Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dịch Covid-19 có lẽ là cơ hội để các nước Đông Nam Á hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và đa dạng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đạt được vị thế tốt hơn.

asean1

Công nhân Campuchia rời khỏi nhà máy của họ khi họ nghỉ trưa ở Phnom Penh, ngày 2 tháng 3 năm 2020. Ngành may mặc trị giá hàng tỷ đô la của Campuchia có nguy cơ bị gián đoạn chuỗi từ đột phá Covid-19, vì nó tác động đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Đông Nam Á . (Tang Chhin Sothy / AFP)

Hiện nay, trong bối cảnh Covid-19 lây lan khắp nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, một Đông Nam Á vốn mở cửa và liên kết sâu rộng phải đối mặt với nguy cơ lớn là các ca bệnh Covid-19 nhập khẩu. Cuộc chiến chống đại dịch đang trở nên khốc liệt khi tình hình trong khu vực nhanh chóng xấu đi. Malaysia đã trở thành quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Đông Nam Á, với số ca được xác định mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng. Tính đến trưa 26/3/2020, tổng số ca được xác nhận ở 10 quốc gia ASEAN đã vượt qua con số 5.200 ca và đang tiếp tục gia tăng.

Do những khác biệt lớn trong hệ thống y tế công cộng cũng như các cơ sở và nguồn lực y tế giữa các quốc gia Đông Nam Á, mức độ sẵn sàng và năng lực triển khai nguồn lực của các nước này đối với những đợt bùng phát bệnh lây nhiễm trên diện rộng cũng có sự khác biệt. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019 về 141 nền kinh tế của Diễn đàn kinh tế thế giới, các quốc gia ASEAN có sự chênh lệch rất lớn về năng lực y tế. Singapore đứng đầu thế giới về y tế và sở hữu hệ thống y tế tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, Lào (đứng thứ 109), Campuchia (đứng thứ 105) và Philippines (đứng thứ 102) lại tụt hậu rất xa. Nếu tình hình bùng phát dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn trong ASEAN, dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng và đột ngột số ca mắc giống như ở Trung Quốc và Hàn Quốc, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng nhấn chìm các quốc gia có hệ thống y tế công cộng yếu kém và tiêu chuẩn y tế thấp, nhất là Lào, Campuchia, Philippines và Indonesia.

Đối mặt với sự tấn công của Covid-19, các nước Đông Nam Á cần có ngay những biện pháp mạnh nhằm xét nghiệm cho tất cả các ca nghi nhiễm, cách ly và điều trị các bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong, tiến hành điều tra truy tìm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân và ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng. Ngày 17/3/2020, Giám đốc Tổ chức y tế thế giới khu vực Đông Nam Á đã hối thúc các quốc gia trong khu vực hành động khẩn trương và quyết liệt chống lại đại dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan hơn nữa của Covid-19.

Sức ảnh hưởng của toàn cầu hóa và các tổ chức đa phương quốc tế bị giới hạn trong bối cảnh đại dịch bùng phát dữ dội. Do đó, sự chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp và khả năng phục hồi của mỗi quốc gia có ý nghĩa trọng yếu, và một lần nữa sẽ trở nên quan trọng trong việc xác định tính cạnh tranh nói chung của mỗi quốc gia. Khả năng phục hồi của quốc gia bao gồm phản ứng trước các tình huống khẩn cấp, chỉ huy và phối hợp các cơ quan điều hành, hệ thống y tế và năng lực triển khai nguồn lực, năng lực phát triển công nghệ và sự cố kết xã hội và công cộng.

Chẳng hạn, chỉ sau chưa đầy một tháng, Hàn Quốc đã bước đầu kiểm soát được đại dịch sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 vào giữa tháng 2/2020. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên toàn quốc, Hàn Quốc về cơ bản đã giới hạn sự bùng phát trong phạm vi thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. Điều đáng khen ngợi là Hàn Quốc đã không áp dụng những biện pháp cực đoan như phong tỏa thành phố hay đình chỉ giao thông, qua đó giảm thiểu sự bất tiện đối với người dân. Điểm nổi bật trong mô hình hiệu quả này của Hàn Quốc là sự sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp và khả năng phục hồi của nước này.

Là tâm chấn ban đầu của bệnh dịch và cũng là nguồn du khách quan trọng, trung tâm của chuỗi công nghiệp toàn cầu, đối tác thương mại và bên cấp vốn quan trọng, Trung Quốc có ý nghĩa trọng yếu đối với tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, đại dịch cũng tác động tới nền kinh tế khu vực thông qua du lịch, chuỗi công nghiệp và hoạt động đầu tư, đặc biệt là ở Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Mức độ tác động kinh tế của đại dịch ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào tốc độ vượt qua đại dịch của Trung Quốc và Đông Nam Á.

Ngày 20/2/2020, bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về Covid-19 tại Viêng Chăn, thủ đô Lào. Đây là cuộc họp đa phương đầu tiên giữa Trung Quốc và các quốc gia khác về Covid-19 và các vấn đề y tế công cộng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với tư cách các đối tác chiến lược, Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp về cam kết của họ trong việc tăng cường hợp tác chống Covid-19 bùng phát, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực y tế công cộng, thiết lập các kênh chia sẻ thông tin về đại dịch, trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia y tế, với tầm nhìn nâng cao năng lực chuẩn bị và phản ứng trước các tình huống khẩn cấp.

Những liên kết thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN

Với tư cách láng giềng, Đông Nam Á có những liên kết thương mại gần gũi và tích cực nhất với Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước thành viên ASEAN. Tỷ trọng của ASEAN trong xuất khẩu của Trung Quốc đang gia tăng. Đồng thời, tỷ trọng của ASEAN trong tổng lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đang trên đà tăng. Những dấu hiệu này chỉ ra mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa ASEAN và Trung Quốc, trung tâm của chuỗi công nghiệp toàn cầu. Năm 2019, tổng kim ngạch ngoại thương của ASEAN lên tới 2.799,2 tỷ USD, trong đó 18% là với Trung Quốc. Con số này cao hơn nhiều so với EU (10%) và Nhật Bản (8,1%).

Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN vẫn thấp hơn vào Mỹ, EU và Nhật Bản, nhưng đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2019, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đã đạt 15,5 tỷ USD, chiếm hơn 13% đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động rất tích cực ở Đông Nam Á và tham gia nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực, bao gồm đường sắt Trung-Lào từ tỉnh Vân Nam tới Viêng Chăn, các dự án thủy điện ở Lào, nhà máy điện ở Campuchia, nhà máy nhiệt điện than và đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia, các nhà máy sắt thép ở Malaysia và các dự án vận tải cao tốc ở Singapore. Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng tiêu thụ đáng kể các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc trong thị trường trong nước, từ hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và đồ gia dụng đến hàng hóa cao cấp như động cơ xe, điện thoại thông minh và thiết bị truyền thông.

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế ASEAN

Ngày nay, mối quan hệ kinh tế Trung Quốc-ASEAN đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã thiết lập quan hệ kinh tế và các mối liên kết thương mại chặt chẽ thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 16% nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của ASEAN theo hai hướng.

Thứ nhất, khách du lịch Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng du lịch ở ASEAN. Trung Quốc đã trở thành nguồn khách du lịch ngoài nước lớn nhất thế giới, với tổng cộng 150 triệu lượt khách năm 2018, tương đương hơn 12% lượng du khách ngoài nước trên toàn cầu. Do tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng văn hóa, những điểm tham quan tự nhiên độc đáo và khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc, ASEAN rất được các du khách Trung Quốc ưa chuộng.

Năm 2018, hơn 30 triệu du khách Trung Quốc đã tới ASEAN, chiếm phần rất lớn trong tổng số du khách nước ngoài, nhất là đối với Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Thu nhập của ASEAN từ du lịch đã trở nên phụ thuộc vào tiêu dùng của người Trung Quốc khi có thể thấy hàng đoàn du khách Trung Quốc tụ tập tại nhiều điểm đến du lịch khác nhau, các khu nghỉ mát ven biển, trung tâm mua sắm và nhà hàng. Theo dữ liệu được công bố trong Báo cáo về Trung Quốc và thế giới của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey tháng 7/2019, mức chi tiêu của du khách Trung Quốc tương đương 7% tiêu dùng cá nhân trong nước ở Singapore và 9% ở Thái Lan.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, Trung Quốc đã tạm ngưng các nhóm du lịch ra nước ngoài vào cuối tháng 1/2020. Ngoài ra, do nhiều quốc gia đã thực hiện lệnh cấm du lịch nhằm hạn chế du khách Trung Quốc vào đất nước, nhiều yêu cầu đặt tour đã bị hủy. Trong ngắn hạn, việc số lượng du khách Trung Quốc giảm mạnh sẽ tác động sâu sắc đến ngành du lịch, hàng không, dịch vụ ăn uống và các ngành dịch vụ khác ở ASEAN. Các nước phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan và Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chẳng hạn, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan vào tháng 2/2020 đã giảm hơn 90%. Tổng cục du lịch Thái Lan ước tính dịch Covid-19 sẽ khiến ngành du lịch Thái Lan thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với ngành du lịch, các nước thành viên ASEAN hy vọng kích thích ngành du lịch trong nước và khai thác các thị trường nguồn mới. Tuy nhiên, sẽ cần phải có thời gian để các biện pháp này mang lại kết quả do dịch bệnh này tác động đến toàn cầu.

Thứ hai, các nước thành viên ASEAN tham gia chuỗi công nghiệp toàn cầu với Trung Quốc làm trung tâm phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian sang Trung Quốc để xử lý và lắp ráp giai đoạn cuối. Trong số này có gỗ và nông sản từ Việt Nam, cao su và dầu cọ từ Malaysia, và các linh kiện điện tử từ Singapore. Viện toàn cầu McKinsey ước tính xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 11% sản lượng trong nước của Malaysia và Việt Nam.

Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, 16.000 nhà máy tại nước này đã ngừng sản xuất vào tháng 1-2/2020, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Để trở thành "công xưởng tiếp theo của thế giới", trong những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhãn mác "Sản xuất tại Việt Nam" hiện vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Chẳng hạn, hơn 50% nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian cần thiết cho ngành dệt may của Việt Nam được nhập khẩu từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác gần như không thể khắc phục được sự phụ thuộc này.

Các nước thành viên ASEAN có các hệ thống công nghiệp không tương xứng và thiếu các hoạt động đầu nguồn và cuối nguồn trong các chuỗi giá trị. Trừ Singapore, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có thâm hụt thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Thâm hụt thương mại kéo dài sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực công nghiệp hoá của các nước này.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đã tạo cho mình một lợi thế so sánh trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc bắt nguồn từ lực lượng lớn các lao động lành nghề và siêng năng, hệ thống giao thông vận tải hiệu quả, cơ sở hạ tầng điện tử, các chuỗi cung ứng đầu nguồn và cuối nguồn, nền chính trị ổn định trong nước và thị trường tiêu thụ khổng lồ.

Đối với ASEAN, hiện nay việc giảm sự tập trung vào Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu là không thực tế và bất khả thi. Báo cáo về Trung Quốc và thế giới của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho thấy thế giới ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, trong khi đó sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã giảm đi do sự chuyển đổi kinh tế và sự phát triển của thị trường tiêu dùng nội địa.

Tái cơ cấu chuỗi công nghiệp và các cơ hội phát triển ở ASEAN

Trong những năm gần đây, để đối phó với chi phí sản xuất gia tăng ở Trung Quốc, sự chuyển đổi kinh tế và việc tăng thuế xuất khẩu do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra, nhiều công ty đa quốc gia đang cân nhắc việc di dời hoặc thực sự di dời một phần năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc như là một biện pháp trong chiến lược đa dạng hoá "Trung Quốc+1". Chẳng hạn, sau khi đóng cửa các nhà máy sản xuất ở Thâm Quyến và Thiên Tân năm 2018 và tại Huệ Châu, Quảng Đông vào tháng 10/2019, tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã hoàn thành mục tiêu chuyển các chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Samsung hiện có 2 nhà máy sản xuất và lắp ráp lớn tai Việt Nam.

Dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đa dạng hoá và tái cơ cấu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tất yếu tái cơ cấu các chuỗi công nghiệp không còn bị nghi ngờ mà nay đã trở thành vấn đề về thời điểm và mức độ. Đại dịch hiện nay sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực này. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, mức độ sử dụng thực tế các khoản đầu tư nước ngoài của nước này trong tháng 1/2/2020 đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 2/2020, con số này đã giảm đáng kể 25,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Một báo cáo khảo sát vào tháng 2/2020 do Văn phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện đã cho thấy 1/3 các công ty Mỹ sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu các nhà máy không thể khôi phục hoạt động. Nhiều công ty được khảo sát phàn nàn rằng luật pháp và quy chế của Trung Quốc không minh bạch và các thủ tục cách ly nhân viên đều cồng kềnh và không nhất quán, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc khôi phục sản xuất. Tháng 2/2020, tờ Nikkei Asian Review đưa tin rằng tập đoàn công nghệ Foxconn, một công ty đúc kỹ thuật lớn lắp ráp điện thoại thông minh ở Trung Quốc, chỉ có thể khôi phục 50% công suất. Dựa trên các cuộc khảo sát và phân tích này, có thể dự đoán rằng ít nhất 30% doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ chuyển một phần năng lực chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Việc nắm bắt các cơ hội trong thị trường Trung Quốc cũng như các khoản đầu tư của nước này quả thực là điều quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của ASEAN. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với ASEAN. Việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc và chuỗi công nghiệp lấy Trung Quốc làm trung tâm nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khu vực đi kèm với những nguy cơ to lớn. Dịch Covid-19 đã nêu bật nguy cơ "cú sốc Trung Quốc", một thuật ngữ trước đó được sử dụng để chỉ tác động của lượng hàng hoá nhập khẩu ngày càng nhiều từ Trung Quốc đối với việc làm trong ngành sản xuất ở các nước phương Tây sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Theo kết quả của báo cáo thăm dò "Thực trạng của Đông Nam Á năm 2020" do Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore thực hiện vào tháng 1/2020, thái độ của các nước thành viên ASEAN đối với Trung Quốc đã trở nên ngày càng phức tạp và thận trọng. Hầu hết giới tinh hoa Đông Nam Á được khảo sát đều tin rằng "Trung Quốc là một cường quốc xét lại và có ý đồ biến Đông Nam Á thành phạm vi ảnh hưởng của nước này". 79% số người được hỏi từ các nước Đông Nam Á đều lo ngại về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, và chỉ 28,1% số người được hỏi hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế như vậy.

Với dân số hơn 600 triệu người, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tại đây, lực lượng lao động dồi dào và trẻ, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và thị trường có tiềm năng khổng lồ. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và chi phí sản xuất thấp, ASEAN có các điều kiện tiên quyết để trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới và đóng một vai trò quan trọng hơn trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu tạo nhiều cơ hội cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Campuchia, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất của các nước này và củng cố các ngành phụ trợ. Do đó, các nước Đông Nam Á cần nắm bắt các cơ hội mà việc đa dạng hoá và tái cơ cấu chuỗi công nghiệp toàn cầu đem lại, thực hiện các cải cách táo bạo trong nước và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực sản xuất của mình. Bằng cách thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước, họ sẽ có vị thế tốt hơn để tham gia chuỗi công nghiệp toàn cầu và tăng thị phần.

