Brazil : Đối lập yêu cầu tổng thống từ nhiệm vào lúc Covid-19 lan mạnh (RFI, 22/05/2020)
Dịch Covid-19 tại Brazil đang lây lan với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây. Hôm 21/05/2020, nước này đã vượt ngưỡng 20.000 người chết vì virus corona (20.047 người), trong lúc số ca nhiễm đã tăng lên thành 310.087 trường hợp.
Các dân biểu đối lập Brazil biểu tình trước trụ sở Quốc hội, đòi tổng thống Jair Bolsonaro từ chức, do xử lý kém dịch Covid-19, Brasilia, ngày 21/05/2020 Reuters- ADRIANO MACHADO
Trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Bolsonaro vẫn chưa triển khai những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh, đảng Những Người Lao Động của cựu tổng thống Lula và nhiều phong trào cánh tả đã đệ đơn yêu cầu tổng thống cánh hữu Bolsonaro từ chức. Đòi hỏi này tuy nhiên khó có kết quả.
Thông tín viên RFI, Martin Bernard, tường thuật từ Sao Paulo :
"Tổng thống cánh cực hữu bị tố cáo về tội thiếu trách nhiệm, và khủng bố vào nền y tế công cộng, đặt đời sống người dân vào vòng nguy hiểm do cách hành xử "thiếu trách nhiệm" trong việc chống Covid-19.
Cầm quyền gần một năm rưỡi nay, Jair Bolsonaro, đã áp dụng một chính sách bảo thủ pha lẫn với việc siết chặt kiểm soát an ninh. Tuy nhiên, từ khi virus corona xuất hiện, phong cách lãnh đạo gây tranh cãi của ông đã làm cho nhiều người dân Brazil bất bình, nhất là khi ông giảm nhẹ mối nguy hiểm của dịch bệnh.
Sự hiện diện của ông trong các cuộc biểu tình chống dân chủ, đòi hỏi đóng cửa Quốc hội và đưa quân đội trở lại chính quyền, cũng đã bị những người yêu cầu ông từ chức chỉ trích.
Chủ tịch Quốc hội Rodrigo Maia sẽ là người quyết định về yêu cầu trên, nhưng ít có khả năng ông Bolsonaro từ chức. Cựu tổng thống cánh tả, Dilma Rousseff, bị cách chức năm 2016, giải thích : "Tôi không nghĩ là sẽ có đủ số nghị sĩ bỏ phiếu cho việc truất phế tổng thống".
Phải nói là ông Jair Bolsonaro đã bảo đảm được cho mình hậu thuẫn của những đảng cánh hữu nhỏ tại Quốc Hội trong những tuần lễ qua, để có một thiểu số đủ để ngăn chặn việc truất phế."
Mai Vân
*****************
Covid-19 : Dịch bệnh ngày càng trầm trọng tại Châu Mỹ Latinh (RFI, 22/05/2020)
Nghĩa trang tại các thành phố lớn ở Brazil bị quá tải ; bệnh viện ở thủ đô Peru bên bờ sụp đổ… tình hình tại Châu Mỹ Latinh mỗi lúc thêm trầm trọng, trong khi thế giới đã có hơn năm triệu người nhiễm virus corona chủng mới xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.
Nhân viên bảo vệ đi tuần tra gần một khu chợ ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 12/05/2020 Reuters- RICARDO MORAES
Dịch Covid-19 như "cơn sóng thần" đang tràn xuống Nam Mỹ và các vùng biển Caribbean. Chiếm khoảng 57% số ca tử vong của Châu lục, Brazil, với 210 triệu dân, là quốc gia bị tác động nặng nề nhất, có tổng cộng hơn 20.000 người chết và gần 1.200 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ theo số liệu thống kê do Bộ Y tế đưa ra ngày 21/05/2020.
Theo AFP, Brazil đang trả giá đắt cho chủ trương không phong tỏa, vẫn mở cửa làm việc và tái khởi động kinh tế mà tổng thống Jair Bolsonaro đưa ra ngay từ đầu mùa dịch. Số người chết đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 11 ngày. Tại Sao Paolo cũng như ở nhiều thành phố lớn khác, nghĩa trang cũng đã bị quá tải. Tuy số người trên 60 tuổi chiếm có 13,6% dân số, nhưng 69% trong số này đã qua đời vì dịch Covid-19. Tỷ lệ tử vong ở những người dưới 60 tuổi đã tăng vọt từ 19% (đầu tháng Tư) đã tăng lên thành 31% trong tuần này và số người chết hàng ngày cũng đã vượt ngưỡng trên 1.000 người kể từ hôm thứ Ba 19/5.
Sau Brazil là Peru, ổ dịch lớn thứ hai của khu vực Nam Mỹ. Tuy chỉ có 32 triệu dân, nước này ghi nhận có tổng cộng gần 109 ngàn ca nhiễm bệnh và 3.150 người chết. Lời thuật của một giám đốc bệnh viện với AFP cho thấy một quang cảnh hãi hùng chẳng khác gì trong phim "kinh dị" khi bệnh viện cũng là nghĩa trang, người chết như rạ trên những chiếc xe lăn.
Tình hình cho thấy phần lớn các bệnh viện ở Lima đã bị quá tải, bên bờ bị "tan vỡ". Văn phòng giám sát nhân quyền tại Peru ngày 21/05/2020 lên tiếng báo động các cơ sở y tế tại Lima không còn khả năng chăm sóc người bệnh do "thiếu các trang thiết bị bảo hộ, giường hồi sức tăng cường, máy trợ thở, các bộ xét nghiệm cũng như nhiều công cụ - dụng cụ y khoa khác".
Trước sự tăng tốc của đà lây nhiễm tại Nam Mỹ, tổng thống các nước Peru, Colombia, Chili và Uruguay đã có một cuộc họp qua video nhằm tìm kiếm các giải pháp để đối phó với dịch bệnh.
Minh Anh
*******************
Số ca nhiễm virus corona toàn cầu vượt quá 5 triệu (VOA, 21/05/2020)
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ, số ca Covid-19 được ghi nhận trên toàn thế giới đạt con số 5 triệu vào thứ Năm 21/5, giữa lúc một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các khuyến cáo về giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tìm cách mở cửa lại nền kinh tế của họ.
11111111111111111
Một người đến điều trị Covid-19 ở một bệnh viện ở St. Petersburg, Nga, 18/5
Số ca nhiễm được báo cáo trên toàn thế giới đạt 5.000.038 và con số tử vong trên toàn cầu hiện ở mức 328.172, theo trường Hopkins.
Cột mốc mới nhất về dịch bệnh được ghi lại vào lúc tình trạng virus corona lây lan trên toàn thế giới không hề có dấu hiệu chậm lại.
Ngay cả khi dịch bệnh ở Trung Quốc và các quốc gia khác dường như đã giảm, đại dịch vẫn tăng tốc ở các nơi khác trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm thứ Tư 20/5 rằng số ca nhiễm virus corona mới được ghi nhận trong một ngày trên toàn thế giới đã đạt kỷ lục trong tuần này với hơn 100.000 ca mới trong 24 giờ trước đó.
Gần 2/3 các ca mới đó là của riêng 4 quốc gia, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở của cơ quan này ở Geneva. "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong đại dịch này", ông nói.
Phần lớn các ca mới được xác nhận là ở Châu Mỹ và đứng đầu là Hoa Kỳ, tiếp theo là Châu Âu, theo báo cáo hàng ngày của WHO.
Hoa Kỳ đã ghi nhận có 45.251 ca mới hôm 19/5. Cùng ngày, Nga có số ca nhiều thứ nhì, là 9.263 ca, theo WHO.
Các quan chức WHO đã cảnh báo không nên giảm bớt các hạn chế về virus corona cũng như không nên mở cửa lại các nền kinh tế quá nhanh. Họ cho rằng làm như vậy có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn tồi tệ với các thảm họa kinh tế và y tế khi số ca nhiễm tăng trở lại và các quan chức phải khôi phục lại việc phong tỏa.
Bác sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, nói trong một cuộc họp báo hôm 8/5 rằng phải chọn giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng là một phương trình sai.
Ông Ryan nói : "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, về mặt kinh tế, là một quốc gia mở cửa trở lại và sau đó phải đóng cửa một lần nữa để đối phó với tình trạng virus lây lan như trước".
(CNBC, Business Insider)
*******************
Covid-19 và máy hô hấp : Bộ trưởng Y tế Bolivia bị bắt vì tham nhũng (RFI, 21/05/2020)
Bộ trưởng Y tế Bolivia là người phải trả giá đầu tiên trong vụ tham ô, đẩy giá lên gấp ba, khi nhập khẩu 170 máy hô hấp của một công ty Tây Ban Nha. Đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho 4000 dân Bolivia và giết chết 200 nạn nhân theo báo cáo mới nhất. Vụ bê bối làm tổn hại ngân sách hơn 3 triệu đô la trong khi bệnh viện thiếu trang bị do một phóng viên điều tra phát hiện.
Bộ trưởng Y tế Bolivia Marcelo Navajas (ảnh chụp tháng 04/2020) bị cảnh sát La Paz bắt giữ vì tội tham nhũng. AFP/File
Từ La Paz, thông tín viên Alice Campaignolle tường thuật :
"28.000 đô la một máy hô hấp nhân tạo. Đó là giá của một máy trợ thở loại cơ bản, loại dùng cho trường hợp khẩn trương, trong khi Bolivia cần những máy tối tân hơn để trị liệu hồi sức cấp cứu.
Hệ quả là Bolivia phải chi ra 4,7 triệu đôla để nhập 170 máy thở của một công ty Tây Ban Nha với giá 10.000 đô la mỗi cái.
Đương nhiên là phải tính thêm tiền chuyên chở xuyên Đại Tây Dương. Nhưng, một phóng viên điều tra phát hiện một nhà nhập khẩu địa phương đề nghị giá chỉ có 12.500 đô la mỗi máy chứ không đắt tới 28.000. Vậy thì ai bỏ túi số tiền khác biệt béo bở trong thương vụ này ? Cảnh sát đang tìm hiểu.
Trong khi đó, bộ trưởng Y tế Marcelo Navajas, người chuẩn y quyết định mua máy trợ thở bị bắt giam cùng với hai công chức của Ngân hàng phát triển liên Châu Mỹ BID, cơ quan cấp tín dụng cho Bolivia. Bộ trưởng Y tế bị cách chức ngay lập tức ? Quyền tổng thống Bolivia cam kết là tất cả những kẻ tham ô sẽ phải bồi hoàn tiền ăn cắp cho đến đồng xu cuối cùng.
Vụ bê bối mới này thêm vào một loạt tai tiếng đang gây chấn động tại Bolivia. Nhất là chuyện biển thủ công quỹ có liên quan đến những nhân vật thân cận với quyền tổng thống Jeanine Añez".
Tú Anh
******************
Covid-19 : Peru đứng thứ 2 Nam Mỹ về ca nhiễm (RFI, 21/05/2020)
Trong lúc dịch Covid-19 có xu hướng dịu xuống tại Châu Âu và nhiều nơi khác, thì tại Nam Mỹ, đại dịch dường như đang phát triển mạnh. Với tổng cộng 100.000 ca nhiễm, Peru trở thành nước đứng thứ hai Nam Mỹ về số người nhiễm virus corona mới.
Nhân viên y tế biểu tình bên ngoài bệnh viện Hipolito Unanue, phản đối tình trạng thiếu phương tiện bảo hộ y tế, Lima, Peru, ngày 04/05/2020 Reuters- Stringer.
Theo bộ Y tế Peru hôm 21/05/2020, quốc gia này đã có 104.020 ca nhiễm, với 3.024 người thiệt mạng. Peru đứng thứ hai Nam Mỹ về ca nhiễm, sau Brazil, và thứ ba về số người chết, sau Brazil và Mexico. Kể từ ngày 30/04, số người nhiễm virus và số người tử vong tăng gấp 3 lần tại Peru.
Số người nhập viện vì Covid-19 tại Peru hiện nay là hơn 7.500. Giới y tế nước này không ngừng lên tiếng báo động tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về trang thiết bị và dược phẩm tại các bệnh viện công. Hôm 20/05, nhiều nhân viên y tế đã xuống đường tại thủ đô Lima, để phản đối. Ông Miguel Armas, y tá tại bệnh viện công Hipolito Unanue, bày tỏ với hãng tin Pháp AFP : "Bên trong bệnh viện của chúng tôi, không khí giống hệt như trong một bộ phim kinh dị, khắp nơi la liệt tử thi. Nhiều bệnh nhân qua đời ngay trên ghế hay xe lăn".
Các lò hỏa thiêu của thủ đô Peru hoạt động suốt ngày đêm, vì số lượng người chết do virus corona quá nhiều. Con trai của một bệnh nhân cho biết là bố của anh chết do không có bác sĩ chăm sóc, do không có thuốc.
Ngoài khu vực thủ đô, đại dịch Covid-19 cũng hoành hành tại một số tỉnh phía bắc, và ở một số thị trấn và làng mạc hẻo lánh thuộc vùng rừng Amazon của Peru, nơi cư trú của nhiều cộng đồng thổ dân.
Peru đang bước vào tuần lễ phong tỏa thứ 9. Đây là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thực hiện chính sách phong tỏa bắt buộc với 32 triệu dân cư. Tuy nhiên, theo giới quan sát, biện pháp này có vẻ như không đủ để hãm lại đà lan truyền nhanh chóng của virus tại Peru.
