Khi chưa tiến hành xâm lược Ukraine thì Putin nghĩ rằng có thể chiếm đươc Kiev trong một thời gian ngắn, ông ta nghĩ rằng Zelensky sẽ bỏ chạy và tạo ra phản ứng hỗn loạn, đất nước Ukraine sẽ như rắn không đầu và ông ta sẽ chiếm được Kiev và các thành phố lớn một cách dễ dàng và lập ra một chính quyền tay sai.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp xúc với những chiến sĩ bảo vệ thủ đô Kiev ngày 27/02/2022
Nhưng dự tính ban đầu của Putin hoàn toàn sai lầm, người Ukraine kháng cự rất mạnh mẽ chứ không chịu đầu hàng. Nếu Putin bất ngờ vì điều này thì chỉ có một giải thích : Putin không hiểu người Ukraine, thiếu hiểu biết về lịch sử quan hệ của hai nước. Và sau cùng là hiểu sai về thực tại do những báo cáo không thành thực của cấp dưới về tình hình của Ukraine. Đây là một đặc tính khá nổi bật của những chế độ độc tài, người ta chỉ muốn nghe những gì người ta muốn nghe, nên đã chỉ có những báo cáo hợp nhãn đến với Putin. Cuối cùng mọi sự diễn ra không như ông đã ta tưởng tượng ban đầu.
Người dân Ukraine đã chiến đấu dũng mãnh hơn những nhận định ban đầu của những người Việt Nam ủng hộ Putin khi thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch.
Sự kiện người Việt ủng hộ kẻ mạnh một lần nữa lại nhắc nhở chúng ta về một khoảng lịch sử đáng xấu hổ của trí thức Việt Nam thập niên 1930, ủng hộ Đức quốc xã và Liên Xô một cách mê cuồng. Sở dĩ nhiều người Việt không biết đến chi tiết nhiều trí thức khi đó ủng hộ Đức quốc xã là vì những chủ thuyết điển hình như "dân tộc sinh tồn" của Trương Tử Anh và nhân sự của tổ chức này đã bị thủ tiêu và bị gạt ra bên lề lịch sử trong cơn điên cuồng của chủ nghĩa cộng sản. Và ngay lúc này -cái hiện tại mà sau này chắc chắn nhiều người Việt sẽ phải làm những cố gắng lớn để quên đi- con số ủng hộ Putin cũng không hề nhỏ. Người ta bàn luận về cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine như bàn luận một trận bóng đá, người ta đã mất hết cảm nhận cơ bản về đạo đức, và còn lẫn lộn những giá trị về đạo đức. Mê cuồng bạo lực nhưng lại muốn yên ổn. Tâm hồn thì muốn gieo rắc bom đạn nhưng ngoài miệng thì kêu gọi hòa bình. Có phải bởi vì sống quá lâu với những điều giả dối khiến người Việt Nam trở nên giả dối và vô cảm ?
Ukraine : những đoạn sử bi tráng và mối thâm thù không thể quên
Ngày hôm nay Putin sa lầy tại Ukraine là điều hoàn toàn không hề bất ngờ nếu nhìn lại những đoạn sử bi tráng của người Ukraine : những đoạn sử tang thương mang tên "nước Nga". Cho tới hôm nay người Ukraine đã chiến đấu kiên cường một cách khó tưởng tượng trong mắt nhiều người. Thái độ quyết tâm chiến đấu đó của người Ukraine do đâu mà có ?
Tượng Nữ hoàng Ekaterine II tại Odessa được dựng từ thời Liên Xô
Trong đoạn sử ngắn 400 năm trở lại đây, tính từ thời Nữ hoàng Ekaterine ll (Catherine II) của Nga - một phụ nữ Đức độc ác, tổ chức đảo chính chồng mình là Sa hoàng Pyotr lll để cướp ngôi. Ekaterine ll đã thi hành chính sách diệt chủng và áp đặt tiếng Nga cực kỳ thô bạo lên Ukraine. Tên nước Ukraine cũng từ đó mà có (Ukraine nghĩa là vùng lên) từ một khẩu hiệu, vùng lên để chống lại nước Nga.
Thời kỳ Liên Xô, Ukraine vốn đã có sẵn tinh thần chống Nga, họ không muốn hợp tác với Nga nên xảy ra cuộc chiến năm 1920-1922. Trong cuộc chiến này người ta ước lượng khoảng hơn 1 triệu người Ukraine bị chết (một con số rất lớn với dân số khi đó).
Cho tới năm 1930 thì một lần nữa người Ukraine nổi dậy chống lại sự sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết, lần này Stalin đã thi hành chính sách vây bọc, cắt lương thực khiến cho khoảng 3-6 triệu người Ukraine bị chết đói. Không chỉ dừng lại ở đó, vào năm 1942 khi nước Nga bị Đức tấn công thì người Ukraine lại nổi dậy một lần nữa trong cố gắng tách khỏi Liên Bang Xô Viết. Một nửa dân số của Ukraine đã chết trong cuộc chiến đấu chống Nga. Đó là một thảm kịch vô cùng đau thương với bất kỳ một dân tộc nào. Nếu cần phải làm một bản tổng kết về lịch sử thì có lẽ trên thế giới này không có một dân tộc nào bị xâm lược, đàn áp dã man như dân tộc Ukraine.
Đối với người Ukraine thì việc chống Nga là một phản xạ, là một bổn phận thiêng liêng với mối thù truyền kiếp. Sự chống đối Nga mãnh liệt tới mức mà một người như Stalin cũng phải thừa nhận Ukraine không phải là một thành phần của nước Nga và phải để Ukraine gia nhập Liên Hiệp Quốc. Bây giờ giả sử một nước khác xâm lược thì chưa chắc người Ukraine đã bất chấp tất cả để chiến đấu như vậy, nhưng với Nga thì lại khác – một mối thù truyền kiếp, không đội trời chung, một phản xạ tự nhiên có từ khi sinh ra làm người Ukraine. Đó là lý do tại sao tôi sử dụng cụm từ "Người Ukraine sẽ đồng quy vu tận với Nga" khi Putin phát động cuộc xâm lược.
Nhà hát Opera Odessa 1942 và ngày nay
Sự kiên cường, bướng bỉnh của người Ukraine là một thách thức không thể nào chịu nổi của Nga qua nhiều thời kỳ. Việc khuất phục người Ukraine đã luôn là "bản di chúc" truyền đời của những lãnh đạo người Nga - một "bản di chúc" không thể thực hiện.
Nhà hát Opera Odessa luôn mở cửa chào đón người Nga tới để cùng viết tiếp những khúc ca bi tráng.
Trần Khánh Ân
(15/03/2022)
Theo quan sát của các chuyên gia và nhà báo trên thực địa, quân đội Nga đang thất bại, phải trả giá cho những sai sót của chính mình : tổ chức kém, khinh địch. Một số đơn vị đã có hiện tượng đào ngũ.
Các quân nhân Ukraine điều khiển chiếc xe tăng tịch thu được của quân Nga sau một trận đánh ở ngoại ô Brovary, gần Kiev, Ukraine ngày 10/03/2022. Reuters – Thomas Peter
Chiến tranh làm đảo lộn trật tự thế giới, Chính thống giáo bị chia rẽ, trong khi chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp bị xáo trộn, chính phủ trợ giá xăng dầu đồng thời bãi bỏ nhiều hạn chế trong khi Covid có nguy cơ tăng lên. Đó là các chủ đề chiếm trang nhất của báo Pháp hôm nay.
Bên cạnh những bài phóng sự tại chỗ về sự chiến đấu anh dũng của quân dân Ukraine trước quân Nga xâm lược, các báo cũng điểm qua cán cân lực lượng và tác động với những nước trong khu vực. Le Monde cho biết chẳng hạn tại Latvia thuộc vùng Baltic kế cận, người dân chuẩn bị "túi xách 72 giờ" gồm các vật dụng thiết yếu để sống sót trong ba ngày nếu chiến tranh lan sang. Hành trang này nặng khoảng 10 ký lô, trị giá 180 euro. Những hầm trú ẩn từ thập niên 50 dành cho các đảng viên cộng sản cao cấp được sửa sang lại. Tại Romania, Ba Lan, Moldova, người dân lo trữ lương thực, mức xăng bán ra bị hạn chế, nhiều người lo gia hạn hộ chiếu để có thể ra đi khi cần.
Le Figaro nhận định"Quân đội Nga đang thất bại, phải trả giá cho những sai sót của chính mình". Theo quan sát của các chuyên gia và nhà báo trên thực địa, quân Nga tổ chức kém và đang có hiện tượng đào ngũ. Thứ Bảy 12/03 vừa qua, ba người tự giới thiệu là sĩ quan Nga trước các nhà báo phương Tây, cho biết đã nhảy dù kịp thời khi máy bay bị Ukraine bắn rơi và trở thành tù binh. Họ được giao nhiệm vụ hôm 23/02, một ngày trước khi chiến dịch khởi đầu.
Maksim Sergueïvitch Krishtop, trung tá trung đoàn 47 Không quân Nga nói rằng được lệnh phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự cho đến ngày 05/03 thì được yêu cầu bắn vào mục tiêu dân sự. Alexeï Golovenski, phi công của Hải quân Nga đóng ở Crimea và từng tham chiến ở Syria, cho biết cấp trên khẳng định phòng không Ukraine hầu như không tồn tại. Sĩ quan trẻ tuổi này thổ lộ "Tôi đã bị đẩy đến cái chết 100%". Cả ba đều nói hoàn toàn tự nguyện tham dự cuộc họp báo, vì không chịu đựng được ý nghĩ phải giết chóc những người anh em Ukraine.
Kiev tuyên truyền chăng ? Le Figaro cho rằng những lời chứng của họ rất khả tín, xác nhận những thông tin mà giới chuyên môn có được về nội tình quân Nga : vô tổ chức, đào ngũ, mất tinh thần. Christo Grozev, nhà báo nổi tiếng người Bulgaria đang ở tuyến đầu, có nhiều đầu mối tiếp xúc và nhờ vào kỹ thuật tiếp sóng của mạng lưới báo chí điều tra Bellingcat, nhận định Quân đội Nga đang trong cảnh hỗn loạn, không chiến lược lẫn chiến thuật.
Những sĩ quan chỉ huy liên lạc bằng điện thoại di động không bảo mật : do bị không kích các trạm tiếp vận của Ukraine, hệ thống mã hóa của quân đội Nga đã bị vô hiệu hóa. Đó là vì chiến dịch được hoạch định chỉ kéo dài ba ngày, đội quân gởi đến Kiev gồm nhiều cảnh sát và vệ binh liên bang, không hề được chuẩn bị cho những trận đánh dữ dội mà nhằm tiếp quản thành phố một khi đã hạ bệ chính quyền Ukraine.
Có vô số vấn đề về hậu cần, và huy động đến bốn thế hệ xe tăng. Mỗi cuộc đàm thoại nghe lén được đều cho thấy các chỉ huy đều hiểu rằng đã thất bại, nhưng liệu cấp cao nhất có thấy được thực tế hay không ? Nhà báo Christo Grozev nghĩ rằng điện Kremlin có thể đang rúng động. Ông khẳng định đã đếm được khoảng 3.000 lính tử trận phía Nga, rồi ngưng không đếm nữa vì đã là một thảm bại, "sẽ làm lung lay chính quyền khi những người mẹ nhận được quan tài con". Lầu Năm Góc nêu ra con số 5 đến 6.000 lính Nga tử trận, phía Ukraine cho rằng lên đến 12.000...
Theo Grozev, giờ phút quyết định sẽ đến trong khoảng mười ngày tới : cho dù không nhìn nhận thất bại, Nga sẽ cố đóng băng tình hình để có được ít nhất một lợi thế về lãnh thổ ở những vùng chiếm đóng. Ông không loại trừ một hành động tuyệt vọng của kẻ cùng đường, bằng vũ khí hóa học hay nguyên tử. Trong khi đó kênh truyền hình Nga ORT liên tục đưa hình ảnh quân đội Nga "giải phóng" dân Ukraine khỏi phát xít đang oanh kích họ. Nhưng lần đầu tiên trong chương trình của nhà báo tay sai chế độ xuất hiện hai nhân vật tỏ ý nghi hoặc về thành công của "chiến dịch đặc biệt", dấu hiệu tiên khởi cho thất bại chăng ?
Chuyên gia Louis Gautier, từng là quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng và an ninh Pháp, cảnh báo trên Les Echos "Nếu Châu Âu không thức tỉnh, sẽ trở thành mồi ngon cho kẻ xâm lăng". Ông nhận định việc hiện đại hóa quân đội của Nga chỉ mới đi được nửa đường, đó là một quân đội "da beo".
Moskva đã nỗ lực rất nhiều về vũ khí nguyên tử và quy ước, các loại hỏa tiễn mới của Nga thuộc loại hiệu quả nhất thế giới. Nhưng để giữ bí mật và để tiết kiệm vì đắt tiền, Nga không đưa những loại này vào chiến trường Ukraine, chỉ điều đủ loại xe tăng cũ mới, pháo bình thường, hậu cần thì tổ chức kém, chiến đấu cơ cũng không đủ để hỗ trợ bộ binh. Để bẻ gãy quyết tâm của Ukraine, Nga có thể tấn công mạnh hơn. Vấn đề hiện nay là làm sao thương lượng một sự xuống thang, để tránh cho những thành phố tử đạo khác bị nhấn chìm dưới mưa bom.
Ông Gautier phê phán phương Tây đã để yên cho Vladimir Putin múa gậy vườn hoang từ năm 2014. Putin phá hoại đủ kiểu từ tạo bất ổn chính trị, tấn công tin học, gây khó dễ về khí đốt cho đến ngăn trở hoạt động của vệ tinh và cáp ngầm đáy biển, đe dọa các tàu chiến, gởi lính đánh thuê Wagner đến Châu Phi… Các nước dân chủ vốn hiếu hòa, nhưng Putin sẽ phải trả lời về cuộc chiến tranh này.
Trên Libération, bà Cécile Coudriou, chủ tịch Amnesty International tại Pháp nhấn mạnh cần thu thập những bằng chứng tội ác chiến tranh để một ngày nào đó đưa ra trước một tòa án độc lập. Ê-kíp Crisis Evidence Lab vẫn cần cù xử lý hàng ngàn tài liệu, lời chứng, ảnh chụp, ảnh vệ tinh… Chẳng hạn hôm 03/03, tám quả bom đã được thả xuống các khu vực dân cư đông đúc ở Tchernihiv trong khi không có cơ sở quân sự nào gần đó, làm 47 nạn nhân thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, tất cả đều là thường dân đang ở nhà hoặc xếp hàng mua thực phẩm. Bà tỏ ra hài lòng khi lần đầu tiên cả 39 quốc gia đã ký vào hiệp ước Roma (để thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế) đồng lòng đưa việc xâm lăng Ukraine ra trước tòa.
Les Echos lưu ý, đây là lần đầu tiên chiến tranh xảy ra tại một quốc gia có nhiều nhà máy điện nguyên tử như thế. Olivier Gupta, tổng giám đốc Hiệp hội các cơ quan quản lý an toàn nguyên tử tại Tây Âu (ASN) cảnh báo nếu thảm họa xảy ra, cần phải sơ tán cư dân trong bán kính 20 kilomet và có biện pháp bảo vệ người dân ở cách 100 kilomet.
Trên lãnh vực nhập cư, Le Monde nhận thấy chỉ trong vài ngày, một Châu Âu-pháo đài đã thay đổi hẳn trước dòng người chạy loạn từ Ukraine. Nếu trước đây Châu Âu mở rộng vòng tay với người tị nạn - các nhà ly khai ở Liên Xô và Đông Âu, rồi đến người Việt Nam và Chile - những năm gần đây những bức tường đã mọc lên, những chính sách được đưa ra để ngăn chặn người nhập cư từ Syria, Afghanistan, Châu Phi… Giờ đây bỗng dưng lại xuất hiện những nạn nhân chiến cuộc đầu tiên ở Châu Âu từ sau Đệ nhị Thế chiến, và 27 nước EU mở rộng cửa đón nhận những người Ukraine chạy sang.
Les Echos mô tả "Chiến tranh Ukraine đã vẽ lại bản đồ thế giới như thế nào",tuy cuộc chiến chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Chẳng những Putin không còn là hình mẫu, mà còn trở thành phản mô hình : ông ta là minh chứng mối nguy hiểm cho thế giới, khi một nhà độc tài lạnh lùng nêu ra khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhờ Putin mà người Ukraine tìm được hứng khởi về bản sắc dân tộc, còn Liên Hiệp Châu Âu (EU), sợ hãi và phẫn nộ, thấy được nguồn lực của mình và đang chứng tỏ cuộc chiến kinh tế có thể làm khốn đốn một "cường quốc quân sự nhà nghèo" như Nga.
Liên Xô sụp đổ vì khoảng cách giữa sức mạnh quân sự và sự bất lực về kinh tế, Putin đang lặp lại sai lầm ? Các nước dân chủ không thể sử dụng vũ khí trừng phạt với Trung Quốc, nhưng những thiệt hại đối với Nga là có thể chịu đựng được, hơn nữa lại theo đúng khuynh hướng giảm khí thải carbone.
Putin đã khiến cho tất cả các nhà nước không muốn vào bất cứ liên minh quân sự nào như Thụy Điển, Phần Lan phải xem xét lại. Thổ Nhĩ Kỳ nay phải tránh đứng bên cạnh một nước bị cô lập trên trường quốc tế, cung cấp cho Ukraine vũ khí lợi hại là drone ; hơn nữa, Ankara không muốn Moskva tái kiểm soát Odessa và Hắc Hải - khơi lại sự đối địch xưa giữa đế quốc Ottoman và đế quốc Nga. Putin muốn mở rộng biên giới Nga, nhưng ông ta lại tái khởi động tiến trình mở rộng EU.
