi cuối tuần qua, khi nói là họ sẽ bảo vệ Hiến Pháp và nhất là cáo buộc truyền thông diễn giải sai lệnh những phát biểu của họ.
Nhưng những căng thẳng này giữa chính phủ dân sự và quân đội vẫn luôn tồn tại kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lên cầm quyền năm 2015. Bà Aung San Suu Kyi mong muốn sửa đổi Hiến Pháp vốn dĩ trao rất nhiều quyền lực cho quân đội Miến Điện : Ba vị trí bộ trưởng chủ chốt, 25% số ghế trong Nghị Viện được bảo đảm dành cho giới quân nhân.
Dù vậy, bà Aung San Suu Kyi vẫn là một nhà lãnh đạo rất được lòng dân. Giờ phải chờ xem có những cuộc tập hợp ủng hộ bà có sẽ diễn ra hay không nhằm phản đối cuộc đảo chính này".
Cho đến lúc này, quân đội Miến Điện bắt giữ tổng cộng 21 người, bao gồm nhiều nhà lãnh đạo chính trị, các nghị sĩ và các nhà hoạt động đấu tranh. Sự việc khiến nhiều nhà đấu tranh lo ngại Miến Điện có nguy cơ trở lại với chế độ độc tài quân sự, như thổ lộ của một cựu tù nhân chính trị :
"Tôi thật sự lo sợ là thế hệ trẻ nói rằng quân đội Miến Điện là định chế hùng mạnh nhất của đất nước. Đây thật sự là rất nguy hiểm cho thế hệ mới. Và tôi cũng sợ rằng quân đội, nhất là những sĩ quan trẻ tuổi, tự cho mình là những người hùng mạnh nhất, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Điều này thật sự không tốt cho tương lai của Miến Điện. Điều này không phù hợp với chuẩn mực của nền dân chủ và điều đó sẽ là một trở ngại cho Miến Điện trên con đường hướng đến dân chủ. Giới quân sự phải tôn trọng kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020, bởi vì đó là nguyện vọng của người dân, và họ phải trả tự do cho các nhà lãnh đạo của chúng tôi".
Về phần mình, ông Phil Robert, đại diện cho Human Right Watch trong khu vực, nhận xét rằng cú đảo chính này, tuy đã gây bất ngờ cho mọi người, nhưng gợi nhắc lại những sự kiện gần đây tại Hoa Kỳ.
"Thành thật mà nói, ban đầu người ta nghĩ là quân đội lòe mọi người. Trên thực tế, vụ việc rất giống những gì xảy ra ở Mỹ lúc còn Donald Trump, nhưng theo phong cách Miến Điện. Những cáo buộc gian lận bầu cử hàng loạt không có bằng chứng nhưng người ta chỉ nghĩ đó chẳng qua là cách để phe quân đội gây áp lực với bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.
Việc họ dám thực hiện cuộc đảo chính dựa trên cái cớ tình trạng khẩn cấp được dàn dựng hoàn toàn, thật sự là một thảm họa cho người dân Miến Điện. Điều đó giống như việc quân đội quẳng vào thùng rác một thắng lợi bầu cử lớn của một đảng ủng hộ dân chủ trong một cuộc bầu cử được hầu hết các nhà quan sát địa phương và quốc tế nhìn nhận như một cuộc bỏ phiếu công bằng và hợp lệ".
Minh Anh
Myanmar, Aung San Suu Kyi và bài học cho Việt Nam
Song Chi, BBC, 02/02/2021
Tôi chợt nhớ lại năm 2009, khi tôi vừa tới Na Uy chưa được bao lâu và lần đầu tiên từ nơi ở là Kristiansand đến Oslo chơi, một trong những nơi tôi ghé thăm là Nobel Peace Center, nơi trưng bày mọi hình ảnh, tư liệu về các nhân vật, tổ chức đã từng được đoạt giải Nobel Hòa Bình.
Bà Aung San Suu Kyi trước khi bị lực lượng đảo chính bắt giữ đóng vai trò Cố vấn Quốc gia của chính phủ do đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ chiếm đa số lãnh đạo
Gặp đúng lúc người ta đang tổ chức ký tên kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 và hiện đang bị chính quyền quân phiệt độc tài Myanmar giam lỏng tại nhà.
Tất nhiên là tôi cũng ký tên như nhiều người khác. Thật ra, trước đó khi còn ở trong nước tôi phải thú nhận là tôi không biết gì nhiều về bà Aung San Suu Kyi, tôi ký vì ngay tại đó tôi đứng đọc những thông tin về cuộc đời đấu tranh của bà.
Không bao lâu sau, tháng 11/2010 bà Aung San Suu Kyi được thả tự do tại Yangon. Báo chí quốc tế khắp nơi đưa tin này.
Những ngày tháng ấy bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng của hòa bình, một ngọn hải đăng cho phong trào đấu tranh dân chủ không chỉ ở Myanmar, từng được thế giới ca ngợi hết lời. Không có mấy nhân vật đấu tranh được như bà, bao nhiêu giải thưởng, bằng danh dự quốc tế, bao nhiêu tổ chức lên tiếng đòi trả tự do cho bà, trong cuộc đời mình bà đã từng gặp biết bao chính khách, lãnh đạo từ Đông sang Tây, ở đâu bà cũng được tiếp đón trọng thị.
Bà thu hút mọi người không chỉ vì danh tiếng của một nhà đấu tranh mà còn vì là một trí thức từng tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ các ngành chính trị, kinh tế tại các trường cao đẳng thuộc Đại học Delhi ở New Delhi, Đại học Oxford…, có thể nói được vài ba ngoại ngữ. Người phụ nữ mảnh mai, tuy đã có tuổi nhưng vẫn giữ được nét đẹp thanh lịch, nền nã trong những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Myanmar, luôn luôn cài hoa tươi trên đầu.
Và rồi khi bà bắt đầu nắm quyền lực, một số vết mờ trên bức chân dung của bà bắt đầu xuất hiện.
Từ chuyện vì có chồng quá cố và con sinh ra ở nước ngoài nên không được làm Tổng thống do một điều khoản trong Hiến pháp Myanmar, nhưng vẫn "đẻ" ra cái vai trò là State Counsellor of Myanmar (Cố vấn quốc gia) có thực quyền hơn cả Tổng thống, thậm chí "cao hơn Tổng thống", như lời tuyên bố của bà.
Những vết mờ ngày càng lớn hơn khi bà lên nắm quyền, Myanmar chẳng những không có những tiến bộ đáng kể nào về kinh tế mà quan trọng hơn, bà vẫn không xây dựng được một lộ trình dân chủ thật sự cho đất nước, nhiều vi phạm về nhân quyền vẫn tồn tại. Một ví dụ là dưới sự lãnh đạo của bà, nhiều nhà báo tại Myanmar đã bị truy tố.
Bà cũng không giải quyết được những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo vốn âm ỉ trong xã hội Myanmar, thay vào đó lại im lặng trước hành động bị xem là tội ác diệt chủng của quân đội đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya. Thậm chí ngày 10/12/2019 bà đã ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở La Haye, Hà Lan, để bảo vệ quân đội, bảo vệ cho đất nước Myanmar trước cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Thật khó tin rằng một người trí thức, bị ảnh hưởng bởi cả triết lý bất bạo động của Mahatma Gandhi và cụ thể hơn là bởi các khái niệm Phật giáo, luôn chọn con đường đấu tranh bất bạo động, một con người đã dùng những năm tháng bị giam lỏng tại gia để nghiễn ngẫm triết học Phật giáo và thiền định, lại trở thành một con người khác đến thế khi nắm được quyền lực.
Có những người bênh vực bà Aung San Suu Kyi, cho rằng bà chấp nhận bị phương Tây chỉ trích, chấp nhận đánh đổi danh tiếng của mình để "chung sống hòa bình" với bên quân đội vẫn chưa bao giờ thực sự mất quyền lực, và vì bà biết thế của bà và của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy) của bà không đủ mạnh để nắm trọn quyền, rằng nếu bà cực lực lên án vụ đàn áp người Hồi giáo Rohingya thì sẽ bị bên quân đội cho "lên đường" ngay. Có thể điều đó có một phần đúng chăng ?
Đối với người Việt Nam, tôi đã từng nghe không biết bao nhiêu lời ca ngợi, ước ao, giá mà Việt Nam có một Aung San Suu Kyi. Sự thay đổi của bà không chỉ làm cho hàng triệu người Việt thất vọng, mà phương Tây càng thế… Nhưng, có lẽ đó là do nhiều người chỉ nhìn thấy bà từ xa ?
Bài học gì cho dân chủ Việt Nam ?
Dầu sao, câu chuyện của bà Aung San Suu Kyi và con đường dân chủ hóa gập ghềnh vừa bị ném ngược trở lại mấy chục năm trước của Myanmar, cũng cho người Việt chúng ta rất nhiều bài học quý báu.
Theo tôi, đó là giành được quyền lực đã khó, xây dựng một lộ trình dân chủ thực sự cho đất nước, không để cho đất nước "chuyển hóa" thành một dạng độc tài kiểu khác, còn khó hơn gấp nhiều lần.
- Có những "ngôi sao sáng", là biểu tượng cho đấu tranh dân chủ nhưng thay đổi khi có quyền lực trong tay. Họ có thể phải thỏa hiệp với những thế lực phi dân chủ khác để giữ quyền lực và do đó cũng không thực sự cải cách dân chủ cho đất nước.
- Người lãnh đạo, có tinh thần đấu tranh, khao khát tự do dân chủ, yêu đất nước chưa đủ, phải có trí tuệ, có tầm nhìn xa để vạch nên những chiến lược đường dài, lộ trình dân chủ hóa, và sự phát triển lâu dài, vững mạnh cho đất nước, dân tộc. Bà Aung San Suu Kyi có thể không thiếu trí tuệ nhưng có lẽ bà là một biểu tượng đấu tranh thì tốt hơn là trở thành một người đứng đầu nhà nước, vì cần phải có những kỹ năng khác để điều hành một đất nước.
- Quan trọng nhất là chúng ta không nên "thần thánh hóa" bất cứ ai, biến họ thành một tượng đài. Như thế vừa làm hại chính họ vừa khiến cho những người khác, trẻ hơn, có khả năng lãnh đạo hơn nhưng lại bị "cái bóng" của người đó lấn át. Cần chú ý rằng người Việt vốn hay có tâm lý thần tượng ai đó, và tự nó là một biểu hiện phi dân chủ.
Cuối cùng là bài học về việc xây dựng lực lượng kế thừa. Cho đến giờ có vẻ như đảng của bà Aung San Suu Kyi và người dân Myanmar vẫn chưa chuẩn bị những người có khả năng thay thế bà, đã ở tuổi 75, cho nên nếu quân đội bắt bà Aung San Suu Kyi thì cũng có nghĩa là không còn ai khác. Người Việt Nam đấu tranh càng phải lựa chọn việc xây dựng một phong trào mạnh chứ không phải đặt hết vào một hai "lãnh tụ".
