Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2022
Chiến sự tại Ukraine hôm 28/02/2022 bước vào ngày thứ 5. Dù bị lực lượng Nga liên tục tấn công từ nhiều ngày qua, thủ đô Kiev và thành phố lớn thứ hai tại Ukraine là Kharkov vào trưa hôm nay vẫn đứng vững.
Kho xăng gần căn cứ không quân Vasylkiv, vùng Kiev, Ukraine bị oanh kích, ngày 27/02/2022. Reuters – Maksin Levin
Theo Quân đội Ukraine, trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, lực lượng Nga đã "nhiều lần" tấn công nhằm chiếm lĩnh một số vị trí ở vùng ngoại vi Kiev, nhưng đều đã bị đẩy lùi, và tình hình thủ đô Ukraine vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền.
Theo một cố vấn của tổng thống Ukraine, vào tối hôm qua, Nga đã bắn ba tên lửa vào Kiev, trong đó có một chiếc đã bị phòng không Ukraine phá hủy.
Còn tại thành phố Kharkov, ở miền đông-bắc Ukraine, truyền thông nước này cho biết là nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy vào tối hôm qua, nhưng Quân đội Ukraine cho biết đã giành lại quyền kiểm soát thành phố sau khi nơi này bị lực lượng thiết giáp Nga đánh chiếm tối Thứ Bảy.
Trong bối cảnh Kiev đang bị lực lượng Nga công hãm, hàng nghìn cư dân thủ đô đang cố tản cư đi nơi khác để lánh nạn, bằng ô tô hoặc tàu hỏa. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm người từ các thành phố khác đổ về thủ đô để đầu quân chống lại kẻ thù.
Thông tín viên RFI Stephane Siohan tại Kiev đã có mặt tại nhà ga trung tâm để tìm hiểu thêm.
Mỗi buổi tối, nhà ga trung tâm của Kiev đều đầy ắp người, bởi vì việc đi lại trên đường phố sau giờ giới nghiêm đã bị nghiêm cấm, và người vi phạm có nguy cơ bị bắn bỏ. Do đó, vào buổi tối những ai nôn nóng chờ đợi chuyến tàu đưa họ về phía tây, hoặc những người đã quyết định lên thủ đô để nhập ngũ, đều chen chúc nhau để qua đêm trong nhà ga.
Ví dụ như Denis, 32 tuổi, quê tại Kherson, đã lên thủ đô với một ý tưởng trong đầu. Anh nói : "Tôi đã đến gặp cảnh sát và họ nói với tôi rằng cho đến thứ Hai vẫn còn giới nghiêm, nhưng sau đó tôi có thể đến trung tâm tuyển quân. Sau khi đăng ký, tôi muốn tham gia Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ. Tôi muốn cầm súng để bảo vệ đất nước".
Trong hai ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tuyển mộ được gần 100.000 tân binh tình nguyện, gia nhập Quân đội hay Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ.
Tuy nhiên cũng có người như Ivan, 45 tuổi, một công nhân ở Shchastya thuộc vùng Donbass, vừa đến được Kiev sau khi thành phố của anh gần như nằm trong tay lính Nga. Anh giải thích : "Khi súng vừa nổ, chúng tôi đã chạy ngay đến nơi trú ẩn để tránh không kích. Sau đó đã có lệnh sơ tán và chúng tôi đã đến nhà ga để đón tàu hỏa lên Kiev. 80% thành phố nơi tôi ở đã bị phá hủy, không còn đèn đuốc hay điện, ga, không còn gì để sống. Nhà máy điện nơi tôi làm việc cũng bị phá hủy hoàn toàn. Tại Kiev này, tôi sẽ tạm ở với đứa con trai lớn, sau đó chúng tôi sẽ phải thay đổi cuộc sống, tìm kiếm việc làm… Chúng tôi đến đây, như đến một thế giới mới".
Thế nhưng, kể từ cuối tuần, cả Ukraine đã bước vào một thực tế mới, với một thành phố 4 triệu dân, nơi mọi người đều phải qua đêm trong boongke, hoặc trong tầng hầm của các hộ dân cư.
Theo Ủy Ban Châu Âu, sau bốn ngày chiến tranh, bảy triệu người Ukraine đã phải di tản cư.
Trọng Nghĩa
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2022
Vào lúc cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang tiếp diễn, ngày càng có thêm nhiều nước phương Tây loan báo viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Câu hỏi đặt ra là, hậu thuẫn này phải chăng là đã quá muộn và không đủ sức ngăn chặn một quân đội mạnh thứ hai thế giới.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, Josep Borrell, họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 27/02/2022. AP - Stephanie Lecocq
Phải nói là quyết định xâm lược Ukraine của Nga đã khiến phương Tây, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu hết sức lo ngại, và có những phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng khác thường. Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chánh nhắm vào Nga, điểm nổi bật nhất trong những quyết định mà Bruxelles đưa ra là khoản viện trợ quân sự khổng lồ trị giá 450 triệu euro được loan báo hôm qua, 27/02/2022, bao gồm các loại trang thiết bị phòng thủ và tấn công sẽ được chuyển giao cho quân đội Ukraine.
Đối với giới quan sát, đây là một quyết định lịch sử, vì từ khi thành lập đến nay, Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ chuyển giao vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Một số quốc gia, theo tiết lộ của người đặc trách ngoại giao Châu Âu Josep Borrel vào hôm qua, thậm chí còn sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Viện trợ của Liên Âu đã bổ sung vào những khoản trợ giúp riêng đã được loan báo trước đó của một số nước như Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan…
Ngoài ra, một điểm nổi bật khác phản ánh mối quan tâm của Liên Âu là tính chất khẩn cấp khác thường : 27 thành viên Liên Âu đã thống nhất được quan điểm và đạt được thỏa thuận trong thời gian kỷ lục.
Hơn nữa, một số quốc gia như Đức hay Thụy Điển đã không ngần ngại phá vỡ cấm kỵ tồn tại từ lâu trên đất nước của họ, vốn tuân thủ chủ trương cấm tất cả các hoạt động xuất khẩu vũ khí sát thương tới các khu vực xung đột.
Câu hỏi đặt ra là phản ứng của Liên Âu nói riêng và của phương Tây nói chung phải chăng đã quá muộn màng ?
Trên đài truyền hình Pháp Ngữ TV5 Monde ngày 27/02, bà Samantha de Bendern, nhà nghiên cứu người Anh tại bộ phận Nga-Âu-Á của Viện Các vấn đề Quốc tế Hoàng gia (Chatham House, London), nhận xét : "Nếu Ukraine mất quyền kiểm soát các sân bay của mình, thì sẽ rất khó giao vũ khí. Sân bay Kiev và miền tây Ukraine vẫn nằm trong tay người Ukraine, vì vậy việc giao hàng trên mặt đất vẫn có thể thực hiện được. Nhưng với mỗi ngày trôi qua, nó trở nên phức tạp hơn".
Ngoài ra, kể cả khi Ukraine nhận được viện trợ, một vấn đề khác nổi lên là liệu Quân đội nước này biết cách sử dụng tất cả các thiết bị nhận được hay không.
Nhật báo Pháp Le Monde ngày 28/02 ghi nhận các khó khăn chính vào lúc này. Liệu các nước chi viện có đủ vũ khí trong kho của mình để chuyển sang cho Ukraine hay không. Ngoài ra còn có vấn đề tính tương thích và năng lực kỹ thuật của người Ukraine trong việc sử dụng các loại vũ khí mới.
Vẫn còn phải xem liệu những khí tài này có thể đến tay người nhận và một cách kịp thời hay không. Hiện tại, các con đường tiếp cận duy nhất đến lãnh thổ Ukraine là bằng đường bộ.
Sau cùng, đối mặt với một đội quân hùng mạnh như quân đội Nga, liệu những khoản viện trợ này có thể giúp Ukraine tạo ra sự khác biệt hay không.
Theo bà Samantha de Bendern trên TV5 Monde, Ukraine không thể thắng Nga về mặt quân sự trong dài hạn, nhưng việc hỗ trợ vũ trang cho Ukraine cho phép phương Tây gởi đến Nga một tín hiệu, để Nga hiểu rằng việc chinh phục một quốc gia mà phương Tây có quan hệ tốt sẽ rất khó khăn.
Trọng Nghĩa
*************************
Phan Minh, RFI, 28/02/2022
Một quyết định mang tính lịch sử đối với Thụy Điển. Theo AFP ngày 27/02/2022, thủ tướng Magdalena Anderson tuyên bố sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine và như vậy, từ bỏ quan điểm không giao vũ khí cho một nước đang có chiến tranh.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu trong một cuộc họp báo về an ninh Châu Âu, Stockholm, ngày 27/02/2022. via Reuters - TT News Agency
Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux tường trình :
Magdalena Anderson, thủ tướng thuộc đảng Dân chủ Xã hội đã thông báo một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển vào tối Chủ nhật. Cho đến nay, Thụy Điển không cung cấp vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Thế nhưng, giờ đây, Thụy Điển sẽ chuyển giao cho quân đội Ukraine 5.000 súng phóng tên lửa chống tăng, cùng 5.000 mũ bảo hiểm và áo chống đạn, 135.000 khẩu phần ăn, với tổng chi phí là 50 triệu euro.
Đây là quyết định chưa từng có kể từ năm 1939, khi Thụy Điển viện trợ cho nước láng giềng Phần Lan, bị Liên Xô của Stalin tấn công. Nhưng quyết định này cũng phù hợp với bối cảnh ông Putin thường xuyên đưa ra những lời đe dọa ngày càng mạnh mẽ đối với hai quốc gia này.
Mặc dù không phải là thành viên của NATO, nhưng Thụy Điển và Phần Lan hợp tác ngày càng chặt chẽ với Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Thụy Điển tham gia cơ chế "Đối tác vì hòa bình" của NATO vào năm 1994, cũng đã quyết định tăng cường tiềm lực quốc phòng và khôi phục nghĩa vụ quân sự sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Phan Minh
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 27/02/2022
Trong một quyết định đi ngược hẳn với chính sách truyền thống của mình, nước Đức vào hôm 26/02/2022 đã bật đèn xanh cho việc cung cấp tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine. Pháp cũng loan báo "quyết định giao các thiết bị phòng thủ bổ sung cho chính quyền Ukraine". Các tuyên bố của Đức và Pháp được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung 350 triệu đô la viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Lính Ukraine vác vũ khí NLAW tỏng cuộc tập trận ở cùng Donetsk, 15/02/2022. AP - Vadim Ghirda
Trong một thông báo, chính phủ Đức cho biết sẽ chuyển giao cho Ukraine "càng sớm càng tốt" một nghìn tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không loại Stinger, cùng với 9 dàn đại pháo di động, để giúp nước này đối mặt với sự xâm lược của quân đội Nga.
Theo một nguồn tin chính phủ, Đức cũng thông báo chuyển cho Ukraine 14 xe bọc thép cũng như 10.000 tấn nhiên liệu. "Các biện pháp hỗ trợ khác hiện đang được nghiên cứu".
Berlin gần đây đã bị chính quyền Kiev chỉ trích nặng nề trong vì đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Đức luôn biện minh cho mình bằng chính sách hạn chế mà họ đã tuân theo kể từ thời hậu chiến, cấm xuất khẩu thiết bị "sát thương" đến các khu vực có xung đột.
Ngay sau Đức, vào tối thứ Bảy, Pháp đã thông báo quyết định chuyển giao thêm thiết bị phòng thủ và hỗ trợ nhiên liệu cho Ukraine. Theo phủ tổng thống Pháp, quyết định đã được thông qua trong cuộc họp của hội đồng quốc phòng tại điện Elysée dưới quyền chủ tọa của tổng thống xung quanh tổng thống Emmanuel Macron.
Theo đại sứ Ukraine tại Paris, Kiev rất cần đến các "phương tiện phòng không" và thiết bị kỹ thuật số.
Ngay từ thứ Sáu 25/02, tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cung cấp bổ sung 350 triệu đô la vũ khí cho Ukraine, lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Ukraine đã đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay.
Hoa Kỳ đã trích vũ khí kho của mình để cung cấp cho Ukraine vào mùa thu năm 2021 và sau đó một lần nữa vào tháng 12. Trong năm qua, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 1 tỷ đô la cho Ukraine.
Trọng Nghĩa
Les Echoscho rằng cuộc xâm lăng Ukraine là "khởi đầu cho hồi kết của Putin". Ông chủ điện Kremlin đang trở thành hiểm họa cho hành tinh, mà những nước lớn chẳng bao lâu sẽ không còn có thể dung thứ. Rõ ràng Vladimir Putin quá nguy hiểm cho an ninh thế giới.
Thông điệp của người biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), "Chấm dứt cuộc chiến của Putin". Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc họp khẩn về sự kiện Nga xâm lược Ukraine, ngày 28/02/2022. Reuters – Mike Segar
Tình hình chiến sự Ukraine chiếm trang nhất và hầu hết trang trong các báo Pháp. Trang bìa Libération mang hai màu xanh vàng, màu cờ của Ukraine với dòng tựa "Cực lực chiến đấu với Putin". Les Echosđăng ảnh biển người biểu tình ở Đức, chạy tít "Châu Âu đương đầu". "Ukraine kháng cự, Putin gia tăng đe dọa", tít lớn của Le Figaro. Le Mondera từ hôm trước quan tâm đến "Chiến tranh ở Kiev, người dân lũ lượt di tản". La Croixnói về "Đáp trả của phương Tây" : trừng phạt, ngoại giao… và lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu (EU) cung cấp vũ khí cho Ukraine - những sáng kiến chưa từng thấy để gây áp lực lên Moskva.
"Châu Âu bước vào một kỷ nguyên khác" - Libération nhận định. Để đối phó với một Putin dùng bóng ma nguyên tử đe dọa, Liên Hiệp Châu Âu cung cấp vũ khí cho Ukraine, đây là một quyết định lịch sử. Mai đây, Châu Âu sẽ không còn như xưa, điều cấm kỵ đã được vượt qua. Đây là bước ngoặt lớn lao của một châu lục đang ngủ yên trong hòa bình, 67 năm sau bi kịch Đệ nhị Thế chiến.
Ngày hôm qua, Chủ nhật đã diễn ra một loạt quyết định cách mạng đến chóng mặt. Trước tiên là Đức, lần đầu kể từ 1945 quyết định viện trợ vũ khí cho Ukraine và hứa hẹn đầu tư đại quy mô vào quốc phòng. Đối với một đất nước mà lịch sử bạo lực đã khiến mọi ý hướng quân sự đều bị kìm lại, đó là một quyết định tuyệt vời, nhưng là hệ quả của tình huống vô cùng đặc biệt.
Cuộc xâm lược Ukraine làm thế giới sững sờ, nhưng đồng thời chứng tỏ phương Tây mãi cho đến nay không nhìn ra được tham vọng vô biên của Vladimir Putin, từ Tchetchenya đến Georgia, từ Crimea đến Syria. Hôm nay là Ukraine ở ngay cửa ngõ Châu Âu, ngày mai sẽ đến ai ? Moldavia, Ba Lan hay các nước Baltic ? Bỗng dưng bóng ma quá khứ lại xuất hiện. Không chỉ có Đức, Thụy Điển cũng lần đầu tiên từ bỏ chủ trương không giao vũ khí cho một nước đang lâm chiến, sau khi hỗ trợ Phần Lan bị Liên Xô tấn công hồi năm 1939.
Quyết định trên đây của EU được đưa ra sau khi một loạt các quốc gia thành viên như Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Cộng hòa Czech, Romania hôm qua tuyên bố sẽ viện trợ vũ khí giúp Ukraine tự vệ. Bên cạnh các loan báo lịch sử này là một loạt trừng phạt nặng nề, đồng thời viện trợ quân sự lẫn nhân đạo đổ vào đất nước đang chiến đấu chống quân xâm lược. EU loan báo đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga, cấm hai cơ quan truyền thông (và tuyên truyền) Nga là Russia Today (RT) và Sputnik, chấp nhận việc truyền thông phương Tây làm việc tại Nga bị trả đũa. Như bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã nhận xét, những quyết định trong ngày Chủ nhật đầy náo động hôm qua là "đầu tư vào tự do".
Bài xã luận của Libération ca ngợi "Lòng can đảm đáng nể phục của người Ukraine trước cuộc xâm lăng của Nga". Ngay từ đầu cuộc chiến, sự anh dũng của họ đã chinh phục thế giới.
Người Ukraine đã làm được điều bất khả. Họ không chỉ chống chọi mà còn giáng được những cú đòn lên kẻ xâm lăng Nga. Kháng cự được bao lâu nữa ? Không thể nói được. Tương quan lực lượng trên thực địa rõ ràng là bất lợi cho họ, nhưng chiến tranh không chỉ là quân sự, tài chánh mà còn cả tâm lý và về mặt này, Ukraine rất kiên cường. Sự can đảm của họ đã gây xúc động cho cộng đồng thế giới.
Suốt cuối tuần qua, hành tinh đã rung chuyển. Làn sóng ủng hộ Ukraine tiếp tục với trên 100.000 người biểu tình tại Berlin, 70.000 tại Praha, 15.000 ở Amsterdam với những tiếng hô "Stop Putin", sau khi Paris, Warszawa, Luân Đôn… xuống đường. Các nhà lãnh đạo lần lượt gác sự ích kỷ quốc gia qua một bên. Nhiều người hiểu rằng trong cuộc chiến này, không chỉ là số phận của Ukraine mà là của toàn Châu Âu và thăng bằng địa chính trị toàn cầu.
Tuy vậy sẽ sai lầm nếu thở phào quá sớm. Bởi vì Vladimir Putin là một con người không hành động sau khi bị mất mặt. Hôm qua ông ta không ngần ngại gợi đến sức mạnh nguyên tử, mối đe dọa này không thể coi thường, thế giới đang đùa với lửa. Một thông điệp được diễn dịch sai, một sự leo thang thiếu kiểm soát có thể dẫn đến thảm họa.
Trong bài xã luận "Cuộc chiến lâu dài", Le Figaroghi nhận, lẽ ra đó là một cuộc chiến chớp nhoáng, đến nỗi không đáng gọi là chiến tranh mà chỉ là một chiến dịch quân sự đặc biệt, chẳng cần thông báo cho công chúng Nga. Những tiểu đoàn chiến thuật hiện đại được ông chủ điện Kremlin huy động sẽ tràn ngập những cánh đồng lúa mì Ukraine, quét sạch quân ngụy của một đất nước nhân tạo do Mỹ giựt dây...
