Bắc Triều Tiên khẳng định đã tiến hành chiến dịch quân sự "đáp trả toàn diện" Mỹ - Hàn
Thùy Dương, RFI, 07/11/2022
Sáng 07/11/2022, bộ tổng tham mưu Quân đội Bắc Triều Tiên khẳng định từ ngày 02 đến 05/11 đã thực hiện các hoạt động quân sự đáp trả đợt tập trận chung Vigilant Storm (Bão táp Cảnh giác), được xem là cuộc tập trận chung không quân Mỹ - Hàn lớn chưa từng có.
Ảnh ghép các đợt phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên từ ngày 02 đến 05/11/2022, được Bình Nhưỡng thông báo là nhằm "đáp trả" các hành động quân sự của Mỹ-Hàn. AP
Quân đội Bắc Triều Tiên cũng dọa trong tương lai sẽ có các biện pháp đáp trả toàn diện, áp đảo, không nhân nhượng các đợt tập trận chung Mỹ - Hàn.
Thông cáo của Bình Nhưỡng được đưa ra hôm nay sau hàng loạt vụ phóng tên lửa hồi tuần trước và trong bối cảnh Mỹ - Hàn kéo dài đợt tập trận chung Vigilant Storm.
Theo Yonhap, bộ tổng tham mưu Quân đội Bắc Triều Tiên đã công bố lịch trình chi tiết các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chiến thuật và các tên lửa hành trình, từ ngày 02 đến 05/11, số lượng và loại tên lửa phóng đi trong từng ngày, cũng như địa điểm phóng tên lửa.
Bắc Triều Tiên cũng khẳng định các vụ thử nói trên nằm trong khuôn khổ chiến dịch thể hiện năng lực quân sự và tuyên bố "tất cả các động thái thù địch gần đây của Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những hành động không thể dung thứ và bỏ qua".
Bình Nhưỡng nhấn mạnh "đang phải đối phó với các cuộc tập trận chuẩn bị cho chiến tranh của kẻ thù chống lại" Bắc Triều Tiên và các biện pháp đối phó tiếp theo sẽ "áp đảo và cứng rắn", "toàn diện hơn và không khoan nhượng".
Thùy Dương
***********************
Nhật Bản tổ chức lễ duyệt hạm đội quốc tế, Hải quân Hàn Quốc cử tàu tham gia
Trọng Nghĩa, RFI, 06/11/2022
Hải quân Nhật Bản vào hôm 06/11/2022 đã tổ chức một buổi lễ lễ duyệt hạm đội quốc tế tại Vịnh Sagami, tỉnh Kanagawa, với sự tham gia của chiến hạm đến từ 12 nước. Điểm đáng chú ý là Hàn Quốc đã gửi một chiếc tàu đến dự.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng một số quan chức và đại sứ Mỹ Rahm Emanuel tại vịnh Sagami, phía Nam Tokyo, ngày 06/11/2022. AP - 192002+0900
Theo hãng tin Nhật Kyodo, tham gia lễ duyệt hạm đội hôm nay có 18 chiếc tàu đến 12 quốc gia, trong đó có Úc, Canada, Ấn Độ, Mỹ, Anh…, cùng 6 chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ.
Đây là lần đầu tiên trong 20 năm nay, Nhật Bản tổ chức lễ duyệt hạm đội quốc tế nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập ngày thành lập Hải quân Nhật Bản. Phát biểu khi ông đến thị sát buổi duyệt tàu, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tố cáo Bắc Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa gần đây, cho biết là Tokyo "không bao giờ có thể chấp nhận việc (Bắc Triều Tiên) phát triển tên lửa và hạt nhân".
Ngoài ra, thủ tướng Nhật cũng khẳng định rằng nước ông không thể chấp nhận việc Nga xâm lược Ukraine, cho rằng : "Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, chẳng hạn như cuộc xâm lược Ukraine, không bao giờ được dung thứ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới".
Lãnh đạo Nhật Bản cũng gián tiếp phê phán Trung Quốc khi nói rằng : "Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông, đang nhanh chóng trở nên căng thẳng hơn".
Trên cơ sở đó, thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường năng lực hải quân cũng như quân sự nói chung để đối phó với những thách thức.
Điều được giới quan sát chú ý là lần đầu tiên từ năm 2015 đến nay, Hàn Quốc đã cử tàu của mình đến tham gia lễ duyệt tàu tại Nhật Bản. Theo thông tín viên RFI Célio Fioretti tại Seoul, đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đang tăng cường quan hệ với đồng minh lâu năm của mình, Hoa Kỳ, nhưng cũng đang cố gắng xích lại gần hơn với Nhật Bản, quốc gia có quan hệ không mấy tốt đẹp với Seoul.
"Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên có thể hòa giải hai kẻ cựu thù. Hôm nay mồng 6 tháng 11, lần đầu tiên từ bảy năm nay, Soyang, một tàu quân sự của Hàn Quốc, tham gia lễ duyệt hạm đội quốc tế do Nhật Bản tổ chức ngoài khơi Tokyo.
Do lịch sử chung của hai nước, kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc vào đầu thế kỷ trước, hai bên đã duy trì quan hệ rất ít thân thiện cho đến gần đây. Nhưng điều đó có thể thay đổi với nhu cầu ứng phó với căng thẳng gia tăng mà chế độ Bình Nhưỡng gây ra.
Kể từ mùa hè này, Tokyo và Seoul đã gia tăng các cuộc họp chính thức với mục đích vạch ra một chính sách an ninh chung trong khu vực. Vào tháng 10, hai nước cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung.
Vào thời điểm hiện tại, mối quan hệ xích lại gần nhau có vẻ diễn ra tốt, nhưng một số tranh cãi đã nổi lên. Thật vậy, trong lần duyệt binh này, các thủy thủ Hàn Quốc sẽ phải chào cờ của Hải quân Nhật Bản, tương tự như lá cờ được sử dụng trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Triều Tiên. Lá cờ này đã gợi lại những ký ức tồi tệ.
Dẫu sao thì cả hai chính phủ đều có ý định tiếp tục cải thiện quan hệ. Do đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương dự kiến vào tháng 11".
Trọng Nghĩa
Liên tục bắn thử tên lửa : Bắc Triều Tiên tính gì ?
Minh Anh, RFI, 07/10/2022
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 12 ngày, Bắc Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ phóng tên lửa. Giới quan sát cho rằng chế độ Bình Nhưỡng đang tận dụng tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn nhằm phô trương sức mạnh, đồng thời bắn đi một thông điệp rất rõ ràng đến chính quyền Biden.
Tiêm kích F-15 của không quân Hàn Quốc chuẩn bị xuất kích tại một căn cứ không được tiết lộ hôm thứ Ba 04/10/2022. AP
Bán đảo Triều Tiên trong hai tuần qua như trong một "trò chơi chiến tranh" ở mức độ căng thẳng cao, theo như ghi nhận của thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tại Seoul. Thứ Năm, ngày 06/10/2022, Bình Nhưỡng lại bắn thử hai tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản, hai ngày sau khi cho thử nghiệm tên lửa Hwasong-12 bay khoảng 4600 km, qua quần đảo Nhật Bản, và được cho là có thể tới tận đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Để đáp trả, Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến tập trận cùng đồng minh Hàn Quốc, giả định bắn hạ một tên lửa Bắc Triều Tiên ở ngoài khơi. Cũng trong ngày 06/10, Bắc Triều Tiên còn điều 8 chiến đấu cơ và bốn máy bay ném bom tập trận sát biên giới liên Triều. Hàn Quốc lập tức phản ứng cho xuất kích 30 chiến đấu cơ.
Theo giải thích từ phía Bình Nhưỡng, những vụ bắn thử tên lửa này chỉ là "những đòn trả đũa của Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên chống lại các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, những hành động dẫn đến leo thang căng thẳng quân sự tại khu vực".
Tuy nhiên, có hai điểm được hầu hết giới chuyên gia cùng tán đồng : Thứ nhất, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong-un sẽ tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể lu mờ vai trò nổi bật trong khu vực của Trung Quốc – đồng minh phương Bắc chính của chế độ Bình Nhưỡng và cũng là nhà tài trợ lớn nhất – hiện đang chuẩn bị Đại hội Đảng cộng sản sẽ diễn ra vào ngày 16/10/2022.
Thứ hai, đây là một lời nhắc nhở từ Bình Nhưỡng, rằng công nghệ vũ khí của Bắc Triều Tiên đang có tiến bộ - tên lửa của họ bay xa hơn bất kỳ loại hỏa tiễn nào khác cho đến nay – như là một phần của sự phô trương rộng rãi hơn về khả năng tên lửa đạn đạo của chế độ, theo như nhận định của trang mạng The Guardian.
Về điểm này, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trả lời kênh truyền hình BFMTV ngày 06/10/2022 nhắc lại : "Những gì Bắc Triều Tiên đang thực hiện, chính là phát triển và gia tăng các năng lực của mình, giờ được xem như là đáng tin cậy. Năm nay là năm kỷ lục với 30 vụ thử. Khi Kim Jong Il còn sống, ông ấy đã tiến hành 15 vụ thử cùng một kiểu như vậy trong vòng 15 năm. Từ khi lên cầm quyền, cách nay 10 năm, Kim Jong-un đã thực hiện đến 170 vụ thử".
Cũng theo chuyên gia này, những đợt bắn thử tên lửa mới của Bắc Triều Tiên còn là một cách để chế độ Bình Nhưỡng tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực. "Điều này chứng tỏ là Bắc Triều Tiên có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn và chính xác hơn. Và nhất là điều đó còn để lại ít phạm vi hành động hơn cho Hàn Quốc".