Lại có người cho rằng cuộc đảo chính này có sự hỗ trợ phía sau của Trung Quốc, quốc gia từng không hài lòng khi nhìn thấy Myanmar tiến lên một bước về dân chủ và nhích ra xa khỏi ảnh hưởng của mình, và đây cũng là thêm một "phép thử" của Bắc Kinh đối với chính phủ mới của Mỹ, bên cạnh những "phép thử" về biển Đông và Đài Loan.
Không biết điều này có đúng không, nhưng dù sao, tôi vẫn tin rằng con đường dân chủ hóa của Myanmar dù có gập ghềnh, khi tiến khi lùi, nhưng chí ít dân tộc Myanmar vẫn còn may mắn vì giữ được sự hiền lương, thật thà, tử tế.
Nhiều người từng đến thăm Myanmar đều nhận xét như vậy. Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo nhưng phần lớn vẫn là Phật giáo, trong cách sống của họ rất thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Xã hội Myanmar dù cũng trải qua một chế độ độc tài sắt máu, nhưng không bị một chủ nghĩa cộng sản "giả cầy" phá nát đến tận gốc rễ từ văn hóa, đạo đức xã hội, tính thiện trong con người, các mối quan hệ gia đình cho tới kỷ cương, luật pháp… như các nước Liên Xô cũ cho tới Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn… Xây dựng lại từ đầu trên cái phông nền con người, xã hội như vậy có phần đỡ hơn.
Và từ bên ngoài, thế giới có lẽ sẽ không để mặc Myanmar.
Một số lãnh đạo các nước đã lên tiếng. Hoa Kỳ đã tính đến chuyện cấm vận trở lại Myanmar. Bởi vì cho dù hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi có phần bị hoen ố nhưng thế giới sẽ lên tiếng, vì người dân Myanmar, vì bây giờ là năm 2021 chứ không phải 1962 để quân đội Myanmar muốn làm gì thì làm. Kết quả cuộc bầu cử và ước muốn được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân Myanmar phải được tôn trọng.
Nhưng xét cho cùng, mọi thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn cho mọi quốc gia phải bắt đầu từ chính khát vọng và hành động của người dân chứ không thể chỉ trông chờ vào bên ngoài.
Song Chi
Nguồn : BBC, 02/02/2021
Song Chi là nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình, hiện sống tại Leeds, Anh Quốc.
*********************
Xã luận, Financial times, Nghiên cứu quốc tế, 02/02/2021
Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar là một sự đảo ngược đáng buồn đối với con đường dân chủ ở một trong những đất nước nghèo nhất Châu Á và toàn cầu. Chắc chắn, quá trình chuyển đổi hướng tới các quyền tự do chính trị lớn hơn trong thập niên qua ở đây còn nhiều thiếu sót và chưa hoàn thiện. Hình ảnh quốc tế của lãnh đạo nước này, Aung San Suu Kyi, đã bị làm hoen ố bởi bà bảo vệ cuộc đàn áp quân sự năm 2017 chống lại người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, dường như đi ngược lại xu hướng ở những nơi khác, Myanmar dường như là một trong số ít nơi mà bước tiến của dân chủ vẫn tiếp tục – bao gồm cả trong cuộc bầu cử quốc hội mới nhất diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng khi năm 2021 mới chỉ trôi qua được một tháng, tiến trình này đã bị chặn đứng.
Những người ủng hộ quân đội ở Yangon. Tiến trình dân chủ hóa xã hội Myanmar đã bị chặn lại © AFP / Getty
Sự chuyển đổi dân chủ của Myanmar luôn là một điều gì đó ít tươi đẹp hơn câu chuyện cổ tích mà ban đầu nó thể hiện. Khi chính quyền quân sự từ chức 10 năm trước – cùng thời điểm các nhà lãnh đạo Trung Đông bị lật đổ trong Mùa xuân Ả Rập – hiến pháp được ban hành vào năm 2008 đã đảm bảo quân đội sẽ giữ được quyền lực. Theo đó quân đội được đảm bảo có được một phần tư số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ quyền lực nhất : nội vụ, quốc phòng và các vấn đề biên giới. Đối với Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, vốn giành được quyền thành lập chính phủ vào năm 2015, việc thay đổi hiến pháp gần như bất khả thi vì điều này đòi hỏi tỉ lệ ủng hộ 75% trong quốc hội.
Cộng đồng quốc tế đã đúng ra khi bận tâm tới tội ác diệt chủng chống lại người Rohingyas. Nhưng chúng ta đã ít chú ý đến quá trình chuyển đổi dân chủ mong manh và chưa hoàn thành đang diễn ra ở đất nước cực kỳ phức tạp này.
Ở nước ngoài, Aung San Suu Kyi được coi là người bảo vệ, thậm chí là đồng minh của các tướng lĩnh, khi bà bảo vệ cuộc đàn áp người Rohingya tại Tòa án Công lý Quốc tế hồi năm 2019. Trớ trêu thay, trong khi bà vẫn cực kỳ được ủng hộ bởi đa số dân theo đạo Phật ở Myanmar, việc bà bị quốc tế coi là không ủng hộ các giá trị mà bà hiện thân từ lâu trong vai trò một nhà hoạt động đối lập có thể đã khuyến khích các tướng lĩnh lật đổ bà, tin rằng phản ứng từ nước ngoài sẽ không đáng kể.
Không biết có phải ngẫu nhiên hay không, nhưng tuyên bố của phe quân đội rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử của đảng NLD vào tháng 11 năm ngoái là gian lận được đưa ra cùng lúc vị tổng thống của nền dân chủ quyền lực nhất thế giới cũng tuyên bố tương tự, dù không có bằng chứng, rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi tay ông. Các nhà quan sát trong nước cho biết cuộc bầu cử – trong đó NLD giành được 83% số ghế, thậm chí nhiều hơn năm 2015 – là đáng tin cậy mặc dù vẫn còn một số thiếu sót. Các nhà theo dõi quốc tế chỉ trích Myanmar vì cấm người Rohingya, những người chắc chắn là không ủng hộ các tướng lĩnh, đi bỏ phiếu.
Nếu có hy vọng, đó là bối cảnh trong nước và quốc tế giờ rất khác so với năm 1962, khi quân đội lần đầu tiên lên nắm chính quyền, hoặc năm 1990, khi họ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Một dân số trẻ đã được trải nghiệm các lựa chọn chính trị có thể sẽ không dễ dàng bỏ qua. Cuộc đảo chính là một bài kiểm tra ban đầu đối với chính quyền Biden, và dù nền dân chủ Hoa Kỳ cũng đang chịu nhiều thương tích, thì triển vọng về một phản ứng có phối hợp của phương Tây đối với cuộc đảo chính có vẻ sẽ sáng sủa hơn so với dưới thời Trump.
Các nền dân chủ phương Tây đã phát triển các công cụ gây áp lực tốt hơn so với thời kỳ Myanmar còn nằm dưới chế độ quân sự trong những thập niên trước. Không cần phải nhanh chóng quay trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng của thời kỳ đó, vốn khiến đất nước rơi vào cảnh nghèo đói. Nhưng vẫn có dư địa để tái áp dụng và mở rộng các biện pháp có mục tiêu chọn lọc hơn nhắm vào các lợi ích thương mại của quân đội và các nhà tài phiệt có dây mơ rễ má với họ. Dù có rủi ro là các biện pháp này sẽ đẩy Myanmar dịch về phía nước láng giềng Trung Quốc, nhưng các tướng lĩnh của Naypyidaw chưa từng là đồng minh thân thiết của Bắc Kinh. Ngọn lửa dân chủ của Myanmar đã cháy trong bóng tối suốt nhiều năm. Ngay cả bây giờ, nó có thể vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt.
Xã luận, Financial times
Nguyên tác : "Myanmar coup reverses a fragile democracy", Financial Times, 02/02/2021.
Người dịch : Phan Nguyên
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/02/2021
*********************
Câu chuyện dân chủ Miến Điện
Nhã Duy, 02/02/2021
Tin tức về vụ quân đội Miến Điện đảo chánh, cắt mạng internet và bắt giữ cấp lãnh đạo Miến Điện đã là tiêu điểm thời sự thế giới vào cuối tuần qua. Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc là bà Jen Spaki đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu giới quân phiệt Miến Điện tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và luật pháp, trả tự do cho giới lãnh đạo dân sự nước này.
Tuyên bố này viết rằng, Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các định chế dân chủ của Miến Điện và phản đối bất kỳ nỗ lực thay đổi kết quả của cuộc bầu cử hợp pháp hoặc cản trở tiến trình dân chủ của Miến Điện, cũng như sẽ có biện pháp chế tài với những người chịu trách nhiệm nếu không đảo ngược quyết định.
Cuộc đảo chánh được giới bình luận quốc tế xem như sự lặp lại cáo buộc sai trái của tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Nó xảy ra sau một tháng tướng Min Aung Hlaing, người đang nắm quyền Miến Điện hiện nay, đã gặp gỡ với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc. Cũng nói thêm là Miến Điện là quốc gia mà Trung Quốc nhắm vào quyền lợi dầu khí và khí đốt đáng kể tại đây.
Lộ trình dân chủ của Miến Điện đã được Hoa Kỳ tiếp sức khá mạnh mẽ và đưa đến thành công của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy - NLD) của bà Aung San Suu Kyi, là đảng giành thắng lợi và nắm quyền từ năm 2015 cho đến chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 vừa qua. Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton được xem có những đóng góp to lớn trong việc giúp Miến Điện đạt được thành công này, nhằm giúp Miến Điện đi theo con đường dân chủ thoát Trung và thân Mỹ hơn, thông qua chiến lược chuyển trục Châu Á của Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama đã đến Miến Điện vào năm 2012 và Ngoại trưởng Clinton đã hai lần đến Miến Điện vào năm 2011 và năm 2015 để vận động cho tiến trình này. Hoa Kỳ cũng bỏ lịnh cấm vận vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Sau chiến thắng áp đảo của đảng NLD, bà Clinton tuyên bố : "Đây là sự khẳng định vai trò không thể nào thiếu vắng của Hoa Kỳ, trong tư cách nhà cổ vũ cho hòa bình và tiến bộ thế giới". Bà đã dành nguyên một chương trong cuốn hồi ký "Những chọn lựa khó khăn" (Hard Choices) để kể chi tiết về vấn đề Miến Điện.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có những sự việc dẫn đến một số bất đồng trong mối quan hệ song phương, qua hành động bị xem là phản dân chủ của chính phủ Miến Điện trong việc đàn áp sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya. Dù không là tổng thống vì các quy định công dân theo hiến pháp nhưng trên thực tế, bà Aung San Suu Kyi là người lãnh đạo Miến Điện qua vai trò cố vấn tối cao kiêm ngoại trưởng tại quốc gia này và là người chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược cam kết khi ghi nhận những bước tích cực mà Miến Điện đã thực hiện và khuyến khích cuộc cải cách đi xa hơn nữa.