Thế nhưng đã sang ngày thứ tư, và viễn cảnh kịch bản trên đây đã thay đổi. Quân đội và dân chúng Ukraine quyết không quỳ gối trước quân xâm lược. Tổng thống trẻ tuổi Zelensky thay bộ trang phục kim tuyến bằng chiếc áo nhà binh, là hiện thân của thực tế cuộc xung đột : xâm lăng Ukraine không phải là sáp nhập một đất nước anh em, mà là sự tồn vong của một dân tộc từ chối làm nô lệ cho một nhà độc tài nước ngoài.
Trận đánh Kharkov, thành phố lớn thứ nhì Ukraine nằm sát biên giới Nga, cho thấy năng lực kháng chiến trước một lực lượng hùng hậu hơn. Nhưng cái tát của Kiev khiến Vladimir Putin tức giận : oanh kích ồ ạt, tung biệt kích Chechnya vào, thậm chí dọa dùng vũ khí nguyên tử.
Sa hoàng Putin đã đánh giá thấp đối thủ, tin rằng người Ukraine sẽ sợ hãi bỏ chạy, còn Châu Âu bo bo ích kỷ. Nhưng ông ta lại thấy Châu Âu đoàn kết với nhau để vũ trang cho Ukraine, và bản thân mình bị cô lập như "đệ tử" Bachar Al Assad. Cho đến hôm qua, ai có thể tin được thủ tướng đầy thận trọng Scholz lại ra lệnh tái vũ trang nước Đức với 100 tỉ euro ? Kiev còn lập ra đoàn quân lê dương để tiếp nhận những người ngoại quốc tình nguyện sang chiến đấu. Ngoại trưởng Anh dự báo cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều năm.
Le Monde kêu gọi "Chiến tranh Ukraine : Hãy chấp nhận cái giá của việc trừng phạt Nga". Các biện pháp quy mô chưa từng thấy rốt cuộc đã ập xuống vào ngày thứ Sáu 25/02, một mặt nhắm vào cá nhân tổng thống Vladimir Putin, ngoại trưởng Sergey Lavrov cùng với nhiều nhân vật khác - bị phong tỏa tài sản, mặt khác là một loạt trừng phạt đánh vào nền kinh tế Nga. Đặc biệt là loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT dùng để giao dịch giữa 11.000 ngân hàng và định chế tài chính của 200 quốc gia. Nguồn thu xuất khẩu năng lượng của Moskva sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng EU, đối tác thương mại hàng đầu của Nga cũng bị tác động.
Bài học của việc trừng phạt nhẹ nhàng sau vụ Nga xâm chiếm Crimea, can thiệp vào Donbass, bắn hạ máy bay dân sự Malaysia Airlines… rõ ràng là không làm Moskva thay đổi thái độ. Muốn có được hiệu quả, Nga cần bị cô lập thực sự về kinh tế, khi đó lạm phát tăng lên, tăng trưởng giảm, thị trường tài chính rối loạn. Cần phải nói sự thật với công luận : an ninh Châu Âu đang bị đe dọa, và muốn gây áp lực với Nga mà không hy sinh gì chỉ là ảo tưởng. Nếu không, sẽ còn phải trả giá nặng nề hơn nếu Vladimir Putin chiếm được Ukraine.
Tương tự, La Croix nói về "Cái giá của dân chủ" mà công chúng cần được chuẩn bị. Châu Âu đã mất một thời gian dài mới hiểu được đang đứng trước một Nhà nước côn đồ là Nga ở ngay cửa ngõ. Với một Nhà nước không muốn chơi theo luật, đàm phán sẽ thất bại. Rốt cuộc cần có sự sáng suốt tập thể : không thể có thỏa hiệp về Ukraine, mà chỉ có thế mạnh mới áp đảo được trước mối đe dọa từ cường quốc nguyên tử thù địch với dân chủ, đang đè nặng lên toàn Châu Âu.
Vì vậy nên vui mừng với mức độ trừng phạt cao mà Châu Âu và Mỹ đã đưa ra vào cuối tuần qua. Nga sẽ lao đao, không còn được hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế, bị cấm nhập công nghệ cao cho hóa dầu, chất bán dẫn... Các biện pháp trên cũng sẽ ảnh hưởng đến việc làm, sức mua ở Châu Âu, và nếu Moskva giảm xuất khẩu khí đốt, giá cả lại càng tăng cao tại các nước bị lệ thuộc nhiều vào nguồn này như Đức, Ý. Ngoài ý nghĩa tương thân tương ái với Ukraine đang quyết tử, an ninh của Châu lục cùng với nền dân chủ đang bị đe dọa, và điều này là vô giá.
Le Figarođặt câu hỏi "Ukraine sẽ là Afghanistan của Putin chăng ?". Ngày 11/12/1994, khi điện Kremlin cho quân tấn công vào Chechnya, phía Nga dự kiến sẽ "dẹp loạn" xong trong 48 giờ. Nhưng phải mất năm tuần lễ với sự tàn bạo chưa từng thấy, không kích ồ ạt và và xe tăng tham chiến mới kết thúc được chiến dịch. Cuộc xung đột còn kéo dài hai năm nữa, và tiếp đó là cuộc nổi dậy thứ hai mãi đến năm 1999, và thủ đô Grozny bị tàn phá.
Các tù binh Nga trẻ tuổi bị Ukraine bắt giữ, trong những video có vẻ rất xuống tinh thần, nói rằng họ chẳng biết gì về cuộc chiến tranh này ; một số tờ báo ở Moskva đăng băng tang đen để phản đối. Chỉ trong vài ngày, Vladimir Putin đã khiến cộng đồng quốc tế nổi trận lôi đình, trong khi hai cuộc chiến Chechnya, rồi Georgia, Crimea không gây phản ứng đáng kể. Chuyên gia Thorniké Gordadzé của IISS lưu ý, tuy dân Nga không mấy quan tâm đến số phận người Syria, nhưng với Ukraine thì khác hẳn. Vụ sáp nhập Crimea khiến tỉ lệ tín nhiệm Putin tăng lên tại Nga, nhưng xâm lược Ukraine có nguy cơ gây phản ứng ngược lại.
Trong cuộc chiến giữa David và Goliath này, Vladimir Putin có thể chiếm được thủ đô Kiev, dựng lên một chính quyền bù nhìn. Nhưng khác với Kabul tháng 8/2021, sau khi tổng thống bỏ chạy, người Afghanistan không chống đối lại phe Taliban ; dân Ukraine có thể tiến hành chiến tranh du kích lâu dài, phá rối quân đội, nổi dậy, bất tuân dân sự… Đừng quên là trong chiến tranh lạnh, khu vực phía tây Ukraine đã kháng cự trước quân Liên Xô chiếm đóng suốt 12 năm. Hồi 1979, quân đội xô-viết tràn vào Afghanistan, nhưng sau 10 năm với 15.000 lính tử thương, Moskva phải rút quân. Thất bại ở Afghanistan đã góp phần làm hiệp ước Warszawa tan vỡ và Liên Xô sụp đổ. Mù lòa trong kiêu ngạo và hoang tưởng, Vladimir Putin đang đi cùng con đường với Leonid Brejev ở Afghanistan ?
Đối với ông Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp tại Nga, "Chế độ Putin đã bị kết án" như Liên Xô trước đây khi xâm lăng Afghanistan. Trên Les Echos, ông lưu ý rằng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vận dụng truyền thông một cách tuyệt vời. Chuyên gia Moisi nói thêm, Putin thực ra dễ tổn thương hơn chúng ta tưởng. Ngoài sức mạnh quân sự, cần phải kể đến sức mạnh của hình ảnh. Những người dân Ukraine trú ẩn trong các trạm xe điện ngầm ở thủ đô, những phụ nữ lớn tuổi nắm tay các em bé chạy tìm chỗ trốn… nhắc nhở đến Ba Lan lúc bị Đức quốc xã xâm lược.
Giới tinh hoa Nga không thể chấp nhận một cuộc chiến kéo dài với bấy nhiêu người lính tử thương. Nhưng trừng phạt không thể thay thế cho sức mạnh. Đã hai thế hệ, Châu Âu cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong khi Nga tăng chi. Theo ông Duclos, nên đầu tư lớn vào các công nghệ tân tiến như hỏa tiễn siêu thanh chẳng hạn.
Trả lời phỏng vấn của Libération, cựu tổng thống Pháp François Hollande, người từng phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng do ông chủ điện Kremlin gây ra, nhấn mạnh "Đối mặt với Putin, phải cứng rắn chưa từng thấy". Ông ta đã thống trị Belarus, tìm được cớ để tái lập một dạng kiểm soát Kazakhstan, can thiệp để làm yếu đi Azerbaijan và Armenia, giành được một số thắng lợi ở Syria ; chưa kể việc thò tay vào Libya, Trung Phi, Mali. Say men chinh phục, Vladimir Putin giờ đây muốn thôn tính Ukraine.
Trên Le Figaro, giáo sư Dominique Reynié của Science Po cảnh báo việc dư luận Châu Âu thiếu chuẩn bị trước chiến tranh. Chỉ có 8 quốc gia ở châu lục dành trên 2% GDP cho quốc phòng. Châu Âu từng bất ngờ trước cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, làn sóng khủng bố 2015-2016, đại dịch Covid 2020, và nay là khủng hoảng ngoại giao, quân sự. Phải hiểu rằng thế giới chúng ta đang sống đã trở nên thù địch như thế nào, cần khẩn cấp "tái vũ trang" về tâm thức, không nên bỏ qua bài học Ukraine.
Les Echoscho rằng đây là "khởi đầu cho hồi kết của Putin". Phải chăng cuộc xâm lăng Ukraine năm 2022 cũng sẽ có cùng kết cuộc như Napoléon năm 1812 ? Vladimir Putin đang trở thành hiểm họa cho hành tinh, mà những nước lớn chẳng bao lâu sẽ không còn có thể dung thứ. Rõ ràng Putin quá nguy hiểm cho an ninh thế giới. Ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất cũng đã phải giữ khoảng cách với ông ta.
Thực tế những gì đang đe dọa ông chủ điện Kremlin không chỉ là phương Tây với các trừng phạt hay cuộc kháng chiến quật cường của nhân dân Ukraine, mà còn là sự bất mãn của người dân Nga. Hiện những người dám biểu tình phản chiến đều bị bắt, nhưng Vladimir Putin còn kiểm soát người dân được bao lâu nữa, nếu không phải là những người thân cận, khi kinh tế sa sụt nghiêm trọng, các tài phiệt thiệt hại quá nhiều ? Cuộc phiêu lưu Afghanistan đã góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô, liệu nay sẽ đến lượt Putin ? Năm 2022, ưu tiên không còn là "giải cứu binh nhì Ryan" mà là "chận đứng binh nhì Putin", đã trở thành mối đe dọa hủy diệt khi giơ cao bóng ma nguyên tử. Thế giới văn minh không thể để yên cho một Vladimir Putin nguy hiểm như thế.
Theo nhà bình luận Dominique Moisi, cuộc kháng chiến Ukraine càng dài thì Trung Quốc sẽ đứng ra xa hơn. Nếu ưu tiên của Putin là khai thác sự chia rẽ của phương Tây, thì một trong những ưu tiên của phương Tây phải là tách rời Trung Quốc của Tập Cận Bình với nước Nga của Putin. Có nên đợi tới khi Sa hoàng tiến đến tận Vilnius, Warzawa… mới chịu thẳng thừng ra tay trước một Putin đầy hoang tưởng quyền lực ?
Thụy My
Vào ngày 24/2/2022, Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ là bà Oksana Markanova trong cuộc họp báo yêu cầu quốc tế trợ giúp ba điều : Thứ nhất là cấm vận Nga toàn diện. Thứ hai, giúp đỡ Ukraine tăng cường khả năng tự vệ. Thứ ba, trợ giúp nhân đạo. Ukraine không yêu cầu quân nước ngoài.
Viện trợ quân sự cho Ukraine
Kể từ 2014 đến nay Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 2,5 tỉ USD bao gồm hỏa tiễn chống chiến xa, tầu tuần duyên, xe Humvee, súng bắn tỉa, phi cơ thám thính không người lái, hệ thống ra đa, máy nhìn ban đêm và dụng cụ truyền tin radio. Ngoài ra, Ukraine còn nhận được hỏa tiển chống phi cơ Stinger, súng nhỏ và tầu chiến.
Anh Quốc đã cung cấp cho Ukraine 2.000 hỏa tiễn chống chiến xa tầm ngắn và đã gửi chuyên viên huấn luyên quân đội Ukraine. Ngoài ra, Anh cũng đã viện trợ cho Ukraine xe bọc thép Saxon.
Turkey bán cho Ukraine một số máy bay không người lái Bayraktar TB2 dùng để chống nhóm ly khai được Nga hỗ trợ ở Donbass, miền đông Ukraine. Đức không cung cấp võ khí nhưng tài trợ bệnh viện dã chiến và huấn luyện trị giá 6 triệu USD. Pháp viện trợ cho Ukraine 300 triệu Euro cùng với võ khí.
Estonia cung cấp cho Ukraine hỏa tiến Javelin chống chiến xa. Latvia và Lithuania yểm trơ cho Ukraine hỏa tiến Stinger. Cộng hòa Czech viện trợ đạn 152mm. Ba Lan gửi cho quân đội Ukraine võ khí phòng không Manpad, đạn dược, và máy bay không người lái.
Putin từng tuyên bố sẽ trừng phạt bất cứ quốc gia nào can thiệp vào cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Sự kiện trên đây cho thấy, bất chấp đe dọa của Nga, nhiều quốc gia Tây phương và cả những nước nhỏ đã trợ giúp võ khí tự vệ cho Ukraine.
Triển khai quân đến Đông Âu
Trước 2014, NATO không có quân đóng ở Đông Âu, nhưng kể từ khi Nga chiếm Crimea NATO mới đưa quân vào vùng này. Vì biến cố Nga xâm lăng Ukraine, một số thành viên NATO bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada triển khai thêm binh sĩ, tầu chiến, và phi cơ vào vùng Đông Âu đề phòng chiến tranh lan rộng và làn sóng dân tị nạn từ Ukraine tràn qua. Các thành viên NATO khác như Tây Ban Nha, Pháp và Hòa Lan cũng đã gửi chiến hạm, phản lực cơ chiến đấu kể cả F-35 và F-16 đến Lithuania, Bulgaria, và Romania. Hoa Kỳ đã gửi tổng cộng 7.000 binh sĩ đến Ba Lan, Lithuana, và Romania và một số quân ở Latvia và Estonia.
Ukraine không phải là một nước duy nhất Putin muốn xâm chiếm. Nếu thành công ở Ukraine, Putin sẽ nhòm ngó tới ba nước Estonia, Latvia, và Lithuania. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo ba nước lo sợ và trợ giúp Ukraine tận tình. Putin muốn lấy lại những phần đất Liên Bang Xô Viết từng cai trị trong đó có Ukraine, và ba quốc gia vùng Baltic. Estonia, Latvia, và Lithuania từng bị cai trị bởi Nga Hoàng trong 200 năm và Liên Bang Xô Viết trong 50 năm sau khi Joseph Stalin chiếm đóng và sát nhập vào Nga. Ba nước này giành độc lập vào năm 1991 khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Cả ba nước này gia nhập khối NATO còn Ukraine thì chưa.
Cho tới nay, không một thành viên nào của NATO dự định đưa quân vào Ukraine hầu tránh đụng độ trực tiếp với Nga vì sự cố này có thể mở rộng chiến tranh khắp Châu Âu. Quốc hội Anh từng đề nghị thành lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhưng chính phủ Anh đã bác bỏ ý kiến này vì rủi ro chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga. Nếu Mỹ đem quân tới Ukraine, sẽ có đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Nguy cơ chiến tranh thứ III có thể xẩy ra.
Nếu Mỹ muốn mang quân tham chiến ở Ukraine phải có sự chấp thuận của Quốc hội và quan trọng hơn hết là phải được quần chúng Mỹ ủng hộ. Hiên tại không có cơ may nào cho hai điều kiện này. Hơn nữa, phe Trump Cộng Hòa còn bênh vực Putin. Khi Putin chuẩn bị tấn công Ukraine, cựu Tổng thống Trump đã lên tiếng ca ngợi Putin là thiên tài và khéo léo khi công nhận hai phần đất ly khai Ukraine. Mới đây, sau khi cuộc xâm lăng đã xẩy ra, Trump một lần nữa ca tụng Putin khôn ngoan, chỉ tổn 2 tỷ USD tiền cấm vận mà chiếm được cả một nước lớn, đất đai bao la với nhiều người.
Chính quyền Biden không có ý định mang quân vào Ukraine vì nước này chưa là thành viên của NATO. Ukraine quan trọng nhưng không giống Biển Đông, Mỹ không có quyền lợi cốt lõi ở đây.
Ukraine muốn vào NATO, nhưng chưa đủ điều kiện về chính trị và kinh tế và đặc biệt là tình trạng tham nhũng trong chính quyền chưa cải thiện đúng mức. Nga sợ một ngày nào đó, Ukraine sẽ trở nên một thành viên của NATO, nên đánh phủ đầu.
Anh, Ba Lan và Ukraine mới ký một hiệp ước an ninh vào ngày 17/2/2022 tại thủ đô Kyiv của Ukraine giữa lúc tình hình căng thẳng để hỗ trợ Ukraine về những lãnh vực an ninh mạng, năng lượng và chống lại tin tức giả mạo. Bản thông cáo nói rằng "Các nước cam kết hỗ trợ Ukraine trong cố gắng bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong khuôn khổ ranh giới được quốc tế công nhận". Anh và Ba Lan cũng ủng hộ Ukraine lấy lại Crimea.
Những gì đã nói ở trên không có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ phải tuyệt đối chiến đấu đơn độc. Trong lịch sử cận đại đã có những đội quân tình nguyện được thành lập như Anti-Bolshevic Army, 1918-1920, những cá nhân Hoa Kỳ tình nguyện chống Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến và People’s Volunteer Army trong chiến tranh Triều Tiên. Mao Trạch Đông đã làm ra đội quân tình nguyện để tránh đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ. Các cơ quan tình báo Tây phương chắc hẵn đã nghĩ tới chiến thuật này.