Antoine Bondaz còn nhấn mạnh thêm rằng "Đây còn là một thông điệp gởi đến Hàn Quốc và các lực lượng quân đội Mỹ đang trú đóng tại Hàn Quốc, cũng như là trực tiếp cho Mỹ bởi vì tên lửa được sử dụng về lý thuyết có thể bắn tới đảo Guam". Hòn đảo trên Thái Bình Dương này cũng là nơi trú đóng một căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Thông điệp nào gởi đến Biden ?
Foster Klug, trưởng đại diện hãng tin Mỹ AP khu vực Triều Tiên, Nhật Bản, Úc và Nam Thái Bình Dương còn đưa ra những phân tích sâu hơn khi lưu ý thêm là trong mỗi cuộc thử nghiệm vũ khí, Bắc Triều Tiên thực hiện ít nhất ba việc cùng một lúc.
Thứ nhất, đó là dịp để Kim Jong-un cho người dân Bắc Triều Tiên thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng chống lại kẻ xâm lược nước ngoài.
Thứ hai, các nhà khoa học của ông có thể nghiên cứu xử lý các vướng mắc công nghệ gây cản trở cho chương trình phát triển vũ khí, bao gồm cả việc thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân sao cho phù hợp với các tên lửa và bảo đảm tên lửa tầm xa có thể trở lại bầu khí quyển của Trái Đất một cách trơn tru.
Cuối cùng, đây có lẽ là điểm quan trọng nhất, mỗi cuộc thử đều gởi đi một thông điệp rất rõ ràng là bất chấp tất cả những vấn đề mà chính quyền Biden đang đối mặt – như cuộc chiến tại Ukraine, hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, kinh tế nước Mỹ lao đao - Washington vẫn phải đối phó với Bắc Triều Tiên. Có nghĩa là, một quốc gia sau nhiều năm phấn đấu, đang trên đà trở thành một cường quốc hạt nhân chính đáng, chứ không còn là một nước có dấu hiệu gần đây sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Về lâu dài, Kim Jong-un có thể muốn Mỹ nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân thực thụ. Các cuộc đàm phán sau đó sẽ dàn xếp việc Bắc Triều Tiên giảm bớt phần nào chương trình vũ khí của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt của quốc tế và cuối cùng ký kết một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
Xa hơn nữa, Bình Nhưỡng muốn Washington rút số 30 ngàn binh sĩ khỏi Hàn Quốc, mở đường cho việc kiểm soát bán đảo của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Bình Nhưỡng kiên quyết không nối lại đàm phán chừng nào Washington chưa từ bỏ "thái độ thù nghịch". Điều này rất có thể bao hàm các biện pháp trừng phạt kinh tế, sự hiện diện của lính Mỹ và các cuộc tập trận thường niên với binh sĩ Hàn Quốc mà Bắc Triều Tiên xem đấy như là chuẩn bị xâm lược.
Từ những quan sát trên, ông Foster Klug cho rằng các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể là một động thái để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Đó cũng là những gì từng xảy ra dưới thời chính quyền Donald Trump. Những vụ thử tên lửa liên tục đã dẫn đến việc Donald Trump tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un trong suốt hai năm 2018-2019, nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế và chính trị. Nhưng ý định này đã bất thành khi lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng từ chối đi xa hơn trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Với việc ông Joe Biden lên cầm quyền, tình hình còn thêm bế tắc. Tổng thống Mỹ tỏ dấu hiệu từ chối đi theo cả chính sách ngoại giao cá nhân của Donald Trump lẫn chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Barack Obama, khi ủng hộ cách tiếp cận tiệm tiến, theo đó Bắc Triều Tiên từng bước bỏ một số phần trong chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích và giảm nhẹ trừng phạt.
Tuy nhiên, mục tiêu sau cùng là vẫn giữ nguyên : Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng ngày càng có nhiều nhà quan sát tin rằng điều này giờ là bất khả. Kim Jong-un có thể xem việc hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân như là một sự bảo đảm duy nhất cho sự tồn vong của chế độ.
Ông Soo Kim, một nhà phân tích cho RAND Corporation, được The Guardian trích dẫn, cho rằng "Tại thời điểm này, đối với Kim Jong-un, từ bỏ chương trình hạt nhân và ngưng mọi hành động khiêu khích dường như không phục vụ cho các lợi ích của ông ấy, chưa kể đến số lượng tài nguyên bị lãng phí để tiến hành các vụ thử tên lửa này !"
Hầu hết giới quan sát có chung một kết luận : Kim Jong-un đang trong chu kỳ hành động khiêu khích bằng các vụ thử tên lửa, và có nhiều khả năng, một vụ thử hạt nhân thứ bảy sẽ nổ ra ngay đúng thời điểm bầu cử giữa kỳ quan trọng ở Mỹ và trong lúc này, Bình Nhưỡng tiếp tục xoay sở trong cuộc đối đầu dài hơi với Washington và các đồng minh của Mỹ.
Minh Anh
*********************
Mỹ - Hàn tập trận sau các vụ bắn thử tên lửa liên tiếp của Bắc Triều Tiên
Anh Vũ, RFI, 07/10/2022
AFP dẫn nguồn tin của quân đội Hàn Quốc thông báo, hôm 07/10/2022, hải quân Mỹ - Hàn bắt đầu các cuộc tập trận cùng với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan trong vùng biển phía đông Hàn Quốc. Mục tiêu được nói rõ là tăng cường khả năng tác chiến để đáp trả "mọi khiêu khích của Bình Nhưỡng".
Hàng không mẫu hạm USS Reagan tham gia tập trận cùng hải quân Hàn Quốc ở phía đông bờ biển nước này ngày 29/09/2022. AP
Cuộc tập trận Mỹ-Hàn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên trở nên cao độ trong hai tuần qua với việc Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ bắn tên lửa đạn đạo ra biển. Để đáp trả, Seoul biểu dương sức mạnh, tăng cường hợp tác với đồng minh và láng giềng Nhật Bản.
Thông tín viên RFI tại Seoul Nicolas Rocca tường trình :
"Như vậy 12 ngày qua cuộc biểu dương sức mạnh của hai bên vĩ tuyến 38 diễn ra giống như một ván cờ. Sau khi Bắc Triều Tiên bắn các tên lửa vào buổi sáng (06/10), tàu sân bay Mỹ đã mô phỏng các bài diễn tập bắn rơi tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Đến buổi chiều, điều 8 chiến đấu cơ và 4 máy bay ném bom, Bắc Triều Tiên tiến hành các bài tập ở sát biên giới hai miền Triều Tiên. Seoul đáp lại điều ba chục chiến đấu cơ bay lên giám sát.
Bình Nhưỡng tố cáo Washington gây leo thang căng thẳng quân sự và đe dọa ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt với việc hôm 05/10 ra lệnh điều tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan trở lại trong vùng.
Sau nhiều năm căng thẳng, hôm qua (06/10) Tokyo và Seoul đột ngột xích lại gần nhau. Sau cuộc điện đàm, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishada đã nhất trí với nhau cần phải cho Bắc Triều Tiên thấy rằng "họ phải chịu những hậu quả của những hành động khiêu khích bất cẩn".
Khó có thể thấy căng thẳng sẽ dịu xuống khi mà giả thuyết trong những ngày tới Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 đang lan truyền rộng. Nhưng cơ quan tình báo Hàn Quốc tin rằng vụ thử này chắc sẽ phải diễn ra sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc vào ngày 16/10 tới".
Anh Vũ
************************
Bắc Triều Tiên bắn thêm 2 tên lửa đáp trả Mỹ và Hàn Quốc
Thu Hằng, RFI, 06/10/2022
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại thêm căng thẳng. Hôm 06/10/2022, Bình Nhưỡng lại bắn hai tên lửa về phía biển Nhật Bản. Như vậy là chỉ cách nhau hai ngày, Bắc Triều Tiên hai lần bắn tên lửa nhằm đáp trả "các biện pháp trả đũa" của Seoul và Washington và các cuộc tập trận Mỹ - Hàn.
Tên lửa Bắc Triều Tiên được phóng đi từ một nơi không được tiết lộ. Ảnh không ghi thời điểm do chính quyền Bình Nhưỡng cung cấp ngày 17/04/2022. AP
Thông tín viên RFI Trần Công tường trình từ Seoul :
"Vào lúc 6 giờ sáng hôm nay, Bắc Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) về phía đông bắc của biển Nhật Bản. Đây là một mục tiêu mới của Bắc Triều Tiên, thay vì đảo Risom như thường lệ. Hai tên lửa này cũng được bắn từ một địa điểm mới là Samseok, một khu vực nằm ở phía đông sân bay Sunan, khá xa khu vực trung tâm của Bình Nhưỡng. Đây cũng được xem là điều bất thường trong lần phóng này của Bắc Triều Tiên.
Ngoài mục tiêu thị uy và đáp lại việc Mỹ đưa tàu sân bay Reagan quay trở lại Hàn Quốc, vụ phóng tên lửa hôm nay còn gửi một thông điệp mới đến chính quyền Seoul : kể cả khi sân bay Sunan bị tấn công phủ đầu, nếu chiến tranh xảy ra, Bắc Triều Tiên vẫn có thể phản công từ những vị trí khác.
Theo tính toán, hai loại tên lửa được bắn lần này là KN-23 và KN-24, với tầm bắn của cả hai đều được ghi nhận là tăng so với các lần bắn trước đây và bao phủ được toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc. Điều này cho thấy Bắc Triều Tiên đang theo đuổi việc cải tiến các loại tên lửa và toàn bộ Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với tên lửa tầm ngắn của Bắc Triều Tiên nếu chiến tranh xảy ra.
