WHO báo động dịch Covid-19 bước vào "giai đoạn nguy hiểm" (RFI, 20/06/2020)
Tổ chức Y tế Thế giới WHO báo động về "một giai đoạn mới và nguy hiểm" của dịch Covid-19, vào lúc đại dịch tiếp tục hoành hành tại Châu Mỹ, với số ca nhiễm ở Brazil đã vượt quá một triệu.
Thăm người bệnh Covid-19 tại một bệnh viện ở Sao Paolo, Brazil. Ảnh chụp ngày 17/06/2020. Brazil vẫn là quốc gia có số tử vong cao thứ nhì thế giới. Reuters- Amanda Perobelli
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã báo động như trên trong một cuộc họp báo qua video hôm qua, 19/06/2020. Theo lãnh đạo tổ chức này, dịch virus corona "đang tăng tốc", với hơn 150.000 ca mới được ghi nhận chỉ trong một ngày, đa số ở Châu Mỹ, mức cao chưa từng có. Ông Tedros Ghebreyesus còn cảnh báo về những nguy cơ của việc dỡ bỏ phong tỏa.
Tổng giám đốc WHO nói : " Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới và nguy hiểm. Rất nhiều người, và điều này có thể hiểu được, đã quá mệt mõi vì cứ phải ở trong nhà. Các quốc gia muốn mở cửa trở lại cho xã hội và cho nền kinh tế. Nhưng virus vẫn lây lan rất nhanh, vẫn gây nhiều tử vong".
Ông Tedros Ghebreyesus kêu gọi toàn thể các quốc gia và mọi người phải vẫn rất cảnh giác, tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa và nhất là nhanh chóng tìm ra các ca nghi nhiễm bệnh, cách ly và xét nghiệm các ca đó và chữa trị họ, đồng thời truy tìm những người có tiếp xúc với các ca bệnh để cách ly họ.
Tổng giám đốc WHO đưa ra lời cảnh báo nói trên vào lúc Brazil hôm qua đã vượt qua ngưỡng 1 triệu ca nhiễm và sắp vượt qua mức 50.000 ca tử vong, tiếp tục là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới về số người chết do virus corona chủng mới, chỉ sau Hoa Kỳ. Mêhicô cũng vừa vượt qua ngưỡng 20.000 ca tử vong hôm qua, cùng với hơn 5.000 ca nhiễm mới chỉ trong một ngày.
Theo tổng kết của hãng tin AFP, số người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới tính đến hôm qua đã là 456.000 người, nhưng theo các chuyên gia, con số này vẫn còn thấp hơn thực tế rất nhiều.
Tại Châu Âu, nhiều nước đang tiếp tục dỡ bỏ phong tỏa, như tại Pháp trong đêm qua, chính phủ thông báo mở lại các rạp xinê và các sòng bài kể từ thứ hai tuần tới. Các sân vận động cũng sẽ được mở lại kể từ ngày 11/07, nhưng không được tiếp nhận quá 5.000 khán giả.
Nhưng tại Ý, cơ quan y tế hôm qua đã kêu gọi người dân nước này nên "thận trọng" vì virus vẫn còn lây lan nhiều, sau khi ghi nhận những tín hiệu báo động về nhiễm Covid-19, đặc biệt là tại Roma.
Thanh Phương
********************
WHO : Đại dịch Covid-19 leo thang, tệ hại nhất tại Châu Mỹ (VOA, 20/06/2020)
Đại dịch virus corona đang leo thang, với 150.000 ca mới hôm 18/6, cao nhất trong một ngày, và một nửa những ca này xảy ra tại Châu Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
"Thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo trên mạng tại trụ sở WHO ở Geneva. "Virus vẫn còn lây lan nhanh, vẫn còn gây chết người, và mọi người vẫn còn dễ bị ảnh hưởng".
Hơn 8,53 triệu người đã bị nhiễm virus corona trên toàn thế giới và 453.834 người đã chết, Reuters cho biết ngày 19/6.
Ông Tedros thúc đẩy vẫn giữ giãn cách xã hội và "cực kỳ cảnh giác".
Cũng như tại Châu Mỹ, một số lớn những ca mới xảy ra tại Nam Á và Trung Đông, ông Tedros nói thêm.
Chuyên gia khẩn cấp của WHO Mike Ryan nêu lên sự chú ý vào tình hình Brazil, nơi ông nói có 1.230 ca tử vong thêm vì Covid-19 trong 24 giờ trước.
Khoảng 12% ca lây nhiễm tại Brazil liên hệ dến nhân viên y tế, ông nói thêm.
Ngoài Mỹ, Brazil có số ca tệ hại nhất, 978.142 ca được xác nhận và 47.748 người chết.
Theo Reuters
*******************
Trung Quốc phát hiện chủng virus Châu Âu tại Bắc Kinh, WHO nói cần nghiên cứu thêm (VOA, 20/06/2020)
Ngày 19/6, Trung Quốc loan báo xác định một chủng virus corona từ Châu Âu gây nên đợt bùng phát mới đây tại Bắc Kinh, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới nói việc này chỉ xảy ra trong trường hợp virus được du nhập từ bên ngoài vào Bắc Kinh và cần điều tra thêm.
Bán hàng trên đường Jianghan ở Vũ Hán ngày 8/6/2010.
Trung Quốc đã công bố dữ liệu chu kỳ gen của virus từ những mẫu lấy ở Bắc Kinh, mà các giới chức ở đó nói giống như một chuỗi Châu Âu căn cứ trên những cuộc điều tra sơ khởi.
Có khoảng 183 người bị lây nhiễm khi virus tái xuất hiện bắt đầu cách đây 8 ngày liên hệ đến trung tâm bán sỉ thực phẩm Xinfadi ở Bắc Kinh.
"Virus và các dòng chủng loại virus luân chuyển trên toàn thế giới", chuyên gia khẩn cấp hàng đầu WHO, bác sĩ Mike Ryan, nói tại một cuộc họp báo ở Geneva.
"Do đó tôi nghĩ việc này không hề chỉ ra rằng Châu Âu là nguồn gốc. Việc này có thể nói là hầu như bệnh có lẽ được nhập từ bên ngoài vào Bắc Kinh ở một thời điểm nào đó".
Điều cần thiết là xác định được khi nào virus đến Bắc Kinh, bao nhiêu người bị lây nhiễm trong thời kỳ này, và yếu tố nào mở rộng sự lây lan, ông Ryan nói. Tuy nhiên điều này "tái xác nhận" là virus có nguồn gốc từ người, ông nói thêm.
Trung Quốc chịu áp lực phải công bố các dữ liệu sớm vào lúc các ca Covid-19 gia tăng tại thủ đô.
Chính quyền Mỹ đổ lỗi chính phủ Trung Quốc chậm trễ trong việc chế ngự bùng phát lúc ban đầu.
Trung Quốc nói họ tiết lộ ngay những tin tức về chu kỳ gen của virus trong đợt bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán.
Chu kỳ gen virus mới nhất được công bố vào cuối ngày 18/6, và đã chia sẻ với WHO và Sáng kiến Dữ liệu Cúm Toàn cầu (GISAID) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC).
Chu kỳ gen của virus là trọng yếu và là công cụ chuyển biến nhanh chóng trong việc chẩn đoán Covid-19 và trong việc hiểu biết về sự lây lan và kiểm soát virus corona chủng mới.
Ba mẫu
Các chi tiết được trang mạng của Trung tâm Dữ liệu Vi Sinh học Quốc gia Trung Quốc công bố cho biết dữ liệu gen Bắc Kinh được căn cứ trên 3 mẫu (hai mẫu của người và một mẫu môi trường) được thu thập vào ngày 11/6, cùng ngày thủ đô Trung Quốc loan báo ca lây nhiễm Covid-19 địa phương đầu tiên trong nhiều tháng.
"Theo những kết quả của cuộc nghiên cứu sơ khởi về gen và dịch tễ học, virus đến từ Châu Âu, nhưng khác với virus hiện lây lan tại Châu Âu", viên chức CDC Zhang Yong nói.
"Virus này cũ hơn virus hiện lây lan tại Châu Âu".
Ông Wu Zunyou, chuyên gia trưởng dịch tễ học của CDC, nói với truyền thông nhà nước trong tuần này là chuỗi virus ở Bắc Kinh tương tự như chủng Châu Âu, dù không nhất thiết là chuyển trực tiếp từ các nước Châu Âu. Ông Wu không nêu chi tiết về những nhận xét trước khi dữ liệu gen được công bố.
Ông nói thêm là chuỗi tìm thấy tại Mỹ và Nga hầu hết đến từ Châu Âu.
Chùm virus corona lây nhiễm đầu tiên được truy nguồn gốc từ một chợ hải sản ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái. Kể từ đó virus đã lây nhiễm hơn 8,5 triệu người trên toàn thế giới.
Về nguồn gốc của chủng lây nhiễm tại Bắc Kinh, ông Wu nói virus không xuất phát từ thủ đô Trung Quốc.
"Đó phải là từ người hay hàng hóa bên ngoài thành phố mang vào chợ Xinfadi", ông Wu nói trong cuộc phỏng vấn của truyền hình nhà nước được phát ngày 19/6.
"Hiện chưa rõ ai, hay loại hàng hóa nào, đã mang virus vào Bắc Kinh".
Theo Reuters
Trung Quốc : Một số dự án Vành đai Con đường 'bị ảnh hưởng nghiêm trọng' bởi đại dịch (BBC, 19/06/2020)
Khoảng 20% các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc (BRI) để liên kết Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch virus corona, một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu 19/6.
Các công nhân dựng bảng về quảng bá Một vành đai, một con đường tại Bắc Kinh. (Photo by GREG BAKER / AFP)
Theo Reuters, một khảo sát của Bộ này cho biết khoảng 40% các dự án đã bị ảnh hưởng chút ít, và 30-40% dự án đã bị ảnh hưởng phần nào, Wang Xiaolong, Tổng giám đốc Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Ông Wang Xiaolong nói khoảng 20% các dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng ông Wang không cung cấp bất kỳ chi tiết nào thêm.
"Kết quả từ cuộc khảo sát tốt hơn mong đợi và mặc dù một số dự án đã bị trì hoãn, Trung Quốc được biết không có dự án lớn nào bị hủy bỏ", ông nói thêm.
Sri Lanka đã phải bàn giao cảng Hambantota cho Trung Quốc để giúp trả nợ nước ngoài - Ảnh minh họa
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ đôla được liên kết với sáng kiến này.
Hạn chế về việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa qua biên giới, cũng như các biện pháp ở cấp địa phương để ngăn chặn dịch Covid-19 là những lý do chính tác động tới các dự án, ông Wang nói.
"Khi tình hình được cải thiện, chúng tôi tin tưởng rằng các dự án sẽ được tái khởi động và việc thực hiện chúng sẽ được tăng tốc", ông này nói.
Thách thức của đại dịch đối với các dự án BRI xảy ra sau khi dự án này vấp phải phản đối vào năm 2018, khi các quan chức ở Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và các nước khác chỉ trích các dự án ở đó là tốn kém và không cần thiết.
Trung Quốc đã thu hẹp một số dự án sau khi một số quốc gia tìm cách xem xét lại, hủy bỏ hoặc giảm bớt các cam kết, viện dẫn những lo ngại về chi phí, vấn đề chủ quyền và tình trạng tham nhũng.
Nguồn : BBC, 19/06/2020
*******************
Trung Quốc thừa nhận "Vành đai, con đường" gập ghềnh vì Covid-19 (Dân Trí, 19/06/2020)
Trung Quốc cho biết khoảng 20% các dự án trong sáng kiến "Vành đai, con đường" của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch đại dịch Covid-19.
Một công trình ở Thượng Hải, Trung Quốc chụp hôm 9/6 (Ảnh minh họa : Reuters)
Reuters dẫn thông báo ngày 19/6 của Tổng cục trưởng Tổng cục Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Xiaolong cho hay, 20% các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, con đường" (BRI) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Theo một nghiên cứu do cơ quan trên tiến hành, khoảng 40% trên tổng số các dự án BRI ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi 30-40% bị ảnh hưởng một phần. Ông Wang không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án.
Quan chức này lý giải các lệnh hạn chế đi lại và các dòng hàng hóa chuyển xuyên biên giới bị đình trệ cùng các biện pháp chống dịch của từng địa phương là lý do chính khiến các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Reuters, hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến BRI nhằm xây dựng hệ thống đường sắt, cảng, đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng khác nhằm kết nối Châu Á, Châu Phi và Châu Âu cùng với các khu vực khác.
Theo công ty dữ liệu toàn cầu Refinitiv (Anh), có hơn 2.600 dự án với tổng trị giá 3,7 nghìn tỷ USD có liên quan tới sáng kiến của Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Covid-19 lên BRI diễn ra sau một làn sóng từ bỏ và xem xét các dự án hồi năm 2018. Vào thời điểm đó, các quan chức Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và một số nước khác chỉ trích rằng các công trình trong dự án là tốn kém và không cần thiết.
Trung Quốc đã buộc phải thu hẹp lại quy mô của nhiều dự án sau khi các nước tuyên bố sẽ xem xét lại việc hợp tác với Bắc Kinh, viện dẫn mối quan ngại về chi phí, mối đe dọa về xói mòn chủ quyền và tình trạng tham nhũng.
Trong những năm qua, sáng kiến BRI của Trung Quốc đã gây tranh cãi với hàng loạt các mối quan ngại rằng các nước nghèo hơn có thể rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc và Bắc Kinh dùng tiền để gia tăng tầm ảnh hưởng địa chính trị. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này.
Mỹ là một trong những quốc gia có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới. Washington cho rằng thông qua các khoản vay và đầu tư của mình, Bắc Kinh đã đẩy các quốc gia nghèo hơn vào tình trạng nợ nần chồng chất và không có khả năng chi trả.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm này từng khiến Trung Quốc nổi giận khi nói rằng những lời hứa hẹn kinh tế "hào nhoáng" của Bắc Kinh thường chỉ dẫn đến sự phụ thuộc về nợ và làm xói mòn chủ quyền của của các quốc gia vay nợ.
Đức Hoàng
*******************
Dịch Covid-19 sẽ phá hủy những dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc (Dân Trí, 16/04/2020)
Trước cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu, các nhà phân tích ước tính, khoản nợ bị "dấu kín" mà các nước đang phát triển vay Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD.
Các cột xi măng trên sông Moraca như một phần của dự án xây dựng đường cao tốc Bar-Boljare ở Montenegro năm 2018. Ảnh : Reuters
Vào năm 2014, quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu, Montenegro đã nhìn thấy cơ hội có thể phóng lên vũ đài thế giới khi họ vay 750 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc giữa biển Adriatic và Serbia.
Dự án đường cao tốc này mang tên "The 103-mile Bar-Boljare" và được tài trợ như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dự án này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và giúp mở đường cho một quốc gia trẻ như Montenegro có cơ hội hòa nhập vào Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Chính phủ đã mô tả dự án này như sau: Đó là con đường cao tốc 165 km, với những cây cầu hùng vĩ và những đường hầm sâu. Đây là công trình của thế kỷ và là con đường dẫn đến thế giới hiện đại. Con đường được thiết kế để nối cảng Bar trên bờ biển Adriatic của Montenegro với nước láng giềng Serbia.
