Sau ba thập niên, Trung Quốc vẫn ráo riết kiểm duyệt vụ thảm sát Thiên An Môn
Gia Hưng, RFI, 31/05/2019
Cách nay 30 năm, vào đêm mùng 3 và mùng 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
Ảnh tư liệu : Lính Trung Quốc vượt rào để vào trấn áp người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 04/06/1989 CATHERINE HENRIETTE / AFP
Ba thập niên sau, sự kiện này vẫn rất nhậy cảm đối với chính quyền. Các cơ quan kiểm duyệt ngập đầu trong công việc và chính quyền tăng cường giám sát các cựu thành viên phong trào.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Các số điện thoại có đuôi "8964" không có tín hiệu phản hồi nữa tại Trung Quốc. Đây là con số mà các cựu thành viên phong trào Thiên An Môn thường lựa chọn như một tín hiệu để nhận biết nhau. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989, ngày mà những chiếc xe tăng tiến vào quảng trường lớn nhất thế giới.
Những người đăng ký số điện thoại này, cách nay vài tuần còn có thể gọi được thì nay đều vắng mặt. Đường dây điện thoại bị cắt, còn các mạng xã hội cũng bị theo dõi nghiêm ngặt.
Kể từ vài hôm trước, trang web wikipedia về sự kiện Quảng Trường Thiên An Môn không thể truy cập nếu không dùng ứng dụng VPN. Và điều kỳ lạ là cho dù nội dung trang wikipedia này không hề liên quan đến sự kiện không được nói tới trong các sách giáo khoa sử. Một số website phát trực tiếp thông tin và các bình luận thì đều đang được bảo trì cho tới ngày 06 và 07/06.
Một số nhà tranh đấu-nghệ sĩ đã bị bắt ở Nam Kinh, một nhà văn bị bắt là An Huy, và một số khu triển lãm tại Bắc Kinh và vùng ngoại ô đều bị kiểm soát chặt. Tại các trường đại học, và đặc biệt là đại học Bắc Kinh danh giá, nơi phong trào được khởi xướng cách đây 30 năm, người ta lịch sự đề nghị hoãn các cuộc xin phỏng cho tới tuần thứ 2 của tháng 6.
Gia Hưng
Nguồn : RFA, 31/05/2019
*******************
Thảm sát Thiên An Môn sau 30 năm : Bài học gì cho Việt Nam ?
VOA, 31/05/2019
Sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc cách nay 30 năm đem lại bài học cho giới tranh đấu Việt Nam về huy động lực lượng và nhất là biết đánh giá tương quan lực lượng khi hành động, một nhà hoạt động dân chủ ở trong nước nhận định.
Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 6/6 năm 1989
Hoa Kỳ gọi hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn là một cuộc ‘thảm sát toàn diện’.
"Hoa Kỳ kêu gọi và tiếp tục kêu gọi, cũng như các nước khác trong cộng đồng quốc tế, là phải có sự chịu trách nhiệm công khai đối với những người bị giết hại, bị bắt giữ và mất tích", nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói với VOA hôm 30/5 tại một cuộc họp báo thường kỳ.
"Chúng tôi muốn họ phải thả những người đã bị bỏ tù vì nỗ lực giữ cho ký ức về sự kiện Thiên An Môn sống mãi cũng như phải chấm dứt việc sách nhiễu những người từng tham gia vào cuộc biểu tình và gia đình họ", bà Ortagus nói thêm.
Cách nay ba thập niên, vào ngày 4/6/1989, các cuộc biểu tình đòi dân chủ do giới sinh viên lãnh đạo diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Một trong những nguyên nhân bất bình chủ yếu của những người biểu tình là tình trạng tham nhũng ở tầng lớp tinh hoa. Người biểu tình cũng kêu gọi cải cách chính trị và đòi hỏi một xã hội công bằng hơn và cởi mở hơn.
Chính quyền Trung Quốc khi đó dưới lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình đã cho quân đội võ trang tới đàn áp người biểu tình. Các tổ chức nhân quyền tin rằng có từ vài trăm cho đến vài ngàn người đã bị sát hại khi xe tăng lăn bánh trên Quảng trường Thiên An Môn để dập tắt biểu tình.
Từ đó đến nay, sự kiện Thiên An Môn vẫn là chủ đề cấm kỵ không được phép nhắc đến ở Trung Quốc đại lục và người dân ở đây đa số hầu như không biết gì về sự kiện đẫm máu này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong những tuần qua, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ và quản chế cũng như đe dọa hàng chục nhà hoạt động và thân nhân của những người thiệt mạng vốn tìm cách kỷ niệm ngày 4/6.
"Chúng tôi có đọc những tin tức đó, điều đó không thể tồi tệ hơn được nữa", bà Ortagus nói. "Chúng ta không thể quên việc này. Đó là cuộc thảm sát toàn diện".
‘Kết quả của nền chính trị cởi mở’
Trao đổi với VOA nhân dịp này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, nhận định rằng sở dĩ người dân Trung Quốc có cao trào dân chủ mạnh mẽ vào năm 1989 là vì trước đó họ ‘đã có gần chục năm không khí chính trị rất cởi mở’.
"Sau khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, nhất là sau khi Hồ Diệu Bang lên làm Tổng bí thư và Triệu Tử Dương lên làm Thủ tướng, thì chính sách của Trung Quốc đã có sự cởi mở khá nhiều, chẳng hạn như lật lại những bản án của Cách mạng Văn hóa, phục hồi danh dự cho rất nhiều người", ông nói. "Cộng thêm Gorbachev ở Liên Xô vào lúc đó và phong trào dân chủ ở Đông Âu cộng hưởng lại thành phong trào sinh viên rất mạnh".
Tiến sĩ A cho rằng giới đấu tranh ở Việt Nam có thể học được bài học về huy động lực lượng của phong trào Thiên An Môn mà ông cho là ‘rất tốt’ vào thời kỳ chưa có Internet, chưa có mạng xã hội như bây giờ.
Tuy nhiên, ông nói, Việt Nam cũng cần rút tỉa từ sự thất bại của cuộc biểu tình vốn bị đàn áp đẫm máu và không đem lại kết quả gì cho công cuộc dân chủ hóa Trung Quốc.
"Chúng ta phải áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam", ông phân tích. "Không nhất thiết phải có sự xuống đường của hàng trăm ngàn người và chiếm quảng trường để rồi vấp phải sự đàn áp rất khốc liệt".
"Đấu tranh là quá trình lâu dài chứ không phải chỉ vài ngày là xong ngay", ông nói thêm và cho rằng cần phải xét tương quan lực lượng giữa hai phía.
"Nếu hai phía bên tám lạng người nửa cân, như ở Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, thì một đợt huy động ngắn và rầm rộ như thế có thể dẫn đến dân chủ hóa. Ngược lại, huy động rầm rộ cũng có thể dẫn đến thất bại như ở Thiên An Môn và một số nước Ả Rập vào năm 2011 (trong phong trào Mùa xuân Ả Rập)".
Còn nói về bài học cho Đảng cộng sản Việt Nam, ông A khuyến cáo sự kiện Thiên An Môn là ‘vết nhục của Đảng cộng sản Trung Quốc’ và Việt Nam ‘không bao giờ được học cách ứng xử của Đặng Tiểu Bình và một số nhân vật chóp bu khác của Đảng cộng sản Trung Quốc’.
Nhà hoạt động này cũng bày tỏ nuối tiếc khi phong trào Thiên An Môn ngày nay không còn ý nghĩa gì nữa ở Trung Quốc do chính sách quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh suốt 30 năm qua.
"Chính quyền Trung Quốc họ đã làm rất thành công", ông nói và nhận xét thêm rằng mạng internet của Trung Quốc dù có số lượng người sử dụng lớn nhất thế giới nhưng chỉ là ‘mạng nội bộ’ bị chính quyền hoàn toàn nắm quyền kiểm soát nội dung.
Theo lời ông, 30 năm trước ‘thông tin rất là kém’, cộng thêm chính quyền Việt Nam không nói gì nhiều về sự kiện Thiên An Môn hay sự chuyển đổi dân chủ ở Đông Âu sau đó nên toàn bộ phong trào ở Đông Âu, Liên Xô và Trung Quốc ‘mặc dù có ảnh hưởng một chút đến giới trí thức Việt Nam khi đó, nhưng không nhiều lắm’.
"Bây giờ tất cả những sự kiện trên thế giới người Việt Nam tiếp nhận rất nhanh chóng. Hy vọng người Việt Nam hiểu kỹ hơn về sự kiện xảy ra ở Thiên An Môn", Tiến sĩ A nói.
‘Nhà lãnh đạo cấp tiến’
Ông A cũng là người tích cực phổ biến trong cộng đồng đấu tranh dân chủ ở Việt Nam quyển Hồi ký Triệu Tử Dương, vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc có cảm tình với phong trào sinh viên về sau bị mất chức trong sự kiện Thiên An Môn và bị giam lỏng cho đến chết.
"Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm chung cho nên việc học kinh nghiệm của Trung Quốc cũng như của các nước khác là rất quan trọng", ông giải thích việc làm của mình.
Tiến sĩ A nói cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương là một ‘nhà cải cách quan trọng’ của Trung Quốc.
"Thật sự ông ấy là người thực hiện cải cách kinh tế của Trung Quốc trong suốt 10 năm làm Thủ tướng. Trong những năm cuối đời bị giam lỏng, ông ấy đã suy gẫm để tìm cách cải cách chính trị", ông A cho biết.
"Ông Triệu ngộ ra rằng những việc ông ấy làm trước kia về cải cách chính trị là chưa thấu đáo và cách làm thấu đáo nhất là không có cách nào khác mà phải thực thi dân chủ kiểu phương Tây, ít nhất đó là mô hình tốt nhất cho đến lúc ông ấy còn sống", ông A nói và cho rằng bài học mà ông Triệu rút ra ‘đáng để các nhà lãnh đạo Việt Nam suy gẫm’.
Vẫn theo lời nhà hoạt động Nguyễn Quang A, ông Triệu có cách tiếp cận mềm dẻo với phong trào sinh viên vì ‘ông là nhà lãnh đạo trẻ và rất đồng cảm với các cải cách chính trị của Tổng bí thư Hồ Diệu Bang’. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình, vốn là người rất cứng rắn, mới là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào lúc đó. Chính vì vậy mà phong trào Thiên An Môn bị đàn áp và Triệu Tử Dương bị sa cơ.
Tiến sĩ A cho rằng nếu ở Việt Nam có một người có tư tưởng cấp tiến như ông Triệu Tử Dương lên làm lãnh đạo ‘sẽ thúc đẩy dân chủ hóa ở Việt Nam rất nhanh chóng’.
"Nếu người dân Việt Nam cố gắng thực hiện đầy đủ quyền của mình một cách ôn hòa và gây sức ép liên tục lên chính quyền và đồng thời có nhân vật cấp tiến nào đấy được sự ủng hộ của nhân dân thì hai quá trình đấy sẽ tương tác với nhau và thúc đẩy dân chủ hóa đất nước".
Nguồn : VOA, 31/05/2019
Hòa Ái, RFA, 24/05/2019
Báo cáo Minh bạch của Facebook ghi nhận gia tăng hơn 500% lượng nội dung bị giới hạn tiếp cận tại Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2018, theo yêu cầu của Chính phủ Hà Nội.
Facebook gia tăng giới hạn về nội dung đến 500% ở Việt Nam
Cư dân mạng Việt Nam nói gì trước thông tin vừa nêu ?
Biểu đồ trên trang mạng transparency.facebook.com cho thấy từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2018, Facebook hạn chế truy cập lên đến 1.553 nội dung đăng tải và 3 hồ sơ ở Việt Nam. Các nội dung đăng tải bị Facebook hạn chế dựa theo các báo cáo của Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Công An với cáo buộc vi phạm Điều 5 Nghị định số 72/2013/ND-CP bao gồm có nội dung chống phá nhà nước, phỉ báng giới chức công khai và đưa thông tin xuyên tạc.
Reuters, vào ngày 24 tháng 5 dẫn lời của đại diện Facebook cho biết việc hạn chế nội dung đăng tải trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ Hà Nội, tăng hơn 500% so với 265 nội dung đăng tải trong thời gian 6 tháng đầu năm 2018.
Người phát ngôn của Facebook cho Reuters biết thêm rằng sự gia tăng hạn chế này là do Việt Nam thắt chặt kiểm soát internet, mà đỉnh điểm là Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1 năm 2019, yêu cầu Facebook phải đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Luật sư Võ An Đôn, từ Phú Yên, vào tối ngày 24 tháng 5 lên tiếng xác nhận với RFA rằng ông ghi nhận Facebook thời gian qua kiểm soát gắt gao các nội dung đăng tải, dù thông tin là sự thật và chính xác nhưng vẫn bị chặn. Luật sư Võ An Đôn nói về trường hợp cá nhân của ông :
"Trước đây tôi có những bài viết thông báo về phiên tòa công an đánh chết dân ở Ninh Thuận và tôi chỉ đăng hình tra tấn giống y như nội dung vụ án, nhưng tôi bị Facebook chặn đến 60 ngày. Sau nhiều lần yêu cầu mới trả lại".
Còn Blogger Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn cho biết ông thật sự bàng hoàng trước thông số hơn 500% nội dung đăng tải trên Facebook ở Việt Nam bị hạn chế chỉ trong vòng 6 tháng :
"Thứ nhất là tôi cảm thấy rất sửng sốt khi đọc con số khủng khiếp như vậy. Thứ hai là tôi thấy Facebook đang bội tín đối với khách hàng, trong khi họ hứa hẹn nào là không kiểm duyệt, không thỏa hiệp với các quốc gia mà có vi phạm nhân quyền. Bây giờ họ tăng cường tới 500% thì rõ ràng họ đang đứng về phía nhà cầm quyền Việt Nam. Như vậy họ sẽ trả lời như thế nào đối với những khách hàng ở Việt Nam đang sử dụng Facebook ?"
Theo bản tin loan đi vào ngày 24 tháng 5 của Reuters, đại diện Facebook nhấn mạnh rằng Facebook nhiều lần phải hạn chế truy cập nội dung ở một quốc gia vì vi phạm luật của quốc gia đó, mặc dù không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Người đăng tải nội dung bị hạn chế sẽ được Báo cáo Minh bạch của Facebook thông báo về điều này.
Hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, truyền thông trong nước đưa tin Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam cho rằng Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực bao gồm quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế đối với Việt Nam. Bản tin cũng cho biết các cơ quan quản lý Việt Nam tiếp tục thu thập bằng chứng bị cho là vi phạm của Facebook và yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng Courtesy : Amnesty International
Việt Nam được ghi nhận có khoảng 70% dân số thường xuyên sử dụng internet và 55 triệu người dùng Facebook. Tuy nhiên, kể từ khi Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/06/18 và có hiệu lực từ ngày 01/01/19, giới cư dân mạng tại Việt Nam cho rằng Facebook có nguy cơ trở thành đồng lõa với kiểm duyệt của nhà nước khi Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ các nội dung "xấu, độc hại" và phía Facebook cũng cam kết không để cho các tài khoản đăng tải nội dung xấu, bôi nhọ người khác còn chỗ dung thân trên mạng xã hội hàng đầu được nhiều người sử dụng nhất trên toàn cầu.
Vào ngày 9 tháng 4 năm 2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook, ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị lấy xuống cũng như tài khoản bị khóa với lời kêu gọi "Facebook không nên ủng hộ thể chế độc tài".
Một ngày sau khi thư ngỏ này được phổ biến, đại diện truyền thông của Facebook, bà Sophie Vogel thừa nhận với RFA rằng mặc dù Facebook có đề ra tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng đôi khi vẫn phải gỡ bỏ những nội dung dù không vi phạm tiêu chuẩn này mà lại vi phạm luật pháp của một quốc gia. Bà Sophie Vogel còn xác nhận Facebook không nhất thiết xóa bỏ hoàn toàn nội dung mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập trong phạm vi quốc gia nơi nội dung đó bị cho là vi phạm luật.
Blogger Nguyễn Ngọc Già khẳng định rằng Facebook phải lưu ý khi tuân thủ luật của một quốc gia cụ thể như Việt Nam thì cũng phải tuân thủ luật quốc tế :
"Khi Facebook viện dẫn ‘phải theo luật Việt Nam’ thì tôi đồng ý hoạt động ở quốc gia nào là phải tuân thủ quốc gia đó. Nhưng cả thế giới đang hội nhập với nhau và có những mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời thì dù cho rằng tuân thủ theo luật của quốc gia đó không thể nào tách rời khỏi những luật quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ lâu".
Một số facebooker tại Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng Facebook đang bị mâu thuẫn giữa tiêu chí hoạt động là đảm bảo tự do ngôn luận, nhưng lại phải tuân thủ theo yêu cầu không chính đáng của Chính quyền Việt Nam, mà về mặt luật pháp thì Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý kiến của họ. Không ít facebooker nói rằng họ rất bất bình đối với việc Facebook không tôn trọng quyền lợi của khách hàng ở Việt Nam. Luật sư Võ An Đôn, một facebooker ký tên trong thư ngỏ gửi đến nhà sáng lập Mark Zuckerberg hồi tháng 4 năm ngoái nói rằng :
"Nếu có điều kiện thì chúng tôi cũng như những người sử dụng Facebook ở Việt Nam có yêu cầu là Facebook không nên tuân thủ theo các yêu cầu của Chính quyền Việt Nam, mà nên coi người tiêu dùng Facebook ở Việt Nam giống như người sử dụng Facebook trên toàn cầu trong việc tôn trọng quyền cá nhân và quyền biểu đạt thông tin của họ".