PUBLICITÉ
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã họp khẩn cấp với Ủy ban Thường Vụ Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để thảo luận về các biện pháp đối phó. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân khẳng định rằng thế trận phòng thủ liên hợp sẽ được củng cố hơn nữa để đối phó với bất kỳ đe dọa nào đến từ Bắc Triều Tiên. Ông lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên là một thách thức không thể coi thường đối với cộng đồng quốc tế".
Theo AFP, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngay lập tức lên án vụ thử tên lửa lần thứ 6 chỉ trong vòng hai tuần, xem đây là "điều hoàn toàn không chấp nhận được".
Vụ bắn tên lửa sáng 06/10 diễn ra chỉ ít giờ sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được triệu tập theo đề nghị của Pháp, Anh, Albania, Na Uy và Ireland, bàn về vụ thử tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo AFP, các nước trong Hội đồng vẫn bị chia rẽ. Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ "đầu độc" môi trường an ninh trong vùng Đông Á với "các cuộc tập trận do Mỹ và nhiều nước khác trong vùng tiến hành". Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield lên án "nỗ lực hiển nhiên của Trung Quốc và Nga để thưởng cho những hành động xấu" của Bắc Triều Tiên. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Soo Kim của tổ chức nghiên cứu và tham vấn Rand Corporation dự báo Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa, vì "vào thời điểm này, đối với ông Kim Jong-un, lùi bước hoặc dừng các hành động gây hấn có thể sẽ gây phản tác dụng đối với các lợi ích của ông ấy. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực và tài chính đã đổ vào những vụ thử vũ khí này".
Thu Hằng
Một đề xuất "điên rồ". Em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, ngày 19/08/2022 đánh giá như trên đề nghị của Hàn Quốc hỗ trợ Bình Nhưỡng tái thiết kinh tế, nếu chính quyền Kim Jong-un ngừng phát triển hạn nhân. Seoul "lấy làm tiếc" về phản ứng của Bắc Triều Tiên.
Màn hình TV tại ga xe lửa Seoul ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 17/08/2022, chiếu chương trình tin tức tường thuật về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên với đoạn phim ghi lại cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu. AP - Lee Jin-man
Hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA trích dẫn lời bà Kim Yo-jong nhấn mạnh : "Đánh đổi hợp tác kinh tế lấy danh dự, vũ khí nguyên tử là một giấc mơ, là hy vọng và kế hoạch của ông Yoon. Seoul có suy nghĩ thực sự thô thiển và ấu trĩ".
Người phụ nữ đầy quyền lực này trong chính quyền Bình Nhưỡng nói thêm : Bắc Triều Tiên hoàn toàn không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo bởi vì "không ai mang vận mệnh của mình để đổi lấy vài cái bánh ngô cả". Em gái lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Yo-jong cho rằng trong mọi trường hợp chính quyền Hàn Quốc nên "câm miệng lại là hơn". Bà đồng thời bác bỏ khả năng đối thoại với chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol.
Hôm 15/08/2022 tổng thống Hàn Quốc đề nghị một kế hoạch quy mô hỗ trợ Bắc Triều Tiên đổi lại thì Bình Nhưỡng phải có những tiến bộ cụ thể trên con đường phi hoạt nhân hóa. Cách nay hai ngày, Bình Nhưỡng lại cho bắn thử hai tên lửa hành trình về phía Hoàng Hải. Tuần trước, chính quyền Kim Jong-un tố cáo Hàn Quốc gieo rắc dịch Covid cho Bắc Triều Tiên.
Seoul sáng nay đã có phản ứng về những lời lẽ của em gái lãnh tụ Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị hỗ trợ kinh tế. Phủ tổng thống Hàn Quốc "lấy làm tiếc" trước những lời lẽ "khiếm nhã" của một quan chức cao cấp trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc ông Lee Hyo Jung được hãng tin Mỹ AP trích dẫn, nói thêm : Thái độ hung hãn này "chẳng những đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà còn gây thêm khó khăn cho quốc gia phương Bắc này. Bang giao quốc tế và tình hình kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ xấu đi thêm".
Thanh Hà
Trọng Thành, RFI, 26/05/2022
Tối 26/05/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có kế hoạch bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng, do hàng loạt vụ thử tên lửa mới đây. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên mới đây, vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửan Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/05/2022. AP - Lee Jin-man
Theo quân đội Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã bắn thử tổng cộng ba hỏa tiễn đạn đạo ngày 25/05. Các tên lửa được bắn ít giờ đồng hồ sau khi tổng thống Hoa Kỳ kết thúc vòng công du Châu Á đầu tiên. Các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc cũng nghi ngờ Bắc Triều Tiên sắp thử vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên kể từ năm năm nay.
Hoa Kỳ, với tư cách là chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 5, đã đề xuất một dự thảo nghị quyết mới, trong đó có biện pháp siết chặt việc nhập khẩu dầu mỏ đối với Bắc Triều Tiên. Văn bản dự kiến giảm mạnh lượng dầu thô mà Bắc Triều Tiên được phép nhập khẩu, mỗi năm từ 4 triệu xuống còn 3 triệu thùng (tương đương từ 525.000 tấn xuống 393.750 tấn). Nhập khẩu dầu tinh chế, giới hạn 500.000 thùng mỗi năm, sẽ giảm xuống còn 375.000 thùng. Dự thảo nghị quyết cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản và đồng hồ, đồng thời dự kiến nhiều trừng phạt nhắm vào một số cá nhân và doanh nghiệp.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2017 kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung, trong trường hợp xảy ra một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, giống như vụ mà Triều Tiên có thể đã thực hiện ngày 25/05. Theo giới chức nói trên, "đây là một trong các điều kiện mà nghị quyết (năm 2017) đặt ra, và cũng chính là điều đã xảy ra. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng cần phải hành động kịp thời".
AFP dẫn lời một nhà ngoại ẩn danh cho biết Bắc Kinh có thể chấp nhận áp dụng các biện pháp trừng phạt mới trong trường hợp Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng không phải với các vụ thử tên lửa. Về phần mình, một phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho AFP biết : "Chúng tôi không tin rằng (dự thảo) nghị quyết của Mỹ có thể giúp giải quyết được bất kỳ vấn đề nào".
Đại sứ một nước thành viên Hội đồng Bảo an, xin ẩn danh, cho biết việc phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất sẽ để lại những hệ quả tiêu cực đối với Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ này. Theo viên đại sứ nói trên, việc Hội đồng Bảo an bị chia rẽ trong hồ sơ này sẽ là điều "tồi tệ", trong lúc Bình Nhưỡng đã "có nhiều tiến bộ trong chương trình tên lửa đạn đạo", và tiếp tục các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, "chống lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an".
Trọng Thành
*******************
Trần Công, RFI, 25/05/2022
Sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ - Hàn và cuộc họp mặt bộ tứ Quad tại Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã bắn 3 tên lửa đạn đạo bao gồm một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 25/05/2022. Theo thông tin từ văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho lần thử nghiệm hạt nhân mới. Đây là phản hồi "thách thức" lằn ranh đỏ của liên minh Mỹ - Hàn cũng như bộ tứ Quad.
Màn ảnh truyền hình chiếu cảnh tên lửa Bắc Triều Tiên được phóng lên ngày 25/05/2022. AP - Lee Jin-man
Sau khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về kinh tế, công nghệ và an ninh của bán đảo Triều Tiên, hôm nay Bắc Triều Tiên đã liên tiếp bắn 3 quả tên lửa bao gồm một tên lửa liên lục địa (ICBM) và 2 tên lửa tầm ngắn (SRBM) xuống khu vực biển Đông (tên Hàn Quốc gọi biển Nhật Bản). Đây được xem là một hành động thách thức hầu hết các lằn ranh đỏ, tuyên bố chung, hay các quyết định cứng rắn của cả liên minh Mỹ - Hàn và nhóm bộ tứ Quad. Đặc biệt hành động bắn tên lửa này lại diễn ra chỉ một ngày sau khi tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến công du Châu Á đầu tiên trong nhiệm kỳ.
Tại Hàn Quốc, tổng thống Yoon Seok Yeol đã chủ trì một cuộc họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ để nghe báo cáo về vụ việc và tư thế sẵn sàng phản ứng của quân đội Hàn Quốc. Tổng thống Yoon tuyên bố : "Dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, chúng ta nên phối hợp chặt chẽ với các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế để thực hiện triệt để các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên, bao gồm cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Trước đó ông Yoon đã liên tục phê phán chính sách đối ngoại của tổng thống Moon và gọi cách ngoại giao mà ông Moon đã xây dựng là thất bại và phục tùng.
Sau cuộc họp, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố lên án hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng : "Việc Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa xuyên lục địa và tên lửa tầm ngắn là bất hợp pháp và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Bên cạnh đó, văn phòng an ninh chính phủ Hàn Quốc cho biết : "Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 tại khu vực thử nghiệm hạt nhân Punggye-hi". Ngay lập tức ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và cố vấn an ninh Hàn Quốc Kim Seong Han đã lần lượt trao đổi với 2 đồng cấp tại Mỹ để thảo luận về các cách thức hợp tác giữa 2 quốc gia Hàn - Mỹ.
Trần Công
Trọng Nghĩa, RFI, 30/07/2021
Tình hình dịch bệnh tại Miến Điện phải chăng đã đến mức cực kỳ nguy hiểm ? Câu hỏi này đang được đặt ra sau lời báo động hôm qua, 29/07/2021 từ một quan chức Liên Hiệp Quốc, một hôm sau khi chính quyền quân sự tại Naypyidaw lên tiếng kêu gọi quốc tế khẩn cấp giúp Miến Điện chống dich.
