Phương Tây trông mong một "lối thoát hòa bình" cho Ukraine
Minh Anh, RFI, 17/09/2024
Chiến tranh Ukraine kéo dài đã hơn 30 tháng. Nếu như tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ngừng vận động phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do họ cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trên lãnh thổ Nga, thì vấn đề đàm phán chấm dứt chiến tranh cũng được phương Tây và Kiev âm thầm đề cập đến.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo tại Thượng đỉnh Hòa Bình cho Ukraine, tại Obbürgen, Thụy Sĩ, ngày 16/06/2024. AP - Laurent Cipriani
Tổng thống Ukraine là người đầu tiên hé mở khả năng một cuộc đàm phán. Hồi đầu mùa hè 2024, ông đề nghị tổ chức một thượng đỉnh vì hòa bình lần hai, có thể có sự tham dự của Nga. Theo nhận định của Le Figaro (17/09/2024), chính tình hình thực tế chiến trường bất lợi cho Kiev có lẽ là nguyên nhân đầu tiên khiến phương Tây thay đổi lập trường.
Thất bại chiến lược của Kiev
Tại Donbass, mục tiêu quân sự hàng đầu của điện Kremlin, quân Nga tiến chậm mà chắc, gậm nhấm từng tấc đất của Ukraine và hiện chỉ cách thành phố Pokrovsk vài km, cửa ngõ để vào Pavlograd, nơi tọa lạc của một trong những tổ hợp công nghiệp – quân sự Ukraine. Tình hình căng thẳng đến mức, phương Tây phải công khai thừa nhận rằng "Donbass và Crimea nằm ngoài tầm với quân sự Ukraine".
Rồi ở vùng Kursk, đông nam nước Nga, gió cũng đang đổi chiều. Từ nhiều ngày qua, Nga huy động từ 36-50 ngàn quân bao vây những vùng bị Ukraine chiếm đóng. Điều đáng chú ý là Nga không dùng đến một binh sĩ nào từ Donbass như kỳ vọng của Kiev. Một thất bại chiến lược, theo như đánh giá từ nhiều nhà quan sát. Còn đại tá Peer de Jong, trên Le Figaro, nói đến việc Ukraine rơi vào chính chiếc bẫy do họ giăng ra.
Thất bại không chỉ về quân sự mà cả về chính trị. Tổng thống Volodymyr Zelensky không thuyết phục được các nước đồng minh cho phép sử dụng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Nhà Trắng quan ngại một sự leo thang quân sự dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Nhưng sự sụp đổ của một nước Nga - quốc gia có nhiều kho vũ khí hạt nhân nằm khắp lãnh thổ - cũng khiến Mỹ, Pháp và Đức lo lắng.
Đánh giá sai lầm của phương Tây
Tuy nhiên, cũng theo đại tá Peer de Jong, việc đề xuất đàm phán hòa bình cũng cho thấy các bên đã cảm thấy mệt mỏi vào lúc nhiều nước đồng minh như Pháp, Đức đang gặp khủng hoảng chính trị nội bộ, còn Mỹ đang bước vào một giai đoạn bầu cử tổng thống nhiều bất định. Một quan chức Pháp cảnh báo, bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump hay là Kamala Harris, viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Kiev sẽ bị giảm, và "Ukraine sẽ không trụ được lâu" trong cuộc chiến.
Hơn nữa, sai lầm của phương Tây là đã đánh giá thấp ý đồ, mục tiêu địa chính trị của ông Putin, cũng như là đã xem nhẹ sức mạnh các mối quan hệ hợp tác giữa Nga với các nước đồng minh phương Nam, đặc biệt là Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên. Ba nước này đã chi viện đạn dược, tên lửa, drone, các linh kiện lưỡng dụng… cho phép Nga duy trì cường độ các cuộc tấn công và giành thắng lợi trên chiến trường.
Chính trong bối cảnh này mà ý đồ khởi động "đàm phán hòa bình" nảy sinh. Theo dự kiến, nguyên thủ Ukraine sẽ có cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín này, nhằm đề nghị một "kế hoạch cho chiến thắng". Thượng đỉnh hòa bình lần hai rất có thể sẽ được tổ chức vào tháng 11 sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tại Abu Dhabi.
Vấn đề đặt ra là điều gì có thể được xem như là "một thắng lợi cho Ukraine" : Một thắng lợi lãnh thổ đòi hỏi phải kéo dài cuộc chiến để đoạt lại những vùng đất bị Nga chiếm đóng ? Hay đó chỉ cần một thắng lợi chính trị, nghĩa là một đất nước tự do, dân chủ ngả theo phương Tây, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO, nhưng với cái giá phải trả là từ bỏ "tạm thời" chủ quyền lãnh thổ những vùng đất bị Nga chiếm ?
Rồi làm thế nào bảo đảm an ninh cho Ukraine một khi im tiếng súng ? Lời giải nằm ở Washington và Moskva. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao lưu ý, "chừng nào ông Putin vẫn tại quyền, người ta không thể bảo đảm rằng chiến tranh sẽ không tái diễn". Trong hiện tại, điều tổng thống Nga muốn là một sự đầu hàng từ phía Kiev !
Minh Anh
****************************
"Drone rồng phun lửa" : Vũ khí mới của Ukraine chống quân Nga
Thùy Dương, RFI, 16/09/2024
Báo chí Pháp nửa đầu tháng 9 cho biết trên nhiều mạng xã hội đã liên tiếp xuất hiện các hình ảnh về loại vũ khí mới Ukraine đưa ra chiến trường, "drone rồng phun lửa", được trang bị vũ khí gây cháy với sức nóng lên tới 2.200 độ C, không thể dập tắt, có thể tiếp tục cháy ngay cả trong nước. Không chỉ phá hủy các thiết bị kim loại, gây thương tích, "drone rồng" còn là một loại vũ khí đánh vào tâm lý của đối phương.
Một lính cứu hỏa Nga nói chuyện qua bộ đàm, phía sau là một kho chứa xăng dầu bốc cháy do bị drone Ukraine tấn công. Sevastopol, Crimea, ngày 29/04/2023. AP
Qua một video đăng tải trên mạng X, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 04/09/2024 xác nhận đang triển khai "drone rồng" khạc lửa thiêu cháy các thiết bị quân sự mà các lực lượng Nga giấu dưới các lùm cây. Những chiếc drone với sức tàn phá khủng khiếp "là đôi cánh báo thù của chúng tôi, với hỏa lực trực tiếp dội xuống từ trên trời", binh lính Ukraine thuộc đơn vị drone của lữ đoàn cơ giới số 60 đang triển khai drone rồng tuyên bố trên mạng xã hội Facebook, được La Croix ngày 12/09 trích dẫn.
Còn theo Le Monde ngày 06/09, việc Ukraine sử dụng loại vũ khí này đã được phía Nga xác nhận, chẳng hạn trong video công bố ngày 05/09, một người lính Nga kể lại hậu quả của một cuộc tấn công bằng drone trang bị vũ khí nhiệt nhôm. Từ một vị trí ẩn náu trong một khu rừng thông, người lính giải thích rằng đơn vị của anh thuộc trung đoàn xe tăng 59 "đã mất hết trang bị, vũ khí, đạn dược, phương tiện cơ giới, máy phát điện, đồ dùng cá nhân, tài liệu, mọi thứ đều đã bị đốt cháy". Người đàn ông có khuôn mặt bị làm mờ để che giấu danh tính, yêu cầu được "viện trợ nhân đạo". Xung quanh người lính này, đất cát phần nào đã bị cháy thành than, xung quanh lửa vẫn bốc cao.
Theo nhóm tình báo nguồn mở Owl Osint, trung đoàn xe tăng số 59 của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga (FAFR) được triển khai ở phía đông bắc thành phố Kreminna, vùng Luhansk, ngay phía trước lữ đoàn cơ giới số 60 của Lực lượng Vũ trang Ukraine (FAU).
Ngày 04/09, kênh Telegram "Voenny Osvedomitel" của Nga (Người cung cấp thông tin quân sự), có 620.000 người đăng ký, đã cho biết : "Việc lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng drone trang bị vũ khí nhiệt nhôm để đốt thảm thực vật diễn ra ồ ạt. Việc sản xuất là ở quy mô công nghiệp (…). Thật đáng tiếc là Lực lượng vũ trang Liên bang Nga vẫn cứ chờ đợi, chúng tôi sẽ phải sản xuất không chỉ loại drone tương tự của riêng mình mà còn phải tìm ra các biện pháp đối phó".
Sức mạnh của drone rồng đến từ thermite - hợp chất hóa học gây cháy - hỗn hợp oxit sắt và bột nhôm. Phản ứng nhiệt nhôm - phản ứng hóa học giữa oxit sắt và bột nhôm tạo ra nhiệt độ cao tới 2.200°C, cao gấp đôi so với mức nhiệt 1000 độ C của bom Napalm mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960. Mức nhiệt độ cao đến 2.200 độ C làm tan chảy bất kỳ loại kim loại nào và xuyên thủng xe bọc thép hoặc bong-ke. Không gì có thể dập tắt được ngọn lửa do phản ứng hóa học tạo ra, thậm chí lửa vẫn tiếp tục cháy trong nước, theo trang mạng Popular Mechanics, được France 24 trích dẫn hôm 09/09. Chính những đặc tính đó khiến từ hơn 1 thế kỷ nay thermite được giới quân sự tìm kiếm rất nhiều để áp dụng vào vũ khí gây cháy.
Vũ khí nhiệt nhôm đầu tiên được sử dụng ?
Ngược dòng lịch sử, tình cờ được nhà hóa học người Đức Hans Goldschmidt phát hiện ra năm 1893, chất đốt này ban đầu được dùng để cắt kim loại, rồi sau đó được giới quân sự dùng để chế tạo vũ khí gây cháy. Khí cầu Zeppelin của Đức đã dội bom nhiệt nhôm xuống Vương quốc Anh vào năm 1915, trong khi cả hai phe trong Đệ nhị Thế chiến đều sử dụng bom nhiệt nhôm một cách ồ ạt. Ví dụ, quân Đồng minh đã thả hơn 30 triệu quả bom nhiệt nhôm xuống Đức.
Bom nhiệt nhôm sau đó được sử dụng ở Việt Nam vào những năm 1960 và gần đây hơn là ở Syria, theo báo cáo của Human Rights Watch hồi năm 2023.
Nhưng chính Ukraine đã đổi mới bằng cách "trang bị" bom nhiệt nhôm cho drone. Vicky Karyoti, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và sự xuất hiện của các công nghệ mới trong các cuộc xung đột, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, giải thích : "Họ gắn chúng vào các drone bán trên thị trường". Chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển cho rằng việc biến drone thành "rồng phun lửa" "dễ thực hiện hơn và rẻ hơn so với việc Ukraine phải phát triển hoặc mua bom nhiệt nhôm". Việc oanh kích bằng drone trang bị bom nhiệt nhôm cũng kín đáo hơn, do drone không gây nhiều tiếng ồn và và bay thấp hơn so với máy bay nên khó bị radar phát hiện hơn.
Gây thương tích rất khủng khiếp và đau đớn
La Croix ngày 12/09 trích dẫn báo cáo hồi năm 2020 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW), theo đó các vết thương gây do vũ khí gây cháy, trong đó đương nhiên có vũ khí nhiệt nhôm, gây ra cho con người là vô cùng đau đớn và khó chữa trị. Những vết bỏng có thể sâu đến tận xương, gây tổn thương đường hô hấp, gây nhiễm trùng, các chấn thương và chứng suy nội tạng. Chính vì thế, việc sử dụng vũ khí nhiệt nhôm bị cấm, trừ phi không thể sử dụng vũ khí ít gây hại hơn để triệt tiêu khả năng gây hại của kẻ thù.
Tổn hại về tâm lý
France 24 ngày 09/09 cho biết Ukraine dùng drone rồng lửa như một loại "vũ khí tâm lý" đánh vào đối phương. Frank Ledwidge, chuyên gia về các vấn đề quân sự Liên Xô tại Đại học Portsmouth của Anh, nhấn mạnh là binh sĩ đối phương sẽ bị chấn động trước "nguy cơ bị thiêu sống" một cách khủng khiếp.
Đối với chuyên gia này, việc Ukraine đăng tải và cho lan truyền các video "drone rồng phun lửa" cũng là một chiêu tuyên truyền của Kiev : "Đó là cách để quân đội Ukraine nói với kẻ thù : ‘Hãy nhìn mà xem, chúng tôi cũng có thể tàn bạo giống như các anh đấy nhé’". Trên thực tế, quân Nga từng bị cáo buộc sử dụng vũ khí gây cháy, đặc biệt là trong chiến dịch tấn công vào Bakhmut của Ukraine.
Đây cũng là cách Kiev để xoa dịu dư luận Ukraine. Vicky Karyoti, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và các công nghệ mới trong các cuộc xung đột, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, nhấn mạnh : "Tinh thần của quân đội và người dân Ukraine không ở trạng thái tốt nhất và đây là cách chứng minh rằng quân đội có khả năng gây thiệt hại cho lực lượng Nga". Đối với chuyên gia Karyoti, các "drone rồng" cũng minh họa sự phát triển trong cách Ukraine sử dụng drone. Ban đầu chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát, sau đó drone được các lực lượng Ukraine trang bị chất nổ để tấn công vào các mục tiêu của Nga. Và đến giờ, drone lại được trang bị chất gây cháy, biến thành "rồng phun lửa".