Mới đây nhất, nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3 tháng 5 năm 2019, 10 tổ chức bao gồm Access Now, Article 19, Destination Justice, Electronic Frontier Foundation, Equality Labs, Horizontal, Phóng viên Không Biên giới (RSF), SEAPA, Việt Tân, Witness đã đồng ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Facebook không được khuất phục biện pháp kiểm duyệt của Chính phủ Hà Nội. Ông Lý Thái Hùng, đại diện của Việt Tân cho RFA biết :
"Việc gửi thư ngỏ đến Facebook cùng các NGOs hoặc các tổ chức chỉ là một bước đầu thôi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phải thực hiện thêm hai bước nữa bao gồm gặp trực tiếp với những người lãnh đạo của Facebook để trình bày cho họ thấy rõ là họ đang làm những điều gây nguy hại đến quyền tự do của các facebooker tại Việt Nam, cũng như là họ vô tình hợp tác với chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam chỉ vì lợi nhuận kinh tế ; thứ hai nữa là chúng tôi sẽ vận động với một số dân biểu và nghị sĩ tại Quốc hội Hoa Kỳ để tạo một số áp lực hoặc mở những cuộc điều trần với Facebook tại Quốc hội để yêu cầu Facebook phải có một số những hành xử đúng đắn hơn để bảo vệ quyền tự do của các facebooker ở những quốc gia độc tài, trong đó có Việt Nam".
Trong khi đó, giới facebooker tại Việt Nam khẳng định rằng dù bị kiểm duyệt, dù bị bắt bớ, dù bị giam cầm thì họ vẫn tiếp tục thực hiện các quyền được hiến định của người dân Việt Nam, trong đó có quyền được bày tỏ chính kiến và quyền chia sẻ thông tin.
Hòa Ái
******************
Việt Nam : Số lượng nội dung bị Facebook kiểm duyệt tăng 500%
Thụy My, RFI, 24/05/2019
Facebook đã tăng số lượng nội dung bị hạn chế truy cập ở Việt Nam trên 500% trong nửa cuối năm 2018, theo báo cáo công bố hôm nay 24/05/2019 của mạng xã hội này, trong bối cảnh Hà Nội gia tăng trấn áp các nhà ly khai trên mạng.
Ảnh minh họa logo Facebook. Reuters/Dado Ruvic/Illustration/File Photo
Báo cáo về minh bạch của Facebook cho biết từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2018, đã hạn chế truy cập 1.553 bài đăng và 3 tài khoản ở Việt Nam, so với sáu tháng đầu năm là 265 bài. Việc "hạn chế" này có nghĩa là một bài đăng trên Facebook không thể xem được ở một số quốc gia vì vi phạm luật lệ địa phương.
Một phát ngôn viên Facebook nói với Reuters : "Đôi khi chúng tôi phải hạn chế truy cập nội dung vì vi phạm luật của một nước nào đó, cho dù không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng", và mỗi lần như thế đều có thông báo cho tác giả.
Văn bản về minh bạch của Facebook cho biết việc hạn chế nội dung được dựa trên các báo cáo của bộ Thông Tin và bộ Công An Việt Nam. Trang web chính phủ Việt Nam hôm 7/5 cho hay Facebook đã gỡ trên 200 bài viết chống Nhà nước, và báo chí chính thức nói rằng Hà Nội đã thành lập một nhóm làm việc gồm Facebook, bộ Thông Tin và Truyền Thông, Ngân Hàng Nhà Nước, Tổng cục Thuế và bộ Công An để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Facebook là mạng xã hội được sử dụng rất rộng rãi ở Việt Nam, phục vụ cho cả thương mại điện tử lẫn thông tin "lề trái". Hồi tháng Giêng, Việt Nam tố cáo Facebook vi phạm luật khi cho phép người sử dụng đăng những bình luận chống chính phủ. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay đòi hỏi các công ty internet phải đặt trụ sở tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nội địa.
Thụy My
***************
Facebook tăng 500% việc hạn chế nội dung ở Việt Nam trong năm 2018
VOA, 24/05/2019
Trong nửa cuối năm 2018, Facebook tăng hơn 500% số lượng các nội dung mà hãng hạn chế quyền truy cập ở Việt Nam, hãng truyền thông xã hội khổng lồ của Mỹ cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Sáu, 24/5, vào lúc Việt Nam tăng cường trấn áp giới bất đồng chính kiến trên mạng.
Facebook chặn hơn 1.500 nội dung ở Việt Nam trong nửa cuối năm 2018
Sự gia tăng xảy ra cùng lúc Việt Nam thắt chặt các hạn chế internet, mà đỉnh điểm là luật an ninh mạng có hiệu lực vào tháng 1 năm nay, luật này đòi hỏi các công ty phải thiết lập văn phòng ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước.
Đầu tháng này, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết gần 10% trong số 128 tù nhân bị giam cầm ở Việt Nam vì bày tỏ quan điểm bất đồng là những người bị bỏ tù vì đăng những lời lẽ chống nhà nước trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook.
Facebook được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và đóng vai trò là nền tảng chính cho cả các hoạt động thương mại điện tử lẫn bày tỏ bất đồng chính kiến. Vào tháng 1, Việt Nam đã cáo buộc Facebook vi phạm luật pháp nước này khi hãng cho phép người sử dụng đăng các lời lẽ chống chính quyền.
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái, Báo cáo Minh bạch của Facebook cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập đối với 1.553 bài đăng và 3 chủ tài khoản tại Việt Nam, so với chỉ có 265 hạn chế như vậy trong một vài tháng đầu năm 2018.
Việc hạn chế của Facebook có nghĩa là một nội dung được đăng lên Facebook nhưng không thể xem được ở một số quốc gia vì nó được coi là vi phạm luật pháp nước sở tại.
"Có một số lần chúng tôi có thể phải hạn chế quyền truy cập vào nội dung vì nó vi phạm luật pháp ở một quốc gia cụ thể, ngay cả khi nó không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi", một phát ngôn viên của Facebook nói với Reuters.
Nữ phát ngôn viên nói thêm : "Chúng tôi công bố thông tin về nội dung mà chúng tôi hạn chế dựa trên luật của nước sở tại trong Báo cáo Minh bạch của chúng tôi và cũng thông báo cho người đăng nội dung đã bị hạn chế".
Báo cáo Minh bạch của Facebook cho biết họ đã thực hiện các hạn chế dựa trên các báo cáo từ các bộ thông tin và công an của Việt Nam.
Theo một báo cáo được đăng trên trang web của chính phủ Việt Nam vào ngày 7/5, cho đến nay, Facebook đã xóa hơn 200 bài đăng có chứa nội dung chống nhà nước tại Việt Nam theo yêu cầu gỡ xuống của chính phủ.
Báo cáo của chính phủ Việt Nam cho biết Hà Nội đã thành lập một nhóm làm việc giữa Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cục thuế và Bộ Công an để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Báo cáo cho biết nhóm làm việc đang tập trung vào ba lĩnh vực chính : nội dung vi phạm, phát triển kinh tế và thuế.
*****************
Facebook tăng chặn bài ‘vi phạm luật Việt Nam’
BBC, 24/05/2019
Facebook đã tăng số lượng nội dung mà trang này hạn chế truy cập tại Việt Nam hơn 500% trong nửa cuối năm 2018, công ty truyền thông xã hội khổng lồ của Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo đưa ra hôm thứ Sáu, trong bối cảnh Hà Nội tăng cường trấn áp tiếng nói bất đồng chính kiến trên internet.
Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng hôm 12/6/2018.
Sự gia tăng chóng mặt này đặt câu hỏi liệu Facebook có chịu sức ép của chính phủ Việt Nam.
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng có hiệu lực vào tháng 1/2019, theo đó yêu cầu các công ty phải đặt văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu ở trong nước.
Đầu tháng này, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết gần 10% trong số 128 tù nhân bị giam giữ tại Việt Nam vì bày tỏ quan điểm bất đồng đã bị xử tù vì đăng bình luận chống nhà nước trên các trang mạng xã hội như Facebook.
Facebook có nhiều người dùng tại Việt Nam và đóng vai trò là nền tảng chính cho cả thương mại điện tử và bày tỏ bất đồng chính kiến.
Vào tháng 1/2019, Hà Nội đã cáo buộc Facebook vi phạm luật Việt Nam bằng việc cho phép người dùng đăng tải bình luận chống chính phủ.
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái, Báo cáo Minh bạch của Facebook cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập vào 1.553 bài và ba tài khoản tại Việt Nam, so với chỉ 265 "sự hạn chế" như vậy trong sáu tháng đầu năm 2018.
Một "sự hạn chế" là để chỉ một bài viết đăng lên Facebook mà không thể xem được ở một số quốc gia vì bị coi là vi phạm luật pháp nước sở tại.
"Có những lúc chúng tôi có thể phải hạn chế quyền truy cập vào nội dung vì nó vi phạm luật pháp ở một quốc gia cụ thể, ngay cả khi nó không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, một người phát ngôn của Facebook nói với hãng tin Reuters.
Người phát ngôn này nói "Chúng tôi công bố thông tin về nội dung mà chúng tôi hạn chế dựa vào luật địa phương trong Báo cáo Minh bạch của chúng tôi và thông báo cho người đã đăng nội dung đó đã bị hạn chế".
Báo cáo minh bạch của Facebook cho biết họ đã thực hiện các hạn chế dựa trên các báo cáo từ các Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.
Theo một báo cáo được đăng trên trang web chính phủ Việt Nam vào ngày 7/05/2019, cho đến nay, Facebook đã xóa hơn 200 bài đăng có chứa nội dung chống nhà nước Việt Nam theo yêu cầu gỡ xuống của chính phủ.
Báo cáo của Chính phủ Việt Nam nói Hà Nội đã thành lập một nhóm làm việc giữa Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cục thuế và Bộ Công an để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Báo này cho biết nhóm làm việc đang tập trung vào ba lĩnh vực chính : Vi phạm nội dung, phát triển kinh tế và thuế.
*******************
Facebook phản hồi về việc gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của Việt Nam
Hoàng Long, VOA, 17/05/2019
Facebook đã gỡ bỏ những nội dung liên quan tới hoạt động buôn bán động vật gặp nguy cấp và quảng cáo cờ bạc trái với những điều lệ của họ trong khi hạn chế một số nội dung "vi phạm luật" của Việt Nam, một phát ngôn viên của đại công ty công nghệ này nói với VOA.
Việt Nam xem nhiều nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội là "xấu độc" vì chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ cũng như cá nhân các nhà lãnh đạo.
Bước đi này được thực hiện giữa lúc Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch gây áp lực với các nền tảng mạng xã hội nhằm loại bỏ những nội dung bị cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia kể từ khi Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm nay.
Việt Nam trước đó đã cáo buộc Facebook - một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam - vi phạm luật này vì nhiều lần không hồi đáp những yêu cầu gỡ bỏ những fanpage bị cáo buộc kích động hoạt động ‘chống phá nhà nước.’
Truyền thông Việt Nam tuần trước cho hay Facebook đã gỡ bỏ "208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc".
Trong khi đó Google được nói là đã ngăn chặn "hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play", và Apple gỡ bỏ "9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore" theo yêu cầu của Việt Nam.
Đây là kết quả của điều được mô tả là "các biện pháp đấu tranh an ninh chính trị, kinh tế, kĩ thuật" nhằm buộc các công ty công nghệ tuân thủ luật pháp Việt Nam, theo một bản tin của VietNamNet.
Google và Apple không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA nhưng Facebook xác nhận những nội dung bị gỡ bỏ là "tài khoản giả mạo, việc buôn bán động vật gặp nguy cấp, hoặc việc quảng cáo cờ bạc không được cho phép", vốn là những nội dung mà Facebook nói trái với Tiêu chuẩn Cộng đồng và Chính sách Quảng cáo của mình.
"Và chúng tôi sẽ loại bỏ những nội dung này ngay khi chúng tôi biết về chúng, bất kể là ai báo cáo với chúng tôi", một phát ngôn viên của Facebook hồi đáp qua email khi VOA hỏi yêu cầu gỡ bỏ nội dung được Việt Nam đưa ra khi nào.
"Cũng có những lần chúng tôi có thể phải hạn chế tiếp cận nội dung bởi vì nó vi phạm luật ở một nước cụ thể, mặc dù nó không vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi".
Với những nội dung rơi vào trường hợp này, Facebook giải thích rằng các đội ngũ pháp lí của họ sẽ "điều tra thấu đáo" để xác định tính chất thỏa đáng về mặt pháp lí của yêu cầu gỡ bỏ. Nếu nội dung được xét thấy có vi phạm luật địa phương, Facebook "có thể" hạn chế tiếp cận nội dung ở nước mà nội dung đó là bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là nội dung đó vẫn có thể được tiếp cận ở những nơi khác trên thế giới.
"Chúng tôi kháng cự và chúng tôi thách thức những yêu cầu dường như vô lí hoặc quá rộng", phát ngôn viên Facebook nói.
Facebook không cho biết cụ thể trong phản hồi cho VOA những nội dung nào bị hạn chế tiếp cận vì vi phạm luật địa phương ngoài những tài khoản giả mạo và quảng cáo trái quy định, mà thay vào đó, chỉ ra Báo cáo Minh Bạch của họ thống kê số lượng những trường hợp hạn chế.
Báo cáo cho thấy trong khoảng thời gian nửa năm từ tháng 1 tới tháng 6 năm 2018, có tổng cộng 265 trường hợp bị hạn chế tiếp cận, tăng mạnh so với khoảng sáu tháng nửa sau của năm 2017 với chỉ 22 trường hợp. Không có số liệu thống kê được báo cáo cho những năm trước đó.
Việt Nam xem nhiều nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội là "xấu độc" vì chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ cũng như cá nhân các nhà lãnh đạo. Luật An ninh mạng hình sự hóa những nội dung như vậy trong khi cũng yêu cầu các công ty công nghệ mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam.
Việt Nam nói luật này không nhằm mục đích kiểm soát hay làm lộ thông tin của công dân mà chỉ phục vụ điều tra, xử lí hành vi vi phạm về an ninh mạng. Nhưng các tổ chức vận động nhân quyền quốc tế chỉ trích nó là công cụ nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh mở rộng do thám để phát hiện những người chỉ trích, nghĩa là xâm hại quyền riêng tư của người dùng internet.
Sự phổ biến của Facebook ở Việt Nam đã khiến nhiều người dùng lo ngại về những dàn xếp khả dĩ giữa nền tảng mạng xã hội này và chính phủ Hà Nội. Lo ngại này càng gia tăng khi Facebook bị săm soi về một loạt những vụbê bối về dữ liệu người dùng trong năm qua khiến công ty này bị điều tra ở Mỹ và một số nước khác trên thế giới.
Facebook hiện vẫn chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam. Không rõ công ty này có kế hoạch mở văn phòng trong tương lai gần hay không.
Trong một bài viết đăng vào tháng 3, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, trình bày viễn kiến của ông cho một nền tảng mà ông nói đề cao việc kết nối một cách riêng tư và an toàn. Một trong những nguyên tắc mà ông đúc kết là lưu trữ dữ liệu an ninh.
"Mọi người nên kì vọng rằng chúng tôi sẽ không lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở những nước với thành tích nhân quyền kém như quyền riêng tư và quyền tự do biểu đạt nhằm bảo vệ dữ liệu khỏi bị tiếp cận một cách không thỏa đáng", ông cam kết.
Hoàng Long
Việt Nam : Sau "đột quỵ", Nguyễn Phú Trọng càng ''độc đoán'' hơn ?
RFI, 17/05/2019
Nguyễn Phú Trọng đột ngột trở lại chính trường ngày 14/05/2019, sau một tháng chữa bệnh. Sự trở lại của ông Trọng, ngay trước thềm hội nghị trung ương 10, đi kèm với một loạt vụ tấn công "quan chức" tham nhũng cấp cao khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền ông Trọng đang chuyển sang "đốt lò" dữ dội hơn.
Ông Nguyễn Phủ Trọng chủ trị hội nghị Trung ương 10 của Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019. Ảnh chụp màn hình : VTV 1
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, nếu như chủ trương chống tham nhũng quyết liệt của tổng bí thư – chủ tịch nước nhận được sự tán thưởng của một bộ phận dân chúng và giới chức chính quyền, thì với tình trạng "độc tôn thái quá", không khuyến khích dân chủ, không bảo vệ người dân chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, các chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng sẽ chỉ là "nửa vời", "mỵ dân". "Lò" của người bệnh hậu đột quỵ làm sao đủ sức thiêu được "đầm lầy tham nhũng". Và vì một lý do nào đó mà quyền lực của ông Trọng và phe cánh suy giảm, chẳng hạn như do lãnh đạo tối cao lâm vào một cơn bạo bệnh lần thứ hai, Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng "loạn đảng".
Sau đây là một số ghi nhận, phân tích và dự báo của nhà báo Phạm Chí Dũng (1) với RFI, ngày 14/05/2019, ngay sau khi có thông tin về buổi họp đặc biệt của ông Nguyễn Phú Trọng với một số lãnh đạo chủ chốt.
***
Nguyễn Phú Trọng xuất hiện đột ngột vào ngày 14/05. Phải nói là đột ngột, vì trước đó ít ngày đã có thông báo trên báo Đảng là Nguyễn Phú Trọng sẽ xuất hiện vào ngày 29/05, trong kỳ họp Quốc hội, để trình trước Quốc hội về Công ước 98 – tức một trong ba công ước về lao động mà Việt Nam chưa ký, liên quan đến Hiệp định Tự do Thương mại Châu Âu – Việt Nam. Nhưng có lẽ trước áp lực của dư luận đòi hỏi phải minh bạch hóa sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng, thành thử ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương cùng Bộ Chính Trị, và ông Trọng có vẻ sốt ruột. Họ đã tính đến chuyện phải cho ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện sớm hơn.
Đặc biệt là trước thời điểm hội nghị Trung ương 10, đang sinh ra rất nhiều đồn đoán là Nguyễn Phú Trọng không thể chủ trì được, và do đó sẽ mất vai trò, cũng như uy quyền chính trị tại hội nghị này. Sự xuất hiện của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 14/05 mang lại một số điểm hoài nghi.
Ông Trọng đột ngột trở lại : Điểm gì đáng chú ý ?
Qua nghe giọng nói ông Nguyễn Phú Trọng được đài Truyền hình Việt Nam tường thuật, ghi hình, cũng như ghi âm, tới hơn 6 phút, có thể thấy giọng nói của ông ta, khẩu khí của ông ta gần như không có gì thay đổi so với trước khi ông ta bị bệnh. Điều đó mang lại sự hoài nghi về tin đồn về việc ông ta phải nhập viện, không thể nói được, cũng như đang phải tập nói. Tôi nghĩ rằng, đối với một người bị tai biến mạch máu não, đột quy, dù là nhẹ, mà bị méo miệng, cũng không thể hồi phục giọng nói trong một thời gian ngắn thế này. Mới chỉ trong vòng một tháng mà giọng nói của ông ta rành mạch, dứt khoát, nói chung không có gì thay đổi so với trước đây.