Các nhân viên y tế tìm cách di chuyển một bệnh nhân nhiễm Covid-19 do tình trạng ngập lụt tại Myawaddy, bang Karen, Miến Điện ngày 26/07/2021 via Reuters – Karen Information Center
Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Anh The Guardian, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã không ngần ngại cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành một nước "siêu phát tán" virus gây dịch Covid-19 – tiếng Anh gọi là "super-spreader", làm bùng phát dịch bệnh trên toàn khu vực.
Về số liệu tuyệt đối, Miến Điện không phải là nước bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với gần 300.000 ca nhiễm được thống kê tính đến hôm nay (30/07/2021), và hơn 8.500 ca tử vong được ghi nhận, Miến Điện vẫn thua xa Indonesia, với hơn 3,3 triệu ca nhiễm, hơn 92.000 người chết, hay là Philippines, với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 27.000 người thiệt mạng.
Dù vậy, Miến Điện đang phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh đất nước đang gánh chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc do cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai, với những hệ quả nặng nề trên một nền y tế vốn đã không vững mạnh lắm. Chương trình tiêm chủng đã bị đình trệ, việc xét nghiệm đã sụp đổ và các bệnh viện công hầu như tê liệt.
Các bác sĩ, những người đi đầu trong cuộc đình công chống chế độ quân sự và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước, đã bị buộc phải điều trị bí mật cho bệnh nhân vì họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị quân đội tấn công hoặc bắt giữ.
Theo ông Tom Andrews, số liệu về ca nhiễm và tử vong ở Miến Điện không thể chính xác do việc các nhà báo và bác sĩ bị chính quyền đàn áp, khiến cho việc thu thập thông tin chính xác trở nên khó khăn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là dịch bệnh tại Miến Điện đã lan mạnh một cách đột biến, với tốc độ cực nhanh.
Theo số liệu của Bộ Y Tế và Thể Thao do quân đội kiểm soát, chỉ riêng từ ngày 01/06 đến nay, tức là trong không đầy 2 tháng, đã có hơn 4.600 người chết vì Covid-19, một con số cao hơn gấp đôi số người chết trong gần 18 tháng kể từ đầu dịch. Và các số liệu chính thức được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.
Có rất nhiều chi tiết cho thấy tình hình rất nguy cấp. Trang mạng nhật báo độc lập Irrawaddy đã trích dẫn các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/07 vừa qua cho biết là sẽ có thêm 10 lò hỏa táng mới tại các nghĩa trang ở Rangoon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, để xử lý những ca tử vong.
Còn theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Andrews, ở Rangoon, người ta thường thấy ba loại dòng người xếp hàng, một trước máy rút tiền ATM, một để được cung cấp oxy (rất cần cho bệnh nhân Covid), và một trước các lò thiêu và nhà xác.
Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho rằng các chính phủ, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng, nếu không họ sẽ thấy hậu quả của một đợt bùng phát không kiểm soát được ở biên giới của họ.
Theo ông, Miến Điện đang trở thành nơi siêu lây lan Covid-19 với những biến thể rất độc hại - Delta và các dạng khác - cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ dễ lây lan, với nguy cơ gây tử vong cực cao. Miến Điện có thể trở thành mối nguy cho toàn khu vực vì virus "không hề biết đến quốc tịch, biên giới, ý thức hệ hay đảng phái".
https://youtu.be/1fI_Oh8j6w0
Đối với với các nước Đông Nam Á lục địa, cũng như các láng giềng của Miến Điện, từ Trung Quốc đến Bangladesh, Ấn Độ, nguy cơ còn gần gũi hơn so với tác hại từ các nước Đông Nam Á hải đảo như Philippines, hay Indonesia.
Trọng Nghĩa
***********************
Thùy Dương, RFI, 30/07/2021
Kinh tế Bắc Triều Tiên trong năm 2020 đã suy giảm 4,5%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ sau năm 1997. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm nay 30/07/2021 thông báo như trên.
Kim Tok-hun (giữa) thủ tướng, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, đi thị sát các nông trang. Ảnh do KCNA công bố, không ghi ngày. © via Reuters - KCNA
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết báo cáo thường niên của Ngân hàng BOK dựa vào dữ liệu của các định chế Hàn Quốc đặc trách hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo báo cáo này, kinh tế Bắc Triều Tiên vốn đã bị tác động nặng nề do các biện pháp trừng phạt tăng cường của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, trong năm 2020 lại có thêm nhiều thiệt hại vì các biện pháp đóng cửa biên giới để chống dịch Covid-19.
So với năm 2019, ngoại thương năm 2020 của Bắc Triều Tiên giảm 73,4%, chỉ còn 860 triệu đô la, do các chuyến hàng đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, bị dịch bệnh Covid-19 cản trở. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên chỉ đạt 90 triệu đô la vào năm 2020, giảm 67,9% so với trước đó 1 năm. Còn nhập khẩu giảm 73,9% so với năm 2019. Tổng thu nhập quốc dân của Bắc Triều Tiên bằng 1,8% của Hàn Quốc.
Cũng trong ngày hôm nay, theo Yonhap, Liên Hiệp Quốc một lần nữa gia hạn thêm một năm biện pháp miễn trừ trừng phạt đối với viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới cho Bắc Triều Tiên.
Về quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay thông báo, thông qua kênh liên lạc mới được khôi phục, Seoul đã chuyển tới Bình Nhưỡng đề xuất để thảo luận về cách thiết lập một hệ thống hội nghị trực tuyến nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán liên Triều trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Thùy Dương
***********************
Thu Hằng, RFI, 30/07/2021
Bắc Kinh ráo riết bắt về nước những người Trung Quốc sống ở nước ngoại và bị coi là "ly khai", chống đối đảng Cộng Sản, kể cả những người sống ở Hoa Kỳ. Một nhóm luật sư Mỹ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng Interpol để triệt hạ các nhà bảo vệ dân chủ Trung Quốc buộc phải sống lưu vong.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên họp đại hội đồng Interpol lần thứ 86, kéo dài từ ngày 26-29/09/2017, được tổ chức tại Bắc Kinh. AP
Theo trang AP ngày 30/07/2021, nhóm luật sư đã yêu cầu chính quyền Biden bãi lệnh tạm giam một nhà bảo vệ dân chủ Trung Quốc có nguy cơ bị trục xuất về nước và phải đối mặt với những cáo buộc sai lệch. Người đàn ông này bị bắt vào tháng Sáu do hết thị thực và bị giam trong một trung tâm của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE). Hãng tin Mỹ không nêu tên của người bị bắt vì một người thân vẫn sống ở Trung Quốc và bị dọa cáo buộc hình sự trừ khi anh trai của họ về nước.
John Sandweg, thuộc nhóm luật sư bảo vệ người đàn ông trên, khẳng định Trung Quốc đang khai thác hệ thống di trú Mỹ và Cơ quan Di trú có nguy cơ trở thành "một công cụ để Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch trấn áp các nhà đấu tranh và ly khai tôn trọng luật pháp".
Theo nhóm luật sư, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi Trung Quốc sử dụng thông báo đỏ (red notice) của Interpol để buộc những người trốn sang Hoa Kỳ về nước, do hai nước không có thỏa thuận dẫn độ. Washington thường xuyên lên án Bắc Kinh tiến hành các vụ bắt giữ tùy tiện để quấy rối và truy bắt các nhà bất đồng chính kiến.
Trước đó vài ngày, AP cũng đưa tin Trung Quốc đã lợi dụng Interpol để Maroc bắt Yidiresi Aishan, một nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong, khi từ Istanbul đến sân bay quốc tế Mohammed V ở Casablanca hôm 20/07.
Trước những hoạt động trấn áp và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, ngày 29/07, một ủy ban lưỡng đảng của Quốc Hội Mỹ đã yêu cầu Hilton Worldwide không tham gia dự án khách sạn được xây tại một địa điểm trước đây là một đền thờ Hồi giáo bị phá năm 2018 ở địa khu Hòa Điền, Tân Cương.
Thu Hằng
Sách Trắng quốc phòng Hàn Quốc : Bắc Triều Tiên đã phát triển các đơn vị tên lửa đạn đạo và tăng cường lực lượng đặc biệt với thiết bị hiện đại hóa, cũng như các cuộc tập trận tấn công nhắm vào các mục tiêu chiến lược, trong đó có phủ tổng thống Hàn Quốc.
Những thay đổi này của quân đội Bắc Triều Tiên nằm trong số những điểm chính của Sách Trắng quốc phòng ấn bản năm 2020 mà Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố hôm 02/02/2021.
Theo tài liệu này, được Yonhap trích dẫn, lực lượng chiến lược của Bắc Triều Tiên hiện có 13 lữ đoàn tên lửa, trong khi năm 2018 mới có 9 lữ đoàn. Các đơn vị này sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Scud tầm ngắn tấn công các mục tiêu của Hàn Quốc. Còn tên lửa Rodong tầm bắn khoảng 1.300 km và tên lửa Musudan tầm bắn trung bình trên 3.000 km có thể đe dọa căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ ở Guam. Bình Nhưỡng cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường khả năng tác chiến đặc biệt.
