Lá thư từ Mỹ
Virus Corona : Dân Mỹ nhà nhà nhận tiền từ chính phủ Donald Trump
Một tháng qua, virus corona (Covid-19) đã làm cho kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới suy sụp.
Đường phố San Francisco trong những ngày phòng chống dịch Cô Vi (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Với bệnh dịch lan tràn, ở Mỹ đã có 700 nghìn ca bệnh và 35 nghìn tử vong. Thế giới có hơn 2 triệu ca nhiễm, 144 nghìn tử vong. Ngoài Hoa Kỳ, Châu Âu cũng có số ca nhiễm và tử vong cao.
Từ giữa tháng Ba chính quyền liên bang Mỹ có lệnh cấm tụ họp trên 10 người. Ngay sau đó nhiều tiểu bang ban hành lệnh cấm túc. Mọi người ở nhà. Ra đường cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét xa nhau.
Tác giả theo khuyến cáo của nhà nước đeo khẩu trang khi ra đường và giữ khoảng cách xã hội (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Các hãng xưởng, cơ sở thương mại không phục vụ nhu cầu thiết yếu của dân đều đóng cửa. Chỉ còn siêu thị, trung tâm y tế, bệnh viện và một số dịch vụ giới hạn mở cửa.
Rất nhiều người đang có việc làm bỗng dưng phải nghỉ. Mức thất nghiệp tại Hoa Kỳ vào tháng 3/2020 đang ở mức 3,5%, thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, sang giữa tháng 4 lên hơn 10%, với 22 triệu người đã khai thất nghiệp trong bốn tuần lễ qua.
Khi khủng hoảng bệnh dịch bắt đầu bùng phát, Chính phủ Mỹ, nghĩa là Quốc hội làm luật và Tổng thống ký ban hành, đã chi ngay hơn 8 tỉ đô la cho việc phòng chống sự lây lan của Covid-19 mà tôi xin gọi theo kiểu Việt Nam là 'Cô Vi'.
Đầu tháng này chính phủ Trump ban hành luật cứu nguy kinh tế, tên tắt là CARES (The Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act) để chi ra tất cả 2 nghìn 200 tỉ đô la.
Đầu tháng 4/2020, chính phủ Trump ban hành luật cứu nguy kinh tế, tên tắt là CARES (Ảnh Global Research)
Khoảng 175 triệu dân sẽ nhận được tiền trợ giúp của chính phủ trong thời kỳ khó khăn.
Số tiền dân nhận được, căn bản là 1.200 đôla cho một người có mức thu nhập AGI (Adjusted Gross Income) 75 nghìn đô la một năm hay ít hơn, tức là số thu nhập sau khi đã trừ đi một số khoản chi tiêu như trả nợ học phí, tiền bỏ vào quỹ hưu trí IRA hay tiền bỏ vào quỹ y tế HSA.
Theo tôi tìm hiểu, trong một gia đình Mỹ, hay Mỹ gốc Việt, hai vợ chồng khai thuế chung, với mức dưới 150 nghìn đôla một năm sẽ nhận được 2.400 đôla. Nếu có con dưới 17 tuổi, mỗi trẻ sẽ nhận được 500 đôla.
Nếu mức lương AGI của một người cao hơn 75 nghìn và thấp hơn 99 nghìn đôla, số tiền nhận được sẽ ít đi 5 đôla cho mỗi 100 đôla thu nhập cao hơn 75 nghìn.
Thí dụ với thu nhập AGI là 75.100 đôla thì người đó sẽ nhận được 1195 đôla trợ giúp. Nếu là 75.200 đôla thỉ chỉ nhận 1.190 đôla trợ cấp.
Cho đến mức thu nhập AGI 99 nghìn đô la hay cao hơn cho một người, 198 nghìn cho hai vợ chồng, thì sẽ không nhận được tiền trợ cấp.
Hơn 60 triệu người đã nhận được số tiền này chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân, nếu đã khai thuế năm 2018 hay 2019 và trong hồ sơ có để sẵn số tài khoản ngân hàng.
Trong những tuần tới đến lượt những người hưu trí, mà không khai thuế mỗi năm, sẽ nhận được tiền trợ cấp.
Những ai làm hồ sơ thuế không ghi số tài khoản ngân hàng thì chính phủ sẽ gửi ngân phiếu đến nhà, nhưng phải chờ ít ngày nữa mới nhận được.
Đặc biệt lần này chi phiếu từ bộ ngân khố gửi ra sẽ có chữ ký của Tổng thống Donald Trump bên góc trái. Một sự kiện chưa bao giờ có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch, đến tháng 9 thì tất cả mọi người dân sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ từ luật CARES.
Với 22 triệu người vừa mất việc và đã khai xin trợ cấp thất nghiệp, ngoài tiền thất nghiệp tính theo thời gian làm việc, mức lương trung bình và tùy từng tiểu bang thì mỗi người còn nhận được thêm khoản tiền 600 đôla mỗi tuần.
Thí dụ tiền thất nghiệp của một cư dân California bình thường từ 40 đến tối đa 450 đôla một tuần, nay cộng thêm 600 đôla theo luật CARES thì một người thất nghiệp sẽ nhận một tuần từ 640 đến 1.050 đôla.
Trước khi có khủng hoảng, người mất việc được tiền thất nghiệp trong 26 tuần, với luật cứu nguy kinh tế sẽ được nhận đến 39 tuần.
Ngân sách cho luật cứu nguy chi nhiều nhất là trợ giúp trực tiếp đến cho dân, 603 tỉ đôla hay 30% ngân sách CARES.
Các tập đoàn thương mại lớn nhận được 500 tỉ đôla, 25% ngân sách CARES, là tiền các đại công ti được vay, hay giúp các hãng máy bay tiếp tục trả lương, trả bảo hiểm cho nhân viên.
Giới tiểu thương nhận được 377 tỉ đôla trợ giúp, 19% của CARES, qua các khoản cho vay dễ dàng, không phải trả món nợ đang có và có tiền để giúp duy trì cũng như phục hồi cơ sở.
Chính quyền tiểu bang và các cấp địa phương được 340 tỉ đôla, 17% ngân sách cứu nguy, để đối phó với nạn dịch và các chi phí liên quan đến giáo dục, từ đại học xuống đến lớp mẫu giáo như việc thiết lập các chương trình học trực tuyến.
Dịch vụ công cộng nhận 9%, khoảng 180 tỉ đôla, chi cho các bệnh viện công, chi cho việc chăm sóc sức khoẻ cựu chiến binh, lập kho dự trữ trang thiết bị y tế, cung cấp thực phẩm cho trẻ em.
Với luật CARES, đời sống kinh tế, xã hội của người dân đã được chính phủ quan tâm giúp đỡ.
Câu hỏi chủ yếu đặt ra là khi đã mở cửa sinh hoạt đời sống trở lại, từ từ và có kiểm soát để phòng bịnh dịch tái bùng phát, khi đó người dân có chi tiêu ngay số tiền trợ cấp đã nhận được để giúp phục hồi kinh tế.
Năm 2008-2009 cũng vì khủng hoảng kinh tế tài chánh, chính phủ của Tổng thống George W. Bush (con) rồi sang đến thời Tổng thống Barack Obama cũng có những gói kích thích kinh tế, nhưng người dân không trực tiếp nhận được nhiều tiền trợ cấp như hiện nay, mà đa phần qua hình thức giảm thuế. Dân không có tiền tiêu xài ngay nên kinh tế khi đó đã không phục hồi nhanh như mong muốn.
Lần này, với ngân sách cho CARES gấp đôi ngân sách kích thích kinh tế trước đây, không ai ngoài Tổng thống Donald Trump là người mong cho kinh tế sớm phục hồi để được lòng dân trong ngày bầu cử 3/11 tới đây.
Trong 40 năm qua, với bảy tổng thống Mỹ chỉ có hai trụ lại ở Tòa Bạch Ốc một nhiệm kỳ. Đó là Tổng thống Jimmy Carter và Tổng thống George W.H. Bush (cha) không tái đắc cử vì kinh tế năm họ tái tranh cử chỉ có một màu xám xịt.
Điều đó có xảy ra trong vài tháng tới trong năm tranh cử lần này hay không thì khó tiên đoán, vì bài học kinh tế căn bản nhập môn gọi : "Economy is state of mind", người dân vui có tiền thì mua sắm, tiêu dùng thì kinh tế sẽ mầu hồng. Còn băn khoăn lo lắng thì kinh tế sẽ ảm đạm.
Trước mắt ta thấy rõ là ngoài việc tung ra các khoản cứu trợ Tổng thống Trump muốn nới lỏng các giới hạn phòng ngừa Covid-19 bắt đầu từ ngày 1/5 với mục tiêu đưa nước Mỹ trở lại đời sống bình thường càng sớm càng tốt.
Bùi Văn Phú
Nguồn : © 2020 Buivanphu, 19/04/2020
Thời đại dịch, một "cụ ông" như tôi dành một thời lượng khá lớn cho việc xem truyền hình : theo dõi tin tức chán chuyển qua du lịch, nấu ăn, đố vui để học... Vậy mà vẫn còn thừa cả khối thời gian.
Phim "Eye in the Sky" do đạo diễn Anh Gavin Hood thực hiện hồi năm 2015
Chẳng còn biết làm gì, tôi mới mò vào đài SBS World Movies, thường được người Việt gọi là Đài sắc tộc ở Úc Đại Lợi. Phim nào có phụ đề còn thưởng thức được. Gặp phim không có phụ đề, tôi chỉ còn biết ngồi xem như vịt nghe sấm. Cũng may mới đây, có một cuốn phim đã khiến cho cái đầu cằn cỗi của tôi phải động não và trái tim tưởng như khô cằn của tôi cũng phải thổn thức. Đó là cuốn phim có tựa đề "Eye in the Sky" (Con Mắt trên Trời). Ông Google cho biết : cuốn phim do đạo diễn Anh Gavin Hood thực hiện hồi năm 2015 ; vốn liếng bỏ ra chỉ có khoảng 13 triệu Mỹ kim, nhưng thu về được trên 50 triệu Mỹ kim, cuốn phim được đánh giá là tương đối thành công.
"Eye in the Sky" xoay quanh những thách thức về mặt đạo đức của việc sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh. Cuốn phim được mở màn với cảnh một bé gái người Kenya, Phi Châu, đang chơi Hula Hoop trong vườn sau nhà ở Thủ đô Nairobi.
Bên kia bờ đại dương, nữ Đại tá Anh Catherine Powell vừa thức giấc và nhận được tin một nhân viên tình báo người Kenya đã bị tổ chức khủng bố Al-Shabaab sát hại. Bà Powell vừa nhận được lệnh phải bắt sống hay giết 3 trong số 10 lãnh tụ cao cấp của tổ chức khủng bố này. Tổng hành dinh của họ là một ngôi nhà an toàn tại Nairobi.
Nhờ máy bay không người lái cũng như sự hợp tác của các nhân viên tình báo địa phương, từ tổng hành dinh của mình, Đại tá Powell có thể theo dõi nhứt cử nhứt động của toán lãnh đạo của nhóm khủng bố.
Kế hoạch của Đại tá Powell lại được giám sát chặt chẽ bởi một ủy ban đặc nhiệm gồm có một trung tướng, hai bộ trưởng và một thứ trưởng. Sau khi cân nhắc mọi dữ kiện và nhứt là biết rõ nhóm khủng bố đang chuẩn bị cho nổ bom tự sát tại một khu chợ đông người ở Thủ đô Nairobi, Đại tá Powell quyết định cho ném bom tiêu diệt bọn khủng bố. Việc ném bom từ một chiếc máy bay không người lái được giao cho hai viên sĩ quan, một nam một nữ, đang ngày đêm theo dõi kế hoạch từ một căn cứ không quân ở Tiểu bang Nevada.
Những pha gay cấn và hồi hộp nhứt của cuốn phim lại xoay quanh cô bé gái ở thủ đô Kenya. Cứ mỗi lần 2 viên sĩ quan chuẩn bị bấm nút để ném bom từ chiếc máy bay không người lái, thì bé gái lại được mẹ sai mang bánh mì ra bán tại một vệ đường sát bên cạnh tổng hành dinh của nhóm khủng bố. Đại tá Powell và ủy ban đặc nhiệm giám sát cuộc hành quân đã phải cân nhắc sự thiệt hại của việc ném bom tiêu diệt nhóm khủng bố : con số nạn nhân bị vụ nổ bom tự sát của nhóm khủng bố tàn sát sẽ rất cao, nhưng mạng sống của cô bé bán bánh mì cũng quan trọng không kém.
