Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine : Nga chuyển sang chiến thuật "tiêu thổ" ở phía đông Bakhmut

Thùy Dương, RFI, 10/04/2023

Chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine hôm 10/04/2023 cho biết, quân đội Nga đã chuyển sang chiến thuật "tiêu thổ" ở phía đông thành phố Bakhmut và tiến hành các cuộc không kích và pháo kích để phá hủy các tòa nhà và địa điểm.

tieutho1

Khói bốc lên từ một địa điểm bị Nga tấn công, gần chiến tuyến ở Bakhmut, Donetsk, Ukraine, ngày 06/04/2023. Reuters – Oleksandr Klymenko

Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, được Reuters trích dẫn, lưu ý : "Kẻ thù đã chuyển sang điều gọi là chiến thuật tiêu thổ như ở Syria. Họ đang phá hủy các tòa nhà và các vị trí bằng các vụ không kích và hỏa lực pháo binh".

Viên tướng này khẳng định các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ thành phố Bakhmut, "tình hình khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát được" và Nga đã điều lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị chiến đấu cơ động đến Bakhmut, bởi đội lính đánh thuê Wagner đã "kiệt sức". Tuy nhiên, Reuters chưa thể xác minh các thông tin nói trên từ nguồn tin độc lập.

Trong khi đó, trong bản tin thường nhật, bộ Quốc Phòng Anh sáng nay 10/04 thông báo, ở miền đông Ukraine, từ 7 ngày nay, Nga đã tăng cường các đợt tấn công với xe bọc thép quanh thành phố Marïnka.

Marïnka cách thành phố Donetsk khoảng 20 km phía tây nam, trước chiến tranh có gần 10.000 dân, nay là tâm điểm các cuộc giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine, cũng giống như các thành phố Bakhmut và Avdiïvka.

Về phía Nga, vẫn theo Reuters, bộ Quốc Phòng Nga hôm qua 09/04 thông báo đã phá hủy kho chứa 70.000 tấn nhiên liệu gần thành phố Zaporijjia ở miền đông nam Ukraine.

Thùy Dương

**************************

Chiến tranh Ukraine : Nga đã bắn hơn 1.200 tên lửa để phá hệ thống điện Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 09/04/2023

Chính quyền Ukraine vào hôm 08/04/2003 cho biết trong mùa đông vừa qua, Quân Đội Nga đã dùng hơn 1.200 tên lửa hoặc drone tấn cộng để phá hủy mạng lưới điện tại Ukraine, nhưng không thành công. Đây cũng là nhận định của tình báo Anh trong bản tin cập nhật tình hình hàng ngày.

tieutho2

Tuyết rơi xuống thành phố Kiev (Ukraine) tối 16/12/2022, vào lúc tình trạng mất điện tiếp tục diễn ra do oanh kích của Nga. AP - Felipe Dana

Theo Ukrenergo, tập đoàn nhà nước quản lý năng lượng của Ukraine, thì kể từ tháng 10 năm 2022 đến nay, lực lượng Nga đã sử dụng hơn 1.200 tên lửa hoặc drone mang bom để tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 250 tên lửa hoặc drone bắn trúng mục tiêu, khiến cho 43% mạng lưới điện bị hư hại.

Nhận xét từ phía Ukraine cũng tương tự như nhận định của tình báo Anh.

Trong bản tin cập nhật tình hình Ukraine công bố hôm qua, nguồn tin trên cho rằng Nga "có lẽ đã không thành công trong việc làm giảm đáng kể năng lực sản xuất và truyền tải năng lượng của Ukraine trong mùa đông vừa qua".

Theo tình báo Anh : "Nga đã thực hiện các cuộc tấn công từ xa kể từ tháng 10 năm 2022, nhưng các cuộc tấn công quy mô lớn đã trở nên rất hiếm kể từ đầu tháng 3 năm 2023… Các cuộc tấn công nhỏ hơn (dưới 25 quả tên lửa) vẫn tiếp tục, nhưng rất có thể sẽ ít hiệu quả trên hệ thống năng lượng thống nhất (của Ukraine)".

Theo tình báo Anh, tình hình năng lượng của Ukraine dự kiến ​​s được ci thin vi thi tiết m áp tr li.

Chính quyền Nga từng thừa nhận rằng các cơ sở điện của Ukraine là một trong những mục tiêu chính trong "chiến dịch đặc biệt" của họ. Theo Công Ước Genève, việc cố ý phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống của thường dân cấu thành tội ác chiến tranh.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa vẫn tiếp diễn. Vào hôm nay, 09/04, bộ Quốc Phòng Nga cho biết đã phá hủy được một kho chứa 70.000 tấn nhiên liệu gần thành phố Zaporijjia, miền đông nam Ukraine, cùng với một số kho chứa tên lửa, đạn dược và các loại vũ khí pháo binh khác của lực lượng Ukraine ở khu vực Zaporijjia và Donetsk.

Trước đó, chính quyền Ukraine đã tố cáo việc Nga bắn tên lửa vào khu dân cư ở Zaporijjia khiến cho một người đàn ông 50 tuổi và cô con gái 11 tuổi của ông thiệt mạng sau khi lực lượng Nga tấn công một tòa nhà dân cư ở thành phố.

Cũng hôm nay, có hai thường dân Ukraine khác bị thiệt mạng trong vụ pháo kích của Nga gần Kupiansk, ở vùng Kharkiv.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế

Quốc phòng Mỹ : Tài liệu mật rất có thể bị rò rỉ từ nội bộ

Minh Anh, RFI, 10/04/2023

Bộ quốc phòng Mỹ ngày 09/04/2023 đang phối hợp nhiều cơ quan nhằm thẩm định các rủi ro liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến cuộc chiến tranh tại Ukraine và các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, theo những thông tin mới nhất, giới điều tra thiên về giả thuyết tài liệu được tiết lộ từ nội bộ.

mat1

Phù hiệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại một trụ sở CIA ở Langley, Virginia, Hoa Kỳ. AP - Carolyn Kaster

 

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki cho biết thêm :

"Đích thân Michael Mulroy, một trong số các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc xác nhận điều này. Nguồn gốc vụ rò rỉ tài liệu mật này, vụ rò rỉ lớn nhất từ nhiều thập niên gần đây, rất có thể là từ phía Mỹ. 

Ông giải thích rằng hướng điều tra này là khả dĩ vì nhiều tài liệu được đăng trên các mạng xã hội chỉ nằm trong tay các quan chức Mỹ chứ không phải từ ai khác.

Do vậy, các nhà điều tra dường như đang xem xét liệu vụ rò rỉ này có phải là hành vi của một nhân viên bất mãn, hay nghiêm trọng hơn, xuất phát từ một mối đe dọa nội bộ, tìm cách gây tổn hại cho các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Phải nói rằng những tài liệu được công bố đề cập đến nhiều báo cáo chiến lược, chủ yếu có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và các hoạt động tình báo tại Nga. Tài liệu còn cho thấy Hoa Kỳ dọ thám một số đồng minh như Israel và Hàn Quốc.

Từ khi vụ rò rỉ được báo New York Times tiết lộ, hàng chục tài liệu nhậy cảm đã xuất hiện trên các mạng xã hội hay các diễn đàn trò chơi video. Trong khi chờ đợi cuộc điều tra tiến triển, Lầu Năm Góc đã siết chặt việc phổ biến các thông tin mật".

Theo Yonhap hôm qua, 09/04, văn phòng tổng thống Hàn Quốc loan báo sẽ có cuộc thảo luận với Washington, yêu cầu phía Mỹ có những hành động phù hợp, đồng thời cáo buộc CIA – Cơ quan Tình báo Mỹ - đã nghe lén các cuộc trao đổi giữa các quan chức cấp cao của chính phủ sau những tiết lộ từ New York Times.

Minh Anh

***************************

Mỹ điều tra về vụ "rò rỉ tài liệu mật" liên quan đến chiến tranh Ukraine

Thu Hằng, RFI, 09/04/2023

Một ngày sau thông báo của Lầu Năm Góc điều tra về vụ "rò rỉ tài liệu mật" của Mỹ được đăng trên các mạng xã hội, ngày 08/04/2023, đến lượt bộ tư pháp Hoa Kỳ thông báo mở một cuộc điều tra tương tự. Không chỉ liên quan đến chiến tranh Ukraine, rất nhiều tài liệu còn đề cập đến những phân tích vô cùng nhạy cảm về các đồng minh của Mỹ.

mat2

Trụ sở Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 02/03/2022. AP - Patrick Semansky

Theo một người phát ngôn của bộ tư pháp, được AFP trích dẫn, cuộc điều tra được mở sau khi "đã trao đổi với Bộ quốc phòng về chủ đề này". Vài chục tài liệu mật đã bị đăng trên Twitter, Telegram, Discord và nhiều mạng xã hội khác trong những ngày gần đây, nhưng chưa dừng ở đó vì có rất nhiều tài liệu mới tiếp tục được đăng.

Nhật báo Washington Post trích một số quan chức Mỹ cho biết rất nhiều tài liệu trong số bị rò rỉ đã bị làm giả. Nhưng phần lớn là thật và đúng với những báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA được lưu hành ở Nhà Trắng, Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao.

Truyền thông Mỹ cho rằng những tài liệu bị rò rỉ này là nguồn tin quý giá cho Matxcơva vì rất nhiều tài liệu cho thấy tình báo Mỹ đã thâm nhập vào nhiều bộ phận trong bộ máy quân sự Nga. Ngoài ra, còn có rất nhiều thông tin liên quan đến những tranh luận nội bộ chính phủ các nước đồng minh của Mỹ.

Một ví dụ được báo New York Times đăng là một tài liệu cho thấy các cuộc thảo luận trong chính phủ ở Hàn Quốc về khả năng cung cấp đạn pháo Mỹ cho Ukraine.

Thu Hằng

************************

Nga có thể đứng sau vụ "rò rỉ tài liệu mật" của Mỹ về chiến tranh Ukraine

Trọng Thành, RFI, 08/04/2023

Hãng tin Anh Reuters hôm 08/04/2023 cho biết Nga hoặc một số thành phần thân Nga có thể đứng sau vụ rò rỉ nhiều tài liệu quân sự "mật" và "tuyệt mật" của Mỹ về chiến tranh Ukraine, được lan truyền trên mạng từ hơn một tháng nay.

mat3

Quân Ukraine nhận vũ khí từ Mỹ ngày 11/02/2022. AP - Efrem Lukatsky

Theo ba giới chức Hoa Kỳ trả lời Reuters về vấn đề này, một số nội dung của các tài liệu mật được truyền đi trên mạng có thể đã bị bóp méo, cụ thể là trong việc giảm bớt số lượng thiệt hại của quân đội Nga. Một trong các tài liệu lan truyền trên mạng cho biết khoảng từ 16.000 đến 17.000 quân Nga bị tiêu diệt kể từ đầu cuộc xâm lăng, trong khi đó, theo các giới chức Mỹ, số lượng lính Nga chết và bị thương lên đến khoảng 200.000.

Thông báo của văn phòng tổng thống Ukraine về cuộc họp hôm qua, tại trụ sở bộ tổng tư lệnh quân đội Ukraine, có sự tham dự của tổng thống Volodymyr Zelensky, không đề cập đến vụ rò rỉ đã xảy ra. Nhưng theo văn phòng tổng thống Ukraine, "những người tham gia cuộc họp đã tập trung bàn các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin liên quan đến các kế hoạch của lực lượng vũ trang Ukraine". 

Theo báo Mỹ New York Times, nơi loan tải thông tin về vụ rò rỉ này có thể ảnh hưởng đến lòng tin giữa các đồng minh, khi lịch trình cung cấp vũ khí và huấn luyện quân đội Ukraine bị tiết lộ. Trả lời RFI, tướng Pháp Jean-Paul Paloméros, một cựu thành viên Bộ Chỉ huy chiến lược của NATO, khẳng định Hoa Kỳ cần giải trình về việc này để duy trì niềm tin.

Thông tin bị rò rỉ và "cuộc chiến tin giả"

Trả lời Reuters, một quan chức Ukraine nhận định là trong các tài liệu được loan truyền trên mạng, có "một lượng rất lớn thông tin bịa đặt", và nhiều tài liệu được đăng tải dường như nằm trong một chiến dịch bóp méo thông tin nhằm gieo rắc nghi ngờ về cuộc phản công của quân đội Ukraine, vốn cần nhiều vũ khí tiên tiến của phương Tây. Cố vấn của tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, cũng khẳng định tình báo Nga đứng sau hoạt động này.

Ngược lại, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW ở Washington, ghi nhận thái độ lo ngại trong giới blogger Nga chuyên về quân sự và có lập trường cổ vũ chiến tranh chống Ukraine. Một số blogger nổi tiếng trong giới này khẳng định các tài liệu "rò rỉ" là giả mạo, được đưa ra với mục tiêu làm sai lệch thông tin, nhằm đánh lừa bộ chỉ huy quân sự Nga, trước cuộc phản công lớn dự kiến của Quân đội Ukraine.

Theo chuyên gia Aric Toler, làm việc cho Bellingcat, một cơ sở truyền thông chuyên về kiểm chứng thông tin, có trụ sở tại Hà Lan, hiện chưa rõ vì sao các thông tin được coi là rò rỉ từ đầu tháng 3 nhưng chỉ được các phương tiện truyền thông phương Tây biết đến một tháng sau đó.

Trọng Thành

****************************

Vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ liên quan đến Ukraine

Minh Anh, RFI, 08/04/2023

Lầu Năm Góc đang tìm cách xác định nguồn gốc vụ rò rỉ các tài liệu mật liên quan đến chiến lược hậu thuẫn Ukraine của Mỹ và NATO, được đăng tải rộng rãi tuần này trên các mạng xã hội.  

bqp1

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Mark Milley (T) và bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tham dự cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ ngày 15/03/2023. © Reuters

Theo báo Mỹ New York Times ngày 06/04/2023, được AFP trích dẫn, những tài liệu ghi ngày đầu tháng Ba 2023 đề cập nhiều chi tiết quan trọng như nhịp độ lực lượng Ukraine sử dụng các loại đạn pháo rốc-kết di động Himars, hay như lịch trình cung cấp vũ khí hoặc những thông tin mà phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine. 

Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, những thông tin này, được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội Twitter và Telegram, dường như là chính xác, nhưng cũng có một số chi tiết có thể đã bị chỉnh sửa mô tả tình hình có lợi cho Nga chẳng hạn như giảm thiểu quy mô thiệt hại của quân Nga. 

Cũng theo những thông tin rò rỉ này, khoảng 12 lữ đoàn Ukraine có lẽ đang được thành lập, trong đó có 9 lữ đoàn được Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí.  

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Sabrina Singh trả lời báo chí khẳng định Lầu Năm Góc đã biết sự việc và đang tiến hành điều tra. 

Minh Anh

Additional Info

  • Author Minh Anh, Thu Hằng, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Châu Âu có nên lo ?

Ngày 25/03/2023, tổng thống Nga thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, và việc xây dựng các cơ sở để cất trữ sẽ hoàn tất vào đầu tháng 7/2023. Đây không phải là lần thứ nhất tổng thống Vladimir Putin nhắc đến việc bố trí vũ khí hạt nhân tại Belarus. Nhưng lần này nhiều nước phương Tây lo ngại, do trong tuyên bố chung với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3/2023, nguyên thủ Nga đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân.

vukhi1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko theo dõi một cuộc tập trận qua video tại Moskva, Nga, ngày 19/02/2022. AP - Alexei Nikolsky

Tổng thống Nga có ý định gì khi thông báo đưa vũ khí chiến thuật đến Belarus ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chuyên gia về nước Nga, Lukas Aubin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) tại Pháp. Ông còn là tác giả tập sách "Địa chính trị nước Nga", do nhà xuất bản La Decouverte phát hành.

**********

RFI : Vì sao tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định chọn Belarus để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ? Tại sao vào lúc này ?

Lukas Aubin : Nga và Belarus cực kỳ thân thiết trên bình diện chiến lược cũng như quân sự. Chúng ta biết rõ là Vladimir Putin và Alexander Lukashenko đã ký kết nhiều thỏa thuận chiến lược, chính xác là để đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Người ta còn biết rằng tham vọng của ông Putin, về lâu dài, đương nhiên là "hấp thụ" Belarus, nhằm mở rộng lãnh thổ của Liên bang Nga, và cuối cùng là Belarus trở thành một dạng mở rộng tự nhiên của chế độ Putin.