Nicholas Drummond, nhà phân tích về công nghiệp quốc phòng, chuyên về chiến tranh trên bộ, và cũng là cựu sĩ quan quân đội Anh, được La Croix trích dẫn, cũng tin rằng mục tiêu của việc triển khai drone nhiệt nhôm ở tiền tuyến Ukraine là nhằm gây bất ổn tâm lý, đe dọa lực lượng Nga ở Ukraine.
Loại vũ khí bị luật pháp quốc tế quản lý chặt chẽ ?
Theo báo Pháp Libération ngày 10/09, các loại vũ khí gây cháy, vốn đã gây ra những thiệt hại lớn trong Đệ nhị Thế chiến, nhất là ở Tokyo, Nhật Bản ngày 10/03/1945, đã được luật pháp quốc tế quản lý chặt chẽ kể từ những năm 1980. Còn theo France 24, chính những hậu quả đau thương mà bom Napalm mà Mỹ thả xuống Việt Nam cũng đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế thông qua Nghị định thư về cấm và hạn chế sử dụng vũ khí gây cháy tại Genève, Thụy Sỹ, ngày 10/10/1980.
Ukraine và Nga là hai trong số các nước phê chuẩn. Vũ khí gây cháy bị cấm sử dụng nhắm vào dân thường và tài sản dân sự cũng như các khu dân cư. Việc dùng máy bay phóng vũ khí gây cháy tấn công vào một mục tiêu quân sự nằm bên trong khu dân cư cũng bị cấm. Tương tự, việc dùng vũ khí gây cháy để tấn công các khu rừng và thảm thực vật cũng không được phép, trừ khi những khu vực tự nhiên này tự cấu thành mục tiêu quân sự, hoặc bị sử dụng làm nơi che chắn, hoặc ngụy trang cho các chiến binh hoặc các mục tiêu quân sự khác.
Tuy nhiên, theo Vicky Karyoti, Ukraine dường như không vi phạm quy định quốc tế bởi vì họ chỉ oanh kích vào các nơi bị xem như "vị trí quân sự của kẻ thù", tức là chủ yếu gồm các cấu trúc quân sự và xe cơ giới, chẳng hạn xe tăng.
Tuy nhiên, Frank Ledwidge chuyên gia về các vấn đề quân sự Liên Xô tại Đại học Portsmouth của Anh, khẳng định việc Ukraine tuyên bố sử dụng loại vũ khí gây tranh cãi này lại "có nguy cơ thúc đẩy kẻ thù làm điều tương tự", thậm chí thúc đẩy Nga phản ứng mạnh hơn. Hiện nay, các nhà bình luận quân sự Nga đã kêu gọi Nga tự sản xuất drone rồng phun lửa. Càng nhiều drone rồng thì nguy cơ các trung tâm đô thị hứng hỏa lực càng cao.
Thùy Dương
*****************************
Ukraine dùng UAV "rồng phun lửa" tàn phá nhiều khu vực của Nga
Linh Quy, VoV.vn, 09/09/2024
Quân đội Ukraine đã triển khai máy bay không người lái "rồng phun lửa" để tấn công các vị trí của quân đội Nga trên chiến trường.
Hình ảnh UAV "rồng phun lửa" của Ukraine phá hủy một khu rừng của Nga (Ảnh : CNN)
Một loạt video được đăng tải trên mạng xã hội, bao gồm cả trên Telegram từ Bộ Quốc phòng Ukraine công bố mới đây cho thấy các máy bay không người lái bay thấp thả những quả cầu lửa (thực chất là kim loại nóng chảy) xuống các vị trí do Nga chiếm giữ trong các khu rừng.
Đây là các UAV "rồng phun lửa" phiên bản hiện đại của loại đạn dược từng mang lại tác động khủng khiếp trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, được đánh giá là một cải tiến chiến trường đáng sợ mới nhất.
Sức tàn phá khủng khiếp từ UAV "rồng phun lửa" Ukraine tại các vị trí chiến đấu của quân Nga (Ảnh : CNN)
Thực chất đây là hỗn hợp bột nhôm và oxit sắt nóng, được gọi là "thermite", cháy ở nhiệt độ lên tới 2.200oC. Cảnh tượng thả thermite xuống giống như lửa phun từ miệng rồng. Đó là lý do vì sao máy bay không người lái này được đặt tên là "rồng phun lửa".
Thermite có thể dễ dàng đốt cháy hầu như mọi thứ, kể cả kim loại. Nó được một nhà hóa học người Đức phát hiện vào những năm 1890 và ban đầu được sử dụng để hàn đường ray xe lửa. Nhưng sức mạnh quân sự đáng ghờm của loại vũ khí này đã sớm được ghi nhận khi người Đức thả nó từ khinh khí cầu xuống Anh như những quả bom trong Thế chiến thứ I.
Thermite có thể dễ dàng đốt cháy hầu như mọi thứ, kể cả kim loại (Ảnh : CNN)
Cả Đức và đồng minh đều sử dụng bom trên không thermite trong Thế chiến thứ II và họ cũng sử dụng nó để vô hiệu hóa các khẩu pháo, đưa thermite vào khóa nòng và làm tan chảy vũ khí từ bên trong.
Văn phòng Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc cho biết loại vũ khí gây cháy này có thể gây ra sự tàn phá lớn và thiệt hại về môi trường. "Những đám cháy do 'rồng phun lửa' gây ra rất khó dự đoán và ngăn chặn. Do đó, vũ khí gây cháy thường được mô tả là 'vũ khí khu vực' do tác động của chúng trên một khu vực rộng lớn", trang web của văn phòng này cho biết.
Hiện phía Nga chưa đưa ra bình luận về loại vũ khí này của Ukraine.
(theo CNN)
Linh Quy
Lãnh đạo Anh, Mỹ hoãn quyết định cho phép Ukraine dùng tên lửa phương Tây để tấn công Nga
Thanh Phương, 14/09/2024
Sau cuộc hội đàm hôm 13/09/2024, tại Nhà Trắng, thủ tướng Anh Keir Starmer và tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm hoãn quyết định cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 12/09/2024. AP - Manuel Balce Ceneta
Theo lời thủ tướng Anh, vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận với các nước đồng minh khác bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng này.
Từ Miami, thông tín viên David Thomson tường trình :
"Vấn đề này đã là trọng tâm chuyến thăm của ông tại Nhà Trắng, nhưng thủ tướng Anh Keir Starmer đã không thuyết phục được tổng thống Joe Biden bật đèn xanh ngay cho Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tuy vậy, sau cuộc hội đàm, thủ tướng Starmer cho thấy là ông chờ đợi Mỹ sẽ ra quyết định trong những tuần hay những tháng tới. Hiện giờ Washington vẫn tỏ ra thận trọng. Tổng thống Joe Biden muốn tránh mọi nguy cơ leo thang với điện Kremlin sau lời cảnh cáo của tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm (12/09) rằng cho phép Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công Nga "đồng nghĩa với việc các nước thành viên NATO tham chiến chống Nga".
Hoa Kỳ rất quan ngại trước lời đe dọa đó, theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói trước cuộc gặp giữa thủ tướng Keir Starmer và tổng thống Joe Biden. Tổng thống Putin tuyên bố trong quá khứ ông đã từng chứng tỏ khả năng "tấn công" và "leo thang". Ông John Kirby cho biết tổng thống Joe Biden hiện vẫn không thay đổi lập trường về việc sử dụng tên lửa phương Tây để oanh kích vào lãnh thổ Nga".
Nhà Trắng chỉ trích đe dọa nguy cơ chiến tranh Nga-NATO của tổng thống Putin
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua đã chỉ trích những lời lẽ "vô cùng nguy hiểm" của tổng thống Putin về nguy cơ chiến tranh giữa khối NATO với Nga nếu phương Tây cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa để tấn công Nga.
Về phần tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm qua ông thông báo trong tháng này sẽ đến gặp tổng thống Mỹ Biden để trình bày "một kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine. Ông Zelensky còn chê trách phương Tây "sợ" nêu lên khả năng giúp Ukraine bắn hạ các tên lửa và drone của Nga như đang giúp Israel.
Về tình hình chiến sự, tổng thống Ukraine khẳng định cuộc tấn công của lực lượng Kiev vào vùng biên giới Kursk của Nga đã đạt được kết quả mong muốn, đó là làm chậm lại đà tiến của quân Nga ở miền đông Ukraine, tuy ông thừa nhận tình hình tại vùng Donetsk còn "rất khó khăn".
Thanh Phương
****************************
Nga phản công quân Ukraine, giành lại hơn chục địa điểm trong vùng Kursk
Anh Vũ, RFI, 13/09/2024
Ngày 12/09/2024, quân đội Nga cho biết đã lấy lại 10 địa điểm trong vùng Kursk, nơi đã bị Ukraine chiếm hơn 1000 km2 sau cuộc tấn công từ đầu tháng 8. Cuộc phản công của Nga diễn ra vào thời điểm ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Ba Lan để bàn cách hỗ trợ Ukraine. Trong khi đó chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt tại miền đông Ukraine.
Dân chúng tại vùng Kursk, sát biên giới giữa Nga và Ukraine. Ảnh ngày 11/08/2024. AP
Quân đội Ukraine hiện chiếm khoảng 100 địa phương trong vùng Kursk. Tại Moskva, bộ Quốc Phòng Nga cho biết trong 2 ngày phản công, quân đội đã giành lại 10 địa phương. Đây được cho là thành công quân sự đầu tiên của quân đội Nga trong vùng Kursk. Về phía Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận Nga đang phản công.
Mở mặt trận vào sâu trong lãnh thổ Nga, Kiev có mục đích giảm áp lực tấn công của Nga tại miền đông Ukraine. Nhưng đến giờ, ý đồ này không thành công. Quân Nga vẫn tiếp tục tấn công, tiến chiếm nhiều khu vực trong vùng Donbass và đang áp sát thêm thành phố chiến lược Pokrovsk.
Từ Kiev, thông tín viên RFI, Alexander Query cho biết thêm chi tiết :
Sau hơn một tháng Ukraine tấn công vào Kursk, quân đội Nga đang cố lấy lại lãnh thổ bị mất trong vùng. Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine đã dự tính có cuộc phản công này. Ông tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm qua rằng : "Cuộc phản công này đã được dự trù trong kế hoạch của chúng tôi".
Theo bộ Quốc Phòng Nga, họ có thể đã lấy lại một chục địa điểm trong vùng, khi tiến vào Slagnost, một địa phương ở phía tây của các vị trí mà quân đội Ukraine đang chiếm giữ. Những thông tin này không thể được kiểm chứng một cách độc lập trên thực địa vào lúc này.
Slagnost nằm cách thành phố Sudzha 30 km và là một trong những thành phố quan trọng nhất mà Ukraine chiếm được trong chiến dịch tấn công khiến tất cả các đồng minh của họ bất ngờ.
Theo chính quyền Kiev, cuộc tấn công vào Kursk nhằm mục đích tạo một vùng đệm bảo vệ thường dân ở Sumy, thành phố phía bắc Ukraine hàng ngày bị các máy bay Nga xuất phát từ sân bay Kursk oanh tạc.
Một mục đích khác là để giải tỏa mặt trận Pokrovsk, thành phố đang bị quân Nga tiếp tục cố gắng chiếm cho đến giờ vẫn chưa được.
Anh Vũ
Ukraine kiên trì kêu gọi phương Tây cho phép đánh sâu vào lãnh thổ Nga
Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Donald Trump và Elon Musk xích lại gần nhau trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 13/09/2024.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng cấp Anh David Lammy hội kiến tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Ảnh ngày 11/09/2024. AP - Mark Schiefelbein
Trang nhất của nhật báo Le Monde chú ý đến việc Ukraine tiếp tục gia tăng áp lực với các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Pháp để phương Tây cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và phá hủy các căn cứ quân sự của nước này, trong bối cảnh Ukraine đang cố gắng giữ vững các khu vực đã chiếm được (khoảng 1.300 km2) trong cuộc tấn công bất ngờ vào mùa hè ở vùng Kursk của Nga, đồng thời làm chậm đà tiến của quân địch ở Donbass.
Chủ đề này là trọng tâm của chuyến thăm chung chưa từng có tới Kiev hôm 11/09 của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Anh Quốc David Lammy. Hai quan chức đã gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vốn kêu gọi phương Tây bật đèn xanh cho Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga từ nhiều tháng qua. Không có tuyên bố cụ thể nào được đưa ra, nhưng ngoại trưởng Blinken khẳng định "chuyến đi tới Kiev chứng tỏ phương Tây quyết tâm bảo đảm sự thành công của Ukraine".
Một ngày trước đó, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chính quyền của ông đang "tìm những biện pháp" dỡ bỏ các hạn chế đối với Kiev. Theo hãng tin Bloomberg, nguyên thủ Ukraine tới Washington vào hôm nay để cho biết cụ thể về kế hoạch của mình. Hãng tin Mỹ cho biết thêm rằng "chính quyền Washington muốn hiểu rõ hơn mục tiêu cụ thể của Kiev trước khi đưa ra quyết định".
Những sự kiện này được điện Kremlin theo dõi sát sao và hôm 11/09, chính quyền Moskva đã dọa có phản ứng "thích hợp" trong trường hợp các đồng minh của Kiev cho phép Ukraine đánh sâu vào lãnh thổ Nga. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố "những quyết định kiểu này của phương Tây là bằng chứng cho thấy tính chính đáng của chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.