Nguyên tắc chủ đạo này nhằm giúp cải tổ sinh hoạt chính trị và kinh tế của Miến Điện, thúc đẩy hòa giải dân tộc, xây dựng các định chế, trách nhiệm và sự minh mạch của chính phủ, trao quyền cho các cộng đồng địa phương và xã hội dân sự, thúc đẩy sự can dự vào các vấn đề quốc tế trong tinh thần trách nhiệm, đồng thời tăng cường sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo. Từ năm 2012 cho đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Miến Điện khoảng 1,5 tỉ đô la (theo US Relations with Burma-US Department of State).
Trong khi Trung Quốc không đưa ra tuyên bố gì ngoài việc kêu gọi các bên "kiềm chế" đầy ngoại giao, cũng như một số quốc gia Châu Á tuyên bố đó là "vấn đề nội bộ của Miến Điện" thì Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố trong ngày đầu tuần rằng, "Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Miến Điện trong thập niên qua dựa trên tiến trình dân chủ tại đây. Việc đảo ngược tiến trình đó sẽ được xem xét lại ngay lập tức bằng các hành động thích hợp qua thẩm quyền và lịnh cấm vận. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ dân chủ ở bất cứ nơi nào mà nó bị tấn công". Ông cũng kêu gọi thế giới đồng lên án và làm áp lực buộc ban lãnh đạo quân đội Miến Điện phải lập tức trả lại quyền hành và tự do cho giới lãnh đạo Miến Điện.
Việc điều hành quốc gia và những trách nhiệm của bà Aung San Suu Kyi trong vấn đề phân biệt sắc tộc đã bị Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, bà đã phải ra điều trần tại Tòa án quốc tế The Hague và phủ nhận những cáo buộc. Nó cho thấy tiến trình dân chủ một quốc gia chưa bao giờ suôn sẻ và các chính sách sắc tộc là những vấn đề thời sự nóng bỏng tại nhiều quốc gia, không riêng với Miến Điện. Tuy nhiên việc quân đội nước này sử dụng vũ lực để bắt giam toàn bộ ban lãnh đạo dân sự và cướp chính quyền, chặn đứng tiến trình dân chủ và phủ nhận hiến pháp quốc gia này lại là một vấn đề nghiêm trọng, xúc phạm đến những giá trị nền tảng trong sinh hoạt dân chủ của thế giới. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ cùng các nước dân chủ phương Tây khác đã đồng loạt lên án.
Hồi tháng Bảy năm 2019, trong cuộc gặp gỡ một số nạn nhân các quốc gia bị đàn áp tôn giáo từ phòng Bầu Dục, một người Miến Điện thuộc sắc dân Hồi giáo Rohingya đã hỏi Donald Trump rằng ông sẽ làm gì trước nạn diệt chủng tại Myanmar. Trump đã hỏi ngược lại "Myanmar chính xác là ở đâu ?" và một phụ tá của ông đã cứu nguy cho thượng cấp khi nhắc ông là nó nằm cạnh... Burma (*). Trong khi Burma vốn là tên cũ của Myanmar và Hoa Kỳ, Anh vẫn đang tiếp tục sử dụng vì không muốn thừa nhận cái tên do giới quân phiệt Miến Điện đã đổi. Người viết không lấy sự kiện này để phê phán chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà chỉ vạch ra cho thấy những gì đang xảy ra tại Miến Điện không hề được nội các Donald Trump quan tâm.
Nhắc lại câu chuyện Donald Trump bên trên cùng một trong những khủng hoảng đối ngoại đầu tiên mà nội các Tổng thống Joe Biden đối diện và phản ứng, người ta có thể cảm nhận được vai trò, sự quan tâm và thái độ của Hoa Kỳ trước vấn đề dân chủ thế giới sẽ thay đổi theo từng lãnh đạo và nội các khác nhau. Điều này cho thấy các phong trào dân chủ thế giới, hay Việt Nam nói riêng, cũng cần quan sát, theo dõi và nắm bắt theo từng chính sách ngoại giao và ưu tiên của mỗi đời tổng thống Hoa Kỳ, nếu thật sự muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn và ủng hộ.
Sinh hoạt dân chủ thế giới luôn bị thách thức và đối diện thường trực với hiểm nguy, kể cả tại chính Hoa Kỳ, nơi từng được xem là thành trì của nền dân chủ thế giới. Câu chuyện Miến Điện là lời nhắc nhở về những nền dân chủ thiếu sức mạnh và nếu không được bảo vệ đúng mức, sẽ có nguy cơ xảy ra những gì như đang diễn ra trên đất nước chùa vàng này.
Nhã Duy
(02/02/2021)
(*) https://www.businessinsider.com/trump-asked-rohingya-refugee-where-myanmar-is-2019-7
Xem thêm :
*********************
Thu Hằng, RFI, 02/02/2021
Xe bọc thép chặn mọi trục đường chính, quân đội canh giữ hàng trăm đại biểu Quốc hội bên trong khu nhà hành chính ở thủ đô Naypyidaw đúng ngày khai mạc phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Internet bị cắt, mạng xã hội bị chặn, người dân đổ xô đi rút tiền, không dám lên tiếng vì sợ bị trả đũa dù vẫn ủng hộ chính phủ dân sự. Trong một ngày, Miến Điện trở lại với chế độ độc tài quân sự, kéo dài ít nhất một năm.
Trước đó đã có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội sẽ tiến hành đảo chính, từ những đoàn xe bọc thép được điều động về thủ đô trong những tuần qua, đến phát biểu úp mở của phát ngôn viên quân đội. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế phần nào đó vẫn bị bất ngờ về cuộc đảo chính vì đa số các nước còn bận chống dịch Covid-19, không chú ý đến tình hình Miến Điện trong khi uy tín của bà Aung San Suu Kyi cũng bị sứt mẻ. Ngoài ra, "vẫn khó để hiểu được hết động cơ của quân đội", theo nhận định của nhà nghiên cứu Romain Caillaud, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) được báo Les Echos trích dẫn ngày 01/02/2021.
Quân đội Miến Điện chọn ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội mới để đảo chính vì không công nhận kết quả bầu cử ngày 08/11/2020 với cáo buộc có hơn 8 triệu phiếu gian lận. Mọi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được giao cho quân đội nằm trong tay tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Đối với quân đội, có lẽ đảo chính là cách duy nhất chứng tỏ sức mạnh và phủ nhận thực tế bị mất uy tín thảm hại trong cuộc bầu cử Quốc hội. Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi áp đảo ở Quốc hội với 83% số ghế được bầu (396 trên tổng số 476 ghế), trong khi đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn chỉ nhận được 7% số ghế (33). Cần nhắc lại là quân đội vẫn chiếm 25% số ghế đại biểu Quốc hội không thông qua bầu cử và nghiễm nhiên giữ ba bộ quan trọng, gồm bộ Nội vụ, Quốc phòng và Biên giới.
Bất bình của "kẻ bại trận" thêm gia tăng sau khi chính quyền Naypyidaw liên tục từ chối điều tra gian lận bầu cử ồ ạt, dù thừa nhận một số sai sót nhưng không đủ nghiêm trọng làm thay đổi quy mô chiến thắng của đảng NLD. Đối thoại giữa đảng cầm quyền, được đông đảo người dân ủng hộ, và quân đội đã bị gián đoạn.
Nhưng đây chỉ là một trong những lý do, theo nhà nghiên cứu Romain Caillaud, và phải nêu thêm một số nguyên nhân khác, như sự lo lắng của phe quân đội về tình hình ở bang Rakhine, cũng như tham vọng cá nhân của nhiều tướng lĩnh, trong đó có tướng Min Aung Hlaing.
Theo phân tích của Hervé Lemahieu, một chuyên gia về Miến Điện tại Viện Lowy, vị tướng đầy quyền lực này "từng có ý định ra tranh cử. Có thể ông thấy rằng chính đảng được quân đội ủng hộ đã bị thất bại hoàn toàn và không bao giờ ông có thể nắm quyền thông qua bầu cử". Ảnh hưởng của quân đội sẽ tỉ lệ nghịch với uy tín của chính quyền dân sự.
Vụ đảo chính cho thấy rõ cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc tại quốc gia Đông Nam Á này và phản ánh thực tế mà người ta vẫn gọi từ năm 2010 là "nền dân chủ mong manh" hoặc "giai đoạn quá độ dân chủ", theo phân tích của ông Maung Zarni, giảng viên Đại học người Miến Điện hiện tị nạn tại Luân Đôn, được La Croix trích dẫn.
Cú đảo chính cũng đẩy Miến Điện vào tương lai bất trắc và khó hình dung ra được "một lối thoát nhanh chóng", theo phân tích của Soe Myint Aung với báo Singapore The Straits Times. Thứ nhất là do quân đội Miến Điện "ngày càng cảm thấy khó chịu với ý nghĩ phải khó khăn sống chung trong 5 năm tới, thậm chí là lâu hơn, với đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ". Tiếp theo, tập đoàn quân sự "cảm thấy mất quyền lực trên chính trường Miến Điện".
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn ngày 02/02. Liệu cộng đồng quốc tế có thể làm được gì khi Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, không kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và theo dõi để nắm rõ hơn tình hình ? Sự nghiệp chính trị của "Quý bà Rangoon", hiện 75 tuổi sẽ ra sao ? Dù vẫn giữ được uy tín trong nước, nhưng bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế chỉ trích vì không lên tiếng bảo vệ người Hồi Giáo Rohingya. Thậm chí, nhiều tiếng nói còn yêu cầu tước giải Nobel Hòa Bình được trao cho bà năm 1991.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 02/02/2021
********************
Thanh Hà, RFI, 02/02/2021
Một ngày sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, vẫn chưa có thông tin chính xác về nhà lãnh đạo Miến Điện bà Aung San Suu Kyi. Ngày 02/02/2021, tại thủ đô Naypyidaw quân đội bao vây các tòa nhà nơi cả trăm đại biểu quốc hội thuộc Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ cư ngụ.
Trái lại theo như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP cuộc sống gần như đã trở lại bình thường tại Rangoon, lá phổi kinh tế của Miến Điện. Hệ thống mạng internet và điện thoại sau một ngày bị xáo trộn đã được phục hồi và gần như không có sự hiện diện của quân đội trên đường phố. Theo giới quan sát, tập đoàn quân sự Miến Điện không triển khai lực lượng tại Rangoon là một dấu hiệu cho thấy phe quân sự rất tự tin.
Đài truyền hình Myawadday TV do quân đội Miến Điện kiểm soát ngay từ hôm qua đã thông báo 24 thành viên trong nội các bị cách chức và tập đoàn quân sự Miến Điện đã thành lập một chính phủ mới với 11 người, kiểm soát từ bộ Tài chính đến Y tế, Thông tin, Ngoại giao, Nội vụ và Quốc phòng.
