Từ ngày 8/12/2022 – 12/1/2023, số ca tử vong do Covid-19 tại các bệnh viện Trung Quốc là 59.938 với độ tuổi trung bình của những người đã chết là 80,3. Thông tin này do bà Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui), quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hôm 14/1. Trong số bệnh nhân tử vong, có 90,1% người ở độ tuổi từ 65 trở lên.
Với con số thương vong trong vòng một tháng trước ngày mở cửa nhiều đến như vậy, quả thật rất đáng dè chừng với những vị khách đến từ phương Bắc.
Và giờ thì Trung Quốc đang nới lỏng mọi việc đi lại trong chính sách phòng dịch Covid 19, trong "zero Covid" của họ. Trong khi đó, những ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt lại đang đến gần.
"Biết là mở cửa thì giao thương, hàng hóa, mới có phần nào dễ dàng hơn, nhưng nếu nói không lo là dóc. Miền Nam Việt Nam đã trải qua, đối với tôi, thời gian kinh khủng của dịch Covid-19 với nhiều chính sách chống dịch quá khắt khe đến từ cựu phó thủ tướng Vũ Đức Đam rồi, nên rất ám ảnh.
Thà rằng nó hiệu quả thì không nói, đằng này con số tử vong vẫn tăng, kinh tế thì ảnh hưởng đến tận bây giờ, buôn bán cũng khó khăn theo. Mọi năm, giờ này là tôi đã ra chợ ngồi bán rồi, giờ thì vắng quá nên năm nay ra trễ hơn. Giờ mà không kỹ về Trung Quốc nữa, có gì xảy ra, mệt mỏi.
Có người nói với tôi, lo lắng thì đi chích ngừa Covid-19 đi. Chích thì không ngại, trừ vắc-xin Trung Quốc hay Cuba hoặc Nga, nhưng có thật sự hiệu quả không khi chích vẫn có thể nhiễm ?", bà Út, một tiểu thương chia sẻ.
"Cái con covid xuất phát từ đâu ? Có phải từ Trung Quốc không ? Vậy thì mình cẩn thận đó là có thừa không ? Đó là chưa kể đến việc trong suốt thời gian "đóng cửa", họ chích ngừa như thế nào, thuốc chữa bệnh ra sao, tình hình bệnh ở nước họ ra sao, biến chủng gì rồi, cũng không nhiều tin tức để tiếp cận.
Mà cho dù có tiếp cận thì như thế nào ? Cũng phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước thôi. Ở đây không phải người ta sao mình vậy. Nhưng đã là "của dân, do dân, vì dân" thì thôi tốt hơn hết là người ta kỹ, mình cũng kỹ đi. Chứ có gì xảy ra, dân là khổ trước nhất chứ ai ?", một sinh viên thuộc khối ngành xã hội bày tỏ ý kiến với tất cả sự dè dặt vì đang rất ngại chuyện chụp mũ kể từ sau vụ nghi án nhảy lầu mới đây ở trường quân sự.
"Chứ để rồi nó lây nữa thì dân khổ nữa. Dân bệnh là phải khổ thôi. Phải bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng đồng hết thì mình phải làm, mình phải làm theo cái giống như nước ngoài luôn, đặng cho đặng ngừa bệnh cho người dân mình đỡ. Phải không ? Phải là khám nghiệm bệnh đồ đàng hoàng chứ đâu có mà để đi luôn tuồn được", tiểu thương tự giới thiệu tên Chương chia sẻ.
Giới chức báo cáo 5 ca tử vong hoặc ít hơn mỗi ngày trong tháng qua. Tuy nhiên, những con số này lại trái ngược với thực tế hàng dài người xếp hàng tại nhà tang lễ và những chiếc túi đựng xác được đưa khỏi bệnh viện đông đúc.
Trong khi các chuyên gia y tế quốc tế đã dự đoán có ít nhất 1 triệu ca tử vong do Covid-19 trong năm nay, Trung Quốc trước đó chỉ báo cáo hơn 5.000 ca kể từ khi đại dịch bắt đầu – một trong những tỉ lệ tử vong thấp nhất thế giới.
Xem ra, việc thận trọng hơn đối với những du khách đến từ phương Bắc là việc làm cần thiết, phù hợp với mong muốn của người dân. Đó còn là tính nhân đạo đối với người lớn tuổi, trẻ em và những lao động nghèo khó.
"Tôi nghĩ, có lẽ, chẳng ai muốn lịch sử lặp lại một lần nữa. Ăn cái Tết xong là chuỗi ngày nghỉ liên tục, những con số tử vong vì dịch Covid-19, những hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ vắc-xin. Phòng cháy hơn chữa cháy. Tốt hơn hết, cẩn thận vẫn hơn", ông Minh, một cư dân ở Sài Gòn cảm thán.
Diệp Chi
Nguồn : VNTB, 16/01/2023
Đà Nẵng xử phạt người nước ngoài vi phạm hướng dẫn du lịch (RFA, 24/01/2019)
Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng vào năm 2018 đã xử phạt 8 người nước ngoài gồm 7 người Hàn Quốc và 1 người Trung Quốc vì đã vi phạm qui định về hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền phạt hơn 140 triệu đồng.
Hướng dẫn viên Trung Quốc đón khách tại Sân bay Đà Nẵng. Courtesy of tienphong.vn
Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết thông tin trên tại Hội nghị tổng kết Ngành Du lịch Đà Nẵng được tổ chức sáng 24/1.
Tin cho hay cơ quan chức năng còn xử phạt 3 tổ chức, cá nhân khác hơn 150 triệu đồng đối với 41 trường hợp vi phạm hướng dẫn viên du lịch.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hilin chuyên kinh doanh đá quý được nói đã bị xử phạt 450 triệu đồng vì niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ.
Đối với những vi phạm nhãn hiệu, giá cả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, Chi Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 49 cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch và xử phạt hành chính 36 cơ sở gần 170 triệu đồng.
Tại hội nghị, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng năm 2018 khoảng 7,6 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017. Du khách quốc tế đạt hơn 2,8 triệu khách, tăng 11,2%. Tổng doanh thu từ du lịch ở Đà Nẵng được nói đạt hơn 24 ngàn tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2017.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng nói rõ sự bùng nổ của thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến làm xuất hiện tình trạng tour du lịch giá rẻ, bị đánh giá có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường du lịch và gây thất thu.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nói mục tiêu Sở đặt ra trong 2019 đạt 8,1 triệu lượt khách, trong đó 3,1 triệu lượt khách quốc tế. Ông Vinh hứa hẹn ngành du lịch thành phố sẽ có những hoạt động mới nhằm mở rộng thị trường mới tiềm năng như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Ấn Độ.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đề nghị Ngành Du lịch thành phố tăng cường xử lý các hạn chế, tiêu cực của tour du lịch giá rẻ ; đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở phía Tây của thành phố và phát triển du lịch đường sông, biển.
Tại những nơi có nhiều du khách Trung Quốc đến tham quan Việt Nam, từng xảy ra tình trạng hướng dẫn viên người Hoa thuyết minh không đúng về lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó là tình trạng du khách Trung Quốc căng những băng rôn với dòng chữ Hán để chụp hình, tung lên mạng…
*********************
Một thành viên Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời bị tuyên 14 năm tù (VOA, 22/01/2019)
Hôm 22/1, ông Phan Văn Bình bị tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 14 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", cáo buộc kết nối với tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" do ông Đào Minh Quân ở Mỹ lãnh đạo.
Ông Phan Văn Bình tại phiên xử ngày 22/1/2019 ở Khánh Hòa, Photo : TTXVN
Truyền thông Việt Nam loan tin ông Phan Văn Bình, 46 tuổi, sử dụng Facebook với tên là An Phan, bị bắt từ ngày 8/2/2018, đã dùng điện thoại di động để kết nối và gia nhập tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" thông qua bà Kelly Trieu (Facebook Kelly Trieu Thanh Hoa), sinh sống tại bang California, từ tháng 11/2015.
Thông Tấn xã Việt Nam trích bản cáo trạng cho biết ông Phan Văn Bình đăng tải nhiều bài viết "có nội dung bôi nhọ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ; tuyên truyền, kích động, kêu gọi mọi người ủng hộ, tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" của Đào Minh Quân để hoạt động, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Truyền thông trong nước trích nhận định của Hội đồng xét xử cho biết mức độ vi phạm của ông Bình "đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đi ngược với lợi ích dân tộc, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội".
Vào tháng 1/2018, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo liệt tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" có trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ, là "tổ chức khủng bố".
Thông báo còn liệt kê tên của 4 người trong tổ chức, bao gồm chỉ huy tổ chức là ông "Đào Minh Quân (sinh năm 1955), tự xưng là ‘Thủ tướng’ của ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’ ; Quách Thế Hùng (sinh năm 1948) ; Kelly Triệu (Triệu Thanh Hoa, sinh năm 1968) và Phạm Lisa (Phạm Anh Đào, sinh năm 1979)".
Thông báo của Bộ Công an Việt Nam nói sau khi thành lập "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" vào năm 1991, ông Đào Minh Quân, một cựu trung úy Việt Nam Cộng Hòa, và một số nhân vật cầm đầu đã đến các trại tị nạn người Việt ở Hồng Kông và các nước Đông Nam Á để tuyển mộ lực lượng, đưa người về Việt Nam để tiến hành các hoạt động khủng bố phá hoại.