Rõ ràng điều này phục vụ cho tham vọng của Vladimir Putin như chúng ta biết hiện nay, nhất là với cuộc chiến tranh Ukraine, mà mục đích sau cùng là khôi phục các vùng đất lịch sử của Nga như chính ông Putin tự gọi, đó là những vùng lãnh thổ của người Slave, có từ hơn một thiên niên kỷ trước.

Quả thật, thông báo chuyển vũ khí nguyên tử đến Belarus còn là một phần trong lô-gic răn đe hạt nhân mà Vladimir Putin đã đưa ra từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Chúng ta biết là ngày 24/02/2022, Vladimir Putin đã nhiều lần tái khẳng định: Nếu NATO đi quá xa trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông sẽ không ngần ngại sử dụng đến hạt nhân. Hiện tại, chưa có gì xảy ra cả và chúng ta vẫn còn trong luận điệu răn đe.

Nhìn từ góc độ chiến lược, việc chuyển các trang thiết bị hạt nhân quân sự đến Belarus, ở một mức độ nhất định, còn cho phép đưa các đầu đạn hạt nhân đến gần Kiev hơn chẳng hạn, bởi vì chúng ta biết rõ là từ biên giới Belarus với Ukraine đến Kiev chỉ có vài chục km, hay vài trăm km.

Tuy nhiên, cũng nên giảm thiểu tầm mức vụ việc. Nghĩa là vấn đề hạt nhân ở đây không hẳn là chúng có tác động ra sao trên chiến trường, mà đúng hơn điều đó sẽ dẫn đến một thế cô lập nào. Nếu như ông Vladimir Putin phải sử dụng vũ khí hạt nhân, đương nhiên rủi ro ở đây sẽ là sau đó ông có nguy cơ "bị ruồng bỏ" không những từ phía các cường quốc phương Tây, mà cả trong mắt các cường quốc không phương Tây.

Cuối cùng rồi việc sử dụng một vũ khí hạt nhân hay hàng trăm vũ khí hay không đều như nhau cả, nghĩa là điều tồi tệ đã xảy ra và đằng sau sự leo thang hạt nhân, những thảm họa sẽ bắt đầu, và đó sẽ là điều tất yếu.

RFI : Ngày 05/05/2022, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khi cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP từng nói rằng "sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận". Vì sao lần này ông ấy lại đồng ý tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga một cách dễ dàng ?

Lukas Aubin : Nga đã có Lukashenko từ năm 2019 từ khi ông ấy tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu bị phản đối. Đúng là cuộc bầu cử bị gian lận, ít nhất là một phần do có nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Belarus, đặc biệt là ở thủ đô Minsk. Và rõ ràng ông ấy buộc phải xích lại gần Vladimir Putin. Ông ấy buộc phải "bán đứng" một phần nền độc lập của Belarus cho Nga để đổi lấy một hình thức bảo hộ từ phía ông Putin. Đó là điểm thứ nhất.

Trên thực tế, điều đó có nghĩa là ông ấy có nghĩa vụ phải đi theo những lợi ích chiến lược của ông Putin và Lukashenko cũng buộc phải tuân theo các phát biểu của ông Putin, mà các tuyên bố của tổng thống Nga thì thay đổi từ tuần này sang tuần khác, đôi khi không nhất quán. Xin nhắc lại là trong những ngày trước khi nổ ra cuộc chiến xâm lược Ukraine, ông Putin nhắc đi nhắc lại trước thế giới, cho dù là trên truyền thông Nga dành cho khán thính giả Nga, cho dù là trên truyền thông quốc tế của phương Tây hay không phương Tây, ông ấy cứ nói đi nói lại là không bao giờ Nga sẽ xâm lược Ukraine, không bao giờ Nga sẽ gây chiến với Ukraine.

Những lời nói dối đó là một phần chiến lược của Putin. Mục tiêu bất biến của ông ấy là duy trì quyền lực bằng mọi cách, trong mọi trường hợp, khi tự trao cho mình vị thế người truyền tải chính cho chính câu chuyện của mình, nghĩa là chính ông đang tự kể chuyện mình đang làm chính trị một cách thường trực.

Thế nên, với tư cách là người truyền tải, ông ấy chẳng lo sợ sự mâu thuẫn, và do vậy, Alexander Lukashenko buộc phải đi theo sự mâu thuẫn đó. Đây chắc chắn chính là điều chúng ta đang nhìn thấy về các phát biểu liên quan đến hạt nhân, vốn dĩ thay đổi từ tuần này sang tuần khác tùy theo từng sự việc.

RFI : Trong trường hợp vũ khí hạt nhân chiến thuật được bố trí thật sự tại Belarus, Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO sẽ phải đối mặt với những đe dọa, rủi ro nào ? Châu Âu có những biện pháp nào để đối phó ?

Lukas Aubin : Về mặt kỹ thuật, điều đó chẳng làm thay đổi gì nhiều, vì chúng ta đang nói là tên lửa của Nga sẽ tiếp cận với Ukraine và phương Tây trong vài trăm km. Trên thực tế, điều này thực sự không nghiêm trọng so với việc ông Putin rất có thể, nếu ông ấy muốn, có vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad. Về mặt địa lý, Kaliningrad gần với Tây Âu hơn là Belarus.

Từ điểm này, ở đây chúng ta đang có một hiệu ứng thông báo, một dạng leo thang chỉ nhằm để gây sợ hãi các cường quốc phương Tây, cũng như gieo rắc kinh hoàng tại Ukraine. Ở đây có một ý tưởng khủng bố người nghe rất hiệu quả, những người cảm thấy lo ngại về cuộc chiến tranh này. Và chúng hoạt động được theo nghĩa như tôi và quý đài hiện đang có cuộc thảo luận này cho một cơ quan truyền thông ở đây là đài RFI, sẽ được phát sóng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới chẳng hạn.

Do vậy, đây là một phát biểu hiệu quả, một tuyên bố về hạt nhân và trong mọi trường hợp, lời lẽ này còn nhằm mục đích buộc các cường quốc phương Tây rút lui trong việc giao vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, luận điệu này vẫn chưa cho thấy kết quả. Thậm chí, tình báo Hoa Kỳ còn tuyên bố không nên quá coi trọng lời dọa dẫm này.

RFI : Tuy nhiên, thông báo này cũng đi ngược với những gì Vladimir Putin phát biểu chung cùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp của họ tại Moskva hồi trung tuần tháng 3/2023, cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số nhà phân tích cho rằng có một hình thức đồng lõa nào đó từ phía Trung Quốc. Ông có chia sẻ quan điểm này ? Ông đánh giá thế nào phản ứng chậm trễ của Bắc Kinh ?

Lukas Aubin : Đương nhiên Trung Quốc nói phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân, dưới mọi hình thức, và tất nhiên là từ quan điểm quân sự. Nhưng chúng ta cũng biết rằng Trung Quốc chơi trò nước đôi trong hồ sơ Nga và Ukraine. Vài tuần trước khi xảy ra cuộc xâm lược, thậm chí là một tuần trước cuộc xâm lăng, ông Tập Cận Bình đã mời Vladimir Putin đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông được tổ chức vào đầu trung tuần tháng 2/2020 với tư cách là khách mời danh dự.

Nhân dịp này, hai lãnh đạo đã ký kết rất nhiều hợp đồng giữa Nga và Trung Quốc, và hai ông còn ký một văn bản cảnh cáo NATO mở rộng sang các nước cựu thành viên Hiệp ước Vacxava và các nước cựu thành viên Liên Xô. Đúng là Tập Cận Bình không mấy gì ủng hộ cuộc chiến tranh này, nhưng trong mọi trường hợp, ông ấy hậu thuẫn đường lối chính trị của đồng nhiệm Nga, là đẩy lui những gì mà họ ví như là một đế chế phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại là tương đối căng thẳng trên bình diện ngoại giao và kinh tế. Do vậy, Trung Quốc cảm thấy hài lòng trước việc Nga tiến hành một cuộc chiến chính trị với phương Tây, bởi vì điều đó đang giúp Trung Quốc thấy rõ phần nào những hạn chế của phương Tây, cách khối này phản ứng, vũ khí của họ ra sao v.v… Và quả thật, phương Tây đã có những phản ứng khá mạnh mẽ khi gởi cả vũ khí phòng thủ lẫn tấn công thường xuyên, chẳng hạn như Ba Lan và Slovakia, sắp giao chiến đấu cơ cho Ukraine trong những ngày tới.

Điều đó cho thấy rõ là hiện nay chúng ta đang trong một tình trạng khá căng thẳng. Và Trung Quốc có thể sẽ rút ra nhiều bài học, đặc biệt liên quan đến hồ sơ Đài Loan, mà Trung Quốc rất có thể sẽ can thiệp trong những năm tới đây, vì bản thân ông Tập Cận Bình cũng không che giấu tham vọng biến Đài Loan thành một vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

RFI : Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Lukas Aubin, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS).

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 06/04/2023

Additional Info

  • Author Lukas Aubin, Minh Anh
Published in Diễn đàn

Nga dùng drone tấn công Odessa và tăng cường phòng thủ ở trên bán đảo Crimea

Minh Anh, RFI, 04/04/2023

Chính quyền thành phố Odessa, miền nam Ukraine, hôm nay, 04/04/2023, cho biết drone của Nga đã tấn công cảng biển Odessa, nằm ở Biển Đen, và gây ra nhiều "thiệt hại".  

crimea1

Khói bốc lên từ một khu phố ở Odesa, Ukraine, bị Nga oanh kích, ngày 03/04/2022. © AP - Petros Giannakouris

Trên mạng xã hội Facebook, lãnh đạo thành phố Odessa, Yourii Kruk, nêu rõ Nga đã tiến hành một đợt tấn công trong đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba. Tuy nhiên, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine thông báo đã bắn hạ 14 trong số 17 chiếc drone Shahed do Iran sản xuất được Nga phóng đi, đồng thời cảnh báo khả năng có một đợt tấn công thứ hai. 

Còn theo tờ Washington Post, được báo Pháp Le Monde trích dẫn, Moskva từ nhiều tuần qua đã huy động quân đội và công nhân để đào một hệ thống chiến hào xung quanh thành phố Medvedivka, ở phía bắc bán đảo Crimea, gần với Ukraine lục địa.  

Ngoài hệ thống giao thông hào nông, dài nhiều km dành cho các binh sĩ và các khẩu đại pháo, các hình ảnh vệ tinh mà tập đoàn kinh doanh công nghệ không gian Maxar cung cấp cho Washington Post, cho thấy nhiều hố sâu được thiết kế để bẫy xe tăng và xe thiết giáp. Theo một nhà phân tích quân sự Nga, Ian Matveev với nhật báo Mỹ, "quân đội Nga dường như đã hiểu rằng bán đảo Crimea sẽ phải phòng thủ trong một tương lai không xa". 

Bên cạnh đó, Nga còn cho đặt những khối bê-tông nhỏ hình tháp mà giới chuyên gia gọi là những "chiếc răng rồng" nhằm ngăn chặn các loại xe tăng, thiết giáp, vận tải và phía sau là các kho bãi quân sự như bồn nhiên liệu, xe thiết giáp và đại pháo. Hàng chục điểm phòng thủ tương tự dài đến 30 km được xây dựng dọc theo bờ tây bán đảo Crimea và nhiều khẩu pháo đã được bổ sung trong vùng này.

Minh Anh

*************************

Ukraine công bố kế hoạch giải phóng bán đảo Crimea

Thùy Dương, RFI, 03/04/2023

Đợt phản công mùa xuân chưa bắt đầu, nhưng Ukraine công bố một kế hoạch bao gồm nhiều giai đoạn để giành lại bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập hồi năm 2014.

crimea2

Vị trí bán đảo Crimea trên bản đồ. RFI

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, hôm Chủ Nhật 02/04/2023, đăng lên mạng Facebook một kế hoạch gồm 12 bước để giải phóng bán đảo Crimea. 

Trong kế hoạch này, ông Danilov đặc biệt muốn truy tố những người Ukraine đã cộng tác với chính quyền do phía Nga dựng lên, cảnh báo là một số người sẽ bị truy tố hình sự, bị cắt lương hưu, bị cấm làm việc trong các cơ quan công quyền. Tất cả công dân Nga đến định cư ở bán đảo Crimea sau năm 2014 sẽ bị trục xuất. Mọi giao dịch bất động sản được thực hiện dưới chế độ Nga đều sẽ bị hủy bỏ. 

Kế hoạch giải phóng bán đảo Crimea cũng dự kiến phá dỡ cây cầu Kerch dài 19 km do Nga xây dựng, bắc qua eo biển Kerch nối liền Crimea với nước Nga. 

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, còn kêu gọi đổi tên thành phố Sebastopol, căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen của Nga từ thế kỷ 19 tới nay. Thành phố này có thể được gọi là "Mục tiêu số 6" trước khi Quốc Hội Ukraine chọn một tên khác, có thể là Akhtiar mà thành phố Sebastopol từng mang trong các giai đoạn 1783 - 1784 và 1797 - 1826. 

Theo báo Le Monde, Mikhail Razvozhayev, thống đốc Sebastopol do Moskva bổ nhiệm, cho rằng không nên xem các tuyên bố của Ukraine là nghiêm túc. 

Vị thế tương lai của Crimea sẽ là một yếu tố then chốt trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt cuộc chiến hiện nay tại Ukraine. Điện Kremlin đề ra điều kiện thương lượng hòa bình là Ukraine phải công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea và công nhận các lợi ích lãnh thổ khác mà Moskva đạt. Những yêu sách này của Nga đã bị Kiev bác bỏ.

Thùy Dương

***********************

Chiến tranh Ukraine : Lực lượng Wagner tuyên bố chiếm tòa thị chính, giành được Bakhmut

Trọng Thành, RFI, 03/04/2023

Thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, là mục tiêu chinh phục của Nga từ mùa hè năm ngoái. Đêm hôm 02/04/2023, công ty lính đánh thuê Nga Wagner tuyên bố đã chiếm được tòa thị chính thành phố. Ông chủ Wagner, Yevgeny Prigozhin, khẳng định ‘‘về mặt pháp lý" thành phố miền đông Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

crimea3

Quân đội Ukraine chiến đấu tại mặt trận Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/03/2023. AP - Libkos

Trên mạng Telegram, đi kèm với thông điệp chiếm được Bakhmut là một đoạn video cho thấy thủ lĩnh Wagner giương một lá cờ Nga trong đêm, sau lưng là nhà cửa đổ nát. Trên lá cờ có một dòng tưởng niệm Vladlen Tatarskii, blogger Nga, chuyên bình luận về quân sự, người nhiệt tình cổ vũ cho cuộc can thiệp quân sự Nga, vừa bị giết trong một vụ nổ bom ở Saint-Petersbourg hôm qua. Thủ lĩnh Wagner cũng thông báo ‘‘địch thủ đang tập trung vào khu vực phía tây" của thành phố.

Trong khi đó, bộ Tổng Tham Mưu quân đội Ukraine khẳng định chiến sự tiếp diễn tại Bakhmut. Theo bản tin sáng sớm hôm nay của bộ Tổng Tham Mưu, ‘‘quân địch đang tấn công không ngừng tại Bakhmut, nhằm kiểm soát toàn bộ thành phố, các binh sĩ của chúng ta đã đẩy lùi tổng cộng hơn 20 cuộc tấn công".

Tối hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình tại Bakhmut đang ‘‘rất khó khăn" đối với các lực lượng Ukraine trong vòng 24 giờ qua. Thứ trưởng quốc phòng Ukraine, Ganna Maliar, cũng cho biết tình hình "rất căng thẳng", bất chấp các tổn thất rất lớn, lực lượng Wagner và nhiều đơn vị lính dù Nga vẫn không ngừng tấn công.

Theo AFP, trận chiến Bakhmut có ý nghĩa quan trọng với cả Nga và Ukraine. Phía Nga coi thắng lợi tại đây có ý nghĩa biểu tượng. Ngược lại, Ukraine kháng cự chủ yếu để kìm chân các lực lượng Nga, tiêu hao sinh lực đối phương. 