Sáu năm sau, đại dịch Covid-19 đã xảy đến và phá hủy cuộc sống cũng như nền kinh tế trên toàn thế giới, với khoản nợ khổng lồ và một con đường cao tốc dẫn tới "hư không". Dự án này tại Montenegro đang đầy những lo ngại và ảnh hưởng tới "điểm số" của các dự án BRI khác trên khắp Châu Á, Châu Phi và Đông Âu.
Dự án này đã tăng nợ công của Montenegro lên 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngành công nghiệp du lịch quan trọng của đất nước đang quay cuồng bởi đại dịch. Và cơ quan xếp hạng Moody từ hồi tháng 3 đã hạ triển vọng tín dụng của Montenegro xuống dưới mức ổn định, với lý do được đưa ra là bởi dự án đường cao tốc mà đất nước này đang thực hiện.
Để bảo vệ dự án "thú cưng" của mình, Thủ tướng Dusko Markovi cho biết hồi tháng trước tại thủ đô Podgorica rằng: "Đường cao tốc Bar-Boljare không chỉ đơn thuần là một con đường thông thường mà nó chính là con đường dẫn đến hệ thống giá trị phương Tây".
Một tuyên bố của chính phủ nước này cho biết thêm: Thủ tướng Markovi nhấn mạnh rằng không có cuộc thảo luận nào về việc phá sản hay lệ thuộc vào nợ, vì những điều đó thường chỉ được suy đoán.
Các quốc gia BRI như Montenegro đã mắc nợ sâu với Bắc Kinh và phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến đại dịch khi giá cả hàng hóa lao dốc, giao dịch chao đảo và tỷ giá hối đoái thay đổi.
Có lẽ một cuộc khủng hoảng nợ mang đặc tính Trung Quốc đang xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thêm vào thách thức của việc quản lý nợ toàn cầu là đặc điểm thiếu minh bạch của Bắc Kinh.
Giáo sư Brad park, Giám đốc điều hành của AidData, một đơn vị thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, và đồng tác giả của một nghiên cứu nói về các hoạt động cho vay của Trung Quốc được phát hành vào tháng trước bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã nói rằng: "Chính phủ Trung Quốc coi các thông tin của chương trình cho vay ở nước ngoài là một bí mật quốc gia. Không ai thực sự biết các con số đó".
Các chuyên gia ước tính rằng, trước cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra, các khoản nợ được giấu kín mà các quốc gia đang phát triển vay Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD, nhiều hơn cả tổng số nợ của họ đối với Câu lạc bộ Paris, thậm chí tổng số nợ đó còn nhiều hơn cả số số nợ với các ngân hàng quốc tế hoặc Quỹ tiền tệ quốc tế.
Các khoản vay của Trung Quốc đã giúp tài trợ cho các dự án năng lượng, khai thác, thủy điện và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác ở hơn 100 quốc gia đang phát triển theo Sáng kiến Vành đai và Con đường ước tính trị giá 8 nghìn tỷ USD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các hoạt động cho vay đơn lẻ của Trung Quốc sẽ khiến nhiều nước đang phát triển ngày càng dễ bị tổn thương trong môi trường hiện tại.
Trong số các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ, các nhà phân tích cho biết, có các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa như là Angola, Ecuador, Nigeria và Venezuela; các nền kinh tế Châu Á nhỏ hơn như Lào, Campuchia và Cộng hòa Slovak; và các quốc gia ở Châu Phi cận Sahara và Châu Mỹ Latinh.
CGD nhận thấy rằng, 15 trong số 68 quốc gia có dự án "Vành đai và Con đường" phải đối mặt với nguy cơ khó khăn về nợ nần - về cơ bản là không có khả năng trả nợ, trong đó có 8 quốc gia khác có nguy cơ rất cao.
Trong 2.453 khoản vay của Trung Quốc cho 157 quốc gia, có khoảng 23% các khoản vay chủ yếu đến các nước nghèo nhất và họ được nhận những điều khoản ưu đãi từ Trung Quốc, thậm chí với lãi suất bằng 0. Về cơ bản, các quốc gia này sẽ trở thành một phần mở rộng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trung Quốc có trữ lượng tiền tệ rất lớn và nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ vượt qua Mỹ về quy mô tuyệt đối trong những năm tới. Nhưng bất kỳ sự vỡ nợ nào cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc chao đảo. Và với những gì mà Trung Quốc đang phải gánh chịu hiện nay: tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 6,2%, nợ xấu từ các công ty nhà nước zombie, 460.000 công ty Trung Quốc có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn. Ta có thể thấy rằng một mối đe dọa lớn đang bao trùm lên các quốc gia trên Vành đai và Con đường.
Thùy Dung
Theo SCMP
Giáo sư Steve Hanke phản hồi sau khi nói Việt Nam là ‘táo thối’ trong chống dịch Covid-19
Giáo sư nổi tiếng của Hoa Kỳ, Steve Hanke, mới đây nhận định với VOA rằng Việt Nam ứng phó "rất xuất sắc" với dịch bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn nghi ngờ về dữ liệu Covid-19 của Hà Nội, vì cho rằng ở Việt Nam hầu như không có tự do thông tin báo chí.
Giáo sư Steve Hanke và biểu đồ gây tranh cãi trên Twitter ngày 09/06/2020. Photo cato.org and Twitter
Bình luận mới nhất được vị giáo sư đưa ra sau khi ông vừa bị truyền thông Việt Nam "phẫn nộ" chỉ trích vì ông đăng trên Twitter một biểu đồ nói rằng Hà Nội không cung cấp dữ liệu về Covid-19.
Từ Baltimore, ông Steve Hanke, Giáo sư Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, đồng thời là người sáng lập và đồng giám đốc của Viện Kinh tế Ứng dụng Johns Hopkins, Sức khỏe Toàn cầu, và Nghiên cứu Doanh nghiệp Kinh doanh, nói với VOA về việc ứng phó đại dịch của chính quyền Việt Nam:
"Cho đến nay, Việt Nam báo cáo chỉ có 335 ca nhiễm, và không có ca tử vong. Không có nghi vấn gì về điều này vì họ phản ứng rất nhanh và rất sớm. Khi dịch bùng phát vào tháng Giêng 2020, họ đã có biện pháp chặn dịch, các biện pháp này còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO.
"Nhìn chung là họ ứng phó rất xuất sắc. Họ chuẩn bị rất tốt. Họ áp dụng các biện pháp mà tôi gọi là 5P -Prior Planning Prevents Poor Performance- Hoạch định trước sẽ loại trừ những hoạt động kém hiệu quả. Nhờ được chuẩn bị tốt nên họ ứng phó rất nhanh".
Ngoài ra, giáo sư Hanke cũng ghi nhận những bước đi thích hợp mà Việt Nam đang cố gắng tái mở cửa nền kinh tế hậu dịch Covid-19, nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa kinh tế trong khi phần lớn các nước còn đang phải đối phó với đại dịch.
Tuy nhiên, giáo sư Hanke, một thành viên của Hội đồng Điều lệ của Hiệp hội Đo lường Kinh tế, và là chuyên gia về đo lường và độ chính xác dữ liệu kinh tế, nhận định với VOA rằng ông không thể không nghi ngờ về các dữ liệu Covid-19 của Việt Nam do không có nguồn thống kê độc lập.
"Lý do chính khiến tôi nghi ngờ là liệu có tự do báo chí ở Việt Nam hay không ? Hầu như không có tự do báo chí ở đó. Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam vào một trong những thứ hạng tồi tệ nhất trên thế giới, 175/180. Như vậy là gần như không có tự do báo chí ở Việt Nam, theo RSF. Ngoài ra, tạp chí The Economist số ra ngày 13/6/2020 có một bài viết dài về tự do báo chí ở Châu Á bị đàn áp trong dịch Covid-19. Và Việt Nam tất nhiên là một trong những quốc gia bị nêu trên tạp chí The economist. Đây là lý do khiến tôi nghi ngờ".
Dòng tweet nói về tự do báo chí ở Việt Nam của giáo sư Steve Hanke hôm 18/06/2020.
Được hỏi về phản ứng trước việc trang Medium loan tin có gần 300 chữ ký gửi đến trường đại học Johns Hopkins yêu cầu ông Hanke rút lại đoạn Tweet trong đó gọi Việt Nam là "quả táo bị thối rữa" trong việc cung cấp dữ liệu Covid-19, ông cho biết ông đã gửi yêu cầu đến Worldometer để họ điều chỉnh, vì biểu đồ mà ông sử dụng trên Twitter là lấy dữ liệu từ công ty thống kê này.
"Tôi đã thông báo cho Worldometers, nơi tôi sử dụng nguồn dữ liệu của họ, báo cho họ biết rằng số liệu của họ không rõ ràng và có thể gây ra sự diễn giải sai lệch. Họ sẽ sớm điều chỉnh và họ sẽ đưa con số tử vong là 0 của Việt Nam vào đó".
Khi VOA đăng bản tin này, dữ liệu trên Covid-19 của Việt Nam trên Worldometers đã được cập nhật, tính đến 7 giờ tối giờ Việt Nam ngày 18/06/2020 : "Việt Nam có 342 ca nhiễm, 0 ca tử vong và 325 ca phục hồi".
Riêng phần mình, giáo sư Hanke cho biết ông đã cải chính thông tin trên Twitter hôm 16/6 nói rằng : "Trái ngược với hình ảnh mà tôi đăng tuần trước, hóa ra Việt Nam có thống kê ‘hoàn hảo’ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19".
Tweet ngày 16/06/2020 của giáo sư Steve Hanke.
Ông nói với VOA rằng với dòng Tweet mới này, nội dung biểu đồ trước đó của ông liên quan đến Việt Nam "không còn có ý nghĩa nữa".
Trong biểu đồ đăng trên Twitter hôm 9/6, giáo sư Hanke đề cập đến những quốc gia nhiều khả năng cung cấp số liệu không tin cậy. Trong danh sách này có các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, Ai Cập, Syria, Yemen, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng vì Twitter này, truyền thông trong nước cho biết cộng đồng Việt Nam "bức xúc" và yêu cầu ông Hanke phải lên tiếng xin lỗi và xóa bỏ những thông tin sai lệch của mình.
Truyền thông Việt Nam đồng loạt chỉ trích giáo sư Steve Hanke, từ trái sang : báo Nhà Đầu tư, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ
Chỉ trích bình luận của giáo sư Hanke, báo Tiền Phong hôm 17/6 viết : "Trên thực tế, Việt Nam không tự khen thành quả chống Covid-19 của mình, mà trong thời gian qua hàng loạt báo chí quốc tế đăng tải rất nhiều bài viết ca ngợi công cuộc chống dịch của Việt Nam dựa trên các cuộc điều tra và phỏng vấn độc lập".
Chia sẻ với VOA, giáo sư Hanke than phiền về một email duy nhất mà ông nhận được từ một học giả Việt Nam, ông nói người này "phản ứng mạnh" trước dòng Tweet "Quả táo bị thối rữa" mà ông đăng vào tuần trước.
Trong những tình huống như vậy, "lẽ ra nên nói với tôi rằng tôi đã mắc lỗi và hãy xem lại lỗi đó đi, đằng này học giả đó lại gửi email cho tôi với lời lẽ hoàn toàn không chuyên nghiệp và bất lịch sự", giáo sư Hanke nói, nhưng không nêu danh tính vị học giả Việt Nam.
An Hải
Nguồn : VOA, 18/06/2020
Chưa thoát khỏi Covid-19, Pháp ngổn ngang với tái thiết kinh tế
Các báo Pháp ra hôm nay tiếp tục dành nhiều trang bài bàn luận xung quanh diễn văn trước cả nước của tổng thống Emmanuel Macron hôm 14/06, chính thức tuyên bố Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn mới sau những ngày dài chống chọi với Covid-19 với trọng tâm tái thiết kinh tế. Đây là một nhiệm vụ cấp bách khó khăn không thua gì cuộc chiến chống đại dịch.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu nhân chuyến thăm nhà máy chế tạo phụ tùng xe hơi Valeo, Etaples, gần Touquet, Pháp, ngày 26/05/2020 Reuters - POOL
Tuyên bố Pháp đã có "thắng lợi đầu tiên chống virus", dù dịch Covid-19 vẫn chưa bị đánh bại, tổng thống Pháp muốn tăng tốc các biện pháp giải tỏa đất nước, kêu gọi "làm việc và sản xuất nhiều hơn" để phục hồi nền kinh tế đang hoang tàn vì trận dịch. Le Monde khẳng định "tái thiết là một thách thức cho tổng thống Macron" khi mà một nước Pháp được giải tỏa cùng với những di chứng không chỉ về kinh tế mà còn cả những vấn đề xã hội mới nảy sinh đang làm chia rẽ sâu sắc đất nước. Đó là phong trào chống bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, cuộc đấu tranh của các công đoàn bảo vệ việc làm, quyền lợi của người lao động.
Le Figaro ghi nhận, tổng thống Macron muốn "xây dựng một mô hình kinh tế mới" theo hướng tái công nghiệp hóa và đây cũng là một lời hứa khó có thể thực hiện. Cuộc khủng hoảng dịch đã để lộ ra những yếu kém, sự lệ thuộc kinh tế giữa các quốc gia, trong đó có nước Pháp. Từ 2002 đến 2018, Pháp đã bị mất 40% các công ty công nghiệp vì di dời nhà xưởng ra nước ngoài, nơi có giá thành thấp bỏ mặc sản xuất trong nước bị mất sức cạnh tranh. Kéo các công ty trở về nước bây giờ dường như không khả thi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa sâu rộng.
Xã luận của Le Figaro cho rằng, dù sao cũng "chưa phải là quá muộn để nắm lại vận mệnh kinh tế của đất nước. Để làm được việc này, cần phải tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và công nghệ tương lai. Đồng thời phải nỗ lực làm việc nhiều hơn, để tìm lại sức cạnh tranh đã mất. Đó là cái giá phải trả cho chủ quyền (kinh tế)".
Libération thì cho rằng tung tiền cứu các doanh nghiệp khỏi bị phá sản, nhưng đó là tiền đi vay, làm sao Nhà nước trả được nợ mà không phải tăng thuế, đó mới là vấn đề nan giải. Les Echos thì đề cập đến hàng loạt vấn đề đang đặt ra cho các doanh nghiệp khi khôi phục lại hoạt động sản xuất giải tỏa. Động đến vấn đề nào cũng nan giải, đâu cũng thấy thách thức.
Y tế, sau những hy sinh giờ là lúc tranh đấu
Một thời sự của nước Pháp được các báo hầu như đồng loạt đưa tin, liên quan đến cuộc xuống đường đấu tranh để "bảo vệ và cải thiện hệ thống y tế". Cuộc tập hợp diễn ra chiều nay (16/06) trước các bệnh viện và Bộ Y tế ở Paris.
Mới đây thôi giữa đại dịch Covid-19, những nhân viên y tế, y tá bác sĩ là những thiên thần hộ mệnh trong các bệnh viện, được nhất loạt tôn vinh vì những hy sinh không mệt mỏi để chống dịch. Giờ đây khi cuộc khủng hoảng vừa dịu xuống, những người trên tuyến đầu chống dịch virus corona đó xuống đường đấu tranh để đòi quyền lợi, đòi chính phủ giữ cam kết tăng đầu tư cho y tế và cải thiện điều kiện làm việc cho họ. Le Monde loan báo : " Những nhân viên chăm sóc y tế trở lại đường phố". Libération ghi nhận: "Sau Covid-19, cảm giác bị bỏ rơi của những nhân viên chăm sóc y tế".