Brazil đặt hy vọng vào thuốc chloroquine
Giống như tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Brazil của tổng thống Jair Bolsonaro cũng đặt niềm tin vào thuốc chloroquine, có thể dùng để đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu tổng thống Mỹ chỉ tỏ ra tin tưởng ở mức ca ngợi loại thuốc này, và quyết định dùng cho riêng mình, thì Brazil dưới áp lực của tổng thống Bolsonaro quyết định sử dụng đại trà loại thuốc trị sốt rét này.
Hôm 20/05, bộ Y tế Brazil khuyến cáo sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine đối với những bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ. Quyết định của bộ Y tế Brazil được đưa ra sau khi con số người thiệt mạng vì Covid-19 trong vòng 24g, lần đầu tiên vượt quá 1.000 người (chính xác là 1.179 người). Tổng cộng đã có hơn 17.970 người chết vì Covid-19 tại Brazil.
Tổng thống Brazil theo tư tưởng cực hữu giải thích trên Twitter : "Hiện tại cho dù chưa có bằng chứng khoa học (là thuốc có tác dụng với Covid-19), nhưng dược phẩm này đã được dùng một cách an toàn tại Brazil và trên thế giới. Chúng ta đang trong tình trạng thời chiến, vì vậy tốt hơn là hành động cho dù thất bại, còn hơn phải hổ thẹn vì đã không chiến đấu".
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từng cảnh báo về các phản ứng phụ của thuốc hydroxychloroquine, cũng như nguy cơ về tim mạch.
Trọng Thành
*******************
Covid-19 : Số ca tử vong thực thụ tại Ý cao hơn rất nhiều so với thống kê chính thức (RFI, 22/05/2020)
Theo số liệu chính thức tính đến tối 21/05/2020, nước Ý có tổng cộng 32.330 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các số liệu được cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi nhận trong hai tháng Ba và Tư cho thấy là đã có thêm gần 20.000 ca tử vong so với số liệu chính thức trong hai tháng vừa kể. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều ca tử vong vì Covid-19 không được ghi nhận.
Nghĩa trang ở Catania, Ý. Ảnh chụp ngày 15/05/2020 Reuters- Antonio Parrinello
Thông tín viên RFI, Anne Tréca, tường thuật từ Roma :
"Vào tháng Ba và Tư, tỷ lệ tử vong tại Ý đã đạt kỷ lục, cao hơn nhiều so với mức trung bình được thống kê từ 5 năm qua. So với số liệu chính thức mà cơ quan Bảo Vệ Dân Sự đưa ra, cần phải cộng thêm gần 20.000 người chết, mà mọi dấu hiệu cho thấy là đây là những ca tử vong tại nhà và không được xét nghiệm. Chưa rõ đây là những người chết vì virus corona, hay vì những bệnh khác nhưng không được chữa trị vì bệnh viện nghẹt cứng.
Hiện tượng này được thấy rõ ở miền bắc nước Ý, nơi bị Covid-19 rất nặng nề, và bệnh viện đã bão hòa. 84% số nạn nhân nói trên được ghi nhận ở đây, và không hề được đến bệnh viện.
Để đánh giá được số tổn thất nhân mạng của dịch bệnh, ngành bảo hiểm xã hội đã ghi nhận tổng số ca tử vong đã vượt qua tỷ lệ trung bình thường trong giai đoạn trên. Đây là một cách tính toán mới, khó thể so sánh với những dữ liệu đã được ghi nhận cho đến nay.
Chính quyền cũng đã tương đối hóa các ước tính của mình : Để thực sự đo lường hậu quả thực thụ của Covid-19, cần phải đợi đến khi có vac-xin hoặc là khi dịch bệnh bị triệt tiêu".
Anh Quốc xét nghiệm huyết thanh nhân viên y tế
Nhân viên chăm sóc bệnh nhân ở Anh Quốc sẽ được xét nghiệm huyết thanh kể từ tuần tới đây, theo thông báo của chính phủ vào hôm qua, 21/05/2020. Anh Quốc đã ký hợp đồng với hai tập đoàn dược phẩm, Roche của Thụy Sĩ và Abbott của Mỹ.
Nếu xét nghiệm vi khuẩn cho phép phát hiện sự hiện diện của virus Corona, thì xét nghiệm huyết thanh cho phép phát hiện kháng thể trong máu và từ đó có thể kết luận là một người đã từng nhiễm bệnh hay không.
Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock, trong cuộc họp báo cho biết là đã ký hợp đồng để được Roche và Abbott cung cấp 10 triệu xét nghiệm trong những tháng sắp tới, và sẽ dần dần cung cấp vào tuần tới đây, trước tiên là cho các nhân viên y tế, các bệnh nhân và những người ở các nhà dưỡng lão.
Vẫn theo bộ trưởng Y tế, một giấy chứng nhận sẽ được cấp cho những người có kháng thể, nhưng ông cũng cảnh báo là việc có kháng thể không có nghĩa là miễn dịch với virus.
Hiện nay, xét số ca tử vong, Anh là nước bị virus tác động nặng nề nhất sau Mỹ với hơn 41.000 người chết (hoặc là hơn 36.000 ca nếu chỉ tính những trường hợp được xét nghiệm).
Mai Vân
*******************
Ý : Xã hội đen lấy tiền trợ cấp xã hội, 101 "đầu gấu" bị nhận diện (RFI, 21/05/2020)
Tại miền nam nước Ý, lãnh địa của mạng lưới xã hội đen, 101 thành viên tên tuổi của tổ chức mafia N'dranghetta rơi vào lưới pháp luật sau khi bỏ túi 516.000 euro, tiền trợ cấp xã hội. Tất cả những tay "đầu gấu" này sẽ phải bồi hoàn cho Nhà nước toàn bộ số tiền dành cho dân nghèo.
Một người thất nghiệp Ý đăng ký nhận trợ cấp tại một trung tâm xã hội ở Roma. Ảnh minh họa. Reuters/Gavin Jones
Cảnh sát vùng Reggio de Cerlabre thông báo như trên ngày 20/05/2020. Cuộc điều tra tiếp diễn để truy tìm đồng lõa trong guồng máy hành chánh.
Thông tín viên Anne Treca tại Ý tường thuật :
"Phần đông những kẻ lợi dụng hệ thống an sinh xã hội là những nhân vật có tiếng tăm thuộc thành phần xã hội đen địa phương, lắm bạc nhiều tiền, chủ nhân biệt thự và nhiều xe hơi hạng sang.
Trong số này có Alessandro Pannuzi, biệt danh là Pablo Escobar, có khả năng nhập vào nước Ý mỗi tháng 2 tấn cocain. Alessandro Pannuzi bị bắt vào năm 2018, nhưng sau đó đã vượt ngục.
Thế mà tên ông ta nằm trong danh sách 101 đầu gấu mafia địa phương được trợ cấp 800 euro mỗi tháng, giống như mọi công dân Ý nghèo khó.
Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát Ý đánh được mẻ lưới to. Cách nay một tháng, cảnh sát tài chính tóm được 230 thành viên của mạng lưới xã hội đen N'drangheta, có tên trong danh sách dân nghèo. Để truy ra tông tích những con cá mập, cảnh sát Ý đối chiếu danh sách các cá nhân có tiền án, bị cấm đi bầu, với danh sách dân nghèo được hưởng trợ cấp xã hội. Bởi vì để được trợ cấp, không phải chỉ có điều kiện thu nhập thấp, mà còn phải làm tờ khai danh dự chưa từng bị kết án.
Công cuộc điều tra vẫn tiếp diễn, vì cảnh sát Ý nghi ngờ các băng đảng xã hội đen có đồng lõa trong cơ quan hành chánh".
Tú Anh
*******************
Covid-19 : Nga triển khai quân đội chống dịch tại mỏ vàng lớn nhất nước ở Siberia (RFI, 22/05/2020)
Tình hình dịch Covid-19 tại Nga vẫn nghiêm trọng. Tính đến sáng hôm nay, 22/05/2020, Nga đã ghi nhận tổng cộng 317.554 ca nhiễm, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, trong lúc số tử vong được thống kê đã vượt mức 3.000 trường hợp.
Đúc vàng tinh khiết 92,96% tại nhà máy Olimpiada, thuộc công ty Polyus Gold International, Krasnoyarsk Viễn Đông Nga. Ảnh chụp ngày 30/06/2015 Reuters- Ilya Naymushin
Thủ đô Moskva vẫn là nơi bị nặng nhất, chiểm khoảng 50% người mắc bệnh, nhưng tình hình tại một số địa phương cũng rất đáng lo ngại. Một ví dụ cụ thể : Mỏ vàng lớn nhất của Nga đã trở thành một trong những tâm dịch chính ở Siberia, với hơn 800 ca nhiễm trong không đầy 2 tuần lễ.
Hậu quả là mỏ vàng đã được đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga, đã triển khai quân lính và thiết bị để ngăn chặn đà lây lan trong số công nhân khai thác.
Thông tín viên RFI tại Nga, Daniel Vallot, cho biết thêm chi tiết :
"Vào ngày 6/5, ca nhiễm đầu tiên đã được ghi nhận trong số các nhân viên. Và trong không đầy 2 tuần lễ, virus đã lây lan với tốc độ kinh khủng. Theo số liệu mới nhất, đã có hơn 800 người bị nhiễm, và vào tối hôm qua, thứ Năm, giám đốc mỏ đã thông báo ca nhân viên tử vong đầu tiên.
Nằm ở vùng Krasnoïarsk, Siberia, mỏ Olimpiada là mỏ vàng lớn và giàu nhất của Nga. Tập đoàn Polyrus khai thác mỏ là nhà sản xuất vàng hàng đầu của Nga, với 20% tổng sản lượng vàng sản xuất của đất nước này.
Cho dù dịch bệnh lây lan, ban giám đốc mỏ vàng khẳng định là công việc vẫn tiếp tục tại mỏ. Những công nhân bị nhiễm virus bị cách ly trong một trại được quân đội giám sát. Bộ Quốc phòng thông báo đã lập một bệnh viện dã chiến tại địa điểm này cho bệnh nhân. Theo báo chí Nga, hơn 140 công nhân đã được đưa vào bệnh viện dã chiến này.
Với đà lây nhiễm hiện nay, Krasnoiarsk đã trở thành vùng bị nhiễm lớn thứ 3 tại Nga sau Moskva và Saint-Pétersbourg".
Trọng Nghĩa
Tổng thống Trump : Người phát ngôn Trung Quốc 'nói ngu', Bắc Kinh gây nhiều ‘nỗi đau, mất mát’ (VOA, 21/05/2020)
Tổng thống Donald Trump nhắm mục tiêu vào một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc tấn công mới nhất của ông vào Bắc Kinh về đại dịch virus corona. Theo tổng thống Mỹ, các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc là "một sự ô nhục", và ông Trump quy trách nhiệm cho Đảng cộng sản Trung Quốc về "nỗi đau và mất mát" do dịch Covid-19 gây ra.
Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hôm 20/5
Tổng thống Trump không nêu tên cụ thể của người phát ngôn nào mà ông công kích, nhưng hôm thứ Tư 20/5, người phát ngôn Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã chỉ trích ông Trump về tối hậu thư đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó tổng thống Mỹ cáo buộc cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc, và yêu cầu Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus phải tiến hành các cải cách "lớn" trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ mất tài trợ của Hoa Kỳ.
"Chúng tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ nên tập trung vào việc đánh bại #COVID19 thay vì đưa ra tối hậu thư cho tổ chức hiện chỉ đạo việc đối phó với dịch bệnh toàn cầu", ông Triệu viết trên Twitter. "Chẳng ai quan tâm về việc chính trị hóa về nguồn gốc của virus cả", ông Triệu viết thêm, có ý nhắc đến các yêu cầu của quốc tế đòi có một cuộc điều tra về nguồn gốc và diễn biến của đại dịch.
Ông Trump đã viết trên Twitter vào tối ngày thứ Tư 20/5 rằng "phát ngôn viên đó nói một cách ngu xuẩn, thay mặt cho Trung Quốc, cố sống cố chết đánh lạc hướng về nỗi đau và mất mát mà đất nước của họ làm xảy ra tràn lan trên khắp thế giới. Cuộc tấn công với thông tin sai lệch và tuyên truyền của họ nhắm vào Hoa Kỳ và Châu Âu là một sự ô nhục".
Tổng thống Mỹ viết thêm : "Tất cả đều xuất phát từ lãnh đạo cao nhất. Đáng lẽ họ đã có thể ngăn chặn bệnh dịch dễ dàng, nhưng họ đã không làm thế !"
(Newsweek, Fox News)
******************
Ngoại trưởng Mỹ : Đóng góp của Trung Quốc quá nhỏ so với thiệt hại gây ra (VOA, 21/05/2020)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 20/5 tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề virus corona. Ông gọi khoản tiền 2 tỷ đô la mà Bắc Kinh cam kết chống đại dịch là "quá nhỏ" so với mất mát hàng trăm ngàn sinh mạng con người và hàng ngàn tỷ đô la, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trong một buổi họp báo về Covid-19 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Pompeo đã bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh đã hành động minh bạch sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói nếu ông Tập muốn thể hiện điều đó, ông nên tổ chức một cuộc họp báo và cho phép các phóng viên hỏi ông bất cứ điều gì họ muốn.
"Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong tuần này rằng Trung Quốc đang hành động với trách nhiệm công khai, minh bạch. Tôi ước gì sự thật là như vậy", Reuters dẫn lời ông Pompeo nói tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ buộc tội Bắc Kinh tiếp tục giữ các mẫu virus, chưa cho phép tiếp cận các cơ sở, kiểm duyệt thảo luận, và nhiều việc khác nữa.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng đột biến trong những tuần gần đây, với việc ông Pompeo và Tổng thống Donald Trump đả kích Bắc Kinh về việc xử lý dịch bệnh.
Hoa Kỳ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch toàn cầu.