Cũng trong ngày hôm qua, Nga ồ ạt oanh kích Kostiantynivka, một khu vực dân sự cách Bakhmut khoảng 27 km, khiến 6 người chết và 11 người bị thương, theo chính quyền Ukraine. 6 tên lửa S-300 và Uragan bắn vào vị trí này. Tổng cộng 16 chung cư, 8 khu nhà tư, một vườn trẻ, một trụ sở hành chính, 3 xe hơi và một đường ống khí đốt bị hư hại.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Minh Anh, Thùy Dương, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Nga cạn kiệt vũ khí, phải dùng xe tăng "cổ lỗ" T-54 để chiến đấu ở Ukraine

Chi Phương, RFI, 01/04/2023

Nga tiêu hao thiết bị quân sự, phải dùng xe tăng cũ thời Liên Xô ở Ukraine. Tranh cãi ở Liên Hiệp Châu Âu : Hạt nhân có phải là năng lượng xanh hay không ? Bạo lực ở Pháp : Cảnh sát ngăn đội cứu hộ cứu người biểu tình. Dân số Trung Quốc theo xu hướng giảm. Cháy trại giam người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

dacbiet1

Xe tăng T-54 ở Saint-Peterburg, Nga, ngày 28/01/2023. AFP – Olga Maltseva

Về chiến tranh Ukraine, gần đây, một số thước phim ghi hình những chiếc xe tăng cũ kỹ T-54 và T-55, sản xuất dưới thời Liên Xô, được cho là để gửi đến chiến trường ở Ukraine bởi quân đội Nga, đã đặt ra câu hỏi về những thiệt hại về nguồn lực chiến đấu của Moskva ở Ukraine.

Xe tăng T-54 được sản xuất kể từ năm 1946 khi Joseph Stalin nắm quyền. Đến cuối những năm 1950, loại xe này đã trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực cho các đơn vị thiết giáp của quân đội Liên Xô. Theo AFP, T-54 và T-55 là một trong những loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân sự, lên đến 100.000 chiếc. Được đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô từ năm 1948, sau đó là trong quân đội của các nước thành viên Hiệp ước Warszawa, loại xe tăng này cũng được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi vào những năm 1950, và được sản xuất ở Ba Lan và Tiệp Khắc cho đến năm 1983.

Trang RFI tiếng Pháp cho biết, những chiếc xe tăng T-54 hiện được cất vào kệ "đồ cổ" của quân đội Nga. Lý do là vì chúng không được trang bị thiết bị điện tử, và chỉ có một khẩu súng 100 mm lỗi thời, tốc độ không vượt quá 50km/h và đã không được sản xuất trong nhiều thập kỷ.

Nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế (Ifri), Léo Periat cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang thực sự cạn kiệt kho vũ khí : "Chúng ta phải đối mặt với những thiết bị thô sơ, rẻ tiền và đặc biệt là khả năng tự bảo vệ lại cực kỳ thấp. Khi phải đối mặt với loại xe tăng này, lính Ukraine không cần phải sử dụng đến tên lửa Javelin đắt đỏ và hiệu quả tốt mà chỉ cần sử dụng các thiết bị khá cơ bản và rẻ tiền hơn để loại bỏ chúng".

Tranh cãi ở Liên Hiệp Châu Âu : Hạt nhân có phải là năng lượng xanh ?

Hôm thứ Tư 29/03, các cuộc tranh luận căng thẳng khiến Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ, liên quan đến việc có nên thừa nhận năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh hay không. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết cụ thể :

"Ngay từ lúc chưa bắt đầu, các cuộc đàm phán giữa 3 định chế Châu Âu đã gặp trở ngại. Thoạt đầu là với nhận xét của chủ tịch Ủy ban Châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh trước đó : bà Ursula Von Der Leyen đã đánh giá rằng hạt nhân không phải là nhân tố mang tính chiến lược cho tương lai. Kế đến là sự kết tụ của hai quan điểm đối nghịch nhau nhân cuộc họp của các bộ trường năng lượng vào thứ Ba (28/03).

Hai nhóm nước đã tổ chức những cuộc họp cạnh tranh nhau vào buổi sáng. Một bên là những nước như Áo, Luxembourg hoặc là Đức, muốn dành riêng diện năng lượng xanh cho các loại năng lượng tái tạo đúng theo nghĩa đen, tức là năng lượng từ gió, từ mặt trời và từ nước, nhưng không phải là năng lượng hạt nhân. Bên kia, là Pháp, Phần Lan, Ba Lan, những nước muốn xếp vào diện năng lượng xanh tất cả các nguồn năng lượng được gọi là "không carbon" hoặc "phát thải carbon thấp". Điều đó có nghĩa là bao gồm cả hạt nhân, vốn không sản xuất ra khí CO2. 

Tuy nhiên, bản chỉ thị đang được đàm phán phải dẫn đến việc thay thế khí đốt tự nhiên bằng khi hydrogen, và nhóm nước thứ hai kế trên cho rằng khí hydrogen được sản xuất bằng điện hạt nhân phải được xếp vào diện được hưởng tất cả các nguồn tài trợ mà chỉ thị này sẽ cho phép đưa ra".  

Bạo lực ở Pháp : Cảnh sát ngăn đội cứu hộ cứu người biểu tình

Trong tuần vừa qua, vấn đề bạo lực trong các cuộc biểu tình tại Pháp thu hút sự quan tâm của công luận. Ngoài các cuộc biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí, cuộc biểu tình mà bạo lực lên đến đỉnh điểm xảy ra tại Saint-Soline, Deux-Sèvres, miền tây nước Pháp hôm 25/03, vì một dự án xây hồ trữ nước ngọt.

Trong số những người biểu tình, 200 người đã bị thương, 40 người bị thương nặng, chủ yếu là do mảnh lựu đạn cay và đạn cao su. Hai người hiện vẫn đang bị hôn mê, tiên lượng mong manh. Về phía cảnh sát, có 47 người bị thương, một số xe cảnh sát bị đốt cháy. Trang mạng đài France Info cho biết lực lượng an ninh đã sử dụng 4000 lựu đạn cay, gây tiếng nổ lớn, trong đó có loại GM2L, và các loại đạn cao su (LBD), những loại thiết bị được xếp vào "vũ khí chiến tranh". Cơ quan thanh tra của Hiến binh Pháp (IGGN) đã mở điều tra và xác định xem việc sử dụng các loại vũ khí này xuất phát từ tình trạng tự vệ chính đáng hay đó là hành vi không phù hợp. 

Một điều khác khiến công luận Pháp xôn xao đó là việc đội cứu hộ được cho bị lực lượng an ninh ngăn cấm tiếp cận để sơ cứu những người bị thương. Điều tra của trang Mediapart Le Monde đã đưa ra một đoạn băng ghi âm chứng minh điều này. Về vụ việc này, tỉnh trưởng của vùng Deux-Sèvres đã đăng một thông cáo được báo Le Monde trích dẫn, chỉ ra rằng trong các cuộc đụng độ bạo lực, lực lượng an ninh sẽ là bên quyết định xem liệu can thiệp của đội cứu hộ có an toàn cho chính nhân viên cứu hộ hay không.

Trả lời trên đài phát thanh France Info, Patrick Baudouin, chủ tịch Liên Đoàn Nhân Quyền bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực trong các phong trào xã hội ở Pháp : "Đây là điều thực sự đáng lo ngại vì chúng ta có cảm giác là tình hình không được kiểm soát và không thể kiểm soát. Không ai biết sẽ đi theo hướng nào. Chúng ta đang ở trong một tình huống đáng báo động cho nền dân chủ. Hơn nữa, đó là bạo lực từ phía cảnh sát. Điều này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn".

Cháy trại giam người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ

Nhìn sang Châu Mỹ, trong tuần vừa qua, một sự kiện đáng chú ý đó là vụ cháy trại giam xảy ra vào đêm thứ Hai sáng thứ Ba 28/03, ở Ciudad Juarez, phía Bắc Mexico, gần biên giới Hoa Kỳ, khiến 39 người thiệt mạng. Nạn nhân chủ yếu là người di cư từ Honduras, Venezuela hay Guatemala, đã cố gắng tìm cách vượt biên vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ hỏa hoạn nhưng thảm kịch này đã nêu lên những bất cập trong chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, trục xuất tự động người di cư, để mặc cho phía Mexico xử lý.

Từ Houston, thông tín viên RFI Thomas Harms cho biết thêm thông tin :

"Nạn nhân là những người đã bị từ chối nhập cảnh trước đó vào buổi sáng ở biên giới Hoa Kỳ. Họ đã nhanh chóng bị trục xuất về phía Mexico. Theo nhà báo James Frederick, chuyên đưa tin về chính sách nhập cư, thảm kịch xảy ra là từ điều luật 42, một chính sách trục xuất tự động được triển khai dưới thời tổng thống Donald Trump.

Tất cả đã bắt đầu với điều luật 42 và chính sách Hoa Kỳ. Vì những người di cư nhanh chóng bị trục xuất, do vậy đã tạo ra những đường vòng mà nhiều người cố gắng vượt qua. Các thành phố biên giới như là Ciudad Juarez là nơi tập trung hàng ngàn người di cư.

Theo giám mục Công giáo Mark Seitz thuộc giáo xứ El Paso, bi kịch này phải được xem như lời kêu gọi cứu giúp những người di cư đang gặp nạn ở biên giới. Dân biểu đảng Dân chủ của thành phố Veroniac Escobar đã kêu gọi cứu những người tị nạn, những người đang liều mạng trên mọi nẻo đường để đến được Hoa Kỳ.

Điều 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/05 nhưng chính quyền Dân chủ không có ý định mở rộng cánh cửa nước Mỹ.

Một quy định mới, được tổng thống Joe Biden trình bày vào tháng Giêng, yêu cầu những người di cư phải lấy hẹn qua một ứng dụng. Bất cứ ai không tuân theo thủ tục này sẽ tự động bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại vào lãnh thổ Hoa Kỳ".

Hôm thứ Tư 29/3, theo AFP, chính quyền Mexico đã mở một cuộc điều tra về tội sát nhân. Tám người bị tình nghi là đã không có hành động can thiệp để cứu những di dân xấu số này. Trong cùng ngày, lực lượng biên phòng Hoa Kỳ cho biết khoảng 1.000 di dân đã cố vượt biên vào Mỹ từ ngả Mexico và những người này sẽ bị trục xuất. Sau thảm kịch ở Ciudad Juarez nói trên, có tin đồn được loan truyền theo đó Mỹ sẵn sàng tiếp nhận một số di dân vì lý do nhân đạo.

Khuynh hướng dân số giảm ở Trung Quốc

Chuyển sang khu vực Châu Á, trung tâm tài chính của Trung Quốc, siêu đô thị Thượng Hải lần đầu tiên từ 5 năm qua ghi nhận tình trạng dân số giảm, theo số liệu được công bố hôm 28/03. Trước đó, vào tháng Giêng, cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố tình trạng dân số giảm lần đầu tiên từ 60 năm qua. Trung Quốc đã mất đi 850.000 người vào năm 2022, trong khi mà chính quyền đã đưa ra chính sách nới lỏng hạn chế sinh con.

Kể từ nay, dân số giảm trở thành xu hướng chung, xuất hiện ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tường trình từ Bắc Kinh :

"Sau Bắc Kinh, đến lượt Thượng Hải phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Trung tâm tài chính của Trung Quốc ghi nhận khoảng 24,76 triệu dân vào năm 2022, trong khi mà vào năm 2021, con số này là 24,89 triệu người. Có thể thấy rằng đợt phong tỏa vào mùa xuân vừa qua đã không giúp ích gì. Vì các hạn chế dịch tễ nghiêm ngặt, nhiều người Thượng Hải phải ở nhà trong hơn hai tháng, thêm vào đó là các nhà máy bị đình trệ, lối vào thành phố bị phong toả, 250.000 lao động nhập cư đã rời khỏi Thượng Hải.

Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, dân số giảm tại siêu đô thị tại đồng bằng sông Dương Tử. Những lý do để giải thích hiện tượng này mang tính chất vừa tình huống, vừa cấu trúc. Giống như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, người dân Thượng Hải không muốn có con, hoặc chỉ muốn có một con vì lý do chi phí giáo dục, giữ trẻ cao, hay nói chung là vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong các thành phố tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này".

Chi Phương

Nguồn : RFI, 01/04/2023

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Diễn đàn

Phần thứ hai

Cuộc chiến tại Ukraine nhìn trong chính trị của "thế chân vạc"

 

Như đã nói ở Phần thứ nhất, để hiểu đầy đủ chiến tranh Nga-Ukraine, cần phải đặt nó trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của 3 đại cường quốc là Mỹ, Tàu, Nga. Vậy, cái bối cảnh ấy gồm những điểm đáng lưu ý nào ?

 

uk1

Nga không phải là siêu cường nhưng "siêu" về những thứ khác. Ảnh minh họa : Người dân Ukraine đi trên đoạn đường tràn ngập xác chiến xa và xe quân sự Nga bị phá hủy ở Bucha ngày 6/4/2022. Ảnh : Chris McGrath / Getty images

"Siêu" nhưng không "siêu"

Mỹ, Tàu, Nga là 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, vượt xa các nước khác. Mỹ là siêu cường. Tàu là siêu cường. Hai nước mạnh gần như toàn diện. Nga không phải là siêu cường nhưng Nga "siêu" về kho vũ khí nguyên tử lợi hại ; "siêu" về sản xuất và xuất cảng các loại vũ khí chiến tranh ; "siêu" về kỹ thuật thám hiểm không gian ; "siêu" về lãnh thổ rộng gần gấp đôi toàn thể Châu Âu ; "siêu" về năng lượng dầu hỏa và khí đốt ; "siêu" về tài nguyên thiên nhiên - vàng, bạc, sắt, đồng, chì, kẽm, uranium, than đá, đất, nước ; "siêu" vì là đang là quốc gia Châu Âu "hung hăng" nhất trên lục địa này ; "siêu" về hào quang là hậu thân của Liên Xô - có đạo lục quân mạnh nhất trong thế chiến 2, đã đánh bại đế quốc Nhật và nhất là đánh bại Đức Quốc Xã ; "siêu" về vị thế là một trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mặt khác, Nga chỉ có 144 triệu dân so với 335 triệu của Mỹ, 1.420 triệu của Tàu. Tổng sản lượng GDP chỉ bằng 7% của Mỹ và 10% của Tàu tính theo hối suất chính thức (cao hơn một chút nếu tính theo mãi lực). Kinh tế của Nga trì trệ vì năng suất yếu, dân số giảm sút mỗi năm, sinh suất thấp hơn tử suất. Mức sống vào loại thấp nhất ở Châu Âu. Với những giới hạn này, Nga không có (vì không thể có) tham vọng làm bá chủ hay đệ nhất siêu cường như Mỹ hay Tàu mà Nga còn khó tiếp tục đứng độc lập trong thế chân vạc như hiện tại.

"Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo" không phải là độc quyền chiến lược của Tập Cận Bình

Trong tương lai, Nga có thể "phải" chọn ký hiệp ước chính thức làm đồng minh chiến lược của Tàu giúp Tàu lật đổ Mỹ và lên ngôi đệ nhất siêu cường với "rất nhiều quyền lợi" và "tột đỉnh vinh quang".

Nếu Mỹ chấp nhận thỏa mãn một số đòi hỏi tối thiểu của Nga, Nga cũng có thể chọn làm đồng minh chiến lược của Mỹ giúp Mỹ chặn không cho Tàu vươn lên nữa, đồng nghĩa giúp Mỹ duy trì nguyên trạng "Pax Americana". "Trong chính trị quốc tế không có bạn muôn đời, không có kể thù muôn kiếp mà chỉ có quyền lợi của quốc gia" và quyền lợi của… lãnh tụ !

Nếu Nga ký hiệp ước đồng minh quân sự dứt khoát đứng hẳn về một bên, Tàu hay Mỹ, thế giới sẽ không còn "chân vạc", chỉ có "lưỡng cực". Thế "lưỡng cực" có thể dẫn đến "nhất cực" nếu liên minh Tàu-Nga thắng Mỹ hoặc liên minh Mỹ-Nga buộc Tàu phải chịu bó tay. 