*****************
Thêm người bị tuyên án tù dưới tội danh "Lật đổ chính quyền" (RFA, 22/01/2019)
Tòa án tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 14 năm tù giam đối với ông Phan Văn Bình, về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Thông tấn xã Việt Nam loan tin này hôm 22/1.
Tòa án tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 14 năm tù giam đối với ông Phan Văn Bình - TTXVN
Theo TTXVN, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nhận định hành vi của ông Phan Văn Bình là đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đi ngược với lợi ích dân tộc, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, cần phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để giáo dục.
Theo cáo trạng của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ông Phan Văn Bình, sinh năm 1972, qua mạng xã hội Facebook, với tài khoản tên "An Phan" đã viết đơn xin gia nhập tổ chức có tên gọi "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", do ông Đào Minh Quân làm lãnh đạo và được nói là tổ chức hoạt động với mục đích lật đổ Nhà nước Việt Nam.
Ông Phan Văn Bình bị bắt tạm giam hồi ngày 8/2/18.
Trong năm 2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử 12 người thuộc Tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời với cùng tội danh. Mức án được tuyên từ 5 đến 14 năm tù giam. Trong đó, có hai bị cáo là người Mỹ gốc Việt bao gồm ông Nguyen James Han và bà Phan Angel bị mỗi người 14 năm tù và trục xuất ngay sau khi chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam.
Trước đó vào năm 2017, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử đối với nhóm 15 người bị xác định tham gia vào tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" và dính líu đến vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng 4. Một trong 15 bị cáo đã bị tuyên mức án 16 năm tù.
Tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" bị Chính quyền Hà Nội liệt vào danh sách phản động và khủng bố.
***************
Giảm án 1 năm cho nhà báo độc lập Đỗ Công Đương (RFA, 23/01/2019)
Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương bị tuyên 4 năm tù giam với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Nhà báo tự do Đỗ Công Đương - Courtesy FB
Sáng ngày 23/1, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm và tuyên phạt ông Đỗ Công Đương, người Từ Sơn, Bắc Ninh mức án 4 năm tù giam, giảm 1 năm so với án sơ thẩm hôm ngày 12 tháng 10 năm ngoái với cáo buộc vừa nêu. Như vậy, nếu tính thêm bản án 4 năm với tội danh "gây rối trật tự công cộng" khi quay phim một đoàn cưỡng chế đất cũng ở Từ Sơn, Bắc Ninh, ông Đỗ Công Đương phải lãnh nhận tổng cộng 8 năm tù giam.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đương cho hay, phiên tòa diễn ra trong vỏn vẹn 45 phút và lý do để nhà báo này được giảm án là ‘nhận sai" trong việc tố cáo Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh hiện nay tham nhũng.
"Do tôi và ông Đương có nói như thế này, trong thực tế thì tất cả tội phạm tham nhũng thì phải là những người đảng viên, và có chức có quyền mới tham nhũng được.
Tuy nhiên ông ấy có sự nhầm lẫn khi coi cán bộ có chức có quyền là đảng viên thì đều tham nhũng cả nên đã có những tố cáo không có bằng chứng.
Ông ấy thừa nhận điều đó ông ấy sai, tòa thấy ông ấy thừa nhận sai nên giảm 1 năm".
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh phát hiện ông Đương lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo ; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; quyền tự do truy cập Internet để làm và phát trực tiếp video trên mạng xã hội Facebook ; trực tiếp cho người khác quay video ghi âm, ghi hình của mình, phát tán trên mạng.
Ông Đương còn tự xưng là nhà báo xây dựng và lập chương trình "Tiếng Dân tivi" ; trực tiếp kết bạn, liên lạc qua mạng xã hội với các đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước để phát trực tiếp, đăng tải, chia sẻ các video clip, bài viết trên mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ chính trị ; lãnh đạo Đảng, chính quyền ở Trung ương, tỉnh Bắc Ninh…
Đài ANTV cho rằng, các video clip, bài viết trên mạng xã hội của ông Đương được số lượng lớn người chia sẻ, bình luận, cổ xúy làm ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và niềm tin vào đảng của nhân dân.
Ủy ban Bảo vệ ký giả CPJ và tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF không dưới 2 lần ra thông cáo chỉ trích chính quyền Việt Nam vì kết án ông Đỗ Công Đương và kêu gọi phóng thích nhà báo độc lập này ngay lập tức và vô điều kiện.
****************
Du học sinh và thực tập sinh Việt bị công ty môi giới dẫn dụ vào các đường dây ăn cắp tại Nhật (RFA; 23/01/2019)
Ngày càng nhiều du học sinh và thực tập sinh Việt Nam bị các công ty môi giới lừa đảo và dẫn dụ vào các đường dây ăn cắp tại Nhật Bản.
Theo ông Umeda Kunio, điều vô cùng đáng tiếc là trong vòng 3-4 năm gần đây, Việt Nam đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài, với hơn 90% là tội trộm cắp, và số thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản. Courtesy of Phunuvietnam
Truyền thông trong nước loan tin ngày 23 tháng 1, trích phát biểu của ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật tại Việt Nam, trong buổi hội thảo cung cấp thông tin về du học sinh và thực tập sinh sang Nhật Bản được tổ chức ở Hà Nội một ngày trước đó.
Theo lời Đại sứ Umeda Kunio, trong vòng 3-4 năm gần đây, Việt Nam dẫn đầu trong số tội phạm nước ngoài và số thực tập sinh kỹ năng nước ngoài bỏ trốn tại Nhật.
Cụ thể, nhiều người Việt bị lừa sang Nhật bằng những thông tin sai lệch với các dấu hiệu như tuyên bố đi Nhật vừa học vừa kiếm được nhiều tiền ; hay quen biết đại sứ quán Nhật nên có thể xin được visa ; hoặc có thể thu xếp cho đi Nhật sớm.
Do vậy, các công ty môi giới yêu cầu người Việt trả phí môi giới cao với nhiều lý do khác nhau, dẫn đến tình trạng mang nợ người thân hoặc các công ty tài chính trước khi đến Nhật. Từ đó, công ty môi giới sẽ lôi kéo các bạn trẻ vào các tổ chức chuyên ăn trộm.
Cũng trong buổi hội thảo, ông Momoi, Bí thư phụ trách của Đại sứ quán Hà Nội cho biết những người thực tập kỹ năng tại Nhật chỉ phải trả phí phái cử dưới 3.600 đôla Mỹ cho hợp đồng 3 năm, phí đào tạo trước khi xuất cảnh là 5.900.000 đồng. Cần liên lạc trực tiếp với cơ quan phái cử, không thông qua môi giới. Đồng thời khẳng định thông tin visa du lịch dưới 90 ngày có thể dùng làm việc ở Nhật là lừa đảo.
Trong cùng ngày, báo mạng Jiji có thông tin về việc phía Chính phủ Nhật đang xem xét tổ chức những bài kiểm tra kỹ năng cho những người nước ngoài muốn làm việc trong ngành y tá tại Nhật dưới hình thức một loại visa mới, được áp dụng cho Việt Nam và Philippines.
Theo đó, loại visa kỹ năng này sẽ bao gồm 14 ngành. Trong đó, ba ngành y tá, nhà hàng, và khách sạn sẽ bắt đầu vào tháng 4 tới đây. 11 ngành còn lại sẽ bắt đầu vào tháng 5.
Các bài kiểm tra sẽ diễn ra ở Nhật hay Việt Nam tùy thuộc vào ngành nghề. Các ứng cử viên được yêu cầu phải vượt qua kỳ thi kỹ năng và có bằng cấp tiếng Nhật theo yêu cầu.
Tin cho biết, có nhiều y tá từ Việt Nam và Philippines đang làm việc tại Nhật thông qua Hiệp định đối tác kinh tế song phương giữa Nhật và các nước Đông Nam Á.
*****************
UBND quận Tân Bình nêu rõ tên 5 người dân Vườn rau Lộc Hưng và đòi xử lý hình sự (RFA, 22/01/2019)
Trong cuộc họp báo ngày 20/1/2019, Trung tá Nguyễn Thành Lợi - Trưởng Công an quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã xác định được 5 người gồm Cao Hà Chánh, Cao Hà Trực, Trần Quốc Tiến, Vũ Văn Bảo, Trần Minh Thoa là những người cầm đầu, kích động, xúi giục người dân khu vực Vườn rau Lộc Hưng chống đối, khi cơ quan chức năng đến khu vực trên để kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, kiểm tra lưu trú và các hoạt động phòng chống tội phạm.
Quang cảnh Vườn rau Lộc Hưng sau khi bị cưỡng chế - Courtesy FB Tin Mừng Cho Người Nghèo
Mạng báo Công an thành phố dẫn lời người đứng đầu ngành Công an quận Tân Bình cho biết thêm, riêng ông Trần Quốc Tiến có hành vi chống người thi hành công vụ khi đoàn công tác UBND phường 6 đến khu vực để đo vẽ, nhằm xác định diện tích các thửa đất.
Cũng theo cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Tân Bình, họ đang thụ lý điều tra, xử lý vụ việc và đã nhiều lần gửi thư mời triệu tập làm việc, nhưng ông Tiến vẫn không chấp hành và bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Công an Quận Tân Bình đang tiếp tục củng cố hồ sơ chứng cứ, để xử lý hình sự vụ án theo quy định của pháp luật.