Vào thời điểm nhiều quốc gia đang thúc giục đoàn kết và hợp tác đẩy mạnh cuộc chiến chống virus, ông Trump đã đề xuất rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới vì bất bình về sự ứng phó của tổ chức mà ông gọi là "một con rối của Trung Quốc", trong khi ông Tập lại cam kết trợ giúp 2 tỷ đô la.
"Tôi mong sẽ thấy họ thực sự thực hiện cam kết trị giá 2 tỷ đô la đó. Những đóng góp của Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch là quá nhỏ, so với thiệt hại mà họ đã gây ra trên thế giới", Reuters dẫn lời ông Pompeo nói.
"Đại dịch này đã giết chết khoảng 90.000 sinh mạng người Mỹ. Hơn 36 triệu người Mỹ đã mất việc kể từ tháng 3. Toàn cầu mất 300.000 sinh mạng, có thể lên tới 9 nghìn tỷ đô la, theo ước tính của chúng tôi, đó là cái giá mà thế giới phải trả cho thất bại của Đảng cộng sản Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc nói ông Pompeo "cực kỳ vô trách nhiệm", và kêu gọi ông giải thích về những thiếu sót trong phản ứng của Mỹ đối với chủng virus mới này.
"Tại sao chính phủ Hoa Kỳ không thực hiện bất kỳ biện pháp kiểm soát và phòng ngừa nào từ giữa tháng 1 đến tháng 3 ?", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
"Tại sao Mỹ thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus corona ? Ông có trách nhiệm giải thích điều này với thế giới", đại diện của Trung Quốc nói thêm.
Ngoại trưởng Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc đe dọa Úc bằng trừng phạt kinh tế, vì nước này tìm cách điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch bệnh, đồng thời cáo buộc tội Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã có "mối quan hệ gần gũi bất thường với Bắc Kinh từ lâu trước khi xảy ra đại dịch này", là điều mà ông cho là "rất đáng quan ngại".
WHO hiện chưa lên tiếng về các cáo buộc của ông Pompeo.
*******************
Dữ liệu của WHO bỏ qua việc Trung Quốc đàn áp bác sĩ cảnh báo Covid-19 (VOA, 21/05/2020)
Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới về những cuộc tấn công vào hệ thống y tế không nhắc gì đến việc chính phủ Trung Quốc bóp nghẹt tiếng nói của các bác sĩ tìm cách báo động về virus corona—một điều mà những người chỉ trích cho là dấu hiệu mới nhất về lập trường thiên vị Trung Quốc của WHO.
Tưởng niệm Bác sĩ Lý Văn Lượng tại Trương đại học UCLA, California. Bác sĩ Lý từng bị chính phủ Trung Quốc khiển trách và sau đó ông qua đời vì virus corona sau khi ông cảnh báo mọi người về bệnh này cuối tháng 12 năm ngoái
Sáng kiến của WHO phản ánh các cuộc tấn công vào hệ thống y tế được thành lập để thu thập tin tức về những vụ tấn vào hệ thống y tế trên toàn cầu, cũng như cổ suý chấm dứt những cuộc tấn công như vậy và quảng bá cách thức tốt nhất để bảo vệ hệ thống y tế.
Trong khuôn khổ của sáng kiến này, theo trang mạng của tổ chức, họ thu thập dữ liệu gần như "tại thời điểm thực" qua các văn phòng của WHO ở các nước và các đối tác tại chỗ, sử dụng Hệ thống Theo dõi những cuộc Tấn công vào Hệ thống Y tế (SSA).
Chương trình này định nghĩa một cuộc tấn công là "bất cứ hành động bằng lời nói hay bạo hành thể chất hay cản trở hay đe dọa bạo động can thiệp vào việc có được hay tiếp cận và cung cấp dịch vụ y tế chữa trị hay phòng ngừa trong tình trạng khẩn cấp".
Trong dữ liệu đó từ cuối năm 2019 tới nay, có những phúc trình về những cuộc tấn công tại các nước, bao gồm Afghanistan, Libya, Syria và Miến Điện, từ bạo động với vũ khí nặng cho tới lấy các tài sản chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, dữ liệu này không đề cập đến việc đàn áp và làm im tiếng các bác sĩ tại Trung Quốc là những người tìm cách cảnh báo thế giới về virus corona xuất hiện tại Vũ Hán trước khi nó biến thành đại dịch lây nhiễm nhiều triệu người và gây nên tổn hại đáng kể cho kinh tế trên toàn thế giới.
Các bác sĩ này bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng chuyên về nhãn khoa, 34 tuổi, tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ông Lý từng bị chính phủ Trung Quốc khiển trách và sau đó ông qua đời vì virus corona sau khi ông cảnh báo mọi người về bệnh này cuối tháng 12 năm ngoái.
Ông Lý nằm trong số 8 bác sĩ bị công an Trung Quốc khiển trách cuối năm ngoái vì cảnh báo trên mạng xã hội về mối đe dọa của virus corona. Chính phủ Trung Quốc sau đó lên tiếng và xin lỗi về cách đối xử với ông Lý.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đóng cửa một phòng thí nghiệm của một bác sĩ tìm đựơc chu kỳ gen của virus hồi tháng 1.
WHO không trả lời yêu cầu bình luận của Fox News về tin này.
Những người chỉ trích nói rằng đây là một chỉ dấu khác cho thấy WHO thiên vị Trung Quốc.
"WHO chịu trách nhiệm bảo vệ ‘quyền y tế’ bằng cách theo dõi chặt chẽ những tấn công vào hệ thống y tế trên tòan cầu, những cuộc tấn công bao gồm cản trợ việc cung cấp y tế. Và vào năm 2020, Trung Quốc không có tên trong danh sách của WHO liệt kê 9 nước hay vùng lãnh thổ có vấn đề", bà Anne Bayefsky, chủ tịch Tiếng nói Nhân quyền của Viện Touro về Nhân quyền và Holocaust nói với Fox News.
"Biểu tượng của hệ thống Liên hiệp quốc, đây là một biến dạng chính trị hóa không thể dung thứ được, đã gây tác hại to lớn cho hệ thống y tế toàn cầu", bà nói, ám chỉ đến việc WHO theo dõi những cuộc tấn công vào hệ thống y tế.
Tổng thống Donald Trump đã ngưng tài trợ cho WHO trong tháng này, một phần vì WHO bị cáo buộc thân Bắc Kinh. Mỹ tố giác WHO nhượng bộ trước áp lực chính trị của Trung Quốc trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, trong khi cũng ca ngợi Trung Quốc về "tính minh bạch".
Ông Trump trong tuần này loan báo ông có ý định ngưng tài trợ vĩnh viễn cho WHO trừ phi WHO cam kết có "cải thiện toàn diện quan trọng". Ông cũng nêu khả năng Mỹ hoàn toàn rút khỏi tổ chức này.
(Nguồn Fox News)
Covid-19 : Liên Hiệp Quốc lo ngại Châu Phi rơi vào "nghèo đói cùng cực" (RFI, 20/05/2020)
Dịch Covid-19 có thể làm gia tăng "những bất bình đẳng vốn có" và làm trầm trọng thêm "nạn đói, suy dinh dưỡng và tình cảnh mong manh" ở Châu Phi. Trong thông cáo ngày 20/05/2020, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres còn lo ngại hàng triệu người dân Châu Phi sẽ rơi vào cảnh "nghèo đói cùng cực".
Hàng người xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ vì dịch Covid-19 tại ngoại ô Petroria, Nam Phi, ngày 20/05/2020. Reuters - SIPHIWE SIBEKO
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đánh giá Châu Phi đã nhanh chóng phản ứng trước đại dịch Covid-19 vì "cho đến nay, số ca nhiễm và tử vong vì virus corona thấp hơn so với những gì người ta lo sợ", dù "virus corona đã khiến hơn 2.500 người chết tại Châu Phi". Tuy nhiên, theo ông Antonio Guterres, Châu Phi mới "chỉ ở bước đầu" của đại dịch và tình hình có thể nhanh chóng thay đổi.
Theo AFP, kêu gọi "quốc tế tỏ tình liên đới" với Châu Phi, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc còn cho rằng "các nước Châu Phi cũng phải được hưởng khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng, giá cả hợp lý đối với bất kỳ loại vac-xin và liệu pháp điều trị nào trong tương lai, được coi là tài sản chung của thế giới".
Theo ông Antonio Guterres, phải giải quyết được dịch ở Châu Phi thì mới có thể chấm dứt được dịch trên toàn cầu. Công việc này sẽ cần thêm "hơn 200 tỉ đô la từ cộng đồng quốc tế" để "tăng cường hệ thống y tế tại Châu Phi, duy trì dây chuyền cung ứng thực thẩm, tránh một cuộc khủng hoảng tài chính" và "hỗ trợ giáo dục, bảo vệ việc làm, trợ giúp các gia đình và doanh nghiệp, giúp Châu lục tránh mất thu nhập từ xuất khẩu".
Thu Hằng
************************
Covid-19 : Brazil có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới (RFI, 19/05/2020)
Với tổng cộng 254.220 ca nhiễm tính đến hôm qua, 18/05/2020, theo các số liệu chính thức, Brazil đã trở thành quốc gia đứng hàng thứ ba thế giới về số ca nhiễm Covid-19, qua mặt Anh Quốc (gần 250.000), chỉ thua Nga (290.678) và Hoa Kỳ (khoảng 1,5 triệu).
Trung tâm Stella Maris dành cho người già, người vô gia cư và bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do Tòa thị chính Rio de Janeiro quản lý, Brazil, ngày 14/05/2020. Ảnh minh họa. Reuters - PILAR OLIVARES
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Brazil đã ghi nhận 13.140 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, theo thẩm định của các nhà khoa học, do không tiến hành đủ xét nghiệm, tổng số ca nhiễm ở Brazil trên thực tế có thể cao hơn gấp 15 lần.
Tính đến ngày 18/05, cũng theo các số liệu chính thức, tại Brazil có tổng cộng 16.792 người chết vì Covid-19, đứng hàng thứ sáu thế giới về số ca tử vong, thế nhưng, theo AFP, con số này rất có thể là thấp hơn thực tế rất nhiều.
Vào lúc virus corona đang lây lan nhanh chóng tại quốc gia 210 triệu dân này, chiếc ghế bộ trưởng Y tế vẫn do một người nắm tạm. Tướng Eduardo Pazuello, từ ngày 15/05, thay thế bác sĩ Nelson Teich, đã từ chức bộ trưởng Y tế Brazil chỉ sau 28 ngày tham gia chính phủ của tổng thống Jair Bolsonaro.
Ông Bolsonaro cho tới nay vẫn xem thường dịch Covid-19, cho đó chỉ là một loại cúm bình thường, và vẫn chỉ trích những biện pháp phong tỏa được ban hành tại các bang. Giống như tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Brazil chủ trương sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị Covid-19, mặc dù chưa có gì chứng minh công hiệu của loại thuốc này.
Thanh Phương
Hoa Kỳ : Donald Trump ký lệnh cắt giảm quy định hành chính Liên bang để phục hồi kinh tế (RFI, 20/05/2020)
Hôm 19/05/2020, tổng thống Donald Trump đã liên tục ra các quyết định nhằm phục hồi kinh tế Mỹ đang bị suy sụp vì khủng hoảng virus corona. Trước tiên, ông Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu cơ quan chính phủ Liên bang cắt bỏ "những quy định vô ích gây cản trở phục hồi kinh tế".
Ông Donald Trump giới thiệu sắc lệnh cắt giảm quy định hành chính để tạo điều kiện phục hồi kinh tế, ngày 19/05/2020, tại cuộc họp nội các ở Nhà Trắng, Washington, Mỹ. Reuters - LEAH MILLIS
Tiếp đó là thông báo chi 19 tỷ đô la để hỗ trợ nông dân và các nhà chế biến nông sản Mỹ. Một quyết định được đánh giá có mục tiêu tranh cử vì ông Trump hiểu giới làm nông nghiệp Mỹ là bộ phận cử quan trọng của ông.
Thông tín viên Lubna Anaki tại New York tường trình :
Được quây xung quanh là cô con gái Ivanka, bộ trưởng Nông Nghiệp và một số đại diện ngành công nghiệp chế biến nông sản, ông Donald Trump hùng hồn thông báo hỗ trợ bổ sung cho các chủ trang trại, nhà chăn nuôi và nông dân Mỹ bị thiệt hại vì khủng hoảng y tế và do lệnh đóng cửa quán ăn.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi giải ngân 19 tỷ đô la để hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp của chúng ta, duy trì chuỗi cung ứng và trợ giúp thực phẩm cho các hộ gia đình. 19 tỷ đô la".
Khoản tiền này được phụ thêm vào hàng tỷ đô la đã được triển khai để hỗ trợ người dân Mỹ từ đầu đại dịch Covid-19. Các nông dân, chủ trang trại cần được trợ giúp có thể đăng ký ngay cuối tháng 5 để được hưởng trợ cấp.
Tổng thống Mỹ cũng nhân thông báo này kêu gọi cử tri trong giới nông nghiệp và một lần nữa ông tự so sánh với tổng thống Lincoln.
Ông nói : "Tôi tin là chúng ta rất tốt với các chủ trang trại, Nhưng ai lại có thể không tốt với họ ? Ai lại có thể không tốt với Trump ? Tôi nói là có lẽ phải trở lại thời Abraham Lincoln để có một tổng thống đã quan tâm nhiều đến các chủ trang trại như Trump".