Lẽ tất nhiên, Nga sẽ cố duy trì "thế chân vạc" - cho đến khi không thể duy trì được nữa - để có "triều đình riêng một góc trời" và để khỏi rơi vào tình cảnh khốn quẫn "chồn, thỏ hết, chó săn chết" hay "được chim bẻ ná, được cá quăng nơm".

uk2

"Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo" không phải là độc quyền chiến lược của Tập Cận Bình . Ảnh minh họa : Thế chân vạc của 3 đại cường quân sự

"Diện" và "Điểm"

Mặc dù bị Tàu thách thức và cạnh tranh rất mạnh, Mỹ vẫn còn là đệ nhất siêu cường của thế giới. Cả Châu Âu và Châu Á đều cực kỳ quan trọng cho vị thế này của Mỹ. "Mất" Châu nào trước cũng làm Mỹ suy sụp. Suy sụp rất nhanh vì "mất" Châu này sẽ nhất thiết làm "mất" luôn cả Châu kia. 

Tại Châu Âu, đối thủ chính của Nga là Mỹ và đối thủ chính của Mỹ là Nga. Tuy nhiên Nga tự biết không đủ sức nên chiến lược của Nga không nhằm "hất" Mỹ khỏi Châu Âu. Nga chỉ đang tranh một chỗ đứng mà Nga nghĩ mình "xứng đáng" tại lục địa này. Sự khuấy động có phần hung hãn của Nga ở Châu Âu cũng không nhằm phục hồi Đế quốc cộng sản Xô Viết, một mục tiêu đã lỗi thời và vượt quá tầm tay, mà là những động thái của sách lược lấy "công" làm "thủ" trong tình cảnh "bất tiến, tắc thoái" của Nga - sau khi Liên Xô tan vỡ. Nước Nga hay Liên bang Nga, một mảnh vỡ lớn còn lại của Liên Xô, nếu không thật cứng cả đối nội và đối ngoại cũng sẽ vỡ thêm lần nữa thành những mảnh nhỏ hơn. Đó là nguy cơ có thật đối với Nga dù nhìn khách quan hay nhìn theo quan điểm của Putin. Tuy nhiên, cứng quá sẽ gặp phản ứng. Như "gieo gió thì gặt bão" - như nước Nga đang gặp "bão" ở Ukraine. Như chỗ đứng "xứng đáng" mà Nga muốn áp đặt tại Châu Âu đã và đang bị những đối thủ của Nga chống lại.

Tại Châu Á, đối thủ chính của Mỹ là Tàu và đối thủ chính của Tàu là Mỹ. Khác với Nga, Tàu có tham vọng vĩ đại hơn rất nhiều. Tàu ở thế công không phải thế thủ. Mặc dù bề ngoài mục tiêu của Tàu có vẻ khiêm tốn và chính đáng : "thâu hồi Đài Loan để giải quyết chuyện tranh chấp nội bộ nước Tàu, chấm dứt nội chiến, thống nhất tổ quốc". Tuy nhiên ai cũng thấy kết quả sẽ không dừng ở đấy. Một khi Đài Loan và Hoa lục hợp nhất thành một khối, thế trận ở Châu Á hoàn toàn đảo lộn. Vô cùng lợi cho Tàu. Vô cùng hại cho Mỹ.

Sự quan trọng của Đài Loan không chỉ là một hải đảo 36 ngàn cây số vuông, 24 triệu dân, thịnh vượng, tiên tiến mà còn ở vị trí chiến lược nằm án ngữ hải đạo huyết mạch nối liền Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vị trí chiến lược này của Đài Loan có giá trị được nhân lên gấp nhiều lần sau khi Tàu đã hoàn tất việc độc chiếm và quân sự hóa gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp sự phản đối vô vọng của Mỹ, đồng minh của Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới.

Đài Loan giống như một hàng không mẫu hạm khổng lồ, không bao giờ chìm, lợi hại gấp mấy chục lần tất cả các hàng không mẫu hạm của Mỹ gộp lại. 

"Mất" Đài Loan, sẽ đặt Nhật và Nam Hàn - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Châu Á, nơi Mỹ có căn cứ quân sự - trong tình trạng bị uy hiếp nghiêm trọng.

Con đường giao thương tiếp tế sinh tử trên biển cho 2 nước này có thể bị Tàu phong tỏa bất cứ lúc nào, cắt đứt dễ dàng như trở bàn tay. Thiếu dầu, thiếu khí đốt, thiếu phân bón, thiếu thực phẩm, thiếu gạo, thiếu nguyên liệu… gần 180 triệu người Nhật, người Hàn lúc ấy sẽ phải chọn giữa chết rét, chết đói và kéo cờ trắng. 

Mất Đài Loan là Mỹ mất Đông Bắc Á. Sự hiện diện vốn đã yếu ớt của Mỹ ở Đông Nam Á cũng cáo chung rất sớm.

Lấy Đài Loan như vậy, đối với Tàu, không phải chỉ để thống nhất tổ quốc như tuyên truyền và kích động người dân mà chủ yếu là nhằm trục xuất Mỹ ra khỏi Châu Á rồi thừa thắng xông lên thay thế Mỹ làm đệ nhất siêu cường hay bá chủ thế giới.

Nói một cách khác, trên toàn thế giới, Tàu là địch thủ chính của Mỹ, không phải Nga. Thách đố lớn nhất của Mỹ nằm ở Châu Á, không phải Châu Âu. Đối với Mỹ, trận đấu Đài Loan ở Châu Á phải coi là "điểm", chiến trường Ukraine ở Châu Âu chỉ nên coi là "diện".

uk3

Sự quan trọng của Đài Loan không chỉ là một hải đảo 36 ngàn cây số vuông, 24 triệu dân, thịnh vượng, tiên tiến mà còn ở vị trí chiến lược nằm án ngữ hải đạo huyết mạch nối liền Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Địa Lợi là then chốt

Đương đầu với Tàu trên toàn cầu, Mỹ, nói chung, có một số lợi thế - nhiều đồng minh, nhiều căn cứ, nhiều hàng không mẫu hạm (tầu sân bay), nhiều bom nguyên tử và TẠM THỜI có thể in tiền đô la xài khắp thế giới, v.v. - nên vẫn được coi là siêu cường số 1, nhưng riêng ở Đông Á (gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á) thì Mỹ lại ở thế yếu vì không thể tập trung đủ lực lượng quân sự để đối phó với một địch thủ rất mạnh và có chiến lược tận dụng yếu tố ĐỊA LỢI, tức là "gần nhà" với khả năng huy động nhân, vật lực gần như vô giới hạn. Đài Loan là đấu trường tại một vùng địa lợi do Tàu chủ động chọn lựa vì tầm quan trọng chiến lược để, nếu thắng, sẽ mở ra một cuộc diện hoàn toàn mới có lợi cho Tàu. Nếu thắng, Tàu sẽ ở trong "thế chẻ tre" như Nhật sau trận Pearl Harbour, như Liên Xô sau Stalingrad.

Mỹ có thừa đầu đạn hạt nhân, thừa bom nguyên tử để tiêu diệt toàn bộ nước Tàu 19 lần. Tàu chỉ có đủ hạt nhân, nguyên tử đủ để tiêu diệt toàn bộ nước Mỹ một lần. Nhưng 19 lần hay một lần, trong trường hợp này, khác nhau thế nào ? Ưu thế mà không hẳn là ưu thế.

Đồng minh trong "bộ tứ Kim Cương" (QUAD) của Mỹ chỉ có Nhật và Úc là "đáng tin cậy" còn Ấn Độ thì "khả nghi". Đáng tiếc, Nhật, Úc đều không phải là cường quốc quân sự. Nhật ngày nay không phải Nhật trong thế chiến thứ hai, cả về tinh thần lẫn sự chuẩn bị chiến tranh. Ấn Độ có vũ khí nguyên tử tạm đủ cho mục đích "gián chỉ" nhưng trong chiến tranh quy ước Ấn Độ ở dưới thấp, Tàu ở trên cao (Tây Tạng) nên Ấn Độ sợ chiến tranh với Tàu hơn là Tàu sợ chiến tranh với Ấn Độ. Đại quân của Ấn Độ vừa không có kinh nghiệm vừa không có khả năng "vạn lý trường chinh" vượt Hy Mã Lạp Sơn tiến vào sâu vào đất Tàu. Thêm nữa, người Ấn, theo đạo Bà La Môn, tin vào nhân quả, luân hồi không thích đánh nhau, chưa kể Tàu đã chuẩn bị sẵn cho Pakistan ngáng chân Ấn Độ. Khi "hữu sự", nhiều phần là Ấn Độ giữ thái độ "vô can".

Khối AUKUS (Australia-UK-US) phảng phất lá bài chủng tộc Anglo-Saxon nhưng New Zealand, Canada lại chọn đứng ngoài. AUKUS vừa trùng hợp với các tổ chức đồng minh khác của Mỹ vừa gây thêm chia rẽ nội bộ các nước đồng minh nên sẽ không có nhiều tác dụng. Trường hợp Pháp mới đây phản đối Úc hủy bỏ hợp đồng chế tạo 12 tầu ngầm của Pháp để mua tầu ngầm nguyên tử do Anh, Mỹ phối hợp cung cấp là một thí dụ.

Các nước Anh, Pháp, Đức nói riêng, các nước NATO Châu Âu nói chung cũng không có trọng lượng đáng kể ở vùng Đông Á. Chỉ đoàn kết miệng với Mỹ trong việc đối phó với sự bành trướng của Tàu. Khác Mỹ, vì lý do lịch sử, địa lý, tương quan lực lượng và cả thành kiến, các nước này cảm thấy mối nguy Nga gần gũi và hiển nhiên hơn mối nguy Tàu, chưa kể bị Tàu dùng tiền hay các lợi ích kinh tế để mua chuộc và phân hóa. Chiến thuật "đi đêm" hay "đối tác song phương" với từng nước Châu Âu xem ra khá hiệu quả với Tàu.

Kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan… cho thấy Mỹ, trên lý thuyết, có khá nhiều đồng minh nhưng thực tế là Mỹ luôn luôn phải đảm đương 90% hay 95% gánh nặng của các cuộc chiến tranh mà Mỹ dẫn đầu.

Nếu xung đột quân sự Mỹ - Tàu bùng nổ lần này, Mỹ cũng chỉ có thể trông cậy vào… Mỹ, khó có thể trông cậy vào các ông "thợ vịn" đồng minh - bất kể Âu hay Á.

Như vậy vấn đề là Mỹ còn đủ mạnh hay không ? Nhất là một nửa nước Mỹ lại cầu mong nửa kia bị thua kẻ thù của nước Mỹ cho… bõ ghét hoặc cho "phe ta" thừa dịp "mượn gió bẻ măng" lên nắm chính quyền.

Ai "thượng phong" và ai "hạ phong" ?

Nếu chiến tranh quy ước xẩy ra ở Đông Á, hỏa lực của Tàu, sau nhiều năm "canh tân", "hiện đại hóa", "thao quang dưỡng hối", có thể không kém gì Mỹ hoặc giả sử còn kém hơn Mỹ một chút về phẩm chất nhưng lại hơn hẳn Mỹ về số lượng trong đấu trường Đông Á.

Mỹ, từ lâu, được xem là có ưu thế về Hải quân và Không quân nhưng Lục quân không địch lại bộ binh đông như kiến của Tàu. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) Mỹ và 15 nước đồng minh như Anh, Pháp, Canada, Turkey, Netherland, Australia, Thái Lan, Phi Luật Tân, Bỉ, Hy Lạp… đã kinh nghiệm xương máu về chiến thuật "biển người" của Tàu. Sau 3 năm chinh chiến, chính Mỹ đã chủ động đề nghị ngưng bắn để thương thuyết chứ không phải nước Tàu "khố rách áo ôm" của những ngày xa xưa ấy. 

Tàu mất một triệu quân chẳng hề hấn gì, Mỹ mất 100 ngàn quân thì Tổng thống Mỹ bay chức. Trong chiến tranh, Dân chủ thất thế trước Độc tài ở điểm chiến lược này.

Nếu bây giờ chiến tranh Mỹ-Tàu bùng nổ và mở rộng thì ngay cả (giả sử) các nước Đông Nam Á đều chọn đứng về phía Mỹ, Mỹ cũng chỉ có thể miễn cưỡng bảo vệ được các quốc gia hải đảo như Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei nhưng chỉ có thể chống mắt đứng nhìn quân Tàu tràn ngập 7 nước Đông Nam Á còn lại là Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Lào, Cao Miên. Các nước này đều quá yếu so với Tàu về mọi phương diện và là một cái gánh quá nặng cho Mỹ cưu mang. Đông Nam Á, nơi cư trú của hơn 40 triệu "Hoa kiều hải ngoại" đang kiểm soát 80% kinh tế toàn vùng, đúng là sân sau của Tàu trong khi cách xa Mỹ nửa vòng trái đất. Tàu có thể đưa 3 triệu quân đến chiến trường trong vòng một tháng, Mỹ cần 2 năm. Nước xa không cứu được lửa gần !

10 năm, 15 năm trước đụng độ Hải quân, Không quân với Tàu chắc chắn Mỹ thắng, bây giờ thì không chắc chắn nữa, nhất là đụng độ trong vùng tranh chấp Đài Loan nơi Mỹ đã mất hết các căn cứ quân sự lân cận trong vùng như Cam Ranh, Long Bình, Pattaya, Utapao, Clark, Subic Bay… sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lực lượng đồn trú của Mỹ tại Nhật và Nam Hàn không đủ để đối phó với thế trận của Tàu ngoài ra chính những căn cứ này cũng có thể bị uy hiếp vì nằm trong tầm tác xạ hỏa tiễn tầm trung của Tàu. 

uk4

10 năm, 15 năm trước đụng độ Hải quân, Không quân với Tàu chắc chắn Mỹ thắng - Ảnh minh họa : Sơ đồ căn cứ quân sự Mỹ bao quanh Tàu vòng đai 1 và vòng đai 2

Tàu đã quân sự hóa Biển Đông với một tốc độ chóng mặt, công khai, chẳng còn thấy cần cải chính khi bị tố cáo – lấp biển làm thêm đảo nhân tạo, xây phi trường cho chiến đấu cơ, lập vùng nhận dạng phòng không, thiết lập các dàn hỏa tiễn, đối hạm, phòng không, các căn cứ hải quân, căn cứ tầu ngầm, cơ sở quân sự, hành chánh đủ loại, tuần tiễu, tuần tra đêm ngày, trên trời dưới nước… phối hợp các căn cứ này với các căn cứ ở đảo Hải Nam, các căn cứ trên đất liền dọc duyên hải Trung Hoa suốt từ Mãn Châu xuống Quảng Đông làm thành một hệ thống quân sự chặt chẽ, chằng chịt, liên hoàn. Một thế trận lợi hại cho cuộc thư hùng quyết định ai sẽ là đệ nhất siêu cường hay bá chủ thế giới đã được Đảng cộng sản Tàu chuẩn bị cẩn thận trong mấy chục năm, từ thuở "ẩn mình chờ thời" cho đến khi "đối thủ biết được ý định thực của ta thì đã muộn".

Mang lực lượng từ xa đến, đối với Mỹ, có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn vì thiếu căn cứ, Mỹ phải trông cậy chủ yếu vào hơn chục hàng không mẫu hạm. Nhưng dù tối tân đến đâu các Tàu sân bay này cũng có kích thước quá lớn và di chuyển quá chậm nên dễ làm mục tiêu cho các loại tên lửa đạn đạo, hỏa tiễn di chuyển bằng vận tốc âm thanh, hướng dẫn bằng radar hay vệ tinh và gắn khối chất nổ khổng lồ. Chẳng hạn như các loại hỏa tiễn Đông Phong DF-21, DF-26 của Tàu có tầm bắn xa hàng ngàn cây số đã được trình diễn trong cuộc diễn binh vĩ đại ở Bắc Kinh năm 2015. Câu hỏi quan trọng là : Tàu đã sản xuất được bao nhiêu hỏa tiễn như thế ? Và độ chính xác thế nào ? Nếu Mỹ không biết hay chưa biết thì Mỹ có định mang các hàng không mẫu hạm trị giá từ 10 đến 20 tỉ đô la đến eo biển Đài Loan để thử sức với những hỏa tiễn của Tàu chỉ có giá một vài triệu hay không ?