Cả 5 người được nêu tên là dân ở khu Vườn rau Lộc Hưng vừa bị chính quyên phường 6, Quận Tân Bình cưỡng chế vào các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua. Người dân phản đối vì cho rằng chính quyền đã cưỡng chế trái pháp luật mảnh đất mà họ đã ở từ thời ông bà, cha mẹ và hợp pháp.
Ông Cao Hà Chánh, một người bị Trung tá Nguyễn Thành Lợi nêu tên trong danh sách "các đối tượng phá rối" và đòi xử lý hình sự cho hay, 5 người bị nêu tên đều thuộc ban đại diện do người dân tự bầu lên. Ông nói :
"Những người này rất năng động và giúp đỡ bà con nên vì vậy họ chọn cái tên để họ nêu lên, suốt nhiều năm nay có những bác già, có những bác nữ mạnh mẽ như bác Thuật, gìa lớn tuổi thì họ lại không nêu lên, nếu họ nêu lên thì rõ ràng người ta cười nữa.
Họ nghĩ rằng chúng tôi trẻ, chúng tôi năng nổ và giúp đỡ cho bà con nhiều nhất thì họ nêu lên để những người này khiếp sợ (khủng bố tinh thần mà) để chúng tôi không giúp đỡ bà con nữa.
Chúng tôi xin được nêu lên và xin quý đài nêu rõ như vậy để họ ra mặt và ra công báo thực hiện quyết định theo như họ công bố".
Ông Chánh cho biết thêm cả 5 người hiện vẫn đang sinh hoạt bình thường cùng người dân và sẵn sàng đối chất với chính quyền.
"Bây giờ họ đang vu khống, họ thuyết phục dư luận thì bây giờ cứ việc hỏi tất cả sở Công an và Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố và cấp trung ương… thì cứ việc hỏi thẳng suốt nhiều năm không trả lời về việc đàn áp, đánh đập chúng tôi khi chúng tôi làm đúng luật.
Chúng tôi lên gửi đơn đúng luật mà không trả lời mà lại bao vây đàn áp chúng tôi. Chúng tôi gửi đơn khiếu nại tố cáo hành vi này… Sở công an và Bộ công an chưa trả lời mà bây giờ tiếp tục vu khống chúng tôi như thế nào.
Bây giờ yêu cầu ra đối chứng với chúng tôi, Sở Công an và Bộ Công an ra đối chứng với chúng tôi để thực, nếu chúng tôi sai thì bắt đi, còn bây giờ đừng vu khống chúng tôi nữa".
Chính quyền quận Tân Bình nói với báo giới là trong 2 ngày 4 và 8/1/2019 chính quyền chỉ cưỡng chế "tháo dỡ nhà xây dựng trái phép" trong khu vực Vườn rau Lộc Hưng là khu đất công rộng khoảng 49 ngàn m2 và không thu hồi đất.
Tuy nhiên sau đó chính quyền địa phương lại cho hay sẽ hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 cho những hộ chứng minh được rằng đã canh tác ổn định lâu năm và không có tranh chấp để lấy đất xây dựng dự án cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.
Hôm 16/1, công an quận Tân Bình lại thông tin là đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình.
Công an nói đã xác định các đối tượng cầm đầu và đang củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trước pháp luật, tuy nhiên không cho biết tên cụ thể những người này.
Công an quận Tân Bình cũng khuyến cáo người dân, "ai là nạn nhân của hành vi dụ dỗ, lừa gạt có liên quan đến việc mua bán đất đai, xây dựng trái pháp luật trong khu vực trên, không nên nghe theo lời xúi giục hoặc sợ hãi trước những lời đe dọa của các đối tượng xấu, mà mạnh dạn tố giác để các cơ quan chức năng xử lý những đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật".
Hàng loạt sự cố liên quan đến du khách Trung Quốc đến Việt Nam khiến tranh chấp chủ quyền Biển Đông tiếp tục là trọng tâm chú ý, bất chấp các nỗ lực của chính phủ hai nước tìm cải thiện quan hệ.
Du khách Trung Quốc đi xe xích lô, ngắm cảnh Hà Nội (ảnh tư liệu 1/12/2016)
Tuần trước, nhóm 14 du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa trên người mặc áo phông in bản đồ với đường lưỡi bò mà Việt Nam cho là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam" đã gây phẫn nộ trong công chúng, theo truyền thông trong nước. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường.
Đây ít nhất là lần thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc ở Việt Nam trong vòng hai năm qua. Các chuyên gia nhận định rằng những diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng quyền lực mềm để nhắc nhở Việt Nam về tranh chấp Biển Đông, còn Việt Nam thì vẫn tiếp tục phẫn nộ.
Ông Trung Nguyen, trưởng khoa quan hệ quốc tế của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh nhận định : "Nếu nhìn vào một bức tranh lớn hơn, thì có thể thấy rằng Trung Quốc có lẽ đang gia tăng sử dụng thường dân như là một phương cách để mở rộng tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ việc sử dụng ngư quân cho đến du khách".
Hàng loạt sự cố
Trung Quốc và Việt Nam không còn tin tưởng nhau sau cuộc chiến tranh biên giới cuối thập niên 1970. Hai nước lâu nay luôn tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giàu hải sản và dầu khí. Bắc Kinh có lực lượng quân sự hùng mạnh hơn nhiều và đã quân sự hóa nhiều hải đảo trong khu vực có tranh chấp chủ quyền.
Năm 2016, chính quyền thành phố phố Đà Nẵng đã rút giấy phép một công ty du lịch vì công ty này đã tổ chức tour du lịch cho các du khách Trung Quốc đã mang tiền Việt Nam ra đốt – theo tin của báo mạng VnExpress.
Trong cùng năm đó, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam điều tra xem có phải các giới chức di trú Việt Nam đã viết những lời báng bổ lên hộ chiếu của một du khách Trung Quốc đến thăm thành phố Hồ Chí Minh hay không.
Truyền thông trong nước Việt Nam hồi năm 2016 đưa tin rằng các hướng dẫn viên Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc. Cơ quan di trú của Việt Nam nói nếu phát hiện bất cứ ai vi phạm sẽ trục xuất ngay lập tức.
Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang ở Singapore nói : "Bởi vì người dân ở những nước này được giáo dục về những truyền thống dân tộc khác nhau, và do đó tất nhiên họ cho rằng lãnh thổ, lãnh hải có chủ quyền tranh chấp hiển nhiên thuộc về đất nước của họ, và tất cả những người khác đều là những kẻ xâm chiếm và cần phải đánh đuổi chúng đi".
Chiến tranh tuyên truyền
Ông Alan Chong, giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế Trường S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định rằng Trung Quốc lâu nay luôn khuyến khích người dân nước họ đề cao chính sách đối ngoại của Bắc Kinh khi ra nước ngoài và đặc biệt là "chỉnh sửa những ấn tượng sai lệch của thế giới" về Trung Quốc.
Giáo sư Chong nói : "Tất cả những hành động cá nhân của những người Trung Quốc được xem như thuộc chiến dịch tuyên truyền. Tất cả đều có trong lịch sử của họ".
Việt Nam xem chuyện áo phông in bản đồ có đường lưỡi bò cũng trên tinh thần đó. Trang tin quốc tế của VnExpress trích lời chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam gọi đó là "hành vi có tổ chức, có sắp xếp, mang ý đồ xấu chứ không phải vô tình" của các du khách Trung Quốc
Khoảng 4 triệu du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam năm ngoái, tăng 49% so với năm 2016, theo Tân Hoa Xã.
Cấp chính phủ vẫn giữ im lặng
Giới chức của hai chính phủ vẫn tìm cách giữa hòa hoãn với nhau cho dù các du khác mang chuyện tranh chấp chủ quyền chưa giải quyết này ra.
Trung Quốc và Việt Nam tổ chức các cuộc đối thoại quốc phòng, trao đổi thăm viếng cấp nhà nước và gặp gỡ nhau giữa hai đảng thường xuyên kể từ năm 2014 – là năm mà tàu thuyền hai bên đã đụng nhau trong khi Trung Quốc cho phép một giàn khoan dầu khoan thăm dò trong Biển Đông nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Người dân Việt Nam đã mạnh mẽ nổi lên biểu tình phản đối.
Hai nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông" đã có những cuộc đụng độ đẫm máu trên biển vào năm 1974 và 1988.
Các giới chức ở Bắc Kinh xem Việt Nam là cầu nối thương mại chính vào Ðông Nam Á, theo nhận định của ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của tổ chức Mekong Economics ở Hà Nội. Cầu nối đó là một phần của Sáng kiến Vành đai –Con đường với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các tuyến đường thương mại nối 65 nước của Trung Quốc.
Việt Nam thì xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và du lịch Trung Quốc nuôi sống ngành dịch vụ này của Việt Nam.
Kinh tế gia McCarty nói : "Tôi cho rằng Việt Nam không muốn gây thù chuốc oán vô lý với Trung Quốc. Vẫn còn nhiều người ở cả hai bên với tinh thần dân tộc mạnh mẽ tìm cách đẩy những vấn đề như áo phông in hình lưỡi bò lên, nhưng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ không xem đó là hành vi gây hấn".