Để bảo vệ ngành chế biến thịt, ông Donald Trump ngỏ ý phải xem lại các thỏa thuận thương mại với một số nước cung cấp gia súc cho Hoa Kỳ. "Chúng ta có đủ gia súc tốt để tự cung tự cấp", tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
RFI tiếng Việt
******************
Virus corona : Trên 90.000 người chết và 1,5 triệu ca nhiễm tại Mỹ (RFI, 19/05/2020)
Nước Mỹ hôm 18/05/2020 đã vượt ngưỡng 90.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu ca dương tính với virus corona chủng mới, theo tổng kết của trường đại học Johns Hopkins. Chỉ trong một tuần đã có thêm 10.000 người chết.
Hai người bạn gặp nhau trong thời dịch Covid-19 ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, ngày 17/05/2020. Reuters - Caitlin Ochs
Như vậy nước Mỹ dẫn đầu và vượt xa các nước khác về số người chết và các trường hợp dương tính với virus corona, theo số liệu chính thức. Tuy nhiên, nếu tính theo dân số thì các nước Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Ý, Pháp có tỉ lệ người chết vì Covid-19 nhiều hơn, theo trang Worldometer.
Chỉ riêng bang New York đã chiếm đến 1/3 số người chết vì virus corona của cả nước Mỹ, cụ thể là trên 28.300 người. Từ nay cho đến ngày 06/06, số tử vong của Hoa Kỳ có thể lên đến 112.000 người, đây là số trung bình theo mô hình tính toán của các nhà nghiên cứu trường đại học Massachusetts.
Gần 11,5 triệu người đã được xét nghiệm tại Mỹ, và 272.000 người khỏi bệnh.
Một vac-xin Mỹ có kết quả bước đầu
Trong bối cảnh đó, một tia hy vọng đang dấy lên từ một vac-xin thử nghiệm mang lại kết quả ban đầu đáng khích lệ, theo loan báo hôm 18/05 của công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna. Công ty được chính phủ Mỹ đầu tư 483 triệu đô la thông báo "những dữ liệu sơ bộ mang tính tích cực" trong giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng.
Vac-xin được đặt tên là mRNA-1273 đã gây phản ứng miễn dịch ở 8 người tình nguyện, tương tự như khi bị nhiễm virus corona chủng mới. Giai đoạn đầu này nhằm thử nghiệm xem vac-xin có độc tính hay không, và Moderna cho biết chỉ có vài tác dụng phụ nhẹ như chỗ chích bị ửng đỏ. Cổ phiếu của công ty tăng ngay 25% vào trưa 18/05. Dự kiến thử nghiệm với quy mô lớn sẽ được tiến hành vào tháng Bảy.
Thụy My
Virus corona tại Nga : Kẻ thù vô hình mà Putin không ngờ tới (RFI, 20/05/2020)
Mùa xuân 2020 lẽ ra phải rất huy hoàng đối với tổng thống Vladimir Putin, một người đã liên tục ngự trị ở thượng tầng Nhà nước Nga từ 20 năm nay mà không có đối thủ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Crimea hôm 18/03/2020. © via Reuters
Thế nhưng, một kẻ thù vô hình mà ông Putin không hề chờ đợi – con virus corona chủng mới - đã đột nhiên xuất hiện, kéo theo một cuộc khủng hoảng y tế rồi kinh tế ở quy mô chưa từng thấy, làm dấy lên câu hỏi : Liệu ngai vàng của người được gọi là Sa Hoàng mới tại Nga có bị chao đảo hay không ?
Một cuộc trưng cầu dân ý dự trù ngày 22/04 vừa qua, trên nguyên tắc, sẽ thông qua với đa số áp đảo quyết định cải tổ Hiến Pháp cho phép ông Putin tái ứng cử vào năm 2024, mốc đầu tiên đánh dấu khả năng trị vì suốt đời của ông, đã bị hủy bỏ. Vài tuần sau đó, cuộc diễn binh ngày 09/05, kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã, với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ nước ngoài, một màn tán dương công trạng của ông Putin sau 20 năm trị vì độc quyền, cũng không diễn ra.
Vì con virus corona mà không có các dấu mốc huy hoàng này. Trái lại, ông Putin đã phải tự nhốt mình trong tư dinh ở Novo-Ogaryovo, vùng ngoại ô Moskva, để từ đó xử lý đà lây lan đáng ngại của dịch Covid-19.
Tính đến ngày 19/05, nước Nga đã có gần 300.000 người bị nhiễm virus, lan truyền với tốc độ kinh khủng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, liên tiếp nhiều hôm từ ngày 02/05. Đất nước 144,5 triệu dân, giờ đứng hàng thứ 2 thế giới sau Mỹ, về số người nhiễm virus.
Tỷ lệ tử vong thấp : "Thận trọng với số liệu của chính quyền"
Cho dù dịch chưa tới đỉnh cao, nhưng có một con số dường như có thể trấn an. Cho đến hết ngày 19/05, người ta "chỉ" ghi nhận hơn 2.800 ca tử vong vì Covid-19, trong lúc tại Pháp con số này cao hơn gấp 10 lần (hơn 28.000 ca).
Số tử vong quá thấp của Nga, theo tạp chí Pháp L’Express ngày 12/05 trong bài "Virus Corona, địch thủ mà Vladimir Putin không ngờ tới", rất đáng nghi ngờ.
Nina Khrouchtcheva, giáo sư quan hệ quốc tế tại New School ở New York, cháu cố lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchtchev, nhận định thẳng thừng : "Tô vẽ thực tế là bản chất của chế độ". Theo bà, phải luôn thận trọng với số liệu của chính quyền.
Tại Moskva, nhà nghiên cứu chính trị Maria Lipman thì chừng mực hơn : "Số liệu thực mà cao hơn nhiều tất yếu sẽ được biết qua các mạng xã hội, một số lượng lớn người chết sẽ khó che giấu".
Nhưng dù sao thì tại đất nước rộng lớn với 11 múi giờ, tình hình rất khác biệt theo từng nơi, với một nửa ca nhiễm Covid-19 tập trung ở thủ đô - có hạ tầng cơ sở về y tế để có thể đối phó - và những oblast (vùng) ở Siberi, thiếu thốn cơ sở hạ tầng nhưng lại được buông tha.
Covid-19 xuất hiện không đúng lúc chút nào cho Tổng thống Putin
Điều chắc chắn duy nhất là khủng hoảng y tế Covid-19 xẩy ra không đúng lúc chút nào đối với Putin. Rất lệ thuộc vào ngành năng lượng, Nga đứng trước một thảm kịch khác : giá dầu hỏa sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới. Thu nhập về dầu hỏa và khí đốt chiếm 15% GDP Nga và một nửa ngân sách Nhà nước, nên khó tránh khỏi khủng hoảng. Cho dù Nga có các lợi thế khác – nợ không cao, dự trữ ngoại tệ hơn 500 tỷ đô la - nhưng suy thoái như đang rình rập trước cửa điện Kremlin.
Gần đây, ông Putin đã có một thủ thuật để giảm sốc : Trút lên đầu các công ty xí nghiệp lớn cũng như nhỏ gánh nặng chi phí phải trả cho chế độ thất nghiệp bán phần, bằng cách tuyên bố tất cả những ngày làm việc kể từ 30/03 là "ngày nghỉ".
Luật pháp Nga cấm mọi quyết định sa thải trong lúc có những "ngày nghỉ", và cho đến lúc dỡ bỏ phong tỏa, tiền lương vẫn được công ty xí nghiệp trả, không phải là Nhà nước !
Tác giả bài báo kể lại một chuyện tiếu lâm trong giới kinh doanh : "Vladimir Putin đi vào một quán rượu và hô lên "Vodka cho mọi người !", trước khi nói thêm : "tiền quán rượu trả !".
Các công ty vừa và nhỏ ngày càng bị tác động mạnh
Nếu những tập đoàn lớn như Rosneft (dầu hỏa), Gazprom (khí đốt), Rosatom (hạt nhân), Rostelecom (viễn thông) hay Sherbank (tài chính) vẫn vững chắc thì các công ty vừa và nhỏ sử dụng 1/4 lao động đang bị lao đao.
Tại Moskva, Alexeï Petropolski, chủ khách sạn Valises, ở khu phố nổi tiếng Kitaï-Gorod, nay vắng hoe, cho biết : "Tôi phải lấy tiền túi ra trả cho nhân viên, nhưng tôi khó thể thể cầm cự thêm một tháng nữa".
Anastasia Mecheriakova, quản lý các quán cà phê Piou (7 quán ở Moskva, 100 nhân viên) cũng khó khăn không kém : "Cho dù chúng tôi quen với khủng hoảng, tình hình hiện nay rất đáng ngại, cứ tưởng như đang trở lại thời kỳ 1990", tức giai đoạn đen tối thời Yeltsin.
Ivan Semenoff, chủ tịch tổng giám đốc Brainpower, một công ty tuyển dụng lao động, có 30 nhân viên, đã thương lượng được với họ làm việc bán thời gian trong lúc khủng hoảng để cứu vớt công ty, mà hoạt động tuột giảm đến 80%. Một số khách hàng còn đồng ý trả trước hóa đơn. Ông Semenoff cho đây là "cái giá để kinh doanh sống còn".
Uy tín của Putin "chỉ" còn 59%, một mức thấp lịch sử
Trong khi đó, tổng thống Vladimir Putin nỗ lực tuyên truyền để bù đắp cho sự sụp đổ uy tín của mình, đã rơi xuống còn 59%, một mức xấu lịch sử vì tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Nga chưa bao giờ tụt xuống một mức thấp như vậy. Và trái với chủ trương ít ra mặt khi khủng hoảng bắt đầu, trong thời gian gần đây, ông Putin hầu như ngày nào cũng xuất hiện trên truyền hình.
Với vẻ hơi gia trưởng nhưng kiên quyết, ông đóng vai trò người cha của đất nước, ban hành các sắc lệnh trước các bộ trưởng của mình, ra lệnh cho thống đốc các vùng. Theo bà Maria Lipman, tổng thống Nga "tự phô trương mình là người ra các quyết định quan trọng, và giao việc quản lý các tin xấu cho các thống đốc". Không có cơ sở tại địa phương, thường là người được Putin cắm ở các vùng, những thống đốc này đã trải qua cuộc thử lửa đầu tiên với con virus corona.
Theo chuyên gia khoa học chính trị Tatiana Stanovaya, sáng lập viên trung tâm tham vấn R.Politik : "Nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với những nhà kỹ trị vốn quen phục vụ điện Kremlin hơn là dân chúng". Lý do là vì cuộc khủng hoảng có lẽ chỉ mới bắt đầu.
Trong một động thái minh bạch hiếm hoi, thị trưởng nổi tiếng của thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin, đã tỏ ra không mấy lạc quan. Phát biểu với một thái độ thành thật khác thường, nhân vật này công nhận : "Chúng tôi mới chỉ đi được một phần tư chặng đường".
Từ hai mươi năm nay, quả là chưa bao giờ ông Vladimir Putin lại phải đối phó với nhiều tình huống bấp bênh như vậy.
Mai Vân
******************
Nga : Số người chết do Covid-19 tại Dagestan cao hơn nhiều so với thống kê chính thức (RFI, 19/05/2020)
Tại Nga, chính quyền khẳng định dịch bệnh Covid-19 đang trên đà được kiểm soát, với số lượng ca nhiễm mới giảm xuống còn 9.000 ca trong vòng 24 giờ qua, như ghi nhận của thủ tướng Mikhaïl Michoustine. Hôm qua, 18/05/2020, là ngày thứ tư liên tiếp số lượng người nhiễm virus trong ngày giảm xuống dưới con số 10.000.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi phải có những biện pháp "khẩn cấp" chống dịch Covid cho nước cộng hòa Dagestan, thuộc Liên bang Nga. Sputnik/AFP/File
Tuy nhiên, tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại miền nam nước Nga. Nước cộng hòa tự trị nhỏ Dagestan vùng Kavkaz có nguy cơ trở thành một ổ dịch mới. Chính quyền thừa nhận số lượng nạn nhân thực sự của Covid-19 cao hơn nhiều so với số thống kê chính thức.
Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moskva :
"Về mặt chính thức, chỉ có 29 người chết vì virus corona ở Dagestan từ đầu mùa dịch đến nay. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua, bộ Y tế đã thừa nhận là số liệu được đưa ra thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Tại nước cộng hòa nhỏ bé của Liên bang Nga, ở khu vực Kavkaz, thực ra phải có đến hàng trăm người chết vì Covid-19. Tuy nhiên, do không có đủ xét nghiệm cần thiết, mà các trường hợp tử vong nói trên không được chính thức coi là có liên hệ với bệnh Covid-19.
Thủ lĩnh Hồi Giáo của nước Cộng hòa Dagestan, trong một cuộc nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nói đến ‘‘thảm họa’’ đang diễn ra. Bản thân nhân vật này cũng bị nhiễm virus corona mới. Hôm qua, tổng thống Nga đã yêu cầu tăng cường khả năng xét nghiệm tại Dagestan. Quân đội cũng có thể sẽ tham gia, với việc triển khai một bệnh viện dã chiến.
Việc thiếu phương tiện xét nghiệm không phải là vấn đề duy nhất đối với Dagestan, trong cuộc chiến chống dịch. Nhiều giới chức chính quyền Nga thừa nhận là nước cộng hòa vùng Kavkaz này thiếu cả thuốc men và các phương tiện bảo hộ y tế. Theo hãng thông tấn Interfax, chính quyền địa phương cũng yêu cầu thêm lực lượng cảnh sát, để bảo đảm rằng các biện pháp phong tỏa tại khu vực này được tuân thủ tốt hơn".