Cả cuốn phim là những hồi tranh luận sôi nổi giữa Đại tá Powell và ủy ban đặc nhiệm giám sát kế hoạch. Cuối cùng, được bảo đảm rằng nguy cơ thiệt mạng cho cô bé gái chỉ có khoảng từ 45 đến 60 phần trăm, Đại tá Powell đã ra lệnh cho 2 viên sĩ quan thi hành kế hoạch bấm nút thả bom. Kết quả của cuộc ném bom : toàn bộ nhóm khủng bố bị tiêu diệt, cô bé bán bánh mì bị thương. Được cha mẹ em chạy đến kịp để đưa vào bệnh viện, nhưng cô bé đã không qua khỏi. Cuốn phim kết thúc với cảnh : những giọt nước đã trào ra từ khóe mắt của 2 viên sĩ quan !
Từ lâu dường như tuyến nước mắt trong người tôi không còn hoạt động nữa. Nhưng cuốn phim "Eye in the Sky" đã khiến tôi bồi hồi xúc động nhứt là trong thời đại dịch này. Kể từ khi cơn đại dịch bùng phát, ngày nào tôi cũng lượng giá tình hình bằng những con số được các cơ quan truyền thông cung cấp. Ngày nào tôi cũng được cập nhựt về con số người bị nhiễm trên toàn thế giới và số người chết tại mỗi quốc gia.
Thét rồi đại dịch đối với tôi chỉ còn là những con số và mỗi một nạn nhân của Covid-19 chỉ còn là một con số gần như vô hồn và vô nghĩa. Tôi rùng mình nghĩ đến những con số mà Đức Quốc Xã đã cho xâm lên người của các tù nhân : từ lúc bước vào các trại tập trung cho đến lúc bị lùa vào các lò sát sinh, mỗi một người trong số 6 triệu người Do Thái chỉ còn là một con số !
Có lúc tôi cũng rùng mình nghĩ đến những con số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 tại Hoa Kỳ. Ở cái đất nước "vĩ đại" này, cái gì cũng nhứt hết, kể cả nhứt về con số người bị nhiễm và chết.
Vì có lẽ các nạn nhân chỉ là những con số, cho nên một số chính trị gia, nhứt là Tổng thống Donald Trump, vẫn thường dựa vào đó để đo lường sự "thành công" của mình trong việc đối phó với cơn đại dịch. Trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng Ba vừa qua, tổng thống Trump nói rằng nếu chính phủ của ông giữ cho con số người chết vì Covid-19 ở Mỹ ở mức 100.000 người, thì như vậy cũng đã là "làm được một việc rất tốt" rồi (1).
Trước đó, vào đầu tháng Ba, khi bị chất vấn về việc đối phó với cơn đại dịch, ông cũng đã tự cho điểm 10 trên 10 (2).
Vì vô hồn và vô nghĩa cho nên những con số dễ làm cho con người trở thành dửng dưng và vô cảm. Cách đây không lâu, Nha Lộ Vận RTA (Road and Traffic Authority) ở Tiểu bang NSW nơi tôi ở có cho quảng cáo một lời kêu gọi rất có ý nghĩa. Trong thước phim quảng cáo, một người đàn ông trung niên được một nhân viên cảnh sát cho biết trong năm 2017 đã có 347 người chết vì tai nạn giao thông rồi hỏi : ông muốn con số được giảm xuống còn bao nhiêu ? Người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi trả lời : "70 ! 70 là điều có thể chấp nhận được !".
Liền sau đó, thước phim quảng cáo cho xuất hiện 70 người đang tiến tới. Nhận ra cả đám đông là bà con gia đình thân thuộc của mình, người đàn ông thốt lên : "Đây là gia đình của tôi !". Khi được hỏi lại : mỗi năm con số người chết vì tai nạn giao thông bao nhiêu thì có thể chấp nhận được. Lần này ông trả lời dứt khoát : "phải là số không !".
Nếu trong số 70 nạn nhân ở Úc hay trên 35 ngàn người Mỹ có ít nhứt một người bà con thân thuộc của tôi thì chắc tôi phải buồn lắm. Tôi vô cảm là bởi vì tôi chỉ nghĩ đến các nạn nhân như những con số không hơn không kém, mà quên rằng mỗi một người, ngay cả một em bé gái trong cuốn phim "Eye in the Sky", đều là một nhân vị độc nhứt vô nhị và dù có nghèo hèn mạt rệp đến đâu, cũng đều có một giá trị vô song vượt lên trên mọi giá trị và thước đo trên trần gian này.
Cùng với mỗi một nạn nhân là cả gia đình, người thân và cộng đồng của họ. Cùng với gia đình, người thân và cộng đồng của họ lại có biết bao nhiêu thứ có liên hệ với nhau. Nỗi đau và sự mất mát của một người cũng là nỗi đau và sự mất mát của không biết bao nhiêu người.
Thật ra, nếu tôi nhận ra mỗi một tha nhân như một phần của nhân loại và nhứt là như người anh em của tôi, thì nỗi đau và sự mất mát của họ cũng phải là của chính tôi. Có rất nhiều thứ mất mát, tiền của không bao giờ có thể chuộc lại được. Vĩnh viễn, không bao giờ !
Thời đại dịch, hơn bao giờ hết, có lẽ "nhân đức" cần trau dồi hơn cả phải là sự cảm thông. Elie Wiesel (1928-2016), một người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc Xã và được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1986, có nói rằng nghịch nghĩa của tình yêu không phải là hận thù mà là sự dửng dưng. Ông cho rằng "dửng dưng là hiện thân của cái Ác" (Indifference, to me, is the epitome of evil).
Thời đại dịch, được "ngồi yên" một chỗ nhiều hơn bao giờ hết, tôi thường đem lời khuyên của Đức Đạt Đai Lạt Ma ra nghiền ngẫm : "Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng không ai thoát khỏi đau khổ. Chúng ta cần đưa tay ra cho người khác là những người mất nhà cửa, nguồn lợi hay không có gia đình để bảo vệ họ. Cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy rằng chúng ta không tách biệt nhau, ngay cả khi chúng ta sống xa nhau. Do đó, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm thực thi sự cảm thông và giúp đỡ" (3).
Chu Thập
(Sydney, Australia, 19/04/2020)
(1) https://www.theguardian.com/world/2020/mar/30/trump-says-keeping-us-covid-19-deaths-to-100000-would-be-a-very-good-job/
(2) https://www.theguardian.com/world/2020/mar/30/trump-says-keeping-us-covid-19-deaths-to-100000-would-be-a-very-good-job/
(3) https://time.com/5820613/dalai-lama-coronavirus-compassion/
Thế giới chao đảo cả vài tháng vừa qua, chỉ vì một con virus nhỏ xíu. Một con virus rất nhỏ nhưng bài học mà nó đem đến lại quá lớn, với cả quần chúng và những trí thức chính trị như chúng ta.
Bài học đầu tiên và rõ ràng nhất là dịch bệnh Covid 19 này xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng tại sao lại từ Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu ? Nếu không nhờ có sự “giúp đỡ” của việc kiểm duyệt thông tin, bưng bít, che đậy, bịt miệng những y bác sĩ đầu tiên đã phát hiện ra nguy cơ về một thảm họa sắp đến, từ chính quyền Bắc Kinh, thì liệu rằng cái bệnh cúm này có tàn phá thế giới nặng nề như vậy không ? Tôi cam đoan là không. Có lẽ nó đã được kiểm soát tốt hơn và không trở thành một quả bom nổ lớn như hiện tại.
Hàn Quốc, một quốc gia dân chủ đã khống chế thành công virus corona mà không hề giới hạn tự do của người dân.
Chúng ta càng có thêm lý do để tin rằng chỉ có dân chủ mới là chìa khoá để phòng ngừa những cuộc khủng hoảng kiểu như thế này và dân chủ cũng là phương tiện để tiến tới một xã hội hạnh phúc. Cụ thể trong trường hợp này, chỉ có một môi trường dân chủ thì những vấn đề của xã hội mới được đặt ra và bàn thảo một cách lương thiện và đúng đắn, chứ không phải là như cái cách mà Bắc Kinh đã làm.
Một chính quyền minh bạch, lương thiện, có được lòng tin của dân chúng, biết quý trọng con người...tất cả đó mới là chìa khoá để chúng ta đương đầu với khủng hoảng chứ không phải sự lừa dối, bưng bít, kiểm duyệt thông tin hay là sử dụng sự sợ hãi để kiểm soát.
Bài học thứ hai, sâu sắc hơn, đó là ý nghĩa của các hoạt động chính trị. Chính trị là đạo đức ứng dụng, vì vậy không thể gian trá. Con người phải được xem là trọng tâm của xã hội và mọi sự phát triển phải nhằm phục vụ con người. Những giá trị như các quyền căn bản được quy định trong Tuyên ngôn Phổ cập Nhân quyền phải được tôn trọng và xem trọng nhất. Trong các giá trị đó thì trường hợp tại thời điểm này là quyền được sống.
Các chính trị gia không thể cho rằng kinh tế là tất cả để đánh đổi môi trường, y tế, sức khỏe của người dân...rồi đặt đồng tiền lên trên những giá trị đó. Con người đã quá chú trọng vào tiền bạc, sức mạnh vũ trang...để rồi trong cuộc khủng hoảng này mới nhận ra rằng những thứ đó không có giá trị gì với sức khoẻ, môi trường, y tế, giáo dục.
Chính trị không phải là những bài diễn thuyết dân tuý suông, những khẩu hiệu hô hào, những tranh cãi nhảm nhí xoay quanh cái tên của con virus, mà chính trị là làm thế nào để cuộc sống của con người tiến bộ lên, sức khoẻ con người được nâng cao, y bác sĩ được coi trọng…Tóm lại chính trị phải lấy con người làm trung tâm.
Bài học cuối cùng, đó là trong thời đại toàn cầu hoá như thế này, biên giới quốc gia không còn là lá chắn, hay rào cản cho những vấn đề riêng của từng quốc gia. Thế giới đã nhỏ lại, và mọi quốc gia đều phải chơi chung một luật chơi, đó là dân chủ, liên đới và hợp tác. Một vấn đề nảy sinh, nếu không được nhìn nhận đúng đắn, trung thực, thì nó sẽ không còn là vấn đề của riêng một vùng lãnh thổ nữa mà sẽ biến tấu trở thành một bi kịch của toàn thế giới. Dịch bệnh Covid-19 này chính là một ví dụ điển hình như vậy.
Cách phản ứng của chính quyền Trung Quốc chỉ càng chứng tỏ họ đang dần lạc hậu và đi ngược lại với một thế giới dân chủ, văn minh. Thế nhưng họ là một phần của thế giới, mọi sai lầm của họ như đại dịch covid-19 đã không được đánh giá đúng đắn, để rồi nó đã trở thành một vấn nạn của thế giới. Thực tế đã chứng minh điều đó. Không có quốc gia nào thắng hay thua trong cuộc khủng hoảng này. Tất cả chúng ta đều đã thua. Chúng ta thua vì đã thiếu đi những cuộc thảo luận về chính trị, vì chúng ta đã đặt đồng tiền, sự ích kỷ lên cao hơn nhân quyền, sức khỏe, đạo đức, môi trường và liên đới xã hội.
Chúng ta thật sự cần phải thức tỉnh sớm!
Việt Thuỷ
(19/04/2020)
Covid-19 : Washington nghi ngờ đại dịch xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán (RFI, 17/04/2020)
Các nước Tây phương nghi ngờ Trung Quốc che giấu nhiều sự thật về đại dịch Covid-19. Hoa Kỳ dường như không loại trừ khả năng siêu vi corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Anh, Pháp đòi Bắc Kinh phải làm sáng tỏ một số vấn đề.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/04/2020. AFP - MANDEL NGAN
Hoa Kỳ mở điều tra tìm hiểu nguồn cội siêu vi corona, virus đã giết chết 140 ngàn người trên thế giới tính đến ngày 16/04/2020. Trả lời đài FoxNews tối thứ Năm, ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết đang điều tra sâu rộng, không loại trừ một giả thuyết nào về việc siêu vi lây lan khắp địa cầu và gây ra thảm họa khủng khiếp như vậy.
Một ngày trước, nhật báo Washington Post khẳng định là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cách nay hai năm, sau khi thăm một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã báo động bộ Ngoại Giao về tình trạng thiếu an toàn của viện nghiên cứu này. Theo tin riêng của FoxNew, siêu vi corona gây đại dịch lần này có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải nhân tạo. Thứ hai là siêu vi lọt ra bên ngoài từ viện nghiên cứu thiếu an toàn này là do sơ suất của con người chứ không phải do cố tình. Ngoại trưởng Mỹ không phủ nhận hai tin này.