Riêng về kho hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cũng giống như hồi năm 2018, Sách Trắng quốc phòng của Hàn Quốc ấn bản 2020 đánh giá Bình Nhưỡng có 50 kg plutonium chất lượng cao, đủ để chế tạo tới 10 quả bom hạt nhân ; công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Triên đã đạt tới mức "đáng kể". Quân số Bắc Triều Tiên lên tới 1,218 triệu trong khi quân đội Hàn Quốc chỉ có 550.000 binh sĩ.
Để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên, chính quyền Seoul chủ trương củng cố khả năng răn đe của lực lượng hỗn hợp Hàn Quốc- Mỹ cũng như của quân đội Hàn Quốc.
Washington đang tìm cách đẩy nhanh phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên
Về phía Mỹ, cũng theo Yonhap, tân Ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua 01/02 tuyên bố Washington đang tìm các giải pháp tối ưu để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, cũng như đối phó với các vấn đề ngày càng gia tăng mà kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đặt ra.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết tân tổng thống Mỹ Biden đã yêu cầu bộ Ngoại Giao Mỹ xem xét lại chính sách với Bình Nhưỡng để bảo đảm có các phương tiện hiệu quả hơn trước mối đe dọa về hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tìm cách đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn CNN, cựu quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng, Ryu Hyun Woo, người đã đào ngũ sang Hàn Quốc hồi năm 2019, cho biết Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, được cho là có vai trò thiết yếu, bảo đảm sự sống còn của chế độ Bắc Triều Tiên.
Thùy Dương
Chủ Nhật, 10/01/2021, Kim Jong-un, lãnh tụ tối cao Bắc Triều Tiên được bầu vào chức vụ "tổng bí thư" tại Đại hội 8 đảng Lao Động Triều Tiên. Quyền lực được củng cố, nhưng lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn : Kinh tế kiệt quệ do đại dịch Covid-19 và Joe Biden lên cầm quyền đoạn tuyệt với chiến lược tiếp xúc trực tiếp do Donald Trump đề xướng.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm và lần thứ 8 trong lịch sử Bắc Triều Tiên, Đại hội đảng Lao Động được tổ chức. Sự kiện đặc biệt gây sự chú ý cho giới quan sát khi thời điểm tổ chức là trong tháng Giêng năm 2021, chứ không phải là vào mùa xuân theo như thông lệ.
Các nhà phân tích cho rằng việc đẩy thời điểm tổ chức sớm hơn dường như có liên hệ đến ngày ông Joe Biden chính thức cầm quyền. Bình Nhưỡng dường như muốn gởi đi nhiều thông điệp tới tân tổng thống và chính quyền Mỹ.
Một điểm khác cũng gây sự chú ý cho giới quan sát đó là việc bầu ông Kim Jong-un vào chức vụ "tổng bí thư". Trên cương vị này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay có một vị trí gần như là ngang hàng với Kim Il Sung - ông nội - được phong là "chủ tịch vĩnh viễn" và người cha, Kim Jong Il, "tổng bí thư vĩnh viễn". Các chức danh này được ghi rõ trong Hiến Pháp. Hệ quả của việc bổ nhiệm này trong sắp tới ra sao, giới phân tích hiện chưa thể đưa ra các đánh giá.
Đây cũng là dịp để Kim Jong-un tỏ sự khác biệt với người cha Kim Jong Il ? Hình ảnh của cha ông gắn liền với một giai đoạn đầy khắc nghiệt. Kinh tế bị suy sụp dẫn đến khủng hoảng nhân đạo và nạn đói trong những năm 1990. Rồi Bắc Triều Tiên bị quốc tế cô lập sau cuộc khủng hoảng hạt nhân thứ hai năm 2006.
Đại hội 8 đảng Lao Động Triều Tiên lần này diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Hoa Kỳ bị đình trệ do cuộc xung đột Mỹ - Trung dai dẳng, Hoa Kỳ bầu chọn một tổng thống mới và nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc.
Tuy Bắc Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào ngoại thương, nguồn thu chính cho đất nước, nhưng Kim Jong-un cũng hiểu được rằng nếu dịch bệnh phát ra trong nước, Bắc Triều Tiên không thể nào xử lý nổi do những hạn hẹp về hệ thống y tế.
Việc nhanh chóng khép cửa biên giới, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đã gây thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế quốc gia, vốn dĩ chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt. Các mục tiêu phát triển kinh tế vì thế cũng không đạt được như mong muốn.
Theo số liệu do Viện Thống kê Hàn Quốc công bố, năm 2020, trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên với Trung Quốc trong năm 2020 ở mức thấp nhất, chỉ đạt được 1,7 triệu đô la, trong khi mà mức GDP của Bắc Triều Tiên trong năm 2019 có nhiều dấu hiệu tích cực tương đối ổn định nhờ vào các chương trình cải cách kinh tế từng phần.
Người ta còn nhớ là để vực dậy nền kinh tế đất nước, và cải thiện mức sống của người dân, Kim Jong-un – trong bài diễn văn đầu tiên ngày 15/04/2012, khi vừa lên cầm quyền đã cam kết không để người dân phải "thắt lưng buộc bụng", thực hiện một chính sách kinh tế tự lực cánh sinh.
Một mặt là để gia tăng khả năng tự túc về sản xuất ngũ cốc, điện,… Mặt khác là nhằm hạn chế bớt sự lệ thuộc nhiều vào các nguồn hỗ trợ nhân đạo, thường hay bị đặt điều kiện với việc giải trừ hạt nhân – một cuộc mặc cả mà Bình Nhưỡng không thể nào chấp nhận, theo như phân tích của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) trên đài RFI.
"Mục tiêu của chế độ Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua là tăng cường khả năng tự túc. Trong những năm 1970, 1980, Bắc Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào khối cộng sản. Chính vì vậy mà việc Liên Xô sụp đổ vào cuối những năm 1980, đầu thập niên 1990, đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn tại Bắc Triều Tiên.
Từ khoảng 20 năm gần đây, Bắc Triều Tiên gần như tự cung tự cấp nhưng thật sự chính các biện pháp trừng phạt kinh tế và nghịch lý thay, dịch bệnh Covid-19 đã buộc chế độ giờ phải trở nên tự túc như vậy.
Và điều này đặt ra nhiều vấn đề chính trị, bởi vì điều đó có nghĩa là chiếc đòn bẩy mà cộng đồng quốc tế nghĩ rằng có thể sử dụng để làm thay đổi thái độ của Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong hồ sơ hạt nhân đang dần mất hiệu quả."
Tuy nhiên, khi thực hiện chiến lược quốc gia "Song Tiến – Byongjin" đề ra năm 2013, nghĩa là phát triển song song kinh tế và hạt nhân – Bình Nhưỡng đã bị tước đi một nguồn thu nhập quan trọng cho đất nước.
Việc phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã dẫn đến một loạt các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Bình Nhưỡng cũng vì thế không thể xuất khẩu nguyên nhiên liệu như than đá, hải sản, hàng hóa dệt may…, mỗi năm mang về cho chế độ hơn một tỷ đô la.
Nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, ngoài việc dựa vào nguồn trao đổi thương mại quan trọng với Trung Quốc, Bình Nhưỡng đã cho phát triển ngành du lịch để tìm kiếm nguồn thu thay thế khác.
Chỉ có điều, dịch bệnh bùng phát, mục tiêu phát triển kinh tế chưa đạt được, các chương trình hành động ngoại giao của Bắc Triều Tiên hòng tìm kiếm một phương cách giải tỏa các bế tắc trong đàm phán hạt nhân với Mỹ cũng bị cản trở. Nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á, Quỹ Nghiên cứu về Chiến lược nhận định :
"Về kinh tế, Bắc Triều Tiên đặt cược nhiều vào những dòng du khách mới, nhất là phát triển du lịch đại trà ở Wonsan, một thành phố duyên hải đang trong giai đoạn hoàn tất, rồi khu phức hợp Sanjeong trên núi, nơi có ngọn Paektu nổi tiếng.
Nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 ngăn chận dòng du khách đến, và như vậy cản trở việc giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt, ngăn cản khả năng Bắc Triều Tiên tìm kiếm những nguồn thu nhập khác thay thế.
Tiếp đến là còn có những tác động thấy rõ đối với các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên. Họ không thể ra khỏi nước đến Châu Âu hay các nước Đông Nam Á để đàm phán, hoặc với các nước đó, hoặc với chính các nhà ngoại giao Mỹ.
Các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên không đàm phán qua Zoom về những vấn đề cực kỳ nhậy cảm như hồ sơ hạt nhân chẳng hạn. Đại dịch Covid-19 có một tác động rất rõ lên tiến trình ngoại giao. Điều này thật sự đặt ra nhiều vấn đề."
Đối với chế độ Kim Jong-un hiện nay, vấn đề giải trừ hạt nhân là điều không thể, bất chấp dịch bệnh gây khó khăn cho nền kinh tế và cản trở các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại Bắc Triều Tiên trong công cuộc chống bệnh lao phổi.
Mục tiêu của Bình Nhưỡng là muốn được quốc tế công nhận là một "cường quốc hạt nhân". Lập trường này đã được Bắc Triều Tiên một lần nữa thể hiện rõ khi tuyên bố Hoa Kỳ là "kẻ thù lớn". Và nhất là trong lễ diễn binh ngày 14/01/2021 sau khi kết thúc Đại hội Đảng, vài ngày trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, chế độ Bắc Triều Tiên đã phô trương một dàn tên lửa mới có thể phóng đi từ tầu ngầm.
Về điểm này, ông Antoine Bondaz cũng lưu ý thêm rằng sự việc cho thấy nỗi lo của chế độ, nhưng đồng thời thể hiện thiện chí duy trì một phạm vi hoạt động. Chính vì điều này mà Bình Nhưỡng cho đến giờ chưa có một hành động khiêu khích nào như thử tên lửa liên lục địa hay thử hạt nhân. Mục đích của những cử chỉ trên là nhằm bắn đi nhiều thông điệp đến tân chính quyền Biden.