Chính phủ Việt Nam sẽ tim cách "tách" vấn đề áo phông ra để tránh làm hại đến quan hệ song phương – Giáo sư Nguyen nhận định.
Ralph Jennings
Nguồn : VOA, 21/05/2018
Du khách Trung Quốc mặc áo "đường lưỡi bò" tại sân bay quốc tế Cam Ranh (VOA, 15/05/2018)
Hình ảnh hàng chục du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh vào đêm 13/5 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường, nhưng một số nhà tranh đấu cho rằng bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Hà nội không quyết liệt bảo vệ biển đảo trong khi cùng lúc thẳng tay đàn áp những người tranh đấu phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, lâu dần đã khiến người dân Trung Quốc và cả người dân trong nước có cái nhìn lệch lạc về vấn để chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Một số nhà hoạt động ở trong nước trao đổi cảm nghĩ của họ với VOA-Việt ngữ về sự cố này.
Du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. (Ảnh : Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Theo tin tổng hợp từ các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, VNexpress và nhiều trang mạng tin tức thì nhóm du khách Trung Quốc đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đến từ Tây An, Trung Quốc, đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh vào lúc 20h35 ngày 13/5. Chỉ sau khi làm thủ tục quá cảnh, đoàn người mới cởi áo khoác để lộ chiếc áo phông màu trắng, phía sau có in bản đồ của Trung Quốc với đường lưỡi bò chín đoạn, bao gồm các đảo mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình và một số nước khác trong khu vực.
Công ty Aladin, công ty tổ chức tua du lịch 5 ngày tới tỉnh Khánh Hòa xác nhận tin này, và cho biết trong đoàn, có khoảng hơn 10 người mặc áo phông đường lưỡi bò.
Trang mạng Vnexpress trích lời lãnh đạo công an tại sân bay nói rằng sau khi phát hiện, công an cửa khẩu đã liên lạc với công ty lữ hành Aladin, yêu cầu du khách thay áo, và phối hợp với công an tỉnh Khánh Hòa để giải quyết vụ việc. Theo công ty Aladin, khách cho biết đã mua áo tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Những bức ảnh chụp ảnh đoàn du lịch, đa số là phụ nữ, mặc áo phông in hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò đã gây phẫn nộ, đặc biệt trong giới những người đã dấn thân tranh đấu chống chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Từ Hà nội, anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động đại diện cho nhóm dân oan ở Dương Nội, ủng hộ những người chống thái độ gây hấn của Bắc Kinh để khẳng dịnh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nói :
"Tôi thấy rằng những người mà mặc áo như thế là một sự mang tính chất sỉ nhục đối với dân tộc Việt Nam. Họ sang Việt Nam mà có những hành vi như vậy thì tôi thấy rất là phẫn nộ".
Nhóm NoU là nhóm đấu tranh phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của người dân về vấn đề biển đảo, đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay vì những hoạt động của mình. Một thành viên của nhóm, anh Lã Việt Dũng, nói theo anh thì đây là một hành động cố ý chứ không phải vô tình.
Đó là nhận định đầu tiên cùa tôi. Thứ hai là tôi thấy đây là một sự hết sức là thờ ơ, vô trách nhiệm của chính quyền Việt Nam khi mà họ coi nhẹ việc đấy".
Báo SGGP chiều 14/5 tường thuật rằng Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, và kết quả từ camera sân bay Cam Ranh để làm rõ vụ việc.
Anh Lã Việt Dũng lưu ý về sự tương phản trong thái độ và cách xử lý của chính quyền Việt Nam, một mặt đàn áp nhóm NoU, trong khi tỏ ra quá mềm mỏng trước những hành vi lấn át của Trung Quốc.
"Đầu tiên phải nói thái độ của chính quyền đối với các hình ảnh mà chúng tôi giương lên về việc phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, họ đàn áp rất là nặng. Nhưng mà ngược lại, đối với du khách Trung Quốc họ đến Việt Nam họ làm gì, họ mặc áo này nọ thì chính quyền lại lơ là và không kiểm soát. Đó là một sự phân biệt đối xử rất là khác biệt".
Cả hai nhà hoạt động đều cho rằng để tránh những sự cố tương tự tái diễn, Việt Nam cần xử lý vụ việc này bằng các biện pháp cứng rắn. Anh Trịnh Bá Phương :
"Theo tôi thì phía nhà cầm quyền Việt Nam phải có một hành động cứng rắn hơn bằng cách trục xuất ngay hoặc có thể tạm giữ, và lên tiếng với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành vi mang tính chất xâm lược biển đảo của Việt Nam".
Anh Lã Việt Dũng thì cho rằng chính quyền Việt Nam thường né tránh nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, anh Dũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất nước, nếu Hà Nội tiếp tục thái độ né tránh, và không nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Anh nói :
"Không có cách nào khác là chính quyền phải tuyên truyền mạnh về ý nghĩa của đường lưỡi bò Trung Quốc, và ý nghĩa của việc người dân Việt Nam phản đối đường lưỡi bò đó như thế nào. Tôi xem hình trên mạng thì tôi rất là buồn là vì hình như chính quyền Việt Nam chẳng biết gì về phản ứng của người dân, tôi thì cho rằng nếu Việt Nam mình không có những thái độ đúng đắn về vấn đề chủ quyền thì mình sẽ mất nước rất là nhanh".
***********************
Du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò đến Cam Ranh (RFA, 14/05/2018)
Một đoàn du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường ‘lưỡi bò’ qua được cửa khẩu nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh vào tối ngày 13 tháng 5.
Khách du lịch Trung Quốc mặc áo thun có in hình "đường lưỡi bò" tại nơi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. courtesy of zing.vn
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vào ngày 14 tháng 5 cho biết đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ làm rõ vụ việc vừa nêu. Cụ thể Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà, trả lời báo giới nói rõ nhóm khoảng 10 người Trung Quốc khi làm thủ tục ở cửa khẩu sân bay Cam Ranh thì vẫn mặc áo khoác ; đến khi ra khu vực bên ngoài chuẩn bị lên xe đi Nha Trang thì cởi bỏ áo khoác, lộ ra áo thun trắng phía sau có in hình đường lưỡi bò.
Báo Pháp Luật ghi nhận Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch Aladin đã xác nhận đoàn khách Trung Quốc mặc áo thun có hình lưỡi bò đi theo tour và dịch vụ của công ty này đến du lịch Thành phố Nha Trang. Hiện công ty này đang thu hồi toàn bộ số áo đó để tiêu hủy.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng xác nhận với báo chí là đang cùng phối hợp với các cơ quan chức năng trong vụ việc này.
Đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là "đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra và sử dụng để đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Lâu nay, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện những vụ việc du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có in bản đồ với đường lưỡi bò, hay bản đồ do Trung Quốc phát hành vào Việt Nam với hình ảnh đó.
********************
Khách TQ mặc áo in bản đồ 'lưỡi bò' vào VN (BBC, 14/05/2018)
Hôm thứ Hai (14/5), mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền hình ảnh một nhóm người, được cho là du khách Trung Quốc, mặc áo thun trắng in bản đồ 'đường lưỡi bò' ở sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.
Du khách Trung Quốc, mặc áo thun trắng in bản đồ 'đường lưỡi bò' ở sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam
Hiện chưa có xác nhận chính thức ai là người đã chụp những bức hình này.
Thông tin từ trong nước cho biết các hình ảnh này được chụp ở sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh cho biết, khoảng 23h20 ngày 13/5, một nhóm khách du lịch Trung Quốc (khoảng 10 người) mặc áo in hình bản đồ nước này kèm ranh giới 'đường lưỡi bò', theo báo Tuổi Trẻ.
Đường lưỡi bò được Trung Quốc tuyên truyền khắp nơi
Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập cảnh những người này vẫn mặc áo khoác, và chỉ mặc áo in hình 'đường lưỡi bò' sau khi làm xong thủ tục và ra ngoài sảnh, theo news.zing.vn đưa tin.
Được biết nhóm người này đi theo tour du lịch được tổ chức bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Aladin có trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Không có tin những du khách này có bị cấm vào Việt Nam du lịch tiếp hay không, nhưng số áo trên đã bị phía Việt Nam thu hồi.
Trung Quốc là nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng.
Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.
Các điểm đến ven biển miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng là những nơi thu hút du khách Trung Quốc.
Đã có một số lùm xùm xung quanh khách du lịch Trung Quốc ở Việt Nam.
Một số hướng dẫn viên Trung Quốc "lao động không phép" ở Việt Nam bị cho là xuyên tạc lịch sử địa lý Việt Nam, chẳng hạn như cáo buộc có người nói rằng bãi biển Mỹ Khê thực ra là thuộc về Trung Quốc.
Đường Lưỡi bò
Hồi tháng 07/2016, trước ngày phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích ngọn nguồn vụ việc, theo trang The Diplomat :
"Ý tưởng rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đề ra, và sau được đưa vào trong 'Nam Hải Chính sách Cương lĩnh - Nanhai Zhengce Gangling' năm 1993.
"Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn".
"Tổng thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là vùng nước lịch sử".