Cùng thời điểm, từ Luân Đôn, thủ tướng Anh Boris Johnson, đang trong giai đoạn hồi sức, cáo buộc Bắc Kinh che giấu sự thật : Trung Quốc sẽ phải trả lời "một số câu hỏi hóc búa" về sự xuất phát của siêu vi và lý do vì sao virus corona không bị ngăn chặn sớm.
Theo AFP, Paris dường như đồng tình với quan điểm của Washington và Luân Đôn. Trong một bài phỏng vấn dài trên nhật báo kinh tế Anh Financial Times cũng vào ngày hôm thứ Năm 16/04, tổng thống Pháp cho rằng có nhiều "mảng tối" trong cách Trung Quốc đối phó với dịch, "có nhiều chuyện xảy ra mà chúng ta không biết". Kêu gọi công luận đừng "ngây thơ" tin vào thông tin tuyên truyền về hiệu năng chống dịch của chế độ độc tài, tổng thống Emmanuel Macron giải thích là "trong chế độ dân chủ với các quyền tự do thông tin và ngôn luận, việc quản lý khủng hoảng diễn ra trong minh bạch và có tranh luận".
Trước những lời công kích của Tây phương, Bắc Kinh kêu gọi quốc tế "đoàn kết" chống dịch. Tối hôm qua, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích những lời cáo buộc Trung Quốc là "thiếu xây dựng".
Tú Anh
*******************
Virus corona - Mỹ : Hơn 4.500 người chết trong 24 giờ qua, Tổng thống Trump thông báo kế hoạch tái khởi động kinh tế (RFI, 17/04/2020)
Hoa Kỳ vượt ngưỡng 30.000 người chết vì virus corona, theo thống kê sáng nay của Đại học Johns Hopkins. Chỉ riêng trong vòng 24 giờ, tính đến chiều hôm qua, 16/04, đã có tới 4.591 người chết, gấp đôi so với ngày hôm trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời các câu hỏi về kế hoạch Opening Up America Again trong cuộc họp báo thường nhật về virus corona tại Nhà Trắng, Washington, ngày 16/04/2020. Reuters - LEAH MILLIS
Số ca nhiễm đã vượt 670.000 người. Bang New York vẫn là nơi bị nặng nề nhất, dù số ca tử vong trong một ngày liên tục giảm từ 10 ngày nay. Tuy nhiên, hôm qua, thống đốc tiểu Andrew Cuomo vẫn quyết định kéo dài lệnh phong tỏa cho đến ngày 15/05. Quyết định kéo dài thời gian phong tỏa cũng được một số bang khác ở miền Đông nước Mỹ thực hiện.
Trong bối cảnh đó, hôm qua, tổng thống Donald Trump đã trình bày kế hoạch khởi động lại các hoạt động kinh tế nhưng không đưa ra lịch trình rõ ràng. Bản kế hoạch gồm 3 giai đoạn, nhưng thực hiện hay không là do các thống đốc các tiểu bang quyết định.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường thuật từ Washington :
Donald Trump đã đặt tên cho kế hoạch của ông là mở cửa lại nước Mỹ - Opening up America Again, một cái tên tựa như khẩu hiệu tranh cử của ông.
Lịch trình của Nhà Trắng là mở cửa lại kinh tế dần dần và thận trọng. Hôm thứ Hai vừa qua, tổng thống khẳng định là ông hoàn toàn có thẩm quyền buộc các tiểu bang dỡ bỏ biện pháp phong tỏa. Thế nhưng, rốt cuộc ông phải công nhận : Chính các thống đốc tiểu bang sẽ nắm trong tay việc thực hiện chiến lược dỡ bỏ này.
Ông nói : "Chúng tôi khuyến cáo một số điểm mà việc thực hiện sẽ tùy theo mong muốn của các thống đốc". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo : "Nếu thấy có điều gì không tốt thì chúng tôi sẽ nêu lên một cách mạnh mẽ".
Cụ thể thì kế hoạch dự trù 3 giai đoạn, thực hiện theo những tiêu chí rõ ràng và có thể kiểm tra được.
Ông tóm lược như sau : "Chúng ta không mở cửa cùng một lúc, một cách đột ngột, mà theo từng bước thận trọng", trước khi cam đoan rằng nước Mỹ sẽ trở lại với định mệnh huy hoàng của mình.
Trọng Nghĩa
*****************
Virus corona : Ba điểm bất thường làm giới chống dịch chới với (RFI, 17/04/2020)
Virus Sars-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đã gây không ít bất ngờ cho giới y tế cũng như khoa học, khiến cho việc đối phó không đơn giản chút nào. Thêm vào đó, những thông tin cố tình không chính xác từ tâm dịch, như tại Trung Quốc chẳng hạn, đã làm cho công cuộc chống dịch ban đầu thiếu hiệu quả.
Virus corona đang được phân tích tại Bệnh Viện Henri-Mondor ở à Créteil (ngoại ô Paris) ngày 06/03/2020. Thomas SAMSON / AFP
Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 16/04/2020 ghi nhận ba điểm khác thường của virus corona chủng mới đang khiến giới nghiên cứu lo ngại, và đã phá hoại một số nỗ lực chống dịch của các chính phủ vốn dựa trên các hiểu biết hiện có về virus.
Cách đây khoảng 10 năm, một chuyên gia Mỹ về bệnh truyền nhiễm, Kent Sepkowitz, có nói đến "tính chất dự đoán được về bản chất khó lường của các yếu tố gây nhiễm".
Giáo sư Anne-Claude Crémieux, cũng là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tác giả một biên khảo về dịch cúm và các cuộc khủng hoảng y tế (Gouverner l'imprévisible : Pandémie grippale, Sras, crises sanitaire - Lavoisier, 2009) cũng nhắc lại ý này : "Người ta luôn ngạc nhiên khi một yếu tố gây nhiễm mới xuất hiện, vấn đề là phản ứng ra sao trước những ngạc nhiên đó". Chuyên gia Anne-Claude Crémieux thuộc "Nhóm Covid" tại Viện Hàn Lâm Y Học Pháp.
Và những điều bất ngờ liên quan đến virus gây bệnh Covid-19 không thiếu và chính những cách vận hành khác thường của virus đã giải thích vì sao sau này, khi nhìn lại thì một số quyết định chống dịch lúc ban đầu của nhiều chính quyền dường như là những sai lầm.
Lây lan nhanh và rộng
Điểm ngạc nhiên thứ nhất là mức độ lây lan rộng và nhanh của virus Sars-CoV-2. Đây không phải là điều đương nhiên và những dữ liệu đầu tiên không cho thấy khả năng lây nhiễm rộng như thế. Sai lầm của giới chống dịch là đã tin chắc rằng phần chủ yếu của dịch Covid-19 sẽ được khoanh lại và được kiểm soát ở Trung Quốc. Virus Mers-CoV, một loại virus corona xuất hiện ở Ả Rập Xê Út năm 2012, đã không lan ra thế giới, mà chỉ bó khuôn dai dẳng ở Trung Đông.
Cũng phải nói là lỗi không hoàn toàn đến từ các chuyên gia. Phải thấy là các số liệu chính thức (không cao lắm) của Trung Quốc có thể tạo ra ảo tưởng là dịch bệnh có thể được khống chế dễ dàng.
Thế nhưng, theo Le Figaro, chỉ có những người biết rõ Trung Quốc là không bị lầm. Giáo sư Christian Géraut, thành viên Viện Hàn Lâm Y Học giải thích : "Tôi đã nhiều lần tham gia các đoàn nghiên cứu tại Trung Quốc. Khi tôi thấy hình ảnh về những gì xẩy ra ở Vũ Hán, tôi biết ngay là tình hình nghiêm trọng hơn là những gì người ta nói". Thông tín viên của Le Figaro ở Châu Á, Sébastien Falletti, rất quen thuộc với những phát biểu của Trung Quốc, đã từng nhận định như sau về về số liệu chính thức của Bắc Kinh : "Tôi không tin… vì đó là số liệu chính thức !".
Quá nhiều ca không có triệu chứng
Điều ngạc nhiên thứ hai cũng liên quan đến điều thứ nhất. Đó là suy nghĩ cho rằng con virus corona này, cũng như người anh em họ virus Sars hồi năm 2003, chỉ lan truyền qua những người có triệu chứng. Nói cách khác là người ta có thể nhanh chóng chặn đứng dây chuyền lây nhiễm chung quanh một trường hợp đã được nhận dạng.
Chiến lược gia tăng xét nghiệm nơi những người đã tiếp xúc với một người bị nhiễm virus để có thể khoanh lại sự lây lan, tạo ảo tưởng cho giới y tế là họ đã khống chế được tình hình trong khi thực tế đã vượt tầm kiểm soát.
Theo Giáo sư Jeanne Brugère-Picoux, chuyên gia về bệnh lây nhiễm từ động vật sang người của Nhóm Covid : "Chiến lược đó đã hữu hiệu vào năm 2003, nhưng vào thời đó người Trung Quốc đã không đến Pháp đông đảo như ngày nay, và cũng không dễ dàng như ngày nay". Sự tồn tại của những ca mang virus nhưng không có triệu chứng hay ít triệu chứng, nhưng lại có khả năng lây nhiễm, đã làm vỡ toang kế hoạch chống Covid-19 dựa trên chiến lược chống Sars vào năm 2003, vốn rất có hiệu quả.
"Tuổi thọ" của kháng thể Covid-19 rất ngắn
Cuối cùng, yếu tố ngạc nhiên thứ ba của Sars-CoV-2 vừa xuất hiện trên tờ báo lớn của Ý, La Repubblica. Ngày 12/04, Giáo sư Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Khoa Học Pháp đã tiết lộ một thông tin quan trọng : "Virus corona (chủng mới) rất đặc biệt. Chúng tôi đã phát hiện là thời gian sinh tồn của các kháng thể Covid-19 rất ngắn. Và chúng tôi ghi nhận là ngày càng có nhiều ca tái nhiễm trong số những người đã một lần bị nhiễm bệnh trước đó".
Theo Le Figaro, nếu như vậy là cả tòa nhà dựa trên các "chứng chỉ miễn dịch" sụp đổ, với hệ quả là việc chấm dứt phong tỏa sẽ không dễ dàng do nguy cơ tái nhiễm. Và vấn đề mọi người phải đeo khẩu trang sẽ được đặt ra.
Mai Vân
*********************
Số tử vong ở Vũ Hán tăng 50% sau khi được điều chỉnh (VOA, 17/04/2020)
Trung Quốc đã duyệt lại số tử vong chính thức vì virus corona chủng mới, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc do virus corona chủng mới lên hơn một phần 3.
Ảnh chụp tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ngày 17/2/2020. (Xiao Yijiu/Xinhua via AP)
Báo New York Times và đài CNN tường trình rằng hôm thứ Sáu các giới chức ở Vũ Hán, nơi virus Covid-19 xuất hiện lần đầu hồi cuối năm ngoái, đã cộng thêm 1,290 ca tử vong vào số liệu chính thức đã công bố về số người chết vì COVID tại thành phố này.
Ngoài ra họ cũng điều chỉnh số ca nhiễm được xác nhận lên thêm 325 ca. Như vậy tổng số ca nhiễm bây giờ là 50.333 ca, số tử vong sau khi được điều chỉnh là 3.869 ca. So với số liệu cũ là 2.579 thì số ca tử vong đã tăng thêm 1.290 ca (tức tăng thêm 50%).
Các giới chức Vũ Hán cho biết số liệu chính thức được điều chỉnh để bao gồm những người chết tại nhà trong những ngày đầu sau khi dịch bột phát, và những cái chết không được bệnh viện báo cáo chính xác.
Trước đó, nhiều người đã bày tỏ hoài nghi về tính trung thực của các số liệu chính thức của Trung Quốc, đồng thời cho rằng nước này phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab nói với Reuters hôm thứ Năm rằng sau cuộc khủng hoảng, Trung Quốc sẽ phải trả lời "những câu hỏi hóc búa" về làm cách nào đại dịch đã xảy ra và vì sao đại dịch không được ngăn chận sớm hơn. Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp nói với tờ Financial Times rằng "rõ ràng là đã có những điều xảy ra mà chúng ta không hề hay biết".
Báo New York Times dẫn lời các cựu giới chức tình báo Mỹ, và những giới chức đang tại chức cho biết Cơ quan tình báo trung ương Mỹ- CIA, nói với Tòa Bạch Ốc rằng các số liệu của Trung Quốc là quá thấp, mặc dù CIA không biết con số chính xác.
Trung Quốc đã bị tố cáo là che giấu sự thật, và mới đây bị cộng đồng khoa học chỉ trích về nỗ lực kiểm duyệt các tài liệu nghiên cứu về gốc gác của virus SARS-CoV2.