Về phần mình, sau cuộc trao đổi với ngoại trưởng Anh David Lammy, thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal tuyên bố : "Nếu chúng tôi được phép phá hủy các mục tiêu quân sự ở Nga hoặc kho vũ khí do kẻ thù sử dụng cho các cuộc tấn công nhắm vào Ukraine, an ninh của người dân, con cái chúng tôi sẽ được bảo đảm hơn".
Nga sẵn sàng tiến hành chiến tranh kim loại với phương Tây
Tờ Les Echos dành trang nhất nói về việc Vladimir Putin sẵn sàng tiến hành cuộc chiến kim loại, sau khi đã gây áp lực với phương Tây trong lĩnh vực khí đốt. Trong cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình hôm 11/09, chủ nhân điện Kremlin đã yêu cầu các bộ trưởng xem xét hạn chế xuất khẩu niken, palladium hay uranium sang phương Tây.
Vladimir Putin phát biểu : "Nga là nước dẫn đầu về nguồn dự trữ các nguyên liệu thô chiến lược như uranium, titan và niken. Có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến việc áp dụng các hạn chế. Tôi không nói rằng biện pháp này phải được thực hiện ngay lập tức, nhưng chúng ta có thể nghiên cứu về một số giới hạn nhất định, đồng thời phải bảo đảm những biện pháp này không gây thiệt hại cho chính chúng ta".
Tổng thống Nga không nêu đích danh những quốc gia bị nhắm mục tiêu, nhưng nhật báo kinh tế nhận định chắc chắn Châu Âu hay Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Đó là phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt đã được ban hành chống lại Moskva. Những hạn chế này có thể sẽ không áp dụng với Trung Quốc, và ngược lại, Bắc Kinh sẽ trở thành khách hàng thay thế.
Bất chấp hàng loạt những lệnh trừng phạt Nga được phương Tây ban hành từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, hoạt động buôn bán kim loại vẫn tiếp diễn giữa Moskva và người tiêu dùng phương Tây. Về phần mình, Philippe Chalmin, giáo sư kinh tế tại đại học Paris-Dauphine và chuyên gia về nguyên liệu thô, giải thích "kinh nghiệm cho thấy các nước có thể dùng nguyên liệu thô làm công cụ bắt chẹt đối tác, nhưng biện pháp này phải được sử dụng một cách thận trọng". Chuyên gia Chalmin nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng giá và hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản đã thúc đẩy nhiều nơi khác trên thế giới tái khởi động sản xuất và tinh chế nguyên liệu này, làm suy yếu áp lực từ phía Bắc Kinh.
Liệu những biện pháp hạn chế do tổng thống Putin dự tính ban hành có gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Châu Âu ? Điều đó còn phụ thuộc vào tùy loại nguyên liệu. Mặc dù Nga là một trong những nước sản xuất niken lớn nhất, nguyên liệu thiết yếu để sản xuất bình điện cho ô tô điện, nhưng với sự trỗi dậy của Indonesia, vai trò của Nga có phần bị suy giảm.
Donald Trump và Elon Musk xích lại gần nhau trước bầu cử tổng thống Mỹ
Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất quan tâm đến việc ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã hứa sẽ bổ nhiệm ông chủ của X và Tesla, Elon Musk, vào nội các nếu đắc cử tổng thống tháng 11. Đối với Asma Mhalla, nhà khoa học chính trị chuyên về địa chính trị công nghệ, đây là điều rất đáng chú ý.
Sau khi cựu tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố nói trên hôm 04/09, chủ nhân Tesla và mạng xã hội X đã ngay lập tức chấp nhận đề nghị "phục vụ nước Mỹ mà không nhận lương".
Chuyên gia Mhalla nhận định việc tỷ phú Musk chấp nhận đề nghị của Trump không khiến bà ngạc nhiên chút nào, bởi rõ ràng là Elon Musk sẽ thu được rất nhiều lợi ích qua việc hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ. Ông có thể hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế cho Tesla, hay cho phép SpaceX hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).
Về phần mình, Donald Trump đang rất cần hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Elon Musk. Với việc Joe Biden rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và được Kamala Harris thay thế, cựu tổng thống đang cần một nhân vật có trọng lượng để thuyết phục cử tri, trong bối cảnh người đứng liên danh của Trump là J.D. Vance tỏ ra quá bảo thủ, không giúp cho Trump thu hút được thêm nhiều cử tri. Đối với Asma Mhalla, Donald Trump gần như đã coi Elon Musk như một phó tổng thống thứ hai.
Pháp : Nhà thờ ngày càng bị "đe đọa"
Về thời sự nước Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chú ý đến hiện tượng các nhà thờ trên toàn quốc đang ngày càng bị "đe đọa". Gần đây nhất là vụ nhà thờ ở thành phố Saint-Omer, miền bắc đất nước, bị cháy, 4 năm sau vụ hỏa hoạn ở nhà thờ Nantes.
Động cơ của những hành động này là gì ? Tư pháp sẽ phải điều tra và làm sáng tỏ những sự cố này. Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi đó có phải là hành vi cố tình phá hoại, thủ phạm có bị rối loạn tâm thần, say rượu hay trầm trọng hơn nữa là có hành vi chống Công Giáo một cách công khai hay không ? Điều chắc chắn là dựa trên những số liệu do bộ Nội vụ đưa ra, tình hình không hề khả quan.
Le Figaro nhận định nhà thờ giờ đây đã trở thành nơi dễ bị "đe đọa". Những công trình này không phải là cung điện quốc gia, cũng không phải là nhà ga hay viện bảo tàng. Đó đơn giản là những ngôi nhà của người dân tin vào Chúa, và trừ một số trường hợp ngoại lệ, thường không có người bảo vệ hoặc camera giám sát. Tờ báo thiên hữu nhấn mạnh việc đóng mở cửa cũng như bảo trì nhà thờ thường do các tình nguyện viên phụ trách. Về bản chất, nhà thờ luôn mở cửa và là nơi tất cả mọi người được hoan nghênh. Nếu bị đóng cửa để thoát khỏi sự điên rồ của con người, nhà thờ sẽ không còn hữu dụng.
Nhà thờ thường rất đẹp, và trên hết, là ký ức về khả năng và niềm tin của những người đã xây dựng nên chúng. Sàn đá của các nhà thờ bị mòn bởi bước chân hoặc đầu gối của hàng ngàn tín đồ, chứng tỏ tầm quan trọng của những công trình này đối với cuộc sống của người dân Pháp.
Nhưng vẫn còn nhiều thứ đẹp hơn những viên đá, những bức vẽ hay những cửa sổ kính màu của nhà thờ. Đó là những gì ẩn chứa trong tâm mỗi người : sự hiện diện của Thiên Chúa Giáo. Dù con người có tin vào Chúa hay không, thì điều bí ẩn này vẫn phải nhận được sự nghiêm trang và tôn kính.
Ngoài những thiệt hại về vật chất do những hành vi phá hoại và phạm tội này gây ra, tình trạng này phản ánh rất rõ về thời đại loài người đang trải qua, được đặc trưng bởi sự suy giảm đáng lo ngại về vai trò của những thứ mang tính chất thiêng liêng.
Phải đồng lòng chống nạn lạm dụng tình dục
Vẫn tại Pháp, tờ La Croix dành bài xã luận để nói về phiên tòa xét xử vụ án "hiếp dâm tập thể ở Mazan" đã mở màn vào tuần trước. Một người đàn ông đã về hưu bị cáo buộc đánh thuốc mê vợ mình và sau đó cùng 50 người đàn ông khác thay phiên nhau hiếp dâm bà trong nhiều năm trời. Về bài học rút ra từ vụ này, nhật báo công giáo nhấn mạnh cần phải xác định chính những người thân, thành viên trong gia đình cũng có thể gây ra những hành vi bạo lực tình dục khủng khiếp. Trong bối cảnh này, nhiều người đàn ông đã cho lan truyền hashtag #NotAllMen để phản đối hiện tượng "vơ đũa cả nắm". Tuy nhiên, La Croix cho rằng đó không phải là cách phản ứng khéo léo. Tờ báo nhận định tất cả mọi người phải đồng lòng chống lại vấn nạn này và nam nữ cần tìm một khẩu hiệu chung, chẳng hạn như #AllUnited – "tất cả đoàn kết".
Tất cả mọi người đều quen biết những người đàn ông tuyệt vời, và đàn ông đôi khi cũng là nạn nhân của những hành vi bạo lực tình dục của phụ nữ, nhưng đa phần vẫn là những vụ phụ nữ bị phái mày râu tấn công. Đây là vấn đề trọng tâm của nền văn minh con người đang sống. Nạn nhân có thể chính là con gái, vợ hoặc mẹ của mỗi người, bởi thủ phạm có thể là cha, anh, em hoặc con trai.
La Croix kết luận tất cả mọi người phải cảnh giác cao độ và cùng nhau chống lại "sự tầm thường" của bạo lực tình dục. Cần phải nghiên cứu kỹ về những hành vi này, cụ thể là truy tìm nguyên nhân khiến cho con người nghĩ đến việc thực hiện hành vi đồi trụy này.
Phan Minh
Vladimir Putin thực sự muốn ngưng chiến ?
Minh Anh, RFI, 12/09/2024
Ngày 05/09/2024, tổng thống Nga cho biết ông sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine. Ba ngày sau, ngày 08/09, thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình ZDF, kêu gọi gia tăng các nỗ lực ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột. Phải chăng thời điểm cho đàm phán hòa bình đã đến ?
Tổng thống Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các quan chức an ninh và thống đốc vùng, thảo luận về tình hình ở miền nam nước Nga sau cuộc tấn công của quân đội Ukraine, ngày 12/08/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov
Thất bại thỏa thuận Istanbul : Lỗi ở phương Tây ?
Tại một diễn đàn kinh tế với sự hiện diện của hai quan chức cao cấp Malaysia và Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố để ngõ cánh cửa đàm phán với Ukraine "dựa trên các tài liệu đã được nhất trí và thực sự được ký tắt tại Istanbul", Thổ Nhĩ Kỳ, hồi mùa xuân 2022, vài tháng sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" xâm lược Ukraine.
Vào thời điểm đó, Kiev và Moskva được cho là đã gần đạt được một thỏa thuận, theo đó, Ukraine đồng ý cắt giảm quy mô quân đội, từ bỏ ý định tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO nhưng được tự do theo đuổi tư cách ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc đàm phán này cuối cùng đã thất bại mà theo cáo buộc của nguyên thủ Nga tại diễn đàn kinh tế, là do phương Tây thúc ép Ukraine bác bỏ thỏa thuận. Tổng thống Putin nêu đích danh thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson, "đã đến Kiev và đưa ra chỉ thị cho Ukraine phải chiến đấu đến người lính cuối cùng. Và đó là những gì đang diễn ra với mục tiêu là có được thất bại chiến lược của Nga". Những cáo buộc cho đến giờ Ukraine vẫn phủ nhận.
Ngoài ra, tổng thống Nga còn gợi ý rằng ba nước Brazil, Ấn Độ, và Trung Quốc có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán mới để chấm dứt chiến tranh. Tuyên bố này của chủ nhân điện Kremlin làm dấy lên nhiều nghi vấn trong giới quan sát : Liệu mong muốn của ông Putin đàm phán chấm dứt chiến tranh có chân thành hay không ?
Điều kiện ngặt nghèo
Đây không phải là lần đầu tiên ông Vladimir Putin đề cập đến việc đàm phán với Ukraine. Vào cuối tháng 5/2024, trong chuyến thăm Belarus, tổng thống Nga để ngỏ khả năng đàm phán, nhưng phải dựa trên "tình hình thực tế" và trên cơ sở những điểm đã thống nhất trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, "chứ không phải trên cơ sở những gì một bên muốn", hàm ý nhắc đến bản kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất.
Sau đó, vào ngày 14/06/2024, phát biểu tại bộ ngoại giao Nga, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại, Moskva sẵn sàng đàm phán một lệnh ngưng bắn nhưng với các điều kiện : Kiev phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút hết quân ra khỏi bốn vùng đã bị sáp nhập vào Nga là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijia.
Đó là những điều kiện mà bà Christine Dugoin-Clément, chuyên gia phân tích địa chính trị, nhà nghiên cứu Viện Rủi ro, đại học Paris-Sorbonne, trên đài RFI Pháp ngữ (09/09/2024) đánh giá là hoàn toàn bất lợi cho Ukraine.
"Những gì mà người ta thường nghe, thường được đề cập đến là một công thức kiểu Istanbul mà ở đó, Nga có thể dễ dàng nói rằng họ luôn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán, giống như một sự đầu hàng với những điều khoản được cho là dễ chấp nhận. Trong khi những gì Ukraine đề nghị thì bị xem là không hợp lý và do vậy không thể là đối tượng cho cuộc thương lượng hay một cuộc họp từ phía Nga như ông Dmitri Peskov (phát ngôn viên điện Kremlin) đã nhiều lần nói đến".
Nga cũng không phải là bên duy nhất đề cập đến việc nối lại các cuộc thương lượng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời giới truyền thông trong nước hồi trung tuần tháng 7 từng tuyên bố rằng "phái đoàn Nga có thể tham gia hội nghị hòa bình lần hai".