Dân Hà Tĩnh cay đắng nhìn nghêu chết trắng bãi (Người Việt, 12/04/2018)
Khoảng 16 tấn nghêu của người dân nuôi ở xã Cẩm Lĩnh và xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, chết trắng đầm, khiến các gia đình nuôi điêu đứng vì trắng tay, ước tính mỗi nhà thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Nghêu chết trắng bãi bồi ở xã Cẩm Lộc và Cẩm Lĩnh nhiều ngày qua. (Hình : VietNamNet)
Theo báo VietnamNet, hơn tuần nay, người nuôi nghêu ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ngao ngán trước hiện tượng nghêu đến mùa thu hoạch bỗng chết hàng loạt.
Xã Cẩm Lĩnh có chín gia đình nuôi nghêu với diện tích hơn 10 hécta. Mỗi nhà nuôi 1-2 tấn nghêu giống sắp đến mùa thu hoạch, ước tính tổng thiệt hại khoảng 16 tấn.
Nghêu chết ngâm dưới bùn nhiều ngày, khi tách vỏ ra, ruột nghêu bốc mùi hôi thối. Nhiều nhà dân trong số đó vay tiền ngân hàng đầu tư nghêu giống.
Ngồi thẫn thờ bên đầm nghêu chỉ còn lại đống vỏ, ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi, trú thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) cho biết : "Gia đình tôi đã mất trắng hơn 100 triệu đồng (hơn 4.388 USD). Tôi thả 3,2 tấn nghêu giờ thu hoạch còn lại là đống vỏ".
"Năm ngoái, nghêu của gia đình cũng bị chết, song số lượng ít. Năm nay không rõ vì nguyên nhân gì mà chết nhiều như vậy", ông khóc dở mếu dở, nói.
Nói với báo VnExpress, ông Phạm Văn Minh (64 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh) cho biết, ông mua nghêu giống Bến Tre một tháng trước, đấu thầu một hécta diện tích đầm lầy. Nay toàn bộ số nghêu giống chết sạch, ước tính thiệt hại 64 triệu đồng (hơn 2.808 USD).
Bà Nguyễn Thị Khả (62 tuổi) cho hay, gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng (hơn 4.388 USD) khi hơn hai tấn nghêu bị chết. (Hình : VnExpress)
Bà Nguyễn Thị Khả (62 tuổi) cho hay, gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng khi hơn hai tấn nghêu bị chết. Tiếc của, bà cào những con nghêu sống còn lại bán gỡ vốn, số nghêu chết đem cho gia súc ăn.
Bà cho biết năm nay nghêu được giá hơn các năm trước, nếu nuôi đạt năng suất sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi hécta. "Cả nhà tôi tiếc hùi hụi, nhưng trời không thương nên đành chịu", bà Khả nói.
Tại xã Cẩm Lộc, diện tích nuôi nghêu nhỏ hơn, nhưng cũng xảy ra hiện tượng tương tự.
Anh Lê Văn Ngọc (thôn Trung Hà, Cẩm Lộc) chia sẻ : "Tôi có một hécta nuôi nghêu, tiền giống đã hơn 50 triệu đồng (hơn 2.194 USD), chưa kể tiền công chăm sóc. Nay tôi cũng mất trắng nghêu chết không rõ nguyên nhân".
Theo người nuôi nghêu, họ mất nhiều thời gian để nhặt nghêu chết đi vứt bỏ và còn phải bỏ tiền thuê nhân công gom nghêu chết.
"Đã chết nghêu rồi còn mất mỗi ngày khoảng một triệu đồng (hơn 43 USD) tiền thuê nhân công cào vỏ nghêu. Trắng tay rồi", một người nuôi nghêu than thở.
Bên cạnh nghêu, ốc xoắn cũng bị chết, nổi trên mặt đầm. (Hình : VnExpress)
Ông Trần Đình Lam, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Cẩm Lĩnh, cho biết hơn một tuần nay ở xã xảy ra hiện tượng nghêu của các nhà dân chết trắng. "Diện tích nghêu chết trên 10 hécta, của chín nhà dân nuôi nghêu. Hiện chính quyền đã lấy mẫu đi kiểm tra", ông nói.
Theo cán bộ khuyến nông xã Cẩm Lộc, kết quả ban đầu cho thấy, hiện tượng nghêu nuôi chết hàng loạt vừa qua là do thời tiết thay đổi, dẫn đến sốc môi trường nước.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, chuyên viên Trung Tâm Ứng Dụng Khoa Học Kỹ Thuật và Bảo Vệ Cây Trồng Vật Nuôi huyện Cẩm Xuyên, cho biết trung tâm đã về lấy mẫu gửi Chi Cục Thủy Sản thuộc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh để phân tích, xét nghiệm.
Bên cạnh nghêu, ốc xoắn cũng bị chết, nổi trên mặt đầm. (Tr.N)
******************
Hải sản ở miền Trung chết hàng loạt (CaliToday, 12/04/2018)
Trên dãi biển kéo dài từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đều xảy ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt một cách bí ẩn. Hiện tượng này đã kéo dài từ trên mười ngày qua. Đi cùng với việc hải sản chết là một số hiện tượng nước biển đổi màu, có mùi hôi tanh, cá chết trôi dạt bờ.
Nghêu chết hàng loạt ở Hà Tĩnh. Ảnh : Tuổi Trẻ
Gần một tuần nay, cả chục hộ dân nuôi nghêu ở hai huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà (Hà Tĩnh) lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn khi xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt. Nhiều người bần thần như kẻ vô hồn trước việc nghêu chuẩn bị thu hoạch thì bỗng nhiên mất trắng. Đa phần trong số họ phải vay mượn ngân hàng để mua nghêu giống, bây giờ lâm vào cảnh nợ nần.
Dù đã một tuần trôi qua, các hộ nuôi nghêu ở hai xã Cẩm Xuyên, Lộc Hà vẫn không rõ nguyên nhân vì sao nghêu chết hàng loạt.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Dũng, trú tại xã Cẩm Linh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, để thả được hơn 3 tấn nghêu, gia đình ông phải vay mượn ngân hàng 50 triệu.
"Không hiểu tại sao năm nay ngao chết nhiều như thế này. Mấy ngày nay, vợ chồng tôi ra đây nhặt ngao chết đi đổ mà xót xa quá", ông Dũng nói.
Theo người nuôi nghêu cho biết, tình trạng nghêu chết chỉ diễn ra lẻ tẻ vào giữa vụ, chưa bao giờ lại xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt như bây giờ. Theo thống kê, có hộ nuôi nghêu bị thiệt hại lên đến 70 đến 80%.
Nghêu chết, nhưng hàng ngày người dân phải bỏ ra cả triệu đồng để thuê nhân công cào nghêu đem bỏ. Đã khổ nay còn rơi vào cảnh khốn cùng.
Cách đây khoảng mười ngày, tại vùng biển Quảng Trị đã xảy ra hiện tượng cá chết trôi dạt bờ. Chính quyền tỉnh thống kê phải đến hơn 30 tấn cá chết bị sóng đánh vào bờ với chiều dài lên đến hơn 5km. Người dân vô cùng hoang mang, lo lắng khi mà tai ương từ thảm họa môi trường do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cách đây hai năm vẫn còn ám ảnh họ.
Để tránh tình trạng hoang mang cho người dân, chính quyền tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi đem các mẫu cá đi xét nghiệm đã không hề phát hiện ra hàm lượng độc tố trong cá. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, cá chết với số lượng khổng lồ là do ngư dân đánh được mẻ lớn, nhưng do lưới bị rách nên sóng đánh dạt vào bờ.
Nước biển đổi màu ở Quảng Bình. Ảnh : Vietnamnet
Không chỉ Hà Tĩnh, Quảng Trị mà cả tỉnh Quảng Bình cũng xảy ra hiện tượng bất thường trên biển. Vào ngày 10/4, tại vùng biển thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch xuất hiện một dải nước màu đỏ kéo dài trên 2km. Chính quyền lại cho xét nghiệm và sau đó cho biết đấy là hiện tượng "tảo nở hoa".
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra cách đây hai năm. Cho đến nay, rất nhiều làng biển vẫn chưa thể phục hồi. Các một số vùng biển, như ở Sơn Dương, Nhật Lệ chính quyền vẫn khuyến cáo không nên đánh bắt cá ở tầng đáy, vì hải sản ở đó không an toàn.
Dù thảm họa môi trường đã xảy ra cách đây hai năm, nhưng cho đến nay, rất nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận được tiền đền bù. Chẳng những vậy, việc người dân đòi khiếu kiện Tập đoàn Formosa lại bị chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp một cách tàn bạo. Hàng chục thanh niên ở Hà Tĩnh đã phải vào tù, nhận những bản án hết sức nặng nề hoặc phải bỏ trốn ra nước ngoài để tỵ nạn chỉ vì tham gia vào việc khiếu kiện.
Trong những tháng gần đây, rất nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh tỏ ra vô cùng lo lắng khi ngân hàng liên tục gởi giấy báo nợ, buộc phải trả tiền nếu không sẽ bị siết nhà. Đó là số tiền mà người dân được ngân hàng cho vay ưu đãi để quay trở lại đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, hải sản khi đánh bắt về lại chẳng ai mua, hoặc bán không được giá, vì người dân rất sợ phải ăn cá trên biển kể từ khi thảm họa môi trường xảy ra. Rất nhiều hộ dân rơi vào cảnh khốn cùng không tìm được lối thoát.