Trên mạng xã hội Facebook, Liên minh quốc gia vì dân chủ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi sau khi một thông điệp của cựu ngoại trưởng và cố vấn Nhà nước được công bố. Trong thông điệp này bà Aung San Suu Kyi kêu gọi công chúng vùng lên để bảo vệ một nước Miến Điện dân chủ.
Tuy nhiên theo thông tín viên của đài RFI trong khu vực, Carol Isoux, chưa thể kiểm chứng về tính xác thực của lời kêu gọi được cho là do chính bà Aung San Suu Kyi đưa ra :
"Trong tài liệu được công bố hôm qua, ngay sau khi bị bắt giữ, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi toàn dân "không chấp nhận cuộc đảo chính". Thế nhưng hôm nay có nhiều câu hỏi chung quanh thông điệp này. Bà Aung San Suu Kyi thực sự muốn nói gì ? Phải chăng bà kêu gọi người dân Miến Điện vùng lên, xuống đường bất chấp hàng loạt những rủi ro to lớn ? Làm sao thông điệp này có thể thoát ra bên ngoài, trong khi bà đã bị bắt giữ ?
Một chiến dịch trên quy mô lớn trên các mạng xã hội với nguồn gốc còn chưa rõ và rất có thể là nhằm mục đích thao tin thất thiệt, cho biết đây là thông điệp giả. Ai cũng biết là các thông tin thất thiệt, đặc biệt là tại Miến Điện, là một tai họa dẫn đến những xung đột về chủng tộc và xã hội khốc liệt. Người dân Miến Điện không còn biết phải tin vào ai.
Tình hình rối ren. Nhiều người khẳng định sẵn sàng xuống đường để bảo vệ nền dân chủ Miến Điện. Trong số này có nhiều con em của thế hệ 88. Đó là thế hệ của những sinh viên hồi bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên lên cầm quyền trước khi bà bị quản thúc tại gia trong vòng 15 năm. Những người này cho biết họ sẵn sàng đối mặt với những rủi ro với điều kiện có được một thông điệp rõ ràng và đích thực của bà Aung San Suu Kyi. Thế nhưng, cho đến lúc này, chưa hề có bất kỳ một hình ảnh nào của Quý bà Rangoon kể từ khi bà bị bắt".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 02/02/2021
*******************
Thu Hằng, RFI, 02/02/2021
Ngay sau khi quân đội Miến Điện đảo chính, ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm kể từ ngày 01/02/2021, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động vi hiến. Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn ngày 02/02.
Theo AFP, cuộc họp kín do Anh Quốc, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, triệu tập và sẽ diễn ra thông qua hệ thống viễn thông. Bà Christine Scharaner Burgener, đặc trách hồ sơ Miến Điện, sẽ trình bày những diễn biến mới nhất.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều chính trị gia khác. Trong thông cáo ngày 01/02, ông Guterres cho rằng "tuyên bố chuyển giao mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho quân đội là một đòn giáng nặng nề cho cải cách dân chủ ở Miến Điện".
Ngân Hàng Thế Giới cũng lo ngại cuộc đảo chính sẽ "gây trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi và phát triển" của Miến Điện, cho sự an toàn của người dân cũng như nhân viên và đối tác của họ.
Các nước phương Tây, Pháp, Anh, Mỹ, cũng như Nhật Bản kêu gọi "trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi" và yêu cầu tôn trọng kết quả bầu cử ngày 08/11/2020 thể hiện mong muốn dân chủ và tự do của người dân Miến Điện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa tái trừng phạt và kêu gọi "cộng đồng quốc tế cần có chung tiếng nói để yêu cầu quân đội Miến Điện trao lại quyền lực ngay lập tức".
Nga tạm thời chưa đưa ra bình luận và tiếp tục theo dõi tình hình, theo phát ngôn viên điện Kremlin.
Các nước ASEAN, trung thành với nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác" vẫn im lặng hoặc như trường hợp Việt Nam, chỉ bày tỏ mong muốn Miến Điện sẽ ổn định trở lại.
Tương tự, Trung Quốc cũng kêu gọi "ổn định chính trị và xã hội" tại Miến Điện, theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh :
"Một kí tự xuất hiện liên tục trong những lời bình luận ở Trung Quốc ngày 01/02 về tình hình Miến Điện : Đó là từ "Lại nữa" trên các mạng xã hội với nhận xét là lịch sử tái diễn ở nước láng giềng Miến Điện.
Rõ ràng là Bắc Kinh có lẽ mong muốn tình hình tiến triển theo kiểu khác. Một người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu : "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ giải quyết được bất đồng trong khuôn khổ hiến pháp và luật lệ để duy trì ổn định chính trị và xã hội". Quan chức ngoại giao này cho biết thêm là Trung Quốc vẫn đang theo dõi để "hiểu rõ hơn tình hình hiện nay".
Chuyện gì đã xảy ra từ khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Miến Điện cách nay ba tuần ? Người ta vẫn nhớ về bức ảnh chụp tại phủ tổng thống ở Naypyidaw : trước sự hiện diện của ngoại trưởng Trung Quốc, bà Aung San Suu Kyi và đại diện các cơ quan nhà nước đã hoan nghênh Bắc Kinh tặng vac-xin ngừa Covid-19 cho Miến Điện, cũng như tăng cường quan hệ đối tác với Miến Điện, nước đóng vai trò quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Những con đường mà bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Miến Điện, gọi là "con đường hòa bình" nhân chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 01/2020.
Hàng loạt dự án khí đốt, dầu khí, cảng nước sâu, đường sắt nối Trung Quốc đến vịnh Bengale, vành đai kinh tế Trung Quốc-Miến Điện nằm trong ưu tiên của Bắc Kinh. Trung Quốc công nhận chính phủ của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ và không hề muốn có bất ổn ở quốc gia có biên giới chung này".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 02/02/2021
**********************
Thụy My, RFI, 01/02/2021
Theo đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ, rạng sáng hôm nay 01/02/2021 quân đội Miến Điện đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo trên thực tế của chính phủ - và tổng thống Win Myint. Tình trạng khẩn cấp được ban hành trong thời gian một năm, phó tổng thống vốn là cựu tướng lãnh được chỉ định tạm nắm quyền. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt.
Thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
"Vẫn có rất ít hình ảnh về đêm đảo chính ở Miến Điện. Đó là vì từ 3 giờ sáng nay (giờ địa phương), mạng internet đã sụp đổ. Ban đầu mạng chỉ hoạt động khoảng 75% so với tốc độ bình thường, rồi sau đó hoàn toàn bị cắt, nhất là tại thủ đô. Mạng lưới điện thoại di động cũng ngưng hoạt động một phần.
Cuộc đảo chính của quân đội đã bắt đầu. Người ta thấy sự hiện diện của quân nhân trên các đường phố tại Naypyidaw và ở Rangoon. Phát ngôn viên Liên minh quốc gia vì dân chủ xác nhận bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Miến Điện đã bị quân đội bắt giữ. Ông nói : "Chúng tôi nghe nói rằng bà Suu Kyi bị giam ở Naypyidaw. Chúng tôi cho rằng quân đội đang tổ chức đảo chính".
Binh lính cũng vào nhà các lãnh đạo chính trị trong khu vực. Nhiều khuôn mặt xã hội dân sự bị bắt, nhất là nhà điện ảnh Min Htin Ko Ko Gyi, bị bắt tại nhà vào 3 giờ rưỡi sáng nay. Ông Gyi là người thường lên tiếng phản đối quân đội.
Chương trình của đài phát thanh, truyền hình quốc gia cũng bị ngưng, trước khi một thông cáo của quân đội được đọc lên vào lúc 8 giờ sáng địa phương, khẳng định Tatmadaw, tức quân đội Miến Điện, nắm lấy quyền lực. Giới quân nhân cho rằng đây là một cuộc đảo chính hợp hiến. Họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm, và trong thời gian này phó tổng thống U Myint Swe sẽ lãnh đạo Nhà nước".
Cũng theo thông cáo trên, quyết định này là cần thiết để duy trì "sự ổn định". Các tướng lãnh lên án Ủy ban bầu cử không giải quyết "các vụ gian lận hàng loạt" trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, trong đó đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Vụ bắt bớ này diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Quốc hội họp phiên đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc kêu gọi quân đội Miến Điện trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo bị bắt giữ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kiên quyết lên án việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi.
Tuần trước phát ngôn viên quân đội tố cáo đã ghi nhận được hàng triệu trường hợp gian lận phiếu, trong đó có hàng ngàn cử tri đã 100 tuổi hoặc vị thành niên. Lo ngại càng tăng khi tướng Min Aung Hlaing, nhân vật quyền lực nhất Miến Điện, tuyên bố có thể "hủy bỏ" Hiến Pháp trong một số tình huống. Mười bảy đại sứ các nước trong đó có Hoa Kỳ, cùng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi quân đội Miến Điện "tôn trọng các nguyên tắc dân chủ".
Giải Nobel Hòa bình 1991 gần đây bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội vì làm ngơ trước tình trạng người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp, nhưng vẫn được cảm tình của đa số dân chúng. Quân đội Miến Điện có quyền hành rất lớn, nắm ba bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ và Biên giới.
Thụy My
Nguồn : RFI, 01/02/2021
Miến Điện : Nhiều con tin quân nhân, cảnh sát tử thương trong cuộc giải cứu (RFI, 28/10/2019)
Trong số 43 binh sĩ và cảnh sát Miến Điện bị du kích Arakan bắt cóc hôm Chủ nhật 27/10/2019, nhiều người đã chết khi quân đội chính phủ đột kích giải cứu. Quân đội và phe nổi dậy cáo buộc lẫn nhau đã giết con tin.
Ảnh minh họa : Quân đội Miến Điện tuần tra tại một làng ở Maungdaw, bang Rakhine ngày 21/10/2016.STR / AFP
Theo AFP, vụ việc bắt đầu hôm thứ Bảy 26/10/2019 tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện.Một toán du kích của Quân đội Arakan tấn công một chiếc phà chở cảnh sát và quân nhân Miến Điện, bắt 43 người làm con tin.
Ngày hôm sau, quân đội chính phủ mở cuộc đột kích, huy động trực thăng võ trang truy đuổi phe nổi dậy trên đường rút lui bằng ba chiếc đò máy cùng với con tin.
Hai bên cùng loan báo có nhiều con tin thiệt mạng nhưng không nói rõ bao nhiêu.
Theo thông báo của lực lượng du kích, trực thăng võ trang bắn nát hai trong số ba chiếc đò. Trái lại, quân đội chính phủ cáo buộc phe du kích hạ sát con tin trước khi trực thăng can thiệp.
Cho dù quân đội Miến Điện đưa hàng ngàn quân lên vùng xa xôi này để tiêu diệt lực lượng võ trang ly khai, nhưng không thành công. Phe du kích, được giới phật tử ủng hộ, thường phản công bất ngờ bằng bom mìn, bắt cóc và phục kích. Cách nay hai tuần, họ giả trang là lính cứu hỏa, bắt cóc một loạt hàng chục nhân viên chữa lửa của bang Rakhine.