Ông Zelensky còn đề xuất dự án vì một "nền hòa bình công bằng", khi giữ lại ba điểm trong thông cáo cuối cùng của hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ : Trả tự do cho các tù nhân, tự do lưu thông ở Hắc Hải và an ninh năng lượng. Mong muốn này của ông một lần nữa được khẳng định trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho truyền thông Pháp vào đầu tháng Tám.
Xin nhắc lại là, trong hội nghị hòa bình thứ nhất do Ukraine tổ chức ở Thụy Sĩ vào trung tuần tháng Sáu, Nga không được mời dự, và Trung Quốc đã vắng mặt.
Sự mệt mỏi
Tuy nhiên, những động thái này của nguyên thủ Nga, của tổng thống Ukraine và gần đây nhất là của thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như phần nào phản ảnh tình hình khó khăn trên chiến trường của quân đội Ukraine.
Đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch Viện Themiis, trả lời nhà báo Vincent Roux, trong chuyên mục Quan Điểm của báo Le Figaro, ghi nhận tình trạng mệt mỏi chung từ nhiều tháng qua giữa các bên tham chiến.
"Tôi nghĩ rằng không chỉ Nga, Ukraine mệt mỏi mà cả phía Châu Âu nữa, bởi vì nước Đức, ngoài việc thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga, trong tuần rồi họ còn thông báo sẽ giảm một nửa nguồn đóng góp tài chính cho Ukraine. Rõ ràng có nhiều thông tin được đưa ra buộc các bên chủ chốt, đặc biệt là tổng thống Zelensky, phải nhận thấy thực tế là cần phải bắt đầu thảo luận. Do vậy, sự mệt mỏi của Châu Âu, Nga, và Ukraine thực sự là một yếu tố tiềm năng cho đàm phán".
Nhưng phải chăng Ukraine đang lặp sai lầm từ cuộc phản công mùa xuân tháng 6/2023, khiến nhiều lữ đoàn đã bị tiêu diệt, khi tấn công vào vùng Kursk trên lãnh thổ Nga từ hôm 06/08/2024 ? Trang Responsible Statecraft, thuộc Viện Quincy, một cơ quan tư vấn độc lập tại Mỹ, nhận định chiến dịch này của Ukraine đã thất bại :
"Ukraine không chiếm được một trung tâm dân cư hay nút giao thông quan trọng nào của Nga. Sự việc có thể làm ông Putin bối rối nhưng không làm lay chuyển được quyền lực của ông. Chúng có thể nâng cao tinh thần người dân Ukraine nói chung, nhưng theo tường thuật của phương Tây từ vùng miền đông, chiến dịch này không làm cho tinh thần quân đội Ukraine ở đó thêm hào hứng".
…và chiếc bẫy "Kursk"
Mục tiêu chuyển hướng lực lượng địch, chủ yếu từ Pokrovks và Kurakhove, đã bất thành. Để thực hiện cuộc tấn công, Ukraine đã điều động từ ba đến bốn lữ đoàn – những đơn vị tinh nhuệ nhất – lên phía bắc, để lại ở chiến trường miền đông là những binh sĩ mới nhập ngũ, thiếu kinh nghiệm và thiếu cả động lực.
Cũng trên chương trình Point de Vue của báo Le Figaro, đại tá Peer De Jong nói đến chiếc bẫy cho quân Ukraine :.
"Nếu như họ không ở lại Nga, chỉ cần ở lại 10 ngày, điều mà người ta gọi là đánh nhanh, rút gọn, họ phá hủy mục tiêu và họ lui quân, thì đây là một chiến dịch tốt. Ở đây, họ tái hiện mô hình trận Bakhmuth, họ đào hào và tự chôn mình. Trên thực tế, đây là một chiến dịch trên bộ, nhưng vấn đề ở đây là Nga đang thúc đánh ở miền trung, 4 hay 5 lữ đoàn Ukraine hiện đang ở phía bắc trong khi miền trung thì thiếu quân.
Điều này củng cố ý tưởng về một cuộc đàm phán bởi vì trên thực tế, điều chúng ta sẽ thấy là Nga làm ra vẻ đang đẩy mạnh tiến quân vào khu vực trung tâm Donetsk, họ đang tiến về phía tây nhưng thực tế không hẳn là vậy. Họ không thực hiện một nỗ lực lớn nào cả, rồi họ lặng lẽ rút đi, họ chỉ tiến hành một dạng hoạt động phòng thủ, họ để cho Ukraine đóng quân ở đó, có nghĩa là hiện nay, chiến dịch Kursk đã khiến hai, ba đến bốn tiểu đoàn bị kẹt lại ở phía bắc.
(…) Nga rất tinh khôn, điều này mang đến cho ông Zelensky cơ hội để đàm phán một số điểm để đổi lấy vùng Donbass, vùng này sẽ bị bỏ rơi và ông Zelensky sẽ bỏ rơi Donbass. Ông Zelensky sẽ nói rằng, nghe đây, hãy để tôi rút đi, tôi sẽ để lại cho quý vị phần đất này. Một hình thức trao đổi lãnh thổ".
Đàm phán : Bài học "Chiến tranh Việt Nam"
Nhìn từ bản đồ, những vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng giờ chạy dọc theo sườn đông của Ukraine kéo dài đến tận Biển Đen cùng với bán đảo Crimée. Moskva cũng đã thành công phần nào trong việc tạo được một sự liên tục giữa lãnh thổ Nga và các vùng chiếm đóng.
Vậy phải chăng Nga đã đạt được mục tiêu chiến tranh ? Hiện tại việc ngăn chặn mọi cơ hội Ukraine gia nhập NATO vẫn chưa đạt được. Nhưng với sự trợ giúp quân sự từ các đồng minh thân thiết là Iran, Bắc Triều Tiên và nhất là Trung Quốc, quân đội Nga có thể gia tăng các chiến dịch oanh kích vào các mục tiêu dân sự, "khủng bố" tinh thần người dân và gây thêm nhiều bất lợi cho phía Ukraine vào lúc nguồn viện trợ từ phương Tây cũng bắt đầu suy giảm do những khó khăn về kinh tế, chính trị tại nhiều nước đồng minh của Kiev.
Chiến tranh cũng có nguy cơ lan rộng vào lúc Mỹ và một số nước đồng minh xem xét cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Nhưng khi cho rằng các bên có thể "bắt đầu nghĩ đến đàm phán", thì đàm phán có thể nhiều năm nữa mới bắt đầu và kéo dài nhiều năm, mà bài học chiến tranh Việt Nam là một ví dụ điển hình. Đại tá Peer De Jong nhắc lại, Hoa Kỳ đã mất gần như 7-8 năm trước khi thoát được khỏi "tổ ong vò vẽ" Việt Nam, bởi vì, "đàm phán kéo dài có lợi cho bên này và bên kia, và trong trường hợp này là có lợi cho Trung Quốc và Bắc Việt".
Chiến tranh khi nào kết thúc ? Câu hỏi này hiện khó thể trả lời. Một điều chắc chắn, như tựa đề một bài viết trên Foreign Affairs, đó là "Putin sẽ không bao giờ từ bỏ Ukraine" chừng nào cảm giác bất an cho an ninh của ông và chế độ Nga hiện nay chưa được xóa tan. Do vậy, phương Tây cũng không thể thay đổi được nước cờ của ông Putin, và họ chỉ có thể trông chờ ông ấy ra đi mà thôi !
Minh Anh
*******************************
Mỹ, Anh viện trợ 1,5 tỉ đô la cho Kiev nhưng chưa quyết định về việc sử dụng tên lửa tầm xa
Thu Hằng, RFI, 12/09/2024
Ukraine đã không nhận được câu trả lời của Mỹ về việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Ngày 11/09/2024, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vấn đề này sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraine tại Washington ngày 13/09.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái), ngoại trưởng Anh David Lammy (phải) và người đồng cấp Ukraine Andriiy Sybiha họp báo tại Kiev, Ukraine, ngày 11/09/2024. AP - Mark Schiefelbein
Khi tiếp hai ngoại trưởng Mỹ và Anh tại Kiev, tổng thống Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn đối với "hai nước đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine". Anh và Mỹ thông báo mỗi nước viện trợ thêm cho Ukraine hơn 700 triệu đô la.
Chính quyền Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh "nới lỏng các hạn chế trong việc dùng vũ khí phương Tây cung cấp", vì có "sử dụng một số hệ thống thiết bị của Mỹ", để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Anh và một số nước khác ủng hộ, nhưng Mỹ vẫn chưa quyết định. Theo Bloomberg, trích dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh từ chính quyền Mỹ, dường như Nhà Trắng muốn tổng thống Zelensky trình bày một chiến lược chi tiết trước khi cho phép.
Thông tín viên RFI Alexander Query tại Kiev tường trình :
Chính quyền Kiev thất vọng vì ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn không thông báo dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn của các tên lửa của Mỹ được gửi cho Ukraine trong khi Kiev vẫn gây áp lực đòi các đồng minh dỡ bỏ những biện pháp này để có thể tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Trong cuộc họp báo tại Kiev, ông Blinken nhắc lại rằng thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington vào thứ Sáu (13/09) để đề cập đến vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ tránh trả lời những câu hỏi liên quan đến tên lửa tầm xa mà chỉ nói : "Hai nhà lãnh đạo của chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về chủ đề này khi gặp nhau vào thứ Sáu".
Anh Quốc không thay đổi lập trường về tên lửa Storm Shadows của họ, nhưng tầm bắn của những tên lửa này vẫn bị hạn chế. Ngược lại, ngoại trưởng Anh David Lammy thông báo khoản viện trợ quân sự mới 600 triệu bảng Anh cho Ukraine, tương đương hơn 700 triệu euro. Về phần ngoại trưởng Mỹ, ông thông báo khoản viện trợ 700 triệu đô la sắp tới.
Cả hai nhà ngoại giao đều nhắc đến mối nguy hiểm từ việc Nga mới nhận tên lửa đạn đạo của Iran, trong khi Moskva dường như đã nhận 5 triệu quả đạn pháo từ Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Anh bày tỏ "quan ngại" về sự kiện mà ông đánh giá là một sự "leo thang". Ông phát biểu : "Chúng tôi rất quan ngại về hành động leo thang mà chúng ta có thể thấy, đặc biệt là từ Iran".
Cùng ngày trước đó, bên lề hội nghị ngoại giao cấp cao Platform Crimea, tổng thống Zelensky thừa nhận ông không ảo tưởng nhiều về việc dỡ bỏ các hạn chế nói trên. Hội nghị về việc chấm dứt tình trạng sáp nhập bán đảo Crimée, được tổ chức ở Kiev, quy tụ hơn 60 nhà lãnh đạo và quan chức ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ bàn về hỗ trợ Ukraine với lãnh đạo Ba Lan
Ngày 12/09, ngoại trưởng Mỹ trở lại Warzsawa, lần lượt hội đàm với thủ tướng và tổng thống Ba Lan để bàn về hỗ trợ cho Kiev. Dù bị chia rẽ sâu sắc về đối nội, Ba Lan vẫn đoàn kết trong việc giúp đỡ Ukraine và tiếp tục là cửa ngõ trung chuyển quan trọng viện trợ của phương Tây cho Ukraine.
Về tình hình chiến sự, các công trình hạ tầng năng lượng tại vùng Sumy, giáp biên giới với Nga, tiếp tục bị oanh kích. Khoảng 13 người bị thương ở thành phố Konotop trong loạt oanh kích vào sáng sớm 12/09, theo thông báo của chính quyền vùng trên mạng Telegram.
Thu Hằng
Có những dấu hiệu rõ ràng rằng Mỹ và Anh đang sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh giới hạn của mình trong những ngày tới, từ đó cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa bắn vào các mục tiêu trong lòng nước Nga.
Ukraine đã khẩn nài việc này trong suốt nhiều tuần qua.
Vậy tại sao phương Tây lại chần chừ và những tên lửa này có thể tạo nên điều gì khác biệt trong cuộc chiến ?
Anh đã cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine sau khi Kyiv đề nghị
Storm Shadow là gì ?
Storm Shadow là một tên lửa hành trình của Anh và Pháp có tầm bắn tối đa khoảng 250km. Pháp gọi nó là Scalp.
Tên lửa này được phóng từ máy bay, sau đó bay với tốc độ gần tốc độ âm thanh, bám sát địa hình mặt đất, trước khi rơi và kích nổ đầu đạn có sức công phá lớn.
Storm Shadow được coi là vũ khí lý tưởng để xuyên thủng các hầm ngầm kiên cố và các kho chứa đạn dược, như những loại mà Nga sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine.
Nhưng mỗi tên lửa loại này trị giá gần một triệu đô la, vì vậy chúng thường được phóng cùng với các phương tiện khác trong các đợt tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng, trong đó bao gồm các máy bay không người lái rẻ hơn nhiều, được triển khai trước để làm rối loạn và suy yếu hệ thống phòng không của đối phương, giống như cách mà Nga đã làm với Ukraine.
Anh và Pháp đã đưa tên lửa của họ tới Ukraine - nhưng với cảnh báo rằng Kyiv chỉ có thể phóng chúng vào các mục tiêu bên trong biên giới của mình.
Các tên lửa này đã được sử dụng với hiệu quả cao, nhắm trúng các trụ sở hải quân Biển Đen của Nga tại Sevastopol và khiến toàn Crimea trở nên không còn an toàn cho hải quân Nga.