Sức mạnh quân sự của Ukraine và Nga
Sức mạnh quân sự rất chênh lệch giữa Ukraine và Nga về quân số cũng như về võ khí. Nga có khoảng 850.000 binh sĩ, 12.500 xe tăng, 30.000 xe bọc thép, 14.000 khẩu pháo, 600 tầu chiến, và 70 tầu ngầm. Trong khi đó Ukraine chỉ có 250.000 binh sĩ, 2.600 xe tăng, 12.000 xe bọc thép, hơn 3.000 khẩu pháo, và 38 tầu chiến. Nga chỉ đưa khoảng 200.000 binh sĩ đến chiến trường Ukraine. Trong khi đó, ngoài số binh sĩ hiện dịch Ukraine còn có những đơn vị tình nguyện phòng thủ lãnh thổ với số quân trừ bị là 900.000. Ukraine không dại dàn quân trực diện một đạo quân hùng mạnh. Du kích là chiến thuật để thắng quân xâm lăng. Mỗi nhà là một pháo đài bất ngờ cho quân Nga.
Theo một số các nhà phân tách quân sự, kể từ 2014 đến nay, quân đội Ukraine đã được huấn luyện tốt hơn và trang bị đầy đủ hơn với võ khí của NATO và tinh thần chiến đấu cao hơn. Binh sĩ Ukraine có khả năng chống lại cuộc xâm lăng của Nga một cách đáng kể và gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga. Trung tướng Valery Zaluzhny, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, tại buổi họp báo vào ngày 24/2/2022, nói "Thời điểm khó khăn đã qua vì chúng ta không để kẻ thù thực hiện các kế hoạch xâm lược của chúng. Giờ thứ 19 của cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga đang được tiến hành. Thiệt hại của quân địch : Bị tiêu diệt hơn 30 xe tăng, trên 130 xe bọc thép xe chiến đấu. Bắn hạ 7 máy bay chiến đấu và ném bom, diệt 6 trực thăng. Hãy tin tưởng vào Lực lượng vũ trang Ukraine và Chiến thắng của chúng ta !".
Liên Hiệp Quốc nhập cuộc
Hoa Kỳ đã đệ trình Hội đồng An ninh Liên Hiệp Quốc một nghị quyết lên án Nga trắng trợn xâm lăng Ukraine mà không hề bị khiêu khích và vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết được sự ủng hộ rộng lớn, nhưng đã bị Nga phủ quyết ngày hôm nay 25/2/2022. Trung Quốc không dùng quyền phủ quyết, nhưng đã vắng mặt. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng sẽ bỏ phiếu vào tuần tới về nghị quyết này. Xem ra Nga bị cô lập trong việc xâm lăng Ukraine.
Vào ngày 24/2/2022, Ukraine đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva khẩn cấp tranh luận về việc xâm lăng. Tuy tổ chức này không có quyền chế tài nhưng có khả năng điều tra và hướng dẫn dư luận. Giám đốc Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet nói rằng Nga đã vi phạm luật quốc tế và gây nguy hại cho nhiều thường dân và "cuộc xâm lăng này phải được chấm dứt ngay lập tức".
Ông David Malpas, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), vào ngày 24/2/2022 đã lên tiếng sẽ hợp tác với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) trợ giúp Ukraine về phương diện tài chánh và kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn. Ukraine và cả Nga đều thành viên của Ngân Hàng Thế giới từ năm 1992.
Nhóm tin tặc Anonymous vào ngày 24/2/2022 đã tuyên bố chính thức tham gia vào chiến tranh mạng chống lại Nga và bênh vực Ukraine vì Nga xâm lăng nước này. Anonymous đã đánh sập các mạng của Điện Kremlin, Hạ Viện Nga, Bộ Quốc Phòng, hệ thống truyền thông RT.COM và làm chậm một số mạng khác. Nhóm này còn cảnh cáo rằng nếu tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng, nhóm Anonymous sẽ tấn công vào các mạng công nghệ của Nga. Bộ Quốc Phòng Ukraine từng lên tiếng kêu gọi những tin tặc tình nguyện giúp bảo vệ những mạng của họ chống lại những cuộc tấn công của Nga.
Ukraine chiến đấu không đơn độc. Nếu không giúp được Ukraine chặn được cuộc xâm lăng của Nga, thế giới sẽ lại phải sống trong bất ổn và phải đương đầu với cuộc xâm lăng của Nga tại Estonia, Latvia, và Lithuania.
Nguyễn Quốc Khải
25/02/2022
Tham khảo :
1. Jaroslaw Adamowski, "Poland to send air-defense weapons, ammo, drones to Ukraine", Defense News, February 2, 2022.
2. Paul Best, "Hacking collective Anonymous appears to declare war on Putin after Russia invade Ukraine", Fox News, February 25, 2022.
3. Liudas Dapkus, et al, "Ukraine attack leaves Baltics wondering: are we next?", AP, February 24, 2022.
4. Farnaz Fassihi, Nick Cumming-Bruce, "U.N. Security Council to vote on resolution condemning Russia, U.S. official says", New York Times, February 24, 2022.
5. Krishn Kaushik, "Explained: the military strengths of Russia and Ukraine, compared", The Indian Express, February 24, 2022.
6. Rowena Mason, "NATO to deploy extra troops to alliance nations in eastern Europe", The Guardian, February 25, 2022.
7. NATO, "NATO allies send more ships, jets to enhance deterrence and defence in eastern Europe", January 24, 2022.
8. Reuters, "How Ukraine’s armed forces shape up against Russia’s", February 24, 2022.
Thanh Phương, RFI, 26/02/2022
Trong lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt tại Kiev, Nga đề nghị đàm phán với Ukraine. Theo các hãng thông tấn Nga, được AFP trích dẫn, ngày 25/02/2022, phát ngôn viên của tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng gởi một phái đoàn đến thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine. Belarus là quốc gia đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ để xâm lược Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua tuyên bố Moskva sẵn sàng đàm phán nếu Ukraine chấp nhận "buông súng".
Ảnh ghép : Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensk. Tiziana FABI, ludovic Marin / AFP
Trước khi phát động cuộc tấn công vào Ukraine, điện Kremlin vẫn dứt khoát từ chối đàm phán với Kiev, mặc dù tổng thống Zelensky đã liên tục đề nghị. Vài giờ trước khi quân Nga tiến vào Ukraine, ông Zelensky đã cố liên lạc qua điện thoại với tổng thống Putin nhưng không được.
Theo hãng tin Reuters, qua các mạng xã hội, phát ngôn viên của tổng thống Zelensky tối qua cho biết Ukraine và Nga đang thảo luận về địa điểm và lịch trình đàm phán. Phía Kiev thì đề nghị chọn thủ đô Vacxava của Ba Lan làm nơi đàm phán.
Tối qua, Hungary đã đề nghị đón tiếp hòa đàm Nga-Ukraine tại Budapest. Trên trang Facebook, ngoại trưởng Peter Szijarto cho biết ông đã đưa ra đề nghị này với ngoại trưởng Nga Lavrov và giám đốc văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak, cả hai đều cho biết sẽ "nghiên cứu" đề nghị của Hungary.
Là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, kể từ khi ông Viktor Orban lên làm thủ tướng, Hungary trong những năm gần đây đã xích gần lại nước Nga. Tuy nhiên, hôm thứ năm vừa qua, ông Orban đã lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine.
Trong khi đó, Washington chỉ trích đề nghị đàm phán của Nga. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Hoa Kỳ nghĩ rằng Ukraine không nên chấp nhận đề nghị đàm phán của Nga, bởi vì theo ông, thảo luận dưới sự đe dọa "không phải là ngoại giao thật sự".
Thanh Phương
********************
Thu Hằng, RFI, 26/02/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngoại trưởng Lavrov bị các nước phương Tây cáo buộc "chịu trách nhiệm" gây chiến tại Ukraine. Ngày 25/02, tổng thống Joe Biden thông báo Washington cấm hai lãnh đạo này của Nga vào lãnh thổ Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 16/06/2021. AP - Patrick Semansky
Đây là quyết định hiếm hoi và mang tính biểu tượng cao của Mỹ. Ông Putin và ông Lavrov nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo bị Mỹ trừng phạt trực tiếp, gồm lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tổng thống Syria Bachar Al Assad.
Cũng trong ngày 25/02, Liên Hiệp Châu Âu thông qua việc trừng phạt tổng thống Putin và ngoại trưởng Lavrov.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
"Tổng thống Vladimir Putin và ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ bị phong tỏa toàn bộ tài sản mà họ có ở Liên Hiệp Hiệp Châu Âu. Hiện tại, tiến trình thẩm định tài sản, nếu có, ở Liên Âu của hai quan chức cao nhất điện Kremlin vẫn chưa diễn ra, dù hôm Chủ Nhật (20/02), người ta nói rất nhiều đến việc một du thuyền mà ông Putin sở hữu đột nhiên rời khỏi một cảng ở Đức. Nhưng dù sao các biện pháp trừng phạt này trước hết mang ý nghĩa biểu tượng.
Tuy nhiên, tổng thống Putin và ngoại trưởng Lavrov không bị cấm vào lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu, vì đây là cách để ngỏ cánh cửa cho khả năng nối lại con đường ngoại giao.
Đại sứ thường trực của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles đã đưa ra quyết định trừng phạt đích danh hai lãnh đạo Nga hôm thứ Sáu (25/02). Những biện pháp này được các ngoại trưởng Liên Âu thông qua trong cuộc họp bất thường ở Bruxelles sau thượng đỉnh trong đêm thứ Năm của các lãnh đạo EU. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh rằng Liên Hiệp Châu Âu phải "trừng phạt nghiêm khắc" hai lãnh đạo chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. Còn đối với ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, "cần phải bóp nghẹt chế độ".
Cùng lúc, các bộ trưởng Tài chính cũng đang nghiên cứu những biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với lĩnh vực ngân hàng Nga. Còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang đánh giá tác động của việc loại trừ Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng Swift".
Anh, Canada cũng quyết định phong tỏa tài sản của tổng thống Nga và ngoại trưởng Lavrov, nếu có, ở những nước này. Ngày 26/02, Úc cho biết đang chuẩn bị biện pháp tương tự sau khi đã trừng phạt 8 nhà tài phiệt thân tổng thống Putin và toàn bộ 339 nghị sĩ Nga công nhận độc lập của hai nước Cộng Hòa tự xưng ở vùng Donbass.
Trong lĩnh vực hàng không, sau Moldova, đến lượt Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Bulgari thông báo đóng không phận đối với các hãng hàng không Nga, kể từ 0 giờ ngày 26/02. Trước đó, theo AFP, Anh Quốc thông báo cấm máy bay tư nhân Nga vào không phận nước này.
Thu Hằng
**********************
Chi Phương, RFI, 25/02/2022
Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine rạng sáng thứ Năm, 24/2, tối cùng ngày, lãnh đạo 27 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn cấp, tại Bruxelles, Bỉ, thông qua hàng loạt các biện pháp trừng phạt Moskva. Các biện pháp mới được cho là nghiêm khắc hơn so với các trừng phạt được đưa ra vào đầu tuần.
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell (phải) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu với báo giới về hồ sơ Ukraine, từ Bruxelles, ngày 24/02/2022. © AP/Pool AFP
Các lãnh đạo Liên Âu cho biết sẽ "tấn công" trừng phạt Nga trong 5 lĩnh vực : tài chính, năng lượng, vận tải, cũng như cấm vận xuất khẩu và các chính sách thị thực.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết thêm :
"Thông qua các trừng phạt, Châu Âu cho rằng có thể "tấn công trực diện" vào 70 % lĩnh vực ngân hàng của Nga, theo đó các ngân hàng Nga sẽ không còn quyền tiếp cận thị trường vốn cũng như nhiều doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Châu Âu hy vọng các trừng phạt này sẽ làm xói mòn ngành công nghiệp và khả năng vay, cũng như làm lạm phát trầm trọng hơn.
Sẽ có cấm vận đối với xuất khẩu và việc tài trợ cho xuất khẩu trong các lĩnh vực chủ chốt của Nga. Đầu tiên là lĩnh vực năng lượng, nhằm ngăn cản Moskva duy trì và hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu. Tiếp đó là lĩnh vực vận tải hàng không, ngăn chặn việc cung ứng cho Nga các linh kiện phụ tùng, bởi vì 3/4 máy bay thương mại Nga là do Châu Âu và Bắc Mỹ chế tạo. Cuối cùng là nguồn cung ứng căn bản phục vụ ngành công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn nhằm ngăn chặn kinh tế Nga phát triển.
Tuy nhiên, Châu Âu vẫn chưa quyết định ngăn chặn các tổ chức tài chính Nga tham gia vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT. Nếu thực hiện biện pháp trừng phạt này, các tổ chức tài chính Nga sẽ bị ngắt kết nối với lĩnh vực tài chính toàn cầu".
Theo AFP, sáng thứ Sáu, 25/2, trước khi tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính của Liên Hiệp Châu Âu, bộ trưởng tài chính Pháp, Bruno Le Maire, tuyên bố mong muốn "cắt đứt tất cả liên hệ của Nga với hệ thống tài chính toàn cầu". Liên quan đến hệ thống trao đổi ngân hàng quốc tế SWIFT, ông Le Maire cho biết Liên Âu vẫn chưa đưa ra quyết định, đặc biệt là vì sự miễn cưỡng từ Đức : "Đó là lựa chọn cuối cùng".
Chi Phương
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 25/02/2022
Đúng như đã đe dọa, Hoa Kỳ ngày 24/02/2022 ban hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga nhằm đáp trả hành động gây hấn quân sự của Nga đối với Ukraine. Đích thân tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo quyết định này, kèm theo lời cảnh cáo là lệnh trừng phạt mới sẽ có những hậu quả "nghiêm trọng, tức thời và lâu dài" đối với nền kinh tế Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bài phát biểu về khủng hoảng Ukraine, ngày 24/02/2022, tại Nhà Trắng, Washington. AP - Alex Brandon
Phát biểu tại Washington, chỉ vài giờ sau khi tiếp xúc trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G7 nhằm phối hợp hành động để đối phó với các diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng, ông Biden đã chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin về việc khởi động "một cuộc chiến một cách vô cớ", đồng thời cảnh báo là Washington sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn để cô lập Nga khỏi kinh tế thế giới.
Loạt trừng phạt bổ sung của Mỹ tập trung trên hai lãnh vực : Hạn chế xuất khẩu qua Nga và hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng đô la Mỹ, đồng euro Châu Âu, đồng bảng Anh và đồng yen Nhật Bản.
Theo chính phủ Hoa Kỳ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ cắt đứt hơn một nửa nhập khẩu công nghệ cao của Nga, hạn chế nghiêm trọng khả năng nước này tiếp cận công nghệ và các mặt hàng khác để duy trì "khả năng quân sự năng động".
Washington cũng quyết định cắt đứt kết nối của Sberbank, ngân hàng tín dụng lớn nhất của Nga, với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Tài sản của Ngân Hàng VTB, định chế tài chính lớn thứ hai của Nga có liên kết với hệ thống tài chính Hoa Kỳ, cũng bị phong tỏa.
Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường thuật :
"Đây là phát biểu đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi chiến sự bùng lên ở Ukraine. Tổng thống Mỹ tố cáo quyết định có tính toán trước của một bạo chúa.
Hoa Kỳ không gửi binh sĩ đến Ukraine nhưng tiếp tục đánh vào túi tiền của Nga. Tài sản của các nhân vật quan trọng tại Nga cũng bị phong tỏa, tương tự như 4 ngân hàng Nga khác, ngoài hai ngân hàng đã bị đưa vào sổ đen. Khả năng hoạt động của các thực thể bị trừng phạt trên các thị trường phương Tây sẽ bị hạn chế đáng kể.
Tuy nhiên, việc Nga tiếp cận hệ thống SWIFT, cơ chế hỗ trợ trao đổi giữa các ngân hàng quốc tế, vẫn được duy trì. Cấm Nga sử dụng SWIFT là một đòn rất nặng, nhưng khả năng này chưa được tất cả các đồng minh nhất trí và Joe Biden đã thẳng thắn nêu bật điều này :
"Trước hết, các biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp dụng đối với các ngân hàng có hậu quả tương đương, thậm chí có thể là hậu quả quan trọng hơn việc không cho Nga tiếp cận cơ chế SWIFT. Phương án này vẫn được thảo luận, nhưng vào lúc chúng tôi đang nói, đó không phải là một quyết định mà phần còn lại của Châu Âu mong muốn. Các biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp đặt còn đi xa hơn bao giờ hết, và được 2/3 thế giới cùng tham gia. Đây là những hình phạt nặng nề. Chúng ta sẽ bàn lại về các biện pháp này một lần nữa trong vòng một tháng tới đây để xem xét hiệu quả.
Xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ sang Nga hầu như bị cấm. Đối với ông Joe Biden, điều đó sẽ cản trở các dự án công nghiệp trong tương lai của Điện Kremlin. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ khiến Nga phải trả giá đắt ngay tức thời, nhưng cũng nói rằng một số tác động chỉ được nhìn thấy trong dài hạn, tức rất lâu sau cuộc xâm lược Ukraine".
Trọng Nghĩa
**********************
Thu Hằng, RFI, 26/02/2022
Không ngoài dự đoán, ngày 25/02/2022, Nga đã dùng quyền phủ quyết để bác bản dự thảo nghị quyết do Mỹ và Albani đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm chiếm Ukraine và kêu gọi rút quân ngay lập tức.
Đại sứ Nga Vassily Nebenzya tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 25/02/2022. AP - Seth Wenig
Thông tín viên RFI Carrie Nooten tường trình từ New York :
"11 nước thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận, 81 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, có nghĩa là hơn một nửa cộng đồng quốc tế, ủng hộ văn bản lên án các chiến dịch quân sự do Nga tiến hành và lên án việc Moskva công nhận nền độc lập của các vùng ly khai ở Ukraine.
Tuy nhiên, bất chấp những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, cơ quan được coi là để bảo vệ hòa bình, an ninh toàn cầu, văn bản này sẽ không thành nghị quyết do bị Nga bỏ phiếu chống và như vậy sẽ không được áp dụng.