Tại Châu Á, trước cái giá mà Nga phải trả khi xâm lăng Ukraine, Trung Quốc có thể phải chùn bước không dám ra tay với Đài Loan lúc này. Ngay cả tại Trung Đông và Châu Phi, những nước như Syria và Mali sẽ tự hỏi có nên chọn Nga làm người bảo trợ. Liệu Mỹ sẽ lại đóng vai trò chính ở Trung Đông ? Saudi Arabia cũng như Venezuela bỗng trở nên quan trọng với Washington nhờ nguồn dầu khí. Chỉ có Ấn Độ của ông Modi và Trung Quốc của Tập Cận Bình còn tránh chỉ trích Moskva, nhưng về lâu về dài, không ai muốn gắn bó số phận mình với một nhà nước bị ruồng bỏ, và có nguy cơ phá sản. Thế giới đã thay đổi chỉ trong 15 ngày, và cần tránh được một sự leo thang nguyên tử hay hóa học khi còn cứu vãn được.
Le Figaro nói về "Cuộc đối đầu vĩ đại": cuộc xâm lăng Ukraine đã bất ngờ đánh thức sự đối kháng giữa thế giới dân chủ và các chế độ độc tài. Trong lúc mọi chú ý đang hướng về căng thẳng Mỹ-Trung xung quanh Đài Loan, chính tại Châu Âu mà chiến tranh đã nổ ra.
Như trong mọi cuộc chiến tranh, diễn biến không như dự tính. Vladimir Putin đã đánh giá quá cao hiệu quả của quân đội Nga, coi thường lòng yêu nước, quyết tâm và khả năng kháng cự của người Ukraine ; chủ quan về nguy cơ bị quốc tế trừng phạt. Sự sa lầy của quân đội, thiệt hại to lớn về kinh tế và nhân mạng khiến Putin càng tăng thêm bạo lực, và giai đoạn sắp tới có thể là vây hãm và phá hủy toàn bộ những thành phố miền trung và miền đông Ukraine. Trong khi đó, những xung đột ở biên giới có nguy cơ leo thang tại Châu Âu, vùng Balkan, Trung Đông, Châu Phi.
Nga đã chuyển từ dân chủ phi tự do sang độc tài, trong một chế độ đã định chế hóa dối trá và khủng bố. Quốc gia này nay đang bị cô lập vì những trừng phạt chưa từng thấy, bị cắt rời internet và bị giới thể thao, văn hóa tẩy chay. Tuy cùng chống phương Tây, Tập Cận Bình tỏ ra dè dặt. Kinh tế thế giới bất ổn với sự bùng nổ giá dầu khí, ngũ cốc cộng với đe dọa vũ khí nguyên tử tạo không khí tiêu cực cho Đại hội Đảng sắp tới.
Dù vậy Trung Quốc có thể vui mừng trước một cuộc chiến đang thách thức trực diện phương Tây, khiến Nga phải quỵ lụy mình, kéo Hoa Kỳ và Châu Âu sang phía khác khiến Bắc Kinh có thể làm mưa làm gió trên Thái Bình Dương. Trung Quốc chỉ chấp nhận làm trung gian hòa giải nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và công nhận "chủ quyền" Trung Quốc trên Biển Đông. Theo La Croix, Trung Quốc, "người bạn nhập nhằng" của Nga chưa chi đã thủ lợi, khi buộc Moskva phải trả giá đắt qua lối thoát nhân dân tệ vì không còn được dùng đô la và euro.
Cuộc chiến Ukraine mở ra một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ còn kéo dài, ngay cả khi có được giải pháp ngoại giao. Sự hung hăng của Nga đã đoàn kết phương Tây, thức tỉnh NATO, tái lập sự thăng bằng tương đối giữa Hoa Kỳ và Châu Âu - vốn trễ tràng nhận ra sau Ukraine, mình sẽ là mục tiêu sắp tới của Putin. Cuối cùng, thế giới không còn lưỡng cực.
Các nền dân chủ không chuẩn bị đối đầu với các chế độ độc tài, nhưng đã chứng tỏ khả năng đáp trả thích đáng. Về lâu về dài, còn phải vạch ra chiến lược toàn cầu để chận đứng các thế lực toàn trị. Đối với Nga, là buộc phải trả giá đắt cho việc xâm lăng, ngăn chặn leo thang, duy trì liên hệ với xã hội dân sự Nga. Với Trung Quốc, cần giảm dần sự lệ thuộc vào những mặt hàng thiết yếu. Theo Le Figaro, EU nên tái lập việc hợp tác chặt chẽ với Anh về quân sự, tái thúc đẩy NATO. Cuối cùng là trấn an giai cấp trung lưu, chấp nhận những hy sinh cần thiết để bảo vệ tự do.
Nhưng trước mắt là nguy cơ vỡ nợ của Nga chừng như khó thể tránh khỏi. Les Echos nhận thấy cả ba cơ quan đánh giá tín nhiệm đều xếp Nga vào loại "C", giai đoạn cuối cùng trước khi bị rơi vào "D" (tức défaut, mất khả năng chi trả). Hiếm khi một quốc gia ít nợ nần (chiếm 20% GDP) lại rơi vào tình cảnh này. Giờ của sự thật đang đến gần : ngày 16/03 Nga phải trả 117 triệu đô la trái phiếu đến hạn, nhưng các nhà đầu tư hầu như không còn hy vọng. Dự kiến GDP của Nga sẽ sụt ít nhất 12%.
Đành rằng người Nga từng quen thuộc với nhiều thập niên thiếu thốn thời Liên Xô cũ và nạn lạm phát phi mã khi chế độ xô-viết sụp đổ, nhưng người dân Nga trưởng thành sau chiến tranh lạnh khó thể lại chấp nhận xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ trước các cửa hàng. Hiện Nga phải nhập 20% nông sản và ngành chăn nuôi không thể cung cấp đủ thịt cho 145 triệu dân. Người Nga cũng phải làm quen với một cuộc sống thiếu vắng những cột trụ của quyền lực mềm phương Tây : trong số 340 tập đoàn đa quốc gia hiện diện ở Nga, chỉ còn khoảng hơn một chục thương hiệu trong ngành thực phẩm là chưa ngưng hoạt động.
Thụy My
Phạm Quý Thọ, RFA, 09/03/2022
Putin không thể khôi phục vị thế nước Nga bằng sức mạnh quân sự, ngược lại ông ta đang hủy hoại nó và chính bản thân ông ta.
Facebook Hoa Dinh Trinh/ Nataliya Zhynkina
Trong bài phát biểu dài vào rạng sáng 24/2/2022 ông V.Putin, Tổng thống Liên bang Nga, cho rằng Thế giới phương Tây là "đế chế dối trá", không "tử tế" gì, bài học về quyền lực và ý chí của Liên Xô còn đó, nước Nga hiện đang bị đe doạ về an ninh, về "số phận của nước Nga", nước Nga có vị thế sức mạnh trên thế giới và phải được tôn trọng, và rằng, Ukraine không phải là một quốc gia, dân tộc và "tình huống ở Donbas"… khiến ông ta phải "hành động trước", và ông ta đã chuẩn bị cho điều này, từ kinh tế đến quân sự… Tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", thách thức nguyên tắc chủ quyền của các quốc gia và luật pháp quốc tế, V.Putin muốn thay đổi nguyên trạng bằng sức mạnh.
Tòa nhà ở của người dân tại thành phố Kharkiv, Ukraine bị phá hủy do đạn pháo của Nga hôm 8/3/2022. AFP
Từ đó đến nay gần nửa tháng chiến tranh vẫn đang diễn ra khốc liệt. Máu của nhiều người dân vô tội vẫn đổ trên khắp đất nước xinh đẹp trong lòng Châu Âu văn minh. Ở đây các biến cố diễn ra liên tục : hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá, phương tiện chiến tranh bị thiêu dụi, hàng nghìn người thương vong, thảm hoạ nhân đạo, hàng triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng, trong đó có hàng nghìn người Việt "chờ giải cứu", các cuộc pháo kích dữ dội của quân đội Nga, sự chống cự quyết liệt của Ukraine, sự thể hiện như ‘vị tổng tư lệnh’ thực thụ của Tổng thống Zelenski, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, đe doạ hạt nhân…
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi "cho hòa bình một cơ hội", yêu cầu Putin rút quân. Ngày 2/3 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phản đối cuộc xâm lược. Trừ bốn nước thân cận (Belarus, Eritrea, Triều Tiên, Syria) và Nga bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã tỏ thái độ ‘nước đôi’, tuy phát biểu rằng "các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế", nhưng đã "quá thận trọng" để coi đó là cuộc xâm lược. Đa số các quốc gia thành viên (141/193) bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết phản đối chiến tranh và yêu cầu Nga rút quân. Mỹ và phương Tây điều chỉnh chính sách, triển khai đối phó, ra các quyết định trừng phạt kinh tế "chưa từng có", các cuộc gặp nguyên thủ để đối phó với cuộc xâm lược này, các cuộc điều tra tội ác chiến tranh, tòa án công lý khởi động phán xử, các nước ‘lưỡng lự’ đã chọn phe… Cuộc chiến này đã làm thức tỉnh Liên Âu (EU) nói riêng, Mỹ và phương Tây nói chung. Họ đã xích lại gần nhau, thay đổi thái độ về nước Nga của Putin, chấp nhận những tác động giảm tăng trưởng, đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng… Thế giới đang thay đổi theo cách chính Putin gây chiến cũng không thể lường trước…
Việc Nga xâm lược Ukraine liên quan trực tiếp đến V. Putin. Xuất thân từ một sĩ quan KGB, ông ta được B. Yeltsin, cựu Tổng thống Liên bang Nga đầu tiên, đặt lên ‘bệ phóng’ kế nhiệm năm 2000. Putin được ‘ca ngợi’ là nhà lãnh đạo cứng rắn, một tính cách cá nhân độc đoán, có năng lực với quyết tâm cao và ý chí bền bỉ phục hồi vị thế đã mất khi Liên Xô sụp đổ. Putin là nhà lãnh đạo thích hợp với quyền lực tuyệt đối có nguồn gốc từ mô hình Xô Viết.
V. Putin đã thành công trong cải tổ sâu rộng nước Nga không chỉ kinh tế mà cả về quân sự. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống tám năm của ông (2000-2008) nền kinh tế Nga đã tăng trưởng liên tiếp, tăng GDP tăng 72% tính theo sức mua tương đương, sự hài lòng về cuộc sống của người dân được nâng lên ; sự gia tăng đầu tư nước ngoài, củng cố cơ sở hạ tầng… Ông được coi là ‘người dẫn dắt’ Nga đến chiến thắng trong Chiến tranh ở Chechnya và Chiến tranh Nga-Georgia. Mọi chuyện bắt đầu trở nên xấu đi từ nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông (2012-2018), giá dầu giảm cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt vào đầu năm 2014 sau khi Nga tiến hành can thiệp quân sự vào Ukraine và sáp nhập Crimea, GDP giảm 3,7% trong năm 2015, mặc dù có phục hồi nhẹ sau đó… V. Putin là nhà nhà ảo thuật trong ‘trò chơi quyền lực cung đình’ để duy trì vị trí tổng thống của mình ở nhiệm kỳ thứ tư (2018-2024).
Một phần tư thế kỷ nắm quyền lực tuyệt đối khiến V. Putin bị tha hóa, hủy hoại nước Nga thay vì ‘cứu rỗi’. Việc Nga xâm lược Ukraine hiện nay không chỉ như ‘giọt nước tràn ly’ quá trình tha hoá quyền lực mà còn đang gây ra thay đổi to lớn trong nhận thức về Putin. Ông ta là độc tài và, triết lý như một bài học là khi bạn đã đủ mạnh, hãy đừng nhu nhược như đã từng để đòi lại vị thế cường quyền đã mất.
Quốc tế đang làm những gì cần thiết để đối đầu với ông ta. Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản khác nhau về cuộc chiến. Họ cho rằng Putin đã sai lầm, ông ta có thể thắng trận chiến trước Ukraine ‘yếu’ về quân sự nhưng sẽ thua về chiến cuộc, không thể mang lại hòa bình. Vì ông ta mà nước Nga hiện tại trở nên "cô đơn" hơn bao giờ hết. Ông ta không thể khôi phục vị thế nước Nga bằng sức mạnh quân sự, ngược lại ông ta đang hủy hoại nó và chính bản thân ông ta. Putin đã buộc người dân phải nhìn nhận ông đúng bản chất : một nhà lãnh đạo hiếu chiến không thể mang lại hòa bình lâu dài.
Chính phủ Việt Nam có thái độ ‘nước đôi’ nhưng nhận thức của người dân không thể không thay đổi về cuộc chiến cũng như cá nhân Putin, mặc dù sự thay đổi này có thể diễn ra từ từ bởi tâm thế, nhận thức của người dân vốn còn bị níu kéo bởi ý thức hệ và tâm lý, thói quen sùng bái lãnh tụ. Đa số người dân bình thường ‘bất ngờ’ về "cuộc chiến" giữa hai quốc gia "từng là anh em" trong Liên bang Xô Viết và, họ lo lắng về những hậu quả tàn khốc của chiến tranh mà họ từng trải trong quá khứ. Các thế hệ trí thức từng có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay vẫn hoài niệm sâu nặng về đất nước, con người, văn hoá Nga nhưng phản đối chiến tranh một cách ‘thận trọng’. Một số trí thức và các nhà hoạt động dân sự đã viết thư đến sứ quán Ukraine tại Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine và phản đối chiến tranh xâm lược… Việc bàn luận về nguyên do chiến tranh liệu có còn quan trọng khi quyền chủ quyền của quốc gia được Liên Hiệp Quốc công nhận bị vi phạm và luật pháp quốc tế đã không được tôn trọng !
Quan điểm phổ biến cho rằng Putin sẽ vẫn ‘tại vị’ trước bất kỳ kết cục nào của cuộc chiến do ông ta phát động hoặc sự phản đối dữ dội thế nào từ quốc tế hay trong nước. Trong các chế độ chuyên chế – nơi quyền lực tập trung trong tay một cá nhân, thay vì được chia sẻ bởi đối trọng chính trị, đảng phái dân chủ, thì nhà lãnh đạo hiếm khi bị ‘phế truất’ vì lý do chiến tranh, thậm chí ngay cả khi họ gặp thất bại. Ngoài ra, những chế độ độc đoán như nước Nga của Putin là chúng thường có vẻ bề ngoài ổn định, nhưng người dân phải chịu đựng nỗi sợ hãi và đàn áp. Putin đã chấp nhận rủi ro lớn khi tiến hành xâm lược Ukraine, gieo rắc chết chóc và khổ đau, ông ta đang bị lên án, bị nguyền rủa.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 09/03/2022
***********************
Trần Ngọc Bích, RFA, 08/03/2022
ASEAN phản ứng yếu ớt trước xung đột Ukraine
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ ra lo ngại về những tác động của cuộc chiến này đối với tranh chấp ở Biển Đông. Do nỗ lực đơn phương của Nga nhằm thay đổi hiện trạng trùng hợp với các động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN lo ngại rằng nếu hành động của Nga được dung thứ, điều đó có thể sẽ có những tác động lan sang khu vực lân cận của họ.
Reuters
Ngày 26/2, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố đối với Nga - Một trong những đối tác chiến lược của khối, nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" về tình hình đang diễn ra và những hành động thù địch ở Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi quân đội Nga bắt đầu các cuộc tấn công quân sự vào các thành phố chính của Ukraine. Nga là một trong chín đối tác chiến lược của ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Tuyên bố viết : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực tối đa để theo đuổi các cuộc đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao để kiềm chế tình hình, giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (Liên Hiệp Quốc) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á" (1 ).
Tuy nhiên, tuyên bố của ASEAN về cuộc xâm lược Ukraine của Nga rất yếu ớt. Phản ứng yếu ớt đến nỗi cả hai từ "Nga" và "xâm lược" đều không xuất hiện trong các tuyên bố bằng văn bản mà chỉ có những lời kêu gọi đối thoại và thương lượng hòa bình. Đây là một điều đáng xấu hổ đối với ASEAN với tư cách là một nhóm. Tuy nhiên, để có được một văn kiện đồng thuận của cả khối, cần có được sự đồng ý của Myanmar, quốc gia đã xích lại gần Nga sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái, thì tuyên bố này cũng được coi là cố gắng của Hiệp hội này.
Những phản kháng mạnh mẽ vẫn không đủ
Các tuyên bố và lập trường riêng của các nước Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore đã lên án mạnh mẽ "bất kỳ cuộc xâm lược vô cớ nào đối với một quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ lý do nào". Người phát ngôn nói thêm rằng Singapore "lo ngại nghiêm trọng" về "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở vùng Donbas, và những thông tin về các cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine : "Chúng tôi nhắc lại rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng" (2 ).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nói rằng Indonesia lo ngại sự về sự leo thang xung đột vũ trang ở Ukraine mà gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực. Ông Faizasyah nói : "(Chúng tôi) khẳng định rằng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc về toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng và lên án bất kỳ hành động nào rõ ràng vi phạm lãnh thổ và chủ quyền của một quốc gia" (3).
Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 2/3 đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu áp đảo, theo đó "vận dụng những điều khoản mạnh mẽ nhất" phản đối "hành động gây hấn" của Nga đối với Ukraine. Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có tám thành viên bỏ phiếu tán thành nghị quyết, Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. Lá phiếu của Myanmar là do Đại diện thường trực, người không đại diện cho chính quyền quân sự của nước này, bỏ phiếu.
Một điều đáng ngạc nhiên là, thay vì đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á lục địa - một khuôn mẫu phổ biến hiện nay trong ASEAN - Thái Lan và Campuchia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Việc hai nước quyết định ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc có lẽ xuất phát từ mong muốn đi đúng hướng và tránh sự chỉ trích nặng nề từ bất kỳ đối tác quan trọng nào. Việc Campuchia bỏ phiếu ủng hộ cũng cho thấy Trung Quốc đã không tìm cách "huy động" sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho Nga ở Đông Nam Á, vì Phnom Penh lâu nay luôn ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh tại các diễn đàn đa phương.
Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraine ở Tokyo, Nhật Bản hôm 5/3/2022. Reuters
Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng ?
Hành động bỏ phiếu trắng của Việt Nam đã làm nổi bật hai nghịch lý. Thứ nhất, việc Nga tấn công Ukraine được cho là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi đó, Việt Nam luôn muốn làm nổi bật vấn đề "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" khi Trung Quốc có những động thái hung hăng ở Biển Đông, nhưng Việt Nam lại "làm ngơ" trước vấn đề này.