Nếu không, làm sao bảo vệ Đài Loan và các đồng minh trong vùng ? 

Lực lượng hỏa tiễn đối không và đối hạm cùng các dàn cao xạ dầy đặc của Tàu đợi B52 của Mỹ xuất hiện còn được phối hợp với 2, 3 ngàn phi cơ xung kích sẵn sàng cất cánh từ các phi trường gần biển kể cả những phi trường tân lập trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông và phối hợp cả với những đội tầu ngầm quanh quẩn trong vùng…

Sự bố trí quân sự của Tàu tại Biển Đông và miền duyên hải Trung Hoa nói chung chuẩn bị cho cả 2 trường hợp. 

Trường hợp 1 (tối hảo) không cần bắn một phát súng : Mỹ thấy thế trận quân sự của Tàu bầy ra Mỹ không phá nổi, đành phải rút lực lượng, có ký giấy hay không. "Bất chiến tự nhiên thành" của Tôn Tử !

Trường hợp 2 : Chiến tranh bùng nổ, Tàu thắng, Mỹ triệt thoái quân sự khỏi Châu Á, có ký giấy hay không. 

Dĩ nhiên đối với Tàu Trường hợp 1 tốt hơn hẳn, không sứt mẻ, lại không bị rủi ro chiến tranh nguyên tử và có thể nó chính là phương án mà Tàu đang thực hiện "chậm rãi nhưng chắc chắn" để "bức hàng" cả Đài Loan và Mỹ.

Mỹ tất nhiên cũng rất muốn "bất chiến tự nhiên thành" giống như Tàu – "Win Without Fighting" hay "ta không cần đánh mà người chịu khuất" - nhưng Mỹ bị giới hạn và bất lợi rất nhiều mặt nên ngay cả một thế trận "trung bình", "coi được" mà các chiến lược gia của Mỹ đang cố gắng sắp xếp một cách lúng túng như "QUAD", như "AUKUS", như "Five eyes" để đối phó với thế trận của Tàu có thể cũng không hiện thực - trừ khi có một "sáng kiến chiến lược" với tầm cỡ… "Kissinger bí mật đi Tàu năm 1971" thì mới mong Tập Cận Bình phải chịu bó tay.

Cao Tuấn

(02/04/2023)

Additional Info

  • Author Cao Tuấn
Published in Quan điểm

Chiến tranh Ukraine : Putin thừa nhận trừng phạt quốc tế tác hại đến kinh tế Nga

Thanh Hà, RFI, 30/03/2023

Các biện pháp trừng phạt quốc tế "có thể đem lại những hậu quả tiêu cực về trung hạn" đối với kinh tế Nga. Sau 13 tháng chiến tranh Ukraine và một chục đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây, ngày 29/03/2023 tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên nhìn nhận như trên và ra lệnh cho chính phủ "nhanh hành động" để bảo đảm một mức "tiêu thụ nội địa chắc chắn". 

uk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp qua video với các thành viên chính phủ, ngày 29/03/2023 via Reuters - sputnik

Đến nay chủ nhân điện Kremlin luôn khẳng định các biện pháp trừng phạt của Âu, Mỹ nhắm vào kinh tế Nga phản tác dụng, do chúng đè nặng lên kinh tế của chính các quốc gia phương Tây.

Thông tín viên đài RFI từ Moskva Anissa El Jabri ghi nhận, một thay đổi quan trọng trong lập trường của Nga :

Từ nhiều tháng qua, tại Nga, mỗi lần chính quyền được hỏi về các biện pháp trừng phạt mới phương Tây ban hành, Moskva luôn đưa ra một câu trả lời gần như rập khuôn. Đó là những biện pháp ấy làm tổn thương chính kinh tế của phương Tây nhiều hơn là đánh vào nước Nga. Tham dự các diễn đàn kinh tế hay phát biểu trước các doanh nhân, ông Putin luôn tự hào về sức kháng cự của kinh tế Nga, về thành công trong chiến lược xoay trục sang Châu Á. Do vậy, tuyên bố của tổng thống Nga nhân cuộc họp với chính phủ được chiếu trên đài truyền hình, cho thấy lập trường đã thay đổi hẳn.

Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh : "mọi người phải phản ứng nhanh, không vì những thủ tục hành chính mà gây chậm trễ vô ích. Những giới hạn bất hợp pháp áp đặt lên kinh tế Nga trong trung hạn có thể đem lại hậu quả tiêu cực. Do vậy chúng ta cần bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa phải tăng lên một cách lâu dài".

Từ đầu cuộc xung đột Ukraine, tổng thống Nga đã ban hành nhiều biện pháp để đối phó, chẳng hạn như mở rộng các khoản trợ cấp xã hội vào lúc mà các hãng xưởng của Tây Phương đóng cửa. Nhiều chỉ số kinh tế vẫn khá tốt, thí dụ như tỉ lệ thất nghiêp đang ở mức thấp nhất, lạm phát trong tầm kiểm soát của chính quyền sau khi đã tăng lên tới 20% hồi năm ngoái nay còn có 4% tính cho cả năm.

Vấn đề đặt ra là phương Tây tiếp tục gia tăng áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ hay Kazakhstan đến nay không trừng phạt kinh tế Nga nhưng những quốc gia này liên tục nhận được những tín hiệu, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ, nhắc nhở rằng không được giúp Moskva lách lệnh trừng phạt. Trao đổi mậu dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan với Nga đã tăng mạnh trong năm 2022. 

Moskva chuẩn bị công luận cho một cuộc chiến lâu dài 

Trong bối cảnh đó phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov trong cuộc họp báo hôm 29/03/2023 tuyên bố phương Tây "khởi động một cuộc chiến hỗn hợp lâu dài nhắm vào nước Nga", cho nên người dân Nga phải đoàn kết bên tổng thống Putin. Theo nhà chính trị học Maxim Trudolyubov, trung tâm nghiên cứu Mỹ Wilson Center, được nhật báo Anh The Guardian trích dẫn, điện Kremlin chuẩn bị công luận cho một cuộc chiến "bất tận" với phương Tây vào lúc Nga đang sa lầy trên chiến trường Ukraine. 

Thanh Hà

*************************

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật : yếu tố Belarus và Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 29/03/2023

Cuối tuần qua, một lần nữa tổng thống Nga Vladimir lại khuấy động dư luận thế giới với thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ đồng minh Belarus. Động thái leo thang đe dọa nhằm vào phương Tây này không gây nhiều ngạc nhiên nhưng nói nhiều điều về mối quan hệ giữa Nga và hai đồng minh chủ chốt hiện nay là Belarus và Trung Quốc.

uk2

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko (trái) với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 01/03/2023. AFP – Maxim Guchek

Đã trở nên quen thuộc, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine, mỗi khi phương Tây dấn thêm bước mới trong việc hậu thuẫn Ukraine khiến Nga gặp khó khăn trên chiến trường, là Moskva lại giương quân bài vũ khí hạt nhân nhằm chặn đà ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Không ít nhà quan sát cho rằng thông báo của ông chủ điện Kremlin là để đáp trả việc Anh Quốc dự định cung cấp các loại đạn pháo có chứa uranium nghèo, cho dù giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và đạn uranium nghèo không có gì liên quan. Đây là cách hành động thường thấy ở ông Putin : đối thủ đe dọa một thì mình phải đáp lại mạnh hơn nhiều lần.

Hôm 28/03, Minsk đã xác nhận các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai ở Belarus. Một câu hỏi được dư luận đặt ra là vì sao Belarus lại dễ dàng chấp nhận để Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình ?

Quyết định của Minsk được giải thích là để đáp trả các sức ép ngày càng lớn của phương Tây đối với Belarus từ nhiều năm nay, từ trừng phạt, cô lập đến việc NATO tăng cường quân sự gần biên giới. Theo Minsk, đó là những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ chế độ của Alexander Lukashenko. Tổng thống Belarus đã được Vladimir Putin cứu thoát trong cuộc nổi dậy của dân chúng hồi năm 2020. 

Chính quyền Belarus quả quyết rằng quyết định này không hề đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đây là một trong những cảnh cáo cứng rắn nhất của Moskva đối với phương Tây. Cũng cần phải nhắc lại là Belarus đã chuẩn bị từ trước "sân bãi" cho quyết định mới đây của tổng thống Nga. Từ năm 2022, tổng thống Alexander Lukashenko đã cho sửa đổi Hiến pháp để có thể tiếp nhận triển khai vũ khí hạt nhân Nga trên lãnh thổ Belarus.

Thông cáo của của bộ ngoại giao Belarus ngày 28/3 ghi rõ trong hoàn cảnh hiện nay, xuất phát từ những nguy cơ và lo ngại chính đáng về vấn đề an ninh quốc gia mà "Belarus phải đáp lại bằng cách tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng của mình". Với Moskva, thì việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, càng khẳng định nước này đang hội nhập toàn diện với nước Nga.

Một dấu hiệu khác được giới quan sát chú ý là động thái đe dọa hạt nhân mới này được Putin tung ra vào thời điểm không lâu sau chuyến thăm Moskva của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm ba ngày đó, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga đã khẳng định mối quan hệ "đặc biệt" giữa hai nước Vì thế mà nhiều câu hỏi được đặt ra về lập trường của Trung Quốc và mối quan hệ Nga -Trung xung quanh căng thẳng mới về vũ khí hạt nhân. Phần đông các chuyên gia đều cảm thấy ngạc nhiên khi mà trong chuyến thăm đó, ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã ghi vào thông cáo chung quan điểm "một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra" và hai bên, cùng là cường quốc hạt nhân, cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Truyền thông ở phương Tây lập tức nêu thắc mắc : Phải chăng Kremlin đã hành động với sự thỏa thuận của Bắc Kinh ? Hay là tổng thống Nga đã xỏ mũi đồng minh Trung Quốc ? Giới chuyên gia đều cho rằng khó có câu trả lời thấu đáo cho vấn đề này. Có một điểm dễ thấy đó là Bắc Kinh vẫn luôn giữ thái độ mập mờ về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, muốn lợi dụng cuộc chiến tranh này để đạt được mục đích kép. Một mặt có được độc quyền quan hệ kinh tế với Nga đang trong thế cô lập vì bị bao vây cấm vận của phương Tây, mặt khác làm suy yếu tối đa các đối thủ của chính của mình, nhưng không hẳn là kẻ thù, là các cường quốc phương Tây.

Bắc Kinh không dại gì để bị lôi vào chiến tranh, đồng thời không thể áp đặt lập trường hay cách hành xử của Vladimir Putin. Có điều chắc chắn là Trung Quốc và Belarus vẫn luôn là đồng minh của Nga và tất cả đều có chung một mục đích : Làm sao để phương Tây suy yếu.

Anh Vũ

*************************

Nga tố cáo Ukraine oanh kích Melitopol và triển khai tên lửa phóng bom nhỏ của Mỹ

Minh Anh, RFI, 29/03/2023

Phải chăng chiến dịch phản công của Ukraine đã bắt đầu ? Truyền thông Nga hôm 29/03/2023 cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đã pháo kích thành phố Melitopol, đông nam Ukraine, bị Nga chiếm đóng từ một năm qua.

uk3

Cầu Konstantinovka ở Melitoplo bị phá hủy (ảnh chụp tháng 2/2022) © Anissa El Jabri - RFI

Hãng thông tấn TASS của Nga, dẫn lời các quan chức do điện Kremlin bổ nhiệm cho biết, các cuộc oanh kích của quân đội Ukraine đã làm hư hại hệ thống cung cấp điện cho thành phố và Melitopol cũng như ở nhiều ngôi làng xung quanh bị mất điện. Ngoài ra, một nhà kho để đầu máy xe lửa đã bị phá hủy nhưng không có thương vong. 

Thông tin này cũng được Ivan Fedorov, cựu thị trưởng thành phố Melitopol, hiện đang sống tị nạn, xác nhận. Trên mạng xã hội Telegram, ông cho biết có nhiều tiếng nổ đã vang lên tại thành phố. 

Reuters lưu ý, Melitopol chỉ cách trung tâm khai thác hạt nhân Zaporijjia 120 km về phía đông nam. Cuộc tấn công diễn ra vào lúc tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử AIEA, Rafael Grossi hôm nay đến thanh tra cơ sở hạt nhân lớn nhất Châu Âu ở Ukraine. 

Hệ thống phóng bom nhỏ GLSDB của Mỹ xuất hiện trên chiến trường Ukraine 

Cũng theo Moskva, hôm qua, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 18 tên lửa Himars và nhất là một tên lửa GLSDB, mà Hoa Kỳ đã hứa cung cấp cho Ukraine hồi đầu tháng 2/2023. 

AFP giải thích, GLSDB (Ground Launched Small Diameter Bomb) là những loại bom kích cỡ nhỏ nhưng có độ chính xác cao, do hãng Boeing của Mỹ và Saab Thụy Điển đồng chế tạo, được phóng đi bằng tên lửa, có thể bay xa đến 150 km và đe dọa các vị trí của Nga, đặc biệt là các kho đạn dược, nằm sâu sau các đường chiến tuyến.

Hiện tại, Ukraine chưa đưa ra một thông tin nào về việc triển khai loại vũ khí này. Nhưng thông báo của Nga là một xác nhận đầu tiên về việc Mỹ giao GLSDB cho Ukraine. Thông báo này được đưa ra một ngày sau việc Anh, Mỹ và Đức xác nhận đợt giao xe tăng chiến đấu – những phương tiện thiết yếu cho Kiev để tiến hành tham vọng giành lại lãnh thổ. 

Minh Anh

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Anh Vũ, Minh Anh
Published in Quốc tế

Quân Nga càng thất thế, án tù cho người phản chiến càng nặng

Le Figaro cho biết "Ở chiến trường Bakhmut, Mi-8 của Ukraine quấy rối quân đội Nga", dù những chiếc trực thăng này đôi khi tuổi đời còn lớn hơn phi công. Tại nước Nga, xu hướng trừng phạt ngày càng nặng nề đối với các công dân phản đối cuộc xâm lăng Ukraine. Le Monde nêu ra trường hợp một người cha bị án tù vì con gái vẽ những hình ảnh chống chiến tranh.

nga1

Các quân nhân của lữ đoàn 18 Không quân Ukraine tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng trực thăng tại một sân bay ở Donetsk, sau khi quay về từ chiến trường, ngày 25/03/2023. Reuters – Violetta Santos Moura

Máy bay cổ lỗ sĩ, Ukraine vẫn gây khó cho quân Nga ở Bakhmut

Đặc phái viên Le Figaro mô tả, từ một căn cứ không quân ở miền đông Ukraine mà địa điểm được giữ bí mật, ba chiếc trực thăng Mi-8 cất cánh. Điểm đến là Bakhmut, với nhiệm vụ phá hủy các kho đạn và thiết giáp của kẻ thù. Các phi công xuất kích đến thậm chí ba lần trong ngày trên những chiếc Mi-8 và Mi-24 cũ kỹ từ thời Liên Xô, vẫn phải thường xuyên tu bổ. Người trẻ nhất chưa đầy 22 tuổi, và chưa có nhiều phi vụ trước cuộc xâm lăng, nhưng Ukraine rất cần phi công. Ivan, tình nguyện quân cách đây một năm còn là nhân viên bán đồ nội thất ở Ba Lan, cho biết ở miền trung Ukraine có những người thân Nga theo dõi và chỉ điểm, nên tại Kharkiv đã ba lần phải dời căn cứ.

Một giờ sau, ba chiếc trực thăng quay về an toàn. Các phi công vừa bước xuống là nhóm kỹ thuật viên vội vã chạy đến đổ đầy xăng, gắn những quả rốc-kết mới bên sườn. Đại úy Olexandr giải thích : "Không thể để mất thời gian. Mỗi phi vụ nhằm hủy diệt các mục tiêu, có nghĩa là cứu mạng những người lính Ukraine đang chiến đấu trên mặt đất. Đôi khi trực thăng được dùng để chở thiết bị hay thương binh, nhưng chủ yếu nhằm tác chiến. Tuy Mi-8 được sản xuất để vận chuyển, nhưng nay tất cả máy bay của Không quân Ukraine đều được cải tiến để chiến đấu". Dù chỉ có những loại rốc-kết không có hệ thống dẫn đường, nhưng họ cũng hoàn thành nhiệm vụ. Trực thăng phải bay rất thấp để tránh bị phát hiện, lộ trình luôn được thay đổi.