Nếu như đối với công chúng, tình hình có vẻ quái lạ, thì các nhà ngoại giao đánh giá rằng việc Nga bị cô lập mới là quan trọng. Nhưng bản dự thảo đã bị giảm tầm quan trọng chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu, do Trung Quốc, một đồng minh của Nga, gây sức ép. Dù vậy, có ba nước đã bỏ phiếu trắng là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong buổi họp, chỉ có đại sứ Kenya bên cạnh Liên Hiệp Quốc là tỏ ra thực tế và nêu rõ quan điểm ngoại giao của ông. Ông không ngần ngại lên án những hạn chế của Hội đồng Bảo an, một cơ chế mà theo ông gây ra nhiều khủng hoảng hơn là giải quyết".
Theo AFP, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã lấy làm tiếc về cuộc họp không đạt kết quả, nhưng khẳng định cần "tạo cơ hội mới cho hòa bình". Ông Antonio Guterres kêu gọi "quân đội Nga trở về doanh trại" trong khi "dân thường đang chết" tại Ukraine.
Thu Hằng
**********************
Phan Minh, RFI, 26/02/2022
Hôm 25/02/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Lãnh đạo họ Tập tuyên bố ủng hộ việc giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, được hãng tin Reuters trích dẫn, cho biết Bắc Kinh ủng hộ Nga giải quyết xung đột bằng cách đàm phán với Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022 via Reuters - Sputnik
Tuy nhiên, cho tới nay Bắc Kinh vẫn không lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, trong khi đó truyền thông nhà nước Trung Quốc hầu như không đưa tin gì về cuộc tấn công này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Trong các chuyến đi và trong các phát biểu, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có một tuyên bố nào về Ukraine trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo. Phải vào các trang trong của tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, chúng ta mới đọc được vài dòng về cuộc điện đàm ngày hôm qua giữa hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc.
Hầu hết các tờ báo chính thức vẫn chỉ đưa tin về "thành công của Thế vận hội Mùa đông". Một sự im lặng phản ánh sự bối rối của chính quyền Trung Quốc, cho tới nay vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và vẫn muốn dựa vào liên minh với Moskva để chống lại sự bá quyền của Mỹ.
Tuy nhiên, đến cuối ngày, trên các báo đã có những lời kể từ Ukraine, với các phóng sự về việc một bộ phận trong số 6.000 công dân Trung Quốc sinh sống ở Ukraine chạy sang Nga tị nạn.
Cũng có lời kể của một nhà báo Ukraine trên trang web bằng tiếng Pháp của kênh truyền hình CGTN, một chi nhánh của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Một nhân viên của cơ quan truyền thông nhà nước nói với chúng tôi rằng các đường lối biên tập về tình hình Ukraine vẫn còn rất mập mờ. Thông thường chính quyền Trung Quốc sẽ đợi một vài ngày khi căng thẳng ở Ukraine lắng xuống rồi mới nêu rõ lập trường.
Phan Minh
Thanh Phương, RFI, 23/02/2022
Nhiều người nói tổng thống Nga Vladimir Putin là một tay kỳ thủ xuất sắc, với những nước cờ luôn khiến đối thủ phải vất vả chống đỡ. Trong khủng hoảng Ukraine, nước cờ mập mờ của chủ nhân điện Kremlin đang gây rất nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc đáp trả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình, thông báo công nhận độc lập vùng miền đông ly khai của Ukraine, ngày 21/02/2022. AP - Alexei Nikolsky
Trong nhiều tuần qua, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn nhắc đi nhắc lại là ngay khi một lính Nga vừa đặt chân đến Ukraine, Moskva sẽ hứng chịu những biện pháp trừng phạt "mà nước này chưa từng thấy". Hôm thứ Hai vừa qua, tổng thống Putin đã công nhận nền độc lập của hai lãnh thổ ly khai Lugansk và Donetsk, thuộc vùng Donbas, miền đông Ukraine, đồng thời ra lệnh triển khai "lực lượng duy trì hòa bình" tại các vùng này, nhưng ông không nói rõ là khi nào quân Nga sẽ vượt qua biên giới Ukraine. Hôm qua, tổng thống Nga nhấn mạnh : "Tôi đã không nói là ngay bây giờ binh lính của chúng ta sẽ đến đấy. Điều này sẽ tùy thuộc vào tình hình tại chỗ".
Trước những tuyên bố mập mờ đó, Washington chưa biết phải đáp trả thế nào cho tương xứng. Chính quyền Biden ngại là ban hành quá sớm các trừng phạt ở mức tối đa sẽ khiến ông Putin không thể trở lui. Thành ra, theo nhận định của hãng tin AFP, phản ứng đầu tiên của Hoa Kỳ hôm thứ Hai khá là thận trọng, Washington chỉ thông báo các trừng phạt đối với hai vùng ly khai thân Nga ở Ukraine mà Putin vừa công nhận nền độc lập. Chỉ đến hôm qua, tổng thống Biden mới xem việc Putin ra lệnh triển khai quân Nga ở hai vùng ly khai là "khởi đầu của một cuộc xâm lược", đồng thời thông báo các biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề hơn đối với Moskva.
Vấn đề là trong chính quyền Mỹ chưa ai xác nhận có những yếu tố cụ thể cho thấy quân Nga đã tiến vào Ukraine, như tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby với hãng tin AFP hôm qua. Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 21/02, khi được hỏi đã có những thay đổi gì trên trận địa, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki không trả lời thẳng, mà lại nói : "Dù là mặc quân phục hay không, họ đã có mặt ở đó từ năm 2014 rồi".
Khi để cho hiểu rằng việc quân Nga đến miền Donbas chẳng có gì là mới, bà Psaki khiến người ta nghi ngờ về thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ. Để tránh bị xem là quá mềm yếu đối với Nga, chính quyền Biden đã cố giải thích rằng chính sách trừng phạt của họ, được phối hợp chặt chẽ với các nước phương Tây, sẽ tăng dần theo từng cấp độ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh cáo : "Đáp lại mọi hành động leo thang mới của Nga sẽ là những biện pháp trừng phạt mới, nhanh chóng và nghiêm khắc, được phối hợp với các đồng minh của chúng ta".
Tuy lên án "khởi đầu của một cuộc xâm lăng" của Nga vào Ukraine, Washington vẫn muốn để mở con đường ngoại giao "nhằm tránh cho cuộc xung đột đi xa hơn", theo giải thích của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin. Nhưng rõ ràng là ngày càng khó mà nối lại đối thoại với Nga, nhất là trong tuyên bố hôm nay, tổng thống Putin đã tỏ thái độ kiên quyết không nhân nhượng về những yêu sách của ông đối với Ukraine, thậm chí còn đòi thêm, tức là "phi quân sự hóa" Ukraine và độc lập cho toàn bộ vùng Donbas, kể cả những phần lãnh thổ hiện vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Tóm lại, trong bàn cờ Ukraine, kỳ thủ Putin đang đi những nước cờ khiến cho các đối thủ phương Tây phải lúng túng chống đỡ và chính chủ nhân điện Kremlin là người làm chủ cuộc chơi, đưa ván cờ đi theo hướng của ông. Nói cách khác, cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ mới bắt đầu.
Thanh Phương
************************
Phương Tây đồng loạt thông báo trừng phạt Nga
Thu Hằng, RFI, 23/02/2022
Thông báo của tổng thống Nga Putin công nhận hai nước Cộng Hòa tự xưng Donetsk và Louhansk ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, đã khiến rất nhiều nước bất bình phản đối và ban hành trừng phạt. Ngày 22/02/2022, Washington cho biết hủy cuộc họp giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Nga dự kiến diễn ra trong tuần này tại Geneve, Thụy Sĩ. Thượng đỉnh Biden-Putin cũng không còn nằm trong chương trình nghị sự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt Nga sau quyết định của tổng thống Vladimir Putin về Ukraine, ngày 22/02/2022, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. AP - Alex Brandon
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời nhấn mạnh sẽ còn có nhiều các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nếu tổng thống Putin đi xa hơn.
Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
"Đây là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp đáp trả thích đáng về vấn đề này". Ông Joe Biden tỏ rõ ý định trong bài phát biểu đầu tiên sau những quyết định của nguyên thủ Nga.
Sau vài tiếng suy nghĩ để cân nhắc về quy mô những lựa chọn của điện Kremlin, tổng thống Mỹ thông báo nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào hai ngân hàng của Nga, trong đó có ngân hàng của bộ Quốc Phòng, cấm Nhà nước Nga đầu tư vào các thị trường phương Tây cùng với những biện pháp nhắm vào nhiều nhà lãnh đạo Nga cùng với gia đình của họ.
Chủ nhân Nhà Trắng khéo léo nhấn mạnh rằng những biện pháp trừng phạt trên được phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Mỹ, trong đó có các nước Châu Âu. Tất cả mới chỉ là giai đoạn một của loạt trừng phạt và sẽ còn nhiều biện pháp khác nếu Nga đi xa hơn. Bởi vì đối với ông Joe Biden, đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc tấn công Nga vào Ukraine và đây cũng là lựa chọn được ông Putin nêu trong bài diễn văn mà tổng thống Mỹ chú ý theo dõi.
Ông Biden phát biểu : "Ông ấy (tổng thống Nga) đã tấn công vào quyền được tồn tại của Ukraine. Ông ấy đã đe dọa gián tiếp những lãnh thổ trước đây do Nga chiếm giữ, kể cả những quốc gia hiện giờ là những nền dân chủ phát triển và là thành viên của NATO. Ông ấy đe dọa rõ là gây chiến nếu những yêu cầu thái quá của ông ấy không được thỏa mãn. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga là một kẻ xâm lược".
Ông Joe Biden cũng thông báo gửi thêm quân Mỹ đến các nước Baltic. Tuy nhiên, nguyên thủ Mỹ hy vọng vẫn còn thời gian để tránh điều tồi tệ nhất và cho biết để ngỏ tiến trình ngoại giao".
Thu Hằng
***********************
Vladimir Putin đã chuẩn bị đương đầu với trừng phạt phương Tây thế nào
Anh Vũ, RFI, 23/02/2022
Bất chấp mọi đe dọa trừng phạt của phương Tây, Vladimir Putin hôm thứ Hai 21/02/2022 vẫn thông báo Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ly khai ở miền đông Ukraine độc lập. Chủ nhân điện Kremlin những năm qua đã có một loạt quyết sách chiến lược nhằm bảo vệ kinh tế của đất nước và chuẩn bị cho khả năng Nga bị phương Tây trừng phạt.
Trụ sở Ngân hàng Moskva, tại Nga. AP - Ivan Sekretarev
Trong khi hôm 21/02, Vladimir Putin thông báo Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Lougansk, 2 nước cộng hòa tự xưng ly khai ở miền đông Ukraine, bộ ngoại giao Nga ngày hôm sau kêu gọi "những quốc gia khác hãy theo gương Nga".
Cho dù đến giờ ông Vladimir Putin vẫn còn thận trọng chưa phát động một cuộc xâm lược ồ ạt, không phải vì sợ các đe dọa trừng phạt "nghiêm khắc" của phương Tây. Những trừng phạt đến lúc này dường như vẫn không mảy may có tác động đến quyết tâm của tổng thống Nga. Đã phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt từ sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014, tổng thống Putin trong những năm qua đã có không ít sáng kiến để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các khả năng phương Tây trừng phạt kinh tế Nga.
Từ khi bắt đầu nổ ra khủng hoảng Ukraine đến nay, kinh tế Nga đã được đa dạng hóa để bớt lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Nga tập trung tăng cường các điểm mạnh của nền kinh tế. Xuất khẩu quặng mỏ, nhôm, nikel, vàng, kim cương và lúa mì đã giúp cho Nga có nhiều lợi thế trong thương mại với thế giới.
Lãnh đạo Nga rất chú trọng củng cố ngân quỹ Nhà nước. Nợ công được kiểm soát, chỉ còn chiếm 13% GDP, trong khi mà trung bình con số này ở Châu Âu là khoảng 80%. Ngân sách Nhà nước dựa chủ yếu vào bán dầu. Giá dầu lửa tăng gấp đôi hiện nay cũng có nghĩa là nguồn thu của Nhà nước Nga cũng tăng tương đương. Nợ của các công ty Nga bằng đô la đã được cơ cấu lại chuyển sang đồng rúp. Việc này nằm trong kế hoạch "phi đô la hóa" được bắt đầu từ sau khi Nga bị trừng phạt vì sáp nhập Crimea cách đây 8 năm.
Phát triển đối tác với Trung Quốc
Ngày 21/04/2014, tức hai tháng sau khi sáp nhập Crimea vào Nga, ông Putin thực hiện một đòn mạnh thực sự, ký với Trung Quốc một thỏa thuận khí đốt lịch sử, trị giá 400 tỷ đô la kéo dài trong 30 năm.
Dù các cuộc đàm phán đã được khởi sự trước cuộc đột nhập của Nga tại Ukraine, nhưng hợp đồng trên đánh dấu một bước ngoặt chiến lược lớn, theo Jean François Di Meglio, chuyên gia tài chính và là chủ tịch của Asia Centre.
"Hai nước có nhiều cạnh tranh lịch sử về Kazakhstan, Mông Cổ hay cả vùng Siberia khiến cho mối quan hệ trở nên phức tạp rất nhiều. Nhưng Vladimir Putin đã hiểu rõ rằng phát triển quan hệ đối tác kinh tế này có thể giúp ông giữ được thế tấn công đối với phương Tây. Về phần Trung Quốc, mặc dù là cường quốc kinh tế nhưng vẫn bị cô lập, Bắc Kinh có thêm được một đồng minh trước đối thủ Mỹ".
Nga và Trung Quốc cố gắng thanh toán các trao đổi song phương bằng đồng tiền quốc gia của mình. Trong lĩnh vực này Nga có cố gắng nhiều hơn. Đến giờ chỉ 20% hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc được thanh toán bằng đồng tiền Mỹ. Ở chiều ngược lại 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn phải thanh toán bằng đô la.
Năm 2021, Bắc Kinh và Moskva đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, hé mở khả năng thiết lập một liên minh quân sự giữa hai nước, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.
Kiểm soát giới tài phiệt
Mặc dù quan hệ đối tác kinh tế Nga - Trung quốc được tăng cường những năm qua, nhưng Châu Âu vẫn là bạn hàng lớn nhất của Moskva. Ngày 22/02/2022, Đức đã chấp nhận ngừng đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, theo yêu cầu của Mỹ. Các lãnh đạo Châu Âu chủ yếu vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các chính khách Nga, nhất là các nhà tài phiệt có quan hệ với Kremlin, những người hiện sở hữu nhiều bất động sản và cổ phần tài chính ở Châu Âu.
Tuy nhiên theo tiến sĩ khoa học kinh tế Nga Vladislav Inozemtsev, Kremlin những năm qua đã chuẩn bị nhiều để có thể chống được mối đe dọa này. "Ngay từ trước khi định xâm lược Ukraine, Vladimir Putin đã phát động một chương trình gọi là "quốc hữu hóa các thành phần ưu tú" nhằm kich thích các công chức, doanh nhân thân cận với chính quyền hạn chế lệ thuộc vào tài sản phương Tây và hợp pháp hóa các sở hữu của họ ở nước ngoài", theo một báo cáo của chuyên gia trên cho Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri).
"Chính sách này đã thu được nhiều thành công : Các nguồn tài sản phần lớn có nguồn gốc từ tham nhũng giờ được hợp thức hóa đầu tư vào trong nước, các cựu công chức không còn mua lâu đài ở Pháp hay du thuyền ở nước ngoài mà họ chuyển qua mua các chuỗi cửa hàng, các tổ hợp văn phòng, nhà máy và nhà hàng ở Nga", nhà nghiên cứu Vladislav Inozemtsev cho biết tiếp. Ông đánh giá các trừng phạt có mục tiêu của Châu Âu giờ đây có khi lại trừng phạt vào "những đại diện của khu vực tư nhân Nga, những người chỉ trích nhất chế độ hiện nay".
Một hệ thống tài chính Nga để lách Swift
Còn một vấn đề chính đối với ông Vladimir Putin, sự lệ thuộc của Nga vào hệ thống tài chính Swift, một hệ thống giao dịch chuyển ngân quốc tế, nằm dưới sự ảnh hưởng của phương Tây. Hoa kỳ đã nhiều lần dọa loại trừ các Ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới Swift nếu xâm lược Ukraine. Mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đồng đô la này được gần như hầu hết các định chế tài chính thế giới sử dụng để chuyển khoản tiền một cách an toàn và thuận tiện nhất hiện nay.
Để đối phó với hệ thống được dùng như là công cụ gây sức ép của Washington, năm 2018, Nga đã tung ra công cụ riêng của mình, đó là hệ thống chuyển ngân (SPFS), giờ được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc). Hiển nhiên đây là công cụ để thay thế trong trường hợp Nga bị loại ra ngoài hệ thống quốc tế, nhưng vẫn chưa thể đủ khả năng cạnh tranh với Swift, theo giải thích của François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược.
"Trong các thị trường mà các giao dịch được thực hiện gần như 100% bằng đồng đô la, trong đó đặc biệt là thị trường dầu khí, thì việc bỏ qua ngay ngoại tệ này là rất khó khăn", chuyên gia Heisbourg phân tích. Ông nhận thấy Nga cần phải có một thời gian thích nghi để có thể khởi động các giao dịch của họ.
"Ngay cả khi có thể bị một số ảnh hưởng của một số nước, Swift là một định chế siêu quốc gia, các thành viên ít nhiều được độc lập. Đó là điều khác xa so với mô hình Trung Quốc và Nga, do Nhà nước kiểm soát. Các mô hình này chắc hẳn gây hoài nghi hơn và thu hút được ít đối tác", chuyên gia Jean-François Di Meglio phân tích. "Giờ đây khi người ta đề cập đến việc loại Nga ra khỏi hệ thống Swift thì vấn đề là ở chỗ một trừng phạt như vậy, được Washington quyết định và Swift thực thi, có thể gây tác động rất tiêu cực đến hình ảnh của chính mạng lưới" . Hơn nữa hệ lụy không phải không có đối với những công ty của các nước phương Tây đang hoạt động tại Nga.