Chiến dịch ngoại giao hậu Covid-19 của Trung Quốc bị phản công
Nhiều nước trên thế giới đang dồn hết sức cho cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời lo mở mặt trận mới thời kỳ hậu Covid-19. Còn Trung Quốc, dường như vừa thoát nạn, đã bước ngay vào thời kỳ sau dịch bằng một chiến dịch ngoại giao gây ảnh hưởng với bên ngoài.
Bắc Kinh ra sức tán dương tính hiệu quả của "mô hình Trung Quốc" trong chống dịch. Ảnh minh họa -
Đây cũng là sự kiện chính của nhật báo Le Figaro với hàng tựa trang nhất : "Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc làm phần còn lại của thế giới khó chịu". Tờ báo dành 2 trang "Sự kiện" nói về Trung Quốc, cho thấy một thực tế là "từ Đài Loan đến Châu Phi, qua Châu Âu, chính sách ngoại giao hậu virus corona của cường quốc thứ 2 thế giới đang vấp phải trở ngại ngày càng lớn, vào lúc mà Trung Quốc đang muốn viết lại lịch sử đại dịch bùng lên từ Vũ Hán, theo cách có lợi cho họ".
Le Figaro ghi nhận từ nhiều tuần nay, Bắc Kinh ra sức tán dương tính hiệu quả của "mô hình Trung Quốc" trong chống dịch bằng cách nhấn vào nỗi đau của các nước phương Tây đang ngập chìm trong Covid-19. Nhưng tờ báo cũng nhận thấy cuộc tấn công ngoại giao đó của Trung Quốc không những khó thuyết phục được ai mà còn đang bị công dân mạng và chính giới phản công dữ dội.
Bắt đầu là cuộc chiến trên mạng xã hội ở Đông Nam Á, được khởi phát từ sau khi các cư dân mạng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc ồ ạt "ném đá" vào một ngôi sao người mẫu Thái, cô Weeraya Sukaram, vì đã tung lên mạng xã hội giả thuyết cho rằng virus corona có xuất xứ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngay lập tức, từ Bangkok đến Đài Loan qua Hồng Kông, giới trẻ ủng hộ dân chủ liên kết với nhau qua mạng xã hội lao vào "ứng cứu" cô người mẫu Thái nổi tiếng đang bị người Trung Quốc tấn công.
Họ lập thành một mặt trận lấy tên gọi "Liên minh trà sữa", lấy cảm hứng từ thức uống đang rất thịnh hành trong giới trẻ đô thị Châu Á. "Liên minh trà sữa" chủ trương chống Trung Quốc quyết liệt và lôi cuốn rất đông giới trẻ Thái Lan cũng như các nước khác trong vùng hưởng ứng.
Le Figaro nhận định "thái độ dè chừng của giới trẻ Thái là dấu hiệu cho thấy giới hạn của "quyền lực mềm" Trung Hoa đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, khu vực chiến lược trong "Con đường tơ lụa mới" của Tập Cận Bình" và cũng là một mắt xích trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với nước Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Sebastian Strangio, một chuyên gia thuộc đại học báo chí Yale Hoa Kỳ được tờ báo trích dẫn, nhận xét : "Dịch bệnh làm bùng phát tâm lý bài Trung Quốc đã tiềm ẩn trong dân chúng ASEAN".
Thất bại của chính sách đánh bóng lại hình ảnh
Ở cấp độ quốc gia, Le Figaro nhận thấy, những ngày qua ngoại giao Trung Quốc liên tiếp nhận được những thất bại.
Chẳng hạn ngoại trưởng Pháp cho triệu mời đại sứ tại Paris để phản đối về những phát ngôn, nhận xét không đúng mực về cách xử lý dịch của Pháp. Đồng nhiệm Kazakhstan cũng lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh về thái độ ngạo mạn tương tự. Hàng loạt nước Châu Phi cũng lên án Trung Quốc "kỳ thị chủng tộc" đối với kiều dân của họ ở Quảng Đông dưới cớ kiểm soát dịch Covid-19 …
Theo các chuyên gia chính trị được tờ báo trích dẫn thì chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc nhằm xóa đi phần trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để dịch bùng phát, đi kèm theo đó là mục tiêu đối nội để khẳng định tính vượt trội của chế độ độc đảng dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình. Hôm 23/02, ông Tập từng tuyên bố : "Cuộc khủng hoảng này một lần nữa cho thấy ưu thế hơn hẳn của hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc". Nhà nghiên cứu chính trị độc lập Chen Daoyin nhận định : "Trận dịch đã củng cố quyền lực của Tập Cận Bình, nhờ việc tuyên truyền dựng lên huyền thoại Trung Quốc cứu cả thế giới bằng cách nhấn vào cảnh bấn loạn của phương Tây".
Tuy nhiên, theo tờ báo, những phát giác mới nhất cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc đã biết nguy cơ dịch từ ngày 14 tháng Giêng nhưng không báo động cho dân chúng, trong suốt 6 ngày để mặc cho Vũ Hán tổ chức bữa tiệc tập thể tập trung hàng nghìn người và dẫn đến dịch bùng lên rồi lây lan ra khắp thế giới như bây giờ.
Theo một hướng phân tích khác của Le Figaro, chiến dịch ngoại giao khẩu trang, thiết bị y tế, hỗ trợ nhân viên y tế của Bắc Kinh đối với các nước phương Tây đang gặp khó khăn dịch bệnh còn có một mục đích vụ lợi khác. "Đối với Đảng cộng sản Trung Quốc cuộc khủng hoảng dịch bệnh này có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế xã hội, chính trị ở trong nước, nhất là khi nước ngoài giảm đầu tư vào Trung Quốc", chuyên gia Chen nhận định. Nếu Bắc Kinh tạo dựng được hình ảnh đẹp với bên ngoài thì sẽ giảm bớt được nguy cơ đó.
Bài báo nhấn mạnh, chế độ Bắc Kinh đang chuẩn bị hứng cú sốc mạnh về kinh tế trong những tháng tới với nạn thất nghiệp, phá sản hàng loạt, bên cạnh đó là mối đe dọa xảy ra làn sóng virus corona thứ 2. Việc các nước xem lại chức năng "công xưởng thế giới" của Trung Quốc sẽ là điều đáng sợ nhất trong mắt các "ông quan đỏ". Vì thế mà "quyền lực mềm" sẽ là thách thức chiến lược đối với Trung Quốc lúc này.
Thế giới đốn củi ba năm đốt 1 giờ vì Covid-19
Song song với cuộc chiến chống Covid-19, một mặt trận thứ 2 đang mở ra khắp thế giới không kém phần khốc liệt là kinh tế. Nhật báo công giáo La Croix có bài "Nhiều tỷ để giảm sốc".
Khắp nơi trên thế giới, các nước đều đang đôn đáo tìm mọi cách để huy động hàng tỷ đô la, cố cứu nền kinh tế đang dính bẫy trong khủng hoảng virus corona. Những ngày qua, chính phủ ở khắp nơi liên tục thông báo về các nguồn tài chính, trợ giúp trực tiếp các doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm…
La Croix ghi nhận "Người ta không thể tính phải cần bao nhiêu lít nước khi dập tắt một vụ hỏa hoạn". Đối phó với mức độ tràn lan nhanh chóng của virus corona và hoạt động kinh tế bị đình lại vì phong tỏa trên khắp hành tinh, các kế hoạch hỗ trợ, từ các hộ gia đình cho đến các doanh nghiệp, đã lên tới số tiền hàng tỷ tỷ. Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930.
La Croix cho biết hành động đầu tiên là từ các ngân hàng trung ương. Tất cả các ngân hàng của các nước mới trỗi dậy cũng như đã phát triển, từ Hoa Kỳ cho đến khu vực đồng euro đều đồng loạt có những hành động khẩn cấp mạnh mẽ hơn rất nhiều thời khủng hoảng tài chính 2008, sẵn sàng tung nhiều nghìn tỷ euro để mua trái phiếu, cổ phần nhằm giữ cho lãi suất vay tiền trên thị trường tài chính không quá cao.
Bên cạnh đó, các công ty, hộ gia đình còn phải được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Con số này cũng lại là hàng nghìn tỷ. Đúng là cả thế giới đang trong tình cảnh đốn củi bao nhiêu năm nay phải mang đốt trong một giờ.
Cũng trong chủ đề kinh tế, nhật báo Les Echos chạy tựa lớn "Một thế giới không du lịch". Tờ báo cho biết, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 10% GDP của thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Năm nay dự tính lượng du khách sẽ giảm từ 20 đến 30%. Kéo theo đó là rất nghiều ngành nghề ăn theo du lịch như nhà hàng, khách sạn, du thuyền, hàng không … cũng điêu đứng. Hàng loạt nước đang tính đến các giải pháp hậu Covid để cứu ngành công nghiệp không khói.
Trong khi đó, Libération ghi nhận một cách hình ảnh : "Tại Hoa Kỳ, thất nghiệp vẫn không ngừng lây lan". Tờ báo cho biết : "Với khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 kéo theo, tỷ lệ thấy nghiệp ở Mỹ đang từ 3,5% trong tháng Hai đã lên tới 20% trong nhưng tuần tới". Theo những kịch bản tồi tệ thì tỷ lệ này có thể đạt đỉnh ở mức hơn 32%. Phụ nữ, người gốc Phi và dân nói tiếng Tây Ban Nha là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Anh Vũ
Một nhân viên phụ trách các vấn đề công cộng của Hải quân trên tàu USS Theodore Roosevelt chụp ảnh với trẻ em tại Trung tâm từ thiện Dự án Di sản của Dorothea, Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 6/3/2020. Brandon Richarson / U.S. Navy
Chỉ huy cấp cao Hạm Đội Thái Bình Dương đã ban phước cho tàu sân bay USS Theodore Roosevelt
Trong cuộc họp báo về lực lượng đặc nhiệm coronavirus hàng ngày hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump bày tỏ thái độ khinh bỉ về việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã dừng ở Việt Nam vào tháng trước hiện đã có gần 600 thủy quân dương tính với virus corona.
Sau khi tàu sân bay hoàn thành cuộc cập cảng năm ngày lịch sử đến Đà Nẵng diễn ra từ ngày 5 đến 8 tháng 3, vài ngày sau đó các thủy quân bắt đầu có các triệu chứng nhiễm virus corona.
Chỉ huy tàu Roosevelt, Capt. Brett Crozier, đã bị cách chức vì đã báo động bệnh truyền nhiễm không kiểm soát được trên tàu khiến một thủy thủ thiệt mạng và một số người được chăm sóc đặc biệt hiện nay.
Ông Trump nói với phóng viên Reuters tại Nhà Trắng tại buổi họp giao ban hôm thứ Hai rằng ông không biết ai đã ra lệnh cho tàu ghé Việt Nam. Ông nói : "Tôi không biết ý tưởng đó là của ai, nhưng đó không phải là một ý tưởng hay trong khi đang giữa đại dịch".
Nhưng quyết định vẫn tiếp tục cập cảng Đà Nẵng là quyết định của các quan chức quân sự cấp cao Thái Bình Dương. Quyết định được đưa ra chỉ sau khi phân tích kỹ lưỡng các rủi ro có thể có tại thời điểm đang lây lan của dịch bệnh, theo một tuyên bố bằng văn bản được cung cấp cho Stars and Stripes của Hạm đội Thái Bình Dương từ phát ngôn viên Trung tá Myers Vasquez.
Tổng thống Trump : "Tôi nghĩ là an toàn"
Ba ngày trước khi Roosevelt đến Việt Nam vào ngày 5 tháng 3, chính Trump nhận thấy không có mấy ủi ro phơi nhiễm virus corona. Khi một phóng viên hỏi Trump trong một cuộc họp báo ngày 2 tháng 3, liệu điều đó có "an toàn hay phù hợp " hay không khi tiếp tục tổ chức các cuộc tụ tập có quy mô lớn, ông Trump đã trả lời : "Tôi nghĩ rằng là an toàn, vâng. Tôi nghĩ rất an toàn".
Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ chỉ có hơn 100 trường hợp nhiễm virut được xác nhận, với sáu trường hợp tử vong.
Kế hoạch cập cảng tại Đà Nẵng của Roosevelt đã sắp xếp từ mùa thu và có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng với các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Việt Nam, Vasquez nói.
Mục đích là để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Việt Nam. Tàu Roosevelt là tàu sân bay thứ hai đến thăm Việt Nam kể từ khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975.
Chuyến thăm, bao gồm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, là một bước quan trọng trong việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Vasquez nói.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương đã gửi "lệnh hành quyết" đến Hạm đội Thái Bình Dương vào tháng Giệng để chính thức thiết lập chuyến thăm tàu của sân bay, ông nói.