Yu Hong

Nguyên tác : Wake-up call for ASEAN countries : Curb over-reliance on China and seize opportunities of global supply chain restructuring, Think China, 26/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Yu Hong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á, Đại học quốc gia Singapore. Bài viết được đăng trên tạp chí ThinkChina

Additional Info

  • Author Yu Hong
Published in Diễn đàn

Covid-19 : Chính phủ Pháp muốn "theo dấu" bệnh nhân, dư luận lo ngai

Báo chí Pháp ra ngày hôm 09/04/2020 tiếp tục bị virus corona chi phối, với chủ đề nổi bật là dự án của chính phủ Pháp dùng một loại ứng dụng cho điện thoại di động tạm gọi là "Stop Covid" để theo dõi những người nhiễm virus corona trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đã đặc biệt dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho chủ đề này.

tracing1

Chính phủ Pháp khẳng định ứng dụng Stop Covid chỉ được cài đặt trên điện thoại di động một cách tự nguyện. Ảnh minh họa. GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File

Về dự án dùng ứng dụng Stop-Covid, Le Monde đã loan báo một cách khái quát trong hàng tựa : "Theo dõi bệnh nhân : Những gì mà chính phủ (Pháp) đang nghiên cứu".

Theo Le Monde, chính phủ Pháp đang xem xét việc sử dụng một ứng dụng "định vị" dùng trên điện thoại thông minh, cho phép giới hữu trách theo dõi những người mắc bệnh Covid-19.

Tờ báo Pháp đã phỏng vấn bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran và quốc vụ khanh đặc trách kỹ thuật số Cédric O, và đã được hai quan chức cao cấp này giải thích rõ hơn về dự án.

"Tự nguyện" cài đặt ứng dụng trên điện thoại để kềm hãm dịch bệnh

Nhìn chung, đây là một ứng dụng mà người bệnh "tự nguyện" chấp nhận cài đặt trên điện thoại của mình, và việc theo dõi "có thể cho phép hạn chế đà phát tán của virus nhờ xác định rõ được các dây chuyền truyền nhiễm".

Hai vị bộ trưởng và quốc vụ khanh cho biết hiện nay, chính phủ vẫn chưa có quyết định dứt khoát về dự án này, nhưng nhấn mạnh rằng việc cài đặt ứng dụng định vị tại Pháp sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện, trái với một số nước khác vốn bắt buộc người bệnh phải chấp nhận chế độ theo dõi.

Le Figaro cũng rất chú ý đến kế hoạch theo dõi những người bị nhiễm bệnh Covid-19 đang được xem xét nhưng chạy một tựa rất cụ thể : "Theo dõi bằng kỹ thuật số : Kế hoạch để khống chế dịch bệnh".

Theo Le Figaro, chính bộ trưởng Y tế Olivier Véran và quốc vụ khanh Kỹ Thuật Số Cédric O đã xác nhận với Le Monde rằng một ứng dụng trên điện thoại có khả năng được dùng đến để hỗ trợ cho tiến trình "phi phong tỏa hóa".

Đủ loại phản ứng dè dặt trước một công cụ về bản chất là để theo dõi

Le Figaro, tờ báo thiên hữu Pháp ghi nhận : Thông báo về việc này đã làm dấy lên nhiều phản ứng dè dặt trong chính giới Pháp, kể cả trong hàng ngũ của các đại biểu dân cử trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền.

Ngoài những mối quan ngại liên quan đến quyền tự do cá nhân mà việc theo dõi đặt ra, Le Figaro đã nêu lên một loạt vấn đề có thể khiến cho việc sử dụng ứng dụng tin học này không mấy hiệu quả.

Tờ báo ghi nhận : "Công luận có dấu hiệu ủng hộ việc dùng đến công cụ này, nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục được đa số người dân Pháp tải về và dùng đến ứng dụng đó. Có điều là hiện có 13 triệu người Pháp không có điện thoại thông minh, trong đó đa phần lại là những người lớn tuổi, là thành phần dễ bị nhiễm virus corona nhất".

"StopCovid : Những đám mây trước lúc dùng ứng dụng"

Theo Libération, chính phủ cố trấn an về tính chất của hệ thống theo dấu nhằm đối phó với dịch Covid-19, nhưng những tâm lý lo ngại vẫn còn rất mạnh.

Tờ báo nêu bật cam kết của chính phủ Pháp, theo đó việc áp dụng phương tiện theo dõi này được giới hạn trong thời gian, và những ai không đồng ý cài đặt ứng dụng sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo vệ quyền tự do La Quadrature du Net chẳng hạn thì tỏ ý rất nghi ngờ : "Kể cả khi tất cả các tiêu chí công nghệ và pháp lý đều được tôn trọng, đây vẫn là một công cụ để theo dõi và giám sát mọi người". Mặt khác, liệu những người bị nhiễm Covid-19 thực sự có quyền từ chối cài đặt ứng dụng này hay không trước "sức ép của xã hội" đòi họ phải dùng phương tiện này…

Cả Châu Âu đều muốn theo dõi bệnh nhân Covid-19

Tờ báo Pháp cũng đề cập đến ứng dụng StopCovid trên trang nhất trong bài "Theo dõi : Nhà Nước chuẩn bị khả năng này như thế nào".

Theo tờ báo, dự án này đã làm dấy lên những phản ứng dè dặt dữ dội, ngay cả trong những chính khách thuộc đa số đang cầm quyền tại Pháp. Đối với Les Echos, có hai vấn đề chưa được rõ ràng : Tính hữu ích trên bình diện y tế của ứng dụng, cũng như những điều kiện kỹ thuật cho phép bảo vệ đời tư của người dân.

Les Echos ghi nhận rằng những sáng kiến tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu khác. Tình hình này đã buộc Ủy Ban Châu Âu phải suy nghĩ đến việc đề ra một khuôn khổ chung để quản lý các hệ thống định vị, sao cho các quyền tự do được tôn trọng, và những ứng dụng tại những nước khác nhau có thể ít nhiều tương thích với nhau.

2 tuần phong tỏa vì Covid-19 xóa đi 5 năm tăng trưởng của Pháp

Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận : Theo Ngân hàng Pháp quốc (tức là Ngân hàng Trung ương Pháp) ngày 08/04/2020, GDP của nước Pháp dự trù tuột giảm 6%. Nguyên nhân đến từ các biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành để chống dịch Covid-19.

Một cách cụ thể, Ngân hàng Pháp quốc cho biết là guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động có 32% khả năng của mình, một ước tính rất gần với đánh giá của Viện Thống kê Insee, nói đến mức 35%. Mức tiêu thụ các hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%.

Đối với Les Echos, phải lần ngược về giữa năm 2015 mới thấy GDP sụt giảm đến 6%. Nói cách khác, chỉ hai tuần phong tỏa vừa qua, đã xóa đi gần 5 năm tăng trưởng của nước Pháp. Thiệt hại rất to lớn vì mỗi tuần phong tỏa làm nước Pháp mất đi gần 20 tỷ euro

"Tự do (đang) bị phong tỏa" tại Pháp

Báo Libération đã liệt kê một loạt yếu tố cho thấy tình trạng mất tự do hiện nay : "Đi lại bị hạn chế, tụ tập bị cấm, bị cảnh sát kiểm tra đôi khi một cách tùy tiện, chủ trương theo dõi bằng phương tiện kỹ thuật số...".

Theo ghi nhận của tờ báo, các biện pháp đặc biệt kể trên, được đưa ra để chiến đấu chống dịch Covid-19, đang khiến giới bảo vệ các quyền tự do lo lắng. Họ sợ rằng tàn dư của các biện pháp phi tự do đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi khủng hoảng được vượt qua.

"Chloroquine : Hứa hẹn và nghi vấn"

Theo Les Echos, tính chất hữu hiệu của liệu pháp dùng Chloroquine để trị bệnh Covid đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt, đặc biệt là những chỉ trích theo đó giáo sư Didier Raoult, người đề xuất ra liệu pháp, đã thiếu trung thực khi cho thử nghiệm cách chữa của mình.

Trên tờ báo kinh tế Pháp, giáo sư Didier Raoult đã đích thân chấp bút bảo vệ phương pháp trị liệu của ông.

Les Echos đồng thời điểm lại những liệu pháp khác, ngoài việc dùng chất chloroquine, để trị bệnh do virus corona gây ra.

Những gì đã biết (hay chưa biết) về virus corona

"Con virus qua 15 câu hỏi" là tựa đề lớn trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix, trên nền hình của con virus corona, nhưng được tô màu xanh, màu thường được cho là màu của hy vọng trong tâm thức người phương Tây.

Toàn cảnh dịch bệnh nói chung, theo mô tả của La Croix, khá u ám với 4 tỷ người phải sống trong hoàn cảnh bị phong tỏa tại khoảng một trăm quốc gia, với mốc 10 ngàn người chết đã bị vượt qua ở Pháp.

Trong tình hình đó, theo La Croix, hiểu biết về con virus corona chủng mới này vẫn chưa nhiều, với rất nhiều vấn đề vẫn ở dạng giả thuyết.

Tờ báo thận trọng nhấn mạnh rằng "Tất cả các thông tin được trình bày trong hồ sơ chỉ có giá trị vào thời điểm hiện nay, và không loại trừ khả năng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới đây, tình hình sẽ chuyển biến khác đi nhờ các bước tiến của khoa học và y học trong việc tìm hiểu con virus".

"Virus corona : Vì sao Donald Trump tấn công WHO"

Trên bình diện quốc tế, Les Echos đã rất chú ý đến đòn tấn công mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khi ông dọa cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho định chế Liên Hiệp Quốc này.

Tờ báo Pháp nhắc lại là vào đầu tháng Tư, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ củng cố thêm mối nghi ngờ phổ biến ở Washington là Bắc Kinh không nói thật trên số ca tử vong do virus corona gây nên tại Trung Quốc.

Theo chính quyền Mỹ, những thông tin không đúng thật đã không cho phép các quốc gia khác đánh giá được mức độ dữ dội của đại dịch để chuẩn bị đối phó.

Vấn đề là WHO đã không phủ nhận các số liệu của Bắc Kinh. Và theo ông Donald Trump, WHO còn phản đối quyết định của Washington cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, điều này cho thấy một sự thiên vị nào đó. Ông Donald Trump còn than phiền về phần đóng góp to lớn của Mỹ cho WHO.

Theo Les Echos, trong năm 2018-2019, ngân sách của WHO là khoảng 4,5 tỷ đô la. WHO nhận đóng góp của các cá nhân giàu có, các nhà hảo tâm, nhưng phần lớn thu nhập đến từ tài trợ của các quốc gia thành viên.

Và trên điểm này, Les Echos cho là ông Trump có lý khi than phiền, vì Mỹ rất hào phóng. Mỗi thành viên, trong số 194 quốc gia, đóng góp cho ngân sách WHO, tùy theo kích thước và mức sống của người dân chứ không phải là dựa trên GDP.

Kết quả là Mỹ đóng góp đến 22% trên tổng số tiền tài trợ từ các quốc gia cho WHO, trong lúc đóng góp của Trung Quốc chỉ là 8%, Pháp là 4,8%. Đây quả là một điều không mấy cân xứng khi mà GDP của Trung Quốc, như trong năm 2018, lên đến 25.270 tỷ đô la, trong lúc Mỹ "chỉ" là 20.494 tỷ.

Singapore đối phó với "làn sóng" Covid-19 thứ hai

Trở lại tình trạng dịch Covid-19 đang lây lan tại Đông Nam Á, Le Monde đặc biệt quan tâm đến tình hình Singapore.

Theo tờ báo, Singapore được xem như một điển hình trong việc xử lý nạn dịch gần đây, hiện đang phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn chống virus trong bối cảnh các ca nhiễm đột nhiên tăng lên.

Tính hữu hiệu của "mô hình" Singapore được ca ngợi là hữu hiệu trong việc chống Covid-19 lây lan có lẽ đang cho thấy giới hạn. Ngay cả trước khi số người bị nhiễm tăng vọt những ngày qua – 66 ca nhiễm mới ngày thứ Hai, 06/04 và 106 một hôm sau, Singapore đã quyết định cứng rắn hơn trong chiến lược chống virus : Đóng cửa tất cả những cửa hiệu, thương xá, nhà hàng. Và lần đầu tiên trường học buộc phải đóng kể từ 08/04.

Chính quyền cảnh báo là làn sóng chấn động của dịch bệnh có thể kéo dài đến năm 2021. Vào hôm thứ Hai 06/04, số ca nhiễm tính từ đầu khủng hoảng tại Singapore lên đến 1.381 người với 6 ca tử vong.

Theo Le Monde, "làn sóng" lây nhiễm thứ hai này, cũng sẽ dâng lên khắp vùng Đông Nam Á, nhưng sẽ không nghiêm trọng như ở Châu Âu hay Mỹ.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Thế giới còn phải sống chung với Covid-19 lâu dài

Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho hàng vạn con người, chặn đà lây lan của đại dịch virus corona và hơn nữa là tìm cách để thoát khỏi phong tỏa, trở lại với cuộc sống bình thường. Chưa một ai dám khẳng định dịch đã đạt đỉnh, vài ngày qua dường như đại dịch giẫm chân tại chỗ.

song1

Châu Âu chưa rõ khi nào qua được đỉnh dịch Covid-19. Trong ảnh, một chuyến tàu tốc hành đưa bệnh nhân Covid-19 từ Strasbourg đi Bordeaux, ngày 03/04/2020. Reuters

Dư luận cũng như chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa, cho dù còn quá sớm. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn. Đây cũng là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa lớn trang nhất : "Những kịch bản phức tạp của gỡ bỏ phong tỏa".

Theo Le Monde, các chính phủ và chuyên gia y tế đều rất lo sợ, tiếp theo đỉnh dịch này sẽ là một đỉnh dịch khác. Riêng với trường hợp của nước Pháp, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra : Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào ? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao ? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.

Chung sống lâu dài với Covid-19

Như để cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu với đại dịch Covid-19, Le Monde có bài xã luận với tiêu đề "Chung sống dài lâu với Covid - 19". Tờ báo nhắc lại, cách đây một tháng vào lúc đại dịch tấn công Châu Âu, Châu Á đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống con virus corona. "Bất ngờ bị tấn công dữ dội, người Ý, người Tây Ban Nha rồi đến người Pháp hướng về phía Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc, để tìm kiếm ra các phương cách có thể cứu mình. Một tháng sau, các nước Châu Âu có lẽ đã cảm thấy đạt được độ bình ổn như hằng hy vọng. Đồ thị số người nhiễm mới và tử vong có vẻ đi xuống, nhiều người đã nghĩ rằng đà lây lan của căn bệnh đang chững lại. Tuy vậy, chính phủ các nước vẫn thận trọng chưa thể hô to đã chiến thắng dịch".

Tại sao ? Bởi vì cũng nhìn vào đồ thị của các nước Châu Á, họ thấy hiện lên điều đáng lo ngại, đó là các nước này đang gặp phải làn sóng dịch thứ 2.

Ấn tượng nhất là Singapore, đảo quốc 6 triệu dân này ngay từ đầu đã có những bước đi chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả cho phép kiểm soát được đà lây lan, mà không cần đến biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội. Chính phủ cho tầm soát bệnh đại trà, theo dõi sát dấu vết và kiên quyết cách ly người nhiễm virus, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại trong nước cũng như từ ngoài vào. Mặc dù vậy số ca nhiễm tuần qua ở Singapore bỗng tăng đột biến, do lây nhiễm nội địa và từ kiều dân trở về nước. Trước diễn biến không lường trước như vậy, thủ tướng Lý Hiển Long đã phải ra lệnh phong tỏa đất nước từ thứ Ba tuần này. Trường học, cửa hàng không thiết yếu đóng cửa đến 4/5. Rồi Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang lo ngại sự trỗi dậy của các ca lây nhiễm mới. Nhật Bản cũng không cưỡng lại được phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4.

Le Monde đặt câu hỏi : "Bài học nào có thể rút ra từ tiến triển dịch như vậy ?" Theo tờ báo, điều chủ chốt là đại dịch chỉ có thể bị đánh bại một khi chế được vác-xin, sản xuất và phân phối khắp toàn thế giới. Từ nay đến khi đó phải mất từ một năm đến một năm rưỡi nữa, theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn. "Đó cũng là khoảng thời gian mà con virus này còn có thể đi đi, về về trên hành tinh này để gây ra những đợt sóng lây nhiễm mới trên các lục địa. Tiến trình gỡ bỏ phong tỏa ở đây đó hay nới lỏng các biện pháp hạn chế chỉ có thể làm dần dần và cũng thường chỉ là tạm thời".