Nga hiện là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số người nhiễm virus corona mới, với 299.941 ca. Theo chính quyền, số người qua đời vì Covid-19 là 2.837. Tuy nhiên, nhiều người phản đối con số thống kê nói trên, khi cho rằng có rất nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona qua đời mà không được tính vào số người chết vì Covid-19. Về phần mình, chính quyền khẳng định chỉ đưa vào danh sách những trường hợp tử vong, do nguyên nhân chính là bệnh Covid-19.
Trọng Thành
Giải mã chiến lược cơ hội của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Đại dịch đã không làm suy giảm các hoạt động địa chính trị - trên thực tế, dịch bệnh dường như còn làm gia tăng những căng thẳng vốn có. Việc hiểu rõ liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách đối ngoại hay không, và nếu có thì như thế nào, đóng vai trò trọng yếu trong việc đánh giá những diễn biến trong khu vực ngoại vi của Trung Quốc và những dự định tiếp theo của Bắc Kinh.
Mặc dù luận điệu gay gắt và những lời buộc tội lẫn nhau của Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện đang tràn ngập các tít báo, nhưng những gì đang diễn ra trên khắp khu vực ngoại vi phía Đông và phía Nam Trung Quốc trong vài tuần qua cũng không kém phần quan trọng. Vào thời điểm Đảng cộng sản Trung Quốc ca ngợi sự hào phóng trong cách tiếp cận của nước này đối với Covid-19, số lượng sự cố giữa Trung Quốc và các nước láng giềng lại đang có sự gia tăng đáng chú ý. Bắc Kinh đã sử dụng các lực lượng hải quân và bán quân sự cũng như các chiến dịch thông tin ngày càng tinh vi nhằm gia tăng căng thẳng, thăm dò phản ứng và đánh giá xem họ có thể "được nước lấn tới" đến mức nào.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc. Phải chăng Bắc Kinh đã thực sự đi theo cách tiếp cận hợp tác mới với các nước láng giềng ? Họ có đang tìm cách lợi dụng sự hỗn loạn thời Covid-19 để khẳng định các lợi ích của mình một cách mạnh mẽ hơn hay không ? Hay đây đơn giản chỉ là một sự mở rộng - dù mang tính cơ hội - của chiến lược vốn có từ trước đại dịch của Trung Quốc ?
Đại dịch Covid-19 đã không làm suy giảm các hoạt động địa chính trị - trên thực tế, dịch bệnh dường như còn làm gia tăng những căng thẳng vốn có. Việc hiểu rõ liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách đối ngoại hay không, và nếu có thì như thế nào, đóng vai trò trọng yếu trong việc đánh giá những diễn biến trong khu vực ngoại vi của Trung Quốc và những dự định tiếp theo của Bắc Kinh. Mỹ và các đồng minh cần trả lời những câu hỏi này nhằm chuẩn bị một phản ứng phù hợp. Điều này đến lượt nó lại đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ những hành động của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng và suy nghĩ kỹ về những điều thực sự có thể báo hiệu sự thay đổi đáng kể hướng tới một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu hơn.
Những động thái mới nhất của Trung Quốc
Các tàu và máy bay của Trung Quốc đã có mặt trong một loạt sự cố gần đây trên khắp vùng biển lân cận nước này. Mặc dù không có thương vong, nhưng những sự cố này chắc chắn đã đe dọa tới tính mạng con người. Xét tới việc những sự cố này có liên quan tới hai đối thủ chính của Trung Quốc trong khu vực là Nhật Bản và Việt Nam, cùng với đó là Đài Loan, cần xem xét tới khả năng Bắc Kinh coi đại dịch Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy lợi thế trong giai đoạn các hoạt động địa chính trị bị xao nhãng.
Vào giữa tháng 3/2020, một phi đội máy bay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan - đường phân giới không chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc - trong một cuộc tập trận, nhằm mục đích đe dọa Đài Loan thông qua việc phô diễn năng lực của Trung Quốc trong việc tiến hành các hoạt động ban đêm, đồng thời thăm dò khả năng phản ứng của Đài Loan. Mặc dù các tàu và máy bay của PLA vẫn hoạt động trong khu vực sát Đài Loan trong nhiều năm, nhưng tần suất và sự quyết đoán của các hoạt động này đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây : Sự cố mới nhất này là lần thứ tư trong vòng 2 tháng, máy bay của PLA buộc Không quân Đài Loan phải cất cánh khẩn cấp và tiến hành ngăn chặn. Xét tới việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sắp nhậm chức nhiệm kỳ hai, cùng với đó là việc sự ủng hộ đối với nguyên tắc "Một nước, hai chế độ" của Bắc Kinh đang suy giảm ở Đài Loan, những hành động này thậm chí có khả năng sẽ trở nên phổ biến và quyết liệt hơn.
Cuối tháng 3/2020, một tàu cá Trung Quốc đã va chạm với tàu khu trục của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Vụ va chạm đã khiến tàu khu trục bị thủng, nhưng tàu này đã có thể tự di chuyển và thủy thủ đoàn cũng không bị thương vong. Bắc Kinh tuyên bố rằng một ngư dân Trung Quốc đã bị thương và đổ lỗi cho tàu Nhật Bản trong sự cố này, kêu gọi Nhật Bản hợp tác ngăn chặn những sự cố trong tương lai. Không ai rõ liệu tàu Trung Quốc có thuộc lực lượng dân quân biển của nước này hay không. Đây là một lực lượng được Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là "lực lượng dự bị dân thường có vũ trang sẵn sàng được huy động" và "đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ép buộc nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu".
Gần đây, tại Biển Đông cũng xảy ra một vài sự cố có liên quan tới các tàu Trung Quốc. Vào đầu tháng 3/2020, một tàu cá Việt Nam neo đậu gần một đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa - vốn được cả Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền - đã bị một tàu Trung Quốc truy đuổi và phun vòi rồng, khiến tàu cá bị chìm do va phải đá. Thủy thủ đoàn đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu. Hà Nội tuyên bố rằng tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm phải. Đầu tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với vụ việc và kêu gọi Trung Quốc "duy trì tập trung ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm chiến đấu chống đại dịch toàn cầu và ngừng lợi dụng sự mất tập trung hoặc sự dễ tổn thương của các nước khác để mở rộng các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của mình ở Biển Đông". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, "Bắc Kinh cũng đã công bố việc thành lập các ‘trạm nghiên cứu’ mới tại các căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập và đá Subi, và đã cho máy bay quân sự đặc biệt hạ cánh trên đá Chữ Thập". Gần đây nhất, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) - một trong số những tàu đã quấy rối một tàu thương mại của Philippines vào tháng 9/2019 - được nhìn thấy đã tuần tra gần bãi cạn Scarborough, đại diện cho nhiều tàu khác của CCG đã và đang tuần tra ở hầu hết các khu vực bị tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.
Những sự cố này phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ? Đó có phải là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bị phân tâm do Covid-19 và cuộc suy thoái kinh tế lịch sử phát sinh từ đó, và các chỉ huy hiếu chiến ở địa phương đang tự mình thách thức các giới hạn hay không ? Hay đây chỉ là kết quả của việc Trung Quốc đưa vào sử dụng nhiều tàu và máy bay hơn, dẫn tới sự gia tăng có thể đoán trước về số lượng các sự cố và hoạt động ? Mặc dù những lời giải thích này đều hợp lý, nhưng trên thực tế, yếu tố thúc đẩy các hành động của Trung Quốc nhiều khả năng là tính liên tục.
Những sự cố này không phải là chưa từng xảy ra, và khả năng là chúng không cho thấy một chiến lược mới của Trung Quốc sau đại dịch. Trái lại, những sự cố này nhất quán với cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ngay từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cách tiếp cận này đã thể hiện sự linh hoạt, tính quyết đoán và một mong muốn duy nhất là lợi dụng sự suy yếu và phân tâm của các nước bên ngoài để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc.
Hơn một thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn nhận môi trường an ninh bên ngoài của họ nhìn chung là thuận lợi, mở ra "cơ hội chiến lược hiếm có" mà nhờ đó Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu cốt yếu là phục hưng dân tộc thông qua sự phát triển kinh tế và xã hội, hiện đại hóa quân sự và mở rộng sức ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Bắc Kinh đã nhận thấy cơ hội mở rộng sức mạnh địa chính trị của mình so với Mỹ, tuy nhiên lại không tìm cách gây xung đột rõ ràng với Mỹ hay các đồng minh của nước này.
Kết quả là Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sử dụng các chiến thuật "vùng xám", tìm cách từng bước thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc thông qua sự mơ hồ và các chiến thuật được thiết kế sao cho không kích động các biện pháp trả đũa quân sự. Những hoạt động này cũng là hành vi thăm dò, nhằm tìm hiểu xem Trung Quốc có thể đi bao xa mà không phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng cách tiếp cận này nhằm gia tăng sức ép đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông, đối đầu với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Trong suốt thời gian này, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với hoạt động địa chính trị khu vực đã thích ứng với các điều kiện cụ thể, linh hoạt trước các xu hướng chiến lược rộng lớn hơn và tận dụng cơ hội khi nhận thấy điểm yếu hay sự xao nhãng của các đối thủ. Những hành động của Trung Quốc không phải là canh bạc liều lĩnh như người ta tưởng ban đầu. Trái lại, đó là những sự thăm dò đã được dự tính trước nhằm tìm cách xác định điểm yếu và cơ hội. Trung Quốc điều chỉnh sức ép một cách thận trọng sao cho phù hợp với một tình huống nhất định nhưng không nhất thiết đi quá xa.
Cách tiếp cận này phản ánh một câu châm ngôn : "Hãy lấy lưỡi lê mà thăm dò : Nếu gặp thép, hãy dừng lại. Nếu gặp bùn nhão, hãy nhấn sâu hơn". Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh đã tiếp tục nhấn sâu hơn khi nhận thấy rằng những hành động của họ không có khả năng gây ra phản ứng đáng kể. Tuy nhiên, khi sự quyết đoán của Trung Quốc gặp phải sự chống đối kiên quyết, Bắc Kinh lại không phản ứng bằng cách leo thang như người ta dự đoán.
Bắc Kinh đã thể hiện sự linh hoạt khi phải đối mặt với sự phản đối kiên quyết. Có thể kể đến những ví dụ như phản ứng của Nhật Bản trước việc Trung Quốc triển khai vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông vào năm 2013 và việc cựu Tổng thống Obama được cho là đã vạch ra "giới hạn đỏ" đối với Tập Cận Bình về bãi cạn Scarborough vào tháng 3/2016. Hơn nữa, phản ứng của Ấn Độ trước các hoạt động của Trung Quốc ở cao nguyên Doklam đã không dẫn tới chiến tranh.
Những hành động gần đây của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy sự tiếp nối của cách tiếp cận linh hoạt và mang tính cơ hội này. Trong bối cảnh Mỹ do dự trong phản ứng trong nước và không thể dẫn dắt một phản ứng quốc tế thống nhất, còn Đông Nam Á đang khốn đốn vì dịch Covid-19, thì Bắc Kinh chắc chắn có không gian để thúc đẩy lợi thế và tìm kiếm cơ hội khẳng định các lợi ích của mình. Hơn nữa, những mối quan ngại ngày càng gia tăng rằng quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới sự sẵn sàng của nhiều tài sản hải quân có khả năng sẽ khẳng định những nhận thức của Bắc Kinh rằng tình hình đang có lợi cho việc thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội. Quả thật, phiên bản tiếng Anh của trang mạng chính thức của PLA đã cho đăng một bài bình luận tuyên bố rằng "sự bùng phát của Covid-19 đã làm suy giảm đáng kể năng lực triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương". Ngoài ra, một bài viết khác cũng tuyên bố rằng không có quân nhân Trung Quốc nào mắc Covid-19 và đại dịch đã "thay vào đó cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc".
Những hành động sau đại dịch của Trung Quốc cho thấy rõ Bắc Kinh đang tìm cách chứng tỏ với thế giới rằng PLA không hề bị Covid-19 tác động (mà trên thực tế rất có thể là không phải như vậy). Thông điệp đó là nhằm nhấn mạnh rằng đây không phải là lúc tìm cách lợi dụng sự tập trung của Trung Quốc vào việc ngăn chặn dịch bệnh, khôi phục nền kinh tế và duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Đồng thời, Bắc Kinh có khả năng sẽ lợi dụng những sự cố này để thăm dò các đối thủ nhằm tìm ra dấu hiệu cho thấy sự yếu kém và mất tập trung, tìm kiếm cơ hội thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù đại dịch có thể là nguyên nhân gây ra hành vi này, nhưng đó không phải là một chiến lược mới. Trái lại, đó là sự phản ánh chủ nghĩa cơ hội và sự quyết đoán, vốn là dấu hiệu đặc trưng cách tiếp cận của Trung Quốc trước đại dịch. Trong tương lai, Mỹ và các bên tham gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần lường trước rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục những hành vi mang tính cơ hội của mình.
Các dấu hiệu leo thang cần lưu ý
Việc cho rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần là đang theo đuổi chiến lược cơ hội lâu dài ở các khu vực ngoại vi không có nghĩa là khó có khả năng leo thang. Tuỳ thuộc vào cách Bắc Kinh đánh giá mức độ yếu kém của các quốc gia trong khu vực và sự xao lãng của Washington, Trung Quốc có thể xác định rằng giờ chính là lúc phải thúc đẩy các tham vọng của họ trong khu vực tới giới hạn xa nhất có thể.
Các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách nên tìm kiếm một loạt dấu hiệu đáng lưu ý để xác định liệu chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, có bước sang một giai đoạn mới và leo thang hơn hay không.