"Bắc Triều Tiên tiếp tục gởi đi các thông điệp như những gì cho thấy trong bài diễn văn của Kim Jong-un. Ông ấy dành hẳn một phần để nói về hạt nhân.
Ông thông báo các kế hoạch phát triển chương trình hạt nhân trong những năm sắp tới : Phát triển vũ khí chiến thuật, phát triển tầu ngầm hạt nhân, phát triển một vệ tinh dọ thám dù là điều này nghe có vẻ quá tham vọng, và có thể là ít khả thi trong một số khía cạnh.
Thông điệp đưa ra rất rõ ràng, Bắc Triều Tiên có một chương trình hạt nhân đạn đạo đang được thực thi, chưa bao giờ bị dừng lại dưới thời Donald Trump. Và chương trình phát triển này còn có tầm quan trọng cao hơn, trên cả hai bình diện chất và lượng so với bốn năm trước đây, thậm chí là 10 năm, 12 năm khi ông Obama lên cầm quyền."
Thông điệp này liệu có được tân tổng thống Mỹ Biden để ý tới ? Cho đến giờ chính quyền mới tại Mỹ chưa đưa ra một lời bình luận nào. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát được tờ Yonhap trích dẫn, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn sẽ là một thách thức quan trọng, tân tổng thống Mỹ sẽ làm việc cùng với các đồng minh. Điều đó không đồng nghĩa với việc trở lại với các cuộc thương lượng ở cấp thượng đỉnh như người tiền nhiệm đã làm.
Joe Biden sẽ trở lại với phương pháp cổ điển, "mối quan hệ sẽ ít nóng bỏng hơn, các nỗ lực ngoại giao được duy trì ở cấp thấp hơn và có điều phối với Bắc Triều Tiên. Một cách tiếp cận mà Bình Nhưỡng không mấy gì thích lắm, bởi vì cách làm này có thể sẽ được dựa trên một sự điều phối và việc lập kế hoạch trục Seoul – Washington có gắn kết chặt chẽ hơn", theo như phân tích của bà Celeste Arrington, giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, trường đại học George Washington.
Giới quan sát cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ là sai lầm nếu lại áp dụng thói quen cũ "lửa và cuồng nộ" đối với chính quyền Joe Biden !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 28/01/2021
Thu Hằng, RFI, 15/01/2021
Bắc Triều Tiên kết thúc Đại hội lần thứ 8 của đảng Lao Động Triều Tiên với lễ diễu binh tối 14/01/2021 tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Kim Jong-un, vừa được bầu làm tổng bí thư, đã đọc diễn văn và chứng kiến những thành tựu công nghệ đạn đạo mới của Bắc Triều Tiên.
Theo trang Yonhap, Bình Nhưỡng đang cố thể hiện sức mạnh với tân chính quyền Mỹ. Dẫn đầu lễ diễu hành là đoàn xe bọc thép, tiếp theo là nhiều loại tên lửa chiến lược và đoàn xe tăng. Nhiều chiến đấu cơ đã tạo thành hình số 8 trên bầu trời.
Nổi bật nhất là một tên lửa đạn đạo tối tân, được cơ quan thông tấn KCNA khẳng định là "mạnh nhất thế giới" để cho thấy Bắc Triều Tiên là một "cường quốc hạt nhân". Sau khi phân tích hình ảnh của KCNA, giới chuyên gia cho rằng đó có thể là tên lửa Pukguksong-5 (Bắc Cực Tinh-5). Đây là loại tên lửa tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn và phóng từ tầu ngầm (MSBS). Trước đó, tên lửa Bắc Cực Tinh-4, có khả năng mang nhiều đầu đạn, đã được giới thiệu trong cuộc diễu binh tháng 10/2020.
Vẫn theo giới chuyên gia, Bắc Triều Tiên hiện sở hữu ba loại tên lửa đạn đạo : Tên lửa hải đối địa (MSBS) Bắc Cực Tinh-3, phiên bản cải tiến của Bắc Cực Tinh-1, có tầm bắn ít nhất là 2.000 km. Còn tên lửa Bắc Cực Tinh-2 không phải là MSBS mà được bắn từ mặt đất.
Ngoài ra, một tên lửa tầm ngắn mới cũng được giới thiệu trong cuộc diễu binh. Đây có thể là phiên bản cải tiến của tên lửa KN-23, có tầm bắn từ 400-600 km và giống với tên lửa Iskander của Nga,
Phía Hàn Quốc đang nghiên cứu hình ảnh của lễ diễu binh để phân tích và đánh giá kho vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Thu Hằng
**********************
Thụy My, RFI, 13/01/2021
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm nay 13/01/2021 trong bài diễn văn bế mạc Đại hội Đảng Lao Động cầm quyền, đã hứa hẹn tăng cường kho vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên.
Hãng tin nhà nước KCNA dẫn tuyên bố của ông Kim Jong-un : "Khi ung cường khả năng răn đe về nguyên tử, chúng ta cần làm mọi cách để xây dựng bộ máy quân sự ung mạnh nhất".
Trong Đại hội kéo dài 8 ngày, dài gấp đôi so với Đại hội Đảng năm 2016, Kim Jong-un kịch liệt đả kích Hoa Kỳ, vào lúc chỉ còn một tuần nữa là ông Joe Biden sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ. Kim Jong-un coi Mỹ là "kẻ thù chính", là "trở ngại căn bản cho sự phát triển của cách mạng" Bắc Triều Tiên, tuy nhiên không nhắc đến tên ông Biden.
Kim Jong-un loan báo Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch đóng một tàu ngầm nguyên tử, một sự kiện sẽ làm thay đổi ván cờ chiến lược. Ông nêu ra một danh sách dài về chương trình vũ trang gồm đầu đạn nguyên tử siêu thanh, vệ tinh dọ thám quân sự, hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.
Từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, chương trình vũ trang của Bắc Triều Tiên tiến rất nhanh với việc thử bom hạt nhân loại mạnh nhất và sở hữu các loại hỏa tiễn có thể bắn sang lãnh thổ Mỹ, dẫn đến việc bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt.
KCNA cho biết bên cạnh lời hứa về sức mạnh nguyên tử, ông Kim Jong-un còn nhìn nhận những sai lầm trong quản lý kinh tế đất nước : "hầu như tất cả các lãnh vực" đều không đạt được mục tiêu đề ra, trong bối cảnh bị cấm vận và đại dịch Covid.
Tuần trước Kim Jong-un đã được "nhất trí" bầu làm tổng bí thư đảng Lao Động trong khi lâu nay giữ vai trò chủ tịch, một động thái được cho là nhằm củng cố quyền lực.
Đại hội đảng cũng có thể là dịp để Bình Nhưỡng tổ chức diễn binh. Quân đội Hàn Quốc cho biết đã phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ vào tối Chủ nhật 10/01, nhưng không thể xác định là diễn binh hay chỉ diễn tập. Cô em gái Kim Yo Jong của nhà lãnh đạo đã chế giễu chính quyền Hàn Quốc là "xuẩn ngốc".
AFP ghi nhận dường như vị trí của người phụ nữ quyền lực này đã bị sụt giảm, không còn là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, tuy vẫn là ủy viên trung ương đảng.
Thụy My
********************
Thanh Hà, RFI, 11/01/2021
Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên "nhất trí" bầu lãnh tụ tối cao Kim Jong-un vào chức vụ "tổng bí thư", thay thế cho chức vụ "chủ tịch Đảng" mà ông nắm giữ từ năm 2016. Theo giới quan sát việc thay đổi chức danh nói trên nhằm "củng cố quyền lực" của ông Kim Jong-un.
Truyền thông chính thức tại Bình Nhưỡng ngày 11/01/2021 cho biết "trong tiếng hoan hô nhiệt liệt", ông Kim Jong-un đã được toàn thể các đại biểu tham dự Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên, ngày hôm qua, 10/01, bầu làm tổng bí thư Đảng. Đây là một chức vụ mà thân phụ và ông nội của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng nắm giữ. Nhưng trong Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên hồi 2016 ông Kim Jong-un đã được chỉ định vào chức vụ "chủ tịch" đảng và không một ai nhắc tới chức vụ tổng bí thư.
Đại Hội 8 của Đảng Lao Động Triều Tiên họp trong 6 ngày kể từ 05/01/2021 trong bối cảnh quốc gia đông bắc Á này vẫn bị quốc tế trừng phạt, và đang bị cô lập hơn bao giờ hết do tác động của đại dịch Covid-19.
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận " những khó khăn kinh tế chồng chất" đang thách thức chế độ Bắc Triều Tiên. Trong diễn văn ngày 06/01/2021, Kim Jong-un cam kết tăng cường khả năng phòng thủ cho dù Bắc Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân. Riêng về mặt kinh tế khác với thông lệ, ông Kim đã nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên không "hoàn thành mục đích trong hầu hết các lĩnh vực". Về đối ngoại, vào lúc tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đóng băng, lãnh đạo lãnh đạo Bình Nhưỡng đã khẳng định Mỹ là "kẻ thù chính" của chế độ.