Rakhine cũng là bang có cộng đồng Hồi giáo Rohingya. Cộng đồng này bị quân đội đàn áp làm hơn 800 ngàn người chạy sang Bangladesh lánh nạn từ hai năm nay.
Tú Anh
*****************
Phiến quân bắt cóc hơn 40 cảnh sát, binh sĩ Myanmar ở Rakhine (Zing, 26/10/2019)
Phiến quân ở bang Rakhine, phía tây nam Myanmar, bắt hơn 40 sĩ quan cảnh sát và binh sĩ làm con tin trong cuộc đột kích trên phà hôm 26/10, theo quân đội nước này.
Cảnh sát Myanmar tại bang Rakhine hồi tháng 5. Ảnh : Reuters.
Quân đội đã triển khai hàng nghìn binh sĩ để nỗ lực trấn áp nhóm quân nổi dậy Arakan Army tại bang này. Đây là nhóm dân tộc đang đấu tranh đòi nhiều quyền tự trị hơn cho các phật tử Rakhine, theo AFP.
Tuy nhiên, nhóm Arakan Army đã gây ra một loạt các cuộc tấn công bạo lực, bắt cóc và nhiều vụ nổ khác.
Sáng 26/10, binh sĩ của phiến quân này nấp trên bờ sông và bắn vào một chiếc phà chở cảnh sát cùng binh sĩ hướng về phía bắc từ thủ đô nước này. Vụ tấn công đã buộc phà phải cập cảng, theo phát ngôn viên quân đội Zaw Min Tun.
"Hơn 10 binh sĩ từ quân đội, khoảng 30 cảnh sát và hai nhân viên từ trại giam" nằm trong số hơn 40 người trên phà bị buộc phải lên bờ và sau đó bị bắt đi, ông nói.
Các nhà chức trách đã điều động máy bay trực thăng để truy đuổi phiến quân và phát hiện một nhóm lớn binh sĩ băng qua sông, ông Zaw Min Tun cho biết thêm.
Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh chỉ hai tuần trước đó, phiến quân được cho đã ngụy trang thành vận động viên và xông lên xe bus, bắt cóc hàng chục lính cứu hỏa cùng thường dân ở Rakhine.
Hàng chục nghìn người ở bang này đã phải di dời do cuộc chiến của nhóm phiên quân.
Hương Ly
Liên Hiệp Quốc tới Miến Điện thẩm định khả năng hồi hương người Rohingya (RFI, 13/09/2018)
Ngày 12/09/2018, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại phía bắc bang Rakhine, Miến Điện trong khuôn khổ một thỏa thuận đạt được hồi tháng 06/2018 giữa Liên Hiệp Quốc và chính quyền Naypyidaw.
Trẻ em Rohingya tại trại Kutupalong- Bangladesh. Ảnh ngày 22/08/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Đây là lần đầu tiên các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc được phép tiếp cận bang này kể từ khi bắt đầu các chiến dịch trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.
Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt giải thích :
"Chuyến công tác đầu tiên của Liên Hiệp Quốc tại phía bắc bang Arakan, Miến Điện, sẽ kéo dài trong hai tuần và hiện tại chỉ liên quan đến khoảng ba mươi ngôi làng. Trong hai tuần này, các nhóm chuyên gia sẽ tiến hành ʺcông việc thẩm địnhʺ tại khu vực có cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo chung sống.
Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là chuẩn bị cho khả năng hơn 700 000 người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hồi hương. Nếu như Miến Điện tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận họ, Liên Hiệp Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại về điều kiện hồi hương và các cơ quan quốc tế hay các nhà báo vẫn khó tiếp cận vùng này.
Chuyến đi công tác tới bang Rakhine, mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu từ nhiều tuần qua, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bởi vì bản báo cáo hoàn chỉnh của Liên Hiệp Quốc, với nội dung cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội ác ʺdiệt chủngʺ nhắm vào người Rohingya, sẽ được trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong vài ngày tới.
Bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ không tham dự Đại Hội Đồng. Lãnh đạo Miến Điện, đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự im lặng của bà trong cuộc khủng hoảng này, đã từng phải hủy chuyến đi New York hồi năm 2017, ngay sau khi bạo lực bùng phát".
Minh Anh
*****************
Miến Điện : Aung San Suu Kyi biện minh cho việc bỏ tù nhà báo Reuters (RFI, 13/09/2018)
Hôm 13/09/2018, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã biện minh cho việc kết án tù hai nhà báo của hãng tin Anh Reuters sau khi họ điều tra về vụ quân đội Miến Điện thảm sát người thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Tuy nhiên, bà nhìn nhận là cuộc khủng hoảng, mà Liên Hiệp Quốc xem là một cuộc diệt chủng, lẽ ra có thể được xử lý tốt hơn.
Ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi dự Diễn đàn Kinh tế ASEAN tại Hà Nội. Ảnh ngày 13/09/2018. Reuters/Kham/Pool
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế ASEAN ở Hà Nội, bà Aung San Suu Kyi khẳng định hai nhà báo nói trên đã bị cầm tù "không phải bởi vì họ là nhà báo", mà là vì "tòa án đã phán quyết là họ đã vi phạm pháp luật". Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Miến Điện bình luận về phiên xử ngày 04/09/2018, tuyên án 7 năm tù hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo, làm việc cho hãng tin Reuters
Mặc dù ngành tư pháp của Miến Điện không được xem là độc lập, bà Aung San Suu Kyi nói thêm : "Nếu chúng ta tin vào Nhà nước pháp quyền, họ hoàn toàn có quyền kháng án".
Tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích : "Một lần nữa, Aung San Suu Kyi lại sai lầm hoàn toàn. Bà không hiểu rằng Nhà nước pháp quyền có nghĩa là phải tôn trọng những bằng chứng được đưa ra trước tòa". Trong khi đó, một đại diện của Ủy ban Luật gia Quốc tế thì xem phiên xử vừa qua là "một thất bại hiển nhiên của Nhà nước pháp quyền".
Ngoài việc biện hộ cho bản án đối với hai nhà báo Reuters, lãnh đạo Miến Điện còn bác bỏ mọi cáo buộc rằng quân đội Miến Điện đang phạm tội ác diệt chủng đối với người Rohingya. Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi nhìn nhận là quân đội lẽ ra có thể "xử lý tốt hơn" cuộc khủng hoảng, đã khiến 700 000 người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn kể từ mùa hè năm ngoái.
Thanh Phương
********************
Bà Suu Kyi bênh vực việc Myanmar bỏ tù hai nhà báo (BBC, 13/09/2018)
Lãnh đạo Myanmar bà Aung San Suu Kyi bênh vực việc Myanmar cầm tù hai nhà báo Reuters, bất chấp sự lên án của quốc tế.
Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 13/09/2018
Bà Suu Kyi nói hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã vi phạm luật pháp và việc giam cầm họ "không có gì liên quan đến tự do ngôn luận".
Cả hai nhà báo bị kết án vì sở hữu tài liệu của cảnh sát trong khi điều tra việc giết hại những người Hồi giáo Rohingya.
Bà Suu Kyi cũng nói việc quân đội Myanmar ruồng bắt người Rohingya có thể đã được xử lý một cách khác hơn.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình - không phải là tổng thống được bầu của Myanmar nhưng được xem hầu như là người thực sự lãnh đạo nước này - đã bị áp lực mạnh mẽ để bình luận về cả cuộc khủng hoảng Rohingya và gần đây hơn là việc Myanmar giam cầm các nhà báo.
Tuần này, một cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Myanmar "đang có chiến dịch chống lại các nhà báo".
Bà Suu Kyi đã phá vỡ sự im lặng về vấn đề này hôm thứ Năm trong khi tham dự một hội nghị kinh tế quốc tế tại Việt Nam.
Trong một bài phát biểu, bà nói đây là trường hợp duy trì luật lệ và cho rằng nhiều nhà phê bình đã không thực sự đọc bản án.
Hai nhà báo này có "mọi quyền kháng cáo phán quyết của toà và chỉ ra tại sao bản án sai", bà nói.
"Bà ấy không hiểu rằng 'luật pháp' thực sự có nghĩa là tôn trọng bằng chứng được trình bày tại tòa án, hành động được đưa ra dựa trên luật được xác định rõ ràng và cân đối, và sự độc lập của tư pháp với ảnh hưởng của chính phủ hoặc lực lượng an ninh", Phó Giám đốc Châu Á Phil Robertson nói.
"Trong tất cả những điều kiện này, vụ xử các nhà báo Reuters đều không đáp ứng được".
'Bị cảnh sát cài'
Hai nhà báo của Reuters bị kết án bảy năm tù vào ngày 3 tháng 9 vì vi phạm luật bí mật của Myanmar trong khi điều tra vụ thảm sát người Rohingya bởi quân đội tại một ngôi làng có tên Inn Din.
Hai nhà báo người Myanmar, Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị bắt năm 2017 khi mang theo tài liệu liên quan đến vụ hành hình người Rohingya được cảnh sát cung cấp
Trong các phiên tòa trước, cả hai nhà báo đều cho rằng họ tuân thủ đạo đức truyền thông, và rằng họ bị 'cảnh sát cài'.
Hai nhà báo Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Myanmar vào ngày 2/9/2017.
Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo lực, đến một bãi biển - nơi họ bị tách biệt riêng ra và giết chết.
Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng - là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn chết. Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát - những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát.
Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.
Họ bị buộc tội "sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine". Cảnh sát cho biết thông tin đã được "mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài".
Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Myanmar dàn xếp vì muốn trừng phạt họ do đã đưa tin về vụ thảm sát.
"Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ", Wa Lone nói tại tòa tuần trước.
Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.
Việc giam cầm hai nhà báo Wa Lone (trái) và Kyaw Soe Oo (phải) của Myanmar bị lên án rộng rãi
Người Rohingya đã đối mặt với việc bị phân biệt đối xử ở Myanmar trong nhiều thập niên, bị xem là những người di cư bất hợp pháp và có vấn đề từ Bangladesh.
Cuộc khủng hoảng mới nhất nổ ra khi một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã được đưa ra để trừng phạt một nhóm chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát.
Kể từ năm ngoái, ít nhất 700.000 người Rohingya đã trốn khỏi bạo lực Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.
Vào tháng Tám, một bản tường trình của Liên Hiệp Quốc cho biết lãnh đạo quân sự hàng đầu ở Myanmar phải được điều tra về tội diệt chủng ở bang Rakhine và tội ác chống lại loài người ở các khu vực khác.
Miến Điện : Tòa án Hình sự quốc tế đồng ý thụ lý hồ sơ Rohingya (RFI, 07/09/2018)
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Miến Điện và Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự quốc tế (CPI hay ICC theo tiếng Anh) hôm qua 06/09/2018 cho biết sẵn sàng điều tra về vụ người thiểu số Rohingya bị xua đuổi, bức hại, có thể coi là tội ác chống nhân loại.