Nỗ lực mang tính quyết định nhằm thay đổi nguyên trạng
Điều quan trọng nhất mà Trung Quốc có thể làm để lợi dụng tình hình hỗn loạn do dịch Covid-19 gây ra rõ ràng sẽ là thực hiện các hành động mang tính quyết định nhằm cố gắng đẩy các bên tuyên bố chủ quyền khác ra khỏi các cấu trúc địa hình trên biển mà nước này nắm quyền kiểm soát trên thực tế về mặt quân sự hoặc hành chính. Một hành động như vậy không nhất thiết phải là một nỗ lực mới của Trung Quốc, mà có thể chỉ là mở rộng nỗ lực hiện thời một cách hợp lý. Ví dụ, đảo Thị Tứ là một cấu trúc địa hình do Philippines kiểm soát nhưng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã không ngừng tuần tra quanh đảo này suốt 16 tháng qua. Đây là ví dụ điển hình cho một nỗ lực toàn diện của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự di chuyển và hoạt động tiếp tế của Philippines tại đây, với mục tiêu khiến Philippines không thể bảo vệ được lập trường của mình đối với đảo này. Quả thực, lý do duy nhất khiến Bắc Kinh chưa thực hiện động thái như vậy là vì định hướng chiến lược của Philippines vốn đã ngả sang Trung Quốc được một thời gian, và Trung Quốc đơn giản là không muốn cản trở điều đó. Một động thái leo thang khác mà Trung Quốc có thể cân nhắc là mở rộng các đường biên giới trên biển bằng cách vạch ra các đường cơ sở liền mạch bao quanh quần đảo Trường Sa, từ đó khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển thậm chí còn rộng hơn nhiều trên Biển Đông. Một động thái như vậy sẽ đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng với các nước tuyên bố chủ quyền bị ảnh hưởng, có lẽ đáng chú ý nhất là Việt Nam.
Các hoạt động quân sự hóa mới
Kể từ khi Trung Quốc tiến hành nỗ lực xây dựng đảo trên quy mô lớn vào năm 2014, nước này đã liên tục bổ sung cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự cho các cấu trúc địa hình mở rộng mà họ đã xây dựng ở Biển Đông, trong đó bao gồm các đường băng, nhà chứa máy bay và các cảng mới để phục vụ cho các loại máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm tối tân, cùng các mạng lưới radar – dù Tập Cận Bình đã công khai cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Mặc dù các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đã được tiến hành, nhưng bất kỳ tài sản quân sự tấn công nào mới được bổ sung tại các cấu trúc địa hình do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông cũng sẽ là một dấu hiệu leo thang khác đáng chú ý. Các khả năng này bao gồm việc giới thiệu các các năng lực tác chiến đổ bộ, các tàu hải quân hoặc tàu cảnh sát biển của Trung Quốc neo đậu tại các cấu trúc địa hình mới được quân sự hóa, và ra mắt các hệ thống chiến đấu siêu thanh hoặc chống ngầm mới, mà mỗi trường hợp trong số đó đều tăng cường khả năng triển khai quân sự của Trung Quốc và đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát hiệu quả khu vực Biển Đông.
Tăng cường các biện pháp truyền thông
Một dấu hiệu khác cần lưu ý là đường lối công khai và quyết liệt hơn trong cả các tuyên bố chính thức lẫn từ các cơ quan truyền thông nhà nước về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực này, Biển Đông nói chung và các cấu trúc địa hình nói riêng. Hình thức tuyên truyền này là biện pháp hữu ích nhằm đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trong nước có liên quan đến dịch Covid-19, đồng thời làm suy yếu ý chí chính trị của các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mặc dù không cần thiết, nhưng Trung Quốc đã thực hiện các động thái lớn ở Biển Đông một cách gần như hoàn toàn lặng lẽ, do đó việc thay đổi cách thức tuyên truyền chính thức, dù không nhất thiết phải có, sẽ là một dấu hiệu hàng đầu hữu ích cho thấy giai đoạn mới của chủ nghĩa cơ hội của nước này.
Chủ nghĩa cơ hội theo chiều ngang
Mặc dù các dấu hiệu cần chú ý nêu trên hầu như chỉ nhắc tới các hành động quyết liệt chống lại những nước phản đối các tuyên bố mở rộng của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng có thể lợi dụng thời cơ này để củng cố và mở rộng những lợi ích thu được từ các nước thân thiện trong khu vực. Ứng viên rõ ràng nhất ở đây là Campuchia, với mối quan hệ ngày càng sâu sắc và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Bắc Kinh. Dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần khẳng định rằng việc cho phép các lực lượng nước ngoài vào đất nước là vi phạm hiến pháp, nhưng ông có thể khôn khéo thay đổi cách diễn giải hiến pháp theo nhiều cách khác nhau. Bất chấp các quan ngại về bệnh dịch, Trung Quốc và Campuchia vừa hoàn thành cuộc tập trận chung kéo dài 2 tuần, và việc mở rộng các căn cứ tiền quân sự của Bắc Kinh tại Campuchia sẽ là cách thức thẳng thừng nhất để nâng cao vị thế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Một động thái không bao hàm tuyên bố lãnh thổ của bất kỳ nước nào khác, sẽ là thách thức mà Mỹ và các nước khác khó đối phó, và sẽ có tác động chiến lược đáng kể đến Biển Đông theo một số cách khác nhau.
Sự có qua có lại liên quan đến Biển Đông
Có lẽ hành động nguy hiểm và dễ được thực hiện nhất của Trung Quốc sẽ là liên kết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với viện trợ y tế và kinh tế cho các nước đang phải đối phó với dịch Covid-19. Trung Quốc cho đến nay không hề ngần ngại liên kết các khoản viện trợ để đối phó với dịch bệnh và các dự án trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của nước này, và sẽ không mất quá nhiều thời gian để các nước nâng những liên kết này lên cấp độ "cùng sản xuất" liên quan đến việc đặt cọc năng lượng hoặc nhượng bộ quyền tiếp cận một số cấu trúc địa hình ở Biển Đông cho Trung Quốc. Philippines một lần nữa sẽ là mục tiêu tiềm năng cho những nỗ lực như vậy, dù các lô thăm dò dầu khí hiện do Việt Nam và các nước khác sở hữu cũng sẽ là một trọng tâm tiềm năng. Theo thời gian, hình thức liên kết này chỉ ngày càng phát triển. Vì Mỹ và các nền kinh tế Châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, Mỹ có thể dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ nhận ra và tìm cách khai thác một cánh cửa cơ hội đang rộng mở.
Nói tóm lại, chiến lược đầy tính cơ hội của Trung Quốc có nhiều cách để triển khai trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19, và việc cẩn thận lưu ý đến những dấu hiệu nêu trên có thể giúp dự đoán giai đoạn leo thang tiếp theo.
Cách thức đối phó với chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc
Sự quyết đoán của Trung Quốc sẽ không biến mất. Quả thực, xét tới những căng thẳng đang diễn ra ở eo biển Đài Loan và số tài sản ngày càng gia tăng của lực lượng quân đội, cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, sẽ càng có khả năng xảy ra các sự cố trong tương lai theo thời gian. Tuy nhiên, khi những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn, Mỹ sẽ càng cần phải thể hiện khả năng thiết lập một nghị trình quốc tế và dẫn dắt các nước còn lại trong khu vực phối hợp đối phó với sự quyết đoán và chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc. Nói cách khác, nếu Trung Quốc định tiến lên, thì Mỹ phải đảm bảo rằng họ sẽ đụng phải lá chắn thép.
Trước hết, Mỹ cần làm rõ ràng họ sẽ không tha thứ cho bất kỳ nước nào đang cố gắng lợi dụng đại dịch hiện nay để thay đổi nguyên trạng. Washington cần đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng thế giới cần phải ổn định nếu muốn giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hiện nay, và các đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới phải nhắc lại thông điệp này. Tuy vậy, ở Châu Á, lời nói cần phải đi đôi với hành động. Bất kỳ thông điệp nào cũng cần phải được hậu thuẫn bằng những nỗ lực thể hiện ý chí và khả năng chống lại chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc thông qua việc tiếp tục nhịp độ hoạt động đều đặn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành các hoạt động đa phương phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực chẳng hạn như kết hợp các cuộc tuần tra trên biển và trên không, nhưng không được phép khiến binh lính gặp phải rủi ro.
Một câu hỏi then chốt là các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông – đặc biệt là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia – phản ứng ra sao trước chủ nghĩa cơ hội này. Đây có thể là một cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ với các nước này và giúp họ có đủ khả năng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Điều này sẽ đòi hỏi Mỹ phải cung cấp cho các nước tuyên bố chủ quyền các năng lực, cơ sở hạ tầng và huấn luyện cần thiết để giám sát các vùng biển của họ, đồng thời cản trở nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các lợi ích của mình mà không gây nguy cơ leo thang. Về mặt ngoại giao, Washington có thể hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc cố gắng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mạnh mẽ và có hiệu lực pháp lý, dựa trên nền tảng là luật pháp và các chuẩn mực quốc tế vốn có sao cho phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay năm 2016 về Biển Đông.
Về mặt kinh tế, Mỹ có cơ hội giúp đỡ Đài Loan và các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách theo đuổi các thoả thuận mở rộng thương mại, đầu tư song phương và đa phương. Một khía cạnh của chiến lược này có thể bao gồm việc mô phỏng một sáng kiến của Nhật Bản, nước mới đây đã tuyên bố kế hoạch phân bổ 2 tỷ USD nhằm khích lệ các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Xét tới xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan và Đông Nam Á vốn đã bắt đầu từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nỗ lực này có thể hỗ trợ các lực lượng thị trường cố hữu.
Cuối cùng, điều quan trọng là Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của nước này phải hiểu rằng Trung Quốc không hề thay đổi cách tiếp cận của mình. Chủ nghĩa cơ hội và sự quyết đoán được thể hiện trong nhiều tháng qua trên thực tế đã tồn tại trong nhiều năm. Tuy vậy, Washington sẽ tự lừa dối chính mình nếu tin rằng Trung Quốc sẽ không lợi dụng tình hình hiện tại. Ngay cả khi phải đối mặt với những tổn thất to lớn do dịch bệnh mới, Mỹ cũng không thể hành động như thể địa chính trị và sự cạnh tranh đã tạm dừng. Có chăng, sự cạnh tranh trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở nên mạnh mẽ hơn, và Mỹ cần đi đầu trong việc đối phó với xu hướng này.
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 19/05/2020
Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson. Charles Edel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney. Siddharth Mohandas, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới. Bài viết được đăng trên tạp chí War on the Rocks
Vì sao có phong trào ‘người nghèo xin không nhận’
Trân Văn, VOA, 19/05/2020
Cuối cùng, thực tế đang chứng minh, dự đoán của công chúng : Gói hỗ trợ những cá nhân cũng như các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, trị giá 61.580 tỉ, sẽ tạo ra đủ loại scandal - hoàn toàn chính xác.
Hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng được 21/30 xã, thị trấn tirnhn Thanh Hóa nhận. Ảnh minh họa (VoV)
Những diễn biến liên quan đến gói hỗ trợ này buộc người ta phải tự hỏi : Đảng viên đang giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của tất cả các cấp tại Việt Nam có tim hay không ?
***
Đầu tháng tư vừa qua, chính phủ Việt Nam loan báo, ngoài hai gói hỗ trợ trị giá 280.000 tỉ đồng đểtháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ ‘kép’ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, họ sẽ chi thêm 61.580 tỉ để giúp các cá nhân và những cơ sở kinh doanh nhỏ đang lâm vào cảnh khốn cùng do Covid-19 gây ra. Tùy trường hợp mà những đối tượng này sẽ được trợ cấp một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng (1).
Lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam, nhấn mạnh lý do tại sao phải sử dụng 61.580 tỉ làm gói hỗ trợ thứ ba : Mấy tháng nay, nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (2).
Đáng chú ý là dù ý thức rất rõ : Nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi ! – song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn hết sức ung dung trong việc phát trợ cấp.
Chuyện chưa ngừng ở đó ! Gần ba tháng sau khi chính phủ Việt Nam loan báo về gói hỗ trợ thứ ba dành cho đối tượng nghèo khổ, đã cũng như đang hết sức chật vật vì tác động của Covid-19, từ thượng tuần tháng này, mạng xã hội rồi hệ thống truyền thông chính thức bắt đầu đề cập đến sự xuất hiện của một… phong trào : Người nghèo có… đơn xin không nhận… khoản tiền mà chính phủ hỗ trợ cho họ ! Dẫn đầu phong trào này là Thanh Hóa – một trong những tỉnh có nhiều người nghèo nhất Việt Nam (3) !
Tuy lúc đầu, phong trào người nghèo có… đơn xin không nhận… khoản tiền mà chính phủ hỗ trợ cho họ được tuyên truyền rộng rãi như một… nghĩa cử nhưng kiểu tuyên truyền đó không làm công chúng cảm kích. Số người bày tỏ sự phẫn nộ vì phong trào bất nhân này càng lúc càng đông : Vì sao lại đề cao việc người nghèo vốn đã hết sức cùng cực do tác động của Covid-19 từ chối phúc lợi nhằm tiếp sức cho họ vượt qua nghịch cảnh ?
Theo điều tra của một số cơ quan truyền thông chính thức, sở dĩ hàng chục ngàn gia đình nghèo có… đơn xin không nhận… khoản tiền mà chính phủ hỗ trợ cho họ là vì chính quyền địa phương chủ động soạn đơn và cử thuộc cấp vận động họ… ký kèm… khuyến cáo : Không ký có thể sẽ bị chính quyền địa phương loại ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Điều đó đồng nghĩa với việc con cái sẽ không được hỗ trợ học phí, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi (4)…
Vấn đề trầm trọng đến mức ông Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng, yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ, nếu phát hiện được sẽ xử lý nghiêm như gian lận (5).