Không quân Nga có số phi cơ tiêm kích gấp sáu lần so với Ukraine, nhưng đã bị mất nhiều phi công kinh nghiệm, nhiều chiến đấu cơ và trực thăng nên nay không dám bay vào không phận Ukraine. Theo bộ quốc phòng Ukraine, Moskva đã dùng đến tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, nhưng chỉ thả hỏa tiễn tầm xa từ không phận Nga. Cho đến nay, chưa có nước nào viện trợ máy bay do phương Tây sản xuất, chỉ mới có Anh cho Kiev ba chiếc Westland Sea King loại biên chế. Nhưng vào đầu tháng này, có những phi công Ukraine đến Hoa Kỳ, có thể được đào tạo điều khiển F-16 và Pháp cũng đã huấn luyện khoảng 30 người sử dụng oanh tạc cơ Mirage 2000.

Nga : Lãnh án tù vì con gái vẽ tranh chống cuộc chiến Ukraine

Tại Nga, chính quyền gia tăng đàn áp những người chống chiến tranh. Vụ một người cha phải ra tòa vì con gái 13 tuổi vẽ hình phản đối cuộc chiến ở Ukraine đã gây nhiều xúc động trong xã hội. Ngày thứ Ba 28/03, ông Alexei Moskalev, 54 bị tòa án vùng Tula ở phía nam Moskva xét xử vì tội "làm mất uy tín" quân đội Nga và bị kết án hai năm tù ở. Có điều bản án được tuyên trong lúc bị cáo vắng mặt. Đêm trước ngày ra tòa, ông Moskalev, bị quản thúc tại gia, đã gỡ vòng điện tử và trốn mất. Nhà báo Marina Ovsiannikova, được biết đến qua vụ giơ biểu ngữ chống chiến tranh ngay trên truyền hình Nga, cho biết Moskalev đang ở một nơi an toàn. Nhưng bản tin mới nhất của AFP cho hay Alexei Moskalev đã bị bắt tại Belarus hôm nay.

Mọi rắc rối đến từ tháng 4/2022, khi cô con gái 13 tuổi Maria Moskaleva từ chối vẽ tranh gởi đến những người lính Nga, thay vào đó cô bé vẽ một gia đình Ukraine dưới bom Nga. Bị bà hiệu trưởng tố cáo, một năm qua khi thì bị bắt, khi bị xét nhà, người cha gà trống nuôi con sau đó không được gặp con gái. Maria bị đưa vào trại mồ côi, nhưng hôm cha ra tòa cô bé cũng đăng lên một bức hình với dòng chữ "Ba là người hùng của con". Dù báo chí nhà nước im lặng, đông đảo người dân đã kéo đến trước tòa để ủng hộ Alexei Moskalev. Một kiến nghị trên mạng thu thập được trên 145.000 chữ ký, bất chấp không khí đàn áp.

Trường hợp trên đây cho thấy xu hướng trừng phạt ngày càng nặng nề kể từ giữa tháng Ba, đối với những người chống lại cuộc xâm lăng Ukraine. Một thanh niên 22 tuổi ném bom xăng vào một văn phòng tuyển quân : 13 năm tù, một sĩ quan quản giáo chạy sang Kazakhstan vì phản đối chiến tranh : sáu năm rưỡi, một sinh viên đăng bài diễn văn của Zelensky : tám năm rưỡi…

Nhưng có một ca đặc biệt được khoan hồng : Daniil Frolkine chỉ bị năm năm rưỡi, nhưng là tù treo. Người lính này bị báo chí Nga lưu vong nhận diện trong các vụ thảm sát ở ngoại ô Kiev tháng 2 và tháng 3 năm ngoái, và cũng là người duy nhất nhìn nhận đã sát hại thường dân. Tòa án quân sự ở Khabarovsk kết tội anh ta là… "tung tin sai lạc".

Moskva đe dọa Armenia nếu tham gia ICC

Le Monde cũng cho biết, Moskva đe dọa trả đũa Armenia nếu nước này tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Vladimir Putin sắp tới có thể bị cấm đặt chân vào Armenia, nước đồng minh của Nga. Viễn cảnh này không thể loại trừ, từ khi Tòa Bảo hiến Armenia hôm 24/03 cho rằng Quy chế Roma là hợp hiến, mở đường cho việc phê chuẩn để tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế. Bộ ngoại giao Nga tuyên bố quyết định trên đây là "không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Kremlin khẳng định Moskva sẽ thảo luận về những hệ quả với Erevan.Theo nhà đấu tranh nhân quyền Artur Sakunts, tạo điều kiện cho việc bắt giữ Putin nằm trong lợi ích của Armenia. Đây sẽ là bước ngoặt trong quan hệ hai nước.

Nhà phân tích Narek Minasyan của Trung tâm Orbeli ở Erevan giải thích đây chỉ là một sự trùng hợp, vì tiến trình của Tòa Bảo hiến đã có từ lâu, không liên quan đến lệnh truy nã Vladimir Putin của ICC. Một nhà ngoại giao Châu Âu nhận xét, rất khó ngáng chân nhà lãnh đạo một nước mà Armenia bị lệ thuộc nhiều như thế, cho dù Erevan đã cấm nhập cảnh một số chiếc loa tuyên truyền của Kremlin.

Tổng thống Đài Loan : "Chúng tôi chẳng khiêu khích ai !"

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro coi chuyến công du Châu Mỹ sắp tới của tổng thống Đài Loan là "hoạt động ngoại giao tế nhị". Bà Thái Anh Văn thăm Guatemala và Belize, hai quốc gia chính thức công nhận Đài Loan, và quá cảnh Hoa Kỳ. Bà sẽ gặp lãnh tụ Cộng hòa tại Hạ Viện là Kevin McCarthy, bảy tháng sau chuyến thăm đầy sóng gió của bà Nancy Pelosi.

Như thường lệ, Bắc Kinh cao giọng đe dọa, nhưng bà Thái thản nhiên trả lời : "Chúng tôi sẽ không lùi bước và cũng chẳng khiêu khích ai cả". Để làm phức tạp thêm tình hình, cựu tổng thống Mã Anh Cửu đi thăm Hoa lục 12 ngày "với tư cách cá nhân", nhưng lại được các quan chức Trung Quốc tiếp đón tại Thượng Hải hôm thứ Hai 27/03. Chủ tịch Quốc dân đảng nói rằng : "Trách nhiệm của người Hoa hai bên bờ eo biển là phải giữ gìn hòa bình". Việc ông đánh đồng người Đài Loan với Trung Quốc là chủ đề luôn gây tranh cãi.

"Ngoại giao chi phiếu" kéo Trung Mỹ về phía Bắc Kinh

Le Monde nhận thấy "Trung Mỹ đang ngả về phía Trung Quốc". Vùng đất nơi Đài Bắc có nhiều đồng minh nhất vào giữa những năm 2000, lần lượt đổi màu. Khởi đầu là Costa Rica năm 2007, rồi đến Panama, Salvador, Cộng hòa Dominica, Nicaragua. Chuyên gia Marisela Connelly ở Mêhicô lưu ý, trường hợp Nicaragua và Salvador có yếu tố chính trị, vì lãnh đạo của hai nước này bị phương Tây chỉ trích. Nhưng các nước còn lại chỉ vì lý do kinh tế, dù thường xuyên nhận được sự giúp đỡ về tài chánh và công nghệ của Đài Loan.

Mới nhất là Honduras loan báo cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, sau khi đòi hỏi một món tiền lớn nhưng không được đáp ứng. Bà Connelly lo rằng Guatemala, nền kinh tế lớn nhất Trung Mỹ sẽ không còn chống chọi được bao lâu nữa trước "ngoại giao chi phiếu" của Bắc Kinh. Hoa Kỳ đang cố gắng vận động giữ lại thành trì cuối cùng của Đài Loan trong khu vực.

Vật giá tăng, người Pháp thay đổi cách ăn uống

Khủng hoảng xã hội tiếp tục là đề tài hàng đầu của báo chí Pháp. Le Figaro đặt câu hỏi "Phải chăng thủ tướng Borne và các nghiệp đoàn không thể đối thoại ?". Libération điều tra về sự chậm trễ đến hai tiếng đồng hồ của y tế cấp cứu ở Sainte-Soline. La Croix cho biết "Những thành phố nhỏ cũng sôi sục". 

Về kinh tế, Le Monde nhận thấy "lạm phát làm xáo trộn thói quen ăn uống" của người Pháp. Theo INSEE, giá thực phẩm trong tháng Hai đã tăng 14,8 % so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu cho ăn uống, kể cả ngoài hàng quán, giảm 4,6 % trong năm 2022. Các quầy hàng thịt, cá, thịt nguội ế ẩm hẳn đi ; khách đi siêu thị chỉ mua những món hàng có thương hiệu khi được khuyến mãi ; chọn thịt heo, gà và trứng thay cho thịt bò. Những món ăn công nghiệp làm sẵn được chuộng hơn do tiết kiệm so với nấu tại nhà khi điện, gaz, nguyên liệu đều tăng giá. Trong khi đó giá cả sẽ còn tăng nữa trong những tuần lễ tới.

Trí thông minh nhân tạo sẽ lấn lướt con người ?

Les Echos chạy tựa lớn "Trí thông minh nhân tạo : Tiếng kêu báo động của những ngôi sao ngành công nghệ". Nhật báo kinh tế cho đăng trên trang web toàn văn lá thư ngỏ kêu gọi tạm ngưng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) trong ít nhất sáu tháng. Khoảng 1.100 chuyên gia trong đó có những tên tuổi như ông chủ SpaceX Elon Musk, bày tỏ lo ngại trước nguy cơ nhân loại mất kiểm soát AI.

Các chuyên gia dẫn chứng những nghiên cứu khoa học, lo sợ sẽ đi quá xa, cho rằng trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải được kế hoạch hóa và quản lý một cách thận trọng. Họ sợ hãi một cuộc chạy đua giữa các phòng thí nghiệm AI để phát triển các hệ thống mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mà không ai – kể cả những người tạo ra chúng – có thể kiểm soát.

Lá thư đặt ra một số câu hỏi, có nên để tràn ngập những thông tin tuyên truyền, dối trá hay không ? Có nên tự động hóa tất cả các công việc ? (Nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs cho rằng AI có thể đe dọa 300 triệu việc làm trên toàn thế giới). Thậm chí có nên phát triển những hệ thống không phải con người mà một ngày nào đó có thể đông đảo hơn, thông minh hơn và thay thế được chúng ta hay không ?

Bức thư được đưa ra vào thời điểm quan ngại ngày càng tăng khi AI tiến bộ với tốc độ ấn tượng, sau khi bản cập nhật mới nhất của ChatGPT được lưu hành. Bản thân Sam Altman, lãnh đạo của OpenAI, công ty đã trình làng ChatGPT, cũng thừa nhận "hơi sợ" tác phẩm của mình nếu nó được "sử dụng cho các cuộc tấn công mạng hoặc thông tin giả quy mô lớn". Lá thư ngỏ này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Bill Gates : Người đồng sáng lập Microsoft tuyên bố ChatGPT là cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất kể từ thập niên 80.

Thụy My

Published in Quốc tế
jeudi, 30 mars 2023 09:04

Ukraine phản công

Chiến tranh Nga – Ukraine đã kéo dài hơn một năm. Thiệt hại về người và của cả hai bên đều nặng, tuy nhiên Nga bị thiệt hại hơn rất nhiều, đặc biệt là quân số. Phương Tây vẫn không ngừng viện trợ, cung cấp vũ khí cho Ukraine. Khi cuộc chiến mới bắt đầu, tất cả các nước đều rất dè dặt không dám cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bây giờ thì chẳng còn nước nào dè dặt nữa, vấn đề là cho bao nhiêu thôi. Tất cả các loại vũ khí đều đưa hết, pháo, xe tăng, vũ khí phòng không và kể cả máy bay… không thiếu thứ gì. Chỉ còn máy bay cực hiện đại chưa đưa vì cần có thời gian để đào tạo. Phi công Ukraine quen với các loại máy bay Mig hơn nên trước tiên là có Mig, còn các loại vũ khí khác thì hiện nay quân đội Ukraine đã "chuẩn hóa" theo NATO rồi. 

ukraine1

Sơ đồ chiến sự miền đông Ukraine một năm sau ngày quân Nga tràn vào Ukraine (27/02/2022-21/02/2023)

Lúc nào thì phản công và phản công thế nào ?

Theo các chuyên gia nhận định thì Ukraine sẽ phản công theo 3 giai đoạn.

1. Đánh vào hậu cần trước bằng các vũ khí tầm xa Himars hay bom bay định vị. Ukraine đã sản xuất được bom bay có thể bay rất xa, không dùng vũ khí của phương Tây để đánh vào sào huyệt của Nga như đã cam kết với phương Tây. Như vậy giai đoạn tới, nếu cần Ukraine có thể bắn vào sâu lãnh thổ Nga, như Nga đã làm với Kiev.

Giai đoạn 1 này đã được thử rồi nhé, đã bắn thử rồi, chưa cấp tập thôi. Đợi đấy. 

2. Dùng xe tăng hiện đại của phương Tây để tiến trước, diệt các ổ kháng cự, kết hợp với các loại pháo bắn định vị tầm gần.

3. Dùng các loại xe thiết giáp để đưa quân tiếp theo chiếm lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Chiến tranh đã kéo dài rồi, tuy nhiên chắc chắn sẽ không thể cứ nhùng nhằng đánh lẻ tẻ thế này mãi. Chắc chắn Ukraine sẽ phải tổng phản công chứ không đợi đến "Tết" và càng không phải Mậu Thân. Tôi nghĩ chắc tháng 5 là cùng.

Vấn đề là đánh chỗ nào ? Cái này thì khó ai có thể biết được. Từ đầu đến giờ, Ukraine toàn dương đông kích tây, những trận đánh lớn nhất, Nga đều không đoán được trước nên toàn thua liểng xiểng.

Tuy nhiên sẽ chỉ có 3 hướng : Melitopol, Donesk và Lugansk (xem bản đồ).

ukraine2

Sơ đồ chiến sự tại Ukraine ngày 30/03/2023

Mình để các bạn đoán xem sẽ đánh chỗ nào trước nhé. Đố vui có thưởng. Thưởng gì thì sau chiến tranh sẽ biết.

Viva Ukraine.

Hoàng Quốc Dũng

(30/03/2023)

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm

Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến ở Ukraine diễn ra theo một cách khác – hoặc chuyển hướng đột ngột ?

uk1

Một quân nhân Ukraine cầm quả đạn cối, vùng Donetsk, Ukraine, tháng 2 năm 2023

Người ta nói rằng vòng cung đạo đức của vũ trụ rất dài, nhưng nó luôn hướng về phía công lý. Đây là một cách hay để phân tích năm đầu tiên của cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đúng là người Ukraine khó mà thấy được công lý trong một cuộc xung đột đã tàn phá lãnh thổ, nền kinh tế, và con người của đất nước họ. Nhưng chí ít, cuộc chiến cũng đã hủy hoại quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin và làm tiêu tan khát vọng đế quốc của ông. Cuộc chiến đã chứng kiến Ukraine vượt xa gần như tất cả những kỳ vọng ban đầu. Nó đã thống nhất và tiếp thêm sinh lực cho phương Tây. Dường như, người tốt đang chiến thắng, còn kẻ xấu đang phải nhận sự trừng phạt mà vũ trụ dành cho những ai chọn đứng về lề trái của lịch sử.

Rất dễ để nghĩ rằng kết quả này là không thể tránh khỏi. Chế độ và lực lượng vũ trang của Putin quá thối nát, quá trình chinh phục lãnh thổ trong thời hiện đại đã trở nên quá khó khăn, và sức mạnh của cộng đồng dân chủ đoàn kết ủng hộ Ukraine quá dữ dội khiến Moscow không thể có cơ hội giành chiến thắng. Cuộc chiến chỉ đơn giản đã bộc lộ sự bền bỉ của thế giới tự do – cũng như điểm yếu của kẻ thù của họ.