Người tị nạn Rohingya ngã quỵ trên bãi biển Shah Porir Dwip, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh 1/10/2017. Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Thông báo trên đây của tòa án có trụ sở tại La Haye được đưa ra sau khi các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Tám đã đề nghị khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và năm sĩ quan cao cấp khác về tội "diệt chủng", "tội ác chống nhân loại", "tội ác chiến tranh". Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cho rằng quyết định của CPI mang lại "một tia hy vọng mong manh" cho người tị nạn Rohingya.
Năm 2017, trên 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi bị quân đội Miến Điện và dân quân Phật giáo truy bức đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện, sống chen chúc trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Theo Y Sĩ Không Biên Giới (MSF), chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9/2017, có ít nhất 6.700 người Rohingya đã bị sát hại trong đợt trấn áp mà Liên Hiệp Quốc gọi là "thanh lọc chủng tộc".
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm thứ Ba 4/9 cho biết muốn đề nghị triệu tập một "cuộc họp cấp cao" tại Liên Hiệp Quốc về các vụ thảm sát người Rohingya, cho rằng các thủ phạm phải trả lời trước tòa án quốc tế. Trước đó một hôm, thứ Hai 3/9, hai nhà báo người Miến Điện của hãng tin Reuters điều tra về vụ quân đội sát hại người Rohingya, hôm đã bị kết án bảy năm tù - một vụ án làm xấu thêm hình ảnh của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi.
Chính phủ Miến Điện từ chối trả lời AFP về thông báo của CPI.
Thụy My
*******************
Miến Điện vỡ mộng sau hai năm Aung San Suu Kyi cầm quyền (RFI, 06/09/2018)
Nhà báo kị kết án tù vì điều tra sự thật ; hơn 700.000 người Rohingya phải sống tị nạn nơi đất khách quê người để tránh các đợt trấn áp đẫm máu của quân đội… Trước những tấn thảm kịch, lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vẫn giữ thái độ im lặng lạnh lùng. Với giới quan sát, cuộc cách mạng "Mùa xuân Miến Điện" đấu tranh vì dân chủ đã lụi tàn.
Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi (G) tại sân bay Sittwe ngày 02/11/2017 khi đến thăm thị trấn Maungdaw, bang Rakhine. KHINE HTOO MRATT / AFP
Thắng lợi bầu cử ngày 08/11/2015 đã cho phép bà Aung San Suu Kyi cùng với đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ LNP vào tháng Ba năm 2016, chính thức bước vào nghị trường, cùng lãnh đạo đất nước với giới quân nhân. Thế giới ca tụng "một thời kỳ dân chủ mới" cho đất nước Miến Điện sau nhiều thập niên dưới chế độ quân sự độc tài hà khắc.
Thế nhưng, hai năm sau, giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã khiến giới đấu tranh dân chủ và cộng đồng quốc tế thất vọng. Họ cho rằng bà đã phản bội niềm tin của những ai đã từng ủng hộ bà. Lãnh đạo Miến Điện phủ nhận bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tố cáo quân đội Miến Điện phạm tội ác "diệt chủng" nhắm vào sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo, bất chấp các bằng chứng về các hành động hãm hiếp và giết người do giới báo chí và các tổ chức phi chính phủ thu thập.
Bà "im hơi lặng tiếng" trước bản án 7 năm tù dành cho hai nhà báo Miến Điện làm việc cho hãng tin Reuters. Tội của hai người này là đã dám điều tra các hành vi thảm sát người Rohingya của quân đội ở miền Tây Miến Điện.
Điều trớ trêu bà đã từng là một nhà bất đồng chính kiến, từng trải qua nhiều năm bị quản thúc tại gia dưới thời chế độ độc tài quân sự. Bà cũng từng kêu gọi đấu tranh cho tự do ngôn luận và dân chủ. Hình ảnh của bà được thế giới ngưỡng mộ, ví bà như là một Đạt Lai Lạt Ma, một Nelson Mandela hay như là một Martin Luther King của Miến Điện.
Ngày nay, bà bị lên án là "phát ngôn viên cho quân đội Miến Điện". Bà bị chỉ trích bóp nghẹt tự do ngôn luận khi lên án hai nhà báo trên là những "kẻ phản bội", tố cáo truyền thông phương Tây "bóp méo thông tin", những cơ quan đã từng bảo vệ bà trước các hành động trấn áp, sách nhiễu bà của chính quyền quân sự.
Theo giới quan sát, bản án 7 năm tù cho hai nhà báo trên là một đòn cảnh cáo mà quân đội và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ LND, dành cho cả giới báo chí. Đó sẽ là một bất hạnh cho những ai muốn điều tra về các hành động của quân đội tại bang Rakhine. Mọi chỉ trích nhắm vào quân đội hay một bài phát biểu chính thức nào đều bị xem như là một cuộc tấn công chống lại lợi ích quốc gia.
Trước thái độ này của bà Aung San Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị, ông Khin Zaw Win, đã có những nhận xét nặng nề về lãnh đạo Miến Điện khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro : "Thế giới giờ mới khám phá bộ mặt thật của Aung San Suu Kyi : một nhà lãnh đạo chuyên chế, tự phụ và thích cho mình là trung tâm". Báo chí phương Tây cũng không kiệm lời khi cho rằng "thái độ im lặng tội lỗi của bà" (Le Figaro) đã làm "sụp đổ huyền thoại Aung San Suu Kyi" (La Croix).
Nhìn lại hai năm cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và một năm tấn thảm kịch Rohingya xảy ra, ông Guillaume Pajot, phóng viên độc lập, chuyên nghiên cứu về Miến Điện, khi trả lời ban tiếng Pháp đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, cho rằng chính sự ham muốn quyền lực đã làm mờ mắt bà Aung San Suu Kyi, bất chấp quyền hạn rất hạn chế trong nhiều hồ sơ lớn, nhất là trong vấn đề người Rohingya.
"Tôi nghĩ là giờ đây, chúng ta có thể đánh giá được cái giá mà bà Aung San Suu Kyi phải trả để lên nắm quyền một cách đơn giản nhất. Ngay từ năm 2010, bà đã nhiều lần nhắc lại rằng tôi không phải là một nhà tranh đấu cho nhân quyền. Tôi là một chính trị gia, hoạt động vì mục đích chính trị.
Năm nay, Aung San Suu Kyi 73 tuổi và điều mà bà đạt được vào lúc cuối đời là lên nắm quyền. Để làm được việc này, thì cần phải có những nhượng bộ, từ bỏ. Và sự im lặng của bà là một nhượng bộ, để có thể tham gia hệ thống chính trị Miến Điện, một hệ thống do quân đội hoàn toàn kiểm soát. Hay nói đúng hơn là để có được một phần quyền lực, Aung San Suu Kyi đã phải có những nhượng bộ to lớn và từ bỏ rất nhiều lý tưởng của mình trong quá khứ".
RFI : Như vậy theo ông, quyền lực của bà Aung San Suu Kyi là cực kỳ hạn chế ở Miến Điện ?
Guillaume Pajot : Hiện nay, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi có quyền lực rất hạn chế. Tại Quốc Hội, 25% số ghế được dành cho quân đội, không cần thông qua bầu cử và nhóm dân biểu này có quyền phủ quyết. Ba bộ rất quan trọng là Nội Vụ, Biên Giới và Tư Pháp nằm trong tay quân đội.
Ngoài ra, khả năng hành động của Aung San Suu Kyi cũng rất hạn chế. Tại bang Rakhine, đã xẩy ra các vụ trấn áp, sách nhiễu nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya, tình trạng này cũng diễn ra ở các vùng khác tại Miến Điện. Quân đội muốn làm gì thì làm và không có trách nhiệm phải báo cáo với bà Aung San Suu Kyi.
RFI : Dù là quyền lực hạn chế, nhưng phải chăng với bà điều đó mang một hình ảnh rất quan trọng ?
Guillaume Pajot : Bà Aung San Suu Kyi chỉ có quyền lực mang tính biểu tượng. Tuy vậy, bà vẫn có thể lên tiếng, nhưng bà đã không làm. Bà có thể bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của người Hồi Giáo Rohingya hiện đang phải tị nạn ở bên kia biên giới, tại Bangladesh. Thế nhưng, bà cũng không làm và giữ im lặng. Aung San Suu Kyi tuy chỉ có quyền lực biểu tượng, nhưng bà cũng có những ánh hào quang, uy tín, bà có thể nói vài câu để giải tỏa tình trạng bế tắc hiện nay.
Aung San Suu Kyi dường như cũng hòa nhịp cùng công luận. Có tới 90% dân Miến Điện cho rằng người Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp, từ Bangladesh chạy sang. Do vậy, họ phải quay lại Bangladesh. Aung San Suu Kyi dường như cũng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan này.
RFI : Người ta cũng thấy bà Aung San Suu Kyi không phát biểu gì về các hoạt động của phe Phật Giáo cực đoan, hiện đang lan rộng tại Miến Điện. Liệu đó cũng là do áp lực của quân đội ?
Guillaume Pajot : Miến Điện là quốc gia có đa số là phật tử - 90% theo đạo Phật. Sắc tộc chiếm đa số là Bamar - Aung San Suu Kyi thuộc sắc tộc này - gần như thống trị chính trường Miến Điện từ khá lâu. Aung San Suu Kyi không có lợi ích gì khi quay lại thọc gậy bánh xe vào cỗ máy đã đưa bà lên nắm quyền. Nếu muốn làm một việc gì đó, bà phải chấp nhận các điều kiện do quân đội áp đặt và tuân thủ "luật chơi". Trò chơi này có thể đi rất xa. Ngày nay người ta mới phát hiện ra trò chơi này và Aung San Suu Kyi phải trả giá đắt.
RFI : Bà Aung San Suu Kyi đã từng đề nghị cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan chủ trì một ủy ban nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề người Rohingya, một năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Tại sao những báo cáo đó chưa bao giờ được đưa ra thực hiện cụ thể ?
Guillaume Pajot : Không, không hẳn là như vậy. Aung San Suu Kyi đã đề nghị Kofi Annan lãnh đạo một tiểu ban quốc tế mà bà cho thành lập cách nay hai năm, để tìm ra các giải pháp cho tình hình tại bang Rakhine như vãn hồi hòa bình, các cộng đồng chung sống hòa thuận và phát triển kinh tế.
Rakhine đứng hàng thứ hai trong số các bang nghèo khó nhất Miến Điện. Bang này sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, rất ít phát triển, khó tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục. Do vậy, ông Kofi Annan có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất.
Ngày 24/08/2017, Kofi Annan đã đưa ra các đề xuất. Ngày hôm sau, mọi người đều biết chuyện gì đã xẩy ra : Các nhóm có vũ trang tự nhận là bảo vệ quyền của người Rohingya đã tấn công các trạm kiểm soát biên giới và quân đội đã tiến hành trấn áp đẫm máu. Từ đó, báo cáo của tiểu ban Kofi Annan bị chôn vùi.