Nếu như từ khi có vụ sáp nhập Crimea, Hoa Kỳ nhiều lần nói sẵn sàng loại Moskva ra khỏi Swift, nhưng cho đến bây giờ đe dọa của họ vẫn chưa hề được thực thi.
(Tổng hợp từ rfi.fr và france24.com)
Anh Vũ
************************
Putin không nhân nhượng về các lợi ích và an ninh của Nga
Thanh Phương, RFI, 23/02/2022
Bất chấp các trừng phạt của phương Tây, tổng thống Vladimir Putin hôm nay, 23/02/2022, tuyên bố kiên quyết không nhân nhượng về những đề nghị của nước Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga tại Moskva ngày 21/02/2022. AP
Nguy cơ một cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã lên đến đỉnh điểm kể từ hôm thứ Hai sau khi ông Putin công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Hôm qua, Quốc hội Nga đã phê chuẩn các hiệp định hợp tác mà ông Putin đề nghị cho hai vùng lãnh thổ ly khai này, và như vậy tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện quân sự của Nga tại đây.
Trong bài phát biểu với các quân nhân, được truyền hình trực tiếp, nhân ngày Người bảo vệ Tổ quốc, 23/02, tổng thống Nga khẳng định : "Các lợi ích và an ninh của công dân chúng ta là không thể thương lượng được". Ông Putin cam kết sẽ tiếp tục tăng cường khả năng của quân đội Nga.
Tuy tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc đối thoại "trực tiếp và thành thật" với các nước phương Tây để "tìm ra các giải pháp ngoại giao cho các vấn đề phức tạp nhất", tổng thống Nga cho rằng phương Tây vẫn không đáp ứng các yêu cầu của ông.
Cho tới nay, Moskva vẫn đòi phương Tây cam kết là Ukraine sẽ không bao giờ được gia nhập khối NATO. Tối qua, ông Putin còn đòi "phi quân sự hóa" Ukraine và đòi chính quyền Kiev chấp nhận những nhân nhượng lãnh thổ cho phe ly khai thân Nga.
Từ vùng Rostov trên sông Đông, đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường trình :
"Vùng do phe ly khai thân Nga kiểm soát nay đã được Moskva công nhận. Đối với Vladimir Putin, như thế vẫn chưa đủ. Cái mà ông muốn bây giờ, đó là toàn bộ vùng Donbas, mà trong đó có đến 2 phần 3 vẫn thuộc chủ quyền của Ukraine. Đây là một lời đe dọa chiến tranh rõ ràng, kể từ nay có cơ sở pháp lý, sau khi Quốc hội Nga hôm qua bật đèn xanh cho một cuộc can thiệp quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Nga nhấn mạnh : "Tôi đã không nói là binh lính của chúng ta sẽ đến đó ngay bây giờ". Ông nhắc đến khả năng mở các cuộc thương lượng giữa Kiev với phe ly khai. Một lần nữa làm chủ cuộc chơi, ông đặt ra những điều kiện mới : Phi quân sự hóa Ukraine và Kiev buộc phải chọn quy chế trung lập.
Trong lúc đó, quân Nga tiếp tục di chuyển ở miền nam Donbas và ở phía bắc tại vùng biên giới đối diện với thành phố Kharkiv của Ukraine. Trên các mạng xã hội có đầy những video về các cuộc chuyển quân này.
Đây là vấn đề đang gây phân hóa xã hội Nga : chỉ có một phần hai dân Nga ủng hộ nền độc lập hay việc sáp nhập vùng Donbas vào nước Nga, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với đa số áp đảo ủng hộ việc sáp nhập bán đảo Crimea trước đây".
Thanh Phương
**********************
Châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Phan Minh, RFI, 23/02/2022
Bất chấp các trừng phạt của phương Tây, tổng thống Vladimir Putin hôm 23/02/2022, tuyên bố kiên quyết không nhân nhượng về những đề nghị của nước Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo tại trụ sở Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 22/02/2022. AP - Johanna Geron/
Sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lougansk ở Donbas, miền đông Ukraine hôm 21/02 vừa qua, các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Những biện pháp này dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 23/02/2022 hoặc ngày mai 24/02/2022.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm :
Hướng trừng phạt đầu tiên của Châu Âu là những biện pháp mà Liên Âu vốn thường áp dụng. Đó là các trừng phạt những cá nhân, nhắm vào 351 nghị sĩ của Duma, những người đã thông qua đạo luật công nhận các nước cộng hòa ly khai Lougansk và Donetsk cũng như 27 người khác. Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức chủ chốt của Nga hiện vẫn chưa bị nhắm tới.
Hướng thứ hai của các lệnh trừng phạt này nhắm vào nền kinh tế. Trước tiên là lĩnh vực tài chính, đó là các ngân hàng Nga bị cáo buộc tài trợ cho các hoạt động ở miền đông Ukraine, sau đó, chính phủ và Nhà nước Nga sẽ bị cấm tiếp cận với thị trường tài chính Châu Âu. Bằng biện pháp này, Châu Âu hy vọng "làm cạn kiệt các nguồn tài trợ cho cuộc xâm lược" Ukraine.
Cuối cùng, lệnh trừng phạt Châu Âu sẽ nhắm vào các nước cộng hòa ly khai Lougansk và Donetsk. Đối với Châu Âu, các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa nổi dậy phải "thấy được hậu quả" của những hành động mà Liên Âu coi là bất hợp pháp.
Châu Âu cũng tuyên bố sẽ có các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, những biện pháp này sẽ được áp dụng trong trường hợp có những leo thang xung đột mới.
Cùng với Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Canada hay Úc đều thông báo sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Về phần mình, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm 22/02 cũng đã kêu gọi Nga xuống thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine và ngừng bắn ngay lập tức.
Phan Minh
Khủng hoảng Ukraine dĩ nhiên vẫn tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất trên hầu hết các tờ báo lớn tại Pháp ra ngày hôm nay, 24/02/2022, từ La Croix, Le Monde, cho đến Le Figaro, Les Echos. Chỉ riêng Libération là dành tít chính cho một cuộc điều tra độc quyền của tờ báo vốn đã phát hiện nhiều dấu hiệu gian lận trong cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua của đảng cánh hữu Pháp Những Người Cộng Hòa (LR).
Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraine, Moskva, ngày 24, 2022 via Reuters - Russian Pool
Về tình hình Ukraine, báo giới Pháp đều cho là qua những phát biểu đầy thách thức của tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine và phương Tây, và căn cứ vào những hành động của ông từ khi lên cầm quyền tại Moskva, khả năng Nga tung quân tấn công nước láng giềng không phải là điều viễn vông.
Vấn đề là đối mặt với mối đe dọa đó, phản ứng của phương Tây chỉ tập trung vào các biện pháp kinh tế bị cho là không đủ sức răn đe tổng thống Nga.
Putin trong thế phóng lao về phía trước
Bên trên một bức ảnh bán thân chụp ông Putin đang nhìn vào ống kính với vẻ mặt lạnh lùng, trên một phông nền màu xậm, nhật báo công giáo La Croix nhận định : "Putin, phóng lao thì phải theo lao".
Theo La Croix, trong bối cảnh nước Nga tiếp tục đe dọa là sẽ tung ra một chiến dịch quân sự với quy mô rầm rộ đánh vào Ukraine, giới quan sát tiếp tục tìm hiểu về những lý do đã khiến tổng thống Nga trở thành cực đoan như hiện nay.
Trong bài phân tích mang tựa đề : "Vladimir Putin tự nhốt mình trong quan điểm của một nạn nhân", tờ báo cho rằng bài diễn văn đọc hôm thứ Hai 21/02 vừa qua đã bộc lộ tính cách của một nhà lãnh đạo "cô đơn, độc tài và co cụm hơn bao giờ hết trong một tầm nhìn nặng tính chất ý thức hệ, tự cho mình là nạn nhân của Lịch Sử và các mối quan hệ quốc tế".
Tờ báo nhắc lại rằng trong bài phát biểu đó, ông Putin đã cáo buộc chính quyền Ukraine nào là ủng hộ "khủng bố Hồi giáo" ở vùng Crimea, nào là muốn bổ sung kho vũ khí hạt nhân, nào là tiến hành "diệt chủng" ở miền đông khu vực Donbass. Theo Vladimir Putin, trong quá khứ, Ukraine chỉ là một chư hầu của Nga, và chỉ tồn tại như một thực thể chính trị khác với Nga do một sự tình cờ của lịch sử mà thủ phạm là "nước Nga cộng sản và Bolshevik". Trên cơ sở đó, tổng thống Nga hầu như không còn giấu giếm ý định xâm lược nước láng giềng khi nói rằng : "Chúng tôi sẵn sàng cho các người thấy ý nghĩa thực sự của việc phi cộng sản hóa Ukraine".
Những lời lẽ kể trên, theo La Croix, đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng ông Putin đã dứt khoát hành động nhắm vào Ukraine. Bà Tatiana Jean, giám đốc trung tâm Nga thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI cho rằng vì cảm tính, ông Putin đã "không còn cân nhắc lợi hại".
Đối với La Croix, phương án leo thang xung đột của ông Putin không hề phi lý chút nào mà nằm trong một loạt chính sách được theo đuổi từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ ý muốn khẳng định bản sắc trong nỗi ám ảnh là mình bị bao vây.
Bà Marie Dumoulin, nguyên là một nhà ngoại giao và hiện là chủ nhiệm chương trình "Châu Âu Rộng Mở" tại cơ quan tham vấn Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu cho rằng quan hệ căng thẳng của ông Putin đối với phương Tây không phải điều mới mẻ vì ngay từ những năm 2000, Vladimir Putin từng cáo buộc Mỹ là đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy ở miền Bắc Kafkaz.
Tờ báo nhắc lại rằng cách nay 8 năm, thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng nhận xét rằng tổng thống Nga đã "xa rời với thực tế", một nhận định có thể áp dụng cho cái nhìn của Vladimir Putin về thế giới xuyên suốt trong nhiều năm qua.
Trừng phạt của phương Tây chưa làm Nga xao xuyến
Để đối phó với Vladimir Putin, Hoa Kỳ và Châu Âu đã lập tức công bố các biện pháp trừng phạt chủ yếu về kinh tế, thương mại. Vấn đề đặt ra - như nhật báo kinh tế Pháp Les Echos đã ghi nhận ngay trang nhất - là nước Nga có vẻ dửng dưng trước phản ứng quá nhẹ nhàng này.
Dưới hàng tựa lớn : "Các biện pháp trừng phạt : Nga không xao xuyến", Les Echos dĩ nhiên đã tập trung mổ xẻ các biện pháp đáp trả của phương Tây nhắm vào Nga và nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Các biện pháp trừng phạt : Nước Nga không xao xuyến".
Theo tờ báo, vào thời điểm hiện tại, các biện pháp trừng phạt tài chánh của phương Tây đối với Nga sẽ có rất ít tác động. Một trong những lý do là nhu cầu tài trợ từ ngoại quốc của Moskva rất ít. Giới có thể bị ảnh hưởng nặng nhất là các nhà tài phiệt Nga cũng đã bắt đầu dùng đến tiền điện tử (cryptomonnaie) để khỏi lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài tại Nga cũng đã giảm bớt hoạt động ở nước này để giảm thiểu nguy cơ bị các lệnh trừng phạt tác hại.
Trên tờ La Croix, ông Jean-Marie Guéhenno, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ý bị quan là các biện pháp răn đe mà phương Tây đang áp dụng sẽ không có hiệu quả vì Ukraine đã trở thành một vấn đề "cảm tính" đối với Vladimir Putin, nhất là khi phương Tây đã từ chối khả năng dùng biện pháp quân sự.
Cũng trên La Croix, ông Sébastien Jean, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện INRAE của Pháp cho rằng các biện pháp trừng phạt chỉ có một tác động hạn chế mà thôi.
Nhật báo Le Monde cũng phân tích phản ứng của phương Tây trong hồ sơ chính, với một hàng tựa lớn trên trang nhất mang tính chất giải thích : "Đối mặt với Putin ngày càng hung hăng, phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đầu tiên".
Theo tờ báo, ngay sau khi Vladimir Putin tuyên bố công nhận sự độc lập của các vùng lãnh thổ Ukraine ở vùng Donbass, rộng lớn hơn cả các khu vực hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai thân Nga, Mỹ và Châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt đầu tiên, có quy mô giới hạn nhưng có khả năng trở thành cứng rắn hơn trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược quy mô lớn hơn.
Đối với Le Monde, các trừng phạt ban đầu của Mỹ hay Châu Âu chỉ mang tính chất cảnh cáo cho nên đã vấp phải nhiều chỉ trích là sẽ không có hiệu quả.
Ukraine sẵn sàng đáp trả Nga nhưng trong thế yếu
Phản ứng của nạn nhân bị Nga ức hiếp là Ukraine cũng được báo giới quan tâm. Nhật báo cảnh hữu Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề này : "Ukraine chuẩn bị đối phó với một cuộc xâm lược từ Nga".
Bên dưới một bức ảnh chụp cảnh lính dự bị Ukraine đang tập luyện tại một địa điểm gần thủ đô Kiev ngày 19/02 vừa qua, Le Figaro đã nêu bật thế yếu của quân đội Ukraine khi lưu ý rằng trong bức hình, người ta thấy nhiều người lính dự bị phải dùng đến súng giả khi tập luyện.
Theo tờ báo Pháp, trước tình hình đã trở nên căng thẳng, chính quyền Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh động viên lính dự bị. Quân tiếp viện cũng đã được chuyển đến miền đông và miền bắc đất nước để sẵn sàng chống lại những kịch bản tấn công khác nhau của Moskva.
Thế nhưng, điểm đáng chú ý trong phản ứng của Kiev mà Le Monde ghi nhận là việc binh sĩ Ukraine cho biết là họ đã có chỉ thị là không được đáp trả các hành động khiêu khích của Nga, mà chỉ chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Nga và Trung Quốc trên vấn đề Ukraine
Cũng trên hồ sơ Ukraine, La Croix đã trở lại với quan hệ Bắc Kinh-Moskva trong một bài phân tích nêu bật việc Nga trông cậy vào hậu thuẫn cụ thể của Trung Quốc, nhưng có nguy cơ là sẽ thất vọng.
Theo La Croix, sự hiện diện của Vladimir Putin tại buổi khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 2, giúp củng cố một liên minh chiến lược và kinh tế với đồng minh Trung Quốc, hai tuần trước quyết định mạnh tay đối với Ukraine.
Vladimir Putin muốn đảm bảo an toàn cho mình sau sự cố ông gây ra ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế không thể tránh khỏi của phương Tây. Tại Bắc Kinh, ông Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhau trong gần ba giờ đồng hồ, đã ký tuyên bố chung về trật tự thế giới mới và khoảng 15 hợp đồng kinh tế lớn.
Đối với với La Croix, vào đầu thế kỷ 21, một liên minh mới, mang tính cơ hội hơn bao giờ hết, đã được ký kết giữa hai đại cường Trung Quốc và Nga, và chỉ hai tuần sau, Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai của Ukraine và đe dọa sẽ xâm lược khu vực này.
Trước sự kiện hầu như bất ngờ, Trung Quốc không muốn đứng về phía nào. Bắc Kinh tránh lên án Moskva Nga nhưng cáo buộc Hoa Kỳ là "đổ dầu vào lửa". Chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, của trường Harvard Kennedy School nhấn mạnh : "Ít ra Putin đã đợi cho đến khi Thế Vận Hội kết thúc rồi mới can thiệp vào Ukraine". Thế nhưng theo chuyên gia này, "Trung Quốc thấy mình ở trong một tình huống tế nhị, bởi vì họ không thể ủng hộ một hành động xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền".
La Croix cho rằng rõ ràng đây là một đòn không hay của ông Putin đối với "đồng minh" Trung Quốc, và lần này không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh bị giằng xé giữa mối quan hệ hữu nghị với Moskva và sự lựa chọn của người hùng của Điện Kremlin
Trong vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014, mà Trung Quốc vẫn không công nhận, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, 8 năm sau, Bắc Kinh vẫn không có nhiều không gian để xoay sở vì các mối quan hệ thương mại, tài chính và ngoại giao với Châu Âu cũng như Ukraine.
Theo một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc lần vẫn sẽ kín đáo về ngoại giao nhưng sẽ cung cấp "hỗ trợ Nga về kinh tế thông qua việc mua dầu khí".
Ngoài ra, Bắc Kinh đang quan sát bản chất và mức độ của các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Chuyên gia Bonny Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định : "Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng là một bài trắc nghiệm quyết tâm của chính quyền Biden trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Đài Loan".
Theo Philippe Le Corre, "một số chuyên gia đưa ra thời điểm 2027 (lúc kết thúc nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình) là năm Trung Quốc tung chiến dịch quân sự nhắm vào Đài Loan". Từ nay đến đó, Bắc Kinh đang theo dõi, kiên nhẫn và chuẩn bị.
Đảng LR tại Pháp và một cuộc bầu sơ bộ "dởm"
Như nói ở trên, Libération đã dành tựa lớn trang nhất cho tình hình chính trị Pháp, công bố kết quả một cuộc điều tra riêng của tờ báo về một vụ tai tiếng có thể nói là rất lớn liên quan đến đảng chủ chốt của cánh hữu truyền thống, đảng Những Người Cộng Hòa LR.
Trên nền bức ảnh chụp ứng cử viên tổng thống đảng Những Người Cộng Hòa, bà Valérie Pécresse, Libération chạy hàng tựa lớn : "Bầu cử sơ bộ đảng LR : Mặt trái của một cuộc bỏ phiếu dởm". Tờ báo giải thích ngay : Một cuộc điều tra do tờ báo thực hiện đã vạch trần thực tế là cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng LR, mà người chiến thắng là bà Pécresse, đã đầy rẫy hiện tượng gian lận, với các thủ đoạn ngụy tạo để ghi đăng ký đảng viên có quyền bỏ phiếu, trong đó có nhiều người không hề biết là mình đã thành đảng viên LR và đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Trong bài phân tích chính bên trong mang tựa đề rất dài : Các thành viên đã chết, hư cấu hoặc bù nhìn : Cánh hữu bị bóng ma của mình theo bám", Libération cho biết đã mở cuộc điều tra về một tài liệu nhạy cảm nhất và được bảo mật chặt chẽ nhất của đảng Les Républicains : hồ sơ của các đảng viên có thẻ đảng.