Le Monde kết luận : "Cần phải học cách chung sống với virus corona. Vẫn luôn biết tiên liệu, chính phủ Singapore hôm thứ Hai vừa mới quyết định ngừng hoạt động nhà ga số 2 sân bay lớn nhất của họ, và cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất thế giới, trong vòng 18 tháng, đúng bằng thời gian để có được vác-xin. Vậy là con đường còn dài".

Hai cuộc chiến với virus corona : Giành giật cuộc sống và duy trì lao động

Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.

Đây cũng là đề tài được nhiều báo khai thác sau khi Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) hôm qua, 07/04/2020, đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Đại dịch làm bùng nổ nạn thất nghiệp trên thế giới". Trong khi tựa của Les Echos khẳng định "Đại dịch đã gây hệ quả tàn phá việc làm toàn cầu"

Le Figaro cho biết con số thống kê của OIT : Do khủng hoảng y tế, "hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người bị tác động bởi tình trạng các nơi làm việc phải đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ".

Tổ chức Lao động Thế giới nhận định : "tác động của dịch Covid-19 đối với công ăn việc làm là rất sâu và có quy mô rộng lớn chưa từng thấy". Việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm.

Nếu Châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Hoa Kỳ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng 2 tuần. Nước Pháp và nhiều nước Châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Theo tờ báo, đó là số liệu thống kê trên còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước Châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ là những người không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gì.

Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch virus corona, bảo vệ sức khỏe của người dân, thế giới đang phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Trước tình trạng bi đát như vậy, và có thể còn kéo dài, Tổ chức Lao động Thế giới không thể làm được gì hơn là đưa ra những cảnh báo và kêu gọi "phối hợp hành động quốc tế" để cứu giúp những người có hoàn cảnh thiệt thòi nhất, trắng tay khi không có việc làm.

Nông nghiệp cả Châu Âu tê liệt, mùa màng có nguy cơ mất trắng

Khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, một phần thế giới bị phong tỏa, người ta hay nhắc đến những lĩnh vực phải gánh chịu hậu quả đầu tiên như du lịch, nhà hàng, khách sạn thương mại hàng không… giờ đây nông nghiệp, lĩnh vực nuôi sống thế giới đang bị đe doạ, đặc biệt tại Châu Âu.

Trở lại với Le Monde, tờ báo ghi nhận "Nông nghiệp Châu Âu bị tê liệt". Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp Châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước Châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.

Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu Châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp Châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày.

Người phát phì nguy cơ nhiễm virus corona cao

Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, theo Le Monde, những người béo phì dễ bị nhiễm virus. Tại Pháp cũng như ở nhiều nước Châu Âu, người ta đã quan sát thấy những người ở thể trạng béo phì dường như dễ bị nhiễm bệnh hơn. Theo Mạng lưới Nghiên cứu Châu Âu về hô hấp nhân tạo (REVA), 83% bệnh nhân phải hồi sức tích cực là những người thừa cân hoặc béo phì. Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên thông tin liên quan đến khoảng 2000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại 195 khoa hồi sức, chủ yếu là tại Pháp. 

Rõ ràng là những đối tượng quá cân hoặc mắc chứng béo phì chiếm tỷ lệ rất cao trong số các bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tăng cường. Tại Anh cũng có khoảng 35% bệnh nhân hồi sức tích cực là những người béo phì. Mà những người quá cân thường kèm có các chứng bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…. Những yếu tố bệnh lý gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các chuyên gia y học ở nhiều nước Châu Âu đang rất chú ý đến nghiên cứu mới này để có các biện pháp đề phòng cho những đối tượng chiếm tới 15% số người cao tuổi ở Pháp.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Tất cả chỉ mong được tháo chiếc khẩu trang, hết lệnh tự cách ly tại gia, để được nhấm nháp ly cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp như xưa.

phap1

Quảng trường Trocadéro và Tháp Eiffel vắng bóng người

Chính phủ Pháp ra lệnh kéo dài phong tỏa và cách ly để giảm bớt sự lây lan của Covid-19.

Nhiều người Pháp đứng tuổi sáng ra thường có thói quen dậy sớm đi mua tờ báo và chiếc bánh mỳ baguette nóng hổi mang về ăn sáng cùng gia đình, hay hẹn nhau ra một quán bar quen thuộc thưởng thức ly cà phê tỏa khói thơm lừng với chiếc bánh bơ hình trăng khuyết.

Ở những làng quê yên tĩnh, sáng sớm nơi quán bar là điểm hẹn của các ông về hưu như quán trà đá Việt Nam – nơi mọi thông tin đến nhanh hơn báo đài. Chỉ cần ra đó, tình hình thế giới và chuyện trên trời dưới biển đều bay ra cùng ly cà phê. Nhiều ông về hưu, buồn, sáng sớm đảm nhiệm ra mua bánh mỳ, tranh thủ ghé làm ly cà phê với bánh trước khi về trình vợ. Nhiều lúc say sưa quá đà vì tin tức nóng hổi. Như một cuộc họp làng tự phát, hồi hộp xem kết quả xổ số, đoán kết quả đá banh, rủ nhau đi thăm người nằm bệnh viện… Thế là quên về đúng giờ, quên luôn điện thoại ở nhà, vợ nóng ruột phải ra gọi về…  

phap02

Xếp hàng mua bánh mỳ buổi sáng ở Paris thời Covid-19

Một số quán bánh mỳ rộng luôn đặt dăm cái bàn để mọi người ghé ngồi uống cà phê ăn bánh chờ đợi nhau. Nhiều người đến công sở, sớm hơn chút ghé căng tin hay hẹn nhau gần nơi làm việc để uống cà phê, ăn sáng. Sáng sớm đến công sở Pháp, hầu như người Pháp phải khởi động công việc bằng một ly cà phê nóng. Đơn giản hơn thì ra máy tự động, chỉ bấm nút cũng có cà phê, rồi đứng nói với nhau dăm câu, hút điếu thuốc mới vào mở sổ sách máy tính.

Giờ đây tập tục này tạm ngưng vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên tổng thống Macron khuyến khích mua bánh mỳ để bảo tồn một truyền thống nổi tiếng về ẩm thực Pháp và đó là thực phẩm cơ bản không thể thiếu của họ. Ông đã từng đề nghị đưa bánh mỳ baguette Pháp kèm theo bữa ăn truyền thống của người Pháp vào danh sách đề cử văn hóa phi vật thể của thế giới.

Bánh mỳ baguette Pháp đến Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ 20. Nam kỳ là nơi bị Pháp đô hộ đầu tiên. Người Pháp sống không thể thiếu bánh mỳ. Hương vị bánh mỳ mới ra lò quyến rũ người Pháp như cơm đầu mùa ở Việt Nam. Người Pháp đã bày cho người Việt làm bánh mỳ. Bánh mỳ Sài Gòn trở nên nổi tiếng thời đó. Người Việt đã biến bánh mỳ patê nổi tiếng Pháp thành bánh mỳ kẹp thịt quay, tí cà rốt ngâm giòn. Cà rốt cũng là loại rau củ do Pháp mang sang trồng ở Việt Nam. Mới hay những nhà đầu bếp Việt cũng rất khéo và tài ba. Họ sử dụng nghệ thuật làm bánh mỳ, trồng cà rốt thành một món ăn nhanh, tiện lợi, ngon và giờ đây được nhiều người ưa thích. Món bánh mỳ kẹp thịt của Việt Nam đã được đưa vào từ điển Oxford.

Trở lại chuyện Covid-19. Thói quen tụ tập bỗng bị cấm tạm thời. May nhờ có điện thoại để họ buôn dưa lê. Nhưng bánh mỳ baguette nóng không thể thiếu. Sáng ra họ đứng xếp hàng cách nhau một mét để mua bánh. Họ không dám nói chuyện hay hôn nhau chùn chụt khi gặp nhau như trước. Chiếc khẩu trang giảm bớt thú hít mùi bánh mỳ mới ra lò đang tỏa lan trong cửa hàng bánh.

phap2

Một cửa hàng bánh mỳ ở Paris

Tất cả chỉ mong được tháo cái khẩu trang, hết lệnh tự cách ly tại gia, để được nhấm nháp ly cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp như xưa. Giờ đây ra mua bánh mỳ baguette không còn nhìn thấy nụ cười tươi của người bán hàng niềm nở đon đả chào đón khách. Chiếc khẩu trang nhọn như mặt nạ chống vũ khí hóa học trong quân đội che kín. Tiếng nói bị bịt thành ra âm thanh ồn ồn khó nghe. Bịt khẩu trang ra đường bên Pháp mới tháng trước còn bị thiên hạ nhìn với con mắt kỳ thị lạ lùng. Chỉ có mấy hôm, bịt khẩu trang trở thành quen mắt. Bịt khẩu trang cả ngày rất khó chịu mới hiểu thói quen chịu đựng của những người làm trong nơi dễ truyền nhiễm khổ thế nào, mới thông cảm cho đội ngũ y tế và những người cứu hỏa, những người nghiên cứu trong phòng thí nghiệm độc hại.

Tổng thống Pháp gọi sự kiện chống Covid-19 là cuộc chiến tranh. Giờ đây thực thụ như một đại chiến thế giới. Cả thế giới liên minh chống Covid-19. Các cụ xưa nói im lặng là vàng. Bịt khẩu trang, tránh đối thoại kiểu Covid-19 không thành vàng mà là một sự cực hình bắt buộc. Suốt ngày quẩn quanh trong nhà, mới thèm hai chữ TỰ DO và thấm những vần thơ nổi tiếng của Paul Eluard.

Tự do

 

Trên quyển vở nhà trường

Trên án viết thân cây

Trên cát trên tuyết

Ta viết tên em

Trên những trang đã đọc

Trên những trang trắng tinh

Đá, máu, giấy hay tro

Ta viết tên em

Trên tranh ảnh tô vàng

Trên vũ khí chiến binh

Trên mũ miện vua chúa

Ta viết tên em

Trên rừng hoang sa mạc

Trên tổ chim hoa đồng

Trên tiếng vang tuổi trẻ

Ta viết tên em

Trên huyền diệu những đêm

Trên bánh trắng ban ngày

Trên những mùa cưới hỏi

Ta viết tên em

Trên các mảnh trời xanh

Trên ao mặt trời mốc

Trên hồ trăng lung linh

Ta viết tên em

Trên đồng ruộng chân trời

Trên những cánh chim bay

Trên máy xay bóng tối

Ta viết tên em

Trên mỗi thoáng bình minh

Trên mặt biển thân tàu

Trên ngọn núi điên cuồng

Ta viết tên em


Trên bọt nổi mây lồng

Trên mồ hôi cơn giông

Trên mưa dày và nhạt

Ta viết tên em

Trên hình dáng long lanh

Trên chuông ngân màu sắc

Trên chân lý hữu hình

Ta viết tên em

Trên những nẻo rộn ràng

Trên đường sá thênh thang

Trên quảng trường tỏa rộng

Ta viết tên em

Trên ngọn đèn mới khêu

Trên ngọn đèn đang tắt

Trên mái nhà sum họp

Ta viết tên em

Trên trái bổ đôi

Gương soi và phòng ngủ

Trên giường bỏ trống không

Ta viết tên em

Trên con chó của ta háu ăn và trìu mến

Trên tai nó vểnh lên

Trên chân nó vụng về

Ta viết tên em


Trên bục cửa nhà ta

Trên các đồ quen thuộc

Trên sóng ngọn lửa thiêng

Ta viết tên em


Trên da thịt hiến dâng

Trên trán yêu bè bạn

Trên bàn tay đưa nắm

Ta viết tên em

Trên cửa kính ngạc nhiên

Trên làn môi chú ý

Vượt xa trên im lặng

Ta viết tên em


Trên chỗ ẩn bị tan

Trên hải đăng sụp đổ

Trên tường niềm ngao ngán

Ta viết tên em

Trên xa vắng không ước thèm

Trên quạnh hiu trần trụi

Trên bậc thềm cái chết

Ta viết tên em


Trên sức khỏe phục hồi

Trên hiểm nguy tan biến

Trên hy vọng chẳng nhớ nhung

Ta viết tên em

Và do phép màu một tiếng

Ta làm lại cuộc đời

Ta sinh ra để biết em

Để gọi tên em

(Tự do - Bản dịch của Tế Hanh)

Liberté, Paul Eluard.

Bài thơ tác giả viết trong đại chiến thế giới thứ 2, khi phát xít Đức hoành hành ở Châu Âu như Covid-19 đang lấy đi bao tính mạng ở toàn cầu. Tự do muôn năm. Một người bạn Pháp từng sống thời kỳ này ví cả tháng nay sống như thời chiến. Cấm tụ tập, cấm ra đường, đi đâu phải viết giấy, cấm đi xa. Cửa hàng đóng hết. Phố xá heo hút. Tất cả mong đại dịch chấm dứt để được hít hơi thở tự do ngắm nhìn thiên nhiên và hương bánh mỳ nóng giòn cùng mùi cà phê hấp dẫn giữa Paris.

Trần Thu Dung

(Pháp, 07/04/2020)

Additional Info

  • Author Trần Thu Dung
Published in Văn hóa

"Hậu phong tỏa" Covid-19 : Châu Âu buộc phải áp dụng kỹ thuật "định vị"

Nước Pháp bước vào tuần phong tỏa thứ tư, do đại dịch Covid-19. Viễn cảnh kinh tế trong nước và quốc tế ngày một ảm đạm, cùng tình hình dịch bệnh chưa nhìn thấy lối ra, là chủ đề chính của Les Echos, với tựa trang nhất "Cú sốc lịch sử". Giai đoạn phong tỏa gian nan đã có được "những kết quả đầu tiên" là tựa lớn của Le Figaro. Có kết quả, nhưng "không buông lỏng": Libération khuyến cáo. Pháp nỗ lực chống nguy cơ sa thải hàng loạt là chủ đề chính của La Croix

geo1

Định vị bằng điện thoại di động có sẽ là một phương tiện chống dịch hiệu quả ở Châu Âu thời kỳ "hậu phong tỏa" ? AFP - Catherine Lai

Le Monde dành nhiều bài vở cho một giải pháp có ý nghĩa quyết định giúp cho giai đoạn ra khỏi phong tỏa thành công : Sử dụng kỹ thuật định vị qua điện thoại. Trang nhất Le Monde : "Những thách thức của việc áp dụng định vị qua điện thoại di động". Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, với tựa đề "Định vị người nhiễm virus. Đồng ý, nhưng vấn đề là phải có các bảo đảm". 

"Bước ngoặt 180°"

Giai đoạn phong tỏa tại Pháp sẽ kéo dài đến khi nào ? Về mặt chính thức, cho đến ngày 15/04. Theo Le Figaro, tiếp sau đó, rất nhiều khả năng phong tỏa sẽ được triển hạn thêm hai tuần. Và việc triển hạn tiếp theo là hoàn toàn có thể, tùy thuộc vào khả năng đỉnh dịch đã qua chưa, số lượng người nhiễm virus phải nhập viện, người lâm bệnh nặng là bao nhiêu…

Tuy nhiên, điều đó cũng phụ thuộc vào khả năng có được các phương tiện cho phép bảo đảm an toàn cho giai đoạn ra khỏi phong tỏa, với số người nhiễm nằm trong tầm kiểm soát. Cùng với việc áp dụng các hành vi giữ khoảng cách, bảo vệ an toàn cho người khác hay các phương tiện xét nghiệm, kỹ thuật "định vị qua điện thoại" ngày càng được nói đến như một biện pháp không thể tránh khỏi tại Pháp, cho dù cho đến rất gần đây, biện pháp này được coi là điều hoàn toàn bị loại trừ, do nguy cơ xâm phạm quyền tự do cá nhân. 