Phân tích rủi ro dựa vào số liệu của Việt nam
Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành phân tích rủi ro từ dữ liệu của các tổ chức y tế liên ngành, nhằm giảm thiểu lây nhiễm vi rút cho thủy thủ đoàn, tin tưởng vào tính chính xác của các báo cáo và hoạt động y tế công của Việt Nam nhằm cô lập và khống chế virus corona, Vasquez nói.
Với phân tích đó trong tay, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino đề nghị tiến hành chuyến thăm cảng, và Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã đồng ý, Vasquez nói.
Vào thời điểm ghé cảng, cả Bộ Ngoại giao và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh đều không ban hành hạn chế đi lại cho công dân Mỹ đến Việt Nam.
Tính đến ngày 5/3/2020, Việt Nam chỉ có 16 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19, nhưng tất cả đều ở Hà Nội cách xa Đà Nẵng, Vasquez nói. Tất cả đều đã hồi phục và không có trường hợp mới nào được ghi nhận kể từ ngày 13/2.
Một đại diện của CDC tại Việt Nam đã đảm bảo với Hạm đội Thái Bình Dương rằng cảng ghé thăm vì rủi ro thấp, ông Vas Vasquez nói.
Một nhân viên đại diện của CDC ở Việt Nam đảm bảo với Hạm Đội Thái Bình Dương rằng việc ghé vào cảng Đà Nẵng có "nguy cơ phơi nhiễm thấp"
"Trong suốt thời gian cập cảng, tất cả các sự kiện theo lịch trình tại Đà Nẵng đã được xem xét về rủi ro phơi nhiễm và họ đã được Việt Nam cung cấp hỗ trợ bổ sung trong việc sàng lọc những người địa phương tham gia các sự kiện này. Một cuộc trao đổi chuyên môn về hỗ trợ nhân đạo / ứng phó thảm họa đã được tổ chức cho các nhân viên y tế của Hải quân Hoa Kỳ và các chuyên gia y tế địa phương".
39 thủy quan có tiếp xúc với người nhiễm virus corona ở Đà Nẵng
Sau khi hai du khách người Anh ở tại một khách sạn Đà Nẵng xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 7 tháng 3, các quan chức Hoa Kỳ đã xác định có 39 thủy thủ đã đến khách sạn này và có thể đã tiếp xúc với hai người này, Vasquez nói. Tất cả đã được các quan chức Việt Nam xét nghiệm – kiểm tra và sau đó được đưa đi cách ly kiểm dịch 14 ngày trên tàu Roosevelt.
Các hoạt động trao đổi chuyên nghiệp và các tour du lịch dự kiến vào ngày 8 tháng 3 đã bị hủy bỏ và giới hạn tự do. Cả hai tàu rời Đà Nẵng vào ngày hôm sau.
Trong số 39 thủy thủ này không ai có kết quả dương tính với virus trong quá trình kiểm dịch, nhưng 15 ngày sau khi rời Đà Nẵng, ba thủy thủ Roosevelt khác – không tiếp xúc với hai người Anh hoặc khách sạn – đã xétnghiệm dương tính, Vasquez nói. Không có thủy thủ nào của tàu USS Bunker Hill dương tính trong cùng khung thời gian đó, ông nói.
Hải quân chưa bao giờ xác nhận rằng bệnh nhân F0 trên tàu Roosevelt đã nhiễm virus ở Đà Nẵng, Vasquez nói.
Nhân sự và nguồn cung cấp đã đến trên tàu sân bay trong hai tuần sau đó có thể đã mang virus lên tàu, ông nói.
Watt Olson
Nguyên tác : USS Theodore Roosevelt’s fateful Vietnam port call had blessing of Pacific’s highest commanders, Stars & Stripes, 15/04/2020
Diễm My dịch
Nguồn : VNTB, 16/04/2020
Trong khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ác liệt trên toàn cầu, các chiến dịch kiện Trung Quốc đang được tiến hành ở khắp nơi đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Hơn 5.000 cá nhân và doanh nghiệp Mỹ đã đệ đơn kiện tập thể tại Florida đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 5.000 cá nhân và doanh nghiệp Mỹ đã đệ đơn kiện tập thể tại Florida đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Tại bang miền nam Florida, Mỹ, một nhóm các cá nhân và doanh nghiệp đã đệ đơn kiện lên tòa án quận liên bang vào ngày 12/3.
Vụ kiện gồm hàng nghìn nguyên đơn từ khắp đất nước bao gồm các cá nhân bị nhiễm dịch bệnh và các công ty lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn dịch.
Các nguyên đơn cho rằng họ đang chịu thiệt hại lớn do những sai lầm của chính phủ Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lúc ban đầu.
Nguyên đơn tố cáo chính quyền Trung Quốc "ngay từ đầu biết rõ Covid-19 là nguy hiểm và có khả năng gây ra đại dịch, nhưng phản ứng trì trệ hoặc che đậy thông tin vì lợi ích kinh tế của chính họ".
Công ty luật Berman (Berman Law Group), một trong những nguyên đơn cho biết : "Vụ kiện của chúng tôi liên hệ đến những người bị thiệt hại về thể xác vì bị lây nhiễm virus… Vụ kiện cũng liên hệ đến những hoạt động thương mại mà Trung Quốc đã tiến hành trong "những chợ buôn bán đồ tươi sống".
Các nguyên đơn cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm và yêu cầu chính phủ nước này bồi thường cho sai lầm đó.
Các vụ kiện tương tự đã được đệ trình tại các bang Texas và Nevada nhằm chống lại chính phủ Trung Quốc khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Hãng luật Berman nêu ra những trường hợp đặc biệt về ‘hoạt động thương mại’ và ‘tổn hại cá nhân’, dùng Đạo luật về miễn trừ cho quốc gia khác (FSIA) làm căn bản pháp lý để kiện Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giáo sư Chimene Keitner, trường Luật, Đại học Hastings California tại San Francisco, lại không đồng ý với luận điểm này.
Bà cho rằng : "Nếu bạn đọc bất cứ ca nào theo luật FSIA viết rất rõ về tổn hại cá nhân, thì việc hành xử của các giới chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên đất Mỹ để luật được áp dụng. Và không có cáo buộc về hoạt động thương mại tại đây"… "Bạn không thể kiện nước ngoài về những quyết định chính sách của họ".
Đạo luật FSIA của Mỹ nhằm ngăn người dân kiện các quốc gia khác ngoại trừ những trường hợp cụ thể. Ông Stephen L. Carter, chuyên gia luật tại đại học Yale, cũng cho rằng đơn kiện không nằm trong các trường hợp ngoại lệ của FSIA.
Dù vậy, hãng luật Berman vẫn khẳng định đơn kiện tập thể nằm ngoài quy định hạn chết của FSIA và ngày số người tham gia vụ kiện tăng lên mỗi ngày.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, luật không chính thức về ‘Trách nhiệm quốc tế’ về những thiệt hại do một nước khác gây ra được công nhận lần đầu tiên trong vụ trọng tài Trail Smelter trong những năm 1920.
Một công ty nung chảy kim loại tại British Columbia, Canada, đã phát thải khí độc và gây thiệt hại khu rừng và mùa màng xung quanh khu vực và xuyên qua biên giới Mỹ – Canada tại tiểu bang Washington.
Một tòa án được thành lập tại Canada và Mỹ để giải quyết tranh chấp và chính phủ Canada đã đồng ý bồi thường.
Các học giả về luật có kết luận tương tự về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm lây lan dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Ông Russel Miller, giáo sư luật tại Đại học Washington and Lee, nói : "Nếu Canada có luật môi trường tốt, công ty nung chảy kim loại sẽ không làm ô nhiễm môi trường và sẽ không gây thiệt hại tại Mỹ. Có vẻ như có liên hệ ở đây. Nếu Trung Quốc giữ một chế độ qui định an toàn thực phẩm thích hợp thì thiệt hại sẽ không lan rộng".
Ông William Starshak, luật sư tài chánh tại Chicago, nêu rõ là tốt hơn hết Trung Quốc nên nhận trách nhiệm như Canada đã làm.
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society (HJS) của Anh hôm 5/4 công bố một báo cáo với tiêu đề : "Bồi thường virus corona ?". Báo cáo cho rằng nhóm G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD vì chính quyền Bắc Kinh che giấu dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến hàng chục ngàn người trên thế giới tử vong và nền kinh tế khối G7 phải chịu thiệt hại nặng nề.
Báo cáo cho biết, các nước G7 đã chi ít nhất 3,2 nghìn tỷ bảng Anh (4 nghìn tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh và cứu nền kinh tế khi chính phủ buộc công dân phải ở nhà.
Báo cáo khẳng định : "Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này".
Tài liệu cho rằng Trung Quốc đã vi phạm 10 điều luật, trong đó có Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) vốn được siết chặt sau đại dịch SARS năm 2003.
IHR quy định các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng và sự truyền nhiễm của bất cứ mầm bệnh nào có khả năng lan rộng trên phạm vi quốc tế. Theo Viện nghiên cứu HJS, Trung Quốc đã vi phạm quy định tại IHR bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ muốn nói lên sự thật.
Nghiên cứu của HJS cũng chỉ ra cụ thể nhiều vi phạm của chính quyền Trung Quốc như :
- Chính phủ Trung Quốc không công bố dữ liệu tiết lộ bằng chứng cho thấy viêm phổi Vũ Hán truyền từ người sang người trong khoảng thời gian tối đa 3 tuần kể từ khi biết về nó. Điều này vi phạm điều 6 và 7 trong IHR.
- Cung cấp cho WHO thông tin sai lệch về số người nhiễm từ ngày 02/01/2020 – 11/01/2020, vi phạm điều 6 và 7 của IHR.
- Không cấm vật chủ trung gian lây truyền virus, thay vào đó lại thúc đẩy sự tăng nhanh của các loài vật chủ nguy hiểm cho con người tiêu thụ, vi phạm điều 12 của Công ước Quốc tế về quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
- Cho phép 5 triệu người (tương đương với quy mô của vùng đô thị San Francisco (California) hoặc Greater Boston (Massachusetts) ở Mỹ và gấp khoảng 5 lần thành phố Birmingham của Anh rời khỏi Vũ Hán trước khi áp lệnh phong tỏa vào ngày 23/1/2020 mặc dù đã biết bệnh truyền từ người sang người.
Theo báo cáo, việc thiếu thông tin làm chậm phản ứng với virus, chẳng hạn như thiếu sàng lọc đi lại. Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Southampton chỉ ra rằng nếu các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt được đưa ra 3 tuần trước thì sự lây lan của bệnh sẽ giảm khoảng 95%.
HJS kêu gọi thành lập liên minh khởi kiện Trung Quốc vì chính quyền nước này "thường phản ứng hung hăng với các mối đe dọa trên trường quốc tế".
Ảnh : Ảnh chụp từ video giới thiệu báo cáo HJS
Thừa nhận là sẽ có nhiều khó khăn để khởi kiện, báo cáo đưa ra 10 phương án tiềm năng để chống lại Trung Quốc ở khắp các địa điểm tài phán trong nước và quốc tế.
Khởi kiện do tranh cãi xung quanh IHR là hành động chưa từng có tiền lệ, nhưng JHS cho rằng đã có những khuôn khổ trong WHO cho phép thực hiện điều này.
Báo cáo cũng lập luật rằng các luật sư quốc tế có thể sử dụng các điều khoản liên quan để duy trì những quy tắc quốc tế. Những khuyến nghị được HJS đưa ra gồm sử dụng Tòa trọng tài Thường trực ; Tòa án công lý Quốc tế ; Tòa án Hồng Kông ; giải quyết tranh chấp song phương thông qua các Hiệp ước Đầu tư song phương và các hoạt động kiện tụng lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ; viện dẫn các quy định trong thỏa thuận đầu tư, thậm chí là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển… Tòa án trong nước và Tòa án Trung Quốc cũng là phương án mà HJS gợi ý.
Báo cáo khẳng định chiến dịch này ‘sẽ đòi hỏi sự can đảm và đoàn kết toàn cầu’.
Ông Matthew Henderson, đồng tác giả báo cáo, cho rằng người dân Trung Quốc cũng là "nạn nhân vô tội" bởi sai lầm của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông phát biểu thêm : "Đảng cộng sản Trung Quốc đã không tiếp thu bài học giáo huấn nào từ sau thất bại trong đại dịch SARS. Những sai lầm ngớ ngẩn, dối trá và chiến dịch nhiễu loạn thông tin lặp đi lặp lại của chính quyền từ khi bắt đầu dịch Covid-19, đã gây ra những hậu quả chết người".