Nghịch lý thứ hai là những vũ khí hiện đại mà Việt Nam mua từ Nga lại chính là những vũ khí sẽ được sử dụng để chống lại Trung Quốc – quốc gia hiện có vẻ là "người bạn tốt nhất"của Nga. Có thể, việc Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng là do mối quan hệ lịch sử sâu sắc của hai nước này với Nga cũng như sự phụ thuộc về thiết bị quân sự vào Nga. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội : ước tính 84% thiết bị quân sự của Việt Nam đến từ Nga (Lào là 44%). Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc vào việc cung cấp và bảo trì thiết bị từ Nga, điều tối cần thiết nếu Hà Nội muốn duy trì khả năng răn đe đối với sự xâm lược của Trung Quốc.
Tuyên bố chung mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc hôm 4/2 cam kết ủng hộ nhau bảo vệ các lợi ích cốt lõi đã gây bất ngờ cho nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của mình. Việt Nam hiểu rõ giới hạn của mình trong mối quan hệ tay ba Nga - Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam đang trong vị trí rất chông chênh, khi mà những vũ khí Nga bán cho Việt Nam, thì đồng thời Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, liệu các vũ khí của Nga cung cấp cho Việt Nam có phát huy hiệu quả như mong đợi ?
Việt Nam nên lo lắng
Đối với ASEAN, các chuyên gia cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine có thể so sánh với các động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi ASEAN cũng cho rằng người láng giềng khổng lồ đang nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. Chuyên gia Gilang Kembara tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia nêu rõ : "Có sự lo ngại về việc nếu Mỹ bận rộn với cuộc xung đột ở Châu Âu, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống ở Châu Á bằng cách xâm lược Đài Loan hoặc tăng cường sự hiện diện của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông" (4).
Các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không để cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn ra một cách lãng phí. Trong lúc thế giới bận tâm về việc Moskva xâm lược Ukraine, Bắc Kinh tranh thủ đẩy mạnh chiến dịch ở Biển Đông bằng cách thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, qua đó thách thức khả năng bảo vệ chủ quyền của Hà Nội trong khu vực này (5). Cuộc tập trận gần đây nhất là từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước hành động mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn lên tiếng phản đối như thường lệ là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm là đã có giao thiệp với phía Trung Quốc nhưng không rõ là giao thiệp như thế nào, và phản ứng của Trung Quốc ra sao.
Một con bài quan trọng để nhằm đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông là Nga, nay đã có thể "vuột" khỏi tay Việt Nam vì tầm quan trọng của Trung Quốc lớn hơn. Vậy Việt Nam sẽ còn con bài gì trong tay ?
Trần Ngọc Bích
Nguồn : RFA, 08/03/2022
Tham khảo :
1. https://asean.org/asean-foreign-ministers-statement-on-the-situation-in-ukraine/
2. https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/02/20220224-Ukraine
3. https://jakartaglobe.id/news/indonesia-urges-peace-settlement-in-ukraine-crisis
**********************
Chiến tranh Ukraine tiếp tục là chủ đề mà báo giới Pháp ra ngày 11/03/2022 theo dõi, được Libération, La Croix và Le Monde đưa lên thành tựa lớn trang nhất. Các tờ báo đặc biệt nêu bật thảm cảnh mà dân Ukraine phải chịu dưới bom đạn của Nga, cũng như những khó khăn mà dân Nga bắt đầu nếm trải do trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Quân đội và tình nguyện viên Ukraine sơ tán một phụ nữ mang thai khỏi bệnh viện nhi ở Mariupol bị Nga oanh kích ngày 09/03/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Thảm cảnh mà người dân, đặc biệt là trẻ em Ukraine, đang phải trải qua đã được nhật báo thiên tả Pháp Libération nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa lớn : "Ukraine : Trẻ thơ trong chiến tranh". Ngay dưới hàng tựa, tờ báo tố cáo : "Là nạn nhân trong các vụ oanh kích, như tại bệnh viện Mariupol hôm thứ Tư, là những em đang phải sống lưu vong, hay bị chia cắt khỏi bố mẹ… Cả một thế hệ đã bị Putin hy sinh".
Trong bài phóng sự : "Ukraine : Tuổi thơ dưới bom đạn", Libération nhắc lại rằng đã có ít nhất là 71 trẻ em mất mạng, kể từ khi Nga khởi sự xâm lược Ukraine hôm 24/02/2022, trong một cuộc chiến mà các lực lượng Nga không ngần ngại bắn phá bừa bãi vào các khu dân cư, bao gồm cả trường học và nhà hộ sinh. Để kể lại cuộc sống hàng ngày và những đau thương mà dân Ukraine đang phải gánh chịu, tờ báo Pháp đã cử đặc phái viên đến nhiều địa phương tại Ukraine, từ Kiev đến Zhytomyr qua Odessa và biên giới Ba Lan.
Theo Libération, trẻ em nằm trong số hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, bên cạnh biết bao em phải sống chui rúc trong những căn hầm trú ẩn, ga tàu điện ngầm, những nơi trú ẩn tạm bợ khác tại các thành phố bị quân đội Nga bắn phá. Binh lính của Vladimir Putin không tha cho ai, kể cả trẻ em, như họ vừa chứng minh bằng cách oanh kích vào bệnh viện nhi ở Mariupol hôm Thứ Tư 09/03. Vụ tấn công khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và lên án của cộng đồng quốc tế.
Trong bài "Bệnh viện và trường học : Mục tiêu đánh phá một cách vô đạo đức tại Mariupol", Libération đã ghi lại phản ứng đầy phẫn nộ của cộng đồng thế giới sau khi được thấy những bức ảnh của nhà báo của hãng tin Mỹ AP chụp thảm kịch tại thành phố đang bị quân Nga bao vây.
Libération cũng nêu bật lòng dũng cảm và sự tận tâm của các bác sĩ nhi khoa Ukraine, sẵn sàng ở lại tại chỗ "chừng nào còn trẻ em trong thành phố".
Nhật báo La Croix cũng nêu bật thảm cảnh tại Mariupol trong bài : "Bệnh viện và trẻ em dưới bom đạn", và nhấn mạnh đên phản ứng kinh hoàng và làn sóng phẫn nộ trào dâng trên thế giới khi hình ảnh những tòa nhà bị tàn phá được lan truyền.
Tình cảnh hiện nay của người dân Nga đã được La Croix nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa lớn : "Các biện pháp trừng phạt : Người Nga gồng mình chịu đựng", trên nền một bức ảnh cho thấy một hàng người dài đang đứng chờ trước một máy rút tiền euro và đô la tại thành phố Saint Petersburg ở Nga. Tờ báo ghi nhận : "Đa số người Nga đã phải nhẫn nhịn chịu đựng những tác động đầu tiên của các biện pháp trừng phạt do phương Tây ban hành sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine".
Trong bài viết trang trong mang tựa đề "Người Nga chóng mặt vì giá cả tăng vọt", thông tín viên La Croix tại Moskva nhận xét là dân chúng Nga đã bắt đầu cảm thấy gánh nặng các lệnh trừng phạt và chờ đợi một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Tầng lớp giàu có tại Moskva, những người quen đi du lịch nước ngoài và tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây, là tầng lớp đầu tiên thấy rõ ảnh hưởng.
Thế nhưng do việc đồng rúp mất giá nặng nề, lạm phát lên cao, lãi suất cho vay tăng vọt, tình cảnh sẽ rất ngặt nghèo đối với các gia đình vốn đang phải đối phó với giá cả leo thang.
Theo La Croix, Vladimir Putin luôn nói rằng trừng phạt kinh tế của phương Tây là cơ hội để Nga tự sản xuất hàng hóa của mình. Nếu có tiến bộ trong lĩnh vực nông sản thực phẩm hoặc dệt may, thì đối với công nghệ, tiến bộ đã đạt được rất ít.
Chính quyền và các phương tiện truyền thông đại chúng tại Nga đã nói rất ít về các biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm vào ngành hàng không dân dụng, thế nhưng việc Mỹ và Liên Âu cấm xuất khẩu thiết bị và phụ tùng hàng không đang giáng một đòn rất mạnh vào các hãng hàng không Nga, hạn chế khả năng bảo hành đội phi cơ, tức là khả năng sử dụng các chiếc máy bay. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng tại quốc gia lớn nhất thế giới, nơi máy bay là phương tiện duy nhất để di chuyển nhanh chóng.
Một hệ quả khác cũng được La Croix nêu bật là sự kiện nhiều người Nga cũng bắt đầu bỏ nước ra đi. Trong bài "Phần Lan, một lối thoát khỏi khủng hoảng", nhật báo Pháp cho biết là sau các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây, một số người Nga đã qua Phần Lan, quốc gia giáp giới Nga và là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, số lượng chính xác và điểm đến cuối cùng của những người lưu vong này vẫn khó xác định.
Tình cảnh của người Nga cũng được Le Monde chú ý, đặc biệt là số phận của các đại gia Nga. Ngay trên trang nhất, tờ báo chạy hàng tít lớn : "Các nhà tài phiệt, trung tâm của hệ thống Putin".
Theo Le Monde, được phương Tây nhắm mắt làm ngơ từ lâu, giới tỷ phú Nga thân cận với tổng thống Putin hiện đang là đối tượng của các lệnh trừng phạt do Châu Âu và Hoa Kỳ ban hành.
Sự dính líu của giới đại gia Nga này với chế độ Putin không có gì là mập mờ : Trong hơn hai mươi năm qua, những ông trùm kinh tế này đã tích lũy được một khối tài sản khổng lồ nhờ thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Vladimir Putin. Là những nhân vật có thế lực và ảnh hưởng, hoặc là những tác nhân của việc sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào Nga, họ là những người ở tuyến đầu trong chiến lược của điện Kremlin.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Monde, quyết định đánh vào các đại gia Nga đã làm cho nhiều nước Châu Âu bối rối thấy rõ, đặc biệt là Anh Quốc, Cộng hòa Cyprus hay Hy Lạp, những nơi mà từ lâu nay các tỷ phú Nga luôn luôn được chiều chuộng, ưu đãi và có được những điều kiện định cư thuận lợi.
Riêng tại Pháp, Le Monde đã đến tìm hiểu tại khu nghỉ mát trượt tuyết Courchevel, ở vùng Savoie trên núi Alpes, nổi tiếng là nơi có đông đảo khách hàng là các nhà tài phiệt cũng như những người Nga giàu có. Theo ghi nhận của đặc phái viên của tờ báo, tại thị trấn mà các đại gia Nga gọi là "Kourchelovo", lá cờ Nga đã bị hạ xuống.
Ngoài khía cạnh nhân đạo, các diễn biến quân sự và ngoại giao liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine dĩ nhiên cũng được các báo quan tâm.
Các báo đều chú ý đến nguy cơ Nga sẽ lại đánh chiếm cảng Odessa của Ukraine, một thành phố nổi tiếng được mệnh danh "Hòn ngọc Biển Đen", một trung tâm văn hóa rất được người Nga yêu thích.
Le Figaro ghi nhận : "Odessa, hòn ngọc miền nam nói tiếng Nga nín thở trước tàu chiến của kẻ thù". Theo đặc phái viên của tờ báo, cư dân thành phố cảng bên bờ Biển Đen này của Ukraine hầu như đã chắc chắn là họ sẽ bị Nga tấn công, khi thấy khoảng một chục chiến hạm Nga xuất hiện ngoài khơi và máy bay không người lái Nga ngang dọc trên trời, thường xuyên là mục tiêu của lực lượng phòng không Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu Putin có sẽ tàn phá Odessa như đã từng làm với Kharkov hay Tchernihiv hay không ?
La Croix cũng nêu bật tâm trạng lo âu của người dân Odessa khi trích dẫn một cư dân thú nhận rằng trước đây đã tưởng lầm là không có gì đáng sợ hơn Covid-19.
Le Monde trên trang nhất thì chú ý đến khía cạnh ngoại giao, nêu bật sự kiện : "Ukraine : Đàm phán dưới áp lực của bom đạn".
Tờ báo ghi nhận là trước các cuộc thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa Kiev và Moskva, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã sẵn sàng cho "các thỏa hiệp".
Về phản ứng của phương Tây, Le Monde nhắc lại rằng "thái độ dè dặt (không dám) cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine minh họa cho hành động đi dây của phương Tây giữa ủng hộ Ukraine và giữ thái độ trung lập".
Dù cũng dành rất nhiều trang bài cho hồ sơ Ukraine, hai tờ Le Figaro và Les Echos đã ưu tiên trang nhất cho thời sự chính trị Pháp với cuộc bầu cử tổng thống ngày càng đến gần.
Le Figaro chạy tựa lớn "Bầu cử tổng thống : Chiến dịch vận động bị ngăn trở". Theo tờ báo, cuộc chiến tranh Ukraine đã làm lu mờ một chiến dịch vận động tranh cử vốn đã bị Covid kìm hãm từ lâu. Đây là một bối cảnh cho phép tổng thống sắp mãn nhiệm giành ưu thế, được tất cả các viện thăm dò cho rằng sẽ chiến thắng.
Theo nghiên cứu mới nhất của viện Odoxa Backbone Consulting, 79% người Pháp dự đoán nguyên thủ quốc gia chiến thắng, tăng 13 điểm so với tháng trước. 68% người được hỏi đánh giá rằng cuộc xung đột với Nga thúc đẩy quá trình tái tín nhiệm ông Macron, 89% trong số họ cho rằng cuộc chiến Ukraine đã xóa tan tất cả các chủ đề tranh cử khác trên các phương tiện truyền thông.
Kết quả trên đây chắc chắn sẽ khiến mười một ứng cử viên còn lại thất vọng, và dĩ nhiên sẽ làm tổng thống đương nhiệm hài lòng. Thâm chí, ông như còn có thể được bầu lại mà thậm chí không cần phải vận động.
Bối cảnh này, theo Le Figaro, có thể làm giới thanh niên nản lòng hơn nữa và không muốn đi bầu, do đó ngày càng xa rời lĩnh vực chính trị.
Les Echos chú ý đến một yếu tố trong chương trình tranh cử của ứng cử viên Emmanule Macron : "Hưu trí : Dự án của Macron làm dấy lên tranh luận trở lại".
Theo tờ báo, đề án cải cách chế độ hưu bổng của ứng cử viên Macron nhằm tiết kiệm tiền để tài trợ cho xã hội, tuổi hưu hợp pháp sẽ được nâng lên 65 tuổi và lương hưu tối thiểu lên 1.100 euro, các chế độ hưu đặc biệt chủ yếu sẽ bị bãi bỏ.
Theo Les Echos, công đoàn CFDT đã tố cáo một dự án "tàn bạo" và "không công bằng".
Trọng Nghĩa
Trong suốt những ngày qua tín tức hàng đầu trên mọi tờ báo của thế giới là về việc Nga tấn công xâm lược Ukraine, bắt đầu vào rạng sáng ngày 24 tháng 2 giờ Đông Âu. Chỉ sau hơn một tuần chúng ta đã chứng kiến hai yếu tố bất ngờ :
- Yếu tố thứ nhất là sự kháng cự dũng cảm của quân dân Ukraine khiến cho quân đội Nga đã không thể đánh nhanh thắng nhanh bất chấp tương quan lực lượng quân sự vô cùng chênh lệch giữa hai bên.
- Yếu tố thứ hai là sự đồng lòng phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, các nước Châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong việc ủng hộ, hỗ trợ cho Ukraine cũng như tung ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ về kinh tế chưa từng thấy đối với nước Nga...
Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với cái nhìn từ Mỹ, từ Châu Âu, sẽ ảnh hưởng ra sao đến tham vọng tiến chiếm Đài Loan của Trung Quốc cũng như bài học nào cho Việt Nam ?
Khách mời : Nhà báo Ngô Nhân Dụng từ California, Hoa Kỳ và nhà báo Từ Thức từ Paris, Pháp.
Nguồn : Tự Lực Bookstore, 05/03/2022
Sợ Nga nổi giận mà Việt Nam đã theo đuôi Trung Quốc bỏ "phiếu trắng" về cuộc xâm lăng Ukraine của Nga trong cuộc biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc ngày 2/3/2022.
Nga oanh tạc và pháo kích vào một Bệnh viện phụ sản và chuyên trị cho trẻ em thuộc thành phố Mariupol
Sự việc này cho thấy Việt Nam không có bản lĩnh chính trị độc lập như Cao Miên và Myanmar (Miến Điện), hai nước cũng có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Trung Hoa mà đã cùng với 6 nước còn lại của khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) gồm Phi Luật Tân, Nam Dương, Tân Gia Ba, Ma Lai Á, Thái Lan và Brunei bỏ phiếu lên án Nga. Nước thứ hai trong ASEAN bỏ phiếu trắng là Lào, nhưng vị trí đàn em của Vạn Tượng đối với đàn anh Trung Quốc không quá nặng như Hà Nội.
Nghị quyết lên án Nga được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng. Năm nước bỏ phiếu chống Nghị quyết Liên Hiệp Quốc. gồm Eritrea, Bắc Hàn, Syria, Belarus và Nga.
Lập trường của Việt Nam
Tại Liên Hiệp Quốc, Đại biểu Việt Nam là Đặng Hoàng Giang nói : "Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc.
Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".
Vào ngày hôm sau, 3/3/2022, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố tại Hà Nội : "Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới".
Bà Hằng nói : "Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".
Từ hai lời tuyên bố này, vị trí chính trị "thân Nga" của Việt Nam trong cuộc chiến ờ Ukraine đã rõ rệt, trong khi Cao Miên, nước láng giếng nhỏ bé từng bị Việt Nam chiếm đóng từ tháng 12/1978 đến tháng 9/1989, đã tự chủ được lương tâm để lên án Nga xâm lược.