Từ khi chính quyền cộng sản Việt Nam thông báo cho biết đã nhận đủ 500 triệu Mỹ kim từ Tập đoàn Formosa thì doanh nghiệp này đã vô can trước tình trạng hiện nay của ngư dân miền Trung. Chẳng những vậy, Tập đoàn này còn được chính quyền cộng sản Việt Nam bảo vệ một cách mạnh mẽ, những tin tức liên quan đến tập đoàn này đều được kiểm duyệt một cách kỹ lưỡng, không để lọt bất cứ thông tin xấu nào ra bên ngoài. Tập đoàn này vẫn đặt nhà máy sản xuất gang thép bên bờ biển, mà ở Việt nam, tất cả các doanh nghiệp đặt nhà máy gần sông, biển chỉ là để đổ chất thải độc hại không được trừ khử ra bên ngoài. Việc làm này tuy độc ác, vì nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường, giết hại giống nòi dần dần nhưng sẽ giảm thiểu phần thiệt hại về tài chánh cho doanh nghiệp vì đỡ phải tốn tiền để đầu tư vào các thiết bị tiêu khử chất độc.
Người Quan Sát
*********************
Hết Nha Trang, đến Hạ Long biến thành phố Tàu (Người Việt, 12/04/2018)
Đến khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, du khách không khỏi choáng ngợp trước các biển hiệu tiếng Trung Quốc đặt chi chít, khiến nơi này giống như một khu phố bên Trung Quốc.
Biển hiệu cửa hàng này không có một chữ tiếng Việt. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên, lượng khách du lịch Trung Quốc ồ ạt đến Quảng Ninh thời gian gần đây khiến các cửa hàng ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, trương nhiều biển hiệu bằng tiếng Trung thay cho tiếng Việt.
Cụ thể, trên các tuyến đường Hạ Long, Vườn Đào, Hậu Cần… có nhiều cửa hàng treo biển hiệu chỉ dùng tiếng Trung Quốc với hai màu vàng-đỏ, màu sắc chủ đạo của nước này, mà không hề bị chính quyền địa phương xử phạt, tháo dỡ.
Đáng chú ý, có những cửa hàng treo biển hiệu tiếng Việt một đằng, tiếng Trung Quốc một kiểu. "Họ quảng cáo tiếng Trung rằng có nước hoa, vòng ngọc bằng… gỗ quý nhưng thực tế bên trong lại không có những loại hàng này", ông Trần Vinh, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, cho biết sau khi đọc một số biển hiệu.
Khu du lịch Bãi Cháy với nhiều cửa hàng treo biển tiếng Trung. (Hình : Thanh Niên)
Ngày 10 tháng Tư, nói với báo Thanh Niên, ông Đoàn Ngọc Nam, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Bãi Cháy, xác nhận các cửa hàng treo biển toàn tiếng Trung Quốc là sai quy định và cho rằng "Lực lượng chức năng của phường đang tiến hành rà soát, nhắc nhở các hộ kinh doanh, sau đó sẽ ra quân tháo dỡ biển hiệu sai quy định trong vài ngày tới".
Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, chánh thanh tra Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Quảng Ninh, cho biết : "Những biển quảng cáo tại khu du lịch Bãi Cháy hầu hết vi phạm quy định. Hồi đầu năm, thanh tra sở có đi kiểm tra việc này ở thành phố Hạ Long nhưng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt".
Theo ông Nam, việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định của Luật Quảng Cáo. Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan ; phải viết bằng chữ Việt Nam ; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn và không được lấn át chữ Việt Nam.
Dọc phố Vườn Đào chi chít biển quảng cáo tiếng nước ngoài, trong đó đa phần là tiếng Trung Quốc. (Hình : Thanh Niên)
"Biển quảng cáo không được che kín mặt tiền, mỗi cửa hàng chỉ được đặt một biển chính và một biển phụ. Ngoài ra, biển quảng cáo phải bảo đảm trật tự đô thị, không được treo một cách tùy tiện", ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng : "Một trong những khó khăn hiện nay của lực lượng thanh tra Sở Văn Hóa-Thể Thao là không có người nào biết tiếng Trung Quốc, nên nếu đi kiểm tra những nội dung viết bằng tiếng Trung Quốc phải mời chuyên gia đi cùng".
Hồi đầu tháng Tư, truyền thông Việt Nam đã phản ánh, nhiều du khách trong và ngoài nước đến thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, không khỏi giật mình, cứ tưởng mình đang ở một xứ nào đó chứ không phải Việt Nam, bởi vì các biển hiệu hàng quán, dịch vụ đều bằng ngôn ngữ Nga và Trung Quốc. (Tr.N)
Chết vì ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam tăng gần gấp đôi (VOA, 30/11/2017)
Việt Nam đã chứng kiến 102 ca ngộ độc thực phẩm trong thời gian từ tháng Giêng tới tháng 11/2017, dẫn đến 22 ca tử vong, và khiến khoảng 3.150 người lâm bệnh, Cục Y tế Dự phòng cho biết hôm 30/11.
Món tiết canh thường gây ngộ độc cao.
Chỉ nội trong tháng 11 năm 2017, Việt Nam đã phải đối mặt với 9 ca ngộ độc thực phẩm, tác động tới 295 cư dân địa phương, trong đó 2 người đã tử vong.
So với năm ngoái, có tất cả 119 ca ngộ độc thực phẩm, 12 ca tử vong, và 3580 người lâm bệnh trong 11 tháng đầu năm 2016.
Báo chí Việt Nam gần đây tường thuật về nhiều vụ ngộ độc tập thể, vốn hay xảy ra tại các tiệm ăn hay trong các tiệc tùng cưới hỏi, điển hình là vụ xảy ra hôm 26/11 tại Đắk Lắk, khi 24 người phải nhập viện trong hai ngày 27 và 28/11.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ mới đây, bác sĩ Nguyễn từ Sàigòn nhắc đến nguy cơ ngộ độc do thực phẩm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam mà không được kiểm soát đúng mức :
"Thực phẩm của Trung Quốc nó tràn sang khủng khiếp, và nó lại đội lốt là hàng hóa Việt Nam. Một ví dụ là khoai tây, khoai tây Trung Quốc đầy, họ đêm lên Đàlạt, xong phủ lên một lớp đất mịn ở Đàlạt, rồi chở về Sàigòn thì nói là khoai tây Đàlạt. Ai cũng biết hàng Trung Quốc đẹp, tròn, to, rẻ, nhưng mà rất là độc bởi vì nó được trồng bằng thuốc hormon, tăng trưởng thành ra rất là nguy hiểm".
Ngoài ra, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam còn phát hiện 163.700 ca sốt dengue, với 30 trường hợp tử vong, gần 95.000 ca lỡ mồm long móng, 680 ca sưng màng óc, giết chết 22 người, và 34 ca bệnh Zika.
Việt Nam hiện có 209.700 bệnh nhân mang mầm siêu vi HIV, trong số này hơn 90,000 trở thành bệnh nhân bệnh AIDS.
Theo các số liệu của Bộ Y tế, tính cho tới thời điểm này, khoảng 93.600 bệnh nhân Việt Nam đã chết vì các chứng bệnh liên quan tới bệnh AIDS.
**********************
Việt Nam ngày càng ‘hút’ khách Trung Quốc (VOA, 30/11/2017)
Khoảng 3,6 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã tới Việt Nam từ đầu năm cho tới tháng 11, theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch Việt Nam được Tân Hoa Xã trích dẫn.
Khách du lịch Trung Quốc đi xích lô ở Hà Nội. Khách từ quốc gia láng giềng phương Bắc tới Việt Nam tăng gần 50% so với năm trước, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong năm nay.
Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam tăng gần 50% trong năm nay một phần nhờ vào hội nghị APEC tại Đà Nẵng nơi đón tiếp nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn 21 nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng sau đó tới Hà Nội gặp các lãnh đạo nhà nước Việt Nam.
Lượng khách du lịch Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong tổng số hơn 11,6 triệu khách du lịch tới Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay. Tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng gần 28% so với năm ngoái.
Lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam tăng hơn 55%, là tỷ lệ tăng cao nhất, và tiếp theo là từ Trung Quốc.
Việt Nam đã chủ động quảng bá du lịch tại nhiều các khu du lịch lớn ở các thành phố của Trung Quốc và phối hợp với các quan chức địa phương để quản lý các hãng lữ hành không phục vụ tốt, theo China Daily.
Việt Nam hy vọng thu hút khoảng 4 triệu khách du lịch Trung Quốc trong tổng số 13 triệu khách quốc tế mà Việt Nam đặt ra trong năm nay, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Theo truyền thông trong nước, khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam tăng mạnh với số lượng áp đảo chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế và hơn 40% lượng khách từ Châu Á.
Tuy nhiên việc du khách Trung Quốc tăng mạnh không khiến Việt Nam vui mừng bởi hiện nay ở một số địa phương du lịch đã và đang phải tìm cách dẹp bỏ vấn nạn khách du lịch 0 đồng do các hãng lữ hành và doanh nghiệp Trung Quốc thao túng, theo VietNamNet trích dẫn nguồn Dân Trí. Tình trạng này gây ra việc phá giá các tour du lịch và hạn chế sức mua sắm tại Việt Nam.