Theo Le Figaro, chỉ trong vòng 10 ngày, chính phủ Pháp đã hoàn toàn thay đổi quan điểm trong vấn đề này. Ngày 26/03, trên đài truyền hình France 2, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner nói thẳng : "giải pháp này không nằm trong văn hóa Pháp". 10 hôm sau, cũng trong một cuộc trả lời khác trên đài France 2, ông bảo đảm là kỹ thuật này được toàn bộ người Pháp ủng hộ, với điều kiện tôn trọng các quyền tự do cá nhân và chỉ được sử dụng cho cuộc chiến chống virus. Vấn đề là giải pháp này cụ thể sẽ được tiến hành ra sao ? 

Ngày 08/04, quốc vụ khanh phụ trách Kỹ thuật số Cédric O sẽ lần đầu tiên đưa ra các nội dung cụ thể cho giải pháp này, cùng với bộ trưởng Y tế. Tiếp theo đó, ngày thứ Năm, Ủy Ban Tư Pháp, Hạ Viện Pháp sẽ nghe giải trình của chính phủ. Trước đó, cựu quốc vụ khanh về Kỹ thuật số Mounir Mahjoubi, cũng chuyển đến các nghị sĩ của đảng cầm quyền một báo cáo 40 trang về chủ đề này, để cung cấp các cứ liệu, giúp cho cuộc thảo luận về "chủ đề nóng bỏng" này đi vào tâm điểm của vấn đề: các biện pháp cụ thể, cân bằng lợi hại của giải pháp định vị kỹ thuật số. 

Định vị "các tiếp xúc" thay vì định vị "lộ trình"

Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, với tựa đề "Định vị người nhiễm virus. Đồng ý, nhưng vấn đề là phải có các bảo đảm". Le Monde ghi nhận biện pháp này đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi để phòng chống Covid-19, sử dụng mang tính cưỡng chế, như tại Trung Quốc, sử dụng được sự đồng thuận của người dân như ở Hàn Quốc và Singapore, nơi các thông tin về lộ trình di chuyển của  các cá nhân nhiễm bệnh được gửi đến tất cả mọi người. 

Châu Âu vốn có quan điểm hoàn toàn khác về hình thức kiểm soát này. Cho đến nay, Châu Âu rất dè dặt trước khả năng các dữ liệu cá nhân được Nhà nước sử dụng một cách rộng rãi. Để hóa giải vấn đề này, nhiều nước Châu Âu tìm các phương pháp khác so với các nước Châu Á : Thay vì định vị toàn bộ quá trình di chuyển của cá nhân người bị nhiễm virus, mục tiêu định vị sẽ chỉ nhắm vào các tiếp xúc của đương sự, và thông tin về cá nhân được bảo mật. Cụ thể là xác định xem những ai đã từng ở sát đương sự, bằng cách xác định các điện thoại ở kế bên, đặc biệt thông qua kỹ thuật không dây Bluetooth. Biện pháp này "cho phép các cơ quan y tế cảnh báo những người có vị trí tiếp xúc gần, để họ nhanh chóng đi xét nghiệm, và nếu bị nhiễm virus, thì tiến hành điều trị hoặc chủ động tự cách ly". 

Bảo vệ "các thành quả" dân chủ

Le Monde cũng ghi nhận các thăm dò dư luận đầu tiên cho thấy một tỉ lệ lớn người dân chấp nhận các biện pháp này. Điều đó có nghĩa là người dân sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn về quyền tự do cá nhân, cơ bản, hiến định, một khi an ninh bị đe doạ. Tuy nhiên nhật báo Pháp cũng lưu ý là việc sử dụng các công nghệ định vị phải bảo đảm quyền tự do cá nhân, với các quy định chặt chẽ. Cụ thể là biện pháp này phải hoàn toàn "được giới hạn về mặt thời gian, phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, phải được Quốc Hội và tư pháp kiểm soát. Nhìn chung, phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện có". 

Xã luận Le Monde kết luận : "Hiện tại dường như đã có một đồng thuận về việc thế giới "hậu virus corona" sẽ khác với thế giới trước đó. Tuy nhiên, không nên phủ nhận những thành quả của thế giới trước đó, mà việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân, trên quy mô toàn Châu Âu, là một trong số đó". 

Sẵn sàng áp dụng "từ giữa tháng 4"

Vẫn về chủ đề công nghệ định vị các tiếp xúc với người nhiễm virus, trên Le Monde có bài "Smartphone, ứng dụng, các thách thức của việc định vị áp dụng cho đại chúng để chống đại dịch". Khác biệt với các nước Châu Á, Châu Âu ưu tiên giải pháp xác định các tiếp xúc giữa các cá nhân với người nhiễm virus, chứ không phải là lộ trình của người nhiễm virus. Kỹ thuật không dây Bluetooth được ưu tiên, vì cho phép xác định các cá nhân có điện thoại gần kề với điện thoại của người nhiễm virus. 

Ngày 01/04, PEPP-PT, một tổ hợp các nhà nghiên cứu Châu Âu, thông báo đã có đủ điều kiện để cho vận hành một cơ sở hạ tầng thông tin cho phép các cơ quan y tế xây dựng một ứng dụng theo dõi các bệnh nhân, bảo đảm các dữ liệu cá nhân được bảo vệ. Các trắc nghiệm cuối cùng đang được tiến hành, việc đưa ra ứng dụng chính thức lần đầu tiên có thể sẽ diễn ra ngay vào giữa tháng Tư. Chính quyền nhiều nước đang theo dõi sát thử nghiệm này. Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu của Massachusetts Institute of Technology (MIT) cũng phát triển một ứng dụng tương tự, sử dụng công nghệ GPS và Bluetooth. 

Theo tiến sĩ Lisa O. Danquah, trường Y tế Công Đại học Imperial College, Luân Đôn, thì "việc các cá nhân có quyền tự do chọn hay không việc tải nạp ứng dụng định vị này vào điện thoại là một trong các bảo đảm cho quyền bảo vệ thông tin cá nhân", cùng với việc các biện pháp khác, như việc thành lập các cơ chế giám sát việc thực thi giải pháp theo dõi, định vị các tiếp xúc với người bị nhiễm virus. Vấn đề bảo mật thông tin là yếu tố quyết định cho sự thành công của giải pháp này.

Theo một chuyên gia có tiếng về công nghệ tin học Yves-Alexandre De Montjoye, lãnh đạo Computational Privacy Group tại Đại học Imperial College, Luân Đôn, thì "một ứng dụng cho phép hoàn toàn bảo vệ bí mật cá nhân là nằm trong tầm tay, và không cần phải lựa chọn giữa một bên là bí mật cá nhân, và bên kia là kỹ thuật định vị. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có đầu tư đủ mức". 

Những khó khăn kỹ thuật và vấn đề "tự nguyện" 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo về hiệu quả của giải pháp định vị bằng Bluetooth, chưa hẳn đã là "cây đũa thần" cho phép xác định chính xác các tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm, bởi nhiều khó khăn kỹ thuật, như "mật độ người có mặt tại điểm đo lường". Về mặt dịch tễ học, nhiều câu hỏi về virus SARS-CoV-2 hiện chưa có lời giải, như trong vòng bao lâu một người mang virus không triệu chứng có nguy cơ lây nhiễm sang người khác ? Mật độ virus là bao nhiêu thì xuất hiện nguy cơ lây nhiễm ? Ở khoảng cách bao nhiêu và trong thời bao lâu, một tiếp xúc được coi là có nguy cơ lây nhiễm ? 

Bên cạnh đó, một trong các đòi hỏi hàng đầu là giải pháp định vị nói trên phải được sự hưởng ứng của một số lượng đông đảo người nhất định thì biện pháp này mới có được kết quả mong muốn. Đó là có được nhiều người tải nạp cũng như ứng dụng phải được để mở liên tục. Và muốn được như vậy, điều kiện hàng đầu là người sử dụng "phải tin tưởng" vào hệ thống công nghệ này. 

Phong tỏa : "Những kết quả đầu tiên" có thể gây mất cảnh giác

Vẫn về Covid-19 tại Pháp, Le Figaro nói đến "những kết quả đầu tiên của chính sách phong tỏa". Ba tuần kể từ đầu đến nay, biện pháp này rõ ràng đã cho phép làm chậm lại số ca mới nhiễm, số ca phải điều trị tích cực, hay phải đưa vào khoa hồi sức. 

Tuy nhiên, giới y tế rất lo ngại việc dân chúng trở nên mất cảnh giác. Bởi cho dù dịch bệnh đã tiến triển chậm lại, nhưng đỉnh dịch trên toàn quốc nhìn chung vẫn chưa tới. Le Figaro lo ngại trước tình trạng một bộ phận dân chúng, trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, tranh thủ thời tiết ấm áp, trở lại các công viên, dạo chơi, tắm nắng. Và đây cũng là thời điểm kỳ nghỉ Xuân thường lệ, phản xạ muốn nghỉ ngơi thư giãn bên ngoài trở lại với nhiều người. Nhật báo thiên hữu dẫn lời của bộ trưởng Nội vụ, nhấn mạnh với công chúng, là đừng nên quyết định ra ngoài hay không vì lý do thời tiết thay đổi, vì đây là vấn đề chống dịch. Nguy cơ hiện nay là buông thả. 

Tuy nhiên, bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cũng đánh giá là về cơ bản người Pháp tuân thủ nguyên tắc phong tỏa thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Cụ thể là số lượt người đi đến các phương tiện công cộng giảm 87% kể từ đầu phong tỏa, đến các địa điểm tiêu thụ, giải trí giảm 88%. Thứ hai tuần này, tổng cộng chính quyền đã tiến hành tổng cộng 8,2 triệu lượt kiểm soát, và lập 480 000 biên bản phạt. Gần 1,4 triệu lượt kiểm soát được tiến hành chỉ riêng trong ba ngày gần đây. 

Suy nghĩ cho giai đoạn "hậu phong tỏa"

Bài xã luận của Libération thiên tả, mang tựa đề "Nỗ lực" cũng theo cùng hướng. Đó là cho dù đã nhìn thấy le lói ánh sáng cuối đường đường hầm, nhưng mọi người phải tiếp tục cố gắng, ai ở yên chỗ đấy. Không nên chủ quan, với các số liệu có phần khả quan tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha được công bố cuối tuần qua. Bởi vì, cho dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhờ ở việc các nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình, và hiệu quả của chính sách phong tỏa,  nhưng đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành, rất nhiều cá nhân và gia đình vẫn đang là nạn nhân của Covid-19. Điều tốt nhất với đông đảo mọi người là hãy tiếp tục sống cách ly, giãn cách, "tận dụng những ngày sống gián cách này để suy nghĩ về các bước tiếp theo". 

Tương tự như giai đoạn phong tỏa, giai đoạn hậu phong tỏa cũng hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Libération báo trước là để trở lại với cuộc sống bình thường sẽ phải có cả "một cơ chế phức hợp", vừa cho phép giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm, và đồng thời tránh được những phân biệt kỳ thị. Bởi sau giai đoạn này, sẽ có những người nhiễm virus lành bệnh, người được miễn nhiễm với virus, nhưng cũng có  người chưa nhiễm virus do sống trong cách ly, lo lắng trước một tương lai bất định. 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Lá thư từ Mỹ

Dịch cúm Covid-19 [Cô Vi] đã làm đảo lộn các sinh hoạt đời sống từ văn hóa, thể thao, giải trí đến kinh tế, chính trị tại Hoa Kỳ và thế giới trong một tháng qua.

bvp1

Khuyến cáo cách phòng chống lây lan Cô Vi của chính phủ liên bang Hoa Kỳ gửi đến từng nhà dân (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Đúng ra lúc này tại Mỹ đang sôi nổi với các buổi vận động tranh cử của các ứng viên Đảng Dân chủ, nhưng hiện không còn cuộc vận động nào của đảng này.

Sau ngày Super Tuesday hôm đầu tháng Ba, với bầu cử sơ bộ ở hơn chục tiểu bang, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã vượt trội lên hơn hẳn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và gần như chắc chắn Joe Biden sẽ là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Giấc mơ xây dựng Hoa Kỳ xã hội chủ nghĩa của ông Sanders với các chính sách y tế và giáo dục bậc đại học miễn phí cho mọi người sẽ không có cơ hội thành hiện thực.

Thế rồi tình hình đối phó với Cô Vi lây lan làm rúng động nước Mỹ. Lần tranh luận sau cùng giữa Biden và Sanders hôm 15/3 diễn ra trong không khí lo sợ bệnh dịch nên không có cử tri tham gia, hai ứng viên đứng cách nhau có đến 3 mét, xa hơn khoảng cách 2 mét mà giới chức y tế liên bang trong ban tham mưu phòng chống Cô Vi của tổng thống khuyến cáo.

Không ai biết chắc sinh hoạt bình thường sẽ trở lại khi nào, một tháng hay hai, ba tháng nữa. Nhiều tiểu bang phải đình hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ vì người dân được lệnh ở nhà.

Đảng Dân chủ phải dời ngày đại hội đảng đã lên lịch từ trước vào tháng Bảy sang tháng Tám. Với Đảng Cộng hòa, đại hội đảng chỉ là hình thức vì Donald Trump sẽ tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong ba năm lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng thống Trump ít gặp gỡ báo chí mà thường dùng tweet để đưa những quan điểm, bình luận hay phác thảo chính sách, có khi vào những giờ mà nhiều người còn đang ngủ say.

Sáng thức dậy, giới làm truyền thông cứ đọc rồi phê bình mà chẳng có cơ hội để hỏi trực tiếp lãnh đạo cho rõ.

Nhưng trong gần một tháng qua, mỗi ngày kể cả cuối tuần Bạch Ốc đều có họp báo với tổng thống cùng với ban tham mưu phòng chống Cô Vi, mỗi lần kéo dài ít nhất cũng một tiếng đồng hồ, có hôm hai tiếng.

Báo chí, truyền hình muốn trực tiếp hỏi Tổng thống Trump điều gì cũng được. Thích hợp thì ông trả lời hay chuyển qua cho Phó Tổng thống Mike Pence, Bác sĩ Anthony Fauci và những lãnh đạo y tế có mặt. Nhưng tổng thống vẫn thích nói nhiều. Khi có câu hỏi ông không thích, Trump cho đó là kiểu hỏi móc họng, soi mói tìm cách nói xấu ông hay làm cho dân lo sợ thì ông sỉ vả lại phóng viên.

Trump vẫn là Trump ăn nói bốp chát bất cứ lúc nào từ xưa đến nay, chẳng sợ bị phê bình, chê trách. Có ai phê bình, Trump chẳng quan tâm, lúc nào ông cũng cho mình đang làm đúng vì có nhiều người ủng hộ, và tự cho mình điểm A+ hay 10.

Giới báo chí truyền hình Mỹ như CNN, MSNBC, New York Times, Washington Post chỉ trích cách làm việc, chính sách của Trump trong suốt ba năm qua. Trong khi đó Fox News, National Review và New York Post có khuynh hướng bênh vực ông.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama thì ngược lại. Fox News tấn công Obama hàng ngày, chỉ trích những chính sách theo hướng xã hội chủ nghĩa, điển hình là bảo hiểm y tế cho toàn dân mà Tổng thống Obama đã phải vất vả vận động mới thông qua được.

Khi Trump lên làm tổng thống, ông muốn hủy Obamacare nhưng không được, vì một phiếu chống của cố Thượng nghị sĩ John McCain, người cùng đảng, nên Trump còn ấm ức mãi. Nhiều chính sách khác của Obama như TPP, về di dân, hay liên quan đến Iran, Cuba, biến đổi khí hậu, Trump đã đảo ngược lại.

Kiểu làm chính sách của Tổng thống Trump có người phê phán chẳng ra đầu đuôi thế nào, có người khen như thế mới cho đối phương ngạc nhiên, không biết đâu mà đối phó. Nhiều cử tri Mỹ đã bực mình, chán ngán với Trump lắm rồi và muốn một ai khác lên thay. Chính sách của Trump có được ủng hộ hay không thì phải chờ đến ngày bầu cử 3/11 sẽ rõ.