Bên cạnh đó, lại lộ ra những chi tiết là trong suốt hơn 6 phút tường thuật của đài Truyền hình, đã không một lần cho thấy Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế… Điều đó có vẻ lô-gic với suy đoán là Nguyễn Phú Trọng đang phải tập đi, và căn bệnh tai biến mạch máu não đã làm ảnh hưởng một phần nào đó đến cơ thể ông ta.
Cần chú ý một điểm nữa là đài Truyền hình Việt Nam được tham gia ghi hình và thu tiếng đối với Nguyễn Phú Trọng, trong một buổi họp được coi là rất nội bộ. Nguyễn Phú Trọng họp với các lãnh đạo chủ chốt, để phổ biến về tình hình nội bộ. Điều này cho thấy đây không hẳn là một cuộc họp nội bộ.
"Riết róng, gia trưởng, độc đoán hơn"
Còn một điểm nữa là qua cách nói năng, diễn đạt của ông Trọng, tôi thấy có một sự khác biệt về khẩu khí. Đó là vào lần này, ông Trọng ít cười hơn. Hầu như trong hơn 6 phút tường thuật trên đài Truyền hình Việt Nam, ông ta không cười. Trước đây, thỉnh thoảng trong các buổi tường thuật trên đài Truyền hình, ông ta có cười. Lần này, không những không cười mà giọng nói ông ta còn nghiêm khắc hơn. Thậm chí có thể mô tả là giọng nói đó có một cái gì đó riết róng, gia trưởng, độc đoán hơn. Trong khi đó cả Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ, Nguyễn Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội, Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư, Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng Trung ương Đảng, đều cắm cúi ghi chép những lời chỉ bảo của Nguyễn Phú Trọng.
Việc Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo với cung cách và giọng nói như vậy làm cho tôi có cảm giác, cảm giác cá nhân thôi, là dường như tôi đang chứng kiến một ông Trọng khác. Tôi không nghĩ là có người đóng thế cho ông Trọng, mà đây là ông Trọng thật. Nhưng mà sau một cơn bạo bệnh, dường như tôi đang lờ mờ nhìn thấy sự biểu cảm của một Nguyễn Phú Trọng khác hẳn đi. Tôi thấy ông ta như trở nên gia trưởng hơn, độc đoán hơn, khó khăn hơn và có thể là bẳn tính hơn.
"Đốt lò" dữ dội hơn ?
Cần chú ý là trùng với ngày ông ta xuất hiện, ngày 14/05, cơ quan điều tra bộ Công An ra quyết định bắt giữ hai quan chức kinh doanh. Một là Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường, được coi là sân sau của một quan chức ở Hà Nội. Và hai là Tề Trí Dũng, tổng giám đốc công ty Tân Thuận, một đơn vị làm kinh tế Đảng của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt liên quan đến cựu phó bí thư thành ủy Tất Thành Cang.
Đặc biệt trong cuộc họp với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, mà nội dung được công khai hóa một phần, Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại là việc chống tham nhũng không thể trùng xuống. Ông ta không phải đề cao nữa, mà yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải liên tiếp làm việc, và thậm chí phải "đốt lò" mạnh hơn nữa.
Khoảng một tuần trước khi Nguyễn Phú Trọng tái xuất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có cuộc họp tôi cho là bất thường, công bố kỷ luật hàng loạt tướng lĩnh, đặc biệt cả một cựu phó thủ tướng, Vũ Văn Ninh, bị coi là liên quan đến một dự án thời Đinh La Thăng… Ngay sau đó, thì đã có tin là việc kỷ luật hàng loạt tướng, và Vũ Văn Ninh sẽ được đem ra hội nghị Trung ương 10 này, để chính thức hóa việc cách toàn bộ chức vụ, để mở đường cho việc hình sự hóa (tức truy tố) sau đó.
Điểm nhấn mạnh của buổi xuất hiện trở lại đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng ngày 14/05 là tập trung vào việc "đốt lò". Điều đó có nghĩa là, có nhiều khả năng trước đó ông ta đã dần hồi phục về trí não. Và từ trên giường bệnh, ông ta đã có sự chỉ đạo… tiếp tục đốt lò nóng hơn. Và bây giờ xuất hiện chính thức, ông ta đưa ra thông điệp. Tôi hình dung rằng chiến dịch đốt lò của Nguyễn Phú Trọng đang chuyển sang một giai đoạn mới, nóng hơn, dữ dội hơn, rộng hơn.
Việc Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như thế này còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những giới quan tham, đối thủ chính trị của ông Trọng. Đó là một cái tin rất buồn, rất đáng đau khổ với họ. Bởi vì họ tưởng như có thể reo mừng, vì tưởng như Nguyễn Phú Trọng nằm liệt giường, liệt chiếu. Giờ ông Trọng thình lình xuất hiện, và nguy cơ đang ập đến với họ.
Tôi xin nhắc lại một liên tưởng là, vào mỗi lần Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, là lại có bắt người. Vào cuối năm 2017, Nguyễn Phú Trọng tự nhiên bị coi là mất tích khoảng nửa tháng, trong lúc nổi lên dư luận là cái lò của ông ta ướt sũng, và chìm nghỉm. Ngày 08/12/2017, ông Trọng bất chợt xuất hiện, và họp Ban phòng chống Tham nhũng Trung ương vào buổi sáng. Và ngay buổi chiều Quốc hội họp. Và ngay trong chiều tối hôm đó, bộ Công An bắt cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng. Lần này, Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, thì ngay trong ngày hôm đó bắt bớ một loạt, và sang hôm sau bắt tiếp.
Làm chủ hội nghị 10…
Hiện tại chưa có nhiều thông tin. Chỉ có thông tin đồn đoán ngoài lề. Hội nghị lần này có nhiệm vụ rất quan trọng, là phải chốt một danh sách nhân sự Bộ Chính Trị cho Đại hội XIII. Danh sách này có thể là chính thức. Với sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Phú Trọng hôm nay, nhiều khả năng Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì hội nghị Trung ương 10, thậm chí ông ta có thể phát biểu khai mạc, hoặc kết thúc.
Chỉ có điều chưa biết ông ta sẽ xuất hiện theo cách nào mà thôi. Có thể là người ta sẽ thấy ông ta tự nhiên ngồi một chỗ, trong một khoảng thời gian đủ ngắn, và đọc diễn văn, và sau đó bằng cách nào đó, ông ta sẽ biến mất. Hay có khả năng là ông ta sẽ bình tĩnh, tự tin, bước từng bước một, hoặc thậm chí có người dìu đi vào hội nghị Trung ương 10, trước các cặp mắt có thể là cực kỳ tò mò của bao nhiều ủy viên Trung ương ở đó.
Dù gì thì tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang phần nào làm chủ lại tình hình, chấm dứt tình trạng vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm, đã manh nha xuất hiện trong khoảng thời gian ông Nguyễn Phú Trọng bị coi là mất tích.
…nhưng làm sao với cả một "đầm lầy tham nhũng" ?
Chắc chắn là đã có một bộ phận trong giới cách mạng lão thành, phần nào tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào cá nhân ông Trọng, kể cả giới cận thần vẫn thường ca ngợi ông Trọng lên mây xanh, là bậc nhân kiệt, thế thiên hành đạo, hay minh quân…, đã cảm thấy rất được an ủi khi thấy ông ta xuất hiện trở lại. Và điều này không phải chỉ là do việc đốt lò đâu, mà vì quyền lợi của họ nữa.
Bên cạnh đó, cần phải nhìn thấy là bất kỳ sự độc tôn thái quá nào cũng không thể kéo dài quá lâu. Thực ra, ông Trọng đã có sự tập trung quyền lực vào cá nhân khá là nhiều. Có thể nói là gần như là đỉnh điểm so với các thời tổng bí thư, chủ tịch nước ở Việt Nam. Ông ta đang phải đối phó với một núi việc khổng lồ. Trong đó, điều kiện sống chết - để ông ta có thể tiếp tục tồn tại trên ghế tổng bí thư, chủ tịch Nước, và được lưu truyền sử xanh - là chiến dịch đốt lò.
Nhưng phía trước ông ta, có thể nói là cả một "đầm lầy tham nhũng" khổng lồ, mênh mang. Mà thành tích của ông ta, dù đã qua hơn nửa nhiệm kỳ, vẫn còn rất khiêm tốn, rất ít ỏi so với thành tích chống tham nhũng của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Nếu mà Nguyễn Phú Trọng không rút ra phương cách làm việc - đặc biệt là việc dân chủ hóa, khơi dậy sức lan tỏa của người dân, sức phản biện của người dân (ví dụ như không để cho người dân tố cáo tham nhũng bị công an bắt, như một vụ mới xảy ra ở Bắc Ninh) - thì ông ta sẽ không thể nào đi vào sử xanh, không thể nào chống tham nhũng được. Chỉ là chống tham nhũng nửa vời, chỉ là mỵ dân mà thôi.
Ngay trước mắt, sự độc tôn thái quá, và thiếu phương pháp của Nguyễn Phú Trọng, tôi cho là có thể dẫn đến tình trạng loạn đảng. Đó là, một khi ông ta bị suy giảm quyền lực, vì một lý do nào đó, chẳng hạn một lý do dễ dàng như một cơn bạo bệnh lần thứ hai. Lúc đó, sẽ sinh ra tình trạng loạn thần, ly tâm quyền lực, cát cứ.
RFI tiếng Việt
Ghi chú :
(1) Nhà báo Phạm Chí Dũng là chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), một tổ chức truyền thông thuộc xã hội dân sự, thành lập năm 2014.
********************
RFA, 17/05/2019
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 10 hôm 16/5 đưa ra nhận định rằng kinh tế tư nhân của Việt Nam đang phát triển rất tốt. Đây là một phát biểu đáng chú ý của người đứng đầu Đảng luôn kêu gọi củng cố vai trò của kinh tế nhà nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị Trung ương 10, sáng 16/5/2019. Ảnh chụp màn hình doanhnhanviet.net.vn
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viên Kinh tế Việt Nam cho rằng lời phát biểu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến đối với tình hình kinh tế tư nhân hiện nay và có thể thấy được Việt Nam đang hướng đến cơ chế cố gắng không phân biệt đối xử, môi trường cạnh tranh bình đẳng :
"Cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư cho thấy sự tiếp tục thay đổi trong đánh giá vai trò kinh tế tư nhân. Cách đây 5 năm chính Đảng cộng sản đã công nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, mấy năm vừa rồi kinh tế tư nhân có khởi sắc lên nhưng cơ chế vẫn còn bị phân biệt đối xử, vẫn chưa được bảo đảm các điều kiện phát triển thuận lợi, nên Tổng Bí thư thấy cần tiếp tục giải tỏa hơn nữa, không nên kỳ thị".
Trong buổi Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra vào hai ngày 2-3/5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận còn nhiều rào cản, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình hình kinh tế tư nhân trong nước tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Cụ thể theo bà, số liệu thống kê hiện nay cho thấy có khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động ở Việt Nam, chưa tính khối đầu tư nước ngoài cũng là một bộ phận của kinh tế tư nhân.
"Những năm gần đây lại hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân càng ngày càng phát triển rộng lớn và hoạt động trên nhiều mảng. Nếu ban đầu chủ yếu bắt đầu bằng bất động sản thì bây giờ họ đang làm sang nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, các dịch vụ, giáo dục, y tế, kể cả tham gia đầu tư vào những ngành lớn như ô tô, bắt đầu làm cả điện thoại di động, các sản phẩm công nghệ cao. Tôi nghĩ đây là biểu hiện của sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân Việt Nam".
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, chỉ riêng trong năm 2018, có đến 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó gần 128.000 công ty là doanh nghiệp tư nhân.
Ảnh minh họa : Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thoibaonganhang.vn
Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, có đăng tải thông tin cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP cả nước.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, chừng 97% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, phát triển không bằng những doanh nghiệp tư nhân lớn. Bà giải thích :
"Số lượng rất đông nhưng năng lực vẫn còn thiếu về nhiều mặt. Một trong những lý do là việc tiếp cận với nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như tài chính, tín dụng, đất đai, các nguồn lực khác hoặc đầu tư mua sắm công thì doanh nghiệp tư nhân rất khó vào mảng kinh tế công đó. Ngay cả thông tin hay nguồn nhân lực chất lượng, đối với khu vực tư nhân vẫn còn khó khăn hơn so với khu vực nhà nước hoặc đầu tư nước ngoài".
Vấn đề chính phủ Hà Nội hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước luôn là vấn đề được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong những năm qua.
Xác nhận thực tế này vẫn còn trong môi trường kinh doanh hiện nay, bà Phạm Chi Lan cho biết :
"Cho đến gần đây thì doanh nghiệp nhà nước vẫn nhân được nhiều sự ưu ái, hỗi trợ của nhà nước. Tất nhiên bây giờ nhà nước khi đầu tư thì chỉ đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thôi bởi vì nhà nước rút ra khỏi mảng thị trường mà tư nhân làm. Thay vì đó khi nào cần thì nhà nước lại áp dụng cơ chế hợp tác công – tư theo dạng TPP để có những dự án nhà nước và tư nhân đều bỏ vốn cùng nhau làm. Nói chung đầu tư của nhà nước sẽ dành tập trung cho khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực này ở Việt Nam vẫn còn khá lớn, nhất là khu vực tiếp cận nguồn lực. Tuy nhiên vai trò của họ có mặt rất quan trọng và có những ngành lớn cần thiết cho tất cả những ngành trong kinh tế quốc dân Việt Nam, ví dụ như năng lượng vẫn còn trong tay doanh nghiệp nhà nước".
Do đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tạo ra sự cân bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cần được chính phủ Hà Nội quan tâm và thiết lập rõ ràng hơn.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận xét :
"Tuy những bước cải cách của Việt Nam đang diễn ra khó khăn, đặc biệt là thủ tục trói buộc doanh nghiệp hiện nay, hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước, cơ chế phân bổ nguồn lực còn nhiều chuyện nhưng rõ ràng nỗ lực đang có kết quả tích cực tuy chậm, nhưng tôi cho rằng nó bảo đảm cho một thay đổi không thể đảo ngược được. Đấy là điều rất đáng hy vọng".
Cũng trong Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ phát triển và vươn ra thị trường thế giới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân vừa qua, giới chức Nhà nước Việt Nam cũng nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp tư nhân và cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp lên đến 50-60% GDP.
Việt Nam từ năm 1996 đã đặt ra mục tiêu giảm số doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều và làm ăn thua lỗ từ 12.000 doanh nghiệp xuống còn khoảng 100 doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, theo một bài phân tích mới đây của nhà báo David Hutt trên Asia Times, số doanh nghiệp nhà nước vào năm ngoái ở Việt Nam vẫn còn khoảng 500. Các doanh nghiệp nhà nước được cho là ngốn nhiều tiền, ít khi mang lại lãi trong khi lại có cơ chế quản lý yếu kém.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Ông đặt câu hỏi "Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không ?".
RFA tiếng Việt
******************
Ông Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 10, chuẩn bị ‘tiến tới Đại hội 13’
VOA, 16/05/2019
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 vào ngày 16/5, 2 ngày sau khi ông xuất hiện trở lại sau một tháng bị bệnh.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 tại Hà Nội vào ngày 16/5/2019. Ảnh : TTXVN.
Theo TTXVN, nội dung thảo luận của hội nghị bao gồm các đề cương báo cáo chính trị, cương lĩnh, thi hành điều lệ Đảng ; tổng kết việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm (2011-2020) và xây dựng chiến lược cho 10 năm tới (2021-2030).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng Hội nghị Trung ương lần này "có ý nghĩa rất quan trọng" đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra vào quý 1 năm 2021.
Đây là lần xuất hiện chính thức trong ngày thứ 3 liên tiếp sau khi ông Trọng vắng mặt suốt một tháng vì lý do sức khỏe "bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cường độ làm việc" trong chuyến công tác đến Kiên Giang vào tháng trước, theo lời phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Sự vắng mặt của ông trong nhiều sự kiện quan trọng vừa qua đã làm rộ lên nhiều suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông cũng như khả năng có những thay đổi lớn về "cán cân quyền lực" trong các kỳ đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản sắp tới.
VOA tiếng Việt
****************
Việt Nam : Ông Trọng chủ trì hội nghị Trung ương 10
Trọng Thành, RFI, 16/05/2019
Ngày 16/05/2019, Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XII. Điểm khiến công luận quan tâm đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng, trong cương vị người chủ trì hội nghị, sau một tháng vắng mặt vì bệnh.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ngày 14/05/2019. Tri Dung/VNA via Reuters
Theo một số nhà quan sát, hội nghị thứ 10 - diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/05 - được ban lãnh đạo Đảng coi là một bước đệm quan trọng, để chuẩn bị về nhân sự cho Đại hội lần tới, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), một tổ chức truyền thông thuộc xã hội dân sự, cho biết một số nhận định của ông về hội nghị này, với tâm điểm chú ý là sự trở lại của ông Trọng :
"Như vậy, hội nghị trung ương 10 đã khai mạc ngày hôm nay, mà không bị hoãn lại, như thông tin ngoài lề trước đó khoảng một tuần. Chính thức Nguyễn Phú Trọng xuất hiện. Cùng với hiện tượng ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trong hai cuộc trước đó - một cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt, cuộc thứ hai với Bộ Chính Trị - cho thấy việc hoàn thiện khả năng phát ngôn, phát âm đã tương đối khá. Vấn đề là đã không nhận ra bất cứ hình ảnh di chuyển nào của ông ta, bằng cách nào ông Trọng đã vào được hội trường và chỉ đạo ý kiến.
Thứ hai là việc xuất hiện của ông Trọng đã chính thức hóa việc tiếp tục "đốt lò". Trước đó chúng ta biết có một loạt các vụ bắt giữ các quan chức kinh doanh, được coi là sân sau của một loạt quan chức cao cấp về mặt chính trị. Công cuộc "đốt lò" dường như tập trung chú ý vào hai quan chức cao cấp. Một là cựu phó bí thư thường trực thành ủy, thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang, nay còn giữ chức thành ủy viên. Và thứ hai là quan chức Nguyễn Đức Chung, đương kim chủ tịch Hà Nội, ủy viên trung ương Đảng. Theo huấn thị của Nguyễn Phú Trọng, công cuộc "đốt lò" sẽ được đẩy thêm nữa.
Điểm thứ ba là sự xuất hiện chính thức của Nguyễn Phú Trọng, tôi cho rằng đã mở một cung đường thuận lợi cho ứng cử viên thay thế ông ta, là Trần Quốc Vượng (thường trực ban bí thư, được coi là nhân vật số hai của Đảng), mà không phải là (thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc".
Trọng Thành
******************
Do đâu ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay chống tham nhũng ?
Diễm Thi, RFA, 15/05/2019
Mạng Asia Times vừa đăng bài viết của tác giả David Hutt bàn về những lý do thật sự trong công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của các quan chức cấp cao tại Hà Nội hôm 14/5/2019. AFP
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở "đánh chuột đừng để vỡ bình".
Điều ông Trọng muốn nói là chống tham những nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng đã xử lý nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Vụ PetroVietnam trong vai trò đầu tư và mất hơn nửa tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela cũng đang được xem xét.
Theo tác giả David Hutt thì có một số lý do mà các nhà quan sát cho rằng đó là ‘lý do’ để ông Trọng mở cuộc chiến chống tham nhũng một cách mạnh mẽ như trong hai năm 2016-2017. Cụ thể trước hết loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và sau đó là chiến dịch nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là "tự chuyển hóa" hoặc không còn đủ lý tưởng chính trị.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1 dùng chống tham nhũng để giữ đảng ; Giai đoạn 2 là dùng chống tham nhũng để giữ nước :
"Nói đến công cuộc chống tham nhũng thì phải nói đến khóa 12 này vì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm’".
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ và phá vỡ phẩm chất đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, cho nên cái gốc của vấn đề là lòng dân bất bình thì chính quyền phải vào cuộc chống tham nhũng. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri của nhiều khóa thì người dân phản ứng rất mạnh mẽ về tham nhũng nên khi TBT Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng và được xã hội đồng tình, được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì đã thu được những kết quả tốt đẹp. Ông nói thêm :
"Trước đây cũng có nghi ngờ về những vấn đề có những vùng cấm hoặc phe phái nội bộ nhưng thực ra càng ngày càng thể hiện đây là quyết tâm của đảng và nhà nước thực hiện theo ý nguyện người dân một cách công tâm và quyết liệt. Tội đến đâu xử lý đến đó chứ không có vùng cấm và không loại trừ một ai. Tất cả đều thượng tôn pháp luật".
Nói tới tham nhũng và chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, nhà báo Mạnh Kim nhận định nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam không phải từ những cá nhân mà là từ thể chế và có hệ thống, và muốn chống thì không thể chỉ tập trung đánh vào một vài cá nhân nào đó. Ông Trọng chỉ lo bắt những ‘con sâu’ trên bề mặt thì không giải quyết được gì. Ông nhận định thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng :
"Thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là chuyện đánh chém phe nhóm hơn là thực tâm cải cách chính trị và cải tổ hệ thống lẫn thể chế. Ông Trọng chỉ lo bảo vệ đảng chứ không phải lo cho vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Những vấn đề người dân quan tâm ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia như cải cách thể chế, sửa đổi những sai lầm trong hệ thống hay luật đất đai…thì ông Trọng đâu có đụng đến".
Vì chính trị hay kinh tế
Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, tác giả David Hutt cho rằng có thể chiến dịch này đã chuyển hướng, tức là để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị.
Ông Đinh La Thăng (đứng) và ông Trịnh Xuân Thanh (ngồi) tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 8 tháng 1 năm 2018. AFP
Hiện nay Đảng cộng sản đang phải đối diện với hiện trạng còn quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ với cơ chế quản lý yếu kém, trong khi ngân sách nhà nước thâm hụt, nợ công tăng. Ông đưa ra con số hiện còn khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước so với 12.000 doanh nghiệp vào năm 1996 và mục tiêu giảm còn 103 trước năm 2020.
Tác giả David Hutt nhận xét Việt Nam có ba lựa chọn để giải quyết các doanh nghiệp Nhà nước nhưng có lẽ giải pháp thứ ba là phù hợp nhất :
Thứ nhất là tăng cường rà soát và tăng chi cho các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước và sau đó tập trung vào quản lý kinh tế từ xa.
Thứ ba là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn hiệu quả.
Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định việc chống tham nhũng hiện nay vừa có mục tiêu chính trị vừa có mục tiêu kinh tế, nhưng ưu tiên là chính trị.
"Việc chống tham nhũng vừa vì lý do chính trị vừa để giải quyết bài toán ngân sách cho chính phủ. Về nguyên tắc thì khóa trước dùng chống tham nhũng để thu hồi tài sản về cho chính phủ diễn ra ít, vì lúc đó Việt Nam còn có thể vay bên ngoài nhiều tiền. Bây giờ việc vay bên ngoài khó khăn hơn thì phải xiết bên trong, dùng chống tham nhũng để thu tiền về cho ngân sách".
Nhà báo Mạnh Kim nhận xét rằng báo chí Nhà nước xây dựng ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật hoàn toàn trong sạch. Với công cuộc chống tham nhũng, ông Trọng muốn thể hiện mình là nhân vật quyền lực nhất khi ông làm rất mạnh và rất nhiều người đang ủng hộ ông Trọng. Nhưng theo nhà báo này thì sẽ không tới đâu vì ông Trọng không thể làm nổi.
Hôm 14 tháng 5 năm 2019, cuộc họp lãnh đạo chủ chốt tại Hà Nội do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì sau đúng một tháng vắng bóng, ông Trọng nói "Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".
Trong ngày ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu sau một tháng vắng bóng với tin đồn bị bệnh nặng, hai tổng giám đốc tại hai thành phố hàng đầu của Việt Nam bị khởi tố và bắt tạm giam. Đó là ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Mobile, một công ty từng ăn nên làm ra dưới thời chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tề Trí Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Đây là công ty bị Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận có những sai phạm theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Diễm Thi
Thiên nhiên nguy khốn hơn bao giờ hết
VOA, 08/05/2019
Thiên nhiên hiện đang trong tình trạng nguy khốn nhất trong lịch sử với trên 1 triệu loài động-thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, các nhà khoa học vừa trình bày trong phúc trình toàn diện của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học hôm 6/5.
Một cánh rừng thuộc tỉnh Aceh, Indonesia
Tất cả đều do hành động của con người, theo phúc trình, nhưng hiện giờ vẫn chưa quá trễ để giải quyết vấn đề.
Sự mất mát các giống loài đang tăng tốc ở mức nhanh hơn trước đây từ hàng chục cho đến hàng trăm lần, phúc trình cho biết.
Hơn nửa triệu loài cư trú trên mặt đất ‘không có đủ môi trường sống để sinh tồn lâu dài’ và nhiều khả năng sẽ bị tuyệt chủng, nhiều loài chỉ trong vòng vài thập niên, trừ phi môi trường sống của chúng được khôi phục. Môi trường đại dương cũng không hề khá hơn.
"Nhân loại đang vô tình bóp nghẹt sự sống trên hành tinh và tương lai của chính loài người", nhà sinh vật học Thomas Lovejoy thuộc Đại học George Mason, người được mệnh danh là ‘cha đỡ đầu của đa dạng sinh học nhờ vào những công trình nghiên cứu của ông, nói.
"Đa dạng sinh học trên hành tinh này thật sự đang bị đập nát và đây thực sự là cơ hội cuối cùng của chúng ta để giải quyết vấn đề", Lovejoy nói.
Các nhà khoa học bảo tồn từ khắp thế giới đã tề tựu ở Paris để công bố bản phúc trình dài hơn 1.000 trang. Họ thuộc Diễn đàn Chính sách Khoa học Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) bao gồm trên 450 nhà nghiên cứu. Kết luận của phúc trình cần phải được đại diện của tất cả 109 quốc gia phê chuẩn.
Một số quốc gia bị thiệt hại nhiều hơn bởi sự mất mát này, chẳng hạn nhưng những đảo quốc nhỏ, và họ muốn bản phúc trình phải đòi hỏi nhiều hơn. Những nước khác, trong đó có Mỹ, cẩn trọng trong ngôn ngữ thể hiện mặc dù cũng đồng ý rằng ‘chúng ta đang gặp chuyện’, bà Rebecca Shaw, nhà khoa học chính của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới, người quan sát các cuộc thương lượng cuối cùng, nói.
"Đây là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất chúng tôi từng thấy để đảo ngược lại quá trình suy giảm của tự nhiên", bà Shaw nói. Kết quả của phúc trình không chỉ là về bảo tồn động vật và thực vật, mà là về duy trì một thế giới vốn đã trở nên khó khăn hơn cho cuộc sống của con người, ông Robert Watson, một nhà khoa học hàng đầu từng làm cho NASA và đứng đầu bản phúc trình, cho biết.
"Chúng ta thật sự đang đe dọa an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, sức khỏe và các yếu tố xã hội của nhân loại", Watson nói với AP. Ông nói người nghèo ở các nước kém phát triển là người hứng chịu hậu quả nhiều nhất.
Kết luận dài 39 trang của phúc trình nhấn mạnh năm phương cách mà con người đang làm suy giảm đa dạng sinh học :
Thứ nhất là biến các khu rừng, đồng cỏ và các khu vực khác thành nông trại, thành phố. Hành động này đã làm mất môi trường sống của cây cỏ và muông thú. Khoảng 3/4 diện tích đất, 2/3 các đại dương và 85% đất ngập nước đã mất hay biến đổi nghiêm trọng khiến cho các loài khó có khả năng sinh tồn hơn, phúc trình cho biết.
Thứ hai là đánh bắt quá mức ở các đại dương. Một phần ba nguồn thủy sản trên thế giới đã bị khai thác cạn kiệt.
Thứ ba là gây ra biến đổi khí hậu từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch khiến môi trường trở nên quá nóng, quá ẩm, quá khô cho một số giống loài. Gần một nửa các loài động vật hữu nhũ trên cạn – không bao gồm loài dơi – và gần 1/4 các loài chim có môi trường sống bị tác tình trạng ấm lên toàn cầu tác động nặng nề.
Thứ tư là gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Mỗi năm có từ 300 cho đến 400 tấn kim loại, chất hòa tan và bùn độc bị thải ra sông suối hay ao hồ, đại dương.
Thứ năm là tạo điều kiện cho các giống loài xâm thực xâm lấn vào môi trường sống của các loài bản địa. Số lượng các loài xâm thực từ bên ngoài ở mỗi quốc gia đã tăng lên 70% kể từ năm 1970 với một loài vi khuẩn đe dọa gần 400 loài lưỡng cư.
Đấu tranh với biến đổi khí hậu và cứu các giống loài đều quan trọng như nhau, phúc trình cho biết, và giải pháp cho hai vấn đề này cần phải được thực hiện song song. Cả hai vấn đề này tác động lẫn nhau bởi vì khí hậu ấm hơn sẽ dẫn đến ít giống loài hơn và một thế giới ít đa dạng hơn về sinh học có nghĩa là sẽ có ít cây cối hơn để hấp thụ lượng khí CO2 trong không khí vốn là nhân tố khiến Trái đất nóng lên, Lovejoy giải thích.
Các rạn san hô ở các đại dương là ví dụ rõ ràng về điểm giao nhau giữa biến đổi khí hậu và thiệt hại về giống loài. Nếu Trái đất nóng thêm 0,5 độ C thì các rạn san hô sẽ sụt giảm từ 70 cho đến 90%, phúc trình cho biết. Còn nếu nóng thêm 1 độ C thì 99% lượng san hô trên thế giới sẽ gặp nguy cấp.
"Cứ để mọi việc như thường sẽ là thảm họa", Watson nói.
Ít nhất 680 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng kể từ năm 1600. Phúc trình cho rằng trên 40% các loài lưỡng cư trên hành tinh, hơn 1/3 các hữu nhũ hải dương và gần 1/3 các loài cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Bản phúc trình chỉ đưa ra khung thời gian rất chung chung là ‘trong vài thập kỷ’ của tình trạng suy giảm đa dạng sinh học bởi vì hiện tượng này dựa trên nhiều biến số, bao gồm nghiêm túc xem xét vấn đề sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của dự báo, Watson nói.
"Chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng tuyệt chủng trầm trọng thứ sáu", nhà sinh thái học Lee Hannah thuộc tổ chức Bảo tồn Quốc tế và Đại học California ở Santa Barbara nói.
Đã năm lần trước đây, Trái đất đã trải qua những đợt tuyệt chủng ồ ạt khi mà đa số sự sống trên Trái đất biến mất, trong đó có một lần khủng long bị tuyệt diệt. Tuy nhiên, Watson nói rằng bản phúc trình cẩn trọng không gọi những gì đang xảy ra hiện nay là đợt tuyệt chủng lớn lần thứ sáu bởi vì mức độ hiện nay chưa tiến gần đến mức 75% của các đợt tuyệt chủng ồ ạt trước đây.
Suy giảm môi trường sống là một trong các nguy cơ lớn nhất, và điều này đang xảy ra trên toàn cầu, Watson nói.
Phúc trình dự đoán từ nay cho đến năm 2050 sẽ có thêm 25 triệu km đường sá mới được xây dựng trong tự nhiên và đa số là ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh sự tuyệt chủng của các giống loài, phúc trình còn cho biết 14 phương cách mà thiên nhiên hỗ trợ cho cuộc sống con người đang suy thoái ngoại trừ sản xuất lương thực và năng lượng. Phúc trình chỉ ra sự đi xuống trong khả năng của Trái đất cung cấp không khí và nước sạch, đất đai màu mỡ.
Phần lớn những tác động tệ hại nhất có thể ngăn chặn được bằng cách thay đổi cách thức canh tác mùa màng, sản xuất năng lượng, đối phó với biến đổi khí hậu và xử lý chất thải, theo phúc trình. Điều đó cần đến hành động phối hợp của các chính phủ, người dân và công ty các nước.
Các cá nhân có thể góp một tay bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và sử dụng năng lượng, đồng chủ tịch của phúc trình và nhà khoa học sinh thái Josef Settele thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz ở Đức nói. Điều này không có nghĩa là phải ăn chay hay ăn rau củ mà là cân bằng thịt, rau quả và trái cây, và đi bộ và đạp xe nhiều, Watson nói.
"Thật ra chúng ta có thể nuôi sống tất cả hàng tỷ người trên thế giới được sinh ra thêm mà không cần phải phá hủy thêm một tấc đất nào trong tự nhiên", Lovejoy nói. Chúng ta có thể làm được điều này chủ yếu bằng cách không để lãng phí thực phẩm và sản xuất hiệu quả hơn, ông giải thích.
Nguồn : VOA tiếng Việt, 08/05/2019
*********************
Giới khoa học cảnh báo một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng vì hoạt động của con người
RFA, 07/05/2019
Việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế kèm với tác động của biến đổi khí hậu đang khiến cho một triệu loài trên Trái Đất đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Hình chụp hôm 20/3/2017 : 5 con hổ ướp đông lạnh bị giới chức chính quyền thu giữ ở tỉnh Nghệ An - AFP
Một phúc trình được công bố vào ngày thứ hai 6 tháng 5 tại Paris đưa ra cảnh báo như vừa nêu.
Phúc trình có tên "Đánh giá Toàn cầu’ nói rõ chừng 1 triệu trong tổng số ước lượng 8 triệu loài thực vật, côn trùng và động vật trên Trái Đất đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ này đối với nhiều loài sẽ diễn ra trong thời điểm ít thập niên mà thôi.
Hoạt động canh tác và đánh bắt thủy hải sản theo phương thức công nghiệp bị cho là những tác nhân chính khiến cho mức độ tuyệt chủng cao gấp từ hằng chục đến hằng trăm lần trung bình trong vòng 10 triệu năm qua.
Biến đổi khí hậu do phát thải từ việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu mỏ và khí đốt khiến cho thực trạng vừa nêu trầm trọng thêm.
Cảnh báo nêu rõ là chỉ có sự chuyển đổi rộng khắp trong hệ thống kinh tế- tài chính toàn cầu mới có thể giúp hệ sinh thái thiết yếu cho tương lai của các cộng đồng con người trên thế giới thoát khỏi bờ hủy diệt.
Giáo sư Josef Settele, đồng chủ trì công trình nghiên cứu để đi đến kết luận vừa nêu, cho rằng mạng sự sống thiết yếu, tác động qua lại lẫn nhau trên thế giới đang ngày càng thu hẹp đi và trở nên tệ đi. Thực trạng này do hậu quả từ hoạt động của con người mà chính nó sẽ dẫn đến mối đe dọa trực tiếp đến an sinh của chính họ khắp nơi trên thế giới.
***********************
Nạn p
Những lời cảnh báo trên đến từ bản phúc trình Liên Hiệp Quốc vừa công bố (06/05/2019) ghi nhận ý kiến của trên 500 chuyên gia từ 50 nước.
Đánh giá của họ nêu ra sự mất mát trong thiên nhiên 50 năm qua và mô tả một tương lai mờ mịt với hàng trăm nghìn loài động thực vật.
Văn bản từ Cơ quan Liên chính phủ về tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES-Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services) cũng nêu ra một chương trình cấp cứu thiên nhiên.
Chúng ta được biết từ bản báo cáo này những điều sau :
1. Tính đa dạng của thế giới tự nhiên đang biến mất nhanh chóng
Danh sách đỏ về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (IUCN Red List of Threatened Species- International Union for Conservation of Nature) đánh giá tác động của chúng ta - con người - với tự nhiên.
Gần 100 nghìn loài được nêu tên trong danh sách bị cho là gặp nguy hiểm, và trong đó tới 1/4 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Từ loài khỉ đuôi dài ở Madagascar tới các loài ếch, kỳ nhông, hoặc các loài cây như thông, phong lan, đây là một danh sách dài.
Bản đánh giá này chưa thể hoàn chỉnh vì chúng ta không biết có bao nhiêu loài động thực vật, nấm tồn tại trên Hành tinh này.
Người ta đưa ra con số ước tính từ hai triệu loài, đến một tỷ, nhưng đa số các chuyên gia tin rằng trên Trái Đất có khoảng 11 triệu loài.
Họ cũng tin rằng Trái Đất đang bị đẩy đến 'một bước ngoặt của tuyệt chủng về loài', lần thứ sáu trong lịch sử nửa tỷ năm qua.
Giáo sư Alexandre Antonelli, giám đốc khoa học tại Vườn thực vật Hoàng gia Anh ở Kew, nói với BBC News :
"Có bằng chứng rõ rệt là chúng ta mất đi các loài với tốc độ nhanh tới mức báo động".
Tình trạng đó từng xảy ra vào khoảng 66 triệu năm trước, khi một khối thiên thạch đâm vào Trái Đất.
Lần này thì chính con người là thủ phạm.
Mức độ tuyệt chủng của các loài nay nhanh hơn 1000 lần so với thời gian loài người xuất hiện trên thế giới này, và trong tương lai, tốc độ biến mất của các loài sẽ còn tăng lên thêm 10 nghìn lần.
Khu vực có sự phong phú đặc biệt về chủng loài trong tự nhiên là Châu Phi, và lục địa này đang ở vào tình trạng đáng lo ngại đặc biệt, nhất là vì châu lục này là nơi duy nhất còn các động vật có vú thuộc nhóm to lớn.
IPBES công bố năm 2018 một nghiên cứu cho hay hoạt động của con người đã và đang khiến cho một nửa chim và thú tại Châu Phi bị tuyệt chủng vào năm 2100.
Vẫn nghiên cứu này cho thấy 42% động thực vật trên đất liền ở Châu Âu và Trung Á đã bị tàn lụi đi chỉ trong 10 năm qua.
2. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm là đe dọa lớn cho thiên nhiên và hệ sinh thái
Một nghiên cứu gần đây cho hay dù biến đổi khí hậu là đe dọa đang gia tăng, việc hủy hoại tính đa dạng của thiên nhiên đến chủ yếu từ hoạt động làm nông, lấy củi, đốn gỗ của con người.
Các hoạt động cùng việc khai thác quá mức thế giới động, thực vật để lấy gỗ, nạn săn bắt, câu cá làm hệ sinh thái của động thực vật bị thu hẹp lại.
Động vật có vú như con tê tê bị đẩy tới cảnh bị tuyệt diệt vì nạn săn bắn nhằm lấy vảy và thịt của nó.
Chặt đốn gỗ rừng theo cách không bền vững như ở Myanmar làm chết một loài khỉ ở đây, và việc khai hoang để trồng cấy cũng làm hại cho các loài như báo cheetah.
Chủ tịch của IPBES, Giáo sư Bob Watson nói với BBC rằng các chính phủ tập trung nỗ lực nhiều hơn vào biến đổi khí hậu chứ không phải việc bảo vệ tính đa dạng của động thực vật.
"Nhưng đây là vấn đề cũng rất quan trọng cho chính cuộc sống tốt đẹp của con người".
3. Động thực vật biến mất cùng vùng đất là nơi chúng có hệ sinh thái tự nhiên
Sự xuống cấp của chất lượng đất vì hoạt động của con người là yếu tố tiêu cực tác động xấu đến cuộc sống của ít nhất 3,2 tỷ người, và đẩy Trái Đất tới lần hủy diệt lớn thứ sáu, theo IPBES.
Tác nhân chính vẫn là nghề nông nghiệp, nghề rừng không bền vững, là biến đổi khí hậu, và trong một số trường hợp, sự bành trướng của đô thị, việc xây đường xá, và khai khoáng.
Đất xuống cấp gồm cả việc rừng bị mất đi.
Trên toàn cầu việc trồng rừng và xây dựng các đồn điền có làm mức độ mất đất rừng chậm lại, nhưng riêng rừng rậm nhiệt đới thì tốc độ mất đi lại tăng lên.
Đây chính là nơi có tính đa dạng cao nhất về các loài động thực vật.
Chừng 12 triệu hectare rừng nhiệt đới bị mất đi trong năm 2018, với tốc độ bằng 30 sân bóng đá mỗi phút.
4. Chuyển đổi hệ sinh thái gây ra mất mát sinh học
Theo IPBES, chỉ 1/4 đất trên Địa Cầu là không bị các hoạt động của con người tác động. Nhưng đến 2050, số đất 'không có người dùng' giảm xuống còn 1/10.
Giáo sư Mercedes Bustamante từ Đại học Bresilia nói với BBC News :
"Vấn đề sử dụng quỹ đất là thách thức trọng tâm cho môi trường như chúng ta đang chứng kiến".
Từ 2001, Indonesia mất đi hàng triệu hectare đất rừng nguyên sinh. Trong năm 2018, sự mất mát này giảm đi 40% nhờ luật pháp chặt chẽ hơn và vì mùa mưa làm giảm các vụ cháy rừng.
Thế nhưng, các đồn điền trồng cọ lấy dầu vẫn đang tiếp tục làm hệ sinh thái còn lại ở Indonesia thu hẹp lại.
Các vùng rừng ven biển của Đông Nam Á, như trên các đảo Borneo và Sumatra sẽ mất đi một trong ba loài chim, và gần 1/4 loài động vật có vú, nếu tốc độ phá rừng cứ tiếp tục như hiện nay, theo IPBES.
5. Một số vùng rừng rậm nhiệt đới đang bị xóa sổ
Vùng Amazon có những khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới, và là nơi ở của nhiều loài động thực vật còn chưa được phát hiện.
Rondônia, nằm ở phần phía Tây của Amazon, có những rừng cây rậm rạp nhất trong cả vùng.
Nhưng cây bị đốn liên tục tại đây để lấy đất trồng cấy hoặc nuôi gia súc.
Ngoài ra là đốn rừng lấy gỗ và khai khoáng.
Bức tranh dưới đây là đồng ruộng, khu định cư chen vào các mảng rừng bị chia cắt.
************************
Một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân loại
RFI, 06/05/2019
Đã có một triệu loài động vật, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng và nhịp độ này đang tăng lên : thiên nhiên vốn đang nuôi sống nhân loại tiếp tục suy tàn, nếu không "thay đổi sâu sắc" phương thức sản xuất và tiêu thụ của con người. Đó là lời báo động chưa từng thấy từ bản báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh thái (IPBES) được công bố hôm nay 06/05/2019.
Rừng vùng Amazon ngay cạnh khu vực rừng đã bị khai hoang để lấy đất trồng đậu nành, Ảnh chụp tại bang Mato Grosso miền tây Brazil, ngày 04/10/2015. Reuters/Paulo Whitaker/File Pho
Sau ba năm nghiên cứu, 450 chuyên gia cảnh báo là những hành động của con người như phá rừng, canh tác quá mức, lạm sát thủy hải sản, đô thị hóa ồ ạt, khai khoáng, đã khiến cho 75% môi trường sinh thái trên đất liền và 66% trên biển bị tổn hại. Bên cạnh đó là hiện tượng biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm và các loài ngoại lai xâm lấn.
Hậu quả : khoảng 1 triệu trên tổng số 8 triệu loài động vật và thực vật trên Trái Đất hiện nay đứng trước mối đe dọa tuyệt chủng, trong đó có nhiều loài sẽ biến mất trong những thập niên tới.
Con người vốn phụ thuộc vào thiên nhiên để ăn uống, hít thở, sưởi ấm, chữa bệnh… sẽ ra sao ? Ông Robert Watson, chủ tịch IPBES nhận định : "Vẫn còn chưa muộn, nhưng chỉ với điều kiện chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ".
Mục tiêu trước mắt là chuyển đổi hệ thống sản xuất nông phẩm "bền vững" để có thể nuôi sống 10 tỉ người trên Trái Đất năm 2050, và thay đổi cả thói quen tiêu thụ. Greenpeace cho biết hoan nghênh khuyến cáo sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhiều hơn thịt và sữa, để giảm bớt tác động tiêu cực cho đa dạng sinh thái – dù báo cáo không nêu trực tiếp do áp lực từ các quốc gia xuất khẩu thịt.
IPBES cũng gợi ý các chính phủ định ra hạn ngạch đánh cá hoặc có những trợ giúp về tài chính, thuế khóa, đặt chất lượng sống lên trên chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Báo cáo khẳng định những người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, và đặc biệt là các thổ dân sống lệ thuộc vào thiên nhiên.
Thụy My
Cảnh sát đạp vào mặt 2 thanh niên ở Sài Gòn thuộc Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu
Zing, 20/04/2019
Cán bộ Cảnh sát giao thông đá thẳng mặt 2 nam thanh niên ở Sài Gòn thuộc Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu. Trước đó, vị cán bộ này tìm cách ngăn chặn nhóm "quái xế" chuẩn bị đua xe.
Cảnh sát giao thông dí súng, đạp vào mặt người bị tai nạn - Nguồn : RFA, 20/04/2019
Tối 20/4, lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường bộ và đường sắt (PC08, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết vẫn đang yêu cầu các đội báo cáo để xác minh Cảnh sát giao thông có hành vi đá thẳng vào mặt 2 nam thanh niên.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Phòng PC08 nhanh chóng xác minh clip, báo cáo cho Ban giám đốc.
"Do trời tối và clip mờ nên Phòng PC08 vẫn chưa xác định nam Cảnh sát giao thông trong clip là cán bộ nào, cũng như khu vực xảy ra vụ việc ở đâu. Chúng tôi đã yêu cầu các đội báo cáo về phòng nhưng hôm nay thứ 7 nên các đội chưa báo cáo đầy đủ", một lãnh đạo Phòng PC08 nói với Zing.vn.
Cảnh sát giao thông chĩa súng, đánh dân đang bị tai nạn giao thông
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Người Lao Động, sự việc xảy ra tại giao lộ quốc lộ 1 - Vườn Lài. Vị Cảnh sát giao thông có hành đi chĩa súng, đá thẳng mặt 2 nam thanh niên thuộc Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu (PC08). Thời điểm xảy ra sự việc khi Đội Cảnh sát giao thông Bình Triệu tìm cách ngăn chặn nhóm "quái xế" chuẩn bị đua xe. Thanh niên bị đánh trong clip được cho là "quái xế".
Vào chiều 19/4, trên mạng xã hội lan truyền một clip dài hơn 30 giây, ghi lại cảnh một Cảnh sát giao thông dùng tay, chân đánh 2 thanh niên sau va chạm giao thông.
Clip trên nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vụ việc.
Cụ thể, trên đoạn clip thể hiện thời điểm xảy ra vụ việc vào lúc 21g42 ngày 17/4. Nam thanh niên chạy xe máy ngược chiều trên đường bất ngờ tông vào xe máy khác.
Sau vụ va quẹt, một chiến sĩ Cảnh sát cơ động và một Cảnh sát giao thông chạy tới. Trong khi nam Cảnh sát cơ động đưa một thanh niên vào lề đường thì cán bộ Cảnh sát giao thông đấm thẳng vào mặt một nam thanh niên. Thậm chí người này còn tung chân đá vào mặt nạn nhân.
Chưa dừng lại ở đó, nam Cảnh sát giao thông còn dùng vật giống súng chĩa và đá thẳng chân vào mặt người còn lại.
Lê Trai
*****************
Cảnh sát chĩa súng, đánh dân đang bị tai nạn giao thông
Người Việt, 19/04/2019
Một video clip đăng trên mạng xã hội ngày 19/04/2019, quay lại việc cảnh sát giao thông ở quận 12, chĩa súng, đánh đá tới tấp hai người đang bị tai nạn giao thông khiến dư luận phẫn nộ.
Cảnh sát giao thông chĩa súng, đánh dân đang bị tai nạn giao thông
Theo báo Thanh Niên, vào khoảng 9 giờ 53 phút tối 18/04, người dùng Facebook tên P.L đưa lên mạng xã hội dòng trạng thái (status) có nội dung "Ngay lúc này trên quốc lộ 1A, Q.12, Cảnh sát giao thông đánh người", kèm theo là clip dài khoảng 30 giây.
Theo nội dung từ clip, lúc 9 giờ 42 phút tối 17/04, hai người đi trên một xe gắn máy chạy ngược chiều trong làn xe máy trên quốc lộ 1 với tốc độ rất nhanh thì bất ngờ tông vào một xe gắn máy đang đi đúng chiều.
Hai xe gắn máy cùng ngã ra đường, riêng xe gắn máy đi ngược chiều "bay" vào lề đường, sắp va phải cô gái đang đi bộ bên trong.
Sau khi gây tai nạn, hai thanh niên cố gắng đứng dậy định lấy xe bỏ chạy thì bị một cảnh sát giao thông cùng một cảnh sát cơ động chạy tới bắt giữ.
Viên cảnh sát cơ động cầm dùi cui bắt giữ thanh niên mặc áo đỏ, quần jean. Do bị thương sau cú tông xe nên anh này bị thương đi cà nhắc và ngồi xuống đường. Trong khi đó, viên cảnh sát gao thông lao tới thanh niên còn lại, dùng tay ấn vai bắt ngồi xuống.
Khi nam thanh niên này vừa ngồi xuống, người trong sắc phục cảnh sát giao thông "lên gối" vào mặt nam thanh niên, dùng tay trái đấm thẳng vào mặt. "Chưa hết, người này dùng tay phải rút vật giống súng (công cụ hỗ trợ của cảnh sát giao thông được trang bị khi đi làm nhiệm vụ) và dùng chân phải đạp thẳng vào mặt khiến người thanh niên bật ngửa", theo mô tả của báo Thanh Niên.
Sau đó, viên cảnh sát này "dí vật giống súng chĩa vào mặt thanh niên mặc áo thun đen; tiếp tục đi lại gần thanh niên mặc áo thun đỏ chĩa súng vào người này và bất ngờ tung cú đá vào mặt khiến thanh niên này bật ngửa", vẫn theo báo Thanh Niên.
Liên quan đến clip này, chiều 19 Tháng Tư, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08, Công an ở Sài Gòn) cho biết đã xem clip và thông báo đến tất cả các đội Cảnh sát giao thông để xác minh.
"Phòng Tham Mưu Công An cũng đã yêu cầu PC08 xác định, báo cáo vụ việc trong clip", báo Thanh Niên đưa tin.
Tr.N
Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông Kim Jong-un, vừa "gửi lời cảm ơn" và "chúc sức khỏe" đến Tổng bí thư–Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, truyền thông trong nước dẫn nguồn tin từ Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết hôm 19/4.
Lãnh tụ Triều Tiên gửi lời chức sức khỏe đến ông Trọng giữa lúc có những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông mà cho đến nay vẫn chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào từ Đảng Cộng sản hoặc nhà nước Việt Nam xác nhận hay bác bỏ các tin đồn này.
KCNA loan tin ông Kim Jong-un đã đáp lại điện mừng của ông Trọng hôm 13/4 nhân dịp ông Kim được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
"Chủ tịch Triều Tiên chúc Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sức khỏe và thành công lớn trong phát triển Đảng và sự thịnh vượng của đất nước", báo VietnamNet cho biết.
Trong mấy ngày qua, chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước những thông tin trong mạng xã hội cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nhập viện khi đang đi công tác ở tỉnh Kiên Giang hôm 14/4.
Truyền thông Việt Nam cho biết hôm 18/4, ông Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae.
Tin ông Trọng gửi điện mừng hôm 18/4 là diễn biến mới nhất mà truyền thông Việt Nam lên tiếng về hoạt động của ông sau chuyến công du đến Kiên Giang.
Vào hôm 10/4, trong buổi gặp gỡ Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết, sắp tới ông sẽ thăm chính thức Triều Tiên theo lời mời của Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng không cho biết khi nào ông sẽ đi.
Ngoài ra, theo báo chí trong nước, ông Trọng cũng đã nhận lời mời thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump, và theo Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo hôm 14/03/2019 thì "thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp vào thời điểm thích hợp".
*********************
Ông Kim Jong-un 'cảm ơn và chúc sức khỏe' Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng (BBC, 18/04/2019)
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thư cảm ơn và chúc sức khỏe Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hai ông Kim Jong-un và Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 1/03/2019
Thư của ông Kim được gửi hôm 17/04, nhằm đáp lễ thư chúc mừng của ông Trọng gửi cho Chủ tịch Đảng Lao động, hãng thông tấn KCNA của Bắc Hàn nói, nhân dịp ông Kim "tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên".
Được biết ông Trọng gửi thư chúc mừng lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un vào hôm 13/04.
Thư cảm ơn của ông Kim Jong-un có đoạn :
"Lời chúc mừng của ngài là sự ủng hộ mạnh mẽ và là sự khích lệ cho cuộc đấu tranh của Đảng, nhà nước và nhân dân chúng tôi trong việc xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh".
"Cuộc họp đầy ý nghĩa gần đây với ngài đã trở thành nền tảng vững chắc để tình hữu nghị Triều Tiên - Việt Nam, vốn đã được các lãnh tụ tiền nhiệm của hai nước xây đắp, được nâng lên một tầm cao mới".
Ông Kim Jong-un cũng ngỏ lời cảm ơn việc Việt Nam gần đây cử một đoàn văn công đến Bắc Hàn.
Đoàn Nghệ thuật Quốc gia do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Võ Văn Phuông dẫn đầu, trong chuyến đi Bình Nhưỡng từ 11-16/04 đã biểu diễn đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 107 nhà lãnh đạo đầu tiên của nước này, ông Kim Nhật Thành, 15/04/1912.
Ông Kim Jong-un kết thúc thư cảm ơn rằng : "Tôi chân thành chúc ngài sức khỏe và thành công hơn nữa trong công tác nhằm phát triển đảng và vì sự thịnh vượng của đất nước".
Hoạt động của lãnh đạo
Trong tuần qua, tin tức về ông Nguyễn Phú Trọng được tìm xem nhiều trên mạng xã hội và trên internet.
Lượt tìm kiếm tên ông Nguyễn Phú Trọng có lúc đứng đầu trong danh sách tìm kiếm trên Google tại Việt Nam trong ngày 14/04, là thời điểm xuất hiện tin không chính thức nói ông nhập viện sáng cùng ngày, trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang.
Đầu giờ hôm 14/4, báo chí Việt Nam đưa tin ông Trọng có hai ngày thăm Kiên Giang từ 13 đến 14/04, đúng dịp sinh nhật ông.
Trong những ngày tiếp theo, có nhiều đồn đoán và bình luận trên mạng xã hội, nhưng truyền thông nhà nước không đăng tin gì về hoạt động của ông.
Đến 18/04, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện mừng tới một quan chức cao cấp khác của Triều Tiên.
Ông Choe Ryong-hae, cựu nguyên soái, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao là người được cho là cánh tay phải của ông Kim Jong-un trong bộ máy chính trị Triều Tiên.
Ngoài việc ông Trọng chúc mừng quan chức Bắc Hàn thứ hai sau khi đã gửi thư mừng ông Kim Jong-un từ vài hôm trước, bản tin từ Việt Nam nói các lãnh đạo Việt Nam cũng gửi điện mừng tới các quan chức tương nhiệm của Bình Nhưỡng.
"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện mừng tới Thủ tướng Nội các Triều Tiên Kim Jae-ryong.
"Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện mừng tới Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Pak Thae-song và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện mừng tới Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho".
Lời chúc mừng từ Việt Nam được gửi đi nhân dịp kỳ họp thứ nhất Hội nghị Nhân dân tối cao khóa 14 bầu lãnh đạo mới của Triều Tiên.
******************
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trọng gửi điện mừng Triều Tiên giữa tin đồn về sức khỏe (VOA, 18/04/2019)
Ngày 18/4/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae, "nhân dịp Triều tiên tổ chức Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14, bầu lãnh đạo mới", theo truyền thông trong nước Việt Nam.
Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : KCNA
Điện mừng của nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam gửi đến lãnh đạo Triều Tiên được gửi đi giữa lúc vẫn có những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông mà chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào từ Đảng Cộng sản hoặc nhà nước xác nhận hay bác bỏ các tin đồn này.
Trước đó, theo VOV, ngày 13/4 ông Trọng đã gửi 1 điện mừng đến Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp ông Kim được Kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên suy tôn là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Trong mấy ngày qua, chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước những thông tin cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nhập viện khi đang đi công tác ở tỉnh Kiên Giang hôm 14/4, trong khi các trang mạng mang tên hai nhà lãnh đạo cao nhất nước lên tiếng phản bác những thông tin này là "xuyên tạc".
Tin ông Trọng gửi điện mừng hôm 18/4 là diễn biến mới nhất mà truyền thông Việt Nam lên tiếng về hoạt động của ông sau chuyến công du đến Kiên Giang.
Vào tháng 9 năm ngoái, ông Trần Đại Quang, người tiền nhiệm của Chủ tịch Trọng, cũng từng gửi thư cho thiếu nhi nhân dịp Trung thu và chưa đầy một ngày sau thì ông Quang qua đời.
********************
Nguyên thủ Việt Nam và Bắc Triều Tiên trao đổi chúc mừng (RFA, 19/04/2019)
Điện mừng của chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam gửi cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên được Bình Nhưỡng phúc đáp.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp nhau nhân cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều. AFP
Truyền thông trong nước ngày 19 tháng 4 loan tin dẫn nguồn hãng thông tấn trung ương Bắc Triều Tiên KCNA cho biết lãnh tụ Kim Jong-un, Chủ tịch Đảng Lao Động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy Ban Quốc Vụ Triều Tiên có thư gửi cảm ơn Ông Nguyễn Phú Trọng gửi điện mừng nhân dịp ông Kim Jong-un được bầu lại làm Chủ tịch Ủy Ban Quốc Vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Đây là phúc đáp cho điện mừng của ông Nguyễn Phú Trọng chúc mừng ông Kim Jong-un hôm ngày 13 tháng 4.
Cũng tin liên quan, vào ngày hôm qua 18 tháng 4, truyền thông Việt Nam loan tin ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, có gửi điện mừng đến Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae.
Điện mừng được gửi đi nhân kỳ họp thứ nhất Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 14 nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bầu lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên.
Điện mừng của ông Nguyễn Phú Trọng gửi cho phía Bắc Triều Tiên gây chú ý vì vừa qua sau chuyến đi làm việc ở Kiên Giang, có tin ông bị bệnh nặng và từ đó đến nay ông không xuất hiện công khai. Trong khi đó thì theo kế hoạch ông sắp có những chuyến công du sang Trung Quốc và Hoa Kỳ.
***************
Truyền thông Việt Nam đồng loạt loan tin về ông Nguyễn Phú Trọng (Người Việt, 18/04/2019)
Sau nhiều ngày im lặng, hôm thứ Năm, 18 tháng Tư, hàng loạt các báo tại Việt Nam đồng loạt loan tin ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước cộng sản Việt Nam, "gửi điện mừng" tới lãnh đạo Bắc Hàn.
Tin tức về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội tại Việt Nam. (Hình : Reuters)
Sự kiện này diễn ra đúng bốn ngày sau khi mạng xã hội và truyền thông ở hải ngoại loan tin về việc ông Nguyễn Phú Trọng phải vào cấp cứuở Bệnh Viện Kiên Giang, sau đó đưa lên Bệnh Viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn rồi Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108 ở Hà Nội.
Một nguồn tin giống nhau từ Thông Tấn Xã Việt Nam, đến các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Dân Trí, VOV, Tiền Phong… cho biết : "Tổng bí thưhư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện mừng tới Chủ Tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Bắc Hàn Choe Ryong-hae".
Ngoài ông Trọng, các bản tin này còn cho biết, "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện mừng" tới các lãnh đạo khác của Bắc Hàn.
Những ngày vừa qua, tin tức về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng là một trong những thông tin được người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Internet.
Bắt nguồn từ tin trên Facebook của Lê Nguyễn Hương Trà, tức Cô Gái Đồ Long, vào ngày 14 tháng Tư khi Facebooker này loan tin ông Nguyễn Phú Trọng vào cấp cứu ở Khoa Nội B, Bệnh Viện Đa Khoa Kiên Giang. Sau đó, lúc 3 giờ 35 phút chiều, đưa lên Sài Gòn bằng máy bay đến Tân Sơn Nhất rồi vào cấp cứu tại Bệnh Viện Chợ Rẫy.
Facebooker này vào cuối ngày 15 tháng Tư cho hay, ông Nguyễn Phú Trọng "đã tỉnh và ăn cháo".
Sau đó Facebooker này cập nhật : "15:30 : chiều 16/4, chuyển về Hà Nội. 18:15 ngày 16/4 : Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội".
Tin tức này sau đó lan truyền chóng mặt và gây chấn động trên mạng xã hội, trong lúc truyền thông Việt Nam hoàn toàn không lên tiếng.
Trước đó, truyền thông do nhà nước quản lý tại Việt Nam đăng tin, hình ảnh và video clip tường thuật "chuyến thăm và làm việc" của ông Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 13 và 14 tháng Tư tại tỉnh Kiên Giang, nơi ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm bí thư tỉnh ủy. (C.T)
Nhận diện phụ huynh thí sinh ‘thủ khoa’ ở Sơn La
Trân Văn, VOA, 19/04/2019
Cho dù liên ngành giáo dục – đào tạo và công an vẫn… kiên định với chủ trương… không công bố tên những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018 nhưng tuần này, một số cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam vẫn tìm cách này hay cách khác bạch hóa một phần danh tính thí sinh và nhân diện của phụ huynh những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm.
Báo Người Đưa tin đăng danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Photo Báo Người đưa tin.
Tuy hệ thống truyền thông chính thức chỉ bật mí… chức vụ của cha mẹ 44 thí sinh được sửa bài thi, nâng điểm ở Sơn La, không nêu đầy đủ danh tính, song chừng đó đủ hâm nóng dư luận. Công chúng sôi sùng sục vừa vì những thí sinh thi ba môn, tổng số điểm thực đã đạt chỉ có… 1/30 mà trở thành thủ khoa, vừa vì tất cả những thí sinh này đều là con, cháu cán bộ, đảng viên thuộc đủ mọi ngành, ở đủ mọi cấp.
Đó cũng là lý do nhiều người sử dụng Internet nhận xét giống như Nguyễn Thiện : Không thấy cháu nào có bố mẹ là công nhân hốt rác làm việc ở Công ty Vệ sinh Môi trường của tỉnh cả (1) ! Bởi con cháu cán bộ, đảng viên từng được cán bộ, đảng viên ví von như một thứ… hồng phúc của dân tộc, rất nhiều người bày tỏ ước muốn phủi sạch thứ "phúc" này ở cả hiện tại lẫn tương lai.
Do cám cảnh, có những facebooker như Đào Tuấn, phân tích các nghịch lý ở thời của… "hồng phúc" : Trong khi nhiều phụ huynh bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời để kiếm tiền nuôi con ăn học, rồi ra Văn Miếu, lên chùa Ba Vàng, khấn vái cho con đỗ đạt thì có người… "gắp điểm bỏ tay các… hồng phúc". Trong khi nhiều đứa trẻ kết quả thi đạt 30/30 điểm vẫn trượt khỏi đại học thì có những "hồng phúc" thi ba môn chỉ 1 điểm vẫn là… thủ khoa. Trong khi con cháu thường dân đậu đại học vẫn phải nhập ngũ thì các "hồng phúc" của "hồng phúc" nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo rồi "cả lò các hồng phúc trở thành… hồng phúc". Trong khi con cháu thường dân tốt nghiệp đại học hạng thủ khoa nhưng không tìm được việc làm, phải về nhà nuôi heo viết tâm thư cho "hồng phúc" thì "hồng phúc" bảo buồn vì "hồng phúc của hồng phúc" bị… nâng điểm (2)...
Trên mạng xã hội, trường hợp nam sinh ở Sơn La, thi ba môn chỉ đạt 1/30 điểm nhưng được sửa bài thi, nâng điểm và trở thành… Thủ khoa của trường Sĩ quan Lục quân 1 được nhiều người xem như điển hình đồi bại không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Đào Tuấn bình : Có nghĩa là cậu thủ khoa ấy đ.. thèm động bút để đánh vài dấu "x" vào bài thi trắc nghiệm nên ông Vũ Đình Ánh cay đắng than rằng, việc biến 0 điểm thành 9 điểm là bài toán mà không học sinh chuyên toán nào giải được, bản chất vụ sửa - nâng điểm là tham nhũng quyền lực, họ đang dùng giả dối, tiền bạc dựng thang cho con cháu của họ. Tương tự, Nguyen Dan mỉa mai : Thi trắc nghiệm mà bài thi không đạt điểm nào là một thứ… tài năng đặc biệt. Dan khẳng định : Chọn bừa, đánh dấu bậy cho cả trăm câu mà không đúng câu nào là chuyện không dễ chút nào (3) !
***
Việc báo chí bạch hóa một phần kết quả điều tra vụ sửa bài thi – nâng điểm cho 44 thí sinh tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018 ở Sơn La, tiếp tục được mổ sâu, bàn kỹ. Canh Le cho rằng, "một thằng quan chức tham nhũng rao giảng về ‘phê và tự phê’, ‘trong sạch. vững mạnh’,… có ‘quan hệ biện chứng’ với một thiếu nữ chỉ 17 tuổi, trở thành ‘thủ khoa’ nhờ sửa bài – nâng điểm, chỉ dẫn người khác về ‘cách thức học tập’ của mình". Bởi ông Trọng từng… dạy, "phải có cái nhìn ‘khách quan, biện chứng’ về tham nhũng", nên Canh Le đề nghị, "cũng phải có cái nhìn ‘khách quan, biện chứng’ về dối trá" : Cộng sản dối trá dẫn tới chính quyền dối trá, quan chức dối trá, dân chúng dối trá. Thượng bất chính, hạ tắc loạn ! Dối trá đã di căn sang thế hệ trẻ. Đó không phải "chuyện lẻ tẻ" nữa. Tương lai quốc gia giờ thực sự đáng lo (4) !
Cũng với cách nhìn như thế, Nguyen Son nhắc mọi người nên ngẫm kỹ hơn. Gian lận thi cử như đang thấy hiện nay chắc chắn khởi đi từ tình trạng hàng loạt viên chức vốn không đủ thời gian họp hành song vẫn gom nhặt được đủ loại học vị, học hàm mà chẳng ai thắc mắc họ học hành, nghiên cứu vào lúc nào (?). Đó cũng là hệ quả từ thực trạng nhiều tiến sĩ nhất Đông Nam Á nhưng chẳng có thành tựu nào trong nghiên cứu khoa học. Thời gian vừa qua, điểm tuyển sinh của các trường đại học thuộc quân đội, công an rất cao nhưng thí sinh xin dự tuyển chủ yếu chỉ là học sinh các tỉnh. Nếu thẩm tra lại kết quả thi cử của những năm trước nữa, số trường hợp gian lận thi cử sẽ không ngừng ở mức như đã biết. Luồn lọt, chạy chọt để thăng tiến, dối trá không chút ngập ngừng vốn có quá trình, đã trở thành truyền thống và một thứ "hồng phúc" quốc gia (5) !
Thay vì chỉ trích, có vài facebooker như Trần Mạnh an ủi những thí sinh đang phải đối diện với hậu quả của việc sửa bài thi – nâng điểm chẳng may bị lộ. Theo Mạnh, khi cha mẹ đã là quan, họ có thể sắp xếp để con cái ngồi vào những vị trí mà người thật sự giỏi phấn đấu cả đời cũng chẳng có chỗ. Đó chính là con đường mà cha mẹ những thí sinh ấy từng đi : Không có bằng cấp song nhờ lý lịch tốt, hiểu cơ chế nên ai cũng tốt nghiệp đại học, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ. Sửa bài thi – nâng điểm chẳng qua chỉ là một kiểu "trưởng giả học làm sang" để có thêm chuyện mà vênh vang. Do đó cứ yên tâm về quê tịnh dưỡng hoặc đi du lịch, vừa chờ thiên hạ quên như đã quên nhiều chuyện, vừa chờ cha mẹ tự kiểm – rút kinh nghiệm xong ắt sẽ xếp đặt giống như ông bà nội ngoại đã từng xếp đặt cho cha mẹ (6).
Trần Mạnh bảo thế không ngoa. Đó là thực trạng mà nhiều người, thuộc nhiều giới tuyệt vọng kêu Trời, bởi mức độ suy đồi càng ngày càng trầm trọng nhưng không chặn được. Bất kể số người bất bình tăng không ngừng thì thiên hạ cũng chỉ có thể phản ứng như Trần Thái Hòa : Nhìn đám con cái của giới ‘tinh hoa’ trở thành ‘hồng phúc’ của dân tộc, lãnh đạo đất nước mà thấy ớn, sợ (7). Hay như Phuc Kim Đinh, sửa khẩu hiệu : "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", thành : "Quan giàu. nước mạt, xã hội tanh bành, dân chửi ấu dâm (8) ! Đến giờ, vẫn chưa có gì lay chuyển được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, khiến những viên chức hữu trách cảm thấy phải xử lý đến nơi, đến chốn tất cả các bên tham gia gian lận thi cử. Truy cứu trách nhiệm hình sự cả phụ huynh những thí sinh được sửa bài – nâng điểm.
Có thể do liên ngành giáo dục – đào tạo và công an vẫn… kiên định với chủ trương… không công bố tên những thí sinh đã được sửa bài thi, nâng điểm trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học 2018, một số facebooker như Le Duc Duc mới nửa đùa, nửa thật : Sau danh sách "con đồng chí nào" ở Sơn La, tuần tới sẽ là danh sách "con đồng chí nào ở Hòa Bình hoặc Lạng Sơn"... Phụ huynh ngồi chờ "điểm danh" như vậy rồi… tăng xông và chết thì báo chí ráng mà chịu trách nhiệm nha (9). Hoặc dọa già, dọa non như Hoàng Tư Giang : Đừng chê chuyện giấu danh sách thí sinh dính tới gian lận điểm. Việc báo chí khui, công bố nhỏ giọt tên các phụ huynh của những thí sinh dính dáng tới gian lận điểm thi mới là một kiểu tra tấn tinh thần… vô đối (10). Tác động từ tạo và giữ "hồng phúc dân tộc" hóa ra phong phú, đa dạng đến mức khó tưởng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/04/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10214395078730885
(2) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/2273106146045288
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10156552151759833&set=a.10151888993554833&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/canh.le.353/posts/1274892212649200
(5) https://www.facebook.com/quangson.nguyen11/posts/10156267645941589
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2449651571712558&set=a.1708604202483969&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/dulichvietnam360/posts/10156668155788025
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2353243604895275&set=a.1751687995050842&type=3&theater
(9) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10213124674048597
(10) https://www.facebook.com/hoang.t.giang.58/posts/10158358429748098
****************
Hãy chấp nhận sự thật đi các ngài cán bộ
Cánh Cò, RFA, 19/04/2019
Vụ gian lận điểm thi tại Kỳ thi quốc gia bị phát hiện ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La sau gần 1 năm cuối cùng cũng bị vạch trần bởi báo chí và mạng xã hội. Hàng trăm thí sinh bị phát hiện cùng với phụ huynh tai to mặt lớn trong các cơ quan công quyền đã nhúng vào chậu mực mang tên giáo dục không những làm cho nó đen thêm mà còn hôi hám hơn bởi những lời lẽ chạy tội ngây ngô và xem thường dư luận.
Số thí sinh từ Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được xác định gian lận điểm thi với chênh lệch từ 1 đến 9 điểm/1 môn thi. Đồ họa: Nguyễn Tường
Soi rọi từng chi tiết trong đại án giáo dục này người ta thấy sâu giòi nhung nhúc đang rúc rỉa con em lẫn cha mẹ chúng, những người cam chịu số phận của mình vì thiếu tiền, thiếu quyền lực để được những số điểm tròn trĩnh của tha hóa. Những con sâu giòi ấy đang mang trên người những vị trí cao nhất của ba tỉnh phía Bắc những tỉnh mà tài nguyên không trù phú, con người luôn tiếp cận với sơn lam chướng khí nhưng chính quyền thì mông muội và có biểu hiện cát cứ một cách rõ rệt trong chế độ cộng sản.
Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm, 28 thí sinh tại Hòa Bình và Hà giang có tất cả 114 thí sinh. Tất cả đều là con cái của cán bộ cao cấp đang phục vụ trong guồng máy chính quyền. Những hạt giống đỏ ấy bị dư luận lôi ra ánh sáng và câu chuyện âm ỉ từ trước giờ được thổi bùng lên với cơn giận dữ của dư luận.
Những con số thí sinh được nâng điểm cho thấy các Sở Giáo dục và Đào tạo của ba tỉnh này cùng chung một ý thức xem thường luật pháp. Những Giám đốc sở có trách nhiệm tự cho mình vô tội ngay khi cầm bài thi của thí sinh có số báo danh đã được gửi gấm với tâm trạng bình thản như duyệt xét một lá đơn tìm việc vào cơ quan của mình. Tư duy quan lại rơi rớt từ thời phong kiến cộng với kiêu ngạo cách mạng đã hình thành một lớp cán bộ xem thường luật pháp đến nỗi phát biểu những câu chữ ngạo mạn và coi người dân như những vật nuôi làm cảnh. Những khuôn mặt cao ngạo dần dần bị lôi ra trước đám đông lộ rõ cái hào quang cách mạng vốn được bơm thổi nay trở thành thứ nến leo lét giữa ban ngày với màu xanh ngắt của sợ hãi nhưng không kém phần lì lợm.
Giận dữ của đám đông dân chúng đã lung lay sự lì lợm cố hữu của các nơi cao hơn, không thể im lặng như trước đây nên Thanh tra của Bộ Giáo dục buộc phải vào cuộc, thế nhưng kết luận của ban bệ này về điểm thi ở Lạng Sơn làm cho dư luận càng thêm thất vọng : "Năng lực chấm của một số giám khảo còn hạn chế và không đồng đều về chuyên môn, ngoài ra có lý do nữa là giám khảo cộng nhầm điểm".
Như đổ thêm dầu vào lửa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang là Triệu Tài Vinh, người có con được nâng điểm khẳng định rằng không biết gì về vụ này và câu nói tiếp theo làm cho mọi người sửng sốt : "Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?".
Dựa vào chức vụ để biện bạch và đổ tội cho thế lực khác là thói quen khó bỏ của lãnh đạo. Càng cao chức tước càng nhiều lưu manh là thế.
Thấy sự việc đã quá căng cứng trước dư luận, Quốc hội vào cuộc tuy vẫn còn bị áp lực không nhỏ từ phía "bị hại". Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu nhiên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết sẽ có cuộc họp kín để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử thời gian qua giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Giáo dục, Bộ Công an. Mục đích là "muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ chuyện gì đang xảy ra".
Người dân lại phừng phừng ngọn lửa của giận dữ : Tại sao lại họp kín ? Và tại sao hai cơ quan này có dấu hiệu sẽ không giải thích cặn kẽ những chuyện đã xảy ra trong lúc báo chí đã nêu lên từng tên tuổi của các sĩ tử lẫn cha mẹ chúng ?
Quốc hội muốn bao che hay lo sợ một kết quả bẩn thỉu sẽ làm cho hệ thống giáo dục lẫn công an vỡ trận khi hai bộ này có nhân viên dám làm những chuyện xem thường cả nước. Thái độ này không phải là giúp cho hai Bộ Giáo dục và Công an dám nói sự thật mà trái lại sự thật sẽ vĩnh viễn không được soi sáng khi người ta bàn thảo về nó trong bóng tối.
Sự thật ấy không cần hai cơ quan này giải bày vì người dân đã đủ chứng cứ. Thái độ duy nhất của Quốc hội trong lúc này là xem xét hành vi của cả hai bộ này đã làm gì để xảy ra một vụ án xảy ra trên diện rộng như vậy ? Sự tắc trách đến từ đâu và ai là người trách nhiệm trực tiếp trước cơn chấn động này.
Vẫn biết Quốc hội không đủ quyền lực để bắt buộc hai cơ quan này nhưng ít ra cũng cho thấy là hệ thống dù sao vẫn còn biết diễn kịch. Vở kịch nào dù tồi cũng có khả năng vuốt ve đám đông trong lúc giận dữ cho dù chỉ trong chốc lát.
Và người xem kịch sau một lúc hả hê, khi màn hạ lại ra về với tâm trạng não nề hơn vì sự đốn mạt không giới hạn của những người tạo nên nó.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 19/04/2019 (canhco's blog)
****************
Mạng xã hội Việt Nam nóng lên với vụ nâng điểm ở Hòa Bình
BBC, 19/04/2019
Dư luận Việt Nam thời gian này nóng lên vì vụ sửa điểm thi được cho là tai tiếng nhất từ trước tới nay tại tỉnh miền núi Hòa Bình.
Nhiều thí sinh có cha mẹ là quan chức tại tỉnh Hòa Bình không đủ điểm để thi đại học, nhưng nhờ được sửa điểm mà thành thủ khoa, á khoa.
Có tổng cộng 140 thí sinh kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại Hòa Bình bị phát hiện được sửa điểm, trong đó có 44 em ở Sơn La.
Đa số học ngành quân đội, công an
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy một số lớn các thí sinh được sửa điểm hiện đang học tại các trường quân đội và an ninh. Trong đó nhiều em 'đỗ' thủ khoa, á khoa, theo Tuổi Trẻ.
Thí sinh D.A.T có điểm thi thực ba môn toán, lý, hóa là 3,6 ; 2 ; 3,75 điểm. Sau đó, D.A.T được 'tặng' thêm tới 20,95 điểm, trở thành Thủ khoa Trường Sĩ quan phòng hóa.
Thí sinh Đ.T.G chỉ đạt 10 điểm cho ba môn thi, trong đó sinh học đạt 1,5 điểm, ngoại ngữ chỉ 3,8 điểm. Điểm của Đ.T.G sau đó được nâng lên thành 27,95, trở thành Thủ khoa Học viện Hậu cần.
Thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự được nâng thêm 18,7 điểm, trong khi điểm thực tế chưa tới 10.
Thí sinh N.T.L. và L.Đ.K.L. được nâng thêm tương ứng 9,65 điểm và 10,9 điểm, trở thành hai Thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân.
Thí sinh Phương Thảo, Thủ khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội, cũng bị phát hiện nâng điểm và đã tự thôi học.
Thí sinh N.H.H.Đ được 'cho thêm' tới 18,8 điểm, trở thành Á khoa Học viện Hậu cần.
Kinh khủng hơn, thí sinh đứng top 3 điểm đầu vào cao nhất trường Sĩ quan lục quân 1 được 'cho không' tới 26,45 điểm. Điểm ban đầu của thí sinh này là vật lý 0, hóa học 0, toán 1.
Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đang điều tra vụ việc này. Trong khi đó, các trường công an đã trả 25 thí sinh phát hiện nâng điểm về lại tỉnh Sơn La.
Bố mẹ là quan chức
Theo thống kê của báo Tuổi Trẻ, trong số 44 thí sinh bị phát hiện nâng điểm ở Sơn La, có 21 em có bố mẹ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh.
Ví dụ, thí sinh được nâng điểm nhiều nhất có số báo danh 14000430, được nâng tới 25 điểm. Thí sinh này có bố là công an tỉnh Sơn La và mẹ là cán bộ trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quyết Tâm, Thành phố Sơn La.
Thí sinh số báo danh 14000764 có được nâng 23,35 điểm. Bố thí sinh này là cục trưởng Cục thống kê tỉnh Sơn La và mẹ là trưởng phòng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật.
Hai thí sinh được nâng điểm ít nhất là 3 điểm, có em bố là phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La.
Các thí sinh còn lại đều có bố mẹ làm cán bộ nhà nước và giữ các chức vụ khác.
Mạng xã hội nói gì ?
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người trở nên nổi tiếng sau vụ việc chống gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012, chia sẻ trên Facebook cá nhân về trải nghiệm của ông trong lần trông thi ở Trung học phổ thông Nam Lương Sơn- Hòa Bình năm 2014.
"Tôi nhận được tin từ phụ huynh học sinh và giáo viên trường đó, rằng nhà trường thông báo thu 300 ngàn đồng/học sinh để bồi dưỡng cán bộ coi thi".
"Tôi đành nhờ người chụp hộ cái tờ thông báo nộp tiền chống trượt 300 ngàn đồng, đóng dấu đỏ hẳn hoi của trường và lên kế hoạch thực hiện như vụ Đồi Ngô (Bắc Giang 2012)".
"Phía ngoài, tôi cùng 2 bạn trẻ nữa với máy quay zoom X50 chĩa vào tận nơi. Quay được 4 môn/6 môn thì nhóm bên ngoài chúng tôi bị lộ. Công an huyện ào ra vây chúng tôi, khiến 3 người chúng tôi phải rời vị trí thật nhanh".
"Hậu quả là một loạt cán bộ bị kỷ luật. Họ gọi cho hiệu trưởng trường tôi (Trung học phổ thông Thường Tín- tôi chuyển đến sau vụ tố cáo tay hiệu trưởng Lê Xuân Trung ở Trung học phổ thông Vân Tảo) than vãn là cả cái tỉnh này khổ vì ông Khoa" (1).
Danh tính 17 thí sinh nâng điểm ở Hòa Bình (1)
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng cho rằng "nên cấm thi 2 năm đối với những học sinh gian lận vừa qua. Đây là quy chế thi, cần tôn trọng. Những học sinh đã gian lận, lại không trung thực tự rút lui khi bị lộ, vẫn cố tình nhập học, thì càng đáng bị đình chỉ".
Facebooker Hồng Hoàng viết : "Chuyện của ngày hôm nay là bạn thí sinh nào đó thi đại học, được 1 điểm 3 môn (Toán 1, Lý 0, Hóa 0), nhưng được nâng 26,45 điểm và trở thành thủ khoa. Mọi người nên vui vì may là bạn ý thi trường Sĩ quan Lục quân 1. Chứ nếu bạn ý thi trường Y thì... toàn dân chắc tự khỏi bệnh luôn không ai dám mắc bệnh".
Facebooker Hà Phan : "Còn rất nhiều trường hợp nâng điểm khác trong số 44 thí sinh được cơ quan điều tra xác định trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La. Hầu hết trong số này là con em của cán bộ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, ngành công an, lãnh đạo ngành thuế, Văn phòng tỉnh ủy, con em một số gia đình buôn bán có "máu mặt" tại Sơn La… Nâng đủ vào Đại học được rồi, dốt lại còn đòi làm thủ khoa ! Tham quá thể".
Nguồn : BBC tiếng Việt, 19/04/2019
(1) Đã công khai danh tính 17 thí sinh nâng điểm ở Hòa Bình :
Có tất cả 17 thí sinh gian lận điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đến từ Hòa Bình bị trường học viện Cảnh sát Nhân dân trả về địa phương, trong số này có những em đã được nâng tới hàng chục điểm cho 3 môn thi.
Cục Đào tạo, bộ Công an, cho biết trong số 28 thí sinh liên quan gian lận điểm thi, vừa bị trả về Hòa Bình, 17 em trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân. Kết quả xác minh cho thấy học viện Cảnh sát Nhân dân có 17 thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào trường năm 2018.
Theo danh sách báo Người Đưa Tin có được, 17 em này đều đăng ký xét tuyển ở 2 khối : A1 (Toán, Lý, Anh) và C03 (Văn, Toán, Sử).
Cụ thể, thí sinh Nguyễn Huy Hoàng (SBD 23000174) có điểm chấm lần đầu Toán 9,0, Ngoại Ngữ 9,6, Lý 9,0 nhưng đến khi chấm thẩm định thì đã giảm tới 10,25 điểm (Toán 7,2, Lý 4,75, Ngoại Ngữ 5,4). Hoàng là cựu học sinh của trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình.
Nguồn tin riêng của báo Người Đưa Tin cho biết, bố của Hoàng là người có "vai vế" trong ngành công an Hòa Bình.
Một thí sinh khác cũng có bố làm trong ngành công an tại Hòa Bình là thí sinh Vũ Đức Huy (SBD23007862). Huy sinh năm 1997, đạt điểm Toán 8,6 ; Văn 8 ; Sử 9,5 sau khi chấm thẩm định là lần lượt là 4,4 ; 8 và 4,75. Được biết, khi còn là học sinh cấp 3, Huy có học lực khá tuy nhiên để đạt tới mức điểm như vừa rồi thì nhiều bạn học của nam sinh này đánh giá là không thể.
Trong danh sách này có thì sinh Đới Nhật Tân (SBD 23007169), em này là cựu học sinh trường Trung học phổ thông Lương Sơn, Hòa Bình. Để đỗ vào trường học viện Cảnh sát Nhân dân, Huy đã được các cán bộ sở Giáo dục và đào tạo phù phép 11,1 điểm. Nam sinh này có điểm thi thật là Toán 2,5 ; Sử 4,5 ; Văn 8, còn điểm nâng là Toán 8,6 ; Sử 9,5 và Văn 8.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo, cho rằng : "Lâu nay, khi bàn đến việc công khai danh tính thí sinh liên quan đến gian lận, chúng ta vẫn bị luẩn quẩn giữa nhân văn hay không nhân văn. Tôi cho rằng nói nhân văn chỉ là ngụy biện. Ở góc độ luật pháp đã có quy định rõ ràng. Những người vi phạm pháp luật thì cần phải công khai".
Trước đó cũng theo báo Người đưa tin : Nam sinh Hòa Bình đỗ trường Sĩ quan Lục quân 1 được nâng khống 26,45 điểm là Nguyễn Hồng Quân là thí sinh đến từ Hòa Bình đã xin thôi học vì gian lận điểm thi. Điểm chấm lần đầu của thí sinh Quân được công bố trước đó lần lượt là : Toán 9,2 điểm; Vật lí 9 điểm, Hóa học 9,25 điểm và cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực.
Tuy nhiên, điểm của thí sinh này sau khi chấm thẩm định lần lượt là : Toán 1 điểm, Vật lí 0 điểm, Hóa học 0 điểm. Như vậy, thí sinh này đã được nâng lên tới 26,45 điểm để đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Công Luân - Thu Huyền
*****************
Bao biện’ của cán bộ chạy điểm cho con và mức độ xử phạt
RFA, 18/04/2019
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện và truyền thông đưa tin mạnh mẽ, ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh Hà Giang vào ngày 19/7/2018 có khẳng định với báo Dân Trí rằng không việc gì ông phải đi xin điểm cho con mình.
Danh sách phụ huynh là cán bộ công chức có con em được nâng điểm. RFA Edited
Trích nguyên văn phát biểu của ông rằng "Con gái tôi học ở trường chuyên của tỉnh. Cháu học như thế nào thì trường biết, lớp biết và mọi người biết cả. Cháu học giỏi, đứng top đầu của lớp. Cháu nó học như thế nào thì báo chí có cách để nắm thông tin cơ mà… Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm 2 môn thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?".
Khi danh tính của một số cán bộ đương chức, người thân của các cán bộ Nhà nước, doanh nhân bị nêu ra, một số phản bác. Trường hợp người thân ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang có con em được nâng điểm phát biểu rằng họ cảm thấy sốc và cho rằng ông Lương làm vậy là ‘hại chết em nó rồi. ‘
Dư luận xã hội phản ứng cho rằng những lập luận của các vị này chỉ mang tính đánh lừa dư luận mà thôi.
Anh Nguyễn Lân Thắng một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho chúng tôi biết, người dân từ lâu đã quá quen với những lời phát biểu và bạo biện như thế rồi.
"Từ lâu người dân cũng đã quá quen với những lời bao biện dối trá trong rất nhiều vấn đề của các quan chức Việt Nam và đây cũng không phải là lần đầu tiên, sự việc này có gây ra sự phẩn uất rất là lớn không chỉ những người vốn quan tâm đến tình hình chính trị xã hội như các nha hoạt động mà ngay cả trong giới bình dân, người bình thường, ai cũng có con em cũng có trẻ con đang đi học nhưng khi có đối tượng được nâng điểm như thế này thì đó là một sự bất công vô cùng lớn và ăn cướp đi sức lao động vô vàng của các em học sinh khác, mất đi cơ học học hành cũng như sự phấn đấu của các em khác".
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa trao đổi với chúng tôi rằng, những lời nói đó chỉ là chữa cháy và thủ đoạn của những người làm lãnh đạo khi bị phát hiện. Cứ nhìn là thấy rõ toàn bộ trong danh sách đó có trường hợp nào là con em nông dân hay dân thường, mà đa phần là con em công chức có vai vế chức sắc rõ ràng.
Thầy còn chia sẻ thêm rằng :
"Có một điều không lạ là từ trước đến nay ở đâu có báo động có tiếng ồn thì Bộ Giáo dục mới vào cuộc để làm còn không Bộ biết cũng mặc kệ. Những sai phạm đã xảy ra hơn một năm nay như thế mà đến nay các cơ quan chức năng mới trả lời chính thức dư luận trong khi các em học sinh đã học gần một năm học rồi thì đó là một sự khá chậm trễ, sự bảo thủ, bao che sai phạm và xử lý không đến nơi đến chốn, bất chấp những quy chế mà ngành giáo dục đưa ra, rất là phổ biến từ xưa đến nay như thế".
Ảnh minh họa. AFP
Vào ngày 18/4, dư luận mạng xã hôi lan truyền danh sách 44 thí sinh được nâng điểm mà trong đó đa phần là vào các trường công an và an ninh. Truyền thông nhà nước trước đó cũng loan tin việc bắt giữ và truy tố các cán bộ liên quan vụ nâng điểm ; rồi biện pháp buộc thôi học đối với các thí sinh được nâng điểm.
Luật sư Võ An Đôn, người được biết đến qua việc bào chữa cho những nhà hoạt động cũng như dân nghèo rồi bị Liên đoàn luật sư Phú Yên rút thẻ hành nghề và xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư, nhận định rằng việc khởi tố vài người như thế cũng chỉ là hình thức và xoa dịu dư luận mà thôi.
"Vừa rồi tại Sơn La cũng đã khởi tố rồi nhưng chẳng qua cũng chỉ khởi tố vài người chỉ mang tính hình thức thôi nhưng thật ra phải khởi tố những người đưa là những phụ huynh và những quan chức liên quan đến vụ này. Việc khởi tố vài người như vậy mục đích cũng để xoa dịu dư luận mà thôi nhưng thật ra người ta không muốn làm hết đâu vì nhiều phụ huynh là những người có chức có quyền nên đụng tới rất là khó".