Theo nguồn tin này, số tiền chi tiêu của khách Trung Quốc tại Việt Nam không tỷ lệ thuận với số lượng khách nước này tới Việt Nam. Nguyên nhân chính là do vấn nạn 0 đồng gây nên khi các hãng lữ hành cấu kết với doanh nghiệp du lịch Việt Nam có liên doanh hoặc người đại diện là Trung Quốc để đưa khách du lịch vào các địa điểm du lịch trong tour du lịch mua sắm riêng do họ lập ra để tránh thuế.
Trong 1 phỏng vấn trước đây với VOA, cựu lãnh đạo ngành du lịch Quảng Ninh Hoàng Quốc Thái cho biết một trong những cách tránh thuế này là khách du lịch mua hàng ở Việt Nam trong các tour du lịch này nhưng thanh toán ở Trung Quốc.
Truyền thông trong nước cho biết Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tái diễn vấn nạn du khách 0 đồng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam.
Việt Nam gần đây đã ban hành chính sách miễn thị thực cho công dân nhiều nước Châu Âu và đây là lý do chính khiến lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh trong năm nay. Theo thống kê của Việt NamMedia, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia trên thế giới có lượng khách quốc tế tăng nhanh nhất trong năm 2017.
Trung Quốc trong năm qua đã nổi lên như nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu cho Việt Nam, một vị thế có khả năng giúp mở rộng các mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn thương vì vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo, và cũng là nước mà trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam bao giờ cũng tỏ ra hoài nghi. Theo các số liệu của chính phủ Việt Nam, trong tháng Một 2017, số du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 250.000 người, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa Trung Quốc lên vị thế số Một trong các nguồn cung cấp khách du lịch cho Việt Nam.
Du khách Trung Quốc đã định hình lại nền kinh tế của Hồng Kông và Đài Loan trong thập niên qua, giúp những nơi này xích lại gần hơn với Bắc Kinh sau thời kỳ dài quan hệ khó khăn.
Bây giờ có lẽ đã đến lượt khách du lịch Trung Quốc mang lại nhiều thay đổi cho Việt Nam. Ông Frederick Burke thuộc công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định :
"Có một số căng thẳng tiềm tàng về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên Việt Nam là một điểm đến mà người dân Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi đi du lịch".
Ông Burke nói "Việt Nam không mấy xa, dễ lui tới. Lại có những điểm tương đồng về văn hóa, nhưng lại có những khác biệt rất thú vị. Du lịch sang Việt Nam không tốn kém, và họ sẵn lòng phục vụ du khách Trung Quốc".
Khắc phục căng thẳng
Sự tăng vọt về lượt khách Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Việt Nam. Năm ngoái số lượt khách đến Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10, đạt khoảng 2,2 triệu. Số liệu này sút giảm vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu và đặt giàn khoan này trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, khơi lên các vụ biểu tình bạo loạn chống Trung Quốc gây tử vong.
Bắc Kinh và Hà Nội đối đầu gay gắt về chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, kể cả tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng một làn sóng khách du lịch ổn định có khả năng cải thiện các mối quan hệ giữa người dân hai nước vốn trong nhiều thế kỷ đã bị ảnh hưởng bởi những đối đầu chính trị và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cùng với các tranh chấp hàng hải, theo các nhà phân tích.
Sự phát triển của ngành du lịch là một điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt-Trung vào cuối năm 2016, theo ông Hoàng Việt Phương, người đứng đầu nghiên cứu và là cố vấn đầu tư tại Dịch vụ Chứng khoán SSI ở Hà Nội.
Louie Nguyễn, biên tập viên và người sáng lập trang web tin tức của VietnamAdvisors nhận định :
"Có xu hướng muốn chuyển hướng từ một trung tâm sản xuất sang các lĩnh vực khác, ta có thể thấy xu hướng đó trong sự gia tăng các sáng kiến kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngay cả trong ngành giải trí, phim mới nhất của King Kong đã được thực hiện ở Việt Nam. Vì vậy, ở Việt Nam có nhiều sáng kiến làm ăn, tách ra khỏi lĩnh vực chế tạo sản xuất. Du lịch là một trong các lĩnh vực đó".
Ông Burke trích tin của Tân Hoa Xã nói rằng Trung Quốc giờ là nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, cứ 8 công việc mới hiện nay thì có một là trong ngành khách sạn, Du lịch chiếm 6,6% GDP của Việt Nam trong năm ngoái.
Ralph Jennings
*********************
Không buộc khách Mỹ xin visa dài hạn với phí 135 đô la (TBKTSG, 08/023/2017)
Từ nay, du khách Mỹ đến Việt Nam không buộc phải xin thị thực (visa) dài hạn 1 năm, đi lại nhiều lần với phí 135 đô la Mỹ mà được xin visa theo nhu cầu đi lại, có thể chỉ cần xin loại thông thường có phí 25 đô la Mỹ như trước.
Khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh : Đào Loan
Ông Võ Đức Tây, Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cho biết cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã họp bàn nhiều lần để tìm cách tạo điều kiện dễ dàng nhất cho du khách Mỹ đến du lịch và đã quyết định thực hiện việc cấp visa theo nhu cầu của khách. Nếu du khách chỉ cần đến Việt Nam trong một thời gian ngắn thì có thể xin loại visa thông thường như những khách quốc tế khác.
"Quy định cấp visa có thời hạn 1 năm, đi lại nhiều lần cho người Mỹ thực hiện theo thỏa thuận song phương của hai chính phủ nhưng rất nhiều doanh nghiệp du lịch than phiền quy định này gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch, khiến du khách tốn thêm chi phí không cần thiết nên chúng tôi đã tìm cách thay đổi", ông nói với TBKTSG Online vào chiều ngày (8/2).
Từ cuối tháng 8/2016, dù đến Việt Nam với bất kỳ mục đích nào thì công dân Mỹ cũng sẽ được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tự động nâng thời hạn visa lên 1 năm, cho ra vào nhiều lần với lệ phí 135 đô la Mỹ. Trước đây, khách du lịch đi một lần, thời hạn ngắn chỉ phải trả lệ phí 25 đô la Mỹ.
Quy định này thực hiện theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam cấp visa có thời hạn đến một năm, nhiều lần cho công dân Mỹ đến với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng... Mỹ cũng sẽ cấp visa có thời hạn một năm, nhiều lần cho công dân Việt Nam đến Mỹ với những mục đích tương tự. Nội dung thỏa thuận cũng đề cập, mỗi nước có thể rút ngắn thời hạn thị thực và số lần nhập cảnh của từng trường hợp cụ thể theo luật pháp và quy định hiện hành.
Cũng theo ông Tây, với quy định mới, cho phép khách Mỹ xin visa theo nhu cầu đi lại, lệ phí visa sẽ tính theo quy định của Thông tư số 219/2016/TT-BTC.
Theo đó, cấp thị thực có giá trị một lần có mức phí là 25 đô la Mỹ/thị thực ; loại có giá trị đến 3 tháng là 50 đô la Mỹ ; loại 3-6 tháng là 95 đô la Mỹ ; loại 6 tháng đến 1 năm là 135 đô la Mỹ ; loại 1 năm đến 2 năm là 145 đô la Mỹ...
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, có hơn 552.000 lượt khách Mỹ đến Việt Nam, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 5% trong tổng số khách quốc tế đến.
Việc tự động áp dụng visa thời hạn một năm cho toàn bộ khách Mỹ đã khiến rất nhiều doanh nghiệp than phiền, vì đó như là một rào cản, khiến du khách thay vì đến Việt Nam thì chọn đến những nước lân cận, đang miễn visa cho khách quốc tế.
Đào Loan
Thủ tướng Phúc 'thăm và báo cáo' hai vị tiền nhiệm (BBC, 30/01/2017)
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã thăm gia đình một số vị tiền nhiệm là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời 'báo cáo tình hình' với họ, theo VietnamNet (28/01/2017).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trang báo chụp ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết nhà của hai cố thủ tướng Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt.
"Tới thăm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và gia đình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trân trọng với những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là trong giai đoạn ông giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ", bài báo viết.
Ngoài chuyện báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ mong muốn với ông Nguyễn Tấn Dũng rằng :
"Bằng những kinh nghiệm của mình, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có những đóng góp quý báu, tâm huyết với Chính phủ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững".
Báo này cũng nói cả hai ông Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng "đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo" trong năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm gia đình và thắp hương cho ông Phạm Hùng (1912-1988) người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008).
Ông Phan Văn Khải và ông Nguyễn Tấn Dũng là hai vị thủ tướng tiền nhiệm của ông Nguyễn Xuân Phúc
'Không thu xếp được lịch'
Đây là một dịp hiếm có trong nhiều tháng qua kể từ lần cuối báo chí đưa tin về ông Nguyễn Tấn Dũng, người làm Thủ tướng Việt Nam một thời gian dài, từ 2006 đến 2016.
Hồi tháng 9 năm ngoái, truyền thông nhà nước ở Việt Nam đã đưa tin khác nhau về công tác của ông Nguyễn Tấn Dũng làm 'giảng viên' cho một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin hôm 19/09 "nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh".
Nhưng sang ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, lại viết ông Nguyễn Tấn Dũng "không dạy lớp cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh" và trích ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên cho biết :
"Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch".
Ông Ngân cũng giải thích sự việc hôm trước chỉ là ông Dũng "tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường".