Bệnh dịch Cô Vi lây lan từ Trung Quốc ra toàn thế giới trong những tuần qua đã làm kinh tế Mỹ và toàn cầu suy sụp. Hiện có đến 4 tỉ người trên thế giới đang bị giới hạn đi lại và Cô Vi đang làm cho kinh tế toàn cầu đóng băng.

Từ hôm 13/3 khi Tổng thống Trump công bố tình trạng khẩn trương quốc gia để đối phó, vài hôm sau có chính sách cấm tụ họp và giữ khoảng cách giao tiếp xã hội. Nhiều tiểu bang cũng đã có chính sách shelter-in-place, nghĩa là cấm ra đường nếu không có việc cần thiết như đi chợ, đổ xăng, đến ngân hàng, các trung tâm y tế.

bvp2

Đường Bancroft ở thành phố đại học Berkeley trưa ngày thứ Năm 2/4 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hiện có 311 triệu dân Mỹ, tương đương với 96% dân số, đang sống trong cảnh cấm túc. Tuy nhiên một số tiểu bang vẫn chưa có lệnh cho toàn tiểu bang cấm dân ra đường, như Iowa, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Utah, Wyoming.

Trong các cuộc họp báo, nhiều lần phóng viên hỏi sao ông Trump không ra lệnh cấm túc cả nước. Bác sĩ Anthony Fauci cũng muốn có lệnh này cho toàn quốc, nhưng ông Trump nói chính quyền liên bang chỉ khuyến cáo dân không ra đường, việc có lệnh cấm ông để cho từng thống đốc quyết định theo tình hình địa phương.

Đúng là trên bảo dưới không nghe. Có những nét giống Việt Nam, cũng như những chữ xã hội chủ nghĩa mà ứng viên Bernie Sanders thường nhắc đến, nhưng với người Việt thì có nhiều diễn nghĩa khác nhau.

Ở đây tôi muốn nói đến nghĩa "xếp hàng cả ngày" mà người Mỹ trong những ngày qua đang trải nghiệm, nhưng mức độ chờ đợi không lâu hay căng thẳng như ở Việt Nam thời bao cấp.

Dân Mỹ xếp hàng dài ở nhiều nơi, đông nhất là ở những siêu thị để mua gạo, giấy vệ sinh, mua nước, thuốc rửa tay, không đến mức phải chờ cả ngày để mua được những thứ mình muốn, nhiều lắm cũng một hay hai giờ đồng hồ là nhiều.

bvp3

Xếp hàng trước cửa siêu thị Costco ở vùng Vịnh San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Về cảnh xếp hàng ở Mỹ, tôi chỉ nhớ xem được trên tivi trong những ngày Apple trình làng điện thoại cầm tay mới, hay trong ngày Black Friday sau lễ Thanksgiving, từ đêm trước đã có người mang túi ngủ hay lều ra dựng trước cửa tiệm để được mua trước nhất món hàng ưng ý.

Lúc này còn có những chỗ có xét nghiệm bệnh dịch Cô Vi với hàng xe nối đuôi xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhìn đoàn xe tôi nhớ lại những ngày khủng hoảng xăng dầu ở Mỹ năm 1979, khi đó xe nối đuôi nhau chờ tại trạm xăng vì người dân chỉ được đổ xăng theo bảng số xe, số lẻ đổ xăng ngày lẻ, số chẵn đổ ngày chẵn.

Còn đi siêu thị thì chưa bao giờ phải xếp hàng như lúc này. Thực ra những loại thực phẩm dân muốn mua không thiếu, nhưng vì phải giữ khoảng cách 2 mét nên các siêu thị kiểm soát số người được vào để tránh cảnh phải đi đứng san sát bên nhau.

Cô Vi xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào cuối tháng Một vừa qua. Ngay sau khi người Việt California tưng bừng đón Tết Canh Tí và xem xong trận đấu Super Bowl, vào chiều ngày 2/2 tôi đã có bài viết đầu tiên về Cô Vi. Lúc đó tình hình vẫn yên tĩnh, California mới có 6 ca nhiễm và chưa ai tử vong, không ai lo gì nên vẫn tụ họp vui xuân, đón tết, xem thể thao.

Ngày 17/2, ứng cử viên Bernie Sanders đến vùng San Francisco vận động tranh cử và đã có đến năm nghìn người tham dự, nghe ông hứa hẹn bảo hiểm y tế toàn dân, xóa nợ học phí, lương tối thiểu trên toàn quốc 15 đôla một giờ, ban hành chính sách xanh bảo vệ môi sinh.

Một tháng rưỡi sau, nước Mỹ đã khác. Hiện có hơn ba trăm nghìn người Mỹ nhiễm Cô Vi, gần 10 nghìn tử vong. Cả thế giới đã có 1 triệu 300 nghìn ca nhiễm, 70 nghìn tử vong.

Nhiều bệnh viện không có đủ máy trợ thở, trang thiết bị cho bác sĩ, y tá để chuẩn bị đương đầu với đại dịch đang bùng phát và tuần này sẽ lên đến cao điểm.

Không phải chỉ Mỹ thiếu các dụng cụ y tế cần thiết lúc này mà các nước Đức, Pháp cũng thiếu và đang tranh nhau mua hàng từ Trung Quốc.

Kinh tế tê liệt. Đường phố vắng tanh. Mười triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần qua. Chính phủ Mỹ đã chi ra trên 2 nghìn tỉ đôla để cứu nguy.

Tập Cận Bình đang nhắm đánh Donald Trump ? Hay đó là hệ quả của chính sách toàn cầu hóa trong ba thập niên qua, giúp cho Trung Quốc phát triển và bây giờ là lúc con rồng lớn nhất Châu Á vẫy vùng.

Hơn hai chục năm qua người Hoa đã bị tư bản bóc lột, làm gia công cho thiên hạ tiêu dùng hàng giá rẻ. Chế độ xã hội chủ nghĩa cũng phải đầu hàng, tạm thời không còn giương cao ngọn cờ kêu gọi công nhân vùng lên chống tư bản bóc lột.

Cô Vi làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc sụp thì sẽ kéo theo Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc và cả thế giới như đang diễn ra.

Sau cơn đại dịch Cô Vi, chắc chắn những nhà làm chính sách trên thế giới sẽ phải đặt lại vấn đề kinh tế toàn cầu hóa.

Trong khi chờ đợi cơn dịch qua đi thì chỉ biết ở nhà, rửa tay thường xuyên với xà-phòng, không đưa tay chạm mắt, mũi, miệng và trong lòng thầm cầu nguyện ơn trên.

Bùi Văn Phú

Nguồn : ©2020 Buivanphu, 08/04/2020)

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn

Chính sách của Malaysia đối với tranh chấp trên Biển Đông

Ian Storey, Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia này, duy trì luật pháp quốc tế cùng với thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

malaysia0

Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách là duy trì luật pháp quốc tế cùng với thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Tóm tắt

- Nhìn chung, trong 3 thập kỷ qua, chính sách của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông chỉ có những điều chỉnh nhỏ.

- Chính sách này được thiết kế nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của Malaysia, duy trì luật pháp quốc tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

  • Để đạt được các mục tiêu chính sách, các chính phủ kế tiếp nhau đã theo đuổi 3 chiến lược chính : bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ; bớt chú trọng vào tranh chấp nhằm duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc ; và thúc đẩy tiến trình xử lý xung đột do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lãnh đạo.
  • Chính quyền Liên minh Hy vọng (PH - Pakatan Harapan - Malay for 'Alliance of Hope') do Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo đã theo đuổi chính sách và các chiến lược tương tự, nhưng với thái độ chỉ trích hành xử của Trung Quốc hơn một chút so với chính phủ tiền nhiệm của Najib Razak.
  • Có khả năng các chính quyền hậu PH giữ vững chính sách Biển Đông hiện nay của Malaysia.

Giới thiệu

Sau một tuần chính trường trở nên hỗn loạn khi chứng kiến sự sụp đổ của Chính quyền PH và Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức, ngày 1/3/2020, ông Muhyiddin Yassin đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng Malaysia thứ 8. Ít nhất là trong ngắn hạn, Thủ tướng Muhyiddin không thể tuyên bố bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của nước này vì hai lý do. Thứ nhất, ông sẽ bận rộn với việc củng cố quyền lực chính trị và đảm bảo liên minh mong manh của mình có thể tồn tại. Thứ hai, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc trưng chính sách đối ngoại của Malaysia là sự liên tục.

Có thể thấy sự liên tục về chính sách trong cách tiếp cận của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông. Trong 3 thập kỷ qua, các đời thủ tướng – người nắm toàn quyền quyết định chính sách đối ngoại của Malaysia – đã tìm cách bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của nước này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ - Exclusive Economic Zone) của họ, ngăn không để tranh chấp này làm tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc (đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia), duy trì luật pháp quốc tế và xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bài viết này xem xét các tuyên bố về lãnh thổ và quyền tài phán của Malaysia cùng với chính sách và các chiến lược của họ ở Biển Đông, tập trung vào thời gian Chính quyền PH cầm quyền từ tháng 5/2018 cho đến tháng 2/2020.

Các tuyên bố của Malaysia ở Biển Đông

Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với 10 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Chính phủ Malaysia dường như đã từ bỏ chủ quyền đối với cấu trúc địa hình thứ 11, đá Louisa, trong một thỏa thuận song phương nhằm phân định ranh giới trên biển với Brunei vào năm 2009. Dựa trên nguyên tắc phân định thềm lục địa, Kuala Lumpur cũng tuyên bố quyền tài phán đối với bãi ngầm James (cách Sarawak 45 hải lý) và một nhóm các cấu trúc địa hình ngầm và nửa ngầm được biết đến với tên gọi cụm bãi cạn Luconia (cách Sarawak 54 hải lý).

Malaysia chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa : đá Swallow (đá Hoa Lau), chiếm giữ năm 1983 ; đá Mariveles (đá Kỳ Vân) và đá Ardasier (đá Kiệu Ngựa) năm 1986 ; bãi Investigator (bãi Thám hiểm) và đá Erica (đá Én ca) năm 1999. Họ cũng tuyên bố chủ quyền đối với hai cấu trúc địa hình chưa bị chiếm giữ là đá Dallas (đá Suối cát, gần đá Ardasier) và đá Royal Charlotte (Đá Sắc Lôt, gần đá Swallow).

Tuyên bố chủ quyền của Malaysia chồng lấn với tuyên bố của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền vì cho rằng chúng nằm trong phạm vi "đường 9 đoạn" bành trướng tới hơn 80% Biển Đông. Ngay cả bãi ngầm James nằm dưới mặt nước Trung Quốc cũng tuyên bố thuộc lãnh thổ nằm ở phía cực Nam của họ. Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với đảo An Bang và đá Alison (đá Tốc Tan) do Việt Nam chiếm giữ và đá Commodore (đá Công Đo) do Philippines chiếm giữ. Tranh chấp chính của Malaysia là với Trung Quốc, dù một báo cáo gần đây chỉ ra một số bất đồng với Việt Nam.

Chính sách của Malaysia ở Biển Đông

Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ. Chính sách đó bao gồm 3 yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền chủ quyền trong EEZ của nước này. Các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền nằm gần bang Sarawak và Sabah, và vùng biển ngoài khơi hai bang này có các ngư trường và trầm tích dầu quan trọng. Trầm tích dầu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur vì đây là một nguồn thu nhập sinh lời. Năm 2019, Malaysia là nhà sản xuất khí tự nhiên đứng thứ ba thế giới (29 triệu tấn) và là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ 26 thế giới (661.240 thùng/ngày).

Yếu tố thứ hai là duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không. Là một nước nhỏ, Malaysia nhiệt liệt ủng hộ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Kuala Lumpur ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán mâu thuẫn, tham gia 3 vụ kiện lớn với Indonesia và Singapore và tuân thủ các phán quyết của tòa. Malaysia phân định ranh giới trên biển của họ với Brunei vào năm 2009 và với Indonesia ở đảo Sulawesi vào năm 2018. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS - Commission on the Limits of the Continental Shelf) của Liên hợp quốc các tuyên bố về thềm lục địa của hai nước này ở khu vực phía Nam Biển Đông. Khi Tòa trọng tài ra phán quyết đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12/7/2016, Malaysia đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng nên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua việc "hoàn toàn tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao" trong đó có UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Sea). Chính phủ Malaysia hoàn toàn nhất trí với phán quyết của Tòa trọng tài rằng "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS. Tháng 3/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khi đó Anifah Aman đã nói với Quốc hội rằng Malaysia không công nhận "đường 9 đoạn" và do đó không có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa hai nước.

Yếu tố thứ ba là thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông. Là một nước phụ thuộc vào thương mại, sự thịnh vượng về kinh tế của Malaysia dựa vào dòng chảy thương mại tự do trên biển thông qua eo biển Malacca và Biển Đông. Điều mang tính then chốt là các tuyến liên lạc trên biển đi qua Biển Đông kết nối Malaysia bán đảo với khu vực miền Đông Malaysia.

Các chiến lược của Malaysia

Để đạt được các mục tiêu chính sách của mình ở Biển Đông, các chính phủ Malaysia kế tiếp nhau đã theo đuổi 3 chiến lược chính.

Thứ nhất là khẳng định và bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia. Từ cuối những năm 1980, chính sách quốc phòng của Malaysia đã trở nên hướng ngoại hơn do sự thất bại của các cuộc nổi dậy và tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đông. Tranh chấp trên biển đã ảnh hưởng đến một số quyết định lớn về việc mua sắm thiết bị quốc phòng, đáng chú ý là việc mua hai tàu ngầm vào những năm 2000. Malaysia đã cho binh lính đóng quân tại 5 đảo san hô vòng mà họ chiếm giữ, và Không quân hoàng gia Malaysia (RMAF - Royal Malaysian Air Force), Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN - Royal Malaysian Navy) và Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA – Malaysian Maritime Enforcement Agency hay Cảnh sát biển) thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trong EEZ của nước này để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG - China Coast Guard) đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở cụm bãi cạn Luconia, và vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, họ đã gia tăng hoạt động, tìm cách phá hoại hoạt động khoan thăm dò của Malaysia trong khu vực bằng cách quấy nhiễu các giàn khoan, tàu khảo sát và tàu tiếp tế của Malaysia. Điều này đã dẫn đến một loạt vụ đối đầu căng thẳng giữa các tàu của Chính phủ Malaysia và Trung Quốc trong khu vực này.

Chiến lược thứ hai là bảo vệ mối quan hệ kinh tế có giá trị của Malaysia với Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp. Kể từ đầu những năm 1990, chính sách của Malaysia với Trung Quốc là xây dựng mối quan hệ kinh tế gắn bó hơn trong khi công khai loại bỏ ý niệm rằng Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược, kể cả ở Biển Đông. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Malaysia, và để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của nước này và ngăn không cho tranh chấp biển phủ bóng lên mối quan hệ (như đã xảy ra theo thời kỳ trong cả quan hệ Trung-Việt lẫn Trung Quốc-Philippines), Kuala Lumpur đã nhất quán không nhấn mạnh vào vấn đề này và cố gắng kiềm chế tình cảm dân tộc chủ nghĩa đối với các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Do đó, nhìn chung, truyền thông trong nước tránh đề cập, giảm mức độ nghiêm trọng hoặc phủ nhận các vụ việc trên biển giữa tàu của Malaysia và Trung Quốc. Điều này đặc biệt rõ ràng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Najib Razak (2009-2018) khi Malaysia tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc, bao gồm một vài dự án cơ sở hạ tầng đáng chú ý nằm trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI - Belt and Road Initiative). Chẳng hạn, tháng 3/2013, 4 tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James. Ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia bác bỏ thông tin này dù sau đó RMN đã xác nhận. Vài tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Hishammuddin Hussein nói với truyền thông rằng Malaysia không quan ngại về sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc trong EEZ của nước này như các nước tuyên bố chủ quyền khác, tuyên bố rằng : "Chỉ vì các anh có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của các anh là kẻ thù của chúng tôi". Tháng 1/2014, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James, nhưng RMN khẳng định hoạt động này diễn ra ngoài EEZ của Malaysia. Tháng 3/2016, trước sự hiện diện của gần 100 tàu đánh cá Trung Quốc cùng các tàu hộ tống của CCG ở cụm bãi cạn Luconia, Chính phủ Malaysia đã đưa ra phản ứng yếu ớt đến mức gây chú ý.