Cùng thời điểm này, Ấn Độ cũng đã tiến hành kiện Đảng cộng sản Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc vì để lây lan dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Apple Daily đưa tin vào ngày 5/4 cho biết Ủy ban Luật gia Quốc tế của Ấn Độ (ICJ) và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường vì đã khiến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan khắp toàn cầu gây ra tổn thất to lớn.
Bản khiếu nại do Chủ tịch Hiệp hội luật sư Ấn Độ và Chủ tịch ICJ soạn thảo, đề cập rằng đại dịch đã gây ra sự mất cân đối trong cung và cầu hàng hóa trong nền kinh tế Ấn Độ, cũng như những ảnh hưởng từ việc cách ly người dân. "Các hoạt động kinh tế của Ấn Độ bị đình trệ, do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương và nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã tạo thành một cú đánh lớn".
Đơn khiếu nại cũng chỉ ra rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã lên kế hoạch cẩn thận một "âm mưu" lây lan virus trên toàn thế giới. Đây là hành động vi phạm "Quy định Y tế quốc tế", quy định về điều khoản "Nhân quyền quốc tế và vi phạm nghiêm trọng Luật nhân đạo quốc tế và Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền". Do đó, Ấn Độ đã khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Theo tờ Business News của Ấn Độ, trong những ngày gần đây, cựu Bộ trưởng Nội vụ Pakistan và Thượng nghị sĩ Rehman Malik của Đảng Nhân dân Pakistan, đã viết thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, đề nghị ông thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra xem virus này có phải là nhân tạo không và nguồn gốc của nó từ đâu.
Trong một diễn biến khác liên quan, hãng tin CNA ngày 2/4 từ Roma dẫn lời Hồng y Muang Bo, tổng giám mục Rangoon của Myanmar, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Châu Á khẳng định các nước nghèo đang phải gánh chịu đại dịch viêm phổi Vũ Hán vì sự bất cẩn và đàn áp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bắc Kinh đang nợ một lời xin lỗi và phải bồi thường thiệt hại.
Chiến dịch lên án Trung Quốc và đòi Đảng cộng sản nước này phải bồi thường về những thiệt hại to lớn cả trên phương diện vật chất và tinh thần sẽ còn tiếp tục lan truyền trên diện rộng bởi viêm phổi Vũ Hán đi đến đâu là mang tai họa đến đó.
Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính vì đã gian dối trong việc công bố số liệu nhiễm bệnh và tử vong khiến nhiều chính phủ chủ quan, đồng thời còn tuyên truyền để đổ tội cho các nước khác đã gây ra đại dịch. Đúng như Tổng giám mục Rangoon nhận định : "dối trá và tuyên truyền đã khiến sinh mạng của hàng triệu con người ở khắp nơi trên thế giới bị rơi vào vòng nguy hiểm".
Đây là cái giá phải trả của Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ thể đã tước đoạt đi ‘sự thật và tự do’, hai cột trụ để một quốc gia xây dựng được nền tảng vững chắc, hai giá trị cơ bản trường tồn của mọi thời đại, tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Hoàng Trung (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 14/04/2020
Covid-19 là nguyên nhân mới nhất dẫn đến xích mích trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.Tuy nhiên, nếu để cho sự ganh đua làm mờ mắt trước những mối đe dọa rõ ràng lúc này, hai bên rốt cuộc sẽ tự hủy hoại chính mình.
Trong một nỗ lực rõ ràng có ý làm hòa, cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ thôi gọi loại virus gây dịch Covid-19 là "virus Trung Quốc". Một ngày sau, trong cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, có tin là hai nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch. Sau cuộc trò chuyện được ông mô tả là "rất tốt đẹp", Trump viết trên trang Twitter của mình : "Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Tôi rất tôn trọng điều đó !".
Những nhận xét tích cực của Trump che đậy nhiều bất đồng chưa được giải quyết. Sẽ là sai lầm nếu đưa ra kết luận rằng sức ép của đại dịch đã buộc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh va chạm với nhau.
Hãy xem xét những diễn biến khác. Theo Reuters, các quan chức cấp cao trong Chính quyền Trump đã nhất trí về các biện pháp mới nhằm hạn chế việc cung cấp vi mạch trên toàn cầu cho công ty Hoa Vi của Trung Quốc. Theo các biện pháp được đề xuất, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị chế tạo vi mạch của Mỹ sẽ phải được Mỹ cấp phép trước khi cung cấp vi mạch cho Hoa Vi, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Nếu được Tổng thống Trump ký duyệt, thì đây sẽ là một động thái khác gây khó khăn hơn nữa cho Hoa Vi, vốn đã phải chịu sức ép nặng nề từ phía Mỹ liên quan tới việc xuất khẩu công nghệ 5G của công ty này.
Hơn nữa, ngay cả nếu Trump ngừng sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" - vốn làm dấy lên sự chỉ trích ở Trung Quốc - thì vẫn không ai có thể đoán chắc rằng các quan chức chính quyền khác và các chính trị gia Mỹ sẽ ngừng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về Covid-19, cũng như tiến hành các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch khác.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục những người đồng cấp thuộc nhóm G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh) đưa cụm từ "virus Vũ Hán" vào tuyên bố chung. Không chịu thua kém, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley của bang Missouri và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik bang New York đã đưa ra một nghị quyết lưỡng viện kêu gọi "điều tra quốc tế toàn diện", yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường vì đã gây ra đại dịch. Không cần phải có trí tuệ uyên thâm cũng có thể đi đến kết luận rằng Trung Quốc sẽ nổi trận lôi đình nếu Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết này.
Theo nhận định của Lữ Tường, chuyên gia về Mỹ thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ Trung Quốc : "Mỹ đang xoa dịu nhưng cũng đồng thời làm leo thang căng thẳng. Điều này không có lợi cho việc xây dựng lòng tin. Lợi ích của việc hợp tác vượt xa bất kỳ lợi ích nào của sự đối đầu".
Phản ứng của Tập Cận Bình
Khi dịch bệnh lây lan và các thị trường Mỹ kiềm chế phản ứng trong năm bầu cử, Trump đã chỉ trích nặng nề "truyền thông tin giả" và Trung Quốc để đánh lạc hướng những chỉ trích nhằm vào cách thức ông xử lý cuộc khủng hoảng.
Trái với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình không phản ứng một cách hiếu chiến. Chia sẻ với tờ Straits Times, một nguồn tin nội bộ yêu cầu giấu tên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết : "Tập Cận Bình không muốn gây chiến với Mỹ, nhưng ông cũng không sợ hãi và sẽ không chịu đựng hành vi bắt nạt không có điểm dừng".
Cái gọi là "thế kỷ ô nhục" khi Trung Quốc buộc phải quỳ gối và bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản chia cắt đã ăn sâu vào tâm lý quốc gia của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại, và Trung Quốc ngày nay khao khát được công nhận và tôn trọng, nhưng lại thường cảm thấy bị hiểu lầm và đối xử tệ bạc.
Những nguồn tin nội bộ đã biết Tập Cận Bình trong nhiều năm cho rằng câu nói của người Trung Quốc rằng "người không phạm ta, ta không phạm người ; người đã phạm ta, ta nhất định sẽ phản kháng" đã gói gọn thái độ và tư duy của Tập Cận Bình. Hiện giờ, dường như nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bỏ qua những lời lẽ khiêu khích của Trump, mà thay vào đó muốn nhấn mạnh sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Khả năng kiềm chế của Tập Cận Bình là có hạn, nhưng khi Covid-19 tiếp tục hoành hành trên toàn thế giới, tàn phá những nền kinh tế lớn nhỏ trên đường đi của nó, thì việc khẩu chiến với Trump có khả năng không nằm trong danh sách ưu tiên của ông. Tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc quan trọng hơn. Mặc dù Trung Quốc dường như đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng đại dịch đã làm suy yếu nền kinh tế nước này. Sự phục hồi của Trung Quốc phụ thuộc vào môi trường toàn cầu thuận lợi. Ở giai đoạn này, Trung Quốc không có lý do gì để khơi dậy sự thù địch với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Như Tập Cận Bình đã nói với Donald Trump trong cuộc điện đàm giữa hai bên, "đấu đá sẽ chỉ khiến cả hai bên bị thương".
Cuộc chiến trên Twitter và những thuyết âm mưu
Mặc dù vậy, vẫn còn không gian để những người khác thể hiện lập trường và nói lên những điều mà các nhà lãnh đạo cao nhất không nói ra. Ở Washington, Ngoại trưởng Pompeo là người lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc, cùng với các Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Marco Rubio. Về phía Trung Quốc, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu theo chủ nghĩa dân tộc, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nổi tiếng là những người sẵn sàng giao chiến trên Twitter.
Gần đây, khi Mỹ thay thế Trung Quốc trở thành nước có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, Hồ Tích Tiến đã đăng trên trang Twitter của mình : "Mỹ không có cách hiệu quả nào để chống lại đại dịch và tất cả những gì họ có thể làm trong cơn hoảng loạn là tự cứu mình bằng cách lấy Trung Quốc ra làm vật tế thần". Về phần mình, Triệu Lập Kiên gần đây đã gây xôn xao dư luận khi lan truyền một thuyết âm mưu cho rằng các binh sĩ Mỹ bị bệnh có thể đã mang virus tới Vũ Hán trong thời gian diễn ra Thế vận hội quân sự thế giới vào tháng 10/2019. Mặc dù Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải không cổ súy nhận định của Triệu Lập Kiên, nhưng sự khác biệt giữa hai người mang tính hình thức hơn là thực chất. Trả lời phỏng vấn của Axios, ông Thôi Thiên Khải nói : "Rốt cuộc, chúng ta phải đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của virus. Nhưng đây là công việc của các nhà khoa học chứ không phải của các nhà ngoại giao". Giống như Triệu Lập Kiên, Thôi Thiên Khải giữ vững quan điểm rằng virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng cách làm của ông tinh tế và khéo léo hơn.
Trump tự hào là bậc thầy về phản đòn - bất kỳ ai tấn công ông sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả còn mạnh mẽ hơn từ phía ông. Theo cách nhìn này, Trung Quốc đang bận phản đòn khi lao vào cuộc chiến nhằm thay đổi câu chuyện trên các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter vốn, trớ trêu thay, bị cấm ở Trung Quốc.
Nếu thuyết âm mưu là vũ đài dành cho tất cả mọi người, thì Triệu Lập Kiên không phải là người tung ra cú đánh đầu tiên. Người tấn công trước là Thượng nghị sĩ Cotton, người đã ủng hộ một thuyết âm mưu xuất hiện từ sớm, theo đó dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán là do một loại vũ khí sinh học nhân tạo bị rò rỉ từ một viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán.
Nhằm vào truyền thông phương Tây
Quan hệ song phương Mỹ-Trung được cho là đang trong tình trạng xấu nhất kể từ cuộc đàn áp quân sự năm 1989 nhằm vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Trước khi trò chơi đổ lỗi về dịch Covid-19 bắt đầu, hai nước đã mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại và công nghệ gây tổn hại cho cả hai bên. Và mối quan hệ giữa họ có thể xấu đi hơn nữa khi Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với điều mà nước này coi là nỗ lực phối hợp ngăn chặn sự trỗi dậy của họ, hạ thấp thành tích và làm xấu đi hình ảnh của họ bất cứ khi nào có cơ hội.
Tâm lý này mới đây đã được thể hiện công khai khi Bắc Kinh thu hồi giấy phép báo chí của 13 phóng viên người Mỹ thuộc các tờ báo New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đang hoạt động tại Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ giảm số lượng nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ từ 160 xuống còn 100.
Đó là động thái gay gắt nhất nhằm vào truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, nhưng tình hình đã có thể tồi tệ hơn. Trung Quốc đã không đả động gì tới hãng tin AP, Bloomberg, 4 mạng lưới truyền hình Mỹ, Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), Newsweek, tạp chí Forbes và một số tên tuổi khác. Trong một tuyên bố chung hiếm thấy, 3 tờ báo có phóng viên bị thu hồi giấy phép trên viết : "Giới truyền thông phải chịu thiệt hại ngoài dự kiến trong tranh chấp ngoại giao giữa hai chính phủ Trung Quốc và Mỹ, đe dọa tước đi của thế giới những thông tin quan trọng vào thời điểm nguy hiểm này".
Chuyên gia Lữ Tường nhận định : "Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tương đối kiềm chế. Giờ đây, họ đã bớt kiềm chế hơn khi bị dồn ép vượt quá giới hạn của sự nhẫn nhịn".