Cuộc điều tra cho thấy rằng cuộc bầu cử sơ bộ đã bị phá hoại bằng các thủ đoạn gian lận nhằm mục đích thổi phồng số lượng cử tri. Các thành viên hư cấu, đã qua đời hoặc bầu theo hướng dẫn, và thậm chí là một con chó, tất cả những hiện tượng này đã gieo rắc nghi ngờ về tính trung thực của phiếu bầu.
Theo Libération, đảng LR đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng thành viên vào cuối năm 2021, từ khoảng 80.000 người đăng ký gia nhập vào cuối tháng 9 lên gần 150.000 vào giữa tháng 11. Trong số những người mới đến này, "ít nhất vài trăm cử tri" đã đăng ký gian lận.
Nhật báo cũng thắc mắc về số lượng thành viên LR ở vùng Ile-de-France, do Valérie Pécresse, những người "không có quốc tịch Pháp, và do đó không có quyền bầu cử" trong cuộc bầu cử tổng thống. Những thành viên này chủ yếu thuộc cộng đồng người Hoa, vốn là mục tiêu của "công việc vận động hành lang rất hiệu quả" của các đại biểu dân cử thân bà Pécresse ở Seine-Saint-Denis, vùng ngoại ô Paris.
Hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Paris
Tại Paris, một hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc được tổ chức vào thứ Ba ngày 22 tháng 2 dưới sự bảo trợ của Pháp, Diễn đàn Hợp tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm "tăng cường quan hệ đối tác Châu Âu" với các quốc gia của một khu vực kinh tế và chiến lược quan trọng. Mục tiêu không công bố : tạo một sự thay thế cho cam kết của Trung Quốc.
Hai quốc gia đã được chú ý do sự vắng mặt của họ trong Diễn đàn Bộ trưởng đầu tiên về hợp tác ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, được Pháp tổ chức vào thứ Ba, ngày 22 tháng 2 tại Paris, thay mặt cho Liên Hiệp Châu Âu mà Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên : Hoa Kỳ và Trung Quốc. Lý do rất đơn giản : họ đã không được mời. Trung Quốc bởi vì hiện được coi là một "đối thủ hệ thống (rivale systémique)" của Châu Âu ; Hoa Kỳ, bởi vì sự hiện diện của họ mà không có Trung Quốc sẽ bị nước này coi là một hành động khiêu khích có phần không được hoan nghênh (malvenue).
Diễn đàn này quy tụ 60 ngoại trưởng từ một số quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Liên Hiệp Châu Âu (EU), có mục tiêu theo lời của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhằm "tăng cường mối quan hệ đối tác [của hai mươi bảy quốc gia trong Liên Hiệp với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương] thông qua các dự án cụ thể trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kết nối và công nghệ kỹ thuật số".
Nhưng hội nghị thượng đỉnh nhỏ ngắn ngủi này, được tổ chức ở cấp độ các quan chức ngoại giao từ các quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, New Zealand, Campuchia, Bangladesh, Sri Lanka, Brunei, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Lào, Comores hoặc Maurice, có lẽ quan trọng hơn đối với những gì hội nghị để lại trong bóng tối hơn là những gì định làm nổi bật chính thức: chính khái niệm về Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khái niệm được cựu Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe phát triển, ngầm tiết lộ bức tranh của một nhóm các quốc gia lo lắng, ở các mức độ khác nhau, về hậu quả của sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vẫn nên thận trọng
"Trung Quốc đã không được mời tham dự diễn đàn này, ngay cả khi Liên Hiệp Châu Âu đảm bảo với họ rằng không muốn đối đầu với Bắc Kinh", Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, nhận xét trong một chuyên mục của Nikkei Asia Review : "Tuy nhiên EU đã bắt đầu xoay trục sang Châu Á".
"Dự án đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là một phản ứng đối với dự án 'những con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc", một nhà ngoại giao Châu Âu đề nghị giấu tên giải thích.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia liên quan đến sự can dự kinh tế và chiến lược của Châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vẫn thận trọng : không được phép phất cờ đỏ trước một Trung Quốc vốn đã khó chịu với sáng kiến của EU. "Tôi nghĩ rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương, như một khái niệm, là hệ quả của một thế giới 'hậu Mỹ' hơn là một phản ứng [trước sự trỗi dậy] của Trung Quốc : dấu ấn của Hoa Kỳ ngày nay nhẹ hơn và chính người Mỹ đã nhận ra rằng một Thái Bình Dương riêng biệt và một Ấn Độ Dương riêng biệt là những khái niệm không còn hiệu quả nữa", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Le Monde. Cùng với Nhật Bản, ông là đại diện tại Diễn đàn của một trong hai quốc gia được mời có quan hệ đối tác chiến lược với EU.
Lãnh đạo ngoại giao Ấn Độ, quốc gia mà gần đây đã chứng kiến mối quan hệ của họ xấu đi với Trung Quốc trong các vụ bạo lực biên giới trên dãy Himalaya, thích nhấn mạnh vào thực tế rằng diễn đàn hôm thứ Ba là bằng chứng rằng "đối với EU và Pháp, những gì xảy ra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là quan trọng". Bộ trưởng Ấn Độ muốn tin rằng "chúng ta đang chứng kiến một kiểu thống nhất của Châu Âu, không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chiến lược".
"Chúng tôi cần đa dạng hóa nền kinh tế của mình"
Trong nhóm các quốc gia này, New Zealand cũng có ý định đóng vai trò của riêng mình, ngay cả khi nhóm diều hâu chống Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Úc, lên tiếng chỉ trích cách tiếp cận quá "ôn hòa" đối với Bắc Kinh. "Đối với chúng tôi", Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta giải thích, "điều quan trọng là sự hiện diện của Châu Âu được cảm nhận nhiều hơn trên khu vực Thái Bình Dương. Mối quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh chắc chắn là quan trọng, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của chúng tôi đến Trung Quốc, nhưng chúng tôi phải đa dạng hóa nền kinh tế của mình và không đặt tất cả trứng vào một giỏ, giỏ của Trung Quốc".
Bộ trưởng, thuộc người Maori bản địa, người phụ nữ đầu tiên của người Polynesia này lên giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao của đất nước mình, đã sử dụng vào năm 2021 một phép ẩn dụ ban đầu để mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và New Zealand : một loại mà "taniwha", con vật thần thoại của người Maori, có thể có với một con rồng, biểu tượng của Trung Quốc. Tức : New Zealand tôn trọng đối tác Trung Quốc, hy vọng có đi có lại nhưng có ý định "bảo vệ", theo bà Mahuta, "một chính sách đối ngoại độc lập".
Trọng Thành
Khủng hoảng Ukraine : Chuỗi trừng phạt nào có thể chặn cỗ máy Putin ?
Với cuộc khủng hoảng Ukraine, Vladimir Putin trắc nghiệm tình liên đới, khả năng ứng phó của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc khủng hoảng này còn là một phép thử tình bạn "Putin – Tập Cận Bình", và cho phép Bắc Kinh đo lường sự quyết tâm của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan. Trên đây là những nhận định chung của các nhật báo lớn ở Pháp số ra ngày 23/02/2022.
Một binh sĩ Ukraine chất tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp. Ảnh chụp ngày 11/02/2022 tại phi trường Boryspil, gần Kiev. AP - Efrem Lukatsky
Vladimir Putin chọn chiến tranh thay vì hòa bình ?
Le Monde trên trang nhất cho rằng "Tại Ukraine, Vladimir Putin chuyển sang thế tấn công". Trong một bài diễn văn trên truyền hình mang đậm dấu ấn của nỗi oán hờn, tổng thống Nga ngày 21/02 đơn phương công nhận độc lập cho hai vùng lãnh thổ ly khai – hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, vùng Donbas, Ukraine. Tuyên bố này xem như đã dập tắt hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
Le Monde lưu ý, trước khi đưa ra quyết định trên, Moskva đã chuẩn bị địa bàn từ nhiều năm qua, bằng việc cấp hộ chiếu Nga cho hàng trăm ngàn cư dân vùng Donbas. Phương pháp này đã được Moskva từng sử dụng tại Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng lãnh thổ của Gruzia mà Moskva cũng đã công nhận độc lập từ năm 2008.
Khi thông báo gởi quân đến vùng Donbas để hỗ trợ "gìn giữ hòa bình", Libération trên trang nhất lo lắng "Ukraine có nguy cơ đối mặt với chiến tranh". Tối thứ Ba, 22/02, tổng thống Nga còn gia tăng áp lực thêm một nấc khi khẳng định công nhận chủ quyền lãnh thổ của phe ly khai tại toàn bộ các vùng Lugansk và Donetsk. Và thỏa thuận liên kết phòng thủ giữa Moskva với hai nước cộng hòa tự xưng mở ra con đường "hợp pháp" cho một cuộc xâm chiếm của Nga tại những vùng của Donbas hiện do Kiev kiểm soát.
Trước mối họa này, nhật báo thiên hữu Le Figaro thì tự hỏi : "Putin sẽ còn đi đến đâu ?". Khi đơn phương công nhận độc lập cho vùng Donbas và gởi quân đội Nga đến đó, phải chăng ông Putin đã vượt lằn ranh đỏ sau cùng ?
Trả lời câu hỏi này của Le Figaro, sử gia và nhà thần học Jean-François Colosimo, giải thích rằng trong nhãn quan điện Kremlin, phương Tây, từ khi bức tường Berlin sụp đổ, chỉ có một mục tiêu duy nhất là hạ gục nước Nga bằng cách bao vây nước này.
Việc 11 nước Đông Âu gia nhập NATO càng củng cố thêm niềm tin đó. Trong cuộc chiến đa diện, một đòn phản công mà ngày nay Nga đang tiến hành, Moskva tin rằng phải xây dựng thành trì vững chắc tại các vùng sân sau.
Điều này giải thích cho những cuộc can thiệp của Nga tại Belarus, Kazakhstan, Gruzia, Transnistria, tại Crimea và giờ đây là vùng Donbas. Bởi vì, "Putin biết rất rõ là cả Mỹ lẫn Châu Âu sẽ không hy sinh một binh sĩ nào trong cuộc xung đột này. Và cái giá phải trả sẽ là những đòn trừng phạt kinh tế mới cho đến giờ ông ấy vẫn tự xoay sở được".
Và trong cuộc đọ sức này, "Ukraine đơn độc" như hàng tít nhận xét trên trang nhất của La Croix. Tuy "Ukraine có nhiều quan hệ đối tác với Liên Hiệp Châu Âu và NATO, nhưng không có được bảo đảm về an ninh". Phương Tây chỉ cung cấp cho Kiev các loại vũ khí, các chương trình huấn luyện nhưng không nhắm đến việc triển khai quân đội, theo như nhận xét của nhà nghiên cứu Elie Tenenbaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) với Libération.
"Thẳng tay trừng phạt" hay "giơ cao đánh khẽ" ?
Trước hành động hung hăng này của Nga, Les Echos trên trang nhất cho biết ngắn gọn : "phương Tây đáp trả". Nếu như Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhắm vào nhiều định chế và cá nhân Nga, đặc biệt là quyết định tạm đình chỉ cấp phép hoạt động cho đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi Nord Stream 2, Le Monde trong bài xã luận kêu gọi "trừng phạt mạnh mẽ chính quyền Nga".
Theo tờ báo, Moskva đã vi phạm một nguyên tắc nền tảng trong luật quốc tế, được các nước có tham gia ký kết Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, kể cả Nga – quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An chấp thuận : Sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các Nhà nước. Với thông báo hôm thứ Hai, nước Nga của ông Vladimir Putin, lần thứ hai trong vòng 8 năm đã công khai vi phạm nguyên tắc này.
Kateryna Yashchenko, chuyên gia về Ukraine, giáo sư trường đại học Mỹ Georgetown, trên mạng xã hội Twitter, được Le Figaro dẫn lại, cảnh báo phương Tây phải có phản ứng mạnh mẽ : "Nếu phản ứng yếu, Putin sẽ tiến lên, vượt lằn ranh đỏ mới. Tất cả đều phụ thuộc thái độ của Mỹ và Châu Âu. Nếu họ mạnh, thì ông ấy sẽ sợ".
Bởi vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, cho đến lúc này vẫn còn rất dè dặt, hạn chế, chưa có một tác động mạnh mẽ nào đối với các hành động của Nga, vốn dĩ sở hữu nhiều nguồn dự trữ tài chính. Đây cũng là một trong số các quốc gia có nguồn dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Những đòn đáp trả của phương Tây đã không đẩy lui được Nga ra khỏi Nam Ossetia, lãnh thổ Gruzia năm 2008, vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, cũng như là chấm dứt xung đột ở vùng Donbas, Ukraine. Hơn nữa, chủ đề trừng phạt, luôn làm dấy lên những chia rẽ trong nội bộ khối EU vì những lợi ích mâu thuẫn giữa các nước thành viên.
Trong bối cảnh này, mọi cặp mắt đều đổ dồn sang Mỹ. Báo chí Pháp lưu ý chớ có trông đợi nhiều vào Washington. Le Monde ghi nhận chính quyền Biden đã có một "phản ứng thận trọng trước hành động leo thang căng thẳng của Nga".
Theo nhật báo, quyết định của điện Kremlin tối thứ Hai 21/2, đã làm hỏng chiến lược phòng ngừa và răn đe mà Washington phát triển từ ba tháng qua, được dựa trên ba cột trụ chính : Tố cáo công khai các chiến dịch của Nga, ngay cả khi mới ở cấp độ ý đồ ; Chuẩn bị một gói trừng phạt cùng với các đồng minh và Tiến hành đối thoại ngoại giao với Moskva. Cả ba biện pháp này, tuy cho phép gắn kết phe phương Tây, nhưng lại không làm cho Nga đi trệch ra khỏi các ưu tiên của mình.
Le Figaro trong bài nhận định đề tựa "Joe Biden đang định lượng cách đáp trả trong khi phe Cộng Hòa hối thúc ông phải cứng rắn hơn", nhận thấy thế nan giải của chủ nhân Nhà Trắng trong việc tìm kiếm một cách đáp trả thích hợp đối với Nga.
Bởi vì, nếu "thẳng tay trừng phạt" như đòi hỏi của Ukraine và nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa, Joe Biden có nguy cơ bị tước mất những công cụ gây áp lực bổ sung nếu Nga lao vào những cuộc tấn công sắp tới. Nhưng nếu "đánh khẽ", nguyên thủ Mỹ có nguy cơ bị xem là đưa ra một tín hiệu yếu đuối, sau vụ sáp nhập hai vùng lãnh thổ Ukraine.
Trước thái độ lưng chừng này của Mỹ, xã luận của La Croix, kêu gọi Châu Âu nên cảnh giác, và đừng quên rằng mọi nỗ lực của Mỹ được dồn cho cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Châu Âu không thể trông cậy vào Mỹ và cũng không nên đi theo chiến lược của Mỹ. Kinh tế của Châu Âu gắn kết nhiều với Nga.
Các lợi ích của Châu Âu và Mỹ cũng không giống nhau. Đức đã lên tiếng đình chỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, toàn khối Liên Âu giờ phải hợp nhất, hành động có phối hợp đưa ra những thông báo trừng phạt mạnh mẽ. Vì cuộc khủng hoảng này diễn ra ngay trước cửa nhà, do vậy Liên Âu phải có chung một tiếng nói.
Khủng hoảng Ukraine trắc nghiệm tình bạn "Nga – Trung"
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine này, nhật báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến phản ứng của Trung Quốc. Trong bài viết đề tựa "Mắt nhìn Đài Loan, Bắc Kinh chơi trò cân bằng trong cuộc khủng hoảng Ukraine", thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh, Frédéric Shaeffer, giải thích, một mặt, Trung Quốc ủng hộ những đòi hỏi của Nga, chống việc "mở rộng NATO", chia sẻ nguyện vọng của Nga muốn Ukraine nằm ngoài khối liên minh quân sự này.
Lập trường này của Bắc Kinh cũng đã có từ lâu, luôn phản đối các liên minh quân sự. Sự xích lại gần này giữa Nga và Trung Quốc đã gây sự chú ý cho lãnh đạo nhiều nước Châu Âu. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra cuối tuần rồi tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc đang "tìm cách thay thế các quy định quốc tế hiện hữu".
Nhưng sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Moskva cũng có giới hạn. Trung Quốc không muốn bị lôi kéo bất đắc dĩ vào một cuộc xung đột có nguy cơ gây tổn hại cho những lợi ích của nước này trong khu vực và làm xuống cấp hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Les Echos nhắc lại Trung Quốc có hàng tỷ đô la hợp đồng với Ukraine, cũng như là việc mua trang thiết bị quân sự với Ukraine.
Chính trong bối cảnh này mà ngoại trưởng Vương Nghị tại Hội thảo Munich kêu gọi một giải pháp hòa bình, nhấn mạnh đến tính thiết yếu của việc "bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", khi trao đổi điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ, Anthony Blinken.
Tuy nhiên, thế cân bằng này có nguy cơ không trụ được lâu, vào thời điểm Liên Âu chuẩn bị các công cụ trừng phạt Nga. Trung Quốc sẽ phải có lập trường rõ ràng và cho biết nước này có tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây hay là sẽ tìm cách giúp Nga tránh các đòn phạt đó.
Cùng lúc, Bắc Kinh cũng nhìn về phía Đài Bắc, quan sát kỹ lưỡng tầm mức phản ứng của phương Tây, nhất là từ phía Mỹ. Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã cảnh báo : Trung Quốc rất có thể lợi dụng khủng hoảng Ukraine để thử "khiêu khích" tại Châu Á. Cuộc khủng hoảng Ukraine chắc chắn là một phép thử về sự quyết tâm của chính quyền Biden !
Ngoài ra các báo Pháp cũng nói đến những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Ukraine. Giá dầu thô trên thế giới tăng vọt lên đến 100 đô la/thùng, có lợi cho Nga, quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Trong khi nguồn dự trữ khí đốt của Châu Âu sắp cạn kiệt, giới chuyên gia cảnh báo, "những căng thẳng ở Ukraine có nguy cơ đẩy giá dầu tăng cao thêm nữa".