Malaysia tránh đưa ra một phản ứng quân sự trước các cuộc xâm nhập của Trung Quốc không chỉ để bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước này mà còn vì Lực lượng vũ trang Malaysia (MAF - Malaysian Armed Forces) không được cấp vốn và trang thiết bị đầy đủ và quá tải khi phải đối phó với các mối đe dọa về an ninh khác như cướp biển, di cư bất hợp pháp, khủng bố và các cuộc xâm nhập biên giới. Malaysia cũng từ chối đệ trình tranh chấp này lên Tòa trọng tài quốc tế vì Trung Quốc sẽ xem đây là một hành động thù địch (như họ đã làm khi Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về luật biển năm 2013). Malaysia và Trung Quốc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao hậu trường kín đáo.

Chiến lược thứ ba là ủng hộ tiến trình xử lý tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC - Declaration of Conuct) năm 2002 và các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC - Code of Conuct). Như một biện pháp giải quyết vấn đề này, về mặt nguyên tắc, các đời chính phủ Malaysia liên tiếp đã ủng hộ cùng khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp. Khi thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, các thủ tướng của Malaysia luôn lấy Thỏa thuận phát triển chung Malaysia-Thái Lan ở Vịnh Thái Lan năm 1979 làm mẫu. Tuy nhiên, trên thực tế, Kuala Lumpur không nghiêm túc theo đuổi lựa chọn này vì theo UNCLOS, họ có các quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của mình và không công nhận tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.

PH và tranh chấp ở Biển Đông

Cách tiếp cận của Chính phủ PH đối với Biển Đông nhất quán với các đời chính phủ trước và chỉ có một số điều chỉnh nhỏ. Sự nhất quán này không gây bất ngờ do Mahathir chính là người đã xây dựng chính sách của Malaysia đối với Trung Quốc (bao gồm cả đối với Biển Đông) trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông từ năm 1981 đến năm 2003. Khi ông trở lại cầm quyền vào tháng 5/2018, mối quan ngại chính về chính sách đối ngoại của ông là đàm phán các dự án BRI – mà trước đây ông từng chỉ trích là có cái giá quá cao, lãng phí và có tiềm năng là bẫy nợ - mà không gây tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc. Ông đã đạt được điều này.

Những sự điều chỉnh này là kết quả của bối cảnh địa chính trị của tranh chấp thay đổi, đặc biệt là sức mạnh quân sự ngày càng tăng và chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, cùng với tình trạng đối địch Mỹ-Trung căng thẳng. Bối cảnh thay đổi này được phản ánh trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019 của Malaysia. Sách Trắng lưu ý rằng môi trường bên ngoài biến đổi và cuộc cạnh tranh sức mạnh ngày càng quyết liệt đã tạo ra những thách thức an ninh chưa từng có cho Malaysia. Cụ thể trong tranh chấp ở Biển Đông, Sách Trắng tuyên bố rằng các hoạt động do Trung Quốc lẫn Mỹ thực hiện đã biến vấn đề về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trở thành một trò chơi giữa các nước lớn.

Chính quyền PH trung thành với 3 chiến lược chính từ thời các chính quyền trước đó. Chiến lược thứ nhất là bảo vệ và khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này. Vài tháng sau khi nhậm chức, Mahathir nói Malaysia sẽ tiếp tục chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Sách Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh tế của môi trường biển của nước này khi tuyên bố đây là một trong những nguồn tạo nên sự thịnh vượng của Malaysia. Các vùng biển, đáy biển, tầng đất dưới, kênh rạch, không phận và thềm lục địa có vai trò then chốt đối với hoạt động thương mại, nghề cá và các nguồn lợi thủy sản, phương tiện vận tải, kết nối giữa nhân dân và các mô hình tạo ra của cải khác cho đất nước. Tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, đặc biệt là dầu khí, là một trong những nguồn thu nhập chính của Malaysia.

RMN và MMEA tiếp tục giám sát sự hiện diện của Hải quân, CCG và lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Các tàu chiến của RMN âm thầm hộ tống các giàn khoan và tàu tiếp tế của Malaysia ở gần cụm bãi cạn Luconia. Tháng 10/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah yêu cầu nâng cấp phạm vi hoạt động của RMN để đơn vị này gia tăng các hoạt động giám sát trong EEZ. Sách Trắng chỉ ra rằng RMN cần các tàu tiếp tế đa nhiệm, tàu tuần tra nhanh và các trạm radar trên bờ biển để hoàn thành nhiệm vụ này nhưng không đưa ra kế hoạch mua sắm chi tiết.

Tháng 12/2019, Malaysia nộp một đệ trình khác lên CLCS, lần này liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa của nước này ở phía Bắc Biển Đông. Đệ trình này hoàn toàn công nhận phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 rằng không cấu trúc địa hình nào ở quần đảo Trường Sa là các hòn đảo có khả năng tạo ra các EEZ hay thềm lục địa. Trung Quốc phản đối đệ trình của Malaysia, cho rằng nó xâm phạm chủ quyền của họ và đề nghị CLCS không xem xét đệ trình này. Đáp lại, Saifuddin gọi các tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là "lố bịch". Trước đó, vào tháng 10/2019, bộ phim hoạt hình "Abominable" (Everest : Người tuyết bé nhỏ) do Trung Quốc và Mỹ phối hợp sản xuất đã bị cấm công chiếu tại các rạp phim của Malaysia vì nhà sản xuất không làm theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt phim Malaysia về việc cắt một cảnh quay có xuất hiện bản đồ "đường 9 đoạn".

Chiến lược thứ hai là duy trì quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Nhìn chung, Chính quyền PH tiếp tục bớt chú trọng vào tranh chấp trên biển của nước này với Trung Quốc. Trong một số bài phỏng vấn trên truyền thông, Mahathir tuyên bố rõ ràng rằng để bảo vệ quan hệ thương mại và đầu tư quý giá với đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia, chính quyền của ông sẽ tránh chỉ trích những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông (và Tân Cương). Chẳng hạn, vào tháng 6/2018, ông lập luận rằng : "Chúng ta cần các thị trường do đó chúng ta không thể tranh cãi với một thị trường lớn như vậy" và vào tháng 9/2019, ông nói thêm rằng "đừng thử làm điều gì mà dù thế nào đi nữa cũng sẽ thất bại, tốt hơn là nên tìm cách nào ít mang tính bạo lực hơn để không gây thù địch quá mức với Trung Quốc, vì Trung Quốc có lợi cho chúng ta. Dĩ nhiên, họ là một đối tác thương mại lớn và chúng ta không muốn làm điều gì mà rồi sẽ thất bại và trong quá trình đó chúng ta sẽ chịu tổn hại". Mahathir cũng thường xuyên nêu bật những sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự giữa hai nước và việc MAF không có khả năng đối đầu với Trung Quốc : "Nếu Trung Quốc hành động, chúng ta ở vào vị trí không thể kháng cự hay chống lại họ... Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc là một nước lớn". Chính phủ PH cũng bác bỏ việc đệ trình các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của mình với Trung Quốc lên Tòa trọng tài.

Tuy nhiên, Chính phủ PH chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn một chút so với chính phủ tiền nhiệm. Không giống Najib và các bộ trưởng thời đó, các nhà lãnh đạo PH lớn tiếng hơn khi bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Quả thật, Sách Trắng nhận định rằng những hành động xâm nhập như vậy gây ra thách thức rõ ràng đối với các quyền chủ quyền của Malaysia. Sách Trắng cũng đề cập đến hành động quân sự hóa và các chính sách được cho là hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Như đã được lưu ý phía trên, Saifuddin gọi các tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là "lố bịch". Mặc dù vẫn ở mức nhẹ nhàng, nhưng đối với Malaysia, những lời phát biểu như vậy cho thấy giọng điệu của họ đã trở nên cứng rắn hơn một cách đáng chú ý.

Đồng thời, Chính quyền PH đã cân bằng việc chỉ trích Trung Quốc bằng cách cũng chất vấn các hoạt động của Mỹ. Khi cầm quyền, Mahathir đã nhiều lần nói rằng các tàu chiến nước ngoài – có lẽ là của cả Mỹ lẫn Trung Quốc - ở Biển Đông đang gây bất ổn và làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự. Các bộ trưởng thời ông đã nhắc lại quan điểm này. Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu gọi sự hiện diện của các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc là rất đáng lo ngại, trong khi Saifuddin chỉ trích cả hai nước này vì hoạt động quá tích cực trong khu vực. Sách Trắng cho rằng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP - Freedom of Navigation Operations) của Mỹ ở Biển Đông đã góp phần vào cuộc cạnh tranh nước lớn ở Đông Nam Á. Để giảm bớt căng thẳng, Mahathir kêu gọi các nước không quân sự hóa Biển Đông và để khu vực này trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị và có lợi cho thương mại, phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại được ấp ủ từ lâu của Malaysia là biến Đông Nam Á trở thành "Khu vực hòa bình, hữu nghị và trung lập" (ZOPFAN - Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Ban đầu, Mahathir đề xuất thiết lập đội tuần tra ASEAN ở Biển Đông, dù sau đó ý tưởng này đã bị bác bỏ.

Chiến lược thứ ba của Chính quyền PH là xử lý tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao. ASEAN được đặt vào vị trí tiền tuyến trong việc thực hiện nỗ lực này vì theo quan điểm của Chính phủ Malaysia, ASEAN có thể hành động với vai trò một bên môi giới chân thành trong việc xử lý các thế lực và sự bất trắc trong khu vực, nhờ sức mạnh đàm phán tập thể và khả năng giúp Trung Quốc hòa nhập để trở thành một nước lớn có trách nhiệm và tử tế, và không khiến các nước láng giềng nhỏ lo ngại. Một trong những ưu tiên hàng đầu của PH là sớm ký kết COC. Mặc dù tháng 9/2019, Malaysia và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập Cơ chế tham vấn song phương (BCM - Bilateral Consultation Mechanism) để thảo luận về các vấn đề trên biển, nhưng không rõ BCM sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông đến mức độ nào, xét rằng Kuala Lumpur ưu tiên các cuộc đàm phán do ASEAN lãnh đạo hơn.

Kết luận

Cách tiếp cận của Malaysia với tranh chấp ở Biển Đông có sự khác biệt đáng kể so với Philippines và Việt Nam. Trong khi Manila thỏa hiệp với Trung Quốc (dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo và Rodrigo Duterte) rồi lại đối đầu với nước này (dưới thời Tổng thống Benigno Aquino), thì chính sách của Kuala Lumpur - và các chiến lược để đạt được chính sách đó - nhìn chung vẫn nhất quán, với một số điều chỉnh nhỏ khi xem xét đến những thay đổi về môi trường địa chính trị. Mặc dù Việt Nam nhất quán hơn Philippines, nhưng không giống nước này, Malaysia không công khai các vụ việc xảy ra trên biển, hay lên tiếng phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc và ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Thay vào đó, Malaysia ưu tiên ngoại giao kín đáo phía sau hậu trường, để ASEAN nắm vai trò lãnh đạo trong khi đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của họ và duy trì thái độ cảnh giác ở Biển Đông. Trong những năm 2020, nếu không có việc Trung Quốc công khai hành động hung hăng ở Biển Đông hay Malaysia bổ nhiệm một thủ tướng thân Trung Quốc quá mức, thì nước này sẽ không chệch hướng đáng kể khỏi chính sách đã qua thử nghiệm này.

Ian Storey

Nguyên tác : Malaysia and the South China Sea Dispute : Policy Continuity amid Domestic Political Change, ISEAS, 20/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Ian Storey là nghiên cứu viên cao cấp và biên tập viên của Đông Nam Á đương đại tại ISEAS - Viện Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

*****************

Biển Đông : Mỹ cảnh cáo Trung Quốc lợi dụng Covid-19 tranh đoạt chủ quyền bất chính

Tú Anh, RFI, 07/04/2020

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc không nên khai thác đại dịch Corona để lấn át láng giềng tại Biển Đông. Đây là lời cảnh cáo của Washington  sau vụ Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam trong vùng ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, vào tuần trước, theo bản tin của AFP.

my1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/03/2020 via Reuters - POOL

Vài ngày sau khi Hà Nội tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc "ngăn chặn và đâm chìm" một tàu đánh cá Việt Nam, trên đó có 8 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang kéo lưới trong vùng biển gần Hoàng Sa, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng: thay vì uy hiếp láng giềng, Bắc kinh nên tham gia vào nỗ lực chống dịch xuất phát từ Trung Quốc.

Phát ngôn viên Morgan Ortagus tuyên bố : "Vào lúc cả thế giới tập trung chống đại dịch Covid-19, thì Bắc Kinh lợi dụng thời cơ để thiết lập thêm cơ sở gọi là nghiên cứu tại Biển Đông và gia tăng các phi vụ quân sự ".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thủ đoạn lợi dụng lúc thế giới đang bận tâm chống đại dịch, cũng như khai thác thế yếu của các nước Đông Nam Á, để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông.

Bà Morgan Ortagus cho biết thêm là Washington "quan ngại sâu sắc" về vụ Trung Quốc ỷ mạnh uy hiếp, đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, một vụ việc mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là "nằm trong loạt hành động của Bắc Kinh uy hiếp láng giềng để tranh đoạt chủ quyền bất chính ".

Tú Anh

Nguồn : RFI, 07/04/2020

Additional Info

  • Author Ian Storey, Tú Anh
Published in Diễn đàn

Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch. Cho nên, theo giáo sư Pháp Didier Sicard, điều quan trọng là phải có một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập, như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.

vuhan1

Lối vào chợ động vật hoang dã Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch Covid-19, bị phong tỏa, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc Ảnh chụp ngày 30/03/2020. © Reuters/Aly Song

Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, khi trả lời đài France Culture đã nhận định, mọi nghiên cứu đang tập trung vào việc tìm kiếm vác-xin, nhưng bỏ quên nguyên nhân từ loài vật của nạn dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán. Ông đòi mở tòa án quốc tế về dịch tễ, trong bối cảnh trên thế giới đã có trên 73.000 nạn nhân thiệt mạng vì đại dịch, và riêng tại Pháp có 9.000 người tử vong.

France Culture : Ông muốn quay lại với nguồn gốc của đại dịch corona ?

Didier Sicard : Điểm xuất phát của đại dịch này là một ngôi chợ ở Vũ Hán, tại đó chen chúc đủ loại thú hoang : rắn, dơi, tê tê… nhốt trong những lồng tre. Tại Trung Quốc, những con thú này được mua để ăn Tết Canh Tý. Chúng khá đắt, và đây là món ăn rất được ưa thích.

Tại chợ này, thú hoang bị người bán tóm lấy, làm thịt trong lúc thân mình chúng ướt nhẹp nước tiểu, hàng ngàn con ve và muỗi bu đầy những con vật đáng thương này. Trong điều kiện như thế, chỉ cần vài con thú bị nhiễm virus là vô số con khác bị lây trong vài ngày. Có thể một người bán bị thương hay đụng vào nước tiểu nhiễm trùng, trước khi quẹt lên mặt. Thế là xong !

Điều khiến tôi luôn choáng váng là sự thờ ơ trước sự khởi đầu của nạn dịch. Cứ như là xã hội chỉ chú trọng đến đoạn cuối : vác-xin, chữa trị, hồi sức tích cực…Nhưng để cho những tai họa như thế không tái diễn, xác định điểm xuất phát là vô cùng quan trọng. Thế mà người ta vô tình đến không ngờ.