Sau đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã của một số địa phương như chính quyền tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ. Chính quyền huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa mới gửi công văn hỏa tốc, tuyên bố "hủy một phần nội dung" công văn đã ban hành trước đó vì có thể khiến cấp dưới "hiểu nhầm", dẫn đến việc vận động dân chúng xin không nhận tiền hỗ trợ dành cho họ. Chính quyền xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia hủy toàn bộ đơn đã in sẵn (6)…
***
Vì sao chính quyền nhiều địa phương hết sức tích cực trong việc ép dân chúng ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ ? Vì sao ông Nguyễn Xuân Phúc xem điều đó giống nhưgian lận và dọa nếu phát hiện được sẽ xử lý nghiêm như gian lận ?
Câu trả lời nằm ở cách phân bổ tiền hỗ trợ và sử dụng ngân sách tại Việt Nam. Tiền hỗ trợ người nghèo vượt qua nghịch cảnh do Covid-19 gây ra dựa trên danh sách các cá nhân, gia đình thuộc diện được hỗ trợ… mà từng địa phương đã lập.
Vì đó là… "tiền tươi", nếu các gia đình nghèo từ chối, khoản hỗ trợ này sẽ được sung vào ngân sách địa phương. Tỉnh, huyện, xã có thể chia nhau để chi tiêu, kể cả thanh toán cho những khoản nợ do "nhậu thiếu, hát chịu", vốn càng ngày càng khó "cấu, véo" nên dễ "mất cân đối" như đã từng xảy ra ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (7) hoặc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (8) – chi phí đãi nhau và đãi cấp trên ăn nhậu, ca hát lên đến 50… tỉ đồng !
Không chỉ có thế, đợt dùng ngân sách hỗ trợ người nghèo lại bày ra thêm hàng loạt trường hợp ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng được công nhận thuộc danh sách cần được hưởng các phúc lợi dành cho gia đình nghèo hoặc cận nghèo (9) và vì nghèo hay cận nghèo luôn có… chỉ tiêu, định mức, thành ra nhiều cá nhân, gia đình thật sự nghèo hoặc cận nghèo, cần được tiếp sức không có gì cả. Vấn nạn này trở thành trầm kha vì khi đổ bể, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc kỷ luật cán bộ thôn, xã là… xong !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/05/2020
Chú thích
(1) https://www.thesaigontimes.vn/302244/cac-goi-ho-tro-giam-soc-cho-doanh-nghiep-trong-dich-benh.html
(7) https://nongnghiep.vn/quan-xa-tieu-hoang-no-chong-chat-len-den-hang-chuc-ty-d169327.html
(8) https://thanhnien.vn/thoi-su/co-quan-huyen-uy-ubnd-huyen-mac-no-50-ti-dong-1196093.html
(9) https://nld.com.vn/thoi-su/ho-can-ngheo-di-oto-o-nha-lau-20200516212155333.htm
**********************
Thanh Hóa kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo
RFA, 20/05/2020
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 20/5 vừa yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trước ngày 15-6.
Người dân tỉnh Thanh Hóa nhận hỗ trợ do dịch bệnh COVID-19 - Ảnh minh họa - Courtesy of thanhhoa.gov.vn
Theo tin từ truyền thông trong nước loan đi ông Phạm Đăng Quyền phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản truyền đạt ý của chủ tịch tỉnh về việc kiểm tra rà soát lại toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 đối với các địa phương nhằm chấn chỉnh những tồn tại và hạn chế làm ảnh hướng đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đặc biệt văn bản yêu cầu không để xảy ra tình trạng đưa các hộ không đảm bảo điều kiện theo quy định vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm trục lợi chính sách của Nhà nước. Đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với các hộ không thuộc đối tượng theo quy định, đồng thời làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu để xảy ra sai phạm.
Ngoài ra, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, xã phải chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương mình và báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trước ngày 29/5/2020 và báo cáo chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh chậm nhất trước ngày 15/6/2020.
Trước đó, tin cho hay trong quá trình chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng nhiều lãnh đạo xã có người thân lọt vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều gia đình có điều kiện đi ôtô, ở nhà lầu nhưng vẫn "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo.
Nguồn : RFA, 20/05/2020
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/5 cho biết sẽ tiến hành việc đánh giá độc lập cách thức cơ quan này xử lý đại dịch Covid-19 "vào thời điểm phù hợp nhất", một cách minh bạch và có trách nhiệm.
"Tất cả chúng ta đều phải rút ra các bài học từ đại dịch này. Mọi nước và mọi tổ chức phải xem xét lại cách ứng phó và học từ kinh nghiệm của bản thân. WHO cam kết minh bạch, có trách nhiệm và cải tiến liên tục", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp thường niên cấp bộ trưởng.
Ông Tedros cám ơn các quan chức cấp cao trước đó đã bày tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ đối với WHO vào thời điểm sống còn này".
Ông cũng nói thêm rằng việc đánh giá và xem xét phải bao gồm trách nhiệm và "thiện chí của mọi bên".
Tổng giám đốc WHO cho rằng "nguy cơ hiện vẫn còn cao và chúng ta vẫn còn một hành trình dài trước mắt".
Theo Reuters
*******************
EU kêu gọi điều tra độc lập việc WHO ứng phó đại dịch Covid-19 (VOA, 18/05/2020)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ cấp 2 tỷ đôla trong hai năm tới để giúp ứng phó với đại dịch Covid-19, hãng AP cho biết hôm 18/05.
EU kêu gọi điều tra độc lập việc WHO ứng phó đại dịch Covid-19
Ông Tập cho biết như trên trong phiên khai mạc hội nghị trực tuyến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo AP, tuyên bố của ông Tập đánh dấu sự tương phản rõ rệt với Hoa Kỳ : Chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố đình chỉ tài trợ cho WHO về việc xử lý sai trái trong việc ứng phó với dịch bệnh và tổ chức này ca ngợi cách ứng phó của Trung Quốc.
Ông Tập không nói rõ khoản tiền này của Trung Quốc sẽ cấp cho lĩnh vực nào, nhưng cho biết, Trung Quốc sẽ cấp 2 tỷ đôla trong hai năm để giúp ứng phó Covid-19.
Ông Tập cũng nói rằng việc phát triển vaccine và triển khai vaccine ở Trung Quốc sẽ được coi là một công cụ toàn cầu của cộng đồng và nói rằng Trung Quốc đã hỗ trợ đánh giá về phản ứng toàn cầu đối với dịch bệnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cũng hôm 18/05, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và các quốc gia khác ra một nghị quyết kêu gọi một đánh giá độc lập về ứng phó của WHO đối với đại dịch Covid-19 để "xem xét kinh nghiệm và rút ra bài học kinh nghiệm".
Nghị quyết có sự hỗ trợ của hơn một nửa các quốc gia thành viên WHO và sẽ được thảo luận trong tuần này.
Nghị quyết cũng khởi xướng một quá trình từng bước đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về các nỗ lực của WHO nhằm điều phối ứng phó quốc tế đối với Covid-19, bao gồm cả hoạt động của luật y tế quốc tế và các hành động của của chức này trong hệ thống y tế Liên Hiệp Quốc.
********************
Trung Quốc biện hộ cách ứng phó dịch Covid-19 (VOA, 18/05/2020)
Hôm 18/05, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đánh giá độc lập về cách ứng phó toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một khi dịch bệnh này được kiểm soát và ông biện hộ cách xử lý đại dịch của Bắc Kinh, theo Reuters.
Hôm 18/05/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biện hộ cách xử lý đại dịch của Bắc Kinh.
Trong một video gửi tới một cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Y tế Thế giới của WHO, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã cam kết 2 tỷ đôla trong hai năm tới để giúp ứng phó đại dịch.
Ông Tập nói đại dịch này là "một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II cho đến nay".
"Trong suốt thời gian qua chúng ta đã hành động với sự cởi mở, minh bạch và trách nhiệm", ông Tập nói thêm.
Ông nói : "Chúng ta đã khống chế được con virus".
Hội đồng Y tế Thế giới dự kiến sẽ thảo luận về một nghị quyết được đưa ra bởi Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhằm kêu gọi điều tra độc lập về tính hiệu quả của WHO. Một bản dự thảo nghị quyết mà Reuters nhìn được cho thấy có 116 trong số 194 quốc gia trong WHO ủng hộ nghị quyết này.
WHO và hầu hết các chuyên gia nói rằng con virus này được cho là đã xuất hiện ở một ngôi chợ bán thịt động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Trong tháng này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết có nhiều bằng chứng đáng kể rằng con virus này xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Dịch Covid-19 tác động trực tiếp và gián tiếp đến quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là tình hình ở Biển Đông. Sau một thời gian tạm ngừng, trao đổi thương mại giữa hai nước dần được nối lại. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn do Bắc Kinh lợi dụng việc thế giới bận chống dịch để gia tăng hành động quân sự, củng cố yêu sách chủ quyền và chèn ép các nước có tranh chấp trong khu vực.
Đảo Phú Lâm, nơi có miếu thần Hoàng Sa thời vua Minh Mạng, nay trở thành thủ phủ "thành phố Tam Sa". Ảnh vệ tinh của AMTI. © AMTI
Hà Nội đối phó như thế nào với chiến lược của Bắc Kinh ? Liệu đại dịch Covid-19 có trở thành cơ hội để Việt Nam thu hút thiện cảm của công luận quốc tế, đặc biệt là trước sự chèn ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), Pháp.
*****
RFI : Khi dịch Covid-19 xuất phát tại Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp triệt để, trong khi nhiều nước vẫn do dự và tiếp tục cho công dân Trung Quốc nhập cảnh. Tương tự, ngay khi dịch có dấu hiệu tạm lắng, Việt Nam lại khẩn trương mở cửa biên giới, nối lại trao đổi thương mại với Trung Quốc. Phải hiểu quyết tâm này như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp của Việt Nam rất đáng chú ý, chỉ có hơn 300 trường hợp nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào. Kết quả này biến Việt Nam thành một quốc gia rất đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Và kết quả này gắn chặt với tinh thần cảnh giác, mau lẹ trong chiến lược chống dịch từ rất sớm của chính quyền.
Từ sự cảnh giác này, chính quyền Việt Nam đã đưa ra ba loạt biện pháp chính, trong đó có các biện pháp đóng cửa, như đóng cửa trường học, tạm ngừng các chuyến bay giữa hai nước và đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Dĩ nhiên, quyết định này tác động nặng đến kinh tế, nhưng chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định này.
Bắc Kinh từng xem những nước hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc là "thiếu thân thiện". Nhưng sau đó, quan điểm của họ dần thay đổi vì ngày càng có nhiều ca nhiễm virus corona chủng mới ngoài lãnh thổ Trung Quốc nên cần phải hạn chế tình trạng lây nhiễm giữa các cá nhân. Vì thế đến lượt Trung Quốc cấm nhập cảnh đối với công dân các nước bị dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam, sau đó là Ý và nhiều nước Châu Âu khác.
Vì vậy, xét về mặt nào đó, những biện pháp được Việt Nam đưa ra không hẳn bị Bắc Kinh coi là tiêu cực mà nên hiểu ở đây là tùy vào tiến triển nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, các nước phải chặn trước di chuyển của người dân từ nước này sang nước khác. Và tôi cho rằng đây là một yếu tố đặc biệt góp phần vào việc giữ gìn quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu nhìn vào cán cân thương mại song phương, Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. Việt Nam có lợi về mặt kinh tế vì giao thương với Trung Quốc được nối lại, không bị ngắt quãng quá lâu, do trao đổi thương mại với Trung Quốc góp phần quan trọng vào GDP của Việt Nam. Như vậy, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi khi biên giới giữa hai nước được mở cửa trở lại và trao đổi thương mại phát triển trong bối cảnh dịch bệnh đã ổn định và dĩ nhiên cả hai nước chẳng có lợi gì khi phải đóng cửa biên giới quá lâu.
RFI : Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có lợi sau đại dịch Covid-19 vì một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam. Bắc Kinh nhìn nhận khả năng này như thế nào ? Liệu giữa hai nước có xuất hiện cạnh tranh nào đó không ?
Laurent Gédéon : Đúng là giả thuyết một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam được nhắc đến, nhưng thiên về khía cạnh chính trị, do muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp để tránh quá phụ thuộc vào một nước nào đó, cụ thể là Trung Quốc. Giả thuyết này cũng từng được nêu nhưng về khía cạnh kinh tế, không liên quan gì đến Covid-19, vì sản xuất tại Trung Quốc không còn lợi như trước do chi phí sản xuất cao hơn.
Nhưng theo tôi, phải nêu rõ là việc di dời doanh nghiệp sẽ cần đến sự hội tụ về lợi ích, giữa lợi ích chính trị của một nước với lợi ích riêng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích của khối tư nhân chưa hẳn đã giống với lợi ích của chính phủ nước họ. Tương tự, không phải những lợi ích về địa chính trị được Nhà nước ưu tiên lại phù hợp với lợi ích về kinh tế của doanh nghiệp.
Người ta vẫn thường xuyên nhắc đến sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhưng đây chưa chắc là vấn đề đối với một doanh nghiệp vì họ thấy lợi ích tài chính khi đầu tư vào Trung Quốc. Cho nên, tôi nghĩ rằng những rủi ro về dịch tễ hoặc an ninh phải kéo dài thì mới có thể đẩy các doanh nghiệp rời Trung Quốc.