Libération nhận thấy cuộc khủng hoảng Covid đã cho thấy tình trạng trì trệ của hệ thống y tế Pháp, cần phải rút ra bài học. Thí dụ như thiếu nhân lực, vật tư thiết bị trầm trọng ở các bệnh viện. Các y tá, bác sĩ, nhân viên phục vụ bệnh viện công không chỉ phải làm việc trong những điều kiện xuống cấp như vậy mà đời sống của họ cũng không được bảo đảm vì đồng lương quá thấp. Đặc biệt trong những tháng vừa qua, các nhân viên y tế phải làm việc trong khó khăn cùng cực về thể chất cũng như tâm lý. Chính phủ đã hứa cải cách lại hệ thống y tế, nhưng trong điều kiện kinh tế suy thoái, tài chính eo hẹp như hiện nay thì không chắc gì chương trình cải cách đã đáp ứng được đòi hỏi của ngành y tế cũng như nhiều ngành nghề khác đều đã lên tiếng " kêu cứu".
Châu Âu – Hoa Kỳ mối liên minh ngày càng rạn vỡ
Về thời sự quốc tế, nhân sự kiện hôm qua, ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu có cuộc họp qua video với đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo, Le Monde có bài đề cập đến những xích mích giữa đồng minh Mỹ và Liên Âu liên tiếp xảy ra thời gian qua.
Bài phân tích của Le Monde có tựa đề : "Hoa Kỳ và Châu Âu, đến lúc "tách cặp". Theo Le Monde, năm 2020 này, trong ngôn ngữ ngoại giao người ta thấy xuất nhiện nhiều cụm từ "tách cặp" để nói đến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, một đối thủ kinh tế, ý thức hệ, hung hăng và kiêu ngạo. Nhưng còn có một sự tách cặp khác, đang âm ỉ hình thành đó là giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Tờ báo ghi nhận không một tuần nào là không xảy ra những bất hòa giữa Hoa Kỳ và đồng minh Châu Âu mà những bất hòa này thường đến từ một phía. Rất nhiều vấn đề giữa Mỹ và Châu Âu đang làm nguội lạnh dần mối quan hệ đồng minh và các nước Châu Âu phải xem xét lại vấn đề chủ quyền và quyền tự chủ của mình.
Bài báo nhắc lại, trong diễn văn hôm 14/06, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nói đến "củng cố một Châu Âu độc lập trước Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một thế giới lộn xộn như chúng ta đang sống". Như vậy hai cường quốc được nêu tên đều là những hình thái đe dọa lợi ích và chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu.
Tờ báo liệt kê ra một loạt các hành động đơn phương của Washington gần đây trên các hồ sơ lớn, không bao giờ cần quan tâm đến vai trò hay quan điểm của Châu Âu. Từ việc rút quân khỏi Afghanistan, Iraq cho đến mới đây là quyết định rút bớt quân tại Đức trong khuôn khổ của NATO. Rồi đến cuộc đối đầu kịch liệt tranh giành vai trò cường quốc hàng đầu thế giới với Trung Quốc. Chưa kể đến các quyết định đơn phương của Washington về hồ sơ hạt nhân Iran hay Israel ở Trung Đông. Tất cả các khuôn khổ quan hệ đa phương hay hiệp ước giải trừ vũ khí đều bị chính quyền Trump coi như những thứ vướng víu không cần thiết. Gần đây nhất là quyết định của chính quyền Trump trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế CPI, vì lý do định chế xét xử này mở điều tra về tội ác chiến tranh của quân Mỹ ở Afghanistan. Paris đã phản ứng cho rằng đó là hành động gây phương hại đến quan hệ đa phương và tính độc lập của tư pháp quốc tế.
Ngay cả trong trận dịch Covid-19, các cuộc họp giữa EU và Hoa Kỳ trong khuôn khổ các nước đồng minh NATO, để chia sẻ kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh cũng chỉ mang tính hình thức, không kết quả thực chất.
Hồng Kông : Tương lai mờ mịt của cuộc đấu tranh vì dân chủ
Vẫn trên trang quốc tế, nhật báo Le Monde có bài về nỗi thất vọng của người Hồng Kông sau 1 năm đấu tranh sôi sục vì quyền tự trị với Trung Quốc.
Một năm sau cuộc tuần hành lịch sử vì dân chủ 16/06/2019, người dân Hồng Kông giờ mất hy vọng có thể giữ được các quyền tự do khi mà Bắc Kinh ngày càng siết chặt quản lý đặc khu hành chính. Thông tín viên của Le Monde ở tại chỗ ghi nhận, "một năm vừa qua người Hồng Kông đã trải qua những cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất trong lịch sử của mình, nhưng cảm nhận của nhiều người Hồng Kông lúc này là: chán nản, mệt mỏi, tuyệt vọng, bất lực…".
Còn nhớ cách đây đúng 1 năm hơn 2 triệu người Hồng Kông đã xuống đường phản đối dự luật dẫn độ về Hoa lục, chính quyền sau đó phải chùn bước, cho rút dự luật. Nhưng khi cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cho thông qua luật an ninh quốc gia thì phong trào đấu tranh đã bị suy yếu và bất lực trước bàn tay can thiệp trực tiếp của Bắc Kinh còn thộ bạo hơn cả vụ dự luật dẫn độ năm ngoái.
Những nhân chứng là giới trẻ ở Hồng Kông thổ lộ rằng giờ họ sống trong lo âu, nhìn thấy tương lai của Hồng Kông như là cơn ác mộng.
Nguyên nhân một phần là do phong trào đấu tranh của giới trẻ bị biến thái sang bạo lực làm mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Mặt khác do chính quyền Hồng Kông cũng thay đổi phương pháp. Một mặt huy động lực lượng lớn cảnh sát sẵn sàng mạnh tay trấn áp phong trào từ sớm, mặt khác chính quyền Hồng Kông đẩy mạnh tuyên truyền răn đe, theo hướng phong trào đấu tranh dân chủ lạm dụng các quyền tự do để gây rối, phá hoại cuộc sống yên bình của Hồng Kông… Trước mắt chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh có vẻ đạt được mục đích nhưng tương lai vẫn đầy bất định ở đặc khu này.
Covid-19 : The Lancet quy trách nhiệm nặng nề cho phương Tây
Liên quan đến đại dịch virus corona, báo Libération có bài với tựa đề đáng chú ý trích nhận định của tổng biên tập tạp chí khoa học nổi tiếng của Anh The Lancet cho rằng : "sự ngạo mạn của phương Tây phải chịu trách nhiệm của hàng chục nghìn cái chết".
Ông Richard Horton, tổng biên tập của The Lancet, trong bài phỏng vấn dành riêng cho Libération đã kêu gọi thế giới rút ra bài học về tai họa Covid-19. Tờ báo cho biết, trong tháng Sáu, lãnh đạo tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới này sẽ cho ra mắt cuốn sách "Tai họa Covid-19", tổng kết với cái nhìn nghiêm khắc về cách ứng phó của thế giới với đại dịch. Ông khẳng định chính thái độ "ngạo mạn của phương Tây" đối với Trung Quốc, theo đó cho rằng phương Tây có hệ thống Y tế công cộng cũng như cộng đồng các nhà khoa học ở trình độ tiên tiến hơn vì thể có thể xử lý tốt hơn khủng hoảng dịch. Quan điểm đó đã dẫn đến việc ra quyết định chậm trễ làm trầm trọng thêm bản thống kê số tử vong ở nhiều nước. Tổng biên tập của The Lancet còn dành những lời nặng nề nhắm vào tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như thủ tướng Anh Boris Johnson, là đã "phạm tội ác" vì đã phản ứng chậm trước trận dịch virus corona.
Chính trận khủng hoảng Covid-19 cũng đã làm chao đảo uy tín tạp chí The Lancet, khi công bố rồi lại phải cho rút nghiên cứu về hiệu quả và tác động của thuốc Hydroxychloroquine trong việc điều trị Covid-19.Trong bài trả lời phỏng vấn tổng biên tập The Lancet thừa nhận sai sót của các nghiên cứu đã được tạp chí công bố.
Anh Vũ
Việt Nam thành công chặn dịch Covid-19 có giúp trở nên đất nước ‘mơ ước’ ? (RFA, 15/06/2020)
Báo trong nước ngày 13/6 dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, nhấn mạnh "Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước" khi cho hay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam.
Người dân tại sân bay Đà Nẵng, Việt Nam ngày 23/2/2020. Reuters
Tính đến chiều ngày 15/6, Cơ quan chức năng Y tế của chính phủ Hà Nội cho biết trong 60 ngày qua không có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng, chỉ còn 11 bệnh nhân Covid-19, chưa có ca tử vong trên tổng số 333 trường hợp.
Phát biểu của ông Vũ Đức Đam nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các diễn đàn vào cuối tuần qua với nhiều ý kiến phản đối. Theo đó, nhiều người cho rằng phát biểu của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra mang tính phiến diện.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, Bác sĩ Đinh Đức Long - Bác sĩ Trung tá quân đội lại cho rằng :
"Tôi không phải người ngoài nên tôi không biết có mơ ước gì không nhưng rõ ràng qua vụ Covid-19 thì Việt Nam là một trong những nơi an toàn chống lại dịch Covid-19 này. So với nhiều nước thì tỉ lệ người nhiễm bệnh ít hơn, đến nay chưa có số liệu chính thức nào xác nhận có người chết vì Covid-19, đấy là thực tế".
Đồng quan điểm cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh do coronavirus gây ra đang được Việt Nam thực hiện tốt, Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn cho rằng cần phân tích câu nói của Phó Thủ tướng từ nhiều góc độ :
"Nếu đứng trên góc độ vụ dịch thì tôi cho rằng phát biểu này đúng vì thật ra nước nào cũng mong muốn được như Việt Nam không bị dịch lây lan nhiều. Tôi nghĩ bất cứ lãnh đạo nước nào hay người dân nào cũng đều mong muốn như thế để không bị đe dọa, không có người chết vì nhiễm dịch. Tất nhiên một người đứng ở cương vị cao như vậy thường thì người ta lại hay nghĩ đến những nghĩa khác không chỉ riêng về dịch. Nếu chỉ nhìn ở góc độ khác thì chắc Việt Nam chưa phải là niềm mơ ước của nhiều người lắm, có thể chỉ là mơ ước của một vài người nào đó thôi chứ không nhiều lắm".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự cho rằng dựa trên thực tế những gì Việt Nam đạt được khi phải đối chọi với dịch bệnh do SARS-CoV-2, phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần được hiểu đúng trong bối cảnh khi ông nói.
"Giả như ông ấy nói là tình hình chống Covid-19 nhiều nước mong ước như Việt Nam thì có cái lý của nó. Nhưng thực sự người ta trích câu ấy mà vứt ngữ cảnh đang báo cáo vấn đề Covid-19 chỉ để phê phán một câu đấy thì không được công bình cho lắm. Cách dùng từ của ông ấy không được khéo, đáng lẽ ông phải nói thêm một cái là về tình hình chống Covid-19 thì nhiều nước có thể mơ như Việt Nam. Đại loại nói như thế thì nó rõ hơn và không bị người ta chê trách. Còn trích một câu để phê phán hoặc ca ngợi mà bỏ qua ngữ cảnh thì không được fair (công bằng) cho lắm".
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét, Việt Nam chỉ thực hiện giãn cách xã hội 3 tuần, trong khi đó lại là một nước sát biên giới với Trung Quốc và tình hình hệ thống y tế không được hiện đại thì thành tích chống Covid-19 của Việt Nam là rất tốt. Tuy nhiên ông cho rằng cái rất tốt này sẽ có cái giá của nó. Ông tiếp lời :
"Việc kiểm soát rất chặt chẽ người bị bệnh để điều trị đã là tốt rồi. Việc theo dõi những người có tiếp xúc từ F1 đến F2 thì họ làm rất hiệu quả vì họ dùng năng lực huy động của xã hội này. Xã hội này quen với chiến tranh, hệ thống chính trị của họ, chân rết của họ xuống tận làng xóm từ phụ nữ đến nông dân, cựu chiến binh và họ theo dõi rất chặt chẽ. Những người bị nhiễm, những người quen với người bị nhiễm, những người gặp gỡ, tất cả đều được đi cách ly hoặc phải ở nhà hoặc cách ly rất mạnh là đưa vào các doanh trại quân đội. Cách làm đó có thể bị coi là quá mạnh nhưng trong một mối nguy hiểm về bệnh dịch này thì biện pháp đó là tốt, không phải dở".
Ông Vũ Đức Đam khẳng định trong buổi trình Quốc hội ngày 13/5 rằng thành công trong việc chống dịch Covid-19 mà Việt Nam có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ thầy thuốc, quân đội, công an, các lực lượng khác và đặc biệt "nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời".
Tiểu ban Điều trị Covid-19 thuộc Bộ Y tế Việt Nam thông báo bệnh nhân 91, phi công người Anh, đến ngày 15/6 đã ngưng toàn bộ kháng sinh, chỉ còn sử dụng một số thuốc kháng nấm. Chức năng phổi đã phục hồi 60%, và mỗi ngày được tập vật lý trị liệu 2 lần.
Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng những biện pháp phòng chống mà Việt Nam áp dụng đều phù hợp. Để tiếp tục giữ vững những thành quả chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện tốt trong thời gian qua, Bác sĩ Long cho rằng :
"Tôi nghĩ bây giờ theo dõi sát, nhất là tuy mở cửa lại nhưng việc hội nhập với thế giời và những nước khác phải cẩn thận vì bệnh dịch chủ yếu từ nước ngoài về. Theo tôi biết thì từ các nước có vùng dịch hoặc đi qua những nói có dịch về Việt Nam trong đó có du học sinh, Việt kiều hoặc người nước ngoài đến có mang theo mầm bệnh thì được cách ly. Còn trong nước hiện nay không phát hiện được ổ dịch nào, tôi nghĩ đây là điều tốt. Còn cách ly không tốt để phát tán ra cộng đồng rồi chạy theo nó để dập dịch thì rất khổ. Còn biện pháp chỉ có cách ly, theo dõi, dập dịch, đó là cách Việt Nam thường xuyên làm nhưng phải làm tốt chứ đừng chủ quan. Chủ quan là tái phát dịch rất nguy hiểm".
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 15/6 kêu gọi chính phủ Hà Nội xem xét công bố hết dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Cụ thể theo vị quan chức đang đứng đầu thành phố lớn nhất về kinh tế của Việt Nam thì chính phủ cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, khi mà công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam được cho là thành công tính đến thời điểm hiện nay.
Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn, với công tác chống dịch SARS-CoV-2 rất thành công như bây giờ, Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định phải đối mặt :
"Hiện nay chúng ta ở Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bùng phát và sự lây lan rất ít nhưng ngược lại mọi người không có miễn dịch cộng đồng. Nếu dịch này cứ dai dẳng kéo dài và chưa có vắc-xin thì cái đấy lại trở nên mối đe dọa đối với Việt Nam trong khi một số nước sau giai đoạn căng thẳng thì họ cũng có số lượng người miễn dịch khá lớn nên họ sẽ ít bị căng thẳng hơn. Với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Ý, những nước đó với họ mặc dù thiệt hại kinh tế rất lớn nhưng nền tảng kinh tế của họ rất cao nên sự phá hủy, tổn hại về kinh tế gây ảnh hưởng lớn, nhưng không làm cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề về đời sống. Nhưng nếu Việt Nam thả ra như các nước kia để nhiễm nhiều từ đó tạo được miễn dịch cộng đồng tôi nghĩ chắc thiệt hại lớn hơn rất nhiều và sẽ để lại hậu quả rất nặng nề".
Do đó, Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng từ giờ đến lúc có vắc-xin, lãnh đạo chính phủ Hà Nội phải thật cố gắng, không được chủ quan :
"Có một số biểu hiện của các lãnh đạo chúng ta cho thấy có vẻ bắt đầu hơi chủ quan và đánh giá về thành quả của mình hơi cao. Tôi sợ đến lúc nào đó để dịch bùng phát lên thì rất mệt !"
Nguồn : RFA, 15/06/2020
******************
Kêu gọi công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam (RFA, 15/06/2020)
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, kêu gọi chính phủ Hà Nội xem xét công bố hết dịch Covid-19 ở Việt Nam. Cụ thể, theo vị quan chức đảng đứng đầu thành phố lớn nhất về kinh tế của Việt Nam thì chính phủ cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, khi mà công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam được cho là thành công tính đến thời điểm hiện nay.
Áp phích kêu gọi chống Covid-19 ở Hà Nội hôm 3/4/2020 - Reuters
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ; tuy nhiên chỉ có 17 nền kinh tế và vùng lãnh thổ quyết định đến 90% giá trị đầu tư nước ngoài, 80% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch Việt Nam.
Theo vị bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì từ tháng 5 đến tháng 8 sẽ có 10 trên 17 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm vừa nêu được nhận định sẽ không còn dịch Covid-19 với tiêu chí dưới 10 ngàn người đang điều trị trên 1 triệu dân. Mười nơi đó gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Đức, Australia, Samoa, bán đảo Virginia của Anh.
Bảy nơi còn lại theo ông Nguyễn Thiện Nhân chưa đến giai đoạn an toàn gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia.
Cũng tin liên quan, Văn phòng Chính phủ Hà Nội được mạng báo Pháp Luật Online dẫn thông báo của Phó thủ tướng kiên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng ý với đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cho 331 lao động Trung Quốc vào Việt Nam. Số này được nói là những chuyên gia, lao động có tay nghề cao và nhà quản lý.
Về tình hình Covid-19 tại Việt Nam tính đến chiều ngày 15/6, Cơ quan chức năng Y tế của chính phủ Hà Nội cho biết trong 60 ngày qua không có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng, chỉ còn 11 bệnh nhân Covid-19, chưa có ca tử vong trên tổng số 333 trường hợp.
Tiểu Ban Điều Trị Covid-19 thuộc Bộ Y Tế Việt Nam thông báo bệnh nhân 91, phi công người Anh, đến ngày 15 tháng 6 đã ngưng toàn bộ kháng sinh, chỉ còn sử dụng một số thuốc kháng nấm. Chức năng phổi đã phục hồi 60%, và mỗi ngày được tập vật lý trị liệu 2 lần.
******************
Hô hào chống ô nhiễm môi trường "như chống giặc" và thực tế ! (RFA, 15/06/2020)
"Chúng ta phải thực sự lấy môi trường làm mục tiêu phát triển. Quan điểm này được thể hiện trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi".
Thủ đô Hà Nội lập kỷ lục thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu ngày 13/12/19 và ngày 28/4/20. Hình chụp ngày 2/10/2019. Reuters
Đây là tuyên bố được nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, diễn ra vào ngày 15/6.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường cam kết trước Đại biểu quốc hội rằng Dự luật bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu thay đổi toàn diện để bảo vệ môi trường và đảm bảo thực hiện Hiến pháp. Ông Trần Hồng Hà khẳng định rằng "Đó là đảm bảo chất lượng và quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành". Ông Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường còn dẫn chứng kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam trên tinh thần "như chống giặc" đạt hiệu quả cao và do đó ông cũng kêu gọi một sự đoàn kết để chống ô nhiễm môi trường "như chống giặc".
Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về xử lý rác thải, có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thanh Nguyễn nhìn nhận phía cơ quan chức năng có những sự thay đổi tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường những năm vừa qua.
"Thật ra khoảng 2-3 năm gần đây, sau những sự cố như Vedan hay Formosa… thì cảnh sát môi trường và các sở tài nguyên-môi trường cũng siết chặt hơn và ở mỗi tỉnh đều có các trạm xử lý rác công nghiệp để xử lý rác thải công nghiệp. Đồng thời, các ban quản lý của các khu công nghiệp cũng có những trạm thu gom và xử lý nước thải công nghiệp".
Bên cạnh đó, bà Thanh Nguyễn cũng xác nhận về ý thức của doanh nghiệp cùng người dân trong khía cạnh bảo vệ môi trường.
"Đa số doanh nghiệp có suy nghĩ về việc thải rác ra môi trường đúng là có tiến bộ hơn rất nhiều. Tại vì qua thực tế thì trước đây khi bắt đầu hoạt động doanh nghiệp hồi năm 2008 thì tôi nói chuyện với 10-20 người thì chỉ ½ người chịu nghe mình nói thôi và xong rồi thì họ cũng cho qua, vì chưa có ai, chưa có chế tài kiểm tra nhiều. Còn những năm gần đây đa số những khách hàng tự tìm đến công ty của tôi để tìm hiểu về các giải pháp xử lý rác. Có nghĩa rằng họ cũng cảm thấy có ý thức về xử lý rác được tốt hơn. Bản thân các doanh nghiệp nước ngoài họ cũng bị tuân thủ từ công ty mẹ ở nước ngoài, là ở nước sở tại đã làm tốt về môi trường chưa để đừng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Ví dụ như Unilever chẳng hạn, một doanh nghiệp thải ra rất nhiều rác thải nhựa, họ cũng ý thức được nếu họ làm điều gì mà không tốt về môi trường thì sản phẩm của họ không được tiêu thụ tốt trên thị trường và khó bán hàng. Bởi vì người dân cũng chấm điểm sản phẩm (rating) do họ đã nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường".
Chủ doanh nghiệp doanh tư nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, bà Thanh Nguyễn bày tỏ đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà rằng ô nhiễm môi trường "là một kẻ thù" tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những biện pháp, giải pháp xử lý về ô nhiễm môi trường còn tồn đọng rất nhiều cũng như các cơ quan chức năng không đồng bộ. Bà Thanh Nguyễn chia sẻ một số người dân được công ty của bà hỗ trợ về chương trình do Chính phủ phát động phân loại rác thải sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, xe đổ rác đến và nhân viên vệ sinh lại đổ dồn vào chung lẫn lộn. Điều này khiến cho dân chúng cảm thấy bất mãn. Hay như, các doanh nghiệp chuyên về xử lý rác khi nhập trang thiết bị hiện đại từ những quốc gia tiên tiến thì Việt Nam chưa có những quy định chuyên môn trong luật pháp đủ để đánh giá những trang thiết bị đó. Vì thế, các doanh nghiệp cũng gặp không ít rắc rối và trở ngại…
Trong khi đó, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo về tác hại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhiệt điện than hay sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh, đồng thời kêu gọi Chính phủ xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng nhưng không được lắng nghe.
Chưa kể đến hàng trăm người dân Việt Nam bị ảnh hưởng và tác động đến môi trường sống bởi các dự án nêu trên, không những về sức khỏe, mà còn nhiều hệ lụy khác do việc thu hồi đất đai cho các dự án lớn như thế.
Facebooker Phạm Minh Vũ, vào hôm 12/6, khẳng khái cho rằng chính Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tay cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam thì làm sao kêu gọi người dân chống gây ô nhiễm môi trường được hiệu quả ? Anh Phạm Minh Vũ trưng dẫn các hội thảo khoa học thảo luận về tác hại của tro xỉ được tổ chức và công bố rộng rãi. Mặc dù vậy, Bộ Tài nguyên và môi trường tuyên bố rằng tro xỉ không gây tác hại đến môi trường.
Nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường, một người thực hiện các phóng sự về doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống ở một số các địa phương. Thế nhưng, anh Đỗ Cao Cường không những bị phía doanh nghiệp mà còn bị cả giới chức chính quyền địa phương đe dọa đến mạng sống của anh nếu tiếp tục phổ biến những thông tin này.
Trước lời kêu gọi của Bộ trưởng Trần Hồng Hà hãy đoàn kết để chống ô nhiễm môi trường "như chống giặc", Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, từ Hà Nội qua làn sóng RFA thúc giục ông Trần Hồng Hà đến tận địa phương để có thể tận mắt chứng kiến chính quyền địa phương lẫn đảng bộ, lẫn các tổ chức chính trị sẵn sàng làm ô nhiễm môi trường như thế nào.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng những lời tuyên bố của người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà tại Quốc hội không có giá trị thực tiễn :
"Tôi không bao giờ nghe ông Trần Hồng Hà nói cả. Bởi vì cống nước xả thối ra đấy, ông có làm được đâu ? Rác ở Hà Nội đấy, UBND TP. Hà Nội họp mãi có xử lý được rác đâu ? Đầu phố nhà tôi vứt rác đấy, mỗi lần gió bay thì bụi mù cả lên, xe ô tô đứng tắt đường, ngửi thối không chịu được. Cái chuyện cỏn con ông còn chả làm được, mà đứng trước Quốc hội nói lung tung, nói mất thì giờ, tốn tiền tivi, tốn giờ họp Quốc hội. Ở đây ông nên nói câu khác đi. Trình độ ông không làm nỗi một cái ngỏ sạch, một dòng sông sạch. Ông cứ ở trên Sao Hỏa mà nói !"
Nhà khoa học Nguyễn Văn Khải khẳng định Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dù được thay đổi như thế nào mà người dân không có quyền của họ trong bảo vệ môi trường sống của chính họ thì không mang một ý nghĩa gì.
"Bây giờ mấy đứa đứng trước cửa nhà tôi, chúng vứt cái hộp sữa, chúng vứt cái lon Lavie thì tôi có quyền mắng chúng không ? Một ngôi nhà khác xây nhà và họ đổ đất ra đường, tôi có phạt được họ không ? Cơ sở sản xuất thải nước thải bẩn xuống sông Tô Lịch, tôi có quyền cấm không ? Khi người dân không có quyền thì không làm được gì cả. Cho nên cái gọi là Luật bảo vệ môi trường thì cũng chẳng ai thèm nghe".
Đài RFA trao đổi với một số người dân ở khắp Việt Nam và được họ cho biết họ chỉ nhìn thấy được bổn phận của người dân sắp tới phải đóng thêm nhiều loại thuế, phí như phí rác thải sinh hoạt tính theo kg, phí khí thải, phí chống ngập…mà không biết khi nào môi trường mới được cải thiện. Ông Hoàng Lê Thanh, một cư dân ở Đà Nẵng nói với chúng tôi :
"Tôi nghĩ rằng chính quyền gọi là cũng như bóc lột tận cùng. Cái gì cũng tiền của dân hết. Chính quyền chỉ mị dân thôi, chứ họ không làm được gì đâu".
Hồi tháng 11/2019, báo cáo của AirVisual xếp Việt Nam vị trí thứ 17 trong danh sách những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới.
Nguồn : RFA, 15/06/2020
*******************
‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ của Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nộị bị phát hiện mắc những lỗi sai chính tả nghiêm trọng. Phát hiện như thế gây ‘sốc’ công chúng tuần qua. Dù đã được thu hồi vào ngày 12/6/2020, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng qua sự việc này, Việt Nam cần xây dựng ‘Luật tiếng Việt’.
Ảnh minh họa : Hình bìa sách ‘Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với học sinh Trung học phổ thông hiện nay’ của hai cô giáo Đào Thị Dần và Ngô Thị Hương Thơm, ở Hưng Yên. Nguồn : Tác giả
Nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, nên ban hành ‘Luật tiếng Việt’ cũng như có quy định chặt chẽ hơn trong Luật xuất bản để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam khi trả lời truyền thông quốc nội cũng cho biết, Hiến pháp 2013 đã khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Theo ông, Việt Nam sẽ có luật tiếng Việt trong thời gian tới. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận, quy trình để có luật không hề đơn giản. Ngoài ra, nếu không có một bộ luật tiếng Việt đủ trọng lượng, thì những vướng mắc thời gian qua cũng không thể giải quyết được.
Trao đổi với Đài Châu Á Tự Do hôm 15 tháng 6 năn 2020 liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, cho biết ý kiến của mình :
"Vấn đề là luật đó nói cái gì ? Không bao giờ những hiện tượng ngôn ngữ mà có thể giải quyết bằng một bộ luật cả. Cái đó là thực tiễn trên toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam. Luật là chỉ giải quyết một số vấn đề thôi, ví dụ hiến pháp đã quy định tiếng chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, đúng... cái đó phải đưa vào luật. Cái đó rất quan trọng, nếu tôi làm cái đơn tôi gởi nhà nước, thì tôi dùng tiếng Việt, chứ tôi dùng tiếng Anh thì không được, ví dụ như thế...
Tuy nhiên ông cho rằng, có những chuyện luật chưa đề cập, chẳng hạn như chữ viết như thế nào, địa vị chữ quốc ngữ như thế nào, thì họ chưa đưa vào luật... Ông nói tiếp :
"Nhiều vấn đề khác liên quan đến ngôn ngữ, có thể có tranh chấp, chia rẽ, chẳng hạn như tiếng của các dân tộc ít người ở Việt Nam, thì địa vị như thế nào, thì tất cả những cái đó đáng đưa vào luật cả. Cũng có một số có luật rồi, tuy nhiên những luật đó không ở cấp cao. Tuy nhiên không hy vọng có thể giải quyết được toàn bộ. Tôi nghĩ các nhà ngôn ngữ học khi họ nói cần một bộ luật cho tiếng Việt, họ cũng ý thức được chuyện đó, họ cũng ý thức luật chỉ giải quyết được một số trường hợp".
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, ngay cả khi có luật tiếng Việt cũng không thể quy định từng trường hợp sử dụng cụ thể của tiếng Việt, mà chỉ có thể nêu ra những quy định chung, trong đó có những quy định chung về chuẩn chính tả. Theo ông, trong tiếng nói và chữ viết, bên cạnh cái chung bắt buộc phải theo cũng có những cái mang tính cá nhân.
Đài Châu Á Tự Do hôm 15 tháng 6 năn 2020 liên lạc, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, tuy nhiên ông từ chối trả lời :
"Phỏng vấn cái gì... chứ cái đó bây giờ mình đang ở trong tình thế... mình... mình không trả lời được đâu nhé... Xin thông cảm cho mình nhé... cảm ơn".
‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. RFA Edited
‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. Nhưng sau 3 năm xuất bản đã bị thu hồi vì bị dư luận phản ứng khi là một quyển từ điển về chính tả nhưng lại bị sai chính tả.