Justin Crump, một nhà phân tích quân sự, cựu sĩ quan quân đội Anh và giám đốc điều hành công ty tư vấn Sibylline, nói rằng Storm Shadow đã và đang là một vũ khí cực kỳ hiệu quả cho Ukraine, có thể tấn công chính xác các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu vực bị chiếm đóng.
"Không ngạc nhiên khi Kyiv vận động hành lang để sử dụng các vũ khí này bên trong lãnh thổ của Nga, đặc biệt là nhắm vào các sân bay đang được dùng để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn, vốn gần đây đã gây trở ngại cho các nỗ lực của Ukraine ở tiền tuyến".
Vì sao Ukraine muốn sử dụng chúng lúc này ?
Các thành phố và chiến tuyến của Ukraine hiện hằng ngày phải hứng chịu các đợt bom của Nga.
Nhiều trong số tên lửa và bom lượn phá hủy các khu vực quân sự, các khu nhà và bệnh viện được phóng từ các máy bay ở sâu trong lãnh thổ Nga.
Kyiv phàn nàn rằng việc không được phép tấn công vào các căn cứ nơi thực hiện các vụ tấn công này cũng giống như như tham chiến với một tay bị trói ngoặt sau lưng.
Tại diễn đàn an ninh Globsec mà tôi tham dự tại Prague tháng 9, thậm chí có ý kiến rằng các căn cứ không quân của Nga được bảo vệ tốt hơn cả dân thường Ukraine - những người đang hứng bom đạn vì những lệnh hạn chế này.
Ukraine cũng có chương trình máy bay không người lái tầm xa tân tiến và hiệu quả.
Có những thời điểm, các máy bay không người lái này đã khiến Nga bất ngờ và đã bay hàng trăm kilomet bên trong nước Nga.
Nhưng các máy bay không người lái này chỉ có thể mang theo một lượng vũ khí ít ỏi và hầu hết bị phát hiện và đánh chặn.
Kyiv lập luận rằng để đẩy lui các cuộc tấn công của không quân Nga, nước này cần tên lửa tầm xa, bao gồm Storm Shadow và các hệ thống tương tự như Atacms của Mỹ có tầm bắn xa hơn, lên tới 300km.
Vì sao phương Tây chần chừ ?
Chỉ có một từ : leo thang.
Mỹ lo ngại rằng dù cho tới nay mọi lời đe dọa của Tổng thống Vladimir Putin về các lằn ranh đỏ cuối cùng chỉ là những lời nói suông, việc cho phép Ukraine tấn công vào mục tiêu bên trong nước Nga bằng tên lửa của phương Tây có thể chỉ đẩy ông ta tiến tiến sát tới bờ vực của sự trả đũa.
Nhà Trắng lo ngại các nhân vật theo đường lối cứng rắn của Kremlin có thể kiên quyết thực kiện kế hoạch trả đũa bằng cách tấn công các địa điểm trung chuyển tên lửa trên đường tới Ukraine, như căn cứ không quân ở Ba Lan.
Nếu điều này xảy ra, Điều 5 Hiến chương NATO sẽ được kích hoạt, có nghĩa là liên minh này sẽ ở trong tình trạng chiến tranh với Nga.
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine ngày 24/2/2022, mục đích của Nhà Trắng là hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể mà không bị lôi vào xung đột trực tiếp với Moscow - dẫn đến nguy cơ không thể tưởng tượng được : một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc.
Storm Shadow tạo nên khác biệt gì ?
Storm Shadow có thể tạo ra một vài khác biệt.
Nhưng có thể đây là trường hợp "quá ít và quá trễ".
Kyiv đã yêu cầu sử dụng các tên lửa tầm xa của phương Tây trong lòng nước Nga từ rất lâu rồi, đến nỗi mà nay Moscow đã cảnh giác trước thời điểm mà phương Tây cuối cùng cũng dỡ bỏ các lệnh hạn chế.
Nga đã di chuyển bom, tên lửa và một số công trình kho bãi ra xa hơn khỏi biên giới với Ukraine và tầm bắn của Storm Shadow.
Tuy nhiên, Justin Crump của Sibylline nói rằng dù hệ thống phòng không của Nga đang phát triển để đối phó mối đe dọa của Storm Shadow từ Ukraine, nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn nhiều khi lãnh thổ của Nga hiện giờ có thể bị tấn công.
"Điều này sẽ khiến công tác hậu cần quân sự, chỉ huy và kiểm soát, cũng như hỗ trợ phòng không, trở nên khó khăn hơn khi thực hiện, và ngay cả khi máy bay Nga rút khỏi các tiền tuyến của Ukraine để tránh tên lửa, họ vấn sẽ mất thời gian và chi phí cho mỗi chuyến bay tới tiền tuyến".
Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Rusi, tin rằng dỡ bỏ các lệnh hạn chế sẽ mang lại cho Ukraine hai lợi ích.
Thứ nhất, việc này có thể "mở khóa" một hệ thống khác, Atacms.
Thứ hai, việc này sẽ đặt Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải quyết định sẽ đặt các hệ thống phòng không quý giá của họ ở đâu - điều mà ông cho rằng có thể khiến Ukraine dễ dàng dàng dùng máy bay không người lái để xâm nhập.
Nhưng tựu trung, Storm Shadow cũng khó mà đảo ngược tình thế.
Frank Gardner
Nguồn : BBC, 12/09/2024
Chiến tranh leo thang
Hoàng Quốc Dũng, 11/09/2024
Hoa kỳ đã có những bằng chứng rõ ràng về việc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo (missiles ballistiques) tầm ngắn cho Nga. (Xin nhắc lại là Iran vẫn cung cấp cho Nga drones (Shahed) để bắn phá các thàng phố của Ukraine từ lâu rồi, nhưng lần này là tên lửa đạn đạo. Cũng nói để các bạn biết là việc bắn chặn các tên lửa đạn đạo khó hơn nhiều). Để đổi lại, Nga có thể sẽ giúp Iran thực hiện giấc mộng nguyên tử. Như vậy, Hiệp ước của thế giới về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân (Traité sur la non-prolifération des armes nucléaires - TNP ; Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons – NPT) nổ tung thành mây khói.
Tên lửa Iran được trưng bày tại thủ đô Tehran, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo, ngày 2/2/2019. AFP/ATTA KENARE
Hiệp ước này (ký từ năm 1968 và có hiệu lực năm 1970) có nôi dung chính là các nước đã có vũ khí hạt nhân không phổ biến cho các nước chưa có. Các nước chưa có không tìm cách để có.
Đa số các nước trên thế giới đều ký hiệp ước này, trừ Ấn Độ, Pakistan, Israel. Bắc Hàn ký rồi nhưng lại rút ra.
Để đáp lại việc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga, Phương tây lại tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran. Cũng nên biết là Iran đã bị trừng phạt từ 40 năm nay rồi, nên có vẻ không sợ. Quá nhiều biện pháp trừng phạt nên tôi không thể kể hết, tuy nhiên có một biện pháp mới là ba nước Pháp, Anh, Đức có thể sẽ hủy các hiệp ước song phương về hàng không. Đường bay trực tiếp từ Liên Âu đến Tehran có thể sẽ bị cắt đứt trong thời gian tới.
Cùng với các biện pháp trừng phạt thêm, Phương Tây sẽ có thể cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Phương Tây để đánh vào đất Nga, đặc biệt là tên lửa khủng Scalp và Pháp hay Storm Shadow của Anh. Mấy quả này đã bắn chìm mấy tầu ngầm của Nga ở Crimea rồi. Kinh lắm.
Nhân thể nói luôn là đêm hôm qua, theo một số nguồn tin thì các drones của Ukraine đã đánh cả vào sân bay lớn thứ 2 của Moskva. Đó chỉ toàn là loại drone con con thôi mà đã rối loạn lung tung rồi. Không biết mấy quả Scalp kia thì sẽ ra sao. Mà không hiểu tại sao, quân đội thứ nhì thế giới lại không chặn được mấy cái drones con con đánh thẳng vào thủ đô.
Hoàng Quốc Dũng
(11/09/2024)
*************************
Washington "chuẩn bị" cho phép Ukraine dùng vũ khí do Mỹ cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Trọng Thành, RFI, 11/09/2024
Chính quyền Mỹ hôm qua, 10/09/2024, phát đi nhiều tín hiệu cho thấy Washington có thể sớm cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cấp để tấn công các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, như đòi hỏi khẩn thiết của Kiev thời gian gần đây.
Quân đội Mỹ bắn thử phiên bản đầu tiên của Hệ thống tên lửa chiến thuật, tại khu bắn thử White Sands Missile Range, Fort Bragg N.C., bang New Mexico, Mỹ, ngày 14/12/2021. AP - John Hamilton
Theo AFP, trả lời phỏng vấn báo giới tối hôm qua tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết "đang xem xét vấn đề này". Cũng ngày hôm qua, trên Sky News, ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định : "Chúng tôi không loại trừ việc này" nhưng nhấn mạnh, Mỹ muốn chắc chắn là việc cho phép phải giúp Ukraine đạt được các mục tiêu mà Kiev đề ra.
Sáng hôm nay, ngoại trưởng Mỹ cùng người đồng cấp Anh, David Lammy, đi tàu hỏa từ Ba Lan đến Kiev. AFP cho hay, "việc giảm nhẹ các giới hạn trong sử dụng vũ khí của phương Tây cung cấp" trong cuộc chiến chống xâm lược Nga là một trọng tâm của chuyến công du của hai lãnh đạo ngoại giao Anh - Mỹ.
Một đòi hỏi chủ yếu của Ukraine là Mỹ cho phép sử dụng các tên lửa chiến thuật ATACMS, có tầm bắn đến 300 km để tấn công các căn cứ trong lãnh thổ Nga. Hồi đầu năm nay, Washington đã cho phép Kiev dùng vũ khí Mỹ cấp để tấn công các mục tiêu sát biên giới.
Truyền thông Anh cho hay, trong cuộc gặp tổng thống Mỹ hôm thứ Sáu 13/08, thủ tướng Anh Keir Starmer đề nghị Nhà Trắng dỡ bỏ quy định cấm Ukraine sử dụng tên lửa Anh Storm Shadow, do Anh - Pháp hợp tác sản xuất, có tầm bắn đến 550 km, tấn công các mục tiêu trên đất Nga.
Trang mạng Telegraph ngày 10/09 giải thích, việc sử dụng tên lửa Storm Shadow đòi hỏi phải có sự cho phép của Mỹ vì vũ khí này "được sử dụng với một số hệ thống thiết bị của Mỹ".
Theo AFP, việc Mỹ - Anh nối lại các thảo luận về chủ đề này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ phát hiện Iran cung cấp tên lửa cho Nga, gây lo ngại về việc quân đội Nga sử dụng các vũ khí này để tấn công vào các khu vực sâu trong hậu phương Ukraine ở miền tây, cho đến nay vốn tương đối ít bị chiến tranh ảnh hưởng.
Về vấn đề này, một số nhân vật tên tuổi trong phe Cộng Hòa Mỹ, trong đó có chủ tịch ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, Mike McCaul, đã gửi thư đến tổng thống Biden, hối thúc Nhà Trắng sớm ra quyết định. Tuy nhiên, nội bộ đảng Cộng Hòa cũng đang rất chia rẽ : Nhiều cộng sự của ứng cử viên tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng buộc Kiev phải nhân nhượng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh, nếu Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử đầu tháng 11/2024.
Theo AFP, điện Kremlin hôm nay cho biết Nga sẽ có phản ứng "thích hợp", nếu Ukraine được các đối tác phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa chống lại lãnh thổ nước này
Trọng Thành
Hà Lan cho phép Ukraine dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
Minh Anh, RFI, 10/09/2024
Quân đội Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Hà Lan cung cấp, để oanh kích các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Điều này cũng sẽ được áp dụng cho cả loại chiến đấu cơ F-16 mà Amsterdam sắp chuyển giao cho Kiev.
Một chiến đấu cơ F-16 của quân đội Ukraine được chụp tại một địa điểm không được xác định ngày 04/08/2024. AP - Efrem Lukatsky
Theo báo Pháp Le Monde ngày 10/09/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan, Ruben Brekelmans, trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) cho rằng "Kiev có quyền tự vệ. Và nếu đất nước bị tấn công từ các vùng biên giới hay từ các sân bay quân sự Nga, Ukraine có thể nhắm bắn vào các mục tiêu đó. Điều này cũng tương tự cho tên lửa của kẻ thù : Chúng cũng có thể bị bắn chặn bằng vũ khí của chúng ta trên lãnh thổ Nga".
Bộ trưởng Brekelmans khẳng định, luật quốc tế không giới hạn khoảng cách, "quyền tự vệ hợp pháp không dừng lại ở 100 km cách biên giới" và Ukraine có thể sử dụng cả chiến đấu cơ F-16 mà Hà Lan sắp chuyển giao cho.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hà Lan còn kêu gọi các nước đồng minh khác của Ukraine nên có quyết định tương tự.
Ukraine oanh kích vùng Moskva, nhiều chuyến bay bị hủy
Hãng tin Anh Reuters dẫn truyền thông Nga hôm 10/09/2024, cho biết không quân Nga đã bắn hạ 144 drone do Ukraine phóng đi trong suốt đêm qua nhằm vào 9 vùng của Nga, trong đó có 20 chiếc tại vùng Moskva. Chính quyền vùng cho biết ít nhất hai tòa nhà dân cư bị cháy, một phụ nữ thiệt mạng, nhiều chuyến bay tại thủ đô Nga bị hủy.