Về việc Đảng Lao Động Triều Tiên tái lập chức vụ "tổng bí thư", theo một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quốc Tế về Bắc Triều Tiên, trụ sở tại Seoul, được AFP trích dẫn thì đây là "cách gián tiếp Bình Nhưỡng nhìn nhận những thay đổi đưa ra trong Đại Hội lần trước hồi năm 2016 đã không thực sự đem lại kết quả mong muốn". Là người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Ahn Chan Il cho rằng "Kim Jong-un từng muốn đưa ra một hình ảnh khác với hình ảnh của thân phụ và ông nội khi từ bỏ chức tổng bí thư để trở thành chủ tịch Đảng". Nhưng giờ đây trong hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo Bình Nhưỡng đang cần nhắc nhở công luận rằng ông là sự tiếp nối của hai thế hệ lãnh đạo đi trước.
Một chi tiết được giới phân tích chú ý đó là trong thành phần Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Triều Tiên, không có tên của bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong-un.
Thanh Hà
*********************
Anh Vũ, RFI, 09/01/2021
Từ khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Bắc Triều Tiên vẫn kiềm chế thận trọng không tỏ thái độ về chiến thắng của Joe Biden. Hôm nay, 09/01/2021, KCNA hãng thông tấn chính thức của chế độ loan tin, tại Đại Hội lần thứ 8 đảng Lao Động Triều Tiên đang diễn ra, Kim Jong-un đã đánh giá Hoa Kỳ là "kẻ thù lớn của Bình Nhưỡng". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng khẳng định quyết tâm phát triển kho vũ khí hạt nhân, trong đó có việc đang hoàn tất đóng một tàu ngầm hạt nhân.
Động thái của Bình Nhưỡng được giới quan sát cho là khiêu khích gây chú ý với chính quyền mới ở Washington. Thông tín viên Nicolas Rocca, tại Seoul tường trình :
Kim Jong-un chờ đến ngày thứ 4 của Đại Hội Đảng, diễn ra với rất ít hình ảnh được phổ biến ra bên ngoài, để gửi một thông điệp đến Hoa Kỳ. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên dọa tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân của đất nước, đánh giá rằng chính sách của Washington, "kẻ thủ lớn nhất của đất nước", sẽ không thay đổi bất kể ai là chủ nhân Nhà Trắng.
Theo nhà nghiên cứu Go Myung Hyun thuộc Viện Asan tại Seoul, thì rõ ràng Joe Biden không phải là cơ hội tích tốt cho Bình Nhưỡng. Ông nhận định, các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng "biết là cơ hội sẽ không đến từ Biden, ông ta còn có ưu tiên khác. Tôi cho rắng Biden muốn lờ đi để chờ vấn đề Bắc Triều Tiên trôi qua, nhưng chuyện sẽ không như vậy. Bắc Triều Tiên biết Hoa Kỳ sẽ chỉ chú ý đến họ khi họ gây ra chuyện".
Như để khiêu khích thêm, Bắc Triều Tiên bắt đầu chính sách ăn miếng trả miếng với Washington và quyết tâm phát triển kho vũ khí hạt nhân, trong đó đặc biệt loan báo đang hoàn thành công đoạn cuối đóng một tàu ngầm hạt nhân. Đó là một thông điệp rõ ràng với tân tổng thống Mỹ, người sẽ phải bắt đầu nhiệm kỳ đầy những việc liên quan đến chính trị nội bộ cũng như quốc tế.
Anh Vũ
********************
Mai Vân, RFI, 07/01/2021
Tại một đại hội hiếm hoi của đảng Lao Động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un hôm qua 06/01/201 tuyên bố sẵn sàng tăng cường khả năng quân sự của đất nước để bảo vệ người dân. Lời khẳng định này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ vẫn bế tắc.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ngày 11/01/2021, trích dẫn KCNA, hãng thống tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, cho biết tại Đại Hội Đảng, ông Kim Jong-un đã "làm rõ quyết tâm quan trọng là bảo vệ an ninh của đất nước, nhân dân và môi trường hòa bình của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng cách năng năng lực quốc phòng lên một cấp độ cao hơn nhiều". Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không có những lời lẽ khiêu khích hoặc nói về vũ khí hạt nhân hoặc khả năng răn đe hạt nhân.
Kể từ ngày 05/01 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tổ chức kỳ họp Đại Hội đảng Lao Động, lần đầu tiên sau gần 5 năm, một sự kiện mà theo giới quan sát, sẽ là dịp để Bình Nhưỡng tiết lộ các định hướng về kinh tế và đối ngoại trong bối cảnh các đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình chỉ.
Bắc Triều Tiên chuẩn bị duyệt binh
Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, theo nhóm nghiên cứu 38 North của Mỹ, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh trong khuôn khổ Đại Hội đảng Lao Động đang diễn ra.
Nhóm này đã công bố những bức ảnh vệ tinh về vùng ngoại ô Bình Nhưỡng được chụp vào ngày 31/12. Các hình ảnh cho thấy hơn 400 phương tiện lớn và một số lượng đáng kể các đội hình quân sự đang huấn luyện. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho biết cuộc duyệt binh sắp tới có thể có quy mô nhỏ hơn so với cuộc diễu binh được tổ chức vào tháng 10 để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng cầm quyền.
Hàn Quốc kêu gọi quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực hòa bình
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha, hôm nay, 07/01, kêu gọi quốc tế kiên định ủng hộ những nỗ lực của Seoul nhằm thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Đảo Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, bà Kang đã đưa ra nhận xét trong cuộc họp cấp bộ trưởng trực tuyến của Sáng Kiến Stockholm về Giải Trừ Vũ khí Hạt Nhân và Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân, một diễn đàn đa phương về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Mai Vân
Ngày 05/01/2020, Bắc Triều Tiên khai mạc Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8 tại Bình Nhưỡng. Đây là kỳ Đại hội thứ 2 do lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì từ khi lên nắm quyền năm 2011. Trong diễn văn khai mạc, ông Kim Jong-un chỉ đề cập tình hình trong nước và không đưa ra bất kỳ phản ứng nào về việc Hoa Kỳ có chính quyền mới hoặc hồ sơ Hàn Quốc.
Thông tín viên RFI Nicolas Rocca tại Seoul cho biết :
Kim Jong-un thừa nhận một số "sai lầm" trong việc triển khai chiến lược 5 năm lần trước liên quan đến phát triển kinh tế. Quyết định đóng cửa biên giới với nước láng giềng Trung Quốc và cũng là đối tác kinh tế chính, cùng với những trận lụt lội cũng là những lý do giải thích cho việc quản lý yếu kém kinh niên nền kinh tế.
Thậm chí lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn đánh giá 5 năm vừa qua là chưa từng có và là những năm tháng tồi tệ nhất của đất nước. Vì thế, cơ chế "tự cung tự cấp" dường như vẫn là một mục tiêu đối với Bình Nhưỡng và được nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định trong bài diễn văn. Ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh đến những thành công mà đảng Lao Động đã đạt được và cần phải đoàn kết.
Tuy nhiên, Đại hội lần này trước hết là kỳ họp quan trọng nhất của Đảng vì các định hướng chính trị cho 5 năm tới sẽ được quyết định. Nhưng đây cũng là cơ hội lựa chọn những thành phần ưu tú cho chế độ. Về chủ đề này, mọi ánh mắt hướng về Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong-un, nằm trong số các đại biểu chính thức được bầu ở Đại hội.
Hàng nghìn đại biểu của Đảng tham gia kỳ họp không đeo khẩu trang. Bắc Triều Tiên tiếp tục khẳng định không có trường hợp Covid-19 nào lọt qua biên giới. Kỳ họp sẽ tiếp tục trong những ngày tới và có thể kết thúc bằng một cuộc diễu binh. Đây cũng có thể là thông điệp gửi đến tân chủ nhân Nhà Trắng.
Thu Hằng
Mai Vân, RFI, 23/11/2020
Thoạt nhìn không có gì quan trọng, nhưng nếu được lồng vào trong một loạt động thái gần đây của một số quan chức y tế Trung Quốc khác, tuyên bố này dường như nằm trong một chiến dịch mới của Bắc Kinh nhằm phủ nhận thực tế là virus gây dịch Covid-19 có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo SCMP, trong một hội nghị khoa học trực tuyến hôm 19/11 vừa qua, ông Tăng Quang (Zeng Guang), nguyên trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ học thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trung Quốc (CDC), đã khẳng định trở lại rằng tất cả các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng con virus corona, vốn đã gây bệnh cho hơn 56 triệu người trên toàn thế giới, dù được nhận diện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nhưng không hề xuất xứ từ đó.
Phát biểu tại hội nghị do nhà xuất bản Mỹ Cell Press và Ủy Ban Khoa Học và Công Nghệ Bắc Kinh tổ chức, nhà khoa học thuộc diện hàng đầu của Trung Quốc này tuyên bố : "Vũ Hán là nơi virus corona được phát hiện đầu tiên, nhưng đây không phải là nơi con virus bắt nguồn".
Để bảo vệ cho lập luận của mình, ông Tăng Quang đã trích dẫn một công trình nghiên cứu Ý cho rằng Sars-CoV-2, tên chính thức của virus corona, đã lưu hành nơi những người không có triệu chứng bệnh tại Ý vài tháng trước khi được tìm thấy ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông, trong những tuần lễ gần đây, ông Tăng Quang là nhà dịch tễ học cao cấp thứ hai của Trung Quốc đã lên tiếng về chủ đề đang gây tranh cãi liên quan đến nguồn gốc con virus.
Vào tuần trước đó, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), hiện là trưởng nhóm dịch tễ học của CDC Trung Quốc, đưa ra nêu lên ý kiến tương tự, cho rằng mầm mống gây dịch bệnh có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc qua sản phẩm từ thịt hoặc hải sản đông lạnh.