Giáo sư Hoàng Xuân Quảng, Hiệu phó Đại học An Giang, khi trả lời Đài Châu Á Tự Do, nhận định :
"Đúng là bây giờ tình trạng mỗi người tiếp nhận vấn đề mỗi cách khác nhau, nhưng đúng là rối. Nền giáo dục rối. Nó chắp nối những vấn đề không liên quan đến nhau mà thành ra chuyện. Chẳng hạn như chuyện cải cách chữ tiếng Việt như ông Bùi Hiền ráp nối cách đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại".
Trước đó, nhiều vấn đề liên quan đến tiếng Việt cũng gây nhiều tranh cãi, mỗi nơi mỗi kiểu như đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền đưa ra gần đây gây nên tranh cãi trong công chúng.
Theo ông Bùi Hiền, một trong những lý do cho đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 chữ cái xuống còn 31 chữ, là để "tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính"...
Hay như trướng hợp Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại khiến dư luận hoang mang khi tài liệu Sách tiếng Việt lớp 1 có giới thiệu các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng, được đem ra phân tích cho rằng gây nhiều nhầm lẫn.
Qua những trường hợp vừa nêu, tuy không thể áp dụng vào luật, nhưng liệu có cần xây dựng một hướng dẫn tiêu chuẩn cho tiếng Việt ? Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định :
"Chuyện này phải tách ra làm hai vấn đề. Chuyện tròn vuông, rồi dạy theo kiểu thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, là một câu chuyện học thuật, không bao giờ nhà nước xen vào chuyện ấy, chuyện học thuật thì nhà nước không liên quan, đó là giới học thuật nói chuyện với nhau..".
Còn về việc xây dựng một tiêu chuẩn cho chính tả thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhiều nước đã làm, nhưng Việt Nam chỉ có một số văn bản, giới hạn trong một Bộ nào đó của chính phủ. Ví dụ như Bộ Nội Vụ họ có một văn bản về chính tả, để phục vụ cho các công văn giấy tờ. Ông nói tiếp :
"Họ có quy định đó, nhưng trong những quy định đó, họ không giải quyết được tất cả các trường hợp chính tả. Vì họ chỉ quy định viết hoa đối với địa danh, nhân danh... thì viết như thế nào, họ chỉ quy định chính tả liên quan những cái như thế. Chứ không phải tất cả các từ ngữ mà có vấn đề chính tả thì Bộ Nội Vụ quy định, mà có lẽ cũng không nên quy định. Cái đó là chuyện của giới tự điển họ làm. Gần đây xảy ra những việc liên quan chính tả, chẳng qua do họ làm ẩu thôi, chứ còn không có bao nhiêu vấn đề học thuật ở đây".
Còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại, khi trả lời Đài Châu Á Tự Do trước đây, cho rằng :
"Bản thân tôi có ý của tôi, tôi có phương châm của tôi, tôi tồn tại mấy chục năm rồi, tôi độc lập với họ… Tôi không biết, cái đấy là việc của nhà nước, nhà nước phải xử lý. Đó là một vấn đề về xã hội, tôi không quyết định được. Trong xã hội này nó có nhiều xu hướng, nhiều nhu cầu, nhiều lợi ích, cái đó thì tôi không can thiệp. Mỗi người sống có lý tưởng và mục đích của mình, tuỳ họ chọn lựa".
Trở lại với việc xây dựng ‘Luật tiếng Việt’, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, ngôn ngữ là vấn đề của giới nghiên cứu, vấn đề thuyết phục công chúng, mà theo ông việc thuyết phục là quan trọng hơn, vì ngôn ngữ nó có cái riêng của nó, không thể đặt ngôn ngữ trong khuôn khổ của pháp luật được.
Nguồn : RFA, 15/06/2020
Covid-19 : Brazil vượt mốc biểu tượng 40.000 người chết và 800.000 ca nhiễm (RFI, 12/06/2020)
Virus corona tiếp tục gieo rắc tang tóc tại Brazil với 1.239 ca tử vong mới ghi nhận vào hôm qua, 11/06/2020, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên thành 41.919 người kể từ đầu dịch. Số ca nhiễm cũng tiếp tục tăng vọt, với thêm 30.465 người mắc bệnh trong 24 tiếng đồng hồ, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 802.828 người, theo số liệu chính thức của bộ Y Tế Brazil.
Nhân viên nhà tang lễ chuyển quan tài một người chết vì virus corona tại Rio de Janeiro, ngày 18/05/2020 2020. Reuters/Ricardo Moraes
Tính ra, trong ngày hôm qua, Brazil vừa vượt qua hai ngưỡng biểu tượng là 40 ngàn người chết và 800 ngàn người nhiễm bệnh, vừa giữ kỷ lục đáng buồn là quốc gia có số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới cao nhất thế giới, cao hơn nhiều so với nước Mỹ.
Trong bối cảnh đáng ngại đó, Brazil như đang muốn bám vào cái phao Trung Quốc, với việc bang São Paulo liên kết với một tập đoàn Trung Quốc - tập đoàn Sinovac Biotech - để thử nghiệm vác-xin chống virus corona trên con người.
Đây là là "giai đoạn 3" của tiến trình thử nghiệm lâm sàng, sẽ bắt đầu tại Brazil ngay vào tháng tới đây. Thông tín viên RFI tại Sao Paulo Martin Bernard cho biết thêm chi tiết :
"9.000 người tình nguyện Brazil sẽ thử nghiệm vác-xin chống virus corona do Sinovac Biotech, tập đoàn Trung Quốc, chế tạo. Vac-xin với tên gọi là Coronavac, đã qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Bây giờ còn lại giai đoạn quyết định để chứng thực hiệu quả trên con người trước khi đưa ra thị trường.
Thống đốc bang Sao Paulo, Joao Doria đã ký một thỏa thuận với tập đoàn Trung Quốc này.Sao Paulo là bang giầu nhất nhưng cũng là bang bị Covid-19 nghiêm trọng nhất tại Brazil. Bang sẽ đầu tư 15 triệu euro vào công cuộc thử nghiệm.
Sau nhiều tuần lễ tranh cãi dữ dội với tổng thống Brazil Bolsonaro, người luôn giảm nhẹ tầm quan trọng của dịch bệnh, thống đốc Sao Paulo, ông Joao Doria, bây giờ chơi lá bài đồng thuận : "Việc chính trị hóa con virus đã không cho phép cứu vãn mạng sống con người, tại Brazil cũng như tại nơi khác, và cũng không cho phép giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Ngược lại, chỉ làm cho mọi việc thêm nghiêm trọng, làm cho có nhiều nạn nhân hơn. Chúng tôi muốn có giải pháp và đó là điều mà chúng tôi đang tìm kiếm".
Nếu thử nghiệm thành công, theo ông Joao Doria, thuốc chủng Trung Quốc sẽ được sản xuất vào 6 tháng cuối năm tới, kể cả ở Brazil".
Châu Mỹ Latinh có hơn 1,5 triệu ca nhiễm
Thảm cảnh đang diễn ra tại Brazil vì dịch Covid-19 cũng là tình trạnh chung tại Châu Mỹ Latinh. Theo số liệu của AFP dựa trên thống kê chính thức tại khu vực, vào hôm qua, số người nhiễm Covid-19 trong toàn khu vực Mỹ Latinh đã vượt ngưỡng 1,5 triệu trường hợp. Số tử vong đã vượt 73.600 trường hợp, với hơn một nửa tại Brazil.
Trọng Nghĩa
******************
Covid-19 : Ấn Độ, thảm họa y tế đang ở trước mắt (RFI, 13/06/2020)
Với hơn 10.000 ca nhiễm virus corona trong một ngày, Ấn Độ là một trong bốn quốc gia có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới. Theo thống kê chính thức của New Delhi tính đến hôm 12/06/2020 trên toàn quốc có gần 230.000 bệnh nhân.
Một bệnh viện dã chiến dựng tại Bombay, Ấn Độ ngày 11/06/2020, cho các bệnh nhân Covid-19. Reuters- Francis Mascarenhas
Về mặt chính thức quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới 8.498 trường hợp tử vong, tương đối thấp so với tổng số 1,3 tỷ dân. Trên thực tế, giới quan sát báo động đà lây nhiễn đang tăng nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như ở thủ đô New Delhi.
Tại đây, bệnh viện bị quá tải như tường thuật của thông tín viên Sébastian Farcis :
Năm giờ rưỡi chiều, khi Kamal Gupta, một người đàn ông 41 tuổi bước vào bệnh viện tư BL Kapooor ở phía tây thành phố New Delhi. Ông bị bệnh tiểu đường và có triệu chứng của bệnh cúm, đi cùng ông là người em trai Bhupesh.
Bhupesh cho biết : "quãng 8 giờ tối Kamal mới được chụp X quang, và được bác sĩ kê đơn thuốc. Nhưng đến nửa đêm, thì bệnh viện cho ra về vì không có chỗ để giữ bệnh nhân lại điều trị. Chúng tôi đã đi tất cả 4 bệnh viện, công có, tư có, nhưng không còn một chỗ nào. Khi chúng tôi đến bệnh viện thứ 6, thì lượng đường của anh tôi đã xuống còn có 57, tức là ở mức rất thấp. Anh ấy thở không được, vậy mà vẫn bị bệnh viên từ chối. Có nhà thương nào đang tâm làm như vậy hay không ?".
Ứng dụng chống Covid-19 của thành phố New Delhi thì vẫn hướng dẫn là các bệnh viện còn chỗ điều trị và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân, nhưng những thông tin đó đôi khi sai lệch. Có khi bệnh viện còn giường nhưng không đủ nhân viên để chăm sóc bệnh nhân. Hai ngày sau anh trai của Bhupesh qua đời.
Ông phân trần : "Chẳng có xét nghiệm xem anh tôi có chết vì Covid-19 hay không. Chúng tôi cũng không biết anh ấy chết vì bệnh gì, nhưng tôi tin rằng nếu được điều trị, anh ấy vẫn còn sống".
Các giới chức y tế Ấn Độ thẩm định, số người nhiễm có thể sẽ được nhân lên gấp năm lần trong trong vòng một tháng tại thủ đô New Delhi. Chính quyền đang chuẩn bị mở bệnh viện dã chiến tại các sân vận động và khu vực vẫn được dùng để tổ chức các cuộc triển lãm.
Thanh Hà
*******************
Covid-19 : Ấn Độ là nước bị nặng thứ tư, gần 300.000 ca nhiễm (RFI, 12/06/2020)
Sau Mỹ, Brazil và Nga, Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới có số ca nhiễm virus corona cao nhất. Ngày 12/06/2020, bộ Y Tế Ấn Độ đưa ra thống kê 297.535 ca nhiễm Covid-19, tăng thêm 10.956 ca trong vòng một ngày. Số ca tử vong từ đầu mùa dịch là 8.498.
Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ là 4 nước ghi nhận nhiều ca nhiễm virus corona nhất thế giới tính đến hôm nay 12/06/2020. AFP/Archivos
Viễn cảnh khá ảm đạm ở Ấn Độ. Đội ngũ bác sĩ bắt đầu đầu kiệt sức trong khi vẫn phải "chuẩn bị tinh thần và thể lực để đối phó với tình trạng tồi tệ nhất" vì cuộc khủng hoảng dịch tễ mới chỉ bắt đầu và "chưa biết khi nào sẽ đến đỉnh dịch", theo phát biểu của một bác sĩ với AFP. Dù vậy, quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã tiến hành dỡ phong tỏa.
Nga, nước thứ ba trên thế giới bị Covid-19 tác động mạnh, thông báo ngày 12/06 đã có thêm gần 9.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 tiếng, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 511.423 ca và có tổng cộng 6.715 người qua đời vì virus corona tính từ đầu mùa dịch.
Tại Pháp, số ca tử vong tại bệnh viện đã giảm xuống còn 27 trường hợp trong vòng 24 giờ (tổng cộng như vậy là 29.346 ca). Tương tự, số ca nặng trong khoa hồi sức cũng đã giảm xuống : thêm 26 ca mới và hiện có tổng cộng 903 ca đang được điều trị hồi sức.
Tại Châu Á, Hàn Quốc có thể sẽ phải tiếp tục thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội do số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng, trong đó hơn 96% ca nhiễm mới trong hai tuần gần đây đều được ghi nhận ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Còn thủ đô Tokyo của Nhật Bản bước sang giai đoạn 3 dỡ phong tỏa kể từ ngày 12/06 do số ca nhiễm trong cộng đồng giảm, chỉ còn 22 ca mới được ghi nhận ngày 11/06. Theo trang NHK, hàng quán sẽ được mở cửa cho đến nửa đêm, các khu vui chơi giải trí và sòng bạc cũng được mở cửa trở lại.
Thu Hằng
Mỹ : Làn sóng chống bạo lực cảnh sát tiếp diễn (RFI, 13/06/2020)
Phong trào phản kháng tại Mỹ chống kỳ thị và bạo lực cảnh sát dấy lên từ sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd giảm cường độ nhưng vẫn chưa tới hồi kết. Tại thủ đô Washington rào cản bao quanh công viên Lafayette đối diện với Nhà Trắng đã được dỡ bỏ. Nhưng tại thành phố Seattle, miền tây bắc Hoa Kỳ, tình hình vẫn còn căng thẳng.
Người dân tại Seattle, Mỹ, vẽ khẩu hiệu "Black Lives Matter" trên phố nơi họ tuyên bố là "khu phố tự quản", ngày 11/06/2020. Jasmyne Keimig - The Stranger /via Reuters
Sau loạt bạo động tuần qua, đặc biệt là nhắm vào một số cơ sở của cảnh sát, một khu phố tại Seattle tự nhận là "khu tự quản". Tình trạng này khiến tổng thống Trump, ngày 12/06/2020, cứng giọng với những người phản kháng. Thông tín viên Anne Corpet từ thủ đô Washington :
Một tấm biểu ngữ dẫn vào khu vực Capitol Hill của thành phố ghi : "Nơi đây giờ thuộc về nhân dân". Khu này trải rộng trên 5 tòa nhà, và người biểu tình tìm cách tuyên bố tự quản không cần có sự hiện diện của cảnh sát.
Nhiều bức tranh, biểu ngữ được vẽ trên vỉa hè. Người biểu tình biểu diễn văn nghệ, tổ chức các cuộc thảo luận... Không khí có vẻ hòa dịu. Nhưng tổng thống Trump xem đây là những hành vi làm tối loạn trật tư không thể chấp nhận được. Trên mạng xã hội Twitter ông ra lệnh cho chính quyền địa phương làm chủ lại tình hình tại thành phố này và đe dọa can thiệp.
Trên đài truyền hình Fox News nguyên thủ Mỹ tuyên bố "Tôi nói cho quý vị biết, nếu họ không giải quyết tình hình, chúng tôi sẽ can thiệp. Tôi muốn nói đơn giản một điều : sẽ không để cho những thành phần vô chính phủ chiếm đóng Seattle. Nếu cần chúng tôi sẽ làm, bằng cách này hay cách khác. Người ta không thể chiếm đóng một phần của một thành phố đẹp" như Seattle.