Hồi cuối tháng 7/2016, báo chí Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng nhận kỷ niệm chương về Tây Nguyên.
Theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
"Đồng thời Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên" cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh", truyền thông Việt Nam cho hay.
*********************
Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn phải quyết tâm cải cách (RFI, 30/01/2017)
Một nhà máy may quần áo ở tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 05/01/2016 - Reuters
Với việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Việt Nam sẽ phải tìm những con đường khác để thúc đẩy tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế. Mặt khác, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh cải tổ, thực hiện những cam kết đã đưa ra trong khuôn khổ đàm phán TPP trước đây. Đó là nội dung chính bài trả lời phỏng vấn của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn với ban Việt ngữ ngày 27/01/2017 vừa qua.
Bloomberg : Dù Mỹ ra khỏi TPP, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư
Theo hãng tin Bloomberg, mặc dù Hoa Kỳ đã chính thức thông báo rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc, vì đây là một quốc gia có giá nhân công rẻ, có lực lượng lao động trẻ. Mặt khác, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh cải tổ để tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Khỏi cần nói thì ai cũng biết TPP rất quan trọng đối với Việt Nam, vì hiệp định này sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn.
Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 15% lên tới hơn 38 tỷ đôla, theo số liệu của Hải quan Việt Nam. Hiện giờ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 22%. Các sản phẩm dệt may và giày da chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam. Nếu được thực hiện, TPP sẽ xóa bỏ mức thuế 17% đối với hàng dệt may của Việt Nam nhập vào thị trường Hoa Kỳ, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Mất TPP, lợi thế này cũng sẽ không còn.
Các công ty của Mỹ ở Việt Nam dĩ nhiên là rất thất vọng trước việc tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP. Trong bản tin ngày 25/01/2017, Bloomberg trích lời ông Adam Stkoff, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội, cho rằng đây là một tin xấu đối với các công ty Mỹ và Việt Nam, đối với nhà đầu tư cũng như đối với công nhân, nông dân và người tiêu dùng.
Nhưng theo hãng tin Bloomberg, tuy Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, các nhà máy ở Việt Nam hiện vẫn tiếp tục sản xuất hết công suất, vì nước này vẫn thu hút các công ty đa quốc gia. Việc tân tổng thống Donald Trump dọa sẽ đánh thuế 45% vào hàng sản xuất ở Trung Quốc càng thúc đẩy các công ty ngoại quốc chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác, nhất là sang Việt Nam, một quốc gia có nhân công vừa rẻ, vừa trẻ.
Bloomberg trích dẫn Trinh Nguyen, một nhà kinh tế cao cấp tại ngân hàng Natixis SA ở Hồng Kông, cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc từ những công ty cần nhiều nhân công, cũng như từ những công ty muốn tiếp cận một thị trường nội địa đang bắt đầu phát triển mạnh.
Tainan Spining Co, một công ty dệt may của Đài Loan sử dụng 4.500 công nhân ở Việt Nam, cho biết là việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP không ảnh hưởng gì đến kế hoạch sản xuất của họ tại đây, thậm chí họ còn dự tính mở rộng hoạt động ở Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Một phát ngôn viên của công ty Yue Yuen, mà 40% sản xuất là ở Việt Nam, cũng khẳng định là chuyện TPP sẽ không có tác động gì đến quyết định của họ.
Vào năm ngoái, mặc dù các ứng cử viên tổng thống Mỹ của cả hai phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều tuyên bố chống hiệp định TPP, Việt Nam đã vẫn tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI, với mức đầu tư tăng 9%, đạt mức kỷ lục 15,8 tỷ đôla, trong đó sản xuất và chế biến chiếm phần lớn, đứng đầu là hai dự án của Hàn Quốc, một của LG Display Co. (1,5 tỷ đôla) và một của LG Innotek Co. (550 triệu đôla). Công ty LG Display cho biết ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP sẽ rất hạn chế.
Trong khuôn khổ đàm phán về TPP, chính phủ Việt Nam đã đồng ý sẽ đẩy nhanh cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy hiệp định TPP không còn có sự tham gia của Hoa Kỳ, chính phủ Hà Nội sẽ không thể ngưng các cải tổ theo hướng thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Trong cuộc họp báo ngày 24/01 vừa qua, khi được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ thông báo rút khỏi TPP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố rằng Việt Nam "sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia".
Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam coi việc tham gia TPP và các hiệp định tự do mậu dịch khác là "một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực".
Mặt khác, với viễn cảnh TPP khó thành công, Việt Nam nay phải quay sang các nước láng giềng để tìm đường xuất khẩu cho hàng hóa của mình. Theo nhận định của nhà kinh tế Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Úc & New Zealand ở Singapore, được Bloomberg trích dẫn ngày 25/01, Việt Nam tích cực hơn các nước khác trong việc thương lượng các hiệp định thương mại và điều này giúp Việt Nam phân tán các rủi ro. Theo nhà kinh tế này, Việt Nam hiện đã hoàn tất thương lượng 16 hiệp định tự do mậu dịch, trong đó 9 hiệp định đã có hiệu lực.
Bà Victorino cho rằng Việt Nam vẫn có thể quay sang các thị trường khác vì đã có những quan hệ thương mại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho việc thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa các nước trong khu vực Châu Á. Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, được Bloomberg trích dẫn, cũng tuyên bố rằng họ không quan ngại về chuyện TPP, vì họ đã có những hiệp định tự do mậu dịch với những thị trường khác nhau. Ông Tuấn cho biết ngành dệt may Việt Nam sẽ tìm cách gia tăng xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu, nơi vẫn nhiều tiềm năng và họ cũng có một thị trường nội địa quan trọng.
Theo dự báo của nhà kinh tế Vitorino, sau khi đã đạt mức kỷ lục 177 tỷ đôla trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao, mặc dù thương mại toàn cầu đang suy giảm.
Thanh Phương
********************
Du lịch Việt Nam tháng 1 : Khách Trung Quốc tăng gần 70% (BBC, 30/01/2017)
Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thay chỉ trong tháng 1/2017, du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt "hơn 1 triệu người lượt người, trong đó khách Châu Á chiếm 67,5%, gồm gần 250.000 người từ Trung Quốc.
Theo trang bizlive.vn, khách từ Trung Quốc đạt 247.621 lượt người, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này đưa Trung Quốc lên hàng đầu trong bảng quốc gia có du khách đến Việt Nam tháng đầu tiên của năm 2017.
Trào lưu sang các vùng biển ấm áp của Việt Nam để đi nghỉ, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, đang có tính thời thượng với người Trung Quốc.
Trong một bài trên trang của Tân Hoa Xã hồi tháng 5/2016, tác giả Tao Jun viết từ Nha Trang, trích lời một số du khách Trung Quốc "thích thú với các món ăn buffet, mua bán hàng hóa địa phương".
Bài trích lời ông Zhang Deyi, từ Hà Nam, vùng Bắc Trung Quốc đang cùng cả gia đình thăm Nha Trang : "Cả nhà tôi ở đây, bố mẹ tôi, vợ tôi, con gái tôi và cả tôi nữa đều rất thích hải sản. Món ăn ở đây thật tuyệt".
Bài báo cũng cho hay trước đây, tại vùng này đa số du khách nước ngoài là người Nga, nhưng nay là người Trung Quốc.
Đặc biệt, bài của Tao Jun kể lại câu chuyện quán Hoàng Sa trên đường Trần Phú, Nha Trang thường đón 80% thực khách là người Trung Quốc.
Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã để nguyên tên quán là 'Hoang Sa Seafood Restaurant'.
Tuy nhiên, bài báo cũng trích lời một cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh là cô Wei Chunjie than phiền về chế độ hai giá : cho người Việt Nam và cho khách nước ngoài, mà theo bài viết là "bị áp dụng sai luật ở một số quán ăn".
"Chúng tôi phải mua 5 con tôm hùm tươi với giá 1 triệu Việt NamD một kilogram, nhưng nửa phút sau, có khách người Việt mua chỉ với giá 800 nghìn đồng", cô Wei Chunjie cho biết.
Số liệu chính thức nói trong 1/2017, lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt
Xu hướng du khách nội vùng Đông Nam Á tăng nhanh từ 2012 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, và trong số hàng triệu du khách Châu Á đi thăm các nước láng giềng trong vùng, du khách Trung Quốc luôn chiếm số đông nhất.
Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay xu hướng này sẽ còn tăng đều, đưa lượng du khách Châu Á lên 50% du khách toàn cầu vào 2030, tăng từ 37% năm 2014.
Du lịch Châu Á tăng nhờ vào thu nhập nội địa các nước này tăng lên, hàng không giá rẻ bùng nổ và dịch vụ du lịch nhìn chung đều phát triển.
Cách đây ba năm, BCG đã dự báo về du khách Trung Quốc :
Du khách Trung Quốc thăm Singapore
"Du khách từ Trung Quốc sẽ chiếm trên 40% của tổng số du khách toàn Châu Á vào 2030".
Sự có mặt đông đảo của các tour du lịch Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam cũng đã gây ra một số lo ngại về xung khắc văn hóa, hoặc về chuyện hướng dẫn viên chỉ là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức hai nước này đều đang tìm các giải pháp dung hòa cho nhu cầu phục vụ tour đại trà và các tuyến du lịch cao cấp, ít khách nhưng chi tiền cao hơn.