Sau đó, Miến Điện lại cho thành lập một tiểu ban thứ hai. Tiểu ban này đã đưa ra báo cáo hồi mùa xuân 2018 và cho đến lúc này, báo cáo đó không hề tạo ra được một sự thay đổi nào.
Đầu tháng 07/2018, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, Aung San Suu Kyi nói là sẽ lập một tiểu ban quốc tế, rằng Miến Điện sẽ xem xét tình hình và tìm ra giải pháp. Dường như đây chỉ là một giải pháp để kéo dài thời gian.
RFI : Thế nhưng, vãn hồi hòa bình từng là một trong số các cam kết của bà Aung San Suu Kyi trước khi bước lên cầm quyền. Vậy phải chăng Miến Điện ngày nay không mấy yên ổn hơn lúc trước, bởi vì có nhiều sắc tộc cũng đang bị quân đội trấn áp ?
Guillaume Pajot : Đúng như vậy. Miến Điện là một quốc gia bị chia rẽ kể từ khi giành được độc lập, chính quyền trung ương luôn luôn đấu tranh với các sắc tộc thiểu số. Aung San Suu Kyi đã coi việc vãn hồi hòa bình giữa các dân tộc là lá chủ bài hàng đầu, một giấc mơ lâu đời kể từ khi đất nước được độc lập. Mục tiêu này trở nên rất xa vời. Chưa bao giờ, tình hình tại bang Rakhine lại tồi tệ đến như vậy.
Năm 2017, khoảng 700 nghìn đã phải chạy đi lánh nạn. Ở phía bắc, sắc tộc Kachin, theo đạo Cơ Đốc, vẫn đang chống lại chính quyền trung ương. Rồi các sắc tộc Shan, Karen… Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ giữa chính quyền trung ương và các sắc tộc, các cộng đồng tôn giáo khác.
Hiện nay, triển vọng hòa bình rất xa vời và đây là một thách thức to lớn. Người ta tự hỏi tại sao Aung San Suu Kyi lại đề ra mục tiêu này vào thời điểm đắc cử và lên nắm quyền. Bởi vì ngay từ đầu, người ta thấy rõ là mục tiêu này rất khó được thực hiện, một lĩnh vực khó thu được các kết quả.
Minh Anh
Hôm 03/09/2018 tòa án Miến Điện tuyên án bảy năm tù đối với hai nhà báo của hãng tin Reuters. Hai ông Wa Lone, 32 tuổi và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi bị bắt tháng 12/2017, trong lúc tiến hành điều tra về một vụ thảm sát người Rohingya.
Hai nhà báo của hãng tin Reuters bị áp giải ra khỏi tòa, Rangoon, Miến Điện, ngày 03/09/2018. Reuters/Ann Wang
Hai nhà báo của hãng tin Reuters bị cáo buộc "làm phương hại đến bí mật Nhà nước" do sở hữu các tài liệu mật. Cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao vụ xét xử này.
Có mặt tại tòa án Insein ở Rangoon sáng nay, thông tín viên Eliza Hunt gởi về bài tường trình:
"Gia đình của hai nhà báo đau khổ khi nghe quyết định này. Trên hàng ghế tòa án, vợ của một bị cáo suy sụp, nhòa lệ, trong khi Wa Lone và Kyaw Soe Oo nhanh chóng bị cảnh sát giải đi. Nhà báo Wa Lone tuyên bố trước các cơ quan truyền thông và các nhà ngoại giao: "Tôi không sợ, sự thật ở phía chúng tôi".
Đối với luật sư của hai nhà báo, bản án này không gây ngạc nhiên. Ông thổ lộ: "Ở đây là Miến Điện, chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhưng cũng chuẩn bị cho điều tệ hại nhất". Trước tòa, luật sư đã tuyên bố : "Đây là một quyết định gây thất vọng đối với Miến Điện, với nền dân chủ và tự do báo chí". Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ làm những gì có thể làm được, nghiên cứu từng khả năng để đưa họ ra khỏi nhà tù".
Ngay lập tức sau khi tòa tuyên án, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc đều đòi phải trả tự do cho hai nhà báo. Bản án được tuyên một tuần sau khi Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo về bạo lực đối với người Rohingya tại bang Arakan năm ngoái, trong đó Liên Hiệp Quốc kêu gọi truy tố các tướng lãnh Miến Điện về tội diệt chủng".
Ngày 04/09, Hội Đồng Bảo An sẽ thảo luận về việc đưa những người lãnh đạo quân đội Miến Điện ra trước tòa án quốc tế.
Vài ngày sau khi hai nhà báo Reuters bị bắt, quân đội Miến Điện thừa nhận là quân lính và dân làng theo đạo Phật đã lạnh lùng sát hại người Rohingya ở làng Inn Dinn hôm 02/09/2017, và bảy quân nhân Miến Điện đã bị lãnh án.
Bản án ngày hôm nay đánh vào tự do báo chí làm hình ảnh của giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi càng xấu thêm.
Thụy My
Quốc hội Miến Điện tuần này thảo luận về một dự luật gây nhiều tranh cãi liên quan tới biểu tình. Dự luật mới do Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đề xuất. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự Miến Điện lo ngại rằng nếu được thông qua, luật mới sẽ đe dọa tự do dân chủ.
Biểu tình phản đối luật mới về biểu tình tại Rangun ngày 05/03/2018. Reuters/Stringer
Thông tín viên đài RFI tại Rangun cho biết một trong những thay đổi trong dự luật liên quan tới việc hỗ trợ tài chính cho công tác tổ chức biểu tình. Chính phủ Miến Điện muốn danh tính (tên, địa chỉ) của nhà tài trợ các cuộc biểu tình, cũng như thông tin về số tiền họ chi ra phải được cung cấp cho nhà chức trách. Một đề xuất khác của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ là phạt 2 năm tù những người ủng hộ tổ chức các cuộc biểu tình "đe dọa an ninh và đời sống của công chúng".
Dự luật mới bị các tổ chức xã hội dân sự Miến Điện chỉ trích gay gắt : gần 230 nhóm đã ký tuyên bố chung phản đối dự luật mới. Hồi đầu tháng 03/2018, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành phản đối việc vi phạm các nguyên tắc dân chủ.
Dự luật cũng bị phe quân sự phản đối. Các dân biểu phe này đặc biệt chỉ trích đề xuất nêu tên những người hỗ trợ tài chính cho công tác tổ chức biểu tình, vì chính họ đã nhiều lần tài trợ cho các cuộc biểu tình trên quy mô quốc gia trong những tháng gần đây.
Thùy Dương
Phóng viên Damir Sagolj của hãng Reuters nói về "Kinh tế dầu mỏ và chính sách cưỡng chiếm đất đàng sau cuộc khủng hoảng di dân của người Rohingya ở Miến Điện". Còn trên tạp chí "The South China Morning Post" ở Hồng Kông, bình luận gia David Dodwell cho rằng những vấn đề của Miến Điện đi xa hơn cuộc khủng hoảng về di dân của người Rohingya, trong đó quyền lợi về kinh tế, chiến lược và chính trị của Trung Quốc đã lấn sâu vào đất nước này.
Có thể nói, nhà cầm quyền quân sự Miến Điện đang sử dụng sự hận thù tôn giáo để đẩy người Hồi giáo Rohingya ra khỏi bang Rakhine, nhằm chiếm đất của họ cho Trung Quốc khai thác.
Khái niệm về bang Rakhine
Miến Điện được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Bang Rakhine nằm ở bờ biển phía Tây Miến Điện, trên môt giải đất hẹp kéo dài từ Bangladesh xuống dọc theo theo vịnh Bengal, có chiều dài 640 km và chiểu ngang 145 km, diện tích là 36.762 km2 và thủ phủ là Sittwe. Phía đông là dãy núi Arakan với đỉnh Victoria Peak cao 3.063 m, chia cắt bang này với phần lãnh thổ chính của Miến Điện.
Bang Rakhine ở Miến Điện - ảnh The Conversation
Theo tài liệu chính thức, dân số bang Rakhine có 3.118.963 người, gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Tính đến năm 2013, sắc tộc đa số là người Rohingya với khoảng 1,23 triệu dân, địa bàn cư trú chủ yếu là các thị trấn phía bắc Rakhine tiếp giáp với Bangladesh, cũng như các đảo Ramree và Manaung (Cheduba), nơi đây họ chiếm 80-98% dân số. Còn các sắc tộc thiểu số khác như Kamein, Chin, Mro, Chakma, Khami, Dainet, Bengali, Hindu và Maramagri sống ở vùng cao nguyên.
Bang Rakhine trước đây có tên là Nhà nước Arakan, và chỉ mới được sáp nhập vào Miến Điện vào năm 1785. Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, Arakan là một vương quốc Hồi giáo, được các vị vua mang tước hiệu Hồi giáo Shah cai trị. Đa số người Rohingya sinh sống trong Nhà nước Arakan từ trước khi lãnh thổ này được sáp nhập vào Miến Điện. Chỉ có một thiểu số đến từ Bangladesh trong 20 năm gần đây. Cư dân vương quốc này gồm cả người theo đạo Hồi lẫn đạo Phật và họ chung sống với nhau một cách tương đối hài hòa.
Sau khi Miến Điện được độc lập và đặc biệt là sau khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962, người Rohingya đã bị kỳ thị. Nhiều đạo luật đã được ban hành buộc người Rohingya phải chứng minh được rằng họ sống trên đất Miến Điện từ trước 1824 để được có quốc tịch Miến Điện. Dĩ nhiên, rất ít người có thể trình ra các loại bằng chứng này, và như vậy họ không được coi là công dân Miến Điện. Vì thế, họ không có quyền tự do đi lại, và gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với các viên chức Miến Điện, nhất là về vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai, v.v... Gia đình người Rohingya bị cấm không được sinh quá 2 con. Rakhine trở thành một bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ nghèo đói lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ nghèo đói bình quân của cả nước.
Sự xuất hiện của Trung Quốc
Theo Dân biểu Sein Win của Miến Điện, nạn chiếm đoạt đất của nông dân đã xảy ra trong hai thập niên 1990 và 2000. Năm 2011 khi Tổng thống Thein Sein bắt đầu mở các cuộc điều tra, chính quyền Miến Điện đã tiếp nhận 17.000 đơn khiếu nại nhưng chưa giải quyết tới 1000 vụ. Như vây, việc chiếm đất của nông dân không phải là chuyện mới mẻ ở Miến Điện. Nhưng sự xuất hiện của Trung Quốc đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng.
1. Thiết lập ống dẫn dầu thô và khí đốt
Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (China National Petroleum Corporation, CNPC) cho biết từ trước đến nay, có khoảng 80% số dầu Trung Quốc mua từ Trung Đông đã phải từ Ấn Độ Dương đi qua eo biển Malacca của Mã Lai để vào Thái Bình Dương và đến Trung Quốc. Con đường này khá xa và có nhiều bất trắc, nên năm 2009 Trung Quốc đã ký với Miến Điện một hiệp ước thiết lập một hệ thống ống dẫn dầu thô và khí đốt từ bang Rakhine chạy đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường ống này dài khoảng 2.500 km, trong đó có 800 km nằm trên lãnh thổ Miến Điện. Công ty PetroChina sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày.