Cuộc đọ sức này với Nga đã làm lộ rõ sự phụ thuộc quá lớn của Châu Âu vào nguồn cung khí đốt Nga. Les Echos nhận định "Châu Âu rơi vào bẫy lâu dài khí đốt Nga". Trong ngắn và trung hạn, Liên Hiệp Châu Âu chưa thể bỏ khí đốt của Nga. Trong chiếc bẫy này, nước Đức là bị ảnh hưởng nặng nhất so với láng giềng Pháp.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương : Bắc Kinh cảnh cáo Paris và Châu Âu
Khủng hoảng Ukraine còn chê khuất một sự kiện khác không kém phần quan trọng đối với an ninh Châu Á : Hội nghị cấp cao về Ấn Độ - Thái Bình Dương do Pháp tổ chức tại Paris, với sự họp mặt của Liên Hiệp Châu Âu và 30 quốc gia trong khu vực.
Thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Le Maitre, có bài nhận định chính sách hợp tác tích cực của Paris trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh khó chịu, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Trả lời câu hỏi của Le Monde, ông Cui Hongjian, nhà cựu ngoại giao, hiện là giám đốc phụ trách mảng Châu Âu, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Bắc Kinh cảnh báo Châu Âu rằng "Nga không xem Bruxelles như là một đối tác đối thoại. Putin chỉ nói chuyện với Đức và Pháp. Ông ấy cũng muốn Trung Quốc làm điều tương tự nhưng Bắc Kinh không chấp nhận. Trung Quốc tiếp tục xem Châu Âu như là một bên đối thoại hợp pháp. Châu Âu không nên quên điều đó !"
Le Figaro cho biết "Singapore chìa tay với Châu Âu". Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, và trước nguy cơ phải chọn phe giữa một bên là Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của đảo quốc và bên kia là Hoa Kỳ, nguồn bảo đảm an ninh ở Biển Đông cho khu vực, ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi Châu Âu tăng cường sự hiện diện, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi !
Minh Anh
Ngày 24/2/2022 đã đi vào lịch sử thế giới. Vào lúc 5 giờ sáng, theo giờ địa phương, quân đội Nga đã tấn công toàn diện đất nước Ukraine trên khắp các mặt trận, bao gồm trên không, trên bộ và trên biển bằng các loại vũ khí hiện đại nhất.
Đa số người dân Ukraine cho đến phút cuối vẫn không tin Putin sẽ tấn công vì nó quá vô lý. Hầu như cuộc sống của người dân Ukraine vẫn diễn ra bình thường cho đến sáng sớm ngày 24/2, khi tiếng nổ của đạn pháo hạng nặng rền vang khắp lãnh thổ Ukraine.
Mặc dù đã chuẩn bị để ứng phó với một cuộc tấn công toàn diện từ phía Nga nhưng quân đội Ukraine không khỏi bất ngờ khi các cuộc tấn công được khai hỏa lúc 5 giờ sáng và trước đó một tuần Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine.
Theo các thông tin từ chính phủ Ukraine, quân đội Nga đã bắn tên lửa tầm xa vào các khu vực quân sự như sân bay, căn cứ quân sự và bộ chỉ huy quân đội. Bộ binh Nga sau đó đã tiến vào lãnh thổ Ukraine. Giao tranh đã diễn ra giữa quân đội Nga và Ukraine. Một số địa điểm quan trọng của Ukraine tại các vùng giáp ranh với Donbass (khu vực bị quân ly khai chiếm đóng từ năm 2014) đã bị quân đội Nga chiếm giữ vào lúc sáng sớm nhưng đến tối đã bị quân đội Ukraine phản công và kiểm soát trở lại.
Trên các phương tiện truyền thông thì có vẻ Ukraine đang lép vế và quân Nga đang làm chủ tình hình. Sự thật không phải như vậy. Một số clip được chia sẻ trên mạng cho thấy hàng chục chiếc xe tăng hiện đại của quân đội Nga bị thiêu cháy khi tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Cuộc chiến thông tin trên mạng đang diễn ra ác liệt hơn nhiều so với thực tế. Quân đội Ukraine sau khi bất ngờ vì bị tấn công trên khắp lãnh thổ đã tổ chức các cuộc phản công quyết liệt và đã gây rất nhiều tổn thất cho quân đội Nga. Thông tin chi tiết chúng ta sẽ được biết rõ trong vài ngày tới.
Ít nhất đã có 6 máy bay Nga bị bắn hạ, 15 chiếc xe tăng T-72, được xem là hiện đại nhất của Nga đã bị quân đội Ukraine bắn cháy. Phía Ukraine cũng đã có tổn thất về nhân mạng, 40 thường dân và 10 binh sĩ đã thiệt mạng. Hiện tại quân đội Ukraine vẫn kiểm soát được tình hình tại các khu vực bị Nga tấn công. Quân Ukraine đã phản công và chiếm lại làng Shchastya (thuộc vùng Donbass) và tiêu diệt 50 quân Nga.
Quân đội Ukraine đang phản công mạnh mẽ. Nhiều xe tăng Nga bị bắn hạ khi tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga. Tổng thống Ukraine, Vladymyr Zelensky lên truyền hình kêu gọi tổng động viên và tuyên bố áp dụng chế độ khẩn cấp (thiết quân luật) đồng thời kêu gọi người dân Nga biểu tình phản đối sự hiếu chiến của Putin. Người dân Ukraine vẫn bình tĩnh và sự yên lặng bao trùm lên Ukraine thay vì hoảng loạn và bất an dù thỉnh thoảng tiếng đạn pháo vẫn nổ rền vang khắp mọi nơi.
Putin, kẻ khai mào cho cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine biện bạch rằng Ukraine là một nhà nước phát xít, đang truy bức người gốc Nga tại Ukraine... hoàn toàn là sự bịa đặt và vu khống. Ukraine đã lựa chọn đi theo con đường dân chủ của Châu Âu và một nước Ukraine dân chủ mới là một đe dọa thật sự cho nhà nước toàn trị của Putin.
Putin và một số người ủng hộ Putin cho rằng Putin phần nào cũng có lý vì Ukraine cho tới gần đây là một phần của Nga... Cần phải dứt khoát bác bỏ lập luận này. Nền tảng duy nhất là luật pháp quốc tế. Ukraine là một nước độc lập, thành viên của Liên Hiệp Quốc từ 30 năm nay, chủ quyền được cả thế giới, kể cả Liên Bang Nga nhìn nhận. Nói rằng Ukraine trong suốt dòng lịch sử là thành phần của Nga là sai ngay cả về mặt lịch sử nhưng còn rất nguy hiểm cho hòa bình. Nói như thế thì Trung Quốc cũng có thể xâm chiếm Việt Nam nhân danh lý do lịch sử rằng cho tới thế kỷ thứ 10, Việt Nam là một quận huyện của họ và sau đó luôn luôn là một thuộc quốc, các vua Việt Nam phải xin được tấn phong...
Putin rõ ràng đã điên loạn. Cuộc chiến với Ukraine lần này sẽ hủy hoại nước Nga. Cả thế giới, trừ một số nước độc tài, đã mạnh mẽ lên án Putin. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, sáng nay cho biết EU cần chấm dứt sự lệ thuộc vào khí đốt từ Nga. Nên biết 40% GDP của Nga đến từ việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt và khách hàng lớn nhất của Nga là EU. Các biện pháp cấm vận và trừng phạt Nga sẽ lớn chưa từng có từ trước đến nay. Các nước dân chủ đã nhân nhượng và ưu ái quá nhiều cho Putin trong quá khứ vì không ai muốn chiến tranh. Không ai muốn gây sự với một tên khùng có súng. Thời kỳ hòa hảo đó đã chấm dứt. Nga đã đơn phương xé bỏ mọi luật lệ và cam kết với thế giới. Thế giới cũng chẳng còn lý do gì để nhân nhượng với Nga. Một cuộc chiến toàn diện với Nga sẽ diễn ra trong thời gian tới, trên mọi lãnh vực trừ quân sự.
Nước Nga sẽ trả giá đắt cho sự phiêu lưu quân sự của Putin. Thị trường chứng khoán Nga sụp đổ khi mất 20% trong ngày 24/2. Đồng Rúp Nga đã rơi tự do khi vượt mốc 100 Rúp/1USD. Nên biết trước khi Nga kéo quân lên biên giới Ukraine thì chỉ 60 Rúp đổi 1 USD. Điều này có nghĩa là đồng tiền Nga đã mất giá gần 100%. Người dân Nga đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh với Ukraine tối 24/2 tại 50 thành phố và hơn 1.400 người đã bị bắt giữ.
Hiện tại những thông tin cụ thể về cuộc chiến vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là Nga sẽ phải trả một giá rất đắt và quân đội Ukraine sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Quân đội Ukraine đã khác xa so với thời năm 2014. Vũ khí của quân đội Ukraine đã được nâng cấp và hiện đại hơn khi được các nước đồng minh như Mỹ, Anh giúp đỡ. Tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine cũng đã khác. Họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc chứ không còn phân tâm như hồi 2014.
Thái độ của Mỹ và EU với Putin cũng đã thay đổi. Mọi thiện chí của họ đã bị Putin vứt vào sọt rác. Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine sẽ là giọt nước tràn ly. Từ nay trở đi, dù có bất đồng đến đâu thì Mỹ và EU cũng phải bỏ qua một bên để cùng đương đầu với Putin. Mỹ và EU sẽ không đem quân vào Ukraine nhưng họ sẽ hỗ trợ cho Ukraine một cách toàn diện, từ tài chính, kinh tế đến vũ khí. Các biện pháp cấm vận và trừng phạt mạnh mẽ nhất với Nga sẽ được áp dụng cho đến khi Nga sụp đổ. Cuộc chiến không tiếng súng này sẽ là "một mất một còn". Putin đã phá vỡ trật tự thế giới sau 77 năm, kể từ khi kết thúc Thế chiến 2.
Thế giới đã và đang thay đổi một cách sâu sắc. Nước Nga của Putin đã lao vào một cuộc chiến hủy diệt. Liệu Trung Quốc có nhân cơ hội này để xâm chiếm Đài Loan và Biển Đông không ? Theo chúng tôi điều đó có lẽ không xảy ra vì Trung Quốc cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong nội bộ. Cuộc "hôn nhân" bất đắc dĩ giữa các nước độc tài mà đại diện là Nga và Trung Quốc với các nước dân chủ đã đến hồi kết thúc. Một trật tự thế giới mới đang hình thành và các chế độ độc tài sẽ không có tương lai.
Việt Hoàng
(24/2/2022)
Trong khi các đòn gió được hai bên thi triển trên đầu dân Ukraine, thì vẫn còn một câu hỏi quan trọng : Ông Putin có thực sự muốn đánh hay không ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dùng Ukraine làm sàn khiêu vũ với Mỹ và các nước NATO. Bản đồ quân đội Nga bao vây Ukraine
Tục ngữ Nga có câu : "Khi anh khiêu vũ với một con gấu thì anh muốn ngưng cũng không được. Con gấu sẽ quyết định".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dùng Ukraine làm sàn khiêu vũ với Mỹ và các nước NATO. Bao giờ ông Putin quyết định ngưng thì các nước khác mới được nghỉ.
Điều may mắn là cho tới nay cuộc chiến vẫn chỉ gồm những "đòn gió". Hai bên đấu nhau bằng lời nói, chưa dùng chất nổ. Ông Putin tung ra những tin bịa đặt để gây hấn. Ông cố ý dùng các tín hiệu bất đồng, có khi mâu thuẫn, để chia rẽ bên địch. Không thể đoán ông ta tính đánh thật hay không ? Bao giờ thì đánh ? NATO và Mỹ tuy đồng ý phải ngăn không để Nga uy hiếp Ukraine nhưng vẫn xé lẻ.
Chính phủ Mỹ liên tiếp cảnh cáo rằng ông Putin sắp đánh đến nơi. Tổng thống Pháp, thủ tướng Đức lần lượt sang Nga rồi về ghé Ukraine, tuyên bố còn hy vọng. Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn khuyên dân Ukraine bình tĩnh sinh hoạt bình thường. Nhưng tuần trước ông cũng báo động rằng ông nghe nói Nga sẽ đánh vào ngày 16 tháng Hai. Ông kêu gọi dân Ukraine trong tất cả các làng, xóm, hãy treo quốc kỳ, mang màu cờ xanh, vàng, và cất tiếng hát quốc ca vào đúng 10 giờ sáng cùng ngày Thứ Tư. Sau đó, ông minh xác rằng ông chỉ nghe nói như vậy chứ không biết chắc.
Các nước Tây Âu cho rằng ông Vladimir Putin chỉ dọa. Đưa 130,000 quân Nga đến biên giới Ukraine để "tháu cáy". Không phải vì họ coi thường tham vọng bành trướng của ông, nhưng vì họ biết Putin là con người nham hiểm, không đơn giản như người Mỹ tưởng. Biết Mỹ và các nước Âu Châu, trừ Anh quốc, không nhất trí, Putin có thể dùng các đòn gió để chơi trò mèo vờn chuột. Cứ dập dình lúc cứng lúc mềm, Vladimir Putin sẽ được lợi hơn.
Năm ngoái Nga đã phao tin rằng Mỹ, NATO và Ukraine đang âm mưu đánh vào vùng Donbas nhằm triệt hạ những người gốc Nga ở Ukraine đang muốn ly khai. Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei K. Shoigu còn nói 120 người Mỹ đã mang "các bộ phận vũ khí hóa học", không nói rõ là cái gì, vào miền Đông Ukraine, nơi nhiều người Nga sống, để khiêu khích. Chính phủ Ukraine phải ngưng hành quân trong vùng này để Putin không lấy cớ tấn công.
Ông Putin lại tố cáo chính Mỹ và NATO gây hấn trước ! Ông đem quân đội và hỏa tiễn vào cả nước chư hầu Belarus ở biên giới phía bắc Ukraine, một tháng sau lại báo tin đang rút về. Ông nói đang đưa quân ở biên giới Ukraine về căn cứ cũ nhưng cùng lúc đó, 30 chiến hạm, cả hàng không mẫu hạm Nga bắt đầu tập trận với đạn thật trong Hắc Hải
Ông Putin có khả năng nói những điều dựng đứng mà không đỏ mặt, khiến các người đối diện ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Nhà báo Peter Baker, tờNew York Times, kể rằng một lần sau khi Mỹ tăng thuế nhập cảng thép từ Nga, ông Putin gặp cựu Tổng thống George W. Bush ; ông đã nói phải cấm nhập cảng đùi gà của Mỹ để trả đũa. Nhưng ông nói thêm, cũng bởi vì Mỹ cố ý chỉ bán đùi gà loại xấu cho dân Nga ăn. "Tôi biết các ông có những nhà máy làm thịt gà khác nhau, loại bán cho Nga khác với loại dùng trong nước Mỹ !" Ông nói thẳng với ông Bush. Ông Bush kinh ngạc, "Vladimir ! Ông nói sai rồi !" Nhưng Putin vẫn quả quyết : "Dân Nga báo cáo với tôi như vậy !"
Trong cuốn hồi ký của ông, Tổng thống Bush kể cuộc nói chuyện giữa hai người năm 2005 ở Bratislava, thủ đô Slovaka. Ông Putin bào chữa cho chính sách kiểm soát báo chí của mình, "Đừng lên lớp dạy tôi về tự do báo chí ; sau khi các ông đã trừng phạt nhà báo đó !" Ông Bush hiểu ngay, hỏi, "Vladimir, ông muốn nói đến Dan Rather ?" "Đúng vậy". Ông Bush không thể giải thích cho ông Putin hiểu rằng chính phủ Mỹ không có quyền sa thải một nhà báo, chỉ có đài truyền hình chủ nhân của Dan Rather quyết định.
Người ta thường nói "con mắt là cửa sổ tâm hồn". Khi làm phó tổng thống, một lần gặp Putin, Bush đã nói, "Nhìn vào mắt ông tôi không thấy linh hồn ! Ông Putin cười trả lời : "Chúng mình hiểu nhau !" Ông Joe Biden đã từng gọi ông Putin là "Tên sát nhân", (killer) ; khi Putin hỏi thì Biden xác nhận đúng như vậy. Nhiều người đối lập với Putin đã bị ám sát. Nữ ký giả Anna Poitkovskaya tường thuật về cuộc chiến ở Checknya đã bị bắn chết năm 2006 trong thang máy, sau khi đã bị đe dọa nhiều lần vì tố cáo các hành động tàn bạo của quân Nga.
Với những đòn gió của ông Putin, chính phủ Mỹ đã rút kinh nghiệm và đáp lại bằng các đòn gió khác !
Chính phủ Mỹ mở chiến dịch tiết lộ các tin tức về hoạt động quân sự Nga đang toan tính ở Ukraine. Kế hoạch rất giản dị : Các cơ quan tình báo Mỹ được phép thuyết trình cho các đại biểu quốc hội, họ đem chia sẻ với các nhà báo, những người này lại đặt thêm câu hỏi với bộ ngoại giao, bộ quốc phòng ! Các báo, đài tung tin cho công chúng biết.
Tháng 12 năm ngoái, tình báo Mỹ báo trước Nga sẽ đưa 175,000 binh sĩ chuẩn bị đánh Ukraine. Sau đó, họ cập nhật tin tức về quân số Nga tăng cường từng ngày, từng tuần lễ. Họ báo tin quân Nga đã đầy đủ hỏa lực để, nếu muốn, tiến quân trong một tháng, trong một tuần. Tình báo Anh phụ họa, tiết lộ một âm mưu lật đổ tổng thống Ukraine do Nga đạo diễn. Mỹ lại cho biết Nga đã chuẩn bị một đoạn video giả tạo cảnh quân Ukraine tấn công những người gốc Nga để Putin kiếm cớ đem quân vào cứu ! Những tin tức đó có thể do các chính phủ Mỹ, Anh bịa đặt ra không ? Chúng ta biết rằng dư luận dân chúng các nước đó rất sắc mắc, các chính phủ này nói dối sẽ bị dân nước họ khui ra liền.
Quan chức Mỹ tuần trước nói tình báo mới cho thấy quân Nga đã chuẩn bị xong rồi, có thể tấn công trong bốn, năm ngày. Chính phủ Mỹ ra lệnh gia đình các nhân viên sứ quán trở về nước, chính phủ mấy nước Âu Châu làm theo. Sứ quán Mỹ được thu gọn, cũng được đưa ra khỏi thủ đô Kyiv đến một thị xã khác.