Theo cách nào đó, sự phản kháng của Trung Quốc là không có gì đáng ngạc nhiên nếu tính đến những tình tiết khác nhau làm gia tăng mối nghi ngờ ngày càng lớn về động cơ của Mỹ. Chẳng hạn, Bắc Kinh tin rằng Mỹ đã cố ý ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 trong các chiến dịch của NATO thời Chiến tranh Nam Tư. Washington khẳng định đó là một tai nạn. Nhiều người Trung Quốc và Trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong Đổng Kiến Hoa coi Mỹ là "bàn tay đen" đằng sau các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong trong năm 2019. Washington phủ nhận điều này.
Trong khi mối quan hệ song phương đang xấu đi, một nguồn tin thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc mang lại cái nhìn tích cực hơn đôi chút - nguồn tin này so sánh những căng thẳng hiện tại với việc hai bên dùng kim đâm lẫn nhau. Nguồn tin nhận định : "Làm vậy sẽ gây đau đớn, nhưng sẽ không để lại những vết sẹo xấu xí. Sẽ đáng ngại hơn nếu hai bên viện tới dao và súng do tính toán sai hay hiểu lầm".
Câu chuyện cảnh tỉnh
Các nhà phân tích đã lưu ý rằng nếu Trung Quốc thực sự làm xấu đi quan hệ với Mỹ, thì nước này sẽ không để cho tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, người đồng sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, gửi 500.000 bộ xét nghiệm và 1 triệu khẩu trang cho "những người bạn Mỹ" như một cử chỉ thiện chí.
Không thể trốn tránh sự thật rằng cuộc tranh giành ưu thế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều, và nhiều khả năng sẽ còn leo thang trong tương lai. Tuy vậy, hai nước phải đối mặt với những thách thức chung như biến đổi khí hậu và dịch bệnh, vốn là những mối đe dọa lớn hơn so với những trận chiến tranh giành tầm ảnh hưởng địa chính trị. Nếu để cho sự ganh đua làm mờ mắt trước những mối đe dọa rõ ràng lúc này, thì hai bên rốt cuộc sẽ tự hủy hoại chính mình.
Nói cách khác, câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Trung Quốc "trai cò đánh nhau, ngư ông được lợi" sẽ là bài học quý giá đối với cả hai đối thủ. Bị mắc kẹt trong một cuộc giằng co quyết liệt - mỏ cò bị trai kẹp chặt, không bên nào chịu nhả ra trước – cả hai con rốt cuộc đều bị ngư ông bắt về làm bữa tối.
Benjamin Kang Lim
Benjamin Kang Lim là Giám đốc văn phòng tại Bắc Kinh và Đài Loan của Reuters, nhà báo của The Straits Times. Bài viết được đăng trên tạp chí The Straits Times
Tính đến hôm nay, ngày 18/4/2020, số người bị nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đã trên 2,250 triệu và còn tiếp diễn. Bị thiệt hại nặng nề nhất là nước Mỹ với hơn 37.000 người chết, gần 700.000 người bị nhiễm và còn tiếp diễn. Đặc biệt, các nước giàu có trong G7 đều thiệt hại nghiêm trọng. Làm như virut biết chọn nước giàu để đánh nhưng cũng không tha nước nghèo. Trừ Việt Nam, thiên tai đã bị thiên tài đảng ta đánh sập ! Không có quốc gia nào được miễn nhiễm, không có chế độ nào được buông tha và bất cứ ai cũng có thể làm nạn nhân của đại dịch. Thiệt hại nhân mạng đã khiếp mà còn kéo theo một cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đáng sợ hơn nữa, hệ lụy của đại dịch còn tiếp diễn cho đến khi thế giới tìm ra vaccine ngăn chặn, được nói trong dè dặt đến cuối năm nay 2020. Thế giới vỡ trận.
Không có quốc gia nào được miễn nhiễm, không có chế độ nào được buông tha và bất cứ ai cũng có thể làm nạn nhân của đại dịch.
Đại dịch toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu. Nhưng hiện nay chỉ có giải pháp cá nhân : mạnh ai nấy chạy ! Hoa kỳ, cường quốc số 1 trên thế giới đã co cụm lại trong hào quang ‘America first’. Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Hậu quả là một cuộc tháo chạy trong hỗn loạn và chạy đủ kiểu, giống như ngày 30/4 người miền Nam cũng mạnh ai nấy chạy virut cộng sản Bắc Việt.
Mạnh ai nấy chụp
Mạnh ai nấy chạy đưa đến hiện tượng mạnh ai nấy chụp. Nước nào mạnh gạo, bạo tiền sẽ thắng trong cuộc chiến chụp giựt phương tiện bảo vệ cá nhân, máy thở, mặt nạ, khẩu trang và thuốc… ký ninh. Nước Mỹ đang thực hiện tốt chiến lược ‘America First’. Cỡi lên đầu, lên cổ nước khác, chèn ép các nước yếu kém để ưu tiên đổi lấy phương tiện y tế về cho America First.
Một lãnh đạo của Pháp cho biết ‘Mỹ trả bằng tiền mặt, trả trước, số tiền nhiều hơn gấp ba, gấp bốn lần số tiền mà Pháp hứa trả cho Trung Quốc sau khi nhận được hàng để ‘nẫng tay trên’ một lô hàng khẩu trang mà Trung Quốc đã hứa bán cho Pháp’. Cuối cùng, nước Pháp ga-lăng biết thân phận‘cũng giành được một lô hàng gồm 1,5 triệu chiếc khẩu trang nhờ vào sự giúp đỡ của các Hoa kiều ở Pháp, bà Chủ tịch Vùng Paris và phụ cận Valérie Pécresse cho biết (theo VOA 10/4). Dĩ nhiên Hoa kỳ phủ nhận lời cáo buộc này.
Ông Andreas Geisel, bộ trưởng nội vụ của bang Berlin, cho biết một lô hàng gồm 200.000 chiếc khẩu trang N95 mà bang này mua để trang bị cho cảnh sát đã ‘chuyển từ máy bay này sang máy bay kia’ ở Thái Lan trong khi trên đường đến Đức và sau đó chuyển hướng đi Mỹ (The Guardian).
Ông Geisel gọi hành động này là ‘cướp biển thời hiện đại’ và kêu gọi chính quyền Đức yêu cầu Washington tuân thủ các luật lệ thương mại quốc tế (VOA 10/4).
Brasil cũng tố cáo bị Hoa kỳ tước đoạt vũ khí chống Covid-19. Dĩ nhiên tố cáo này đã bị Hoa kỳ bác bỏ.
Vì America First, mọi giá trị đạo đức và liên đới xã hội đều bị vứt qua cửa sổ.
Mạnh ai nấy chịu
Không có vaccine, cơn đại dịch tiếp tục lây lan. Mạnh ai nấy chịu. Mọi biện pháp cá nhân chỉ tạm thời. Đóng cửa biên giới, cách ly xã hội, quản thúc tại gia, ngăn sông cấm chợ, thu gom phương tiện y tế... không làm biến đi virut Vũ Hán. Giải pháp toàn cầu không có, cường quốc số 1 Hoa Kỳ đã co cụm, siêu cường thứ hai là Trung Quốc đang bung ra thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nơi nào ánh sáng rút đi, bóng tối liền chiếm lấy.
Giải pháp toàn cầu không có, cường quốc số 1 Hoa Kỳ đã co cụm, siêu cường thứ hai là Trung Quốc đang bung ra thực hiện giấc mộng Trung Hoa.
Cơn đại dịch đã tố cáo sự thiển cận không thể hiểu được của những bộ óc giỏi nhất trên thế giới. Cả một thế giới với hàng triệu bộ óc phi phàm đã để lộ gót chân Achilles. Dù ‘làng toàn cầu’ đã giúp cuộc sống đáng sống hơn nhưng cơn chạy chết của thế giới tố cáo sự tắc trách của những nhà lãnh đạo toàn cầu. Người ta đã không tiên liệu một đại nạn có thể xảy ra làm đảo lộn trật tự thế giới. Để ngày nay cả thế giới phải lệ thuộc hoàn toàn vào cái gọi là ‘công xưởng thế giới’ Trung Quốc. ‘Công xưởng thế giới’ do các nhà kinh tế Frankenstein tạo ra đã trở thành con quái vật trở đầu ăn thịt chủ. Toán học là một khoa học về sự chính xác vậy mà còn có sai số và độ ngờ. Phóng chiếc phi thuyền người ta phải cầu xin ơn lành của Thượng đế. Nhưng thế lực kinh tế toàn cầu tự phụ tung hê tất cả. Hậu quả, mạnh ai nấy chịu.
Đại dịch Covid-19 nếu thế giới vượt qua được bắt buộc phải có một giải pháp toàn cầu vì không ai được miễn nhiễm. Thế giới toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu từ sự hợp tác của những nhà lãnh đạo có viễn kiến và có trách nhiệm. Cường quốc số 1 trên thế giới là Hoa Kỳ từ chối lãnh đạo thế giới, cường quốc số 2 sẽ thay thế. Khi đó một trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập và cường quốc mới này sẽ không chấp nhận bất cứ một giá trị đạo đức nào.
Sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể khôi phục, nhưng sự khủng hoảng đạo đức xã hội sẽ đưa đến những hậu quả chưa ai tiên liệu.
Sơn Dương
(18/04/2020)
Covid-19, tái khởi động hay bất động ngăn diệt chủng ?
Trân Văn, VOA, 17/04/2020
Đại dịch Covid-19 nhắc người ta nhớ đến đại dịch Cúm Tây Ban Nha xảy ra đầu thế kỷ 20 (1918 - 1919), sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Thế chiến thứ nhất tước đoạt sinh mạng của 20 triệu người và Cúm Tây Ban Nha theo sau, bùng phát thành đại dịch, tước đoạt thêm sinh mạng khoảng từ 50 triệu đến 100 triệu người nữa trên thế giới - tương đương 1/3 dân số toàn cầu vào thời điểm đó.
Hình minh họa.
Giống như Cúm Tây Ban Nha, Covid-19 cũng có tính chất như một đợt diệt chủng, lộn ngược kinh tế - xã hội toàn cầu, đến giờ vẫn chưa có vaccine ngăn ngừa lây nhiễm, chưa có thuốc đặc trị. Phương thức duy nhất để kiềm chế lây lan là giữ khoảng cách với người khác, hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc (social distancing). Tuy giúp hạn chế thiệt hại nhân mạng nhưng social distancing gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội.
Tiếp tục duy trì social distancing để ngăn chặn một đợt diệt chủng mới khi chưa có vũ khí hữu hiệu để chống đỡ, hay dỡ bỏ các qui định về social distancing để tái lập hoạt động kinh tế, xã hội, đang tạo ra những cuộc tranh luận giữa các cộng đồng, trong nội bộ các quốc gia. Giữa những cuộc tranh luận càng lúc càng gay gắt này, có vài câu chuyện liên quan đến Cúm Tây Ban Nha rất đáng để tham khảo, ngẫm nghĩ…
***
Chẳng còn bao nhiêu người Mỹ nhớ tới Camp Crane – căn cứ quân sự tọa lạc tại Allentown, hạt Lehigh, tiểu bang Pennsylvania, chuyên huấn luyện những người lái xe cứu thương của Lục quân để đáp ứng nhu cầu vận chuyển thương binh, tử sĩ ở chiến trường Pháp trong Thế chiến thứ nhất – vì căn cứ này đã bị dỡ bỏ, trả lại đất cho Allentown Fairgrounds, nơi chuyên tổ chức các hội chợ, đặc biệt là hội chợ nông nghiệp.
Gần đây, một số chuyên gia, cơ quan truyền thông của Mỹ nhắc tới Camp Crane hay hạt Lehigh vì từng được xem là rất thành công trong việc ngăn ngừa Cúm Tây Ban Nha (1). Camp Crane được xây dựng làm nơi cư trú và huấn luyện cho 2.500 người nhưng vào thời điểm Cúm Tây Ban Nha bùng phát, số người cư trú trong căn cứ này gấp khoảng ba lần thiết kế.