Tại Ukraine, Bộ Năng lượng xác nhận nhiều cơ sở hạ tầng tại 8 vùng đã bị oanh kích trong vòng 24 giờ trước đó. Đồng thời, các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại đường dây cao thế và trạm biến áp điện ở một số khu vực.
Ngoài ra, truyền thông Ukraine dẫn nhiều nguồn tin quân sự khẳng định một tầu Nga đã vận chuyển "hơn 200 tên lửa đạn đạo Fath-360" của Iran tới một cảng ở vùng biển Caspi hôm 04/09. Các chuyên gia quân sự Iran sẽ hướng dẫn binh sĩ Nga cách sử dụng tên lửa tại trường bắn Ashuluk, cách biên giới Kazakhstan 45 km. Hoa Kỳ hôm nay cho biết sắp ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.
Minh Anh
******************************
Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
Reuters, VOA, 10/09/2024
Ukraine hôm 10/9 đã tấn công khu vực Moscow trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay vào thủ đô của Nga, giết chết ít nhất một phụ nữ, phá hủy hàng chục ngôi nhà và buộc khoảng 50 chuyến bay phải chuyển hướng khỏi các sân bay xung quanh Moscow.
Người dân nói chuyện với các quan chức gần khu chung cư bị hư hỏng vì cuộc tấn công của Ukraine.
Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, cho biết họ đã phá hủy ít nhất 20 máy bay không người lái tấn công của Ukraine khi chúng bay qua khu vực Moscow, nơi có dân số hơn 21 triệu người, và 124 máy bay không người lái khác ở tám khu vực khác.
Ít nhất một người đã thiệt mạng gần Moscow, chính quyền Nga cho biết. Ba trong số bốn sân bay của Moscow đã phải đóng cửa trong hơn sáu giờ và gần 50 chuyến bay đã bị chuyển hướng.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một lời nhắc nhở khác về bản chất thực sự của giới lãnh đạo chính trị Ukraine, mà ông nói là gồm các kẻ thù của Nga.
"Không đời nào các cuộc tấn công vào ban đêm vào các khu dân cư có thể liên quan đến hành động quân sự", ông Peskov nói.
"Chế độ Kyiv tiếp tục thể hiện bản chất của mình. Họ là kẻ thù của chúng tôi và chúng tôi phải tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ mình khỏi những hành động như vậy", ông nói, sử dụng cách diễn đạt mà Moscow dùng để mô tả cuộc chiến của mình ở Ukraine.
Trong khi đó Kyiv cho biết Nga, nước đã triển khai hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, đã tấn công Ukraine vào ban đêm bằng 46 máy bay không người lái, trong đó có 38 máy bay đã bị phá hủy.
Người dân nói với Reuters rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Nga hôm 10/9 đã gây hư hại cho các tòa nhà chung cư cao tầng ở quận Ramenskoye thuộc vùng Moscow, khiến các căn hộ bốc cháy.
Một phụ nữ 46 tuổi đã thiệt mạng và ba người bị thương ở Ramenskoye, thống đốc vùng Moscow Andrei Vorobyov cho biết.
Người dân cho biết họ bị đánh thức vì tiếng cháy nổ.
"Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy một quả cầu lửa", Alexander Li, một cư dân của quận nói với Reuters. "Cửa sổ bị thổi bay bởi sóng xung kích".
Georgy, một cư dân từ chối cho biết họ của mình, cho biết ông nghe thấy tiếng máy bay không người lái vo ve bên ngoài tòa nhà của mình vào sáng sớm. "Tôi kéo rèm lại và nó đánh trúng vào tòa nhà ngay trước mắt tôi, tôi đã nhìn thấy tất cả", ông nói. "Tôi đưa gia đình mình chạy ra ngoài".
Quận Ramenskoye, cách Điện Kremlin khoảng 50 km về phía đông nam, có dân số khoảng một phần tư triệu người, theo dữ liệu chính thức.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 70 máy bay không người lái cũng đã bị bắn hạ trên vùng Bryansk của Nga và hàng chục máy bay khác trên các vùng khác. Không có thiệt hại hoặc thương vong nào được báo cáo ở đó.
Trong khi Nga tiến lên ở miền đông Ukraine, Kyiv đã đưa cuộc chiến sang Nga bằng một cuộc tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk phía tây của Nga bắt đầu vào ngày 6/8 và bằng cách thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày càng lớn vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Reuters
Phương Tây chưa dứt khoát hỗ trợ Ukraine chiến thắng Nga
Trong bài phân tích "Ukraine : Nga rõ ràng, phương Tây nhập nhằng", Les Echos ngày 09/09/2024 nhận định trước sự tàn bạo của Vladimir Putin và việc Nga oanh tạc ồ ạt vào các thành phố Ukraine, các đồng minh của Kiev cần hết sức đoàn kết và chứng tỏ tình tương trợ.
Các pháo thủ của lữ đoàn tác chiến số 15 Kara-Dag thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine bắn pháo M101A1 về phía quân Nga ở tiền tuyến gần Pokrovsk, Donetsk ngày 05/09/2024. Reuters - Serhii Nuzhnenko
Mỹ và Châu Âu chỉ giúp Kiev cầm cự thay vì giành chiến thắng
Lviv, thành phố lớn miền tây Ukraine, nơi lại là mục tiêu tấn công của Nga, chỉ cách biên giới Ba Lan 70 kilomet. Cuộc chiến đang tiến lại gần Liên Hiệp Châu Âu (EU) và tất nhiên là NATO. Những trận bom đánh vào Poltava (trên 50 người thiệt mạng), Lviv... là sự trả đũa của Moskva sau khi bị Kiev lăng nhục ở Kursk. Trước sự leo thang này, các đồng minh của Ukraine cần phải tỏ thái độ rõ ràng.
Tránh cho Kiev khỏi thất bại và ngăn không cho Moskva thắng, khác hẳn với việc bảo đảm chiến thắng cho Ukraine. Nhìn từ Châu Âu, đôi khi người ta có cảm giác như mục đích chính của Hoa Kỳ là chuẩn bị cho một cuộc đàm phán tương lai giúp hưu chiến, theo mô hình năm 1953 ở Bàn Môn Điếm, Triều Tiên ; nhằm tránh đối đầu trực diện với Nga. Nước Mỹ, dù kết quả cuộc bầu cử ngày 05/11 ra sao, còn nhiều ưu tiên khác, cả đối nội lẫn đối ngoại. Phải chăng nếu Kamala Harris, một người thực dụng đắc cử, cần đoàn kết quốc gia trước thách thức Trung Quốc ? Hoặc áp dụng chính sách hỗn loạn và ích kỷ nếu Donald Trump thắng ? Trong cả hai trường hợp, Nga chỉ là thứ yếu.
Phản ứng phía Châu Âu khác hẳn, vì các lý do địa lý, lịch sử cũng như kinh tế và văn hóa. Sẽ quá đơn giản nếu nói rằng một nước càng nằm gần Nga thì càng ủng hộ Ukraine mạnh hơn. Rõ ràng đó là trường hợp của Ba Lan, các quốc gia Baltic, chưa kể các nước Bắc Âu. Nhưng làm thế nào giải thích việc Anh quốc ngay từ đầu cuộc xâm lăng đã tỏ ra cứng rắn, minh bạch hơn là Đức ? Thế đang lên mới đây của cực hữu và cực tả ở hai bang Thüringen và Sachsen càng gây thêm lo ngại. Phải chăng miền Đông Đức giữ khoảng cách với cuộc chiến ở Ukraine, một kiểu cố tình "trung lập" như "các nước phương Nam" ? Tại Trung Âu và Đông Âu, quan điểm cũng khác hẳn nhau.
Vũ khí tầm xa cần thiết để diệt tận gốc
Gần ba năm sau cuộc xâm lăng, vấn đề chủ yếu vẫn y nguyên : Có thể đi xa tới đâu trong việc hỗ trợ Ukraine để bằng mọi giá tránh Moskva chiến thắng, và không phải trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột ?
Putin không hề ngần ngại đánh vào các thành phố Ukraine gần Liên Hiệp Châu Âu, và phổ biến hơn nữa là vào các mục tiêu dân sự, năng lượng trên toàn quốc Ukraine. Đó là nhằm buộc nhân dân Ukraine phải quy phục - quá kiệt quệ, họ đành phải chấp nhận hòa bình với điều kiện của Moskva. Để làm thất bại chiến lược Nga, cần cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công các căn cứ là nơi xuất phát những vụ oanh kích đẫm máu. Tất nhiên là có những rủi ro, nhưng thay vào đó, hạn chế năng lực tự vệ của Kiev về lâu về dài phải chăng còn nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến sự sụp đổ của Ukraine.
Không bảo vệ được đồng minh là chứng tỏ nước Nga của Putin đã đúng khi lâu nay vẫn tuyên truyền rằng phương Tây đang suy tàn. Putin đã nhiều lần nói rằng trong 30 năm Nga sẽ là trung tâm một thế giới "đa cực và công bằng", trong đó phương Tây không còn có thể áp đặt. Ông ta được trải thảm đỏ đón tiếp ở Mông Cổ, một quốc gia thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thay vì bị bắt theo lệnh truy nã. Moskva trông cậy vào sự khoan dung của một thế giới mà vũ lực đứng trên luật pháp. Ý đồ rõ ràng của Putin cần thúc đẩy các đồng minh của Ukraine đồng tâm đoàn kết để đối phó nhưng Les Echos lấy làm tiếc là hiện nay không phải như vậy.
Càng chủ quan, Putin càng có nguy cơ bị bắt
Về khả năng bắt giữ tổng thống Nga, giáo sư công pháp quốc tế Mathilde Philip-Gay trên La Croix khẳng định "Vladimir Putin càng tự tin thì càng có nguy cơ bị bắt". Việc Putin đến một quốc gia đã ký quy chế Roma, công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nhằm cố ý chứng tỏ sự yếu đuối của định chế.
Tại Mông Cổ cũng như Nam Phi, không phải tổng thống mà các thẩm phán mới quyết định bắt giữ. Tư pháp Mông Cổ không độc lập, nhưng về lý thuyết Putin không được an toàn. Slobodan Milosevic, Khieu Samphan rốt cuộc đều đã bị đưa ra tòa. Nếu Putin bị yếu đi ở Nga, ông ta cũng có thể gặp nguy. Vì vậy mà khắp nơi trên thế giới đang có những "tay súng bắn tỉa" âm thầm chuẩn bị hồ sơ, đợi thời điểm để tiến hành.
Sở dĩ ICC ra lệnh truy nã về việc bắt trẻ em Ukraine sang Nga chứ không phải về tội xâm lăng, là vì tội danh này mới được đưa vào từ 2017 và đang được từng nước trong số 125 quốc gia thành viên lần lượt phê chuẩn. Thế nên mới có ý kiến thành lập tòa án đặc biệt để xét xử Vladimir Putin, còn nếu đưa ra trước ICC thì phải đợi đến khi chiến tranh kết thúc mới có thể tập hợp được các bằng chứng.
"Chỉ có thể nói chuyện với Nga trên tư thế kẻ mạnh"
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, Oleksandr Lytvynenko, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, nhấn mạnh "Chỉ có thể nói chuyện với người Nga trên tư thế của kẻ mạnh". Đó là văn hóa xưa nay của Nga, khác hẳn với phương Tây. Ông Lytvynenko nhận định chiến dịch Kursk là một thành công ý nghĩa, tuy không thay đổi được ván cờ. Để buộc Putin ngồi vào bàn đàm phán, phương Tây cần vũ trang thêm cho Kiev, nếu không chiến tranh sẽ tiếp diễn trên những phần đất khác.
Bên cạnh đó là đấu tranh chống tin giả. Nga có rất nhiều kinh nghiệm về tuyên truyền từ thời Liên Xô, có những công cụ quan trọng để phá hoại phương Tây, từ các phong trào hòa bình cho đến các đảng cộng sản, nhằm gây bất ổn và bôi xấu hình ảnh các quốc gia dân chủ. Moskva tiếp tục có những chương trình rất tốn kém và phức tạp thừa hưởng từ thời Liên Xô, với nhiều điệp viên nằm vùng được cài cắm trong thời gian dài. Chẳng hạn vụ trao trả gần đây với cặp vợ chồng dùng danh tính giả, con cái không biết một tiếng Nga nào là một ví dụ.
Xã hội dân sự Georgia chống lại "luật Nga"
Tại nước láng giềng Georgia (Gruzia), Le Figaro ghi nhận nỗ lực kháng cự của xã hội dân sự trước sự trấn áp của chính quyền độc tài thân Nga. Từ đầu tháng 9, luật về "nhân tố nước ngoài", còn được gọi là "luật Nga" bắt đầu có hiệu lực.
Trên 25.000 tổ chức phi chính phủ (NGO) và truyền thông có một tháng để đăng ký là "tổ chức hoạt động vì lợi ích của một thế lực ngoại quốc" nếu 20% ngân sách là từ nước ngoài. Đến ngày 02/09 chỉ mới có khoảng 500 tổ chức đăng ký. Eka Gigauri, giám đốc chi nhánh Georgia của Transparency International khẳng định : "Đại đa số các tổ chức xã hội dân sự chỉ có mục đích là phục vụ đất nước, xây dựng một nền dân chủ thực sự. Đó là vấn đề phẩm giá, chúng tôi yêu nước nhiều hơn là cái chính phủ phục tùng Nga này".