Đó là một câu chuyện hay, nhưng lại không phải là sự thật. Cuộc chiến, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên, là một cuộc cạnh tranh rất sít sao. Thành công của Ukraine – thậm chí là sự tồn tại của nước này – chưa bao giờ được đảm bảo vững chắc. Những lựa chọn khác nhau ở Kyiv, Moscow, và Washington có thể tạo ra những kết quả hoàn toàn khác nhau, đối với Ukraine và đối với phần còn lại của thế giới. Nếu Putin đánh bại Ukraine, các nhà hoạch định chính sách phương Tây có thể sẽ phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lan rộng ở Đông Âu, với sự hình thành một "trục chuyên chế", và với sự bất ổn toàn cầu gia tăng. Có lẽ vẫn còn quá sớm để xem cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến củng cố trật tự tự do ; thay vào đó, nó có thể đã làm suy yếu trật tự này.

Hiểu rõ những gì có thể xảy ra ở Ukraine là việc làm cần thiết khi xung đột bước sang năm thứ hai. Chỉ bởi vì cuộc chiến đang diễn ra theo hướng tích cực đối với Ukraine và thế giới phương Tây không có nghĩa là mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra theo ý muốn của họ. Chiến tranh là một trong những điều ngẫu nhiên nhất của nhân loại, và kết quả của cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định trong tương lai, cũng như các quyết định đã được đưa ra cho đến nay. Các sự kiện ở Ukraine cũng nhắc nhở chúng ta rằng trật tự thế giới không phải là sản phẩm của quy luật tự nhiên hay tính tất yếu về đạo đức. Nó là kết quả của các chính sách được theo đuổi dưới áp lực khủng khiếp của khủng hoảng. Căng thẳng toàn cầu có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt ; "vòng cung của vũ trụ" chính xác là những gì con người chúng ta tạo ra.

Tạo ra số phận của riêng mình

Theo bất kỳ tiêu chuẩn lịch sử hợp lý nào, thế giới ngày nay là một nơi cực kỳ hòa bình, thịnh vượng, và dân chủ. Thế giới đó là kết quả của những xung đột toàn cầu kết thúc bằng chiến thắng của những người ủng hộ trật tự tự do – nhưng chuyện không nhất thiết phải diễn ra như vậy.

Nếu một hoặc hai trận chiến ở miền bắc nước Pháp hồi tháng 8-tháng 9/1914 có kết cục khác đi, Đức có thể đã nhanh chóng chiến thắng trong Thế chiến I. Ngay cả sau khi cuộc Đại chiến trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt, Đức vẫn có thể thắng thế. Nếu chế độ quân chủ Đức chịu lắng nghe lời khuyên của các cố vấn dân sự, những người phản đối việc nối lại chiến tranh tàu ngầm không giới hạn vào đầu năm 1917, thì Mỹ đã không tham chiến, và những kẻ thù của Đức – một nước Nga chuẩn bị diễn ra cách mạng, một nước Pháp kiệt quệ, một nước Anh gần như vỡ nợ – có thể đã bị khuất phục.

Nếu Thế chiến I diễn ra khác đi, thì phần còn lại của thế kỷ 20 cũng sẽ khác đi. Nước Đức chiến thắng sẽ cai trị một Trung Âu rộng lớn, kéo dài từ Bỉ đến Trung Đông. Các hình thức chính phủ chuyên chế sẽ lên ngôi ; chủ nghĩa phi tự do và sự bất ổn có thể từ lục địa Á-Âu do Đức thống trị lan tỏa ra bên ngoài.

Tính bất định của Thế chiến II thậm chí còn cao hơn. Khi nhìn lại, chiến thắng của phe Đồng minh – vượt trội hơn so với phe Trục về tiền bạc, nhân lực, và máy móc – dường như là không thể tránh khỏi, nhưng vào thời điểm đó, chẳng có ai cảm thấy như vậy. Các chiến lược táo bạo và được triển khai đúng lúc đã cho phép Đức và Nhật chiếm được Châu Âu và phần lớn Châu Á-Thái Bình Dương. Đầu năm 1942, phe Trục có thể đã cắt đứt được các tuyến tiếp tế toàn cầu của Đồng minh bằng các chiến dịch đồng tác chiến ở Trung Đông và Ấn Độ Dương. Nhưng họ đã lỡ mất cơ hội này, và cuối cùng, Đức và Nhật đã phải thất bại. Tuy nhiên, sự ngẫu nhiên và sự may mắn vẫn đóng vai trò quan trọng : khác biệt giữa chiến thắng và thất bại trong các cuộc đụng độ quan trọng như Trận Midway nhỏ đến mức có thể quy về mức độ chính xác trong việc thả một vài quả bom vào thời khắc quyết định của một vài phi công.

Kết quả của cuộc xung đột lớn tiếp theo, Chiến tranh Lạnh, đã mở ra thời đại của toàn cầu hóa và sự thống trị của dân chủ. Dù khối tư bản đã vượt trội hơn hẳn khối cộng sản trong một thời gian dài, nhưng nó vẫn có thể dễ dàng tan rã ngay từ đầu. Nếu Washington không thực hiện Kế hoạch Marshall và thành lập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – hai điểm khác biệt triệt để so với truyền thống ngoại giao của Mỹ – vào cuối những năm 1940, Tây Âu có thể đã sụp đổ, và kéo theo là cả cán cân quyền lực toàn cầu.

Đảo ngược thực tế lịch sử không đơn thuần chỉ là trò chơi "giả sử". Suy ngẫm về việc liệu các sự kiện lớn có thể đã khác đi như thế nào nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng thực tế ngày nay không phải là thực tế duy nhất từng có thể xảy ra. Chiến tranh là một hiện tượng phức tạp và không thể đoán trước, vì vậy, thế giới nơi các cuộc đại chiến hình thành cũng là một thế giới không thể đoán trước.

Đánh bại số phận

Một năm trước, nhiều nhà phân tích đã không mong đợi một Ukraine độc lập tiếp tục tồn tại đến tận bây giờ. Khi Putin xâm lược vào tháng 2/2022, ông đã hình dung về một chiến dịch phủ đầu, nhanh chóng chiếm giữ thủ đô và các thành phố lớn khác của Ukraine, lật đổ chính phủ và tiêu diệt mọi kháng cự còn sót lại của nước này. Ở Điện Kremlin, và cả ở Washington, người ta nghĩ rằng Kyiv sẽ thất thủ chỉ sau vài ngày và kháng cự thông thường sẽ sớm chấm dứt. Sau đó, Moscow sẽ kiểm soát phần lớn Ukraine, dẫn đến một cuộc nổi dậy của người Ukraine dù với triển vọng không mấy sáng sủa. Một số nhà phân tích phương Tây thậm chí còn đi xa hơn khi phân tích những hậu quả để lại ở một Ukraine thất bại.

Đối với Ukraine, những hậu quả đó sẽ rất khủng khiếp – các phiên tòa trá hình, các vụ hành quyết tập thể, và tình trạng hỗn loạn ở các khu vực mà Nga đã chiếm đóng. Hậu quả toàn cầu cũng sẽ rất đáng ngại. Putin có thể đã đánh cược vào đế chế hậu Xô-viết mà ông vẫn mong mỏi từ lâu. Một đất nước Ukraine bù nhìn có thể đã bị kéo vào một liên bang cùng với Nga và Belarus. Còn Moldova sẽ phải chịu áp lực nặng nề khi Moscow dựng lên một hành lang đất liền nối với Transnistria, khu vực ly khai đã có quân Nga đồn trú. Sau sự can thiệp thành công của Nga vào Kazakhstan hồi tháng 1/2022, sự chiếm đóng Belarus trên thực tế, và cuộc tấn công tàn bạo vào Ukraine, liệu có còn nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nào dám bất tuân mệnh lệnh của Moscow ?

Câu trả lời có lẽ là các quốc gia vùng Baltic, nhờ vào liên minh của họ với Washington. Nhưng NATO sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh ở mặt trận phía đông. Thông qua Belarus và Ukraine, Nga có thể tìm cách đe dọa Latvia, Litva, và Ba Lan. Chi phí và mức độ khó khăn khi bảo vệ các đồng minh của Mỹ sẽ tăng lên gấp bội, trong khi Nga có thêm nhiều con đường tiềm năng để mở một cuộc tấn công, vì một liên bang do Moscow lãnh đạo sẽ có biên giới với NATO dài hơn nhiều. Phần Lan và Thụy Điển có lẽ vẫn muốn trở thành thành viên NATO, nhưng cuộc tranh luận trong liên minh về việc có nên kết nạp họ hay không – và theo đó đối đầu với một Putin táo bạo – có thể gây tranh cãi hơn nhiều.

Khi đó, tương lai của trục chuyên chế sẽ rất tươi sáng. Một chiến thắng của Nga sẽ mang lại động lực địa chính trị quan trọng cho quan hệ đối tác Moscow-Bắc Kinh. Một nước Mỹ bị dàn trải sức mạnh sẽ phải đối mặt với các đối thủ quân sự đang nổi lên ở cả Châu Âu và Châu Á. Cuộc xâm lược thành công ở Ukraine có thể vẫn khiến các nền dân chủ sợ hãi ở Châu Âu và Châu Á gia tăng chi tiêu quân sự, nhưng nó cũng sẽ tạo ra một bầu không khí hỗn loạn trên toàn cầu có lợi cho "kẻ săn mồi" và khiến các nền dân chủ phải chật vật chống trả từ một vị thế yếu hơn so với vị thế hiện tại của họ.

Xét về mặt ý thức hệ, Putin sẽ củng cố sức mạnh trong nước ; mức độ ủng hộ của người dân dành cho ông sẽ tăng vọt, giống như sau khi ông sáp nhập Crimea vào năm 2014. Những người ủng hộ chế độ chuyên chế trên khắp thế giới sẽ ca ngợi sự tàn nhẫn và xảo quyệt của Putin. Mỹ, vừa mới rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan, sẽ phải đối mặt với hàng loạt những lời tuyên bố rằng các nền dân chủ đang thoái trào.

Chắc chắn, chiến thắng ở Ukraine sẽ không khiến Moscow trở nên bất bại. Một cuộc nổi dậy trường kỳ, được hỗ trợ bởi các nước NATO, có thể làm suy yếu sức mạnh của Nga. Mỹ và nhiều đồng minh sẽ đáp trả Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Nhưng một chiến dịch trừng phạt mạnh tay cũng chẳng thể vượt qua một cuộc chiến thông thường với kết thúc nhanh chóng, vì trong kịch bản này, một số nước Châu Âu có thể ủng hộ việc sớm quay trở lại "tình trạng bình thường". Sự nhiệt tình ủng hộ cuộc nổi dậy của người Ukraine cũng có thể suy yếu vì những lý do tương tự.

May mắn thay cho Ukraine và phương Tây, kịch bản trên đã không xảy ra. Đế chế hậu Xô-viết của Nga đang sụp đổ : các quốc gia Trung Á đang lo lắng, và đến cả Belarus cũng sẽ không tham gia cuộc chiến của Putin. Tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn cho NATO. Liên minh đã tập hợp xung quanh Ukraine, tăng cường phòng thủ sườn phía đông, và đang trong quá trình chào đón Phần Lan và Thụy Điển. Cộng đồng các nền dân chủ tiên tiến trên toàn cầu đã trở nên mạnh mẽ và kiên cường, trong khi ảnh hưởng và quyền lực của Nga bị suy giảm. Quan hệ Trung-Nga cũng bị ảnh hưởng, một phần vì Putin đã yêu cầu những khoản viện trợ mà Trung Quốc vẫn chần chừ cung cấp. Ngày nay, chẳng có ai thán phục trước những thành tựu của chế độ chuyên chế. Ở nơi chiến trường và trên toàn thế giới, khoảng cách giữa những gì Putin mong muốn và những gì ông ta đạt được là rất lớn. Nhưng việc nước Nga sẽ kết thúc trong thất bại không phải luôn luôn rõ ràng.

Đúng là cuộc chiến cho thấy nhiều nhà quan sát phương Tây đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nga, thứ đã bị hủy hoại bởi nhiều yếu tố, gồm nạn tham nhũng tràn lan và cơ cấu lực lượng thiên về thiết giáp hơn bộ binh. Nhiều nhà phân tích phương Tây, có lẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan vào năm 2021, đã đánh giá thấp ý chí và khả năng chiến đấu của Ukraine.

Dù vậy, không có gì đảm bảo rằng Ukraine sẽ chịu được đợt tấn công ban đầu của Nga. Sau cùng thì, các chế độ và quân đội yếu kém vẫn có thể hoạt động tốt trên chiến trường. Trước khi Hồng quân – bị suy yếu bởi các cuộc thanh trừng của Stalin – bị Phần Lan làm cho bẽ mặt vào năm 1939-1940, họ đã từng đè bẹp một cường quốc mạnh hơn là Nhật Bản ở Mãn Châu. Và lý do khiến rất ít nhà phân tích dự đoán chính xác diễn biến của cuộc chiến hiện tại ở Ukraine là bởi nó được định hình bởi những diễn biến rất khó đoán : Nga đã thất bại thảm hại trong việc khai thác lợi thế của mình, Ukraine đã thể hiện sức mạnh bất ngờ và khắc phục được việc thiếu chuẩn bị cho chiến tranh, và thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, đã thúc đẩy Kyiv với sự hỗ trợ chưa từng có.

Không điều nào trong số này là không thể tránh khỏi. Hồi tháng 1/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trông giống Ashraf Ghani hơn là Winston Churchill, vì ông có vẻ rất thờ ơ trước một thảm họa đang rình rập. Mỹ và các đồng minh Châu Âu chỉ dành cho Ukraine sự ủng hộ khiêm tốn và đầy do dự sau các cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014 và 2015. Thử thay đổi bất kỳ yếu tố định hình nào nói trên, và diễn

uk2

Một người đạp xe ngang qua một khu phố đô nát sau khi bị tên lửa của Nga pháo kích

Có thể và có lẽ

Hãy xem xét những ngày đầu đầy hỗn loạn của cuộc chiến, khi Ukraine lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Quân đội của nước này được trang bị kém và phải chịu áp đảo về quân số trên các mặt trận quan trọng, thậm chí lên đến tỷ lệ 12 :1 ở các vùng xung quanh Kyiv. Lực lượng Nga khi đó đã càn quét miền nam Ukraine, chiếm Kherson và thiết lập một hành lang đường bộ nối với Crimea. Ở phía bắc và phía đông, các thành phố lớn – gồm cả Kyiv và Kharkiv – đã bị bao vây. Những kẻ phá hoại và sát thủ người Nga nhanh chóng xuất hiện ở Kyiv, tìm cách giết Zelensky và tiêu diệt chính phủ Ukraine.

Trong vòng vài ngày, tình hình trở nên tồi tệ đến mức Mỹ đã hỏi Zelensky liệu ông có muốn chạy trốn hay không (và đề nghị giúp ông sơ tán), một hướng hành động mà nhiều cố vấn của ông đã khuyến nghị. Nếu Zelensky rời khỏi đất nước, hoặc Kyiv thất thủ, thì giới tinh hoa Ukraine có thể đã dao động hoặc đào tẩu – như giới tinh hoa Afghanistan đã làm khi việc Taliban tiếp quản trở thành không thể tránh khỏi, và như một số quan chức Ukraine đã làm ở miền nam trong cuộc tiến công của Nga. Chính phủ Ukraine thực sự có thể đã bị phân mảnh. Tuy nhiên, Putin đã thua ván cờ này vì Zelensky kiên định ở lại – bắt đầu quá trình biến đổi của ông, trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và phản kháng quốc gia – và vì một số yếu tố có liên quan với nhau.