Quan hệ Việt – Nga
Hành động của Việt Nam không ngạc nhiên vì hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 30/01/1950, trước khi Việt Nam chia đôi tháng 7/1954. Sau đó, khi nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc khởi động chiến tranh chống Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam thì Nga, khi ấy đứng đầu Liên bang Xô Viết, đã cùng với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Trung Quốc cung cấp vũ khí, lương thực và huấn luyện quân sự cho miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi chiến tranh kết thúc ngày 30/04/1975, Nga tiếp tục huấn luyện và trang bị vũ khí chiến tranh cho chế độ cộng sản Việt Nam. Phần lớn lực lượng tầu chiến, tầu vận tải, 6 tầu ngầm và máy bay chiến đấu đều do Nga viện trợ hay bán cho Việt Nam.
Theo báo Nhân Dân ngày 30/11/2021 : "Hợp tác kinh tế-thương mại song phương duy trì đà tăng trưởng tích cực với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt gần 4,85 tỷ USD. Tính đến tháng 4/2021, Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 144 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 944 triệu USD. Việt Nam có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD".
Vì vậy, trong dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ "chiến lược toàn diện" với Nga, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, viết : "Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân Liên bang Nga trong thành phần Liên Xô (trước đây) dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trên các diễn đàn đa phương, hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN".
Có ngả nghiêng không ?
Bên cạnh phản ứng chính thức, có vài viên chức ngoại giao cũng được phỏng vấn hay viết bài về tình hình Ukraine trên báo Quốc Tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tác giả Vũ Đăng Minh, chuyên viên về Châu Âu viết : "Vì sao Nga khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ? Động thái này hoàn toàn không bất ngờ, vì những mâu thuẫn, đối đầu tích tụ từ trong lịch sử và hiện tại, từ ý đồ chiến lược của các bên, chỉ chờ dịp là bùng phát" (báo Quốc Tế, ngày 27/02/2022).
Nhưng tại sao Nga tự ý xua quân xâm lăng nước láng giềng trong khi không bị Ukraine tấn công thì ông Minh giải thích : "NATO (North Atlantic Organization) từng kết nạp các thành viên Đông Âu, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, áp sát, bao vây, đe dọa an ninh, lợi ích của Nga và không có dấu hiệu dừng lại. Chính phủ Ukraine có động thái xa rời, thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, thậm chí là "bài Nga". Họ nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, sẵn sàng để NATO triển khai lực lượng, vũ khí trên lãnh thổ Ukraine".
Rõ ràng trong lập luận này, Vũ Đăng Minh đã không dám gọi cuộc chiến tranh ở Ukraine bắt nguồn từ "cuộc xâm lăng quân sự" tự phát của Nga.
Thứ đến, ông Minh đã "gắp lửa bỏ tay người" để cáo buộc NATO đã tìm cách bao vây Nga và "vu vạ" cho Ukraine đã "bài Nga" và muốn "gia nhập NATO".
Đi xa hơn, ông Minh còn bệnh vực hành động xâm lược của Nga khi viết : "Nga nhiều lần nêu điều kiện bảo đảm an ninh, nhưng NATO và chính phủ Ukraine phớt lờ. Các bên vẫn kiên quyết giữ nguyên tắc, không quan tâm đúng mức đến yêu cầu, cảnh báo của bên kia. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, bất cứ ai cố cản đường, tạo ra mối đe dọa đất nước và nhân dân Nga, Moscow sẽ đáp trả ngay lập tức và hậu quả sẽ chưa từng thấy trong lịch sử. Nghĩa là Nga sẽ tiến hành mọi hành động được cho là cần thiết".
Từ Crimea đến Donbass
Nên biết Nga đã chiếm đóng bán đảo Crimea ở đông nam Ukraine năm 2014, sau khi quân chống Chính phủ Ukraine kêu gọi Nga giúp. Sau đó Nga tiếp tục cung cấp vũ khí và ủng hộ phe ly khai chống Chính phủ Ukraine ở Donesk và Lugansk vùng Donbass. Vào ngày 22/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận Cộng hòa tự xưng Donesk (DPR) và Lugansk (LPR), đồng thời xua quân Nga vào lấy lý do bảo vệ an ninh cho dân gốc Nga, nhưng thực chất là làm bàn đạp xâm nhập và tấn công Ukraine mạng phía đông.
Vậy mà Vũ Đăng Minh vẫn mói thay cho Nga : "DPR, LPR kêu gọi giúp đỡ, ký kết hiệp ước với Nga. Các điều kiện cần thiết đã hội tụ. Kịch bản mở chiến dịch quân sự đã nằm sẵn trong két sắt. Đây không phải là ưu tiên số một, nhưng khi các phương án khác không khả thi, thì nó được kích hoạt. Tổng thống Vladimir Putin lệnh phát động chiến dịch quân sự".
Cuối cùng, ông Minh kết luận : "Theo Nga, đó là chiến dịch quân sự đặc biệt, nhằm phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, trung lập hóa Ukraine ; ngăn chặn, triệt tiêu hậu họa có thể xảy ra".
Kế đến là cuộc Phỏng vấn của báo Quốc Tế với Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN.
Ông Tuấn cũng "tát nước theo mưa" khi nói : "Nguyên nhân chính của việc Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine rạng sáng ngày 24/2/2022 là việc Nga lo ngại Mỹ và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng biên giới sang phía Đông giáp nước Nga và Ukraine sẽ sớm trở thành thành viên của NATO" (báo Quốc Tế, ngày 28/02/2022).
Cũng giống như Vũ Đăng Minh, ông Tuấn đã biện bạch cho hành động xâm lăng của Nga : "Trước sự xích lại gần nhau giữa Ukraine với Mỹ và NATO, cuối năm 2021, phía Nga đã gửi đề nghị cho Mỹ và NATO, trong đó nêu rõ các quan ngại nêu trên của mình. Đồng thời, Nga cũng triển khai một lực lượng quân đội lớn xung quanh Ukraine để hỗ trợ cho các đòi hỏi của mình. Khi các đòi hỏi mà Nga cho là "chính đáng" không được đáp ứng, thì Nga đã "động binh" bằng chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 vừa qua, với mục tiêu là tìm cách "trung lập hóa" và "phi quân sự hóa" Ukraine".
Theo quan điểm của ông Hoàng Anh Tuấn thì : "Nga phải hành động để việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ không bao giờ xảy ra".
Ông nói : "Tôi cho rằng, cuộc chiến này có thể để chấm dứt bất kỳ lúc nào để mở đường cho các các cuộc đàm phán an ninh rộng lớn hơn khi các yêu cầu của Nga về việc trung lập hóa Ukraine và Ukraine không trở thành thành viên của NATO được đáp ứng".
Ngôn ngữ của nhà ngoại giao Hoàng Anh Tuấn đưa ra như một "tối hậu thư" của Nga dành cho Ukraine, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nhân dân Ukraine sẽ chấp nhận đầu hàng dễ dàng như vậy.
Báo chí ngất ngư
Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, Tuyên giáo chỉ cho phép báo-đài của Việt Nam gọi cuộc xâm lược Ukraine của Nga là "Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine", hay "kể từ khi "Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine".
Lệnh thông tin-tuyên truyền của Tuyên giáo về tình hình Ukraine-Nga đã được Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với 38.000 đại biểu báo cáo viên Trung ương tháng 3/2022 tại Hà Nội.
Lê Hải Bình nói : "Không trích dẫn thông tin thiếu kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp, các từ ngữ mang tính chỉ trích, tiêu cực về các bên liên quan, về lãnh đạo các nước ; tuyên truyền khẳng định trong tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine".
Cách thông tin không dám coi vụ Nga vô cớ tấn công vào Ukraine là "cuộc xâm lăng" của báo chí và chỉ thị "Không trích dẫn thông tin thiếu kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp, các từ ngữ mang tính chỉ trích, tiêu cực về các bên liên quan" của Tuyên giáo cho thấy rõ bản tính sợ Nga và sợ Tầu cố hữu của phía Việt Nam vẫn không thay đổi, dù cả Thế giới đã lên án hành động tán ác vô nhân đạo của Nga ở Ukraine.
Ngược lại, báo chí của Nhà nước cộng sản Việt Nam lại thông tin rộng rãi quyết định tạm thời ngưng bắn của Nga để "mở hành lang nhân đạo sơ tán dân thường" tại các vùng giao tranh. Nhưng nguyên nhân người dân Ukraine phải bỏ nhà chạy loạn vì quân Nga đã dùng hỏa tiễn, súng cối hạng hặng, xe tăng, máy bay trực thăng và nhiều loại vũ khí khác bắn phá bừa bãi vào vùng dân cư tại các thành phố lớn, kể cả Thủ đô Kyiv.
Người dân bồng bế con chạy giặc ở thành phố Irpin - Ảnh minh họa
Truyền thông Việt Nam không có mặt tại Ukraine nên lệ thuộc hoàn toàn vào các hãng thông tin nước ngoài, phần lớn của Nga. Vì vậy, trong khi tuyệt đại đa số báo chí Tây phương và ở các nước không cộng sản đều đưa tin trung thực về tình hình Ukraine thì báo chí ở Việt Nam đã "đứng giữa" khi loan báo các diễn tiến bằng ngôn ngữ có định hướng của Tuyên giáo.
Cũng đáng ghi nhận sự kiện báo-đài của Việt Nam đã tránh đưa tin thiệt hại vật chất và thương vong của thường dân Ukraine do Nga gây ra. Cũng thiếu vắng là những hình ảnh chiến đấu của quân và dân Ukraine, và cảnh chạy cư nheo nhóc của những phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi với gương mặt mất hồn đang trú ẩn ở ga xe lửa hay trong các giáo đường, và ở các nước láng giềng Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc v.v…
Nhìn người nhớ đến ta
Đối với người Việt Nam trong và ngoài nước thì những thảm cảnh của dân tộc Ukraine phải gánh chịu vì cuộc xâm lăng của Nga gây ra cũng chẳng khác gì những cuôc tản cư, chạy loạn chiến tranh trên Quê hương chúng ta từ 1954 đến 1975, và "vượt biên, vượt biển" từ 1975-1989.
Đáng nhớ nhất là cuộc di cư lịch sử từ miền Bắc vào miền Nam của trên 1 triệu người, sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954 ; cuộc tản cư tang thương của đồng bào Quảng Trị trên Đại lộ kinh hoàng vào Thừa Thiên-Huế năm 1972 ; cuộc di tản bi thảm của mọi tầng lớp quân và dân trong cuộc triệt thoái Cao Nguyên trên đường số 7-B, từ Pleiku về Tuy Hòa ngày 14/3/1975.
Chính cuộc rút quân liều lĩnh từ Cao Nguyên về vùng Duyên hải, theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau khi Ban Mê Thuột rơi vào tay Cộng quân ngày 12/3/1975, đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngày 30/04/1975.
Cuối cùng là cuộc bỏ nước ra đi kinh hoàng của hơn một triệu người bằng đường bộ qua ngả Cao Miên và "thuyền nhân" bằng đường biển đến các nước lân bang trong vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Tân Gia Ba (Singapore), Mã Lai Á (Malaysia), Phi Luật Tân (the Philipines) và Nam Dương (Indonesia).
Bách khoa Toàn thư mở viết : "Số người vượt biên diễn ra cao điểm vào các năm 1978-1979 (thời kỳ diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1977) và chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979-1989) trong đó người gốc Hoa chiếm một tỷ lệ đa số, họ vượt biên vì lo sợ chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào năm 1978, số lượng người Hoa chiếm tới 70% trong số những người vượt biên từ Việt Nam bằng đường biển. Ngoài ra, có khoảng 250.000 người gốc Hoa vượt biên sang Trung Quốc bằng đường bộ tại biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979. Vào năm 1980, số người vượt biên sang Trung Quốc đạt 260.000 người. Sau giai đoạn này, số Hoa kiều tại Việt Nam đã giảm một nửa (từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900.000 vào năm 1989), người Hoa đã không còn là thế lực kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa".
Trong tất cả những biến cố đau buồn vừa kể, không ai biết đích xác có bao nhiêu con dân Việt Nam đã bỏ mình trên đường chạy giặc cộng sản tìm tự do.
Nhưng Bách khoa Toàn thư mở đã ghi nhận : "Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính có từ 200.000 đến 400.000 thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân (bệnh tật, tai nạn, bão tố, gặp hải tặc...). Những ước tính khác cho rằng có từ 10 đến 70 phần trăm thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân".
Quay lại với cuộc chiến ở Ukraine do Nga gây ra từ tháng 2/2022 mới thấy tham vọng "chiếm đất giành dân" của nhà độc tài Putin, cũng không khác với chế độ độc tài cộng sản Việt Nam trong chiến tranh là bao nhiêu. Nhưng khi Putin đề cao chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng da trắng gốc Nga đề bành trướng lãnh thổ thì Đảng cộng sản Việt Nam đã áp đặt cường quyền của thiếu số đảng viên để toàn trị đa số nhân dân.
Cả hai chiến thuật này, chung quy cũng phát xuất từ lòng tham vô đáy của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền phản dân chủ của người cộng sản mà thôi.
Phạm Trần
(09/03/2022)
Minh Anh, RFI, 07/03/2022
Cuộc chiến tại Ukraine hôm 07/03/2021 đã bước sang ngày thứ 12 và ngày càng gia tăng cường độ. Bất chấp nhiều lời kêu gọi từ một số chính khách, chuyên gia, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO vẫn bác khả năng lập vùng cấm bay để chặn đà tiến của quân Nga. Theo một chuyên gia Mỹ, đây là một tiền đề nguy hiểm, có thể được áp dụng cho bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các nước có vũ khí hạt nhân, kể cả ở Châu Á.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương trong khuôn khổ khóa họp các ngoại trưởng NATO tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ở Bruxelles (Bỉ) ngày 04/03/2022. Reuters - Pool
Trên trang mạng The Diplomat, ông Jacob Parakilas, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ và an ninh quốc tế trước hết lưu ý một vùng cấm bay (NFZ) không thể tuyên bố một cách tùy tiện. Kiểu lô-gic chiến lược này chẳng khác gì một hành động tuyên chiến với Nga. Máy bay phản lực của NATO khó có thể buộc tuân thủ NFZ do bị hệ thống phòng không của Nga đe dọa và dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công từ nhiều loại tên lửa như S-400 Triumf. Do vậy, để có thể tiến hành tuần tra trên không, những hệ thống này của Nga cần phải bị hủy diệt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc NATO phải tiêu diệt các binh sĩ Nga ngay trên lãnh thổ của Nga và Belarus, với khả năng thương vong dân sự rất cao.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đó. Vẫn theo chuyên gia này, cho đến hiện tại, lực lượng không quân Nga đóng một vai trò rất hạn chế trong cuộc xung đột, dù rằng sự hiện diện của họ có thể giúp cải thiện hiệu quả chiến thuật của Nga trên bộ. Hiểm họa thật sự cho thường dân Ukraine đến giờ chủ yếu là từ pháo binh. Nếu NATO áp dụng vùng cấm bay, điều này nhanh chóng trở thành vùng cấm lái xe như những gì từng diễn ra ở Libya.
Đương nhiên, tình trạng này sẽ không dẫn đến chiến tranh hạt nhân tức thì. Nhưng đối với các nước có trang bị vũ khí hạt nhân, một khi leo thang bắt đầu, thì việc giảm leo thang sẽ càng khó, và có nguy cơ đi đến trượt đà nhiều hơn. Bởi vì, theo tác giả, việc NATO can dự trực tiếp sẽ còn mở cửa cho các đòn trả đũa của Nga, tuy không gây chết người nhưng có tính đột phá, chẳng hạn, cắt đường dây viễn thông dưới biển, làm nổ các vệ tinh của Hoa Kỳ bằng vũ khí chống vệ tinh hoặc mở cuộc tấn công lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng trên khắp Châu Âu và Mỹ.
Vladimir Putin cũng có thể « ăn miếng trả miếng » nếu thiệt hại nhân mạng phía Nga cao. Điện Kremlin có thể huy động không quân và hạm đội tầu ngầm tấn công các mục tiêu quân sự trên bộ và trên biển của NATO. Và các đơn vị tác chiến độc lập của Nga có thể tiến hành các hoạt động phá hoại phía sau tuyến phòng thủ của NATO.
Vào thời điểm hai chiến binh có vũ khí hạt nhân giao đấu, quá trình trượt đà khó mà cản được. Và trước những rủi ro tổn thất cả về chính trị lẫn chiến lược, nguy cơ một bên thua mất khả năng nắm giữ các đòn bẩy quyền lực – hoặc chính tính mạng của mình, thì rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân lại càng cao. Đó chẳng khác gì như một giải pháp sau cùng, một hành động điên cuồng tự sát, hoặc để cứu vãn một cuộc bại trận toàn diện, hoặc ngăn chặn một cuộc đảo chính trong nội bộ, hay dập tắt một cuộc nổi dậy của quần chúng.
Điều đáng lo đối với tác giả, khi đôi bên rơi vào tình huống mất cân đối thế mạnh, vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng. Đơn cử ví dụ hồ sơ Bắc Triều Tiên chưa thể thực hiện được đòn tấn công hạt nhân thứ hai và các lực lượng chính quy của Bắc Triều Tiên vẫn còn xa mới bằng Nga. Khi xảy ra chiến tranh, rào cản cho Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân – hoặc trên bán đảo Triều Tiên, hoặc nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương hay lãnh thổ Bắc Mỹ, hầu như là rất thấp.
Tuy nhiên, nguy cơ leo thang hạt nhân với Trung Quốc – cho đến lúc này là rất thấp – tính đến chiều sâu chiến lược và kho vũ khí hạt nhân vẫn còn khiêm tốn, thì những chuyển động gần đây cho thấy Trung Quốc hướng tới khả năng lớn hơn mở rộng cửa cho một loạt các kịch bản leo thang tiềm tàng.
Nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ và an ninh quốc tế kết luận, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay nhắc nhở thế giới rằng những hiểm họa hạt nhân tồn tại từ năm 1945 chưa bao giờ thật sự biến mất !
Minh Anh
************************
Tổng thống Nga Vladimir Putin xem các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine "tương tự như lời tuyên chiến".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án NATO về việc loại trừ khả năng lập vùng cấm bay
"Nhưng cảm ơn Chúa chưa tới mức như vậy", ông Putin nói thêm.
Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực thiết lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine sẽ được xem là tham gia vào cuộc xung đột vũ trang.
Ông bác bỏ những đề nghị sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp hay thiết quân luật tại Nga.
Những bình luận trên được đưa ra trong buổi gặp gỡ giữa ông Putin với một nhóm các nữ tiếp viên hàng không tại một trung tâm huấn luyện của hãng hàng không Aeroflot gần Moscow.
Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine cách đây 11 ngày, thì phương Tây đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng tài sản ở nước ngoài của ông Putin và cắt đứt một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đã tuyên bố dừng hoạt động tại Nga. Mới nhất ngày 05/03 thì Zara, Paypal và Samsung đã trở thành những thương hiệu toàn cầu dừng hoạt động tại Nga.
Những biện pháp trừng phạt kinh tế đã khiến đồng rouble của Nga mất giá kỷ lục và khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng gấp đôi lãi suất.
Trong bình luận mới nhất, Putin đã tìm cách biện minh của cuộc chiến tại Ukraine, lặp lại các khẳng định rằng đang muốn bảo vệ cộng đồng người dân nói tiếng Nga tại Ukraine thông qua "việc giải trừ quân sự và phi phát xít hóa" Ukraine.
Đáp trả với những cáo buộc của giới phân tích quốc phòng phương Tây rằng chiến dịch quân sự của Nga đang không diễn ra tốt như mong đợi, ông Putin nói rằng : "Quân đội chúng ta sẽ hoàn thành tất cả nhiệm vụ. Tôi không nghi ngờ gì về điều này. Mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch".
Putin nói thêm rằng chỉ có những binh sĩ chuyên nghiệp tham gia giao chiến và không có chuyện ép người đến tuổi tham gia quân ngũ ra trận, mặc dù có những thông tin trái ngược với tuyên bố của ông.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết các nỗ lực nhằm thiết lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine sẽ bị quốc gia này xem là một bước tham gia vào cuộc xung đột quân sự và những ai chịu trách nhiệm sẽ bị xem như lực lượng thù địch.
"Giới lãnh đạo hiện nay cần hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm điều mà họ đang làm thì họ đang liều lĩnh về tương lai quốc gia của Ukraine", Putin nói.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên án NATO về việc loại trừ khả năng lập vùng cấm bay. Tuy nhiên các lãnh đạo phương Tây nói việc đưa ra biện pháp này sẽ là một bước leo thang.
Ông Putin nói không có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật tại Nga, và cho biết rằng bước đi như vậy sẽ chỉ tiến hành "trong trường hợp có sự uy hiếp từ bên ngoài, trong những lĩnh vực hoạt động quân sự xác định".
"Thế nhưng chúng ta không rơi vào tình huống như vậy và tôi hy vọng sẽ là không", Putin nói.
Cũng có những đồn đoán rằng Putin đang có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật, khi đó luật dân sự bị ngưng có hiệu lực hoặc quân đội kiểm soát hoạt động của chính phủ.
Ông cho biết cũng có tình trạng khẩn cấp đặc biệt khác được ban bố trong trường hợp có "mối đe dọa quy mô lớn từ bên ngoài" thế nhưng Putin khẳng định không có kế hoạch cho điều này.
Trong khi đó thì các hoạt động ngoại giao tiếp tục diễn ra bên lề của cuộc xung đột.
Thủ tướng Anh đã đề ra một kế hoạch gồm 6 điểm bao gồm việc củng cố năng lực quốc phòng của các quốc gia trong NATO.
Ông Boris Johnson cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới tiếp tục gia tăng các nỗ lực để khiến Nga thất bại trong cuộc xâm lược vào Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề ra bản kế hoạch 6 điểm
Trang New York Times đăng tải ý kiến của ông Boris Johnson rằng "không phải là các sử gia tương lai mà chính người dân Ukraine sẽ phán xét chúng ta".
Bản kế hoạch 6 điểm của ông Boris Johnson bao gồm :
- Các nhà lãnh đạo thế giới nên "huy động một liên minh nhân đạo quốc tế" cho Ukraine
- Các nhà lãnh đạo thế giới nên hậu thuẫn Ukraine trong các nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ"
- Tăng cường gây áp lực lên nền kinh tế Nga
- Cộng đồng quốc tế nên chống lại việc Nga "dần bình thường hóa" hành động tại Ukraine
- Theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhưng chỉ với sự tham gia toàn diện của chính phủ hợp pháp của Ukraine
- Cần có "một chiến dịch nhanh chóng để củng cố an ninh và sức mạnh" của các quốc gia trong NATO
Dự kiến Thủ tướng Anh sẽ truyền đi thông điệp này trong các cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Downing Street vào ngày thứ Hai 07/03.
Vào ngày thứ Ba 08/03, ông Boris Johnson cũng sẽ chủ trì một cuộc họp với các quốc gia Trung Âu gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cảnh báo ông Putin đừng nên "thử thách" Anh Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph, ông Wallace nói : "Lịch sử vương vãi những kẻ độc tài đánh giá thấp phương Tây và Anh Quốc. Ông ta [Putin] rõ ràng đã đánh giá thấp cộng đồng quốc tế".
"Nếu chúng ta cùng đoàn kết và can trường thì tôi tin ông ta sẽ thất bại", ông Wallace nói thêm.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moscow vào ngày thứ Bảy 05/03 và có buổi trao đổi kéo dài 3 giờ về cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Ông Bennett sau đó đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Mặc dù Israel là một đồng minh quan trọng của Mỹ, thế nhưng Bennett đã nỗ lực gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với phía Nga. Tổng thống Zelensky, người Do Thái, đã kêu gọi Israel làm trung gian trong cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và cho biết ông ngưỡng mộ sự dũng cảm của Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp nhau tại biên giới giữa Ba Lan và Ukraine. Ông Kuleba cũng lặp lại mong muốn NATO hỗ trợ thêm về mặt quân sự bao gồm thiết lập một vùng cấm bay.
BBC, 06/03/2022
***********************
Trọng Thành, RFI, 06/03/2022
Cuộc tấn công của Nga chống Ukraine chuyển sang một khúc quanh mới. Bước vào ngày thứ 10 của cuộc chiến, ngày 05/03/2022, tổng thống Nga đe dọa sẽ xóa bỏ "Nhà nước Ukraine", nếu chính quyền Ukraine không thay đổi chính sách.
Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện với các nhân viên trong chuyến thăm trường đào tạo tiếp viên của hãng hàng không Nga Aeroflot,ngoại ô Moskva ngày 05/03/2022. AP - Mikhail Klimentyev
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Poutine cảnh báo Ukraine sẽ có thể mất "quy chế Nhà nước", nếu Kiev tiếp tục từ chối nhân nhượng các đòi hỏi của chính quyền Moskva. Nhân chuyến thăm trường đào tạo tiếp viên của hãng hàng không Nga Aeroflot, ở ngoại ô Moskva, nói chuyện với các nữ nhân viên tại đây nhân sắp tới ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chính quyền Kiev "cần phải hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm những điều như hiện nay, họ sẽ đe dọa tương lai của chính Nhà nước Ukraine. Nếu điều này xảy ra, họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm".
Thừa nhận bán đảo Crimea là của Nga, vùng Donbass thuộc lực lượng ly khai thân Nga, đòi hỏi chính quyền Kiev "phi quân sự hóa", cam kết tuân thủ "quy chế trung lập", không gia nhập các liên minh là các đòi hỏi chính của điện Kremlin với Ukraine. Chính quyền Kiev cương quyết bác bỏ các yêu sách nói trên, được coi như đồng nghĩa với hành động đầu hàng.
Tổng thống Nga cũng so sánh các trừng phạt quốc tế chống cuộc can thiệp quân sự của Nga giống như một "hành động tuyên chiến". Tuy nhiên, ông Putin cũng thừa nhận là tình hình hiện nay "chưa đến mức như vậy". Chủ nhân điện Kremlin cũng cảnh báo sẽ coi tất cả các quốc gia tham gia vào việc thiết lập một vùng cấm bay tại Ukraine, theo yêu cầu của chính quyền Kiev, là "bên tham chiến", bởi việc thành lập vùng cấm bay "đe dọa quân đội Nga".
Hàng không Nga : lĩnh vực chịu thiệt hại hàng đầu do các trừng phạt quốc tế
Không phải ngẫu nhiên tổng thống Nga chọn đưa ra phát biểu đe dọa xóa bỏ Nhà nước Ukraine trước các nhân viên hàng không Nga. Hàng không là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng do các đòn trừng phạt quốc tế. Hãng hàng không Nga Aeroflot đã phải tuyên bố đình chỉ toàn bộ các tuyến bay quốc tế kể từ ngày 08/03. Cơ quan quản lý hàng không quốc gia Nga Rossaviatsia cũng yêu cầu tất cả các hãng hàng không Nga đình chỉ các tuyến bay ra nước ngoài, để tránh nguy cơ các phương tiện bay bị tịch thu, bởi một số lớn máy bay dân dụng Nga đang sử dụng hiện nay là thuê của các hãng phương Tây.
Trọng Thành
Minh Anh, RFI, 07/03/2022
Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Ukraine Dmytro Kuleba ở biên giới Ba Lan ngày 06/03/2021, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Washington sẽ cung cấp một khoản viện trợ quân sự cho Kiev trị giá 350 triệu đô la để chống quân xâm lược Nga. Ngoài ra, Nhà Trắng còn tiết lộ khả năng cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ba Lan và nước này chuyển giao cho Ukraine các chiếc máy bay chiến đấu thời Xô Viết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Ukraine Dmytro Kuleba (phải), phát biểu với báo giới, tại Korczowa, cửa khẩu biên giới Ukraine-Ba Lan, ngày 05/03/2022 AP - Olivier Douliery
Từ New York, thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten giải thích vì sao :
"Một trong số các mối lo chính của binh sĩ Ukraine là gì ? Đó là không được đào tạo điều khiển các chiếc F-16, và họ quá quen thuộc với các chiến đấu cơ thời Xô Viết như các chiếc MIG chẳng hạn, đây là điều Washington không thể thực hiện được với Kiev.
Khi hiểu rằng các nước trong khối NATO sẽ không lập vùng cấm bay, có nguy cơ buộc những nước đó sẽ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước Đông Âu hỗ trợ quân sự, trong đó có những loại máy bay mà phi công Ukraine biết điều khiển.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell trước đó đã đề nghị các nước thành viên của khối nên giao các chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng Ba Lan, Bulgari và Slovakia tỏ ra dè dặt. Tổng thống Ukraine hôm qua đã phải cầu viện đến các nghị sĩ Mỹ và Washington tính đến việc đề nghị Ba Lan đổi các tiêm kích cũ của Nga lấy các chiếc F-16 của Mỹ để rồi sau đó Warszawa có thể giao số máy bay cũ này cho Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức đã có phản ứng, cảnh cáo các nước láng giềng của Ukraine có nguy cơ "sẽ phải tiếp đón" các chiến đấu cơ của Nga. Một lời dọa dẫm thẳng thừng".
Minh Anh
**********************
Giới chức Mỹ : Ukraine vẫn còn ‘đa số đáng kể’ máy bay quân sự
VOA, 05/03/2022
Chín ngày sau khi bị Nga xâm lược, Ukraine vẫn còn "đa số đáng kể" các máy bay quân sự, một giới chức quốc phòng Mỹ cho biết ngày 4/3.
Một máy bay chiến đấu SU-27 của Ukraine đáp xuống căn cứ không quân Starokostyantyniv trong khuôn khổ cuộc tập trân "Clear Sky 2018".
Dù quân đội Nga vượt trội Ukraine nhiều mặt về số lượng và hỏa lực, nhưng việc không lực Ukraine vẫn còn ngang dọc và lực lượng phòng không của họ vẫn còn năng động đã khiến các chuyên gia quân sự ngạc nhiên.
Quan chức ẩn danh vừa kể cho hay Ukraine vẫn còn đa số đáng kể không lực tác chiến cùng các hệ thống đất đối không và các hệ thống không nguời lái.
Vẫn theo nguồn tin này, máy bay của Ukraine chịu một số thiệt hại, kể cả việc bị không lực Nga phá hủy, nhưng không cho biết chi tiết.
Nga đã bắn hơn 500 tên lửa vào các mục tiêu Ukraine kể từ khi bắt đầu xâm lược.
Binh sĩ Ukraine được trang bị rốc-kết đất đối không là mối đe dọa cho máy bay Nga và gây nguy cơ cho phi công Nga tìm cách yểm trợ bộ binh.
Khả năng Ukraine duy trì cho các máy bay của không lực tiếp tục hoạt động là một minh chứng sinh động về sự kiên cường của nước này đối mặt với cuộc tấn công và làm tăng tiến tinh thần đối với quân đội lẫn người dân Ukraine, các chuyên gia nói.
Ngũ Giác Đài đã thiết lập một đường dây nóng mới với Bộ Quốc phòng Nga để ngăn ngừa "tính toán sai lầm, sự cố quân sự và tình trạng leo thang" trong khu vực trong lúc cuộc xâm lược của Nga đang tiến triển.
Đoàn xe bọc thép của Nga hướng về thủ đô Kyiv vẫn còn cách trung tâm thành phố 25 km.
Xe tăng tiến vào Kherson, nơi có khoảng 250.000 dân, và lực lượng Nga đã chiếm tòa nhà hành chánh khu vực, thống đốc Hennadiy Laguta, cho biết ngày 3/3.
Theo Reuters
**********************
Thùy Dương, RFI, 06/03/2022
Hôm 06/03, trên Twitter, tổng thống Zelensky thông báo đã điện đàm thêm một lần nữa với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình an ninh, việc Mỹ tài trợ cho Ukraine và việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nói chuyện điện thoại với tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 09/12/2021. AP
Trước đó, trong ngày 05/03/2022, tổng thống Ukraine Zelensky đã có cuộc gặp trực tuyến với các nghị sĩ Mỹ. Theo AFP, ngoài việc đề nghị Mỹ tăng cường trừng phạt kinh tế Nga, nhất là cấm nhập khẩu dầu lửa và khí đốt của Nga, đình chỉ việc sử dụng thẻ ngân hàng Mastercard và Visa tại Nga, tổng thống Zelensky lại một lần nữa đề nghị được các nước Đông Âu cấp chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo.
Trong một thông cáo, thượng nghị sĩ Chuck Summer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng Viện, nhấn mạnh sẽ làm hết khả năng để chính quyền Mỹ tạo điều kiện thuận lợi để các nước Đông Âu cấp chiến đấu cơ Liên Xô sản xuất cho Ukraine. Còn thượng nghị sĩ Cộng hòa Steve Daines, trên đài Fox News cho biết các nghị sĩ Quốc hội lưỡng viện ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đoàn kết ủng hộ Ukraine và sẽ thông qua khoản viện trợ 10 tỉ đô la cho Ukraine, một nửa để cứu trợ nhân đạo và một nửa dành cho quân sự.
Trong khi đó, tại Moskva, ngày 05/03/2022, tổng thống Vladimir Putin đã ví các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây nhắm vào Nga là sự tuyên chiến. Trước đó, tổng thống Mỹ Biden đã được tình báo lưu ý về khả năng Putin không chỉ tấn công Ukraine, mà còn đi xa hơn nữa nếu bị dồn vào chân tường.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm chi tiết :
"Từ vài ngày nay, các nhân viên tình báo Mỹ đã lưu ý tổng thống Joe Biden và bộ tổng tham mưu là tổng thống Nga Vladimir Putin, bị loạt đòn trừng phạt kinh tế dồn vào chân tường, có thể đi xa hơn kế hoạch ban đầu là xâm lược Ukraine.
Những tiết lộ nói trên từ Phòng tình huống, phòng họp tại Nhà Trắng dành cho các tình huống khẩn cấp, được nhật báo New York Times dẫn lại. Các thông tin này đã được đích thân chủ nhân điện Kremlin khẳng định hôm 05/03/2022. Tổng thống Nga đã khẳng định, trong một cuộc gặp nhân ngày Quốc tế phụ nữ 08/03, là đối với ông các đòn trừng phạt được áp đặt, chẳng khác gì "lời tuyên chiến".
Vừa đe dọa, vừa trấn an, Putin nói thêm : "Nhưng ơn Chúa, chuyện vẫn chưa đến mức đó". Tuy nhiên, Vladimir Putin vẫn đưa ra cảnh báo trước khả năng phương Tây áp đặt vùng cấm bay trên vùng trời Ukraine. Đó là biện pháp mà Kiev đang đòi hỏi quyết liệt, nhưng tạm thời NATO vẫn từ chối xem xét để không bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga".
Thùy Dương
***********************
Thu Hằng, RFI, 05/03/2022
Tổng thống Nga Putin và đội ngũ cố vấn có lẽ đã đánh giá sai về khả năng người dân Ukraine chào đón họ như "những nhà giải phóng" khỏi "chính quyền tân phát xít". Trên đây là nhận định với RFI ngày 04/03/2022 của nhà nghiên cứu Emmanuel Dreyfus, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp. Trước lực lượng xâm lăng, người dân Ukraine đoàn kết và kiên cường hơn bao giờ hết. Nam giới đổ dồn đến phòng tuyển quân ở thành phố Lviv.
Các tình nguyện viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine được huấn luyện ở Kharkov, Ukraine, ngày 29/01/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Theo phóng sự của đài truyền hình Pháp France 2 ngày 04/03, một hàng dài, cả nam giới và phụ nữ đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, kiên nhẫn chờ đăng kí ở phòng tuyển tình nguyện viên cho quân đội tại Lviv, cách thủ đô Kiev khoảng 80 km. Số người đăng kí rất đông, nhưng hiện tại quân đội chỉ chọn những người có kinh nghiệm quân sự. Những "tân binh" được chọn sẽ tham gia một khóa huấn luyện ngắn hạn.
Theo báo Le Figaro ngày 03/03, chính quyền Ukraine dự tính bốn đợt tổng động viên. Đợt thứ nhất, chỉ phụ nữ và đàn ông dưới 40 tuổi, từng phục vụ quân đội từ năm 2014, được huy động ra chiến trường. Đợt hai sẽ huy động lực lượng dự bị tác chiến, đi lính trước năm 2014. Đợt ba là tất cả cựu quân nhân. Và đợt cuối cùng, trong trường hợp thảm họa, sẽ huy động tất cả người từ 18 tuổi.
Điện Kremlin cáo buộc chính quyền Kiev lấy thường dân làm lá chắn sống. Nhưng chính những người dân Ukraine tình nguyện bảo vệ nơi họ sinh sống với những phương tiện thô sơ. Theo nhiều phóng sự của truyền hình Pháp, phụ nữ Ukraine đan lưới ngụy trang, nấu ăn cho quân đội, làm bom xăng, may áo giáp chống đạn…
Tại Kiev, các tổ dân quân được thành lập để giám sát khu vực, dựng hàng rào chướng ngại vật và tìm những "kẻ phá hoại" Nga hoặc thân Nga trà trộn. Bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục công việc cứu người trong điều kiện thiếu thốn và dưới bom đạn. Nhiều xưởng cơ khí ở miền tây Ukraine, nơi chưa bị tấn công, trở thành cơ sở sản xuất khí tài cho dân quân.
Ngày 24/02, Ukraine đã ban hành lệnh tổng động viên và cấm đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời đất nước. Quân đội Ukraine hiện có 200.000 người và sẽ tăng lên thành 600.000 nếu huy động lực lượng từng chiến đấu ở vùng Donbass trong 8 năm qua.
Thu Hằng
Thùy Dương, RFI, 07/03/2022
Trong khi có hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ chạy lánh nạn sang các nước láng giềng kể từ khi quân Nga tấn công, thì lại có rất nhiều người, không chỉ người Ukraine mà cả người ngoại quốc, tìm cách trở về hay đến Ukraine qua ngả Ba Lan để góp sức giúp đỡ người dân Ukraine hay cầm súng chiến đấu chống quân Nga.
Một nhóm người Ukraine trên đường hồi hương để giúp bảo vệ đất nước chống xâm lược Nga. Ảnh chụp tại cửa khẩu biên giới Medyka (Ba Lan) ngày 27/02/2022. Reuters – Bryan Woolston
Từ biên giới giữa Ba Lan và Ukraine, ngày 07/03/2022 thông tín viên Sarah Bakaloglou gửi về bài phóng sự :
"Tại đồn biên phòng Medyka, phía Ba Lan, có một chiếc xe bus vừa đến với khoảng 15 người đàn ông... Trong số hành khách, Dimitri Marchenko kéo theo một chiếc vali. Thanh niên người Ukraine, 24 tuổi, làm việc ở Ba Lan đã quyết định bỏ lại tất cả để trở về quê hương.
Anh nói : "Một mặt, đó là một quyết định khó khăn. Phần lớn thời gian tôi đã sống ở Ba Lan, ở đây tôi có mọi thứ, một căn hộ, một việc làm. Ở Ukraine, tôi chẳng còn gì hết, tôi thậm chí không biết khi nào mới có thể trở lại Ba Lan. Tại Ukraine có các đội bảo vệ lãnh thổ, và tôi muốn có thể gia nhập đơn vị ở địa phương mình. Mẹ tôi bảo chờ đợi thêm chứ đừng về vội. Rõ ràng là chẳng có người mẹ nào muốn con trai tham chiến. Nhưng tại sao lại phải chờ đợi ? Chiến tranh diễn ra từ 8 năm nay rồi. Không phải là tôi hy vọng chiến thắng, mà tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thắng. Tương lai thuộc về Ukraine và Châu Âu, chứ không thuộc về Nga. Mỗi người Ukraine phải hiểu rằng đây là lãnh thổ của chúng tôi và sự thật thuộc về phía chúng tôi".
Đa số người Ukraine trên đường trở về nước là nam giới, thế nhưng chúng tôi cũng thấy có một số phụ nữ đã quyết định trở về nước. Chúng tôi đến một trong những trung tâm tiếp đón tạm thời người tị nạn ở thị trấn Przemysl, được đặt tại một trường tiểu học. Trong phòng tập thể dục, bà Ivana Tatchiova ôm chặt con gái 14 tuổi trong tay, rớt nước mắt khi chia tay cô bé. Bà đã đưa con gái đến Ba Lan để cô bé được an toàn, nhưng bây giờ bà đang chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình ngược về đất nước Ukraine.
Bà Tatchiova nói : "Tôi hiểu rằng những gia đình có con nhỏ mới một, hai tháng tuổi đều muốn đi lánh nạn, nhưng nếu tất cả mọi người đều ra đi, nếu không còn người Ukraine nữa thì sẽ không còn nước Ukraine và mọi chuyện coi như chấm dứt. Vì vậy, nếu có thể, mọi người phải quay trở về. Người Ukraine có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đất đai, bảo vệ quê hương. Nếu tất cả mọi người đều chạy trốn, thì không còn lý do gì để chiến đấu".
Người phụ nữ Ukraine này tâm sự là bà nghĩ đến việc tham gia đội ngũ y tá hoặc làm tình nguyện viên ở hậu cứ, để tổ chức sắp xếp công tác hỗ trợ. Bà nói : "Tôi không muốn trở thành anh hùng, tôi chỉ muốn giúp đỡ hết sức theo khả năng của tôi".
Ukraine cũng đã kêu gọi các tình nguyện viên nước ngoài thành lập một binh đoàn lê dương quốc tế về phòng vệ. Một thanh niên Thụy Điển 25 tuổi mà chúng tôi gặp trong một khách sạn gần nhà ga Przemysl kể lại : "Tôi đến từ Thụy Điển và tôi đã quyết định gia nhập binh đoàn lê dương nước ngoài để cầm vũ khí chống Vladimir Putin". Thanh niên này nói : "Tại sao lại cần đi và chiến đấu ? Điều này quan trọng, bởi vì không thể để một kẻ độc tài, một kẻ tồi tệ nắm quyền kiểm soát một đất nước. Và điều quan trọng nhất không phải là "tôi sẽ thành công trong việc làm mọi thứ thay đổi mọi thứ", mà là "nếu không phải tôi là người đến đó, thì ai có thể đi ?"
Theo Tổng thống Ukraine, đã có 16.000 người nước ngoài tình nguyện đến chiến đấu bên cạnh người Ukraine".
Thùy Dương
**********************
Chiến tranh Ukraine, Nga dùng quân Chechnya, Ukraine có vấn đề lịch sử
Phạm Cao Phong, BBC, 05/03/2022
Kế hoạch hậu chiến dường như đã được Tổng thống Nga Putin dự liệu ngay từ trước 'hoạt động quân sự đặc biệt', theo cách gọi của ông về chiến tranh Ukraine.
Chiến binh Chechnya cầu nguyện trước khi ra trận – Ảnh minh họa
Trong các cánh quân Nga đánh vào lãnh thổ Ukraine, video của kênh truyền hình Novaya Gazeta Moscow có trình chiếu cảnh hàng ngàn binh sĩ Chechen tập hợp quanh Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo độc tài của một nước cộng hòa đa số là người Hồi giáo ở Caucasus, một thành viên của Liên bang Nga.
Cuộc chiến tranh Chechnya hẳn chưa đi vào quên lãng với vùng đất Bắc Caucasus bất ổn. Trái ngược với Ukraine, Caucasus là mảnh đất nghịch thù với Đế chế Nga liên tục trong các giai đoạn 1785, 1791, 1864, 1922, 1944 và gần đây nhất vào các năm 1996, 2009.
Ông Putin đã làm gì để bình định được Grozny và Chechenya, để hôm nay 12.000 binh sĩ vốn có biệt danh là 'kadyrovtsy' vì lòng trung thành với nhà lãnh đạo của họ đồng lòng dưới lá cờ nước Nga ?
Ramzan Kadyrov thông báo về việc triển khai hàng nghìn binh sĩ của mình ở mặt trận Ukraine tuyên bố :
"Tôi muốn đưa ra một số lời khuyên cho Zelensky. Ông ấy phải gọi điện cho tổng thống của chúng tôi, Tổng tư lệnh tối cao Putin, và yêu cầu một lời xin lỗi.
Nhà sử học Jean-François Colosimo tóm tắt vai trò của người trung thành với Putin bằng mấy chữ : "Kadyrov là kẻ khát máu".
Đội quân 'kadyrovtsy' của Ramzan Kadyrov nổi tiếng hung dữ, đã chiến đấu ở Dagestan, nơi cung cấp một lực lượng lớn binh lính tình nguyện cho Nhà nước Hồi giáo IS. Kadyrovtsy bị cáo buộc tra tấn và hành quyết dã man dân thường trong quá khứ, được gửi đến với lời đe dọa :" Đừng có chạy, chúng tao muốn thanh toán dứt điểm với chúng mày".
Với danh tiếng khát máu, sự hiện diện quân đội Chechenya là một con ngáo ộp nhằm tạo tâm lý sợ hãi, gây ảnh hưởng đến người dân và lực lượng Ukraine.
Điện Kremlin duy trì một cách khéo léo con bài này dường như đã khơi dậy nỗi sợ hãi ở một số người Ukraine. Trả lời phóng viên BFMTV ở Kiev, Alice, một cô gái có hai dòng máu Pháp-Ukraine nói :
"Tôi chạy đây. Những người Chechnya đang đến. Tôi khiếp hãi họ, vì tôi biết họ có thể hãm hiếp và cắt cổ chúng tôi. Họ bất chấp tất cả", cô giải thích khi cố gắng chạy trốn khỏi thủ đô.
Sự hiện diện của Kadyrovtsy đã được xác nhận ở một số nơi : lân cận khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, phía bắc thủ đô Kyiv và ở Odessa.
Chuyên gia tư vấn quốc phòng của BFMTV, Jérôme Pellistrandi phân tích : "Người Chechnya nổi tiếng là man rợ. 'Cư xử tốt' đối với họ là gửi đến những người thù địch những kẻ cắt cổ".
Sử thi Ukraine và Taras Bulba
Cách hành xử của Nga trong vấn đề dân tộc và cách xử lý khủng hoảng, phần nào vẫn mang tính sử thi như trong tác phẩm "Taras Bulba " được thi hào Nicolai Gogol ra mắt độc giả 1835 ?
Thủ lĩnh Cossack Taras Bulba đã tự tay giết chết đứa con ruột Andriy do tình yêu của chàng với một công nương Ba Lan. Mù quáng vì tình, Andriy đã trở gươm chống lại cha và anh ruột.
Lính Ukraine tại một điểm kiểm tra gần Zhytomyr, phía tây Kyiv
Để trả thù cho cái chết của người con cả Ostap, "Taras cùng đoàn quân của mình vùng vẫy khắp đất Ba Lan, đốt cháy mười tám thị trấn, gần bốn mươi nhà thờ Công giáo và đã tiến đến sát Krakov ".
"Đừng tha gì hết" - Taras nhắc đi nhắc lại. Và quân Cossack phá sạch, giết sạch, không nể cả những quý bà lông mày đen nhánh và những thiếu nữ ngực trắng nõn, tươi sáng như thiên thần. Họ có chạy vào thánh đường cũng không thoát chết : Taras đốt họ cháy trụi cùng với các thánh đường.
Từ trong ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên bầu trời, biết bao bàn tay nõn nà chới với, những tiếng gào thét thảm thiết làm mọi nhánh cây ngọn cỏ thảo nguyên của đất mẹ cũng phải động lòng. Nhưng trái tim sắt đá của người Cossack chẳng hề lay chuyển, họ lấy mũi lao thọc vào bụng những trẻ và quăng chúng vào ngọn lửa. " Giặc Ba Lan thấy không, ta làm lễ cầu hồn cho Ostap của ta đó".
Phải chăng, cơn nóng giận của Putin giống như dông tố trong đầu thủ lĩnh Taras ?
Tính tàn nhẫn vô nghĩa, mặt trái của chủ nghĩa anh hùng cổ sơ, không thể dung hợp với đạo lí của loài người văn minh, đạo lí của mọi tôn giáo chân chính như tái hiện lại trong cuộc chiến tranh Ukraine hôm nay.
Putin sẽ giữ ghế bằng mọi giá
Trong con mắt nhiều người Nga Vladimir Putin có công trong việc dựng lại nước Nga từ đống hoang tàn sau 1991. Song trước hết đây là nhà độc tài, người không từ một mưu kế nào để giữ chiếc ghế trong vòng 22 năm. Tổng thống Nga vẫn giữ chân trời thực sự khô cằn về một quyền lực mê muội.
Nếu những quan tài chở thi hài binh sĩ Nga tử trận ở Afganistan là chất xúc tác dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, thì trong chiến tranh Donbas, thì theo tiết lộ của Lev Schlossberg một quân nhân Nga trong tạp chí l'Obs tháng ba 2022 (N°2993) :
"Quân đội Nga không có ý định thu thập các tử thi chiến hữu của họ. Họ không tổ chức truy điệu hay lễ tiễn đưa đồng đội về nơi yên nghỉ". Hình ảnh trên kênh Telerama năm 2014 về những hố chôn những người lính Nga tử trận ở Donbass đã gây xúc động lớn.
Bước đi chậm chạp của Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine có nguyên nhân thâm độc hơn. Đó là vấn đề bình định Ukraine thời hậu chiến, mặt khác đánh đòn người di tản lên Châu Âu. Ông đã sử dụng con bài này trong chiến tranh Syria, quây đánh IS đến đường cùng lại giải tỏa, thả các nhóm thánh chiến rút đi cùng với vũ khí nặng, làm người dân hoảng sợ chạy khỏi các vùng chiến sự ngày càng lan rộng.
Chiến tranh Syria đẩy một số lượng người trốn chạy đã gây một khủng hoảng nghiêm trọng trong Liên Hiệp Châu Âu. Hungary, Ba Lan đã xây các bức tường chặn dân nhập cư, từ chối giá trị nhân quyền của Liên hiệp Châu Âu, gây khủng hoảng pháp lý, cự tuyệt hoàn toàn người Syria, Palestine, Macedonia, Serbia, Belarus...
Châu Âu đang phải giải bài toán đợt một với con số 1 triệu người Ukraine lánh nạn. Dự tính sẽ lên đến 7 triệu người.
Đuổi được người dân ra khỏi nơi sinh sống của họ, Tổng thống Putin sẽ không phải trù liệu việc cung cấp lương thực, ổn định các vùng chiếm đóng, hạn chế sự tiếp xúc đầy rủi ro của đội quân cảnh sát trên các vùng mới bình định được.
Ông Putin sẽ rảnh tay hơn khi đại bộ phận những người quay lưng lại với ông chạy ra nước ngoài. Một tính toán lố bịch và cực đoan hệt như sự kiện nạn kiều, xua đuổi người Hoa ở Việt Nam trước chiến tranh biên giới 1979 ?
Quân đội Nga gần như hoàn toàn không sử dụng sức mạnh không quân vốn giúp họ dựng lại quân đội Syria rệu rã, đang trên đà sụp đổ, tiêu diệt nhà nước khủng bố IS.
Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp tại Nga 2009-2013, giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp nhận định : chiến tranh Ukraine là một cuộc nội chiến.
Phải chăng, ông nhận thức rằng một người Ukraine chết là sự tích tụ căm thù của những thân nhân, gia đình họ ? Gửi quân Chechnya đến Kyiv, ông sẽ đánh lạc hướng căm thù của người Ukraine ?
Các chiến xa, xe bọc thép Nga đều sơn chữ trắng, mẫu tự 'Z', một chữ không có trong bảng chữ cái tiếng Nga. Đó là chữ đầu, chỉ tên Tổng thống Ukraine Zelensky (Володимир Зеленський) viết bằng tiếng Anh, ám chỉ ông là tay sai của Mỹ và phương Tây.
Tổng thống Nga đang tung hỏa mù về thế yếu kém của quân đội trong vấn đề tiếp liệu, vấn đề chiến thuật hợp đồng binh chủng, chiến tranh mạng để các sư đoàn thiện chiến nhất của Ukraine vốn nằm đối diện với hai nước cộng hòa tự xưng rút về bảo vệ Kyiv ? Và không quân Nga lúc đó mới oanh kích các đoàn chuyển quân trên xa lộ như bắn thỏ, bẻ gẫy xương sống quân đội Ukraine và xua quân chiếm Mariupol, Odessa dễ dàng.
Mất hai cảng chiến lược này, Ukraine sẽ trở thành một Hungary với chiếc hồ Balaton của những mùa nghỉ hè.
Nga đã rơi vào bẫy của phương Tây và Trung Quốc ?
Phải chăng phương Tây đã lập lờ giữa hai khái niệm Châu Âu và NATO để chọc giận, đánh bẫy Nga ?
Phóng viên chiến trường và bình luận viên Pháp Fréderic Pons cho rằng, Nga đánh Ukraine vào thời điểm này do lo ngại vũ khí, khí tài của phương Tây đang chảy vào nhằm hiện đại hóa quân đội Ukraine. Thực chất những tin tức đó chỉ là nhằm hù dọa Nga ?
Trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Tổng thống Joe Biden nhập nhằng giữa khái niệm "một vụ xâm nhập nhỏ vào Ukraine " thậm chí có thể chấp nhận được, như một con mồi nhử Tổng thống Putin có thể dấn tới mà không bị sự trừng phạt.
Chiến lược 'không nói rõ' của Mỹ thật ra được duy trì từ 2008, khi hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucarest hứa hẹn Goergia và Ukraine "có thể là thành viên", nhưng lại không mở ra cuộc đàm phán nào về vấn đề này. Hai nước liên quan bèn bị Moscow coi là kẻ thù chiến lược, nhưng lại không có được bảo đảm an ninh của NATO.
Các quốc gia thành viên NATO cũng trong thế lưỡng nan, không muốn Ukraine gia nhập, nhưng lại không thể tự cho phép đóng chặt cánh cửa trước áp lực của Nga.
Phương Tây đã dạy điệu múa nào cho con gấu Nga ?
Dân Nga có câu "Người ta có thể bắt một con gấu nhảy múa, nhưng dừng điệu nhảy lại là ý muốn của gấu".
Hãy nhìn lại cuộc chiến Kosovo năm 1998. NATO dù không có sự đồng ý của Liên Hợp Quốc vẫn can thiệp sâu vào khu vực này, nhân danh "guerre humanitaire " (chiến tranh nhân đạo) bắn phá từ tháng 3 đến tháng 6/1999. Hàng triệu người thành tỵ nạn. Sau chiến tranh, khoảng 200.000 người Serbia, Romania và những người không phải Albania khác đã chạy trốn khỏi Kosovo. Serbia đã trở thành nơi có số lượng người tị nạn và di dời lớn nhất ở Châu Âu.