Sơ đồ đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Miến Điện sang Trung Quốc
Năm 1998, Miến Điện đã có thể xuất khẩu khí đốt tự nhiên và từ năm 2000 Miến Điện đã trở thành nước xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên nhất vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc trở thành khách hàng chính về dầu khí của Miến Điện.
Hệ thống ống dẫn dầu thô và khí đốt khởi đầu từ bang Rakhine đi qua các vùng Magway, Mandalay và bang Shan, gồm 18 thành phố lớn nhỏ và điểm cuối là thành phố Muse nằm sát biên giới Miến Điện - Trung Quốc, đối diện thành phố Ruili thuộc tỉnh Vân Nam. Với hệ thống này, mỗi năm có 22 triệu tấn dầu thô và 12 tỷ mét khối khí đốt sẽ được chuyển đến Trung Quốc. "Công ty Đường ống dẫn Đông Nam Á" đã được thành lập với sự góp vốn của 4 quốc gia là Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ và Nam Hàn. Số tiền đầu tư ban đầu là 2,54 USD.
Theo sự tính toán của Trung Quốc, sau khi hoàn thành, đường ống dẫn sẽ thu ngắn đường vận chuyển dầu thô của Trung Quốc từ Trung Đông và Châu Phi đến 1.200 km. Nó góp phần làm giảm chi phí vận chuyển bằng tàu qua eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia, và đảm bảo an ninh năng lượng hơn.
Ngày 28/7/2013, các ngọn đuốc dầu khí bùng sáng trên những giàn khoan khổng lồ ngoài khơi miền tây-bắc Vịnh Bengal ở Miến Điện đã gây ra một hiện tượng khác lạ. Cùng lúc đó, các đại diện bốn quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Hàn Quốc và Ấn Độ cùng mở van đưa khí đốt từ Vịnh Bengal vào các đường ống dẫn dầu ở trạm phân phối đầu tiên là trạm Kyauk Pyu.
2. Thiết lập vùng kinh tế đặc biệt
Ngoài ra, Trung Quốc còn thiết lập Vùng kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm ở đảo Ramree, bang Rakhine. Vùng này rộng 1.600 hecta do công ty quốc doanh Trung Quốc CITIC phát triển, bao gồm một cảng biển trị giá 7,3 tỉ USD và một khu công nghiệp quy mô 2,3 tỉ USD, hứa hẹn sẽ đem lại 100.000 việc làm cho tiểu bang Rakhine…
3. Phong trào chống đối nổi lên
Dĩ nhiên, khi lập một hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt quy mô như vậy, quân đội Miến phải chiếm rất nhiều đất đai của dân chúng để xây dựng căn cứ bảo vệ đường ống dẫn dầu thô và khi đốt này. Ngoài ra, hệ thống ống dẫn này còn lực lượng một đe dọa cho môi trường và sinh thái dọc suốt đoạn đường dài hàng ngàn cây số đến biên giới Trung Quốc, nên các phong trào chống đối đã nổi lên ở các nơi có hệ thống ống dẫn đi qua, nhất là tại bang Rakhine.
Ống dẫn dấu và khí đốt trên đất Miến Điện
Ông Wong Aung, người phát ngôn của Phòng trào chống ống dẫn khí đốt Shwe, cho rằng tác động của công trình sẽ lan rộng khắp Miến Điện. Bà Lway Aye Nang nói Miến Điện đã triển khai hơn 6.000 binh sĩ để tăng cường an ninh và ngăn chặn các cuộc biểu tình của các cộng đồng ở địa phương.
Quân đội vùng Kachin độc lập (Kachin Independence Army, KIA) phía bắc Miến Điện đã dùng lực lượng võ trang chống lại kế hoạch của chính phủ. Ngày 23/10/2011, lấy danh nghĩa bảo đảm an toàn cho việc xây dựng đường ống dẫn dầu khí, quân đội chính phủ đã tấn công vào lãnh địa của KIA ở bang Shan. Đường ống dẫn đi ngang qua vùng này dài hơn 50 kilomet
Theo hãng Reuters, vào đầu tháng 9/2017, gần 400 người đã thiệt mạng trong vụ xung đột bạo lực ở vùng tây-bắc Miến Điện. Những người thiệt mạng chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya. Làn sóng bạo lực nổ ra từ ngày 25/8 khi những phần tử thuộc lực lượng Hồi giáo quá khích ARSA (Arakan Rakhine Salvation Army-Đội quân cứu rỗi người Rohingya bang Arakan) tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tại miền Tây Miến Điện do tình trạng xung đột bạo lực tại bang Rakhine.
Sử dụng sự hận thù tôn giáo
Trước tình trạng chống đối nói trên, Miến Điện quyết định dùng là bài tôn giáo để loại người Rohingya ra khỏi bang Rakhine. Sử dụng lá bài tôn giáo vốn là sở trường của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã từng dùng lá bài này để tạo ra các biến loạn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và trong những năm vừa qua ở Trung Đông. Miến Điện cũng đang bắt chước Hoa Kỳ.
Một nhà sư cực đoan bài Hồi giáo nổi tiếng là Ashin Wirathu đã xuất hiện với Phong Trào 969. Ông giải thích ba con số 969 là Tam Bảo, tức Phật, Pháp, Tăng. Trong một buổi "thuyết pháp" tại làng Meiktila, trước hàng trăm tín đồ, nhà sư hỏi : "Lấy chó hay lấy người Hồi giáo ?"… Theo nhà sư, "chó không bao giờ buộc người khác phải cải đạo như Hồi giáo". Tại ngôi làng này, khoảng năm chục người theo đạo Hồi đã bị thảm sát hai năm trước đó. Người ta gọi ông là Hitler của Miến Điện.
Các vụ đụng độ giữa các nhóm Phật tử cuồng tín và người Hồi giáo đã khiến cho 650 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di tản, nhiều hàng quán bị cướp phá, và nhiều làng mạc bị đốt phá thành bình địa.
Rohingya : "Những kẻ bị ngược đãi nhất trên hành tinh" !
Vào ngày 3/6/2017, 10 người Hồi giáo ở ngoài địa phận tới hành hương đã bị kéo lôi ra khỏi một xe bus ở phố Taunggoke, bang Rakhine, cách Rangoon (thủ đô cũ) chừng 200 dặm về phía tây, và bị một nhóm hơn 100 thanh niên Phật tử đánh đập tới chế. Tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của công chúng và nhân viên cảnh sát địa phương…
Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã mô tả các hành động của quân đội Miến Điện là "thanh lọc sắc tộc,"và các tổ chức nhân quyền cáo buộc lực lượng an ninh Miến Điện đã thực hiện những hành vi tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, phóng hỏa và giết người. Báo chí quốc tế gọi người Rohingya là "Những kẻ bị ngược đãi nhất trên hành tinh" (The most persecuted people on the Earth).
Lá bài tôn giáo của các tướng lãnh Miến Điện xem ra đã thành công : Hàng trăm ngàn người Rohingya đã phải bỏ của chạy lấy người qua Bangladesh vừa bằng đường biển vừa bằng đường bộ, số người bị chết rất cao. Số người Rohingya tị nạn đã lên trên 650.000, đang phải sống trong một tình trạng rất tồi tệ.
Giải pháp nào cho vấn đề ?
Vào cuối tháng 9/2017, Liên Hiệp Quốc nói bạo lực ở Miến Điện nhằm vào người sắc tộc Rohingya trở nên "tình trạng tị nạn khẩn cấp nhất thế giới" và là "cơn ác mộng nhân đạo".
Có lẽ người lo lắng nhiều cho vấn đề người Rohingya là Trung Quốc, vì nếu không có giải pháp ổn thỏa nào, Liên Hiệp Quốc và Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp chế tài đối với Miến Điện và Trung Quốc sẽ bị vạ lây. Tình trạng bất ổn và những cuộc biểu tình phản đối của dân địa phương đã làm chậm tiến trình của dự án, khiến số tiền đầu tư ban đầu là 2,54 tỉ đang tăng lên tới hơn 5 tỉ USD.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar và đề xuất chương trình giải quyết xung đột biên giới giữa Miến Điện với Bangladesh.
Hôm 23/11/2017, bà Cố vấn Aung San Suu Kyi và Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali đã ký kết một bản ghi nhớ (memorandum) về vấn đề hồi hương người tỵ nạn Rohingya. Nhưng ít ai tin chương trình này sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Thông tín viên Sarah Bakalogou của RFI từ Rangoon (Yangon) cho biết theo quy định, để quay trở về Miến Điện, chính quyền buộc những người tị nạn Rohingya phải trình giấy tờ chứng minh họ đã cư trú tại Miến Điện. Rất ít người có thể chứng minh được các giấy tờ này. Vấn đề thứ hai là họ sẽ trở vê đâu và cuộc sống sẽ như thế nào, an ninh của họ có được bảo đảm không ? Đa số nhà cửa của họ đã bị quân đội đốt sạch, đất đai của họ đã bị cướp..., họ sẽ ở đâu và làm gì để sinh sống, có được đi lại tự do hay không ? Liên Hiệp Quốc có thể làm được gì tại đây ?
Chính quyền Miến Điện tuyên bố lơ lửng : "Miến Điện sẽ nhờ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn giúp đỡ nếu cần, và vào một thời điểm thích hợp". Nói cách khác, Miến Điện không muốn Liên Hiệp Quốc kiểm soát hay theo dõi chương trình "hồi hương" người tỵ nạn Rohingya, họ chỉ muốn được cấp một số trợ cấp, còn họ muốn làm gì thì làm. Nhiều người tin rằng chương trình này chỉ là một chiêu bài trấn an dư luận quốc tế, một kế hoãn binh của Miến Điện.
Trước khi đến Miến Điện, ngày 18/11/2017 Giáo hoàng Francis đã gởi dến người dân Miến Điện một thông điệp trong đó nhấn mạnh : "Tôi sẽ đến để loan báo Tin Mừng của Đấng Kitô, một thông điệp của hòa giải, tha thứ, và hòa bình". Hôm 28/11/2017, tại Naypyidaw, Miến Điện, Giáo hoàng Francis kêu gọi "cố gắng chấm dứt bạo động, tạo dựng lòng tin và bảo đảm tôn trọng quyền lợi của tất cả những ai coi mảnh đất này là ngôi nhà của mình".
Mặc dầu tự xưng là theo đạo "thanh tâm tịnh" nhưng các nhà lãnh đạo Miến Điện hiện nay đang hành động theo "ác tâm động", bất chấp Luật Nhân Quả, nên người Rohingya rất khó thoát khỏi nạn diệt chủng. Liệu rồi Liên Hiệp Quốc và Mỹ sẽ làm được gì để cứu những người Rohingya ?
Ngày 30/11/2017
Lữ Giang