Chưa kể đến là những sai lầm của Nga. Kế hoạch tấn công của Putin chứa rất nhiều sai sót. Không mong đợi giao tranh gay gắt, người Nga đã dàn quân thành nhiều tuyến tiến công, làm giảm khả năng đối phó với sự phản kháng mạnh mẽ từ người Ukraine. Bị ám ảnh với những bí mật, chế độ Putin chỉ thông báo kế hoạch tấn công cho các chỉ huy chủ chốt, các bộ trưởng, và các đơn vị quân đội một vài ngày trước khi chiến tranh nổ ra. Cách tiếp cận này vẫn không ngăn được tình báo Mỹ phát hiện ra cuộc tấn công. Nhưng nó lại khiến các lực lượng Nga không được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột dữ dội và khó chịu. Kết hợp với việc Putin không bổ nhiệm một chỉ huy chiến trường duy nhất, khiến các quân chủng và thậm chí các đơn vị riêng lẻ của Nga phải chiến đấu trong cuộc chiến đơn độc của họ thay vì làm việc theo nhóm – ví dụ, lực lượng đổ bộ đường không của Nga đã chật vật tự chiếm giữ các sân bay quan trọng mà không có hỗ trợ để trấn áp hệ thống phòng không của đối phương, cũng không có hỗ trợ từ lực lượng mặt đất lớn hơn.

Một vài trong số các vấn đề trên đây có liên quan đến bản chất cá nhân hóa của chế độ Putin. Nhưng kế hoạch của người Nga không nhất thiết phải tệ đến vậy, và ngay cả những cải tiến khiêm tốn cũng có thể mang lại lợi ích lớn. Nếu Nga tập trung vào ít mặt trận hơn – dù là củng cố vị thế ở Kyiv hay ưu tiên ngăn chặn lính Ukraine ở phía đông – họ có thể đã áp đảo lực lượng phòng thủ nhỏ và được trang bị kém của Ukraine. Nếu ban lãnh đạo Nga gửi thông báo sớm hơn cho các đơn vị chủ chốt, họ đã có thể chuẩn bị các kế hoạch chiến thuật và hoạt động hỗ trợ hậu cần tốt hơn. Sau cùng, cuộc tấn công hỗn loạn của Nga đã tạo điều kiện để các lực lượng Ukraine cầm chân địch thành công, phòng thủ vững chắc ở thủ đô và kéo quân đội của Putin vào một cuộc chiến dài đẫm máu.

Những sai lầm của Nga đã trở nên trầm trọng hơn bởi sự ngoan cường bất ngờ, dù hơi lộn xộn, của hàng phòng thủ Ukraine. Đất nước Ukraine chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến, vì hầu như các quan chức chỉ dự đoán nhiều nhất là một chiến dịch lớn nhắm vào miền đông Ukraine. Putin đã không thể mở đường đến thủ đô Kyiv nhờ sự hy sinh anh dũng của các đơn vị Ukraine trấn giữ các điểm trọng yếu, chẳng hạn như cây cầu nối hai thành phố Bucha và Irpin. Nỗ lực đó đã được hỗ trợ bởi một lượng lớn dân thường và quân nhân dự bị, những người đã tăng cường cho các đơn vị chính quy, báo cáo vị trí của lực lượng Nga, và góp phần vào cuộc kháng chiến toàn xã hội theo cách này hay cách khác.

Quân đội Ukraine cũng thể hiện ấn tượng ở những khía cạnh quan trọng. Họ sử dụng địa hình một cách thành thạo, tiến hành các cuộc tấn công dồn dập nhắm vào các đoàn quân Nga đang di chuyển qua các khu vực cây cối rậm rạp, khiến sông Irpin tràn bờ để làm chậm bước tiến của kẻ thù. Họ khai thác các công nghệ đơn giản, chẳng hạn như máy bay không người lái giá rẻ có thể nhắm mục tiêu vào xe tăng Nga. Trong những thời khắc quan trọng, các chỉ huy Ukraine đã triển khai các nguồn lực khan hiếm ở nơi mà chúng tạo ra tác động đáng kể – chẳng hạn, họ sử dụng khả năng hạn chế của pháo binh Ukraine để ngăn chặn, hoặc chí ít là cản trở, Nga chiếm Sân bay Hostomel bên ngoài Kyiv để từ đó tạo ra một cây cầu hàng không có thể giúp Moscow đưa lực lượng tiếp viện quan trọng đến thẳng cửa ngõ thủ đô Ukraine.

Ban lãnh đạo chính trị từng bị áp đảo trước đây của Ukraine cũng bắt đầu thể hiện vượt trội. Đặc biệt, Zelensky đã sử dụng tất cả các kỹ năng của mình để tập hợp dân chúng, duy trì sự gắn kết của chính phủ, và giành được sự đoàn kết quốc tế. Ukraine đã vượt qua giai đoạn đầu của cuộc chiến bởi vì họ đã thành công vừa đủ, ở số khu vực vừa đủ, để ngăn chặn cuộc tấn công kém hiệu quả của Nga – và bởi vì phản ứng dũng cảm và lan tỏa đáng kinh ngạc trước cuộc xâm lược đã giúp bù đắp cho sự thiếu chuẩn bị gần như chí mạng.

Và hàng phòng thủ Ukraine đã được củng cố bởi viện trợ nước ngoài. Dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra bi quan về triển vọng của Ukraine, họ vẫn quyết tâm khiến Putin khó hoàn thành cuộc chinh phục của mình. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trong kế hoạch dự phòng của chính nước Mỹ trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan, Washington đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trước cuộc xâm lược, loạt cảnh báo không ngớt của Mỹ đã xóa tan những đám mây mơ hồ của Putin, thứ mà ông sử dụng để tìm cách khơi mào chiến tranh. Những cảnh báo đó cũng khuyến khích một số chỉ huy Ukraine sơ tán các khí tài không quân và pháo binh có thể đã bị phá hủy nếu không được sơ tán. Điều quan trọng là Mỹ đã cảnh báo Ukraine về các yếu tố chính trong kế hoạch xâm lược của Nga, chẳng hạn như việc chiếm giữ Sân bay Hostomel, nhờ đó phản ứng của Kyiv đã được đẩy nhanh. Washington nhiều khả năng cũng hỗ trợ Ukraine theo những cách thiết yếu khác – chẳng hạn như giúp ngăn chặn cuộc tấn công mạng đáng sợ từ Điện Kremlin – nhưng có rất ít chi tiết được công khai. Dù có thế nào, việc chính phủ Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc chiến đã bù đắp cho thực tế là chính phủ Ukraine không hề sẵn sàng.

Quan trọng nhất là sự đảo ngược gần như hoàn toàn các chính sách trước đây liên quan đến việc trang bị vũ khí cho Ukraine, một sự thay đổi bắt đầu dưới thời chính quyền Donald Trump, và tăng tốc đáng kể dưới thời Biden. Một Ukraine không có sự hỗ trợ quân sự của phương Tây sẽ chẳng tài nào sống sót qua những tháng đầu tiên, hoặc thậm chí những tuần đầu tiên, của cuộc chiến đối đầu một nước Nga được trang bị tốt hơn. Nhưng ngay cả trước cuộc xâm lược, Mỹ và một số đồng minh NATO đã bắt đầu vội vã cung cấp vũ khí chống tăng và phòng không, đạn dược và các nguồn vật tư khác cho Ukraine. Theo Politico Europe, khi Ukraine cạn kiệt đạn dược sau nhiều tuần giao tranh, Bulgaria – với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh – đã chấp thuận cung cấp khẩn cấp các loại đạn tiêu chuẩn của Liên Xô để lấp đầy khoảng trống. Kể từ thời điểm đó trở đi, sự hỗ trợ của phương Tây – tình báo chiến lược và chiến thuật, viện trợ kinh tế và hỗ trợ quân sự – luôn đóng vai trò quyết định việc thành công hay thất bại của Ukraine. Đồng thời, Mỹ cũng thực hiện chức năng cần thiết là "giám sát một cách trung lập" – và đảm bảo rằng can thiệp từ bên ngoài sẽ có lợi cho Kyiv – bằng cách đe dọa Trung Quốc với các biện pháp trừng phạt và các hậu quả khác nếu nước này cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế mà Putin mong đợi.

Thoát hiểm trong gang tấc

Nói tóm lại, sự kết hợp giữa những sai lầm ngớ ngẩn của Nga, sự quyết tâm và tính sáng tạo của Ukraine, và hỗ trợ từ nước ngoài đã giúp Kyiv thoát hiểm trong gang tấc. Tuy nhiên, dù cuộc tấn công ban đầu của Putin đã thất bại và quân đội Nga phải rút lui đẫm máu khỏi Kyiv, thì quỹ đạo của cuộc xung đột vẫn là bất định.

Vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, Nga sở hữu những lợi thế quan trọng, chẳng hạn như dự trữ pháo binh và đạn dược lớn hơn. Putin khi ấy vẫn có những lựa chọn nhất định. Nếu ông huy động thêm 300.000 quân vào mùa xuân thay vì đợi đến mùa thu, ông đã có thể kết hợp lợi thế về nhân lực với lợi thế về pháo binh khi các lực lượng Nga tái tập trung tấn công vào các vị trí của Ukraine ở Donbas. Nga cũng có thể đã bắt đầu tấn công một cách có hệ thống vào cơ sở hạ tầng của Ukraine ngay từ mùa xuân năm 2022, trước khi họ cạn kiệt kho dự trữ vũ khí dẫn đường chính xác. Trong chiến tranh, đúng thời điểm là điều quyết định tất cả, và Ukraine đã thành công một phần vì Putin luôn chậm trễ trong việc thích nghi với các điều kiện thay đổi.

Bất chấp những thất bại này, tính đến tháng 6/2022, cuộc tấn công của Nga ở Donbas đã khiến Ukraine phải chịu áp lực. Lực lượng Ukraine đang thiếu hụt rất nhiều về pháo binh ; họ chịu tổn thất nặng nề và gần như đã bị bao vây tứ phía ở Severodonetsk. Sự can thiệp của phương Tây một lần nữa giúp đảo ngược tình thế. Việc cung cấp Hệ thống Hỏa tiễn Cơ động cao (HIMARS) và hệ thống tên lửa đa bệ phóng M-270 do Mỹ sản xuất, cũng như pháo M777 do Anh sản xuất, đã bù đắp cho bất lợi về pháo binh của Ukraine – kết hợp với thông tin tình báo có độ chính xác cao từ Washington và những nước khác – cho phép Kyiv tiến hành các cuộc tấn công tàn khốc nhắm vào các kho chứa đạn dược, trung tâm chỉ huy, và các địa điểm hậu cần của Nga. Khi cuộc tấn công của Nga rơi vào bế tắc, lực lượng của Putin yếu đến mức họ đã bị đánh gục trong cuộc tấn công kép sau đó của Ukraine ở Kharkiv và Kherson.

Không có gì chắc chắn

Đưa ra những kịch bản lịch sử khác với thực tế có thể khai sáng cho chúng ta về tương lai cũng như quá khứ. Trong trường hợp này, nó cho thấy rằng thành công của Ukraine dựa trên những yếu tố không đảm bảo sẽ tồn tại lâu dài. Một mặt, mức độ gắn kết xã hội và chính trị của Ukraine đã tăng đáng kể kể từ những ngày đầu cuộc chiến. Nhưng sự gắn kết đó sẽ bị thử thách trong năm tới, khi chiến tranh kéo dài và giới tinh hoa Ukraine bắt đầu hướng tới cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024. Khi tình hình chính trị của Ukraine trở nên nóng hơn, việc ra quyết định hợp lý – về các vấn đề cơ bản như địa điểm và thời điểm phát động các cuộc tấn công trong tương lai – có thể trở nên khó khăn hơn.

Tương tự, Ukraine đã được hưởng lợi rất nhiều từ kế hoạch kém cỏi của Nga, từ việc lính Nga khó thích nghi với những thất bại trên chiến trường và giới lãnh đạo chính trị Nga khó nắm bắt mức độ của những thách thức mà nước này phải đối mặt. Nếu hoạt động của Moscow được cải thiện dù chỉ ở mức khiêm tốn, Kyiv có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến hoàn toàn mới.

Không ai nên loại trừ điều này. Quân đội ở ngay cả những xã hội đàn áp nhất cũng có thể học hỏi, và so với năm ngoái, Nga có thể đang tiến hành một cuộc chiến thông minh hơn, dù vẫn khá man rợ. Từng từ chối gọi nó là cuộc xâm lược, và từng hứa với người Nga rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, Putin cuối cùng đã thừa nhận rằng một cuộc chiến lâu dài và tiêu hao đang chờ họ ở phía trước. Quân đội của ông đang chuẩn bị phòng thủ nhiều lớp ở các khu vực bị chiếm đóng, đồng thời tiến hành đào tạo lực lượng mới được huy động và thực hiện các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng tàn bạo nhằm phá hoại nền kinh tế Ukraine và làm suy yếu hệ thống phòng không của nước này. Cuộc tấn công mùa đông xung quanh Bakhmut đã dẫn đến tổn thất nặng nề cho Nga, nhưng như nhà phân tích quân sự Michael Kofman đã chỉ ra, nó cũng đã tước đi thế chủ động của Kyiv. Hơn nữa, người Nga chỉ mất các nhân sự không có nhiều giá trị – cụ thể là là tù nhân – trong khi Ukraine mất các nhân viên tinh nhuệ hơn.

Chỉ vì Ukraine không thua cuộc chiến không có nghĩa là họ đã thắng. Một loạt các kịch bản tương lai vẫn có thể xảy ra, nếu không muốn nói là chúng có khả năng xảy ra như nhau : từ một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine, dẫn đến việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ; đến một kịch bản trong đó Nga giữ được một phần đáng kể lãnh thổ của Ukraine trong tương lai gần ; đến sự leo thang thành đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Cũng có một cảnh báo cho Washington trong phân tích này : những gánh nặng lớn nhất có thể vẫn còn đang chờ phía trước. Ukraine tồn tại được đến lúc này vì Mỹ và các đồng minh của họ đã giúp giảm đáng kể sự chênh lệch sức mạnh giữa Kyiv và Moscow, và đảm bảo rằng Putin không thể chỉ đơn giản leo thang hoặc tấn công dữ dội để thoát khỏi cuộc xung đột. Tuy nhiên, khi Nga huy động nhiều nhân lực và nguồn lực kinh tế hơn – đồng thời nhập khẩu máy bay không người lái, pháo binh, và các năng lực khác từ Iran và Triều Tiên – chi phí để giúp Kyiv vượt lên trong cuộc đối đầu này sẽ tăng lên. Hãy nhớ đến quyết định gần đây của một số quốc gia NATO – cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine – một quyết định báo trước nhu cầu về các thiết bị tiên tiến khác trong những tháng tới, cho dù đó là tên lửa tầm xa hay máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Cuối cùng, nếu kết quả của cuộc chiến không được định sẵn, thì tác động của nó đối với thế giới cũng vậy. Kết quả của xung đột sẽ định hình nhận thức về sự hiệu quả của chuyên chế và dân chủ, về mức độ an ninh mà NATO được hưởng ở mặt trận phía đông và mức độ ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng. Đối với những vấn đề này và cả các vấn đề khác, tác động của một cuộc chiến nơi quân Nga thất bại hoàn toàn sẽ khác với tác động của một cuộc chiến kết thúc bằng việc quân Nga chiếm đóng các khu vực quan trọng của Ukraine và Moscow có thể tiếp tục chiến sự khi họ muốn. Kịch bản thứ hai có lẽ không phải là một chiến thắng đối với thế giới tự do. Ngoài ra, vẫn còn những kịch bản khác có thể thay đổi đáng kể cục diện toàn cầu, chẳng hạn như khi Trung Quốc quyết định hỗ trợ trực tiếp cho Moscow. Cuộc chiến ở Ukraine mang đến nhiều bài học, nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất là : trật tự toàn cầu không phải vốn dĩ đã vững chắc, hay vốn dĩ rất mong manh. Sức mạnh của nó chính là sức mạnh của những người coi trọng nó, và có thể tập hợp cùng nhau để duy trì nó khi bị thử thách.

Hal Brands

Nguyên tác : "Ukraine and the Contingency of Global Order", Foreign Affairs, 14/2/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/03/2023

Hal Brands là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, và chuyên gia bình luận của Bloomberg. Ông là đồng tác giả của cuốn sách "Danger Zone : The Coming Conflict With China".

Additional Info

  • Author Hal Brands, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn