Chưa đầy 11 năm nước Úc đã có 6 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.
Nhân Thủ tướng Malcolm Turnbull vừa bị áp lực của nội bộ đảng Tự Do phải từ chức, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chính trị để rút ra những bài học cho tương lai Việt Nam.
Tân Thủ tướng Sciott Morrison và cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull Úc - Ảnh minh họa
Hệ thống chính trị Úc
Ngày 1/1/1901, Úc trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh Vượng Chung, Nữ hoàng Anh Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia.
Tổng Toàn quyền đại diện cho Nữ hoàng có quyền ký các đạo luật và quyền giải tán chính phủ.
Quốc hội Liên bang bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Luật Liên bang phải được cả hai Viện thông qua và phải có chữ ký của Tổng Toàn quyền.
Quốc hội vừa làm luật (lập pháp) vừa lo việc hành pháp. Đảng nào chiếm được đa số ghế hay tạo được liên minh có đa số ghế tại Hạ Viện sẽ được đứng ra thành lập chính phủ.
Chính phủ gồm toàn những dân biểu và nghị sĩ. Các dân biểu và nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền bầu cho 1 dân biểu làm lãnh đạo đảng và vị này trở thành Thủ tướng.
Đó là đầu mối của các cuộc khủng hoảng lãnh đạo gần đây.
Diễn biến cuộc đảo chánh tuần qua
Từ khi thắng cử 2/7/2016 mọi kết quả thăm dò Thủ tướng Malcolm Turnbull đều được công chúng ủng hộ ở vị trí thủ tướng nhiều hơn so với thủ lãnh đạo đối lập Bill Shorten.
Nhưng các cuộc thăm dò gần đây đảng đối lập lại được cử tri ủng hộ với tỉ lệ cao hơn ủng hộ chính phủ.
Đồng thời chính phủ đã thua nặng trong các cuộc bầu cử Hạ Viện bổ sung vào tháng 7 vừa qua.
Nhiều dân biểu đảng cầm quyền lo lắng bị mất ghế trong lần bầu cử sắp tới nên sáng 21/8/2018 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton công khai thách thức quyền lãnh đạo của Thủ tướng Turnball nhưng không thành.
Mặc dù ông Turnbull hứa không trừng phạt những người bỏ phiếu chống lại ông nhưng 13 thành viên trong nội các đồng loạt xin từ chức.
Ông Turnbull hứa nếu nhận được chữ ký bất tín nhiệm của 43 dân biểu và nghị sĩ đảng Tự do ông sẽ từ chức thủ tướng. Khi ông Dutton có trong tay 43 chữ ký ông Turnbull chính thức rút lui.
Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison cùng Ngoại trưởng Julie Bishop là hai người cùng cánh với ông Turnbull tuyên bố ra tranh cử với ông Peter Dutton.
Vòng đầu bà Julie Bishop không đủ phiếu nên bị loại. Vòng bầu kế tiếp ông Scott Morrison thắng cử Thủ tướng với số phiếu 45-40.
Từ góc nhìn chính trị ông Turnbull thuộc cánh cấp tiến bị ông Dutton thuộc cánh bảo thủ thách thức quyền lực với ý định đảo chánh.
Biết cánh ông Dutton quyết giành quyền bằng mọi giá dễ gây đổ vỡ cho đảng Tự Do nên ông Turnbull khôn khéo chuyển giao quyền lực cho người cùng cánh là ông Scott Morrison.
Cánh đảo chánh nay hài lòng họ có một lãnh tụ mới với thêm hy vọng sẽ giữ được ghế của họ trong lần bầu cử tới.
Nhưng kết quả thăm dò mới nhất cho thấy cử tri Úc vô cùng phẫn nộ vì cử tri đã bầu cho ông Turnbull và vẫn tiếp tục tín nhiệm ông trong vai trò thủ tướng lãnh đạo đất nước.
Tỷ lệ công chúng ủng hộ Thủ tướng Scott Morrison ở vị trí thủ tướng bây giờ ít hơn so với thủ lãnh đạo đối lập Bill Shorten rất nhiều 33-39.
Đảng đối lập cũng được cử tri ủng hộ với tỉ lệ cao hơn ủng hộ chính phủ rất nhiều 56-44. Với tỷ lệ chênh lệch này đảng đối lập sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử sắp tới.
Nếu chính phủ không làm dân hài lòng thì bằng lá phiếu người dân sẽ lật đổ chính phủ dành cơ hội quản trị đất nước cho một chính phủ mới.
Luật chơi chính trị đã thế. Thay đổi luật chơi cần thay đổi hiến pháp, muốn thay đổi hiến pháp lại cần thay đổi thể chế từ quân chủ sang cộng hòa.
Dẫn đến tranh luận thể chế Cộng hòa
Ngày 11/11/1975 là ngày nặng nề nhất cho nền Quân chủ Đại nghị tại Úc khi Tổng Toàn quyền John Kerr sử dụng quyền Hiến pháp truất phế cựu Thủ tướng Lao Động Gough Whitlam (1972-1975).
Câu chuyện bắt đầu từ một thỏa thuận vay 4 tỷ mỹ kim từ các quốc gia Trung Đông mặc dù đã bị các giới chức chính phủ và Quốc hội phản đối Tổng trưởng Ngân khố Jim Cairns và Bộ trưởng khoáng sản và năng lượng Rex Connor vẫn tiếp tục bí mật thương lượng.
Việc đổ bể, Thủ tướng Whitlam sa thải cả hai ông. Nhưng thủ lãnh đối lập Malcolm Fraser thừa cơ hội chặn ngân sách không cho Thượng viện thông qua, rồi làm áp lực buộc ông Whitlam tổ chức bầu cử, gây bế tắc chính trị.
Bất ngờ Tổng Toàn quyền John Kerr cho triệu hồi hai ông Whitlam và Fraser, dùng quyền hiến pháp truất phế ông Whitlam, đưa ông Fraser lên thay.
Quyết định của Tổng Toàn quyền John Kerr bị cho là không đúng vì sự việc nên được giải quyết thông qua đàm phán chính trị.
Việc đã rồi ông Fraser cho tổ chức bầu cử với kết quả Liên đảng Tự do và Quốc gia thắng và ông Fraser lên làm thủ tướng.
Cộng hòa Đại nghị chế
Khi đảng Lao Động trở lại cầm quyền năm 1982 tranh luận về một nền cộng hòa cho nước Úc trở thành một đề tài chính trị luôn được quan tâm.
Năm 1993, Thủ tướng Lao động Paul Keating tái đắc cử ông tuyên bố muốn có một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1999.
Khi đảng Tự Do lên cầm quyền, Thủ tướng John Howard theo phe bảo hoàng quyết định triệu tập Hội nghị Lập hiến vào năm 1998.
Thủ tướng Howard đưa ra ba mô hình cộng hòa để thảo luận : (1) Tổng thống trực tiếp do dân bầu, (2) Tổng thống bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, và (3) Tổng thống được bổ nhiệm bởi một hội đồng do Thủ tướng đề cử.
Trong Hội Nghị, phái bảo hòang lập luận vị Tổng ToànQuyền là trọng tài cho quá trình đàm phán chính trị vì thế chính thể quân chủ lập hiến là cơ sở vững chắc cho nền dân chủ tại Úc.
Những người cổ vũ cộng hòa thì cho rằng đã đến lúc Úc phải hoàntoànđộc lập với Nữ hoàng Anh và Anh Quốc.
Phái cộng hòa cấp tiến cho rằng Hiến Pháp không còn hợp thời phải sửa đổi toàn diện hệ thống Westminster và thực hiện một chính thể Cộng hòa với Tổng thống trực tiếp do dân bầu.
Sau nhiều tranh luận cuối cùng Hội Nghị Lập Hiến đã quyết định chọn mô hình Cộng Hòa Đại Nghị, tổng thống được bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, để đưa ra trưng cầu dân ý.
Theo mô hình này Tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ tương tự như vai trò Tổng Toàn quyền hiện nay. Hệ thống chính trị không có gì thay đổi thực quyền vẫn nằm trong tay các dân biểu nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền.
Phái cộng hòa cấp tiến đã bỏ phiếu trắng trong Hội Nghị và trong trưng cầu dân ý đã vận động chống lại mô hình này.
Chiến dịch vận động
Chiến dịch YES (ủng hộ chính thể cộng hòa đại nghị) đưa ra những điểm cần thay đổi và chỉ có nền cộng hòa mới có thể đáp ứng được.
Để vận động NO (giữ nguyên thể chế quân chủ) các nhóm bảo hòang tập trung đề cao thành quả nước Úc đã gặt hái được.
Đồng thời tạo nỗi lo âu về sự bất ổn khi phải thay đổi thể chế chính trị. Khẩu hiệu của họ là "Nếu hệ thống hiện tại không vỡ, không cần phải sửa".
Người Úc vốn không thích thay đổi. Cho đến nay chỉ có 8 trong số 44 đề xuất đưa vào một cuộc trưng cầu đã được đồng thuận thông qua. Nên chiến dịch vận động NO thành công ở chỗ giữ được các cử tri thuộc phái "bảo thủ".
Thành phần cộng hòa cấp tiến đưa ra một số lập luận kêu gọi cử tri chọn NO vì :
Thứ nhất, muốn thực sự cộng hòa mọi công dân phải được bình đẳng về chính trị và phải được bầu trực tiếp Tổng thống.
Thứ hai, mô hình trưng cầu dân ý là một mô hình phi dân chủ với một "nền cộng hòa của các chính trị gia" vì chỉ có họ mới có quyền bầu vị Tổng thống và các cuộc khủng hoảng chính trị do tranh giành quyền lực sẽ tiếp tục thường xuyên xảy ra.
Thứ ba, thay vì chỉ thay đổi chính thể cần viết lại một Hiến Pháp hoànmới cho nước Úc cộng hòa ; và
Thứ tư, chỉ có mô hình Cộng Hòa Tổng thống chế mới lợi ích thực sự cho nước Úc vì thế cần từ chối mô hình lần này để sửa sọan trưng cầu dân ý vào lần tới.
Với sự tích cực vận động của cánh bảo hòang và cánh cộng hòa cấp tiến, cuối cùng 55% dân Úc đã từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.
Nói tóm lại tại Úc thể chế đại nghị là nguyên nhân tạo ra dân chủ bè cánh dễ gây khủng hoảng chính trị và người Úc rất thất vọng với mô hình này.
Tổng thống chế mỗi nước mỗi khác
Ở Mỹ Tổng thống có toàn quyền bổ nhiệm và quyền cách chức các thành viên trong nội các, nên Tổng thống dễ dàng chọn người có chuyên môn, có khả năng và có thể làm việc chung.
Quốc hội và Nội các cũng không có quyền để làm áp lực đến độ Tổng thống phải từ chức như chuyện vừa xảy ra tại Úc.
Hiến pháp Mỹ đưa ra một mô hình tam quyền phần lập rõ ràng. Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp kiểm tra và giám sát lẫn nhau, tạo ra sự cân bằng giữa ba nhánh nhờ thế Tổng thống không thể trở nên độc tài.
Tổng thống Mỹ không được phép phục vụ quá 2 nhiệm kỳ hay quá 8 năm vì cầm quyền càng lâu càng dễ trở nên độc tài.
Ở Nga, Tổng thống chỉ không được làm quá 2 nhiệm kỳ liên tục, nên hai ông Vladimir Putin và ông Dmitry Medvedev thay nhau nắm hai chức vụ Tổng thống và Thủ tướng. Không khác gì độc quyền chính trị.
Tổng thống Putin bị nhiều người chỉ trích là độc tài. Gần đây nhất là chiều 25/8/2018 ông Putin ra lệnh bắt lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny vì trước đây đã tổ chức cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay bầu cử tổng thống.
Ở Pháp Tổng thống có quyền chọn Thủ tướng. Nhưng Quốc hội có quyền bãi nhiệm Thủ tướng, nên Tổng thống bị buộc phải chọn một Thủ tướng được đa số Quốc hội tán thành.
Mô hình này cũng đã từng dẫn đến khủng hoảng chính trị : Tổng thống François Mitterrand phải liên tiếp giải tán quốc hội nhưng cuối cùng phải làm việc với Thủ tướng Jacques Chirac một người thuộc liên minh khác.
Thủ tướng Jacques Chirac quyết định hầu hết các chính sách trong nước. Tổng thống Mitterrand chỉ còn giữ ngoại giao và quốc phòng.
Trong trường hợp trên thực quyền lập pháp và hành pháp nằm trong tay Thủ tướng và Liên Minh nắm Quốc hội Pháp.
Tại miền Nam Việt Nam trước đây Tổng thống do dân trực tiếp bầu, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng làm phụ tá chia sẻ trách nhiệm về hành chánh.
Tổng thống có quyền thay Thủ tướng mới, cải tổ toàn bộ hay một phần Chính phủ.
Hiến pháp miền Nam phân biệt tam quyền rõ rệt và khuyến khích hệ thống chính trị tiến tới chế độ lưỡng đảng tranh quyền như tại Mỹ.
Ưu điểm của chế độ lưỡng đảng là dễ hình thành và thông qua các chính sách mang tầm vóc chiến lược quốc gia.
Tại Mỹ đảng viên gia nhập đảng chỉ để bầu chọn người đại diện cho quyền lợi và niềm tin của mình, đảng viên không có bất cứ quyền lợi, nghĩa vụ hay bó buộc nào liên quan đến đảng mình ghi danh.
Nhờ phương cách sinh hoạt chính trị này dân Mỹ thường rất quan tâm đến sinh hoạt chính trị nhưng lại không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, không cực đoan chính trị, dễ đồng thuận, dễ thỏa hiệp và rất thực dụng.
Miền Nam trước đây có chương trình Công dân Giáo dục dạy từ bậc tiểu học đến trung học giúp học sinh hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của công dân trong đó có quyền bầu cử, tranh cử và tham gia chính trị.
Các quốc gia Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ hiện nay đều theo chính thể cộng hòa. Kinh nghiệm thực tế từ các quốc gia này sẽ giúp ích rất nhiều cho một thể chế hậu cộng sản tại Việt Nam.
Kết
Trên diễn đàn BBC gần đây luật sư Nguyễn Văn Đài và nhà báo Phạm Đoan Trang đều đồng ý xem chính trị như trò chơi.
Tại Việt Nam trò chơi này vẫn nằm trong tay tầng lớp cầm quyền cộng sản. Tranh giành quyền lực là chuyện thâm cung bí sử, thứ dân đừng hòng biết đến, đừng nói đến chuyện xen vào nội bộ đảng cộng sản.
Bởi thế các quốc gia cộng sản đều thúi từ trong ruột thúi ra và cuối cùng bị lịch sử đào thải.
Nếu xem chính trị là trò chơi thì mọi người dân, ở mọi trình độ, mọi tầng lớp và ở mọi nơi đều phải có cơ hội bình đẳng tham gia thì mới thực sự là trò chơi dân chủ.
Muốn xây dựng một thể chế thực sự dân chủ người dân phải có quyền ra luật chơi gọi là luật Hiến pháp.
Muốn thế Việt Nam cần theo đúng quy trình người dân, cả trong và ngoài nước, bầu một Quốc hội Lập hiến soạn ra một Hiến Pháp mới và nếu được mang ra trưng cầu dân ý trước khi ban hành.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 27/08/2018
Nguyễn Quang Duy
Kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8/2018 cho thấy 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.
Số liệu trên phù hợp với sự kiện các phụ nữ trẻ thuộc tổ chức Dân Chủ Xã hội Hoa Kỳ (Democratic Socialists of America) thắng các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ. Theo dự đoán sẽ có người thắng cử Hạ Viện vào tháng 11/2018 này.
51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.
Ở Việt Nam, đảng cộng sản đã độc tôn sử dụng và diễn giải cụm từ "chủ nghĩa xã hội" theo cách riêng của họ từ nhiều năm nay nên nhiều người Việt cả hai phía theo và chống cộng vẫn mang định kiến về chủ nghĩa này.
Bạn có thể không biết chính Đức Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) sáng lập Phật giáo Hòa hảo và Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng để truyền bá tư tưởng dân chủ xã hội đến quần chúng Việt Nam.
Chủ trương Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng gồm chính trị cho toàn dân, chống độc tài dưới mọi hình thức và xây dựng dân chủ để thực thi công bằng xã hội.
Trước đây tôi viết bài 'Tù mù về chủ nghĩa Marx' đăng trên diễn đàn BBC để góp ý nhà báo Bùi Tín về cách hiểu sơ sài của ông đối với các đảng dân chủ xã hội tại Âu Châu dù ông đã sống ở Pháp 20 năm (1).
Lần này xin đề cập đến khuynh hướng dân chủ xã hội tại Hoa Kỳ, nhân tiện thảo luận về tình trạng phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam và nêu ra đường hướng giải quyết.
Hai nước Mỹ : một giàu một nghèo
Nhà tư tưởng xã hội Michael E. Harrington là người khai sinh Tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ.
Ông là người theo công giáo, học trường dòng và từ năm 1951 đến năm 1953 làm biên tập viên tờ Công nhân công giáo tại New York.
Năm 1954, ông gia nhập Liên minh Xã hội Độc lập, một tổ chức theo đường lối của Leon Trotsky do Max Shachtman đứng đầu.
Năm 1962, ông ra mắt cuốn sách "Có một nước Mỹ khác" (The Other America), với phụ đề "Nghèo khó ở Mỹ" (Poverty in the United States), tôn chỉ được ghi rõ ở trang bìa "Cuốn sách này phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó".
Năm 1972, Harrington nhận chức chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa và xây dựng Ủy ban Dân chủ Xã hội (DSOC - Democratic Socialist Organizing Committee).
Đến năm 1981, Ủy ban Dân chủ Xã hội cùng tổ chức Hoa Kỳ mới (New America) hình thành tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ (Democratic Socialists of America). Ông lãnh đạo tổ chức này cho đến khi mất năm 1989.
Như đã giới thiệu đầu bài tổ chức này đã thắng nhiều cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ vừa qua.
Theo Harrington có hai nước Mỹ : một của người giàu và một của người nghèo. Quyền lực chính trị và kinh tế đều nằm trong tay người giàu và vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.
Thế giới của người nghèo, trong nền kinh tế "tăng trưởng thô bạo" (ruthless growth) ngày càng mở rộng, càng nghèo là nguyên nhân mọi vấn nạn xã hội.
Theo Harrington muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó.
Hệ thống chính trị Hoa Kỳ
Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thật sự bao gồm hằng ngàn tổ chức chính trị, tổ chức dân sự nhỏ và hằng chục triệu thành viên cá nhân không tham gia tổ chức.
Các nghiệp đoàn Mỹ đều tích cực gây ảnh hưởng chính sách, ủng hộ và vận động cử tri tham gia bỏ phiếu cho đảng nào đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhiệp đoàn đó.
Tổng thống Donald Trump đắc cử chính là nhờ có đường lối rõ ràng bảo vệ quyền lợi công nhân chống lại bất công do thương mãi toàn cầu hóa gây ra được nhiều nghiệp đoàn lớn ủng hộ và vận động cử tri bầu cho ông.
Còn các nhóm theo chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội hầu như gia nhập cánh tả đảng Dân chủ.
Theo luật Liên bang tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ là một tổ chức bất vụ lợi nếu chi tiêu của tổ chức này cho vận động chính trị ít hơn 50% ngân sách chung.
Trở lại hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, ở cấp liên bang không có cơ quan nào kiểm soát đảng viên, các hoạt động hoặc quan điểm chính trị của đảng viên.
Ở cấp tiểu bang các ủy ban của đảng sẽ chịu trách nhiệm gây quỹ và tổ chức bầu cử sơ bộ.
Đa số các đảng viên gia nhập đảng chỉ để bầu chọn người đại diện cho quyền lợi và niềm tin của họ.
Đảng viên không có bất cứ quyền lợi, nghĩa vụ hay bó buộc nào liên quan đến đảng mình ghi danh.
Mọi cử tri có thể thay đổi đảng một cách hết sức dễ dàng chỉ cần ghi danh là có quyền bầu đại diện trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Các ủy ban không có quyền ngăn cản người ra tranh cử ngay cả khi người ấy bất đồng quan điểm đa số trong đảng hay công khai chống lại các mục tiêu của đảng.
Quyết định ai đại diện đảng ra tranh cử thuộc về đa số cử tri đi bầu. Tất cả các chính trị gia đều phải qua cuộc bầu cử sơ bộ. Chính trị gia thắng cử sơ bộ sẽ được Ủy Ban vận động tranh cử với các đảng khác.
Bằng cách công khai tranh luận chính sách các chính trị gia lôi cuốn các nhóm nhỏ và cá nhân gia nhập đảng, xây dựng sức mạnh chiến thắng đối phương.
Quyền hạn của chủ tịch đảng được giới hạn trong việc tổ chức bầu cử. Lãnh đạo đảng là những chính trị gia thắng cử như tổng thống, lãnh đạo đảng ở Thượng Viện và Hạ Viện.
Xã hội Mỹ là xã hội tự do, dân sự, đa văn hóa, đa nguyên, đa dạng nên chính nhờ phương cách sinh hoạt chính trị này người Mỹ không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, không cực đoan chính trị, dễ đồng thuận, dễ thỏa hiệp và rất thực dụng.
Tư tưởng chính trị qua các đời tổng thống
Tư tưởng xã hội của Harrington đã ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống John Kennedy nhờ thế một kế hoạch chống lại nghèo khó đã ra đời.
Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục kế hoạch và đã đạt được những kết quả nhất định, tình trạng nghèo khó tại Mỹ được cải thiện đáng kể và chênh lệch giàu nghèo được thu hẹp.
Đáng tiếc nhiều người nghèo khi được chính phủ lo cho lại bị lệ thuộc vàotiền trợ cấp cho an sinh nên lọt vào cái bẫy của nghèo đói. Họ không thể thoát ra, vươn lên và hội nhập vào xã hội, và cuối cùng là mãi mãi nghèo.
Sang thập niên 1980, Tổng thống Ronald Reagan theo khuynh hướng tân tự do có đường lối hoàn toàn trái ngược.
Ông giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế và xã hội, tư nhân hóa các phục vụ công và toàn cầu hóa tự do thương mãi.
Khuynh hướng tân tự do nhanh chóng ảnh hưởng toàn thế giới, nhiều công ty đa quốc gia hình thành và phát triển, nhiều quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhưng đồng thời khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Trên nền tảng sinh hoạt chính trị toàn cầu, Trung Quốc và Việt Nam là hai trường hợp ngoại lệ.
Dù danh nghĩa là cánh tả, ở hai nước này, độc quyền về chính trị vẫn được duy trì trong khi kinh tế thị trường méo mó lại gây nhiều bất công trong việc cạnh tranh sản xuất và thương mại.
Tổng thống Bill Clinton vì tin vào lời Bắc Kinh hứa hẹn là sẽ mở cửa kinh tế và thay đổi chính trị nên chấp nhận cho phép Trung Quốc gia nhập WTO.
Bắc Kinh đã không thực hiện lời hứa lại còn cho gián điệp ăn cắp bí mật công nghệ Hoa Kỳ.
Được hưởng tự do thương mãi với Mỹ, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập nước Mỹ, hãng xưởng Mỹ bị đóng cửa, công nhân bị sa thải, khoảng chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ càng lúc càng mở rộng.
Về bản chất việc Tổng thống Donald Trump đắc cử và việc phong trào dân chủ xã hội bộc phát có điểm chung là cử tri Mỹ chống lại xu hướng toàn cầu hóa và muốn bảo vệ sự công bằng cho dân Mỹ.
Sự khác biệt giữa ông Trump và phong trào dân chủ xã hội là phương cách giải quyết vấn đề.
Ý thức xã hội chủ nghĩa từ lý tưởng tới thực tế
Tổ chức Dân chủ Xã hội chủ trương công nhân có quyền bỏ phiếu cho việc lãnh đạo công ty, có vậy thì người chủ mới chịu bảo vệ công việc tại Mỹ thay vì mang tiền đầu tư ở nước ngoài.
Còn ông Trump ngay từ khi thông báo ra tranh cử Tổng thống đã hứa đưa người dân Mỹ trở lại lực lượng lao động.
Một mặt ông Trump đề ra các chính sách tạo ra công ăn việc làm, như giảm thuế công ty, lôi kéo tư bản Mỹ hồi hương, tạo công bằng thương mãi Mỹ-Trung...
Mặt khác ông đưa ra các điều khoản thắt chặt trợ cấp xã hội, khuyến khích người thất nghiệp đi làm và nhờ thế thu hẹp khoảng chênh lệch giàu nghèo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 3/2018 có hơn 40 triệu người nghèo đăng ký nhận trợ cấp từ chương trình Trợ cấp Thực phẩm (Food Stamps) của chính phủ Liên Bang.
Con số này thấp hơn hẳn số 48 triệu người nhận Food Stamps vào năm 2013 thời Tổng thống Barack Obama.
Cô Ocasio-Cortez một thành viên dân chủ xã hội 28 tuổi đã bất ngờ chiến thắng dân biểu lão thành Joseph Crowley tại New York khi đưa ra những kế hoạch vô cùng lý tưởng.
Cô chủ trương chăm sóc y tế miễn phí (universal healthcare), miễn phí đại học (tuition-free universities), bảo đảm công ăn việc làm (Universal jobs guarantee), lương tối thiểu 15 Mỹ kim và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).
Các kế hoạch này đều rất tốn kém nên rất khó được các dân biểu hay nghị sỹ ngay trong đảng Dân chủ bỏ phiếu thông qua.
Nhiều kế hoạch trên đã được thực hiện tại Úc và Tây Âu nhưng vì tốn kém mà người đi làm và doanh nhân phải chịu mức thuế rất cao nên dần dần bị hủy bỏ.
Nói cách khác khi còn trẻ vì lý tưởng người trẻ dễ tin vào triết lý dân chủ xã hội.
Nhưng khi trưởng thành sống với kinh nghiệm thực tế người trưởng thành sẽ cân đối hơn giữa trái tim nhân bản và dùng lý trí giải quyết bất công xã hội.
Những người dân chủ xã hội lại thường là những người chống độc tài và không khoan nhượng những vi phạm nhân quyền do các thể chế độc tài gây ra.
Một cách tích cực khuynh hướng dân chủ xã hội buộc các chính trị gia thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải lắng nghe tiếng nói của dân nghèo và đề ra các chính sách có lợi cho dân nghèo và cho nước Mỹ.
Đó chính là ưu việt của thể chế tự do dân chủ, không thể có được tại các quốc gia độc tài cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam.
Thực trạng Việt Nam : một giàu một nghèo
Tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam tệ hại hơn nước Mỹ rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trước đây, đảng cộng sản nắm độc quyền về cả chính trị lẫn kinh tế, nên xã hội "bình đẳng" trong nghèo đói.
Khi Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng toàn diện rồi sụp đổ, để sống còn đảng cộng sản phải mở cửa giao thương với nước ngoài, nhưng vẫn cố nắm độc quyền cả chính trị lẫn phương tiện sản xuất và phân phối.
Đến nay nhiều ngành như điện, nước, xăng, dầu, xuất nhập cảng gạo, cảng, vận tải, viễn thông, hàng không, ngân hàng,… vẫn tiếp tục chịu sự kiểm soát nặng nề của nhà nước, có ngành nhà nước vẫn giữ độc quyền.
Mô hình này tạo ra một tầng lớp tư sản mới hưởng đặc quyền, đặc lợi và tham nhũng bòn rút tài sản quốc gia.
Các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam hưởng lợi do tiền lương rẻ, ưu đãi về đất đai, về thuế vụ và được nhà nước bảo hộ.
Để thực hiện mục tiêu "tăng trưởng thô bạo" nền kinh tế Việt Nam đến nay chủ yếu dựa trên đầu tư và vay nợ quốc tế. Hậu quả là ngân sách thu ít, không đủ chi và phải trả nợ lời.
Tư liệu sản xuất là đất được biến thành nguồn vốn của nhà nước đã khiến không ít người dân mất đất, mất kế sinh nhai.
Một ví dụ là Thủ Thiêm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chia làm hai khu vực : một của giới nhà giàu với những cao ốc đầy đủ tiện nghi giàu có, một của các chủ đất chưa được đền bù sống bần cùng không có ngày mai.
Chiến lược tăng trưởng dựa trên bảo trợ công nghệ và xuất cảng ảnh hưởng xấu đến nông thôn.
Nông dân càng ngày càng nghèo nhưng hầu như không được nhà nước quan tâm hổ trợ. Chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng mở rộng.
Giới trẻ nông thôn phải rời lên thành thị tìm việc. Công việc tại thành thị ngày một khó kiếm và lợi tức thấp hơn làm chênh lệch giàu nghèo ngay trong thành thị ngày càng mở rộng.
Tầng lớp nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị chịu đựng bao đựng bao bất công xã hội, từ lợi tức thấp, giáo dục kém, y tế tồi,… nên chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội ngày một cách xa, là nguyên nhân của mọi tệ nạn xã hội.
Việc đấu tranh đòi quyền tự do vì thế cần tiến hành song song với đấu tranh cho một xã hội công bằng.
Có như thế người đấu tranh mới thực sự gần dân, do dân, vì dân và giải quyết được những vấn nạn xã hội do mô hình thể chế cộng sản gây ra.
Thay đổi thể chế để có 'chủ nghĩa xã hội' theo cách thực hiện công bằng xã hội đúng đắn chính là điều kiện để phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam thực sự bền vững, lâu dài.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 21/8/2018
Nguyễn Quang Duy
Miền Nam thiếu điện !
Sáng ngày 9/8/2018, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngô Sơn Hải cho biết :
"…Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Trong giai đoạn năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam".
Điện là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống dân miền Nam và phát triển kinh tế tại miền Nam, tuyên bố như trên cho thấy sự vô trách nhiệm và quản lý tồi tệ của thể chế độc quyền cộng sản.
Hiểu rõ ràng và chính xác sự việc giúp chúng ta đánh giá được hiện tình phát triển kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
Điện là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống dân miền Nam và phát triển kinh tế tại miền Nam
Thủ phạm Tập đoàn EVN
Ba Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 78% công xuất và sản lượng điện sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn EVN được Hà Nội giao độc quyền truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng.
Giá bán điện do Tập đoàn EVN, Bộ Công thương và Thủ tướng đưa ra, doanh nghiệp và người tiêu thụ bắt buộc phải chấp nhận giá bán và không được quyền thương lượng. Thế mà Tập đoàn EVN vẫn liên tục khai lỗ với lý do giá bán điện thấp hơn giá thành để đòi nhà nước cấp bù lỗ hay cho tăng giá điện.
Giá thành, mà Tập đoàn EVN đưa ra, nếu tính thêm phí tổn môi trường bị hủy hoại ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân, thì khoản thực lỗ vô cùng to lớn.
Tập đoàn EVN có thể cố tình liên tục tạo lỗ nhằm cản trở kế hoạch cổ phần hóa các nhà máy sản xuất tiếp tục nắm giữ độc quyền nghành điện và cản trở Việt Nam thực thi các ký kết với quốc tế về thị trường tự do.
Giá mua điện từ các nhà máy phát điện nhỏ và nhập khẩu cũng không rõ ràng. Bởi thế mới có thông tin Tập đoàn EVN nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 2-3 lần giá mua điện từ các nhà máy phát điện nhỏ trong nước.
Điều đang được dư luận nhắc tới là Tập đoàn EVN phải nhập cảng than để sản xuất điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần giá than đã bán cho Trung Quốc trước đây và cao hơn giá nhập cảng từ các quốc gia khác.
Để bảo vệ độc quyền ngành điện, Tập đoàn EVN tìm mọi cách ép giá mua, đồng thời tạo rào cản để các doanh nghiệp tư nhân và ngoại quốc không thể đầu tư sản xuất điện năng tại Việt Nam. Thiếu đầu tư vào sản xuất là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu điện cung cấp cho miền Nam cũng như cho cả nước.
Thiếu điện là rủi ro lớn nhất cho việc đầu tư vào các hoạt động kinh tế và cản trở phát triển kinh tế và xã hội tại miền Nam. Cản trở đầu tư là cản trở Việt Nam hội nhập vào cộng đồng thế giới ngày càng bảo vệ môi trường bằng cách gia tăng sản xuất điện gió và điện mặt trời.
Việc xóa bỏ độc quyền của Tập đoàn EVN vì thế phải là ưu tiên hàng đầu để thu hút đầu tư sản xuất và phân phối điện tạo một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh.
Có cạnh tranh lành mạnh các tệ nạn như lãng phí điện, quản lý tồi, cản trở đầu tư và sản xuất mới được giải quyết. Khi đó sản lượng điện sẽ tăng, giá thành sẽ giảm, giá điện tiêu thụ giảm, phát triển kinh tế và xã hội mới thực sự bền vững.
Vai trò của Samsung Việt Nam
Đương nhiên lỗi từ phía Hà Nội, nhưng trong một thời gian rất ngắn Samsung mở 2 nhà máy lớn, sản xuất càng ngày càng tăng nên nhu cầu về điện tăng cũng là nguyên nhân cho việc thiếu điện.
Ngày nay nhiều quốc gia khuyến khích cư dân sử dụng pin mặt trời tự cung cấp điện tiêu dùng, thừa thì bán, thiếu thì mua từ mạng điện quốc gia.
Samsung đầu tư lên đến chục tỷ Mỹ Kim để xây dựng hai nhà máy tại Bắc Ninh, mướn cả trăm ngàn công nhân, đang hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng mà lẽ nào không tự xây dựng nhà máy cung cấp điện.
Trang web Samsung Vietnam Newsroom cho biết công ty Samsung hướng đến cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho các hoạt động tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc và sẽ tiếp tục mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn thế giới.
Được biết Samsung mỗi ngày tiêu thụ chừng 1 triệu kWh như vậy chỉ cần đầu tư chừng 300 triệu Mỹ Kim xây 1 nhà máy điện mặt trời là Samsung có khả năng tự cung cấp điện, nếu dư có thể bán lại còn thiếu thì mua vào từ nguồn điện lực Việt Nam.
Làm như thế Samsung vừa tránh được rủi ro lệ thuộc nguồn điện, vừa đầu tư để sinh lời, vừa không làm ảnh hưởng đến nhu cầu điện lực của người Việt và của các doanh nghiệp nhỏ khác.
Muốn làm ăn lâu dài Samsung nên xem xét việc tự cung cấp điện cho sản xuất tại Việt Nam..
Thủy điện
Thủy điện là nguồn cung cấp điện lớn nhất tại Việt Nam, hầu như hoạt động hết công xuất và ít khả năng mở rộng sản xuất. Thủy điện gây nạn mất rừng, hủy hoại môi trường sinh thái, xói lở ở dòng sông, cưỡng bức di dân, xả lũ, vỡ đập, ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất của người dân.
Ở Việt Nam tất cả những chi phí kể trên người dân phải gánh chịu nên lập luận cho rằng giá thành thủy điện thấp nhất là hoàn toàn sai.
Việc không tính các chi phí xã hội vào giá thành là bóp méo thị trường cách tính này cần phải được thay đổi. Thủy điện thải khí nhà kính methane (CH4) và cả khí CO2. Lượng khí thải ra ngang như việc đốt dầu để sản xuất cùng số lượng điện.
Nhiều quốc gia trên thế giới nay đã chấm dứt việc xây đập thủy điện, thậm chí có nơi còn chấp nhận tốn tiền để phá bỏ như trường hợp ở Mỹ, Nhật.
Điện than
Việt Nam có khoảng 20 nhà máy điện than đang vận hành tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm.
Trong khi nhiều nước đã ngừng không xây dựng các nhà máy điện than mới thì Việt Nam lại dự định cho đến năm 2030 xây đến 80 nhà máy.
Trong các nguồn điện sử dụng nhiên liệu, nhiệt điện than thải khí nhà kính lớn nhất, để sản xuất 1 kWh điện, các nhà máy nhiệt điện than thải khoảng từ 0,8 - 1 kg khí CO2.
Các nhà máy nhiệt điện than còn thải ra nhiều chất độc hại như thủy ngân, khí SO2, CO, arsenic… Những chất thải này gây ra mưa axit, nguy hại đến sức khỏe và gây ung thư.
Nhiệt điện than tiêu thụ một lượng nước rất lớn để làm nguội máy, nước nóng từ nhà máy đưa ra lên đến 40 độ C nếu không để nguội xả ngay ra sông sẽ ảnh hưởng nặng đến môi trường.
Tro xỉ thải ra trong sản xuất cũng gây tác động đến môi trường, không khí, đất và phát sinh các chi phí xử lý. Nhiều thông tin cho thấy Tập đoàn EVN không có những phương cách cụ thể để xử lý khối than xỉ ngày càng gia tăng ở mức độ rất lớn.
Nếu tính thêm các chi phí xã hội phải gánh chịu thì giá thành điện than cao hơn giá thành từ điện gió và điện mặt trời.
Than nhập cảng đang tiếp tục tăng giá, nâng giá thành điện lên cao hơn. Tập đoàn EVN hàng năm phải nhập cảng hàng chục triệu tấn than, vì thế cần có nguồn than ổn định nếu không sẽ là rủi ro lớn cho việc sản xuất điện than tại Việt Nam.
Những nhà máy điện than có nguồn vốn, kỹ thuật và nhà thầu Trung Quốc đều gây ô nhiễm trầm trọng môi trường, thải nhiều khí nhà kiếng và tạo thành những núi phế liệu tro xỉ, khiến dân địa phương liên tục biểu tình phản đối.
Việc sử dụng công nghệ cao để sản xuất điện than sẽ giảm thiểu tàn phá môi trường nhưng đòi hỏi đầu tư cao và như thế sẽ tăng giá thành điện sản xuất.
Nhiều quốc gia đánh thuế trên than đá tương tự như thuế môi trường đánh trên xăng dầu tiêu thụ, để giá thành giữa điện than và điện tái tạo sẽ như nhau, nhằm tạo cạnh tranh và thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.
Ngoài nguồn thủy điện và điện than, Việt Nam còn sản xuất điện bằng dầu và khí đốt.
Việt Nam có tiềm năng khí đốt rất lớn vì thế điện sản xuất từ khí đốt nên được xem là một nguồn điện thay thế cho điện than.
Điện gió và điện mặt trời
Là nguồn năng lượng tự nhiên tái tạo, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và không gây tổn hại đến hệ sinh thái.
Nếu thị trường hoạt động thực sự tự do thì giá sản xuất từ điện gió, điện mặt trời hiện đã cạnh tranh được với điện than như đã trình bày phần trên.
Điện gió và điện mặt trời càng ngày càng được sử dụng nhiều hơn, giá đầu tư và giá thành cũng càng ngày càng giảm nên về lâu dài việc đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận hơn điện than.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã công khai ý định giúp Việt Nam phát triển năng lượng sạch thay thế điện than.
Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi về mặt địa hình, gió ven biển mạnh và liên tục, dễ khai thác và rất thuận lợi cho việc đầu tư các dự án điện gió, với tiềm năng khai thác rất lớn.
Việc xây dựng trang trại điện gió tại khu vực bãi bồi sẽ tận dụng được diện tích mặt biển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Các tỉnh miền Trung có nhiều đồi thoải mặt đất bằng phẳng, khí hậu ổn định, nhiều nắng, có nắng nóng quanh năm nên rất thuận tiện xây dựng các trang trại điện mặt trời.
Điện gió và điện mặt trời tốt cho môi trường và sức khỏe người dân, tạo ra ngành công nghiệp mới, tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương.
Cung cấp điện cho người dân nông thôn và vùng núi sẽ giúp giải quyết nạn đói nghèo, tạo công bằng xã hội, và như thế mới thực sự là phát triển kinh tế và xã hội.
Nhìn chung phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời chính là giải pháp nhằm nâng cao an ninh năng lượng và phát triển quốc gia.
Kết
Tập đoàn EVN là một điển hình của nhà nước độc quyền được đảng cộng sản sử dụng để bảo vệ độc quyền kinh tế và bóc lột người tiêu thụ.
Đầu năm 2015 cả Tập đoàn EVN và Bộ Công thương cùng hăm dọa "nếu không cho phép tăng giá điện, EVN sẽ phá sản và ngành điện Việt Nam sẽ sụp đổ".
Tập đoàn EVN phá sản là một điều đáng mừng cho người tiêu thụ vì có như thế thì ngành điện Việt Nam mới khá được.
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam bị phá sản thì đó là hồng phúc cho cả dân tộc Việt Nam, nhờ thế đất nước sẽ không bị phá sản, thực sự phát triển và phát triển bền vững.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 13/8/2018
Nguyễn Quang Duy
Hà Nội vẫn thường tự hào Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Nhưng ít ai ngờ rằng chính chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của Hà Nội là nguyên nhân khiến 15 triệu nông dân trồng lúa trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng đều nghèo hay rất nghèo.
Hà Nội vẫn thường tự hào Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.
Nông dân hy sinh 50% lợi nhuận nhằm bảo hộ công nghiệp xuất khẩu
Hà Nội bảo hộ công nghiệp bằng cách giảm giá đồng tiền giúp hàng công nghiệp xuất khẩu rẻ hơn.
Giảm giá đồng tiền làm giảm giá gạo Việt Nam bán ra trên thị trường quốc tế và làm giảm thu nhập của nông dân trồng lúa.
Khi đồng tiền bị giảm giá thì giá phân bón, nhiên liệu, thuốc trừ sâu, máy móc nhập cảng đều mắc hơn làm tăng giá thành gạo và lại giảm xa hơn lợi nhuận nông dân có thể thu được.
Riêng việc dùng đồng tiền để bảo hộ công nghiệp đã cướp đi 50% lợi nhuận của nông dân.
Chính phủ Thái Lan trợ giá gạo bằng cách mua lúa của nông dân, sau đó sẽ bán lại cho các công ty xuất khẩu. Mức trợ giá là từ 14 tới 15.000 baht/tấn lúa, tính ra cao hơn mức giá thị trường toàn cầu từ 40 đến 50%.
Trong vụ mùa 2018–19, chính phủ Thái sẽ hỗ trợ chừng 3 tỷ Mỹ kim cho cho ngành lúa gạo, gồm những khoản cho vay và khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân.
Nếu nông dân đồng ý giữ lúa trong kho và bán ra khi được giá, họ sẽ được trợ giá để có thể thu về 17.050 baht/tấn gạo Hom Mali, 15.450 baht/tấn gạo nếp, 12.000 baht/tấn gạo trắng và 12.900 baht/tấn gạo thơm Pathum Thani.
Trung Quốc, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và các quốc gia nhập cảng gạo khác đều bảo vệ gạo nội địa bằng cách đánh thuế và giới hạn số gạo nhập cảng.
Ngày 1/7/2018, Trung Quốc điều chỉnh mức thuế nhập cảng gạo từ 40% tăng lên 50%.
Nhìn vào con số Thái Lan và Trung Quốc bảo trợ nông dân xứ họ, ta có thể ước tính nông dân Việt Nam đã hy sinh đến 50% lợi nhuận so với giá xuất khẩu mà không hề được Hà Nội bồi hoàn hay bảo trợ.
Lý do này hầu như không được các chuyên gia tại Việt Nam nêu lên ngay cả họ biết và biết rất rõ sự việc.
Những vòi bạch tuộc hút máu nông dân
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) một tổ chức được Hà Nội thành lập nhằm quản lý thị trường gạo và bảo đảm số gạo xuất khẩu theo kế hoạch của Hà Nội.
Mang tiếng là hiệp hội nhưng nó không hề đại diện cho tầng lớp nông dân, không đại diện thương nhân trung gian, mà cũng không đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trong thị trường lúa gạo.
Nó chỉ đại diện cho một số doanh nghiệp lớn, đều là doanh nghiệp nhà nước, hội đủ các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo do Hà Nội đưa ra là phải có kho trữ gạo lớn, nhà máy xay xát thóc lớn và có vốn nhiều.
Cơ cấu quản lý thị trường gạo vì thế vẫn như thời bao cấp, doanh nghiệp nhà nước độc quyền thu mua và xuất khẩu gạo theo kế hoạch nhà nước.
Hà Nội đã lừa gạt thế giới vì khi họ gia nhập WTO họ đã đồng ý sẽ dần dần xóa bỏ doanh nghiệp nhà nước tạo công bằng trong thương mãi.
Nắm độc quyền xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng ký những hợp đồng với giá gạo rẻ hơn giá thị trường. Vì thế giá gạo Việt Nam thường rẻ hơn giá gạo Thái Lan cùng loại có khi lên tới cả 100 Mỹ Kim.
Người nông dân Việt Nam thường ít ruộng, không vốn để giữ lúa, không chỗ chứa, ít thông tin về giá cả và mất quyền thương lượng bị doanh nghiệp nhà nước ép phải bán theo giá nhà nước đưa ra nên lợi nhuận còn lại rất thấp.
Cơ chế này không khác gì các vòi bạch tuộc hút máu nông dân, công sức và lợi nhuận nông dân bị cắt xén nên ngay cả khi được mùa nông dân vẫn chỉ đủ sống.
Tính trung bình nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thu nhập không quá 100 Mỹ Kim mỗi tháng, thấp hơn lợi tức nông dân trồng lúa Thái Lan 2,7 lần và 1,5 lần thấp hơn so với Nam Dương và Phi Luật Tân.
Gạo sạch, ngon, thơm
Chạy theo định mức xuất khẩu là nguyên nhân lâu nay Việt Nam chỉ sản xuất gạo thường, sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu nên phải bán giá rẻ.
Trong khi đó nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước dần dần chuyển sang gạo sạch, ngon và thơm.
Ngay thị trường quốc nội khi lợi tức cao hơn người dân mua gạo Thái Lan và cả gạo Kampuchia về ăn.
Là quốc gia hàng đầu sản xuất gạo mà không thể cạnh tranh được với gạo Thái, gạo Kampuchia ngay trong nước là một nghịch lý khó có thể chấp nhận được.
Điều cần nói là giá gạo Thái, gạo Kampuchia lại cao hơn giá gạo Việt Nam xuất khẩu rất nhiều.
Nói cách khác nông dân Việt Nam nghèo vì họ không được khuyến khích và mất đi cơ hội sản xuất các loại gạo có giá trị lợi nhuận cao nhằm nâng cao đời sống của họ và gia đình.
Nhiễm thuốc trừ sâu
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng tháng 5/2018 Việt Nam nhập cảng 110 triệu Mỹ Kim thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ.
Mỗi năm nông dân tiêu thụ đến cả 100 ngàn tấn thuốc trừ sâu, hơn 50% là nhập cảng từ Trung Quốc.
Việc nhiễm thuốc trừ sâu vì vậy không chỉ xảy ra với nông dân mà những người ở thành phố cũng có nguy cơ nhiễm thuốc còn tồn dư trong thực phẩm như gạo, rau, quả, cá, tôm hay gia súc nuôi bằng thực phẩm nhiễm độc.
Khi ngộ độc thuốc trừ sâu, chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, gây suy nhược cơ thể, ung thư, ở phụ nữ dễ bị sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ,...
Nghĩa là cả một dân tộc và nhiều thế hệ tiếp nối đang đối đầu với ô nhiễm thuốc trừ sâu chỉ vì đảng và nhà nước cộng sản chạy theo đồng tiền xuất khẩu.
Quyền tư hữu đất đai
Với nông nghiệp, quyền tư hữu đất đai vô cùng quan trọng, bao gồm quyền sử dụng đất, quyền hưởng lợi và quyền mua bán. Quyền này đến nay nông dân Việt vẫn chưa có.
Có quyền tư hữu người dân mới yên tâm mua thêm đất, mở rộng cơ nghiệp, mới chí thú và mạnh dạn phát triển kinh tế nông thôn, mới đầu tư vào máy móc trang thiết bị nhằm tăng năng suất và sản lượng sản xuất.
Nông thôn có phát triển mới thu hút được đầu tư vào hạ tầng cơ sở, thu hút nhân tài về phát triển nông thôn, thu hút đầu tư vào công nghiệp nhẹ sản xuất ngay tại nông thôn...
Nông thôn có phát triển thì đời sống nông dân mới khá hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị mới thu hẹp, người trẻ không rời lên đô thị kiếm sống, giảm gánh nặng cho đô thị, đất nước mới thực sự phát triển.
Các yếu tố khác như các đập thủy điện đầu nguồn ngăn chặn lượng nước phù sa, gây lụt lội, nước mặn xâm nhập, việc lạm dụng nước giếng cho sản xuất và tiêu dùng, việc khai thác cát trên sông,… đều ảnh hưởng đến môi trường sống và lợi tức của người trồng lúa.
Kết luận
Rõ ràng nông dân dù làm việc rất cực khổ nhưng vẫn nghèo là do chiến lược bảo hộ xuất khẩu công nghiệp và guồng máy quản lý thị trường của Hà Nội.
Hiện nay Liên Hiệp Châu Âu đang thúc đẩy Việt Nam cải cách kinh tế để được Quốc Hội Âu Châu đồng ý thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam-EU.
Nhưng kinh nghiệm cho thấy Hà Nội luôn tráo trở và lừa bịp nên việc cải cách kinh tế chỉ là điều kiện cần còn thay đổi thể chế chính trị mới là điều kiện đủ.
Có tự do bầu cử tự do ứng cử nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị mới có cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe, quyền lợi của họ mới được các đảng chính trị và chính quyền bảo đảm thực thi và như thế đời sống của họ mới thực sự thoát khỏi nghèo đói.
Melbourne, Úc Đại Lợi
Nguyễn Quang Duy
(06/08/2018)
Năm 2017, Samsung Việt Nam đạt doanh thu gần 64 tỷ Mỹ Kim, giá trị xuất cảng đạt trên 54 tỷ Mỹ Kim, chiếm trên 25% tổng giá trị xuất cảng của Việt Nam, lợi nhuận ròng đạt 5,8 tỷ Mỹ Kim và góp phần giải quyết việc làm cho 160.000 lao động.
Nửa đầu của năm 2018 Samsung lại tiếp tục mở rộng sản xuất, xuất cảng và lợi nhuận một cách khủng khiếp. Nhìn vào những con số đủ thấy Samsung đang đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Chiến tranh thương mãi Mỹ Trung là cơ hội để chúng ta suy ngẫm về phương cách phát triển đất nước dựa trên các công ty đa quốc gia như Samsung.
Samsung đang đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đầy bất công…
Trên lý thuyết khi thị trường lao động bảo hòa tiền lương sẽ quyết định bằng năng suất lao động và sẽ tương đương giữa các nước theo kinh tế thị trường.
Đầu năm 2018, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) có cho biết :
"Tôi có hỏi Tổng giám đốc Samsung Bắc Ninh về năng suất lao động bình thường người Việt làm cho công ty này họ chỉ học hết phổ thông và có đào tạo 1-2 tháng, so với Hàn Quốc thế nào. Ông ấy trả lời sau một vài năm đạt được 80% năng suất lao động của Hàn Quốc. Điều đó lý giải vì sao Samsung lại đầu tư nhiều vào Việt Nam. Bởi vì năng suất bằng 80% nhưng tiền lương lại bằng 30%”.
Sáng ngày 28/11/2017, bên lề hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc Samsung cho biết :
“Năng suất lao động của người Việt Nam không hề thấp. Khi so sánh với người Hàn Quốc cũng đạt tầm 98 – 99%, gần như tương đương. Ở công ty khác thì chúng tôi không biết nhưng ở Samsung thì là như vậy”.
Các nhà máy Samsung tại Việt Nam sản xuất gia công theo dây chuyền được cài đặt một tốc độ cố định. Vì thế bất kể người làm việc trên dây chuyền là người nước nào đều làm việc như nhau. Nói cách khác người chạy theo máy nên năng suất lao động là cố định.
Nhưng thực tế thật phũ phàng cũng ông Bang Hyun Woo trong Hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 tổ chức ngày 30/3/2018, lại kiến nghị :
“Chính phủ xem xét về quy định giờ làm thêm, đồng thời không nên tăng chi phí nhân công quá nhanh nếu muốn tạo sự cạnh tranh lao động với các nước trong khu vực”.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động ngày 25/7/2018 vừa qua, Chủ tịch Công đoàn khẳng định mức lương tối thiểu vùng cần được xem xét, điều chỉnh tăng lên vì hiện chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Cho đến nay tại Việt Nam chưa thể gọi đó là tăng lương được mà chỉ nên gọi là điều chỉnh mức lương theo lạm phát để mức sống của người lao động có thể đuổi kịp mức độ lạm phát.
Nhưng khi tăng lương lạm phát lại tăng và cứ thế Việt Nam chưa bao giờ bảo đảm được mức sống tối thiểu cho người lao động.
Làm cùng một công việc, năng suất lao động không khác nhau, sản lượng sản xuất như nhau nhưng lương của công nhân Việt Nam chỉ bằng 30% lương công nhân Nam Hàn và chỉ bằng 1/2 lương công nhân Trung Quốc.
Nếu tính riêng mức độ lạm phát về nhu yếu phẩm tại Việt Nam rất cao và tăng nhanh hơn Trung Quốc và Nam Hàn thì tiền lương thực sự của giới lao động Việt Nam càng ngày càng thua xa tiền lương hai nước nói trên.
Rõ ràng nhà nước vì mục tiêu kinh tế và chủ nhân vì lợi nhuận đồng lõa kềm hãm tăng lương cho công nhân. Công đoàn quốc doanh ăn lương chủ, làm cho nhà nước vì thế cuộc sống công nhân ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Nếu Việt Nam có tự do, công đoàn sẽ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Người công nhân làm việc tại Samsung có quyền thương lượng với chủ tăng mức lương lên gấp đôi như công nhân Trung Quốc hay gấp ba như công nhân Nam Hàn.
Công nhân Mỹ - Việt đều bị đối xử bất công
Cùng làm một công việc với một năng suất lao động tương tự công nhân Mỹ lại nhận lương gấp 10 lần lương công nhân Việt.
Lương công nhân Việt thấp thì giá thành sản phẩm xuất cảng cũng thấp, nhờ vậy sản phẩm sản xuất tại Việt Nam dễ dàng khuynh đảo thị trường Hoa Kỳ.
Hãng xưởng Hoa Kỳ phải đóng cửa, công nhân Hoa Kỳ bị mất việc nên họ mới bầu cho Tổng thống Donald Trump để ông ấy đòi công bằng cho công nhân Mỹ.
Nhưng điều cần nói rõ là một cách gián tiếp ông Tổng thống Hiệp Chủng Quốc cũng đang đòi công bằng cho công nhân Việt Nam.
Vừa rồi, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu ông Bernd Lange cho biết Việt Nam cần đưa ra những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc với 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để thuyết phục các Nghị sĩ Châu Âu sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA).
Trong 3 công ước cơ bản có việc nhà cầm quyền Việt Nam phải cho thiết lập các Công Đoàn Tự Do và Nghiệp Đoàn Tự Do. Đây cũng là đòi hỏi của Hoa Kỳ.
Thặng dư thương mãi với Mỹ
Samsung xuất cảng trên 54 tỷ Mỹ Kim năm 2017 bằng ¼ xuất cảng Việt Nam, chừng 3 tỷ Mỹ Kim sang Hoa Kỳ.
Nhưng lên đến 70% nguyên liệu đưa vào sản xuất tại Samsung nhập cảng từ Nam Hàn và Trung Quốc nên thực chất Việt Nam chỉ là nước gia công. Samsung chỉ mượn Việt Nam làm nơi gia công và xuất cảng sang các nước khác.
Thặng dư thương mại là lý do Tổng thống Trump tuyên bố trừng phạt Trung Quốc.
Nam Hàn và Việt Nam cũng đã được ông Trump chính thức nhắc nhở cần cân bằng thặng dư thương mãi.
Ngày 5/10/2017, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ra tuyên bố máy giặt của hai tập đoàn lớn Nam Hàn là Samsung Electronics và LG Electronics được sản xuất ở nước ngoài đang gây phương hại cho ngành sản xuất nội địa Mỹ.
Những điều đó cho thấy Samsung và Việt Nam đã nằm trong tầm nhắm của chiến tranh thương mãi.
Hạ giá tiền Việt Nam bảo vệ Samsung
Để đáp trả chiến tranh thương mãi, Trung Quốc liên tục giảm tỷ giá đồng Nhân dân tệ, làm hàng xuất cảng Trung Quốc rẻ hơn nên giành lợi thế trên thị trường Mỹ, còn hàng Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc mắc hơn nên Mỹ mất thế cạnh tranh.
Đồng Việt Nam vì dựa trên đồng Mỹ Kim, nên để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng phải cho hạ giá theo đồng Nhân Dân Tệ.
Nhưng khi đồng Việt Nam hạ giá thì giá hàng nhập cảng vào Việt Nam lại tăng lên tạo lạm phát cho Việt Nam.
Samsung chiếm 1/4 giá trị xuất cảng nên việc Việt Nam hạ giá đồng tiền nhằm bảo vệ xuất cảng thì Samsung được hưởng lợi nhiều nhất và mạnh nhất.
Nói cách khác nhà nước Việt Nam phải thường xuyên can thiệp để bảo vệ sản xuất, xuất cảng và lợi nhuận cho công ty đa quốc gia Samsung.
Trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ hay nông dân phải mua hàng, nguyên vật liệu từ nước ngoài với giá cao hơn và cuối cùng người tiêu thụ phải gánh chịu mọi thiệt hại từ lạm phát.
Đáng tiếc tiếng nói của các doanh nghiệp nhỏ, của nông dân, của người tiêu thụ những người bị thiệt thòi không được đảng và nhà nước nghe thấy. Họ phải âm thầm chịu đựng mọi bất công.
Lợi nhuận, tiền thuê đất và thuế
Vào năm 2017, 4 công ty Samsung lợi nhuận ròng đạt 5,8 tỷ Mỹ Kim. Trong khi đó thuế cho nửa đầu năm 2017 chỉ 186 triệu Mỹ Kim. Ước tính cả năm thuế chỉ hơn 6% trên lợi nhuận ròng.
So với mức thuế doanh nghiệp 20% cho các công ty do người Việt bỏ vốn. Bất công đến thế chả trách người Việt có chút vốn vội vàng tìm cách sang Mỹ, sang Âu, sang Úc đầu tư.
Nhờ được ưu đãi, Samsung đã tiết kiệm được vài tỷ Mỹ kim tiền thuế thu nhập doanh nghiệp không phải nộp.
Chưa kể Samsung được nhà cầm quyền địa phương ưu đãi cho thuê đất với giá cực kỳ rẻ.
Việt Nam như một thiên đường nhân công rẻ, thuế rẻ, tiền thuê đất rẻ, và nhà nước luôn quan tâm bảo hộ để Samsung tiếp tục tăng vốn đầu tư và chuyển thêm hoạt động sản xuất vào Việt Nam. Samsung càng đầu tư lại càng được ưu đãi.
Ngược lại doanh nghiệp nhỏ và người dân phải chịu bao nhiêu thứ thuế, thứ phí và thiệt thòi để làm giàu các đại công ty đa quốc gia.
Điều đáng nói là ngân sách nhà nước ngày càng thất thu và nợ công ngày càng tích lũy không biết đến bao giờ mới trả xong.
Tiếng nói của các doanh nghiệp nhỏ và người dân gần như không có, nên nhà nước lại tiếp tục đẻ thêm nhiều thứ thuế thứ phí để tiếp tục bảo hộ các công ty đa quốc gia.
Nền kinh tế mất cân đối
Năm 2017, Samsung Việt Nam đạt doanh thu gần 64 tỷ Mỹ Kim, tăng 31% so với năm 2016.
Riêng quý 1 năm 2018, Samsung đạt 20,5 tỷ Mỹ Kim, tăng 57% với lợi nhuận 2,08 tỷ Mỹ Kim, tăng 60% so với cùng kỳ.
Đó là chưa kể doanh thu của 29 công ty cung ứng cho Samsung và chung quanh các khu công nghiệp của Samsung, các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ cũng mọc lên như nấm.
Trong khi đó GDP cả nước hay quy mô nền kinh tế chỉ 220 tỷ Mỹ Kim, tăng 6,81% so với năm 2016.
Nếu trừ ra những đóng góp Samsung sẽ thấy rõ thực trạng tăng trưởng và năng suất lao động của Việt Nam quá quá là thấp.
Những con số nói trên còn cho thấy nền kinh tế Việt Nam dựa nặng nề trên một công ty đa quốc gia ngoại quốc. Tăng trưởng GDP và lợi nhuận sẽ lại được Samsung chuyển ngược về Nam Hàn.
Vài năm trước Samsung đã từng rời hầu hết các cơ xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Biết đâu chừng vài năm nữa Samsung lại rời sang Bắc Hàn nơi có được nhiều lợi nhuận hơn lại cùng một dân tộc, một ngôn ngữ.
Và khi đó Samsung sẽ để lại Việt Nam một bãi rác công nghiệp khổng lồ.
Việt Nam không được hưởng lợi gì ngoài giải quyết công ăn việc làm cho một số công nhân.
Cái giá Việt Nam phải trả là ưu đãi cho tiền thuê đất, giá nhân công, thuế thu nhập đều thật thấp, nhưng ô nhiễm môi trường, rác thải công nghiệp ngày càng gia tăng.
Sự thật về chiến lược thu hút đầu tư cho xuất cảng
Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập cảng Việt Nam đạt xấp xỉ 425 tỷ Mỹ Kim, gần gấp 2 lần quy mô nền kinh tế là 220 tỷ Mỹ Kim.
Với tỷ trọng xuất nhập cảng phần lớn thuộc về các công ty đa quốc gia, chiếm gần 73%, cho thấy Việt Nam chỉ đang gia công và xuất cảng thay các doanh nghiệp nước ngoài bằng việc bán rẻ tài nguyên và nhân lực.
Một nền kinh tế dựa vào gia công và xuất nhập cảng như vậy quá sức rủi ro, nhất là khi chiến tranh thương mãi ngày càng gia tăng và chưa rõ kết thúc ra sao.
Nói cách khác tăng trưởng kinh tế do người nước ngoài đóng góp, còn nội lực của Việt Nam thì hầu như không còn.
Người nước ngoài nắm kinh tế nên lợi ích lại về tay người nước ngoài.
Người dân ngày càng kiệt quệ vì thuế, phí, lạm phát, môi trường ô nhiễm, mất an ninh. Thuế phí cao nhưng an sinh xã hội rất thấp vì nguồn tiền phải đổ vào bảo vệ các công ty đa quốc gia như Samsung.
Nhà nước chi nhiều hơn thu càng ngày càng nặng nợ nước ngoài và mất dần khả năng trả nợ.
Khi Tiền và Quyền kết duyên
Sumsung có một thành tích đáng ghi nhận là ông Lee Jae-yong người thừa kế tập đoàn Samsung đã hối lộ cựu tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye khiến bà bị truất phế.
Ông Lee Jae-yong đã đưa 8,8 tỷ won (tương đương 8,1 triệu USD) cho bà Park Geun-hye qua bạn thân của bà Park là bà Choi Soon-sil để đổi lấy việc bà Park hậu thuẫn ông cho sáp nhập 2 chi nhánh chủ chốt của Samsung mở đường chuyển giao quyền lãnh đạo Samsung từ cha ông là Chủ tịch Lee Kun-hee sang cho ông.
Ngày 25/8/2017, ông Lee Jae-yong bị tuyên án 5 năm tù, nhưng sau 1 năm ở tù ngày 5/2/2018 ông được Tòa phúc thẩm giảm án 2 năm rưỡi tù cho hưởng án treo.
Có tiền là có quyền. Việc Samsung chọn Việt Nam để mở rộng đế quốc kinh tế phần khác là vì Việt Nam còn là thiên đường của tham nhũng.
Samsung hưởng lợi. Giới chức cầm quyền chia lời. Người dân chịu thiệt thòi. Môi trường hủy hoại. Nhà nước mang nợ. Thế hệ tới trả nợ.
Đó chính là mặt thật của các công ty đa quốc gia như Samsung.
Melbourne, Úc Đại Lợi
Nguyễn Quang Duy
(28/07/2018)
Chiến tranh thương mãi ngày càng leo thang, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế trên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ trị giá lên đến 500 tỷ Mỹ kim.
Về tiền tệ và tín dụng, ông chỉ trích Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác thao túng tiền tệ và ghìm lãi suất thấp hơn, trong khi Mỹ lại tăng lãi suất, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Ông nhận xét không có một sân chơi công bằng cho nước Mỹ và liên tục đưa ra nhưng chỉ trích thế giới làm nhiều người lo sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba.
Donald Trump va Vladimir Putin muốn bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Chiến tranh hạt nhân
Tổng thống Trump phát biểu trước cuộc họp riêng với Tổng thống Nga Putin như sau : "Tôi thực sự nghĩ là thế giới muốn thấy chúng ta hòa hợp. Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân. Chúng ta sở hữu 90% vũ khí hạt nhân, và đó là điều không tốt. Đó là điều xấu”.
Chiến tranh hạt nhân nỗi ưu tư hàng đầu thúc đẩy hai ông Putin và Trump có cuộc gặp riêng này. Trong cuộc họp họ cũng chia sẻ quan tâm về Kim Jong-un, về Bắc Hàn và về Trung Quốc hai quốc gia có vũ khí hạt nhân khác.
Trở lại chuyện Bắc Hàn, cuộc họp giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore đã kết thúc bằng Tuyên bố chung Bắc Hàn cam kết nhanh chóng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đó là cớ để Mỹ luôn kêu gọi ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhắc nhở các quốc gia trên thế giới phải tiếp tục thi hành các biện pháp chế tài cho đến khi nào Bắc Hàn thực hiện lời hứa.
Nga và Trung Quốc ở ngay cạnh Bắc Hàn nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra hai quốc gia này sẽ nhận lãnh hậu quả khó lường.
Với Bắc Hàn chiến thuật cây gậy và củ cà rốt xem ra có hiệu quả. Ông Kim đã tỏ ra xuống nước không dám đe dọa Mỹ như trước đây còn bày tỏ mong muốn cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên thể chế chính trị như khối trục Bắc Kinh - Hà Nội hiện nay.
Điều đó cho thấy ông Trump dành mọi nỗ lực để giảm thiểu khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân và nếu có chiến tranh quân sự Nga ít nhất giữ vị thế trung lập không đứng về phe đối phương.
Tiếp tục cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ tuần qua, ngày 21/7/2018 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng nhau thảo luận về triển vọng bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Trong thời điểm hiện nay đây là một dấu hiệu vô cùng tích cực không chỉ riêng cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới. Thế đối đầu Mỹ Nga cần thay đổi để Mỹ có thể tập trung giải quyết tàn dư cộng sản.
NATO tăng ngân sách quốc phòng
Trái với thái độ vồn vã khi gặp ông Putin, trước đó ông Trump liên tục công kích một số quốc gia NATO vì không chịu gia tăng ngân sách quốc phòng.
Mỹ phải chi ra hơn 3,5% GDP và đến nay Mỹ đã đóng góp 70% chi phí NATO. Trong khi đó đến cuối năm 2018 chỉ có 5 quốc gia NATO chi 2% GDP. Hầu hết các cường quốc Âu Châu chỉ chi khoảng 1% GDP, Pháp 1,8%, Đức 1,2%, và Ý 1,2%.
Ông Trump cho biết trong tình trạng đối đầu giữa khối NATO và Nga chiến tranh quân sự rất dễ dàng xảy ra.
Nếu có chiến tranh xảy ra với ngân sách quốc phòng hạn hẹp các nước trong khối NATO không có khả năng chống đỡ, Mỹ lại sẽ phải điều quân trợ giúp và như thế là không công bằng cho nước Mỹ.
Ông Trump thậm chí còn nói rõ nếu được Quốc Hội cho phép ông sẽ rút Mỹ khỏi khối NATO vì ngày nay các cường quốc Âu Châu đã đủ mạnh để tự phòng vệ.
Đầu tháng 7/2018 trước khi sang Châu Âu ông Trump nhận định : “Liên minh Châu Âu tồi tệ như Trung Quốc, chỉ có điều ở quy mô nhỏ hơn. Những gì họ làm với Mỹ thật tồi tệ”.
Ông cho biết : “Năm ngoái, với Mỹ Châu Âu đạt 151 tỉ Mỹ kim thặng dư thương mại. Mỹ chịu thâm hụt nặng với EU trong khi vẫn chi một khoản lớn vào NATO để bảo vệ họ”.
Chỉ vài tháng trước ông Trump từng ca ngợi Ba Lan khi chi hơn 10 tỷ Mỹ Kim mua hệ thống Patriot của Mỹ.
Đương nhiên Mỹ hưởng lợi từ việc bán vũ khí cho Ba Lan, nhưng đến khi Ba Lan cần trợ giúp quân sự thì Mỹ cũng sẵn sàng. Đôi bên cùng có lợi.
Khi toàn khối NATO gia tăng khả năng phòng thủ thì Nga sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi nghĩ đến chuyện chiến tranh.
Khi đó Mỹ đễ dàng chuyển quân sang khu vực Thái Bình Dương, mặt trận chiến lược mà Mỹ cần gia tăng bảo vệ và kiểm soát.
Đơn giản thủ tục bán vũ khí…
Ngày 19/4/2018 Tòa Bạch Ốc công bố chính sách đơn giản hóa thủ tục bán vũ khí cho các nước đồng minh. Thủ tục sẽ rút ngắn việc mua vũ khí Mỹ từ vài năm xuống còn vài ngày giúp cho các đồng minh có được vũ khí một cách nhanh chóng.
Trở về Á Châu từ khi nhậm chức ông Trump liên tục thúc đẩy Nhật và Nam Hàn gia tăng ngân sách quốc phòng và tăng trả chi phí đóng quân Mỹ tại hai quốc gia này.
Ngày 18/4/2018 vừa qua, Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định đảo Senkaku được áp dụng cho Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật và cam kết quân đội Mỹ tiếp tục trách nhiệm phòng vệ cho Nhật.
Riêng Đài Loan ông Trump mở rộng quan hệ ngoại giao, ký thêm nhiều hợp đồng bán khí giới, tập trận chung và gần đây nhất là việc đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan.
Ấn Độ một quốc gia luôn đối đầu với Trung Quốc và là một đồng minh mới của Mỹ được ông Trump đặc biệt quan tâm.
Ông Trump đã điện thoại trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngay sau ngày nhậm chức. Thời gian qua Ấn Độ cũng chuyển sang mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn mua vũ khí Nga.
Ông Trump vốn xuất thân là một thương gia nên việc gì cũng cần phải có hợp đồng với những con số rõ ràng, nên từ khi nhậm chức, ông đã bán được nhiều vũ khí cho Mỹ.
Ngân sách quốc phòng Mỹ
Cuối năm 2017, Quốc Hội Mỹ thông qua ngân sách dự chi 692 tỷ Mỹ kim chừng 3,5% GDP cho quốc phòng năm 2018. Con số này vượt quá 37 tỷ Mỹ kim chính phủ Mỹ đề nghị và hơn 100 tỷ so với năm 2016 thời Tổng Thống Obama.
Điều này chứng tỏ không riêng ông Trump mà Quốc Hội đã nhận thấy nước Mỹ cần gia tăng quốc phòng để ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm một trật tự mới cho thế giới.
Trong hai cuộc thế chiến trước đây Mỹ đứng ngoài vòng chiến đến phút cuối. Nhưng lần này nếu chiến tranh xảy ra Mỹ sẽ phải tham dự từ ngay phút đầu và có khi cũng là nước đầu tiên bị tấn công.
Rõ ràng chiến lược của ông Trump là giảm thiểu xảy ra chiến tranh, tăng phòng thủ để giảm thiểu chiến tranh, giảm thiểu tổn thất, nhanh chóng giành chiến thắng và tăng sản xuất vũ khí để sẵn sàng khi xảy ra chiến tranh.
Tổng Thống Reagan và cuộc chạy đua vũ trang
Ngày 8/1/1979 Việt Nam đánh chiếm Campuchia. Sang ngày 17/2/1979 Trung Quốc đánh chiếm một số tỉnh phía Bắc Việt Nam sau đó rút quân.
Chiến tranh Việt – Trung và Việt – Campuchia kéo dài 10 năm, Việt Nam duy trì chiến tranh dựa trên viện trợ Liên Xô và Khối Đông Âu. Cuối cùng Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia và phải sang Trung Quốc ký hiệp ước Thành Đô đầy tai tiếng.
Đến tháng 12/1979, Liên Xô đổ quân vào Afghanistan giúp chính phủ theo phe cộng sản, trấn áp các lực lượng chống cộng. Trong 10 năm Liên Xô sa lầy trong cuộc chiến tranh cuối cùng phải rút quân.
Cộng sản ở Phi Châu lúc bấy giờ cũng đang hồi thắng thế. Mối đe dọa thế giới tự do sẽ bị cộng sản dùng vũ lực thôn tính chưa bao giờ cao như giai đoạn đầu thập niên 1980.
Tháng 1/1981, Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức ông cho tăng cường kho võ khí của Mỹ ở mức khủng khiếp. Liên Xô phải chạy đua vũ trang, nhưng kinh tế không đủ sức chịu đựng nên sụp đổ.
Khi ấy khá nhiều người đã công khai lo ngại thế chiến thứ ba sẽ bùng nổ và Mỹ - Liên Xô sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử.
Cựu Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher cho rằng : “Tổng thống Ronald Reagan đã giành chiến thắng trong chiến tranh lạnh mà không cần bắn một phát đạn nào”.
Phải chăng ông Trump đang đưa Trung Quốc vào chiến tranh thương mãi, chiến tranh tiền tệ và chiến tranh tín dụng cùng một lúc để đánh đổ Trung Quốc và các nước cộng sản còn lại mà không cần bắn phát đạn nào ?
Bất ổn nội bộ đảng Cộng sản
Nhìn chung Trung Quốc chưa bao giờ nghĩ tới chiến tranh thương mãi nên xây dựng một thể chế kinh tế hoàn toàn dựa vào xuất khẩu sang Mỹ và ra thế giới.
Tập Cận Bình mặc dù đã biết trước việc Mỹ trừng phạt kinh tế từ khi ông Trump nhậm chức nhưng khá bị động trước tình thế liên tục bị tấn công.
Việc trả đũa của Trung Quốc bị nhiều người nhận xét là thất sách vì cán cân chiến thắng nghiêng hẳn về phía Mỹ và chọc giận ông Trump đưa ra những quyết định ngày một mạnh hơn.
Trong nội bộ đảng Cộng sản lại luôn tồn tại tranh giành quyền lực vì thế chiến tranh thương mãi là cơ hội để các cánh trong đảng quy trách nhiệm cho Tập Cận Bình.
Ông Tập từng đưa ra các học thuyết như Tư tưởng Tập Cận Bình, Giấc mộng Trung Quốc, Dung nạp Thái Bình Dương, Một vành đai – Một con đường hay đeo đuổi chủ thuyết Nắm vững Trung, hướng về Nam, mở rộng Hải của Mao Trạch Đông.
Giờ là lúc ông bị chỉ trích là tự tạo ra sức mạnh ảo tưởng, tinh thần sung bái cá nhân, biểu lộ ý đồ xưng bá thế giới, gây chiến với Mỹ và thế giới.
Giới quan sát cho biết mâu thuẫn nội bộ đảng Cộng sản được đưa ra công khai, nhiều biểu hiện bất thường cũng xuất hiện trong công tác tuyên truyền, ăn khớp các thông tin nêu trên.
Cũng có tin cho rằng Hội nghị Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc vào đầu tháng 8 sẽ tập trung thảo luận về ba yếu tố chính : Thứ nhất, làm thế nào để đối phó cuộc chiến thương mại ; thứ hai, quản lý và kiểm soát rủi ro tài chính và tín dụng ; và thứ ba, điều chỉnh phong cách lãnh đạo từ bỏ tệ sùng bái cá nhân, thay vào đó là làm nổi bật vai trò lãnh đạo tập thể.
Cũng cần biết sau Hội nghị Bắc Đới Hà năm trước 2017 Trung Quốc quyết định kềm chế các địa phương đi vay, kiểm soát nợ công, nguồn rủi ro lớn cho sự ổn định tài chính và kinh tế Trung Quốc. Nghĩa là đã giảm chi tiêu.
Nay cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ làm tăng trưởng kinh tế trên đà tụt dốc, việc thu chi bắt buộc phải tính toán lại. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn phải thắt lưng buộc bụng không còn tung tiền mua ảnh hưởng như trước đây.
Nói tóm lại chỉ có trong cơn điên Trung Quốc mới khai chiến quân sự với Mỹ và nếu có cũng chỉ được hậu thuẫn bởi thành phần bán mình cho giặc đang nằm trong đảng Cộng sản Việt Nam hậu thuẫn.
Như bạn đọc đã thấy Trung Quốc đang bị Mỹ bao vây và sẽ bị xé ra thành nhiều nước độc lập như Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu, Hong Kong, Ma Cao…
Việt Nam và thế giới khi đó mới có thể nghĩ đến hòa bình thay vì luôn phải đối đầu với tham vọng bành chướng bá quyền của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 23/7/2018
Nguyễn Quang Duy
Tập Cận Bình lên nắm quyền với chiến lược dùng tiền ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội từng quốc gia để từng bước khuynh đảo thế giới.
Trung Quốc tung tiền mua chuộc cả hệ thống chính trị gia Úc
Trong đó có cả việc họ tung tiền tài trợ cho các đảng chính trị tại Úc, mua chuộc các chính trị gia, giới khoa bảng, tài trợ truyền thông ảnh hưởng đến dư luận,… nói chung là lũng đoạn cả hệ thống chính trị ở Úc.
Tuần trước Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp. Đúc kết vấn đề dẫn tới việc thông qua hai đạo luật giúp chúng ta rút ra bài học về hiệu năng của hệ thống chính trị đa đảng đối lập.
Tỷ phú Chau Chak Wing mang bí danh "CC-3"
Với sự cố vấn của Cơ quan Tình báo An ninh Úc ASIO, ngày 7/12/2017 thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đưa dự luật ra trước Hạ Viện. Cả 2 Dự Luật không hề nhắc tới Trung Quốc nhưng mọi người đều rõ Dự Luật nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Phía đối lập Thủ lãnh Bill Shorten và Thượng nghị sĩ Kristina Keneally liên tục cho rằng lo sợ ảnh hưởng Trung Quốc là vô căn cứ. Thượng nghị sĩ Penny Wong phát ngôn nhân ngoại giao tuyên bố bang giao Úc - Trung sẽ bị đe dọa và kêu gọi chính phủ phải bớt chỉ trích Bắc Kinh.
Bắc Kinh lên tiếng dự luật chủ trương "bài Hoa", khiêu khích Trung Quốc, ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước… Họ làm áp lực bằng cách chấm dứt thảo luận song phương với Bộ Ngoại giao, thách thức các chiến hạm Hải quân Úc trong khu vực Biển Đông, đe dọa trừng phạt kinh tế Úc…
Về phía người Úc gốc Hoa, một số công khai ủng hộ dự luật cho biết gia đình họ ở quê nhà thường xuyên bị nhà cầm quyền đe dọa vì họ cổ vũ dân chủ cho Trung Hoa. Một số quan niệm đã là công dân Úc cần chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi như mọi công dân khác nên ủng hộ quá trình ra luật.
Nhưng đa số lại không rõ chuyện gì đang xảy ra. Nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã mở chiến dịch sử dụng truyền thông và báo chí tiếng Hoa để định hướng cử tri gốc Hoa là bị "kỳ thị chủng tộc", rồi lèo lái dư luận ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới.
Vì tỷ phú Chau Chak Wing đã kiện công ty Fairfax và đài ABC tội mạ lỵ khi tường thuật ông hoạt động cho cộng sản, nên giới truyền thông rất e ngại khi đưa tin.
Chuyển biến bất ngờ là trong phiên họp Hạ Viện ngày 22/5/2018, dân biểu Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp Lưỡng viện Quốc Hội về An ninh và Tình báo lên tiếng lo ngại quyền tự do ngôn luận tại Úc đang bị ông Chau Chak Wing sử dụng chính pháp luật Úc ngăn cản những người dám lên tiếng chất vấn ông Chau.
Để tránh bị kiện như Fairfax và ABC, Dân biểu Andrew Hastie sử dụng quyền đặc miễn dân biểu, ông cho biết trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua đã được FBI tiết lộ tỷ phú Chau Chak-Wing chính là nhân vật mang bí danh "CC-3" đang bị FBI điều tra vì tội danh mướn bà Sheri Yan hối lộ cựu Chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe.
Ông Hastie tố cáo chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động bí mật nhằm tác động và gây ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận công khai tại Úc.
Sau lời tuyên bố của ông phía đối lập ngay tức thì phản ứng, Thủ lãnh Bill Shorten và phát ngôn viên về Tư pháp dân biểu Mark Dreyfus cho rằng ông đã tiết lộ tin tức cần được bảo mật.
Nhưng đồng thời lại có 3 dân biểu đối lập công khai lên tiếng ủng hộ. Dân biểu Anthony Byrne, phó chủ tịch Ủy ban An ninh Tình báo Quốc hội cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm dân biểu Hastie.
Phát ngôn nhân đối lập về Quốc phòng Dân biểu Richard Marles cho rằng thông tin dân biểu Hastie đưa ra có tầm mức vô cùng quan trọng và cần phải thông qua dự luật càng sớm càng tốt.
Dân biểu đối lập Michael Danby, Phó chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về các Thỏa Ước (Treaties) cũng ủng hộ quan điểm của dân biểu Hastie.
Các cơ quan truyền thông Úc ngay tức thì đưa tin và bình luận về lời phát biểu của dân biểu Andrew Hastie hầu hết đều cho rằng dự luật cần thông qua càng sớm càng tốt.
Điều trần trước Thượng viện ông Duncan Lewis, Tổng giám đốc ASIO cho biết 3 điều :
Thứ nhất, lời phát biểu của dân biểu Andrew Hastie không ảnh hưởng đến quan hệ bảo mật thông tin Mỹ và Úc ;
Thứ hai, gián điệp ngoại bang đang gia tăng hoạt động tại Úc đến mức không thể coi thường được nữa ; và
Thứ ba, kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật vì ngoại bang đang tìm mọi cách thay đổi kết quả tranh cử sắp diễn ra.
Về tỷ phú Chau Chak Wing
Ông Chau đến Úc chừng 20 năm đã có quốc tịch Úc và tại Úc ông kinh doanh trong ngành địa ốc. Theo đài ABC trong vòng 10 năm 2006-2016, ông đã 36 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 4.123.500 Úc Kim.
Ông Chau là chủ nhân của một tờ báo hiện đang phát hành tại Trung Quốc, nơi mà mọi cơ quan truyền thông đều được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được tuyên truyền cho đảng cộng sản.
Ông còn là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc một tổ chức do đảng cộng sản lập ra, có nhiều quyền lực và nhằm cố vấn cho Tập Cận Bình.
Ông Chau đã giao cho bà Sheri Yan hằng triệu Mỹ kim để hối lộ các viên chức Liên Hiệp Quốc để gây ảnh hưởng đến các chính sách của tổ chức này.
Vào tháng 11/2013, bà Yan hối lộ chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe 200.000 Mỹ kim. Bà bị truy tố, nhận tội và phải chịu án tù 20 tháng tại Mỹ.
Khoản tiền 200.000 Mỹ kim được ông Chau sử dụng để mời ông John Ashe tham dự một Hội Nghị do ông tổ chức tại Quảng Châu. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, hai cựu thủ tướng Úc ông John Howard và ông Kevin Rudd là những người cũng đã được ông Chau mời tới phát biểu trong các cuộc Hội Nghị do ông tổ chức.
Bà Sheri Yan là vợ của ông Roger Uren trước đây làm việc cho Cơ quan Tình báo Kinh tế (ONA) của Úc. Tháng 10/2016, Cơ quan Tình báo Úc được tòa cho phép xét nhà ông bà Uren đã thu được một số tài liệu tối mật của Úc và các quốc gia đồng minh đánh giá về hoạt động của Trung Quốc ông Uren đã lấy cắp trước khi nghỉ làm. Ông Uren đã bị truy tố về việc này.
Tỷ phú Huang Xiangmo
Ông Huang đến Úc 2011 đã xin nhập quốc tịch Úc nhưng hồ sơ của ông bị Cơ quan Tình báo Úc giữ lại.
Ông Huang có 2 lý lịch với 2 tên và visa khác nhau. Ông là lãnh đạo của Hội đồng Thúc đẩy Thống Nhất Hòa bình Trung Quốc, nhằm thúc đẩy việc thống nhất Đài Loan và xác định chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cũng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc chuyên cố vấn cho Tập Cận Bình.
Theo ABC trong vòng 4 năm 2012-2016 ông đã 46 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 2.692.960 Úc Kim.
Năm 2016, ông Huang hứa tặng 400.000 Úc Kim cho đối lập, nhưng khi phát ngôn viên đối lập quốc phòng Thượng nghị sĩ Stephen Conroy lên tiếng chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông ông đã rút lời hứa.
Ngay hôm sau, Thượng nghị sĩ đối lập Sam Dastyari, xuất hiện trong một buổi họp báo với ông Huang, tuyên bố ngược lại chính sách của đảng đối lập rằng Úc không nên can thiệp vào các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Văn phòng ông Dastyari đã 4 lần liên lạc Bộ Di Trú để hỏi về đơn xin quốc tịch của ông Huang và sau đó chính ông Dastyari lại tiết lộ thông tin "mật" cho ông Huang ông ấy đang bị cơ quan tình báo Úc theo dõi.
Ông Huang cũng tiết lộ vào năm 2014 đã trả chi phí đi lại và 3.788 Úc Kim cho ông Dastyari cho một dự thảo luật. Vi phạm luật pháp Úc Thượng nghị sĩ Dastyari bị buộc phải từ chức.
Một tuần sau khi ông Dastyari từ chức, đảng đối lập công bố dành chức Thượng nghị sĩ cho một người rất gần gũi với ông Huang, một doanh nhân buôn vàng gốc Hoa ông Simon Zhou. Chỉ trong 1 thời gian ngắn ông Simon đã quyên góp được 140.000 Úc kim cho đảng đối lập.
Báo chí ngay tức thì đưa tin ông Zhou đang bị Sở Thuế Liên Bang điều tra về việc gian lận thuế vụ khiến ông phải từ chức trước khi tuyên thệ nhậm chức.
Ông Huang còn chi tiền để thành lập và tài trợ Viện nghiên cứu Úc - Trung thuộc Đại học Kỹ Thuật Sydney (UTS) rồi mướn cựu ngoại trưởng Bob Carr làm giám đốc. Ông Bob Carr có vợ gốc Hoa là người nổi tiếng thân Bắc Kinh.
Tỷ phú Chau cũng đóng góp 20 triệu Úc Kim xây tặng Đại học Kỹ thuật Sydney (UTS) tòa nhà mang tên ông tòa nhà Chau Chak Wing và 5 triệu Úc kim cho việc nghiên cứu các đề tài về Úc – Trung.
Cả hai công việc trên bị nghi là nằm trong chiến lược của Tập Cận Bình mua chuộc giới khoa bảng, chuyển giao các công trình nghiên cứu về không gian, trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính của Úc cho Trung Quốc, một hình thức của gián điệp công nghệ.
Cả hai tỷ phủ ngay khi đến Úc đã hiểu khá rõ hệ thống chính trị Úc và đã thâm nhập khá sâu vào chính trị Úc cho thấy họ đã được sửa soạn và thu xếp sẵn để đưa vào các vai trò họ được giao cho.
Quỹ tranh cử
Nhiều người nghĩ rằng việc Úc cho phép người ngoại quốc đóng góp cho quỹ tranh cử là một kẽ hở để ngoại bang ảnh hưởng đến chính trị Úc. Nhưng trường hợp ông Chau Chak Wing là người đã có quốc tịch Úc nên có quyền đóng góp như mọi công dân Úc khác.
Nhưng ngay từ năm 2015 Cơ quan tình báo Úc (ASIO) đã thông báo cho ba đảng lớn của Úc biết hai ông Huang và Chau có liên quan đến đảng Cộng sản Trung Quốc. Đáng lo ngại là trong năm 2016, đảng Tự do vẫn tiếp tục nhận 897.960 Úc kim và đảng Lao động nhận 200.000 Úc kim từ hai ông.
Dân biểu Lao Động Anthony Byrne đã đề nghị Quốc Hội cho tiến hành một cuộc điều trần về việc gây quỹ tranh cử.
Bài học rút ra
Úc là một quốc gia dân chủ đa đảng đối lập nên qua sự kiện này chúng ta thấy khá rõ những điểm sau đây :
Thứ nhất, nội bộ mỗi đảng chính trị kềm chế lẫn nhau, như khi dân biểu Andrew Hastie tố cáo tỷ phú Chau, mặc dầu việc làm trái ý với lãnh tụ đảng đối lập vẫn có ngay 3 dân biểu cao cấp của đối lập lên tiếng ủng hộ ;
Thứ hai, chính phủ và đối lập luôn kềm chế lẫn nhau để không đi đến việc chia rẽ nước Úc trong vấn đề vô cùng tế nhị "kỳ thị chủng tộc" ;
Thứ ba, lập pháp, tư pháp, hành pháp độc lập luôn luôn vừa kềm chế vừa hổ trợ lẫn nhau vì quyền lợi nước Úc ;
Thứ tư, truyền thông báo chí luôn kềm chế vạch ra các sai lầm guồng máy chính trị ; và
Cuối cùng cử tri Úc theo dõi diễn biến và quá trình biểu quyết dự luật để càng ngày càng tin tưởng hơn vào hệ thống chính trị đa đảng đối lập tại Úc.
Hệ thống chính trị Úc rất minh bạch nhưng vẫn bị Trung Quốc lũng đoạn. Trong khi hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam đã quá lỗi thời mất hẳn sức đề kháng trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bởi thế, Việt Nam cần một thể chế đa đảng đối lập với nhiều khuynh hướng khác nhau thì mới có thể tiến hành đồng thuận dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 5/7/2018
Nguyễn Quang Duy
Tuần trước Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp. Mặc dù cả 2 Đạo Luật không giới hạn ngoại bang là nước nào nhưng ngay trong Quốc Hội đã công khai bàn tới là Trung Quốc.
Tập đoàn Landbridge của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng thuê Cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu Úc kim.
Trong khi việc Bắc Úc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm là một nguyên nhân ban đầu dẫn đến hai Đạo Luật, thì Việt Nam lại dự định sẽ thông qua dự luật 3 Đặc Khu vào tháng 10 này. Xin đúc kết câu chuyện xem như một bài học cho người Việt chúng ta.
Bán cảng Darwin
Tháng 10/2015, Bộ trưởng Lãnh thổ Bắc Úc Adam Giles công bố đã cho Tập đoàn Landbridge của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng thuê Cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu Úc kim.
Mặc dầu trước đó báo chí, giới học giả và dân chúng Úc đã công khai phản đối việc mua bán vì đây là cảng chiến lược gần phi trường quân sự, căn cứ quân sự Úc - Mỹ, cửa ngõ để ra vào Biển Đông và nếu chiến tranh xảy ra Trung Quốc có thể sẽ phá cảng quân sự này thay đổi cuộc diện chiến tranh.
Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), Peter Jennings nhất quyết cho rằng việc ông Ye Cheng mua cảng Darwin là nằm trong dự án Một Vòng Đai Một Con Đường phục vụ chiến lược của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh về lâu dài sẽ đối chọi với quyền lợi nước Úc.
Cảng Darwin là tài sản Liên bang giao cho Chính phủ Bắc Úc quản lý theo một Đạo luật riêng, theo đó Chính phủ Bắc Úc có quyền cho thuê cảng này tới 99 năm. Tài sản của Chính phủ lại không bị bó buộc bởi các Đạo luật về doanh nghiệp, nên hợp đồng mua bán với Landbridge đã tiến hành một cách khá thầm lặng.
Đến nay dư luận vẫn thắc mắc tại sao cả hai đảng Lao Động và Tự Do ở cấp Liên bang chấp nhận việc cho thuê lâu năm cảng Darwin. Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb còn công khai ủng hộ việc này.
Điều lạ lùng là cả Bộ quốc phòng và Cơ quan Tình báo Úc (ASIO- Australian Security Intelligence Organisation) khi ấy đều không xem hợp đồng thuê mướn 99 năm là đe dọa đến an ninh quốc phòng Úc.
Ít lâu sau, vào tháng 8/2016, Bộ trưởng Bắc Úc Adam Giles bị thất cử nặng nề, ông phải chính thức thừa nhận chính phủ của ông trong vòng bốn năm qua hoạt động yếu kém và bỏ qua cơ hội tái đắc cử.
Cầm thế cảng Darwin
Việc cho thuê cảng Darwin trở nên nghiêm trọng vào đầu tháng 6/2017 khi hãng truyền thông Fairfax đưa tin Landbridge có thể đã cầm thế cảng để vay 500 triệu AUD từ Ngân hàng Xuất Nhập Cảng (Export - Import Bank) của Trung Quốc.
Ngân hàng Export - Import Bank, một ngân hàng cấp nhà nước Trung Quốc, đã công khai mục đích nhằm thực hiện chiến lược Một Vòng Đai Một Con Đường của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Landbridge xác nhận cảng đã được cầm thế và đã tham khảo ý kiến chính phủ Bắc Úc. Phát ngôn viên Chính phủ Bắc Úc trả lời Fairfax là họ có đủ quyền hành giữ quyền kiểm soát cảng Darwin mặc dầu nó bị đem đi thế chấp cho nước ngoài.
Chính phủ Liên bang không nói ra nhưng chắc chắn không đồng ý vì từ lâu đã nghi ngờ tỷ phú Ye Cheng có liên hệ rất mật thiết với Đảng cộng sản Trung Quốc.
Vào tháng 12/2015, Ủy ban Kinh tế Thượng viện Úc đã công khai đặt vấn đề ông Ye Cheng là thành viên của của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, một tổ chức của đảng cộng sản Trung Quốc có quyền lực và nhằm cố vấn cho chủ tịch Tập Cận Bình.
Vào năm 2013 ông Ye Cheng còn được chính quyền tỉnh Sơn Đông vinh danh là 1 trong 10 cá nhân quan tâm đến sự phát triển của nền quốc phòng Trung Quốc.
Ngoài cảng Darwin, năm 2014, Landbridge còn mua Công ty sản xuất khí đốt WestSide đặt trụ sở tại Brisbane, Úc.
Mua chuộc Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb
Tháng 6/2017 Chương trình truyền hình Four Corners và Fairfax công bố kết quả điều tra cho thấy Trung Quốc đã kín đáo xâm nhập và tạo ảnh hưởng trong chính quyền Úc.
Cụ thể là Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb cha đẻ của hiệp ước tự do mậu dịch Trung Quốc - Úc và là người công khai ủng hộ việc bán cảng Darwin đã có những làm ăn hết sức mờ ám với với Tập đoàn Landbridge.
Ngày 9/5/2016, trước lần bầu cử Liên bang Úc, ông Robb đột ngột xin từ chức Bộ trưởng và tuyên bố không ra ứng cử nữa.
Một lá thư mật do công ty Landbridge gửi đến ông Robb bị tiết lộ cho thấy trước khi từ chức ông Robb đã nhận lời làm cố vấn kinh tế cao cấp cho công ty Landbridge với mức lương lên tới 880.000 AUD hàng năm. Bức thư nói một cách mù mờ ông Robb chẳng cần làm gì cả mà vẫn có được món tiền này.
Ông Robb còn là cha đẻ của Hiệp định Mậu dịch Tự do Trung Quốc - Úc, ký kết năm 2014. Theo tường trình của Ủy ban Bầu cử vào ngày Hiệp định được ký kết, tỷ phú Trung Quốc Huang Xiangmo đã tặng ngay 50.000 AUD cho quỹ tranh cử của ông Robb.
Ông Huang Xiangmo là nhân vật chính trong việc Trung Quốc dùng tiền ảnh hưởng chính trị Úc.
Ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm nước Úc
Rút bài học từ cảng Darwin, Bộ trưởng Tài chính liên bang Úc Scott Morrison cho biết chính phủ Úc luôn ủng hộ nước ngoài đầu tư nhưng không được đi ngược quyền lợi nước Úc, và Úc không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh quốc gia.
Năm 2016, ông Morrison đã ra lệnh ngừng việc cổ phần hóa Công ty điện lực lớn nhất Úc Ausgrid khi nhận được đấu thầu của Tập đoàn điện lực Trung Quốc và của một công ty do tỷ phú Hong Kong Li Ka Sing nắm. Đồng thời ông Morrison bác bỏ việc bán công ty nuôi bò lớn nhất Úc S Kidman & Co Ltd khi có người Trung Quốc hỏi mua.
Ngày 10/10/2017, Tổng trưởng Tư pháp liên bang Úc George Brandis công bố dự luật nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia trước sự thao túng của nước ngoài. Ông cho biết mức độ đầu tư của nước ngoài ngày càng gia tăng, nên hạ tầng trọng yếu của Úc như điện lực, cấp nước, viễn thông và cảng biển, càng ngày càng dễ bị do thám và bị phá hoại hơn.
Dự luật An ninh Cơ sở hạ tầng trọng yếu 2018 được Quốc hội Úc thông qua ngày 28/3/2018 cho phép Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng quyền yêu cầu chủ sở hữu hoặc người điều hành cơ sở hạ tầng giảm bớt "nguy cơ an ninh quốc gia đáng kể".
Đồng thời doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng phải đăng bộ tài sản để chính phủ theo dõi người sở hữu, kiểm soát và có quyền giám sát những tài sản cơ sở hạ tầng trọng yếu khi cần.
Theo ông Brandis, việc làm này là để cung cấp thông tin cho những đánh giá của chính phủ về những tài sản có nguy cơ bị do thám bị phá hoại.
Như vậy mặc dầu cảng Darwin đã nằm trong tay Trung Quốc, Đạo luật cho phép chính phủ Liên bang quyền can thiệp vào cảng Darwin bất cứ lúc nào khi thấy có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia.
Mặt khác, chính phủ liên bang sẽ không cho phép người nước ngoài tham gia các dự án tại Úc nếu Cục Tình báo An ninh (ASIO) chứng minh rằng sự tham gia này có hại cho an ninh quốc gia.
Việt Nam ngày nay điện, nước, đường xá, đất đai và sắp tới 3 Đặc khu đa phần đều bị Trung Quốc kiểm soát và thao túng. Việc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin của Úc 99 năm là một bài học cho chúng ta ghi nhận.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 01/07/2018
Nguyễn Quang Duy
Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm trên đường Cộng Hòa sát ranh hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nên lớp nào cũng có học sinh người Việt gốc Hoa.
Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm trên đường Cộng Hòa sát ranh hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn
Lợi Nhi, Thôi Nhỏ, Ngọc Lỳ, Quốc Dân,… là tên vài người bạn cũ cùng lớp có thể đoán biết là gốc Hoa.
Còn các bạn đã có tên hoàn toàn tiếng Việt thì tôi đành chịu thua không biết ai là người gốc Hoa.
Quốc Dũng, bạn thân nhất của tôi có ông nội bà nội từ Trung Quốc sang, ba làm công chức, mẹ người Biên Hòa, nhà như mọi gia đình Việt khác. Tôi chỉ biết Dũng gốc Hoa khi đến thăm gia đình nội Dũng.
Chúng tôi không hề phân biệt gốc Bắc, gốc Nam hay gốc Hoa.
Ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (1974) chúng tôi đều phản ứng giận dữ như nhau và đều mong sẽ có ngày lấy lại.
Bài viết này để bổ túc cho bài "Phục Hồi Chợ Lớn Góp Phần Phát Triển Việt Nam" (1) trên trang web BBC Tiếng Việt, và trả lời một số câu hỏi bạn đọc về người Việt gốc Hoa và Chợ Lớn.
Chợ Lớn là của người Việt
Nhà tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ thuộc Quận 3 ngay sát ranh Chợ Lớn.
Cha tôi làm thầu xây cất cho chính phủ nên từ khi còn nhỏ tôi thường được đi theo lên Chợ Lớn mua hàng.
Cha tôi nói người Hoa buôn bán lấy chữ tín làm đầu, ân cần với khách, nói sao bán vậy, giá rẻ, hàng tốt, giao tận nơi, giao đúng lúc, họ giàu nhờ vậy.
Chợ Lớn ngay cái tên đã là tiếng Việt do người Việt gọi, Hoa Kiều gọi theo, người Pháp lấy để đặt tên cho thành phố Chợ Lớn, rồi cho tỉnh Chợ Lớn.
Vào năm 1950, nhiếp ảnh gia Carl Mydans của tạp chí Life đã thực hiện một loạt ảnh sinh động về khu vực Chợ Lớn trong chuyến đi Việt Nam của mình
Di tích cổ nhất là Đình Minh Hương ở giữa Chợ Lớn, số 380 đường Trần Hưng Đạo, Quận 5, xây theo kiến trúc cổ Việt Nam vào năm 1789, trùng tu năm 1839 và 1901.
Mọi văn tự trong đình viết chữ Nôm, thờ danh tướng Việt Nam Nguyễn Hữu Cảnh và những bậc tiền bối Minh Hương có công khẩn đất lập làng.
Chợ Lớn từng thu hút nhiều sắc dân Trung Quốc nên có nhiều di tích của người Hoa, như Hội Quán, Chùa, Phố Cổ của người Quảng, người Triều Châu, người Phúc Kiến… Có những xóm chỉ sản xuất, mua bán một số mặt hàng.
Ngoài ra còn có các di tích lịch sử của người Miên, người Chàm, người Hồi giáo, người Singapore, người Mã Lai, người Pháp…
Tôi từng nhiều lần lang thang trên những khu phố Chợ Lớn. Giờ đi nhiều nơi, xem nhiều phim ảnh mới thấy thế giới không nơi nào có một thành phố đa văn hóa như Chợ Lớn.
Điều đáng lo ngại là càng ngày càng nhiều di tích lịch sử đang bị đập bỏ lấy đất xây cao ốc, mất dần vẻ đẹp cổ kính khi xưa.
Quá khứ, hiện tại và tương lai cần phát triển một cách hài hòa.
Việc bảo tồn và phục hồi các di tích lịch sử vì thế vô cùng quan trọng. Một khi đã phá bỏ sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại.
Vai trò doanh nhân
Có bạn đọc góp ý "Chợ Lớn bé chút xíu phát triển cái nỗi gì".
Chợ Lớn bé thật nhưng trước đây, Hoa kiều kiểm soát phần lớn nền kinh tế, thu mua, phân phối, xuất nhập cảng tại Đông Dương và miền Nam điều này cho thấy thực tài kinh doanh của họ.
Hoa kiều đến định cư tại Chợ Lớn là những người có óc mạo hiểm, họ sẵn sàng chấp nhận thử thách và vượt qua rủi ro để kinh doanh.
Trong khi người Việt, kể cả người Minh Hương, thường cho con đi học ra làm quan hay có cái nghề chuyên môn, thì Hoa kiều đào tạo con cái họ thành các doanh nhân.
Trẻ em đã được gia đình khuyến khích tự lập, tự gây vốn, tự đầu tư, tự làm chủ, tự nhận trách nhiệm.
Họ truyền cho con em những căn bản buôn bán từ lý thuyết đến thực hành. Bang hội đứng sau lưng khuyến khích, nâng đỡ, thúc đẩy doanh nhân trẻ tự vươn lên.
Nói vậy không có nghĩa là người Hoa không có những vụ tai tiếng do gian thương gây ra.
Tôi nhớ có vụ chim cút ở Sài Gòn đầu thập niên 1970, khi gian thương tung tin chim và trứng cút là thuốc trị được nhiều thứ bệnh, có bao nhiêu các nhà hàng người Hoa đều mua hết.
Nuôi chim cút trở thành cơn sốt từ Sài Gòn lan ra các tỉnh. Cha tôi mua chim con vừa nở đem bán kiếm chút lời. Có lúc chim con lên đến ba ngàn đồng một con trong khi tô phở ngon giá chưa tới 20 đồng.
Đến lúc giá chim bắt đầu xuống cha tôi bán hết nên có lời, còn nhiều gia đình khác bị thua lỗ nặng có người phá sản.
Sau này mới biết vụ chim cút là do gian thương Lý Long Thân tạo ra. Nghe nói ông ấy giàu lắm có cơ sở làm ăn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không ai rõ ông ấy có ở Chợ Lớn không.
Khởi đầu, ông cho đăng trên báo Hong Kong nên được nhiều người Hoa tin rồi tiếng đồn lan sang người Việt. Nhiều người Việt gốc Hoa vừa bị thua lỗ đồng thời còn bị mang tiếng xấu trong vụ này.
Nắm bắt thông tin
Cuộc cách mạng toàn cầu lần thứ 4 là cuộc cách mạng bùng nổ thông tin, ai nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất sẽ là người thắng cuộc.
Ngay từ thời Pháp, Hoa kiều Chợ Lớn đã thiết lập những đường dây điện tín và điện thoại liên lạc trực tiếp với Hong Kong, Singapore và thế giới, nắm bắt thông tin kiểm soát thị trường nhanh và hiệu quả, giúp họ thành công trên thương trường.
Dự luật về an ninh mạng vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua chẳng khác nào kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Cuộc cách mạng toàn cầu lần thứ 4 hướng tới việc phát triển các ý tưởng khả thi, những lý thuyết cơ bản thành những sản phẩm công nghệ cao.
Một thể chế được dân tin tưởng sẽ thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới quay về phục vụ quốc gia.
Các doanh nhân Việt Nam ngày nay đa phần đều dựa vào nhóm lợi ích hay đều có người trong guồng máy cầm quyền đỡ đầu.
Khi có sự thay đổi nhân sự hay thể chế các doanh nhân này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khó có thể vượt qua và tồn tại.
Vì thế, Việt Nam cần sửa soạn xây dựng một tầng lớp doanh nhân mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chiến lược hiện thời cần xét lại
Sau 1989, Việt Nam đề cao chiến lược thu hút đầu tư quốc tế sử dụng nhân công rẻ đẩy mạnh xuất cảng.
Nhiều khu chế xuất được thành lập, xuất cảng gia tăng, nhưng một số mặt hàng công nghệ tiêu dùng giờ lại được nhập cảng, nhất là nhập cảng từ Trung Quốc.
Đáng quan tâm là nhiều mặt hàng nông nghiệp rau quả, trái cây cũng không thể cạnh tranh với hàng nhập cảng từ Trung Quốc.
Việt Nam một quốc gia đến 80 phần trăm dân chúng vẫn sống ở nông thôn mà nay phải nhập cảng nông sản phẩm.
Chúng ta cần xét lại chiến lược phát triển hiện nay và bài học từ Chợ Lớn là rất có giá trị.
Từ thời Nguyễn, cảng Sài Gòn đã được mở cho tàu bè quốc tế ra vào buôn bán thuế quan rất nhẹ. Khi ấy tàu bè từ miền Tây muốn mang nông sản lên cảng Sài Gòn xuất khẩu phải qua con rạch nhỏ.
Nhận ra con đường chiến lược này, năm 1819 vua Gia Long cho đào vét tạo thành kênh Tàu Hũ.
Người Pháp tiếp tục nạo vét hai lần vào những năm 1887 và 1895, rồi cho nới rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922.
Hàng hóa, nông sản đặc biệt gạo lúa được chở trên các xà lan qua kênh Tàu Hũ chi phí vừa rẻ, vừa rất thuận lợi mà lại không sợ gió bão như đi đường biển.
Lúa từ khắp nơi đổ về các nhà máy xay lúa, các kho chứa dọc hai bên bờ kênh, rồi từ đó đưa lên tàu chở ra Bắc, ra Trung hay xuất cảng.
Năm 1931, ở Chợ Lớn có 75 nhà máy xay lúa, trong đó có ba nhà máy là của người Âu, số còn lại là của người Hoa ; tám trong số các nhà máy này có sản lượng mỗi ngày là 1.800 tấn.
Chợ Lớn được mệnh danh là thủ đô của lúa gạo. Thời ấy gạo miền Nam nổi tiếng thơm ngon và được thế giới ưa chộng, xuất cảng lên đến gần hai triệu tấn vào năm 1940.
Ngày nay, kênh Tàu Hũ vẫn tiếp tục vai trò chuyển vận lúa gạo từ miền Tây ra cảng Sài Gòn.
Đáng tiếc trong gần một thế kỷ con kênh bị bỏ quên, dân chiếm bờ, rác tràn ngập, nước đen kịt, ô nhiễm trầm trọng, cách đây vài năm kênh mới được nạo vét lại.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam theo kinh tế tự do và khuyếch trương công nghệ người Việt gốc Hoa trước đây chỉ giỏi về mua bán đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất công nghệ tiêu dùng.
Chỉ sau hơn 10 năm nhiều nhà máy đã được thành lập tại Biên Hòa, Thủ Đức và quanh khu Chợ Lớn. Nhiều mặt hàng công nghệ được sản xuất đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước không phải nhập cảng như trước đây.
Bang hội và quyền tự quản
Năm 1841, vua Thiệu Trị cho phép thành lập Đại Bang gồm bảy bang : Quảng Châu, Phúc Châu, Phúc kiến,Triều Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nam.
Đại Bang có nhiệm vụ ấn định giá gạo và giải quyết những tranh chấp nội bộ giữa người Hoa di cư với nhau.
Hoa kiều phải gia nhập một trong bảy bang để được cấp thẻ cư trú. Chính sách tự quản nhằm cho phép Hoa kiều tự kiểm soát Hoa kiều.
Người Minh Hương đã hội nhập vào xã hội Việt Nam, nhiều người làm quan cả văn lẫn võ được xem là người Việt không được phép sinh hoạt trong các bang hội.
Người Hoa nói chung rất trọng chữ tín, họ thường rất sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng và luôn muốn nhận trách nhiệm được cộng đồng giao phó.
Bang trưởng là người có nhiều cống hiến trong việc phát triển cộng đồng.
Thứ bậc trong mỗi bang thường khá rõ ràng, mỗi bang đều có Hội quán là nơi liên hệ với chính quyền, giúp tương trợ cộng đồng, tín ngưỡng và giáo dục.
Chùa và trường học thường được lập kế bên Hội Quán. Bang lớn còn chợ, khu phố và có nhà thương riêng.
Thời Pháp, Hội đồng thành phố Sài Gòn đầu tiên gồm một thị trưởng và 13 nghị viên với nhiệm kỳ hai năm. Bảy người được bầu và sáu được thống đốc đề cử.
Nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký và doanh nhân Trần Khánh Hòa người Hoa được Thống Đốc đề cử vào Hội Đồng đầu tiên này.
Người Pháp chọn sống ở Sài Gòn nhiều hơn ở Chợ Lớn.
Sau này nhiều người Việt và Hoa gia nhập quốc tịch Pháp nên ảnh hưởng đến hầu hết quyết định của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn.
Việt Nam hiện nay chưa có luật sinh hoạt hội đoàn nên bang hội vẫn chưa được công nhận.
Người Việt gốc Hoa đi về đâu ?
Sau 30/4/1975 hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa bỏ nước đi, sau lại bảo lãnh gia đình nên con số đã giảm từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900 nghìn năm 1989.
Theo thống kê năm 1999, tổng số người Việt gốc Hoa là 862.371 và tiếp tục giảm, và đến năm 2009, chỉ còn lại 823.071 người.
Điều gì đã xảy ra trong cộng đồng người Việt gốc Hoa ?
Chợ Lớn đang bị xóa bỏ ? Người Hoa đang bị đồng hóa ? Dường như việc này không được giới chức có thẩm quyền hay giới nghiên cứu xã hội quan tâm.
Nếu đã xem người dân như nội lực thì người Việt gốc Hoa (và Chợ Lớn) chính là tiềm lực bị bỏ quên là thất bại nặng nề của thể chế hiện nay.
Xin mượn hai câu thơ Sấm Trạng Trình câu thứ 403 và 404 trong Tứ Thánh để kết thúc bài viết :
Chừng nào Chợ Lớn hết vôi,
Bắc Nam hết cá người ngồi mới yên.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 28/06/2018
Nguyễn Quang Duy
Xem thêm : Người Hoa tại Việt Nam, Nguyễn Văn Huy, Thông Luận
****************
(1) Phục hồi Chợ Lớn góp phần phát triển Việt Nam
Nguyễn Quang Duy, BBC, 14/06/2018
Thời Pháp thuộc, Chợ Lớn từng là một đặc khu thương mại lớn nhất Đông Nam Á, một khu vực thịnh vượng nhất của người Hoa hải ngoại, nổi tiếng hơn Singapore, ngang tầm với Hong Kong và Thượng Hải.
Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc.
Ngày nay Chợ Lớn thua xa, thua rất xa ba đặc khu kể trên. Đến cái tên Chợ Lớn cũng biến mất trên bản đồ.
Khách quan nhìn nhận sự suy thoái của Chợ Lớn là hậu quả một chuỗi những thất bại trong việc hoạch định chính sách từ thời Việt Nam Cộng hòa đến nay.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, Việt Nam đến nay vẫn chưa có một trung tâm về tài chính, công nghiệp hiện đại và thương mại được quốc tế công nhận. Thiết nghĩ, Chợ Lớn nếu được phục hồi sẽ là địa điểm thuận lợi nhất.
Nhân tranh cãi về việc thành lập ba đặc khu, xin dành chút thời gian cùng nhau suy ngẫm về quá khứ biết đâu sẽ tìm ra con đường phục hồi Chợ Lớn góp phần phát triển Việt Nam. Rất mong nhận được ý kiến bạn đọc.
Chợ Lớn xưa
Chợ Lớn vốn mang tên Chợ Sài Gòn do người Minh Hương thành lập từ năm 1778.
Người Minh Hương trung thành với nhà Minh chống lại nhà Thanh nên trốn xuống miền Nam. Họ theo chúa Nguyễn đánh Tây Sơn và có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam.
Vì thế Vua Gia Long trao cho họ nhiều đặc ân như quyền tự trị, nhẹ thuế khóa, miễn lao dịch và không phải đóng thuế thân. Các đời vua sau tiếp tục duy trì.
Nhờ thế ngay từ thời Nguyễn, Chợ Lớn đã trở thành khu thu hút Hoa kiều đến lập nghiệp làm ăn buôn bán. Với địa thế vô cùng thuận lợi cho việc xuất nhập cảng nơi này đã trở thành một đặc khu thương mại nổi tiếng trong vùng.
Người Minh Hương từ lâu đã trở thành người Việt nên không có trong số thống kê hay không được nói trong bài này. Hoa Kiều là ngoại kiều Trung Hoa. Còn người Hoa là người Việt gốc Hoa khi đã có quốc tịch Việt Nam. Hoa Kiều và người Hoa là trọng tâm bài viết.
Chợ Lớn được biết đến như quận người Hoa
Chợ Lớn thời Pháp thuộc
Khi người Pháp chiếm nước ta, những quy chế ưu đãi được duy trì như cũ, đặc biệt là quyền tự trị của các bang. Người Pháp còn nhìn xa hơn biến Chợ Lớn thành một trung tâm thương mại mang tầm vóc quốc tế.
Ngay khi chiếm được Gia Định năm 1859, người Pháp đã cho rời Chợ Sài Gòn về khu Bến Thành để thành lập thành phố Sài Gòn làm trung tâm hành chính.
Ngày 6/6/1865, Pháp cho thành lập Thành phố Chợ Lớn như một đặc khu phát triển thương mại. Chợ Lớn do các bang trưởng người Hoa quản trị về hành chính là một khu vực giao thương tự do, thuế nhẹ, ít bị người Pháp can thiệp…
Đến ngày 20/10/1879, Pháp ra Nghị định công nhận thành phố Chợ Lớn là đô thị loại 2 ngang cấp tỉnh. Chợ Lớn khi ấy đã trở thành một trung tâm thương mại xuất nhập cảng và sản xuất công nghệ vào bậc nhất của Đông Dương.
Ngày 20/12/1899, Pháp cho thành lập tỉnh Chợ Lớn. Đến thập niên 1950, tỉnh Chợ Lớn có xấp xỉ 1 triệu dân, quá nửa là Hoa Kiều và đa số sinh sống chung quanh Thành phố Chợ Lớn.
Thời Đệ nhất Cộng hòa
Khi đất nước chia đôi, Hoa Kiều gần như nắm trọn việc xuất nhập cảng, sản xuất và cung cấp hàng hóa tại miền Nam.
Đáng quan tâm là Hoa kiều Chợ Lớn vẫn mang quốc tịch Trung Hoa (hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Trung Hoa đại lục, hoặc Trung Hoa Dân quốc - Đài Loan). Họ lại có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình, buôn bán với cộng đồng người Hoa ở Singapore.
Cùng lúc, Singapore là thuộc địa Anh, nơi cộng đồng người Hoa chiếm đa số đang nổi lên đấu tranh đòi tự trị. Người Pháp đã nghĩ đến việc Hoa Kiều Chợ Lớn sẽ đòi chính thức tự trị vì thế năm 1948 đã bãi bỏ quy chế các bang trưởng .
Khi Việt Nam thu hồi độc lập ảnh hưởng của các bang trưởng tại Chợ Lớn vẫn còn rất mạnh. Thành phố Chợ Lớn vẫn tự trị và điều hành ngầm dưới quyền các bang trưởng .
Chủ trương của Thủ tướng Ngô Đình Diệm là người Hoa phải bình đẳng và chia sẻ trách nhiệm dân sự như bao công dân Việt Nam khác trong một đất nước vừa thu hồi độc lập.
Chiến lược của ông Diệm là tự do giao thương quốc tế, khuyếch trương công nghiệp và tất cả những hoạt động kinh tế phải do người Việt chủ động làm lấy.
Ngay năm 1955, ông Diệm cho nhập thành phố Chợ Lớn vào thủ đô Sài Gòn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 22/10/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN đổi tên Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn. Chợ Lớn chỉ còn là một khu vực nằm trong Đô thành Sài Gòn.
Theo Sắc lệnh 143/VN tỉnh Chợ Lớn hợp nhất với tỉnh Tân An thành tỉnh mới có tên là tỉnh Long An. Một khu vực nhỏ của tỉnh Chợ Lớn nhập vô tỉnh Gia Định. Đặc Khu Chợ Lớn xem như không còn tồn tại.
Trước đó ngày 7/12/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho ban hành Dụ số 10 qui định tất cả những ai sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều là người Việt Nam. Như vậy hầu hết con cái của Hoa kiều đều là người Việt Nam.
Tháng 10/1955 : Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận lời chúc mừng từ Cao ủy Pháp Henri Hoppenot. Chính quyền của Tổng thống Diệm đã thay đổi luật về quốc tịch nhằm đưa người gốc Hoa thành công dân Việt Nam.
Dụ số 48 ban hành ngày 21/8/1956, quy định Hoa kiều sinh trưởng tại Việt Nam là người Việt Nam, bắt buộc phải nhập quốc tịch Việt Nam. Nếu ai không chịu nhập tịch thì phải xin hồi hương về Đài Loan trước ngày 31/8/1957.
Dụ số 52 ban hành ngày 29/8/1956 qui định Hoa kiều sinh sống tại Việt Nam phải mang quốc tịch Việt. Khi có quốc tịch, họ được tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa phải viết bằng Việt ngữ.
Dụ số 53 ban hành ngày 6/9/1956 cấm người ngoại quốc không được làm 11 nghề. Hoa kiều có vợ Việt có thể tiếp tục kinh doanh dưới tên vợ với điều kiện phải hợp thức hóa bằng một văn kiện hộ tịch chính thức.
Một ngôi chùa của người Hoa trong Chợ Lớn
Hoa kiều biểu tình phản đối ba Đạo dụ 48, 52 và 53 cho rằng nội dung bài Hoa, cưỡng bức không cho người Hoa quyền chọn lựa quốc tịch, trái với Hiến chương về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền nhất quyết không nhượng bộ tuyên bố nếu Hoa Kiều không đồng ý gia nhập quốc tịch thì hồi hương về Đài Loan.
Tòa Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc tại Sài Gòn can thiệp đề nghị Tổng thống Diệm xét lại ba Đạo dụ 48, 52 và 53. Trung Hoa Dân Quốc và Hoa kiều vận động cả Hoa Kỳ can thiệp. Nhưng đều không được ông Diệm nhượng bộ.
Năm 1957, cảnh sát tại Sài Gòn bắt giữ nhiều Hoa kiều, tịch thu thẻ căn cước Đài Loan và tự động cấp cho họ thẻ căn cước Việt Nam, bất kể ý muốn của họ. Nhiều địa phương khác cũng có hành động tương tự.
Vài ngày sau khi ba đạo dụ trên bắt đầu có hiệu lực, Hoa kiều ồ ạt đến các ngân hàng rút hết tiền ký thác đồng thời tìm cách chuyển ngân ra ngoại quốc.
Đồng bạc Việt Nam trên thị trường chứng khoán Hong Kong liên tiếp bị mất giá từ 35 đồng đổi 1 Mỹ kim năm 1956 tăng lên đến 90 đồng năm 1957, và trên thị trường chợ đen lên đến 105 đồng.
Nhiều cơ sở, xí nghiệp thương mại của Hoa Kiều đóng cửa, hay dời về Đài Loan, Hong Kong, Singapore hay những quốc gia Đông Nam Á.
Thương gia buôn bán thịt và vải chống đối mạnh nhất, những người bán thịt đóng cửa tiệm và chuyển sang nghề làm thịt nguội, những người bán vải tích trữ vải để sau đó tuôn ra bán trên thị trường chợ đen.
Người Hoa trong vùng Đông Nam Á, nhất là Singapore và Hong Kong, làm áp lực với chính quyền Việt Nam bằng cách tẩy chay hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Hong Kong từ chối mua 40.000 tấn gạo đã ký hợp đồng trước đó. Số gạo này được chở qua Singapore và cũng bị từ chối mua.
Toàn bộ sinh hoạt kinh tế của Hoa kiều ngừng hoạt động. Kinh tế miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
Nền kinh tế không hoàn toàn sụp đổ phần nhờ những người miền Bắc di cư có vốn và kinh nghiệm đã nhanh chóng thay thế Hoa kiều. Phần khác nhờ mùa màng thuận lợi, nông nghiệp phát triển mạnh và khi ấy du kích quân Cộng Sản gần như chưa xuất hiện.
Cơ hội làm ăn tại Việt Nam không còn thuận lợi đa số doanh nhân Hoa Kiều rời Việt Nam. Những Hoa Kiều còn lại, đa số là giới bình dân lao động, ít vốn, hay đã an cư lạc nghiệp nhiều đời tại Việt Nam.
Theo số liệu của Nha thống kê Sài Gòn, trong năm 1955 có 620.858 Hoa kiều trên toàn lãnh thổ, năm 1958 chỉ còn 123.638 người. Con số khác biệt là 497.220 người, trong số này có gần 235.000 người đã xin nhập tịch, những người còn lại chưa quyết định còn chờ sự can thiệp của Đài Loan.
Theo báo cáo của tòa Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc tại Sài Gòn, cho đến ngày 19/7/1957 đã có 52.144 người xin hồi hương.
Những năm đầu Đệ nhất Cộng hòa là thời kỳ vàng son của người Việt thì lại là thời kỳ tăm tối của đa số người Hoa. Cuối cùng những người Hoa còn ở lại đều xin vào quốc tịch, trở thành người Việt gốc Hoa.
Có 2 lý do chính sách quốc tịch gặp khó khăn. Thứ nhất, Hoa kiều chưa tin vào chính sách quốc gia và chưa chuẩn bị tinh thần để sống dưới sự quản trị của người Việt. Thật ra chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hoa kiều muốn tách Chợ Lớn khỏi Việt Nam. Và thứ hai là họ không muốn thi hành lệnh tổng động viên hay đi quân dịch.
Khi trở thành công dân Việt Nam, người Hoa được phép kinh doanh trở lại. Người Hoa nhận ra chính sách tự do thương mại và khuyếch trương kỹ nghệ có lợi cho họ. Nhiều cơ sở kỹ nghệ lớn được thành lập đóng góp gia tăng tổng sản lượng quốc gia và đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nền kinh tế miền Nam cất cánh trở lại. Chính phủ và giới lãnh đạo người Hoa ngày càng hiểu nhau hơn càng gắn bó vì lợi ích chung cả cộng đồng dân tộc, trong đó có người Việt gốc Hoa.
Ngày 2/11/1963 khi bị phe quân nhân đảo chính, Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã vào Chợ Lớn tá túc trong nhà ông Mã Tuyên, một thương gia Việt gốc Triều Châu. Ông là Tổng bang trưởng của 10 bang người Hoa tại vùng Chợ Lớn. Sau đó được ông đưa vào nhà thờ Cha Tam để lánh nạn.
Năm ngày sau ông Mã Tuyên bị bắt giam ba năm. Tài sản ông bị tịch thu và đem bán đấu giá nhưng người Hoa mua lại được trong cuộc đấu giá và trả lại cho gia đình ông.
Sau 30/4/1975, ông hai lần bị bắt giam, lần đầu bốn tháng, lần sau bốn năm tù. Nhà cửa và tài sản của ông bị tịch thu.
Năm 1983, ông và gia đình chính thức rời Việt Nam đi định cư tại Đài Bắc, Đài Loan. Đến tháng 2 năm 1992 thì ông cùng một phần gia đình về lại Chợ Lớn và qua đời tại đây tháng 9/1994. Ông được chôn tại nghĩa trang Triều Châu ở Biên Hoà.
Một cửa tiệm bán thuốc đông y trong Chợ Lớn
Sau thời Đệ nhất Cộng hòa
Người Hoa bắt đầu đầu tư trở lại. Khu kỹ nghệ Biên Hòa tràn ngập các đại công ty kỹ nghệ tân tiến do người Hoa thành lập với sự giúp vốn và kỹ thuật của người Hoa Đông Nam Á, đặc biệt là Đài Loan. Người Hoa mở ngân hàng và làm chủ phần lớn các hãng bảo hiểm tại miền Nam.
Nhiều hãng xưởng được xây dựng quanh khu vực Chợ Lớn. Nhiều công ty đúc, cán sắt và lắp rắp nông cơ tầm vóc nhỏ hơn, kiểu gia đình, hoạt động rất náo nhiệt quanh khu vực Chợ Lớn.
Đời sống của cộng đồng người Hoa trở nên sung túc. Nhiều khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu giải trí được mở ra. Chợ Lớn dần dần hồi phục.
Với sự tham chiến của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh năm 1965, người Hoa nhanh chóng đầu tư vào các khu vực chiến tranh như cung cấp vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nơi giải trí.
Khi chiến tranh gia tăng, người Hoa nhận thầu cung cấp cho quân đội Hoa kỳ rồi ký hợp đồng với Hoa kiều Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Thái Lan sản xuất đáp ứng nhu cầu quân đội. Đóng góp không ít cho sự phát triển của các nước này.
Có đến 80 tỷ phú người Việt gốc Hoa, đa số đứng đầu hay độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh nào đó nên được gọi là "vua" như vua gạo, vua xăng dầu, vua nông cụ, vua bột mì…
Chủ nhân người Việt gốc Hoa thường chăm lo đời sống công nhân một cách tận tình và chu đáo. Bởi thế trước năm 1975 không hề có biểu tình hay đình công đòi quyền lợi xảy ra như ngày nay.
Qui chế bang hội tuy không được chính thức thừa nhận nhưng những bang hội người Hoa được tự do hoạt động. Các trường tư thục Hoa ngữ được mở lại.
Báo chí Hoa ngữ hoạt động tự do, có 11 nhật báo và 5 tuần báo, với số lượng phát hành khá cao và rất nhiều sạp báo nơi đông người Hoa cư ngụ. Chính quyền còn dành cho mỗi bang chương trình phát thanh riêng.
Nhiều viện đại học và trường kinh doanh với vốn đầu tư chính từ người Hoa đã được thành lập, đào tạo nhiều chuyên viên trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị. Người Hoa còn gửi con em đi du học trong các ngành kinh tế, kế toán, ngân hàng, kinh doanh và quản trị.
Mặc dù chiến tranh đang leo thang người Hoa vẫn xuất tiền thành lập doanh nghiệp lớn ngay trong nước, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, thay vì cất gửi vào các ngân hàng ngoại quốc hay chuyển ra nước ngoài.
Dân số cộng đồng người Hoa tăng nhanh từ 620.858 người năm 1956 lên 2,2 triệu năm 1972. Rất đông Hoa kiều đã đến từ Hong Kong và Đài Loan.
Mặt tiêu cực, người Hoa bị mang tiếng là trốn lính, làm lính kiểng, lính hậu cần… Tuy nhiên, cũng có không ít thanh niên đã gia nhập quân đội, anh dũng chiến đấu và nhiều người đã hy sinh để bảo vệ miền Nam tự do.
Một số thương gia bị cho là đóng thuế hay buôn bán với cộng sản. Sau 1975 mới rõ tỷ lệ này không nhiều vì người Hoa thường sinh hoạt trong vùng có an ninh và rất e ngại bị chính quyền phát hiện. Nếu có, chẳng qua họ bị cộng sản cưỡng bách cộng tác.
Người Hoa bị mang tiếng là đầu cơ tích trữ, thâu tóm thị trường, làm tăng giá hàng một cách giả tạo, hay hối lộ, đút lót cho các viên chức chính quyền. Chẳng qua vì thời chiến nên luật pháp còn lỏng lẻo tạo ra những hiện tượng này.
Nói chung thời Việt Nam Cộng hòa kinh tế tự do, ít hay gần như không bị đánh thuế, người Việt không cạnh tranh trên thương trường, văn hóa không mấy khác biệt, người Việt vốn không kỳ thị xem người Hoa như anh em một nhà,… người Việt gốc Hoa thực sự muốn hội nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đất lành chim đậu.
Sau 30/4/1975
Cùng chung số phận với người miền Nam, người Việt gốc Hoa gánh chịu những chính sách kỳ thị như phân chia thành phần giai cấp, thành phần xã hội.
Tại Chợ Lớn một số người treo cờ Trung Quốc đào thêm mối nghi ngờ là cớ để nhà cầm quyền nhận xét có người Hoa trong "đạo quân thứ 5" và người Hoa sẽ tiếp tay với Trung Quốc khi có chiến tranh…
Sài Gòn đổi tên. Chợ Lớn cùng chung số phận. Cả Sài Gòn và Chợ Lớn hoàn toàn biến mất trên bản đồ địa chính.
Nhiều đợt đánh tư sản liên tục xảy ra. Đợt đánh tư sản năm 1978 hầu hết các nhà mặt đường là cửa hàng buôn bán nên nằm trong diện bị đánh. Nhiều gia đình bị bắt đi kinh tế mới. Nhiều người phải bỏ nước ra đi. Nhà cửa họ bị tịch thu cấp cho cán bộ miền Bắc vào.
Người Hoa chỉ còn sống trong các hẻm nhỏ nhưng họ không bỏ Chợ Lớn. Trong số họ chắc không ít người vẫn ước mơ một ngày Chợ Lớn được phục hồi như xưa.
Trong số một triệu người bỏ nước ra đi trên một nửa là người Việt gốc Hoa. Đa số họ xem người Việt là người đồng hương. Có người dù cả cha lẫn mẹ người Trung Hoa, nhưng lại nhận là người Việt.
Người Việt và người Việt gốc Hoa sống quần tụ bên nhau. Nhiều khu vực mang tên Little Sài Gòn nhưng hầu hết thương gia là người Việt gốc Hoa.
Chưa bao giờ nghe nói đến Little Chợ Lớn ở hải ngoại nhưng trong thâm tâm nhiều người Việt gốc Hoa vẫn ước mong một ngày Chợ Lớn sẽ phục hồi.
Một cửa hàng bán rượu, bia và đồ uống trong Chợ Lớn
Về mặt kinh tế, Việt Nam đã thay đổi khá nhiều nhưng vai trò của người Việt gốc Hoa gần như còn rất khiêm nhượng. Chợ Lớn chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam. Chưa ai công khai bàn đến việc phục hồi Chợ Lớn để phát huy tiềm năng nội lực của người Việt gốc Hoa trong và ngoài nước.
Ngày 9/3/2018, Việt Nam, Singapore và 9 quốc gia khác chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định là gỡ bỏ mọi rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Singapore một thành viên khác ký hiệp định từ lâu đã là một trung tâm tài chính và thương mại nổi tiếng. Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và ở Singapore có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình và buôn bán hàng trăm năm nay. Chính quyền Singapore rất thân thiện với Việt Nam.
Nhiều người Việt đã và đang học tập, sinh sống và làm việc tại Singapore. Khu vực chung quanh Chợ Lớn khá thuận lợi để các nước đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghiệp hiện đại… cơ hội rất lớn cho việc phục hồi Chợ Lớn.
Thế giới đang bước vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần một trung tâm vừa để tiếp công nghiệp hiện đại vừa là trung tâm tài chính và thương mại được quốc tế công nhận. Rất mong sự sáng suốt của tầng lớp cầm quyền biến giấc mơ phục hồi Chợ Lớn của không ít người thành hiện thực.
Nguyễn Quang Duy
Tác giả Nguyễn Quang Duy là Chủ nhiệm kiêm chủ bút Cộng Hòa Thời Báo, hiện ông sống tại Melbourne, Australia.
Theo cách thức bầu cử hiện nay Việt kiều song tịch mất quyền ứng cử Quốc hội.
Còn theo Hiến pháp 1967 Việt Nam Cộng Hòa người Việt hải ngoại có đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử kể cả chức vụ cao nhất là Tổng thống.
Cần phân biệt rõ người Việt hải ngoại đại đa số là người tị nạn chính trị. Khác hoàn toàn với Việt kiều là những công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bỏ phiếu bầu Đại biểu quốc hội - Ảnh minh họa
Luật chơi hiện hành
Theo BBC tiếng Việt, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu quốc hội Việt Nam, là một trong những đại biểu công khai phát biểu ủng hộ Dự luật Đặc khu, khiến một số người Việt tại Ba Lan bất đồng ý kiến và vào ngày 16/6/2018 đã biểu tình trước cửa nhà ông tại quận Ochota ở thủ đô Warsaw để phản đối.
Ông Nguyễn Văn Thân du học Ba Lan từ thập niên 1980 nhiều người tin rằng ông đã nộp đơn xin và đã có quốc tịch Ba Lan. Một biểu ngữ trong cuộc biểu tình yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có song tịch Việt Nam và Ba Lan hay không ?
Ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng đoàn Đại biểu quốc hội Thái Bình cho BBC biết, ông "không rõ về vấn đề quốc tịch (Ba Lan) của ông Thân", vì "ông Thân là đại biểu do trung ương gửi về và hồ sơ của ông Thân do Ban công tác Đại biểu quốc hội nắm, nên đoàn Đại biểu quốc hội Thái Bình không biết".
Vào tháng 7/2016, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường "có đến hai quốc tịch", một của Việt Nam, một của Malta và bà Hường bị tố cáo phải làm đơn xin thôi làm đại biểu quốc hội.
Việt Nam hậu cộng sản
Trong trường hợp Việt Nam thay đổi thể chế cách hay nhất là tạm thời sử dụng Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 làm căn bản cho việc ứng cử và bầu cử.
Theo Hiến pháp 1967 công dân là những người sinh ra tại Việt Nam thống nhất có chủ quyền từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Điều 13.2 quy định "Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định".
Điều 32.1 về quyền ứng cử Dân biểu những công dân : "Có Việt tịch từ khi mới sanh, hoặc đã nhập Việt tịch ít nhất bảy (7) năm, hoặc đã thủ đắc hoặc hồi phục Việt tịch ít nhất năm (5) năm tính đến ngày bầu cử".
Điều 34 quy định : "Được quyền ứng cử Nghị sĩ những công dân đủ ba mươi (30) tuổi tính đến ngày bầu cử, hội đủ các điều kiện dự liệu trong đạo luật bầu cử Nghị sĩ và các điều kiện qui định ở Điều 32".
Điều 53.1 quy định quyền ứng cử Tổng thống hoặc Phó Tổng thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây : "Có Việt tịch từ khi mới sanh ra và liên tục cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam ít nhất mười (10) năm tính đến ngày bầu cử. Thời gian công cán và lưu vong chánh trị tại ngoại quốc được kể như thời gian cư ngụ tại nước nhà".
Như vậy mọi người Việt hải ngoại và cả Việt kiều đều có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội.
Định nghĩa lưu vong chánh trị
Người Việt hải ngoại dù là thuyền nhân, vượt biên đường bộ, đi theo diện HO hay ở lại các quốc gia thuộc Liên Xô và Đông Âu khi thể chế cộng sản các quốc gia này sụp đổ đều có chung một đặc thù là tị nạn chính trị.
Những người được gia đình bảo lãnh hay sinh ra ở hải ngoại vẫn được xem là những người tị nạn chính trị.
Một số người khác ra đi chính thức nhưng có những việc làm về thông tin, văn hóa, chính trị trái ý với nhà cầm quyền cộng sản không thể trở về cố hương đều có thể được xem là "lưu vong chánh trị".
Nói tóm lại, theo Hiến pháp 1967, đa số người Việt hải ngoại có đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử kể cả các chức vụ cao nhất là Tổng thống.
Một Hiến pháp mới cho Việt Nam
Khi thể chế tại Việt Nam thay đổi sẽ có những bước chuyển tiếp, trong đó có việc bầu ra Quốc hội Lập hiến soạn thảo một Hiến pháp mới cho Việt Nam.
Một hiến pháp như thế đầu tiên phải có việc ứng cử và bầu cử vào Quốc hội Lập hiến. Như đã trình bên trên người Việt hải ngoại có quyền ứng cử và bầu cử Quốc hội Lập hiến này.
Hiến pháp mới nên dựa trên tinh thần nhân bản và hòa đồng dân tộc với những điểm tương tự như Hiến pháp 1967.
Nguyễn Quang Duy
20/06/2018
Melbourne, Úc Đại Lợi