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội thì có ý kiến cho rằng, việc xử lý là buộc học sinh thôi học như báo chí đưa tin được xem là quá giới hạn đối với Việt Nam rồi. Nhà báo giải thích
"Thứ nhất nhưng người có trách nhiệm nâng điểm lên mà tố những người phụ huynh là đưa tiền ra lệnh các thứ mà những người này họ cứ từ chối đi thì cũng khó trong việc xử và thứ hai nếu mà xử đồng loạt thì đối với nhà nước nó sẽ gây ra một sự xáo trộn nào đó mà họ không muốn cho nên đối với vụ này tôi thấy việc đuổi học sinh là nó đã lên quá giới hạn của nó rồi và có cùng lắm cũng chỉ khiển trách, cảnh cáo cha mẹ mà thôi".
Còn đối với thầy Đỗ Việt Khoa thì vụ nâng điểm này không còn là gian lận mà phải hình sự hóa vụ việc. Trường hợp nhận tiền, dùng tiền để nâng điểm thì mắc tội hối lộ, trường hợp nào tự ý nâng điểm thì mắc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn mà Việt Nam các quy định pháp luật đều có đủ cho các tội đó.
Tuy nhiên, thầy cũng không hy vọng về việc đưa vụ việc ra ánh sáng vì các người có chức có quyền họ đủ khả năng để vô hiệu hóa luật pháp và luật pháp chỉ được dùng cho người dân chứ không được tôn trọng bởi các lãnh đạo.
Nguồn : RFA, 18/04/2019
******************
Hé lộ danh sách phụ huynh có con được nâng điểm
RFA, 18/04/2019
Danh sách 44 thí sinh có điểm thi Trung học phổ thông 2018 ở tỉnh Sơn La được nâng khống cho thấy có nhiều em là con cán bộ công chức đương nhiệm tại địa phương này.
Hình minh họa. Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La - vov.vn
Truyền thông trong nước đưa tin ngày 18/4.
Theo đó đại tá Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, cho biết đang tiếp tục làm rõ vụ việc cán bộ công an của địa phương nằm trong danh sách chạy điểm cho con, với phương châm sẽ xử lý nghiêm theo qui định của ngành.
Truyền thông trong nước cũng dẫn lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - thành phố Hải phòng cho rằng phải đình chỉ chức vụ bố mẹ có con được nâng điểm.
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - tỉnh Sơn La nhận định vụ việc làm mất niềm tin của người dân, đặc biệt tạo nên một hình ảnh xấu về đội ngũ cán bộ, công chức. Theo lời đại biểu Đinh Công Sỹ mà truyền thông trong nước dẫn lại thì ‘thật đáng buồn khi có những người vi phạm là cán bộ trong ngành giáo dục và công an, đang trực tiếp đi tuyên truyền pháp luật về vấn đề này.’
Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay, Cục đào tạo Bộ Công An cho biết, các trường trực thuộc Bộ đã buộc thôi học 53 sinh viên, trong đó 25 sinh viên đến từ Sơn La, và 28 sinh viên đến từ Hòa Bình do liên quan đến gian lận điểm thi. Tất cả số thí sinh này đã theo học năm thứ nhất tại Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân và Đại học Phòng cháy Chữa cháy".
Trong danh sách này, cá biệt có em được nâng khống trên 26 điểm. Một thí sinh khác được nâng 25 điểm và trúng tuyển vào Học viện cảnh sát nhân dân.
Trường hợp một thí sinh thuộc top 3 thí sinh cao nhất trường Đại học Y Hà Nội, với 28.4 điểm ; sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo chấm thẩm định, số điểm thực là 13,1 điểm.
Nguồn : RFA, 18/04/2019
********************
Danh tính hàng chục thí sinh ở Sơn La được nâng điểm để vào các trường an ninh vừa được tiết lộ, đáng nói là hầu hết đều có bố mẹ là quan chức chính quyền. Việc công bố này đang làm xôn xao dư luận về một hệ thống giáo dục ‘có vấn đề, đầy lỗ hổng’ và đạo đức công chức ‘xuống cấp ở mức báo động’.
Từ Hà Nội, nhà giáo Đỗ Cao Sang, nói với VOA rằng việc con em của các quan chức nhà nước được nâng điểm để lọt vào các trường công an, cảnh sát nhân dân là điều "không thể chấp nhận được".
Ông nói :
"Thông báo danh tính như thế là một điều rất tốt, ngoài ra còn cho biết cha mẹ làm những chức gì. Những gia đình có con chạy như thế thì cha mẹ không còn tư cách gì, họ đã làm những điều xấu xa trong xã hội".
Báo Người Đưa tin hôm 18/4 đã nêu đầy đủ danh tính của hơn 40 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La, mà hầu hết trong số này đều được xét tuyển vào các trường ngành công an.
Báo Người Đưa Tin cho biết : "Cơ quan điều tra đã xác định có 44 thí sinh tại Sơn La có bài thi gian lận. Trong số này, có 25 thí sinh vừa bị bộ Công an trả về đơn vị sơ tuyển ở địa phương, các sinh viên này hiện đang theo học các trường khối công an nhân dân. Trong số các thí sinh bị trả về, có 7 thí sinh trúng tuyển vào học viện An ninh Nhân dân, 16 thí sinh trúng tuyển vào học viện Cảnh sát Nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường đại học Phòng cháy Chữa cháy".
Ông Đỗ Cao Sang nhận định các quan chức ở khu vực này được ví như những "ông vua" :
"Việc chạy điểm này phần lớn là vào ngành quân đội, công an, vào các trường khác rất hiếm vì các ngành khác đều phải học, đều phải đi xin việc. Những người xin điểm này có học lực kém, lại ở vùng sâu xa, ít bị kiểm tra, còn lãnh đạo địa phương thì như ông vua…"
Báo Tiền phong cho biết một thí sinh có bố là phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai, mẹ là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, có điểm thi môn ngoại ngữ từ 2,8 điểm được nâng thành 9,8 điểm để lọt vào Đại học Luật Hà Nội.
Sơn La không phải là tỉnh duy nhất có gian lận trong kỳ tuyển sinh vào ngành công an.
Trước đó, hôm 17/4, truyền thông trong nước cho biết trong số 28 thí sinh liên quan gian lận điểm thi, vừa bị trả về tỉnh Hòa Bình, có 17 thí sinh trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018, trong đó có một thí sinh được nâng khống 26,45 điểm để lọt vào trường Trường Sĩ quan Lục quân 1.
"Hầu hết đây là con em có bố mẹ là lãnh đạo từ phó phòng, trưởng phòng, cục trưởng, giám đốc... Dư luận quan tâm những trường hợp là cán bộ, đảng viên thì sẽ bị xử lý thế nào ?" báo Một Thế giới đặt nghi vấn.
Blogger Trần Gia Tiến viết trên Facebook : "Trò ăn gian điểm ở Sơn La có đủ mặt hết dàn cán bộ từ ủy ban tỉnh, ủy ban thành phố, công an, cục thuế, thanh tra, các sở này sở kia cho đến cục trồng trọt…"
Blogger Nguyễn Việt nhận định trên Facebook : "Vụ nâng điểm cho học sinh ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, về bản chất, không khác gì các bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại chức của các quan được cấp ngày nay".
Nhà giáo Đỗ Cao Sang chia sẻ với VOA :
"Thực chất việc gian lận thi cử, đặc biệt trong các ngành công an, quân đội đã có từ lâu lắm rồi. Ở Việt Nam có rất nhiều tỉnh khác cũng trong tình trạng như thế, chẳng qua là chưa có quyết tâm ngó đến. Chúng ta có thiết chế gì để ngăn chặn hay không ? Chứ dùng một chiêu bài gian lận để hạ bệ nhau, người này thay người kia để lên thì chẳng có ích quốc an dân gì cả".
Trang VietnamNet trích lời ông Đinh Công Sỹ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nói hôm 18/4 : "Đây là sự việc rất đáng buồn đối với Sơn La nói riêng và ngành giáo dục nói chung", và ông đề nghị "đình chỉ chức vụ bố mẹ có con được nâng điểm".
Ông Sỹ cho rằng sự việc này không chỉ làm mất đi sự công bằng trong đánh giá kết quả thi cử mà còn làm mất niềm tin của người dân với nhiều lĩnh vực quan trọng, có tác động to lớn đối với xã hội như giáo dục, y tế, công an, an ninh quốc phòng…
Nhà giáo Phạm Toàn, người cũng tích cực hoạt động và lên tiếng vì sự tiến bộ ở Việt Nam, nhận xét với VOA sau sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang vào năm ngoái rằng những bê bối trong lĩnh vực giáo dục nói riêng cũng phần nào cho thấy "sự suy đồi về đạo lý và văn hóa".
Nguồn : VOA, 18/04/2019
******************
Nâng điểm vì "hồng phúc dân tộc"
RFA, 17/04/2019
Trong các vụ nâng điểm gần đây (không chỉ năm 2019) có 3 điều đáng chú ý : Một. Con cái quan chức ; Hai. Các vùng xa của miền Bắc ; cuối cùng là việc nâng điểm thường dùng để học ở trường đào tạo cán bộ lãnh đạo hoặc chủ yếu là ngành công an.
Các chiếc xe bán đồ chơi trẻ em, trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman. (Hình : Facebook Tuấn Khanh)
Miền Bắc cũng là một trong nhưng nơi bùng phát nhiều, tình trạng mê đắm thi, xin học, mơ ước vào trường của ngành công an. Hiện tượng này cũng cho thấy quan điểm của giới phụ huynh về xã hội và quốc gia của mình không còn mưu cầu tìm kiếm cho con cái hành trang vào đời là khoa học hay tri thức tiến bộ, mà đi tìm kiếm một vị trí quyền lực xã hội.
Hoặc ở góc nhìn khác là tìm kiếm sự an toàn và bảo đảm sống còn trong một xã hội ngày càng lộ rõ hình thức công an trị.
Đây không phải là một nhận định chủ quan. Mà trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 13/03/2019, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo tuyên bố tình trạng nhân quyền tồi tệ trong chế độ cộng sản Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ "công an trị".
Nhưng cáo buộc này, khá chậm trễ so với các nhà bình luận thời sự quốc tế ghi nhận. từ năm 2013, giáo sư Adam Fford của Đại học Victoria, Australia đã từng phát đi nghiên cứu của mình về chính trị Việt Nam, nhận định rằng Việt nam ngày càng công an trị.
Năm 2017, giáo sư Carl Thayer cũng viết trên blog của mình, nhận định về sự bùng phát của ngành công an Việt Nam, với ước tính, cứ 15 người dân là có một công an.
Dĩ nhiên, trong việc bùng nổ về nhân lực và ngân sách của ngành công an, tác động không ít đến xã hội, kể cả trong suy nghĩ về giáo dục và tiến thân của giới trẻ hôm nay. Trên các chiếc xe đẩy bán trang phục vui chơi của trẻ em, nhiều năm nay người ta nhìn các bộ trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman… Giá trị anh hùng cá nhân trong trí tưởng tượng đang chuyển đổi qua các giá trị quyền lực thực tế mà trẻ em Việt Nam nhìn thấy hàng ngày, và thậm chí được nghe cha mẹ chúng trò chuyện. Bao gồm cả những chuyện người dân bị bắt và đồn công an và chết bất thường.
Những vụ nâng điểm để học, và trở thành công an, hay cán bộ ở các vùng xa Hà Nội, cho thấy tâm lý muốn đứng trên kẻ khác vẫn còn rất mạnh. Con cái của quan chức thi muốn tiếp tục cai trị, có quyền thế. Còn con cái của dân thường thì mang tâm lý quyết chí đổi đời, muốn không bị là kẻ thấp cổ bé miệng. Dĩ nhiên, trong các xu hướng thầm kín đó, kiểu nói hoặc suy nghĩ vô giáo dục như của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Sài Gòn "Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc" cũng cổ vũ không ít cho tư duy nối ngôi của các gia đình quan chức tỉnh.
Cần phải nói thêm, án oan, ép cung, đánh chết dân… trong ngành công an, cũng thường xuất phát từ giới ít học, ham hố vị trí và khen thưởng. Việc học dốt, chạy điểm, vốn có từ cả thập niên nay, ắt hẳn cũng đã tạo ra một tầng lớp cán bộ, đặc biệt là những công an viên không có thực lực và sẳn sàng tuân lệnh mù quáng vì bản thân luôn có tỳ vết là vô học, được nâng điểm. Và từ các yếu tố thiếu thực tế tri thức và tố chất văn minh tiến bộ trong người, tầng lớp ấy sẽ hủy hoại quốc gia, khi đứng trong guồng máy được coi là quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Đó là một phần của bộ mặt thế hệ mới của Việt Nam. Được gọi là hậu duệ của người Việt hôm nay và tương lai. Và trong đó, có không ít "hồng phúc của dân tộc".
Chợt nhớ năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng có câu nói gây nhiều tranh cãi "Đời tôi và các bạn chưa đòi được Hoàng Sa thì đời con cháu sẽ làm được". Hãy tự hỏi, con cháu chúng ta là những kẻ nâng điểm, được cha mẹ là quan chức hậu thuẫn cho sự lừa dối. Những đứa trẻ lớn lên trong giấc mơ quyền hành và chạy theo danh lợi ấy sẽ làm được chuyện đòi Hoàng Sa ?
Bài viết của tôi là câu trả lời phần mình. Còn bạn, bạn có tin vào điều ấy không ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 17/04/2019 (tuankhanh's blog)
‘Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang hôn mê tại bệnh viện Chợ Rẫy’ (Người Việt, 14/04/2019)
"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn trong tình trạng hôn mê sau khi bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) ở Kiên Giang chiều 14/04/2019. Hiện ông đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy và bị liệt nửa người bên trái".
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (hình : Reuters)
Hiện tại Bộ Công an đang phong tỏa toàn bộ khu vực này.
Đây là tin mới nhất về sức khoẻ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đăng trên tờ Thời Báo của nhà báo Lê Trung Khoa lúc 3 giờ 30 chiều giờ Việt Nam, dẫn nguồn từ Facebook của blogger Lê Nguyễn Hương Trà, tức Cô gái Đồ Long. Hiện tại Bộ Công an đang được lệnh phong tỏa khu vực bệnh viện Chợ Rẫy.
Máy bay trực thăng đưa ông Nguyễn Thiện Nhân tới Kiên Giang chiều 14/4, ngay sau khi nhận được tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhập viện cấp cứu ( Hình : FB Lê Nguyễn Hương Trà)
Thông tin vể Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện ngay trong ngày sinh nhật lần thứ 75 của ông đang gây chấn động mạng xã hội.
Trước đó, cũng ngày 14/4, Lê Nguyễn Hương Trà, một blogger được xem là người luôn có nguồn tin đáng tin cậy về chính trường Việt Nam và thường đưa tin trước báo chí nhà nước về các vụ "nóng" viết trên trang cá nhân :
"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang ở Nội B, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Cả Rạch Giá đang nóng rực, công an vây kín bệnh viện. Hiện nhiều bác sĩ ở Bệnh Viện Chợ Rẫy đang được điều xuống. Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng bay trực thăng !".
Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn không lên tiếng về việc này, chỉ trừ thông tin ông Trọng đang có chuyến thăm và chỉ đạo ở tỉnh Kiên Giang.
Báo Tuổi Trẻ hôm 14/4 tường thuật : "Sáng 14/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang ; nghe Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị [con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng] báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay".
Đây không phải lần đầu mạng xã hội lan truyền tin ông Trọng "bị bệnh nặng". Vào tháng 12/2017, các báo nhà nước đồng loạt đăng tin "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị về công tác cán bộ" sau khi có tin đồn ông này "bị đột quỵ ngay giữa cuộc họp, phải chở sang Singapore cấp cứu".
Tin đồn căn cứ vào việc không thấy ông Trọng xuất hiện trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội, hôm 29/11/2017.
Tình hình về sức khỏe của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lâu nay được xem là điều cấm kỵ ở Việt Nam. Do đó, người dân trong nước thường được biết đến qua các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, khởi nguồn từ các blogger được cho là "rõ chuyện cung đình". Truyền thông nhà nước chỉ đưa tin khi nhân vật đó chính thức qua đời. Tuy nhiên, nguyên nhân qua đời vẫn chỉ "được" loan báo rất "khiêm tốn".
Trường hợp nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vì "virus hiếm" là một ví dụ.
Đáng lưu ý, tuy các lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam có hẳn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương nhưng hầu hết quan chức khi bị bệnh đều chọn ra nước ngoài chữa trị, chẳng hạn ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng ban Nội chính Trung ương) đi Mỹ trước khi mất, Trần Đại Quang (Chủ tịch nước) đi Nhật trước khi mất, Phùng Quang Thanh (nguyên bộ trưởng Quốc Phòng) đi Pháp…
T.K.
********************
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Kiên Giang (RFA, 14/04/2019)
Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (14/4), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đã về Kiên Giang làm việc, nhắc nhở các cán bộ Kiên Giang không được chủ quan, thỏa mãn vì yêu cầu, nhiệm vụ sắp tới ngày càng nặng nề, nhiều khó khăn, trắc trở.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thăm Kiên Giang hôm 14/4/2019 - Courtesy of nhandan.com.vn
Truyền thông trong nước cho biết vào sáng ngày 14/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang và nghe Bí thư tỉnh là Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tình hình nhiệm vụ từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay. Ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai cả của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại cuộc gặp lần này, lãnh đạo Kiên Giang kiến nghị Bộ Chính trị sớm chỉ đạo cho chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và có nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc ; xem xét chấp thuận chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu.
Truyền thông trong nước dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết ông vui mừng trở lại thăm Kiên Giang vào đúng dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer và kỷ niệm 44 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam mà ông gọi là giải phóng toàn bộ miền Nam.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư chúc mừng, hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang về những thành tựu, kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng nhắc nhở cán bộ Kiên Giang không được chủ quan, thỏa mãn, vì sắp tới yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, trắc trở.