Trước đe dọa của chính quyền liên bang, thị trưởng Seattle một người thuộc đảng Dân chủ, Jenny Durkain, trên Twitter trực tiếp nhắm vào tổng thống Trump khi viết "Hãy để chúng tôi sống trong an toàn. Hãy trở lại hầm trú ẩn của ông đi". Nguyên thủ Mỹ xem thông điệp này là một điều "thê thảm".
Cũng do dư âm từ vụ người Mỹ da đen George Floyd làm dấy lên phong trào đấu tranh vì bình đảng màu da, tổng thống Trump hôm 12/06/2020 thông báo hoãn lại một ngày cuộc vận động tranh cử tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma.
Ban đầu tổng thống Trump dự kiến khởi động lại chiến dịch vận động tranh cử ngày 19/06/2020. Nhưng đó là ngày nước Mỹ kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ 19/06/1865. Hơn nữa, Tulsa là nơi năm 1921 trong 2 ngày liên tiếp, cộng đồng người Mỹ da đen ở khu phố Greenhood đã bị người da trắng tàn sát. Đến Tulsa đúng ngày 19/06 không khác nào đổ thêm dầu vào lửa nên ông đã hoãn lại cuộc vận động tại này 1 ngày.
Thanh Hà
**********************
Moderna sắp bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine ngừa Covid-19 (VOA, 12/06/2020)
Moderna ngày 11/6 xác nhận kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa virus corona trên 30.000 tình nguyện viên vào tháng 7 tới đây trong lúc công ty bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trụ sở công ty công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, bang Massachusetts.
Công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại bang Massachusetts cho biết mục đích chủ yếu của cuộc nghiên cứu là ngăn ngừa Covid-19, một chứng bệnh do virus corona gây ra, và ngừa bệnh nặng, theo định nghĩa là giúp cho bệnh nhân không phải nhập viện.
Trong giai đoạn giữa của cuộc nghiên cứu, công ty nói đã ghi danh được 300 người trưởng thành khỏe mạnh, mỗi người được tiêm ít nhất một liều, cũng như ghi danh được 50 người lớn đầu tiên, tuổi từ 18 đến 54.
Thử nghiệm vaccine trên người trưởng thành lớn tuổi hơn sẽ là thiết yếu vì nhóm này có nguy cơ bị phản ứng cao do virus gây ra, và người lớn tuổi thường có hệ thống miễn nhiễm ít hữu hiệu.
Cuộc nghiên cứu ở giai đoạn giữa thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả sơ khởi của hai liều vaccine chích cách nhau 28 ngày.
Người tham gia cuộc thử nghiệm sẽ được theo dõi trong một năm.
Theo Reuters
******************
Chuyên gia : Tháng 9, tử vong vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên tới 200 ngàn người (VOA, 12/06/2020)
Trong tháng 9 tới đây Hoa Kỳ có thể chứng kiến 200.000 ca tử vong vì virus corona, một chuyên gia hàng đầu cảnh báo trong khi tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã vượt quá 2 triệu.
Ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Northwestern Memorial Hospital ở Chicago.
Ông Ashish Jha, người đứng đầu Viện Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Harvard nói với đài CNN hôm 10/6 rằng nếu không có hành động quyết liệt, số tử vong tại Mỹ sẽ gia tăng.
"Thậm chí nếu số ca nhiễm không tăng, bình ổn, thì vẫn có thể dự kiến rằng tới tháng 9 số tử vong [vì Covid-19] sẽ chạm mức 200.000", ông Jha nói. "Và đó chỉ là tính tới tháng 9. Đại dịch này không chấm dứt vào tháng 9".
Tổng số người chết liên quan đến virus corona tại Mỹ, tính tới ngày 10/6, là 112.754, cao nhất thế giới. Ông Jha nói việc này liên hệ trực tiếp tới chuyện Hoa Kỳ là nước lớn duy nhất tái mở cửa khi chưa đặt được tỷ lệ ca bệnh dưới tầm kiểm soát—tức là tỉ lệ những người xét nghiệm dương tính với virus corona duy trì ở mức 5% hay thấp hơn, trong ít nhất 14 ngày
Ông cảnh báo tử vong vì Covid-19 không phải là chuyện "số mạng an bài" mà có thể ngăn chặn bằng tăng cường xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc, giãn cách xã hội nghiêm ngặt cùng với sử dụng khẩu trang rộng rãi.
Trong những ngày gần đây, một vài tiểu bang chứng kiến những ca virus corona tăng vọt, gây nên những lo ngại cho các chuyên gia rằng nhà cầm quyền nới lỏng các hạn chế quá sớm.
New Mexico, Utah và Arizona mỗi tiểu bang đều có số ca nhiễm tăng 40% trong tuần lễ chấm dứt hôm 7/6, theo phân tích của Reuters. Florida và Arkansas là những điểm nóng khác.
Trên toàn quốc, các ca lây nhiễm tăng nhẹ sau 5 tuần sụt giảm, theo phân tích của Reuters.
Ghi nhận số ca nhiễm tăng một phần là do xét nghiệm nhiều, ở mức kỷ lục hôm 5/6 là 545.690 ca, cao nhất trong một ngày, nhưng từ đó đã giảm sút, theo Dự án Theo dõi Covid-19.
Đây dường như cũng là kết quả của việc người ta bắt đầu ra đường, một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, và các hoạt động xã hội tại tất cả 50 tiểu bang dần dần tái mở cửa sau thời gian phong toả chặn Covid-19 lây lan.
Các giới chức y tế yêu cầu những người tham gia phong trào biểu tình ‘Coi trọng mạng sống người da màu’ trên toàn quốc nên đi xét nghiệm. Các cuộc biểu tình này khởi sự từ cái chết của người Mỹ gốc Phi tên George Floyd trong khi ông này bị cảnh sát khống chế hôm 25/5 tại Minneapolis.
Các chuyên gia lo ngại là những cuộc biểu tình, không có giãn cách xã hội, có thể khiến các ca lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng thêm nữa.
******************
Covid-19 : Hơn 113.000 người chết, 2 triệu ca nhiễm, Mỹ lo làn sóng thứ hai (RFI, 13/06/2020)
Số ca nhiễm và tử vong vì virus corona tại Hoa Kỳ liên tục tăng trong những ngày gần đây gây lo ngại xảy ra làn sóng thứ hai. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 941 người qua đời và khoảng 20.000 ca nhiễm mới, theo số liệu ngày 11/06/2020 của đại học John Hopkins. Như vậy, tính từ đầu mùa dịch, Hoa Kỳ có đến 113.774 ca tử vong và hơn 2,2 triệu người nhiễm virus corona.
Theo số liệu ngày 11/06/2020 của đại học John Hopkins, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Mỹ có thêm 941 người qua đời vì virus corona và khoảng 20.000 ca nhiễm mới. AFP/File
Theo Reuters, khoảng 20 bang có số ca nhiễm mới tăng nhanh, trong đó Texas và Arizona liên tiếp ghi nhận số ca nhập viện kỷ lục. Giám đốc y tế bang Arizona yêu cầu các bệnh viện kích hoạt kế hoạch khẩn cấp và tăng khả năng điều trị tích cực. Còn tại bang Bắc Carolina, hiện chỉ còn khoảng 13% số giường bệnh tại bệnh viện chuyên khoa của bang (USI) là còn trống. Trong khi đó, thị trưởng Houston tuyên bố thành phố sẵn sàng biến một sân vận động thành bệnh viên dã chiến nếu cần thiết.
Đây cũng là những bang đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi bị một cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng lo ngại làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Mỹ. Tuy nhiên, bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin báo trước đất nước sẽ không thể "đóng cửa kinh tế thêm một lần nữa" vì như vậy sẽ có "thêm nhiều thiệt hại hơn". Ông tin vào khả năng về xét nghiệm và trong các bệnh viện hiện đã đủ để tránh một đợt phong tỏa mới.
Dù nguy cơ virus corona tiếp tục lan rộng, buổi lễ chỉ định ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 vẫn được tổ chức tại bang Florida, từ ngày 24 đến 27/08, theo thông báo trên Twitter ngày 11/06 của chủ tịch đảng Ronna McDaniel.
Từ giờ đến lúc đó, ông Donald Trump tiếp tục gặp gỡ cử tri. Sự kiện sắp tới là buổi mit-tinh ngày 19/06 tại Tulsa, bang Oklahoma. Đội ngũ vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump đã yêu cầu những người muốn tham dự ký vào điều khoản không kiện nếu chẳng may họ bị nhiễm virus corona trong buổi mit-tinh này.
Thu Hằng
*******************
Mỹ : Covid-19 lây lan trong ngành sản xuất-đóng gói nông phẩm (VOA, 12/06/2020)
Từ các cơ sở đóng gói táo tại tiểu bang Washington cho đến các công nhân làm việc trong các trang trại ở Florida và nơi được mệnh danh là ‘tô salad của thế giới’ ở California, virus corona đang bùng phát tại những nông trại trái cây-rau quả cũng tại các nhà máy đóng gói ở Mỹ.
Công nhân lựa tỏi tại trang trại trồng tỏi Christopher Ranch, ở Gilroy, California.
Ngày càng nhiều công nhân nông trại và công nhân đóng gói lâm bệnh Covid-19 sau khi hàng ngàn công nhân của các nhà máy thịt bị nhiễm virus có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động thêm nữa và một làn sóng gián đoạn mới trong ngành sản xuất thực phẩm Hoa Kỳ.
Chính quyền Trump tháng trước cho biết có thể mở rộng sắc lệnh duy trì hoạt động các nhà máy thịt sang áp dụng cho cả các nhà sản xuất rau quả, một dấu hiệu cho thấy chính quyền quan ngại là việc sản xuất rau quả tươi có thể là lãnh vực kế tiếp bị ảnh hưởng.
Trong khi giãn cách xã hội có thể dễ dàng thi hành đối với công nhân thu hoạch rau quả ở ngoài đồng và làm việc bên ngoài có thể giảm bớt những nguy cơ virus lây lan, thì công nhân các nhà máy đóng gói thực phẩm như táo và cà rốt làm việc kế cận nhau sẽ góp phần làm virus bùng phát như tình trạng tại các nhà máy đóng gói thịt.
Vào cuối tháng 5, có hơn 600 ca Covid-19 trong số các công nhân nông nghiệp tại Quận Yakima, tiểu bang Washington. Trong số này, 62% là công nhân trong ngành công nghiệp táo và những hoạt động đóng gói khác hay bộ phận nhà kho, theo Reuters.
Với 4.834 ca tính đến ngày 10/6, quận này có số lây nhiễm tính theo đầu người cao nhất tại khu vực Bờ Tây nước Mỹ.
Tại quận Monterey ở California, nơi nổi tiếng là "tô salad của thế giới" vì những nông trại trồng rau, Sở Y tế địa phương báo cáo hơn 247 công nhân nông nghiệp xét nghiệm dương tính với virus corona tính tới ngày 5/6, chiếm 5,39% tổng số các ca của quận.
Trong khi đó, các ca virus corona gần Immokalee, bang Florida, nơi chuyên trồng cà chua, cũng gia tăng. Việc lây lan virus corona trong số công nhân trang trại ở Florida có ảnh hưởng đáng kể tới việc sản xuất thực phẩm tại Mỹ.
Thượng Nghị sĩ Dân chủ bang Michigan Debbie Stabenow, nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters là các công nhân trang trại gặp nguy cơ gia tăng vì trái cây như táo, cherry đang vào mùa thu hoạch.
Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow, thành viên cao cấp trong Ủy ban Nông nghiệp ở Thượng viện, nói với Reuters rằng công nhân trang trại đang đối mặt với nguy cơ gia tăng khi cây trái đang bước vào mùa thu hoạch tại Mỹ.
Nghị sĩ Stabenow hôm 27/5 đã đưa ra một dự luật cấp tiền và các khoản vay cho các công ty để nâng cấp máy móc và mua trang bị bảo hộ cá nhân cũng như tài trợ cho việc xét nghiệm Covid-19 và sát trùng cơ sở.
Theo Reuters
*****************
Mỹ không thể đóng cửa kinh tế lần nữa (VOA, 12/06/2020)
Hoa Kỳ không thể để cho virus coronona đóng cửa nền kinh tế một lần nữa, Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin tuyên bố ngày 11/6 và cho biết thêm rằng hơn 1.000 tỉ đô la tiền cứu trợ sẽ đổ vào nền kinh tế trong tháng tới.
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin điều trần trước Thượng viện về việc thi hành luật cứu trợ vì virus corona ngày 10/6/2020.
Ông Mnuchin, phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, nói ông chuẩn bị trở lại Quốc hội xin thêm tiền để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng ngân quỹ được cấp thêm sẽ nhằm vào những lãnh vực đang cần cứu trợ nhất, bao gồm khách sạn, nhà hàng, du lịch và các công ty giải trí.
Người đứng đầu Bộ Tài chánh, nhân vật được chính quyền Trump giao nhiệm vụ thương thuyết các chương trình cứu trợ, nói ông tin rằng việc gia tăng lây nhiễm Covid-19 tại một số khu vực có thể đối phó được nhờ vào cải thiện xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc và khả năng vững mạnh của bệnh viện.
"Chúng ta không thể lại đóng cửa nền kinh tế. Tôi nghĩ chúng ta rút tỉa rằng nếu chúng ta đóng cửa nền kinh tế, chúng ta sẽ tạo thêm nhiều thiệt hại, không chỉ thiệt hại về kinh tế", ông nói và cho biết thêm là việc này sẽ bao gồm nhiều vấn đề khác nữa.
Ông Mnuchin cho hay trong số 3.000 tỉ đô la cứu trợ virus corona được Quốc hội chấp thuận trong năm nay, tới nay mới có 1.600 tỉ được đưa vào nền kinh tế.
"Trong tháng tới, quý vị sẽ thấy thêm 1.000 tỉ đô la nữa được bơm vào nền kinh tế, việc này sẽ có ảnh hưởng to lớn", ông Mnuchin nói. Chương trình cho vay Main Street của Cục Dự trữ Liên bang đối với các doanh nghệp trung bình chỉ mới bắt đầu và "chúng tôi chuẩn bị trở lại Quốc hội để xin cấp thêm tiền cho công nhân Mỹ", ông nói.
Được hỏi liệu ông có cứu xét cứu trợ thêm cho các tiểu bang hay không, ông Mnuchin nói đó sẽ là đề tài thương thuyết với Quốc hội.
Ông Mnuchin nói thêm là vì có việc gia hạn 24 tuần các khoản vay của Chương trình Bảo vệ Tiền lương, ông hy vọng nhiều tiệm ăn trước đây chần chừ không vay sẽ tiến tới để nhận lấy một phần đáng kể số tiền còn lại của Chương trình.
Theo Reuters
*****************
Mỹ đối diện làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, số ca nhiễm vượt mốc 2 triệu (VOA, 11/06/2020)
Tổng số ca nhiễm virus corona ở Mỹ đã vượt 2 triệu người vào ngày 10/6, theo một thống kê của Reuters, trong khi các quan chức y tế kêu gọi bất cứ ai tham gia vào các cuộc biểu tình nên đi xét nghiệm.