Sự dửng dưng trước việc mua bán động vật hoang dã trên thế giới là thảm kịch. Nghe nói các thị trường này mang lại lợi nhuận cũng như thị trường ma túy. Ở Mêhicô, việc buôn lậu phổ biến đến nỗi hải quan thậm chí phát hiện những con tê tê giấu trong vali…

France Culture : Tuy vậy đây không phải là lần đầu mà thú vật là nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng dịch tễ ?

Didier Sicard : Lâu nay thú vật vẫn là nguồn gốc của đa số cuộc khủng hoảng dịch tễ : SIDA, cúm gà H5N1, Ebola. Các chứng bệnh này luôn đến từ nguồn dự trữ virus trong súc vật, và hầu như ít ai để ý đến. Tương tự với bệnh sốt xuất huyết. Tôi có quan hệ rất chặt với Lào. Trong mùa khô, cần phải diệt trừ ấu trùng trước khi chúng trở thành muỗi, nhưng Viện Pasteur ở Lào vẫn kêu gào vô ích.

Cũng giống như công việc phải làm với loài dơi. Bản thân loài này mang trên mình khoảng 30 loại virus corona ! Cần phải nghiên cứu kỹ loài vật này. Đương nhiên là không dễ dàng : phải đi vào những hang động, trang bị bảo hộ kỹ lưỡng, bắt những con rắn độc, tê tê, kiến, xem xét những loại virus chúng đang mang trên mình. Đó là những công việc vô vị, không được các phòng thí nghiệm quan tâm. Các nhà nghiên cứu nói : « Chúng tôi thà làm việc trong phòng thí nghiệm phân tử với trang bị như phi hành gia. Đi vào rừng rậm mang các loài muỗi về thật nguy hiểm ».

Bên cạnh đó, những nạn dịch này sẽ còn tái diễn nhiều lần trong những năm tới, nếu không cấm hẳn việc mua bán động vật hoang dã. Phải coi đó là tội phạm như bán ma túy, phải bỏ tù. Tôi cũng nghĩ đến việc nuôi công nghiệp gà, heo như ở Trung Quốc. Mỗi năm lại có những dịch cúm mới từ gia cầm ; tập trung đại trà những con vật theo kiểu đó là không nghiêm túc. Quốc tế phải tập trung nỗ lực tìm ra nguyên nhân nạn dịch.

France Culture : Loại nghiên cứu nào cần phải tiến hành ?

Didier Sicard : Cần phải cố vẽ lại con đường lây nhiễm khiến loài dơi chứa chấp virus corona từ hàng triệu năm qua và gieo rắc đi các nơi. Chúng cũng lây nhiễm sang những con thú khác. Rắn và đặc biệt là rắn độc rất mê ăn xác dơi, cũng như dơi con bị rơi xuống đất là bị rắn nuốt ngay – có thể rắn là vật chủ trung gian cho virus. Hơn nữa trong những hang động có cả những đám mây ve, muỗi, cần phải xem loài côn trùng nào có thể lan truyền virus.

Một giả thuyết khác là khi dơi bay đi ăn đêm, chúng rất thích những cây thuộc họ thu hải đường. Dơi có phản xạ tự nhiên là tiểu tiện khi nuốt thức ăn, như vậy chúng làm nhiễm độc trái cây và cả cầy hương vốn thích cùng một thứ trái. Kiến cũng tham gia bữa tiệc, và đến lượt tê tê – mà thức ăn khoái khẩu nhất là loài kiến – ăn vào cũng bị nhiễm virus.

Đó là cả một chuỗi lây nhiễm cần nghiên cứu. Kho trữ virus nguy hiểm nhất có lẽ là loài rắn, vì chúng thường xuyên ăn thịt dơi vốn chứa sẵn virus corona. Như vậy rắn luôn có chứa virus, vì vậy cần phải kiểm tra. Các nhà nghiên cứu phải đi bắt dơi, và tương tự với loài kiến, cầy hương, tê tê, cố gắng hiểu được chúng dung dưỡng virus trong người như thế nào. Đó là một công việc nhạt nhẽo như lại là chủ yếu.

France Cuture : Còn về người dân địa phương có tiếp xúc với loài dơi ?

Didier Sicard : Điều gây ấn tượng nơi tôi là rừng nguyên sinh tại Lào đang lùi dần, vì người Trung Quốc xây dựng các nhà ga và tuyến đường xe lửa. Những chuyến xe này chạy qua rừng rậm mà không có biện pháp bảo hộ y tế nào, có thể trở thành vec-tơ cho các loại bệnh từ ký sinh trùng và virus, đưa chúng đi xuyên qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore. Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc muốn xây dựng có thể trở thành con đường lây nhiễm các loại bệnh trầm trọng.

Trên thực địa, những hang động ngày càng khó vào. Con người có xu hướng ngày càng tiến gần nơi cư ngụ của loài dơi, chúng trở thành loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Người ta cũng lập vườn cây ăn trái rất gần những hang động này, vì cây rừng bị đốn hạ. Cư dân có cảm giác lấn được đất, lập ra các vùng trồng trọt sát bên khu dự trữ virus vô cùng nguy hiểm.

France Culture : Theo giáo sư, như vậy chưa có đầy đủ những nghiên cứu nghiêm túc về khả năng dơi mang trong mình nhiều loại virus corona ?

Didier Sicard : Chúng tôi đã sững sờ khi bộ Ngoại Giao Pháp hồi tháng 11/2019 đã không còn cấp cho Viện Pasteur ở Lào một nhà vi trùng học nào. Vai trò của cơ quan nằm cách biên giới Trung Quốc vài trăm cây số này là nghiên cứu và đào tạo các chuyên gia tại chỗ về dịch tễ học đối với những loại virus hiện có như chikungunya, sốt xuất huyết và nay là virus corona. Một cơ sở nghiên cứu khoa học ở một xứ nhiệt đới xa xôi, nhưng với phòng thí nghiệm an toàn tuyệt đối, sát cạnh nơi xảy ra dịch bệnh, nhưng phương tiện nghiên cứu hiện đại.

Tuy nhiên, những viện như vậy có rất ít ngân sách và khó tuyển được người. Đa số các nhà nghiên cứu thích làm việc ở Viện Pasteur Paris hay phòng thí nghiệm của Sanofi hơn. Nhưng nhà bác học Louis Pasteur không chỉ ngồi trong phòng, mà ông đã ra gặp nông dân trên những cánh đồng nho, thăm những người chăn cừu. Cũng như Alexandre Yersin luôn có mặt trên thực địa ở Việt Nam, nơi ông phát hiện vi khuẩn dịch hạch.

Như vậy việc nghiên cứu dịch tễ về các loài vật trung chuyển virus chưa xứng với tầm quan trọng của vấn đề, chỉ chiếm khoảng 1% các công trình. Bởi vì những gì khiến các ứng viên giải Nobel mơ ước là khám phá một con virus mới, chứ không phải lần tìm chuỗi lây nhiễm. Thế nhưng những phát hiện quan trọng về bệnh nhiễm như ký sinh trùng sốt rét chẳng hạn, chính là do một người Pháp, bác sĩ quân y Alphonse Laveran, tìm ra trên thực địa ở Tunisie.

France Culture : Ông có những ví dụ khác để chứng tỏ việc nghiên cứu trên loài vật là quan trọng ?

Didier Sicard : Bệnh dịch hạch là một ví dụ thú vị. Chuột là kho trữ vi khuẩn dịch hạch. Có những đàn chuột làm lây lan vi khuẩn này, còn bản thân chúng vẫn vô sự, và cũng có những đàn nhạy cảm hơn. Chỉ cần một ngày nào đó, vài con chuột loại nhạy cảm gặp chuột kháng khuẩn, bị nhiễm độc và chết. Lúc đó những con rệp sống bằng máu của chuột sẽ quay sang cắn người.

Tại những nơi bệnh dịch hạch còn hoành hành như California, Madagascar, Iran, Trung Quốc, khi thấy hiện tượng hàng trăm con chuột chết là phải can thiệp, vì lúc đó rệp sẽ quay sang loài người, rất nguy hiểm.

May thay, dịch hạch là một chứng bệnh đã thuộc về quá khứ, nay chỉ còn 4.000 hay 5.000 ca trên thế giới, và thuốc kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng đó là một ví dụ cho thấy nguyên nhân từ loài vật là cơ bản, cần phải tìm hiểu kỹ và có chính sách dự phòng. Ngày nay, tiếp tục buôn bán động vật hoang dã là điên rồ.

France Culture : Thật ra việc mua bán động vật hoang dã đã bị cấm, và còn có công ước quốc tế về vấn đề này…

Didier Sicard : Vâng, nhưng tại Trung Quốc, công ước này không được tôn trọng. Cần phải thành lập một loại tòa án quốc tế về y tế. Nếu chỉ đòi hỏi từng quốc gia sẽ chẳng thay đổi được gì. Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch : Trung Quốc đóng góp tài chính rất nhiều cho WHO.

Thế nên điều quan trọng là phải có một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập, như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh, với các thanh tra độc lập có thể kiểm tra được những gì diễn ra tại chỗ.

Thụy My dịch

Nguồn : RFI, 07/04/2020

Additional Info

  • Author Didier Sicard, Thụy My
Published in Diễn đàn

Siêu vi Corona : Tia sáng cuối đường hầm hay ngọn đèn hiu hắt

Ảnh một đứa bé xinh xắn chào đời trong một thế giới bị phong tỏa ; Mẹ tôi từ trần hôm thứ Sáu, hàng chữ báo tin ảm đạm : Tựa buồn thảm trên La Croix Le Monde phản ánh tình trạng thê lương của thế giới trong cơn khủng hoảng y tế đầy bất trắc. Còn Les Echos lóe lên một tia hy vọng : Đại dịch giảm tốc, tử vong ít dần ở Tây Ban Nha, Ý , Pháp

covi01

Ý kiến của Viện Hàn lâm Y học Pháp "nên đeo khẩu trang" có thể làm cho một nhu cầu y tế trở thành "chiến tranh".

Diễn biến tình hình dịch trên thế giới như thế nào và được đối phó ra sao ? Les Echos báo tin phấn khởi : Dịch bệnh có dấu hiệu giảm dần nhưng các bệnh viện ớn lạnh người khi thấy dân chúng Pháp cũng có dấu hiệu lơ là cảnh giác. Thành phần sinh viên, bác sĩ nội trú đã "hết gân hết cốt".

Libération cũng khuyến cáo : Sau nhiều tuần lễ liên tục đấu vật với siêu vi, y tá bác sĩ đều mệt mỏi "suy nghĩ, ăn uống, nằm ngủ cũng bị Corona ám ảnh.

Bên cạnh phóng sự một bảo sanh viện tại Pháp "sắp xếp" sao cho trong thời đại dịch vẫn có điều kiện lý tưởng an lành cho sản phụ và con thơ, La Croix, đưa một loạt tựa đáng lo : Hoa Kỳ, siêu cường trong cơn bão loạn. New York bước vào cuộc chiến. California hứng trọn ngọn sóng thất nghiệp. Tại Ấn Độ thì dân sợ đói hơn sợ Corona : Hàng triệu công nhân Ấn Độ bị thất nghiệp, không lương, từ hai tháng nay, không tiền nuôi vợ nuôi con. Nhật báo công giáo còn đặt một câu hỏi : liệu chúng ta phải đeo khẩu trang hay không ?

Hàn Lâm viện Y học Pháp vừa ra thông cáo khuyến khích dân Pháp theo gương dân Châu Á. Trái với thông điệp, giải thích của hành pháp, của hàng loạt chuyên gia, bác sĩ thay nhau lên các đài truyền hình trấn an công luận từ hơn một tháng nay , ý kiến của Viện Hàn lâm Y học "nên đeo khẩu trang" có thể làm cho một nhu cầu y tế trở thành "chiến tranh".

Chưa hết cách ly đã mấp mé chiến tranh khẩu trang

Les Echos không ngần ngại đề tựa : "Chiến tranh khẩu trang". Theo nhật báo kinh tế, cho dù Washington cải chính những lời cáo buộc, nhưng theo nhiều nhân chứng, chính Mỹ đã làm giá khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt. Pháp đặt hàng 2 tỷ khẩu trang với giá 8 yuan. Một tháng sau, giá lên đến 18 hay 19 yuan, cao hơn gấp đôi. Tiền chuyên chở cũng lên... mà hàng thì chưa thấy về.

Cùng đề tài, Le Monde lý giải : Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang và sự bất bình của dân chúng, chính phủ các nước đều cần khẩu trang để hạn chế trường hợp lây nhiễm do vô tình đứng gần người mang siêu vi. Đó là lý do mà ngay giữa các nước Tây phương cũng tranh giành nhau. Stockholm tố Pháp chận một lô khẩu trang của Thụy Điển. Pháp tố Mỹ chơi đểu giật một lô hàng của Pháp ngay sân bay Thượng Hải với sự đồng lõa của đối tác Trung Quốc tham tiền.

Về phần Bắc Kinh, để tô điểm lại bộ mặt bị chê trách bóp nghẹt thông tin dịch Vũ Hán và bán khẩu trang "dỏm" cho Hà Lan, chính quyền Trung Quốc đặt điều kiện khắt khe, cấm xuất khẩu trang và thiết bị y tế nếu không có giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng.

Về chuyện dài khẩu trang, Le Figaro không tử tế, nhẹ tay với các chính phủ Tây phương, nhất là Pháp và Mỹ với loạt bài như sau :

Đeo khẩu trang, chính quyền nhiều nước thay đổi 180°. Hoa Kỳ xét lại phương pháp chống dịch và yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang ; Pháp : sau khi Viện Hàn lâm Y học đưa ý kiến, chính phủ xem lại chiến lược.

Thật ra, một mình khẩu trang không đủ ngăn chặn siêu vi lây lan mà phải tuân thủ thêm bốn nguyên tắc nữa là phải hạn chế đi lại, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên và không bắt tay, hôn má... một bác sĩ khuyến cáo trên nhật báo thiên hữu.

Công luận đã biết lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đạo luật cấm dân chúng bịt mặt biểu tình bị khẩu trang trả thù như thế nào. Cũng với ý này để trêu chọc chính phủ Pháp, bài xã luận "Hài kịch" của Le Figaro nhập đề : Mặt nạ trả thù : đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Macron xoay chiều "lăng ba vi bộ". Họ đã mời chúng ta đi bầu trong khi chỉ thị dân phải ở nhà tránh dịch. Sau đó là vụ Chloroquine, khuyến cáo rồi lại cho thử lâm sàng. Bây giờ đến chiếc khẩu trang. Tác giả kết luận hóm hỉnh : Hy vọng sự thật không bị "cách ly".

Châu Á sợ siêu vi tấn công đợt hai

Singapore cho "nổ cầu chì". Sau khi thành công ngăn chặn dịch Corona lây lan bằng các biện pháp trói buộc theo dõi sát sao, qua điện thoại có định vị, đường đi nước bước của những người dân hoặc du khách nhiễm siêu vi. Kết quả khích lệ hạn chế số tử vong ở mức 5 người. Cho đến nay, người dân Singapore cũng như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đi làm việc, mua sắm. Rạp chiếu phim đóng cửa nhưng hàng quán vẫn tập nập.

Nhưng từ tháng Ba đến nay, với 50 ca lây nhiễm mỗi ngày, Singapore không thể theo dõi tình hình dịch tất cả qua ứng dụng "định vị" của điện thoại được nữa. Cuối tuần qua, thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố cho "nổ cầu chì" tức là sẽ ban hành biện pháp "phong tỏa" mọi sinh hoạt. Viễn ảnh kinh tế Singapore tê liệt, thuơng mại đình đốn làm cả Châu Á lo âu.

Corona đi rồi lại trở về. Theo Le Monde, cụ thể, Đài Loan cho biết đại đa số các ca được phát hiện tức là 86% trong số 339 trường hợp dính siêu vi là do người từ nước ngoài hồi hương, nhập cảnh mang vào. Ngay trong số ít oi 48 ca nội địa thì phân nửa là do tiếp xúc với người hồi hương.