Đạo luật đã bị tổng thống Salome Zourabichvili cùng với 121 NGO và nhà báo kiện lên Tòa Bảo hiến. Nhưng Jaba Devdariani, biên tập viên trang Civil.ge cho biết không chờ đợi gì ở Tòa, vì đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền đã bố trí các thẩm phán trung thành.
Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 tới được coi là sự kiện quan trọng nhất kể từ khi Georgia được độc lập cách đây 33 năm. Đảng của nhà tài phiệt làm giàu nhờ Nga, Bidzina Ivanichvili muốn quay lại quỹ đạo của Moskva, trong khi 80% mong muốn Georgia trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO.
Số phận Ukraine đè nặng lên các nước thuộc Liên Xô cũ
Một nhà đối lập nhận xét, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến chế độ Georgia cứng rắn hơn. Chuyên gia Fredrick Löjdquist ở Stockholm cảnh báo : "Cũng như Kremlin, chính quyền Georgia coi dân chủ là mối đe dọa tiềm tàng. Dân Georgia thì sợ chiến tranh. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine chỉ là một biểu hiện của vấn đề. Không phải việc ngưng bắn hay một thỏa thuận không hoàn hảo giữa Kiev và Moskva có thể chấm dứt ý đồ của Nga nhằm làm yếu đi các nền dân chủ".
Đám mây chiến tranh Ukraine không chỉ vần vũ trên bầu trời Georgia. Tại Kyrgyzstan, chính quyền dưới áp lực của Nga đã thông qua đạo luật "nhân tố nước ngoài" tương tự, Kazakhstan thì đã lập hẳn một danh sách. Belarus đã khẳng định tính cách nước chư hầu của Nga. Một số nước cố gắng kháng cự như Moldova nhỏ bé, Armenia. Sự chọn lựa của cử tri Georgia tháng tới sẽ ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực còn đang do dự về con đường phải theo, sự thay đổi chính phủ ở Mỹ cũng vậy.
Cựu dân biểu Mỹ Tom Malinovski giải thích, Donald Trump luôn nghĩ rằng thương lượng được với Vladimir Putin, còn Kamala Harris có thể đi theo xu hướng của Barack Obama, "reset" quan hệ với Nga. Nhưng cuối cùng số phận của Ukraine mới đè nặng lên tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Cựu ngoại trưởng Ba Lan Anna Fotyga cảnh báo, nếu Vladimir Putin không thất bại nặng nề, chế độ Nga sẽ không dừng lại.
Paralympics thành công, tân thủ tướng Pháp trước thách thức
Thế vận hội người khuyết tật thành công rực rỡ là đề tài được tất cả các báo ra hôm nay đề cập đến. La Croix chạy tít trang nhất "Paralympiques thần tiên", Le Figaro nhận xét "Paris 2024, một mùa hè thế vận kết thúc với kết quả tuyệt vời". Niềm vui lan tỏa trên đường phố Paris trong tháng 8 đã kéo dài sang tháng 9 mặc cho chính trường xáo động. Riêng Pháp với 75 huy chương trong đó có 19 huy chương vàng, đã vượt qua thành tích của Thế vận hội Tokyo và đạt được mục tiêu đã đặt ra là có mặt trong 8 hạng đầu. Libération cho rằng Paralympics Paris thành công cả về mặt thể thao lẫn công chúng, thực sự là một sự hội nhập người khuyết tật vào xã hội.
Về chính trị, báo chí phân tích những thử thách của tân thủ tướng Pháp. Le Monde nêu ra : cải cách chế độ hưu bổng, trợ cấp thất nghiệp, ngân sách - chính khách cánh hữu khẳng định không có "lằn ranh đỏ" nào. Riêng về ngân sách 2025, Le Figaro cho rằng ông Michel Barnier "đang ở chân tường". Ông phải xúc tiến luật tài chánh trong lúc thâm hụt của Pháp đang tăng cao, sau đó phải đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội trong khi không có được đa số. Tờ báo so sánh với việc "leo lên đỉnh Everest" - đỉnh cao mà tất cả những người leo núi đều mơ đến. Trước mắt chính phủ của ông đành phải bám vào cái phao là đề nghị Bruxelles dành cho một thời hạn dài hơn.
Thụy My
Kiev kêu gọi các nước đồng minh bắn hạ drone và tên lửa Nga
Minh Anh, RFI, 09/09/2024
Nga khẳng định tiếp tục đà tiến quân ở miền đông Ukraine, gia tăng các cuộc oanh kích bằng tên lửa và drone nhắm vào Pokrovsk, Kiev, Tcherkassy, Soumy et Dnipropetrovsk. Nhiều drone của Nga đã rơi xuống biên giới một số nước đồng minh NATO là Romania và Latvia.
Lực lượng phòng không Ukraine đánh chặn một drone Shahed của Nga trên bầu trời thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 07/09/2024. © Evgeniy Maloletka / AP
Hôm 08/09/2024, Kiev một lần nữa kêu gọi các nước đồng minh cho phép Ukraine dùng vũ khí của họ để tấn công phủ đầu nhắm vào sân bay hay các địa điểm nằm sâu trên lãnh thổ Nga.
Từ Kiev, thông tín viên Alexandre Query tường thuật :
Andrii Sybiha, ngoại trưởng Ukraine, hôm qua, hối thúc các nước đồng minh của Kiev sử dụng hệ thống phòng không của họ bắn hạ tên lửa và drone của Nga trong không phận Ukraine. Ông Sybiha kêu gọi họ nên có « một quyết định tập thể táo bạo ».
Lời thỉnh cầu này được đưa ra sau việc drone của Nga xâm phạm không phận Romania và Latvia, hai nước thành viên của NATO. Một chiếc drone đã đi vào không phận của Romania và dường như đã oanh kích một khu vực không dân cư gần biên giới với Ukraine trước khi chuyển hướng về phía đông.
Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 08/9, một chiếc khác rớt xuống Latvia. Tổng thống Edgars Rynkevics, kêu gọi đáp trả tập thể về sự cố này, khi nhấn mạnh rằng số sự cố này ở sườn phía đông của NATO đã tăng lên.
Những hành động vi phạm này xảy ra vào lúc Nga tăng cường các cuộc tấn công chết chóc nhắm vào Ukraine, khiến 90 người bỏ mạng trong vòng một tuần trên khắp cả nước, trong đó có 58 người ở Poltava hôm thứ Ba 03/9 và một ngày sau đó là 7 người ở Lviv.
Theo tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, tuần trước, Nga đã phóng đi hơn 800 bom lượn, gần 300 drone Shahed và hơn 60 tên lửa nhắm vào Ukraine.
Hãng tin Nhật Bản NHK trích truyền thông Ukraine cho biết quân đội nước này đã có một cuộc tấn công xuyên biên giới nhắm vào một kho trữ tên lửa do Bắc Triều Tiên sản xuất ở khu vực Voronezh, phía tây nước Nga. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho NHK, một chuyên gia quân sự Ukraine khẳng định, Nga chủ yếu dùng tên lửa KN23 của Bắc Triều Tiên để bắn phá các mục tiêu dân sự, nhằm bẽ gãy ý chí của người dân Ukraine.
Minh Anh
*************************
Ukraine bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Nga trong cuộc không kích mới nhất
VOA, 09/09/2024
Ukraine hôm 9/9 cho biết lực lượng Nga đã tấn công nước này bằng tám máy bay không người lái và ba tên lửa dẫn đường, bao gồm cả đợt tấn công mới nhất nhằm vào thủ đô Kyiv của họ.
Một lính cứu hỏa dập lửa sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga tại khu vực Cherkasy, Ukraine, ngày 29/8. Khu vực này lại bị Nga tấn công một lần nữa hôm 9/9.
Không quân Ukraine nói rằng họ đã bắn hạ hai trong số ba tên lửa và sáu trong số tám máy bay không người lái, với các cuộc đánh chặn diễn ra trên các khu vực Cherkasy, Dnipropetrovsk, Kyiv và Sumy.
Không có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại lớn hoặc thương vong.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 9/9 rằng lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine trên khu vực Belgorod và một máy bay khác trên khu vực Kursk, cả hai khu vực dọc biên giới giữa hai nước là mục tiêu chung của Ukraine.
Nguồn : VOA, 09/09/2024
Tướng Ukraine tiết lộ chiến lược tấn công, chiếm đóng vùng Kursk của Nga
Chi Phương, RFI, 09/09/2024
Vào đầu tháng 8, lực lượng Ukraine đã mở chiến dịch tấn công "bất ngờ" và "táo bạo", sang lãnh thổ Nga. Bằng việc chọn một điểm yếu ở vùng biên giới Kursk, thiếu an ninh, quân đội Kiev đã tiến sâu, chiếm được hàng ngàn mét vuông đất của Nga và vẫn giữ quyền kiểm soát cho đến nay. Điều này cho thấy, mặc dù Nga đã giành được nhiều chiến thắng tại những chiến tuyến khác, chiếm được nhiều vùng của Ukraine ở miền đông, nhưng quân đội Nga cũng có những điểm yếu.
Cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga tại vùng Kursk của Nga, hình ảnh được cắt từ một video đăng tải ngày 20/08/2024 via Reuters - 95th Air Assault Brigade
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN vào tuần trước, chỉ huy lực lượng vũ trang Kiev, tướng Oleksandr Syrskyi khẳng định rằng chiến dịch tấn công vào vùng Kursk của Nga là một "thành công" vì đã ngăn cản được một mối đe dọa từ Nga, di dời "cuộc chiến sang lãnh thổ của Nga để quân địch có thể nếm mùi chiến tranh như những gì chúng tôi phải trả qua mỗi ngày".
Lãnh đạo quân đội Ukraine giải thích lý do đằng sau cuộc xâm nhập lãnh thổ Nga : Ngăn cản Nga sử dụng vùng Kursk làm bàn đạp để mở ra một cuộc tấn công mới, chuyển hướng lực lượng Nga đến những vùng khác, để tạo ra một vùng an toàn, ngăn chặn các cuộc pháo kích xuyên biên giới của Nga, nhắm vào các mục tiêu dân sự, bắt giữ tù binh chiến tranh và nâng cao tinh thần của quân đội Ukraine cũng như tinh thần dân tộc nói chung. Lãnh đạo quân đội Kiev cũng cho biết đã điều động hàng chục ngàn quân đến Kursk, trong số đó gồm một số lực lượng tấn công giỏi nhất của Kiev.
Tại vùng Pokrovsk, Ukraine thừa nhận đang phải chịu áp lực rất lớn trong nhiều tuần qua vì các cuộc tấn công của Nga ở miền đông nước này, tướng Syrskyi cho biết quân đội Kiev đang chặn được đà tiến của Nga "từ gần một tuần qua", "kẻ thù không thể tiến được một mét nào và chiến lược của tôi đã phát huy tác dụng. Chúng tôi đã tước đi khả năng cơ động, khiến Nga không có khả năng chi viện…, số lần pháo kích cũng như cường độ tấn công của Nga đã giảm".
Theo chỉ huy lực lượng Ukraine, do Nga có lợi thế về nguồn lực, do vậy Ukraine buộc phải có chiến lược hiệu quả hơn trong cách chiến đấu, khác với Nga, sử dụng lực lượng và phương tiện một cách tối ưu, tận dụng địa hình và ưu thế về kỹ thuật, cũng như sử dụng một cách khôn ngoan nguồn vũ khí drone của Ukraine và các loại vũ khí công nghệ cao được tài trợ.
Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, vừa nhậm chức vào tháng Hai vừa qua, sau khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sa thải tướng Valerii Zaluzhnyi. Lúc đó, quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn, từ việc Hoa Kỳ và các nước phương Tây chậm trễ chuyển giao, viện trợ vũ khí cho Kiev, khiến quân đội Ukraine thiết hụt đạn dược trầm trọng. Ukraine cũng gặp khó khăn trong việc tuyển thêm lính mới, thiếu nhân lực, quân nhân kiệt sức, bị suy yếu sau hơn hai năm chiến tranh với Nga và tuyển thêm binh lính là ưu tiên hàng đầu.
Chính phủ Kiev hồi đầu năm nay đã thông qua lệnh động viên gây tranh cãi, hạ thấp tuổi tòng quân. Chỉ bảy tháng sau, các tân binh đã được điều ra tiền tuyến, nhưng theo chia sẻ của chỉ huy quân đội Ukraine, những lính mới không phải ai cũng sẵn sàng chiến đấu, và thường xuyên từ bỏ vị trí của mình, một phần là vì chỉ trải qua khóa đào tạo ngắn hạn. Ông Syrskyi cho biết những tân binh được đào tạo cơ bản trong một tháng, sau đó là khóa đào tạo quân sự chuyên sâu khoảng nửa tháng, rồi được đưa ra chiến trường, "tình hình ở tiền tuyến buộc chúng tôi phải đưa lính nghĩa vụ tham chiến càng sớm càng tốt".
Chiến dịch của Ukraine không hiệu quả như mong muốn
Tuy nhiên, nỗ lực tấn công phủ đầu của Ukraine chưa hoàn toàn đạt được hiệu quả mang tính quyết định như mong muốn, theo như nhận định của Mathieu Boulègue nhà nghiên cứu về chương trình Nga - Á Âu của viện nghiên cứu Chatham House trên tạp chí National Interest của Hoa Kỳ. Trước tiên là phản ứng của Moskva, coi hành động tấn công của Kiev là khủng bố, đã làm chậm tốc độ tiến quân của Kiev. Thêm vào đó, tác động của chiến thuật dương đông kích tây ở Kursk của Ukraine còn hạn chế vì cho đến nay, Nga vẫn chưa huy động lực lượng lớn đến Kursk để chống lại Ukraine. Điện Kremlin tỏ ra không quan tâm, hạ thấp tầm quan trọng ở Kursk mà dồn lực vào các chiến tuyến ở miền đông.