Tình nguyện viên dọn dẹp các cửa hàng bị cướp phá trong các cuộc biểu tình ở bang California, Mỹ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Đang có một làn sóng nhiễm bệnh mới xuất hiện ở nhiều nơi trên nước Mỹ", Bloomberg dẫn lời ông Eric Toner, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nói. "Mặc dù làn sóng này cho tới nay vẫn còn nhỏ và xa, nhưng nó đang đến".
Trên cả nước Mỹ, các ca nhiễm mới đang tăng nhẹ sau 5 tuần giảm xuống. Theo Reuters, một phần lý do gia tăng là vì số người đi xét nghiệm nhiều hơn, đạt mức cao kỷ lục vào ngày 5/6 là 545.690 người xét nghiệm trong một ngày.
Số lượng nhiễm bệnh gia tăng xảy ra vài tuần sau khi nhiều bang ở Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, không rõ sự gia tăng này có liên quan đến hoạt động kinh tế đang tăng lên trở lại hay không.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng các cuộc biểu tình lớn nổ ra trong hai tuần qua có dẫn đến thêm nhiều người nhiễm bệnh hay không.
Tính đến nay trong tháng 6, trung bình ở Mỹ có 21.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, so với trung bình 30.000 ca/ngày vào tháng 4 và 23.000 ca/ngày trong tháng 5, theo Reuters.
Tổng số ca tử vong liên quan đến virus corona ở Hoa Kỳ cho tới nay đã vượt qua 112.000 người, cao nhất trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12/5 khuyến nghị các chính phủ chỉ nên mở cửa trở lại khi tỷ lệ người được xác nhận dương tính với virus corona duy trì ở mức 5% hoặc thấp hơn trong ít nhất 14 ngày.
Tỷ lệ số người được xét nghiệm dương tính ở Mỹ dao động trong khoảng từ 4% đến 7% trên cả nước, nhưng nhiều tiểu bang vẫn quyết định mở cửa lại.
Tuần trước, một số bang báo cáo tỷ lệ dương tính vượt trên mức khuyến nghị của WHO như Maryland là 8%, Utah 9%, Nebraska 9%, Virginia 9%, Massachusetts 11% và Arizona 12%.
Trong thời gian cao điểm vào tháng Tư, có đến 25% - 50% các xét nghiệm ở Mỹ cho kết quả dương tính.
Gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ : Nhiều người khó khăn không với tới (VOA, 11/06/2020)
Đầu tháng 4, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh và thương mại đình trệ, Việt Nam ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là gói giải pháp được cho là chưa có tiền lệ, bởi lần đầu tiên, chính phủ chi tiền trực tiếp cho người dân, người lao động bị giảm sâu thu nhập vì đại dịch với tổng số tiền cho toàn bộ gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỉ đồng.
Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí từ máy ATM ở Hà Nội. Photo CAND.
Những người trong diện được hỗ trợ bao gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động…tỏ ra vui mừng vì ít nhất nhà nước cũng giúp đỡ họ một phần trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
Tuy vậy, hơn 2 tháng đã trôi qua, rất nhiều hộ gia đình nằm trong diện cần được cứu trợ vẫn chưa nhận được tiền hoặc thậm chí bị gạt khỏi danh sách vì nhiều lý do khác nhau.
Chị Phạm Phương Liên, một chủ cửa hàng tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết chồng chị mất sức lao động, 1 trong 3 đứa con nhỏ của chị bị tật nguyền, chi tiêu gia đình trông vào cửa hàng bán đồ lọc nước có thu nhập dưới 100 triệu /năm, nhưng gia đình chị bị gạt khỏi danh sách được nhận tiền hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể.
"Cả phường này lập lên cái danh sách 45 gia đình được xét nhận trợ cấp, mình cũng đã nộp đủ mọi loại giấy tờ, viết đơn và ký tá một loạt giấy tờ nữa. Nhưng hôm vừa rồi bà tổ trưởng bà nói là Liên ơi, nhà Liên không được đâu, vì việc hỗ trợ này chỉ cho những người như kiểu xe ôm, bán hàng nước thôi, chứ nhà mình có cửa hàng thì cũng không được", chị chia sẻ.
Chị Liên nói gia đình như chị, dù may mắn có một cửa hàng nhỏ ngoài mặt đường do nhà chồng để lại, nhưng phải chắt bóp lắm mới nuôi đủ 5 miệng ăn. Suốt từ sau Tết, cửa hàng hầu như đóng cửa vì dịch bệnh và trong thời gian giãn cách xã hội, có khi cả tháng gia đình chị hoàn toàn không có thu nhập, chị trần tình. Nếu không có sự hỗ trợ lương thực và thực phẩm từ gia đình nhà ngoại ở quê, có lẽ cả 5 người nhà chị đã không có gì mà ăn từ lâu, chị Liên chia sẻ.
Theo chị, mặc dù nằm trong diện hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ mùa Covid-19 nhưng gia đình chị bị loại khỏi danh sách vì một lý do khác.
"Nhà chị thì có Tom (người con tật nguyền), hiện tại Tom được hỗ trợ hàng tháng là 750.000 đồng, đợt Covid vừa rồi Tom được thêm 500.000 mỗi tháng, tổng cộng là 1.500.000. Cho nên các ông bà tổ dân phố nói là thôi, cứ nhận tiền hỗ trợ cho con như vậy là được rồi, không nên xin thêm tiền hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể nữa".
Đối với không ít hộ nghèo, gói hỗ trợ 62.000 tỉ này không dễ tiếp cận vì có quá nhiều loại giấy tờ và tiêu chí khác nhau để được xét duyệt.
Chị Nguyễn Thị Nhung, một bà mẹ có 3 con nhỏ hiện chạy xe Grab mưu sinh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết cuộc sống gia đình chị vô cùng thiếu thốn trong mùa dịch vì xe ôm Grab hầu như không có khách, nhưng chị cũng không thể lọt vào danh sách nhận tiền hỗ trợ của chính phủ.
"Em cũng làm đủ mọi loại giấy tờ nộp lên tổ dân phố để tổ dân phố xem xét rồi nộp lên phường. Nhưng vì em chạy Grab, tức là làm việc cho công ty, nên phải xin giấy chứng nhận của công ty là không đi làm. Hơn thế em thấy những người chạy Grab, tức là có qua một công ty, đã xin rồi đều không được nên em thôi, không mất công xin xỏ làm gì nữa", chị nói.
Theo quy định thì các hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc gia sẽ được hỗ trợ 250.000/tháng, trong 3 tháng, và nhận tiền một lần. Còn đối với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng hay hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu/năm sẽ được nhận 1 triệu đồng/tháng, trong 3 tháng, và cũng nhận một lần. Số tiền không lớn, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, ít nhiều cũng đỡ phần nào gánh nặng mưu sinh cho người nghèo giữa cơn đại dịch.
Chị Liên nói chị hy vọng số tiền hỗ trợ đó ít nhất sẽ đến được tay những hộ gia đình ở các vùng sâu-vùng xa hay những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn hơn gia đình chị, chứ không phải chỉ có trên giấy, trên TV, hoặc chạy vào túi của những ai đó.
******************
Việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó do Covid-19 còn quá chậm (RFA, 11/06/2020)
Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6, gần 4 ngàn người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Người nghèo nhận thực phẩm mùa dịch Covid-19 ở Hà Nội - Reuters - Ảnh minh họa
Đó là thông tin do ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thuộc Sở Lao động Hà Nội trả lời trên Vietnamplus vào ngày 11 tháng 6.
Ông Thảo cho hay tính trung bình mỗi ngày có gần 2000 người lao động đến trung tâm nhưng trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng chừng 530 hồ sơ. Con số này được nói tăng cao so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, ông Thảo nói mỗi ngày trung tâm còn tiếp nhận, hướng dẫn gần 900 người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp tìm việc làm.
Được biết, mặc dù từ tháng 5 các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và số lượng người lao động quay trở lại làm việc ngày một nhiều nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn không thể trở lại như trước khi đại dịch coronavirus xảy ra do vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn bị ảnh hưởng.
Đó cũng là lý do nhiều đại biểu quốc hội trong ngày 11/6 đã đặt vấn đề chính phủ nên rà soát, kiểm tra lại các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó do tác động của dịch Covid-19 để kịp thời điều chỉnh, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp khó khăn sớm nhận được sự hỗ trợ.
Đơn cử, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam được truyền thông trong nước trích ý kiến đóng góp rằng Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh là nhờ có đối sách đúng đắn. Song, kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp và thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp thì cả nước lại đang thận trọng, vì sợ làm trái với pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, sợ hỗ trợ không đúng đối tượng dẫn đến việc hỗ trợ quá chậm trễ.
Lượng xe cộ lưu thông tăng mạnh xung quanh những bệnh viện chính ở Vũ Hán từ tháng 8/2019 cho thấy virus corona có thể đã xuất hiện và lây lan khắp miền trung Trung Quốc từ lâu trước khi dịch lần đầu tiên được báo cáo ra thế giới, theo một cuộc nghiên cứu mới của Trường Y Harvard.
Tiến sĩ John Brownstein, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu từ Havard
Dùng kỹ thuật tương tự như các cơ quan tình báo sử dụng, toán nghiên cứu phân tích những hình ảnh vệ tinh thương mại và "quan sát được sự gia tăng đáng kể lượng giao thông bên ngoài 5 bệnh viện chính của Vũ Hán bắt đầu cuối mùa hè và đầu mùa thu 2019", theo bác sĩ John Brownstein, giáo sư trường Y Harvard, người đứng đầu cuộc nghiên cứu.
Bác sĩ Brownstein, cũng là cộng tác viên cho ABC News, cho biết lượng giao thông gia tăng cũng "trùng hợp với" sự gia tăng tìm kiếm thông tin trên internet tại Trung Quốc về "một vài triệu chứng, sau này được xác định là gần với những triệu chứng của virus corona".
Dù ông Brownstein công nhận chứng cớ này là gián tiếp, nhưng ông nói cuộc nghiên cứu là một điểm dữ liệu quan trọng mới về nguồn gốc bí mật của virus corona.
"Có chuyện gì đó xảy ra trong tháng 10", ông Brownstein, viên chức đứng đầu sáng kiến tại Bệnh viện Nhi đồng Boston đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Dịch tễ học Vi tính của trung tâm y khoa này nói.
"Rõ ràng có một vài mức độ gián đoạn xã hội diễn ra trước khi điều được xác nhận trước đây là khởi điểm của đại dịch virus corona bắt đầu".
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc năm ngoái, virus corona đã quét qua toàn thế giới, lây nhiễm gần 7 triệu người và giết chết hơn 400.000 người, theo Trường đại học John Hopskins. Nhiều người tin rằng virus này từ động vật lây sang người và cướp đi sinh mạng con người tàn khốc nhất kể khi đại dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ.
Dù các giới chức Trung Quốc mãi tới ngày 31/12 năm ngoái mới chính thức thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới biết rằng một loại virus gây bệnh đường hô hấp càn quét qua Vũ Hán, nhưng tình báo Mỹ nắm bắt được vấn đề rất sớm vào cuối tháng 11 năm ngoái và thông báo cho Ngũ Giác Đài, theo 4 nguồn tin được thuyết trình về những thông tin mật cho biết.
Phóng viên BBC từ Bắc Kinh, John Sudworth, nói rằng có những giới hạn về dữ liệu mà các nhà nghiên cứu sử dụng. Chẳng hạn như không phải lúc nào cũng có thể so sánh những hình ảnh vệ tinh được chụp vào cùng một ngày trong các năm khác nhau liên tiếp, do mây có thể che phủ một phần trong các tấm ảnh.
Tuy nhiên, nếu như có tình trạng lây nhiễm – mà có thể là khi đó chưa bị phát hiện – thì một số người có thể đã rời Vũ Hán đi ra nước ngoài, và điều đó phù hợp với một số bằng chứng khác mà chúng ta đã bắt đầu nhìn đến ở một số vùng trên thế giới, theo đó cho thấy có những ca đã nhiễm Covid-19 từ sớm, phóng viên BBC nói.
Tuy nhiên, có thể sẽ là không công bằng nếu sử dụng kết quả nghiên cứu làm bằng chứng về việc Trung Quốc đã che đậy hoặc phản ứng chậm đối với bệnh dịch, bởi với loại bệnh chưa từng biết tới từ trước tới nay, khi nó xảy ra trong một cộng đồng thì rất có thể đã có sự lây lan nhưng không bị phát hiện trước khi chính thức được thông báo, phóng viên BBC nói thêm.
Trung Quốc báo về các ca viêm phối không rõ nguyên nhân cho WHO vào hôm 31/12/2019.
Chín ngày sau, giới chức Trung Quốc tiết lộ rằng họ đã phát hiện ra một chủng virus corona mới (về sau được đặt tên là Sars-Cov-2, là loại virus đã gây ra bệnh dịch Covid-19) trong một số các ca viêm phổi.
Vũ Hán và các thành phố khác của Trung Quốc đã bị phong tỏa từ 23/1/2020.
WHO công bố Covid-19 là Mối Quan ngại Toàn cầu đối với Tình trạng Khẩn cấp trong Y tế Cộng đồng vào ngày 30/1/2020, sau khi có 82 ca dương tính được xác nhận ở bên ngoài Trung Quốc.
Trong hôm thứ Ba 9/6/2020, các chuyên gia dịch tễ đã đặt câu hỏi về một tuyên bố của WHO theo đó nói việc lây nhiễm Covid-19 từ những người không có triệu chứng bệnh là "rất hiếm", Reuters tường thuật.
Các chuyên gia nói chỉ dẫn này của WHO có thể đã khiến chính phủ các nước gặp vấn đề khi cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Ông Brownstein và toán của ông, bao gồm các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Boston và Bệnh viện Nhi đồng Boston, đã mất hơn một tháng nỗ lực tìm ra chỉ dấu là thời điểm nào cư dân tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc lần đầu tiên bị virus tấn công.
Bắt đầu bằng gần 350 hình ảnh do các vệ tinh tư nhân bay xung quanh trái đất chụp, cuộc nghiên cứu của ông Brownstein đầu tiên xem xét lượng giao thông và lượng xe đậu bên ngoài những bệnh viện chính tại Vũ Hán trong hai năm qua.
Vào ngày 10/10/2018 có 171 xe đậu tại bãi đậu xe của Bệnh viện Tianyou Vũ Hán, một trong các bệnh viện lớn nhất của thành phố. Một năm sau đó, vệ tinh ghi nhận 285 xe—tăng 67%, theo dữ liệu các nhà nghiên cứu duyệt lại và chia sẻ với NBC News.
Các bệnh viện khác cũng cho thấy gia tăng 90%, khi so sánh với lượng giao thông từ mùa thu năm 2018 và 2019, theo cuộc nghiên cứu. Tại Trường đại học Y Tongji ở Vũ Hán, lượng giao thông gia tăng được phát hiện vào giữa tháng 9/2019.
Ông Tom Diamond, chủ tịch RS Metrics, làm việc với toán nghiên cứu của ông Brownstein, nói với ABC News là khu vực Vũ Hán rõ ràng đã trải qua một vấn đề y tế rộng lớn trong nhiều tháng trước khi chính phủ Trung Quốc công khai nhìn nhận là việc lây nhiễm đã lan tràn qua thành phố đông dân này. Loan báo đó được đưa ra vào Đêm Giao thừa khi Ủy viên Y tế Thành phố Vũ Hán báo cáo có một "chuỗi" các ca sưng phổi trong thành phố.