Để có thể sinh hoạt bình thường, hàng quán mở cửa, không hạn chế tự do đi lại, ai ở đâu ở đó, như ở Pháp, Đài Loan đang áp dụng biện pháp rất nghiêm khắc đối với công dân về nước. Bước xuống máy bay là gặp nhân viên cho chỉ thị : Phải có xe riêng đưa về nhà, không đi phương tiện công cộng. Tự cách ly 14 ngày. Trong thời gian đó, nếu ra khỏi nhà dưới 100 mét, bị phạt tương đương với 3.000 đô la Mỹ, xa hơn 100 mét, tiền phạt có thể lên đến 30.000 đô la.

Trung Quốc cũng lo âu không ít. Trong số các ca "ngoại nhập lây nhiễm" được công bố, 9% là sinh viên Hoa lục hồi hương trong bối cảnh các đại học Âu Mỹ đóng cửa. Vì giao thông ngưng đọng, giới sinh viên Hoa lục không có máy bay về nước. Bị gièm pha "đem con bỏ chợ", chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức các chuyến bay giá rẻ nhưng lại bị chỉ trích là mở đường đem siêu vi trở về nhà.

Nga chống Covid-19 : Dịch vụ "tối thiểu" của Putin

Đó là tựa bài "giải mã" của Libération về chính sách chống khủng hoảng Corona thật khó hiểu của điện Kremlin. Bài rất dài nhưng có hai ý chính : Putin không sử dụng tài khoản dự trữ, 150 tỷ đô la, để cứu dân nghèo và xí nghiệp vừa và nhỏ, lãnh vực kinh tế sử dụng đến 30% lao động Nga.

Trong bối cảnh dầu hỏa, nguồn ngoại tệ chính của Nga rơi giá còn có hơn 10 đôla mỗi thùng, nước Nga phải thận trọng trong mọi chính sách dài hạn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là trong ngắn hạn, thành phần xí nghiệp hạng trung sẽ tan hoang và dân nghèo lãnh đủ.

Siêu vi từ Vũ Hán tác động mạnh đến thế hệ học sinh lớp 12 tại Pháp

Đối với gần 740.000 học sinh lớp 12, Terminale, thế hệ Tú tài 2020, năm nay không phải thi cử gì cả. Quyết định của Bộ Giáo dục vừa được thông báo : điểm bài kiểm của ba quý trong năm từ trung bình 10/20 trở lên là đủ. Còn thiếu điểm từ 8 đến dưới 10/20, sẽ thi vớt vào tháng 9.

"Bac, bằng Tú Tài không khảo thí, biến cố lịch sử của nước Pháp", tựa đậm của Le Monde. Quyết định miễn thi này không phải ai cũng hài lòng. Rất nhiều học sinh lơ là điểm trong lớp, đặt cược vào kỳ thi chung cuộc để lấy hạng ưu hoặc tối ưu để vào trường danh tiếng.

Les Echos cho biết thêm : Để bác bỏ chỉ trích "bằng cấp hạ giá", Bộ Giáo dục kéo dài chương trình học thêm một tháng cho đến 04/07. Biện pháp lịch sử này còn là thông điệp minh bạch gửi phụ huynh học sinh là cho dù tình hình dịch diễn biến như thế nào từ nay đến mùa hè, tương lai trước mắt các em là như thế.

Trang môi trường, nhật báo kinh tế nhấn mạnh đến một cái may trong cái rủi : Khí thải CO2 giảm 58% mỗi ngày tại Châu Âu làm không khí trong lành hơn từ khi sinh hoạt con người bị đình trệ vì Corona.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Đối với nhiều quốc gia, quân đội là công cụ đắc lực trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đối phó với các cuộc khủng hoảng trên diện rộng. Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cản trở các hoạt động quân sự cũng như những dự án phát triển năng lực quân sự tiên tiến.

quansu1

Các binh sĩ Tây Ban Nha chuẩn bị khử trùng một nhà ga xe lửa ở San Sebastian ngày 24/3/2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh coronavirus. (Báo Nagore Iraola / Europa qua Getty Images)

Trong lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, các nước trên thế giới không chỉ đối phó với vấn đề sức khỏe cộng đồng và suy thoái kinh tế mà còn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến lực lượng quân sự của mình. Cho dù quân đội không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì các biện pháp cách ly hiện đang được áp dụng vẫn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động quân sự. Có thể thấy quân đội ở các nước như Mỹ bị điều động ra chiến tuyến chống dịch Covid-19 ngày càng nhiều. Hậu quả đương nhiên là lực lượng này sẽ bộc lộ nhiều hạn chế về kỹ năng chiến đấu khi phải đối mặt với các lực lượng thù địch ở nước ngoài. Thậm chí những hạn chế này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển năng lực quân sự trong dài hạn.

Hạn chế tác chiến

Yêu cầu cách ly quân nhân và có thể là cả gia đình họ tại các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát virus sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Điều này có thể thấy rõ trước tiên ở Hàn Quốc, nơi tình trạng lây nhiễm đã xảy ra ở một căn cứ của quân đội Mỹ. Cho dù dịch bệnh không lây lan trong lực lượng quân sự của một nước, thì chính các biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly phòng ngừa cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới các hoạt động quân sự mà thường được tiến hành với sự tham gia của đông đảo quân nhân và thông qua hình thức giao tiếp trực tiếp. Tình trạng quân đội bị ảnh hưởng như vậy đã xảy ra ở Iraq, nơi mà Mỹ mới đây phải giảm bớt quân số đóng tại các căn cứ nhằm hạn chế sự lây nhiễm của dịch Covid-19 trong quân đội và cũng là nơi mà quân đội Anh và Hà Lan phải tạm ngừng các hoạt động huấn luyện với lực lượng quân sự Iraq vì những lý do tương tự. Quân đội Mỹ gần đây cũng phải hạn chế tham gia tập trận với châu Âu, vốn là hoạt động quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Âu trong vòng 25 năm trở lại đây.

Bên cạnh việc thực thi quy định cách ly, việc tham gia chống dịch cũng có nguy cơ khiến dịch Covid-19 bùng phát ngay trong lực lượng quân sự với những hệ quả hết sức phức tạp. Nếu dịch bùng phát trong quân đội thì không chỉ khả năng chủ động tác chiến bị tê liệt, mà ngay cả khả năng tiếp tục hỗ trợ chống dịch của các đơn vị nhiễm bệnh cũng sẽ bị hạn chế. Sự bùng phát dịch trên quy mô lớn cũng có thể dẫn tới yêu cầu phải có sự can thiệp y tế mà một số địa phương không thể đáp ứng – điều này đặc biệt khó khăn đối với những đơn vị được điều đến hỗ trợ ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Khi chính các quân nhân bị nhiễm bệnh và cần có người chăm sóc, điều trị, thì việc đảm bảo an ninh cho các đơn vị này sẽ trở nên bất khả thi hoặc chỉ khả thi ở mức độ hạn chế. Mặc dù các quân nhân ít có nguy cơ bị ốm và nhiễm bệnh bởi họ còn trẻ và được rèn luyện thể chất ở mức độ cao, nhưng khả năng có những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nghiêm trọng trong quân đội là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Đối với một số hoạt động quân sự đặc thù như trong lực lượng hải quân, nỗ lực cách ly có thể dễ dàng hơn. Ví dụ, Italy có thể nhanh chóng cách ly 2 tàu hải quân của họ ngay sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu lan rộng. Chính Hải quân Mỹ mới đây cũng áp dụng biện pháp hạn chế cập cảng, đồng thời tự cách ly 14 ngày trước trước khi cập cảng. Với biện pháp tránh cập cảng nhiều lần và tự cách ly trên biển, nguy cơ hải quân nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài đã giảm đáng kể nhưng không hoàn toàn biến mất.

Tuy nhiên, nếu có ca nhiễm ngay trên tàu hải quân thì dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh như đã thấy trong trường hợp các tàu du lịch bị nhiễm virus trong thời gian vừa qua. Các trang thiết bị y tế trên tàu có thể không đủ để điều trị số bệnh nhân cần phải được can thiệp y tế khẩn cấp. Việc thiếu trang thiết bị y tế cũng là một thách thức trong vấn đề phối hợp xin trợ giúp từ bên ngoài hoặc sơ tán bệnh nhân. Việc đổi quân trên tàu cũng không đơn giản và chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành khử trùng diệt khuẩn, mà điều này lại khó khả thi trên biển, đặc biệt là đối với các tàu ngầm hạt nhân (những tàu này dù hoạt động tương đối biệt lập nhưng không thể được coi là hoàn toàn miễn nhiễm với các dịch bệnh bùng phát). Các tàu một khi đã nhiễm dịch thì không thể vận hành bình thường. Do đó, khả năng tác chiến của hải quân trong một số trường hợp sẽ bị hạn chế đáng kể.

Tình trạng mất khả năng tác chiến như vậy cũng có thể xảy ra ở các đơn vị quân sự đặc chủng. Ngoài các đơn vị quân y, các đơn vị phi công chiến đấu, đặc nhiệm, kỹ thuật quân sự và cả các công ty thuộc quân đội cũng không miễn nhiễm trước dịch bệnh và cùng phải bị cách ly nếu cần. Tuy nhiên, việc các đơn vị này mất khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến quân đội Mỹ và đồng minh, nhất là trong thời gian ngắn hạn trước mắt. Những lực lượng này có vai trò thiết yếu không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ hiện đang dẫn dắt mà còn trong việc giải quyết chiến sự ở nhiều điểm nóng trên thế giới như Triều Tiên, Iran, Syria và các khu vực gần biên giới Nga.

Đại dịch Covid-19 hiện đang lây lan ra toàn cầu theo từng khu vực, bắt đầu là các nước gần Trung Quốc (tâm dịch ban đầu) nhất. Triều Tiên đã bắt đầu tập trận trở lại vào tháng 3, sau hai tháng án binh bất động vì phải đối phó với nguy cơ nhiễm bệnh. Trong khi đó, Mỹ giờ đây mới bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa trên diện rộng (yêu cầu người dân ở nhà). Sự khác biệt về múi giờ và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh (Trung Quốc đã vượt qua được đỉnh dịch trong khi Mỹ sắp phải đối phó với đỉnh dịch) có thể mở ra cơ hội cho một số nước nổi lên ở khu vực. Nếu khả năng tác chiến quân sự của Mỹ bị hạn chế đáng kể, cho dù chỉ ở một lĩnh vực nhất định, thì những toan tính của các nhà lãnh đạo cũng sẽ khó có thể được thực hiện một cách hoàn hảo vì thiếu nguồn lực để thực thi hoặc vì những hậu quả khó lường xảy ra do quân đội bị nhiễm bệnh trên quy mô lớn.

Những rủi ro ngoài chiến tranh

Tuy nhiên, những tác động tiềm tàng của đại dịch Covid-19 sẽ không chỉ giới hạn ở các đơn vị quân sự đang hoạt động. Ở những nước hiện phải tăng cường khả năng ứng phó nhanh trước sự lây lan của dịch bệnh cũng như hậu quả của nó, lực lượng quân sự được huy động để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng và thực thi các biện pháp cách ly ngày càng đông.

Chẳng hạn, các nước Ý, Đức và Pháp đã bắt đầu huy động lực lượng quân sự vào việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, vận chuyển người nhiễm bệnh và thực hiện nhiều công tác chống dịch khác. Và khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn, các đơn vị chủ lực sẽ không còn sức để thực thi nhiệm vụ quốc phòng và các nhiệm vụ khác. Tuy vậy, điều này không hẳn sẽ làm thay đổi cán cân quân sự giữa các nước bởi tình hình dịch Covid-19 hiện tại cũng chưa tới mức phá hủy sức mạnh quân sự của bất kỳ nước nào. Ví dụ, Nga hiện đã phải ngừng tập trận ở các vùng biên giới vì e ngại quân lính sẽ nhiễm virus, cho dù số ca nhiễm virus ở Nga hiện vẫn ít hơn nhiều so với các nước NATO khác.

Ngoài việc khả năng sẵn sàng chiến đấu và duy trì cán cân sức mạnh với các nước khác của quân đội Mỹ có thể bị ảnh hưởng, các chiến dịch chống khủng bố cũng có nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng. Do đặc thù công việc, các lực lượng quân sự này sẽ không phải gánh thêm những nhiệm vụ và trách nhiệm khác trong thời gian tập trung dập dịch. Khi quân đội buộc phải hủy tập trận hoặc huấn luyện do được huy động vào việc dập dịch, khả năng họ được điều sang hỗ trợ các lĩnh vực khác hầu như là không có. Cho dù năng lực quân sự của họ không phải là vấn đề đáng lo ngại, thì việc điều chuyển một lực lượng quân sự ra nước ngoài và đưa một lực lượng quân sự khác về nước sẽ có nguy cơ đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng Ebola ở châu Phi giai đoạn 2014-2016 là một ví dụ điển hình. Ở thời điểm đó, người ta không thể điều chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ra vào vùng dịch bởi lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan.

Hậu quả lâu dài

Hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành quốc phòng và ngân sách quốc phòng trong dài hạn, kể cả sau khi dịch kết thúc. Đặc biệt, lực lượng phòng không cho dù không liên quan chặt chẽ tới ngành hàng không dân dụng cũng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do những thiệt hại nói chung của ngành hàng không thế giới gây nên. Nhiều lĩnh vực khác trong ngành quốc phòng cũng sẽ bị ảnh hưởng do quy định giãn cách xã hội cản trở việc đi lại, hợp tác và thử nghiệm những tính năng mới trong ngành. Chính điều này sẽ khiến nhiều dự án đang được thực hiện bị dừng lại giữa chừng hoặc bị chậm so với kế hoạch đã định. Ví dụ, Không quân Mỹ đã phải dời lịch thử nghiệm Hệ thống quản lý tác chiến tiên tiến của họ từ tháng 4 sang tháng 6 năm nay do dịch Covid-19.

Các nhà máy đóng tàu hải quân ở các nước như Ý và Canada cũng bị đóng cửa tạm thời, và như vậy sẽ chậm giao hàng theo đơn đặt cũng như không thể hoàn thành các đơn hàng bảo dưỡng tàu trong thời gian đại dịch diễn ra.

Những rủi ro về tài chính do các hoạt động trên tạm thời bị gián đoạn sẽ còn lớn hơn ở các nền kinh tế phải tập trung nguồn lực để khống chế dịch bệnh và do đó không thể chi nhiều cho công tác quốc phòng. Đương nhiên điều này không có nghĩa là ngân sách quốc phòng sẽ ít đi bởi mỗi nước có mức độ ưu tiên riêng cho từng lĩnh vực, nhưng không thể loại trừ khả năng kịch bản này xảy ra.

Ngân sách bị hạn chế cũng sẽ dẫn tới việc các nước buộc phải dịch chuyển các nguồn lực của mình và thúc đẩy các kế hoạch giảm bớt hoặc rút toàn bộ lực lượng quân sự đang đồn trú ở nước ngoài về nước.

Xét tới những ảnh hưởng dài hạn đối với việc phát triển năng lực quân sự (chẳng hạn như khi ngân sách dành cho quốc phòng giảm hay các dự án phát triển quân sự bị tạm dừng) và việc các đơn vị bị tạm ngừng hoạt động, có thể nói những đại dịch như Covid-19 đủ khả năng gây rủi ro cho tất cả các hoạt động trên toàn thế giới, thậm chí có thể khiến một số lực lượng quân sự bị tê liệt hoàn toàn.

Do đặc thù công việc là thực thi các chính sách an ninh trong và ngoài nước cũng như trực tiếp hỗ trợ các hoạt động nhân đạo nên lực lượng quân sự chính là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Sim Tack

Nguyên tác : Covid-19: How Pandemics Disrupt Military Operations, Stratfor, 25/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 07/04/2020

Sim Tack là nhà phân tích tại Stratfor, người đồng sáng lập và nhà phân tích quân sự chính của Force Analysis. Bài viết được đăng trên Stratfor

Additional Info

  • Author Sim Tack, Minh Anh
Published in Diễn đàn