Những thủ đoạn đánh đòn gió này có thể khiến ông Putin thấy bên địch đã biết trước, phải trì hoãn không đánh ngay. Nhận xét về trò mới này, Beth Sanner, một người từng thuyết trình tin tình báo cho cựu Tổng thống Donald J. Trump, nói, "Hay lắm ! Tôi nghĩ những tiết lộ này sẽ khiến ông Putin và Tình báo Nga choáng váng. Hơn nữa, ông ta sẽ mất nhiều tự do hành động và có thể suy nghĩ lại !"
Trong khi các đòn gió được hai bên thi triển trên đầu dân Ukraine, thì vẫn còn một câu hỏi quan trọng : Ông Putin có thực sự muốn đánh hay không ?
Ngay việc đưa hàng trăm ngàn quân tới biên giới Ukraine, ông Putin cũng có thể chỉ đánh một đòn gió. Ông muốn dân Nga tin tưởng rằng ông thiết tha tái lập vùng ảnh hưởng của nước Nga như thời Nga hoàng và thời Xô Viết. Dân Nga tin như vậy là đủ rồi.
Một điều chắc chắn là Vladimir Putin luôn tính toán lợi hại, biết mềm nắn, rắn buông. Ông ta không bao giờ dự vào một cuộc chiến, lớn hay nhỏ, nếu không biết chắc mình sẽ thắng. Năm 2018 ở Syria, quân đội Mỹ đã tấn công, giết chết nhiều người lính đánh thuê do Nga gửi qua. Putin có thể trả đũa, nhưng ông lờ đi, làm như không biết chuyện. Năm 2020, khi Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, đánh Armenia, một đồng minh thân cận của Nga, ông Putin không hề đưa một ngón tay ra để cứu. Lính đánh thuê của Nga ở Lybia và Syria bị các máy bay không người lái TB2 đuổi, giết, Putin cũng không làm gì chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bán hàng chục chiếc TB2 cho Ukraine. Ngày 3 tháng 2 vừa qua hai vị tổng thống Volodymyr Zelensky và Recep Erdogan đã ký kết hợp đồng cho hai nước hợp tác chế tạo mở nhà máy ở Ukraine. Những máy bay nhỏ này không thể giúp Ukraine đẩy lui được quân Nga nhưng cho biết trước cuộc chiến tranh sẽ rất tốn người hại của, trong lúc dân Ukraine vẫn cương quyết kháng cự, thà chết không chịu nhục. Ông Putin có thể vì thế mà "nghĩ lại !"
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 16/02/2022
Tuy đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng Ukraine vẫn là chủ đề được chú ý nhất trên báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa "Ukraine : Phương Tây tỏ ra thận trọng", La Croix ghi nhận "Moskva mưa nắng thất thường".
Ảnh cắt từ video do Bộ quốc phòng Nga cung cấp ngày 15/02/2022 : Các xe bọc thép được đưa về Nga sau cuộc tập trận. AP
Sau nhiều tuần lễ căng thẳng và tám ngày ngoại giao dồn dập, Nga bắt đầu rút đi vài đơn vị. Phương Tây thở phào nhưng không thể tin tưởng. Hôm qua 16/02, Nhà Trắng lặp lại mối đe dọa từ Nga vẫn hiển hiện, và lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm nay bàn bạc về tình hình Ukraine.
La Croix nhận định"Xuống thang, vũ khí mới của Moskva". Khi loan báo rút quân, Nga chừng như loại bỏ khả năng gây chiến, nhưng không hề nhượng bộ về yêu sách. Pháp nói rằng có vài lý do để hy vọng, nhưng cần kiểm tra lại thực tế có rút quân hay không, lãnh đạo ngoại giao EU Josep Borrell cũng có ý kiến tương tự. Theo báo Nga Izvestia, hai trong số ba sư đoàn bộ binh cơ giới đã rời Crimea những ngày gần đây, đóng quân thường trực tại vùng Rostov và Voronej gần biên giới Ukraine.
Chuyên gia về quân đội Nga, Michael Kofman nhận thấy về mặt bố trí lực lượng, chưa hề có bằng chứng xuống thang, chỉ khi nào quân Nga rút khỏi Belarus sau cuộc tập trận sẽ kết thúc ngày 20/02. Ngoại trưởng Belarus, Vladimir Makei cam kết "sẽ không có một lính Nga nào lưu lại", nhưng ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lưu ý "Có sự khác biệt giữa những gì Nga nói và làm". Theo ông Kofman, Nga khó duy trì lâu dài một lực lượng đông đảo như vậy, về mặt logistic chỉ trụ được vài tuần.
Vậy Moskva muốn gì ? Nga tiếp tục gây hoang mang qua việc phát ra những dấu hiệu trái ngược với nhau. Sau tuyên bố chỉ rút quân "từng phần", Quốc hội Nga ra nghị quyết "kêu gọi" Kremlin công nhận độc lập của các lãnh thổ ly khai miền đông Ukraine. Động thái này giúp Moskva gây áp lực trong đàm phán. Về phía NATO khẳng định muốn thấy "một cuộc rút quân thực sự, lâu dài, chứ không chỉ là chuyển quân liên tục".Phương Tây kiên quyết với các nguyên tắc trong thỏa thuận Helsinki 1975 : tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tự do lựa chọn liên minh. Ông Michel Duclos, cố vấn Viện Montaigne giải thích, nếu đơn phương nhượng bộ, Nga sẽ đòi hỏi tiếp.
Liệu có thể xuống thang được hay không ? Còn phải chờ đợi cuộc họp "Normandie" (Pháp, Đức, Nga, Ukraine) đầu tháng Ba, họp song phương Nga-Mỹ, đối thoại trong khuôn khổ OSCE. Nhưng ông Dulos dự báo Moskva tiếp tục gây bất ổn cho Kiev, và không loại trừ hoạt động quân sự của Nga trên toàn bộ hay một phần lãnh thổ Ukraine trong vài tháng tới. Marie Dumoulin, Hội đồng Đối ngoại Châu Âu có cùng ý kiến. Song song đó, Nga tìm cách duy trì sức ép mạnh mẽ qua việc đóng quân sát biên giới Ukraine, tấn công tin học và nhiều công cụ khác.
Trả lời Le Monde, ông Tytti Tuppurainen, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu của Phần Lan cũng đánh giá "không thể loại trừ nguy cơ Nga tấn công Ukraine".
Vị bộ trưởng bác bỏ ý tưởng "Phần Lan hóa" đối với Ukraine, cho rằng đó là khái niệm trong chiến tranh lạnh nay đã lỗi thời, "không nên hà hơi cho những bóng ma cũ". Phần Lan hoàn toàn ủng hộ việc Kiev có quyền tự do chọn lựa, không phải Kremlin ra lệnh cho người Ukraine phải làm gì. Theo ông, vấn đề đối với Châu Âu không chỉ là quan hệ kinh tế với Moskva. Putin không chỉ tấn công vào một lãnh thổ là Ukraine, mà cả những giá trị phương Tây : nhân quyền, dân chủ, Nhà nước pháp quyền…
Liệu ông Putin có hài lòng với kết quả của chiến dịch thị uy ? Trả lời Libération, nhà nghiên cứu Maxim Sushkov cho rằng sau khi Moskva hạ nhiệt hôm thứ Ba 15/02 sẽ là một vòng xung đột mới. Theo giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, ván cờ vẫn chưa kết thúc vì Vladimir Putin chừng như chưa đạt được những gì đã đòi hỏi.
Nhà nghiên cứu cho rằng sự xuống thang bắt đầu sau chuyến thăm của thủ tướng Đức Olaf Scholz chứ không phải ông Macron, càng không phải nhờ Anh. Một mặt, Nga muốn siết lại quan hệ hữu nghị với tân thủ tướng, mặt khác, do Berlin không cung cấp vũ khí cho Kiev bất chấp những chỉ trích. Đây là lúc Putin cho thấy ông ta muốn được đối xử như thế nào, và các nước phương Tây khác cần phải "noi gương".
Cũng theo chuyên gia Sushkov, Moskva mất nhiều hơn được. Tình hình đã được chỉnh đốn. Nga muốn thanh toán mối hận từ 30 năm với phương Tây, nhưng trong cách diễn đạt của phương Tây lại trở thành một cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Tất cả những tuyên bố, điện đàm giữa các nhà lãnh đạo, với Putin, những chuyến đi Moskva đều hướng về việc giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Và không còn ai nói về các yêu sách của Moskva hồi tháng 12/2021. Đó là chiến thắng về mặt truyền thông của phương Tây, biến một chủ đề khủng hoảng an ninh toàn cầu thành khủng hoảng khu vực xung quanh Ukraine.
Câu hỏi đặt ra là Vladimir Putin, người khởi đầu mọi thứ, có hài lòng với kết quả, có nghĩa là tiếp tục đối thoại về chủ đề mà ông ta coi là "hạng hai" ? Nếu không, sẽ diễn ra một đợt căng thẳng mới, chẳng hạn Pháp, Đức thất bại trong việc gây áp lực lên Kiev để thực hiện thỏa thuận Minsk. Một khả năng khác là tiếp tục sa lầy, vấn đề mở rộng NATO không được giải quyết. Và tuy Putin luôn được nghe rằng Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO, ông ta không nhận được bảo đảm pháp lý như đã đòi hỏi.
Còn về việc Quốc hội Nga đòi công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, có thể là chiến dịch truyền thông hướng về phương Tây. Để trình ra bộ mặt tử tế của Putin, trước những con diều hâu sẽ trả lời "Hãy dành cơ hội cho ngoại giao, tôn trọng thỏa thuận Minsk, vùng Donbas vẫn thuộc về Ukraine với điều kiện người nói tiếng Nga được tôn trọng". Đồng thời là cơ hội đưa ra ván bài tẩy : "Nếu không tìm được tiếng nói chung, tôi buộc phải tuân theo ý muốn của đa số đồng bào, nhìn nhận hai nước cộng hòa này".
Về phía Kiev, La Croix cho biết"Ukraine chứng tỏ tình đoàn kết trước đe dọa của Nga". Đúng vào ngày 16/02, được cho là Nga sẽ xâm lăng Ukraine, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố "Ngày Đoàn kết Dân tộc".
Một loạt sự kiện được tổ chức, từ việc treo quốc kỳ hai màu xanh vàng trên khắp các đường phố, cho đến "Chuyến tàu kết đoàn" du hành theo chiều rộng đất nước 1.800 kilomet kể từ hôm nay 17/02. Tất cả các đài truyền hình trình chiếu những chương trình đặc biệt : tranh luận về cách phòng vệ, ca ngợi những "lực lượng bảo vệ lãnh thổ" dân sự… Vốn là một trong những nhân vật kín tiếng nhất Ukraine, nhà tài phiệt ngành luyện kim Rinat Akhmetov xuất hiện trước truyền thông tại Mariupol, hải cảng nằm cách tiền tuyến chưa đầy 15 kilomet cùng với một doanh nhân giàu có khác là Vadim Novinsky, ca ngợi "một Ukraine vững vàng, hòa bình và xinh đẹp".
Nỗ lực của chính phủ trong những ngày gần đây bị ảnh hưởng bởi sự ra đi ồ ạt của phương Tây trước nguy cơ Nga tấn công, từ nhân viên ngoại giao đến các cố vấn quân sự, tạo cảm giác Ukraine bị bỏ rơi. Một đợt di tản khác ngày 13/02 đặc biệt làm Kiev tức giận : khoảng 20 máy bay tư nhân của một số người giàu nhất nước. Tổng thống Zelensky một ngày sau đó đã ra lệnh phải quay lại "trong vòng 24 giờ". Dù đã ra đi từ cuối tháng Giêng nhưng lo lắng cho hình ảnh của mình, tỉ phú Rinat Akhmetov đã tuân theo.
Le Monde đề cập đến một khía cạnh khác : Phía sau cuộc khủng hoảng Ukraine là nguy cơ vũ khí nguyên tử lại được triển khai ở Belarus. Tờ báo nhắc lại một bài tường thuật cách đây gần 30 năm về hội nghị thượng đỉnh Budapest ngày 05/12/1994. Tổng thống Mỹ Bill Clinton cổ vũ cho việc mở rộng NATO sang Đông Âu, ông hứa : "Không một nước nào tự động bị ngăn vào NATO, và chúng ta không cho phép một quốc gia bên ngoài nào phủ quyết việc mở rộng này". Boris Yeltsin đáp lời : "Tại sao lại gieo rắc hoài nghi khi chúng ta không còn là kẻ thù ?". Thủ tướng Anh John Major đề nghị "không phủ quyết đối với Nga".
Một văn bản quan trọng được ký kết : bản ghi nhớ Budadest. Theo đó, Ukraine, Belarus và Kazakhstan, ba nước cộng hòa ra khỏi Liên Xô ba năm trước đó, chấp nhận chuyển giao cho Nga những vũ khí nguyên tử xô-viết trên lãnh thổ nước mình.
Cơn ác mộng của Washington sau khi Liên Xô sụp đổ là phải đối phó với bốn cường quốc nguyên tử bất ổn thay vì một. Thế nên chính quyền Bush gây sức ép với ba Nhà nước mới, đổi lại họ được viện trợ kinh tế và nhất là được "bảo đảm" toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng hai mươi năm sau, Vladimir Putin, người kế nhiệm ông Yeltsin, xâm chiếm Crimea của Ukraine !
Điều ít người biết là bản ghi nhớ Budapest giờ đây một lần nữa có cơ bị vi phạm, lần này là từ Belarus. Năm 1994, Hiến pháp nước này khẳng định là "Nhà nước trung lập", không vũ khí hạt nhân. Được bầu lên cùng năm, Lukashenko gởi trả đầu đạn nguyên tử của 80 hỏa tiễn SS-25 cho Nga. Tuy nhiên ông ta chỉ tháo dỡ một trong những địa điểm phóng hỏa tiễn, sự kiện này chỉ được Lukashenko thú nhận vào tháng 11/2021. Sau vụ gian lận bầu cử tháng 8/2020 làm dấy lên phong trào phản kháng, Lukashenko cầu viện Putin và giữ được ghế, nhưng phải trả giá bằng sự lệ thuộc.
Ngày 04/11/2021, Nga và Belarus thông qua chủ thuyết quân sự chung. Tuy không được tiết lộ, nhưng Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết theo đó Minsk không còn là Nhà nước trung lập, không vũ khí nguyên tử. Một ngách nguy hiểm đã được mở ra, tuy trong dự thảo Hiến pháp mới sẽ được "trưng cầu dân ý" thông qua ngày 27/02 tới, phương Tây chỉ chú ý đến việc Lukashenko nắm quyền đến năm 2035.
Les Echos quan tâm đến"Trung Quốc-Nga : Một cặp bài trùng mới chống Mỹ". Nếu Hoa Kỳ thời Nixon xích lại gần Bắc Kinh cách đây đúng 50 năm để cô lập Liên Xô, thì ngày nay chính Trung Quốc bắt tay với Nga để chống lại ảnh hưởng Mỹ.
Hiếm khi lịch sử lại quay ngoắt rõ rệt như vậy. Tam giác chiến thuật thời chiến tranh lạnh giờ đây được Bắc Kinh áp dụng, để thay đổi trật tự thế giới vào lúc nước Mỹ trở nên dễ tổn thương. Cuộc hôn phối mới tạo thuận lợi cả về kinh tế lẫn địa chính trị. Nga sở hữu khí đốt mà Trung Quốc rất cần, còn Bắc Kinh với lượng ngoại hối khổng lồ và Con đường tơ lụa, giúp Nga thêm sức nặng trong tham vọng lãnh thổ. Cả Tập Cận Bình lẫn Vladimir Putin đều tin rằng Hoa Kỳ muốn ngáng chân mình. Với Trung Quốc là thuế quan của Donald Trump, dự án TPP, AUKUS ; còn với Nga là NATO. Putin mang lại chính xác những gì mà Tập cần : một đối tác có thể gây bất ổn cho liên minh phương Tây và đánh lạc hướng sự chú ý của Mỹ đối với Trung Quốc, giúp mở cánh cửa cho Trung Quốc cất cánh thành đại cường số một thế giới.
Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên vì kinh tế của địch thủ suy sụp. Ngay thì kinh tế Mỹ đang yếu đi trong khi Trung Quốc đang lên. Cuộc chiến tranh lạnh mới khác hẳn cuộc chiến trước, nhưng tác giả bài viết, nhà kinh tế Stephen S. Roach tiếc rằng nước Mỹ dường như vẫn đang ngủ quên.
Nhìn sang Châu Phi, một chủ đề lớn khác hôm nay là việc Pháp chuẩn bị kết thúc chiến dịch Barkhane. Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề "Tạm biệt, Bamako !" nhận định tốt nhất Pháp nên rút ra bài học về thất bại ở Mali.
Sau một thập niên truy lùng quân thánh chiến tại vùng Sahel, với 53 chiến sĩ ngã xuống, chiến dịch viễn chinh dài nhất của Pháp sau cuộc chiến Algeria đã đạt đến hồi kết. Pháp không còn được hoan nghênh tại đất nước đã kêu cứu với Paris năm 2012, vì tập đoàn quân sự cầm quyền bằng đảo chánh, với đồng minh mới là lực lượng lính đánh thuê của Putin, đồng lõa với quân Hồi giáo muốn Pháp ra đi. Thế thì tạm biệt Bamako !
Nhưng một cuộc chiến chống khủng bố không dễ gì chấm dứt theo ý muốn. Emmanuel Macron muốn lật sang trang mới ở Sahel với các đối tác Châu Phi và Châu Âu còn lại, ít nhất là chận đứng các băng nhóm Hồi giáo ở vùng ba biên giới (Mali, Burkina Faso, Niger) đang tìm cách mở rộng xuống phía nam. Có thể nghi ngờ khả năng thành công của thế thăng bằng quân sự mới, với phân nửa lực lượng hiện nay tại một vùng đất rộng gấp 10 nước Pháp. Quân đội Mali có lẽ cảm thấy mạnh hơn với những người bạn mới Wagner, nhưng đất nước bị trừng phạt này có nguy cơ trở thành hố đen thánh chiến. Khi đó, Bamako sẽ cầu cứu ai đây ?
Thụy My