Khi đại dịch đạt đỉnh chết chóc, số người cư trú trong Camp Crane vẫn còn 2.100 người nhưng dù luôn luôn đông đúc, suốt đại dịch Cúm Tây Ban Nha, tại Camp Crane chỉ có 355 người bị nhiễm virus và 13 người trong số này thiệt mạng. Trung tâm Nghiên cứu lịch sử Y khoa của Đại học Y khoa Michigan đã từng tìm kiếm xem vì sao Camp Crane có thể đạt được thành quả ấy…
Năm 2006, trung tâm vừa kể từng cho biết, virus Cúm Tây Ban Nha là chủng mới, dễ lây lan và đó là lý do nó nhanh chóng trở thành đại dịch có tầm vóc toàn cầu khi những người lính tham gia Thế chiến thứ nhất di chuyển qua nhiều nơi. Những sĩ quan điều hành Camp Crane phát giác sự xuất hiện của Cúm Tây Ban Nha vào ngày 23 tháng 9 năm 1918. Từ bốn ca nhiễm cúm đầu tiên, ba ngày sau, số ca nhiễm bắt đầu tăng lên…
Khi nhận ra tất cả những ca nhiễm cúm đều từ những người mới đến trình diện, Chỉ huy trưởng Camp Crane ra lệnh cách ly tất cả những người đến căn cứ trong ba ngày. Những người đang cư trú trong căn cứ có dấu hiệu bị cúm cũng bị cưỡng bức cách ly tại một khu vực riêng biệt của Bệnh viện Allentown. Những người còn lại được sắp xếp để có không gian riêng khoảng 9 mét vuông/người. Giờ ăn, mọi người được yêu cầu ngồi hết về một phía, để trống phía đối diện.
Để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ bị cấm ra khỏi căn cứ, nếu phải ra ngoài thì được yêu cầu phải tránh tất cả những chỗ đông người. Hạn chế tối đa việc cho thường dân vào bên trong. Trung tá Richard Slee - Chỉ huy trưởng Camp Crane, còn ra lệnh cho bác sĩ và những người lính làm vệ sinh doanh trại phải mang khẩu trang.
Tuy nhiên những người nghiên cứu về thành quả mà Camp Crane đạt được trong ngăn ngừa Cúm Tây Ban Nha cũng phát giác, Trung tá Slee không… triệt để ! Để giảm sự căng thẳng, thỉnh thoảng, Trung tá Slee nới lỏng các biện pháp nghiêm ngắt mà ông đề ra : Cho phép ban nhạc, đội football của căn cứ ra ngoài biểu diễn, thi đấu... Cho phép lính tráng trong căn cứ tham dự một đại nhạc hội ở bên ngoài vào tối 31 tháng 10 năm 1918…
Bất kể thế nào thì thành quả mà Camp Crane đạt được cũng vẫn còn rất ấn tượng. Trong khi tỉ lệ lây nhiễm Cúm Tây Ban Nha nơi Lục quân Mỹ là 252/1000 (cứ 1000 quân nhân thì có 252 người bị nhiễm) thì tỉ lệ này ở Camp Crane chỉ là 35/1.000. Trung tá Slee đã từng nhấn mạnh về năm lý do giúp ông có thể hạn chế Cúm Tây Ban Nha lây lan ở khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình : Dự đoán về khả năng lây nhiễm và chuẩn bị để đối phó. Dọn dẹp, làm vệ sinh. Sắp xếp lại chỗ ở để bảo đảm mọi người có thể giữ khoảng cách cần thiết. Cách ly những người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Chuyển những người nhiễm bệnh đển bệnh viện.
***
Giá phải trả cho việc duy trì social distancing chẳng rẻ chút nào nhưng với những đặc điểm của Covid-19 và trong bối cảnh chưa có vaccine, các chuyên gia vẫn còn loay hoay xác định phác đồ điều trị, tìm kiếm thuốc đặc trị, có bãi bỏ social distancing để sinh hoạt xã hội trở lại bình thường, tái khởi động các hoạt động sản xuất, thương mại hay không là câu hỏi không dễ trả lời. Diễn biến của đại dịch Covid-19 cho thấy, nếu thiếu cẩn thận, không đủ tỉnh táo, sẽ có những quyết định chẳng khác gì bỏ phiếu diệt chủng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/04/2020
Chú thích
*************************
Mỹ ngưng tài trợ, ảnh hưởng WHO ra sao ?
VOA, 17/04/2020
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngưng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới, tước bỏ nguồn tài trợ lớn nhất của tổ chức này, có thể có những hậu quả xa hơn nữa trong những nỗ lực chống bệnh tật và làm cho việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Lệnh của ông Trump xoáy vào cách thức đáp ứng của tổ chức này đối với đại dịch virus corona, và ông không phải là người duy nhất chỉ trích những hành động và những lời tuyên bố của tổ chức này.
Một số nước đã bất bình với những nỗ lực của WHO vào lúc dịch bệnh Covid-19 lây lan, thất bại trong việc báo cáo về bùng phát hay bất cần những qui luật quốc tế.
Tuy nhiên WHO chịu trách nhiệm nhiều hơn là ứng phó với dịch bệnh, và hiện nay đang gặp khó khăn về tài chánh vì đang kẹt trong cuộc tranh chấp chính trị tại Mỹ.
Sau đây là những câu hỏi thường gặp về tổ chức này.
Tổ chức Y tế Thế giới làm gì ?
Được thành lập sau Thế chiến Thứ hai trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, tổ chức có trụ sở tại Geneva với khoảng 7.000 nhân viên tại 150 văn phòng tên toàn thế giới, không có quyền hành trực tiếp đối với các nước thành viên. Thay vào đó, tổ chức là một cơ quan lãnh đạo quốc tế trong lãnh vực y tế công cộng bằng cách báo động cho thế giới về những đe dọa, chống dịch bệnh, đưa ra chính sách và cải thiện việc tiếp cận với chăm sóc y tế.
Trong trường hợp khẩn cấp như virus corona, WHO được xem như một trung tâm phối hợp—hướng dẫn chế ngự, tuyên bố khẩn cấp và đưa ra khuyến nghị--với các nước chia sẻ thông tin để giúp các nhà khoa học giải quyết dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên dù WHO có ảnh hưởng rộng rãi, cơ quan này thiếu quyền thực thi và chịu những áp lực về ngân sách và chính trị, đặc biệt là từ các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc và những nhà tài trợ như Gates Foundation.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres bênh vực WHO trong một tuyên bố ngày 14/4, nói rằng tổ chức này "phải được hỗ trợ, vì tổ chức tuyệt đối cần thiết trong nỗ lực của thế giới thắng trong cuộc chiến chống Covid-19".
Ông nói đây "không phải là lúc giảm nguồn lực đối với những hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới hay bất cứ cơ quan nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống virus".
WHO được tài trợ như thế nào ?
Tài trợ đến từ các nước thành viên và các tổ chức tư. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, chiếm 14,67% ngân sách.
Tiền đóng góp của các thành viên chỉ bằng chừng một phần tư số tiền Mỹ hiến tặng cho WHO ; khoản tiền này được tính tương đối căn cứ trên sự giàu có và dân số. Số còn lại đến từ các đóng góp tự nguyện và số lượng có thể thay đổi theo từng năm.
Trong năm 2019, Mỹ đóng góp khoảng 553 triệu đô la. Ngân sách mỗi hai năm của WHO khoảng 6,3 tỉ đô la trong hai năm 2018-2019.
Hầu hết tiền của Mỹ dành cho những chương trình như xóa bệnh bại liệt, phát triển vaccine và tăng cường tiếp cận với những dịch vụ y tế và dinh dưỡng trọng yếu. Chỉ có 2,97% tiền đóng góp của Mỹ dành cho các hoạt động khẩn cấp, và 2,33% dành cho phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát.
Ông Lawrence O. Gostin, giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói khoảng 70% tiền tài trợ của Mỹ dành cho những chương trình cột mốc như bệnh AIDS, những chương trình sức khỏe tâm thần, phòng ngừa ung thư và bệnh tim.
"Ưu tiên cao nhất là kiểm soát và chuẩn bị dịch bệnh", ông nói, "Nhưng đây thực sự là điều ít quan trọng nhất WHO đã làm trong lịch sử".
Đóng góp của Mỹ cao gấp đôi nước đóng góp lớn kế tiếp là Anh. Số tiền Anh góp chiếm khoảng 7,79% ngân sách WHO, Quỹ Bill và Linda Gates đóng góp vào 9,76% ngân sách của WHO.
Tại sao ông Trump và những người khác chỉ trích WHO ?
Tổng thống cáo buộc WHO phản ứng chậm trễ đối với đe đọa của virus corona và thiếu chỉ trích Trung Quốc. (Ông Trump cũng bị chỉ trích như thế. Ông đã được cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch từ tháng 1 và ông cũng liên tiếp ca ngợi chính phủ Trung Quốc về cách thức đối phó với virus.)
WHO cương quyết khuyến nghị chống lại hạn chế đi lại, cho rằng không hữu hiệu mà lại có thể ngăn chặn những nguồn lực cần thiết gây thiệt hại cho kinh tế. Tuy nhiên ông Trump thường xuyên đề cập đến quyết định của ông hạn chế đến Trung Quốc vào cuối tháng 1 là bằng chứng rằng ông xem đe dọa của virus là nghiêm trọng.
Tuy nhiên ông Trump không phải là người duy nhất chỉ trích WHO. Một số chuyên gia nói rằng WHO chậm tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng và quá tin vào chính phủ Trung Quốc vì nước này ngày càng có ảnh hưởng đối với WHO. Bắc Kinh lúc đầu đã cố gắng che giấu phạm vi dịch bệnh bùng phát.
Ông Gostin nói tổ chức này đã lung lay vì những lý do cơ cấu và chính trị và hậu quả là rất dè dặt.
Ông Gostin nói "Chúng ta cần xây dựng một tổ chức khác có nguồn lực dồi dào và luôn luôn có hậu thuẫn chính trị khi nói lên sự thật trước sức mạnh và lên tiếng với các nước không có thái độ đúng đắn".
"Sự kiện Tổng thống Trump giữ hay ngưng tài trợ thì đúng là một ví dụ quan trọng của nguyên nhân tại sao chúng ta trong tình trạng rối bời này", ông nói. "Ông Tổng giám đốc lo ngại là bất cứ lúc nào ông đưa ra một quyết định sai lầm, thì họ sẽ rút hay cắt tài trợ cho cơ quan vì lý do chính trị",
WHO nói gì và làm gì về virus corona ?
Trong suốt tháng 1, WHO đưa ra khuyến nghị về sự nguy hiểm của virus. Từ ngày 22/1 về sau, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, hầu như họp báo hàng ngày để cảnh báo thế giới là virus đang lây lan, và cửa sổ cơ hội để chặn đứng virus đã đóng.
Tuy nhiên tổ chức này lúc đầu đã ngần ngại công bố khẩn cấp y tế toàn cầu ngay cả khi virus lây lan bên ngoài Trung Quốc.
"Đây là tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng chưa thành khẩn cấp y tế toàn cầu", Tiến sĩ Tedros nói ngày 23/1. "Có thể chưa đến như thế".
Vào ngày 30/1, WHO ra tuyên bố chính thức, yếu tố vốn thường khiến cho các chính phủ có hành động. Không lâu sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người Mỹ tránh đến Trung Quốc.
Trong nhiều tuần lễ WHO ban hành hướng dẫn và cảnh báo, chính thức công bố dịch bệnh bùng phát là một đại dịch vào ngày 11/3, kêu gọi các chính phủ cùng nhau làm việc để chống virus.
Các chỉ trích nói rằng cả hai tuyên bố của WHO đều quá trễ và những quyết định sớm có thể đã động viên được các chính phủ nhanh chóng hơn.
rong khi WHO có ý định phối hợp đáp ứng toàn cầu, nhưng không mấy được sự đoàn kết trên thế giới, chứng tỏ quyền lực hạn chế của tổ chức. Tổ chức có kế hoạch nhưng ít quốc gia tuân theo.
Ông Gostin nói trong dài hạn, quyết định của Tổng thống Trump cắt tài trợ WHO có thể đưa đến việc tái cơ cấu WHO, với giới lãnh đạo quốc tế mới, liên minh y tế mới, và kiểm soát lớn hơn đối với ngân sách của tổ chức này.
Ông nói Hoa Kỳ cũng đã là "một cái gai bên hông" WHO trong nhiều năm, ngăn chặn những nỗ lực của tổ chức tiếp cận thuốc men hay hạ giảm những kế hoạch hành động toàn cầu về di dân và người tị nạn.
"Tôi nhìn vào việc này như một đám cháy rừng không kiểm soát được, bởi vì, trong trường hợp này, Tổng thống Mỹ, đã khai quang các bụi rậm và cho phép cây mới mọc lên, ông nói.
Tuy nhiên ông nói thêm "Tôi nghĩ Tổng thống Trump trong hành động này đã đi quá xa".
"Việc này sẽ xói mòn đáng kể ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và y tế toàn cầu và các vấn đề quốc tế giữa dịch bệnh chưa từng có trước đây", ông nói. "Chúng ta sẽ mất tiếng nói, ngay cả đối với đồng minh của chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta không có tiếng nói gì thêm về việc chuyện này sẽ diễn tiến ra sao".
(Nguồn New York Times)