Các phương tiện truyền thông do Nhà nước Nga kiểm soát coi cuộc tấn công vào Kursk là bằng chứng về sự hung hăng của Kiev và giải thích vì sao Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/02/2022. Trước việc lãnh thổ nước mình bị chiếm đóng, bộ máy tuyên truyền của Nga đã tìm cách đánh lạc hướng dư luận về thất bại quân sự, bằng cách tập trung vào các nỗ lực của chính phủ nhằm giúp đỡ hơn 130.000 cư dân phải rời bỏ nhà cửa.
Chiến dịch của Ukraine đáng lẽ ra phải được thực hiện tương tự như ở các chiến tuyến khác, đặc biệt là khu vực Donbass, nơi mà quân đội Ukraine đang bị thiệt hại nặng nề, Nga vẫn tấn công dồn dập, và bị Nga gặm nhấm lãnh thổ.
Đầu tuần trước Nga đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào lưới điện của Ukraine, phóng 200 tên lửa và drone khiến Ukraine bị mất điện trên diện rộng, điều này cho thấy Ukraine có nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng không, do quân đội phải phân chia lực lượng giữa tiền tuyến và bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Chiến dịch Kursk không làm thay đổi cục diện chiến tranh
Theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulègue, chiến dịch của Ukraine ở Kursk có thành công trong tương lai hay không phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở những nơi khác và còn tùy vào mức độ kiên nhẫn hay tuyệt vọng của điện Kremlin. Nếu Moskva muốn đẩy lùi quân Ukraine, thực hiện một cuộc oanh kích quy mô lớn, bất kể có nhắm vào chính thường dân của mình, thì một cuộc tấn công tàn bạo như vậy có thể sẽ buộc Kiev phải xem xét lại việc có nên tiếp tục duy trì lực lượng ở Kursk nữa nay không, nhất là trong trường hợp bị thiệt hại nặng về nhân lực cũng như thiết bị.
Trên thực tế, mục đích của chiến dịch Kursk không phải là để làm thay đổi cục diện chiến tranh. Hiện cả Nga và Ukraine đều không giành chiến thắng trên chiến trường, không hoàn thành mục tiêu chiến tranh nên chưa thể nói đến mục tiêu quân sự hay chính trị. Cả hai đều cố gắng chiếm giữ (hoặc là "giải phóng") nhiều khu vực càng tốt để tránh khỏi tình trạng bế tắc.
Các cuộc đàm phán đình chiến giữa hai bên không có tiến triển nào, một phần là do chiến dịch Kursk đã dập tắt mọi hy vọng. Tuy nhiên không có nghĩa là cuộc xâm nhập vào Nga là thất bại, vì trong nhiều tháng Ukraine phải chịu áp lực trước khả năng phải thoả hiệp với những điều khoản không mong muốn, phải đánh đổi lãnh thổ và những yêu sách khác. Matxcơca cũng hiếm khi tỏ ra thiện chí đàm phán, và chỉ tôn trọng cam kết của mình trong một số trường hợp với điều kiện cụ thể.
Chi Phương
***************************
Ý nghĩa mơ hồ của chiến dịch Kursk của Ukraine
Stephen M. Walt, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 08/09/2024
Thành công ngắn hạn không nhất thiết sẽ có tác động lâu dài.
Một quan nhan nhìn vào một tòa nhà bị hư hại do các cuộc không kích của Ukraine ở Kursk vào ngày 16/8/2024, sau cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk phía tây của Nga. Tatyana Makeyeva / AFP
Liệu cuộc phản công bất ngờ của Ukraine vào Nga là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến, hay một trò hề vô nghĩa, hay một bước đi sai lầm chiến lược của Kyiv? Về cơ bản, chiến dịch đã thành công trong ngắn hạn, nhưng quan trọng vẫn là trung hạn đến dài hạn. Liệu nó có tác động sâu rộng nào đến chính sách của phương Tây đối với Nga nói chung và cuộc chiến ở Ukraine nói riêng hay không ?
Vận mệnh chiến tranh đã dao động nhiều lần kể từ khi Nga phát động xâm lược vào tháng 2/2022, và không nhà quan sát nào có thể đoán đúng mọi thứ. Vì lý do này, cần phải giữ thái độ khiêm tốn. Như trong hầu hết các cuộc chiến, không thể biết chính xác điểm giới hạn về khả năng hoặc quyết tâm của mỗi bên là ở đâu, và cũng khó có thể dự đoán bên thứ ba sẽ phản ứng ra sao trước những diễn biến mới. Tuy nhiên, tôi không thấy có lý do để nghĩ rằng cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk sẽ có tác động tích cực đáng kể đến vận mệnh của nước này.
Chắc chắn, chiến dịch này đã mang lại cho Kyiv một số lợi ích rõ ràng. Nó đã mang lại một sự thúc đẩy tinh thần rất cần thiết cho người Ukraine và còn phản bác những lo ngại rằng Kyiv đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tiêu hao chống lại một kẻ thù lớn hơn mà họ không tài nào đánh bại được. Nó đưa cuộc chiến trở lại trang nhất của các tờ báo và củng cố tiếng nói kêu gọi tăng cường hỗ trợ của phương Tây. Nó đã phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của tình báo Nga và mức độ sẵn sàng của lính Nga, thậm chí có thể đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải xấu hổ, dù không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc phản công đã làm giảm quyết tâm của ông hoặc làm chậm bước tiến của Nga ở Donbas.
Thật đáng mừng khi thấy người Ukraine đạt được thành công trên chiến trường, nhưng chiến dịch này không có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến. Về mặt tích cực, cuộc tấn công cho thấy những sáng kiến đáng ngưỡng mộ và khả năng giữ bí mật hoạt động ấn tượng từ phía Ukraine, đó là lý do tại sao lực lượng xâm lược chỉ phải đối mặt với một nhóm nhỏ quân phòng thủ Nga được đào tạo kém. Có thể nói cuộc tấn công này giống với cuộc phản công thành công của Ukraine ở Kharkiv vào mùa thu năm 2022, cũng đạt được sự bất ngờ về mặt chiến thuật và phải đối mặt với quân đội Nga nhỏ hơn và thiếu kinh nghiệm hơn.
Tuy nhiên, những điều trên cho chúng ta biết rất ít về khả năng Ukraine giành chiến thắng trước các lực lượng phòng thủ được chuẩn bị tốt và có quân số lớn của Nga – lực lượng đã ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine một năm trước. Hơn nữa, chiến dịch Kursk có thể gây ra nhiều tổn thất cho Ukraine hơn là cho Nga, ở một mức độ mà người Ukraine khó có thể duy trì. Sẽ là một sai lầm lớn nếu kết luận rằng những thành công gần đây trên mặt trận Kursk có nghĩa là viện trợ bổ sung của phương Tây sẽ cho phép Ukraine chiếm lại Donbas hoặc Crimea.
Điều đó rất quan trọng, vì hai bên đang phải đối mặt với những hoàn cảnh khá khác nhau. Cả hai bên đều đã mất rất nhiều quân lính và thiết bị, nhưng Ukraine đã mất nhiều lãnh thổ hơn. Theo các báo cáo được công bố, Ukraine hiện đã chiếm giữ hơn 1000 km2 lãnh thổ của Nga và buộc khoảng 200.000 người Nga phải di tản khỏi những khu vực này. Những con số này tương đương với 0,0064% tổng diện tích đất của Nga và 0,138% dân số của nước này. Ngược lại, Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và cuộc chiến được cho là đã buộc gần 35% dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Ngay cả khi Kyiv có thể giữ được lãnh thổ mà họ vừa chiếm giữ, thì điều đó cũng chẳng mang lại nhiều lợi thế trên bàn đàm phán.
Điều này có nghĩa là số phận của Ukraine sẽ được quyết định chủ yếu bởi những gì xảy ra ở Ukraine, chứ không phải bởi chiến dịch Kursk. Các yếu tố chính sẽ là ý chí và khả năng tiếp tục hy sinh trên chiến trường của mỗi bên, mức độ hỗ trợ mà Ukraine nhận được từ những bên khác, và liệu hai bên có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong đó các khu vực không bị chiếm đóng của Ukraine được giữ nguyên vẹn và đảm bảo an toàn hay không. Để đạt được mục đích đó, Mỹ và Châu Âu nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine, nhưng sự hỗ trợ này phải đi kèm với một nỗ lực nghiêm túc và không ủy mị nhằm đàm phán lệnh ngừng bắn và cuối cùng là hòa bình. Tiếc thay, các quan chức Mỹ dường như đã quên mất cách khiến những đồng minh thân cận của mình phải đồng ý ngừng bắn, ngay cả khi những quốc gia đó phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Mỹ và khi lệnh ngừng bắn rõ ràng là vì lợi ích của Mỹ.
Chiến dịch Kursk cũng đặt ra ít nhất hai vấn đề khác, nhưng điều quan trọng là phải rút ra bài học đúng đắn từ chúng. Bài học đầu tiên và rõ ràng nhất là lời nhắc nhở về phạm vi hoạt động hạn chế và hiệu suất quân sự kém cỏi của Nga. Kể từ năm 2022, phe diều hâu đã cố gắng thuyết phục chúng ta rằng Putin đang quyết tâm khôi phục Đế chế Nga và thậm chí có thể là cả Khối Hiệp ước Warsaw, và rằng Ukraine chỉ là bước đầu tiên trước khi ông phát động các cuộc tấn công mới vào trật tự hiện có. Xét đến những bước đi sai lầm liên tục của Nga trong cuộc chiến này, và sự thật là cả những bước tiến thành công của họ cũng diễn ra rất chậm chạp, liệu còn ai tin rằng Nga sẽ gây ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với phần còn lại của Châu Âu ? Những kẻ thổi phồng mối đe dọa đã sử dụng hình ảnh này để củng cố sự ủng hộ cho Ukraine, nhưng việc dựa vào các chiến thuật hù dọa thường dẫn đến những quyết định chiến lược tồi tệ.
Thứ hai, một số nhà bình luận – bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – đã gợi ý rằng cuộc xâm nhập thành công của Kyiv vào đất Nga cho thấy rằng các lằn ranh đỏ hiện tại và các hạn chế khác đối với các hoạt động quân sự của Ukraine nên bị loại bỏ, và phương Tây nên để Ukraine chiến đấu với Nga theo bất kỳ cách nào họ muốn. Theo lập luận này, nếu quân đội Ukraine có thể xâm lược lãnh thổ Nga mà không kích động phản ứng leo thang từ Nga, thì điều đó chứng tỏ rằng Putin chỉ là một con hổ giấy và những lời đe dọa trước đó của ông ta về việc leo thang (bao gồm cả những lời ẩn ý sử dụng vũ khí hạt nhân) chỉ là những lời nói suông mà giờ đây đã bị vạch trần.
Những lập luận kiểu này nhằm mục đích cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tốt hơn và dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng chúng, và tôi không trách các nhà lãnh đạo Ukraine vì đã thúc đẩy ý tưởng này. Nhưng tuyên bố rằng không có nguy cơ leo thang bất kể Ukraine làm gì nên bị bác bỏ một cách kiên quyết. Các quốc gia có nhiều khả năng leo thang nhất khi họ đang thua trong một cuộc chiến. Quả thật, quyết định xâm lược lãnh thổ Nga của Ukraine có thể được xem là một nỗ lực mạo hiểm để đảo ngược tình thế bất lợi của chính họ trên chiến trường. Ngược lại, Putin không có động lực để leo thang nếu lực lượng của ông vẫn đang giành chiến thắng ở Donbas. Nguy cơ Nga leo thang chỉ xuất hiện nếu Moscow phải đối mặt với một thất bại thảm khốc, nhưng tình hình hiện tại không phải vậy.
Vấn đề không chỉ là mối nguy leo thang luôn hiện diện trong một cuộc chiến đang diễn ra. Chúng ta nên tự hỏi liệu mình có thực sự thoải mái về mặt đạo đức khi hỗ trợ một nỗ lực chiến tranh mà các mục tiêu đã nêu của nó là không thể đạt được, trong khi tránh né một nỗ lực ngoại giao nghiêm túc nhằm chấm dứt cuộc chiến. Kết quả từ lựa chọn chính sách hiện tại của chúng ta là nhiều người sẽ chết mà không có mục đích chính trị rõ ràng nào. Việc kêu gọi một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến Nga-Ukraine là một trong những trường hợp mà lợi ích cá nhân và đạo đức được thống nhất. Phương Tây và Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn hoặc chấm dứt cuộc chiến này bằng đàm phán, và thành công quân sự gần đây của Ukraine nên được xem là một cơ hội để bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn nghiêm túc, chứ không phải là cái cớ để kéo dài một cuộc chiến tốn kém mà Ukraine có thể tham gia nhưng không thể giành chiến thắng.
Stephen M. Walt
Nguyên tác : “The Murky Meaning of Ukraine’s Kursk Offensive,” Foreign Policy, 28/08/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/09/2024
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.