Cựu quyền Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ John Cohen, người giám sát những hoạt động tình báo của Bộ dưới thời chính quyền Obama, nói cuộc nghiên cứu mới cho thấy Covid-19, hiện đã giết chết hơn 110.000 người Mỹ, dường như do những người từ Vũ Hán mang vào Mỹ trước khi virus được phát hiện.
Ông Brownstein nói ông và những nhà nghiên cứu của ông nhận thấy dữ liệu xe cộ lưu thông tới bệnh viện đáng chú ý hơn sau khi đào sâu vào những cuộc truy tìm trên internet. Vào khoảng thời gian lượng giao thông bệnh viện gia tăng, lượng giao thông trên mạng vùng Vũ Hán cũng gia tăng trong số những người sử dụng dùng mạng Baidu của Trung Quốc để truy tìm tin tức về "ho" và "tiêu chảy", là những triệu chứng liên hệ chặt chẽ đến Covid-19.
Ông Brownstein và toán nghiên cứu của ông từng dùng hình ảnh vệ tinh năm 2015 để điều tra xem hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể tiên đoán sự bùng phát của những chứng bệnh như cúm xảy ra như thế nào.
Bà Hoa Xuân Oánh – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo hôm thứ Ba đã bác bỏ kết quả nghiên cứu trên.
"Tôi thấy là thật lố bịch, cực kỳ lố bịch khi đưa ra kết luận này, dựa trên những quan sát hời hợt như dựa vào lượng xe cộ đi lại", bà nói.
WHO cảnh báo tình hình Covid-19 "ngày càng xấu đi" trên toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình hình đại dịch virus corona đang trở nên tồi tệ hơn trên toàn cầu và cảnh báo các nước không được chủ quan.
Hôm 8/6, WHO cho biết họ đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất khi dịch Covid-19 đang hoành hành khắp Châu Mỹ. Đại dịch đã khiến hơn 7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 400.000 người tử vong kể từ khi được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12 năm ngoái.
Sau Đông Á, Châu Âu trở thành tâm chấn của dịch bệnh, nhưng hiện tại nó đã chuyển sang Châu Mỹ.
"Mặc dù tình hình ở Châu Âu đang được cải thiện, nhưng trên phạm vi toàn cầu nó lại trở nên tồi tệ hơn", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp trực tuyến tại Geneva hôm 8/6.
"Hơn 100.000 ca nhiễm mới đã được báo cáo trong 9 trên tổng số 10 ngày qua. Và hôm qua 7/6, hơn 136.000 ca nhiễm mới được ghi nhận, con số lớn nhất trong một ngày kể từ đầu dịch", ông Tedros nói.
Tổng Giám đốc WHO thông báo rằng 75% các trường hợp nhiễm vào hôm Chủ nhật 7/6 đến từ 10 quốc gia, chủ yếu ở Châu Mỹ và Nam Á.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Ông Tedros cũng lưu ý rằng tại các quốc gia nơi tình hình đang được cải thiện, "mối đe dọa lớn nhất hiện nay là sự tự mãn", và nói thêm rằng "hầu hết mọi người trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm bệnh".
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hiện đang cảnh báo các cuộc biểu tình lớn trên đường phố tại các thành phố lớn ở Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd có thể mang đến nguy cơ của một đợt bùng phát dịch mới.
"Chúng tôi khuyến khích tất cả những người biểu tình trên thế giới cần thực hiện điều này một cách an toàn", ông Tedros khuyến cáo, đề nghị mọi người cách nhau ít nhất 1m, rửa tay, che miệng khi ho và đeo khẩu trang nếu tham gia biểu tình.
Hôm 8/6, các nhà nghiên cứu của Đại học Washington đã ước tính rằng khoảng 145.728 người có thể chết vì Covid-19 tại Mỹ vào tháng 8, tăng hơn 5.000 trường hợp so với dự báo trước đó vài ngày.
Nước Mỹ đã ghi nhận hơn 1,9 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 110.000 ca tử vong, theo số liệu từ trường Đại học Johns Hopkins.
Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO Michael Ryan nhấn mạnh ông hy vọng những ai cảm thấy không khỏe thì nên ở nhà và không tham gia bất kỳ cuộc tụ tập đông người nào.
Covid-19 : TNS Mỹ cáo buộc Trung Quốc cản trở phương Tây tìm vaccine
Thượng nghị sĩ Rick Scott
Tranh cãi Mỹ-Trung lại bùng lên tranh cãi quanh chuyện virus corona, với việc một thượng nghị sĩ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách chặn việc phát triển vaccinne ở phương Tây.
Ông Rick Scott nói có bằng chứng từ "các nguồn tin tình báo của chúng tôi" nhưng không đưa ra chi tiết để chứng minh cho tuyên bố này.
Trong lúc đó, Trung Quốc đưa ra một tài liệu nhằm bảo vệ cho các hoạt động phòng chống virus của mình, và nói rằng họ đã báo cho Hoa Kỳ từ hôm 4/1.
Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa ở Florida, người có chân trong ủy ban an ninh quốc nội và một số cơ quan khác, đã ra các cáo buộc trong chương trình Andrew Marr Show của BBC.
Ông nói : "Chúng ta cần phải làm ra vaccine. Thật không may là chúng tôi có bằng chứng cho thấy Trung Quốc cộng sản đang tìm cách phá hoại chúng tôi hoặc là làm chậm tiến trình tìm ra vaccine".
Một số chuyên gia cho rằng nhân loại có thể tìm ra vaccine trị Covid-19 vào giữa năm 2021, nhưng không ai đảm bảo được chắc chắn điều này
Ông nói : "Trung Quốc không muốn chúng tôi, và nước Anh cũng như Châu Âu tạo ra được vaccine trước. Họ đã quyết định trở thành đối thủ của Mỹ và các nền dân chủ trên thế giới".
Ông Scott, người vốn là một ủng hộ viên đáng tin cậy của Tổng thống Donald Trump, đã bị hỏi lại, và ông nói "bằng chứng" được đưa ra từ các đơn vị tình báo và lực lượng có vũ trang. Ông nói thêm : "Có những thứ tôi không thể thảo luận… tôi được cung cấp thông tin".
Ông nói nếu như "Anh hoặc Mỹ làm được đầu tiên thì chúng ta sẽ chia sẻ. Trung Quốc cộng sản sẽ không chia sẻ".
Bắc Kinh vẫn chưa phản hồi gì đối với các cáo buộc mà ông Scott tung ra, nhưng trong một tài liệu mà nước này mới công bố liên quan tới phản ứng của Trung Quốc đối với bệnh dịch, Bắc Kinh nói họ đã báo tin cho Hoa Kỳ từ hôn 4/1, khi bệnh dịch vẫn còn chưa được biết đến nhiều.
Bắc Kinh liệt kê ra một cuộc điện thoại thông báo tình hình giữa giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc với người tương nhiệm phía Mỹ.
Trung Quốc nói trong văn bản mới này rằng họ đã hành động hoàn toàn công khai, minh bạch và có trách nhiệm.
Trung Kiên
Nguồn : Thoibao.de, 11/06/2020
Covid-19 đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trong Sáng kiến Một vành đai một con đường
Chỉ mới cách đây một năm, tại một cuộc họp vào tháng 5/2019 ở Bắc Kinh, tập hợp lãnh đạo các nước trên thế giới đã tham gia vào Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường (Belt and Road Initiative-BRI), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn phô trương đề án hạ tầng cơ sở to lớn của Bắc Kinh.
Toàn cảnh công trường xây cầu Peljesac nối liền Dubrovnik với phần còn lại của Croatia, do công ty Trung Quốc China Road and Bridge Corporation xây dựng. Reuters/Stringer
Thế nhưng một con virus nhỏ xuất hiện tại Vũ Hán mà Bắc Kinh thoạt đầu muốn che giấu, đã bắt đầu gây hại tại Trung Quốc trước khi lan rộng ra toàn thế giới, gây nên những thiệt hại không kể xiết.
Hậu quả, theo một phân tích của tuần báo Anh The Economist ngày 04/06/2020 vừa qua, là nhiều đề án của cái được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc đã bị dừng lại, nhiều nước tham gia đề án đang phải vật lộn để trả các khoản vay của Bắc Kinh, bản thân kinh tế Trung Quốc cũng đang suy yếu. Trong bài viết : "Đại dịch gây hại lớn cho Sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc", tuần báo Anh nhận định, Con Đường Tơ Lụa lẽ ra phải mượt mà đã trở nên gập ghềnh hơn.
Theo The Economist, Sáng kiến Một vành đai một con đường là yếu tố trung tâm trong chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình, được đưa vào cương lĩnh của Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2017, được guồng máy tuyên truyền đồng loạt tán dương. Hoàn Cầu Thời Báo chẳng hạn cho rằng "Hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến đã đạt đến cấp độ phát triển thượng thặng", còn Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh thì khẳng định : "Nhất Đới Nhất Lộ sẽ trở thành chất xúc tác cho việc vực dậy kinh tế toàn cầu".
Từ năm 2013, khi sáng kiến này bắt đầu khởi động, Trung Quốc đã cấp phát hay cam kết hàng trăm tỷ đô la tín dụng hay viện trợ để xây dựng hàng loạt nhà máy điện, cảng biển, đường sắt, đường bộ và các cơ sở hạ tầng khác ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Trung Á và Châu Âu.
Tuy nhiên, theo The Economist, với dịch Covid-19, bão tố đã nổi lên dọc theo 2 trục trên bộ và trên biển của Con Đường Tơ Lụa Mới.
Sau khi bị đại dịch Covid-19 quét qua, công trình xây dựng nhiều đề án đã bị đình chỉ, một số đã bị bỏ hẳn, một số khác mà lợi ích thực thụ đã bị nghi ngờ ngay từ trước khi có dịch, giờ đây đã bị coi là cồng kềnh, tốn kém mà lại vô ích. Nhiều khoản vay đáo hạn sắp lâm vào tình trạng không khả năng thanh toán, và các nước con nợ, bị Covid-19 đánh quỵ, đang tìm cách khất nợ đến hạn.
Vào tháng Hai vừa qua, Ai Cập đã dời lại vô thời hạn công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Hamrawein do Trung Quốc tài trợ. Qua tháng 3, đến lượt Bangladesh hủy bỏ kế hoạch xây một nhà máy điện than ở Gazaria. Đến tháng Tư, Pakistan yêu cầu Trung Quốc nới lỏng thời hạn trả 30 tỷ đô la cho các đề án về năng lượng.
Nhiều quyết định hủy bỏ cũng kèm theo những lời đả kích cách Trung Quốc cho vay.
Tháng Tư vừa qua, tổng thống Tanzania John Magufuli tuyên bố sẽ hủy bỏ một đề án xây hải cảng trị giá 10 tỷ đô la ở Bagamoy, với lý do là người tiền nhiệm của ông đã ký kết đề án với những điều kiện mà chỉ có "người say rượu" mới chấp nhận – chủ yếu là việc Trung Quốc sẽ hoàn toàn kiểm soát, sử dụng cảng, với hợp đồng thuê nhượng trong 99 năm.
Trong tháng Năm, các nghị sĩ Nigeria cũng bỏ phiếu thông qua việc rà soát lại toàn bộ các khoản vay từ Trung Quốc cho những đề án mà Trung Quốc tài trợ, trong bối cảnh quan ngại nổi lên chung quanh việc các phần tài trợ này kèm theo những điều khoản không thuận lợi.
Công trình cũng bị đình hoãn do các biện pháp cách ly, an toàn y tế liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có việc một số quốc gia hạn chế không cho nhân công Trung Quốc về nước nhân dịp Tết Nguyên Đán được trở lại làm việc.
Ví dụ được The Economist nêu bất là trường hợp Việt Nam. Các biện pháp an toàn cấm người từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc chạy thử tuyến đường metro mới ở Hà Nội. Hơn 100 chuyên gia Trung Quốc tham gia công trình đã không trở lại Việt Nam được. Bản thân dự án này cũng đã bị chậm trễ đến 4 năm so với dự kiến và với cái giá bị đội lên thành 800 triệu đô la cho 8 dặm đường ray, vượt xa ngân sách dự kiến.
Đối với The Economist, các tình huống này tạo ra nhiều vấn đề cho lãnh đạo Trung Quốc về mặt kinh tế, ngoại giao và chính trị, vì BRI gắn chặt với uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trước tiên, sẽ có thua lỗ về tài chính. Nhiều quốc gia dùng tiền thu được nhờ xuất khẩu hàng hóa để chi cho các đề án Con Đường Tơ Lụa. Thế nhưng dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu về các hàng hóa này. Vấn đề đối với Trung Quốc là có nên giảm nợ, như một số quốc gia chủ nợ đôi khi làm, hay là vẫn giữ nguyên số nợ và duy trì các dự án trong khuôn khổ BRI càng nhiều càng tốt, bằng cách hoãn lại việc chi trả và kéo dài thời hạn, điều mà Trung Quốc vẫn làm ?
Đối với các chuyên gia, dẫu sao thì việc không trả được nợ cho Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Và vấn đề đặt ra ở đây là trái với các thành viên Câu Lạc Bộ Paris, tập hợp các quốc gia chủ nợ lớn, không đòi thế chấp khi cho vay để phát triển, thì theo bà Carmen Reinhart, kinh tế trưởng sắp tới đây của Ngân Hàng Thế Giới, các ngân hàng Trung Quốc lại đòi thế chấp trên khoảng 60% tín dụng mà họ cấp cho các quốc gia đang phát triển.
Trên nguyên tắc một quốc gia chỉ có thể được hoãn nợ khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát một khu mỏ, một cái cảng hay khoản tiền đã thế chấp. Đấy chính là lý do vì sao các ngân hàng Trung Quốc chỉ muốn đàm phán lại các khoản nợ một cách song phương và kín đáo vì như vậy họ có phương tiện gây áp lực để chọn cách xử lý có lợi cho mình.
The Economist nhận định : Đó chính là yếu tố gây nên không ít rủi ro ngoại giao cho Trung Quốc vì đòi lấy tài sản từ những quốc gia vỡ nợ sẽ dẫn đến phẫn nộ.
Điều đó sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc tại những nước mà sáng kiến BRI muốn giúp đỡ, và càng làm tăng mối nghi kỵ trong giới diều hâu phương Tây là Trung Quốc sử dụng chiêu bài Con Đường Tơ Lụa để bắt chẹt các nước con nợ và qua đó giành quyền kiểm soát hạ tầng cơ sở phục vụ Trung Quốc trên mặt chiến lược.
Theo chuyên gia Scott Morris, thuộc Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Centre for Global Development), một cơ quan tham vấn tại Washington, thì nếu Trung Quốc tịch thu các tài sản mà các quốc gia con nợ đã thế chấp, phản ứng ngược lại sẽ rất nghiêm trọng.
Đối với ông Morris, rất có thể là Bắc Kinh sẽ xử lý một cách thận trọng, và trước khi kinh tế toàn cầu phục hồi lại, chắc chắn số dự án mới trong Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường sẽ ít đi : "Rất khó mà tưởng tượng được là BRI có thể giữ được mức độ tham vọng trước đây".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI,09/06/2020