Đối với chuyên gia về Trung Quốc Sari Arho Havrén, làm việc tại Bruxelles và Hồng Kông, Bắc Kinh quả là đang tung chiến dịch phủ nhận việc virus gây dịch Covid-19 xuất xứ từ Trung Quốc. Trên mạng Twitter ngày 20/11, chuyên gia Châu Âu này cho rằng "kiểu nói bóng gió" liên tục gần đây tại Trung Quốc về thực phẩm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm virus corona chủng mới "bắt đầu có ý nghĩa", gợi lên khả năng Covid-19 từ nước nước ngoài du nhập vào Trung Quốc để rồi bùng lên tại Vũ Hán.
Nhật báo phổ thông đại chúng Mỹ The New York Post ngày 20/11 vừa qua, khi đề cập đến việc Trung Quốc nêu bật bản nghiên cứu Ý, đã cáo buộc đích danh : "Trung Quốc đang sử dụng một nghiên cứu mới về sự lây lan sớm và thầm lặng của virus corona ở Ý để gieo rắc nghi ngờ về giả thuyết vững chắc theo đó quốc gia Châu Á này là nơi sinh ra đại dịch".
Công trình nghiên cứu Ý được Trung Quốc nhắc đến đã phát triển một giả thuyết từng được gợi lên vào mùa xuân vừa qua, theo đó con virus chủng mới đã lưu hành bên ngoài Trung Quốc sớm hơn người ta nghĩ.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 18/11, đây là một nghiên cứu do Viện Ung Thư Ý tại Milano công bố, theo đó các kháng thể đặc thù của con virus corona chủng mới đã được phát hiện trong các mẫu máu được thu thập trong một chiến dịch thử nghiệm tầm soát ung thư phổi tại Ý từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 3 năm 2000.
Tính ra, trong số 959 người khỏe mạnh tham gia thử nghiệm, có 11,6% đã phát triển kháng thể của virus - có nghĩa là đã tiếp xúc với virus corona – đa số là trước tháng Hai, tức là trước ngày bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được ghi nhận là hôm 21/02/2020.
Theo Reuters, nếu các dữ liệu trong bản nghiên cứu Ý chính xác, điều đó sẽ thay đổi lịch sử của đại dịch Covid-19, và đặt lại vấn đề về thời điểm và nơi virus xuất hiện, vì cho đến nay, quan điểm chung vẫn là virus gây dịch Covid-19 được nhận dạng lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào tháng 12.
Hãng tin Anh tuy nhiên cũng trích dẫn nhiều nhà khoa học đã tỏ ý rất dè dặt trước công trình của Viện Ung Thư Ý và cho rằng cần phải kiểm tra thêm để xác minh.
Giáo sư Mark Pagel, giảng dạy tại Trường Khoa học Sinh học tại Đại học Reading (Anh Quốc), nhận xét : "Những kết quả này đáng để báo cáo, nhưng cần phải được xem là một vấn đề cần phải bổ sung bằng những thử nghiệm khác".
Vị giáo sư nêu bật thắc mắc : "Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều không có triệu chứng Covid-19, mặc dù hầu hết đều từ 55-65 tuổi và đã từng hút thuốc. Đấy thường là nhóm có nguy cơ cao về nhiễm Covid-19, vì vậy thật khó hiểu là tại sao tất cả các bệnh nhân đều không có triệu chứng".
Nhiều nhà nghiên cứu cũng hoài nghi về tỷ lệ khá cao của người bị "nghi nhiễm" trong số những người tham gia thử nghiệm. Giáo sư trợ giảng Stephen Griffin tại Đại học Leeds (Anh Quốc) cho rằng : "Sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nếu quả thực là một dạng dịch bệnh (mặc dù dường như không có triệu chứng) tồn tại trên quy mô như vậy ở Ý một năm trước khi đại dịch bùng lên như đang diễn ra, mà không được chú ý".
Cho dù vậy, sau khi thông tin về "những phát hiện" của các nhà nghiên cứu Ý được loan báo, giới chức chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh đến công trình này để hàm ý rằng virus corona không hề xuất phát từ Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/11 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhanh chóng tuyên bố rằng công trình nghiên cứu của Ý và các nghiên cứu tương tự khác cho thấy nguồn gốc của virus của bệnh Covid-19 là một "vấn đề khoa học phức tạp" và việc truy tìm nguồn gốc là một quá trình liên tục.
Và phát ngôn viên Trung Quốc nói thêm là nguồn gốc của con virus "có thể liên quan đến nhiều quốc gia".
Tuyên bố của ông Triệu Lập Kiên không có gì đáng ngạc nhiên, vì chính nhà ngoại giao này vào tháng Ba vừa qua đã không ngần ngại rêu rao trên tài khoản Twitter của ông rằng "rất có thể là Quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán", lập lại luận điệu của một trang web chuyên về thuyết âm mưu.
Ngay cả ngoại trưởng Trung Quốc cũng gieo rắc nghi vấn
Lập luận phủ nhận xuất xứ của virus corona từ Vũ Hán đã được chính ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra, mà gần đây nhất là nhân chuyến công du Châu Âu cuối tháng 8 vừa qua.
Phát biểu với báo chí tại Na Uy, ông Vương Nghị cho rằng dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo sự tồn tại của virus corona chủng mới, nhưng "điều đó không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc". Và ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định : "Chúng tôi đã thấy các báo cáo cho thấy virus đã xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới và có thể xuất hiện sớm hơn ở Trung Quốc".
Mai Vân
*************************
Tú Anh, RFI, 23/11/2020
Nếu tin vào chính quyền Bình Nhưỡng thì Bắc Triều Tiên hoàn toàn không có một ca Covid-19 nào. Thế nhưng, Tổ chức Y tế Thế giới thẩm định có hơn 6.000 trường hợp đáng nghi ngờ. Hư thực ra sao ? Điều chắc chắn là ở xứ sở khép kín này đang tràn ngập những tin đồn vượt trí tưởng tượng. Để giải thích siêu vi bằng đường nào lây vào Bắc Triều Tiên, truyền thông nhà nước phải cố sức thêu dệt.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường thuật :
"Trong số những lời giải thích thiếu cơ sở gần đây nhất là thứ Năm vừa qua, truyền thông Bắc Triều Tiên cho rằng hàng hóa nhập từ nước ngoài đã mang theo siêu vi của ác qủy vào lãnh thổ, theo cách gọi của Rodong nhật báo, tờ báo của nhà nước.
Giả thuyết hoang tưởng này được đài truyền hình trung ương loan truyền thêm qua một bài phỏng vấn một bác sĩ Bắc Triều Tiên.
Bác sĩ này khẳng định siêu vi corona có thể đã theo các trận mưa tuyết và chim di trú. Cuối tháng 10, chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra một giả thuyết khác : một đám mây bụi bí ẩn đã mang siêu vi vào Bắc Triều Tiên.
Thế là tất cả các công trình xây dựng ngoài trời đều ngưng lại hết, dân chúng trên toàn quốc bị bắt buộc ở trong nhà, cửa nẻo đóng kín.
Đám mây bí ẩn đó thật ra là bão cát từ sa mạc Gobi nằm giữa Trung Quốc và Mông Cổ, thường xuyên bao phủ miền bắc Hoa Lục và bay đến tận Hàn Quốc.
Đám mây cát này có thể mang theo hóa chất công nghệ đôc hại và kim loại nặng, nhưng xác quyết là nó mang theo siêu vi corona thì quả là một lời cáo buộc thiếu cơ sở".
Tú Anh
***********************
Anh Vũ, RFI, 21/11/2020
Trong khi Châu Âu đang vất vả chống đỡ với làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 thì tại Hàn Quốc, liên tiếp trong 4 ngày qua, số ca nhiễm virus corona thường nhật đã vượt qua ngưỡng 300 người. Quốc gia Châu Á từng được đánh giá là thành công trong kiểm soát hai đợt dịch hồi đầu và giữa năm. Chính phủ đã chính thức khẳng định làn sóng dịch thứ 3 đã xuất hiện và khẩn trương hành động nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus.
Thông tín viên Nicolas Rocca, tại Seoul :
"Hãy tránh tụ tập trong các lễn hội cuối năm" và "hãy hạn chế các hoạt động ở bên ngoài trừ khi thiết yếu", đó là thông điệp được thủ tướng Chung Sye-kyun chuyển đến dân chúng qua truyền hình tối hôm 20/11.Nhìn từ bên ngoài Hàn Quốc, mỗi ngày có thêm 300 ca nhiễm dường như là ít, nhưng thực tế này kéo theo việc gia tăng các biện pháp y tế.
Các hạn chế và giãn cách xã hội, quy định theo 5 cấp độ, giờ được đặt ở mức 1,5 trong nhiều thành phố, đặc biệt trong vùng thủ đô Seoul, nơi tập trung 1/3 số ca nhiễm mới. Việc nâng ngưỡng cảnh báo trước hết mang tính tượng trưng, bởi vì điểm mới duy nhất liên quan đến việc đeo khẩu trang được mở rộng ra những nơi tập thể thao ngoài trời. Mục đích là chuẩn bị cho dân cư chuyển sang mức báo động 2, nghiêm ngặt hơn.
Cho đến giờ, nguồn gốc của các ca nhiễm mới đều được xác định một cách hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những chìa khóa đối phó thành công với Covid-19 ở Hàn Quốc. Nhưng mới đây, hiệu quả kém dần, 15% các ca nhiễm mới không thể xác định được nguồn gốc. Những số liệu mới khiến người ta lo lắng trong khi mà 15 ngày nữa, gần 500 nghìn học sinh trung học sẽ bắt đầu kỳ thi vào đại học.
Anh Vũ