Việc các cường quốc bên ngoài can thiệp vào Balkans dẫn tới chỗ năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ… là những nước đầu tiên công nhận Kosovo. Nga và Việt Nam đều không thừa nhận Nhà nước Kosovo, hiện có tới 93 nước công nhận.
Vậy cũng giống như NATO, Nga cho rằng họ cũng có quyền làm cha đỡ đầu cho những đứa con được đặt tên là Abkhazia, South Ossetia, Donetsk và Luhansk ?
Chỉ khác, Nga là một người cha đơn thân còn NATO là tập thể nhiều quốc gia thành viên. Tin mới nhất cho hay vì chiến sự ở Ukraine, Kosovo cũng muốn gia nhập NATO, còn tại Serbia có biểu tình công khai ủng hộ ông Putin. Cộng hòa tự xưng Republika Srbska ở Bosnia-Herzegovina muốn 'độc lập'. Xung khắc vùng Balkans sẽ bùng lên vì ngọn lửa Ukraine ?
NATO và Phương Tây - hai là một ?
Tôi thấy cần làm rõ sự nhập nhằng giữa hai phạm trù NATO và Phương Tây.
NATO là khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương gồm những vũ khí, xe tăng, tên lửa đạn đạo. Văn minh phương Tây là một nền dân chủ có tam quyền phân lập, có tự do ngôn luận, tự do cá nhân. Hai phạm trù này có những điểm không ăn nhập gì với nhau, ít ra là theo một góc nhìn về NATO trong cách đánh giá của Pháp.
Là một trong những quốc gia sáng lập của Liên minh Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là OTAN trong tiếng Pháp và NATO trong tiếng Anh vào năm 1949. Song Pháp không nhất nhất chấp nhận khía cạnh quân sự và chính trị kép của Liên minh với sự thao túng của Mỹ, thậm chí thách thức Mỹ trong nhiều hồ sơ.
Tổng thống Charles de Gaulle khẳng định sự độc lập và tầm nhìn riêng của nước Pháp không phù hợp với quyền bá chủ của Mỹ trong Liên minh, đặc biệt đối với mọi khía cạnh liên quan đến hạt nhân và sự hợp nhất của các lực lượng vũ trang của các nước thành viên.
Charles de Gaulle rút Pháp khỏi bộ chỉ huy NATO vào năm 1966, phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh ở Nam Việt Nam.
Đến năm 2009 khi Nicolas Sarkozy đưa Pháp tái hòa nhập trở lại vào khối chỉ huy thống nhất của NATO.
Đằng sau quyết định của ông Sarkozy có một động cơ là loại nhà độc tài Libya Mouammar Gaddafi, chính lại là người hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Pháp. Cái chết của Gaddafi được cho là có bàn tay của một sĩ quan tình báo Pháp. Nicolas Sarkozy đã bị tòa án Pháp kết án tù vì sử dụng quỹ đen với tham vọng trở thành tổng thống.
Nhìn từ phía Nga, Phương Tây đã biết vì theo thông tấn xã Nga-Tass nói rõ Tổng thống Putin coi việc Ukraine gia nhập NATO sẽ biến nước này thành căn cứ để ít ra là bao vây Nga. Tất nhiên, NATO không nêu ra câu trả lời rõ ràng, cho rằng việc xin vào khối là quyết định mang tính chủ quyền của mọi nước.
Điện Kremlin cho biết hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân đội của Ukraine đã liên kết với NATO và khối quân sự này bắt đầu gây ảnh hưởng lên Kiev. Điều này có phải là các đơn vị riêng biệt của Ukraine có thể được chỉ huy trực tiếp từ trụ sở NATO ?
Điều này chính xác đến mức nào ? Hay tổng thống Putin khép kín trong thế giới quan riêng đã hoang tưởng về âm mưu của NATO ? Chúng ta cần thêm thông tin, bằng chứng.
Một nhân tố nữa phải tính đến là vai trò của Trung Quốc trong ván bài Ukraine. Trung Quốc rót đầu tư khổng lồ vào Ukraine. Các ngành công nghiệp hàng không, đóng tầu, chế tạo máy Ukraine bị quên lãng sau khi Liên Xô sụp đổ được các nhà đầu tư Trung Quốc thèm thuồng. Trung Quốc đã mua của Ukraine chiếc hàng không mẫu hạm sẽ thay thế vị trí của hàng không mẫu hạm duy nhất hiện nay của Nga, chiếc Đô đốc Kuznetsov. Chiếc tàu sau đó được mang tên Liêu Ninh, đáp ứng nhu cầu bành trướng biển Đông của siêu cường Châu Á.
Tháng 8/2019, John Bolton cố vấn an ninh Nhà Trắng đã cảnh báo về hiểm họa những đầu tư của Trung Quốc sau chuyến đi thăm nước này rằng "những kỹ thuật quân sự và những kỹ thuật nhạy cảm của Ukraine không được trao vào tay những đối thủ hay địch thủ tiềm năng", ngụ ý chỉ sự lấn sân của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đặt hàng 1000 tỷ mét khối khí đốt của Nga có thể ví như sự bù đắp cho việc cấm vận của Phương Tây. Xúi Nga đánh Ukraine, Trung Quốc được lợi nhiều hơn mất. Nhưng Nga suy yếu thì ai được lợi ? Có phải đó còn có thể là nụ hôn Tử Thần Chủ tịch Trung Quốc gửi đến Tổng thống Putin ?
Những câu chuyện, lập luận trên mà tôi ghi nhận từ đài báo Châu Âu chỉ nhằm làm rõ một điều. Bức tranh cũ và mới về Ukraine không chỉ có hai màu đen-trắng.
Và bất kể bạn tin theo bên nào sự thật rõ ràng nhất là : Cuộc xâm lăng Ukraine, Putin tạo bước ngoặt khởi đầu cho một" Big Bang" địa chính trị mới. Cùng lúc, theo ý kiến của tôi, lịch sử sẽ phán xét khắt khe Vladimir Putin về cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
Phạm Cao Phong
Nguồn : BBC, 05/03/2022
**************************
Phạm Đình Bá, VNTB, 01/03/2022
Hàng trăm nghìn người tị nạn đang rời Ukraine để tránh đạn, nhưng một số dân Ukraine ở nước ngoài đang trở về nước từ khắp Châu Âu để giúp bảo vệ quê hương [1]. Lực lượng Biên phòng Ba Lan hôm Chủ nhật cho biết khoảng 22.000 người Ukraine đã trở về kể từ hôm thứ Năm 24/02, khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu.
Tại trạm một kiểm soát ở phía đông nam Ba Lan, nhiều người đã đứng xếp hàng vào sáng sớm Chủ nhật 27/2 để về Ukraine.
Một người đàn ông đang đi đến trạm kiểm soát để vào Ukraine nói "Chúng tôi phải bảo vệ quê hương của mình. Còn ai khác nếu không phải là chúng tôi".
Một người khác trong nhóm khoảng 20 người nói : "Người Nga phải nên lo sợ. Chúng tôi không sợ".
"Tôi cũng sợ nhưng tôi phải làm thế" – Denis, 28 tuổi, người đã làm việc tại các công trường xây dựng ở Ba Lan trong sáu tháng, cho biết anh đang trở về Ukraine, nơi đối với anh là "tất cả".
"Tôi muốn trở lại để tham gia quân đội, để chiến đấu. Chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ chiến thắng. Tôi muốn quay trở lại, thế thôi".
Trước cuộc di cư gần đây, ước tính có khoảng một triệu người Ukraine đang ở Ba Lan, làm việc hoặc học tập. Cô Lesa, 36 tuổi đã nói trước khi bước vào trạm nhập cảnh – "Tôi sợ, nhưng tôi là một người mẹ và muốn ở bên các con của mình. Thật đáng sợ nhưng tôi phải làm".
Một phụ nữ trẻ khác, Alina, cho biết cô đang trở về để đưa các con rời khỏi Ukraine. "Chúng tôi phải làm thế, người Ukraine chúng tôi phải mang con cái của chúng tôi đi… để cho phép cha chúng nó chiến đấu".
Ở phía biên giới của Ukraine, một người đàn ông đang hướng dẫn những người đến nơi có xe bus đang đợi để đưa họ đi tiếp về quê quán.
Cộng hòa Czech tặng tiền thưởng cho người Ukraine về giữ nước
Cộng hòa Czech có kế hoạch hỗ trợ các gia đình Ukraine có những người đàn ông quyết định trở về nước để chiến đấu. Bộ Lao động đang chuẩn bị tiền thưởng cho những gia đình sẽ bị mất thu nhập nếu "những người đàn ông cần về tham gia quân đội Ukraine", Bộ trưởng Marian Jurecka cho biết.
Có khoảng 200.000 công nhân Ukraine tại Cộng hòa Czech, đa số là nam giới.
Đường sắt Czech cho biết những người đàn ông Ukraine trở lại Ukraine có thể đi bất kỳ chuyến tàu nào miễn phí. Họ cần phải đi qua Ba Lan hoặc Slovakia để đến Ukraine.
Ukraine kêu gọi tình nguyện viên nước ngoài tham gia bảo vệ Ukraine
Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi những công dân nước ngoài là "những người bạn của hòa bình và dân chủ" hãy đến đất nước ông để giúp dân Ukraine chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga và Putin [2].
Lời kêu gọi từ Zelenskyy, được công bố vào Chủ nhật 27/2, cho biết quân đội Ukraine đang trong quá trình thành lập một quân đoàn cho các tình nguyện viên quốc tế.
"Việc Nga xâm lăng Ukraine là sự khởi đầu của cuộc chiến chống lại Châu Âu, chống lại các cấu trúc Châu Âu, chống lại nền dân chủ, chống lại các quyền cơ bản của con người, chống lại trật tự toàn cầu của luật pháp, quy tắc và sự chung sống hòa bình", tuyên bố cho biết.
"Bất cứ ai muốn tham gia bảo vệ Ukraine, Châu Âu và thế giới đều có thể đến và sát cánh chiến đấu với dân Ukraine chống lại bọn tội phạm chiến tranh ở Nga".
Viện trợ quân sự đang đổ vào Ukraine từ nhiều nước
Nhiều nước ngay cả Thụy Điển trung lập đã bắt đầu gửi viện trợ quân sự để hỗ trợ cho Ukraine [3].
Hoa Kỳ – Ngày 25/2, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao cung cấp 350 triệu đô la từ kho dự trữ vũ khí của Hoa Kỳ cho Ukraine. Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết các vũ khí bao gồm vũ khí chống xe thiết giáp, súng cá nhân, áo giáp hộ thân và nhiều loại đạn dược khác nhau đã được gởi đến để hỗ trợ quân phòng thủ tuyến đầu của Ukraine. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết các hệ thống phòng không và hỏa tiển cũng được gởi sang Ukraine.
Vương quốc Anh – Tháng 1/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết Anh đã quyết định cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí phòng thủ chống thiết giáp hạng nhẹ.
Pháp – Pháp đang gửi thêm thiết bị quân sự cũng như nhiên liệu. Paris cho biết họ đã hành động theo yêu cầu của Ukraine trước đó về vũ khí phòng không và vũ khí kỹ thuật số.
Hà Lan – Hà Lan đang cung cấp hỏa tiển phòng không và hệ thống chống xe tăng cho Ukraine, chính phủ Hà Lan cho biết trong thư gửi quốc hội hôm 26/2. Chính phủ Hà Lan đã đồng ý với yêu cầu của Ukraine về việc chuyển giao nhanh chóng 200 hỏa tiển phòng không Stinger và 50 vũ khí chống tăng "Panzerfaust 3" cùng với 400 hỏa tiển khác.
Đức – Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống xe tăng và 500 hỏa tiển Stinger từ kho dự trữ của Đức. Việc viện trợ vũ khí nầy là một sự thay đổi lớn so với chính sách lâu đời của Đức về việc cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực xung đột.
Canada – Canada đang gửi vũ khí tới Ukraine và cho Kyiv vay nửa tỷ đô la Canada (394 triệu đô la Mỹ) để giúp nước này tự vệ.
Thụy Điển – Stockholm cũng đang phá vỡ lập trường trung lập lịch sử của mình để gửi 5.000 quả rocket chống tăng đến Ukraine cũng như áo giáp và thực phẩm cho quân đội. Đây là lần đầu tiên Thụy Điển gửi vũ khí tới một quốc gia đang xung đột vũ trang kể từ khi Liên Xô xâm lược nước láng giềng Phần Lan vào năm 1939.
Bỉ cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 3.000 súng trường tự động và 200 vũ khí chống tăng, cũng như 3.800 tấn nhiên liệu.
Bồ Đào Nha – Bồ Đào Nha đang tặng Ukraine ống kính nhìn vào ban đêm, áo chống đạn, mũ bảo hiểm, lựu đạn, đạn dược và súng trường tự động G3.
Hy Lạp – Hy Lạp đang gửi "thiết bị quốc phòng" cũng như viện trợ nhân đạo.
Romania – Romania – quốc gia có chung biên giới với Ukraine – đang đề nghị điều trị những người bị thương từ vùng xung đột tại 11 bệnh viện quân sự của mình cũng như gửi nhiên liệu, áo chống đạn, mũ bảo hiểm và "vật liệu quân sự" khác trị giá 3,3 triệu đô la Mỹ.
Tây Ban Nha – Chính phủ Tây Ban Nha đã hứa gửi 20 tấn viện trợ cho Ukraine, chủ yếu là thiết bị y tế và phòng thủ như áo chống đạn.
Cộng hòa Czech – Praha hôm thứ Bảy 26/2 cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine 4.000 súng cối "trong vài giờ tới" cũng như các vũ khí khác gồm 30.000 súng lục, 7.000 súng trường, 3.000 súng máy, nhiều súng bắn tỉa và một triệu viên đạn. Czech đã hứa với Kyiv 4.000 khẩu súng cối trị giá 1,6 triệu USD nhưng vẫn đang được chuyển giao.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 01/03/2022
Nguồn :
1. Canadian Broadcasting Corporation, Ukrainians return home from abroad to fight Russian invasion, Feb 27, 2022
2. The Guardian, Ukraine appeals for foreign volunteers to join fight against Russia, 27/02/2022.
3. Aljazeera, Which countries are sending military aid to Ukraine ?, 28/02/2022
**********************
The Economist, VNTB, 06/03/2022
Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng bí ẩn của Nga, đồng tác giả của một hướng dẫn ngắn cho các chỉ huy của ông, có tên là "Các nguyên tắc chiến thắng trong chiến đấu". Ông cho rằng sĩ quan Nga đã trở nên quá dễ đoán. Bất ngờ đạt được bằng cách "tấn công kẻ thù tại một thời điểm hoặc địa điểm hoặc theo cách thức mà kẻ thù không chuẩn bị trước". Tuy nhiên, thật khó tìm ra một chiến dịch kém năng động hơn cuộc tấn công vào Kyiv từ phía tây bắc. Một đoàn xe quân sự của Nga, dài không dưới 60 km, đang di chuyển chậm như rùa về phía thủ đô của Ukraine. Đó là hình ảnh thu nhỏ của cách đánh chậm chạp của Nga trong cuộc chiến này cho đến nay.
Đoàn xe kéo dài từ Prybirsk, một thị trấn gần Chernobyl, xuống đến ít nhất là sân bay Antonov, nơi trực thăng Nga tấn công vào ngày đầu tiên của cuộc chiến. Vị trí gần đây nhất của đoàn xe rất khó xác định, vì khu vực này nhiều mây trong những ngày vừa qua. Nhưng vào ngày 3 tháng 3, tình báo quốc phòng Anh khẳng định, với độ tin cậy chấp nhận được, rằng đoàn xe này đã không "di chuyển được mấy trong hơn ba ngày". Một ngày sau, một quan chức quốc phòng Mỹ cũng đồng ý với nhận định này, lưu ý rằng đoàn xe vẫn cách trung tâm Kyiv 25 km.
Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất của vấn đề này là hậu cần. Các đơn vị cung cấp nhiên liệu, kỹ thuật và các đơn vị cung cấp khác của Nga đã phải vật lộn để theo kịp các lực lượng tiền tuyến, khiến các phương tiện bị mắc kẹt trên đường. Trên mạng xuất hiện một đoạn video cho thấy máy kéo của Ukraine kéo đi hệ thống phòng không và xe bọc thép của Nga bị bỏ lại trên đường.
Trong một bài báo đăng trên trang web War on the Rocks vào tháng 11, Alex Vershinin, một sĩ quan quân đội Mỹ, lưu ý rằng quân Nga dựa vào pháo binh và phòng không nhiều so với quân của NATO. Điều này làm cho công tác hậu cần trở nên khó khăn hơn : một đơn vị bắn 4.000 quả đạn một ngày cần 50 xe tải bổ sung đạn mỗi ngày. Ông kết luận : Quân đội Nga sẽ không có đủ xe tải để "đáp ứng yêu cầu hậu cần" cách kho đạn hơn 90 dặm.
Việc cung cấp quân nhu và đạn dược cho một đội quân xâm lược lớn ở một đất nước rộng lớn như Ukraine sẽ gây khó khăn cho bất kỳ đội quân nào. Nhưng Nga còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Mick Ryan, một thiếu tướng đã nghỉ hưu, hiệu trưởng trường cao đẳng quốc phòng của Úc nhận xét : "Người Nga dường như đã cố bám theo các con đường. Theo ông, điều này đã làm họ chậm lại. Ông Ryan đưa Chiến dịch Market Garden vào năm 1944 ra làm ví dụ cảnh báo. Trong chiến dịch này, đồng minh nỗ lực rút ngắn chiến tranh bằng cách chiếm giữ các giao lộ qua sông Rhine trong chiến tranh thế giới thứ hai. Quân đoàn XXX của Anh đã thực hiện một cuộc tiến quân khó khăn trên một con đường hẹp duy nhất, bị cản trở bởi bãi lầy ở hai bên và các cuộc phản công của quân Đức.