Ngoài ra, việc di chuyển một dây chuyền sản xuất không thể tiến hành trong vài ngày hay vài tuần. Quá trình này cần đến việc hoạt động sản xuất phải được phát triển dần dần ở nước tiếp nhận mới và hoạt động sản xuất giảm dần ở nước cũ. Nếu không làm được điều này, sản xuất có nguy cơ bị ngưng trệ đột ngột. Để chiến lược này có khả năng thực hiện được đối với một doanh nghiệp, thì cần phải có một quy chế tài chính và quy định rất hấp dẫn, cũng như điều kiện cuộc khủng hoảng dịch tễ phải đủ kéo dài để đáng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.
Có một điểm lưu ý khác mà tôi cũng cho là quan trọng, đó là dịch Covid-19 không chỉ tác động đến mỗi Trung Quốc, mà cả thế giới đang phải hứng chịu, kể cả các nước phương Tây. Nếu nhìn theo quan điểm của một doanh nghiệp, rủi ro tại Trung Quốc không hẳn đã cao hơn so với những nước khác.
Chúng ta cũng nhận thấy là tình hình giữa các nước muốn "hồi hương" hoạt động sản xuất cũng không giống nhau và các nước tìm cách đưa các doanh nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc là để phục vụ lợi ích quốc gia. Nhật Bản là một trường hợp điển hình. Trong khuôn khổ "Kế hoạch Tái thiết", Tokyo dành khoản ngân sách 2 tỉ euro cho các doanh nghiệp Nhật muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc về nước. Dĩ nhiên Bắc Kinh không hài lòng về thông báo của Tokyo.
Việt Nam nằm trong trường hợp thứ hai. Khác với trường hợp Tokyo muốn "hồi hương" doanh nghiệp Nhật, Hà Nội tìm cách thu hút công ty nước ngoài. Và quá trình này sẽ phức tạp hơn cho Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất, theo quan điểm của các doanh nghiệp phương Tây, thì về mặt địa lý, Việt Nam cũng xa như Trung Quốc. Như vậy, đây không hẳn là một lợi thế về địa-chính trị liên quan đến khoảng cách quá lớn giữa nhà cung cấp và khách hàng. Ví dụ, Pháp thường xuyên nêu vấn đề di dời các doanh nghiệp Pháp từ Trung Quốc về nước, thế nhưng, khu vực Bắc Phi lại thường được nhắc đến với ưu điểm là gần với Châu Âu.
Lý do thứ hai mang tính địa chính trị đối với Việt Nam và liên quan đến tình hình Biển Đông. Các nhà đầu tư có thể do dự vì chỉ cần Biển Đông bị cản trở thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gần như bị tê liệt hoàn toàn. Dĩ nhiên Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng nước này có thể thoát dễ hơn.
Tóm lại là chính sách có chủ ý, tranh thủ thời dịch Covid-19 để thu hút các doanh nghiệm từ Trung Quốc sang Việt Nam, khiến Bắc Kinh không hài lòng và chắc chắn trở thành một yếu tố mới, tăng thêm trọng lượng cho sự cạnh tranh tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có thể sẽ bị Bắc Kinh khai thác, trong giai đoạn căng thẳng, để cố làm mất uy tín chính sách của Hà Nội.
RFI : Phải hiểu như thế nào về những hoạt động cả về hành chính lẫn quân sự được Trung Quốc tiến hành với cường độ lớn ở Biển Đông ? Việt Nam có thể làm gì để đối phó, với tư cách là nước chủ tịch luân phiên ASEAN, cũng như với tư cách là một bên bị tác động vì các hành động của Trung Quốc ?
Laurent Gédéon : Chúng ta thấy nhiều yếu tố gây hấn khác nhau, có chủ ý từ phía Trung Quốc, ở Biển Đông. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ là Trung Quốc đã lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để thử một kiểu "đảo chính ngoại giao" ở Biển Đông và củng cố lập trường của họ.
Ngoài ra, người ta cũng có thể hoàn toàn nhận thấy là hình ảnh một đất nước Trung Hoa bị suy yếu vì đại dịch và phải tạm rút khỏi chính trường quốc tế đã bị truyền tải trong suốt nhiều tuần. Vì vậy, việc cử tầu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông cũng nhằm mục đích điều chỉnh lại hình ảnh này và để nhắc nhở rằng Trung Quốc là một cường quốc chủ động và vẫn đáng tin cậy cho các tác nhân khác, trong đó có các nước trong vùng, kể cả Việt Nam.
Dĩ nhiên Việt Nam có thể thử với chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhưng nội bộ khối này lại có rất nhiều bất đồng và một số nước thành viên lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc (như Lào và Thái Lan) và trở thành những đồng minh rất hữu hiệu cho Bắc Kinh. Vì thế, đối với Hà Nội, rất khó trực tiếp vận động được toàn khối ASEAN chống Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà Việt Nam có thể làm được, đó là tranh thủ chức chủ tịch ASEAN để tăng cường nỗ lực đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đó là một dự án mà có thể tập trung được một số đồng thuận nhất định trong số các nước thành viên ASEAN. Đây là một kiểu đối đầu gián tiếp và tôi cho rằng đó là đòn bẩy hành động đúng đắn nhất.
RFI : Việt Nam cũng tiến hành "ngoại giao khẩu trang", trái ngược với chiến dịch tương tự của Trung Quốc bị xem là "kiêu ngạo", theo kiểu "cứu tinh". Liệu Hà Nội có thể trông đợi vào chiến lược này để nhận được ủng hộ của quốc tế về vấn đề Biển Đông không ?
Laurent Gédéon : Đúng là cuộc chiến chống Covid-19 của Hà Nội đã tạo nên một hình ảnh rất tích cực về Việt Nam và được truyền tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thế giới. Chính sách ngoại giao khẩu trang của Hà Nội cũng góp phần củng cố sự đánh giá tích cực về Việt Nam. Điều này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, mà tôi xin nhắc lại là liên quan đến việc ký kết thỏa thuận tự do trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, có rất nhiều thông cáo được công bố trong tháng Giêng và tháng Hai 2020.
Chính vì vậy, việc thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng, ngày 07/04, đã trao tặng cho đại sứ năm nước Châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh Quốc, 550.000 chiếc khẩu trang được sản xuất tại Việt Nam cho thấy một hành động truyền thông mạnh mẽ và góp phần vào chiến lược "quyền lực mềm" của Việt Nam. Ngoài ra, Hà Nội cũng tặng khẩu trang cho các nước láng giềng.
Song song đó là chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh cố không phạm một sai lầm nào trong việc xử lý khủng hoảng và đề cao mô hình chống dịch của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng tỏ lòng hào hiệp , thể hiện khả năng huy động sản xuất công nghiệp giúp các quốc gia khác vượt qua đại dịch. Trung Quốc tìm cách phổ biến hình ảnh một quốc gia nhân từ, trong khi Trung Quốc bị cáo buộc che giấu quy mô ban đầu của dịch cũng như nguồn gốc của virus corona chủng mới.
Trong bối cảnh này, chính sách ngoại giao khẩu trang của Việt Nam không đủ mạnh, theo nghĩa truyền thông, để chống lại chiến lược tầm quốc tế của Trung Quốc. Nhưng Hà Nội có thể kỳ vọng vào công luận của các nước phương Tây, chú ý hơn đến tình hình Biển Đông vì chủ đề này được đề cập ngày càng nhiều trong chương trình thời sự. Cách Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng dịch tễ để khẳng định lập trường thông qua các hoạt động quân sự cũng làm xấu hình ảnh của nước này.
Ngoài ra, cần phải bổ sung thêm một ý nữa, đó là những hành động trên của Trung Quốc diễn ra vào lúc, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngày 23/03 đã kêu gọi đình chiến trên thế giới để tập trung chống dịch Covid-19. Dĩ nhiên, tình hình ở Biển Đông không phải là cuộc chiến trực diện, nhưng có thể coi đó là những hành động quân sự gây hấn và xảy ra trong bối cảnh cả thế giới tập trung sức lực chống đại dịch. Và điều này không tương thích với hình ảnh "trấn an" mà Trung Quốc cố thể hiện. Tôi nghĩ rằng đó là những yếu tố mà Việt Nam có thể tranh thủ trong cuộc chiến tái lập lập trường riêng ở Biển Đông và thu hút sự ủng hộ của công luận thế giới trong đối sách của Hà Nội.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 18/05/2020
Việt Nam kiểm soát Covid-19 thành công bằng cách thức "kiểm soát bất đồng chính kiến"
Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) có bài phân tích và lý giải cho tính hiệu quả trong việc phòng chống Covid-19 của Việt Nam, là do "các công cụ kiểm soát của Đảng cộng sản đã tạo ra vũ khí chống lại virus một cách hiệu quả".
Công an và bộ đội gỡ bỏ hàng rào chắn ở khu cách ly tại xã Đông Cửu, ngoại thành Hà Nội hôm 14/5/2020 / Reuters - Ảnh minh họa
Bài viết có tiêu đề "Việt Nam chống đại dịch thành công nhờ vào đàn áp", đăng tải hôm 12/5, mở đầu bằng câu chuyện của nhà tư vấn kinh tế người nước ngoài quay lại Việt Nam làm việc vào cuối tháng 3, ngay lập tức anh ta được cảnh sát địa phương nhắn tin hỏi thăm sức khỏe.
Tác giả bài viết, Bill Hayton và Trợ Lý Nghèo (bút danh của một tác giả Việt Nam) cho biết, "Việt Nam là một quốc gia không chỉ biết bạn sống ở đâu, mà còn biết bạn đi đến đâu, và biết số điện thoại di động của bạn là gì".
Thành công nhưng không thể sao chép
Bài viết chỉ ra sự thành công của Việt Nam trong việc chống lại Covid-19 dựa vào 3 yếu tố :
1) dân số tương đối trẻ ;
2) kiểm tra nghiêm ngặt kết hợp với nhập viện sớm cho những người bị phát hiện nhiễm bệnh ;
3) nỗ lực truy tìm dấu vết và cách ly.
Nhóm tác giả nói rằng Việt Nam làm được điều này là vì "có đội quân tai mắt là cán bộ dân phố và các nhân viên an ninh luôn theo dõi liên tục các khu phố. Và khi được yêu cầu, những người này có thể được tăng cường trợ giúp bởi lực lượng dân quân tự vệ với khả năng phong tỏa toàn bộ các quận".
"Các cấu trúc kiểm soát dịch bệnh như là cấu trúc kiểm soát bất đồng chính kiến", bài viết nhận định về cơ chế kiểm soát Covid-19 ở Việt Nam.
Vì vậy, theo nhóm tác giả, cơ chế kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam dù rất hiệu quả nhưng không thể bắt chước được, vì chúng là cơ chế được tạo ra để bảo vệ cho sự cai trị của chế độ độc đảng.
Chặn dịch như chặn bất đồng
Theo bài viết mô tả, cách thức chính quyền phong tỏa một khu phố để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch theo như cách thức ngăn chặn những người bất đồng chính kiến rời khỏi nhà của họ.
Trước tiên, cảnh sát mặc sắc phục và dân quân được huy động đến dựng lên các chướng ngại vật, nhưng quyền chỉ huy thật sự là nằm ở những người mặc thường phục - họ làm việc cho Bộ Công an : những người thi hành trong trang phục dân sự, mặc những chiếc áo polo và quần lửng, tùy theo tình huống, có thể ra lệnh cho các quan chức địa phương, hay triệu tập đám đông nhanh chóng chỉ bằng một cuộc gọi.
"Đây là những người có thể ngăn chặn những người chỉ trích chính phủ ra khỏi nhà, triệu tập một buổi họp đấu tố trong khu phố để đe dọa những người bất đồng chính kiến, hoặc đảm bảo con cái của những người này bị đối xử thô bạo ở trường nếu họ lên tiếng về tham nhũng ở địa phương. Những người thi hành này có thể khá chắc chắn rằng hành vi của họ sẽ không bị thách thức bởi một cơ quan tư pháp độc lập bởi vì Đảng cộng sản quyết định luật pháp là gì".
"Cơ chế này được sinh ra như là công cụ kiểm soát của Đảng cộng sản và hiện đã được sử dụng lại để phục vụ cho việc bảo vệ sức khỏe", bài viết nhận định.
Kiểm dịch bằng kiểm duyệt và công nghệ giám sát
Cạnh đó, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng chính quyền đang nỗ lực chống lại các thông tin trái phép. Cảnh sát đã kiểm duyệt khoảng 300.000 bài đăng trên các trang tin tức, blog và 600.000 bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về Covid-19, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Thông tin cho biết cảnh sát đã triệu tập 654 trường hợp "đưa tin giả" và xử phạt 146 người.
Bài viết cho rằng có sự chồng chéo giữa kiểm duyệt chống lại thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh và xóa bỏ các nội dung chỉ trích chính trị là khá rõ ràng.
Bài viết cũng so sánh rằng, tại một số quốc gia Châu Á, như Hàn Quốc, đã sử dụng công nghệ giám sát theo dõi điện thoại, hồ sơ thẻ tín dụng, giám sát qua video nhằm theo dõi lịch trình đi lại của người nhiễm bệnh. Còn ở Việt Nam và Trung Quốc, lại vừa kết hợp công nghệ giám sát với "cơ bắp đường phố" (an ninh mật vụ) để duy trì kiểm soát trực tiếp các cá nhân trên quy mô lớn.
"Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới có thể làm như vậy và không cần phải chịu sự giám sát của pháp luật hoặc Quốc hội", nhóm tác giả đánh giá.
Bài viết đi đến kết luận rằng, dù Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi về việc xử lý thành công đại dịch, nhưng Việt Nam lại cung cấp một mô hình mà nhiều quốc gia khác không muốn có hoặc không thể thực hiện theo.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 15/05/2020 (minh-luat's blog)