Việc Nga lặp lại sai lầm đó có thể là do các vấn đề sâu xa hơn trong quân đội. Trent Telenko, cựu kiểm toán viên của Cơ quan quản lý hợp đồng quốc phòng của Mỹ đề cập đến đoạn video về hệ thống phòng không Pantsir-s1 của Nga bị mắc kẹt trong bùn và bị Ukraine bắt giữ. Ông lưu ý, lốp xe cần phải được đảo định kỳ để bơm lại và tránh để bất kỳ bộ phận nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liên tục.
Việc lực lượng Nga không thực hiện việc bảo trì cơ bản này có thể là hậu quả của tình trạng tham nhũng phổ biến trong quân đội Nga. Vào năm 2019, công tố viên quân sự Nga cho biết thiệt hại do tham nhũng đã tăng lên và vượt quá 7 tỷ rúp (khoảng 109 triệu USD vào thời điểm đó). Lốp xe không được bảo trì tốt nên không thể chạy trên bùn và phải đi trên đường nhựa. Hình ảnh đoàn xe tải chen chúc trên đường, cứ ba chiếc một hàng, nhằm không cho bất cứ thứ gì đi qua. Lính Nga thậm chí đã đục lỗ trên thùng xăng để tránh phải giao tranh. Quan chức phương Tây cho rằng vấn đề lớn nhất không phải là Ukraine đã cho nổ những cây cầu quan trọng mà là các đơn vị bắc cầu của Nga đã không thể vượt qua những chỗ kẹt đường để xây dựng cầu mới.
Một đoàn xe dài và lộ liễu như vậy sẽ là mục tiêu dễ dàng cho các cuộc không kích. Ukraine vẫn có máy bay, và máy bay không người lái TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã tấn công lquânNga ở các khu vực khác ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều khả năng Nga đã triển khai các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử xung quanh đoàn xe này, khiến máy bay Ukraine khó tiếp cận hơn. Binh lính là một vấn đề khác. Sức kháng cự của người Ukraine đã khiến các chỉ huy Nga phải kinh ngạc.
Giao tranh ác liệt đã xảy ra ở Bucha và Gostomel, nơi được cho là vị trí đầu của đoàn xe vào ngày 1 tháng 3, với những hình ảnh cho thấy số lượng lớn xe thiết giáp của Nga bị phá hủy. Vào ngày 2 tháng 3, quân đội Ukraine tuyên bố đã giải phóng làng Makariv, ở phía tây nam của đoàn xe. Một ngày sau, họ được cho là đã phản công tại Ivankiv, gần với cực bắc. Giới chức Mỹ cho rằng, quân Ukraine đã sử dụng tên lửa chống tăng Javelin để tiêu diệt và chặn đường xe tăng Nga. Ít nhất ba chỉ huy của Nga đã bị thiệt mạng ở những vùng khác nhau sau khi mạo hiểm lên tiền tuyến, vì thất vọng với tình trạng đoàn quân di chuyển chậm chạp.
Tuy nhiên, tình trạng thông tin không rõ ràng trong chiến tranh cũng xảy ra trong cuộc chiến này. Nga có thể đã chọn giảm tốc độ di chuyển để đồng bộ hóa các mũi tấn công khác nhau vào Kyiv. Quân đội Nga ở phía tây sông Dnepr di chuyển nhanh hơn và xa hơn so với lực lượng đã bị cầm chân trong các trận giao tranh ác liệt ở phía đông bờ sông. Nếu mục đích là bao vây Kyiv, Nga có thể chờ đợi lực lượng phía đông bắt kịp, Mathieu Boulegue của Chatham House, một nhà nghiên cứu gợi ý.
Tốc độ tấn công ở miền nam Ukraine vẫn còn nhanh hơn, với quân đội Nga chiếm thành phố lớn đầu tiên Kherson, vào ngày 2 hoặc 3 tháng 3 và chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, lớn nhất Châu Âu, vào ngày 4 tháng 3. Zaporizhzhia chỉ cách thành phố Dnipro 85 km, Dnipro là một giao lộ quan trọng trên sông Dnepr. Trước chiến tranh, lực lượng tốt nhất và đông đảo nhất của Ukraine đang ở phía đông nước này, đối mặt với khu vực Donbas đang diễn ra cuộc chiến tranh do Nga hậu thuẫn. Những lực lượng này có nguy cơ bị cắt đứt khỏi phần còn lại của Ukraine.
Tắc nghẽn cũng không phải là hiếm trong các cuộc chiến tranh lớn. Cuộc tiến công của Đức vào Pháp vào tháng 5 năm 1940 được Rolf-Dieter Müller, một nhà sử học người Đức, mô tả là "vụ tắc đường lớn nhất trong lịch sử Châu Âu". Một vụ kẹt xe dài 250 km xuyên qua dãy núi Ardennes, đến 80 km về phía đông của sông Rhine. Người Đức, tất nhiên, cuối cùng đã đến đó.
The Economist
Nguyên tác : Why a huge Russian convoy remains stalled north of Kyiv, The Economist, 04/03/2022
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 06/03/2022
Hoài Nguyễn, VNTB, 07/03/2022
Liên bang Nga ngại "liên quân" ?
Báo Bangkok Post hôm 6/3 cho hay, Đại sứ quán Nga tại Bangkok cảnh báo người Thái Lan "không tình nguyện sang Ukraine chiến đấu chống quân Nga".
Đại sứ quán Nga tại Bangkok cảnh báo người Thái Lan "không tình nguyện sang Ukraine chiến đấu chống quân Nga".
Sứ quán Nga viết rằng Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt khuyên người nước ngoài "không nên tham gia các chiến dịch quân sự như vậy", và rằng "lính đánh thuê không đủ tiêu chuẩn là chiến binh và không thể được cấp quy chế tù binh trong trường hợp bị bắt".
Trước đó, Reuters cho hay, một trang web ở Thái lập danh sách "hơn 2.000 người Thái quan tâm đến việc tình nguyện chiến đấu cho Ukraine". Chanaphong, cựu binh không quân nói thế này : "Tôi đã từng đấu tranh đòi dân chủ cho nước mình, nên tôi thấu hiểu nỗi khổ của Ukraine đang bị một quân đội lớn và bạo chúa xâm chiếm. Tôi muốn giúp đỡ Ukraine…".
Công dân Việt tham chiến ủng hộ Nga tức khắc sẽ bị ở tù !
Giả dụ nếu công dân của Việt Nam đến số 6 Lê Hồng Phong, Hà Nội (Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam) để ghi danh tình nguyện tham gia của chiến vệ quốc của Ukraine, liệu họ có vi phạm pháp luật nào của Việt Nam ?
Câu trả lời nhanh ở đây là "Không". Còn nếu ghi danh tình nguyện tham gia quân đội Nga trong cuộc chiến Nga – Ukraine, thì công dân Việt đó có thể bị bắt giữ hình sự khẩn cấp ngay khi vừa rời tòa Đại sứ quán liên bang Nga ở số 191 đường La Thành, Hà Nội.
Bộ luật hình sự hiện hành, ở Chương XXVI về "Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh", có hai điều liên quan đến câu trả lời "Không" ở trên :
"Điều 424. Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê
Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 425. Tội làm lính đánh thuê
Người nào làm lính đánh thuê nhằm chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm".
Trước hết, tội tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng lính đánh thuê là tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người, đặc biệt là tội phạm có tính chất quốc tể, có thể mang tính chất xuyên quốc gia, xâm hại đến nền chính trị an ninh khu vực cũng như an ninh trên toàn thế giới.
Các chủ thể là người phạm tội tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng lính đánh thuê thường thực hiện tội phạm với quy mô lớn và có sự chuẩn bị lâu dài, nên có thể gây ra hậu quả nguy hại rất lớn cho toàn xã hội.
Mặt khách quan của tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê thể hiện ở hành vi tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê của các chủ thể có nhu cầu.
Tuyển mộ lính đánh thuê là tập hợp lính đánh thuê dưới bất kỳ hình thức nào cụ thể như thông qua hình thức thuê tiền hoặc hiện vật hay các lợi ích khác. Các chủ thể là người được tuyển mộ có thể là công dân nước tuyển mộ, hay có thể là công dân nước ngoài được tuyển mộ để đi sang nước khác.
Việc các chủ thể thực hiện huấn luyện lính đánh thuê là huấn luyện về chính trị, quân sự, về thủ đoạn, phương pháp tiến hành chiến tranh, đàn áp, khủng bố, cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật quân sự. Thời hạn huấn luyện lính đánh thuê dài hay ngắn không ảnh hưởng tới vấn đề định tội đối với tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê.
Sử dụng lính đánh thuê là điều động, chỉ huy lính đánh thuê tham gia chiến tranh, đàn áp khủng bố các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hay độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một nước bạn của Việt Nam.
Các hành vi được nêu cụ thể bên trên chỉ bị coi là tội phạm quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 khi chúng được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ những viện dẫn pháp lý như trên cho thấy có sự rành mạch rõ ràng : nếu công dân Việt Nam sang Ukraine để giúp quốc gia này bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thì đó là quyền công dân không chịu sự điều chỉnh nào của pháp luật hình sự. Thế nhưng trường hợp khi công dân Việt Nam sang Nga để góp mặt cùng quân đội liên bang Nga tham gia vào những giao tranh ở Ukraine, thì vi phạm Điều 424 và 425 của Bộ luật hình sự 2015, có thể bị án tù đến 15 năm.
Lính đánh thuê thường là cựu binh thiện chiến
Còn chuyện gọi là "tù binh chiến tranh" như kiểu hăm he từ phía Nga, thì điều đó thực tế chỉ là đòn gió hù dọa, bởi "Công ước Genève về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh" không có điều khoản mang tính loại trừ nào như phía Nga được ra hiện nay về "tù binh chiến tranh".
Nói ngắn gọn, Công ước Geneva về tù binh là Thỏa thuận quốc tế giữa 60 nước về đối xử nhân đạo đối với tù bình ký tại Geneva ngày 12-8-1949 có 6 phần, 143 điều. Theo đó, tù binh chiến tranh là những quân nhân bị bắt khi tham gia chiến đấu trong một cuộc chiến giữa các bên. Một số người lính hoặc dân theo một tổ chức, hoặc nhóm chống đối sự chiếm đóng bằng vũ lực không có đồng phục, phù hiệu, biên chế cụ thể, còn gọi là các du kích vẫn được hưởng quy chế đối xử nhân đạo như là tù binh và hàng binh chiến tranh khi bị bắt hoặc đầu hàng lực lượng chiếm đóng.
Các nước ký kết công ước cam kết : tù bình được nới nhẹ khỏi những điều kiện ngặt nghèo của cuộc sống bị giam giữ, tập trung, được chăm sóc về ăn ở, chữa bệnh, được trao đổi thư từ, cầu nguyện, làm lễ theo nghi thức tôn giáo của họ. Khi phạm tội, phạm kỷ luật được xét xử theo nguyên tắc pháp lý chung.
Việt Nam gia nhập công ước này vào ngày 5/6/1957.
Nói thêm, đối với những người muốn tuyển lính đánh thuê thực hiện các nhiệm vụ mạo hiểm ở nước ngoài, thì Colombia là lựa chọn phổ biến.
Gần 60 năm nội chiến đã biến đất nước Nam Mỹ này trở thành thao trường tôi luyện các binh sĩ và sau khi xuất ngũ, họ trở thành nguồn nhân lực cho các công ty an ninh tư nhân. Binh sĩ thuộc các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ Colombia có thể nghỉ hưu từ khi ngoài 40 tuổi, khiến nhiều người chỉ có lương hưu khiêm tốn và không biết phải làm gì tiếp theo.
"Việc tuyển mộ binh sĩ Colombia đến những nơi khác trên thế giới làm lính đánh thuê là vấn đề đã tồn tại từ lâu, vì không có luật nào cấm làm vậy", tư lệnh lực lượng vũ trang Colombia, tướng Luis Fernando Navarro, nói. "Chẳng hạn, có một số lượng đáng kể cựu binh Colombia ở Dubai".
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là khách hàng quan trọng của các cựu binh Colombia. UAE đã thuê họ đến chiến đấu với phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, sát cánh cùng với các chiến binh được tuyển từ Panama, El Salvador và Chile, theo Sean McFate, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
Giả dụ như mai này ở chiến trường Ukraine người ta lại thấy nhưng binh sĩ Colombia góp mặt dưới màu cờ xanh – vàng, thì đó cũng là đúng luật chơi mà phía Nga không thể lại cứ la làng với đủ loại hù dọa.
Cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố thành lập Quân đoàn Quốc tế Lãnh thổ, một đơn vị bán quân sự do nhà nước hậu thuẫn dành cho các chiến binh nước ngoài tham gia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 16.000 tình nguyện viên nước ngoài đang tới Ukraine để chiến đấu và một số trong số này đã có mặt ở Ukraine.
Theo The New York Times thì một viên chức quốc phòng tại Đại sứ quán Ukraine ở Mỹ đã nhận được hơn 3.000 đơn đăng ký của các công dân Mỹ muốn tham gia chiến đấu ở Ukraine. Cũng theo The New York Times đưa tin, Đại sứ quán Ukraine tại Pháp tích cực chiêu mộ các cựu binh sĩ tham gia cuộc chiến, tạo một trang Facebook với thông tin và thủ tục giấy tờ mà người tham gia cần điền vào…
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 07/03/2022
*************************
Phú Nhuận, VNTB, 06/03/0222
Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) số phát hành ngày 27/2/2022, có đoạn mở đầu như sau : Ngày 24/2, Tổng thống Putin đã tuyên bố bắt đầu một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi quân sự hóa" Ukraine và bảo vệ người dân ở Donbass, đồng thời cảnh báo NATO không can thiệp hành động của Nga" – trích bài báo"Chiến dịch đặc biệt" của Nga ở Ukraine nhìn từ góc độ quân sự .
Tuy nhiên trong bài báo trên tờ Thanh Niên được cho là lược dịch từ tờ The Washington Post ngày 4/3, thì phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nước này sẽ không xem những binh sĩ nước ngoài chiến đấu chống Nga tại Ukraine là chiến sĩ hợp pháp và không xem họ là tù binh chiến tranh nếu họ bị bắt trên chiến trường.
Ông cho biết điều tốt nhất mà những chiến binh này có thể trông đợi là bị truy tố bởi hệ thống tư pháp Nga.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả những công dân nước ngoài có thể có kế hoạch đến và chiến đấu vì chính quyền Kyiv cần suy nghĩ một tá lần trước khi theo con đường đó", ông khuyến cáo.
Như vậy, nếu như báo điện tử VOV thì đây là chiến sự Nga – Ukraine là "chiến dịch quân sự đặc biệt", thì với báo Thanh Niên, đó là một cuộc chiến tranh với cụ thể luôn cả phân biệt ai sẽ là "tù binh chiến tranh".
Câu hỏi đặt ra : tuyên bố phân biệt trong chuyện tù binh của phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga là đúng hay sai ?
Công ước Geneva về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh là công ước về các quy tắc mà các nước đã phê chuẩn hoặc chưa phê chuẩn, được khuyến cáo tuân theo khi đối xử với tù binh, hàng binh chiến tranh và dân thường trong vùng chiếm đóng.
Các công ước Geneva bao gồm một loạt thỏa thuận quy định chuẩn mực về nhân quyền quốc tế, ra đời gần 150 năm nay. Công ước này đưa ra cơ sở pháp lý cho sự hình thành và hoạt động của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC). Cơ quan này có nhiệm vụ bảo hộ không thiên vị nạn nhân của các cuộc xung đột trên thế giới.
Nếu một nước vi phạm công ước, người ta có thể kiện ra Tòa án quốc tế ở La Haye.
Điều 4 Công ước Geneva III quy định tù binh chiến tranh là những người rơi vào tay đối phương, đáp ứng các tiêu chuẩn sau :
1. Thành viên của lực lượng vũ trang của một bên trong cuộc xung đột hay các địa phương quân hoặc tình nguyện quân thuộc lực lượng vũ trang như vậy.
2. Thành viên của các nhóm địa phương quân hay đơn vị tình nguyện khác, bao gồm những người trong một phong trào kháng chiến có tổ chức với điều kiện họ : (a) được chỉ huy bởi một người có trách nhiệm đối với cấp dưới ; (b) có những dấu hiệu đặc biệt có thể nhận ra từ xa ; (c) công khai mang vũ khí ; (d) tổ chức tấn công và phòng ngự theo đúng luật và tập quán chiến tranh ; 3. Thành viên của lực lượng vũ trang chính quy trung thành với một chính phủ hay chính quyền không được bên bắt giữ công nhận.
Khoản 6 của điều 4 cũng gộp vào hàng tù binh chiến tranh những người sống trên vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng đã tự giác cầm súng đánh đuổi xâm lược, với điều kiện họ công khai mang vũ khí và tôn trọng tập quán và luật chiến tranh.
Điều 5 của công ước quy định, "nếu có điều gì chưa rõ ràng" như là liệu những người bị giam giữ có thể được xếp vào loại nào trong số trên, họ sẽ "được hưởng sự bảo hộ của công ước" cho tới khi vị trí của họ được xác định chính thức bởi một toà án thích hợp.
Như vậy, với những điều quy định ở trên cho thấy rõ rằng tuyên bố phân biệt trong chuyện tù binh của phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga là vi phạm công ước, và có thể bị kiện ra Tòa án quốc tế ở La Haye.
Nguồn cơn của tuyên bố bất chấp công pháp quốc tế nêu trên được đưa ra trong bối cảnh hàng ngàn người nước ngoài đang đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giúp đối phó quân đội Nga.
Ukraine tạm dỡ bỏ quy định thị thực cho những người này từ ngày 1/3. Theo ông Zelensky, 2 ngày sau đó, đợt đầu tiên gồm khoảng 16.000 người đang đến.
Những cựu binh đặc nhiệm từ Anh, Đức, Mỹ cùng 2 cựu sĩ quan bộ binh Mỹ nằm trong số những người dự định tham gia Quân đoàn Quốc tế do ông Zelensky thành lập, theo một cựu binh lục quân Mỹ đang sắp xếp cho những người này đến Ukraine.
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 06/03/2022